Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: KINH DỊCH : ĐẠO CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 9 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2009 lúc 4:51am

60. QUẺ THỦY TRẠCH TIẾT

Trên là Khảm (nước), dưới là Đoài (chằm)

Không thể để cho ly tán hoài được, tất phải chặn bắt lại, tiết chế lại, cho nên sau quẻ Hoán tới quẻ Tiết.
Thoán từ:
節: 亨.苦節不可貞.
Tiết : Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.
Dịch: Tiết chế thì hanh thông. Nhưng tiết tiết chế đến mức cực khổ thì không ai chịu được lâu.
Giảng: Theo tượng quẻ, trên chằm có nước; bờ chằm hạn chế số nước chứa trong chằm, cho nên đặt tên là quẻ Tiết.
Cái gì cũng vừa phải thì mới tốt, thái quá cũng như bất cập đều xấu cả. Quẻ này có ba hào cương, ba hào nhu, không bên nào quá; lại thêm hào 2 và hào 5 đều là dương cương mà đắc trung, như vậy là xử sự đươc trúng tiết, cho nên việc gì cũng hanh thông. Nhưng tiết chế qúa, bắt người ta khổ cực thì không ai chịu được lâu, như vậy không còn hanh thông nữa.
Thoán truyện khuyên nhà cầm quyền nên theo luật tiết chế của trời đất: bốn mùa thay đổi, nắng mưa, nóng lạnh đều có chừng mực, mà trị dân: hạn chế lòng ham muốn, tính xa xỉ của con người, bắt dân làm việc vừa sức thôi, như vậy không tốn của cải, không hại dân (tiết dĩ chế độ, bất thương tài, bật hại dân). Lời đó giống lời khuyên trong Luận ngữ: “Tiết dụng nhi ái dân” (dè dặt trong việc tiêu dùng mà yên dân).
Đại tượng truyện khuyên người quân tử (quân tử ở đây trỏ hạng người trị dân) đặt ra số, độ, nghĩa là hạn định một chừng mực nào đó trong sự làm việc và hưởng thụ của dân, tùy đạo đức, tài nghệ của mỗi người. (Quân tử, dĩ chế số độ, nghị đức hạnh). Như vậy là Đại tượng truyện đã cho chữ tiết một tác dụng rất lớn: tiết chế có nghĩa gần như kế hoạch hoá ngày nay và có mục đích thi hành sự công bằng trong xã hội, như lời Đại tượng truyện quẻ Khiêm (xứng vật bình thí: cho sự vật được cân xứng, quân bình).
Hào từ:
1.
初九: 不出戶庭, 无咎.
sơ cửu: Bất xuất hội đình, vô cữu.
Dịch: Hào 1, dương: không ra khỏi sân ngõ, không có lỗi.
Giảng: Hào này dùng chữ tiết với nghĩa tự mình tiết chế mình, tức dè dặt. Ở với tời Tiết chế, làm việc gì cũng phải đúng mức (trung tiết) mới tốt. Hào, 1 dương cương , đắc chính, ở đầu thời Tiết chế, biết thận trọng, không ra khỏi sân ngõ, vì biết là thời chưa thông, hãy còn tắc, như vậy là đúng với đạo tiết chế, không có lỗi. Hai chữ “hộ đình chúng tôi dịch theo nghĩa “ngoại chi đình” của Chu Hi. J legge dịch là không ra khỏi cái sân ở ngoài cái cửa (door): R. Wilhelm dịch là không ra khỏi cái sân và cái cửa (door).
2.
九二: 不出門庭, 凶.
Cửu nhị: Bất xuất môn đình, hung.
Dịch: Hào 2, dương: không ra khỏi cái sân ở trong cửa, xấu.
Giảng: Hào này đáng lẽ ra giúp việc được, vì thời đã khác thời của hào 1 đã thông rồi không tắc nữa mà lại được hào 5 ở trên cũng dương như mình giúp sức cho; vậy mà đóng cửa không ra cũng như 1, hành vi đó xấu (hung).
Chữ môn J.Legge và R Wilhelm đều dịch là gate, cửa ngõ, tức cửa ở ngoài cùng. Từ Hải chỉ giảng: cửa có một cánh gọi là hộ, hai cánh gọi là môn, tối không biêt cái nào là cửa ngõ, cái nào là cửa nhà. Phan Bội Châu không phân biệt thế nào là môn, là hộ, dịch là cửa hết. Ðiểm đó không quan trọng; chỉ cần hiểu đại khái là không ra khỏi nhà, không đi đâu.
3.
六三: 不節若, 則嗟若,无咎.
Lục tam: Bất tiết nhược, tất ta nhược, vô cữu.
Dịch: Hào 3, âm: không dè dặt (tự tiết chế mình) mà phải than vãn, không đổ lỗi cho ai được.
Giảng: Âm nhu, bất trung bất chính, lại cưỡi lên hai hào dương, mà muốn tiến tới cõi nguy hiểm (quẻ Khảm ở trên), như vậy là không biết dè dặt, tự chế, rước vạ vào thân, còn đổ lỗi cho ai được nữa.
4.
六四.安節,亨.
Lục tứ: An tiết, hanh.
Dịch: Hào 4, âm: Vui vẻ tự tiết chế (không miễn cưỡng) hanh thông.
Giảng: Nhu thuận, đắc chính, vâng theo hào 5, thực tâm dè dặt, tự tiết chế đúng thời, cho nên hanh thông.
5.
九五: 甘節, 吉.往有尚.
Cửu ngũ: Cam tiết, cát. Vãng hữu thượng.
Dịch: Hào 5, dương: Tiết chế mà vui vẻ (cho là ngon ngọt) thì tốt. Cứ thế mà tiến hành thì được người ta trọng, khen.
Giảng: Hào này ở vị chí tôn, làm chủ quẻ Tiết, có đủ các đức dương cương trung chính tự tiết chế một cách vui vẻ, thiên hạ noi gương mà vui vẻ tiết chế, cho nên tốt; và cứ thế mà tiến hành thì có công lớn, đáng khen.
6.
上六: 苦節, 貞凶, 悔亡.
Thượng lục: Khổ tiết, trinh hung. Hối vong.
Dịch: Hào trên cùng, âm: Tiết chế mà tới mức cực khổ, nếu cứ giữ mãi (trinh) thôi đó thì xấu. Nếu biết hối hận, bớt thái quá đi thì hết xấu.
Giảng: Hào này trái với hào trên, vì ở trên cùng quẻ Tiết, có nghĩa là tiết chế thái quá, tới cực khổ, không ai chịu được hoài như vậy.
Hai chữ “hối vong” ở đây không có nghĩa thường dùng là hối hận tiêu tan đi, mà có nghĩa là nếu hối hận thì cái xấu (hung) sẽ tiêu tan đi.
Sau một cuộc ly tán, phong tục suy đồi, kinh tế cùng quẩn, cho nên phải tiết dục, tiết chế nhu cầu. Nhưng tiết chế một cách vừa phải thôi (không nên thái quá) mà hợp thời thì mới tốt. Chúng ta nhận thấy 6 hào chia làm 3 cặp: 1 và 2 liền nhau mà 1 tốt, 2 xấu; 3 với 4 liền nhau mà 3 xấu, 4 tốt; 5 và 6 liền nhau mà 5 tốt 6 xấu; chỉ do lẽ hoặc hợp thời hay không, đắc trung, đắc chính hay không.
hết: 60. QUẺ THỦY TRẠCH TIẾT

