Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 156
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22846
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Oct/2024 lúc 10:14am

Nâng Cấp OSin

Xuất%20hiện%20osin%20cao%20cấp%20lương%20lên%20tới%20vài%20chục%20triệu%20đồng%20mỗi%20tháng%20-%20%20Tinmoi


1.
Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ muốn xuống căng tin phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ.

Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật.

Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa.

Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu, bán cả nhà cũng không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu tôi.

Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. Chưa bao giờ tôi lâm vào tình trạng quẫn trí như lúc này.

Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.

***
Mỗi buổi sáng, bác sĩ điều trị cho mẹ đi qua thăm khám đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng ái ngại quay đi.

Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong sáu cái giường cá nhân. Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ điều trị của mẹ đi vào, mang theo mười hai cái phong bì, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo tín hiệu "bí mật". Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.

Ai đã từng vào chăm bệnh nhân trong viện mới cảm nhận được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ sát thương của nó như các cư dân mạng hay nói, đúng là "vô đối".

Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào, giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng. Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ hôi lạnh toát.

Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm một con đường sống.

Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng!

Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.

Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào để xoay ra hơn ba chục triệu đồng.

Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ điều trị chính. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong bệnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh.

Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ: Hình như anh để ý đến tôi. Có để ý mới đưa phong bị dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rỗi hơi lại đi mách bệnh nhân cách lách luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?

Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm giúp việc không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trên tuần, ba giờ mỗi ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì. Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm tình nguyện!

Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng.

Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia. Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!

Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ. Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta "nghiệm thu" mình.

2.
Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn. Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy em đã rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí.

Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến không ít cảnh các ông bố bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã là nhiều. Thế nên, hình ảnh của em ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi cũng có chút động lòng.

Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Bố tôi mất đã năm năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm tôi và làm từ thiện. Lương hưu của bà không đáng là bao, ngày ngày bà may áo, đan len, rồi cứ gom lại từng tí một, thành một chục là hớn hở mang cho trẻ con nghèo.

Trước đây, mẹ cũng hay mang vào viện tôi nhưng từ khi tôi bảo: Bệnh nhân thường họ không thiếu mấy thứ mẹ cho, cái họ thiếu nhất là tiền, thế là mẹ chuyển mục tiêu sang mấy xã ngoại thành và các xã vùng núi theo chường trình của Hội Chữ thập đỏ.

Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả đem cho. Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ, không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào viện phân phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là xong. Riêng phong bì của mẹ em, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như muốn bỏ bể mà thôi!

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được em lại đề nghị "bán mình" cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được nữa.

Ngày mẹ em ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải "thanh toán" hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: "Cứ coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!". Không ngờ em "chốt hạ" ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất đi! Em biết mẹ anh đang ốm, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em sẽ đến nhà anh giúp việc nhà. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!

Em làm Ôsin cho nhà tôi được đúng sáu tháng thì mẹ tôi một hai đòi nâng cấp em làm con dâu.

Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập topic "có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?" thì thật nhảm!!!./.


Khuyết danh 




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Oct/2024 lúc 10:30am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22846
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Oct/2024 lúc 11:55am

Ba Thằng Nhóc 

Hình minh họa 

Đó là ba đứa nhỏ bạn cùng xóm trong một làng ở miền Trung nghèo khổ, bên phía nam sông Bến Hải. Chúng nó lớn lên cùng nhau qua quảng đời niên thiếu êm đềm đầy kỷ niệm của tuổi thơ, dù cuộc sống của chúng rất đạm bạc. Cha mẹ đứa nào cũng vất vả kiếm ăn để nuôi con cái, nhà nào cũng ba bốn đứa con cả trai lẫn gái. Mấy thằng nhóc được ưu tiên cắp sách vở đến trường, nhưng chưa hết bậc tiểu học thì thời cuộc biến chuyển vì chiến tranh, cả ba thằng đành phải bỏ học. Gia đình chúng phải chạy giặc tứ tung, chúng phải lìa xa nhau, và từ đó mất liên lạc với nhau. Một thời gian sau đó đất nước lại chia đôi, thằng Vọng và thằng Hồ trôi giạt ra miền Bắc, còn thằng Gia thì phiêu lưu vào miền Nam. Thằng Vọng và thằng Gia tưởng không bao giờ còn gặp nhau nữa, nhưng có lẽ do định mệnh, hơn hai mươi lăm năm sau, hai thằng gặp lại nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu không thể ngờ là có thật.


Sau khi miền Bắc chiếm miền Nam, thằng Vọng đã tìm mọi cách trở lại làng cũ thăm hỏi bà con hàng xóm, mục đích chính là muốn biết thằng Gia còn sống hay chết, và nếu còn sống thì đang ở đâu. Rồi suốt mấy năm liền sau đó, nó vẫn để tâm dò hỏi tin tức thằng Gia không ngoài việc thỏa mãn lòng mong nhớ thằng bạn nhỏ thuở xưa và nếu thằng bạn cần gì thì nó tìm cách giúp đỡ cho lương tâm được yên ổn. Xa cách nhau hơn một phần tư thế kỷ, thằng Vọng đã thay đổi nhiều và hiện có chút địa vị với quyền hành trong xã hội mới. Điều nghịch lý là nó vẫn còn giữ một đốm lửa le lói cả trong trái tim và trí óc nó về những tháng ngày thơ ấu chơi đùa nghịch ngợm trong một thứ tình bạn ngây thơ non nớt nhưng thật sâu đậm với thằng Hồ và thằng Gia. Đặc biệt với thằng Gia thì tình bạn đó còn thân thiết hơn cả anh em ruột thịt. Nó không sao quên được hình ảnh nghèo nàn của thằng Gia gấy ốm ở trần mặc chiếc quần đùi cũ kỹ màu cháo lòng chạy lăng xăng tìm nó để chia sẻ với nó từng chút khoai lang hay sắn nướng thơm phức không biết nó kiếm đâu ra, hay hai ba trái ổi sống đầy hột cứng như sạn chắc nó hái từ một cây ổi hoang ngoài đồng. Tuy còn nhỏ nhưng thằng Vọng cũng thấy xúc động trước tình bạn của thằng Gia. 


Xa xóm cũ, nó lớn lên ở miền Bắc với cuộc sống cũng không khá mấy, cũng nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc đủ thứ, kể cả những năm được đi học. Rồi chuyện không may xảy ra với cha nó. Ông bị bí thư huyện lợi dụng uy quyền ép buộc ông đi lao động xã hội chủ nghĩa vào rừng đốn gỗ bán cho hợp tác xã để xuất khẩu, rủi ro ông bị cây to ngã đè bị thương nặng, cứu không kịp nên chết. Mẹ nó nghe tin, khóc vật vã bên xác chồng, rồi tỉ tê khóc tiếp tục cả tháng trời đến liệt giường và cuối cùng cũng đi theo cha nó, để lại mấy anh em nó bơ vơ. Dân trong vùng sôi sục vì cảnh đời éo le của gia đình nó nhưng không ai dám biểu lộ, rốt cuộc chính quyền huyện phải lấp liếm giải quyết bằng cách cấp cho mấy anh em nó một ít gạo và cái bằng vô nghĩa “Gia đình liệt sĩ”. Nó cầm mãnh giấy mà nghẹn ngào, trong lòng uất hận nhưng cố nén. Mối thù này không trả không được, nhưng biết trả cách nào đây. Có người lớn thương tình và ngầm biết tâm tư của nó, âm thầm khuyên nó dùng cái bằng “con liệt sĩ” làm bàn đạp “phấn đấu” để vào đảng. Nó đủ thông minh để hiểu lời khuyên chân tình vì nghĩ cho cùng thì không có cách nào khác…


Bây giờ nó là một đảng viên, cán bộ công an, làm quản giáo trong một trại cải tạo, mà thực chất dưới con mắt nó thì chẳng khác gì một trại tù khổ sai. Nó đã kín đáo trả được thù cho cha mẹ nó, trả thù cái xã hội đã gây tang tóc cho mấy anh em nó, nhưng điều trớ trêu là cũng chính cái xã hội đó đã tạo cơ hội cho nó báo hiếu mà không bị liên lụy với pháp luật. Người ta lạm dụng uy quyền để làm hại gia đình nó, còn nó cũng lạm dụng uy quyền nhưng để trả thù kẻ đã gây tội ác và luôn cả xã hội. Nó cảm thấy may mắn và tin tưởng chắc chắn là ít nhất nó cũng may mắn hơn thằng Gia. Theo những gì nó được học tập và qua cấp trên cho biết thì thành phần nghèo khổ như thằng Gia ở trong miền Nam chỉ suốt đời làm đầy tớ, bị bóc lột lao động tận xương tủy, không sao cất đầu lên nỗi. Nó rất muốn gặp lại thằng Gia để giúp đỡ trong khả năng đảng viên của nó, và cũng để gián tiếp tỏ cho thằng Gia biết nó có địa vị có uy quyền và quan trọng trong xã hội. Là công an, nhưng nó không sắt máu như đại đa số công an khác; trái lại, nó còn giữ được lương tri và lương tâm, cái loại luơng tri và lương tâm thường bị phê bình là cặn bả tiểu tư sản của thời phong kiến.

Sáng hôm đó ở hiện trường, trong lúc đội cải tạo viên gồm toàn sĩ quan ngụy đang cuốc đất để chuẩn bị trồng khoai mì dưới ánh nắng bắt đầu gay gắt, quản giáo Vọng bực bội đến sau lưng một người tù đang cuốc đất một cách uể oải, không chịu khom lưng đúng quy định.

– Anh kia, cuốc mạnh đi chớ. Lao động chây lười rứa thì khi mô mới hết cải tạo?

– Báo cáo cán bộ, tôi đói quá làm không nỗi.

– Anh nói chi rứa? Đói hả? À, bêu xấu chế độ hả? Anh tên chi?

– Báo cáo cán bộ, tôi tên Gia.

– Da bò hay da trâu? Họ tên đầy đủ là chi?

– Báo cáo cán bộ, không phải da bò mà là Quốc Gia.

Quản giáo lên giọng nạt nộ:

– Thôi, không được nói năng linh tinh. Anh phải thành thật khai báo với cách mạng. Cách mạng khoan hồng cho anh cải tạo, anh phải biết ơn chớ. Quê anh ở mô?

– Báo cáo cán bộ, quê tôi miền Trung, nhưng lớn lên phiêu bạt khắp miền Nam.

– Quê miền Trung, là chỗ mô? Nói cho rõ.

– Báo cáo cán bộ, gần sông Bến Hải. Tôi không nhớ rõ.

Quản giáo chợt suy nghĩ:

– À, gần sông Bến Hải? Anh nói tên anh là Gia hả? Chi Gia?

– Báo cáo cán bộ, Trần An Gia.

Quản giáo Vọng hơi tái mặt:

– Cái tên chi lạ … Anh nói lại tui nghe.

– Báo cáo cán bộ, tên tôi là Trần An Gia.

– Anh có khi mô đổi tên không đó? Có phải là bí danh không?

– Báo cáo cán bộ, tên tôi từ nhỏ là như vậy. Tôi không hề có bí danh.

– Rứa… anh nhớ lại coi… có quen ai tên … Lê Vọng không?

– Báo cáo cán bộ, đó là tên thằng bạn nối khố lúc nhỏ của tôi. Tôi xa nó lâu lắm rồi.

– Được rồi, tiếp tục lao động đi…

Quản giáo Vọng quay lẹ lưng, lảo đảo bước đi. Cái tên Trần An Gia như tiếng sét đánh ngang tai làm anh choáng váng. Vọng tự nghĩ, “Trời ơi, cái thằng nhóc mình mất công khó nhọc suốt mấy năm trời tìm không gặp, chừ nó hiện ra sờ sờ trước mặt mình chưa chết nhưng trông tàn tạ như con ma đói, làm răng mình bình tĩnh cho được. Cái thằng ni thiệt tình…”

Sau giờ cơm chiều, cán bộ quản giáo trực trại sai tên tù hình sự trực đêm vào láng số 4 kêu cải tạo viên Gia lên làm việc. Trong lúc Gia đang cùng các bạn tù đứng nghỉ ngơi chuẩn bị “vào chuồng” thì tên tù hình sự chạy đến nói to:

– Ai là cải tạo viên Gia thì theo tôi lên làm việc với cán bộ trực trại, khẩn trương.

Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Riêng Gia thì hơi lo lắng, thổ lộ với một bạn tù cùng đơn vị trong quân đội trước năm 1975:

– Chắc thằng quản giáo muốn đì tao vì vụ chây lười lao động sáng nay.

– Tao theo rõi thấy nó nạt nộ mày cũng … không gắt lắm. Chắc không sao đâu, đừng lo.

– Làm sao tin được tụi nó. Cùng lắm là cùm, là đói, là chết thôi…

Tên tù hình sự thúc giục:

-Cải tạo viên Gia theo tôi. Khẩn trương lên.

Gia được dẫn vào phòng trực trại trình diện với quản giáo đang có vẻ chờ. Tên tù hình sự đứng lớ ngớ đợi sai bảo thì được quản giáo ra lệnh đi kiểm tra trại lần chót, với lời dặn phải đảm bảo các cửa buồng đã khóa hết.

– Anh đi đi. Tui sẽ đưa anh này về buồng sau. Tui có chìa khóa.

– Kính chào cán bộ.

Còn lại một mình với quản giáo Vọng, Gia đứng yên lặng cúi đầu, phó mặc cho số mệnh, trong đầu thầm niệm nhiều lần câu “Nam mô Đại Từ Đại Bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” để tự trấn an. Nhìn tên quản giáo bước đến đóng cửa, Gia tự nhiên chuẩn bị đỡ đòn theo kinh nghiệm bạn tù truyền lại, có thể những cú đấm cú đá hung bạo kèm theo những lời chưởi rủa cay nghiệt có tính cách sỉ nhục kèm những tiếng “ngụy ác ôn đầy nợ máu…”

– Anh ngồi xuống đi, ta nói chuyện.

– Báo cáo cán bộ, cho phép tôi đứng.

– Tui bảo anh ngồi thì anh cứ ngồi đi. Tui không ăn thịt anh mô mà sợ.

– Cám ơn cán bộ.

Gia rón rén ngồi xuống cái ghế trước mặt, cúi đầu suy nghĩ.

– Trần An Gia.

– Dạ, báo cáo cán bộ. Tôi nghe.

– Cán bộ… cán bộ cái con khỉ… Mi không nhận ra tau thiệt tình hả Gia?

– Báo cáo cán bộ… Dạ…

– Dạ thưa cái cóc khô… Tau là thằng Vọng lụt lịt của mi, nhớ ra chưa?

– Vọng… Lê Vọng… Cán bộ là Lê Vọng hả? …

– Còn ai nữa…

Vừa dứt câu, Vọng đã bước tới ôm chầm lấy Gia, thắm thiết như không muốn buông ra. Giọng Vọng nghẹn ngào bên tai Gia:

– Tau thương, tau nhớ mi ghê lắm. Tau nghe nói mi chết lâu rồi nhưng tau không tin. Tau thăm hỏi dò tìm mi mấy năm ni rồi, ai ngờ mi lại ở trong trại cải tạo trước mắt tau mà tau như mù như điếc không thấy không hay không biết chi cả… tau hành hạ mi… may mà mi chưa chết…

Gia nhẹ nhàng gỡ hai cánh tay đang ôm chặt mình để nhìn vào khuôn mặt sạm đen có mấy giọt nước mắt đọng trên gò má, ấp úng:

– Cán bộ… Vọng, tôi cũng tưởng … anh…

– Anh cái con khỉ… Mi cứ kêu tau là thằng Vọng, mi tau như cũ. Khi nào đi lao động thì mi … Mà thôi, để tau đưa mi về phòng, mi ngồi lâu không tiện. Tau sẽ nói chuyện với mi nhiều.


Gia về chỗ nằm, gác tay lên trán, nén xúc động, cố nhắm mắt ngủ lấy sức ngày mai lại tiếp tục làm công việc khổ sai của một kiếp tù. Nhưng đầu óc cứ suy nghĩ lan man… Thắm thoắt mà Gia đã ở tù hơn bốn năm tại cái trại cải tạo hắc ám này. Với quá khứ tác chiến đầy hăng say của một Trung Úy Nhảy Dù, hy vọng ngày về xa vời quá, không biết còn sức mà về nữa không. Giữa tiếng ngáy đều đều của hai bạn tù nằm hai bên, Gia thở dài, nhớ lại thời thơ ấu chơi đùa với thằng Vọng và thằng Hồ. Cả ba đứa chỉ là con nít hàng xóm, tính tình rất hợp nhau nhưng không hiểu có phải vì thế mà chúng rất thương nhau. Một phần lớn chắc chắn là do cha mẹ ba đứa. Nhà ờ cùng xóm nên ba gia đình khá hiểu biết thông cảm nhau, cũng có lúc giúp nhau khi tối lửa tắt đèn, nhất là các bà mẹ, vài que củi, chút nước mắm. Cha thằng Vọng làm công cho một phú nông, còn mẹ nó thì gánh cá bán dạo trong xóm vào buổi chiều, vừa chạy lúp xúp vừa rao “Cá tươi, cá nục tươi…”. Tính tình thật thà nên ai cũng mến, không ngày nào bị ế hàng hay bán chậm đến tối. Cuộc sống đấp đổi qua ngày, vợ chồng con cái cũng no đủ. Cha thằng Gia thì thuần túy là một nông dân chân lấm tay bùn, suốt ngày dầm mưa dãi nắng với ruộng đồng lúa má. Mẹ nó bán hàng xén rong ngoài chợ, nhàn hạ nhưng tiền bạc kiếm được không đều và không có gì chắc chắn, theo như người ta nói là tùy theo buổi chợ. Cả hai vợ chồng tuy chật vật nhưng không để con cái đến nỗi đói rách. Thằng Vọng từ nhỏ đã bộc lộ là đứa nhiều tình cảm, chân thật với bạn, nhưng kín đáo với người ngoài, trong khi thằng Gia thì tháo vát và tính tình tốt nên hay chiều thằng Vọng, khiến hai đứa lúc nào cũng như hình với bóng. Thằng Hồ thì kém may mắn hơn, vì mồ côi cha từ năm hai ba tuổi, lớn lên với ông cha ghẻ khó tính lại hay say rượu, nhiều lúc đánh đập nó vô cớ không chút thương xót. Mẹ nó đau khổ, thương nó nhưng vì sợ ông chồng vũ phu nên gần như không dám ngó ngàng đến nó một cách lộ liễu, nhiều người thấy cả hai mẹ con như vậy ai cũng bảo thật tội nghiệp. Có lẽ vì hoàn cảnh đáng thương ấy mà tính tình thằng Hồ càng lớn càng khác hai thằng kia, lém lỉnh, lì lợm và cộc cằn hơn. Hai thằng kia thường hay đùa giỡn gọi nó là thằng “Hồ lì”, hay “Hồ li tinh”, để chỉ cái thói tinh ma quỷ quái của nó ưa phá phách chọc ghẹo mấy đứa con gái lớn hơn nó hay những thằng nhóc khác trong xóm.

Ngày hôm sau, quản giáo Vọng lại theo dõi cách lao động của Gia với thái độ lạnh lùng.

– Anh kia, chứng nào tật ấy, lao động chây lười. Anh đội trưởng! Anh cho đội nghỉ trưa hôm nay sớm, và đưa anh này vào nhà lô để tôi giáo dục, giúp anh ta mau tiến bộ.

– Báo cáo cán bộ, tôi nghe rõ.

Sau khi quản giáo đi vào nhà lô, anh đội trưởng đến bên cạnh Gia, hỏi nhỏ:

– Sao cậu để nó chú ý vậy? Khi có mặt nó thì ráng cuốc mạnh lên chứ.

– Tôi đói quá. Ráng không nỗi.

– Cậu đi theo tôi. Liệu lời mà nói với nó, thằng này …

– Tôi biết…

Khi thấy Gia bước vào, quản giáo Vọng lên tiếng ngay.

– Anh đội trưởng cho đội đi cải thiện rồi nghỉ ăn trưa, đến khoảng 2 giờ lao động trở lại. Chừng nào làm việc xong với anh này, tôi sẽ cho anh ta ra lao động tiếp.

– Xin chào cán bộ.

Đội trưởng nhanh nhẹn chạy trở lại báo cho đội biết tin vui bất ngờ khiến mọi người hả hê nhưng cũng lo cho Gia. Trong khi đó tại nhà lô, hai người bạn tâm giao mặt đối mặt nhau sau mấy chục năm nhưng với tư cách là thù địch. Nhà lô là căn chòi nằm cách biệt trơ trọi một mình, nơi dành cho quản giáo nghỉ ngơi và ăn trưa mỗi khi đi theo đội lao động cải tạo suốt ngày. Nhà lô còn là nơi thuận tiện dành riêng cho hoạt động riêng tư của quản giáo, không một cải tạo viên nào dám mon men tới gần. Quản giáo Vọng bảo Gia ngồi xuống ghế rồi lấy từ trong cái túi vải nhỏ một cái cà-mèn trao cho Gia.

– Mi ăn đi. Sáng ni tau ăn nhiều, để dành phần cơm ni cho mi. Tau ăn trái chuối này đủ rồi, mi đừng áy náy. Mi vừa ăn vừa nghe tau nói chuyện.

Gia mở cái cà-mèn thấy cơm trắng, một con cá khô to bằng hai ngón tay, và cái muỗng nhôm cũ kỹ, tự nhiên nước mắt ứa ra không ngăn được. Nó mơ hồ nhận ra là tính tình thằng Vọng vẫn như xưa, vẫn cái lối niềm nỡ chân tình đến mức thật thà, thân thiết. Vọng ngạc nhiên, lên tiếng:

– Răng mi khóc? Mi tủi thân hả? Hay là mi không tin tau? Mi không tin mặc kệ mi, nhưng tau quyết tâm giúp mi. Tau có cách đưa mi ra khỏi cái địa ngục trần gian ni. Ăn mau đi, đừng khóc mà lộ chuyện. Mi phải ăn cho hết để lấy sức, tau thấy mi yếu lắm. Mi phải ra khỏi chỗ ni.

– Xin lỗi, tôi không ăn như thế này được.

– Xin lỗi xin phải cái con khỉ. Tau không bỏ thuốc độc trong đó mô, mi đừng sợ. Tau biết mi không bao giờ tin công an Việt Cộng bọn tau, nhưng tau là thứ công an khác, tau là bạn mi, tau thương mi, tau không thay đổi như mi tưởng…

– Nhưng… tôi không ăn hết được…

– Tôi với tớ cóc khô. Mi ráng ăn, tau no rồi. Ăn xong ngồi nghỉ… mọi chuyện để tau lo.

Gia đột nhiên quì xuống, vái lạy Vọng mấy cái, giọng nghẹn ngào:.

– Tau … lòng tốt của mi … tau có chết cũng vui lòng. Cám ơn mi.

– Thôi, mi chết răng được. Tau thiệt tình, mi cũng thiệt tình, như lúc bọn mình còn nhỏ. Tau nhớ mãi hai đứa mình thường nói “Tả chô thằng mô nói láo” thay vì chửi thề “Tổ cha…” người lớn nghe là bị la hay bị đòn, và không được nói láo…

Gia bỗng bật cười khi nghe tiếng “Tả chô”, một trong những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu. Gia xúc từng muỗng cơm đưa vào miệng ăn tự nhiên, tận hưởng như đang ăn cao lương mỹ vị, lắng nghe Vọng tiếp tục nói.

– Mi tin Việt Cộng là mi chết. Nhưng thằng công an Việt Cộng này sẽ giúp mi sống ngẩng cao đầu như mi từng là một sĩ quan sẵn sàng chết cho đất nước. Lão thủ trưởng trại tù này mắc ơn tau lúc trước, tau có công cứu hắn thoát chết trong một vụ thanh toán nhau vì phe nhóm. Tau biết nhiều điều bí mật về đời hắn, và tau cũng có chỗ dựa của tau. Nhờ tau mà hắn sống và phất lên, và chính hắn đưa tau về đây làm việc với hắn. Tả chô thằng mô nói láo.

Gia lại bật cười, ngưng ăn.

– Vọng ơi, tau tin mi, tau có chết oan thì hồn tau cũng tha thứ cho mi. Mi tính sao?

– Tau tính phải khẩn trương. Tau sẽ đề nghị hắn kín đáo thả mi, nói là mi chây lười phải đưa đi trại khác. Nhưng thật ra tau sẽ nói với hắn là mi biếu hắn một chỉ vàng để trả ơn. Mi khỏi lo, tau cho mi mượn trước chỉ vàng ni, khi mô mi trả lại cho tau cũng được.

Gia ngắt ngang, thắc mắc:

– Mi có chắc hắn có quyền thả tau không? Nếu không thì khi bị lộ, tau sẽ bị thủ tiêu liền.

– Mi khỏi lo, phe cánh của hắn cũng ăn hối lộ, tụi nó chia chác nhau. Hắn đã làm mấy vụ rồi, lần này tau nhờ hắn. Mà khi mi được thả, mi phải mau tìm cách chi đó để đừng khi mô bị bắt lại nữa… mi hiểu ý tau không?

– Tau hiểu. Mong sao ra khỏi đây…

– Tin tau đi, mi tiếp tục lao động chây lười như thường, ráng chịu đói, đừng để ai chú ý. Tau sẽ đích thân đưa mi ra khỏi trại trong năm bảy ngày nữa, và sẽ cho mi địa chỉ của tau.

– Xin lỗi, tau có vài chuyện muốn hỏi mi, cha mạ mi, vợ con mi ra sao? Và thằng Hồ còn sống hay chết thế nào?

– Tau nói vắn tắt thôi, cha mạ tau mất rồi, cực khổ lắm, tau không muốn nhắc lại. Tau chưa có vợ, tại tau không muốn bị trói buộc, chỉ muốn được thoải mái như lúc tụi mình còn nhỏ, vui đùa thỏa thích. Còn thằng Hồ thì… lâu lắm rồi tau không nghe tin tức chi của hắn. Khoảng năm bảy năm trước, tau có mấy người quen, công an cả, biết rõ về thằng Hồ và có cho tau biết nhiều chuyện về hắn. Mi còn nhớ lúc nhỏ thằng Hồ rất tội nghiệp vì bị ông cha ghẻ hành hạ, nên sau đó lớn lên ở miền Bắc, hắn thoát ly, thành thanh niên xung phong rồi bỏ trốn sống lang thang biến thành đứa mất dạy, học đòi căm thù nên hắn gây nhiều tội ác như cướp của giết người, hiếp dâm… Nhờ được một thằng Tàu thượng tá công an cố vấn lưu ý về lối sống du côn của hắn nên thu nạp hắn làm tay sai, giao cho hắn việc kiếm gái và kiếm tiền. Thằng Hồ dựa thế thằng cố vấn Tàu nên chẳng sợ ai hết, do hắn được thằng Tàu tin, nhờ kiếm tiền rất đắc lực cho chủ nó, phần khác hắn quá tàn ác nên ai cũng né. Nhưng trời bất dung gian, nghe nói thằng Hồ rốt cuộc cũng bị thanh toán, chết mất xác.

– Ác giả ác báo… Thế hắn có vợ con gì không?

– Tau không biết. À, mi nhắc tau mới nhớ. Cách nay ba bốn năm chi đó, vụ thằng Hồ gây rúng động cả ngành công an mấy tháng liền. Nghe nói vì hắn được thằng cố vấn Tàu tin cậy nên trong một buổi liên hoan tại nhà thằng cố vấn, mà hắn là người phục vụ chính, hắn đã lợi dụng khách khứa về hết và người phục vụ dọn dẹp xong cũng đi nghỉ, hắn ra tay. Thằng chủ hắn thì say xỉn nên bị hắn trói lại, sau đó hắn lấy dao dọa cô vợ người Việt, và hai đứa con gái Tàu rặt của chủ hắn rồi hiếp dâm cả ba. Cô vợ người Việt mới khoảng ba mươi tuổi, kiểu vợ hờ, còn hai đứa con gái nghe nói chưa được hai mươi. Xong việc, thằng Hồ còn ăn cắp một mớ tiền và vàng bạc rồi bỏ trốn biệt tích, công an lùng sục ráo riết mấy tháng mà tìm không ra tông tích, bị khiển trách lên khiển trách xuống. Tau nghĩ thằng Hồ chắc chết tiệt mô rồi, xác tìm không thấy.

– Không ngờ thằng Hồ lại đốn mạt như vậy. Cũng do hoàn cảnh và xã hội làm nó hư hỏng. Phần tao thì vợ con hiện ở Saigon…

– Tau biết rồi, mi khỏi khai. Tối qua tau đọc hết lý lịch của mi, một thằng “ngụy ác ôn đầy nợ máu”. Tau thấy mi lớn lên ở miền Nam là mi có phước lớn, được đi học hết cấp ba rồi học làm sĩ quan lính thủy đánh bộ đánh nhiều trận… công trạng như núi mà lẹt đẹt mang quân hàm trung úy. Tại răng rứa? Có phải tại tính mi không hợp với lính hay mi chây luời hay chán ghét chế độ?

– Chuyện dài lắm, có dịp tau sẽ tâm sự với mi. Nhưng thật tình tau không ân hận gì hết… Tau còn hãnh diện về đơn vị nhảy dù của tau và nơi tau được đào tạo…

– Có phải cái trường võ bị chi đó ở Đà Lạt, phải không?

– Đúng…Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam…

Vọng như bừng tĩnh:

– Chết, mi với tau ham nói chuyện lâu quá. Để tau kêu anh đội trưởng vô tau dặn. Nhớ tiếp tục chây lười… và ráng chịu đói…

Quản giáo Vọng nhanh nhẹn bước ra khỏi nhà lô, hướng về chỗ đội cải tạo đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, đưa tay ngoắc liên tục. Anh đội trưởng hấp tấp chạy đến trình diện.

– Anh vô đây. Tối nay anh tổ chức sinh hoạt đội để giáo dục anh Gia này, đội phải tích cực phê bình góp ý để giúp anh ta tiến bộ. Anh ghi lại lời phát biểu xây dựng của mỗi người về anh ta, rồi làm báo cáo sáng mai đưa cho tui, nghe rõ chưa?

– Báo cáo cán bộ, tôi nghe rõ. Xin chào cán bộ.

Gia lí nhí đủ cho anh đội trưởng nghe:

– Xin chào cán bộ. Cám ơn cán bộ.

Mấy hôm sau, các bạn tù trong đội của Gia bỗng nhiên cố ý lãng tránh Gia vì sợ liên lụy, do có người bảo có tin Gia sắp bị nhốt vì chây lười lao động. Mà Gia có chây lười thật, ai cũng biết, quản giáo cũng đã lưu ý. Tin còn cho biết Gia không những bị quản giáo gọi vào chòi phạt quỳ gối không được ăn trưa và nghe chửi hơn một tiếng đồng hồ, lại còn bị đá đít mà không được rên la. Tối lại còn bị sinh hoạt đội phê bình gắt gao, làm anh em mất ngủ. Một vài bạn tù khá thân với Gia chỉ lấm lét nhìn Gia từ xa, thấy Gia xuống sắc nhiều sợ không kham nỗi, nhưng đành xót xa thôi.

Sáng Thứ Hai tiếp theo đó, lúc tất cả các đội đang tập họp ngoài sân, sắp hàng ngồi dưới đất theo từng đội chờ lệnh xuất trại đi lao động, thì trưởng trại bất ngờ xuất hiện có quản giáo Vọng đi theo. Cả đám đông mấy trăm cải tạo viên im lặng chờ nghe kêu tên người bị nhốt vào thùng sắt, bị phạt cùm… như thường lệ gần như mỗi tuần, nhưng lần này trưởng trại có mặt, chắc hình phạt phải rất quan trọng.

Trong lúc mọi người tù đang hồi hộp chờ thì trưởng trại lên tiếng vắn tắt:

– Cải tạo viên Trần An Gia đứng dậy! Anh được lệnh chuyển trại để tiếp tục học tập cải tạo và lao động cho tốt hơn. Đồng chí quản giáo Vọng được giao trách nhiệm thi hành. Các đội trưởng cho đội bắt đầu đi lao động.

Quản giáo Vọng bước tới cạnh Gia, lạnh lùng ra lệnh:

– Anh theo tôi về buồng lấy áo quần.

Ôm một túi nhỏ trên tay, Gia cúi mặt bước đi, theo sao là quản giáo Vọng có mang súng lục bên hông và dắt xe đạp. Cả hai im lặng ra cổng trại và đi tiếp để ra quốc lộ. Gia phân vân không biết là mình đang đóng kịch hay là sự thật. Mãi đến khi Vọng lên tiếng bảo dừng lại ở một chỗ khuất khá xa hàng rào trại, Gia mới xúc động lí nhí:

– Cám ơn mi đã cho tau sống lại.

– Tau mong mi sống xứng đáng. Đây, giấy ra trại, tiền đi xe, và địa chỉ của tau. Mi cứ đi tiếp sẽ ra chỗ có xe hàng chạy, mi hỏi lái xe mà trả tiền. Gặp lái xe tốt bụng có khi nó cho đi không. Về tới nhà thì nhớ cho tau biết. Chúc mi may mắn! Tau hy vọng sẽ có ngày mi và tau gặp lại.

– Tau cũng tin như vậy.

Cả hai rưng rưng. Gia bước đi, Vọng đứng trông theo chờ Gia ngoái nhìn lại lần chót mới lên xe đạp quay đi.

Thu Huyền Hồ


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22846
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Oct/2024 lúc 8:00am

Cảm nhận khi đọc truyện ngắn “Cô Sướng Cưới Vợ”

 BM

Lối viết dí dỏm của anh đã lôi cuốn tôi ngay từ phần đầu của truyện. Khi đọc trên báo mạng, tên nhân vật và tên truyện không hiểu lý do gì mà thay đổi, dù cốt truyện giữ nguyên nhưng tôi thích đọc tên truyện cũ là "Cô Sướng Cưới Vợ". Có lẽ vì ấn tượng tên "Cô Sướng Cưới Vợ" tạo yếu tố dân dã hơn, chân thật hơn. Nhân vật Sướng được Đặng Xuân Xuyến ưu ái, dành nhiều sự quý mến. Tính khí khác thường của "cô" Sướng qua ngòi bút của Đặng Xuân Xuyến không hề phản cảm, gây cười mà đáo để duyên:


“Sướng thích được gọi là cô, là chị. Sướng khoái được mọi người mắng yêu câu: “Con đĩ Sướng này xinh phết!”. Thích là thế nhưng Sướng ghét cay ghét đắng kẻ nào lại thực tâm coi Sướng là phụ nữ, là phận liễu yếu đào tơ, là thân gái chân yếu tay mềm. Tóm lại, Sướng là đàn ông, là nam nhi chính hiệu, là chuẩn men đích thực nên Sướng không chấp nhận ai đó cho rằng, nghĩ rằng Sướng là phận nữ nhi! Ừ thì Sướng thích gọi là cô, là chị. Ừ thì Sướng thích nhảy dây, thích chơi ô ăn quan, thích chơi trò búp bê, thích buôn hàng, thích cãi lộn... Như thế thì đã sao? 


Những sở thích đó tuy có khác biệt với đặc trưng giới tính của giới nam nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì tới bản chất giới tính vốn có của Sướng? Thật đấy! Sướng vẫn là thằng đàn ông đích thực. Sướng vẫn chưa bao giờ phải tụt quần ngồi xổm mà tiểu tiện. Sướng cũng chưa bao giờ tùy tiện cho rằng mình không phải là thằng đàn ông nên vì thế đừng có ai vớ vẩn nghĩ Sướng là đàn bà con gái. Sướng ghét đấy. Sướng chửi cho đấy.”


BM

Bạn đọc yêu nhân vật Sướng bởi bản chất thật thà, tốt nết của anh. Đằng sau sự đanh đá chua ngoa của Sướng là tấm lòng lương thiện, tử tế, sống nghĩa hiệp với người thân và bè bạn. Bị cụ Vân, bố đẻ của "dì Kiên", người bạn thân bị "bê đê nặng", "nhiếc móc" là "pha gái", chọc vào "điều cấm kỵ" khi coi Sướng là "con đàn bà" dù rất tức cụ Vân nhưng Sướng vẫn biết dừng lại ở đúng đạo nghĩa:


“Nghe câu “Tôi lại hỏi thật chị nhé: Hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao?” mặt Sướng tái lại rồi thoắt cái phừng phừng sát khí. Sướng chống hai tay vào hông. Sướng dậm chân đến huỵch một cái rồi kéo dài giọng:

- Hai con đàn bà lấy nhau thì đẻ đái làm sao? Này! Con nói thật với bố. Đừng tưởng con này trông như pha gái mà nghĩ con này là phận liễu yếu đào tơ, không phải là thằng đàn ông. Đây nói cho bố biết. Đây chưa bao giờ ngồi xổm như mấy con đàn bà! Chưa bao giờ! Bố hiểu chửa! Mà con nói thật nhé. Chắc gì bố đã là đàn ông mà bố bĩu môi, dè bỉu, coi khinh con này như thế.


BM

Thấy sắc mặt tím tái rồi thoắt cái đỏ bừng của Sướng, cụ Vân chột dạ:

- “Mẹ nó! Chạm phải vía “con dở ông dở thằng” này rồi. Nó mà nổi cơn đồng bóng thì mình dại mặt.”. Cụ lùi người, lùi người để tránh cơn giận của Sướng, không ngờ cụ trượt chân ngã oạch một cái.


Nhìn bộ dạng luống cuống của cụ, Sướng phì cười, bĩu môi:

- Gớm! Đàn ông chưa? Ối dào! Đàn ông như bố, đây cũng dí thèm!”


Bị cụ Bống, là bố đẻ, đánh chửi, dù "nhiều oan ức" nhưng "cô" Sướng không cãi mà ngồi im cam chịu vì đạo làm con. Bị cụ Bống hiểu sai là "thằng đồng cô" (bê đê) và đe sẽ huỷ hôn giữa Sướng với Ngân nhưng lo cho tương lai của "dì Kiên", sợ nói ra sự thật chỉ Kiên ái mới là "đồng cô" thì Kiên ái sẽ khó lấy được vợ, sẽ khổ nửa đời về sau của bạn mình nên dù bị oan ức, bị cụ Bống chửi đánh... Sướng vẫn cắn răng chịu đựng. Nghĩa cử đó của Sướng thật đẹp, không phải ai cũng làm được.


Ngân là nhân vật được tác giả giành những lời ngợi ca, những khắc họa rất đẹp về nhan sắc và nhân cách:


“Ngân không mỏng mày hay hạt nhưng Ngân thùy mị, nết na. Ngân không sắc nước hương trời nhưng nét dịu dàng của Ngân đủ khiến trai làng phải thầm mơ trộm nhớ. Ngân được người. Ngân được nết. Cả làng, cả xã chưa thấy Ngân mặt nặng mày nhẹ, cãi cọ với ai. Cứ nhẹ nhàng với mọi người, cứ nhún nhường với mọi người như thể Ngân sinh ra là để chan hòa với mọi người vậy.”


 BM

Không chỉ xinh đẹp, hiền thục, đảm đang mà Ngân còn được tác giả Đặng Xuân Xuyến mô tả là người phụ nữ mạnh mẽ trong tình yêu và dám sống với tình yêu đích thực của mình. Cái đêm Sướng biến thiếu nữ Ngân thành người đàn bà được tác giả Đặng Xuân Xuyến dàn dựng như một vụ "tai nạn" hy hữu, chủ yếu để đề cao chữ "trình tiết", đề cao phẩm hạnh của Ngân. Có thể vì quá quý mến em gái mình nên Đặng Xuân Xuyến mới dàn dựng như thế nhưng nếu là tôi, tôi sẽ để Ngân "dính bầu" như các trường hợp "ăn cơm trước kẻng" khác, thì sự mạnh mẽ trong tình yêu của Ngân mới thật.


Tóm lại, Đặng Xuân Xuyến đã dành cho nhân vật Ngân sự yêu mến và trân trọng đặc biệt. Người con gái ấy không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn là người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ với tình yêu.


BM

Nhân vật cụ Bống xuất hiện cuối truyện và số chữ viết về cụ không nhiều nhưng Đặng Xuân Xuyến đã khắc hoạ thành công hình ảnh cụ Bống: một người ông, người cha yêu thương con, cháu hết mực; có những nghĩa cử cao đẹp, hơn hẳn người đời, biểu hiện ở hành động khi nghe tin con trai bị "đồng cô, không yêu được con gái" đã yêu cầu con trai huỷ hôn, đừng làm lỡ dở cuộc đời người con gái xinh đẹp, hiền thục của làng xã:

- “Thầy hỏi, con phải trả lời thật nhé. Con có yêu cái Ngân không? Con có làm chuyện đàn ông với đàn bà được không? Còn chuyện con với thằng Kiên “ái” nhà ông Vân thế nào? Thầy nghe thằng cháu đích tôn nói con với thằng Kiên “ái” yêu nhau, thề thốt nếu không được sống cùng nhau sẽ cắt tóc đi tu. Đã thế, còn bày đặt chuyện lấy vợ làm gì hả con?”.


Phải là người có tấm lòng của Bồ Tát thì cụ Bống mới lo lắng cho Ngân, khuyên Ngân huỷ bỏ hôn nhân với Sướng vì:

- “Ngân này. Con đẹp người đẹp nết lấy đâu chả được thằng chồng tử tế sao lại chọn thằng Sướng nhà bác làm chồng? Lấy nhau về, không có con cái thì sao được hả con? Rồi sẽ khổ cả đời, con ạ. Nghe bác, hủy đám cưới với thằng Sướng nhà bác đi. ”.


Tóm lại, tôi thích truyện ngắn “CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ” của Đặng Xuân Xuyến bởi, như tác giả Nguyễn Bàng đã nhận xét: “Truyện viết dí dỏm, hài hước gợi nhiều trăn trở với người đọc. Truyện chạm vào trái tim người đọc bởi trong truyện đầy ắp tính nhân văn.”




Vũ Thị Hương Mai
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22846
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Oct/2024 lúc 11:42am


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Oct/2024 lúc 11:43am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22846
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 10:49am

Mất Ngủ

(Hình minh họa)
 

Như nhiều người già khác, ông Dụng mắc chứng mất ngủ, đặc biệt thời gian này, khi ông mới về hưu. Mấy chục năm ông làm ở ủy ban chăm sóc, bảo vệ bà mẹ - trẻ em của thành phố. Công việc nhàn, chẳng có gì lý thú, thậm chí vô bổ như nhiều khi ông nghĩ. Thế mà bỗng nhiên không còn được làm cái công việc tẻ nhạt, vô bổ ấy nữa, ông cảm thấy hụt hẫng, thừa tay chân, thừa thời gian, thừa những suy nghĩ chẳng đâu vào đâu, đáng lẽ thừa cả ngủ vì ông nằm rất nhiều. Nhưng ông lại mất ngủ.

Vào một đêm mất ngủ như thế, đã khuya, phải đến 12 giờ, ông bỗng nghe con Mực nhà ông sủa gắt. Thường nó vẫn sủa vu vơ khi có ai trong xóm về khuya. Nhưng lần này thì  khác. Tiếng sủa báo có kẻ gian. Về mặt này có thể nói nó khôn hơn cả người. Chừng 15, 20 phút sau nó lại sủa. Ông nghe nó nhảy xổ lên cánh cổng, và hình dung nó bám hai chân trước lên thanh sắt nhìn kẻ gian với vẻ hăm dọa, cái mõm đầy nanh sắc chồm ra ngoài. Ngõ nhà ông chỉ được chiếu sáng bằng ngọn đèn tròn 60 watt treo trước cổng nhà ông Hoạch cuối ngõ theo yêu cầu của tổ dân phòng, nhưng con Mực nhà ông chắc vẫn nhìn rõ. Không chỉ mũi mà mắt loài chó cũng tinh lắm. Con béc-giê của vợ chồng ông Bàn giàu nhất xóm, chủ quán nhậu lớn ở chân cầu Long Biên, cũng sủa gắt không kém, đánh thức cả xóm dậy. Cả con chó Nhật bé bằng nắm tay nhà ông Hoạch cũng ti toe phụ họa. 

Ông Dụng đi ra ban công nhìn xuống, và thấy hai thằng choai choai đang đèo nhau bằng xe đạp, tới nhà ông Hoạch kịch đường, chúng quay ra rồi biến mất. Bầy chó tiếp tục sủa chốc nữa rồi cũng im. Ngõ phố lại chìm trong im lặng. Đôi nhà còn đỏ đèn. Mọi người chắc đã ngủ, hoặc vờ ngủ, coi như không có gì xảy ra, ít nhất với nhà mình.

Đây là xóm mới, nằm khuất trong ngõ cụt, gồm 18 căn nhà do thành phố xây để bán, được coi là khu xịn, trong giấy tờ ghi là Khu biệt thự, dù nhà nọ dính vào nhà kia. Người mua là dân các nơi khác đến, thuộc loại khá giả. Nhà ai biết nhà nấy, chỉ giao tiếp ở mức vừa phải. Ông Dụng đưa mắt nhìn một vòng, chẳng thấy động tĩnh gì, bèn quay vào nằm.

Cái bọn choai choai này là ghê lắm đấy - bà vợ ông thường nói - Chúng nghiện ngập, cờ bạc, giết người như ngóe. Tốt nhất đừng dây, nhỡ gặp chúng phải tránh thật xa! Ông thấy vợ nói đúng. Chuyện gì bà ấy nói cũng đúng. Cả xóm này mọi người nghĩ như bà. Có lẽ vì thế mà như nhiều hôm khác, chẳng ai, kể cả ông trưởng xóm kiêm tổ viên tổ tuần tra mà ông ta không bao giờ tham gia, chạy ra đuổi hay chí ít hỏi chúng, đêm hôm vào đây làm gì. Nhiều lần bọn chúng ngang nhiên tụm ba tụm bảy đánh bạc hoặc tiêm chích mà không người nào nói một câu. Coi như không thấy. Không biết. Không dây! Dây vào ngộ nhỡ chúng đâm một nhát cho mà chết à?

Lát sau chó lại sủa ran. Chắc hai thằng kia quay lại. Kệ. Nhà mình không là đối tượng của chúng - Ông nghĩ - Vả lại con Mực sẽ chẳng chịu để yên cho chúng muốn làm gì thì làm! Tao thách bọn mày vào đấy! Chắc đầu ngõ ông chủ quán nhậu có con béc-giê hung dữ cũng đang nghĩ như ông. Các nhà khác có lẽ thấy yên tâm vì nhà ai cũng kín cổng cao tường, cửa đóng chặt cả trên lẫn dưới.


Chó vẫn tiếp tục sủa, mỗi lúc một gắt. Con Mực nhảy chồm chồm lên tấm cửa sắt. Chắc có chuyện. Ông Dụng định dậy ra xem, nhưng không hiểu sao lại thôi. Nhiều người trong xóm có lẽ chung tâm trạng như ông, vẫn nằm yên trong nhà. Sau đấy, bỗng có tiếng kêu thất thanh. Tiếng kêu cứu của một đứa bé. Bé gái. Hình như tiếng cái Hồng, con vợ chồng anh Châu cách nhà ông một nhà, sát nhà ông Hoạch. Mọi người, trong đó có ông Dụng, chạy bổ ra ban công, và từ vị trí an toàn ấy, tất cả gần như đồng thanh kêu to: Trộm! Có trộm! Chủ yếu để bọn kia thấy động bỏ đi. Rồi mọi người xuống gác, cố nói thật to, mở khóa cổng thật chậm để mình không là người đầu tiên bước ra nơi nguy hiểm. Nhiều người còn dắt theo cả chó, những con chó trước đấy bị nhốt sau song sắt.


Khi mọi người đổ ra ngõ, bọn bất lương đã biến mất. Người ta thấy cánh cổng nhà vợ chồng anh Châu mở toang, còn cháu Hồng, 13 tuổi, con gái duy nhất của họ nằm ở bậc tam cấp, máu me đầm đìa. Nó nằm ngửa, bị đâm một nhát ở bụng. Bấy giờ trong xóm mới biết nó ở nhà một mình đã ba hôm nay, vì bố mẹ theo cơ quan Bộ ngoại giao đi nghỉ mát ở Cửa Lò, nó bận thi học sinh giỏi tin học toàn thành nên không đi.

Sau này, khi công an bắt được thủ phạm - hai tên lưu manh choai choai ở khu tập thể nhà máy xe lửa Gia Lâm - người ta biết thêm rằng Hồng bị đâm chết khi vừa kêu cứu, vừa cố giằng chiếc máy vi tính xách tay bố mẹ mới tặng. Một trong hai thằng giật không được, dùng con dao Thái đâm vào bụng Hồng, nó ngã gục làm vết đâm rộng thêm. Thằng này bị kết án tử hình. Thằng kia tù 10 năm. Còn dân trong xóm thì bị chính lương tâm mình kết án, nặng nhẹ tùy cách nhìn nhận sự việc của từng người...

******

Có lẽ người bị kết án nặng hơn cả là ông Dụng. Như những người khác, khi công an hỏi vì sao biết có kẻ gian mà không can thiệp, ông nói bình thường chó vẫn sủa như vậy, và ông đã già, nên tới nơi thì đã muộn. Ông biết ông nói dối, dối một cách trơ trẽn. Ông đã có thể ra ban công lần chó sủa thứ hai, thứ ba, và nếu vẫn thấy hai thằng ấy, đáng lẽ ông phải đuổi chúng đi, ít ra cũng phải gọi mọi người dậy. Chắc chắn lúc ấy chúng sẽ không thể ra tay, và cháu Hồng không bị giết một cách thảm thương như vậy.

Nhưng ông đã không làm thế. Ông sợ bị chúng chém hoặc dùng kim chích ma túy đâm vào người. Sao ông không đi ra cùng con Mực? Chắc nó biết cách bảo vệ chủ. Ông quên không nghĩ tới điều đó. Quên một phần vì không muốn dây vào chúng, vì nghĩ con chó chỉ giữ nhà ông là đủ. Ông chủ cửa hàng nhậu từng chỉ vào con béc-giê của mình, nói: Lúc ấy mà tôi thả con này ra thì hai thằng kia chỉ có chết! Nhưng ông ta đã không thả. Người khác cũng không. Lũ chó ngu ngốc, chúng sẽ chịu "dây" với bọn kia và sẽ ngăn được vụ án mạng.


Càng nghĩ, ông Dụng càng buồn và thấy mình có tội. Trong cái chết của cháu Hồng ông chịu một phần trách nhiệm. Ông đã tính tới thú hết với công an, rằng chính ông và những hàng xóm của ông mới là thủ phạm. Nhưng không có bộ luật nào kết tội những người không cứu giúp người khác khi gặp nạn. Không ai bắt bẻ ông. Không ai, trừ lương tâm. Lương tâm ông bây giờ đang cắn rứt. Ông đã có thể cứu được đứa bé nhưng ông hèn, ông quá khôn. Thế mà hàng chục năm trời ông vẫn là cán bộ bảo vệ trẻ em! Suốt mấy chục năm ấy và cả đời mình, ông chẳng hề bảo vệ được ai. Việc ông làm chung quy chỉ là nói những lời đạo đức giả, dự các cuộc họp triền miên và mỗi năm vài lần trao những túi quà người ta chuẩn bị sẵn. Tên ông là Hữu Dụng mà thực sự ông là người vô dụng. Bạn bè, đôi khi cả chính ông, cũng nhiều lần nói đùa như thế.

Choáng váng vì cái chết của con gái, vợ chồng anh Châu xin đi làm tại một đại sứ quán ở châu Phi, để lại ngôi nhà trống rỗng và khu xóm nhỏ đang dằn vặt với những gì xảy ra.

******                

Chứng mất ngủ của ông Dụng ngày thêm trầm trọng. Ông bắt đầu đi bác sĩ và uống đủ các loại thuốc vợ ông mua về. Bị truy quét, bọn nghiện ngập và tội phạm không đến đây nữa, ngày cũng như đêm. Chó ít sủa hơn. Tuy nhiên, ba hôm nay, lúc gần sáng con Mực nhà ông cứ tru khe khẽ. Tiếng tru nghe rất lạ, như nó đang sợ hãi điều gì. Con chó Nhật của ông Hoạch cũng sủa theo. Các con khác không thấy lên tiếng. Cả ba hôm ông đều ra xem nhưng không thấy gì.

Bây giờ con Mực lại sủa, đúng hơn, đang rên ư ử. Ông nhìn đồng hồ. 3 giờ sáng. Trời tối, lại có gió lạnh. Xung quanh không tiếng động. Ông rón rén nhỏm dậy. Ông không ra ngoài ban công, mà chỉ đứng bên trong, vén rèm cửa sổ nhìn ra. Lối đi phía dưới vắng tanh. Ngọn đèn 60 watt trước nhà ông Hoạch tù mù, nhưng cũng đủ sáng để nhìn thấy bất kỳ người nào, nếu có. Nhưng ông nhìn mãi chẳng thấy ai. Trong khi đó con Mực vẫn tiếp tục sủa một cách lo lắng và sợ hãi.


Ông khoác thêm áo, lặng lẽ đi xuống, lặng lẽ mở cửa rồi mở cổng bước ra, không quên mang theo chiếc gậy đề phòng bất trắc. Con Mực thấy ông, vẫy đuôi rối rít. Nó rón rén đi trước, tai cụp, đầu cúi sát đất. Có nó, ông thấy yên tâm hơn.Bên ngoài trời vẫn tối đen và ẩm ướt. Xung quanh yên ắng lạ thường. Bất chợt, ông nhìn thấy cái bóng mờ mờ trước mặt. Ông định kêu to đánh thức mọi người, nhưng nghĩ có thể nhìn nhầm nên lại thôi. Cái bóng nhỏ màu trăng trắng đứng co ro bên cửa nhà anh Châu, chỉ cách ông chừng mươi mét. Trộm chăng? Hình như không, vì nếu đúng nó đã bỏ chạy khi nghe ông hắng giọng. Vậy thì là ai? 

Ai đấy? - Ông hỏi to, rồi bước lại gần. Con Mực đi theo, sủa lên một tiếng đầy hăm dọa. Cái bóng trắng vẫn đứng yên. Khi lại gần, ông Dụng thấy đó là một đứa trẻ. Nó đứng tựa lưng vào tường rào, hai tay ôm cái gì trước bụng.

Trời ơi, Hồng đấy à, cháu? Ông khẽ thốt lên, quên rằng con bé đã chết hai tháng nay.

Cái bóng gật đầu, không nói gì. Ông Dụng nhìn kỹ thì thấy đúng là Hồng. Dưới ánh điện tù mù, ông thấy nó khóc, đôi mắt mở to đau đớn nhìn ông.


Trời ơi! Ông Dụng kêu lên, kinh hoàng nhìn mớ ruột trên tay con bé. Cái gì thế này? Con bé im lặng, nhìn xuống chiếc bụng bị đâm thủng rồi nhìn ông, vẻ van nài. Con Mực không rên nữa. Nó cuống quýt chạy quanh chủ và cái bóng ma. Ông Dụng đứng lặng, lúng túng hồi lâu. Cuối cùng ông ngồi xuống ngang tầm đứa bé, nhẹ nhàng nâng từng đoạn ruột bầy nhầy dính máu nhét lại vào bụng nó. Ông làm việc này thong thả, thận trọng như một bác sĩ và bình tĩnh một cách lạ lùng. Thậm chí tay ông không hề run. Con bé vẫn lặng lẽ đứng yên, thỉnh thoảng co giật như bị đau. Cháu gắng chịu chút nữa. Bác xong ngay bây giờ. Cháu ngoan lắm. Giỏi lắm! Ông dỗ nó như dỗ đứa cháu ngoại năm tuổi mỗi lần bắt uống thuốc đắng.

Con bé mấp máy môi khi ông làm xong, ông còn thận trọng đưa lòng bàn tay vuốt lại lần nữa chỗ rách ở bụng nó. Ông kéo cao quần nó lên, cài cúc áo cho nó rồi ngước mắt, có ý hỏi: Giờ cháu đỡ đau rồi chứ? Con bé gật đầu nhìn ông và con Mực, rồi từ từ tan trong lớp sương mù ẩm ướt.

Ông Dụng ồ lên một tiếng. Ông thực sự không hiểu chuyện vừa rồi là thực hay chỉ là giấc mơ. Dạo này ông hay có những giấc mơ kỳ quái...


Từ hôm ấy, đêm đêm lúc gần sáng, con Mực nhà ông thôi không sủa nữa. Hồn ma cái Hồng cũng không quay lại lần nào. Nhưng chẳng vì thế mà ông Dụng đỡ mất ngủ. Cứ gần sáng ông lại ra khỏi nhà, vật vờ đi đi lại lại trong ngõ. Lúc đầu lũ chó sủa ghê lắm, nhưng rồi chúng dần quen, không còn làm ầm ĩ khiến mọi người tỉnh dậy.

 

Thái Bá Tân
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 156
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 1.984 seconds.