Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ | |
<< phần trước Trang of 141 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 19/Apr/2018 lúc 3:48pm |
CHIẾC CHĂN MÁU Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh - một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh. Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô. Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa. Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới. Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở. Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa. Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu. “Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em...” Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời... Sưu Tầm. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 21/Apr/2018 lúc 8:55am |
Ông Già Vợ Trúng Số Độc Đắc <<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Apr/2018 lúc 8:57am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 23/Apr/2018 lúc 10:10am |
Ông lão bán kem "Tướng Trần Bá Di"Khách lạ bước đến gần xe kem trong khi ông bán hàng đang bận rộn với khách. Nhìn bảng tên gắn trên áo ông lão bán kem, khách lạ mừng thầm vì đúng tên người mình quen biết.
- Chà!
"Tha hương ngộ cố tri", còn gì quý cho bằng? - ông suy nghĩ. Đợi đến
khi xe kem vắng khách, người khách lạ lên tiếng: - Xin lỗi ông, có phải khi xưa
ông làm tỉnh trưởng tỉnh Cần Thơ không? Ông bán kem giật mình, phản ứng ngay: -
Không phải đâu, chắc ông lầm người rồi! Người khách lạ "cụt hứng" rồi
tự trách: - Mình hấp tấp quá, không lẽ khi xưa ông làm tỉnh trưởng, giờ nầy lại
đứng ở đây? Suy tới suy lui, khách lạ chưa chịu thua, nghĩ thầm: - Rõ ràng tên
ông trên thẻ trước ngực, sao lầm được? Dáng vóc cũng cao ráo như xưa, nét mặt,
cũng vậy, tuy phong trần hơn trước? Khách lạ trở lại ông lão bán kem: - Thưa
ông, tôi không lầm đâu, tôi nhớ ơn ông lắm, nhờ ông mà anh em nhà thầu chúng
tôi làm ăn rất thoải mái dưới thời ông về làm đầu tỉnh Cần Thơ.
Thấy
người khách lạ quả quyết, ông bán kem mỉm cười: - Đúng là tôi, nhưng đó là chuyện
xa xưa rồi, nhắc làm gì? Từ đó, người khách lạ kết thân với ông bán kem, vì
thương mến một công bộc liêm chính mà giờ này sa cơ thất thế. Trong mấy lần gặp
gỡ sau đó tại tiệm ăn ngoài Splendid China, khách lạ tâm tình với ông bán kem:
- Em thường đấu thầu xây cất cho tỉnh, đời mấy ông tỉnh trước, tụi em gặp khó
khăn nhiều, nhưng từ khi ông về làm tỉnh trưởng mấy năm 63 tới 65, tụi em dễ thở
hơn nhiều, người nào làm đúng luật lệ thi được trúng thầu, tụi em làm ăn thoải
mái, bởi vậy, tụi em nhớ ơn ông hoài... Gặp người tri kỷ, ông lão bán kem thổ lộ:
- Tôi có giúp gì ông đâu, đó chẳng qua là nhiệm vụ của tôi thôi. Tổng Thống tín
nhiệm tôi, giao chức vụ tỉnh trưởng là để tôi lo an ninh cho người dân, công
tác chánh của tôi là về mặt quân sự, dẹp CS quấy rối đồng bào. Dưới quyền tôi,
có ông phó tỉnh trưởng dân sự, mọi việc về hành chánh, tôi giao cho ông phó làm
hết, nhưng tôi có đặt tiêu chuẩn làm việc, là phải hết sức liêm chánh, không được
ăn lối lộ hay có hành vi tham nhũng, v. v... thì ta mới được lòng dân. Trong thời
gian ông bán kem tại khu giải trí SC, cũng có một số du khách người Việt Nam nhận
ra ông, tỏ lòng thương mến, "tội nghiệp" ông. Ông khẳng khái trả lời:
- Cám ơn quý vị đã còn nhớ tới tôi, có cãm tình với tôi nhưng xin quý vị đừng tỏ
ra tội nghiệp cho tôi, tôi không thích như thế. Có gì đáng phải tội nghiệp đâu
? công sản nhốt tôi, giam cầm mấy mươi năm tù, ra được xứ tự do, làm nghề gì đi
nữa, miễn chính đáng, vẫn còn sướng hơn ở với CS mà! Nhắc đến việc CS giam cầm,
ông nhấn mạnh: - Không nên dùng chữ "tù cải tạo" đối với chúng tôi,
nhà tù CS là nơi chúng hành hạ, trả thù, hạ nhục người Quốc Gia, tù là tù chớ
không có "cải tạo" gì hết. Ông bán kem trong khu giải trí Splendid
China nói trên là cựu Thiếu Tướng Trần Bá Di. Vinh danh một bậc đàn anh gương mẫu.
Bài viết
ngắn hôm nay chỉ nêu vài sự kiện nổi bật, chớ không thể nói lên hết sự nghiệp
to lớn của ông trên chiến trường. Lúc còn là tỉnh trưởng Cần Thơ, cấp bực ông
là Thiếu Tá, sau lên Trung Tá. Ông nổi tiếng trong các trận đánh như sau: - Giải
tỏa tỉnh Vĩnh Long trong Tết Mậu Thân 1968. Sự việc diễn tiến như dưới đây: Gần
Tết Mậu Thân, (tháng 1/1968), hai ông đầu tỉnh là Trung Tá Nguyễn Ngọc Diệp và
Phụ Tá đi hành quân. Trên đường về, hai ông bị VC phục kích và bị thương, phải
chở vào bệnh viện điều trị. Tỉnh Vĩnh Long như rắn không đầu. Thiếu Tướng Lâm
Quang Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 9, chỉ định Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa tạm thời phòng
thủ Vĩnh Long. Khi tiếng súng Tết Mậu Thân bùng nổ, Thiếu Tá Nghĩa đã về Sài
Gòn thăm gia đình và bị kẹt lại đó. Tướng Thi chỉ thị Đại Tá Trần Bá Di, đang
là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 9, vào Vĩnh Long để nghiên cứu tình hình và đối phó với
Việt Cộng. Vào chiều tối, một mình với máy truyền tin trên lưng, ông được trực
thăng chở đi, dự định đáp vào khuôn viên của tỉnh, nhưng trực thăng bị VC bắn
rát quá, phải thả ông tại cầu tàu, rồi từ đó, ông chạy bộ vài chục bước vào được
dinh tỉnh trưởng. Tại đây, ông bắt đầu liên lạc với các đơn vị chiến đấu để lo
việc phòng thủ, chỉ dẫn trực thăng, pháo binh... bắn vào các điểm tập trung của
VC. Nhưng VC vẫn cầm cự, quyết tâm đánh úp tỉnh lỵ, ông phải xin tướng Thi cho
tăng viện, nhờ vậy, mấy ngày sau, một Trung Đoàn của ta mở đường tiến vào căn cứ
của tỉnh. Sau cùng, ông chỉ huy phá tan lực lượng VC, chúng bị giết hay đầu
hàng gần hết. - Trận đánh vào đất Miên Danh ông càng nổi lên năm 1970, khi ông
làm Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh đánh vào mật khu Ba Thu của VC trên đất Miên (tỉnh
Tà Keo), phá hủy cơ sở của chúng, tịch thu vô số chiến lợi phẩm... Ngoài ra,
quân ta còn tìm thấy nhiều nhà in và máy in tiền của Mặt Trận Giải Phóng, tiền
này chúng tính đem ra thay thế tiền VNCH nếu chúng thắng Miền Nam năm 1968. Ông
được thăng cấp đặc biệt tại mặt trận này. Anh hùng sa cơ Đến năm 1975, khi VC
vào chiếm miền Nam, chúng bắt ông và đày ải vào các trại tù trong hơn 17 năm trời.
Hai năm sau khi VC thả, ông qua Mỹ năm 1993 theo diện HO (Humanitarian
Operation: Chương trình định cư tại Mỹ dành cho người bị CS giam cầm sau 1975).
Ba tháng sau khi hoàn tất thủ tục nhập cư, y tế, bằng lái xe, ông bắt đầu đi
làm tại hãng Dobbs, hãng chuyên cung cấp thức ăn cho hành khách trên máy
bay. Làm việc tại đây hơn 6 tháng, ông qua khu du lịch Splendid China như có nói
trên. Thời gian sau, ông xin vào làm tại Disney World với nhiệm vụ "trưmg
bày hàng lên kệ” (floor stacker). Ông làm việc tại đây trong 12 năm trời, từ
1999 đến 2011, chỉ thôi việc vì bị đau nhức vào tuổi 80. Tổng cộng thời gian
làm việc tại Dobbs, Splendid China và Disney World, ông đã đóng thuế Liên Bang
Hoa Kỳ 18 năm, quá tiêu chuẩn 10 năm để được tiền hưu. Có lần, một giám thị ở
Disney World khuyên ông: - "You" lớn tuổi rồi, sao "you"
không ở nhà nghỉ cho khỏe? - Tuy tuổi đã cao nhưng sức khỏe còn tốt là tôi
không nghỉ!- ông đáp ngay. Cũng có người thấy ông cao tuổi, hỏi ông: - Cụ đi
làm chi cho khổ, ở nhà lãnh tiền trợ cấp có sướng hơn không? Câu trả lời: - Tôi
không "chơi" mấy thứ đó. Tôi rất tự hào không "ăn" một ngày
tiền an sinh xã hội, tiền già, tiền tàn tật... Đối với anh em chúng tôi ở tù
CS, người Mỹ dành một chương trình đặc biệt để đem chúng tôi đến xứ tự do, hưởng
được cuộc sống an toàn trong công bằng, chừng đó thôi đủ để mình biết ơn chính
phủ và nhân dân Hoa kỳ rồi, vì lẽ đó, tôi không muốn ngồi chơi để lãnh tiền cấp
dưỡng, tạo thêm gánh nặng xã hội cho đất nước này trong khi tay chân còn lành lặn,
còn đủ sức khỏe để đi làm.
Theo
trên, tướng Trần Bá Di là một người rất đặc biệt. Khi còn trong Quân Đội, ông
là một công bộc liêm chính, một cấp chỉ huy tài ba, gan dạ, bình dân, yêu
thương lính. Đến tuổi cao niên, ông vẫn giữ khí phách của một người hùng. Thiếu
Tá Nguyên Kim Sơn, cựu Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, từng làm việc
dưới quyền của tướng Trần Bá Di, có viết trong tuyển tập "Cái Chết Của Một
Dòng Sông" như sau: "Thiếu Tướng Trần Bá Di có tấm lòng hiền hòa đức
độ nên được thuộc cấp kính trọng và thương mến. Ngày ông rời khỏi Sư Đoàn 9 Bộ
Binh, quân dân tỉnh Vĩnh Long đã giăng biểu ngữ khắp đường phố trong tỉnh lỵ để
tỏ lòng thương mến và luyến tiếc ông". Mặt khác, trong phúc trình 6 trang
giấy gởi về chánh phủ Hòa Kỳ ngày 5 tháng 12 năm 1973, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt
Nam, Graham Martin, có ca ngợi cuộc đời và binh nghiệp của tướng Trần Bá Di trải
qua mấy mươi năm chỉ huy các đơn vị tác chiến trên chiến trường miền Nam, từ cấp
Trung Đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn, Trung Đoàn, đến Sư Đoàn... Nhắc đến sự liêm
chính của tướng Di, phúc trình của Đại Sứ Martin có ghi một đoạn như sau: “Gia
đình có 4 con, ba trai một gái từ 17 đến 8 tuổi. Báo cáo cho biết là gia đình
ông sống bằng lương bổng nhà binh của ông và không có ghi nhận hành vi tham
nhũng nào của ông hay của phu nhân ông”. Nguyên văn Anh văn như sau: “They have
four children, three boys and a girl from 17 to 8. The Di’s reportedly live on
his military income and there has been no mention of corrupt activities on his
or his wife part” Tài liệu trên được chánh phủ Hoa Kỳ giải mật ngày 13 tháng 8,
năm 2009. Thiếu Tướng Trần Bá Di mất ngày 23 tháng Ba, năm 2018, tại Orlando,
Florida, hưởng thọ 87 tuổi. Người đời có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để
tiếng”, Tướng Trần Bá Di ra đi để lại danh thơm muôn đời!
Lê Văn Hưởng
Rất cám ơn TH |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 25/Apr/2018 lúc 8:56am |
ĐẠO LÝ LÀM NGƯỜI <<<<< |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 28/Apr/2018 lúc 7:01am |
Bố Vợ TôiNgoài bố ruột, mẹ ruột ra, thì người mà tốt với tôi nhất, lo lắng cho tôi nhiều nhất, ấy chính là bố vợ tôi!Ngay hôm đầu tiên con gái bố vợ tôi (tức là vợ tôi) đưa tôi về nhà ra mắt, thì bố vợ đã lôi tôi ra một góc, nét mặt nghiêm trọng, giọng nghiêm túc: "Trông cháu có vẻ thật thà, lương thiện, nên chú khuyên thật lòng: đừng dại dột mà lấy con gái chú, vì tính nó giống y hệt mẹ nó, và rồi đời cháu cũng sẽ khổ giống y hệt đời chú!”. Tôi nghe bố vợ nói vậy thì cười thầm, bởi tôi không lạ gì cái trò này: Tôi đã được một số em dẫn về nhà ra mắt rồi, và lần nào thì bố mẹ các em ấy (sau khi nhìn qua cái bộ dạng tôi, hỏi han mấy câu về công việc, sở thích của tôi) cũng đều đưa ra được một lý do nào đó rất nhân văn - giống như cái lý do mà bố vợ tôi đã đưa ra - để ngăn cản chuyện tình cảm của tôi và con gái nhà họ. Bởi thế, sau khi nghe bố vợ nói, tôi lạnh lùng vạch áo lên cho bố vợ xem cái hình xăm hai cái trái tim màu hồng lồng vào nhau có mũi tên xuyên qua nhìn như cái xiên thịt nướng ở dưới rốn, rồi cất giọng từ tốn: "Cháu yêu con gái chú thật lòng, chú đừng hòng ngăn cản! Khi nào vết xăm này mất đi, khi ấy cháu và con gái chú mới chấp nhận đôi ngả chia ly!”. Ngày cưới tôi, trong khi mẹ vợ tôi và vợ tôi cười hề hề, thì bố vợ tôi lại rươm rướm nước mắt. Khi ấy, tôi nghĩ tới hai lý do: một là bố vợ xúc động khi chứng kiến tình yêu mãnh liệt tôi dành cho con gái bố; hai là vì bố bất lực khi đã không thể ngăn cản cái thằng dặt dẹo này nó lấy con gái mình. Nhưng đến bây giờ, sau vài năm làm con rể bố, tôi mới hiểu rằng những giọt nước mắt của bố hôm ấy chính là những giọt nước mắt day dứt, là bởi lương tâm bố đang cắn rứt, giống như bố thấy một nạn nhân yếu ớt, hiền lành, vô tội đang bị bọn khủng bố bắt giữ, khống chế, đàn áp, bạo hành mà bố lại không thể đưa tay ra giải cứu!
Quả thực, trên đời này, chắc chẳng có
ông bố vợ nào thương và lo lắng cho con rể nhiều như bố vợ tôi: Những
khi vợ tôi vòi quà, ông thường dấm dúi vào tay tôi vài lít, vì ông biết
tôi không có tiền; Những lần tôi bị vợ đánh bầm dập mặt mày, tím tái tay
chân, bố vợ lại đưa cho tôi lọ thuốc bóp, mua cho tôi vỉ kháng sinh...
Tôi hỏi: "Sao bố tốt với con vậy?". Bố bảo: "Tốt gì! Ngày trước ông
ngoại của vợ mày cũng hay cho tiền bố khi mẹ vợ mày đòi quà, nên giờ bố
cũng cho lại mày! Còn thuốc bóp và thuốc kháng sinh là bố mua về để bố
dùng, phòng những lần bị mẹ mày đánh. Vì bố thường mua cả thùng để dùng
dần, nên còn nhiều, bố mới cho mày thôi!".
Rồi bố nhăn mặt, sờ sờ lên mấy vết sẹo
dài như những con tu hài trên khắp cánh tay, và lắc đầu chua cay: "Ai
nhìn những vết sẹo này của bố cũng tưởng là vết tích của chiến tranh,
của những năm tháng ác liệt nơi sa trường, nhưng sự thật, cả chục năm
đối mặt với bom đạn của kẻ thù tàn bạo, bố chả bị cái sẹo nào, chỉ sau
khi lấy vợ, bố mới bắt đầu dính sẹo".
Lần ấy, sau khi biết tin tôi - cũng giống như bố - vừa bị vợ đánh cho một trận bét nhè, ê ẩm toàn thân, thì bố mới rủ tôi đi mát-xa cho thư giãn gân cốt. Thấy tôi có vẻ e sợ, bố liền trấn an: “Ra ngay cuối phố kia thôi, có cái quán mới khai trương, nó ghi là “mát-xa lành mạnh” thì bố mới dám đi, chứ mà là mát-xa bậy bạ thì dù ông ngoại của vợ mày cho bố đi, bố cũng không dám!”. Nghe bố nói thế tôi cũng yên tâm, ngoan ngoãn đi theo bố. Thế nhưng, vào đến nơi, tôi đã phải ba lần há hốc mồm. Lần thứ nhất tôi há hốc mồm là bởi dù ngoài cửa quán có treo cái biển “Mát-xa lành mạnh”, nhưng hai cái em nhân viên vào mát xa cho tôi và bố vợ tôi thì lại mặc những bộ trang phục rất không lành lặn: trông hai em ấy hệt như hai thiếu nữ đang đi bơi ở biển thì bị cá mập nó tấn công. Hai thiếu nữ nhanh chân chạy lên bờ được nhưng còn cái bộ bikini trên người thì bị cá mập nó cắn cho te tua... Bố không giấu nổi vẻ hốt hoảng nhìn qua tôi, còn tôi run run quay qua hỏi hai em nhân viên: “Các em lừa bọn anh à? Tại sao bên ngoài các em ghi là “Mát-xa lành mạnh”?". Một trong hai em nhân viên e thẹn trả lời: “Dạ! Bà chủ quán em tên Lành, ông chủ tên Mạnh ạ!”. Đó là lý do tôi há hốc mồm lần thứ hai. Còn vì sao tôi há hốc mồm lầm thứ ba thì xin phép không nói ra ở đây, vì nói ra nó không được hay... Rồi cái điều mà tôi e sợ nhất đã thành sự thật: tối hôm ấy về, vợ tôi ngửi ngay thấy mùi lạ, sinh nghi, sau khi kiểm tra thấy hơi yếu, liền tra khảo đủ điều, và tôi đành cúi đầu nhận tội. Và kết cục cũng như mọi lần thôi: Tôi bị một trận lên bờ xuống ruộng, và bị tống ra đường giữa lúc nửa đêm lạnh lẽo hơi sương. Tiền không một xu dính túi, đang hoang mang không biết đêm nay phải ngủ bờ ngủ bụi ở đâu, chợt tôi thấy điện thoại của tôi đổ chuông. Là bố vợ tôi gọi. Tôi bắt máy thì đã nghe ngay giọng của bố: “Đang ở đâu, bố qua đón, hai bố con ta sang ông ngoại ngủ nhờ! Bố cũng bị đuổi khỏi nhà rồi!”. Đúng là chết đuối vớ được cây chuối! Tôi reo lên trong điện thoại: "Vâng! Con đang ở chỗ đầu ngõ gần nhà, bố qua đón con với! Bố thật tuyệt vời! Nếu có kiếp sau, con vẫn mong được làm con rể của bố!". Bố vợ tôi nghe vậy thì đáp lại lạnh lùng: "Cái này khó đấy con ạ! Vì bố đã quyết định kiếp sau sẽ không lấy vợ nữa rồi!".
Theo FB Võ Tòng Đánh Mèo
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 02/May/2018 lúc 8:18am |
Người Đi Trên Đống Tro Tàn
N H, ngày 14 tháng 1 2014
Anh K thương mến,
Những năm trước khi nghe anh nói năm
nay anh cũng chưa về VN được, em
rất buồn. Hơn 20 năm rồi còn gì. Nhưng năm nay thì em lại nghĩ khác. Anh
không về hóa ra lại hay. Hãy để VN biến thành tro bụi trong ký ức.
Nhưng anh không về mà cứ muốn em kể chuyện VN cho anh nghe. Em sẽ kể
nhưng anh đừng khóc đấy nhé.
Em sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ?
À. Huyện lỵ của mình bây giờ được gọi
là thị xã. Nếu về anh sẽ không nhận ra đâu là đâu. Ngôi trường bé nhỏ
dưới mấy gốc bàng nơi anh và em học lớp vỡ lòng, đã bị đập bỏ để xây một
cung thiếu nhi nguy nga.
Hai hàng tre bên sông Dinh đã được thay bằng bờ kè bằng đá. Đường sá
cũng được mở rộng thay cho những con đường làng nhỏ mà thuở bé anh hay
đạp xe chở em về thăm quê nội hay rong chơi đây đó. Xem ra thì đướng sá
cầu cống, dinh thự, trường học có khang trang hơn xưa nhưng đó là hàng
mã. Tất cả đều chỉ đẹp đẽ trong ngày khánh thành, còn sau đó nó hư hỏng
nhanh chóng là điều bình thường ở xứ sở này. Trên những con đường ở đất
nước gọi là thanh bình này mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai
nạn xe cộ. Không có ở nước nào mà người dân phải tự di chuyển bằng xe
gắn máy. Không có ở đâu mà xe gắn máy chạy chung với xe tải, xe khách,
xe chở container. Người mình chết nhiều đã đành. Cứ mỗi lần đọc báo có
tin một chuyên viên nước ngoài đến VN làm việc bị xe tông chết thì em
vừa xấu hổ vừa thương cho họ. Đáng lẽ họ không nên đến đây, một đất
nước mà mạng người chỉ là cỏ rác.
Trong thư anh thường nói phong cảnh ở VN là đẹp nhất. Núi đẹp, rừng đẹp, những ngôi nhà nho nhỏ giữa những thửa ruộng xinh tươi.
“Chiều ơi, lúc chiều về là lúc yên vui
Trâu bò về dục mõ xa xôi …ơi chiều” (*)
Anh ơi , làng quê thì vẫn còn màu
xanh như cũ nhưng nó không còn là chốn yên lành. Rượu, phim bạo lực,
phim sex, thất nghiệp đã làm dậy lên
men say cuồng sát và cảnh chém giết nhau anh cũng đã biết rồi trên các
báo online.
Anh cũng sẽ không còn tìm ra những nàng thôn nữ
“gánh, gánh, gánh, gánh thóc về gánh về gánh về” (*)
Hàng Trung Quốc bây giờ vừa rẻ vừa
model đã biến cả các phụ nữ nông thôn thành những con rối hồn nhiên háo
hức với “quần bò” hở rún, áo hai
dây hoặc không có dây nào.
Trước đây người dân được dạy cho biết
lao động là vinh quang và mọi người mọi nhà phải tăng gia sản xuất. Lúc
đó cây khoai mì đã trở nên một biểu tượng được tôn sùng của đất nước.
Nhưng sau đó họ sực tỉnh ra rằng những cây gỗ trăm tuổi, ngàn tuổi bạt
ngàn trên rừng Trường Sơn mới là triệu triệu dollars. Và thế là một cuộc
thảm sát long trời lở đất chưa từng có đã biến cho đất nước mình thảm
hại như một con đại bàng
bị vặt trụi lông.
Anh sẽ khóc khi nhìn thấy Dalat mất
gần hết rừng thông, anh sẽ thất
vọng khi Dalat không còn cái lạnh đáng yêu của một châu Âu giữa lòng một
đất nước chỉ có hai mùa mưa nắng. Và anh sẽ phì cười khi thấy đã có
tiệm bán quạt máy ở Dalat.
Anh sẽ đau lòng khi nhìn vào đôi mắt
buồn vời vợi của những người dân
tộc thiểu số khi họ bị dành hết núi rừng . Thật nhẩn tâm khi họ buộc
phải xa lìa rừng núi, ngôi nhà kỳ vỹ của họ để về sống trong những ngôi
nhà gạch, mái tôn xây vội.
Rồi đây cáp treo sẽ đưa người lên tận
đỉnh Langbian, rồi những rùa, nhím, chồn hương, nai hoẳng sẽ bị tận
diệt để phục vụ những cái bao tử khốn nạn.
Người ta cũng phát hiện ra rằng ngoài rừng, biển cũng là triệu triệu dollars. Không biết vua Duy Tân có lỗi gì với
dân tộc mà sau năm 1975 con đường tuyệt đẹp mang tên ông trải dọc biển
Nha Trang đã đổi thành đường Trần Phú. Và cũng từ đó biển Nha Trang dân
dần bị biến dạng. Song song với cuộc tàn sát rừng, biển cũng bị xâm lấn
nặng nề. Nếu anh về thăm biển Nha Trang anh sẽ thấy biển không còn gây
cho anh cảm giác mênh mông, anh sẽ không còn cái thú được thấy mình như
“con ốc bơ vơ nằm trên
cát” (*). Biển Nha Trang bây giờ bị bao vây bởi một rừng khách sạn khổng
lồ ngạo nghễ nhìn ra biển. Nằm dưới chân những gã khổng lồ khách sạn ,
biển Nha Trang đã biến thành một cái ao làng với rất nhiều bao ny lông
nhớt nhát vật vờ . Bị che chắn, gió biển không còn thênh thang ngập
tràn thành phố nên Nha Trang bây giờ không gian vô cùng ngột ngạt.
Nhưng điều đau buồn nhất là một thế
hệ con cháu chúng ta đã lớn lên như những con gà công nghiệp trong một
chiếc lồng chật chội. .
Làm sao trách chúng được khi chúng lớn lên trong một không gian mù mờ về lịch sử..
Chúng được dạy dổ rằng chúng đang
sống rất hạnh phúc trong một đất nước đã được giải phóng và chúng phải
biết ơn bác , biết ơn Đảng.
Mà hạnh phúc thật đấy. Một diễn viên
nổi tiếng của Hollywood tổ chức đám cưới chỉ mời không đến vài chục
khách trong khi bà hai bán phở, ông Chín hiệu trưởng làm đám cưới cho
con mời 500 khách. Trong đám cưới có ông cựu binh sĩ VNCH hào hứng lên
sân khấu hát bài “Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng” !!!
Nếu anh về đi thăm bà con anh sẽ
chạnh lòng khi nghe thím hai khoe con thím đi làm ở Bưu Điện được cử đi
học lớp cảm tình đảng. Điều đó có nghĩa nó có hy vọng vào đảng và lên
chức. Buổi tối về nhà anh sẽ nghe mấy đứa cháu anh ê a học “đánh cho Mỹ
cút, đánh cho Ngụy nhào…”.
Không thể trách được. Dù là gà công nghiệp, con gà cũng thèm mổ gạo, vẫn thèm sống.
Làm sao trách được người dân Việt khi trong sân bóng đá họ chỉ có một
lựa chọn duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng để cuồng nhiệt phất lên mừng đội
nhà chiến thắng.
Sau năm 1955 chúng ta có một cuốn phim với một tên gọi rất hay “Chúng
Tôi Muốn Sống”. Sau 1975 Trương Nghệ Mưu có phim “Phải Sống” .
Phải sống thôi.
Người dân quê mình không còn thời gian, hơi sức đâu mà buồn mà lo. Mà
suy nghĩ buồn lo cũng không được với những gông cùm vô hình trói buộc.
Phải chi có anh vào những ngày cuối năm, em sẽ dẫn anh đi thăm một nơi mà em rất thích vì nó yên tĩnh, đẹp và buồn.
Đó là nghĩa trang nơi có mộ ba, má ,
mộ cậu Sáu, dì Bốn, mộ ông Ba Cà, Bà Tám Tùng, Ông Mười Cảnh……Những
người hàng xóm thân thiết của chúng ta đều có mặt ở đây. Đến đây anh sẽ
nhớ lại những ngày thơ ấu tươi
vui của chúng mình những đứa trẻ nghèo, thiếu thốn nhưng tự do bay
nhảy trong khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp của một đất nước tên gọi Việt
Nam.
Em thích nhất là được ngắm nhìn những
rặng núi xanh thẳm buồn buồn, được nghe tiếng những hàng cây rủ rỉ
trong gió chiều tịch mịch.
“Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng yên để nghe”.
Nói vậy, nhưng em vẫn tin rằng anh sẽ về. Anh nhé!
Em gái
HC
Huyền Chiêu
(*) Lời trong một số bài hát của Phạm Duy
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 06/May/2018 lúc 5:57pm |
Ước Muốn Cuối Cùng...
Một tử tù đang chờ thi hành án, anh cầu xin một điều ước cuối cùng là
một cây bút chì và một tờ giấy. Sau khi viết cho một vài phút, anh nhờ
nhân viên bảo vệ nhà tù gửi giúp bức thư này cho người mẹ ruột của mình.
Trong thư anh viết …
Mẹ, nếu có công lý trong thế giới này, con và mẹ nên bị kết án từ
hình cùng nhau. Mẹ cũng có tội cũng như con vì những gì con đã làm.
Mẹ hãy nhớ lại đi, khi con ăn cắp chiếc xe đạp của thằng bé gần nhà.
Mẹ đã giúp con giấu chiếc xe đạp đó đi để bố không nhìn thấy nó.
Mẹ có nhớ lần con lấy trộm tiền từ ví của người hàng xóm không? Mẹ đã đi siêu thị mua sắm cùng với con.
Mẹ có nhớ ai đã bênh vực con khi con cãi lại bố đến nỗi bố phải bỏ đi
không? Bố chỉ muốn sửa dạy con vì con đã gian lận trong bài thi và cuối
cũng là con phải bị đuổi học.
Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ, không lâu sau con đã trở thành
một thiếu niên hư nghịch và bây giờ con đang là một tử tù chờ thi hành
án.
Mẹ ơi, lúc đó con chỉ là một đứa trẻ con cần được bao biện, nhưng cái thực sự con cần là được sửa trị.
Nhưng thôi, con tha thứ cho mẹ! Con chỉ muốn viết thư này để nó có
thể đến được nhiều người khác đang làm cha làm mẹ, với hi vọng rằng, họ
có thể nhận ra con của họ không chỉ cần sự tha thứ bỏ qua tội lỗi nhưng
nó cần cả sự dạy dỗ trong công chính.
Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc sống và cũng đã giúp con đánh mất nó.
Đứa con tử tù của mẹ.
“Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình;
Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.(Châm ngôn 13: 24).
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” (Nelson Mandela)
st. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 08/May/2018 lúc 6:44am |
Cò Bay 13.000 km Mỗi Năm Về Thăm Bạn Đời
Câu
chuyện bắt đầu cách đây hơn 20 năm, khi một người đàn ông góa vợ tốt
bụng Stjepan Vokic sinh sống trong một ngôi làng nhỏ ở Brodski Varoš,
Croatia tìm thấy một con cò cái bị thương nặng do thợ săn săn bắt. Ông
Vokic quyết định trao cho nó cuộc đời thứ hai bằng cách chăm sóc và nuôi
dưỡng nó. Rồi ở trên mái nhà của người đàn ông này, tình yêu giữa
Malena và Klepetan đã chớm nở.
Lúc
đầu, có vẻ như mối quan hệ của cặp đôi này sẽ không đi đến đâu bởi lẽ
Malena không thể di cư cùng ‘nửa kia’ của mình vào cuối mùa hè. Tuy
nhiên, tình yêu của chúng vẫn tồn tại. Mỗi năm, Klepeton rời Malena để
di cư đến Nam Phi, ‘ủy thác’ việc chăm sóc bạn đời của mình cho ông
Vokic, và bay trở về tổ ấm với ‘tình yêu’ của mình mỗi độ tháng Ba về.
Trong
suốt 16 năm qua, mỗi năm một lần khi Xuân về, chú cò Klepetan tận tụy
bay hàng ngàn cây số từ Nam Phi về tổ của mình ở Croatia để thăm Malena –
nửa kia của nó
Hơn 23 năm trước, ông Stjepan Vokic đã chăm sóc và nuôi Malena sau khi cánh của nó bị thợ săn làm tổn thương
(Ảnh: Jana Water)
Ông
Stjepan đã mang đến cho cò Malena không chỉ một cuộc đời thứ hai, mà
còn giúp nó có cơ hội gặp được bạn đời của mình. Trên mái nhà của ông,
tình yêu giữa Malena và Klepetan đã đơm hoa kết trái
(Ảnh: Ivo Biocina)
Vì Malena không thể bay được, nên khả năng duy trì bền lâu mối quan hệ này rất mỏng manh
(Ảnh: Katerina Zvonic)
Tuy nhiên, tình yêu của cặp vợ chồng cò này vẫn tồn tại suốt 16 năm qua
(Ảnh: Alan Stankovic)
Cuối mỗi mùa hè, Klepetan để Malena lại ‘nhờ’ ông Stjepan chăm sóc để di cư đến Nam Phi xa xôi
(Ảnh: Alan Stankovic)
Nhưng suốt 16 năm qua, không năm nào Klepetan không trở về thăm bạn đời của mình mỗi độ xuân về
(Ảnh: Total Croatia News)
Video về câu chuyện tình yêu cảm động của đôi cò Klepetan và Malena:
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 08/May/2018 lúc 6:46am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Nhom12yeuthuong
Senior Member Tham gia ngày: 13/Sep/2009 Đến từ: Vietnam Thành viên: OffLine Số bài: 7120 |
Gởi ngày: 11/May/2018 lúc 10:05am |
Hai Câu Chuyện Hay Cho Ngày Từ Mẫu
Hoa hồng
tặng Mẹ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện.
Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái
đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
- Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75
xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh
hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp.
Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một
bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao
tận tay bà bó hoa.
Con Để Dành Phòng Khi Đau Ốm
Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu
Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn
thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ,
không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang
rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa
lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ
ơi..."
Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là
những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết
nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:
"Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à.
Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào
cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG
KHI ĐAU ỐM nghe con."
Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có:
tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều
vô cùng thiêng liêng: MẸ!
Sưu tầm
|
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 15/May/2018 lúc 6:46am |
Người Việt Lớn Tuổi Qua Mỹ Tại Sao Bị Ghét ?
Trong khoảng 10 năm gần đây , một số đông du học sinh từ Việt Nam qua Mỹ
hay nhiều người du lịch sang Mỹ đã tìm cách kết hôn với người có quốc
tịch Mỹ để được ở lại Mỹ hợp pháp. Tìm không ra người Việt có quốc tịch
Mỹ, thì họ kiếm đại một anh Mỹ gốc Mễ, gốc Tàu, hay Mỹ đen, Mỹ trắng gì
cũng được, miễn sao họ chịu làm giấy tờ thẻ xanh cho họ ở lại. Và 3 đến 5
năm sau đó, họ vào quốc tịch Mỹ và chỉ 1 năm sau là bảo lãnh cả cha mẹ
từ Việt Nam qua Mỹ. Cha mẹ vợ này có thể là 1 đảng viên cộng sản gốc lớn
đang tại chức hay đang bị thất sủng muốn tìm đường qua Mỹ , hay là một
đại gia có nhiều tiền muốn chuyển tiền cho con ở Mỹ giữ giùm, mua nhà
đầu tư hay chỉ là một bà nhà quê muốn qua Mỹ để hưởng chế độ y tế
MEDICAL, MEDICARE miễn phí ưu đãi của chính phủ Mỹ dành cho những người
được bảo lãnh có thẻ xanh ở Mỹ hợp pháp.
Thế là những cha mẹ này qua Mỹ đã trên 65 tuổi, chưa bao giờ đi làm đóng
thuế cho Mỹ đồng nào trong suốt cuộc đời của họ, lại đương nhiên được
hưởng phúc lợi dành cho người cao niên ở Mỹ, mà những người đi làm đóng
thuế cho Mỹ từ 20 % đến 35 % lợi tức hàng năm trong hơn 40 năm như tôi,
như bạn, có khi còn không được như họ.
Thử làm 1 bài toán đơn giản nhé. Mỗi tháng MEDICARE, MEDICAL, MEDICAID
trả tiền hoá đơn khi khám bác sĩ, đi lấy thuốc cao máu, tiểu đường , cao
mỡ, đau nhức khớp xương, … không dưới 1000 USD một tháng. Nếu vào bệnh
viện hay viện dưỡng lão thì không dưới 10000 USD một tháng. Nếu họ ở nhà
thì chính phủ trả tiền con cháu của họ để chăm sóc họ ít nhất 10
USD/giờ, trung bình mỗi tháng 1000 USD đến 1500 USD. 5 năm sau nếu họ
vào quốc tịch Mỹ thì mỗi tháng chính phủ Mỹ cấp cho họ tiền già nhân đạo
900 USD ở California. Đây không phải tiền hưu Social Security vì họ đâu
có đi làm ngày nào cho Mỹ mà được hưởng lương hưu. Có khi họ than
nghèo, nộp đơn xin Housing để được cấp nhà ở miễn phí, thế là chính phủ
Mỹ lại è cổ ra trả mỗi tháng ít nhất 1000 USD để thuê nhà cho họ ở. Vì
vậy mà họ hay nói đùa với nhau :”Tôi có một thằng con hiếu thảo lắm,
tháng nào nó cũng gửi tiền cho tôi đúng ngày 1 tây mỗi tháng, đi bác sĩ
bệnh viện khỏi tốn tiền còn tốt hơn là bảo hiểm mua 700 USD một tháng
của những người Mỹ đi làm nhiều năm.”. Hỏi con bà là ai mà tốt vậy thì
bà nói :”Là Tổng Thống Obama chứ còn ai nữa ?”
Thử hỏi ngân sách nhà nước Mỹ phải nuôi những người này trong ít nhất 20
năm cho đến khi họ qua đời, thì không thâm thủng, phá sản mới là chuyện
lạ !
Điều làm tôi bất nhẫn là những người này năm nào cũng mua vé máy bay về
VN đi chơi, thăm thân nhân, áo gấm về làng, khoe khoang và nổ . Nhưng
chỉ về được 29 ngày rồi phải lật đật qua Mỹ trở lại, nếu không họ sẽ bị
cắt hết trợ cấp. Về VN họ đem theo thuốc cao máu tiểu đường cao mỡ chỉ
có 1 tháng nên ở lâu hơn phải mua thuốc ở VN tốn tiền nên họ không muốn
chi. Khi trở qua Mỹ, họ mở miệng ra là nói nhớ Việt Nam, muốn về Việt
Nam ở luôn. Họ nói không thích ở Mỹ, không cần ở Mỹ. Con cháu ở Mỹ bảo
lãnh họ qua Mỹ thì họ chẳng bao giờ biết nói tiếng cảm ơn, có khi còn
chửi rủa khi không vừa ý điều gì.
Tôi thật là ngao ngán khi phải tiếp xúc với những loại người này. Nước
Mỹ không thiếu nợ họ, phải nuôi báo cô những người lúc nào cũng nói
không cần ở Mỹ. Điều trớ trêu là 5 năm đầu ở Mỹ họ không được lãnh tiền
già 900 USD một tháng vì chưa phải quốc tịch Mỹ. Cho nên sau 5 năm ở Mỹ
một cách bất đắc dĩ, họ lại hỏi thăm xin thủ tục thi vào quốc tịch Mỹ dù
bản thân không biết một chữ tiếng Anh nào. Họ đi xin giấy bác sĩ chứng
nhận họ đau họ bệnh đủ thứ bệnh, kể cả bệnh tâm thần hay quên hay bệnh
điếc khó nghe, nên xin bác sĩ chứng giấy bệnh để được miễn thi hay thi
dễ một chút và có người Việt Nam thông dịch đi theo !
Tôi muốn nhắc lại một câu mà tôi đã đọc trước đây trên internet :”
Không phải ai muốn qua Mỹ là được. Đó là phước đức mấy đời của ông bà để
lại, bạn mới có cơ hội đến Mỹ. Đáng lý ra, bạn nên biết trân quý sự may
mắn này, thay vì bạn tỏ ra bất cần và chán nản. Nếu như nước Mỹ không
như ý bạn muốn, thì bạn cứ việc mua vé máy bay mà quay về lại xứ thiên
đường chủ nghĩa của bạn. Bạn không cần phải nói ra, tôi muốn về Việt Nam
quá. Hay tôi rất hối hận khi đi Mỹ. Những câu nói này, đã vừa khó nghe,
lại vừa chà đạp lên tinh thần yêu mến tự do, dân chủ của đồng hương ở
đây. Không thích thì về, chứ cứ nói hoài mà vẫn ở đây, thì nhục lắm. Nếu
bạn không thấy nhục, chúng tôi thấy nhục dùm cho bạn. “
Tôi đã từng gặp một bà già đã 93 tuổi nhưng móng tay móng chân lúc nào
cũng sơn đỏ chót. Bà là người nhà quê ít học, không giàu có gì nhưng lúc
nào cũng tỏ ra sang chảnh và đeo vòng vàng, hột xoàn để khoe của. Bà
thích sống bề ngoài và phô trương. Bà thấy ai không có mua nhà, đi xe cũ
thì bà hỏi sao ở Mỹ nhiều năm mà không mua nổi nhà ? Trong khi đó thì
bà ở nhà mobile home ở chung với con cháu mà cứ tưởng là mình ngon lắm.
Lúc nào bà cũng tỏ vẻ ta đây là hơn người, không cần ở Mỹ. Năm nào bà
cũng kêu con cháu mua vé máy bay cho bà về VN chơi, mua quà cáp đem về,
mặc cho con cháu bà nợ credit card, trả nợ mệt nghĩ. Bà đang nộp đơn xin
thi quốc tịch Mỹ. Tôi thật mong là bà nên về Việt Nam xứ thiên đường
của bà ở luôn vì bà cũng gần đất xa trời quá rồi.
Tôi hy vọng những người Việt Nam được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ và đang
hưởng trợ cấp y tế, xã hội của chính phủ Mỹ nên có những cư xử biết tri
ân và trân trọng những giúp đỡ ân tình từ tiền thuế của người dân Mỹ ở
đây, trong đó có rất nhiều đồng hương người Mỹ gốc Việt đi làm đóng thuế
cho nhà nước để nhà nước chi trả các khoản chi y tế xã hội và trợ cấp
tiền nhà mỗi tháng, dù có thể trước đây quí vị chưa bao giờ đi làm đóng
thuế cho cho chính phủ Mỹ đồng nào. Xin đừng nói những lời khó nghe
không cần làm cho nhiều người đồng hương thấy ghét. Nếu không thích ở
đây thì xin mua vé máy bay một chiều về lại Việt Nam, đơn giản vậy thôi.
Một người Mỹ gốc Việt, a taxpayer
Holly Ngo
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 141 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |