Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công  
Message Icon Chủ đề: GÒ CÔNG...VỀ TẤT CẢ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 210 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Feb/2010 lúc 7:51am
Đặc sản xứ Gò
  Cá cơm - món ăn bình dân
 

Trong các buổi tiệc, giỗ ở miền quê Gò Công (Tiền Giang), ngoài những thức ăn thịt, cá ê hề, chủ nhà thường dọn kèm mỗi bàn vài ba thố mắm cá cơm chua cùng bún, rau sống. Giản dị như vậy, nhưng món mắm chua luôn lôi cuốn khách bằng hương vị đậm đà, dân dã…

Vào những tháng mưa nhiều, cá cơm đẻ rộ, sản lượng đánh bắt nhiều vô kể. Ngư dân làm mắm dùng trong gia đình khá đơn giản: ướp từng lớp cá với muối theo tỷ lệ vừa phải, đựng trong khạp gọi là mắm sống, để dành ăn lâu dài. Nổi tiếng cả nước là nước mắm cá cơm Nam Ô. Nam Ô là một làng nhỏ ngay trên quốc lộ 1, thuộc thành phố Đà Nẵng. Vào tháng 3, ngư dân tập trung đánh bắt loại cá cơm than, trộn với muối Cà Ná hạt to cho vào chum, vại gài đậy kín. Khoảng 6 tháng sau trộn cá muối lại và khi trên mặt chum xuất hiện lớp men màu trắng thì lấy vải mịn để lọc. Nước mắm Nam Ô có màu cánh gián, độ đạm cao, thơm ngon đặc biệt.

Một món ăn ngon được chế biến công phu từ cá cơm là… nem. Cắt đầu và phần bụng cá, bỏ ruột, rửa sạch, ngâm nước muối cho cá nhũn ra, gỡ bỏ xương, ngâm lại với nước dừa cho thấm chất ngọt. Vớt để ráo nước, gói cá vào vải mùng vắt khô, quết nhuyễn với tỏi nướng, cá sẽ dai và thơm. Trung bình 1 kg cá cần 50 g tỏi cùng với muối, đường, tiêu hột, bột màu thực phẩm, tỏi sống xắt lát mỏng, trộn đều với cá và gia vị rồi vo viên cỡ ngón tay cái, thoa ngoài bằng mỡ nước. Dùng vài lá chùm ruột gói viên cá, ngoài là lá vông, lá chuối, cột dây chữ thập thật chặt. Sau một tuần là ăn được. Nem cá cơm dễ tiêu, hàm lượng dinh dưỡng cao.

Món mắm cá cơm chua ăn cùng bún, rau sống thường lôi cuốn khách trong các bữa tiệc.Cách chế biến cũng không khó. Cá cơm cắt đầu, bỏ ruột, chà bằng rổ tre cho sạch vảy. Để ráo nước, rải phơi nắng vừa độ dai và trong. Đâm nhuyễn tỏi, ớt vừa khẩu vị trộn đều với cá, sắp khéo vào hũ thủy tinh, nấu nước mắm ngon cùng đường cát trắng cho sôi, để nguội đổ ngập cá. Mía chặt lóng chẻ tư gài ép cá không cho nổi, đậy kín. Bình quân 2 kg cá cơm khi thành phẩm còn độ 1 kg mắm. Để từ 10 đến 15 ngày, mắm có mùi thơm là dùng được. Khi ăn, xắt khóm miếng nhỏ, rim đường cát cho dẻo, đu đủ xanh bào sợi bóp muối, vắt khô sẽ giòn và không làm nát cá. Trộn các thứ với mắm, thêm chanh, ớt tuỳ thích. Nếu trộn để hai ngày sau mắm sẽ chua và thơm ngon hơn. Ăn kèm thịt phay luộc, bún, khế, chuối hột non, dưa leo và các loại rau thơm. Những vị này hoà lẫn nhau tạo cảm giác rất ngon miệng, trên hết vẫn là hương mắm cá cơm ngọt dịu, đằm thắm chất quê.

Tuy là món ăn bình dân dễ chế biến, nhưng mắm cá cơm chua rất được ưa chuộng và thường không thiếu vắng trong các buổi tiệc, giỗ của người Gò Công chính gốc./.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Feb/2010 lúc 7:55am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Feb/2010 lúc 1:11am
TẾT QUÊ MÌNH
Hoa%20mai,%20tet%20VietNam,%20Tet%20Vietnam%20Lunar%20New%20Year,%20Saigon,%20Ho%20Chi%20Minh%20City,%20Viet%20Nam%20by%20khoaphongdien. 

Hằng năm nhìn ngắm những chiếc lá trở màu vàng nâu cam đỏ rất nên thơ trong màn sương mờ trắng đục, tiết trời se lạnh, lò sưởi mở ra, đèn đuốc sáng hơn, người phương Tây biết rằng thu tàn đông đến, ngày ngắn dần đêm tối dài hơn, năm củ sẽ qua năm mới sắp tới. Tết Tây theo dương lịch tính theo mặt trời và luôn bắt đầu vào mùa Đông. Thấy tờ lịch cuối cùng tất niên, ngày tân niên Âu Mỹ bắt đầu, báo hiệu cho Tết ta sẽ đến không xa mấy.
Người nước ngoài thường chỉ để ý đến Tết Trung quốc hơn, không phân biệt Tết của các nước Á châu khác trong đó có Việtnam, có lẽ vì phần đông người Tàu thuộc giới buôn bán nổi tiếng kinh tài truyền thống lâu đời có mặt khắp thế giới, nên việc tổ chức lễ hội rất có qui cũ, rầm rộ, phô trương phong tục tập quán, vui tươi, đẹp đẻ, độc đáo, lôi cuốn. Tây phương có câu ‘ Ở đâu có khói là có người Hoa ‘. Thêm vào đấy, điểm trội đặc biệt của họ vẫn là bằng mọi cách luôn bảo tồn nền văn hóa, truyền thống và nhất là ngôn ngữ. Sống ở nước ngoài, với óc thực tế, họ tích cực học tiếng ngoại để hội nhập tiến bộ, nhưng giao dịch trong cộng đồng Hoa vẫn là Hán tự. Người Trung hoa quả là thành phần có khả năng sinh tồn nhất thế giới.
Thật ra, nước nào cũng mừng năm mới ‘tống cựu nghinh tân’, duy trì truyền thống. Ngày đầu năm khác nhau, nhưng thường dễ nhớ nhất là của hai nhóm, phe tính theo dương lịch lấy ngày 1 tháng 1, phe âm lịch ngày mồng một tháng giêng, điển hình là nước ta. Năm mới Âu Tây tính từ năm bắt đầu Công nguyên đến nay bao nhiêu năm được ghi bằng số, như 2010. Còn tên của năm ta thì do một cầm tinh, theo một chu kỳ 60 năm thì mới trở lại tên cũ, bằng cách ghép tên một trong Thập Can với một của Thập nhi Địa Chi. Mười Can đó, theo thứ tự, là Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý, Mười hai Chi là 12 con giáp Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Khởi hành là Giáp Tý, rồi kế tiếp là Ất Sửu cho hết chu kỳ 60 năm thì trở lại Giáp Tý…Năm
2009 là năm Kỷ Sửu chẳng hạn, năm 2010 là năm Canh Dần mà dân gian truyền khẩu về 12 con giáp :

Tuổi Tý con Chuột trong nhà, tha gạo, tha nếp, tha dồn xuống hang.
Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng, cày chưa hết buổi đã mang cày về.
Tuổi Dần con Cọp dữ ghê, bắt người ăn thịt đem về non cao.
Tuổi Mẹo là con Mèo ngao, hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh.
Tuổi Thìn ông Rồng ở trên thiên đình, hô phong hoán vũ ỷ mình trên mây.
Tuổi Tỵ con Rắn ở với cỏ cây, nằm khoanh trong bọng không hay điều gì.
Tuổi Ngọ con ngựa ô đen xì, ỷ mình sức mạnh kể gì đường xa.
Tuổi Mùi là con Dê chà,có sừng, có gạc râu ria um tùm.
Tuổi Thân con Khỉ ở lùm, chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông.
Tuổi Dậu là con Gà vàng, có mồng, có tít gáy ò ó o.
Tuổi Tuất là con Chó cò, nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem.
Tuổi Hợi là con Heo ăn hèm, ăn no rồi ngủ chẳng thèm lo chi.

Âm lịch tính theo mặt trăng, nên luôn luôn những ngày đầu và cuối không có bóng chị Hằng và trăng tròn ngày thứ 15 giữa tháng ta gọi là ngày rằm, tháng 1 gọi là tháng giêng và tháng 12 là tháng chạp. Vì dựa trên dương lịch nên ta nhận thấy ngày mồng một Tết ta hằng năm thay đổi không trùng ngày năm cũ trên lịch Âu Mỹ, khi lúc ở tháng giêng lúc hay tháng hai.
Để mừng năm mới thì ở khâu chuẩn bị nói chung nước nào cũng thế, tùy theo khí hậu phong tục riêng, người người nhà nhà già trẻ gái trai đều nghĩ về đến Tết với một hy vọng thầm kín nào đó, năm tới hơn năm qua. Cũng lịch đủ loại, báo Xuân kèm Tử vi, bói toán, tiên đoán vận mệnh thế giới, trong nước, hiện tượng lành dữ đặc biệt trong năm. Thiệp chúc Xuân, quà Tết đủ loại từ đồ chơi đến thực phẩm, tâm lý của mọi người là hướng về tương lai sung túc may mắn hơn.
Chẳng hạn ở các nước Âu Mỹ, nhà nào cũng có một cây thông thật hoặc nhân tạo trang hoàng thật đẹp tùy theo túi tiền của chủ nhân để đón chào Noel Đêm Chúa sinh ra đời 24 rạng ngày 25 tháng 12. Theo truyền thống các nước theo dương lịch, có nước như Mỹ chọn mua trước một cây thông to cao đẹp trang trí thật lộng lẫy để được trồng trước Tòa Bạch Ốc, hoặc như Bỉ ở công trường chánh thủ đô Bruxelles
Place Royale hay Palais Royal trước Tết, hay trước đền Thánh Phê rô ở Vatican Rome.
Ra đường đâu đâu cũng được chỉnh trang mang bộ mặt mới, mặt tiền nhà cửa, phố phường đường sá. Con người mà, ai cũng muốn tỏ vẻ ‘sạch mặt sạch mày’ để quên đi phiền muộn đã qua và mạnh dạn bắt đầu tiếp tục hành trình sắp tới. Cuối năm là tổng kết, đầu năm là bắt đầu cuộc sống trên mọi mặt tâm linh thể xác để tiến lên như sự tuần hoàn vũ trụ thiên nhiên. Nhìn các em bé hân hoan, lưỡng lự trước những hàng Tết mỗi năm mỗi cải tiến theo thị hiếu nhu cầu càng ngày càng đòi hỏi cao của người tiêu thụ tràn ngập xa xí phẩm, sản xuất công nghiệp hàng loạt đâu phân biệt tốt xấu, độc hại khó lường, sao mà gợi nhớ đến Tết quê mình ngày chưa xa xứ, không có ông già Noel râu tóc bạc như tuyết hay như Sint Niklaas và Hắc Tiểu đồng Zwarte Piet ở Bỉ, phân phát quà cho các trẻ còn mơ mộng chuyện thần tiên.
Thế ra, « đi một ngày đàng học một sàng khôn » là có thật, thế nhưng cái túi càn khôn nhân loại thật vô cùng. Ngay cả cái chu kỳ vận chuyển bốn mùa xuân hạ thu đông bình thản, vô tư quen thuộc không lạc nhịp bao giờ ấy thôi cũng cho ta thấy không có hiện tượng nào giống hiện tượng nào, luôn luôn biến thể, đố ai biết trước chính xác tận tường, Notradamus hay Trạng Trình, Khổng Minh Gia Cát Lượng ? Có ai tiên đoán đúng Bức tường Bá linh sụp đổ ngày 9-11-89 thống nhất hai miền Đông Tây Đức chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới, hay sự đắc cử của Tổng thống Mỹ, người da màu đầu tiên Barack Obama năm 2009 đâu.
Phải công nhận Tết quê mình quả là sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Khí hậu cũng đãi ngộ ngày Xuân thêm màu sắc âm thanh hương thơm nồng ấm vui tươi thân thiện. Thêm vào đấy nền văn hóa đa nguyên Á Âu điểm xuyết bằng tính siêu nhiên của nhiều tôn giáo khác nhau đã tô son thếp vàng nét độc đáo của phong tục truyền thống từ ngàn xưa mà dù phải trải qua bao thời kỳ lệ thưộc mất tự do ông cha ta luôn quyết giữ ‘ ôn cố tri tân ‘ ‘ cây có cội nước có nguồn ‘.
Theo bước tiến của thế giới, các thế hệ tiếp nối nhau luôn cố gắng gìn giữ duy trì tập tục căn bản đặc thù văn minh dân tộc, đề cao tình yêu quê hương, bổn phận của mỗi công dân bảo tồn đất nước và đoàn kết để phát triển mọi mặt theo dòng chảy toàn cầu.
Khác hẳn với người Trung hoa chẳng hạn, lễ tảo mộ vào Tiết Thanh minh tháng ba, còn dân ta đặc biệt là trước Tết. Ông cha ta đã phải gian nan từng bước, tả xung hữu đột, chiến đấu không ngừng với thiên tai nhân tai, giặc trong giặc ngoài mới có được giang sơn chữ S xinh đẹp còn giàu tài nguyên quí chưa khai thác, bao lơn nhìn xuyên qua biển Đông ra Thái Bình dương. Tổ tiên ta từ bao thế hệ nầy sang thế hệ khác là những nhà tiên phong khai phá vùng đất mới hoang rừng thiêng nước độc để định cư và truyền lại cho con cháu chẳng những cái di sản vật chất hữu thể mà đặc biệt hơn thấm nhuần những đức tính căn bản con người mà lòng tri ân là nòng cốt.
Biết ơn chứng minh là có nguồn cội, giống dòng, văn hóa văn minh dân tộc, xã hội, gia đình, đồng hương. Hiện tại là giây liên lạc giữa hai cái vô cực, cực trừ không ai biết rõ lúc nào khai thiên lập địa, cực cộng ngày tận thế hay tương lai về đâu. Hiện tại quả là tương lai của quá khứ và trở thành quá khứ của tương lai. Ông cha ta rất khôn ngoan đánh động vào tính và tình người nhắc nhớ rằng dù cá nhân là độc nhất không ai giống ai, tự do nhưng không thể sống biệt lập, luôn luôn cần người khác. Do đó cần phải sống quây quần liên kết giúp đỡ nhau, đoàn kết là sinh khí sức mạnh để sống còn.
Tri ân còn khơi dậy lại lịch sử dân tộc hầu rút tỉa kinh nghiệm, những bài học từ những trang sử khi thì oai hùng khi thì uất hận để dựng và giữ nước, gương sáng chói của các bậc anh hùng liệt nữ, những lời dặn dò của tiền nhân. Cụ Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt làm tù biệt viễn xứ sang tận bên Tàu đã bảo với con
trai Nguyễn Trải khóc biệt tiễn cha ở cửa Ải Nam quan hãy quay về ‘ trả thù nhà đền nợ nước ‘.Vua Trần Nhân Tông trong lời di huấn của Ngài đã cảnh giác : ‘ Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo…Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta….Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn :’Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không đuợc để lọt vào tay kẻ khác.’ Ta để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu. ‘
Tri ân còn nhắc cho người đương thời bổn phận của mình, những người kế thừa hưởng thụ di sản thiêng liêng nầy tất cũng sẽ trở thành những công dân tiếp bước tiền nhân truyền gương cho các thế hệ sau. Tri ân thuộc tâm linh cần phải truyền đạt bằng hành động qua nhiều hình thức cụ thể đa dạng. Nếu chúng ta không duy trì tỏ lòng biết ơn ông cha ta ngày trước thì làm sao con cháu ta hiểu rõ được cội nguồn. Hơn thế nữa, với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của xã hội, ánh sáng chói lòa các nền văn minh của bao nước lớn khác làm lung lay dễ dàng niềm tin vào lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết cần thiết sống còn, để rơi nhanh vào ảo ảnh muôn màu vọng ngoại, nếp sống cực kỳ xa hoa ích kỷ, nhất là hiện nay thế giới đang lâm vào thời kỳ khủng khoảng kinh tế thị trường.
Một tập tục đẹp thể hiện lòng biết ơn là lễ Tảo mộ. Hầu như nước nào cũng có, như Âu châu ngày Lễ Các Thánh 1-11 hằng năm, Lễ Tạ ơn
Thanksgiving ngày thứ năm cuối tháng 11 ở Mỹ và Canada thứ hai thứ nhì tháng 10. Phần mộ là bằng chứng cụ thể đánh dấu lai lịch thành phần xả hội của người thân quá cố để thế hệ sau kế thừa gìn giữ bảo tồn phát huy. Đây còn là nơi tập trung con cháu có dịp gặp gỡ tiếp nối vòng liên hệ dòng tộc càng ngày càng rộng lớn hơn. Cũng vì cái gì liên quan đến con người nên vì thế mà mồ mả cũng có cấp bậc như Kim tự Tháp ở Ai cập, Lăng Tần Thủy Hoàng và Binh Mã Dõng, Lăng tẩm như Lăng Gia long, Mệnh Mạng, Tự Đức ở Huế, Lăng Hoàng gia ở Gòcông, Ngôi mộ Chiến sĩ Vô Danh (Tombe du Soldat Inconnu) ở Pháp,… Nếu ở trần gian có những ngôi nhà từ đường, tổ đình, nhà thờ ông bà cho mỗi dòng họ thì phần mộ tượng trưng điểm hẹn đi về hằng năm của ông bà không ranh giới giữa thế giới hữu và vô hình, chẳng cần thẻ thông hành visa và hoàn toàn tự do mang theo, không sợ bị phạt vì quá ký lô qui định, đồ quốc cấm, tất cả quà biếu Tết, tiền bạc cả đô la Mỹ, nhà lầu, xe xịn, phi cơ,… hàng mã bằng giấy.
Hơn thế nữa, do theo quan niệm hữu thần, chúng ta còn có lễ đưa rước trang trọng Táo quân, vị đại sứ thiêng liêng mỗi năm trước Tết ta, về chầu Thượng đế dâng sớ tấu trình gia sự của mỗi gia đình trần thế. Ông cha ta khôn ngoan đã biết liên kết quan niệm thờ cúng thần linh và người khất mặt khuất mày bên kia thế giới áp dụng vào việc thờ cúng tổ tiên một cách tự nhiên không gượng ép đầy nghĩa tình người. Khác hẳn với Âu Tây, Trung quốc, chúng ta chọn thời điểm cho lễ Tảo mộ theo tinh thần truyền thống và nghi lễ Việt nam.
Bắt đầu sau ngày rằm tháng chạp, ngày tước lá mai để mai vàng nở rộ đươm hoa đúng ngày năm mới, khi mùa vụ đã xong thu lúa về nhà, lễ tảo mộ nhắc nhở con cháu thời kỳ nghỉ ngơi vui chơi giải trí bồi dưỡng sau một năm dài cực nhọc. Trước sự chuyển giao cũ mới của trời đất, ta nhận ra thời gian qua vĩnh viễn, hiện tại mới đó chưa bằng được cái tíc tắc đồng hồ mà cũng đã trở thành dĩ vãng ngay rồi. Cái chết của con người là kết thúc cuộc đời như đêm trừ tịch cuối năm trôi qua tự nhiên không cưỡng được nhưng cũng là điểm giao hòa và bắt đầu một năm mới, tương lai trang bị kinh nghiệm vật chất tâm linh của quá khứ đầy hứa hẹn hy vọng. Vậy thì chúng ta người đương thời đang sống thật cũng sẽ qua đi như tổ tiên ta, thế giới bên kia là cõi về tất nhiên của mọi con người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tuổi tác, và từ đó chúng ta phải biết bổn phận và nhiệm vụ của kẻ kế thừa của mình trong gia đình dân tộc.
Điểm độc đáo ở đây là ông cha ta rất sâu sắc thâm trầm trong việc giáo dục truyền thụ tình yêu qua nội tâm bình thản và lòng biết ơn. Người qua đời vẫn ’sống khôn thác thiêng’ luôn luôn phò trợ cho con cháu và sự hiện diện như phảng phất qua khói trầm hương nghi ngút trước phần mộ trong ngày tảo mộ hay trên bàn thờ gia tiên trong ngày trọng đại cưới xin, ma chay giỗ Tết.
Chỉ có thời gian trước Tết như mặc nhiên ấn định từ xưa, người ta mới được đến sửa sang lại ngôi mộ mà thôi, lau chùi quét dọn, nhổ cỏ, sơn phết, đấp đất cao lên mộ lài vì ngoài thời gian tảo mộ, việc trùng tu sửa chữa cần phải có sự đồng ý về hợp hay nghịch tuổi tác của tất cả các chi liên hệ mới được thực hiện.
Việc duy trì lễ tảo mộ chẳng những là một tập tục đẹp mà đối với người Việt còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là con đường hành hương về quá khứ cội nguồn, tìm lại niềm tin vào lòng yêu thương che chở của người tại thế và nhất là người khuất mày khuất mặt để rồi hy vọng được trang bị kinh nghiệm hơn hầu tiếp tục cuộc sống xứng đáng là con người.
Đây cũng là cơ hội chứng tỏ lòng biết ơn qua cách chia sẻ chung hưởng, không phải chỉ với những người còn sống mà cả với người quá cố vì thân xác có thể bị tiêu hủy nhưng cái hồn thiêng không mất. Con cháu trong dịp nầy đến tận phần mộ trân trọng mời ông bà về vui chơi ăn Tết với gia đình, ‘báo cáo’ cho biết thực trạng cuộc sống, trình bày dự án mơ ước của mình năm tới. Ông bà được phục vụ như người thân xa nhà về thăm do con cháu hiếu thảo, không ai được làm phiền lòng khách quí nên trong những ngày Tết kiêng cử cải cọ rầy rà. Bà con từ nhiều đời xa nhà còn có dịp trở về quê đất tổ quây quần bên bàn thờ tổ tiên chứng giám con cháu vui ăn Tết. Một tình cảm sâu sắc thấm nhuần tình gia đình sẽ làm ấm lòng thệ trước sang thế hệ sau và nhận ra rằng tình yêu phải có hai chiều, từ tình yêu chân thành cội nguồn gia đình mới có thể yêu rộng lớn hơn xã hội tổ quốc và ngược lại nếu mất tình người, thế giới trần thế nầy sẽ trở thành
robot vô cảm vô hồn, đáng thương.
Nhìn nhà nhà ai ai cũng nghĩ như nhau về tảo mộ, gặp nhau trên đường về nghĩa trang hay bên phần mộ của người thân, nghĩa xóm làng như được xẻ chia hưởng ứng cùng ý hướng, tình đồng hương như được thăng hoa hơn vì câu ‘ nhất cận thân, nhì cận lân ‘ được bổ túc bằng ‘ bà con xa không bằng láng giềng gần ‘.
Bài học còn đáng nêu ra thêm ở đây là không có gì là bất di bất dịch trên cõi hồng trần nầy, mất còn, kết thúc bắt đầu liên quan xoay vần nhau là chuyện không có gì phải quá lo nghĩ bận tâm. Như vậy sự chuyễn động bình thường đều đặn đó cho ta thấy có ‘ bôn ba cũng không qua thời vận ‘, hay ‘ Ton bras est invaincu mais non pas invincible ‘ Corneille - Le Cid (Cánh tay anh chưa bị thua nhưng không phải là không thể bị đánh bại được) chứng minh rằng không có chỗ sống cho kẻ độc tài vì là con người
‘ Nul ne peut se vanter de se p***er des hommes.’ Sully Prud’homme.
(Không ai có thể khoe mình là bất cần mọi người.).
Thật ra, Tết ở nơi nào phù hợp với phong tục tập quán, khí hậu của nơi đó, Tết quê mình thì quen thuộc hơn mang ý nghĩa riêng dấu vết lịch sử tâm linh của chính dân tộc mình. Càng được tiếp cận với thế giới phóng khoáng rộng mở văn minh, ưu điểm là biết chọn lọc điều hay tân tiến để sử dụng thích nghi với mình, tránh du nhập những phù phiếm hời hợt xa hoa xa vời thực tế lạ lùng không thích ứng đời sống vật chất và tinh thần dân tộc.
Tết quả là thời gian thích hợp nhất để chúng ta rà kiểm điểm lại những thành quả trong năm qua, rút tỉa kinh nghiệm cần thiết làm bàn đạp tiến lên trên mọi bình diện cho năm mới. Tết với lễ tảo mộ chẳng hạn, cũng nhắc rõ chúng ta có nguồn cội đã được tổ tiên từ thế hệ nầy sang thế hệ khác bất khuất kiên cường dựng và giữ nước. Chúng ta hiện tại là chủ nhân gia sản vô giá nầy, phải ý thức bổn phận và nhiệm vụ kế thừa của mình chẳng những là cần bảo tồn và phát huy cái tinh thần quốc hồn quốc túy yêu nước nòi giống mà còn cả cái giang san gấm vóc nguyên vẹn từ Ải Nam quan đến Mũi Cà mau đã có trên bốn nghìn năm văn hiến cho thế hệ tương lai.
Trần Thành Mỹ




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 03/Feb/2010 lúc 1:12am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Feb/2010 lúc 4:45pm

Gò Công thương yêu

 

 

 
 

Bước ra ruộng, gió mênh mông,

Ai ru con ngủ bên sông bồi hồi...

"Ví dầu tình bậu muốn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.

Bậu ra bậu lấy ông câu,

Bắt con cá bóng chặt đầu kho tiêu.

Kho tiêu kho ớt kho hành,

Kho ba lượng thịt để dành em ăn.

Em ăn em uống rượu say,

Bỏ ruộng ai cày bỏ giống ai gieo."

Đường về Đèn Đỏ cheo neo,

Cây Bàng, Cầu Muống quê nghèo năm xưa

Tân Thành thương kẻ nắng mưa,

Chòi rơm, vách lá, võng đưa con buồn.

An Hòa, Xóm Thủ, Yên Luông,

Tân Tây, Kiểng Phước, dơi luồn bóng cây.

Trường Đua, ao nước có đầy?

Chiều lên Xóm Đạo nhớ ngày xa xăm.

Bến Chùa trưa ghé vào thăm,

Mãng cầu chín tới để rằm giỗ ông.

Ngoại còn đội chiếc khăn bông?

Nội còn đứng ngóng cau hồng trổ hoa?

Chẳng khóc sao mắt lệ nhòa?

Chẳng thương sao nhớ người ta, nhớ hoài?

Mai đi ngắt một đọt xoài,

Một trái chùm ruột, một ngòi sún nâu.

Thương ai cắn trái táo sâu,

Ba mươi năm có còn màu mắt trong?

Mai đi lòng chẳng hẹn lòng,

Nhưng sao cứ nhớ Gò Công, muốn về...

Sưu tầm

Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 05/Feb/2010 lúc 5:02pm
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Feb/2010 lúc 5:56pm
 
 
 
 
 
 
 
 
ĐẶC SẢN XỨ GÒ
NHAM GÒ CÔNG

Nham Gò Công còn là một món gỏi mà đa số quý ông thích ăn nhậu những món dân dã đều cho là rất " bắt mồi" nhất là khi họ sử dụng luôn cả phần mô phổi cua cắt nhỏ khiến cho món ăn nồng hăng hơn. Nhìn quý ông nhấm nháp miếng nham rồi đưa cay bằng rượu trắng Gò Đen nặng gắt mùi, chép miệng khen ngon thì chắc là họ có cái lý riêng của họ.
Và chính mùi vị đặc trưng của món nham Gò Công như thế cho nên bạn Phuong Nguyen tìm món nham Gò Công trong tất cả những hàng đặc sản miền tây ở TP.HCM mà không thấy là điều dĩ nhiên. Nhưng nếu bạn gọi món gỏi cua thì họ sẽ dọn ra một món gỏi có hình thức và cách chế biến giống hoàn toàn món nham Gò Công. Có khác chăng là họ dùng cua biển hoặc cua nước ngọt thuần túy chứ không phải là loại cua nước lợ Gò Công và món gỏi cua này nhiều người lại cho là rất dễ ăn vì không có cái mùi... Gò Công đó.

Vào năm 1996, công ty Saigon Tourist (TP.HCM) đã tổ chức một hội diễn món ăn dân tộc VN và trong hội thi này món nham Gò Công của đầu bếp Vũ Đình Tuân (khách sạn Đồng Khánh) đã lên ngôi đầu bảng đoạt huy chương vàng. Sau hội thi, vài tờ báo đã đặt vấn đề tại sao lại trao huy chương vàng cho món ăn địa phương này mà không là món ăn địa phương khác, những món ăn dân tộc khác (nói chung) đã tồn tại hàng trăm năm qua thì không có giá trị gì sao? Đây là vấn đề ẩm thực, ai biết món nham đó là đúng món nham Gò Công? Ban giám khảo đủ uy tín để đại diện cho dân tộc của cả ba miền đất nước không? Mọi chuyện ầm ỉ rồi cũng qua đi, chuyện ăn uống mà, có gì mà ghê gớm vậy và người ta tuyên bố rằng huy chương vàng là để trao riêng cho cá nhân vị đầu bếp đó đã có tinh thần truyền bá một món ăn địa phương ít người biết, không phổ thông lắm... đó mới là trọng điểm của cuộc thi, chứ nham Gò Công đâu dám qua mặt những món bún bò Huế, bún thang Bắc, mì Quảng... đại khái như vậy. Nếu bây giờ vì tò mò, ai thích thử món nham Gò Công thì cứ vào nhà hàng Đồng Khánh Sài Gòn gọi một phần xem thử nó ra làm sao. Và nếu bạn chưa lần nào ăn món nham Gò Công, ngay tại Gò Công, làm bằng cua nước lợ của đất Gò Công thì chẳng bao giờ bạn biết được người ta phục vụ cho bạn món gì và nham Gò Công ngon... thì ngon thế nào?



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Feb/2010 lúc 5:58pm
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Feb/2010 lúc 9:27am

Về Tiền Giang, thăm thị xã Gò Công

duyduongtg viết ngày 11/01/2010


Từ hướng TP ************ khoảng 70km, đến ngã ba Trung Lương thuộc TP Mỹ Tho, rẽ theo quốc lộ 50 hơn 40 cây số... bạn đến Gò Công. Nơi đây là quê hương của hai vị hoàng hậu triều Nguyễn là Từ Dũ và Nam Phương, cũng là nơi gắn liền với với tên tuổi vị anh hùng Trương Định. SAC%205  
 
Trong bán kính hơn chục cây số từ trung tâm thị xã Gò Công, du khách có rất nhiều địa chỉ để đi chơi. Trước hết là những ngôi nhà cổ có từ thời Pháp thuộc, đặc biệt hơn cả là dinh Chánh Tham Biện hay còn gọi là Dinh Ông Chánh. Khách có thể gặp nhiều dinh thự hình dáng tương tự như Dinh Ông Chánh ở nhiều tỉnh lỵ của miền Nam nhưng dinh thự này đặc biệt ở chỗ toàn bộ được xây dựng bằng gạch ngói chở từ Pháp sang với quy mô kiên cố và rộng lớn. Qua hơn 120 năm tồn tại, hiện nay Dinh Ông Chánh đã xuống cấp trầm trọng nhưng du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng được nét đẹp của một công trình kiến trúc phương Tây cổ xưa. Hình%20ảnh%203651_03_5312

Còn tại phường 1, thị xã Gò Công là Lăng Trương Định. Lăng được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2. Lăng Trương Định là di tích lịch sử và là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Đền thờ được xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa hiện đại với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thếp vàng.
_MG_0579.jpg%20image%20by%20mizic
Cách lăng Trương Định về hướng gò Sơn Quy là cụm lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826 trên diện tích 2.987m2. Cụm lăng gồm phần mộ của dòng họ Phạm Đặng Hưng (dòng họ ngoại của vua Tự Đức) và ngôi nhà để thờ cúng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc thời nhà Nguyễn mà còn có dịp tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc của những nghệ nhân xứ Gò và tiếp cận với nhiều bia đá ghi lại một phần lịch sử của vùng đất này.

Gò Công còn có một làng nghề nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, đó là làng nghề Ông Non chuyên đóng tủ thờ. Những chiếc tủ đóng bằng các loại danh mộc như gõ, mun, cẩm lai... lấp lánh hình ảnh tứ linh, tứ quí, các tích xưa và phong cảnh non sông được cẩn, khảm bằng vỏ ốc và xà cừ. Điều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công là những người thợ ở đây không dùng đinh sắt mà chỉ ráp các mối nối bằng mộng, chốt. Tủ thờ của xóm ông Non được sử dụng tại đền Hùng (Phú Thọ) đến nay vẫn được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.

Rời thị xã Gò Công, theo hướng đông khoảng 15 km, khách sẽ đến bãi biển Tân Thành. Đây là một trong những bãi biển cát đen được đánh giá là đẹp nhất ĐBSCL. Dọc theo đường ra biển, khách sẽ gặp những ruộng muối trắng phau. Nếu có thời gian, du khách nên ghé vào nhà dân, tìm hiểu quy trình làm muối. Bà con nơi đây rất hiếu khách, sẵn sàng dẫn bạn đi thăm ruộng muối, những vuông tôm và những điểm nuôi cua, đồng thời thết đãi bạn những món ngon đặc biệt của xứ Gò Công. Đến bãi biển vào lúc nước ròng, bạn có thể cùng ngư dân xuống biển xúc nghêu và nô đùa thỏa thích cùng sóng biển- rất thú vị...

Nếu đi theo hướng ngược lại, bạn sẽ đến biển Vàm Láng cách thị xã 12 km. Chợ Vàm Láng là chợ đầu mối chuyên mua bán hải sản với hầu hết là các sản phẩm từ biển Gò Công, rất phong phú và giá cả khá “mềm”. Sau khi thăm chợ biển, bạn có thể đến làng Kiểng Phước để xem bảng sắc phong thần do vua Gia Long ban tặng và xem bộ xương cá ông không còn nguyên vẹn ở đình làng Vàng Láng. Vào ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra lễ hội Nghinh Ông với sự góp mặt của hàng trăm ghe thuyền được trang trí đèn hoa rực rỡ. Dọc đường đi, khách còn có thể ghé xã Phú Tân huyện Gò Công Đông để tham quan lũy Pháo Đài, một công trình quân sự phòng thủ kỳ vĩ do Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chỉ huy xây dựng để đánh thực dân Pháp những năm giữa thế kỷ 19.

Du khách ở Sài Gòn có thể tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần đi xe gắn máy đến thị xã Gò Công. Nếu đi bằng xe đò, khách có thể đón xe đi TP HCM đến ngã ba Trung Lương rồi đón tiếp xe về Gò Công. Tại bến xe Miền Tây, mỗi ngày cũng có chuyến xe đò về bến xe Gò Công, khởi hành lúc 10 giờ. Từ đây, khách có thể dễ dàng đón xe về Gò Công. _MG_0571.jpg%20image%20by%20mizic

Thôi, xin tạm biệt Gò Công

duyduongtg viết ngày 11/01/2010



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 07/Feb/2010 lúc 9:48am
IP IP Logged
danghuuphuc
Newbie
Newbie
Avatar

Tham gia ngày: 08/Feb/2010
Thành viên: OffLine
Số bài: 8
Quote danghuuphuc Replybullet Gởi ngày: 08/Feb/2010 lúc 9:00am

CÔ GÁI BÁN TRẦU Ở CHỢ GÒ CÔNG TRỞ THÀNH ĐẠI ĐIỀN CHỦ

“Người giàu nhứt tỉnh Gò Công là “Bà Tư Nói”, tên trong khai sinh là Lâm Tố Liên. thuở hàn vi, cô Tố Liên bán trầu cau tại chợ Gò Công hồi Tây mới qua. Cô Thiên không chồng con. Cô góp nhóp tiền mua một mẫu ruộng. Sau đó, lần hồi cô mua may bán đắt, lại có huê lợi của mẫu ruộng, nên cô sắm thêm ruộng. Công cuộc làm ăn càng lúc càng thạnh vượng, cô bỏ nghề bán trầu cau, mở tiệm bán tơ lụa nho nhỏ. Vào tuổi ngũ tuần, Lâm Tố Liên có lợi tức 400 mẫu ruộng tốt, giàu bực nhì ở Gò Công, ăn đứt ông Phủ Huỳnh Đình Khiêm (Phủ hàm) ở Đồng Sơn, ông Cai tổng kiêm Hội đồng Nguyễn Văn Hạc, ông Huyện Quái, ông Phủ Hải, ông Hội đồng Đinh Nhựt Chu...
Khi lớn tuổi, cô Lâm Tố Liên được dân Gò Công kêu bang “Bà Tư Nói”. Tiệm của bà bán đủ thứ lãnh: lãnh Bưởi ngoài Bắc, lãnh Nam Vang, lãnh Tân Châu, lãnh Thượng Hải (lãnh trơn, lãnh bông). Ngoài ra, bà còn bán những hàng lụa sản xuất trong nước như lụa Hà Đông ở ngoài Bắc, lụa Duy Xuyên ở Quảng Nam, the La Cai, the và xuyến đất Diên Khánh, hàng Cẩm ở Châu Đốc, lụa Tân Châu, cùng các loại cẩm nhung, cẩm vân, cẩm tự, cẩm trước, cẩm cuốn, cẩm quệt, cẩm kim... (cẩm là loại hàng lụa, còn gọi là “gấm”).
Cẩm nhung có nhiều loại màu, đem ra ánh sáng mặt trời thì thấy có vạch sáng rờn rợn. Cẩm vân, màu trắng, màu vàng, là hàng dệt nền khô bông mướt hình cụm mây. Cẩm tự màu đen nền ướt bông khô, dệt hình chữ thọ, Cẩm trước màu đen hay trắng, nền ướt bông khô, dệt hình lá trúc. Cẩm cuốn dệt bông hình quyển sách cuốn tròn, có buộc nơ. Cẩm quyệt dệt bông hình trái quýt có đeo hai chiếc lá. Cẩm kim dệt hình mũi kim nhỏ, thuộc loại nền khô bông ướt. Lại còn cẩm sen loại nền khô bông ướt, dệt hình bông sen. Nếu kêu cho đúng nghĩa phải gọi cẩm quýt là “cẩm quất”, cẩm kim là “cẩm châm”,”cẩm sen” là “cẩm liên”, cẩm cuốn là “cẩm thư” để tránh tiếng Hán ghép vào tiếng Nôm.
Về sau, bà Tư Nói nhờ một ông thầu khoán ở chợ Gò Công gọi là ông Tư Bảy, cất cho bà một cái nhà ba căn hai chái, nền cẩn đá da quy (giống như vảy rùa), nền cao tới ngực, mái lợp ngói lưu ly. Để có thứ ngói này, ông thầu khoán Tư Bảy phải đặt mua Lái Thiêu. Ngói lưu ly là ngói móc (có người gọi là ngói vảy cá, vì có cái móc để cày vào sườn nhà khi lợp giống như lớp vảy cá, hoặc vảy rồng được tráng men bóng lộn. Ông Tư Bảy mua ngói lưu ly tráng men vàng và ngói lưu ly tráng men lục để lợp nhà bà Tư Nói. Ngói vàng, dưới ánh mặt trời, thì có màu men chậu xứ Giang Tây. Vào mùa gặt lúa vào giữa tháng Chạp tới giữa tháng Giêng, mỗi ngày hàng chục chiếc xe bò chớ lúa tới lẫm (vựa lúa) của bà Tư Nói để đong lúa cho bà. Tuy có nhà đẹp, nhưng bà Tư Nói thích ở căn tiệm bán lãnh lụp xụp của mình, còn ngôi nhà nguy nga tráng lệ của bà, dành cho gia đình bà Bảy em (em gái ruột của bà. Khi bà qua đời, bà Bảy em (chớ không phải Em) làm cái nhà mồ cho bà. Ngôi nhà mồ nguy nga đồ sộ không thua phủ thờ (nơi thờ bà Từ Dụ Thái hậu, cách chợ Gò Công 4 cây số.
Theo sách:Gò Công Vọng tiếng đất lành của Phan Thanh Sắc thì nhà Bà nguy nga thứ nhì sau nhà Bà Phủ, nay là Nhà Truyền Thống Thị xã Gò Công. Bà là Đại điền chủ trước năm 1945 đứng bộ trên ngàn mẫu ruộng ở mấy chục làng trong Tỉnh Gò công. Bà cất Chùa Thiêng Liêng trên Đường Huyện Chi gần Cầu Đúc lên Yên Luông ,bên cạnh nhà mồ để chết rồi thì hồn nương cửa Phật...
                                Truyện của HỨA HOÀNH
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Feb/2010 lúc 2:50am
Thi ảnh ''Quê hương đất nước con người Gò Công'' lần thứ I
(Cập nhật: 08.02.2010 05:27)

Nhân dịp mừng xuân Canh Dần 2010, sáng 3-2-2010, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gò Công Đông đã tiến hành tổ chức chấm thi ảnh nghệ thuật "Quê hương đất nước con người Gò Công" lần I, do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gò Công Đông tổ chức với sự bảo trợ nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Hội đồng giám khảo do ông Hoàng Thạch Vân, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN làm Chủ tịch đã tuyển chọn 41 ảnh triển lãm trên 81 ảnh dự thi của 16 tác giả của huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và trao 9 giải  thưởng:

- Huy chương vàng "Kéo lưới" của Lương Bình (Gò Công Tây )

Kéo lưới, tác giả Lương Bình

- Huy chương bạc "Mưu sinh" của Minh Hải (thị xã Gò Công)

Mưu sinh, tác giả Minh Hải

- Huy chương đồng "Lặng lẽ" của Quốc Đặng (thị xã Gò Công)

Lặng lẽ, tác giả Quốc Đặng
Sắc xuân, tác giả Quốc Đặng

6 giải khuyến khích thuộc về các tác giả: Phước Lộc, Lương Bình (2 giải), Quốc Đặng (3 giải)

Đây là lần đầu tiên  Gò Công Đông tổ chức thi ảnh, nhưng đã được anh em nhiếp ảnh Gò Công nhiệt tình dự thi.

 Giám khảo Hoàng Trung Thủy- Ủy viên Hội đồng nghệ thuật quốc gia đã nhận xét: "Ảnh có ý tưởng tốt, bám sát chủ đề quê hương, bám biển lên đồng, màu sắc rực rỡ đẹp ... , nhưng đề tài về công nghiệp, đánh bắt biển còn mỏng. Xử lý ảnh có tiến bộ, hợp lý tuy còn có vài lỗi nhỏ!...".

Cũng trong buổi chấm giải, nhạc sĩ Lê Ngân, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cho biết, các tác giả đoạt giải vàng, bạc, đồng được tiêu chuẩn kết nạp hội viên tỉnh. Với thành công bước đầu này, hi vọng sang năm Gò Công Đông tiếp tục phong trào, tập huấn mở trại sáng tác, nâng cấp đội ngũ hội viên nhiếp ảnh CLB Nhà Văn hóa trung tâm.

Duy Anh   
(Theo tiengiang.gov.vn)



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 09/Feb/2010 lúc 2:52am
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Feb/2010 lúc 9:26am
 
 
Huế ở Gò Công 
 
 
Nói đến Gò Công, người ta nhớ ngay đến vùng đất của cây sơ ri, nơi cất tiếng chào đời của hai bà hoàng triều Nguyễn: Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị) Và Nam Phương (vợ vua Bảo Đại).

Đây còn là vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp của anh hùng dân tộc Trương Định. Vì vậy, du lịch về Gò Công, người ta không chỉ đi biển Tân Thành nằm nghe gió lộng và thưởng thức hải sản từ những quán ăn chạy dài theo các sân nghêu mà còn là dịp nhớ lại quá khứ hào hùng và chiêm ngưỡng một di tích... rất Huế.

Từ TP.HCM đi về Gò Công theo quốc lộ 50 là tiện nhất. Theo hướng này, bạn sẽ qua phà Mỹ Lợi. Vừa rời khỏi phà, bạn bắt đầu thấy trái sơ ri được bày bán rất nhiều hai bên đường. Gò Công có nhiều vườn trồng sơ ri, chỉ cần với tay là có thể hái những trái chín ửng hồng trong những khu vườn xanh mát. Chạy về hướng Gò Công chừng 14 cây số, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ mang tên Từ Dũ. Cuối con đường là khu lăng Hoàng gia mang dấu ấn đặc thù của kiến trúc lăng tẩm triều đình Huế, được xây dựng tại giồng Sơn Quy, từ năm 1826.

Giồng Sơn Quy (còn gọi là Gò Rùa, Núi Đất) không chỉ là khu đất cao cặp sông Sơn Quy, mà còn là di tích lịch sử mang đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong những năm chống Pháp đầu tiên. Đó là nơi Bình Tây Đại soái Trương Định chọn làm chiến lũy, dựng đại bản doanh ngăn đường tiến quân của Pháp nhằm bảo vệ thị xã Gò Công từ năm 1861. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, thủ lĩnh Trương Định cho nghĩa quân đắp chiến lũy Sơn Quy bằng đất ruộng, nơi cao nhất chừng 3m, dài chừng 300m. Ngày nay, đến giồng Sơn Quy, dấu tích chiến lũy xa xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng bạn sẽ hiểu thêm vì sao cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu viết: "Núi Đất nửa năm ngăn sức giặc", để nhớ về một thời oanh liệt của anh hùng Trương Định.

Sơn Quy giờ không còn rõ nét chiến lũy, tuy nhiên, nơi đây vẫn còn có một di tích lịch sử quốc gia: Lăng Hoàng gia. Đây là di tích hiếm hoi còn sót lại của triều đình Huế ở vùng đất Nam bộ. Khu lăng Hoàng gia là quần thể kiến trúc gồm đền thờ và 19 ngôi mộ của những bậc tiền hiền có công khai khẩn đất Gò Công, mà tiêu biểu là mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng - ông ngoại vua Tự Đức và là cha của Từ Dũ Thái hậu.

Khu lăng mộ Đức Quốc Công

Kiến trúc ngôi mộ của Đức Quốc công không xây theo tiền lệ "ngưu phanh mã phục" (Trâu nằm ngựa quỳ) như bao văn thần võ tướng cùng thời, mà được xây kết hợp với màu sắc văn hóa địa phương: đỉnh trụ, hình nón lá, xung quanh trang trí tám đóa sen. Bình phong quanh mộ được chạm nổi năm con sư tử. 

Đền thờ "Đức Quốc Công Từ" hay đền "Thích Lý” được xây dựng từ năm 1826, theo kiến trúc nhà gỗ ba gian hai chái đặc trưng Nam bộ. Đến năm 1849, vua Tự Đức cho đại tu theo kiến trúc cung đình, có cổng tam quan, thềm tam cấp, nhà khách, nhà trù, tàu ngựa. Năm 1889, vua Thành Thái tiếp tục cho tu sửa đền, mộ, làm thêm tường hồ, cổng gạch theo phong cách phương Tây. Năm 1921, đền được tân trang một lần nữa, lát thêm gạch men, bao lam, hoa văn khắc gỗ.

Cổng tam quan vào lăng Hoàng gia

Cảnh vật phai dấu theo thời gian nhưng ngắm nhìn khu lăng Hoàng gia ở giồng Sơn Quy, cảm giác như có cái gì rất Huế ở nơi này.

Khánh Huy

IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Feb/2010 lúc 5:11pm
Tiếng kêu cứu của những ngôi nhà cổ...!
 

Thị xã Gò Công vốn là “thủ phủ” của các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang - nơi hội tụ, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, kinh tế của toàn khu vực. Giá trị này đã ăn sâu vào nếp ăn, nếp nghĩ, sinh hoạt của người dân Gò Công từ bao đời nay. Tuy nhiên, trước tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trên khắp các lĩnh vực trong đời sống hiện nay thì liệu vai trò “thủ phủ” cũng như những giá trị truyền thống có còn được lưu giữ nổi?

Nhắc đến thị xã Gò Công, ai cũng đều có một cảm nghĩ đó là một vùng còn hàm chứa nhiều nét cổ kính và tự nhiên nhất vùng ĐBSCL. Vùng đất xứng danh “địa linh nhân kiệt” này qua năm tháng vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị, những danh nhân được người dân tự hào tôn vinh. Ngoài một số quan chức thời Nguyễn, Gò Công còn là nơi sản sinh nhiều danh nhân tên tuổi trong đời sống xã hội đương thời, nhất là về văn hóa, giáo dục, chính trị như Thái hậu Từ Dụ, Hoàng hậu Nam Phương, Trương Định, Hồ Biểu Chánh... Các di tích lịch sử được bảo vệ, lưu truyền như lăng mộ họ Phạm (tổ tiên của bà Từ Dụ, mẹ Vua Tự Đức), mộ Trương Định xây cất vào năm 1864 bằng đá ong trộn ô dước, mộ bia bằng đá trắng Quảng Nam khắc đầy đủ chức tước của ông: “Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định chi mộ”.

Bên cạnh các di tích có giá trị vừa kể, hiện tại Gò Công còn tồn tại nhiều ngôi nhà cổ nhất tỉnh. Theo tư liệu lịch sử (hiện còn lưu giữ ở Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Gò Công) tỉnh Gò Công trước đây có 40 làng, người dân thường gọi là “làng Thành Phố”. Nhà cửa nơi này lúc đó chỉ toàn làm bằng lá, đến năm 1862 mới được xây bằng những ngôi nhà tường vững chắc. Năm 1862 cũng là năm “làng Thành Phố” trở thành tỉnh lỵ Gò Công. Năm 2002 tổ chức JICA của Nhật đến khảo sát thì Tiền Giang có 350 ngôi nhà cổ mà riêng TX Gò Công có đến 2/3 loại nhà cổ giá trị này.

Khoảng 3 năm trở lại đây tốc độ phát triển của TX Gò Công khá nhanh. Đặc biệt, là những thay đổi về diện mạo đô thị thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Những ngôi nhà mới được cất lên khang trang “ăn theo” những con đường nội ô vừa được nâng cấp, mở mới, đã tô điểm thêm nét đẹp vốn có của “làng Thành Phố” thuở nào. Đến hết năm 2004, thị xã đã hoàn thành việc nâng cấp 20 tuyến đường nội ô với đầy đủ hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh đồng bộ; mặt đường được trải bê tông nhựa. Đường Trương Định được xem là đẹp nhất thị xã. Song song đó còn mở nhiều tuyến đường trọng điểm nhằm mở rộng đô thị trung tâm theo hướng Bắc - Nam tạo điều kiện cho thị xã tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn với khu du lịch biển Tân Thành và Quốc lộ 50 đi TPHCM. Đồng thời, chợ mới Gò Công cũng đã được đưa vào sử dụng nhằm thúc đẩy giao lưu hàng hóa, dịch vụ, thương mại cho toàn vùng. Đình Trung đã được trùng tu nâng cấp đáp ứng mong mỏi của nhân dân về một địa chỉ thờ cúng đã ăn sâu vào tâm linh người dân Gò Công. Hàng loạt những di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư tôn tạo nhằm giáo dục truyền thống và phát triển du lịch như đền thờ lăng mộ Trương Định, di tích kiến trúc nghệ thuật (nhà cổ, được xây dựng cuối thế kỷ XIX) của Đốc phủ Nguyễn Văn Hải, Nhà truyền thống thị xã (nhà bà Lâm Tố Như xây dựng năm 1933)...

Năm 2005 tỉnh Gò Công sẽ mời các ngành tư vấn thiết kế, khảo sát lập kế hoạch thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Khu di tích lịch sử Lăng Hoàng gia. Trong đó, dự kiến vùng qui hoạch rộng 70 - 100ha xây dựng hoàn thành lăng mộ này gắn liền với tour du lịch của Tiền Giang. Dự án đó nếu được hoàn thành thì ai muốn tìm lại dấu tích xưa một thời của cha ông thì TX Gò Công cũng vẫn là một địa chỉ thích hợp.

Dù hiện tại ở đây số nhà cổ còn lại khá nhiều, nhưng chỉ có những ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước mới được gìn giữ như nhà Đốc phủ Hải, Nhà Truyền thống TX, Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng... còn nhà tư nhân thì chịu! Cán bộ quản lý di tích TX Gò Công cho biết: Biết rằng để những ngôi nhà cổ của dân mất dần là rất đáng tiếc, nhưng biết làm sao được khi ngay cả kinh phí bảo quản tôn tạo di tích nhà cổ thuộc sở hữu Nhà nước còn gặp khó khăn. Hiện tại những ngôi nhà cổ thuộc dạng phố (kiểu như ở Hội An, Quảng Nam) hầu như không còn, còn chăng là những ngôi nhà biệt lập, nằm rải rác trong thị xã. Tất cả đều có chung một thực trạng là “xuống cấp trầm trọng, hư đâu vá đó. Theo người trông coi nhà của thầy Tăng Tiến Minh (đang định cư ở Mỹ) thì căn nhà này có tuổi thọ trên 100 năm, đang xuống cấp trầm trọng, những ngày mưa phải dùng thau hứng nước nhiều nơi. Để trùng tu, tốn đến vài tỉ đồng, tiền đâu và trùng tu để làm gì?! Giải pháp mà chủ nhà đang nhắm tới là đập bỏ để xây mới! Hay nhà của ông Bùi Doãn Cung xây dựng khoảng năm 1895 ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận. Đây là ngôi nhà cổ đặc trưng Nam bộ nhất trong vùng. Ngôi nhà này có dạng chữ đinh, lợp ngói âm dương, vách gỗ, cột căm xe, có diện tích 300m2 nay đã mục nát nhưng chủ nhà đành nhìn mà chịu, hễ dột đâu chèn đó! Thầy Phạm Đăng Thanh, người đang cai quản ngôi nhà cho biết sẵn sàng để nhà nước trùng tu khai thác nhưng không được chấp thuận! Nhà ông Mười Cần (số 112, đường Nguyễn Văn Công) tuy xót xa cho tình trạng xuống cấp nhưng ngại để Nhà nước tham gia trùng tu vì sợ ảnh hưởng đến chủ quyền! Đây cũng là tâm lý phổ biến nhất của các chủ sở hữu nhà cổ. Chính vì thế mà việc trùng tu duy trì nhà cổ ở Gò Công hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc.

Không biết khi tìm ra được hướng giải quyết để giữ gìn thì nhà cổ Gò Công sẽ còn lại bao nhiêu?

 

IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23183
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Feb/2010 lúc 12:08am
Chuyến xe buýt mùa xuân

 


Chị Tư đón xe ôm từ Bình Ninh ra ngã ba An Thạnh Thủy, ngồi trong quán nước chờ chuyến xe buýt Gò Công-Mỹ Tho. Quốc lộ 50 lổm chổm đất đá, khói bụi, mỗi khi có một chiếc xe hơi chạy qua, cả đoạn Quốc lộ như một ụn khói dày đặc ngồn ngộn bốc lên, tràn vào ly nước trà đá của chị, chị Tư đưa tay che ly nước đá mà không dám hít thở.

Bỗng có một người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh bộ đội tay bồng đứa bé khoảng 3 tuổi dịu quặt trên tay chạy vào quán nói: "Bán cho tui chai dầu gió đi chị!". Người chủ quán với lấy chai dầu nói: "Năm ngàn rưỡi chú ơi!". Người đàn ông ngồi xuống ghế, một tay đỡ con, một tay đút vào túi áo lấy ra mấy tờ giấy bạc đưa cho chị chủ quán. Chị chủ quán đếm lại rồi nói thiếu năm trăm đồng. Người đàn ông lúng túng nói: "Bớt cho tui nhe". Chị chủ quán lắc đầu: "Tui hỏng có bán thách đâu mà bớt". Người đàn ông tiu nghỉu nhìn đứa con chặc lưỡi, đứng dậy chuẩn bị rời quán. Chị Tư nãy giờ quan sát, thấy vậy nói: "Tôi có tiền lẻ nè, cô bán cho chú ấy đi!". Người đàn ông nhìn cô Tư cảm ơn rồi xức dầu vô trán, hai thái dương đứa bé.

Ông lái xe ôm gần đó hỏi: "Đi xe ôm không? Lên tôi chở cho, đợi xe buýt biết chừng nào". Người đàn ông đáp:" Tôi hết tiền rồi, để tôi sang nhà bên kia lộ là người bà con với tui, tui mượn tiền rồi đi". Ông xe ôm nói: "Nhà đó đi tảo mộ rồi, chiều mới về". Người đàn ông lắc đầu: "Xui quá con ơi!". Cô Tư thấy vậy nói: "Tôi cho chú thêm năm chục ngàn nữa nè, đưa bé đi nhà thương lẹ lên, nó đừ lắm rồi!". Người đàn ông cám ơn rồi quày quả leo lên xe ôm chạy đi trong khói bụi mịt mù.

Rồi xe buýt đến, chị Tư lên xe mà trong lòng không yên, cứ nghĩ về đứa bé lúc nãy, không biết có sao không, với số tiền ít ỏi như vậy làm sao nằm bệnh viện được. Ngồi bên cạnh người phụ nữ ăn mặc tươm tất, lại vui tánh, chị Tư kể lại chuyện ở ngã ba An Thạnh Thủy. Người phụ nữ này vừa nghe vừa gật đầu đồng ý với chị Tư là hoàn cảnh cháu bé thấy thương quá, nếu gặp như thế chị ấy sẽ giúp đỡ liền.

Khi xe buýt qua khỏi ngã ba Ông Văn, tới cổng Bệnh viện đa khoa Chợ Gạo thì chị Tư thấy người đàn ông lúc nãy hớt hải ôm đứa bé chạy ra ngoài, leo lên xe ôm đi tiếp về hướng Mỹ Tho. Chị Tư biết là người ta đã chuyển cháu bé lên bệnh viện tỉnh rồi, chắc là tại bệnh nặng lắm nên bệnh viện huyện mới "bó tay". Chị Tư nói với người phụ nữ bên cạnh: "Đó, cháu bé hồi nãy tui kể chị nghe đó, giờ ba nó bồng chạy tiếp lên Mỹ Tho rồi kìa!". Người phụ nữ nói: "Trời, làm sao chạy theo kịp để cho tiền người ta, tội nghiệp quá!". Anh tài xế xe buýt còn trẻ, nghe vậy mới hỏi: "Mấy bà muốn giúp người ta thiệt hôn, tui chạy theo kịp cho!". Người phụ nữ nói: "Bác tài chạy theo chiếc xe ôm đó đi, để tui cho tiền người ta!". Anh tài xế xe buýt nhấn ga chạy theo chiếc xe gắn máy, xe buýt qua mặt xe gắn máy rồi tấp vô lề. Chiếc xe ôm chạy rất nhanh, vụt qua chiếc xe buýt. Anh phụ xe nhảy xuống đất dang tay chận chiếc xe ôm lại la lớn: " Dừng lại, dừng lại để người ta giúp cháu bé!". Ông xe ôm ngạc nhiên, thắng xe lại, chị phụ nữ đưa tiền cho anh phụ xế ba trăm ngàn để đưa cho cha cháu bé. Anh tài xế cũng móc ra năm chục ngàn, rồi anh phụ lái lấy ra ba chục ngàn trong túi gộp vô đưa hết cho cha cháu bé bị bệnh nặng. Bất ngờ được giúp đỡ, người đàn ông nhìn lại chiếc xe buýt gật đầu cám ơn, đôi mắt ông ấy đẫm nước mắt lúc nào không hay. Rồi chiếc xe ôm rồ ga chạy nhanh để kịp đưa cháu bé vào bệnh viện tỉnh.

Mọi người trên xe nói chuyện rộn ràng về ngày tết, một ngọn gió xuân tràn vào xe thật mát, chị Tư hít một hơi dài và thấy trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Mùa xuân đang về, mùa xuân cho tất cả mọi người.

BS Nguyễn Thành Úc


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Feb/2010 lúc 12:08am
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 210 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.375 seconds.