Người gởi |
Nội dung |
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 08/Feb/2011 lúc 10:26pm |
Ðời này ai dại, ai khôn? Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành !!!
Nguyễn Hữu Chi
Tiến Sĩ Tâm Lý Chính Trị Học
Ðời này ai dại, ai khôn? Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành. Ca dao
Ðược tin ông bạn già bất thình lình “ra đi”, tôi vội mang vòng hoa đến chào từ biệt. Ông bạn tôi mặc bộ đồ rất đẹp, bình thản nằm đó. Tôi mừng thầm cho ông bạn đã “ra đi” một cách nhẹ nhàng trong lúc đang ngủ ngon lành. Sau đó, trên đường lái xe về nhà, tôi suy tư về khoảng thời gian còn lại trong đời tôi. Dù sao năm nay tôi đã trên bẩy chục tuổi đầu rồi. Theo thống kê ở Canada, người đàn ông trung bình có thể sống tới năm 76 tuổi mới được phép “ngao du vùng tiên cảnh”. Có nghĩa là tôi còn có thể sống được chừng 5 năm nữa. Vì thế, tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải phác họa ngay một “chương trình ngũ niên” cho tôi, kẻo lúc “ra đi” lại tiếc rẻ khôn nguôi.
Cũng may hiện nay tôi vẫn còn khỏe mạnh, tiền hưu trí cũng đủ để “phè phỡn với đời”. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải “phè phỡn” làm sao cho “phải đạo”? Chuyện “ong bướm” ư? Mục này tôi không còn khả năng để “đụng” tới. Những người đến tuổi sắp “ra đi” như tôi không nên quá tham lam. Chúng ta hãy để đám con cháu có dịp “thi thố tài năng”, không nên tranh dành với thế hệ trẻ. Biết nhường nhịn như vậy mới được người đời kính nể.
Ðối với tôi, ăn uống cũng không còn là một mục khoái lạc đáng để ý tới. Có mấy cái răng hàm thì rụng gần hết, huyết quản thì bị mỡ bám đầy, máu thì ngọt như mật ong. Theo tôi nghĩ, ông Trời cho mỗi người một số lượng đồ ăn nhất định để sinh sống trong suốt cả cuộc đời của mình. Người nào dùng hết “khẩu phần” của mình là phải “ra đi”. Ông Trời đâu có cho phép chúng ta kéo dài cuộc sống để “ăn ké” vào khẩu phần của người khác. Nói tóm lại, “ăn nhiều, ăn nhanh, ăn mạnh, vét cho sạch nồi cơm”, không phải là bí quyết trường sinh. Các bác sĩ ở các nước Âu Mỹ cũng đã nhận ra điều này, nên đã luôn luôn khuyên già trẻ cũng như nhớn bé phải ăn uống chừng mực. Hơn nữa, chúng ta cũng đã từng được nghe các cụ nhắc nhủ nhiều lần: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, hoặc “tham thì cực thân, Phật đã bảo thầm thì chớ có tham [ăn]”.
Thế là tôi đã mất hai trong bốn mục khoái lạc mà người đời gọi là “tứ khoái”. Sau cùng, tôi chỉ còn thấy có hai thú vui hợp với túi tiền và sức lực của tôi: đó là đọc sách, và đi du lịch. Tôi thấy, đi ngao du những nơi danh lam thắng cảnh là thuận tiện nhất: ban ngày thì đi tham quan đó đây, tối về khách sạn ngồi đọc sách. Ðối với người có tuổi như tôi, thời giờ rất là cấp bách, làm “công đôi ba việc” như vậy mới “tranh thủ được thời gian”. Thế là hai vợ chồng tôi bàn nhau đi ngao du vùng nắng ấm để trốn mùa lạnh ở Canada. Ôi, mùa đông ở xứ “tình nồng” này, sao mà lạnh thế! Càng về già, tôi càng cảm thấy lạnh, lạnh từ ngoài vào tới tận đáy lòng con người.
Tối hôm đó, tôi chui vào mền nằm nghĩ đến ngày mai tới Miami sưởi nắng... Ðang say sưa mơ màng thì vợ tôi đánh thức: – Dậy đi anh. Ðến giờ ra phi trường rồi, máy bay không đợi anh đâu. Em đã chọn cho anh một bộ quần áo rất đẹp để mặc đi đường.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến ông bạn già của tôi đã được Nhà Ðòn mặc cho một bộ quần áo rất đẹp trước khi lên xe “ra đi”. Tôi nhìn vợ tôi xếp quần áo của tôi vào va-li, tôi vội hỏi: – Ủa, em không đi cùng với anh hay sao?
– Em còn bận công việc nên đành phải ở lại. Anh đã đến tuổi có quyền được đi ngao du, nay đây mai đó. Anh cứ đi chơi thanh thản là em mừng rồi.
Cuối cùng tôi đành phải lên xe taxi ra phi trường một mình. Tôi quay đầu nhìn lại mái nhà thân yêu của tôi cho đến khi nó mờ dần sau màn tuyết trắng, mầu trắng tang tóc làm tôi khẽ rùng mình. Phải chăng kẻ “ra đi” thường nghĩ tới kẻ “ở lại”?
Quả thiệt máy bay không đợi tôi. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì máy bay bắt đầu cất cánh. Lòng tôi buồn rời rợi vì tôi đang bay về vùng nắng ấm trong khi họ hàng thân yêu tôi còn phải ở lại vật lột với băng tuyết từ Bắc Cực ù ù thổi về. Khi máy bay hạ cách xuống phi trường Miami, xe của hãng du lịch đã chờ sẵn để đưa tôi về khách sạn R.I.P (“Resort of International Peace”, mà tôi tạm dịch là “Lưu Xá Hòa Bình Thế Giới”). Mới nhìn thoáng qua tôi đã nhận thấy phong cảnh thành phố này quả có đẹp, đúng như những bích trương quảng cáo du lịch đã trình bày. Hai bên đường là những cây cao vời vợi, cành lá um tùm. Xung quanh khách sạn của tôi là những biệt thự xinh xắn nằm sau những hàng rào hoa đủ mầu đủ loại.
Ngồi uống trà trong vườn của khách sạn, tôi thoải mái nghe chim hót líu lô và nhìn mấy con bướm bay tung tăng trong nắm ấm. Một lát sau, người hướng dẫn du lịch mời tôi lên xe đi xem phong cảnh thành phố. Ðó là một chiếc xe buýt chở chừng 50 du khách đủ loại người. Ða số là người có tuổi như tôi, nhưng cũng có vài người rất trẻ. Ngoài một số người Mỹ ra, tôi còn nhận thấy vài người ngoại quốc mặc quần áo cổ truyền của nước họ. Ông tài xế cho biết là xe sẽ dừng nhiều nơi nổi tiếng trong thành phố, du khách có thể xuống bất cứ chỗ nào để tham quan, một giờ sau đó xe sẽ trở lại đón để đưa đi thăm viếng nơi khác, hoặc chở về khách sạn R.I.P.
Xe đi vòng vòng trong thành phố và vùng ngoại. Xe ngừng nhiều nơi nổi tiếng của vùng này: có những khu biệt thự sang trọng lộng lẫy, có những bãi cát vàng óng ả chạy dài xuống biển xanh mầu ngọc thạch, có những trung tâm thương mại xầm uất, v.v... Mỗi khi xe ngừng lại, thì có vài du khách tíu tít xuống xe. Khi xe tới Tropical Garden (Vườn Bách Thảo Nhiệt Ðới), tôi bèn xuống xe vì muốn sống lại trong khung cảnh xanh tươi của đất nước tôi khi xưa. Tôi sung sướng khi thấy lại những cây đa cổ thụ cao ngất từng mây, những cành hoa phượng vĩ rực rỡ dưới nắng chan hòa, những con chuồn chuồn vui đùa giữa những cụm bông sen trên mặt hồ phẳng lặng...
Tôi đang thẩn thơ hưởng khung cảnh tĩnh mịch gần như thoát tục, thì bỗng nhiên nghe có tiếng người gọi tên tôi. Quay lại thì thấy anh Tùng, người bạn chí thân của tôi từ ngày học đệ thất. Ðã hơn bốn chục năm rồi bây giờ mới lại gặp nhau. Chúng tôi bắt tay nhau thiệt lâu, mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi dạo chơi dưới bóng mấy cây liễu già bên hồ, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn khi xưa. Sau khi học hết bậc trung học, anh Tùng đi động viên, nay đây mai đó, theo tiếng súng của thời cuộc ở nơi tiền tuyến. Còn tôi được may mắn được đi ngoại quốc du học. Tuy vậy, chúng tôi vẫn liên lạc mật thiết với nhau bằng thư từ. Lá thư cuối cùng của anh tôi nhận được hồi cuối năm 1967. Trong thư anh cho tôi biết là anh đang hành quân ở Quảng Trị, và trong vài tuần nữa anh được nghỉ phép để về Cần Thơ ăn tết và nhân tiện cưới vợ luôn một thể. Thế rồi trận Mậu Thân bất thình lình xẩy ra. Từ đó tôi không nhận được tin tức gì về anh. Tôi cho rằng anh đã bị tử trận. Bây giờ lại gặp được anh, tôi mừng muốn khóc. Trong khi đi bách bộ trong vườn, chúng tôi nói chuyện huyên thuyên, không để ý đến thời gian. Ðến lúc xe buýt tới, chúng tôi đành phải chia tay nhau. Tôi lên xe ra đi. Anh ở lại vì anh muốn tiếp tục cuộc du ngoạn trong vườn mà anh ví “như vườn Tao Ðàn ngày xửa ngày xưa, nơi mà chúng mình thường tới chơi trong những giờ trốn học”. Bắt tay anh, tôi hẹn với anh ngày tái ngộ. Anh cười vui vẻ, rồi thốt ra một câu triết lý bâng quơ: – Vũ trụ này thực ra bé nhỏ lắm, chúng mình đi loanh quanh, luẩn quẩn, mãi rồi sẽ có ngày cũng lại gặp nhau. Ðến lúc lên xe chạy ra ngoài phố, tôi mới sực nhớ là đã quên hỏi địa chỉ của anh. Tuổi già lẩm cẩm, hay quên. Thiệt là vô tích sự!
Xe chạy vào khu ăn chơi buôn bán nổi tiếng trong vùng. Tôi tò mò xuống xe đi xem cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm.” Ðường phố đông nghịt những người. Họ đi ngắm nhau, hoặc ngắm những hàng hóa đắt tiền bầy trong tủ kính. Tôi mỉm cười nhìn một bà Mỹ to béo đang chăm chú nhìn một bộ áo dạ hội mỏng dính với bảng giá “Special Sale: 299.95 dollars.” Tôi cảm thấy tội nghiệp cho cái “cái cối xay” đang bị thôi miên bởi cái áo “hớ hênh,” vừa hở lưng đằng sau, vừa hở rún đằng trước. Ðã thích ăn cho mập xù, lại còn thích mặc quần áo khiêu gợi! Ðang ngẫm nghĩ về cái ham muốn quá đáng của con người, thì tôi đã bước tới trước cửa một tiệm kim hoàn. Tôi đứng ngắm những vòng ngọc đủ mầu, những dây chuyền vàng chạm chổ tinh vi, những chuỗi hạt trai sáng rực dưới ánh đèn trong tủ kính. Bỗng nhiên có tiếng ồn ào trong tiệm, rồi có bóng một thanh niên chạy vọt ra ngoài, đằng sau là những tiếng hô hoán ầm ĩ. Hai tiếng súng nổ liên tiếp làm tôi giật mình quay lại. Tôi thấy một cô cảnh sát cầm súng thản nhiên đứng nhìn người thanh niên đang nằm quằn quại trên vũng máu, tay còn nắm chiếc đồng hồ vàng nạm kim cương. Khách bộ hành tò mò nhìn cảnh chết chóc như đang xem chương trình Miami Vice trên ti-vi. May sao vừa lúc đó thì xe buýt của hotel tới, tôi vội chạy lên xe, để trốn cảnh si mê và tàn bạo.
Xe ngừng bánh nhiều nơi cho du khách xuống du ngoạn. Nhưng tôi vẫn ngồi yên trên xe vì tôi thấy mất hết cảm hứng đi ngắm cảnh phồn hoa giả tạo. Cuối cùng xe cũng về tới khách sạn R.I.P khi thành phố bắt đầu lên đèn. Tôi mệt mỏi xuống xe và rất ngạc nhiên khi thấy bố mẹ tôi mừng rỡ chạy ra đón tôi, và ôm tôi vào trong lòng. Mẹ tôi vỗ về tôi, rồi nhẹ nhàng trách tôi: – Con mải đi chơi ở đâu mà mãi bây giờ mới về, làm bố mẹ mong chờ.
Tôi cảm thấy hối hận vô cùng, tôi gục đầu vào vai mẹ tôi khóc nức nở như ngày tôi còn bé...
Bỗng nhiên tôi nghe văng vẳng có tiếng gọi tôi: – Dậy đi anh. Anh nằm mơ cái gì mà khóc lóc thảm thê vậy?
Tôi chợt bừng tỉnh, nước mắt hãy còn rỏ xuống gối. Sau đó, tôi nghĩ nhiều lắm. Tôi nghĩ đến ông bạn già của tôi mặc bộ quần áo rất đẹp đang nằm trong nhà quàn. Tôi nghĩ đến chuyến du ngoạn mà tôi đã thực hiện được trong giấc mơ. Tôi nghĩ đến giờ phút kỳ lạ cho phép tôi gặp lại những thân nhân của tôi đã bỏ tôi “ra đi” lâu lắm rồi. Tôi nghĩ đến cái sống và cái chết. Sau khi tôi “ra đi,” tôi sẽ đi về đâu? Là “người trần mắt thịt,” làm sao tôi biết được. Chỉ những “chuyên gia” nghiên cứu về linh hồn hay duyên kiếp mới “biết rõ ràng” những chuyện gì “chắc chắn” sẽ xẩy ra khi chúng ta sang “bên kia thế giới.” Những vị này thường cho chúng ta biết rằng: sau khi chết đi, con người sẽ khốn khổ lắm nếu không biết thành kính thờ phụng Chúa hoặc ra chùa tụng kinh giải oan. Có người lại nghĩ rằng sau khi chết đi, con người sẽ trở thành cát bụi, chứ không đi đâu hết. Trái lại, giấc mơ kỳ lạ mà tôi đã trình bày ở trên làm cho tôi nghĩ rằng cuộc sống cũng như sự chết không khác gì một cuộc ngao du. Linh hồn chúng ta có thể là một hành khách trên một chuyến xe buýt du ngoạn. Xe buýt tới thì ta phải lên xe “ra đi.” Làm sao mà biết được xe sẽ ngừng ở nơi nào. Khi xe tới trạm, ta phải xuống. Trạm xe bus có thể là một khu “Vườn Nhiệt Ðới,” có thể là một trung tâm thương mại phồn thịnh giả tạo đầy si mê và tội lỗi, có thể là một khu tối tăm, nghèo nàn, có thể là một ổ trộm cướp đầy sì ke, ma túy...
Nếu cho sự chết là một du ngoạn, tại sao chúng ta không sửa soạn cuộc “ra đi” của chúng ta cho chu đáo. Khi chúng ta vượt biên, chúng ta sửa soạn rất kỹ càng. Nhưng khi chúng ta đến tuổi phải “ra đi,” chúng ta lại không tính toán như người vượt biên, dù rằng chúng ta vẫn còn đủ tỉnh táo để sửa soạn cuộc “ngao du” của chúng ta. Chúng ta không chịu sửa soạn trước khi “ra đi” vì chúng ta sợ chết, nên chúng ta không dám nghĩ đến cái chết cho đến khi chúng ta thở hơi cuối cùng. Thế là chúng ta “thẩy” trách nhiệm đó cho những người thân thiết có nhiệm vụ cáng đáng thân xác của chúng ta. Trong lúc “tang gia bối rối,” người nào càng thân thiết với chúng ta bao nhiêu, thì lại càng bối rối bấy nhiêu. Khi bối rối như vậy, làm sao họ có thể tính toán một cách hợp lý được. Kết quả là người thương yêu của chúng ta sẽ bị các Nhà Ðòn lợi dụng triệt để. Chuyện này rất dễ hiểu: vì thương tiếc “người ra đi,” nên những người thân thích tưởng rằng càng tiêu nhiều tiền cho chuyện ma chay bao nhiêu, thì “người ra đi” càng sung sướng bấy nhiêu. Thiệt là nhầm to. Những bài kinh giải thoát, những sớ cầu siêu không hóa giải được những tội lỗi của con người. Một cuộc mai táng huy hoàng không làm cho “người ra đi” được “mát mặt” thêm một chút nào. Tuy vậy, những người thân thích luôn luôn muốn có một đám tang thiệt là linh đình và tốn kém để tỏ lòng thương tiếc của mình đối với “người ra đi.” Trong trường hợp này, “người ra đi” chỉ còn biết thở dài (sau khi thở hắt ra). Rồi người đến viếng cũng muốn mua một vòng hoa thiệt to, thiệt đắt tiền để tỏ tình bạn hữu với “người ra đi” và nhất là để chứng minh cho bà con lối xóm biết rằng mình là “người đàng hoàng, có thủy, có chung.” Thấy cảnh này, “người ra đi” cũng lại thở dài, chỉ muốn thốt ra câu từ biệt: “Này bạn ơi, đã quá trễ rồi. Sẽ có ngày tái ngộ,” và “tức cảnh” làm bài thơ như sau:
Khi một thằng nằm xuống Lại có thằng luống cuống đứng lên Vái lạy thằng nằm xuống Hy vọng khi mình nằm xuống Lại có thằng khác luống cuống đứng lên.
Ðiều mà chúng ta biết chắc là đa số những người sắp “ra đi” đều lo lắng thiết tha cho “người ở lại,” và nghĩ rằng mình còn có thì giờ thu xếp mọi việc trước khi “ra đi.” Tiếc thay, khi xe buýt bất thình lình tới đón đi “ngao du,” chúng ta vội vàng lên xe nên không giúp gì cho những “người ở lại.” Trong khi đó, “người ở lại” đau đớn muôn phần. Khi bố mẹ tôi lần lượt qua đời, một mình tôi “ở lại,” tôi lịm người đi vì thương tiếc. Rồi khi tôi loáng thoáng được tin anh bạn chí thân của tôi bị tử thương, tôi buồn ngẩn ngơ, tội nghiệp cho số phận long đong của người trai thời loạn. Tôi bối rối vì tôi cảm thấy hối hận vì tôi cho rằng mình đã cư xử không đầy đủ tình nghĩa đối với “người ra đi,” không có dịp tổ chức một đám táng trọng thể đưa người quá cố sang “Bên Kia Thế Giới.” Ngoài ra, trong thâm tâm, tôi cảm thấy lo sợ vì không biết những thân nhân của tôi sẽ đi về đâu: có được “về với Chúa không”? có thoát khỏi “vòng nghiệp chướng” hay không? Ðó là những phản ứng tự nhiên của những “người ở lại.” Vì thế, chúng ta thường thấy những vụ ma chay linh đình để “người ở lại” có dịp “trả nghĩa” đối với “người ra đi” (thà “trả nghĩa” trễ hạn, còn hơn là bị mang tiếng “bạc tình, bạc nghĩa”). Chúng ta lại còn thấy trong những cuộc cúng lễ nguy nga, mọi người thiết tha cầu xin Trời hay Phật giúp “người ra đi” được lên Thiên Ðàng hay vào Cõi Niết Bàn. Mọi tín đồ đều “biết chắc chắn” rằng một linh hồn đầy tội lỗi khó có thể siêu thoát được nếu thân nhân không thành khẩn cầu xin Ðấng Tối Cao nhủ lòng khoan hồng đại lượng với “người ra đi”! Phải chăng vì chúng ta nghĩ rằng cái quá khứ của “người ra đi” thiếu đạo đức, nên chúng ta mới phải làm lễ cầu siêu cho “người ra đi” như vậy? Thiệt là tội nghiệp cho người “ra đi”: Ðã “nằm xuống” rồi mà còn bị người đời gán cho cái tội “thiếu đạo đức.”
Nói cho cùng, “người ở lại” đáng thương hơn “người ra đi.” Trong khi “người ra đi” thản nhiên nằm đó, thì “người ở lại” không những bị xúc động tinh thần mà còn phải xả thân cáng đáng công việc tiễn đưa “người ra đi.” Vì thế, tôi không thắc mắc về việc tôi sẽ “ra đi,” nhưng tôi nghĩ rất nhiều, và lo lắng rất nhiều cho “người ở lại.” Tôi muốn “người ở lại” khỏi phải quàng lên vai một gánh quá nặng nề về tinh thần cũng như vật chất khi tôi “nằm xuống.” Có lẽ ít người nghĩ như tôi và làm như tôi, vì đến lúc gần ngày tận số, mỗi người nghĩ một kiểu, và người nào cũng cố gắng làm những việc mà mình cho rằng thỏa đáng nhất. Do đó, tôi không dám khuyên ai. Những điều tôi trình bày sau đây chỉ là một thí dụ không điển hình, một lối nhìn đời “không giống ai.”
Trước hết, tôi không muốn những bạn bè thân thuộc tôi quá u sầu về chuyến “ngao du” của tôi. Do đó, tôi đã trình bày cho mọi người biết rằng khi “chuyến xe buýt” tới, tôi sẽ thản nhiên “ra đi” như tất cả mọi người khác đã từng “ra đi.” Tôi sẽ “đi” về đâu? Có lẽ tôi sẽ về với bố mẹ tôi. Có lẽ tôi sẽ ngao du vùng tiên cảnh cùng với bạn bè tôi. Dù sao đi chăng nữa, tôi không cần biết tôi sẽ “đi” đâu, vì có biết hay không biết thì tôi và những người thân thuộc của tôi cũng chẳng làm được gì cả.
Sau đó, việc tôi phải làm trước khi “ra đi” là sửa sang lặt vặt trong nhà, vì vợ tôi không phải là một người khéo tay biết sửa chữa nhà cửa. Ngoài ra, những gì của tôi mà tôi thấy không cần dùng cho bản thân tôi hoặc cho “người ở lại,” tôi mang đi cho người khác, hoặc đổ vào thùng rác. Khi tôi quẳng đi gần hai ngàn quyển sách của tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Trái lại, vợ tôi rất xúc động, và hỏi tôi: – Những cuốn sách này là kỷ niệm gần 40 năm dạy học, tại sao anh vất đi?
– Anh không cần nữa.
– Thì cứ để đấy, đôi khi anh muốn đọc lại thì sao?
– Ðọc đi, đọc lại làm gì? Người ta lại tưởng rằng anh dốt, học mãi mà chưa thuộc bài.
Sau khi dọn dẹp nhà cửa, tôi bắt đầu nghĩ đến phí tổn chôn cất. Tôi thấy ở Ottawa mấy gia đình mà tôi quen biết đã chi phí trên 15 ngàn dollars cho mỗi vụ ma chay. Tôi tính nhẩm trong đầu thì thấy rằng chỉ trong vài chục năm nữa, cộng đồng người Việt ở Ottawa (hơn bốn ngàn nhân mạng) sẽ phải chi cho Nhà Ðòn và nghĩa địa một tổng số vào khoảng 60 triệu dollars (không kể tiền chi cho các vị tu sĩ cúng lễ, cùng tiền bạn bè bỏ ra mua hoa phúng viếng). Như vậy, phí tổn ma chay cho nửa triệu người Việt đang sinh sống ở Bắc Mỹ sẽ lên tới gần 8 tỷ dollars – bằng tiền viện trợ mà những nước tư bản kiêm tài phiệt đã cấp cho “Ðảng ta” trong một khoảng thời gian kéo dài hơn bốn năm trời. Thiệt là oai hùng! Thiệt là vĩ đại!
Ðể biết rõ chi tiết của vấn đề, tôi bèn mời một đại diện Nhà Ðòn quen biết ở Ottawa tới bàn chuyện ma chay cho tôi. Ông “tiếp thị” (salesman), quần áo chỉnh tề, mặt trang nghiêm và đầy kính cẩn, ăn nói nhẹ nhàng và từ tốn trong khi trình bày giá cả cho tôi nghe. Tập tài liệu về giá biểu in rất đẹp như tờ thực đơn của một tiệm ăn sang trọng ở Paris (năm sao). Ðiều quan trọng mà mọi người nên biết là “người mua” không được kỳ kèo về giá cả, vì Nhà Ðòn làm ăn đàng hoàng “trước sau như một,” không khác gì “Bác và Ðảng” đã đối xử với dân ta hơn nửa thế kỷ nay.
Tôi đọc kỹ tờ giá biểu, rồi tham khảo với các bạn bè, tôi thấy rõ phí tổn nặng nề mà “người ở lại” phải chi cho Nhà Ðòn ở Canada (có lẽ cũng tương tự như ở bên Mỹ). Ðể có một thí dụ cụ thể, tôi xin liệt kê sau đây các “món hàng” căn bản mà Nhà đòn Tubman đã trình cho tôi: (1) Dịch Vụ Chuyên Môn (Professional Services) • 900$ – dịch vụ do các chuyên viên Nhà Ðòn cung cấp (professional and support staff services); • 250$ – giấy tờ lên quan đến vấn đề khai tử (documentation); • 125$ – dịch vụ ở nghĩa địa hoặc công việc trao lọ đựng tro cho thân nhân (gravesides service or delivery of urn as arranged).
(2) Dịch Vụ Chăm Lo “Người Ra đi” (Prrofessional Care of Deceased) • 200$ – tắm rửa và làm vệ sinh cho “người ra đi” (sanitary care of deceased); • 570$ – ướp xác và trang điểm “người ra đi” (embalming and cosmetology of deceased).
(3) Phòng Ốc Và Dụng Cụ • 400$ – xử dụng Nhà Ðòn (basic use of funeral home); • 990$ – xử dụng phòng thăm viếng, phòng làm lễ và những dụng cụ (visitation room, chepel, and/or service equipment); • 225$ – xử dụng phòng sửa soạn và gìn giữ xác “người ra đi” (use of facilities for preparation of deceased and/or shelter of remains).
(4) Xe Cộ Và Vận Chuyển (Automotiles and Transportation) • 295$ – chuyển xác về Nhà Ðòn (transfer from place of death ố radius 40 km); • 200$ – xe cộ cần dùng cho các nhân viên Nhà Ðòn (vehicles required for administrative tasks, clergy, funeral director); • 270$ – xe chở quan tài ra nghĩa địa (funeral coach); • 125$ – xe limousine chở thân nhân.
Chi phí căn bản cho Nhà Ðòn là $5,604.03 (gồm cả thuế)
(5) Chi Phí Cho Thành Phố • 75$ – khám nghiệm tử thi. • 52$ – thuế vệ sinh cho thành phố.
(6) Phí Tổn Mai Táng • 3,700$ (trung bình) – Tiền mua quan tài tùy theo loại sang hay hèn, đúng theo giai cấp: từ thứ rẻ nhất là vải quấn xác (890$) cho tới quan tài rẻ tiền bằng gỗ ván ép (1,695$), tới loại quan tài vừa đẹp vừa bền dành cho các nhà giầu thích sài sang (11,000$); • 5,500$ – Tiền mua chỗ “An Nghỉ Ngàn Thu” (R.I.P - Rest In Peace ) tại nghĩa địa: miếng đất to hơn cái giường đáng giá khoảng chừng 5,500$; • 1,000$ – Tiền dựng mộ bia tùy theo túi tiền của mỗi người (từ 1,000$ cho tới 5,000$, hoặc nhiều hơn nữa).
Chi phí mai táng trung bình khoảng chừng $13,000
Tôi đọc tờ giá biểu thấy nhân dân ta bị Nhà Ðòn và Nhà Nước làm tiền một cách rất là quy củ. Không những thế, ông “tiếp thị” lại còn khuyến khích tôi “mua” nhiều món “hàng” khác vừa đắt tiền, vừa... vô dụng. Tôi bèn chặn lại với một câu hỏi rất ư là “rẻ tiền”: – Mai táng kiểu nào rẻ tiền nhất?
Hắn ngỡ ngang vì đang “rao hàng” thì bị cụt hứng. Nhưng ngay sau đó, hắn mỉm cười, rồi nhìn tôi một cách rất ư là đại lượng: – Ông thích chơi trò rẻ tiền thì ông nên chọn con đường hỏa táng, vì ông sẽ không mất tiền chi phí chôn cất và mua đất ở nghĩa địa.
– Ngoài tiền hỏa táng ra, còn có mục chi phí nào khác nữa không.
– Có chứ. Thân xác của ông sẽ được tắm rửa, thoa son đánh phấn, và được đặt trong một cỗ quan tài thiệt đẹp. Chúng tôi sẻ tổ chức linh đình cho ông. Ai trông thấy nằm đó cũng phải thèm cái địa vị của ông.
– Nếu tôi thích đi con đường hỏa táng, thì tôi đâu có cần mua quan tài làm gì cho tốn tiền?
Lần này hắn nhìn tôi một cách khinh thường ra mặt, và nói với một giọng mỉa mai: – Ông cũng cần phải được trang điểm và nằm trong một cỗ quan tài đàng hoàng khi bạn bè thân thuộc đến thăm viếng ông lần cuối cùng. Trưng bày thân xác ra như vậy mới là người đàng hoàng chứ! Tuy nhiên, nếu ông thích bủn xỉn, thì cũng không sao. Chúng tôi cũng có thể chiều ông được. Ðáng lẽ ông mua một cỗ quan tài rẻ tiền, ông có thể thuê một cỗ quan tài sang nhất hạng. Cỗ này đáng giá 11,000$. Những người giầu sang mua loại này, rồi mang đi chôn hay đốt cùng với cái xác của họ. Nhưng nếu ông mướn cỗ quan tài này, để nằm vài ba bữa, lấy le với bà con lối xóm, thì ông chỉ phải trả tiền thuê là 2,850$. Thiệt là rẻ mạt! Làm sao mà người đời biết được rằng ông là người hà tiện, đến lúc “nằm xuống” mà còn không dám bỏ tiền ra mua một cỗ quan tài để nằm cho thoải mái.
– Nhưng tôi không muốn “trình làng nước” cái thân thể xám ngắt của tôi cho mọi người chiêm ngưỡng thì sao?
Hắn thở dài đến sượt một cái như một thầy giáo làng nhìn thằng học trò bướng bỉnh lại còn có tật cù nhầy: – Làm như vậy cũng bớt được vài ngàn: tiền son phấn, tiền thuê quan tài, tiền thuê Nhà Ðòn v.v.. Mà ông cũng không cần phải chi cho các vị tu sĩ đến tụng kinh gõ mõ tùm lum trong Nhà Ðòn của chúng tôi làm gì. Thế là ông đỡ thêm được vài ba trăm nữa. Ðối với hạng người “rẻ tiền” như ông, đỡ được trăm nào hay trăm đó, có phải không?
Thằng cha “tiếp thị” cho tôi là người bủn xỉn nên có vẻ bực mình lắm. Hắn chỉ muốn thu được nhiều tiền cho chủ Nhà Ðòn để được ăn nhiều tiền hoa hồng do gia đình “người ra đi” cung phụng. Vì thế, mỗi lần tôi bớt được món chi phí nào là hắn có vẻ đau đớn như đang bị bà nha sĩ nhổ một cái răng hàm bự trong mồm. Cuối cùng, tôi chọn một chương trình hỏa táng hợp với ý tôi. Tổng số tiền tôi phải chi ra là 2,709.24$ cho những mục như sau: • tiền giấy tờ (khám nghiệm xác chết, giấy khai tử, v.v.); • tiền xe đưa xác tôi từ nhà xác đến Nhà Ðòn; • tiền hòm bằng giấy cứng (50$) đựng xác chết để mang đi hỏa táng; • tiền đưa hòm xác tới lò đốt (không có vụ bầy biện thân xác ra cho mọi người “dòm ngó”); • tiền đốt xác; • tiền hộp đựng tro để trao cho vợ tôi mang đi thả xuống biển (tôi mua loại rẻ tiền nhất nên chỉ tốn có 20$; còn loại sang và đẹp thì lên tới 500$); • tiền thuế trả cho thành phố, tiểu bang, và liên bang.
Người “tiếp thị” đại diện Nhà Ðòn Tubman và tôi cùng ký vào tờ khế ước (bốn bản). Sau đó, tôi hân hoan trao cho hắn tấm ngân phiếu 2,709.24$. Tôi phải trả tiền trước. Ðối với tôi, điều này rất thuận tiện, vì sau này giá cả có gia tăng thì Nhà Ðòn ráng mà chịu, chứ những “người ở lại” không còn phải lo lắng điều gì cho “người ra đi.”
Khi vợ tôi đi làm về, tôi hý hửng đưa cho cô nàng xem tờ khế ước. Thế là cô nàng khóc bù lu bù loa, rồi hỏi tôi một câu mà tôi cho là lãng nhách: – Trong cả cuộc đời của anh, anh chỉ thích chơi sang. Tại sao đến cuối cuộc đời, anh lại định chết một cách rẻ tiền như vậy?
– Em hỏi một câu thiệt là lãng nhách! Thế nào là chết rẻ tiền? Chết sang thì đi đến đâu? Mang tiền ra cúng Nhà Ðòn và Nhà Nước làm gì? Chúng nó làm gì có quyền cấp visa cho anh vào Thiền Ðàng, hay vào Vùng Cực Lạc. Việc gì mình phải “đút lót” chúng nó? Dù sao anh cũng “save” hơn 12,000$, chứ đâu có phải là ít.
– Em không cần món tiền đó đâu!
– Nếu em không cần số tiền đó, thì em mang nó đi giúp người nghèo, có sao đâu? Ða số dân ta hiện đang sống trong cảnh nghèo túng. Em có biết rằng nếu em mang 12,000$ về Việt Nam, em có thể nuôi hơn 60 em mồ côi trong một năm. Như vậy, anh là người “chết sang” hay là người “chết rẻ tiền”? Thấy tôi lý luận như vậy, cô nàng vừa lau nước mắt vừa cười đùa: – Thôi, anh muốn chết kiểu nào cũng được. Cái đó tùy anh. Nếu anh “ra đi” trước em, em sẽ chúc anh theo kiểu Tàu: “Thượng Lộ Bình An,” và xin anh “Bảo Trọng.”
– Vậy, trước khi “ra đi,” anh sẽ chào em theo kiểu Mỹ: “Hẹn Ngày Tái Ngộ” – “See You Later.”
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23168
|
Gởi ngày: 15/Apr/2011 lúc 8:09am |
<>
Món quà trong dịp đi nghỉ hè
Hai vợ chồng già đi hưởng tuần "hấp hôn" ở một khách sạn nổi tiếng trên bờ biển thơ mộng bên trời Âu. Để bà vợ ngạc nhiên, ông chồng vào trong một tiệm bán quần áo hàng hiệu loại danh tiếng của khách sạn để đặt mua một chiếc áo ngủ thật sexy rồi dặn người bán hàng gói lại, mang lên phòng của ông bà. Tối hôm ấy, người bán hàng mang gói quà lên, ông chồng trịnh trọng trao cho bà vợ món quà kỷ niệm tuần “hấp hôn” rồi nói với bà mặc thử xem sao ! Bà vào bên trong chuẩn bị thay đồ ngủ. Ông nằm ở ngoài chờ đợi và tưởng tượng cảnh lãng mạn sắp xảy ra ... Khi mở gói quà ra, bà thấy một chiếc áo ngủ thật mỏng, gần như nhìn thấy toàn bộ thân thể cùng với biên nhận 500 euros. Bà chợt nghĩ: áo này mặc cũng như không; hơn nữa, mắt của ông già mới mỗ, thị lực kém lắm, khó phân biệt thật giả . Bà quyết định không mặc áo để mang trả lại, tiết kiệm được 500 € nên cứ trần truồng như nhộng và bước ra .... Dưới ánh sáng lờ mờ của những ngọn nến tình tứ được cắm trên chiếc bánh "hấp hôn", lão ông nhỏm dậy, bước xuống giường, từ từ tiến tới lão bà: - Mẹ kiếp, cái áo mắc tiền thế kia mà nó không ủi cho một cái, nhăn nhúm quá !
Tâm Sự Vợ Chồng Già
Họ tự nhận là “hai con khỉ già”. Bởi vì nụ cười của họ bây giờ cũng xệch xạc, méo mó lắm, nhất là mỗi lần cãi nhau, nhìn lại càng chẳng giống ai, cứ vênh vênh váo váo mà lại lườm lườm nguýt nguýt trông đáng ghét tệ. Nhưng mà đó là chuyện của họ, chẳng là của ai trên cõi đời này, nếu ai có trùng hợp mà nhận là vợ của mình thì cũng mặc thiên hạ.
Ðúng ra họ đã hay chí chóe t
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Apr/2011 lúc 8:11am
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23168
|
Gởi ngày: 08/Jun/2011 lúc 9:20am |
9 điều người cao tuổi nên tránh
Hoàng Hiếu Tôi thấy bài này hay quá, nhất là tập thể dục vào buổi sáng không tốt, nên tập vào buổi chiều.Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổi cần phải lưu tâm đề phòng.
1.- Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm
Ta vẫn có quan niệm cho rằng tập luyện vào buổi sáng là tốt vì không khí trong lành. Điều đó không đúng. Vì từ 4-6 giờ sáng theo quy luật của đồng hồ sinh học của người già thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng, thận thượng tuyến tố cũng cao gấp 4 lần buổi tối, nếu vận động mạnh, chạy hoặc đi bộ nhiều gặp gió lạnh, tim dễ ngừng đập. Đã có không ít cụ đi bộ buổi sáng sớm về ra mồ hôi, tắm xong huyết áp tăng đột ngột, đứt mạch máu não, đột quỵ luôn. Tốt nhất là nên tập vào chiều tối, tuy không khí không được thanh sạch như sáng sớm nhưng an toàn hơn nhiều.
2.- Đang ngủ không nên trở dậy vội vàng
Thần kinh người già thường chậm chạp. Lúc ngủ muốn dậy đi tiểu hoặc có ai gọi đang ở tư thế nằm mà trở dậy ngay, đi lại luôn dễ làm huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến đứt mạch máu não. Vì vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo 3 bước, mỗi bước khoảng nửa phút. Bước 1 khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút. Bước 2, ngồi dậy tại giường nửa phút xoa tay, xoa chân. Bước 3, cho hai chân chạm đất hoặc chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.
3.- Không nên ngoái đầu một cách đột ngột
Người già mạch máu thường xơ cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, có người đã bị ngã. Vậy đang đứng hoặc đang đi có ai gọi từ phía sau, chớ có quay ngoắt đầu lại ngay mà nên quay chầm chậm. Tốt nhất là xoay cả người lại, tránh chỉ quay đầu.
4.- Không nên đứng co một chân để mặc quần
Xương của người già thường bị xốp do thiếu canxi. Nếu không bị xốp thì xương cũng giòn. Khi mặc quần mà đứng co chân để xỏ từng chân vào ống quần dễ bị ngã do mất thăng bằng hoặc do vướng vào quần. Người cao tuổi đã ngã thì dễ gãy xương, dập xương. Khi mặc quần tốt nhất là nên ngồi trên ghế hoặc trên giường. Trong nhà tắm nếu không có chỗ ngồi thì phải dựa mông vào một bên tường để giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Nhiều người bị ngã gãy xương ống chân, dập xương chậu vì đứng co chân mặc quần.
5.- Không nên quá ngửa cổ về phía sau
Có lần một ông già đã về hưu cạnh nhà tôi, sức khỏe tốt, khi ăn tối xong ngồi nghỉ trên ghế tựa có lẽ do mỏi cổ nên ông đã ngửa cổ về phía sau hơi quá nên bị xỉu luôn. Khi con cháu biết thì nửa người bên phải của ông đã bị liệt, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng và không nói được nữa, phải đưa ngay vào viện. Trường hợp này là do gần mạch máu nơi cổ có nhiều đốt xương, bình thường giữa các đốt có chất nhờn bôi trơn nhưng về già chất bôi trơn kém đi, các đốt xương trở nên sắc cạnh. Khi ngửa cổ ra phía sau quá giới hạn cho phép, phần xương sắc cạnh đó làm tổn thương đến mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu máu não làm ngất xỉu. Vì vậy, người già khi ngồi ghế tựa không nên ngửa cổ quá mức về phía sau.
6.- Không nên thắt dây lưng quá chặt
Vùng bụng quanh dây lưng là nơi gần dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dây lưng mà thắt chặt quá sẽ chèn ép các mạch máu bụng, cản trở máu lưu thông, đoạn trực tràng gần hậu môn có thể dễ bị lòi ra ngoài khi đi đại tiện mà ta thường gọi là lòi dom. Dây lưng thắt chặt, dạ dày, ruột non luôn ở trạng thái chịu sức ép ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Vì vậy, không nên thắt chặt dây lưng và tốt nhất là dùng dây đeo quần qua vai, tiếng Pháp gọi là Bretel (bờ rơ ten). Bình thường ở nhà chỉ nên mặc quần ngủ lồng chun không nên mặc quần âu cứ phải thắt dây lưng làm bụng luôn bị gò bó.
7.- Khi đi đại tiện không nên rặn quá mức
Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người già. Tâm lý khi đi đại tiện không ai muốn ở lâu trong nhà vệ sinh nên thường muốn rặng mạnh để đi cho nhanh nhưng nếu rặn quá sức, mặt mũi đỏ gay rất nguy hiểm. Các khảo nghiệm về y học đã cho biết khi rặn mạnh dễ giãn tĩnh mạch ở hậu môn gây chảy máu nhưng điều quan trọng hơn là huyết áp sẽ tăng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Để đỡ phải rặn khi đi ngoài, người già cần ăn nhiều rau quả, chuối, khoai, uống nhiều nước để chống táo bón.
8.- Không nên nói nhanh, nói nhiều
Một số nhà khoa học Mỹ phát hiện khi ta nói chuyện bình thường dù chỉ là chuyện vui nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ thể vẫn chịu tác động và ảnh hưởng tới huyết áp. Thử nghiệm khoa học với 100 người mỗi người đọc 2 trang tài liệu với tốc độ nhanh chậm khác nhau. Kết quả cho thấy người đọc tốc độ vừa phải thì huyết áp, nhịp tim bình thường. Người đọc nhanh quá, đọc liến thoắng thì lập tức huyết áp tăng, nhịp tim tăng nhưng khi đọc thong thả trở lại, huyết áp, nhịp tim lại giảm xuống. Qua đó ta thấy người già nên nói ít, nói chậm thì có lợi cho sức khỏe. Những cụ nào bị bệnh tim mạch, bị huyết áp càng phải nói chậm, nói ít.
9.- Không nên xúc động
Đối với người già mạch máu đã lão hóa nếu xúc động mạnh, quá giận dữ hoặc quá vui dễ bị nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não. Do đó, người già không nên xúc động tránh mọi sự tức giận, buồn phiền mà cần sống thanh thản, hòa nhã, vui vẻ, bỏ qua hết mọi chuyện, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.
Có một câu nói rất hay: "Đừng để chết vì thiếu hiểu biết". Vì thật ra đã có rất nhiều người chết vì thiếu hiểu biết kể cả những người còn trẻ. Qua sự hiểu biết ít ỏi của bản thân, qua kinh nghiệm cuộc sống và qua tham khảo các tài liệu y học mới nhất của nước ngoài mong rằng với bài viết ngắn này sẽ giúp các bậc cao niên sống lâu, sống khỏe, sống vui tăng thêm nhiều tuổi thọ.
Hội Thân Hữu VN
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 08/Jun/2011 lúc 9:22am
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 21/Jun/2011 lúc 8:58pm |
Tuổi Già... Ai sẽ là “tôi” cho tôi ?
Tác Giả: Trần Mộng Tú |
Thứ Ba, 21 Tháng 6 Năm 2011 08:04 |
Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi.
|
Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Ðốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston , Texas .
Ôi bao dặm đường xa cách. Từ ngày mẹ tôi mất cha tôi sống một mình, ông không chịu rời căn nhà với những năm tháng của quá khứ và tôi không thể bỏ việc để dọn về nhà cha. Mùa Xuân năm ngoái cha tôi bị ngã bể xương hông và dập một bên sườn. Bây giờ cha tôi phải vào viện dưỡng lão dành cho người già ốm yếu và cha tôi được xếp vào danh sách phải săn sóc đủ một vòng tròn của chiếc đồng hồ treo trong phòng ông. Từ ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, làm vệ sinh, nhất nhất điều có y tá. Cái điều đáng buồn là trong khi nhận tất cả phục dịch cho thân thể thì đầu óc của cha tôi vẫn còn cái minh mẫn của một ông giáo sư dậy toán cách đây mấy chục năm. Tôi không thể thường xuyên bỏ công việc để đi xuống thăm cha, nhưng mỗi ngày tôi phải điện thoại, điện thư liên lạc với bác sĩ, dược sĩ, y tá và những người săn sóc cho cha tôi tại viện dưỡng lão. Tôi cố gắng thu xếp để mỗi hai tháng đến với cha tôi một cái cuối tuần, và mỗi năm về một tuần vacation vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Tôi biết là cha tôi rất mừng mỗi lần thấy con đến thăm. Cái ánh mắt của cha tôi khi nhìn tôi chào ra về bao giờ cũng theo tôi suốt chuyến bay. Hôm nay cũng thế, khi ngửa cổ ra sau ghế để tìm một giấc ngủ ngắn trên phi cơ, tôi nhìn rất rõ lại hai con mắt của cha tôi. Bất giác tôi tự hỏi "Khi tôi vào tuổi già yếu. Ai sẽ là 'TÔI' để tới lui săn sóc hỏi han tôi thường xuyên?". Một người độc thân không có anh chị em và những người già không có con, những người có con sống không cùng một tiểu bang, hay xa hơn nữa ở tận một quốc gia khác thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nào khi tuổi già lặn xuống như mặt trời lặn trên biển (bạn đã ngắm mặt trời lặn trên biển bao giờ chưa? Nó mất vào nước nhanh vô cùng). Cái thùng thư ba, bốn ngày không có người lấy, hay đống báo thành chồng trước hiên nhà, cỏ không cắt, lá không cào, các cửa sổ không mở là dấu hiệu cho hàng xóm biết nên báo cho cảnh sát vì chủ nhân trong căn nhà đó ở một mình và là một người già. Nỗi lo âu của một người không có thân bằng quyến thuộc ở gần lúc tuổi già không phải là nỗi lo âu "quá đáng". Ðó là một điều chúng ta nên nghĩ đến khi còn có thể tìm hiểu và thu xếp cho chính mình. Bà Barbara Gordon có mẹ già 92 tuổi sống ở Florida, trong khi bà làm việc ở New York bà đã đặt ra câu hỏi "Who will be ME for me." Bà đem câu hỏi đó hỏi những người bạn độc thân như bà, không con hay có con tản mác mười phương, họ cùng nhau bàn bạc, đặt ra những câu hỏi cho tuổi già: - Tôi sẽ sống ở đâu? - Tôi sẽ sống như thế nào? - Tôi có đủ tiền không? - Ai sẽ săn sóc tôi nếu tôi mất khả năng hoạt động? - Nếu tôi ngã (lúc già yếu) nằm dưới đất hai, ba ngày thì sao? - Một ngày nào đó liệu tôi có phải rời căn nhà tôi đang ở ? Những câu hỏi trên đưa đến những câu trả lời khác nhau mà câu nào cũng rất mơ hồ. Cuối cùng họ đi đến kết luận: Cái cách mình đang sống bây giờ sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống của mình lúc về già. Họ làm cái danh sách sau đây như một kim chỉ nam. "Có bạn bè ở mọi lứa tuổi." Ðừng bao giờ nghĩ mình chỉ có thể thân với những người cùng lứa tuổi hay cùng hoàn cảnh như mình. Ðồng ý là họ hiểu mình hơn nhưng đồng thời cũng chỉ nghe những than thở của nhau, không có gì mới lạ. Giao thiệp với những người trẻ hơn mình cũng trẻ lại với cách suy nghĩ và ứng xử với đời sống "Mới" này. Giao thiệp với người già hơn mình để được hưởng sự khôn ngoan của họ. "Kết thân với hàng xóm." Chắc bạn không muốn ngã xuống sàn nhà, nằm dưới đất hai ngày rồi mà không có ai đến vực lên. Một tiếng gọi cửa của hàng xóm có khi cứu được sinh mệnh của bạn đấy. Chạy qua chạy lại nhà hàng xóm lúc còn khỏe là một điều rất nên làm. Có hàng xóm tin và thân nhau còn giao cho cả chìa khóa nhà nữa. Người lớn tuổi đâu còn sợ mất mát gì về vật chất, cái quý nhất chính là bản thân mình thôi. Nếu hai gia đình cùng trẻ cùng có con nhỏ ở cạnh nhau mà thân thiện được là một điều rất quý. Tránh được rất nhiều va chạm về con cái và hữu ích cho nhau khi về già. "Một bác sĩ thân thiện và có lương tâm" rất cần. Ông bác sĩ này phải là một người sẵn sàng cho bạn khi bạn cần tới. Một người không bao giờ từ chối cắt nghĩa một câu hỏi xem ra không được chính xác mấy của bạn. (Những câu hỏi không có kinh nghiệm gì của người trẻ tuổi và quá lẩm cẩm của người già.) "Dược sĩ trẻ hơn mình nhiều tuổi." Mua thuốc với những người này, bạn được họ cắt nghĩa rõ ràng và thân thiện hơn. Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng cần những dược sĩ trẻ trung. "Tiêu ít, để dành nhiều." Người trẻ để dành cho ngày mai. Người già để dành cho hậu sự. Cần kiệm luôn luôn là một đức tính. "Ăn uống cẩn thận hơn." Thức ăn luôn luôn là một nguyên nhân chính cho sức khỏe. Người dân nước nào cũng tự hào về văn hóa ẩm thực của nước họ. Nhưng cái bao tử của cả bàn dân thiên hạ chỉ muốn tiêu thụ những thức ăn nhẹ nhàng, ít dầu mỡ và bổ dưỡng. Bạn cứ lắng nghe xem cơ thể bạn phản ứng thế nào sau mỗi bữa ăn khác nhau, thì bạn sẽ hiểu ngay nó muốn nói điều gì. "Thể thao nhiều hơn" Ai cũng biết cơ thể cần vận động thì mới khỏe mạnh và đầu óc mới minh mẫn. Cứ cả ngày ngồi gõ cọc cọc (như chính tôi đây) ở máy vi tính, hay xem phim bộ như phần đông người Việt lớn tuổi, chắc chắn là không đúng rồi. Hãy đứng lên. Người trẻ có thể thao của người trẻ, người lớn tuổi có những sinh hoạt thể thao cho tuổi của mình. Nếu không đi xa được thì loanh quanh trong khu xóm, hoặc vung tay, khua chân ngay trong nhà mình. Ðừng ngồi yên một chỗ. Chim chóc ngoài vườn đang gọi bạn. Ngay bây giờ phải là "MÌNH". Có người đặt câu hỏi: "Ai thương tôi nhất" Câu trả lời: "Mình thương chính mình nhất" Vì chồng, (vợ) hay con mình cũng không thương mình bằng chính mình thương mình. Chồng, (vợ) hay con không thể chịu trách nhiệm về thân thể bạn được. Họ chỉ chia sẻ một phần nào. Nếu bây giờ bạn thực hiện được những điều trên thì khi về già chính bạn đã lo được cho bạn khá nhiều.
Vì có ai đó, không phải bà con mình (người bạn hàng xóm) sẽ nhắc cho bạn "Tối nay lúc 9:00 giờ có mục đọc truyện của đài phát thanh (tiếng Việt) hay lắm. Hoặc: "Ngày mai Chủ Nhật bà có đi chùa không? Sẽ có xe đón đấy."
|
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
huong cerise
Senior Member
Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
|
Gởi ngày: 24/Jun/2011 lúc 12:11pm |
.
'Thiên đường' của hạnh phúc tuổi già
Mission Palms Healthcare Center
240 Hospital Circle,
Westminster, CA 92683
Tel: 714-892-6686 Fax: 714-891-0148
Mission Palms Healthcare Center
Hoạt động trên 30 năm nhưng Trung Tâm Mission Palms Health Care chỉ thực sự đến với cộng đồng Việt Nam mới 7 năm nay. Nhưng hiện tại đã có đến 90% người Việt Nam lớn tuổi đang trị liệu và nghỉ dưỡng nơi đây
Trung Tâm Mission Palms Health Care.
Trung Tâm Mission Palms Health Care tọa lạc trên một không gian rộng lớn yên tĩnh, trên đường Hospital ở gần trung tâm thành phố Westminster. Chuyên chăm sóc và khám sức khỏe cho những người già lớn tuổi, tổ chức sinh hoạt, trị liệu vừa thể chất vừa tinh thần. Phòng khám khang trang, sạch sẽ và rộng rãi, phòng sinh hoạt, khám bệnh, nghỉ dưỡng với 99 giường. Với đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, có y tá, bác sĩ, nhân viên CNA người Việt Nam (gồm 7 y tá Việt Nam, CNA 7 người, sinh hoạt có 3 nhân viên, nhập viện 2 nhân viên, reception, ***istant, v.v... đa số đều là người Việt Nam).
Cô Kim Ðỗ, điều hợp viên của Trung Tâm Mission Palms Health Care.
Chị Kim Ðỗ, điều hợp viên của Mission Palms, hoạt động trong nghề đã 13 năm, chị đã cho biết những sinh hoạt về trung tâm của mình:
“Trung tâm chăm sóc nghỉ dưỡng Mission Palms của chúng tôi hiện có 4 địa điểm trên khắp tiểu bang California: San Jose, San Francisco, Orange County, Little Saigon... Chúng tôi phục vụ đa số những người già lớn tuổi có medical, medicare, insurance, v.v... Nếu những ai chưa có medicare chúng tôi vẫn xin giấy phép, và gia đình xin medicare giúp cho các bác nhập viện ở đây. Thường những người già lớn tuổi ở nhà con cháu đều bận rộn đi làm suốt ngày nên không có thời gian chăm sóc. Nếu ở nhà một mình thì dễ bị chán nản, cô đơn, trầm cảm... hiểu được điều đó nên nhiệm vụ của chúng tôi là đem đến một cuộc sống hạnh phúc tươi vui, lạc quan cho những ai rơi vào hoàn cảnh đó. Những chương trình sinh hoạt trong ngày như: thể dục, chơi game, bingo, ca nhạc. Mỗi tuần đều có các chương trình sinh hoạt cho các tôn giáo khác nhau, gồm các hội đoàn phật giáo, công giáo, các tổ chức thiện nguyện, từ thiện đến thăm giúp vui và sinh hoạt trong chương trình hàng tuần.”
Nhân viên của Mission Palms Health Care chụp ảnh kỷ niệm với những bệnh nhân yêu thương của mình.
Khi được hỏi tại sao chị lại yêu nghề này, chị đã vui vẻ chia sẻ:
“Tôi đã rất yêu thích nghề này với một quả tim từ những ngày tôi làm volunteer cho nhiều chương trình từ thiện, đến các bệnh viện, nursing home để giúp đỡ và chăm sóc cho những người già yếu tôi rất thương những bác Việt Nam lớn tuổi. Ða số các bác lúc đó không biết tiếng Anh nên có nhiều khó khăn (lúc đó không có nhân viên Việt Nam đông). Mỗi ngày chúng tôi có những chương trình để giúp cho các bác một đời sống tinh thần, vui vẻ...
Ðặc biệt trung tâm có phục vụ thức ăn Việt Nam, một ngày 3 bữa, đa số ai cũng thích những món ăn Việt Nam, trung tâm chúng tôi nổi tiếng về nấu ăn ngon và những chương trình sinh hoạt hữu ích. Chúng tôi có trên 20 nhân viên Việt Nam để phục vụ cho các bác người Việt Nam. Bước vào nghề này cần có quả tim và lương tâm là chính...”
Khung cảnh của phòng sinh hoạt, phòng khám bệnh phát thuốc và nghỉ dưỡng thật khang trang, sạch sẽ và rộng rãi.
Bác Lâm Khánh 79 tuổi chia sẻ cảm xúc của mình: “Tôi đến ở Mission Palms được 9 tháng nay, tôi rất thích không khí ở đây, các cô y tá và các cô phục ở đây rất tốt, chăm sóc đêm ngày 24/24. Chắc chắn rằng con cái ở nhà chăm sóc cũng không bằng. Tôi chắc chắn như vậy. Ở đây có nhiều bạn bè rất vui, nói chung đời sống tinh thần rất thoải mái. Ai cũng muốn sống ở đây đến hết tuổi già...”
Bác Chính Lưu 81 tuổi, một trong những người “cư ngụ” lâu năm của Mission Palms cũng vui vẻ cho biết: “Tôi ở đây đến tháng 9 này là được 6 năm, ở đây ai cũng vui và tốt hết, phục vụ ăn uống rất ngon đàng hoàng và chu đáo... ai tôi cũng thích hết vì ai cũng tốt, có tình thương mới làm được nghề này...”
Bác Kha Nguyễn, 69 tuổi đã được 2 năm ở Mission Palms cho biết: “Trước đây ở nhà tôi bị té mấy lần, nhưng từ ngày vô đây tôi không còn té nữa và được các cô ở đây chăm sóc chu đáo, tôi được tập dưỡng sinh, thái cực quyền để phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Ở đây rất thích, tôi có một đời sống tinh thần là vẽ tranh, chắc tôi xin được vẽ cho phóng viên nhé!” Nói xong bác vẽ tặng cho tôi một bức chân dung chỉ trong vài phút, tôi thật cảm động trước tấm lòng và tài vẽ tranh của bác.
Bác Kha Nguyễn đang vẽ tranh tặng phóng viên báo Người Việt. Ðến với Mission Palms Helthcare Center tôi cùng cảm nhận được một hạnh phúc cho những người già yếu lớn tuổi. Các bác đã tìm được một thiên đàng cho hạnh phúc khi tuổi già. Ðiều đó càng đáng được trân trọng và cảm phục hơn nữa với quả tim của những người phục vụ nơi đây. Họ đã có một quả tim nhân ái và có một tấm lòng đáng để được yêu thương và trân trọng.
Mọi chi tiết, xin liên lạc Mission Palms Helthcare Center, 240 Hospital Circle, Westminster, CA 92683. Tel: 714-892-6686, Fax: 714-891-0148.
Chỉnh sửa lại bởi huong cerise - 25/Jun/2011 lúc 2:51am
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23168
|
Gởi ngày: 24/Jun/2011 lúc 3:02pm |
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 28/Jun/2011 lúc 8:59pm |
Hoàng Hôn Trên Biển Vắng
Quán ẩn mình dưới bóng mát của một hàng dương trên một mảnh đất gần con đường xuyên Viêt, nơi du khách thường dừng lại nghỉ ngơi đón gió biển vì từ đó về tới Sài Gòn cũng còn mất vài giờ lái xe.
Trước đây quán rất đông khách nhưng từ ngày kinh tế khó khăn xe du lịch qua lại không nhiều, chỉ còn bọn trẻ địa phương thỉnh thoảng ra tắm biển, khi mệt nằm dài trên bãi cát trước quán. Đôi lúc họ cũng vào quán mua vài lon nước ngọt, nhưng hình như họ là sinh viên nên không tiêu xài rộng rãi như những du khách, nhất là du khách Việt kiều. Những buổi chiều vắng lặng bà chủ quán chỉ biết buồn buồn thở dài, và cô tiếp viên cũng buồn không kém, hết đứng lại ngồi, phủi bụi bàn ghế ngoài mái hiên, mặc dù chúng vẫn sạch sẽ vì mới được lau chùi.
Ông ta thường tới vào những lúc hoàng hôn, ngồi tại cái bàn ngoài cùng gần bãi cát và chỉ gọi độc nhất một món cà phê sữa. Ông ta ngồi đó nhìn ra biển, trầm lặng đến u buồn, và hầu như không biết đến người xung quanh. Ly cà phê nhiều khi còn nguyên vẹn khi ông ta đứng lên ra về.
Khi ông ta tới lần đầu tiên Liễu tường ông ta cũng chỉ là một du khách như mọi người. Ông ta đi chậm chạp, tay cầm cây gậy ngắn vì đã có tuổi. Thế nhưng khi ông ta trở lại nhiều lần sau đó thì Liễu biết rằng ông ta chỉ là một người khách địa phương. Kể ra cũng lạ, chỗ này hẻo lánh, không có mấy khách sang trọng như ông ta. Chiếc Toyota đen bóng đậu lại bên đường, người tài xế nhanh nhẹn mở cửa xe đỡ ông ta xuống, cúi đầu khi ông ta nhỏ nhẹ cám ơn, và yên lặng đứng nhìn ông ta ngồi hẳn xuống ghế rồi mới đem xe đi đậu ở một chỗ nào đó, một vài giờ sau mới trở lại đón ông ta về.
Ông ta trở thành thân quen đến độ thấy ông ta là Liễu tự động pha cà phê mang ra, không cần ông ta gọi, và lần nào cũng thế, ông ta chỉ nhỏ nhẹ cám ơn. Ông ta ngồi lâu hơn bất cứ người khách nào nhưng bà chủ cũng như Liễu không bao giờ phiền lòng vì quán vắng, và khi đứng lên ông ta luôn luôn để lại một món tiền cho Liễu, đôi khi nhiều hơn cả giá của ly cà phê.
Một lần thấy ông ta khó khăn cúi lượm cây gậy rơi dưới đất, Liệu chạy lại nhặt dùm, và đỡ ông ta ngồi ngay ngắn lại trên ghế. Ông ta mỉm cười: - Cám ơn cô nhé. Có tuổi rồi nên làm cái gì cũng khó khăn. Liễu vội vàng: - Dạ, không có chi. Được dịp, Liễu hỏi thăm người khách quen nhưng vẫn còn rất xa lạ: - Bác ở gần đây? Ông ta gật đầu: - Cũng gần, ngay ngoại ô Phan Rang đây thôi. Lần đầu tiên nghe ông khách nói nhiều, Liễu ngạc nhiên nhận ra giọng nói của ông ta không phải là của người điạ phương: - Quê bác chắc không phải ở vùng này? Ông ta ngước mắt nhìn Liễu mỉm cười, một tay vẫn vịn đầu gậy, một tay chìa ra chỉ chiếc ghế trống: - Nếu cô không bận, mời cô ngồi. Liễu cám ơn và rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nụ cười của ông ta thật hiền từ, nhưng giọng nói thoáng buồn: - Quê tôi tuốt ngoài Bắc Ninh. Về thăm một lần đã khá lâu. Chắc là tôi chẳng bao giờ trở lại. Liễu gật đầu: - Cháu cũng đoán bác là người Bắc. Chắc bác vô đây sau ngày “giải phóng”? Ông ta lắc đầu, nụ cười buồn trên môi: - Không. Tôi là “bắc kỳ 54”, gia đình tôi di cư vào Nam khi tôi còn bé tí! - Ồ! Thế ra bác lập nghiệp ở đây hả? Cháu ít thấy người Bắc ở vùng này, bây giờ gia đình bác ra sao? Liễu nghĩ tới chiếc xe hơi mới tinh, tới người tài xế lễ phép, và đoán là nếu ông ta không phải là một thứ “đại gia” thì cũng là một cán bộ cao cấp vừa hồi hưu, tuy nhiên Liễu ngạc nhiên không hiểu là vùng đất khô cằn này có gì cho ông ta lưu luyến. Đưa mắt nhìn ra khơi, đôi mắt tinh anh sâu thẳm nhưng lúc nào cũng thoáng buồn, ông ta nhỏ nhẹ: - Chỉ có mình tôi ở đây. - Sao bác lại chọn chỗ này? Sài Gòn hay Hà Nội có phải vui hơn không. Bất chợt ông ta hỏi: - Cô biết bãi biển Ninh Chữ không? - Dạ, cháu biết. Giọng của ông ta trầm xuống hầu như đang nhớ tới cái gì rất xa xôi: - Ngày xưa thời VNCH có một duyên đoàn của Hải Quân đóng ở đó. Tôi là lính duyên đoàn, mấy năm rồi mới đổi xuống tàu đi biển. Liễu thở ra: - Vậy là cháu hiểu rồi. Bác về đây sống vì những kỷ niệm cũ. Ông ta bật cười: - Nghe cô nói như là đang đọc một truyện tình. Liễu cũng cười, chống chế: - Hồi học cấp ba cháu cũng giỏi văn lắm. Chỉ tiếc là không có điều kiện theo học đại học. Mà thôi, bác nói tiếp đi. Cháu nói vậy có đúng không? - Cũng đúng một phần. Tôi quả có một mối tình ở nơi này, về đây vì tôi cũng còn rất yêu biển, và cần khí hậu ấm áp để dưỡng bệnh. Liễu ái ngại: - Bác bệnh gì vậy? Trông bác quả có hơi yếu. - Nhiều thứ lắm. Áp huyết cao, phong thấp, mới đây lại bị “stroke”, may mắn không chết, dù đã gần khỏi nhưng đi đứng vẫn còn khó khăn. Ở bên Mỹ các con tôi đều bận rộn với gia đình riêng nên tôi về bên này để chữa trị. - À, bác là Việt kiều, thảo nào …
Liễu ngập ngừng không nói tiếp. Ông ta cũng không nói gì thêm, mắt vẫn nhìn xa vắng. Đúng lúc đó người tài xế trở lại. Anh ta cũng đã khá nhiều tuổi, người thấp bé nhưng còn rất tráng kiện, lúc nào cũng như cái bóng, yên lặng đứng sau lưng ông ta đợi chờ. Ông ta vịn vào cạnh bàn đứng lên: - Cám ơn cô nhiều lắm. Nghe bà chủ gọi cô là cô Liễu, phải không? Liễu cũng đứng lên: - Dạ. Cháu chào bác. Lần tới bác nói chuyện bên Mỹ cho cháu nghe nhé. Chắc là vui lắm. - Ở đâu cũng có những chuyện vui buồn. Thôi, chào cô nhé.
Người tài xế đỡ nhẹ cánh tay để ông ta đứng vững, nhưng rồi lùi lại phiá sau, để mặc ông ta chậm chạp bước vì hình như ông ta quyết tâm, không muốn ai phải nâng đỡ mình. Liễu nhìn theo bóng dáng ông ta cho đến khi người tài xế mở cửa xe đỡ ông ta lên mới tần ngần xếp lại ghế ngồi, và mang đổ ly cà phê còn gần như nguyên vẹn.
0O0
Khi người khách trở lại lần sau đó, Liễu rụt rẻ hỏi thăm và được biết tên ông ta là Nguyễn. Vẫn đôi mắt nhìn xa xôi nhưng ông Nguyễn đã bớt lạnh lùng, mời Liễu ngồi và thân mật nói chuyện đời với Liễu như thể là đã quen biết từ lâu. “Hồi đó tôi còn trẻ lắm, mới hơn hai mươi tuổi! Người ta cứ nói lính Hải Quân đa tình bay bướm, nhưng tôi chỉ yêu một mình cô ấy, và đến tuổi này nghĩ lại những ngày hoa bướm đó tôi vẫn cảm thấy êm đềm. Cô ấy là nữ sinh, thỉnh thoảng mặc áo dài trắng đến thăm tôi tại đơn vị vì tôi ít khi được ra ngoài. Lúc đó làm gì có cell phone cho chúng tôi hẹn hò, chiều chiều nếu không bận công vụ tôi đứng bên hàng rào doanh trại, lóng ngóng đợi chờ. Hôm nào thấy bóng cô ấy tôi vui như chưa bao giờ vui thế. Gặp nhau cũng chỉ để ngồi với nhau trong câu lạc bộ, thủ thỉ chuyện trò cho đến khi hoàng hôn xuống là cô ấy phải ra về.
Ngày tôi phải đổi xuống tàu biển, tôi cuống quít cầu hôn với cô ấy, và may mà được gia đình cô ấy bằng lòng. Mẹ cô ấy vẫn ngại đời lính tráng, và chiến tranh lúc đó đang khốc liệt, nhưng cũng đành để tôi mang cô ấy về Sài Gòn sống với gia đinh tôi, trong lúc tôi đi biển, lâu lâu mới được về thăm nhà một lần.
Tháng Tư năm 1975 tàu tôi được biệt phái ra Phan Rang ngăn chặn bước tiến của Bắc quân. Pháo từ xe tăng trên bờ bắn ra trúng đài chỉ huy, một mảnh đạn nhỏ văng trúng đầu tôi, đi vào óc, và vẫn còn nằm trong đó đến bây giờ. Tôi chỉ bị thương nhẹ nhưng mảnh đạn oan nghiệt đó không thể lấy ra vì giải phẫu óc rất nguy hiểm. Lâu lâu tôi vẫn có những cơn đau buốt tưởng như không chịu được nhưng trông tôi vẫn bình thường, và tôi vẫn làm việc như thể là chưa bao giờ bị thương.
Cũng may mắn là dù bị bắn tàu tôi cũng giải cứu được một đơn vị bộ binh, đưa họ về Sài Gòn, và tôi kịp đón gia đinh di tản vào cuối tháng Tư. Lúc đó chúng tôi đã có đứa con trai đầu lòng mới sinh được vài tháng. Cha mẹ tôi không chịu đi theo chúng tôi vì cứ sợ qua Mỹ không biết làm gì để nuôi nhau!
Muời năm sau tôi mới đón được bố mẹ sang, sau khi tôi đã tốt nghiệp một trường cao đẳng chuyên nghiệp, và đi làm cho Cisco, một hãng hi-tech tại thành phố San Jose, California. Tôi may mắn gia nhập công ty từ thuở ban đầu, công ty lớn mạnh và cũng như bao nhiêu nhân viên khác, tôi được tưởng thưởng một số cổ phần, trở nên sung túc, và sớm thành một triệu phú ở nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi cũng có thêm hai cháu gái, và cả ba cháu bây giờ đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng và đều có một cuộc sống trung lưu khá vững vàng.
Thế nhưng trời cho cái này thì lấy đi cái khác cô Liễu à. Cơn đau trong óc càng ngày càng mãnh liệt và xảy ra thường xuyên hơn. Những lúc như vậy tôi chỉ muốn chết. Nhà tôi thương tôi nhưng cũng không biết làm gì hơn là ngồi trước bàn thờ, đọc kinh cứu khổ cứu nạn, mong Phật Bà Quan Thế Âm thương xót tôi mà xoa dịu bớt cơn đau. Có nhiều hôm tôi thiếp đi, khi tỉnh dậy vẫn thấy nhà tôi ngồi im lìm cúi đầu, hai tay chắp trước ngực, cầu nguyện cho tôi suốt đêm thâu.
Tôi bỏ việc làm, và nhà tôi cũng vậy, để ở nhà chăm sóc tôi. Tôi được bệnh viện Stanford cho thử nghiệm một thứ thuốc mà họ mới phát minh nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao. Tôi tình nguyện vì nghĩ rằng ít ra cũng có chút hy vọng dù không rõ hậu quả của thuốc có gì tai hại hay không. Thuốc làm tôi hết đau nhưng chỉ được vài giờ, và tôi phải uống vài lần mỗi ngày. Mỗi lần uống xong tôi muốn như mê đi, nhưng dù sao cũng giúp tôi sinh hoạt gần như bình thường. Nhà tôi vẫn cầu nguyện, nhưng không còn phải thức suốt đêm như xưa, cho đến một ngày …
Cơn đột qụy đến bất thình lình, không biết có phải vì hậu quả của thuốc hay không, tôi ngã gục ngay lúc sáng sớm, khi vừa ra khỏi giường. May mà nhà tôi gọi được xe cấp cứu, đưa tôi vào bệnh viện điều trị nên tôi sống sót, nhưng cũng phải tập luyện cả năm mới đi lại được như bây giờ. Sau cơn bạo bệnh đó tôi thấy cái chết như gần kề, tôi bỗng nhớ quê hương, nhớ đường biển xưa, nhớ nơi tôi đã có một mối tình vĩnh cửu, nên tìm về chỗ này. Người già sống với dĩ vãng cô ạ. Cô thấy tôi thường ra đây ngắm biển, vì lúc nào tôi cũng tưởng nhớ đến những ngày tháng êm đềm năm xưa.”
Liễu ngắt lời ông Nguyễn: - Bác gái đâu, có về VN với bác không? Ông Nguyễn lắc đầu: - Không. Nhà tôi ở lại bên đó trông nom đứa cháu ngoại mới sanh vì con gái út của tôi không được khoẻ. - Ồ, thế thì ai chăm sóc bác ở bên này? - Có đứa cháu gái bên vợ, và anh Hiệp, người lái xe cho tôi. Ngừng lại một phút, ông Nguyễn thở dài nói tiếp: - Tôi cũng đã bình phục gần như xưa, dù chậm chạp nhưng có thể tự chăm sóc vệ sinh cho chính mình. Khi tôi đòi về VN sống, nhà tôi cũng băn khoăn lắm nhưng nhờ có tài chính đầy đủ và lương hưu, nên chúng tôi xoay sở cũng dễ dàng. Vài tháng tôi lại qua Mỹ một lần, thăm con cháu và khám bệnh lại cho nhà tôi yên tâm. - Bác vẫn còn uống thuốc giảm đau mà bệnh viện đang thí nghiệm? Ông Nguyễn gật đầu: - Biết làm sao bây giờ. Không có thuốc tôi như nguời chết dở. Được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi.
0O0
Ông Nguyễn trở thành người bạn vong niên của Liễu. Thoáng thấy bóng chiếc xe hơi là cô vội vã chạy ra, phụ với anh Hiệp mở cửa xe cho ông, và mỗi lần ông ra về, cô theo ra tận xe, quyến luyến đứng nhìn cho đến khi chiếc Toyota khuất bóng. Chiếc bàn nơi ông Nguyễn ngồi lúc nào cũng sạch bóng, và cô muốn dành riêng cho ông, không bao giờ đưa khách lạ tới đó. Ông Nguyễn vẫn tới đó rất đều đặn, vẫn xa vắng nhìn ra biển khơi, thỉnh thoảng nói với Liễu về những bến bờ xa lạ mà ông ta đã có dịp ghé qua hơn một lần. Ông cũng cho Liễu xem tấm hình đứa cháu gái lên mười đang ngồi chơi Piano. Liễu hỏi con bé có biết nói tiếng Việt không, ông lắc đầu, cười tủm tỉm: - Nó chỉ nói được ba tiếng: “Ông”, “Bà” và … “Phở”. Liễu bật cười, và ông Nguyễn cũng cười. Cứ như thế, ngày nào Liễu cũng chờ ông khi trời vừa tắt nắng. Thế nhưng hơn tuần nay không thấy ông Nguyễn tới. Liễu băn khoăn nhưng đoán là trái gió trở trời, ông ta đau ốm nên nằm nhà. Mỗi lần nghe tiếng xe hơi ngoài xa lộ là Liễu đưa mắt nhìn. Những chiếc xe vụt qua như bóng thời gian, hơn tháng trời, mới lại thấy chiếc xe Toyota đen bóng. Không đợi cho xe ngừng hẳn, Liễu chạy vụt ra nhưng rồi chợt thấy hụt hẫng vì chỉ có chú Hiệp lái xe, không thấy ông Nguyễn ở băng sau, chỗ ông thường ngồi.
Hiệp mất hẳn vẻ nhanh nhẹn thường ngày, chập chạp ra khỏi xe, cúi đầu khi gặp ánh mắt dò hỏi của Liễu. Chừng như lâu lắm chú mới khẽ thở dài: - Ông cụ về Mỹ rồi. Liễu hỏi tới: - Rồi bao giờ trở lại? Hiệp lắc đầu: - Không trở lại nữa đâu, … ông cụ mất rồi. Liễu thảng thốt đưa tay che miệng: - Trời! Hiệp buồn bã: - Hơn tháng trước bỗng dưng những cơn đau càng ngày càng dồn dập. Thuốc uống hầu như liên tục, cuối cùng ông cụ quyết định trở về Mỹ để giải phẫu. Bà cụ đã ngăn cản ông cụ nhiều năm vì sợ nguy hiểm, nhưng cuối cùng cũng đành. Giải phẫu xong ông cụ đi vào hôn mê, và vài ngày sau thì mất.
Liễu đứng thẫn thờ trong lúc Hiệp cố ngăn niềm xúc động, nói như thì thầm: - Ông cụ tốt với tôi lắm, thường cho tôi tiền để tôi gửi về Bắc tặng mẹ tôi. Nguyên tôi là bộ đội phục viên, nghèo không nuôi nổi thân, lang bạt đến tận nơi này, may được người nhà ông cụ mướn lái xe. Ông cụ coi tôi như người nhà, kể chuyện đời mình, tôi cũng chẳng dấu ông cụ, nói cho ông cụ biết là tháng Tư năm 75 tôi là người lái xe tăng tiến quân qua vùng này. Tăng của chúng tôi bắn vào chiếc chiến hạm của VNCH đang ủi bãi vớt người, và có thể tôi là người đã gây ra mảnh đạn oan nghiệt đó trong đầu ông cụ. Tôi thật là ân hận.
Nghe tôi nói thế ông cụ chỉ cười, vỗ vai tôi: “Đâu có phải lỗi tại chú. Chúng mình đều là chiến binh … Chiến tranh ngày đó đã qua rồi.” Hiệp dụi mắt, móc trong túi quần đưa cho Liễu một phong bì dầy: - Ông cụ để lại di chúc, tặng tôi chiếc xe này để tôi chạy taxi, làm kế sinh nhai. Ông cụ cũng nhờ tôi đưa tặng cô ít tiền, để cô đi học đại học, và cám ơn cô đã bầu bạn với ông cụ những ngày qua. Liễu đưa tay nhận chiếc phong bì, lòng nặng trĩu u buồn: - Cám ơn chú. Gia đình có đưa ông cụ về an táng tại VN không chú? Hiệp lắc đầu: - Nói chuyện điện thoại với gia đình bên đó tôi mới được biết là ông cụ đã được hoả táng, tro rắc ngoài biển… Thôi thế cũng là xong. - Có liên lạc qua bên đó chú cho Liễu gửi lời phân ưu tới bà cụ, và xin cám ơn tấm lòng rộng lượng của ông cụ cùng gia đình. - Vâng. Thế nào tôi cũng sẽ chuyển lời. Bây giờ tôi về nhé. À, còn một ít sách vở của ông cụ, tôi biết là ông cụ rất muốn để lại cho cô. Tôi sẽ mang ra đây để cô giữ làm kỷ niệm. - Cám ơn chú.
Hiệp gật đầu chào, lủi thủi chui vào xe. Khi xe đã lăn bánh và mất hút trên xa lộ Liễu mới buồn bã đi tới cái bàn và ngồi xuống cái ghế ông Nguyễn thường ngồi. Cô đưa mắt nhìn ra biển và nói như thể là ông Nguyễn đang ngồi bên: - Cuối cùng thì bác cũng về với biển, nơi chốn bác yêu thương. Liễu mở chiếc phong bì. Xấp tiền có lẽ thừa cho cô theo theo đuổi mộng văn chương ở đại học như cô từng ước mơ, thế nhưng cô không thấy vui. Cô cúi mặt, và một giọt nước mắt ứa ra, đọng nơi khoé mắt cùng với tiếng thở dài.
Trần Quang Thiệu June, 2011
Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 15/Aug/2011 lúc 9:23am
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|
Lan Huynh
Senior Member
Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23168
|
Gởi ngày: 14/Jul/2011 lúc 1:35pm |
Tuổi Già Là Thời Sung Sướng Nhất
Tác Giả: SE sưu tầm |
Thứ Năm, 14 Tháng 7 Năm 2011 08:31 |
Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống.
|
Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la. Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì. Không còn phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi. Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm chi. Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ dàng. Khi già tình yêu cũng không còn là mối bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình. Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn. Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là nông nỗi. Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và bình lặng. Tuổi già rồi, các ông không còn tính chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện dấu diếm mà nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật. Hồi hộp, đau tim. Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó. An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui. Cũng có một số ít những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính. Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình. Vì còn sống bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều. Xa được ông chồng khó tính, độc tài là mừng. Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng. Khỏe trí. Tuổi già, cố giữ cho còn có nhau, khi đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có lý. Đây là hành động tự cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng trước mắt, không còn bao nhiêu ngày nữa. Có điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Vì chung quanh họ, có thiếu chi người đứt gánh nửa đường. Chồng chết, vợ chết, ly dị. Vấn đề là không sao tìm được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, nhiều chia xẻ như người phối ngẫu cũ. Tình già cũng nhẹ nhàng, thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung. Sức lực cũng có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy. Nhiều người trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh bài tìm quên, đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ bạc. Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác. Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ cho mệt. Mất củ khoai lang, thì kiếm củ khoai mì bù vào. Tuổi già biết giá trị tương đối của tình yêu nên không tìm tuyệt hão, không tìm lý tưởng, và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ mộng, đau khổ. Khi già rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng không cần dấu diếm, không cần sụt đi năm bảy tuổi làm chi. Sướng lắm. Vì có sụt tuổi, cũng không dấu được những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì. Nếu tự cọng thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn trẻ, trẻ quá, và họ mơ ước được như mình. Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình. Con người, ai mà không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi thiếu sáng suốt. Vợ chồng cũng có khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi nầy, lòng người dễ chao đảo lắm. Bởi vậy, các ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau. Tuổi nầy các bà cũng thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường chỉ là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được. Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan hơn thời trẻ trung. Biết kềm chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần gìn giữ hơn là chơi ngông. Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau. Không còn thấy khó chịu nhiều nữa. Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của người bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác. Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn. Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người nầy nói một đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được? Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối. Họ biết sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân. Họ còn biết thêm rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ là hư không, chẳng đáng gì. Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với bình thường. Biết đâu là hạnh phúc chân chính. Nhiều người già rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác. Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nỗi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận. Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh. Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê. Chê thì chê, khen thì khen. Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng được khoan thứ hơn là trách móc. Lúc nầy, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc. Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ , thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện. Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn. Mối lo âu về tài chánh cũng nghẹ gánh. Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ. Nhà cửa cũng đã có. Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa. Con cái cũng đã lớn, không còn là gánh nặng cho mình. Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được. Chắc chắn tương lai chúng khá hơn mình nhiều. Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ. Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa. Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận. Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở. Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người. Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn. Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước. Người Mỹ, trẻ già chi cũng ngĩ đến hưu trí. Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội. Cho sung sướng, nghỉ ngơi. Già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn. Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho đến trưa đến chiều cũng không sao. Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc dục, không cho mình nhịn lâu thêm được nữa. Thế thì sao mà không sung sướng. Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè nén. Vì tài chánh cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ. Khi này, nhiều thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều. Vã lại, già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng, thong thả. Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm. Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe. Vì nếu việc có hoài, việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu. Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh thương mến hơn. Những người về hưu rồi, trở lại làm việc, thì đi làm, như đi chơi, chứ không phải "đi cày" như nhiều người khác quan niệm. Vui thì làm tiếp, chán thì về nhà nghỉ ngơi. Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn. Nhưng họ lại cảm được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm. Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn. Ngưới trẻ đâu có thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết. Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên, xem như chẳng có giá trị gì. Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi. Có người viết sách rằng, tuổi già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa chết. Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn. Nầy anh chị có nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, có chỉ mặt mà phán : “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”. Đó là câu nguyền rủa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn. Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh khổ. Đó, đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm. Bởi vậy nên tôi nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng. Tôi đi đám ma ông bạn già, thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể. Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy không biết luật của tạo hóa. Có sinh thì có diệt. Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuôc rong chơi. Nầy, tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn tôi: Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó Ai thay da mãi mãi sống muôn đời ? Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ, Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi ... Khi tuổi già, thì xem cái chết như về. Ai không phải chết mà sợ. Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm. Tuổi trung bình của con người trên thế giới này chưa được con số năm mươi. Thì mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai. Đời trước đã hoàn tất, có cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Đời sau nầy, thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh phúc hơn đời trước. Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão. Chết là về. Nhưng chỉ sợ không về được đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường. Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ. Tôi biết vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi. Đi về bình an. Này, anh chị nghĩ sao về ông bác sĩ mà người ta đặt cho tên là bác sĩ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình như ông ta tên là “Ki-Vô-kiên” phải không? Cái tên gần gần như vậy. Theo tôi, thì ông nầy là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để bị ra tòa, bị tù tội. Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó. Tôi cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có. Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đàng nào cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết. Trừng phạt người ta hay sao? Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa. Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ. Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn. Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được. Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi...
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 14/Jul/2011 lúc 1:35pm
|
IP Logged |
|
huong cerise
Senior Member
Tham gia ngày: 23/Mar/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 244
|
Gởi ngày: 31/Jul/2011 lúc 10:06am |
VỢ CHỒNG GIÀ
Anh đi gần hết con đường
Bấp bênh cuộc sống đoạn trường đã qua !
Chào nhau thân hữu gần xa
Dành cho tình cảm bạn già cảm thông.
Đi đâu cũng ngại trời đông
Em yêu chung thủy trọn lòng nhớ thương.
Êm đềm kỷ niệm vấn vương
Giữ gìn sức khỏe đêm trường ngủ yên.
Hạnh phúc chung sống bạn hiền
Im lặng vui hưởng phước duyên cõi đời.
Khen chê là chuyện mọi người
Luyện tập thân thể , nghỉ ngơi đúng giờ.
May mắn thay - hết đợi chờ !
Niềm mong ước được đến bờ tự do.
Ong cho mật ngọt thơm tho
Ông bà con cháu ấm no xứ người.
Phải đi cho biết nhiều nơi
Quên bao khổ nạn một thời đắng cay.
Rả rời thân xác đọa đày!
Sung sướng thoát nạn rủi may tâm người.
Thời gian còn lại càng vơi!
Ung dung tự tại cho đời thảnh thơi.
Ưu phiền chi chuyện đã rồi
Vợ chồng an phận nổi trôi quê người.
Xin cảm tạ đấng Phật Trời
Yêu thương cuộc sống , vui đời bình an .
Minh Lương Trương Minh Sung
|
IP Logged |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
|
Gởi ngày: 15/Aug/2011 lúc 9:17am |
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương |
Chúa Nhật, 14 Tháng 8 Năm 2011 14:18 |
Vốn hiền lành, thật thà, tin người như tin mình, ông nghe cảm động quá, lấy cô, vừa cứu được một kiếp người vừa có một cô vợ trẻ đẹp
Bà lìa đời đúng vào ngày ông chính thức nghỉ việc để về hưu, chắc bà muốn hưởng nhàn một mình một cõi nơi bên kia thế giới, để lại giấc mộng nghỉ hưu mà ông đã lên kế hoạch từ lâu, nay chỉ còn một mình ông với nỗi buồn ngơ ngẩn. Đứa con trai duy nhất của hai ông bà từ tiểu bang khác dẫn vợ con về lo tang lễ của mẹ xong, đã đề nghị ông về ở với chúng , để cha con , ông cháu đoàn tụ , để ông nương tựa lúc tuổi già. Lời đề nghị rất hợp lý hợp tình, nhưng điều này ông chưa hề nghĩ tới, cả một đời vất vả làm việc, ông chờ đợi cái ngày được nghỉ hưu này để rong ruỗi đó đây, hay để nằm nhà hưởng nhàn, đọc sách báo, coi ti vi, và lên internet là cả một cái thư viện khổng lồ để mở mang kiến thức.
Ông từng mơ hai vợ chồng sẽ đến New York vào mùa đông, sau những bữa dinner với. rượu vang chếnh choáng, ông bà trở về phòng trọ ấm cúng, ngoài kia tuyết rơi, gió lạnh, điều ấy không ảnh hưởng gì đến ông cả, vì ông có phải thức dạy đi làm nữa đâu, ông cứ việc ngủ chán chê, muốn dậy lúc nào thì dậy, rồi ông sẽ vén màn cửa sổ nhìn xuống đường, trong mùa Đông rét mướt kia có bao nhiêu kiếp người đang lao vào cuộc sống, đang tính toán từng giờ từng phút để nghỉ ngơi, để làm việc.
Ông buồn thật, nhớ bà, nhớ những bữa cơm, giấc ngủ, những lúc bà hiền dịu, và cả những lúc bà đanh đá mắng mỏ ông. Sự mất mát, đau thương còn mới quá, ông chả biết làm gì cho hết một ngày, thì về với gia đình thằng con trai vậy..
Nhà có hai vợ chồng với hai đứa con, thêm ông nữa là năm người, ra vào gặp nhau cũng thấy vui. Nhưng chỉ mấy ngày đầu thôi, dần dần ông biến thành baby sit cho nhà nó, trông hai đứa cháu nội, đưa đón chúng đi học, chúng muốn ăn cơm, uống sữa cũng gọi ông, chúng vô bathroom cũng gọi ông…Ăn uống thì con dâu ông quyết định, ông thèm ăn cơm với thịt kho mắm, thì nó bảo món ấy hôi nhà, mời bố ăn món khác. Con dâu còn gợi ý khi thấy ông tha thẩn một mình: nếu bố rảnh rang, buồn chân buồn tay không biết làm gì, thì bố cứ việc hút bụi nhà hay ra vườn cắt cỏ, vừa giết thời gian vừa được việc bố ạ
Trời ơi, con trai và con dâu coi như đời ông đang tàn, ở đây làm việc vặt cho nó rồi chờ chết hay sao? Thời gian nghỉ hưu của ông là vô giá, không tiền bạc nào mua nổi, ông cần dùng nó để vui hưởng, đâu có dư thừa mà phải tìm cách giết nó như con dâu ông đã tuyên bố.
Một tuần sau ông giã từ gia đình thằng con để trở về ngôi nhà của chính ông. Ông bắt đầu lại cuộc sống độc thân khi tuổi đời đã 66, là một người khoẻ mạnh và nhiều tình cảm, ông muốn về thăm lại Việt Nam sau 25 năm xa cách., 25 năm qua hai vợ chồng ông cùng làm việc chăm chỉ, chẳng những đã giúp cho con trai một món tiền mua nhà khi nó cưới vợ, ông bà cũng có một căn nhà, một ít vốn, và lương hưu này nọ của ông, cộng với 401k…mỗi tháng gần 2000, tha hồ cho ông hưởng một cuộc đời phong lưu.
Về Việt Nam , ông ở chơi dưới quê với bà con họ hàng vài tuần rồi lên thành phố Sài Gòn thuê khách sạn, nơi đây là chốn cũ , những con đường, những khu phố, đầy ắp kỷ niệm. Ông như thấy mình trở lại thời trai trẻ, quán cà phê nào ông đã từng hẹn hò, cơn mưa nào còn đọng lại trong hồn ông những vũng nước, những vết bùn của bước chân vội vàng chiều cuối phố ?
Những ngày xưa đâu? Những mối tình ngắn dài đâu? Ông bâng khuâng bước vào một quán nước mong tìm lại chút hương vị ngày xưa. Nhưng nay đổi khác quá, các cô gái phục vụ trong quán vây quanh ông, chẳng hiểu sao họ biết ông là Việt Kiều nên rối rít hỏi thăm đủ chuyện, lòng ông tràn trề niềm vui và hãnh diện, ông đâu có ngờ ở tuổi này còn được các cô săn đón chiều chuộng như thế! Họ gọi ông bằng anh và xưng em ngọt xớt. Có một cô xinh nhất đám tiếp chuyện ông lâu nhất, đôi mắt cô liếc, đôi môi cô cười, dù ông luôn khẳng định cô chỉ ở hàng con cháu, mà sao cô vẫn là những ngọn sóng làm ông phải chòng chành chao nghiêng.
Ngày nào ông cũng đến quán để gặp cô gái xinh đẹp đó, cô thì thầm tâm sự với ông, cô tên Bưởi, một cô gái quê con nhà nghèo, phải tha hương lên Sài Gòn bán quán để kiếm tiền nuôi cha mẹ già, em nhỏ. Cô tha thiết mong được làm vợ ông, sang Mỹ sinh sống để hầu hạ ông.
Vốn hiền lành, thật thà, tin người như tin mình, ông nghe cảm động quá, lấy cô, vừa cứu được một kiếp người vừa có một cô vợ trẻ đẹp. Từ ngày vợ mất đôi khi ông cũng thấy lòng trống vắng, cô đơn, cũng mong muốn có bàn tay người đàn bà ấp ủ.
Thế là ông theo cô Bưởi về quê ra mắt cha mẹ vợ tương lai và làm đám cưới. Mối tình không biên giới kể cả về tuổi tác và khoảng cách địa lý, chỉ sau 9 tháng đã thành sự thật, cô Bưởi được sang Mỹ đoàn tụ với chồng. Được vui duyên mới ông đã chịu nhục nghe thằng con trai gọi phone sang đay nghiến, ông già rồi mà còn mê gái, vợ con gì cái thứ gái bia ôm đó! và câu kết luận của con trai là từ bố luôn. Thôi đành, ông thương con thương cháu, nhưng ông cũng phải thương chính cái thân ông chứ.
Từ nay ngôi nhà ông lại ấm cúng vì đũa đã có đôi, dù là đôi đũa lệch, ông phải tân trang lại ngoại hình, nhuộm tóc đen, làm răng giả, mặc quần jean áo thun và cả cách ăn nói cho trẻ trung để thích hợp với cô Bưởi. Ông chợt khám phá ra một báu vật vô giá ông đánh mất từ lâu mà không biết, đó là hai chữ “tự do”, vợ ông từ giã cõi đời cũng đồng nghĩa là mang trả lại cho ông sự tự do mà bà đã nắm trong tay suốt bao nhiêu năm qua.
Ông tung tăng dẫn cô Bưởi đi phố, đi chợ, đi chợ Mỹ thì không sao, vì chẳng ai để ý đến vợ chồng ông cả, nhưng vào chợ Việt Nam , sao người Việt Nam mình tinh đời thế, ông bắt gặp những cái nhìn tò mò, châm biếm như muốn nói ông già mà còn ham lấy vợ trẻ. Ông đưa cô đi shopping ở Walmart mà cô đã hoa mắt lên, khen quần áo tiệm này sang trọng quá, cô Bưởi vui sướng bao nhiêu lòng ông hạnh phúc bấy nhiêu
Một năm trôi qua, ông vẫn thấy hạnh phúc còn mới mẻ, nhưng cô Bưởi thì không, cô đã biết chê đồ Walmart rổm, chê nhà hàng nọ không ngon, cô đã biết đánh giá cũng là cái xe hơi 4 bánh nhưng loại nào sang hơn, đẹp hơn. Ông chiều cô vợ trẻ , sắm cho cô một xe hơi đời mới đắt tiền, rồi cô đòi đi làm, ở nhà hoài chán quá, cô cần có tiền để mua sắm thêm và giúp đỡ cha mẹ ở Việt Nam . Ông yêu cô, không muốn dời cô chút nào, lương hưu ông dư sức nuôi cô ở nhà với ông suốt đời. Nếu để cô đi làm hãng xưởng ông sợ có ngày mất vợ vì mấy thằng Mễ khoẻ mạnh đẹp trai, may quá cô đòi học làm nail, nghề nail có mấy thợ là đàn ông! Còn khách hàng thì toàn là phụ nữ.
Mộng cô đã thành, cô Bưởi đi làm nail, bản tính dạn dĩ xông xáo, chỉ trong vòng một năm mà cô bay nhảy hết tiệm này sang tiệm khác đến mấy lần, cô đi làm từ sáng đến tối, để ông ở nhà thui thủi và mong ngóng cô như trẻ mong mẹ đi xa về, ông chẳng thể nào kiểm soát được giờ giấc của cô, hôm thì cô nói khách đông, hôm thì cô bận đi shopping với bạn bè…đó là những lý do cô thường xuyên về trễ.
Để níu chân cô vợ trẻ, ông muốn có 1 đứa con cho vui nhà vui cửa, đàn bà khi có con thì sẽ chín chắn hơn. Cô Bưởi ngày càng ăn diện, quần áo đồ hiệu lộng lẫy, còn những quần áo cô sắm ở Walmart trước kia bây giờ thành rẻ lau hay đem cho Goodwill rồi, cô bĩu môi chê ông nhà quê không hợp thời, cô ít sánh đôi với ông, ông chỉ còn mỗi một ưu điểm mang ra khoe là anh yêu em vô bờ bến, cả đời anh dành cho em đây.
Khi cô Bưởi báo tin đã có thai, ông mừng quýnh quáng hơn cả ngày xưa vợ ông đã mang thai thằng con trai cưng duy nhất của ông, rồi cô sinh một thằng cu tí mà cô nói rằng nó giống ông như đúc.
Từ ngày có baby nhà cửa vui thật, ông bận rộn tưng bừng, hết pha sữa lại thay tã, bế con, ông đứng ngồi không yên mỗi khi nó gào khóc, còn mẹ nó lại đi làm nail đến tối mịt mùng mới về nhà như cũ.
Nhưng một ngày cô Bưởi không về nữa, ông đợi cô trắng đêm, sáng hôm sau ông lục lọi mọi ký ức để đoán xem cô đang làm nail ở tiệm nào, vì những chủ tiệm nail đều là người Việt Nam nên ông ngại chẳng ra mặt bao giờ và vì cô Bưởi không cho phép. May quá, ông đã đến đúng chỗ, một cô thợ nail nói Betty chơi thân với cháu, Betty tâm sự vì cha mẹ ngăn cản nên Betty phải trốn đi cùng người yêu để xây tổ ấm rồi.Thế hai bác không biết Betty đang yêu Tư Chuột à?
Ông ngẩn người, chết đứng ra, vợ ông Nguyễn thị Bưởi đi làm nail với tên Mỹ là Betty đã đi theo thằng Tư Chuột , ông đau đớn vì mất vợ mà cô này tưởng ông đau đớn vì mất con càng làm ông bối rối, ông hỏi một câu vụng về: - Tư Chuột là thằng phải gió nào thế? cái tên Tư Chuột thấy mà ghê thì bà nào dám đến làm nail?
Cô gái cười giải thích tên Mỹ nó là Peter, tên Việt Nam là Tư, mặt nhọn hoắc như mặt chuột nên tụi cháu gọi thế . Ông về nhà đành làm thân gà trống nuôi con, giận vợ nhưng con ông có tội tình gì, ông càng thương con hơn... Thằng bé 8 tháng tuổi, mập mạp khoẻ mạnh, bú vèo một cái hết bình sữa, chắc nó biết thân phận không có mẹ chăm sóc nên chẳng nỡ làm khó dễ cha già, nhưng mỗi lần ông thay diaper cho nó thì nó chẳng biết điều tí nào, hai chân nó vung vẫy lung tung làm ông lọng cọng dán mãi mới xong miếng băng keo…
Ông lo lắm, nếu cô Bưởi đi luôn không bao giờ trở lại thì sao? Ông tưởng tượng một ngày nào ông ngã bệnh, yếu đuối, phải vào Nursing home, thằng cu tí phải vào một nhà trẻ từ thiện nào đó, hai cha con sẽ là hai phương trời cách biệt. Ông thương cu tí quá, đành phải nhịn nhục mà kêu gọi cô Bưởi về thôi, ông liền đăng lên báo mục nhắn tin tìm vợ ‘Bưởi em, ở đâu về gấp, anh sẽ bỏ qua mọi chuyện để chúng mình cùng lo cho con”
Ông hi vọng và chờ đợi cô Bưởi hồi tâm trở về, có một cú phone gọi cho ông, nhưng không phải cô Bưởi mà là bạn cô Bưởi, cái người ông đã gặp ở tiệm nail trước kia, cô hỏi địa chỉ đến nhà thăm ông, lần này cô tỏ ra hiểu chuyện: - Cháu xin lỗi bác, lần trước cháu tưởng bác là bố của Betty, nay có người nói với cháu bác là chồng nó, đọc lời nhắn tin tìm vợ của bác trên báo thấy tội cho bác quá, nên cháu đến đây để cho bác biết cái thằng con mà bác đang nuôi đó không phải là con của bác đâu.
Ông lắp bắp: - Tại sao cô biết nó không phải là con tôi?
Cô ta khẳng định: - Betty nói với cháu mà, bác xem, mặt thằng nhỏ giống Tư Chuột y khuôn, hai mắt lồi đen, cái mặt nhọn hoắc.
Ông mở to mắt nhìn thằng bé, nó đang nằm cười toe toét, đâu biết mình đang là cục nợ trong ngôi nhà này. Trời ơi! Đúng quá, cô Bưởi cứ nói nó giống ông, nhưng mắt ông đâu có lồi, mặt ông đâu có nhọn thế kia, ông mê mẩn, mù quáng quá, ngày nào cũng ở bên nó mà không nhận thấy sự khác biệt này.
Khi cô làm nail về, ông gục đầu xuống bàn , tức giận và đớn đau !
Hôm sau tỉnh trí , ông lại bỏ vài chục đồng để đăng lời nhắn tin khác trên báo: “Hai cháu Bưởi và Tư Chuột ( tức Betty và Peter) ở đâu về gấp để đoàn tụ với con của hai cháu là thằng Cu Tí .Chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc”.
Lần này thì cô Bưởi lên tiếng, ông nhận được lá thư của cô vài dòng ngắn gọn: “Đúng thằng cu Tí là con của cháu và anh Tư Chuột, nhưng Tư Chuột đã bỏ cháu, cháu cần rảnh tay để làm lại cuộc đời đầy hoa mộng phía trước, bác đã mang cháu qua Mỹ, mong bác hãy làm ơn cho trót, nuôi thằng cu Tí, để hủ hỉ cùng bác lúc tuổi già xế bóng. Cám ơn bác” |
Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 15/Aug/2011 lúc 9:23am
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
IP Logged |
|