Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 155 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 31/May/2024 lúc 12:54pm

Chuyện con gấu bông Carmen

 

Những ngày của tháng tư này thế giới như đang lên cơn sốt: Nga tiếp tục tấn công Ukraina, dải Gaza đỏ lửa, biểu tình ở các đại học Mỹ… Để quên đi trong giây lát những ám ảnh đen tối, hôm nay xin gởi đến các bạn một câu chuyện về lòng tốt của con người ở nhiều nơi. Chuyện về cuộc phiêu lưu của con gấu bông Carmen. NS

Bé Ashley bị ung thư. Sau cuộc đại phẫu thuật, bé trở nên nhút nhát và hoang mang trước thế giới xung quanh. Điều đó khiến mẹ bé rất buồn.

Một hôm, khi hai mẹ con đang cùng xem chương trình TV về một phóng viên đã đi vòng quanh nước Mỹ bằng cách quá giang xe, Ashley bỗng thốt lên: “Con ước gì có thể làm được như vậy!” Bà mẹ rất vui khi thấy Ashley trở lại với những ước mơ trong sáng của tuổi thơ.

Chợt một ý nghĩ lóe sáng trong đầu óc bà mẹ: Bà nhớ đến con gấu bông Carmen của Ashley, một món quà con bé nhận được khi còn đang nằm trong bệnh viện. Tại sao không để cho Carmen thay Ashley đi vòng quanh nước Mỹ. Ashley rất háo hức khi nghe mẹ nói và ngay lập tức hai mẹ con chuẩn bị cho Carmen lên đường. Họ tìm mua cho Carmen một cuốn sổ xinh xắn để làm nhật ký hành trình, một cái ví nhỏ để đựng 5 đôla nhờ người ta gởi Carmen về lại nhà bằng đường bưu điện. Ashley viết một cái thư giới thiệu và gởi gắm Carmen cho mọi người trên các chuyến xe rồi cho vào hành trang của Carmen. Thế là gấu bông Carmen lên đường, trước hết theo một tài xế xe tải rồi từ đó qua 16 tiểu bang của nước Mỹ. Và ngày 24 tháng Chín, Carmen trở về nhà trong một cái hộp đóng dấu bưu điện Hawaii! Mà thậm chí trở về trong một phong cách lịch sự và trang nhã. Cái hộp đầy những vật lưu niệm của những vùng đất Carmen đã tới và những con người nó đã gặp. Một cái mũ rơm vùng Wisconsin. Một cái vòng của người da đỏ vùng Cherokee. Một bức ảnh chụp chung với chuột Mickey ở Disneyland. Một bức ảnh nữa chụp Carmen đang bơi ở một bể bơi ở Arizona.

Như vậy là Carmen đã được mọi người đón tiếp và giúp đỡ với lòng tử tế và những tình cảm ấm áp. Carmen trở về, mang theo những tình bạn thật dễ thương. Những người bạn mà một cô bé 10 tuổi sống vùng nông thôn Iowa như Ashley đáng lẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt. Ashley viết thư cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ Carmen trong chuyến hành trình dài. Và nhận được rất nhiều thư trả lời.

Một thi sĩ đã viết, “…mà lịch sử thì quá chật, không đủ chỗ để ghi những chuyện tốt lành”. Nếu đúng như vậy, thì kẻ này xin tình nguyện sống để ghi lại những câu chuyện thuộc loại cổ tích của đời thường, nói lên lòng tốt của con người ở khắp mọi nơi trên trái đất này.

chuyen%20con%20gau%20bong%20carmen

Như Sao
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Jun/2024 lúc 11:49am

Chuyện tình con lai Mỹ-Việt: ‘Làm nghề đổ rác em vẫn theo’


“Vì đa số con lai khi còn ở Việt Nam bị phân biệt đối xử, bị cha bỏ rơi, tuổi thơ cơ cực, thiếu học vấn,… nên người ta hay nói ‘con lai thì quậy.’ Em không muốn mọi người nghĩ mình như vậy nên cố gắng làm việc lo cho gia đình, nuôi dạy con cái.”


conlai%20van%20dung
Hai vợ chồng Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Khánh Vân. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

GALVESTON, Texas. (NV) – “Ở Philippines, khi hai đứa quen nhau mới hai tháng thì em có giấy đi Mỹ trước. Khi chia tay, ảnh nói là chừng nào sang Mỹ nếu ảnh làm nghề đổ rác thì em có còn theo không? Sau hai ngày suy nghĩ, em trả lời rằng ‘em vẫn theo. Ðó là năm 1990. Bây giờ sau 25 năm, chỉ có điều ảnh không đổ rác mà làm nghề đi biển mà thôi.”

Nguyễn Khánh Vân, người con lai hai dòng máu Mỹ-Việt làm nghề cắt tóc ở thành phố San Leon, kể về cuộc tình với chồng mình, anh Nguyễn Văn Dũng, cũng là con lai, một ngư dân đánh cá ở vịnh Galveston, Texas, như vậy!

Ðâu phải con lai nào cũng “quậy”

Nguyễn Văn Dũng hiện là chủ một chiếc tàu loại trung bình, dài hơn 50 ft, sáng ra biển chiều tối vào bờ. Ngày nào như ngày nấy, mùa Hè bắt tôm, mùa Ðông bắt hàu. Anh là lao động chính trong gia đình. Công việc tuy vất vả nhưng tự làm chủ nên không gò bó. Thu nhập tùy theo năm, có năm khá thì kiếm $50-$60 ngàn, ít thì khoảng 30 ngàn, mà theo lời anh là “đủ nuôi vợ và 3 đứa con.”

Như nhiều phụ nữ Việt Nam ở Mỹ khác, Vân làm nghề tóc và có kinh nghiệm cả chục năm, vừa kiếm sống phụ chồng vừa chăm sóc gia đình con cái. Ba đứa con của Dũng và Vân, con gái lớn 22, con trai 18, và cô út 15 mà theo lời Vân, “các con ngoan, học giỏi, con gái lớn đang theo đuổi nghề nha sĩ, hai đứa nhỏ học trung học.

Tổ ấm của gia đình nhỏ này là một căn nhà mới xây, khang trang, rộng rãi, nhìn họ, ít ai ngờ rằng cả hai vợ chồng đã trải qua tuổi thơ khốn khó ở Việt Nam và một thời gian dài cố gắng, nỗ lực để thành công ở Hoa Kỳ, vùng đất mới mà cả hai đều nói là “quê cha.”

“Vì đa số con lai khi còn ở Việt Nam bị phân biệt đối xử, bị cha bỏ rơi, tuổi thơ cơ cực, thiếu học vấn,… nên người ta hay nói ‘con lai thì quậy.’ Em không muốn mọi người nghĩ mình như vậy nên cố gắng làm việc lo cho gia đình, nuôi dạy con cái.”

Nguyễn Khánh Vân mở đầu câu chuyện kể về gia đình mình như vậy. Nguyễn Văn Dũng tiếp lời vợ: “Nhận xét đó nó ăn sâu vào tâm thức tụi em. Ngay từ khi làm đám cưới, mọi người đã nói: ‘Một đứa lai đã quậy đủ mà đây cả hai đứa cùng lai, không biết tụi bây kéo dài được bao lâu.’”

Theo Vân, “Thực ra câu nói đó người ta cho mình áp lực và cũng giúp cho mình thêm nghị lực mà tụi em phải vươn lên khắng khít bên nhau nhiều hơn.”

“Khi mình còn ở Việt Nam, người ta đã coi mình là con lai, khi mình đến Mỹ thì phải làm sao cho xứng đáng với việc mình trở về quê hương của cha mình. Mình phải là người đàng hoàng để không ai nói rằng ‘nó quậy từ Việt Nam, sang Mỹ vẫn còn quậy!’”

Ở Mỹ này, nhiều khi đi ra đường, gặp nhiều người con lai như mình nhưng lại vướng vào những cái gọi là “tệ nạn xã hội” và cảm thấy rất tiếc và thương họ vì điều đó. Ở Việt Nam mình bị phân biệt đối xử, kỳ thị, bạc đãi,… thì tại sao khi đến Mỹ rồi mình lại không vươn lên, không cố gắng.

Vân tiếp lời: “Em muốn nói điều này với những người bạn cùng cảnh ngộ con lai, muốn các bạn hiểu rằng hạnh phúc, và tương lai cho mình là do mình quyết định và chọn lựa, không ai mang đến cho mình cả.”

Chuyện tình con lai

Vân đến từ Nha Trang, Dũng từ Ðồng Tháp, cả hai gặp nhau “sơ sơ” ở Sài Gòn khi đi “phỏng vấn” rồi lại gặp nhau ở trại tiếp cư ở Philippines. Và rồi tại đây, “con lai” gặp “con lai” để mối tình nảy nở.

Kể về chuyện tình Vân nói trong xúc động: “Em là con lai nên khi gặp một người con lai khác thì có sự cảm thông hơn là một người con trai 100% Việt Nam. Gặp người giống mình thì cảm thấy an toàn hơn bởi vì có cảnh ngộ giống nhau. Từ đó yêu thương nhau, lo lắng cho nhau, có lối suy nghĩ giống nhau và vai kề vai duy trì hạnh phúc cho nhau.”

Vân tiếp lời: “Em là người con sinh ra không có cha vì thế em không muốn con mình lập lại giống mình, nên tìm thấy ở Dũng có cái gì đó tin tưởng, bởi Dũng vốn dĩ cực khổ từ bé.”

Dũng thì nhớ lại: “Tụi em gặp nhau trong thời gian hai đứa đi làm giấy đi Mỹ. Khi vào Sở Ngoại Vụ lấy hộ chiếu và gặp nhau nói chuyện qua lại, coi như người bạn bình thường. Rồi lại gặp nhau khi vào Chợ Rẫy khám sức khỏe, và chỉ là những câu chuyện vu vơ chứ không nghĩ qua Phlippines gặp lại.”

Rồi Vân sang Philippines trước hai tháng, lại gặp nhau ngoài đường. Rồi gọi tên nhau, nhận ra nhau, rồi có tình cảm và dần dà thì phải lòng nhau trong ba đến bốn tháng. Thế rồi Vân lại sang Mỹ trước Dũng hai tháng, ‘thương thì cũng thương thiệt nhưng biết khi nào gặp lại và biết làm sao tìm nhau.’”

20 đô la và cuộc sống mới

Kansas City của tiểu bang Missouri là nơi đầu tiên Vân đặt chân tới khi sang Mỹ. Những ngày tháng đầu tiên, ngoài việc trở lại trường trung học, cô làm nghề may thêm phụ bà cô để kiếm thêm tiền.

Một ngày cuối năm 1990, khi vẫn còn trong trại tiếp cư ở Philippines thì Dũng nhận được thư Vân gởi từ Mỹ và kèm theo 20 đô la để chàng làm lộ phí khi “ra trại.” Với Dũng, số tiền đó là cả một gia tài, nhưng gia tài lớn hơn là số điện thoại của Vân, và anh biết từ nay hai người không thể lạc nhau.

Khi sang Mỹ, Dũng về Florida, ở đó vài tháng, nhưng nỗi nhớ mong Vân khiến anh đi đến một quyết định quan trọng, nhờ một người bạn lái xe lên Kansas City vì, theo lời Dũng: “Tao nhớ con ghệ của tao quá!” Ðến được Kansas City và tìm được Vân từ đó tình cảm và duyên nợ và hai người cùng quyết định: làm đám cưới!

Dũng hồi tưởng: “Khi mới qua em ở chung với mẹ vợ và em gái vợ. Rồi làm lụng dành dụm để làm đám cưới. Mua vé máy bay cho mẹ Dũng qua.”

“Mà cưới nhau cũng không có tiền. Lúc đó nhờ một bà cô người quen giới thiệu cho em làm hãng bóng đèn rồi giúp em mượn được 3,000 làm đám cưới và trả nợ dần.”

Sau ngày cưới, Vân tiếp tục đi làm, mỗi ngày phải lội bộ 20 phút mới có xe bus, còn Dũng ngay sau đó lại thất nghiệp.

Không có việc làm, Dũng chuyển sang làm nghề nhà hàng.

Ðó là năm 1993, mỗi ngày đi làm Dũng phải lội bộ cả tiếng đồng hồ cho chiều đi và về. Làm ít tháng rồi anh dành dụm được hơn $1,000 và mượn thêm tiền mẹ vì bà có “tiền già” để mua chiếc xe hơi. Cũng thời gian này, hai vợ chồng sinh đứa con đầu lòng.

conlai%20van%20dung%202
Gia đình Dũng-Vân và 3 con. (Hình: Gia đình cung cấp)

Bén duyên với biển cả

Ở Kansas City công việc ít, thu nhập không ổn định, năm 1995 Dũng lặn lội xuống San Leon, Texas làm thuê mướn trên những chiếc tàu đánh bắt cá tôm.

Năm 1996 trở về Kansas City rồi lại quay trở lại. Cho đến năm 1997 đầu 1998, Dũng đưa cả vợ con về Texas, mua được chiếc tàu nhỏ, khi đó cậu con trai thứ hai mới sinh được vài tháng.

“Bên Việt Nam em không biết nghề biển. Vất vả lắm, làm một thời gian cứ trồi lên sụt xuống, tàu bè hư hỏng, nhiều người cảm thông, nói nửa nửa thật, ‘chắc mày ráng lắm cũng kéo dài được chừng vài tháng!’”

Dũng nhớ lại thời gian khó bằng nụ cười sảng khoái: “Tướng tá mình ốm yếu, tàu hư, gọi bà xã, em ơi mang xe xuống cho anh mua đồ sửa tàu, nhưng vợ trả lời, xe cũng hư luôn rồi!”

Vân khi đó từng nhiều lần năn nỉ “thôi mình về lại Kansas đi làm ‘bấm thẻ’ đi anh.” Nhưng Dũng quyết chí ở lại.

Theo lời Dũng, sang đến năm 1999-2000, tự nhiên em làm ăn tương đối được, từ từ nghề dạy nghề, rồi thì cuộc sống cũng dần ổn định. Cũng thời gian đó hai vợ chồng sinh thêm một bé gái và cũng là út, từ đây cuộc sống bắt đầu thay đổi. Giờ đây cả hai có nhà cửa, cơ ngơi ổn định, con cái học hành và theo lời Vân “rất hài lòng về điều đó.”

“Tụi em không có bí quyết gì cả!” Dũng khẳng định chắc nịch về thành công của mình.

“Tất cả là do xã hội tạo cho mình áp lực để vươn lên. Bởi từ khi còn ở Việt Nam, xã hội dường như có thành kiến rằng, con lai thường ‘quậy’ không lo làm ăn, qua Mỹ cũng không ngừng quậy. Thứ hai nữa, một con lai đã quậy, hai đứa quậy nhập lại rồi ra sao? Và tụi em phải chứng minh ngược lại!”

“Nếu hỏi em có bằng lòng với cuộc sống thực tại không? Em xin trả lời rằng em rất hạnh phúc và rất thỏa mãn, nhất là có 3 đứa con.”

Qua Mỹ “được mặc áo đầm, ăn đùi gà!”

Ở Việt Nam ngay từ nhỏ dù sinh ra ở tỉnh Tiên Giang nhưng Dũng đi tứ xứ. Từ Ðồng Tháp, xuôi xuống Cà Mau lăn lộn khắp vùng để mưu sinh giữ trâu, chăn vịt,… thuê cho người ta. Rồi Dũng lại ngược ra miền Ðông, khắp vùng Long Khánh, Phương Lâm, Ðịnh Quán, Bảo Lộc, lên cả Tây Nguyên. Những địa danh như Ngã Ba Ông Ðồn, Căn Cứ 4, Dũng cũng từng sống nhiều năm làm thuê làm mướn, có nghề nào là lắm nghề nấy.

“Trước năm 1990, có người tìm em về nói rằng sẽ được đi Mỹ. Em không có bất cứ khái niệm gì về Mỹ cả, lo lắng không biết ở đó có giống quê hương mình không, làm sao nói tiếng Mỹ, làm sao mình làm ăn.”

“Những ngày đầu tiên đến Mỹ, em bị sốc dữ lắm. Bên Việt Nam không được đi học. Qua Mỹ 19-20 tuổi làm sao đi học chữ, thế là quay sang đi làm. Làm đủ cả, từ lau chùi dọn dẹp nhà cửa, bồi bàn nhà hàng rồi từ cũng vượt qua.”

Nếu như ở Việt Nam, Dũng khó khăn, cơ cực, không có cơ hội học hành thì Vân khá hơn chồng mình chút đỉnh. Cô kể: “Vân có mẹ, có chị và có em. Học hành không nhiều như người khác, nhưng được tình thương của mẹ. Năm 10 tuổi em vào Nha Trang ở với dì làm giúp việc nhà, khi 12 tuổi thì được má gọi về nhà làm giấy tờ đi Mỹ.”

“Tuy không khổ như các bạn con lai khác vì gia đình bên ngoại đông nên được nhiều sự giúp đỡ. Nhưng chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui.”

Khi nghe tin mình được đi Mỹ, Vân không lo nghĩ nhiều như những người khác, mà chỉ nghĩ đơn giản theo kiểu “rất con gái” là sẽ được mặc áo đầm, đi xe hơi, ở nhà đẹp, và… ăn đùi gà thoải mái.

Có lợi thế so với các bạn con lai khác là ở thành phố, nên khi nghe tin mình sẽ được “đi Mỹ” thì Vân cứ mong hoài, mong hoài, nhất là khi phỏng vấn bị trục trặc nên bị trễ hồ sơ.

Theo Vân, nỗi buồn nhất của thời ấu thơ và sau này là thiếu nữ khi còn ở Việt Nam là đi học không có bạn bè như những đứa trẻ bình thường khác.

“Người ta nói em là con lai nên không cho chơi, rồi Mỹ lai này Mỹ lai nọ, con không cha,.. Trong những năm đi học, đã không có ai làm bạn, lại còn bị trêu chọc, ăn hiếp. Buồn hơn là khi đi học về trời mưa thì các bạn xô mình té hay không cho đi chung áo mưa. Ðến cả cô giáo cũng phân biệt ngược đãi, cho mình ngồi tuốt cuối lớp, cô nói nhỏ, mình không nghe lại bị cô la rầy.”

“Những cái đó làm em tủi thân nhiều hơn là đối với trong gia đình. Buồn vì mình bị xã hội kỳ thị, và đó là điều em không bằng lòng.”

Tự hào về nước Mỹ

Em tự hào về đất nước này! Vân bộc lộ thẳng thắn khi được hỏi nhận xét thế nào về nước Mỹ.

“Lúc nào em cũng nói với các con mình rằng, mẹ rất thích nước Mỹ. Ðất nước này cho mình nghị lực và niềm hy vọng. Hy vọng là trước mắt mình, nghị lực là do mình tạo ra. Mình tự do để làm mọi chuyện và chịu khó làm là mình sẽ có được điều mình mong muốn.”

Dũng tiếp lời vợ, chỉ cần chịu khó, chịu khó và chịu khó… thì nước Mỹ cho mình rất nhiều. Mình muốn cái gì sẽ có cái nấy nếu mình cố gắng.

Câu chuyện của cá nhân Dũng và Vân khi còn ở Việt Nam, ăn không đủ no, không thể đến trường, luôn là đề tài để hai vợ chồng dạy dỗ các con mình “phải quý trọng vì các con sinh đẻ ở đây.”

Như ước mơ của bao bậc cha mẹ đến từ Việt Nam khác, Vân bộc bạch: “Ở Việt Nam em không được đi học như mình mong muốn. Em mong muốn các con mình đạt được sự tiến bộ trong học vấn. Muốn nhìn các con mình lớn lên ngoài sự thành công của cá nhân và đóng góp cho xã hội.”

“Em hài lòng với những gì mình đang có. Không cần phải thật giàu có, nhưng cũng đừng để nghèo khổ.” Và người phụ nữ gốc Nha Trang cười bẽn lẽn khi tựa bên vài chồng: “Luôn mong được ông xã thương em, chiều em nhiều hơn như ngày nào hai đứa mới gặp nhau!”

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Jul/2024 lúc 9:11am

Buông Tay Để Giữ Chồng


Thảo và Hưng yêu nhau hơn 6 năm và cưới nhau hơn 7 năm, có một bé trai đầu lòng và một cặp song sinh long phụng. Chồng Thảo làm xa nhà hơn 3 giờ chạy xe máy nên mỗi cuối tuần anh mới về nhà, Thảo sống cùng bố mẹ chồng. Khi cô có bầu đứa đầu tiên, vợ chồng gom góp tiền xây nhà, mượn thêm vài trăm tiền tiết kiệm và lương hưu của bố chồng nên đã có 1 căn nhà khang trang.


Thời gian đó, qua vài biểu hiện lạ của chồng, Thảo biết anh có bồ nhí. Hôm đó Thảo xin nghỉ nửa ngày đón xe xuống chỗ của chồng và nhờ 1 bác xe ôm theo dõi chồng. 2 ngày sau, Thảo tận mắt thấy chồng chở cô bồ về phòng trọ. Khi ấy cô đang ngồi ở 1 quán cafe đầu hẻm và điện cho chồng, anh nói dối là đang đi nhậu với bạn bè, nhưng khi nghe cô bảo: "Nếu anh còn muốn giữ cái gia đình này thì bước vào quán cafe sau lưng anh, hoặc em cho người mang đơn li hôn và chấm hết, chúng ta không còn gì để nói".

Chồng cô bước vào quán cafe với 1 khuôn mặt tái mét, lắp bắp không ra tiếng. Thảo chỉ nói mấy câu "Anh có 2 lựa chọn, hoặc kí vào tờ đơn ly hôn này, em chỉ cần 3 đứa con, còn toàn bộ tài sản là của anh. Hoặc anh có 2 tuần để kết thúc mọi việc với cô nhân tình của anh, em coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra và đừng bao giờ để lặp lại chuyện này lần thứ 2".


Hơn 1 tuần sau, Thảo nhận được 1 cuộc điện thoại, cô ta bảo: "Chị có phải là vợ của anh Hưng không? Em là bạn gái của anh ấy, em đang đứng trước cổng công ty chị, chị ra ngoài gặp em 1 lát nhé". Thảo bảo đầu tuần tôi có nhiều cuộc họp rất bận, để chiều tối về rồi muốn nói gì thì nói . Nhưng cô ta trả lời: "Vậy thì để em về nhà chị đợi vậy, có phải nhà chị ở số...đường…, hiện giờ có 2 ông bà đang trông 2 đứa cháu ở nhà phải không chị?" Thảo giận run người. Lấy lý do nhà có việc gấp để xin phép nghỉ một ngày, điện thoại cho chồng về gấp sau đó đi gặp cô ả.

Cô ta mở cho Thảo xem đoạn video chồng Thảo nói chia tay với cô ta. Chồng cô bảo với cô ta là anh ta lấy Thảo vì tình thương, rằng con trai đầu của cô là kết quả của việc cô đi lang chạ với người đàn ông khác, bố mẹ cô quì lạy van xin anh ta cưới cô. Vì bố mẹ anh quí và thương cô nên anh ta lấy cô chứ không phải vì anh ta yêu cô. Kể từ khi gặp cô ta, anh ta mới biết thế nào là hạnh phúc.

Thảo sốc đến á khẩu, nhưng không cho phép mình khóc. Rồi cô ta bảo Thảo "Chị thương anh Hưng, chị thương em, chị cho bọn em một cơ hội được hạnh phúc, chị đừng làm khổ anh ấy nữa, chị li hôn được không? Anh Hưng vì bố mẹ nên không dám bỏ chị chứ thực sự anh ấy không yêu chị, chỉ có em mới mang lại hạnh phúc cho anh ấy”.

Thảo cười bảo với cô ta rằng: "Ừ, chị cũng có nghe anh Hưng nói về em, chuyện của anh chị thì chị cũng đang chuẩn bị nộp đơn để giải thoát cho anh ấy được sống hạnh phúc. Em cầm tờ đơn này đưa cho anh ấy nhé, chị kí rồi đấy, yên tâm nha, giờ chị mời em về nhà chị cho biết nhà cửa, ông bà cũng dễ chịu lắm”.


Trước khi đưa cô ta về nhà, Thảo chạy qua trường mẫu giáo đón con về. Bố mẹ chồng thấy cô về giữa ngày thì hơi ngạc nhiên, nhưng khi cô bảo có cô bạn ở xa lâu ngày không gặp nên đưa về nhà chơi. Thảo vẫn chuẩn bị cơm trưa, mời nhân tình của chồng ăn. Cô ta nhìn 2 đứa con sinh đôi của cô bảo: "2 bác vất vả quá, tuổi này rồi mà còn phải trông con cho người ta, em nghe anh Hưng bảo mỗi tháng ba mẹ chúng trả cũng được 3 triệu phải không chị?" Thảo cười không ra nước mắt.

Căn giờ chồng gần về tới nhà, Thảo ôm 3 đứa con rồi bảo bố mẹ chồng ra bàn ngồi nói chuyện. Chồng về tới nơi, nhìn cô ta sửng sốt. Cô bảo bố mẹ chồng: "Buổi nói chuyện hôm nay, hi vọng chỉ có 1 mình con nói, đừng ai xen vào, sau đó mọi người muốn nói gì thì nói, con không nghe, chỉ cần 1 trong 4 người đừng lên tiếng, mọi việc kết thúc con không nói gì thêm”.

Thấy bố mẹ chồng tỏ vẻ bất ngờ, cô nói tiếp: “Thưa bố mẹ đây là Hạnh bạn gái của chồng con, hôm nay cô ấy đến đây là để bảo con li dị chồng để họ có cơ hội được hạnh phúc. Con về làm dâu bố mẹ 7 năm nay, không có điều gì phàn nàn cả, nhưng chồng con bảo, anh ấy lấy con là vì thương hại, vì vâng lời bố mẹ. 3 đứa con của con không phải là con của anh ấy.

Con gửi bố mẹ sổ tiết kiệm, tiền hồi xưa vợ chồng con mượn xây nhà, cộng với tiền lương hưu của bố nhờ con giữ, hơn 600 triệu. Con chỉ xin bố mẹ 1 điều, ngày con cưới, bố mẹ thưa chuyện với bố mẹ con, con bước vào nhà này đàng hoàng thì khi ra cũng phải đàng hoàng, bố mẹ nói chuyện với bố mẹ con cho phải đạo.

Còn anh (cô quay sang chồng) bảo: Anh lấy tư cách gì để thương hại em vậy anh? Hơn 30 tuổi, đã bao giờ anh pha cho bố anh ấm trà chưa? Nấu cho mẹ anh 1 bát mì chưa? Lấy anh bao năm, đẻ cho anh 3 đứa con, nuôi nó lớn từng này, có khi nào anh cầm chổi quét hộ em cái nhà hay rót cho em li nước chưa?

Trước khi đẻ con cho anh, thử hỏi cô bồ anh có vé mà so sánh với em về nhan sắc, ngây thơ trong sáng không? Anh đã quên anh phải vất vả thế nào mới tán tỉnh và rước em về nhà? Anh đã quên anh vui như thế nào khi biết em mang thai Bin? 3 đứa con anh lớn từng này nhưng chưa phải uống một giọt sữa ngoài nào? Mỗi ngày em đều dậy lúc 5 giờ sáng, đi chợ mua đồ tươi về nấu cháo cho con anh, pha trà cho bố anh, đưa đón con đi làm.

Người ta có chồng đỡ đần, còn em, nửa đêm 2 giờ sáng đón taxi đưa con vào viện, 2 tay ôm 2 đứa. Một nách 3 con mọn, cũng đi làm 8 giờ như bất kì ai, phải làm trăm thứ việc đáng lẽ ra người chồng phải làm, thử hỏi có khi nào con tè ra quần mà anh phải thay chưa?

Anh có 2 sự lựa chọn, kí vào lá đơn này, sổ đỏ và toàn bộ tài sản là của anh, cả toàn bộ lương thưởng mấy năm nay em chưa hề đụng vào. Vốn dự định mua đất cho con cái sau này, nhưng em cho anh coi như mừng cưới để anh đi tìm cái anh gọi là hạnh phúc thật sự.

Trước khi li dị, em sẽ ra Ủy ban làm lại giấy khai sinh, hủy tên cha của 3 đứa, làm mẹ đơn thân, nếu họ cần làm chứng thì mong anh giúp, em tin là lương mỗi tháng gần 30 triệu em có thể nuôi 3 đứa nên người. Và em tin con em lớn lên nó cũng hiểu và không cần người cha tạo ra nó nhưng chối bỏ nó.

Hoặc là anh xóa bỏ tờ đơn này và chấm dứt hoàn toàn quan hệ với cô này. Nhưng hãy nhớ 1 điều, em chấp nhận sai lầm này vì con chứ quên và tha thứ thì không bao giờ, và không có lần thứ 2 xảy ra. Anh có 10 phút suy nghĩ, em và con đi dọn đồ, em đã gọi taxi đợi trước cổng rồi, 1 khi em bước ra khỏi căn nhà này thì anh không bao giờ còn cơ hội nữa”.

Sau đó Thảo quay sang cô bồ bảo: “Chị không cần biết chồng chị nói gì với em, nhưng cứ nhìn 3 đứa con chị thì em biết là con ai. Đấy, bố mẹ chồng chị đấy, chồng chị đấy, cả ngôi nhà và toàn bộ tiền bạc tài sản, em cứ lấy đi nhé. Chị tin em có thể chăm sóc được bố mẹ chồng chị và mang lại hạnh phúc cho chồng chị, có khi làm tốt hơn chị.

Nhưng em ạ, hãy cứ sinh 3 đứa con rồi lo cho nó đi, đến khi em tàn tạ, xấu xí rồi 1 ngày đẹp trời như thế này, một cô bồ trẻ trung xinh đẹp nào đó rớt từ trên trời rơi xuống và bảo "Chị hãy li dị chồng cho em và anh ấy cơ hội hạnh phúc" đi rồi xem em có làm được như chị không?

May cho em là gặp chị, gặp người khác, xem người ta có kéo cả dòng họ ra đập cho em một trận, có khi bỏ mạng ở đây rồi đấy? Đời thuở nhà ai, người thứ ba tự cho mình cái quyền đòi người vợ danh chính ngôn thuận được cả pháp luật và xã hội thừa nhận phải nhường chồng cho mình. Chị không nhường chồng cho em mà chị vứt đi, em đến mà nhặt, chị không cần loại chồng tệ bạc như thế này”.

Sau khi nói xong, Thảo bỏ đi dọn đồ đạc, nhưng chồng cô ôm lấy cô và con bảo: "Anh không thể mất em, xin em cho anh 1 cơ hội sửa lỗi". Cô bồ ấy cũng rời khỏi nhà tôi trong nước mắt và mất dấu từ đó.


Câu chuyện đã qua hơn 1 năm, không ai nhắc lại nữa nhưng vẫn còn đó 1 nỗi đau cô nhắc mình phải nhớ. Từ đó, bố mẹ chồng cô thương cô hơn, chồng về cũng chịu khó lau chùi nhà cửa, giặt đồ, phụ giúp cô những việc khác. Thật sự, thời gian đầu, chỉ cần chồng đụng vào người, cô cảm giác cực kì ghê tởm, tổn thương. Nhưng vợ chồng là duyên số, họa phúc cùng nhau gánh vác, rồi cũng ổn cả.

Giữ chồng đôi khi buông cũng là 1 cách để giữ vì nếu anh ta thực sự cần vợ con thì anh ta sẽ biết làm thế nào, đừng dễ dàng tha thứ và chấp nhận, kẻo 1 ngày anh ta lại tái phạm. Cho anh ta thêm cơ hội nhưng anh ta không biết trân trọng thì cũng không cần níu.

st.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jul/2024 lúc 12:29pm
Đi Chợ Ăn Hàng

Đi%20chợ%20ăn%20hàng%20tại%20Sài%20Gòn%20-%20Nguoi%20Viet%20Online

Trước năm 1975, Sài gòn có nhiều chợ, tuy khác tên và địa điểm, nhưng hình thức xây dựng và cách tổ chức bán hàng như nhau. Một cái nhà thật lớn không có vách, chỉ có mái che, gọi là nhà lồng chợ, với các gian hàng cố định bán đủ thứ từ vải vóc, kim chỉ, đến thịt, cá, trái cây. Bên ngoài nhà lồng, có vô số người buôn gánh, bán bưng, sạp rau, hàng bánh trái, hàng ăn.v.v. Chợ không có nhà lồng là chợ trời hay chợ chồm hổm.

Một sáng đẹp trời, chúng ta theo chân các bà nội trợ ra chợ. Bà nào cũng thế, đều ghé các sạp, gánh bán thức ăn để thưởng thức trước khi mua đồ về nấu cơm. Bởi thế, ca dao có câu:
“Đi chợ thì hay ăn qùa.
Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm”.

Từ xa, mùi hương chiên xào lan tỏa mời mọc. Đó là sạp bánh xèo, bánh khọt. Hai thứ nầy thường được bán chung. Một thau bột gạo được pha sẵn với nước theo tỉ lệ gia truyền sao cho bánh giòn, màu hơi vàng vì có bột nghệ, thêm nước cốt dừa, hành lá xắt nhuyễn. Khi chảo mỡ đã nóng ( phải dùng chảo gang cho bánh dễ tróc ), người bán dùng cái vá đổ bột một vòng trên thành chảo, từ từ cho bột trôi xuống đáy chảo, rồi cầm chảo lên đảo nhiều vòng để cho bánh được tráng đều và mỏng. Lúc bột chảy vô chảo, nghe tiếng kêu: xèo... xèo.. ( vì thế mà có tên “đổ bánh xèo” ). Đây là giai đoạn quyết định ngon hay dở. Bánh ngon phải mỏng, giòn rụm. Cho thêm củ hành tây, giá, đậu xanh luộc chín, tép, thịt ba rọi xào sẵn.v.v. rồi đậy nắp đợi chín. Khi bánh vàng, vỏ bánh được tách khỏi chảo dễ dàng, bánh được xếp đôi lại là xong. Khách ăn tới đâu, đổ tới đó nên bánh nóng. Người ăn dùng lá sà lách, cuộn với rau thơm và một phần cái bánh, rồi chấm nước mắm tỏi ớt, giấm, đường, trước khi thưởng thức. Pha nước mắm cho ngon là một yếu tố thu hút khách. Thịt heo béo, đậu xanh bùi, rau cải tươi mát, bánh giòn, nước mắm chua ngọt với đồ chua. Tất cả cái ngon nằm trong miếng bánh xèo. Dân ăn bánh xèo chuyên nghiệp thích ăn bánh xèo với đọt lụa ( lá xoài non ) và lá cải con ( do nhà vườn tỉa bớt khi trồng ). Đọt lụa có vị chát, lá cải hơi nồng, không hiểu tại sao hai thứ đó làm cho món bánh xèo trở nên ngon tuyệt.

Bánh khọt được đổ trên cái khuôn bằng đất nung, với 8-10 lỗ trũng tròn đường kính cở 10cm, sâu 2cm. Cùng một thứ bột với bánh xèo nhưng bột bánh khọt không pha bột nghệ nên màu trắng, thêm mấy cọng giá cắt nhỏ, hành lá xắt nhuyễn. Người bán dùng một đoạn thân của tàu lá chuối, làm dụng cụ thoa mỡ vào khuôn. Bánh ngon thì vỏ phải giòn rụm, phần ruột béo ngậy với con tép. Ăn với rau sống và nước mắm pha như bánh xèo. Bánh khọt nhỏ nên người ăn có thể cuốn cả cái bánh bằng lá rau sà lách.

Một cái bàn cao với mấy cái ghế. Một bếp than hồng âm ỉ với vỉ thịt nướng đang chảy mỡ xèo xèo. Mùi thơm ngào ngạt. Đó là gian hàng bún thịt nướng, bì bún, bì cuốn, gỏi cuốn. Các sợi bún được xổ tung ra cho cảm giác nhiều, rồi bày trong cái tô trẹt, mấy miếng thịt ba rọi ướp gia vị, sả, ươm mỡ thơm phức, rau thơm đủ loại xắt nhuyễn, gíá, dưa leo, đậu phọng rang đâm nhỏ và một món không thể thiếu: tóp mỡ thắng với hành lá. Ăn với nước mắm pha, tỏi, ớt, đường và đồ chua.

Thay vì thịt nướng, rải một lớp bì lên tô bún, ta có món bì bún. Các thứ khác y hệt.

Bì cuốn Người bán cuốn bì bằng bánh tráng mỏng thường gọi là bánh tráng nhúng nước. Bì được trộn sẵn gồm thịt, da heo chiên vàng và thính. Sà lách, rau thơm đủ thứ được bày lên miếng bánh tráng, rồi rải một lớp bì và cuốn lại. Cuốn khéo thì cuốn bì thật chặt, không đổ tung khi ăn. Chấm cuốn bì vào chén nước mắm pha với đồ chua. Bánh tráng rất dẻo, thịt, da heo thấm gia vị, rau nồng, nước mắm ngon. Ăn xong một cuốn, lại muốn cuốn nữa.

Có bà con với bì cuốn, là gỏi cuốn vì cả hai thứ đều dùng bánh tráng mỏng. Gỏi cuốn có thịt ba rọi luộc, mấy con tép nhỏ lột vỏ, bún, rau thơm, hẹ. Nước chấm là tương đen được pha chế với cháo nếp sền sệt, thêm đậu phọng rang đâm nhỏ. Tương qúa ngon làm cho người ăn lẫn lộn, không biết cái nào ngon: gỏi cuốn hay tương.

Chả giò được cuốn tại chỗ với bánh tráng mỏng và nhưn trộn sẵn. Nhưn gồm có củ sắn, cà rốt, bún tàu, nấm mèo, thịt heo bằm, hành, tỏi, tiêu. Chả giò sau khi chiên, phải giòn, nhai kêu rôm rốp, mới đạt độ ngon. Có hai cách ăn chả giò: 1/ Dùng sà lách và rau thơm gói cuốn chả giò rồi chấm nước mắm pha tỏi, ớt với đồ chua. 2/ Chả giò được cắt ra từng khoanh nhỏ cở 2cm, ăn với rau thơm, bún, dưa leo, giá sống, nước mắm pha. Cách nào cũng khiến người ăn sảng khoái.

Bánh cống, bánh vá hay giá làm từ bột gạo và đậu nành, thêm đậu xanh hột nấu chín, giá cắt nhỏ, tép (nếu được tôm đất Gò Công thì tuyệt). Bánh vá dùng cái vá làm khuôn nên bánh tròn, hơi dẹp. Bánh cống dùng khuôn hình trụ nên cái bánh cao hơn. Sau khi chiên, bánh rất giòn. Gói miếng bánh bằng lá sà lách, kèm rau thơm, chấm nước mắm pha tỏi, ớt. Nhai kêu rôm rốp thì mới ngon. Bánh cống là một thành phần không thể thiếu trong món bánh ướt chả lụa Sài gòn.

Các ổ bánh mì cũ 1,2 ngày, được tận dụng trong món bánh mì chiên tôm. Ổ bánh mì được chia đôi theo chiều dài, sau đó cắt xéo từng đoạn ngắn cở 10-15cm. Rồi cho bánh mì vào thau bột gồm có bột mì, bột gạo, bột năng, trứng gà được pha trộn theo bí quyết riêng. Một, hai con tép bày trên mặt. Chảo dầu sôi nhè nhẹ. Cho bánh vào chiên vàng đều hai mặt. Mùi thơm lan tỏa. Vớt ra cho ráo dầu. Bánh ngon thì giòn rụm do cách pha bột và không hút dầu (dùng bánh mì cũ). Phết tương đen được pha chế sẵn. Cắn một miếng lại muốn cắn tiếp. Miếng bánh với phần ngoài giòn tan trong miệng với vị béo, ngọt, mặn, cay. Phần trong vẫn giữ độ dai của bánh mì. Tất cả cho ta hương vị tuyệt vời.

Tùy theo mùa, món bún măng vịt có thể được nấu với măng tươi hay măng khô. Tô bún với giá, ngập nước lèo nóng hổi, vị ngọt thanh, mùi thơm hấp dẫn. Thêm rau thơm, bắp chuối, bắp cải xắt mỏng tùy thích.Thịt vịt được luộc theo bí quyết sao cho mềm vừa, còn độ dai khi nhai. Măng giòn, thấm gia vị nhờ được xào trước khi cho vào nồi nước lèo. Thịt vịt chấm nước mắm gừng ngon qúa cở, ăn mà quên thở.

Gánh bún riêu cua với nồi nước dùng đỏ ao, lớp gạch cua nổi lềnh bềnh. Cua đồng được giả nhỏ lấy nước ngọt, nấu với cà chua, tròng trắng trứng, mực và tôm khô.v.v. Để được đúng hương vị, người bán nêm mắm tôm vào nồi nước dùng. Một cái tô bún, đầy nước dùng với mấy miếng tàu hủ chiên, gạch cua, hành phi, hành lá xắt nhuyễn. Ăn với rau thơm và một thứ không thể thiếu: rau muống chẻ. Sợi rau muống được bào mỏng, cuộn tròn như lọn tóc, nhai rất giòn. Nhìn thực khách xì xụp với tô bún riêu, ai không thích mùi mắm tôm cũng thử một lần cho biết. Coi chừng bị ghiền đó nghen.

Nồi cháo lòng đang sôi nhẹ trên bếp than. Cháo được nấu bằng gạo rang, rất nhừ, hơi lỏng.Trên mặt cháo có nhiều hành tây nổi lềnh bềnh. Mùi thơm tỏa nhẹ xa xa. Một mâm chứa đồ lòng luộc vừa chín tới để giữ độ dai. Tô chất đầy trên sạp. Khách ăn, ngồi quanh trên những cái bàn ngồi thấp. Tô cháo có đồ lòng như gan, tim, lưỡi, bao tử, phèo (ruột non), được xắt thật mỏng, thêm giá sống, gừng sợi, hành lá, ngò và tiêu hoặc ớt. Một món không thể thiếu: dồi. Dồi là những khúc ruột già, chứa đầy huyết, lỗ tai, sụn cuống họng, rau thơm, nấm mèo, bún tàu, sả, gia vị. Dồi được chiên cho vàng rồi xắt thành khoanh mỏng. Tùy ý khách, giò cháo quẩy được thêm vào tô cháo lòng. Cháo ngọt và sậm màu nhờ có huyết nước (huyết hậu). Thêm đồ lòng giòn, béo ngậy, nhứt là miếng dồi nhai nghe sừng sực. Cái ngon của tô cháo lòng thấu tận tâm cang.

Một món mà các bà bầu hay rủ nhau ăn, đó là bánh canh giò heo vì họ cho rằng giò heo giúp tạo nhiều sữa cho sãn phụ. Bởi vậy, gặm giò heo là chánh, còn ăn bánh canh là phụ. Người bán có bí quyết luộc giò heo như thế nào để cho da và các sợi gân vẫn giòn. Cái ngon từ đó mà ra. Sợi bánh làm từ bột gạo pha bột năng, lớn như chiếc đủa, có độ dẻo và dai đủ để thuyết phục người ăn khó tính nhứt.

Món gì vừa ăn với nước cốt dừa (ngọt) vừa chan nước mắm tỏi ớt (mặn)? Đó là bánh tằm bì. Những sợi bánh như con tằm, trắng tinh, làm từ bột gạo, bột nếp, bột năng. Bánh dẻo có vị béo, mặn, ngọt, chua, cay. Bì dai, giòn. Nước mắm ngon. Ăn với giá, rau sống, dưa leo. Tất cả cho hương vị thơm ngon, ăn một lần nhớ mãi.

Bò kho là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Nồi bò kho với nước hơi sệt, màu đỏ tươi, mùi thơm thoang thoảng. Bò kho ăn kèm với bánh mì baguette thì tuyệt. Nhưng hủ tíu bò kho là món ăn phối hợp của người Việt: hủ tíu gốc Tàu, bò kho gốc Việt. Tô hủ tíu với giá, hẹ trụng sơ trong nước sôi. Nước bò kho được rưới lên ngập bánh. Cái ngon nằm ở chỗ: thịt bò gân được hầm cho mềm, gân không dai, vẫn giữ cái giòn khi nhai. Thêm hành lá xắt nhuyễn. Đậu phọng rang đâm nhỏ. Mấy lá rau quế. Tất cả tạo nên cái béo, đậm đà, cay cay, giòn tan của tô hủ tíu bò kho. Có người ăn bò kho với muối, tiêu, chanh. Thêm vị mặn, chua, nồng, khiến bò kho càng ngon.

Chợ nào cũng có gian hàng bán heo quay, vịt quay của người Tàu. Nhưng món bánh hỏi thịt heo quay lại do người Việt chế biến. Người ăn, tay cầm lá sà lách cuốn miếng bánh hỏi thoa mỡ hành, thịt heo quay, rau thơm, rồi chấm nước mắm pha tỏi ớt để thưởng thức. Có ai thắc mắc hỏi: cái gì ngon ở đây? Hơi khó trả lời. Phải nói là tất cả những thứ trong cái cuốn đã làm cho món nầy trở nên hấp dẫn.

Những năm 1958-1960 trở đi, các chợ ở Sài gòn đã chứng kiến sự xuất hiện của một món ăn mà sau nầy trở nên vô địch. Đó là Phở. Tiền thân là phở gánh. Giờ đây, phở ở cố định một góc chợ. Khách ăn có ghế ngồi đàng hoàng. Phở với mùi hương mời gọi, vị vẫn ngon như phở gánh ngày nào, khách nườm nượp. Một chân trời mới được mở ra: tái, nạm, gầu, gân, sách.v.v. Nhiều quán phở ở chợ ngon hơn phở tiệm.

Cùng với phở, bánh giò đem đến một hương vị lạ, ngon miệng cho dân Sài gòn. Bột bánh làm từ bột gạo pha bột năng. Nhưn gồm thịt heo nạc bằm, bún tàu, nấm mèo, củ hành tây, tiêu, gia vị. Bánh có hình dáng như bánh ít miền Nam. Gói bằng lá chuối rồi hấp. Bánh dẻo, nhưn thơm, ngon ngọt khiến ta ăn hết bánh lúc nào không hay.

Sạp cơm tấm ở các chợ thường nhỏ, không bề thế như các quán cơm tấm vỉa hè. Chủ yếu là bán cho bạn hàng ở chợ. Nhưng cũng có đủ món như bì chả, sườn nướng, cơm cháy mỡ hành.

Người Sài gònai cũng biết tiệm giò chảPhú Hương nổi tiếng trên đường Hiền Vương.Nhưng món chả lụa, chả quế có mặt nhiều ở chợ sau năm 1954, có thể ngon hơn. Người bán chiếm chỗ ngồi nhỏ, khiêm tốn. Một cái thúng đựng mấy đòn chả. Chả lụa trắng tinh, dai, giòn. Và một món đặc biệt đối với dân Sài gòn: chả quế. Lớp chả quế dầy cở 1cm, có màu nâu, bọc lấy ống tre dài chừng 1m. Sau nầy có người dùng ống nhôm, ống đồng. Khi có người mua, người bán dùng dao bén cắt chả từng miếng để cân cho khách hàng. Chả lụa, chả quế, dai, gìòn, béo, thơm phức, ăn với bánh mì baguette thì có gì bằng.

Gánh bán bánh bèo kiểu Sài gòn. Bánh đã được hấp sẵn trên những chén nhỏ. Người bán sắp từng cái bánh thành một lớp trên dĩa, trét đậu xanh nhuyễn, rưới tóp mỡ hành lá, tôm chấy. Thêm bì nếu thích. Rưới nước mắm tỏi ớt với đồ chua là xong dĩa bánh bèo hấp dẫn. Bột bánh bèo dẻo, đậu xanh bùi, mỡ heo béo, nước mắm chua ngọt, khiến người ăn xong một dĩa, muốn thêm dĩa nữa.

Bánh bèo ngọt với bột pha đường, hấp từng chén nhỏ, lớp đậu xanh, rắc mè và chan nước cốt dừa. Vị ngọt, béo, bùi đều có đủ.
Chợ nào cũng có sạp cơm bình dân, bán cho bạn hàng trong chợ hay thợ thuyền ăn trưa. Tuy là bình dân nhưng có nhiều món để chọn lựa. Tôm càng kho tàu, thịt kho nước dừa, sườn nướng, món xào.v.v. Hơn nữa, thức ăn được thay đổi mỗi ngày. Một em nhỏ giúp đưa cơm cho từng sạp trong chợ. Đây là loại cơm dĩa. Ai ăn tại chỗ thì đã có mấy cái ghế đẩu. Các bà nội trợ không chú ý đến sạp cơm vì nó không phải là thứ “ăn chơi ngon hơn ăn thiệt”.

Mặc dù đường Tôn thọ Tường, Chợ lớn nổi tiếng với các xe heo quay, vịt quay, nhưng hai món nầy chợ nào cũng có. Chỗ nào ngon hơn thật khó so sánh. Điều quan trọng là các quày heo quay, vịt quay tại các chợ vẫn mở mỗi ngày, chứng tỏ nó có cái ngon riêng biệt. Da nở phồng, giòn, không mặn. Thịt thấm ngũ vị hương. Heo quay ăn với cơm, bánh mì, bánh hỏi, bún.v.v. Mỗi thứ có cái ngon riêng. Điều thú vị là heo quay do người Tàu chế biến, nhưng người Việt ăn heo quay với nước mắm tỏi ớt thì cái ngon thật khó tả. Trong khi đó, người Tàu Chợ lớn dùng mật ong làm nước chấm khi ăn heo quay.

Các bà đã đi một vòng chợ. Bụng đã no. Bây giờ, qua hàng bánh mua về cho lũ trẻ.
Bánh canh ngọt. Đây là món chè với sợi bánh canh làm bằng bột gạo, rất dẻo. Nước đường ngọt, thơm mùi lá dứa, gừng sợi cay cay. Khi ăn thêm nước cốt dừa và mè: béo ơi là béo.

Bánh ít có hình kim tự tháp, gói bằng lá chuối, làm từ bột nếp hay khoai mì mài ra. Nhưn đậu xanh hay dừa nạo ngào đường với đậu phọng. Bánh bột nếp thì dẻo. Bánh khoai mì dai, nhai sừng sực.

Bánh ít trần. Đúng như tên gọi, cái bánh trần trụi, không được gói bằng lá chuối, chỉ có lớp bột nếp trắng tinh bao bọc nhưn đậu xanh tán nhuyễn. Bánh giống viên chè trôi nước. Trên mặt bánh có ít tôm chấy. Bánh dẻo, đậu xanh béo nhờ trộn mỡ hành. Ăn với nước mắm pha tỏi, ớt.

Bánh tét hình ống, dài cở 20-25cm, đường kính khoảng 10cm, được gói bằng lá chuối với nếp trộn đậu đen hay đậu trắng, dừa nạo, muối. Ở giữa là đậu xanh tán nhuyễn bao bọc miếng mỡ heo. Bánh được buộc thiệt chặt bằng dây lác trước khi luộc. Bánh tét ngon thì lớp nếp phải nhừ, đậu xanh bùi, dừa và mỡ béo.

Bánh tét chuối có đặc điểm là chuối xiêm chín muồi thay cho nhưn đậu xanh, không có cục mỡ. Khi nấu chín, ruột chuối có màu đỏ, nước mật chuối thấm vào nếp khiến cho vị thêm ngọt ngào.

Bánh lá dừa gần giống như bánh tét nhưng được gói bằng lá dừa nước. Cái bánh lớn bằng cườm tay. Vỏ bánh là miếng lá dừa được quấn thành hình trôn ốc. Sau khi luộc, vỏ lá đổi thành màu vàng tươi. Kế đó là lớp nếp trộn đậu đen hay đậu trắng và xác dừa, giữa là nhưn đậu xanh. Khi ăn cứ xoay miếng lá ngược vòng trôn ốc. Hương vị thơm ngon như bánh tét nhưng không béo bằng vì thiếu mỡ.
Bánh chuối hấp. Món nầychỉ ngon khilàm bằng chuối xiêm chín muồi, trộn bột năng rồi đem hấp. Bánh được xắt miếng cở 2-3 ngón tay. Ăn với nước cốt dừa, bột báng, đậu phọng rang đâm nhỏ.

Bánh cam làm từ bột nếp pha bột gạo, nước cốt dừa, có mè ngoài mặt bánh. Nhưn đậu xanh tán nhuyễn. Bánh tròn như bánh rán miền Bắc nhưng hơi dẹp. Chiên cho vàng đều hai mặt. Bánh thơm phức, dẻo, giòn, béo ngậy.

Nói tới bánh đúc làm tôi nhớ hai câu:
“Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.
Bánh đúc có và không xương khác nhau như thế nào? Ai biết xin chỉ giùm.

Bánh đúc bán ở chợ được hấp sẵn trước ở nhà, làm bằng bột gạo pha bột năng, có lá dứa nên có mùi thơm thoang thoảng. Người bán xắn từng miếng bánh cho vào dĩa, thêm một nhúm mè rang, rồi rưới nước đường trước khi đưa dĩa cho khách.
Bánh da lợn rất đặc biệt, bởicó nhiều lớp dính với nhau sau khi hấp chín: lớp lá dứa màu xanh, lớp đậu xanh màu vàng, lớp dừa màu trắng đục. Làm từ bột năng pha với bột gạo, nước cốt dừa, lá dứa, đậu xanh tán nhuyễn. Miếng bánh thơm mùi lá dứa, vanille, dẻo và dai đến độ khi cắn miếng bánh có thể kéo dài, khó đứt.

Có một thứ xôi chỉ bán ở chợ (một vài chợ không có), ít thấy ở các gánh xôi đầu hẻm: xôi vị. Đây là loại xôi được ép thành miếng gồm nhiều lớp dính nhau như bánh da lợn. Lớp lá dứa màu xanh, lớp đậu xanh tán nhuyễn vàng ươm, lớp lá cẩm màu nâu. Mặt ngoài có mè. Xôi vị có mùi thơm của lá dứa, vanille và tai vị (hồi). Xôi dẻo, ngon, béo nhờ nếp chọn lọc, nước cốt dừa, đậu xanh bùi.

Cháo trắng hột vịt muối. Không hiểu tại sao món nầy chỉ bán sau khi chợ đã dẹp, nhứt là bán về đêm, đón toàn khách quen đi chơi khuya về đói bụng. Không phải chợ nào cũng có. Tròng trắng hột vịt muối rất mặn. Tròng đỏ lạt hơn và có dầu. Cháo rất nhừ, đánh tan cái mặn của hột vịt. Người ăn chỉ còn cảm thấy vị bùi, béo. Có quán bán thêm món củ cải trắng ngâm nước mắm và đường. Cháo và củ cải mặn, ngọt, giòn, hai thứ quyện vào nhau khiến thực khách ăn quên thôi, khi đứng lên đi không nổi.
Chúng ta đã đi một vòng chợ với nhiều món ăn ngon. Cám ơn những đầu bếp vô danh đã tạo nên cái ngon cho xã hội. Các bà nội trợ ra về mà bên tai còn văng vẳng

“Trời sanh mỗi vật mỗi ngon
Từ từ cái miệng, chồng con nó nhờ ”.

Giờ đây, qua bao nhiêu biến đổi của thời cuộc, với sự lạm dụng của hóa chất, chắc gì các món ăn còn giữ được hương vị như ngày xưa. Tôi tự hỏi cái ngon của món ăn Sài gòn có còn hay đã mất theo lẽ vô thường của thế gian?

Nguyễn Đan Tâm

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Jul/2024 lúc 9:56am

Cánh cửa cuộc đời

Những%20Cánh%20Cửa%20Cuộc%20Đời%20|%20Gia%20Ans%20blog

Nhìn cảnh màn đêm mịt mùng qua khung cửa sổ, ông Tư chép miệng thở dài rồi ông nói lẩm nhẩm :

 -Chèn ơi! Không biết vợ chồng thằng Lộc nó mần ăn ở trển ra sao rồi nữa? Nói nó rồi ở nhà có mắm ăn mắm, có muối ăn muối mà hổng chịu nghe, khổ thiệt luôn á.
                 ***
 Ông nhớ lại chừng vài năm trước, thấy sức khỏe mình ngày một yếu, ông kêu cả nhà lại quây quần trên cái bàn nước để ông bàn công chuyện, bà Tư vợ ông lấy làm lạ mới lên tiếng hỏi:

 - Bộ có vụ gì hệ trọng lắm sao mà tía bây bày vẽ họp hành chi dậy.

 Ông Tư trả lời:

- Ờ cũng có chút việc quan trọng tui mới kêu sấp nhỏ ngồi lại với nhau bàn bạc,  sau này anh chị em tụi nó vui vẻ mà sống chan hòa với nhau, tránh trường hợp "Cà nanh" này nọ mệt lắm bà ơi!.

 Đoán sơ ý định của chồng mình, bà biết ông dự định chia gia tài cho các con để lỡ khi vợ chồng mình về "Chầu ông bà" bất tử thì khỏi đứa nào trong nhà tranh giành lẫn nhau.
               *
 Là anh Hai trong nhà, Lộc sống khỏe với nghề tài xế xe chở hàng, mỗi tháng nó có đồng ra đồng vô dư dật nên cuộc sống hai vợ chồng Lộc có phần phong lưu, còn con Thắm với thằng Mót từ lâu ở nhà phụ công việc vườn tược, rẩy bái của gia đình, khi biết cuộc họp gia đình lần này tía má chia ruộng vườn cho từng đứa mà chẳng đứa nào vui..

 Rót miếng trà tàu vô cái chén sành, mùi trà bay lên thơm phức, ông Tư hớp một miếng cho tinh thần sảng khoái rồi ông lên tiếng:

 - Nãy giờ tía nói hết ý cho tụi con rồi, bây có ưng cái bụng hông, tía má già rồi giữ của cải mần chi nữa, chia cho tụi con để sau này có điều kiện sanh sống.

 Nghe tía hỏi vậy, thằng Lộc xung phong trả lời:

 - Theo con thấy tía má chia thành ba phần là đúng rồi, con Thắm và thằng Mót mỗi đứa một phần, phần còn lại con thấy để dành cho tía má dưỡng già, phần vợ chồng con thì tía má khỏi phải lo, tụi con sống được với hiện tại mà, vậy nghe tía má.

 Con Thắm nghe tía má quyết định chia gia tài, nghe tới đâu nó khóc tới đó, khi thằng Lộc dứt lời con Thắm vừa khóc vừa nói:

 - Thôi con không lấy gì hết tía má cứ để y như vậy đi, thằng Mót nó nói với con nó cũng không nhận gì hết.

 Đến lượt ông bà Tư "Mít ước", vừa nói bà Tư vừa thút thít:

- Đó ông thấy nhà mình có phước ghê chưa, hông đứa nào chịu chia chát gia tài gì ráo, gặp con thiên hạ thì khác à nghe, cha mẹ còn sống xờ xờ mà xúm lại đòi chia của, gây gổ nhau ì xèo, có nhà huynh đệ tương tàn cũng vì ba cái đất cát này đó ông.

 Ông Tư tiếp lời:

- Má bây bả nói chí phải đó đa, tía mừng còn hơn trúng độc đắc, bởi các con không vì của cải mà tranh giành với nhau.

 Sau câu nói của ông Tư, cả nhà tự dưng ai cũng nghẹn ngào, nhìn qua khóe mắt mọi người nước mắt lưng tròng , nó thể hiện sự yêu thương đùm bọc nhau thật hiếm có trong thời buổi vàng thau lẫn lộn như hiện giờ.

 Người trong nhà là vậy, nhưng với vợ Lộc, con Bích ngoài mặt thì vui vẻ nhưng trong lòng không vui khi thấy chồng mình khướt từ món gia tài kha khá kia...

 Về lại phòng riêng của hai vợ chồng, khi cánh cửa vừa được đóng lại, thì vợ Lộc có phản ứng liền:

- Chèn ơi! Tui chưa thấy người nào như ông, tía má chia thì cứ lấy rồi để đó sau này mình sinh con đẻ cái mấy đứa nhỏ có của để phòng thân, thôi tui không ở cái nhà này nữa, tuần sau tui đi Bình Dương kiếm công  chuyện  mần, anh muốn thì đi theo còn muốn ở lại "Bú vú mẹ" thì tùy.

 Nghe vợ nói lời trái tai, giận trong bụng dữ lắm nhưng nó cố kiềm chế, nó phân tích cho con Bích nghe:

 - Em thấy không, trong nhà hông ai muốn chia phần hết, hơn nữa anh làm ra tiền mà nhận cái này áy náy lắm.

 Bích chẳng thèm đếm xỉa gì, cô nàng leo lên giường quay mặt vô vách nằm im. Lộc bực dọc bỏ ra quán bà Hai ở gần nhà uống vài xị đế cho tan cơn giận.

 Hai vợ chồng Lộc tay đùm  tay nắm, theo con đường nhỏ lội ra lộ cái để đón xe đi Bình Dương, ông bà Tư, con Thắm, thằng Mót níu kéo đủ thứ mà Bích chẳng xiêu lòng, riêng Lộc bên hiếu bên tình nó cắn xé Lộc suốt tuần qua, vì đi cũng dở, ở cũng không xong, nó chỉ biết nói câu từ biệt mọi người, rồi ôm chầm mấy người thân trong nhà với nước mắt đằm đìa.

Bà Tư nắm vai thằng con bà nói:

- Thôi bây đi đâu thì đi. Nếu ở trển không xong thì thoái về đây mà ở nghe chưa?...

               ***
 Mướn được cái phòng trọ tương đối rộng rãi, hai vợ chồng Lộc mừng lắm, vì các phòng chung quanh chật hẹp tù túng, cái căn phòng này Lộc nhờ người bạn thân mướn giùm, tuy giá cả có hơi cao hơn các căn phòng kia nhưng tiện nghi khá đầy đủ.

 Vài ngày sau Bích được cô bạn cùng quê xin cho Bích làm chung với mình ở một công ty nọ, còn Lộc cũng xin được chân làm tài xế một công ty khác gần đó.

 Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thêm hạnh phúc khi có thằng con trai kháu khỉnh ra đời. Những tưởng hạnh phúc kia sẽ lâu bền, nhưng một ngày nọ, đang đút cơm cho thằng nhóc ăn trong khi chờ vợ đi làm về, bổng đâu thằng Hai Hòn một công nhân ở phòng trọ gần đó đi ngang, thấy cảnh cha con thật dễ thương, với cái giọng lè nhè say rượu, Hai Hòn nói:

 - Ê Lộc,  tao thấy mầy giống con Nai quá mậy.

 Cứ nghĩ người say nói càn nói quấy, Lộc trả lời:

- Gì vậy cha nội, Nai gì mà Nai, ông nói nghĩa bóng hay nghĩa đen vậy cha non.

Ngồi bệt xuống bực thềm trước căn phòng của Lộc, Hai Hòn lên tiếng:

 - Tao nói thiệt đó, mầy muốn nghĩa nào cũng được, tao thấy mầy có hai cái sừng trên đầu rồi đó.

Sùng trong bụng, Lộc đứng lên tính dọng cho Hai Hòn một dọng, nhưng cố nén Lộc hỏi thêm:

 - Nầy nói cái giống gì, nói huỵch toẹt ra cho tao nghe coi.

 Hai Hòn đứng lên rồi vịn cây cột nhà nơi hàng ba, nó nói :

 - Vợ mầy.... À mà thôi tự nhiên tao lẽo mép, đúng là Thần khẩu hại xác phàm, mầy tự tìm hiểu đi , tao dìa đa.

 Bước được vài bước Hai Hòn té ngả xuống cái mương trước dãy phòng trọ mình mẫy ướt như chuột lột, thời may cho Hai Hòn mấy công nhân ở gần đó thấy vậy kéo nó lên rồi đưa về phòng trọ.. 
                  ***

 Chờ gần một giờ sáng mà Bích chưa về nhà, nhìn thằng con nằm ngủ mà Lộc đau nhói trong lòng, nó liên tưởng Bích đã làm điều sai trái với mình, không thế nào tự dưng mà thằng Hai Hòn nói bóng nói gió như trên với mình.

 Ra ngồi ngoài sân, Lộc đốt thuốc liên tục mắt nhìn ra đầu hẻm, Bích đang xuống xe vừa bước vô hẻm , một người đàn ông nào đó bước theo rồi quàng tay ôm cô nàng rồi họ hôn nhau thật thắm thiết.

 Máu nóng trong người Lộc như 
Sôi lên sùng sục, Lộc quơ tay nắm cây gậy của đám dân phòng đang dựng gần đó, Lộc ra đến nơi thì tay nọ cũng đã kịp lên xe đi mất, tức tối trong lòng Lộc liền hỏi Bích:

 - Em với thằng đó quen nhau bao lâu rồi, tui không ngờ em tệ bạc quá.

 Biết chẳng thể nào giấu giếm Lộc nữa , Bích công khai thừa nhận:

 -Sống với anh tui không còn thấy hạnh phúc nữa, thôi mình chia tay nhau đi, anh viết đơn ly hôn đi, còn thằng Dũng con mình nếu anh thương nó tui giao luôn cho anh nuôi.

 Đến nước này Lộc không còn bấu víu vô cái tình cảm giả dối kia nữa, vậy là Bích cuốn gói đi theo người tình, Lộc thì ôm bé Dũng núm ruột của mình để nuôi dưỡng.

 Lu bu với bé Dũng suốt ngày, coi như Lộc bị  thất nghiệp tự nguyện luôn, thất chí trong lòng vô cùng, một hôm Lộc quyết định gọi điện thoại về quê, đầu dây bên kia tiếng bà Tư nức nở:

 - Lộc hả con, vợ chồng bây làm ăn cái giống gì mà cả tháng không thấy gọi về cho tao với tía bây gì ráo trọi vậy, thằng Dũng nó mau ăn không bây?

 Nỗi niềm đau khổ bấy lâu nay có dịp trào lên, Lộc cố nén lòng trả lời cho bà Tư:

- Má ơi! Nói với tía ngày mốt con dìa ở luôn đó nghe.

Vừa mừng vừa lo, không biết thằng con mình nói thiệt lòng hay giỡn chơi, bà Tám hỏi:

- Bây nói thiệt hả Lộc, bộ mần ăn thất bát hay sao vậy con.

 Lộc không muốn má mình biết sự thật sớm có thể sanh bịnh, nên Lộc lật đật nói:

- Cũng không có gì đâu má, thôi để con về rồi nói cho nghe, tía má giữ sức khỏe nha, ý quên nữa thằng cháu Nội của tía má sổ sữa lắm , vài bữa tha hồ hun hít nó.

 Cúp máy xong Lộc như trút gánh nặng ngàn cân, vì đã thông báo điều mà mấy ngày nay Lộc cứ đắn đo mãi...
                 ***
 Hớp thêm miếng trà tàu ông Tư lại ngóng ra ngoài ngỏ tiếp, rồi bổng đâu tiếng chó sủa um sùm, báo hiệu có người đang đi ngoài đường làng, con Phèn lúc nãy sủa dữ dội, giờ thấy Lộc nó mừng rỡ cụp đuôi rồi chạy đến quấn quít bên chân cậu chủ của mình.

 Ông Tư mừng vô cùng, ông vội réo bà tư bằng câu:

- Má nó ơi, thằng Hai nó dìa tới kìa, bà bắt nồi nước nóng cho tụi nó tắm rửa nha bà.

 Ở nhà có bao nhiêu bóng đèn điện ông Tư mở hết trơn, ý ông là để nhìn cho rõ mặt thằng cháu nội đích tôn của mình.

 Không thấy con dâu về theo, ông Tư liền hỏi Lộc :

- Ủa bây dìa đây còn con Bích con dâu đâu tao hông thấy vậy Lộc.

 Trao thằng Dũng cho ông Tư Bồng rồi Lộc kể sơ câu chuyện của Bích và tình trạng của mình, khi biết được câu chuyện éo le của thằng con trai ông Tư nói:

 -Thây kệ nó con ơi bây đừng buồn, vợ chồng là duyên phận do trời đất sắp đặt, hai đứa bây coi như hết duyên thì nó tự rã thôi.

Bà Tư ở phía sau nghe loáng thoáng câu chuyện giữa hai cha con bà liền chạy lên hỏi:

- Vậy bây giờ con Bích nó ở đâu con, con nhỏ này  coi vậy nó tệ thiệt, tao nghi bây không nhận gia tài nên nó bỏ bây chứ gì.

 Lộc nói với bà Tư:

- Thôi kệ Bích đi má, đúng như tía nói tụi con hết duyên phận rồi, má cũng đừng trách Bích mần chi cho mệt.

 Bà Tư nghe vậy thôi không còn chì chiết con dâu mình nữa, bà hớt thằng Dũng trên tay ông Tư, bà nói:

-Cục "Dàng" của nội nè, bây giờ nội hông cần ai hết, cục "Dàng" của nội là số một.

Con Thắm và thằng Mót đang nằm ngủ trong phòng nghe mọi người nói chuyện bên ngoài, hai đứa biết anh Hai mình về bèn tốc mùng chạy ra, sau khi thưa anh Hai mới về xong thì hai đứa quay qua giành thằng Dũng để bồng, để hôn hít cho đã thèm, bị giật cục "Dàng" trên tay bà Tư la chí chóe:

- Ấy bây nhẹ tay thôi để đau thằng nhỏ (tụi nghiệp) nó đa.

 Tuy coi như "Mất" đứa con dâu, nhưng bù lại có thằng cháu nội dễ thương bù lại nên cả nhà cảm thấy vui vui .
                 *
 Thấy Lộc còn buồn chuyện ly dị với Bích, một hôm nhân lúc hai cha con ngồi uống trà, ông Tư gợi ý cho Lộc:

-Tía thấy bây buồn hoài không tốt cho sức khỏe đâu, hay vầy đi...

  Ông Tư gợi ý cho Lộc làm một trang trại nhỏ nơi miếng đất mà lúc trước dành cho Lộc, đào ao thả cá, lập vườn trồng trọt hoa màu vừa vui thú điền viên vừa có thu hoạch.

 Thấy tía bày cho cách mần ăn vừa là cách quên đi nỗi đau tình phụ của Bích, vậy là hàng ngày hai cha con hụ vợ với nhau, người làm việc này, người làm việc kia, rồi anh em lối xóm cũng đến góp sức mỗi người một tay, vậy đó hiện giờ trang trại nhỏ của Lộc thật đẹp, hàng dừa của tía trồng năm xưa giờ ra trái thật nhiều, bên dưới ao cá mới đào soi hình bóng dừa in trên mặt nước long lanh, cây cảnh , hoa trái đủ loại thật vui mắt, chẳng những trồng trọt các loại cây trái mà Lộc dựng lên một căn chòi khang trang đẹp mắt bên trong trang trại nhỏ của mình, Lộc gắn những trụ đèn chiếu sáng khắp sân vườn, do dùng loại đèn năng lượng mặt trời nên không lo tiền điện hàng tháng.

 Đêm đêm Lộc cùng con và những người trong nhà xúm xít lại vui chơi trong căn chòi thật ấm cúng vô cùng.

 Thiên hạ thường nói, khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh của khác mở ra với mình, quả tình lời nói này đúng y như rằng.

 Một hôm đang mò cá dưới con mương trong vườn nhà, Lộc thấy nhỏ Hương con bà Mười Nhỏ ở xóm bên ghé chơi, cô nàng thấy Lộc bắt cá tài tình bèn lên tiếng khen:

 -Chèn ơi, anh Hai Lộc bắt cá giỏi thiệt nhe, em tưởng anh "lục nghề" rồi chứ, cầm vô lăng riết mà bắt cá quá hay.

 Nghe nhỏ Hương khen mình lòng Lộc mừng vô kể, Lộc nói:

-Anh cám ơn em nhiều nhe, bắt cá dễ ẹc hà, hồi nhỏ anh với thằng Hoàng anh của Hương đi bắt cá hoài, có lần mò vô đám chà của bà Tám Ngôn bắt cá , bả rượt hai anh em chạy muốn sút quần luôn, mà nay Hương đi đâu qua đây vậy.

Hương thẹn thùng trả lời:

- Má kêu em qua gửi cho hai  bác Tư một ít trái Cherry anh Hoàng gửi về.

 Vậy đó, sau lần gặp lại này Lộc và Hương lại bén duyên với nhau, ông bà Tư thấy Hương đẹp người đẹp nết nên cũng chấp nhận cho Lộc và Hương gá nghĩa châu trần.
                 ***
 Ngày cưới của Lộc và Hương thật vui vẻ rộn ràng, bà con lối xóm đến chúc mừng hai họ được dâu hiền rể quý.

 Bích vợ cũ của Lộc tuy có được thiệp mời nhưng không đến dự, Bích âm thầm đứng bên nhà hàng xóm của Lộc ngó qua, thấy họ thật hạnh phúc trong tay, Bích chợt nhớ lại  những ngày mặn nồng hương lửa với Lộc, khiến Bích nước mắt lưng tròng khi thấy thằng Dũng nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ kế.
               ***
  Khi xong đám cưới chừng xem lại tấm ảnh nào của hai vợ chồng cũng có cái mặt của thằng Dũng con của Lộc góp phần vô, bà Tư mỗi khi coi hình đám cưới bà hay nói:

- Á ngộ thiệt đó bây, tao thấy hình hai đứa bây chụp lúc nào cũng có cục nhưn "Dàng" của tao chen vô hết ráo hà.

 Cả nhà ông Tư nghe câu nói của bà Tư ai cũng cười, họ cười vui mừng cho kết thúc câu chuyện tui kể này thật có hậu đó bà con.

 Truyện đến đây là hết rồi, Tui chúc bà con nhiều sức khỏe, vui vẻ để đón nghe tiếp câu chuyện khác của tui viết nhe.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Jul/2024 lúc 10:18am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Jul/2024 lúc 2:48pm

Con Nhỏ Bán Đậu Nấu (Lê Văn Úa).mp3   5674  <<<<<<

Heap%20Of%20Boiled%20Peanuts%20Photos%20and%20Images%20|%20Shutterstock




Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 25/Jul/2024 lúc 2:52pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Jul/2024 lúc 3:29pm

Bến Đình Làng

Cây%20đa,bến%20nước,con%20đò...năm%20xưa.%20|%20Lam%20Quang%20Dung%20|%20Flickr

       “Cây đa bến cũ, con đò năm xưa” là hình ảnh quê hương như dấu ấn đã in đậm trong tiềm thức của tôi, là kỷ niệm thuở thiếu thời, dầu lưu lạc nơi đâu cũng không thể nào phai nhòa được. Như sợi dây huyền nhiệm trói buộc trái tim mình nhớ mang mang, rưng rức giữa đêm trường quạnh vắng, chợt nghe tiếng chèo khua nước là muốn quay về tắm nước mát bến sông xưa.

       Bến Đình làng tôi nằm ngay trên đoạn hẹp nhất của dòng Trà Giang. Bên kia bờ là lũy tre xanh chạy dài soi mình trên mặt nước trong xanh thăm thẳm. Rời khỏi con đò bước lên bờ dốc thoai thoải gặp con đường làng đất mịn phù sa. Hai bên là hàng tre, ngọn kết thành vòng cung như cái cổng tam quan đón chào khách thập phương. Ẩn dưới bụi tre gai là chiếc lều của người đưa đò ngủ đêm đợi khách sang sông. Cái sạp thay giường ngủ đơn sơ bện bằng những vạc tre ngâm đã lên nước bóng lẫy.

       Không biết lý do nào đã kích thích tôi mỗi lần theo mẹ qua đò thăm Ngoại là tôi phải trèo lên đó để rờ vào các thanh tre trơn láng và nghe mùi mồ hôi hăng hắc của ông lái đò.

       Bên đường làng là cái quán cốc của bà lão bán nước chè tươi. Cây sào gác ngang trên cao treo lủng liểng vài nải chuối, chục chiếc bánh ú, bao đựng bánh tráng nướng. Bên dưới là những thẩu đựng kẹo, thèo lèo và rổ trái cây bán theo từng mùa như mận, ổi, xoài và những miếng mít chín vàng ối với chiếc lồng bàn đậy lên trên chiếc mâm đồng.

       Bà cụ có mái tóc bạc, búi tó như cái củ tỏi gắn sau ót và nụ cười móm mém. Khoé miệng cụ dính đầy nước trầu đỏ tươi. Chiếc trã đất đựng lửa than hầm để nướng bánh tráng cũng vừa là lò sưởi để chống cái rét của cơn gió bấc mùa Ðông. Quán hàng đơn sơ nhưng cần thiết cho khách bộ hành đường xa, nghỉ chân giải khát.

       Mỗi lần qua đò, mẹ tôi thường ghé vào quán uống giúp bà cụ bát nước chè tươi, mua cho tôi vài trái mận hay mấy viên kẹo chặt. Ông lão chèo đò màu da sạm nắng đã quá cái tuổi lục tuần mà sức lực xem chừng còn dẻo dai. Cứ nhìn đôi tay gân guốc và gương mặt rắn rỏi là đủ nói lên kinh nghiệm mấy mươi năm chèo đò của ông.

       Bên này hữu ngạn là bãi cát trắng trải dài đến tận chân Núi Cấm đình làng. Cây đa cổ thụ với vô số dây leo tầm gởi chằng chịt biến cái gốc trở nên đồ sộ cả chục người ôm không xuể. Những chiếc rễ sần sùi thoạt trông như những con trăn nước thả mình xuống vực sâu tìm mồi. Hàng trăm tảng đá khổng lồ chồng chất lên nhau xây quanh chân Núi Cấm như do bàn tay của Thượng đế sắp đặt để cản lại dòng nước chảy xiết từ bên tả ngạn con sông đổ qua.

       Thầy địa lý, thầy phong thủy cho rằng dải đất làng tôi có các mặt Thanh long, Huyền vũ, Minh đường. Phía sau lưng làng (Huyền Vũ) nhờ ba ngọn núi nhỏ vươn lên, đó là núi Chợ, núi Nhàn và Rừng Dê liên kết như con rồng (Thanh Long) bao bọc án ngữ, long mạch vững vàng. Minh Ðường của làng là con sông Trà Khúc uốn mình dọc theo lũy tre xanh. Hàng năm nước lụt mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng lúa chạy dài dưới chân ba ngọn núi đến tận con kênh đào cắt ngang. Đồng ruộng lúa tốt, vườn trái xanh tươi. Gái hiền lành, trai phát tuấn tú. Tuy nhiên, núi Cấm đầu làng bị chếch về mặt Tây Bắc chạm vào hướng Ngũ quỷ Lục sát thêm dòng nước chảy xiết từ bên tả ngạn đổ qua trực chiếu vào đầu làng gặp dòng nước bên này hữu ngạn tạo thành vực xoáy. Nước chảy cuồn cuộn gây tiếng ồn ào xôn xao như họp chợ suốt bốn mùa. Các thầy phong thủy cho rằng đây là hiện tượng thất thoát, hao tán của dân làng.

       Quan sát hướng gió thổi về núi Cấm đầu làng, nơi tiếp nhận cả hai ngọn gió bấc và nồm nên bị chế ngự. Khoa Phong thủy giải thích : “Nước giúp dẫn khí đến, nhờ nước cản mà khí tụ lại. Còn gió thổi thì khí tan đi. Ðất mà có gió ẩn tàng (Tàng phong) thì hung thần, ác quỷ hay đến trú ẩn.”

       Hàng năm đến mùa nước lụt, dân làng tôi kẻ ghe người xuồng tập trung về Núi Cấm để vớt cũi rều theo ngọn nước bên tả ngạn quật qua tấp vào bờ. Nỗi đau của dân làng là năm nào cũng có người chết chìm tại khu vực nước xoáy nguy hiểm này. Theo lời pháp sư, cây đa là nơi thần linh trú ngụ. Hàng năm dân làng bị tổn hao nhân mạng.

       Các vị chức sắc trong làng kiểm chứng lại, quả thực những người chết chìm tại đây đều cùng chung một thời điểm trong mùa nước lụt. Từ đó dân đóng góp tài chánh cộng với hoa màu thu hoạch của công điền công thổ để xây dựng một ngôi đình uy nghiêm. Mặt tiền ngôi đình làng hướng về cây đa, nơi đây được xây một bức bình phong lớn để trấn yểm tà khí.

       Thuở còn là học sinh lớp đồng ấu trường làng, cha mẹ cấm tôi không được chơi đùa gần cây đa linh thiêng và cái miễu thờ oan hồn tử vong hay bắt người thế mạng. Nhưng tính tò mò và nghịch ngợm của tuổi học trò không ngăn được cả bọn ôi đột nhập vào khu bí ẩn đó.

       Trước phong cảnh đẹp như chốn thần tiên khiến cho đứa nào cũng kinh ngạc và thích thú. Tán lá cây đa tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn. Những rễ phụ mọc từ cành đa thõng xuống thoạt trông như hàng trăm con rắn treo mình ngủ quên. Sân đình lát gạch rộng thênh thang, tha hồ chơi trò đá banh, u mọi. Chung quanh khuôn viên đủ loại hoa thay nhau nở suốt ba mùa Xuân Hạ Thu.

       Ngọn gió mát từ sông thổi vào như quạt trời gặp gió đẩy bạt cái nóng mùa hè. Tiếng gió ngân vang trên ngọn cây đa reo suốt bốn mùa. Những ông táo, bình vôi do dân làng đem đặt dưới gốc cây đa reo làm tăng thêm vẻ thần bí. Ðôi tượng thần bạch hổ đứng hai bên bệ thờ dưới gốc đa có lư hương, chân đèn đã làm cho chúng tôi chùn bước ngại ngùng. Nhưng tuổi thơ đã cảm nhận được không khí bình an nên không còn sợ hãi, lại càng yêu thích cảnh mát mẻ nơi này.

       Núi Cấm còn là địa điểm hẹn hò của những cặp gái trai làng, là nơi hứng gió mát của các cụ già trong những buổi trưa hè oi bức. Mùa trái chín của các loại cây rừng như trâm, bứa, xoài là lũ trẻ tựu về đây hái quả, vui chơi. Từ đó, cây đa reo, sân đình làng là điểm tập trung thường xuyên suốt những mùa hè tuổi dại của chúng tơi.

       Bến đò cách xa Núi Cấm vài mươi cây sào. Lợi dụng dòng nước từ bên kia đổ qua chân núi, người lái đò đỡ phần vất vã phải chống chèo.

       Bến đò gắn liền với hình ảnh thân thương của quê Ngoại tôi. Là kỷ niệm những chuyến theo mẹ về quê thăm Ngoại ở tận bên kia sông cách bến đò nửa giờ đi bộ.

       Thích nhất là ngày giỗ của ông Ngoại tôi vào ngày mồng 9 Tết. Các dì dượng cháu chắt tụ họp về đông đủ. Ba ông rể theo Nho học, ăn vận áo dài khăn đóng. Ba ông rể sau ảnh hưởng Tây học trang phục bộ Veston giầy da. Các dì tôi thì tha hồ trổ tài nấu nướng.

       Mẹ tôi khéo tay về các loại chả. Ðặc biệt là chả ba màu cắt thành hình trái tim, hình ngơi sao tám cạnh rất đẹp mắt. Ðây là món cao lương mỹ vị dành cho vua chúa nơi cung đình mà mẹ tơi đã học được từ bà bác dâu.

       Dì Ngọc, em kế mẹ tôi nổi tiếng làm bánh tét năm nhân. Lát bánh tét của dì đặc biệt đường kính lớn hơn một tấc rưỡi tây đặt tròn trĩnh trong chiếc đĩa lớn. Màu nếp trắng nõn mịn kết chặt vào nhau làm nổi bật năm màu nhân làm bằng các loại đậu hài hoà cân đối ở giữa vòng tròn màu xanh của lá chuối non.

       Dì Châu, người con gái thứ bảy có chồng là sếp lục lộ ( Quản lý về đường sá thời Pháp) thì chuyên làm bánh thuẫn, loại bánh bằng bột mình tinh đánh với trứng gà đổ vào khuôn đặt trên trã cát nóng. Bánh thuẫn của dì nở to, vàng hươm xoè ra như những cánh hoa đẹp tựa bông lan vừa dòn vừa mịn lại thơm mùi quế pha hương vị dầu chuối.

       Bánh in của bà dì thứ Tám (Dì Lộc) lại càng công phu hơn. Năm nào dì cũng dành nửa sào ruộng nhà cấy nếp hương. Gạo nếp phải giã cho thật trắng. Khi chấy, nồi rang không được nóng quá để tránh hột nếp lên màu vàng. Bột nếp xay thật nhuyễn, bỏ bột vào miệng là tan trong nước miếng. Chiếc bánh in của dì vừa trắng lại vừa mịn làm nổi bật các hình hoa quả in trên mặt bánh. Ăn bánh in của dì Tám chưa kịp nhai bột đã tan ra nghe mát rượi cả lưỡi. Hương thơm của nếp rang, ngọt thanh của đường, chất dẻo của nếp quyện vào nhau lưu lại trong lưỡi, dính vào chân răng hấp dẫn lạ lùng, ăn một cái là muốn ăn cái nữa.

       Bà dì thứ Chín (Dì Tuân) được ngoại tôi truyền lại kỷ thuật làm bánh nổ. Ðây là loại bánh đặc biệt thổ sản của quê hương Quảng Ngãi. Gia đình dì dượng Chín tôi chuyên nghề dệt lụa, ươm tơ tằm và nhuộm vải. Năm nào dì cũng đặt tiền cọc trước cho người làm rẽ ruộng cấy nếp ba trăng bán cho dì vài gánh phơi thật khô, quạt thật sạch. Dì cất vào chiếc lu đậy kín. Chỉ có loại nếp ba trăng khi bỏ vào nồi rang hột nếp mới nổ bung ra hết cỡ khoe màu trắng như bông. Nong nếp nổ, dì loại bỏ những hột nào nở chưa hết. Giai đoạn xên đường, dì tách chất bẩn trong đường bằng cách cho lòng trắng trứng gà làm nổi chất cặn bã lên trên rồi vớt bỏ cho đến khi nước đường tinh chất trong veo mới tưới vào nổ trộn đều. Đổ nổ vào khuôn, đích thân dì thực hiện cùng một người cầm vồ đóng bánh. Những lát bánh nổ được dì cắt ra vuông vức sắc cạnh, mịn màng như chiếc hộp giấy, vừa dòn, vừa thơm mùi gừng lại giữ được màu trắng tươi của nếp. Ăn bánh nổ, nhấm pháp tách nước trà ướp sen là cái thú của ba ngày xuân ở quê tôi. Các thầy thuốc Đông Y xếp bánh nổ vào loại thức ăn rất tốt cho người đau nặng mới bình phục, mau tiêu và không độc .

       Sau nầy, những năm tháng lớn khôn tôi theo học ở Sài Gòn nên ít có dịp được về quê ăn Tết là thấy lòng mình trống vắng lạ lùng. Tôi nhớ Mẹ, nhớ Ngoại, nhớ các Dì và nhớ cả những chiếc bánh khô của các bà Dì. Biết vậy, nên sau Tết là mẹ tôi gởi vào một xách đủ loại bánh trong ngày giỗ ông ngoại .

       Riêng dì Út tôi (Dì Mừời ) có chồng ở tỉnh thành nên năm nào Dì Dượng cũng mang về cúng ông Ngoại cặp rượu Pháp, vài hộp bánh Tây mà hàng năm bầy cháu của Dì trông chờ để được thưởng thức. Ở thôn quê mà được ăn bánh tây có lớp kem màu sữa trắng đục hay màu nâu sơ-cơ-la ngọt lịm khiến cho lũ trẻ hàng xóm trố mắt nhìn thèm thuồng.

       Năm nào cũng vậy, chúng tôi vui hưởng ba ngày Tết nhưng vẫn nôn nao mong chờ đến ngày giỗ ông Ngoại. Ðó là dịp họp mặt bà con bên ngoại mỗi năm một lần đã kết chặt tình yêu thương của toàn thể anh chị em. Khi lớn lên, kẻ góc biển, người chân trời lưu lạc khắp nơi nhưng đến ngày mồng Chín tháng Giêng, đàn cháu của ngoại không tránh khỏi lòng rưng rưng khi nhớ về cảnh cũ người xưa !

*****

       Rồi một hôm, tại bến đò làng tôi chứng kiến một cảnh hãi hùng. Buổi sáng mùa Thu năm 1945, sau ngày Việt Minh khởi nghĩa cứơp chính quyền (19/8/1945), trời chưa sáng tỏ , dân làng tôi được lệnh đình công bãi thị. Tất cả đồng bào nam phụ lão ấu phải tập trung về tại bãi Xoang để dự phiên Tòa Nhân dân khởi tố “ tên Ðịa chủ cường hào”.

       Khi mặt trời lên quá cây sào, đội tự vệ áp giải cha con ông Phan Quang Thao đến địa điểm đã đông nghẹt dân làng. Trên bãi Xoang cạnh bến đình làng đã đóng sẵn hai cây cọc chỉ cao trên tầm thắt lưng. Họ ấn hai nạn nhân quì xuống rồi quấn chặt dây thừng quanh người vào cọc.

       Một người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt loắt choắt tiến ra trước đám đông đọc bản cáo trạng lên án ông Tú Thao là một đại điền chủ gian ác bóc lột tá điền, cậy quyền hiếp đáp đồng bào. Người con trai cả Phan Quang Trì là Việt gian thân thiện với Pháp và Nhật. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố hai cha con ông Tú có tội với cách mạng, với nhân dân. Cả rừng người im thin thít. Ðột nhiên, lão ta la lớn:

- “ Ðồng bào tha hay g.i.ế.t ?”

       Tiếng g.i.e.ê.t sau cùng kéo dài là ám hiệu dứt mạng sống của hai nạn nhân. Cả pháp trường như chết lịm. Bỗng có tiếng “g-i-ế-t, g-i-ế-t” của một người nào đó giữa đám đông vang lên đã lôi cuốn lượng sóng người cùng cất tiếng hô theo :

- “G-i-ế-t, g-i-ế-t”

       “Cách mạng” thường hay dùng cò mồi để làm nhân tố kích thích tâm lý quần chúng. Chẳng một ai dám lên tiếng ngược lại lời hướng dẫn của cò mồi. Tên loắt choắt kia là hiện thân của “thẩm quan địa ngục” và bọn “cò mồi” là “quỷ sứ ngưu đầu mã diện”.

       Một đao phủ không biết từ đâu xuất hiện. Ðầu trùm một bao vải màu đen, đôi mắt đỏ ngầu hiện ra sau hai lỗ tròn. Hắn cầm một thanh mã tấu sáng lấp loáng dưới ánh mặt trời bước đến phía sau nạn nhân, hai chân đứng thế trung bình tấn. Bất thần, tiếng hét vang lên “Sát.. !”. Người ta chỉ thấy một đường sáng trắng đi vào gáy ông Tú Thao. Lưỡi đao cắt ngọt chiếc cổ trắng ngần, đầu nạn nhân văng ra xa, máu phụt lên thành vòi. Máu nhuộm đỏ cả bộ bà ba trắng nạn nhân đang mặc. Máu tưới đỏ cả một vùng cát rộng. Dân chúng khiếp sợ, kẻ bịt mắt, người bụm miệng nôn thốc, nôn tháo, tiếng trẻ con khóc thét !

       Ðến phiên người con, đao phủ có lẽ yếu tay nên phải chém đến hai lần. Ðầu ông Ðại Hào Trì vẫn còn dính lớp da cổ treo lủng lẳng trước ngực. Cái cổ bày ra những sợi gân bầy nhầy trắng hếu. Có một điều khiến cho đám đông ngạc nhiên là không có giọt máu nào chảy ra. Người ta thầm thì: “ Ông Trì lên cơn đau tim lại sợ quá nên tắt thở truớc khi bị hành quyết !” Dù chưa đạt được nghệ thuật chém treo ngành như nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả, nhưng tên đao phủ đã thể hiện bản lãnh giết người chuyên nghiệp.

       Lần đầu tiên, làng tôi, mảnh đất của những người nông dân hiền lương, chất phác suốt mấy mươi đời lấy nghĩa tình đối đãi với nhau giờ đây phải chứng kiến cảnh tàn bạo sắt máu tưởng chừng như một cơn ác mộng !

       Những ngày tháng sau đó, ủy ban khởi nghĩa quê tôi giam giữ chí sĩ Ngô Ðình Diệm, và nhà Cách mạng Cộng sản Ðệ tứ Tạ Thu Thâu tại nhà ông Tú Thao nơi “Uỷ Ban Khởi Nghĩa” chiếm giữ làm cơ quan của ủy ban Cách Mạng lúc bấy giờ. Chỉ một thời gian ngắn họ đưa ông Tạ Thu Thâu qua đò làng tôi rồi giết ông ấy bên kia sông trên đất quê ngoại tôi. Không biết lý do nào họ không giết cụ Diệm nên được thoát chết ngày đó.

       Mặt nước sông Trà cũng phải rùng mình nổi sóng. Bờ tre như cúi mình thấp hơn để tiển đưa những oan hồn ra đi trong hoang lạnh. Lũ trẻ không còn ngụp lặn nô đùa nơi bến sông. Và khách kêu đò về đêm cũng bặt tiếng. Hai chiếc đầu của nạn nhân và máu nhuộm đỏ bến Đình Làng là hình ảnh kinh hoàng đã khắc sâu trong ký ức của tuổi thơ tôi đến tận bây giờ.

       Khi trưởng thành, tôi ngẫm nghĩ về khoa địa lý phong thủy mà ông thầy Tàu đã giải đoán. Tôi càng thấy thấm thía vô cùng. Người ta nói Quảng Ngãi là đất địa linh nhân kiệt nhưng làng tôi có hai ngọn gió kết hợp với hai luồng nước đổ về đầu làng tạo thành vực xoáy tích tụ Tàng phong là hai mặt xấu trong môn Phong thủy khiến cho hung thân quỷ dữ ẩn trú, thường xuyên tác hại gây biết bao đau thương cho dân làng.

       Quê tôi từ đây thuộc vùng Liên Khu 5 Việt Minh chiếm giữ chạy suốt chiều dài 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Miếu thờ bị đập phá, ngôi đình làng bỏ hoang phế không người chăm sóc. Núi Cấm làng tôi trở thành nơi hoang vu vắng bước chân người. Cây đa cổ thụ già nua rễ mọc từ trên cao buông dài tua tủa như người đàn bà xõa tóc sầu muộn bên sông.

*****

      Ðồn Komplong do quân Pháp trấn đóng giáp ranh hai tỉnh Quảng Ngãi và KonTum như ngọn giáo thường trực đâm vào yết hầu Liên Khu 5. Ngày đầu mùa thu năm 1952, bến Đình làng tôi bỗng nhiên tấp nập người là người. Bộ đội và dân công lũ lượt qua sông bằng hàng chục chiếc ghe trưng dụng. Ðó là những đêm điều quân của Bộ tư lệnh Liên Khu với hai sư đoàn cùng với lực lượng địa phương thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam chuẩn bị tấn công đồn Komplong. Trong suốt nửa tháng trời họ bí mật vận chuyển lương thực, đạn dược súng ống tiến về hướng tây nam Quảng Ngãi thuộc các huyện giáp ranh với Kontum.

       Qua mấy ngày công đồn, kết quả Việt Minh chiếm được đồn, nhưng hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Bệnh viện không đủ chỗ chứa. Quê ngoại tôi, nhà nào cũng biến thành một “quân y viện bỏ túi” .

       Ngày Tết đã gần kề, tôi theo chân anh nuôi bộ đội sang sông thăm đồng đội của anh bị thương đang nằm điều trị tại Quân y viện. Nhân dịp này, tôi ghé thăm Ngoại và mang cho bà ít thức ăn của mẹ tôi bới. Ðã từ lâu, ngày Tết, ngày giỗ huy hoàng của Ngoại tôi không còn nữa.

       Khi trở về, chúng tôi qua chuyến đò An Mỹ. Ðò đến giữa sông, chợt hai khu trục cơ của quân Pháp bay dọc theo bờ sông đột nhiên đảo lại. Theo kinh nghiệm, anh bộ đội đoán biết máy bay sẽ bắn đò, liền hối thúc mọi người rời bỏ đò. Một khắc sau, những loạt đạn đại liên từ trên máy bay thay nhau bắn xối xả vào chiếc đò trôi lềnh bềnh giữa sông. Ðây là mục tiêu không thể bỏ qua khi tình báo Pháp biết được Việt Minh đã dùng tuyến đường này để chuyển quân đánh đồn Komplong. Bị trúng đạn, đò chìm, oanh tạc cơ bỏ đi. Ðồng bào ùa ra sông tiếp cứu. Hậu quả đau đớn là hai người phụ nữ không biết bơi nằm lại trên đò tử thương. Ông lái đò mất tích đến hai ngày sau xác ông mới nổi lên trôi tấp vào bờ, cuối bãi dâu.

       Hình ảnh ông lái đò có nụ cười móm mém tận tụy đưa khách sang sông dù là đêm đông lạnh giá hay trưa hè nắng gắt, cái sạp tre nằm đợi khách gọi đò về đêm lên nước láng bóng dưới mái lều đã khiến cho lòng tôi ngậm ngùi mỗi lần qua đó. Nước vẫn trôi, đò vẫn đưa nhưng ông lái đò xưa không còn nữa. Con đò bây giờ đối với tôi trông lạc lõng, vô tình như những ánh mắt của người chèo đò trong tổ hợp hiện giờ do chính quyền địa phương cắt cử . Họ lấm lét, xoi mói, dò xét để phát giác gián điệp của địch qua sông .Vẫn chống vẫn chèo nhưng trái tim họ chẳng hề gắn bó với chiếc đò, với bến sông. Khác xa với ông lão chèo đò lúc trước, ánh mắt ông lúc nào cũng nồng ấm chan chứa tình dành cho khách đi đò và gởi cả hồn ông trong mỗi nhịp chèo khuấy nước hòa cùng nhịp đập trái tim mình. Trái tim đầy ắp tình người mênh mông, êm ả như nước sông lặng lờ trôi.

       Lòng ông lái đò cũng cuồn cuộn buồn nhớ theo từng con nước đục ngầu trong mùa nước lụt đổ về dâng tràn, ngăn cách đôi bờ khiến cho con đò ông bất lực trước sức cuốn xô tàn bạo của con nước nguồn. Con đò và bến sông đã gắn chặt cả cuộc đời lão. Ông yêu nó và vĩnh viễn không xa rời nó như người thuyền trưởng giữ đúng trách nhiệm của mình nhất định không bỏ thuyền khi gặp nạn và ông đã chết theo con đò.

       Hiệp Ðịnh Geneve 1954 chia đôi đất nước, nền Tự do được phục hồi trên toàn cõi Miền Nam. Dân hai bên bờ sông thương tiếc ông lái đò đã tự động lập miễu thờ trên bờ sông. Ông xứng đáng là vị Thần Hoàng của bến sông này. Mỗi lần qua sông thăm Ngoại là mắt tôi rưng rưng khi thấy miễu thờ ông lái đò khói hương lên nghi ngút. Hàng ngày khách qua đò không quên ghé vào miễu đốt nén hương để tưởng nhớ người lái đò đã chết theo chiếc đò như người cha đã hy sinh để bảo vệ và che chở đứa con yêu của mình.

       Có người đã chứng kiến, ngày đó, ông lái đò lặn xuống nước cố đẩy con đò tấp vào bờ để tránh đạn nhưng chẳng may đạn của máy bay bắn xuyên qua thuyền trúng vào đầu ông. Thân xác ông lão chèo đò không còn hiện hữu trên cõi đời này, nhưng linh hồn ông hẳn còn lẩn quất bến sông xưa và hình bóng ông vẫn còn lưu mãi trong lòng tôi.

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Jul/2024 lúc 3:54pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Aug/2024 lúc 1:19pm


Có rất nhiều định nghĩa về một cuộc sống hạnh phúc. Đó là lúc bạn được tự do làm theo ý mình muốn, là dư dả tiền bạc đến nơi mình thích, là mua được đồ vật ao ước bấy lâu, là có một chàng người yêu đẹp trai như “soái ca”… Hạnh phúc hiện diện ở muôn hình vạn trạng, đó có thể là vật chất hay đơn thuần là cảm giác do người khác mang lại.

Nhưng khoan, có bao giờ bạn định nghĩa cuộc sống hạnh phúc một cách đơn giản hơn một chút chưa? Có bao giờ bạn nghĩ hạnh phúc xuất phát từ chính bạn, từ cái tâm, từ cách nhìn nhận thế giới và những người xung quanh? Và rồi bạn sẽ bất ngờ khi khám phá rằng, chỉ bằng việc từ bỏ 12 lối sống sai lầm dưới đây, sẽ mang lại những cảm hứng tích cực, mới mẻ cho cuộc sống của bạn.



Bạn hãy liệt kê thử bản thân được ích lợi gì từ việc ghen tị với thành công của người khác hay so sánh bản thân mình với họ? Không có lợi ích gì cả phải không nào. Vậy tại sao phải dằn vặt bản thân bằng những cảm xúc tiêu cực đó? Mỗi người là một cá thể đặc biệt và bạn cũng vậy mà.

Cuộc sống thường xuyên phải nhận những ý kiến đóng góp, dù tốt hay xấu nhưng bạn đừng vơ hết vào mình. Có những ý kiến dựa trên kinh nghiệm và góc nhìn của người khác, không phải của bạn. Chính bạn mới là người hiểu mình muốn gì và cần gì cơ mà. Đừng để lời nói của người khác tác động quá nhiều đến bản thân.

Việc luôn xem mình là nạn nhân sẽ khiến bạn cảm thấy mình chẳng có tí năng lượng nào. Cảm giác yếu đuối, bất lực, mắc kẹt sẽ thường trực trong cơ thể. Hãy ngừng phàn nàn và giữ vững tư thế ngẩng cao đầu, đối diện với mọi chuyện, rồi bạn sẽ thấy mình rất mạnh mẽ và cứng cỏi.

Không nên để những cảm xúc đau buồn “lưu trữ” quá lâu. Biết cách buông bỏ là một bài học không phải ai cũng làm được chỉ trong vòng vài nốt nhạc. Cảm giác tội lỗi, sự giận dữ, tình yêu và cả mất mát nữa, bạn phải học cách chiến đấu với chúng và để chúng ra đi. Mang vác những chuyện quá khứ sẽ rất mệt mỏi, tốn sức và chẳng bao giờ có thể cất bước đi thật xa được.


Cuộc sống vốn luôn có nhiều điều tốt đẹp dành cho mỗi người chúng ta, thế nhưng có đôi lúc ta lại suy nghĩ và nói quá nhiều về những điều bất hạnh xảy ra với mình. Chúng ta bị ám ảnh và cho rằng mình chẳng may mắn tẹo nào, rồi ước giá như mình sinh ra trong một hoàn cảnh khác thì tương lai sẽ tốt hơn chẳng hạn… Đủ các lý do để hạ thấp giá trị của những điều bạn đang có. Đừng như thế nhé, cuộc sống hạnh phúc được quyết định từ chính trong suy nghĩ của chúng ta mà ra đấy.


Trong chúng ta ai cũng có những lúc trải qua cảm giác nóng giận, bùng nổ và trút hết lên người có thể khiến bạn hả dạ hay thoải mái. Nhưng rồi không lâu sau đó, cảm giác hối hận dần ập đến khiến bạn chẳng biết nên cư xử thế nào. Mối quan hệ cũng vì thế mà xấu đi, người thân yêu lại bị tổn thương và đau khổ. Dù khó nhưng hãy học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, bởi nó vừa tránh cho bạn những rắc rối không đáng có vừa có thể bình tĩnh xử lý công việc một cách năng suất nhất.


Chúng ta thường đánh giá người khác qua những thứ mà họ thể hiện, dù biết rằng có thể sự thật khác xa những gì chúng ta vẫn thấy. Đôi lúc một người cư xử khó chịu với bạn không có nghĩa họ căm ghét hay có hiềm khích với bạn, đơn giản là họ cũng đang khó xử và gặp trục trặc đấy thôi. Nếu không giúp đỡ được gì, đừng cười nhạo hay nói xấu họ mà hãy để mọi việc từ từ bình ổn đã nhé.


Mỗi ngày trôi qua, chúng ta vẫn chứng kiến những câu chuyện chết vì vô cảm, hay làm tổn thương người khác vì những lý do rất nhỏ nhặt trên mạng xã hội. Con người tại sao lại trở nên vô lý và đáng sợ đến thế, có chăng là họ khuyết mất lòng thương và cảm thông với người khác trong tim mình. Mỗi khi muốn hạ thấp một ai đó cho bõ ghét, đừng vội mà hãy đào sâu lòng trắc ẩn trong chính bản thân bạn và rồi bạn sẽ nhận ra sự thanh thản và an yên mình tìm kiếm lâu nay lại đơn giản đến thế.


Đừng lừa gạt và làm điều xấu chỉ vì bạn có thể. Ví dụ nếu có được một người tốt với mình, hãy trân trọng tình cảm hiếm có ấy, đừng lừa dối chỉ bởi vì họ đã trao cho bạn quá nhiều sự tin tưởng. Cũng đừng làm việc xấu chỉ vì bạn có thể làm chúng, nên nhớ, liêm chính là phẩm chất đầu tiên của mọi sự thành công.


Bạn biết không, đôi khi chính đặc điểm chỉ có ở riêng bạn mới là điểm thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Không ai có thể sống theo một hình mẫu có sẵn, cũng không ai có thể kết giao lâu dài với người sống giả tạo cả. Bạn sinh ra là để tỏa sáng, để sống cuộc đời của chính bạn, hãy tin và luôn tin như vậy!


Đừng cố biến bản thân trở thành “hoa hậu thân thiện” có khả năng làm hài lòng tất cả mọi người hoặc ai đó xa lạ không phải là chính bạn. Hãy nhìn về bức tranh lớn hơn là cuộc đời của bạn, con đường bạn đang đi và từng trải nghiệm mới mẻ khiến bạn trưởng thành lên từng ngày.


Rất nhiều người trong chúng ta luôn mong muốn và theo đuổi sự hoàn hảo, cầu toàn trong mọi việc. Bạn thích có một căn nhà như mơ, việc nhẹ lương cao, bạn bè dốc lòng vì mình và một mẫu người yêu như bước ra từ truyện ngôn tình… Có một điều bạn đã quên mất rằng cuộc sống tựa như phím đàn, có thăng có trầm, có thay đổi và tiến triển. Bản thân con người cũng đầy khiếm khuyết, vậy hà cớ gì lấy làm không hài lòng với những điều hiện có. Một chút kiên nhẫn, một chút cởi mở chịu khó thấu hiểu, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhõm và đáng sống hơn rất nhiều.

st.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Aug/2024 lúc 9:13am

Người Đàn Bà "Móc Bọc Ny Lông"

 


Hồi học Đại học, tui có thằng bạn quê miền Trung. Nó cái gì cũng tốt, ngoại trừ tính tự ti. Trong suốt năm đầu, chưa lần nào nó kể chuyện gia đình, hễ nghe lũ bạn trong lớp đề cập tới chuyện đó hoặc là nó lãng đi chỗ khác hoặc là nó chúi mũi vào sách vở. Cho tới một bữa, thấy nó mặt mũi dào dào, ra vô bứt rứt, tui gặng hỏi miết mà nó vẫn nói không có gì, nhưng nó đâu có qua mắt tui được, rõ ràng nó mới lau giọt nước mắt bất chợt chảy ra dù rất vội vã để tui không thấy. Tui quyết định bí mật theo dõi nó.

Nó ngồi cạnh một bà già trong góc khuất ven đường. Nhìn bà già biết ngay người ở quê nghèo bởi bộ quần áo cũ nát, cái nón lá sờn rách và trời ơi, bên cạnh bà là cái bao tời và cây móc sắt, hai thứ “đồ nghề” chuyên dụng của người lượm ve chai, còn gọi là “móc bọc ni lông”. Bà đưa nó gói xôi bắp, nó đẩy lại cho bà, đẩy qua đẩy lại vài lần nó mới chịu ăn trong ánh mắt đầy yêu thương của bà. Rồi bà lần túi, móc ra những tờ tiền nhàu nát, đếm đưa cho nó… lại đẩy qua đẩy lại rồi nó mới rưng rưng cầm lấy. Sau cùng bà đứng dậy, quảy bị lên vai, lầm lũi móc tìm những thứ có thể bán được trong các thùng rác đặt trước cửa nhà của khu phố, còn nó leo lên xe, nhớn nhác nhìn xung quanh như sợ bị ai bắt gặp rồi mới vội vàng đạp đi.

Đã “lộ” với tui nên nó phải kể. Nhà nó nghèo lắm, cả quê ai cũng nghèo nhưng nhà nó nghèo nhất vì Cha nó mất từ lúc nó còn nhỏ, một mình Mẹ nó xoay sở đủ thứ nghề, cứ ai mướn gì làm nấy để nuôi nó lớn và học hành đàng hoàng. Bà chỉ có mỗi ước mơ là nó học thành tài thì dù cực khổ thế nào bà cũng chịu được. Bà không muốn nó bị ảnh hưởng chuyện học nên bỏ quê vô Sài Gòn tiếp tục nuôi nó, chữ nghĩa không có, vốn liếng cũng không nhưng tình thương bao la của người Mẹ đã khiến bà nghĩ ra cái nghề bà đang làm, tuy “mạt hạng” trong xã hội nhưng cũng kiếm được đồng tiền chân chính, sạch sẽ bằng sức lao động để nuôi con ăn học. Thấy Mẹ cực khổ nên nó đau lòng. Kể xong nó khẩn khoản: “mầy đừng nói với ai, tội Mẹ tao và tội cho tao”.

Tất cả tập trung tại nhà đứa bạn ở ngoại thành, nhà nó có ruộng đất, có gà, vịt đầy sân, cá đầy ao và rau đầy vườn. Thời những năm cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước mà được vậy là mơ ước của rất nhiều người. Mấy đứa con gái lăng xăng phụ dưới bếp, không biết nấu những món gì mà mùi thơm bay khắp nơi khiến đám con trai thiếu ăn dài ngày bụng cứ sôi ùng ục. Tui phải làm đủ mọi cách thằng bạn miền Trung mới chịu tham gia, bởi nó nghĩ không có tiền góp vô thì không nên đi ăn chực.

Nó như trên trời rớt xuống khi thấy Mẹ thằng bạn chủ nhà nắm tay Mẹ nó bước ra. Nhỏ Lớp trưởng ma giáo chỉ tuyên bố ngắn gọn buổi liên hoan được tổ chức từ ý tưởng và sự vận động của tui với sự hỗ trợ nhiệt tình của lớp và gia đình người bạn rồi “bán cái” cho tui phát biểu.

Bình thường chuyện “ăn nói” với tui dễ ợt nhưng bữa đó không hiểu sao tui nói không được trơn tru lắm, chung qui tui thay mặt Lớp phân tích, giải thích, chứng minh này nọ để khuyên người bạn miền Trung đừng tự ti, mặc cảm mà hãy tự hào vì có một người Mẹ vĩ đại dù bà chỉ là một người đàn bà “móc bọc ni lông” và hãy học thật giỏi để đừng phụ công ơn trời biển của Mẹ.

Tui nói xong, “phái yếu” ai nấy đều sụt sịt, còn “phái mạnh” ai cũng vội quay đi, tưởng cái giọng nghèn nghẹn do xúc động mạnh của tui đã phá vỡ uy tín của một “Lớp phó ngoại giao” không ngờ nó lại có hiệu quả dữ dằn. Từ đó, nó thay đổi hẳn, Mẹ nó cũng thôi đi lượm ve chai, chuyển qua nấu tàu hủ nước dừa lá dứa gánh đi bán trong khu lao động cho ít cực nhọc hơn (vốn liếng do cả lớp và gia đình người bạn ngoại thành hỗ trợ).

Có bữa trời mưa, bán ế, Mẹ nó gánh nguyên gánh tàu hủ tới cổng Trường, nó không tự ti, mặc cảm mà đích thân chào mời cả lớp ủng hộ, nhỏ Lớp trưởng nữa, thậm chí còn chạy qua lớp bạn rao mời phụ nó, nhỏ này từ sau cái ngày họp lớp ở ngoại thành đã tỏ ra quan tâm tới nó một cách đặc biệt..
st,
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22662
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Aug/2024 lúc 10:11am

4961%201%20NhanSacMuaThuKimLoan

      Cũng giống như nhiều thành phố khác của Canada và của các nước xứ lạnh trên thế giới, Edmonton của tôi đón mùa thu vàng xao xuyến lòng người mỗi độ “gió heo may lại về…”

       Lái xe qua khắp các nẻo đường của thành phố, dù muốn hay không muốn, người ta vẫn bị bâng khuâng bởi những cây lá đổi màu, đẹp như “thiên đường trần gian” mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Khi đi bộ, đi hiking trong những rẻo mini trails, với người đam mê chụp ảnh thì thời gian dừng lại chụp hình hoặc selfie còn… dài hơn cả thời gian đi bộ. Cuối tuần, người ta lại rủ nhau đi picnic ở các công viên, tận hưởng giờ phút ăn uống nghỉ ngơi bên hồ nước soi bóng những lá vàng rụng rơi theo từng cơn gió, vì chẳng bao lâu nữa là bước vào mùa đông giá rét.

4961%202%20NhanSacMuaThuKLoan

       Xóm tôi ở gần một trong những “danh lam thắng cảnh” khi Thu về của miền Bắc thành phố Edmonton, con đường số 97 street. Từ khi lá mới chớm màu, cho đến khi Thu chín rực trên các hàng cây với màu vàng, cam, nâu, xanh lẫn lộn, tạo nên một bức tranh lộng lẫy cả một đoạn đường hơn một cây số. Người ta từ khắp nơi, bắt đầu đổ bộ lai rai xuống những tàn cây để chụp hình kỷ niệm.

       Hàng ngày đi làm, đi chợ, hay đi công việc, tôi đều đi qua đoạn đường Lá Vàng này, nhất là khi chiều buông, thấy cả hàng xe nối đuôi nhau, thả từng nhóm người xuống, có khi còn mang theo “phụ kiện” cho những tấm hình thêm sống động: nào cây đàn guitar, nào tấm trải, giỏ picnic, nào cả va li áo quần để thay đổi, thậm chí có cả… chó và mèo cưng nữa. Đôi khi, có những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đem theo lỉnh kỉnh đồ nghề tác nghiệp, khuân ra vác vào, làm vui nhộn và rộn ràng cả khúc đường. Thỉnh thoảng còn có cả những cặp tân hôn, còn nguyên váy áo cô dâu chú rể, cả đoàn xe cưới kéo đến đây chụp hình, náo động tưng bừng, trao lời thề nguyền yêu nhau cho đến… mùa thu cuộc đời! Chẳng biết sở Cảnh Sát có cho biết thống kê tai nạn xe cộ ở con đường này chưa, vì hầu như lần nào tôi đi qua đây đều phải ghé mắt nhìn, nhiều lần bị những xe phía sau bóp còi inh ỏi.

       Tuy nhiên, tôi để ý, hầu hết các nhóm người đổ bộ xuống con đường Lá Vàng đều là những sắc dân di dân, như Việt Nam, Philippines, Tàu, Ấn Độ, Trung Đông… mà rất ít những người dân bản xứ da trắng. Chẳng lẽ họ không có tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên như người di dân chúng ta, không rung động trước những lùm cây màu vàng ngây ngất, bên thảm lá khô xào xạc (dù không có… con nai vàng ngơ ngác…)???

       Ông xã tôi thì cho rằng, dân da trắng sinh ra và lớn lên nơi này, nên họ đã quá quen với sự thay đổi thời tiết bốn mùa, vì vậy họ không ngạc nhiên, trầm trồ như chúng ta.

       Còn tôi thì nghĩ, có lẽ người bản xứ da trắng không chơi… facebook, chớ dân Việt mình mùa này thì trên facebook đầy những hình Thu Vàng, xem mà lóa con mắt. Rõ ràng là “tụi Tây” không bằng chúng ta cái vụ này!

4961%203%20NhanSacMuaThuKLOan
(Hình Minh Họa)

       Những năm đầu mới định cư ở Canada, đến khi các con còn bé, gia đình chúng tôi cũng từng hăng hái bon chen đi chụp những tấm hình đủ kiểu đứng ngồi quỳ nằm trong rừng thu, hình còn đầy trong các cuốn albums trong nhà. Đến bây giờ thì thật sự ngán ngẩm, thay vào đó là chiều chiều, tôi ngồi nhìn qua cửa sổ,ngắm “mùa thu lá bay anh đã đi rồi” mà than vãn, hờn giận vu vơ và… chế thơ Xuân Diệu:

Thu của đất trời nay mới đến
Trong tôi Thu đến đã… lâu rồi
Từ lúc tóc xanh pha tóc bạc
Đêm về thương tiếc tuổi đôi mươi!

       Mà Thu xứ này ngắn ngủi quá! Nào có xa xôi gì đâu! Chỉ mới một hai tuần trước thôi, con đường Lá Vàng còn rực rỡ một khung trời của Mùa Thu chín, những hàng cây điệu đà với muôn sắc màu của lá, chiều nào cũng dập dìu người và xe dừng lại,thưởng thức ngắm nghía, chụp hình tới tấp, dạo chơi vui vẻ trong tiếng rơi lả lơi của những chiếc lá nhẹ bay…

       Nhưng khi quý vị độc giả đọc được bài này thì những hàng cây đang rụng lá, khẳng khiu, trơ trọi giữa những cơn gió cuốn cuối mùa, lạnh lẽo theo những vầng mây xám vây quanh. Và người ta vẫn chạy xe qua con đường ấy, nhưng chẳng còn ai dừng lại, (dù là nửa con mắt) để nhìn vùng lá khô ấy, dù chỉ là một phút thôi. Con người ta vô tình quá đỗi, hờ hững như chưa hề đắm đuối say mê, chưa từng xuýt xoa chiêm ngắm, chưa từng ôm ấp mộng mị làm thơ nhớ nhung, khi nơi đây còn là một tuyệt tác mỹ miều, rạo rực lòng người, tôi cũng buồn lây mà cảm hứng xót xa giùm… Mùa Thu:

4961%204%20NhanSacMuaThuKLoan
Thu lộng lẫy nồng nàn
Bao kẻ đón người đưa
Thu cuối mùa tàn úa
Giận ai kia hững hờ…

       Đời bạc thế!!! Bởi vậy, các ca sỹ, nghệ sỹ, các bà cô… khi vào tuổi “lá úa khóc người đi” cũng nên chấp nhận sự thật phũ phàng này. Ai cũng chỉ có một thời thanh xuân rất đẹp (cái thời mà không cần trang điểm, không kẻ mắt tô son, mà vẫn đẹp xinh, đầy sức sống). Đừng nên cố gắng níu kéo một cách thái quá. Nhiều người không chịu… già, vẫn diện những bộ áo quần rất “trẻ trung” hơn mức cần thiết, tóc cắt kiểu “maika” để thêm phần… nhí nhảnh, rồi đi thẩm mỹ viện cắt mắt để vẫn… mơ màng ngây thơ, đi bơm môi để vẫn có làn “môi cherry” đỏ mọng xinh xinh nũng nịu. Nhưng đó chỉ là những cứu vãn bên ngoài, nhìn xa xa thì cũng hấp dẫn, chớ lại gần thì… hổng phải vậy, chồng con trong nhà biết rõ lắm á, nhất là mỗi sáng ngủ dậy… giật mình cứ tưởng còn Halloween. Bởi thế tôi đã từng làm thơ nịnh chồng:

Không có đờn ông, chắc đời… buồn lắm
Ai sẽ cùng ta thức dậy mỗi ngày?
Ta chưa điểm trang, tô vẽ lông mày
Người vẫn nhìn ta dù ta đang… xấu !!

       Tôi không phản đối thẩm mỹ khi cần thiết, miễn sao đừng quá lố mà phản tác dụng. Tôi phải nói vậy, vì biết đâu sau này, nổi hứng… hồi xuân bất chợt, tôi lại đi trùng tu nhan sắc đang về chiều của mình, dù rằng tôi không bao giờ có ý định đó, nhưng never say never, phải không quý vị!?

       Nói chung, ở tuổi mùa thu hay mùa đông của cuộc đời, tâm hồn lạc quan tươi trẻ, tinh thần vui vẻ, bao dung... mới là điều quan trọng.

       Hình như tôi đang đi… lạc đề thì phải? Đang nói đến Mùa Thu đẹp thế cơ mà! Dù Thu Vàng hay Thu Sầu lá héo khô, cũng cho chúng ta những phút giây thổn thức và những bài thơ bài nhạc tuyệt vời ngẩn ngơ, thấm thía tim gan. Vì Mùa Thu mà có thi nhân hay vì có thi nhân mà Thượng Đế phải tạo ra Mùa Thu?

Cái nào cũng được, xin cám ơn cuộc đời, cám ơn Mùa Thu!

Kim Loan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 155 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.375 seconds.