Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: BÀI ĐÃ ĐỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 5 phần sau >>
Người gởi Nội dung
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 02/Oct/2011 lúc 10:54pm
.
 
Truyện tình 2500 Chữ " T " thật tuyệt tác!

Trần Thị Thu Thủy tên thật Trần Thị Thơ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, Tỉnh Thừa Thiên. Thuở thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi, tuy thế, tính Thủy thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương! Tới tuổi trăng tròn, Thủy tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt! Thủy tuyệt trần, tôi tả thì thô thiển. Thôi thì tàm tạm thế.

Trai tráng trong thôn Tám, từ trai tơ tới tuổi tứ tuần, từ tuổi tứ tuần tới tuổi
thất thập, thoạt trông thấy Thủy, tất thảy tấm tắc trầm trồ:
“Trời! Trắng tựa tuyết!”
“Thon thả thế!”
“Tóc thật thướt tha!”
“Ti to thế!
Tròn thế!”
“Tác tuyệt! Tuyệt tác

Trai tơ thổn thức, tứ tuần tơ tưởng, thất thập thẫn thờ. Thấy Thủy thấp thoáng
tất thảy táo tác, thập thà thập thò, thật tội. Tứ tuần thách trai tơ: tán thắng
Thủy thì thua tam trâu. Thất thập thách tứ tuần: tán thắng Thủy thì thua tám
thúng tiền. Thách thì thách thế thôi, thua Thủy tất tần tật. Thủy tựa thần tiên, trai tráng trong thôn thì thô thiển, tiền tài trắng trơn, thân thế thấp tè, thế thì tán tới trăm tuổi!

Tiếng tăm Thủy truyền trong toàn tỉnh.Thư từ tới tấp tới tay Thủy. Thư thì thủ
thỉ tâm tình. Thư thì tranh thủ trình thêm thân thế, tiền tài. Thư thì than thở tức tưởi. Thư thì thêm thơ, thêm tranh, trang trí thật trang trọng... Trong tám tháng trên tám trăm thư, thật thế!

Trai tráng trong tỉnh tìm tới tán tỉnh Thủy tới trăm thằng. Tám thằng thân tôi:
Thằng Thịnh, thằng Tân, thằng Thuận, thằng Tạo, thằng Toàn, thằng Trung, thằng
Tiến, thằng Tuấn, tán tỉnh tài thế, tí ta tí tởn tới tán Thủy, tốn tiền trăm tiền triệu, tiêu tiền tới trắng tay, thua tiếp tục thua. Tám thằng thất thểu tìm tới tôi than thở:
“Thôi! Tiền thế, tài thế, tập tễnh tới tán Thủy thêm thiệt thòi.”

Tôi thích Thủy, tuy thế tôi tỉnh táo tự thấy: trí tuệ tôi tầm thường, tiền tài
thiếu thốn, thân thế tiếng thì to, thực tình thanh thế tổ tiên thôi, thân thế tôi thấp tẹt. Tôi trù tính: thư từ tán tỉnh, trật! Tiền tài: trật! Thân thế: trật. Tổ tiên ta từng truyền tụng: tham thì thâm. Thư từ, thân thế, tiền tài... trật trật trật! Thua thua thua! Thủy thích tinh tế, trung thực, thật thà, thế thôi.
Tôi tính toán thật tình tiết: từ thị trấn Tân Tiến tận tụy tới thôn Tám tìm Thủy
tâm tình, từ từ, từ từ, tránh trắng trợn, tránh thô thiển, thỉnh thoảng thêm tí tranh, thêm tí thơ tặng Thủy, trời thương trời trợ thủ thì tất thành.
Trời thương tôi thật. Tới thôn Tám, thấy Thủy trơ trọi, thui thủi trên thềm, tôi
thích thú thấy tôi tính toán trúng.

Tôi trấn tĩnh, từ từ tiến tới tận thềm, thì thầm:
“Thủy! Tôi tên Trương, Trần Trọng Trương thầy thuốc Tây...”

“Trần Trọng Trương!”, Thủy trầm trồ, “Thầy thuốc trị tim, trị thận, trị toàn thân thể, tiếng tăm truyền tám tỉnh! Trời, trẻ thế! Trẻ thế!” Thủy tấm ta tấm tắc.
Tôi trùng tên thầy Trương, thầy thuốc thiên tài trên tỉnh. Thủy tưởng thế, thật
trúng tủ, trời toàn thương tôi!
Thấy tình thế thật thuận tiện, tôi tiếp tục thủ thỉ:
“Thủy, tôi trốn thầy, trốn thủ trưởng, trốn tránh tất thảy, từ thị trấn Tân Tiến
tới tìm Thủy!”
Thủy trao tôi tách trà, thẹn thùng:
“Thủy thật tầm thường, tìm Thủy thật trớ trêu...”
Tôi tíu tít: “Thủy! Thủy! Thủy tránh tự ti. Thủy thật tuyệt trần, tiếng thơm truyền từ tỉnh Thanh tới tỉnh Thừa Thiên, thật thế!”
“Thầy Trương tưởng thế thôi...”, tiếng Thủy trong trẻo, thánh thót.
Tôi thủng thẳng tán tỉnh, thầm thầm thì thì, tu từ thật tốt, thỉnh thoảng thêm tí thán từ. Thấy Thủy thinh thích, tôi tấn tới, thả từng tiếng thật tha thiết:
“Tháng tư, tôi trông thấy Thủy tha thướt trong thị trấn. Tôi thảng thốt:
Trời, tiên từ trên trời tới thị trấn! Từ tháng tư tới tháng tám, tối tối tôi
  thao thức, trằn trọc. Tâm thần tôi trục trặc, thân thể tiều tụy. Tưởng tượng thấy Thủy trẻ trung, tươi tắn, tôi thổn thức: Thiếu thủ trưởng thì thảnh thơi, thiếu trời thì tổn thọ, thiếu Thủy thì tắc thở! Thủy! Trái tim tôi tràn trề tình thương Thủy.
Tôi tìm tới Thủy trao trọn trái tim thật thà, trái tim trong trắng, trái tim thân thương, trái tim trẻ trung, trái tim trung thực... Tôi thề, tôi trao trọn!”
Thấy tôi thề thốt thật tha thiết, thật tận tình, Thủy thấy thương thương, thẹn thò túm tóc thỏn thẻn:
“Thôi thôi, Trí thôi thề thốt...”
Thủy tin tôi, thật tuyệt! Thế thì tôi toàn trúng tủ, thật tuyệt! Tôi từ thủ thỉ
tâm tình tiến tới thề thốt trầm trọng, toàn từ to tát:
“Thủy tin tôi, thương tôi thì tôi thôi thề thốt. Thủy thiếu tin tưởng thì tôi
tiếp tục thề. Tôi thương Thủy, tha thiết trao trọn tình tôi tới Thủy.
Thủy tuyệt tình tôi thì tôi tự tử. Tôi theo Thủy tới trăm tuổi, tôi tuyệt tình Thủy thì tôi tắc tử!”
“Trương!”, Thủy thổn thức, “Thủy tin Trương, thương Trương...”
Tôi trúng to, trúng to!
Trăng tròn tháng tám thấp thoáng trong tre, trời thu tươi tốt, tiếng thu thánh thót. Tôi tấn tới tìm tay Thủy. Tay Thủy trong tay tôi.
“Thủy... Trương thương Thủy, thương tới tận tim...”, tôi thì thầm, từ từ thơm tay Thủy.
Thủy thẽ thọt từng tiếng, từng tiếng thật thương:
“Tính Thủy thật thà, thương thì thương thật. Trương tâm tình thế, Thủy tin. Tất
thảy tình thương, Thủy trao trọn. Thủy tin: tình ta thắm thiết!”
Trời tối, Thủy tin tưởng trao thân. Tôi thơm tay Thủy, thơm tóc Thủy, thơm tới
tận tai, thơm thơm thơm thơm.
Thủy thất thần túm tay tôi, thét:
“Thôi, Trương! Trương thương Thủy thì thương từ từ. Tình ta tránh trần tục. Trương...thụt tay!”
Trương tôi, tên trác táng, tha Thủy thì thua thiệt, tốn tiền tàu từ thị trấn Tân Tiến tới thôn Tám. Thành thử tôi tiếp tục trổ tài tán tỉnh. Tôi thủ thỉ tâm tình:
“Thủy thương Trương thì thương thật tình. Thủy trao trọn tình thì Trương trân trọng.
Thủy thủ thế, trốn tránh, thiết tưởng thiếu tin tưởng Trương.”
Thủy thật thà tin tôi, thả tấm thân trinh trắng tùy tôi thao túng. Thân thể Thủy trắng trẻo, thơm tho.

Tôi tả thế thôi, tả thêm thì thô tục, tùy toàn thể tưởng tượng....






 

 


Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 02/Oct/2011 lúc 11:07pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 03/Oct/2011 lúc 11:42pm
Ha ha, chuyện chữ T này công phu và hay quá , mà cũng mắc cười nữa.
Hú hồn Shocked, may mà PT họ Phan chứ nếu trùng tên Thu Thủy thì có nước độn thổ !


Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 03/Oct/2011 lúc 11:42pm
PhanThuy-CA
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 04/Oct/2011 lúc 11:48am



Bình Nguyên Lộc

Truyện Ba Con Cáo


Nói về tryện ngắn--và cả luôn văn chương Việt Nam--Bình Nguyên Lộc là một tác giả không thể không nhắc đến. Theo nhiều tài liệu khác nhau, ông viết từ 300 cho đến 400 truyện ngắn và hơn ba mươi truyện dài. Thêm vào đó là hai khảo cứu về ngôn ngữ học.
Bình Nguyên Lộc là kể truyện hơn là viết truyện: truyện của ông là kinh nghiệm đời, chuyện thấy được qua kinh nghiệm sống.
Tên thật là Tô Văn Tuấn, sanh năm 1914 Tân Uyên, Biên Hoà, sau khi đậu tú tài phần 1, ông ra làm công chức và bắt đấu viết văn từ năm 1943. Năm 1950 ông cho ra đời truyện dài Nhốt Gió. Từ đó ông là một trong những nhà văn được mến chuộng nhất trong giới cầm bút.
Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc nói về phong tục địa phương và sự giao cảm của người dân và mãnh đất họ đang cư ngụ. Trong một truyện ngắn có tên là "Những Ngôi Mã Tổ," ông viết về một ngôi làng thật nghèo ở miền đông Nam Phần. Nhưng ngôi làng nằm trên một vùng đất có một sự cấu trúc địa dư chất đặc biệt: dưới mãnh đất khô cằn đó là một lớp sỏi quý, loại sỏi mà các chủ nhân biệt thự dùng để trải sân. Khi một tay thầu khoán biết được chuyện đó, ông ta đến thương lụng với dân làng, xin trả một khoảng tiền thật lớn đê? mua nguyên cái làng và khai thác sỏi-- nhưng ông ta không nói cho dân làng biết lý do tại sao ông muốn mua mãnh đất khô cằn đó. Sau vài ngày nghị luận, dân làng trả lời là họ không muốn bán đi vùng đất mà tổ tiên của họ khai khẩn. Tiếc của, người thấu khoán đi đến một quyết định táo bạo hơn: ông mướn người nửa đêm đốt sạch khu làng đó. Với hy vọng khi làng đã cháy rụi, dân làng sẽ bán mãnh đất và dọn đi nơi khác ...
Vài ngày sau người thầu khoán trở lại, một lần nữa ông đề nghị mua mãnh đất. Trong khung cảnh trơ trụi của một ngôi làng bị đốt cháy, những người dân làng trả lời người thầu khoán là họ không thể bán đất của họ đi được vì trên vùng đất khô cằn đó có những ngôi mã tổ tiên của họ.
Trong giai đoạn về sau của sự nghiệp viết văn của Bình Nguyên Lộc, ông trở qua khảo cứu về ngôn ngữ học-- mặc dù không thánh công lắm. Ông có hai tác phẩm về ngôn ngử-nhân chủng học là: Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam; Lột Trần Việt Ngữ.
Các sáng tác tiêu biểu khác: Tân Liêu Trai; Ký Thác; Nữa Đêm Trảng Sụp; Bí Mật Của Nàng; Quán Tai Heo; Tình Đất; Nụ Cười Nước Mắt Học Trò; Nhưng Bước Lang Thang Trên Hè Phố. ...
Binh Nguyên Lộc đến Hoa Kỳ tị nạn vào năm 1985 và mất tại California vào tháng 3, 1987.
Truyện Ba Con Cáo mà chúng tôi trích đăng dưới dây được đăng trên nguyệt san Bách Khoa vào năm 1962. Trong truyện này hình như BNL nói về ba nhân vật: Một cô gái điếm, một tên trộm cắp trốn quân dịch, và một con cáo. Cả ba cần nhau khi họ còn cơ hội và điều kiện; họ phản nhau khi bản năng sinh tồn bắt họ phản nhau. Một bộ mặt rất thật của cuộc đời trong truyện ngắn của Bình Nguyen Lộc.

Nguyễn Kỳ Phong

 

Truyện Ba Con Cáo


Mặc dầu là tay "bán trời không mời thiên lôi", Sáu Sửu vẫn nghe rờn rợn khi nhìn ra ngoài.
Thánh giá trắng đứng mơ hồ trong ánh sáng lờ mờ của nghĩa địa, sắp thành hàng ngũ đông đúc, nhánh ngang của thánh giá trông mường tượng như những cánh tay người giăng ra để đón bắt ai.
Xa xa, một trụ vôi có dáng một người đàn bà đội khăn tang trắng, đứng nhìn đám mồ trước mặt bà ta.
Gió đêm, cùng với dế, trùn, họp nhau mà than vãn bên hàng nghìn mồ hoang mả lạnh, và thỉnh thoảng, anh Sáu vẳng nghe như có tiếng người rên rỉ đâu đây.
Từ một ngôi mả cũ đằng xa, một ánh lửa lóe lên, nhỏ bằng ngón tay, từ từ bay lên cao rồi đi bơ vơ qua các hàng thánh giá. Lửa ma trơi hay là đèn của một người đi soi ếch nào đó?
Mưa dầm tháng tám rơi trên nước ao tù khiến anh Sáu có cảm giác rằng mình đang ngủ trên một chiếc thuyền, giữa dòng nước.
Lạnh quá, lạnh ngoài da, mà lạnh cả đến trong lòng.
Người sống, một khi xâm nhập vào địa hạt của người chết, mới nhận được rằng cuộc đời bên ngoài dầu đau khổ bao nhiêu cũng còn ấm chán.
Tại phố Phát Diệm, khúc phía trên này, họ Cầu Kho có một đất thánh mà từ vài năm nay nhà thờ không cho chôn trong đó nữa.
Dân số nghĩa địa cứ mỗi ngày một tăng lên, mà không có một ai chết lần thứ nhì cả để cho số sanh và số tử bù trừ nhau hầu đất đai trống bớt chỗ.
Ngoài thành phố, người ta đẻ con, nhưng người ta lại chôn ông, nhà cửa thành thử không chật thêm được. Ở đây mồ mả sanh ra rồi già cỗi dưới rêu xanh của sương gió, nhưng vẫn nằm lì đó đến muôn thu.
Vì vậy nghĩa địa phải chịu nạn nhơn mãn. Nhà thờ không cho chôn xác thêm vào đó, rồi cũng chểnh mảng việc trông nom đất thánh nên người sống đang thiếu đất, bèn ùa đến mà lấn người chết.
Nghĩa địa không có vách thành. Ban đầu vài người mạo hiểm cất nhà ngay trên ranh đất thánh. Thấy không ai nói gì, một số người khác lách qua khỏi mấy cái nhà vừa cất lên, để vô trong mà xây cất.
Họ cất vây tứ phía ngôi đất thánh và vòng vây cứ càng ngày càng siết chặt lại, người chết không còn lối nào để thoát ra được nữa cả.
Khi vòng vây siết đến lằn mức chót, nghĩa là những ngôi mộ ở bìa, thì cuộc xô lấn bắt đầu diễn ra một cách đau thương.
Người sống cũng biết đau lòng khi phải dẫm lên những gò mả còn mới rành rành (nhiều mô. bia, thánh giá, đề năm chôn là 1951) nhưng họ, ác thay, lại cũng biết lạnh. Cho nên họ cứ cất nhà trên những nấm đất ấy, xin người chết thứ lỗi, miễn là có chỗ núp mưa thì thôi.
Không bao giờ kẻ sống và người chết lại sát cánh nhau đến thế. Ông đã chết rồi, ông choán đất làm chi cho nhiều, trong khi tôi không có lấy một vuông nhỏ để mà cắm cây cột gỗ; vậy ông thứ lỗi nhé! Rồi ngày sau tôi cũng hoàn lại đất như ông vậy mà; trần gian nầy chỉ là cõi tạm thôi, tranh nhau làm gì!
Cuộc xâm lăng lặng lẽ để tranh sống với người chết, gây ra một tai hại lạ kỳ.
Vùng đất ấy ngày xưa tuy cũng thấp mà vẫn khô ráo, nhờ con rạch Bần tháo nước ra sông Ông Lãnh. Nhưng từ khi đô thành cho đắp đại lộ Trần Hưng Đạo, cách đây mấy mươi năm, thì ngọn rạch Bần bị lấp, và nước mưa trên nầy bị bỏ tù lại đến chung thân khổ sai, vì khu ấy đất trũng mà!
Đất thánh không phải ở giữa rún đất nên không đọng nước. Nhưng vòng vây tai hại kia lại biến thành con đê ngăn nước đất thánh đô? xuống chỗ trũng hơn.
Thành thử phần nhiều ngôi mộ đã biến thành cù lao, có cù lao rời rạc, có mớ họp thành quần đảo, không còn làm sao ra đó được nữa. Nước tù mang một màu khó tả và một mùi cũng khôn tả. Đáy ao biến thành bùn non, đi thì lún đến ống quyển.
Lau, sậy, đế tha hồ mà mọc như ở bưng miền xa.
Giữa đất thánh còn sót lại một ngôi mộ cổ kiến trúc theo bên lương mà có lẽ nhà thờ không nỡ phá đi lúc lập ra đất thánh cho giáo dân nầy.
Ngôi mộ ấy đồ sộ nhứt nghĩa địa, xây bằng vôi và ô đước, xanh đặc những rêu phủ. Lối kiến trúc rất rắc rối như một lâu đài, đầy rẫy ngăn nắp với nào là đường vào lối ra quanh co và hóc hiểm.
Hôm ấy những người của vòng vây đều ngạc nhiên mà thấy một mái nhà lá dựng ngay trên ngôi mộ cổ ấy.
Nhà dựng đâu từ sớm mai đến trưa là xong cả. Họ cứ tự hỏi, và hỏi nhau làm thế nào mà chủ nếp nhà ấy lội sình để ra ngoài đó được. Đi tay không đã không được rồi, mà làm sao hắn ta lại mang cả gỗ, tre và lá ra đó để cất nhà?
Hỏi nhau không ai đáp được, mà cũng chẳng mong phỏng vấn thằng cha dị hợm kia, họ đành thôi. Thét rồi mắt họ quen đi, nếp nhà ăn vào chân trời quen thuộc của họ, họ nhận cho nó ơ? đó mà không bàn tới bàn lui gì nữa cả.
Sáu Sửu ngày trước có ở xóm Phát Diệm. Năm ấy có người treo cổ trong nhà mồ ở bìa đất thánh. Anh đã vào đó với nhiều kẻ hiếu kỳ khác để xem kẻ chết treo, nên được dịp biết rõ nghĩa địa.
Hôm tháng rồi anh bị truy nã ráo riết nên cố tìm một chỗ ẩn nấp thật kín. Nhớ lại xóm cũ với cái nghĩa địa kia, anh về qua đó và rất hài lòng mà gặp hòn đảo nầy.
Không một viên cảnh sát nào đủ can đảm lội sình nhứt là dầm chơn trong một thứ nước nhơn nhớt để ra ngoài đảo Lỗ Bình Sơn của anh.
Nếu có cuộc bố ráp đại qui mô như hồi còn Tây thì bất quá họ cũng đứng ngoài mà nhìn vào, hú bậy vài tiếng như hú đò bên kia sông, rồi đò không qua thì thôi. Họ nghĩ sót một con cá cũng chưa chết ai, mà biết đâu cá đó lại không phải cá hiền, một tên ăn mày nào đó chớ gì.
 
Từ vòng vây ở ngoài, leo lét vài ngọn đèn dầu của những kẻ lấn đất người chết. Xa thật xa ngoài kia, ánh sáng đô thành làm nổi bật lên, đen thui, những ngôi nhà lầu, những ngọn cây cao. Các thứ nầy giống hệt những hình bằng giấy đen, người ta cắt rồi dán lên nền trời.
Bỗng anh Sáu nghe rục rịch dưới sàn ván. Hôm cất nhà xong, anh lót ván lên mộ, vừa để làm nền nhà, vừa để làm giường ngủ. Dưới ván rầm ấy, lau sậy bị đè đầu xuống, và sẽ chết lần mòn vì thiếu ánh sáng.
Anh Sáu quên, một thứ khác, cũng giống như lau sậy, mà biết cục cựa nữa kia. Vì thế đêm nay trời có trăng, anh ngồi ngó một ra đám rừng thánh giá trắng thì anh phải một phen hết hồn trước sự hiện ra của một chú chồn to bằng con chó ta.
Chồn khua lau sậy sột soạt, rồi chui ra khỏi mộ, ngoái cổ lại dòm cái nhà mà đêm hôm qua đây chưa có. Suốt ngày hôm ấy nó nằm trong hang, không dám ló ra nên không biết ngoài này loài người làm gì mà lục đục mãi.
Đôi mắt nó lóng lánh dưới ánh trăng, ngạc nhiên giây lát rồi bỏ đi. Nó đã quen với con người rồi nên không có vẻ gì sợ sệt cả.
Nhưng anh Sáu lại sợ. Anh có đọc truyện Phong Thần nói chuyện mả Huỳnh Đế có một bầy hồ ly mà một con đã nổi danh trong lịch sử, là cái con đã biến thành nàng Tô Đắc Kỷ; đến nay thấy chồn trong mộ chui ra, anh liên tưởng ngay đến tích cũ rồi rợn người lên.
Nhưng anh trấn tĩnh lại được. Trong dân chúng người ta tin chắc như đinh đóng cột rằng tóc người chết hóa thành con lươn, rồi con lươn hóa thành con chồn. Con chồn mà anh thấy, có lẽ chỉ là thối thân của tóc người nằm dưới nhà mồ, chớ không phải yêu quái gì đâu.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, anh Sáu thấy chồn về, mõm ngậm một con vịt.
- A ha, đồng đạo đây mà! Anh Sáu cười mà nói thầm như vậy rồi cảm tình ngày với con thú nầy.
Cái đạo mà anh nói đó là đạo ... chích; trước kia, trước khi lường gạt và cướp giựt, anh cũng đã đi ăn cắp gà như chú chồn nầy vậy.
Ngày nay anh thôi ăn cắp, nhưng lại biến thành con cáo già chuyên môn gạt gẫm thiên hạ.
- Mầy cáo thì tao đây cũng cáo, vậy thì là bồ rồi.
Từ đó, hai con cáo chung đụng với nhau mà không xích mích bao giờ cả.
Nghe động dưới sàn, anh Sáu mỉm cười lẩm bẩm:
- Đồng nghiệp xuất quân đó đa!
Anh Sáu nhờ cậy con chồn nầy lắm. Có nó ở dưới ấy thì không còn lo rắn rít nữa. Anh mong có dịp trả ơn nó, nhưng nó có đói bao giờ đâu để anh ra tay hào phóng mua cho nó một con gà. Xóm lao động vây quanh nghĩa địa, người ta nuôi gà vịt cả bầy, nó ăn đến già cũng chưa hết.
Bỗng anh Sáu nghe có tiếng chó sủa vang dậy lên. Tiếng sủa to lắm và oai vệ lắm, có lẽ đó là tiếng chó bẹc-giê.
Rồi lại nghe nước khua lũm chũm, với tiếng chó càng lúc càng đến gần anh. Anh Sáu bước ra dòm thì thấy bạn của anh đang chạy bán sống bán chết trước một con chó to thấy mà bắt ớn.
Anh Sáu thò tay vào trong rút cây chĩa ba ra, cây chĩa anh sắm để chĩa ếch dưới nước, rồi lẹ như chớp, anh chìa mũi chĩa đón đầu chó cho chồn đủ ngày giờ chui vào mả.
Chó bẹc-giê chạy quá đà, bị mũi chĩa đâm vào mõm đau điếng, rống lên vài tiếng rồi trở bước, vừa đi vừa day lại, sủa om như chửi thề.
Anh Sáu cười ha hả rồi cúi xuống sàn mà nói:
- Đêm nay tổ trác rồi đó phải không em! Anh đây cũng bị rượt thường lắm, nhưng đều thoát khỏi cả. Bây giờ thì đố ai mà dám theo anh vào chốn nầy. Chỗ ở tụi mình kín số dách.
Sáng hôm ấy, anh Sáu đi uống cà-phê, về tới nhà thì ngạc nhiên hết sức. Trên một ngôi mô. cận mộ anh, một chòi lá đã dựng lên rồi.
Ngộ quá, nhà cửa sao mà mọc mau lẹ như nấm mối. Uống xong tách cà-phê, đọc xong trang nhứt một tờ nhựt báo là một túp lều cũng vừa dựng xong. Phải mà, chỉ có bốn cây cột thôi thì chậm sao được!
Anh Sáu ngạc nhiên mà thấy có một người thứ nhì lại biết con đường bí mật đưa vào đó! Anh lại tức vì túp lều ấy chặn ngay đầu đường bí mật của anh.
Số là anh Sáu biết lợi dụng mấy ngôi mộ chung quanh nên mới vào đây được. Anh phải đi quanh co nhiều nơi, nhảy từ ngôi mộ nầy qua ngôi mộ khác, ra cửa nhà thì đi hướng đông, nhưng ra khỏi nghĩa địa lại ra hướng tây, nghĩa là anh phải đánh một cái vòng rất lớn và rất cong quẹo.
Túp lều tranh ấy cất ngay trên ngôi mộ anh dùng làm đầu cầu cuối cùng để nhảy vào nhà anh, thì anh còn làm sao mà về nhà được, nếu hắn không cho anh nhảy ngang qua nhà hắn?
Anh tức giận lắm toan vào lều mần thằng cha nầy một mách cho nó phải giải tỏa hiểm đạo của anh, anh mới nghe cho.
Anh Sáu vỗ đùi nhảy một cái như bay đi và rơi xuống phiến mộ bia đặt nằm theo lối Châu Âu, trên có khắc mấy giòng chữ như sau:
Ci-git:
Alphonse Thomas Nguyễn-Văn-Nở
décédé en sa 78è année
Priez pour lui (1)
Phiến đá lớn bằng bộ ván hai, và thằng cha chủ nhà nầy dùng phiến đá ấy để làm bộ ván luôn, nên không thấy nó lót gì trên ấy cả mà lại để lên đó nào là va-ly, dép ... à ... mà sao lại dép đàn bà?
Túp lều che có phân nửa tấm bia thôi; cửa lều là một bức màn bằng vải bông cũ. Anh Sáu bước tới vén màn lên thì ô nầy lạ, chủ nhơn bà (chớ không phải chủ nhơn ông) là một thiếu phụ tóc quăn.
Chủ nhơn bà bình tĩnh chào anh Sáu bằng một mỉm cười yên lặng.
Có lẽ chồng chị ta đi làm rồi chăng? Nhưng vẫn lạ là chị không có vẻ lao động chút xíu nào hết. Móng tay chị đỏ choét và nhọn hoắt, nước da mặt của chị bị phấn ăn, chỗ thì mét chằng, chỗ thì thâm đen sì, mắt chị mệt đừ và sâu hóm như mắt cô đào hát bội.
Y phục của chị cũng không phải y phục của những kẻ đầu tắt mặt tối: lai quần gắn ren, áo cổ bà lai thêu rằn rịt xanh đỏ, tóc thì kẹp thành đuôi ngựa, cột bằng ruy-băng màu.
Chị ngồi trên chiếc rương thiếc nhỏ, món đồ từ khí độc nhứt trong chòi, mỉm cười rồi giây lát hất hàm hỏi anh:
- Có tiền mãi lộ không? Nếu không, mỗ không cho đi ngang qua đây. Mỗ đóng đồn ở đây rồi, ai bước qua phải đóng thuế.
Anh Sáu thọc tay vào túi quần tây cũ của anh đứng thẳng lên coi oai vệ như một tướng cướp trong xi-nê-ma, cười gằn rồi ngạo nghễ đáp:
- Hỡi cô nữ tướng mã thượng giang hồ, nữ tướng không có lâu la thì đòi tiền mã lộ ai được. Nữ tướng có giỏi thì bước ra ngoài đánh với ta vài mươi hiệp cho rõ tài cao thấp.
Nữ tướng cười xòa vì nghe giọng điệu thì biết đã gặp tay đồng điệu. Tuy bắt nạt hắn không được nhưng bắt bồ với hắn có thể có lợi.
Anh Sáu xem qua thì biết nữ tướng thuộc vào hạng người nào trong xã hội rồi. Đây cũng là một kẻ trốn chui như anh, như con cáo dưới giường anh. Cả ba đều là chồn, nhưng con chồn cái này đã tu luyện nhiều năm nên mang được hình người. Đây là một thứ hồ ly không hớp hồn nho sĩ mà chỉ hốt bạc cắc của mấy anh lao động thôi.
Đầu anh Sáu đụng nóc chòi, anh khó chịu quá nên ngồi xuống:
- Ở đây không sợ mang tội à? Anh hỏi đùa.
- Chớ còn anh?
- Tôi thì khác. Ngôi mả của tôi cũ lắm rồi.
Đó là một cái nhà của một người chết đã đi đầu thai kiếp khác rồi.
Con chồn cái bỗng bỏ cái cười, buồn nét mặt lại rồi chỉ ra ngôi giáo đường trước nghĩa địa.
Tiểu giáo đường tuy chỉ để làm lễ mỗi khi đám xác nào tới đây thôi, nhưng cũng đồ sộ bằng một nhà thờ ở thôn quê. Tuy ngói đã bị tốc nhiều nơi, gạch, đá trên tường nhiều viên đã rã và rớt xuống, cửa sổ gỗ đã bung hết, cửa kính màu đã bể nát, nhưng toàn thể công trình kiến trúc gô-tích ấy vẫn còn mang cái phong độ vĩ đại của thời Trung Cổ Châu Âu.
- Anh thấy không? Chị ta nói. Nếu mình dám vào trong đó mà ở thì đâu có phạm tội như vầy.
Anh Sáu thở dài rồi không thèm chào hỏi gì cả vỗ đùi nhảy bay qua nhà anh.
Từ đó bộ ba chịu đựng nhau để sống chung nhau.
Họ khác nhau ý tứ, phong tục, thói quen, lối sống, nhưng cả ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: Con cáo chánh hiệu con ... cáo thì sợ chó bẹc-giê, con cáo già sợ Công An, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục.
Trong cảnh khổ giống nhau, tuy họ không tương đắc với nhau được và vẫn phải tương thân để bảo vệ nhau, khi cần. Mà nhứt là để an ủi lẫn nhau.
Anh Sáu không thích đờn bà lắm. Hay nói cho đúng ra, anh đã chán chê đờn bà, nhứt là chán những hạng đờn bà như con hồ ly không bao giờ chịu xưng tên nầy.
Nhưng mà những đêm mưa dầm buồn quá, nằm giữa cánh đồng ma mà được có người để trò chuyện với nó thì ấm biết bao!
Những đêm mưa như vậy, con hồ ly không đi kiếm ăn được, mà cũng không đủ sức mạnh để nhảy qua nhà anh Sáu vì hòn đảo của anh ở xa mãi ngoài giữa dòng nước, nên hồ ly ta thắp lên một ngọn nến rồi ngồi bó gối mà ca trật lất bản nhạc "Đêm đông".
"Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng".
Gió đâm sầm vào tiểu giáo đường đằng trước kia, tung hoàng giữa gian phòng trống mênh mông rồi vừa hú vừa chui ra khỏi các cửa sổ nghe bắt lạnh mình.
Mấy cây thùy liễu hiếm hoi đã kháng cự được với lau sậy để sống sót, đứng cúi đầu khóc sướt mướt dưới trận mưa dầm, trong ánh trăng mờ.
Mộ hàng hàng như bầy cừu nằm nghỉ, gặm cỏ héo hon và vô vị, hút đắng cay trên miếng đất mồ côi (2).
Đây là chốn mà mộng đời bị cắt đứt nửa chừng, kẻ chết yên nghỉ thiên thu, mà người sống cũng khó mong trở về với xã hội loài người.
Anh Sáu nhảy bay qua nhà hồ ly, như một tay kiếm khách phi dạ hành, rồi hai kẻ ở ngoài vòng pháp luật ấy mới cùng nhau tâm sự.
Không phải kể chuyện cho khách nghe, hồ ly khỏi phải thi vị hóa buổi thiếu thời của mình, không cần lòe ai, con cáo già cũng khỏi anh hùng hóa bước giang hồ của hắn. Họ đánh bài, mà hạ bài cho nhau thấy. Bao nhiêu thúi tha nhơ nhớp trong đời họ, họ phơi cả ra như sau đêm mưa, họ phơi gối trên mồ cho nó bớt âm ẩm khó chịu.
Trời mưa cuối mùa cứ dai dẳng từ ngày nầy qua ngày khác. Con hồ ly ban đầu ăn xôi, ăn bánh mì chả lụa trừ cơm. Mãi rồi nó cũng không còn tiền để mua xôi nữa. Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài. Nó có ló ra, con hồ ly mới ăn nem nướng được, còn nó mà trùm chăn thì chồn cái cũng đành trùm mền mà nhịn đói.
Anh Sáu cũng chẳng thấy đi uống cà-phê sáng cho ấm bụng. Cũng chẳng thấy khói thuốc bay ra khỏi mái lều của anh như mọi ngày, và lâu lâu cũng không còn nghe mẩu thuốc vứt xuống ao, tắt kêu xèo một cái.
Cả hai, vì tự ái hão, đều giả đau để nằm nhà. Anh Sáu yên thân hơn, còn dám ngồi dậy lết ra lết vô. Còn con hồ ly thì sợ anh Sáu đi ngang qua đó biết mình giả đò chăng, nên cứ trùm chiếu mãi từ sáng đến chiều.
Khó chịu quá, ngộp quá, mà anh Sáu không đi ngang qua lần nào để thấy là nàng ta đang đau ốm thì có tức hay không chớ?
Hết mưa rồi nắng. Anh Sáu ra đi. Ngang qua nhà hồ ly, anh lấy chơn lật chiếu ra thì thấy hồ ly nằm xụi lơ. Nàng đau ốm thật đó, đau một chứng bịnh cổ điển của loài người, là bịnh ... đói.
Anh Sáu mau bước nhảy như con khỉ từ ngôi mộ nầy đến ngôi mộ khác và rốt cuộc ra tới đầu ngõ hẻm trổ ra phố.
Thiên hạ cứ mỗi ngày một khôn ra, cho nên, mặc dầu là cáo già, anh Sáu không còn gạt gẫm ai được nữa.
Anh buồn hiu trở lại đào viên mà ba người bạn đã mặc lặng kết nghĩa với nhau hôm mấy tháng trước.
- Chị đỡ bớt hay chưa? Anh hỏi bậy cho có chuyện.
- Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt.
- Chị nghe trong mình làm sao?
- Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.
Anh Sáu hiểu ngay. Anh lại thở ra, ngồi bó gối bên cạnh một người mà anh sẽ chịu đồng cảnh vài ngày nữa đây. Sở dĩ anh còn đi đứng được là nhờ anh mạnh sức, lây lất nổi thêm vài ngày.
Chiều xuống sớm và mây kéo đen nghịt trời. Ngoài kia vịt vào chuồng kêu cạp cạp. Nghe tiếng vịt kêu, anh Sáu nhớ lại người bạn thứ ba.
- Hừ, nó coi vậy mà nó đó.
Bỗng một ý nghĩ nảy ra. Anh vừa mừng thì lại nghe như ai xát ớt trong ruột anh.
Nhưng biết làm sao: Đi ăn trộm vịt, không đáng gì cả, mà rủi ro thì khổ. Trong lúc mình đang trốn mà dại gì làm những chuyện xằng nho nhỏ.
Anh Sáu đứng lên nhảy bay qua nhà anh, rồi ngồi nhìn mưa bắt đầu rơi lũm chũm trên mặt ao tù.
Một con nhái hay con gì không rõ, nhảy xuống nước lội róc rách đi về đâu không biết. Gió hú trong tiểu giáo đường, gió than vãn ở các nhà mồ. Xa xa tiếng động cơ xe nổ lên, nhắc nhở rằng cuộc sống ở bãi tha ma nầy thầm lặng quá!
Anh Sáu rút cây chĩa ba, lết ra tới trước mả mà ngồi. Anh cúi mặt xuống miếng đất đọng nước, mắt lom lom rình.
Bỗng có tiếng sột soạt do con chồn khua lau sậy, nay đã chết khô rồi. Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong lồng ngực anh. Lạ! Anh đã giết người, mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay ...
Kìa một cục đen đen thò ra khỏi sàn ván. Anh Sáu cầm chĩa ba mà nhắm rồi sực một cái, mũi chĩa đâm chúi xuống trúng ngay cổ con chồn. Chồn thét lên một tiếng kêu đau, kinh sợ, rồi thôi. Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội nầy.
Dân lưu manh vẫn thế. Họ cũng biết xúc cảm, nhưng chỉ xúc cảm vậy vậy thôi. Họ nhỏ trên máu con chồn vài giọt nước mắt rồi thịt nó liền mà không nghe nhờm răng.
Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no.
Họ chỉ ân hận một vài giây thôi, vì dầu sao, người bạn xấu số ấy cũng chỉ là một con chồn. Ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu!
Trời cứ mưa, mưa như cầm chĩnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho hết ráo nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấu tủy khô.
Ăn được bữa cháo chồn, hồ ly nghe khỏe như chị đã đoán. Sáng hôm ấy chị ra đi, căn dặn anh Sáu ở nhà, chị sẽ có tiền, một món tiền khá to, đâu như năm trăm, do một anh tình nhơn hứa biếu và hẹn hôm ấy trao cho vì hôm trước là ngày lương.
Anh Sáu thích quá, muốn ôm lấy hồ ly mà hôn một cái. Nhưng hồ ly dơ thấy mà bắt nôn, nên anh thôi.
Độ lối chín giờ sáng, anh Sáu đang nằm ca sáu câu mùi mẫn:
Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy ...
thì bỗng nghe tiếng tu hít thổi hoen hoét ở cùng tứ phía, quanh nghĩa địa rồi giây lát sau hồ ly nhảy như khỉ qua các nấm mồ, theo sau chị là hai người đàn ông còn trẻ.
- Trời ơi, anh Sáu kêu, mình đã dại, kể cho nó nghe duyên cớ trốn tránh của mình; nó bán mình mà ăn đây! Chồn ơi, hồn mi có thiêng chăng, về mà xem kẻ phản bội mi sắp bị trừng phạt đây.
Anh Sáu bó tay không chống cự. Anh nhìn hồ ly, không oán giận mà chỉ tội nghiệp thôi. Hồ ly trốn cái nhìn của anh, ngồi day mặt vô vách lá mà đếm tiền.
Đêm nay, gió sao mà hú ghê rợn hơn đêm nào cả. Hồ ly giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Gì mà như anh Sáu ho bên ấy! Chị đánh diêm lên để thắp nến. Trời ơi, mới hôm qua đây, anh Sáu còn nằm bên đèn kể lại những bước phiêu lưu của anh! Hơi thở của anh, chị còn nghe như văng vẳng. Cái mặt xương của anh đậm nét lên dưới ánh đèn, như là còn ẩn hiện mơ hồ trên tấm mộ bia!
Trời ơi! Kéo cuộc đời nhơ nhớp nầy biết đến bao giờ mới thôi? Đã nhơ nhớp lại đê hèn, bước từ phản bội này qua phản bội khác cho đến một khi kia thì mình chỉ còn phản bội được chính mình.
Hồ ly rùn mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.
Chị ôm mặt khóc òa, rồi lẩm bẩm van vái lầm thầm:
- Trời Phật ơi, Chúa ơi, tha tội cho tôi, ngày mai tôi sẽ ra khỏi chốn nầy và ra khỏi vực đen của đời tôi nữa!

Chú Thích của BNL:
(1) Nơi đây yên nghỉ: Ông An-Phông Tô Ma Nguyễn Văn Nở, thất lộc năm 78 tuổi. Hãy cầu nguyện cho ông.
(2) Ý nầy của P.S. và X.V.







Chỉnh sửa lại bởi mykieu - 04/Oct/2011 lúc 11:50am
mk
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 05/Nov/2011 lúc 10:57pm
.
 

Đi xe đò, đi xe ôm

image

Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam. Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế ( Thằng em này " biết làm ăn " nên bây giờ nó khá lắm ) Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.

Sau một tuần ở Gò Dầu với má tôi ( Gò Dầu quê tôi thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm cách thành phố 63 km ) thấy còn năm hôm nữa mới tới Tết, tôi bèn sửa soạn xuống Sài Gòn để đi thăm vài người bạn.
Lần này, tôi muốn đi bằng xe đò ( bây giờ người ta gọi là " xe khách " -  trong bài viết này tôi vẫn dùng từ " xe đò " cho dễ hiểu ! ) Một thằng cháu - hồi trước làm thầy giáo, bây giờ sửa xe đạp và bán sách vở học trò - nói :

- Để cháu lấy Honda chở chú Hai lên bến xe kiếm xe gởi chú đi.

- Khỏi cần, chú đi một mình được.

Nó phì cười :
- Cái tướng Việt Kiều của chú lên đứng lớ ngớ trên đó, tụi nó dám chém nhẹ vài chục ngàn cái vé đi thành phố thay vì chỉ có tám ngàn thôi. Tụi nó bây giờ "mánh" lắm chú ơi !
Vậy là nó chở tôi lên bến xe đò ( Ở quê tôi, vì có con sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang, nên dân chúng thường nói " trên " và " lên " để chỉ những nơi nào nằm về phía thượng lưu con sông - đối với khu chợ nằm ở giữa - và " dưới " hay " xuống " để chỉ những xóm nằm về phía hạ lưu ).

Ở bến xe, thằng cháu nói :
- Chú đứng đây giữ dùm cháu cái Honda. Để cháu " thả " một vòng coi.
Trong lúc nó " thả một vòng ", tụi bắt mối hai ba đứa rà rà lại :

- Đi thành phố hả chú ? Chạy liền giờ nè !

- Thằng xạo đó chú ! Xe nó chưa tới " tài ". Xe cháu kìa, xe đầu vàng đang rồ máy đó chú. Đi chú ! Cháu xếp chỗ tốt đằng trước cho chú, nè !
Vừa nói, thằng nhỏ vừa nắm cái ba-lô của tôi kéo đi trong lúc thằng kia cũng lôi về phía nó. Tôi rị lại la lên :

- Tao không có đi xe đò ! Tao đợi thằng cháu. Bộ tụi bây không thấy xe Honda đây sao ?

Một thằng khác, có vẻ anh chị, " xẹt " vô can thiệp :
- Buông ra ! Tụi bây làm gì vậy ? " Quậy " hả ?

Trong lúc hai tên kia bỏ đi, nó hạ giọng thân mật :
- Chú Hai đi thành phố hả chú Hai ?

Tôi lắc đầu, lại chỉ cái Honda, nói :
- Tao đợi thằng cháu chở đi công chuyện.

Thằng nhỏ bỏ đi. Tôi nhìn theo nó mà nghe ngượng vô cùng. Mấy  thằng nhỏ bắt mối cỡ tuổi hai thằng cháu nội tôi thôi, vậy mà tôi sợ gì lại phải nói trớ là không đi thành phố ? Có lẽ tại vì mấy chục năm nay ở xứ người, tôi đã sống quen với cái xã hội có tổ chức, có trật tự, nên tôi không biết cách ứng xử phù hợp với môi trường chụp giựt mánh mung này. Cho nên phản ứng của tôi là né ! Không biết phải làm sao, thôi thì né tránh đi cho nó xong chuyện ! Tự nhiên, tôi thở dài.

Thằng cháu tôi dẫn lại một người đàn ông còn trẻ gầy nhom, giới thiệu :
- Thằng Đực nè chú Hai. Nó lái xe cho cậu Năm Bộn. Nó là chồng con Hường, con của chị Ba Đầy ở xóm nhà máy đó chú nhớ hôn ?!!

Tôi mỉm cười gật gật đầu " ờ " cho lấy có. Thằng cháu nói tiếp :
- Còn đây là chú Hai con bà Tám, mầy kêu ổng bằng ông lận.

Thằng Đực chấp tay xá :
- Dạ, lâu nay con có nghe nói ông Hai ở bên Tây, bây giờ mới gặp. Về chơi hả ông Hai ?

Rồi không đợi tôi trả lời, nó vói tay xách cái ba lô :
- Ông Hai đi theo con. Xe con đằng nầy nè.

Thằng cháu tôi dặn vói :
- Xuống dưới nhớ kiếm xe ôm cho ổng, nghe mậy !

- Được rồi ! Cậu ba yên chí !
Thằng Đực dẫn tôi lại xe của nó, giới thiệu tôi cho hai thằng cỡ mười tám đôi mươi đang đứng hút thuốc ở đầu xe

- Đây là ông Hai, con bà cố ở đường đất đỏ, đó ! Còn đây là hai thằng em vợ con, tụi nó vừa là phụ xế vừa là lơ nữa.

Rồi nó đỡ tôi lên đưa lại ngồi phía tay trái cách chỗ tài xế hai hàng băng. Trên xe đã có nhiều người ngồi, chắc họ quen nhau nên nghe nói chuyện rân như họp chợ !
Chiếc xe đò là xe loại đầu bằng, có hai cửa lùa cho hành khách lên xuống. Chỗ ngồi hẹp té, tôi đo vừa đúng hai gang tay. Trên kiếng chắn gió trước mặt tài xế, về phía phải, có viết mấy hàng chữ bằng sơn đủ màu. Vì tôi ngồi trong xe nên phải đọc ngược, nhưng vẫn đọc được :
TP ************ / Gò Dầu
Vidéo / Karaoké

Chính giữa xe, ngang ngang với đầu anh tài xế, có một cái lồng sắt hàn dính lên trần, trong đó có cái télé. Tôi tự hỏi :" Vidéo thì còn hiểu được, chớ Karaoké thì hành khách hát hí ra làm sao ?" Thật là mới mẻ quá ! Dưới chân tấm kiếng chắn gió, cũng ngay chính giữa, có gắn một kệ nhỏ, trên đó có một tượng Phật Bà, một bình bông, một bình cắm nhang và ba chung nước. Tất cả mấy món vừa kể đều được gắn xuống mặt kệ bằng băng keo chằng chịt ! Cho nó đừng nhúc nhích hay lật đổ khi xe chạy hay khi xe thắng gắp. Nhìn tượng Phật Bà chằng chịt băng keo, tôi nghĩ chắc Ngài cũng phải mỉm cười mà từ bi hỉ xả.?
Thằng Đực lên ngồi, đề cho máy chạy, rồi cứ rồ máy từng chập giống như làm cho nóng máy. Hai thằng lơ đứng dưới đất la ó :

- Lên đi bà con ! Chạy à ! Chạy à !

Tài xế sang số cho xe nhúc nhích nhúc nhích, trong lúc hành khách cứ lần lượt trèo lên xe tỉnh bơ không thấy có chút gì hối hả. Không thấy ai bán vé, thiên hạ cứ lên xe thấy ghế trống là ngồi. Hàng hoá mang theo lỉnh kỉnh để đầy hành lang chính giữa. Những người lên sau phải bước choàng ngang để đi !
Một bé gái cỡ mười hai mười ba tuổi, lên xe với hai bao ni-long lớn đựng đầy dép, loại dép cao su Nhựt Bổn. Nó ngồi vào ghế trống cạnh tôi. Vừa đặt đít xuống nó vừa trao cho tôi một bao dép, nói :

- Ông ngoại giữ dùm con.

Nó làm một cách tự nhiên, chẳng thấy một chút ngượng nghịu gì hết. Còn tôi thì thật ngỡ ngàng bối rối không biết phải làm sao ? Vậy mà tôi cũng ôm bao dép vào lòng, ôm một cách máy móc ! Tôi biết nó " đi " hàng lậu ( Xưa nay, Gò Dầu được biết tiếng nhờ có chợ trời hàng lậu ở biên giới Cao Miên ) nhưng tôi không thể tưởng tượng được một bé gái mới mười hai mười ba tuổi mà đã đi buôn lậu và còn bắt người khác giữ hàng lậu giùm mình một cách tỉnh bơ coi như chuyện bình thường ! Xã hội bây giờ thật quá nhiều thay đổi, mà tôi thì quê trân, giống như " một thằng mán ra chợ " !
Thằng Đực rồ máy cho xe chạy tới trong lúc hai thằng lơ phóng lên xe - mỗi thằng một cửa - vừa phóng vừa la " Bà con ơi ! Chạy à ! Chạy à !". Xe chạy được mươi thước, ngừng lại, máy rồ từng chập một lúc rồi xe lui về vị trí cũ ! Hai thằng lơ nhảy xuống đất, miệng vẫn bô bô : " Lên đi bà con. Chạy liền giờ nè !". Hành khách vẫn lai rai từ tốn leo lên xe?

image
Hình minh họa

Mươi phút sau thì xe lại chạy. Lần này, nó ra khỏi bến xe, chạy rề rề. Đến ngã ba ( Chỗ này có đường xuống chợ, có đường vô xóm Mới, nhưng vẫn được gọi là "ngả ba" !) nó rước một vài người khách rồi chạy thẳng về hướng thành phố. Tưởng chạy luôn, té ra xuống khỏi Trâm Vàng - cách ngả ba lối ba cây số - nó quay đầu lại chạy về bến đậu. Lại nhúc nha nhúc nhích một lúc lâu đến khi có tiếng tu hít thổi ( Chắc là hiệu lịnh của cán bộ điều hành bến xe ) xe lại rồ máy chạy. Lần này, đúng là nó chạy thiệt bởi vì nó không có rề rề như hồi nãy ! Tôi thở cái khì.?

Xe không có bán vé, nhưng có một chị đi thâu tiền. Cái hay của chị này là chị ta nhớ người nào đã thâu rồi người nào chưa. Cho nên trong suốt " hành trình " trèo qua trèo lại trên những kiện hàng nằm ngổn ngang dọc hành lang để thâu tiền, không thấy ai phàn nàn phản đối gì hết.
Xe đang chạy, bỗng thấy thằng lơ cửa trước đứng thẳng lên mở dây nịt, kéo phẹt-mơ-tuya... cởi quần ! Hành khách tỉnh bơ. Có lẽ trên xe chỉ có một mình tôi là ngạc nhiên trố mắt nhìn. Một cô gái ngồi gần đó đưa cho nó mấy cây thuốc lá " 555 " và một nạm vòng thun, nó cầm lấy, xỏ vòng thun vào hai chân, cách khoảng nhau độ hơn một tấc, rồi nhét mấy cây thuốc vào đó, dài từ háng xuống mắc cá và ôm tròn chân từ mặt trong ra mặt ngoài. Trông nó giống Robocop của phim Mỹ ! Thì ra thằng lơ giấu hàng lậu dùm cô gái. Nó vừa mặc quần xong là đến lượt thằng lơ cửa sau. Nhưng thằng này quá gầy nên nó không cần cởi quần. Nó kéo ống quần đì-rét lên tới bẹn rồi làm y như thằng trước. Thằng này thì " cao cấp " hơn, vì nó còn " chêm " vòng theo thân mình tới năm cây thuốc lận ! Xong nó khệnh khạng đi về hướng cửa sau. Tôi nhìn theo, phục quá !
Xe vừa chạy vừa bóp kèn, đường trống vẫn bóp kèn. Làm như đã thành cái tật ! ( Ở Việt Nam bây giờ, chạy xe hơi, xe gắn máy trên đường - Nhà Nước gọi là " tham gia lưu thông ", nghe thật là văn vẻ - ai ai cũng bóp kèn, chạy ngoài đồng hay chạy trong thành phố gì cũng vậy hết. Lạ lắm ! ) Còn hai thằng lơ thì hễ thấy có người chạy lạng quạng phía trước thì lòn người ra ngoài, vừa la to " Vô ! Vô !" vừa vỗ vào thùng xe đùng đùng. Làm như kèn xe không đủ cho người ta nghe vậy ! Thấy ai đứng lớ ngớ đàng xa bên lề đường như có vẻ đón xe thì lơ hét to cho tài xế " Bà già đó ! Bà già đó !" hay " Con mẹ cầm nón đó ! Con mẹ cầm nón đó !". Nếu là hành khách đưa tay ngoắc thì xe chạy chậm lại, rề sát vào. Thằng lơ phía trước mở cửa rồi một tay nắm cây cột sắt nằm cạnh cửa lùa, lấy thế nghiêng người xuống hốt người khách đẩy vào trong xe trong lúc xe vẫn tiếp tục lăn bánh chớ không ngừng lại ( Sau này tôi mới biết rằng xe đò không được phép rước khách ngoài những nơi đã được ấn định bởi chánh quyền. Vì vậy xe không được ngừng dọc đường ngoại trừ khi xe ăn-banh !)

Thằng Đực vừa lái xe, vừa bóp kèn, vừa lách tránh những xe khác - đủ loại : Honda, xe đạp, xe thùng, xe ba gác, xe bò, xe ngựa... - vừa?liếc dài theo lề đường để " bắt " khách. Xe đang chạy ngon lành ( 50 km/giờ, tốc độ tối đa ấn định bởi Nhà Nước ) bỗng nó " nhả ga " chạy bớt lại và la lên :" Giao thông nghen ! Giao thông nghen ! Lấy tay lấy đầu vô bà con !". Hai thằng lơ cũng la theo :" Đừng ló đầu ra nghe bà con ! Giao thông đó !". Xa xa về phía trái, thấy có hai ông công an giao thông ngồi chàng hảng trên xe mô-tô dưới tàn cây bên lề, hút thuốc. Khi xe chạy ngang qua, mấy ổng chỉ nhìn theo cười cười, chắc hài lòng với sự biết " chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông " của tài xế Đực !

Đường xuống thành phố, ngày xưa, hai bên là ruộng lúa ruộng mía và giồng rau cải. Bây giờ nhà cửa cất dài dài, đồng ruộng còn rất ít. Quán ăn, quán nhậu thì quá nhiều. Phần lớn mang bảng hiệu rất thơ mộng như : " Hẹn hò ", " Vườn Thúy ", " Quán Trăng " Làm như bây giờ người ta thèm được?" phiêu phiêu " để quên đi một phần nào cuộc sống xơ cứng của hiện tại !
Bến xe Trảng Bàng nằm trước sân banh. Xe đò vừa vào bến thì một bầy trẻ con bán dạo ùa lên xe như ruồi, rao hàng ó trời ! Trong xe bỗng ồn ào như cái chợ. Nhiều đứa nhỏ mang hàng đầy hai vai. Hàng đựng trong những túi ni-long nhỏ bằng nắm tay, miệng cột túm lại bằng vòng thun. Mỗi loại được xỏ chung với nhau thành một đùm. Tụi nhỏ đeo nhiều đùm như vậy lên hai vai, nhiều đến nỗi không còn thấy cái cổ ! Chỉ còn thấy cái đầu nhỏ lòi ra trên đống túi ni-long tròn tròn.?

Tụi nhỏ bán loại này rao hàng có ca có kệ. Rồi vì muốn cho " có ca có kệ " nên nhiều tiếng để sai dấu, tôi nghe mà không hiểu hàng gì và hàng gì ! Phải nghe vài lần mới?" nắm bắt " được : " Sâm lạnh. Thuốc lá. Huynh gum. Trứng cúc. Bánh tráng muối. Nem chay. Đây?" Nếu có người mua, đứa nhỏ cầm túi ni-long giựt mạnh cho đứt sợi thun rồi trao cho khách, nhanh gọn lắm ! Ngoài ra, có những đứa bán " chuyên ngành " hơn, bán một thứ một, như chỉ bán giấy số hay thơm gọt sẵn, hay bánh tráng bánh phồng, hay thuốc lá..v.v... đủ thứ. Đứng đầy xe như vậy mà khi xe rồ máy lìa bến thì tụi nó đứa trước đứa sau phóng xuống như trò đu bay ! Thấy chết như không !

Xe chạy chậm chậm, rước vài người ở khúc cua Trảng Bàng. Đến Cầu Ông Chừa
- cách Trảng Bàng độ năm ba cây số - xe quay đầu chạy về bến trước sân banh ! Rồi cứ nhúc nha nhúc nhích để lấy thêm hành khách. Mấy đứa nhỏ lại ùa lên rao hàng. Độ hai mươi phút sau, xe lại lăn bánh. Lần này chạy thiệt.
Trên đường lúc nào cũng có người. Xe đạp, xe Honda ( Bây giờ, " Honda " là tiếng gọi chung cho xe hai bánh có gắn máy ) chạy loạn. Hai bên đường, thỉnh thoảng có bảng đề " Bia tươi " đặt trên lề trước quán nhậu. Tôi đã nghe nói " bia hơi ", " bia ôm ", nhưng loại " bia tươi " này là lần đầu !

Khều thằng lơ, tôi hỏi :
- Bia tươi là gì vậy cháu ?

Nó bật cười :
- Là bia làm tại chỗ, làm ngày nào là nhậu ngày nấy. Để vài ba bữa mà đớp vô là đi luôn à ông Hai !

Tôi gật gật đầu nhưng trong lòng sao nghe buồn chi lạ : bây giờ, đến " cái nhậu " cũng?" không giống ai " hết !

Bỗng thằng Đực vừa bớt ga rà thắng vừa la lên :
- Kinh tế ! Kinh tế ! Bà con.?

Trong xe, hành khách nhốn nháo. Kẻ thì đút giấu hàng dưới băng mặc dù ở đó đã đầy đồ, người thì chèn nhét hàng trong hốc trong kẹt, dưới đít mấy kiệng hàng rau cải gà vịt. Mấy bà mấy cô thì nhét trong áo trong quần chẳng thấy có chút gì xấu hổ hết !

Tôi nhìn con bé cạnh tôi, nó cười trấn an :
- Ông ngoại đừng lo. Mỗi người có quyền đi một bao dép. Con đi hoài hà !
Tôi " ờ " rồi hỏi một cách máy móc :

- Bộ con không có đi học hả ?
Nó cười rất tự nhiên :

- Đi học rồi lấy gì ăn, ông ngoại ?
Tôi xúc động, không dám nhìn gương mặt dễ thương đó nữa, tôi nhìn vội ra ngoài. Xe đã đậu lại. Bên kia đường, có một xe hàng nằm sau một xe Jeep. Hai ông công an kinh tế mặc sắc phục ( họ kiểm soát hàng lậu ) đang " làm việc " dưới tàn cây vệ đường với mấy người mà tôi đoán là lơ và tài xế của xe hàng. Thằng Đực cầm một xấp giấy tờ xum xoe chạy qua đó, chen vào chỉ chõ nói năng. Một lúc sau, thấy nó khúm núm cúi chào mấy cái rồi vui vẻ chạy trở về trèo lên xe sang số chạy thẳng !

image
Hình minh họa

Xe chạy không bao nhiêu xa, hành khách chộn rộn móc kéo hàng giấu hồi nãy cho vào bao vào bị. Hai thằng lơ cũng cởi quần lấy cây thuốc vòng thun trả lại cô gái, vừa làm vừa trò chuyện nói cười. Con nhỏ ngồi cạnh tôi kéo cái bao dép tôi đang ôm về phía nó, chẳng nghe một lời cám ơn. Mọi người đều hành động một cách tự nhiên, bình thường. Tôi bỗng thấy tôi không giống ai hết. Tôi là người " bất bình thường ", ngay trong lòng quê hương mà sao thấy thật là lạc lõng !
Xe ngừng ở Suối Sâu, hai thằng lơ - đứa trên mui, đứa dưới đất - xuống hàng : bao, bị, giỏ tre, cần xé lổn ngổn ( Những món này chắc của bạn hàng quen gởi và đã chất lên đó trước khi xe vào bến Gò Dầu ) Vừa làm, thằng lơ trên mui vừa nói lớn cho mấy người đang bu lại nhận hàng :" Hai cái cần xé nầy của dì Ba. Cái giỏ bội này cũng của bả nữa. Mấy thứ tôi liệng xuống đây của cô Bảy nghen. Rồi ! Xong ! Bây giờ là đồ của chú tư Xáng ".

Cô gái " đi " thuốc 555 lấy hàng nằm dọc hành lang trao qua cửa sổ cho một bà sồn sồn đứng phía dưới, vừa làm vừa nói chuyện huyên thiên. Bà đó hỏi :
- Mầy có ghé thăm con Hoa hông ? Nó đẻ chưa ?

- Chưa. Má lên trển mà coi. Cái bụng của chỉ bây giờ chang bang như cái mả vậy !

Nói rồi, cô ta cười hắc hắc. Chắc cũng là chuyện bình thường thôi.
Xe chạy tiếp. Bon bon 50 km/ giờ. Đến Củ Chi ngừng lại để xuống hàng lần nữa. Con nhỏ ngồi cạnh tôi xuống ở đây. Nó đứng lên, xách hai bao dép đi, không nói một lời, cũng không nhìn lại. Nó làm tự nhiên như tôi không có mặt trên xe !
Sau khi xuống hàng, xe chạy thẳng về thành phố, không ngừng ở trạm nào nữa hết. Tôi đoán :" Trên mui chắc không còn hàng ".
Bến xe Tây Ninh nằm ở Bà Quẹo. Bến này rộng lắm, vây quanh bởi một tường rào. Khi xe đò quẹo vào, thấy người ta chạy theo lố nhố. Chừng xe đậu rồi, nghe họ mời mọc tía lia mới biết họ là những người lái xe ôm, xe ba gác đang tranh nhau kiếm mối chở đi. Thằng Đực nói :
- Ông Hai ngồi đây, đừng đi đâu hết. Để con kiếm mấy thằng xe ôm quen cho ông Hai.

image
Hình minh họa: xe ôm

Tôi nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 20. Hồi ở Gò Dầu, tôi lên ngồi trên xe lúc 8 giờ sáng. Tính ra, tôi đi 63 km mất hết hai giờ hai mươi phút !
Một lúc sau nó dẫn đến một người đàn ông cỡ tuổi nó, vừa vỗ vai người đó vừa nói :
- Thằng này tên Chín, ở cùng đơn vị với con hồi trước. Nó đàng hoàng lắm, ông Hai. Mà ông Hai về đâu vậy ?

- Ông về nhà thằng cháu ở khu Đại học Phú Thọ.

Thằng Đực lại vỗ vai bạn :
- Tao giao ông Hai cho mày đó. Tính tiền cho có tư cách nghe mậy.

- Yên chí?

Vừa nói thằng Chín vừa cầm ba lô của tôi :
- Ông Hai đi theo con.

- Ủa ? Xe của cháu đâu ?

- Dạ để ngoài kia, chớ đâu được phép đem vô đây, ông Hai. Cấm mà !
Vậy là mấy phút sau, tôi " ôm " về nhà thằng cháu. Đó là lần đầu tiên tôi đi xe ôm.

image

Ở thành phố, người ta thường đi xe ôm, nếu chỉ đi có một mình. Xe ôm rẻ hơn xe taxi nhiều và nhanh hơn nhờ nó lòn lách dễ. Biết như vậy nên sáng hôm sau tôi ra đường đón xe ôm để đi thăm bạn bè.?
Nếu xích lô và taxi dễ " nhận diện " nhờ hình dáng và chữ " taxi " bên hông, thì xe ôm rất khó biết. Bởi vì trên đường lúc nào cũng đầy người chạy Honda, chạy xuôi chạy ngược, không có dấu hiệu đặc biệt gì hết thì biết ai " ôm " hay ai không " ôm " ? Nếu xe ôm được sơn một màu ấn định, hay người lái xe có gắn một cái gì trên ngực trên lưng, hay ít ra cũng đội nón kết có in hai chữ " xe ôm " thì dễ cho mình nhìn ra, để ngoắc cho đúng. Đằng này, ai cũng như ai.
Ngoắc đại mấy lần thấy " trật chìa ", tôi bèn đổi " chiến thuật ". Tôi bước ra đứng trên mép vỉa hè, mặt làm ra vẻ dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược như đang tìm xe ôm trong luồng người chạy Honda. Thấy một người vừa chạy vừa nhìn dài dài theo phố, tôi mừng rỡ vẫy tay ra dấu. Anh ta chạy luôn. Vậy là anh ta đang tìm cái gì khác chớ không phải tìm khách hàng. Tôi lại làm bộ dáo dác cho người khác để ý. Lần này có một ông tấp vô, mỉm cười hỏi :
- Đi không ông Hai ?

Tôi gật đầu, nói địa chỉ, trả giá - căn cứ trên giá đi hôm qua - rồi ôm đi ( Gọi là " ôm " chớ hành khách không có ôm người lái. Nhiều người không biết, cứ nghĩ rằng trèo lên xe là phải ôm ! Cho nên, khi trở về Paris thuật lại vụ đi xe ôm, vợ tôi hỏi :" Có đàn bà lái xe ôm hông ?" )
Trên đường, xe chạy như loạn. Hai luồng ngược chiều nhau lấn ép lòn lách, bóp kèn như điên ! Thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào !
May quá, ông lái xe của tôi - khá trọng tuổi - chạy từ tốn. Ổng cứ men theo lề mà chạy và đặc biệt là không nghe ổng bóp một tiếng kèn ! Ngạc nhiên, tôi hỏi :
- Sao ông không bóp kèn ?

- Bóp cho ai nghe ? Ai cũng bóp kèn hết, rền trời. Mình có bóp cũng vô ích !
Ngừng một chút rồi tiếp :

- Cứ làm thinh như vậy mà người ta để ý. Người ta nghe mình làm thinh !
Rồi ông ta cười ha hả. Tôi cũng bật cười theo. Khoái quá, tôi vỗ vai ổng :
- Hay ! Hay !

Rồi không kềm được, tôi hỏi thẳng :
- Hồi trước ông làm gì ?

Ngầng ngừ một lúc, ổng mới nói :
- Dạ, làm giáo viên.

- Dạy trường nào vậy ?   

- Dạ, trường trung học X.  

- Dạy trung học sao gọi là giáo viên được ? Phải gọi là giáo sư chớ. 

- Xin lỗi ông. Hồi nãy nhìn ông tôi đã đoán ra ông là Việt Kiều. Bây giờ, ông hỏi như vậy đúng là ông không phải người ở trong nước. Bây giờ, đi dạy học cao thấp gì cũng gọi là giáo viên ráo. Muốn được gọi " giáo sư " phải được " Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước " xét duyệt hồ sơ. Khi họ công nhận, họ cấp cho mình chức danh giáo sư. Chừng đó, mình mới được gọi là giáo sư. Ông hiểu không ?

Tôi nhớ lại tôi có một người bạn hồi đó cũng dạy trường trung học X. Tôi nói :
- Tôi có một người quen cũng dạy ở trường X nữa. Ông tên Nguyễn Văn Y.

Giọng ông xe ôm có vẻ như reo lên :
- Anh Y dạy lý hoá. Ảnh mộc mạc dễ thương lắm. Lúc nào cũng thắt cà vạt đen !
Ông xe ôm nói đúng. Như vậy ổng là giáo sư thiệt, không phải ổng ba xạo. Tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên ngực. Tôi đặt một tay lên vai ông ta, muốn nói gì đó thật nhiều. Nhưng sao tôi không tìm ra được lời, tiếng nói bị nghẹn ngang trong cổ. Tôi chỉ biết bóp nhẹ vai của ổng, cái vai bây giờ tôi mới thấy là gầy. Chắc ổng hiểu cử chỉ của tôi nên làm thinh. Tôi bóp vai ổng mà tưởng chừng như tôi đang bóp vai một người bạn cố tri, tưởng chừng như tôi đang mân mê một cái gì trân quí của thời cũ. Tôi như thấy lại được cái thời đã mất đó với những giá trị tinh thần của nó, cái thời mà nhà giáo dù nghèo cũng chưa đến nỗi phải chạy xe ôm như bây giờ.

Ông xe ôm im lặng lái xe. Tôi im lặng nhìn cảnh tượng xô bồ hỗn tạp trên lòng đường phố. Bàn tay tôi vẫn đặt trên vai ông ta như để giữ thăng bằng. Sự thật, tôi muốn giữ nguyên như vậy để ổng cảm nhận rằng giữa ổng và tôi không có một sự cách biệt nào hết. Không có người lái xe ôm, không có khách đi xe ôm. Mà chỉ có hai thằng bạn...
Bỗng ở phía ngược chiều, một người đàn ông lái Honda nhìn về phía bên này gọi to :" Thầy ! Thầy !". Tôi thấy anh ta chật vật lòn lách quay đầu xe lại, chạy theo chúng tôi. Chừng đến ngang nhau, anh ta hớn hở :
- Thầy mạnh hả thầy ?

Giọng ông xe ôm cũng vui vẻ :
- Ờ ! Mạnh ! Cám ơn ! Em đi đâu vậy ? 

- Dạ ! Em chạy áp-phe. Thấy thầy em nhìn ra được liền hà ! Tụi thằng A thằng C nói có gặp thầy nên em thường để ý kiếm, bây giờ mới gặp. Mừng quá, thầy !

- Ờ ! Cám ơn ! Hai mươi mấy năm mà tụi em còn nhớ tới thầy là thầy vui rồi.

- Làm sao quên được, thầy ? Hồi đó, thầy là thần tượng của tụi em mà !

image
Hình minh họa

Ông xe ôm làm thinh. Chắc cả một dĩ vãng đang được quay nhanh lại trong đầu. Tôi bóp nhẹ vai ông ta, chia xẻ.
Hai thầy trò vừa lái xe vừa nói chuyện với nhau một lúc rồi người đó xin phép " đi làm ăn ". Chúng tôi im lặng, tiếp tục đoạn đường còn lại. Sự im lặng nào sao cũng nói thật nhiều...
Đến nhà anh bạn tôi, tôi trả tiền cuốc xe ôm mà không dám cho thêm như tôi đã làm hôm qua với thằng Chín. Tôi muốn ông ta thấy rằng tôi vẫn kính trọng ông ta, vẫn xem ông ta là một giáo sư. Ông ta nhìn tôi mỉm cười. Chúng tôi bắt tay nhau, cái bắt tay đó ngầm nói lên rằng, dù cuộc đổi đời có vĩ đại đến đâu, mình vẫn giữ được cái tình người trân quí của thời cũ.
Lần đi xe ôm đó tôi nhớ hoài đến bây giờ. Viết lại mà vẫn còn nghe xúc động.


11.12.2005

Tiểu Tử

Sanh : 1930
Nguyên quán : Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh )
Bút hiệu : Tiểu Tử

- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy lý hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Ðịnh cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) :
1979/ 1982.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn " Trò Ðời " của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện " Những Mảnh Vụn " ( Làng Văn Toronto xuất bản ) là tập truyện đầu tay.
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 08/Feb/2012 lúc 11:03pm
 
Vừ đọc bài nầy của một người gởi qua email, xin post lên đây để mọi người xem.
 
 
Poème original en français
Je croyais que vieillir. . .

Je croyais que vieillir me rendrait bien maussade,
Craignant chaque saison, les années, le tapage,
Le grand vent et la pluie, l’esprit qui se dégrade,
Les cheveux clairsemés, les rides du visage.

Et puis je m’apercois que vieillir n’a pas d’âge,
Qu’il ne faut point gémir, au contraire chanter
Et même, à petits pas, les jours ont l’avantage
D’être beaux et trop courts quand ils sont limités.

Je croyais que vieillir c’était le ciel tout gris,
Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire,
Les fleurs sans chansons, les arbres rabougris,
Un livre sans histoire, un crayon sans écrire.

Et puis je m’aperçois que vieillir rendre bien sage,
Que je vis chaque instant sans penser à demain,
Que je ne compte plus les années de mon âge,
Peu importe le temps, le crayon à la main.

Je croyais que vieillir transformerait mon âme,
Que je ne saurais plus comptempler les étoiles,
Que mon cœur endurci n’aurait plus cette flamme,
Qui transforme la vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m’aperçois que les plus belles roses
Fleurissent à l’automne et sous mes yeux ravis,
Je respire très fort ce doux parfum que j’ose
Garder pour embaumer l’automne de ma vie.

Marcelle Paponneau
(La voix de l’Hospitalite)
-----------------------
 
 
 
Version anglaise que j'ai traduite
I thought that old age…

I thought that old age would make me gloomy,
Fearing every season, the p***ing years and the noises,
The great winds and the rains, and the mind starting to fail,
The hair becoming sparse, the wrinkles on my face.


Then I found out that growing old is ageless,
That rather than moaning, I should be singing,
And even though in small steps, the days appear
More beautiful and even too short when they are limited.
I thought that old age is like a colorless sky,
Like the spring without flowers, the lips without a smile,
The flowers without a song, the trees without leaves,
A book without a story, and a pencil in hand without a single word!


And then I found that growing old means growing wiser,
That I can live every moment of my life without worrying about to-morrow,
That I do not need to count the years of my age.
Who cares about to-morrow, a pencil in hand ready to write !


I thought that old age would change my soul,
That I no longer know how to admire the stars,
And that my hardened heart no longer has that flame,
That enlightened my life when the sky became dull.


And then I found that the most beautiful roses
Bloom in the fall and under my delightful eyes.
I take a deep breath at that sweet smelling that I dare
To keep, in order to perfume the autumn of my life.

-------------------------
 
 
Version Vietnamienne que j'ai traduite
Tuổi già …

Tôi cứ ngở tuổi già là buồn tẻ,
Sợ ngày mùa, năm tháng quá trôi nhanh,
Sợ gió to, mưa lớn, loạn tâm thần,
Sợ đầu bạc, sợ làn nhăn trên nét mặt.


Nhưng chợt thấy tuổi già không bờ bến,
Không buồn phiền còn mang lại chút vui riêng,
Bước từ từ đến khoảng cuối đường đời,
Ngày tuy ngắn nhưng ngày càng tươi đẹp.


Tôi cứ ngở tuổi già… trời đen tối.
Xuân vắng hoa, nụ cười đả tắt đi.
Hoa không nhạc như cành cây không lá.
Sách không đề, cầm ngọn bút chẵng ra thơ.


Nhưng chợt thấy tuổi già… lòng lắng lại,
Sống ngày nay chẵng nghỉ đến ngày mai.
Tôi ngừng đếm những tuổi đầu chồng chất,
Mặc ngày trôi, tôi cầm bút họa thành thơ.


Tôi cứ ngở tuổi già… hồn tôi lạnh,
Quên trầm mình ngắm vủ trụ đầy sao.
Tim đã chay mất ngọn lửa nhiệt tình
Giúp tôi sống khi bầu trời u tối.


Nhưng chợt thấy những hoa hồng đẹp nhất
Nở vào thu, lòng tôi rất hân hoan.
Tôi hít mạnh những mùi hương thoáng nhẹ,
Mong thêm vài hương vị cuối đời tôi.
 


 
 







Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 08/Feb/2012 lúc 11:09pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 20/May/2012 lúc 7:25pm

Đoạn ghi nhớ một mùa hạ và những chiếc ổ líp xe đạp đem ra chợ trời bán

Posted: 20/05/2012 in Thơ, Đinh Cường     
Đinh Cường
tặng Hồ Đình Nghiêm


Hồ Đình Nghiêm qua nét vẽ Đinh Cường

Mùa hạ Nghiêm xuôi dòng Ngọc Bích
Bao năm dâu biển cũng tang bồng
Bao năm người đã xa Thành Nội
Trăng nội thành như lệ xanh thêm

Mùa hạ quấn mền người ngủ muộn
tiếng chim trên cành nhãn hiền khô
mấy bông hồng nở ngoài sân trước
căn nhà kỷ niệm một thời xưa[1]

Mùa hạ qua bến bờ Mộng Lệ[2]
bao nhiêu truyện kể ngậm ngùi thay
vẫn luôn là Huế là gian khó
những ngày vượt biển đến Hồng Kông

Mùa hạ Nghiêm ơi mùa hạ đến
xuôi dòng Ngọc Bích nước xanh trong
đêm nghe lời nhạc Sơn ghi lại :
cơn mưa là nắng của vô thường[3]

Virginia, 18 May 2012
Đinh Cường
Nguồn: Tác giả gửi thơ và tranh

[1] căn nhà phía sau trường Mỹ Thuật Huế
[2] Montreal có người nói thành Mộng Lệ An
[3] trong ca khúc Mưa mùa hạ của Trịnh Công Sơn

Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 20/May/2012 lúc 7:31pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 23/Dec/2012 lúc 1:55pm

Mời đọc rất ý nghĩa!!


 


Việc Tốt và Việc Xấu
 
Một người đàn bà nướng bánh mì cho gia đình mình và làm dư ra một cái để cho người nghèo đói.

Bà để ổ bánh mì dư trên thành cửa sổ bên ngoài cho người nghèo nào đó đi qua dễ lấy.  Hàng ngày, có một người gù lưng đến lấy ổ bánh mì. 

Thay vì nói lời cám ơn, ông ta vừa đi vừa lẩm bẩm những lời sau đây:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Điều này cứ diễn ra, ngày này qua ngày khác.  
Mỗi ngày, người gù lưng đến lấy bánh và lại lẩm bẩm câu :  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người, việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”

Người đàn bà rất bực bội.  
Bà thầm nghĩ, "Không một lời cám ơn, ngày nào người gù này cũng đến lấy bánh ta làm rồi lải nhải giai điệu khó chịu ấy!  
Hắn ta muốn ám chỉ điều gì?”

Một ngày kia, không chịu được nữa, bà quyết định cho người gù đi khuất mắt.  
Bà tự nhủ, “Ta sẽ làm cho hắn mất dạng.” 
Và bà đã làm gì ?   Bà cho thuốc độc vào ổ bánh mì dư bà làm cho người gù !  
Khi bà sắp sửa bỏ ổ bánh có thuốc độc lên thành cửa sổ, đôi tay bà bỗng run lên.

Bà hốt hoảng,  “Ta làm gì thế này?”  
Ngay lập tức, bà ném ổ bánh có thuốc độc vào lửa và vội làm một cái bánh mì ngon lành khác rồi đem để lên thành cửa sổ.

Như mọi khi, người gù lưng đến, ông ta lấy bánh và lại lẩm bẩm:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người.” 

 Ông ta cầm ổ bánh đi cách vui vẻ mà không biết rằng trong lòng người đàn bà đang có một trận chiến giận dữ.
 
Mỗi ngày, khi người đàn bà đặt ổ bánh mì cho người nghèo lên thành cửa sổ, bà đều cầu nguyện cho đứa con trai đi xa tìm việc làm.  
Đã nhiều tháng qua, bà không nhận được tin tức gì của con.  
Bà cầu nguyện cho con trở về nhà bình an.

Buổi chiều hôm đó, có tiếng gõ cửa.  
Khi mở cửa ra, bà ngạc nhiên thấy con trai mình đứng trước cửa.  
Anh ta gầy xọp đi. Quần áo anh rách rưới đến thảm hại.  Anh ta đói lả và mệt.  

Khi trông thấy mẹ, anh ta nói:  
“Mẹ ơi, con về được đến nhà quả là một phép lạ. Khi con còn cách nhà mình cả dặm đường, con đã ngã gục vì đói, không đi nổi nữa và tưởng mình sẽ chết dọc đường.  Nhưng bỗng có một người gù lưng đi ngang, con xin ông ta cho con một chút gì để ăn, và ông ta đã quá tử tế cho con nguyên một ổ bánh mì ngon.  Khi đưa bánh cho con, ông ta nói:  “Đây là cái mà tôi có mỗi ngày, nhưng hôm nay tôi cho anh vì anh cần nó hơn tôi!”

Khi người mẹ nghe những lời đó, mặt bà biến sắc.  
Bà phải dựa vào thành cửa để khỏi ngã.  
Bà nhớ lại ổ bánh mì có thuốc độc mà bà đã làm sáng hôm nay.  
Nếu bà không ném nó vào lửa thì con trai yêu quý của bà đã ăn phải và đã chết !

Ngay lập tức bà nhớ lại câu nói có ý nghĩa đặc biệt của người gù lưng:  
“Việc xấu người làm thì ở lại với người; việc tốt người làm thì sẽ trở lại với người!”
 
Lạy Chúa,
Xin hãy gia ơn để chúng con biết luôn luôn làm việc tốt
và không ngừng làm việc tốt,
ngay cả khi việc tốt chúng con làm không được ai biết đến lúc ấy.
Amen.
 
    Nguồn: Internet
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 06/Jan/2013 lúc 9:14pm
 

 
Câu chuyện thứ 127 Gửi người đàn ông tôi từng yêu thương và hận thù
 
Kính thưa quý độc giả! Chắc quý độc giả còn nhớ câu chuyện khó tin nhưng có thật: "Tôi là kẻ có tội" in 2 kỳ trên Báo ANTG Giữa tháng và Cuối tháng cách đây 4 tháng, tức là 2 số báo trong tháng 5/2010. 

Trong đó ông T.V.N., ở Hà Nam, đã viết lại nỗi tâm sự của mình trong những ngày tháng ông đau nặng ở Bệnh viên K. Hà Nội về nỗi éo le trong cuộc đời của ông khi ông yêu một người nhưng cuối cùng lại bỏ người đó và cưới một người con gái khác về làm vợ. 
H., người bạn gái cùng làng, người yêu đầu đời của ông T.V.N. sau khi bị ông T.V.N. phụ tình, đã chọn một cuộc sống lặng lẽ. Mãi sau này, chị đã tự nguyện kết hôn với người em trai bị thiểu năng của ông T.V.N. và sống trong gia đình. Sự lựa chọn của H. đã làm cho ông T.V.N. choáng váng vì không thể hiểu được tại sao, một người con gái có nhan sắc, có nghề nghiệp ổn định, có tương lai rộng mở, và biết bao người đàn ông theo đuổi lại lặng lẽ chối từ hết để trở thành em dâu của người yêu mình. 
Sự lựa chọn của H. như một đòn trừng phạt đối với ông T.V.N. Bởi sống trong một tổ ấm hạnh phúc, với người vợ yêu thương và các con ngoan, ông T.V.N. không thể nào bình yên được khi nhìn thấy người yêu cũ của mình là cô H. sống tận tụỵ và hy sinh bản thân vì chính gia đình của ông, vì người em trai bất hạnh của ông. H. đã quên mình đi, hy sinh mình để vá víu những phần không hoàn thiện trong gia đình của ông H. 
Điều đó càng làm cho ông T.V.N. giày vò, đau khổ vì cảm thấy mình là người có lỗi đã đưa đẩy H. tới một giải pháp buồn và bất nhẫn như vậy. Thế rồi, sau một lần, trong lúc em trai bị tai nạn cấp cứu ở viện, cô H. lên chăm chồng và về tắm giặt vệ sinh cá nhân ở nhà riêng của vợ chồng ông T.V.N.. 
Một khoảnh khắc không kiềm chế được bản thân, ông T.V.N. đã đi quá giới hạn với người em dâu, đồng thời cũng là người yêu đầu đời của mình, người mà ông đã thề non hẹn biển sẽ cưới về làm vợ. Em trai kể từ tai nạn ấy bệnh nặng một thời gian rồi mất. Cũng sau cái lần quá giới hạn đó, ông T.V.N. mới đau đớn hơn khi biết rằng dù lấy chồng là em trai ông nhưng H. vẫn còn trinh và chưa từng một lần nào trở thành đàn bà sau bấy nhiêu năm làm vợ. H. có bầu và sinh con trai. 
Một năm sau giỗ đầu của chồng, H. xin phép gia đình chồng bế con đi vào vùng kinh tế mới. Hai mẹ con H. đi bặt tích 20 năm nay, không một lần trở lại, không một hồi âm. Ngày ông T.V.N. bị bệnh nặng, đã gửi thư lên toà soạn Báo ANTG Cuối tháng kể lại câu chuyện uẩn khúc của đời mình và thêm một hy vọng mong manh là biết đâu, ở nơi nào đó H. sẽ đọc được câu chuyện cùng lời xin lỗi của ông mà mang con trở về để ông T.V.N. thanh thản trước khi nhắm mắt. 
Hai kỳ báo: "Tôi là kẻ có tội" đã in trên báo liên tiếp nhau trong tháng 5/2010. Bẵng đi một thời gian khá dài, (gần 4 tháng), độc giả và BBT chúng tôi cũng đã quên đi câu chuyện của ông T.V.N. vì đã có những câu chuyện khác gửi tới và chúng tôi lần lượt đăng tải. Thế nhưng, thật vô cùng bất ngờ khi đúng vào dịp rằm tháng 8, Tết Trung thu, BBT chúng tôi nhận được một bức thư khá dài không ký tên ai gửi. 
Bức thư có tiêu đề: "Gửi người đàn ông tôi từng yêu thương và thù hận". Chúng tôi đã đọc bức thư này và dù tác giả không nói ra một cách cụ thể nhưng bằng trực giác nghề nghiệp, chúng tôi biết chắc chắn đây là bức thư hồi âm của cô H., nay đã là bà H. gửi cho ông T.V.N.
Bức thư không đề địa chỉ người gửi, và không yêu cầu được đăng báo, và không có một ý gì cho thấy tác giả muốn gặp lại ông T.V.N. hay gia đình ông TVN. Theo chúng tôi dự đoán, đây chỉ như một hồi âm nhằm giúp cởi bỏ những mắc mớ, dằn vặt, u hoài trong trái tim nặng trĩu của ông T.V.N. để ông có thể thanh thản mà lên thiên đàng. Chúng tôi xin trích đăng bức thư của bà N.T.H.

"Gửi ông TVN, người tôi từng yêu thương và thù hận!
Tôi không định lên tiếng đâu, sau tất cả những gì đã xảy ra quá đủ cho một đời người cả tôi và ông đều đau khổ. Bây giờ, tôi đã đi quá xa nơi tôi sinh ra, lớn lên và lưu giữ nửa phần ký ức của cuộc đời buồn. Tôi không thể quay trở về nữa. Càng không muốn khơi gợi lại dẫu chỉ là một chút những kỷ niệm cũ mà tôi muốn chôn sâu. Nhưng tình cờ biết được ông hiện đang bệnh nặng, sống chết có thể nay mai. Tôi đắn đo mãi. Tôi không thể trở về bên ông, nói vài lời, hay thắp cho ông nén nhang khi ông lâm chung. 
Tôi đã quyết tâm giã từ tất cả kể từ ngày tôi ôm con ra đi, vì thế coi như tôi và ông không còn nợ nần nhau điều gì. Nhưng nghĩ đến nghĩa tận, cuối cùng, tôi quyết định viết thư cho ông qua tòa báo. Tôi không muốn gửi trực tiếp cho ông vì có thể nó ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của ông khi đã đề huề con cháu. Tôi chọn cách gửi cho quý báo, bức thư có đến được với ông hay không cũng là tuỳ duyên trời định đoạt vậy.
Mọi thắc mắc của ông về tôi, tôi xin được giải đáp để ông rõ. Tôi đã từng yêu thương ông vô cùng, và cũng trở nên hận thù ông vô cùng kể từ ngày ông bước chân vào đại học, ông phụ tình tôi, phụ luôn lời thề ước để đến với người con gái khác. Tôi yêu ông, bởi thế mà tôi không thể nguôi quên được hình ảnh ông. 
Kể từ lúc ông dẫn người con gái khác về nhà ra mắt bố mẹ rồi làm đám cưới. Tôi như kẻ chết đi sống lại nhiều lần. Với một người con gái thôn quê như tôi, học hành giỏi giang như ông, thì ông là một thần tượng về mọi thứ. Có được tình yêu của ông, tôi đã thầm cảm ơn trời phật. Tôi tự hứa nếu không làm vợ được ông tôi nguyện sẽ cắt tóc đi tu. Thời của ông và tôi, người con gái nào có chút học hành cũng cầu mong có một tình yêu đắm say và lãng mạn như vậy. 
Nhưng tôi đã không thể cắt tóc đi tu khi bị ông phụ bạc. Tôi còn quá yêu ông nên mối thù hận ông sâu nặng đến mức tôi đã mụ mị, đã điên dại, đã lặng lẽ đi theo ông với ý nghĩ là cho hết cuộc đời mình. Ông không thuộc về tôi, tôi chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để giữ. Tôi đau đớn nhìn người con gái khác đi bên ông, sinh nở những đứa con cho ông, hạnh phúc với vai trò làm vợ. 
Tôi đã lủi thủi trong cảm giác đơn lạnh, và tôi không biết mình đã làm gì với mối tình của mình. Tôi nhắm mắt đưa chân chấp nhận về làm em dâu ông, làm vợ người con trai thiểu năng, bệnh thần kinh của nhà ông để có được cảm giác tôi vẫn là một thành phần máu mủ trong gia đình ông, một gia đình mà tôi ước ao vô cùng được bước chân vào đó với tư cách là con dâu. 
Không được làm vợ ông, tôi chọn giải pháp đau đớn là làm vợ em trai tàn phế của ông. Lựa chọn của tôi làm cho tôi thỏa mãn cảm giác tôi vẫn được gần gũi ông theo một cách nào đó, được là một phần trong gia đình của ông theo một cách nào đó. 
Và còn nữa, cảm giác hận ông, trả thù ông và làm cho ông giày vò đau đớn khi tôi bất hạnh. Ông đã linh cảm đúng rằng tôi trả thù ông, trả thù mối tình bạc bẽo giữa tôi và ông bằng cách khi tôi chấp nhận bước chân về làm vợ em trai thiểu năng của ông. Nhưng ông không hề biết đến một sự thực nữa sau tất cả, đó là tôi vẫn còn yêu ông, yêu và khát khao ông mãi mãi.
Cũng có thể ông trời đã động lòng với mối tình dị thường của tôi mà ban cho tôi giây phút tôi thuộc về ông để rồi trong cơn hoan lạc đầu đời của một người con gái chưa từng nếm mùi chăn gối, tôi đã có được ông vĩnh viễn. Chắc ông đã ngạc nhiên lắm, sung sướng lắm, và cũng đau lòng lắm, ám ảnh lắm, khi hơn 30 tuổi rồi tôi vẫn còn là người con gái trinh tiết như buổi đầu yêu ông, đến với ông trong mối tình duy nhất. 
Chắc ông đau đớn lắm khi biết tôi làm vợ rồi, làm em dâu của ông rồi mà tôi vẫn còn trinh. Tôi không cần biết ông nghĩ sao, chỉ biết rằng sau giây phút được sống thật với chính mình một lần duy nhất trong đời, tôi thấy mình trống rỗng và vô nghĩa. 
Có lẽ, em trai ông, người chồng bất hạnh của tôi chính là thiên sứ trời mang xuống để giải thoát cho tôi khỏi những mù lòa, luẩn quẩn của tôi chăng? Tôi đã trả thù ông được rồi. Đủ để cho ông đau khổ, dằn vặt, và ám ảnh. Nhưng có một thứ ngoài mong đợi của tôi, đó là giọt máu ông để lại trong lần ấy. 
Tôi đã bối rối và đau khổ vì tôi không dám mong đợi nhiều đến thế. Tôi không có quyền làm cho thêm một ai đau khổ vì mối tình bị phụ bạc của ông và tôi. Có phải là nghiệp chướng ông trời trừng phạt tôi không khi theo lẽ thường tôi và ông không đến được với nhau lẽ ra tôi phải quên ông đi để yêu một người con trai khác và lập gia đình, chứ không phải là đeo đẳng vào cuộc đời ông để trả thù. 
Khi đứa con trong tôi biết quẫy đạp cũng là lúc tôi hiểu rằng chính tôi mới là kẻ có lỗi, tôi cần phải rời khỏi gia đình ông, rời khỏi ông vĩnh viễn. Chính tôi mới là kẻ cần được tha thứ chứ không phải là ông. Cuộc đời vốn dĩ vẫn cắc cớ như vậy. Trong họa có phúc, trong phúc có họa. Khi ta cố đạt được thứ ta muốn thì ta sẽ mất đi nhiều thứ khác lẽ ra ta có được. Con người trong vũ trụ này mới bé nhỏ làm sao, sinh li tử biệt là lẽ tự nhiên của trời đất không ai cưỡng được.
Tôi mang con ra đi vì muốn chạy trốn mọi tội lỗi trong tâm hồn mình. Tôi là người mẹ không bao giờ được tôi tha thứ. Tôi ôm con trong lòng và nghĩ như vậy. Tại sao tôi lại làm cho con tôi khổ, làm cho số phận của con tôi không bình thường ngay khi hình thành. Tại sao tôi lại ích kỷ đến nhẫn tâm như vậy chứ. 
Và ông biết đấy, tôi đã trốn chạy mãi mãi. Lý do 20 năm tôi không một lần ngoái đầu trở về là vì tôi cảm thấy tôi có lỗi, giày vò lương tâm. Toà soạn báo đã nói đúng: Sống trong oán hận chỉ làm dày thêm oán hận mà thôi. Tại sao tôi lại làm như thế chứ. Tại sao tôi lại độc ác với chính tôi, và với ông, với cả em trai ông đến như thế chứ. Tôi khóc rất nhiều.
Tôi đã nuôi con trai ông khôn lớn. Con trai ông giờ đã là người rất thành đạt. Tôi xin lỗi ông vì con chưa từng biết bố đẻ của mình là ông cho đến khi tôi viết bức thư này. Trước đó, tôi chỉ nói với nó rằng, bố của con đã mất ngay khi con chưa lọt lòng. Tôi mang nó lên chùa sống cùng tôi. Hai mẹ con tôi đã lớn lên trong nhà chùa, ngày ngày bạn với kinh kệ, phật pháp. 
Con trai ông giờ đã là nhà sư trụ trì ở một ngôi chùa không lớn lắm nhưng cũng đủ cho tâm hồn mẹ con tôi tĩnh lặng và không gợn nỗi sầu khổ. Con trai ông đã lựa chọn sự nghiệp tu hành mà không vì bất kỳ lý do nào. Tôi cũng không khuyến khích nó chọn nghiệp hành đạo. Tôi muốn nó ra cuộc sống bên ngoài, sống bình thường như bao người khác và lấy vợ sinh con. 
Nhưng cuộc đời có phải cứ muốn là được. Tôi tôn trọng lựa chọn của con. Vậy là ý nguyện tu hành khi xưa, khi bị ông phụ bạc đến lúc ấy mới có duyên để đạt đạo. Tôi ngày ngày vẫn tụng kinh niệm phật cầu siêu cho những linh hồn sầu khổ ai oán. Tôi đã cảm thấy thanh thản và hết vướng bận cho đến ngày vô tình đọc được câu chuyện của chúng ta ở trên báo. 
Tôi đã thú thật hết với con trai và xin con một lời khuyên làm sao cho phải đạo với ông. Thật may, con trai tôi khuyên tôi viết bức thư này gửi tới ông thay cho gặp mặt. Con trai tôi nói rằng, đối với kẻ tu hành thì coi như không có bất kỳ một mối quan hệ ràng buộc nào ở cuộc đời bên ngoài. Thế nên ông thấu hiểu cho mẹ con tôi.
Biết ông bệnh nặng, tôi tụng kinh niệm chú cho ông qua được hoạn nạn. Nếu không qua được, thì đó cũng là số trời, ông cứ thanh thản mà đi nhé. Vĩnh biệt ông".
 
Lời BBT: 
Bạn đọc kính mến! Trên đây là bức thư của một người không ký tên gửi tới toà soạn. Bạn đọc đọc hết bức thư này chắc chắn đã hiểu người gửi thư muốn gửi tới ai. Qua đây, một lần nữa, chúng tôi xin gửi đến tất cả mọi người, những ai đang sống trong những mối oán hận, hay mâu thuẫn trên thế gian này, hãy biết tha thứ cho nhau, xoa dịu nhau bằng tình yêu thương, hoà thuận, để cuộc đời bớt đi những bi kịch, con người bớt đi những bất hạnh mà sống an vui trong cõi này.
 
 



Chỉnh sửa lại bởi lo cong - 06/Jan/2013 lúc 9:14pm
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
lo cong
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 30/Oct/2007
Đến từ: Canada
Thành viên: OffLine
Số bài: 2596
Quote lo cong Replybullet Gởi ngày: 20/May/2013 lúc 12:10pm
 
 

Tình đời !!!

Người Viết Mướn
Tiểu Tử 2013/04/23

alt
Nhà văn Tiểu Tử :
Nhà văn Tiểu Tử, tên thật là Võ Hoài Nam. Ông là con trai duy nhứt của giáo sư Võ Thành Cứ, cựu giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Ông sanh ngày 19 tháng 7 năm 1930 tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp quốc năm 1955. Ông về Việt Nam, dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1955-1956. Tháng 10 năm 1956, ông vào làm việc tại hãng xăng Shell Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Sau đó, ông nhận làm việc cho công ty Đường Mía của nhà nước tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982. Ông qua làm hãng xăng Shell Côte d’Ivoire cho đến khi về hưu (1982-1991). Hiện ông đang nghỉ hưu tại Paris, Pháp quốc.

***
Người Viết Mướn
 
Ở chợ Plateau thành phố Abidjan (thủ đô cũ của xứ Côte d'Ivoire, Phi Châu) ai cũng biết ông già viết mướn đó. Người ta gọi ông là " l'écrivain chinois " (ông Tàu viết mướn).
Xứ Côte d'Ivoire – thuộc vùng Phi Châu Da Đen – ngày xưa là thuộc địa của Pháp. Dân bản xứ đi học bằng tiếng Pháp. Và vì họ gồm nhiều bộ tộc, mỗi bộ tộc nói một thổ ngữ, nên họ phải dùng tiếng Pháp để hiểu nhau. Về sau, khi đã độc lập rồi, trường vẫn dạy bằng tiếng Pháp và ngôn ngữ chánh trong dân gian vẫn là tiếng Pháp. Những người ít học hay thất học thì nói
"tiếng bồi", nghĩa là tiếng Pháp không đúng văn phạm. Mấy bà buôn bán ở chợ Plateau nói trên thuộc vào thành phần này. Nhiều bà có con cái "đi làm ăn" ở Pháp hay ở Bỉ, lâu lâu cần xin gì hay cần nhắn gì, họ phải nhờ người khác viết cho cái thư. Ngoài ra, có nhiều người cần viết đơn từ thưa gởi nhưng không đủ trình độ để viết đúng từ ngữ hành chánh nên nhờ viết dùm. Do đó mới có cái nghề viết mướn.
Ở khu chợ Plateau, trước đây, chỉ có một người đàn ông trung niên người bản xứ làm nghề này. Anh ta hành nghề dưới hàng hiên khu phố nhìn qua chợ, nằm cách chợ một con đường. Chỗ hắn ngồi là một bức tường nhỏ nằm giữa hai cửa hàng bán radio của người libanais. "Dụng cụ" của anh ta là cái máy đánh chữ loại xách tay đặt trên bàn gỗ nhỏ. Anh ta ngồi trên ghế thấp vừa tầm với cái bàn, nhưng vì anh ta lớn con chân dài nên khi đánh máy anh ta phải cho hết hai chân xuống dưới bàn đưa thẳng về phía trước lòi ra một khúc, trông giống như anh ta ôm cái bàn vào lòng! Còn "khách hàng" thì hoặc đứng hoặc ngồi xổm cạnh hai bàn chân to xù mang dép Nhựt của hắn, tỉ tê kể những gì mà họ muốn để trong thư. Anh ta gõ máy bằng hai ngón tay nhưng gõ khá nhanh, khách kể đến đâu hắn gõ theo đến đấy. Đánh xong thư, khách hàng đưa cho hắn mảnh giấy nhỏ trong đó có ghi rõ địa chỉ của người nhận thư, hắn lấy trong ba lô để dưới chỗ hắn ngồi một phong bì có dán tem sẵn, đánh máy địa chỉ, cho thư vào rồi le lưỡi liếm keo dán lại. Người khách hàng chỉ còn có cho thư vào thùng thư đứng ở góc đường gần đó. Dĩ nhiên, khi hắn tính tiền, hắn tính cả tiền giấy, phong bì, tem…Thư gởi đi Pháp hay đi Bỉ đều cùng một giá. Cho nên đã thành lệ, sau vài câu chào hỏi, khách hàng cứ đặt tiền trước lên bàn rồi đợi hắn sửa bộ kéo bàn vào lòng với cái máy đánh chữ lúc nào cũng "ngậm" sẵn một tờ giấy, là bắt đầu tỉ tê kể lể…Còn đơn từ thì hắn dùng phong bì không có tem, bởi vì khách hàng mang tay đến nộp thẳng cho cơ quan liên hệ. Loại "đơn từ" này, hắn vẫn lấy bằng giá với "thư nhà", bởi vì, theo hắn giải thích, viết cho hành chánh khó gấp mấy lần viết cho thân nhân. Bớt con tem nhưng thêm nhiều công suy nghĩ!
Một hôm, có ông già Á Đông – ốm nhom, già khú – đi lang thang với điếu thuốc trên môi, ngang qua đó nghe tiếng đánh máy lọc cọc nên tò mò đứng lại nhìn. Đợi anh đen làm xong công việc, ông già mới chào hỏi làm quen. Anh đen rất ngạc nhiên vì ông ta nói tiếng Pháp rất trôi chảy rành rọt, không giống những người á đông mà anh đã từng gặp hay quen biết. Ông già ghé đít ngồi lên bệ thềm gần đó, hỏi :
- Ông làm nghề gì vậy ?
Anh đen nhăn răng cười :
- Viết thư dùm người ta, người ta trả tiền. Ông không thấy bà hồi nãy cầm phong bì đi sao?
- Thấy. Nhưng mà hồi nãy hai người nói với nhau bằng thổ
ngữ nên tôi không hiểu.
Ngừng một chút, ông già lại hỏi :
- Làm ăn có khá không?
- Ố! Cũng tạm được.
Hắn chỉ qua bên chợ :
- Khách hàng của tôi là mấy bà buôn bán ở bên kia. Họ không biết chữ, mà con cái họ thì đi làm công bên Pháp bên Bĩ hết. Thành ra, ngày nào cũng viết dùm vài cái thư, lai rai… Với lại ở xứ này, người ta hay thưa gởi kiện cáo lắm nên có công việc làm hoài!
Rồi hắn nhìn ông già từ đầu đến chân:
- Còn ông? Ông làm nghề gì ở đây?
- Già quá đâu có ai mướn. Ở không, đi lang thang.
Anh đen lại nhìn ông già ra vẻ tội nghiệp:
- Rồi lấy gì sống
- Sống nhờ con. Con gái ở nhà làm nem. Thằng em nó đạp xe đi bán. Khá chật vật!
- Ông người Tàu hả?
- Không. Tôi người Việt Nam.
Nói xong, ông già thở dài. Tội nghiệp cho cái xứ Việt Nam của ông! Nhược tiểu đến mức độ mà người dân khi ra ngoại quốc cứ bị thiên hạ gọi là người Tàu!
Ông già đưa bao thuốc lá mời anh đen:
- Hút một điếu chơi.
- Cám ơn. Tôi không biết hút thuốc.
Ngừng một chút, anh ta hỏi:
- Nhà ông ở đâu ?
- Ở tuốt trên Cocody, gần nhà thờ.
- Xa quá há. Rồi ông đi bằng gì xuống đây ? Xe buýt hả ?
- Đi bằng xe đạp. Đạp xuống thì dễ, đạp về leo dốc mới mệt!
Anh đen lại nhìn ông già một lúc, mới nói :
- Ông nói tiếng Pháp rành quá mà không đi làm việc cũng uổng.
- Già như tôi thì còn làm được gì?
- Tuổi tác ăn nhập gì, trình độ văn hoá mới cần chớ!
Ông già hít mấy hơi thuốc, suy nghĩ. Một lúc sau ông hắng giọng rồi hỏi:
- Ông thấy tôi làm cái nghề viết mướn được không?
Anh đen nhăn răng cười hớn hở:
- Được chớ! Được chớ!
Rồi đề nghị:
- Ông cứ ngồi kế bên đây! Đừng ngại gì hết! Cả khu Plateau chỉ có một mình tôi làm nghề này. Có thêm ông càng vui.
Thấy dễ dàng quá, ông già đứng ngẩn ra, chưa kịp nói lời nào thì anh ta nói tiếp :
- Vậy, sáng mai ông đem máy đánh chữ ra, nghen.
- Tôi không có máy đánh chữ. Tôi viết tay được không?
Giọng anh đen hơi xìu xuống:
- Ồ…c ũng không sao. Cứ ra đây đi, rồi tính.
Ông già mừng rỡ, bắt tay anh đen, nói: " Cám ơn! Cám ơn! Ông tốt bụng quá!", rồi xăng xớm đi về chỗ để xe đạp trước ngân hàng gần đó, mở khoá lấy xe phóng lên đạp đi mà nghe như vừa được bơm vào người thêm nhiều sinh lực!
Mấy hôm sau, ông già xin được của hội nhà thờ một cái bàn và ba cái ghế bằng nhôm loại xếp được để đi pique-nique. Ông mua một mớ giấy viết thư, phong bì, tem, bút bi rồi đạp xe đạp chở bàn ghế đến ngồi cạnh anh đen, hành nghề viết mướn. Buổi sáng đó, trước khi rời nhà, ông lẩm bẩm:" Bữa nay đúng là một ngày đẹp trời!"…
Ông già ngồi đã ba hôm, chẳng có một ai đến nhờ viết! " Khách hàng " cứ nhờ anh đen. Thấy vậy, anh ta an ủi:
- Đừng buồn. Từ từ rồi sẽ có khách. Tại ông không có máy đánh chữ nên người ta không biết đó thôi.
Một hôm, có hai bà cùng đến một lúc. Anh đen tiếp một bà rồi nói với bà kia:
- Nếu bà gấp thì bước qua ông đồng nghiệp của tôi đây, ổng giúp cho. Ổng viết tay, nhưng cần gì! Viết tay hay đánh máy cũng vậy thôi! Điều cần thiết là viết làm sao cho người đọc hiểu.
Bà khách ngần ngừ một lúc rồi bước qua ngồi lên cái ghế xếp trước mặt ông già. Như thông lệ, bà ta đặt tiền lên bàn rồi bắt đầu kể lể bằng thứ tiếng Pháp không có văn phạm. Ông già ngồi chống càm, lắng tai nghe.
Thấy ông viết mướn không viết gì hết, bà khách ngừng kể, lấy làm lạ nhìn ông:
- Sao ông không viết?
- Thưa bà, tôi đang nghe bà kể, đây.
Bà ta chỉ anh đen :
- Sao kỳ vậy? Ông làm không giống anh này! Với anh ta, khi tôi bắt đầu nói là anh ta bắt đầu gõ. Còn ông thì không nhúc nhích gì hết!
Ông già phì cười, giải nghĩa chầm chậm:
- Xin lỗi. Tôi phải nghe bà kể hết những gì bà muốn nói cho người con của bà, rồi tôi mới sắp xếp câu văn để viết. Bà biết không, viết thư phải viết cho mạch lạc thì người con của bà mới hiểu được hết cái ý của bà, bà hiểu không?
Bà khách ngần ngừ rồi gật đầu. Ông già đốt điếu thuốc, nói tiếp: "Bây giờ, xin bà kể lại. Từ từ kể lại, tôi nghe". Bà khách liếc nhìn ông rồi nhìn vội xuống hai bàn chân của bà, thấp giọng kể… Bà khổ lắm, buôn bán ế ẩm, con dâu mang bầu đứa thứ năm gần sanh mà cứ đau rề rề, mấy đứa cháu nội đi mót khoai mót củ nhưng không đủ ăn, bà đã gởi ba cái thư xin tiền thằng con, xin nó thương vợ thương con của nó nheo nhóc, chắc thư đã đi lạc nên không thấy hồi âm, bà khổ lắm, không biết thằng con ở bên Pháp còn sống hay đã bị cái gì rồi… Bà khách ngừng kể, kéo ống tay áo lên lau nước mắt.
Nghe xong, ông già viết mướn, chừng như xúc động, làm thinh hít mấy hơi thuốc dài. Bà khách len lén nhìn ông rồi lại nhìn xuống chân của bà, hai bàn chân cùi đày nằm trong đôi dép cao su rách bươm lấm lem bùn đất. Bà đợi. Suy nghĩ một lúc, ông già mới lấy giấy viết. Lâu lâu, ông ngừng lại nhìn xa xăm qua chợ nằm phía đối diện như để tìm chữ tìm câu. Rồi lại cuối đầu viết tiếp.
Viết xong, ông hỏi:
- Bà cần tôi đọc lại không?
Bà khách chớp chớp mắt, lắc đầu. Bà đưa cho ông địa chỉ của người con, ông chép lên phong bì đã dán tem, cho thư vào dán lại rồi trao cho bà khách. Bà cầm thư lật qua lật lại nhìn như thiếu tin tưởng, rồi đứng lên làm thinh đi về hướng thùng thư đứng ở góc đường. Ông già nhìn theo, lòng nghe chơi vơi như chính ông đang đi gởi thư cho thằng con…
Ngày nào ông già viết mướn cũng mang đồ ra ngồi cạnh anh đồng nghiệp đen, nhưng không phải ngày nào ông cũng có khách. Lâu lâu, có dư người thì anh đen "đẩy" qua cho ông. Anh ta nói đùa: "Đồng nghiệp mà! Phải giúp nhau chớ!" Ông cười chua chát: "Cám ơn! Cám ơn! Nhờ lòng tốt của anh mà tôi cũng vớt vát được một hai người".
Một hôm, anh đen bỗng hỏi:
- Hồi trước ông làm gì ở Việt Nam?
- Buôn bán.
Ông không muốn nói hồi đó ông là chủ hai nhà thuốc tây, khá giàu.
- Rồi tại sao ông đi qua đây vậy?
- Tại làm ăn không được. Tại… tại nghèo.
Ông không muốn nói "cách mạng" đã tịch thâu tài sản của ông, gia đình ông sống cầu bơ cấu bất ở vùng kinh tế mới, vợ ông chết ở trên đó, ông và hai đứa con trốn về thành phố sống chui như bầy chó hoang, ăn nhờ ở đậu…
- Bộ ông có quen ai bên này hả?
Đến đây thì ông già không giấu giếm gì hết :
- Đâu có. Tôi đâu có quen ai. Tôi nghe nói Nhà Nước Côte D' Ivoire dễ dãi và tốt bụng nên tôi viết đại một lá thư dài gởi thẳng cho ông Tổng Thống, trong đó tôi kể hết hoàn cảnh bi đát của tôi. Tôi viết mà không có hy vọng gì hết.
- Ồ… tại ông không biết chớ Tổng Thống Houphouet của tụi này rất bình dân và thương người lắm!
- Bây giờ thì tôi biết. Bởi vì sau bức thư của tôi, tôi nhận được visa và luôn vé máy bay cho ba cha con tôi nữa. Chuyện thật khó tin.
- Gì mà khó tin? Tổng Thống tụi này hay làm những "cú" ngoạn mục như vậy lắm  Chắc ông viết thư cũng phải hay lắm nên mới làm xúc động "Le Vieux" (Ông Già).
Ở Côte d' Ivoire, dân chúng thương Tổng Thống Houphouet nên khi nói chuyện với nhau họ gọi ông là "Ông Già" một cách trìu mến.
- Hồi đó tôi viết giống như tôi muốn than thở với một người nào đó để cho vơi nỗi thống khổ của mình, chớ đâu dè. Nhận được giấy tờ, tôi như trên trời rớt xuống!
Đến đây, ông già không nói rằng ông đã bán mấy chiếc nhẫn cất giấu từ sau trận nhà nước đánh tư sản, để chạy lo vô hộ khẩu của người bà con xa, rồi chạy lo chiếu khán xuất cảnh v.v…
Ông chỉ nói
- Hồi qua đến phi trường Abidjan, cha con tôi không biết đi đâu ở đâu. Tôi phân trần với chánh quyền sở tại, họ điện thoại gọi hội "Anciens d'Indochine". Nhờ hội này giúp nên tụi tôi mới có căn nhà nhỏ ở Cocody và chút vốn làm nem đi bán dạo, sống lây lất tới bây giờ…
- Tôi nghe nói người ViêtNam tỵ nạn ở Pháp, ở Mỹ nhiều lắm. Bộ ông không có bạn bè bà con định cư ở các xứ đó sao?
- Có chớ.
- Sao ông không viết thư cho họ? Kẻ đi trước giúp người đi sau là sự thường mà.
Ông thở dài, hít mấy hơi thuốc rồi mới nói:
- Tôi có viết thư chớ. Chỉ viết thăm thôi và báo tin rằng tôi đã đến Côte d'Ivoire. Nhưng không thấy ai trả lời hết.
- Có lẽ không đúng địa chỉ chăng.
- Đúng chớ! Nếu không đúng nó phải được trả về, bởi vì tôi có ghi rõ địa chỉ người gởi mà. Hồi ở Việt Nam người thân của họ cho tôi địa chỉ và tin tức, nói họ bây giờ ổn định và khá lắm.
- Ờ… sao vậy há?
- Chắc họ sợ tôi xin tiền…
Ông cười khẩy một tiếng nghe như ông muốn khạc ra một cái gì chận ngang cổ họng, một cái gì vừa cay đắng vừa nhờm tởm. Ông nhớ lại hồi thời "vàng son", bạn bè bà con của ông tới lui nhà ông ăn nhậu hà rầm, trong số đó có nhiều người đã được ông giúp đỡ cưu mang. Vậy mà bây giờ… Ông hít một hơi thuốc thật sâu rồi nhả khói ra từ từ làm khoảng trống trước mặt bị mờ đi, giống như ông muốn xoá bỏ trong đầu hình ảnh của mấy thằng bạn bè mấy người bà con mà ông vừa nhớ lại… Anh đồng nghiệp da đen suy nghĩ một lúc lâu rồi nghiêng người qua vỗ vai ông vài cái nhè nhẹ, một cử chỉ an ủi tầm thường như vậy mà ông già viết mướn bỗng thấy nó đẹp vô cùng. Ông xoay người qua bắt tay anh đen, không nói gì hết, nhưng ông chắc chắn rằng anh bạn đó hiểu là cái cám ơn của ông già Việt Nam lưu vong…
Một hôm, bà khách hàng đầu tiên của ông già viết mướn mang biếu ông hai trái xoài Caméroun ( loại xoài xứ Caméroun ngon nổi tiếng vùng Phi Châu Da Đen ) vừa cười vừa nói:
- Tôi cám ơn ông. Nhờ cái thư của ông mà thằng con của tôi hồi tâm. Nó gởi tiền về, kèm theo một cái thư dài. Nó nói nó đọc thư của ông nó khóc quá ! Nó lạy lục xin tôi tha tội cho nó. Nó nói là nó có vợ và một con ở bên Pháp nhưng nó thề sẽ gởi tiền về đều đặn để nuôi tụi này… Tôi vui quá! Vui quá!
Bà ta nói một hơi, nói thứ tiếng Pháp "ba xí ba tú", nhưng trong giọng nói nghe đầy xúc động. Nói xong, bà kéo ống tay áo lên lau nước mắt. Ông già nhớ lại cách đây hơn mươi bữa, bà cũng kéo áo lên lau như vậy sau khi kể lể sự buồn khổ của bà. Thì ra, cái vui cái buồn vẫn giống nhau ở giọt nước mắt!
Ông già mỉm cười :
- Tôi viết mướn, bà trả tiền, có gì đâu mà bà cám ơn?
- Không nhờ cái thư của ông, không biết tụi này còn khổ sở đến đâu. Cám ơn! Cám ơn!
Nói xong, bà đi trở qua chợ. Ông già đưa một trái xoài cho anh đen:
- Anh cầm lấy để chia vui với tôi!
Anh ta cầm trái xoài trên tay nhìn ngắm một lúc rồi nói:
- Làm nghề này đã hơn năm năm, tôi chưa được khách hàng tặng quà bao giờ. Ông mới ra nghề mà được như vầy là ông viết thư phải hay lắm.
- Thì cũng ráng viết vậy thôi.
- Đâu được! Viết mà làm xúc động người đọc đâu phải dễ. Bây giờ tôi hiểu tại sao "Ông Già" đã gởi tặng ông visa và vé máy bay!
Ông già viết mướn đốt điếu thuốc, thở khói một cách sảng khoái. Ông nhớ lại ngày xưa, thuở thiếu thời, ông lúc nào cũng đứng đầu về luận văn, và về sau ra đời, ông cũng có lai rai vài ba truyện ngắn đăng báo này tạp chí nọ. Viết, đối với ông, là để giải tỏa tâm tư, một cách giải tỏa trầm lặng và sâu đậm hơn là nói. Cho nên trong đời ông, ông rất thích viết, nhứt là viết thư cho bạn, những người cũng thích viết như ông hay ít ra cũng biết viết vài dòng hồi âm hay vài chữ để hỏi thăm nhau…
Hai hôm sau, có thêm một bà mang đến mấy trái cam để cám ơn ông đã viết thư cho chồng bà có vợ đầm ở Bỉ. Rồi cứ như vậy, vài hôm là có người đến cám ơn, cho quà, khi thì chai đậu phọng (Ở đây, sau khi rang, đậu được cho vào chai lít đầy tới miệng rồi đóng nút để giữ cho được dòn lâu. Người nghèo bản xứ hay ăn đậu phọng với bánh mì…) Khi thì mấy trái cà chua, vài bó rau cải… Có gì cho nấy, không nề hà! Ông già nhận hết, bởi vì ông thấy làm như vậy, người cho rất vui. Cái vui của họ được bộc lộ ra một cách rất thiệt thà: họ quay lưng bước đi, vừa vỗ tay thành nhịp vừa lắc lư nhún nhảy. Lần nào ông cũng nhìn theo, thấy cũng vui lây…
Vậy rồi không biết họ đồn với nhau thế nào mà khách hàng cứ đến nhờ ông viết. Những người cần làm đơn từ cũng đến nhờ ông! Bên anh đen đồng nghiệp thấy thưa khách. Ông già bèn đề nghị: "Tình trạng này kéo dài coi kỳ quá! Tôi đề nghị anh bạn như thế này: tôi lãnh viết thư nhà, anh lãnh viết đơn hành chánh. Mình cứ nói đơn hành chánh phải được đánh máy cho sạch sẽ dễ đọc thì các cơ quan mới mau chóng cứu xét. Anh đồng ý không?" Anh đen nhăn răng cười, bắt tay ông một cái đau điếng !
Từ đó, thấy khách đến, anh đen trịnh trọng nói : "Đơn từ thì ở bàn này. Thư cho thân nhân thì bước sang bàn ông bạn đồng nghiệp của tôi đây! " Lần hồi, khách hàng cũng quen nên cả hai người viết mướn cùng có việc làm đều đặn. Và càng ngày càng đông khách.
Một hôm, anh đen hỏi:
- Tôi cứ thắc mắc : làm sao viết thư mướn mà ông viết hay được như vậy?
- Tại anh không biết. Xưa nay tôi say mê viết. Tôi thích viết cho một người nào đó để giải bày, để chia sẻ những cảm nghĩ những suy tư của mình, chọn lời cho đúng, chọn câu cho hay…thú lắm !
Ông già ngừng nói, hít chầm chậm một hơi thuốc rồi chép miệng :
- Bây giờ tôi chẳng còn ai để mà viết. Bạn bè thì anh biết đó. Chúng nó cũng như người vừa đui vừa điếc, viết uổng công. Cho nên làm nghề viết mướn này, tôi có chỗ để viết. Tôi khổ cái khổ của khách hàng, tôi vui cái vui của khách hàng, tôi tâm sự cái tâm sự của khách hàng. Tôi viết với tất cả những xúc cảm chân thật đó,viết mà không nghĩ là mình viết mướn!
Anh đen vỗ tay đôm đốp, khen:
- Hay! Ông nói hay quá! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao khách hàng mến mộ ông như vậy! Tổng Thống tụi tôi đem ông qua đây, đúng là "Ông Già" ổng có con mắt!
Rồi hắn cười hắc hắc làm ông già cũng bật cười theo. Cả hai, không người nào nhớ rằng mình da đen hay mình da vàng, họ chỉ biết họ là hai người viết mướn…
Hai năm sau…
Một hôm ông già bỗng thèm viết cho mấy thằng bạn hồi đó. Viết cho mỗi người một cái thư, lời lẽ y chang như nhau. Viết bức thư cuối cùng cho họ. Viết để cho họ thấy rằng ông phủi đít phủi tay, dứt khoát không còn bận bịu gì nữa với quá khứ, với lớp bụi đất đã ăn bám vào ông hồi thuở "vàng son".
Ông đốt điếu thuốc, suy nghĩ. Đại khái, ông sẽ viết:
"Thưa anh… gì gì (hay chị… gì gì)
Tôi viết thư này để báo tin cho anh… ( hay chị… ) mừng dùm cho cha con chúng tôi. Tụi này đã định cư luôn ở Côte d'Ivoire. Bây giờ, đời sống tụi này đã ổn định, cuộc sống tương đối khá. Hai con tôi có cửa hàng bán nem ở chợ Cocody, thiên hạ đến mua cũng đông. Còn tôi thì làm nghề viết mướn, khách hàng cũng nhiều. Được như vậy là nhờ ở xứ đen này, con người thấy đen nhưng lòng dạ của họ không đen chút nào hết. Chẳng bằng người Việt mình, nhiều người bề ngoài trắng trẻo lịch sự nhưng lòng của họ chẳng những đen mà còn bạc nữa, anh… ( hay chị…) có thấy như vậy không ?..."
Nghĩ đến đó, ông già bỗng cười khan một mình!
                                                 Tiểu Tử
 
 
Lộ Công Mười Lăm
IP IP Logged
hoangngochung
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 27/Nov/2010
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 513
Quote hoangngochung Replybullet Gởi ngày: 21/May/2013 lúc 9:38am
~::Trích Dẫn nguyên văn từ lo cong


Đoạn ghi nhớ một mùa hạ và những chiếc ổ líp xe đạp đem ra chợ trời bán

Posted: 20/05/2012 in Thơ, Đinh Cường     
Đinh Cường
tặng Hồ Đình Nghiêm

Hồ Đình Nghiêm qua nét vẽ Đinh Cường




Mùa hạ Nghiêm xuôi dòng Ngọc Bích
Bao năm dâu biển cũng tang bồng
Bao năm người đã xa Thành Nội
Trăng nội thành như lệ xanh thêm

Mùa hạ quấn mền người ngủ muộn
tiếng chim trên cành nhãn hiền khô
mấy bông hồng nở ngoài sân trước
căn nhà kỷ niệm một thời xưa[1]

Mùa hạ qua bến bờ Mộng Lệ[2]
bao nhiêu truyện kể ngậm ngùi thay
vẫn luôn là Huế là gian khó
những ngày vượt biển đến Hồng Kông

Mùa hạ Nghiêm ơi mùa hạ đến
xuôi dòng Ngọc Bích nước xanh trong
đêm nghe lời nhạc Sơn ghi lại :
cơn mưa là nắng của vô thường[3]

Virginia, 18 May 2012
Đinh Cường
Nguồn: Tác giả gửi thơ và tranh

[1] căn nhà phía sau trường Mỹ Thuật Huế
[2] Montreal có người nói thành Mộng Lệ An
[3] trong ca khúc Mưa mùa hạ của Trịnh Công Sơn
hung0989077120@ahoo.com
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 5 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.172 seconds.