Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 101 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 04/May/2012 lúc 8:05am
 Người Bạn
Tác Giả: Phạm Hồng Ân   
Thứ Bảy, 14 Tháng 4 Năm 2012 06:02

Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông cũng tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng tại San Diego và đã có nhiều bài viết.

 

Tiếng chuông cửa reo vang, tôi chưa kịp đứng lên, chợt thấy bóng người đàn ông dán sát bên tấm cửa sắt từ lúc nào. Triều lật đật quay ngược tấm bìa xuống bàn, rồi chạy ào ra hướng cửa, mở khóa cót két.

- Ê, Thuần. Khỏe không? Ma quỉ nào chỉ lối dẫn đường, hôm nay lại đi lạc xuống khu bình dân này vậy?

Người đàn ông cười hề hề.

- Đi mời đám cưới. Còn có đứa con gái út, xin mời ông bà đến tham dự đưa cháu về nhà chồng. Mấy hôm nay cháu buồn rười rượi. Con gái mà...lần đầu xa cha mẹ...

Triều ngó qua tôi, trỏ vào người đàn ông.

- Thuần đó! Anh ta thuộc Hội Thánh Tin Lành Linda Vista. Làm hãng, nhưng có nghề tay trái là nhiếp ảnh. Anh đã tạo  nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong cộng đồng.

   Triều nhào đến Thuần, kéo tay hắn gắn chặt vào tay tôi.

- Thằng này là thằng Ân. Chắc mày cũng biết? Tau đang vẻ tranh bìa cho tập thơ của nó.

Thuần lại cười hề hề. Giọng cười buông thả. Tiếng nói chầm chậm, an lành...làm tôi nhớ đến một người bạn tù ngày xưa.

- Mẹ, Phải mày là Thuần Cạo không? Thuần trại tù Cao Lãnh chứ gì? Chuyên môn vác túi đi cạo gió, châm cứu cho các bạn tù bệnh hoạn chứ gì?

Thuần nhào tới, ôm tôi vào lòng.

- Đúng rồi. Thuần Cạo đây! Mày là Ân Ghẻ phải không?

Hai bạn tù gặp lại nhau, lòng bùi ngùi nhắc lại kỷ niệm xưa. Thế là, dỉ nhiên, tôi có một tấm thiệp cưới tham dự vào ngày vui của con gái bạn mình.

*  

Trại tù Cao Lãnh nguyên là trung tâm huấn luyện Trần Quốc Toản của quân đội cộng hòa ngày trước. Sau ngày "xập tiệm", hàng ngàn sĩ quan miền nam bị đưa vào đó để tự khai tự kiểm, sau đó cộng sản mới phân loại đưa ra Bắc hoặc đi lao động khắp nơi. Tôi gặp Thuần ở đây.

Chúng tôi ngủ khác "sam" nhau, nhưng cùng chung một đội. "Sam" Thuần và "sam" tôi nằm nối tiếp theo đường dọc, chỉ cách nhau bởi một khoảnh sân đầy đá cục lởm chởm. Đội tù chúng tôi là đội tù cấp úy. Còn cấp tá thì "đóng đô" phía bên kia đường, ngó ra cái tiểu lộ đìu hiu dầy đặc ổ gà. Một hôm, bên đội tù cấp tá lao nhao lên vì có một ông trung tá nào đó treo cổ tự tử. Đội tù cấp tá lao nhao kéo đội tù cấp úy lao nhao theo. Khí tiết anh hùng của quân đội cộng hòa vẫn tiếp diễn, nối tiếp nhau cho đến khi bị cầm tù. Đội tù lau nhau, chỉ có Thuần lặng lẽ một mình rút lui ra cây trứng cá, tìm một chỗ vắng vẻ ngồi xếp bằng im lìm, mắt nhắm lại, mặt bất động...lạnh như đá. Thấy lạ, tôi phóng theo Thuần, lắc vai bạn.

- Mày cảm thấy thế nào? Có sao không Thuần?

Thuần mở mắt ra, nhìn tôi buồn buồn.

-Tau đang cầu nguyện cho ông trung tá vừa mất ở đội tù bên kia. Mày ngồi xuống đây, hiệp lực cầu nguyện với tau, nhanh lên!

Tôi loay hoay, lúng túng. Nào có biết cầu nguyện là ra làm sao? Nhưng cũng ngồi xuống với bạn, khấn vái theo ý niệm của mình.

Từ đó, tôi mới biết Thuần theo đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành là đạo thờ Chúa. Tôi không biết những tín hữu theo đạo này đều có phong cách giống Thuần không? Riêng ở Thuần, anh quá hiền lành, quá độ lượng. Anh moi thùng rác chứa đồ phế thải của trung tâm huấn luyện ngày xưa  tìm từng tấm thẻ bài, để dành cạo gió cho các bạn tù. Anh lượm những dây điện thoại hư hỏng, cắt từng khúc làm thành những cây kim châm cứu giúp người. Gặp việc khó, anh không từ nan. Lúc bực mình, không hề nóng nảy, giận dữ. Giọng nói anh luôn luôn chầm chậm, từ tốn mang an lành đến với mọi người. Nụ cười anh bao giờ cũng hề hề, thứ tha và bao dung trong mọi hoàn cảnh.

Rồi có một ngày thăm nuôi, đội tôi lại lao nhao vì cái tin vợ Thuần bỏ chồng đi lấy người khác. Tụi nó đồn um lên, vợ Thuần dắt người chồng mới đến giới thiệu, rồi nói lời chia tay với Thuần từ đây. Tôi bán tín bán nghi, vội chạy tìm Thuần hỏi ra sự thật. Thuần đang lui cui soạn mớ đồ nghề cho vào túi, chuẩn bị qua "sam" láng giềng châm cứu cho người bệnh.

- Sao? Thăm nuôi có gì vui không? Chị nhà vẫn khỏe?

Thuần cười hề hề.

- Cũng bình thường thôi. Bả vẫn khỏe re như con bò kéo xe.

- Bò kéo xe mà sao khỏe re, cha nội?

Thuần lại cười hề hề.

- Nó khỏe re nên nó mới kéo xe. Mà này, tau vừa có được thuốc Xuân Lộc ngon lắm, để tau chia cho mày một nửa.

- Được rồi, vụ đó sẽ tính sau. Bây giờ, xin hỏi ông một chuyện. Có trật thì bỏ qua. Có trúng thì chia xẻ với nhau. Đồng ý?

Thuần lại cười hề hề.

- Chuyện gì quan trọng thế? Bạn cứ hỏi mình đi!

- Vợ ông đã chia tay với ông, phải không?

Giọng Thuần chùng xuống, chầm chậm một cách nhẹ nhàng.

- Bà xã tôi có chồng khác rồi. Tội nghiệp, trước đây cô ta là học trò nghèo. Lấy tôi, cũng là thằng lính nghèo. Ông biết, thời buổi này, không nghề ngỗng gì, lại ôm thêm hai thằng con dại. Cô ta đành nương tựa vào người khác, đó là điều tất nhiên.

- Trời đất! Điều tất nhiên. Có nghĩa là ông không buồn đau, không than trách chi hết? Nhưng còn hai thằng con? Tệ nhất, ông cũng phải thương xót chúng nó chứ?

- Cô ấy nói, người đó hứa bảo bọc dưỡng nuôi hai đứa nhỏ một cách đàng hoàng. Mình lo không được, có người lo dùm. Mình chưa có dịp cám ơn họ, ở đó mà còn than với trách?

Bỗng dưng, Thuần kéo tôi vào lòng, vỗ nhẹ vào vai thân mật.

- Thôi, mình dẹp chuyện rắc rối này qua một bên đi. Biết đâu đây là ý Chúa. Biết đâu Chúa đang thử thách tôi đó!

- Sao Anh biết đây là ý Chúa?

Thuần cười hề hề.

- Mình phải có đức tin chứ! Đức tin là ngọn đuốc, soi đường cho mình đi tới. Không có đức tin, chúng ta dễ mù quáng trong cuộc đời...

*

Đám cưới con gái Thuần tưng bừng và thân mật. Khách tham dự đa số là dân HO. Số còn lại là tín hữu, các đồng nghiệp và các bạn nhiếp ảnh nghệ thuật. Hai ông xui, ngày trước, chung cảnh ngộ tù đày... nên dễ cảm thông nhau, hợp cùng hai bà xui ra tận cổng nhà hàng chào đón bà con cô bác đến chung vui. Đêm đó, Thuần sáng tác một bản nhạc tiễn cô con gái thân yêu về nhà chồng. Bản nhạc do chính cô dâu ca với tất cả tấm lòng. Lời và nhạc quyện vào nhau báo hiệu hạnh phúc mới đang tràn ngập ở phía trước, nhưng cũng nhắc nhở nỗi đau còn ràn rụa ở phía sau... khiến người ca tuôn rơi nước mắt, bồi hồi xúc động trước tình khúc của cha mình.

Tôi ngồi với Triều nơi góc cuối của nhà hàng nhìn Thuần tất bật tiếp đãi bà con một cách nồng hậu. Thuần lúc nào cũng vậy. Thành thật, hiền từ và hết lòng với mọi người. Trong tù cũng như ngoài đời, anh luôn cống hiến tài năng và sự hiểu biết của mình để giúp đỡ xã hội.

Nhắc đến cảnh tù, tự dưng quá khứ lại hiện về trong tôi một cách xót xa. Thuần bị vợ bỏ ngay từ lúc còn ở trại tù Cao Lãnh, vậy bà vợ này là bà vợ thứ hai của Thuần? Nếu là bà vợ thứ hai thì hai đứa con gái sau này là con ai? Vì nếu tính tuổi của con gái út thì năm cháu sinh ra cũng là năm Thuần nằm sầu đời trong trại tù?

Tôi đem những thắc mắc này chia xẻ với Triều. Triều ngó tôi xuýt xoa, thằng Thuần tốt lắm tốt lắm, ngày mai có dịp tau sẽ giải thích cho mày...

*

Ra tù, Thuần về thẳng tá túc nhà cha mẹ ruột, khi biết chắc vợ mình đang sống hạnh phúc với người đàn ông khác. Nhà cha mẹ Thuần cách nhà vợ không xa, cả hai đều nằm chung trong khu Xóm Chùa Tân Định. Hai đứa con trai bây giờ đã lớn, mỗi ngày đến trường đều đi ngang qua nhà Thuần. Hai đứa đều biết mặt cha, vì từ nhỏ Mẹ đã nhiều lần dẫn con về Cao Lãnh thăm nuôi Thuần. Mỗi tuần, các cháu về thăm ông bà nội một lần. Lần nào, chúng cũng quây quần bên cha, hoặc ăn uống vui vẻ và sẵn sàng  đi đây đi đó với cha suốt ngày. Thời gian sống với người đàn ông khác, vợ Thuần cho ra đời thêm hai đứa con gái nữa. Mười bốn năm đằng đẵng trôi qua, Thuần chỉ biết đạp xích lô mưu sinh. Sáng nào cũng vậy, trước khi thả ra Sài Gòn tìm mối, Thuần đạp một hơi qua nhà vợ cũ, chở hai đứa con ruột và hai đứa con của người đàn ông kia đi học. Buổi trưa, canh giờ tan học, Thuần quành về cổng trường, chở các cháu trả về nhà vợ.

Tôi ngồi bên tách cà phê đã lạnh tanh nghe Triều kể chuyện. Câu chuyện thương tâm đến nỗi tôi muốn uống rượu để dằn cơn đau xót, thay vì nhắp tách cà phê đậm đà hương vị. Cuối cùng, tôi đẩy cái tách sang một bên, vội vàng đứng dậy, đi về phía cánh cửa.

- Rồi diện HO mở rộng. Lý do nào vợ Thuần lại trở về với Thuần, rồi cùng nhau đi Mỹ, có cả hai đứa con gái của người đàn ông kia?

- Còn lý do nào khác ngoài tình thương và lòng nhân từ. Đó là điểm tốt của Thuần. Một người rất hiếm có ở xã hội chúng ta.

- Người đàn ông kia thì thế nào? Ông ta không có ý kiến nào hết?

Triều tiến đến gần tôi, vỗ lên vai độp độp.

- Ông thơ ngây quá! Sau 30 tháng tư năm 1975, ở miền nam, không có thằng "cốm" việt cộng nào không có vợ con đùm đề. Người đàn ông kia cũng vậy, hắn nhào vô vợ Thuần cũng chỉ để "vui chơi" một thời gian thôi. Tội nghiệp, hai đứa cháu gái chẳng khác nào hai giọt máu rơi của hắn.

- Vậy là Thuần thương vợ thương con, thương luôn cả hai giọt máu rơi đó, nên đã đứng ra làm giấy tờ đưa tất cả qua Mỹ?

- Chưa hết. Qua đây, Thuần làm luôn hai "ca" nuôi bốn đứa con ăn học. Hôm nay, bốn đứa  thành tài, tất cả đều có nghề nghiệp ngon lành. Đặc biệt, bây giờ hai đứa con gái lại thương và chăm sóc Thuần hơn hai đứa con ruột.

Tôi chợt nhớ có lần đọc đâu đó những lời răn của Đức Chúa Trời.

- Ê, Ông biết Thuần có đạo Chúa. Tôi nhớ mài mại là...một trong những điều răn của đạo... đại khái có một câu như vầy: Hãy yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình.

Triều giả giọng Thuần cười hề hề.

- Yêu thương luôn kẻ thù của mình.

*

Thuần thân, Tau muốn viết chuyện này từ lâu, nhưng mỗi lần khởi sự, tau cảm thấy ngần ngại, rồi dừng lại. Mấy chục năm rồi, vết thương dường như đã thành sẹo, tau không muốn khơi lại quá khứ đau thương, tau không muốn làm mày xót xa, nhức nhối khi nhắc lại. Nhưng càng ngày, hình ảnh và tấm lòng cao quí của mày cứ thôi thúc, cứ bức rức trong tau, khiến tau không thể không viết lên chuyện này.

Thuần thân, biết đâu câu chuyện thương tâm này sẽ góp một phần nào vào dòng lịch sử tang thương của dân tộc, sau 30 tháng tư năm 1975. Nếu không, câu chuyện cũng sẽ là tấm gương cho bọn đàn ông của cả hai chiến tuyến. Và nếu không nữa, tau xin thật tình vô vàn tạ lỗi cùng mày...



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 04/May/2012 lúc 8:36am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Jul/2012 lúc 11:09am
Đời Lính
Tác Giả: NĐC   

Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật, cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.

 

Anh ạ! tháng tư mềm nắng lụa,
Hoa táo hoa lê nở trắng vườn,
Quê nhà thăm thẳm sau trùng núi,
Em mở lòng xem lại vết thương,
Anh ạ! tháng tư sương mỏng lắm,
Sao em nhìn mãi chẳng thấy quê,
Hay sương thành lệ tra vào mắt,
Mờ khuất trong em mọi nẻo về.

Sau khi đọc bài thơ này của Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong lòng tôi chợt cảm thấy bàng hoàng thảng thốt. Đã 37 tháng tư trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vết thương trong lòng tôi vẫn còn âm ỉ, tôi nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ lành cho tới ngày tôi nhắm mắt. Ba mươi bảy năm về trước, đám sĩ quan trẻ chúng tôi chỉ mới ngoài 20, đến nay đầu đã lớm chớm bạc, “cùng một lứa bên trời lận đận”, sau cơn Đại hồng thủy tháng tư năm 75, lũ chúng tôi tản mác khắp bốn phương trời: “Thằng thì đang còng lưng trong các Shop may tại Santa Ana Cali, thằng đang làm bồi bàn ở Paris, thằng đang chăn cừu ở New Zealand, thằng thì đang cắt cỏ ở Texas, và cũng có thằng đang đạp xích lô ở Sài gòn”(trích). Mỗi năm đến ngày 30-4, tất cả chúng tôi đều bàng hoàng ngơ ngác như kẻ mất hồn. Không còn ai trách cứ chúng tôi hết, chỉ có chúng tôi tự trách mình, chúng tôi đã làm gì cho Tổ quốc?.

Trước năm 75, tôi là người lính trong hàng ngũ Quân đội Miền Nam, với cấp bậc thấp nhất là Thiếu Úy, với chức vụ nhỏ nhất là Trung đội trưởng, ngoài số lương đủ sống mà tôi lãnh hàng tháng, tôi không hề nhận được bất cứ bổng lộc nào từ phía “triều đình”. Tôi chỉ là một người lính vô danh tầm thường như trăm ngàn người lính khác, ngoài cuộc sống cực kỳ gian khổ và hiểm nguy, chúng tôi không có gì hết, kể cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Cho nên, tôi không hề có một mơ tưởng nào về một hào quang của ngày tháng cũ, và tôi cũng không muốn tiếp tục một hành trình “Việt Nam Cộng Hòa kéo dài”. Tôi viết như để thắp hương tưởng niệm, những đồng đội của tôi đã nằm xuống cho tôi được sống, rộng lớn hơn hàng trăm ngàn người đã chết để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay tại hải ngoại này.

Mùa Hè năm 1972, người Miền Nam thời ấy gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, mượn cái tên từ Tập bút ký chiến trường rất nổi tiếng của Phan Nhật Nam. Mùa Hè đỏ lửa năm 72 là năm Quân đội của hai miền Nam-Bắc dốc sức đánh một trận chiến sinh tử, bên nào kiệt lực bên đó sẽ bại vong. Niên khóa năm 71-72, tôi là Sinh viên Ban Sử Địa thuộc Đại Học Văn Khoa Saigon, năm đó tôi đi học trong một tâm trạng bồn chồn không sao tả được, và tôi cũng không còn tâm trí đâu để mà học hành, tin tức chiến sự từ các mặt trận gởi về dồn dập, lúc đó bạn bè tôi lớp chết lớp bị thương, lũ lượt kéo nhau về. Sau này ngẫm nghĩ lại,tôi thấy miền Nam lúc đó không còn sinh khí nữa, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn được hỗ trợ bằng tiếng hát ma quái Khánh Ly, đã làm băng hoại chán chường cả một thế hệ thanh niên thời đó. Ngoài ra, còn khá nhiều những bài ca những tiếng hát đã đâm thấu lòng người “anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân, anh trở về hòm gỗ cài hoa, trên trực thăng sơn màu tang trắng…” Tại sao trong một đất nước đang có chiến tranh mà có những điều kỳ lạ này xuất hiện. Điềm Trời báo trước chăng?.

Chính quyền Miền Nam sau đó ra lịnh tổng động viên, tất cả các nam sinh viên đều phải nhập ngũ, trừ những người xuất sắc. Lúc đó những gia đình có tiền của, họ chạy đôn chạy đáo lo cho con cái của họ chui vào chỗ này chui vào chỗ nọ, miễn sao khỏi ra mặt trận. Đối với họ,chuyện ngoài mặt trận là chuyện của ai khác, không liên quan gì đến gia đình họ Hằng ngày họ xem TV thấy cảnh khói lửa ngập trời, người chết hàng hàng lớp lớp, họ coi đó là chuyện ở đâu đâu, chẳng ăn nhập gì tới họ. Còn tôi thì ngược lại, tôi muốn ra mặt trận càng sớm càng tốt, hình như định mạng đã an bài cho tôi. Trong bài “Đại bác ru đêm” của Trinh Công Sơn có một câu rất “độc”, “đại bác đêm đêm dội về Thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”, tôi chính là người phu quét đường đó. Tiếng đại bác đã làm lòng dạ tôi nôn nao, tôi muốn ra mặt trận để chia lửa với những người bạn cùng thời với tôi, để chịu chung khổ nạn với đồng bào tôi, trong những ngày tháng điêu linh nhất của đất nước. Tiếng đại bác đã ầm ĩ trong lòng tôi, kéo dài mãi từ ngày đó cho tới tận bây giờ.

Thế rồi cũng đến phiên tôi nhập ngũ, giã từ Trường Văn Khoa với Đại Giảng Đường 2 bát ngát, giã từ những bài giảng rất lôi cuốn của Linh Mục Thanh Lãng, của Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, thôi nhé giã từ hết những ước vọng của thời mới lớn. Tôi trình diện Khóa 4/72 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, năm đó quân trường Thủ Đức chứa không xuể các thanh niên nhập ngũ nên đã đưa một số ra thụ huấn ngoài Trường Đồng Đế Nha Trang, toàn bộ tinh hoa của Miền Nam được tập trung vào hai quân trường này, Miền Nam đã vét cạn tài nguyên nhân lực để đưa vào cuộc chiến.

Vào quân trường, Khóa 4/72 toàn là các sinh viên các trường ĐH tụ họp về đây, chúng tôi làng xoàng tuổi nhau nên đùa vui như Tết, tuổi trẻ mà, lúc nào cũng vui cũng phơi phới yêu đời, chuyện ngày mai đã có Trời tính. Thời gian 6 tháng quân trường gian khổ sao kể xiết, bởi vì sự huấn luyện nhằm biến đổi một con người dân sự thành một người lính thực thụ là điều không đơn giản. Không phải chỉ có các kiến thức về quân sự, mà còn tạo dựng một cơ thể gang thép, rèn luyện gian khổ bất kể ngày đêm, bất kể nắng nóng nung người hay mưa dầm bão táp. Trong 5 tuần lễ đầu tiên vào trường, gọi là giai đoạn “huấn nhục”, đây là giai đoạn kinh hãi nhất trong đời lính mới của chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi tuân phục sự chỉ huy điều động của các huynh trưởng khóa đàn anh, khi ra lịnh họ hét lên nghe kinh hồn bạt vía, họ nghĩ ra đủ mọi hình phạt để phạt chúng tôi bò lê bò càng, trong giai đoạn này chỉ có chạy không được đi… các huynh trưởng quần chúng tôi từ sáng sớm tới chiều tối, buông ra là chúng tôi ngất lịm, ngủ vùi không còn biết gì nữa hết. Sau 5 tuần lễ huấn nhục, ai vượt qua được, sẽ tham dự lễ gắn Alpha, để chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan. Ngày quì xuống Vũ Đình Trường để nhận cái lon Alpha vào vai áo, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, vì đã lập một kỳ công là tự chiến thắng chính mình để trở thành một người lính, không còn hèn yếu bạc nhược như xưa nữa. Khi chúng tôi quá quen thuộc với các bãi tập như: bãi Cây Đa, đồi 30, bãi Nhà Xập, cầu Bến Nọc… cũng là lúc sắp đến ngày ra trường. Gần tới cuối khóa, chúng tôi còn phải vượt qua những bài học cam go như bài đại đội vượt sông, đại đội di hành dã trại… Cuối cùng điều mà chúng tôi mong đợi từ lâu, đó là ngày làm lễ ra trường, tất cả chúng tôi trong quân phục Đại Lễ, xếp hàng ngay ngắn tại Vũ Đình Trường, rồi một tiếng thét lồng lộng của Sinh viên Sĩ quan chỉ huy buổi Lễ: “Quì xuống các SVSQ”, sau khi đọc các lời tuyên thệ và được gắn lon Chuẩn Úy, tiếng thét chỉ huy lại cất lên một lần nũa: “Đứng lên các Tân Sĩ Quan”. Trong số chúng tôi có người muốn ứa nước mắt, cái lon mới được gắn lên vai, đã đánh đổi bằng biết bao mồ hôi gian khổ sao kể xiết.

Ngày hôm sau chúng tôi tụ họp lên hội trường để chọn đơn vị, tới phiên tôi lên chọn có một điều làm tôi nhớ mãi. Đứng trước tấm bảng phân chia về các đơn vị, tôi định chọn về Sư Đoàn 7 cho gần Sài gòn, bỗng cái Ông Thượng sĩ đứng phụ trách tấm bảng bèn đưa ra lời bàn: “Chuẩn Úy nên chọn về Sư Đoàn 9 vì vùng trách nhiệm nhẹ hơn, SĐ 7 trách nhiệm vùng Cái Bè Cai Lậy rất nặng nề”. Oái oăm thay ngày hành quân đầu tiên của tôi là vùng Cái Bè, bởi lẽ đơn vị tôi tăng cường cho SĐ 7.

Tôi trình diện Bộ Tư Lịnh SĐ 9 tại Vĩnh Long. SĐ này có 3 Trung Đoàn: 14,15 và 16. Tôi được đưa về Trung đoàn 14. Tôi lại mang vác ba lô về trung đoàn 14 đang hành quân vùng Cái Bè. Từ Sài gòn qua Ngã ba Trung Lương, chạy thêm một đoạn xa nữa thì tới Cai Lậy rồi tới Cái Bè, xong quẹo mặt, chạy tít mù vào sâu bên trong khoảng 20 cây số, tới cuối đường lộ thì gặp một cái xã mang tên Hậu Mỹ, ngay tại đây chính là cái ruột của Đồng Tháp Mười, lính tráng hành quân vùng này nghe cái tên Hậu Mỹ là đủ ớn xương sống. Không hiểu sao, ở giữa ĐTM lại có một nơi dân cư sinh sống bằng nghề nông rất trù phú. Đám Tân SQ chúng tôi sau khi trình diện Trung Đoàn trưởng thì được giữ lại Bộ Chỉ huy vài hôm để tập làm quen với cách làm việc của nơi này. Sau đó Ban Quân Số phân chia về các nơi. Vị Sĩ quan Quân số hỏi có Chuẩn Úy nào tình nguyện về Đại Đội Trinh Sát hay không? Tôi đáp nhận. Nói theo kiểu Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gẫy Súng” tôi chọn về đơn vị tác chiến thứ thiệt này, mà trong lòng không có một chút oán thù nào về phía bên kia, mà chỉ vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, và kế đó là bị kích thích bởi cảm giác mạnh của chiến trường.

Một Trung Đoàn Bộ Binh có 3 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát, đám chúng tôi có 12 thằng, được phân chia về các Tiểu Đoàn, chỉ có mình tôi về Trinh Sát. Sau khi chia tay ở sân cờ xong, chúng tôi ra đi biền biệt, hầu như không còn gặp nhau nữa. ĐĐ/TS cho người lên dẫn tôi về trình diện Đại Đội Trưởng, lúc đó đơn vị đóng ở ngoài căn cứ của Trung Đoàn. Trung Úy Đại đội trưởng có biệt danh là Đại Bàng, dáng người cao to trông rất dữ dằn, cặp mắt ti hí luôn luôn nhìn chằm chằm tóe lửa, giong nói gầm gừ trong họng, tất cả đều toát ra một nét uy phong làm khiếp sợ người đối diện (trong đó có tôi). Tôi đứng nghiêm chào trình diện theo đúng quân phong quân kỷ: “Chuẩn úy NĐC, số quân 72/150181, trình diện Đại Bàng”. Ông ta nhướng mắt nhìn tôi, trên gương mặt hình như có nét thất vọng (mãi về sau này tôi biết điều đó đúng như vậy). Nhìn tôi một hồi, rồi ông ta phán cho tôi một câu nhớ đời: “Anh về làm Trung đội Phó Viễn Thám”. Trời đất, tôi nghĩ thầm, cái bằng tốt nghiệp của tôi là Trung đội trưởng, mà giao cho tôi làm Trung đội phó là sao nhĩ? Lúc đó tôi không biết rằng làm Trung đội phó là còn may, các Sĩ quan về sau nữa có khi còn làm Trưởng toán Viễn thám, thiệt là chết dở.

Đai Đội lúc đó có khoảng trên trăm người, được chia làm 2 Trung đội Trinh Sát và 1 Trung đội Viễn Thám. Các Sĩ quan Trung đội trưởng ra trường trước tôi vài khóa mà trông rất ngầu, uống rượu như điên đồng thời nói năng rất bạt mạng. Còn lính tráng nữa chứ, tôi nhìn họ mà sợ lắm, họ được tuyển chọn từ các nơi khác về đây, nên trông rất khiếp hồn, phần lớn họ là gốc nhà nông, chỉ biết đọc biết viết là nhiều. Lạ một điều là tất cả những người lính này đều đối với tôi rất lễ độ, có lẽ phát xuất từ kỷ luật quân đội chăng? Sau một thời gian sống gần gũi với họ, tôi thấy họ là những người rất đáng mến, thật thà chất phác, rất tôn trọng nghĩa tình, một khi họ quí trọng một cấp chỉ huy nào thì họ sẵn sàng xả thân, họ hoàn toàn không dễ sợ như tôi nghĩ lúc đầu.

Vài hôm sau, gặp bữa Đại đội tề tựu đông đủ, Đại Bàng đưa tôi ra giới thiệu trước ĐĐ, rồi bảo tôi phát biểu. Trời đất ơi! Tôi run quá, hai đầu gối cứ run lẩy bẩy, tôi có bao giờ nói chuyện trước một đám đông trông khiếp hồn như thế này bao giờ đâu, cho nên tôi ngượng nghịu lắm, vừa nói vừa ngó xuống đất, không dám ngó mặt ai, bẽn lẽn như cô dâu mới về nhà chồng, bây giờ nghĩ lại tôi không còn nhớ tôi nói cái gì nữa, nhưng tôi vẫn nhớ tiếng chắc lưỡi bực mình của Đại Bàng đứng sau lưng tôi, nói được chừng 10 phút thì tôi hụt hơi hết sức, Đại Bàng phải ra lịnh giải tán đám đông. Ông giận dữ kéo tôi ra chỗ vắng, rồi hất hàm hỏi tôi:

“Chuẩn Úy tốt nghiệp Trường Sĩ quan nào vậy? “

Tôi biết ngay là có chuyện không ổn, bởi vì khi ông xếp gọi mình bằng cấp bậc là tai họa đến nơi rồi. Tôi đáp:

“Tôi tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh Thủ Đức”.

Ông ta bèn xáng cho tôi một câu nhớ đời:

“Vậy mà tôi tưởng Chuẩn Úy tốt nghiệp từ Trường Nữ Quân Nhân chứ”!

Tôi nghe mà choáng váng mặt mày, ông ta đã điểm trúng tử huyệt của tôi, vì hồi còn là Sinh viên Sĩ quan trong Thủ Đức, chúng tôi coi là điều sỉ nhục, khi bị cấp trên mắng là Nữ Quân Nhân. Tối hôm đó khi đi ngủ tôi buồn lắm, hình như tôi bị quăng vào môi trường sống không phù hợp với mình, một nơi chốn mà tôi chưa từng biết bao giờ, bởi lẽ trước nay tôi chỉ là anh học trò, bấy lâu chỉ làm bạn với sách vở, với bạn bè với trường lớp. Bây giờ giữa chốn ba quân này, tôi bỗng nổi bật lên như cái gì đó không giống ai. Lúc đó, tôi nhớ Ba mẹ tôi ở nhà, và tôi nghiệm ra một điều rằng, ăn chén cơm của Ba Mẹ tôi sao mà sung sướng quá, bởi lẽ Ba Mẹ chớ hề sỉ nhục tôi, còn khi ra đời, ăn chén cơm của người đời sao đầy cay đắng, tôi lặng lẽ ứa nước mắt.

Tôi về làm Phó cho Chuẩn Úy Vương Hoàng Thắng, khóa 3/72. Anh ta là người trí thức có bằng Cử nhân CTKD, thấy tôi cà ngơ cà ngáo, anh ta thương tình kêu đệ tử giúp đỡ cho tôi mọi chuyện. Chiều hôm đó, tôi lại gặp một chuyện khôi hài dở khóc dở cười, không sao quên được. Chiều đến, lính tráng kéo ra bờ sông tắm giặt, tôi cũng đi tắm như họ, thay vì nhảy ào xuống sông bơi lội như mọi người, nhưng tôi lại rất sợ đỉa nên đứng trên bờ cầm nón sắt múc nước sông mà xối lên người. Tắm một hồi, tôi cảm giác có cái gì đó là lạ, nhìn quanh thấy mọi người chăm chú nhìn tôi, và xầm xì bàn tán chuyện gì đó, rồi bỗng nhiên cả đám cười rộ lên, có tên lính lên tiếng: “Sao Chuẩn Úy không xuống tắm như tụi tôi mà đứng chi trên bờ, ý trời ơi! Sao da của Chuẩn Úy trắng nõn như da con gái vậy?”. Tôi ngượng điếng người, máu chạy rần rần trên mặt, muốn chui xuống đất mà trốn cho đỡ xấu hổ. Vậy mà đã hết đâu, có cái ông Thượng sĩ già đứng gần, còn đớp cho tôi thêm một nhát: “Ý cha! cái bàn chân Chuẩn Úy sao mà đẹp quá, bàn chân này có số sung sướng lắm đây!!!” Thiệt là khổ cho cái thân học trò của tôi, hết làm Nữ Quân Nhân, bây giờ lại giống con gái, thiệt là chán.

Miền Tây là vùng đất nổi danh sình lầy. Hậu Mỹ là nơi đã tiếp đón tôi trong những ngày đầu về đơn vị, cũng là nơi sình lầy ghê khiếp. Dân trong xã người ta cất nhà dọc kinh Tổng Đốc Lộc, ra khỏi mí vườn là ruộng lúa sạ ngút ngàn. Sáng sớm, lính tráng lo cơm nước xong xuôi là bắt đầu nai nịt lên đường, súng đạn ba lô trên vai, để tham dự cuộc hành quân thường ngày, bước ra khỏi mí vườn là bắt đầu lội ruộng, trước tiên nước đến ngang đấu gối, rồi khi qua những trãng sâu, nước cao tới ngực, và cứ thế quần áo ướt sũng từ sáng tới chiều, cho nên quần áo tụi tôi nhuộm phèn vàng chạch, trong rất kỳ quái.

Khi ở quân trường tôi tưởng nỗi gian khổ của người lính là cao nhất, sau khi ra đơn vị tôi mới thấy được rằng, nỗi khổ quân trường chỉ là khúc dạo đầu, không thấm thía gì so với ngoài thực tế. Vùng Hậu Mỹ là vùng lúa sạ nên rất ít bờ ruộng, khi đặt chân xuống ruộng là phải đi một mạch tới bờ bên kia cách xa vài cây số, không ngừng giữa đường được. Đất ruộng người dân họ cày xới lên từng tảng to nhỏ như trái dừa, ngổn ngang lỗ chỗ, và nước lấp xấp. Tôi vừa đi vừa lựa thế để đặt chân xuống, sình lầy bám chặt nên rút bàn chân lên thật khó nhọc, mặt trời rọi ánh nắng gay gắt, mồ hôi tuôn ra đầm đìa, lúc đầu tôi còn lấy tay áo gạt mồ hôi, sau cứ để mặc, mồ hôi nhỏ lăn tăn lên mặt ruộng. Đó là tôi mang ba lô rất nhẹ, chỉ có quần áo đồ đạc cá nhân, còn lương thực lều võng đã có đệ tử mang vác phụ. Tôi ngó qua những người lính đi chung quanh, thấy họ mang vác rất nhọc nhằn, họ phải oằn lưng mang lều võng, súng đạn, mìn bẫy, gạo, cá khô, đồ hộp, mắm muối… Người thì đeo trên ba lô cái nồi, người thì mang cái chảo, họ lặng lẽ bước đi, tôi không hề nghe một lời than van nào hết, họ cắn răng lại mà cam chịu, có than van cũng không ai nghe. Khi đi tới bờ kinh ở tít đằng xa, áo tôi ướt sũng mồ hôi, cho đến nỗi, tôi cởi áo ra vắt, mồ hôi chảy ra ròng ròng. Tôi mệt muốn đứt thở, bèn nằm vật xuống đất, tôi mặc kệ hết mọi điều, không còn biết trời trăng gì nữa hết, lúc đó tôi nghĩ có ai bắn cho tôi một phát súng ân huệ, chắc còn sướng hơn, đời lính sao mà khổ quá!

Theo Đặc San Cư An Tư Nguy (câu này là châm ngôn của Trường BB Thủ Đức) phát hành tại San Diego, thì Quân Trường này đã đào tạo 55 ngàn Sĩ quan, trong số đó có 15 ngàn SQ đã tử trận, và không dưới 10 ngàn người đã trở thành Phế-binh thương tật. Trung đội trưởng là chức vụ đầu tiên của Sĩ quan mới ra trường, và là chức vụ duy nhất chỉ huy bằng miệng (các cấp cao hơn thì chỉ huy qua máy truyền tin). Khi xung phong chiếm mục tiêu, Trung đội trưởng cũng ôm súng chạy ngang hàng với lính, khi đóng quân phòng thủ đêm, Trung đội trưởng cũng nằm ngang với lính. Trước mặt Trung đội trưởng không có bạn nữa mà chỉ có phía bên kia. Cho nên lính dễ chết thì Trung đội trưởng cũng dễ chết y như vậy, súng đạn vô tình nên không phân biệt ai với ai, quan với lính đều bình đẳng trước cái chết. Đó là lý do giải thích tại sao Chuẩn úy mới ra trường chết như rạ là vì thế. Vậy mà tôi còn làm Trung đội phó, không biết nói sao nữa.

Có một bữa, tôi lội hành quân với đơn vị, đang bì bõm lội sình, thì tiếng súng nở rộ lên phía trước, Trung đội tản ra, tôi cùng Chuẩn úy Thắng và đám đệ tử tấp vào một lùm chuối khá lớn. Tôi đứng đó nhìn trời hiu quạnh một hồi rồi bỗng thấy làm lạ sao thấy C/U Thắng im lìm không có lịnh lạc gì cả. Bỗng tay lính Truyền tin nói với C/U Thắng: “Đại Bàng kêu C/U lên trình diện gấp.” C/U Thắng bỏ đi một đoạn, thì lính Truyền tin lại bảo tôi: “Đại Bàng muốn gặp C/U Châu”. Tôi cầm ống nghe áp vào tai, thì nghe Đại Bàng chửi xối xả, giọng Ông lồng lộng một cách giận dữ, té ra là do C/U Thắng quá sợ nên không dám tấn công, ông hét lên bảo tôi: ” Nè! C/U Châu, tôi giao Trung đội lại cho ông, ông có dám dẫn quân lên đánh mục tiêu trước mặt hay không?”.Tôi nghe mà sợ muốn “té đái”, run lập cà lập cập, rồi trả lời ông xin tuân lịnh. Tôi tháo ba lô quăng lên bờ ruộng cho nhẹ người, rồi vói tay lấy khẩu súng trường của người lính bên cạnh, miệng chỉ kịp kêu lớn: “Tất cả theo tôi”. Lúc đó tôi “quíu” quá, nên không nhớ bài bản chiến thuật nào mà tôi từng học ở quân trường, tôi xông lên vừa chạy vừa bắn vừa la (không biết la cái gì nữa). Cả trung đội hoảng hốt sợ tôi bị bắn chết, nên cũng vùng dậy chạy theo tôi. Phía người anh em bên kia, thấy tôi chạy dẫn đầu rất hung hãn, tưởng tôi bị điên, bèn lập tức tháo lui, trong lúc vội vã họ còn quăng lại tặng tôi mấy cây súng nữa chứ. Tôi thanh toán mục tiêu chỉ đâu chừng 10 phút, ai cũng tưởng tôi gan dạ, chứ đâu biết rằng tôi làm thế vì quá sợ ông xếp của mình. Thiệt là khôi hài. Đại Bàng kéo quân lên ông nhìn tôi gườm gườm, có lẽ ông chưa thấy một Sĩ quan nào lập chiến công “khùng điên ba trợn” như tôi. Hết cơn giận, ông trả quyền chỉ huy lại cho C/U Thắng, tôi trở về vị trí cũ.

Sau đó tôi được điều qua các Trung Đội khác, phụ trách công việc tạm thời cho các Trung đội trưởng đi phép hay bị thương… Một điều may mắn cho tôi, (hay Trời đãi kẻ khù khờ), khi tôi nắm quyền tạm thời đó, những trận đánh mà tôi tham dự, tôi đều hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp. Đại Bàng đã nhìn tôi bằng cặp mắt đỡ ái ngại hơn ngày đầu mới gặp tôi. Đại Bàng sau đó được thuyên chuyển qua một đơn vị khác và một Đại Bàng mới đến thay thế. Ông Trung úy mới đến này có dáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, khiến tôi rất có cảm tình. Trong bữa nhậu bàn giao chức vụ, Đại Bàng cũ giới thiệu các Sĩ quan trong đơn vị cho ĐB mới được biết. Sau khi điểm mặt 3 Trung đội trưởng, cuối cùng ông ta chỉ tôi là một Trung đội phó, rồi đưa ra một nhận xét làm sửng sốt mọi người: ”Đây là một tay Sĩ Quan xuất sắc, một tay chơi tới bến… “Hai người sửng sốt nhất hôm đó là tôi và ông Đại Bàng mới. Đối với tôi, tôi chỉ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình và cũng không hề muốn bươn chải về phía trước. Đối với ĐB mới, ông ta lấy làm lạ là phải, bởi vì ông cứ ngỡ SQ xuất sắc nhất phải là mấy ông Trung đội trưởng, sao lại là cái ông Trung đội phó trông hết sức ngớ ngẩn này. Tôi cũng không ngờ, cái lời nhận xét đó đã đẩy tôi vào một khúc ngoặt khác, đầy hung hiểm chết người.

Một thời gian ngắn sau đó, tôi được Đại Bàng mới cất nhắc lên làm Trung Đội trưởng thực thụ. Tham dự hết trận đánh này đến trận đánh khác, để sống còn, không còn con đường nào khác, tôi phải “động não” đến cao độ cho công việc của mình. Càng ngày tôi càng đạt được sự tin cậy cao nơi cấp Chỉ huy, chính điều đó đã đẩy Trung đội tôi vào nơi Tử địa. Khi Đại đội tiến quân vào nơi nguy hiểm, Trung đội tôi được lịnh đi đầu, và khi rút quân từ nơi đó, Tr.đội tôi được lịnh bao chót. Khi tấn công tôi được giao chỗ khó gặm nhất, và khi phòng thủ Trung đội tôi được nằm ở vị trí nặng nề nhất. Người ta thường nói: “Nhất Tướng công thành vạn cốt khô”, tôi không phải là Tướng, chỉ là một Sĩ quan có cấp bậc và chức vụ thấp nhất, nhưng lính tráng dưới quyền tôi đã chết la liệt, có khi chết nhiều đến nỗi, tôi chưa kịp nhớ mặt người lính của mình nữa. Bởi sự tin cậy của Đại Bàng dành cho tôi, mà Trung đội tôi phải gánh chịu những tai ương này. Ông ta rất quí mến tôi, ông chưa hề quát mắng tôi một tiếng nặng lời, có món nào ngon ông sai đệ tử đi mời tôi đến cùng ăn với ông, có Huy chương nào quí giá, ông cũng ưu tiên dành cho tôi. Ông quí tôi như vậy vì ông biết rằng, nếu ông cứ sử dụng tôi như vậy, trước sau gì tôi cũng chết. Làm sao tôi sống nổi, khi xua quân đi hết mặt trận này đến mặt trận khác, mà toàn là những nơi đầu sóng ngọn gió. Vậy mà tôi sống, mới kỳ.

Khi về đơn vị này, tôi có được một sự may mắn là đơn vị lưu động khắp các tỉnh Miền Tây. Khởi đầu của tôi tại Cái Bè -Cai lậy với các địa danh nổi tiếng như Hậu Mỹ, Mỹ Phước Tây, Bà Bèo, Láng Biển… Từ Cai Lậy đi về hướng Bắc khoảng 60 cây số là tới Mộc Hóa, từ Tuyên Nhơn kéo qua Tuyên Bình, có một chỗ tận cùng tên Bình Thạnh Thôn, đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất của đồng bằng Sông Cửu Long. Từ nơi này chúng tôi ngồi thiết giáp băng ngang qua Đồng Tháp Mười để tới Hồng Ngự, và chính cái lúc băng ngang này, tôi mới biết rõ về Đồng Tháp Mười, đây là một vùng đầm lầy kinh sợ nhất, đi suốt 1 ngày với xe thiết giáp, tôi không thấy một cây cỏ nào mọc nổi ngoại trừ loại cây bàng (một loại cây họ cỏ dùng dệt chiếu), không có một bóng chim, không có một con cá, nước phèn màu vàng chạch, tóm lại không có 1 sinh vật nào sống nổi trong vùng này, đừng nói chi đến con người. Vùng đầm lầy dài ngút mắt đến chân trời, khung cảnh im lìm đến ghê rợn. Rời Mỹ Tho, chúng tôi băng ngang Sông Tiền bởi phà Mỹ Thuận, rồi băng ngang Sông Hậu với phà Cần Thơ, xuôi theo lộ tới Cái Răng – Phụng Hiệp, rồi rẽ vào Phong Điền – Cầu Nhím, tôi ngạc nhiên trước một vùng đất giàu có tột bực này. Ở đây người dân sinh sống bằng vườn cây ăn trái, sáng sớm ghe chở trái cây chạy lềnh trên mặt sông để đến điểm tập trung giao hàng đi các nơi, nhà cửa ở miệt vườn mà trông rất bề thế. Rồi chúng tôi đến Phong Phú-Ô Môn, tiến sâu vào bên trong chúng tôi đến Thới Lai – Cờ Đỏ, sự trù phú không sao kể xiết, có khi chúng tôi ngồi Tắc-ráng đi từ Thới Lai đến Cờ Đỏ, 2 bên bờ kinh nhà cửa nguy nga tráng lệ, không hề có nhà tranh vách đất nào cả, nhà nào cũng có xe máy cày đậu trước sân. Tuy nhiên vào sâu hơn nữa, chúng tôi cũng gặp những vùng hoang vu như Bà Đầm -Thát Lát, dân chúng tản cư đi hết, nhà cửa hoang phế, trông rất âm u rợn người.

Trong tất cả những vùng mà tôi đã đi qua, có một vùng đất hết sức lạ lùng, và là một nơi đối với tôi đầy ắp kỷ niệm, vừa thích thú vừa buồn rầu. Mỗi khi hồi tưởng về một thời chiến trận, tôi đều nhớ về nơi ấy. Cuộc chiến đã ngừng 37 năm qua, vậy mà tôi chưa hề một lần nào trở về lại nơi chiến trường xưa, để thắp một nén hương tưởng mộ những đồng đội của tôi đã nằm xuống nơi này.

Mùa Khô năm 74, Đại Đội chúng tôi được trực thăng bốc từ phi trường Cao Lãnh, đổ xuống một cánh đồng bát ngát nằm cạnh biên giới Campuchia. Trung đội tôi nhảy líp đầu. Khi xuống tới đất tôi hết sức ngạc nhiên về vùng đất nơi đây. Cánh đồng khô khốc và phẳng lì, không hề có một bờ ruộng nào cả (sau này tôi được biết đây là vùng nước nổi, khi nước từ Biển Hồ tràn về, thì không có bờ ruộng nào chịu đựng nổi, nên người ta cứ để trống trơn như vậy, ruộng của ai người đó biết). Trên cánh đồng lại có rất nhiều gò nổi lúp xúp ở khắp nơi. Khi Trung đội tôi rời khỏi trực thăng, tôi lập tức ra lịnh tiến quân theo thế chân vạc thiệt nhanh nhằm chiếm 1 gò nổi trước mặt, khi cách gò chừng một trăm thước, tôi cho tất cả dừng lại dàn hàng ngang yểm trợ, rồi tôi phóng 3 khinh binh vào lục soát, sau một hồi thấy không có gì, họ khoát tay cho cả Trung đội tiến vào. Khi vào tới nơi, sau khi bố trí xong, tôi thấy trên gò có thật nhiều cây xanh che bóng mát, và có vài đìa cá, lính tráng lội ùa xuống xúm lại tát đìa, khi đìa cạn, cá lộ ra lội đặc lềnh như bánh canh. Một lát sau cả Đại đội theo trực thăng kéo tới kéo vào gò trú ẩn cũng vừa đủ. Đêm tới, chờ trời tối hẳn, Đại Bàng ra lịnh kéo cả đơn vị ra đồng trống để đóng quân đêm, vì vị trí ban ngày đã bị lộ. Đêm đó chúng tôi không ngủ được gì cả, vì lũ chuột đồng ở đâu kéo tới, chúng bò ngang dọc, lùng sục chỗ đóng quân của chúng tôi, lại còn chui tọt vào mùng gặm nhắm chân tay của chúng tôi nữa chứ. Tờ mờ sáng hôm sau, có 1 đoàn xe bò đông đảo khoảng mười mấy chiếc kéo ngang chỗ đóng quân. Lính tráng hỏi họ đi đâu, họ nói họ kéo nhau đi tát đìa, trời đất, tát đìa mà kéo một đoàn xe bò như thế này ư! Chiều đến, không biết họ đi đến đâu, mà khi kéo xe về, xe nào cũng đầy ắp cá, họ chứa lủ khủ trong thùng trong chậu lớn, sau đó họ kéo ra bờ sông giao cho ghe hàng chờ sẵn, chở cá về Hồng Ngự

Hôm sau chúng tôi kéo vào xóm nhà cất dọc theo bờ rạch, có tên là Rạch Cái Cái. Khi vào đến nơi tôi lại đứng trố mắt ra nhìn, nhà gì mà kỳ dị như thế này. Người dân họ cất nhà cao lêu nghêu theo kiểu nhà sàn, tôi biết ngay là họ phải cất nhà như thế để sống cùng với lũ. Nơi đây đúng là cùng trời cuối đất, tiếng bình dân gọi là hóc-bà-tó. Đây cũng là vùng đất tranh chấp giữa hai bên, chiến trận nổ ra liên miên, nên người dân họ sống rất là tạm bợ. Cả xã có vài ngàn người mà chỉ có vài người biết đọc biết viết. Họ thông thương với bên ngoài bằng các ghe hàng tạp hóa, hay ghe hàng bông (rau quả), được chở tới từ Hồng Ngự. Nhà nào cũng có một lu mắm cá, có nhà còn có lu mắm chuột đồng, đó là thức ăn phòng hờ cho mùa nước nổi. Ghé vào nhà chơi, chủ nhà rất hiếu khách và xởi lởi, bưng ngay ra một chai rượi đế, rồi hối người nhà xé mắm sống trộn giấm tỏi ớt đường, bưng ra mời chúng tôi ăn với khoai lang hay bắp luộc. Lúc đầu tôi thấy sợ lắm không dám ăn, sau vì nhiều người ép quá nên tôi cũng nếm được. Còn mắm chuột đồng thì cho tôi xá, nhìn thấy đã hãi nói chi tới ăn. Đám lính chúng tôi đang lội sình mệt nghỉ, được đưa về một nơi khô ráo, lại đầy ắp thức ăn, thiệt là đã đời, chúng tôi hành quân mà như đi picnic. Nhưng trong tôi linh cảm điều gì đó không ổn, đơn vị chúng tôi luôn luôn được tung vào những nơi hiểm địa, chớ đâu phải đi chơi như thế này.

