Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 131 phần sau >>
Người gởi Nội dung
giodocgocong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 12/Jan/2011
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 132
Quote giodocgocong Replybullet Gởi ngày: 13/Jan/2011 lúc 6:19am
 Một tấm gương
Tác giả: Minh Tạo

 Sáng nào cũng thấy thằng nhỏ cầm cái lon đứng chầu chực trước quán ăn. Tôi để mắt theo dõi thì hễ thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì thằng bé chạy vào nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư mứa thì nó vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp.

                           Khi cái lon gần đầy thì nó biến mất, chập sau thấy nó lại có mặt thập thò trước quán tiếp tục. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới, vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly xây chừng vì tôi cũng nghèo cải tạo mới về sáng nhịn đói ngồi uống cà phê đen như một cái thú hay một cái tật không bỏ được.

                           Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen được và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé. Tôi cố tình làm quen với thằng bé nhờ hôm ấy trời mưa, thằng bé đứng nép vào trong quán. Thằng bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước. Tôi vói tay kéo nó ngồi xuống bàn và hỏi nó có thích uống cà phê không ?

                           Thằng bé lắc đầu lia lịa và nói không uống. Tôi hỏi nó làm gì ngày nào cũng ra đây? và hiện sống với ai? Thằng bé như đoán được rằng: tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên nó cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:
                           - “Con sống với ba má con, Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ…”
                           Tôi hỏi tiếp:
                           - “Còn con có đi học không ?”
                           Thằng bé nói:
                           - “Con không có đi học… con ở nhà phụ với má nuôi heo…”.
                           Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của nó nơi quán ăn nầy. Nghe thằng bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho nó lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó nó không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nửa. Và nhờ tánh tình hiền hậu thật thà chị chủ quán cho nó vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho nó ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và nó gần gũi nhau hơn và thân với nhau lắm.
                           Có lần thằng bé hỏi tôi:
                           - “Chú làm nghề gì vậy hả chú?”
                           Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là ” Chú đang làm thinh”.
                           Đúng vậy mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày 1 buổi cà phê hai bửa cơm độn qua ngày. Thời gian ngột ngạt chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ hay bo bo nữa nhưng vẫn quen cử sáng cà phê quán gần nhà. Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay tôi ghiền chổ ngồi mà không bữa nào vắng tôi. Một hôm, tôi đề nghị theo thằng bé về nhà nó chơi cho biết vì nó nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy nó do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay nó đang dấu diếm điều gì. Thương nó lắm, tôi dúi tiền cho nó hoài. Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo nó khi nó mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy nó lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ. Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà nó không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chổ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ đốt cũng hết mấy điếu thuốc thì thằng nhỏ lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều. Đợi thằng bé đi khuất tôi lò mò đến nơi mà hồi nãy nó vào. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom mọp xuống. Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi. Tôi trả lời là đi kiếm thằng Tuất, thì nghe giọng đàn ông cho biết nó vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào…. Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi.

                           Người đàn ông hốc hác cụt hai giò tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm. Một người đàn bà bệnh hoạn xác xơ cả hai đang ăn những thức ăn thừa mà thằng bé vừa mới đem về. Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén…

                           Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tảo tần nuôi chồng bao năm nay giờ mang bịnh ác tính nặng nề thật đau xót. Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui. Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình thằng bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn. Sáng hôm sau ra uống cà phê, thằng bé gặp tôi nó lấm lét không dám nhìn tôi vì nó đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà nó. Nó thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục nó nhiều lắm. Tôi kêu nó lại và nói nhỏ với nó tại sao không cho tôi biết. Tội nghiệp nó cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa. Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi nó chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn. Hèn gì sau nầy nó để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm. Tội nghiệp hoàn cảnh của thằng bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng bụng phình trướng to khủng khiếp và cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng mét như nghệ. Thằng bé là lao động chánh trong gia đình, nó có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền đứa bé mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ.
                           Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ thằng bé nữa. Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá. Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít. Thỉnh thoảng tôi gởi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho thằng bé chút ít gọi là chút tình phương xa.

                           Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm thằng bé thì nó không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa. Tôi mới kể rõ hoàn cảnh thằng bé cho chị chủ quán biết. Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình nó. Tôi chỉ bào chữa rằng tại thằng bé muốn giấu không cho ai biết! Tôi ghé vội qua nhà thằng bé thì mới hay mẹ nó đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan. Chỉ còn chèo queo một mình ba nó ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm. Hỏi thăm thì mới biết nó đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha. Chúa nhật tôi tới tìm thằng bé, chỉ mới có mấy năm mà nó đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen đúa vì phơi nắng để kiếm đồng tiền. Tôi dẫn nó trở ra quán cà phê cũ, thấy nó hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình nó. Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ nó về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nỗi. Thằng Tuất vừa khóc vừa nói: “Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia dình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm. Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lổi”. Không biết thằng Tuất nó nói thật hay nó ái ngại khi quay về chỗ mà ngày nào cũng cầm cái lon chầu chực trút đồ ăn dư về nuôi cha mẹ. Phải thông cảm nó, phải hiểu cho nó, phải cho nó có cái hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn ngày trước. Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói “Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé “…

                           Đời nầy cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như thằng Tuất. Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con nó hai triệu đồng, thấy nó và ba nó mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình nó như thế nào, tôi chụp hình ba nó, photo giấy tờ ba nó đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney. Mấy tháng sau nhận được thư ba thằng Tuất viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đở gởi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến. Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ. Tôi xin cảm ơn cả hai: người chiến sĩ vô danh sống trong hẩm hiu và Hội cứu trợ thương phế binh đã thể hiện tình người trong công việc hết sức cao cả này.




Chỉnh sửa lại bởi giodocgocong - 13/Jan/2011 lúc 6:30am
GIÓ ĐỘC GÒ CÔNG
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Jan/2011 lúc 11:32pm

Tờ lịch gỡ mỗi ngày

Ngô Phan Lưu


 


Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !

 

Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”. Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!

Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”. Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó gặp nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!...

Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừ nhỉ! Lạ thật! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống”. Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”. Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo”. Trời đất ! Lại cũng quá đúng! Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng ! Say quá, có khi rớt tới ba thằng!

Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết!... 

trong " Trần Gian Một Khúc "



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Jan/2011 lúc 12:10am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Jan/2011 lúc 6:36am
CÁCH DẠY CON Ở MỸ
 
Tác Giả: Nguyễn Xuân Bích Huyên   

Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới

Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Tây tên Susan.

Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai nhãn giới.
 
Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn đói

Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sang lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.

Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.

Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam cho bữa tối . Tôi lại thầm nghĩ, Peter đặc biệt thích món ăn Việt Nam, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.

Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.”

Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng.

Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi.

Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu món Việt. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.

Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm dí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngõan ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…
 
Phần 2: Ăn miếng trả miếng

Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý.

Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ. Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên.

 Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó.” Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” "Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề". Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.
 
Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ
 
Song thân Susan , biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà.

 Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo.

 Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan".

 Một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.
 
Ở rất nhiều gia đình Trung Quốc, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy.

 Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi : “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ".

 Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.
 
Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái.

 Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”
Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.

Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ Việt Nam coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo...



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Jan/2011 lúc 6:44am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Jan/2011 lúc 12:13am
 
Tác Giả: ThuongHL   

http://saigonecho.com/main/doisong/suytudongdoi/24050-nhin-qua-khung-ca-s.html



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 18/Jan/2011 lúc 12:14am
IP IP Logged
tuavanle
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 30/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 335
Quote tuavanle Replybullet Gởi ngày: 20/Jan/2011 lúc 3:26pm

BÁNH  XÈO, BÒ KHO

***Ý  Nga***

 

Thưa Ba,

Đây là lá thư thứ hai con viết cho Ba, viết không bằng ngòi chấm mực để cha con mình nhìn nét chữ nhau mà biết đang mạnh hay yếu, để nghe Ba khen, chê nét chữ xấu, đẹp. Thư này con viết bằng 10 ngón tay gõ trên phím chữ vô tri, như mỗi ngày con vẫn gõ ở văn phòng.

Đây cũng là lá thư thứ hai mà con sẽ không được Ba hồi âm, để ngắm nét chữ thật đẹp của Ba trên trang giấy

Đêm nay con nhớ Ba quá!

Con nhớ chén bò kho cuối cùng của cô Tựu mang sang mà Ba đã thức dậy hâm nóng cho con ăn lúc 3 giờ sáng:

-Để 5 giờ con ra phi trường đáp chuyến bay không bị đói, không bị đau dạ dày.

Khi con hỏi:

-Sao Ba không ngủ thêm cho khỏe?

5 giờ anh Linh mới tới chở con ra phi trường mà sao mới 3 giờ Ba đã lục đục trong bếp rồi?

Ba chỉ cười và hối con ăn cho nóng. Hai cha con mình đã chia chung một ổ bánh mì và đùa giỡn thật là vui vẻ. Tưởng chỉ là bữa ăn tạm biệt Ba tiễn con đi Cali, ai ngờ lại là bữa ăn vĩnh biệt đời đời, 2 ngày trước khi Ba giã từ

trần thế vì một cơn tắc nghẽn động mạch cơ tim cấp tính (Heart Attack)

 

Ba ơi!

Con đâu có ngờ món ăn thứ hai được Ba săn sóc cho ăn trong đời lại là món ăn cuối cùng như vậy.

Ba có nhớ khi xưa ở nhà, mỗi lần con đổ bánh xèo cho cả nhà ăn không?

Tuổi con gái, nhà đông em quá nên mỗi lần đổ bánh xèo con cực ơi là cực vì hồi đó làm gì có bột gạo bán sẵn sàng như bây giờ, con phải ngâm gạo trước một đêm cho mềm, rồi hôm sau gánh gạo đi cả nửa tiếng mới tới được nhà dì Cúc bán bánh bèo, để mượn nhờ cái cối đá của dì mà tự tay xay gạo thành bột. Cái cối nặng trình trịch mà tuổi 15 của con chưa bẻ gãy nỗi sừng trâu nên con vật lộn với nó vất vả vô cùng. Dì Cúc cũng người Quảng Nam như mình nên dì ít khi lấy tiền bạc chi cả, chẳng những thế, nhiều khi dì còn xay giùm cho nhanh để con còn khệ nệ gánh bột về nhà, đi chợ mua tôm, thịt, rau thơm và đón những người nông dân gánh cải bẹ xanh đi ngang nhà mua cho tươi. Xong phần ấy, 2 bàn tay nhỏ xíu của con lại phải lo chẻ số củi cho đủ lượng đổ bánh được 10 người ăn và nhiều chuyện vụn vặt khác như giả tỏi, ớt làm nước mắm; xắt thịt, làm tôm, giả nghệ, xắt củ hành.v.v…. nữa mới xong mâm bánh xèo cho tươm tất. Trời nóng hừng hực, mà con cứ phải ngồi hoài trong bếp từ trưa tới chiều mới kịp cho cả nhà.

Có lần tụi nhỏ đang ăn giữa bữa, con còn ở trong chái bếp với mồ hôi đang ướt đẩm lưng áo, vừa bưng gáo nước mưa uống cho hạ hỏa bớt thì Ba xuống bếp và ra lệnh:

-Con lên nhà trên ăn đi, để đó ba làm tiếp cho.

Con đã trố mắt ngạc nhiên nhìn Ba cho đến khi mệnh lệnh được nhắc lại lần thứ 2 con mới mừng quýnh mà tin rằng con được thoát cái lò lửa. Ngạc nhiên là phải, vì Ba có bao giờ làm bếp đâu? Trong nhà mình, chẳng những Ba không bao giờ đụng vô bất cứ chuyện chi của phụ nữ mà Ba còn nghiêm cấm mấy đứa em trai luôn cho nên Má và 2 chị em con phải gồng gánh mọi chuyện của cả nhà trên 3 đôi vai gầy guộc. Thật là bất công cho phụ nữ với một quan niệm hẹp hòi của  Á Đông như vậy!

Phần vì mệt và khát nước, phần vì những cái bánh Ba làm không hợp với khẩu vị của con (hồi nhỏ con chỉ thích thịt mỡ và nhiều giá trong khi làm cho con ăn, cái nào Ba cũng bỏ thật nhiều thịt nạc với tôm, hành) nhưng con cũng đã vui, được ngồi nghỉ ngơi một chút và được ăn chung với các em, dưới cái quạt máy mát ơi là mát và trên cái mâm sạch sẽ, không bóng loáng những dầu đậu phộng chung quanh.

 

Nhắc lại chuyện xưa mà con nghe như khói bếp ngày ấy hãy còn… cay mắt con đây nè.

Sau này vượt biên, sang Ý, rồi sang Canada tạm cư, sống lênh đênh một mình nơi xứ người, mỗi lần làm bánh xèo cho chồng ăn, con đều nhớ đến Ba. Từ ấy đến nay đã gần 40 năm trôi qua, nếu trí nhớ của con còn tốt thì hình như chưa có phái nam nào làm món ấy cho con ăn cả? Từ hôm ấy, con có thêm món bò kho của Ba cay… nhòe cả mắt.

 

Con đã từng nói với một người bạn thân nhất của con rằng:  điều gì dễ thương và duy nhất cũng giữ hoài nét đẹp vĩnh viễn của nó cả!

Hai lần săn sóc ấy đã là 2 dấu ấn để con nhớ đời: tình Ba thương con ngọt ngào thế nào.

Bây giờ nhà không nghèo như xưa, con lại chẳng có đứa con nào nên điều kiện để mua tôm, mua thịt nạc dễ hơn hồi xưa và con cũng không còn thích thịt mỡ nữa rồi, sao Ba không làm bánh có tôm, có thịt nạc nhiều cho con được dùng tiếp?

 

 

Ba ơi!

Đời con từ nay về sau, mỗi lần ăn bánh xèo và bò kho sẽ là một lần ngậm ngùi vì sẽ không còn ai có thể cho con hưởng được vị ngọt ngào như Ba đã cho con nữa và sẽ không có một nhà hàng nào trên thế giới này có thể cho con thưởng thức lại được sự ấm áp của tình phụ tử mà Ba đã gói ghém trong ấy.

Thôi Ba hãy ngủ ngon đi nghe Ba!

Trong giấc ngủ ngàn thu của Ba sẽ còn hoài niềm nhớ này của con.

 

Ý Nga, Canada*

Viết lại lúc 4 giờ sáng 13-1-2011.

 

IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Jan/2011 lúc 8:11pm
MỘT CHUYẾN XE
 
Tác Giả: Theo Nhân Thân.   

Tôi là một tài xế taxi. Không nhiều tài xế nhận làm việc ca đêm.

 Riêng tôi, vì cuộc hôn nhân mới tan vỡ với Rachael nên tôi đồng ý. Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.

 
Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt. Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi.

Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp. Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.
- ' Xin chờ một phút' – một giọng nói run rẩy cất lên. Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc valy nhỏ đặt dưới chân.

Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm.Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.

- 'Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?' - bà cụ hỏi. Một tay tôi nhấc chiếc valy lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.
- 'Cậu tốt quá!', bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác.

Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:
- 'Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?'
- 'Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!'
- 'Tôi không vội mà!'. Ngừng lại một lát, bà nói tiếp:' Tôi đang đến viện dưỡng lão!'

Mắt bà long lanh: 'Thế cũng tốt! Ðằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa.'
Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi: 'Ðầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?'

Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới.

Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.

Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói 'Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi.'

Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Ðó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng. Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng: - 'Tôi phải trả cậu bao nhiêu?'

- 'Không gì cả, cụ ạ!' - Tôi nói
- 'Cậu cũng phải kiếm sống mà' - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.
- 'Sẽ còn những hành khách khác mà cụ' - Tôi trả lời.

Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.
- 'Cậu đã cho tôi rất nhiều' - Bà cụ nói - ' Cám ơn cậu'.

Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Ðó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.

Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi: Ðiều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng?

Ðiều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ?

Và bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao... Ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thương. Và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại

(Nguồn hình: Nursing Homes, Google)
 



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Jan/2011 lúc 8:21pm
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 28/Jan/2011 lúc 4:52am
NGUYỆN LÀM ĐÔI CHÂN CHO CON
 
 


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 28/Jan/2011 lúc 4:53am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23127
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Feb/2011 lúc 8:03am
 Hạnh Ngộ Đầu Năm
Tác Giả: Trần Trung Đạo   
Thứ Sáu, 04 Tháng 2 Năm 2011 00:00
 
 Một đời không hẳn là dài, một ngày không hẳn là ngắn, nhưng là những gì được đóng khung trong ký ức sau khi hầu hết đã phôi phai.

Chúng ta, những giọt nước chảy trong cùng một giòng sông, cùng trôi qua những bến bờ, có lúc êm đềm, lắm khi ghềnh thác, rất riêng tư, xa cách nhưng cũng vô cùng gần gũi. Có thể lúc nào đó không nhận ra nhau, không tìm thấy nhau, hay quên nhau đi, nhưng nếu còn duyên, rồi một ngày sẽ gặp lại nhau như tôi đã gặp lại bà Vú, chủ quán Cà Phê Bà Vú ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, Sài Gòn trong ngày đầu năm dương lịch ở Atlanta.

Nhớ lại hơn hai năm trước, tôi đến Atlanta tham dự một chiều thơ nhạc. Chương trình khá dài. Đến cuối chương trình, đa số khán giả đã lần lượt ra về, tôi nhìn xuống, ngoài thân hữu văn nghệ, vẫn còn một gia đình đồng hương, có vẻ xa lạ với các sinh hoạt thơ văn, ngồi im lặng như đang chờ ai ở phía cuối hội trường. Thì ra họ chờ tôi.

Người đàn ông dắt theo hai con còn nhỏ. Anh đưa một bài thơ được in ra từ internet và hỏi tôi về sự tích bài thơ. Dĩ nhiên tôi biết vì là tác giả của bài thơ đó. Bài thơ tôi viết để tưởng nhớ bà Vú, chủ quán cà phê ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, bên hông đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Anh tự giới thiệu là con trai của Vú. Cô bé đứng cạnh anh với cặp mắt đỏ hoe báo tôi biết “Bà nội qua đời rồi chú ạ”.

Anh trao cho tôi vài tấm hình của Vú chụp vào tháng 6, 2003. Tôi bồi hồi nhìn ảnh Vú. Tôi không nhớ chính xác mình viết bài thơ ngày nào nhưng chắc cũng vào thời điểm đó. Khi viết bài thơ, tôi đoán chừng tuổi Vú và có linh cảm Vú đã qua đời nên mới có hai câu cuối cùng “Nơi Vú ở không bạc tiền vẫn sống / Nén hương lòng con trả Vú bằng thơ”. Vì thấy một số khá đông người cũng đang chờ gặp tôi nên anh và các cháu vội chào từ giã. Khi anh và các cháu đi rồi tôi mới chợt nhớ ra mình sơ sót, chưa kịp hỏi Vú mất ngày nào và chôn cất ở đâu.

Tôi mang tấm ảnh về lại Boston và trưng bày trang trọng trong website của tôi với hàng chữ: “Vừa chính thức biết tin Vú đã qua đời, chúng con, cựu sinh viên đại học Vạn Hạnh thắp nén hương lòng tưởng niệm Vú. Dù không dạy môn nào và chưa hề đi học ở Vạn Hạnh, Vú đã là một phần của huyền thoại Vạn Hạnh”.

Tết Dương Lịch năm nay, tôi trở lại Atlanta lần nữa để tham dự một sinh hoạt của bà con Quảng Nam Đà Nẵng. Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng ở Georgia tròn 15 tuổi. Khi tôi vừa bước xuống khỏi sân khấu sau khi phát biểu vài lời, một chị khoảng ngoài 60 tuổi đến gặp tôi và tự giới thiệu là con gái đầu của Vú, chủ quán cà phê đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng. Tôi thật mừng. Lần trước gặp con trai của Vú và nay thì được gặp con gái Vú. Chị đến tìm tôi không phải chỉ vì tôi là tác giả bài thơ, điều đó chị và gia đình đã biết, nhưng quan trọng hơn, ngày Tết Dương Lịch cũng là ngày giỗ của Vú. Chị gặp để mời tôi đi đám giỗ Vú. Tôi rất vui đón nhận một nhân duyên thật tốt lành vừa đến.

Khi tôi đến cả gia đình rất mừng như đón một người thân vừa từ xa trở về trong ngày giỗ Vú. Tấm hình trên bàn thờ chụp khá lâu nên rất giống Vú thời còn vất vả ngoài hẻm 220. Vú mất vào ngày cuối năm của 2003 và được an táng ở Atlanta. Gia đình cho biết, Vú ngã bịnh sau lễ Giáng Sinh, được đưa vào bịnh viện, chỉ 5 ngày thì Vú ra đi trong nhẹ nhàng thanh thản. Sau hơn 35 năm, sợi nhân duyên kỳ diệu đã nối kết chúng tôi lại với nhau dù ở một nơi cách con hẻm 220 Trương Minh Giảng nhiều ngàn dặm và trong hoàn cảnh kẻ còn người mất.

Tôi cũng gặp lại cô bé bưng cà phê cho chúng tôi mỗi sáng, bây giờ, đương nhiên không còn là cô bé nữa. Chúng tôi không nhận ra nhau vì ngày đó cô mới khoảng 13,14 tuổi. Thời gian đã phủ nhiều bụi trắng lên mái tóc của mỗi chúng tôi nhưng kỷ niệm thì không. Chúng tôi và các anh chị trong gia đình đều nhớ rõ từng chi tiết của một thời thân thương nhưng cũng đầy sóng gió đã qua.

“Cô bé” kể lại những ngày còn khỏe Vú thường nhắc đến chúng tôi, không phải do chuyện nợ nần đã trở thành sương khói mà bởi vì chúng tôi là một phần trong đời sống vui buồn của Vú. Sau Mậu Thân, tại đầu con hẻm 220 Trương Minh Giảng, bên hông đại học Vạn Hạnh, là nơi Vú đã cất lên chiếc quán cà phê bằng hai tấm vải ny-lông nối hai đầu một chiếc xe đẩy. Quán không có tên. Chúng tôi cũng không biết tên thật của Vú nên chỉ gọi là Cà Phê Bà Vú. Mà dù có biết tên thật, theo truyền thống Vạn Hạnh, có lẽ chúng tôi cũng đã gọi bà là bà Vú như chúng tôi gọi Hòa Thượng Viện Trưởng là ông ngoại. Cả hai cách gọi đều có tính gia đình, rất gần gũi, rất thương yêu nhưng không thiếu phần tôn kính.

“Cô bé” cũng kể, trước ngày đi khỏi Việt Nam Vú đã xé bỏ cuốn sổ “Đoạn Trường” ghi ngang dọc mấy trăm tên con nợ, dĩ nhiên trong đó có tên tôi. Thật ra, nợ tiền nhà và cơm tháng thì nhiều nhưng nợ cà phê cà pháo thường không là bao nhiêu. Con nợ của Vú đa số là sinh viên đến từ các tỉnh. Dân có gia đình ở Sài Gòn như tôi chỉ thiếu một vài ngày là trả hết. Tôi còn nhớ rất rõ, sổ nợ là cuốn vở xích-lô 100 trang, trên gáy vở Vú xoi một lỗ nhỏ và móc vào đó một sợi dây. Vú treo “cuốn sổ đoạn trường” trên đầu xe đẩy để vừa khỏi bị ướt và vừa dễ lấy xuống khi cần. Nhìn cuốn sổ đong đưa những tên thiếu nợ nhiều chỉ thầm mong nước sôi văng trúng tên mình. Mỗi khi ký sổ bọn tôi còn phải giúp Vú dò tên con nợ. Nhiều đứa biết chính xác tên mình được Vú đánh vần sai ra sao, viết màu gì và nằm trong trang thứ mấy. Bên kia đường cũng như chung quanh chợ Trương Minh Giảng có nhiều quán cà phê khang trang hơn và ngay cả phòng ăn của trường trên lầu hai cũng sạch sẽ hơn, nhưng như một thói quen chúng tôi chỉ thích chen chúc nhau ở quán cà phê của Vú.

Ngày đó Trung Tâm Ngôn Ngữ đã xây xong nhưng hàng rào thì chưa. Chúng tôi ngồi dọc theo những cột xi-măng chạy từ đường Trương Minh Giảng cho đến tận bên trong hẻm. Những chiếc bàn sắp dọc theo bờ tường xiêu vẹo. Buổi tối Vú không đẩy xe về mà chỉ hạ hai tấm ny-lông xuống che chiếc xe chất đầy bàn ghế. Tôi hay chọc Vú cười và thường phàn nàn khi Vú quên chấm một chút bơ vào ly cà phê sữa nóng của mình nên nếu còn sống có thể Vú nhận ra thằng sinh viên ốm yếu có giọng Quảng ồn ào ngày xưa.

“Cô bé” kể có lần Vú về Việt Nam và ghé thăm góc hẻm 220 đầy kỷ niệm. Cả gia đình Vú ngồi ngay tại nơi chúng tôi đã ngồi ngày trước. Vú không nói ra nhưng hẳn đã thầm tự hỏi “không biết đám sinh viên nghèo đó bây giờ ra sao”. Tôi chưa về nhưng cũng đã nhiều lần ngồi như Vú để lắng nghe từng giọt cà phên đen nhỏ xuống đời mình và cũng bâng khuâng tự hỏi “không biết Vú già xưa bây giờ ra sao”.

Quán cà phê của Vú tuy không nằm trong khuôn viên trường và hẳn nhiên không thuộc quyền quản trị của Hội Đồng Viện nhưng mỗi khi nhắc đến trường cũ, chúng tôi không quên nhắc đến quán cà phê trong cùng một cảm tình như khi nhắc đến thư viện, thiền viện, phòng văn mỹ nghệ, trung tâm sinh hoạt sinh viên, trung tâm ngôn ngữ, giảng đường 18, giảng đường 19. Trên những chiếc ghế vuông nhỏ nhoi đó, những sinh viên Vạn Hạnh, từ những nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, những cây vợt bóng bàn nỗi tiếng cho đến những người ngày đó không ai biết như tôi, đã ngồi, đã đứng dậy và ra đi theo chọn lựa riêng của mình. Dù góc biển chân trời, và ngay cả dù không cùng một chí hướng, trong lòng vẫn còn một chút tình giữ lại cho nhau, tình Vạn Hạnh.

Ngày Tết Dương Lịch ở Atlanta, tôi thay mặt bạn bè, thắp nén hương trước bàn thờ hương linh Vú và thưa nhỏ “Con đến thăm Vú”. Tôi thật xúc động, không phải vì đau buồn mà vì nghe từ đáy lòng mình đang dâng lên một niềm vui rất lạ. Cả gia đình với rất đông con cháu của Vú cũng thế. Chúng tôi kể nhau nghe nhiều chuyện vui như có Vú đang ngồi đâu đó trong phòng, lắng nghe và mỉm cười. Vú đã ra đi. Vâng, một ngày nào đó tôi cũng thế, nhưng sợi dây nhân duyên không vì chuyện sống chết mà đứt đoạn. Sợi dây tình người đã và đang nối dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho quê hương và cho dân tộc Việt Nam.

Tôi có ý định ra thăm mộ Vú nhưng hôm đám giỗ Vú trời mưa quá lớn. Nhìn những hạt mưa rơi trên đường về lại hội trường, tôi chợt nghĩ, những giọt nước kia phải chăng đã một lần nhỏ xuống tấm ny-lông che quán cà phê nghèo nàn của Vú ở đầu hẻm 220 Trương Minh Giảng, đã hòa vào dòng kinh đen Nhiêu Lộc, đã trôi xa, bốc thành mây và cuối cùng đã tìm được ra nhau giữa xứ người xa lạ trong buổi hạnh ngộ đầu năm. Và tôi chợt nhớ tha thiết một quán cà phê khác, trong một thành phố khác.

Dưới đây là bài thơ về quán cà phê bà Vú.

Nhớ Café Bà Vú ở Đại Học Vạn Hạnh

Cuốn vở xích-lô dày đúng 100 trang
Ghi ngang dọc mấy trăm tên con nợ
Có con nợ đã bỏ đi
Có con nợ còn ở lại
Có con nợ vừa trả xong
Có con nợ ….cười trừ.

Cuốn Sổ Đọan Trường trông cũng dễ thương
Nhưng có khối kẻ chưa nhìn đã sợ
Thầm ước: “Tối nay trời mưa trôi dùm ông con số nợ
để sáng mai ông hiên ngang làm lại cuộc đời.”
Những chiếc ghế thấp, bàn vuông, chen lấn nhau ngồi
Trung bình một tách Café, 4 bình trà nóng
Vú vẫn vui như người mẹ hiền kiên nhẫn
Gắng gượng nhìn đàn con (nợ) ký sổ mỗi ngày.

Những con nợ nghèo nhưng thích sống trên mây
Nợ Vú trả chưa xong đã bàn nợ nước
Chưa ra khỏi nhà đã tả cảnh núi rừng xuôi ngược
Vá túi chưa xong nhưng toan tính chuyện vá trời
Tương lai cụt dần như con hẻm 220
Quá khứ đen như con kinh Nhiêu Lộc bốc mùi hôi quanh năm suốt tháng
Chiều mưa lớn nước ngập chân cầu Trương Minh Giảng
Hai tấm ny-lông không đủ che quán Vú nghèo nàn.

Những đứa con (nợ) của Vú ngày nào
Lần lượt đi xa
Đứa xuống phố làm quan
Đứa lên rừng làm giặc
Đứa làm báo, làm văn, làm nhạc, làm thơ, làm tiền, làm luật
Đứa thích đấu tranh nên được làm tù
Buồn cuộc đời cũng có đứa đi tu.

Đôi lúc tình cờ như những chiếc lá thu
Dăm con (nợ) trở về thăm
Ngõ hẻm còn đây
Quán Café đã vắng
Nước vẫn chảy qua cầu Trương Minh Giảng
Mà Vú già xưa như mấy trắng phương nào.

Những con nợ nghèo giờ biết ra sao
Có còn nhớ một thời áo cơm lận đận
Nhớ Thiền Viện, Thư Viện, Giảng Đường, người yêu, bè bạn
Nhớ người đi và nhớ kẻ không về
Tiếng nhạc buồn, ai hát để ai nghe?

Cuốn vở xích-lô dày đúng 100 trang
Cho con trả Vú hết cả lời lẫn vốn
Vú mỉm cười: “Nơi Vú ở không bạc tiền vẫn sống”
Nén hương lòng, con xin trả Vú bằng thơ.

 



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Feb/2011 lúc 8:09am
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 09/Feb/2011 lúc 9:25pm

Cái nhìn khắc khoải

Truyện Nguyễn Ngọc Tư

 Hướng Dương diễn đọc

http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=400274



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 09/Feb/2011 lúc 9:42pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 18/Feb/2011 lúc 5:53pm
CHỊ TÔI
TRÂN THỊ ÚT

18 tuổi chị đẹp như hoa phù dung, nhiều nơi hỏi cưới không thèm.
26 tuổi, mẹ sợ chị ế chồng gả vội vàng cho anh bán củi tận Vành Hưng.
30 tuổi, má hóp, da đen, tay xách, nách mang ba đứa nhỏ về quê, mắt chị buồn xa vắng. Ba không chứa vì cái câu Trong nhờ đục chịu , xuất giá tùng phu .
42 tuổi, chị từ giã cõi đời với căn bệnh ung thư, mang vào lòng đất lạnh xa xôi lời ru của mẹ: Má ơi đừng gả con xa... .


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 18/Feb/2011 lúc 5:59pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 131 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 2.484 seconds.