Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Âm nhạc
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Âm nhạc
Message Icon Chủ đề: NHẠC VIỆT Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 19 phần sau >>
Người gởi Nội dung
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 28/Oct/2009 lúc 8:52pm
 
Trong nỗi đau tình cờ
 
 
Tôi đã yêu em bao ngày nắng
tôi đã yêu em bao ngày mưa
yêu em bên đời lặng lẽ ..


Tôi đã yêu em trong mùa gió
khi lá cây khô bay đầy ngõ
yêu em không cần vội vã...


Mình thích cả bài hát “Trong nỗi đau tình cờ” của Trịnh cũng chỉ vì mỗi câu ấy thôi. Có chăng thì thêm câu này nữa: “
Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ”…

Bây giờ, thiên hạ hình như vội vã yêu mà không cần so đo tính toán. Mà mình hay chưa kìa. Đã yêu, sao lại so đo với tính toán. Ý mình muốn nói là người ta vội vã yêu, vội vã sống, vội vã tận hưởng “táo ngọt của vườn Địa Đàng” như thể ngày mai là ngày tận thế, như thể sẵn sàng chia tay ngay phút giây đó. Họ không cần phải rách việc đi cân đo đong đếm cảm xúc làm gì.

Ấy thế tại sao có khi mình cũng nghêu ngao hát “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những phút yêu người…”? Hẳn là hai tâm thế của con người trong hai giai đoạn tuổi đời khác nhau nhỉ? Tâm thế đầy tự tin khi lòng còn trẻ, đường đời còn dài, còn biết bao nhiêu ngày nắng, ngày mưa rộn rã qua từng con phố…khác hẳn với tâm thế của lúc đã cảm nhận dấu hiệu của tuổi sang mùa…, khi chợt “giật mình "Ôi, chiếc lá thu phai…”




 
Bài hát :Trong nỗi đau tình cờ
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
 Thể hiện: Tuấn Ngọc

Tôi đã yêu em bao ngày nắng
Tôi đã yêu em bao ngày mưa
Yêu em bên đời lặng lẽ
Tôi đã đưa em qua nhiều phố
Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ
Yêu em trái tim thật thà

Yêu đầy mùa nắng mùa mưa
Yêu trong nỗi vui đợi chờ
Đâu ngờ tình như lá úa
Khiến tôi chia lìa từng giấc mơ

Tôi đã yêu em trong mùa gió
Khi lá cây khô bay đầy ngõ
Yêu em không cần vội vã
Tôi đã yêu em như trẻ thơ
Đâu biết đôi khi có lìa xa
Yêu trong nỗi đau tình cờ

IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 31/Oct/2009 lúc 8:09am
 
Có một mùa thu Hà Nội
 
 
Mùa thu,có nắng vàng hiu hiu, có cơn gió lạnh se se thổi, có mặt nước xanh ngắt trong veo như tâm hồn của cô thiếu nữ. Mỗi con đường, mỗi hàng cây vẫn từng đi qua mỗi buổi sáng tới trường như được quết một lớp sơn mới...hoài niệm…và đượm buồn.  

 Nếu ai đã từng sống ở Hà Nội, được nếm cái hương vị của mùa thu ở đây sẽ không thể quên những giai điệu bất hủ đã ăn sâu vào tiềm thức của những người con dù ở phương xa vẫn khắc khoải nhớ về, là thứ duy nhất khiến họ cay cay nơi sống mũi nếu vô tình được nghe lại đâu đó trên dòng đời xuôi ngược, bởi họ được trở về cái ngày xưa ấy. Những ca khúc viết về mùa thu Hà Nội đã làm nên cái hồn riêng có cho mảnh đất nơi đây, Hà Nội của “Đêm Hà Nội nhớ”, “Em ơi, Hà Nội phố”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” rồi những ca khúc sau này của những thế hệ nhạc sĩ trẻ như “Nồng nàn Hà Nội”… là những bức tranh nghệ thuật tuyệt đẹp phác họa cảnh vật, con người rất đỗi thân quen dưới con mắt cảm nhận đầy tinh tế, để bất cứ ai đó chợt giật mình nhận ra và để rồi trào dâng nỗi niềm bâng khuâng da diết.

 

 

 
 

Hãy lắng nghe những ca khúc này, để chìm đắm tâm hồn mình trong cái man mác, dung dị của trời thu Hà Nội, hãy cho mình một phút bình yên được cùng người mình yêu sải bước trên những con đường rộng thênh thang, được ngắm nhìn mặt hồ Gươm gợn sóng trong cái ráng chiều bảng lảng, hãy chạy trốn khỏi công việc khỏi những mệt mỏi…

Hãy nhìn ra phía ban công cửa sổ, bạn có thấy mùa thu đang đến….
 
Xin mời nghe ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội"
 
 
Sáng tác : Trịnh Công Sơn
Lời bài hát :
 
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâụ
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân quạ

Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọị
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trờị
Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai,
sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,
sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôị

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người ...
Để nhớ mọi người ...
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 31/Oct/2009 lúc 8:15am

IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 31/Oct/2009 lúc 9:27am

Buồn ơi chào mi

 
 
 

Bây giờ đi đâu cũng gặp nỗi buồn. Nói chuyện tán gẫu với bạn, buồn. Đến cơ quan làm việc, buồn. Đến lớp học buổi tối, buồn. Lên mạng đọc blog, buồn. Đọc truyện, buồn. Quái, ở đâu ra mà nỗi buồn nhiều thế nhỉ?

Thật lạ là nỗi buồn thống trị trong những người trẻ như chúng mình, những người còn rất nhiều thứ ở phía trước và chưa mất gì nhiều ở phía sau. Tuổi trẻ, tương lai, cuộc sống… tất cả đều không thể mang lại cho những người trẻ sự yên bình trong tâm hồn.

Mới gần đây thôi, đọc tiểu thuyết của một cô gái trẻ, thấy nỗi buồn lớn đến mức đủ sức đè chết người Từ những dòng đầu tiên cho đến dấu chấm cuối cùng, chỉ thấy nỗi buồn. Đọc xong thấy người cứ lơ mơ, liêu xiêu như say. Chắc là say nỗi buồn.


Sáng nay đọc blog của một loạt “thanh niên thế hệ @” lại gặp nỗi buồn. Nỗi buồn hẫng cả người, mất hoàn toàn sự cân bằng vào cuộc sống.Chẳng rõ với những người đồng trang lứa với mình, nỗi buồn khởi nguồn từ đâu. Nhớ có một bài báo phân tích: nỗi buồn của lớp trẻ giống như thứ đồ trang sức. Người ta buồn chẳng có lý do, thích là buồn thôi. Nhận định đó có vẻ không hoàn toàn chính xác.

Càng ngày mình càng nhận ra nhạy cảm quá là một nhược điểm. Nhạy cảm quá làm con người dễ trở nên yếu đuối, dễ tổn thương và vì thế mà sinh ra nỗi buồn. Những người thuộc thế hệ mình đa phần đều nhạy cảm. Và đó là nguyên nhân lớn nhất sinh ra nỗi buồn.

Nhưng vì sao những người trẻ chúng mình lại nhạy cảm đến thế?

Lớn lên trong gia đình yên ấm, tình cảm và sự nâng niu chiều chuộng của bố mẹ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Học văn từ bé, những vần thơ và những trang truyện làm giàu tâm hồn chúng ta. Thành công từ bé, những kết quả và những lời chúc mừng bủa vây chúng ta. Và tất cả làm nên một tấm áo lấp lánh nhưng vô cùng mỏng manh. Tấm áo bằng thuỷ tinh màu không giống như chiếc giáp sắt. Nó sẽ vỡ tan ngay khi va chạm với vật đối chọi đầu tiên.

Và vật va chạm ấy đã đến vào ngày đầu tiên những người trẻ chúng ta tiếp xúc chính thức với xã hội này, thời điểm bước chân vào trường đại học. Một môi trường hoàn toàn mới, cũng phức tạp và nhiều va vấp. Các cậu ấm cô chiêu phải tự tìm ra cách thích ứng với môi trường mới. Nhưng khốn khổ thay (dùng từ này có chính xác không nhỉ), thời đại học vẫn còn bình yên quá. Thành công nối tiếp thành công. Năng lực được khẳng định. Thầy cô yêu quý, cưng chiều những đứa con giỏi giang và xinh đẹp. Màu hồng vẫn là gam màu chủ đạo. Có khi còn pha chút màu vàng kiêu hãnh về bản thân nữa. Mà sự pha trộn mức độ hai sắc màu này là tuỳ từng người nữa nhé.

Những năm tháng đại học trôi qua, chúng ta đối mặt trực tiếp với cuộc đời. Bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu, gia đình… vô vàn những mối quan hệ, những vấn đề cần giải quyết. Chúng ta vẫn là người có năng lực. Chúng ta vẫn mặc tấm áo có hai màu hồng và vàng. Tấm áo ấy bảo bọc cho sự nhạy cảm của chúng ta. Nhưng khốn khổ thay, ngoài đời lại có quá nhiều thứ bay ngược chiều, hoặc xiên chéo va vào tấm áo mỏng manh ấy. Một hạt bụi, một viên cuội hay cả một quả cầu lửa, tất cả đều nhằm vào tấm áo của chúng ta. Hay chính tấm áo của chúng ta là miếng nam châm hút những vật ấy lao đến nhanh hơn, mạnh hơn. Sự va chạm, dù là nhẹ nhất vẫn gây ra thương tổn nặng nề.

Nỗi buồn ra đời từ đó.


Thất bại, không phải trong công việc, mà trong cách xử lý các thứ lòng vòng liên quan đến công việc khiến tấm áo bị vỡ một chút. Thất bại trong tình cảm, không phải là sụp đổ ghê gớm gì mà là sự ve vuốt tự ái không được như mong muốn lại khiến tấm áo vỡ lần thứ hai. Cứ như thế, tấm áo lộng lẫy vỡ dần từng mảng, để lộ thân hình yếu đuối vì nhạy cảm.

Nỗi buồn thoát ra từ đó.

Từng ngày, từng giờ, hạt bụi và cả viên cuội vẫn đang mài mòn tấm áo lộng lẫy được chúng ta khoác từ những ngày thơ bé. Như thai nhi sắp đến ngày ra khỏi lòng mẹ bình yên để đến với cuộc đời này. Chẳng có thai nhi nào thực sự biết cách chuẩn bị đầy đủ cho sự kiện trọng đại ấy, nên đứa nào khi bị lôi ra khỏi lòng mẹ cũng bật khóc nức nở. Những người trẻ chúng ta vẫn chưa chuẩn bị được một tấm giáp sắt mới, hoàn thiện và đủ cứng cáp để thay thế cho tấm áo thuỷ tinh lộng lẫy cũ. Và thế là nỗi buồn vẫn cứ thoát ra, đeo bám, ám ảnh chúng ta từng ngày.

Suy cho cùng, nỗi buồn cũng có gì xấu đâu. Có buồn mới biết trân trọng niềm vui. Chỉ có điều, nỗi buồn lớn nhanh quá, choán nhiều chỗ quá. Đi kèm với nỗi buồn là sự mệt mỏi. Cứ như thế thì chúng choán hết chỗ của niềm vui mất. Mà những niềm vui con tý, nhỏ nhoi làm sao đủ sức toả sáng cho cuộc đời này.

Buồn ơi ta xin chào mi… đó là lời đầu tiên trong bài hát mà mình rất thích. Nhưng không phải lời chào đón khách đến nhà mà là lời chào người bạn gặp ngang qua đường thôi nhé 

 

XIN MỜI NGHE CA KHÚC "BUỒN ƠI CHÀO MI"

 
 
Lời bài hát "Buồn ơi chào mi"
 
Buồn ơi ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi

Buồn ơi ta đang lẻ loi
Buồn hỡi ta đang đơn côi
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa

Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình
Thì trên đường đời ta có mi buồn ơi! ...
Buồn ơi thế nhân là thế
Sao người yêu vẫn mãi say mê

Buồn ơi yêu đương là thế
Sao tình ta mãi mãi đam mê
Người yêu cho ta niềm đau
Buồn hỡi cho ta quên mau
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa...
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 31/Oct/2009 lúc 9:28am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 02/Nov/2009 lúc 11:41am
 
MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG

Những bài học vỡ lòng của tôi dường như là những câu ca đậm chất Việt Nam nhất. Đó là những câu tục ngữ ca dao ngợi ca vẻ đẹp của non nước Việt, của rừng vàng biển bạc, của những cánh đồng thẳng cánh cò bay và về những áng thơ bất hủ “mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”…

Quê hương là gì hả mẹ mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ, ai đi xa cũng nhớ nhiều


Cũng bởi từ nhỏ lớn lên ở vùng quê rồi theo chân người đi trước ra thành phố. Nhưng ở bất cứ đâu và ở bất cứ khi nào được nghe nhắc đến hai từ “quê hương” là trong tiềm thức tôi lại hiện lên tà áo dài. Áo dài không chỉ là một đặc trưng của xứ sở mà còn là tinh thần và vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người. Và nhắc đến ấn tượng Việt Nam thì không ai là không biết đến áo dài.

Tôi biết đến tà áo dài từ những ngày cắp sách đến trường khi thấy các chị sinh viên, các cô giáo lên giảng đường hay lúc tan trường lại rợp một màu trắng tinh khôi. Hình ảnh ấy không chỉ làm xao xuyến trái tim những người yêu nước mà còn làm mê mẩn những du khách từng đặt chân đến Việt Nam. Và có lẽ vì thế mà nhắc đến tà áo dài mà người yêu âm nhạc lại thường nhắc đến ca khúc “Một thoáng quê hương” (st: Từ Huy - Thanh Tùng) không chỉ vì áo dài là bộ trang phục đẹp trong lòng mình và bè bạn bốn phương mà còn bởi chất chứa trong ca khúc ấy là niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước…

Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng
Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng
Áo bay trên đường như mây xuống phố
Áo tung sân trường tựa cánh chim câu


Nhắc đến tà áo dài là nhắc đến vẻ đẹp dịu dàng và thuần chất của người phụ nữ Việt Nam. Với bản tính chịu thương chịu khó, vị tha và hết mức hiền thảo, người phụ nữ khi khoác lên mình tà áo dài sẽ thêm phần quyến rũ. Áo dài tôn lên vẻ đẹp hồn hậu ấy và ngời sáng ở khắp mọi nơi nó xuất hiện một hình ảnh đoan trang, thùy mị trong nét đẹp của người con gái. Chẳng phải vì thế mà thay cho lời nói thì mỗi bước chân qua lướt nhẹ với tà áo e ấp là những ánh mắt ai đó nhìn theo mê mẩn cùng đó là sự ngưỡng mộ và ấn tượng khó phai. Ở khắp nơi trên dải đất Việt, ta dễ dàng bắt gặp bất kỳ nơi đâu những ấn tượng ấy với giờ tan trường ngợp trong một màu áo trắng tinh khôi hay chỉ thoáng qua trên những ngả đường nhộn nhịp.

Từ những tà áo tứ thân nhuộm nâu với hai vạt trước buộc chéo thả xuống đi với quần lĩnh đen và thắt lưng lụa, cho tới áo dài hai tà trước sau với những đường may ôm sát người tạo vẻ gợi cảm mặc cùng quần xatanh trắng, giày cao gót như cách gọi “Le Mur” trong tác phẩm Số đỏ (Vũ Trọng Phụng); từ trong thi ca “Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay…” trong thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” (Phạm Thiên Thư) hay “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay… trong “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn); từ chiếc áo giao lãnh đậm chất An Nam còn được nhìn nhận trên trống đồng cổ Ngọc Lũ tới những trang phục cho tất cả các đại biểu hội nghị APEC được tổ chức ở Việt Nam 2006, biểu trưng áo dài của Việt Nam vẫn nguyên vẹn những nét đẹp tinh thần giữ gìn trong đó nền văn hóa lâu đời vẫn tồn tại theo dặm dài lịch sử. Bởi vậy mà dù người Việt nào có đi xa bất cứ nơi đâu, mỗi khi bắt gặp nét tha thướt tà áo dài là như thấy quê hương Việt trong lòng mình ở đó.

Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu
Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi!



“Một thoáng quê hương” do hai nhạc sỹ Thanh Tùng và Từ Huy sáng tác trên nhịp điệu dịu dàng, chậm rãi rất phù hợp cho bè hợp âm giọng Fa trưởng. Một trong số tên tuổi phải kể đến đã thể hiện thành công nhạc phẩm này là Tam ca Áo Trắng. Như một sự tình cờ mà Tam ca Áo Trắng hát về những tà áo dài và gắn liền với hình ảnh đó suốt hàng thập kỷ và người nghe nhạc ở khắp mọi vùng đất nước đều có thể nhắc nhớ. Có thể ngoài vẻ mộc mạc, rất đỗi giản dị của âm nhạc thì sự tự tin của những thiếu nữ trong tà áo quê hương đã thêm phần cất cánh cho tác phẩm nhạc này luôn được chào đón ở khắp nơi và đặc biệt là với đồng bào xa Tổ quốc. Những nét nhạc thanh tao và lời ca bay bổng nhưng hết sức gần gũi trong “Một thoáng quê hương” làm cho người thưởng thức dễ cảm dễ yêu và dễ nao lòng trước một vẻ đẹp đượm hồn dân tộc.

Từ miền quê nắng gió hay giữa chốn thành phố nhộn nhịp thì vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam luôn cuốn hút bất kỳ ai trông theo và xao xuyến. Nhưng điều đọng lại sâu xa nhất trong lòng người không những là cảm giác hân hoan tự hào khoác lên mình tà áo đẹp mà thêm vào đó còn là sự tự hào và tình yêu quê hương khôn xiết, như lời cuối của nhạc phẩm “Một thoáng quê hương” đã viết: “Mai đây… dù có đi xa, trong tim là cả quê hương …”

 
XIN MỜI NGHE CA KHÚC "MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG"
 
 

Một thoáng quê hương
Sáng tác: Thanh Tùng - Từ Huy

Tà áo em, bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng.
Tà áo em, bay bay bay bay trên phố dịu dàng.
Áo bay trên đường như mây xuống phố,
Áo tung sân trường tựa cánh chim câu...

Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu.
Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố,
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... Em ơi!

Tung bay tà áo tung bay, xôn xao một trời nắng đỏ.
Tung bay tà áo tung bay, áng mây trắng đầu ngọn gió.
Tung bay tà áo tung bay, tím biếc những chiều hoàng hôn,
Tung bay tà áo tung bay xanh xanh đồng cỏ quê hương.
Ta nghe từng bước chân em, xôn xao đường về phố nhỏ.
Tung bay tà áo thân quen, cánh chim vẫy chào ngọn gió.
Ta nghe từ trái tim em, tiếng hát ngập tràn yêu thương.
Mai đây dù có đi xa trong tim là cả quê hương.



IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 06/Nov/2009 lúc 12:02pm
 
Mắt lệ cho người
 

Chiều nay trời bỗng dưng nổi gió lớn. Con gió to giữa khi mùa hè nóng nực đột ngột làm mát lành cảm giác, mơn man trên da thịt và như êm ru những đôi mắt mơ màng tận hưởng. Mang theo những khoan khoái ấy, người ta cũng dễ thở hơn mà từ từ trở về nhà sau cả ngày mệt nhoài. Chiều cũng như bớt dần sắc xám.

Một mối tình cũng đã ra đi vào buổi chiều như thế. Không sướt mướt như những tiểu thuyết tình yêu, không quá giằng xé như nhiều câu chuyện đời thực, đôi tình nhân ấy giã từ nhau trong yên lặng, với chỉ một câu nhẹ nhàng. Câu nói mà trong cả tháng qua bên nhau họ thường nghe trong Mắt Lệ Cho Người - Từ Công Phụng: .. Vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời...

Mỗi tình yêu đắm say ít có khi nào chia tay trong lặng lẽ. Người đau khổ cùng cực, trái tim như tan thành trăm mảnh, kẻ uất ức biến tình yêu thành thù hận... Nếu nhiều ca khúc thường cho người ta cảm giác tê tái và đau khổ thì "Mắt Lệ Cho Người " đem lại cho những người đang yêu hay dù đã chia ly vì tình yêu sự yên lặng nghĩ suy và đôi chút như nói lên lời sám hối
.



"Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi trên niềm đau
Đời em đã khép đi vội vàng
Tình ta cũng lấp lối thiên đàng
Như cánh chim khuất ngàn,
Còn mong chi ngày yêu dấu."

Lời ca nhẹ nhàng, tự sự nhưng mang khá nhiều ẩn dụ "những cánh rong trôi", "cánh chim khuất ngàn", "mưa âm thầm"... khiến bài hát miên man trong nỗi buồn trầm lắng. Thêm vào đó là những lời than thở khẽ khàng "còn mong chi ngày yêu dấu", "em thấy không cõi đời vô vọng", khiến người ta hiểu tình cảm ấy không phải dễ chia lìa mà thực sự trong đó vẫn còn dư ba của yêu thương...

"Xin em hãy cho tôi tạ tình,
Khi em đã đi qua khoảng đời tôi
Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn
Và lệ em rớt trên môi nhạt
Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời."

Sau những lời ca đưa tâm tư của kẻ thất tình, nhạc khúc trong "Mắt Lệ Cho Người " rất đỗi nhẹ nhàng và sâu lắng. Những nốt nhạc dìu dặt dẫn dắt chút tình vương vấn rồi khép nỗi buồn ấy vào một âm giọng đô trưởng trầm ấm. Cả dàn bài lặp trong một khung tình cảm tự sự rất đỗi u hoài, man mác cái buồn khi tình yêu đã đi qua.

Cảm được cái tình, cái tâm tư ấy của "Mắt Lệ Cho Người ", người ta thường ở trong một không gian kín như góc quán, thưởng thức vị đắng cafe và vị đượm của bài hát. Nhưng cũng có thể nhẹ nhàng như chiều nay, khi cơn gió chiều đang mơn man, một mình nghe những giai âm nhẹ nhàng theo những bước chân lang thang suy ngẫm về tình yêu nào đó vừa qua và khe khẽ hát

Xin em hãy cho tôi tạ tình khi em đã đi qua khoảng đời tôi…

XIN MỜI NGHE CA KHÚC


Ca khúc : Mắt lệ cho người
Nhạc sĩ: Từ Công Phụng
Ca sĩ: Tuấn Ngọc


IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2009 lúc 11:37am
Bài Mắt lệ cho người hay quá . Cám ơn Ranvuive .
PT góp 1 bài thơ " Em ơi Hà Nội phố " mà từ lâu chúng ta chỉ nghe qua bài hát do Phú Quang phổ nhạc chứ chưa đọc cả bài thơ .
Bài thơ thật ngậm ngủi , thật hay và nhạc sĩ Phú Quang đã lấy ý diễn đạt rất tài tình.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HÀ NỘI PHỐ

Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...

Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai…

Ta còn em một ngã ba vội vã,
Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ…
Mỗi góc phố một trang tình sử…

Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ.
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi.
Nhà thờ Cửa Bắc
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga…

Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà.
Gã Trương Chi ôm ghita
Từng đêm
Hóa đá…

Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga... 

Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...

Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi,
Vội vã...

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó bâng khuâng,
Nhớ tuổi học trò...

Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...

Ta còn em chuỗi cười vừa dứt.
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...

Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua,
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo.
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ.
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ.
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả,
Một kiếp người,
Một phím đàn long… 

Ta còn em khuya phố,
Mênh mông,
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng,
Đong đưa,
Những chàng trai say suốt cả mùa… 

Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố.
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện cuối ngày,
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát…

Lanh canh ! Lanh canh !
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh ! Lanh canh !
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày…

Em ơi ! Hà Nội – phố

Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang theo hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già,
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn..
Nghìn năm mắt nhớ... 

Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Dôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá.
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...

Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư,
Cành phượng vĩ là đà.
Chiều phai nắng,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...

Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió.
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ ?
Những bước chân tìm nhau vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang... 

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai…

Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường
Chợt hồng đôi má.
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn,
Trời Hà Nội hôm qua...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm,
Người đi xa trở về.
Căn nhà không biển số.
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ.
Ngày về phố cũ quên tên... 

Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...

Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa... ? 

Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...

Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ... 

Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã.
Ngựa, xe, võng, lọng,
Những hình nhân nuối tiếc vàng son.
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than... ? 

Ta còn em nóc phố lô xô,
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa.
Con đường đá lát bao niên kỷ ?
Qua sông nhớ mẹ tuổi già... 


Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử..

Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ.
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.
Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự ?
Đám mây ào in bóng rồng bay ?... 

Ta còn em tháng chạp,
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hóa vàng… 

Em ơi ! Hà Nội – phố
Ta còn em năm cửa ô –
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó –
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ ?

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng…

Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ,
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ…

Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố.
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường.
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha… 

Ta còn em những giọt sương,
Nhòe nhòe bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.
Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy,
Cầm bằng như cánh chim bay… 

Em ơi ! Hà Nội – phố !
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông…

 

 

 


Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 11/Nov/2009 lúc 11:56am
PhanThuy-CA
IP IP Logged
mykieu
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 10/Jun/2009
Thành viên: OffLine
Số bài: 3471
Quote mykieu Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2009 lúc 5:14pm
 
 
 
Phan Vũ- nhà thơ “Em ơi! Hà Nội phố”
 
 
(VOV) - Tôi gặp Phan Vũ trong căn nhà nhỏ của ông ở thành phố ************. Ở tuổi 84, ông làm thơ, vẽ và viết báo.

Có lẽ người yêu Hà Nội nào cũng từng ngân nga giai điệu của ca khúc “Em ơi! Hà Nội – Phố” với những ca từ như thấm sâu vào máu thịt : “…Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông…”. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ về tác giả của những vần thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc để làm nên một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.  

Những câu thơ đầy nhạc cảm trong ca khúc “Em ơi! Hà Nội – Phố” được trích ra từ một trong những bài thơ hay nhất của Phan Vũ được viết thành trường ca gồm 23 đoạn. Bài thơ ra đời vào những ngày đêm Hà Nội bị đánh bom năm 1972, trong một căn gác nhỏ nơi nhà thơ sống ở phố hàng Bún. Bằng những cảm xúc khi ấy, ông đã viết nên những vần thơ bất hủ mà nhiều người cho rằng đến giờ chưa một bài thơ viết về Hà Nội nào sánh được.

Một điều thú vị nữa là bài thơ chưa bao giờ được in, cho đến tận năm ngoái (2008) , tập thơ Phan Vũ với bản gốc trường ca“Em ơi! Hà Nội – Phố” lần đầu tiên xuất bản. Đọc “Em ơi! Hà Nội – Phố” của Phan Vũ mà nghe dư âm xưa hiện về nơi phố cổ, một Hà Nội thanh bình êm ả những năm 60-70 của thế kỷ trước. Phan Vũ “vẽ” lại Hà Nội xưa, thời chiến tranh khắc nghiệt nhưng rất lãng mạn, hào hùng: 

 “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ “ .

Luôn thấp thoáng đâu đó là những hình bóng người con gái đẹp:

 “Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai….”  .

Từ hồi đó, thơ của ông đã đầy màu sắc, đọc từng câu mà hình như đang xem họa sỹ vẽ Hà Nội:

“….một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện…” 
“Nhợt nhạt vàng son”

một Hà Nội man mác lẫn hồn thơ mùa thu:

“ Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ

Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu… “

một Hà Nội lãng mạn phong cách riêng của Hà Nội…

"Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa…?"

Nhà thơ Phan Vũ
Nhà thơ, họa sĩ 84 tuổi đọc cho tôi nghe bài thơ- trường ca “ Em ơi Hà Nội phố”, chia sẻ với tôi những cảm xúc dường như vẫn còn tươi nguyên như ngày nào. Ông vẫn còn một kỳ vọng là được chính thức giới thiệu và tự mình đọc trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” chính tại Hà Nội, cho những người Hà Nội... 

* Thưa nhà thơ Phan Vũ, ông đã viết trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố”  như thế nào ? 

Phan Vũ: Mùa đông năm 1972, lúc ấy B52 đánh Hà Nội ác liệt. Trong những ngày đó, tôi sống ở Hà Nội. Hàng ngày, hay đi lang thang. Tôi thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên hay đi theo ông Phái. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Nhiều khi đến đêm, lúc 1,2 giờ sáng ông Phái còn đem tranh đến nhà tôi treo.

Trường ca đó như một nhật ký bằng thơ. Bởi với những gì đã diễn ra hồi đó, một bài thơ không đủ chứa đựng được. Tôi viết trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát.

Căn nhà tôi ở là một nhà kiểu Pháp, của một trung tá Pháp, nhà có lò sưởi. Lúc đấy tôi đi lượm cây cối, những mảnh gỗ vỡ, rồi đêm nào cũng đốt lên, rồi thì làm thơ…  

* Trong trường ca có thấp thoáng hình bóng “khăn choàng tím đỏ”, “đôi mắt buồn”, cô gái nhẹ buông rèm cửa”, “tà áo nhung huyết dụ”… Đó là những cô gái nào vậy, thưa ông?

Phan Vũ (cười): Rất nhiều người con gái. Đã có một người viết luận văn cao học về bài thơ này, cô ấy ngồi tẩn mẩn đếm xem có bao nhiêu người con gái trong đó. Trong khi tôi cũng không biết đích xác là có bao nhiêu cô !

* Thế còn cô gái “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”- một hình ảnh thơ gây ấn tượng mạnh với công chúng?

Phan Vũ: Cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư ở Pháp. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở...

“…Ta còn em những ngọn đèn mờ

Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ - tranh Phan Vũ

Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate ánh trăng…”

là đoạn viết về cô gái đó. 

Chính vì bom đạn năm 1972 nên tôi mới viết: “Ta còn em…”,  điệp từ lặp đi lặp lại, như là một lời thách thức: Cứ ném bom đi, ta vẫn sống!. Vẫn còn những kỷ niệm, những hoài niệm.

*Vì sao ông viết “Cây bàng mồ côi”, “mảnh trăng mồ côi”…

Phan Vũ: Ẩn ý của từ “mồ côi” là nỗi cô đơn một mình. Chiến tranh, đổ nát, tôi đi lang thang một mình… Nghệ sĩ nào cũng có chút cô đơn trong người và quan trọng là biết “hưởng thụ” sự cô đơn ấy. 

*Có nhiều từ mang chất “họa” trong thơ ông: màu xanh thời gian, màu xám hư vô, nhợt nhạt vàng son…  

Phan Vũ: Đoạn tôi thích nhất trong trường ca:

… Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhòe
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng…"

Màu xanh của thời gian. Tranh của tôi giờ rất nhiều màu xanh. Tôi thích Chagall (danh họa người Do Thái Marc Chagall- PV).  

* Vì sao mãi sau này ông mới đến với hội họa? 

Phan Vũ: Ngày xưa tôi thích vẽ, tôi chơi với nhiều danh họa: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Ở bên  cạnh mấy bè bạn vẽ đẹp quá, thành thử không vẽ được. Sau này, khi vào Nam sống thì tôi vẽ…

Một tác phẩm của Phan Vũ- họa sĩ

*Trên mạng Internet, nhiều người tranh luận về bản gốc trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” của ông…

Phan Vũ:  “Em ơi! Hà Nội – Phố” của tôi là tam sao thất bản vì xưa đâu có in? Lần này đã có bản gốc. Tam sao thất bản vì thơ tôi chỉ là thơ miệng, tôi ngồi đọc thơ, chứ không in sách. Thiên hạ gọi tôi là “nhà thơ” nhưng tôi có thơ in đâu?

Tập thơ này năm ngoái mới in. Thường tôi làm thơ hay để lang thang trên bàn, ở các góc trong nhà, con gái tôi mới thu lượm lại. Năm ngoái khi tôi sang triển lãm tranh ở Pháp, có một người ái mộ thơ tôi đến gặp. Ông ấy lấy in thành tập này, tuy nhiên trong đó không tránh được có những lỗi biên tập nhỏ.

Tôi đã làm những cuộc trình diễn thơ. Làm thơ rồi đốt. Có người hỏi vì sao lại đốt. Vợ tôi- Thy Nga, hồi bà ấy còn sống, chưa được nghe bài này. Đốt đi là để hóa vàng, cho vợ tôi nghe.  

*Một câu trong  “Em ơi! Hà Nội – Phố” mà nhiều người thắc mắc:

 “Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố,
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường…”

Vì sao lại không nhớ nổi con đường vậy, thưa ông?

Phan Vũ: Hồi đó chiến tranh nên đường phố Hà Nội rất vắng, tôi hay đi bộ, đi lang thang suốt ngày, nhiều lúc tôi ngẩn ngơ suy nghĩ … đang đi trên một con đường mà chả biết đường nào!

* Trong thơ có bóng dáng của nhiều người con gái như thế, chắc hẳn ông là một nghệ sĩ rất hào hoa…

Phan Vũ: Những người con gái ấy trong thơ tôi rất trong sáng, không có gì dung tục. Anh em bạn bè nói đùa: Phan Vũ đi chừng 5 bước là có 1 chuyện tình!. Nhưng giờ xe tôi chạy mấy chục km chỉ thấy nguyên xi 1 lão già (cười).

(Rồi ông đọc bài thơ  “tự họa”):

Phan Vũ sinh ở Hải Phòng năm 1926. Ông là  nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang…

Ông từng đạo diễn các phim Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu).

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi đã ngoài 70 tuổi, ông chú tâm đến với hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.

Gã- thằng nhóc mê tiếng kèn dụ dỗ
Lầm lạc từ số không đến vô cùng
Chẳng đoán được tay có tay không
Trong khuôn mặt ấy có gì gian dối

Gã- xoè bàn tay che một đời mưa
Một đời nắng
Chân trần rát bỏng
Con đường
Sợi thong lọng
Treo đầu phận số
Chênh vênh bờ vực lối đi về

Thì đã thí thân cho cuộc chơi cợt nhả
Xá gì trươt chân lộn cổ
Vẽ mặt bôi râu
Cho đúng vai hề
Một đời nửa tỉnh nửa mê
Bởi độc tố thơm mùi ngọt sữa

Gã- Con ngựa quên hiệu còi khởi chạy
Phi thật nhanh nhưng chệch đường đua


Ngày ra đi một kẻ dại khờ
Ngày trở về da mồi tóc bạc
Một thằng khờ dại nguyên si

 

Gã-
đứng giữa ngày tàn chiều tận
Trên thân đau đếm đủ lằn roi
Đòn hội chợ của đám đông không thù oán
Bởi cô đơn chính là hình án
Giữa chợ đời còn rao bán tài hoa

Gã- một mặt phẳng cho một tầm nhìn
Một chiều cao cho những đường thẳng đứng
Một màu xanh cho tất cả màu xanh

Chỉ đời như chẳng lạ, chẳng quen
Muộn phiền
Cam
chịu

Quanh quẩn giang hồ trong xép nhỏ
Những bài thơ lỡ dở lem nhem

Gã trần trụi đi qua thời gian
Một nhịp
Mông mênh hun hút gió
Và một đam mê ảo điên rồ

Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng
Trong độ chênh ngày tháng
Không có gì trối trăng.

(Hết).

Phan Vũ bảo, cả đời ông có 2 bài thơ “đúng chất” để có thể để lại cho người sau. Một bài thơ về Sài Gòn, và bài thơ về Hà Nội: trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố”.

Chia tay ông, tôi cứ nghĩ, lẽ ra Bùi Xuân Phái và Phan Vũ phải là hai anh em ruột mới phải: một ông vẽ Hà Nội, một ông làm thơ Hà Nội sao mà hay, mà đẹp, mà mơ mộng, mà hiện thực mà hồn nhiên đến thế!.

Mong sao, ông có thể thực hiện được ước nguyện của mình đúng dịp hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: “Tôi biết nhiều người Hà Nội họ thích bài thơ “Em ơi! Hà Nội – Phố”.  Tôi cũng đề tặng: Gửi những người Hà Nội đi xa. Tôi phải ra Hà Nội, đọc, chính thức giới thiệu với người Hà Nội trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” trong một không gian Hà Nội…”

Lê Bích (thực hiện)
 
 
 
 
 
 
mk
IP IP Logged
Phanthuy
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 01/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 960
Quote Phanthuy Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2009 lúc 7:41pm
Cám ơn Mỹ Kiều đã làm buổi chiều nay của PT đầy bâng khuâng xúc động về những điều vừa biết về bài thơ Em ơi Hà Nội phố và nhà thơ Phan Vũ.
Sau đây vì PT không thể tìm ra một mình bài hát này mà phải dính chung trong một list 139 bản nhạc .
PT thương tặng đồng hương và các bạn yêu thơ nhạc cả 139 bài hát hay mà bài EM ƠI HÀ NỘI PHỐ ở thứ tự số 55  , do ca sĩ Hồng Nhung hát  thật rung động lòng người.
Các bạn click vào hàng chữ nhỏ màu xanh  , chờ 1 tí đến khi hiện lên danh sách rồi các bạn kéo xuống tới số 55. Nhưng theo PT thì bài nào trong danh sách này cũng hay cả. Enjoy !
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi Phanthuy - 11/Nov/2009 lúc 7:53pm
PhanThuy-CA
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 11/Nov/2009 lúc 11:23pm
 
 
Chào cô Phan Thủy,
 
ranvuive không nghe được các bài hát ở đường link mà cô hướng dẫn.
 
Vì vậy ranvuive mạn phép xin gởi thêm bài hát
"EM ƠI HÀ NỘI PHỐ" cũng do ca sĩ Hồng Nhung trình bày.
 
 
 
 
 


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 11/Nov/2009 lúc 11:26pm

IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 12/Nov/2009 lúc 9:38pm
 
Nhớ ơn thầy cô
 

 

Thời gian cứ thấm thoắt trôi qua, đã bao giờ bạn giật mình nhìn lại và tự hỏi: Sao mà nhanh thế nhỉ? Tuổi học trò đầy ắp những vui buồn kia vậy mà cũng đã mười năm rồi đấy, tất cả vẫn sống dậy trong tôi sau bao thăng trầm cuộc sống.
 
Khách qua sông sẽ không quên người lái đò...
 

Nếu cha mẹ cho ta một hình hài trọn vẹn trong cuộc sống thì thầy cô chính là người chắp thêm cho ta đôi cánh của niềm tin và kiến thức. Người Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn luôn sống với truyền thống "Tôn sư trọng đạo", có nghĩa là con người ta sống trên đời này cần phải có sự biết ơn, lòng thành kính đối với người thầy của mình. Công lao trời biển ấy khó có thể đền đáp bằng vật chất, vì ấy là tinh thần, là cái tình hiếu nghĩa của đạo làm trò.Kí ức khó mà phôi pha dù năm năm, mười năm, hai mươi năm hay nhiều hơn nữa. Kí ức vẫn còn hiện hữu trong ta, có thể buồn, có thể vui, có thể đậm nét hay có thể mong manh  nhạt nhòa nhưng chưa bao giờ biến mất. Mọi người vẫn nói rằng khách qua sông rồi sẽ không nhớ đến người lái đò là ai nữa. Có lẽ chỉ một vài người thôi chứ không phải là tất cả. Một ngày nào đó, trong chúng ta có người bước lên đỉnh vinh quang, có người bình dị với phấn trắng bảng đen hay cũng có khi lại bằng lòng với lẽ thường nhật của cuộc sống, nhưng chắc chắn một điều là kí ức về người thầy vẫn luôn theo họ, dẫu thời gian kia có phôi phai. Bởi lẽ, những gì mà họ nhận được từ mái trường xưa, từ những thầy cô bạc đầu vì phấn trắng bảng đen ấy chính là tri thức giúp họ nên người - Điều quan trọng hơn tất thảy!

 
 
 
... và kỉ niệm về thầy cô sẽ luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta.
 
Tháng 11 cũng có thể gọi là tháng tri ân đối với các thầy cô giáo, vì ngày còn đi học cứ đến thời điểm này chúng tôi bắt đầu phong trào thi đua học tập tốt, vệ sinh tốt và nề nếp tốt. Tập thể nào cũng hăng hái phấn đấu tích cực chỉ mong nhận được những lời nhận xét, đánh giá tốt đẹp trong buổi tổng kết thi đua cuối tháng. Niềm vui đó không chỉ của riêng chúng tôi, vì nó cũng là món quà tinh thần mà học trò dành tặng cho các thầy cô giáo.
 
 
 
Thời còn đi học không phải môn nào tôi cũng yêu thích, thậm chí không nói là có một số môn rất rất ghét nữa. Môn Văn là môn tủ của tôi, vì thế cô giáo bộ môn văn kiêm giáo viên chủ nhiệm lớp cũng trở thành thần tượng trong tôi luôn. Lãng mạn, sâu sắc, truyền cảm, và biết yêu thương... đó là những gì tôi nhận được từ người giáo viên ấy. Có thể thời điểm này đây trong tâm trí tôi chất chứa bao lo toan, bộn bề của cuộc sống, nhưng những kí ức ngày xưa vẫn hiện hữu và đong đầy trong tôi, đến bao giờ tôi mới có thể trở về thăm lại người giáo viên ấy khi khoảng cách không gian kia quá xa vời - nửa vòng trái đất - biết khi nào đây? Và rồi thời gian sẽ như con sóng nhỏ, hết lớp này đến lớp khác lăn tăn phả vào bờ những chuỗi kí ức mới thành những câu chuyện kể không bao giờ có hồi kết thúc... Để con người ta có thể tự trải lòng mình...
 
 
Tri ân thầy cô đã trang bị cho ta kiến thức vào đời.
 
"Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên." (Gôlôbôlin)

 
XIN MỜI NGHE CA KHÚC "NHỚ ƠN THẦY CÔ" 
 
 
 

Lời ca khúc "Nhớ ơn thầy cô" _ Mắt Ngọc

Về lại trường xưa với bao kỷ niệm
Bóng dáng cô thầy vấn vương không rời.
Một thời tuổi thơ trôi theo cánh phượng
Lời thấy cô vọng mãi
Con nhớ cô thầy dìu dắt con nên người đưa con bay khắp phương trời.
Bây giờ con về thăm ngôi trường xưa giờ già hơn trước.
Con tìm cô thầy sau bao nhiêu năm tóc đã bạc phơ.
Con về thăm lại ôi sân trường xưa một thời mơ ước.
Cô thầy đâu rồi, nghe trong tim con vang tiếng cô thầy.



IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 19 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.220 seconds.