Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jan/2018 lúc 10:24am

Anh Ơi, Mùa Xuân Về


Sau một giấc ngủ đầy đủ, thoải mái, chị Bông thức dậy thấy khỏe khoắn cả người. Sáng nay lại là thứ bảy, càng làm lòng chị lâng lâng yêu đời, chị tung chăn bước xuống giường và kéo mành cửa sổ lên, trời đẹp thế kia, hình như bao nhiêu vẻ êm đẹp đều đến vào ngày hôm nay, đến với một người mà những ngày trong tuần luôn cảm thấy mình ít ngủ, bận rộn vì đi làm, về đến nhà lại quần quật dọn dẹp, nấu nướng, chuẩn bị cho ngày hôm sau đi làm tiếp.
Chỉ có hai ngày cuối tuần là của chị, được ngủ trễ, dậy trễ, được ăn uống tùy tiện, được đi chơi, hay nằm nhà lơ mơ những chuyện đời.
Thời tiết đã vào Xuân từ mấy ngày nay, bằng những cơn mưa đủ thấm đất, làm xanh non lại thảm cỏ, làm hé mầm những nụ hoa. Có đêm chị tỉnh giấc vì tiếng mưa rơi lộp bộp đập vào cửa kính, trong mơ màng chị xót xa sợ dập nát những nụ hoa Hồng chưa kịp nở, và xót xa cho cả những con sóc buổi chiều còn nhí nhảnh chạy trên bờ rào hay trèo lên cây lê làm rơi rụng những cánh hoa bé bỏng màu trắng, không biết mưa gío thế này chúng trú ngụ nơi đâu? Có ấm áp như chị đang cuộn mình trong chăn êm gối ấm không? Sau vài cơn mưa chuyển mùa ấy, mùa Xuân lại đỏng đảnh bắt đầu với những ngày trời nổi gío, dự báo thời tiết nói gío mạnh cả ngày, chị lái xe trên đường, hé cửa xe một chút mà nghe gío vù vù bên tai, hay khi chị đi bộ trên con đường quanh nhà, để mặc gío làm quen trên mái tóc, tóc bay hối hả, quán quýt vào mặt chị. Giây phút ấy chị đã trôi đi với gío, hòa mình lãng mạn với mùa Xuân.
Hôm nay trời không mưa, không gío, mùa Xuân mơn mởn với nắng nhè nhẹ, da trời xanh mênh mông, gờn gợn vài đám mây trắng mờ khiêm nhường như muốn lẩn khuất vào màu trời xanh êm ái ấy.
Chị bước ra phòng ngoài, anh Bông đang thong thả nhâm nhi trước ly cà phê nóng, anh cũng đang tận hưởng niềm vui cuối tuần như chị.
Chị Bông tươi vui đến bên chồng:
- Anh ơi, chúng mình sẽ có một nới chốn để đến đây.
Anh đáp rất “chảnh”:
- Nơi đâu cũng không bằng nhà mình, ngồi gác chân lên ghế uống ly cà phê mà không cần hối hả. Những lúc thế này anh mới biết cà phê ngon chừng nào.
Rồi anh thảng thốt giật cả mình:
- Lại đám mời sinh nhật, đầy tháng hay đám giỗ gì hả em?
- Không có ai mời anh đâu, mà chỉ có em thôi, vì em mới chợt nghĩ ra. Em muốn đến nursery để mua mấy cây hoa về trồng.
- Nhưng hoa sẽ trồng ở đâu? Sân trước, vườn sau có hoa cả rồi.
- Cứ theo em, nếu như không chọn được cây hoa nào vừa ý thì coi như mình đi ngắm cảnh, không vui thú sao? Đi dạo vườn hoa xong mình đi ăn tiệm luôn anh ạ. Khỏe re.
Anh Bông từ chối:
- Hay là em đi một mình, anh và thằng cu Tí ở nhà thà ăn mì gói hay mấy cái bánh sandwich thừa trong tủ lạnh cũng còn hơn là đi lang thang với em suốt cả buổi sáng.
Chị hờn mát:
- Anh không thích đi với em thì thôi, coi nhà hàng xóm kia kìa, chồng cắt cỏ, dọn dẹp luống đất cho vợ trồng hoa, mà có phải nhà của họ đâu, nhà ở thuê mà cũng chăm sóc nâng niu thế đấy. Trong khi nhà là nhà của mình…
- Trả góp 15 năm. Anh nhanh nhẩu nói thêm vào.
Chị cãi:
- Nhưng trước sau gì cũng là nhà của mình.
Căn nhà hàng xóm ngay bên cạnh treo bảng cho thuê từ mấy tháng nay, ông chủ là người Mỹ trắng, thỉnh thoảng ông đến cắt cỏ, mỗi lần thấy chị Bông ông đều chào hỏi vui vẻ, chắc cũng có ngụ ý lấy cảm tình, mong chị để mắt giùm căn nhà bỏ trống cho ông, có lần ông còn nhờ chị giới thiệu người Việt Nam đến thuê nhà, ông khen người Việt Nam đàng hòang tử tế đáng tin cậy, làm chị Bông hãnh diện nở mày nở mặt. Nhưng ông Mỹ đâu hiểu rằng người Việt Nam mấy khi đi thuê nhà, lại là căn nhà to đẹp như của ông. Bởi nếu cần họ chỉ thuê căn nhà nhỏ vừa để ở cho khỏi hoang phí, sau đó họ ổn định tài chính thì sẽ mua nhà to nhà đẹp ngay.
Cuối cùng ông cũng đã tìm được người thuê nhà vừa ý sau khi đã khó tính loại bỏ bao nhiêu người vì những lý do nào đó.
Tuần trước họ đã dọn đến, là một chiếc xe tải to và dài với bao nhiêu là thùng đồ mà nhân viên dọn nhà lần lượt khuân xuống từ xe trên một chiếc ván dài bắc xuống đất làm cầu. Chẳng biết họ từ đâu tới, hai vợ chồng hai đứa con và hai con chó to, chắc phải cả tuần sau thì mọi thứ đồ đạc trong nhà mới được xắp xếp đúng vị trí.
Xong phần trong họ lo tới bên ngòai, cắt lại cỏ và trồng trọt đầy hoa phía sân trước, nên ngôi nhà vốn im lìm lặng lẽ vì để không, nay sinh động và ấm cúng hẳn lên, vì có tiếng người cười nói, tiếng hai con chó lạ nhà sủa inh ỏi suốt mấy đêm đầu tiên, và nhất là khi màn đêm xuống, ánh đèn vàng sáng đầy những ô cửa sổ.
Bên này chị cũng vui lây, chị yêu những ô cửa sổ hàng xóm vàng ánh đèn, vì chúng không làm chị…sợ ma như những ngày chưa có chủ.
Sợ vợ giận, anh Bông đành phải nói:
- Thôi được, trong khi anh thanh toán nốt ly cà phê em lo sửa soạn cho thằng cu Tí đi. Anh biết mỗi lần muốn đi đâu em đều thích mang cả gia đình cho chật đường chật phố.
Thằng cu Tí thì không có quyền được cãi, mà cãi như bố nó cũng không xong, nên cả nhà cùng lên xe đến một nursery gần nhà.
Mùa Xuân là mùa người ta đi mua hoa và cây, vườn rộng, người đông, mấy bà Mỹ gìa đang lum khum, loay hoay chọn những gỉo hoa treo hay những chậu hoa nho nhỏ, đủ màu sắc, loại để ở cửa sổ hay treo trước sân. Mấy bà gìa này biết điều, vì có thể bà sống đơn độc, hay dù có ông chồng gìa sống chung, đang ngồi thù lù ở nhà, thì ông cũng chẳng còn sức đâu mà đào đất, bới đất cho bà trồng cây.
Chị Bông đi từ ngoài vào trong, rẽ ngang rẽ dọc, ngắm những chậu hoa nhỏ xíu đến những cây hoa Hồng, hoa Tulip, rồi đến cây chanh, cây chuối, cây palm. Thằng cu Tí 7 tuổi ban đầu thấy hoa lá lạ mắt cũng vui thích, nhưng được một lúc thì chán, lẽo đẽo đi sau mẹ, mặt nó nhăn nhó:
- Mẹ ơi, con mỏi chân qúa, con muốn đi ăn kem.
Chị trách con:
- Mẹ biết ngay mà, con vào mấy tiệm kem và bánh ngọt thì không bao giờ mỏi chân cả.
Thằng bé ngây thơ công nhận:
- Vì con thích ăn bánh ăn kem hơn là xem hoa của mẹ.
Rồi nó nhăn nhó tiếp:
- Mẹ ơi, con cũng đói bụng nữa.!
- Hừ! ở nhà chơi game đến trưa, mẹ gọi ăn cơm con còn nói chưa thấy đói cơ mà?
Cu Tí lại ngây thơ cãi:
- Nhưng bây giờ đâu phải là chơi game.
Anh Bông phải dỗ dành con:
- Nhưng mẹ đang chơi “game” đó con, hai bố con mình đợi mẹ một chút nữa thôi.
Anh Bông nhìn một cặp vợ chồng khác, cũng chị vợ hăng hái đẩy xe đi trước giữa hai bên những luống hoa, anh chồng và thằng con uể oải bước theo sau như cái đuôi bất đắc dĩ, anh thông cảm lắm vì cùng một “hoàn cảnh” như anh. Những người chồng “khốn khổ” đó theo vợ đi mua cây về trồng, tiêu phí hàng giờ đồng hồ trong tiệm đã đành, mà lát nữa về nhà còn phải cuốc đất, đào lỗ để cho vợ yêu chỉ việc đặt cây xuống đất, chưa biết chừng nó còn bắt anh chồng mỗi ngày mấy lượt ra tưới nước cho cây mau lớn, mau đơm hoa kết trái? Ai chứ chị Bông thì anh Bông chẳng lạ gì, kỹ tính lắm, lỗ đào phải đúng nơi đúng chỗ, đạt tiêu chuẩn chiều sâu và chiều rộng, không thì…đào lại cái khác, dù nãy giờ có mệt, có mỏi rụng rời cả hai tay.
Có lần anh điên tiết quẳng cả cuốc cả dao không thèm đào nữa, nhưng cơn giận nguôi đi, chính anh lại là người biết điều đứng dậy lấy đồ nghề ra đào tiếp để hoàn thành công việc, còn hơn là nhìn thấy bản mặt vợ ủ ê và xưng xỉa.
Nhân dịp thằng cu Tí nhăn nhó, anh Bông cới mở tấm lòng hùa theo:
- Em mua gì thì mua nhanh lên, con nó đói rồi.
Chị gắt gỏng:
- Chưa đến 11 giờ mà đói cái gì? Anh làm em mất hứng vì đang suy nghĩ nên chọn một màu hay nhiều màu cho những cây Tulip?
- Em định trồng cây Tulip? Trong khi những cây hoa Hồng nhà mình đang ra hoa tươi thắm và đẹp biết bao?
- Ngắm hoa Hồng mấy năm nay chán rồi, em sẽ đổi thành hoa Tulip trước sân nhà.
Anh Bông hồi hộp lo âu:
- Nghĩa là …sẽ đào bứng cây hoa Hồng bỏ đi, và đào lỗ mới cho những cây Tulip?
Chị reo lên, hài lòng:
- Anh nói đúng như em nghĩ, chốc về nhà anh đào đất ngay cho em nhé?
Anh thất vọng hỏi tiếp:
- Nhưng trước kia em từng yêu hoa Hồng lắm mà?
- Bây giờ em vẫn còn yêu đấy chứ, nhưng em mới coi trên net nói về hoa Tulip và … nhất là em muốn để bà hàng xóm mới dọn đến biết em từng trải về hoa như thế nào. Mấy cây hoa bà ấy trồng trước cửa chẳng ra hồn.
- Thì ra em …ghanh đua với người ta, em còn tham sân si đấy. Hèn gì có lần nghe tin một người quen đi tu, em đã “tội nghiệp”cho người ta, em nói cuộc sống bao nhiêu thứ mà cả một đời người còn chưa hưởng hết, lại bỏ đi tu, uổng qúa. Nhưng em biết đâu là họ sung sướng vì đã đạt được ước nguyện xa rời cõi tục.
- Đang chuyện trồng hoa mà anh nói tới chuyện đi tu là thế nào?. Nếu anh không thích trồng hoa Tulip thì em sẽ không mua nữa, nhé?
Anh chưa kịp mừng, thì chị tiếp:
- Nhưng em sẽ mua cây lê về trồng ở vườn sau, vừa thêm bóng mát vừa ngắm hoa nở trắng xóa khi mùa Xuân về trước khi hoa thành qủa đầy cành cũng đẹp mắt lắm đấy.
Anh Bông ngậm ngùi:
- Vậy em cứ mua hoa Tulip đi, còn hơn anh phải đào lỗ cho em trồng cây lê, vì phải đào lỗ rộng và sâu hơn, chết anh.
Chị Bông quyết định mua hoa Tulip màu đỏ, sẽ làm nổi bật mặt tiền căn nhà, và sẽ “đập” vào mắt bà hàng xóm mới dọn đến cũng như những người qua đường.
Đến tiệm ăn lúc 11 giờ trưa, mỏi chân, mỏi mắt, nên gia đình chị Bông ăn món gì cũng thấy ngon miệng. Về đến nhà, anh chị Bông lo việc đào lỗ trồng cây suốt mấy tiếng đồng hồ mới xong, anh là người đào đất, chị chỉ huy và làm vài việc vặt. Luống hoa Tulip bé nhỏ, dịu dàng đã thay thế cho những cây hoa Hồng gìa cỗi, cành vươn lên sát tường với những đóa hoa nở to gần bằng bàn tay xòe ra.
Chị Bông sung sướng ngắm vườn hoa mới, trong khi anh Bông đã cất dọn dao, cuốc và đi tắm rửa, xong nằm ngủ một giấc cho lại sức. Thế là mất toi một ngày nghỉ của anh.
Khi chị Bông vào tìm chồng thì anh đang ngủ say sưa, đàn ông sao mà vô tư thế, dễ ngủ thế, ban ngày cũng ngủ ngon lành, trong khi có nhiều đêm thâu chị còn trằn trọc dỗ giấc.
Thôi, để anh ngủ cho ngon, chị sửa soạn đi chợ một mình, lại tận hưởng không gian vui thú cuối tuần trong những ngày vào Xuân theo ý riêng của chị.
Khi đến khu chợ Mễ, bãi đậu xe đông kín, đã nghe tiếng nhạc Mễ ầm ĩ, lòng chị cũng vui lây theo tiếng nhạc dù chị chẳng hiểu lời bằng tiếng Spanish.
Những phụ nữ Mễ, những anh Mễ to con kéo nhau vào chợ, trong chợ có gian hàng ăn uống, họ xà vào ăn uống trước khi mua sắm hay chồng và con ngồi ăn, mặc cho chị vợ lề mề chọn lựa món đồ hết quầy nọ đến dãy kia.
Mỗi chợ có một mùi đặc trưng riêng của dân tộc họ, chợ Mễ mùi vị khác với chợ Việt Nam, lại càng khác với chợ Mỹ, vào chợ Kroger thấy mát lạnh và thơm tho hơn hẳn hai chợ kia..
Vậy mà có một chợ Mỹ đã bị “chê” thậm tệ, một người cháu gái của chị Bông mới được chồng Việt kiều cưới qua Mỹ, lần đầu tiên đi chợ Wal-Mart, cô ta đã bị hớp hồn, đê mê vì ngôi chợ to lớn đầy hàng hóa, món gì đối với cô cũng đẹp, cũng sang.
Chỉ một năm sau cô đã chê ỏng eo là mỗi lần vào chợ Wal-Mart cô chóng cả mặt, nhức cả đầu, vì mùi chợ, mùi hàng hóa rẻ tiền.
Chị Bông thích vào chợ Mễ vì rau, trái luôn tươi và rẻ hẳn so với các chợ khác, thương trường là cạnh tranh, nơi nào hàng hóa rẻ thì nơi ấy đông khách, chợ Wal-Mart cũng được khách tiêu dùng tín nhiệm là thế. Nhưng hiện nay đang mất dần uy tín vì bán hàng hóa Trung Quốc không đủ chất lượng Xong chợ Mễ, chị mới đi chợ Việt Nam và chợ Mỹ, nơi nào cũng có món cần mua. Về đến nhà đã thấy anh Bông đang ngồi uống bia với mấy miếng cheese đầu bò, nét mặt thoải mái . Chị tiếc rẻ nói với anh:
- Lúc nãy em định rủ anh đi chợ nhưng thấy anh ngủ say qúa, thế là anh mất một buổi chiều ngắm nhìn mùa Xuân nơi phố, chợ.
- Theo em đi chợ để đẩy xe cho em như một quân hầu cận và nhìn em khó tính khó nết lựa chọn từng bó rau, con cá đến sốt cả ruột và ngứa cả mắt, đôi khi em còn sai vặt, bắt anh ra quầy lấy gói bún, bịch tôm khô phải đúng nhãn hiệu. Cám ơn em nhé, anh đã gặp mùa Xuân trong giấc ngủ mơ rồi.
- Niềm vui cuộc đời là thế mà anh, cần gì phải cao xa, mãi tận đâu đâu…
- Thì đây cũng là niềm vui cuộc đời của anh, ngủ một giấc trưa trong căn nhà êm vắng, tỉnh dậy thấy đói bụng lấy mấy miếng cheese hay vài khoanh dồi xông khói và uống một lon bia. Hết sức đời thường mà em.
Chị hào hứng kêu lên:
- Vậy thì anh ơi…
Anh vội ngắt lời:
- Đừng có nói là có một nơi nào để đến nữa nhé? còn một buổi chiều hãy để anh yên thân.
- Anh ơi, uống bia xong anh ra mà ngắm mấy cây hoa Tulip ngoài sân, lộng lẫy lắm , nãy em đi chợ về, từ xa em đã thấy màu hoa đỏ cả một góc sân.
Anh nhìn chị mỉm cười âu yếm:
- Thế thì được.
Chị cũng mỉm cười âu yếm với anh:
- Cám ơn anh đã giúp em trồng cây, em hứa với anh là vườn hoa Tulip này sẽ ở lâu dài với chúng ta, em sẽ không thay hoa vì…hàng xóm nữa, chỉ thay hoa khác khi những cây hoa Tulip chết mà thôi.
- Vậy thì anh sẽ cầu Trời  cho những cây hoa Tulip nhà mình sống mãi, thành cây hoa bất tử, để mỗi khi mùa Xuân về em chỉ việc ngắm hoa mà không bao giờ muốn trồng hoa khác.

Nguyễn Thị Thanh Dương
Kuekenhof%20flower%20walk,%20The%20Netherlands.%20%20Got%20to%20be%20there%20in%20the%20spring%20when%20this%20was%20in%20all%20for%20its%20beauty.%20%20This%20area%20goes%20on%20for%20miles%20and%20I%20never%20got%20tired%20of%20it.


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 13/Jan/2018 lúc 11:09am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jan/2018 lúc 9:58am

TRỞ VỀ CÁT BỤI



GIÃ TỪ CĂN PHÒNG NURSING HOME.
( Viết thay chị Hồng Thủy khi nghe tin mẹ chị qua đời. Jan 09, 2018 )
Mẹ tôi vừa qua đời,
Giã từ căn phòng trong nursing home quen thuộc,
Giã từ người bạn chung phòng không quen biết,
Hai người chung phòng nhưng chưa bao giờ nói chuyện,
Dù chỉ một câu,
Vì cả hai cùng già cùng mất trí như nhau.

Những lần tôi đến thăm,
Trong căn phòng nhỏ,
Bức màn chia hai người,
Hai thế giới xa lạ.
Mẹ tôi ngồi trong chiếc xe lăn gục đầu như tượng đá,
Bà kia cũng ngồi trong chiếc xe lăn,
Mắt nhìn mông lung về bức tường trước mặt,
Thỉnh thoảng cười cười chẳng ai hiểu vì đâu.

Mấy năm trời bên nhau,
Họ đã cùng thời gian ăn ngủ,
Cùng thở chung một bầu không khí,
Cùng trải qua những đêm yên lành
Những khi thức giấc,
Hay những khi ốm đau khó ở….
Hôm nay mẹ tôi qua đời,
Chiếc giường vắng người,
Tôi thấy bà bạn chung phòng của mẹ,
Vẫn ngồi trong chiếc xe lăn lặng lẽ,  
Đôi mắt vô hồn,
Nụ cười ngu ngơ,
Bà đâu biết rằng người bạn bên giường kia vừa mới đi xa.

Ôi những người gìà,
Như mẹ tôi,
Như bà bạn chung phòng,
                 
Sống trong nursing home những ngày cuối đời ,
                                    Flickr/Zimmerman
Chiếc lá cuối mùa tàn tạ,
Sẽ rụng rơi,
                                    Flickr/ Christos Zoumides
Và trở về cội nguồn cát bụi.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Cát Bụi Cuộc Đời  <<<<<

Cát Bụi   <<<<<


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Jan/2018 lúc 11:05am
CÔ NAM KỲ ĐÁNG YÊU


       
Dọn xong mâm cơm, Cúc ló đầu ra cửa bếp:
- Tùng, Hương ra ăn cơm tụi con. Anh Hưng, cơm xong rồi, tắt cái ti vi em nhờ!
Hai đứa nhỏ từ trong phòng chạy ùa ra ngồi vào bàn. Hưng tắt ti vi, vừa đi vô bếp vừa lên giọng cải
lương:
- Dạ thưa mình có anh đây!
Cúc háy:
- Chỉ được cái tài...
Chưa dứt câu thì điện thoại reng inh ỏi, Cúc vừa với lấy cái phone vừa nhíu mày:
- Điện thoại viễn liên. Ai kêu gìờ này vậy kìa?
Vừa mới "Allo, Allo" thì tiếng chị Trang bên kia đầu giây ríu rít:
- Cúc đó hả? Chị Trang đây. Gọi để báo cho tụi em biết Tết này anh chị qua chơi với tụi em đó.
Cúc ngạc nhiên:
- Ủa, Tháng Hai mà ông... Bắc kỳ cục cũng xin nghỉ được sao?
Chị Trang cười hăng hắc:
- Tao đã ra tối hậu thư. Nếu năm nay ổng không xin nghỉ để tao qua Canada  chơi với tụi bây thì sẽ có chiến tranh...nóng ngay. Không thua gì Trận “Bão Sa Mạc” xảy ra ở Irak! Ổng phải làm “súp” tối tăm mặt mũi để Tháng Hai xin nghỉ hai tuần. Cứ nghe tụi bây rên vì thời tiết bên đó, tao cũng tò mò muốn qua coi cho biết.  Xứ Cali này muốn ngắm tuyết phải tốn bộn bạc  chạy lên núi!
Cúc bật cười:
 - "Welcome, welcome". Tưởng gì chớ cái mục này thì sẵn lắm. Chỉ sợ chị diện kiến một lần là tởn tới già không dám qua nữa! À, mà chị đi vắng, khách cơm tháng của chị ai lo?
Chị Trang chắc lưỡi:
- Ối, chết chóc gì có hai tuần. Bên đây tiệm ăn còn nhiều hơn khách! Kẹt lắm thì mì gói, phở gói, hủ tiếu gói cũng xong. Thôi ngày giờ sẽ phone sau nghen. Cho chị thăm dượng út với hai đứa nhỏ.
Cúc chưa kịp hỏi tiếp thì bà chị thân mến đã cúp điện thoại cái cụp! Cúc lắc đầu ngao ngán:
- Bả cần thì bốc điện thoại lên gọi. Nói xong là cúp liền, không cà kê dê ngỗng gì ráo. Nhiều khi làm  người đối thoại chưng hửng!
Trước ánh mắt dò hỏi của ba cha con, Cúc nói:
-Thì bà Trang chớ ai. Hai ông bà sẽ qua ăn Tết với gia đình mình năm nay. Tùng, Hương, còn hai tuần nữa Dì Dượng Ba qua. Tụi con lo do dẹp cái chuồng gà (Tùng tuổi Dậu) với cái chuồng heo (Hương tuổi Hợi) cho sạch sẽ nghe chưa. Thiệt tình nhìn vô phòng của tụi con, ai cũng tưởng có trận bão cấp  năm vừa mới thổi qua!
Cu Tùng với tuổi mười bảy, mặt đầy mụn trứng cá, cười mơn:
- Được rồi, được rồi, mẹ khỏi lo. Y,Ù mà mẹ chưa biết đâu, con có mấy thằng bạn, phòng của tụi nó còn không có chỗ để đặt chưn vô nữa đó.
Rồi bỗng nhiên nó nhăn nhó:
- Con đã dặn mẹ hoài. Mẹ đừng dọn phòng con. Mỗi lần muốn kiếm món gì mất thì giờ quá trời. Thà mẹ cứ để lộn xộn như vậy con lại biết món nào nằm ở đâu.
Cúc thở dài, đưa mắt nhìn lên trời như cầu mong Thượng đế cứu dùm! Bây giờ bé Hương mới lên tiếng:
-Mẹ à, hồi nảy sao mẹ kêu Dượng Ba là ông Bắc kỳ cục?
Cúc cười trả lời con:
- Thì tại Dượng Ba là Người Bắc!
Hương trợn tròn mắt:
- Bộ Người Bắc thì kỳ cục sao?
Cúc càng cười lớn hơn:
- Mẹ nói chơi thôi. À, tụi con có muốn nghe chuyện của Dì Dượng Ba không nè?
Hưng nhăn nhó:
 - Thôi em ơi. Anh đã thuộc lòng cái câu chuyện gọi là “Tình Bắc Duyên Nam” của em từ "phia" rồi.
  Anh  nghe chắc lần thứ một trăm lẻ mấy rồi đó nghen.
Cúc cười cười, giở giọng “đâm sau lưng chiến sĩ”:
- Thôi mờ ông Nam Kỳ... quặc của tui. Đã có kiên nhẫn nghe một trăm lần rồi, thì thêm một lần nữa nhằm  nhò gì, phải hôn tụi con?
Tùng, Hương nhìn nhau cười tủm tỉm, bởi tụi nhóc biết trước sau gì ba tụi nó cũng sẽ đầu hàng vô điều kiện. Hồi xưa bên Việt Nam ổng là phi công lái máy bay, nhưng má tụi nó lái tới... phi công lận!
Cúc tắng hằng lấy giọng:
 - Chuyện là như vậy nè...
Sau hiệp định Genève, theo dòng người di cư vô Nam năm 54, có gia đình Huy. Ông bà Trác bố mẹ Huy, người chị gái tên Xuân, Huy năm đó lên mười chín và ba đứa em. Ngoài Hà Nội ông Trác là công chức, bà vợ ở nhà lo cơm nước. Vào Sài Gòn, gia đình Huy thuê một căn nhà nhỏ nhưng khang trang ở Đường Nguyễn Trãi. Ông Trác xin được vào Sở Bưu Điện gần Nhà Thờ Đức Bà. Bà Trác tiếp tục sự nghiệp hầu chồng hầu con. Huy xin vào năm chót Chu-Văn-An. Thiếu phòng ốc nên phải học ké bên Petrus Ký và nơi đây Huy quen với Thanh (anh của Trang và Cúc). Ông Tân, ba Thanh đã qua đời, mẹ và hai em vẫn ở Cao Lãnh, riêng Thanh lên ở đậu nhà Bác Ba Đại gần chợ Bà Chiểu, hàng ngày đạp xe vô học tuốt trong trường  Pétrus Ký. Thanh cùng tuổi với Huy. Trang mười tám. Sau khi sanh Trang, bà Tân nghỉ xả hơi cả chục năm mới “rặn” ra được Cúc. Vì vậy mà cả nhà cưng con nhỏ quá trời.
Trang học hết lớp nhứt, Bà Nội phán:
 - Con gái học nhiêu đủ rồi. Cần nhứt là học nữ công nữ hạnh để còn gả chồng. Học nhiều như Cô Tư  Hà hổng ai dám rước!
Cúc mới lên tám nên vẫn còn hồn nhiên tung tăng hai buổi tới trường, trong khi chị Trang hì hục làm hết món bánh nọ tới món mứt kia. Rồi còn thêu còn đan đủ thứ... Nhỏ Cúc được hưởng hết: những chiếc áo thêu, áo móc rực rỡ màu sắc. Vào lối tháng mười, mười một âm lịch, gió bấc hiu hiu lạnh, tụi bạn co ro mặc hai ba áo, cái nọ chồng lên cái kia, thì nhỏ Cúc phây phây tới trường trong chiếc áo len màu xanh da trời do chị Trang đan. Mà phài công nhận chị có khiếu. Món gì do tay chị làm ra cũng ngon, cũng đẹp. Chẳng những vậy chị còn có làn da trắng muốt mịn màng. Mái tóc đen dài xỏa tới thắt lưng. Đôi mắt bồ câu trong như trời mùa thu nữa chớ. Chỉ có cái răng khểnh làm chị mắc cở, không dám cười toét miệng mà chỉ chúm chím. Nhưng ôi thôi, chính cái chúm chím đầy vẻ e lệ này mới làm cho bao trái tim rụng rời thổn thức! Đã có hai đám nhờ mai mối tới nói chuyện với bà Tân. Đám thứ nhứt là cậu út Tường, con ông Cai Tổng Báu dưới Chợ Cao Lãnh (gia đình Cúc ở Làng Tân An, cách Chợ Cao Lãnh bảy cây số). Trước khi nhờ bà mai tới dạm hỏi, cậu Tường đã từng chạy xe đạp Peugeot lượn qua lượn lại trước nhà Cúc năm lần bảy lượt, có lần còn làm bộ ghé vô hỏi mua trái cây để ngắm nhìn Trang cho mãn nhãn. Thấy ánh mắt đầy vẻ gian tà của cậu Tường, Trang đã phát ghét, thành thử khi bà Tân hỏi ý kiến, cô nàng xí một cái dài thòng:
- Trời đất! Con mà ưng cái thằng đó hả? Người hổng ra người khỉ hổng ra khỉ. Mặc bi-da-ma sọc mà còn viền xanh viền đỏ. Đầu chải "bi-dăng-tin" láng mướt thấy mà ghê! Còn bày đặt đeo đồng hồ, cà rá vàng nữa chớ.
Rồi nàng chặt ngọt:
- Con thà ở giá còn hơn!
Bà Tân đành trả lời với bà mai là cháu còn “khờ” lắm. Đợi vài năm nữa hãy tính. Bà mai mất cái đầu heo đâm tức:
- Chị Năm nói sao chớ vài năm nữa cháu nó “hăm” rồi cũng kẹt lắm đó chị. Tuổi xuân qua đi làm sao kéo lại!!
Bà Tân nghe vậy cũng chột dạ:
- Chị Tám nói cũng phải. Thôi để tui khuyên cháu từ từ...
Đám thứ nhì ở Phong Mỹ. Con nhà đại điền chủ. Đất rộng cò bay thẳng cánh. Trâu bò cả trăm con. Mỗi năm góp mấy ngàn giạ lúa ruộng. Lộc lớn hơn Thanh hai tuổi. Trước đây cũng học trường dòng Tabert trên Sài Gòn. Một chuyến về nghỉ hè, hai cậu đi chung chuyến xe đò nên quen. Cả mùa hè hai bên qua lại thăm nhau rất thường. Chỉ gặp có hai lần thì Lộc đã bị cái nụ cười chúm chím của Trang hớp mất tiêu hồn vía. Lộc bảnh trai lại “văn minh”, khác xa cái cậu công tử vườn con ông Cai Tổng, nên Trang cũng cảm thấy có cảm tình với Lộc. Thành thử khi bên nhà Lộc nhờ người mai mối, cô nàng chỉ làm bộ dùng dằng:
- Con hổng biết, tùy má hà!
Nhưng chuyện tưởng xuôi chèo mát mái, ai ngờ bỗng tan rã như hồ gặp mưa! Số là chàng Lộc dễ thương bao nhiêu thì bà mẹ lại khét tiếng hách dịch, khinh người bấy nhiêu. Phong Mỹ - Tân An cách nhau có 5 cây số nên những lời “rên rỉ” không biết vô tình hay cố ý cũng bay tới tai Hồng Trang:
- Chèn đét ơi, cái thằng con của tui mặt mày coi sáng sủa mà thiệt là khờ. Có biết bao nhiêu chỗ giàu  có sang trọng muốn gả con, mà nó nằng nặc đâm đầu vô cái đám này. Nói chi xa, ông Hội Đồng Cảnh  ở bên Long Xuyên, ruộng khít bên ruộng nhà tui, nói nếu nó chịu ưng cháu gái ông, ổng sẽ cho 30 mẫu ruộng tốt làm của hồi môn. Thiệt tui tiếc hùi hụi!
Trang nghe những lời tâm sự bi ai này thì máu tự ái bỗng sôi lên sùng sục nên đó mỗi lần Lộc tới chơi, Trang đều lánh mặt. Anh buồn lắm, nói với Thanh là chàng sẽ ở vậy, hổng thèm lấy vợ cho bà mẹ biết tay!
Từ rằm tháng chạp, bà Tân và Trang đã tất bật lo quết bánh phồng, bánh tráng. Sau đó làm đủ thứ mứt: mứt bí, mứt me, mứt chùm ruột,mứt dừa... Nem chua, thịt kho nước dừa với cá lóc tới hăm bảy hăm tám mới làm. Bánh ít, bánh tét sáng 30 mới gói. Cúc mong anh nhứt nhà -vì anh Thanh thì ít, mà vì những món anh Thanh sẽ đem về thì nhiều. Thơ anh gởi về tuần trước nói hôm hăm sáu ảnh về tới và sẽ dành cho gia đình một sự ngạc nhiên(?). Chính cái câu thòng này khiến cho nhỏ Cúc bồn chồn, bứt rứt. Sáng trông cho mau tối, tối trông cho mau sáng để ngày hăm sáu tới cho lẹ lẹ! Nhỏ cứ chạy theo hỏi Trang, thử đoán coi cái “sự ngạc nhiên” của anh Thanh là cái gì? Riết rồi Trang bực mình nạt:
- Bộ tao là thầy bói hả? Tới bữa đó rồi biết chớ làm gì mà như lọt vô ổ kiến lửa vậy nhỏ?
... Rốt cuộc ngày hăm sáu cũng tới. Từ sáng, Cúc không ngừng chạy ra đường ngóng, dù biết phải xế chiều anh Thanh mới về tới. Saìgòn-Cao Lãnh cách nhau có 140 cây số, nhưng không có đường thẳng. Phải qua Bắc Mỹ-Thuận, vòng qua Thành Phố Sa Đéc mới trở ngược về Bắc Cao Lãnh. Tới chợ lại phải đi xe lôi về Tân An. Mất cả ngày đường! Hơn bốn giờ chiều mới thấy xe lôi ngừng ngoài đường cái, cách nhà một mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn trái. Cúc mừng quá la lên: "Anh Hai về tới, Anh Hai về tới"  rồi chạy vụt ra đường. Bà Tân và Trang đang lo bữa cơm chiều cũng lật đật chạy ra theo.  Cúc đang trên đà chạy tới chợt ngừng lại cái rột, trố mắt nhìn “cái sự ngạc nhiên” của ông anh quí: đó là một thanh niên cũng trạc tuổi Thanh, nhưng ốm và cao hơn chút xíu. Da trắng nhưng không xanh, cặp mắt thật sáng. Thấy nhỏ Cúc trố mắt nhìn mình, anh chàng toét miệng cười, khoe hàm răng trắng bóng, hỏi:
- Làm gì nhìn anh đăm đăm thế cô bé?
Cúc giựt mình: Ua,û sao anh này kêu mình bằng cô lận? còn bé là cái gì?
Bà Tân và Trang cũng vừa ra tới. Thanh chỉ chàng thanh niên:
- Đây là Huy, bạn học của con đó má. Con rủ Huy về nhà quê ăn Tết cho biết.
Huy cúi đầu:
- Cháu kính chào bác.
Thanh tiếp:
- Còn đây là hai cô em gái mà tao kể cho mày nghe hoài đó. Cô lớn là Hồng Trang và cô nhỏ xí xọn này là Hồng Cúc. Trang lại có dịp biểu diễn nụ cười chúm chím, gật đầu chào Huy. Anh chàng cũng cười chào lại. Trang vừa cúi xuống định xách cái va ly nhỏ của Thanh, thì Huy cản lại:
- Nặng lắm. Cô Trang để đó cho tôi.
Thanh bật cười:
- Cho mày hay, con gái miệt vườn không yếu ớt như mấy cô trên Sài Gòn đâu nghe. Trèo cây, lội sông,  đố mày qua mặt mấy nhỏ em của tao.
Trang nguýt:
 - Anh Thanh có tài nói xấu em không hà.
Rồi cúi xuống xách bọc bánh mì quày quả vô nhà.  Bà Tân lắc đầu:
- Anh em bây xa thì nhớ, gặp thì chọc ghẹo nhau tối ngày. Thôi vô nhà. Thanh dẫn cháu Huy tắm rửa rồi ăn cơm chiều con.
Thanh nói dạ dạ, còn Huy lại nói: "Vâng ạ". Cả đời chưa có dịp tiếp xúc với người Bắc nên bà Tân ngạc nhiên lắm. Tuy vậy bà không dám hỏi.
Tối đó dưới ánh đèn măng xông sáng rực, Huy được ăn những món thuần túy Miền Nam như canh chua cá lóc nấu với bạc hà, giá, cà chua, khóm rắc rau mò om. Cá mè chiên dòn dầm nước mấm tỏi ớt, béo ơi là béo. Nhưng cái món cá rô mề kho tộ, nước đặc sệt, thơm sực mùi hành tiêu thì hết ý. Huy vừa ăn vừa tấm tắc:
- Thưa bác, lần đầu tiên cháu mới được thưởng thức những món ngon như thế này. Tuyệt vời bác ạ.
Thanh cười:
- Má tao nấu ăn ngon nổi tiếng xứ  Cao Lãnh này đó. Mấy đám cưới, đám cúng đình cũng phải rước bà tới nấu. Mà cái tài này hình như truyền hết lại cho Trang rồi, phải hôn Trang?
Trang cười bẽn lẽn:
-Em làm sao so với má được mà anh hỏi...
Nhỏ Cúc lanh chanh:
- Anh Huy ở đây lâu lâu thì biết liền. Chị Trang em nấu cơm ngon dễ sợ luôn.
Trang mắc cở, cú đầu em:
- Xí xọn!
Huy nhìn Trang:
- Anh ăn tham lắm đấy nhé. Anh xin tình nguyện nghe lời Cúc ở lại đây thật lâu để thưởng thức tài nấu  ăn của Trang.
Trang đỏ mặt:
- Mấy món quê mùa làm sao bì được với cao lương, mỹ vị ở Sài Gòn. Chắc anh Huy nói cho vui thôi.
Huy phản đối kịch liệt:
- Ấy chết, tôi không nói dối đâu. Tính tôi thành thực có sao nói vậy, cô Trang không nên hiểu nhầm.
Trang ngơ ngác nhìn anh dò hỏi. Thanh cười lớn:
- Thằng Huy nói nó không nói láo đâu. Trang không nên hiểu lầm tội nghiệp nó. Phải vậy không mày Huy?
Huy gật:
-Đúng thế, đúng thế...
Làm mặt Trang càng đỏ thêm.
Lúc này bà Tân mới lên tiếng hỏi về gia cảnh Huy. Anh chàng nói:
- Thưa bác, bố cháu làm việc ở Sở Bưu Điện. Mẹ cháu chỉ ở nhà lo cơm nước. Cháu còn 3 đứa em đang   đi học.
Bà Tân quay qua Thanh:
-Sở Bưu Điện là sở gì vậy con?
Thanh trả lời mẹ:
- Là nhà giây thép đó má.
Anh chàng quay qua rên rỉ với Huy:
- Chắc một tuần ở đây tao phải làm “thông ngôn” cho mày mỏi miệng luôn!
Huy cũng nhăn nhó:
- Khổ nổi tao đâu biết nói Tiếng Nam! Nhưng không hề gì, tao sẽ học dần dần với bé Cúc. Cô em út mày lém lỉnh, dễ thương lắm!...
Sau bữa cơm, Trang và Cúc dọn dẹp chén bát. Bà Tân ngồi bên bàn nước ăn miếng trầu cho thơm miệng trước khi đi ngủ. Thanh và Huy bắt ghế ra trước hàng ba vừa tán dóc, vừa ăn chè đậu xanh bột báng, nước dừa tráng miệng. Đêm nhà quê tĩnh mịch. Tiếng côn trùng rỉ rả khắp nơi. Trời tối đen nhưng lấp lánh đầy sao. Vài chú đom đóm lập lòe. Càng về đêm, hương bưởi cùng hương lài, hương dạ lý càng tỏa ra thơm ngát.
Như không muốn khuấy động cái không khí tĩnh mịch này, Huy nói như gần như thì thầm:
- Tao vẫn yêu cái không khí trong lành ở nhà quê. Mới từ chiều đến giờ mà tao cảm thấy khoẻ hẳn ra...
    Lúc còn ở Hà Nội, cứ có dịp là tao vù về Hưng Yên. Chỉ cách Hà Nội hơn 50 cây số mà sao ngày ấy mình thấy xa thế! Vườn bà ngoại tao trồng đầy nhãn mày ạ. Nhãn Hưng Yên cơm dầy, hột bé xíu.
Chả bù nhãn trong Nam, quả nào trông cũng to mà toàn là nước! Về Hưng Yên, đến mùa nhãn là tao ăn chết bỏ. Về đây thấy lại cảnh vườn tược tao nhớ ngoài đó quá mày ạ!
Thanh tiếp lời:
- Ngày mai mày sẽ được thưởng thức đủ thứ trái cây vườn nhà. Lúc sanh tiền, ba tao khoái trồng cây lắm.
Hai người nói chuyện lan man tới gần 9 giờ thì Trang bước ra:
- Hai anh ngồi ngoài này coi chừng muỗi cắn. Em giăng mùng sẵn rồi, mời hai anh vô nghỉ.
Thanh đứng lên vươn vai:
-Ừ, đi xe cả ngày cũng mệt dữ. Thôi tụi mình đi ngủ, sáng dậy sớm cho khỏe.
Huy cũng đứng lên:
- Chúc cô Trang ngủ ngon nhé.
Trang lí nhí cảm ơn rồi đi lẹ vô buồng.
Tuy lạ nhà nhưng mệt vì đường xa nên Huy vừa đặt lưng xuống là ngủ ngay. Mới năm giờ sáng, tiếng gà gáy rộn ràng trong xóm khiến chàng tỉnh giấc. Ngơ ngác một chặp, Huy mới nhớ ra mình đang ở nhà Thanh. Ngủ một giấc ngon nên chàng cảm thấy người nhẹ nhàng, khoan khoái. Huy nhè nhẹ bước xuống giường sợ làm bạn thức giấc. Ra khỏi phòng chưa biết đi hướng nào để ra vườn, chợt thấy phía bếp có ánh sáng. Huy bước nhẹ về hướng đó. Trang đang lúi húi bắt cái nồi đồng và một cái ơ đất lên trên hai cái cà ràng, lửa đỏ rực. Huy đứng sững ngắm cô gái. Trang mặc quần đen và áo bà ba bằng lụa màu tím cà. Tóc chải gọn ghẽ, kẹp bằng chiếc kẹp đồi mồi, thả dài xuống lưng. Ánh lửa hắt lên khiến gương mặt Trang đỏ hồng. Những động tác vừa nhẹ nhàng vừa thong thả. Không hiểu cô nàng nghĩ gì mà thỉnh thoảng lại mỉm miệng cười. Huy thấy Trang đẹp một cách mộc mạc và tràn đầy nhựa sống. Cảm thấy như có người đang “dòm lén”, Trang ngước lên. Bốn mắt giao nhau có tới mấy giây đồng hồ. Tim Trang chợt đập thình thịch, lúng túng không biết nói gì.
Huy vội lên tiếng:
- Cô Trang làm gì sớm thế? Tôi tưởng chỉ có tôi là dậy sớm nhất chứ.
Trang đã lấy lại bình tĩnh:
- Dạ em nấu cháo đậu đỏ, kho tiêu mớ cá bống trứng để cả nhà ăn lót lòng. Bộ lạ nhà anh ngủ không thẳng giấc sao?
Huy cười:
- Đâu có. Tôi ngủ say như chết đấy chứ. Nhưng nghe gà gáy nên thức giấc. Định ra vườn tập thể dục  một tí cho khỏe người, không ngờ cô Trang còn thức sớm hơn tôi.
Trang giải thích:
- Dạ ở nhà quê ai cũng ngủ sớm để sáng hôm sau dậy sớm. Ăn lót lòng xong là kẻ ra đồng, người đi chợ. Mà chợ cũng hơi xa. Thường phải đi bộ hoặc đi xuồng, thành thử có khi phải thức từ canh một, canh hai mới  kịp.
Tất nhiên anh chàng Bắc Kỳ này đâu có hiểu ất giáp gì về canh một canh hai, nhưng không muốn lòi cái sự kém hiểu biết của mình ra nên cũng chỉ chấm câu:"thế à, thế à, cực nhỉ!"
Trang cười:
 - Dạ ở nhà quê cực lắm anh. Nhà em nhờ có ruộng cho tá điền mướn. Có vườn bán trái cây lai rai nên cũng đỡ. Hơn nữa ông bà nội tiếp tế đều đều từ khi ba em mất. Nhà ông bà em cách đây vài trăm thước thôi. Thế nào anh hai em cũng dắt anh tới thăm ông bà nội.
Huy ngó chăm chăm vô cặp môi hồng và đôi mắt long lanh vì ánh lửa. Thấy ánh mắt của Huy, Trang chợt mắc cở ngang. Cô nàng vội bước lại mở cánh cửa bếp ăn thông ra vườn:
- Anh Huy ra ngoài tập thể dục đi. Buổi sáng mát lắm.
Trang tự trách thầm, không hiểu bữa nay mắc  chứng gì mà nói nhiều quá trời quá đất như vậy nữa?
Huy mỉm cười bước ra ngoài. Mặt trời vừa ló dạng ở phương đông. Những hạt sương mai còn đọng trên lá bị tia sáng mặt trời chiếu vào long lanh như những hạt kim cương. Bọn chim chóc đã hắt đầu bản hoà tấu chào bình minh rực rỡ. Huy nhìn chung quanh. Căn nhà ngói đỏ nổi bật giữa màu xanh của khu vườn. Không nhỏ cũng không đồ sộ quá. Vừa phải, dễ thương như Trang. Huy nhủ thầm rồi chợt thấy mình sao là lạ?? Chàng tập độ mười lăm phút thì ngừng, ung dung đi dạo trong vườn. Có những cây chàng biết tên, nhưng phần lớn mù tịt! Thường mẹ mua trái cây về thì ăn, chớ có bao giờ được thấy mặt mũi cái cây đã tạo ra những quả ngon lành đó. Định bụng sẽ hỏi Thanh cho biết.
Trong khi Huy đang thơ trẩn ngoài vườn thì Thanh cũng thức dậy. Không thấy bạn, chàng vội mở cửa phòng ra ngoài. Bà Tân đã chỉnh tề ngồi bên chiếc bàn nước ăn cử trầu buổi sáng. Thấy con trai bà ngoắc lại. Thanh ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Tân hỏi:
- Cái cậu bạn con đó, hình như hổng phải “Người Việt” mình hả con?
Thanh phì cười:
- Nó đích thị Người Việt mình, nhưng gốc Bắc đó má à. Gia đình thằng Huy ở Hà Nội, rồi di cư vô Sài Gòn năm 54. Tụi con học chung từ năm đó tới giờ. Tánh tình nó tốt lắm. Bố mẹ nó cũng thiệt là hiền. Con tới nhà họ chơi thường lắm. Ông bà Trác rất thích con nên mới để nó theo con về đây chơi đó má.
Bà Tân còn chưa mấy tin tưởng:
- Sao hồi đó má nghe Thiếm Sáu trên Sài Gòn về chơi nói mấy Người Bắc đó, họ lén bắt cóc con nít đem giết, lấy thịt làm chả lụa, còn xương thì nấu phở bán. Thành ra Người Bắc với Người Việt mình chửi lộn hà rầm.
Thanh trấn an:
- Hổng có đâu má. Tại Người Nam mình ghét Người Bắc nên đặt điều nói xấu, chớ làm gì có chuyện bắt cóc con nít làm chả lụa! Còn chửi lộn là tại ngôn ngữ bất đồng, hai bên không hiểu nhau. Nhưng bây giờ khác rồi. Má thấy hôn, thằng Huy nói gì là con hiểu hết trơn.
Bà Tân ờ ờ:
- Thiệt tình một câu nói của cẩu má hiểu hổng tới phân nửa. Mà coi cẩu cũng lễ phép, vui ve,û lại lịch sự, đẹp trai quá chớ.
Thanh tố thêm:
- Còn học giỏi nữa. Từ bên Petrus Ký qua Sư Phạm, lúc nào nó cũng đứng đầu lớp. Mà hè này tụi con  ra trường rồi nghen má.
      Bà Tân cảm động nhìn con, hai mắt ươn ướt:
-Ra trường rồi con ráng xin về dạy ở Cao Lãnh cho gần nhà. Con Trang mà gả chồng rồi là má "cu ky" có một mình với con Cúc. Hổng còn ba con nghĩ cũng buồn. Còn con nữa, qua năm mới là hăm ba rồi.
  Để má coi có đám nào...
Thanh ngắt lời:
-Thôi má à. Con phản đối cái chuyện làm mai lắm nghen. Nhiều mối bị tráo hôn rồi đó. Lúc coi mắt là một cô thiệt đẹp. Đêm động phòng mới khám phá ra một bà Chung Vô Diệm đang sẵn sàng chờ đón...
 Tề Tuyên Vương!
Bà Tân bật cười:
-Thôi thôi, tui hổng xía vô chuyện của mấy người. Ai có thân nấy lo, rồi đừng có đổ thừa cho bà già này. Thôi đi rửa mặt đi con. Em Trang sắp dọn cháo lên rồi đó.
Bà quay mặt vô phòng của Trang và Cúc kêu:
- Cúc à, trưa trờ trưa trật rồi. Thức dậy phụ chị Trang dọn đồ ăn cho mấy anh con ăn lót lòng.
Cúc vừa đi ra vừa ngáp dài ngáp vắn. Chừng nhớ tới Thanh và Huy con nhỏ chợt tỉnh như sáo sậu, chạy đụi đụi xuống bếp miệng hỏi tía lia:
-Anh Hai với anh Huy dậy chưa chị Trang?
Trang vừa nhắc nồi cháo đậu tỏa hơi nghi ngút ra khỏi bếp vừa nói:
-Tao mới thấy Anh Hai ra ngoài. Còn anh Huy dậy lâu rồi, đang tập thể dục ngoài vườn. Thôi phụ chị dọn cháo lên rồi ra kêu hai anh vô ăn.
Cúc rửa mặt xong, phụ Trang dọn cháo đậu đỏ, cá bống trứng kho tiêu, củ cải mặn và trứng vịt muối ra bàn ăn, xong chạy tọt ra vườn. Huy và Thanh đang đứng nói chuyện dưới gốc cây mận, trái sai oằn. Huy nói:
- Cây doi này sai quả quá nhỉ.
Cúc trợn tròn mắt:
- Cây này mà anh kêu cây doi?  Cây mận mà.
Huy tắc lưỡi:
 - Ngoài Bắc họ gọi là cây doi đó cô bé. Thôi bây giờ anh nhờ  Cúc dạy anh Tiếng Nam nhé.
Cúc le lưỡi:
- Em đâu phải cô giáo mà dám dạy anh.
- Thế bây giờ anh phong Cúc làm cô giáo của anh, chịu chưa?
Cúc nói dạ được:
- À, má kêu hai anh vô ăn lót lòng đó.
Hai người nối gót Cúc đi vô nhà. Bà Tân đon đả:
- Nhà quê hổng có món ngon vật lạ như trên Saì Gòn. Đợi Tết mới có bánh ít bánh tét. Bây giờ mời cháu
  Huy ăn tạm cháo đậu đỏ.
Huy nhanh nhẩu:
- Thưa bác, cháu mới nhìn thôi cũng đã thấy ngon rồi. Xin bác cứ xem cháu như con cháu trong nhà.
Bà Tân vui vẻ:
- Vậy cháu Huy nói chuyện khỏi cần phải thưa gởi cho rắc rối. Người Nam của bác thiệt bụng lắm.
 - Cháu xin vâng lời bác dạy.
Ăn sáng xong, hai chàng thay áo chỉnh tề để đi chào ông bà nội và Chú Thím Úùt. Cúc cũng xin tháp tùng theo hai anh. Trên đường đi, ngang qua nhà mấy người bà con. Nhà nào cũng có mảnh vườn con con trước cửa trồng cây ăn trái. Cúc vừa nắm tay Huy vừa chỉ trỏ:
-Anh Huy thấy cái cây cao thiệt cao, lá một bên xanh một bên tím đó là cây vú sữa tím. Hễ là một bên
 xanh một bên vàng là vú sữa hột gà. Vú sữa tím coi đẹp mà ăn không ngon bằng vú sữa hột gà. Còn trước nhà ông Năm Nghi nè, mấy cái cây lùn lùn, cành dài thậm thượt là cây "sa-bô-chê".
Huy chỉ một hàng cây trồng dọc bờ sông, thân hình suông duột, lá nhỏ lăn tăn:
- Còn cây này?
- Đó là cây so đũa. Anh không thấy trái của nó giống y mấy chiếc đũa treo tòn teng. Mấy con dê khoái ăn lá so đũa lắm nghen.
Huy gật gật:
- Ừ nhỉ. Nhìn giống như hàng trăm chiếc đũa treo trên cây. Trong này lắm thứ cây ngoài Bắc không có.
  Nhất là soài thì chịu. Ngoài Bắc có muỗm, giống như một loại soài con, nhưng chua lắm, chỉ để nấu canh.
Chào ông bà nội và chú thiếm út xong, Thanh, Cúc dẫn Huy đi tuốt ra Chợ Vàm, cách nhà độ một cây số, chỗ khúc sông con đổ ra sông cái. Trời nước mông mênh. Rặng cây phía bên kia sông, phía bên Mỹ Hiệp xanh mờ mờ. Huy ngẩn người ra ngắm con Sông Cửu Long:
- Thật là hùng vĩ. So với con sông này, Sông Hồng Hà không lớn bằng.
Thanh cười chọc bạn:
- Coi lớn vậy mà hiền khô. Năm nào cũng ngoan ngoãn đem phù sa bồi đắp hai bên bờ. Lại cung cấp
vô số cá tôm nữa chớ. Con Sông Hồng của mày nhỏ mà dữ tợn, năm nào cũng lụt lội làm khổ dân.
Mắt Huy chợt mơ màng:
- Lúc vào Nam rồi tao mới thấy dân trong này được Trời chiều đãi. Đồng ruộng phì nhiều. Hoa màu tươi tốt.
 Tôm cá đầy sông.
 "Và người dân thì hiền hòa dễ thương". Thanh chêm vô và hai người cùng cười xòa.
Những ngày sau đó, Thanh-Huy phụ dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Trước sân nhà ông nội có cây lão mai. Năm nào Thanh cũng xin một cành cắm vào cái độc bình da rạn, có vẻ thất tiên màu xanh, đặt cạnh bàn thờ ông Tân. Chiếc lư đồng được đánh bóng ngời. Mâm ngũ quả chưng trái cây tươi hực hỡ. Trang o bế nồi thịt kho nước dừa với trứng, cá lóc thiệt ngon để ba ngày Tết ăn với bánh tét. Vui nhứt là chiều ba mươi, cả nhà thức canh nồi bánh. Bánh tét nấu trong chảo đụng. Hai người mới khiêng nổi cái chảo đặt lên ba ông đầu rau  ngoài sau hè. Phải canh chừng cẩn thận vì đôi khi bánh không cánh mà cũng bay đi mất tăm, chủ nhà còn nước đứng chửi đổng cho đỡ tức! Bốn người ngồi chung quanh nồi bánh. Củi khô nổ tí tách, thỉnh thoảng văng tàn đỏ như pháo bông. Thanh và Huy thay nhau kể chuyện vui khiến Trang và nhỏ Cúc cười lăn chiêng, quên cả buồn ngủ. Tới Giao Thừa thì bánh vừa chín. Bà Tân cúng Giao Thừa đón năm mới, rồi mọi người đi ngủ.
Sáng hôm sau khỏi cần kêu réo, ai cũng tự động dậy thiệt sớm để sửa soạn. Hai tên đực rựa chỉ diện quần tây, áo sơ-mi là xong. Thanh pha hai ly cà phê rồi ngồi nhâm nhi với Huy trong khi chờ đợi phái nữ làm đẹp. Bà Tân coi cũng còn khá mặn mà trong chiếc áo dài gấm màu huyết dụ, nổi bông mai lan cúc trúc vàng ánh. Cổ đeo chuỗi hột vàng, bông tai vàng. Chiếc cà rá hột xoàn chiếu lấp lánh nơi ngón áp út. Mái tóc muối tiêu bới như thường ngày, chỉ có giắt thêm cây trâm vàng mười tám cẩn hột trai óng ánh. Nhỏ Cúc từ trong phòng chạy ào ra như cơn lốc:
- Anh Hai, anh Huy coi em đẹp không nè?
Thanh chọc em:
- Nhỏ này miệng còn hôi sữa...bò mà đã điệu quá trời!
Cúc chu mỏ:
- Xí, em mà còn hôi sữa hả? Cho anh hay, trong lớp em...
Huy lật đật chen vô:
- Anh Thanh trêu bé thôi. Bảo đảm bé Cúc của anh xinh nhất. Chiếc áo đầm thêu hoa cúc tuyệt quá.
  Trông bé xinh như cô Công Chúa Bạch Tuyết.
Cúc ngơ ngác:
- Công Chúa Bạch Tuyết là ai vậy anh Huy?
- Là cô Công Chúa trong chuyện cổ tích. Thôi để lần sau anh sẽ mang về tặng Cúc quyển "Bạch Tuyết
  và Bảy Chú Lùn".
Đang nói chuyện chợt Huy ngưng ngang, mắt nhìn sững về phía buồng của hai cô gái. Trang từ trong đó đang đi ra. Huy nhắm mắt lại rồi mở to ra tự nhủ có thể nào là cô Trang của những hôm trước đây? Cô nàng thấy Huy nhìn mình đăm đăm thì mắc cở, hai má đỏ hồng. Thanh quay qua thấy mặt Huy thộn ra coi thiệt tức cười, bèn đưa bàn tay quơ qua quơ lại trước mặt bạn, miệng hô lên:
-Bớ ba hồn chín vía thằng Huy. Có đi lạc ở đâu thì quay về cho mau.
Trang càng mắc cở:
- Anh Hai. Bộ hổng chọc ngườì khác, anh ăn mất ngon hả?
Huy đập vai bạn:
- Thôi mày. Bữa nay mùng một cấm chọc giận người khác.
Thanh làm bộ ngó trời ngó đất:
- Thiệt lạ quá, đâu có mưa gió gì mà sao có người bị sét đánh trúng vậy kià? Phải không Huy?
Huy cười cười, đáp lững lờ:
- Ừ thì cũng có bị chút chút!...
Từ trước tới giờ, Thanh vẫn coi hai cô em còn nhỏ dại lắm. Bữa nay thấy thằng bạn thân bị em mình hớp hồn, Thanh mới để ý dòm kỹ và bỗng cảm thấy như đây là lần đầu chàng mới thật sự nhìn thấy em. Cái áo nhung màu hồng đào tôn làn da trắng mịn của Trang đẹp lên bội phần. Cặp lông mày nhổ khéo khiến đôi mắt đen huyền như to hơn. Nàng đánh phớt một lớp phấn hồng lên má và đôi môi cũng được tô một lớp son hồng lợt. Cổ chỉ đeo cây kiềng vàng trơn. Tai đeo đôi bông hột xoàn nhỏ nhưng chiếu lấp lánh. Ngón tay giữa đeo chiếc cà rá nhận hột trai thật đơn sơ. Tóc chải kiểu"tango" phồng trước trán và mái tóc bữa nay được kẹp bằng chiếc nơ cùng màu áo. "Ư,Ø con nhỏ coi cũng đẹp quá, hèn chi..." Thanh nghĩ thầm. Chàng mời bà Tân ngồi nơi bộ trường kỷ cho chàng và hai em chúc Tết trước khi đến nhà ông bà nội. Huy cũng bước ra chúc Tết mẹ bạn. Bà Tân lì xì cho mỗi người một phong bao đỏ lấy hên.
 Ngoài đường thiên hạ dập dìu. Đám con nít rắn mắt đốt pháo chuột thẩy tùm lum, làm các bà các cô la oai oái! Nhà ông bà nội cũng trang hoàng rực rỡ. Bàn ghế, tủ thờ cẩn xà cừ được chú út lau chùi óng ánh. Ông bà ngồi chểm chệ trên bộ trường kỷ giữa nhà cho con cháu chúc Tết. Sau đó mọi người cùng ở lại ăn cơm trưa. Thịt cá, bánh trái ê hề. Người nào cũng “chở” hết nổi mới bỏ đũa.
Trở về nhà, bà Tân vô buồng nghỉ trưa. Ba anh em và Huy đem bộ bài cào ra chơi. Ăn tiền xu thôi. Mỗi lần kinh hoặc rút bài, lỡ hai bàn tay có chạm nhẹ nhau, Huy cảm thấy như bị điện giựt, còn Trang thì lúng túng không dám ngó thẳng Huy. Thanh cũng khám phá ra điều đó nên đưa mũi lên trời hít hít:
- Tết năm nay tui thấy không khí trong nhà này khác lạ. Nhưng chắc chắn là có người bị a... bị  a...
Thanh làm bộ tịch như đang kiếm chữ để diễn tả cái sự rất khó “diễn tỏa” kia. Trang bẽn lẽn đứng lên:
- Anh Hai kỳ quá hà. Thôi, em đi dọn chè xôi nước lên ăn. Cúc, vô phụ chị chút coi.
Con nhỏ lon ton chạy theo Trang vô bếp. Còn lại hai người, Thanh nheo mắt hỏi:
- Tao đoán đúng không Huy? Em tao coi bộ hạp nhãn mày rồi?
Huy cũng hơi ngường ngượng:
- Cô ấy đẹp quá đi chứ. Theo tao, Trang còn xinh đẹp, dễ thương hơn khối cô trên Sàigòn. Hễ có tí nhan sắc là kênh kiệu chịu không nổi!
Thanh vỗ vai bạn:
- Vậy mày còn chờ gì mà không “nhào dô”. Em tao ưng mày tao đỡ lo nó “ trao thân lầm tướng cướp!”
Huy nói: "cái thằng!", rồi chợt nhớ ra điều gì, anh chàng toét miệng cười:
- Sáng nay đằng nhà cụ, tao thấy Chú Út mày ốm tong teo như cây tre, còn Bà Thím lại vừa thấp vừa tròn như  hạt mít. Đứng cạnh nhau trông giống hệt số 10, buồn cười ghê!
Nhỏ Cúc bưng chè lên nghe tiếng buồn cười bèn chất vấn liền:
- Anh Huy nè, em không hiểu tại sao anh buồn mà lại cười?
Huy ú ớ rồi giở giọng lý sự cùn:
 -Ối giời, buồn mà khóc là chuyện thường. Buồn mà cười được mới giỏi, mới hay. Giống như Người Nam nói tức cười. Tức mà xụ mặt một đống thì kể số gì. Tức mà cười mới là oai, đúng không?
Nhỏ Cúc thấy cũng có lý bèn gật đầu.
...Rồi ngày trở lên Sàigòn cũng phải tới. Từ hôm trước, bà Tân và Trang đã sửa soạn đủ thứ để Thanh đem lên nhà bác Đại. Lại còn gởi cặp gà mái tơ cho ba má Huy ăn lấy thảo. Huy cố từ chối nhưng khi nghe Trang nói: "anh không nhận má em buồn, tưởng anh khi dễ". Chàng bở vía phải nhận cả hai tay.
Cơm chiều xong, dọn dẹp rồi Trang đi tắm. Mái tóc được gội với "Xà Bông Cô Ba" thơm nhẹ nhàng. Nàng đứng dưới gốc cây bưởi đơm bông trắng muốt gần nhà bếp, vừa chải vừa hong mớ tóc mây mượt mà. Huy từ trong phòng ngó ra thấy Trang đứng một mình, sau một hồi lưỡng lự bèn thu hết can đảm đi ra. Nhìn Trang mặc cái áo túi lụa màu mỡ gà, cánh tay trắng nuột, cầm chiếc lược đồi mồi chải tóc, đẹp như một cô tố nữ trong tranh, lòng Huy bồi hồi ngây ngất. Chàng kêu nho nhỏ:
- Trang, Trang...
Đang thả hồn đâu đâu, Trang giựt mình suýt rớt cây lược. Nàng đưa bàn tay chận lên ngực:
- Ý, anh Huy làm em hết hồn.
Huy cười:
- Anh xin lỗi. Mái tóc Trang đẹp quá. Các cô ở Sài Gòn bây giờ thích uốn tóc, nhưng anh vẫn yêu mái tóc dài xõa xuống lưng như  của Trang.
Trang thật thà:
- Em ở nhà quê, uốn tóc người ta quở chết!
- Vì vậy mà anh thấy Trang đáng yêu bội phần. Mấy hôm ở đây anh thấy vui vô cùng. Mai anh về Sàigòn rồi, Trang có buồn không?
Trang thẹn thùng mặt ửng đỏ:
 - Dạ em... dạ em...
Thấy cô gái nín lặng mắt nhìn xuông đất, Huy làm gan cầm bàn tay nàng bóp nhè nhẹ:
-Sao, Trang nói đi. Có buồn không?
Bị hỏi dồn, Trang lí nhí:
 -Dạ...dạ có!
Huy thở phào như trút một gánh nặng:
- Đừng buồn, hè tới anh sẽ theo Thanh về thăm em. Anh sẽ thưa bố mẹ anh xuống đây nói chuyện với má.
  Em ráng chờ anh nhé.
Trang bình tĩnh hơn:
-Dạ em chờ.  Chỉ sợ nơi thành thị có nhiều cô gái đẹp dễ làm anh thay lòng thôi hà.
Huy đưa bàn tay Trang lên môi hôn:
- Anh thề. Trong lòng anh chỉ có Trang thôi, không ai có thể thay thế được.
Trang sợ sệt:
- Coi chừng có người thấy. Em sợ cái miệng nhỏ Cúc. Nó thấy là la um sùm, mắc cở chết!
Huy vẫn nắm chặc bàn tay Trang:
- Kệ, trước sau gì người ta cũng biết. Chúng mình sẽ viết thư cho nhau nhé. Về Sài Gòn anh nhớ em chết luôn. Hai người còn tỉ tê thêm một hồi mới chia tay. Nhưng đâu có thoát được cặp mắt cú vọ của Thanh. Tối trước khi ngủ Thanh hỏi:
- Sao mậy? “chiện đó” tới đâu rồi? Chiều nay tao thấy có người đứng dưới gốc bưởi....
Huy cười:
- Chịu thầy! Xong rồi. Trang làm tao hồi hộp quá. Ra trường tao sẽ cưới Trang ngay.
- Ừ mày tính sao cho trọn. Em tao khổ là tao tùng xẻo mày đó thằng em.
- Sư mày! Chưa chi đã lên mặt đàn anh.
- Ủa, bộ mày quên tao là Anh Hai thứ thiệt rồi hả?
Cả hai cùng cười. Ít phút sau, Thanh ngáy khò khò. Huy trằn trọc mãi mới ngủ được.
...Về lại nhà, lúc soạn quần áo đem giặt, Huy chợt thấy một cái khăn mùi soa bằng vải phin trắng. Nơi chéo khăn có thêu mấy đóa bông trang màu hồng. Cầm chiếc khăn ngắm nghía chán lại đưa lên mũi hít, mắt nhắm nghiền, hồn bay tận chín từng mây. Từ đo,ù những cánh nhạn xanh có, hồng có bay qua bay lại vù vù. Mỗi lần nhận được thơ là Trang đóng kín cửa phòng không cho nhỏ Cúc vô. Vậy mà nhỏ cũng ráng lục cho được cái hộp bánh "bích qui", lấy xấp thơ của Huy ra đọc lén. Thơ nào cũng bắt đầu bằng câu: Cô Nam Kỳ bé nhỏ của anh, hoặc Cô Nam Kỳ đáng yêu của anh.... và chấm dứt bằng câu: Một nghìn chiếc hôn cho người yêu bé nhỏ của anh... hoặc yêu em với tất cả con tim... dĩ nhiên con nhỏ chẳng hiểu gì ráo, nhưng thấy chị Trang bí mật quá mà, nên quyết đọc lén cho biết! Trên đời, chuyện càng bị cấm bao nhiêu càng lôi cuốn lòng tò mò bấy nhiêu!
Rồi Xuân qua, Hè tới. Thanh vớí Huy cùng ra trường. Thanh xin đổi về dạy ở Cao Lãnh. Huy xuống Vĩnh Long. Huy xin phép bố mẹ cưới Trang trước khi nhận nhiệm sở mới. Bà Tân hỏi con gái, giọng đầy lo lắng:
- Má nghe nói Người Bắc lễ nghĩa khó khăn hơn người mình. Con liệu làm dâu nổi không?
Trang trả lời chắc như bắp:
- Má à, má quên là tụi con sẽ ở Vĩnh Long chớ đâu có ở chung với ba má ảnh. Lâu lâu về thăm thì con chỉ việc cúi đầu dạ dạ là qua hết. Má đừng lo.
Bà Tân thở dài:
- Ờ, thì tụi bây tính sao đó tính. Có gì đừng đổ thừa má hổng cản!
Phần Huy, gia đình chàng  không phải là không có ý kiến. Bà mẹ có vẻ hơi lo lắng :
- Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Mẹ thấy Người Nam ăn nói bộc trực, không khéo léo, rất dễ mất lòng người khác. Hơn nữa, chuyện cô Quờn ghen đốt chết luôn ông chồng khiến mẹ sợ quá!
Huy vội vàng trấn an :
- Mẹ yên tâm. Hồng Trang  xinh đẹp, giỏi nội trợ và rất hiền. Con bảo đảm gặp mặt rồi là mẹ sẽ yêu cô ấy ngay.
Đám cưới Trang và Huy diễn ra tưng bừng. Hàm răng đen nhánh và mái tóc vấn khăn nhung của mẹ Huy làm làng xóm ngạc nhiên quá đỗi. Cặp uyên ương Nam-Bắc cho ra đời 3 tí nhau dễ thương hết sức: Hoàng, Hồng Lan và Hồng Mai.
Lúc còn dạy ở Vĩnh Long, anh chị may mắn có quen một người bạn trong Hải Quân, nên năm 75 họ kêu anh chị và ba nhóc tì lên tàu thẳng một lèo qua Guam và sau đó qua định cư bên Cali. Riêng vợ chồng Cúc được em chồng bảo lãnh qua Canada. Bà Tân mất vài tháng trước 75. Riêng gia đình Thanh kém may mắn, phải vượt biên năm 78 và đang định cư bên Úc. Thường thì Cúc hay qua Cali thăm chị, rủ hoài nhưng chị Trang cứ hẹn.
- Hổng hiểu bữa nay sao bả lại cao hứng bất tử, đòi qua ăn Tết bên xứ tuyết lạnh lẽo này?
Cúc như chợt nhớ ra điều gì, cặp mắt chợt sáng như hai đèn pha:
- Anh ơi, em nhớ ra rồi. Năm nay vừa đúng 40 năm đám cưới của chị Trang. Tụi mình sẽ dành cho ảnh chỉ một “sự ngạc nhiên” thích thú. Em sẽ tổ chức một bữa tiệc kỷ niệm tưng bừng. Mời đám bạn bè của tụi mình tới hát Karaoke cho vui. Anh thấy vợ anh có sáng kiến hay chưa?
Hưng lại giở giọng Út Trà Ôn:
- Hỡi ơi, còn ai hiểu vợ anh hơn anh nữa??? Ừa, anh thấy cái hỗn danh mà hồi xưa anh Thanh với chị Trang đặt cho em “nhỏ Cúc xí xọn” sao mà đúng “trăm phần trăm”...
Cúc véo vô bắp vế Hưng một cái đau điếng:
- Cho chừa cái tật nói xấu vợ! Thôi ra coi "hockey" đi cho em dọn dẹp. Chuyện chị Trang hạ hồi phân  giải.
Hưng đứng lên cái rột:
- Xin tuân lịnh...bà lớn!
Cúc trợn mắt :
- Nè, bộ muốn có ...bà nhỏ hay sao mà bữa nay phong tui lên chức bà lớn vậy cà? Nói thiệt đi cho tui còn liệu...mua xăng!
- Chi vậy cưng?
- Chèn đét ơi. Bộ anh quên chuyện cô Quờn rồi hả?
Nghe tới đây Hưng vội vàng đưa tay lên trời:
- Xin Thượng Đế làm chứng cho con. Đời con chỉ yêu có một nàng. Đó chính là "cô Cúc xí xọn"!
Cúc cười xòa :
- Thôi được rồi, tha cho anh.
Hai đứa nhỏ đưa mắt nhìn nhau, thiệt hết ý hai cái ông bà già này!!!
TIỂU-THU
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jan/2018 lúc 10:48am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Jan/2018 lúc 11:10am

