Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 05/Apr/2024 lúc 3:30pm |
GẶP LẠI CỐ NHÂN
Tôi trang điểm xong và sửa soạn thay váy áo chỉnh tề mà lòng vừa rộn ràng vừa hồi hộp. Chốc nữa ra mắt cố nhân sau 50 năm bặt tin xa vắng. Anh có nhận ra cô gái xinh xinh tuổi hai mươi ngày xưa anh từng tương tư và thề nguyền sẽ cưới làm vợ không nhỉ? Còn anh ấy, tôi không quên mái tóc bồng bềnh của chàng sĩ quan Hải quân mỗi lần anh về phép thăm tôi và tôi từng mơ là thi sĩ để dệt những vần thơ trên tóc anh. Bây giờ tôi đã 70 và anh 75 tuổi đời rồi. Tôi và Nguyện yêu nhau được một năm, vào lúc cuộc chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa 1972 anh bỏ dở học hành vào đời lính biển. Tình yêu càng xa cách càng nhiều nhớ thương chất ngất, tôi và Nguyện luôn khao khát chờ mong một ngày nào đó hai đứa sẽ nên duyên chồng vợ. Nhưng biến cố năm 1975 chúng tôi chia lìa nhau, mất nhau không một tin tức nào của nhau cả. Bao nhiêu năm qua chuyện tình xưa và hình ảnh Nguyện chỉ còn là kỷ niệm đẹp, rất đẹp để đôi lần có dịp nghĩ lại tôi thấy thương nhớ và nuối tiếc bâng khuâng. Bỗng tuần trước tình cờ trên Facebook Nguyện liên lạc với tôi. Thế là kỷ niệm sống dậy cứ như tôi vẫn là cô gái tuổi hai mươi ngày ấy. Cả hai cùng vui mừng thăm hỏi nhau. Nguyện sau cuộc hôn nhân dài đổ vỡ hiện sống một mình, còn tôi cũng một mình vì chồng tôi đã qua đời vài năm nay. Hai chúng tôi ở cùng tiểu bang, ở hai thành phố lân cận nhau, cách 2 giờ lái xe. Nguyện đã mời tôi một buổi tái ngộ để anh được trực tiếp giải bày xin lỗi và hàn huyên thăm hỏi nhau nhiều hơn. Để thuận tiện cho tôi điểm hẹn sẽ là một nhà hàng trong thành phố của tôi và anh sẽ lái xe đến. Anh chọn nhà hàng Tao Ngộ vừa có ý nghĩa vừa nổi tiếng thức ăn ngon. Tôi sẽ đến trước giờ hẹn nửa tiếng vì háo hức và tò mò muốn trộm nhìn anh xem dung nhan ấy bây giờ ra sao (như trong một bài hát) và tôi sẽ có thì giờ sửa soạn điệu đàng vào gặp anh sau. Thật là thú vị. Đến khu parking nhà hàng Tao Ngộ tôi lượn xe chầm chậm tìm chỗ đậu vì chiều cuối tuần nhà hàng đông khách đông xe. Tuổi về già từ lâu tôi đã biết điều luôn tìm chỗ đậu xa, vắng vẻ để dễ vào lane khỏi đụng chạm đến ai. May quá có một chỗ trống tôi cố lái xe len vào thế mà vẫn xuýt đụng xe bên cạnh may mà tôi thắng kịp. Tức thì một ông đầu hói từ trong xe hung hăng bước ra thô lỗ quát to: – Này, này… Không có mắt à? Mắt mũi để trên trời à?! Nói xong ông đóng cửa xe cái “rầm” bày tỏ sự tức giận và vội vã bước đi, tôi ngượng ngùng vì chưa kịp nói lời xin lỗi chỉ biết nhìn theo bóng dáng to kềnh của ông với chiếc áo khoác màu da bò đang hối hả bước vào nhà hàng. Tôi bước ra khỏi xe nhìn lại chỗ đậu của mình thấy rõ ràng xe đậu lệch méo mó lấn sang lane xe bên cạnh, thật đáng đời nghe ông kia quát mắng, may mà chưa đụng làm trầy da tróc vẩy chiếc xe, chắc ông sẽ nắm áo đòi bồi thường, vừa phiền phức vừa mất thì giờ. Tôi đi vào nhà hàng, hi vọng đừng đụng mặt ông ta lần nữa, mất hứng cho giây phút hẹn hò của tôi với cố nhân. Tôi thong thả từng bước vào nhà hàng và kín đáo tìm chỗ khuất để Nguyện khó có thể nhận ra tôi. Theo ước hẹn của nhau là Nguyện và tôi đều mặc áo màu trắng, màu áo lính Hải quân của chàng và màu áo học trò của tôi để cả hai cùng nhớ về một thời tình yêu trong trắng. Nguyện sẽ đến nhà hàng trước đặt bàn và ngồi chờ tôi trên bàn có sẵn một bình hoa hồng đỏ. Tôi đứng nép một góc cửa phía xa nhìn vào trong nhà hàng và sững sờ khi thấy người đàn ông áo trắng đầu hói đeo kính đen bệ vệ ngồi một mình bên cạnh bình hoa hồng đỏ. Hoa hồng thì đẹp và nên thơ nhưng chàng thì như một tay xã hội đen đang ngồi… rình mồi để trả thù ân oán giang hồ chứ không phải kẻ đang đợi người tình xưa. Nếu ông to béo màu mỡ này là Nguyện. Chàng Hải quân vóc dáng chuẩn hào hùng thanh nhã ngày xưa của tôi đâu? Ngày xưa mỗi lần chúng tôi sánh vai dạo phố thế nào mấy cô thiếu nữ cũng có kẻ phải quay đầu lại để suýt soa chàng Hải quân đẹp trai quyến rũ làm cho tôi tự hào biết bao. Và mái tóc bồng bềnh nếm bao nhiêu mùi vị biển mặn nắng gió phương xa của chàng Hải quân lãng tử đâu? Tôi an ủi mình cũng già đi, cũng thay đổi, toàn đồ giả trên người thì đòi hỏi chi nữa, nên lại hân hoan và khoan thai bước vào nhà hàng, đứng trước mặt người đàn ông áo trắng đeo kính đen tôi nhỏ nhẹ cất tiếng: – Có phải là anh Nguyện không? Ông ta nhìn tôi hồi lâu mới từ từ… tháo kính đen ra. Chắc đôi mắt láo liên của chàng sau màn kính đã tha hồ săm soi lướt nhìn tôi từ đầu đến chân để đánh giá tôi rồi, chàng có phát hiện ra mái tóc giả của tôi không? Phấn son che giấu những vết nhăn vết nám trên gương mặt tôi không? Chiếc ví xách tay hàng hiệu đẹp sang cũng là hàng giả hàng nhái chàng có biết không? Ôi trời ôi, còn tôi đã nhận ra ngay bản mặt của lão hói đầu lúc nãy mắng tôi sa sả chỗ bãi đậu xe, không lầm lẫn vào đâu được vì tôi đã thấy chiếc áo khoác màu da bò lão ta vắt trên thành ghế bên cạnh. – Xin lỗi, chắc… tôi lầm. Tôi lắp bắp nói xong định quay đi thì chàng gọi lại: – Anh là Nguyện đây mà. Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế vì đã qua cơn choáng, đã tỉnh trí ra, Nguyện chứ còn ai vào đây, dấu hiệu mặc áo trắng, bàn có bình hoa hồng rành rành ra kìa. Chỉ tại chàng đeo thêm đôi kính đen mà thôi. Bồi bàn đến, chúng tôi gọi món ăn và bắt đầu nói chuyện. Bây giờ đối diện tôi nhìn Nguyện kỹ hơn, nét đẹp trai hiền lành tao nhã ngày xưa đã thay thế bằng nét cau có đăm đăm của một ông già khó tính. Có nhà nhân chủng học nào, nhà tâm lý nào nghiên cứu giùm tôi tại sao thời gian lại có tài biến đổi lạ lùng đến thế không! Chàng không hề nhận ra tôi mụ đàn bà vô duyên xớn xác đậu xe không nên thân vì lúc ấy tôi còn ngồi trong xe. Biến cố 1975 chàng đã lên tàu ra khơi và sau đó không thể liên lạc được với tôi nữa. Đường đời chúng tôi hai ngã rẽ. Tôi không trách móc gì chàng, bao số phận con người đã chìm trong bể dâu cuộc đời nào chỉ hai chúng tôi. Nguyện kể công: – Anh đã đến sớm nửa tiếng trước giờ hẹn để chọn bàn chọn chỗ ngồi cho buổi tái ngộ này. Tất cả chỉ vì em. Tôi cảm động quá, chàng cũng như tôi đều đến sớm vì nao nức chờ mong và tôi tha thứ cho chàng tội thô lỗ “mắng” tôi lúc nãy, chàng không biết đó là tôi và vì chàng đang vội vào nhà hàng. Ăn uống và chuyện trò xong gần 2 tiếng đồng hồ, bồi bàn mang đồ tráng miệng ra cùng một cái dĩa có tờ bill tính tiền. Chàng cầm lên xem và bất mãn kêu lên: – Trời! Chỉ có hai người mà những 160 đồng kể cả tiền tip. Nhà hàng này chém ngọt thật. – Chắc họ tính tiền cả bình hoa hồng nữa anh ạ. Chàng xót xa lẩm bẩm: – Chúng ta có ăn bình hoa hồng này đâu, chưng bày xong lát nữa họ lại cất vào mà. Tôi ái ngại giùm chàng, chẳng lẽ tôi móc bóp trả tiền làm mất mặt chàng quá nên đành im lặng để cho chàng thể hiện sự ga lăng như trước kia chàng đã từng ga lăng mỗi lần về phép là mỗi lần tôi đều có quà tặng hậu hĩ. Nhưng chàng đã tiếp làm tôi giật cả mình: – Anh và em chia hai, mỗi người trả một nửa 80 đồng. Tôi còn đang bàng hoàng chàng thản nhiên giải thích: – Anh đến Mỹ 1975 sống quen kiểu Mỹ từ lâu rồi. Mời đi ăn chung nhưng phần ai nấy trả. Tôi lấy lại bình tĩnh: – Em cũng đến Mỹ 1975 em hiểu mà. Tôi mở bóp lấy ra 80 đồng để trên bàn cạnh 80 đồng của chàng: – Thôi tạm biệt anh. Cám ơn anh một buổi chiều tái ngộ. Tôi đứng lên và bước ra khỏi nhà hàng, chàng cũng vội bước theo tôi, tôi bước nhanh chàng tuy to béo cũng cố bước nhanh và hụt hơi gọi vì thấm mệt: – Này, em… này… em… Tôi khựng bước lại, hay là chàng hối hận đã bắt tôi hùn trả tiền ăn và muốn nói điều tình cảm gì đó trước khi chia tay cho tôi đẹp lòng? Chàng đã bắt kịp tôi vừa thở vừa nói: – Này em, nãy giờ mình nói chuyện đủ thứ mà anh quên chưa hỏi em một điều quan trọng… Tôi chờ đợi: – Vâng, anh cứ hỏi. Chàng khẩn khoản: – Anh muốn biết tiền hưu trí mỗi tháng em lãnh bao nhiêu có tương đương với anh không? Để khi chúng ta quyết định nối lại tình xưa về sống chung bên nhau không ai phải thiệt thòi. Thế thôi. Tôi nhìn thẳng vào cố nhân, người đã từng làm tôi thổn thức tiếc thương và trả lời dứt khoát không còn thương tiếc gì nữa: – Chúng ta tái ngộ tâm sự chuyện 50 năm qua chứ em chưa hứa hẹn sẽ về sống chung với anh và sẽ không bao giờ đâu. Anh khỏi phải tính toán trước cho mất công. Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu khi tôi mở cửa xe chui vào. Tôi nói: – Em “de” xe nếu đụng xe anh, anh đừng nổi cáu mắng em đồ không có mắt nhé. Trong khi tôi đang toát mồ hôi nhích từng chút một, quẹo tới quẹo lui cho cái đuôi xe méo lệch ra khỏi lane tôi còn nghe giọng anh ta thô lỗ vang lên y như lúc nãy: – Thế mà làm người ta mất thì giờ đến đây, lái xe cả đi lẫn về 4 tiếng đồng hồ và tốn hết nửa bình xăng! Nguyễn Thị Thanh Dương |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 06/Apr/2024 lúc 9:53am |
A LìnTây ăn bánh mì vì thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất của Tây sinh sống trồng được lúa mì. Ta ăn cơm vì thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất của Ta sinh sống trồng được lúa nước. Còn như Tàu có chỗ nó ăn cơm, có chỗ nó ăn mì (sợi). Vì đất Tàu có nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, từ phương Nam lên phương Bắc, nên họ trồng được cả hai thứ. Do người Việt hầu như ngày nào cũng ăn cơm nên trong lời nói, chữ viết về cơm, nó nhiều hằng hà sa số, nhiều vô thiên lủng. Nấu bằng nếp thì gọi là cơm nếp. Gạo bị bể, nấu thành cơm thì gọi là cơm tấm. Gạo bình thường nấu thành cơm thì có: cơm trắng, cơm tẻ, cơm nóng, cơm nguội... Còn phân biệt cơm theo cách nấu: đem cơm nguội đi chiên thì gọi là cơm chiên. (Như cơm chiên Dương Châu chẳng hạn). Gạo nấu chung với đồ ăn trong cái niêu gọi là cơm tay cầm. Cơm tay cầm là một món gồm có cơm và đồ ăn nấu, chưng cách thủy chung, dọn chung cho cả bàn, nhiều người cùng ăn. Như hải sản, gan heo, gà quay... hấp chung với cơm trắng trong cái nồi nho nhỏ có một tay cầm. Sau khi chín, muốn có cơm cháy thì để cái niêu lâu lâu một chút trên bếp lửa. Cơm tay cầm không phải là cầm tay, gặm khúc bánh mì như bà con mình tự trào đâu nhe! Sau văn sĩ miền Bắc tràn vô Sài Gòn, xài chữ lung tung! Tụi nó gọi ‘cơm tay cầm’ là ‘cơm niêu’. Ngay cả nhà báo Lê Văn Nghĩa, vỗ ngực khoe dân sanh đẻ tại Chợ Lớn, nhưng trong bài ‘Chợ Cũ ở Sài Gòn’, ông dám đặt bút viết ‘cơm tay cầm’ còn được gọi là ‘cơm thố’ (?) Viết trật lất! Cơm thố chỉ là gạo (không có đồ ăn), chưng cách thủy trong thố nhỏ cho tới chín mà thôi. Cơm thố Sài Gòn khu Chợ Cũ, lừng lẫy một thời, trên đường Tôn Thất Đạm quận Nhứt, thoạt kỳ thủy là của người Tàu gốc Quảng (Đông). Cơm thố người Quảng gọi là ‘chung phàn’. Chung là cái thố, phàn là cơm. Xực là ăn. Xực phàn là ăn cơm. Xực ‘chung phàn’ là ăn cơm thố. Còn ‘cẩu xực xí quách’ là Thằng Cẩu (hoặc con chó) ăn xương! Thố như chén, dĩa, tô, tộ. Nghèo thì mua bằng sành làm ở lò gốm ở miệt Lái Thiêu. Giàu thì mua thố làm bằng sứ như chén kiểu Giang Tây làm tuốt ở bên Tàu. (Nhậu sừng sừng, cầm đũa ngà khỏ vào thành chén, giữ nhịp cho em hát, nó kêu bong bong: “Anh ơi chiều nay một trăm phần trăm”). Thố có nhiều cỡ, lớn nhỏ. Thố có loại có quai, loại không quai, loại có nắp, loại không nắp. Nồi dùng để hấp cơm thố phải bự chà bá mới được. Bên trong nồi, đặt nhiều cái xửng bằng tre có nhiều lỗ thoát hơi, lớn bằng ngón tay cái. Trên cái xửng sắp nhiều cái thố đựng gạo. Dưới đáy nồi là nước sôi, bốc hơi lên ngùn ngụt. Gạo dùng nấu cơm thố: như gạo Sóc Nâu, gạo hột dài, gạo Nàng Hương Chợ Đào, Long An. Cho ít gạo, đã vo sạch để ráo nước, vào từng cái thố. Châm nước vào thố một lần thôi. Mỗi bao gạo mới mua, nấu một lần là biết ý để gia giảm lượng nước sao cho cơm chín không khô, cũng không nhão. Vào tiệm cơm thố, phổ ky bưng lên, ăn bao nhiêu thố tính tiền bấy nhiêu. Mỗi thố cơm độ một chén cơm nhỏ chút tẳn, và vài lần là hết. Bởi hấp cho cố, xài cái thố lớn bành ki nái đựng nhiều gạo, thì chỉ có hơi nước của nồi súp de (chaudière) trên xe lửa mới làm gạo chín hết thành cơm. Cái vụ hấp nầy người Quảng (Đông) xài nhiều. Nhứt là món nào ăn nóng mới ngon, như hấp bánh bao. Mía cũng hấp luôn! Còn người Việt thì hấp bánh bò, hấp khoai mì. Xôi cũng hấp. Như vậy hấp, chưng cách thủy chỉ là một cách làm chín thức ăn bằng hơi nước. Muốn đổ bánh bò, em yêu cần cái chung. Muốn cho chàng ăn cơm thố thì em yêu cần cái thố! Thố cũng như chén dĩa là do mấy lò gốm làm chén, dĩa ở miệt Lái Thiêu nơi có đất sét tốt. Tuỳ theo cách nấu mà ta có các loại cơm khác nhau! Nấu bằng nồi đồng thì có cơm cháy giòn giòn, thơm thơm, ăn với tép mỡ rắc đường cát trắng. Bù lại cơm thố dẻo và giữ nóng lâu, lúc nào nó cũng bốc khói. Ăn cơm thố đã điếu nhứt là lúc trời cuối năm trở lạnh. Đồ ăn cơm thố cũng giống đồ ăn cơm thường. Chỉ cần ba món: canh, mặn (kho) và xào. Nên giàu nghèo đều xơi cơm thố được hết ráo! Hao xu nhiều hay ít là do giá của đồ ăn. Hẻo lúi thì ăn cơm nhiều hơn là ăn đồ ăn. Cả chục thố cơm chỉ với một dĩa cá khô kho mặn, hay dĩa thịt kho. Rủng rẻng thì cơm thố với những món mắc tiền, cao lương mỹ vị: (mà giờ nhà báo bây giờ hay viết là món ăn cao cấp. Món ăn chớ đâu phải chức vụ mà có thấp có cao vậy mấy cha?). Như: cá hấp, gà nướng, bồ câu quay, gà ác tiềm thuốc Bắc. Còn hổng giàu cũng hổng nghèo, đứng chàng hảng thì ăn cơm thố với canh cải bẹ xanh, sườn xào chua ngọt, ‘hầm vĩ chưng hột vịt’ hoặc ‘hầm vĩ chưng giấm đường”. (Hầm vĩ là cá lù đù trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng, ăn với dĩa rau sống, dưa leo). *** Hồi xưa, bị tổng động viên Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, đi lính, vô quân trường Quang Trung rồi Thủ Đức, tui ăn cơm nấu bằng chảo đụn, xúc bằng xẻng, có bỏ thêm Vitamin B1, gọi là cơm nhà bàn! Nhà bàn là nhà ăn có nhiều dãy bàn dành cho Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức ăn cơm. ‘Cư an tư nguy’ trên phù hiệu của Trường Bộ Binh Thủ Đức thành ‘Cứ Ăn Tự Ngủ’ với cái bụng đói! Chính vì vậy, KBC tức Khu Bưu Chính của Trường Bộ Binh là 4100, bốn ngàn một trăm; tụi nó giễu, đọc trại đi là ‘bốn người một mâm’. Vì một phần ăn, hỏa đầu quân dọn ra một mâm cho 4 đứa (một ‘carré’, tiếng Pháp, một hình vuông) 4 cục thịt. Mỗi đứa một cục bằng ngón tay cái, đủ nhét kẽ răng. Tạ ơn cái ‘gô’ (lon sữa bột Guigoz) tép rang, cá hay thịt chà bông (để lâu được) của em yêu. Chúa Nhựt nào chàng bị cắm trại, là nàng cụ bị mang lên Khu Tiếp Tân cho chàng ăn dặm thêm với cơm cho đỡ đói. Còn tui xui rủi là con Bà Phước trong cái thời đường trường xa, con chó nó tha con mèo. Nhưng Trời không hại người ‘gian’! Nên lúc đi chiến dịch Hiệp định Paris, 27 tháng Giêng 1973, ngừng bắn da beo tại xã Tân Phú Trung, quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa, tui ‘cua’được ‘A Lìn’. Em là Tàu lai, dân Chợ Cũ Sài Gòn về thăm má ở quê chợ xã. Tui hỏi: ‘Lìn’ tiếng Việt nghĩa là gì? Em cong cái mỏ, cái mỏ nho nhỏ, cái mỏ cong cong: “Lìn là Liên, là bông Sen. Thơm lắm nhe anh!”. Em nói đúng. “Liên thơm thiệt!” Hết chiến dịch 4 tháng, tui trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức ở đồi Tăng Nhơn Phú; cũng là lúc A Lìn trở lại Sài Gòn đi học. Về phép cuối tuần Thứ Bảy, tui ghé thăm em. Đã hết những ngày ăn chực cơm do em nấu ngon hết biết ở quê. Giờ chàng phải ăn cơm nhà bàn! Cảm thương chàng nên em dắt chàng đi Chợ Cũ ăn cơm thố. Với tui, cơm thố, cơm thường, món nào cũng được nếu do chính tay em Lìn dấu yêu nấu như ngày cũ trước khi mất Sài Gòn. Nhưng đau đớn thay, tù cải tạo ra, tui trở về Chợ Cũ để hy vọng gặp lại được Lìn. Hy vọng Lìn sẽ dẫn cái thân tàn ma dại của tui đi ăn cơm thố, một lần thôi cũng được, để bù lại những ngày đói khổ trong tù; thấy cái gì nhúc nhích là ăn. Làm tài tử ‘Xô Xích Le’ tức chạy ‘xe xích lô’ tìm em hoài mà không gặp được người xưa. Cuối cùng, tui mới hay Lìn, tức Liên của tui ngày cũ đã xuống thuyền ra biển biệt tăm hơi. Đôi ta mất nhau từ độ ấy. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 08/Apr/2024 lúc 9:31am |
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 11/Apr/2024 lúc 12:09pm |
Một câu chuyện tình yêuĐây không phải là tình mẹ yêu con mà là tình yêu vượt ra ngoài mọi giới hạn -yêu những đứa bé tội nghiệp con riêng của chồng và cả người đàn bà đã làm đời mình dang dở. Câu chuyện cảm động đầy lòng nhân ái, xin mời các bạn cùng đọc và chia sẻ trong những ngày đầu năm. NS Chuyện xảy ra vào những năm đầu thập niên 1950 trong căn apartment nhỏ bé của gia đình Taylors ở Waltham, M***achusetts. Edith cứ nghĩ rằng cô là người phụ nữ may mắn nhất trong khu chung cư này. Cô và Karl lấy nhau đã 23 năm và trái tim cô vẫn đập hụt một nhịp khi anh bước vô phòng. Về phần Karl, anh vẫn biểu lộ tình yêu đối với vợ. Vì công việc của hãng anh phải thường xuyên đi xa, song hằng đêm vẫn viết thư về cho vợ và khi có dịp ghé nơi nào anh đều có quà cho Edith. Tháng hai năm 1950, Karl được điều đi Okinawa vài tháng để lập chi nhánh mới cho hãng. Thời gian xa nhau quá dài nhưng phải đành thôi. Lần này không có quà gởi về. Edith hiểu. Anh đang cố gắng để dành tiền cho ngôi nhà mà hai người từng mơ ước. Những tháng cô đơn chậm chạp trôi qua. Mỗi khi Edith nhắn Karl về thì anh lại nói phải ở thêm “ba tuần nữa”, “một tháng” rồi “hai tháng nữa”. Và rồi một năm trôi qua, thư từ gởi về ngày một thưa. Không có quà thì cô hiểu được. Nhưng còn thư? Một ngày cuối tuần sau nhiều tháng im lặng, cô nhận được một cái thư ngắn. Edith yêu, Anh ước mong phải chi có một cách nào tử tế hơn để nói với em rằng chúng mình không còn là vợ chồng nữa… Edith đi tới cái sofa và ngồi xuống. Trước đó anh đã viết đơn qua Mexico để xin ly dị. Anh đã cưới Aiko, một cô gái Nhật Bản chuyên làm việc vặt cho hãng, mới mười chín tuổi. Còn Edith thì đã bốn mươi tám. Ôi, nếu tôi hư cấu chuyện này thì tôi sẽ cho người đàn bà bị phụ bạc kiện chống lại cái đơn ly dị vội vàng kia. Cô sẽ thù ghét chồng cô và người đàn bà. Cô sẽ trả thù kẻ đã làm cuộc đời cô tan nát. Nhưng ở đây tôi chỉ kể chuyện thật đã xảy ra. Edith không thù ghét Karl. Có lẽ vì cô yêu anh quá lâu rồi nên không thể hết yêu. Cô có thể mường tượng ra tình huống. Một người đàn ông lâu nay luôn có người bên cạnh bỗng dưng phải cô đơn. Nhưng cho dù vậy, Karl cũng không thể hành động dễ dãi và đáng chê trách như vậy. Anh có thể ly dị trước đã hơn là lợi dụng một cô giúp việc còn trẻ. Ðiều duy nhất Edith không thể nào tin là Karl hết yêu cô. Có thể một ngày nào đó anh sẽ trở về lại. Giờ đây Edith làm lại cuộc đời mình dựa vào ý nghĩ này. Cô viết cho Karl bảo anh thường xuyên cho cô biết cuộc sống của anh. Và anh cho biết anh và Aiko chờ đứa con đầu lòng chào đời. Bé Maria sinh năm 1951, và năm 1953 Helen ra đời. Edith gởi quà mừng hai bé. Cô vẫn tiếp tục viết thư cho Karl và anh viết cho cô. Helen đã mọc răng, tiếng Anh của Aiko ngày một khá trong khi đó Karl đang bị sụt cân.
Và rồi sự khủng khiếp xảy đến. Karl đang vật vã với bệnh ung thư phổi. Lá thư cuối cùng của anh đầy giọng hốt hoảng. Không phải anh sợ cho anh mà lo cho Aiko và hai bé gái. Anh đã dành dụm tiền cho hai bé đi học ở Mỹ nhưng tiền viện phí đã nuốt hết những gì anh tích góp. Hai bé rồi ra sao đây. Ðã tới lúc Edith nghĩ đến việc tặng anh món quà cuối cùng để giúp cho tâm hồn anh được yên tĩnh. Cô viết cho anh gợi ý nếu Aiko bằng lòng cô sẽ nhận hai đứa bé và nuôi dạy chúng ở ngay Waltham này. Nhưng nhiều tháng sau khi Karl qua đời, Aiko vẫn không để cho hai bé đi. Làm sao đây khi cuộc đời trước mặt ba mẹ con chỉ là nghèo đói, tuyệt vọng. Tháng 11 năm 1956, hai bé lên đường tới với “Dì Edith thân yêu”. Edith cũng biết rằng thật là khó cho cô ở tuổi năm mươi bốn phải làm mẹ hai đứa năm tuổi và ba tuổi. Cô đã không nghĩ ra một sự thật là kể từ khi Karl qua đời, hai đứa bé quên dần mớ tiếng ít ỏi của chúng. Nhưng may thay Maria và Helen học rất nhanh. Nỗi sợ hãi không còn trong mắt các bé, khuôn mặt của chúng bụ bẫm dễ thương. Và Edith, lần đầu tiên từ sáu năm nay, lại tất bật từ sở về nhà. Bữa cơm trở lại vui vẻ như ngày nào. Chỉ buồn một nỗi là những bức thư do Aiko gởi về. “Thưa Dì, xin Dì cho biết tôi phải làm gì bây giờ. Mary và Helen có khóc không?” Qua thứ tiếng Anh lủng củng, Edith đọc được sự cô đơn quạnh vắng của cô gái vì Edith từng biết nỗi cô đơn ấy. Cô nghĩ thế nào rồi cũng sẽ mang mẹ của hai đứa bé tới đây thôi. Xem thêm: Cánh én báo tin vui Khi máy bay tới phi trường quốc tế ở New York, Edith chợt có một lúc lo sợ. Phải làm sao nếu cô cảm thấy ghét người đàn bà đã làm Karl phải xa cô. Người cuối cùng rời máy bay là một người đàn bà nhỏ bé gầy yếu khiến Edith nghĩ rằng đó là một cô bé. Người đàn bà đứng bám vào lan can và Edith chợt nghĩ nếu hoàn cảnh làm cho mình lo sợ thì với cô gái kia đó là nỗi kinh hoàng. Edith gọi tên Aiko và cô gái chạy xuống thang, buông mình vào vòng tay Edith. Khi hai người ôm chặt lấy nhau, Edith chợt có một ý nghĩ kỳ lạ: “Mình cầu nguyện cho Karl trở về. Giờ đây anh ấy đã trở về – trong hình hài hai đứa con gái nhỏ và người phụ nữ gầy yếu anh đã yêu. Chúa ơi, xin giúp con yêu cả người đàn bà ấy.” NS |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 12/Apr/2024 lúc 8:20am |
Chiếc Đòn GánhNhững người phụ nữ quê tôi không ai không biết đến chiếc đòn gánh vì ai cũng đã từng hơn một lần gánh nó trên vai. Quê tôi miền Trung nghèo lắm. Từ những bé gái mới lớn lam lũ giúp mẹ thổi cơm gánh nước, đôi vai nhỏ như oằn xuống với một cánh tay bấu vào thân đòn nặng trĩu còn tay kia dùng lấy cân đối gánh hai thùng nước sóng sánh – đến những bà mẹ già nhanh lẹ gánh những bó rau, bụi cải hay con gà con vịt thong dong ra chợ bán. Rồi những đứa em, người chị, phần nhiều cứ rãnh việc, buông tay ra là động đến chiếc đòn gánh. Gánh lúa, gánh phân, gánh mạ non, gánh nước … Toàn bộ việc làm nặng nhọc đặt trên vai người phụ nữ. Đàn ông quê tôi lại ít thấy gánh gồng gì. Dĩ nhiên là họ làm những việc khác có khi còn nhọc nhằn hơn nhưng ít khi động đến chiếc đòn gánh … Tôi nhớ như in lúc tôi còn là thằng bé sáu, bảy tuổi, chiều chiều ra đứng trên đầu cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Rướn người trên thành cầu sắt thật cao, tôi đưa mắt hướng về phía chợ. Hễ cứ thấy từ xa ai đó đang quang gánh bước tiến là lòng tôi lại thấp thỏm mừng vì nghĩ đó là mẹ mình. Cái dáng quay quồng, lam lũ của những người đàn bà quê tôi phần nhiều ai cũng giống nhau. Cho nên, tôi thường nhìn lầm. Tôi đợi từ xa và dõi mắt nhìn chằm chằm vào dáng đi khó khăn vất vả cũng với hai cánh tay, một nắm trên thân đòn và một lấy cân đối, buông lỏng theo từng bước chân như chạy. Không lẫn vào đâu được, đúng là bước chân của mẹ tôi. Bước chân mẹ lạ lắm, có gì đó như lo toan, vội vã, nhẫn nhục, nhọc nhằn trong mỗi nhịp đi quay quồng. Nhưng khi bóng người đàn bà kẽo kịt gánh gồng đến gần, thì lại không phải. Niềm vui biến mất, khuôn mặt buồn xo, tôi lại ngồi xuống thành cầu đợi mẹ tôi . Cuối cùng thì mẹ cũng xuất hiện! Từ xa, nhận ra mẹ, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy ùa tới mừng rỡ. Tôi chẳng quan tâm gì đến mồ hôi mồ kê trên gương mặt mẹ chảy ròng ròng vì mệt, vì nắng rát mà điều quan trọng nhất là nhìn vào hai cái mẹt đong đưa hai bên đòn gánh dưới cái quang bằng dây thép uốn tròn. Quà của tôi nằm ở đó! Khi thì là chiếc bánh mì, vài viên kẹo dẻo, một lóng mía ghim, có khi là mấy thứ đồ chơi rẻ tiền bằng nhựa … Thích nhất là được mẹ mua cho bánh bò ông ba tàu ngoài cổng chợ. Tôi mê bánh bò ông thì ít mà thích con gái ông thì nhiều! Chẳng là con ông học cùng lớp với tôi. Nó học giỏi nhì lớp, còn tôi hạng nhất. Bọn trẻ con thường cắp đôi tôi với con Lẻm, tên nó. Không biết nó nghĩ gì không chứ riêng tôi thì thích! Mà cũng lạ, không ai như tôi, mới học đến lớp hai, lớp ba mà đã biết mắc cỡ khi gặp nó … Nhưng đó là chuyện hồi con nít … … Không cần đợi mẹ chấp thuận đồng ý, tôi đã lục mẹt lấy quà của mình vì biết mẹ chỉ mua cho tôi. Nhà có mấy chị em, ba mất sớm mà tôi là con trai duy nhất nên mẹ thương tôi hơn cả. Trăm lần như một, chiều nào mẹ đi chợ về, sau khi bán hết mớ rau cải, bầu bí trồng ở vườn nhà, thế nào mẹ cũng dành tiền ki cóp mua cho tôi ít quà. Tôi cầm gói bánh bò tung tăng chạy trước, mẹ gánh cặp mẹt đi sau. Không nhìn vào mắt mẹ nhưng biết chắc mẹ đang cười nhìn tôi niềm hạnh phúc. Đôi gánh nhẹ hẫng trên vai mẹ và nhiều lúc mẹ còn nói vói theo nhắc yêu tôi : Ranh con, chạy vừa vừa chứ, té ngã giờ đây ! Tôi thật không biết chiếc đòn gánh do ai nghĩ ra và Open tiên phong vào khi nào nhưng quả thật, đó là một dụng cụ tuyệt vời để vận động và di chuyển vật nặng từ nơi nầy đến nơi khác bằng sức người ở quê tôi. Nó được làm bằng cây tre già ngâm nước càng lâu càng tốt, để tre dẻo, chắc và khỏi mục. Tôi đã thơ thẩn hàng giờ nhìn người ta đục đẽo chiếc đòn gánh. Thật cũng lắm công phu ! Sau khi chỉ lấy đoạn gốc tre già ngâm nước chừng vài tháng, người ta làm hai chiếc máng ở hai thân đòn. Hai cái máng nầy phải giống nhau như một, giữa khắc một cái rãnh sâu dùng để móc quang vào cho khỏi lệch. Cái máng nầy cũng lắm chuyện. Gặp tay thợ đẽo giỏi, nó là hình tròn trụ, hình ô van có khi còn được tạc vào dấu thập hoặc chữ vạn mà tôi không biết để làm gì. Có lẽ lấy hên mua may bán đắt khi gánh trên vai chiếc đòn gánh ấy chăng, hay chỉ là khắc lên cho đẹp … Chưa hết, còn phải gọt đẽo thân đòn cho thật thẳng, đoạn ở giữa mỏng dính hơn hai bên đầu làm đòn đong đưa cho nhẹ sức hơn khi gánh nặng … Khoảng hơn tiếng đồng hồ đeo tay đẽo gọt thì chiếc đòn gánh sinh ra. Nó hoàn toàn có thể dùng hết đời nầy đến đời khác trong một mái ấm gia đình quê tôi vì hiếm khi bị gãy. Đến khi nước bóng ở thân đòn nổi lên màu đen mun thì không biết chiếc đòn đã thấm biết bao nhiêu mồ hôi từ trên đôi vai những người đàn bà tần tảo … Nhưng chiếc đòn gánh của mẹ tôi không chỉ có thế. Nó còn là một trời kỳ diệu. Nó mang đến tuổi thơ tôi những niềm vui háo hức tràn ngập, cả những giấc mơ xinh xắn nhất trên đời. Còn gì sung sướng hơn khi được đặt ngồi vào một đầu quang, đầu bên kia là trái bầu trái bí mẹ gánh suốt dọc đường ra chợ. Tôi cứ ngồi im như thế trên suốt con đường làng, hấp háy đôi mắt hãnh diện nhìn quanh xem có đứa bạn học nào để mà vểnh mặt lên, tự hào được ngồi gánh mẹ. Tôi cũng không buồn khi thấy chỉ mấy con trâu, con bò dọc đường làng chào tôi kêu nghé ọ và những đứa trẻ chăn trâu nhìn theo cười chế giễu. Tôi biết chúng nó ganh tỵ vì không được ngồi gánh như tôi … Và vì tôi nặng hơn mấy trái bầu bí ở gánh bên kia nên mẹ phải đưa vai chệch về phía tôi để giữ cân đối. Mệt lắm nhưng mẹ vui. Tôi biết được điều ấy trên đôi mắt lộng lẫy, hài lòng bừng lên trên mặt mẹ … Đến gần chợ là tôi dứt khoát bảo mẹ cho xuống, có năn nỉ mấy cũng không chịu ngồi thêm. Tôi sợ con Lẻm, con ông ba tàu bán bánh bò đầu cổng chợ nhìn thấy. Vì sao sợ nó cười, tôi không biết nhưng rõ là tôi thích được nhìn nó Open với hai chiếc nơ xinh xắn, chạy lò cò trước cổng, mắt tròn xoe nhìn tôi và gật đầu chào. Tôi làm như ngó lơ, chạy lúp xúp theo mẹ, mắt liếc thật nhanh vào con Lẻm còn tay thì cứ cầm dây quang phía sau chiếc đòn gánh mà nhắc để khỏi mắc cỡ : Đi nhanh lên mẹ, con đói bụng lắm rồi … Tuổi thơ tôi và chiếc đòn gánh mẹ như không hề rời nhau. Cũng có những hôm không bán được hàng, mẹ quảy gánh về mà không có quà cho tôi. Tôi cứ cầm lấy đòn gánh mẹ mà khóc tấm tức, dỗ mấy cũng không nín. Tôi nghĩ mẹ không thương tôi hoặc là quà của tôi mẹ đã cho ai mất rồi. Tôi chẳng nhìn lên mắt mẹ để thấy mẹ buồn như thế nào vì không tiền mua quà cho đứa con cưng. Có hôm mẹ tủi thân cứ nhìn tôi, ôm tôi mà khóc … Nhưng cũng có lúc, chiếc đòn gánh với tôi là cả một cơn ác mộng ! Tôi nhớ có lần đi hái trộm xoài non của bác Hai Trầu cạnh nhà. Bác Hai qua mét mẹ và chuyện đã xảy ra … Tôi mới bước chân về đến cửa, mẹ tìm hoài không thấy roi nên sẵn cây đòn gánh, mẹ phát vào mông tôi mấy cái. Dĩ nhiên là mẹ phát nhẹ thôi vì chiếc đòn gánh thì to bảng mà mông tôi thì nhỏ. Nhưng mà đau thấu trời xanh. Ghê thật là cái vị đòn làm bằng cây tre già ngâm nước ! Nó thấm vào thấu bên trong, đau và nhức buốt hơn mọi loại roi nào khác. Tôi chỉ còn cách quỳ xuống đất nức nở mà xin lỗi mẹ vì đau và sợ ăn đòn tiếp. .. Tối đó, mẹ vừa khóc vừa bôi dầu nhị thiên đường vào mông tôi đã nổi lên mấy vết hằn đỏ. Mẹ dằn vặt mình vì đã giận đánh con. Tôi làm bộ quay mặt vào tường không nhìn mẹ. Tôi giận, mẹ hỏi gì cũng không nói và thiếp đi khi nào không hay. Khi thức dậy vẫn còn thấy mẹ ngồi chằm chằm nhìn tôi, nghẹn ngào : Mẹ đánh con bậy quá … Nhưng ai bảo con hư … Lúc ấy, với đôi mắt nhạt nhoè, tôi chỉ muốn ôm mẹ mà khóc. Vì hờn, tủi thân hay còn giận mẹ, tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều là mẹ yêu thương tôi vô bờ bến ! Chiếc đòn gánh của mẹ, với tôi còn là những kỷ niệm không thể nào quên ! Khi tôi đã lớn, nhà nghèo, mẹ hàng ngày trĩu nặng nó trên vai – khi thì gánh phân, gánh gạo đi bán – khi thì gánh nước, gánh hàng tảo tần nuôi tôi ăn học. Những năm tháng còn là sinh viên, mỗi dịp nghỉ hè về quê, tôi lại ra cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Nhưng mẹ giờ đã yếu lắm ! Mẹ không còn gánh nặng được nhưng phải cố, vì tôi. Hình hài mẹ nhỏ quắt lại, đôi vai như muốn run lên theo bước chân, môi mắm chặt mỗi lần mẹ cố sức. Duy đôi mắt mẹ thì không hề đổi khác ! Đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào nhìn đứa con trai phổng phao, chững chạc sắp trưởng thành. Tôi đứng lặng trên cầu, rơm rớm nhìn vào thân thể và đôi vai gầy guộc của mẹ oằn xuống dưới mỗi bước đi … Tôi muốn lao vào ôm mẹ mình nhưng đã không làm như vậy. Cho mãi đến tận giờ đây, tôi vẫn ân hận trách mình vì điều ấy … Ngày ấy, mẹ vẫn thường nói vui: Chính nhờ chiếc đòn gánh của mẹ nuôi con ăn học đấy! Mẹ mong khi mẹ không còn đụng đến nó nữa thì con đã trưởng thành …Còn giờ thì vì con – mẹ đâu, nó đó … … Bây giờ tôi đã thành đạt. Sự nghiệp, công danh sự nghiệp đến muộn nhưng sau cuối cũng đến. Mẹ mừng hơn ai hết. Con Lẻm con ông ba tàu bán bánh bò ngoài cổng chợ giờ là vợ sắp cưới của tôi. Ngày tôi lấy vợ, từ dưới quê mẹ lên thăm. Xuống bến xe đón mẹ, tôi thật ngỡ ngàng khi mẹ cứ hi hoáy tìm một vật gì để dưới gầm xe. Tìm mãi, sau cùng mẹ mới lôi được ra cây đòn gánh ! Thì ra thói quen, mẹ mua cau trầu mừng đám cưới tôi và cứ nghĩ sẽ đến nhà tôi với đòn gánh trên vai và cặp quang sắt rỉ ! Tôi buồn cười và hơi tức bực về sự lẩm cẩm của mẹ. Ai đời lên đến thành phố rồi mà còn đem theo nào quang nào gánh, dáng đi cứ quay quồng, lo âu như ngày nào. Ngoài việc mướn xe chở cau trầu, tôi còn phải kêu thêm một chiếc xích lô chở riêng cặp quang và chiếc đòn gánh theo về vì không biết để đâu. Bảy mươi tuổi, có khi mẹ lẩn thẩn rồi cũng nên. Tôi nhủ thầm như vậy … Mừng đám cưới tôi có mấy ngày, mẹ đòi về nằng nặc. Nhà không ai trông nom, vườn tược, gà heo không ai chăm nom, mẹ bảo thế ! Hầu như đêm nào ở nhà tôi mẹ cũng thức trắng, trằn trọc không ngủ. Mẹ lo những việc không đâu, nào ai biết được. Thỉnh thoảng mẹ lại ngồi dậy, húng hắng ho. Tôi làm thế nào dỗ giấc ngủ, lo ngại đòi mẹ uống thuốc nhưng mẹ bảo không sao. Me lo chuyện rau mọc nhiều không ai cắt bán, lo gà vịt không ai cho ăn, lo nước trong lu không ai gồng gánh … Đúng mẹ lẩm cẩm thật rồi ! Tôi và con Lẻm mời mẹ ở lại luôn trên thành phố với vợ chồng tôi nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ ở không quen chốn đông đúc, ồn ào hơn nữa còn phải chăm mộ bà nội, ba con dưới quê, ở lâu làm thế nào được, mẹ nói cái lý của mẹ. Cái lý của các bà mẹ thì khi nào cũng thuyết phục được bất kể ai trên đời chứ chẳng phải riêng tôi … Ngày mẹ ra bến xe về quê ngoài quà mừng của vợ chồng tôi gửi bà con lối xóm vẫn là chiếc đòn gánh đã lên nước theo cùng. Nhìn dáng mẹ quay quồng, quay quồng, lòng tôi trào dâng niềm thương vô bờ bến nhưng biết làm thế nào giữ mẹ. Đến lúc nầy, mẹ mới móm mém cười, chắc là muốn chúng tôi đừng buồn khi chia tay : – Đó, con thấy không ? Nhờ đem theo đòn gánh mà khi về, mẹ mới mang hết mấy thứ quà con gửi cho lối xóm … Không có nó, mình mẹ bê sao nổi ! Tôi nhận ra mẹ mình có lý. Một đời mẹ tảo tần đắm đuối vì con với chiếc đòn gánh cùng theo mẹ đi suốt bao năm trời gian nan mãi cho đến khi con đã trưởng thành vẫn còn mãi lo âu … Rồi mẹ tôi qua đời ! Tuổi già và những căn bệnh triền miên không cho mẹ ở lại cùng tôi mãi. Cuộc chia tay đớn đau sau cuối rồi cũng đến ! Trong nỗi đau mất mẹ, tôi chỉ còn biết lặng người, xót tím tâm can. Lúc nhập quan, khi người ta đưa hình hài nhỏ bé, khô quắt của mẹ vào quan tài, ngoài những bộ đồ cũ nát mẹ vẫn thường mặc khi còn sống cùng những đồ vật thường dùng, tôi chợt nhớ đến chiếc đòn gánh đã đi theo suốt đời cùng mẹ. Nó vẫn nằm đó, trong góc nhà kia, vẫn ánh lên thứ nước màu đen tuyền với cái thân đòn hình như cong lên vì khó khăn vất vả. Chợt nghĩ về những ngày ấu thơ gian nan, chợt nghĩ về tình yêu bát ngát, thắm thiết của mẹ, tôi trào dâng nước mắt … Tôi nhớ đến lời mẹ tôi khi còn sống – mẹ đâu thì nó đó – chiếc đòn gánh ấy! Và cố thuyết phục mọi người xin đưa cây đòn theo cùng mẹ sang thế giới bên kia … Ai cũng cản tôi nhưng cuối cùng thì họ xiêu lòng. Vậy là trong quan tài mẹ tôi lại có thêm chiếc đòn gánh đã từng một thời bôn ba cùng mẹ. Khi mọi người ra về sau lễ tang, còn một mình ngồi bên mộ mẹ, tôi đã khóc như chưa khi nào được khóc như thế. Rồi cũng sẽ qua hết mọi khổ đau, niềm hạnh phúc, mọi cao sang, quyền quý và cao sang kể cả những vụn vặt thấp hèn trên đời nầy nhưng tôi biết, hình ảnh mẹ tôi và chiếc đòn gánh nhọc nhằn thời xưa sẽ theo mãi tôi đến suốt quãng đời còn lại … Nguyễn Minh Phúc |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 15/Apr/2024 lúc 9:59am |
Hồng NhanSãi là một vùng đất Sãi không chỉ nổi
tiếng với bánh bèo mụ Thí, nem lụi mụ Năm mà Sãi còn được thiên hạ biết đến qua
nhan sắc của cô Lý xóm Hậu Kiên. Mấy ông trên Tòa Hành chánh Tỉnh cuối tuần
xuống Sãi nhậu thường trầm trồ “Đẹp ác liệt!”; xóm giềng thì thầm “Cha mẹ cú đẻ
con tiên”; có mụ đàn bà nhiều chuyện còn xa gần “Biết mô con ai đem bỏ chùa
nầy?”.
Sãi là một vùng đất thơ mộng hiền hòa nằm bên con sông Vĩnh Định. Không biết
thời Chúa Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị làm thủ phủ có bà Phi nào lạc loài trong
dân gian không mà con gái Sãi phần lớn nhan sắc thuộc loại trên trung bình. Nổi
nhất là gái xóm Hà, gái xóm chợ Cổ Thành … Nhưng tất cả đều thua cô Lý Hậu
Kiên. Thấy cô Lý từ xa, gái đẹp đã tìm cách né kèm theo một cái nguýt dài tám
thước – nếu đo được.
Cô Lý con nhà ai và
răng lại như rứa? Suy cho cùng, mọi chuyện đều có căn nguyên.
Nói đừng tự ái chớ một
thời nhà vệ sinh là khái niệm xa lạ với phần đông dân Sãi. Con nít thì khỏe.
Kêu chó tới “chóc chóc” là xong. Người lớn xuống dưới biền, nói khéo là “đi
sông”. Ai lịch sự hơn thì xách một cái cuốc lui sau vườn. Cái ăn mới là chuyện
lớn!!!
Quốc sách Ấp chiến
lược ra đời, Tỉnh trưởng đi kinh lý. Để tạo bộ mặt khang trang cho nông thôn
mới và cũng để đánh bóng tên tuổi với thượng cấp, quận cho xây một cái nhà vệ
sinh trên đám đất rộng cuối làng Hậu Kiên, phục vụ cho đầu ra của làng.
Không người Sãi nào chịu phụ trách bán vé tháng và quản lý nhà cầu.
Chuyện này ngày xưa dành cho thằng mõ, giai cấp cùng đinh. Cho dù thời buổi
tiến bộ, cấp trên đã phong tước “nhân viên vệ sinh”cũng không ai thèm làm. Mãi
sau cùng có một người tình nguyện. Lâu dần, không ai gọi là nhà vệ sinh như cái
bảng sơn xanh trang trọng bên trên. Người ta gọi là “ Cầu xia ông Chác”. Mà oái
oăm thay, ông Chác là cha cô Lý!
Ông Chác không phải là
người địa phương. Người có chữ nghĩa gọi là “dân ngụ cư”. Ông xuất hiện ở làng
Hậu Kiên từ sau hiệp định Geneve chia đôi hai miền Nam Bắc, một vợ ba con.Cô Lý
lúc đó đang ẳm ngữa là con đầu. Đẻ sinh đôi hai đứa sau thì bà vợ chết vì băng
huyết.
Đọc văn Nam Cao, người
ta ấn tượng với khuôn mặt của Chí Phèo, khuôn mặt mà cả làng Vũ Đại phải tránh
vì vừa dữ vừa xấu. Nhưng nếu có cơ hội so sánh với ông Chác, có khi Chí Phèo
còn đẹp trai hơn!
Các bà mẹ thường đem ông Chác ra dọa khi con mếu máo. Trẻ con sợ ông như
sợ cọp. Các ông, các bà tự xếp mình vào đẳng cấp “danh giá” tránh tiếp xúc với
ông Chác như sợ “mùi cầu xia” bám vào mình. Lâu dần, nhà ông Chác như biệt lập
với xóm. Người đã nghèo, lại xấu, lại ít nói, lại làm cái nghề “hạ tiện”!!!
Nhưng lạ thay cô Lý
con ông lại đẹp, một cái đẹp không cần đến sự hỗ trợ của son phấn. Da cô trắng
như bông bưởi. Hai hàng lông mi cong vút. Con mắt đen nhánh dưới chân mày cong
lá liễu. Đôi môi hồng tự nhiên của tuổi đôi tám…Con gái đẹp nhìn cô còn ganh tị
huống chi các chàng trai đương tuổi rạo rực yêu đương!
Ở Sãi, con gái mới lớn
đã có người mối mai nhưng cô Lý hai mươi vẫn chưa có người dạm ngỏ. Lý do đơn
giản: người ta dị ứng với cái nghèo, cái nghề “giữ cầu xia” của ông Chác! “ Lấy
vợ xem tông lấy chồng xem giống”. Chung quanh ông Chác, nhiều người cũng nghèo,
thậm chí còn nghèo hơn nhưng họ vẫn tự hào xem mình thuộc đẳng cấp cao hơn
thằng “quét cầu xia”!
Vậy nên ngoài hai
mươi, cô Lý vẫn “ế”! Và đó cũng là nguyên nhân khiến miền gái đẹp vừa ganh tỵ
vừa coi thường cô Lý.
Cô Lý bán nón ở chợ Cổ
Thành. Hàng của cô khuất trong một cái hốc nhưng vẫn có nhiều khách. Loại khách
thứ nhất là những o, những mệ vì cô Lý thuộc hạng khéo tay trong nghề chằm nón.
Vừa bán, vừa chằm, cô có thể làm xong một cái sau phiên chợ sáng.
Nhìn ngón tay cô thoăn thoắt chằm nón, nức nón ngó thấy mê. Cô lại khéo ở khâu
lựa lá, ủi lá, xây vành nên nón của cô rất bền. Những cô gái ganh tỵ nhan
sắc của Lý không bao giờ đến hàng cô nhưng vẫn đội nón cô Lý do mạ họ chọn mua.
Loại khách thứ hai đến không phải để mua nón mà chỉ để “nghễ” cô Lý theo lời
đồn. Đó là những công chức Tòa Hành Chánh trên Tỉnh, những anh lính Bảo
An và có cả những thầy giáo được xếp vào thành phần “trí thức danh giá” của địa
phương. Ai cũng nắc nỏm trước cái đẹp nhưng rồi ai đến cũng chỉ để nhìn. Chẳng
phải người xưa đã dạy “Tốt danh hơn lành áo” đó chăng? Trong số người ngắm có
thầy giáo Hoàng…
Thầy Hoàng cũng không
phải là người địa phương. Thầy ở tận trong Thành Nội Huế. Tốt nghiệp trường Sư
phạm, thầy được bổ nhiệm ra dạy tại quận Triệu Phong. Mặt mày sáng sủa, ăn mặc
lịch sự, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Quảng Trị khiến đẳng cấp
thầy cao chót vót. Thầy được mời trọ trong một căn nhà ngói khang trang, ăn
riêng với chủ nhà là một ông Ấp trưởng ở nhà trên, ra đường mỏi miệng mỏi cổ
trước những cái cúi đầu trân trọng của dân làng.
Thầy Hoàng cũng là
người có tư tưởng tiến bộ. Bằng cớ là thầy đến hàng cô Lý không chỉ một lần dù
đã nghe nói về cái nghề “gác cầu xia” của cha cô. Nhan sắc và sự ngây thơ của
cô Lý đã làm thầy rung động dù ban đầu thầy cũng có hơi chợn. Thầy mượn cớ đặt
nón cô Lý để đem vào Huế, cả gan đối địch với xứ sở của nón bài thơ! Thầy đã
làm ba bài thơ ca ngợi mỹ nhân. Và can đảm hơn tất cả những chàng trai
khác, thầy đã trao ba bài thơ ấy cho cô Lý.
Ý thức về thân phận
khiến cô Lý không thể không e ngại. Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, sự kiên nhẫn của
thầy Hoàng đã khiến cô Lý mềm lòng và dẫn tới tình huống “ Đôi bên cùng liếc
đôi lòng cùng ưa”. Nhưng họ cũng khôn khéo lắm trước dư luận người đời. Thầy Hoàng
không ra chợ Cổ Thành nữa. Họ hẹn nhau những đêm Ba mươi dưới gốc cây ngô đồng
trên đường ra chợ gần nhà ông Ba chuyên nghề làm kẹo xóc.
Tình yêu làm cô Lý
ngày càng đẹp ra, những cái nguýt của các cô gái khác bây giờ kéo dài cả mười
thước. Thỉnh thoảng học trò nghe thầy Hoàng huýt sáo trong giờ dạy. Một đoạn
thơ “ Kim Trọng gặp gỡ Thúy Kiều”của Nguyễn Du mà thầy dạy hoài dạy mãi chưa
xong vì tâm đắc (!). Sự đoan trang của cô Lý, sự chuẩn mực của ngành mô
phạm đương thời nên hai người chỉ dám có những cái cầm tay, vuốt tóc suông.
Nhưng với cặp đôi đang yêu này, thế là quá đủ !
Bà Ấp trưởng- chủ nhà
trọ của thầy Hoàng cũng có hai cô con gái đang ở vào lứa tuổi cập kê. Nhan sắc
của cả hai đều xếp vào hạng dưới trung bình – nếu không nói là xấu.
Nhưng bà Ấp là người đàn bà có tầm nhìn xa. Bà có cái tham vọng một trong
hai con sẽ thành bà giáo danh giá trong tương lai. Bà không thiếu tiền, vàng
nhưng bà vẫn ý thức được con gái mình là người nhà quê.
Bà không biết câu triết lý của phương Tây “Tình yêu đi qua dạ dày” nhưng
bà rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân với ông chồng. Người đàn bà xấu nhưng không
đần này đã chiếm đươc ông Ấp trưởng bảy chục kí lô nhờ vào ba xị đế và món bồ
dục xào trứ danh!
Tiền cơm tháng thầy
Hoàng đưa cho bà chủ cũng tương đối như các bạn nhưng đồng sự của thầy thi
thoảng ghé chơi thường xuýt xoa trước những món ăn được dọn riêng cho ông
chủ nhà và thầy giáo.
Mùa Đông có cá lúi kho khô với một bụng trứng, mùa Thu có chim mỏ nhát ướp ngũ
vị hương chiên thơm phức, mùa Hạ có canh cải nấu cá rô ăn mát ruột, mùa
Xuân dĩa thịt gà luộc vàng như nghệ… Chưa kể ăn xong còn có quả chuối lùn chín
cây, miếng đu đủ ngọt ngào tráng miệng. Cuối tháng vào Huế thăm mạ, bà già
thường nắn bóp tay thầy Hoàng “Gạo Quảng Trị ngó bộ ngon hơn gạo Huế con hè! ”
Thầy Hoàng có hiểu
thâm ý của bà Ấp trưởng không nhưng ngó thầy vẫn cứ tỉnh bơ. Khi yêu, người ta
chỉ biết tới người mình yêu! Tình yêu lên cao càng tỷ lệ thuận với những cuộc
hẹn hò. Bây giờ, thầy Hoàng với cô Lý tăng cuộc gặp gỡ lên mỗi tuần một lần. Cứ
chủ nhật, ăn tối xong, tắm rửa sạch sẽ, chải brillantine láng mượt, thầy Hoàng
huýt sáo ra khỏi nhà và chỉ trở về trước nửa đêm…
Kinh nghiệm “chuyện
trai gái” cho bà Ấp biết rằng thầy Hoàng đang yêu. Nhưng yêu ai là một ẩn số.
Trường Triệu Phong chỉ có ba cô giáo nhưng một cô lớn tuổi góa chồng và hai cô
khác thì tay bồng tay mang. Bà Lý thắc mắc và ghen thầm cho con gái. Bà bỏ không
ít tiền trau chuốt cho hai con gà mái nòi nhưng thầy Hoàng ngó bộ chẳng quan
tâm. Bà quyết định…
Một đêm tối trời, bà
Ấp lẳng lặng theo chân thầy Hoàng. Chó ông Ba kẹo xóc gầm gừ đến quá canh ba…
Cũng đêm ấy, cô Lý đi
quá giới hạn sau lời đinh ninh của thầy Hoàng “ Tuần sau mạ anh ra đi chạm ngõ
!”.
Trưa thứ hai, chào cờ
xong, dạy thêm bốn giờ Văn, thầy Hoàng mệt đứ đừ. Về nhà, thầy rửa mặt và ngồi
vào bàn ăn như thường lệ. Chào hỏi ông Ấp cho phải phép, thầy Hoàng đơm cơm vào
bát. Cơm hôm nay có món lòng heo chấm mắm nêm. Nếu có thêm ly rượu thì tuyệt cú
mèo!
Nhưng miếng lòng heo
chưa qua khỏi cổ thì thầy Hoàng đã vội nhả ra. Miếng lòng còn nguyên mùi xú uế,
mắm vừa mặn vừa hôi. Răng lạ ri hè? Bà Ấp đủng đỉnh từ nhà dưới đi lên. Nhìn
cái nhăn mặt của thầy Hoàng, bà la vọng xuống nhà dưới: “Đứa mô ngu rứa bây. Ăn
cơm không thích cứ thích ăn c…”
Tuần sau, như lời hứa,
thầy Hoàng đưa mạ ra Quảng Trị dòm mặt cô Lý. Trước đó, thầy đã khéo léo làm
công tác “Dân vận”: “Dâu mạ đẹp, đảm đang, hiền lành, buôn bán giỏi. Mạ coi cái
nón o nớ làm còn đẹp và chắc hơn nón Huế…” Mấy lâu ni, thấy thầy Hoàng đỏ da
thắm thịt, coi bộ bà mạ cũng xuôi xuôi. Quảng Trị với Huế cũng nỏ xa xôi, cách
chừng sáu mươi cây số ngó cũng đặng. Miễn là con nhà tử tế. Dù sao con bà cũng
là thứ có ăn có học.
Đúng là một bà già Huế
đi coi mặt con dâu. Bà mặc một cái áo dài gấm vàng còn thơm phức mùi long não.
Cái kiềng vàng cất tận đáy rương được moi ra mang vào cái cổ khẳng khiu. Tay bà
đeo thêm chiếc vòng hạt huyền gia bảo. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, hai mẹ con lên
xe đò ra Quảng Trị rồi đi xe lôi về Sãi.
Bà Ấp trưởng đón mẹ
thầy giáo Hoàng thật nhiệt tình. Bà sai bắt con gà mập ú nấu cháo, thịt xé
phay. Bà bảo con gái trải chiếc chiếu mới cho mạ thầy Hoàng nghỉ ngơi chờ ngày
mai đi ra chợ Cổ Thành coi mặt cô Lý rồi về chuẩn bị cau trầu. Bà ngọt ngào chị
chị em em với bà già. Bà tâng thầy Hoàng lên tận trời xanh với những lời nhận
xét của hàng xóm: “Đẹp trai, dạy giỏi, khiêm nhường, ai tu bảy kiếp mới có con
rể như rứa”…
Mạ thầy Hoàng nghe mà mát ruột mát gan. Ăn cơm tối xong, thầy Hoàng vội
vã ra chỗ hẹn dặn dò người yêu. Bóng thầy vừa khuất, bà Ấp cũng đưa mẹ thầy
Hoàng đi dạo mát mà bước chân hướng về “Cầu xia ông Chác”.
Hôm đó nhằm đêm mười
sáu, trăng sáng vằng vặc. Ông Chác lấy ánh trăng thay đèn quét dọn nhà vệ sinh.
Ông mặc cái quần cũ rách hai đầu gối, đội chiếc nón cời theo thói quen, tay
xách thùng nước, tay tê cầm cái chổi cùn, mùi nhà cầu vương trong gió thum
thủm.
Gặp hai người đàn bà đi ngược đường, ông ý tứ nép qua một bên nhưng mạ
thầy Hoàng cũng kịp đưa tay che ngang lỗ mũi. Chặp sau, bà Ấp trưởng buông nhẹ
một câu: “Sui gia của chị đó nghe!”. Bà mạ thầy Hoàng sững sờ, ngó bộ chân đi
không nổi.
Thầy Hoàng vẫn chưa
về. Hai bà rù rì trong giường suốt đêm. Mặt mạ thầy Hoàng tím rịm như trái mùn
quân. Sáng mai, mạ thầy Hoàng dậy muộn. Thầy thay áo quần đi dạy. Gấp chi. Mạ
còn ở cả tuần…
Sáng ni, cô Lý dọn
hàng sớm dù đêm qua từ chỗ hẹn về bóng trăng đã xế ngang đầu. Lòng cô hồi hộp,
xốn xang. Anh ấy đúng là một người quân tử “ nói lời đã giữ lấy lời”. Cô tưởng
tương ra vẻ mặt hiền hậu của người mẹ chồng tương lai. Rồi cô sẽ nấu cho anh những
bữa ăn thật ngon, rồi cô sẽ giặt ủi cho anh những bộ áo quần thẳng nếp.
Và cô cũng sẽ thật dịu dàng cho đúng với địa vị của một bà giáo, dù là bà giáo
nông thôn…
Một bóng người xuất
hiện trước chồng nón. A, có người mua. Sáng ni ra ngõ gặp thằng cu Cường đứng
đái đúng là may mắn. Cô hé cặp môi hồng định nói câu chào thật dịu nhưng một
tràng chửi rủa đã ập xuống mặt cô. Bài chửi hay như một bài hát: “Bớ làng dưới An
Tiêm, làng trên Nhan Biều. Bớ xóm dưới Cổ Thành, xóm trên Cửa Hậu, lại đây mà
nghe tui chưởi…”
Chợ mới dọn, người đi
chợ chưa đông, các mệ, các o, các thím bán hàng xúm lại coi một bà già xa lạ
đến ngoác mồm chửi cô Lý. Bà già xỉa miếng trầu chửi tiếp: “Tổ cha cái đứa dụ
dỗ con trai nhà bà. Con yêu con quý con cầu con tự của tau gặp phải con thần
đanh mỏ đỏ, con thằng gác cầu xia…
Da cô Lý tái ngắt. Cô
đã biết người đang chửi là ai. Cô nghẹn ngào cúi xuống lấy nón úp mặt. Bà già
chửi tiếp: “Mi muốn sống làng ni thì mi liệu hồn mà buông mà thả con trai nhà
tau. Bằng không tau đào mả tam đại tứ đại nhà mi, bật săng ngũ đại thất đại nhà
mi…
Thiên hạ xúm lại vòng
trong vòng ngoài. Tội cho cô Lý không có lỗ nẻ mà chui xuống. Chưa hết, bà già
lại véo von: “Hôm nay tau chưởi một bài. Ngày mai tau chưởi đến hai bài liền.
Nhà bà là giống công giống phượng, không ai thèm sui gia với nhà thằng quét cầu
xia…Mi còn theo con bà thì ngủ giường giường sập, ngủ võng võng đứt…Nói cho nhà
mi biết mà liệu thần hồn…”
Bà nhổ toẹt bãi cốt
trầu đỏ lòm xuống đất, ngoe nguẩy bước đi trong tiếng bàn tán xôn xao của những
người đi chợ. Đã có mạ con bà Ấp trưởng hộ tống ở bên ngoài. Họ hả hê ra về với
nụ cười chiến thắng.
Đêm hôm đó, cả nhà ông
Chác bỏ đi khi nào không ai hay…
Sáng ngày mai thầy
Hoàng mới biết mọi chuyện xảy ra qua lời kể của cô giáo đồng nghiệp. Thầy bỏ
dạy chạy ra chợ thì hàng nón không còn, qua nhà ông Chác thì “Trước sau nào
thấy bóng người”. Chạy xuống bến đò An Tiêm nghe ông Lái nói nhà ông Chác đã
qua sông lúc quá nửa đêm.
Ông Lái cũng giao lại cho thầy Hoàng cái nón và đôi guốc mà cô Lý để
quên, đôi guốc Phi Mã sơn màu nâu mà thầy đã mua tặng cô Lý trong một lần về
Huế. Đôi guốc chưa vẹt gót, cái quai nón màu tím còn vương mùi da thịt thơm nhè
nhẹ, quen quen. Thầy Hoàng thất thểu ôm cái nón, xách đôi guốc đi dọc bờ sông
Vĩnh Định…
Bà Ấp trưởng gạt được
cái gai trước mắt, tiếp tục chiến dịch “cơm gà cá gỏi” chinh phục ông thầy. Mạ
thầy Hoàng ngọt nhạt lý lẽ trước sau để thầy lấy con gái bà Ấp nhưng thầy câm
lặng như cái xác không hồn. Học trò cũng không bao giờ còn nghe thầy huýt
sáo nữa. Mấy mụ nhiều chuyện phẩm bình “Đũa mốc mà chòi mâm son”, người hiểu
biết thì nhân ái hơn “Đúng là hồng nhan đa truân”.
Cuối năm học, thầy
Hoàng xin chuyển nhiệm sở. Thầy không về Huế. Thầy xin về một ngôi trường xa
xôi, hẻo lánh bên bờ phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên. Ở đó không ai biết thầy và
chuyện tình đau đớn.
“Cầu xia ông Chác’’
không còn ai coi sóc dần bỏ hoang và thành chỗ cho trâu bò ăn cỏ. Vả lại, đời
sống cũng tiến bộ hơn, gia đình nào rồi cũng có nhà vệ sinh.
***
Thầy Hoàng lúi húi bên
bụi cỏ mực mới trồng ngày qua. Cuối Đông, đầu Xuân đám hà thủ ô đã tàn chuẩn bị
cho người lấy củ. Đằng xa, giàn lạc tiên đang trổ bông. Mùi cây thuốc Nam tỏa
ra từ gian bếp nhỏ…
Sau năm 75, thầy bị
nghỉ việc, “vô lương” vì hai từ “biệt phái”. Mẹ già đã mất, thầy nhường căn nhà
Thành Nội cho ông anh làm từ đường. Một thân một mình cần chi nhà cao cửa rộng.
Thầy mua hai sào đất, cất căn nhà nhỏ gần chỗ dạy cũ, chuyển sang làm ông thầy
thuốc Nam.
Người xưa “Tiến vi quan, thối vi sư”, còn thầy tự hào vì trước sau vẫn cứ là
“thầy” qua cách gọi thân quý của dân làng. Thú vui của thầy giờ đây là sưu tầm
những cây thuốc dân gian và chiều chiều bắt sâu nhổ cỏ cho vườn thuốc.
Không hiểu vì “mát
tay” hay nhờ cuốn “Y học bí truyền” của ông Nội để lại mà thầy trở nên
nổi tiếng. Xa xôi cũng có người tìm đến. Những thang thuốc của thầy chắc chắn
hơn những viên Xuyên tâm liên, bệnh xá huyện phát cho người bệnh uống từng nắm
mà không thấy hiệu nghiệm.
Vuốt mái tóc hoa râm,
vói tay đấm lưng mấy cái, thầy lững thững đi vào nhà. Tô nước chè xanh ngan
ngát hương thơm. Thầy thở một hơi dài khoan khoái.
Tiếng chó sủa ngoài
sân báo hiệu có khách. Khách quen không ai đến giấc này, chắc chỉ là bệnh nhân.
Một thanh niên đang
dìu người đàn bà bước qua khung cửa hẹp. Ngó bộ người ốm đã lâu ngày, chân đi
chập chững, chiếc khăn kẻ ô vuông che nửa mặt. Uống cạn tô nước, thầy Hoàng lên
tiếng:- Chắc bà và em đến từ xa. Xin bà ngồi nghỉ rồi tôi sẽ chẩn mạch.
Người đàn bà hơi rùng
mình như có làn gió lạnh thổi qua. Thầy Hoàng ý tứ khép cánh cửa và bật điện.
Ánh sáng vàng vọt vừa đủ để soi sáng căn phòng hai mươi mét vuông vừa làm phòng
khách vừa làm phòng khám.
Chiếc tủ dài có nhiều
ngăn kéo đựng các vị thuốc kê sát vách. Trên tường treo bức tranh thủy mặc lớn
vẽ dòng sông, con đò, bến nước…Phía bên dưới, có treo một chiếc nón. Chiếc nón
vàng úa, lá khô cong đẫm dấu vết thời gian, vành nón có chỗ bung chỉ, quai nón
bạc phếch. Và trên mặt tủ là đôi guốc cũ vẹt gót, lỗi thời nhưng lại được trân
trọng đặt trong một khung gỗ.
Người đàn bà nhìn sững
bức tường, cổ phát ra một tiếng rên nhẹ rồi ngồi bệt xuống cái ghế nhỏ. Anh
thanh niên cuống quýt kêu lên: Má! Má!… Như không còn đủ sức lực, người đàn bà
dựa hẳn vào vai con.
Thầy Hoàng lau tay vào
chiếc khăn sạch rồi nói với người trai trẻ: “Chẩn mạch sáng sớm lúc âm khí chưa
động, dương khí chưa tán sẽ dễ thấy mạch bệnh hơn. Nhưng ngó bộ bà bệnh đã lâu,
nghỉ một chút cho khí huyết điều hòa rồi tôi sẽ chẩn bệnh, kê đơn, bốc thuốc”.
Người bệnh nằm trên
chiếc giường nhỏ, cánh tay phải duỗi ra, bàn tay để ngửa. Thầy Hoàng ngồi
nghiêng, dùng tay trái chuẩn bị chẩn mạch. Thầy xăn tay áo người bệnh lên, đặt
ngón tay giữa vào bộ quan chuẩn bị ngón trỏ và áp út thành ba bộ mạch… Bàn tay
người đàn bà run run, sợi gân xanh phập phồng. Giữa cổ tay, một cái nốt ruồi
son lớn nhô lên, đỏ sẫm…
Thầy Hoàng chớp mắt,
giương mục kỉnh cố nhìn cho rõ. Cái mụt ruồi quen quen ngày ấy. Cái mụt ruồi
độc đáo thầy hay sờ sẫm trong đêm khuya. Cái mụt ruồi mà có lần thầy đã nói
“Nhờ nó, anh có thể tìm ra em trong vạn người”…
Thầy kéo mạnh cái khăn
kẻ ô vuông che mặt người đàn bà. Ôi, rõ ràng là khuôn mặt của cô Lý, người đẹp
Hậu Kiên hơn hai mươi năm trước! Qua bao thăng trầm vẫn còn đây vẻ duyên dáng
dù “Mười phần xuân có gầy ba, bốn phần”.
Hai người ôm chầm lấy
nhau trong sự ngỡ ngàng của người con trai mang đường nét của thầy Hoàng thời
trai trẻ.
Ngoài trời, mưa Xuân
rơi nhè nhẹ. Cây mai giữa sân đang chuẩn bị kết nụ đâm chồi.
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 16/Apr/2024 lúc 11:16am |
Chỉ Nhớ Người Thôi Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời, |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 24/Apr/2024 lúc 7:51am |
Chiếc Áo LenNăm
1969, Minh học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học Huế. Gia đình Minh
ở thôn Vỹ Dạ, một vùng ngoại ô quen thuộc đối với người Huế.
Năm nay Minh đã 19 tuổi, nhưng Minh rất nhút nhát trong việc giao
thiệp với người khác phái, vì vậy cho đến nay, Minh vẫn chưa
có bạn gái. Minh
có một sở thićh khá lạ lùng, đó là mỗi buổi sáng, anh
thićh đứng trước nhà nhìn người qua lại trước khi đạp xe đạp
đi học. Một thời gian sau, anh đã nhớ cả mặt bác đạp xích lô
với chiếc áo nhà binh đã bạc màu, chị bán bánh dầy cũng như
một bà đứng tuổi với gánh bún bò thơm ngát...Nhưng cái đặc
biệt mà Minh nhớ nhất, chú ý nhất là cô gái gánh đâu hủ trên
vai, nhẹ nhàng thoăn thoắt đi bên kia đường. Anh không nhìn rõ
được mặt cô gái vì chiếc nón lá che khuất nửa khuôn mặt của
cô; anh chỉ nhìn được chiếc lưng thon thon nhỏ của cô. Cô gái
mặc chiếc áo dài vải thô màu hạt dẻ, ôm lấy thân hình mảnh
mai. Minh ngạc nhiên vì đang mùa Đông lạnh lẽo mà sao cô ấy ăn
mặc sơ sài quá vậy. Từ đó, mỗi buổi sáng, Minh đều ra đứng
trước cửa nhà, nhưng anh không còn nhìn vẫn vơ như trước nữa,
anh đã có đối tượng để trông chờ, đó là cô gái bán đậu hủ. Từ
xa, anh đã thấy cô gái đang ̣đi tới. Cô vẫn mặc chiếc áo dài
cũ kỹ mong manh. Tự nhiên anh thấy lạnh, không phải lạnh vì
thời tiết mà anh cảm nhận cái lạnh từ cô gái... Bấy
giờ, một ý nghĩ đáng yêu thoáng qua trong trí óc anh “tại sao
mình không tặng cho cô ấy chiếc áo len để cô đỡ rét trong những
ngày Đông giá lạnh nầy” Minh đánh liều xin mẹ anh đan cho anh một chiếc áp len con gái. Mẹ anh mỉm cười: “Đã có chuyện rồi đây!” Ba ngày sau, mẹ anh trao cho anh chiếc áo lên mịn màn màu cánh sen. Anh lí nhí cảm ơn mẹ. Sáng
hôm sau, anh ra đứng trước cửa sớm hơn thường lệ, tay ôm chiếc
áo len lòng hồi hộp rộn ràng. Kìa...Minh đã thấy cô gái đi
đến cũng với dáng điệu quen thuộc. Anh thu hết can đảm băng qua
bên kia đường để đón cô gái. Minh đừng chắn ngang đường làm cô
gái bỡ ngỡ dừng lại ngac̣ nhiên nhìn anh. Đây là lần đầu tiên
anh được đứng gần cô gái và nhìn rõ gương mặt xinh xắn của cô,
lòng anh lâng lâng như vừa uống một ly rượu mạnh. Anh nhỏ nhẹ
nói với cô : “tôi tặng cô chiếc áo len nầy” và run run trao
chiếc áo cho cô. Ngần ngừ một chút, cô gái mới đón nhận chiếc áo len rồi nhìn Minh, cảm động nói : “Cám ơn anh”. Ngay sau đó, cô khoać chiếc áo len vào người, thong thả đật gánh đậu hủ lên vai rồi từ từ bước đi. Minh
ngẩn ngơ nhìn theo mà thấy lòng mình rộn rã ngất ngây....Anh
đang sống trong giây phút đẹp nhất mà anh chưa bao giờ có trong
đời. Hôm sau và hôm sau nữa,
cứ mỗi buổi sáng, Minh lại ra cổng đứng nhìn cô gái đi qua.
Mấy hôm nay, anh thấy hình như cô có ngước nhìn anh khi đi ngang
qua chỗ anh đứng. Chỉ có thế mà anh vui vẻ yêu đời suốt ngày
và cảm thấy cuộc sống thất hạnh phúc. Tuy
nhiên những ngày hạnh phúc sớm qua đi – chỉ được có mấy
tháng-vì sau khi thi đậu Tú Tài toàn phần, anh nhận được
giấy gọi nhập ngũ. Anh theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Giữa năm 1970, anh ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy.và được điều
động về phục vụ tại tiểu khu Phong Dinh (Cần Thơ). Anh xa Huế
kể từ đó. Anh được cử giữ chức vụ Trung Đội Trưởng rồi Đại
Đội Trưởng Địa Phương Quân ở chi khu Phụng Hiệp thuộc tiểu khu
Phong Dinh. Những lúc đi hành quân hay đêm ngủ ngồi trên bờ
kinh...anh thấy nhớ cô gái ấy vô cùng.. Nhưng đời binh nghiệp
trong thời chinh chiến đã giữ chân Minh. Ngày đêm sống chết với
mãnh đất nầy, anh chưa có cơ hội nào để về thăm lại “người
yêu”. Rồi
ngày 30/4/1975 ập đến. Cũng như các Sĩ Quan khác của Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa, Minh bị bắt đi tù cải tạo. Anh bị chuyển
đi từ trại nầy qua trại khác ở Miền Tây cho tới năm 1985, anh
mới được trả tự do. Trước khi được tha về, họ hỏi anh “về đâu”
để họ viết vào “Giấy Ra Trại”. Anh trả lời :“Nhả tôi ở Huế
đã bị họ lấy, cha mẹ tôi đều đã qua đời “. Họ lại hỏi:”Trước
khi đi lính, anh ở đâu?”. Anh trả lời “Ở Huế”. Thế là họ ghi
vào giấy ra trại của anh :”Về trình diện chính quyền thành
phố Huế”. Ở trại giam ra, họ
phát cho anh 16 đồng. Minh mua vé xe đp̀ đi về Sài Gòn xin tạm
trú ở nhà người bà con. Người nầy cho biết mẹ của anh qua đời
năm 1979, sau khi bà mất, họ cướp luôn cân nhà của anh. Trong
mấy ngày ở Sài Gòn, anh đi lang thang vô định hết đường nẩy
đến đưởng khác. Tình cờ anh đi ngang qua Nhà Thờ Ba Chuông và
liền ghé vào. Chung quanh anh, nhiều người đang quỳ gối đọc kinh
cầu nguyện. Nhìn lên hình ảnh thiêng liêng của Chúa chịu nạn
trên bàn thờ, anh lâm râm cầu nguyện: “ Lạy Chúa, con biết Chúa
yêu thương con, Chúa đã phù h̀ộ, nâng đỡ con từ nhỏ cho đến hôm
nay. Nhưng lạy Chúa, con đã mất tất cả mọi sự ở đời nầy nhưng
phúc cho con còn có Chúa. Lạy Chúa, con biết làm gì bây giờ,
xin Chúa chỉ dạy con”. Anh vô cùng ngạc nhiân khi nghe một tiếng nói mơ hồ huyền hoặc từ sâu thẳm vọng lại: “Con nên đi về Huế” . Minh
như sực tỉnh, anh mua ngay vé xe lửa về Huế. Qua một đêm, sáng
hôm sau xe dừng lại ở ga Huế. Hành khách lần lượt xuống xe, chỉ
riêng Minh cứ ngồi thừ ra đó vì anh không biết đi đâu bây giờ.
Bỗng anh có ý nghĩ là hãy về xem lại căn nhà cũ của mình. Căn
nhà quen thuộc thăn yêu của anh nay đã thay đổi, hoàn toàn xa
lạ. Anh đứng trước nhà lơ đãng nhìn người qua lại bên kia
đường. Bỗng anh tái mặt run rẫy khi thấy từ xa, một cô gái
gánh đậu hủ đang đi đến. Anh quá bối rối không còn tin ở mắt
mình. Nhưng kìa cô gái đã đến gần, anh vội vã băng qua bên kia
đường đứng đón cô ấy. Một điều làm anh vô cùng sửng sốt là
cô gái lại mặc chính chiếc áo len màu cánh sen mà năm xưa anh
đã tặng người con gái anh thương. Nhưng
khi nhìn kỹ, Minh thấy cô gái còn trẻ qúa, chì khoảng 15,16
tuổi thì không thể là người mà anh đã thầm yêu trộm nhớ. Thế
còn chiếc áo len? Minh đánh bạo hỏi cô gái:“Cô ơi! Cô có thể
cho tôi biết ở đâu mà cô có chiếc áo len nầy?”. Nét
mặt cô gái bố̃ng tươi hẳn lên, cô không trả lời anh mà chỉ
nhìn vào khoảng không và nói như reo:”Tạ ơn Trời Đất, chắc mẹ
tôi vui lăm vì tôi đã gặp được người mà mẹ tôi trông chờ từ bao
năm nay” Cô gái nhìn Minh và thân mật nói :”Nếu ông muốn biết ở đâu mà tôi có chiếc ảo len nầy. Mời ông đi theo tồi”. Không
chờ Minh trả lời, cô gái nhẹ nhàng gánh đậu hủ lên vai và đi
ngược về hướng chợ Vĩ Dạ. Anh lặng lẽ đi theo cô gái mà không
biết chuyện gì sẽ xảy đến cho anh đây. Cô gái đi vào một căn
nhà xưa cũ, đặt gánh đậu hủ xuống trước sân . Bỗng có tiếng
nói từ trong nhà vọng ra: “ Ủa! Sao bữa nay con về sớm rứa mà
có ông nào đi với con vậy?”. Cô
gái hớn hở nói lớn: “Mạ ơi! Mạ có tin vui nè, có ông nầy
hỏi con ờ̉ đâu mà con có chiếc áo lên này nên con đưa ông ấy về
nhà đây” Im
lặng một lúc rồi một người đàn bà khoảng 40 tuổi xuất hiện
ở ngưỡng cửa. Khi nhìn thấy Minh, bà không dấu được sự xúc
động tột cùng của mình mà cảm động thốt lên trong nước mắt
lưng tròng“ Ông Trời đã không phụ tấm lòng của tôi, tôi đã đợi
chờ ngày nầy từ 20 năm nay”. Minh
nhìn kỷ người đàn bà, anh bồi hồi nhận ra ngay đó là cô gái
mà anh yêu từ lúc còn đi học. Người đàn bà nghẹn ngào nói
với Minh: “Mời ông vào nhà”. Trước
đây dù yêu nàng, nhưng anh đã không đủ can đảm để hỏi tên nàng.
Và nàng cũng không biết anh là ai. Nhưng ông Trời đã sắp đặt
cho hai người yêu nhau. Trải
qua bao biến đổi cuộc đời, hôm nay Minh mới được đứng cạnh
người mình yêu và nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng mà thầm
nghĩ đây là mộng hay thực? Một
giọng nói âu yếm cắt ngang dòng tư tưởng của Minh: “Ngày ấy
sao anh không hỏi tên em?”. Minh ngập ngừng trả lời: “Lúc đó anh
chỉ là đứa con trai mới lớn. Dù đã để ý tới em nhưng anh xem
em như một nàng tiên, anh sợ đến gần em, hỏi han em ...có thể
nàng tiên sẽ bay đi mất nên anh chỉ đứng bên nầy đường nhìn em
đi ngang qua anh cũng thấy hạnh phbúc lắm rồi”. Thiếu
phụ bùi ngùi nới với anh: “sau khi mình đã xem như yêu thương
nhau thì Mạ bắt em phải ưng con trai một bà bạn thân là một sĩ
quan Thủy Quân Lục Chiến nhưng không may là chỉ mấy tháng sau, chồng
em đã hy sinh tại chiến trường trong khi em đang mang thai cháu
Hằng là cháu mà anh vừa nói chuyện. Cho tới bây giờ, em vẫn
còn yêu sự lãng mạn của anh và chờ đợi anh qua bao nâm
tháng.Tinh thần và thể xác em đã quá mõi mòn nên cách đây
khoảng hai nâm, em đã chuyển nghề bán đậu hủ nầy cho con gái
của em. Em bắt chấu mỗi khi đi bán đều phải mặc chiếc áo len
mà anh đã tặng cho em với lời dặn dò rằng nếu có ông nào hỏi
con về lai lịch của chiếc áo lân nầy thì người ̣đó chính là
mối tình đầu của mẹ. Rồi em mong chờ trong hy vọng. Tạ ơn Trời
Đất, cho em hôm nay được gặp lại anh” Thiếu
phụ âu yếm hỏi Minh: “Thế bây giờ anh có muôn biết tên em không?
Tên em là Nga” Minh tình tứ trả lời: “Còn tên của anh là
Minh”. Nga ngậm ngùi hỏi
Minh:”Tại sao lúc đó anh biến mất vậy? Mỗi sáng khi đi ngang
nhà anh mà không thấy anh đướng đó làm em buồn lắm anh biết
không?”. Minh thổn thức: “Năm
đó, anh đậu Tú Tài toàn phần, chỉ mấy tháng sau anh bị gọi
động viên đi Thủ Đức. Ra trường, anh được điều động về phục vụ
ở tiểu khu Phong Dinh. Đời binh nghiệp đã giữ chân anh ở đó cho
đến năm 1975, anh bị đi tù cải tạo vừa mới được thả về tuần
trước đây”. Chàng buồn buồn
tâm sự với Nga:’’Nhà cửa của anh đã bị họ lấy mất, người mẹ
thân yêu của anh cũng đã qua đời khi anh còn ở trong trại tù.
Giờ đây anh chỉ là kẻ tứ cố vô thân” Giọng Nga trầm xuống : “Vậy em mời anh ở lại đây với mẹ con em nhé!”. Hạnh
phúc chợt đến quá bất ngờ làm Minh ngây ngất. Chàng âu yếm
nắm lấy tay Nga. Thân hình nàng bủn rủn ngã vào lòng chàng
với hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Minh
sung sướng ôm Nga vào lòng mà ngỡ như mình sống trong mơ. Chàng
cúi xuống đặt lên môi nàng một nu hôn ngọt ngào để rồi hai kẻ
say tình ôm chặt lấy nhau trong chuỗi yêu thương./. Bửu Uyển
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 30/Apr/2024 lúc 9:57am |
Chuyện Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Di Tản Tên tôi là Nguyễn thị Di Tản. Cái họ Nguyễn của tôi đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam chính hiệu con nai vàng. Song có điều tôi là đứa bé Việt Nam chào đời ở một miền đất lạ xa – đảo Guam- một nơi chốn thật lạ lẫm với quê hương tôi. Theo lời mẹ tôi kể tôi chào đời vào những tháng ngày buồn thảm nhất của miền Nam Việt Nam. Tôi đã nằm trong bụng mẹ, theo mẹ trên con đường di tản của dân tộc tôi. Tôi đã là một chứng nhân của lịch sử. Tiếng khóc chào đời của tôi ở một quần đảo nơi quê người đã giúp mẹ tôi nhiều can đảm vượt qua những thử thách, gian truân của cuộc đời. Tôi đã là Nguyễn Thị Di Tản từ ngày ấy. Thế mà đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ 30 tháng 4 năm ấy. Thế mà đã 35 năm qua… Đã 35 năm qua. Tôi đã lớn. Đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg buồn hắt hiu như tâm sự “Người di tản buồn” của mẹ. Mẹ rất yêu bản nhạc “Người di tản buồn” của Nam Lộc. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ bảo đêm nào không nghe bài hát ấy tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát: Chiều nay có một người đôi mắt buồn Chiều nay có một người di tản buồn Tôi
hát như sáo. Mẹ hát sao tôi hát theo vậy. Mẹ bằng lòng lắm. Dần dà tôi
có thể hát được cả bài. Bạn bè của mẹ đến nhà chơi mẹ,đem con sáo của mẹ
ra khoe. Mẹ bắt tôi hát. Mỗi lần hát xong các bác các cô, bạn của mẹ ai
cũng đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi mẹ “Sao con hát hay
mà mẹ với các bác lại khóc”. Mẹ ôm tôi vào lòng và nói “Bao giờ con lớn
con sẽ hiểu tại sao”. Cái trí óc non nớt ngày ấy của tôi mơ hồ cảm nhận
có một điều gì khác thường ở mẹ, một cái gì mất mát lớn lao trong đời
mẹ. Những lúc rảnh rỗi, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói, tôi đọc: Đó
là câu chuyện ngày lên năm của tôi. Mãi cho đến những năm sau nầy tên
tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Cái chọc ghẹo cho vui chứ
không có một ác ý nào cả. Lúc tôi vào Highschool tôi đã lớn lắm rồi. Tôi
đã hiểu những u uất của đời me. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết. Thấm
thoát mà tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ
không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái mái tóc dài chấm lưng với
khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất. Lại thêm cái
tên Di Tản nữa. Lúc nầy tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật
tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ được tôi
huấn luyện cách phát âm nên đọc tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ
lớ nhưng tạm được. Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại
là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi các giáo sư mới gọi tên
tôi. Giáo sư nào cũng thế. Ngập ngừng một hồi lâu rồi mới đọc. Tôi cũng
không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư người
Canada đọc một cái tên lạ quơ lạ quắc chưa bao giờ thấy và gặp trong
lịch sử dân tộc. Trên tay cầm bài Test của tôi, ngập ngừng rồi vị thầy
gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên một loạt ” Oh, my god”. Vị giáo sư lúng
túng, đảo mắt nhìn quanh lớp. Cả lớp nhao nhao lên như bầy ong vỡ tổ.
Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma,
thứ ba học trò” mà. Con Linhda ngồi cạnh, hích nhẹ cùi chỏ vào tôi và
khẽ bảo: Lúc
nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây Tàu,
Canadian nữa đều “cứu bồ” tôi mỗi lần có tình trạng như trên vừa xảy ra.
Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương. Đến bây giờ nhớ lại
những lời mẹ nói với tôi ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ
đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng. Cái đất nước Việt Nam khổ đau muôn
chiều đã gắn liền với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ
người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng
“dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương, nhưng không có một
hoàn cảnh nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”. Mẹ sống như
chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một
mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của bố tôi. Mẹ vẫn
nuôi hy vọng Bố còn sống và sẽ có lần gia đình tôi laị đoàn tụ như xưa.
Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ
con tôi di tản. Bố hứa Bố sẽ gặp lại mẹ sau. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng
Bố bảo sao, mẹ nghe vậy. Một mình mẹ bụng mang dạ chửa mẹ đã lên phi
cơ, theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại Bố. Nhưng niềm hy
vọng đó đã vơi dần theo năm tháng cho đến một ngày mẹ được tin Bố đã nằm
xuống nơi trại cải tạo. Mẹ như điên loạn. Rồi mẹ tỉnh lại. Mẹ biếng
cười, biếng nói. Cuộc sống của Mẹ đã thầm lặng bây giờ càng thầm lặng
hơn xưa. Ngoài giờ ở sở. Về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi
lát rồi Mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm
ngọc ngà ngày nào của Bố và Mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Thời gian
không làm nhạt nhòa mà ở Mẹ không một hình ảnh nào mà Mẹ không nhớ. Mỗi
lần nhắc tới Bố, Mẹ như trẻ lại. Mắt Mẹ long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho
tôi nghe chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng thủy thủ Hải
Quân. Tôi thuộc nhiều bài hát Việt Nam lắm nên tôi ghẹo Mẹ “Mẹ và Bố
giống em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến quá”. Ngoài tình mẹ con ra,
tôi như một người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để Mẹ trang trải nỗi niềm nào là
“con biết không Bố hào hoa và đẹp trai lắm .. v.v… và v.v…Tôi nịnh Mẹ: Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 35 của Bố. Con muốn thưa với Bố một điều. Con cám ơn Bố Mẹ đã tạo cho con nên hình, nên vóc. Dù chưa một lần gặp mặt Bố. Dù bây giờ Bố đã nằm xuống. Bố đã đi thật xa, không có lần trở lại với Mẹ, với con. Song với con Bố vẫn là một hiện hữu bên con từng giờ, từng phút. Con nghĩ Bố đã che chở Mẹ con con hơn một phần tư thế kỷ nay. Xin Bố hãy giữ gìn, che chở Mẹ, con trong suốt quãng đời còn lại. Con mong làm sao ngày nao đất nước thật sự thanh bình Mẹ sẽ đưa con trở về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ. Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương con thấy bố mỉm cười và Bố nói với con .. Bố sung sướng lắm, con biết không ? Con yêu dấu !
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22914 |
Gởi ngày: 01/May/2024 lúc 12:57pm |
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ bến. Câu chuyện tôi muốn kể sau đây xảy ra sau biến cố 1975, đánh dấu một giai đoạn thê thảm nhất đời tôi, tưởng có thể gục ngã, nhưng chính vào lúc như thế, chỉ cần một bàn tay, một chút ân tình, cũng có thể cho ta sức sống, hy vọng, niềm tin để vượt qua những chông gai, vươn vai đứng vững trên những thử thách. Như hôm nay trên xứ lạ, bâng khuâng nhìn những sợi tuyết mong manh thật nhỏ như tơ trời, nhẹ nhàng rơi trông như cơn mưa phùn Hà Nội. Mưa tuyết lê thê dai dẳng, không biết bao giờ dứt. Trời u ám một màu xám tro, ảm đạm, dễ khiến lòng người tha hương vốn u uẩn càng u uẩn hơn. Nỗi buồn xa xứ dai dẳng như bám sâu từ lúc nào trong tâm khảm, chỉ chờ một cơn gió nhẹ, một chiếc lá rơi hay như bầu trời ảm đạm hôm nay cũng gợi lại bao nỗi niềm xưa cũ. Tôi nhớ rõ lắm, cũng thời tiết này, cũng với cái giá lạnh của mùa Đông, ngày đó, tôi đã trải qua bao gian truân, khổ ải. Cho đến bây giờ, ngồi trong căn nhà ấm áp bình yên nơi xứ lạ, ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi từ đâu, từ sức lực nào, từ nghị lực nào tôi có thể vượt qua mọi thử thách để tồn tại. Ngày đó, tôi còn trẻ, mới chỉ 23 tuổi đời. Cơn bão thời cuộc ập tới, quất vào mặt tôi những cái tát nảy lửa, bỏng rát và phủ lên cuộc đời tôi một màu xám ảm đạm. Cũng như bao thân phận của những phụ nữ miền Nam sau 1975, tôi sống kiếp “Hòn Vọng Phu” vì chồng tôi khăn gói vào tù mịt mờ không biết ngày trở lại. Ở nhà lủi thủi một mình với cụ bố chồng, cuộc sống lê thê ảm đạm, ngày này qua tháng khác, năm này sang năm kia. Cho đến khi biết Huy, đấng lang quân của tôi bị đày ra Bắc, tận Lào Cai, vùng rừng sâu nước độc, tôi coi như chết cả cuộc đời. Như cái án tử hình treo lơ lửng trước mặt. Cái án dành cho chàng và cả cho tôi. Tôi sống mà như cái xác không hồn, buông xuôi, thả đời cho số phận. Ở nhà mãi với cụ bố chồng đáng tuổi ông nội, mà lại là một nhà nho…”chùm”, rất phong kiến, khó tính. Hai thế hệ như hai thái cực. Tôi buồn hiu hắt. Nỗi buồn âm ỉ, thấm sâu, đốt dần từng tế bào trong cơ thể tưởng như không còn sức sống. Tôi rũ xuống, mềm nhũn như một con giun đất. Để giải khuây vơi bớt nỗi sầu, hay nói đúng hơn muốn thoát thân, thay đổi chút không khí cho dễ thở, tôi vùng dậy lấy cớ đi thăm nuôi chồng, mặc dù tôi biết rấtvất vả khổ sở, nhưng với tôi, cái khổ thân xác vẫn chịu được, không ăn thua gì so với cái khổ tinh thần. Lại nữa thăm nuôi để chia sẻ nỗi khổ nhục của chàng. Là động lực thúc tôi tiến tới. Không cần những bức thư chàng viết về bóng gió, tôi vẫn biết chàng đang đói khổ, rét lạnh đang chết dần với cái án … thật, lao động khổ sai vô hạn định, không biết ngày trở về. Sự sống như mành treo chuông. Chàng đang mong mỏi sự tiếp tế của gia đình, vợ con …!
Bảo Huân – Ra Bắc một mình nguy hiểm lắm con ạ. Con nên ở nhà cho bố an tâm. Một đứa đi tù đã khổ rồi. Còn một đứa bố không muốn khổ thêm. Câu nói như một điệp khúc, cụ Lý, bố chồng tôi nhắc nhở nhiều lần mỗi khi tôi đòi ra Bắc thăm nuôi. Tôi nghe quen tai hay nói cho đúng hơn lòng tôi chai đá không còn biết sợ là gì, ngoài nỗi chán chường hiện tại. – Bố ạ, sau biến động biên giới với Trung quốc, nhà con đã chuyển từ Lào Cai xuống Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh). Nghệ Tĩnh không xa nữa, con có khổ một chút cũng không sao, con chịu được, bố ạ. Rồi không đợi cụ lên tiếng cho phép, tôi cứ lặng lẽ sắm sửa quà cáp, sắp xếp chuyến đi và đi một mình. Chuyến tàu Sài Gòn – Hà Nội lăn bánh khi phố xá vừa lên đèn, bỏ lại sau lưng tôi bao nỗi ưu tư, phiền muộn của tháng ngày buồn chán. Ngồi co ro trong chiếc ghế chật hẹp, xung quanh tôi toàn cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Bắc và dân buôn hàng chuyến ngồi la liệt xếp lớp dọc lối đi; nỗi ưu tư khác lại bắt đầu ùa đến cùng với nỗi cô đơn trống vắng lạ thường. Trên tàu, tôi không gặp được bất cứ người thân quen hay người đồng cảnh ngộ nào để hy vọng làm bạn và nương tựa giúp đỡ nhau mang xách khi thăm nuôi, mặc dù lúc này, phong trào thăm nuôi tù miền Bắc đã được nới lỏng. Tôi lo lắng ra mặt. Ngồi đối diện tôi, một thanh niên trẻ lên tiếng: – Chị ra Bắc thăm thân nhân cải tạo, phải không? – Vâng. Sao anh biết? – Nhìn cung cách chị, tôi đoán thế. Chị xuống ga nào? – Tôi xuống Vinh. – Tôi cũng xuống Vinh. Hành lý chị nặng nề, tôi sẽ giúp chị một tay. Tôi nhìn sững anh ta, âm thầm nhận xét. Nét mặt anh hiền hòa. Lời nói nhẹ nhàng từ tốn. Tôi an tâm nhưng cũng nói: – Vâng. Cám ơn anh. Nếu tôi không gặp được bạn nào, tôi sẽ phiền anh. Con tàu vẫn sình sịch nghiến đều trên đường sắt. Cứ tới mỗi một ga, hành khách lại ồn ào nhốn nháo. Kẻ xuống người lên, hốt hoảng gọi nhau ơi ới. Những lúc như thế, tôi cố đưa mắt tìm kiếm người nào có bộ dáng đi thăm nuôi để làm quen, nhưng tuyệt nhiên không gặp ai. Cuối cùng, sau 3 ngày 3 đêm, con tàu cũng tới Vinh mà tôi không tìm ra được người thân quen nào cả. Tới Vinh, trời còn nhá nhem tối của 3 giờ sáng. Trên sân ga vắng lặng. Hiu hắt vài bóng đèn vàng đủ soi rõ lác đác vài bóng người lầm lũi lên tàu và xuống tàu. Mưa đêm lất phất rơi, nhẹ lắm; chỉ như sương thoảng trong không gian nhưng cũng len được cái hơi lạnh làm buốt thịt da. Tại Vinh, giờ này mọi nhà đang an giấc ngủ, phố xá im lìm vắng tanh. Không một chiếc xích lô hay phương tiện giao thông nào. Anh bạn đi đường nói với tôi: – Chị thấy đấy, giờ này nhà trọ đều đóng cửa. Nếu chị không ngại, xin mời chị tạm nghỉ nhà chị gái tôi, như tôi đã thưa với chị. Không còn sự lựa chọn nào khác hơn, tôi gật đầu. Suốt 3 ngày 3 đêm trên tàu, vào những lúc tàu dừng ở ga để lấy nước, cho hành khách xuống xả hơi, ăn uống … tôi có dịp hàn huyên, chuyện trò cùng anh. Anh là thanh niên xung phong, tình nguyện vào Nam công tác và có người nhà từng “di cư” năm 1954. Anh kể thì tôi biết nghe, còn sự thật thế nào tôi không quan tâm, chỉ thấy là trông bộ dáng anh hiền lành, ánh mắt không láo liên, tròng đen nhiều hơn tròng trắng, khuôn mặt phúc hậu … nên tôi tin cậy thôi. Mà không tin không được. Tới Vinh, trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không còn lựa chọn nào khác, không thể một mình ngồi đây đợi sáng giữa mùa Đông giá rét như thế này. Tôi liều nhắm mắt đưa chân, đánh cá số phận. Cái số phận, mà xã hội đương thời và cả chính tôi vốn coi rẻ hơn bèo! Tôi xuống tàu đứng trông hành lý của tôi và của anh, trong khi đợi anh đón chiếc xe đạp mua từ miền Nam đem ra Bắc. Rồi cứ thế, anh chất hết hành lý của anh và của tôi lên xe. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau, lặng lẽ theo con đường dẫn về nhà chị anh. Trời đêm vẫn lất phất mưa, thấm dần trên chiếc áo len dày. Dù vận động đi bộ và đẩy xe, tôi vẫn lạnh run, răng đánh bò cạp. Trên đường không một bóng người, ngoài anh và tôi. Hai chiếc bóng lầm lũi chầm chậm đi trên con đường đất sỏi, nhầy nhụa bởi cơn mưa. Gọi là thành phố Vinh, nhưng nơi đây, hai bên đường toàn những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, mái tôn nhiều hơn mái ngói. Không có hàng quán nào, không có cái sinh động của một thành phố. Không phải vì đang nửa đêm, cho dù có là ban ngày, nơi đây vẫn vắng vẻ tiêu điều. Cũng không hẳn vì chiến tranh mà ra thế, mà vì chính sách ngăn sông cấm chợ, buôn bán chỉ tập trung vào nhà nước nên phố xá thiếu đi cái sinh lực của cuộc sống. Tôi chả nói chả rằng, cứ lầm lũi đi sau lưng anh giữa phố đêm buồn ảm đạm. Nhà người chị khá xa, phải mất non tiếng đồng hồ, băng qua nhiều hàng cây âm u, cánh đồng lúa, và cả những mái tranh xiêu vẹo thấp thoáng ẩn hiện dưới ánh đèn đường. Cuối cùng len theo con đường mòn, nhỏ, quanh co, rồi cũng đến nhà chị anh. Đó chỉ là căn nhà tranh 3 gian, thấp lè tè. Người chị thức dậy châm ngọn đèn dầu hớn hở đón khách. Nét chất phác đôn hậu thân thiện hằn rõ trên nét mặt chị giúp tôi an tâm. Đám con 5 đứa, toàn gái không, như anh kể, còn đang yên giấc ngủ. Tôi không thấy chồng chị, nhưng cũng không hỏi. Có thể ông đi công tác xa. Có khách, người chị lăng xăng xuống bếp châm củi đun một ấm nước sôi, đổ ra lu rồi gọi tôi đi tắm. 3 ngày 3 đêm trên tàu, chỉ rửa mặt không, giờ được tắm còn gì hơn. Buồng tắm chỉ là 4 vách tre nan, dựng sau vườn, không có cửa. Trời đêm âm u, chỉ le lói lờ mờ bằng chiếc đèn dầu từ nhà trước hắt ra. Nhưng không sao. Một liều ba bảy cũng liều! Tôi giội nước giữa cái giá lạnh của thời tiết, cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng không chỉ trút bỏ bao bụi đường mà còn thấy ấm áp trong cái tình của con người với con người đối xử nhau lúc khó khăn, hoạn nạn! Tắm xong bước vào nhà, nơi căn bếp, tôi thấy người chị đang lui cui làm gà nấu cháo. Gà chị nuôi thả rong trong vườn, để thỉnh thoảng góp phần phong phú vào cái ăn cho gia đình và còn đáp ứng khi hữu sự. Chẳng bao lâu chị bưng lên 2 tô cháo gà nóng hổi cho tôi và cho cậu em chị. Tô cháo nóng làm ấm cõi lòng, nhất là đang mùa Đông giá rét. Tôi vừa ăn vừa cảm kích tấm lòng tốt của gia đình chị, vừa áy náy không biết lấy gì đền ơn. Thế nhưng, khi ăn xong lên giường trùm chăn ngủ trên chiếc chõng tre đặt sát cửa sổ ngay phòng khách được ngăn bởi một chiếc màn thô, những nan tre mong manh không ngăn nổi gió lùa nhè nhẹ len vào. Dù đi đường ngủ gà ngủ gật vô cùng mệt mỏi, tôi vẫn không cách nào chợp mắt được. Phần vì lạnh, phần lạ nhà, phần … sợ nữa! Sợ vu vơ! Mắt tôi mở thao láo. Trong bóng đêm mịt mờ, tiếng ếch nhái ễnh ương sau vườn tấu lên một khúc nhạc nghe thật ma quái. Tôi vốn sợ ma, ma sống lẫn ma chết. Một nỗi lo sợ vu vơ, cảm giác bất an lại ùa về. Những câu chuyện giết người trong đêm khi nạn nhân ngủ say làm cho tôi thấp thỏm. Tôi đưa tay nắn túi quần. Một lạng vàng lá và chút tiền đi đường vẫn nằm yên trong đó. Khi đi thăm nuôi, bạn bè chỉ dẫn tôi làm ăn. Mang vàng ra Bắc bán được giá cao hơn rồi mua đường hóa học, vải “va li gie” đem về Nam kiếm lời. Phải suy tính mua bán thế nào để gỡ gạc tiền tàu xe vốn mua chợ đen rất mắc và cả sinh kế cho gia đình giữa thời buổi kinh tế khó khăn gạo châu củi quế. Chính lạng vàng là nguyên nhân khiến tôi lo sợ. Chỉ cần anh lẻn vào nhấn cổ tôi, lạng vàng sẽ tiêu tùng mà mạng tôi cũng khó thoát. Càng nghĩ, tôi càng thấy tôi liều thật. Nhưng biết sao giờ. Tôi đem số mạng đánh loto. Mạng tôi vốn rẻ hơn bèo mà. Mắt thao láo nhìn bóng đêm, tôi cố lắng nghe tiếng rù rì trò chuyện của hai chị em, nhưng không sao nghe được. Tôi trăn qua trở lại nhiều lần, cho đến khi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tờ mờ sáng hôm sau, có người lay tôi dậy: – Chị, chị ơi, dậy đi. Đã gần 7 giờ sáng rồi. Tôi đưa chị ra bến xe Vinh để còn tiếp tục đến chỗ trại thăm nuôi. Tôi mở choàng mắt. Thấy anh đang đứng ở đầu giường. Vẫn nét mặt hiền hòa, vẫn nụ cười dịu dàng, đôn hậu, lòng tôi dấy lên một chút ân hận đã nghĩ quấy cho anh. Tôi lồm cồm ngồi dậy xỏ chân vào dép, dọn dẹp chăn gối, xếp lại cho ngay ngắn, xong, bước ra nhà sau rửa mặt rồi chuẩn bị thu vén hành lý lên đường. Cũng như lúc đến, bây giờ khi đi, anh lại cẩn thận chất hành lý của tôi lên chiếc xe đạp. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau theo con đường cũ ra bến xe Vinh. Bến xe đã đông đúc người qua kẻ lại. Tiếng rao hàng, tiếng hỏi han, trò chuyện cứ ì xèo cả lên. Anh chạy mua giúp tôi một vé xe đò lên huyện Thanh Chương, nơi giam tù cải tạo, để từ đó tôi còn phải tiếp tục hơn 20 cây số đường rừng nữa mới tới trại thăm nuôi. Có vé trên tay, anh còn chạy tìm xe nào đúng chuyến để đưa hành lý của tôi lên mui. Còn tôi, tôi chỉ đứng giữ chiếc xe đạp của anh. Sau khi đã hoàn tất đâu vào đấy, anh mới đến bên tôi, chúc tôi lên đường thượng lộ bình an. Xe vẫn chưa lăn bánh, nên tôi vẫn còn đứng bên dưới lóng ngóng nhìn người qua kẻ lại. Anh biến đi đâu mất, lúc trở lại, để trước khi tôi chia tay anh với lời cám ơn…suông, anh chìa ra cho tôi một gói xôi nhỏ với một bình nước anh vừa chạy đi mua. Trước sự quan tâm tỉ mỉ quá chu đáo tế nhị của anh, tôi cảm động thật sự, thật ấm lòng khi tôi đang buồn tủi, cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa xứ lạ quê người. Nước mắt tôi rưng rưng quanh khóe, chực trào ra, nhưng tôi cố kìm lại để giấu nỗi xúc động trong lòng, lẫn một chút xấu hổ, ân hận tôi đã nghĩ quấy cho anh trước đây. Tôi chỉ biết nhìn anh, chưa kịp thỏ thẻ vài lời cám ơn… suông, anh móc trong túi áo, đưa tôi mảnh giấy nhỏ, anh viết tự lúc nào, rồi nói: – Đây là địa chỉ nhà chị tôi. Khi chị trở lại, cứ đến đấy. Chiếc xe đạp này tôi mua về cho chị tôi. Nếu chị cần, cứ dùng làm phương tiện. Ở Vinh, xích lô chỉ nằm ở bến xe, không nhiều lắm nên ít thấy chạy ngoài đường. Phương tiện mọi nhà chỉ toàn xe đạp. Tôi cầm mảnh giấy, cẩn thận cất vào túi áo, và lại lần nữa, tôi chỉ có lời cám ơn suông! Tôi lên xe. Quay xuống nhìn anh. Anh vẫn còn đứng đó đưa tay vẫy vẫy cho tới lúc xe lăn bánh và bóng anh khuất sau rặng tre xanh. Ngồi trên xe, tôi miên man nghĩ về anh, về cử chỉ ân cần chu đáo của anh và của chị anh, nói lên tình cảm chân thành và sự cảm thông của đồng bào địa phương dành cho gia đình người tù miền Nam. Lòng tôi chùng xuống với những cảm giác lâng lâng khó tả. Chiếc xe đò cà tàng, lôi thôi luộm thuộm nhét cứng đầy người, bồng bềnh, vồng lên hụp xuống, nhồi thật mạnh khi gặp trúng ổ gà làm cho tôi ngất ngư. Cuộc đời tôi, tâm trạng tôi hiện tại cũng bềnh bồng như thế. Nhưng chiếc xe còn có đích để tới, còn tôi, con đường trước mắt chỉ thấy toàn ngõ cụt, loanh quanh trôi nổi mãi, không biết sẽ ra sao, về đâu với một tương lai vô định mịt mờ. Ngoài kia, mưa vẫn lất phất rơi, dai dẳng, như khóc thương cho những cánh đồng lúa mênh mông xanh tươi chìm trong một màu xám âm u, âm u như tuổi đời thanh xuân của tôi hiện tại. Tôi chợt thở dài, co mình lại để chống cái lạnh của thời tiết. Không khí ẩm hơi sương càng lạnh thêm, cho dù mặc chiếc áo len dày vẫn không đủ ấm, nhưng nghĩ đến anh, đến ân tình của anh, sự tử tế của chị anh, lòng tôi chợt ấm lại. Sau lần ra Vinh đó về lại Sài Gòn, trước những lo toan bận rộn của cuộc sống, cùng sự đưa đẩy của dòng đời, tôi lênh đênh trôi dạt sang xứ người, cũng một mình, trong tay trắng trơn, tâm trạng hoang mang khủng hoảng, ngay cả một tấm giấy hộ thân cũng không có, tôi đã lạc mất địa chỉ anh cho. Tôi không còn cơ hội gặp lại anh nữa, cũng không biết anh hiện giờ ra sao, ở đâu, làm gì… nhưng tôi tin một cách tuyệt đối, một người như anh, Trời Phật sẽ thưởng cho anh một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng. Riêng tôi, hình ảnh với tấm lòng tốt của anh, của chị anh, tôi khắc cốt ghi tâm, luôn in sâu trong tâm khảm, để bây giờ, mỗi khi nhìn tiết trời lất phất mưa, như cơn mưa (tuyết) hôm nay, tôi chợt nhớ cơn mưa thuở nào với bao hình ảnh xa xưa sống dậy ghi đậm nét ân tình của anh. Và hôm nay khi kể lại, viết ra, tôi vẫn còn xúc động, trân trọng tấm lòng vàng quý hoá đó và luôn tự nhủ, tôi sẽ sống tốt với đời, với người như anh đã đối xử tử tế với tôi, đó là cách đáp đền, tri ân anh, tri ân đời sâu xa nhất. Trần Thị Nhật Hưng |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |