Một "HỒ SƠ : Vơ vét tài ản quốc gia" dài lê thê . mk gửi lên DĐ , nếu thích hay khi rỗi rảnh chúng ta có thể đọc cho biết rõ hơn (vì chuyện này ai cũng "nghe" ), hoặc lưu giữ làm tài liệu.
Vào link nguồn xem hình ảnh (không copy được) và có phần AUDIO .
mk
Hồ sơ
Vơ vét tài sản quốc gia
TT - Câu chuyện về những nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã lạm dụng quyền lực để vơ vét tài sản đất nước cho bản thân, gia đình và phe cánh mình. Họ đã làm điều đó như thế nào?
Kỳ 1: Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉ
Hồi đầu tháng 2, một số chuyên gia về khu vực Trung Đông như giáo sư chính trị Amaney Jamal thuộc ĐH Princeton (Mỹ) ước tính gia đình cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sở hữu tới 40-70 tỉ USD, tương đương tài sản của những người giàu nhất thế giới.
|
Ala’a (trái) và Gamal Mubarak, hai người con trai đầy quyền lực của ông Mubarak - Ảnh: AFP | |
|
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng đây là con số bị thổi phồng quá mức. Theo nguồn tin này, ông Mubarak và các con trai có ít nhất 5 tỉ USD. Gia đình Mubarak giấu phần lớn số tiền này trong các tài khoản ngân hàng ở châu Âu và đầu tư phần còn lại vào thị trường địa ốc nhiều quốc gia. Hôm 11-2, chính quyền Thụy Sĩ thông báo đã đóng băng một số tài khoản có thể thuộc về cha con Mubarak.
Từ “vốn chính trị” thành “vốn tài chính tư nhân”
Các chuyên gia về Ai Cập cho biết trong thập niên 1980, ông Mubarak quả thật có quyết tâm chống tham nhũng. Năm 1981, ông đã mở chiến dịch trấn áp các doanh nhân lợi dụng quan hệ chính trị để thu lợi và bắt giữ nhiều nhân vật thân cận với tổng thống bị ám sát Anwar Sadat. “Tuy nhiên khi thời gian trôi qua, những kẻ thân cận bên cạnh Mubarak bắt đầu lợi dụng quan hệ với tổng thống để kiếm chác - một doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập, có đầu tư vào quốc gia này, cho biết - Và một yếu tố quan trọng khác là các con của ông ta cũng bắt đầu nhảy vào kinh doanh”. Hai con trai của ông Mubarak là Gamal Mubarak và anh trai Ala’a là những nhân vật rất có máu mặt trên thương trường Ai Cập. Gamal làm ăn chủ yếu thông qua ngân hàng đầu tư lớn nhất Ai Cập EFG-Hermes.
Với tổng tài sản trị giá 8 tỉ USD, EFG-Hermes đóng vai trò trung tâm trong chương trình tư nhân hóa Ai Cập, theo đó các công ty nhà nước được bán lại cho những doanh nhân có quan hệ thân cận với chính quyền. Giữa thập niên 1990, Gamal rời Ngân hàng Mỹ (Bank of America) và lập ra Công ty đầu tư Medinvest ***ociates tại London với hai đối tác, chuyên hỗ trợ các nhà đầu tư phương Tây tìm mua cổ phần và các công ty ở Ai Cập. Nhưng tổ chức sở hữu Medinvest lại là quỹ chứng khoán quốc tế Bullion Company. Gamal sở hữu 50% cổ phần Bullion và Ala’a cũng là thành viên hội đồng quản trị. Bullion sở hữu 35% hoạt động đầu tư cổ phần của EFG-Hermes. Chi nhánh này quản lý 919 triệu USD.
Theo báo cáo “Tham nhũng ở Ai Cập” do các nhóm đối lập Ai Cập thực hiện năm 2006, Gamal và Ala’a kiểm soát một mạng lưới các công ty kiếm lợi từ thủ đoạn buộc các công ty nước ngoài phải chung chi hoa hồng khi vào làm ăn ở nước này. “Cách các con ông Mubarak kiếm bộn tiền không phải là ăn cắp từ ngân sách nhà nước mà từ việc đảm bảo rằng các công ty nước ngoài đến hoạt động tại Ai Cập phải chi hoa hồng 5-10% cho công ty do Gamal và Ala’a sở hữu”, một doanh nhân nước ngoài làm ăn tại Ai Cập cho biết. Ala’a còn sở hữu một công ty cung cấp dịch vụ cho toàn bộ các hãng hàng không tại Ai Cập. Năm 2001, khi Ala’a ký được hợp đồng giá hời để nhập khẩu dây an toàn, chính quyền Mubarak lập tức ra luật buộc mọi chiếc xe phải có dây an toàn. Giáo sư kinh tế Samer Soliman thuộc ĐH Mỹ ở Cairo đánh giá sự tham nhũng của gia đình Mubarak là “biến vốn chính trị thành vốn tài chính tư nhân”.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết ông Mubarak sống khá giản dị. Dinh thự chính của ông ở bên ngoài Cairo là một biệt thự cỡ vừa ở thị trấn Sharm el Sheik ven Biển Đỏ. Theo bài báo trên nhật báo New York Times năm 1990, ông Mubarak “có tiếng là liêm khiết”. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược! |
Gia đình Mubarak còn kiếm tiền thông qua hoạt động đối tác với các công ty nước ngoài. Theo luật pháp Ai Cập, các công ty nước ngoài phải trao cho đối tác trong nước 51% cổ phần liên doanh của họ ở Ai Cập. “Với điều luật này, bất kỳ công ty đa quốc gia nào cũng phải có một “người đỡ đầu” địa phương, và người đỡ đầu này thường là thành viên của gia đình Mubarak hoặc các nhân vật có máu mặt trong đảng cầm quyền” - chuyên gia Aladdin Elaasar, tác giả cuốn sách Pharaoh cuối cùng: Mubarak và tương lai bất định, cho biết. Các nhân vật thân cận với chính quyền Mubarak cũng rất giàu. Taher Helmy, cố vấn của ông Mubarak và Gamal, và là chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Ai Cập, mới mua một căn hộ trị giá 6,1 triệu USD ở trung tâm New York. Ahmed Ezz, một cố vấn thân cận khác của Gamal, nắm thế độc quyền thị trường thép ở Ai Cập.
Tài sản rải khắp thế giới
Gia đình Mubarak còn sở hữu rất nhiều nhà đất ở các thành phố lớn khắp thế giới, từ London (Anh), Paris (Pháp) cho đến New York và Los Angeles (Mỹ). Trên thực tế, ông Mubarak có khá nhiều căn biệt thự ở thị trấn Sharm el Sheik và khu Heliopolis rất sang trọng ở Cairo, một căn hộ sang trọng cao sáu tầng ở trung tâm London, một biệt thự gần khu Bois de Bologne ở Paris và hai du thuyền. Trước khi ông Mubarak từ chức, người Ai Cập sống ở Anh đã đến biểu tình trước căn nhà ở London. Mỗi căn ở khu này có giá trị lên tới hơn 20 triệu USD.
Theo báo Ả Rập Al Khabar, gia đình Mubarak giấu phần lớn số tiền kiếm được trong các tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Ngân hàng Scotland. Tuy nhiên, thông tin này đã có từ mười năm trước và theo các chuyên gia Trung Đông, có thể tài sản của gia đình Mubarak đã được chuyển đến những nơi khác. Theo chuyên gia kinh tế Karly Curcio thuộc Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI), mỗi năm Ai Cập thiệt hại khoảng 6 tỉ USD do các hoạt động kinh tế mờ ám và tham nhũng của chính phủ. Từ năm 2000-2008, Ai Cập đã tổn thất tới 57,2 tỉ USD. Trong khi đó, rất nhiều người Ai Cập sống với mức thu nhập bèo bọt 2 USD/ngày.
Sau khi ông Mubarak từ chức, các lãnh đạo đối lập tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra toàn diện nhằm xác định tổng tài sản của gia đình Mubarak và thu hồi vào ngân sách nhà nước. “Chúng tôi sẽ mở mọi tập tài liệu, sẽ tìm kiếm mọi thứ, từ gia đình tổng thống đến gia đình các bộ trưởng” - ông George Ishak, lãnh đạo Hiệp hội Đổi mới quốc gia (NAC), khẳng định. Nhiều người Ai Cập cũng hi vọng chính quyền sẽ lấy lại được một phần tài sản đã bị gia đình Mubarak cướp. “Tôi sẽ hài lòng với cuộc cách mạng này nếu chúng tôi lấy lại vài tỉ đã bị đánh cắp”, anh Mohammed Fattouh, một công dân Cairo, cho biết. Những người khác khẳng định họ muốn Mubarak phải sống trong cảnh nghèo nàn để nếm trải những gì mà người dân Ai Cập nghèo khổ từng nếm trải.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định lần theo dấu vết nguồn tiền của gia đình Mubarak sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, bởi mọi hoạt động kinh doanh có liên quan đến gia đình Mubarak đều được thực hiện trong một nhóm nhỏ những người thân cận với cựu tổng thống.
HIẾU TRUNG
(Theo Huffington Post, Guardian, New York Times)
Kỳ 2: “Tuyên ngôn” về vơ vét
TT - Tháng 1-2011, các công tố viên của Pháp tuyên bố sẽ mở đợt điều tra ban đầu về các gia sản mà gia tộc tổng thống bị lật đổ của Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali có ở nước Pháp.
Cuộc cách mạng hoa lài của những người dân tại đất nước Tunisia chỉ trong vòng một tháng đã khiến vị “vua” 74 tuổi, trị vì trong 23 năm, bất ngờ trở tay không kịp đành tháo chạy.
|
Tổng thống Tunisia Ben Ali và vợ Leila trong chiến dịch bầu cử tổng thống - Ảnh: AFP | |
|
“Cơn ác mộng” với dân
“Sự sụp đổ của một chế độ tưởng chừng như vững chắc của Ben Ali là lời cảnh báo về sự thay đổi chính trị bất ngờ có thể diễn ra đối với các chế độ toàn trị, vốn sử dụng vũ lực, đàn áp, tạo nên sự sợ hãi trong dân chúng và những lời lẽ dối trá khẳng định quyền điều hành chính danh của mình. Những chế độ đó có thể ổn định rất lâu, nhưng một khi người dân phá tung sự sợ hãi, một khi quân đội thừa nhận sự đòi hỏi đích đáng của nhân dân và không sử dụng súng ống đàn áp lại họ, thì chế độ đó sẽ nhanh chóng sụp đổ”.
Larry Diamond (giáo sư chính trị tại Đại học Stanford) |
Cho tới khi cuộc cách mạng hoa lài nổ ra, hiếm khi Tunisia xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Không có mối đe dọa Hồi giáo nào muốn lật đổ chính phủ, không có mạng lưới khủng bố nào đe dọa an ninh trong nước, không có lợi ích chiến lược nào mà Mỹ thèm để mắt. Chế độ Ben Ali cũng thành công trong việc quảng bá nơi đây là thiên đường về du lịch.
Hình ảnh “sạch đến tiệt trùng” mà chính quyền Tunisia tạo ra chính là nhờ đàn áp báo chí, kiểm soát truyền thông, bịt miệng những người chỉ trích và đối lập; Tunisia nằm ở nhóm các nước có mức độ kiểm soát Internet cao nhất thế giới.
Mới chỉ năm trước, không ai dám nghĩ ông Ben Ali và gia tộc đầy quyền lực của ông trở thành mục tiêu truy nã của cộng đồng thế giới. Những hình ảnh, bích chương khổng lồ ca ngợi ông và chế độ vẫn được treo đầy trên đường phố thủ đô Tunis.
Nhưng nay thì dường như ông không còn chốn dung thân khi ngày càng nhiều chính phủ và các tổ chức trên thế giới tuyên bố sẽ phong tỏa tất cả tài sản bị nghi ngờ là của gia tộc Ben Ali, hoặc cấm các giao dịch tài chính liên quan tới họ.
Cuộc điều tra ở Paris bắt đầu xuất phát từ ba tổ chức nhân quyền đâm đơn kiện Ben Ali. Đó là Sherpa, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ủy hội ở Pháp và Ủy ban Nhân quyền Ả Rập. Họ đều cáo buộc ông Ben Ali các tội tham nhũng, sử dụng sai nguyên tắc công quỹ - các khoản đóng góp của dân cho hoạt động của chính phủ và tội rửa tiền.
Daniel Lebègue, đứng đầu Ủy hội TI của Pháp, ước tính Ben Ali và gia tộc kiểm soát ít nhất 35% nền kinh tế Tunisia, trong khi tổng sản lượng nội địa (GDP) của Tunisia là 44 tỉ USD năm 2010. TI yêu cầu phong tỏa ngay các tài khoản ngân hàng của Ben Ali và 12 thành viên gia đình, bất động sản ở Paris và French Riviera.
AFP cho biết các tổ chức ước tính số tài sản mà cựu lãnh đạo Tunisia và bầu đoàn thê tử đã thu vén từ túi dân chúng lên tới 5 tỉ USD.
Trong khi đó, các công tố Tunisia cũng tuyên bố sẽ điều tra tài sản ở nước ngoài của gia tộc Ben Ali, bao gồm cả những giao dịch bất hợp pháp và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài. Khoảng 33 thành viên trong gia tộc Ben Ali không chạy trốn kịp đã bị bắt giữ trước những cáo buộc tham ô, ăn cướp tài nguyên quốc gia, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.
Tunisia đã ra án lệnh quốc tế bắt giữ Ben Ali, người bị cáo buộc cùng với vợ và các thành viên trong gia tộc.
Thụy Sĩ, Áo, Canada cũng ra lệnh phong tỏa bất kỳ khoản tiền nào thuộc sở hữu gia tộc Ben Ali, ngăn chặn tình trạng số tài sản sẽ bị rút về và tuồn sang nơi khác.
Dù lệnh phong tỏa tài sản của Thụy Sĩ không nói rõ tài sản nào, nhưng Valentin Zellweger thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết chính quyền đã yêu cầu tất cả ngân hàng, doanh nghiệp, công ty bất động sản khi giao dịch có những tài sản bị nghi ngờ là của Ben Ali thì ngay lập tức phải thông báo tới nhà chức trách và không được động đến.
Một người làm vua...
Báo chí Tunisia cho biết gia tộc của tổng thống Ben Ali kiểm soát cổ phần trong ít nhất ba ngân hàng lớn, hai công ty điện thoại, một hãng hàng không của Tunisia. Đó là chưa kể vị trí đối tác với các công ty nước ngoài hoạt động tại Tunisia, như chi nhánh của các hãng sản xuất xe hơi châu Âu và các tập đoàn bán lẻ, và sở hữu các tập đoàn truyền thông.
Nỗi phẫn nộ của công chúng không chỉ đối với tổng thống Ben Ali, mà còn vào bà vợ, ái nữ Nesrine và con rể Sakker el-Materi. Tài liệu mà WikiLeaks rò rỉ tiết lộ điện tín ngoại giao của Mỹ mô tả một căn nhà của el-Materi có ít nhất hàng tá người hầu, nuôi một con hổ tên Pasha ăn 4 con gà mỗi ngày.
Bức điện tín cũng ghi: “Lối sống giàu có phô trương của el-Materi và Nesrine cho thấy rõ lý do vì sao các thành viên gia tộc Ben Ali không được dân chúng yêu quý. Khối tài sản của gia tộc Ben Ali đang phình ra”. Anh trai của đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali, Belh***an Trabelsi, thì ngồi trong ban giám đốc Ngân hàng Tunis, sở hữu Hãng hàng không Carthage Airlines và có vô số cổ phần trong ngành du lịch, khách sạn...
Với số tài sản là những khu biệt thự cực kỳ sang trọng ở bờ biển của gia tộc Ben Ali, những người biểu tình tức giận đã xông vào đập phá, có người viết lên hàng chữ “Giờ tao đã hiểu, 13-1-2011”.
Gia tộc Ben Ali đã vơ vét quá thô thiển đến mức năm 2002 Tổng thống Ben Ali đã phải triệu tập cuộc họp gia đình và nói: “Nếu muốn tiền, ít ra nên vơ vét kin kín một chút”. Nhưng thực tế họ lại chẳng kín được.
Ngay trước khi nhận biết được nguy cơ thất thủ, đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali đã phi đến Ngân hàng trung ương Tunis, ào vào văn phòng thống đốc và yêu cầu ngân hàng trích ra 1,5 tấn vàng thuộc sở hữu quốc gia để bà đi. Khi bị từ chối, lập tức bà Leila móc điện thoại ra gọi chồng.
Theo lời kể của Ezzeddine Saidane, người sáng lập một ngân hàng khác chứng kiến vụ việc kể lại, dù ông Ben Ali ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của vợ nhưng vẫn ra lệnh ngân hàng cấp vàng cho bà. Giá của số vàng lúc đó là 56 triệu USD. Còn chủ tịch Ủy ban bảo tàng Tunisia Samir Aounallah cho biết bà Leila đã mang các hiện vật quý giá của đất nước tại bảo tàng về trưng ở các khu biệt thự của mình.
Canada thông báo sẽ nhanh chóng dẫn độ họ hàng của vị cựu tổng thống đã trốn tới Montreal về Tunisia và tìm cách phong tỏa tài sản của họ. Ông Belh***en Trabelsi bị cáo buộc sử dụng các mối quan hệ để thu vén tài sản đã đưa gia đình tẩu thoát đến Montreal trên chiếc máy bay riêng hôm 20-1-2011. Ông đã bị thu hồi quyền định cư lâu dài ở Canada có được những năm 1990.
Thủ tướng lâm thời Mohammed Ghannouchi cũng thành lập các ủy ban để điều tra về các cáo buộc tham nhũng và vơ vét trong thời Ben Ali, đặc biệt là những tài sản bao gồm cả tiền mặt được tuồn ra ngoài.
KHỔNG LOAN tổng hợp
Kỳ 3: Haiti - bóng ma trở về
TT - Cuối tháng 1-2011, trong một diễn biến rất bất ngờ, Jean-Claude Duvalier trở về thủ đô Port-au-Prince sau hơn 25 năm tị nạn chính trị tại Pháp. Ai cũng tự hỏi tại sao con người đã bị dân chúng nổi dậy lật đổ, bị căm ghét, lại trở về với lý do “lo lắng cho tình hình hiện tại của Haiti” như vậy?
|
Cựu độc tài Jean-Claude Duvalier tại Port-au-Prince ngày 18 -1-2011 - Ảnh: AFP | |
|
Cha - con và định chế “tổng thống suốt đời”
Vì sao Duvalier trở về? Các nhà quan sát, đặc biệt là các luật sư, chuẩn bị tinh thần để “tính sổ” với ông. Họ cho rằng ông trở về quê nhà là vì tiền, cụ thể là khoản 7,3 triệu USD đang bị phong tỏa trong các ngân hàng của Thụy Sĩ. “Thay vì quan tâm tới đời sống, lợi ích của người dân Haiti từ trong trái tim, dường như ông ta chỉ nghĩ tới túi tiền của mình” - Peter Bouckaert, luật sư tại Thụy Sĩ, giám đốc các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế, nói với Reuters.
Cha Duvalier, François Duvalier, hay còn có biệt danh là Papa Doc, cùng với đứa con có biệt danh là Baby Doc từng là những hung thần, nỗi khiếp đảm của dân Haiti. Họ căm ghét và sợ hãi đến mức 25 năm kể từ khi Duvalier bị tước hết quyền lực, và François đã chết từ lâu, không phải người dân Haiti nào cũng công khai nhận định về họ. Cha con họ, trong vòng tổng cộng 29 năm cầm quyền với những chức danh “tổng thống suốt đời” tự phong, đã đưa Haiti trở thành quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu và di chứng đó vẫn còn tới ngày nay.
Với chức danh tổng thống thừa hưởng từ cha sau khi ông này bất ngờ qua đời, tay chơi Duvalier điều hành đất nước trong thời gian 1971-1986 theo kiểu ẩn danh, để vai trò nhiếp chính cho mẹ và các cận thần của cha. Trong thời gian đó, có rất nhiều cáo buộc ông và chân tay của ông đã giết người vì mục đích chính trị, người dân bị tị nạn bắt buộc, bị bắt bỏ tù không cần xét xử, tra tấn, mất tích... Các nhóm nhân quyền cho rằng khoảng 60.000 người đã chết vì các lý do liên quan tới chính trị dưới thời cha con Duvalier. Tất nhiên ông Duvalier nói những con số đó chỉ mang màu sắc tuyên truyền do các thế lực đối lập dựng lên, chứ trong chế độ “tốt đẹp” của ông không có tù nhân chính trị, chỉ có những người bị đi tù vì vi phạm pháp luật như giết người và buôn ma túy.
Với lối sống xa hoa, gia tộc vợ Michele Bennett tranh thủ mở rộng vai vế, kinh doanh, thâu tóm độc quyền hết mọi lĩnh vực và khiến sự bất đồng trong cộng đồng kinh doanh và những tầng lớp thượng lưu tại Haiti gia tăng, cùng nạn tham nhũng ngày càng như khối u lan tỏa. Theo hiến pháp, Duvalier có quyền lực tuyệt đối, khi nắm quyền Duvalier có thực hiện đôi chút cải cách như thả tù nhân chính trị, nới lỏng tự do báo chí. Nhưng về cơ bản cũng không thay đổi bản chất chế độ độc tài. Lực lượng đối lập không được phép hoạt động, và luật chủ yếu chỉ tồn tại trên giấy. Dịch sốt virut heo châu Phi trên đảo năm 1978 khiến nhà chức trách phải giết hết heo của dân chúng, phần lớn lại là dân nghèo nuôi heo kiếm sống.
Những năm 1980, nạn dịch AIDS khiến ngành du lịch giảm mạnh. 8/10 người dân mù chữ, hầu hết kiếm chưa đến 150 USD/năm, dù con số chính thức GDP đầu người mà chính phủ công bố là 380 USD. Giữa những năm 1980, đời sống của người dân Haiti đã vô phương cứu chữa, kinh tế ngày càng tồi tệ. Giáo hoàng John Paul II khi đến thăm năm 1983, kêu gọi thay đổi xã hội, nói: “Cần làm điều gì đó để thay đổi nơi này”. Năm 1985, Mỹ đã cung cấp 54 triệu USD trợ cấp cho Haiti và dọa sẽ ngưng nếu nhân quyền tại đây không cải thiện. Lập tức, chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về việc ủng hộ hay không chế độ “tổng thống suốt đời” của Duvalier. Xe tải chở đầy người Haiti không biết chữ từ chỗ bỏ phiếu này tới chỗ bỏ phiếu khác để nhiều lần gạch vào chỗ đồng ý: kết quả chính thức là 99,8% muốn Duvalier là “tổng thống suốt đời” của họ - một con số lố bịch.
Năm 1985, “con giun xéo lắm cũng quằn”, cuộc nổi dậy của dân chúng bắt đầu ở các tỉnh thành Haiti. Thành phố Gonaïves là nơi đầu tiên diễn ra tuần hành. Từ tháng 10-1985 biểu tình bắt đầu lan ra sáu thành phố. Cuối tháng 1-1986, người dân phía nam Haiti nổi dậy, chính quyền Reagan đã bắt đầu tạo áp lực buộc Duvalier rời bỏ chức vụ và rời khỏi Haiti sau 15 năm nắm quyền lực tuyệt đối.
Nước cờ cuối cùng thất bại
Bây giờ, hầu hết tài sản Duvalier thu vén được trong thời gian nắm trọn quyền bính trong tay cho đến khi phải vội vã leo lên máy bay đi tị nạn ở Paris năm 1986 được cho là đã “bốc hơi”, một phần vì cách chi tiêu xa hoa, nhưng sau đó là phí tổn tốn kém trong cuộc ly hôn với bà vợ cũ. Nhưng vẫn còn hàng triệu USD trong tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.
Jenny Piaget, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, cho biết luật Thụy Sĩ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-2-2011 cho phép nhà chức trách Haiti lấy lại số tiền đang bị đóng băng trong tài khoản của Duvalier trả lại cho những người dân Haiti, chủ nhân hợp pháp của số tiền nhưng đã bị ăn cướp trắng trợn. Tổ chức Ân xá thế giới, nơi đang gây áp lực buộc đưa Duvalier ra tòa án Haiti để phán xét về tội ác chống lại loài người, nhìn nhận việc lấy tiền tham nhũng là một bước đi tích cực, nhưng vẫn không đủ.
Nhưng thật ra, với chuyến trở về Haiti, Duvalier đang chơi một cú chót. Lá bài đó là ông trở về Haiti trong thời gian ngắn (vì đã mua vé khứ hồi về lại Pháp vào ngày 20-1) để chứng minh ông có thể trở về Haiti mà không bị làm sao, chẳng ai bắt giữ, để rồi có thể cãi trước tòa án Thụy Sĩ rằng đến đất nước ông cũng chẳng thèm khởi tố ông thì có lý do gì Thụy Sĩ lại giữ tiền của ông? Luật sư Bouckaert nói có bằng chứng cho thấy Duvalier hiện đã phá sản, và “còn nước còn tát”. Ông nhận định: “Thử hỏi nếu nhà anh phá sản, trong khi vẫn còn tới nhiều triệu USD trong ngân hàng mà không được đụng vào, thì anh sẽ kiếm mọi cách sờ được vào tiền trong tuyệt vọng”.
Luật của Thụy Sĩ mới nhất có tên dài dằng dặc “Federal act on the restitution of ***ets of politically exposed persons obtained by unlawful means” (Luật liên bang về trả lại tài sản do những người liên quan tới chính trị có được bằng những phương pháp bất hợp pháp), và báo chí Thụy Sĩ gọi đó là “luật Duvalier” vì nó giúp lấp đầy lỗ hổng pháp lý có thể cho phép cựu độc tài Haiti lấy lại tiền.
Với luật mới, các luật sư của Chính phủ Thụy Sĩ giờ có thể tự tin trước bất kỳ lá bài nào của Duvalier và chân tay của ông trong nỗ lực lấy lại tiền. Với lịch sử bí mật ngân hàng lâu năm danh tiếng, cứng như đá, Thụy Sĩ đang ngày càng đối mặt với chỉ trích của thế giới là thiên đường giữ tiền của các nhà độc tài, các chính thể trộm cắp, gian lận, trốn thuế. Vụ Duvalier có thể là ví dụ để Thụy Sĩ lấy lại chút sĩ diện.
Ngày 18-1-2011, Duvalier bị bắt vì tội tham nhũng, và sẽ bị đưa ra tòa án Port-au-Prince. Nay thì Duvalier đang đối mặt cả với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.
KHỔNG LOAN tổng hợp
Kỳ 4: Năm năm quyền lực và 3 tỉ đôla
TT - Tướng quân đội Sani Abacha là nhà độc tài quân sự của Nigeria, nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 11-1993 đến tháng 6-1998 thì bất ngờ qua đời sau một cơn đau tim tại cung điện tổng thống ở Abuja, hưởng dương 54 tuổi.
|
Tướng Sani Abacha năm 1998, trước khi qua đời đột ngột - Ảnh: Reuters | |
|
“Dân chủ hứa lèo”
Sani Abacha sinh năm 1943 ở tỉnh Kano trong một gia đình thương gia. Được đào tạo ở Nigeria, Anh và Mỹ, Abacha bắt đầu sự nghiệp của mình với cấp bậc trung úy trong quân đội Nigeria năm 1963, leo lên đến vị trí Hội đồng Kiểm soát các lực lượng quân sự (AFRC) và cuối cùng trở thành người đứng đầu nhà nước.
Nổi lên sau một cuộc đảo chính, Sani Abacha một mặt luôn nói về mong muốn mang nền dân chủ dân sự cho Nigeria, nhưng mặt khác nhân vật này lại là nguồn cơn chỉ trích của các nhà hoạt động dân chủ của Nigeria. Họ cho rằng cũng như tất cả các thể chế độc tài khác, lời hứa sẽ đưa đất nước đi lên dân chủ của tướng Abacha “chỉ là hứa lèo”.
Năm 2002, tức bốn năm sau khi tướng Abacha chết, Chính phủ Nigeria đã đạt được thỏa thuận với gia đình ông về việc gia đình đồng ý trả lại 1 tỉ USD trong số 1,1 tỉ USD đã bị xác nhận là tiền bất hợp pháp và đã bị phong tỏa, gia đình sẽ nhận được số tiền còn lại nếu chứng minh số tiền đó không có nguồn gốc bất minh.
Tuy nhiên, thỏa thuận này khiến dư luận Nigeria và thế giới phản đối, vì làm như vậy có khác gì “tặng thưởng cho thằng ăn trộm công quỹ”. |
Chỉ cầm quyền có năm năm nhưng chính phủ Abacha bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, đàn áp các lực lượng đối lập một cách tàn nhẫn. Tướng Abacha cấm các hoạt động chính trị trong xã hội, kiểm soát chặt chẽ báo chí.
Với quyền lực trong tay, tướng Abacha đã làm mọi điều để in vào đầu dân chúng rằng ông là người duy nhất có thể nắm giữ sứ mệnh hàn gắn dân tộc. Năm 1995, Sani Abacha đã ra lệnh xử tử chín nhà hoạt động đối lập. Nigeria bị khai trừ khỏi Khối thịnh vượng chung và bị cô lập về chính trị.
Cùng lúc đó, Sani Abacha luôn có xung quanh khoảng 3.000 tay súng trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ mình.
Chính phủ Abacha được so sánh với các chính phủ Nigeria khác ở một điểm chung, đó là quan hệ đối ngoại mang tính nhất quán: ủng hộ cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, gửi lính Nigeria tới phục hồi dân chủ ở Liberia và Sierra Leone, trong khi coi “dân chủ” là “món lạ” với chính những người dân Nigeria. Sani Abacha phớt lờ các đe dọa trừng phạt kinh tế vì thế giới cần dầu mỏ của Nigeria.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã khẳng định mối quan hệ giữa xã hội dân chủ và giá dầu, theo kiểu “giá dầu đi lên thì sẽ kéo tụt dân chủ xuống”. Một khi dầu có giá, các chính thể độc tài không cần phải nới lỏng bàn tay sắt của mình.
Kể từ cơn sốc giá dầu năm 1974, mỗi năm dầu khí đóng góp hơn 90% thu nhập từ xuất khẩu của Nigeria. Năm 2000, Nigeria nhận hơn 99,6% thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ và trở thành nước phụ thuộc vào dầu mỏ nhất thế giới thời điểm đó.
Theo các nguồn tin của chính phủ hậu Abacha, các cơ quan điều tra trên thế giới đã lần ra dấu vết các tài sản khắp nơi, trị giá khoảng 3 tỉ USD có gốc gác thuộc tướng Abacha, gia tộc ông và các tay chân.
Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2004, tướng Sani Abacha đã nằm thứ tư trong danh sách các nhà lãnh đạo tham nhũng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Tổ chức này ước tính số tiền vơ vét trong năm năm tại vị của ông là từ 2 - 5 tỉ USD. 5 tỉ USD là con số tương đương với 10% thu nhập hằng năm từ dầu mỏ của Nigeria trong năm năm đó.
Số tiền này bao gồm cả các khoản biển thủ từ Ngân hàng Trung ương Nigeria, và các khoản hối lộ nhận từ các công ty nước ngoài.
Tháng 2-2005, Tòa án liên bang Thụy Sĩ đã bác bỏ kháng cáo về quyết định phong tỏa số tiền 468 triệu USD của gia tộc Abacha. Tại Luxembourg và Liechtenstein, số tiền của gia tộc Abacha vẫn đang bị phong tỏa có khoảng 500 triệu USD.
Chính quyền Thụy Sĩ đã tuyên bố coi gia đình Abacha là một tổ chức tội phạm. Năm 2009, nhà chức trách Thụy Sĩ đã ra lệnh tịch thu khoảng 350 triệu USD từ Abba Abacha, một trong những con trai của Sani Abacha, với cáo buộc biển thủ.
Cuộc điều tra bắt đầu từ năm 1999 theo yêu cầu từ Chính phủ Nigeria đối với nhà chức trách Thụy Sĩ. Nigeria muốn lấy lại số tiền mà Sani Abacha đã tuồn ra ngoài, tới nay, nước này đã lấy về được ít nhất 700 triệu USD từ Thụy Sĩ.
“Cướp ngày” từ cha đến con...
Lúc còn sống rất ít khi đi lại ở Nigeria hay ra khỏi biên giới, Sani Abacha được xem là lãnh đạo đất nước ít được biết đến nhất ở Nigeria về mặt cá nhân. Điều này ngược hẳn với bà vợ, đệ nhất phu nhân Maryam Jiddah, người đã kết hôn với ông năm 1965. Bà đã xuất hiện liên tục trong các cuộc hội thảo quốc tế, trở nên nổi tiếng và là chủ tịch Hội nghị đệ nhất phu nhân châu Phi lần đầu tiên năm 1997.
Cho đến nay, cái tên Sani Abacha, bà vợ Maryam và con trai Mohammed thường được dùng trong những email rác lừa tiền, với nội dung đại loại như người gửi thư nhờ người nhận giúp đỡ để có được một khoản tiền lớn. Những cú lừa đánh vào lòng tham của người nhận nên họ sẵn sàng gửi các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Quá khứ của Abacha vẫn còn tiếp tục hiện hữu ở Nigeria hiện nay thông qua các nhân vật trong gia tộc Abacha có mặt trên chính trường hay các vụ xử liên quan tới gia sản nhà Abacha. Sani Abacha có 10 người con, 7 trai và 3 gái.
Đầu tháng 2-2011, con trai của Sani Abacha là Mohammed Abacha, 44 tuổi, đã chính thức ra tranh cử chức thống đốc của bang Bắc Kano vào tháng 4 tới. Mohammed Abacha từng ngồi tù vài năm, trong đó có cả tội liên quan tới các vụ giết người chính trị.
Junaidu Mohammed, nhà phân tích chính trị tại Kano, cho rằng sự xuất hiện của Mohammed Abacha không có nghĩa là suy nghĩ của công chúng về sự cướp bóc của gia tộc Abacha với Nigeria đã thay đổi.
Cũng vào đầu tháng 2-2011, phiên điều trần của người con trai khác của Sani Abacha là Abba Abacha đã mở tại Geneva (Thụy Sĩ). Abba chống lại cáo trạng buộc ông có tội là thành viên của một tổ chức tội phạm năm 2009, và tòa án Thụy Sĩ đã giữ lại 350 triệu USD liên quan tới cha ông.
Các biện pháp ăn cướp tiền của đất nước mà gia tộc Abacha bị cáo buộc là lấy thẳng tiền từ Ngân hàng Trung ương Nigeria bằng cách chở các thùng tiền thẳng về dinh thự, hoặc cả cách tinh vi hơn như biển thủ công quỹ, các chương trình tiêm văcxin lừa đảo, hay bỏ túi tiền hối lộ của các công ty nước ngoài làm việc ở Nigeria.
Theo các nhà điều tra, sau cái chết của anh trai Ibrahim năm 1996, Abba Abacha và Mohammed có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các tài sản ăn cắp được. Học địa lý ở Nigeria, Abba đã làm việc ở Đức cho Tập đoàn Ferrostall từ 1994-1997 trước khi về lại quê hương.
Ông bị cáo buộc sử dụng căn cước giả để mở hơn 30 tài khoản ngân hàng từ năm 1996 trở đi ở Thụy Sỹ, Luxembourg, Liechtenstein và Bahamas để giấu tiền của cha và họ hàng. Khi bị sờ gáy, Abba giải thích làm là vì anh trai nhờ, chứ không biết có gì sai trái với số tiền đó.
KHỔNG LOAN tổng hợp
Kỳ 5: Hai “đại sư phụ” tham nhũng châu Á
TT - Năm 2004, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố danh sách 10 nhà lãnh đạo chính trị tham nhũng nhất thế giới trong 20 năm qua. Châu Á “vinh dự” có hai đại diện đứng thứ nhất và thứ hai. Đó là cựu tổng thống Indonesia Mohamed Suharto và cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
|
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ở Manila hồi năm 1986, đằng sau là bà vợ ham mua sắm Imelda - Ảnh: Getty Images | |
|
TI ước tính ông Suharto đã cướp đi của đất nước Indonesia 15-35 tỉ USD, còn ông Marcos đã bòn rút từ ngân sách nhà nước Philippines 5-10 tỉ USD. So với những lãnh đạo khét tiếng tham nhũng khác như tổng thống Zaire Mobutu Sese Seko, tổng thống Nigeria Sani Abacha hay nhà lãnh đạo Tunisia Ben Ali thì ông Suharto và ông Marcos xứng đáng là bậc “đại sư phụ”. Cả hai có không ít điểm tương đồng, nhất là các thủ đoạn ăn cắp tiền bạc của nhân dân.
Làm thế nào mà ông Suharto vơ vét được một số tiền khổng lồ đến vậy? Câu trả lời là hệ thống chính trị mà người dân Indonesia gọi là “tham nhũng, cấu kết, con ông cháu cha” (KKN). Ông Suharto trao quyền kiểm soát các công ty độc quyền nhà nước cho các thành viên gia đình và bạn bè thân cận. Đổi lại, những người này phải chung chi cho tổng thống hàng triệu USD “ơn nghĩa”. Các khoản tiền này được gửi đi với danh nghĩa “tiền quyên góp từ thiện” tới hàng loạt quỹ từ thiện, tên Indonesia là yayasan, do ông Suharto kiểm soát.
Trên danh nghĩa, các tổ chức này có nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng trường học và bệnh viện ở nông thôn, nhưng trên thực tế chúng là “heo đất” của ông Suharto. Đổ vài triệu USD vào các quỹ từ thiện này là chi phí làm ăn bình thường tại Indonesia. Ông Suharto cũng buộc các công ty tài chính trích một phần lợi nhuận hằng năm vào các yayasan. Ngay cả những người giàu có, lương cao ở Indonesia cũng phải bỏ một phần lương hằng năm vào yayasan. Các quỹ từ thiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm KKN.
Để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia, các công ty phải cầu viện sự giúp đỡ của một thành viên trong gia đình Suharto để hoàn thành các thủ tục hành chính lằng nhằng, rắc rối. Đổi lại, các thành viên gia đình Suharto sẽ được sở hữu cổ phần trong công ty mà không cần phải bỏ tiền mua cổ phiếu. Ví dụ, khi chính quyền Indonesia cổ phần hóa hệ thống cung cấp nước sạch ở thủ đô Jakarta giữa thập niên 1990, một trong những đơn vị trúng thầu đã hối lộ cho con trai của ông Suharto là Sigit tới 20% cổ phần công ty liên doanh. Ba người con của ông Suharto nắm giữ những công ty lớn nhất đất nước. Ông Suharto và đám con cháu còn sử dụng các công ty dịch vụ để bòn rút tiền mặt từ các công ty lớn.
Ví dụ, Công ty dầu khí nhà nước Pertamia buộc phải nhập và xuất khẩu dầu thông qua hai công ty giao dịch của gia đình Suharto. Cứ mỗi thùng dầu, hai công ty này thu phí 35 cent. Các công ty khác có liên quan đến gia đình Suharto được hưởng những hợp đồng cung cấp cho ngành dầu khí nước này mọi loại dịch vụ, từ phục vụ đồ ăn đến bảo hiểm. Khi Pertamia được kiểm toán hồi tháng 7-1999, các thanh tra mới phát hiện ông Suharto và đồng bọn đã bòn rút tới 6,1 tỉ USD từ tập đoàn này theo những thủ đoạn trên. Các công ty của ông Suharto còn dễ dàng vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước Indonesia mà chẳng bao giờ trả lại một xu nào.
So với ông Suharto, ông Marcos cũng thực hiện nhiều thủ đoạn tương tự nhưng có phần trắng trợn hơn. Ông Marcos cũng đòi tiền hoa hồng từ các công ty làm ăn ở Philippines và trao các hợp đồng làm ăn béo bở của nhà nước cho các thành viên gia đình mình và những đồng minh thân cận, chiếm đoạt các công ty tư nhân, tạo ra những tập đoàn nhà nước độc quyền kinh doanh các sản phẩm quan trọng như đường, dừa, vận tải biển, xây dựng, truyền thông... Như trong thập niên 1980, ông Marcos đã quyết định tịch thu tất cả khu mỏ trong nước với lý do “vì lợi ích của người dân”. Ngoài ra, ông Marcos còn ăn cắp tiền từ nguồn viện trợ quốc tế và thậm chí còn tổ chức các cuộc “cướp phá” ngân khố và các cơ quan nhà nước. Ví dụ, hồi năm 1983, ông Marcos đã yêu cầu lãnh đạo Cơ quan Lương thực quốc gia chuyển hàng trăm nghìn USD vào tài khoản ngân hàng của ông ta. Gia đình Marcos đã chuyển toàn bộ số tiền ăn cắp được ra các tài khoản ở nước ngoài.
Tiền biến đi đâu?
Trong giai đoạn cầm quyền cho đến khi bị lật đổ vào năm 1986, ông Marcos và vợ Imelda đã chuyển hàng tỉ USD ăn cắp được sang các tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, gia đình Marcos cũng đổ nhiều tỉ USD vào các tập đoàn trong nước để rửa tiền. Ngồi trên một mỏ vàng vô tận, trong thập niên 1980 ông Marcos đã cử bà Imelda đến New York mua nhà đất. Bà Imelda đã mua tòa nhà Crown Building với giá 51 triệu USD, Herald Center giá 60 triệu USD và một số khu nhà đất khác ở Manhattan. Gia đình Marcos cũng mua tới 171 tác phẩm nghệ thuật vô giá của những họa sĩ nổi tiếng như Michelangelo, Botticelli hay Canaletto. Bà Imelda còn tiêu trung bình 5 triệu USD cho mỗi chuyến mua sắm đồ cao cấp ở New York, Rome hay Copenhagen.
Thời điểm thập niên 1980, bà Imelda đã nổi danh là nhà sưu tập đá quý số một thế giới. Sau khi bà cùng chồng trốn ra nước ngoài vào năm 1986, nhà chức trách Philippines phát hiện trong phòng bà ở dinh tổng thống có tới hơn 2.700 đôi giày cao cấp và hàng trăm lọ nước hoa lớn nhỏ. Lúc chạy trốn, vợ chồng Marcos vẫn kịp mang theo gần 10 triệu USD tiền mặt, đồ trang sức và trái phiếu. Hồi năm 2003, chính quyền Philippines đã thu hồi khoảng 684 triệu USD của gia đình Marcos trong các tài khoản nước ngoài cũng như tiền bán các đồ trang sức quý giá, bán địa ốc từng thuộc về nhà Marcos. Chính quyền cũng thu hồi thêm 1,8 tỉ USD từ các tài sản trong nước sau khi kiểm tra 260 công ty có liên quan đến gia đình Marcos cũng như từ các tài sản khác.
Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, chỉ vài ngày sau khi từ chức hồi tháng 5-1998, ông Suharto đã chuyển tới 9 tỉ USD từ Thụy Sĩ đến một tài khoản ngân hàng ở Áo. Sau đó, dù chịu sức ép từ chính quyền Indonesia, gia đình ông luôn bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng. Năm 1999, gia đình Suharto thậm chí còn kiện tạp chí Mỹ Time tội phỉ báng vì đăng bài khẳng định gia đình này ăn cắp tới 73 tỉ USD trong 32 năm ông Suharto nắm quyền. Năm 2007, Tòa án tối cao Indonesia buộc tạp chí Time phải bồi thường 128 triệu USD cho gia đình Suharto. Trước đó, hồi tháng 7-2007, các công tố viên Indonesia đã kiện ông Suharto với mục tiêu thu hồi tiền bị đánh cắp. Tuy nhiên, mãi đến năm 2008 khi ông Suharto qua đời, chính quyền Indonesia vẫn không đạt được những bước tiến trong việc lấy lại số tài sản khổng lồ mà gia đình Suharto đã chiếm đoạt của người dân Indonesia.
HIẾU TRUNG tổng hợp
Kỳ cuối: Sáng kiến “hồi trả tài sản”
TT - Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng của các quốc gia đang tiếp tục, các gương mặt chính trị gia tiếp tục bị “lộ mặt” là những kẻ cướp ngày, thì theo Trung tâm quốc tế về lấy lại tài sản bị (các chính trị gia) đánh cắp đặt tại Basel (Thụy Sĩ), mỗi năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo. Con số này tương đương với 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức tới họ.
|
Một tòa nhà của Gamal Mubarak, con trai cựu tổng thống Ai Cập Mubarak, ở trung tâm London - Ảnh: AP | |
|
Không đồng tiền bẩn nào được gửi ở đây
Trong 15 năm qua, chỉ có 5 tỉ USD được lấy và trả lại cho các quốc gia là nạn nhân của chính các lãnh đạo của mình. Việc Thụy Sĩ quyết định phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho thấy quốc gia ở dãy núi Alpine đang thật sự không còn muốn bị coi là nơi trú ẩn an toàn với những đồng tiền ăn cắp của các nhà lãnh đạo nữa.
Quyết định phong tỏa tài sản của nhà độc tài và những người thân cận nhất, dù chưa xác định là có hay không và bao nhiêu, ra đời chưa đầy hai tiếng sau khi ông Mubarak từ chức hôm 11-2.
Ngoài quyết định phong tỏa tài sản với Mubarak, Thụy Sĩ cũng phong tỏa tài sản của cựu tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali và lãnh đạo Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo - người từ chối trao chức tổng thống cho đối thủ chính trị dù thất cử.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey nói: “Chúng tôi cần phải chắc chắn là không đồng tiền bẩn nào được gửi ở đây nữa”.
“Thời xưa đã xưa lắm rồi! - Theodore Greenberg, cựu giám đốc Cơ quan chống rửa tiền của Bộ Tư pháp Mỹ, nói - Không có địa điểm nào để nhà độc tài hay các nhà nước ăn cướp có thể gửi tiền bẩn dễ như vậy nữa. Trong quá khứ, Thụy Sĩ từng là nơi được ưa thích cất giấu những đồng tiền máu. Có thể nó thành chủ đề cho cuốn tiểu thuyết mới về xã hội đen rửa tiền, hay các bộ phim mới về điệp viên James Bond”.
Thụy Sĩ được xem là nơi quản lý 27% tài sản nước ngoài của cá nhân, và chính phủ đang có những bước thắt chặt các quy định về chống rửa tiền để ngăn chặn nước này trở thành điểm đến của những đồng tiền ăn cướp.
Theo website Chính phủ Thụy Sĩ, quốc gia này đã trả lại khoảng 1,8 tỉ USD tài sản của các nhà độc tài về nước mẹ. Theo Công ty nghiên cứu MyPrivateBanking ở Kreuzlingen (Thụy Sĩ), 1/3 trong số 1.500 tỉ USD ở nước ngoài của các tầng lớp thượng lưu Trung Đông và châu Phi là đặt ở Thụy Sĩ. Steffen Binder, giám đốc điều hành của MyPrivateBanking, nhận định khoảng 225 tỉ USD trong số đó là tiền phi pháp.
Thông điệp mới cho chống tham nhũng
Theo sử gia Peter Hug, các quy định bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ đã đặt giá trị về mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng cao hơn đạo đức. Các quy định đầu tiên cấm các nhà băng tiết lộ thông tin về khách hàng ra đời năm 1934. Nhưng hai năm qua người ta đang chứng kiến các điều khoản liên quan yếu dần, chính là nhờ Đức và Anh mạnh tay đối với các công dân trốn thuế của mình.
Theo Mark Vlasic, giáo sư luật tại Đại học Georgetown ở Washington và cựu thành viên Ban thư ký của Sáng kiến hồi trả các tài sản bị đánh cắp (StAR), việc Thụy Sĩ ra mắt luật mới hôm 1-2 giúp quá trình tịch thu các tài sản bất hợp pháp của các nhà độc tài dễ dàng hơn là một tín hiệu cho thấy nỗ lực thêm của Thụy Sĩ. Luật mới cho phép giữ lại các khoản tiền của một nhà độc tài ngay cả khi chưa cần một tòa án ở quê nhà của họ ra cáo trạng buộc có tội.
“Pháp và Anh làm ít hơn nhiều so với Thụy Sĩ trong việc phong tỏa tài sản từ các nhà độc tài châu Phi và Trung Đông” - Mark Pieth, giáo sư luật hình sự tại ĐH Basel và chủ tịch của Nhóm làm việc về hối lộ trong các giao dịch kinh doanh quốc tế của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, nhận định.
Tài sản của các cựu lãnh đạo mà Thụy Sĩ đã trả lại quê hương họ trong 20 năm qua có thể kể tới 683 triệu USD do lãnh đạo Ferdinand Marcos biển thủ từ Philippines, 93 triệu USD do Vladimiro Montesinos ăn cắp của Peru và 700 triệu USD từ Sani Abacha của Nigeria.
Nâng cao khả năng của các nước đang phát triển lấy lại tài sản bị đánh cắp và bị cất giấu ở các cơ quan thuộc quyền tài phán của nước ngoài là một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng trên thế giới. Hiến chương chống tham nhũng của LHQ có hiệu lực từ năm 2005 đã mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực hồi trả tài sản bị các nhà lãnh đạo đánh cắp trong thời gian nắm quyền.
Một trong những quy định cơ bản của Hiến chương chống tham nhũng của LHQ là về vấn đề hồi trả tài sản bị đánh cắp do tham nhũng. Quá trình trả lại tài sản bị đánh cắp không chỉ hỗ trợ các quốc gia hạn chế những ảnh hưởng tồi tệ nhất của tham nhũng, mà còn gửi thông điệp tới những chính trị gia tham nhũng là không có nơi nào để cất giấu tài sản bất chính đó nữa.
Cả Hạ viện và Thượng viện Thụy Sĩ đều đã phê chuẩn xong đạo luật mới cho phép tịch thu các tài sản bất chính của những nhà độc tài ký thác tại các ngân hàng nước này và trả lại cho các quốc gia nạn nhân. Đây chính là một bước tiến nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.
Ngoài hiến chương của LHQ về chống tham nhũng, StAR cũng là một sáng kiến quan trọng do Ngân hàng Thế giới và Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm phối hợp thực hiện. StAR ra đời tháng 7-2007 và là một trong những điểm mốc của lịch trình thực hiện quản trị tốt toàn cầu và chống tham nhũng.
Vào tháng 9-2008, tại nghị trình hành động Accra, các nước tài trợ đã cam kết có những bước đi nhằm truy tìm, phong tỏa và phục hồi các tài sản có được một cách bất minh. Tại hội nghị 20 nền kinh tế lớn trên thế giới vào tháng 11-2008 họp về khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã thông qua sáng kiến StAR. Nhóm thực hiện StAR cũng vừa ra mắt cuốn cẩm nang về hồi trả tài sản bất minh tuồn ra nước ngoài.
Thực tế cho tới nay, hầu hết các lãnh đạo đã bị “ngã ngựa” thì mới bị phong tỏa tài sản và chưa ai đang tại vị mà bị phong tỏa tài sản. Chính điều đó cho thấy tính phức tạp của vấn đề, và cho thấy con đường để các quốc gia vạch mặt được các chính trị gia tham nhũng, lấy lại số tiền đã bị đánh cắp còn rất nhiều khó khăn.
“Khi mỗi người dân sử dụng lá phiếu bầu các chính trị gia vào các vị trí lãnh đạo, hay trao quyền cho các đảng phái điều hành, người dân đã cho phép họ tiếp cận các nguồn tài nguyên công cộng và có quyền đưa ra quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thực tế không phải chính trị gia nào cũng sử dụng các đặc ân đó vì người dân. Họ tham lam, đưa ra những quyết định thay vì lợi ích của tập thể lại vì lợi ích của chính họ”.
Nhận định của Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng |
KHỔNG LOAN tổng hợp
http://www.google.com.vn/search?hl=vi&source=hp&q=V%C6%A1+v%C3%A9t+t%C3%A0i+s%E1%BA%A3n+qu%E1%BB%91c+gia&btnG=T%C3%ACm+v%E1%BB%9Bi+Google&rlz=1R2SKPB_enVN340&aq=f&aqi=&aql=&oq=
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/425689/Vo-vet-tai-san-quoc-gia---Ky-cuoi-Sang-kien-%E2%80%9Choi-tra-tai-san%E2%80%9D.html
Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 22/Feb/2011 lúc 6:58pm