Người gởi |
Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 23/Oct/2021 lúc 3:58pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 25/Oct/2021 lúc 8:15am |
Cách đây hơn sáu chục năm, sáng
sáng ở vỉa hè sát tường rào khúc Hai Bà Trưng với Phan Thanh Giản bên hông một
biệt thự cổ có một người dựa chiếc xe, lúc đầu là xe đạp cổ lổ sau đó là chiếc
Mobylette xanh có chiếc thúng tre đằng sau bán bánh mì chả. Người ta gọi là
Bánh mì Cụ Lý.
Gọi là Cụ thế thôi chứ ông này
lúc đấy chỉ trạc tứ tuần, giọng Bắc Kỳ đặc sệt, đầu chải bri dăng tin láng mướt,
vuốt ra đàng sau để lộ một khuôn mặt lúc nào cũng đo đỏ như người uống rượu với
chiếc mũi khá to với mấy sợi râu lún phún. Nhìn ông ta chợt nhớ đến khuôn mặt của
nhân vật biếm họa Lý Toét đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự Lực văn đoàn. Hay
là vì cái sự giống nhau này mà người ta gọi ông là Cụ Lý chăng? Bánh mì Cụ Lý ngon mà giá bình
dân. Chả đủ loại: chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ. Chả nóng hổi, phảng phất
mùi hương của thì là. Chả của Cụ Lý không cắt lát như những xe bánh mì khác mà cụ
cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt lót lá chuối xanh dờn.
Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào,
cụ cắt không ngơi tay, khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn
chơi. Xẻ ổ bánh mì, hồi trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng
phau chứ không như bánh mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm
hành tây, rắc chút muối tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là
xong một ổ bánh, không pa tê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau,
lần lượt.
Cầm ổ bánh mì nóng, chả tràn
trề, cắn một miếng, ngon nhức xương. Khách thường đứng ăn tại chỗ, cũng có khách
mang đi. Cụ Lý đứng bán từ 6:00 đến gần trưa thì hết. Cứ hơn tiếng đồng hồ lại
có xe chở giỏ lớn bánh đến giao cho cụ, cụ chỉ một mình làm liền tay. Chủ nhật,
lễ Tết cụ nghỉ bán như công chức đi làm việc vậy.
Chả của cụ Lý không hàn the,
không hoá chất lại được làm thịt tươi nêm nếm với nước mắm ngon nên nó có một vị
đặc biệt mà những cửa hàng chả khác không có, lại bán giá bình dân nên khách nối
đuôi nhau là chuyện dễ hiểu. Bởi là món ăn bình dân nên khách thường là công chức
hạng thấp, nhiều nhất là giới sinh viên học sinh.
Thời đấy, hầu như sinh
viên Sài Gòn ai cũng từng ăn qua vài lần bánh mì Cụ Lý. Và cũng từ đó, chiếc bánh
mì nho nhỏ đầy chả ấy đã trở thành ký ức của một thời. Những món chả của Cụ Lý
là đặc sản của xứ Bắc, di cư vào Nam, người Bắc mang theo để rồi trở thành một
món ăn phổ biến rộng rãi ở miền Nam.
Người Bắc ăn miếng chả để nhớ
quê, người Nam cắn miếng chả để hưởng thêm một món ăn đầy hương vị. Cụ Lý trở
thành người đem miếng ngon xứ Bắc vào cho người Nam kỳ thưởng thức hàng ngày với
giá thật bình dân, ai cũng ăn được, ai cũng mua được.
Biến cố 4.75. Sài Gòn thay đổi.
Bo bo, gạo hẩm, bột mì, khoai sắn thế cơm, thay gạo. Hàng ngày, Cụ Lý cũng vẫn
tựa chiếc xe mang theo cái thúng chả và bánh mì ở đằng sau.
Nhưng ổ bánh mì không còn như
xưa, ruột nó đen, vỏ nó tái. Miếng chả cũng kém đi hương vị cũ. Và chủ yếu là cả
nước nghèo, cả Sài Gòn đói nên bánh mì của cụ lại trở thành món ăn xa xỉ, khách
cũng vơi bớt nhiều.
Mấy năm sau, có lẽ tuổi cũng đã
già, cụ Lý giao thúng bánh lại cho con, chiếc xe cũ không thấy nữa chỉ thấy sáng
sáng chàng thanh niên nói giọng Nam đặc sệt chạy chiếc Honda vào trong hẻm gần
đấy, ngồi với quán cà phê và tiếp tục công việc của Cụ Lý ngày xưa, lại cắt cắt,
nhồi nhồi, nhét nhét những cục chả để cho ra những ổ bánh mì cụ Lý.
Rồi cuộc sống lại khá lên, khách
lại đông như xưa, thúng bánh chỉ đên 9:00 là vơi, ai đến trễ đành hẹn ngày mai
vậy. Quán cà phê hẻm dẹp tiệm, chắc là đội trật tự giao thông không cho lấn chiếm
hẻm, thúng bánh Cụ Lý lại giạt ra vỉa hè Hai Bà Trưng, sáng sáng lại thấy nhóm
người chen nhau mua bánh, người bán chẳng ngơi tay.
Vẫn chiếc thúng, vẫn những
miếng chả to nóng hổi bỏ ngổn ngang trên mẹt tre bây giờ lót tấm nhựa xanh xanh
và những lát hành tây, bánh mì cụ Lý tiếp tục tồn tại hàng ngày giữa phố Sài Gòn
biết bao đổi thay.
Cụ Lý có lẽ chẳng còn sống
nhưng những chiếc bánh mì của cụ mãi là ký ức và kỷ niệm của nhiều người Sài Gòn,
nhất là những chàng trai mới vào đời, mới bước vào giảng đường đại học thập niên
sáu bảy mươi của thế kỷ trước, thời bánh mì Cụ Lý nức tiếng.
Thế hệ đó giờ đã qua tuổi bảy
mươi, không thường ăn bánh mì Cụ Lý nữa, nhưng nhiều khi nhớ lại, lòng cũng
rưng rưng nhớ lại một thời, một thời đã đi qua không trở lại.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Oct/2021 lúc 1:30pm
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 29/Oct/2021 lúc 1:25pm |
Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 29/Oct/2021 lúc 1:28pm
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 01/Nov/2021 lúc 11:38am |
Bột ngọt được FDA công nhận là an toàn. Ảnh Shutterstock
Bài
viết của chuyên gia ẩm thực Aaron Hutcherson trên The Washington Post
đánh giá bột ngọt là một gia vị “hữu ích nhưng chịu nhiều bất công”. Không
chỉ tại Việt Nam, bột ngọt cũng là gia vị phổ biến trong ẩm thực của
nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... và cả các nước
châu Âu. Tuy nhiên, một số người vẫn ngần ngại, thậm chí e sợ sử dụng
gia vị này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tin đồn bột ngọt gây đau đầu,
chóng mặt, buồn nôn... The
Washington Post (TWP) - nhật báo uy tín hàng đầu tại Mỹ hôm 27/8 đã
xuất bản bài viết lí giải tin đồn không xác thực này. Bài viết mang tiêu
đề "Why you shouldn’t fear MSG, an unfairly maligned and worthwhile
seasoning" (tạm dịch Tại sao bạn không cần e ngại bột ngọt, một gia vị hữu ích nhưng chịu nhiều bất công?) TWP
cho biết, bột ngọt là monosodium glutamate (MSG), là gia vị đã xuất
hiện phổ biến hơn một thế kỷ nay. Bột ngọt do giáo sư hóa sinh người
Nhật Bản tên là Kikunae Ikeda phát minh vào năm 1908. Trong một lần
thưởng thức nước dùng dashi nấu từ tảo bẹ kombu, bằng cảm nhận vị giác
tinh tế, giáo sư Ikeda nhận thấy có một vị đặc biệt, khác với bốn vị cơ
bản đã được biết đến là ngọt, chua, mặn và đắng. Giáo sư Kikunae Ikeda, người phát minh ra bột ngọt. Ảnh Ajinomoto
Qua
nghiên cứu, giáo sư Ikeda xác định chính axit amin glutamate đã tạo nên
vị đặc biệt này và ông đặt tên là vị umami (nghĩa là vị ngon, vị ngọt
thịt). Sau đó, giáo sư Ikeda đã trích ly thành công glutamate từ tảo bẹ,
kết hợp với natri để tạo thành bột ngọt, đưa đến sự ra đời của Tập đoàn
Ajinomoto vào năm 1909. Sự
phổ biến của bột ngọt tại Mỹ bắt đầu từ Thế chiến thứ II. "Quân đội đã
phát hiện bột ngọt chính là giải pháp cải thiện khẩu phần ăn kém hương
vị của binh lính. Khi chiến tranh kết thúc, họ trở về nhà và tiến hành
công nghiệp hóa sản xuất thực phẩm" nhà báo Natasha Geiling viết trên
tạp chí Smithsonian. Tại Mỹ, bạn có thể tìm thấy bột ngọt dưới dạng gia
vị tăng cường hương vị Ac'cent trong nhiều cửa hàng tạp hóa. Lý giải hội chứng "nhà hàng Trung Quốc" Tin
đồn về hội chứng nhà hàng Trung Quốc bắt nguồn từ năm 1968, khi Robert
Ho Man Kwok - một nhà nghiên cứu lâu năm tại Quỹ Nghiên cứu Y sinh Quốc
gia Mỹ viết một lá thư gửi cho Tạp chí Y học New England để mô tả cảm
giác tê bì, mỏi mệt và tim đập nhanh kéo dài khoảng hai giờ sau khi ăn
tại các nhà hàng Trung Quốc. Kwok đưa ra một số nguyên nhân giả định là
do nước tương, rượu, hàm lượng natri cao và cả bột ngọt. Thuật
ngữ "hội chứng Nhà hàng Trung Quốc" thậm chí còn được đưa vào từ điển,
nhưng năm 2020, thuật ngữ này đã được từ điển chỉnh sửa bởi bản chất "dễ
gây hiểu lầm và tranh cãi" của nó. Hiện nay, nghiên cứu khoa học theo
đúng mô hình khuyến nghị của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)
đã cho thấy bột ngọt không phải là nguyên nhân của hiện tượng mà Robert
Ho Man Kwok mô tả. TWP
cho biết, FDA và các cơ quan có chức năng quản lý khác đã khẳng định
bột ngọt là gia vị được công nhận là an toàn (Generally Recognized As
Safe - GRAS)". Bột ngọt cũng nằm trong danh mục các phụ gia thực phẩm
được phép sử dụng của FDA. Tổ chức Giáo dục về Nghiên cứu Dị ứng thực
phẩm cũng đã xác nhận bột ngọt không được coi là chất gây dị ứng. "Mặc
dù nhiều người tự nhận mình nhạy cảm với bột ngọt, nhưng trong các
nghiên cứu có sự tham gia của họ với bột ngọt hoặc giả dược, các nhà
khoa học đã không thể quan sát thấy phản ứng (nhạy cảm) này một cách
nhất quán", một tài liệu của FDA cho biết. Ngoài
ra, FDA khẳng định: glutamate trong bột ngọt có cấu trúc hóa học giống
với glutamate có trong protein của thực phẩm. Cơ thể chúng ta chuyển hóa
hoàn toàn cả hai nguồn glutamate này theo cùng một cách. Bột ngọt trong ẩm thực và dinh dưỡng Bột
ngọt có vị umami, cùng tầng với hương vị của món nấm xào, pho mát
Parmesan lâu năm. Khi được nêm vào thực phẩm, bột ngọt làm cho hương vị,
đặc biệt vị mặn và vị chua của thực phẩm trở nên nổi bật. Andrew Chiou -
đầu bếp cũng là người đồng sở hữu nhà hàng Lucky Danger ở thủ đô
Washington (Mỹ) cho biết: "Trong một số trường hợp, ta thấy nước xốt
ngon rồi. Nhưng chỉ cần thêm một chút xíu bột ngọt, ta sẽ thấy nước xốt
còn có thể ngon hơn thế nữa". Bên
cạnh đó, bột ngọt giúp mang đến vị umami trong bếp một cách nhạy bén và
tiện lợi. Mặc dù bạn cũng có thể gia tăng vị umami thông qua các loại
thực phẩm chứa glutamate khác, nhưng đôi khi bạn không muốn hương vị
hoặc kết cấu của những thực phẩm đó bị ảnh hưởng. Có những lúc, nêm bột
ngọt có thể thích hợp hơn cá cơm. Bột ngọt giúp điều chỉnh hương vị của
món ăn một cách chính xác hơn. Bột ngọt mang đến vị ngon cho mọi món ăn nhờ khả năng tăng cường umami . Ảnh: Shutterstock
Điểm
cộng quan trọng là bột ngọt còn có lợi ích về mặt dinh dưỡng. Tại Mỹ,
9/10 người tiêu thụ quá nhiều natri, trong khi đó bột ngọt có thể giúp
giảm lượng natri ăn vào. Một muỗng cà phê muối có đến 1.760 mg natri
nhưng cùng một lượng đó trong bột ngọt chỉ có 500 mg natri. Các nghiên
cứu đã chỉ ra rằng thay thế một phần muối trong các món ăn bằng bột ngọt
có thể làm giảm nồng độ natri mà không ảnh hưởng đến vị của món ăn.
Nhiều cơ quan tổ chức khuyên nên áp dụng tỉ lệ muối và bột ngọt từ 10:1
đến 1:1 trong bữa ăn hàng ngày để giảm lượng natri ăn vào. "Đó là một kỹ
thuật hoàn toàn khả thi để giảm natri trong khi vẫn giữ được hương vị
của món ăn", nhà dinh dưỡng tiết chế Ellie Krieger cho biết.
Phương Ngân nexpress.net/the-washington-post-giai-oan-cho-bot-ngot-4364663.html
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 01/Nov/2021 lúc 11:55am
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 03/Nov/2021 lúc 8:15am |
9 quán xôi ngon và độc đáo nhất của Sài Gòn
Nhắc
đến xôi, người Sài Gòn nghĩ ngay đến xe xôi cade siêu chảnh trên đường
Trần Phú, món thịt ướp muối tỏi của xôi Tám Cẩu hay hàng trăm món xôi
của xôi chè Bùi Thị Xuân.
Xôi cade trên đường Trần Phú, xôi siêu chảnh: Xe
xôi cade nức tiếng của Sài Gòn là một xe xôi nhỏ đậu trước tiệm Giai Ký
trên đường Trần Phú. Điểm đặc biệt là xe xôi này chỉ bán từ 20h hàng
ngày và có thể nghỉ bán bất kỳ lúc nào mà không thông báo. Khiến nhiều
người đến cả chục lần mới được diện kiến ông chủ cũng như thưởng thức
món xôi “ngon hơn mọi chỗ” này.
Xôi
tại đây không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt với miếng lá chuối xanh
óng, cách gói có nghề và cây tăm hai tác dụng: vừa ghim cố định gói lá
chuối, vừa xỉa răng. Địa chỉ: 451 Trần Phú, P. 7, Quận 5, TP. HCM
Xôi Tám Cẩu: Xe
xôi-bánh mì Tám Cẩu toạ lạc ngay góc ngã tư Cao Thắng – Điện Biên Phủ.
Đây lại là một trong những điểm bán xôi được yêu thích nhất của Sài Gòn.
Quán
thu hút thực khách với những hạt xôi dẻo mềm, thơm chắc. Đặc sắc nhất
là những lát thịt luộc ướp muối tỏi. Được ướp và chế biến khá kỳ công
theo công thức riêng, món thịt này tại đây khiến bạn không thể quên nếu
lỡ “thử” một lần. Ảnh: Tin89
Xôi chè Bùi Thị Xuân: Ra
đời từ năm 1977, xôi chè Bùi Thị Xuân là thương hiệu quen thuộc của
người Sài Thành. Xôi ở đây có giá khá mềm, từ 10.000 – 25.000 đồng. Các
món xôi cũng được mở rộng như xôi phá lấu, xôi trộn, xôi tôm chiên bột…Ảnh: quán cung cấp
Mỗi
loại có một điểm nhấn riêng phù hợp với sở thích, thị hiếu của từng
nhóm đối tượng nhưng đều luôn nóng, mềm và có độ dẻo nhất định. Ngoài
xôi, đến quán, bạn đừng bỏ qua các món chè hay quà vặt hấp dẫn khác. Địa chỉ: 111 Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão , Quận 1, TP. HCM.
Ảnh: quán cung cấp
Xôi Gà Bà Chiểu: Xôi
gà Bà Chiểu nức tiếng là một hàng xôi nằm trên đường Nguyễn Hữu Nghĩa
phía sau chợ. Xôi ở đây ngoài được đánh giá cao về độ dẻo của nếp, hương
thơm của món gà chiên giòn hay xá xíu chính là điều tạo nên tên tuổi
của quán. Xôi dẻo, thịt gà chiên dai chắc, tí giăm bông, mỡ hành và một
ít tương ớt sẽ khiến cơn đói của bạn hoàn toàn được xoa dịu.
Địa chỉ: Từ ngã 4 đường Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa đi thẳng đường Bùi Hữu Nghĩa về hướng Chợ Bà Chiểu khoảng 30m.
Xôi Đen Thập Cẩm đường Nguyễn Trãi: Chỉ
là một xe đẩy nhỏ trên đường Nguyễn Trãi song hàng xôi này cũng kịp níu
chân bất kỳ thực khách nào vô tình dừng lại. Chiếc xe đẩy này có nhiều
loại xôi khác nhau, song được đánh giá cao nhất là xôi đen thập cẩm. Món
này gồm xôi đen trộn chung với nước tương, hắc xì dầu và một số nguyên
liệu khác. Ăn cùng với gà xé và củ cải trắng ngâm chua. Địa chỉ: 552 Nguyễn Trãi, P. 8, Q. 5, TP. HCM. Ảnh: dididi
Xôi Nhung: Với
hai dòng xôi và 9 món ăn kèm, xôi Nhung giới thiệu đến thực khách Sài
Gòn gần 20 món xôi với hương vị và cách bài trí khác nhau. Được yêu
thích nhất tại quán là món xôi gà hấp lạ miệng, gà xào nấm đậm đà hay
xôi trứng kho thịt béo mềm. Ngoài ra, quán cũng có bún dọc mùng và miến
gà cho những ai hảo món nóng. Địa chỉ: 301 Đặng Văn Ngữ, P.15, Q. Phú Nhuận. Ảnh: Zen Nguyễn
Xôi Mít Sì Gòn: Sự
kết hợp độc đáo giữa vị béo, dẻo của xôi, thơm, dai, giòn của mít mang
đến cho thực khách một trải nghiệm độc lạ và ngon miệng. Cách chế biến
món ăn này khá đơn giản. Nếp ngâm qua đêm, đồ chín, để nguội, trộn với
dừa nạo. Mít chọn những múi lớn, tách bỏ hạt, cho xôi đã trộn dừa vào
bên trong. Địa chỉ: 187/5/6 Cô Giang, Q. 1, TP. HCM. Ảnh: Ngọc Linh
Xôi Bình Tiên: Bình
Tiên là hàng xôi nổi tiếng ở quận 6. Xôi ở đây có hai điểm cộng là giá
khá rẻ (10.000 đồng/phần) và phục vụ nhanh (do gói sẵn). Bù lại, phần
nhân hơi ít, ai thích “thịt thà” hay đang ăn kiêng sẽ không “đẹp ý hài
lòng”. Địa chỉ: 88 Minh Phụng, P. 5, Q. 6, TP. HCM.
Trop B: Toạ
lạc trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh khai, Trop B là
điểm đến yêu thích của giới trẻ và dân ghiền xôi. Quán có nhiều loại xôi
khác nhau, song thế mạnh lại là những món kem xôi với hương, vị, tông
màu nổi bật và thu hút. Yogurt xôi và xôi đá cũng là hai món bạn nên thử
khi ghé quán. Địa chỉ: 306/4 Nguyễn Thị Minh Khai, P. 5, Q. 3, TP. HCM.
Trong
danh sách món ngon Sài Gòn, không món nào phong phú như xôi. Chưa kể
đến xôi mặn, chỉ tính riêng xôi ngọt đã là một danh sách rất dài. Bên
cạnh những loại quen thuộc như xôi gấc, nếp cẩm, sầu riêng, đậu phộng,
đậu xanh, xôi bắp... Sài Gòn còn 6 loại xôi ngọt biến tấu từ xôi của
người Hoa, Thái, Campuchia... rất được yêu thích sau:
1. Xôi mít
Được
du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu nhưng xôi mít, có xuất xứ từ
Thái Lan đã trở thành món ăn yêu thích của giới trẻ hiện nay. Tuy là sự
kết hợp của các nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm nhưng xôi mít lại nhanh
chóng trở thành trào lưu nhờ lạ mắt, lạ miệng.
Để
gia giảm lượng tinh bột và tăng thêm hương vị cho món ăn, vốc xôi được
nấu với nước dừa tươi thơm, dẻo, ngọt tự nhiên sau đó cho vào múi mít
căng tròn, vàng ươm, thơm ngọt, thêm vào chút nước cốt dừa, dừa bào sợi,
đậu phộng rang giã nhỏ, muối, đường. Ngoài xôi trắng, để đáp ứng khẩu
vị đa dạng của thực khách, nhiều cửa hàng còn cho xôi lá cẩm, lá dứa,
gấc, thập cẩm… vào những múi mít vàng ươm.
Xôi
mít thường được bán online giao hàng tận nơi, hoặc bạn có thể ghé đến
Xôi mít Sì Gòn ở đường Cô Giang, quán Cơm nhà ở Đồng Khởi (Q.1), quán
xôi đối diện chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình (bán giấc chiều)…
2. Xôi kem dừa
Nhờ
hương vị lôi cuốn, cùng hình thức thưởng thức lạ miệng, xôi kem dừa
được các bạn trẻ rỉ tai và tìm đến thưởng thức ngày càng đông. Khi có
khách gọi món, trái dừa sẽ được chặt đôi dùng một nửa làm “cốc”, sau khi
nạo một lớp dừa non bên trong cốc, người ta cho thêm một ít xôi lá cẩm,
chút bắp Mỹ ngọt, cốt dừa, dừa rang, đậu phộng và một viên kem dừa ngọt
mát đủ cân bằng vị. Sau khi thưởng thức xong phần xôi kem dừa, mỗi thực
khách sẽ được tặng kèm một phần nước dừa xiêm ngọt mát.
Để
thưởng thức món này ở Sài Gòn, bạn có thể ghé đến quán Kem Xôi Dừa vỉa
hè tại số 103 Bùi Viện hoặc tại số 106 Lê Thị Riêng, Q.1. Thêm một địa
chỉ nữa được khá nhiều bạn trẻ nhớ đến khi nhắc đến kem xôi đó là Trop
B, một quán kem trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai với thực
đơn đa dạng các món kem xôi nếp, yogurt xôi, xôi đá, xôi xoài...
3. Xôi cadé
Vốc
xôi nhỏ, dẻo thơm hương nếp quyện với vị ca-dé, cốt dừa ngọt bùi đặc
trưng của ẩm thực Trung Hoa được gói khéo trong lớp lá chuối xanh um
ngay góc đường Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, Q.5 từ lâu đã là món ngon
được nhiều người Sài Gòn yêu thích.
Muốn
ăn món ngon này, những vị khách quen thường canh giấc từ 8h tối trở đi
cho chắc vì xe xôi bán khá trễ. Tuy giờ bán hơi “quái”, từ 8h tối về
khuya nhưng lúc nào chiếc xe đẩy nhỏ với món xôi cadé gia truyền, bán
thêm bánh da lợn, bánh khoai mì, cùng các loại rau câu lạ miệng cũng
nườm nượp khách.
4. Xôi vị
Không
chỉ được xem là thức ăn chơi quen thuộc, xôi vị, món ngon của vùng đất
Nam Bộ còn được dùng trong các bữa tiệc trang trọng như những dịp cưới
hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, đầy tháng... nhờ hình thức trình bày khá đẹp
mắt.
Để
có được mẻ xôi vị dẻo ngọt, mềm thơm vừa phải, dính chặt các phần với
nhau đòi hỏi người làm bánh không ít công sức. Khác với các loại xôi
ngọt khác, gia vị tạo hương đặc trưng cho xôi vị là đại hồi (tai vị).
Ngoài xôi vị xanh lá dứa “truyền thống”, để tăng phần hấp dẫn, người ta
thường sử dụng thêm các phụ liệu để tạo ra màu sắc và hương vị đặc biệt
cho xôi vị như: lá cẩm cho màu tím, gấc cho màu đỏ cam, thêm lớp đậu
xanh ở giữa, trên cùng rắc mè.
Muốn
ăn xôi vị bạn có thể ghé đến cửa hàng bánh mì Ngọc Xuyến 41 Trần Quốc
Toản, Q.3; cửa hàng bánh Mai Lan ngã 3 Trường Chinh, Đồng Đen, Tân Bình,
xe xôi hẻm 287 Nguyễn Đình Chiều (cùng chỗ với canh bún Nguyễn Đình
Chiểu)…
5. Xôi xiêm
Sài
Gòn có một khu chợ ở Lê Hồng Phong chuyên bán thực phẩm và các món ăn
Campuchia, mà nếu là dân ghiền xôi xiêm bạn chắc chắn đã từng ghé qua
thưởng thức. Xôi cũng được nấu với nước cốt dừa như những xôi khác, phần
đặc biệt chính là hỗn hợp nhân ăn kèm. gồm trứng, bột mì, nước dừa
tươi, đường thốt nốt đánh tan sau đó đem hấp.
Khi
ăn, người bán sẽ múc xôi ra đĩa, cho 1 phần nhân vàng thơm béo ngậy
lên, rưới thêm nước đường, sau đó chan nước cốt dừa lên. Vị béo của xôi
là sự tổng hòa nhiều hương vị quyến rũ, ăn rất ngon. Ngoài xôi xiêm, khi
đến khu chợ này, bạn có thể thưởng thức nhiều món ngọt Campuchia rất lạ
miệng như chè bí thưng, chè thốt nốt, chè hột me...
6. Xôi xoài
Cùng
với Som Tam, Pad Thái... xôi xoài luôn nằm trong danh sách 10 món ăn
phải nếm thử khi đến Thái Lan. Với hương vị rất đặc biệt, xôi xoài khi
du nhập về Việt Nam đã nhanh chóng trở thành món ăn yêu thích của nhiều
nơi, trong đó không thể thiếu thiên đường quà vặt Sài Gòn.
Tuy
trông khá đơn giản nhưng để có đĩa xôi xoài ngon đòi hỏi người bán
không ít dụng công. Xôi phải được nấu từ những hạt gạo nếp dài hạt cùng
nước cốt dừa sao cho thơm béo, mềm tơi nhưng không hề dính bết. Xoài cho
món xôi này cũng phải được lựa chọn khéo léo vừa chín tới vàng, ngọt,
săn thịt để tôn lên hương vị cho món xôi. Ngoài nước dừa tươi dùng để
nấu xôi, nước cốt dừa chan lên ăn kèm cũng là một thành phần không thể
thiếu.
Để thưởng thức xôi xoài, bạn có thể ghé khu chè Thái Nguyễn Tri Phương, Q.10 hoặc các nhà hàng bán món Thái.
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 10/Nov/2021 lúc 10:05am |
Kiến Thức xin giới thiệu những đặc sản nổi tiếng nhất của các địa phương từ Bắc vào Nam theo chiều dài đất nước hình chữ S.
Bánh canh Trảng Bàng- Tây Ninh: Bột bánh canh
được làm từ loại gạo ngon, ngâm kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay
nhuyễn và lọc lấy tinh bột, đem hấp chín để tạo thành những sợi bánh canh vừa
mềm, vừa dẻo lại trắng muốt.
Bánh cóng là một món ăn ở tỉnh Sóc Trăng, Việt
Nam, là đặc sản của người Khmer Nam bộ. Bánh không quá lớn cũng không quá nhỏ, trên
mặt bánh, một con tôm nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn. Bánh là hỗn hợp của
thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột… Mọi thứ hoà quyện
nhau tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh cống Sóc Trăng. Chả giò Sài Gòn, một cách làm mới lạ khác hẳn
với chả nem của miền Bắc. Chả giò Sài Gòn được làm chủ yếu từ thịt cá lóc kết
hợp với một chút thịt nạc băm trứng và thịt tôm.
Gỏi cuốn, một món ăn phổ biến ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ với độ
thơm ngon, bổ dưỡng, bắt mắt, đã được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập danh hiệu
"Thức ăn mang giá trị ẩm thực của khu vực". Gỏi cuốn bao gồm nhiều
thành phần: bánh tráng dẻo, tôm sú hoặc tôm đất, thịt ba chỉ, gia vị (tỏi,
muối, đường), bún tươi, giá sống, xà lách, rau thơm, hẹ lá. Bánh tráng là
nguyên liệu chính không thể thiếu.
Vịt nấu chao là một món ăn đặc trưng của Nam Bộ,
nhưng không đâu có nhiều và ngon như ở Cần Thơ. Món ăn này không phải là 'cao
lương mỹ vị' gì nhưng nó rất 'khoái khẩu' với mọi lớp người.
Bánh khọt- Bà Rịa - Vũng Tàu: Bánh khọt là loại
bánh Việt Nam làm từ bột gạo, có nhân tôm, được rán và ăn kèm với rau sống, ớt
tươi, chấm nước sốt mắm tôm
Bánh tằm bì - Bạc Liêu: Bánh tằm bì là món ăn
dân dã được nhiều người ưa thích tại miền Tây Nam bộ. Sợi bánh màu trắng đục,
bì giòn mềm, nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Tất hòa quyện vào nhau làm cho
món ăn dân dã này trở nên hấp dẫn.
Bánh bèo bì- Bình Dương: Cũng được làm từ bột
gạo, nhưng lại kết hợp với bì, các loại rau... món bánh bèo nổi tiếng của người
dân Bình Dương có nét riêng biệt.
Lẩu mắm U Minh- Cà Mau: Lẩu mắm, "bản giao
hưởng ẩm thực" với hương vị đậm đà chế biến từ cà tím, thịt ba rọi, cá hú,
cá lóc, mực, tôm, chả cá và các loại rau xanh.
Hủ tiếu Mỹ Tho là loại hủ tiếu do người Mỹ Tho
chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ,
lòng heo nấu cùng xương tủy heo. Sau đó nhúng sơ mì với nước dùng và cho các
nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Hủ tiếu Mỹ Tho có
thể được bán dạo bình dân, gọi là Hủ tiếu gõ.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 10/Nov/2021 lúc 10:08am
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 24/Nov/2021 lúc 11:38am |
BÀN TIỆC TẠ ƠN
Bàn tiệc bày xong mời anh ngồi xuống, Nâng ly với em Lễ Tạ Ơn này, Tạ ơn nhau khi tình cảm vơi đầy,
Khi nắm tay khi chia tay hờn dỗi.
Gà tây nướng lò thơm ngon mời gọi, Chia ra từng lát mỏng để cùng ăn, Tay cầm con dao nhưng em hiền lành, Em cắt gà Tây bằng con dao sắc. Bàn tay em biết nâng niu ước vọng, Không làm tổn thương làm tình anh đau, Bàn tay em chỉ là đóa hoa sầu,
Để làm nũng anh dỗ dành thương mến.
Ăn Gà Tây với khoai tây nghiền nhuyễn, Creamy Gravy vừa ý anh không ? Có khoai lang luộc em cắt từng khoanh, Có green bean hấp chín mềm ngon lắm..
Gà tây xong em mời anh bát súp, “Squash soup” cổ truyền lễ Tạ Ơn, Nhớ người xưa tìm được sự bình yên, Tạ Ơn Chúa, Tạ Ơn đời may mắn.
Anh mời lại em ly rượu sóng sánh, Uống thêm rượu cho bữa tiệc dài thêm, Món bánh pie này làm bằng pumpkin, Và bánh táo, cả hai đều ngon ngọt . Lễ Tạ Ơn vào cuối tháng Mười Một, Ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư, Vẫn còn đâu đây một chút mùa Thu,
Gió lành lạnh gió cuối mùa xao xuyến.
Buổi chiều đã tàn tình còn quyến luyến, Gió lạnh bên ngoài mình gần nhau hơn, Rượu vẫn đủ say, hoa qủa vẫn thơm,
Bàn tiệc Tạ Ơn chưa tàn anh nhé.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 24/Nov/2021 lúc 12:58pm
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 06/Dec/2021 lúc 2:39pm |
Hiếm có món ăn nào trùng tên nhưng lại
khác nhau về hình thức, cách chế biến, hương vị tại mỗi tỉnh thành như bánh
bèo.
Bánh bèo Hải Phòng có hình dạng khá giống bánh đúc và ăn
giống bánh giò nhưng cứng hơn. Bánh được chế biến từ bột gạo với nhân bánh là
hành phi, thịt lợn, mộc nhĩ, sau đó đổ vào khuôn lá chuối để hấp cách thuỷ. Sau
đó, tuỳ vào người ăn, hành phi được bỏ lên trên. Nước chấm là thành phần quan
trọng để thưởng thức bánh bèo Hải Phòng trọn vẹn. Thực khách tuỳ khẩu vị vắt
thêm quất, cho thêm ớt bột, hạt tiêu và rau thơm. Món ăn này thường được ăn kèm
với thịt viên và chả, giống như ăn bánh cuốn. Ảnh: Ngọc Ánh
Bánh bèo Nghệ An có hình dạng giống với bánh bột lọc xứ Huế, chỉ khác
nhau ở tên gọi. Bánh được làm từ bột lọc, cho nhân vào rồi vắt thành hình tròn
dẹt, gập đôi lại. Khi hấp chín, bánh trong vắt, nhìn rõ nhân tôm và thịt nạc
bên trong. Bánh bèo xứ Nghệ khi ăn thường rưới đẫm mắm chấm, rắc thêm hành khô
và ớt tươi để thưởng thức. Ảnh: @haknxjdf/Instagram
Một đĩa bánh bèo Quảng Bình gồm
những miếng bánh tròn mướt được xếp chồng lớp, sát nhau như lá bèo trên mặt
sông. Người ta cho rằng, cách bày trí cũng chính là nguồn gốc tên gọi của món
ăn này. Để làm bánh, ta cần hoà bột gạo với nước theo tỷ lệ chuẩn, cho vào
khuôn tròn dẹt, chín trong lửa vừa. Thành phẩm là miếng bánh có màu trắng mướt
mắt, sau đó, quết một lớp mỡ rồi bày bánh lên đĩa. Tôm chấy được xào trên chảo
đến khi có màu vàng ưng ý, được rắc lên trên bánh. Cuối cùng, tóp mỡ được cho
lên sau cùng. Tất cả hương vị quyện lại khiến món bánh thơm lừng, hấp dẫn. Ảnh:
@diem.jeansvnxk/Instagram
Bánh bèo chén là đặc sản mời khách đến thăm xứ Huế. Về
thành phần cũng như cách chế biến, bánh bèo Huế giống với bánh bèo Quảng Bình
nhưng cho vào chén, đúng theo phong cách "ăn hương ăn hoa" của người
cố đô. Trên mỗi chén sẽ rắc thêm tôm chấy, tóp mỡ và hành phi. Khi ăn, thực
khách ruới nước mắm cay ngọt lên trên, thưởng thức món bánh dẻo dai, béo bùi
nhưng lại không bị ngấy. Ảnh: Liz Phung
Bánh bèo Quảng Nam cũng được đựng trong những chén nhỏ như bánh bèo chén
Huế, tuy nhiên khác biệt với lớp bột thoảng hương lá dứa. Món bánh này được ăn
thiên về để no hơn là ăn vặt, do phần bột được đổ dày hơn khiến thực khách no
lâu. Phần tôm thay vì rắc lên như bánh bèo các tỉnh khác lại được nấu thành sốt
đặc sánh với bột năng, đậm mùi tỏi băm. Bánh chín khéo phải có xoáy ở giữa để đổ
sốt tôm lên trên. Khi ăn, thực khách chan nước mắm nguyên chất hoặc mắm dầm tỏi,
ớt xanh. Ảnh: @talithaeatsalot/Instagram
Bánh bèo lá dứa là một loại bánh ngọt, đặc sản của miền
Tây. Người dân sông nước thường ăn như món đồ ngọt ăn vặt trong ngày. Bánh thường
có nhân là đậu xanh hoặc không có nhân, khi ăn chan nước cốt dứa và rắc mè rang
lên bánh. Ngoài ra, bánh có thể ăn trực tiếp, chấm muối mè.
st.
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 16/Dec/2021 lúc 9:48am |
Quán "Ba Cô" Ngày Ấy
Nếu chúng ta có dịp về thăm quê nhà và may mắn được tìm về không gian
ngày tháng cũ thì đó là cơ hội rất tốt để nhớ lại chút kỷ niệm đã mất.
Tìm lại những món ăn ưa thích ngày xưa cũng là một điều thú vị khi nhớ
về kỷ niệm. Gần mười năm trước, trong lần về thọ tang thân mẫu, tôi đã
có hai lần đi ăn bánh canh Trảng Bàng ngay tại Sài Gòn để tìm lại hương
vị vẫn thích năm xưa, một tiệm gần ngã Bảy và một tiệm ở khu cư xá Phú
Mỹ Hưng gần Nhà Bè. Nhưng cả hai lần đều để lại sự thất vọng vì cái
hương vị ngọt ngào dân dã miền Đông thuở ấy đã không còn. Cũng may, một
chị chủ quán biết tôi thích tìm hương vị ẩm thực năm xưa nên mách
nước, muốn tìm hương vị cũ của bánh canh Trảng Bàng, phải tìm đến chính
địa danh sản xuất ra nó. Nghe chị nói có lý, tôi đã theo một chuyến du
lịch miền Đông để dừng lại Trảng Bàng và bài bút ký về món ăn dân giả
“Bánh Canh Trảng Bàng” đã được hình thành và đang gởi đến quý bạn.
Đối với dân sành ăn, nhất là với những người đã từng bị mê hoặc bởi
hương vị đặc biệt của bánh canh Trảng Bàng. Dù xa xôi cách trở bao
nhiêu, một khi đã ghé lại Sài Gòn, hoặc có dịp lang thang về các phố nhỏ
miền Đông như Tây Ninh, Long Hoa để thăm thắng cảnh núi Bà, Thánh Thất
Cao Đài. Xe của bạn sẽ đi ngang qua Trảng Bàng. Xin mời bạn cùng tôi
“lạc bước” vào đất Trảng Bàng để nghe lại những dòng thơ tuyệt tác viết
về Tha La xóm Đạo của thi sĩ Vũ Anh Khanh, tác giả bài thơ rất nổi
tiếng trong Văn học sử đất nước. Biết đâu được, một mùa nắng vàng hanh
nào đó, bạn bất chợt được dịp ngắm hoa gạo đỏ bay rưng rưng trong gió
như lời thơ của người xưa. Và đất Tha La Trảng Bàng đang thì thầm gọi
bạn,
Viễn khách ơi, hãy ngừng chân cho hỏi, Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng, Đây Tha La một xóm đạo ven rừng, Có trái ngọt, cây lành im bóng lá. Con đường đỏ, bụi phủ mờ gót lạ Ngày êm êm, lòng viễn khách bơ vơ Về chi đây, khách hỡi! Có ai chờ. Ai đưa đón. Xin thưa, tôi lạc bước…
Cũng nhân chuyến du lịch, bạn sẽ được thưởng thức hương vị món đặc
sản của địa phương Trảng Bàng: Bánh canh và bánh tráng phơi sương đã nổi
tiếng cả nước từ nhiều thập niên qua. Món ăn độc đáo và chỉ có duy nhất
nguồn gốc từ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Hôm nay nắng đẹp. Chúng ta đang dừng xe ở ngã tư Bảy Hiền, phía trước
là Quốc Lộ 22 (QL số 1 ngày xưa). Ở tít chân trời phía xa là xứ Chùa
Tháp Cao Miên. Năm mươi cây số nữa chúng ta sẽ đến Thị trấn Trảng Bàng
sau khi vượt qua Bảy Hiền, An Sương, Hóc Môn, Củ Chi. Chúng ta gọi Trảng
Bàng là xứ sở của bánh canh, bánh tráng. Đúng rồi thưa bạn. Nhưng không
phải tiệm ăn nào, quán ăn nào cũng ngon như nhau. Phải tìm đến đúng
nơi, đúng chỗ ngon nhất để thưởng thức mới đúng là thú vui ẩm thực.
Thường thì ở địa phương nào cũng có đặc sản của riêng mình mà nơi khác
dù có muốn cũng không dễ gì bắt chước được vì nó còn lệ thuộc vào nguyên
liệu, sinh thái, thổ nhưỡng của địa phương đó trước khi làm ra sản
phẩm.
Lấy một ví dụ nhỏ: Thành phố Đà Lạt lúc xưa có hàng trăm tiệm cà phê,
nhưng đâu có nơi nào nổi tiếng hơn cà phê Tùng, cà phê Thủy Tạ. Tại Sài
Gòn thập niên 60, 70 cũng vậy, có cả ngàn quán cà phê lớn nhỏ, nhưng
sao trong Văn học miền Nam, người ta chỉ thường xuyên đề cập đến cà phê
Năm Dưỡng, Duyên Anh, Văn Hoa, Gió Bắc, Hân... mà nhiều người dù đi xa
bao năm, lòng vẫn xao xuyến nhớ.
Nỗi nhớ về bánh canh Trảng Bàng cũng vậy. Có đi xa mới thấy nhớ. Nhớ
như nhớ người tình đất quê và thèm như tuổi thơ thèm được ăn chiếc bánh
ngọt mỗi lần Mẹ đi chợ về. Và bây giờ, chúng ta đang vào Trảng Bàng, một
thị trấn tuy nhỏ nhưng có hơn chục tiệm bánh canh để mình tha hồ chọn
lựa. Đa số các quán bánh canh tại đây đều nổi tiếng thơm ngon vì là
thương hiệu đặc sản địa phương. Nhưng nghe nói ngày xưa ở Trảng Bàng,
quán bánh canh ngon nhất và đông khách nhất là quán “Ba Cô”. Cái tên
nghe ngộ ngộ, vừa lạ vừa quen. Nhưng không sao. Tên càng lạ càng mang
cho thực khách thêm chút tò mò, chút tìm tòi và đôi lúc có chút thích
thú. Chúng ta đang ở ngay ngã tư của thị trấn Trảng Bàng. Xe
quẹo phải, chạy khoảng vài trăm mét, chúng ta sẽ thấy Quán Bánh Canh
Trảng Bàng ngay bên trái (Tên mới của quán Ba Cô năm xưa). Xe chưa vào
chỗ đậu, bỗng tôi nghe từ trong xe, giọng nói trầm ấm của một vị khách
trung niên.
“Ba mươi năm trước, tôi đã từng dạy học 10 năm tại thị trấn này. Lúc
đó, ăn bánh canh mỗi ngày như một thói quen nên ít nhớ. Bây giờ, sau bao
năm xa cách, có dịp về thăm chốn xưa, mới nghe chút mùi hương cũ, đã
thấy nao nao trong lòng. Nhớ ơi là nhớ…, thèm ơi là thèm.”
Câu nói tâm tình của người đàn ông luống tuổi nghe sao đúng quá và
đầy hoài niệm. Có đi xa mới thấy nhớ mùi vị ngọt ngào của tô bánh canh
giò heo năm nào bởi vì nó đã đeo bám theo nỗi nhớ của mình một cách tự
nhiên như dây leo trong tiềm thức. Có bưng tô bánh canh bốc khói mới
thấy thèm mùi cay nồng của trái ớt hiểm. Bé nhỏ nhưng bí hiểm vì nó có
vị cay thơm nồng. Cắn vào một miếng làm tê dại cả vị giác. Nhưng yên tâm
bạn nhé, chất cay tỏa nhanh theo vị giác nhưng rất mau tan. Vị cay của
nó chỉ làm tăng thêm những ngọt ngào trong lòng bạn khi nhớ về kỷ niệm.
Chút long lanh nếu có trong mắt bạn, đó là vì nỗi nhớ ngày tháng cũ
trong lòng bạn chớ không phải do vị cay của trái ớt hiểm đâu. Ôi, trái
ớt bé nhỏ thơm ngon như cô gái miền Nam mau giận, dễ quên. Đậm đà và
nồng nàn như cô gái Huế, nhưng cũng chanh chua không thua cô em Bắc kỳ
nho nhỏ…Lúc bước xuống xe, tôi lại nghe giọng nói nho nhỏ pha chút ngậm
ngùi của ông khách có tâm sự lúc nảy
“Quán “Ba Cô” ngày xưa là nơi đậu xe bây giờ. Quán cũ tuy đơn sơ
nhưng đầy ắp kỷ niệm. Nhất là đối với những khách quen hàng ngày vẫn đến
ăn. Quán mới bây giờ xây sát bên, khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Nhưng
ba cô chủ quán ngày xưa, không biết có còn ai tiếp tục bán hay đã biền
biệt ở phương trời xa thẳm nào rồi…”
Giọng nói trầm ấm pha chút ngậm ngùi của ông khách thoáng chốc tan
loãng vào âm thanh ồn ào của 2 chiếc xe đang tìm chỗ đậu ở phía sau và
tiếng nói chuyện râm ran của nhiều thực khách đã ăn xong và đang rời
khỏi quán.
Bánh Canh và mạch nước ngầm đất Trảng Bàng.
Gọi chung là quán bánh canh, nhưng đa số các quán mang danh là bánh
canh Trảng Bàng đều có hai món ăn đặc sản rất hấp dẫn thực khách, đó là
món bánh canh giò heo và món bánh tráng phơi sương cuốn với thịt heo xắt
mỏng, dưa chua và nhiều loại rau sống khác nhau, cùng chén nước mắm pha
chế đặc biệt chỉ có ở Trảng Bàng. Đây là một điều rất lạ và thú vị:
Trảng Bảng là thị trấn ở cách xa biển, nơi đây người dân không có điều
kiện và nguyên liệu để sản xuất nước mắm như các tỉnh ven biển, cũng rất
ít khi thấy cá biển được bày bán ở các chợ. Thế nhưng người dân đất
Trảng lại biết tận dụng sản phẩm nhập về để làm nên nước chấm bánh
tráng cuốn thịt không nơi nào so sánh được. Quả thật tạo hóa rất công
bằng, không để ai bị thiệt thòi bao giờ. Đó là chưa kể một đặc sản
khác của Trảng Bàng, Tây Ninh là những lọ muối ớt màu đỏ đẹp
mắt đang được bày bán khắp nơi, kể cả các tỉnh thành ven
biển. Cái lạ và bất ngờ là sản phẩm đó lại do địa phương
cách xa biển làm ra. Nghe có vẻ như nghịch lý, nhưng tôi lại
nghĩ đó chính là sự công bằng của tạo hóa.
Khách du lịch sau cuộc hành trình xa, dưới cái nắng như đổ lửa của
miền Đông. Một khi ghé lại Trảng Bàng để thưởng thức món ăn đặc sản bánh
canh, bánh tráng phơi sương của địa phương. Có lẽ, hình ảnh đầu tiên
đập vào mắt thực khách chính là những dĩa rau sống xanh non mát mắt. Màu
xanh tươi của nhiều loại rau sống (mà chắc chắn không nơi nào có nhiều
hơn), sẽ làm dịu đi cái nắng bên ngoài, sẽ tan đi nắng bụi và những mệt
mỏi đường xa của du khách.
Người dân Trảng Bàng quả quyết rằng, chỉ có nguồn nước ở đây dùng để
nấu bánh canh giò heo và làm bánh tráng phơi sương thì mới làm cho hai
thực phẩm này trở nên thơm ngon và đậm đà hương vị đúng với tên gọi đặc
sản miền Đông. Nguồn nước này có khoáng chất gì đặc biệt thì không ai
biết, cũng chưa thấy ai làm cái việc phân tích các chất hữu cơ trong
nguồn nước mạch nầy cả. Đã nói là niềm tin thì chuyện đúng sai không ai
giải thích được. Nhiều người phỏng đoán chỉ có tình yêu quê hương mới là
động lực tạo nên niềm tin trong sự khẳng định của họ mà thôi. Theo
lời kể của những vị bô lão trong thị trấn thì thuở xa xưa, cả khu vực
Trảng Bàng dùng chung một giếng nước lớn được đào ở xóm Lộc An. Tương
truyền dưới đáy giếng nước có một loại sinh vật mọc ngầm trong những
mạch nước dưới lòng đất. Chính loài sinh vật này làm cho nguồn nước trở
nên tinh khiết, ngon ngọt. Và từ nguồn nước đó, người ta ngâm gạo để xay
bột làm bánh canh, bánh tráng. Nước lèo trong nồi thịt heo cũng phải sử
dụng từ nguồn nước mạch. Vì vậy, tô bánh canh mới ngọt ngào và trong,
khoanh giò heo mới dòn mà không nhão và món thịt luộc mới thơm ngon đậm
đà. Chuyện truyền khẩu trong dân gian. Đúng hay sai không ai có
thể xác định được. Nhưng tình yêu của họ đối với quê cha đất tổ thì rất
rõ ràng và thiêng liêng. Họ có niềm tin riêng vào những tình tự của mảnh
đất quê hương, nơi đã sản sinh và cưu mang họ qua nhiều thế hệ với bao
nhiêu thăng trầm trong đời sống. Theo sự dò hỏi và tìm hiểu của chúng
tôi thì giếng cổ Lộc An giờ vẫn còn đó, giếng được giữ gìn rất vệ sinh
và sạch sẻ, nước vẫn đầy và trong mát. Mặc dù ngày nay đa số dân chúng
thị tại trấn Trảng Bàng đã dùng nước máy. Nhưng giếng cổ Lộc An vẫn còn
đó như một thách thức với thời gian và con người. Ngã ba Vựa Heo và nguồn thực vật đa dạng. “Ngã
ba Vựa Heo” chính là tên gọi ngã ba từ quốc lộ 22 rẽ vào An Hòa và Tha
La Xóm Đạo. Đó cũng chính là điểm tập trung heo sống của các tay “lái
heo” chuyên nghiệp. Các tay lái heo sau khi tìm mua heo sống hàng ngày,
hàng tuần ở các gia đình nuôi heo trong thôn xóm, sẽ đưa hàng về “chợ
heo” tại ngã ba Vựa Heo vừa kể để bán lại cho các “lò heo” hoặc giới
thương buôn. Thường sau khi heo được mổ, các phần thịt tươi nhất, ngon
nhất sẽ được ưu tiên cung cấp cho các tiệm bánh canh theo yêu cầu của
tiệm. Số lượng nhiều, ít tùy theo nhu cầu sử dụng hàng ngày của tiệm dựa
vào số lượng thực khách.
Tưởng cũng cần hé thêm một chút “bí mật” trong cách nuôi heo của dân
chúng địa phương. Người Trảng Bàng trồng rất nhiều mía để sản xuất đường
thô hoặc bán cho các nhà máy đường ở Hiệp Hòa, Bình Dương. Bên cạnh đó,
họ cũng dùng gạo và đường mía để nấu rượu theo lối thủ công. Trấu (vỏ
lúa) và vỏ đậu phộng là 2 chất đốt chính yếu để nấu rượu. Chất bã hèm
sau khi nấu rượu sẽ được dùng để trộn thêm trong thực phẩm cho heo ăn.
Chính vì vậy, heo rất háu ăn và mau lớn.
Nhưng gạch nối chính yếu cho hai món bánh canh giò heo và bánh tráng
phơi sương vẫn là rau sống. Ngoài rau trồng như các loại húng thơm, cải
xanh, hẹ và đặc biệt là quế, húng lũi, húng cay. Cũng cần phải kể đến
những đọt cây vườn như đọt điều, đọt cóc, lá cách, đinh lăng... Ngoài ra
còn phải kể thêm một số lớn rau rừng sống tự nhiên không có sự chăm bón
của con người như đọt sơn, ngành ngạnh, săn máu, bứa, chiếc, vừng, lá
búng, đọt choại, xương cá, lá xoài non, lá cốc rừng… Ngày nay, nhiều gia
đình sống gần sông nước Trảng Bàng, nhất là ven các chi lưu sông Vàm
Cỏ Đông, đã làm vườn, lên liếp trồng các loại rau đề bán cho các chợ và
đặc biệt cung cấp rau tươi cho các tiệm bánh canh địa phương và cho cả
Sài Gòn. Nhìn những dĩa rau sống xanh tươi mơn mởn, nhiều mùi vị, thơm
ngon không chịu được. Nhai trong miệng đã nghe mát từ môi lưỡi, từ kẽ
răng thớ thịt, mát cả dạ dày, biểu làm sao không thích, biểu làm sao
không thèm cho được.
Chúng ta vừa đi qua con đường phân phối thực phẩm thịt heo tươi sống.
Có gian nan cho người nuôi, người bán, người mua. Nhưng chính ý nghĩa
gian nan đó mới dành kết quả tuyệt vời cho những thực khách khó tính như
chúng ta hôm nay. Tô bánh canh Trảng Bàng thơm phức với nước lèo trong
veo đang bốc khói. Những lát thịt mỏng dòn, miếng giò heo trắng mịn.
Nhìn vào đã phát thèm, nhìn vào đã phát mê huống gì là ăn. Khi nhai
trong miệng, khi dùng chiếc muỗng sành húp miếng nước lèo thơm cay mùi
ớt hành tiêu mới thấy quá đã, quá tuyệt…Tuy nhiên giờ đây loại thịt heo
này cũng không còn được phổ biến, vì thịt heo được sử dụng hiện nay đa
phần là thịt heo công nghiệp. Với những người ăn sành điệu ngày nay, nếu
muốn thưởng thức hương vị ngày tháng cũ, miếng thịt heo thơm ngon mùi
dân dã. Xin mời vào quán Ba Cô ngày ấy.
Thực ra, tên hiệu “Bánh Canh Trảng Bàng” ngày nay là tên mới của quán
“Bánh Canh Ba Cô” ngày xưa mà tên tuổi của nó đã được nhiều người biết
đến, nhất là những ai trước năm 1975 đã có lần ghé ăn. Từ nhiều năm nay,
sau ngày rời đất nước, tôi vẫn được nghe và gặp nhiều người ở nhiều địa
phương khác nhau trên nước Mỹ và cả Âu Châu, mỗi khi bàn luận về cá món
ăn đặc sản quê nhà. Họ vẫn thường nhắc đến Bánh Canh Trảng Bàng. Và
nhắc đến bánh canh Trảng Bàng là ít nhiều có nhắc đến quán “Bánh Canh Ba
Cô”. Có người bạn cắc cớ hỏi tôi "Quán Ba Cô", cái tên quán sao nghe
ngồ ngộ và ba cô là ai vậy? Hiện nay họ đang ở đâu? Họ đang làm gì, vân
vân và …vân vân…
Xin thưa. Quán ngày nay được sửa sang khang trang hơn lúc xưa và do
người chị thứ hai Hoàng Thu và cô con gái của cô Tư Nga trông coi. Chị
Hoàng Thu lúc xưa không có tên trong “Ba Cô”.
Còn “Ba Cô” đích thực của quán ăn kỷ niệm năm xưa giờ ra sao trong
cuộc bể dâu thịnh suy của đất nước sau năm 1975. Cô thứ nhất Quỳnh
Nhung đang sống cùng gia đình riêng tại Hoa Kỳ, theo chồng định cư trong
chương trình H.O. dành cho các cựu Sĩ Quan QL/VNCH. Cô thứ hai Tuý
Nga đang sống cùng gia đình bên Australia sau hơn 10 năm trông coi quán
nhà. Cô thứ ba Kim Xuyến định cư tại Pháp từ năm 1978 và có mở một nhà
hàng Á Đông gần Paris. Đó là danh tánh 3 cô gái chủ nhân của quán Bánh
Canh Ba Cô ngày xưa. Tên quán thực ra không phải do gia đình chọn mà do
bạn bè và nhiều thực khách đặt ra, gọi riết thành tên quán luôn. Tên
quán "Ba Cô" ngày ấy, gọi lên nghe thân mật và dễ thương biết bao, Nhưng
đời sống của quán cũng như con người, cũng có lúc thăng trầm theo thời
gian và dòng đời. Ai biết được chuyện mai sau sẽ ra sao. Ai ngờ được,
ba chị em ngày ấy sống đoàn viên một nhà và gầy dựng nên “quán
ba cô” lừng lẫy một thời với bao kỷ niệm. Nay sống tha hương,
tản mát trên ba châu lục ngàn trùng xa cách.
Đặc sản Bánh Tráng Phơi Sương của Trảng Bàng. Nhiều
người có nhận xét “bánh tráng phơi sương” mới là một kỳ công trong các
đặc sản của Trảng Bàng. Đúng hay sai, người viết không dám có ý kiến.
Chỉ biết, trong cái bánh tráng nhỏ nhoi, mỏng manh ấy chứa đựng bao
nhiêu mồ hôi nước mắt của người làm ra nó.
Loại bánh tráng này đặc biệt ở chỗ khi tráng phải tráng hai mặt, hai
lớp. Khi lớp bột thứ nhất vừa chín, phải tráng tiếp ngay lớp thứ hai.
Đúng quy trình như vậy thì sau khi đuợc phơi khô, đem lên nướng mới
phồng đều hai mặt và không bị cháy, không bị trở màu mà vẫn giữ được màu
trắng như lúc mới tráng. Độ nóng của lò nướng phải vừa đủ để bánh không
bị cháy hoặc trở màu. Không được tráng bằng lửa ngọn mà phải bằng sức
nhiệt tỏa trong lò đốt thì bánh mới trắng trẻo và thơm ngon. Nướng bánh
chín rồi đem phơi sương (chỉ cần phơi 2 giờ nếu là đêm nhiều sương) mới
dùng được. Sau khi phơi sương bánh trở nên dẻo nhưng không mất độ dòn
cần thiết của bánh tráng. Cái khéo là chỗ đó. Bởi vậy rất khó tìm được
loại bánh đặc biệt nầy ớ những địa phương khác. Nói thêm một
chút về tô bánh canh, nó ngon do được nấu từ thịt heo địa phương và con
bánh canh do các lò bánh cung cấp luôn còn mới. Nồi nước lèo để múc vào
tô bánh canh là cả một nghệ thuật mang chút ít bí truyền riêng biệt
của từng quán. Tô bánh canh ngon tuyệt vời hay chỉ ngon vừa vừa là do
chất lượng đặc biệt của nồi nước lèo. Đã có nhiều người tìm hiểu bí
quyết cách nấu một nồi nước lèo ngon. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở một
mẫu số chung là: Nấu nhiều thịt, nhiều giò, nhiều xương. Lúc nấu phải
canh lửa vừa đủ, luôn luôn vớt bọt để nồi nước trong. Chủ quán nào cũng
nói như vậy, nhưng bí quyết thêm gia vị như thế nào, cân lượng ra làm
sao thì họ giữ kín hầu như tuyệt đối.
Và bây giờ thì mời quý khách hãy từ từ lấy một miếng bánh tráng phơi
sương bỏ vào vài lát thịt heo luộc với vài cộng rau thơm, rau vị, cần
nước, vài lát dưa leo, vài miếng dưa chua, nhớ đừng quên lá xoài non có
vị chát rất dịu. Quý khách cuốn lại nhẹ nhàng thành một cuốn, lớn nhỏ
tùy ý. Xong rồi…chấm vô chén nước mắm cay cay, trong đó đã pha sẵn với
đồ chua gồm củ cải bào và cà rốt ngâm dấm. Đưa lên miệng cắn một miếng
coi thế nào?
Bánh tráng dẻo mà dòn, thịt tươi vị ngọt, rau vị nồng cay thoảng mùi
rau tía tô quyện chặt với cần nước, ngò gai, húng, lá xoài non, thấm đẫm
trong cái mặn mặn, chua chua, cay cay của chén nước mắm chấm. Thử ngậm
một lúc để nghe tiếng réo gọi từng đợt dâng lên từ trong bụng xem sao.
Miếng bánh cuốn đã trôi qua cổ rồi ư ? Múc thêm vài muỗng bánh canh để
cảm nhận được vị cay của tiêu, mùi thơm của hành lá và cái chất dẻo của
cộng bánh trong tô. Cắn thêm miếng ớt hiểm dòn. Ngon quá phải không quý
vị. Ăn tô bánh canh ngon, cuốn bánh tráng thịt thơm lừng mùi rau sống
đồng nội để thấy phần nào nghĩa tình của người dân đất Trảng. Chút ngậm ngùi về dư âm ngày tháng cũ. Tôi
có dịp được nói chuyện với chị Hoàng Thu và cô tư Nga về những thăng
trầm của quán Ba Cô những năm gần đây. Quả đúng như lời chị tâm sự. Ngày
nay quán Bánh Canh Trảng Bàng chỉ là một quán nhỏ khiêm tốn nếu so với
vài chục thương hiệu khác cùng mang tên bánh canh Trảng Bàng rải rác
khắp Tây Ninh và có cả chi nhánh tại Sài Gòn. Nói về nguồn gốc thì đặc
sản bánh canh và bánh tráng phơi sương Tràng Bàng đã có từ rất lâu như
một loại thực phẩm gần gũi, thân quen hàng ngày của dân chúng địa
phương. Trong lúc tôi đang lay hoay chụp mấy tấm hình đề làm
tài liệu cho bài phóng sự cũng như để nhớ tên của mấy loại rau lạ rất
thơm ngon mà không thể tìm thấy ở các địa phương khác thì lại nghe giọng
trầm ấm pha chút ngậm ngùi của ông khách đứng tuổi đang kể chuyện với
hai người quen đi cùng chuyến du lịch.
"Thấm thoát đã hơn ba mươi năm. Mọi chuyện đều đã thay đổi. Ngày xưa,
lối ra phía sau quán có mấy cây cau, cây bưởi, tàn lá che kín một màu
xanh mát. Đến mùa trổ hoa, tôi hay đến ăn bánh canh và để nghe mùi hoa
cau, hoa bưởi tỏa nhẹ thơm ngát một vùng không gian"
Im lặng một lát, tôi lại nghe tiếng ông khách tiếp. Lần nầy càng ngậm ngùi hơn.
"Thương hải biến vi tang điền. Ngày xưa, ngay dưới cửa sổ nầy, ông
chủ tiệm có trồng một chậu Mai chiếu thủy rất lớn. Phải sáu người mạnh
khỏe mới khiêng nổi. Hình như ông mua từ nhà vườn bên Bình Dương. Hoa
trắng muốt và thơm dịu dàng. Mỗi sáng uống trà xong, ông vẫn đổ xác trà
vào chậu, nói để giữ độ ẩm cho cây. Bây giờ, người chủ đã mất và chậu
hoa xưa cũng không còn. Mọi việc đã thay đổi theo thời gian. Con sông
xưa còn đổi dòng chảy, huống chi là con người." Chúng tôi đưa
bài với tất cả sự hoài niệm và ngậm ngùi về một kỷ niệm đã mất. Nhưng
biết làm sao hơn được. Có chuyện ngày xưa thì mới có được những
chuyện hôm nay. Đó là quy luật của muôn đời. Và để tạm kết cho bài phóng
sự. Lần nữa, xin mời quý bạn có dịp về thăm Tha La xóm đạo, Thánh Thất
Cao Đài Tây Ninh. Nhớ ghé thăm bánh canh Trảng Bàng để nhớ quán Ba
Cô. Từ Sài Gòn, trên con đường xuyên Á đi thăm xứ Chùa Tháp. Xe của quý
vị sẽ dừng lại thị trấn Trảng Bàng ở cây số 50. Tại ngã tư thị trấn, bất
cứ cư dân nào ở cạnh ngã tư cũng có thể chỉ đường cho quý bạn tìm đến
quán Bánh Canh Ba Cô ngày ấy.
Lê Tấn Dương
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22908
|
Gởi ngày: 17/Dec/2021 lúc 12:31pm |
Đọc những lá thư các anh chuyển cho nhau,
rủ nhau về Los Angeles ăn phở, hẹn đến quán phở này rồi lại hẹn đến tiệm phở
kia làm tôi nức lòng quá, muốn theo các anh xuống dưới đó làm một tô phở rồi về.
Trong lúc ngẫu hứng tôi chợt muốn viết gửi đến các anh chút gì về phở để cho đỡ
thèm và cho đỡ đói.
Nói đến phở là ta đang nói đến một món ăn
rất Việt Nam, một món ăn có tính dân tộc và văn hóa cao nữa.
Đứng về mặt lịch sử và phát triển của phở,
khó ai biết chính xác nó có tự bao giờ, nhưng chắc chắn nó phát xuất từ miền Bắc
nước ta nên cũng vì thế có người thêm sau chữ phở là chữ Bắc để thành “phở Bắc” cho có vẻ chính gốc, cho đúng “nhãn
hiệu trình toà.”
Phở được phổ biến rộng rãi, đâu đâu cũng
có ở miền Bắc, từ hang cùng ngõ hẻm. Nhưng riêng tại thành phố Hà Nội thì phở được
phát triển và thăng hoa nhanh hơn cả và được người dân Hà Nội tự hào về món ăn
có phẩm chất cao này nên còn gọi là “phở
Hà Nội” để phân biệt với phở ở những điạ phương khác. Nói về phở Hà Nội thì
nhiều “văn nhân thi sĩ Hà Nội” đã tốn nhiều giấy mực viết về nó, trong số đó có
nhà văn nổi tiếng, ấy là cụ Nguyễn Tuân của "Vang Bóng Một Thời".
Tôi tin, phở đã "Nam tiến" từ
lâu, nhưng có lẽ thời kỳ phở "di cư"
vào miền Nam ồ ạt nhất là vào năm 1954, theo bước chân của một triệu người từ Bắc
vào Nam. Thế rồi phở không chỉ ngừng ở những bước dài Nam tiến để chỉ lẩn quẩn
trong phạm vi đất nước Việt Nam nhỏ bé, mà nó đã lại một lần nữa theo chân hàng
triệu người "vượt biển" để
đến khắp vùng đất xa xôi rộng lớn của năm châu bốn bể vào năm 1975 và những năm
sau đó. Phở theo chân người Việt Nam đi cùng khắp thế giới để đem cái hương vị của
món ăn rất độc đáo ấy đến với nhân loại như một hình thức giới thiệu một phần
văn hoá Việt Nam.
Phở đã lan tràn khắp nơi. Tôi nói không
ngoa. Ta hãy thử đếm xem có bao nhiêu tiệm phở ở Los Angeles nơi các anh sắp tới,
bao nhiêu tiệm phở ở San Jose nơi chúng ta đang sống. Ngay khu nhà tôi ở, bốn
góc đường là bốn tiệm phở. Số tiệm phở ở San Jose quả thực quá nhiều đến nỗi
tôi không biết hết.
Món phở đã dần dần trở thành món ăn quốc tế
vì số người "ngoại quốc" thưởng thức phở càng ngày càng đông. Nào là
"kiều dân" Mỹ có, Ý có, dân gốc Tây Ban Nha có, Đức có ... và đặc biệt số đông dân Á Châu như Tầu, Đai Hàn,
Phi Luật Tân, Thái Lan ... thì số lượng khách ăn này đã ngang ngửa
với số thực khách Việt Nam rồi.
Biết đâu, chẳng bao lâu nữa, món phở của
ta lại chẳng thành một món ăn "quốc hồn quốc túy" của một số dân tộc
nào đó trên thế giới. Và phở chính gốc Việt Nam lúc đó trở nên lu mờ để rồi con
cháu chúng ta sau này lại nghĩ phở là món ăn của một xứ sở nào đó mà Việt Nam
ta du nhập vào, cũng như người Mỹ tự hào về ông Kha Luân Bố được cho là người đầu
tiên đã tìm ra châu Mỹ La Tinh chứ không phải là người dân “da đỏ” bản xứ. Lịch
sử nhân loại quá dài nên những chuyện nực cười như thế biết đâu không thể không
xẩy ra cho món phở của ta.
Phở còn thì dân tộc Việt Nam còn, nó quan trọng như tiếng nói của ta vậy.
Nói như thế các anh đừng cho tôi là người có tinh thần "tự hào dân tộc"
quá cao và lộng ngôn quá mức nhé. Sự thật là thế đấy. Vậy bổn phận của chúng ta
là phải ăn phở thật nhiều, không những ta ăn mà ta còn phải rủ bạn bè ta đi ăn nữa
dù có phải trả tiền cho họ. Có như thế ta mới bảo vệ được sức mạnh của phở trước
những "xâm thực" vừa khôn khéo, vừa tinh vi, vừa hiểm độc của những
loại phở mang quốc tịch không phải Việt Nam. Nói thẳng và nói rõ ra cho dễ hiểu
là khi nào các anh rủ nhau đi ăn phở thì nhớ tới tôi, đừng quên tôi như lần này nhé.
Phở có nhiều loại khác nhau, nào phở bò,
phở gà. Cứ như phở bò không thôi, ngoài phở chín, phở tái nguyên thủy ta còn có
một danh sách thật dài về những phó sản khác nhau của nó như phở gầu, phở vè
dòn, phở tái gầu gân sách, hay đủ mỗi thứ một tý được gọi là “phở đặc biệt” ... và phở “không
người lái” (không thịt) ... vân vân và vân vân. Người ta có thể ăn mì khô
hay hủ tíu khô với bát nước dùng để
riêng, chứ không ai ăn phở khô bao giờ.
Riêng anh phở xào và phở áp chảo thì đúng là thấy sang nhận quàng
làm họ với phở, chẳng khác gì anh Mỹ kềnh kàng họ Smith cứ nhập nhằng nhận vơ là
họ Nguyễn hay Lê, Lý, Trần của ta vậy.
Phở biến hóa khôn lường để hội nhập vào khẩu
vị của từng địa phương. Nó dễ hòa nhập và hòa đồng như tính hòa đồng tam giáo
theo đúng tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam ta. Hòa nhập gì thì hòa,
nhưng hương vị của phở vẫn phải là hương vị nguyên thủy của phở, không thể tách
biệt ra dược. Có chăng là khác nhau bởi những gia vị thêm vào theo ý thích của
từng người thưởng thức hay từng địa phương như người miền Nam thì ăn phở với
tương ớt và giá, giá sống hoặc giá chần, hay có thêm tý hành chần nước béo hay
tý hành tây nhúng giấm chua chua. Có người ăn phở với cơm nguội. Tuyệt nhiên
người ta không nấu phở vịt hay phở lợn. Năm 1975, tôi nghe nói ở Thanh Hoá có món
phở hến (sò hến).
Bên cạnh những tô phở phổ thông thường được
chiếu cố tới, ta có một loại phở hết sức đặc biệt có tên gọi là phở "ngẩu pín" (bộ phận lủng lẳng ở dưới
bụng con bò đực). Ăn gì bổ nấy, nên loại phở này thường chỉ dành cho các vị đại
trượng phu hảo hán như bọn chúng mình. Nói đến món phở này, tôi lại nhớ đến một
chuyện vui có thật. Chắc dân sành ăn phở ở Sài Gòn ngày nào, hẳn không ai không
biết đến tiệm phở chuyên bán phở "ngẩu pín" ở góc đường Lý Thái Tổ,
ngay bùng binh Ngã Bẩy. Một hôm, khi tôi đang thưởng thức tô phở "ngẩu
pín" với những khoanh tròn mầu nâu nâu và dòn xừn xựt, thì chợt đâu, có
hai cô nữ sinh trung học bước vào ngồi bàn bên cạnh. Hai cô gọi người bồi bàn đến
gần nói nhỏ: "Cho chúng tôi hai tô phở ngẩu pín". Nghe xong, anh bồi
la toáng lên cho anh đầu bếp phía trong nghe:"Hai tô ngẩu pín bàn số
2". Tôi vội liếc mắt sang bàn hai cô, tôi thấy hai cô cúi xuống, mặt đỏ bừng
như hai cô vừa làm điều gì kín đáo mà bị ai bắt gặp. Rồi hai tô phở cũng được
bưng ra và hai cô cũng vẫn thưởng thức tô phở bốc khói với những khoanh tròn mầu
nâu một cách thoải mái. Chỉ có một điều tôi không biết hai cô đang nghĩ gì về
những khoanh tròn ấy mà hai cô cẩn thận cho vào mồm nhai dè dặt và kỹ lưỡng trước
khi nuốt trọn. Người đàn bà ăn uống bao giờ cũng khác với đàn ông chúng ta, nhất
là những cô thiếu nữ mới lớn, lúc nào cũng tò mò nhưng luôn cảnh giác.
Với phở, có một điều thú vị là ta có thể
ăn phở ở bất cứ đâu và bất cứ mùa nào. Ăn đứng có, ăn ngồi ghế có, ăn xổm có,
ăn ở trong nhà, ăn cả ở vỉa hè. Ăn phở mùa đông có cái ngon của mùa đông, mùa
hè có cái ngon của mùa hè. Ăn sáng cũng được, trưa cũng hay và tối cũng xong.
Chính vì thế, phở không kỵ thời tiết, không kỵ không gian lẫn thời gian. Phở
cũng chẳng phân biệt người sang kẻ hèn, ai ăn cũng như nhau, cũng bấy nhiêu vị,
không được thiếu vị nào, có chăng là nhiều hay ít tùy theo giá tiền phải trả.
Chỉ có một điều phở thường không phục vụ
cho những người ăn chay. Phở chay thì
không thể gọi là phở được. Nếu có gọi nó là phở thì cũng chỉ là gượng ép, tội
nghiệp cho anh phở thật.
Nói đến hương vị, cách thưởng thức hay nấu
phở thì thật đã có quá nhiều người viết. Nào phở nấu sao cho đạt, nước dùng phải
trong và ngọt, không hôi mùi thịt, gân sụn phải dai và dòn, tái phải mềm và
tươi, và phải đủ cả trăm thứ "phải" để có một tô phở đúng tiêu chuẩn của
nó. Khi có tô phở trước mặt, người ăn phải biết cách thưởng thức sao cho không
phụ lòng tô phở đang bốc khói đón chờ, cũng như người thiếu nữ lên xe hoa về
nhà chồng đợi chờ người tình lang điêu luyện trong tối tân hôn sao cho không bõ
công trang điểm.
Tôi đoán thế nào khi đọc tới đây, các anh
sẽ hỏi tôi: thế thì ăn phở ở Mỹ nó khác gì với ăn phở ở Việt Nam.
Tôi xin trả lời.
Trên căn bản hương vị của phở, thì phở ở Mỹ
hay ở Việt Nam đều như nhau, nếu có khác thì cũng không khác là bao. Có khác
chăng là tô phở ở Mỹ thì to, có nhiều thịt hơn bánh, ở VN thì ngược lại. Và phở
ở VN, bột ngọt (mì chính) được khoe ra, ở Mỹ thì che đậy lại.
Tuy nhiên ăn phở ở Mỹ, nó thiếu một cái gì
đó mà ta không thể tìm thấy được. Và chính cái thiếu ấy nó làm cho ta có cảm
giác tương tự như nhà thơ Nguyễn Bính thấy người yêu chân quê của mình khi lên
tỉnh về đã làm "hương đồng cỏ nội
bay đi ít nhiều".
Khi xưa, lúc còn ở VN, thỉnh thoảng tôi
ghé một vài tiệm phở trên đường Lý Thái Tổ, gần nhà thờ Bắc Hà để thưởng thức
món phở được quảng cáo là phở gia truyền.
Nơi đó có Phở Tầu Bay, Phở Tầu Bò và Phở Tầu Thủy, hình như ở gần nhau. Ấy đấy,
tên hiệu thì đủ thứ "Tầu", mà riêng cái tô phở đặc biệt và to thì bao
giờ cũng được gọi là tô "Xe lửa". Thật đủ hải, lục, không quân.
Tôi thường ghé đây ăn phở vào buổi trưa Chủ
Nhật, sau giờ tan lễ nhà thờ, nên tiệm thường có khá đông thực khách vào giờ ấy.
Ôi cái cảnh nhộn nhịp, kẻ ra người vào tấp nập, ồn ào huyên náo làm sao. Cái ồn
ào vào những ngày hè nóng bức như được đun nóng lên, bốc thành hơi tỏa ra khắp
phòng làm người đứng đợi cũng cứ như bị ép lồng ngực đến trở nên khó thở. Những
âm thanh càng ngày càng trở nên quánh đặc làm ta có cảm tưởng phải lách âm
thanh mà đi. Ông nói, bà nói, cả trẻ con cũng nói. Ông lấn, bà chen, trẻ con
cũng dành phần ngoi lên phía trước. Nếu ta lịch sự, hay cả nể, hay quân tử Tầu,
hay hèn thì cứ đứng đấy mà đợi mà chờ, mà đói, mà thèm đến rỏ dãi bởi cái hương
vị phở chung quanh, nó cứ tàn ác chui vào lỗ mũi. Cái mà làm ta bị tăng cái đói
mạnh nhất là những tiếng khua của thìa, của đũa, của những cái húp xùm xụp, của
những cái hít hà khoái trá đến tận cùng do vị ớt cay bỏng lưỡi, của những tiếng
nước xúc miệng xùng xục trong mồm rồi nuốt chửng đến "ực" môt tiếng
ngắn và khô. Những âm thanh của ăn uống làm tăng cái đói của ta chưa đủ, ta còn
bị thôi thúc nóng nẩy khi đứng đợi, bởi những tiếng khóc thét của đứa trẻ lên
ba cố ăn hết phần phở mà bà mẹ vừa tát cho một cái bắt ăn cho hết khỏi phí. Đứa
bé cố ăn trong tiếng khóc tức tưởi.
Ở nơi kia, có người đàn ông tròn trịa,
phinh phính, mặt mày mồ hôi nhễ nhại đang ngồi xỉa răng, thỉnh thoảng ông lại
rút cái tăm ra khỏi miệng mút cái đầu tăm ấy như còn tiếc rẻ miếng thịt nho nhỏ
còn lưu lại, rồi lại cho tăm vào xỉa tiếp. Có lúc ông cho cả bàn tay vào họng,
móc móc moi moi, ông thản nhiên búng "nó" xuống gầm bàn như không lưu
tâm đến cái quần hay cái váy của người ngồi đối diện với ông.
Và ở nơi đây, có cô áo dài trắng, cái áo
trắng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ví như "áo lụa thinh không", nghĩa là
chiếc áo của cô mặc mỏng như sương khói. Cô vừa ăn vừa thổi, gặp sợi phở dài,
cô không kịp nhai, cô chúm môi hút chụt một cái, đám bánh phở cả ngắn lẫn dài
chui tọt vào thực quản, đi thẳng xuống dạ dầy, những chiếc răng ngơ ngác. Cái
ngơ ngác của tôi là khi thấy cô cúi xuống gầm bàn xỉ mũi xuống đất, cô thản
nhiên lấy ngón tay xinh xắn quệt ngang rồi lại thản nhiên chùi xuống gầm bàn.
Thản nhiên như khi cô ăn xong, đưa móng tay cậy lá hành nhỏ rắt nơi kẽ răng,
đưa ra răng cửa nhằn nhằn mấy cái trước khi cô thổi phù nó vào một nơi nào đó,
thản nhiên như chỗ không người. Mọi thứ xẩy ra ở đây thật thản nhiên và tự
nhiên đến độ nếu ta làm khác đi, ta sẽ trở thành mất tự nhiên và chẳng giống ai
cả.
Đấy là phần âm thanh, hình ảnh diễn ra trước
mắt. Thế còn mùi vị dành cho khứu giác thì sao. Ngoài cái mùi thơm của nồi nước
lèo đang tỏa ra xa, thêm vào đó, nào mùi khen khét ngột ngạt của thuốc lá thuốc
lào, nào mùi cà phê thơm ngát, nào cái mùi nước hoa thoang thoảng của cô gái đứng
bên hòa lẫn mùi mái tóc chua chua của ông bên cạnh đang rịn mồ hôi mà vài ba
hôm nay ông quên chưa gội, rồi nào cái mùi nồng nặc của ông đau dạ dầy nào đó cứ
từ miệng ông phà thẳng vào mặt người đối diện mỗi khi ông nói. Ông lại nói quá
nhiều!
Khi tô phở của tôi được bưng ra, tôi thưởng
thức tô phở ấy thật ngon và đầy đủ vì nó được trộn lẫn với những âm thanh ấy, với
những hình ảnh ấy và với những mùi vị ấy. Chúng nó quyện lại với nhau một cách
hài hòa thắm thiết, một thứ thắm thiết đến làm ta phải thương nhớ khi thiếu vắng
nó. Thương nhớ cái tình tự quê hương mà tô phở ở Mỹ ta không thể nào tìm
thấy được. Chúng
ta đi, không thể mang hết được cả quê hương, đôi khi dù chỉ là một vài hình ảnh
quê hương được ẩn tàng trong tô phở.
Lần sau các anh đi ăn phở phải nhớ đến tôi
nhé, vì ít ra hình ảnh của các anh cũng là hình ảnh của những thứ mà tôi cần
có, tạm gọi là "tình tự quê hương" như đã được nói ở trên. Nhớ trả tiền
cho tôi nhé, tôi về hưu rồi. Cười.
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Mời đọc thêm
THƠ TÚ MỠ
Phở
đức tụng
Thể
thơ: Ca trù - hát nói
Trong các món ăn "quân tử vị", Phở là quà đáng quý trên đời. Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi, Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ. Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ, Ngọn rau thơm, hành củ thái trên. Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm, Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi. Như xúc động tới ruột gan bàn phổi, Như giục khơi cái đói của con tì. Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì, Xơi một bát nhiều khi chưa thích miệng. Kẻ phú quý cho chí người bần tiện, Hỏi ai là đã nếm không ưa, Thầy thông, thấy phán đi sớm về trưa, Điểm tâm phở, ngon ơ và chắc dạ. Cánh thuyền thợ làm ăn vất vả, Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn. Khách làng thơ đêm thức viết văn, Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí… Bọn đào kép, con nhà ca kỹ, Lấy phở làm đầu vị giải lao. Chúng chị em sớm mận tối đào, Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc. Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc bắc, Quế, phụ, sâm, nhung chưa chắc đã hơn gì. Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì, Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch. Anh em lao động đồng tiền không rúc rích, Coi phở là môn thuốc ích vô song. Các bậc vương tôn thường chả phượng, nem công, Chưa chén phở, vẫn còn chưa đủ món. Chớ chê phở là đồ ăn hèn mọn, Dẫu sao thành Ba-Lê còn phải đón phở sang. Cùng các cao lương vạn quốc phô trương, Ngon lại rẻ, thường hay quán giải. Sống trên đời, phở không ăn cũng dại, Lúc buông tay ắt phải cúng kem. Ai ơi, nếm thử kẻo thèm.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 17/Dec/2021 lúc 12:36pm
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
|
IP Logged |
|