Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: NHÀ HÀNG GÒ CÔNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 99
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23809
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Mar/2025 lúc 8:17am

Cơm Âm Phủ


Cơm%20âm%20phủ%20Huế%20-%20Tinh%20hoa%20ẩm%20thực%20cố%20đô%20không%20thể%20bỏ%20lỡ

Hồi trẻ tôi đi lính xa nhà có lần về phép được Mạ tôi nấu cho một bữa cơm ngon ngất ngư. Ăn lạ miệng tôi hỏi cơm chi Mạ nói cơm Âm Phủ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món cơm mang cái tên thật kỳ dị của xứ Huế, quê Mạ tôi. Khi tôi trở ra đơn vị ở Cheo Reo, Mạ không quên bới cơm Âm Phủ cho tôi mang theo. Biết đâu nhờ miếng "cơm ma" này mà tôi sống sót cho tới ngày tàn cuộc chiến.

Ngày nay Mạ tôi đã gần trăm tuổi, tôi cũng chẳng còn trẻ trung chi. Hai mẹ con cùng tóc bạc da mồi, cùng lụm cụm ngồi ôn lại chuyện xa xưa ở quê nhà. Khi tôi nhắc tới cơm Âm Phủ thì Mạ tôi cười thật hiền, nụ cười "hăng rết hết răng" thiệt là dễ thương.

Nói tới cơm Âm Phủ, không riêng gì người Huế, người Việt hầu như ai cũng nghe đến tên "cơm ma" này dù chưa có dịp thưởng thức. Ở Huế, ngoài bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh canh, các món chè… thì cơm Âm Phủ là đặc sản trứ danh của gia đình ông Tống Phước Kỷ dựng quán chế biến từ năm 1916, năm vua Khải Định lên ngôi.

Thời gian này, giữa vùng Đất Mới, quán cơm lợp bằng mái tranh vách nứa, chuyên bán vào giờ âm (12 giờ khuya) nhằm phục vụ những người giữ an ninh đất mới, người đi buôn, khách làng chơi, những con bạc và giới lao động bình dân đi làm về khuya thường ghé quán cơm lót bụng trong một không gian có phần kinh dị.

Thời đó chưa có điện, đường khuya tối mò, giữa đồng không mông quạnh của vùng Đất Mới, quán cơm ông Kỷ chỉ thắp ngọn đèn dầu tù mù, leo lắt trông ma mị như cõi âm. Quán mở lúc nửa khuya ban đầu không có tên, nhưng vì thức ăn ngon, rẻ, thực khách ăn đêm có cảm giác không khí rờn rợn y như quán có "ma rình phía trong" bèn đặt tên là "Quán cơm Âm Phủ", từ đó món cơm cũng được gọi thành cơm Âm Phủ.

Tuy mang tên ma mị rứa nhưng cơm Âm Phủ không có gì bí hiểm, chỉ là một kiểu cơm trộn với những thức ăn ngon quen thuộc của cố đô Huế như thịt ram, giò lụa, nem chua, tôm chấy, trứng tráng, rau, củ, dưa leo, dưa món, gỏi gà xé phây... ăn cùng cơm trắng chan nước mắm tỏi ớt cay cay, mằn mặn, ngọt ngọt, chua chua. Cơm Âm Phủ ngon ở sự hòa quyện các món ăn mộc mạc của xứ Huế vừa đậm đà, bùi bùi, vừa giòn giòn, dai dai. Dù dân dã với các nguyên liệu quen thuộc nhưng cơm Âm Phủ đủ sức mê hoặc thực khách bởi cách nấu tỉ mỉ, trình bày màu sắc rất tinh tế phảng phất phong cách cung đình Huế. Điều này dẫn tới truyền thuyết vua nhà Nguyễn (vua Khải Định) cải trang xuất cung vi hành nửa đêm đói bụng ghé vào nhà một bà lão xin dùng bữa được bà lão đãi cho một suất cơm đơn giản trong một căn phòng âm u, chỉ có ngọn đèn dầu leo lét mà thành chuyện.

Sở dĩ cơm Âm Phủ ngon nức tiếng một phần cũng nhờ mang cái tên bất đắc dĩ đầy ma mị gây ấn tượng mạnh cho thực khách ăn khuya. Cũng từ đó cơm ma ngon miệng khách hào phóng… ăn luôn câu vè truyền khẩu như món "tráng miệng" kèm theo:

Muốn ăn xôi nếp gỏi gà

Ghé qua Gia Hội gần nhà Châu Tinh

Muốn ăn cơm dĩa trữ tình

Có quán Âm Phủ ma rình phía trong

Ngoài ra lúc nửa khuya cơm âm phủ Huế cũng rón rén đi vào câu thơ:

Cơm chi mà tối mò mò

Ma kêu quỷ khóc mịt mờ âm ty

Nghe đồn cũng thử mà đi

Té ra cũng chẳng khác chi dương trần

Đặc biệt từ trăm năm nay, quán cơm Âm Phủ lịch sử ở Huế vẫn bình chân như vại, vẫn tọa lạc ở vị trí cũ trên đường Nguyễn Thái Học, đối diện sân vận động Tự Do và gần khách sạn Thiên Đường. Bởi rứa "cơm ma" lại có câu: "Ăn cơm Âm Phủ, ngủ khách sạn Thiên Đường".

