Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: Sợi tình sợi nghĩa Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
tuavanle
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 30/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 335
Quote tuavanle Replybullet Chủ đề: Sợi tình sợi nghĩa
    Gởi ngày: 23/Feb/2021 lúc 2:15pm



Sợi tình sợi nghĩa
Chuông điện reo. Cửa mở. Người phát thư đưa sổ bắt ký giấy nhận quà. Ngạc nhiên nhìn tên người gởi, từ phương trời Úc xa xôi. Vội đóng cửa lại, hồi họp khui thùng ra, lần giở hai lớp báo Việt cuộn tròn phía trên thì hiện ra một màu hồng dịu mát gợi nhớ gợi thương, hũ mắm tôm chà với gói tôm khô to bắt mắt. Quê hương đang trải ra truớc mặt, món ‘tam bảo vị’ khơi lại dĩ vãng kỷ niệm thân thương.
Nói đến Gò công, ngoài lúa nặng hột vì nước mẵn chỉ trồng có một mùa, thịt heo thơm ngon vì được tẩm bổ bằng lá keo, rau lang, rau muống, chuối cây xắt nhỏ trộn hèm, nước cặn thức ăn với cám xay ít lẫn trấu càng, sơ ri Gò công chắc ít vùng nào tranh nổi. Khác hẳn với sơ ri Âu châu với hạt tròn cứng, sơ ri Gò công xinh xắn màu cam đỏ rực chia ba múi như ba miền đất nước và ba hột xơ xơ như ba lá phổi Bắc Trung Nam.
Mắm tôm có thứ tôm chà thứ loại tôm chua trộn đu đủ chín hườm hườm bào thành sợi nhỏ với lá chùm ruột tươi non, tỏi ớt sừng trâu xắt mỏng. Món mắn tôm chua nầy ăn rất ngon nhưng không để dành lâu được, thịt tôm rả đi chỉ còn trơ lại vỏ hồng.
“Gò công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà,
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà,
Saigon, chợ Mỹ ai mà không hay.”
(Ca dao)
Tôm đất, tôm bạc luôn được ướp rươu đỏ gay lên như má cô gái thẹn thùng mắc cở hay thí sinh trúng tuyển trong các kỳ thi. Mắm tôm chà là do chất thịt nguyên thủy của tôm được giả mịn, chà lọc nêm muối cho mặn môi, thêm ớt cay cay kích thích giác quan khẩu vị.
Còn lại được đem ra phơi nhiều nắng biến thịt tôm chín hồng đậm đặc thơm ngon. Vỏ tôm nấu sôi lên tạo ra nước mắm tôm, chất còn lại thêm vào thức ăn cho heo gà hay làm phân cho rau cây xanh tốt.
Mắm còng lột sau ngày mùng 5 tháng 5 thường được dân Gò mang biếu bạn bè xa gần quen thuộc, hảnh diện có thứ mắm ‘đậm mùi’ mà thơm ngon, ăn thử rồi thường là nhớ hoài không chán, cho đến khi nào bị Tào Tháo rượt một lần mới ngán tởn một thời gian. Rồi tật nào cũng khó kiêng, tật nấy cũng khó chừa, bổn cũ soạn lại mà tưởng như món lạ, quí hiếm.
Viếng Gò công một lần đi bạn, bạn có dịp thử nghiệm câu :
‘’ Đèn nào cao bằng đèn Châu đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò công ‘’
Mà ‘độc’ thật bạn ơi nhưng là ‘độc nhất’ vì nếu không làm sao có đến hai hoàng hậu nổi danh Từ Dũ, Nam Phương !
Hoặc để ngừa ‘phong’gió theo ông bà ta thường dạy ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, bạn hãy dò la săn tin tức trước, rút tỉa kinh nghiệm của các chàng rể, nàng dâu xứ Gò, hay bạn bè quen thuộc dân, quân, cán, chính, những ai đã có lần sống qua một thời gian ở vùng đất mẵn đồng trơ nầy. Chắc độc đáo mà không độc ác vì Gò công thường chỉ ‘đi dễ khó về’, ‘ Trai đi có vợ gái về có con’ thôi.
Dân ở đây lại biết ‘hô phong hoán võ’, sành ‘bắt gió’(inhalation) , ‘cạo gió’ (fumigation), đấm bóp, cắt, giác (révulsion) rành mạch có ‘bài bản’ gia truyền. Bạn có lỡ bị ‘trúng gió’ cũng đừng lo, ‘m***age’ đúng cách, khoẻ khoắn vô sự bình an.
Vùng nước mẵn nên người dân Gò luôn ý thức nước ngọt tối cần. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy người ở đây quí từ bụm nước mưa, ao. Nhà nhà đều phải biết hứng, xách, gánh, lọc nước vì thế tình yêu nước như đã thắm nhuần trong huyết quản của mỗi công dân. Về đây, bạn còn có dịp ngắm những con trâu ‘nghé ngọ già đời quen nghé ngọ’ với cặp sừng cong to nhọn đầm mình trong vũng nước sình lầy, miệng không có chewing gum mà luôn luôn nhơi không ngớt.
Băng đồng khô bạn có thể sụp lỗ chân trâu khám phá các củ năng nhỏ bằng đầu ngón tay tròn xinh dòn ngọt, những con rạm đầy gạch đỏ rang muối ớt dòn rụm phát thèm, hay con cà cuống làm tăng mùi vị nước mắm nhỉ mà tục ngữ có câu ‘ăn búng thang cả làng đòi cà cuống’! Mệt mỏi, bạn có thể tựa lưng bên cây rơm khô thơm mùi lúa mới thấp cao định giá mức thu nhập của chủ nhân, bên cạnh những ‘con cúi’ thắt bằng rơm ngắn dài làm mồi giữ lửa.
Nếu ‘yếu bóng vía’, sáng sớm, bạn hy vọng bất ngờ thích thú tìm được vài mảng nấm rơm tươi lú nhú dưới lớp rơm rạ ủ rã còn ẩm nước, dùng lá nghệ gói kèm với gan heo tim cật, nướng lửa rơm, chấm tương ớt, các ông lai rai với ‘nước mắt quê hương’ là đế vương rồi..
Đất lại khô cằn nứt nẻ trong mùa nóng bức, dù không đến đỗi cháy da phỏng trán như Phi châu, cũng đủ làm tê liệt nửa năm cho chăn nuôi trồng trọt. Những đám rau cải, cần, cà ...đâm chồi nẩy lộc đòi hỏi bao công sức tưới vun mỗi ngày hai ba lượt. Cha mẹ trồng, con cái tưới. Học sinh ở đây sau giờ học thường phụ giúp gia đình
Nhìn thanh thiếu niên, đầu đội nón lá, ống quần xoắn cao lên gần tới gối, quảy hai thùng nước có vòi, bước thung dung trên chiếc cầu gập ghềnh lắt lẻo ướt nhem, ngồi thụp xuống chân trước chân sau giữ thế, một đầu gối chạm ván cầu ghép bằng vài thân gỗ gồ ghề lem nhem chưa tróc hết vỏ, đòn gánh quay ngang vai tựa trên ót cổ, nghiêng một bên múc nước sóng sánh đầy thùng, sang bên khác khỏa bọt bèo thêm thùng nước đầy phản chiếu mây trời xanh lặng gió, nhẹ nhàng vững chãi lấy thăng bằng đứng lên, thoăn thoắt quảy nhanh. Rồi giữa những luống rau xanh, hai vòi rồng phun nước ngọt ít nhiều theo tuổi thọ dáng dấp của cây. Động tác đứng lên ngồi xuống, xuôi ngược dọc ngang nầy được lập đi lập lại nhiều lần tùy kinh nghiệm thời tiết đổi thay. Cảnh tượng trên làm liên tưởng đến những cảnh tập võ Thiếu lâm sôi động, dày công của trường phái ‘công phu’(kungfu) Shaolin Trung quốc.
Nước da các cô gái ở đây ngâm ngâm nhưng chưa bánh mật, mà cũng không trắng trẻo tươi mát như các thiếu nữ xứ dừa, nhưng có nét duyên dáng ngấm ngầm riêng. Nhìn các cô kẹp tóc dài đen nhánh đầu đội nón lá buông bài thơ với quai nón lụa màu nghiêng nghiêng đùa gió, má hồng căng phồng sức trẻ, uyển chuyển vui đùa đua nhau gánh hai thùng nước ao làng đầy, nhịp nhàng dao động nhẹ dưới vài lớp lá chuối tươi xanh, hay hai thúng giỏ cải, rau, cà còn đọng nước, bạn sẽ thấy người dân ở đây chịu khó, cần cù, cả gái lẫn trai.
Gòcông như một hòn đảo luân lưu với các tỉnh lân cận bằng hai chiếc phà Mỹ Lợi và Chợ gạo. Sông Bao ngược giáp ranh hai dòng nước biển sông trong đục, một thời oanh liệt đưa du khách qua lại viéng bãi biển Tân thành cát nâu sẫm lài dài ra xa tít.
Bắc Chợ Gạo mang người sang Mỹ...Tho nay là Tiền giang thuộc hàng ‘cổ lỗ xĩ’ nhất thế giới, gần cuối thế kỷ thứ 20 rồi mà vẫn còn kéo giây cáp bằng tay. Các bác ‘thợ máy’ gầy nhom, mỗi người một cái móc gỗ kéo giây cáp giăng ngang dòng sông sâu hẹp, chen chúc người xe mà từ bên bờ nầy có thể nhận diện bạn bè bên bờ khác. Chiếc phà già nua lịch sử từ từ tách bến chậm chạp nặng nề không vội vã làm khách sang sông nôn nả muốn phụ đẩy cho nhanh.
Sau đó trước 75, chiếc phà nầy được thay bằng chiếc cầu nối liền xa lộ từ Saigon, Mỹ tho đến tận Gò công. Và kế hoạch đặt ống cống dẫn nước ngọt từ Tiền giang về ‘ngọt hoá’ vùng nước mẵn nầy bắt đầu thực hiện. Mà ở đâu có sự đổi thay thì đãy cũng là nơi gặp gở, có chia cắt tất có hạnh phúc manh nha, kết tụ. Từ đó cũng là nhịp cầu thông cảm, gắn bó, hợp tan, lẫn lộn buồn vui.
Thăm Gò công môt phen đi bạn, bạn sẽ thấy dân Gò cần nước đến dường nào !
“Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đài bắc cơm,
Lấy rơm đun bếp”
thể hiện đúng tâm tình người dân Gò rõ nét.
Mùa nắng, ao làng là nơi tập trung thanh niên thiếu nữ quảy thùng gánh nước, thi đua, chọc phá, tán tỉnh, hẹn hò. Hình ảnh chiếc đòn gánh còn gợi lên hình thể chữ S, dáng đứng của Mẹ Việt nam với hai thúng gạo quê hương hoặc cha anh với hai thùng nước sông Hồng và Cửu long. Từ tấm bé đã được thuấm nhuần ơn ‘mưa móc’ nên người dân thường trọng nghỉa biết ơn..
Viếng Gò công một chuyến đi bạn, bạn sẽ thấy người dân hiếu khách như thế nào. Ở đây bạn không tìm được nhiều vườn trái cây ngon tươi mát, cũng không có tôm cá chim chóc bạt ngàn nhưng tình người không thiếu. Họ đãi bạn bằng món ăn ngon nhất của họ qua cách nấu nướng trình bày riêng theo địa phương, với tâm tình ‘nghèo cho sạch rách cho thơm’, ân cần, niềm nở, không môi miếng, khách sáo, chứ không phải ‘miệng mời vái trời đừng ăn’ đâu. Cũng có lẽ vì ‘cảm’ tấm lòng chân chất ấy mà tỉnh nhỏ đất mẵn đồng khô nầy có thêm bao rể quí dâu hiền và bạn bè đồng hương mới.
Tuy nhiên phải công nhận ở đây trái cây tuy không nhiều nhưng thường lạ và đặc biệt ngon vì vị ngọt mặn càng ăn càng thấm. Không những chỉ có sơ ri mà còn táo nữa, táo ta táo Tàu táo Thái lan hột tròn hột hình thoi dòn rụm ngọt mẵn chua chua.
Ngay cả trái bần mà giàu sụ vitamine C, cũng có loại bần rạch bần sông bần ổi, quẹt với mắm ruốc sậm nâu, cắn ‘nhí’ một tí miếng ớt cay xé miệng chảy nước mắt, nhâm nhi thêm chút rượu nếp nhum, rượu đế làm quên bẵng đi mùi vị chát chua của đặc sản nầy.
Còn me nữa, me ván cong như vòng liềm lưỡi hái, bản dầy mắt to từng chùm nặng quằng sai quả, me đậu phộng hình dáng như hạt đậu phộng được kéo dài ra. Me vốn là chua thế mà ở đây có thứ me ngọt lịm ít vùng nào trồng được.
Gần Mỹ tho, người dân Gò vẫn thích lên Saigon hơn qua Mỹ tho dù bao lần Gò công thuộc hàng quận lớn của tỉnh Tiền giang vì:
‘’Đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ tho ngọn tỏ ngọn lu.
Anh về anh học chữ Nhu,
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.”
(Ca dao)
Cũng có thể là niềm tự hào vùng địa linh nhân kiệt đã thấm khắc vào tâm khảm của ngưòi dân nên dường như ở họ luôn luôn có hai dòng tư tưởng như khắc chế nhau vừa cầu tiến và vừa bảo thủ. Người trẻ thường đi học hoặc làm ăn xa, thường mọc gốc rể ở vùng đất khác. Nhưng những ngày giỗ chạp, quan hôn tang tế, ngày Tết họ luôn về bên nội ngoại thăm viếng, trở về nguồn. Hàng xóm láng giềng lâu đời trở thành như thân thuộc, và bà con từ mấy thế hệ mà tưởng chừng như trực hệ chú bác cô dì.
Ngày xưa, gia đình giàu có thường có nhà thờ Tổ, nhà Từ Đường cho cả mấy đời dòng họ. Họ dành riêng một số ruộng đất gọi là ‘hương hỏa’ cho người thừa tự phụng thờ. Nếu con trai đông, mỗi ‘chi’ trai được ‘luân phiên’ nhau cúng giỗ hằng năm. Do đó đại gia đình ở đây nói chung không chỉ gồm từ ông nội, ngoại trở xuống mà thôi. Vậy khi nào bạn nghe trả lời là ‘bà con từ đời Hồng Bàng’ tức là không họ hàng gì cả, còn bà con mấy đời từ đời ông cố, ông sơ là có họ hàng thật sự, và bà con từ hồi ông ‘cố lỷ cố lai’ tức là xa ‘tí mú tí tè’ không có gia phả để xác định.
Hơn thế nữa, người quen dễ nhận diện được dân Gò công qua cách dùng vài từ ngữ đặc biệt, ngày nay thì không còn nữa, như ‘đeo giày, đeo guốc’, tên thường thêm chữ ‘bé’ như Bé Hai, Bé Tí..., nói trại vì cử tên như ‘đồng giờ’ thay vì ‘đồng hồ’, đà đạc thay vì đồ đạc...
Có lẽ vốn đã được hun đúc theo gương người trước nên người dân ở đây thường biết giữ tiếng tăm, chịu khó, siêng năng, tự lập, thẳng ngay, trung hậu và ham học hỏi. Bằng chứng là ngay cả phụ nữ như cô Nguyễn thị Châu là Hiệu trưởng Việt đầu tiên ở Nữ Trung học Gialong (Saigon), nữ sĩ Manh Manh Nguyễn thị Kiêm với phong trào thơ mới đã gây bao cuộc bút chiến sôi nổi...
Thật ra quê hương nơi nào cũng có điểm độc đáo của nơi ấy nhưng quê mình thì mình biết rõ ràng hơn. Việt nam ta bao lần bị lệ thuộc xâm lăng nên chứng tích anh hùng tràn đầy khắp nẻo.
Đây cũng là mồ chôn của bao dân tộc khác đủ giống màu đau khổ như nhau. Đâu đâu cũng có những trang sử oai hùng, dấu vết thịnh suy của thời dựng giữ nước. Thành phố làng mạc xa xôi đầu non góc bể, bạn cũng sẽ được nghe bao chuyện kể về thành tích vẻ vang vui buồn đủ loại.
Bạn cũng như tôi, người dân nào cũng thế, tự hào ngầm về nơi chôn nhao cắt rún của mình, tưởng chừng như độc nhất vô nhị, bất cứ ở đâu thành thị hay thôn quê, núi non hay biển cả. Có dịp viếng thăm vùng đất khác trao đổi kiến thức tâm tình, gia vị biến thiên của cuộc đời phong phú hóa tâm hồn khi thì làm mặn môi cay mắt, khơi dậy bao sợi luyến thương cảm phục, khi khỏa lấp chôn dấu dứt khoát với bao kỷ niệm buồn vui. Anh và tôi kể chuyện quê mình cho nhau nghe như anh em cùng mẹ, dù ở phương trời nào hay xa xôi cách trở luôn luôn vẫn nhớ đến gốc gác cội nguồn.
Quê hương mình giăng mắc đầy sợi tình sợi nghĩa, những mắt võng làng mạc tỉnh thành đan quyện đong đưa. Anh thương quê anh, tôi quê tôi. Anh viếng quê tôi để tìm thấy cái hay lạ của mỗi vùng đất nước, tôi đến quê anh để học, suy bao chứng tích kinh nghiệm hào hùng. Lịch sử nước mình là kết hợp của bao cuộn sóng thủy triều lan dần từ Bắc vào Nam, từ màu nước đỏ của sông Hồng, trong êm của Hương giang trầm mặc, đến chín cửa ngọt ngào trù phú Cửu long. Quê của anh hay của tôi tuy hai mà là một vì đều phát xuất từ mẫu đất Việt nam.
Trần Thành Mỹ


Chỉnh sửa lại bởi tuavanle - 23/Feb/2021 lúc 2:16pm
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.129 seconds.