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2009 lúc 4:52am

61. QUẺ PHONG TRẠCH TRUNG PHU

Trên là Tốn (gió), dưới là Đoài (chằm)

Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.
Thoán từ:
中孚: 豚魚吉, 利涉大川, 利貞.
Trung phu: Đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.
Dịch: trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.
Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngoại quái), vậy là có đức trung thực. Do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.
Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đoài, phục tòng người trên; như vậy là cảm hoá được dân.
Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.
Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.
Hào từ:
1.
初九: 虞吉, 有它, 不燕.
Sơ cửu: Ngu cát, hữu tha, bất yến.
Dịch: Hào 1, dương: liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.
Giảng: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.
2.
九二: 鶴鳴在陰.其子和之.我有好爵.吾與爾靡之.
Cửu nhị: Minh hạc tại âm, kỳ tử hoạ chi;
Ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.
Dịch: Hào 2, dương: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó hoạ lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.
Giảng: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con hoạ lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.
Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:
“Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngoài nghìn dặm cũng hưởng ứng, huống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?”
Khổng tử đã hiểu rộng “tiếng gáy của con hạc” là lời nói hay; và “chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.
3.
六三: 得敵, 成鼓, 或罷, 或泣, 或歌.
Lục tam: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bãi, hoặc khấp, hoặc ca.
Dịch: Hào 3, âm: gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.
Giảng: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó “Hoặc cổ hoặc bãi”, (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).
4.
六四: 月幾望, 馬匹亡, 无咎.
Lục tứ: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô cữu.
Dịch: Hào 4, âm: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.
Giảng : Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.
5.
九五: 有孚攣如, 无咎.
Cửu ngũ: Hữu phu luyến như, vô cữu.
Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.
Giảng: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.
6.
上九: 翰音登于天, 貞凶.
Thượng cửu: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.
Dịch: Hào trên cùng, dương: tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.
Giảng: Hào này dương cương, không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương, cho nên ví với con gà không là loài bay cao được mà muốn lên tới trời.
Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ Vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông.
hết: 61. QUẺ PHONG TRẠCH TRUNG PHU,

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2009 lúc 5:54am

62. QUẺ LÔI SƠN TIỂU QUÁ

Trên là Chấn (sấm), dưới là Cấn (núi)