Đầu năm kể chuyện vui buồn đi thuê nhà trọ ở Little Saigon



thuenha%20apartment%201
Khu apartment nơi chị Liên Nguyễn từng thuê ở San Gabriel (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Có lẽ không ít người trong chúng ta đều từng trải qua thời gian thuê nhà, share phòng ở trọ khi mới đặt chân đến Mỹ, chờ ổn định cuộc sống. Có người may mắn sau dăm ba năm đến Mỹ, tích cóp được tiền, đặt cọc mua nhà, “thoát kiếp” nhà thuê. Có người lâu hơn, mười năm, hai mươi năm để có thể làm chủ một căn nhà của riêng mình. Nhưng cũng lắm người dính chặt đời mình với chuyện share phòng, thuê nhà bởi nhiều lý do.  Trong bài viết này, phóng viên nhật báo Người Việt muốn chỉ muốn kể lại những vui, buồn quanh chuyện đi thuê nhà ở Little Sài Gòn và một số thành phố lân cận.

Từ chuyện đi thuê phòng, ‘back house’

Mở trang rao vặt cho thuê nhà trên một số báo giấy và online, mỗi ngày đều thấy rất nhiều mẫu đăng cho thuê nhà, thuê phòng. Phòng cho thuê là phòng dư dùng của một gia đình ít người nào đó, họ muốn có thêm chút thu nhập nên cho thuê. Có nhà còn tận dụng tối đa bằng cách lấy garage làm thành phòng cho thuê, mặc dù biết rằng điều này là không hợp pháp.

Nhắc về chuyện thuê phòng, chị Thảo Trần ở Santa Ana vẫn còn ấm ức. Lúc đầu chủ nhà nói cho chị ‘nấu ăn nhẹ’ nghĩa là nấu mấy món đơn giản ăn cơm, thế nhưng khi chị dọn vào, chủ nhà chỉ cho chị nấu mì và làm nóng đồ ăn trong microwave thôi. Nhưng quá đáng nhất là chị bị chửi te tát khi có bạn đến thăm khi chị bị bệnh. “Bà ấy yêu cầu bạn em ra khỏi nhà ngay lập tức, bởi bà ấy qui định là không được cho bạn vào nhà. Mà đó là bạn gái chứ có phải đàn ông đâu chứ. Bà ấy dữ lắm, chửi chồng, chửi con suốt ngày hà. Ở được vài tuần em phải dọn đi. Dĩ nhiên em bị mất toàn bộ tiền đặt cọc”, chị Thảo kể.

Có chủ nhà cho sinh viên thuê phòng vừa có tiền, vừa có người giúp con của họ… học tiếng Việt. Chị Minh Phượng ở thành phố Alhambra, hiện là sinh viên đại học. Chị Phượng thuê phòng trong nhà của một người phụ nữ đơn thân, có hai con nhỏ. Người chủ nhà này ban đầu rất tốt với chị, hay cho chị đồ ăn. Thế nhưng được vài bữa chủ nhà nhờ chị dạy tiếng Việt cho con gái của chủ nhà, một bé bảy tuổi và một bé bốn tuổi. Mỗi ngày đi học về, chưa kịp nghỉ ngơi là con gái của chủ nhà gõ cửa đòi vào chơi hoặc muốn học tiếng Việt.

Chị Minh Phượng than thở: “Tôi gần như không có thời gian riêng tư khi về nhà. Những ngày tôi về sớm, có khi chủ nhà còn nhờ tôi đi đón cháu lớn ở trường. Sau hai tháng, tôi lại phải dọn đi. Sau đó, tôi thuê phòng một nơi khác, nhà không có con nít nhưng chủ nhà rất hay tụ tập bạn bè, hát karaoke có khi đến 1 giờ sáng. Nói chung là chuyện đi thuê nhà rất mệt mỏi, không chuyện này cũng là chuyện khác.”

Ngoài ra, cũng có chủ nhà cho thuê phòng để có người “dòm ngó” và nói chuyện với người già, là ba mẹ của chủ nhà, trong nhà. Những câu chuyện đi thuê phòng thì muôn màu muôn vẻ, không chuyện nào giống chuyện nào. Đi thuê “back house” hay “guest house” cũng vậy. Không phải ai cũng may mắn gặp chỗ vừa ý để có thể ở lâu dài.

“Back house” hay “guest house,” hai tên gọi nhưng thực ra chỉ là một. Kiểu “nhà” này giông giống như apartment, trong đó có phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ và nhà vệ sinh riêng nhưng đa phần là được xây dựng tạm bợ với những chất liệu rẻ tiền, nên giá thuê rẻ hơn apartment và chủ nhà “bao” luôn điện, nước, internet.

Chị Lily Nguyễn kể với phóng viên báo Người Việt về chuyện thuê “back house” của chị. Căn “back house” đó nằm trên đường Stanford, thành phố Garden Grove, gồm hai phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh được làm sơ sài. Chủ nhà nói toàn bộ khu vực đó là của chị, không có ai dùng chung cả. Khi vào xem nhà, chị nhìn thấy có một phòng nữa và cửa phòng này ngay bếp của “back house” chị thuê. Chủ nhà nói cửa đó đã khóa, em chủ nhà ở phòng đó nhưng ra vào bằng hướng khác, không liên quan gì “back house” chị sẽ thuê.

Thế nhưng ngày đầu tiên dọn tới, khi chị đang loay hoay lau dọn trong bếp thì một người đàn ông xuất hiện sau lưng. Chị chào hỏi, ông ta không nói không rằng và đi thẳng vào nhà vệ sinh. “Tôi chưa kịp nói chuyện với chủ nhà thì tối hôm đó, đang ngủ, tôi giật mình bởi tiếng chửi mắng om sòm. Ban đầu tôi cứ tưởng ai đó chửi nhau, một lúc sau nghe kỹ mới biết người này chửi một mình và có vấn đề thần kinh. Hôm sau tôi hỏi mới biết đó là em của chủ nhà, người làm tôi giật mình lúc chiều hôm qua. Từ đó, cứ khuya là người đó chửi, chửi đến vài tiếng đồng hồ. Hết chịu nỗi, tôi nhanh chóng tìm nhà khác và chuyển đi,” chị Lily Nguyễn kể lại.

thuenha%20apartment%202
Ông Minh Hoàng đang nhờ Fair Housing đòi lại tiền đặt cọc từ chủ của khu apartment trên đường Alwood, thành phố Garden Grove. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Đến apartment

Thuê phòng và “back house” là vậy, còn apartment thì sao, có khá hơn không?

Ông Minh Hoàng chia sẻ câu chuyện khi ông thuê apartment ở đường Alwood, thành phố Garden Grove.

Ông Minh cho biết, ngày đến xem và sau khi ký hợp đồng thuê apartment, ông không hề biết có đến hai “hàng xóm” bị vấn đề về thần kinh, một người ở cạnh căn apartment ông thuê và một người trên lầu. Khi ông dọn vào mới biết hai “hàng xóm” này thi nhau la lét không ngừng nghỉ, bắt đầu từ trưa cho đến tận khuya. Buổi sáng họ yên tĩnh nên khi đến xem nhà, ông không hề biết, cũng không nghe người quản lý nói gì.

“Nếu họ la hét kiểu bình thường và không thường xuyên, có thể tôi sẽ cố gắng đựng nhưng họ thường rống lên, nghe rất sợ”, ông Minh nói.

Sau một tuần, tìm được căn apartment khác, ông Minh chuyển đi. Ông nói chấp nhận chịu mất tiền một tháng thuê nhà, nhưng yêu cầu họ trả ông tiền đặt cọc $1,000 nhưng chủ của apartment này chẳng những không trả ông tiền cọc mà còn yêu cầu ông trả thêm một tháng tiền thuê nhà cộng với mấy trăm đô la tiền “clean up.” Tất nhiên ông Minh không đồng ý. Sau nhiều lần tìm cách nói chuyện với chủ apartment nhưng họ từ chối gặp, hiện ông Minh đang nhờ Fair Housing giúp ông đòi lại công bằng.

Câu chuyện của chị Liên Nguyễn lại khác. Chị thuê căn apartment một phòng ngủ ở thành phố San Gabriel. Khi đến xem chị thấy mọi thứ rất hoàn hảo, cho đến khi chị dọn vào ở. Ngay sau vách phòng ngủ của chị cũng là nơi cánh cửa sắt mở cho xe ra vào. Cánh cửa này rất to, nặng, âm thanh khi cánh cửa mở và đóng rất lớn. Ban ngày thì không sao nhưng đêm khuya yên tĩnh, âm thanh này khiến chị không ngủ được. Xe ở apartment thì ra vào cả đêm. Chưa kể những người ở tầng trên rất ồn ào vào ban đêm. Chị nói chuyện với quản lý xin đổi căn khác nhưng họ không còn căn nào trống. Người quản lý thông cảm, nói nếu chị muốn chuyển đi, họ sẽ giải quyết, trả lại chị tiền cọc. Chị đi tìm apartment lân cận nhưng không được, cuối cùng phải chấp nhận ở đó chờ đến hè vì con của chị học ở trường gần đó, không muốn chuyển đi xa vì sợ xáo trộn việc học của con.

Tuy nhiên, không phải ai đi thuê nhà cũng gặp chuyện không vui. Có những chủ nhà thực sự tốt với người thuê. Sau khi ly hôn, chị Thu Vân và con gái 6 tuổi thuê phòng trong một ngôi nhà khang trang ở thành phố Anaheim. Hai bác chủ nhà rất quý hai mẹ con chị Vân, thường xuyên mời ăn uống, tặng quà cho con gái chị Vân. “Hai bác ấy tốt lắm. Bác gái luôn bảo tôi trong nhà bếp có gì thì cứ lấy xài, không cần phải mua gì cả, kể cả gạo, bác cũng không cho tôi mua. Tôi đi làm nail gần nhà, chủ tiệm nail cũng thương hoàn cảnh, giờ tan học của con gái là cho tôi chạy về đón con, nhưng hai bác chủ nhà giành phần đón dùm. Nhiều hôm làm về trễ, tôi thấy bác gái để dành sẵn phần ăn cho tôi. Hai bác xem tôi như con gái. Tôi thực sự rất biết ơn hai bác,” chị Vân xúc động nói.

Vậy đó, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Thế nên trước khi quyết định thuê phòng, thuê nhà nên đến xem ở những giờ khác nhau, hỏi kỹ mọi thông tin. Chuyển nơi thuê không chỉ mất tiền, mất thời gian mà còn ảnh hưởng đến việc học hành của con cái, nếu có con và phải mất thời gian trong việc thay đổi địa chỉ trên một số giấy tờ cá nhân.

(Trúc Linh)

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Jan/2018 lúc 9:16am
Những ông chồng tội lỗi



Hơn một chục bà sồn sồn họp mặt, tranh nhau xôn xao cười nói ồn ào như chim vỡ tổ, ăn uống liên miên không dứt, tâm sự dông dài. Nói qua đủ các đề tài trên trời dưới đất. Rồi chuyển qua chuyện chồng con.

Chị Xuân “khai hỏa”:

- Ông chồng em lười như hủi mấy chị ơi. Không biết tại sao ông trời lại sinh ra được một kẻ lười đến như vậy. Không làm được việc gì nên thân. Nhờ đi mua mấy bó rau răm thì đem về rau húng. Mua trái cây, không khi nào chịu lựa, thò tay bốc đại, đem về toàn cả đồ hư thối. Ngay cả việc đổ rác cũng không xong.

Chị Hạ phụ họa lời chị Xuân:

- Đàn ông, theo em định nghĩa, là một giống vật lười. Chị đừng than thở chi cho mất công. Cứ thử hỏi các chị quanh đây, có ông chồng nào không lười? Thôi, trách móc kết án chỉ là thừa. Tôi hỏi thật chị nhé, ông xã chị lười, nhưng có lười trong chuyện… chuyện phòng the hay không? Đó mới là điều quan trọng nhất.

Các bà ngồi quanh cười hi hi.

Chị Xuân đỏ mặt. Nói lí nhí:

- Lười thì mọi việc đều lười.

- Hừ, lười chuyện phòng the … mà quần nhau có đến sáu đứa con? Nếu không lười e có hai chục đứa hay sao?”

Chị Hạ nói tiếp: “Ông chồng chị đâu có lười bằng chồng chị Hương? Nghe nói ông nầy lười đến độ những khi nào vợ chồng ‘vui vẻ’cũng vẫn còn để nguyên cả áo quần. Thế mà chị Hương có bao giờ than ông ấy lười đâu? Nầy chị Xuân ơi, chị nói chồng chị lười, mà có lười việc sở không? Có lần nào bị đuổi việc vì tội lười biếng chưa?

Chị Xuân cao giọng:

- Việc sở, ông ấy đâu có dám lười? Lười để bể nồi cơm sao? Lười để cả nhà dắt nhau đi ăn mày? Ở sở, ông ấy chăm chỉ, đi sớm về muộn, đôi khi làm việc sở quên cả giờ ăn trưa đó! Thỉnh thoảng lại còn mang công việc sở về nhà nữa!

Chị Hạ hỏi dồn:

- Về nhà, ông ấy có dạy và kiểm soát việc học của các con hàng ngày không? Có cắt cỏ, tưới cây không? Có sửa chữa nhà cửa điện nước không?

Chị Xuân hừ một tiếng dài:

- Các việc đó mà lười nữa, thì ai lo cho!

Chị Thu lớn tiếng xen vào:

- Tôi thì chỉ mong có ông chồng lười cho đỡỡ mệt. Ông chồng tôi ham làm vườn quên ăn quên ngủ, quên giải trí, quên hết. Ai đời đi làm việc về, vội vã thay áo quần, chạy mau ra vườn, xới đất trồng cây cho đến khi trời tối mịt thì thắp đèn lên làm tiếp. Mãi cho đến chín mười giờ mới chịu vào ăn tối. Cơm canh nguội lạnh. Thứ bảy chủ nhật, cũng loay hoay ngoài vườn từ sáng sớm cho đến khuya. Vợ con không nhờ được việc gì cả. Quanh năm bốn mùa lăn lóc trong khu vườn. Những khi mưa đổ như trút, gió thét ầm ầm, thì co ro che dù, mang áo mưa, tưởng như bị trời hành. Tôi kêu gào rát cả cổ, cũng không suy suyển, chán quá, tôi cũng không thèm nói năng chi nữa!

- Vườn có rộng không? Ông ấy trồng gì mà quanh năm không hết việc?” Một bà tò mò hỏi.

- Khá rộng. Ông ấy cứ bứng cây nầy, trồng cây kia. Làm non bộ, đắp núi giả, gầy uốn cây bonsai, bắt ống nước, chạy dây điện. Cứ thế mà từ ngày nầy qua ngày khác, năm nầy qua năm kia, không bao giờ xong. Những khi đau yếu chưa lành bệnh hẳn, còn ho hen, xịt mũi, cũng ra vườn không kể chi đến nắng gió. Ông ấy còn bảo, nếu không ra làm vườn, bệnh càng khó thuyên giảm, lâu bình phục.

Bà bạn cười cười:

- Chị có biết không, làm vườn cũng là một lối thiền cao độ. Hầu như tất cả các đại thiền sư Nhật Bản, đều say mê việc tạo cảnh. Thiền là đó, chứ không phải đâu cả. Hay là, hay là… chị cằn nhằn quá, nói nhiều quá, nên ông ấy lấy cớ ra vườn lánh nạn. Cho đỡỡ khổ cái lỗ tai, đỡ phiền muộn chăng?

- Vô duyên chưa? Chị Thu gắt. – Chị cứ suy bụng ta ra bụng người. E rằng, ông chồng của chị cũng không khỏi khổ vì cái miệng hay chót chét của chị đó.

Chị Thu thở dài chán nản tiếp:

- Ông ấy mê cái vườn còn hơn mê vợ con, mê công việc. Tôi thù ghét cái vườn. Không thèm nhìn đến, có khi cả tháng không bước chân ra vườn, Cái vườn dành mất tình yêu của vợ chồng tôi.

Người bạn vỗ vai chị Thu, dịu dàng nói:

- Có được ông chồng không ham chơi, chẳng rượu chè, cờ bạc, trai gái, đàn địch, chỉ ham làm vườn, lành mạnh như thế, mà vẫn chưa bằng lòng, thì đòi gì nữa? Chị muốn có gì hơn?

Chị Thu đáp:

- Hạnh phúc.

Chị bạn cười mũi:

- Hạnh phúc? Hạnh phúc thì phải do chị tự tạo lấy. Cứ ngồi không mà chờ, thì khó có, rồi trách móc người nầy, kẻ kia. Sao chị không ra vườn, tiếp tay với ông ấy, cùng cuốc xới, trồng trọt, tưới nước, chăm sóc cây trái. Rồi tâm sự, chuyện trò, thì hạnh phúc tự nhiên tới. Chị cứ thử trong vài ba tháng xem sao? Có mất gì đâu. Không chừng rồi chị cũng say mê làm vườn như ông ấy, và từ đó, thuận vợ thuận chồng thì tát biển đông cũng cạn.

Chị Hạ lắc đầu nói ngang:

- Kế sách đó cũng hay. Nhưng tôi có một mưu chước khác, làm ông chồng chị không dám ra vườn nữa. Nếu chị chịu, tôi bày cho. Nhưng sau nầy xong việc, phải trả công cho tôi hậu hĩ đấy! Nầy nhé, chị cứ giả vờ yêu mến cây cỏ, thiên nhiên, ra vườn cùng ông chồng, cứ đứng chống nạnh chỉ tay. Đòi cây nầy phải bứng qua góc vườn, cây kia phải phải chuyển lại gần hàng rào, vồng hoa nọ không thích hợp với vị trí đó, nhổ hết trồng loại hoa khác, cái vòi phun nước phải để qua góc bên trái mới mỹ thuật, cứ thế mà đòi hỏi phê bình đủ thứ chuyện, lải nhải mãi. Tôi đoán, ban đầu ông ấy cũng sẽ làm vài việc theo lời yêu cầu cho vợ vui lòng. Nhưng rồi càng ngày càng mệt, và cứ bị đòi hỏi mãi, ông ấy cũng sẽ chán nản, bực mình và không dám ra vườn nữa. Mấy chị nghe kế sách nầy có cao không?

Một chị la lớn:

- Không đựợc đâu! Lải nhải và yêu sách mãi, lỡ ông ấy nổi nóng, phang cho một cán cuốc vào đầu thì uổng đời. Đừng có dại. Mấy bà cùng cười vang.

Chị Hạ cười nói tiếp:

- Ông ấy có ăn học đàng hoàng, đứng đắn, đâu phải bọn ba trợn vũ phu mà làm càn! Trong đám chị em chúng ta ở đây, coi bộ chỉ có ông chồng chị Hạ là không có vấn đề. Gia đình vui vẻ hạnh phúc nhất.

Chị Hạ phản đối liền:

- A! Phải ‘nằm trong chăn, mới biết chăn có rận’. Trông như không có vấn đề gì cả, mà sự thực lại trầm trọng. Ông chồng tôi là một nhà giáo nghiêm nghị, nghiêm nghị trong lớp học, tại trường, nghiêm nghị ngoài xã hội và nghiêm nghị cả với gia đình, vợ con. Lấy nhau mấy chục năm mà chưa bao giờ thấy ông ấy cười. Nụ cười hiếm hoi còn hơn nàng Bao Tự* đời xưa trong truyện Tàu, mà U-Vương phải đốt phong hoả đài, gạt chư hầu về cứu giá, mới có được nụ cười của người đẹp. Ông chồng tôi, chẳng có đẹp gì cho cam. Mẹ tôi nói đùa rằng, hôm nào cả nhà đè ông ra mà thọc lét, để xem ông có biết cười hay không! Người ta bảo, một nụ cười bằng mười thang thuốc Nụ cười quý lắm. Mấy chục năm chưa lần thấy nụ cười trên môi ông chồng. Tôi cũng biết vui, biết buồn, chứ phải gỗ đá đâu mà cứ trơ trơ.”

