Lớn lên trong nhà tình thương
Khi Hiệp lên 3 tuổi, ba má cậu chia tay và chẳng ai chịu nhận nuôi đứa con thơ dại. Thế là cậu được gửi về sống với bà cô. Song do gia cảnh nhà này quá nghèo nên cô Hiệp đành gạt nước mắt gửi cháu vào Mái ấm tình thương của Gò Công. Khi nhận thức được những chuyện xung quanh, điều đó đã như nhát dao khía thẳng vào trái tim non nớt của cậu bé.
Lớn lên không người thân thích xung quanh, Hiệp được má Kim Anh của nhà tình thương bảo bọc với những người bạn đồng cảnh ngộ với mình. Nhiều lúc đứng ở bên trong thấy các bạn cùng trang lứa được ba má đưa đi chơi, cưng nựng mà nước mắt cậu bé cứ trào ra. Những lúc đó, thật may vòng tay của má Kim Anh lại dang ra che chở cho trái tim non nớt của Phúc Hiệp.
Luôn sống trong tình thương của các má của Mái ấm song vì phải chia sẻ với nhiều bạn nên mỗi đứa đều có một cõi buồn riêng. Phúc Hiệp cũng vậy, góc tối ấy luôn “hành hạ” khiến cậu cạn khô cả bầu nước mắt, chỉ còn biết thể hiện qua ánh mắt mỗi khi gặp chuyện buồn.
Đổi đời qua trái banh
11 tuổi, Phúc Hiệp có một điểm ngoặc làm thay đổi cuộc đời. Đam mê trái banh từ những trận đấu với các bạn cùng nhà tình thương, khi được xem các bạn ở lớp năng khiếu bóng đá tập luyện, cậu cứ dán chặt mắt vào sân. Rồi từ lúc nào không biết, Phúc Hiệp trở thành người nhặt bóng tự nguyện cho các bạn bên đường biên.
Cảm cái sự đam mê đặc biệt của Phúc Hiệp, các thầy ở tuyến năng khiếu cho cậu cơ hội được thể hiện. Và không bỏ lỡ dịp hiếm có này, Phúc Hiệp khiến mọi người phải mê mẩn bởi những động tác bóng thuần thục, đôi chân dẻo dai và tư duy khá “già” so với cái tuổi nhí.
Thế rồi, cậu một lần nữa chuyển “nhà”, từ Mái ấm tình thương sang ăn ở tập trung cùng lứa năng khiếu bóng đá của trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT Tiền Giang. Một cuộc đời mới mở ra cho Huỳnh Phúc Hiệp và cậu bắt đầu tạo dựng tương lai cho mình.
Tết không nhà
Vào môi trường mới, Hiệp luôn chỉ tập trung vào trái bóng để tránh bị tủi thân khi các bạn luôn có người thân cổ vũ ngoài sân. Nên ngay cả sau mỗi buổi tập, cậu cũng chẳng biết làm gì ngoài quanh quẩn với trái banh. Thời gian đầu, Hiệp rất hay mặc cảm mỗi khi bị các thầy quở trách. Song cậu lại rất biết nghe lời nên tiến bộ khá nhanh.
Hiểu rõ hoàn cảnh của Hiệp, mỗi lúc Tết về, thầy Đỗ Văn Minh lại bỏ tiền túi để sắm sửa cho cậu học trò. Những ngày Tết, Hiệp chẳng biết đi đâu. Ngày mùng 1 Tết, các bạn chung đội đều về với gia đình, riêng Hiệp chỉ ghé thăm nhà, chúc Tết người cô đã cưu mang mình rồi trở lại trường. Rồi cậu cũng chỉ biết lấy bóng ra tập luyện cho quên đi 3 ngày Tết.
Sự siêng năng cùng có tố chất đã giúp Hiệp tiến bộ vượt bậc. Từ nhân tố chính trong việc đưa U15 Tiền Giang dự VCK tại Hà Nội, cậu cùng các các bạn Long Giang, Nhật Tân, Quốc Anh… đưa đội nhà vô địch giải U21 năm 2006 khi chỉ mới 19 tuổi.
Từ sân chơi ấy, Phúc Hiệp cùng Long Giang, Nhật Tân – ba cầu thủ đất Gò Công - được HLV Riedl triệu tập vào đội tuyển Olympic quốc gia. Ngày nhận giấy gọi, Hiệp tưởng như mình ngủ mơ, cứ trân trân nhìn vào tờ giấy có dấu đỏ chói đóng ở góc dưới.
Ở hai vòng loại Olympic Bắc Kinh đầu, Phúc Hiệp cứ vào sân lại “nhả đạn” khiến nhiều người gọi vui cậu là “thần tài mới của HLV Riedl”.
Nói về nỗ lực của mình, Hiệp tâm sự: “Tôi cảm ơn các thầy đã đưa tôi tới bóng đá. Chính trong hoàn cảnh cô độc, tôi càng cố gắng phấn đấu nhiều hơn để tự tạo tương lai của mình”.
|