Sau một thời gian hoạt động đơn độc, chúng tôi được tăng cường 1 Chi đoàn thiết giáp, có khoảng 12 xe bọc sắt M113. Với sự phối hợp này vùng hoạt động của chúng tôi rộng lớn hơn. Hằng ngày, chúng tôi ngồi trên xe thiết giáp hành quân lục soát nơi này nơi nọ, vẫn yên bình, không hề có tiếng súng. Rồi cái ngày giông bão đó đã đến. Hôm đó, bình thường như mọi ngày, chúng tôi lên xe đi hành quân. Đi đến các điểm đã được chỉ định sẵn trên bản đồ, đi đến chỗ này lục soát, không có gì lại đi đến chỗ khác. Cuối cùng đoàn xe đến 1 điểm, bất chợt đoàn xe dàn hàng ngang ngoài ruộng, hướng về mục tiêu là một bờ vườn rậm rạp. Lính Trinh Sát tụi tôi được lịnh xuống xe, tiến vào bờ vườn. Trung đội tôi tiến về phía bên trái của đội hình Đại đội. Đang đi tôi bỗng lên tiếng: ”Tất cả tản ra mau, đi túm tụm như vầy dễ ăn đạn lắm!” Không ngờ lời nói của tôi “linh như miễu”. Đạn phát nổ vang trời dậy đất, tôi bị trúng đạn, bật người ngã xuống đất, máu ở đâu chảy xuống mặt tôi thành dòng, tôi ra lịnh bắn trả xối xả, nếu không phía bên kia họ thừa thắng xông lên thì thật là nguy khốn. Súng nổ một chập thì im lặng, lúc đó tôi mới rảnh rờ rẩm khắp người xem mình bị thương nơi đâu. Tôi giật mình kinh ngạc và cảm thấy hết sức lạ lùng, bởi vì tôi bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn súng tiểu liên AK, một viên bắn trúng vào đầu mũi súng ngắn tôi nhét trước bụng, viên đạn bể ra văng tứ tán lên mặt lên cánh tay, nên máu tuôn ra thành dòng là vì thế, song phần còn lại của viên đạn chui tọt vào đùi, máu tuôn ra khá nhiều nhưng không nguy hiểm. Viên đạn thứ 2, mới thật là ghê rợn, viên đạn bắn trúng vào cái bóp tôi để trên túi áo trái, ở phía trước trái tim, viên đạn quậy nát cái bóp, tôi để rất nhiều tiền vì mới lãnh lương, tiền và giấy tờ đã cuốn viên đạn lại, nằm yên trong đó, có lẽ viên đạn được bắn ra trong khoảng cách quá gần, làm viên đạn không đủ sức xuyên phá. Lúc đó tôi sợ lắm, bởi vì tôi nghĩ phải có một phép lạ thiêng liêng nào đó đã che chở cho tôi, chứ trên đời này hiếm có ai bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn mà còn sống như tôi vậy

Cũng ngay lúc ấy, tôi chợt nghe một tiếng rên yếu ớt của người lính đệ tử của tôi: ”Thiếu Úy ơi! cứu em! “ Tôi nghe xong mà sợ điếng hồn, té ra nãy giờ đệ tử của tôi bị trúng đạn mà tôi không hay biết, bởi vì cỏ cao che khuất nên tôi không thấy anh ta nằm trước mặt, cách tôi chừng dăm ba thước. Thông thường các Sĩ quan Trung đội Trưởng có 2 người lính đệ tử, 2 người này có nhiệm vụ lo chỗ ăn chỗ ngủ và lo mang vác đồ đạc cho ông Thầy. Những người lính đệ tử của tôi thường đối với tôi rất chí tình, họ sẵn sàng sống chết vì tôi mà không hề so đo tính toán. Khi tôi dẫn Trung đội xung trận, 2 người lính này theo sát để bảo vệ cho tôi. Hôm nay, một trong hai người đệ tử đã hứng đạn cho tôi, khi ngã xuống đã kêu lên lời cầu cứu đến tôi. Ít lâu sau thì anh ta chết, tiếng kêu thảm sầu của anh ta đã xoáy vào lòng tôi, và ở yên trong đó từ ngày ấy cho đến bây giờ. Vậy mà 37 năm đã trôi qua, tôi chưa có một lần nào về đứng trước mộ anh, để đốt một nén nhang nói lời cảm tạ. Anh ta là Hạ sĩ Nguyễn Văn Đồng, một cái tên vừa bình thường vừa vô danh, nằm lẫn khuất đâu đó trong một triệu người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh tức tưởi này.

Sau khi tôi bị thương, tôi giao Trung đội lại cho Trung đội phó là Chuẩn Úy Nguyễn Thọ Tường. Tôi ra ngoài, leo lên xe Thiết giáp ngồi nghĩ và ngó vào trận địa, tôi chợt thấy Chuẩn Úy Tường dàn đội hình hàng ngang xung phong vô mục tiêu, tôi kêu lên thảng thốt: ”Đừng làm thế, Tường ơi! “. Sau đó, Trung đội tôi bị bắn tan tác, Chuẩn Úy Tường bị trúng đạn chết tại mặt trận, mắt vẫn mở thao láo, có lẽ anh ta không biết sao mình lại chết như vầy. Trung đội tôi coi như tan hàng xóa sổ. “Tường ơi! Vĩnh Biệt!”

Không biết sao đại đội tôi đóng quân bên bờ Rạch Cái Cái rất lâu. Rồi tới ngày Mùa Nước Nổi kéo về, nước chảy ào ào một chiều duy nhất, không có cảnh nước ròng nước lớn gì nữa hết. Nước mỗi ngày dâng cao cả gang tay, đến lúc này đây mới thấy lúa sạ là một loại lúa kỳ diệu, nước dâng tới đâu thì lúa dâng tới đó, nước sâu 5-6 mét thì cây lúa cũng dài nhằng ra 5-6 mét, tôi chưa nơi nào cây lúa lại kỳ dị như vậy. Rồi đến lượt cá Linh tràn về, cá nhiều đến nỗi không biết cơ man nào kể cho xiết, có khi tôi thấy cá Linh nổi lềnh lên cả một khúc sông, và kỳ lạ một điều nữa là người dân ở đây thà ăn mắm ăn muối chớ họ không ăn cá linh, họ nói họ thấy cá Linh cả đời nên tự nhiên họ đâm ngán tới cổ. Ô! nước cứ dâng lên mãi, khiến chúng tôi kiếm chổ đóng quân khá vất vả, chúng tôi rút lên gò thì rắn với chuột cũng kéo lên gò, ban đêm chúng cứ bò xục xạo trong mùng chúng tôi trông thật ghê khiếp. Cả đơn vị phải chẻ nhỏ ra thành từng toán. Vào hôm đó toán của thầy trò chúng tôi đi tới một cái gò còn khô ráo.

Đêm đó như thường lệ tôi ngủ dưới một mái lều, tới nửa đêm tôi đang ngủ mê mệt, thì cảm thấy có ai đang khều khều đầu mình. Ở chốn trận tiền ai ngủ cũng phải thật nhạy thức, tôi cũng vậy, tôi tưởng lính gác báo động nên vội ngồi dậy ngay. Tôi ngó ra ngoài lều thì thấy dưới bóng trăng sáng vắng vặc một em bé gái khoảng 13-14 tuổi đứng nhìn tôi và mỉm cười thật tươi tắn. Tôi trố mắt nhìn ngẩn ngơ một hồi rồi mới biết đó là hồn ma, tôi sợ quá vội vàng nằm xuống kéo mền trùm kín đầu. Sáng hôm sau, tôi thấy chỗ tôi ngủ nằm kề bên 1 cái bàn thờ bằng gỗ xiêu vẹo mục nát. Tôi bèn rảo bước vào xóm để hỏi thăm về cái gò này, được người dân cho biết, trước kia có một em bé nhà nghèo lắm, hàng ngày chèo xuồng ra đồng nhổ bông súng, đem vô xóm bán dạo. Một hôm em cũng chèo ghe ra đồng như hàng ngày, sau đó súng đạn nổ ran, em bị đạn lạc chết trên gò, em chết trẻ hồn thiêng không siêu thoát, đêm đêm hiện về khóc lóc thảm thiết, dân làng thấy vậy bèn làm cho em một cái bàn thờ gỗ để nhang khói cho em. Câu chuyện thật tội nghiệp. Ở nơi chốn tên bay đạn lạc này,đời sống người dân khốn khổ không sao kể xiết,nếu họ muốn đi đến một nơi chốn an lành khác, họ cũng không biết đi đâu, mà nếu có đi cũng không biết lấy gì mà sống.

Trong đời lính của tôi, tôi sợ nhất là phải đi báo tin tử trận hoặc thăm viếng những gia đình có người thân chết trận, vậy mà có một lần tôi đã phải làm chuyện này một cách bất đắc dĩ. Chuẩn Úy Nguyễn Mạnh Hà ra trường sau tôi khoảng một năm, lúc đó anh ta mới 19 tuổi, còn đặc sệt nét con nít. Tôi nhớ hồi tôi mới ra trường trông đã rất chán, anh chàng này trông còn chán hơn tôi nữa. Mặt của Hà còn đầy mụn trứng cá, suốt ngày chỉ thích ngậm kẹo, có ai rủ nhậu, nể lắm anh ta mới uống, vừa uống vừa chắc lưỡi hít hà như uống thuốc độc. Điều đặc biệt nhất của Hà là anh ta rất sợ tiếng nổ, khi nghe súng nổ anh ta nhắm chặt mắt, bịt kín lỗ tai, và mặt mày thì tái mét. Anh ta về làm Phó cho tôi, làm giọng “chảnh”, tôi hỏi anh ta một cách xách mé: “Sao ông nhát như vậy mà xin về Trinh Sát”. Anh ta bèn phân trần, anh ta đâu có xin xỏ gì đâu. Ban Quân số thấy không có ai tình nguyện nên chỉ định bừa, dè đâu trúng ngay anh ta. Khi đụng trận tôi lo cuống cuồng đủ mọi chuyện, còn phải để ý đến anh ta nữa chứ, anh ta có biết gì đâu, thiệt khổ. Càng về sau các Sĩ quan rơi rụng dần dần, C/U Hà cũng được đưa lên làm Trung đội trưởng. Cái ngày định mệnh dành cho Hà là tại mặt trận Mộc Hóa. Cả đại đội được lịnh tấn công vào mục tiêu. Trung đội của Hà và một trung đội nữa vỗ vào mặt chính diện, trung đội tôi thọc vào bên cạnh sườn. Hà dẫn tổ đại liên chạy đến ẩn nấp vào một gò mả bằng đá ong, ngay lúc ấy phía bên kia phóng ra 1 trái hỏa tiển B40, trúng ngay gò mả, viên đạn nổ tạt ra trúng ngay vào người Hà. Tội nghiệp Hà chết không toàn thây. Lúc Hà còn sống, mỗi khi tôi về phép, Hà thường nhờ tôi ghé qua nhà Hà ở Sài gòn, để mang dùm quà của gia đình xuống cho Hà, vì thế tôi khá thân thuộc với gia đình của anh ta. Hà mất được chừng một tháng, thì tôi xin được cái phép 6 ngày về thăm gia đình. Tôi bèn ghé qua nhà Hà nhằm nói lời chia buồn với gia đính anh ta. Tôi vừa tới, Ba Má của Hà chạy ùa ra nắm lấy tay tôi, rồi hỏi dồn dập:

“Sao cái hôm em Hà nó chết, mà cháu lại không về đưa đám tang em?”.

Tôi lúng túng trả lời:

“Thưa, lúc đó chúng cháu đánh nhau tưng bừng, làm sao cháu bỏ đơn vị mà về cho được.”

Thế là vừa ngồi xuống ghế, hai ông bà khóc ngất ngất, lúc đầu ông bà còn lấy tay lau nước mắt, lúc sau thì để mặc, nước mắt tuôn ra xối xả làm ướt đầm cả ngực áo. Tôi kinh hoàng ngồi chết điếng, tôi chưa bao giờ gặp phải một trường hợp bi thương tột độ đến như vậy. Ông bà vừa khóc vừa kể lể tiếc thương cho đứa con không sao kể xiết. Cha mẹ nào có con ra mặt trận, coi như đã chết nửa linh hồn, đêm ngày sống trong hốt hoảng lo âu, mong ngóng con mình, mãi về sau tôi mới nghiệm ra được điều này. Nghe ông bà than khóc một hồi, tôi không chịu đựng nổi nữa và tôi cũng không nói một lời phân ưu gì nữa hết, bởi vì lời nói nào cho đủ trước một mất mát quá lớn lao này. Rồi tôi nghĩ đến tôi, đến Ba Mẹ tôi, trong lòng tôi bỗng xộc lên một nỗi buồn khủng khiếp. Tôi lảo đảo đứng dậy từ giã hai ông bà để ra về. Trên đường về tôi ghé vào một quán cóc, ngồi uống rượu một mình, tôi buồn lắm. Tối hôm đó tôi về đến nhà khá muộn, cả nhà chờ cơm tôi quá lâu nên đã dùng trước. Tôi ngồi vào bàn, Mẹ tôi bày thức ăn la liệt trên bàn cho tôi ăn. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, mai kia nếu mình có chết, Mẹ cũng bày đồ cúng cho mình như thế này đây. Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cha mẹ Hà, lúc đó bỗng nhiên tôi thương Ba Mẹ tôi vô cùng. Tôi vừa ăn vừa lặng lẽ chảy nước mắt.

Cuối cùng vào tháng 2 năm 75, tôi bị thương một lần nữa tại mặt trận Mộc Hóa. Tôi được đưa về điều trị tại Bịnh xá Tiểu đoàn 9 Quân Y tại Vĩnh Long. Tại Bịnh xá, tôi theo dõi tình hình chiến sự trên cả nước, khi mất Ban Mê Thuột, tôi linh cảm có điều gì đó không lành. Đến ngày 30-4-75, khi nghe lịnh buông súng đầu hàng, trong lòng tôi nát bấy. Sáng ngày 1-5, tôi bước ra khỏi Bịnh xá, đứng trên Quốc lộ 4, tôi nhìn về hướng Cần Thơ, thấy mặt trời lên đỏ rực, báo hiệu một ngày mới. Lúc đó tôi không hề biết rằng, đó là cái ngày đầu tiên của một hành trình bi thảm khác, có tên gọi là “Mạt Lộ”.

Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật, cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.

Viết xong ngày 1 tháng 6 năm 2012.

NĐC.



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 12/Jul/2012 lúc 11:17am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 09/Apr/2013 lúc 9:39pm
NỮ TRUNG TÁ HẢI QUÂN HOA KỲ GỐC VIÊT TÌM ĐƯỢC NGƯỜI ĐÃ CỨU MẠNG MÌNH 41 NĂM TRƯỚC ĐÂY. 
clip_image002%5b8%5d

Ảnh : Thiếu úy TQLC Trần Khắc Báo và Hải Quân Trung Tá Kimberly Mitchell hội ngộ sau 41 năm

WESTMINSTER. Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.


Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.

Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.


Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.

Khi đơn vị ông đến cầu Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì nơi đây là phòng tuyến cuối cùng của VNCH để ngăn chặn quân Cộng Sản Bắc Việt tràn xuống phía Nam. Ông đã chỉ huy 20 quân xa GMC thực hiện cấp tốc cuộc di tản suốt ngày. Đến khoảng 4 hay 5 giờ chiều ông Trần Khắc Báo nhìn thấy thấp thoáng bên kia cầu còn một người đang ôm chiếc nón lá thất thểu đi qua với dáng điệu hết sức mỏi mệt. Ông định chạy qua giúp người này nhưng vị Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 TQLC đang trách nhiệm trấn giữ tại đó la lớn:
“Cây cầu tao đã gài mìn, có thể nổ và sẵn sàng phá hủy khi thấy chiến xa Việt Cộng xuất hiện, đừng chạy qua, mày sẽ bị bỏ lại bên đó không về lại được đâu nghe!”
Ông cố nài nỉ:
“Đại Bàng chờ em một chút, cho em cứu người cuối cùng này.”
Và ông chạy đến đưa người này qua cầu. Thấy người này đi không nổi, thất tha thất thểu mà tay còn cố ôm vòng chiếc nón lá, Thiếu Úy Báo nói đùa:
“Đi không nổi mà còn mang theo vàng bạc châu báu gì nữa đây cha nội?”
Người ôm vòng chiếc nón lá nói với Thiếu úy Trần Khắc Báo:
“Em là lính Quân Cụ thuộc Tiểu Khu Quảng Trị, trên đường chạy về đây em thấy cảnh tượng hết sức thương tâm này, mẹ nó đã chết từ bao giờ không biết và nó đang trườn mình trên bụng mẹ nó tìm vú để bú, em cầm lòng không được nên bế nó bỏ vào chiếc nón lá mang đến đây trao cho Thiếu Úy, xin ông ráng cứu nó vì em kiệt sức rồi, không thể đi xa được nữa và cũng không có cách gì giúp em bé này.”
Nói xong anh ta trao chiếc nón lá có em bé cho Thiếu úy Báo.
Ngừng một chút, ông Báo nói với chúng tôi:
“Mình là người lính VNCH, mình đã được huấn luyện và thuộc nằm lòng tinh thần 'Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm' nên lúc đó tôi nghĩ trách nhiệm của mình là lo cho dân nên tôi nhận đứa bé và nói với người lính Quân Cụ: 'Thôi được rồi, để tôi lo cho nó, còn anh, anh cũng lo cho sức khỏe của anh, lên GMC đi để chúng tôi đưa anh về vùng an toàn.'”
Sau đó, người sĩ quan TQLC ôm em bé leo lên chiếc xe Jeep chạy về Phong Điền, cách đó khoảng 20 cây số. Trên đường đi, ông Báo cảm thấy rất bối rối vì em bé khóc không thành tiếng vì đói, khát mà ông thì còn là một thanh niên trẻ (lúc đó mới 24 tuổi) chưa có kinh nghiệm gì nên ông hỏi người tài xế, bây giờ phải làm sao? Người tài xế tên Tài trả lời:
“Ông thầy cho nó bú đi! Ông thầy không có sữa thì lấy bi đông nước chấm đầu ngón tay vào nước để vào miệng nó cho nó bú.”
Ông Báo làm theo lời chỉ và em bé nín khóc rồi nằm im cho đến khi ông đưa em vào Phòng Xã Hội của Lữ Đoàn TQLC. Tại đây, gặp Thiếu tá Nhiều, Trưởng Phòng 4 TQLC, ông trao em bé cho Thiếu tá Nhiều và nói:
“Thiếu tá, tôi có lượm một em bé ngoài mặt trận, xin giao cho Thiếu tá.”
Ông này nhìn ông Báo cười và nói:
“Mày đi đánh giặc mà còn con rơi con rớt tùm lum!”
Ông Báo thanh minh:
“Không! Tôi lượm nó ngoài mặt trận; nó đang nằm trên xác mẹ nó.” Thiếu tá Nhiều bảo:
“Thôi, đem em bé giao cho Phòng Xã Hội để họ làm thủ tục lo cho nó.” Sau đó, ông Báo đưa em bé cho một nữ quân nhân phụ trách xã hội. Cô này nói với ông:
“Thiếu úy giao thì Thiếu úy phải có trách nhiệm, vì em bé này ở ngoài mặt trận thì Thiếu úy phải cho nó cái tên và tên họ Thiếu úy nữa để sau này nó biết cội nguồn của nó mà tìm.”
Lúc đó, ông còn độc thân nhưng trong thâm tâm ông vốn nghĩ rằng sau này khi ông cưới vợ, nếu có con gái ông sẽ đặt tên là Bích, nếu con trai ông sẽ đặt tên là Bảo, nên sau khi nghe người nữ quân nhân nói, ông Báo đặt ngay cho em bé cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.
Sau đó ông trở về đơn vị và cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt cho tới tháng 3/1975, đơn vị ông bị thất thủ cùng Lữ Đoàn 2 TQLC ở Huế và ông Báo bị Việt cộng bắt làm tù binh. Mãi đến năm 1981 ông được chúng thả về gia đình và bị quản chế. Tháng 9/1994 ông được sang định cư tại thành phố Albuqueque, tiểu bang New Mexico...
Em bé Mồ Côi Gặp May Mắn
Em bé Trần Thị Ngọc Bích được Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC đem đến Cô Nhi Viện Thánh Tâm Đà Nẵng giao cho các Dì Phước chăm sóc. Số hồ sơ của em là 899.
Một hôm có ông Trung Sĩ Hoa Kỳ thuộc binh chủng Không Quân phục vụ tại phi trường Đà Nẵng tên là James Mitchell vô Cô Nhi Viện xin nhận một trong các em tại đây làm con nuôi. Em Trần Thị Ngọc Bích may mắn lọt vào mắt xanh của ông James Mitchell và trở thành thành viên của gia đình này từ đó đến nay.
Sau khi rời khỏi binh chủng Không Quân, ông James Mitchell trở về Hoa Kỳ vào năm 1972. Ông quyết định mang theo đứa con nuôi Trần Thị Ngọc Bích, lúc đó em mới được 6 tháng.
Hai ông bà Mitchell đặt tên Mỹ cho em là Kimberly Mitchell. Em ở tại trang trại của gia đình tại Solon Springs, tiểu bang Wisconsin. Kimberly Mitchell lớn lên tại đây và được bố mẹ nuôi rất thương yêu, coi như con ruột. Em được đi học, tham gia thể thao và vào hội thanh niên. Lớn lên em vừa đi học vừa phụ giúp cha mẹ nuôi bò và làm phó mát. Cái tên Trần Thị Ngọc Bích đã bị quên lãng từ đó, và Kimberly Mitchell cho biết, mỗi khi nghe ai nói gì về Việt Nam, cô thường tự hỏi, Việt Nam là đâu nhỉ?
Khi đã có trí khôn, Kimberly Mitchell nhận thấy mình không phải người Mỹ như bố mẹ, không phải con lai, không phải người Tàu. Cô không biết mình là người nước nào và cứ mang cái thắc mắc đó mãi mà không ai có thể trả lời cho cô.
Một hôm, Kimberly Mitchell đánh bạo hỏi bố:
"Con muốn biết con người gì, nguồn gốc con ở đâu? Tại sao con lại là con bố mẹ?”
Bố nuôi James giải thích cho cô:
"Con là người Việt Nam, bố mẹ xin con từ trong viện mồ côi ở Đà Nẵng, Việt Nam. Nếu con muốn tìm nguồn cội của con, con có thể về Đà Nẵng, may ra tìm được tông tích của gia đình con.”
Ngay từ khi Kimberly còn học lớp ba, bố nuôi em đã muốn sau này cho Kimberly gia nhập Không Quân nhân khi cô được chọn tham dự hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo dành cho những học sinh xuất sắc. Nhưng rồi định mệnh xui khiến, cô lại theo Hải Quân. Trong thời gian theo học, Kimberly Mitchell phải bỏ học một năm vì bố nuôi qua đời năm 1991 trong một tai nạn tại trang trại của gia đình. Sau đó cô trở lại trường và tiếp tục học. Năm 1996 cô tốt nghiệp Cơ Khí Hàng Hải và phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện nay mang cấp bậc Trung Tá, Phó Giám Đốc Văn Phòng Trợ Giúp Quân Nhân và Thân Nhân tại Ngũ Giác Đài.
Năm 2011, Kimberly Mitchell trở về cố hương trong vai một nữ Trung Tá Hải Quân, Quân Lực Hoa Kỳ, mong gặp lại người thân. Đến Viện Nuôi Trẻ Mồ Côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng, cô may mắn gặp được Sơ Mary, người tiếp nhận cô năm 1972 từ một nữ quân nhân Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC. Giây phút thật cảm động, nhưng Kimberly chỉ được Sơ Mary cho biết:
“Lúc người ta mang con tới đây, con mới có 4 tháng và họ đặt tên con là Trần Thị Ngọc Bích. Họ nói mẹ con đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng, con được một người lính VNCH cứu đem đến đây giao cho Cô Nhi Viện rồi đi mất, vì lúc đó chiến tranh tàn khốc lắm.”
Kimberly không biết gì hơn và cô quay trở lại Mỹ. Sau khi đã biết mình là người Việt Nam, thỉnh thoảng cô viết trên website câu chuyện của mình. clip_image004
Cuộc hội ngộ sau 41 năm với chiếc nón lá mà 41 năm trước, Trần Thị Ngọc Bích đã được cứu sống bởi các chiến sĩ VNCH. Trong hình, gia đình ông Trần Ngọc Báo và nữ Trung tá Kimberly Mitchell (quàng khăn hình Quốc kỳ VNCH )-
ảnh TP/VĐ chụp lại.
Gặp Lại Cố NhânÔng Trần Khắc Báo đưa cho chúng tôi xem một số hình ảnh, một số báo tiếng Việt và mấy tờ báo tiếng Anh đăng hình cuộc gặp gỡ giữa gia đình ông và cô Trần Thị Ngọc Bích, và nói:
“Sau khi ra tù Việt Cộng, tôi cũng cố tìm hiểu xem em bé Trần Thị Ngọc Bích nay ra sao, kể cả người lính Quân Cụ năm xưa, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Một hôm tình cờ tôi đọc được một bài viết của tác giả Trúc Giang trên tờ Việt Báo Hải Ngoại số 66 phát hành tại New Jersey, tác giả kể lại câu chuyện đi Mỹ của một em bé trong cô nhi viện Đà Nẵng mang tên Trần Thị Ngọc Bích. Đọc xong tôi rất xúc động pha lẫn vui mừng, vì có thể 80, 90% cô Ngọc Bích đó là do mình cứu và đặt tên cho cô.”
Sau đó, ông nhờ người bạn tên là Đào Thị Lệ làm việc trong New York Life, có chồng người Mỹ và có em cũng ở trong Hải Quân Hoa Kỳ, liên lạc tìm kiếm Mitchell. Và chính cô Đào Thị Lệ là người đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Trần Thị Ngọc Bích đang làm việc tại Ngũ Giác Đài.
Theo ông nghĩ, có thể cô Mitchell bán tín bán nghi, không biết chuyện này có đúng không hay là chuyện “thấy sang bắt quàng làm họ” như ông cha mình thường nói. Nhưng sau khi nói chuyện với ông Trần Khắc Báo, Mitchell quyết định tổ chức một cuộc hội ngộ trước các cơ quan truyền thông. Cô xin phép đơn vị và mời được 7 đài truyền hình cùng một số phóng viên báo chí từ Washington, D.C cũng như nhiều nơi về tham dự.
Cuộc hội ngộ, theo ông Báo cho biết, hoàn toàn do cô Kimberly Mitchell quyết định, địa điểm là trụ sở Hội Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Mexico vào Thứ Sáu, ngày 29.8. 2012. Cô đến phi trường vào tối Thứ Năm 28.8, gia đình ông Báo ngỏ ý ra phi trường đón nhưng cô cho cô Đào thị Lệ biết là cô không muốn gia đình đón ở phi trường cũng như đưa vào khách sạn. Cô muốn dành giây phút thật cảm động và ý nghĩa này trước mặt mọi người, đặc biệt là trước mặt các cơ quan truyền thông, và cô muốn ông Báo mặc bộ quân phục TQLC như khi ông tiếp nhận cô đưa đến Phòng Xã Hội Sư Đoàn TQLC cách nay 41 năm. Giây phút đầy xúc độngGia đình ông Trần Khắc Báo gồm vợ và con gái cùng có mặt. Khi ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hỏi cô Kimberly Mitchell:
"Cô đến đây tìm ai?”
Cô trả lời:
"Tôi muốn tìm ông Trần Khắc Báo.”
Vị Chủ Tịch quay sang ông Báo đang mặc quân phục và giới thiệu:
"Đây là ông Trần Khắc Báo.”
Lập tức, Kimberly Mitchell Trần Thị Ngọc Bích tiến lại ôm lấy ông Báo và cả hai cùng khóc nức nở.
Giây phút xúc động qua đi, cô Kimberly hỏi ông Trần Ngọc Báo:
"Ông là người đã cứu mạng tôi, tôi mới có ngày hôm nay; tôi xin cám ơn ông, và bây giờ ông muốn gì ở tôi?”
Ông Trần Khắc Báo nói :
“Thực sự bây giờ tôi chỉ muốn cô nói với tôi một lời bằng tiếng Việt, cô hãy kêu tôi là “Tía”. Vì tất cả các con tôi đều gọi tôi bằng Tía, tôi xem cô cũng như con tôi, tôi chỉ mong điều đó.”
Và ông mãn nguyện ngay, khi Kimberly Mitchell gọi “Tía”. Ông nói với chúng tôi:
“Bấy giờ tôi thực sự mãn nguyện.”
Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Trần Khắc Báo cho biết, cô Kimberly chưa lập gia đình và cô có hứa sẽ thường xuyên liên lạc với gia đình ông. Ông có nhắc cô Kimberly điều này, rằng cô không phải là đứa trẻ bị bỏ rơi. Cô đã được những người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm cứu sống trên bụng mẹ cô đã chết, và chính ông đã đặt tên cho cô là Trần Thị Ngọc Bích. Ông cũng mong rằng sau này, cô có thể trở lại Quảng Trị, may ra có thể tìm ra tung tích cha cô hoặc người thân của mình. Ông Trần Khắc Báo cũng cho biết, ông mất liên lạc với người lính Quân Cụ từ lúc hai người giao nhận đứa bé đến nay.
Trong cuộc hội ngộ, trả lời câu hỏi của các phóng viên Hoa Kỳ, nữ Trung Tá Kimberly Mitchell cho biết, cô có hai cái may. Cái may thứ nhất là cô được tìm thấy và mang tới trại mồ côi . Cái may thứ hai là được ông bà James Mitchell bước vào trại mồ côi và nói với các Sơ rằng, ông muốn nhận em bé này làm con nuôi.”
Câu chuyện sau 41 năm kết thúc tốt đẹp, cô Trần Thị Ngọc Bích đúng là viên ngọc quý trên Đại Lộ Kinh Hoàng như ý nguyện của người đã cứu mạng em, vì chính cô đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt khi cố gắng học hành để trở nên người lãnh đạo xuất sắc trong Quân Lực Hoa Kỳ, một quân lực hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.
Người quân nhân binh chủng Quân Cụ và người sĩ quan TQLC Trần Khắc Báo đã thể hiện tinh thần của một quân nhân Quân Lực VNCH , luôn đặt Tổ Quốc - Danh Dự và Trách Nhiệm trên hết. (TP) Thanh Phong/Viễn Đông **********************************
Tài liệu bổ túc
Sưu tập bởi BMH
** Hình ảnh khi Cô còn mang cấp bậc Hải Quân Thiếu Tá (LCDR)Tiểu sử Kimberly M. Mitchell clip_image005 Lieutenant Commander Kimberly M. Mitchell, US Navy LCDR Mitchell was born in 1971 in DaNang, South Vietnam. She was adopted and brought to the United States in September 1972. Raised in Solon Springs, Wisconsin, she was active in sports, church, 4-H and other community activities. Upon graduation from high school, LCDR Mitchell was accepted into the United States Naval Academy and graduated in 1996 with a Bachelor of Science degree in Ocean Engineering. Selecting the Surface Warfare Community, she was ***igned to USS STUMP (DD 978) as the Damage Control ***istant. Following that tour, she was ***igned to ***ault Craft Unit 4 as a Detachment Officer-In-Charge (OIC) for a detachment of Landing Craft Air Cushion (LCAC). Her first shore duty brought her to Washington DC as part of the Washington Navy Intern Program where she completed her Masters of Arts degree in Organizational Management from The George Washington University as well as completing three internships in the office of the Chief of Naval Operations, the State Department and on the Joint Staff. Following shore duty, LCDR Mitchell reported to USS CROMMELIN (FFG 37) as the Operations Officer and then reported to Commander Destroyer Squadron 50 home ported in the Kingdom of Bahrain as the Future Operations Officer and Maritime Security Operations Officer. LCDR Mitchell’s second shore duty again brought her to Washington DC as a Country Program Director ***igned to the Navy International Programs Office (NIPO) doing Foreign Military Sales. Following her tour at NIPO, she was selected to be the Military ***istant in the Office of Wounded Warrior Care and Transition Policy in the Office of the Secretary of Defense. Following a year in that job, she transferred to the Office of the Chairman of the Joint Chiefs of Staff where she is currently the Deputy Director for the Office of Warrior and Family Support. LCDR Mitchell’s personal awards include Joint Commendation Medal, Navy Commendation Medal, Joint Service Achievement Medal, Navy Achievement Medal, as well as other unit awards. She has also received recognition from the ***istant Secretary of State for her work in Humanitarian and Peacekeeping Operations as well as the Director of the Defense Security Cooperation Agency for her work in Foreign Military Sales.


Cuộc hành trình tìm về quê hương của cha, mẹ ruột...

Adopted U.S. Navy Officer Makes First Return to Vietnam

clip_image008
Lieutenant Commander Kim Mitchell with Sister Mary (left)
and Sister Vincent in Danang.
HANOI, August 26, 2011 – She was once known only as Baby #899, an abandoned infant in Danang’s Sacred Heart Orphanage. With more than a bit of luck, as she now acknowledges, Baby #899 was eventually adopted by a U.S. Air Force Tech Sergeant and his wife in 1972, and brought up on a farm in rural Wisconsin. U.S. Navy Lieutenant Commander Kimberly M. Mitchell now works at the Pentagon, as Deputy Director for the Office of Warrior and Family Support, and recently made her first trip back to Vietnam. “I wanted to try to reconnect with the unknown of my past,” said LCDR Mitchell after meeting with officials at the U.S. Emb***y in Hanoi. “I’ve been talking about coming back for years, but it was like a soccer ball that I kept kicking down the field.” LCDR Mitchell returned to Vietnam and visited Ho Chi Minh City and Hanoi—but the most moving part of her week-long homecoming was in Danang, where she found the Sacred Heart Orphanage (now a monastery) and tracked down one of the nuns, Sister Mary, who worked in the orphanage four decades ago at the time that Baby 899 was adopted. “Sister Mary was able to tell me about the name they gave me, Tran Thi Ngoc Bich—and that it meant precious pearl,” said LCDR Mitchell. “It was the trip of a lifetime. I certainly won’t wait another 40 years to return.”

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 11/Apr/2013 lúc 4:19am
Hồi Ký Nhớ Về SÀIGON   <<<<
Son Huy & Thuc Quyen


Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 25/Apr/2013 lúc 12:15pm
Ve Voi Anh Em- Tho NN  <<<<<<









Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 25/Apr/2013 lúc 12:16pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 01/May/2013 lúc 9:38pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23100
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/May/2013 lúc 7:26pm
CÂU CHUYỆN THUYỀN NHÂN THẬT CẢM ĐỘNG
29 Năm, Hoàn Tất Một Hành Trình
'Ðã có văn bản không nhận người tị nạn lên tàu,' nhưng, một thuyền trưởng, cựu Navy Seal HK, đã cứu 52 thuyền nhân Việt Nam, 29 năm về trước.
PROVIDENCE, Rhode Island
- Một trong những “câu chuyện hay nhất” mà nhiều người dân của thành phố Providence ở Rhode Island từng được nghe, đã được kể ra vào trưa Chủ Nhật, 3 tháng 10 vừa qua, tại ngôi nhà thờ St. Martin Episcopal.

  thuyen%20nhan%201 Cuộc hội ngộ sau 29 năm có được nhờ tình cờ tìm lại được tấm “business card” mà mọi người đang chuyền nhau xem. Từ trái: Ông Nguyễn Hữu Ðể, Bác Sĩ Denis Moonan (bạn ông Romano), bà Liên Hương, cô con gái lớn của thuyền trưởng Romano, truyền trưởng Romano, vợ thuyền trưởng, và cô Carly, con gái thứ 3 của thuyền trưởng.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ðó là câu chuyện của những thuyền nhân Việt Nam vượt biển tìm tự do bất chấp hiểm nguy.
Ðó là câu chuyện của người thuyền trưởng, vì “không muốn nhìn thấy người ta phải chết,” đã bất chấp lệnh cấm, và cho người tị nạn được lên tàu của mình.
Ðó là câu chuyện những người chịu ơn, đi tìm để được nói lời tri ân với ân nhân mình, sau gần ba thập kỷ.
Ðó là câu chuyện của ngày hội ngộ sau 29 năm.\
thuyen%20nhan%20%206
Những thuyền nhân Việt Nam năm xưa đến thăm nhà thuyền trưởng Romano. Vợ chồng thuyền trưởng đứng hàng trên cùng.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tấm danh thiếp bị lạc
Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương ở quận Cam, từ hai mươi mấy năm qua, cứ khắc khoải trong lòng mối ơn cứu mạng chưa kịp đền đáp với vị ân nhân của mình là thuyền trưởng chiếc tàu vớt thuyền vượt biên của cô.
Thuyền trưởng Charles Romano là người đã cứu bà Liên Hương, 2 người con nhỏ của bà, cùng 49 người khác đi cùng bà trên chiếc ghe vượt biên từ Mỹ Tho vào ngày 9 tháng 5 năm 1981. Tuy nhiên, sau khi sang đến Mỹ, bà Liên Hương đã làm thất lạc tấm by Text-Enhance">business card, dấu tích duy nhất có thể liên lạc với người ơn của mình.
Sau hơn 29 năm, vào một ngày cuối tháng 8 vừa qua, trong một lúc tình cờ khi by Text-Enhance">lát lại sàn nhà, bà Liên Hương đã vô tình nhìn thấy chiếc phong bì đựng “Tài liệu vượt biên” trong đó có tấm business card của thuyền trưởng Romano. Ngay sau đó, bà đã viết thư gửi đến cho viên thuyền trưởng năm nào.

thuyen%20nhan%203
Xem lại những hình ảnh về Việt Nam mà thuyền trưởng Romano còn lưu giữ cùng thư của bà Liên Hương gửi năm 1981, 1982, và danh sách 52 thuyền nhân được thuyền trưởng cứu vớt. Từ trái: cô Nguyễn Thị Thuận, thuyền trưởng Romano, ông Châu Trần, chồng bà Liên Hương, bà Liên Hương, bà Debra, vợ thuyền trưởng, anh Sơn Nguyễn và mẹ anh, bà Trúc Mai.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Và cuộc gặp gỡ đã diễn ra ngay tại thành phố thuyền trưởng Romano đã sống suốt mấy mươi năm qua, và ngay tại ngôi nhà của ông ở tiểu bang Rhode Island .
Nước mắt và nụ cười
Thuyền trưởng Romano, 70 tuổi, với gương mặt phúc hậu, chống gậy đứng ngay cửa một căn phòng nhỏ bên trong nhà thờ chào đón mọi người.
Bà Debra Romano, vợ thuyền trưởng, tự tay nắn nót viết hai chữ “Chào Mừng” bằng tiếng Việt trên tấm giấy đặt trang trọng trên bàn.
Gương mặt người thuyền trưởng, gương mặt vợ ông, bạn bè ông và tất cả những người có mặt tại nhà thờ ngày hôm đó biểu lộ một sự cảm kích và một tình cảm thật đặc biệt.
Không phải chỉ có Nha Sĩ Liên Hương, mà có tới 3 gia đình đi gặp ông Romano hôm đó. Có ông Nguyễn Hữu Ðể cùng con trai tên Sơn Nguyễn đến từ tiểu bang Connecticut, và cô Nguyễn Thị Thuận, đến từ tiểu bang M***achusetts. Họ là những thuyền nhân năm xưa có mặt trên chiếc ghe được thuyền trưởng Romano cứu sống, nay cùng gia đình đến, để ôm chầm lấy vị ân nhân của mình sau ngần ấy năm gặp lại.
Câu chuyện năm nào sống lại trong lòng mọi người. Mọi người khóc, cười nhắc lại những ký ức.
thuyen%20nhan%204

Thuyền trưởng Charles Romano, người đã bất chấp lệnh cấm để cứu 52 thuyền nhân Việt Nam.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bà Nguyễn Diệu Liên Hương, hiện là một nha sĩ ở Orange County, kể lại câu chuyện không chiếc tàu lớn nào đi ngang chịu đáp lại tín hiệu cầu cứu của những người trên ghe bà khi chiếc ghe bắt đầu gặp trục trặc, không nước uống, hết xăng, hư máy.
Bà nói trong nước mắt: “Tối đó, tôi nhìn các con tôi. Tôi thấy chúng hoàn toàn vô tội. Các con tôi còn quá nhỏ, một đứa mới lên 6, một đứa mới lên 5, chúng nào biết gì là tự do, biết gì là chế độ độc tài. Thế mà tôi đã mang chúng ra khỏi nhà, đặt chúng vào nguy hiểm. Tôi đã không bảo vệ được các con tôi. Tôi cảm thấy mình tồi tệ quá.”
Mang theo tấm ảnh chụp tất cả các thành viên trong gia đình cùng những nụ cười rạng rỡ, bà Hương nói với cựu thuyền trưởng Romano: “Những nụ cười này làm sao có được nếu không có tấm lòng của ông ra tay cứu chúng tôi?”
Ông Nguyễn Hữu Ðể, hiện là đang làm việc cho một công ty in ấn ở West Hartford , cũng xúc động nói về tình cảnh tuyệt vọng của ông khi đó. Ông Ðể nói cảm xúc của ông khi được chiếc tàu Rainbow của thuyền trưởng Romano cứu vớt giống như cảm giác “chết đi sống lại, sống như trên thiên đường vậy.”
“Ông thuyền trưởng cho chúng tôi ở phòng lạnh, cho ăn uống thỏa thuê. Ông còn cho mọi người viết thư và cho máy bay bay vào Singapore để gửi thư của chúng tôi về báo tin cho gia đình nữa,” ông Ðể kể.
thuyen%20nhan%205
Một số hình ảnh được lưu giữ cùng tờ giấy bạc Việt Nam do một thuyền nhân trên tàu ký tặng lại cho thuyền trưởng Romano.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Anh Sơn Nguyễn, con trai ông Ðể, đang làm CPA cho công ty Blum Shapiro ở Connecticut, cũng có mặt trên chiếc ghe năm xưa, khi mới 8 tuổi, nói một cách chân thành: “Tôi còn quá nhỏ để nhớ tường tận từng chi tiết. Nhưng tôi biết nhờ ông, nhờ tấm lòng của ông, tôi mới có được ngày hôm nay.”
Cô Nguyễn Thị Thuận, hiện đang làm việc tại Trung Tâm Y Tế Ðại Học Boston, ở M***achusetts, kể với mọi người câu chuyện về ngày mà cha mẹ cô đã muốn cô cùng anh trai cô theo chiếc tàu vượt biên tìm đường đến tự do. Cô chỉ biết rằng mình đã nằm bẹp suốt thời gian trên tàu, và điều mà cô nhớ nhất là “thuyền trưởng Romano đã làm tái sinh cuộc sống của tôi.”
Người kể chuyện khóc. Người nghe cũng khóc.
Cô Carly Romano, 25 tuổi, con gái thuyền trưởng Romano, vừa đứng nghe câu chuyện của các thuyền nhân, những người lần đầu tiên cô gặp trong đời, vừa nghe câu chuyện kể về hành động cha cô, vừa liên tục đưa tay lau nước mắt.
“Tôi không biết phải nói như thế nào nữa. Giờ đây tôi mới nghe được cả câu chuyện,” cô Carly vừa đưa tay đặt lên ngực, vừa cố kìm chế những giọt nước mắt rơi trên đôi mắt đỏ hoe. “Tất cả đều quá sức tưởng tượng. Cha tôi đã làm một điều tuyệt vời. Cha tôi đã chỉ cho tôi thấy bài học về lòng nhân ái. Tôi cũng hiểu những điều mà trước giờ tôi chưa bao giờ hiểu về những người tị nạn đã mang cả gia đình đi tìm tự do là như thế nào. Tôi tự hào về cha tôi. Tôi hiểu hơn về cuộc đời.”
Chuyện bây giờ mới kể
Sau cuộc gặp gỡ ở nhà thờ St. Martin Episcopal, thuyền trưởng Charles Romano mời mọi người đến thăm ngôi nhà của ông.
Sau những bỡ ngỡ của một người không quen nhận sự cám ơn, hay đúng hơn không ngờ hành động mà ông cho là “bình thường” lại được mọi người đón nhận bằng một sự trân trọng đến như vậy, thuyền trưởng Romano bắt đầu tâm sự về những điều mà đến tận bây giờ, sau hơn 29 năm, những người được ông cứu vớt mới được biết đến.
“Nhiều chiếc tàu đi qua đã không cứu các bạn, tôi biết chứ. Bởi đã có văn bản yêu cầu không được nhận bất cứ người tị nạn nào lên tàu. Chúng tôi chỉ được phép giúp đỡ thực phẩm hay những hỗ trợ để các bạn có thể đi đến Kuala Lumpur hay Indonesia thôi. Nhưng tôi biết trước là sẽ có bão, mà bão trên đại dương thì thật là kinh khủng.” Thuyền trưởng Romano nói.
Ông quay nhìn phóng viên Người Việt và nói một cách thoải mái: “Tôi nghĩ gì khi quyết định cứu họ à? Chỉ đơn giản là tôi không muốn họ chết. Tôi thấy có quá nhiều con nít và phụ nữ trên chiếc ghe đó.”
Thuyền trưởng Romano, một “Navy Seal” Hoa Kỳ, từng tham chiến ở Việt Nam tất cả ba lần, lần đầu vào năm 1960, sau đó là từ năm 1966 đến 1968, và được tặng thưởng cả thảy năm “Purple Hearts.”
Ông nhắc những địa danh mà ông đã đến trong tư cách một người lính như Long Xuyên, Củ Chi, Vàm Cỏ Ðông, Tây Ninh, Bến Lức.
Ông còn giữ lại rất nhiều hình ảnh ở Việt Nam ngày trước, trong đó, không chỉ có hình ảnh của những người lính, mà có rất nhiều những hình ảnh ông bất ngờ chụp được: hình những người thanh niên cỡi trâu, hình một cô nữ sinh mặc áo dài đi trên phố Sài Gòn, hình những làng xóm nông thôn.
Thuyền trưởng Romano nói về tâm trạng ông bị dằn vặt khi bị ném vào cuộc chiến. “Lần đầu tiên tôi giết người, tôi đã tự nói với lương tâm mình rằng tôi đã làm một điều tệ hại nhất trong đời. Bạn mà điều xấu, bạn sẽ nhận lấy hậu quả xấu. Tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi phải làm gì đây?”
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những thuyền nhân được ông cứu vớt năm xưa là một dấu hiệu lạc quan để thuyền trưởng có thể “vượt qua những băn khoăn ray rứt của một người sùng đạo,” như lời vợ ông chia sẻ.
Bà Romano mang ra cho mọi người xem lại một bảng danh sách viết tay tên họ, năm sinh, giới tính của 52 người trên tàu mà ông đã cứu.
Ông Ðể thốt lên: “Danh sách này tôi viết! Ðây là nét chữ của tôi!” Sau chừng nấy năm, chính ông Ðể cũng đã quên mất mình chính là người viết danh sách này.
Ông Romano cũng cho xem bức điện tín khiển trách ông đã vớt người tỵ nạn.
Thuyền nhân năm xưa Nguyễn Hữu Ðể thắc mắc: “Tại sao ông biết ông làm như vậy là trái luật mà ông vẫn làm? Ông không sợ điều gì sẽ ảnh hưởng đến ông sao?”
Thuyền trưởng rất tự tin: “Nếu tôi làm theo những lời họ yêu cầu, thì các bạn đã chết hết rồi. Khi ở trên tàu, tôi là thuyền trưởng, tôi có quyền quyết định. Tôi làm điều tôi cho là đúng và tôi phải làm.”
Ðiều bất ngờ hơn là trong số những thứ ông Romano vẫn còn cất giữ có cả 2 lá thư do bà Nguyễn Diệu Liên Hương gửi cho ông từ năm 1981, ngay sau khi bà tới Mỹ, và một lá thư viết năm 1982.
“Tôi không hề nhớ đến những lá thư này. Nhưng như vậy là tôi cũng vui lắm. Rõ ràng chúng tôi đã không quên ông ấy ngay từ lúc đó. Chỉ có điều có thể vì ông không trả lời, rồi cuộc sống bận bụi, tôi cũng quên đi, cho đến lúc muốn tìm thì lại không tìm ra tấm business card nữa,” bà Hương nói.
Thuyền trưởng thì cho rằng có lẽ thời gian đó ông không có nhà, ông đang trên những chuyến hải hành.
Tất cả đều trôi vào quên lãng, cho đến ngày ông nhận được lá thư của bà Hương.
“Thật không thể tưởng tượng được khi nhận được lá thư của bà Hương. Tôi không tin đó là thật. Tôi bị shock. Thật là tuyệt vời khi nghe tin con trai bà ấy nay đã là một kỹ sư làm việc cho hải quân. Tôi nhớ khi đó nó còn nhỏ lắm, tôi còn băn khoăn không biết nó sẽ sống sót, tồn tại như thế nào, vậy mà bây giờ nó đã là một người đàn ông. Tôi vẫn nhớ con tàu ấy. Sau đó thì tôi không còn có cơ hội cứu thêm con tàu nào khác.” Viên thuyền trưởng cười nói.
Sau gần 3 thập kỷ, cuộc hội ngộ trong một ngày dường như không đủ cho nhiều điều muốn nói, nhiều câu chuyện muốn kể.
Bà Elke Moonan, một giáo sư đại học đã về hưu, một người bạn lâu năm của thuyền trưởng Romano, tham dự buổi gặp gỡ từ đầu đến cuối, nói: “Tôi chỉ có thể nói câu chuyện này quá cảm động. Tôi là bạn của thuyền trưởng từ mấy chục năm nay. Tôi biết ông ấy đã có một đời sống tinh thần không mấy ổn định kể từ khi về hưu. Nhưng rất cám ơn sự hiện diện của mọi người ngày hôm nay, sau khi đã cố công tìm kiếm tin tức của ông ấy. Tôi tin rằng sau lần này tinh thần ông ấy sẽ được vực dậy. Thật là tuyệt vời. Tôi sẽ kể tiếp câu chuyện này cho bạn bè tôi nghe. Ðó là một câu chuyện hay nhất trong số những câu chuyện hay tôi từng nghe.”
Ngọc Lan

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 04/May/2013 lúc 9:46pm

Chuyện di tản 1975


Tiểu Tử


Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết !
Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…

ditan%20benbachdang1975Chuyện 1

Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !

Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim by Text-Enhance">zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu ?… Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…

Chuyện 2

Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !

Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…

Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…

Chuyện 3

Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ – chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quan của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy – người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…

Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội.

Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió ! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….

Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm !

Chuyện 4

Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết !

Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !

Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi — ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 04/May/2013 lúc 10:50pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 06/May/2013 lúc 10:30pm
THƠ-pps KHÓC EM <<<<




Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 06/May/2013 lúc 11:19pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 14/Jun/2013 lúc 4:21am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 101 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.445 seconds.