Chị Đông nãy giờ chưa nói, bây giờ hứng chí cũng góp chuyện:

- Không biết cười còn đỡ Ông chồng tôi thì mít ướt, thấy chuyện gì cũng cảm động mà khóc được. Những khi xem phim bộ Đại Hàn, cứ khóc thút thít mãi như con nít bị đánh đòn, lau hết cả hộp khăn giấy. Đọc truyện cũng thế, khi đọc đến những đoạn lâm ly, thì khóc oà, bỏ sách xuống, không đọc tiếp được nữa. Đi đám ma bạn bè, gia đình người chết thì tỉnh khô, mà mắt ông thì ướt nhẹp, đỏ lòm, xụt xịt mũi nước. Tưởng như đóng kịch. Có lần trong bữa cơm, ông kể chuyện hai vợ chồng bên Tàu thời Cách Mạng Văn Hoá, đói quá, bà vợ đồng ý để chồng gả bà cho người khác, để có cơm ăn, cho bà vợ khỏi chết đói. Mới kể nửa chuyện, ông khóc oà ra, để chén cơm xuống. Khóc như cha mẹ chết. Đứa con gái nói: “Ơ kìa Ba, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!” Mỗi lần nghe chuyện gia đình nào tan vỡ, mắt ông cũng đỏ hoe. Lòng ông ấy mềm nhũn, yếu xìu, nên chẳng bao giờ nói ‘không’ với người khác được. Bởi thế cho nên các cô thư ký trong sở tranh nhau, đánh ghen nhau tơi bời. Ông chẳng dám binh ai, bỏ ai. Tôi cũng khổ vì cái tình cảm yếu mềm sướt mướt của ông. Tôi cũng biết sôi máu ghen lên chứ! Đàn bà mà! Chồng của mình, chứ đâu phải là của chung thiên hạ, dù biết ông chẳng bao giờ đủ can đảm để bỏ bê gia đình.

Một bà nói:

- Tôi cứ tưởng ông ấy hiền lành, chứ đâu ngờ đào hoa đến thế!

Chị Đông đáp lại:

- Đúng,ông hiền lành! Nhưng nếu có ai thương, thì ông không nỡỡ từ chối. Không nỡỡ làm mất lòng ai. Khi nào tôi cũng cứ dặn lòng, cứ bình tâm mà hưởng hạnh phúc dành riêng cho mình. Không thể nào thay đổi cái mềm yếu của ông chồng, thì cứ chấp nhận. Vì ông rất trân quý gia đình, chăm sóc con cái hết lòng, hy sinh mọi thứ cho vợ, con, và cả người ngoài nữa. Câu nói của chị Đông như gãi đúng chỗ ngứa của chị Hoa. Chị bắt đầu nở máy thở than: - Tôi khổ và giận nhất là chuyện ông chồng bao đồng lo việc bên ngoài. Ăn cơm nhà, vác ngà voi. Bất cứ chuyện gì, có ai kêu, vội nhảy nhổm lên mà chạy đến cho kịp. Ai giao việc gì cũng ôm vào làm "chùa" không công, ngày đêm. Rồi tụ họp nhau ăn uống, cà phê, cà pháo liên miên. Lấy tiền nhà chi tiêu cho việc chung thiên hạ. Không có tiền thì cà thẻ tín dụng.Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Mấy cái bóng đèn ở nhà đứt dây tối thui, kêu gào rát cả cổ mới chịu thay. Cái vòi nước cứ ri rỉ long tong hoài, nghe bực đến nhức đầu, không bao giờ chịu sửa. Những người như ông nầy, có lẽ đừng bao giờ lập gia đình, để sức lực, thời gian mà lo cho việc thiên hạ.”

- Thế thì sao chị lại chịu lấy ông, để rồi bây giờ than van?”

- Tôi đâu có biết. Ngày xưa mới quen nhau, đến nhà chơi, ông làm đủ thứ việc, nào là sửa điện, đóng lại cái bàn long chân, bắt ống khóa, mở cái đồng hồ chết ra mà vô dầu, quét vôi tường ngày tết, cưa cây, trồng hoa, chỉ dạy bài học cho các em tôi, đến cả nấu cơm, kho cá, làm đủ việc hằm bà lằng. Chịu khó giống như các cụ ngày xưa đi ở rể. Tôi cảm động lắm, nhưng không ngờ, ở đâu ông ấy cũng hăng hái nồng nhiệt làm việc như vậy cả. Ông ấy sống cho thiên hạ, chứ không sống cho gia đình. Tôi xét đoán sai, chọn lầm người. Đáng ra ông phải dành mọi sự ưu tiên cho gia đình, vợ con đã, rồi nếu dư năng lực, thì giờ, mới lo cho việc chung của thiên hạ.”

Một chị la lớn:

- Nghĩ cho cùng, ông ấy là người tốt, có tấm lòng. Đáng khen, không đáng trách. Nếu ai cũng lơ là việc chung, thì xã hội nầy đi đến đâu? Làm chi có những sinh hoạt xã hội?”

Chị Nguyệt có chồng thi sĩ tiếp lời:

- Ông chồng chị Đông, làm việc còn ích lợi thiết thực cho thiên hạ. Chứ như ông chồng em, suốt ngày mơ mơ màng màng, tỉnh không ra tỉnh, say không ra say. Cứ suy nghĩ vẫn vơ tìm vần dệt thơ, quên trước, quên sau. Không nhờ được việc gì. Ban đêm đang ngủ, nằm mơ hay chợt tìm ra một câu thơ lạ, thì vội vàng bật dậy chép liền. Có khi ngồi bóp đầu, bóp trán từ nữa khuya đến sáng, làm được mấy câu thơ. Buổi sáng mặt mũi bơ phờ như người bệnh. Đem ra khoe. Không cần biết hay hay dở, em chê liền. Rồi có trách móc, dằn vặt, thì ông ấy nói rằng ngày xưa, có ông Giả Đào nào đó viết: ‘Ba năm mới làm được hai câu thơ, ngâm lên một tiếng, hai giòng lệ rơi không cầm được, người tri âm nếu không cùng hưởng, mùa thu sang ta về núi nằm.’ (**) Chưa hết đâu nghe các chị. Lại véo vào ngân quỷ tiết kiệm của gia đình mà in thơ, chất đống trong nhà. Rồi ra mắt sách, tốn thêm tiền thuê hội trường, mua nước ngọt, thức ăn, phải có gì cho người ta ăn uống mới chịu khó ngồi lại nghe. Còn phải gởi thơ mời, tốn thêm tiền in thiệp, tiền bưu phí. Cũng phải chi chút chút cho ban nhạc phụ giúp vui, năn nỉ ca sĩ hát ‘chùa’. Đáng ra em phải tránh xa các nơi ra sách nầy cho đỡ buồn, tủi, nhưng thấy ông chồng hăm hở tội nghiệp quá, em đi theo ủng hộ. Lại càng buồn hơn. Khách tham dự thì lèo tèo mấy chục người nói chuyện riêng ồn ào, không thèm để ý đến diễn giả đang nói gì, ca sĩ đang hát hò gì. Chỉ bán được mười mấy cuốn thơ cho đám bạn bè thương tình mua ủng hộ. Buổi ra mắt chưa xong, mà khách đã về gần hết.

Đáng ra, họ đã đến, thì ráng chịu khó thêm một chút, ở lại cho đến khi kết thúc, nó lịch sự hơn. Cũng tốn bộn tiền đấy chứ! Cái giống thi sĩ, xem tiền như rơm, như rác, nhẹ bấc. Nhưng mình là con vợ, thì phải xem tiền là cơm, là gạo, là điện, nước. Tiền là mồ hôi nước mắt. Chưa xong, đi đâu cũng lè kè mấy tập thơ, gặp ai cũng hí hửng ký tặng. Ông ấy đâu có biết người ta đem về nhà, vất lăn lóc đâu đó, không đọc, hoặc thương tình lắm, thì đọc phớt một hai bài. Thời buổi nầy ai rỗi mà đọc thơ?”

Chị Hạ khoa tay nói lớn:

- Đáng ra chị Nguyệt phải hãnh diện có ông chồng thi sĩ chứ! Ngày xưa, tôi cứ mơ có được một chàng thi sĩ đem tôi vào thơ, để ngàn năm sau, hình bóng mình cứ thấp thoáng mãi trong văn chương. Chị Nguyệt ơi, ông chồng chị làm văn hoá, đóng góp, thêu gấm dệt hoa cho đời, còn quý gấp trăm, gấp ngàn lần làm ra tiền bạc.Tiền bạc chỉ có mình tiêu xài, và tiêu đi là hết. Văn hóa còn đó, còn mãi mãi, phục vụ cho bây giờ và cho cả ngàn sau. Chị nghĩ sao?”

Chị Nguyệt lắc đầu:

- Không, tôi thực tế, tôi chỉ muốn có cơm gạo. Còn mai sau, có xui mà được lưu truyền tán tụng, tôi đã ra ma rồi, đâu biết chi nữa! Ông chồng nhiều lần làm tôi sượng mặt, ông nghe thiên hạ xúi dại, trong các bữa tiệc, ngâm thơ. Đã già rồi mà lời thơ cứ anh anh, em em, khổ đau thất tình, lửa yêu cháy bỏng, quằn quại, trái tim máu me, thân xác vật vã. Toàn cả những hình ảnh ướt át thương đau. Anh em, khổ đau, da diết, với ai đó, chứ đâu phải với tôi! Thử hỏi, bây giờ chúng ta cứ làm thơ thương tiếc người tình xưa, công khai phô diễn cái đớn đau, xót xa cho mối tình cũ, thì các ông có chịu hay không?”

- Thôi thôi, đủ rồi. Lý do nào cũng đúng.” Một chị lớn tuổi cắt ngang. Rồi chị tiếp lời: “Khổ đau của các chị là chuyện nhỏ, như đi đường đạp gai. Đáng ra phải nhổ cái gai ra, các chị không chịu, để thế mà đi, gai cứ làm nhức nhối mãi. Tôi còn nghe chị Hồng, chị Lê, chị Huệ than thở các ông chồng cứ ôm chặt lấy cái computer suốt ngày suốt đêm, bỏ bê việc nhà. Chồng chị Phương, chị Dung thì say mê thể thao, cá độ, mất hết tiền bạc, nợ nần. Chồng chị Thành tối ngày say sưa bí tỉ, nhậu nhẹt tì tì từ khi mở mắt cho đến khi đi ngủ. Lái xe trong khi say rượu, bị bắt còng tay. Còn chồng chị An, chị Bích, chị Chi thì đóng đinh ở quán cà phê, đánh cờ tướng, nói chuyện chính trị suốt ngày quên ăn trưa, ăn tối. Nào chị Giang, kể cho các bà nghe về nỗi khổ vì chồng con của chị đi nào!”

Chị Giang trẻ nhất trong đám các bà. Mặt mày thanh tú. Nét đẹp kiêu sa của thời con gái chưa phai tàn. Chị bình tĩnh vuốt tóc và thong thả kể:

- Ông chồng em sáu mươi chin tuổi rồi, gặp lại một bà bạn học chung lớp ngày xưa. Bà nầy là cô giáo cũ của em thời trung học. Khi đi học, chồng em và bà cũng chẳng có tình ý chi với nhau. Có lẽ học cùng lứa, thì các cô xem bọn con trai như em út, và các anh nhỏ cũng không dám chơi leo tơ tưởng tới các đàn chị. Năm trước họ vô tình gặp nhau, cả hai tuổi đều đã xấp xỉ bảy mươi. Thế mà họ lại yêu nhau mê mệt. Em có thể hiểu được ông chồng mình, thứ đàn ông mà trẻ không tha, già không kiêng, vốn tính trăng hoa xưa nay. Em cũng đã chán, hết cả ghen tương từ lâu. Nhưng không hiểu được bà kia, tuổi tác đó, chồng con đề huề, cháu nội cháu ngoại cả chục đứa. Thế mà hai người chơi ngông, mết nhau, say sưa điên cuồng quên hết mọi sự. Ngày nào cũng điện thoại cho nhau vài ba giờ, không biết chuyện đâu ra mà nói nhiều đến thế. Mỗi tuần họ gặp nhau ba lần tại khách sạn, hú hí đú đởn. Em cứ vô tình, không hay biết Cho đến một hôm, trong lúc say rượu, ông ủi xe vào hàng cây bên đường, bị thương ngất đi. Cảnh sát chở vào bệnh viện. Em kêu hãng bảo hiểm nhờ kéo xe về nhà. Lục thùng xe tìm giấy tờ, thấy nguyên một bao thư mấy trăm trang, in điện thư thư trao đổi qua lại của hai người nầy. Đọc thư họ, em không khóc, mà chỉ cười, vì họ viết cho nhau lời lẽ tình tứ như còn ở tuổi mười sáu, hai mươi. Già tuổi đó, mà viết được cái tình cảm yêu đương mê muội của bọn con nít, thì họ cũng tài tình đáng phục. Bà ấy liều mạng, nhiều lần viết rằng: ‘Em sẵn sàng chịu bị cạo đầu bôi vôi, bị lột trần truồng dẫn đi rong bêu rếu và bị ném đá cho đến chết để có được tình yêu của anh’. Ghê khiếp chưa, một cô giáo có trình độ đại học mà rồ dại đến thế. Em hẹn gặp bà, ban đầu bà định chối, nói là bạn cũ gặp nhau nhắc chuyện thời đi học xa xưa. Em đưa cả xấp thư cho bà ấy xem. Bà hết hồn, mặt xanh như tàu lá và run rẩy gần ngất xỉu. Thấy thái độ của bà, em cũng thương hại. Em lên mặt dạy đời cô giáo cũ rằng: ‘Thưa cô, ngày xưa em kính trọng cái tư cách và phong thái đứng đắn của cô. Có những điều cô dạy, đến nay em còn nhớ. Cô thử nghĩ xem, nếu ông chồng cô, con trai con gái cô, dâu rể và cháu nội ngoại đọc được một phần trong những lá thư nầy, họ sẽ nghĩ gì, và đối xử ra sao với cô?’ Cô ngồi run cầm cập, mặt trắng bệch như xác chết, im lặng, điếng người, có lẽ vì quá xấu hổ, quá sợ, thở dốc từng hồi. Em nói tiếp: ‘Thưa cô, em ước mong rằng, đừng ai gọt đầu bôi vôi, đừng lột trần truồng dẫn cô đi bêu rếu, và đừng ai ném đá cô đến chết. Đây, cô giữ lấy tập điện thư trao đổi nầy. Đây là bản duy nhất, em không muốn giữ làm gì. Em thương em, và thương cả cô, vì chúng ta đều là nạn nhân khốn khổ của một ông chồng mất nết. Xin cô hãy thương thầy, ông chồng già đáng kính của cô, đã chia vui xẻ buồn cùng cô, hy sinh cho cô suốt trong gần nữa thế kỷ dài. Cũng đã đi gần hết đời người rồi. Không còn bao lâu nữa.’ Em đứng dậy và bước đi, không quay lại nhìn bà ấy.”

Tất cả các bà nghe đến đó, đều nhao nhao lên phản đối:

- Tại sao ngu vậy? Tại sao không chụp ra vài bản, gởi cho ông chồng và các dâu rể của bà để trừng phạt?”

Chị Giang bình tĩnh:

- Để làm chi? Nếu không kéo ai lên được, thì cũng đừng nên xô họ xuống hố sâu thêm. Người ta đau khổ, xấu hổ, mà mình cũng chẳng được gì?” Các bà đồng thanh nói: - Để trả thù, để trừng phạt. Thế thì bây giờ ông chồng của chị ra sao?”

Chị Giang thở ra:

- Em không thù, thì trả thù làm chi? Bây giờ ông chồng em vẫn bình thường, vào ra trong nhà như con chó cúp đuôi biết lỗi. Con người đó, trăng hoa phóng đãng khó chừa, nhưng ông cũng còn khá nhiều cái tốt khác mà ít người có được. Em phải biết tự cứu mình, và cứu gia đình. Chắc các chị mới thấy cái bề mặt cư xử nhân từ của em đối với bà ấy mà thôi, chứ chưa thấy cái thâm độc nham hiểm còn hơn cả Hoạn Thư. Nếu em hùng hổ xỉ vả chửi mắng thô tục, thì bà đó ít đau, ít thấm thiá hơn là những lời nói nhẹ nhàng nhân hậu đó.”

Bà chị lớn tuổi nhất đám đua hai tay lên trời mà than:

- Ôi sao kiếp đàn bà chúng ta chịu lắm khổ đau như thế nầy. Tất cả cũng đều do bọn đàn ông gây ra cả. Thế nhưng, thiếu đàn ông, thì đâu có sống bình thường được, đàn bà sẽ khô héo như đem cây trồng vào sa mạc. Nhưng có phải khổ đau trong đời sống vợ chồng, một phần lớn cũng do chúng ta tự tạo ra chăng? Bởi thế, tôi nhớ có gã triết gia cà chớn nào đó viết đại ý rằng: “Nguyện vọng thiết tha nhất của đàn bà con gái là kiếm cho ra một tấm chống, nhưng khi có một tấm chồng rồi, thì họ muốn có tất cả. Cũng không phải hoàn toàn sai đâu.

Tràm Cà Mau
Ghi chú:

* Bao Tự: một người đàn bà đẹp thời Xuân Thu bên Tàu .

** Nhị cú tam niên đắc. Nhất ngâm song lệ lưu. Tri âm như bất thưởng. Quy ngọa cố sơn thu.



Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 22/Jan/2018 lúc 9:05am

Tự Thú.

2027%201%20TuThuTThuDung
Đi bên một người tôi nghĩ một người
Ở rất xa đang ấp ủ đợi mong
Chờ một ngày hai đứa cuộn vào nhau
Người đi bên tôi đâu hề hay biết
Say cùng tôi đi dọc sông Seine
Nước chảy lững lờ, lòng tôi hờ hững
Dửng dưng thờ ơ sông chảy hay dừng
Tôi chợt biết mình bắt đầu sống giả
Vì quá cô đơn cuộc đời trống trải
Thèm một bờ vai thèm hơi thở ấm
Thèm mái hiên che mưa gió cuộc đời
Tôi thú nhận và xin lời từ biệt
Những người đi bên nghĩ tôi lãng mạn
Đâu biết lòng tôi xao xuyến bâng khuâng
Nghĩ một người đã làm tôi nhung nhớ
Chờ đợi ngày đêm vài chữ vu vơ
Đêm rất khuya còn gọi nhau tâm sự
Chia sẻ cho nhau khao khát chân tình
Tôi biết mình có lỗi với cả hai
Nhưng biết sao khi cuộc đời trống vắng
Loay hoay hoài tìm định nghĩa thủy chung
Thủy chung phải chăng là tình đã chết
Hay chỉ là một cam kết dối nhau ?
Khi đã yêu say như hai làn khói
Quện vào nhau đâu nhắc thủy chung
Người đi bên tôi vẫn say sưa chuyện
Đâu biết tôi nghe câu được câu chăng
Vu vơ tôi nghĩ người nơi xa ấy
Cũng đang lang thang bên cạnh một người
Để tạm dịu đi những cơn trống vắng
Người cũng lao xao chợt nhớ đến tôi
Chờ đêm khuya cùng tôi tâm sự
Chữ a còng đánh võng đung đưa?
Tôi tự thú mong xin người hay nhận
Lời cảm ơn đã làm dịu cô đơn
Nhưng không sao làm tan đi nỗi nhớ
Một người tôi yêu đang ở rất xa.
Cuộc đời giản đơn sao lại éo le
Kẻ bên chẳng yêu, yêu kẻ ở xa
Phải chăng càng xa lại càng mong nhớ
Càng khát khao khi không đạt giấc mơ.

2027%202%20TuThuTThuDung


TTD



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 22/Jan/2018 lúc 9:05am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 24/Jan/2018 lúc 10:15am

Đi Đánh Ghen 30 Tết

Bà Tâm đứng dáo dác nhìn ở cửa Tây chợ Bến Thành để kiếm một cái taxi vì mớ đồ bà mua cũng bộn. Nào cặp dưa hấu lớn vỏ xanh đen, nặng chịch như cái thùng nước. Dưa mới từ cầu Đúc chở lên, ruột đỏ thắm, ngọt như đường cát, mát như đường phèn, lời chị bán dưa vừa mồm năm miệng mười bằng cái giọng ngọt lịm của chị. Đầu năm bổ trái dưa ra mà ruột dưa đỏ như son thì năm đó làm ăn phát tài, mọi chuyện may mắn là cái chắc. Từ bà nội, bà ngoại đến mẹ bà Tâm, truyền tử nhập tôn, đến bây giờ là bà và mai kia mốt nọ là mấy đứa con gái, có thể cả mấy đứa con trai, tất cả cứ đinh ninh dưa bổ ra đỏ, ấy là may mắn lắm.

Bà Tâm nhớ có một năm, người chị dâu, bà Huyễn mập, đầu năm đầu tháng bổ trái dưa ra ruột trắng trợt như mắt cá chết. Năm đó vợ chồng ông Huyễn xui tận mạng. Khi khổng khi không thằng con lớn, thằng Kiệt, đi Honda Dame ở đường Lê văn Duyệt, gần khu chợ ông Tạ, bị xe hủ lô đang làm đường cán gần nát bàn chân phải, nằm nhà thương Bình dân ba tuần rồi về nhà chữa trị cả năm mới khỏi. May mà không phải cưa và đi cà nhắc.

Mới nghe cứ tưởng chuyện tiếu lâm. Xe hủ-lô, cái xe rừa bò mà lại cán được người, người lái Honda?
Giỡn vừa thôi! Trước đây khi phải thề cái kiểu “cá trê chui ống” hay là “xe lửa cán đường rầy”, mấy anh xạo thường nói:”Anh mà nói dối nói gạt em thì cứ cho cái xe hủ lô nó cán anh đi!” để mọi người cùng bò ra cười.

Vậy mà thằng Kiệt, đã hăm lăm, hăm sáu tuổi, có vợ có con chứ nhỏ nhít gì, bị xe hủ lô cán thiệt, gần đứt bàn chân, làm cả cái chợ ông Tạ xôn xao cả lên. Nghe Kiệt kể lại thì bữa đó, nó vào trong cư xá sĩ quan Chí Hòa, lúc về đến ngang nhà giây thép Gió thấy đói bụng, nó muốn ghé cái tiệm bán xôi cháo gà ăn một tô miến cho sảng khoái tinh thần rồi về. Xe hủ-lô đang làm đường khúc này mà các thứ xe tạp lục như xe đạp, xích lô, taxi, xe ba gác, Honda ôm đông quá cỡ, Kiệt phải lách, phải leo cả lên bờ lề để cố đâm vào tiệm cháo gà thỏa mãn cái thần khẩu. Nào ngờ nó vừa tránh được cái xích lô máy phía này thì lại bị ngáng bởi cái xe ba gác đang chở đầy gạch cát phía kia. Kiệt nóng mặt rú ga cho xe vọt qua như nhiều người đã làm thế, nào ngờ chỉ chậm có mấy giây, cái xe hủ-lô 20 tấn đang cà rịch cà tang lừ lừ tiến đến. Kiệt chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh, nửa bàn chân phải của nó vì phải đưa ra chống cho xe thăng bằng đã bị xe hủ-lô cán như cán đá và nhựa đường. Sau tiếng thét hãi hùng của Kiệt, ông tài xế hủ-lô mới biết. Ông ngưng xe lại và những người đi đường gọi taxi chở Kiệt vào nhà thương Bình Dân.

Bà Tâm từ đó đâm sợ cái giống dưa ruột trắng trợt. Bà hi vọng hai trái dưa vừa mua sẽ đỏ, đỏ tươi như giấy pháo hồng điều để bà được may mắn suốt năm. Dưa gì quá tệ như trái dưa của bà Huyễn mập. Thứ dưa đó có cho không lấy, còn mắng cho nữa.
Ngoài cặp dưa, bà Tâm cũng mua hai chậu cúc, hoa cỡ trung trung thôi nhưng mầu vàng tươi, càng nhìn càng thấy đẹp. Bà nhớ đã mặc cả cặp đại đóa nhưng đắt quá, đẹp có đẹp thiệt, to có to thiệt nhưng mắc gần gấp đôi cặp này thì tội gì mà mua. Mua cái cặp trung trung này để còn tiền mua một cành đào Đàlạt mà lại không hay hơn sao? À, mà không, người Bắc mới chơi đào. Vợ chồng bà Tâm và con cái chỉ một chậu mai cho đẹp là mãn nguyện.

Nhớ cái Tết năm kia ở chợ hoa Nguyễn Huệ, vợ chồng bà mua được một chậu mai đẹp ơi là đẹp mà giá cả cũng vừa hết sức. Có hai trăm đồng thôi. Mai kép vàng, hai tầng, mỗi tầng năm cánh, cả thảy là mười, nở đúng Giao thừa làm bà thương cây Mai hết sức. Tết xong ba, bốn tuần, cây Mai quí mới rụng hết hoa.
Bà bảo hai thằng con trai khiêng chậu mai lên sân thượng và dặn chúng tưới mỗi ngày. Khoảng tháng sau, lúc lên trên đó phơi mấy cái mùng, mền vừa giặt, bà mới bật ngửa. Cây Mai chết khô như cái cọng rơm. Bà sờ vào chậu, không một giọt nước. Bà bẻ thử một cành xem còn cứu vãn được không? Nó dòn, gẫy một cái tách. Bà Tâm giận hai thằng con thiệt tình. Buổi trưa, vừa thoáng thấy hai đứa, bà liền kêu vào phòng khách hỏi tội. Hai thằng con mới nghe qua biết mẹ sẽ mách bố đánh, sợ quá lủi mất.

Bà Tâm đứng kiếm taxi có lẽ đã 15 phút mà chưa có cái nào để bà vời vào. Cặp dưa, hai chậu cúc và hai cái giỏ mây căng phồng trong chất đủ thứ đồ ăn ngày Tết. Nào thịt gà, thịt heo, bánh tráng, miến, nấm mèo, dưa cải. Nào củ kiệu, chà là, thèo lèo, cam quýt, hầm bà làng... để ngay cạnh chân.

Người đông ơi là đông vì hôm nay đã 23 Tết, người ta nhộn nhịp sắm sửa để tối cúng đưa ông Táo chầu trời. Kia là hai ba chị hàng cam Cái Bè với ba bốn người khách đang trả trả, lựa lựa. Đây mấy người đàn ông đang dựng lều đâu lưng vào bức tường chợ để bày sạp bán pháo. Vợ chồng chị hàng mứt, người đứng coi, kẻ chuyển những hộp, những thùng, những gói giấy xanh đỏ vào cửa hàng trong chợ. Tiếng rao hàng lanh lảnh, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng mặc cả, chuyện trò, hòa trộn với nhau làm thành một thứ âm thanh ồn ào, náo nhiệt đầy hương vị Tết làm nôn nao cả trẻ con, người lớn.

Người bán đông đảo, người mua cũng lắm. Những tiếng chào hàng “Mua zô, mua zô” mạnh mẽ và liên tục như không bao giờ dứt; vài hàng mứt thập cẩm, chà là, thèo lèo, hàng pháo Điện Quang, hàng dưa cầu Đúc còn dùng cả loa phóng thanh cho tiếng quảng cáo to hơn những hàng bên cạnh.
Trời se se lạnh vừa đủ để người ta lôi ra mớ quần áo ấm trong năm chưa có dịp mặc. Áo len đan, len dệt của phụ nữ bên ngoài những chiếc áo dài đủ mầu bên những bộ bà ba đen, trắng. Các cô trẻ trẻ với những chiếc áo đầm kiểu cọ xen lẫn những chiếc quần tây, quần jeans áo sơ-mi diêm dúa làm khung cảnh chợ Bến Thành Sàigòn vui tươi rộn rã hẳn lên. Từng nhóm người lớn, trẻ con từ khắp mọi ngả đường đổ vào chợ. Các thứ xe như taxi, xích lô được tận dụng tối đa. Xe Lam chuyến nào chuyến ấy chật ních hành khách. Những chiếc xe ngựa dù chậm cũng vẫn cà rịch cà tang ghé bến chuyển hàng hóa xuống. Làm như những con ngựa cũng biết đó là phiên chợ Tết, những cái đuôi ngoe nguẩy đầy sức sống, mũi thở phì phò sau một tuyến đường dài, chở nặng. Cha mẹ dắt tay con cái. Những đưa trẻ ngây ngô mắt mở to nhìn quang cảnh chợ Tết như chưa từng thấy bao giờ, mặt mày hân hoan, hớn hở pha lẫn ngạc nhiên thích thú. Người mua kẻ bán, ai nấy hối hả lo cho xong công việc đã dự định trong những ngày cuối năm quá bận rộn.
Kia, có một chiếc taxi từ đầu đường vừa trờ tới. Bà Tâm giơ tay vẫy nhưng chiếc taxi chưa kịp đến chỗ bà thì nó đã ép vào lề cho đám người gọi trước: một anh Thủy quân lục chiến quân phục đàng hoàng cùng đi với hai đứa nhỏ và chị vợ bế trên tay đứa con dăm tháng. Bà Tâm chưa kịp bực mình vì gọi hụt chiếc taxi thì may sao, một chiếc xích lô máy cũng vừa trờ tới. Như một phản ứng tự nhiên, bà vời anh xích lô dù rằng xưa nay bà không thích đi xích lô tí nào. Xích lô đạp thì êm nhưng chậm như rùa bò. Còn xích lô máy, khỏi nói, chỉ là bất đắc dĩ thôi!

Anh xích lô máy vội ép sát lề để bà leo lên, máy nổ phun khói điếc lỗ tai. Nhưng bà còn mặc cả cái đã chứ! Leo lên ngồi, tự nhiên cho sang, lúc về đến nhà, anh ta hát bao nhiêu phải đưa bấy nhiêu sao!. Lúc đó còn cò kè thêm bớt chỉ tổ cãi nhau và mất thì giờ. Bà Tâm đã sống ở thủ đô Sàigòn này mười mấy năm, đường đi nước bước bà thuộc hết, bà đâu có dại.
“Về hẻm Lý thái Tổ, anh lấy bao nhiêu?”
“Bà cho bốn chục.”
“Xời ơi! Taxi đây lên đó cũng chỉ hăm lăm đồng. Xích lô máy mà ăn mắc thế?”
“Thôi ba chục. Ngày Tết mà.”

Không nghe bà Tâm trả lời, anh xích lô dợm bỏ đi, anh rồ máy và bẻ tay ghi-đông ra phía ngoài đường khói phun trắng cả mặt đường.
“Thôi được. Tôi cần đi, hăm lăm đồng đấy.”
Bà Tâm phải nói to kẻo anh xích lô không nghe vì máy nổ lớn quá. Anh xích lô ý chừng chịu giá, ngưng xe ngồi trên yên có vẻ đợi.
“Mấy trái dưa này hơi nặng, anh phụ đưa giúp tôi lên xe đi!”
Bà Tâm phải nói đến hai lần anh xích lô mới nhảy xuống và vác mấy thứ lỉnh kỉnh đặt vào chỗ để chân của hành khách. Mặt anh ta lạnh như tiền có lẽ vì tiền trả ít mà đòi phục vụ nhiều. Anh ta chỉ thích những người khách đi người không, nhảy lên, nhảy xuống cho nhanh việc. Tết nhất khuân lên, vác xuống hết ngày, tiền đâu sống? Nhưng đã chịu đi thì phải bưng, phải xách, thói quen khách đi xe xưa nay vẫn thế. Chạy xe có mối ngon, mối không, còn hơn chạy xe không, tốn xăng mà chẳng có đồng nào, anh tài xế nào cũng biết như thế.

Ngồi lọt thỏm vào một bên nệm xe, bên kia để hai cái giỏ chồng lên nhau, hai chậu cúc và hai trái dưa ở dưới chân, bà Tâm vừa ngồi chưa vững thì chiếc xe đã lao ra giữa đường, làm bà bật ngửa ra phía sau chỉ hơi giật mình nhưng không sao. Anh tài xế vòng ra phía bùng binh chợ rồi chạy ngược lên Lý Thái Tổ. Anh xe này chạy bạo thì thôi! Đường đông như kiến mà anh ta cứ lao vun vút. Anh lách bên này, tránh bên kia, có lúc kéo rẹt một cái từ bên này sang đến bên kia đường để tránh một đoàn xe đạp và xe gắn máy đang kì đà cản mũi làm bà Tâm xanh mặt xanh mày tưởng xe cộ bên dòng kia sẽ đâm ngay vào bà chứ chẳng chơi. Bà như cái cản cho anh tài xế, bà có chết nhăn răng ra đó hắn cũng chưa sao. Vừa ngồi cao, vừa ở tuốt phía sau, xe cộ khác có đâm được đến hắn cũng còn lâu. Chỉ bà với mấy thứ đồ Tết là lãnh đủ!

Hai trái dưa lăn lùng lục, đùa qua đùa lại ở cạnh chân khó chịu quá. Có lúc chúng húc hai chậu hoa muốn bể, bà Tâm phải dùng hai chân lấy gân kìm chúng nên đôi chân của bà đã tê ngay đơ ra, bà ân hận đã mua dưa sớm quá vì nghe lời đường mật của chị bán dưa. Còn một tuần nữa mới Tết, khi nào rảnh rỗi bảo chồng chở Vespa đi mua dưa chẳng được sao? Cũng tại hôm nay cúng tiễn ông Táo, bà muốn có cặp dưa cho đẹp nhà đẹp cửa, nhất là buổi tối có anh chị sui gia tương lai tới chơi cùng với thằng con trai, thằng Quân ngấm nghé đứa con gái lớn của bà, con Mỹ Phụng.

Gió cuối năm khá lạnh thổi hắt vào mặt bà Tâm như có ai tạt nguyên chậu nước đá. Vì xe chạy ngược gió, gió càng mạnh khi tốc độ xe càng lớn. Bà Tâm thấy lùng bùng trong đầu và người ớn lạnh. Rồi bà chóng mặt, quay mồng mồng, mắt đổ hào quang, cơ hồ ngồi không vững nữa. Bà thả đôi chân cho hai trái dưa muốn lăn qua lăn lại mặc tình vì chẳng còn sức kìm giữ chúng. Người bà rũ ra trên chiếc nệm xe, nửa biết nửa không, đến nỗi nếu anh xích lô máy có chở đi đâu, bà cũng không biết. Mà nếu có biết bà cũng không còn hơi sức đâu mà la lên được.

Hai cái giỏ đồ ăn để cạnh đổ lên người. Lúc đầu bà còn cảm thấy và nghĩ, thôi đồ ăn đồ uống bị đè lên nhau bầm dập, nát nghếu ra hết cả rồi, nhưng sau đó bà mê đi chẳng còn thiết sự gì. Có cái gì nóng nóng từ trong ruột vận lên cổ làm bà muốn ói. Bà há hốc mồm xem nó có vọt ra không nhưng nó không. Sáng bảnh mắt, con Mỹ Phụng lấy Honda chở bà lên đây rồi nó đi học, bà đã kịp ăn uống gì mà nôn với ói. Nước miếng ứa ra đầy một miệng, bà còn đủ sức để nhổ đánh toẹt ra ngoài đường nhưng gió tạt lại xe khắp hết, cả trên mặt, trên đầu, trên tay bà như mưa. Cái mùi chua chua hăng hăng phà vào mũi theo cơn gió làm bà lợm giọng.

Dù say xe không nhúc nhích nổi, bà Tâm còn đủ trí phán đoán để hối hận đã gọi xích lô máy. Làm sao bà quên đuợc cũng một lần say xe xích lô máy bất tỉnh nhân sự cách đây mấy năm khi bà cùng một người bạn đi từ ngã Ba hàng Xanh về nhà. Vậy mà hôm nay bà lại kêu xích lô máy, thế có điên không?
“Hẻm Lý thái Tổ rồi đây. Số nhà bao nhiêu?”
Anh xích lô máy đã vào bên trong hẻm, cúi xuống hỏi bà Tâm như quát. Bà Tâm giật mình, cố gượng mở mắt. Mấy căn nhà quen thuộc lợp tôn, tường gạch hiện ra trước mắt bà xiêu vẹo, ngả nghiêng như những căn nhà trước bão. Bà Tâm mừng vì anh tài xế còn lương thiện. Bà mê đi như thế, anh ta có thể chở đi chỗ vắng, đuổi bà xuống và lấy sạch đồ.
“Số 235/43A, qua khỏi giếng nước, tay trái đó.”
Một phút sau, chiếc xe ép vào bên trái, ngay trước căn nhà. Bà Tâm cố gượng ngồi thẳng lên và xuống khỏi xe, người bà chao đi xuýt chúi nhủi xuống đất. Bà chưa kịp gọi cửa thì thằng con trai lớn, em Mỹ Phụng đã ra:
“Má, má đi chợ về!”
“Mầy rinh hết đồ trên xe xuống cho má rồi lấy hăm lăm đồng trả cho bác tài.”
Vừa nhìn thấy cái giường là bà nằm xoài ra, hết biết gì nữa, cho đến sẩm tối.

***

“Ba đi đâu hả tụi bay?”
Bà Tâm hỏi mấy đứa con đang lẩn quẩn xung quanh giường.
Mỹ Phụng trả lời:
“Ba nói ba đi mua đồ tất niên cho sở. Con lấy cháo má ăn nhá.”
Bà Tâm thấy bớt nhức đầu và cảm thấy đói. Gần một ngày trời không ăn, không uống còn gì. Từ lúc về, bà thiếp đi và ngủ luôn một giấc. Hay là nhờ giấc ngủ mà khoẻ lại chăng? Bụng đói muốn ăn cái gì nhưng sực nhớ đến chồng, bà lại thấy có cục gì bằng hòn bi vận lên chận ngay cổ.

Từ mấy tháng nay, ông Tâm đi sớm về trễ luôn luôn, đi cả thứ bảy, chủ nhật. Lúc ông nói phải làm thêm giờ vì nhu cầu công vụ gia tăng, khi ông đến chơi với mấy người bạn tâm giao uống trà, đánh cờ, chuyện phiếm không dứt. Có đêm ông về đến nhà trên 12 giờ, bữa cơm chiều cũng bỏ. Bà tra vấn thì ông nói mải vui với bạn hoặc trong sở có chiếu phim mới cho nhân viên coi, loại phim chiến trường các rạp ngoài không có, nên về trễ. Bà hỏi chiếu phim vậy sao không mời gia đình nhân viên như trước đây vẫn làm thì ông bảo phòng ốc lấy làm văn phòng hết, còn cái phòng chiếu phim đâu mà mời với gọi. Chỉ nhân viên Tổng Nha Ngân Khố cũng chật ních rồi. Bà bắt ông cởi quần áo để bà ngửi từ đầu đến chân xem có mùi son phấn, nước hoa đàn bà không? Nếu có thì ông cứ chạy đàng trời. Nhưng may mắn, mấy lần “khám tổng quát” như thế, bà không tìm được dấu vết gì.

Không tìm được, bà càng tức vì bà có linh cảm chắc chắn ông có bồ. Cứ suy từ cái vụ “ăn nằm” là biết. Dạo này ông lơ là và chiếu lệ lắm, lần nào cũng than mệt vì công việc sở quá nhiều. Chả bù cho hồi mới cưới và ngay cả sau khi sinh sáu đứa con, ông cứ hùng hục, chả bao giờ kêu mệt làm bà hạnh phúc quá. Vậy ông có bồ phải là tám, chín chục phần trăm rồi.

Cách đây ba tuần, bà được “mật báo” ông đang chở “con đó” trên xe Vespa du dương ở Chợ lớn Mới. Bà bảo Mỹ Phụng chở bà tới khu vực rồi cho xe đi vòng vòng theo như lời người cho tin. Sau nửa tiếng đi khắp đường ngang ngõ dọc, chợt bà nhìn thấy một cái xe Vespa sơn xanh y như mầu xe của ông ở đàng xa, người lái trông cũng giống ông lắm và một con đàn bà còn trẻ, ăn mặc đẹp ngồi quay ngang ôm eo ếch người lái. Bà bảo Mỹ Phụng vọt lên bám đuôi chiếc xe tình nghi sát nút nhưng mới đi được một quãng thì mất dấu làm bà tiếc hùi hụi. Phải hôm ấy bà bắt được gian phu, dâm phụ thì bà xé xác chúng ra ngay rồi muốn ra sao thì ra. “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” như chị Vui, bạn của bà và là người cho tin vẫn nói, không thì tức, không ăn không ngủ gì được, có ngày ho lao mà chết.
“Má dậy ăn miếng cháo đi má!”

Mỹ Phụng giục giã đến lần thứ ba, thứ tư. Phụng biết má nhắc đến ba là má lại cảm thấy hết đói. Nhưng còn khách khứa buổi tối? Không ngồi tiếp khách coi kì chết. Vả lại, cứ ghen lên bỏ ăn rồi một ngày nào đó đâm bệnh ra, lại khổ lũ con.
Bà Tâm ngồi dậy tựa lưng vào thành giường. Bà nhìn Mỹ Phụng đã trổ mã, eo co đâu ra đó, ngực nổi cộm. Bà lại nhìn mấy đứa con: thằng Uẩn, thằng Tí, con Hà, con Hằng đang học bài và tô mầu ở bàn học mà ruột thắt lại. Bà lại nghĩ đến tình địch. “Nó phải trẻ đẹp lắm nó mới làm cho ổng mê mệt như vậy được!” “Má ăn ở đây hay má ra bàn hả má?”

Mỹ Phụng hỏi đến lần không biết thứ bao nhiêu. Đầu óc bà Tâm hình như loạn lên tim đập thình thịch làm bà sắp khùng. Chẳng vậy dạo này, bà nhớ nhớ, quên quên chẳng đâu vào đâu. Chợt nghĩ ra con đã giục nhiều lần:
“Thôi để má ra bàn kẻo cháo đổ ra giường thì khổ.”

Bà Tâm cố gượng đút mấy muỗng cháo vào miệng, cái cảm giác gây gây, ớn ớn lúc ngồi trên xe xích lô máy vẫn còn, mặc dù đã bớt nhiều. Miệng nhạt nhách, muỗng cháo đầu vừa vào miệng bà đã muốn nôn ra ngay nhưng bà phải cố kìm lại nuốt đi và tự nhủ:
“Không ăn sẽ bệnh. Bệnh sẽ chết. Chết thì chúng nó tha hồ hú hí với nhau.” Và bà ráng ăn hết tô cháo Mỹ Phụng đã chặt sườn heo nấu, có tiêu, hành, ngò, nước mắm thơm tưng thơm lừng. Bà phải cố giữ sức khoẻ cho những ngày đầu năm kẻo bệnh ra sẽ bệnh cả năm. Hi vọng qua năm mới, với cặp dưa bổ ra đỏ tươi, ấy là cái hạn của gia đình bà cũng hết: ông chồng bà nghĩ lại để về với gia đình, gia đình lại vui vẻ như xưa!

Tối hôm đó, khoảng sáu rưỡi, ông Tâm mới về đến nhà. Bà Tâm và mấy đứa con đang lau chùi quét dọn nhà cửa để đón vợ chồng ông Bảo và Quân, vị hôn phu của Mỹ Phụng. Bà thấy mặt ông thì giận, không hỏi han gì. Nhân mấy đứa con đi giặt khăn, ông xáp đến chỗ bà vòng tay ôm ngang eo:
“Em để các con chúng làm cho. Ngồi nghỉ kẻo mệt.”
Bà Tâm hất tay ông ra, không nói không rằng, mặt chầm dầm một đống.
“Ủa, anh làm gì mà em giận anh?”
“Ông đi với con nào? Ông nói thiệt đi!”
“Con nào, làm chết cha chết mẹ, việc ngập đầu ngập cổ, ở đấy đi với con nào. Chỉ ghen bậy ghen bạ, ghen bóng ghen gió thôi.”

Bà Tâm nghe chồng nói mạnh miệng vậy thì cũng mát bụng, bà mong chỉ là ghen bậy và lầm lẫn.
“Thế ông chở con nào mặc áo sơ-mi hoa, cái quần jeans cách đây mấy tuần ở đường Khổng tử?”
Quả thật, bà Tâm nhìn đúng. Ông Tâm chở Kim Anh trên xe Vespa chiều hôm đó vì hai người muốn đi mua vải may áo cho Kim Anh diện Tết rồi đi ăn tối. Các tửu lầu ở Chợ lớn vừa có đồ ăn ngon, vừa có những phòng riêng kín đáo cho những cặp tình nhân không muốn ai nhòm ngó. Quanh khu vũ trường Arc-en-ciel, tửu lầu Đồng Khánh, tửu lầu Soái kinh Lâm, không thiếu gì. Ông Tâm và Kim Anh đã nhẵn mặt các nơi đó, cả những khách sạn ở đường Hải thượng Lãn ông và Cao bá Quát.
“Trời đất, cứ nhìn người nào hơi giống giống rồi cũng bảo là anh. Có thiếu gì người chở vợ con người ta đi chơi?”
“Không đâu, tôi trông đúng anh với con kia, nhưng tôi mất dấu. Hai người chui vào cái hẻm nào đó. Tôi mà bắt được hôm đó là tôi xé xác nó ra. Còn anh thì tôi tới sở tố cáo với cấp trên của anh cho anh mất việc.”
“Trời đất! Em có khùng không? Anh mất việc thì ai đi làm nuôi con, nuôi em?”
“Kệ ông! Tôi bực lên tôi đổ bà nó đi hết. Rồi tôi uống một liều thuốc chuột là xong. Để ông sống mà hú hí với nó.”

Ông Tâm quay mặt ra phía ngoài rồi ngồi vào chiếc ghế sa-lông:
“Có gì đâu mà cứ nói như thiệt. Anh rõ chán em.”
“Phải rồi. Bây giờ tôi già, tôi xấu, ông chán tôi, ông đi mê mấy con nhỏ tuổi trẻ trung hơn tôi. Nó cứ đẻ sáu đứa con cho ông như tôi, liệu nó còn trẻ đẹp không?”
“Thôi, khách khứa sắp đến, ngồi đó mà trả treo, tiếng bấc tiếng chì. Nước nôi bánh trái không kịp bây giờ...”

Để bà hết đối tượng lải nhải, ông Tâm đứng lên làm vài công việc. Ông đổ tàn thuốc và lau chùi cái gạt tàn, xích lại cho ngay ngắn đôi bình bông, bỏ bộ đồ trà xuống bếp cho mấy đứa con rửa...Chúng nghe ba má sắp có chuyện với nhau nên lủi cả xuống bếp.
Khoảng tám giờ tối, bên nhà trai tới. Họ muốn nhân dịp Tết sang thăm xã giao ông bà Tâm và nhân tiện nói chuyện nhân duyên của Quân và Mỹ Phụng. Để đãi đằng, thay vì tiệc mặn, ông Tâm bảo vợ chỉ làm tiệc trà vì ngày Tết gia đình nào cũng bận rộn, bày vẽ ra không sao lo kịp, nhất là bên thông gia thay đổi chương trình đột ngột quá. Thực ra, ông Tâm có còn tâm trí đâu ngồi thù tiếp khách khứa. Kim Anh đang mong ông từng giờ từng phút để đi chợ Tết sắm sửa kẻo chỉ còn một tuần.

Quà bánh từ bên nhà trai đưa sang nhiều quá. Một cây mai cao gần thuớc tây, cái chậu rất đẹp, những nụ là nụ đậu kín lấy những nhánh lưa thưa mới nhú mấy cái búp xanh xanh ở đầu. Khoảng tuần nữa hoa mới nở, vào đúng Giao thừa là tuyệt. Lại còn hai đòn bánh tét, hai hộp mứt thập cẩm, hai chục nem chua Thủ Đức và hai cây chả lụa Chánh Hưng nổi tiếng. Ít nhất mớ quà bánh cũng làm bà Tâm tạm quên cái chuyện phiền não được mấy tiếng đồng hồ vì bà cùng ông chồng ngồi tiếp sui gia và mấy người bên họ nhà trai rất vui vẻ, cởi mở. Bà gọi Mỹ Phụng mang nước ngọt, trà, bánh ngọt và một khay thạch chè bà mới nấu hồi chiều ra đãi khách.

***

Người ta nói những người đi đánh ghen mướn còn đáng sợ hơn chính những khổ chủ nạn nhân cũng là điều không ngoa.
Bà Vui, láng giềng của bà Tâm, một người cũng sồn sồn cỡ tuổi bà Tâm, trước kia không thân thiết với bà Tâm bao nhiêu mặc dù hàng ngày trông thấy nhau vì cùng cư ngụ trong hẻm Lý thái Tổ. Đôi khi gặp nhau ở chợ Nguyễn tri Phương, khi hai bà cùng xách giỏ đi mua đồ ăn thì bà này chỉ gật đầu chào bà kia và hỏi thăm qua loa vài câu xã giao rồi ai đi đường nấy.

Nhưng từ cái hôm bà Vui bắt gặp ông Tâm đi sóng đôi với một người con gái chỉ lớn hơn Mỹ Phụng dăm sáu tuổi, hai người coi bộ rất tình tứ, thân mật thì bà Vui trở thành bạn thiết của bà Tâm ngay. Bà Vui đón đường bà Tâm đi chợ sáng hôm sau và chèo kéo bà Tâm vào nhà chơi cho bằng được.
“Hôm nay đi chợ sớm thế bà?” Bà Vui tươi cười đon đả.
“Sớm đâu bà. Cũng gần 10 giờ rồi. Về nhà cơm nước xong cũng hơn 12 giờ trưa.”
Bà Vui ra vẻ bí mật:
“Tôi có chuyện này hay lắm. Bà vào nhà tôi kể cho nghe.”
Bà Tâm ngẫm nghĩ một chút. Xưa nay bà với bà Vui chẳng có chuyện gì để nói, sao hôm nay có chuyện là làm sao? Bà Tâm còn ngần ngừ, cái giỏ đu đưa ở tay.
“Chuyện gì đây bà?”
“Thì cứ vào đây một chút xíu đã, mất vốn mất lãi gì.” Nể lời người bạn lối xóm, bà Tâm theo chân bà Vui vào nhà. Trẻ con đi học hết, người lớn đi làm, chỉ có mình bà Vui ở nhà.
“Bà ngồi xuống đây. Để tôi lấy nước trà nóng bà uống cho ấm bụng.”
“Cảm ơn bà. tôi không khát. Có điều gì bà nói ngay đi để tôi còn đi chợ kẻo trưa rồi.”
Bà Vui nhỏ giọng gần như thầm thì, mặc dù không có người thứ ba ở trong nhà.
“Hôm thứ bảy vừa rồi, trên đường Lê Lợi, tôi thấy ông nhà bà đi với một cô con gái còn trẻ đẹp, ăn diện sang lắm. Ông bà có em, có cháu gì người như vậy, như vậy...không?”

Vừa nghe được câu đầu, mặt mày bà Tâm đã tái xanh tái xám, bà đưa tay lên đỡ lấy ngực vì bà cảm thấy ngực nặng quá, hơi thở như muốn đứt quãng. Mặc dầu vậy, bà muốn biết tình địch của bà mặt ngang mũi dọc ra sao mà nó phá gia cang nhà bà.
“Con đó người ngợm nó ra làm sao, hả bà?”
Bà Vui chậm rãi kể lại từng chi tiết, những gì mắt thấy tai nghe về con nhỏ đã dung dăng dung dẻ hôm đó với ông Tâm, rồi bà kết luận:
“Con nhỏ này có dáng nữ sinh hay sinh viên, mặt mày khá xinh. Thứ đó đàn ông nào không mê, kể cả ông chồng tôi. Tôi với bà là lối xóm, bán chị em xa mua láng giềng gần, lại thấy bà hiền lành tử tế nên tôi thương tình mách cho bà vì cùng bạn gái với nhau cả. Bà về nói tên tôi ra cho ông ấy chửi tôi rồi ông chồng tôi rầy la tôi là tôi không chơi với bà nữa. Có tin tức gì khác tôi cũng mặc bà.”
Bà Tâm cuống quít:
“Không đâu. Đời nào tôi lại khai bà ra. Tôi chưa đến nỗi ngu thế. Tôi cứ bảo là có người nhìn thấy. Bà nhớ có tin tức gì thêm về ông chồng tôi với con đó thì bà cho tôi hay ngay nhé.”
“Nếu bà hứa như thế thì tôi sẽ giúp bà. Thôi để tôi khóa cửa đi chợ với bà luôn cho vui.”
Kể từ bữa đó bà Tâm không cần mướn thám tử mà như có thám tử bí mật đi điều tra cho bà. Được cái bà Vui biết chạy xe Honda, cứ chiều chiều khi đứa con tan học, bà lấy xe nó chạy đến những nơi mà bà đoán chồng bà Tâm với con nhỏ kia hay lui tới. Thỉnh thoảng bà chở bà Tâm ở yên sau để đi lùng đứa con gái to gan và anh đàn ông hảo ngọt, nhưng đôi kia hình như biết có động nên di chuyển đi “làm ăn” ở những vùng khác. Hai người đàn bà rình mò hoài không kết quả tức cành hông.
Cho đến sáng hôm đó đã là ngày 30 Tết.

Chợ búa, đường xá tấp nập toàn thấy xe là xe, người là người. Nhà nhà đều đã có không khí Tết với bàn thờ Tổ tiên được bày biện, trang hoàng đẹp đẽ. Có cành mai, cành đào, hương nến, ngũ quả, bánh chưng, bánh tét và những bao lì xì bằng giấy hồng điều cho trẻ con.
Khoảng 10 giờ, lúc bà Tâm đang vớt mấy đòn bánh tét từ trong nồi ra thì bà Vui hớt hơ hớt hải xồng xộc chạy vào bếp lối cửa sau như giặc đuổi. Nhìn thấy bà bạn, bà Tâm đoán ngay ắt phải có tin sốt dẻo. Bà ngưng tay vớt bánh để đón bạn. Bà Vui vừa thở hổn hển vừa nói:
“Đi ngay! Đi ngay thôi, không thì không kịp...” Rồi bà cảm động và mệt quá, giọng nghẹn lại không nói được nữa.
“Mà đi đâu chứ bà?” Bà Tâm rối rít.
Bà Vui vẫn tắc tị chưa nói được. Bà trợn trừng nhìn bà Tâm rồi lấy hai tay vuốt xuôi từ cổ xuống ngực, từ ngực xuống bụng. Những “cục ghen” trước đây vẫn thường đưa lên đút nút lấy cổ bà làm bà muốn tắt thở khi ba con Thùy, ông chồng bà, cách đây hai năm đi mê một cô thợ uốn tóc ở tiệm Sàigòn Hoa Lệ, khu Lăng Cha Cả, Tân sơn Nhất bây giờ làm như lại vận lên. Chao ôi! Nghĩ lại còn rùng mình. Bà gần chết mới lôi được ông chồng ra khỏi cái mê hồn trận đó. Mà chỉ có mình bà. Bây giờ bà Tâm có bạn là may mắn lắm rồi. Bà quyết giúp bà Tâm “dứt điểm” cái con kia cho hai đứa thân tàn ma dại thì mới hả. Giọng bà đã bớt mệt:
“Bà bỏ các thứ bánh trái đó, thay quần áo, tôi chở đi gấp. Nông nỗi này ở đó mà ăn Tết, ăn tư. Hai đứa đó trưa nay sẽ đi chợ mua sắm.”
“Chợ nào hả bà?”
“Chợ Tân Định. Thôi mau mau lên không hỏng hết.”

Bà Tâm run quá, lẩy bẩy cả chân tay. Chưa chạm mặt với tình địch mà đã tái xanh tái tử. Bà mong có tin để đi đánh ghen nhưng bây giờ đến việc, bà lại thấy ngán. Bà muốn có người đánh ghen dùm bà vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bà chưa đi đánh ghen bao giờ. Khi cả hai đã ở trên chiếc Honda Dame, vừa lái bon bon, bà Vui vừa dặn dò bà Tâm:
“Hễ thấy nó thì cứ túm lấy xé ngược quần áo nó ra cho nó trần truồng và xầu hổ nhé!”
Bà Tâm yếu xìu:
“Tôi chưa từng xé quần áo người ta bao giờ.”
Bà Vui hăng tiết:
“Xời ơi! Xé quần áo ai mà không biết? Cứ nắm, cứ giật, cứ xé toạc ra thôi.”
“Hay là...hay là...Bà xông vào xé với tôi nhé..” Bà Tâm muốn có bà Vui phụ hết sức.
“Hổng được đâu. Tôi là lối xóm, làm như thế còn mặt mũi nào nhìn ông chồng bà nữa. Mà ông chồng tôi ổng rầy la tôi. Đàn ông họ bênh nhau chằm chằm.”
“Thế lúc đó bà đứng ở đâu?”
Bà Vui ngẫm nghĩ một tí:
“Để tôi liệu. Tôi không muốn chường cái mặt ra, bà hiểu không? Tôi sẽ đứng ở một góc...hỗ trợ tinh thần cho bà.”
“Đứng trong góc thì chán chết. Phải chi bà đánh xé con đó với tôi.”
“Thôi, tới chợ rồi. Chuẩn bị tinh thần mà hành động cho ngon nhé. Không dễ có cơ hội bằng vàng này đâu.”
“Nhưng tôi có biết mặt con đĩ ngựa đó đâu?”
“Bà khờ lắm. Để tôi chỉ cho bà.”

Chợ đông quá. Hàng quán ngồi tràn cả ra đường Hai Bà Trưng, tuy nhiên chẳng có bóng dáng một ông Cảnh Sát. Có lẽ lúc đó vào đúng phiên đổi gác nên Cảnh Sát lên phiên chưa kịp.
Bà Vui đi gửi xe rồi dẫn bà Tâm đến đứng nấp sau một dẫy lều bán bánh, mứt và pháo.
Đứng nguyên một chỗ cũng ngượng vì bạn hàng cứ nhìn chằm chằm vào mặt; có lẽ họ nghi ngờ hai bà này thừa cơ ăn cắp chăng nên hai bà không dám đứng yên mà phải đi đi lại lại, thay đổi chỗ đứng. Bà Tâm và bà Vui tới chợ Tân Định từ lúc gần 11 giờ mà đợi cho tới hơn 12 giờ vẫn không thấy bóng dáng ông Tâm và cô bồ nhí đâu.

Bà Tâm đã thấy nản, đề nghị bà Vui đi về nhưng bà Vui không chịu, nói hãy chờ thêm nửa giờ nữa. Khoảng hơn 12 rưỡi, bỗng cả hai người đàn bà cùng nhìn thấy ông Tâm và một người con gái khoảng 25-26 tuổi vừa đi vừa chuyện trò, từ phía nhà thờ Tân Định đi lại, cũng còn cách chợ vài trăm mét. Hai người mặt tươi hơn hớn, tay nắm tay, mắt liếc mắt, tình tứ không thể tả. Nhất là người con gái, gần như cô nhảy chân sáo và nói luôn miệng. Giầy đen cao gót, quần jeans, áo mút-sơ-lin hoa tím căng tròn bộ ngực trên tấm eo thon thả, mặt khá xinh, đeo bông tai, đeo nhẫn lấp lánh, tay xách một cái ví da nhỏ mầu đen. Bà Vui hồi hộp nắm lấy bàn tay bà Tâm, bàn tay bà Tâm run run và lạnh ngắt như người bị bệnh nặng. Trống ngực bà đánh thình thình hơn trống làng.
“Đó, nó đó! Cậu mợ đi sắm Tết hẳn. Diện sang chưa! Thảo nào ông ấy mê lăn mê lóc!” Giọng bà Vui lạc đi.
Bà Tâm nhỏ giọng vì sợ bạn hàng ngồi xung quanh tò mò hỏng hết việc:
“Bây giờ bà bảo tôi phải làm sao?”
“Thì tôi đã nói rồi. Xông ra, tru tréo lên, xé tan quần áo nó ra cho nó xấu chứ còn sao nữa. Giờ này mà bà còn hỏi!”
“Bà có phụ tôi một tay không?”
“Xời ơi! Tôi nói lâu rồi. Tôi phụ bà để ông ấy giết sống tôi đi à?”

Nói xong, bà Vui đẩy bà Tâm ra khỏi chỗ núp. Bà Tâm ló đầu ra khỏi chỗ bán pháo nhưng ông Tâm không trông thấy. Cặp nhân tình không hay biết gì hết, cứ nhởn nhơ bước tới. Khi ông Tâm và cô bồ chỉ còn cách một khoảng mươi lăm bước, như một vị đại tướng đã mai phục sẵn chờ địch quân, bà Tâm lấy hết can đảm xông ra quát lớn:
“À, cái con đĩ ngựa này con cái nhà ai mà dám giựt chồng bà? Mày có ba đầu sáu tay cũng không thoát tay bà đâu.”

Vừa quát bà Tâm vừa nhào lại chồm lên người tình địch nhưng ngay lúc đó cô này đã hiểu ra, cô đang bị bà vợ lớn ông Tâm đánh ghen. Cô thấy bà Tâm quá hung hăng nên đề phòng cẩn thận, khi bà Tâm chồm vào người cô với mười đầu ngón tay nhọn hoắt, cô đã lẹ làng né người sang một bên làm bà Tâm chộp hụt, mất đà, lảo đảo muốn té. Người xung quanh đứng cười ồ. Nhưng bà Tâm đâu chịu thua, bà lại chụp cái thứ hai. Cái này không hụt, bà chụp đúng ông chồng vì ông Tâm đã lấy người ra che chắn cho cô bồ.
Bà Tâm thấy chồng kì đà cản mũi, đỡ đòn cho cô bồ thì bà lộn tiết, bà xoắn lấy ông ghì chiếc áo sơ-mi làm đứt bung hết hàng cúc. Bà dùng cả hai tay cào cấu vào mặt, vào người ông thay vì vào mặt tình địch. Cô này đã nhanh chân lủi mất sau cái chụp hụt đầu tiên của bà Tâm. Vừa phần xổng con mồi, vừa phần giận ông chồng, bà Tâm rú lên dữ tợn, giọng the thé pha lẫn những tiếng “ặc ặc” trong cổ họng như con heo bị thọc tiết.
“Trời ơi! Ông bỏ mẹ con tôi ông đi lấy con đĩ. Ông ăn ở như thế thì có còn trời đất nào không hở ông Tâm ơi?”
“Về nhà nói chuyện. Em đừng có tru tréo ở đây người ta cười. Đi ra xe, anh chở em về!”
Ông Tâm quàng vai lôi bà vợ đi nhưng bà ta cưỡng lại:
“Tôi không về đâu hết. Đấy, bẩy mẹ con tôi ra khỏi nhà để ông rước con đĩ về ông hú hí. Trời đất ơi! Thế có khổ thân tôi không!” Bà Tâm đứng khóc bù lu bù loa.

Người bu lại vòng trong vòng ngoài. Có những người đang bán hàng ở phía trong chợ, nghe tiếng rú của bà Tâm, bỏ hàng bỏ quán chạy ra coi cho thỏa tính hiếu kì, quên khuấy mấy đứa trẻ quen đi rảo xung quanh chợ chôm chĩa.
“Nào có ra xe tôi đưa về không?” Ông Tâm hỏi đến lần thứ hai.
“Không, tôi không về. Khi nào ông hứa với tôi ông bỏ con đĩ đó thì tôi mới về. Ông hứa đi, có bà con ở đây làm chứng cho tôi.”
Ông Tâm thấy nóng mặt vì bà vợ ương ngạnh. Ông mắc cở với những người đứng coi càng lúc càng đông, bàn tán ồn ào. Chẳng nói chẳng rằng, ông mím môi bế bổng bà vợ lên tay và kiếm lối đi ra phía đường. Đám đông tự động mở lối vì họ thấy ông dữ tợn quá. Hai bên cằm ông bạnh ra, gân trên mặt nổi lên như chiếc bút chì, đôi mắt đỏ long lên sòng sọc, ông ôm gọn bà vợ trong lúc bà ta giẫy dụa, la hét, cào cấu trên vai, trên cổ, trên mặt ông nhưng ông cố chịu đau. Một bác tài xế xích lô máy đang hếch mắt nhìn hoạt cảnh hấp dẫn tủm tỉm cười, để máy nổ “ga-răng-ti”. Ông Tâm nhìn thấy chiếc xích lô máy không có khách, mắt ông sáng lên, ông ném bà vợ lên tấm đệm và móc túi lấy một xấp bạc dúi cho ông tài xế xích-lô, nói như ra lệnh:
“Về hẻm Lý thái Tổ! Đi ngay dùm tôi đi!”

Chiếc xích lô rồ ga, sang số, lao ra giữa đuờng, chạy như ma đuổi trong khi bà Tâm kêu la thảm thiết, van lạy ông tài xế xin xuống. Nhưng đời nào ông ta chịu. Mớ bạc coi cũng bộn. Hẻm Lý thái Tổ thôi!
Bà Tâm giẫy dụa kêu khóc đã rồi bỗng mửa thốc mửa tháo ra đệm xe, ra cả người bà. Gió tạt những gì bà Tâm nôn ra về phía sau như sương khiến bác tài xế rên lên:
“Trời đất quỉ thần ơi! Bà hại tôi rồi!”
Bà Tâm vừa ăn no sáng nay trước khi đi đánh ghen. Bánh ít nhân tôm thịt, sườn heo kho nước dừa...có gì ngon sáng nay ăn thì bây giờ cứ thế nó thi nhau ộc ra hết. Có bà bạn quí, bà Vui, thì đã lủi đâu mất từ lúc vừa xung trận. Phải chi bà ta báo sớm để bà đừng ăn sáng, có phải bác xích lô đỡ vất vả không!

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 25/Jan/2018 lúc 12:46pm
Tình nghĩa bên dòng kênh


Lấy cây Sào chống chiếc Ghe tách bến xuôi về con kinh phía ngã ba sông cái ,cha con ông Sáu trong bụng thật vui bởi chuyến ghe từ chợ Quận lần này ông đã cất đủ các loại hàng hóa mà bà con trong ấp dặn dò để chuẩn bị cho cái tết Nguyên Đán, nhẫm tính trong đầu nếu chuyến hàng cuối năm này mà gom hết tiền đã bán chịu cho bà con trong năm thì tết này gia đình ông Sáu có điều kiện sắm sửa ba ngày tết thật tươm tất , ông sáu vừa chèo Ghe vừa gọi con Thắm con gái của ông đang ngồi sắp xếp đồ đạc trong khoang :

-Thắm ơi ! Con xem lại cái sổ mua chịu của bà con coi họ còn thiếu mình bi nhiêu, con áng chừng được rồi để tía liệu bề với má mầy lo cái tết này coi .

Đang dời mấy khạp tương hột , mấy can đựng dầu hôi gọn vào một chổ để có lối đi lại trong lòng ghe ,Thắm nghe tía biểu lo tính tiền nợ nần của bà con nên Thắm đáp vội :

- Dạ con nghe rồi Tía ơi ! Để dọn cho gọn đồ đạc xong con sẽ cộng sổ liền , chu cha hổng biết mấy cô bác có trả hết cho mình hôn tía , mà con thấy nhiều nhà tội ghê đi , họ nghèo quá lấy tiền đâu mà trả .

- Tía biết rồi , cũng như mọi năm thôi vì năm hết tết đến ai cũng lo cho xong ba cái nợ nần , họ chạy đủ chổ để trả cho mình , nếu nhà nào đơn chiếc không có khả năng trả thì tía cũng cho họ thôi , thậm chí Tía còn cho quà Tết cho họ nữa đó con .

Nghe Tía mình thổ lộ cách đối nhân xử thế có tình có lý như vậy , đồng tình với ông Sáu Thắm cười dòn rồi nói :

- Tía con Number one nha .

- Cha mầy , hôm nay còn bày đặt tỉếng tây tiếng U với tía nữa hả , phải vậy thôi cô ơi , hổng lẽ mình biết bà con khó khăn mà mình ép họ vô đường cùng .

Gia đình ông Sáu là dân cố cựu ở cái ấp này , ngày ông còn chập chững bước đi thì ông được ông Nội và Tía cho đi theo chiếc Ghe để xuôi ngược miền sông nước rồi , nghề buôn bán hàng xén và hàng tạp hóa trên ghe xuồng rất cực nhưng với nhà ông Sáu nó lại là cái niềm vui không dễ gì bỏ được , vì đi đây đi đó ấp trên xóm dưới , giao thiệp đủ tất cả loại người , sang có , hèn có , thậm chí cả những người không bình thường lúc tỉnh lúc mê,nhưng dù họ là ai đi chăng nữa thì hai bên mua bán thật thà không cân gian bán lận, lấy cái tình mà cư xử lẫn nhau , có lúc chủ nhân của những căn nhà lá nhỏ nhoi nằm cạnh bờ con rạch khuất sau rạng dừa nước họ đứng trên bờ kêu í ới để mua hàng , khi ghe của ông Sáu tấp vào họ chỉ mua một ít muối , gạo .v.v... Khi trả tiền xong có người cho ông Nãi chuối , trái bình bát , bần chua , tuy giá trị về vật chất không nhiều nhưng khi nhận được nhũng món quà này ông Sáu rất vui trong bụng , bởi :

" Của cho không bằng cách cho " được bà con nơi đây thực hiện đúng theo câu tục ngữ này .

Bán hàng trên ghe không cần phải trương bảng hiệu hoặc quảng cáo chi hết, bà con thương hồ lấy ghe xuồng làm nhà , nên Ghe của họ bán món gì thì cứ treo lũng lẵng trên cây tre dựng đứng trên ghe xuồng , nhờ vậy chỉ cần nhìn từ đàng xa thôi thì những người trên bờ biết được ghe kia , xuồng nọ bán hàng gì thì réo lên cho họ tấp vô , mua hàng hoá xong thì có khi bên mua không phải trả bằng tiền , có lúc trả bằng cặp gà , con Vịt , có lúc khoai , lúa dùng để làm phương tiện thanh toán cho nhau , không bên nào câu nệ nhất quyết mua hàng phải trả bằng tiền mặt bao giờ , bán buôn như vậy đó mà chẳng bao giờ nghe họ cãi vã nhau , chẳng bằng các cuộc mua bán nơi phố thị chỉ cần hơn thua chút ít trong buôn bán thì cũng đủ để sanh chuyện rồi . nhẹ thì thoá mạ nhau , nặng một chút thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay , vô tình thấy những cảnh này thì buồn biết bao cho cái tình người nơi phố thị .

* * *
Thu hết tiền hàng , nợ nần trong năm được bà con trả hết , duy nhất có gia đình chú Sáu Mành nhà nằm cuối con kênh do hoàn cảnh quá chật vật nên chú Sáu Mành đành xin lùi ngày trả nợ , dẫu biết rằng mắc nợ hai năm là điều tối kỵ trong cuộc sống , nhưng vì hoàn cảnh thắt ngặc quá sức nên chú đành phải xin với ông Sáu cho ra giêng tháng rộng ngày dài chú cố gắng đi làm công cho các chủ ruộng rộng lớn phía bên kia bờ kênh để trả hết món nợ cho ông Sáu .

Thấy hoàn cảnh của chú Sáu quá túng thiếu khi xuân về tết đến , ông Sáu làm đúng theo lời đã nói với Thắm , ông xóa hết nợ nần cho chú Sáu , ông còn Tặng chú Sáu một ít lạp xưởng , bánh trái nhằm để chú Sáu còn thấy được bóng dáng nàng Xuân thấp thoáng nơi mái lá tồi tàn của mình .

Trên đường Lui ghe về nhà sau chuyến đi mệt nhọc , Thắm ngồi trong khoang kiểm lại tiền bạc , còn ông Sáu thôi không chèo ghe nữa , ông gát cái máy đuôi tôm lên , ông nỗ máy chạy phăng phăng trên mặt nước , gió hai bên bờ kinh thổi thốc vào mát cả người , vừa cầm cần lái vừa nhâm nhi chút rượu cho ấm lòng khi chiều đang dần buôn xuống , ghe chạy ngang những đám dừa nước ven bờ tạo những đợt sóng thi nhau đánh vào bờ , tiếng máy đuôi tôm vang lên khiến bầy cò,bầy diệt đang đậu trên ngọn mấy cây bần hốt hoảng bay lên và cất tiếng kêu oăn oắc hình như chúng đang bực bội khi bị quấy rầy khi đang chuẩn bị qua đêm ở cái tổ trên cây .

Đang lướt êm trên mặt nước , ghe của ông Sáu chuẩn bị ra đến ngã ba sông cái , vậy là còn không bao lâu nữa hai cha con ông Sáu sẽ được đoàn tụ với gia đình sau chuyến đi buôn bán dài ngày , ông Sáu khoan khoái ngước nhìn bầu trời trong sáng với những dãy Ráng chiều vàng rực phía đàng tây , đang thả hồn về với ngày tết của những năm trước đây , rồi mĩm cười một mình với cái tết sắp đến , chợt từ phía Ngã ba sông , một chiếc Ho bo đang bay hết tốc độ lướt trên mặt nước , nó lao nhanh như một mũi tên đang hướng về ghe hai cha con ông Sáu, nghe tiếng kêu như xé gió của chiếc Ho bo , con Thắm nhoài người ra khỏi khoang thấy tình thế nguy kịch có thể sẽ bị chiếc Ho Bo điên khùng nọ đụng phải, Thắm la lên :

-Tía .. Tía ,coi chừng đó tía ơi ! 

Ông Sáu hốt hoảng khi nghe con gái báo động cho mình , ông bẻ vội bánh lái chiếc ghe để tránh chiếc ho Bo nọ , chiếc Ho Bo khi quẹo vào Kênh nó cũng không ngờ có ghe ông Sáu đang trờ tới , tên cầm lái Ho Bo cũng hốt hoảng bẻ lái sang hướng khác , có lẽ do quy ước với nhau như thế nào đó , nên khi đối mặt nhau thì mỗi tài công phải rẽ theo hướng bắt buộc để tránh va chạm , chiếc ghe và Ho bo không đụng nhau nhưng rốt cuộc cả hai lũi vào bờ thật mạnh khiến cả hai đều bị chìm xuống dòng kênh .

- Chết rồi tía ơi !

- Thắm ơi con ở đâu ?

Cũng may phước khi chiếc ghe chìm hẳn thì hai cha con Ông Sáu cũng đang nổi lên đang bì bỏm dưới nước , còn đám thanh niên đi Ho bo trước khi đâm vào bờ bọn họ mạnh ai nấy phóng thẳng xuống kinh , thấy Ghe ông Sáu chìm dần họ kêu nhau :

- Chết bà rồi tụi bây ơi , ghe họ chìm rồi hổng biết người trên ghe có sao không nữa , lên bờ dọt gấp bây ơi .

Cả đám bơi vô bờ rồi lũi nhanh lên đường đê và biến mất hút sau hàng cây so đủa , bà con sống dọc hai bên bờ kinh nghe tiếng động mạnh dưới kinh họ biết chuyện chẳng lành , thanh niên trai tráng cùng mọi người chạy ra xem , khi thấy ông Sáu và con Thắm đang lốp ngốp dưới nước , tức thì vài ba thanh niên phóng vội xuống nước , miệng thì la lên :

- Trời bác Sáu với em Thắm kìa , ra vớt gấp tụi bây ơi .

Khi ông Sáu và Thắm được dìu lên bờ kinh , hoàn hồn ông Sáu nói :

- Thắm có sao không con , ba cái thằng quỷ đi Ho bo này là đám công tử miệt vườn ở ngoài chợ quận chớ đâu ? Tổ bà nó chắc đám này mới nhậu xong rủ nhau vô đây quậy nè .

Nghe Tía rũa cái đám công tư bột gây ra cảnh dỡ khóc dỡ cười cho mình với tía , Thắm nói :

- Con không sao , hơi bị đau cái giò thôi , còn tía kìa , máu chảy dưới chân đó tía .

Thấy chân ông Sáu bị trầy một vệt dài và rĩ máu , một bà già đứng bên cạnh liền nói :

- Cái này đắp cục thuốc xĩa ăn trầu vô chút xíu là cầm máu liền .

Rồi bà kêu một đứa nhỏ :

-Tèo con , con xẹt vô nhà bà nói cô Út Đẹt con bà nó lấy cho bà cục thuốc xĩa rồi con mang ra cho bà liền , đi lẹ lên con .

-Dạ con đi liền .

Cục thuốc xĩa được bà gìa rịt chặt vào vết thương , ông Sáu nghe đau rát vô cùng khiến ông ngọ ngậy bàn chân , bà già thấy vậy lấy tay vỗ vào bắp vế cái chân đau của ông Sáu rồi bà la lớn :

- Ông Sáu này tướng tá ông bậm trợn như vầy bị vết thương có chút xíu vậy mà cũng sợ đau . Bởi vậy thấy thương mấy chú lính mình lắm nghe , trước đây mấy ổng quánh giặc bị thương hà rầm mà ông nào cũng cắn răng chịu đau không hề la một tiếng , còn ông Sáu này thì ... Ẹ quá .ha ..ha , mới có trầy da chút xíu mà mặt mày nhăn nhó thấy phát ớn .

Chợt nhớ lại từ lúc chìm ghe đến giờ cái keo thủy tinh đựng tiền cũng chìm theo ghe thì lấy tiền đâu sắm tết , Thắm nói với ông Sáu :

- Tía ơi ! Sẳn mấy anh Hai đây cứu mình tía nhờ mấy ảnh lặn xuống ghe mò cái keo đựng tiền đi tía .

Nghe nhắc đến cái keo đựng tiền còn nằm dưới kênh , cái đau nhức ngoài da của ông lúc bấy giờ không ăn thua gì so với cái đau trong lòng , vì đồng tiền đi liền khúc ruột , mà tiền đang ở dưới kinh khác nào ruột rà của bộ đồ lòng của ông đang ngâm nước dưới kinh thì hỏi làm cho ông Sáu khômg bị đau mới là chuyện lạ .

Đang chú ý đến nét đẹp dịu dàng của một bông hoa đồng nội , nghe Thắm nói đến cái keo Đựng tiền chìm dưới nước, hai anh thanh niên đã ra tay vớt hai cha con ông Sáu bèn nói với nhau :

- Ê mầy Tài , vụ này ngộ nghe mậy vì từ nhỏ tới giờ ai cũng đựng tiền trong tủ , trong bóp , hoặc giỏ xách gì đó chứ ai mà đựng tiền trong cái keo , cái keo chỉ đựng bánh kẹo gì thôi chứ ai đi đựng tiền bao giờ .

Anh thanh niên tên Tài đáp lời :

- Thằng Xuân mầy hổng biết đâu , cô Thắm đựng tiền trong cái keo là có ý đó chứ chẳng phải chuyện chơi đâu nghe mậy , đựng tiền trong keo có chìm ghe như vậy thì nó không bị ướt , hoặc nó không bị trôi tiền đi chứ gì ?

Chẳng cần chờ ông Sáu lên tiếng nhờ cậy , thằng Xuân , thằng Tài phóng ùm xuống Kinh , cũng may nơi ghe chìm nước không sâu , nên Hai đứa vùng vẫy , ngoi lên hụp xuống hồi lâu thì thằng Xuân đã khệ nệ hai tay khiêng cái keo đựng tiền đầy nhóc tiền và ....nước trong đó .

Trên bờ bà con vỗ tay hoan hô kịch liệt, khi nhận lại cái keo tiền trên tay của thằng Xuân , con Thắm đỏ bừng má lúc bàn tay nó chạm phải bàn tay thằng Xuân thì con Thắm nghe như một luồng điện chạy nhanh khắp châu thân rồi theo phản ứng tự nhiên nó buông tay ra khỏi keo dựng tiền , phía thằng Xuân cũng vậy lần đầu tiên trong đời nó chạm phải bàn tay của một nàng trinh nữ khiến nó cảm thấy nóng rang cả người , nó mắc cở rồi cũng buông keo đựng tiền ra khỏi tay . Cái keo tiền lúc bấy giờ không còn ai nắm giữ nên nó rơi tự do xuống đất .

- Rẽng .. Rẽng ..rẽng .

Tiếng Thủy tinh chạm đất bể văng tung toé , may mà không ai bị thương tật gì , tiền văng khắp nơi , ác một nổi lúc này lại có cơn gió thổi đến , tiền được dịp bay tứ tung khiến cả đám đông xúm lại lượm tiền Làm náo động cả một vùng quê êm ắng lâu nay .

Ông Sáu thấy tiền mồ hôi nước mắt của gia đình mình bấy lâu kiếm được , vậy mà hôm nay lão thần gió quái ác toan tiếp sức cho thiên hạ xúm lại hôi của của mình , gương mặt ông Sáu và con Thắm nặng nề mệt mõi vô cùng .

Tưởng đâu toàn bộ số tiền sẽ bị mất rất nhiều khi đám đông tranh giành lượm lặt, điều kỳ diệu đã xảy ra khiến ông Sáu không thể tin vào tai vào mắt của mình 

Chính bà già tặng cục thuốc xĩa cùng thằng Xuân với thằng Tài , ba người đứng ra kêu gọi mọi người không nên tham của rơi nên hầu như số tiền hoàn lại cho khổ chủ không xuy xuyển bao nhiêu , với ông Sáu quả thật chuyện này còn đẹp hơn một giấc mơ tốt lành trong cuộc đời , vì có lần ông Sáu đọc được một tin ở Sài gòn có người đàn ông chở tiền trên xe Honda , do sơ suất anh ta làm rơi nhiều cọc tiền trên đường nhựa , vừa dựng chóng xe lên chưa kịp nhặt nhạnh lại số tiền kia thì bị chính những người quanh đấy xúm lại lượm tiền rồi mạnh ai nấy mhét vội tiền vào người và chuồn thật nhanh khỏi chổ ấy , nạn nhân sững sờ ngồi ôm đầu giữa đường , anh ta đau khổ tột cùng vì lối hành xử bất nhân của đám người không có lương tâm kia .

Vậy mà ông Sáu không bị mất tiền hôm ấy thì quả đúng là chuyện cổ tích giửa đời thường , qua việc này ông mới nhận rõ tình người nơi miền sông nước đối đãi với nhau thật là quý ...

Để đền ơn cho ân nhân của mình , ông Sáu gửi cho Tài , Xuân và bà già nọ mỗi người một số tiền với cách nói khéo là tiền lì xì tết , một lần nữa khiến ông Sáu ngạc nhiên lẫn khâm phục với họ vì không ai chịu nhận số tiền trên cho dù nếu họ có nhận đi chăng nữa thì cũng thật xứng đáng đâu thể chê trách .

Thấy không còn cách nào khác , ông bèn lên tiếng mời các ân nhân này đến thăm nhà ông trong những ngày tết sắp đến :

- Thôi tui mời hai chú em với bà chị đây tết ghé nhà tui chơi , để bà vợ tui ở nhà bả biết được ân nhân của cha con tui chứ.

Bà già chưa kịp lên tiếng thì Xuân và Tài mừng như mở cờ trong bụng vì hai anh chàng này có dịp theo cô Thắm về làng rồi .

* * *
Đang ngồi đếm lại đống dừa khô để kịp giao cho thương lái mang lên Sài gòn bán trong những ngày giáp tết , ngước mắt nhìn ra ngỏ bà Sáu thấy hai cha con ông Sáu lù lù xuất hiện , linh tính báo cho bà sáu biết có chuyện chẳng lành , bà đứng phắt lên chạy nhanh ra cổng rồi dồn dập hỏi :

- Tía con về bằng cái giống gì sao không thấy Ghe ghiết đâu hết trơn vậy ? Bộ có chuyện gì hả . Trời sao tui lo quá ,hèn chi con mắt bên phải tui nó cứ giật miết từ hôm qua đến giờ .

Thuật lại đầu đuôi câu chuyện , nghe đến đâu bà Sáu mồ hôi tuôn chảy đến đấy , đưa bọc tiền cho bà Sáu ông Sáu nói :

- Nè cái này coi như lộc cuối năm nghe bà , nếu không có hai chú đó với bà già nọ thì tết này cả nhà mình treo niêu luôn đó bà .

- Trời phật ơi , vậy hả , bởi vậy ở hiền gặp lành ông ơi , với lại ở quê mình bà con tuy ít học nhưng cư xử có lễ nghĩa lắm ông à .

* * *
Chiều ba mươi tết khi mọi chuyện trong nhà được chuẩn bị đâu đó xong xuôi , ông Sáu bắt cái bàn tròn với mấy cái ghế đẩu dưới tàng cây mận , không khí chiều ba mươi dường như nó đẹp hơn tất cả mọi buổi chiều trong năm , trên bầu trời trong veo nắng nhẹ xiên chiếu qua cành cây kẻ lá , rót đầy tách trà xanh nóng hổi , hớp nhẹ một ngụm ông Sáu cảm thấy tâm hồn thật thư thái , tuy chiếc ghe bị chìm ngoài kênh tạm thời ngưng việc làm ăn , nhưng ông quan niệm của đi thay người , vì còn người thì còn làm ra của cải ...

Nhìn xa ra trước ngỏ nhà phía xa xa ông thấy bà con đốt những đống un khi dọn dẹp vườn tược nhà cửa để ăn tết . Trên bầu trời từng đàn chim bay về tổ , tiếng kêu ríu rít của chúng khiến ông Sáu thấy nôn nao trong dạ , rồi ông có cái suy nghĩ ngộ nghĩnh về lũ chim ông nói một mình:

-Tết tới rồi chắc mấy con chim này cũng ăn tết như con người chăng .

Đang thả hồn rong chơi đây đó , tiếng con Thắm hỏi làm ông quay về thực tại :

-Giờ nay châm lửa nồi bánh tét được chưa tía . Con thấy mình nấu sớm một chút cho khoẻ tía ơi , chứ nấu trể thì sáng mồng một còn lo lui cui vớt bánh thì cực cả năm đó tía .

- Ờ thì cũng được , con lo canh bánh dùm tía luôn nghe , con rủ rê mấy đứa lại canh bánh cho vui , à hôm qua Tía nghe thằng Xuân với thằng Tài tối nay nó đến nhà mình chơi phải không ?

Nghe nhắc đến hai vị ân nhân của gia đình mình , Con Thắm lấy làm vui trong bụng , vì qua hành động hôm chìm ghe họ đã thể hiện đầy tình người nơi xóm nhỏ , rồi cái chạm tay vô tình với thằng Xuân , ánh mắt hai đứa cũng tình cờ chạm nhau khiến Thắm xao Xuyến mãi trong lòng , thằng Xuân thì chẳng những con tim nó đang rung động mà nó còn ao ước gặp lại nàng tiên trong giấc mơ của mình , nên khi nghe ông Sáu mời đến thăm nhà thì với thằng Xuân còn gì hơn thế nữa ..

- Đúng rồi Tía , hổng chừng chút nữa hai ảnh tới đó tía .

-Vậy nói má con xào liền cho tía dĩa lòng gà , còn con thọc cho tía hai trái xoài tượng chút nữa tía nhậu với hai đứa nó cho vui .

Lấp ló ngoài hàng tre ngoài ngỏ nhà ông Sáu , Thằng Xuân và thằng Tài còn e dè chưa dám vô , thấy dáng người lạ con chó mực trong sân lao ra sủa inh ỏi khiến hai đứa hoảng sợ quăng chiếc xe đạp xuống lộ đất rồi cùng đu lên nhánh cây ổi gần đó , đước nước con mực càng sủa hăng , nó nhảy cẩng lên nhe răng táp vào lưng áo thằng Xuân , thời may thằng Xuân kịp rướn người lên nên con mực ngoạm cái vạc sau xé rách một miếng . Thằng Tài thì nhanh chân hơn nó đu người trên nhánh rồi leo phóc lên chẳng ba ngồi nhe răng cười khi thấy thằng Xuân bị con mực quần tơi tả :

- Xuân ! Bộ mầy ăn thịt chó dữ lắm hay sao mà con mực bác Sáu nó " Thương" mầy quá vậy ?

Đang bực mình gặp chuyện không may, đã vậy nghe thằng bạn thân ghẹo mình nên Xuân cự nự :

- Trời ơi ! Thấy thịt chó tao chạy dài rồi , ăn đâu mà ăn , tại chó nhà bác Sáu dữ quá , mầy hay lắm há , ngon nhảy xuống đất đi biết thế nào là lễ độ liền .

- Ngu sao xuống hả mậy , áo mầy rách tơi tả rồi sao gặp em Thắm được ?

Xuân chưa kịp trả lời thì tiếng chân thình thịch của Thắm chạy ra miệng kêu to :

-Mực hư quá nghen , vô vô .. Khách quý của chị đó cưng . 

Con mực cụp đuôi rồi đi vào sân nhà , Thắm nhìn thái độ thiểu nảo của hai Hiệp sĩ đang ở trên cây ổi bèn lên tiếng ghẹo :

-Cây ổi đó trái chua lòm hà anh Xuân anh Tài ơi , xuống đi vô sau vườn có cây sá lị ngon lắm em hái cho ăn .

Biết bị chọc quê , hai chàng ngượng chín cả người , nhưng Tài cố thanh minh :

-Tại con Mực nhà Thắm dữ như chằn tinh gấu ngựa , nó rượt hai đứa sợ quá mới ra nông nỗi như vầy nè , còn ghẹo tụi tui nữa hả ?

Ông Sáu giờ mới chạy ra :

-Xuân , sao áo xống rách te tua vậy bây ?
Thôi vô nhà ông cho mượn tạm cái áo khác , rồi hai đứa bây ở lai rai với ông vài xị đến giao thừa rồi dìa .

* * * 
Hết hai xị rượu , dĩa lòng gà cũng vơi đi , trên bàn còn dĩa xoài tượng chấm nước mắm đường là còn nhiều , ông Sáu kêu Thắm mua thêm hai xị nữa để giải quyết dứt điểm dĩa xoài tượng , Thắm chưa kịp ra khỏi nhà thì từ đầu ngỏ có dáng người ôm cả lít rượu đi xiêu vẹo muốn ngã xuống đất đôi lần . Liếc mắt thấy người đàn ông nọ , ông Sáu nói nhỏ cho Xuân và Tài nghe :

-Cha nội đó là Hai lỳ , nhà kế bên kia , ổng say xĩn tối ngày , giờ lọ mọ qua chi đây hổng biết nữa , rồi ông lên tiếng :

-Chú Hai nó xĩn rồi hổng chịu ở nhà nghĩ đi cho phẻ , đi đâu đây .

Hai lỳ lè nhè :

- Nói gì ngộ vậy anh Sáu , tui qua đây nhậu giao thừa với anh nè , rượu tui còn nhóc nè , khỏi mua , mồi thì có chi dùng nấy , tết mà ... Ủa ủa hai chú em đây là là ...
-Ân nhân của gia đình tui đó chú .

-A , vậy hay quá , hai ân ân quấc với tụi tui hết lít này rồi về há .

Hai đứa đưa mắt nhìn nhau ra hiệu cùng rút lui . Thấy tình thế không vui , ông Sáu nói khéo :

-Thôi hai đứa ra sau vườn đi ,con Thắm hái cho mớ trái cây về chưn tết nghe bây .

Được ông Sáu vẽ đường cho hưu chạy hai đứa khoái chí dông thẳng ra phía sau vườn , để lại bàn nhậu hai ông già cố tri cuối năm ngồi ôn lại sổ đời .

* * *
Còn dăm ba phút nữa thì giao thừa , quýnh quáng thằng Xuân với thằng Tài ôm bọc trái cây bự tổ bà chẳng dự tính chào từ biệt ông Sáu để ra về , sợ xông đất đầu năm nhà ông Sáu lỡ mà sang năm làm ăn không suôn sẽ thì bị ông bà Sáu quỡ cho một trận thì buồn lắm .

Biết vậy ông Sáu khômg cho , ông nói :

Đầu năm đầu tháng có Xuân có Tài tromg nhà ai mà không ham , thôi hai đứa ở đây xông đất cho ông đi , ông lì xì luôn cho . 

Được lời như cởi tấm lòng hai đứa ở lại đón giao thừa với gia đình ông Sáu , nồi bánh tét năm đó được mấy đứa trẻ canh lửa củi nên chín ngon lành .

Cho mổi đứa hai đòn bánh tét mang về nhà để dùng lấy thảo ba ngày xuân , Thằng Xuân và thằng Tài không những nó chở bánh tét , trái cây về nhà mình mà chúng nó còn chở nặng cái tình cảm mà cả nhà ông bà Sáu dành cho hai đứa , nhất là con Thắm , nó đã gieo mầm yêu thương trong lòng thằng Xuân , chắc rằng một vài xuân nữa Thằng Xuân sẽ là người lèo lái chiếc ghe thay thế ông Sáu mang hàmg hoá về ấp nghèo cho bà con mỗi độ tết đến xuân về .

 
Hai Hùng


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 25/Jan/2018 lúc 12:55pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 29/Jan/2018 lúc 5:33pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 2.449 seconds.