Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 03/Oct/2022 lúc 7:32am |
Nguồn Cội Xót XaTôi quen Long
từ lúc còn trong quân trường. Hai thằng có nhiều thứ khác nhau. Cái tên Nguyễn
Vĩnh Long của nó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy cách xa nó đến cả… vài trăm cây
số. Nó cao lêu ngêu, tôi thuộc loại chỉ đủ thước tấc đi lính. Mỗi lần xếp hàng diễn
hành hát bài Đường Trường Xa, nó cầm cờ đi hàng đầu, còn tôi ách ê hàng áp
chót. Tôi ăn nói vụng về nên thường thầm lặng còn nó thì giỏi lý sự nên nói hơi
nhiều. Cái giọng nam bộ của nó thường mở đầu bằng mấy tiếng chửi thề, nên tôi
ngại nói chuyện với nó. Dường như hai thằng chỉ có một điều giống nhau duy nhất
: Con nhà nghèo, gia đình lại ở quá xa, cho nên những ngày cuối tuần, hai thằng
đều mồ côi tại chỗ. Không ngờ chính cái điều giống nhau duy nhất ấy mà sau này
hai thằng trở thành bạn chí thân
Quả thật là nó có nhiều thứ khác tôi, nói cho đúng là có nhiều cái hơn tôi. Ra
trường nó đỗ cao, được chọn về quân trường Đồng Đế, ngay tại quê tôi, làm huấn
luyện viên, còn tôi thuộc loại “lè phè” nên phải ra làm trung đội trưởng ở một
sư đoàn tận trên cao nguyên xa tít mịt mùng. Sống xa nhau, nhưng cứ mỗi lần về phép, hoặc có dịp dẫn quân qua thành phố Nha
Trang là tôi ghé lại thăm nó. Có khi ở chơi với nó cả tuần.
Hoạn lộ của Long coi bộ thênh thang hơn tôi nhiều lắm. Phải nói thật là nó có
tài, chứ không hề chạy chọt, hay nhờ vã một ai. Làm huấn luyện viên, cán bộ,
chỉ một thời gian ngắn, nó được rút về làm Trưởng Phòng, rồi lên Trưởng Khối.
Chức vụ cao, cứ theo bản cấp số, nó lên lon lên lá vù vù. Còn tôi quanh năm
đánh đấm, nằm núi lội rừng, thương tích mấy lần cũng chỉ được mấy cái huy chương,
mà chẳng có dịp nào đeo trên nắp túi áo làm oai với mấy cô em gái hậu phương. Chỉ sau mấy năm, nó đã lên đến quan ba. Tôi về phép đúng lúc ăn khao. Nó dặn dò
tôi hai tháng nữa, cố gắng dọt về đây làm phụ rể cho nó. Nó lấy vợ. Nghe nói vợ
nó là trưởng nữ của một nhà giàu nên đám cưới sẽ linh đình ghê lắm. Hai tháng
sau tôi đang đóng quân ở Lâm Đồng, năn nỉ ông Tiểu đòan trưởng xin ba ngày
phép, theo trực thăng của Phi Đoàn Thần Tượng 215 biệt phái, bay về NhaTrang
mừng đám cưới thằng bạn chí thân. Vào nhà nó trong cư xá khi trời sắp tối. Cửa
đóng im ỉm.
Tôi vào cổng quân trường hỏi sĩ quan trực. Ông cho biết Long đang còn ở trong
văn phòng. - Cái thằng này, lúc nào cũng gương mẫu. Ngày mai cưới vợ mà bây giờ còn cặm
cụi làm việc. Hèn gì nó cứ lên lon lên chức là phải. Tôi nghĩ thầm trong bụng.
Đẩy cửa vào văn phòng, thấy nó đang nằm dài trên bàn, mặt mày thiểu nảo. Tôi có
linh tính là ngày mai tôi không có cái vinh dự được làm phụ rể. Nó không nói
năng gì và cũng chẳng đưa tôi về cư xá mà lái xe chở tôi chạy một vòng xuống
quán số 5 dưới bờ biển Nha Trang, uống mấy lon bia trút mọi điều ẩn ức: - Đ.M. bà già dịch của con bồ tao không chịu gả con gái cho tao.
Lâu rồi, tôi mới nghe lại cái giọng chửi thề ngày xưa của nó. Tôi trố mắt nhìn
nó chờ lời giải thích.
- Mày biết không, ông già tao với mấy bà dì từ Vĩnh Long khăn gói ra đây. Sợ
không môn đăng hộ đối, tao phải nhờ ông đại tá chỉ huy phó dẫn nhà trai đến nói
chuyện với ông bà. Ông chồng thì vui vẻ tay bắt mặt mừng, tao thấy đời cũng còn
lên hương. Tới lúc mọi người đứng vào vị trí “thao diễn nghỉ”, bà vợ mới nghiêm
mặt phán cho một câu làm tao muốn xỉu luôn tại chỗ. - Câu gì mà ghê gớm như lời chúc tết của “bác ” trước tết Mậu Thân vậy ? Tôi
đùa. - Bà hỏi ông già tao: Ông hỏi con trai của ông, là lương tháng của cậu có đủ
cho con gái tôi mua xà phòng giặt quần lót nó hay không mà đòi cưới với hỏi.
Có vài lần đi chơi chung với Long và cô vợ.. hụt này. Nàng trông cũng dễ
thương, gốc Bắc Kỳ 54, nên giọng Hà Thành còn “ngàn năm văn vật” lắm. Cha mẹ cô
là chủ một hảng thầu có máu mặt ở Nha Trang, nàng thì học xong tú tài thì theo
nghiệp mẹ cha, kinh doanh, làm chủ mấy tiệm may, mấy cái sạp vải trong chợ Đầm,
và còn làm thêm cái nghề tay trái là thầu cung cấp lễ phục cho khóa sinh trường
Đồng Đế. Chính cái nghề phụ này mà cô nàng gặp và mết Long, một trưởng phòng
trẻ tuổi cao ráo đẹp trai. Qua mấy năm tình yêu còn mặn nồng hơn nước biển Nha
Trang, nhưng biết bà mẹ chê lính nghèo, nên nàng không dám mở lời. Cuối cùng
thì nàng năn nỉ ông già. Cái đám hỏi là do chính ông đưa đường chỉ lối. Ông
hiền lành tốt bụng, nhưng kẹt là mọi việc bà vợ đều nắm quyền. Mà đã là vợ nắm
quyền thì cái nhà sẽ trở thành vô phúc. Tôi đã từng nghĩ, miền Nam sụp đổ cũng
có sự góp phần không nhỏ của những bà vợ mấy ông lớn ưa nắm quyền chồng. Sau đám hỏi bất thành, ông già nó trở về Vĩnh Long, buồn và tủi thân nên bệnh
cả mấy tháng trời. Nó bảo là vẫn nặng tình với cô con gái, nhưng rất hận bà già
Bắc kỳ giết giặc.
Tôi lên mặt dạy “chiến thuật” cho nó : - Mày là lính văn phòng mà còn bị chê, cở tao là lính tác chiến thì chắc chỉ
phải đứng xa ngoài cửa. Tao như mày thì một là áp dụng chiến thuật “tiền pháo
hậu xung”, còn nếu mày thấy con tim chưa đến nỗi lao đao, thì cứ tìm mục tiêu
khác ngon lành hơn mà “đột kích”. Mày là lính, đừng để mất mặt KBC.
Nó đập vai tôi cười méo mó. Không biết có phải nhờ nó áp dụng “triệt để” bài học chiến thuật tôi dạy lần trước,
nên vừa “đột kích”được mục tiêu nào mới, mà chỉ gần ba tháng sau nó lại nhờ một
anh bạn phi công Sao Mai L 19 từ Nhatrang lên bao vùng liên lạc nhắn tôi trên
tần số không lục : Ninh Kiều hạ san gấp ăn đám cưới củaVictor Lima ở tango hai
lần Delta ( ám danh đàm thoại có nghĩa là Vĩnh Long ở trường Đồng Đế). Báo hại
lần này tôi phải nói dối với ông Chiến đoàn trưởng một lần nữa, để bỏ rừng theo
trực thăng vù về thành phố biển.
Nó đón tôi ở phi trường. Vừa gặp nó tôi đã “biểu dương thành tích” : - Tao phục mày. Tao là dân đánh đấm mà cũng chưa chiếm được mục tiêu mới trong
vòng ba tháng, nhất là sau một lần chiến bại còn thương tích đầy mình. Mày mà
ra cầm quân chắc cũng đã là “đại bàng”của tao từ lâu rồi.
Nó đấm vào bụng tôi một cái : - Mục tiêu mục tiết cái con khỉ. Tao áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”
của mày đó.
Tôi tròn mắt : - Tao còn phục tài mày hơn nữa. Cái gì mày cũng đáng là “sư phụ “của tao.
Đám cưới vội vã, nhưng cũng linh đình. Có lẽ vì thế giá của ông bà thầu khoán.
Chỉ có điều đại diện bên nhà trai chỉ toàn là lính. Cha của Long thương thằng
con, nhưng còn hận đời đen bạc nên đành “vắng mặt có lý do”. Sáu tháng sau tôi về phép ghé thăm. Vợ chồng nó vẫn ở trong khu cư xá, nhưng
được cấp ưu tiên một căn rộng và khang trang hơn. Trong nhà bày biện sang
trọng. Gặp tôi bất ngờ nó mừng ra mặt, vì đúng lúc nó tổ chức ăn khao lên lon và
lên chức, nhưng lần này là chức… Cha, vì vợ nó vừa sinh đứa con trai đầu lòng.
Niềm vui của nó còn lớn hơn khi cha nó lặn lội từ Vĩnh Long ra thăm để được
bồng thằng cháu đích tôn. Nó nâng thằng con lên khoe với mọi người :
- Như vậy là tao cũng báo hiếu được cho ông già, vì sau này cũng có người bưng
hình cho ổng. Có người không hiểu hỏi bưng hình làm gì. Nó giải thích : ” là khi nào ông già
tao qui tiên, nó bưng hình ổng đi trước quan tài đó “. Tôi thúc tay vào hông
nó, bảo đừng nói điều gỡ.
Chia tay, tôi nắm chặt tay hai vợ chồng nó : - Mừng cho ông bà, tài lộc gì có đủ rồi đó nghe. Trong đám bạn nghèo, mày là
thằng số một đó nghe Long.
Hai vợ chồng ôm lấy tôi cười rạng rỡ. Sau cái ngày ăn mừng “chiến thắng” của nó, thì trên chiến trường thực sự của
tôi lại bắt đầu sôi động. Từ Sông Mao, đơn vị tôi di chuyển khẩn cấp lên An Khê
vào đúng chiều ba mươi tết. Đánh một trận thần tốc, giải tỏa mấy cái chốt ở đèo
An Khê xong là trực chỉ lên phi trường Pleiku để không vận lên Kontum, giữa
“mùa hè đỏ lửa”. Đầu tháng 3/75,sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tôi được theo BTL Tiền Phương về
Nha Trang trong kế hoạch tái chiếm thành phố đất đỏ “bụi mù trời” này. Tôi ghé
thăm vợ chồng Long một lần vội vã, nhưng chỉ gặp nó, còn vợ con thì phải “di tản”
về ở với ông bà già ở đường Độc Lâp Nha Trang.
Một tuần sau, những người đầu tiên sống sót từ dòng người di tản theo tỉnh lộ
7B về đến Nha Trang mang không khí hốt hoảng bao trùm lên thành phố biển. Long
liên lạc tôi qua tần số vô tuyến, hẹn gặp gấp trước cổng Grand Hotel, đang được
xử dụng làm BTL tiền phương QĐII.Trên xe vừa bước xuống, nó bảo tôi đi với nó
tới Nam Việt Ngân Hàng ở góc đường Độc Lâp – Nhà Thờ, dẫn theo một tiểu đội
lính.
Tôi vừa được trung tâm hành quân cho hay: một số tù trong quân lao vừa phá cổng
thoát ra ngoài, nên nghĩ ngay đến chuyện có cướp ở ngân hàng. Tôi bảo nó :
- Lính tráng trong tình trạng ứng chiến, muốn đi đâu phải xin lệnh. Để tao vào
nói với ông Tham Mưu Phó Hành Quân. Nó ngăn tôi lại, ghé miệng vào tai tôi nói nhỏ : - Tao nhờ mày việc riêng. Mày có lính tráng dễ nói hơn tao. Tao mang cái phù
hiệu quân trường, nói không mạnh lắm. Bao nhiêu tiền vợ chồng tao đều gởi trong
ngân hàng. Bây giờ đến rút nó không cho, bảo phải vào ngân hàng chính trong Sài
Gòn.
Tay giám đốc chi nhánh bảo là cả tiền bạc và sổ sách đã gởi đi Sài gòn rồi.
Nhưng tao không tin. Bọn này thừa nước đục thả câu. Hơn nữa tao là lính tráng,
đâu có muốn bỏ đi Sài gòn lúc nào cũng được. Tôi ngần ngừ, nhưng nghĩ nó là thằng bạn thân, sống chết có nhau, hơn nữa nó
nói có lý: của mình mình lấy, có gì là phi pháp. Tôi vào nói nhỏ thằng bạn SQ
trực trong TTHQ, rồi lái xe chở nó đi, gọi hai chú lính trinh sát đi theo hộ
tống. Hai thằng nói nhỏ với mấy anh cảnh sát gác cửa xin vào gặp ông giám đốc. Bắt
tay chào hỏi xong tôi “dùng tình cảm xuống nước nhỏ”: Nhờ ông giám đốc đặc biệt giúp cho anh bạn thân của tôi. Chắc ông cũng biết,
đây là tiền buôn bán làm ăn của vợ ảnh chứ có thụt két tham nhũng gì đâu. Hơn
nữa tụi tôi là lính, phải đi theo đơn vị, đâu có biết lúc nào mới vào được Sài Gòn
mà rút tiền. Tôi biết là khó khăn cho ông, nhưng mong ông giúp đỡ đám nhà binh
tụi tôi trong cái cảnh dầu sôi lửa bỏng này.
Ông giám đốc nghiêm mặt chau mày suy nghĩ, rồi hạ giọng. - Thực là khó cho tôi quá, vì tôi phải làm theo lệnh của trung ương. Nhưng thôi
được, nễ tình mấy anh, tôi phải lấy quỹ dự trử an toàn ra mà phát cho anh.
Nhưng xin các anh đừng nói cho ai biết nghe. Chúng tôi nói cám ơn đến mấy tiếng. Và như để đáp lễ tôi cũng báo cho ông biết
( mà có lẽ người Nha Trang nào cũng biết rồi) là tình hình nguy hiểm lắm, tù
trong quân lao đã thoát được ra ngoài. Ông phải đề phòng. Trước đây tôi đã nghe nó khoe mấy lần là con vợ bắc kỳ của nó làm ăn rất giỏi, nhưng
tôi cũng không ngờ thằng bạn nghèo của tôi ngày xưa bây giờ lại có nhiều tiền
đến như vậy. Tôi không rõ bao nhiêu, nhưng thấy nó phải dùng đến năm, sáu thùng
đạn đại liên để chứa tiền. Xong còn nhờ đám tụi tôi hộ tống về trường Đồng Đế.
Tôi bảo sao không cất ở nhà ông bà già vợ mà đem vô chổ lính tráng làm gì. Nó
lắc đầu : - Tao chẳng bao giờ muốn dính dáng tới cái bà già Bắc kỳ giết giặc đó. Hơn nữa
ở cư xá tao còn có lính tráng canh gác. Hôm sau, Trung Tâm Hành Quân được báo cáo là địch quân đã chọc thủng phòng tuyến
cuối cùng của Lữ Đoàn Dù ở Khánh Dương. Các Trung Tâm Huấn Luyện ở Dục Mỹ đã di
tản về Cam Ranh. Toà Lãnh Sự Mỹ cũng đã rời khỏi Nha Trang, và ông tỉnh trưởng
kiêm tiểu khu trưởng Khánh Hòa cũng đã biến mất từ lúc nào, không có mặt trong
buổi họp khẩn cấp sáng nay của Tiểu Khu. Tôi liên lạc với người bạn thân trong
TTHL Hải Quân, được biết chiến hạm 401 HQ sẽ ủi bãi tối nay để di tản toàn bộ
SVSQ /HQ vào Vũng Tàu hoặc Cát Lở. Anh ta cũng có trách nhiệm phải đi theo. Tôi
xin anh can thiệp dành cho mười chỗ để gởi vợ con tôi và gia đình Long, còn tôi
thì đi theo đơn vị vào Phan Rang. Anh trả lời OK ngay. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 3 giờ 15 phút chiều. Tôi gọi vô tuyến cho Long, bảo nó
cùng vợ con chuẩn bị sẳn sàng tại cư xá. Tôi về Ninh Hòa đón vợ con vào rồi ghé
đón gia đình nó luôn. Chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 6 giờ chiều. Khi xe vừa xuống đèo Rù Rì, tôi giật mình khi thấy xe cộ, dân, lính đủ loại nối
đuôi hối hả chạy ngược chiều về hướng Cam Ranh. Chỉ cái xe của tôi là đơn độc
hướng về phía Ninh Hoà. Tôi dành tay lái và bảo anh tài xế ôm súng ngồi bên
cạnh. Anh cũng là dân Ninh Hòa nên xin về với gia đình luôn, không muốn đi theo
tôi. Có một chi tiết nhỏ nhưng đã làm tôi cảm động và không bao giờ quên : Khi
tới ngả ba cải lộ tuyến Ninh Hòa, tôi thấy một chiếc xe đám cưới, mà cô dâu là
người láng giềng của bà xã tôi, và chú rể là một sĩ quan pháo binh trẻ. Đôi tân
hôn nhớn nhác hối hả chạy theo dòng xe định mệnh. Trong những ngày trong tù, đôi
khi tôi nghĩ tới cô dâu chú rể giờ thứ 25 này và không biết tình duyên của họ giờ
đã ra sao. Khi chở vợ con trở lại Nha Trang, từ quốc lộ rẽ vào trường Đồng Đế để đón gia
đình Long như lời hẹn, tôi chứng kiến một cảnh tượng thật thê lương : quân
phục, súng ống vất dọc đường, mấy ngôi nhà đang cháy, có vài ba xác chết. Khó
khăn lắm tôi mới lái xe tới được khu cư xá của Long. Nhà mở toang cửa, trong
nhà vật dụng ngổn ngang, không một bóng người. Tôi gọi Long trên máy vô tuyến,
nhưng không nghe lên tiếng. Tôi lo lắng cho nó khi nghĩ tới số tiền lớn của nó
mang về từ Ngân Hàng . Vào Sài Gòn, sau khi sắp xếp nơi ăn chốn ở cho vợ con xong, tôi ra Vũng Tàu
trình diện lại đơn vị cũ. Tôi tìm Long khắp nơi, nhưng không ai biết.
Rồi cái biến cố đau thương cũng đến hồi kết cuộc : miền nam thất thủ. Ngày 28
tháng 4, cả gia đình tôi có mặt tại bến Bạch Đằng với mấy thằng bạn Hải Quân.
Nhưng cuối cùng, tôi không bước xuống tàu mà quyết định ở lại. Tôi không đành
lòng bỏ quê hương, và nhất là cha tôi, đang còn kẹt lại một mình ở quê nhà. Hơn
nữa dù sao đất nước cũng sẽ thống nhất hòa bình. Rồi nam bắc một nhà sẽ cùng
nhau xây dựng lại quê hương. Và cái ngây thơ đó của tôi đã được “người anh em
một nhà” đãi ngộ bằng tám năm đọa đày trong các trại tù cải tạo tận vùng Việt
bắc. Vợ con ở nhà thì nheo nhóc, không được phép làm một thứ công dân, dù chỉ
là hạng bét.
Ra tù, không còn đất sống, tôi phải liều thân dẫn vợ con vượt biển ra đi. Sau
bốn năm định cư ở Na Uy, cuộc sống gia đình tạm ổn định. Hai cô con gái lớn may
mắn được một trường đại học bên Mỹ nhận, vợ chồng tôi đưa hai cháu sang Cali
tìm nơi ăn chốn ở, nhân tiện thăm đám bạn bè cùng đơn vị ngày xưa. Gặp thằng
bạn này thì nghe thêm tin tức của vài thằng bạn khác, đứa còn đứa mất, mỗi
thằng một cảnh long đong, và bất ngờ tôi biết được tin Long. Một thằng bạn cùng
đơn vị, khi mới chân ươt chân ráo từ trại tị nạn Bidong sang Mỹ, được ông chủ
gốc nhà binh ưu ái nhận vào làm trong một siêu thị trên Michigan. Người chủ ấy
chính là Long. Thằng bạn cho biết Long sang đây từ năm 75, và có tài kinh doanh
nên bây giờ đã là triệu phú. Anh ta rất tốt với đám nhà binh lưu lạc sang đây.
Biết ai là lính ngày xưa, Long cũng đến thăm, giúp đỡ tận tình, nếu chưa có
việc làm, anh sắp xếp vào làm tại các siêu thị, nhà hàng của anh, đảm trách những
công việc nhẹ nhàng, lương bỗng cũng khá. Anh bạn lục lọi trong cuốn sổ tay tìm
đuợc số phôn gọi lên tìm, nhưng siêu thị đã bán cho chủ mới. Lần mò đến ba hôm
sau, chúng tôi gọi được Long. Vợ chồng nó làm chủ đến mấy cái siêu thị, cây
xăng ở tiểu bang Washington và một xưởng gổ ở vùng Portland, tiểu bang Oregon.
Nó đúng là thằng bạn chí tình. Giàu nhưng không đổi bạn. Nhận ra giọng nói của
tôi trong điện thoại, nó hét lên mừng rỡ: - Bây giờ mày đang ở đâu ? Mày đi một mình hay có vợ con không ? Nghe tin mày
vượt biên, tao tìm mày khắp nước Mỹ mà không ra. - Tao đang ở nhà người quen ở Sacramento với bà xã và hai đứa con gái. Tao ở
bên Âu châu qua, chứ có ở Mỹ đâu mà mày tìm. Tôi trả lời - Tao “búc” vé máy bay ngay bây giờ, tụi mày lên tao ngay chiều nay nghe. - Không được, chiều nay tao đã có hẹn ở San Jose, hơn nữa đâu có biết là gặp
mày, nên tao đã mua vé đi một vòng qua nhiều tiểu bang lắm. Chiều mai tụi tao
bay lên Houston rồi sang Florida, North Carolina và một vài nơi nữa, làm sao
gặp mày bây giờ.
Nó bảo tôi cho số phôn và nó sẽ gọi lại sau năm phút. Nó hẹn gặp tôi tại phi
trường San Jose. Nó bảo vợ chồng nó có nhà nghỉ mát ở gần đó, rồi dặn tôi cứ ở
nhà người quen đợi, nó sẽ thuê xe đến đón. Vợ chồng nó sẽ đến San Jose bằng chuyến
bay 5 giờ chiều nay.
Tôi đón nó ở phòng đợi phi trường cùng với vợ chồng thằng bạn khác ở San Jose
mà tôi đã hẹn. Long nhận ra tôi trước, còn nó thì khác xưa nhiều lắm, mập ra
nhiều và trông bệ vệ như một chính khách hơn là một thương gia. Nó ôm chặt lấy tôi
quay mấy vòng. Sau khi ăn tối xong nó đưa bọn tôi về nhà nghỉ mát của nó. Ngôi nhà nằm trên
một ngọn đồi nhìn xuống cây cầu nổi tiếng Golden Gate ở San Francisco. Ngôi nhà
nhỏ, nhưng khá xinh và được trang bị toàn là những thứ sang trọng, có đứa cháu
và hai người Mễ trông coi.
Hôm ấy, chúng tôi thức suốt đêm, nhắc nhở bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, điểm danh
lại đám bạn bè, tính xem đứa mất đứa còn, đang trôi dạt nơi đâu. Hai đứa sụt
sùi, Tôi kể cho nó nghe hơn tám năm tù đày khốn khổ, vợ con nheo nhóc, và nhớ
lại trước ngày mất Nha Trang, như lời hẹn, khó khăn và nguy hiểm lắm tôi mới
đến được cư xá của trường Đồng Đế, nhưng không tìm thấy vơ chồng nó.
Nó rơm rớm nước mắt : - Tao thường nhắc với vợ con tao về mày, bảo tất cả phải nhớ ơn mày. Vì nhờ mày
tao mới rút được tiền ở ngân hàng Nam Việt hồi ấy. Và chính nhờ số tiền đó, khi
đưa cả gia đình tao và gia đình bà xã tao đến Cam Ranh, xe cộ chật cứng, cả đêm
không nhúc nhích được, tao trả giá cao mới mua được một chiếc tàu máy rồi cả
nhà chạy ra đệ thất hạm đội. Nếu không có tiền, chẳng hiểu bây giờ tụi tao ra
sao nữa.
Nghe nó nhắc gia đình vợ, tôi hỏi bố mẹ vợ nó bây giờ ở đâu và sức khỏe ra sao.
Nó bảo ông cụ thì mất hơn năm năm rồi, bà già “bắc kỳ giết giặc” thì vẫn còn sống
và ở San Jose cũng gần đây thôi. Có lẽ nó vừa nhớ tới cái chuyện ngày xưa nên
câu chuyện trở nên sôi nổi : - Lúc chạy bà cũng gần trắng tay. Của chìm của nổi bỏ lại hết. Tao hận cái
nghèo, hận chuyện ngày xưa, nên qua đây tao đi làm đầu tắt mặt tối, kiếm một số
vốn rồi ra kinh doanh. Tao nghĩ ở cái xứ này chỉ có làm business thì mới sớm
đổi đời. Không ngờ tao có lộc trời, chỉ mấy năm sau tao có mấy cái nhà hàng, và
một siêu thị. Tao mua cho ông bà cái nhà cả triệu đô, nuôi đám con của bả, em
của bà xã tao, thằng nào cũng xong đại học, hai thằng ra bác sĩ, còn con út học
luật. Tao làm cho bà ấy thấy tiền bạc có nghĩa gì đâu, mà ngày xưa bà khinh rẽ
gia đình tao, làm cho ba tao buồn mà phát bệnh luôn. Cả đời này tao cũng còn
hận bà. Lo đầy đủ cho gia đình bà xong, vợ chồng tao move lên Texas, rồi
Washington DC, Michigan, Oregon và cuối cùng thì tới đóng đô ở Washington
State. Từ đó tao không muốn gặp bà ấy nữa, vì mỗi lần gặp bà tao lại nghĩ đến
nỗi hận của Ba tao. Chỉ có vợ tao lâu lâu về thăm bà mà thôi.
Còn mấy đứa con của mầy ra sao, không nghe mầy nhắc tụi nó.
- Lúc tụi tao ra đi, chỉ có thằng Đăng ba tuổi và con Tâm mới năm tháng. Sang
đây đổi tên thành Danny và Tammy, Qua Mỹ, tuị tao chỉ có thêm thằng Kevin.
Thằng Danny thì tốt nghiệp luật ở Yale, đang làm cố vấn pháp luật cho hảng
Boeing, con Tâm thì ra trường Stanford ngay San Franciso này. Bây giờ làm SFO
cho Bank of America, còn thằng út Kevin thì tiến sĩ IT Harvard, đang làm
directeur cho ông Bill Gate ở Seatle, gần nhà tao.
Mắt tôi sáng lên, mừng cho sự thành công của vợ chồng nó : - Tao phục mày. Con cái mày giỏi quá. Tụi mày vừa được vinh dự lại vừa tha hồ
hưởng phước.
Nó trợn mắt : - Dự với phước cái con khỉ. Tụi nó lấy vợ Mỹ, chồng Mỹ hết. Bây giờ tụi nó
thành Mỹ hết rồi, mà lại là thứ Mỹ thượng lưu trí thức. Vợ chồng tao cũng có
chút hãnh diện, và các cháu cũng rất lễ phép và biết nghe lời, nhưng vợ chồng
tao cũng buồn khi nghĩ là càng lúc tụi nó càng xa cái nguồn cội của mình.
Tôi đùa để an ủi nó : - Que sera sera ! mày cứ khéo lo. Ở ngoài này đa số là vậy. Rồi đến khi lá rụng
cũng sẽ về cội thôi.
Nó thở dài : - Có còn cội đâu mà về. Chính tao cũng không còn có cội, chứ nói chi tới con
cháu. Cội của tao là ở cái xứ nghèo Chợ Lách, Vĩnh Long bên Việt Nam kìa. Tao
cũng đã tính mai mốt về già, vợ chồng tao mang tiền về Việt nam sống. Nhưng khốn
nỗi chẳng còn chổ để mà về nữa. Bà già tao, như mày biết, qua đời hồi tao còn
trung học. Ông già tao thì mất từ năm 78. Ở cái làng nghèo mà có một thằng làm
đến quan tư như tao là được xếp loại ác ôn ghê lắm. Tao đi rồi, ở nhà ông già
tao lãnh nợ cho tao. Bị bắt lên bắt xuống, hành hạ đủ kiểu, nên phải chết sớm.
Tao còn thằng em trai, lúc nó theo ông già tao vào thăm tao trong Thủ Đức chắc
mày còn nhớ. Hồi xưa nó chịu khó học hành, hiền lành hiếu để lắm. Tao có mỗi nó
là em, nên thương nó hết mình, tiền bạc tao gởi về như nước. Không ngờ có nhiều
tiền nó trở chứng, bỏ vợ bỏ con xuống Sài gòn rượu chè bài bạc, sống hết với
con này tới con khác. Cuối cùng thì nó hút xì ke. Vợ nó bán cả nhà từ đường,
thu tóm tiền bạc dẫn đứa con trai đi biệt tích. Tao chưa về Việt nam, nhưng ở
đây có nhiều người đã về thăm, họ bảo là dường như bây giờ cái xã hội ” kinh tế
thị trường” ở bên nhà đã làm cho con người ta đổi thay nhiều lắm. Đồng tiền nó
đã xói mòn tất cả mọi thứ đạo đức ở quê nhà. Cái xứ Chợ Lách khỉ ho cò gáy của
tao bây giờ cũng đầy dẫy quán bia ôm. Cha mẹ còn đem con gái bán cho đám Đài
Loan, hay mấy mụ tú bà. Bọn cán bộ thì đua nhau tham nhũng, sống phè phở trên
đầu trên cổ dân đen. Có thằng tiền bạc thừa mứa không biết làm gì, mang đi mua
tiết trinh cả những đứa con nít. Khốn nạn thật .Chính quyền trong nước cứ bảo
những người ở ngoài này là “khúc ruột ngàn dặm”, là ” một bộ phận không thể
tách rời” nhưng trong lòng thì vẫn còn mang nặng ghen tị thù hằn. Mày có đọc
luật nhà đất mơí nhất của chính quyền trong nước rồi chứ. Người Việt ở nước
ngoài không được hưởng quyền thừa kế bất động sản, mà chỉ được hưởng “giá trị”
trên phần thừa kế đó mà thôi. Tao rất sợ cái loại chữ nghĩa này. Người chết nằm
trong nghĩa trang Biên Hòa còn bị đập bia, phá mộ, san bằng, huống hồ những
thằng còn sống như tao với mày. Chỉ có những thằng khùng mới tin được.
Ngưng vài phút, nốc cạn cốc Hennesy, nó ngẩng đầu lên nhìn tôi : - Mày thấy không. Ngày xưa nghèo thì bị người ta khinh rẻ. Bây giờ giàu có,
tiền bạc không biết để làm gì. Cuộc đời này khốn nạn thật. Sắc sắc không không
! Có lẽ tụi tao sẽ đi tu.
Tôi ôm chặt vai nó : - Thì mày còn bạn bè, mày còn tụi tao đây. Có khi bạn già sống với nhau lại
hay, vì mình dễ cảm thông, dễ chia sẻ mọi nỗi niềm.
Không ngờ lời nói chỉ cốt an ủi của tôi đã làm cho đôi mắt nó sáng lên : - Hay là mày cho hai đứa con mày ở lại đây với vợ chồng tao. Tụi tao hứa là sẽ
coi nó như con tao. Mấy cháu còn nói tiếng Việt giỏi quá, mà cũng lễ phép dễ
thương. Nói chuyện với tụi nó tao thấy sao mà gần gũi quá, nhất là bà xã tao cứ
ôm tụi nó mà nói đủ thứ chuyện dưới đất trên trời. Tao sẽ lo cho tụi nó vô
trường Stanford hay ít nhất là Berkely, chứ học mấy cái trường State đó làm gì.
Còn vợ chồng mày cứ sang đây, tao nhường lại cây xăng, hay một cái nhà hàng.
Mọi thứ đều free. Khi nào tụi mày giàu rồi thì từ từ trả vốn cho tao cũng được.
Để tụi mày còn sớm được cấp thẻ xanh nữa.
Tôi cảm động vỗ vai nó, - Cám ơn mày. Mày là thằng bạn lính chí tình. Nhưng các con tao sang đây đã
lớn, bên Việt nam thì cũng chẳng được nhà nước bọn Cộng sản cho phép học hành
gì. Tụi nó học không giỏi lắm, vào được State là tao mừng rồi. Tao chỉ mong ra
trường tụi nó kiếm việc gì đó làm, đủ để tự lo cho mình. Còn tụi tao có biết
buôn bán kinh doanh gì đâu. Tao ở lại sau tháng 4/75 nên thấy mọi thứ sao mà
phù du quá. Nhiều kẻ vong ơn, phản trắc quá. Con người đối xử với nhau sao mà
ác độc quá. May mà đám nhà binh tụi mình còn giữ được cái tình. Cái này quý
lắm, nên tụi mình cố mà giử lấy, dừng để giàu nghèo nó làm mai một. Thôi, để
tụi tao về Na Uy làm tà tà cũng đủ sống. Hơn nữa tao cũng thích ở cái xứ Bắc Âu
hiền hòa yên tĩnh, hợp với những thằng chậm chạp như tao. Và tao cũng còn tịnh
dưỡng để chữa những vết thương khó mà lành được trong lòng tao nữa.
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao trên đỉnh đồi, hai thằng mới chui vào phòng
ngủ. Trước khi chợp mắt, hồi tưởng lại ngày xưa, tôi thấy lòng lâng lâng tiếc
nuối. Dù sống trong nghèo khó, hiểm nguy, nhưng lòng lúc nào cũng vui, cũng
thấy yêu đời. Hình như lúc ấy cả đất trời và ai nấy cũng dễ thương, ở đâu con
người cũng nặng tình nặng nghĩa với nhau. Còn bây giờ quê hương tôi chỉ còn là
một “dòng sông tật nguyền” hay ” cánh đồng bất tận ” như hai nhà văn nào đó
trong nước đã viết về quê hương nguồn cội của mình .
Phạm Tin An Ninh
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Nhom12yeuthuong
Senior Member Tham gia ngày: 13/Sep/2009 Đến từ: Vietnam Thành viên: OffLine Số bài: 7120 |
Gởi ngày: 04/Oct/2022 lúc 3:30pm |
Hương Bồ Kết
Trên chuyến máy bay đến Seattle, Tôn đã ngồi vào chiếc ghế của mình.
Hành khách tiếp tục di chuyển trên hành lang máy bay. Từ xa một thiếu nữ
tay xách túi nhựa, tay kéo chiếc va ly nhỏ đang nhìn dáo dác tìm số
ghế. Trông khuôn mặt và mái tóc của cô gái, Tôn chợt thấy lòng bồi hồi,
xao xuyến. Bóng dáng cô gái phảng phất hình ảnh một người mà chàng cảm
thấy rất thân quen. Thiếu nữ dừng lại trước dãy ghế Tôn đang ngồi. Nhìn
kỹ số ghế một lần nữa rồi nàng đặt túi xách lên chiếc ghế trống mỉm cười
xã giao với Tôn: ****** * * * * * * * * * Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 04/Oct/2022 lúc 3:31pm |
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 06/Oct/2022 lúc 7:36am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 08/Oct/2022 lúc 4:06am |
Nhang Tàn Thắp Khuya…Đó buồn có chốn thở than Đây buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya (Ca dao) Ngày mạ sinh Thường bị
băng huyết cũng chính là ngày ba vào bệnh viện vì xe tông. O Bốn vừa bới chén
yến chưng cho mạ ở khoa Sản vừa mua cháo cho ba nằm khoa Ngoại. Mệ nội đi coi
bói thầy nói tuổi hai cha con xung khắc. Cha tuổi Dần, con tuổi Thân đúng vào
Tứ hành xung, chưa chết là do phước đức ông bà phù trợ, với lại may có mạ gánh
giùm đại hạn. Trước Thường đã có một anh trai hai chị gái cho nên ba mạ cũng
không trông ngóng con cái chi lắm. Nói theo từ hiện đại, đây là một đứa con
“ngoài kế hoạch”. Bà nội hóa giải xui xẻo bằng cách đặt cho con bé mới sinh một
cái tên đơn giản không sang trọng, quý phái như các anh chị nó: Nguyễn Thị
Thường. Ngày ba xuất viện chắc thấy cái tên cụt ngủn quá, dù sao cũng không
xứng với vai vế một viên chức cấp cao trong thành phố nhỏ như cái lỗ mũi nhưng
nhiều người săm soi này nên thêm vào đằng sau chữ Thị một chữ Bình. Vậy là con
bé có một cái tên lớn lên đi học thầy cô dễ chú ý, hay bị gọi lên bảng là
Nguyễn Thị Bình Thường. Thường thầm cám ơn ba đã không đặt thêm chữ Tầm. Nguyễn
Thị Bình Thường dù sao nghe cũng tạm ổn hơn Nguyễn Thị Tầm Thường! Như ý thức được số
phận của mình, Thường dễ nuôi, suốt ngày nằm trên võng im thin thít. Đói lắm
thì ọ ẹ vài ba tiếng như mèo kêu. O Bốn có thương thì cho bình sữa Ông Thọ. Khi
o bận quét nhà, nấu ăn thì dúi đại vô miệng bình nước lọc cũng xong. Mạ lại
tiếp tục có bầu, đẻ tiếp một cậu trai út. Thế là con bé Thường hiện diện có như
không trong căn nhà của vợ chồng ông Chủ sự Tòa Hành chánh Tỉnh. Trong những
gia đình thời trước, năm con không phải là nhiều nhưng đứa con thứ tư này bị bỏ
quên, nhất là khi nó có “tiền án” ngay từ ngày ra đời… Ba tuổi, Thường ốm o
như một con mèo hen, đứng trong cũi ở nhà bếp cho o Bốn tiện một công đôi việc,
mũi dãi chảy lòng thòng, ruồi đậu trên mép không buồn xua. Bốn tuổi, vẫn cái mặt
buồn hiu hắt, lê la sau chái nhà, hái hoa nhặt lá làm đồ hàng, đồ chơi là cái
nắp keng, con búp bê bị vứt bỏ, chỉ còn một tay một chân. Thường đối thoại với
chính mình, lầm thầm những câu trong cổ họng và im bặt khi có người đi ngang. Anh chị em của Thường
– ngoài tên đi học – còn có những cái tên ở nhà, mới kêu lên đã nghe rốp rốp
như Tây: Ti Na, Ti Ni, Bôm, Bốp… Còn Thường thì vẫn là “Thường”. Thường thèm một cái
vuốt ve của mạ, tia nhìn âu yếm của ba, những câu nựng nịu của mệ nội với anh
chị em. Còn quá nhỏ không hiểu gì nhưng Thường vẫn tự biết mình không được yêu
thương! Một trưa nọ, thằng Bốp
chập chững ra chái bếp. Có lẽ đã chán những món đồ chơi công nghiệp, Bốp thích
thú nhìn Thường chơi đồ hàng với hoa, với lá, với đất, với cát… Thường ôm em
trong cánh tay bé bỏng của mình, hít hà mùi thơm của phấn rôm, của bộ áo quần mới
tinh tươm thoang thoảng mùi nước hoa. Thường yêu em biết bao nhiêu. Thường đã
có người để nói chuyện. Thường nói như chưa bao giờ được nói! Thằng Bốp đưa tay cầm
viên gạch vỡ Thường kê làm bếp. Một con rết lớn bò ra chích một phát vào tay
thằng bé. Thằng Bốp ré lên thất thanh. Mọi chuyện sau đó như một cơn lốc kinh
hoàng trong trí nhớ của Thường… Cái tát bỏng má của ba; mạ tru tréo:
- Ai cho mi dám chơi với em? Nó có chuyện chi thì mi chết! Cặp mắt sắc lạnh của mệ nội: - Đồ yêu nghiệt! Bác sĩ được mời tới
nhà. Thằng Bốp nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải nệm trắng, ngón tay trỏ
sưng vù. Cam táo chất đầy trên bàn. Bao nhiêu người tới thăm hỏi và nhìn Thường
như thủ phạm qua lời kể của mạ. Vâng, thủ phạm không phải là con rết, thủ phạm chính
là “con yêu nghiệt!” Thường ước ao phải chi
con rết chích Thường chứ không phải là em trai! Thường thèm thuồng tưởng tượng
ra mình đang nằm đó, được mọi người vây quanh. Thậm chí Thường muốn được chết
trong tiếng khóc của gia đình! Qua lời to nhỏ của một
bà thư ký cấp dưới của ba, tuần sau bà nội đưa “con yêu nghiệt” đi bán khoán.
Nếu không, “cái gia đình này còn lụn bại”. Thường được đưa đến ngôi đền thờ Đức
Thánh Trần, người coi sóc là một pháp sư “cao tay ấn” như lời truyền tụng. Suốt một tuần liền,
Thường được vây bọc trong mùi nhang trầm. Phủ một chiếc khăn đỏ trên đầu,
Thường đắm mình trong những điệu nhảy của ông Hoàng Mười, của Bà chúa Thượng
Ngàn, lời ca tiếng đàn của anh chàng cung văn có những móng tay dài chuốt nhọn.
Từ đây, Thường không phải là con của Ba Mạ. Thường không được gọi là “Ba Mạ”.
Thường phải gọi họ là “Chú Mợ”. Bà nội làm một cái am
sau vườn, tối tối o Bốn đưa Thường ra thắp ba cây nhang. Khi Thường đã lớn, đủ
chiều cao cắm được những cây nhang thì Thường tự đi một mình. Thường ngủ với o Bốn
trong căn buồng sát nhà bếp, có cái cửa sổ nhìn ra cây khế chua trĩu trái cuối
vườn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, o Bốn đặt mình xuống là ngủ say sưa. Còn
Thường “nói chuyện” với cây khế, với những đốm nhang cháy lập lòe trong bóng tối. Thường còn diễm phúc
là được đi học, cho dù không phải là trường Tây như anh chị em. Thường không
được ở bán trú, không có xe đưa rước, không có đồng phục, không có bảng tên.
Trường Thường theo học chỉ là một ngôi trường nhỏ, nam nữ học chung. Ba mẹ
chúng là ông xích lô, bà bán bún, bà nhặt chai bao nhôm nhựa… trong những căn
nhà lụp xụp của xóm Bờ hồ Tịnh Tâm nhưng Thường sung sướng vì được nói chuyện,
được các bạn cho hội nhập vào cộng đồng. Không ai biết Thường là con của một
viên chức cao cấp trong thành phố! Thường học chăm dù
không có ai kèm cặp, đặc biệt nổi trội trong các môn nữ công, gia chánh. Giờ
thêu, cô giáo khen những mũi thêu đột thưa, đột dày đều đặn như máy. Giờ nấu
ăn, cô xuýt xoa trước trái cà chua quấn thành đóa hoa hồng, trái ớt được tỉa
như đầu con chim phượng… Không ai biết 5 tuổi, Thường đã lụi hụi nhặt rau cho o
Bốn nấu ăn. Đặc biệt có lần bức tranh của Thường trang trí bằng rong rêu, với
những cây dương xỉ trong vườn và những bông hoa phượng được chưng bày ở phòng
giáo viên. Ông thầy dạy vẽ đã từng khen con bé có mười cái hoa tay đều chằn
chặn. Thường sống tự nhiên như cây cỏ trong vườn, bình thường như cái tên,
không vui không buồn. Ước mơ lớn nhất là được làm cô giáo tiểu học, nựng nịu
những em bé. Phải chăng đó là khát vọng được tích tụ của một người chưa từng
được nâng niu? Như quy luật tự nhiên,
hoa đến kỳ thì hoa nở. Sau khi sợ hãi khóc với o Bốn về những vệt máu trong lần
kinh nguyệt đầu tiên năm đệ lục, Thường lớn vụt lên như chồi biếc gặp mưa xuân.
Cặp mắt lé kim thuở nhỏ trở nên mơ màng, cái mũi hếch thon gọn như Tây, mái tóc
xanh mướt chưa một lần uốn dịu dàng xõa xuống bờ vai. Người phát hiện ra điều
này chính là mệ nội trong một buổi sáng ngồi súc miệng thấy Thường đi học qua
sân. Mệ nói với mạ:
- Con ni trổ mã rồi đó. Coi chừng nó đi rượn bây chừ. Mạ cười: - Ai mà thèm. Khi o
Bốn già, cho nó kế nghiệp! Mà thiệt, cả nhà đã
biết tài nấu nướng của Thường. Hôm ba Thường đau, mua bún phở chi cũng chê, chỉ
thèm cá bóng thệ kho khô ăn cháo gạo hẻo rằn. O Bốn cũng ươn mình nên chỉ bày
qua quít, để mặc con bé mười lăm tuổi xoay xở. Thường kho một nồi cá “cho Chú” thơm
phức mùi tiêu, mười con ngó đuôi (*) cả mười, màu nâu sánh. Ba Thường ăn một
lúc hai chén cháo tỉnh người. Từ đó Thường kiêm thêm bếp núc với o Bốn. Ít bạn
bè, không chơi bời, nấu ăn trở thành niềm vui. Đặc biệt, hôm đám cưới cô chị Ti
Na với anh chàng sinh viên trường Y, cả đám tiệc trầm trồ về những bình hoa
được cắm trên dãy bàn dài trải khăn trắng. Mạ nở mày nở mặt:
- Con Ti Na trang trí đó. Không ai biết Thường
thức cả đêm với hoa lá tự mình tìm kiếm. Đêm đêm, sau khi cắm
những cây nhang trên trang thờ, Thường đi thơ thẩn trong vườn. Thường thì thầm
với cây nguyệt quế, nâng niu cành dạ lý hương bị gãy một nhánh, vuốt ve đóa
tường vi mới hé nụ. Có lần gần nửa đêm, mệ nội đi tiểu sau hè đã ré lên vì
tưởng ma khi thấy bóng Thường ngồi lúi húi bên cây hoàng anh. Bởi vậy, khi Thường
khép nép xin đi sinh hoạt Gia đình Phật tử bên Khuôn hội Tịnh Bình, mệ nội đã
đồng ý ngay “để cho bớt tà ma ám khí trong nhà”. Có thể nói đây là
những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Thường. Cô học và thao tác rất nhanh
những bài học về hoạt động thanh niên. Cô giúp các huynh trưởng dạy các em oanh
vũ về mật thư, truyền tin, thắt gút, văn nghệ... Cô sôi nổi hòa giọng cùng các
em trong các bài ca Phật giáo Việt Nam, Trầm hương đốt, Dòng Anoma.. Mặt cô
sáng rỡ như trăng rằm. Một vẻ đẹp hiền lành, thánh thiện trong chiếc áo dài lam
khiến người đối diện dễ có cảm tình. Và như quy luật của tự nhiên, cô đã có
những rung động đầu đời với một chàng trai… Vốn dĩ thua thiệt
trong gia đình, Thường không có những ước vọng lớn. Mẫu người lý tưởng của
Thường không phải là “đẹp trai, nhà giàu, học giỏi” như hai cô chị. Tất cả chỉ
gói gọn trong hai chữ “hiền lành”. Và Tuệ, người làm cô rung động hội đủ yếu tố
đó. Tuệ nhà nghèo, cha mất
sớm, nhà lâm cảnh “mẹ góa con côi”. Căn nhà tranh gần cống Lương Y là nơi hai
mẹ con sinh sống. Mạ Tuệ ngày ngày cúi đầu chằm nón, được chục cái thì đem bỏ
mối bên chợ Đông Ba. Tuệ đã đậu tú tài bán, học đệ nhất Quốc Học, đi dạy kèm
tuần bốn buổi, sinh hoạt Gia đình Phật tử từ nhỏ, nhà ăn chay một tháng mười
ngày. Thường học lớp đệ tam.
Một ngày đầu Xuân, vui miệng sau khi nhấm lát mứt gừng ấm ruột, “Chú” đã hứa
cho Thường thi vô Sư phạm Tiểu học nếu đậu tú tài bán. Thường mừng lắm. Cô cố
gắng chu toàn mọi việc trong nhà để không ai phải kêu ca, để cô được đi học và
đi chùa, để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Và để gặp Tuệ. Hai người chưa một lần
nắm tay, chưa một lần hò hẹn. Chỉ có những tia nhìn rực sáng. Và chỉ như thế
cũng đủ cho Thường thao thức suốt đêm, nhìn trăng nhìn sao qua ô cửa sổ. Tuệ hay đi xin những
giống hoa lạ về cho Thường. Cô gieo trồng, tưới tắm. Khi hoa nở thì đem lên
chùa cắm bàn Phật hoặc kín đáo bỏ vào giỏ xe đạp của Tuệ. Mùi hương hoa như tín
hiệu nhẹ nhàng giữa hai người. Những tối cuối tuần,
nhà ông Chủ sự hay tổ chức chơi bạc. Xì phé cho quý ông và tứ sắc cho quý bà.
Những lúc như vậy thường có ăn khuya cho các ông bà có sức chiến đấu với các
quân bài. Quanh quẩn là những khuôn mặt quen thuộc của thành phố nhỏ. Mấy ông
bên Tòa Hành chánh quen chỉ tay năm ngón cho cấp dưới, một ông kỹ sư Thủy Lâm
hói đầu góa vợ thừa tự do; một vài bà buôn bán ngoài phố vòng vàng đỏ chóe.
Những đêm như vậy, o Bốn vừa vặt lông gà vừa càm ràm luôn miệng. Thường phải
phụ o bưng bê, dọn dẹp chén bát rồi mới học bài được. Có lần, bà hiệu buôn
Nghĩa Lợi hỏi Thường là ai, mạ liếc xéo trả lời:
- Con yêu nghiệt nhà tui. Thường cúi mặt muốn
khóc. Chị Ti Na lấy chồng
nhưng thi thoảng vẫn về khóc lóc với mạ. Và lần nào mạ cũng dấm dúi cho một gói
nhỏ. Nghe chị nói ông chồng bác sĩ muốn mở clinique bên Bến Ngự. O Bốn trề môi
nói:
- Thằng bác sĩ ni kiêm thêm nghề kỹ sư. Thường ngơ ngác: - Kỹ sư chi? O Bốn cười: - Kỹ sư đào mỏ! Ba Thường về hưu. Sòng
bài mở với quy mô rộng hơn. Cả một phòng lớn với bốn tụ. Có đến hai sòng xì phé
cho mấy ông. Người chơi quen mặt nhất là ông kỹ sư đầu hói. O Bốn nói ba mạ mi
vừa chơi vừa để lấy tiền xâu. Không chỉ chơi đêm mà còn chơi ngày. Thuê cả một
cô để chia bài tứ sắc cho quý bà. Thường với o Bốn ngày càng tất bật hơn. Cô
phải thức khuya đến tận gà gáy để học bài. Buổi sáng dậy sớm rửa một chồng chén
bát lớn. Có ngày Thường đi sinh hoạt trễ, các em oanh vũ đứng ngóng tận ngoài
đường. Thường cũng nhận ra ánh mắt lo lắng của Tuệ. Biết nói răng được với cái
quầng thâm dưới hai con mắt! Một bữa nọ, Thường
nghe ồn ào ở nhà trên. Có tiếng vỡ của cái tách trà bị ném xuống nền gạch. Ba
bước ra sân, nét mặt cau có:
- Tiêu chi mà vô hậu! Tui về hưu rồi. Bổng lộc không có. Vợ con chỉ ăn với phá! Mạ dài môi: - Một mình tui phá chắc! Ai đêm qua thua hết hai cây vàng? Bài xấu mà còn tố tố! Mệ nội la vọng xuống nhà dưới: - Đứa mô lên dọn cái coi! Thường cầm cái chổi bước lên. Chưa kịp quét, mạ đã háy: - Đẻ con ni ra, nhà
ngày càng mạt! Cô hầu bài ốm, xin
nghỉ mấy hôm. Lấy ai chia bài cho các bà bây chừ? Chỉ còn con Thường.
- Thường mô, Thường mô, lên đây tau biểu. Đang chuẩn bị vo gạo,
Thường lật đật bước lên. Ôi, hai bàn tay với
mười cái hoa tay đều chằn chặn chia bài mới gọn, mới khéo làm sao. Mỗi tay bài
năm con ném từ bên này xéo qua bên tê không lật con nào. Một trăm mười hai cây
bài tứ sắc xanh, vàng, trắng, đỏ cuối ván được xóa nhanh nhẹn và xóc gọn gàng. Bà
vợ ông Tham sự xuýt xoa:
- Ui chao, con ni xóc
bài quá khéo, không cần đếm lại. Cứ thế, Thường chạy từ
sòng bên này sang sòng bên kia. Hết xóa bài đến chia bài. Thỉnh thoảng còn phải
lấy cái gạt tàn thuốc cho mấy ông, chế thêm nước sôi vô mấy bình trà, bưng
những tô cháo sườn cho quý ông bà giải lao... Và đến khi sòng bài tan thì kim đồng
hồ đã chuyển qua số bốn. Đó cũng là lần đầu tiên Nguyễn Thị Bình Thường không
thuộc bài khi cô kêu lên bảng. *****
Hai người nán lại sau
buổi sinh hoạt cuối tuần. Tuệ thương xót nhìn gương mặt xanh xao của Thường.
Gặp Thường lần đầu, anh không nghĩ đó là con ông Chủ sự Tòa Hành chánh quyền
uy. Bà mẹ kiểu cách, những đứa con kênh kiệu... hoàn toàn xa lạ với cô gái nhỏ hiền
lành, nhẫn nhục kia. Anh không thể giúp được gì cho cô ngoài những lời dịu dàng
thân ái. Nhưng anh không biết rằng cô đã đón nhận lời nói của anh như dòng nước
mát ngọt ngào. Xưa nay, đâu có ai nói cho cô những lời êm dịu đó. Toàn là lườm
nguýt, gắt gỏng, chê bai. Những câu nói đi vào giấc ngủ của cô, tạo nụ cười
trong đêm và là động lực giúp cô vượt qua gian khổ để hướng về tương lai. Cô đã
mơ màng nghĩ tới căn nhà tranh xóm Bờ Hồ có bà mẹ anh tần tảo và người thanh
niên hiền lành…
Tuệ đưa cuốn vở cho
Thường. Anh đã ngồi chép giúp cô những bài toán khó để Thường có thể học thêm những
lúc rảnh rỗi. Anh đã nghe cô kể về ước mơ của mình. Và anh hứa với lòng sẽ giúp
cô thực hiện nó. Anh cầm tay Thường. Cô đỏ mặt và bàn tay run nhẹ trong tay
anh. ******
Những cuộc khẩu chiến
giữa “Chú Mợ” xảy ra thường xuyên. Căn nhà nặng nề và u ám. Những đứa con bỏ
nhà đi chơi đêm. Mê nội cáu kỉnh. Thường cố gắng nói thật khẽ, đi thật nhẹ
nhưng vẫn hay bị trút giận, nhất là khi mạ thua bài.
Thường đã lên đệ nhị.
Cuối năm ni cô sẽ thi tú tài bán. Sau đó cô sẽ vào Sư phạm Tiểu học. Nhất định
cô sẽ thi đậu. Khi người ta có động lực, người ta sẽ quyết tâm. Dạo này cô hay bị mạ
kêu chia bài. Kể cả khi đã có cô hầu bài thuê tháng. Không chỉ chia bài tứ sắc,
thi thoảng cô còn bị chia bài xì phé cho mấy ông. Nhất là khi ông nào than thở
mình bị xui, mười ván chưa thắng ván nào. Những chiếc áo cũ của chị Ti Ni vứt
bỏ, qua bàn tay khéo léo của Thường, ráp vạt này với vạt tê thành những hình
lập thể ngồ ngộ không giống ai nhưng lại làm cô nổi bật giữa mấy bà tứ tuần,
ngũ tuần phì nộn. Thỉnh thoảng cô phải ý tứ kéo lại cổ áo khi thấy những con
mắt hau háu của các ông chú mục vào ngực mình. Những lần chia bài sau, cô mang
chiếc áo dài cũ màu trắng. Những buổi đi sinh
hoạt Gia đình Phật tử cuối tuần cũng bị gián đoạn. Tuệ và Thường ít được gặp
nhau. Có nhiều tối, Tuệ đi ngang chỉ thấy thấp thoáng bóng Thường ở nhà bếp.
Nhưng những đốm nhang vẫn lập lòe trong đêm. Một hôm mạ đưa hai xấp
vải ngọt nhạt bảo Thường:
- Cầm lấy mà may áo. Con gái con lứa lớn rồi. Mang áo cũ chia bài người ta cười! Thường ngạc nhiên mở
to mắt. Mạ thương mình rồi a. Cô nghe lòng chùng xuống. Cảm ơn Trời Phật đã ngó
lại. Hai xấp lụa hồng hoa
thiệt đẹp. Càng đẹp hơn dưới bàn tay khéo léo may vá của Thường. Hôm đầu tiên
mặc áo mới chia bài, mấy ông nắc nỏm xuýt xoa. Một ông chủ nhà hàng nói bữa ni
có nàng tiên lộ diện rồi nghe. Ông kỹ sư Thủy Lâm già cười hềnh hệch nhìn Thường
đầy dục vọng. Hôm đó cô bị mạ đặc cách ngồi chia bài cho các ông. Quá nửa đêm
cô vẫn đi tắm vì không chịu được mùi thuốc lá bám vào da vào tóc. Một chiều nọ đi học về
Thường ngạc nhiên vì nhà không có ai. Phòng chơi bài cũng đóng cửa. Cô thay áo
và phụ o Bốn cơm nước như thường lệ. Mạ bước xuống tam cấp kêu Thường lên nhà
trên. Cô bước theo, lòng hồi hộp. Có khi mô mạ biết chuyện mình với anh Tuệ?! Cả mệ nội, ba mạ ngồi
chĩnh chện trên bộ salon giữa nhà. Thường khép nép đứng trước mặt. Mệ nội cho
phép Thường ngồi trên chiếc đôn ở trong góc. Không khí như đặc quánh lại.
Thường hồi hộp không biết chuyện chi sẽ xảy ra. Mạ lên tiếng trước:
- Hôm ni chú mợ có
chuyện quan trọng muốn nói với con. Năm ni con đã mười chín tuổi rồi. Cũng đã
đến lúc tính chuyện chồng con. Hồi mợ lấy chú còn mới mười tám… Tai Thường như ù đi.
Cô lắp bắp:
- Chú hứa cho con thi tú tài rồi học Sư phạm mà. Ông Chủ sự về hưu có vẻ hơi ngượng. Ông trấn áp bằng một câu: - Hồi nớ khác hồi ni khác. Như được trớn, mạ nói tiếp: - Chú về hưu, các anh chị chưa có ai thành tài. Vài năm nữa chú mợ già yếu không lo cho con được. Chú mợ thu xếp cho con trước để yên thân. Mệ nội nhổ nửa miếng trầu vào ống nhổ: - Con gái học chi cho lắm rồi cũng lấy chồng. Mười chín tuổi rồi, nít nôi chi nữa. Người ta cũng chỗ gia thế, một bước lên bà, còn đòi chi hè! Mạ cười: - Chồng hắn làm còn to hơn ông nhà này mà. Rồi tha hồ mà diện nhé! Thấy Thường còn ngơ ngác, bà nói luôn: - Ông kỹ sư Thủy Lâm
muốn xin con và chú mợ đã nhận lời. Thường quỵ xuống trên
nền nhà… Ba ngày Thường vật vờ
không ăn không ngủ. Cô bềnh bồng giữa hư và thực, chân và ảo. Cô có nghe lầm
không. Cô sẽ làm vợ lão già trán hói, góa vợ có nụ cười khả ố mà cô không dám
nhìn thẳng mặt! Ba mạ ơi nỡ lòng nào? O Bốn thì thầm ba mạ mi lậm lắm rồi. Phần
thì bù chi cho con gái đầu để lấy tiếng tăm với sui gia, phần thì thua bạc rồi
vay mượn mà lão kỹ sư già kia là chủ nợ. Muốn xóa nợ thì gả mi cho lão là xong
hết. Thường ôm đầu, lắc qua lắc lại như một con điên! *******
Hai người ngồi phía
sau ngôi biệt thự cũ của ông Hoàng Tùng Đệ, bên cạnh khuôn hội Phật giáo Tịnh
Bình. Tuệ xoay xoay cọng cỏ gà đã nát bét trong lòng bàn tay. Thường gục mặt
vào đầu gối. Họ im lặng đã lâu. Gió nam phần phật trên mấy tàu lá chuối rách
bươm.
Tuệ nhỏ giọng:
- Chừ em tính răng? Thường thở dài nhìn xa
xăm, không trả lời. Cô biết tính sao đây khi ngày nào cũng bị đay nghiến, thúc
ép, dằn vặt. Cô tìm đến Tuệ mong anh tìm cho cô một lối thoát nhưng cả hai đều
bất lực. Trời đã ngã sang chiều. Một đốm lửa rực cháy
trong mắt Thường:
- Anh ơi, hay mình trốn đi thật xa. Em biết đan, thêu, may vá. Em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời. Khổ cực em chịu hết, miễn khỏi làm vợ ông ta… - Thường ơi, anh
thương em nhưng anh chỉ là một thằng sinh viên tay trắng. Anh làm răng bỏ được
mạ, Thường ơi! ******* Nhà trai đã dẫn lễ
vật, ngày mai làm lễ vu quy. Bàn thờ lau chùi sáng loáng. Con gái thứ tư của
ông Chủ sự đi lấy chồng!
Thường làm mọi việc
rất bình thường. Bà nội thở ra:
- Tau tưởng khó mà té ra cũng dễ. Mạ trề môi: - Nhà ni xưa nay có phép có tắc, đố dám cãi. Ba chải lại bộ vest. Dù sao cũng phải tinh tươm để “quan trên ngó xuống người ta trông vào”. Chị Ti Na cười: - Lấy chồng giàu sướng bắt chết còn làm bộ. Thường đâu có làm bộ.
Thường vẫn ăn uống, đi lại, ngủ nghê. Vẫn không quên thắp nhang trên trang thờ
ngoài vườn mỗi đêm. Đêm cuối ở nhà. Mạ đưa
cho Thường cái khăn vành dây và bộ áo nhật bình màu xanh lục. Vua chúa, hoàng
hậu màu vàng, người già màu đỏ, cô dâu chú rể thì màu xanh. Đúng lễ nghi đó.
Ông anh trai nói:
- Ông ni lấy vợ lần hai có kinh nghiệm! Rồi cười hăng hắc. Cả
nhà cười theo. Mạ nói lên nhà trên mà
ngủ cho đàng hoàng nhưng Thường xin ngủ với o Bốn vì xưa ni quen rồi. O Bốn bỏ
mùng rồi nói với Thường:
- Đi lấy chồng đừng quên o. Thường cười nhẹ: - O đừng lo. Làm răng
con quên o được! Thường bước ra vườn.
Mùi ngọc lan nồng nàn. Cô hôn đóa trà mi, vuốt ve cành phù dung Tuệ chiết cành
cho cô mấy tháng trước. Hoa phù dung đẹp nhưng sớm nở tối tàn! Thường thắp nhang trên
trang. Thường đã tự thắp hơn mười hai năm rồi. Đây là những nén nhang thứ mấy
chục ngàn Thường không nhớ nổi. Thường chắp tay vái bốn vái. Vái thứ nhất con
hướng về Quan Thế Âm Bồ Tát. Vái thứ hai con tạ ơn Đức Thánh Trần, người đã giúp
con thành đứa dễ nuôi. Gươm thiêng của Ngài chém được tà Phạm Nhan nhưng không
giải thoát con khỏi vòng trói buộc của gia đình. Vái thứ ba con tạ ơn sinh
dưỡng của “Chú Mợ” mười chín năm. Phải chi ngày ấy ba đặt cho con cái tên Tầm
Thường có khi còn khá hơn. Con muốn sống bình thường mà có được đâu. Vái thứ tư
con gởi chút tình cho người con trai nghèo bên cống Lương Y. Tuệ ơi, nếu còn có
kiếp sau…
Thường tháo chiếc khăn
vành dây dài vắt lên cây khế. Cô bước lên chiếc ghế đẩu và lắc chân. Cành cây
rung rất nhẹ… Những nén nhang lụi
tàn. Đêm ướt đẫm sương.
Hương Thủy (*) Cách nói của người Huế, chỉ con cá kho cong hình chữ c, như đầu “ngó đuôi”. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 10/Oct/2022 lúc 8:30pm |
Thằng KhùngKhông biết hồi thời trước thằng cha đó làm nghề gì, chớ bây giờ – nghĩa là đôi ba năm sau cơn lốc tháng tư năm 1975 – hắn đã trở thành một “sản phẩm rất ấn tượng” của cuộc đổi đời vĩ đại! Sáng nào cũng thấy thằng cha đó đứng ở góc đường Chợ Cũ chỉ đông chỉ tây, mắt lim dim miệng lầm bầm những gì không rõ. Lâu lâu hắn vỗ hai tay vào nhau nghe cái “chát” rồi xuống tấn đi một dọc đường quyền. Hắn làm như hè phố không có ai hết. Cứ thản nhiên tiến thoái, tung chưởng bên tả, đá cước bên hữu, ai tránh thì tránh ! Những lúc đó, mặt hắn thật là “an nhiên tự tại”, mắt nhìn theo hai tay đẩy ra thâu vào nhịp nhàng… giống như chẳng có chuyện gì xảy ra hết ! Vậy mà một lát sau lại đứng thẳng, lầm bầm chỉ đông chỉ tây ! Sau vài “tua” như vậy, hắn khoan thai bước vào tiệm nước gần đó ăn điểm tâm. Lúc nào cũng vào tiệm đó, không thay đổi. Và lúc nào cũng ăn một tô hủ tiếu uống một tách cà phê đen. Thành ra trong tiệm, khi thấy hắn ngồi vào bàn là nấu ngay tô hủ tiếu và pha ngay tách cà phê mà không cần hỏi ! Hắn ăn, giống như người bình thường. Nhìn hắn, không ai nghĩ rằng trước đó năm mười phút hắn đã là “một người khác” ở ngoài kia. Chỉ có điều là khi thấy ai nhìn mình, hắn trừng mắt nhìn lại, mặt gân gân, hàm hất hất, giống như muốn nói: “Mầy không biết tao là ai sao mà nhìn ? Hử ?” Ăn xong, hắn trả tiền đàng hoàng rồi thả bộ đi loanh quanh. Tôi lén đi theomột lần thì thấy hắn như người bình thường, khi dừng xem cửa hàng này lúc dừng xem cửa hàng nọ. Rất thư thả, tự nhiên. Giáp cái vòng Chợ Cũ là hắn lại vào tiệm nước hồi nãy để nhăm nhi một ly chanh đường. Chẳng thấy hắn bắt chuyện với ai, mà cũng chẳng nghe hắn nói một tiếng nào với nhân viên trong tiệm ! Lúc nào hắn cũng làm thinh. Người trong tiệm chắc đã quen quá rồi với cái “trình tự lớp lang” của hắn nên cũng chẳng thấy chào đón hỏi han gì hết. Sau ly chanh đường, hắn bước ra rồi đi thẳng qua vỉa hè phía đối diện. Đường phố đã đông ken. Tiếng máy xe, tiếng kèn xe… inh ỏi. Vậy mà hắn đi qua đường giống như đi giữa đồng trống, cứ đi xâm xâm, mặc cho xe cộ thắng, lách, mặc cho thiên hạ chửi thề, văng tục. Đến bên kia, hắn đứng thẳng nhìn xa xăm, bất động như một pho tượng. Một lúc sau, hắn bỗng soạt chân ra, rùn rùn người, xàng qua xàng lại, đầu gật gù, hai tay thay nhau xỉa xói về phía trước, miệng nói lớn từng câu ba chữ bắt vần có ca có kệ … vừa giống thầy pháp đọc thần chú lại vừa giống người đang lên đồng ! Tất cả các động tác của hắn đều ăn khớp với nhau và nhịp nhàng linh động theo từng câu hắn nói chớ không thấy một chút rối loạn nào hết. Nhứt là hai tay, một xỉa ra thì một thâu về, chậm rãi giống như người ta tập Thái cực quyền, và mỗi cái xỉa ra là chấm dứt đúng một câu. Cứ như vậy đều đặn, hắn nói dài dài có dây có nhợ, mắt trừng trừng, mặt gân gân… Hết đoạn này, hắn bắt qua đoạn khác, lòng vòng lòng vòng ! Nói… đã một hồi rồi hắn bỏ đi về phía bờ sông, đi mất. Để sáng sớm hôm sau lại có mặt gần như đúng giờ ở góc đường Chợ Cũ, diễn lại trò hôm qua, tuần tự lớp lang… Thiên hạ gọi hắn là “thằng khùng”. Quen quá rồi nên chẳng thấy ai để ý tới, ngoại trừ vài người không thuộc dân khu phố bất chợt đi qua. Thật ra, nhìn thằng cha đó, không thấy có vẻ gì khùng hết, nghĩa là hắn không giống mấy người khùng loại… “cổ điển”. Râu tóc cạo gọt chải gỡ sạch sẽ, mặt mũi đều đặn phương phi, sơ-mi trắng ngắn tay bỏ trong quần đàng hoàng, quần tây thẳng nếp và nhứt là đôi giày bát-két còn mới tinh cột dây tề chỉnh. …Một hôm, vì tò mò, tôi lắng nghe bài “kệ” của hắn. Mặc dù tiếng ồn ào hỗn tạp của xe cộ, giọng sang sảng của hắn nghe rõ mồn một. Tôi có dịp ghi lại một đoạn: “Nói có sách “Mách có chứng “Đứng có chỗ “Đổ có nơi “Ngồi có kiểu “Tiểu có xô “Hô có nhịp “Bịp có tiếng “Diện rất quê “Chê rất giỏi “Nói rất dai “Khai rất kỹ “Lý luận xằng “Loại kỳ nhông “Ông kỳ đà “Cha cắc ké “Trẻ không tha “Già không chê “Quê đứng trước “Dốt đứng trên “Đen nói trắng “Đắng nói ngọt “Lột thằng dân “Trần như nhộng “Giọng Tào Tháo “Đạo đức giả “Dạ sài lang “Nói một đàng “Làm một nẻo Đọc đi đọc lại bài “kệ”, tôi thấy lời lẽ mạch lạc rõ ràng, và những điều “thằng khùng” đó nói, thiên hạ ai cũng thấy, cũng biết hết nhưng không ai dám “đứng ra giữa đường mà nói”. Như vậy, hắn đâu phải khùng ! Có lẽ tại vì thiên hạ thấy hắn là không giống ai hết nên cho là hắn khùng đó thôi ! Rồi tôi tiếp tục lý luận theo lề lối đã được học tập sau cuộc đổi đời vĩ đại : - Thiên hạ tỉnh mình anh khùng, hay thiên hạ khùng mình anh tỉnh, cũng vậy thôi. Đó là hai mặt của tấm gương. Đứng phía trước hay đứng phía sau gì tấm gương vẫn là tấm gương (“biện chứng” chắc nịch như vậy, không chối cãi ! ). - Cũng giống như thiên hạ đều trắng chỉ có một mình anh đen. Anh không giống ai, đành rồi, nhưng anh là cái chấm đen trong cái tổng thể trắng, làm cho cái trắng đó không hoàn toàn trắng được. Có hại ! - Nói một cách khác: trong luồng người cùng đi tới, mình anh đứng lại, dù cố ý hay không cố ý gì đi nữa, anh vẫn là biểu tượng của sự “phản động”. Bởi vì anh làm “rối” – chưa nói đến “loạn”, còn nặng hơn nữa – cái trật tự đang được di động về một chiều. - Vậy, để có sự thuần nhứt trong toàn bộ – nghĩa là khùng hết hay trắng hết hay đi tới hết – phải thủ tiêu anh hay cải tạo anh ( nghĩa là làm cho anh phải giống như mọi người ). Đến đây, tôi bỗng thấy lo cho thằng khùng Chợ Cũ. Nhưng rồi tôi nghĩ lại: xưa nay ai không biết rằng thằng khùng nào cũng làm bậy nói bậy hết, đếm xỉa làm chi. Có lẽ đúng. Bởi vì tôi thấy “thằng khùng Chợ Cũ” cứ phây phây “phát biểu” dài dài… Kể ra, ở thời buổi này và trong cái xã hội này, được thiên hạ dán cho nhãn hiệu “thằng khùng” cũng sướng chớ ! Tiểu Tử |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 11/Oct/2022 lúc 11:56am |
Cuộc tình tật nguyềnDì Tư đã bỏ đi vĩnh viễn, nhưng tôi vẫn chưa bắt đầu tìm Mẹ như đã hứa với Dì. Dì là chỗ dựa duy nhất sau khi Bố qua đời.Trái tim tôi đã hóa đá, mắt tôi đã khô lệ như một thửa ruộng bị hạn hán, nứt nẻ. Ðầu óc tôi đặc quánh, nặng nề, u mê. Tôi vẫn làm việc trong sở như một cái máy, suy nghĩ như một bảng tính cầm tay, mọi chương trình đã được cài đặt sẵn, cứ thế mà tuôn ra: đúng và chính xác. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, bây giờ lại mất thêm Dì, tôi vẫn chỉ là đứa con gái cô đơn, không người thân, ôm một mối tình tật nguyền và cố đứng vững trên hai chân của mình. Vâng, đó là một mối tình tật nguyền bởi vì chỉ còn một chân, chân kia người ta đã chặt mất rồi và bởi vì nó như một cái “gù” đè nặng trên lưng, đeo dính lấy tôi không tài nào vứt đi được. Thêm nữa, nó mọc rễ trong tim, âm thầm, càng ngày càng đâm ra những nhánh ngang, nhánh dọc, làm tim tôi nhức nhối. Mối tình tật nguyền ấy, lớn dần theo ngày tháng từ khi hắn bỏ đi biệt tăm, không một lời từ giã. Dì đã mất, tôi không còn chỗ nào để bám víu, tâm sự. Tôi trở lại với nỗi u uất ngày xưa. Tôi cũng đã chết rồi! Một người chết biết đi. Một buổi tối cuối tuần, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường làm sao, tôi bước vào nhà hàng Nhật Benihana ở downtown Houston, nơi tôi và hắn đã bao lần đến đây tìm vui sau một ngày chìm đắm trong mê loạn. Nhà hàng Nhật này nấu ăn ngay trước mặt thực khách, với nhiều trò biểu diễn ngoạn mục, trước kia tôi rất thích, vì có hắn bên cạnh. Tôi yêu cầu tiếp viên dẫn vào chiếc bàn khuất trong góc, ngồi chung với mấy người bản xứ. Bữa ăn bắt đầu với màn múa dao của chú đầu bếp người Ðại Hàn. Có tiếng vỗ tay khen thưởng, cả những lời cười nói rộn ràng chung quanh, khi chú đầu bếp từ xa chỉ dùng cái “vá” đã hất tất cả những con tôm trên bàn vừa nấu chín vào dĩa của tôi. Tôi chưa kịp mỉm cười thì thấy “Hắn” bước vào, khoác tay một người đẹp “chân dài” hấp dẫn, với bộ váy ngắn lên gần “Ngã-Ba-Chú-Ía”, như đám dân chơi thường nói. Vâng, bộ váy ấy ngắn lắm, không còn thể nào ngắn hơn được nữa. À Thì ra hắn vẫn không bỏ được thói quen đốn mạt đó. Chắc hắn và cô gái ấy cũng đã trải qua những giờ phút cuồng nhiệt như hắn từng làm với tôi trên chiếc giường rộng thênh thang, trải khăn trắng tinh. Tai tôi nóng bừng, tay chân run rẩy, tôi vội lấy chiếc kiếng mát to tổ bố đeo lên, mặc dù đang ở trong phòng ăn, chẳng có nhiều ánh sáng. Tôi nghe tiếng hắn cười nói ồn ào, chọc quê anh chàng đầu bếp, huyên thuyên với những người ngồi cùng bàn. Hắn như vậy đó: luôn là người nổi nhất trong bàn tiệc và được những người đẹp trong các buổi họp mặt đặc biệt chú ý, vây quanh. Tôi có lúc cũng hếch mặt, khoác tay hãnh diện vì hắn một cách ngu đần như cô bé đang ngồi cạnh hắn bây giờ. Tôi đã từng hoang tưởng rằng mình kiếm được một người đàn ông lý tưởng, thông minh, chững chạc với bờ vai mạnh mẽ vững chắc, để có thể dựa đầu vào đó những lúc phải nhắm mắt ca một điệp khúc với tông thấp nhất của cuộc đời: chính là hắn. Tôi còn đang miên man với những ý nghĩ vu vơ như vậy, bữa ăn đã tàn lúc nào, chỉ còn mình tôi. Người hầu bàn lịch sự hỏi tôi còn cần gì nữa không cô ta sẵn sàng phục vụ. Tôi nói không cần. Rời nhà hàng, đầu gối tôi mềm nhũn, chân đi không muốn vững. Tôi gieo mình trong nệm xe êm ái và rú ga về thẳng nhà. Thường sau bữa ăn với hắn, chúng tôi chui vào một rạp hát bóng mini nào đó để kết thúc một ngày u mê mệt mỏi. Bây giờ chỉ còn một mình tôi, chẳng còn ai đưa đón. Về nhà, tôi cứ để nguyên quần áo như vậy, nằm dài trên ghế salon, nước mắt tôi vỡ ra từ trong các khe nứt nẻ khô cằn của ruộng lúa mùa hạn hán. Lúc trước còn Dì, tôi có thể nói chuyện và trút bầu tâm sự với Dì. Bây giờ tôi chẳng có ai, cả ngày thu mình trong cái vỏ ốc an toàn. Tôi với chai Remy Martin XO của hắn còn để lại trên bàn ăn, nốc một hơi dài. Tôi chưa từng uống rượu, nhưng cần làm một cái gì đó. Ngụm đầu tiên xông thẳng lên mũi, tôi gần như muốn sặc, phun ra gần hết. Rượu tuy thơm, nhưng vừa đắng, vừa cay xé họng sao hắn có thể uống hết ly này qua ly khác được nhỉ. Tôi nhắm mắt ực thêm một ngụm nữa, hơi nồng ấm từ từ đưa lên mũi, mắt và cả lỗ tai. Chả mấy chốc cả thân tôi nóng bừng. Tôi bắt đầu thấy thích thú, có lẽ mấy người nghiện ma túy cũng từng kinh nghiệm như vậy. Có lần tôi đọc được ở đâu đó: “Ðừng thử ma túy, bạn bắt tay với con quỷ thì đừng hòng rút ra khỏi bàn tay nó”. Rượu chắc cũng là một loại ma túy, bởi vì nó vặn cổ cho chết bản chất “Người” trong chúng ta. Tôi đã nốc thêm không biết bao nhiêu hớp nữa. Tôi không còn là “Tôi” nữa rồi, chỉ còn cái xác thôi.
Thắm Nguyễn Tiếng hát Thái Thanh ở đâu đó, từ trong cõi vô minh vọng về, lanh lảnh, chát chúa, như những mũi dao nhọn đâm vào đầu tôi: “Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phụ phàng.” “Giết người đi, giết người đi, giết người trong mộng …” “Giết người đi, giết người đi, giết người đi, giết người đi…” Tôi khóc nức nở, tiếng khóc và nước mắt chảy ra như vỡ đê mùa nước lũ. Tôi phải giết, bắn vỡ nát cái đầu, chặt nốt cái chân què của mối tình tật nguyền, cưa mất cái gù trên lưng tôi, nhổ hẳn cây gai trong tim tôi, rồi tôi sẽ trở lại người bình thường, không còn tật nguyền nữa. Ðơn giản thế thôi. Những ngụm rượu mạnh đã làm tôi thiếp đi và không còn biết gì nữa. … Tôi vùng dậy, lái xe vào bãi đậu trước tiệm ăn, khuất vào một góc. Chiếc xe BMW Z4 mui trần của hắn vẫn còn đó. Tôi đã từng ngồi bên cạnh hắn, trong chiếc xe đó, chạy bên bờ biển Galveston, để gió lộng vào tóc như hình ảnh của Joan Blackman ngồi cạnh Elvis Presley, chạy trên bờ biển Hawaii và thấy mình hạnh phúc vô biên. Tim tôi nhói đau đến nghẹt thở. Ôi, một thời để yêu và một thời để chết! Chẳng bao lâu, hắn khoác tay người đẹp bước ra khỏi cửa tiệm ăn, lại màn ôm nhau hôn hít, tôi muốn buồn nôn! Tôi kéo chiếc mũ mùa hè trên đầu thấp ngang tầm mắt và lái xe theo hắn về tận nhà. Khi bóng hai người đã khuất sau khung cửa, tôi bỏ đi, không quên ghi địa chỉ vào điện thoại cầm tay. Sáng hôm sau, tôi gọi vào sở cáo bịnh, xin nghỉ vài ngày và đặt chương trình hành động như một điệp viên thứ thiệt. Trước hết, theo dõi hắn vài ngày để xem đường đi nước bước, những nơi hắn thường hay lui tới, và tìm cách tiếp cận hắn. Tôi tìm được một khẩu Browning bán tự động, bé nhỏ xinh xắn rất vừa tay trong một tiệm cầm đồ. Anh chàng chủ tiệm nói đùa với tôi “Cô định đánh cướp ngân hàng nào đó cho tôi theo với, tôi sẽ lái xe tẩu thoát cho cô.” Tôi mỉm cười: “Chỉ để tự vệ thôi.” Hắn tặng tôi hộp đạn và giới thiệu một sân tập bắn, rồi xin được làm quen. Tôi tặng lại hắn một nụ cười khinh bỉ, thầm nhủ: “Cũng một loại đàn ông nham nhở như hắn”. Thế rồi cuối tuần đã đến. Tối thứ Bảy, tôi mặc bộ đồ sexy nhứt vừa mới mua ở Macy’s. Nhìn vào trong gương, đúng là một nữ hoàng sầu muộn mà tôi muốn cải trang thành: Màu đỏ rượu chát của chiếc áo nổi bật trên làn da trắng trông thật bắt mắt, cặp mắt to với đôi hàng mi giả đầy quyến rũ, mái tóc dài bồng bềnh như sóng nước đã được bàn tay khéo léo của anh chàng “đồng tính” trong tiệm beauty salon o bế cẩn thận và nhuộm từ màu đen thành màu hạt dẻ, như mái tóc của mấy cô đào Ý Ðại Lợi. Ðeo lên chiếc kính mát màu nâu nhạt, to bản hiệu Chanel, khoác chiếc ví đắt tiền trên vai. Tôi đã trở thành người khác, không còn là con bé Liên ngu đần dại dột nữa. Tôi rất mãn nguyện! Tôi biết mỗi tối thứ Bảy hắn đều đến vũ trường Ritz. Tôi quyết định đến sớm một chút để lựa được chỗ ngồi tốt. Hôm nay có màn trình diễn của một ca sĩ nổi tiếng đến từ California, cho nên phòng trà đã khá đông. Tôi chọn một bàn đối diện sân khấu khoảng giữa phòng, rồi gọi cô hầu bàn và dúi cho cô một nắm tiền bảo là muốn đặt bàn này cho riêng tôi, nhờ cô mang cho tôi một ly margarita. Cô bé mừng ra mặt, cảm ơn rối rít. Tôi ngồi nhâm nhi ly cocktail, một vài anh chàng lém lỉnh đến tán tỉnh, tôi nói thẳng đang chờ chồng để khỏi bị làm phiền. Ðảo một vòng, có nhiều cặp mắt thèm thuồng đang hướng về tôi một cách trơ tráo, xấc xược, nhưng tôi vẫn làm ngơ. Chẳng bao lâu, ban nhạc còn chưa bắt đầu, hắn xuất hiện với người con gái hôm trước trong tiệm ăn, dẫn nàng lại ngồi bên cánh trái sân khấu. Chỉ một lúc ngắn ngủi, hắn đã phát hiện ra một người đàn bà đẹp khác là tôi. Như con thú rình mồi, hắn bắt đầu quan sát, có lẽ đang đánh giá đối tượng và làm kế hoạch đây! Tôi tảng lờ như chưa từng biết và thấy hắn, thế nào hắn cũng bỏ rơi người đẹp bên cạnh và tới làm quen với tôi. Chẳng sai. Hắn đến trước mặt tôi, rất lịch sự kéo ghế xin phép được ngồi chung bàn. Con mồi đã sập bẫy. Hắn, không phải tôi! Tôi nhẹ nhàng gật đầu không nói một lời nào. Hắn chìa tay ra: – Hình như tôi đã gặp cô ở đâu, tôi tên Hùng, xin lỗi cho biết quý danh. Tôi thầm nhủ:”Lại bài bản cũ rích”, tôi sửa giọng một chút xíu, tông hơi cao cho thêm phần đài các. – Dạ, tôi tên Linda. – Ôi tên đẹp quá, người đẹp đang đợi ai đây? – Không, buồn đi nghe nhạc cho vui vậy thôi. – Thế thì tuyệt, cho phép tôi được làm bạn với cô đêm nay nhá. Hắn nói xong chẳng chờ tôi có đồng ý hay không, vội vã trở lại bàn hắn và dàn xếp với người bạn gái. Hai người giơ chân múa tay một lúc, chắc là cãi vã nhau. Hắn sẽ bỏ rơi bạn hắn, như đã từng bỏ rơi tôi, khi khẩu vị cần thay đổi. Rồi cũng đến lúc hắn đưa tôi về nhà, căn nhà khá đẹp trong khu gia cư sang trọng. Tôi bảo hắn tắt bớt đèn, mắt tôi không chịu được ánh sáng. Hắn làm theo lời tôi, chỉ để một ngọn đèn đêm trong phòng khách. Hắn sẽ luôn nghe lời sai khiến của tôi khi tôi còn là một đối tượng để chinh phục. Tôi biết, và sẽ lợi dụng triệt để. Hắn hỏi: “Có muốn uống một chút rượu không, có chai XO còn nguyên xi”. Tôi gật đầu và bảo hắn pha một chút xíu với Canada dry thôi, tôi không quen uống rượu. Thật ra tôi cũng cần một chút để thêm can đảm hành động. Sau khi đã ngà ngà, việc gì đến đã đến. Hai chúng tôi lăn lộn bên nhau, chìm đắm trong hoan lạc. Công nhận hắn luôn luôn tuyệt nghệ, nghề của chàng mà, hắn biết cách chiều chuộng và làm vừa lòng phụ nữ, biết tiến thoái đúng lúc. Miệng luôn luôn thì thầm những lời yêu đương, dù là giả tạo. Tay vuốt ve nhẹ nhàng trên lưng và những “điểm nhạy cảm” trên người tôi. Một người có tay nghề cao, nếu đánh giá theo nghề nghiệp! Tôi đã quyết định đến với hắn lần cuối, rồi chúng tôi sẽ biến mất trên cõi đời này như hai giọt nước rơi trên chảo nóng, nhưng vẫn không kềm được nỗi hân hoan vỡ bờ. Hắn là thế đó, không có gì thay đổi. Sau cơn giông tố, bầu trời phẳng lặng, hắn nằm lăn ra ngủ. Tôi nhẹ nhàng đi vào phòng tắm, nước ấm làm tôi tỉnh hẳn, sạch sẽ. Ðã đến giờ hành động. Quần áo tươm tất, tôi trang điểm lại đàng hoàng, xức một chút Mademoiselle. Khẩu browning vẫn nằm im trong bóp, đạn sẵn sàng. Mùi nước hoa Chanel làm hắn thức dậy, hắn gọi tên tôi, không phải, tên Linda kèm theo những lời ong bướm ngọt ngào. Vờ đi như không hề nghe, tôi trở lại phòng ngủ, bật đèn lên hết. Hắn ngạc nhiên la to: “Ồ ra là em!”. – Ðúng là em, Liên đây. – Anh thật là khờ, sao không nhận ra em nhỉ. – Anh không khờ đâu, chỉ là nhiều đào quá, bộ nhớ của anh chật cứng rồi. – Sao không nói cho anh biết, mà đóng kịch vậy. Em thật tuyệt vời. Tôi nghĩ bụng, anh mới là kịch sĩ đại tài đó. Vai nào diễn xuất cũng có hồn, làm xiêu lòng người, nhưng anh không còn cơ hội nữa đâu. Vở kịch đã đến hồi kết thúc rồi. Tôi rút vội cây súng ra, chĩa thẳng vào mặt hắn, mở khóa an toàn. Hắn năn nỉ khóc lóc thốt ra những lời ăn năn hối lỗi, rồi xin cho hắn mặc lại quần áo đã. Tôi biết hắn đang tìm kế hoãn binh. “Có gì chúng ta hãy từ từ thương lượng” hắn rên rỉ. Tôi bảo hắn nằm yên đó, câm miệng, chớ nhúc nhích, kẻo tôi sẽ nổ súng. Tôi sợ cái miệng của hắn lắm, đã bao lần làm tôi run rẩy, xiêu lòng. Trong một giây bất ngờ, hắn thật là thông minh, biết rằng nói năng cũng vô ích, hắn vùng lên định cướp cây súng trong tay tôi. Nhưng không kịp nữa rồi, vừa giận, vừa sợ, tôi nhắm mắt bóp cò liên tục, cho đến khi, chỉ còn nghe tiếng “cạch” khô khan, chẳng cần biết là trúng chỗ nào. Ôi, máu, máu, máu đỏ hết cả tấm nệm, văng tung tóe lên người tôi. Thế là xong, tôi đã loại bỏ được mối tình tật nguyền, thật là dễ dàng, thế mà bao nhiêu năm nay tôi cứ phải đeo trên lưng như “Thằng-gù-nhà-thờ-Ðức-Bà”. Tôi nhẹ nhõm reo lên: “Thành công rồi! Thành công rồi bà con ơi!!! Bố ơi, con không còn tật nguyền nữa!!!”. Rồi sao? Tôi được gì? Chẳng có gì cả, tôi ôm mặt khóc nức nở như một người điên. Qua cơn mừng rỡ, tôi bắt đầu hoảng sợ. Chỉ một chút xíu nữa thôi, cảnh sát sẽ đến đầy nhà. Tôi mở cây súng ra, kiểm soát đạn, không còn một viên nào cả. Trong lúc vội vã tôi quên để dành một viên cho tôi. Làm sao đây? Tôi nghe tiếng còi hụ khẩn cấp ngoài đường, trước nhà. Chạy thôi, phải thoát ra khỏi đây, không ai biết tôi đã hiện diện trong căn nhà này và giết hắn. Nhưng chân tôi nhũn ra, không bước nổi một bước, tay cố mở nắm cửa mà không thể xoay được, dù là một chút xíu. Xong đời rồi. Tôi không muốn chôn mình suốt đời trong nhà tù. Chết ngay bây giờ còn hơn. Có tiếng đập cửa rầm rầm, tim tôi muốn nhảy ra ngoài. … Tiếng đập cửa và la hét càng to: – Có ai ở trong này không? Cháy! Cháy! Cháy nhà, di tản gấp. Một tiếng ầm vang lên, cửa chính đã bị phá vỡ, bật tung ra. Một đám lính chữa lửa lôi tôi ra ngoài, tôi tỉnh táo dần. Ngơ ngác. Mắt vẫn còn ướt nhẹp. Ơ hay, tôi vẫn còn đang ở khu chung cư của tôi đâu phải trong nhà của Hùng. Xe chữa lửa đậu đầy sân. Mãi góc đàng xa kia, khói lên nghi ngút. Ðầu óc tôi nặng như chì, nhức như búa bổ. Chẳng bao lâu, ngọn lửa được dập tắt, chúng tôi được phép trở lại nhà. Chỉ là giấc mơ thôi! Mơ thôi! Mơ thôi! Ðúng rồi, quần áo tôi vẫn còn y nguyên từ lúc rời khỏi tiệm ăn Benihana. Chỉ là giấc mơ thôi! Tôi mừng quýnh, không phải chạy trốn nữa. Tôi đã không giết ai. Tôi la to: “Tôi vô tội! Tôi vô tội! Tôi vô tội!” Mấy người hàng xóm hét lên hỏi tôi nói gì thế? Tôi nói với họ “hôm nay Thượng Ðế đã cứu tôi thoát chết”. Tôi phải ăn mừng. Họ lắc đầu cho tôi là điên. Tôi điên thật rồi. Vào nhà, chai XO đã cạn một phần ba, trên bàn còn tờ báo Houston Chronicle với hàng tựa đề thật lớn: “Arizona killer Jodi Arias set to take stand in defense of her life” Phiên tòa xử Jodi đã kéo dài cả mấy tháng nay, khắp nơi trên thế giới đều theo dõi. Trên TV Mỹ, mỗi ngày đều cho trực tiếp truyền hình, như những show ban ngày nhiều tập, hơn cả phiên xử O.J. Simpson trước đây. Ngay tại tòa án, người ta sẵn sàng bỏ ra $200 để được vào ngồi trong một vài chiếc ghế hiếm hoi dành cho công chúng. Nàng Jodi mặt mày ngây thơ đẹp đẽ, nói năng khôn ngoan nhỏ nhẹ. Mới đầu nàng không nhận là mình đã giết anh chàng ex-lover Alexander, nhưng cảnh sát đưa ra nhiều bằng chứng, cô không thể cãi vào đâu được. Jodi đã cải trang, nhuộm tóc , tắt điện thoại cầm tay, mướn xe và lái hơn 1000 miles từ Yreka, Cali đến Mesa, Arizona. Ðến tận nhà của Alexander, hai người đã làm tình suốt đêm, cuối cùng nàng bắn chàng vào đầu, đâm chàng 20 nhát dao, khứa cổ chàng và chạy trốn. Alexander được mô tả cũng là một thứ Casanova. Tôi cố tìm hiểu Jodi, tại sao nàng làm như vậy? Có lẽ ban đầu nàng chỉ muốn cắt bỏ cục bướu trên lưng và muốn chữa khỏi cuộc tình tật nguyền như tôi, nhưng trong cơn điên, nàng đã hành động dã man như người mất trí. Tôi đã nghiền ngẫm trang báo đó mấy ngày hôm nay, cố tìm ra một câu trả lời hoàn hảo, vẫn không thể nào hiểu nổi. Có lần trong cơn đau khổ tuyệt vọng tôi tìm đến một nhà Sư, để giãi bày tâm sự, tôi được khuyên nhủ: “Lòng hận thù, như một cái kim, nằm trong tim ta, nó đâm tim ta nhức nhối, hãy dứt bỏ nó đi, ta sẽ thấy yêu người và nhẹ nhõm”. Tôi đã không làm được. Nếu tôi quyết định trả thù như nàng Jodi, chắc bây giờ cũng rơi vào hoàn cảnh của nàng, cố bào chữa cho người ta hiểu rằng mình vô tội! Người gây cho nàng sự tật nguyền chắc chắn không phải là chính nàng. Còn tôi, may quá mới chỉ là giấc mơ, hay đúng hơn, ác mộng. Tôi đương nhiên là vô tội rồi, lần sau gặp hắn cứ đối đãi hắn như một người đã từng quen biết, không hơn, không kém. Tôi sẽ khôn ngoan hơn để tìm một bờ vai mạnh mẽ, bao dung, trung thực để dựa. Chắc chắn không phải là hắn. Tôi bắt chước nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, đặt một câu thơ tương tự như của Ông: “Khi mê bùn chỉ là bùn, Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen” Còn tôi: “Khi mê thù chỉ là thù, Ngộ rồi mới biết trong thù có ơn” Tôi cám ơn hắn đã làm sáng mắt cho tôi, không cần đeo kiếng!.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Oct/2022 lúc 11:58am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 13/Oct/2022 lúc 9:18am |
Văn ĐỂ QUÊN MỘT NGƯỜI - Nhạc Remember/ Da Shi Dol.../And I Love Her - 6-2016 <<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 13/Oct/2022 lúc 9:23am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 14/Oct/2022 lúc 8:08am |
Kim YêuBạn có đẹp trai? Chắc cũng chỉ như tôi là cùng. Thề có bàn phím tôi đang gõ, không ít người ngợi khen tôi đẹp trai, còn gọi tôi là Vinh hoàng tử nữa đấy. Thực ra, tôi cũng ý thức được mình đâu có đẹp, chỉ bình thường thôi, cỡ điểm 5 là cùng. Thế nhưng ở xóm, ở làng, ở xã mọi người cứ tấm tắc khen tôi đẹp, tôi tuyệt vời. Ban đầu tôi cũng đâu dại mà tin, cũng tức giận khi nghĩ tới đôi chân vòng kiềng, cái mũi hếch và đôi môi cong tớn của mình nhưng thằng Chủ cứ một hai bảo cả xã chẳng có ai chân thẳng như tôi, con Kim còn quả quyết mũi tôi thực ra đâu có hếch, môi tôi đâu có cong, nhìn còn đẹp là đằng khác… Nếu xã mình mà tổ chức thi nam thanh nữ tú, thế nào đằng ấy cũng đoạt giải nhất. Như thế không tin sao được. Tôi rộn ràng niềm tin mình đẹp trai nhất xã từ đó, từ hồi mới 13, 14 tuổi. Thường lệ, tối nào tôi cũng rủ Kim ra đầu làng ngóng trăng. Tôi nghĩ, thế nào lớn lên tôi cũng cưới Kim làm vợ. Một bận, anh họ tôi ở Hải Phòng về quê chơi. Tôi vốn không thích người thành thị, thấy bảo người thành thị sống không tình cảm như người thôn quê nên tôi cũng không thích anh cho lắm. Tối đó, ăn cơm xong, thấy tôi loanh quanh ở nhà, anh hỏi không đi chơi với bạn gái à. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Anh bảo thế thì đi chơi với anh nhé. Ừ thì đi. Ở nhà cũng vậy. Hơn nữa anh ấy là anh con bác, lâu rồi mới về quê. Đến nhà con Kim, thằng Chủ. Đứa nào cũng thẫn người ra nhìn anh ấy, nói chuyện cứ như ngậm hột thị. Bực nhất là con Kim, toàn nhìn trộm anh ấy. Ngồi nói chuyện, chẳng có gì cũng hay đỏ mặt, tay cứ vân vê vạt áo. Bố khỉ. Cứ như lần đầu gặp con trai không bằng. Lúc tiễn anh ấy ra ngõ mắt lại còn lúng liếng, dưới ánh trăng trông càng ghét. Bá vai tôi, Hoạt - anh họ - hỏi: - Vinh thích Kim à? Tôi gắt: - Vớ vẩn. Mới tý tuổi đầu, yêu đương cái gì? Hoạt cười: - Mười tám tuổi sao còn gọi trẻ con. Yêu đi chứ. Đừng để phí tuổi xuân. Tôi ngẩn người: - Ừ nhỉ. Mình đâu còn trẻ con. Giờ chưa yêu? Có muộn lắm chăng? Khuya đó, Hoạt kể những ba mối tình của Hoạt. Nghe hệt truyện đêm khuya đọc trên đài Hà Nội. Trai thành thị có khác. Đến nói chuyện cũng duyên, cũng hơn người khác. Tôi như uống từng lời Hoạt kể. Thấy hay. Thấy lạ. Thấy thích. Tôi bảo Hoạt truyền kinh nghiệm. Hoạt cười: - Thích rồi à? Tôi ngượng: - Ừ. Yêu cũng hay đấy chứ. Đêm đó, Hoạt dạy tôi cách làm quen, tỏ tình. Tôi nhắm mắt. Mơ hôn Kim dưới ánh trăng sóng sánh. Hoạt ở chơi vài ngày, rồi đi. Tôi bớt ác cảm với người thành thị. * * * Kim đến lạ. Sau bận ấy năng ghé nhà tôi hơn. Vẫn bồ lô bồ la như trước. Chỉ khác, nhiều lúc cứ mơ mơ màng màng, lại hay hỏi dò về Hoạt khiến tôi tức chết. Chặp trước, Kim đâu có vậy! Bữa đó, chưa phải trăng ngày rằm nhưng trăng sáng đẹp. Tôi rủ Kim đến nhà Chủ chơi. Thấy tôi có vẻ khác lạ, Kim hỏi: - Vinh hôm nay làm sao thế? Tôi ấp úng: - Đâu có gì. Kim véo tay tôi rõ đau, bảo: - Chối à? Chắc tơ tưởng tới cô nào hả? Chợt nhớ lời Hoạt: - Nếu thích ai thì phải thể hiện ngay cho đối phương biết. Chần chừ, sẽ bị kẻ khác nẫng mất. Tôi hít thật sâu, dứt khoát: - Kim à, còn nhớ truyện Matcơva tình yêu của tôi không? Kim tròn mắt: - Matcơva tình yêu nào? Tôi vội vã: - Tình cảm của Vinh giống chàng họa sỹ người Nhật với cô gái người Nga... Sờ trán tôi, Kim lẩm bẩm: - Vinh đâu có bị sốt. Nhớ lời dặn của Hoạt, tôi thiểu não: - Kim nhìn vào mắt Vinh đi. Chưa kịp thể hiện ánh mắt đắm đuối, dài dại như cách làm của Hoạt, tôi đã bị Kim tát cho nảy đom đóm mắt. * * * Bữa khác, vẫn chưa phải trăng ngày rằm. Nhưng trăng cũng đẹp tựa trăng bữa trước. Tôi lại rủ Kim ra đầu làng hóng trăng. Kim vẫn vậy. Vẫn cười. Vẫn nói. Nhưng sao mà buồn, mà ngơ ngác đến vậy, hở Kim? Cả tối, tôi nhìn trăng uể oải rắc sáng. Cả tối, tôi im lặng bên Kim. * * * Bận nữa, Hoạt lại về thăm quê. Lại rủ tôi lang thang ngõ xóm. Lại kể tiếp chuyện tình của Hoạt. Giọng vẫn hay, điệu vẫn đẹp, sao tôi thấy vô duyên, khó chịu. Chợt nhớ tới Kim, tôi bảo: - Kim thích Hoạt thì phải. Hình như Kim có chuyện, buồn, buồn lắm. Hoạt cau mày: - Dớ dẩn. Rồi vùng dậy đốt thuốc. Rồi ngồi nói những chuyện chẳng đâu vào đâu, nghe tào lao, lạ hoắc. Tôi quát: - Ngủ đi. Tôi không nghe. Tôi không hiểu. Tôi chỉ thấy thương Kim rõ khổ. Hoạt bối rối, thở dài: - Nhóc chỉ to thân xác. Sớm sau, Hoạt vội về thành phố. Tôi nhớn nhác tìm Kim. Mãi tối khuya Kim ở đâu mới về. Vẫn là Kim ngồi đó, sao so gầy, thảm thương đến vậy. Tôi lập cập hỏi chuyện. Tôi luýnh quýnh lo lắng. Vậy mà Kim cười buồn: Vinh đừng tốt với Kim như thế. Rồi ho khan. Rồi bảo tôi về. Ơ hay. Người ta lo mới vậy. Sao lại bảo về? Đã thế thì về. Khỏi phải lo. Khỏi phải rầu rĩ. Lủi thủi ra ngõ. Lầm lũi về nhà. Ngước nhìn trăng. Trăng cữ rằm mà sao héo úa. * * * Tối sau nữa, cỡ gần tuần trăng. Tôi nhận được lá thư của Kim. Thư không dài, chỉ ngắn gọn: - “Vinh ơi. Kim phải xa Vinh. Kim không xứng với tình yêu của chàng Hoàng Tử. Kim phải tìm kẻ quất ngựa truy phong. Hắn là ai? Thế nào? Kim không còn quan tâm! Nhưng con của Kim vẫn cần có bố.” Nhìn bàn tay, tôi chợt nhớ, bận đó, đến hai ngày Hoạt về ngủ quá khuya. Lại trăng. Trăng qua rằm. Sáng vằng vặc. ĐẶNG XUÂN XUYẾN Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Oct/2022 lúc 3:38pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 17/Oct/2022 lúc 3:49am |
Tôi Đâu Ế Chồng!Tôi tên
Chi, Trần Thị Chi. Nếu ai đọc “Chí Phèo” của Nam Cao ngày xưa, họ sẽ liếc vô
tui, nói nhỏ với nhau:
– Xấu hơn Thị Nở! Nhưng bây giờ trên đất Mỹ, hiếm người biết về “Thị Nở” nên tôi chỉ nghe xầm xì ở các chợ VN: – Nó làm cho mấy cô xấu bỗng đẹp ra. – Vậy thì vợ tao quá đẹp. Tôi tự biết, mình là người con gái xấu, răng hô, mắt hí. Nhưng khi lớn lên trổ mã, tôi cũng biết rằng, mình có bộ ngực đẹp, đốm son trên núm, mông tròn, người cân đối. Ðúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc, như tôi đã đọc ở quyển sách tử vi, năm 12 tuổi. Vậy là tôi không quan tâm sự xấu của mình mà chỉ thấp thỏm chờ “Ðúng là quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc”. Tôi định cư với gia đình ở Boston năm 14 tuổi. Tuổi lỡ cỡ, muốn kiếm tiền nên tôi chỉ học xong trung học và tìm việc làm. – Chi, dọn bàn 12, rảnh thì rửa giùm đống chén! Tôi làm cho tiệm phở VN, bồi bàn kiêm rửa chén khi ế khách, bà chủ keo kiệt chỉ trả lương bồi bàn, được 6 tháng, tiệm bị đóng cửa vì phạm vệ sinh, tôi nhảy qua nhà hàng Tàu. – Hầy, nị làm pể chén nhiều quá! Pửa nay lau nhà bù lại. – Rảnh thì cắt hành giùm ngộ! Tối ngộ chở dzề. – Không rảnh! – Lấy đồ ăn, khỏi nấu. – Không thích đồ Tàu.
Hai tháng sau. – Cho nị hộp bánh trung thu của Trung Quốc. – Không ăn bánh Tàu. Thằng chủ Tàu Trung Quốc răng hô hơn tôi, nói chuyện nước miếng văng phèo phèo. Bữa kia nhà hàng đóng cửa sớm, ăn Tết Trung Thu, ai cũng uống rượu, tôi làm chai bia, hừng hừng. Mọi người lãnh lương ra về, nhà hàng vắng tanh, tôi đợi chủ trả tiền. Nó từ phòng rửa mặt, bước ra: – Hầy, nị có cái mông ngon quá. Cho ngộ mần một phát! Tôi hỏi: – Mần cái gì? Thằng Tàu già hẩy hẩy, tôi giận, táng một cái hết ga. – Ái da, xẩy ngộ dồi! Xẩy là đúng! Tướng chả như con heo mọi, nên chả ở lại còn hàm răng bay mất. Xong. Cha chủ vô bệnh viện, tôi ra khỏi tiệm. Lúc đó tự dưng tôi thấy buồn.
Mấy năm cuối trung học ai cũng có bạn, có bồ, tôi thì tới 19 tuổi vẫn chưa có người con trai nào chào “Hello”. Vậy là con Chi này nổi chứng, tình nguyện đi lính 3 năm vì nghĩ rằng đi lính là “gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân” (hồi đó mẹ tôi hay đọc câu này) sẽ gặp nhiều đàn ông, làm giảm bớt tỉ lệ ế chồng. Tôi vô đơn vị Ranger, làm việc cho toán Cấp cứu Tác chiến, có nghĩa là tôi tác chiến và làm các công việc cấp cứu tạm cho quân nhân bị thương tại chiến trường trong lúc đợi trực thăng tải thương. 8 tháng sau, tôi được chuyển tới Afghanistan. Ban đầu tôi chỉ làm việc như một y tá hạng nhẹ tại căn cứ Pratt, ở thị trấn Baghlan thuộc vùng quân sự phía Bắc Afghanistan. – Hey, Chin (tên riêng của tôi trong quân đội) bạn được nhập vô toán Ranger tối nay, chuẩn bị mọi thứ. – Ok! Vậy là tôi tham dự vô chuyện tác chiến thật sự, tôi có dịp đụng thẳng, bắn thẳng tụi khủng bố. Ha, đó là điều tôi mong muốn. Vùng núi đá, bắc Mazar-e-Sharif, 7 giờ tối lạnh ngắt với những hang động, nhóm Taliban của Mazuk cà thọt trùm khăn ngồi im trong động đá, dưới đám râu tóc lờm xờm đám tròng mắt đỏ ngầu như những con sơn cẩu rình mồi. – Mẹ, tụi nó đang hớn hở nướng gà tây cho lễ Phục Sinh sắp tới. Mazuk văng câu chửi thề. Trung đội Ranger áp sát mục tiêu. Ðại úy “Clark già”, trung đội trưởng: -Tụi chuột Taliban hay chơi mìn cóc cá nhân, nhào ra đánh phủ đầu với B40, rút lẹ vô hang đá độn thổ. Tụi bây dàn 2 hàng ngang, buộc dây vô giày, thằng sau nắm dây thằng trước, bò chậm, lấy dao rà mìn, nếu gặp, tránh qua, áp sát vách đá, tao đi đầu, mình sẽ làm BBQ bọn rệp tối nay. Ok? Ông gọi căn cứ: – Mẹ, tối quá, đèn! Mấy phút sau, hỏa châu nổ đều, khu tác chiến sáng trưng, trung đội Ranger tiến tới, “Clark già” nằm xuống lấy dao rà mìn, tôi bò phía sau. 5 phút đèn tắt, đúng lúc trung đội chạm hang núi. – Tụi con xơi bãi mìn.
Khẩu M60 chơi những tràng đạn tung bãi mìn, và bọn chuột nhào ra bắn xối xả… Cái bẫy của trung đội Ranger sập xuống. “Clark già” la: – Ðốt đèn! Những cây soi sáng được ném vô lòng hang, tụi Taliban lố nhố phía xa. Bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn đổ hết vô hang đá cùng một lúc. Tiếng M-16, AK-47, M60, B40, cộng với tiếng Ả Rập la hét như ngày tận thế. Bỗng, yên lặng! Chưa tới 10 giây, “Clark già” nhìn thấy sự việc: – Rút ra khỏi hang, mở đường chạy. Ông phóng nhanh tới cửa hang, đúng lúc mấy trái B40 nổ. – Ầm! Ầm! Ầm! Những người lính Ranger can trường bật ngã. Bọn Taliban túa ra như bầy chuột núi từ một hang đá bên trái, tấn công mạnh, bọn trong hang cũng quay ra tấn công sau lưng, trung đội nằm giữa 2 mặt đối địch, tụi nó chơi 2 gọng kềm hốt sổ trung đội Ranger. “Clark già”: – Rút hết ra ngoài tựa lưng vách núi, đánh thẳng, mở đường máu, liên lạc! Trái B-40 nổ, người lính liên lạc vừa gục xuống, tôi chạy tới, chụp lấy máy. “Clark già” hét lên: – Chin, Chin! gọi ngay pháo cối! Trực thăng tải thương. Tôi lúng túng với máy liên lạc siêu tầng trên lưng người liên lạc. – Clark, mật hiệu? – “Chuột chiên”. Chừng 2 phút, 2 phát cối nổ tung trên vách núi. Tôi la: – Clark! Dạt ra 2 bên, cối sẽ làm cỏ, trực thăng tải thương tới ngay. Tôi bỏ máy, nâng đầu người lính truyền tin, mặt đầy máu, mắt dại lại, thở từng đọan ngắn, anh ưỡn ngực, la lên: – Cứu!… Giật mạnh, đầu quẹo qua, ngất đi. Tôi đâm liền 2 mũi cấp cứu ngay cổ, siết chặt băng cầm máu trên đầu và mặt, người lính liên lạc co giật, há to miệng, triệu chứng của hụt hơi, sắp bất tỉnh hoặc sắp đi luôn. Như một cái máy, tôi tống thêm mũi cấp cứu, áp môi vô miệng anh, tiếp hơi. Người lính bắt đầu thở mạnh, đã hết co giật, đôi môi ấm lại dưới môi tôi. Trực thăng tải thương tới. “Clark già”: – Chin! Cô đưa anh ta đi luôn, xong tuồng, rảnh rồi. Cuối tháng. Clark già gọi vô phòng: – Chin, tháng này bị tụi nó phục kích, chơi màn độn thổ nhiều, bị thương khá đông, cô được chuyển qua bệnh viện dã chiến ở thành phố Mazar-e-Sharif. Ông đẩy tờ giấy trên bàn: – Công lệnh đây! Rất cám ơn một chiến sĩ xuất sắc như cô. 3 ngày sau, tôi nhận nhiệm vụ tại phòng chỉnh hình, nơi theo dõi và tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân bị thương tứ chi, và các bộ phận bên ngoài, như mắt, tai mũi họng, hàm, mặt. Tôi coi một phòng có 4 thương binh. Kent, TQLC, bay xương quai hàm, đã được nối bằng hàm của lính tử trận, đang bình phục. Roberto, Ranger, mất một chân, đang bình phục. Mandes, chuyên viên chất nổ, mìn bẫy, mất 2 cánh tay, tới cùi chỏ, mới tới dưỡng thương tuần trước. James, da đen, trung sĩ Ranger, bị chấn thương mắt, đang điều trị. Việc của tôi là phát thuốc, cho uống thuốc, theo dõi tình trạng vết thương, ghi chú và gởi phúc trình cho bác sĩ. Tôi dành thêm thì giờ để thăm hỏi, nói chuyện với các thương binh. Kent: – Tôi gọi cô là…? – Chin. – Rin? Giọng anh ngọng, vì quai hàm chưa lành hẳn. – Hôi có hể nói hình hường? (Tôi có thể nói bình thường) – Chắc chắn! Anh có thể hát và thành ca sĩ luôn, nếu muốn, nhưng không phải bây giờ. – Hao hâu nữa? (Bao lâu nữa) – Sắp rồi! 3 tháng nữa thôi. – Hâu hóa! (Lâu quá). Tôi cười: – Thì tập hát bây giờ, khi chờ đợi. – Ừa! Kent uống thuốc, bắt đầu hát i ỉ bài “Take me home country road”. Tôi vỗ tay: – Không kém John Denver! Bước tới Roberto. – Hi! Roberto, anh uống thuốc giùm. Tôi đưa thuốc. Roberto cúi đầu, im lặng. Tôi hỏi: – Có chuyện gì vậy? – Cô nghĩ tôi sẽ làm gì khi về nhà dự sinh nhật cô bạn gái? – Thì tặng quà và hôn cô ta. – …! – Mời đi ăn! Mời vô bar… Roberto mở to mắt nhìn tôi: – Mẹ, rồi nó sẽ mời bạn say sưa, nhảy đầm. Tôi nhún vai: – Tất nhiên, vui mà! – Nhưng… Robert đứng phắt dậy với cái chân còn lại, la lên: – Tôi sẽ ôm cô ta nhảy với cái chân lủng lẳng này? Hả, mọi người? Anh ôm lấy tôi, khóc. – Không sao, rồi anh sẽ có loại chân giả loại mới, chơi thể thao, chạy và nhảy đầm dễ dàng. Hết khóc. – Chắc không cô? – Bao nhiêu người đã xài rồi. Anh sẽ có trong vài ngày tới. Tôi quay qua: – Chào Mandes. – Chào. Anh chống 2 tay chỉ còn tới cùi chỏ: – Cô sẽ nói: Anh sẽ có đôi tay điều khiển bằng hệ thống điện tử… Tôi cười: – Giống như hôm qua… – … Có thể đi tự làm vệ sinh, nấu ăn… Tôi tiếp: – Hút bụi, lau nhà như người bình thường. Mandes tần ngần: – Những chuyện đó vợ tôi làm hết rồi… Tôi muốn hỏi về chuyện khác. – Chuyện gì? Nhảy đầm như Roberto, hoặc bắn súng? – Không. Mandes, nhỏ giọng: – Có còn ôm vợ, vuốt ve rờ rẫm tình tứ được như xưa? Máu con gái bùng lên nóng đầu, đỏ mặt, tôi nhớ những đoạn phim sex đã lén lút coi: – Tôi không biết chuyện này … nhưng chắc làm được, nếu anh cố gắng. Tôi quay đi, tránh đôi mắt đam mê của Mandes. Cuối phòng là giường của James, người lính liên lạc, trúng B-40, chấn động thị giác, đã giải phẫu, đang bình phục. – Hi, James. – Chào cô gái xinh đẹp Chin! – Chào anh! Anh đã thấy được tôi xinh đẹp à? – Không! Còn tối thui, nhưng tôi biết cô Chin xinh đẹp. Chin ngồi xuống bên giường. James ngồi dậy: – Chin! Tôi có thể hỏi. – Ừ! – Giọng nói của Chin có âm hưởng của Châu Á. Cô từ đâu: Phi, Nhật, Ðại Hàn, Tàu? – Việt Nam. James sờ soạng, nắm lấy tay tôi, người lính Mỹ da đen, đen hơn những người da đen khác bật cười: – Ha ha ha, Chúa ơi! Tôi lai Việt Nam. Chào Kô Chìn. Ha, chào Kô. James tuôn một tràng. – Pa tui là thiu úy, sĩ kwan trong 3.500 TQLC đổ bộ vô bãi Shu Lai (Chu Lai) năm 1965, đóng tại Ðà Nẵng… Tôi nhìn người Mỹ đen, không một vết tích gì của Việt Nam trên khuôn mặt đang vui vẻ kể lể của anh ta. – …Pa tui cỡi má tôi tại Ðà Nẵng, cùng về Mỹ năm 1972, ở Boston, sinh tôi năm 1998, tôi là con út trong 3 người. Tôi nói tiếng Việt: – Rất vui khi biết anh là VN. – Ðà Nẵng, miền Nam. Tôi đứng dậy, lòng nao nao khi quen James.
Mỗi cuối tuần, bệnh viện thường dọn bữa ăn sáng “tươi” cho các thương binh. Sau khi giúp những người khác, tôi trở lại, lấy phần ăn cho tôi và James. Dắt anh ra ngoài thềm. Nắng ấm, trời xanh, không gợn mây. – Tôi đã thấy màu trắng hồng của ánh sáng. James khoe. Tôi đẩy ly cà phê sữa qua bên phải, để khay đồ ăn xuống bàn, lấy miếng thịt ham nướng, đưa cho anh ta. – Trước mặt anh là ớt ngâm chua, xà lách. – Cám ơn Chin. Hai người ăn buổi sáng ngon như ở nhà. -Sau khi pa tôi qua đời, mẹ tôi vô nhà già, tôi về pên ông nội ở Washington, học hành, lớn lên, đi lính ở đó sau khi xong đại học kiến chúc. Lúc này, James đã nói tiếng Việt rất nhiều. Tôi ngồi nhìn anh. – Cô Chin nói về mình đi, tôi muốn biết. – Chin! – Tôi sợ làm anh không vui và mất đi buổi sáng thật đẹp … James nắm tay tôi, tự nhiên tôi run, cố nói: – Tôi sinh ra nơi ba anh đổ bộ, nhưng tuốt dưới một làng nhỏ nghèo xơ xác ven biển Chu Lai. “… Nắng thiêu đốt, làm cong đám lá rong lớn phơi trên bờ cát, chị Hậu, hốt từng bó dồn vô chiếc bao tải, chị mệt mỏi đứng dậy. Nắng bỗng lung linh như ngàn vì sao, chị Hậu ngước mặt, há miệng hớp liên tục, trời tối một màu tím, ngả sang đen… Tiếng khóc la của con Chi giữa trưa nắng, khiến mấy người hàng xóm chạy ra bãi…”. – Mẹ tôi qua đời vì kiệt sức, ba tôi cõng tôi theo ghe biển vượt biên. James thở dài: – Lại một thảm cảnh. – Vậy là anh mất đi buổi sáng đẹp. – Nhưng tôi lại có những phút yên lành với Chin. Tháng sau. Tôi nói: – Bác sĩ cho biết sẽ mở băng mắt anh tối mai. – Buổi tối? James hỏi. – Ánh sáng bớt gắt, đỡ làm mắt anh dị ứng. – Cô Chin sẽ ở đây với tôi? – Tôi sẽ. – Tôi muốn nhìn thấy ánh sáng và Chin cùng một lúc. Chin thấy điều gì đó nhói lên trong lòng. “Nếu chẳng may James nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của mình”, “Nếu chẳng may James không thích mình” – Ok, James. Chin nói thật nhỏ, lẳng lặng ra khỏi phòng.
“Ckark già” đến thăm James từ buổi chiều. – Hello con trai! James nắm tay Clark, người chỉ huy chịu chơi. – Rồi mầy lại thấy cái bản mặt chán ngắt của tao như mọi khi. – Ðó là điều may mắn của con, tạ ơn Chúa. – Và tạ ơn người đã cứu mầy, con trai. Clark cúi xuống nói nhỏ với James điều gì đó. Bác sĩ và cô y tá tới. – Hello bạn James! Chỉ vài giây ngắn ngủi nữa bạn sẽ nhìn thấy căn phòng dưỡng bệnh, nơi bạn vượt qua cơn thương tật, buổi chiều vàng rực ngoài cửa sổ và cuộc sống quen thuộc của các đồng đội trại Ranger… Cô y tá mở từng lớp băng trên mặt James… Mọi người chung quanh chờ đợi “Clark già” chép miệng: – Mẹ, hồi hộp như gỡ mìn. Chỉ còn một vòng băng, James đưa tay, anh sụt sùi: – Khoan! Tôi mong muốn được thấy người đồng đội đã cứu tôi, người đã mang lại cho tôi hy vọng và can đảm trong những ngày bệnh hoạn… Anh yên lặng, cúi mặt. – Clark! Tôi mong muốn được thấy Chin ngay phút đầu tiên tôi mở mắt. Anh bác sĩ định gọi phone. – Tôi đây. Chin từ cửa bước vô. Cô y tá tháo vòng băng cuối cùng. James chớp chớp đôi mắt, anh ngước mặt, đưa 2 tay lên theo truyền thống của Ranger: – Huraaahhhh! Anh nhìn mọi người. Một giây yên lặng… James bước tới, anh quỳ xuống trước Chin, tay cầm cuộn băng vừa gỡ. – Em có chịu lấy anh hông? Chin cầm tay James, bật khóc. Như vậy là tôi đâu có ế chồng! Chin cười. Còn quý tướng, có chồng giàu sang, hưởng đời sung túc… Ðợi coi!
Hồ Đắc Vũ Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 17/Oct/2022 lúc 3:51am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 18/Oct/2022 lúc 9:24am |
Con đenTôi nhìn sững vào con bé đen (nên gọi là
con bé hay là cô bé đây). Nó đang đứng nói chuyện với một người đàn ông
Mỹ lớn tuổi, cũng đen như nó, ở trước cửa phòng ra vào khu tập thể dục.
Con bé chừng mười bảy, mười tám tuổi là cùng, nước da đen cáy trông như
một pho tượng đồng đen. Thân hình bó sát trong bộ đồ tập thể dục, khoe
ra cặp đùi thuôn dài, khoẻ mạnh. Bờ ngực tròn, vun cao, hơi lấp ló ra
ngoài chiếc áo che ngực ngắn. Mà tại sao tôi chú ý sững sờ đến con bé
nầy vậy cà. Không biết nó là Mỹ đen thiệt, hay đen lai Mễ, Ấn Độ, Phi
Luật Tân, hay Việt Nam cũng không chừng. Nhìn nó đang líu lo nói chuyện
với người đàn ông Mỹ, tôi không phân biệt được người đàn ông là gì của
nó. Nhưng nhìn nhân dáng nó là tôi thoáng hiện trong ý nghĩ, nó có nét Á
Đông phản phất trong nụ cười. Mà Á Đông là quê tôi, Việt Nam là quê tôi
mà. Phòng tập thể dục lúc nầy rất khá, có trang bị TV, để người tập vừa xem TV (hay nghe nhạc) cho cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn, vừa tập. Đó là vấn đề tâm lý. Tôi mãi miết nhìn lên màn ảnh xem ông Tổng Thống Bush đang tuyên bố gì về chiến tranh chống khủng bố. Tin nầy giật gân đây. Nước Mỹ đang bình yên bỗng dưng sôi sục. Dân chúng hoang mang vì bọn khủng bố cướp máy bay đâm vào hai khu thương mại to nhất nước Mỹ. Chưa hết, nay Mỹ còn đem quân đánh sang sào huyệt bọn chúng. Dĩ nhiên là khi đã đưa bọn khủng bố vào chân tường, bọn nó sẽ đi ngược lại. Không biết màn thứ hai của bọn nầy là gì đây. Khi tôi rời máy truyền hình ngó qua bên phải thì thấy con đen cũng đang chạy trên máy gần tôi. Nhìn kỹ, tôi thấy nó đen mà hấp dẫn dễ sợ. Hai gò ngực vun cao, nhô lên như muốn thoát ra khỏi vòng nịt… Gò ngực nầy là nguyên si con gái đây, không bơm, độn, chưa chửa đẻ. Và cái eo nhỏ của nó thật hết sẫy. Cái eo rất thon. Tôi nhìn rõ hết vì nó mặc chiếc áo ngắn củn, để lòi cả lỗ rún ra. Trên lỗ rún, con bé còn đeo tòn teng một cái vòng. Đây chắc là mốt thời thượng của tuổi trẻ bây giờ. Ở đâu cũng đeo khoen được hết. Lổ mủi, bên mắt, lỗ rún, kể cả dưới lưỡi cũng đeo khoen, kể cả chỗ kín nhất có đứa cũng có hột. Thật tôi không hiểu nổi bọn nhóc muốn gì. Với con bé đen nầy, tôi chỉ thấy được cái khoen ở chỗ lỗ rún thôi, chứ mấy chỗ kia làm sao thấy được. Tôi vừa chạy vừa nhìn nó, nó cũng xoay lại nhìn tôi cười hồn nhiên. – Hi – Hi – Xin lỗi, cô là người Mễ. Tôi hỏi cho có chuyện Con bé cười lắc đầu: – Mỹ lai Việt. – Ô Tôi la lên, vì tôi đoán trúng, tôi mừng thiệt tình vì tôi gặp một đồng hương đen. Dĩ nhiên, ở xứ nầy gặp các em đen là chuyện thường tình. Đây là quê hương chính của họ mà. Nhưng con bé nầy lai Việt Nam nên cùng gốc gát với tôi. Dù dưới dạng nào đi nữa. Con bé cũng có chút máu của tôi trong đó. Máu của ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Dù trải qua mấy ngàn năm rồi, mà lại lai nữa, nên giòng máu nầy chắc cũng lạc nhách rồi. – Mẹ you là người Việt? – Ờ hớ. – You có biết Việt Nam là xứ nào không? Bỗng nhiên con bé trổ tiếng Việt ngon lành: – Chú tưởng cháu không nói được tiếng Việt hả, cháu sinh tại Mỹ nhưng mẹ cháu đã dạy cháu tiếng Việt từ nhỏ, cháu nói còn hay hơn chú nữa đó. Tôi ngẫn ra. Thế là tôi bị hố, cứ nghĩ người Việt nào qua Mỹ cũng thích nói tiếng Mỹ, để chứng tỏ mình qua Mỹ lâu, quên hết tiếng Việt cũng là điều hãnh diện. Không như tôi. Đã bảy năm ở xứ sở nầy mà gặp người Mỹ nào là nói như muốn bạnh quai hàm, vừa nói vừa lấy tay làm dấu. – Thế mẹ cháu sang đây năm mấy? – Thưa chú, hình như năm bảy lăm. Con bé ngoan, mẹ nó biết dạy nó lễ phép. – Mẹ cháu nói hồi đó, mẹ cháu hoảng quá, từ miền Trung di tản vô Sài Gòn, một thân một mình cô quạnh. Thấy người ta chạy thì cũng chạy. Chạy xuống bến Bạch Đằng thấy tàu nào cũng leo lên. May mà đi đươc. – Mẹ cháu đi một mình qua đây? – Một mình chứ mấy mình, qua đây mấy năm mới gặp ba cháu, ba cháu cũng đi tập ở đây. Ông đang đạp xe trên máy đàng kia kìa. Tôi nhìn theo hướng tay nó chỉ và thấy người Mỹ đen khi nãy. – Ở Việt Nam mẹ cháu ở tỉnh nào, biết không? – Quận Lý tín, Tỉnh Quảng Tín, thường gọi là Chu Lai đó. Tôi giật thốt người lên. Chu Lai là nơi tôi đã gắn bó từ thời chiến tranh, tôi đã đi dạy học ở đó, quen biết khắp cả vùng Lý Tín. Tôi đáp vội vàng như được gặp một người dân… Chu Lai. – Thì chú cũng là dân Chu Lai đây nầy. Con bé trố mắt nhìn tôi: – Chú biết An Tân không? cháu đã về thăm Việt Nam năm ngoái, cháu về An Tân ở cả tháng, mẹ cháu dẫn cháu đi chơi cùng hết. Qua đây cháu nhớ bên đó lắm. Mẹ cháu tên gì? – Như Thi Tôi hoảng hốt một lần nữa: – A, cháu là con của Như Thi hả. Chú biết mẹ cháu mà. Thất lạc nhau cũng hơn ba mươi mấy năm rồi. Tôi mừng nên nói mò, nhưng mà Như Thi thì ở An Tân ai mà không biết, chắc không có sự trùng tên đâu. Tôi nghĩ thế. *** An Tân là vùng đất cuối của quận Lý Tín, giáp ranh với Quảng Ngãi. Ngày Mỹ qua, đóng ở căn cứ Chu Lai, An Tân cũng đươc đồng hoá, gọi là Chu Lai, cùng nghĩa với một nơi ăn chơi của lính Mỹ. Ở đâu có lính Mỹ là ở đó có “gái”. Gái từ vùng quê lên, gái từ Đà Nẵng vào, gái từ Sài Gòn ra, tấp nập, ồn ào, son phấn. Những snack bar mọc lên như nấm trên các nhà dọc theo quốc lộ một ở An Tân. Rồi qua khỏi cầu ông Bộ, nơi trên đồi cao, có một đơn vị lính Mỹ đóng trên đó, gái cũng theo ra lập những cái chòi dã chiến để “tiếp khách”. Những chàng GI xa xứ, mỗi lần từ trên núi xuống thì tấp vào đây du hí. Thôi thì ô kê salem loạn xà ngầu. Nơi nầy gọi là Quán Bà Miết. Không biết cái bà Miết nào đó, đầu tiên đến đây lập quán, nuôi em út, tiếp khứa Mỹ, mà tên gọi trở thành một địa danh của giới ăn chơi. Địa danh nầy được làm bạn đồng hành với khu Khâm Thiên Hà Nội ngày trước, hay khu Ngã ba chú Ía ở Sài Gòn, nhưng mà cũng có cái khác nhau, khu Ngã Năm chuồng chó, Ngã ba Chú Ía tiếp khách Việt, còn quán bà Miết thì chuyên tiếp toàn khứa Mỹ. Một buổi chiều trời mưa tầm tả. Sau giờ dạy học, tôi chạy xe gắn máy từ trường trung học Lý Tín về Tam Kỳ. Mưa loang loáng nước và gió tạt mạnh, tôi thu người trong chiếc áo đi mưa, cố tránh những giòng nước chảy tràn vào thân thể. Qua khỏi cầu ông Bộ một đoạn là gần tới quán bà Miết, khu nầy bắt đầu lên đèn. Những ngọn đèn được thắp bằng pin của máy PRC25 của lính Mỹ cho, cũng đủ sáng một dãy hàng quán dài chừng nửa cây số. Nhà nào cũng nuôi em út nên hể người lính Mỹ nào xuống đây ăn chơi đều bị xin pin máy PCR25. Nhờ vậy, khu hàng quán tuy không có điện nhưng đèn đuốc cũng sáng choang. Trời mưa chạy xe đàng xa, nhìn tới quán bà Miết tôi thấy lấp lánh sáng như một dãy sao. Một chiếc xe jeep nhà binh chạy vụt qua chỗ tôi. Trên xe, phía trước, một chàng lính Mỹ lái xe mặt đỏ gay, ngồi bên là một chàng lính Mỹ khác và một cô gái. Tôi cứ tưởng hai người đang âu yếm nhau, nhưng sao ô kìa, không phải, hai người đang dằng co nhau. Bỗng người lính Mỹ lái xe dừng xe lại, đột ngột, người lính Mỳ ngồi với người con gái, đứng lên đẩy người con gái xuống xe, cái đẩy khá mạnh khiến cô gái chúi nhũi xuống mặt đường, nằm bò lê trên đường, miệng cô tuôn ra một tràn chữi thề, đ.m. Trời vẫn mưa dầm dề, tôi chạy xe qua cô gái, cô gái thôi chữi nhưng miệng tru tréo: – Đồ chơi chạy, đồ đ. chạy, đ. mẹ nó chứ, hu hu! Tôi chạy xe qua, cô gái ngoắc tay lia lịa, tôi biết từ đây ra tới quán bà Miết cũng khá xa, đi bộ cũng mất nửa tiếng đồng hồ, tôi đâm lòng trắc ẩn, nên dừng xe: – Có chuyện gì, trời mưa trời gió thế nầy mà bị bỏ giữa đường ướt nhem hết vậy? Cô gái lại chữi một tràn dài nữa: – Đ. me mấy thằng Mỹ chạy làng. Trời mưa thế nầy mà bà chủ còn bắt tiếp khách. Tụi Mỹ bảo lên đồn với nó, chơi xong nó trả tiền, nào ngờ, hai thằng chơi xong chở xuống đây rồi bỏ chạy luôn, không trả đồng xu nào. Tôi nhìn cô gái, son phấn dày dạng đã che lấp đi trong cô sự hồn nhiên, chứ thật ra, cô còn trẻ lắm, khoảng mười tám mười chín, giọng nói, chính là giọng nói con gái Lý Tín, vì những học trò tôi cũng nói giọng nói ấy. Tôi thấy thương cảm bèn lên tiếng: – Thôi đừng khóc nữa, lên xe tôi chở về, chứ không mưa ướt hết. – Anh cho em về quán bà Miết. Cô gái lên ngồi phía sau tôi và nói vậy. Tôi rồ ga, xe vọt đi, mưa càng lúc càng nặng hạt. tôi quay lại hỏi chuyện (cho có hỏi): – Cô làm gì ở đây? Cô gái trả lời không ngượng ngùng: – Anh biết rồi mà cố hỏi, làm gái chứ làm gì, ở khu nầy thì chỉ làm gái cho Mỹ thôi. Tôi buôc miệng nói một câu lạc nhách: – Sao không kiếm nghề khác? – Vùng nầy toàn cát và dương liễu có nghề gì mà làm đâu. Xin đi làm sở Mỹ ở Chu Lai rồi tụi Mỹ cũng tìm cách chơi, thôi làm gái cho xong. Cô gái trả lời gọn bâng, tỉnh bơ, như đang nói một chuyện làm ăn bình thường nào đó, khiến tôi không còn mở miệng để khuyên răn hoặc an ủi câu nào nữa, tôi hỏi tiếp: – “Làm” ở đây có khá không? – Thì anh thấy đó, gặp thằng Mỹ tốt thì nó ăn bánh trả tiền đàng hoàng, còn không thì nó đ. chạy.’’ Tôi nghe lạnh xương sống. Xã hội đã đưa cô gái vào đường tội lỗi và ăn nói trây trúa quá, không ngượng miệng. Trong lớp học, tôi đã dạy các học trò những điều đạo đức, như hãy làm ăn lương thiện, mà ngoài đời, sát nách cuộc sống chứ có đâu xa, những cảnh tượng mời chào, đón khách của gái diễn ra nhan nhãn khắp vùng Chu Lai nầy, tôi còn có thể đứng trên bục giảng để nói những điều sách vở nữa không? Nhưng tôi cũng chống chế: – Đừng nói vậy, cô biết tôi là thầy giáo dạy ở trường trung học Lý Tín không? Giọng cô gái phía sau: – Em biết chớ sao không, cái quận lỵ nhỏ xíu nầy chuyện gì mà không biết. Anh mới đổi về dạy đây mà ai cũng đồn rân. – Họ đồn gì? – Đồn anh yêu cô giáo Uyên. – Ai nói vậy? – Thì học trò anh nói chứ ai. – Tụi nó đồn bậy đó, đó chỉ là tình đồng nghiệp thôi. Tôi không muốn giải thích với cô gái nầy, có ich gì đâu, những lời đồn vẫn thường có giữa học trò với thầy giáo hay giữa các thầy cô giáo. Chuyện đó cải chính làm gì cho mệt. Khi đến quán bà Miết, tôi dừng xe, cô gái xuống. Trước khi đi, tôi hỏi: – Cô tên gì? – Thi, Như Thi. – Tên nghe đẹp ghê, thôi cô vào nhà đi kẻo ướt hết, hẹn có dịp gặp lại. Một lần khác, mà lần nầy là lần quyết định. Tôi cũng đi dạy về, chạy xe ngang qua chỗ “làm ăn” của Như Thi ở quán bà Miết, cô thấy tôi chạy xe qua, từ trong nhà, cô chạy ra đường ngoắc tay lia lia: – Anh Khôi, anh Khôi, dừng xe lại em nói cái nầy. Tôi phải dừng xe lại, cô đến cầm ghi đông xe rồi kéo tôi vào quán: – Vào đây chơi mà, lâu quá mới gặp anh, em nhớ anh muốn chết… Tôi biết cô gái nói chơi thôi, nhưng điệu bộ của cô làm tôi cảm động. – Anh ngồi xuống đây, anh có sợ khi học trò anh đi qua thấy không? Tôi làm bộ anh hùng rơm: – Sợ gì, có gì đâu mà sợ. Nhưng hôm nay tôi bận về nhà có chuyện. – Thì ngồi chơi chút hãy về, anh uống bia và ăn mực khô Đại Hàn nhé. Không cần tôi có ý kiến, cô gái đem ra mấy lon bia Ham cuả Mỹ và một bịch mực khô thơm phứt. Cô khui bia đưa tận tay tôi: – Anh uống đi, em mời anh vào đây là để cảm ơn anh hôm đó đã chở giúp em về. – Ơn nghĩa gì. Nói vậy chứ tôi cũng thấy vui vui khi có người mang ơn mình, tôi uống một ngụm bia mà nghe mát lạnh cả cổ. Cô gái cũng cầm một lon bia cụng với tôi: – Mời thầy, em gọi thầy như học trò thầy nghe, thầy dô năm mươi phần trăm với em nghe. – Không đươc, tôi uống bia không được nhiều. – Con trai gì mà dở ẹt vậy? Tôi bị khích tướng nên uống một hơi cạn hết lon bia. Cô gái lấy lon bia khác. Mở nắp, cứ như vậy, tôi uống đến lon thứ ba thì nghe mình quờ quang, ăn nói lắp bắp. Tôi nghe tiếng cô gái: – Anh say rồi, vào giường em nằm nghỉ đi. Tôi được cô gái xóc nách đem vào phía trong, nơi đây có nhiều giường kê sát nhau, chỉ che một tấm vải màn ngăn cách. Tôi nằm xuống giường, cô gái đắp lên đầu tôi chiếc khăn tẩm nước đá mát lạnh. Tôi cầm tay cô gái vuốt nhẹ, tự dưng một luồng điện chạy rần rật trong người tôi. Đó là sự thèm muốn một thân thể đàn bà. Có rượu vào, khiến tôi mạnh dạng thêm lên, tôi kéo cô gái xuống gần tôi và hôn lên mặt cô, cô để yên, tôi đưa tay sờ soạn vào ngực, núm vú nhỏ, căng tròn, rất thon. Cô gái lại chủ động tự cởi áo quần ra. Tôi mù mờ trong một cảm giác sướng khoái, tôi mê man trong những cái vuốt ve của cô gái, tôi mơ hồ thấy cô lại cởi áo quần tôi ra, rồi leo lên tôi. Một lúc sau tôi rùng mình…sướng quằn quại, rồi thiếp đi. Tôi nghe thoảng theo hơi gió mùi thơm của loại nước hoa rẻ tiền và giọng nói của cô gái đâu đó với mấy người bạn ‘’ông thầy còn trai tân mầy ơi.’’ Tôi với cô giáo Uyên vừa có cảm tình với nhau, bỗng nhiên cô nghe đồn tôi bồ với một “con đĩ” ngoài quán bà Miết, cô khinh tôi ra mặt. Các thầy cô cũng nói ra nói vào, đại ý là “làm đĩ mười phương cũng nên để một phương lấy chồng” nghĩa là tôi đã dạy học ở đây thì phải giữ thể diện cho học sinh. Tôi không biết nói gì hơn là tự tách mình ra khỏi đám thầy cô đạo đức đó, để yêu Như Thi, bởi vì tôi thấy, trong tận cùng, Như Thi có một cái gì đó rất đáng quý, như là sự hiền lành, chân thật và nhất là Như Thi luôn luôn bảo tôi, “anh phải xa em đi, đừng phải vì em mà anh mang tiếng.” Tôi làm anh hùng rơm một lần nữa, trả lời: – Anh yêu em có gì đâu mà xấu, tình yêu cao quý lắm. Thường như vậy, Như Thi hay khóc nhoè nhoẹt trên vai tôi. Năm đó tôi bị động viên đi lính. Tôi thấy như mình đươc giải thoát, giải thoát khỏi cái trường lớp nặng nề với những lời ong tiếng ve. Tôi muốn làm anh hùng kiểu “anh là lính đa tình” . Có lẽ, lính tráng thích hợp với tôi hơn và cũng hợp với hoàn cảnh của tôi hiện giờ. Tôi thụ huấn ở quân trường Thủ Đức chín tháng. Khi ra trường, tôi quyết tâm đổi về Sư Đoàn 2 bộ binh, nhưng không được, vì nhu cầu quân số tôi phải về Sư Đoàn 5 BB, đóng ở Bến Cát Bình Dương. Với đơn vị mới, tôi phải lặn lội hành quân suốt năm, suốt tháng. Tôi không liên lạc được với Như Thi từ ngày đó. Càng cách xa, tôi có thì giờ để tự hỏi lại mình, tôi có yêu em không? hay là yêu em chỉ vì sự thèm muốn xác thịt của một người con trai mới lớn. Tôi không giám nói ra, nhưng mỗi lúc tôi bị dằng xé về tình cảm đó thì có một tiếng nói mơ hồ ở đâu vang vọng trong tai tôi “em là con đĩ, em là con đĩ, anh quên em đi”. Tôi cương quyết dứt khoát không nghĩ tới em nữa, nhưng, mỗi lần nghĩ tới em, lòng tôi vẫn thấy đau như dao cắt. *** Con bé đen nói: – Chú có muốn gặp mẹ cháu không? – A à, để lúc nào rảnh chú sẽ ghé thăm mẹ cháu, mẹ cháu khoẻ không? – Cũng khoẻ, mẹ cháu nhớ Việt Nam lắm nên mẹ cháu hay buồn lắm. Chắc gặp lai chú mẹ cháu sẽ vui. Chú đến nhà cháu chơi nghe chú. – A à, chú sẽ đến chứ, nhưng hôm nay chú phải đi làm, cháu cho chú số phone để chú gọi thăm mẹ cháu. Con đen tìm cây viết và ghi số phone cho tôi. Tôi bỏ mảnh giấy vào túi áo và nói. – Chắc chắn chú sẽ đến thăm. Thôi chú về trước nghe. Tôi đi về như chạy. Khi về nhà, tôi cởi áo ra bỏ vào chỗ đồ dơ. Buổi chiều vợ tôi lấy áo quần dơ đi giặt, nên ướt và rách luôn tấm giấy ghi đia chỉ và số phone của Như Thi. Tôi không tìm đâu ra tấm giấy ấy một lần nữa, nên không thể gọi hoặc đến thăm nàng. Tôi đi tập thể dục cũng chẳng bao giờ gặp lại “con đen” nữa. Tôi không hiểu tại sao nó cũng biệt tăm như vậy. Trần Yên Hòa |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |