Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 143 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Dec/2024 lúc 3:30pm

13 Thói Quen Xấu Khiến Bạn Già Trước Tuổi

Bạn là một con cú đêm

Thức khuya khiến cho tất cả các bộ phận trên cơ thể bị hoạt động quá sức. Da tiết nhiều chất bã nhờn hơn dẫn đến lỗ chân lông nở rộng. Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, sạm. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, tiêu hóa kém dẫn đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng bị đình trệ.


Giữ mối hận thù quá lâu trong lòng

Nếu không thể bỏ qua hay quên đi những chuyện trong quá khứ bạn có thể trông già hơn 5 tuổi so với tuổi thực của mình. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa sự tha thứ và sức khỏe. Nghiên cứu được đang trên Tạp chí Y học hành vi năm 2005 cho thấy sự thiếu tha thứ dẫn đến gia tăng các triệu chứng thần kinh, ảnh hưởng đến giấc ngủ, tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu...


Bạn chỉ tập thể dục khi bạn muốn giảm cân

Nếu kế hoạch tập thể dục của bạn chỉ bắt đầu và kết thúc cho đến khi bạn cảm thấy cơ thể mình đã thon gọn, bạn có thể trông già và xấu hơn. Bởi nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tuổi và kéo dài tuổi thọ. Tập thể dục hàng ngày giúp giảm lượng cortisol và làm tăng các hormone có lợi như testosterone.


Bạn ăn quá nhiều đồ ngọt

Đồ ngọt làm tăng sự lão hóa của tất cả các bộ phận trên cơ thể con người, ăn chế độ ăn nhiều đường không chỉ gây tăng vòng 2 mà còn tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, gây các vấn đề về da như mụn trứng cá, đặc biệt là nếp nhăn.


Hút thuốc

Tiếp xúc với khói thuốc lá, dù bạn hút thuốc hay không, làm tăng đáng kể nếp nhăn và tình trạng khô da vì khói thuốc làm suy yếu khả năng hấp thụ vitamin C của cơ thể - thành phần quan trọng giữ cho da căng và ẩm. Vitamin C tan trong nước và không được dự trữ trong cơ thể.


Dụi mắt

Khi đôi mắt mệt mỏi bạn thường dụi mắt, nhưng chính điều này lại là nguyên nhân làm phá vỡ collagen và độ đàn hồi xung quanh khu vực mắt, làm phá vỡ các mao mạch và gây ra nếp nhăn.


Dùng rượu

Tất cả chúng ta đều biết hay chứng kiến một người nào đó với khuôn mặt đỏ nựng, sưng húp sau cơn say túy lúy. Rượu làm giãn các mạch máu nhỏ trong da. Điều này làm tăng lưu lượng máu gần bề mặt da. Theo thời gian, với sự lặp lại việc này, các mạch máu có thể bị hỏng vĩnh viễn. Sự phá hủy này dẫn đến việc da bạn bị đỏ và xuất hiện các đốm nâu.


Xem ti vi

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Queensland (Australia) cho thấy cứ một giờ xem truyền hình sẽ rút ngắn cuộc sống của bạn 22 phút. Truyền hình không chỉ làm xấu vòng eo, nó còn rút ngắn tuổi thọ của bạn và còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.


Ngủ úp mặt xuống gối

Nếu khi ngủ bạn chỉ nằm úp mặt xuống gối thì khuôn mặt bạn sẽ bị ép và chiếc gối bông có thể gây nếp nhăn trên da. Để tránh lão hóa sớm hãy chuyển sang nằm ngửa hay dùng gối lụa, satin có thể giảm nếp nhăn và duy trì độ ẩm cho da.


Căng thẳng

Stress và lo âu khiến bạn cau mày. Thực hành một số kỹ thuật thư giãn và đưa nó vào thói quen hằng ngày của bạn là điều rất quan trọng. Hãy học cách chú ý đến những điều tích cực và thực hành việc thư giãn các cơ mặt.


Bạn hiếm khi uống nước

Tăng lượng nước bạn uống mỗi ngày chính là chìa khóa để trông trẻ trung hơn. Nước là cần thiết để duy trì độ ẩm cho da và giúp cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho da.

 

Chế độ ăn ít chất béo

Nhiều người kiêng ăn chất béo để giảm cân mà không biết rằng thiếu các chất béo như omega 3 có thể ảnh hưởng đến tốc độ lão hóa của bạn. Omega 3 có nhiều trong dầu cá, quả óc chó, hạnh nhân luôn cần thiết cho chúng ta và giúp ta trẻ lâu. Nó không chỉ giữ cho làn da căng bóng, ít nếp nhăn, tăng cường sức khỏe cho não, tim mà còn tăng tuổi thọ cho bạn.


Lạm dụng mỹ phẩm

Rất nhiều mỹ phẩm chứa những độc tố gây hại cho làn da, cơ thể như corticoid, chì... Một nghiên cứu thị trường mỹ phẩm gần đây cho thấy, ngay cả các loại son của những thương hiệu uy tín cũng chứa lượng chì vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Vì thế bạn nên hạn chế sự lạm dụng mỹ phẩm để tránh cho cơ thể không bị ngộ độc và làn da chậm lão hóa hơn.

  st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Dec/2024 lúc 3:48pm

Đi Khám Bệnh



Ở nước ngoài, Mỹ, Pháp hay Nhật chẳng hạn, người già tự đi khám bệnh một mình là chuyện bình thường, rất bình thường. Chẳng ai lưu tâm, hỏi han tọc mạch về chuyện đó cả. Bởi con cái có công ăn việc làm của chúng, có gia đình của chúng phải lo, có con cái còn nhỏ của chúng phải chăm sóc. Khi đi khám bệnh, nếu còn đi được, chưa phải nằm băng ca cấp cứu, người già có thể tự lo cho bản thân mình mà chẳng cần ai phải trợ giúp. Đến bệnh viện, làm thủ tục, bác sĩ khám bệnh rồi ra về, chuyện đơn giản thôi mà.

Người Việt ta thì khác, khi cha mẹ đi khám bệnh, con cái phải đi theo, nhiều khi cả mấy anh chị em và cả cháu. Nếu không làm thế sẽ bị người đời dè bỉu là không chăm sóc cha mẹ. Bởi vậy nên phải xin nghỉ việc, bán hàng thì tạm đóng cửa hoặc giao nhờ người khác, con cái phải gởi cho người quen, hàng xóm trông giúp. Mà thật ra bệnh cũng chưa phải trầm trọng chi lắm, có khi chỉ là bệnh thông thường của người có tuổi khi trái nắng trở trời, nhưng đến bệnh viện phải có người hộ tống. Trong khi người già có thể đi một mình bình thường nếu quãng đường không xa lắm, xe cộ thuận tiện, và làm thủ tục bình thường mà không làm phiền đến con cháu. Nhưng những người chung quanh, kể cả những người xa lạ khi thấy cảnh một người già lụm cụm đi khám bệnh một mình thì cứ xót xa, xuýt xoa thương cảm. Người Việt ta hay thương vay khóc mướn thế đấy!

Tôi thường tự đi bệnh viện một mình lúc có bệnh trong người, thường là những bệnh không nguy hiểm. Khớp đau, đầu gối nhức, trong người hơi mệt, cảm cúm theo mùa ...và hôm nay là đau nhức răng suốt đêm không ngủ được. Tôi bị thoái hoá khớp hành gần tháng nay nên phải chống gậy, mới gọi xe bảo đi bệnh viện, chưa kịp leo lên đã bị anh xe ôm hỏi con cháu đâu mà đi một mình khổ thế? Tôi bảo chúng bận trăm công ngàn việc, đi một mình cũng có sao đâu? Đến cổng bệnh viện vừa tập tễnh bước xuống đi vào thì có một cậu trung niên đến đỡ lại xuýt xoa, bác ơi con cái đâu mà để bác đi một mình thế? Tôi đi lại hơi khó khăn nhưng rất ghét ai dìu mình, chỉ muốn tự mình đi, không muốn ai nâng đỡ cả. Đi đâu mà người nào dìu là tôi phản ứng ngay. Vào làm hồ sơ, cô y tá cũng lại bảo sao chú đi một mình thế, con cháu đâu cả rồi. Đến lúc về cũng thế, leo lên taxi hơi khó, thế là anh tài xế trách móc con cái không theo giúp cha mẹ, anh cho vậy là bất hiếu.

Bực mình ghê chưa. Tôi còn sức đi mà, tôi còn minh mẫn để điền hồ sơ mà. Còn nhớ có một lần tôi bị đau chân, đi rất khó. Hẹn bác sĩ 9:00, tôi đến đúng giờ nhưng từ chỗ gởi xe vào phòng khám mất một đoạn khá xa. Tôi lê từng bước từng bước thầm. Hết người này đến người khác đến muốn dìu tôi đi nhưng tôi từ chối tất. Ai cũng bảo, khổ thân ông cụ, con cháu đâu mà tội nghiệp thế kia. Tôi muốn cãi mà thôi, mỗi người mỗi suy nghĩ, phản ứng làm gì.

Đó cũng là hai thái độ khác nhau giữa người Việt và người phương Tây. Người nước ngoài xem đó là chuyện thường tình, khi ta còn làm được thì tránh phiền cho người khác. Còn người Việt ta cho đó là việc hiếu, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Suy cho cùng việc hiếu để nằm trong cách xử sự, trong hành vi, thái độ hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói chứ nhiều khi không chỉ là sự chăm sóc đôi lúc không cần thiết. Khổng Tử đã từng nói: Nếu nuôi cha mẹ mà cho ăn lúc đói, đắp mảnh áo lúc rét thì có khác chi nuôi một con vật đâu. Cái chính là cái tâm của con cháu đối với cha mẹ chứ không chỉ là những chăm lo vặt vãnh hàng ngày khi người già còn tự mình làm được. Bởi thế, phương Tây cứ đến tuổi là vào viện dưỡng lão, có người chăm lo bữa ăn, giấc ngủ mà không làm phiền đến cháu con.

Theo tôi, tất cả tuỳ tâm, dung hoà giữa hai quan niệm, nếu con cái thấy có điều kiện để làm thì thuận theo chúng mà làm. Còn không, thì cứ việc ta ta làm, đường ta ta đi cho nó khoẻ, khỏi vướng bận đến ai.

Cấu trúc gia đình ngày xưa khác bây giờ, con cái, cháu chắt ở chung tam đại, tứ đại đồng đường. Làm nông là công việc chính nên việc chăm sóc, hiếu để với cha mẹ khác với thời nay. Bậc làm cha mẹ thời nay phải hiểu cho hoàn cảnh của con cái mà đừng bắt bẻ, yêu cầu chúng những việc không thuận cho sinh hoạt và công việc của chúng. Đó cũng là góp phần cho gia đình bớt xào xáo, phiền hà.

Khi con cái còn nhỏ, chỉ cần chúng húng hắng ho, chỉ cần chúng hơi sốt, hơi đau trong người, cha mẹ sẵn sàng đội nắng, đội mưa kiếm thuốc cho con. Bất chấp đêm hôm, sẵn sàng ôm con đến bác sĩ, đến nhà thương. Nhưng khi chúng lớn lên, trưởng thành, có gia đình sự nghiệp, cha mẹ muốn mở lời nhờ con đưa đi khám bệnh, nhờ mua viên thuốc, ổ bánh mì cũng ái ngại, rụt rè không dám mở lời, không muốn nhờ vả. Cuộc đời thế đấy, nước mắt chảy xuôi. Thôi thì cái gì ta tự làm được thì nên tự làm, sống như thế cho thanh thản, bình an trong tâm, khỏi phải phiền hà, trách móc thêm nặng lòng, tâm lại không vui.

ĐỖ DUY NGỌC

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Dec/2024 lúc 9:38am

Mở Cửa Thiên Đường & Đóng Cửa Thiên Đường 

 

Mấy ngày qua, làng net đã bàn luận khá nhiều về một bài viết của ông Vũ Văn Lộc có tựa đề “Đóng Cửa Thiên Đường”, ý nói ông Trump sẽ đóng cửa biên giới không cho di dân vào nữa.

Cũng giống như những người chống Trump, thay vì phải nói cho đúng là ông Trump đóng cửa biên giới ngăn chận và trục xuất di dân lậu (hay di dân bất hợp pháp), thì ông Vũ Văn Lộc cố tình cắt bỏ chữ “lậu” và 3 chữ “bất hợp pháp” rồi vứt chúng vào thùng rác, chỉ còn lại “di dân”.

Do đó, từ việc Trump  đóng cửa biên giới, trục xuất di dân lậu, di dân bất hợp pháp trở thành Trump đóng cửa với di dân, và Trump lập tức biến thành một con người mất nhân tính, vô nhân đạo, là phát xít, là độc tài, là Hitler là đủ thứ vô số tội…

Nó đồng nghĩa với ông Vũ Văn Lộc mặc nhiên ca tụng chính sách “Mở Cửa Thiên Đường” của cặp bài trùng Biden & Harris, để cho di dân lậu từ khắp nơi trên thế giới tràn vào nước Mỹ như chốn không người. Biết rồi! Khổ lắm! Nhưng phải nói thôi!


Vì cái chính sách “Mở Cửa Thiên Đường” của Biden& Harris đã mang đến những hậu quả tai hại mà những ai không mù ắt đã phải tận mắt chứng kiến nó ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào trong 4 năm qua. Một trong những hậu quả  tai hại đó, là sự có mặt của băng đảng ‘Tren de Aragua’ (TdA) đang hoạt động trên nước Mỹ mà nếu không ngăn chận kịp thời,  thì “Thiên Đường” Mỹ Quốc rồi đây sẽ biến thành Thiên Đường Đã Mất, nếu không nói là Địa Ngục!   

‘Tren de Aragua’ TdA, tiếng Anh là ‘Train of Aragua’, là một “băng đảng khát máu” xuất thân từ nhà tù Tocoron ở tỉnh  Aragua của Venezuela, từ đó lan rộng sang các quốc gia Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, Mexico, Peru và xâm nhập vào Hoa Kỳ do chính sách “mở cửa thiên đường” của chính quyền Biden & Harris!

Hiện nay, Tren de Aragua (từ đây sẽ viết tắt là TdA)  đã hiện diện tại 16 tiểu bang của Hoa Kỳ, gồm có New York, Colorado, Texas, California, Florida, Georgia, Illinois, Louisiana, Nevada, New Jersey, North Carolina, Tennessee, Wisconsin, Virginia, Montana, Wyoming và Washington DC, theo báo cáo & bản ghi nhớ của Bộ Nội An.

Đầu tháng 11/2024, Bộ Nội An thông báo đã bắt giữ ba thành viên của băng đảng TdA, hai người ở Colorado và một người ở New Mexico, bị truy nã vì tội bắt cóc và giết một người đàn ông 29 tuổi ở Texas, mà  thi thể được tìm thấy vào tháng 8.

Một trường hợp khác ở Virginia, cảnh sát Quận Fairfax đã bắt giữ 3 nghi phạm là đồng đảng của TdA vào tháng 8 năm 2023 vì tội trộm cắp vặt. Theo tờ New York Post, một trong những nghi phạm mang căn cước giả của Venezuela và cả ba đều có hình xăm đặc biệt của TdA.

Một trường hợp nóng hổi đang được truyền thông đề cập, một đảng viên của TdA tên Jose Ibarra đã bị kết án tù chung thân về tội bắt cóc, toan hãm hiếp rồi giết chết cô Laken Riley một nữ sinh viên học ngành Y Tá tại trường Đại Học Augusta, Georgia. 


Trong chương trình “Fox & Friends” vào Thứ Sáu 22/11, Giám Đốc Cục Điều Tra Tennessee David Rausch cũng lên tiếng báo động về sự gia tăng nạn buôn người của TdA ở Nashville, Memphis, Knoxville và Chattanooga.

Ông nói, “băng đảng này đã lợi dụng và khai thác chính sách mở cửa biên giới, chúng hoạt động từ việc buôn người cho đến trộm cắp có tổ chức, sau đó chuyển sang buôn bán ma túy, và tham gia những trận chiến bạo lực đẫm máu.

Bản ghi nhớ của Bộ Nội An có tiêu đề “Sự lan rộng của Tren de Aragua  trên khắp Hoa Kỳ đặt ra những thách thức cho cơ quan thực thi pháp luật”, nêu rõ rằng băng đảng này gia tăng xu hướng bạo lực một khi nó lan rộng.

Bản ghi nhớ cũng giải thích TdA đã gian lận và trộm cắp, sau đó chuyển tiền trộm cắp trở lại Nam Mỹ để tài trợ cái gọi là các doanh nghiệp, thực chất là các tổ chức tội phạm đội lốt.

Trường hợp diển hình, một đảng viên của TdA đã rút 118.000 đô la từ một tài khoản ngân hàng ở Florida và sau đó chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng ở Venezuela, trước khi hành động gian lận phi pháp này bị phát giác.

Những thiếu niên trẻ tuổi cũng là đảng viên của TdA. Tin tức này trùng hợp với một báo cáo của Tổng Thanh Tra An Ninh Nội Địa đầu năm nay, xác nhận chính quyền Biden-Harris đã mất dấu hàng chục nghìn trẻ em di cư không có người lớn đi kèm.

Báo cáo lưu ý rằng tính đến tháng 5 năm 2024, có hơn 291.000 trẻ em di cư không có người đi kèm đã mất tông tích. Hơn 32.000 trẻ em di cư không có người đi kèm đã nhận được thông báo ra tòa án di trú, nhưng sau đó không thấy một tên nào trình diện trong các phiên tòa được ấn định.


Ông David Rausch cũng cho biết, băng đảng TdA hoàn toàn không coi cảnh sát ra gì, chúng tấn công lực lượng thực thi pháp luật trên khắp Hoa Kỳ. Lực luọng cảnh sát bị hạn chế trong nỗ lực trấn áp các hoạt động liên quan đến TdA, đặc biệt là nếu nghi phạm không có “lệnh tạm giữ” của cơ quan di trú. Đây là một thách thức, và là trò chơi “mèo vờn chuột” ngày càng nguy hiểm hơn.

Khuyến cáo vào tháng 10 của Bộ Nội An, viết rằng hơn 100 di dân được xác định có liên hệ với băng đảng TdA cần phải đưa vào danh sách theo dõi của FBI, sau khi cơ quan này ghi nhận hơn 600 người có thể có liên hệ với TdA.

Trong khi đó, tổ chức Heritage Foundation đã phổ biến một bản tóm tắt về  Tren de Aragua, lưu ý rằng băng đảng này đã trở thành 1 tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mới nhất được thành hình tại Hoa Kỳ, trùng hợp với cuộc khủng hoảng lịch sử về biên giới trong nhiệm kỳ của Biden & Harris.

Cựu Quyền Ủy Viên Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới (CBP) Mark Morgan cảnh cáo rằng:

“Đây là một băng đảng bạo lực rất tàn nhẫn đã được ghi nhận đầy đủ, chúng đang mở rộng các hoạt động tội phạm như một căn bệnh ung thư phát triển mau chóng trên khắp đất nước chúng ta và tạo ra một làn sóng tội phạm sẽ tồn tại trong nhiều thập niên.

Nghiên cứu của Heritage Foundation cũng trích dẫn số liệu thống kê của Venezuela cho thấy đã có sự sụt giảm 25% về số tử vong do bạo lực trong giai đoạn 2021- 2022 tại quốc gia này.

Vậy không phải là điều vô lý khi đưa ra giả thuyết rằng có sự liên hệ giữa hành động thả hàng nghìn tội phạm trẻ tuổi ra khỏi nhà tù của chính quyền Venezuela với sự xuất hiện của băng đảng Tren de Aragua tại Hoa Kỳ!

Chính là Venezuela đã xuất cảng hàng nghìn tội phạm vào nước Mỹ và chính quyền Biden & Harris đã chào đón và tiếp đãi những tên tội phạm này như thượng khách: cung cấp khách sạn 5 sao, cung cấp miễn phí vô thời hạn thực phẩm, bảo hiểm sức khoẻ bằng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ.

Mới đây, ông Mike Johnston Thị Trưởng thành phố Denver, tiểu bang Colorado đã lên tiếng dọa rằng, nếu cơ quan ICE thi hành lệnh trục xuất di dân bất hợp pháp đang trú ngụ tại Denver thì sẽ gặp “phản ứng như Thiên An Môn”!

Ông này thề sẽ bảo vệ những di dân trong “thánh địa di dân” Denver khỏi bị trục xuất hàng loạt, bằng cách sử dụng cảnh sát địa phương và 50.000 cư dân “đóng quân tại ranh giới quận” và gọi đó là “khoảnh khắc Thiên An Môn”. Ông ta tuyên bố: Đây là “giá trị cốt lõi” của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để bị bắt nạt! Sẽ có tất cả những bà mẹ vùng cao nguyên ra mặt vì những di dân, và bất cứ ai cũng không nên gây rắc rối với họ”.

Johnston cũng cho biết ông sẽ không cho phép lực lượng thực thi pháp luật địa phương hỗ trợ chính quyền liên bang bắt giữ những di dân bất hợp pháp.

Được biết, có khoảng 40.000 di dân bất hợp pháp đã đổ xô đến Mile High City (biệt danh của Denver) kể từ tháng 12 năm 2022, là số lượng di dân lậu lớn nhất tính trên toàn quốc.

Cùng với làn sóng nhập cư của di dân lậu là sự gia tăng tội phạm liên quan đến băng đảng Tren de Aragua. Những tên đảng viên TdA đã gây kinh hoàng cho Denver và vùng ngoại ô Aurora gần đó, nơi băng đảng này với vũ khí trong tay đã chiếm cứ các khu chung cư mà hình ảnh đã được phổ biến rộng rãi trên các mạng truyền thông xã hội.

Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Aurora, bà Danielle Jurinsky thuộc đảng Cộng Hòa nói với The Post rằng “Nếu Thị trưởng Johnston muốn đứng ở biên giới Denver với các bà mẹ hoặc làm điều gì tương tự, thì điều đó càng cho thấy rằng việc làm của ông ta không có hiệu quả.

Vào tháng 4, thành phố Denver đã cắt giảm chi tiêu của sở cảnh sát và sở cứu hỏa để dành cho những người nhập cư bất hợp pháp trong 1 chương trình gọi là “chiến lược cho những người mới đến”. Để  chi trả cho chương trình này, Thị Trưởng Mike Johnston đã cắt giảm ngân sách của Sở Cảnh Sát 8,4 triệu đô la và của Sở Cứu Hỏa 2,5 triệu đô la.

Tóm lại, chính sách “Mở Cửa Thiên Đường” của Biden & Harris mà ông Vũ Văn Lộc vô cùng ngưỡng mộ đã mang đến kết quả như dưới đây, chỉ nói riêng về di dân từ quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa Venezuela: 

Hơn 800.000 người Venezuela, có thể đã lên đến 1 triệu hay nhiều hơn nữa,  đã đổ vào Hoa Kỳ trong bốn năm qua, bao gồm hàng ngàn tên trong băng đảng khát máu Tren de Aragua từ nhà tù được nhà nước Venezuela thả ra.

Đã vậy, chính quyền Biden &Harris còn ban hành các chính sách cấp cho di dân Venezuela được hưởng tình trạng bảo vệ khỏi bị trục xuất và được cấp giấy phép làm việc nhanh chóng, khiến cho hành trình vào nước Mỹ càng trở nên hấp dẫn.

Tren de Aragua đã nhìn thấy cơ hội với dòng người Venezuela đổ vào Hoa Kỳ, nên bắt đầu giả làm người xin tị nạn khi chúng vào đất nước này. Nhiều tên đã tránh xăm hình đặc trưng của băng đảng để không bị phát giác khi vượt biên giới vào Hoa Kỳ.

Câu chuyện về di dân lậu còn rất dài,  vì ngoài di dân lậu từ Venezuela còn có di dân lậu từ trên 100 quốc gia khác trên toàn thế giới đã “xâm lăng” nước Mỹ.

Đây là một trong nhiều đống rác khổng lồ do Biden & Harris cố tình tạo ra mà bây giờ ông Trump và chính phủ Trump & Vance phải è cổ ra hốt!

Nếu không giải quyết đống rác khổng lồ này, nước Mỹ sẽ lần lượt giống như những đường phố của San Francisco, Los Angeles, Seattle, Portland… đầy rẫy người vô gia cư, tội phạm, dân đầu trộm đuôi cướp, buôn bán ma túy, fentanyl, dân nghiện ngập vật vờ nửa tỉnh nửa say, rác rến, phân người và nước tiểu ở khắp nơi, là chốn “Thiên Đường Mở Cửa” mà ông Vũ Văn Lộc hằng ca ngợi và ngưỡng mộ.

Cuối cùng, có hai câu hỏi xin ông Vũ văn Lộc vui lòng  trả lời:

1/ Ông có muốn mở toang cánh cửa viện bảo tàng của ông để đón chào vài chục đồng đảng của Tren de Aragua đến trú ngụ, và dùng khoản tiền tài trợ điều hành viện bảo tàng để nuôi nấng bọn họ hay không?

2/ Và ông có mở cửa để đón bất cứ đảng viên Tren de Aragua vào nhà của ông hay không?

Vì lòng nhân đạo, thưa ông!


Nguyễn Thị Bé Bảy

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Dec/2024 lúc 11:23am

Năm Mươi Năm - Vết Thăng Trầm 


 …Đi sao nặng nề kiếp người nhỏ bé.

Xa xăm ngọn cờ quê nhà vắng gió.

Tôi không kẻ thù nên đau từ độ.

Tóc úa là nhờ những tháng âu lo…

(Bay đi thầm lặng- Trịnh Công Sơn)


Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc. 

Từ lúc bé tôi thường lấy vải màn quấn giả làm áo kimono của Nhật, lấy khăn san của mẹ làm giải quấn chung quanh eo và thắt chiếc nơ thật to sau lưng, tóc búi cao, rồi đi đôi guốc cao gót của mẹ, tay cầm chiếc quạt nhỏ phe phẩy, thế là thành cô geisha Nhật chính hiệu. Sau khi lập gia đình, lo cho các con học hành nên người, tôi cùng chồng thực hiện giấc mơ của mình là đi đến đất nước ở phương Đông ấy! 

Nhưng trước khi lên tàu phiêu du hai tuần, tôi muốn đến Tokyo trước một tuần để thăm tất cả những nơi đã từng mê hoặc tôi, đã từng làm trái tim tôi thổn thức mỗi lần nghĩ tới, tôi đã thuyết phục chồng đến Tokyo và tự mình thực hiện tìm tòi đi thăm những chùa chiền, cung điện, bảo tàng bằng bus, metro tại nơi này. 

Bước chân tôi dừng lại khi chạm trán với một người đi ngược hướng tôi đang ngắm những bức tranh trên tường ở phi trường MSP. Một người phụ nữ với mùi nước hoa tỏa thơm ngát, mái tóc cắt cao rất model, khuôn mặt hơi lớn tuổi nhưng còn giữ nét tươi tắn sang trọng, tôi nghĩ chắc hồi trẻ chị phải là một người đẹp lắm. Chị nhìn chằm chặp vào tôi một lúc khá lâu, bỗng nhiên reo lên vui mừng: 

- Em Trúc Nghi phải không?... Chị là chị Xuân Thu, chị của Cẩm Tú đây! Hồi xưa em thường hay đến nhà chơi với Cẩm Tú, ở lại nhà chị làm bánh, nấu chè, nướng bắp với tụi chị đến chiều mới về đó em nhớ không? 

Tôi yên lặng ngắm nhìn và cố nhớ lại thuở ngày xưa… cách đây trên 40 năm, từ ngày tôi bỏ nước ra đi… 

Tôi nhớ lại vào những năm 1975, khi miền Nam bị mất đi nền hòa bình dưới thời Cộng Hòa, những trường Tây bị giải thể, những giáo viên ngoại quốc bị ép đi về nước, các trường cùng loại được ngành giáo dục XHCN tập họp lại nhau, như Marie-Curie, Regina Pacis, Lê Quý Đôn, Bác Ái, Thiên Phước, Couvent Des Oiseaux Dalat là những trường bị giải thể, các học sinh sẽ phải tụ vào trường Regina Mundi tức là Couvent des Oiseaux trên đường Công Lý Saigon. Nơi đây Cẩm Tú và tôi quen nhau.

Đến lượt tôi mừng rỡ la lên:

- Oh phải rồi… Chị Xuân Thu, chị của Cẩm Tú đây sao? Chị thay đổi đến nỗi em không nhận ra nữa…Nếu chị không nhận ra em thì em sẽ không bao giờ biết đây là chị! Chị giống như một mệnh phụ đài các, rất “mode” đó nhe!

- Đã hơn 40 năm em ở nước ngoài, từ 1985 đến nay rồi còn gì! Em và Cẩm Tú bắt đầu chơi với nhau sau 1975 khi các trường ở miền Nam bị giải thể, các em mới vào học chung Couvent… Cẩm Tú từ Bác Ái, còn em từ Marie Curie em nhớ không? 

- Vâng ạ! Thời gian nhanh quá, thế mà đã nửa thế kỷ rồi!… Chị bây giờ làm gì? ở đâu?

- Chị trở về lại Tokyo, chị mới từ Mỹ thăm gia đình Cẩm Tú.

- Chị ở Tokyo sao? 

- Phải!... tại sao? 

- Em sẽ đến Tokyo một tuần để đi ngắm cảnh đó! Em mê Tokyo vì những thắng cảnh và cả xứ Phù Tang ấy qua sách vở đã đọc qua… Bây giờ phải yêu luôn con người họ vì có chị Xuân Thu đây!

- Em tôi nói ngọt ghê nơi nhe! … Em nói đúng, chị ở Nhật từ cuối 1985, sau ngày em đi không bao lâu thì chị vượt biên trót lọt, lần thứ 13 đó em!... chị rất mang ơn xứ này, cả dân tình nữa. Từ từ chị sẽ kể em nghe về cuộc đời thăng trầm của chị. 

*****

Tôi nhớ chị vượt biên mãi như đi chợ vào những năm 1980 vẫn không thoát, bị bắt nhốt hoài, gia đình phải chạy tiền chị mới ra khỏi tù được, ba mẹ chị mỗi lần gặp tôi đều than thở là nghèo vì chị. Còn Cẩm Tú thì may mắn hơn, đi có một lần vào 1981 là thoát đến Malaysia, rồi được định cư ở Mỹ. Sau đó, mỗi đứa chúng tôi bận xây dựng cuộc sống ban đầu ở nơi mới đến, nên không liên lạc với nhau một thời gian khá dài, đến khi có thì giờ để nghĩ tới nhau thì không biết nơi đâu mà tìm!

Giọng chị đều đều kể cho tôi nghe:

- Lần vượt biên thứ 13, chiếc thuyền bé nhỏ mong manh chỉ có 25 người, khi ra ngoài khơi gió mạnh mới biết là mình quá liều lĩnh, mỗi cơn sóng đến là cả thuyền chong chanh, nâng lên thụp xuống theo từng nhịp sóng, nhất là buổi tối đen đặc, nước cũng màu đen tuyền, chỉ có ánh trăng và những ngôi sao trên trời làm đèn rọi đường cho mình đi thôi. Lúc ấy nửa mong được tàu vớt, mà nửa thì sợ tàu ấy là hải tặc thì chỉ có chết mà thôi. Đến ngày thứ năm thì cả tàu không còn đồ ăn nữa, lạnh và đói nên mọi người mới quyết định là cứ gặp tàu là vẫy xin cứu, chứ nếu liều tự mình đi thì không biết có đến nơi được hay không, hay nửa đường sẽ bị sóng đánh cho chìm. Cả tàu ai cũng lâm râm khấn vái, người khấn Phật Bà kẻ cầu cứu Đức Chúa, đức Mẹ Maria. 

Chiếc tàu chở hàng đầu tiên mà tụi này gặp ở tít đàng xa với lá cờ Nhật Bản, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, kẻ bị bệnh ói mửa, sốt nóng, tưởng sẽ chết cũng tỉnh dậy nữa, bởi vậy mới nói sự hy vọng cho người ta niềm tin vào sự sống. Tàu Nhật đã cứu bằng cách cung cấp lương thực, nước uống và thuốc men khẩn cấp, rồi cho tụi chị tỵ nạn ở nước họ, một số có thân nhân ở các nước khác thì họ liên hệ với các tổ chức cứu trợ quốc tế như Cao Ùy liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) để đưa họ đến nơi mong muốn. 

Lẽ ra chị định sang Mỹ với Cẩm Tú, nhưng lúc ấy có một công ty Nhật đến nơi tụi chị ở tạm, ra thông báo tuyển công nhân cho nhiều ngành tay chân khác nhau, nếu muốn thì ký tên vào một tờ đơn, họ làm thủ tục cho mình định cư luôn lúc đó. Chị nghĩ nếu qua Mỹ phải đi tìm việc làm sẽ rất lâu, mà ở nhà ba mẹ đã cạn tiền, họ đang chờ nguồn tài chánh từ chị để sống, nên chị đã quyết định ở lại Tokyo từ đó. 

Lúc đầu chính phủ cấp cho mình một căn hộ nhỏ, họ tạo điều kiện cho mình đi học tiếng bản xứ chừng 5 tiếng một ngày, kế đó liên lạc với nhóm người trong khu mình ở, họ sẽ chỉ cho mình những công việc chân tay như lặt rau, bóc vỏ tôm, hoặc làm việc trong các kho hàng như sắp xếp, kiểm tra, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa, quản lý v…v…không cần học vấn cao, chỉ cần tỉ mỉ, kiên nhẫn và tập trung cao thôi.

Được một tháng làm việc, một hôm chị chủ nhóm tuyển chọn một người có kinh nghiệm may, giúp người thợ chính chuyên nghiệp may đồng phục cho công nhân, chị được chỉ định đến giúp ngay hôm sau, ai ngờ chị thợ may chính ấy lại bị bệnh bất ngờ không đến làm được, thế là chị là người thợ bất đắc dĩ ngồi vào chiếc ghế ấy, mà em biết đó ở Việt Nam chị đã từng may đồ mặc ở nhà rồi, nên chị biết cách ráp những phần rời đã được may vào với nhau; người manager thấy chị làm bộ đồng phục đầu tiên đạt quá, nên giữ chị lại làm luôn từ đó.

Đúng là hoàn cảnh tạo anh hùng em ạ, chị không bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề may, nhưng vào hoàn cảnh đó nếu không may thì không biết phải làm nghề gì để nuôi thân và gởi tiền về cho gia đình còn kẹt lại bên nhà để sống. Nhờ tính chăm chỉ và sự luyện tập nên từ từ chị ra riêng sau một năm rưỡi làm cho họ. Chị mở tiệm may đồ, may luôn cả kimono.

Khách đến ai cũng nói tiếng Nhật với chị cả, họ tưởng chị là người Nhật chính cống, chị đã cố gắng may theo yêu cầu của mỗi vị khách, từ hàng chợ rất đơn giản cho đến những cái rất kỳ công để họ mặc khi tiếp khách.

Em hỏi chị đang làm gì? chị muốn nói là chị đang có một tiệm may kimono với hai công nhân người bản xứ giúp chị, họ sẽ may tại chỗ khi có khách đặt… Nhà chị ở ngay trung tâm Tokyo, gần chợ búa, khu vui chơi giải trí… Kỳ này em nhớ ghé chị chơi cho biết nhà nhé.

Đúng là trái đất thật nhỏ bé, tôi vui mừng gặp lại chị Xuân Thu sau 40 năm, tôi mong được nghe lại giọng nói líu lo của Cẩm Tú sau khi đi thăm nước Nhật về; hai đứa sẽ có nhiều điều kể cho nhau nghe lắm đây. 

Cửa tiệm may của chị Xuân Thu nằm ngay trung tâm Tokyo, con đường Shibuya sầm uất với rất nhiều tiệm ăn uống, mỹ phẩm, quán bar… Tiệm áo Kimono của chị dưới tên Arigato (cám ơn) có một không hai trên cả khu vực ấy. Chị nhận may đủ loại âu phục nam nữ, trẻ em và cho mướn áo Kimono mặc trong nửa ngày với giá không mắc lắm nên khách ra vào tấp nập đặc biệt là các du khách ngoại quốc. Bên cạnh tiệm may của chị, có một quán phở và những món ăn thuần túy Việt Nam như bún bò huế cuối tuần, bún thịt nướng…, một tiệm nail, một tiệm mỹ phẩm, tiệm cắt tóc nam nữ… Tất cả những tiệm này được mở san sát nhau cho thấy một cộng đồng Việt đang tiếp tục phát triển từ 50 năm tại đây. Chị hào hứng nói với tôi: 

- Gặp người đồng hương mừng lắm em, nhất là những người mới qua sau này, cho mình biết tin quê hương mình bây giờ ra sao. Đã lâu chị đã không về thăm đất nước từ ngày vượt biên, nhưng cha mẹ chị vẫn ở đó, vì lớn tuổi và ngại đến một đất nước mới nên không chịu bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. 

- Người Việt mình tập trung khu này thôi hả chị? 

- Tokyo là nhiều nhất rồi đó, họ cũng sống rải rác ở khắp nước Nhật, ở Osaka, Nagoya v...v… Em biết dân Việt mình ở Nhật vào khoảng 500 ngàn người, đông nhất, sau Mỹ mà thôi. Đi đến đâu với sự chăm chỉ, kiên nhẫn, dân mình đều vượt lên hàng đầu và thành công. Nói không phải khoe chứ Cẩm Tú ở Mỹ cũng đóng góp công sức rất nhiều vào cộng đồng người Việt bên ấy, gìn giữ truyền thống văn hóa Việt Nam, cô nàng cũng giữ một chức không nhỏ trong cộng đồng bên ấy… Đúng là không làm hổ thẹn người Việt mình dưới cái nhìn của người bản xứ. 

- Dạ chị! 50 năm nhìn lại bạn bè, người quen, gia đình, ai nấy cũng có một tương lai thật tốt, thế hệ thứ hai thứ ba đang sinh sôi nẩy nở, chúng sẽ được đào tạo ngay từ lúc bé, được hưởng nền giáo dục tốt, mở mang tri thức về nhân cách sống của nước sở tại, ví dụ như nước Nhật dậy con trẻ ngay từ khi mới lọt lòng tinh thần dân tộc cao độ, nước Mỹ dậy cho bọn trẻ phải tự lập, vươn lên từ lúc mới vào nhà trẻ; các cô giáo uốn nắn, răn đe đứa trẻ khi phát hiện những hành vi xấu như ăn cắp, ăn hiếp kẻ yếu thế, không nhân nhượng cho chúng từ lúc biêt ý thức, nên những đứa trẻ lớn lên chỉ mang trong đầu sự giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau và sự lương thiện. Tuy nhiên trong một xã hội thành phần xấu, bất hảo cũng có, nhưng đó chỉ là thiểu số… Chị đã lập gia đình chưa? Sao em không thấy mấy cháu nhỏ? 

- Các anh chàng Nhật rất thích những cô gái Việt, nhưng vào thời đó, chị đã có ý trung nhân từ quê nhà nên từ chối các chàng trai Nhật Bản. 

- Ảnh có ở đây không cho em gặp để chào?

- … Anh đã đi vượt biên sau chị một năm, chuyến tàu ấy không bao giờ cập bến, cũng không nghe ai nói về chuyến đi ấy cả! Chị đã đi hỏi thăm rất nhiều nhưng đều không có câu trả lời… Chị vẫn chờ đợi mãi, cho đến ngày hôm nay, chị vẫn phòng không chiếc bóng…

- Oh em xin lỗi chị đã nhắc lại chuyện buồn… Rồi chị ở vậy luôn sao?

- Chị nghĩ sẽ ở vậy luôn, vì chị chẳng thể yêu ai được nữa, chị lo lắng cho chuyến đi của người yêu, chị vẫn mong chờ cứ ngỡ như anh ấy rời đi mới hôm qua… Chị không thể hưởng hạnh phúc khi nghĩ đến ảnh vì mình mà bỏ quê hương, hy sinh tính mạng, chị cảm thấy tội lỗi lắm… 

Chị xúc động, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Tôi ôm chị vào lòng: 

- Hãy sống cho cuộc sống hiện tại của chị, chuyện gì qua hãy để nó qua đi, anh ấy có thể đang sống ở một nơi nào đó rất bình an, hơn nơi đây đó chị. 

- Nhưng chị vẫn nghĩ về ảnh, ảnh vì chị mới đóng ghe, rủ bạn bè đi chung. Có ai ngờ cuộc đời lại ngắn ngủi như vậy! Nếu ảnh ở lại quê nhà thì chắc bây giờ đã lập gia đình có con cháu đầy đàn rồi. Chị sẽ không ân hận, chị sẽ yên tâm sống cuộc đời riêng của chị, không cứ gì mình phải lấy nhau mới được, em hiểu không? 

- Mỗi người có một số phận, không thể biết trước được đâu! Với lại không phải chỉ riêng mình chị gặp nghịch cảnh như thế đâu, sau 1975 rất nhiều người miền Nam bị lạc cha mẹ, vợ chồng, anh em, có kẻ bị chết trên biển khi chưa tìm được sự tự do nữa…

Một cậu bé da đen chạy ào vào làm ngưng cuộc nói chuyện của chúng tôi: 

- Mẹ ơi, con… 

Thấy tôi, cậu bé mở to cặp mắt nhìn, cúi đầu chào bằng tiếng Việt rất sõi: 

- Con chào cô. 

Chị Xuân Thu ôm cậu bé vào lòng, giải thích với tôi: 

- Đây là Michael, cậu bé này chị gặp lang thang trong các chợ, tối ngủ trong các công viên, dưới gầm cầu thấy thương lắm, chị cứ tưởng là thành phần bất hảo của xã hội Nhật, nhưng một ngày chị đi công chuyện về đêm, trời mưa trơn trợt, không mang theo dù… nếu không nhờ cậu bé này đỡ khi chị xuýt té, cho chị mượn cây dù thì chị đã bị đo ván, gãy vài cái xương sườn rồi. Chị nghĩ đây chính là nhân duyên nên đã nhận cậu bé này là con nuôi. Nó giúp chị đủ thứ việc trong ngoài như giao hàng cho khách, nhận điện thoại, mở hàng…Bên cạnh đó chị rất vui khi có cháu ở bên cạnh, hai mẹ con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo!

- Vậy cuộc sống chị cũng tạm ổn rồi.

Nhật Bản giống như ở Việt Nam, căn nhà của chị có hai tầng, chị mở cửa tiệm bán hàng bên dưới, bên trên ở, nên rất tiện cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, không cần phải đi xa.


Qua hôm sau, chị để cửa hàng cho nhân viên trông, dành một ngày dắt tôi đi thăm thắng cảnh, chùa chiền ở Nhật, nếm những món sushi hải sản đặc biệt thật ngon. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người dân thật lịch sự, cung kính chào hỏi luôn miệng, khi thối tiền thì đưa trả lại bằng hai tay trên một chiếc đĩa nhỏ chứ không trực tiếp đưa tiền vào lòng bàn tay mình như ở những xứ khác. Khi đi ngang qua những người công nhân làm cầu cống, họ cũng gập đầu chào khách du lịch, tỏ vẻ kính trọng, tôi vừa ngạc nhiên lẫn cảm động thấy thái độ họ quá cung kính.

Người dân Việt trên đất nước Nhật học những điều tốt tương tự như người Nhật, họ lễ độ hơn, biết nói những lời “xin lỗi, cám ơn” thay vì chỉ biết kiếm lợi nhuận. Khi tôi vào mua cái cắm điện cho phù hợp với dòng điện bên Nhật, người chủ bán hàng là một người Việt Nam, anh ta cho tôi biết là cái họ bán không dùng được cho iphone của tôi, và chỉ cho tôi cửa tiệm trên khu phố khác có bán cái tôi cần, họ còn lên mạng tìm kiếm dùm địa chỉ và chỉ đường cho tôi tới đó.

Sau 50 năm, đi khắp nơi trên thế giới, tôi nhận xét: dân Việt sống nơi nào, hợp với hoàn cảnh nơi đó, học được những điều hay, tốt; tôi cảm thấy hình như người Việt phát triển theo hướng tích cực khi xa xứ hơn là ở chính trên quê hương mình! Ông cha ta có câu ca dao tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” quả là đúng quá! 

*

Chúng tôi vào thăm một ngôi chùa ở ngoại ô Tokyo, nơi đây trồng tất cả những cây xanh mà xứ sở Nhật có, một khu vườn to rộng lớn; đàng sau ngôi chùa có một rừng tre cao vút xanh rì thật đẹp, người làm phận sự tưới cây, săn sóc cho ngôi chùa thật khang trang sạch sẽ là một gia đình Nhật Bản, người phụ nữ có nụ cười trong sáng, khiêm tốn. Cô ta nói với tôi:

- Những người lãnh đạo ở địa phương này đã giành ra một số tiền để gia đình chúng tôi ở lại phía sau chùa, chăm sóc hương khói, quét tước, mặc dù số tiền ấy không đủ trang trải sinh hoạt của gia đình, nhưng tôi cũng không đòi hỏi hơn vì lẽ ra mình phải có phận sự đóng góp công sức với quốc gia mình đang sống, chứ lẽ nào đòi thêm lương nữa!

Nghe cô tâm sự mà tôi thấy thật thán phục cho người bản xứ, họ là những người thật lương thiện! Tôi vội vàng lấy tiền ra, nhét vào tay cô ta nói:

- Chúng tôi muốn đóng góp chút lòng thành để cô có thể chi tiêu dễ dàng hơn trong việc sửa sang hay tu bổ một góc vườn nào đó… Xin cô hãy nhận cho, món tiền này không nhiều nhưng là tấm lòng của chúng tôi…

- Oh không đâu, không thể nào, tôi không nhận đâu, tôi đã có tiền trợ cấp hàng tháng của địa phương rồi, chồng tôi cũng mới xin được việc làm cho nhà sách gần đây, chúng tôi sẽ có thêm thu nhập, tôi cám ơn ông bà nhiều lắm, tôi không thể nhận như thế được đâu!

Cô ta nhất định từ chối món tiền của chúng tôi muốn đóng góp để giúp đỡ cho hoàn cảnh của cô.

Ngôi chùa rộng nguy nga, vợ chồng tôi và chị Xuân Thu đi vòng quanh ngắm những hòn non bộ với những chú cá Koi vàng mập óng ả bơi lội thật tự do; đầu con rạch nước xối xả đổ xuống từ nguồn nước trên núi, bên cạnh trồng những đóa sen mọc thẳng đứng vươn cao, thật thanh khiết. Tất cả những cảnh nghệ thuật này chắc chắn đều do bàn tay của hai vợ chồng người Nhật đã sáng tạo nên cho khách du lịch thập phương đến viếng.


Bỗng tiếng xe mô tô vọng lại từ cuối vườn, một người đàn ông bước xuống dắt theo  một cháu bé gái chạc 12 tuổi; chúng tôi cùng lúc quay đầu lại, cô gái Nhật cười vui khi thấy anh ta và cháu bé xuất hiện, tôi nghĩ chắc là chồng con của cô ta.

Trong lúc ấy, chị Xuân Thu với đôi mắt mở thật lớn, khuôn miệng tròn há hốc ngạc nhiên đến không thốt ra lời nào. Người đàn ông cũng quay lại nhìn chị Xuân Thu, mọi thứ như đột ngột dừng lại, không một tiếng động, cả sáu người chúng tôi đứng chết trân tại chỗ, thời gian như đóng băng.

Bỗng hai dòng lệ nóng hổi chảy từ hai khóe mắt chị Xuân Thu nhỏ giọt xuống bàn tay mà chị đã không cầm được, chị đứng yên nhìn người đàn ông với tất cả trái tim và tâm hồn mà không dám mở lời, cho đến khi cô gái Nhật cất tiếng hỏi:

- Bà…bà có sao không?

Rồi quay sang chồng mình, cô ta nhẹ nhàng hỏi:

- Anh … có chuyện gì vậy?


Người đàn ông lúc ấy như choàng tỉnh từ cõi mộng, mời mọi người vào trong nhà ở cuối vườn, lấy trà xanh nóng cho chúng tôi thưởng thức, từ từ ngồi xuống, ông nhìn thật xa xăm, kể cho chúng tôi nghe cuộc hành trình đầy gian nan của chiếc thuyền khi rời khỏi quê hương thân yêu vào mùa thu 1982 để đi tìm người yêu của ông là chị Xuân Thu:

- Phải, tôi là người gốc Việt!... Tìm mãi mới được một người tài công là bạn thân của tôi, chúng tôi lúc ấy còn trẻ, chỉ là những chàng thanh niên đầy hoài bão, tình yêu, muốn làm gì là làm mà không nghĩ sâu; chiếc thuyền mong manh khi ra khỏi hải phận quốc tế chưa được bao xa đã bị sóng quật tan nát, những mảnh ván yếu ớt bị tung vỡ hết, trên thuyền cả thảy 30 người, sóng đã đem họ xuống lòng đại dương một cách nhẹ nhàng như con cá lớn nuốt một con ốc nhỏ.

Còn một mình tôi chiến đấu với sóng với cái bụng rỗng, sóng lên cao tôi trườn lên, xuống thấp tôi lại trùi theo, may mắn là tôi vẫn ôm khư khư mảnh ván thuyền mà không dám rời ra. Cứ thế tôi và mảnh gỗ cứ trôi nổi giữa lòng đại dương, lúc ban ngày trời thật nóng, đêm thì thật lạnh, tôi tưởng mình đã chết, tôi ngủ trên mảnh gỗ không biết ngày giờ nữa, mà lạ là không bị rơi ra khỏi mảnh gỗ đó, tôi nghĩ mình sẽ chết trong nay mai vì không còn sức nữa…

Cho đến một ngày, may mắn đã đến với tôi, chiếc tàu giàn khoan của Nhật Bản ra làm việc trên con đường tôi đang bị đắm, họ đã thấy tôi lúc ấy như một cái xác vật vờ, đã vớt tôi lên bờ, mà cả người tôi vẫn cứ co quắp ôm chặt mảnh gỗ đến không tháo ra được, phải gọi mấy người vào xoa bóp các cơ gân cho giãn ra, mới lấy được mảnh gỗ ra khỏi người tôi.

Tôi như người đã chết, phần sống chỉ còn 10-15%, nhờ những người bác sĩ tận tình cứu giúp, túc trực ngày đêm bên tôi, đút cho tôi từng thìa cháo, chích thuốc cho tôi hồi tỉnh. Sau hai tuần tôi đã khá hơn, nhưng trí nhớ tôi đã không có lại được ngay lúc đó. Người săn sóc tôi thật chu đáo với tất cả tâm tình chính là con gái của người làm việc trên giàn khoan đó… Chính là vợ tôi, người con gái Nhật này đây, cô ta dậy tôi tiếng Nhật, gọi tôi là Kaito, có nghĩa là biển, là người chiến đấu, nàng đã giúp tôi hồi phục trí nhớ từ từ.

Tôi mang ơn cha nàng đã cho tôi sự sống, mang ơn vợ tôi, và nước Nhật đã rất nhân đạo cứu giúp tôi và… rất nhiều thuyền nhân Việt đã đến sau đó.

 

Tôi nghĩ chị Xuân Thu và anh Kaito sẽ ôm lấy nhau khóc cho cuộc tương phùng đầy bất ngờ sau 40 năm. Nhưng không!… Anh vẫn ngồi yên kể như kể một chuyện tình của kẻ thứ ba, lâu lâu anh quay lại nhìn cô gái Nhật Hina đầy biết ơn và san sẻ câu chuyện của anh với nàng.

Sau đó anh quay lại nhìn chị Xuân Thu với cặp mắt tiếc nuối:

- Tất cả mọi sự đã qua, 40 năm đã thay đổi tất cả… Anh mong em thật hạnh phúc!

 

Không ngờ cả hai anh chị đều tỵ nạn trên nước Nhật, người sống đầu Nam, kẻ sống đầu Bắc nên không bao giờ gặp được nhau. Tôi được chứng kiến một cảnh gặp gỡ cảm động sau hơn 40 năm của chị Xuân Thu và người yêu, tôi cảm nhận được sự yêu thương, mừng vui của chị Xuân Thu hiện ra trong ánh mắt khi nhìn thấy anh Kaito hạnh phúc và trân trọng chị Hina, tuy rằng từ đây chị Xuân Thu sẽ mãi mãi không còn là người yêu của anh Kaito nữa nhưng chị sẽ vui và an tâm khi thấy người yêu của mình có cuộc sống hạnh phúc, bình an bên người vợ tốt.

Tình yêu của chị đối với anh thật quảng đại quá!

Chị Xuân Thu chẳng nói gì thêm nữa, chị không cần phải kể lể chia sẻ nỗi nhớ thương ray rứt của chị cho anh biết những ngày tháng qua chị sống ra sao. Chị chấp nhận sự thật với sự an tâm rằng chị đã không gây ra tội lỗi làm cho người yêu của mình bị chết oan trên biển cô đơn lặng lẽ vì chị. Tôi thấy chị vui ra mặt, chị không còn ấm ức áy náy về anh Kaito nữa.

Chị bắt tay bằng cả hai bàn tay mình, có lẽ là lần cuối, nói với hai vợ chồng:

- Cám ơn Hina rất nhiều đã cứu lấy anh Kaito. Cám ơn anh Kaito đã hành động rất đúng. Cầu chúc cho cả hai thật nhiều hạnh phúc, yêu thương mãi, gia đình thật nhiều bình an.


Vợ chồng tôi theo chân chị ra xe, trời đầy hơi sương lạnh của một chiều thu đầu tháng mười, từng chiếc lá vàng rơi nhẹ xào xạc trên lối đi. Chuyến đi Nhật của tôi thật ý nghĩa và có duyên lành, gặp lại chị Xuân Thu sau 40 năm, chứng kiến cảnh hội ngộ đầy bất ngờ của anh chị ấy mà tưởng chừng sẽ không bao giờ tồn tại ở trần gian này nữa.

Tôi nắm lấy bàn tay chị, nụ cười tỏa nắng ấm của chị như xóa đi tất cả mọi ưu phiền bấy lâu.

Cho dù xa nhau, nhưng không mất nhau

Cho dù gần nhau, nhưng không có được nhau

Em về với em, tôi về với tôi

Một dòng sông đi qua, có nhớ cuộc tình xa.

(Mỗi độ trăng về- Trúc Hồ)

 

Kể lại một câu chuyện thật trong chuyến đi đến Nhật Bản vào cuối tháng 9 vừa qua.

 

Sỏi Ngọc
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/Dec/2024 lúc 9:30am

2024, Chuyện Ve Sầu Cuối Năm


Còn vài tuần nữa, chúng ta sẽ kết thúc năm dương lịch, 2024. Một năm đủ dài để chúng ta không thể nhớ nổi những chuyện quan trọng đã xảy ra hoặc nhớ một cách lẫn lộn, mơ hồ. “Hôm qua chỉ là ký ức của hôm nay, và ngày mai là giấc mơ.” Nhà thơ Khalil Gibran đã nói.

2024 trở thành lý ức và 2025 tiến hành giấc mơ. Không có quá khứ thì không có tương lai, vì vậy, hãy sử dụng trải nghiệm những vui buồn năm 2024 để tạo thực tế hơn một giấc mơ 2025 phong phú.

Trong lãnh vực cộng đồng, đối với người Việt tại Mỹ, có lẽ cuộc tranh cử tổng thống vừa qua là chuyện ảnh hưởng nhiều nhất. Cựu tổng thống Trump đắc cử, kéo theo bao nhiêu hân hoan, sung sướng của nhóm người Việt phò Trump, và tạo ảm đạm, buồn bã cho nhóm người Việt chống Trump. Một hậu quả rõ rệt là phò Trump, chống Trump đã gây xáo trộn tâm lý và tình cảm cho một số người quá khích. Giận nhau, ghét nhau, bỏ nhau, gạt chân, thúc cùi chỏ, vân vân, không chỉ người ngoài đường mà còn ra tay với người nhà, với bà con thân thuộc. Sức mạnh của ông Trump ghê thật.

Bây giờ, ông Trump thắng rồi, còn giận hờn, từ bỏ, ghét hại lẫn nhau nữa hay không? ‘The Game is over’. Đã chịu đi về nhà vui vẻ hay còn tiếp tục đấu tranh tình cảm?

Tôi chắc rằng trong bốn năm ông Trump làm tổng thống, sẽ nảy sinh ra nhiều chuyện chính trị, kinh tế, xã hội làm không hài lòng một số người và số người kia bênh vực. Không sao. Đó là chuyện trí tuệ bình thường trong chính trường Cộng hòa, Dân chủ và Độc lập. Nhưng ý tôi muốn nói: Cha con vì Trump không nhìn mặt nhau, nay đã nhìn lại chưa? Anh em vì Trump xa lánh nhau, nay đã hòa thuận tươi cười chưa? Bạn bè trai vì Trump từ bỏ nhau, nay đã cụng ly chưa? bạn bè gái vì Trump nói xấu nhau, nay đã tha thứ chưa?

Tôi nghĩ, nếu vì mục đích phò hay chống cho ông Trump thắng hay bại, thì có lẽ, tình cảm phân ly này đến đây chấm dứt. Ông Trump thắng. Chấm dứt. Nhưng tôi e rằng, không phải mục đích ngắn hạn này, mà phò Trump cho đến khi có khả năng sửa đổi hiến pháp làm tổng thống muôn năm, nghĩa là phe chống sẽ chống đến cùng, và tình tự vỡ tan, mảnh vụn tràn lan, không biết làm sao ráp lại, mất nhau vì Trump, nỗi niềm ân hận đành mang về suối vàng.

Ghê thật. Chỉ một ông Trump mà ngàn ngàn người Việt bỏ nhau. Chiều chiều ông Trump ăn cơm với gia đình, còn ngàn ngàn tâm hồn tan tác, ăn với ai? 

Lạ thật. Lạ lùng thật. Bất khả tri.


May mắn, trong năm 2024 còn một số điều đáng nhớ hơn.

Mùa hè năm 2024 là mùa hè buồn bã nhất. Vì sao? Vì hàng ngàn tỷ con ve sầu tràn ngập vùng Bắc Mỹ.

Hai dạng ve sầu chủ yếu ở Bắc Mỹ có chu kỳ xuất hiện là chu kỳ 17 và 13 năm. Vào năm 2024, hai chu kỳ này trùng nhau (điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1803), dẫn đến hàng nghìn tỷ con ve sầu xuất hiện vào mùa hè năm 2024.

Tôi chắc rằng bạn đọc còn nhớ bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn, với ca từ ủ ê, cho tôi sửa một câu để hợp tình hợp cảnh: “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng. Biết ai còn nhớ đến ân tình xưa? (Từ khi Trump đến qua lúc Trump đi) những chiều hẹn nhau hết rồi. Giờ như nước trôi qua cầu.

Olympics Hè Paris, khác biệt và ngoạn mục. Những tài năng thể thao và tinh thần toàn cầu cho con người hy vọng tốt đẹp. Gẫm ra, tài năng còn rất nhiều trong nhiều lãnh vực, không chỉ chính trị, những tài năng đó sẽ tự nhiên thúc đẩy thế giới tiến về một hướng đáng tin cậy hơn. Xưa nay, có tài năng phá hoại, tức thì có tài năng xây dựng. Cứ nhìn lại lịch sử nhân loại thì biết, nếu không, giờ này làm gì có mặt để đọc báo.

Phi thuyền Nasa, Artermis III, đưa một phụ nữ và một người da màu lên lại mặt trăng. Biểu tượng này cho thấy nữ quyền và quyền da màu đang được công nhận ờ những tầng lớp trí tuệ cao. Cho dù ai không đồng ý hoặc chống đối, nên ở lại mặt đất vì nhân loại tương lai sẽ cư trú ngoài vũ trụ,

2024, tháng Giêng. Người ta đi chơi vào lòng đất tìm thấy một thành phố đã thất lạc 2,500 năm tại Eciador. Dẫn chứng được một nền văn minh lớn hơn cả Aztecs hoặc Mayans. Chúng ta có thể tự hỏi, chà, họ sống như thế nào hơn hai ngàn năm trước? Bây giờ họ ở đâu? Rồi 2,500 năm sau, năm 4, 524, sẽ có người tự hỏi, đám người đang đọc báo và viết báo bây giờ ở đâu? Đám phò Trump, chống Trump, bây giờ ở đâu?

2024, tháng hai. Hy Lạp là quốc gia Chính Thống giáo đầu tiên đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Trong thực tế, tình yêu đồng giới đã được xem bình thường dưới triều đại La mã. Chỉ bị cấm đoán từ khi Thiên Chúa giáo cương lĩnh Âu châu và lan tràn. Hôn nhân đồng giới là cách mạng đối với tôn giáo không phải đối với loài người.

2024, tháng ba. Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp.

2024, tháng tư. Ca nhạc sĩ Taylor Swift trở thành tỷ phú trong ngành ca nhạc.

2024, tháng năm. A.I. phiên bản mới nhất ra đời. Phiên bản này tự hào có những khả năng chưa từng có, bao gồm khả năng hiểu ngữ cảnh nâng cao và khả năng thành thạo nhiều ngôn ngữ, biến nó thành một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển AI.

Ai cũng phải chết nhưng A.I. bất tử. Nó là một biến số quan trọng trong tương lai nhân loại.

Cuối tháng năm, Cựu tổng thống Hoa Kỳ đã trở thành tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống đầu tiên bị kết án về các cáo buộc hình sự. Ông bị kết tội làm giả tài liệu để che giấu các khoản tiền bịt miệng cho cựu ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

2024, tháng sáu. Mexico bầu nữ tổng thống đầu tiên, Claudia Steinbaum. Bà là một nhà khoa học về khí hậu, trước đây là Thị trưởng của Thành phố Mexico, thủ đô của quốc gia này. Cuộc bầu cử của bà đánh dấu lần đầu tiên không chỉ đối với Mexico mà còn đối với tất cả các quốc gia ở Bắc Mỹ!

Trong khi Mỹ vẫn chưa có thể chấp nhận phụ nữ làm tổng thống, cả hai lần, hai ứng cử viên nữ, bà Clinton và bà Harris đều thất cử trước phái nam.

2024, tháng bảy. Cựu tổng thống Trump bị ám sát hụt.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã rút khỏi chiến dịch tái tranh cử và ủng hộ Kamala Harris là người kế nhiệm.

2024, tháng chín. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết với tỷ lệ 6-3 rằng các cựu tổng thống được miễn truy tố đối với các hành động liên quan đến quyền hạn của chức vụ.

2024, tháng mười một. Cựu tổng thống Trump đắc cử. 

Ca sĩ Beyonce nhận được đề cử Grammy lần thứ 99, trở thành nghệ sĩ được đề cử nhiều nhất trong lịch sử Grammy.

Tác phẩm nghệ thuật: Một quả chuối được dán băng dính vào tường của nghệ sĩ Maurizio Cattelan đã được bán với giá 6,2 triệu đô la tại New York.

Chuoi

Chủ sở hữu mới của tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi này, một người đam mê tiền điện tử, đã tổ chức một sự kiện tại Hồng Kông vào ngày 2 tháng 12, nơi anh ta đã ăn quả chuối đó.

Ăn 6.2 triệu đô la trong vài phút? Ăn một mình?

Câu trả lời là: không sao. Lấy trái chuối khác dán lên.


2024, tháng 12.  Đọc báo tổng kết tình hình thế giới và Mỹ vào cuối năm 2024.

Đọc báo xong, anh chị em mình bắt tay vui vẻ chưa?

Chưa, tôi biết. Các bạn còn chờ xem thử ông Trump sẽ làm gì? Lúc này, nên ngưng chiến.

 

Ngu Yên
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Dec/2024 lúc 1:37pm

3 Mẩu Chuyện - 3 Bài Học

 Bài%20thơ%20về%20noel:%20Đêm%20Noel%20–%20Thơ%20Mầm%20non

1. Điều nên làm ngay                        

Trong một khoá học chuyên tu ngành tâm lý học, vị giáo sư ra đề bài về nhà: “Trong vòng một tuần, anh chị hãy đến gặp người mà mình quan tâm và nói với họ rằng anh chị yêu mến họ.  Đó phải là người mà trước đây, hoặc đã lâu anh chị không nói những lời như vậy.”

Đề bài xem ra đơn giản.  Thế nhưng, hầu hết cánh đàn ông trong lớp đều đã trên 30 tuổi và cảm thấy vô cùng khó khăn khi thể hiện đề bài này vì họ hiếm khi thể hiện tình cảm của mình với một ai đó.
Đầu giờ học tuần sau, vị giáo sư hỏi có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện của mình hay không.  Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời.  Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên.  Anh ta trông có vẻ xúc động lắm:
“Cách đây 5 năm, giữa tôi và bố có một bất đồng sâu sắc, và từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết được.  Tôi tránh gặp mặt ông ngoại trừ những trường hợp chẳng đặng đừng khi phải họp mặt gia đình.  Nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng tôi cũng hầu như không nói với nhau một lời nào.  Vì vậy, tôi đã tự thuyết phục bản thân đến để xin lỗi và nói với bố tôi rằng tôi yêu ông ấy.
 
Quyết định ấy dường như đã làm giảm đi phần nào áp lực nặng nề trong lòng tôi.  Đêm hôm đó, tôi hầu như chẳng chợp mắt được.  Ngày hôm sau, tôi đến nhà bố mẹ và bấm chuông, lòng thầm mong bố sẽ mở cửa cho tôi.  Tôi lo sợ rằng nếu mẹ mở cửa thì dự định của tôi sẽ không thành, tôi sẽ bày tỏ với mẹ thay vì với bố.  Nhưng may quá, bố tôi đã ra mở cửa.
Tôi bước vào và nói: “Con không làm mất thời gian của bố đâu, con đến chỉ để nói với bố rằng bố hãy tha lỗi cho con và con yêu bố”.
 
Có một sự chuyển biến trên khuôn mặt bố tôi.  Gương mặt ông dãn ra, những nếp nhăn dường như biến mất và ông bắt đầu khóc.  Ông bước đến, ôm chầm lấy tôi và nói:  “Bố cũng yêu con, con trai ạ.  Nhưng bố chưa biết làm thế nào để có thể nói với con điều đó”.
Đó là thời khắc quý báu nhất trong đời tôi.  Hai ngày sau, bố tôi đột ngột bị một cơn đau tim và vẫn còn nằm trong bệnh viện cho đến bây giờ.  "Nếu như tôi trì hoãn bộc lộ với bố, có lẽ tôi không bao giờ còn có cơ hội nào nữa”.

Dennis E. Mannering
 
2. Bộ quần áo cũ
Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh, là chuyện không dễ.  Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết.  Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son.  Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội... ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm.  Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang.  Tôi nhẹ nhàng:
-  Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
-  Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
-  Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lặp lại:
-  Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
-  Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
-  Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn.  Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này.  Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo.  Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối.  Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.

Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, ta nên xét lại trái tim mình trước đã.
 

3. Bệnh và Lười
 
Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá.  Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo.  Tôi có la, nó ấp úng trả lời:
-  Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả.  Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.
Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được.
Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt.  Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:
-  Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.
Tui vội vã vào nhà thương.  Người ta đã chẩn bệnh xong.  Vợ tui có lẽ bị ung thư xương.  Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.

Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với tui được bao lâu nữa.  Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt ở đâu!  Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hít thở khói thuốc lá tui hút.  Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu cơm, dọn dẹp.  Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết.  Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi.  Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt.  Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không.  Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng.  Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.
Tui trở vào phòng thăm vợ.  Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây rợ, kim chích chằng chịt.  Nó thì thầm:
-  Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà.  Em sẽ nấu món giả cày mà anh thích đó.
Tui vỗ về:
-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.
Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa.  Tui lại khóc.  Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức…
 
Bạn hãy dành thời gian cho những người xung quanh mình – cho dù chỉ là để làm một việc nhỏ nhoi!
Albert Schweitzer

Sống trong gia đình nên săn sóc cho nhau và tìm hiểu cặn kẽ, đừng vội trách móc, giận hờn.  Thiếu hiểu biết săn sóc kịp thời, là vô tình mình đẩy người mình thương vào cõi chết sớm hơn, do thiếu tìm hiểu, cảm thông và chăm sóc muộn màng.

Không một ai có được niềm vui thực sự,
trừ khi người ấy được sống trong tình yêu thương.

st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Dec/2024 lúc 9:48am

Thương Thay Một Kiếp Người

 image

Tôi đang ngồi xem tin tức thế giới trên màn hình chiếc máy tính bảng hiệu Apple, cái máy ấy tuy là thứ vô tri vô giác, thế nhưng bây giờ lại chính là bạn, là con, là cháu của tôi trong những tháng ngày còn lại, của cuộc đời trong cái Viện dưỡng lão Club Health care này đây Tôi sống trong một phòng riêng vì là còn tự chăm sóc bản thân được, không như những người khác lú lẫn, mất tự chủ thì phải sống chung phòng lớn 2-3 người, để còn tiện hỗ trợ nhau trong việc bấm chuông gọi điều dưỡng khi cần giúp.


Bổng chuông điện thoại reo vang:

– Hello.


Đầu dây bên kia giọng cô con gái thứ của tôi lên tiếng:


– Con chào Ba, Ba có khỏe không?


– Ba khỏe, ăn uống ngon miệng, ngủ tốt, nói chung là Ba khỏe tụi con đừng lo lắng, ở đây Ba sống thấy rất thoải mái.


– Ba ơi! Ba còn nhớ câu chuyện về đứa bé lai Mỹ đen, mà khi xưa Ba kể Ba tính nhận nuôi, khi người Mẹ muốn bỏ ở Quân Y Viện Nha Trang, nhưng Mẹ không chịu vì thằng bé là lại Mỹ đen, nên Mẹ sợ người đời dị nghị đó không B.


– Ừ Ba nhớ, nhưng sao hả con?


– Hôm nay, con có khám mắt cho một người, khi đọc hồ sơ thì con khá ngạc nhiên là anh ta có ngày tháng năm sinh trùng với con và cả nơi sinh luôn. Cho đến khi gặp anh, thì Ba biết không anh ấy là người Việt lai Mỹ đen luôn, thật quá trùng hợp phải không Ba.


– Trời, không lẽ quả đất tròn đến vậy sao?


– Trong khi thăm khám mắt, chúng con có hỏi chuyện nhau, thì anh ấy cũng rất ngạc nhiên và muốn được gặp Ba, nên con gọi điện để hỏi ý Ba đây.


– Ồ tốt thôi, con cứ nói anh ấy có thể đến gặp Ba bất cứ lúc nào nha.


– Dạ, để con thông báo lại cho anh ấy.


– Nè con, thằng Kevin và con Tina tụi nó vẫn chơi đùa khỏe chứ?


– Dạ, hai cháu khỏe và quậy phá lắm Ba à, để con sắp xếp cuối tuần nào đó sẽ chở hai cháu vào thăm Ba nghen.


– Ừ, vậy đi, chớ Ba nhớ tụi nó lắm rồi.


– Vậy thôi con tiếp tục làm việc đây, Ba nhớ giữ gìn sức khỏe đó nghen, con chào tạm biệt Ba.


– Ừ.


Tiếng đặt máy đánh “cộc“ khô khan từ phía bên kia vọng lại, như tiếng gõ của vị quan toà khi kết án một người, nó gọi bằng điện thoại bàn của Bệnh Viện Mắt đó mà.


https://baomai.blogspot.com/
Tôi năm nay mới 67 vừa mới đúng tuổi về hưu năm ngoái, vợ của tôi đã mất cách đây 5 năm Năm ngoái sau khi về hưu, đêm đó bị tôi bị tai biến mạch máu não, nên đưa vào Bệnh Viện nằm điều trị, sau một thời gian tôi phục hồi hẳn, chỉ bị liệt nhẹ một bên cơ mặt, nhưng không hiểu sao... sau đó tôi lại được chuyển thẳng vào cái Viện dưỡng lão này, chứ không được về nhà... thật là tủi thân! Sau đó tôi có hỏi nhân viên Văn phòng tại đây để biết lý do, thì mọi sự mới vỡ lẽ… đến bẽ bàng cho đời tôi.


Số là tất cả mọi người già được người thân gửi vào đây, chủ yếu là do nguyên nhân lú lẫn, hay quên hoặc mất tự chủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân. Họ vào đây từ nhà của họ và sau khi họ đã trò chuyện với con cái, rồi thống nhất đi đến quyết định… vậy họ đỡ tủi hơn tôi rồi, vì họ được một phần quyền quyết định.


Riêng tôi, khi ở Bệnh Viện chuẩn bị xuất viện, thì con cái tôi đã nói chuyện với Bác Sĩ và than phiền rằng tôi hay lú lẫn, quên trước quên sau... ôi trời! tụi nó còn trẻ mà đôi khi còn quên tắt bếp nấu, quên nồi nước đang sôi, chứ huống hồ tôi... luật ở Mỹ nó thế, Đất nước văn minh mà, nghe vậy là hợp lệ rồi, đây là người cần sự chăm sóc và theo dõi thường xuyên, vậy thì các cơ sở Viện dưỡng lão mới mọc như nấm, ăn nên làm ra được chớ và rồi con được tiếng là Đất nước có chế độ chăm sóc người già tốt nhất nhì thế giới nữa chứ... ôi! cái sự đời đầy nghịch cảnh chát... chua.


Tôi có đến ba đứa con, 2 trai, 1 gái... con trai đầu là kỹ sư đang làm việc cho NASA, đưa con gái thứ hai là Bác Sĩ Mắt và thằng con trai út CEO của tập đoàn Dầu khí EXXONMOBIL và hai cháu ngoại, bốn cháu nội tất cả còn nhỏ, đứa lớn nhất chỉ 7 tuổi... một gia thế khủng, được chăm lo nuôi nấng ăn học từ đôi tay của người Cha già nua này, nhưng già mà sức khỏe tôi còn rất tốt, đi đứng nhanh nhạy, đầu óc minh mẫn... thế mà thật cay nghiệt.


image

Ba ngày sau, tôi được thông báo có người muốn gặp, đã biết trước nên tôi đồng ý bước ra, tôi trông thấy một người đàn ông trung niên, ừ tuổi bằng con gái tôi là 39 đúng rồi, anh ta là Mỹ lai đen, thân hình khá phốp pháp, cao to như di truyền của Cha anh ta vậy.


Gặp tôi anh đứng dậy bắt tay:

– Con chào Bác, rất mừng vì Bác đã cho phép con được gặp mặt.


– Chào Cậu, Cậu có muốn uống cafe, hút thuốc để nói chuyện được lâu và thoải mái không?


– Ôi quý quá, mới gặp Bác lần đầu mà con đã cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái với sự ân cần của Bác rồi đấy. Dạ như vậy cũng được ạ.


– Vậy để tôi thông báo với người phụ trách ở đây, về yêu cầu của mình nha.


Tôi đi vào trong nói chuyện với nhân viên, để họ cho phép khách của tôi vào phòng riêng và sau đó ra vườn đi dạo.


Tôi dẫn chàng trai đi vào phòng mình, để pha cafe xong:

– Bác cháu mình đem cafe ra ngoài sân vườn uống và nói chuyện nha.


– Dạ.


Chúng tôi song bước ra ngoài vườn, đi trong im lặng như để cho đối phương đủ thời gian để cảm nhận về nhau và suy nghĩ về những gì cần nói... ra đến nơi có bàn ghế đá và bóng râm, gió mát, chúng tôi ngồi xuống, đốt điếu thuốc tôi hỏi:

– Sao? bây giờ tôi có thể giúp anh điều gì nào?


– Bác có thể kể cho cháu nghe về tất cả những gì Bác biết không ạ.


Nhìn về xa xăm, như một cuộc phim quay chậm đang được tua lại cách đây 39 năm...


– Sáng hôm ấy vào thăm vợ của tôi đang nằm ở Bệnh Viện Quân Y Nha Trang, nghe vợ kể đêm qua có một người phụ nữ vừa sanh một bé trai lai Mỹ đen, đang muốn cho... tôi đi qua nhìn thấy một đứa bé da ngăm đen nhưng thật dễ thương, trông nó còn đẹp hơn cả đứa con gái mà vợ tôi mới sinh, trán có ba nếp nhăn giống tôi, trán vồ, mũi gãy... tôi nói với vợ hay xin nó về nuôi luôn một thể, có gì thuê người trông nom phụ, nhưng vợ tôi không chịu vì sợ người ngoài đàm tiếu sanh đôi mà một đứa đen, một đứa trắng, vậy là nói vợ tôi lang chạ sao? thế nên chịu thua...


image
Mẹ cậu là một người đàn bà cao đẹp, nghe nói có chồng thường xuyên đi công tác xa, có lẽ bà có cuộc sống phóng túng nên khi sanh, phải từ Đà Nẵng vào tận Nha Trang để sinh, nếu là đứa con thuần Việt thì bế về nuôi, con không phải giống Việt thì... làm sao ăn nói với chồng đây, lúc đó thời chiến nên những đứa trẻ như cậu sẽ được đưa vào Trại cô nhi viện chăm nuôi, nếu có ai nhận làm con nuôi thì cho luôn... Tôi chỉ biết có vậy thôi, không biết còn giúp gì được cho cậu nữa không?


– Thưa Bác, suốt thời gian qua cháu chỉ thắc mắc về lý do tại sao Mẹ lại bỏ cháu mà thôi. Bây giờ qua chuyện Bác kể cháu đã biết lý do rồi... cháu cũng vì thắc mắc lý do đó, mà đem lòng thù hận đàn bà và chấp nhận sống độc thân cho tới tận bây giờ.


Bỗng bất ngờ không kiềm chế được, tôi bật cười vang ha... ha... ha... tiếng cười chất chứa một sự chua chát, khinh thường cái sự đời, như luôn trớ trêu phận người.


– Có gì mà Bác cười nghe cảm giác chua chát đến vậy ạ.


http://baomai.blogspot.com/

– Tôi cười vì chợt nhận ra anh suy nghĩ ấu trĩ và tôi thì ngu muội đến phũ phàng... anh thử nghĩ mà xem, sau giải phóng tôi vượt biên sang Mỹ, một thân một mình đi cày bán mạng để dành dụm tiền bạc gởi về phụ vợ nuôi con và lo mua nhà để bảo lãnh vợ con sang đoàn tụ... bảo lãnh vợ con sang, thì phải cày bán mạng hơn nữa để lo cho con ăn học... nay ba đứa con đã lo cho yên bề gia thất, học vị kỹ sư, Bác Sĩ, Tổng giám đốc... nhưng rồi sao? tụi nó thông đồng quyết định tống khứ Ba của tụi nó vô đây Viện Dưỡng Lão, mặc dù tôi tỉnh táo không lú lẫn, khỏe mạnh nhanh nhẹn không mất tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, mặc kệ người Ba đã tận tuỵ dầy công, hy sinh nuôi chúng khôn lớn thành đạt như hôm nay... nhưng cũng lỗi ở tôi, vì đi làm nhiều quá không có thời gian để dạy bảo chúng thành người trước... thay vì thành danh.


Thế nên, anh hãy quẳng cái suy nghĩ hận thù đàn bà ấy đi, cho tâm trí nó nhẹ nhàng và vui vẽ sống những năm tháng còn lại của cuộc đời, đừng quá đau đầu về nó mà uổng phí tuổi trẻ, nghe không?


Nếu mà tôi biết trước cái sự đời như thế vậy, tôi đã mặc kệ vợ con ở Việt Nam, mà ăn chơi bay nhảy cho khỏi uổng phí tuổi trẻ của tôi rồi.


Tiếng cười chua chát lại vang lên nghe thắt ruột, nhưng lần này là kèm theo hai dòng lệ tuôn rơi đầy đau xót.


Anh cám ơn và từ giã Bác ấy ra về, anh thầm cảm ơn buổi nói chuyện này, chẳng những giúp anh biết rõ lý do vì sao Mẹ bỏ mình, mà còn chứng kiến và hiểu hơn về một mảnh đời khác còn tăm tối hơn cả mình, thế mà chính người trước mặt đang mang mảnh đời đầy cay nghiệt đó, thế mà người vẫn cố tiếp sức cho anh đi tiếp quãng đời còn lại bằng chính câu chuyện của đời mình.


BM
Nhưng Bác ấy đâu biết rằng, anh đã không kể hết về đời mình... rằng anh đi ghép với một GĐ cũng có ba con nhỏ, khi qua Mỹ anh xem họ như GĐ mình, vì là anh lớn... anh không đi học mà đi làm luôn để phụ giúp GĐ nuôi các em, cho đến khi các em học xong Bác Sĩ, kỹ sư và sắp chuẩn bị kết hôn, thì Cha Mẹ Nuôi đó (người dùng con Lai để qua Mỹ) bảo anh ra riêng sống... chỉ vì sợ mang tiếng với thông gia... thế là anh đành xách vali ra đi, với vốn tiếng Anh ít ỏi lụm lặt từ cuộc sống khi đã gần 40.


Bỗng anh chợt bật cười khanh khách một mình... mắt cay nồng, tim đau nhói... cho kiếp người bạc bẽo của Bác ấy và cho chính anh!!!




Bá Trần

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 28/Dec/2024 lúc 10:25am

9 Câu Hỏi, 9 Câu Trả Lời Truyền Cảm Hứng Cho Nhiều Người!

9 câu hỏi, 9 câu trả lời truyền cảm hứng cho nhiều người!Nguồn ảnh: vietgiaitri.com

Sống trên đời, nếu chúng ta hiểu được buông bỏ, mỗi bước chân của chúng ta sẽ không còn nặng trĩu. Kinh nghiệm cuộc sống nói với chúng ta rằng: Những thứ càng khó buông bỏ thì càng dễ mất đi, càng muốn nắm giữ lại càng dễ tuột mất. Khổ não lớn nhất của đời người đại đa số đều là “cầm không lên được” hoặc “buông không xuống được”.

Dưới đây là 9 câu hỏi, 9 câu trả lời về cuộc sống, mong rằng mọi người có thể yêu thương bản thân và những người xung quanh mình hơn.

1. Những thứ đã mất đi có cần lấy lại không?

Trả lời: Thực ra những thứ bạn đánh mất chưa bao giờ thực sự thuộc về bạn nên bạn không cần phải hối tiếc, càng không nói đến việc lấy lại nó.

2. Cuộc sống quá mệt mỏi, làm sao để thoải mái?

Trả lời: Cuộc sống vốn mệt mỏi, một nửa đến từ sự sinh tồn, nửa còn lại đến từ dục vọng và so sánh.

3. Hôm qua và hôm nay, chúng ta nên nắm bắt như thế nào?

Trả lời: Đừng để quá nhiều điều ngày hôm qua chiếm mất ngày hôm nay của bạn.

4. Đối xử với bản thân và người khác như thế nào?

Trả lời: Đối xử với bản thân tốt hơn một chút, vì cuộc đời không quá dài; Đối với người xung quanh bạn tốt hơn một chút, vì có thể kiếp sau bạn sẽ không gặp được họ.

5. Bạn hiểu lịch sự là như thế nào?

Trả lời: Xin lỗi là một kiểu chân thành, trả lời không có gì cũng là một loại thái độ. Nếu bạn tỏ ra chân thành mà không nhận được thái độ tốt của đối phương thì chứng tỏ đối phương cũng là người thiếu hiểu biết.

6. Làm thế nào để cân bằng giữa niềm vui và nỗi buồn?

Trả lời: Con người chỉ có một trái tim nhưng có hai tâm nhĩ. Một sống trong hạnh phúc và một sống trong nỗi buồn Đừng cười quá lớn, nếu không bạn sẽ đánh thức nỗi buồn bên cạnh.

7. Chúng ta làm thế nào mới gọi là “làm ra làm chơi ra chơi”?

Trả lời: Chừng nào chân bạn còn ở trên mặt đất thì đừng coi thường bản thân mình; chừng nào bạn còn sống ở trên mặt đất thì đừng quá coi trọng bản thân.

8. Có người nói tình yêu sẽ phai nhạt theo thời gian. Bạn nghĩ sao?

Trả lời: Tình yêu khiến người ta quên đi thời gian, và thời gian cũng khiến người ta quên đi tình yêu.

9. Phải làm gì nếu hai người yêu nhau không thể ở bên nhau?

Trả lời: Nếu không thể ở bên nhau thì chúng ta không ở bên nhau thôi! thực ra một đời cũng không có dài đến thế, hãy trân trọng từng cuộc gặp gỡ.


Đời người có một thói quen không tốt chính là thích so sánh với người khác, xem ai tốt hơn mình, lại có ai không bằng mình. Mà thực ra, sự phiền muộn và căn nguyên đau buồn của bạn trước nay đều không phải đau khổ và bất hạnh của người khác, mà là thái độ của bản thân bạn.

Người xưa có câu: “Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì ít nói”. Những người có tính cách tốt thì mới có sự tu dưỡng tốt. Tu dưỡng ở đây không phải là học vấn cao siêu, có khí chất hơn người mà là dùng sắc mặt hài hòa để giao tiếp với người đời, ứng xử với những người xung quanh bằng thái độ nhã nhặn, đối nhân xử thế khoan dung, nhân hậu.

Một người có tu dưỡng tốt sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc, biết tìm đường lui cho người khác, không lớn tiếng lấn át ai. Họ sẽ có khả năng biến sự căng thẳng thành hài hòa, biến nguy hiểm thành cơ hội nhân sinh.


Đăng Dũng biên dịch

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Jan/2025 lúc 11:14am

Người Đàn Bà Hắc Ám

Hình minh họa 

Tôi không có cảm tình vớI người đàn bà đó.

Ngày đầu tiên nhận việc, khi được sếp dắt một vòng giớI thiệu vớI các nhân viên của công ty, tôi đã có ác cảm vớI bà ta mặc dù bà ta chẳng làm gì hạI tôi. Mãi đến bây giờ nghĩ lạI, tôi vẫn không thể nào lý giảI được tại sao tôi lạI có thành kiến vớI bà ta đến như thế. Có lẽ ánh mắt bà ta lạnh lẽo quá, hay màu son bà ta dùng chói chang và diêm dúa quá không phù hợp vớI cách trang điểm của một nhân viên văn phòng, nhất là vớI cái nước da xám xịt lấm tấm đồI mồI của bà ta, hoặc cũng có thể tôi không thiện cảm vớI cách bà ta nhếch mép cườI lấy lệ, giả tạo một cách lộ liễu không cần che dấu.

Khổ nỗI, chỉ là nhân viên thử việc, xấu số làm sao, tôi lạI trực tiếp nằm dướI quyền điều động của bà ta. Tôi ghét ngườI đàn bà đó. Ðúng vậy. Bây giờ thì tôi có thể khẳng định mườI mươi rằng tôi thật sự ghét bà ta. Dường như lúc nào bà ta cũng làm cho tôi có cảm tưởng mình là một con bé ngơ ngáo và tốI dạ. Bà ta như một tảng băng sừng sững khổng lồ và lạnh cóng dập tắt không chút thương tiếc ngọn lửa nhiệt tình làm việc của tôi, một cử nhân vừa tốt nghiệp loạI giỏI, một con ngườI ôm nhiều hoài bão và ý chí quyết tâm phấn đấu không ngừng.

Có một lần, sau khi tôi đã mất hơn hai tiếng đồng hồ tập trung cao độ để cố tình đánh máy cho xong xấp hồ sơ có viết rõ một chữ “Khẩn” màu đỏ to tướng bên ngoài theo điều động của bà ta, ngược vớI những gì tôi mong đợI, bà ta liếc nhìn thành quả của tôi không một lờI khen, lạI còn chau mày càm ràm trong cuống họng:

-Nhiều lỗI chính tả quá, làm ơn đánh lại.

Sinh nhật tôi, tôi bỏ hẳn cả buổI hẹn ăn chiều vớI bạn trai để tính cho xong bảng lương nhân viên theo yêu cầu của bà ta. Vậy mà bà ta không nói thêm câu nào làm mát lòng tôi ngoài hai tiếng “cảm ơn” khách sáo, mặc dù tôi biết chắc bà ta đã nghe được tôi đau khổ từ chốI bạn trai mình như thế nào vì bà ta ngồI rất gần bàn làm việc của tôi. Thậm chí lúc đó bà ta còn “nhắc khéo”:

-Nhớ làm xong việc rồi hẵng trò chuyện đấy!

Trước đây, mấy đứa bạn ra trường và đi làm trước tôi vẫn thường than vãn và hù dọa tôi “Cái thân làm thuê khổ lắm, chẳng qua chỉ vì đồng lương thôi” khi thấy tôi hăm hở chờ mong đến ngày được nhận việc. Lúc đó tôi cho rằng mọI ngườI chỉ được tài phóng đạI sự việc vì tôi nghĩ rất đơn giản, đi làm thì chỉ cần chăm chỉ và có kỷ luật, ai dám nói động đến mình. Nhưng cho đến bây giờ, tôi mớI thấm thía hết cái từ “khổ” mà tụI nó vẫn nói. Hóa ra sự đờI không đơn giản như tôi vẫn nghĩ! Tôi căm thù ngườI đàn bà đó! Sau một năm làm việc, điều làm tôi vui mừng nhất là được sếp tăng lương. Nhưng niềm vui của tôi không được trọn vẹn vì song song vớI nó, bà ta vẫn là một cái bóng đen hắc ám luôn lởn vởn bên tôi. Như đổ thêm dầu vào lửa, làm tăng thêm ác cảm của tôi đốI vớI bà ta, thật không may một buổI sáng kia đồng hồ báo thức nhà tôi hết pin đột ngột. Lẽ ra tôi phảI thức dậy lúc bảy giờ sáng thì hôm đó nó lạI không thèm reo, khiến tôi đến gần tám giờ mớI giật mình thức giấc. Biết mình có lỗI, tôi đã rón rén bước vào văn phòng định mở lờI phân trần thì bà ta đã dộI cho tôi một gáo nước lạnh:

-Lần sau vui lòng chỉnh đồng hồ sớm hơn một tiếng.

Những dồn nén bấy lâu trong lòng tôi đột ngột bùng nổ. Tôi như một ngườI mất hết lý trí, lột phắt chiếc đồng hồ đeo tay ném thẳng ra ngoài cửa sổ rồI đùng đùng bước ra khỏI phòng, đóng sập cửa lại.

Không biết có phảI cay cú trước thái độ hỗn xược của tôi hay không mà sau đó bà ta “chơi” lạI một “vố”. Lẽ ra lần đó tôi có dịp đi cùng vớI chị trưởng phòng kinh doanh để gặp khách hàng và làm việc cả tuần ở Singapore. Lần đó sếp báo trước cho tôi một tháng, lòng tôi vui như mở cờ, mua sắm bao nhiêu quần áo, giày dép đẹp để qua đó tha hồ ăn diện, chụp ảnh. Vậy mà đột nhiên trước ngày đi hai hôm, bà sếp nhỏ hắc ám, lạI vẫn như một cái bóng ma không ngừng đeo bám tôi, yêu cầu sếp cho tôi ở lạI để giúp bà ta tổ chức buổI lễ kỷ niệm thành lập công ty. Vì thân phận “thấp cổ bé miệng”, tôi đành ngậm đắng nuốt cay dọn đồ từ chiếc va li mớI mua ra tủ… Tôi thật sự điên tiết! TốI hôm đó, tôi nằm mơ thấy bà ta biến thành một con chó săn khổng lồ lao vào như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Trong cơn hãi hùng, tôi leo tót lên cành cây nhưng con chó điên đó vẫn không ngừng ráo riết truy đuổi. Nó chồm lên cây, cắn rách ống quần jeans của tôi và ngoạm ngón chân cái tôi chảy máu. Tôi vừa kinh hoảng, vừa căm giận, tiện tay bẻ ngay một cành cây khô gần đó và cứ thế, tôi phang tớI tấp lên đầu nó. Tôi đánh mãi, đánh mãi đến lúc đôi tay mỏI rã rờI, nhìn lạI thì nó đã chết cứng, lông bết lạI từng chùm ướt đầm máu. Tôi sợ quá hét lên thì chợt tỉnh giấc. Mở mắt rồI, tôi vẫn còn nghe tim đập thình thịch, ngườI đầm đìa mồ hôi…

Từ hôm mơ thấy ác mộng, chẳng những sự oán giận trong lòng tôi không hề nguôi ngoai mà mỗI ngày nhìn thấy khuôn mặt thiếu hài hòa của bà ta, nghe tiếng nói lạnh tanh của bà ta, tôi càng ngán ngẩm khi liên tưởng đến hình ảnh của một con chó điên, đến nổI tôi chỉ còn có nước xin nghỉ làm. Nhưng suy cho cùng, vì một ngườI đàn bà xa lạ mà tôi phảI mất một công việc ổn định và phù hợp vớI năng lực của mình, lương bổng lạI khấm khá – Làm gì có chuyện vô lý đó. Tôi nghĩ vậy và quyết tâm tiếp tục “nghênh chiến” vớI ngườI đàn bà “dở hơi” này. Tự nghĩ mặc dù mình còn thua bà ta về kinh nghiệm và uy tín đốI vớI sếp, tôi lạI được ưu thế ở cái nhiệt tình của tuổI trẻ, ở vốn kiến thức cập nhật về công nghệ thông tin và nhất là ở ngoạI hình trẻ trung, xinh đẹp cùng cách ăn mặc, trang điểm tinh tế và hợp thờI trang. Mặc dù không “tuyên chiến” ra mặt, tôi thừa biết ngày tôi được ngồI vào chiếc ghế của bà ta và rung đùi nhìn bà ta thu dọn về hưu không còn xa mấy nữa.

Sau hai năm làm việc, tôi quyết định mạo hiểm bước sang ngã rẽ mớI của cuộc đờI – Tôi kết hôn. Hôm tổ chức tiệc cướI, tôi mờI hơn ba trăm khách, tất cả bạn học, toàn thể nhân viên công ty, một số khách hàng và đốI tác, cả những ngườI không thân thiết cho lắm… chỉ trừ bà ta. Chỉ tưởng tượng khuôn mặt xám xịt như đông lạnh của bà ta xuất hiện ở bàn tiệc thôi cũng đủ làm tôi mất vui trong ngày trọng đại nhất của cuộc đờI mình. Sau ngày cướI, tôi được sếp hào phóng tặng thêm hai tuần phép cho tuần trăng mật. Chúng tôi bước vào cuộc sống hôn nhân bằng một chuỗI ngày tươi đẹp mỹ mãn và suốt những ngày tháng ngụp lặn trong hạnh phúc đó, tôi gần như quên hết những chuyện vui buồn trước đây ở công ty, những khuôn mặt đồng nghiệp quen thuộc và dĩ nhiên là quên bẵng cả khuôn mặt đầy ám ảnh của bà ta.

Sau những ngày hoàn toàn thư giãn đó, tôi uể oảI trở lạI công ty. Ngày đầu tiên bắt đầu đi làm lạI, đồng nghiệp vây quanh tôi, hết ngườI này đến ngườI kia chọc ghẹo và hỏi han đủ chuyện xoay quanh vấn đề hôn nhân. RồI họ đổ xô lại xem hình cướI, hình chúng tôi đi chơi tuần trăng mật, góp ý chỗ này, khen chỗ nọ, phê bình chỗ kia… Tôi cũng tíu tít chuyện trò, đùa giỡn cho đến khi chợt phát hiện dường như văn phòng còn thiêu thiếu một cái gì đó. Hóa ra chiếc bàn cạnh tôi để trống, bà ta không đi làm, hồ sơ giấy tờ trên bàn cũng đã dọn sạch. Lúc đó tôi mớI thấy trên bàn tôi có một gói quà nhỏ - Là quà cướI bà ta tặng tôi cùng một tấm thiệp mừng vớI lờI chúc “Mừng lễ cướI của hai em – Chúc em hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và thành đạt trong sự nghiệp”. Quà tặng của bà ta là một chiếc đồng hồ đeo tay, giống hệt kiểu chiếc đồng hồ mà lúc trước trong cơn giận lôi đình tôi đã ném ra ngoài cửa sổ. Qua các đồng nghiệp, tôi lần hồI biết được bà ta bị bệnh gì đó và xin hưu sớm để về quê dưỡng bệnh.

Thật ra lúc đó tôi rất muốn tìm thăm bà ta nhưng lục hồ sơ nhân sự không thấy chi tiết nào đề cập đến quê quán của bà, hỏi đồng nghiệp thì ai cũng ngơ ngơ ngác ngác vì từ trước đến nay chẳng ai quan tâm trò chuyện hay kết bạn vớI bà. Chiều hôm đó tôi rủ ông xã cùng đến địa chỉ cũ của bà để hỏi thăm hàng xóm xem có tung tích gì không nhưng ai nấy đều lắc đầu không biết bà ta bị bệnh gì và đã đi đâu. Họ nói bà ta sống như một cái bóng, không chồng con, bạn bè, chỉ lủI thủI sáng xách túi đi làm và chiều tốI xách túi về. Bà ta cả đờI không bầu bạn cùng ai ngoài một con mèo gầy mà khi về quê bà ta đã ẵm theo rồi. …

Bây giờ tôi đã là một trưởng phòng. Ước mong được ngồI vào chỗ của bà ta đã thành sự thật nhưng tôi không vui mừng và hả hê như trước kia tôi vẫn hình dung. Không hiểu sao mỗI khi nghĩ đến bà ta, trong lòng tôi lạI ngập tràn một nỗi day dứt và ân hận. Tôi cảm thấy mình là một con ngườI vô tâm, tàn nhẫn và nông nổi. Ðược sự thành đạt hôm nay, quả thật tôi nợ bà ta rất nhiều. Nhiều năm trôi qua, chiếc đồng hồ bà ta tặng tôi đã cũ, ông xã tôi cũng đã tặng tôi một chiếc đồng hồ khác đắt tiền và hợp thờI trang hơn nhưng tôi vẫn giữ gìn và lau chùi cẩn thận chiếc đồng hồ bà ta đã tặng tôi ngày cưới… Nó nhắc tôi biết quan tâm đến ngườI khác vớI một trái tim bao dung và nhân hậu hơn.


Trang Sài Gòn

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23170
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jan/2025 lúc 10:40am

Cuộc Sống Là Tiếng Vọng, Bạn Đem Lương Thiện Trao Người Khác, Cuối Cùng Sẽ Nhận Được Thiện Chí Từ Mọi Người

Cuộc sống là tiếng vọng, bạn đem lương thiện trao người khác, cuối cùng sẽ nhận được thiện chí từ mọi người


Lương thiện là bản tính của sinh mệnh con người, chúng ta làm người lương thiện, thì chính là đang quay trở về với chính mình. Vậy mới nói, hành thiện tích đức không bao giờ là thua thiệt…

Giúp người kỳ thực là giúp mình

Tuần trước, trợ lý của tôi ở trước của khu cư xá đã nhặt được số tiền 13 triệu đồng, sau nhiều công sức, đã tìm ra được chủ sở hữu của số tiền đó. Đương nhiên, điều tôi muốn nói hôm nay, không chỉ là chuyện này.

Một tuần sau, trợ lý của tôi nhận được thông báo đã vượt qua kỳ khảo thí, số điểm còn vượt quá 30 điểm. Tôi rất vui mừng cho cô ấy, cô gái xinh đẹp này, vài ngày trước nhặt được số tiền lớn như thế, lại đem trả lại cho người đánh mất, sáng nay, lại vui mừng báo tin cho tôi rằng đã vượt qua được kỳ khảo thí, đúng thật là người hiền đều có trời giúp, người lương thiện thì không sợ thiệt thòi.

Thế nhưng, cũng có người đặt ra nghi ngờ khi nghe tôi nói về chuyện này: “Chị Tô Tâm à, chị nói người tốt thì sẽ được phúc báo sao? Em không nghĩ như vậy đâu, nếu là như vậy thật, tại sao có rất nhiều người lương thiện, lại không được phúc báo nào, chị giải thích được không?”

Chuyện này, dùng vài câu đơn giản mà nói, khó có thể nói cho rõ ràng được. Bạn cho đi lương thiện, có lẽ sẽ không lập tức nhận được báo đáp, nhưng nhất định tại phương diện nào đó mà có thể được đền bù.

Mấy năm trước, tôi có phỏng vấn một doanh nhân địa phương, ông ấy đã dẫn tôi đi thăm công ty của mình. Đằng sau ký túc xá dành cho nhân viên, tôi phát hiện nơi đây có nuôi mấy con gà, trồng mấy luống rau, bên cạnh còn có một cặp vợ chồng già, đang ngồi khoan thai dưới bóng cây hóng mát.

Tôi cảm thấy khó hiểu, bèn hỏi vị doanh nhân: “Trong công ty của ông, sao lại có công nhân lớn tuổi như vậy?”.

Vị doanh nhân cười cười: “Đó là 2 vị trưởng bối của tôi, bọn họ không có con cái, nên ở tại nhà tôi dưỡng lão ấy mà”.

Tôi “À” một tiếng, lúc ấy cũng không có suy nghĩ nhiều. Về sau, có cơ hội gặp lại vị doanh nhân này, mới nghe được câu chuyện trước đây của ông ấy.

Nhiều năm trước, cha của chủ doanh nghiệp này, bởi vì làm ăn không tốt, mất việc trở về nhà. Ngoại trừ mấy gian phòng cũ, còn lại chẳng có thứ gì. Mỗi ngày, họ chỉ biết ăn uống cầm chừng, ăn bữa nay lo bữa mai. Cuối cùng, dù người mẹ của doanh nhân này đi khắp nơi vay mượn, cũng không mượn được dù chỉ một hạt gạo.

Buổi tối hôm đó, khi cả nhà đang u sầu, nghĩ đến ngày mai không biết đi đâu về đâu thì có một người hàng xóm tới gõ cửa, lưng vác theo một túi gạo, vội vàng đặt trước cửa rồi rời đi.

Cha mẹ của vị doanh nhân, nhìn theo bóng dáng của vị hàng xóm, cảm kích mà nói với các con: “Sau này các con có tiền đồ, nhất định phải báo đáp người ta, ân nhỏ còn không dám quên, huống chi đây là ân cứu mạng”.

Rất nhiều năm sau, đứa con của gia đình nọ đã trở thành một doanh nhân thành đạt, tài sản hàng trăm tỷ đồng. Ông trở về cố hương, nghe ngóng tin tức của người hàng xóm năm nào để báo đáp ân tình.

Gia đình hàng xóm kia giờ đã già, hai vợ chồng lại không có con cái, cuộc sống rất khó khăn. Vị doanh nhân liền bố trí một căn phòng tại khu nhà cho nhân viên, rồi đưa 2 vợ chồng già kia về đó phụng dưỡng.

Cuộc sống chính là một tiếng vọng lớn, bạn đem lương thiện trao cho người khác, cuối cùng sẽ nhận được thiện chí từ mọi người. Bất luận bạn tốt với ai, sau này bạn sẽ hiểu, đó thực ra là đối tốt với chính mình.

Hết thảy phúc điền, đều không ly khai khỏi cái tâm. Nội tâm nuôi dưỡng hạt giống thiện lương, thì một ngày nào đó sẽ đơm hoa kết quả.

Câu chuyện về đoàn khảo cổ học dưới đây sẽ cho bạn thêm góc nhìn về lương thiện.

Chuyện kể rằng sa mạc Sahara được mệnh danh là vùng đất chết, những người dấn thân vào hoang mạc đều không thoát được kiếp một đi không trở lại. Nhưng vào năm 1814, một đoàn khảo cổ đã xóa tan “lời nguyền” đó.

Thời đó, bất cứ nơi nào trên sa mạc cũng đều thấy xương người. Trưởng đoàn nhìn thấy thế không đành lòng thương cảm với những người đã bỏ mạng nơi đây. Ông đề nghị mọi người dừng lại, chọn những nơi đất cao để đào hố, sau đó đưa xương người xuống đó chôn và dùng thân cây hoặc đá để làm tạm một bia mộ đơn giản.

Tuy nhiên, xương người trong sa mạc quá nhiều nên việc chôn cất đã chiếm một khoảng thời gian lớn. Các thành viên trong đoàn oán trách “Chúng ta đến đây làm công tác nghiên cứu khảo cổ, đâu có phải đến đây để thu dọn xương người.”

Vị đội trưởng nói “Mỗi đống xương trắng đều từng là đồng nghiệp của chúng ta; chúng ta sao có thể nhẫn tâm nhìn họ phơi xương nơi hoang dã  này chứ?”

Một tuần sau đó, đoàn khảo cổ phát hiện được rất nhiều di chỉ của người cổ đại và những văn vật; những thứ này có thể gây chấn động trên toàn thế giới. Họ thu gom rồi chuẩn bị rời đi. Bão cát bỗng nổi lên, liên tục trong vài ngày liền không một ai có thể nhìn thấy mặt trời.

Tiếp theo la bàn cũng hỏng khiến đoàn khảo cổ hoàn toàn mất phương hướng, nước uống và lương thực cạn dần, họ đã hiểu ra vì sao các đồng nghiệp của họ không thể trở về.

Trong lúc nguy nan, vị trưởng đoàn đột nhiên nói “Đừng vội tuyệt vọng, khi đến đây, chúng ta đã đánh dấu đường rồi!”. Đó là những bia mộ họ dựng nên trong dọc đường đến đây. Và thế là họ men theo những bia mộ đó mà tìm được đường ra khỏi sa mạc.

Sau này, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, các thành viên của đoàn khảo cổ đều cảm động nói rằng “Lương thiện đã giúp chúng tôi thoát khỏi sa mạc khi đó!”

Trong sa mạc mênh mông, sự lương thiện đã thôi thúc họ làm một việc vô cùng cao quý. Công việc đó vô tình là mở ra lối thoát duy nhất cho cả đoàn tìm được đường về.

Ai cũng mong bản thân được thuận buồm xuôi gió, bình an vui vẻ. Nhưng không phải ai cũng hiểu rằng số phận và vận may được tạo ra bởi sự tu dưỡng và phẩm hạnh của chính họ. Điều bạn nhận được bây giờ, chính là do cái tâm trước đây từng tạo; tương lai của bạn, đều là do tư tưởng của bạn ngay tại giây phút này. Những người hay làm việc thiện; cho dù có gặp phải khó khăn vất vả; cũng sẽ luôn được  giúp đỡ và che chở.

 

Đăng Dũng
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 143 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.406 seconds.