Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn  
Message Icon Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 201
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23779
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Jun/2025 lúc 9:32am

Phía Sau Bản Án Tử Hình

Cả Thị Trấn bàng hoàng khi xác của chủ tiệm cầm đồ trôi nổi trên sông, tiệm bị lục lọi tan hoang. Chưa đầy 24h, công an tỉnh đã bắt gọn 4 đối tượng thanh niên tuổi đời vừa mười tám đôi mươi.

Phiên tòa được xử lưu động vào buổi sáng mùa đông, trời âm u, bàng bạc một màu lạnh lẽo. Dòng người đổ về khu xử án chen lấn để nhìn bằng được khuôn mặt những kẻ giết người phi tang cướp của đang đứng trước vành móng ngựa. Tôi cũng tìm cho mình một chỗ để theo dõi phiên tòa.

Bốn khuôn mặt non choẹt xanh xao đưa đôi mắt sẫm màu u buồn tìm người thân. Hàng ghế trên, những khuôn mặt khắc khổ,nhăn nheo. Những đôi mắt và khuôn mặt nhòe nhoẹt nước, những bàn tay lặng thầm kéo vạt áo lên lau đi những giọt đau. Không có tiếng khóc, chỉ có nước mắt và những cái cúi đầu…

Tiếng loa vang lên, giọng vị thẩm phán trùng xuống mà vẫn đanh sắt lại: Một tử hình, một chung thân, một 28 năm và một 16 năm. Tất cả lặng đi. Một không khí lạnh ngắt bao trùm trong một quãng thời gian dù rất ngắn. Những tiếng thở dài buông thõng khắp mọi nơi.

- Anh ơi…ơi…ơi…!

Tiếng gọi xé cả căn phòng, cậu bé chừng mười hai mười ba tuổi lao vút lên phía các phạm nhân. Nó lao về phía tội phạm nhận bản án tử hình. Mặc cho hai người công an lôi ra, nó vẫn cố hết sức lao vào.

Chiếc xe chở phạm nhân mở sẵn cửa, các phạm nhân được đưa ra ngoài. Đâu đó đã có những tiếng nấc đau đớn: Con ơi… Cậu bé vừa khóc vừa như lấy hết sức lực để lao lại bằng được với người anh nhận án tử hình của nó. Thân hình gầy tong nhỏ bé của nó nhanh như sóc chui lách giữa những người công an rồi ôm cứng lấy anh… Tử tù khụy xuống, khuôn mặt thanh tú trắng bệch khóc nấc lên. Cậu em ôm chặt lấy anh gào khóc, nó van xin nức nở: “Chú cho cháu ôm anh cháu tý thôi… Chú ơi, chú mở còng cho anh cháu ôm cháu tí thôi; Chú ơi… cháu xin chú, cháu xin chú, một tý thôi…”.

Kẻ tử tù choàng đôi tay bị còng qua cổ em trai nhanh như cẳt rồi ôm chặt lấy. Không ai cầm được nước mắt trước sự việc quá bất ngờ này.

Chiếc xe chở tội phạm sập cửa, chốt khóa và từ từ chuyển bánh, cậu bé lại vằng khỏi tay người thân lao theo đập đập vào cửa xe…. “Anh ơi…anh ơi”…. Dòng người giãn dần, chiếc xe chạy nhanh hơn, đôi chân nó cũng chạy nhanh hơn…Nó cắm đầu cắm cổ lao theo chiếc xe… chiếc xe vù đi, chỉ còn nó liêu xiêu giậm chân giậm cẳng rồi đổ sụp xuống trong khói bụi…

Tôi chuyển về trường mới.. Bước vào lớp, học trò háo hức đón chào. Những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên. Tôi đưa mắt bao quát một lượt những gương mặt học trò của tôi và chợt sững lại ở bàn cuối cùng… Cậu học trò một mình một bàn với đôi mắt buồn sâu hun hút, không cười, chạm ánh mắt tôi cậu ấy quay ra ngoài cửa sổ… Tôi không nhớ mình đã gặp ở đâu.

Tôi hỏi mọi người về cậu học trò, một đồng nghiệp nói với tôi:

- Nó là con nhà ông X, có thằng anh giết ông Q, tòa xử tử hình mấy năm trước đấy.

Tôi nhớ ra, hình ảnh cậu bé gào khóc bám chặt lấy kẻ tử tù hôm nào rồi đổ sập giữa mịt mù khói bụi trong buổi sáng mùa đông năm ấy trở về. Tự nhiên tôi như muốn khóc, thương đôi mắt buồn sâu hun hút vừa tránh ánh mắt của tôi nhìn về xa xôi…

- Sao cậu ấy lại ngồi một mình.

- Thì có đứa nào chơi với nó đâu.

- Sao lại thế được…?

Một đồng nghiệp bĩu môi: Đấy, đến phần cô cả đấy.

Tôi bắt đầu những tiết giảng văn của mình, những tiết học trôi qua, học trò như quên thời gian… Các bạn ấy bắt đầu chờ đợi những giờ Văn. Tôi và học trò lớp tôi gần gũi, thân thiết nhanh hơn tôi nghĩ. Giờ ra chơi chúng chặn tôi ở cửa lớp để chuyện trò. Niềm vui rộn ràng trong những ánh mắt long lanh. Duy chỉ có Thái, cậu học trò bàn cuối, em trai kẻ tử tù là chỉ đứng từ xa nhìn lại, đôi mắt cứ lặng lặng buồn. Đôi mắt trong những tiết học luôn quay đi khi chạm ánh mắt tôi dù bất cứ lúc nào.

Tôi kéo học trò lại gần thì thầm:

- Sao bạn Thái không lại đây chơi với cô trò mình mà cứ đứng vơ vẩn một mình dưới gốc cây kia nhỉ?

Không đứa nào nhìn lại phía sau, có lẽ hình ảnh đó đã quá quen rồi. Chúng chụm đầu vào tôi khe khẽ.

- Anh bạn đấy giết người bị tử hình đấy cô, bố mẹ bọn em cấm chơi với bạn ấy, ở xóm không ai đến nhà hay nói chuyện với bố mẹ bạn ấy đâu cô ạ…

- Thế à, thế mà cô không biết.

- Ai mà nói đụng đến anh bạn ấy là bạn ấy đánh luôn đấy cô. Bọn em sợ và ghét lắm.

- Ừ, cô biết rồi…

Tôi vẫn lên lớp với những giờ văn, tình cô trò mỗi ngày vun vén thêm bao tin yêu. Bao chuyện buồn chuyện vui bắt đầu thủ thỉ đem ra kể. Đứa thì bố say lùa mấy mẹ con đánh tối ngày, có đêm ngủ ngoài hè mùa đông rét cóng. Đứa thì bố mẹ mất ở với bà, đứa thì không biết bố, chỉ có mẹ thôi nhưng mẹ đi làm nên ở với Bác… Nhiều khi nỗi khổ cực được kể bằng nét hồn nhiên, cứ hất mái tóc, vuốt giọt nước mắt rồi kể. Lòng tôi se sắt buồn, tự nhiên thấy mình chợt nhỏ bé giữa dòng đời khi cần lấp đầy bao khoảng trống thơ dại bên tôi.

Tôi bắt đầu cho kế hoạch của mình. Sao để cậu học trò cô đơn ngay giữa những trái tim đầy yêu thương được.Tôi ngồi cùng Thái bên bờ sông mênh mông, qua con sông này là ra tới biển. Chiều hoàng hôn buông ráng đỏ miên man theo dòng trôi, những cánh diều trên đê liệng chao trong gió. Thái ngước nhìn những cánh diều, nhìn dòng sông, ánh nhìn xa xăm già dặn.

- Hồi nhỏ chiều nào anh cũng đưa em ra đây chơi cô ạ!

Mới nói thế thôi là khóe mắt buồn đã long lanh.

- Anh của em làm diều giỏi lắm cô à, nhà nghèo nên không có tiền mua đâu, toàn anh làm thôi. Nhưng diều của hai anh em lúc nào cũng bay cao nhất.

Tôi khẽ gật đầu. Rồi em kể tiếp, kể hối hả vội vàng như nếu dừng lại thì tôi sẽ không còn ngồi bên cạnh để nghe em kể nữa. Dòng ký ức xối xả buông, lúc nghẹn ngào hân hoan, lúc ngậm ngùi xót xa đầy nước mắt.

Ký ức của em là hình ảnh người anh gầy gầy thư sinh, nụ cười hiền và thương em hết mực. Trong kíý ức ấy, có con đường trơn trượt, nắng chưa kịp có lối lại đã lầy lội hết cả một mùa mưa. Ai cũng quen với hình ảnh người anh sắn quần cõng em trên lưng mỗi buổi tan trường. Có cánh đồng bao mùa anh lặn lội, có đôi bàn tay nhỏ bé của anh móc cua bầm dập, sưng tấy hết mùa này sang mùa khác. Có đông về lạnh cóng đôi vai gầy vì nhường áo cho em. Có những mùa xuân nối tiếp mùa xuân mong manh áo cũ để dành em cả bộ đồ mới đón giao thừa. Có những đồ chơi tết bằng lá dừa, mỗi lần đeo chiếc đồng hồ bằng lá dừa lên tay em anh lại hứa: “Sau này lớn lên đi làm anh sẽ mua cho hai anh em hai cái đồng hồ giống nhau nhé”. Ở trong miền ký ức ấy có khói bếp cay mắt những chiều nhớ mẹ đợi cha… Có bữa cơm cà lúc no lúc đói. Về miền ký ức ấy, nước mắt tôi rơi theo những giọt nước mắt của trò .

- Em thương anh em lắm, em thương lắm cô ạ, không hiểu sao anh ấy lại làm vậy. Em không thể hiểu điều gì xảy ra trong cái đêm kinh hoàng đó…

Những dồn nén cứ thế theo nước mắt tức tưởi tuôn. Tôi có cảm giác nỗi đau khổ ấy đang vỡ vụn ra thành ngàn vạn mảnh sắc nhọn trong lòng Thái. Tất cả thật quá sức chịu đựng của em.

- Các bạn không chơi với em cũng được, em một mình cũng được. Không ai đến nhà em cũng được. Em cũng quen rồi. Chỉ là đừng ai nói đến anh của em. Em muốn tất cả mọi người quên anh của em đi. Một mình em thương và nhớ anh thôi là đủ …

Trời chiều đổ bóng loang một vệt dài tối sẫm trên mặt sông. Những cánh diều đã được thu lại, chỉ còn một bóng chim chiều mải miết đơn độc trên cao.

Tôi vẫn âm thầm thực hiện kế hoạch của mình …

Hết học kỳ 1… lớp tôi không còn cậu học trò ngồi một mình ở bàn cuối, không còn cậu học trò lang thang vơ vẩn trên sân trường chả biết đứng vào đâu trong những giờ chơi. Ánh mắt đã bớt buồn, nụ cười đã trở về trên khuôn mặt già trước tuổi của cậu học trò nhỏ. Nhìn Thái giữa bạn bè, lòng tôi thật an yên… Thực ra những điều ấy phải thuộc về Thái, cậu ấy có lỗi gì đâu. Chỉ là cuộc đời nghiệt ngã đã lấy đi và tôi chỉ đưa tất cả mọi thứ về đúng chỗ mà thôi.

Mỗi ngày qua đi, nghĩa tình buộc chặt Thái bên tôi. Cậu ấy học tốt dần lên. Nhìn cậu học trò luôn dành phần nặng nhọc trong những ngày lao động, tay quẹt mồ hôi, khuôn mặt lem nhem, cái dáng vội vàng để kéo bạn trượt chân bị ngã rồi xoa xoa vết đau của bạn khiến tôi nghèn nghẹn.

Buổi học hôm ấy tôi không có giờ, vừa tan trường một tí thì thấy mấy học trò hớt hải lên nhà tìm tôi.

- Cô ơi, bạn Thái đánh bạn Hùng lớp B, kiểu chi mẹ bạn Hùng cũng đến chửi nhà bạn Thái. Bố bạn Thái sẽ đánh bạn khiếp lắm cô à.

Tôi hối hả lấy xe, chở thêm cô học trò chỉ nhà. Tôi cũng chưa đến nhà Thái lần nào.

Người phụ nữ đứng trước cửa nhà Thái khuôn mặt phừng phừng đang xỉa xói: “Cái loại khốn nạn không biết dạy con. Còn đứa nữa định để nó đi ăn cướp giết người nữa à”… Vừa thấy tôi là chị ấy lôi thằng con lại: “Đây, cô xem, nó đánh con tôi sưng mặt bầm môi lên thế này à. Cái loại con nhà khốn nạn rứa chứ…”

- Chị bình tĩnh, có gì chị vào nhà nói với bác ấy.

- Tôi vào làm gì cô, cái loại cả làng cả nước không ai thèm nhìn mặt…

- ….

- ….

- Thôi, chị cứ về đi, có gì mai em trao đổi lại với chị. Để em vào xem sao.

Thái đang dúm dó ở góc hè, chiếc roi mấy vun vút quật xuống thân hình gầy còm của em. “con xin bố, con đau lắm bố ơi, con xin bố”. Người bố vẫn nghiến răng vụt “Tao khổ lắm nhục lắm rồi, có biết không con ơi… trời ơi, trời ơi, trời ơi”. Cứ mỗi tiếng “ trời ơi”, chiếc roi lại quật xuống đầy đau đớn. Tôi bàng hoàng trước cảnh tượng đó, run lên rồi ngây đơ ra. Rồi như sực tỉnh, tôi lao lại giữ chặt cánh tay đang giơ roi lên nói không ra tiếng: “Anh đừng đánh cháu nữa”. Bố Thái quay lại nhìn tôi đang khóc như mình bị đánh sững lại rồi buông roi. Tôi chạy lại phía Thái, em ôm chặt cứng lấy tôi, những vết lằn ngang dọc tứa máu trên người.

- Cô ơi… cô ơi…!

Bố Thái ngồi sụp dựa lưng vào cây cột nhà nham nhở vết bong tróc, khuôn mặt khắc khổ đen sạm, từ đôi mắt trũng sâu đùng đục những giọt nước mắt ngấm vào những vết nhăn hằn sâu trên má ông. Ông ôm ngực ho rũ rượi. Thái buông tôi lao lại đỡ bố rồi vuốt vuốt ngực. Khuôn mặt ông tím tái, bàn tay co quắp cứng đơ. Thái cuống cuồng đặt bố nằm thẳng xuống day lồng ngực, nắn nắn đôi tay luôn miệng gọi bố ơi. Một lúc thì ông ho lại được, những cơn ho dài như móc ruột móc gan. Mẹ Thái hớt hải từ đồng chạy về, bàn chân còn lấm bùn, bà giang đôi cánh tay gầy quắt khô ôm con ôm chồng rồi khóc. Căn nhà hoang lạnh, trống trải bơ vơ.

Tôi mời cô giáo chủ nhiệm lớp B, phụ huynh và cậu học trò bị đánh vào cuối buổi học. Thái ngồi cạnh tôi run rẩy, những vết roi tứa máu phồng rộp ngang dọc trên hai cánh tay. Một làn roi vút dọc in từ trán xuống cằm… Chả hiểu sao tôi không khóc mà nước mắt cứ giàn dụa, càng cố càng không được. Tôi liên tục lau nước mắt, thở sâu. Thế nhưng không hiểu sao vẫn không được. Nói được mấy câu lại nghẹn lại… Thái cũng khóc, rồi tự nhiên chả hiểu sao cô chủ nhiệm lớp B cũng khóc, rồi cũng chả hiểu sao cậu học trò bị đánh cũng khóc và bà mẹ cậu học trò bị đánh cũng rưng rưng. Tôi không nói nổi, cứ khóc là không sao nói nổi. Tệ thế chứ. Thái sát lại gần bên tôi thêm nữa rồi cậu ấy nói rành rọt rõ ràng.

- Cháu đánh bạn là cháu sai rồi, cháu xin lỗi bác… xin lỗi cô, xin lỗi bạn.

Thái quay về phía cậu bạn giọng trùng xuống: “Anh tôi xấu nhưng không làm gì đến bạn. Anh ấy sai anh ấy đã đền tội rồi. Xin bạn đừng bao giờ chửi rủa tới anh tôi. Nếu bạn vẫn chửi rủa thì tôi vẫn đánh. Bạn nhớ lấy.”.

Im lặng trôi đi…

- Tôi nóng tính quá cô à, thành ra….

Bà buông lửng câu nói… nhìn tôi.

….

Cậu học trò bị đánh cũng xin lỗi cô, xin lỗi Thái. Chúng tôi trò chuyện với nhau thật cởi mở chân tình. Ra về bác phụ huynh nắm tay tôi rồi nói:

- Nói chuyện với cô tôi hiểu thêm được nhiều điều. Cảm ơn cô!

Tôi cũng không còn nhớ rõ là lúc ấy tôi nói những gì. Tôi chỉ biết tôi luôn hướng và giải quyết mọi chuyện tôi gặp bằng thứ cảm xúc bật ra trong lòng mình ngay lúc ấy. Cũng không biết những điều tôi nói chạm vào lòng người thế nào. Chỉ biết là sau đó, người phụ huynh có con bị đánh là người hàng xóm đầu tiên bước vào nhà Thái kể từ khi anh trai Thái nhận án tử hình.

Một ngày chủ nhật, cả nhà Thái lên gặp tôi. Cho dù tôi cố gắng tạo không khí vui vẻ cũng không sao tạo nổi. Đau khổ và những bất hạnh của cuộc đời đã khiến nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt bố mẹ Thái trở nên lạc lõng tội tội.

- Tôi lên để cảm ơn cô, nhờ cô mà con trai tôi đã đổi thay nhiều. Suốt ngày nó nhắc cô, cái gì cũng cô. Tôi cũng thấy ấm lòng cô ạ…

- Hôm nay tôi lên để chào cô, vợ chồng tôi tính kỹ rồi, chúng tôi chuyển đi nơi khác sinh sống làm ăn để cho cháu yên tâm học hành. Ở đây, nỗi khổ không thoát ra được…

Tôi bất ngờ quá, ông nói quả quyết… và tôi hiểu đó đã là quyết định rồi. Thái rơm rớm nước mắt…

- Em không biết nói gì… nhưng cô thật sự quan trọng với em…

Thái đến lớp với chiếc áo sơ mi trắng và quần đen mới tinh. Mái tóc nhẹ xoăn vuốt cao, đôi mắt buồn long lanh, nước mắt cứ trực trào. Tôi chuyển toàn bộ hồ sơ chuyển trường cho em rồi nói với lớp.

- Thái đến để chào tạm biệt các em, cô xin lỗi đã không nói trước với các em vì bạn Thái muốn thế.

- Cả lớp ngơ ngác… : ‘Sao ạ?”

- Bạn theo gia đình đến một nơi khác… (Tôi lại chỉ nói được thế rồi lại không nói được nữa).

Cả lớp khóc rưng rức túm tụm quanh Thái, mấy đứa con gái khóc nấc lên. Thái khóc nhiều, những giọt nước mắt ấm áp và hạnh phúc. Những bàn tay đan chặt, những cái ôm không rời… Có những lúc bao nhiêu yêu thương cũng không kịp cho những đắp đền.

Tôi dẫn Thái lên văn phòng chào các Thầy Cô, mọi người ai cũng rưng rưng, cậu học trò của tôi nói những lời chia tay nghẹn ngào trong nước mắt. Chỉ có một người đồng nghiệp quay đi tránh ánh nhìn của tôi.

Tôi tặng Thái chiếc bút đang viết dở, đó là mong muốn của Thái bày tỏ với tôi. Còn em tặng tôi chiếc khăn len màu đỏ rồi nói:

- Mùa đông cô nhớ giữ ấm, đừng để bị ho nhé.

Sân trường nắng vàng trong veo theo gió lấp lánh dưới tán lá. Bóng cậu học trò nhỏ tinh khôi khuất sau cổng trường. Hình ảnh cậu bé chạy theo chiếc xe tử tù ngày nào chợt mờ xa trong tôi. Tôi biết cậu ấy vừa đi vừa khóc…

Học trò lớp tôi vẫn khóc dù tôi đã lau khô nước mắt của mình trước khi bước vào.

- Chúng ta học nhé…!

Thế nhưng tiết học ấy và buổi học ấy lớp tôi không học được. Không hiểu vì sao đứa nào cũng khóc rõ lâu…

- Bạn ấy có viết thư cho cô không?

- Không em à.

- Cô có địa chỉ không?

- Không.

Tôi và học trò lớp tôi mất liên lạc với Thái từ đó, tôi có hỏi thăm nhưng không ai biết. Chúng tôi chỉ còn nhắc Thái trong những giờ chơi, trong những giờ lao động, trong giờ học liên quan đến tình yêu thương, nỗi bất hạnh, sự đồng cảm sẻ chia… Khóa học kết thúc, mỗi trò về mỗi ngả, những lần về thăm tôi cũng không ai biết tin tức Thái ở đâu. Tôi cũng chuyển công tác. Cứ mỗi khi có việc ngang qua triền đê trên bến sông, tôi lại nhớ cậu học trò thưở ấy. Có những lúc tự hỏi thầm: Giờ em nơi đâu? Đã mười ba năm trôi qua….

Chiều nay về nhà, trên bàn có tấm thiệp mời tân gia, tôi nhìn địa chỉ và tên mà không nhớ ra được người mời mình. Nhưng có quý có biết mới mời, nhà tôi cứ có giấy mời là đi, bất kể quen thân đến đâu. Tôi hỏi theo địa chỉ trong thiệp tân gia, con đường mỗi lúc một quen.

Tôi bước vào cổng, ngõ nhỏ dẫn vào nhà lát gạch đỏ tươi, hai bên là hoa mười giờ nở rực. Trong nhà rộn rã. Thái đón tôi ngay trên lối đi. Cậu ấy cứ đứng lặng nhìn tôi.. “ Em già đi nhiều không cô?”… Thái ôm tôi rất lâu, gục đầu vào vai tôi như ngày ấy. Học trò cũ năm xưa cũng có mặt khá đủ đầy. Tôi lại thế, không khóc mà nước mắt cứ lăn dài, nắm tay từng đứa nhắc lại tên. Bố mẹ Thái khỏe hơn nhiều, nụ cười hồi sinh đầy niềm tin sáng trên khuôn mặt đã bớt những khổ đau. Thái bế bé con trên tay và dắt một cô gái giới thiệu với tôi:

- Đây là vợ và con trai em cô ạ!

Cô gái lần đầu tiên tôi gặp khẽ gọi tên tôi: Cô Hoài … Em chào cô! Khuôn mặt tròn trĩnh rạng ngời hạnh phúc.

- Con ôm bác Hoài, cô giáo của ba đi.

Cậu bé nhoài người ôm lấy tôi, hôn lên má tôi: “con chào bác, con yêu bác.”. Tôi bế cậu bé trên tay, hôn lên đôi má bầu bĩnh: Bác yêu con…

Tôi cùng mọi người đi thăm hết các phòng của ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi đầy đủ. Khu vườn được cải tạo và trồng nhiều cây ăn quả. Trên bậc thềm, những bông hồng ngoại hồng rực trong nắng tỏa hương…

Thái đưa riêng tôi vào một căn phòng nhỏ, đấy là nơi Thái dành cho người anh trai của mình. Bức ảnh người anh với khuôn mặt thanh tú được đặt ngay ngắn trên bàn thờ. Hoa tươi và trái ngọt được sắp đặt cẩn thận. Phía bên trái là chiếc hộp màu đỏ, Thái mở chiếc hộp cho tôi xem : “Cô ơi, đồng hồ em mua cho anh trai em đấy”. Tôi nhìn chiếc đồng hồ trong hộp rồi nhìn lên tay Thái, hai chiếc đồng hồ ý chang nhau. Hai chiếc đồng hồ cho một lời hứa không thành, hai chiếc đồng hồ thay vào trò chơi bằng lá dừa của anh em Thái…ngày xưa.

Tôi và Thái dạo trên triền đê dọc dòng sông đang xuôi về biển. Chiều buông nắng vàng rực trên mênh mông sông nước và vời vợi những cánh đồng tít tắp xanh…

- Ngay từ khi ra đi, em đã quyết tâm: Dứt khoát phải trở về cô ạ. Những năm tháng qua, mọi nỗ lực, mọi cố gắng của em luôn có một phần vì cô trong đấy. Với em… cô thật quan trọng cô biết không!

…..

Mặt trời chưa khuất núi, trăng đã lên sáng trong bên trời. Buổi chiều chầm chậm êm trôi…

Thái đã quay trở về nơi mình sinh ra, nơi lưu dấu bao niềm thương, bao niềm đau và sự cô đơn. Để trở về thực sự, Thái đã phải đi qua những nẻo đường đầy đau khổ, cơ cực đẫm nước mắt và bao đêm không ngủ. Tôi biết em đã cố gắng không phải cho riêng em. Tôi biết nơi trái tim ấy, lẽ sống đang thắp sáng cho một ký ức ăm ắp những kỷ niệm của tình anh em, soi lối cho một linh hồn trót đi lạc vào bóng tối. Lẽ sống đang cháy vì sự hồi sinh niềm tin trong ánh mắt và nụ cười của mẹ của cha. Lẽ sống đang chảy để xóa mòn một bản án khắc nghiệt giữa cuộc đời…

“Phía sau bản án của một người, niềm tin và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống là điều không dễ dàng có lại được đâu cô…Em chỉ mong cuộc đời bớt đi những bản án khắc nghiệt để niềm đau không về nơi đây…”. Tôi nhớ mãi ánh mắt buồn nhưng đầy nghị lực niềm tin của cậu học trò khi nói với tôi điều ấy.

 

Tác giả: Trần Tuyết Mai. 


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23779
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Jul/2025 lúc 9:19am

Trăng Lu 



Xóm Xẻo Lờ. Cái tên khiến những người nhạy cảm dễ đỏ mặt. Nhưng có hề chi. Nó được đặt và quen miệng từ thời cha ông… Nào là xóm Cầu Bà Banh, Cầu Bà Tành, Xẻo trầu, Xẻo Lờ…mộc mạc, giản dị như con nước ngày hai buổi lên xuống, như chuyện trai gái xưa nay, như chuyện của Út Năm và Bé Gái bây giờ.

Hai đứa biết nhau từ hồi còn ở truồng theo mấy ông anh chạy nhong nhong ngoài bờ ruộng hớt cá lia thia. Lớn chút nữa thì chơi trò vợ chồng làm nhà chòi đằng sau mấy đụn rơm. Cho đến khi biết mắc cở trong một lần tắm sông nhìn qua ngực Bé Gái thấy hai cái chũm cau phập phồng… Từ đó là những câu nói trỏng giữa hai đứa “Lấy cái gỗ đựng mấy con cá gô mới bắt đem về cho bà già kho tộ nè” hay “Ăn gau cải không? Non lắm. Tui bứt nghen.”

Tình yêu không cần những câu “anh yêu em, em yêu anh” như trong tiểu thuyết nhưng trai gái xóm Xẻo Lờ biết con Bé Gái là của thằng Út Năm. Chẳng đứa nào nhảy vào mà tranh giành, đâm chém như trong mấy cái phim chuyện tình tay ba tay tư trên Ti vi chạy bằng bình ắc quy coi ké nhà ông Ba. Tám Điếc cha Út Năm khề khà bên xị rượu đế nói to “Con đó ngó cũng đặng. Chờ nó lớn chút nữa rồi tính. Lo cho thằng Tư xong rồi đến mày nghe Năm!”. Út Năm im lặng, nhát búa bổ xuống gốc xoài khô nghe dòn như tiếng pháo chuột.

Nhà Bé Gái nghèo. Cha mất sớm, sống cùng má và chị Hai trong chòi lá cuối xóm. Cái nhà nhỏ mà vui. Mấy đứa trong xóm hay tụ tập mỗi tối ca vọng cổ rồi nướng chuột đồng, nướng khô sặc kèm mấy trái xoài sống làm mồi nhậu. Cuối năm chị Hai cũng sẽ theo chồng, nhà còn trơ trụi hai má con. Nhìn sức vóc thằng Năm, bà má mừng thầm trong bụng. Chà cái thằng, hai tay hai giạ lúa chạy gọn hơ!

Hai đứa thường hẹn riêng nhau ở ngoài cái cầu khỉ đầu xóm, khi trăng thượng tuần như một chiếc móc câu lơ lửng trên bầu trời. Sao vậy cà? Trăng giữa tháng sáng vằng vặc sợ dân xóm thấy xấu hỗ. Cuối tháng trời tối om thì Bé Gái ngại ngùng. Câu chuyện giữa hai đứa cũng chỉ là những chuyện không đầu không đuôi, vớ va vớ vẩn. Gan lắm cũng chỉ thêm một cái nắm tay. Ấy thế mà đêm về không đứa nào ngủ được.

♣ ♣

Mấy năm gần đây, đời sống của cư dân có mòi thay đổi. Nhất là từ khi con lộ được trải đá dăm ra tận thị trấn Cái Tàu Hạ. Đám cưới, đám giỗ đã có nhạc sống. Những bài ca truyền thống Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà chỉ còn dành riêng cho các ông bà tứ thập trở lên; còn các cô cậu choai choai thì rống lên “Tình yêu đến em không mong đợi gì.Tình yêu đi em không hề nuối tiếc…”

Trong các khu vườn, cây trái cũng theo đó mà làm cách mạng. Không ai còn tìm ra giống mít nghệ tươm mật ngày xưa, những chùm dâu da đong đưa như gái mười sáu cũng thành của hiếm. Người ta trồng những công đất rặt giống mít Thái Lan, trái nhiều nhưng ăn nghe sao sống sít sần sật. Những vườn ổi bạt ngàn cũng được hiện đại hóa với hàng ngàn bao nhựa trắng. Nhìn trên cao xuống, màu xanh mát của thiên nhiên trở nên sượng sùng.

Đầu xóm Xẻo Lờ bỗng xuất hiện hai căn nhà ngói sáng rỡ. Nghe đâu của bà Năm Trầu ngoài chợ vô mua đất của chú Tư Năng. Mua đến năm công. Bà Năm Trầu làm gì mà giàu nhanh vậy ta? Mới ngày nào ra chợ còn thấy bà ngồi nhặt từng trái ổi dạt của dân xóm. Ông cha ta nói “người tốt vì lụa” chẳng sai chút nào. Bà Năm mặc áo màu hường hở cổ, ngồi oai phong trên nền gạch bông mát rượi, giọng sang sảng kêu Bé Gái bán cho bả hai quầy dừa giải khát vì “đêm qua ăn thịt gà nhiều quá khô cổ”. Bé Gái bỏ đôi dép nhựa dưới bậc thềm, bước vào cứ sợ chân mình làm dơ sàn nhà bóng loáng, tròn mắt nhìn những thứ đồ lạ lùng cả đời chưa thấy.

Dân xóm đồn đại bà Năm trúng số. Chiều đó ông bán vé số bán thêm được mươi vé cho mấy ông ngồi nhậu dưới gốc cây sanh cổ thụ. Nhưng cũng chính ông ta tiết lộ lý do giàu xổi của bà Năm. Ừa, thì là bà Năm trúng số thật. Trúng bạc triệu lận. “Trúng nhờ hai cô con gái lấy chồng Đài Loan! Ông nào ông nấy hói đầu, có hai cái bụng như đàn bà chửa”.

Má Bé Gái chép miệng “Giàu chi thì giàu chứ gả con cho người già như ông nội thì xưng hô làm sao? Lại còn nỗi chồng nói chồng nghe, vợ nói vợ nghe làm sao mà hòa hợp?”. Chồng sắp cưới của chị Hai cười hà hà “ Chắc họ nói bằng tay, má ơi!”. Bà già đập cái quạt lá bương xuống bộ ván “Quỷ hông hà!”. Út Năm cười hi hi, Bé Gái liếc xéo Út, cười mím chi.

Mới về làm dân Xẻo Lờ được hơn tháng, bà Năm Trầu đã lê la từ đầu trên ngỏ dưới. Bả trề môi chê nước phèn tắm nhớt nhợt, chê “con trai Việt Nam không thơm”, chê “làm ăn quanh năm không bằng qua xứ Đài một tiếng”và tiếc rằng “đã già chứ không cũng ráng đẻ thêm mấy đứa con gái để gả cho Đài Loan!”

Bà vô nhà Bé Gái khen “Cha mẹ cú đẻ con tiên”, quở đôi mắt lá răm của chị Hai, tiếc chị sắp lấy chồng chứ cỡ chị qua xứ Đài thế nào cũng có giá. Bả liếc Bé Gái khen mặt mày cũng khá “ngon cơm” dù nhỏ con. Bà má cau mặt “ Con tui có nơi có chốn hết rồi chị à! Nói chi chuyện tầm ruồng”.

Ngày cưới chị Hai thiệt là vui. Đêm nhóm họ trai gái trong xóm hát hò xôm tụ dưới cái cổng được kết bởi những tàu lá dừa nước. Sau chái, mấy bà mấy chị mổ mấy con vịt xiêm nói chuyện ì xèo. Chuyện sốt nhất là chuyện bà Năm Trầu vừa mai mối cho nhỏ Lài lên thành phố lấy chồng, dĩ nhiên là một ông Đài Loan. Họ chuyền tay nhau mấy tấm hình Lài mặc áo dài, vàng đeo đỏ tay bên bà má mặt mày hớn hở..Ông chồng đứng đằng sau ngó già hơn má vợ nhưng trên cổ có một sợi dây chuyền to như sợi xích chó. Nghe như có tiếng thở dài của một chị khi liếc xéo ông chồng đang cởi trần nốc rượu lè nhè ngoài sân!

Rồi một làn sóng ngầm mà bạo liệt, nhà bà Năm Trầu thì thụp kẻ ra vô. Bà Năm công khai nói oang oang “Tui sắp xóa đói giảm nghèo cho cái miệt này rồi nghen. Để coi, ít năm nữa, xóm này không lên nhà ngói mới lạ!” Mà quả thiệt, ông Tư Thăng nghèo rớt mồng tơi sau khi nhờ bà Năm “làm dịch vụ trọn gói” cho con gái đã chểm chệ trên một chiếc Cup bóng loáng. Nhà bà Bảy tận trong lung cũng lên đời cái mái tôn sau khi Bé Ba theo bà Năm lên Sè Gòn ra mắt đằng trai. Bà Tám Tàng nhiếc con “Mày xấu quá họ chê chứ không tao cũng kiếm được chút tiền dưỡng già!”.Bà nhiếc mà không nghĩ rằng cô con gái giống hệt mình ở hàm răng hô và đôi mắt hí. Chú Ba Hoàng thở ra “Coi chừng mấy năm nữa con trai xứ này ế vợ hết!”

Đời sống ngày một khó khăn, vườn tược thất bát. Ổi hạ giá một kí ba trăm, người ta chặt ổi trồng nhãn rồi lại chặt nhãn trồng xoài. Thêm cái nạn ruồi vàng chích, bọ xít bu trái hư, trái èo uột. Lũ con trai bỏ đất vườn rủ nhau lên thành phố làm ở các khu công nghiệp. Xóm làng buồn như chùa Bà Đanh.

Đêm nay, Út Năm và Bé Gái lại gặp nhau ở gò đất đầu cầu. Hai đứa bó gối nhìn ra mặt sông. Bé Gái thở ra “Con Bé Tám cũng lấy chồng Đài rồi. Em hết bạn tâm sự!”. Út Năm ném một hòn sỏi nhỏ xuống mặt nước “ Anh Tư rủ anh lên Bình Dương làm công nhân, Gái nghĩ sao?”-“Ai cũng đi hết, còn lại toàn ông bà già. Nhưng nếu không đi, lấy gì sống. Em còn Má chứ nếu không chắc cũng phải xin đi may trên khu chế xuất”.Út Năm nói “ Em ráng đợi anh thêm mấy năm, anh kiếm chút vốn cho sau này đỡ cực.” –“Em chờ anh. Má cũng thương anh mà!”. Hai đứa cầm tay nhau. Mảnh trăng thượng tuần như nụ cười dù hơi méo.

♣ ♣

Má Bé Gái đau. Lúc đầu tưởng chỉ là những cơn trái gió trở trời nhưng bệnh ngày càng nặng. Bệnh viện Huyện giới thiệu lên thành phố, bệnh viện thành phố chuyển qua bên ung bướu, kết luận ung thư phổi. Sinh thiết rồi xạ trị, số tiền không phải ít. Tiền nhà nghèo thì có hạn. Hai chị em quyết định bán ba công đất chỉ để lại túp lều trên mảnh đất hẹp. Bên chồng chị Hai cũng không khá giả gì, chị Hai lại đang cấn thai không làm chi được. Bé Gái lo đến thắt ruột. Bà má cầm tay con: “ Để má chết, con đừng lấy chồng Đài. Má mong mày lấy thằng Năm!”

Bé Gái quyết không lấy chồng Đài nhưng vay tiền bà Năm Trầu lo cho má thì có. Xóm này nhà nào cũng vắt mũi đút miệng lấy đâu dư . Bà Năm xởi lởi dúi tiền cho Bé Gái “ Kẹt cứ nói dì, chỗ bà con làng xóm…”

Được ba tháng bệnh viện trả về vì khối u đã di căn. Bà má như bộ xương khô nằm ẹp trên giường. Bé Gái sắc thuốc Nam bằng lá sả, lá đu đủ cho bà uống. Chị Hai thi thoảng chạy về khóc mếu dúi cho em mấy chục rồi tất tả lo phục vụ nhà chồng. Cuối tháng, Út Năm tranh thủ về thăm than thở công việc nặng nhọc, toàn làm tăng ca đêm, hai con mắt trõm lơ.

Bà má chết chưa tròn tháng thì bà Năm Trầu xuất hiện. Không còn vẻ xởi lởi, không “tình làng nghĩa xóm “ nữa, bà tổng kết tiền vay cộng tiền lãi tròm trèm ba chục triệu. Hai chị em nghe muốn xỉu! Út Năm muốn ra tay nghĩa hiệp nhưng nghe số nợ cũng dội ngược. Cả một đời công nhân chắc gì cầm được số tiền ấy trong tay!

Cái vòng kim cô ngày càng thắt chặt. Lời lẽ bà Năm trầu khi ngọt khi nhạt, khi xoa khi đấm. Và cuối cùng, lối thoát duy nhất “vừa xong nợ, vừa sướng thân” là lấy chồng Đài. Ông này tóc không hói, bụng không bự chỉ có cái chân chấm phẩy “lệt quệt chút thôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ” như lời bà Năm Trầu! Thôi thì Bé Gái đành bắt chước cô Kiều của Nguyễn Du “ Cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Út Năm về thăm, Bé Gái tránh mặt.

Chị Hai bồng con theo Bà Năm Trầu lên thành phố tiễn em. Sau khi trừ hết nợ, tiền mối mai, tiền chụp ảnh, tiền giấy tờ… Bé Gái dúi hai triệu bạc còn lại vào tay chị kèm theo một cái khăn thêu nhờ chuyển cho Út Năm. Cái khăn màu hồng có thêu hai con chim châu mỏ vào nhau là quà tặng của Út Năm ngày lên Bình Dương làm khu chế xuất!

Bé Gái đi xứ Đài được sáu tháng, chưa kịp gởi đồng bạc nào về sửa nhà, chuộc đất như dự tính thì chị Hai nhận được tin em gái chết. Một cái chết thương tâm. Nhảy sông vì bị bạo hành! Xứ Đài không chỉ có nhà cao cửa rộng mà còn chốn nông thôn nghèo xác xơ! Xứ Đài không chỉ có những ông chủ măc vest thắt cổ cồn mà còn có những anh nông dân đội mũ lá ngày ngày cắm đầu trên ruộng, nghèo đến mức không đủ tiền lấy vợ bản xứ! Bé Gái không chỉ làm vợ cho lão già lệt quệt mà còn phải mua vui cho tất cả ba tay đàn ông trong nhà chồng. Ngày về của Bé Gái là chiếc bình nhỏ đựng nắm tro cốt được chị Hai chôn trước nhà cạnh mộ của bà má. Cái nhà tranh ấm áp ngày nào giờ không ai coi sóc ngày càng xập xệ, đìu hiu…

♣ ♣ ♣

Thằng Cu Tí hớt hải chạy về nói với ông Nội: “Con thấy ma bên nhà chị Bé Gái!” Chú Ba Hoàng nạt “ Thời nay còn nói chuyện ma quỷ” nhưng cũng cầm cái gậy tầm vông đi tuần một vòng cho đứng chức năng của An ninh xóm.

.Tháng cuối năm. Cơn gió chướng làm người ông gây gây. Ông bước qua cánh cửa rào tàn tạ. Một người ngồi gục đầu bất động bên hai ngôi mộ, túi xách nhỏ bỏ dưới chân, đốm nhang đỏ lập lòe trong bóng tối. Chú Ba Hoàng tằng hắng, bóng đen ngửng đầu lên, chú Ba Hoàng nhận ra đó là Út Năm. Chú cất tiếng “Mày về hồi nào Năm? Qua nhà chưa mà ngồi đây?” Út Năm trả lời bằng một giọng ướt sủng: “Cháu đi đò qua kinh rồi lội rạch về nhà. Thấy còn sớm, ghé thắp cho Bé Gái cây nhang”. Chú Ba Hoàng thở dài: “ Thôi, con để cho linh hồn nó thanh thản. May mà còn về được cố hương…” Chú bỏ dở câu nói, kéo Út Năm đứng lên. Một già một trẻ đi liêu xiêu trong ánh sáng nhập nhoạng.

Tiếng con dế nào nỉ non bên bụi cỏ ven đường. Trên đầu họ, trăng thượng tuần đã lẫn vào mây.


HƯƠNG THỦY
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23779
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jul/2025 lúc 1:42pm

CHUYỆN BÊN ĐƯỜNG. Tác giả: NV. Lưu Nghi. Người đọc: Thái Hoàng Phi  <<<<<<

Xich%20Lo,%20a%20symbol%20of%20Vietnam%20tourism%20Halong%20Junk%20Cruise




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 12/Jul/2025 lúc 1:57pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23779
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 11:16am

Chiếc Lá Vô Tình 

Hình minh họa: AI generated

Một chiếc lá vàng, chẳng hẹn trước,lững lờ rơi theo gió, khẽ chạm vào trán Thi như một lời nhắc khẽ, rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất tĩnh lặng.Thi bàng hoàng sực tỉnh. Bước chân nàng vẫn chầm chậm, tưởng như đang đi trên một con đường rất dài, dù khoảng cách từ chỗ đậu xe đến cửa sau căn nhà chỉ vỏn vẹn vài thước.

Trước cánh cửa thân quen, Thi hít nhẹ một hơi dài, cố gắng lấy lại nét bình thản. Nhưng dẫu có cố đến đâu, đôi mắt nàng vẫn vương một nỗi ưu tư không che giấu được. Đó là cánh cửa của ngôi nhà mà nàng và Tú đã chắt chiu suốt bao năm để tạo dựng, từng viên gạch, từng khung cửa, từng bóng đèn cũng in dấu bàn tay và giấc mơ của cả hai.

Chợt, một nỗi thảng thốt lặng lẽ dâng lên trong lòng nàng. Thi biết, ngày nàng rời xa mái nhà này không còn xa nữa. Một chuyến đi không định trước. Một khúc rẽ không hẹn ngày trở lại. “Rồi sẽ ra sao?” Nàng không rõ. Nhưng có lẽ, cũng như chiếc lá vừa rồi, nàng sẽ mặc cho gió cuốn. Phó mặc cho định mệnh an bài. Không oán than, không giận dỗi.

16 năm về trước...

Hồi ấy, Thi còn là một cô sinh viên năm cuối tại Đại học Texas ở Dallas. Một chiều đầu xuân, trong buổi tiệc chia tay niên khóa tại nhà một người bạn đồng hương, nàng đã gặp Tú, rất tình cờ, rất nhẹ như hơi sương đầu ngày.

Tú không phải kiểu người ưa náo nhiệt. Chàng chỉ nhận lời đến dự tiệc vì nể người quen, nên từ lúc bước vào, Tú đã lặng lẽ chọn một góc phòng, tay cầm ly rượu, mắt xa xăm nhìn ra khoảng sân vắng. Vậy mà giữa căn phòng đầy tiếng cười, Tú lại nổi bật đến lạ, có lẽ nhờ chiếc áo sơ mi màu hồng phấn, kiểu cách đang thịnh hành thời ấy. Nhưng hơn hết, là đôi mắt sáng như biết nói, gương mặt chữ điền đĩnh đạc, tóc cắt ngắn lộ rõ đôi tai dày, tai to, từng được bạn hữu của mẹ Tú trầm trồ là “có tướng nhà Phật.”

Lần đầu tiên Thi bước chân vào phòng khách, ánh mắt nàng lướt nhẹ qua đám đông rồi dừng lại nơi góc phòng ấy. Không hiểu sao, nàng nhận ra Tú ngay lập tức. Có điều gì đó rất đàn ông, rất tĩnh lặng trong dáng ngồi và cách Tú nhấp ly rượu. Thi không lý giải được cảm giác lúc ấy, chỉ biết rằng tim nàng đã có chút xao động. Một cảm tình nhẹ như tơ mỏng. Và vì thế, nàng muốn tìm cách làm quen với chàng trai trầm lặng kia.

Nàng thong thả bước tới gần góc phòng nơi Tú đang ngồi, dáng đi nhẹ như gió thoảng. Khi đến gần, nàng dừng lại, mỉm cười:

- Chào anh.

Tú giật mình. Chàng đang thả hồn theo tiếng nhạc lặng lẽ thì bị kéo về thực tại bởi giọng nói trong veo ấy. Lúng túng, Tú đáp:

- À... chào... chào cô.

Cái vẻ ngượng ngập chân thật của Tú làm Đan Thi bật cười khẽ. Nàng cảm thấy dễ mến lạ lùng. Với nụ cười vẫn còn vương trên môi, nàng dịu dàng hỏi:

- Em tên là Lê Hoàng Đan Thi. Còn anh?

- Phạm Tuấn Tú.

Chàng đáp gọn, rồi như để tránh ánh mắt của nàng, vội nhấp thêm một ngụm rượu. Thi nghiêng đầu, hỏi tiếp, giọng như gió xuân thoảng nhẹ:

- Anh Tú là bạn của Hollie hả?

Hollie, tức Hồng Phước, là người bạn đồng hương thân thiết với nàng từ thuở nhỏ, nay đã thành chủ nhân buổi tiệc. Sau khi nhập quốc tịch Mỹ, Phước đổi tên là Hollie để người bản xứ dễ gọi.

Tú đáp, vẫn chưa quen với nhịp trò chuyện:

- Dạ, tôi học chung lớp với cô ấy.

- Ồ, vậy là anh cũng ra trường năm nay, ngành quản trị kinh doanh giống chị Hollie luôn hả?

Tú liếc sang Thi, lần này lâu hơn.Nàng đang đứng dưới ánh đèn vàng nhạt, trong chiếc đầm tím lặng như hoa chiều mới nở. Làn da nàng trắng hồng, mái tóc buông mềm trên vai gầy. Đôi mắt to, đen nhánh, long lanh như ánh nước hồ thu. Mỗi khi nàng cười, khóe môi lại chúm chím, rất duyên. Tự dưng Tú thấy lòng dịu lại. Một cảm giác lạ. Dễ chịu. Ấm. Chàng mở lời, giọng nhẹ hơn:

- Cô quen Hollie lâu chưa?

Thi đáp nhanh, ánh mắt ánh lên kỷ niệm:

- Dạ, chị ấy hơn em 2 tuổi. Hồi ở Sài Gòn, nhà em với nhà chị ấy sát vách. Tụi em thân như chị em ruột. Chị ấy qua Mỹ theo diện HO, còn nhà em đi diện đoàn tụ. Ai ngờ trùng phùng bên này, rồi lại học cùng trường.

Tú mỉm cười. Thi nói chuyện tự nhiên, không kiểu cách. Giọng nàng có gì đó rất thật như một cơn gió mát trong buổi chiều hè oi ả. Chàng thấy mình không còn ngần ngại như trước nữa. Như thể, giữa căn phòng xa lạ này, đã có một người khiến chàng thấy gần gũi.

- Vậy cô học ngành gì?

Thi đáp, nhanh nhẹn như bản tính vốn có:

- Dạ, em học quản lý thông tin công nghệ. Còn 2 năm nữa mới xong chương trình.


Và từ đó, câu chuyện cuốn đi như nước nhỏ vào khe đá. Từ học hành đến quê hương, từ những bỡ ngỡ nơi đất Mỹ đến kỷ niệm thời thơ dại ở Sài Gòn. Hai người cứ thế trò chuyện không dứt. Mọi thứ xung quanh như lùi lại, chỉ còn lại hai tâm hồn đang dần mở cửa.

Thời gian sau đó, Thi và Tú trở thành đôi bạn thân thiết. Những buổi học, buổi làm, những buổi trà chiều và cả những ngày mưa lặng lẽ, tất cả đều có hình bóng nhau. 2 năm sau, Đan Thi ra trường, được tuyển vào hãng SolarWinds, giữ vai trò kỹ sư phần mềm. Tú thì tốt nghiệp cao học, rồi đứng ra lập công ty riêng.

Tình yêu không đến ào ạt, nhưng âm ỉ như ngọn lửa trong chiếc đèn dầu, ấm và sáng. Cuối mùa thu năm ấy, họ tổ chức lễ cưới. Không xa hoa, không cầu kỳ, nhưng đầy ắp tiếng cười và lời chúc tụng. Hai họ ai nấy đều tấm tắc khen: “Thiệt là xứng đôi vừa lứa.”

Gần 10 năm chung sống, vợ chồng Tú và Thi vẫn chưa có mụn con nào. Đôi khi, mẹ Tú nhắc khẽ một vài câu, nghe như vô tình nhưng lại khiến Thi tủi lòng. Còn Tú thì lặng lẽ thở dài, không phản bác, nhưng nét bất mãn cũng hiện rõ trong ánh mắt. Con cái vốn là duyên trời, là món quà định mệnh, đâu thể cưỡng cầu. Vậy nên cả hai vợ chồng đều mong mọi sự đến một cách tự nhiên, như mưa đến khi trời muốn khóc, như hoa nở lúc đất trời muốn xuân. Thế nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua mà chiếc nôi trong phòng ngủ vẫn còn bỏ trống. Từ chỗ né tránh, họ dần dần sợ hãi mỗi khi ai vô tình nhắc đến chuyện con cái. Những câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt, vậy mà mỗi lời lại như lưỡi dao nhỏ rạch vào trái tim của hai người đã cùng nhau đi qua một đoạn đời không ngắn.

Vài năm sau khi cưới, họ dành dụm, tích góp để mua được một căn nhà xinh xắn nơi ngoại ô phía Bắc thành phố, tổ ấm mơ ước. Nhưng đời sống đâu chỉ có mơ và ước. Tú lao vào công việc như thiêu thân tìm ánh sáng, vùi mình giữa đống hồ sơ, hợp đồng, tính toán, chạy đua với thời gian. Lúc nào cũng có vẻ bận rộn. Có những đêm về khuya, ánh đèn nơi góc làm việc vẫn chưa tắt. Có những sáng sớm, Thi tỉnh dậy một mình trong căn phòng vắng. Tình vợ chồng theo đó mà phai nhạt. Không phải là hết yêu, mà là thiếu thì giờ để giữ lửa. Họ không còn những buổi tối thong dong dạo phố hay ngồi bên nhau nghe mưa rơi. Thay vào đó là những khoảng lặng kéo dài, những cái nhìn vội vã, những câu hỏi chưa kịp hỏi đã bị công việc cuốn trôi.

Thi lúc ấy đã ngoài 30, nhưng nét xuân vẫn còn đằm thắm. Cái đẹp của nàng không chỉ ở dáng hình, mà còn ở sự từng trải, trong ánh mắt biết nói và nụ cười đã đi qua nhiều mùa thương nhớ. Nàng hiểu Tú lao mình vào công việc vì trách nhiệm, vì muốn vun đắp tương lai, nhưng đôi khi trong những đêm dài không ngủ, nàng vẫn ngỡ rằng chàng đang lặng lẽ trốn tránh tình yêu, thứ tình yêu cuồng nhiệt mà ngày xưa họ từng trao nhau dưới những hàng cây rợp bóng.


Thời gian như thoi đưa. Họ vẫn sống bên nhau, nhưng khoảng cách chẳng đo bằng bước chân, mà bằng sự vắng mặt trong tâm hồn nhau. Cho đến một ngày, khi Thi được cất nhắc lên làm trưởng phòng kỹ thuật tại chi nhánh Dallas, mọi thứ bắt đầu rẽ sang một lối khác.

Người sếp mới của nàng là ông Larry Kim, một người Mỹ gốc Nam Hàn, dáng cao lớn, phong thái đĩnh đạc, có nét trầm tư của kẻ từng trải và sự điềm đạm của người từng học ở những nơi danh giá. Larry tốt nghiệp hạng ưu ngành Khoa học Vi tính tại UCLA, từng làm việc cho IBM trước khi được mời về SolarWinds làm Phó Tổng Giám Đốc. Chính ông là người đề cử Thi vào vị trí trưởng phòng.

Larry không chỉ là một nhà quản trị giỏi mà còn là người biết cách khiến người khác cảm thấy mình được trân trọng. Ông không lớn tiếng, không bao giờ tỏ vẻ gay gắt, cho dù nhân viên có lỡ sai điều gì. Giọng ông lúc nào cũng từ tốn, ánh mắt luôn dịu dàng. Chính cái phong cách ấy khiến Larry được lòng nhân viên và trở thành hình mẫu lý tưởng trong mắt nhiều nữ đồng nghiệp, trong đó có cả Thi.

Với mọi người, Larry kín đáo đến lạ. Hễ ai hỏi đến gia đình, ông chỉ cười rồi khéo léo lái câu chuyện sang hướng khác. Nhưng với Thi, Larry như mở thêm một cánh cửa. Đôi lần, ông kể rằng mình yêu chó mèo, rằng mỗi chiều về đều nhớ những ngày xưa có tiếng chân chó chạy quanh hiên. Ông cũng hay nhắc đến những người vô gia cư ở góc phố, những kẻ yếu thế không ai bênh vực. Có lần, Larry kể về cha mẹ già đang sống cô đơn ở California, ánh mắt ông chùng xuống, môi mím lại như cố nén một nỗi gì sâu kín. Thi nghe mà không giấu được niềm cảm động.

Những buổi trưa làm việc lặng lẽ trôi qua. Giữa hàng tá những cuộc họp, báo cáo, kế hoạch, là những câu chuyện nhỏ riêng tư họ chia sẻ với nhau.Lâu dần, ngoài giờ làm, họ còn gặp nhau như những người bạn tri kỷ. Ở văn phòng, họ là cấp trên cấp dưới; còn khi ra khỏi cánh cửa ấy, là hai tâm hồn tìm được sự đồng điệu giữa muôn trùng xa cách. Và đôi khi, trong những chiều cuối tuần vắng bóng Tú, Thi bỗng thấy lòng mình run nhẹ, như khi xưa, đứng trước người thanh niên ngượng nghịu trong buổi tiệc cuối khóa, đã lỡ đánh rơi ánh mắt vào trái tim nàng.

Những tháng gần đây, Thi thường ở lại văn phòng muộn hơn thường lệ. Khi thì lấy cớ cuối năm công việc nhiều, khi thì vì Larry giao thêm việc, đôi lúc chỉ vì nàng chẳng muốn về nhà quá sớm. Tú ban đầu cũng hỏi han, nhưng rồi dần dà, cả hai mặc nhiên coi đó là điều bình thường. Những câu hỏi trở nên thừa thãi khi lòng người bắt đầu yên lặng với nhau.

Tối hôm lễ Tình Nhân, Thi về nhà sớm hơn mọi khi. Nàng nấu một bữa cơm thật tươm tất, thắp ngọn nến nhỏ trên bàn ăn, chờ đợi. Gương mặt nàng bừng sáng trong ánh nến lung linh. Nhưng đến 9 giờ đêm, Tú mới bước vào, mệt mỏi, tay không. Không hoa, không quà, chỉ là một ánh mắt lúng túng, kèm lời xin lỗi khẽ như gió thoảng. Thi không nói gì. Nàng chỉ gượng cười, mời chồng dùng bữa. Nhưng trong lòng, một điều gì đó đã lặng lẽ trôi đi.

Sáng hôm sau, vừa đặt chân vào văn phòng, Thi chợt khựng lại. Trên bàn làm việc, một bó hồng đỏ rực rỡ đang chờ nàng. Mảnh thiệp nhỏ ghi dòng chữ ngắn gọn: “Happy Valentine’s Day – L.K.” Thi khẽ khàng đặt tay lên cánh hoa mềm. Mùi hương dịu ngọt làm cay sống mũi nàng. Một giọt lệ rớt xuống, lăn dài trên gò má. Đó không hẳn là vì cảm động, cũng không hẳn vì buồn. Có lẽ là cả hai.

Hôm qua là kỷ niệm ngày cưới. Tú, người đàn ông không mấy lãng mạn nhưng rất mực yêu vợ, lần đầu tiên đặt chỗ ở The French Room, nhà hàng đắt đỏ nhất thành phố.Chàng nhắn tin cho Thi, dặn dò giờ hẹn, lòng nôn nao như cậu học trò nhỏ.Thi cũng thấp thỏm chuẩn bị, lòng rộn ràng một thứ hồi hộp khó gọi tên. Cả năm rồi, họ chưa có một buổi tối thực sự dành cho nhau.

Nàng đến đúng giờ, được tiếp tân dẫn vào bàn. Ly vang đỏ sóng sánh trong tay, Thi ngồi chờ. 15 phút... rồi 20... chiếc ghế đối diện vẫn trống. Nàng gọi cho Tú, và nhận được lời xin lỗi vội vã. Anh đang mắc ở một cuộc họp gấp, khách hàng đang nổi giận về một đơn hàng lỗi.

Thi không nói gì. Nàng chỉ gật đầu dù biết Tú không thấy. “Làm sao một bữa tối với vợ lại thua kém một hợp đồng?” Nàng thầm nghĩ, môi bặm lại, mắt nhìn xa xăm qua khung cửa sổ mờ sương. Điện thoại rung. Là Larry.

Giọng Larry trầm và nhẹ như một nốt nhạc buồn. Chỉ vài lời an ủi, vài câu sẻ chia, mà Thi bỗng thấy lòng mình dịu lại. Như có một bàn tay vô hình đang vuốt nhẹ những lằn nứt trong tim. Nàng quên mất là mình đang đợi chồng. Quên cả sự hụt hẫng vừa rồi. Nàng chỉ còn nghe nhạc nền của một bản tình ca cũ, rượu ngấm môi, và lời Larry vang lên trong tai như một bản du ca.

Khi cô phục vụ hỏi nàng có muốn gọi món không, Thi chỉ mỉm cười lịch sự:

- Cho tôi chờ thêm một chút.

Lát sau, một cô hầu bàn khác bước tới, cúi đầu nhẹ nhàng:

- Thưa cô, anh Tú xin lỗi. Anh ấy không thể đến được.

Thi ngẩn người. Câu nói ngắn mà như gió lùa qua tim. Một chút tê tái, một chút ngượng ngập. Nhưng rồi nàng ngồi thẳng lưng lại, mắt nhìn về phía xa:

- Không sao, cho tôi thêm một chút thời gian.

Chỉ 15 phút sau, Larry bước vào. Bộ vest màu than chì ôm vừa vặn vóc dáng cao lớn,gương mặt thư sinh điểm nét từng trải. Trông anh như một nhân vật bước ra từ truyện tình nào đó của thời cũ. Ánh đèn vàng nhẹ phủ lên mái tóc, khiến gương mặt anh càng dịu dàng hơn.

Họ trò chuyện như hai người bạn cũ. Không có gì vội vàng, không một lời vượt giới hạn. Chỉ là những mẩu chuyện đời, những tiếng cười nhẹ, và rượu vang thơm ngát như một khúc dạo đầu cho một bản tình cảm lặng.

Thi thấy lòng mình ấm lại. Nàng cười nhiều hơn. Mắt nàng ánh lên niềm vui mà đã lâu rồi Tú không còn nhìn thấy. Mỗi khi Larry lặng lẽ chạm tay vào ly rượu hay nhìn nàng bằng ánh mắt sâu thẳm, Thi bỗng thấy mình như sống lại những ngày đầu biết yêu. Một cái gì đó rất mềm, rất nhẹ, rất mong manh... mà lại khiến người ta muốn được dựa vào.

Đêm đó, khi Larry nghiêng người dìu nàng ra xe, cánh tay anh nhẹ nhàng như gió thoảng.Thi không chống cự, cũng không tự hỏi. Chỉ có nụ hôn thoáng qua má như dấu lặng trên bản nhạc đời nàng, để rồi cả hai cùng chìm vào khoảng lặng không tên của một thành phố đã lên đèn.


Đêm qua, Thi đã không về nhà. Tú trằn trọc mãi trên chiếc giường rộng chỉ còn lại một nửa thân quen. Gối bên kia vẫn phẳng, mát lạnh, không dấu đầu. Chàng đến nhà hàng tìm nàng, nhưng mấy cô hầu bàn chỉ cho biết Thi rời đi lúc gần 11 giờ đêm. Không ai rõ đi đâu. Không ai đi cùng nàng, hay chí ít là không ai nhận ra.

Tú quay về, lòng ngổn ngang. Căn nhà vắng, đồng hồ kêu tích tắc như những nhát gõ nhè nhẹ vào tim.Chàng gọi cho nàng, đến trăm lần, mỗi lần chờ đợi như găm một mũi kim vào da thịt. Điện thoại vẫn lặng câm. Đêm chìm trong im lặng như một vùng nước sâu, không đáy. Tú thiếp đi lúc trời gần sáng, trong một giấc mộng u tối, lạnh lẽo như lòng mình.

-------

Sáng hôm sau, Larry đưa Thi trở lại nhà hàng để lấy xe. Cả hai ngồi im, không ai nói với ai một lời trọn vẹn. Thi ngồi nghiêng mặt ra cửa xe, ánh nắng sớm len qua khe cửa kính, soi lên gò má thanh tú mà xanh xao.

Larry chăm chú lái xe, đôi khi chau mày, cằn nhằn mấy tiếng vì kẹt đường. Thi không trách. Nàng cũng chẳng biết phải nói gì. Đêm qua với nàng, là một khúc quanh, là một lầm lỡ. Nàng không ghét Larry. Ngược lại, nàng từng quý mến anh như một người bạn lớn, một người đàn ông biết lắng nghe. Nhưng... đó chưa từng là yêu. Không phải thứ tình yêu khiến người ta run rẩy khi nghe tiếng gọi, hay nôn nao khi gần kề. Vậy mà... nàng đã buông mình trong một phút yếu lòng, để rồi sáng nay thức dậy, thấy chính mình xa lạ như một người khác.

Nàng hối hận. Rất nhiều. Nhưng trong lòng cũng chật chội với những lý lẽ nàng tự bào chữa. Không thể quay ngược thời gian, Thi ngập ngừng cất lời:

- Larry, mình đi ăn sáng nhé?

Larry chẳng quay sang, mắt vẫn nhìn thẳng phía trước, giọng khô khốc:

- Đường xá hôm nay kẹt quá... Để đến văn phòng rồi tính. Hôm nay tôi bận lắm.

Thi im lặng. Lòng nàng thắt lại. Sự xa cách trong giọng nói Larry khiến nàng ngộ ra một điều gì đó. Như thể chuyện đêm qua, với anh ta, chỉ là một đoạn thoáng qua, như cơn gió đêm ghé thăm một chiếc lá rơi.

Nàng ngồi thừ, ánh mắt lạc trong khung trời sáng nhòe. Tâm trí trôi về phía Tú. “Khôn ba năm, dại một giờ... Mình đã làm gì vậy?” Nàng cắn nhẹ môi. Một cảm giác nhơ nhớp, xấu hổ lan dần khắp da thịt. Thi muốn khóc, mà nước mắt như rút cạn tự đêm qua.

Về tới văn phòng, Thi lập cập mở máy, nhưng không đủ bình tĩnh để gõ một chữ. Nàng cầm điện thoại, gọi cho Tú. Giọng nàng run nhưng cố giữ vẻ tự nhiên:

- Em xin lỗi vì tối qua... Em giận quá nên ra khách sạn ngủ cho khuây. Bây giờ em tới văn phòng rồi, gọi anh kẻo anh lo. Chiều mình gặp nhau ở nhà nha.

Nói xong, nàng cúp máy như sợ nghe lại chính giọng mình. Mắt nàng cụp xuống. Một ngày dài bắt đầu. Nhưng không giống những ngày xưa cũ.

Laptop vẫn tắt. Tâm trí nàng rối bời. Một đoạn đời vừa gãy khúc. Phía trước là gì, nàng không rõ. Nhưng chắc chắn, mọi thứ đã không còn như cũ. Trong lòng nàng, giữa Larry và Tú là hai con đường: một rẽ ngang bởi đam mê nhất thời, một âm thầm đi cùng nàng bao năm qua, dù có nhạt nhòa. Không thể để mọi thứ treo lơ lửng, Thi quyết định phải nói chuyện với Larry cho rõ. Nếu có thể gọi tên chuyện đêm qua, thì nàng cần biết: đó là điều gì. 

Thi bước vào phòng ăn của công ty. Larry đang đứng khuấy ly cà phê, cười nói gì đó với một cô nhân viên trẻ. Thi lấy lại vẻ bình thản, bước tới gần, cất tiếng:

- Hi Larry, tôi có chút thắc mắc. Anh có thời gian không?

Larry quay sang, nụ cười dừng lại, thay bằng một thoáng e dè:

- A, chào cô Thi. Được, nhưng phải nhanh nhé. Tôi có họp lúc 2 giờ.

- Okay, mình nói chuyện ở phòng tôi được không, hay tôi qua phòng anh?

Larry nhìn đồng hồ, rồi chần chừ đáp:

- Phòng tôi nhé.

Thi gật đầu. Nàng bước theo anh về phía cánh cửa khép kín ấy, cánh cửa sắp mở ra không chỉ là phòng họp nhỏ, mà là lối rẽ cho những gì đang âm thầm nứt vỡ trong đời nàng.

Cánh cửa phòng khép lại sau lưng, cách biệt họ với thế giới ồn ã bên ngoài. Không gian chỉ còn tiếng quạt máy quay chậm và ánh đèn vàng vỡ ra từng vệt mờ trên mặt bàn làm việc. Larry mời Thi ngồi. Ánh mắt anh dửng dưng, không giống cái nhìn đêm qua, cái nhìn từng khiến nàng run lên, vừa xúc động vừa lầm lỡ.

- Em nói đi! 

Anh ta khẽ, như người đang sắp xếp lại giấy tờ trên mặt bàn. Thi hít nhẹ một hơi. Từ lúc rời khách sạn, lòng nàng đã như có gì buộc chặt. Nàng không biết nên gọi đêm qua là gì. Một lần buông thả? Một thoáng yếu lòng? Hay một thứ tình cảm thực sự đang bắt đầu?

Nàng nhìn Larry. Người đàn ông từng dịu dàng với nàng dưới ánh đèn mờ khách sạn, giờ đây ngồi thẳng lưng, ánh mắt xa lạ, miệng khô khốc. Thi ngập ngừng:

- Tối qua... Em...

Chưa dứt lời, Larry đã đưa tay khẽ phẩy:

- Không có gì xảy ra cả. Tôi không nhớ, và cũng không muốn nhớ. Em cũng nên quên đi.

Thi chết lặng. Không phải vì câu nói ấy lạnh lùng, mà vì nó tàn nhẫn đến không ngờ. Nàng nhìn anh, không tin vào tai mình. Nhưng Larry đã ngước mắt nhìn thẳng, giọng nói như sắt cứng:

- Giữa chúng ta chỉ là sự đồng cảm nhất thời. Ham muốn, nếu em muốn gọi thế. Em đã có chồng. Còn tôi, tôi cũng có gia đình. Vợ tôi sắp chuyển về đây, rất sớm thôi.

Nàng nghe loáng thoáng những chữ như “bàn giao công việc”, “California”, “chúng ta nên giữ khoảng cách.” Nhưng đầu óc Thi giờ đã ong ong như có ngàn mũi kim ghim vào. Nàng ôm đầu, đứng bật dậy. Chưa kịp nói gì thêm, Thi đã lao ra khỏi phòng như kẻ mộng du. Tiếng gót giày nàng vang vội vã trên hành lang lót thảm. Gió ngoài hành lang lùa vào khiến vạt áo nàng bay lất phất, như một vệt mây bạc rơi ngang trời chiều sắp tắt. Larry vẫn ngồi im sau bàn. Đôi mắt nhìn theo khe cửa vừa đóng sập lại. Anh ta đứng lên, bước nhẹ ra hành lang, nhìn quanh xem có ai thấy hay nghe gì không. Chỉ là một buổi trưa vắng như bao buổi trưa khác. Không có ánh mắt nào tò mò. Không có nhân viên nào rón rén ngoài hành lang. Anh trở lại bàn làm việc, kéo ghế ngồi xuống, nhấp một ngụm cà phê đã nguội. Đôi mắt khép hờ, môi mím lại như không muốn nhớ gì. Với anh, đêm qua chỉ là một khoảnh khắc vừa đủ để thỏa mãn, không hơn. Và bây giờ, mọi thứ nên được xếp lại gọn gàng như một tập hồ sơ đã đóng dấu “hoàn tất.” Còn Thi, nàng đang lặng lẽ gục đầu trong chiếc xe nhỏ đậu dưới tầng hầm công ty. Ánh sáng hắt qua cửa kính soi rõ những dòng nước mắt rơi không thành tiếng. Cả thế giới như vỡ nát sau một đêm tưởng là thoát thân, nhưng hóa ra là sa xuống vực sâu không đáy. Nàng muốn được tha thứ, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Nàng muốn quên, nhưng quá khứ đã bám vào người như một vết mực trên lụa trắng, càng cố xóa chỉ càng loang rộng.

Thi lái xe trong vô thức, như kẻ mộng du giữa chiều thu ảm đạm. Không biết bằng cách nào, xe nàng lại dừng dưới chân cầu Trinity, nơi ngày xưa Tú từng dắt nàng đến lần đầu hẹn hò, ngồi bên nhau lặng ngắm dòng nước và chia nhau một ổ bánh mì kẹp thịt mua vội. Cảnh vật vẫn đó, gió vẫn thổi, nước vẫn trôi, nhưng lòng người đã khác. Mọi thứ bỗng trở nên xa lạ như thể nàng chưa từng đặt chân đến.

Nàng mở cửa xe, bước xuống, dáng đi mỏi mệt. Những cơn gió lành lạnh lùa qua vai áo mỏng làm Thi rùng mình. Gió như cắt vào lòng, và những giọt nước mắt từ từ rơi, không cần cố giữ. Nàng khóc, khóc cho lỗi lầm của mình, cho một phút yếu lòng đã đánh mất niềm tin của người chồng thủy chung, và cũng cho sự lừa dối từ người đàn ông mà nàng từng kính trọng.Mỗi bước chân trên mặt cỏ khô như nặng trĩu. Nàng ngẩng nhìn dòng sông đang đổi màu dưới ánh hoàng hôn. Chẳng mấy chốc, mặt nước trong xanh đã nhuốm sẫm một màu tro cũ. Những cơn gió mạnh hơn cuốn theo lá khô lăn lóc dưới chân cầu. Thi co ro quay lại xe, khép chặt cửa, ngồi yên lặng rất lâu trước khi cho xe lăn bánh, chạy chậm rãi về nhà như một người đã cạn hơi sức.....


Tối hôm đó, Tú về sớm hơn lệ thường. Anh muốn tự tay chuẩn bị bữa cơm đơn giản mà ấm cúng để đón vợ về, một chút bù đắp cho lỗi hẹn hôm qua. Tú chẳng giỏi nấu nướng, nhưng anh biết Thi thích món canh chua nhẹ với rau thơm và một ly rượu đỏ nhỏ trước bữa tối. Khi nghe tiếng cửa mở, Tú lập tức chạy ra, đón lấy túi xách trên tay vợ, ánh mắt dịu dàng:

- Anh xin lỗi em nhé. Hôm qua anh có gọi em rất nhiều lần, rồi phải nhờ nhà hàng tìm giúp. Anh biết là anh sai. Cho anh sửa sai, được không?

Thi lặng lẽ bước vào nhà, không nói gì. Không phải vì giận, mà vì nỗi xấu hổ đang ăn mòn từng góc tim. Nàng cảm thấy không còn xứng đáng để đón nhận sự dịu dàng ấy nữa. Thấy nàng im lặng, Tú cố gắng mỉm cười:

- Thôi em đi tắm đi cho khỏe. Anh dọn cơm xong hết rồi. Có cả chai rượu em thích nè.

Thi gật nhẹ, không nhìn anh rồi lặng lẽ bước vào phòng tắm. Nàng đổ nước vào bồn, cho vào vài giọt tinh dầu hoa hồng như thói quen vẫn làm khi mệt. Nhưng hôm nay, hương thơm không giúp nàng thấy nhẹ lòng. Nàng ngâm mình thật sâu, mắt nhắm lại, nhưng tâm trí thì rối bời. Những hình ảnh đêm qua hiện lại, nhòe đi trong làn nước nóng. Nàng thấy mình nhơ nhuốc, thấy mình không còn là người vợ mà Tú từng tin yêu.

Thi đưa tay kỳ cọ thân thể, mạnh đến độ làn da rát lên, như thể có thể gột sạch những sai lầm đã lỡ phạm. Nhưng càng kỳ, lòng nàng càng đau. Từng đợt nước mắt lại trào ra, lẫn trong bọt xà phòng, rồi tan vào nước.

Nàng cứ ngồi đó rất lâu, cho đến khi nghe tiếng gõ nhẹ ngoài cửa:

- Xong chưa em? Ra ăn cơm kẻo nguội. Anh thật lòng muốn xin lỗi em mà, vợ yêu.

Giọng Tú nhẹ, tha thiết, như một sợi dây vô hình níu lấy trái tim đã rạn nứt trong nàng. Thi gục đầu vào đầu gối, môi mím chặt, nước mắt lại lăn dài. “Tú là người đầu tiên, và là người duy nhất trong đời mình…” Nàng thầm nghĩ. “Tại sao lại ra nông nỗi này?”

Một lúc sau, nàng gượng dậy, lau khô nước mắt, mặc lại áo, hít một hơi dài rồi đáp khẽ:

- Em ra liền.

Sau bữa cơm tối ngập ngừng và thiếu vắng tiếng cười, Thi ngồi thẳng lưng, đặt đũa xuống, hai tay đan vào nhau dưới bàn như cố gom can đảm. Nàng ngẩng mặt lên, ánh đèn bàn ăn hắt nhẹ xuống khuôn mặt thanh tú giờ đã tái đi sau một ngày dài dằn vặt.

Với giọng nói nhỏ, đều như sợ chính mình nghe thấy, nàng kể lại, từ đầu đến cuối, câu chuyện đã xảy ra. Không thêm, không bớt. Không màu mè, không một giọt nước mắt nào được phép rơi ra lúc ấy, như thể nàng đã nén tất cả vào trong để giữ lấy chút phẩm giá cuối cùng. Nàng không xin tha thứ. Chỉ xin được ra đi.

Tú ngồi bất động. Trái tim chàng như có bàn tay vô hình siết chặt. Từng tiếng trong lời kể của vợ rơi xuống như từng nhát búa gõ vào thành lồng ngực, đau đến không bật ra được một lời nào.

Ngoài kia, những ngọn gió đầu mùa lay nhẹ màn cửa, vài chiếc lá vàng rơi ngang khung cửa sổ, lặng lẽ như một lời chia lìa không ai cất. Một lúc lâu, rất lâu, Thi mới lên tiếng lần nữa, giọng đã vỡ:

- Em xin lỗi... Nếu anh còn thương em chút nào, xin hãy cho em được ra đi, như một cách để chuộc tội.

Tú vẫn chưa nói. Nhưng mắt chàng đã ngân ngấn. Không phải vì oán trách. Cũng không phải vì giận dữ. Mà vì yêu. Tình yêu của Tú không ồn ào, không là những lời hoa mỹ mỗi ngày, mà là thứ tình lặng lẽ như mạch nước ngầm, luôn chảy trong thâm sâu. Bao năm qua, mỗi bữa cơm, mỗi lần gấp quần áo, mỗi lần lặng nghe Thi cười hay thở dài, là một lần Tú vun bồi yêu thương ấy. Nỗi đau này... không dễ gì nói thành lời.

Chàng đưa mắt nhìn ra khoảng tối ngoài kia, nơi đèn đường hắt lên vài chiếc lá đang lả tả rơi. 

“Có phải tình nghĩa vợ chồng cũng như chiếc lá cuối mùa... rụng xuống là hết?” Chàng thoáng nghĩ, rồi lắc đầu như muốn xua đi ý nghĩ ấy.

Nhìn đôi mắt đẫm lệ của Thi, những giọt lệ không van xin mà rất người, rất thật, Tú bỗng thấy lòng mình dâng lên một thứ xúc cảm không gọi được tên. Không phải sự thứ tha. Không hẳn là thương hại. Mà là một sự thấu hiểu sâu xa, vượt trên cả nỗi đau.

Chàng khẽ siết tay vợ, giọng trầm nhưng vững:

- Em yêu... Nếu phải tìm một người có lỗi, thì có lẽ là cả hai chúng ta. Anh đã quá mê công việc, mà quên mất có một người đang chờ được yêu thương mỗi ngày. Nhưng nếu em còn nhớ trong tim em đã từng có anh, thì hãy để anh được bắt đầu lại... cùng em. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Chỉ cần chúng ta còn đủ yêu nhau để nhìn về phía trước.

Thi òa khóc. Không phải tiếng khóc của sự tuyệt vọng, mà là tiếng khóc như vừa được buông xuống một gánh nặng nghìn cân. Nàng nhào vào lòng Tú, tay ôm chặt lấy lưng chàng như đứa trẻ lạc đường vừa tìm thấy nơi trở về. Hai người ôm nhau, lâu thật lâu.

Rồi trong khoảng lặng ấy, từng chiếc hôn được tìm về như những ngày đầu, nồng nàn, run rẩy, nhưng đầy niềm tin. Bên ngoài, đêm cuối thu đã sẫm màu, gió vẫn thổi, lá vẫn rơi. Nhưng căn phòng ấy thì ấm. Không bởi đèn vàng, không bởi chăn gối, mà bởi thứ ấm áp khó gọi tên, tình yêu đã đi qua bão giông, và còn đủ sức để bước tiếp. Có thể, cuộc đời không ai tránh được những giây phút lầm lỡ. Nhưng nếu còn biết cúi đầu, nếu còn người ở lại nắm tay nhau thật chặt, thì tình yêu ấy không phải là uổng phí. Và trong một góc nhỏ yên tĩnh của thế gian, một người đàn ông vẫn chọn tha thứ. Một người đàn bà vẫn còn can đảm để ăn năn. Và cả hai, vẫn còn tin vào một điều, rằng hạnh phúc, nhiều khi, chính là học cách yêu lại người mà ta đã từng yêu.


Sáng hôm sau, trời vẫn còn vương sương mỏng.Những tia nắng đầu ngày chưa đủ sức hong khô giọt lệ đọng lại nơi mí mắt ai kia. Thi thức dậy sớm hơn lệ thường. Nàng ngồi lặng bên cửa sổ, tay ôm chén trà đã nguội, mắt nhìn xa xăm ra vườn sau, nơi những cành cây khẳng khiu đang bắt đầu thay lá. Tú đứng phía sau, không gọi, chỉ lặng lẽ nhìn vợ. Có điều gì đó rất yên trong không gian. Không phải là sự quên, cũng không hẳn là tha thứ trọn vẹn, mà là một thứ bằng lòng dịu dàng đang dần hình thành, giữa hai con người đã đi qua một đoạn chênh chao của đời nhau. Nàng quay lại, bắt gặp ánh mắt chồng, khẽ mỉm cười. Nụ cười ấy tuy còn mệt, nhưng không còn tuyệt vọng. Nàng biết mình sẽ phải học lại cách sống bên người mình yêu. Và sẽ phải yêu bằng sự chân thành, giản dị nhất của một người phụ nữ từng lạc đường mà còn được quay về.

Ngoài kia, gió lại thổi qua thềm. Một chiếc lá vàng khẽ tách khỏi cành cao, lượn một vòng rồi rơi xuống lối nhỏ lát gạch. Không ai để ý đến nó, như không ai buồn nhặt lại một mảnh quá khứ đã cũ.

Chiếc lá vô tình đã lặng lẽ rơi vào quên lãng.


Hoành Phong

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 201
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.445 seconds.