Tin (Trung phu) mà làm ngay, không xét đều tin đó phải hay không , thì có thể mắc lầm lỗi, cho nên sau quẻ Trung phu tới quẻ Tiểu quá. Quá có hai nghĩa: lỗi; ra ngoài cái mức vừa phải thoán từ dưới đây dùng nghĩa sau.
Thoán từ:
小過: 亨, 利貞. 可小事, 不可 大事.飛鳥遺之音, 不宜上, 宜下, 大吉.
Tiểu quá: Hanh, lợi trinh. Khả tiểu sự, bất khả đại sự.
Phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.
Dịch: Cái nhỏ nhiều: Hanh thông hợp đạo chính thì lợi. Có thể làm việc nhỏ, không thể làm việc lớn. Con chim bay mà để tiếng kêu lại, không nên lên cao mà nên xuống thấp. Người quân tử biết được như vậy thì tốt.
Giảng: Quẻ này trái với quẻ Đại quá số 28. đại quá có 4 hào dương ở giữa, 2 hào âm ở dưới cùng và trên cùng, như vậy dương nhiều hơn âm, mà dương có nghĩa là lớn, âm là nhỏ, cho nên Đại quá có nghĩa là cái lớn (dương) nhiều hơn. Tiểu quá có 2 hào dương ở giữa, 4 hào âm ở trên và dưới, như vậy là âm – tức cái nhỏ - nhiều hơn dương tức cái lớn; cho nên đặt tên là Tiểu quá. Tiểu quá là cái nhỏ nhiều hơn; nhưng cũng có nghĩa là quá chút ít.
Bình thường thì vừa phải là hay. Nhưng cũng có khi quá một chút lại hay, chẳng hạn trong nhà, chồng tiêu pha nhiều quá, vợ chắt bóp một chút để được trung bình; hoặc khi thiên về bên tả quá, muốn lấy lại mức trung thì lại nên thiên về bên hữu một chút. Nhưng việc gì cũng phải hợp lẽ, hợp thời, hợp đạo chính thì mới được. Đó là ý nghĩa câu đầu.
Câu thứ hai” “Chỉ nên “quá” trong việc nhỏ, không nên “quá trong việc lớn; vì việc nhỏ, lỡ có quá một chút, hậu quả không tai hại, còn việc lớn mà lỡ quá một chút, một li có thể đi một dặm hậu quả rât nặng nề, như việc nước, lỗi lầm một chút có thể gây chiến tranh hoặc sự suy sụp về kinh tế. . . .
Thoán truyện giảng: Các hào dương (lớn) đều không đắc trung, là quân tử nhất thời, không làm việc lớn được.
Câu thứ ba tối nghĩa, không hiểu sao lại dùng tượng con chim bay ở đây. Mỗi nhà giải thích một khác: Chu Hi bảo “trong thực, ngoài hư như con chim bay”, có lẽ vì cho hai hào âm ở dưới như hai chân chim, hai hào âm ở trên như hai cánh chim xòe ra? Còn về ý nghĩa thì có người giảng: người quân tử ở thời Tiểu quá nên khiêm tốn, không nên có tiếng tăm lớn, chỉ nên như tiếng chim kêu khi bay, thoáng qua mà thôi; mà cũng không nên ở ngôi cao, như con chim không nên bay lên cao. Hai chữ “đại cát”, các sách đều dịch là rất tốt; Phan Bội Châu dịch là tốt cho người quân tử, nếu đừng có tiếng tăm, đừng ở ngôi cao “Đại” đó trỏ người quân tử.
Đại Tượng truyện giản: Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Người quân tử ở thời này chỉ nên làm quá trong việc nhỏ, như có thể quá cung kính, quá thương cảm trong việc ma chay, quá tiết kiệm.
Hào từ:
1
初六.飛鳥以凶.
Sơ lục: Phi điểu dĩ hung.
Dịch: Hào 1, âm: Chim (nên nấp mà lại) bay, nên xấu.
Giảng: Hào này âm nhu, bất tài, được hào 4, dương; giúp, lại ở thời “hơi quá” (Tiểu quá), nên hăng hái muốn làm việc quá, e mắc vạ, cho nên xấu. Chỉ nên làm chim nấp, đừng làm chim bay.
2.
六二: 過其祖, 遇其妣, 不及其君. 遇其臣, 无咎.
Lục nhị: Quá kì tổ, ngộ kì tỉ, bất cập kì quân.
Ngộ kì thần ,vô cữu.
Dịch: Hào 2, âm: Vượt qua ông mà gặp bà; không được gặp vua thì nên giữ phận bề tôi, như vậy không lỗi.
Giảng: Hào nay nhu thuận, trung chính ở vào thời Tiểu qua,1 có quá một chút mà không lỗi. Nó là âm đáng lẽ cầu dương mà nó lại vượt hai hào dương (3 và 4 ) để gặp (ứng với 5) nghĩa là gặp âm nữa, cho nên Hào từ nói là vượt ông mà gặp bà. Hào từ khuyên hào này ở thấp, là phận làm tôi, không gặp được vua thì cứ giữ phận bề tôi (đứng vào hàng những bề tôi khác) .
Hào này tối nghĩa, chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu, Chu Hi giảng là: không gặp được vua thì gặp bề tôi, như vậy là giữ được trung, chính, tuy hơi quá (vì muốn gặp vua) mà không lỗi (sau gặp bề tôi). Cả hai cách giảng đều không xuôi.
3.
九三.弗過防之, 從或戕之, 凶.
Cửu tam: Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.
Dịch: Hào 3, dương: Chẳng quá phòng bị (tiểu nhân) thì rồi sẽ bị chúng làm hại đấy.
Giảng: Thời Tiểu qua; tiểu nhân nhiều hơn quân tử, nên đề phòng quá cẩn thận thì tốt. Hào này dương cương đắc chính là quân tử, nhưng vì quá cương (dương ở vị dương), tự thị, không đề phòng cẩn thận nên bị vạ. Hào này xấu nhất trong quẻ vì bị 2 hào âm ở trên ép xuống, 2 hào âm ở dưới thúc lên, chỉ có mỗi hào 4 là bạn, mà chẳng giúp được gì.
4.
九四: 无咎, 弗過遇之, 往厲, 必戒; 勿用永貞.
Cửu tứ: vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ, tất giới; vật dụng vĩnh trinh.
Dịch: Hào 4, dương: không lỗi vì không quá dương mà vừa đúng với đạo lý thời Tiểu quá; nếu tiến tới thì nguy, nên răn về điều đó, đừng cố giữ đức cương của mình, mà nên biến thông.
Giảng: hoàn cảnh hào này y hệt hào 3; cũng bị 2 hào âm ép ở trên, 2 hào âm thúc ở dưới, và cũng ở chỗ chưa dứt được với nội quái, chưa lên hẳn được ngoại quái, đáng lẽ cũng xấu, nhưng nhờ 4 tuy dương mà ở vị âm, như vậy là hơi biết mềm dẻo, không quá cương như 3, đúng với đạo lý thời Tiểu quá, chi nên không có lỗi.
Tuy nhiên phải nhớ đừng tiến lên mà theo hai hào âm, như vậy là quá nhu mất, sẽ nguy; mà cũng đừng cố chấp giữ tính dương cương của mình, mà nên biến thông.
5.
六五: 密雲不雨, 自我西郊; 公弋,取彼在穴.
Lục ngũ: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao;
Công dặc, thủ bỉ tại huyệt.
Dịch: Hào 5, âm: mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta, công bắn mà bắt lấy nó ở hang.
Giảng: Âm dương tiếp xúc với nhau thì mới thành mua, nay âm lên quá cao rồi (hào 5), dương ở dưới, âm dương bất hoà, có cái tượng mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta (như thoán từ quẻ Tiểu súc số 9), đại ý là không làm được gì cả; vì là âm nhu, bất tài lại ở vào thời âm nhiều quá. Chỉ có một cách là xuống tìm hào 2, cũng âm, mà làm bạn. Chữ “cộng” (ông) ở đây trỏ hào 5, “bỉ” (nó) trỏ hào 2; hào 2 ở vị âm, tối tăm cho nên ví với cái hang.
6.
上六: 弗遇過之, 飛鳥離之. 凶, 是謂災眚.
Thượng lục: phất ngộ quá chi, phi điểu li chi. Hung, thị vị tai sảnh.
Dịch: Hào trên cùng, âm: không đúng với đạo mà lại sai quá, như cánh chim bay cao quá, xa quá, sợ bị tai vạ.
Giảng: Hào này âm nhu, mà biến động vì ở ngoại quái Chấn (động), lại ở vào cuối thời Tiểu quá,1 là thái quá, cho nên bảo là sai đạo quá; có cái tượng con chim bay cao quá, xa quá rồi; khó kéo lại được mà còn sợ bị tai vạ nữa. Hào 6 này âm là tiểu nhân, tiểu nhân mà vượt lên trên quân tử (dương hào 4), cho nên răn là sẽ bị tai hoạ.
Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì đừng nên quá cương như hào 3, mà nên mềm mỏng một chút, biến thông như hào 4.
hết: 62. QUẺ LÔI SƠN TIỂU QUÁ

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2009 lúc 5:56am

63. QUẺ THỦY HỎA KÍ TẾ

Trên là Khảm (nước), dưới là ly (lửa)

Quá là hơn, tài đức có chỗ nào hơn người trong một việc gì đó thì làm nên việc ấy, cho nên sau quẻ Tiểu quá tởi quẻ Kí tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành.
Thoán từ.
既濟: 亨小, 利貞.初吉, 終亂.
Kí tế: Hanh tiểu, lợi trinh. Sơ cát, chung loạn.
Dịch: đã xong: Hanh thông, nếu làm nốt các việc nhỏ, cố giữ được những việc đã thành rồi thì mới lợi. Mới đầu tốt, cuối cùng thì loạn (nát bét).
Giảng: Trong thoán từ này, hai chữ ‘Hanh tiểu”, Chu Hi ngờ là “tiểu hanh” mới đúng; tiểu hanh nghĩa là việc nhỏ, được hanh thông. Chúng tôi cho cách hiểu của Phan Bội Châu (theo Thoán truyện) là đúng hơn, nên dịch như trên.
Quẻ này trên là nước, dưới là lửa. Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước , nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được.
Lại xét sáu hào trong 1 : hào dương nào cũng ở vị dương hào âm nào cũng ở vị âm; mà hào nào cũng có ứng viện: 1 dương có 4 âm ứng; 2, âm có 5 dương, ứng; 3, dương , có 6 âm ứng; đâu đó tốt đẹp cả, mọi việc xong xuôi, thế là hanh thông.
Ở vào thời Kí tế, việc lớn đã xong, còn những việc nhỏ cũng phải làm cho xong nữa, thì mới thật là hoàn thành. Hoàn thành rồi lại phải cố giữ được sự nghiệp; nếu không thì chỉ tốt lúc đầu thôi mà rốt cuộc sẽ nát bét. Nghĩa lúc trị phải lo trước tới lúc loạn.
Thoán truyện giảng mới đầu tốt vì hào 2 ở nội quái có đức nhu thuận mà đắc trung; và rốt cuộc sẽ loạn vì ngừng không tiến nữa, không đề phòng nữa (chung chỉ tắc loạn).
Đại Tượng truyện cũng căn dặn phải phòng trước lúc loạn, lúc suy.
Hào từ.
1.
初九: 曳其輪, 濡其尾, 无咎.
Sơ cửu: duê kì luân, nhu kì vĩ, vô cữu.
Dịch: Hào 1, dương: kéo lết bánh xe (chậm lại), làm ướt cái đuôi thì không có lỗi.
Giảng: hào này là dương, có tài, ở trong nội quái Ly (lửa) có tính nóng nảy, lại ở đầu quẻ Kí tế, có chí cầu tiến quá hăng. Nên hào từ khuyên phải thận trọng, thủng thẳng (kéo lết bánh xe lại), chưa qua sông được đâu (như con chồn ướt cái đuôi, không lội được), như vậy mới khỏi có lỗi .
2.
六二: 婦喪其茀, 勿逐, 七日得.
Lục nhị: Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.
Dịch : Hào 2, âm: Như người đàn bà đánh mất cái màn xe, đừng đuổi theo mà lấy lại cứ đợi bảy ngày sẽ được.
Giảng: Hào này ở giữa nội quái Ly, có đức văn minh, trung chính, có thể thực hiện được chí mình. Nó ứng với hào 5 dương cương, trung chính, ở địa vị chí tốn; nhưng ở thời Kí tế, đã xong việc, nên 5 không đoái hoài tới 2, thành thử 2 như người đàn bà có xe để đi. Mà đánh mất cái màn che bốn mặt xe, không đi được. Tuy nhiên vì 2 trung chính mà đạo trung, chính không bị bỏ lâu bao giờ, nên đừng mất công theo đuổi, cứ đợi rồi tự nhiên sẽ được như ý.
3.
九三: 高宗伐鬼方三年,克之.小人勿用.
Cửu tam: Cao tôn phạt quỉ Phương tam niên, khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.
Dịch : Hào 3, dương: Vua Cao Tôn đánh nước Quỉ Phương, ba năm mới được, đừng dùng kẻ tiểu nhân.
Giảng: Hào này là dương ở vị dương, nên quá cương cường, hoá ra khinh suất, phải thận trong như vua Cao Tôn, tức Vũ đinh (1324-1264) nhà Ân, khi đánh một rợ nhỏ là quỉ Phương mà cũng mất ba năm mới được.
Đừng dùng kẻ tiểu nhân là lời khuyên chung, chứ không phải chỉ khuyên riêng hào 3 này.
4.
六四: 繻有衣袽, 終日戒.
Lục tứ: chu hữu y như, chung nhật giới.
Dịch : Hào 4, âm: Thuyền bị nước vào, có giẻ để bít lỗ, phải răn sợ suốt ngày.
Giảng: Đã bắt đầu lên ngoại quái Khảm, nguy hiểm, phải phòng bị cẩn thận, như người ngồi chiếc thuyền bị nước vào, phải có giẻ để bít lỗ. Hào này âm nhu, ở vị âm, đắc chính, là người thận trọng biết lo sợ.
5.
九五: 東鄰殺牛, 不如西鄰之禴祭, 實受其福.
Cửu ngũ: Đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi thược tế, thực thụ kì phúc.
Dịch: Hào 5, dương: Hàng xóm bên đông mổ bò (làm tế lễ lớn) mà thực tế không hưởng được phúc bằng hàng xóm bên tây chỉ tế lễ sơ sài.
Giảng: Hàng xóm bên đông là hào 5, bên tây là hào 2. Cả hai hào đều đắc trung, đắc chính, lòng chí thành ngang nhau; 5 ở địa vị chí tôn làm lễ lớn, nhưng được hưởng phúc thì 2 lại hơn 5, chỉ vì 2 gặp thời hơn; 2 ở vào đoạn đầu Kí tế sức tiến còn mạnh, tương lai còn nhiều; 5 ở vào gần cuối Kí tế, lại ở giữa quẻ Khảm (hiểm), tiến tới mức chót rồi, sắp nguy, thịnh cực thì phải suy.
6.
上六: 濡其首, 厲.
Thượng lục: Nhu kì thủ, lệ.
Dịch: Hào trên cùng, âm: Ướt cái đầu, nguy.
Giảng: tiểu nhân bất tài (hào này là âm) ở thời cuối cùng của Kí tê, lại ở trên hết quẻ khảm, càng nguy nữa, như một người lội qua sông, nước ngập cả đầu.

*

Kí tế vốn là một quẻ tốt, nhưng chỉ ba hào đầu là khá tốt, còn ba hào sau thì càng tiến lên càng xấu: hào 5, kém phúc hào 2, mà hào trên cùng (ướt đầu) so với hào 1 (ướt đuôi) còn xấu hơn nhiều. Vẫn là lời khuyên gặp thời thịnh phải cẩn thận, đề phòng lúc suy.
hết: 63. QUẺ THỦY HỎA KÍ TẾ

