Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: Truyện ngắn -Tùy bút chọn lọc | |
<< phần trước Trang of 14 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung | ||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 04/Mar/2014 lúc 8:46pm | ||||||||
Phiên tòa ngày ba mươi Trần Mộng Tú Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên. Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30 Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử đã định ngày. Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa. Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ biết bà là người có nhà cho thuê phòng. Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở đến xem phiên tòa xử bà Hằng.
Tranh: Thắm Nguyễn Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà này. Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng: - Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu. Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo chí, máy truyền hình. Trong tám năm có kẻ ra người vào. Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về. Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào. Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già. Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách trọ: Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70, một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn năm. Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi cơn ác mộng. Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những giấc mơ đêm trước. Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường. Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi tiểu bang khác. Một người con ở gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con. Chánh Án: - Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già 70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không? Nguyễn Thị Hằng: - Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló đầu vào. Trần văn Định: - Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ: “Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.” Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng. Chánh Án: - Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không? Nguyễn Thị Hằng: - Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều gọi tên bà Vân này.) Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật. Chánh Án: - Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà. Bà làm như thế này mấy lần rồi? Nguyễn Thị Hằng: - Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn với cả ba người khách trọ kia nữa. Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất, ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ. Trần Văn Định: - Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi. Chánh Án: - Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ? Nguyễn Thị Hằng: - Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho thuê phòng trong nhà tôi: Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi, hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực. Có khi tôi làm vợ ông, vào nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối, rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.” Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình. Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ. Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay. Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước. Không phải nước biển mà là nước mắt. Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ, nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: Bé Mi hay Bé Na đấy? Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi. Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất, lai Mỹ đen thì lúc nào cũng cần mẹ. Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi. Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống lên gọi mẹ. Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên. Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là công việc làm ăn rất bận. Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến. Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình, nói như chỉ để nói với bốn người đó: - Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước. Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt. Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác. Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát ra từ buồng ngủ của khách trọ. Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa. Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ. Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải thắc mắc tự hỏi: Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào? Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định, báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn. Có người biết chuyện, kể lại rằng: Ông Trần Văn Định, sau đó coi như giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa. Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ. Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con bỏ rơi trên quê người. TMT - Xuân Giáp Ngọ/ 2014 |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 04/Mar/2014 lúc 9:45pm | ||||||||
Nỗi ân hận muộn màngAnh Hai là con trai duy nhất mà 30 tuổi vẫn độc thân nên ba má tôi sốt ruột lắm. Hồi đó, tới tuổi băm mà “chưa có gì” thì thế nào cũng xảy ra nhiều suy diễn kiểu như “chắc thằng đó kỹ tính quá”. Đàn ông con trai mà bị mang tiếng kỹ tính thì coi như… hết cứu. Chị em tôi lần lượt “bấm còi” vượt mặt, anh Hai vẫn giậm chân tại chỗ, mặc kệ má tôi bồng bế cháu ngoại, nói gần nói xa, rồi hỏi thẳng: “Tới chừng nào con mới chịu cho má bế cháu nội?”. Anh Hai cười hì hì trốn sự thúc giục của má bằng cách xách cưa và búa lên chùa. Ba má tôi là Phật tử, từ khi còn nhỏ, anh chị em tôi đã được ba má dắt tới chùa lễ Phật và tập làm công quả như quét sân, kết hoa vải, dọn dẹp trong những ngày lễ lớn… Nhà chùa đang chuẩn bị mở lớp học cho các em nhỏ lang thang. Bàn ghế thu gom từ các nơi cần được sửa chữa và anh Hai đảm nhận phần việc này. Trong số các giáo viên tình nguyện đến dạy các em, có một cô dạy toán là người theo đạo Công giáo. Chuyện bắt đầu từ đây. Anh Hai tôi thường xuyên lên chùa nhưng không chỉ để làm công quả mà còn để đưa đón cô dạy toán. Ba má tôi cắn răng thở dài, ông bà mong biết mấy được thấy con trai có đôi có cặp, nhưng khi có rồi thì vui không nổi. Con trai đầu có bổn phận cúng kính mà lấy vợ khác đạo thì làm sao? Anh Hai biết tình yêu của mình gây khó cho ba má, nên chẳng dám nói năng gì, cũng không dám đưa chị về chào gia đình. Tôi hỏi nhỏ: “Anh đã tới chào ba má chị chưa?”. Anh Hai lắc đầu. Tôi hiểu là nhà bên đó cũng chẳng đồng tình. Hai gia đình biết rõ con mình thương ai, nhưng làm như không biết. Thời đó, chuyện yêu đương mà chưa có tiếng nói của người lớn thì coi như chuyện ngoài đường. Giả vờ như không biết, nhưng ba má tôi âm thầm theo dõi, thấy anh đưa chị đi lễ nhà thờ. Và nhà bên ấy cũng thầm theo dõi, thấy chị theo anh lên chùa lễ Phật ngày rằm. Hai bên cùng thấy, cùng biết và cùng nín lặng chờ đợi. Chờ đợi gì cũng không rõ, có lẽ, không bên nào muốn là phía đầu tiên thốt lời khiến con mình đau khổ. Mối tình của anh Hai kéo dài đến năm thứ ba thì má tôi không kiên nhẫn được nữa. Con mình là con trai, lỡ có bề gì thì mang tiếng ác với con gái người ta. Má ra tối hậu thư “hoặc tình, hoặc hiếu”. Anh Hai cúi đầu chọn bên hiếu. Lựa chọn của anh Hai khiến má mềm lòng, nhưng thật ra, do âm thầm theo dõi, má đã sinh lòng mến thương người con gái hiền ngoan, vừa đẹp vừa nhân hậu, biết đến với trẻ em khốn khó. Được con dâu như vậy thì cũng đáng để má chịu lùi một bước. Má thuyết phục ba cho phép anh Hai ngỏ lời với nhà bên đó, với điều kiện đạo ai nấy giữ. Ba má chị lắc đầu, với lời phân tích ngọn ngành rành mạch là phải từ chối người con trai nghề nghiệp đàng hoàng, tính tình tử tế, hiền lành thì cũng tiếc lắm, nhưng mai này sinh con ra thì làm sao? Đứa nào theo cha lên chùa, đứa nào theo mẹ đi nhà thờ? Ừ thì cho phép chúng tự chọn đức tin, nhưng khi mới sinh ra chưa biết gì thì cha mẹ là người dìu dắt, lúc đó làm lễ rửa tội thì sao? Đã nhận lễ rồi thì dĩ nhiên là con của Chúa, ông bà nội có chịu không? Câu trả lời của ba má tôi là không, cháu nội nhất định phải theo đạo nhà mình. Vậy là anh chị chia tay. Để khỏi gặp gỡ, khỏi xao lòng, chị không đến chùa dạy lớp học tình thương nữa, người thay thế chị là anh Hai. Trước đó, anh chỉ làm những việc công quả cần sức vóc đàn ông, tới lúc ấy, anh nhận luôn việc dạy học. Bọn trẻ thắc mắc: “Sao cô không dạy tụi em nữa hả thầy?”, anh Hai trả lời: “Tại các em làm cô buồn”. Bọn nhóc chẳng hiểu câu trả lời này, thường ngày đứa nào cũng có nhiều lần nói chuyện trong lớp, không làm bài tập về nhà, rồi cãi nhau chí chóe… Cô giáo buồn là đúng rồi. Anh Hai gầy sọm đi. Cả nhà tôi thở dài, bệnh buồn tình chỉ có thầy thuốc thời gian chữa lành mà thôi. Chữa lành thật không, tôi tự hỏi khi thấy anh Hai vẫn đi về một mình, vẫn cười cười nói nói nhưng ánh mắt chẳng còn sáng lên lấp lánh. Tai nạn xe cộ bất ngờ cướp đi mạng sống của anh Hai. Đám tang anh, chị lặng lẽ đến vào buổi tối, khi khách viếng đã ra về hết. Chị lặng lẽ chảy nước mắt trước di ảnh của anh. Nén nhang chị thắp cũng như người, lặng lẽ tỏa làn khói mỏng mà làm cay mắt tất cả. Ba tôi lau nước mắt quay mặt đi, còn má tôi ôm lấy chị mà nức nở. Quá muộn màng! Sư thầy nói tục lệ đốt quần áo cho người chết đem theo là mê tín dị đoan, lãng phí, thay vì vậy, hãy đem làm từ thiện để làm phước. Tôi rủ chị xếp áo quần của anh để đem đi cho. Những ngón tay chị run run vuốt từng nếp vải như đây mới đúng là lần cuối cùng chị được chạm vào anh. Tôi chọn cái áo màu xám tro anh hay mặc, muốn nói chị hãy đem về giữ cho riêng mình, nhưng cái đầu tỉnh táo của tôi lại nghĩ, nỗi nhớ đã đủ làm khổ chị rồi, tốt nhất là để chị quên anh đi. Tục lệ quê tôi là người vừa nằm xuống sẽ cảm thấy lạnh lẽo nên hàng ngày sẽ đốt củi sưởi ấm ngôi mộ. Sáng sớm, tôi chở má xuống nghĩa trang, ngang qua cổng, ông bảo vệ hỏi thay lời chào: “Con dâu của dì là cô giáo hả?”. Má tôi chảy nước mắt nhìn chị và bọn nhỏ lớp tình thương xúm xít mỗi đứa một khúc củi xếp lên nhau. Rồi những bàn tay nhỏ bé khum khum nối nhau che gió cho chị mồi lửa. Tôi và má đứng lại ở xa xa nhìn tới, để cho chị được tự do chăm sóc anh. Má tôi vừa khóc vừa nói: “Biết vậy thì hồi đó má đã gật đầu. Chúa và Phật đều dạy người ta thiện tâm mà”. Không ai biết trước được điều gì, nếu biết trước thì chẳng ai nỡ làm đau người khác. Tôi thường nói vậy để an ủi ba má và cũng là tự nói với mình. Tới tận ngày giỗ lần thứ bảy của anh Hai, sáng sớm mang hoa xuống mộ, tôi vẫn gặp chị bên cạnh đống lửa; lứa học trò ngày đó đã phiêu bạt khắp nơi, chị ngồi một mình… (Theo Phunuonline)http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/151924/noi-an-han-muon-mang.html |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 11/Mar/2014 lúc 7:33am | ||||||||
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nguoitrongcuoc/2013/3/56533.cand |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 11/Mar/2014 lúc 6:00pm | ||||||||
Chuyến xe thời thơ ấuBến Tre là xứ dừa nên có thể thấy dừa khắp mọi
nơi. Người ta trồng dừa quanh nhà, trong sân, ranh đất, sát bờ rào,
ngay trước cổng nhà. Nhưng dừa nhiều nhất trong các thớt vườn rộng cả
mẫu hoặc lớn hơn nữa, những nhà giàu từ đời ông cha để lại có thể tới 5 -
10 mẫu là chuyện thường. Nhiều thớt vườn dài rộng mút mắt, mỗi lần đi “thăm vườn” cả buổi mới giáp hết một thớt. Tất nhiên trong vườn dừa không chỉ có dừa mà chủ vườn còn trồng xen chuối, mãng cầu xiêm, nhưng nhiều nhất lại là cây cau. Do đó trên một mương vườn thường xen những gốc cau tại vị trí giữa khoảng cách của hai cây dừa nằm theo bờ mương. Hoa dừa khi rụng thật thơm, nhất là sau cơn mưa đêm, nhưng hoa cau rụng càng thơm hơn nữa. Mùi hoa cau thoảng trong gió sớm mai, sau một cơn mưa như càng đậm giữa không gian, thơm ngây ngất, nôn nao, không chỉ với người ở quê mà mùi thơm dân dã, thuần khiết này còn hấp dẫn, quyến rũ cả người thành phố có dịp về thôn quê. Người ta trồng cau tất nhiên để bán trái vì hồi xưa có nhiều phụ nữ ăn trầu, hoặc khi có đám cưới nhà trai nhà gái phải mua cau buồng bởi trầu cau là lễ vật không thể thiếu. Nhưng cau còn dành riêng cho tụi con nít nông thôn thứ đặc biệt để làm trò chơi - những chiếc mo cau già. Đó là phần đầu của tàu cau, giúp tàu cau bám vào thân cây, khi những nhánh lá cau già, khô héo thì tàu cau rụng xuống. Hồi bé tôi thường được bà ngoại sai đi lượm tàu cau về cắt phần mo ra làm quạt, tất nhiên phải lựa tàu cau nào có chiếc mo lớn nhất, bằng phẳng và đẹp nhất. Chiếc quạt mo dân dã đã đi vào thơ dân gian Thằng bờm có cái quạt mo, nó không giá trị bằng quạt giấy nhưng lại quạt mát và bền hơn quạt giấy. Vào những buổi trưa hè thôn quê mà có chiếc quạt mo cau phe phẩy thì tuyệt. Lũ trẻ con chúng tôi được sai đi lượm mo cau ít khi đi một mình mà phải rủ bạn theo, đặc biệt thế nào cũng có một đứa con gái cùng trang lứa cạnh nhà, chung xóm. Thế là tàu cau lại thêm công dụng khác, trở thành chiếc xe mo cau để con nít trai gái thay phiên nhau kéo bạn mình loanh quanh trong sân nhà, ngoài ngõ. Trò chơi “kéo mo cau” đã chen vào kỷ niệm, ghi dấu ấn sâu đậm một quãng đường đời tuổi ấu thơ trong trẻo, hồn nhiên. Có thể nói hầu hết nam nữ thanh niên lớn lên ở thôn quê đều gắn với những chuyến xe mo cau tuyệt vời mà sau này không thể nào quên được. Một chiếc tàu cau bình dị nhưng chuyên chở cả thiên đường tuổi thơ. Kỷ niệm thật đẹp, không tiền bạc nào mua được dù bây giờ ta có thể đi máy bay lên chín tầng mây, nhưng nhớ về khung trời tuổi thơ đã xa thì rất khó mua vé để được “kéo mo cau” nếu lòng mình không in đậm hình bóng quê nhà. Từ Kế Tường |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 12/Jul/2014 lúc 1:23am | ||||||||
MyKieu Em trai tôiTôi
sinh Ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải Ra
sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.
Một
ngày kia tôi lén ăn cắp mười lăm đồng trong ngăn kéo của cha để mua một
chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát
hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ
trước mặt và hỏi rằng AI đã lấy cắp.
***
Vì
sợ hãi, tôi đã không dám dứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả
hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:
- Thưa cha, con trót dại...
Em
nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì.
Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi
chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như ko thở được nũa.
Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:
- Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!
Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.***
Năm
em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển
vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học
thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ
tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.
Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:
-
Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát Ra khỏi cảnh nghèo khó
sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.
Nhưng
em đã bỏ nhà Ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc
túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy nhỏ
bên gối tôi với lời nhắn nhủ: "Chị ơi, được vào đại học không phải là
điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.".
Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời.
Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.
***
Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số iền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.
Một hôm đang ngồi học trong phòng, Một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:
- Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.
Tôi chạy Ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:
- Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?
Em cười đáp lại:
- Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.
Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.
Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy Ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:
- Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!
Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.
Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.
*** Khi
lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà Ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều
rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp
lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị
miếng kính đâm vào tay chay máu.
Tôi
chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng
ngàn mũi Kim đâm vào Tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại
vết thương cho em. Em cười:
- Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!
Năm ấy em 23 và tôi 26.
***
Sau
khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng
tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào
làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không
hay về chồng tôi.
30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.
Năm
tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đỏ vỡ vì sự
xuất hiện của một người đàn bà khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm
lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.
Rồi
một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi
bên tôi nhắc lại chuyện xưa. Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ
hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một
phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi
đã nhường cho em đôi giày của mình. Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng
đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt
đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi
thật tốt.
Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.
Năm ấy em chỉ vừa lên 5!
