Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: Truyện ngắn -Tùy bút chọn lọc Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 09/May/2010 lúc 7:42pm


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 13/Aug/2010 lúc 9:54am
Người gởi Nội dung
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 09/May/2010 lúc 7:27pm
 
 
broken%20heart broken%20heart broken%20heart
mk
 
 
 
 
 
Quế Hương

Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

- Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.

- Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi... bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.

- Mơ hồ thế có trời biết! Không đường, không số nhà... Già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác. Đây cũng là dân ngụ cư thôi! Không biết!

Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm:

- Cả tuần nay... hỏi ai cũng trả lời chừng đó!

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

- Thế bà Xuân người như thế nào?

- Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát hay. Xinh đẹp.

Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:

- ồ ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi có “xơ múi” chi không?

- Cô ấy thua tui một tuổi?

Cái quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la ó, huýt gió, hô hố... náo loạn.

- Thế thì "cố" chứ "cô" gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.

- Mà cố Xuân là gì của lão? - Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.

- Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.

- Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già khú đế à?

- Vâng.

- Trời ơi... là trời... ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời! - Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm tĩnh, kiên định hỏi tiếp:

- Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?

- Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé về nhà nằm nghỉ. Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.

- Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất... Ăn bốc mới đúng điệu. - Đột ngột lão góp ý.

- Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn.

- Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.

- Mở đầu được đấy ! Mần ly rượu nói tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó... Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ chối động đũa vào đĩa chó. bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi... ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười cho hả...

- Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này - bà chủ lên tiếng - Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em... sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền... với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn quán... phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình...

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món “hương nhục”, thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện thắp đèn cầy ăn thịt cầy... âm âm u u thế mà gọi mời đáo để. Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ lại ăn uể oải đòi lão có mặt. Bọn họ gọi lão là "lão Tầm Xuân". Cái quán ven đường rôm rả hẳn lên khi ông lão mặt rỗ hoa, ăn mặc nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng đón lão:

“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay. Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt đèo...”.

Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem lão ra giải buồn. Họ đổi những tin “dỏm” về cố Xuân bằng những câu chuyện của lão hoặc một cú tẩm quất sướng ê người. Nếu quán vắng khách, họ nằm ườn ngay trên nền quán, ưỡn tấm thân trẻ trung rã rời cho lão tẩm. Xương bật giòn tan, còn bọn họ lè lưỡi: “Hồi trẻ, lão phải vật trâu!”

- Hồi trẻ, tôi giật đến hai giải thi vật - Hứng chí lão khoe.

- Thế mà không vật nổi cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay xinh đẹp.

Cả bọn cười ồ còn lão bỗng tiu nghỉu. Lão ngừng đấm hỏi:

- Lần này "dỏm" không đó?

- Dỏm 50%. 50% có thể thật. Đứa nào nói dối 100% hộc bia ra ngay.

Chân dung cố Xuân thay đổi xoành xoạch. Khi thì cố Xuân ở tận bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hòa Khánh, điếc đặc. Khi thì ở tận Hòa Cường, suốt ngày ho sù sụ...

Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già nghễnh ngãng, ré lên: "Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!". Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố. Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. Ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những cuộc "gặp" ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm. Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghe. Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột: "Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Chiêm bao lần chẵn năm canh. Bao lần anh ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ sâu oanh. Lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ gặp mặt sánh đôi. Suốt năm họa là. Duyên bén ngãn, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh".

Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại thoát ra từ một lồng ngực hom hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng có đôi chút học vấn để nhận xét: đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí, già nua kia là một trái tim thực có một cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu, không bao giờ chết trong lão!

Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão “mê hoặc” như cả quán cầy tơ của bà béo. Lũ con tôi quý lão vô cùng. Lão bày chúng hát nghêu ngao những bài quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tơ. Dải yếm phất phơ. Miếng trầu, mồi mốc. Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy?”... Lão cho chúng những đồ chơi thật ngộ - những con vật bằng lá dừa biết ngúc ngắc, con gà trống bằng đất sét lòe loẹt xanh đỏ tím vàng kẹp chiếc kèn lá có thể cất tiếng gáy... Bếp nhà ấm áp khi có lão. Lão nếm rượu chính xác như đo, hàn giúp cái xoong, cái nồi rất khéo. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liến hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu. Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội Xuân, Hội mùa... Trai thi mạnh, gái thi mềm. Thi hoa, thi vật, kéo co, hát chèo, nấu cơm, đánh đu, cờ người...

- Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?

- Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào bọn quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới 200 giọng, thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Ngày xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ... Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua...

- Đa tình thế sao không lấy?

- Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân hai làng chấp nhận. Tình bạn ấy chân thành, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau “xuân thu nhị kỳ”, đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Mỗi bên có chuyện vui buồn đều tổ chức đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào... Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man...

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên: "Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay...”. Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da mầu đồng, có giọng hát Trương Chi hát! Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ! -

Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài "Khi tương phùng, khi tương ngộ" ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: "Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi... Trước không phải, sau đền duyên ba sinh". Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.

Sau đó là chiến tranh... nạn đói... Câu quan họ tan tác trăm phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng... nghe nói vào Nam.

Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn ra hong nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn nhúm trong cái chăn rách... Tôi có cảm tưởng ông được đem phơi cho chết vi trùng. Có bà, được mua cho một cỗ hậu sự thật tốt. Lâu không chết, áo quan bị mọt đục. Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua lật lại rửa ráy càu nhàu... Luật đời chú ạ! Già thì lụi tàn, phải chết. Sống lâu thành nợ của mọi người ngay con cái cũng chán... Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: "Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng...". Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thịt. Tôi tỉnh lại đang mơ màng thì nghe giọng dâu con thở than gần hết ngày tốt mà cha chưa chịu đi. Tôi mở mắt, chúng nó lại ríu rít hỏi han, làm ra vẻ vui mừng... Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì sai trái đâu?

Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội đồi Lim, lúng liến, đắm say, chân tình lai láng.

Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo níu áo ngoài cửa đòi tôi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi... Tự nguyện theo lão là con chó mập ú của bà Tư cầy. Dường như chán gặm xương đồng loại, nó bỏ theo lão Tầm Xuân.

Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng Xanh, Sài Gòn cách đó hai năm.

Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Con hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai hàn xoong hàn nồi, mài dao mài kéo không...? - Tiếp liền sau một giọng hát cất lên :"Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình... thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi...”. "Ôi!". Lão. Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: “Lão mài dao... lão Tầm Xuân". Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già thêm nhiều. Lão đã thực sự già! Gương mặt chằng chịt nếp nhăn lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàm mài. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố hoa lệ. Con chó vàng của bà Tư cầy lẽo đẽo theo bên. Chỉ khác là nó không còn mập ú nữa, nó xơ xác gầy nhom như chủ.

Chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. ở đó tôi được biết vì sao lão bỏ đi đột ngột. Bà chủ quán thịt cầy cùng dãy với bà Tư béo bảo có gặp một bà người Bắc đi xin ở Gia Định biết hát quan họ và y hệt cô Xuân của lão. Thế là họ đi!... Quán bà Tư mất hấp lực, đâu lại vào đấỵ Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra, sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quê. Không ngờ lão cũng nói:

- May gặp nhau lần cuối... Tuần sau tôi về chú ạ. Tiền tàu xe đủ rồi... Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu như xưa nữa... Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giục giã lòng tôi. Tôi yếu rồi! Tôi đã nghe đất gọi Quê gọi Đành hẹn kiếp sau vậy...

Tôi nhìn lão, còn lão nhìn dòng xe cộ nườm nượp đến chóng mặt. Chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.

- Lâu ngày gặp lại, tui với lão mần đích đáng một bữa thịt chó đi! ở đây có Bồng Lai quán nghe nói khá lắm, ăn hoài không đã miệng. Tui mời lão.

- Cảm ơn chú! Nhưng năm rồi tôi không đụng thứ đó. Tôi sẽ không đụng cho đến ngày cuối đời...

Lão cúi xuống vỗ về vào lưng con vàng. Con chó ngước đôi mắt nặng trĩu yêu thương nhìn lão rồi không dằn lòng nổi, nó đứng trên hai chân sau, vừa kêu ư ử hài lòng vừa liếm khắp người lão.

- Chú thấy đấy! Cứ tưởng tượng nó thành những đĩa dồi, đĩa luộc, đĩa xào, xáo... là tôi lợm giọng rồi... Không có nó tôi không sống nổi ở đây đến hai năm... Nó sưởi ấm tôi, kéo tôi đứng dậy, nó bị đánh què cẳng vì ăn cắp của người ta để cho tôi ăn những ngày tôi ốm... Nó từng sung sướng... theo tôi nó mới cực thế này... Nó...

Lão nghẹn ngào, mắt hấp háỵ Giọt lệ tuổi già chắt mãi mới thành dành cho kẻ đồng hành bốn chân!

Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:

- Không thấy lão mài dao kéo vào xóm... cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát... Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa. Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miệng... Người già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà già... nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng cái điệu, cái lời na ná như lão mài dao.

- Đâu? Bà ấy ở đâu? - Tôi chụp tay nó.

- ở trong, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?

Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm đó là cố Xuân.

- Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. Ông ta bảo với Ban quản đốc ông ta thấy bà già cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà nên thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy sống lặng lẽ như bóng không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một tháng, dường như không nén được nỗi đau đớn, bà ta khóc rống lên: "Hắn là con tôi, cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi". Mấy hôm nay bà ta hát... không ăn, không uống... chỉ phều phào hát... -Em tôi kể.

Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông vấn vành khăn nhung đã sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc...

"Dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp..."

Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Thời gian cho, thời gian lấy hay tôi đã lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc. "Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải... sau đền... duyên... ba sinh".

-Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo to giữa những gương mặt già nua ngơ ngác - Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi.

Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu.

Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần... yếu dần... Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm Xuân: "Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình..." Giọng hát vụng về thô ráp như đọc của tôi cất lên, và lạ lùng thay, nó tựa những giọt nước cành dương diệu kỳ... Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền nhà lập tức ngồi dậy. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo, họ hò, họ hát ru... Những đôi mắt mờ mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục đục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ mở hai ba lớp nylon bày một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân, bị lời hát đẩy ra, còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!

Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm... Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên tivi. Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường... Mau lên kẻo không kịp".

Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không dòng nước mắt.

Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão... Chơi vơi... Chơi vơi..
.
 
 
Quế Hương
 
 
 

 
 

Tìm nhau đã mấy mùa Xuân
Yêu nhau từ thuở trăng rằm hội ta
Hai bên hai hội hát nhà
Ta vào dự hội, tình xa thành gần
Em môi chỉ cắn, thanh tân
Anh ngơ ngẩn hát theo vần yêu đương   
Hội Lim quan họ vấn vương
Yếm đào hoa lý cuối đường gởi trao
Hội Xuân câu hát tìm nhau  
Tình ơi, tình cũng ngọt ngào giăng tơ…

                   *   
Xa nhau cũng bởi lệ nhà
- "Bạn vào quan họ chỉ là anh em" -
Tình riêng hai đứa một niềm
Yêu nhau nhưng biết nợ duyên không thành
Lẻ loi chim nhạn một mình
Người thương không thấy, ba sinh sao đền?
Người Nam, kẻ Bắc hai miền  
Xa nhau - trăn trở, muộn phiền, nhớ thương
Tình ơi, đành chịu dở dang
Câu ca, tiếng hát ngỡ ngàng tìm nhau
Tương phùng, hội ngộ khi nào?
Mà ba sinh phải kiếp sau tơ tình !?

                  *
Tháng Giêng về dự hội Lim
Cuối đời, cũng chỉ mong tìm gặp ai
Tình ơi, nhớ đến trọn đời
Câu ca quan họ chơi vơi kiếp này …

Bảo Trân
www.vuonmai.net

 
 
 
 
 
 
 
 
  
 

 

 

 

 

Nhạc Ðỗ Thất Kinh
Thơ Bảo Trân


                       Tìm          nhau     đã    mấy      mùa    Xuân         Yêu      nhau    từ     thuở  trăng

            rằm  (í a)     trăng rằm  hội      ta             Hai    bên   hai   hội       hát   nhà         Ta   vào dự

         hội     tình xa  hóa ra  tình  gần     (tình xa hóa ra   tình  gần)        Em       môi  chỉ  cắn thanh

           tân        Anh  ngơ      ngơ    ngẩn  hát       theo        vần     (là   vần) yêu  đương        Hội

         Lim     quan họ    vấn  vương      Yếm   đào hoa     lý    cuối     đường         gởi     trao     Hội

           Xuân   câu  hát  (í    a)   tìm   nhau       Tình    ơi       tình    giăng (i)     tơ  ngọt    ngào   Tìm

        nhau     câu hát  (í    a)  tìm  nhau      Tình    ơi     tình       giăng    tơ  ngọt        ngào            Xa

            nhau        cũng  bởi      lệ      nhà       " Bạn    vào      quan        họ ...                     chỉ  là   anh
          em "    (instrument ...

                                    ...)       Tình   riêng   hai   đứa    một  niềm    yêu nhau dù   biết   nợ   tình   xa
        xôi    Ôi ! ...            Lẻ     loi chim    nhạn (í) một (i) mình  người (...) thương không thấy sao
            đền      Người   Nam kẻ     Bắc   hai     miền      Xa  nhau    trăn      trở       muộn  phiền  nhớ
       thương   Tình ơi ơi    í       a    tình     Sợi    tơ  câu   hát    đi      tìm   Còn  vương vấn khúc tương
       phùng  thuở       nao        Tháng   Giêng    về  dự  hội   Lim   Cuối đời cũng   chỉ     mong tìm gặp
            ai         Tình     ơi    nhớ     đến    trọn    đời      Câu  ca   quan    họ        còn   chơi (...) vơi kiếp
          này      Tình    ơi    nhớ    đến    trọn    đời      Câu  ca   quan    họ        còn   chơi (...) vơi kiếp
           này                    (instrument …)              



mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 15/May/2010 lúc 10:05pm
 
 
Cà phê cà pháo.
Wednesday, May 12, 2010  <


* Ðinh Tuyên.

Không biết cái thú đi uống cà phê du nhập vào nước ta từ hồi nào, tôi nghĩ chắc cũng không lâu, vì thế hệ của các bậc cha chú không thấy các cụ nói đến đi uống cà phê bao giờ, ít nhất là trong thời niên thiếu thanh niên của thế hệ chúng tôi, đặc biệt là trong các gia đình bắc kỳ chay. Nghe nói thói quen la cà cà phê cà pháo là do dân Pháp mang vào từ những ngày họ làm thực dân ở nước ta. Nếu quả thế thì dân miền Nam chắc hẳn chịu ảnh hưởng trước dân miền Bắc. Khi tôi bắt đầu để ý đến thế giới của người lớn thì đã thấy các bác xích lô đạp xích lô máy, các bác đánh xe thổ mộ, dân buôn bán thức khuya dậy sớm, công tư chức, dân lao động các thứ trong Nam sáng sáng đã thấy tụ tập nơi các quán cà phê cóc để làm một ly trước khi bắt đầu một ngày mới. Họ làm một cái xay chừng( cà phê đen) , cà phê sữa, hay bạc xỉu( sữa chút xíu cà phê) có khi lại ăn kèm với vài cái dầu cháo quẩy hay cái bánh tiêu bánh bao, phì phèo điếu thuốc Bastos, Mélia, sang thì Ruby, Capstan, Pallmall, sang tí nữa thì Craven A hay 555 hộp thiếc. Dân lao động có cách uống rất lạ là đổ cà phê ra dĩa cho nguội bớt rồi bưng lên húp xụp xọap rất enjoy. Húp xong, họ trò chuyện trên trời dưới đất với nhau hay dở nhật trình ra đọc tin tức thời sự , những chuyện xe cán chó, chó cán xe, chuyện kép cải lương này cặp với đào hát kia.. Vụ này thì cũng giống y chang như mấy bà đi chợ bên này lúc tính tiền ở counter là tiện tay lấy mấy tờ báo lá cải như tờ Enquirer, People để xem hôm nay con Jenifer Lopez nó có bầu với ai, thằng Brad Pitt bỏ vợ rồi cặp với con nào vv…

Sau này tôi đọc trong cuốn The Journalist (ký giả chuyên nghiệp) thì nghe họ nói rằng báo chí sống nhờ chó cán xe chứ không phải xe cán chó, vì xe cán chó là chuyện thường, nhưng ‘chó cán xe’ mới là tin giật gân; người ta mua báo để xem chó cán xe chứ không phải để xem xe cán chó. Người ta mua báo để xem những chuyện tình ái lăng nhăng bất thường của Công chúa Dianna, chứ không phải để xem công chúa lấy thái tử đẻ ramột lũ con khôi ngô tuấn tú, học hành tử tế,cưới vợ đẹp cócon khôn rồi sống mãi không bao giờ chết!

Cách pha cà phê thường là pha theo kiểu bí tất hay gọi là pha vợt, hầm hì trên bếp lò cả ngày để cà phê lúc nào cũng nóng. Nhưng cà phê lọai này uống ngay khi mới pha xong còn đơ,õ chứ uống chậm chút nữa thì chua lè. Sau này, khi các quán cà phê nhạc bắt đầu thịnh hành thì có thêm cà phê phin, mà ông Túy có lần đề cập đến trong bài quán cà phê Thăng Long.

Ly cà phê đầu tiên trong đời của tôi xảy ra ở quán Thăng Long này: lần đó tôi thấy cái phin cà phê phải xoay xoay con ốc trong đó để điều chỉnh độ đậm lạt của cà phê là cả cái sự tân kỳ. Rồi cô Hương còn phải nhắc là đậy cái nắp phin lại, cho cà phê nó chín. Cái vụ cà phê cà pháo khởi đi từ dạo ấy mà cho đến bây giờ trở thành một nếp sống hồi nào không hay.

Nay đã tới tuổi tri thiên mệnh, nghiệm lại tôi thấy băng cà phê cà pháo chúng tôi có khối chuyện để nói chung quanh cái phin cà phê, ở một nơi nào đó gọi là quán cà phê: Có một cô nào đó gọi là cô hàng cà phê, có một cái việc gì đó gọi là đi cà phê. Từ những chuyện thi cử học hành đến những chuyện cua con này ve vãn con kia của cánh con trai chúng tôi tới những buổi ngồi đồng với các cô bạn gái nhìn ra phố mưa rơi rả rich, nghe những ca khúc da vàng phản chiến não nuột của Trịnh công Sơn, nghe tục ca của Phạm Duy, nghe Christophe với Main dans la main, Santana với Oye comova, Black magic women, Beatles với Yesterday, Hey Jude, Eric Clapton, Jimmy Hendrix, The top of the world với Carpenter và nhiều nhiều quá.

Không biết Nguyễn Kim Ðĩnh ở Bremen có còn nhớ cây hoa ngọc lan to lắm ở quán cà phê Ðỉnh Thiêng trong cư xá phủ tổng thống không: Những đêm rất khuya hương ngọc lan thoang thoảng quấn quýt với vị dịu mát của sương đêm tôi, Ðĩnh, Nguyễn xuân Quang. thỉnh thỏang có Nguyễn văn Lương- bây giờ ở Berlin- Ðức nghỉ phép về. Chúng tôi ngồi quây quần ở cái bàn dưới gốc cây nhe răng cười với nhau vì nhiều duyên cơ:ù Dạo đó tuổi thanh xuân tươi trẻ quá thành ra chúng tôi có nhiều chuyện vui và chuyện hay buồn nhất là không đủ tiền uống cà phê, thế thôi. Cô hàng cà phê quán này đẹp và có chiếc răng khểnh và thích cho chạy bản Roman dễ nghe do ban Paul Mauriat chơi, bản này solo 3 khúc, piano, guitar, và violon; đối với tôi, hay nhất vẫn là khúc chơi guitar. Cô hay đi lên đi xuống cái cầu thang đàng sau quầy tính tiền. Chắc là để đám khách ngòai kia enjoy những bước chân thục nữ lan đài uyển điệu trong tà áo dài mỏng như tơ trời của cô chăng. Còn tôi chỉ muốn gây sự chú ý của cô, lâu lâu lại chập một lúc ba que diêm lại rồi đánh xoè lên ngọn lửa sáng chói đầy mùi lưu hùynh, trong cái không gian mờ ảo của quán cà phê. Bây giờ nghĩ lại thấy thật trẻ con nhưng cũng thấy dễ thương làm sao.

Trồng cây si cô hàng cà phê ngòai bọn tôi ra có thêm nhiều người: Ðối với chúng tôi thì cũng có hơi gượng vì nàng hình như lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi (lớn tuổi hơn chứ chưa luống tuổi), nên chỉ ít lâu bọn tôi rút lui trong trật tự. Một trự nữa là lính của 1 liên đòan công binh tháo gỡ đạn dược, một vài tay pilot trực thăng vào quán hay đeo súng ống lủng lẳng quanh người, như niên trưởng Nguyễn văn Tịnh chẳng hạn. Không biết thực hư thế nào nhưng tay tháo gỡ đạn dược lần nào tới quán cũng đi chiếc xe Jeep có cái còi hụ sơn màu đỏ chót trông rất oai phong. Có một đêm, tôi ngồi một mình bàn bên này, còn bàn bên kia tay tháo gỡ đạn dược thay vì uống cà phê thì lại uống rượu với một đám các hảo hán, mới nhìn thấy cũng đủ mất vía vì tòan những tay mặt mũi trông rất sọc dưa, mặc đủ mọi thứ quân phục trên đời. Tay tháo gỡ đạn dược khụng khiệng đi tới bàn tôi với đôi mắt đỏ ngầu say rượu. Liếc qua bàn của họ, tôi thấy ngổn ngang vài chai brandy Napoléon lion d’or rồi. Ðứng cạnh bàn tôi, anh ta hất hàm hỏi:

- Ê.Mày làm gì?
Tôi rụt rè trả lời: - Dà, em chưa có làm gì.
- Thế mày còn đi học à?
- Dà, em học trường Luật
- À, giống thằng em tao

Nghe nói, tôi mừng hết lớn vì chắc không bị ăn cái chai lên đầu như tôi nghĩ, tay này bom mìn sắp nổ chả còn dám bò vào gỡ ngòi nổ thì cỡ mình sá gì mà chả không cho một chai lên đầu nếu thấy chướng mắt. Ðúng vậy, ông ấy bảo: - Mày qua nhậu với tụi tao không?

Tôi đâu dám từ chối, bèn bưng ly tách qua ngồi nhậu ké với các đại ca.

Sau này, ông ta bảo hôm đó tao thấy mái tóc dài của mày tao ngứa mắt quá ,định qua úynh mày chơi nhưng sao thấy mày lành quá nên thôi. Từ đó tôi quen thêm với một đám lính tráng, và vì tôi cũng có những bạn học cũng đang ở trong lính như Nguyễn văn Lương, Mai đình Ngọ nhảy dù, Cao thành Cách, Bùi huy Tâm không quân v.v.. Nên biết thêm về tâm trạng sống nay chết mai của họ giống như cha anh, tôi nên càng cảm thấy thương họ hơn. Trai thời lọan thế đấy.

*

Ðường Nguyễn Du có lá me bay từng là một nơi quen thuộc của chúng tôi đàn đúm. Dạo đó tôi học trường Luật, khi có giờ trống hay khi gặp những giờ lecture cổ luật ngán ngẩm của ông Vũ văn Mẫu, chúng tôi thường bỏ học ra Nguyễn Du, con đường có hàng hàng lớp lớp các quán cà phê san sát bên nhau ( nói theo kiểu Mỹ là- A huge selection for café goers-), với những cặp loa công suất mạnh đặt hướng ra đường tranh nhau đập inh ỏi. Dân uống ở đây phần lớn là sinh viên của đủ thứ trường nhưng có lẽ đông nhất là từ Văn khoa và Luật khoa: Các cậu các mợ đều khệnh khạng, ra dáng trí thức trẻ người ( và non dạthực!). Chúng tôi hay chở nhau trên những chiếc Honda và giống như Francois Sagan hay mô tả trong các cuốn chuyện của bà là:- Ði hết quán nọ đến quán kia nhìn xem có ai quen trong đó không. Sao mà thanh niên Pháp thời sau World War 2 giống chúng tôi quá, cái đám thanh niên mà một số nhà đạo đức( thật cũng như giả) thốt ra rằng“ bọn thanh niên thối nát,trụy lạc và buồn tẻ”.

Thế cái bọn thanh niên thối nát và buồn tẻ ấy, chúng nó làm cái gì ở trong quán cà phê? Thật ra thì ‘cũng chẳng có gì mà ầm ĩ’ cả. Mỹ họ nói, có gì là big deal đâu. Ngọai trừ một số nhỏ vào quán cà phê để chơi heroin, nghe nhạc rồi phê cho nó đã đời ( hay quên đời), còn phần đông chỉ để gặp bạn bè tán gẫu, rồi nếu không đi học thì chở nhau đi loanh quanh, ciné xi cảo vớ vẩn thế thôi. Ngày ấy, trong bọn chúng tôi Nguyễn văn Lương là thời thượng nhất : Chàng là người đầu tiên biết đeo kính râm, lúc không muốn ‘râm’ nên chàng lại gác cái kính lên đầu thao diễn nghỉ, nom rất tân kỳ. Vào quán, chàng hay dở tạp chí Hồng khổ tabloid của cánh Nam Lộc- Trường Kỳ gì đó chủ biên ra xem. Trường Kỳ thì chắc niên trưởng rành hơn tôi vì ổng được phong là vua hippy mà. Trong tạp chí này tôi đọc được những chuyện ngắn rất trưởng giả, như chuyện có chàng và nàng kia đi nghỉ hè ở Ðà lạt, họ đi dạo quanh hồ Xuân Hương vừa đi vừa thò tay vào túi áo măng tô lấy hạt dẻ ra ăn( chứ không chịu ăn đậu phụng rang như chúng tôi), rồi họ xuôi về Nha Trang nô đùa với sóng nước, lại còn chạy canô ra ngòai đảo xa xa nữa, xong, về hotel nghỉ ngơi. Họ xài chung một cái bàn chải đánh răng nữa ,rất là trữ tình.. Cá nhân tôi từ nhỏ được dạy dỗ trong vệ sinh thường thức là mỗi người một bàn chải đánh răng, không được xài chung. Thế mà đọc đến đây, sao tôi thấy họ yêu nhau thật là đỉnh cao cách mạng, dễ thương quá! Về sau tôi mới biết, những tay viết cho tạp chí Hồng có nhiều người học trường Tây trường Ðầm như Taberd, Marie Curie, Régina Pacis, Régina Mundy vv.. Thành ra câu chuyện của họ viết,nghe trưởng giả là ‘chính kiểu’ rồi.

Lương hay rủ tôi đi thâu nhạc ở tiệm Thúy Nga, tiệm Phạm mạnh Cương bên Phú Nhuận và lúc nào cũng kè kè mấy cuốn băng Magnétophone to đùng như cái bánh đúc. Bạn tôi ngọai ô thanh lịch quá nhưng tôi hơi coi thường vì lúc đó tôi biết chơi dĩa nhựa rồi . Còn ông Ðĩnh đeo kính cận khi vào quán khi nhìn dáo dác kiếm bạn luôn lấy tay đẩy đẩy kính cận lên cho nó yên vị ngay chánh giữa trên cái sống mũi hơi gồ lên 1 chút, trông trí thức ghê đi. Ðĩnh dạo đó có mộng làm bác sĩ nên học chứng chỉ dự bị Sinh lý Sinh hóa ở Thủ đức. Chàng này sính tiếng Tây nên thay vì nói là học đại học khoa học như lệ thường thì chàng hay gọi là Faculté de Sciences, nghe rất gồ ghề nên tôi cũng hay bắt chước gọi trường tôi là ‘Faculté de la Droit’ cho nó oai; nhưng sao phát âm chữ droit khó quá nên lại thôi, trở về với chữ luật cho nó đỡ phiền cái lưỡi. Ðĩnh thì không có nhiều đồ chơi khi đi café, chàng còn mải nghĩ đến mấy cục ô mai mà các mợ ái mộ học cùng lớp hay bỏ dưới ngăn bàn cho chàng. Ông Ðĩnh này hồi thanh niên rất đào hoa: Nghe chàng tuyên bố tao hay có ô mai ăn chùa, bọn tôi ngờ rằng bạn ta chỉ nói xạo cho oai. Một ngày kia, tụi tôi rủ nhau kéo xuống tận chỗ chàng học ở Thủ đức điều tra xem sao. Ðến lúc chàng xăm xăm như quân xâm lược đi đến chỗ ngồi, thò tay dưới hộc bàn lấy ngay ra được một gói ô mai mơ đàng hòang! Lúc đó chúng tôi bèn phục lăn ra thật…

* Ðinh Tuyên.

( trích Google)
 
 
 
 
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 09/Jun/2010 lúc 9:41am
 
 
 
Sài Gòn mùa lá me non


Trần Tiến Dũng/Người Việt


Từ trước những năm 1975, không đâu có những con đường trồng nhiều cây me như ở Sài Gòn, nhiều đến mức những hàng me phủ xanh bên đường được tôn là biểu tượng để làm dáng, làm duyên phố thị, để đi vào thi ca nhạc họa và để có những gánh hàng rong bán me dốt chấm muối, me ngào đường, nước đá me...



Hàng me xanh mướt che bóng mát cho người bán rong trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần). (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Thực ra người Sài Gòn ngày nay không mấy người để ý là trong hệ thống cây cảnh của thành phố có một thứ cây ăn trái gọi là cây me. Nhưng trái lại nhiều Việt kiều ở tuổi trung niên, lâu lâu cũng buột miệng hỏi: “Hàng me trên đường Trần Quí Cáp cũ (Võ Văn Tần) còn không nhỉ?” Lập tức những người Việt, dù là đang lưu vong hay đang cô độc ở giữa lòng một Sài Gòn hôm nay lòe loẹt và hỗn độn sẽ bừng tỉnh cảm xúc về những hàng me xanh mượt, sáng ngời mùa thay lá, những cơn mưa lá me lất phất hiu hắt trong tiết trời buổi trở mùa.

Ðầu mùa mưa đi thăm hàng me

Tuy Sài Gòn vừa trải qua một mùa nóng và mùa cúp điện đến mức ai cũng nhìn thấy viễn cảnh “tận thế,”vậy mà chỉ cần mưa xuống vài đám nhỏ chưa đáng gọi là mưa đầu mùa thì lập tức có người thuộc “bộ lạc”những người lãng mạn cuối cùng rủ tôi đi coi me thay lá.

Anh thợ hồ, bạn tôi, một người đã ngoài năm mươi tuổi, có gốc là con sĩ quan VNCH, rủ rê rằng: “Ê tao thấy mày lơ là với bạn bè cũ quá, đi coi me thay lá với tao chơi, nhớ con T. học chung không? Nó ở Mỹ mới về, T. thành bà ngoại bà nội rồi nhưng muốn tao với mày đi dạo dưới hàng me với nó, nghe lạ chưa! Sống vậy mới đáng gọi là người Sài Gòn chớ... ”

Tất nhiên là tôi không thể đưa ra những vấn nạn của đường phố hiện tại của Sài Gòn để từ chối, dù biết rằng đi với cảm thức lãng mạn dưới hàng me Sài Gòn hôm nay sẽ bị coi là hơi bị khùng. Ngày xưa, những đôi tình nhân trẻ ưa dìu nhau đi dưới đường me Nguyễn Du, Gia Long... thì ngày nay dân Sài Gòn cũng khoái ngồi vỉa hè dưới bóng cây dù chẳng ai biết, cũng không cần biết đó là cây gì.


Hàng me cổ thụ trên đường Nguyễn Du bị đốn đi, thay vào đó là những cây me mới. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Thật ra Sài Gòn vẫn còn nhiều con đường trồng me, dù người ta đã thay các gốc me cổ thụ bằng các cây me non. Ở quận trung tâm, từ buổi sáng, nếu hên không bị công an rượt, bạn có thể chọn cho mình một hàng me rồi ngồi uống cà phê, ăn sáng ngay gốc cây me vỉa hè. Ðường Nguyễn Trung Trực là một đường có hàng me đẹp, nếu thích, bạn cứ ngồi ngó ra đường ngắm me, lá me, bông me, trái me rồi nhậu luôn cho tới tận khuya. Ngồi trên con đường ngắn này, nhìn theo cái dốc xuôi xuống chợ Bến Thành, nhìn lá me bay, dám chắc, nếu ai là dân Sài Gòn chính hiệu sẽ hồn nhiên buột miệng hát lại, hát mãi bài hát cũ “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi.”

Nhưng hàng me Sài Gòn cũng cho người ta cảm xúc đắng cay về đời thị dân cơ cực. Sau biến cố 1975, Anh Út, nhà ở quận 10, một người thuộc gia đình làm nghề đổ rác tư, lúc nhỏ ngoài giờ phụ má kéo xe đi lấy rác, tới mùa me có trái anh thường trèo me hái trái về cho má bán thêm. Lúc đó những hàng me của đường phố Sài Gòn được đám con nhà nghèo phân chia, ai xâm phạm là bị ăn đòn.

Anh kể: “Tới mùa me rộ kiếm bộn lắm, bán không hết thì chở vô Chợ Lớn cân cho vựa. Mà kỳ nghe, người Bắc ít ăn me, còn người mình sao khoái ăn me chua, với nấu canh chua me, chỉ mỗi cái nồi canh chua mà giúp cho mấy ông Tàu giàu nứt trứng luôn. Ðời bây giờ bớt rồi, người ta có ăn là ăn me Thái, với lẩu Thái.”

Canh chua lá me

Cây me cũng cho người dân miền Nam một món nấu chua thượng hạng khác là canh chua nấu bằng lá me non. Ít người Sài Gòn được hân hạnh ăn món canh chua này, bởi đâu có siêu thị hay nhiều chợ bán lá me non, hơn nữa lá me non cũng chỉ có vào một thời điểm nhất định, nên từ một món canh kiểu nhà nghèo mà trở thành thứ quí hiếm là vậy.

Chúng tôi phóng xe gắn máy chạy về hướng cầu ông Thìn, vì theo lời mách bảo của bạn bè là ở đó có bán lá me non. Sau khi vượt gần hai mươi cây số đường trong hơi nóng ẩm của buổi chiều trời đầy mây mưa. Trong thời tiết này, chúng tôi lại có dịp cảm nhận rõ ràng, không đâu như ở miền Nam, khoảng thời gian giao mùa từ mùa nắng sang mùa mưa, tuy ngắn ngủi nhưng giàu cảm xúc vô cùng. Trong vùng cảm xúc về đất về người, cùng những kỷ niệm thời cuộc và số phận con người vui buồn lẫn lộn, bất giác ai cũng nhớ đến một món ăn đậm đà nào đó đã được bà, má, chị... nấu cho ăn từ nguồn thực phẩm của đồng đất miền Nam dưới dòng nước mát mưa đầu mùa.

Cái chợ nhỏ nằm gần chân cầu ông Thìn này chỉ họp vào buổi chiều. Cá đồng, rau ruộng ở đây là thứ người trong vùng tự trồng, tự đánh bắt trong ngày nên rất tươi ngon, kiểu chợ này không có một đặc điểm gì khác ngoài chuyện giá rẻ và muốn mua nhiều cũng không có. Chúng tôi tìm thấy vài mớ lá me được bán, hỏi giá người ta cho biết là “mắc lắm nghe, mua được thì mua không ép.”

Thật ra, nếu người không hiểu thì cái thứ tầm thường gần như nhà nào ở quê cũng có như lá me non thì giá sáu ngàn một trăm gờ-ram là mắc, nhưng nếu biết chuyện thì đâu phải dễ hái được một nắm lá me non, huống gì là hái cả ký lô đem đi bán. Chỉ người nghèo mạt vận không đất, không ruộng, không nghề mới bỏ công đi tuốt từng đọt lá me non, nếu tuốt phải lá già thì phải lựa ra bỏ, nếu tuốt chậm thì lá me sẽ già, nếu tuốt sớm thì để cách ngày là héo queo, bán cho ai.

Canh chua lá me thường được người dân quê nấu với tép rong, cua rạm, cá sặc nhỏ, cá lóc càu cửng, nói chung là nấu với tất cả những loại cua cá nước ngọt, nước lợ đánh bắt được trong ngày. Nếu ai rảnh thì hái thêm ít rau nhút, rau muống hoặc sang hơn là chặt một khúc thân cây chuối, nhất là chuối hột, về xắt ra thành miếng. Nhưng thiệt tình một nồi canh chua lá me chỉ cần lá me với tép rong là đủ.

Nồi canh chua lá me sôi lên, có mùi chua thơm lừng cả nhà, nếm thử sẽ thấy vị chua thanh vô cùng. Dám cá là trong tất cả các vị chua từ đồng bằng cho tới rừng, từ me trái, lá vang, cơm mẻ... không thể có vị chua nào thanh đầu lưỡi như lá me non, chỉ có nồi canh chua lá me non mới có màu trắng đục như sương sáng, lại có cả màu vàng lá me nấu chín như màu đồng lúa buổi xế chiều.

Tôi và người bạn cùng đi, mua cả ký lô lá me non, dù biết rằng chỉ cần một nắm lá me là đủ. Nếu gọi là mua nhiều để biếu bạn bè, không khéo người ta lại cười cho, ai đâu đi biếu lá me, ai đâu lại gợi ý cho người ta ăn món ăn đơn giản của dân quê nghèo trong thời buổi ai cũng sính thứ cao lương mỹ vị ở tầm toàn cầu.

Nhưng người bạn đi cùng tôi nói: “Tôi mua để thỏa lòng! Mình sống ở Sài Gòn đây còn nhớ còn thèm canh chua lá me muốn chết luôn, huống gì Việt kiều. Giá mà anh chị tôi ở nước ngoài về đúng dịp có lá me non.”

Trần Tiến Dũng


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114044&z=1
 
 
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Jun/2010 lúc 1:20am
 
 
 
Cái duyên Nam Bắc

(Nguyễn Hữu Huấn)

 
Khi ngồi viết những giòng chữ này thì vợ cháu đang ngủ say sưa trên giường. Nhìn đôi chân dài thườn thượt của bà thò ra khỏi chăn, tự nhiên cháu bật cười. Thì ra vợ cháu cũng thuộc loại…chân dài ra phết, cao xấp xỉ 1,70 mét chứ chẳng phải chơi. Năm ngoái gặp lại đám bạn cũ cùng binh chủng, trong lúc chụp ảnh chung bỗng có thằng la lớn : “Chúng mày ơi ! đứng bên cạnh bà này chắc ông phải kiễng chân lên mời xứng!“, làm vợ cháu ngượng chín người.

Nghe nói bên Việt Nam bây giờ người ta tung hô tán tụng “những cô gái chân dài“ dữ lắm, làm phim, lên ảnh, quảng cáo rùm beng, làm các cô cứ tưởng mình là cái rốn của vũ trụ không bằng. Có điều lạ là hầu như các mợ toàn là gốc miền Bắc, nói năng giọng Bắc, nhìn đời với con mắt người Bắc và cư xử thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội“.(Bật mí cho các cụ nhé: bây giờ thì đa số các mợ Hà Nội chính gốc đã thi nhau làm “con chim đa đa“ bay qua xứ khác lấy chồng xa hay đi kiếm cơm hết ráo, còn lại toàn là gốc Hà-Nam-Ninh hay Thanh-Nghệ-Tĩnh lên Hà Nội lập nghiệp). Hay là ông Trời sinh ra người càng ở vùng phương Bắc thì da càng trắng, mũi càng cao và chân càng dài, cứ nhìn mấy ông Tây bà Đầm là biết ngay. Thế nhưng ”bà già chân dài” vợ cháu lại là dân Nam kỳ tuốt luôn tận phương Nam, là thứ Nam kỳ chính hiệu con nai vàng, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn. Hoá ra “mũi cao, chân dài“ đâu phải độc quyền của các mợ Bắc Kỳ 75, các mợ nhờ “tàn dư đế quốc“ nên chỉ mới xuất hiện sau này thôi, chứ ngay trong „thời kỳ chiến tranh“ cách đây mấy mươi năm thì “mũi cao, chân dài“ như Nam kỳ vợ cháu đã nhởn nhơ đầy đường. Đúng là một cọng giá “thời kỳ chiến tranh“ vẫn hơn một gánh rau muống “thời kỳ hoà bình đổi mới “!

Bố mẹ cháu sinh cháu ra tại miền Bắc, học hành và lớn lên cùng với gia đình trong miền Nam, để rồi trưởng thành tận ngoài miền Trung. Từ những tính chất của ba miền đã hợp lại tạo nên cháu thành một thứ “hẩu lốn“: “như canh chua nấu với...rau muống, giá sống ăn với...bún riêu, nhậu bia với ché mà lại chấm với ...xì dầu". Thế nhưng cái bản chất Bắc kỳ vẫn là cái cốt lõi trong con người cháu từ lúc sơ sinh, vẫn Bắc kỳ rau muống mắm tôm, Bắc kỳ truyền thống, Bắc kỳ muôn thuở...Nhưng ông Trời oái oăm lại sai ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cháu làm thằng tù khổ sai chung thân cho một bà vợ Nam kỳ quốc. Lạ thật ! Duyên hay nợ đây Trời!

Hồi còn bé, thú thật cháu chẳng ưa gì Nam kỳ. Còn ghét, còn hận nữa là khác. Chuyện cũng dễ hiểu thôi : lần đầu cắp sách đến trường tiểu học Bàn Cờ ở quận 3, Sài Gòn, chỉ có cháu với một thằng nhô nữa là Bắc kỳ. Thằng này có hàm răng đưa hơi xa ra phía trước, mà văn chương Bắc kỳ gọi là “vẩu“, còn Nam kỳ gọi đơn giản và rất tượng hình là cái “bàn nạo dừa“. Bố nó (không vẩu tí nào) rất thân với bố cháu (cũng chẳng có bàn nạo dừa) vì cả hai gia đình cùng đi chung chuyến tàu “há mồm“ vào Nam năm 54. Hai thằng Bắc kỳ con nhất định ngồi cạnh nhau tạo thế liên hoàn “dựa nhau mà sống“ trong cái lớp học 27 trự Nam kỳ con. Bọn chúng hè nhau trêu chọc, ăn hiếp hai đứa chúng cháu. Mỗi lần ra chơi hai thằng Bắc kỳ con luôn tìm chỗ ít người mà đứng để khỏi nghe bọn Nam kỳ đọc thơ chọc quê chửi bới. Thằng Vọng, đứa đầu xỏ và to con nhất đám (bây giờ đang ở Canada) leo lên cây vú sữa giữa sân, đọc thơ rang rảng:

„ Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm lựu đạn...chết cha Bắc kỳ “


Một thằng khác sẵn giọng phụ họa:

„ Có cái thằng nhỏ nó „đao“ làm sao
Lỗ đ. nó dính cái cọng „rao“,
Người ta ai mà kỳ như „dzậy“ ?


Thế là cả bọn đồng loạt chỉ ngay vào bọn cháu rồi rống lên: ”Thôi rồi ! Bắc kỳ, Bắc kỳ !”

Cháu tủi thân lắm ! Ôi thôi ! buồn da diết, buồn vô biên, buồn phát nghiền !

Về nhà hỏi mẹ tại sao gia đình mình lại vào đây làm quái gì để chúng nó trêu con suốt ngày. Mẹ cháu rướm nước mắt, xoa đầu cháu giải thích đơn giản:
- Tại vì người ta đánh nhau quá nên gia đình mình phải “ri cư “ vào đây con ạ ! Thôi chịu khó đi con, mẹ biết làm sao bây giờ !

Nào đâu đã hết, chúng nó còn hè nhau tụ tập trước cửa nhà cháu. Mẹ cháu cầm chổi lông gà ra đuổi. Chẳng đứa nào sợ, trái lại còn tru tréo to hơn. Chợt thấy hàm răng của mẹ cháu nhuộm đen ngòm và bóng loáng, thế là chúng nó cứ thế mà gào:

"Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm cục c. , hàm răng đen thùi ”

Trong gia đình, chỉ có bố cháu là chẳng thằng Nam kỳ con nào dám giỡn mặt. Có lẽ nhờ khuôn mặt có oai hay nhờ đôi mắt nghiêm khắc của ông, mà chúng sợ một vành không dám trêu chọc một lời ?

Ngày tháng qua mau, cứ thế mà đám Bắc kỳ ”ri cư”, trong đó có gia đình cháu, vẫn sống phây phây trên mảnh đất Nam bộ lạ hoắc nhưng trù phú này. Những cảnh chọc quê dần dần biến mất, bạn bè nhiều hơn, trong đó dĩ nhiên không ít đứa Nam kỳ. Đứa Sài Gòn chính tông, đứa Sa Đéc, đứa Vĩnh Long, đứa Mỹ Tho, Cần Giuộc...Nhưng đứa nào cũng chửi cháu là ”thằng Bắc kỳ lắm mồm”. Không ”lắm mồm” chứ để chúng mày ăn hiếp ông hả ? Nghĩ cho cùng, không ”lắm mồm” thì đâu còn là Bắc kỳ nữa ! Thứ ”lắm mồm” được việc, ”lắm mồm” nghe vẫn bùi tai, ”lắm mồm” dễ mến, thiếu thì nhớ, vắng thì mong, ”tay chơi” nhưng vẫn ”chân tu”, gái Nam kỳ cứ thế mà...”lắc lư con tàu đi”. Càng lớn lên cháu càng khoái Miền Nam, khoái Sài Gòn, nơi dễ có nhiều bạn, mà bạn lại không tồi. Nơi đó có dừa xiêm dzú sữa, có chè đậu xanh bột báng nước dừa, có bánh bèo trét mỡ trắng phau phau, có nước mắm đường ngọt lịm, có cá bống trứng kho tiêu, có trái cóc ngâm đường cắm que cà rem chấm muối ớt, có quán cơm bà Cả Đọi, có cả những con đường hẻm ngoằng nghoèo dẫn đến nhà ...chị Tình.

Miền Nam và Sài Gòn thật trong veo khoáng đạt, không tự tôn như cái Bắc kỳ đã có sẵn từ bẩm sinh trong bụng cháu, không rườm rà ”màu mè ba lá hẹ”, chân thành thật thà, thẳng ruột ngựa, không làm vẫn có ăn, chơi xả láng sáng về sớm, để rồi vẫn cứ yêu người, yêu đời. Có lẽ cũng cùng một cảm nhận như thế nên đám Bắc kỳ ”ri cư” chúng cháu mới vào Nam chỉ có cái quần xà loỏng trên ”tàu há mồm” đã lợi dụng thời cơ hè nhau tung ra dành dân chiếm đất khắp cõi Nam bộ, mà lại ăn nên làm ra trên mọi lãnh vực, trong đủ tầng lớp xã hội, nhất là vùng Sài Gòn Gia Định và các vùng phụ cận, chỗ nào làm ăn ngon lành thuận lợi là mấy mợ Bắc kỳ rau muống sang tay hàng loạt, ngoại trừ phía bên trong chợ Bến Thành và vùng Chợ Lớn, vì chẳng thèm ”kèn cựa” với các chú Ba. Đã bảo rồi mà...: ” Bà đã nàm thì nàm thật chứ không thèm nàm nấy ne, nàm nấy nệ !”

Từ sau năm 75 thì Bắc kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy ”dzô tuyến chuyền hình” hay cái ”ra dzô” ra thì thấy liền, các ”xướng ngôn dziêng” hầu như ”chăm phần chăm” đều là Bắc kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng ”E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe ”em người Hà Lội” hết ráo ! Chẳng biết tại ”dziêng dzáng” hay ”phe đảng” ?

Bố cháu trái lại, cái chất Bắc kỳ đã ăn vào máu, thấm vào cốt lõi xương tủy của ông từ bao đời, nhất quyết bắt anh em cháu phải thi vào trường Chu Văn An (CVA), con em gái phải thi bằng được vào trường Trưng Vương, toàn là những trường nổi tiếng từ miền Bắc, kéo theo các thày cô ”ri cư” vào Nam. Phần vì bố cháu là cựu học sinh trường Bưởi, phần vì ông cũng có chút thiên kiến và ít tin tưởng vào các trường miền Nam như Petrus Ký hay Gia Long. ”Mình dân Bắc thì phải học trường của người Bắc, chúng mày đừng có bàn với bạc lôi thôi !”, bố cháu phán cứ như đinh đóng cột. Mà lạ thật ! Vào học Chu Văn An mới thấy toàn đám học sinh Bắc kỳ, le que vài trự Nam kỳ lạc lõng vô duyên, đếm chưa đủ mười đầu ngón tay đã hết đứa Trung kỳ. Cho đến các thày đa số cũng lại Bắc kỳ nốt, từ thày hiệu trưởng Dương Minh Kính đến thày thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Còn bên Petrus Ký thì ngược lại, hầu hết Nam kỳ. Hóa ra vung nào thì vẫn cứ đi tìm nồi nấy, hay hoặc giả có chính sách của chính quyền thời đó hay không ? Chẳng thành vấn đề, chỉ biết bọn Nam kỳ Petrus Ký châm biếm đổi tên Chu Văn An thành ...Chết Vì Ăn ! Cháu tức máu trả đũa, rằng chúng mày ghen ông vì chúng mày chiêm ngưỡng các em Bắc kỳ Trưng Vương mà thèm nhỏ dãi, nhưng sờ vào thì chúng mày sẽ thành con dế mèn để các em Bắc kỳ thọc cọng nhang sau gáy thổi quay vòng vòng ! Tức quá, mấy trự Petrus Ký chỉ biết ”ngậm ngùi” đồng ca bản ”Khúc nhạc đồng quê” rằng thì là:

”Quê hương tui Bắc kỳ nhào dzô quá trời
Bên bờ sông bên bờ ao...trồng rau muống !”


Hay cũng là: ”Quê hương tui cái mùng mà kêu cái màn !....”

Thôi thì cũng đúng thôi ! Mấy trự Nam kỳ hay Trung kỳ chỉ cần nghe một mợ Bắc kỳ uốn éo ra chiêu vài đường lưỡi thì đã nhũn như chi chi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, quên luôn cả tên họ mình. Chỉ có trai Bắc kỳ mới trị nổi các mợ Bắc kỳ thôi ! Này nhé, các cụ cứ chịu khó nhìn chung quanh đi, cứ một trăm trự Nam kỳ chưa chắc có được một trự vớ được một mợ Bắc kỳ. Tìm mỏi con mắt mới có một trự ”diễm phúc” bế được một mợ mang về nhà thì bảo đảm suốt cuộc đời còn lại chỉ biết bốn chữ ”gọi dạ bảo vâng”, răm rắp tuân lệnh bà, chẳng bao giờ còn nhìn thấy mặt trời, mặc dù suốt ngày ngửa mặt than Trời ! Đấy mới chỉ là các mợ Bắc kỳ 54 thôi nhé ! Gặp cỡ các mợ 75 hay các mợ quê quán Hà Đông hay Bắc Ninh ”...cầm roi dạy chồng” thì ôi thôi ! cái te tua nó kéo luôn theo cả tông ti họ hàng, suốt đời hưởng ”cái thú đau thương”, nghe chửi cứ tưởng nghe...hát. Hỡi các chú Nam kỳ hậu sanh: chớ chơi dại! Đừng nghe ông Phạm Duy hát bài ”Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà ham, lừa đấy ! Gặp Nam kỳ thì cái ”nho nhỏ” kia sẽ phình to hơn cái vại, mà cái vại có nanh ! Ngược lại, một cậu Bắc kỳ rau muống quơ được một cọng giá Nam kỳ ”đem về dinh” –vụ này nhiều lắm- thì cứ như ”rồng thêm cánh”, như ”diều gặp bão”, như lái ô tô không cần Navigation... cả đời có người ”nâng khăn sửa túi” không công. Hóa ra hôn nhân cũng có quy luật đấy chứ:

Chồng Bắc kỳ + vợ Bắc kỳ = Vợ chồng đề huề, nếu biết cách
Chồng Bắc kỳ + vợ Nam kỳ = Chồng phây phả, phè cánh nhạn.
Chồng Nam kỳ + vợ Bắc kỳ = Chồng te tua, lưng còng.


Nhưng đã là ”luật” thì bao giờ cũng có ”luật trừ”, nghĩa là cháu không dám vơ đũa cả nắm đâu, với lại cháu chỉ lợi dụng cái ”tự do ngôn luận” trên xứ người, xin bàn bậy vài chữ ngu ngơ để các cụ trong lúc ”trà dư tửu hậu” đem ra trước là mua vui, sau là cho bớt chút căng thẳng trong cái cuộc đời ... đen như mõm chó này. Xin lỗi các cụ, nẫy giờ nói loanh quanh mãi, bây giờ cháu xin trở lại chuyện của cháu.

Bố cháu nghiêm khắc lắm và dĩ nhiên giáo dục con cái theo truyền thống Bắc kỳ. Đã có gốc có ngạnh, có cả sự nghiệp bề thế trong Nam nhưng vẫn...thờ cơm Bắc kỳ, vẫn lễ phép Bắc kỳ, vẫn giữ giọng nói Bắc kỳ và thậm chí còn ra lệnh, dâu rể cũng phải...Bắc kỳ ! Mỗi lần cháu dẫn bạn gái về nhà, bố cháu liếc mắt một cái là biết ngay cô nàng Bắc hay Nam. Có một ông bố tinh đời như thế đôi khi lại...phiền. Với một mợ Bắc kỳ, bố cháu thân mật tươi cười ”Cháu vào nhà chơi ! bố mẹ cháu khỏe mạnh không ?”, cứ làm như quen biết từ lâu vậy. Gặp cô ả Nam kỳ thì lạnh nhạt khinh khỉnh ”Không dám, chào cô !” Cô bạn gái Nam kỳ mặt nghệt ra thưởng thức văn chương Bắc kỳ, còn cháu nghe qua mà thốn từ dạ dầy đến ruột non. Nghe Bắc kỳ chê, nghe Bắc kỳ chửi, mà cứ tưởng mình đang nghe thơ phú hay nghe nhạc êm dịu mới chết chứ ! Nếu quen cô nào Trời sinh có mấy cái vòng hơi...sexy một tí, Bắc cũng như Nam, cháu phải dấu biệt vì sợ lựu đạn nổ tung trong nhà. Điệu này coi bộ hơi khó sống. Thôi thì Bắc Trung Nam cũng một nhà, hạnh phúc lứa đôi đâu phải do thằng hàng xóm, mà là do chính mình. Thế rồi cháu đã từng hạ quyết tâm với bố: lấy vợ Bắc kỳ, cho phải đạo làm con. Em nào Bắc kỳ, rước về nhà cho bố xem mặt mà bắt hình dong (cứ như đi mua gà chọi). Em nào Nam kỳ, điểm hẹn sẽ là mấy ống cống dưới gầm cầu xa lộ Đại Hàn.

Thiên bất dung gian! cháu lại phải lòng một ả Nam kỳ, Nam kỳ không lai giống, cái thứ Nam kỳ Gia Long kên kên xí xọn. Hồi đó cháu đi lính Không Quân của miền Nam, thấy đám phi công trời đánh đa số cũng đều là Bắc kỳ, chẳng hiểu tại sao? Dân Nam kỳ cũng có, Trung kỳ lại càng ít hơn, nhưng đứa nào cũng có ...”cái mồm Bắc kỳ”. Cháu còn nhớ khi thi gia nhập Không Quân, phải đủ ký lô, đủ kích thước, lục phủ ngũ tạng bị khám tuốt luốt, phải trần trùng trục như con nhộng rồi nhẩy lên nhẩy xuống cho mấy ông bác sĩ ...”vạch lá tìm sâu”, chứ đâu có thi tuyển đứa nào ”lắm mồm”! Thế mà thằng nào thằng nấy đều có cái ”chứng chỉ lắm mồm” cao hạng dấu kỹ trong túi áo bay. Một hôm đang trực phòng hành quân thì ông xếp (ông này Nam kỳ quốc) hỏi có thằng nào rảnh ra phi đạo chở con cháu gái vợ của xếp theo tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang đem về nhà bà vợ đang có bầu sắp đẻ. Tưởng đi biệt phái hành quân chứ cái màn này cháu khoái lắm: ”Chuyện nhỏ mà xếp, có tui ngay” Ông xếp của cháu cũng chẳng vừa, nhìn thấu tim gan thằng đàn em : ”Lẹ lẹ lên coi, tàu sắp đáp rồi đó, sách tao mày học hết còn dư có cái bìa, nhưng mà từ từ thôi nghe cha nội, lạng quạng con mẻ chửi tao thấy bà !” Lúc đó cháu đâu có ngờ rằng, cái chuyện nhỏ như mắt muỗi này lại thành chuyện lớn, lớn khủng khiếp, ảnh hưởng đến hết cả cuộc đời cháu !

Cô cháu gái ông xếp không có cái dạng ”ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong ”xi la ma”, thế mà ngay từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.
- ”Cô đi máy bay có mệt lắm không ?”
– ”Dạ !”.
- ”Ra thăm cô dượng hả ?”
– ”Dạ !”.
-”Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”
– ”Dạ !”...
Chèng đéch ơi ! sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội ? Cái gì cũng ”dạ” hết ráo thì cháu biết đâu mà rờ ! Đúng gái Nam kỳ ! Chợt nghĩ, không biết bà dzợ xếp tới giờ này có còn ”ngây thơ”, ”dạ dạ” với xếp như dzậy nữa hay không ? Xếp cháu đang ở San José, nếu xếp có đọc những giòng chữ này thì xếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc lòng trọn bộ sách của xếp từ khuya rùi ! Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng nhau đánh vần mấy chữ ”hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng ngất ngư như bị đứt dây thiều. Thương quá, cháu đánh liều, ”mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết không chui ông cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện bố. Bố vẫn khinh khỉnh: ”Không dám ! chào cô”. Nàng vui tính: ”Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ: ”Không ngầu sao làm bố anh được !”.

Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam kỳ cả ngày chỉ biết...phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng nước ngoài, chỉ hiểu một nửa ! Cháu cãi lại, Bắc kỳ cũng có khối đứa lười, lười như..cháu đây là hết mức rồi !

Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp. Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình...chết đói ! Nam kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn ! Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau : ”Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời... mời... mời tùm lum!. Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới , trong nhà chỉ có con Tô Tô đang nằm chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để xơi, út mà ! nhưng rồi vẫn xực ào ào ! Cô bạn Nam kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm:
- Em mời gia đình ăn cơm đi !
- Ủa ! gia đình anh mời em ”ăng” mà ? Bộ ”ăng” cũng phải mời...mời...xơi ...xơi sao?

Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời:
- Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...

Chợt bố cháu lên tiếng:
- Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời...Mà hay thật ! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm ! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi !

Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:
- Dạ ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác !
- Sao ? cô muốn búng hả ? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi !

Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:
- Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái ”cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy !

Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng...Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay:
- Cái ”cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái ”muỗng”, tại Bắc kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc kỳ gọi luôn là cái ”cùi dìa” cho tiện. Còn cái ”muôi” Nam kỳ kêu là cái ”vá”, chữ ”vê” thì đọc là ”dê” cho nên gọi là cái ”dzá”, phải không ?

Nàng đỏ mặt, bĩu môi ”Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen !”

Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu bắt đầu ”chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy nàng thật thà, có sao nói dzậy, không bãi bôi, không vòng vo tam quốc, nhất là...không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên, cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với bố, bố vẫn ngần ngừ. Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm từ một quển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam kỳ: vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam kỳ, Chánh Cung là bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa; Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ, người Gò Công; Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công. Mấy ông vua cũng tinh đời đáo để ! Nhưng cháu ”không phải là vua, nên mộng ước thật bình thường ”, chỉ xin ”...quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho lấy được ...con nhỏ Cái Bè con thương !” Thật là oái oăm: cá đã cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà, ”quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông, sông nước dập dình, ăn nói ”ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không ”dài dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc kỳ ! Chấm hết!

Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu ra lệnh sửa soạn ”lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố cháu không nói thẳng thừng ra là đi ”hỏi vợ”, đi ”chạm ngõ” cho xong. Nhưng mà cần gì phải ”chạm ngõ” với lại ”chạm cổng” cho rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng góc, rõ từng cột. Mỗi lần cháu từ đơn vị ”dù” về đều có chút quà biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc trong nhà (học theo sách dụ khị của xếp cháu đấy !). Lần nào gặp ba nàng là lần đó có...nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny-lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên nướng làm mồi. Nam kỳ trù phú mà ! Ổng không nhậu bia nhậu rượu, mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì cứ nói rằng: ”Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày !” Chưa tới nửa sợi cháu đã guắch cần cẩu ! ”Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao oánh giặc nổi ? Dzô cái coi !” Ổng thương, ổng coi như con như cháu, ổng mới kêu cháu bằng ”mày”. Tiếng ”mày” của Nam kỳ biểu lộ cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc kỳ khi đã xổ ra tiếng ”mày” rồi thì ... ô hô ! ô hô ! thiện tai ! thiện tai ! chạy cho lẹ !

Một hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:
- Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo ! hôm qua tui chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt nè qua !

Nói chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam kỳ nghe sao như tiếng...nước ngoài !

Bắc kỳ vẫn có câu ”dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam kỳ thì ”dâu là con, rể cũng là...con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như...bạn, chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi chịu ! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái ”dzù” rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái ”dzù” rồi đi tuốt luốt ! Sinh nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe : ”Ba ui ! Ba ui ! Tới nhà rồi nè !”. Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái ”két”, xe đổ cái rầm, ổng té cái đụi, miệng lèng nhèng ” Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra !”

Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc sống. Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà xồn xồn Nam kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ nghệ thuật của nhân loại đối với Nam kỳ đều tóm gọn trong mấy câu dzọng cổ thiệt mùi. Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm. Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: ”Chèng đéch ơi ! thằng rể tao chụp hình coi phông độ dzữ hén ! Ráng nghe mày !” Cháu chẳng hiểu ổng nói cháu phải ráng cái gì ? Nhưng có một cái cháu phải ráng là cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam kỳ...mũi cao chân dài ! Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một câu xanh rờn: ”Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà đứng cạnh bố con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao !”. Ông xếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai: ”Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày, ngon chưa !” Cám ơn ”ông xếp dượng” đã có công ”nối giáo cho giặc” rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ thì xúm nhau ca bản ”Mùa thu chết ”... đã chết rồi, cho mày...chết luôn!

Ngày qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ ”quý phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng. Nam kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang hồ, bay bướm, quậy phá ! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam kỳ mà!), bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút bụi, trồng cây, giặt đồ...vợ cháu dành làm hết ráo. Bả nói ”tay chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ !”. Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng ”tui hỏng cần anh nuôi tui !” Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu cũng theo bạn bè...nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà bả cũng ”nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề tiền. Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra đó, nếu ”ăn bánh trả tiền” là...cho qua cầu gió bay, không thèm chấp. Một hôm vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con dao bếp cắt luôn...của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn ra tòa ngồi chơi 4 năm tù. Trời đất Thiên địa ơi! Nam kỳ mà ghen kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu dấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu chu môi oỏng ẻng : ”Cái đó còn đỡ à nghen ! gặp tui là tui cho luôn dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi !” Má ơi là má ! Cháu nghe mà ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc kỳ rồi ! Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu...xả láng, nhậu ”vô tư”. Xỉn quá thì : “Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em cạo gió hết liền !”. Bạn bè ói mửa tùm lum thì : ”Hổng sao đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho !” Mấy thằng bạn có vợ Bắc kỳ ngó phát thèm !

Chắc khí thiêng sông núi Bắc kỳ linh thiêng hùng vĩ , hay nói theo khoa học hiện đại là cái ”dzen” Bắc kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn còn là Nam kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc kỳ: không nói ”bự bành ky” mà nói ”to vật vã”; không gọi ”trái bom” mà gọi ”quả táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt nhất là ăn nói không còn ”ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây giờ thì.. ôi thôi ! ”dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn khùng ! Bố cháu ăn ”bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắn pha đường. Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu có tới ba ả dâu Nam kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ dâu Bắc kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoai thai như thiên nga, thêm cái tài...chửi như hát di truyền. Thế là cái mộng ”dâu rể phải là Bắc kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long vùng Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành ”sáu câu” về Nam kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:
- ”Tính tình gái Nam kỳ giống như mưa Sài Gòn: đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc kỳ giống như mưa Hà Nội: âm ỉ và dai dẳng”.

Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn phụ họa :
- Bố biết không, người ta cũng bảo : ”Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên giống như ca ve; Ở Hà Nội nhiều em ca ve giống như sinh viên”, đúng không bố ?

Bố cháu quắc mắt : ”Sao dám ăn nói lăng nhăng thế hả ?”.
Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận. Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi vì con gái Nam kỳ bây giờ đã là ”cây nhà lá vườn” của cháu, nên cháu đành phải ”ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam kỳ, ôm cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo ”tình Bắc duyên Nam”, nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời. Mong sao các cụ đọc xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam kỳ với giòng sông 9 cửa.

Nguyễn Hữu Huấn



http://batkhuat.net/van-duyen-nambac.htm

 


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 14/Jun/2010 lúc 3:54pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 14/Jun/2010 lúc 3:58pm
 
 

Một  nửa

( Nguyễn Khắc Kình )
 
 
Phần đông người ta thường quan-niệm hay nhìn các sự việc gì mà trọn vẹn hay đầy-đủ thì tốt hơn là chỉ có một nửa hay không trọn vẹn. Trong cuộc đời, cái ý-niệm một nửa không có nghĩa là lúc nào cũng phải bằng chính xác nửa phần kia. Chúng ta thử nhìn ngang nhìn dọc, nhìn xa nhìn gần mọi chuyện trong đời xem cái chuyện một nửa này như thế nào nhé.

Về phần con người, một đứa bé được hay bị sinh ra đời là do sự kết-hợp của hai yếu-tố : một nửa là âm (đàn bà, mẹ) và một nửa là dương (đàn ông, cha). Phần nhiều sinh vật khác cũng có cách sinh sản do sự kết-hợp tương-tự. Còn hiện nay và trong tương lai gần, chuyện sinh sản vô tính (cloning) không cần đến hai yếu-tố âm và dương thì chưa thể hoàn toàn vượt qua hay thay thế được công-thức căn-bản Âm – Dương này của Tạo Hóa.

Một số rất ít trẻ em sinh ra bị khiếm tật cơ thể và thành ra nửa nam, nửa nữ hay còn gọi là ái nam, ái nữ. Hoặc một trẻ em được sinh ra mà không có tên cha trên giấy khai-sinh vì lý-do nào đó thì cũng xem như rơi vào tình-trạng chỉ có một nửa.

Không thiếu gì trẻ em lớn lên không được học hành đến nơi đến chốn mà phải bỏ học nửa chừng để kiếm sống. Nếu cố gắng được thì cũng phải nửa đi làm nửa đi học.

Khi lớn lên, phần đông lại vướng vào chữ tình theo luật tự nhiên. Nếu chẳng may hai người yêu nhau mà phải xa nhau vì nguyên nhân nào đó thì làm sao tránh khỏi cảnh “nửa hồn thương đau” khiến cho tâm-thần ít nhiều bị khủng-hoảng vì :

“ Người đi ... một nửa hồn tôi mất,

  Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.”

Còn như sơn nữ Phà Ca (trong vở tuồng cải lương Mưa rừng) thì với tính-tình mộc-mạc của bông hoa rừng, khi người cô yêu bỏ đi, cô đi tìm ... thế thôi. Nhưng “có thực mới vực được đạo” cho nên sơn nữ đã phải :

Đói lòng ăn nửa trái sim,

  Uống lưng bát nước ... đi tìm người thương.”

 

Lưng bát nước nghĩa là khoảng hơn nửa bát nước gì đó. Song trái sim chỉ to bằng khoảng đầu ngón tay, chỉ ăn có nửa trái sim và uống lưng bát nước mà có sức đi tìm người thương thì có lẽ ... phải có thêm bùa ngãi rừng thiêng.

Ngay cả hai người trưởng thành, may mắn gặp được người mình yêu và yêu mình, nhưng chẳng may người yêu hay chồng phải lên đường chinh chiến hay vượt biên, chẳng biết đến lúc nào mới gặp lại nhau vì “ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ” hay vượt biên là chấp nhận 9 phần chết 1 phần sống, thì người ở lại làm sao chẳng đau-khổ. Nhưng khổ-đau thường mình phải ráng chịu chứ  dễ gì chia sẻ được với ai. Nỗi khổ đau trong cô-quạnh đã được người xưa mượn vầng trăng để giãi-bày:

“ Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

   Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.”

Ấy là vì người xưa khi nhìn lên bầu trời đêm thấy vầng trăng như chỉ to khoảng bằng quả bưởi, và không biết gì hơn, nên mới nghĩ đến việc ... xẻ vầng trăng làm đôi. Chứ nếu mà biết được như ngày nay là vầng trăng to bằng khoảng một phần tư (1/4) địa cầu và đầy đá cứng thì chắc là không khi nào dám mơ tưởng đến chuyện xẻ đôi vầng trăng làm gì ... vì sức mấy mà làm được.

Song không phải ai cũng sống hết được một kiếp người từ lúc mới sinh cho đến đầu bạc răng long... rồi chết. Nếu một phụ nữ chết trẻ thì được gọi là “ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.” 

Khi sinh ra đời, mỗi người thường được đặt cho một cái tên để gọi hay làm giấy tờ. Một tên Việt-Nam bình thường có thể là Trần Văn Thái hoặc Lê Thị Mai. Nhưng sau này, do những tiếp-xúc hay ảnh-hưởng của Tây phương, một số cha mẹ đặt tên cho con nửa Tây, nửa Ta cho nó tiện-dụng hay hợp thời-trang. Thí dụ : David Nguyễn, Michelle Trần.  

Trong đời, một số người có lối sống hay việc làm không rõ-ràng thì gọi là “nửa kín nửa hở” hoặc “nửa nạc nửa mỡ”. Trong số này có nghề gián-điệp nhị-trùng (điệp-viên làm việc một nửa cho quốc-gia này, một nửa cho quốc-gia khác). Một số người thuộc loại “ăn cơm . . . . . thờ ma . . .  . . .” hay nằm vùng (sleeper) cũng có bản-chất nửa nọ nửa kia.

Một số người có cuộc sống “nửa đời nửa đạo” như các cư-sĩ tu tại gia, hoặc “nửa tăng nửa tục” như nhân-vật Lỗ Trí Thâm (trong truyện Thủy Hử) hay Bất Giới Hòa Thượng (trong truyện Tiếu Ngạo Giang-Hồ của Kim Dung).

Theo huyền-sử, Quốc Phụ của người Việt là Lạc Long Quân kết duyên với Quốc Mẫu là Âu Cơ. Quốc Mẫu sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Tuy nhiên, nhị vị đã không cùng nhau đi trọn cuộc tình mà nửa đường gẫy gánh. Lạc Long Quân và Âu Cơ chia nhau mỗi người một nửa số con. Huyền sử kể lại là Lạc Long Quân là Rồng, còn Âu Cơ là Tiên nên hai vị không ăn đời ở kiếp với nhau được nên phải chia tay. Có lẽ đấy chỉ là cách giải-thích cho nó đẹp, chứ cảnh đổ vỡ và chia-ly nào mà chẳng đau lòng. Biết đâu sự kiện này đã di-lụy cho con cháu, như một cái huông, với những cảnh đất nước bị chia đôi, điển-hình như sông Gianh và Bến Hải đã từng chia một giang-sơn thành hai nửa.

Sau biến-cố 30-4-1975, tại miền Nam, hàng trăm nghìn quân nhân, công, tư chức, tu sĩ các tôn-giáo, đảng viên các đảng phái chính-trị, các thương gia, v.v. đã bị tập-trung cải-tạo, mà thực chất là bị tù. Cuộc sống cực-khổ và vô vọng của các tù-nhân này đã được mô-tả trong một bài thơ truyền khẩu khá phổ-biến ở Sài Gòn thời ấy, trong đó có câu “Nửa kiếp thầy tu, nửa kiếp tù.”

Trong việc ăn uống, có món thịt bò tái hay phở tái, nghĩa là người ta ăn miếng thịt bò trong tình trạng nửa sống nửa chín. Nhưng nhóm chữ “xơi tái” lại bao hàm một nghĩa khác.

Trong các thương-vụ, có hiện tượng cưa đôi hay 50/50 , nghĩa là mỗi bên lấy một nửa. Thí dụ : Tiền lời chia theo 50/50.

Khi mô-tả về học trò của mình, cụ Cao Bá Quát đã viết trong hai câu đối là “ . . . . . học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”. Đành rằng đấy là ngôn từ dùng trong câu đối và cụ viết với ý khác, nhưng kẻ hậu sinh vớ-vẩn hay ngớ-ngẩn này, lại học ban Toán hồi xưa, cứ có cái ý-tưởng nghịch-ngợm trong đầu là ... cái nghĩa của chữ nửa này là một phần ba (1/3) thay vì một phần hai (1/2) như trong Toán học, dù chỉ là tương đối thôi. 

Đối với nhiều sự-kiện có tính cách lịch-sử, ta có câu nói đại ý là “một nửa chiếc bánh vẫn là chiếc bánh, nhưng một nửa sự thật không thể xem là sự thật được”.

Trong cuộc sống, có nhiều người đã từng gặp cảnh bế-tắc, không sao có thể lo hay giải-quyết hai việc cùng lúc, nên đã phải than là “thân này ví xẻ làm đôi”, nghĩa là xẻ đôi thân mình thành 2 nửa... Nhưng mà nói thì dễ chứ làm thì khó. Xin thử bàn ... lan-man thêm về 2 nửa thân mình... Khi nói đến hai nửa thì ta thường nghĩ đến 2 phần tương đối như nhau hay gần bằng nhau... Nếu xẻ ngang rốn thì nửa phần từ rốn lên đầu lại khác xa nửa phần từ rốn xuống đến gót chân. Vậy khó mà chấp nhận 2 phân nửa khác nhau nhiều quá được ... e gây ra tranh-chấp vì hơn, kém... Nếu xẻ dọc từ trên đầu xuống, và dù có tính-tình rộng lượng nên chấp-nhận dễ-dãi hai nửa thân mình là bằng nhau, thì ... đến giai-đoạn đó ... không những hai việc chẳng giải-quyết được mà một việc cũng không làm xong ... Vì thân này nếu xẻ làm đôi ... thì chết mất rồi ... còn giải với quyết được chuyện gì nữa.

Sau biến-cố đổi đời, nhiều người Việt đã phải bỏ nước ra đi và sống rải-rác tại nhiều nước trên thế-giới. Không thiếu gì cảnh những chàng trai lòng đầy ắp những hoài-bảo chưa thành, những ray-rứt khôn nguôi do nỗi ám-ảnh không chu-toàn bổn-phận với tổ-quốc ... vì tháng Tư gãy súng. Nơi xứ lạ quê người, họ nương-tựa nhau thuê một căn gác làm chỗ che nửa đời còn lại; hoặc vào những ngày nghỉ, họ tụ-họp lại với nhau để cùng “tìm quên trong chất men cay đắng” dù cho biết trước rằng “càng uống càng thêm những đắng cay.”. Cái tâm-trạng dang-dở này đã được nhà thơ Cao Tần diễn-tả trong :

“ Sàn gác trọ những tâm-hồn bão nổi,

  Những hào-hùng chồng chất gối lên nhau.

 Một tráng-sĩ bâng-khuâng nhìn nắng mới :

 Ta làm gì cho hết ... nửa đời sau.”

Cuộc đời ... cái khoảng thời gian khoảng trăm năm ấy biết bao là dâu bể. Bao nhiêu người có cuộc sống trọn vẹn hay như ý ? Bao nhiêu người có cuộc sống với một hay nhiều cái một nửa ? ... Anh và Em có thể là hai con người xa lạ suốt nửa đời trước... Anh và Em có thể là hai con người đã gắn bó với nhau suốt nửa đời rồi ... Anh và Em cũng có thể cùng hiện hữu trong một xác thân nhưng nửa đời trước đã không sống thật hay đúng ý mình vì một hay nhiều lý-do ngoài ý muốn... Giờ đây, nửa đời nhìn lại, Anh và Em có lẽ đã nhận ra rằng nửa đời qua mình đã sống thế nào để nếu cần hay nếu có thể được, mình sẽ sống ra sao cho ... nửa đời còn lại.

Mà chắc gì mình có thể sống hết được nửa đời còn lại hay không, hay may ra chỉ có thể sống được ... nửa ... của nửa đời còn lại ... hoặc chỉ được ... nửa của nửa ... của nửa nào đó.

Xin mời các bạn đọc bài MỘT NỬA dưới đây để may ra có thể thấm-thía thêm được một nửa cuộc đời.

MỘT NỬA

Hơn nửa đời qua mới gặp nhau.

Tìm nhau đã khắp nửa tinh cầu.

Anh ơi tóc bạc gần phân nửa,

Mình có nhau không nửa kiếp sau ?

 

Em đã tiêu hoang nửa cuộc đời.

Nửa còn chẳng lẽ lại buông trôi !

Chao ôi một nửa hồn đau nhức,

Một nửa hồn kia bỗng nghẹn lời ! 

 

Nửa mảnh hồn hoang bỗng giật mình.

Có gì sau nửa kiếp phù sinh ?

Thấy gì nửa giấc chiêm bao ấy ?

Hay chỉ đau thương nửa phận mình ?

 

Một nửa đời nhau ấm một lần.

Quên đi nửa kiếp đã phù vân.

Còn đây một nửa lòng son sắt.

Nửa ấy cho nhau chẳng ngại-ngần !

 

Em đã cho anh tất nửa đời.

Cùng anh nửa mộng sẽ chung đôi !

Từ đây, suốt nửa đời sau nhé,

Mưa nắng cùng chia nửa kiếp người !

( không biết tên tác-giả )

 

Nguyễn Khắc Kình

( cựu học trò các trường Tiểu Học Bàn Cờ, trường Tiểu Học Di-Chuyển Bàn Cờ  và trường Tiểu Học Phan Đình Phùng, khu Bàn Cờ, Sài-Gòn )
 

Viết xong tại Melbourne ngày thứ Hai 6 tháng 12 năm 2004 – tháng đầu mùa Hạ.

 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 20/Jun/2010 lúc 5:34pm
 
 
Xin anh tha lỗi
 
(Để tưởng nhớ anh Nguyễn Công Hiển SPCN- K1- VĐH ĐL)
Tuyet-Mai

 

 


Năm ấy, hình như vào một buổi chiều, Đà Lạt trời xanh trong, nắng vàng rực rỡ, ấm áp và hồn nhiên hơn bây giờ. Có anh bạn cùng lớp với anh cô đến chơi, nhưng anh vắng nhà, cô em gái 17 tuổi đang học 11A Bùi Thị Xuân phải thay anh tiếp khách. Sau lần gặp gỡ đó, anh bạn thường tìm cớ đến nhà cô hơn nhất là những lúc anh cô đi vắng. Còn cô gái thì trốn biệt, cô ngại vì thấy cách anh nhìn cô có cái gì lạ lắm!
Từ đấy, mỗi buổi chiều tan học về, cô thường thấy anh đứng thơ thẩn dưới một tán cây thông cuối chân dốc, trao cho cô cánh thư ép những bông hoa màu tím bày tỏ nỗi nhớ nhung da diết. Còn cô, ngại ngùng, ấp úng:
-Anh đừng viết thư và chờ em nữa. Em không thích như thế đâu!

Một buổi chiều mưa tầm tã, được nghỉ hai giờ cuối, khoác chiếc áo mưa lùng thùng, cô bì bõm lội mưa cùng đám bạn, những dòng nước ào ạt dưới lòng đường lạnh cóng cả chân, những giọt mưa tuôn chảy từ trên đầu xuống bên ngoài áo nghe lạnh buốt cả sống lưng thế mà sao cả bọn vẫn cảm thấy vô cùng thích thú? Mải chơi đến lúc chiều tàn, cô mới trở về. Qua cây thông cuối chân dốc, cô sửng sốt thấy anh áo quần ướt sũng vẫn đứng chờ cô.
-Em nghỉ hai giờ cuối mà sao bây giờ mới về? Anh chờ em mãi.
-Dạ! ! ! Có gì không anh?
-Anh muốn nói chuyện với em.
Cô hốt hoảng:
-Dạ, hôm khác đi ạ! Hôm nay trễ rồi, em phải về.
Nói xong cô cắm cúi đi thật nhanh, không dám quay đầu nhìn lại.

Hôm sau đi học về không thấy anh chờ dưới tán cây nữa, cô thấy nhẹ lòng. Ba ngày sau, đang giờ Vạn vật, Như – bạn thân của cô nói:
-Anh Quảng ( bạn cùng lớp với anh) dặn trưa nay ảnh đợi hai đứa mình ở cổng bệnh viện để đi thăm một người.
-Ai vậy? Con gái hay con trai? Tụi mình có quen không?
-Con gái. Tao không biết chỉ nghe ảnh nói đó là người ảnh thích nhưng mày quen. Có mày ảnh mới có cơ hội làm quen với người đó.
Vì tò mò nên vừa tan học, hai đứa vội vàng lên ngay bệnh viện. Anh Quảng đã đứng đợi từ lâu:
-Mau lên hai em. Đi theo anh.
Bước vào phòng, cô giật mình vì thấy anh nằm trên giường bệnh. Nghe tiếng người bước vào, chị của anh quay lại tươi cười:
-Các em vào đây đi. Huy ơi, có Quảng và các cô bạn đến thăm em này. Chiều hôm trước Huy đi đâu mà mắc mưa ướt sũng, về nhà sốt cao mê man phải đưa lên bệnh viện.
Thấy cô im lặng có vẻ giận hờn, Như mới hỏi:
-Anh Huy bị bệnh gì vậy chị?
-Thương hàn. Huy nhắc các em mãi. Vừa nói chị vừa nhìn về phía cô đang đứng tần ngần bên cạnh anh Quảng. Bỗng tiếng anh Huy cất lên:
-Năm nay mà thi rớt thế nào cô ấy cũng sẽ từ luôn.
Tình cảnh thật khó xử. Cô có gì với anh đâu? Sao lại phải từ? Biết trả lời như thế nào đây? Thật may anh Quảng vui vẻ gỡ rối cho cô:
-Huy cứ yên tâm dưỡng bệnh. Quan trọng là phải khỏi bệnh đã. Việc thi cử để sau. Rồi quay sang cô anh cười hóm hỉnh: Em lấy thuốc cho Huy uống đi.
Cô đang lúng túng thì chị của anh Huy vội đỡ lời:
-Huy uống thuốc rồi, các em ngồi chơi.
Ở lại một lúc, anh Quảng xin phép về vì chiều nay cả ba còn phải đi học. Hôm ấy cô giận Như vô cùng:
“ Chưa gì mà đã về phe người khác, còn dám lừa bạn nữa chứ !”

Hơn một tháng sau anh Huy mới ra viện và năm ấy do sức khỏe còn quá yếu nên anh phải bỏ thi. Ngày đến từ giã cô, anh nói:
-Anh về Sài Gòn chữa bệnh cho dứt hẳn và có thể ở đó học để năm sau thi lại. Em cho anh một lời hứa đi.
Trông anh gầy, xanh xao quá! Nhìn anh thật ái ngại, nhưng cô không có một chút tình cảm đặc biệt nào với anh thì biết hứa hẹn điều gì?
-Anh cố giữ gìn sức khỏe. Nhất định phải thi đậu đó. Mọi việc sẽ tính sau. Em không muốn anh đi lính sớm đâu.

Năm sau, anh trở về Đà Lạt, đến tìm cô :
-Anh đậu rồi. Bây giờ em tính mọi việc như thế nào?
-Em chúc mừng anh và mong mọi điều tốt lành sẽ đến với anh.
-Theo em điều tốt lành đó là gì? Với anh, điều tốt lành nhất là có em. Năm này không đậu thì năm khác sẽ đậu, nhưng bây giờ không có em thì mãi mãi trong suốt cả cuộc đời không bao giờ anh có được em.
-Anh đừng nghĩ vậy. Rồi anh sẽ gặp những cô gái khác hơn hẳn em về mọi mặt. Em xin lỗi anh, em lúc nào cũng chỉ xem anh như anh trai của em thôi.

Năm ấy, anh ghi danh học SPCN khóa I tại ĐHĐL. Kể từ đó tâm tính anh thay đổi hẳn, rất bất thường. Anh tỏ thái độ đối lập với tất cả các cô gái, không quan tâm tới một ai, vẫn âm thầm, lặng lẽ, kiên nhẫn theo sau cô những buổi chiều cô tan học, nhưng luôn giữ một khoảng cách để cô không phát hiện được. Dù vậy, cô vẫn cảm nhận được anh luôn ở sau lưng cô. Có lần chợt bị cô bắt gặp, anh vội quay đi như người chạy trốn. Các bạn anh đều biết anh vẫn mãi ấp ủ một mối tình đơn phương tuyệt vọng, nhưng không một ai khuyên giải được anh. Anh cứ triền miên với nó hết năm này sang năm khác. Còn cô, thấy anh như thế, cô cũng rất đau lòng nhưng không giúp gì cho anh được chỉ cố tránh mọi tình huống khiến anh phải tổn thương.

Xong cử nhân, anh cũng bị đi Thủ Đức. Mãn khóa, anh chuyển đến đơn vị một thời gian ngắn thì được trả về nhà vì bị bệnh thần kinh khá nặng. Gia đình, bạn bè thân thiết của anh buồn, thương anh lắm ! Không ai trách cô. Biết được hoàn cảnh của anh, cô xót xa, ân hận nhưng đành chịu bởi chưa bao giờ hình ảnh anh ở trong trái tim cô.

Thời gian dần trôi…
Sau giải phóng, anh mỗi lúc càng trầm cảm hơn, bệnh cũng nặng thêm. Anh quên dần một số bạn bè thân thiết nhưng ký ức về mối tình đầu vô vọng và hình ảnh của cô thì vẫn không thể xóa nhòa. Bởi lẽ anh vẫn luôn nhắc đến tên cô. Từ một thanh niên học giỏi, hoạt bát , vui tính , tốt bụng bỗng trở thành một người ngơ ngẩn, tách ra khỏi cuộc sống xã hội, thu mình vào một thế giới riêng với những vui buồn giấu kín tận đáy lòng, không một biểu hiện nào lộ ra trên nét mặt. Không ai còn hiểu được anh. Anh sống trong một căn phòng nhỏ, tăm tối, âm thầm, suốt ngày nằm trên giường nhìn đăm đăm vào cõi xa xăm. Anh cứ tồn tại như thế mãi đến năm 60 ttuổi thì mới lặng lẽ từ biệt cõi trần mà với anh phải chăng đó là một bể khổ mênh mông?

Những năm trước khi anh mất, nhiều người bạn anh từ nước ngoài về, xót thương tình cảnh của anh, khuyên cô về Sài Gòn thăm anh…, biết đâu gặp cô anh có thể tỉnh trí lại. Nhưng cô không thể đáp ứng những lời yêu cầu ấy. Bởi cô nghĩ thà để anh chìm đắm vào thế giới riêng của anh, thế giới mà con người không còn buồn lo sầu khổ cứ ngây ngô, khờ dại còn hơn tỉnh trí để cứ mãi phải đối mặt, dằn vặt với nỗi đau tuyệt vọng. Cô chưa bao giờ yêu anh nhưng lúc nào cũng quý mến và tôn trọng anh vì thế chưa bao giờ cô dám nghĩ đến việc thương hại hay lừa dối anh.

Từ 18 đén 60 tuổi, 42 năm kể từ ngày trai trẻ đến lúc nhắm mắt, xuôi tay. Đó là một quãng thời gian khá dài để một người đàn ông lập thân, lập nghiệp. Anh chỉ có 1 năm thật ngắn ngủi để mơ mộng, để đắp xây một mối tình nhưng rồi cũng chỉ là dã tràng xe cát. 41 năm còn lại anh như người từ thế giới khác đến hành tinh này tạm trú nên cũng chẳng màng đến chuyện lập nghiệp, lập thân. Mà có lẽ anh là người từ thế giới khác lạc đến hành tinh này thật vì chỉ anh mới suốt cuộc đời vẫn duy nhất một tình yêu, vẫn duy nhất một người yêu dù là đơn phương,vô vọng? Anh cứ thế chông chênh, bất ổn, ngả nghiêng, xiêu vẹo đi cho đến cuối cuộc hành trình.

Tuổi trẻ vốn vô tâm, khờ dại, khi xế chiều mới ngẫm lại, ăn năn.
“Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông”. Thật vậy, có ai sống được hai lần để xóa bỏ đi những lỗi lầm có thể do vô tình vướng phải ở lần sống trước, rồi trở lại từ đầu như trang giấy mới ở lần sau, biến cái lỗi lầm trở thành hoàn thiện?

Nhiều đêm thắp hương giữa trời, cô khấn nguyện:
- “ Anh Huy ơi! Cho em xin lỗi dù biết rằng hủy hoại đời sống tinh thần của một kiếp người đâu phải một lời xin lỗi là xong. Nhưng thật sự em cũng không biết phải làm gì hơn nữa mà chỉ xin được bày tỏ lòng mình . Em vô cùng biết ơn anh vì anh đã trao cho em một tình yêu chân thật, cho em niềm tin về một tình yêu thủy chung bất diệt. Đó cũng là món quà quý giá vô song mà chính anh và cũng là chính cuộc đời ban tặng cho em. Chỉ tiếc là em không thể giữ được tình yêu ấy, món quà vô cùng quý giá ấy mà đành phải phụ cả tấm của lòng anh. Nếu có kiếp sau, em nguyện xin dược là em gái của anh để có thật nhiều thời gian chăm sóc cho anh ”.

-“Anh ạ! Đoản văn này như một lời hối lỗi dù đã quá muộn màng của em. Cầu mong hương hồn anh sớm phiêu diêu miền cực lạc.”
-“Hãy tha thứ cho em!”

TUYẾT-MAI
(Đà Lạt tháng 11/09 - những đêm nổi gió)
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 23/Jun/2010 lúc 8:57pm

 

Văn phong của tác giả khôi hài dí dỏm rất tự nhiên ,  
vậy mà sao người đọc cứ muốn ... Cry
Chúc mừng Anh, Người lính VNCH, vài củ khoai nhỏ nhưng một tấm lòng bao la 
=> sau cơn phong ba u ám , bầu trời  thật... rực rỡ !
mk
 
 
 
 
 
 
 
Chuyện Tình Khoai Lang

 

( Tác giả : Người lính VNCH )

 
Chuyện tình này có thật, rất là cảm động, đã được nhiều anh em biết tới. Theo đúng như những kết luận về chuyện tình thời cổ tích, hai vai chính tới nay vẫn còn sống, vẫn thương yêu nhau, gia đình thật là đầm ấm.

 

Chuyện tình yêu này thật là đẹp, thật là đáng ghi nhớ, hay hơn tất cả những chuyện tình yêu trên thế giới. Love Story của Mỹ cũng thua xa! Một câu chuyện tình yêu kéo dài cả ba năm trời, trong đó hai vai chính, một nam một nữ không hề quen biết nhau, không hề tiếp xúc với nhau, nhưng kết cục lại lấy được nhau thật là ngọt ngào. Câu chuyện tình yêu này đã được đặt tên là... Chuyện Tình Khoai Lang, theo lời kể của một chiến hữu Nhẩy Dù của tôi, như sau:

***

Ngày đó, vào khoảng năm 1977, tôi đang bị bọn VC bắt đi tù vì tội có ông Tổng Thống đầu hàng. Cả bọn tôi, đa số là các Sĩ Quan trẻ (cấp bậc từ Thiếu Úy tới Đại Úy) được tập trung ở trại Suối Máu, sau đổi qua Trảng Bom (Biên Hòa). Bọn VC độc ác bắt chúng tôi làm việc cật lực nhưng không cho ăn uống tử tế, thuốc men hoàn toàn không có . Ai sống được thì sống, ai về chầu ông bà ông vải thì cứ việc đi. Phương cách giết người này thật là độc ác, giết nguời mà không cần gươm súng. Mỗi ngày đi lao động bên ngoài, anh em cố gắng kiếm được thêm cái gì thì ráng mà kiếm để sống cho qua ngày. Có người lượm được cái trứng chim, bắt được con thằn lằn, rắn mối...cũng đã cho rằng mình có số sung sướng lắm rồi. Dân làng thì ở ngoài xa, thỉnh thoảng mới gặp một vài người. Bọn VC quái ác không cho dân tiếp xúc với anh em chúng tôi và cũng cấm tuyệt anh em chúng tôi không được lân la tới khu dân chúng. Đói, đói lắm, đói thê thảm, đói lả người ra! Nhưng anh em còn trẻ, sức chịu đựng cao, tinh thần càng cao hơn, nên ráng sống đợi một ngày mai tươi sáng.

 

Bọn VC khoe với chúng tôi: " Đảng ta đã . . . Đại Thắng Lợi"

Thì chúng tôi lại vui mừng nhìn nhau, nói trong ý nghĩ: "Anh em ta . . . Đợi Thắng Lại!"

 

Ruộng mía, khoai lang, khoai mì của đồng bào ở chung quanh rất nhiều, nhưng chúng tôi không đụng tới, vì đó là của dân, mồ hôi nước mắt của họ. Họ cũng đói như chúng tôi vậy, đâu thể nào lấy của dân được. Ngày xưa, chúng tôi bảo vệ họ, ngày nay không làm gì được nữa nhưng không vì đói mà mất tư cách. Đồng bào biết chúng tôi đang bị đầy đọa, họ cũng thương cảm lắm, họ cũng đã tìm đủ mọi cách mà giúp đỡ chúng tôi. Bọn VC cũng biết như vậy, cho nên mỗi lần phải đưa chúng tôi di chuyển ngang khu dân cư, bọn chúng đi kè kè sát bên, không cho ai tiếp xúc với ai. Muốn mua thêm ít đường, ít muối cũng khó lòng mà làm được!

Thế nhưng trời cao còn có mắt mà, không sao! Miễn được thấy dân là lòng người lính thấy ấm lại rồi! Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đang trên đường đi lao động. Từ xa, chúng tôi đã thấy khu dân cư ở đằng trước, và thấy bóng dáng những trẻ em, những cô gái đang tung lúa, thẩy khoai lang ra trước nhà để phơi. Khi tới gần khoảng chừng chục thước, chúng tôi thấy một bóng dáng phụ nữ cầm thúng thẩy khoai lang ra ngoài đường đi, chỗ chúng tôi đang bước thấp bước cao. Chúng tôi tuyệt đối không đụng tới tài sản của dân, dù là mấy củ khoai lang nhỏ bé, nên vẫn cứ thế mà bước đều. Mấy hôm sau, khi đi ngang qua xóm nhà này, chúng tôi lại thấy bóng dáng người phụ nữ này. Cô cũng dáng điệu như cũ, cầm thúng khoai lang thẩy ra đường đi. Lần này cô nói bâng quơ:

 

- Má à, mấy đám khoai lang hư này, mình đâu có bán cho ai được! Thôi, dục bỏ, nha Má!

 

Cô vừa nói vừa thẩy khoai lang ra chỗ chúng tôi.

Cô đứng ở xa nói tới, chúng tôi cũng không đi gần nên chỉ nghe cô nói như vậy thôi. Nói là cô gái thì cũng là nói vậy thôi, chứ không thấy rõ hình dáng, nói chi tới mặt mày.

Mấy hôm sau nữa, chúng tôi lại có dịp đi lao động ngang qua khu dân cư này. Chúng tôi lại thấy cô gái hôm trước. Cô vẫn đứng xa xa, nhưng lần này cô cố tình cầm khoai lang thẩy vào chúng tôi rồi bỏ đi, dáng vẻ rất là bình thường.

Tối về khu trại, chúng tôi bàn tán về cô gái, về những củ khoai lang mà cô thẩy ra ngoài. Chúng tôi cùng đồng ý là thái độ của cô rất lạ: Không có ai phơi khoai lang ở chỗ đường đi đó, mà cũng không có ai dục khoai lang trên đường đi như vậy cả.

Một người bạn - tên Phúc - đã nói với tôi:

 

- Tao nghĩ rằng cô gái này muốn cho mình những củ khoai lang đó. Chứ nếu cô muốn dục đi, thì thiếu gì chỗ dục. Hơn nữa, khoai lang dù là hư, không cho người ăn được thì để cho heo ăn, dễ gì mà dục bỏ!


Lần sau nữa, khi đi ngang khu nhà dân đó, chúng tôi lại thấy cô. Lần này chúng tôi không thấy cô thẩy khoai lang ra nữa, mà đứng yên ở phía xa xa chỉ trỏ chỗ này, chỗ kia, ý như muốn chỉ cho chúng tôi những củ khoai lang mà cô đã thẩy ra trước đó.

 

Tối về, chúng tôi lại có dịp bàn tán. Phúc nói với tôi:

 

- Tao có nhìn thấy mấy củ khoai lang ngay trên đường mình đi. Tao thấy khoai lang kỳ này cũ rồi, không tươi như bữa trước nữa. Tao nghĩ rằng, cô thẩy ra cho tụi mình lượm, nhưng không ai lấy, nên cô lại thâu lại để dành, bữa nay thẩy ra nữa. Chắc chắn là cô cho tụi mình đó, tụi mày đồng ý không?

 

Tất cả cùng có ý nghĩ đó! Chắc là cô còn có lòng thương những người lính sa cơ đói khổ, mà tặng những củ khoai lang ăn lót lòng. Củ khoai lang nhỏ nhoi không đáng là bao, nhưng tấm lòng của cô thật đáng quý! Chẳng có ai ở không mà chờ anh em chúng tôi đi gần tới mới thẩy khoai lang ra. Cũng chẳng có ai có nhiều khoai lang để mà thẩy chơi như vậy. Chắc chắn là khi chúng tôi đi khỏi, cô lại thâu lại những củ khoai đó mà để dành thẩy lại cho chúng tôi vào ngày hôm sau. Anh em chúng tôi cùng đồng ý là kỳ tới, nếu có đi ngang khu nhà dân, nếu cô còn có lòng hảo tâm mà thẩy khoai lang ra, chúng tôi sẽ chia nhau lượm.

 

Dịp may đã tới, chúng tôi lại có dịp đi ngang khu nhà dân cũ, và lại thấy bóng dáng cô từ xa. Cô lại thẩy khoai lang ra rồi bỏ đi. Chúng tôi đã bàn với nhau trước rồi, nên chia ra làm nhiều toán nhỏ: Toán đi trước bao chung quanh đám quản giáo để chúng khỏi nhìn thấy phía sau, toán thì đi chậm chậm lượm thật lẹ những củ khoai lang bỏ vào giỏ xách thật nhanh. Lính mà! Chúng tôi thanh toán chiến trường khoai lang lẹ lắm, không thua gì những lúc thanh toán bọn quỷ đỏ trên chiến trường trước đây.

Buổi trưa hôm đó, chúng tôi lại chia ra nhiều toán để dắt bọn quản giáo đi ra xa, trên đầu gió, để đám còn lại lo nướng khoai . Đói lòng ăn được củ khoai lang. Ôi, sung sướng nào hơn!

Đám này ăn xong thì lại ra canh bọn VC để đám kia trở lại ăn những củ khoai lang tình nghĩa đó. Lần sau đi ngang khu nhà dân, đến phiên Phúc lo lượm những củ khoai lang của cô gái hảo tâm. Buổi trưa, Phúc nói nhỏ với tôi:

- Đúng như tao dự đoán, mày ạ! Kỳ này cô ta cho mình toàn là khoai mới, bự và ngon hơn khoai bữa trước nhiều lắm! Chắc cô đã núp đâu đó, thấy mình đã lượm hết khoai kỳ trước nên mới đưa khoai lang mới ra đó!

Nhờ những củ khoai lang đó mà anh em chúng tôi có thêm sức khỏe. Nhờ ở cảm tình mà người dân đã dành cho chúng tôi qua củ khoai lang mà chúng tôi thêm được sức mạnh để chịu đựng cực khổ, chờ đợi ngày mai trời lại sáng. Chúng tôi ăn những củ khoai lang đó của cô gái tốt bụng, nhưng chỉ nhìn thấy dáng của cô từ phía xa xa mà thôi, chứ chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cô cả. Cũng chỉ duy nhất có một lần được nghe giọng nói của cô mà thôi.

Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi vẫn sống, vẫn hiên ngang với đời.

Rồi ngày mai đã tới, ngày tôi và Phúc được bọn VC trả về nguyên quán. Chúng nói là chúng tôi đã... học tập tốt. Nhưng đối với chúng tôi, với riêng tôi và Phúc, chúng tôi vẫn vậy. Muôn đời chúng tôi vẫn là người lính VNCH và càng căm thù bọn Việt Cộng hơn bao giờ hết. Tôi được gia đình lo liệu sẵn, một thời gian ngắn sau khi về lại nhà, tôi đã may mắn vượt biên trót lọt và qua định cư ở Melbourne xứ Úc Đại Lợi.

Tôi cũng có nghe bạn bè nói, Phúc cũng đã vượt biên và hiện ở Sydney, cùng xứ Úc với tôi.

Một ngày đẹp trời vào năm 1990, vợ chồng tôi có dịp đi Sydney và đã ghé thăm Phúc.

Bạn bè ngày xưa gập nhau mừng mừng tủi tủi, nói chuyện huyên thuyên - Chuyện xưa còn đó, nhưng bạn bè nay đâu? Thằng nào còn sống? Thằng nào chết trong trại tù? Thằng nào vượt trại? Thằng nào vượt biên? Đi đâu?

     Cuối cùng mới tới chuyện đời sống hiện tại.

- Mày lấy vợ hồi nào? Lấy từ hồi ở VN hay qua đây mới lấy? Bao nhiêu đứa con rồi? Đứa lớn bao nhiêu? Đứa nhỏ mấy tuổi. Chúng tôi nói như chưa bao giờ được nói.

Phúc kể, đã lấy vợ từ hồi ở VN, hai vợ chồng cùng vượt biên qua đây. Vợ của Phúc chỉ cười cười khi nghe chồng giới thiệu là tôi ở cùng trại tù với anh từ năm 1977.

Một lúc sau, vợ Phúc bưng ra một đĩa mà Phúc nói rằng rất đặc biệt: Khoai lang Dương Ngọc!

- Ăn đi mày, ăn để nhớ lại cái thời bị tù đầy, bị bọn VC vo tròn bóp méo!

Tôi sáng mắt lên, vồ lấy củ khoai lang, ăn không kịp bóc. Tại sao lại phải bóc vỏ? Vỏ khoai cũng là khoai vậy! Tại sao lại vứt bỏ đi?

Bao nhiêu kỷ niệm xưa quay trở lại. Tôi cũng đã kể chuyện khoai lang cho vợ tôi nghe nên tất cả đều cùng nhau góp lại chuyện xưa. Tôi vừa ăn vừa ngậm ngùi:

- Không biết cô gái đã cho mình những củ khoai lang đó, bây giờ ra sao? Có ai biết cô đó là ai không? Cô ta còn ở đó hay đã trôi nổi đi phương trời biền biệt nào rồi?

Phúc trầm ngâm một lúc rồi trả lời tôi:

- Cô gái cứu sống mình bằng những củ khoai lang... đang ở trước mặt mày đó! Tao cưới cổ rồi!

Thật là không ngờ! Vợ chồng tôi ngạc nhiên tới há hốc miệng, rớt cả củ khoai lang ra ngoài:

- Mày... mày nói cái gì? Cô này đây... vợ mày đây... là... là cô gái cho tụi mình khoai lang ở Trảng Bom? Mày... nói chơi hay... nói dỡn vậy? Thiệt không? Làm sao mà mày kiếm ra cổ ? Mà... phải thiệt là cổ không? Làm sao mày biết là cổ mà dám nói là cổ ? Dám lấy cổ?

 

Vợ Phúc (Dung) mỉm cười giải thích cho chúng tôi:

- Em đâu có gueng, đâu có biết ảnh là ai đâu! Tự dưng ảnh tới kiếm em rồi... hỏi cứ (cưới) em đó chớ!

 

Phúc giải thích rõ ràng hơn:

- Khi còn ở trong trại tù, mình đã nói chuyện với nhau thật nhiều về cô gái đó, tao thầm cám ơn cô đã còn nghĩ đến những người lính VNCH đang mắc nạn. Tao đã nghĩ trong đầu rằng, nếu có dịp trở về, thế nào cũng đi tìm cô gái đó mà cảm ơn. Nếu cô ta còn độc thân, tao sẽ cưới cô ta làm vợ. Mặc dù chỉ với một hành động nhỏ nhoi tặng những củ khoai lang cho chúng ta, nhưng cô đã chứng minh được rằng, cô là người chống lại bọn VC, cô là người đã còn nhớ đến người lính VNCH xưa. "Miếng khi đói bằng gói khi no" mà! Mình đang sa cơ mà còn có người dám nghĩ tới mình, thì làm sao mà không cảm động cho được? Đến khi được thả về, tao trở ra Phan Thiết ở với cha mẹ anh em một tuần, thì nói với ba má là tao kiếm đường làm ăn. Tao quay trở lại Biên Hòa, đi vào khu Trảng Bom, nói với Tổ Trưởng vùng đó là tao ở Biên Hòa, muốn về làm rẫy, mua đất trồng khoai lang. Ông này dẫn tao đi giới thiệu với những gia đình đang trồng khoai lang, có dư đất muốn bán. Nhà nào tao cũng vào làm quen để hỏi mua đất, hỏi kỹ thuật trồng khoai, nhưng mục đích chính là kiếm cho ra cô gái đó. Tao cũng như mày, như những anh em trong trại, đâu có ai biết mặt mũi cô ra làm sao? Ngay cả dáng người cũng không nhìn được, nên khó kiếm hết sức. Nhưng tao còn nhớ được giọng nói của cô ta khi nói: "Má à, khoai lang của mình hư hết rồi, không bán được đâu, dục đi nha Má!" Tao nhớ có nhiêu đó thôi. Rồi duyên số cũng giúp cho tao kiếm ra bả. Buổi chiều hôm đó, khi tao đã hết hy vọng kiểm cổ rồi, đang trên đường đi tới nhà Tổ Trưởng chào từ giã. Chợt tao đi ngang qua một căn nhà ở cuối xóm, thấy một cô gái đang gom khoai lang bỏ vô thúng. Tao ngừng lại hỏi bâng quơ:

Cô lựa khoai lang đem bán hả?

- Cô này không quay lại, vừa tiếp tục lựa khoai, vừa trả lời:

- Tui lựa khoai lang dư đặng mai đem thẩy cho mấy người lính "học tập cải tạo".

Tao thấy coi bộ trúng mối rồi, bèn hỏi tới:

- Khoai lang trồng cực khổ mới có. Bộ cô có bà con đang học tập trong đó hay sao mà lại cho họ khoai lang?

- Tui đâu có gueng ai ở trỏng đâu! Bị tui thấy họ tội nghiệp thì tui giúp đở chúc ít dzậy mà! Hồi xưa, mấy người này đi lính để giữ cho làng xóm được yên, khỏi bị bọn VC phá đám giết hại người ta. Nay những người này bị bắt ở tù, mình phải nhớ ơn họ, phải giúp họ chớ! Hổng giúp được nhiều thì có mấy củ khoai lang cũng giúp họ chút đỉnh dzậy mà!

 

Mới nghe bả nói là tao nhớ lại liền. Đúng y là giọng nói "Má à, đám khoai lang này hư rồi . . ." mà tao nhớ không bao giờ quên. Tao lại còn kỹ càng hỏi cho ra lẽ tại sao bả lại giúp mấy đám tù cải tạo như mình? Nghe bả trả lời ngon lành như vậy là tao chịu quá đi, nhất định giá nào cũng phải làm quen, nếu được, sẽ cưới bả làm vợ. Lính mà! Dễ lắm! Giản dị lắm: "Hễ ai thương lính là lính thương lại liền".

 

Tao lại đang trong tình trạng độc thân... "Tròn năm năm lính, chưa hề có bạn tâm tình". Tới luôn! Tao đi tới đi lui nhiều lần làm quen với bả, với gia đình bả, nói là xin học làm rẫy. Khi biết rõ gia đình bả, và biết bả còn đang độc thân, chưa có đám nào, tao mới trở về Phan Thiết kể lại chuyện của bả cho ông bà già tao nghe và nói ý định muốn cưới cô gái quê, nhưng có lòng thương lính đó. Ba má tao đồng ý tao muốn lấy ai thì lấy, miễn là hai vợ chồng hạp với nhau là được rồi. Nhưng mà cô đó có lấy tao hay không thì lại là chuyện khác nữa. Tao trở lại nhà Dung phụ làm rẫy tiếp. Trong một bữa nghỉ trưa ở ngoài ruộng, chỉ có một mình tao với bả, tao mới nói rõ tao là ai? Đã cảm cái tấm lòng của bả và muốn được cưới bả làm vợ. Bả rất ngạc nhiên mà nói với tao, y như bả vừa mới nói với mày vậy:

 

- Tui đâu có gueng biếc gì anh đâu? Tui cho mấy anh khoai lang là cho nguyên đám đó chớ đâu phải cho một mình anh! Bị tui nhớ hồi xưa mấy anh đã đi lính giữ làng xóm tụi tui, chứ tui đâu có biết anh ở trỏng đâu? Mà anh . . . cứ (cưới) tui làm chi?

Làm chi thì tao không biết làm chi, nhưng tao nói tao cảm tấm lòng của bả mà cưới bả, vậy thôi. Tao nói:

- Ít ra thì anh với em cũng còn giống nhau ở một điểm là "THƯƠNG LÍNH".

Nói ba điều bẩy chuyện một hồi, bả cũng không biết nói sao nữa, kêu tao muốn gì thì về nói chuyện với ba má cổ, chứ cổ... hổng biết. Vậy là chịu rồi! Tao mừng quá, cả hai đưa nhau về gập ông già bà già của bả, tao lại kể rõ lai lịch của tao ra và xin đưa cha mẹ tới xin cưới Dung. Hai ông bà ngạc nhiên hết sức, cuối cùng nói là:

 

- Nếu vậy đúng là duyên số rồi. Con Dung nhà tui nó đâu có gueng biếc gì ông đâu. Nó xin tui ít phai lang, nói là để cho mấy ông bị tù cải tạo, tội nghiệp mấy ổng quá. Ai dè có ông ở trỏng, ông thương nó, ông được dzìa rồi thì ráng lội bộ đi cùng khắp chốn kiếm cho ra nó đặng xin 'cứ' nó! Đó là do Ông Tơ Bà Nguyệt cột đó, chứ hổng có ai bầy ra được đâu!

 

Tụi tao định ngày, đưa cha mẹ tao tới làm đám hỏi, xong rồi mới mời ổng bả và Dung về nhà tao chơi. Tới Phan Thiết, thấy nhà cửa của ba má tao thì ổng bả và Dung hoảng hồn, vì nhà tao hồi đó cha mẹ cũng còn nhà cửa, cơ sở làm ăn khá lắm! Dung đã nghéo tao ra sân mà nói:

 

- Nhà anh giào như zậy, mà anh cứ tui là gái guê làm chi? Thôi, thả tui zìa Trảng Bom tui làm rẫy sướng hơn!

 

Tao phải nói khó với bả:

- Mấy thứ đó là của cha mẹ anh, chứ anh... "Trên Răng Dưới . . . Dế ", đâu có cái gì nữa đâu! Có cái mạng cùi cũng nhờ em cho mấy củ khoai lang mới còn sống tới ngày nay. Mà em đừng có lo, mình còn đủ chân đủ tay, mình tự làm mà nuôi thân, chịu không?"

- Anh nói dzậy thì tui chịu!

 

Chịu hay không chịu thì cũng trễ rồi! Lính đã nói là Lính làm:

- Em có ý kiến nhiêu đó là đủ rồi, mọi thứ còn lại để anh lo, đừng có lộn xộn gì hết nữa!

 

Rồi tụi tao làm đám cưới. Cưới xong, tao lo đường vượt biên. Ông bà già vợ thẩy một mớ khoai lang lên tàu, vậy là tụi tao dông. May mắn cho tụi tao, trời yên bể lặng. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, tàu tụi tao cặp được tới Bidong. Tao chọn đi Úc cho nó lẹ và an toàn. Khoảng hai tháng sau tụi tao tới Sydney, gởi điện tín cấp tốc về cho ông bà già tao hay. Hai ổng bả mừng quá, lập tức mướn xe chạy tới Trảng Bom cho ba má Dung hay. Ba Má Dung cũng mừng quá, xá trời xá đất cám ơn lia chia. Ba của Dung cười lớn:

- Dzậy là thằng rể tui khỏi sợ bị Diệc cộng bắt cải tạo nữa rồi ha!

Má của Dung hỏi thêm:

- Ở bển có đất cho tụi nó trồng khoai lang hông dzậy, anh chị sui?

Tụi tao ở bên đây thì cũng giống như tụi bay vậy, ra sức làm mà lo cho gia đình, con cái, lo cho cha mẹ bên Việt Nam. Tụi tao có hai con rồi. Bây giờ bả hết dám hỏi:

- Anh " cứ " tui làm chi, nữa rồi.

Tụi tao lo làm nuôi con ná thở, đâu còn thì giờ mà hỏi nữa! Hỏi nữa tao để ........ đẻ nữa!

 

 

Người lính VNCH



Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 04/Jul/2010 lúc 4:24pm
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2010 lúc 4:22pm
 
 
Như chuyện cổ tích !
mk
 
 
 

Chuyện tình bên dòng Chắc Cà Đao

Tuổi Trẻ Online - Thứ Hai, 5/7

 

Phía trước hai bể nuôi ếch sắp tới ngày thu hoạch trong căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa ở ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang, anh chị vừa thoăn thoắt lể ốc cho ếch vừa trò chuyện vui vẻ. 40 tuổi đã lên chức ông bà nhưng nhìn họ như cặp vợ chồng son.

Chị Bùi Thị Điệp lập gia đình năm 17 tuổi, sau bảy năm chung sống, chồng đột nhiên bỏ đi không lời giải thích, bỏ mặc chị một mình nuôi ba con thơ. Đau đớn, uất ức, buồn phiền tưởng chừng sẽ gục xuống nhưng người phụ nữ 24 tuổi ấy vẫn ráng gồng nuôi con bằng việc làm mướn, làm thuê. Trong một lần vác đất bỏ vào cối máy lò gạch, do mệt mỏi, sơ ý, chân chị vướng vào máy và bị nghiền nát tới đùi...

Hai năm chung sống

Cùng trạc tuổi, cùng làm thuê ở lò gạch, từ lâu anh Nguyễn Văn Tấn để ý đến chị. Anh thương chị hiền lành, chịu thương, chịu khó. Hôm chị bị tai nạn ở lò gạch cũng là lúc anh vừa thay ca nghỉ. Nghe hung tin, anh đến bệnh viện, điếng người khi thấy chị mất đi chân trái. Hơn một tháng ròng anh ở bệnh viện cùng mẹ chị thay phiên chăm sóc, lo luôn chuyện vệ sinh, giặt giũ quần áo cho chị.

"Điều mọi người nể phục vợ chồng anh Tấn nhất là những lúc khó khăn, gia đình họ vẫn thuận thảo, yêu thương lo cho nhau, hiếm khi gây gổ, cự cãi..."

Ông Phạm Văn Hùng (trưởng ấp Hòa Hưng, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang)

Chị kể: “Có những lúc nằm trên giường bệnh, nhìn chân mình tàn tật, nghĩ đến hơn nửa quãng đời còn lại khiến tôi quẫn trí, tính làm bậy...”. Chị giả vờ than mất ngủ rồi nhờ nhiều người nuôi bệnh mua giùm thuốc. Dự trữ hơn chục viên, ba lần chị lấy thuốc ra định uống nhưng đều bị anh phát hiện.

Gia cảnh bên chị cũng nghèo nên chi phí điều trị, việc ăn uống... đều do anh lo liệu. Tiền không đủ, anh phải bán 2 chỉ vàng - tài sản anh chắt mót bao nhiêu ngày làm thuê, làm mướn lo cho chị... Những ngày ở bệnh viện, trước tấm chân tình của anh, chị rất xúc động. Nhưng nghĩ tình cảnh: “Dẫu gì anh cũng chưa vợ, còn mình ba con, nay lại thêm tật nguyền”.

Khi xuất viện, chị nói với anh: “Những việc anh làm em tạc dạ ghi xương không hết. Tiền anh xuất ra em sẽ cố gắng làm để chi trả. Anh cũng đến lúc lập gia đình, theo giúp em hoài miệng đời thị phi”. Anh bỏ đi chăn vịt mấy tháng trời để quên chị nhưng hình ảnh chị cứ chập chờn theo anh. Tình yêu quá đậm khiến anh quay lại. Họ đến với nhau đơn sơ chỉ mâm cơm cúng ông bà, vợ chồng tiếp tục vô lò gạch làm thuê, chị làm khâu xếp gạch, anh làm khâu chụm lò. Hai năm chung sống, tình cảm họ như con kênh Chắc Cà Đao trôi êm đềm hạnh phúc thì sóng gió nổi lên khi người chồng cũ đột nhiên quay về.

Một năm trốn chạy

Người thân chị quay sang ủng hộ người chồng cũ. Mẹ chị khuyên chị tha thứ để cha con sum họp bởi theo bà: “Dẫu gì cũng cha ruột nên lo cho con hơn cha dượng!”. Khuyên hoài không được, bà quay sang buộc anh rời xa chị. Ngày anh xách giỏ ra đi, chị nhìn theo ứa nước mắt. Đôi nạng gỗ bị người thân cất giấu nên ý định tìm anh không tài nào thực hiện được. Ở chung nhà, chị cương quyết không chung đụng cùng người chồng cũ bởi cái tình, cái nghĩa đã cạn.

Và quan trọng là những ân tình với anh quá sâu đậm, ngoài nghĩa vợ chồng còn có ơn cứu mạng. Ba đứa con cũng rất thương cha dượng. Phần anh về nhà ba mẹ ruột ở nhưng nhớ chị, chiều 30 tết anh tìm đến, nài nỉ người nhà cho gặp. Gặp nhau hai người bàn chuyện bỏ trốn.

Vài ngày sau y hẹn, đêm đến chị ngồi chờ trước cửa. Theo kế hoạch, anh cõng chị băng qua ruộng về nhà anh. Nhưng tiếng chó sủa inh ỏi khiến mẹ chị sinh nghi có trộm, bà la quáng, tất cả bật đèn rượt đuổi khiến việc bỏ trốn bất thành. Vài lần sau, thừa dịp người nhà chị sơ ý, cuộc bỏ trốn mới thành công. Nhưng mẹ chị tìm đến nhà anh bắt chị về, anh nghe tin lại cõng chị bỏ trốn.

Đi làm thuê, làm mướn trên đồng, anh cũng mang chị theo cùng. Những lúc chị nhớ con, anh lén đưa chị đứng từ bên kia bờ kênh nhìn về phía nhà, nhìn ngắm con vài phút rồi lại quay đi. Cứ thế, một năm ròng, tìm kiếm, trốn chạy, cuộc tình của hai người mới được chấp thuận.

“Tôi thật may mắn”

Cuộc sống khốn khó, anh chị vẫn ở đậu trên mảnh đất nhà người. Mấy năm sau mới có một đứa con chung. Ngoài thời gian làm gạch anh còn chịu khó đi giăng câu, vác lúa, vác đất thuê, đi bắt ốc làm thức ăn cho ếch lấy công làm lời... Chị nuôi heo, gà, vịt, ốc, trồng rau, tiêu xài tiện tặn, chắt mót từng đồng bỏ ống heo. Con cái khôn lớn phụ một tay đỡ đần cùng ba mẹ. Mười lăm năm chung sống, vợ chồng có tiền mua đất cất nhà. Rồi cưới vợ, cất nhà cho con trai lớn ra riêng.

Chị tâm sự: “Chén chung rổ còn khua, vợ chồng chung đụng khó tránh khỏi cãi cọ, phiền giận. Nhưng tuyệt nhiên anh không bao giờ nói câu nào làm tổn thương vợ con. Con cái anh cũng đối xử như nhau, không phân biệt con riêng hay con chung”. Điều chị luôn hãnh diện, hạnh phúc là anh luôn là điểm tựa vững chãi cho chị.

Từ lâu anh không cho chị làm ở lò gạch nữa mà chỉ ở nhà trông coi bếp núc. Đồ vật, thùng nước anh đều đặt sẵn để chị ngồi làm ở vị trí thuận lợi nhất. Chị tâm sự: “Tôi thật quá may mắn. Cuộc đời tôi tưởng mất hết nhưng anh ấy đã đến với tôi, cho tôi một mái ấm gia đình đúng nghĩa...”.

MINH TÂM

 
mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 24/Jul/2010 lúc 8:22pm
 
 
 


ĐẠP XÍCH LÔ
Tiểu Tử Paris 24/01/2010

Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích – phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”.

Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây …

… Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày.

Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài.

Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ.

Bác biết không ? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay ! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp.

Đó ! Ông xích lô của con đó ! Bác coi : con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không ?

Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “ trúng mối lớn ”.

Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói :
- “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây !”.
Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào.
Con hỏi :
- “Bác không đếm sao ?”.
Ổng cười, nhìn con :
- “ Khỏi ! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao ?”.
Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời:
- “Cậu lên ngồi, đi !”.
Con lắc đầu:
- “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”.
Nụ cười của ổng tắt mất:
- “Ủa! Gì kỳ vậy?”.
Con giải thích:
- “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”.
Ổng vỗ vỗ lên yên xe:
- “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”.
Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói:
- “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”.
Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng:
- “Cậu liệu được không cậu?”.
Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm:
- “Được mà … Dễ ợt hà!”.
Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết.
Một lúc sau bỗng ổng la lớn:
- “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”.
Từ đó, ổng chỉ cho con chạy:
- “Từ từ … Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít ….”
Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên:
- “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!” …
Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì … làm gì … Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói:
- “Mình vô ăn cái gì đi”.
Ổng nói:
- “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”.
Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại:
- “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”. Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra.
Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên:
- “Ăn gì mau vậy cậu?”.
Con nói trớ:
- “Thấy không ngon nên không ăn”.
Rồi con nói tiếp:
- “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”.

Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng !

Kể xong, Trung hỏi:
- “Nhà Nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”.
Tôi nói: “Ờ … ”. Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời !

Tiểu tử

Vài chi tiết về tác giả:
Tên thật là Võ Hoài Nam (1930), lấy bút hiệu Tiểu-Tử.
Sinh quán Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh ).
- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy Lý Hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) (1979/ 1982).
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn " Trò Đời " của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện " Những Mảnh Vụn " ( Làng Văn Toronto xuất bản ) là tập truyện đầu tay.

 

 

mk
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 13/Aug/2010 lúc 9:47am

 

Tản Mạn về Hoa Ngọc Lan
Wednesday, August 11, 2010



Trắng muốt, nhỏ nhoi, e ấp, hoa ngọc lan tự nép mình trong vòm là xanh nhưng vẫn không giấu nổi mùi hương thơm ngát lan tỏa. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ví hoa với người đẹp và thường đoán tính cách của con người từ sở thích các loài hoa. Người yêu hoa ngọc lan phải là người có tâm hồn thanh cao, lối sống giản dị và biết cảm nhận cái đẹp tinh tế lắm.
Trời sinh ra loài hoa này và đặt cho nó một cái tên rất đẹp. Ngọc Lan hẳn đã gửi gắm một niềm yêu qúy. Cha mẹ sinh ra con cái chọn tên các loài hoa đặt: 'những hồng, những cúc, những lan, những mai, những huệ trần gian nao lòng'. Mỗi đứa con là một bông hoa mang vẻ riêng , hoa ngọc lan là nét dịu dàng kín đáo, duyên dáng của các cô gái phương Đông. Cái hạnh phúc nhất thượng đế ban cho con người là được sống và thưởng thức những mùi hương hoa thiên nhiên. Đi vào các làng hoa ta như lạc vào mê cung của các mùi hương: quyến rũ của hoa hồng, ngan ngát của hoa huệ, nồng nàn của hoa cúc, kiêu hãnh của đóa trà mi. Hương Ngọc Lan vẫn không lẫn vào rừng hương ấy. Ngọc Lan có một mùi hương riêng biệt, là thứ hoa để cảm nhận chứ không phải đưa lên mũi ngửi. Mùi hương ấy thoang thỏang mà rất sâu cho ta cảm giác mát lạnh và dễ chịu, khoan khoái, mùi hương không dễ lãng quên và nhầm lẫn. Những người khó tính nhất trong nghệ thuật thường yêu thích hương ngọc lan, nó làm hài lòng người vì nó đạt được cả ba tiêu chuẩn cho một mùi hương, đó là vừa lạnh, vừa sâu, vừa bền. Mùi hương lạnh khiến ta quên những bức bối mùa hè. Mùi hương sâu làm ta khó quên. Hương bền thì thoang thỏang nhưng thơm lâu dài quanh ta mãi mãi. Để trong phòng vài bông hoa ngọc lan, hương thơm lan tỏa khắp, cả đến khi hoa úa ra rồi ta vẫn cảm thấy như hương thơm vẫn còn đâu đây...
 
 
Trên những nẻo đường H.N ngày nay có biết bao người bán hoa ngọc lan, bán rong hoặc đứng ở lề đường. Những bông hoa ngọc lan trắng muốt nổi lên trên màu xanh của lá, cành cắt khéo léo bằng đôi tay người bán hoa. Trông bông hoa đã rời khỏi cây, được ghép vào cành giả mà vẫn đầy sức sống. Đi qua đường Kim Liên, Chùa Bộc, nhất là đường Thanh niên vào những buổi chiều muộn, mùi ngọc lan theo gió như níu chân người qua đường. Ta không thể hững hờ đi qua cho đành để dừng lại mua một cành hoa cho vào giỏ xe hoặc túi xách, mang trên mình một mùi hương thiên nhiên nhẹ nhàng, thoang thoảng suốt cả chặng đường về nhà. Mùi hương vẫn quấn quít trong nhà và cho ta một giấc ngủ ngon với giấc mơ đẹp. Thời trước Hà Nội đã từng nổi tiếng bởi những gánh hoa của các cô gái làng hoa Ngọc Hà. Thời nay, nét đẹp ấy vẫn còn tuy có phần khác xưa. Những người bán hoa ngọc lan rong ruổi trên đường phố thường là những người nghèo ở ngoại thành một ngày kiếm dăm ba chục nghìn để nuôi con ăn học. Hà Nội mùa hè, tất cả các loại hoa ưa khí hậu nhiệt đới nắng nóng đồng loạt thức dậy: Hoa bằng lăng tím biếc, hoa phượng đỏ rực trời. Bước vào 'shop hoa' ta bắt gặp cả thế giới các loại hoa khoe màu rực rỡ, hoa nội, hoa ngoại từ khắp mọi nơi về tự hội. Có hoa hồng Pháp, hồng Hà Lan, cúc Nhật, hoa Mimoa của Đà lạt...Ôi! Có thế giới nào phong phú, đẹp đẽ hơn thế giới ấy. Ngọc Lan khiêm nhường nhỏ nhoi giữa muôn vàn màu sắc trong thế giới ấy nhưng nó không hề bị quên lãng.

Những người chơi hoa sành điệu thường sưu tầm các loại hoa, trong đó không thể thiếu một cây ngọc lan trước cổng hoặc sau nhà vừa tỏa bóng, lại vừa có hương thơm, hoa đẹp. Tôi xin tâm sự cùng bạn câu chuyện có liên quan đến hoa ngọc lan mà nó đã trở thành kỉ niệm của tôi và mỗi lần nhìn hoa ngọc lan nở hay cảm thấy có mùi hương ngọc lan là tôi lại nhớ đến bùi ngùi. Ông nội tôi trồng trước cổng một cây ngọc lan như muốn răn dạy con cháu rằng hãy sống giản dị, khiêm tốn và thanh cao như hoa ngọc lan. Tuổi thơ của tôi là những khi vui đùa cùng chị em xung quanh bóng mát của ngọc lan. Ngọc lan ra hoa quanh năm và khách vào nhà tôi bao giờ cũng ấn tượng nhất là hương thơm của hoa. Cây ngọc lan trước cổng đã trở thành một đặc biệt riêng của nhà tôi để phân biệt với các nhà khác trong khu phố. Ai ở xa đến hỏi thăm nhà tôi sẽ được mọi người chỉ 'nhà có cây ngọc lan trước cổng kia kìa'. Ông nội tôi mất đi, cây ngọc lan trút hoa trắng xuống đất nhiều và chỉ một lần duy nhất tôi thấy như vậy. Từ đó hoa ít hẳn, cây già cỗi đi nhiều mặc dù cha tôi vẫn cố gắng thay ông chăm sóc. Cho đến một đêm, cơn bão giật cấp 12 ập về thành phố. Gió rít mạnh, những cành lá tơi tả. Nằm trong nhà , đóng kín cửa lại tôi vẫn nghe tiếng mưa hòa với tiếng gió và tiếng cành cây gãy răng rắc. Sáng hôm sau, cơn bão tan, tôi tỉnh, mở toang cửa và đau đớn kêu lên: Trời ơi, Cây ngọc lan đã bị bật gốc rồi. Nó bị quật đổ xuống như một cái xác chắn ngang con đường. Tôi khóc và lượm những bông hoa cuối cùng cho vào khăn tay để mùi thơm cứ vương vấn, ám ảnh mãi trong cuộc đời.
 

Lại nhớ tuổi học trò, tôi yêu hoa ngoc lan vô cùng. Thứ hoa đó cũng không kiêu sa đắt đỏ như nhiều loài hoa khác cho nên mặc dù túi tiền ít ỏi, tôi cũng có thể đáp ứng sở thích của mình. Ở cổng trường tôi hồi đó có một bà cụ lưng còng ngày ngày bưng rổ hoa đi dọc hành lang cả bốn tầng để bán cho học trò. Một bông hoa chỉ có 200 đồng, có khi bà cho không. Số tiền thu được cũng chẳng bõ công hái hoa và mệt nhọc leo lẹn cả bốn tầng. Nhưng cụ yêu hoa ngọc lan và lũ học trò nghèo cũng có sở thích giản dị ấy. Cụ không muốn để những bông hoa rơi xuống sân rồi quét đi, lãng phí một cái đẹp trong thiên nhiên. Bà cụ cô đơn ấy cuộc đời cũng trầm tư như ngọc lan. Ngày nào đi học không thấy cụ đến chúng tôi lại áy náy'hay là cụ ốm rồi?'. Khi cảm nhận được mùi hương quen thuộc thỏang đến thì đúng là cụ rồi, hương thơm đến trước cả con người.
Nhiều năm không trở lại trường, bỗng một hôm tôi gặp lại bạn cũ, nhắc đến chuyện xưa, bạn tôi dưng dưng nước mắt: 'bà cụ bán hoa ngọc lan ở trường mình ngày xưa mất rồi!'. Tôi chợt se lòng. Một cuộc đời đi qua để lại một mùi hương thơm nơi lớp học, trong tâm trí của tuổi học trò . Một cuộc đời giản dị, nghèo túng mà thanh bạch đáng trân trọng biết bao! Chúng tôi tự nhủ rằng: mình đã làm được gì để gửi chút hương cho cuộc đời, cho thế hệ mai sau?.. Và tôi lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ đến hương hoa ngọc lan.

 


Theo KTĐT.
(Nguồn:
DienDanAmNhac@yahoogroups.com)


Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 13/Aug/2010 lúc 10:01am
mk
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 14 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.219 seconds.