Ngày nay cơm Âm Phủ có mặt trong các quán ăn khắp nước. Cơm từ Long Xuyên đi Sài Gòn, ra Đông Hà, Quảng Trị, cơm vô tới luôn 36 phố phường Hà Nội. Theo thời gian "cơm ma" cũng thay đổi theo phong cách hiện đại để phù họp với khẩu vị và phong thổ địa phương nhưng dĩa cơm Âm Phủ lúc nào cũng phải đủ bảy màu sắc tượng trưng cho bảy bước chân đầu tiên của Đức Phật Thế Tôn.

 

Phan Ni Tấn



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Mar/2025 lúc 8:19am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 21/Mar/2025 lúc 9:38am
Nồi canh măng chua

Cách%20Làm%20Món%20Canh%20Cá%20Hú%20Nấu%20Măng%20Chua%20của%20Hoàng%20Oanh%20-%20Cookpad




bao năm rồi, đi giữa đời
giữa đời mưa nắng giữa đời lưu vong
tháng Tư về, mùa Xuân sang
nụ hoa nào nở giữa lòng tha hương
trời trong hay mắt em trong
mây bay hay tóc em buông vai gầy
rừng tóc em, xõa quanh đời
sao em chưa xõa vào đời riêng tôi
lòng xưa vẫn mộng mơ hoài
làm sao có được tháng ngày bên em
bao năm rồi, em đã quên
quên tôi, quên cả duyên tình trăm năm
quên luôn những nồi canh măng
xưa em hay nấu thơm ngon nồng nàn
măng chua, ngọt, như nụ hôn
em hay đem ví tình nồng đôi ta
nay bổng nhiên, thật tình cờ
em đem nấu lại cho vừa nhớ nhung
nhớ nhung để giữa tim nồng
chỉ mong mây gío nối lòng với nhau
em ơi mình đã bạc đầu
măng chua vẫn ngọt tình sâu vẫn còn
khê kinh kha
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7169
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2025 lúc 8:33am

Tô Cháo Lòng


Cháo%20lòng%20Hà%20Nội:%2012%20quán%20ăn%20ngon,%20tấp%20nập%20khách%20ra%20vào

Tôi vốn chỉ thích cháo lòng Nam, kiểu hạt gạo phải rang lên cho vàng cho thơm rồi mới đem nấu. Cháo Bắc nấu gạo trắng nên có nhựa, ăn không quen lắm.


Hồi nhỏ nhà tôi bán cháo lòng, sáng nào cũng rang gạo mỏi nhừ cánh tay. Nhưng đang đói lại thấy chiếc xe đẩy sạch sẽ, đồ ăn trong tủ kiếng sạch sẽ, bàn ghế đũa muỗng sạch sẽ dù ghi bảng Cháo Lòng Hà Nội, vẫn ngồi xuống gọi một tô. Ghi vậy cho khách dễ hình dung thôi, chứ tôi nghĩ quê chị ở đâu đó đồng bằng Bắc bộ bởi cái phát âm nhiều nầm nẫn nắm. Bắc Hố LaiCái giọng Bắc chân chất, hiền lành vô phương.


Tô cháo mang ra, chọc đũa vào, ôi chao, sao mà rẻ dữ vầy nè. Mới múc được một muỗng, nghe dì vé số kia tới hỏi “Cô ơi, có bán cháo không hôn? Làm cho tui tô mười lăm ngàn thôi, tui không ăn lòng cũng được”. Chị dạ. Dì vé số vừa ngồi xuống bàn, tô cháo nóng hổi đã ra tới. Dì hết hồn “Ủa sao nhiều thịt vầy nè, tui ăn tô có mười lăm mà?”

 

Tôi, một kẻ bụi đời và hay quan sát, đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh người-cho-người, cảnh nào cũng dễ thương, cũng ấm áp nhưng không nhiều lần, được chứng kiến một cuộc-cho-đi-tinh-tế, như chiều nay. Chị cháo lòng vuốt vuốt tay dì vé số: “Cô ăn giúp con đi, con sắp dọn hàng về rồi, mấy đồ ăn này để ngày mai bán chẳng được nữa đâu. Cô cứ ăn đi, con lấy mười nghìn tiền cháo thôi”. 

Nói để nói vậy thôi. Trong tủ kính chị, lòng dồi còn ê hề kìa. Chị cũng vừa dọn ra mà.


Ăn xong, cứ nấn ná ngồi lại, đợi dì ăn xong mua ít tờ. Dì đi rồi, hỏi thăm mới biết chị mới ra bán chiều nay và tôi là khách hàng đầu tiên. Biết vậy, tự dưng thấy áy náy vì đã không trả tiền trước. Ai lại đi để cho chị bán tô mở hàng của ngày mở hàng mà lại lấy tiền không được trọn.

– Không sao đâu anh, em chẳng quan trọng mấy chuyện đó đâu.

Như thường khi, để khích lệ một ai đó lúc chứng kiến họ làm những điều lành, tôi hay “Làm việc tốt, được nhiều phước lắm đó”. 

– Em không mong cầu gì đâu anh. Cũng nghèo khổ vất vả như nhau, một chút đồ ăn đâu làm em nghèo đi, mà người ta no hơn, em vui mà.

Rút mấy tờ tiền đưa chị, biểu là bữa nay khai trương, lấy nhiều tiền vào cho hên nhe. Không đợi chị từ chối, tôi tiếp “Coi như tôi gửi chị giữ giùm. Tôi ít mang tiền trong người lắm. Tôi cũng ở gần đây thôi, mỗi ngày sẽ ghé ăn, rồi trừ dần nha”.


Chị tháo chiếc nón lá dính liền tấm khăn che mặt xuống. Trời ơi, sao mà đẹp quá chừng vầy nè. Đẹp như Lý Thu Thảo của 30 năm trước luôn đó trời.


Một cô gái đẹp, nghĩ đẹp và sống đẹp, tôi tin chúng ta không có nhiều cơ hội trong đời để được gặp gỡ đâu…

 

FB: HỒNG HẢI



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 22/Mar/2025 lúc 8:35am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23809
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Jul/2025 lúc 1:04pm

8 Món CƠM NỨC TIẾNG CỦA NGƯỜI VIỆT 

      Cơm là một món ăn không thể thiếu trong mọi bữa ăn của các gia đình Việt. Cùng với sự phát triển của văn hóa ẩm thực, cơm Việt ngày càng phong phú với nhiều cách nấu, biến tấu khác nhau tùy từng vùng miền.

1- Cơm Lam

       Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa và nướng chín trên lửa. Đây là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc và Tăy Nguyên Việt Nam.

5511%201%20ComLamHgNgocTgHop

Cơm lam là món cơm kết hợp tinh hoa núi rừng.

       Khi ăn, người ta chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài, bỏ ống cơm ra để lộ ra những hạt cơm lam trắng, dẻo. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, sẽ thấy ngon, thơm, rất đậm đà. Ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa.

2- Cơm Gà Hội An

       Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà - một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.

       Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn như cơm, gà, nước chấm hay đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.

5511%202%20ComGaHoiAnHgNgocTgHop

Món cơm gà chỉ cần ăn một lần là sẽ nhớ mãi.

       Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.

       Nước luộc gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm có màu vàng nhạt và ngọt vị gà. Ngoài ra đĩa cơm còn được trang trí bằng chút lá bạc hà, rau răm, hành tây, muối tiêu… ăn kèm với tương ớt sền sệt cay xé lưỡi của người dân nơi đây.

Đặc biệt ở Nha Trang còn có món cơm gà xé nhưng sốt với bơ trứng non ngon vô cùng.

3- Cơm Hến

       Người Việt Nam thường thích ăn cơm nóng, nhưng cơm hến của Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi. Tuy nói là cơm nguội nhưng vì được nấu từ gạo ngon nên cơm vẫn còn mềm dẻo.

       Ăn cơm hến như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm... Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm.

5511%203%20ComHenHgNgoc

Ăn cơm hến là phải chảy cả nước mắt, toát cả mồ hôi và nhớ đến suốt đời.

       Cơm hến là món khá cay, có mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

4- Cơm Cháy Ninh Bình

       Tương truyền món cơm cháy Ninh Bình đã được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19) và nhanh chóng trở thành món đặc sản của cố đô.

       Cơm cháy là một món ăn trông thì đơn giản nhưng thực ra khá công phu. Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải bằng than củi và nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon.

5511%204%20ComChayNinhBinhHgNgoc

Thịt dê - cơm cháy, cặp đôi đặc sản nức tiếng gần xa của Ninh Bình.

       Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi khô ráo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.

       Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… Ăn đến đâu chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, tỏa ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.

5- Cơm Niêu Đập

       Người Việt từ xưa đều cho rằng nồi đất nấu ăn là ngon và giữ lại nhiều hương vị nhất, vì vậy nhiều món ăn được nấu bằng nồi niêu đã trở thành đặc sản nổi tiếng.

5511%205%20ComNieuDapHgNgoc

Cơm niêu đập không chỉ ngon mà còn có cách ăn rất thú vị.

      Cơm niêu đập đúng như cái tên, người ta không chỉ nấu cơm trong nồi niêu mà trước khi ăn, người phục vụ sẽ gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu khiến từng mảnh đất nung vỡ vụn và rơi xuống. Thứ còn lại chính là ổ cơm với lớp cháy giòn mỏng bên ngoài và những hạt cơm mềm mịn ngon lành bên trong.

      Cơm niêu ăn cùng những món ăn gia đình truyền thống như cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi… là ngon nhất.

6- Cơm Âm Phủ

       Đây là một món ăn nổi tiếng của Huế do một nhà hàng mang tên “Âm Phủ” có tuổi thọ hơn 80 năm sáng tạo ra, lâu dần trở thành món đặc sản.

5511%206%20ComAmPhuHgNgoc

Mặc dù có tên gọi hơi đáng sợ nhưng đây là một món ăn tốt cho sức khỏe và cực kỳ ngon.

      Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế. Cơm Âm phủ gồm cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... Cách làm cũng khá công phu.

       Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt. Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu đến Huế vào dịp festival, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.

7- Cơm Tấm

       Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối…

5511%207%20ComTamHgNgoc

Cơm tấm là món ăn không thể thiếu với người Sài Gòn.

       Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi. Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

8- Cơm Dừa Bến Tre

       Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản.

       Để có được món cơm dừa ngon phải mất gần hai tiếng. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín.

5511%208%20ComDuaBenTreHgNgoc

Cơm dừa có cách chế biến rất độc đáo.

      Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.

       Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

Hoàng Ngọc

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23809
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jul/2025 lúc 9:09am

Nem Chua 

5514%201%20NemChuaVLiem

(Hình minh họa từ Internet)
Vũng Liêm nổi tiếng món Nem chua,
Khách lạ thường hay ghé lại mua.
Nem Cụ Hai Sừng ngon tuyệt hão!
Bày bán quanh năm đủ bốn mùa.

Mỗi lần nghỉ học về quê Mẹ,
Anh ghé nhà lồng ngắm nghía xem.
Hàng quán chưng bày nhiều món lạ,
Món anh ưa nhứt đó là Nem.

Nhìn cô chủ quán xinh như mộng,
Mặc áo bà ba lụa trắng tinh.
Tóc kẹp đuôi gà, đi guốc mộc,
Người quê mà vẻ đẹp đô thành.

Anh mua một chục, rồi ăn thử,
Em nói: “Nem nầy ngon khỏi chê!”
Anh hỏi: “Chưa ăn sao biết chớ?”
Em cười, nói: “Có lắm người mê!”

Anh tin em nói lời chân thật,
Má lúm đồng tiền chẳng nói ngoa.
Mê Nem hay chỉ mê người đẹp?
Muốn hỏi nhưng thôi, sợ lệ nhòa.
5514%202%20NemChuaVLiem
(Hình minh họa từ Internet)
Ghé mua vài bận thành thân thiết,
Em nói ngày xưa cũng biết anh.
Có học chung trường nhưng khác lớp,
Ôi! Thời niên thiếu đã qua nhanh!

Làm sao anh nhớ người em bé!
Anh mãi mê chơi, thích đá gà…
Còn em nhút nhát và e lệ,
Cổng trường ngăn cách giữa đôi ta.

Rồi anh lên tỉnh theo Trung Học,
Em ở lại quê giúp mẹ già.
Em bán Nem chua làm lẽ sống,
Yêu đời nhưng lại sớm bôn ba.

Mỗi lần về Quận anh đều ghé,
Thăm quán đơn sơ để ngắm nhìn.
Má lúm đồng tiền cho đỡ nhớ,
Nụ cười e ấp, dáng thêm xinh.

Anh rời tỉnh lỵ lên đô thị,
Theo bước văn nhân, học xướng ca.
Viết dăm câu chuyện tình thi vị,
Quên hẳn người xưa ở Quận nhà.
5514%20EmBanNenChuangayXuaVLiem
(Hình minh họa từ Internet)
Lứa tuổi thanh niên, đời ngang dọc,
Sông hồ lưu lạc khắp quê hương.
Bến tình bến nước đều thơ mộng,
Nhưng bến tình yêu khó tận tường.

Một hôm về lại thăm quê cũ,
Quán đã thay tên đổi chủ rồi!
Em đã theo chồng đi xứ khác,
Cuộc đời vợ lính đổi nhiều nơi.

Một viên đạn pháo vào đơn vị,
Rơi trúng nhằm ngay ổ điếm canh.
Chồng em tan xác bên cây súng,
Ðể lại con thơ với vợ lành.

Anh về không dám ăn Nem nữa,
Hình ảnh thê lương ám ảnh hoài!
Ðất nước tang thương còn chém giết!
Giết người để phục vụ cho ai?

Rồi năm đất nước vào tay giặc,
Em cũng theo người bỏ xứ đi.
Ðất lạ bơ vơ, hồn lạc lõng,
Nhớ quán Nem chua, tuổi dậy thì…
5514%204%20EmbanNemChuaVLiem
(Hình minh họa từ Internet)
Ðất rộng người đông còn gặp lại,
Chuyện đời hy hữu phải không em?
Kỷ niệm năm xưa bừng sống dậy,
Trong quán Nem chua, suối tóc mềm.

Ðã hết một thời thơ mộng cũ,
Cuộc đời lưu lạc có gì vui!
Kỷ niệm trong tim còn ấp ủ,
Nhắc lại càng thêm luống ngậm ngùi!
(Ðức Phố, 20-11-1990)
Trích Thi Tập: Vĩnh Liêm DÒNG THƠ TÌNH THÔN DÃ,pp.xx, Chưa xuất bản.
~oOo~
1- Cụ Hai Sừng là người sản xuất Nem chua nổi tiếng ở Vũng Liêm.
Cụ Hai Sừng is a famous Nem chua producer in Vung Liem.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23809
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Ngày hôm qua lúc 7:25am

Hột Vịt Lộn 


Lúc còn bé, nhiều khi nửa đêm dậy đi tiểu hay xuống bếp uống nước, thỉnh thoảng thấy ba mạ tui ăn khuya. Khi thì bồ câu hầm đậu xanh, lúc thì chén yến huyết, có lúc lại thấy cháo tim cật và rất nhiều lần có món hột vịt lộn. Và thường tui được ké một hột vịt lộn rồi lại lên giường ngủ tiếp. Tuổi còn nhỏ nên cũng chẳng biết tại sao có những món ăn khuya đặc biệt của mgười lớn ấy. Sau này lớn lên mới biết rằng đó là những món ăn tẩm bổ của người lớn sau cuộc chiến đấu hê..hê. Và tui biết thêm đó là những món ăn bổ dưỡng. Thế nhưng trong mấy món đó, tui chỉ khoái hột vịt lộn. Cái khoái đó theo tui tới tận bây giờ.


Bây giờ già rồi lại càng biết thêm hột vịt lộn là một loại sâm nhung nhiều chất bổ. Cũng hợp lí thôi. Ăn một cái hột vịt lộn là ăn cả một con vịt mà. Mà thịt vịt vốn lại là loại thịt bổ dưỡng chữa được lắm bệnh.
Đối với người phương Tây, hột vịt lộn là món ăn kinh dị và người ta rất kinh hãi món này. Khách du lịch phương Tây và những người lần đầu nhìn thấy trứng vịt lộn thường thấy e ngại và không dám ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân có lẽ là do hình con vịt đã rõ ràng đủ hết mọi bộ phận, lông cánh khiến họ thấy kinh sợ đến nỗi món ăn này thường xuyên xuất hiện trong chương trình thử thách lòng can đảm Fear Factor (chương trình TV mà người tham gia còn phải ăn giun xay và các thứ tương tự khác). Ngoài ra hột vịt lộn còn xuất hiện 2 lần trong Survivor : Palau, 1 lần trong Survivor : China.

Thế hột vịt lộn là gì ? Giải thích thế này với người Việt thì chắc người ta sẽ cười cho. Nhưng mà đã nói thì nói luôn cho rõ. Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam … và được coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo ngôn ngữ địa phương) cũng được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân, có điều trứng thường chỉ được ấp đến 17 ngày và không dùng rau răm, trong khi trứng vịt lộn tại Việt Nam thường già hơn một chút, từ 19 ngày tuổi và luôn có rau răm đi kèm. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các món trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn.(Wikipedia)

Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng thì trong trứng vịt lộn có chứa 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi , 212mg phốtpho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng, …
Ngoài ra, trong mỗi quả trứng còn chứa rất nhiều vitamin A, tiền vitamin A, chất sắt, gluxit, vitamin B1 và C. Quá trời chất cần thiết cho sức khoẻ con người.
Do vậy khi sử dụng trứng vịt lộn trong bữa ăn, chúng ta nên lưu ý giảm bớt các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, tôm, cua, nội tạng như tim, gan, cật, … Các món xào rán nhiều dầu mỡ để tránh gây quá tải chất đạm, chất béo dẫn đến các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, … không có lợi cho sức khoẻ.

Còn theo Đông y, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Khi dùng chung với gia vị như rau răm, gừng tươi, trứng vịt lộn trở thành một bài thuốc chữa bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể, còi cọc, đau đầu, chóng mặt, yếu sinh lí, ...
Để phát huy hết công dụng của trứng vịt lộn, người ta thường ăn kèm với rau răm, gừng tươi và một chút muối. Đây cũng chính là những vị thuốc Đông y giàu dược tính. Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải độc thực phẩm. Trong khi đó, rau răm tính ấm có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ích trí, mạnh gân cốt, chữa lạnh bụng, say nắng, … Đọc đến đây bảo đảm quý ông sẽ có khát khao chạy ra quán làm mấy cái cho nó sung. Đàn ông thằng nào lại không muốn sung. Bởi có sung thì mới sướng. Tiếng Việt mình hay lắm, thường gọi chung là sung sướng, chứ tách ra thì giảm hiệu quả rồi. Giới giang hồ thì thường nói giỡn là hột vịt lộn nên ăn chung với thì là. Ha ...ha chị em ta đừng có la lên : Ôi trời ! Ai lại ăn thế ? Bé cái lầm rồi các bà ơi, mấy gã đó chơi chữ đấy. Ý của mấy gã là muốn nói đến lộn là. Mà dân gian ta đã bảo rằng : “Thấy  lạ như được tạ đường phèn. Hiểu chửa?”

Mà tại sao ăn hột vịt lộn thì phải ăn với rau răm ? Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Loại rau này nổi tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy”. Từ xa xưa nhiều người còn truyền miệng nhau rằng, các nhà tu hành trong các nhà chùa thường sử dụng rau răm để giảm bớt ham muốn đời thường. Nó thường được dùng ăn kèm với trứng vịt lộn. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Rau răm có vị cay ấm, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tì vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cầm tả lị. Bản thảo cương mục nói : rau răm trừ độc trong tôm cá. Nó còn trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa). Các sách về sau còn dùng rau răm để trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt, điều hoà kinh nguyệt. Người có thai cấm dùng vì có thể sẩy thai. Người dân Cam-pu-chia cũng dùng rau răm làm gia vị, ngoài ra còn dùng để lợi tiểu, hạ sốt, chống nôn, …
Ăn rau răm nhiều sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tuỷ, suy yếu tình dục. Phụ nữ những ngày thấy tháng (kinh nguyệt) không nên ăn rau răm dễ bị rong huyết.
Tuy rau răm không độc nhưng nếu dùng rau răm thường xuyên, dung lượng rau răm nhiều sẽ làm giảm tình dục, giảm ham muốn cả đàn ông lẫn đàn bà, kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, phụ nữ có thể trở nên vô kinh (mất chu kì kinh nguyệt).
Do vậy, sử dụng rau răm để tránh những cơn bốc dương, an tâm tu hành để đắc đạo là chuyện có thật diễn ra từ lâu trong đời sống nhà chùa.

Việc ăn trứng vịt lộn với rau răm không rõ bắt nguồn từ đâu, từ bao giờ nhưng theo truyền miệng trong dân gian. Mỗi khi ăn hột vịt lộn, chắc chắn bạn phải có rau răm làm gia vị cùng với mấy lát gừng và muối tiêu. Vì ăn trứng vịt lộn cường dương nên phải ăn kèm rau răm vì rau răm giảm bớt ham muốn tình dục do trứng vịt lộn gây nên. Thật ra rau thơm này phải chịu tiếng là kẻ thù của “chuyện ấy” nhưng đây chỉ là truyền miệng, chưa được xác minh.
Theo Đông y thì điều này là sự cân bằng Âm - Dương của thiên nhiên, tạo ra những món ăn hoàn hảo. Đồng thời hột vịt lộn thì tính hàn và đại bổ dưỡng nên ăn với rau răm gừng và tiêu làm cho thức ăn ấm lại, chống được hậu quả lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hoá.
Thế nên các ông ăn hột vịt lộn nhớ kèm rau răm, nhưng chỉ vài lá cho thêm ngon miệng, chớ nên ăn nhiều quá trở thành phản tác dụng, chơi mấy quả vịt lộn liền sao vẫn thấy bèo nhèo.

Có lần mấy ông bạn tui cãi nhau về chuyện ăn hột vịt lộn lúc nào là tốt nhất. Ông thì bảo đã bổ thì ăn lúc nào chả bổ, ông thì bảo ăn buổi sáng tốt, ông khác lại cho ăn buổi tối mới tốt. Ngồi uống bia với hột vịt lộn mà, nên cãi nhau om xòm. Tìm hiểu thì câu trả lời sẽ là : ăn buổi sáng là tốt nhất. Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng là tốt nhất, đặc biệt là từ 10 - 12 giờ, bởi nguồn năng lượng từ trứng rất thích hợp để tăng cường hoạt động thể chất, cũng như tinh thần của chúng ta trong một ngày dài. Tránh ăn vào buổi tối vì đây là món ăn khó tiêu, nếu ăn trứng vào buổi tối xong, khi đi ngủ sẽ bị khó chịu, đôi khi dẫn tới đầy hơi, không tiêu hoá được. Thế là hết cãi. Thế nhưng lại chuyển hướng là ăn bao nhiêu thì đúng, bởi hột vịt lộn thuộc loại khó tiêu, ăn nhiều trướng bụng. Câu trả lời có ngay đây :
- Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hoá chưa hoàn thiện, dễ sình bụng, tiêu chảy, …Các bà mẹ nên lưu tâm điều này.
- Trẻ 5 - 12 tuổi chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn mỗi ngày (1/2 quả trứng vịt lộn tương đương 4 - 5 trứng cút lộn). Mỗi tuần ăn 1 - 2 quả, và cũng chỉ ăn 15 ngày liền/đợt.
- Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn có thể dùng 1 - 2 quả trứng vịt lộn/ngày.

Hột vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, điều đó ai cũng biết. Thế nhưng không phải ai ăn cũng tốt. Có một số người không nên ăn hột vịt lộn. Đó là : Những người có bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch, gút, … cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều trứng vịt lộn vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Đối với các bà bầu, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai phát triển. Tuy nhiên, nếu sử dụng trứng vịt lộn cũng chỉ nên 2 quả/tuần và ăn vào bữa sáng để tránh đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, trứng lộn khi ăn thường được bày kèm rau răm, bà bầu nên tránh loại rau này để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Bác sĩ cho biết thêm : “Trẻ nhỏ cũng là nhóm đối tượng nên hạn chế món ăn này để tránh bị khó tiêu, đầy bụng dẫn đến dễ bỏ bữa chính. Nên cho bé sử dụng trứng tươi thay vì trứng lộn để có thể tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Trứng vịt khi phôi thành hình : rửa sạch trứng, luộc lên, để sôi kĩ 8 phút, tắt bếp và để nguyên đó 20 phút, rồi mới lấy ra, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng. Tuy nhiên, đất Việt rộng chẳng bao nhiêu nhưng cách ăn uống nhiều khi lại khác nhau lạ lùng. Ví dụ như ăn hột vịt lộn. Ba miền Bắc, Trung, Nam cách ăn và gia vị khác nhau. Thể hiện văn hoá vùng miền khác nhau.

Người Hà Nội thường ăn hột vịt lộn vào buổi sáng, trong khi người miền Nam nói chung ăn hột vịt lộn vào buổi tối sau khi ăn cơm. Người Hà Nội bóc, bỏ hết vỏ quả trứng cho ra đĩa hoặc bát nhỏ, rồi dùng thìa nhỏ sắn miếng ở đầu nào, chỗ nào cũng được để ăn và có thể sắn miếng to, miếng nhỏ tuỳ ý, ăn nhanh, ăn chậm tuỳ ý, nhưng có lẽ nếu ăn chậm quá thì trứng sẽ nguội, vịt lộn sẽ tanh, nên cách ăn này phù hợp với cách ăn nhanh, uống nhanh của người miền Bắc. Còn người ở trong Nam thì để quả trứng lên một li nhỏ, dựng đứng quả trứng lên và bóc một tí đầu vỏ phía kia rồi dùng một thìa nhỏ ăn múc trứng dần, cách đó làm người ăn trứng không ăn nhanh được, phải sắn từng thìa nhỏ ăn dần từ trên xuống dưới. Nó thể hiện phù hợp với phong cách ăn chơi buổi tối, ăn kiểu nhậu, lai rai, hột vịt vẫn ở trong vỏ vẫn được giữ nóng. Ở Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những nơi khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những chất cay và nóng như rau răm, ớt hiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Ở Phan Thiết, ngoài các gia vị thông thường,người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của Hà Nội và miền Nam.

Hột vịt lộn là một loại thực phẩm kích thích, tăng cường dương lực rất mạnh, nếu nói về khoa học : ăn chất bổ vào buổi tối sẽ dễ béo phì, nhưng mặt khác nếu ăn trứng vịt lộn giúp tăng cường dương thì ăn trứng vịt lộn vào buổi tối là rất phù hợp cho viêc gần gũi nam, nữ. Đời tréo ngoe vậy đấy. Ăn sáng thì tốt nhưng ai lại gần được vợ buổi sáng, nên chơi hột vịt lộn buổi tối chịu một chút béo phì mà thuận lợi chuyện kia hơn.

Thế nhưng, mới đây các chuyên gia dinh dưỡng lại tuyên bố gây sốc. Họ cho rằng : Trứng là một hệ thống gần như khép kín nên một quả trứng tươi và một quả trứng vịt lộn sẽ tương đồng về tỉ lệ các nguyên tố, sự khác biệt ở đây là biến đổi cấu trúc của các đại phân tử. Nhiều người thường có quan niệm cho rằng trứng vịt lộn có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà hoặc trứng vịt thường. Tuy nhiên, xét trên một quả trứng thì giữa chúng chênh lệch nhau không đáng kể, xét tổng thể thì chúng có cùng giá trị dinh dưỡng. Nói thế thì trớt quớt, thôi thì ăn cho ngon cũng đã là sướng rồi.

Ở Châu Á, ngoài Việt Nam ra, Philippines là đất nước khoái ăn hột vịt lộn nhất. Nó có tên gọi là Balut, món ăn vặt này rất phổ biến ở Philippines nhưng không ăn kèm với rau răm và gừng như trứng vịt lộn ở Việt Nam. Một điểm khác biệt là balut của Philippines trứng non hơn ở Việt Nam một chút. Thông thường trứng vịt ở Philippines được ấp tối đa khoảng 17 ngày, còn trứng vịt ở Việt Nam được ấp từ 17 đến 19 ngày.
Đây cũng là lí do tại sao người Philippines gọi trứng vịt lộn là Balut, lấy từ cụm “Balut sa puti”, nghĩa là “được bọc trong màu trắng”. Trứng khi đó còn non, vịt chưa phát triển mỏ, lông và móng, còn xương thì đang manh nha. Người Philippines thường ăn trứng vịt lộn kèm với muối trắng, hoặc dấm pha tỏi, ớt và hành tây. Họ ăn bằng cách khéo léo đập dập và bóc phần đầu của trứng bằng một chiếc thìa nhỏ, sau đó húp nước còn ấm nóng rồi lách thìa vào bên trong để xúc trứng ra. Ngoài cách luộc đơn thuần, người Philippines còn cải biến món trứng vịt lộn bằng cách kho, rán cùng trứng, hoặc làm nhân bánh.

Một trong những nơi nổi tiếng nhất vì món Balut là Pateros, một thành phố nhỏ ở Metro Manila. Nhiều người nói rằng món trứng vịt lộn ở đây ngon nhất thế giới. Người dân ở thành phố bắt đầu chế biến món trứng vịt lộn từ nhiều năm nay, với kĩ thuật nấu được truyền từ đời này qua đời khác.
Món ăn này còn được người Philippines mang đi phổ biến ở New York. Cuộc thi ăn trứng vịt lộn nhanh thường niên lần thứ 3 vừa được tổ chức tại New York hồi tháng 9 tại hội chợ đường phố Hester. Người thắng cuộc là người ăn số trứng nhiều nhất trong vòng 5 phút. Giành vị trí á quân, người đàn ông 61 tuổi đến từ Manila có tên là Thomas Canaria cho biết, ông cảm thấy rất nóng ruột sau khi ăn hết 35 quả trứng vịt lộn. Trong khi đó, quán quân Wayne Algenio lần thứ 3 giành chức vô địch với kỉ lục mới là 40 quả trứng.
Trứng vịt lộn là món ăn phổ biến không chỉ ở Việt Nam, Philippines, mà còn cả ở Căm-pu-chia và Lào.

Tui dân nhà quê đã sống gần nửa thế kỉ ở Nam Bộ nên chỉ thích ăn hột vịt lộn vào buổi chiều tối. Ghé một quán vỉa hè, ngồi trên cái ghế nhựa xiêu xiêu, gọi một cái hột vịt lộn ấp mề, tức là trứng chưa già ngày. Lấy cái muỗng gõ vào đầu lớn trứng, bẻ mấy miếng vỏ, đưa lên miệng húp chút nước từ trong trứng, ngon làm sao, khoái làm sao, cứ ngỡ như nước sâm. Thế rồi dùng cái muỗng nhỏ xíu ấy múc một miếng, chấm chút muối tiêu đã vắt thêm chút tắc, đưa vào miệng. Ôi chao ôi! Beo béo, thơm thơm, bùi bùi có cảm giác như ăn trứng mà không phải là trứng, ăn con vịt mà không phải là vịt. Hai cái tâm lí ấy đẩy miếng ngon vào mồm, ngắt một cánh lá rau răm, nhai cho kĩ để tận hưởng cho hết cái ngon của miếng hột vịt lộn, của con vịt vừa mới tượng hình. Tui thích trứng non nên nhiều khi miếng thịt chỉ là bé tí, nhưng cái béo cái ngon cũng đủ đầy. Cuối cùng của cái trứng luôn là một cục trắng có dáng như viên sỏi đẹp trắng có gân đen. Nếu trứng già thì cái này nên bỏ đi vì cứng và xảm lắm. Nhưng với trứng non thì nhai nó mềm mềm, bùi bùi cũng đã. Trước đây, chiều chiều khi công chức bãi sở, nhiều người ngồi vào quán nhắm la-de với hột vịt lộn. Đó là một lối tiêu khiển của giới công chức trung lưu thời ấy. Cũng là một buổi chiều thú vị sau một ngày làm việc.
Trước đây chỉ có món hột vịt lộn luộc. Bây giờ thêm biết bao nhiêu món từ hột vịt lộn như : Hột vịt lộn um bầu, Trứng Vịt Lộn Chiên Giòn, Hột Vịt Lộn Xào Me, Vịt lộn Bọc Mộc Chiên Giòn, Trứng Vịt Lộn Hầm Rau Ngải Cứu, Trứng Vịt Lộn Xào Me Tươi, ...

Ngày xưa xưa lắc lơ, có nhiều người bán hột vịt lộn đêm, tiếng rao buồn của họ vang lên trong khuya vắng. Chỉ cần thúng trấu đựng trứng, mớ rau răm, lọ muối tiêu, tay cầm cây đèn dầu hột vịt, họ đi từ đầu ngõ đến cuối xóm, đem đến cho khách thèm ăn nửa đêm cái khoan khoái lạ lùng. Tiếng rao hột vịt lộn đêm không còn nữa, đành ra quán vỉa hè nhìn ngắm người đi và xơi vài cái rồi về tìm giấc ngủ. Đã tới tuổi chẳng còn cần hột vịt lộn làm tăng dương lực, lại thêm mỡ máu, gout, nhưng ăn nó vì vị ngon và cũng nhớ những hột vịt lộn được ăn ké nửa đêm với ba mạ, những người giờ đang ở trên trời.


Đỗ Duy Ngọc
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 99
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.543 seconds.