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2009 lúc 5:58am

64. QUẺ HỎA THỦY VỊ TẾ

Trên là Ly (lửa), dưới là Khảm (nước)
䷿

Kí tế là qua sông rồi, cũng rồi, nhưng theo luật thiên nhiên, không có lẽ nào hết hẳn được, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hoá hoá hoài, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng, do đó sau quẻ Kí tế tới quẻ Vị tế: chưa qua sông, chưa xong, chưa hết.
Thoán từ:
未濟: 亨.小狐汔濟, 濡其尾, 无攸利.
Vị tế: Hanh. Tiểu hồ ngật tế, nhu kì vĩ, vô du lợi.
Dịch: chưa xong, chưa cùng: được hanh thông. Con chồn nhỏ sửa soạn vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không qua được, không có gì lợi cả.
Giảng: Quẻ này trái hẳn quẻ trên: lửa ở trên nước, nước và lửa không giao nhau, không giúp được nhau; cả 5 hào đều ở trái ngôi cả; dương ở vị âm, mà âm ở vị dương, cho nên gọi là vị tế: chưa xong.
Vị tế chứ không phải là bất tế, chưa qua sông được chứ không phải là không qua được, sẽ có thời qua được, lúc đó sẽ hanh thông. Thời đó là thời của hào 5, có đức nhu trung, biết thận trọng mà ở giữa quẻ Ly (thời văn minh). Vả lại tuy 5 hào đều trái ngôi, nhưng ứng viện nhau cương nhu giúp nhau mà nên việc: thêm một lẽ hanh thông nữa.
Thoán từ khuyên đừng nên như con chồn con, nóng nảy hấp tấp, mới sửa soạn qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không qua được nữa, không làm được việc gì lợi cả, không tiếp tục được đến cùng.
Đại tượng khuyên phải xem xét kỹ càng mà đặt người, vật vào chỗ thích đáng, thì mới nên việc, đừng đặt lửa ở trên nước chẳng hạn như quẻ này.
Hào từ:
1.
初六: 濡其尾, 吝.
Sơ lục: nhu kì vĩ, lận.
Dịch: Hào 1, âm: để ướt cái đuôi, đáng ân hận.
Giảng: Âm nhu, tài kém, ở vào đầu thời Vị tế, mà lại bước chân vào chỗ hiểm (khảm), như con chồn sắp sửa qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không biết tính trước phải ân hận.
2.
九二: 曳其輪, 貞吉.
Cửu nhị: Duệ kì luân, trinh cát.
Dịch: Hào 2, dương: kéo lết bánh xe, giữ đạo trung chính thì tốt.
Giảng: dương cương là có tài, ở vị âm là bất chính, thấy hào 5 ở ngôi tôn, ứng với mình là âm nhu, có ý muốn lấn lướt 5, như vậy sẽ hỏng việc, cho nên hào từ khuyên nên giảm tính cương của mình đi (như kéo lết bánh xe, hãm bớt lại) và giữ đạo trung của mình (hào 2 đắc trung) thì tốt, vì hễ trung thì có thể chính được.
3.
六三: 未濟, 征凶, 利涉大川.
Lục tam: Vị tế: chinh hung, lợi thiệp đại xuyên.
Dịch: Hào 3, âm: chưa thành đâu, nếu cứ tiến hành thì bị hoạ, vượt qua sông lớn thì lợi.
Giảng: Âm nhu, vô tài, lại bất trung, bất chính, không làm nên việc đâu, nếu cứ tiến hành thì xấu. Nhưng đã cảnh cáo: tiến hành thì xấu mà sao lại bảo qua sông lớn thì lợi? Mâu thuẩn chăng? Vì vậy mà có người ngờ trước chữ lợi, thiếu chữ bất vượt qua sông lớn thì không lợi, mới phải.
Có thể giảng như vầy: xét về tài đức của 3 thì không nên tiến hành, nhưng xét về thời của 3: Ở cuối quẻ Khảm, là sắp có thoát hiểm, hơn nữa trên có hào 6 dương cương giúp cho, thì sắp có cơ hội vượt qua sông lớn được. Lúc đó sẽ có lợi.
4.
九四: 貞吉, 悔亡.震用伐鬼方, 三年. 有賞于大國.
Cửu tứ: trinh cát, hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ Phương, tam niên. Hữu thưởng vu đại quốc.
Dịch: Hào 4, dương: giữ đạo chính thì tốt, hối hận mất đi. Phấn phát (Chấn) tinh thần, cổ vũ dũng khi mà đánh nước quỉ Phương, lâu ba năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho.
Giảng: Có tài dương cương, mà ở vào thời thoát khỏi hiểm (nội quái Khảm), tiến lên cõi sáng của văn minh (ngoại quái Ly), trên có hào 5, âm , là ông vua tin vậy mình ,thì đáng lẽ tốt. Chỉ vì hào 4 này bất chính (dương ở vị âm) nên khuyên phải giữ đạo chính. Lại khuyên phải phấn phát tinh thần và kiên nhẫn mới làm được việc lớn cho xã hội, như việc đánh nước quỉ phương thời vua Cao Tôn (coi hào 3, quẻ Kí tế) ba năm mới thành công.
5.
六五: 貞,吉,无悔.君子之光有孚.吉.
Lục ngũ: trinh, cát, vô hối. Quân tử chi quang hữu phu, cát.
Dịch: Hào 5, âm: Có đức trung chính, tốt, không có lỗi. Đức văn minh của người quân tử do chí thành mà rực rỡ, tốt.
Giảng: Hào này âm ở vị dương là bất chính, nhưng vì âm nhu, đắc trung (trung còn tốt hơn chính) ở vào giữa ngoại quái Ly, là có đức văn minh rực rỡ, lại ứng với hào 2 đắc trung, dương cương ở dưới, nên hai lần được khen là tốt; lần đầu vì có đức trung, văn minh lần sau vì có lòng chí thành, hết lòng tin ở hào 2.
6.
上九: 有孚于飲酒, 无咎.濡其首, 有孚, 失是.
Thượng cữu: Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu
Nhu kì thủ, hữu phu, thất thị.
Dịch: Hào trên cùng, dương: tin tưởng chờ đợi như thong thả uống rượu chơi thì không lỗi, nếu quá tự tin mà chìm đắm trong rượu chè (ướt cái đầu) thì là bậy.
Giảng: Dương cương ở trên cùng quẻ là cương tới dùng cực, cũng ở cuối ngoại quái Ly là sáng đến cùng cực, đều là quá cả. Sắp hết thời Vị tế rồi, mà hào 4 và 5 đã làm được nhiều việc rồi, hào 6 này chỉ nên tự tín, lạc thiên an mệnh, vui thì uống rượu chơi mà chờ thời, như vậy không có lỗi. Nếu quá tự tín đến mức chìm đắm trong rượu chè (như con chồn ướt cái đầu), không biết tiết độ thì mất cái nghĩa, hoá bậy.

*

Kinh Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; ở giữa là hai quẻ Hàm và Hằng, đạo vợ chồng, gốc của xã hội, tận cùng bằng hai quẻ Kí tế và Vị tế đã xong rồi lại chưa xong; như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của loài người, không bao giờ xong, cái gì tớt chung rồi lại tiếp ngay tới thủy. Mà đạo Dịch cũng vậy không bao giờ hết. Dịch cho ta niềm hy vọng ở tương lai. Thật là một triết lý lạc quan.
hết: 64. QUẺ HỎA THỦY VỊ TẾ,

Chỉnh sửa lại bởi Hoa Hạ - 12/Mar/2009 lúc 5:58am

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2009 lúc 4:03am

Nguyễn Hiến Lê

Kinh dịch - Đạo của người quân tử

HỆ TỪ TRUYỆN-THIÊN THƯỢNG
Dịch và chú thích

HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG - CHƯƠNG I

Cũng gọi là
ĐẠI TRUYỆN


1. Thiên tôn địa ti, Càn khôn định hĩ; ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ.
Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hĩ.
Phương dĩ tụ loại, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ.
Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hoá hiện hĩ. (1).
Dịch: (vì thấy) trời cao đất thấp (mà thánh nhân) vạch ra quẻ Càn và quẻ Khôn; cao thấp đã bày ra thì định được quí và tiện (dương quí mà âm tiện).
Động và tĩnh đã có luật nhất định do đó mà phân biệt cương và nhu (dương là cương động; âm là nhu, tĩnh).
Việc (1) có xu hướng phải trái nên sắp với nhau thành nhóm; vật có hình riêng nên chia ra từng bầy; do đó mà đặt ra lời cát và hung.
Xem trên trời thấy (nhật nguyệt tinh thần . . .) thành ra nhiều tượng; xem dưới đất thấy (núi sông, vạn vật . . .) thành ra nhiều hình; sự biến hoá như vậy đã hiện rõ.
Chú thích: tiết này nói về nguồn gốc và nguyên lý Kinh dịch.
(1). Chữ phương ở đây có người hiểu là nơi và dịch: các loài tụ lại từng phương. Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. R. Wilhelm dịch là biến cố.
2. Thị cố cương nhu tương ma, bát quái tương đăng.
Dịch: cho nên cứng và mềm cọ nhau, giao nhau mà thành bát quái, bát quái luân chuyển nhau (chồng lẫn lên nhau mà thành sáu mươi bốn quẻ).
3. Cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ, nhật nguyệt vận hành, nhất hàn nhất thử.
Dịch : Cổ động cho muôn vật bằng sấm sét (ám chỉ quẻ Chấn); thấm nhuần cho muôn vật bằng gió mưa (ám chỉ quẻ Tốn), mặt trời mặt trăng xoay vần, cứ lạnh rồi tới nóng (thay đổi nhau hoài).
Chú thích: đây nói về sự biến hoá thành ra các tượng ở trên trời.
4. Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ.
Dịch: Có đạo Càn (tức khí dương) nên thành giống đực, có đạo Khôn (tức khí âm) nên thành giống cái.
Chú thích: Chữ đạo ở đây không có nghĩa là đạo đức, cũng không hẳn có nghĩa như trong “Đạo đức kinh”. Có thể tạm coi là luật thiên nhiên. Nam, nữ thường dịch là trai, gái, như vậy là chỉ xét chung về loài người thôi, nghĩa hẹp đi.
5. Càn tri thái (có người đọc là đại) thủy, Khôn tác thành vật.
Dịch: đạo Càn làm chủ (tác động) lúc mới đầu (lúc chưa thành hình); rồi sau đạo Khôn làm cho (vạn vật) ngưng kết mà thành hình.
Chú thích: Chữ tri ở đây không có nghĩa là biết; mà có nghĩa là làm chủ, như tri phủ, tri huyện. . .
6. Càn dĩ dị tri, khôn dĩ giản năng.
Dịch: Càn (nhờ đức cương kiện mà động nên) dễ dàng, không tốn sức mà làm chủ tác động lúc mới đầu; Khôn (nhờ đức nhu thuận mà) đơn giản, không rối ren mà tác thành vạn vật.
Chú thích: tiết là tiếp tiết trên. Tiết trên nói về công dụng của Càn, Khôn; tiết này nói về đức của Càn, khôn. Chữ tri ở đây nghĩa như chữ tri ở trên, chữ năng ở đây nghĩa như chữ tác ở trên.
7. Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng. Dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công. Hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân chi đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.
Dịch: (Người ta nếu bắt chước Càn, xử thế một cách) bình dị thì (lòng minh) người khác dễ biết (1); (nếu bắt chước Khôn mà xử sự một cách) đơn giản thì người khác dễ theo mình. Người khác dễ biết mình thì có nhiều người thân với mình; người khác dễ theo mình thì mình lập được công lao. Có nhiều người thân thì mình được lâu dài (2), lập được nhiều công thì sự nghiệp mình lớn. Mình được lâu dài thì là có đức của hiền nhân, có sự nghiệp lớn thì là có sự nghiệp của hiền nhân.
Chú thích: Mấy tiết trên nói về đạo, đức của Càn, Khôn; tiết này nói về người hiền.
(1) Dị tắc dị tri: chữ tri ở đây không có nghĩa là làm chủ như trong hai tiết trên, mà có nghĩa là biết. Chữ dị thứ nhất nghĩa là giản, chữ dị thứ nhì (dị tri) là dễ, trái với nan là khó.
(2) Cửu: lâu dài, có nghĩa là giữ chức vụ lâu, vì nhiều người đồng tâm với mình.
8. Dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ, thiên hạ chi lý đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ.
Dịch: có đức “dị” (của Càn), có đức “giản” (của Khôn) thế là nắm được đạo lý trong thiên hạ rồi; nắm được đạo lý trong thiên hạ, thế là có được cái địa vị ở giữa trời và đất (cùng với trời đất thành ba ngôi: tam tài: trời, người, đất, tham dự được với trời đất.
Chú thích: thành vị hồ kỳ trung, R. Wilhelm dịch là “sự toàn thiện ở trong đó” tức đạt được sự toàn thiện. J.Legge, trong The I ching. Theo Chu Hi, dịch như chúng tôi.
hết: HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG - CHƯƠNG I,

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2009 lúc 4:15am

Nguyễn Hiến Lê

Kinh dịch - Đạo của người quân tử

HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG
Dịch và chú thích

CHƯƠNG II


1. Thánh nhân thiết quái, quan tượng, hệ từ yên nhi minh cát hung.
Dịch: thánh nhân đặt ra quẻ, xem tượng ở trong quẻ , rồi ghép (1) lời đoán vào sau mỗi quẻ mỗi hào để tỏ rõ lẽ tốt, xấu.
Chú thích:
(1) Hệ có nghĩa là buộc. Thời xưa khắc chữ lên thẻ tre, và buộc các thẻ vào với nhau.
2. Cương nhu tương thôi nhi biến hoá.
Dịch: Cương (quẻ hào dương), nhu (quẻ và hào âm) dời đẩy nhau mà sinh ra biến hoá (dương thành âm, âm thành dương).
3. Thị cố (1) cát hung giả, đắc thất chi tượng dã: hối lận giả, ưu ngu chi tượng dã.
Dịch: Tốt xấu là cái tượng của sự đắc thất; hối tiếc là cái tượng của sự lo ngại.
Chú thích: (1) chữ thị cố này thời xưa dùng để chuyển, không thực có nghĩa nhân quả, cho nên chúng tôi không dịch.
4. Biến hoá giả, tiến thoái chi tượng dã; cương nhu giả, trú dạ chi tượng dã; lục hào chi động, tam cực chi đạo dã.
Dịch: Biến hoá là hình tượng của sự tiến thoái; cương (dương) nhu (âm) là hình tượng của ngày đêm; sáu hào động là cái lý cùng cực của tam tài (trời, người, đất) (1)
Chú thích: (1) Hào 6 và 5 là trời, hào 4 và 3 là người, hào 2 và 1 là đất; vì vậy bảo sáu hào là tam tài.
5. Thị cố quân tử sở cư nhi an giả. Dịch chi tự dã; sở lạc nhi ngoạn giả, hào chi từ dã.
Dịch: Người quân tử khi tự xử nhờ xem cái thứ tự của đạo Dịch (1) mà yên tâm; nhờ lời đoán các hào mà vui thích, ngẫm nghĩ không chán.
Chú thích: (1) thứ tự của đạo Dịch tức lẽ đương nhiên sự việc nó phải biến đổi theo trình tự nào đó, chẳng hạn thịnh rồi thì suy, cùng rồi thì biến thông.
6. Thị cố quân tử cư tắc quan kỳ tượng nhi ngoạn kỳ từ; động tắc quan kỳ biến nhi ngoạn kỳ chiêm; thị dĩ tự nhiên hữu chi, cát vô bất lợi.
Dịch: người quân tử khi ở yên thì xem tượng mà ngẫm nghĩ lời kinh (10; khi hữu sự (muốn hành động) thì xem sự biến hoá mà ngẫm nghĩ lời đoán quẻ (2) nhờ vậy mà được trời giúp cho gặp điều tốt, không có gì chẳng lợi .
Chú thích:
(1) Chữ từ ở đây là lời giảng về mỗi quẻ, mỗi hào (quái từ, hào từ) tức là lời Kinh của Văn Vương, Chu Công.
(2) chiêm là lời quẻ bảo về sự tốt xấu sẽ gặp, khi mình xin quẻ.
hết: CHƯƠNG II,

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2009 lúc 4:22am

HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG
Dịch và chú thích

CHƯƠNG III

1. Thoán giả, ngôn hồ tượng giả dã: hào giả, ngôn hồ biến giả dã.
Dịch: Lời “Thoán” (Thoán từ Văn Vương đặt ở dưới mỗi quẻ) là để chỉ rõ cái tượng (ý tượng và hình tượng) của mỗi quẻ, lời hào (hào từ, Chu Công đặt ở dưới mỗi hào) là để nói về sự trao đổi, biến hoá của các hào.
2. Cát hung giả, ngôn hồ kì thất đắc dã; hối lận giả, ngôn hồ kì tiểu tì dã; vô cữu giả, thiện bổ quá dã.
Dịch: Cát (tốt) hung (xấu) là nói về sự đắc (được) thất (mất); hối lận là nói về những sai lầm nhỏ; vô cữu là khéo sửa lỗi.
Chú thịch: Có sách giảng: hối: là có cơ được “cát”, lận” là có cơ bị “hung”
3. Thị cố liệt quí tiện giả, tồn hồ vị; tề tiểu đại giả, tồn hồ quái; biện cát hung giả, tồn hồ từ.
Dịch: cho nên xét vị (ngôi), của hào mà biết sang hay hèn (1); xem tượng của quẻ mà cân nhắc (quyết định) được lớn (dương) hay nhỏ (âm) (2); xét lời đoán mà phân biệt được tốt xấu.
Chú thích:
(1) Ví dụ hào 5 là sang, hào 1 là hèn.
(2) Ví dụ quẻ Bĩ, âm thịnh, cho nên thoán từ nói là “tiểu lai” (âm tới, vào trong tức tiểu nhân ở trong); quẻ Thái dương thịnh, cho nên thoán từ nói là “đại lại” (dương tới, tức quân tử ở trong).
4. Ưu hối lận giả tồn hồ giới, chấn vô cữu giả tồn hồ hối.
Dịch: Biết lo về những hối hận (lầm nhỏ) thì biết dự phòng ở chỗ giới hạn giữa thiện và ác (lùi về một chút thì là thiện, tiến quá một chút thì hoá ác); làm chấn khởi sự vô cữu (không lỗi) là ở sự ăn năn (biết ăn năn tức là lòng sửa lỗi đã bắt đầu phát động, chấn lên – mà do đó có thể sẽ không lỗi).
5. Thị cố quái hữu tiểu đại, từ hữu hiểm dị; từ dã giả các chỉ kỳ sở chi.
Dịch: Cho nên quẻ thì có lớn nhỏ (1), lời thì có hiểm hóc hay dễ dàng, lời là để bảo cái hướng diễn biến (2).
Chú thích: (1) Quẻ lớn là quẻ nào mà dương thịnh, âm suy (quân tử thinh, tiểu nhân suy); ngược lại là quẻ nhỏ.
(2) Biết cái hướng diễn biến của sự việc thì biết tránh cái xấu, tìm cái tốt (xu cát tị hung); do đó “bảo cho ta cái hướng diễn biến” cũng là bảo cho ta cách xử sự. Vậy nếu ta sáng suốt thì vẫn làm chủ được vận mệnh của ta. Cơ hồ dịch chủ trương có thiên mệnh tức luật thiên nhiên chứ không có định mệnh.
hết: CHƯƠNG III

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2009 lúc 4:38am

HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG
Dịch và chú thích

CHƯƠNG IV

1. Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo.
Dịch: Kinh dịch (vì có đủ cái đạo của trời đất, cho nên) cùng làm chuẩn đích với trời đất; do đó mà chỉnh đốn, sửa sang được đạo của trời đất.
2. Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh chi cố. Nguyên thủy phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết. Tinh khí vi vật, du hồn vi biến, thị cố tri quỉ thần chi tình trạng.
Dịch: (Thánh nhân trước khi làm Dịch) ngửng lên mà xem thiên văn, cúi xuống mà xem địa lý, cho nên biết cái cơ sở dĩ u và minh (1). Suy nguyên từ trước, trở lại về sau, nên biết cái thuyết sống chết (2). Tinh và khí là vật chất hoạt động, hồn tan mà biến, nên biết được tình trạng quỉ thần (3) .
Chú thích: (1) U là tối, lúc mà vạn vật chưa có hình tích rõ ràng, ngược lại là minh, là sáng.
(2) Suy nguyên từ trước là từ khi âm dương hoà hợp, tụ lại thành hình, tức là biết thuyết sinh (sinh ra); trở lại về sau là về lúc âm dương tiêu kiệt, khí tán, hình tán, tức lúc chết, do đó mà biết được thuyết tử (chết).
(3) Quỉ, thần ở đây khác hẳn nghĩa ngày nay. Âm dương ngưng tụ lại mà thành hình, thành chất, đó là tình trạng thuộc về thần; khi hồn tan rồi, chỉ còn một khối tử vật, đó là tình trạng thuộc về quỉ (Giải thích của Phan Bội Châu).
3. Dữ thiên địa tương tự cố bất vi; trí chu hồ vạn vật nhi đạo tế thiên hạ, cố bất quá, bàng hành nhi bất lưu, lạc thiên tri mệnh cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái.
Dịch: (Trên nói về trời đất, đây nói về thánh nhân) (thánh nhân) giống với trời đất cho nên không trái với trời đất, đức trí (sáng suốt) soi khắp vạn vật, mà đạo (nhân của thánh nhân) giúp khắp thiên hạ, cho nên không bao giờ quá (luôn luôn hợp với đạo trung); biết quyền biến (bàng hành) mà không lưu đãng (không mất lẽ chính đáng) vui lẽ trời, biết mệnh trời (1) cho nên không lo lắng; yên với cảnh ngộ, đôn đốc về đức nhân, cho nên thực hành được bác ái.
Chú thích: (1) chữ tri mệnh ở đây tức là chữ tri mệnh trong luận ngữ: ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Mệnh không phải là số mệnh, mà là cái luật, cái đạo trời.
4. Phạm vi thiên địa chi hoá nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di, thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri, cố thần vô phương nhi dịch vô thể.
Dịch: (Thánh nhân) lấy sự biến hoá của trời đất làm khuôn mẫu mà không quá (vẫn giữ đạo trung), uốn nắn mà thành tựu được vạn vật, chẳng bỏ sót vật nào, thông suốt đạo ngày đêm mà hiểu nó (tức đạo u mình, sinh tử, quỉ thần) ; do đó thấy sự huyền diệu của bậc chí thần là không có phương sở mà biến hoá của Dịch không có hình thể (không hạn lượng được).
Chú thích: Hai tiết sau, R.Wilhelm cho là vẫn nói về đạo Dịch, chứ không nói về đạo thánh nhân, và tiết cuối này ông dịch như sau:
“Trong Dịch có hình thức và phạm vi của mọi vật trong trời đất, không gì thoát ra ngoài được. Trong Dịch mọi vật ở mọi nơi được hoàn thành, không sót vật nào. Cho nên, nhờ Dịch chúng ta có thể thấu được đạo ngày đêm mà hiểu nó. Cho nên cái thần trí (spirit) không bị giới hạn ở nơi nào cả mà Kinh Dịch không bị giới hạn ở hình thể nào cả”.
hết: CHƯƠNG IV,

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2009 lúc 4:39am

HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG
Dịch và chú thích

CHƯƠNG V


1. Nhất âm nhất dương chi vị đạo.
Dịch: Một âm một dương gọi là đạo.
Chú thích: Câu này Phan Bội Châu theo Chu Hi giảng là: âm, dương thuộc về phần khí, (tức phần hình); hai cái đó “đắp đổi, chuyển vần với nhau”; cái “lý” của nó gọi là “đạo”.
R. Wilhelm dịch là: “Cái khiến cho khi thì âm xuất hiện, khi thì dương xuất hiện, cái đó là “đạo” (đạo, R.Wilhelm phiên âm là tao).
J. Legge dịch “đạo” là sự chuyển vần của sự vật (the course of things).
2. Kế chi giả, thiện dã; thành chi giả, tính dã.
Dịch: (Tiết này cũng rất khó hiểu như tiết trên, mỗi nhà giảng một khác, chúng tôi châm chước Phan Bội Châu và Chu Hi mà dịch như sau).
Cái nguyên lý, cái đạo ấy khi phát ra thì tốt lành, cái tốt lành ấy tức cái đạo ấy cụ thể hoá (thành) ở người (và ở vạn vật) thì bấy giờ gọi bằng tính.
Chú thích: tư tưởng trong tiết này giống tư tưởng trong câu “thiên mệnh chi vị tính”, sách Trung Dung; và giống thuyết tính thiện của Mạnh tử.
3. Nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí. Bách tính nhật dụng chi nhi bất tri, cố quân tử chi đạo tiển hỉ.
Dịch: (đạo rất huyền nhiệm tinh vi, không ai biết hết được, tùy bẩm thụ khác nhau mà) người (có đức) nhân thấy nó nhân, gọi nó là đạo nhân; người trí (sáng suốt) thấy nó trí, gọi nó là trí. (còn hạng người thấp kém tức) trăm họ ngày nào cũng dùng nó mà chẳng biết, cho nên đạo người quân tử (gồm cả nhân lẫn trí) mới ít người có được.
4. Hiển chư nhân, tàng chư dụng, cổ vạn vật nhi bất dữ thánh nhân đồng ưu, thịnh đức đại nghiệp chí hỉ tai.
Dịch: đạo đó hiện rõ ở đức nhân, mà mầu nhiệm về tác dụng ; nó cổ võ vạn vật mà (vô tâm) không lo lắng như thánh nhân, cho nên cái đức của nó cực thịnh, sự nghiệp của nó cực lớn.
Chú thích: tiết này cơ hồ chủ trương rằng đạo “vô vi nhi vô bất vi” như Lão tử, nhưng lại bảo thánh nhân ưu thời mẫn thế, tức hữu vi, như nho gia.
5. Phú hữu chi vị đại nghiệp, nhật tân chi vị thịnh đức.
Dịch: Nó to lớn, bao trùm hết thảy (phú hữu) cho nên bảo là sự nghiệp nó lớn; nó biến hoá không bao giờ ngừng (nhật tân) cho nên bảo là đức nó thịnh.
6. Sinh sinh chi vị dịch.
Dịch: (Âm dương) Sinh sinh (hoá hoá hoài) gọi là dịch.
Chú thích: so sánh câu này với câu: “nhất sinh nhị, nhi sinh tam, tam sinh vạn vật” của Lão tử.
7. Thành tượng chi vị Càn, hiệu pháp chi vị Khôn.
Dịch: Tạo nên tượng (tờ mờ, còn phôi thai) là cái khí Càn; trình bày (hiệu) cái hình thức (pháp) đầy đủ, là khí Khôn.
Chú thích; Vậy là Càn chủ động, Không tiếp tục công việc của Càn mà tạo thành vạn vật.
8. Cực số tri lai chi vị chiêm, thông biến chi vị sự.
Dịch: Xem xét đến cùng luật của các số mà biết được vị lai, thì gọi là coi bói, thông suốt sự biến hoá thì gọi là (hiểu) việc (nên làm).
Chú thích: Tiết này nói về việc bói – Phan Bội Châu bỏ.
9. Âm dương bất trắc chi vị thần.
Dịch: Trong âm có dương, trong dương có âm, không nhất định để mà lường được (bất trắc) như vậy gọi là thần.
hết: CHƯƠNG V

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 9 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.188 seconds.