Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Đi viếng nhà thờ - lăng mộ Công chúa Qu Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
dangtrung1977
Newbie
Newbie
Avatar

Tham gia ngày: 02/Apr/2013
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 6
Quote dangtrung1977 Replybullet Chủ đề: Đi viếng nhà thờ - lăng mộ Công chúa Qu
    Gởi ngày: 03/Oct/2013 lúc 1:59am
Đi viếng nhà thờ - lăng mộ Công chúa Qui Đức & Phò mã Phạm Thuật ở Huế
Nhân đến viếng các ngôi mộ họ Phạm Đăng trong “Lăng Hoàng Gia” có nhà thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng ở Gò Công (Tiền Giang), người hướng dẫn bảo tôi : “Ngoài các vị táng ở đây, còn có lăng Phò mã Phạm Thuật - con út của Đức Quốc Công - táng ngoài Kinh theo yêu cầu của Công chúa Qui Đức. Cuối năm nay (2011) Ông Phò mất vì nước đúng 150 năm (1861-2011)”.
Lời người hướng dẫn làm cho tôi cảm thấy thẹn. Tôi đã viết chuyện vợ chồng Công chúa Qui Đức và Phò mã Phạm Thuật in trong cuốn Chuyện nội cung các vua triều Nguyễn mấy chục năm trước rồi nhưng ở Huế nhiều chuyện vua chúa quá nên tôi không tài nào nhớ hết được các mốc lịch sử liên quan đến họ. Để tự chữa thẹn cho mình, tôi tự hứa khi về lại Huế thế nào tôi cũng đi thăm Nhà thờ-lăng mộ Công chúa Qui Đức & Phò mã Phạm Thuật.
Công chúa Qui Đức tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824-1892) tự Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, hoàng nữ thứ mười tám của vua Minh Mạng. Bà là em cùng mẹ với Miên Thẩm Tùng Thiện Vương và là chị của hai Công chúa nổi tiếng hay thơ Mai Am và Huệ Phố.
Thuở nhỏ bà ở trong cung. Lớn lên, bà cùng hai em Mai Am và Huệ Phố theo mẹ là bà Thục tân Nguyễn Thị Bửu (1801-1851) ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh trai là Miên Thẩm bên bờ sông Lợi Nông. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được anh Miên Thẩm chỉ bảo nên Qui Đức sớm làu thông kinh truyện.

Đoạn mở đầu tiểu truyện của CC Qui Đức Vĩnh Trinh trong Đại Nam liệt truyện, Nhị tập, Q.3, tr.13.
Năm 1850, bà “hạ giá” cho ông Phạm Thuật - người Gò Công, con trai út của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, em bà Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức). Hai vợ chồng sống hạnh phúc, xướng họa tương đắc, sinh được một người con gái đặt tên là Uyển La (sinh năm 1857).
Đến mùa thu năm 1858, thực dân Pháp với sự tiếp tay của bọn giáo gian, đánh chiếm cảng Đà Nẵng mở đầu thời kỳ thực dân Pháp chinh phục Việt Nam. Chúng bị quân ta phản công, cầm chân chúng lại tại chỗ. Chiến đấu suốt một năm chúng không thể nào thực hiện được âm mưu tiến ra Kinh đô Huế. Không thể ra Huế, chúng quay vào đánh chiếm Gia Định ở miền Nam. Đất Nam Kỳ nổi dậy chống thực dân Pháp. Năm 1861, vua Tự Đức bí mật cử ông cậu ruột của mình là Phò mã Phạm Thuật - chồng bà Qui Đức, vào Nam “thám sát” tình hình. Không may khi mới đi đến Biên Hòa, Phò mã lâm bệnh và qua đời.
Hay tin vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, truy tặng cho Phò mã hàm Quang Lộc tự khanh. Nhà vua hỏi Công chúa Qui Đức:
- Bà Cô muốn đưa quan cửu Phò mã về ngay hay đợi cho đến khi xong việc, dùng thuyền chở về Kinh hoặc cứ đưa về Gia Định an táng, cho tâu rõ sự tình!
Công chúa liền dâng biểu xin cho trạm đưa về Kinh. Vua xem biểu thấy tình tứ ai thiết, chuẩn cho. Vua ban chiếu cấp cho phu trạm đưa quan tài Phạm Thuật về Kinh. Công chúa làm sanh phần cạnh mộ ông Phò mã để ở. Từ ấy, bà thề trong tâm, khóc đến ra máu mắt. Một mình ở chốn cô phòng, có đến mười năm không ra khỏi cửa, người ta khen Công chúa là khổ tiết. Tất cả nỗi khổ đau bà chỉ có thể chia sẻ với cô con gái Uyển La, nhưng rồi “họa vô đơn chí”, sau khi ông Phò qua đời ít lâu, Uyển La cũng mất.
Kể từ đó, Công chúa Qui Đức thủ tiết, nuôi cháu là Phạm Đăng Tấn (con của người anh ông Thuật là Phạm Đăng Thiệu) làm thừa tự, nhưng rồi thấy Tấn vô hạnh, bà từ bỏ, tự dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng sống qua ngày. Đến năm Ất hợi (1875), noi gương Công chúa Ngọc Cơ[1] – con gái thứ 13 của vua Gia Long, bà tâu xin vua Tự Đức chọn người chân chất ở địa phương để làm Giám tự. Phạm Ngọc Hy là người trong xã Dương Xuân được giao lo liệu hậu sự cho bà. Về sau Ngọc Hy chết mà con còn nhỏ nên bà nhờ cháu gọi bà bằng cô là Nguyễn Phúc Hồng Cao (con của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) trông coi việc cúng cấp. Ba năm sau, con của Hy là Phạm Ngọc Túy trưởng thành mới đảm nhận lại viêc tế tự.
Năm Tự Đức thứ 20 (1876), bà được phong Qui Đức công chúa. Công chúa Qui Đức mất ngày 22 tháng 3 năm Nhâm Thìn (18 tháng 4 năm 1892) triều Thành Thái, hưởng thọ 68 tuổi, táng chung một chỗ với chồng, có tên thụy là Cung Thục.
Sau khi “hạ giá” cho Phò mã Phạm Thuật, Công chúa sống với chồng ở khu vườn phía sau Đức Quốc Công Từ gần đầu phía tây cầu Bạch Hổ hay ở nơi nào thì chưa ai rõ. Chỉ biết sau khi ông Phò mã mất (1861), bà “dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng” tại phía nam núi Dẫn Khiêm (tiền án của lăng vua Tự Đức) để ở. Chung quanh từ đường của bà (cũng gọi là “Phủ Qui Đức Công chúa”), trước và sau năm 1885 có các vườn nhàn của các em khác mẹ với bà như “Học bạn tinh xá” của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện (1833-1905), vườn của Cẩm Giang Quận Công Miên Văn (1832-1895), vườn Lạc Tịnh của cháu bà là Nguyễn Phúc Hồng Khẳng (1861-1931).v.v. Phủ của bà cũng là nơi “bọn cung nữ ở trong Nội ra học”. Hai người con gái của Hoằng Hóa Quận Vương là Úy Đào và Đồng Canh từ lúc năm sáu tuổi cho đến năm mười hai mười ba tuổi ở với cha tại “Học bạn tinh xá” cũng được qua đây học với “Đức cô”. Nhờ thế mà sau nầy (1924), bà Đồng Canh khi đã trở thành nhà báo Đạm Phương nữ sử nổi tiếng đã trở lại tìm thăm cảnh cũ viết nên bài “Cung hậu Qui Đức Công chúa từ kỷ niệm” [2] hết sức cảm động.
Những ai đi trên đường Lê Ngô Cát dẫn từ phía tay phải Đàn Nam Giao hướng lên lăng Tự Đức, khi đi quá cổng rẽ vào chùa Từ Hiếu vài chục mét nếu để ý thì thấy ngay số nhà 87 ở phía bên kia đường ẩn hiện sau vài gốc cây bóng mát có một ngôi nhà cổ một gian hai chái cũ nát rêu phong… Đó là Phủ Qui Đức Công chúa ngày xưa. Vì nó cũ nát và quá nhỏ nên chẳng mấy ai biết để ghé thăm.
Đối với tôi, bước chân vào đây, tôi không sống với những gì đổ nát hiện ra trước mắt mà lại đắm chìm trong không gian ảo có sẵn trong tâm trí tôi. Tôi dõi theo bước chân hướng dẫn trong sách của Đạm Phương nữ sử.
Ngày ấy, trước phế tích nầy có một bức bình phong khảm ba chữ “Túc Ung viên” (vườn kính trọng sự hòa thuận). Dọc theo hành lang trước nhà có đủ “kỳ hoa dị thảo” như bích đào, dạ hợp, lục ngạc, tỳ bà. Bước vào trong nhà tôi tưởng tượng thấy Công chúa đang ngồi nhìn ra cửa kính, khuôn mặt thanh tú thùy mị, hai tai lủng lẳng đôi trâm vàng, lóng lánh dưới mái tóc mượt mà đen. Chỗ ngồi của Công chúa, “một bên là giá sách, một bên là án thư, sau lưng chấn ngang một bức trấn phong, sáu cánh tranh cũ”. “Kẻ hầu người hạ chỉ đứng trực sau tranh mà thôi”, Trước mặt Công chúa là một đám “học trò con gái” ngồi học trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Bức tranh lớp học nữ sinh xưa thật đẹp. Cũng chính nơi đây, một đứa con tinh thần của bà chúa đã ra đời. Đó là “Thi tập Nguyệt Đình” với bài Tựa của Tuy Lý Vương rất nổi tiếng.

Phế tích Phủ Qui Đức Công chúa ở Thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, nhằm số 87 đường Lê Ngô Cát, TP. Huế. Ảnh NĐX
Nhưng trong thực tế…tất cả những hình ảnh ấy cách đây đã hơn 120 năm, nay còn gì nữa đâu! Ngôi nhà rường một gian hai chái cửa ngỏ xập xệ, mái trước lợp ngói với hàng chục lổ thủng, mái sau che tôn không chống nổi nắng mưa đổ xuống ba cái bàn thờ kê sát tường mặt hậu trong nhà.
Tôi thắp hương cho ông bà và người con gái trong không gian sặc mùi ẩm mốc rồi đi vòng ra phía vườn sau. Khu vườn đồi trồng sắn chen giữa những vồng khoai, cây cỏ um tùm. Trước kia, hai bên khu vườn có hai dãy vải (Lệ chi), mỗi dãy mười tám gốc, cành lá vươn ra, vướng vít vào nhau tạo thành một cái vòm xanh mát mà lúc sinh thời Công chúa gọi là “Động Lệ Chi”. Cái động đó nối ngôi nhà thờ với khu lăng mộ hai ông bà và người con gái ở cuối vườn. “Trong bản thảo Hán tự”, Lệ chi (vải) có tên là “Thập bát nương” (mười tám bà hoàng). Công chúa Qui Đức là con gái thứ mười tám của vua Minh Mạng, ông Phò mã cũng là người con thứ mười tám của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Công chúa chọn trồng mỗi bên mười tám cây vải là do cái tích ấy. Trồng như thế để “có đôi có lứa để đỡ nỗi tịch mịch”, Công chúa từng nói với học trò Đồng Canh như thế.
Khu vườn rộng trông giống như một mảnh rừng hoang. Cây cỏ um tùm. Phần xây lăng mộ của Công chúa và Phò mã chỉ chiếm một phân vừa phải, nên nhiều ngôi mộ mới chen lấn bên ngoài. Vòng thành bao quanh khu lăng mộ cao chừng 1 m, nhưng sụp đổ gần hết. Cửa chính vào lăng quay cùng hướng với nhà thờ nhìn ra đường Lê Ngô Cát.


Khu lăng mộ CC Qui Đức, Phò mã Phạm Thuật và Công nương Uyển La. Ảnh NĐX

Bước vào khu lăng gặp ngay cái nhà bia, cao, uy nghi, chứa tấm bia Thần đạo do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm viết về cuộc đời và chuyện tình của Phò mã Phạm Thuật với Thái trưởng Công chúa Qui Đức. Bên tay phải là ngôi tiểu mộ của Công nương Uyển La.



Bia “Thần đạo” trước lăng mộ Phò mã Phạm Thuật và CC Qui Đức do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm soạn. Ảnh NĐX

Sau nhà bia gặp một bức bình phong thấp chắn ngang cửa chính và khu mộ. Đi vòng qua bình phong gặp ba cái thất gần bằng nhau, cao quá đầu người và có kiến trúc giống nhau. Cái thất phía trước dựng hai tấm bia nhỏ ghi rõ bia của Công chúa và bia của Phò mã Phạm Thuật, hai cái phía sau là mộ của Công chúa và mộ của Phò mã họ Phạm.



Hai trong ba cái thất che chở hai tấm bia và mộ Phò mã Phạm Thuật …. Ảnh NĐX

Đứng ngắm khu lăng chìm nổi giữa khu vườn hoang, tôi có cảm giác như được xem một bức tranh phong cảnh, cây, cỏ, kiến trúc rất hài hòa, rất thơ. Nỗi buồn “phế tích” trong tôi tự nhiên lóe lên đôi nét êm ái, dịu dàng.

Trở lại nhà thờ, tôi hỏi chuyện ông Phạm Ngọc Châu có nhà ở chếch bên trái phía sau “Nhà thờ”. Ông Châu là hậu duệ của ông Phạm Ngọc Hy – người từng được Công chúa Qui Đức chọn làm Giám tự. Ngọc Châu làm thợ nề, anh ông là Ngọc Công làm công nhân Công-ty Cấp thoát nước, có nhà ở phía tay phải nhà thờ, sát đường Lê Ngô Cát. Ngày xưa (trước 1975) Ngọc Châu hay theo ông nội Ngọc Thảo về làng Dã Lê thu tiền ruộng của triều Nguyễn cấp cho Công chúa để lo ba cái giỗ (ông, bà và cô con gái), còn chút đỉnh dành để tu sửa nhà thờ. Nhưng sau năm 1975 tiền ruộng dành cho bà không còn nữa. Hiện nay hai anh em ông làm việc chỉ đủ nuôi gia đình, hằng năm dù đơn sơ đến đâu cũng lo cho ba cái giỗ, ngoài ra không còn một khoản tiền nào để có thể giúp chống đỡ sự xuống cấp của ngôi nhà thờ. Nhà thờ tồn tại được đến đâu hay đến đó vậy!

Đứng trước nhà thờ Qui Đức công chúa, chuyện cũ, chuyện mới rộn ràng trong tâm trí tôi. Nơi đây có lẽ bà Từ Dũ và nhiều quan chức triều Tự Đức đã đến tiễn đưa Phò mã Phạm Thuật về nơi an nghỉ cuối cùng; các nhà thơ “thất thịnh Đường” Tùng Thiện, Tuy Lý đã đến thăm em, thăm chị Qui Đức với những thơ văn tuyệt tác; các bà Trúc Khanh (Mai Am tác giả Diệu Liên Thi Tập), Quý Khanh (Huệ Phố, tác giả Huệ Phố Thi Tập) đến thăm chị nhà thơ góa phụ Trọng Khanh (Qui Đức, tác giả Nguyệt Đình Thi Tập) để cho Tam Khanh có dịp hội tụ đàn hát xướng họa thơ văn. Trên đường ngựa xe lên về Khiêm lăng, ngang qua Phủ Công chúa Qui Đức, tôi chắc các đại thần Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng, Nguyễn Trọng Hợp…triều Tự Đức đều đã ghé qua vấn an bà Trưởng Công chúa - cô ruột của vua Tự Đức; các ông hoàng Miên Triện (Hoằng Hóa), Miên Văn (Cẩm Giang), Tuần vũ Hồng Khẳng hàng xóm của Công chúa chắc đã qua lại nơi đây lắm lần.v.v.

Không hẵn là chuyện tưởng tượng, mà ngay trong thực tế, trên sườn đồi bên kia đường, phía trái là chùa Từ Hiếu – công đức của bà Từ Dũ; xa xa trước mặt là lăng mộ Tùng Thiện Vương và thân mẫu ông; phía bên tay phải, sát đường Lê Ngô Các là khu mộ của Hồng Khẳng và gia đình, chênh chếch phía sau có lăng mộ Trần Thúc Nhẫn - người cùng thời với Công chúa… Ôi, có nơi nào trên xứ Huế hội tụ được những di tích văn hóa lịch sử mang chất thơ như khu vực Nhà thờ Công chúa Qui Đức đâu! Bảo tàng Thơ Hoàng tộc Huế, Thơ của Tam Khanh (Trọng Khanh, Trúc Khanh, Quý Khanh) là đây. Người rể Hoàng tộc (Phò mã Phạm Thuật) đầu tiên chết vì nhiệm vụ chống thực dân Pháp còn nằm ở đó. Cũn có thể xem đây là sợi dây vàng nối tình cảm của dòng họ Nguyễn với đất Nam Bộ.

Sao hằng năm không tổ chức ngày thơ Huế ở đây? Đến bao giờ thì Nhà thờ nhà thơ Công chúa Qui Đức mới được trùng tu để làm trung tâm một tua du lịch sinh thái lịch sử văn hóa trên đất Dương Xuân xưa?

Trong lúc chờ đợi ngày mai, tôi tin những gì có giá trị lịch sử văn hóa thế nào rồi cũng sẽ được quan tâm phục hồi. Bởi vì điều nầy đã được Túy Lý Vương viết trong lời Tựa Nguyệt Đình thi thảo, xin trích sau đây: “Xưa, phần nước Vệ ở Biến phong trong kinh Thi, bài Tái Trì là thơ của phu nhân Hứa Mục công, bài Hà Quảng là thơ của phu nhân Tống Hoàn công, thảy thảy phát ra từ tình cảm mà dừng lại ở lễ nghĩa, cho nên quốc sử khen ngợi và học giả tôn sùng. Nay việc làm của chị, nhất nhất đều ngay chính. Như thế dù không có thơ cũng đã đủ để lưu truyền rồi, huống chi còn có thơ nữa, thì những người thu thập về sau mà ta biết thế nào cũng có, ắt chẳng đáng chép đi in lại vài lần sao! [3]

Bài viết nầy thay cho một nén hương tưởng niệm Phò mã Phạm Thuật – chồng của Công chúa Qui Đức nhân 150 năm ông qua đời khi đi làm việc nước
                                          
                                                                                                   Gác Thọ Lộc, 12-2011
Nguyễn Đắc Xuân

Phạm Đăng Trung
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.113 seconds.