... "Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!" (internet) |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 25/Nov/2014 lúc 7:53pm | ||||||||
CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM Tam Bách
Buổi trưa hôm ấy anh đến tham dự buổi họp mặt Tân niên Đồng hương của một tỉnh gần Sài Gòn ngày xưa, nơi anh đã từng phục vụ lâu dài trước năm 1975. Đây là buổi họp mặt thường lệ hàng năm. Đặc biệt năm nay, Trưởng ban tổ chức, một cựu sỹ quan từng làm việc tại quận, đã gọi điện thoại mời anh tham dự cho kỳ được. Giọng người cựu sỹ quan vẫn hóm hỉnh như xưa “Mời ông thầy đến tham dự buổi họp mặt cho vui. Chắc chắn sẽ có một thích thú bất ngờ dành cho ông hôm đó!” Mỗi năm một lần, các cựu viên chức, giáo chức, đồng hương đã từng sinh sống, làm ăn, từng chia xẻ vui buồn, từng sống chết bên nhau trong cuộc chiến vừa qua, nay gặp lại tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau ai còn ai mất, ngồi với nhau tâm tình chuyện cũ … Trong thành phần tham dự họp mặt hôm ấy, có một người mới tham dự lần đầu, một cựu giáo viên từ Việt nam sang thăm bà con bên đất Mỹ, một cô giáo mà trước năm 1975 đã từng dạy tại trường trung học quận “núi đá ba chồng”: cô giáo Lan. Anh nhìn người thiếu phụ trung niên đứng lên chào đồng môn trong buổi họp mặt, nụ cười trên môi nhưng đôi mắt phảng phất buồn. Thân hình thiếu phụ hơi đẫy đà, nhưng anh vẫn nhận ra chiếc môi tròn như nũng nịu, vẫn đôi mắt sáng với hàng mi dài… Tất cả đã gợi cho anh một quá khứ thân thương. Người thiếu phụ đã bắt đầu bước xuống triền dốc tuổi thanh xuân, chính là cô giáo trẻ đẹp một thời anh đã gặp, đã từng quen biết, gắn bó tình cảm… ở thời điểm những năm 1971-1973. * * * Hồi ấy anh làm việc tại một quận trên quốc lộ 20. Anh đến phục vụ tại một địa phương này như một viên chức hành chánh gương mẫu, với phong thái trẻ trung phong nhã… Ngày đầu nhậm chức, các Trưởng chi đến văn phòng Quận gặp gỡ Phó quận để trao đổi vài câu chuyện làm quen; trong đó có ông Hiệu trưởng trường trung học địa phương. Đó là một thanh niên gầy thấp, nước da sạm nắng khác hẳn các bạn đồng nghiệp trắng trẻo cao ráo hơn. Với vẻ mặt tươi cười, ông ta ngỏ ý mời Phó quận đến thăm trường trung học do ông ta làm hiệu trưởng. Hôm sau, trên đường thăm các thân hào nhân sĩ, các vị lãnh đạo tôn giáo…, Phó quận ghé thăm trường Trung học như đã hứa. Ông hiệu trưởng đón tiếp niềm nỡ, đưa anh đi thăm các lớp và sau cùng đến lớp 9, do một cô giáo phụ trách. Cô giáo có thân hình cao gầy, “mình hạc xương mai”, dáng người yểu điệu; đặc biệt đôi mắt tròn to, lông mi dài cong vút. Cô mỉm cười chào tân Phó quận khi anh bước vào lớp học. Theo lệnh cô giáo, cả lớp đồng loạt đứng dậy nghiêm trang chào khách. Anh nhìn toàn thể lớp học, thầm khen các học sinh ngoan ngoãn, có kỷ luật. Các học sinh đều mặc đồng phục, nam sinh với quần dài xanh đậm, áo trắng ngắn tay; nữ sinh với bộ quần áo dài trắng. Riêng cô giáo thướt tha trong chiếc áo dài hoa, đôi môi và hai má ửng hồng, khiến khách đến thăm không biết do nghệ thuật trang điểm hay niềm vui sướng của cô giáo trước vị khách hào hoa đã làm cô ửng hồng đôi má…? * * * Tình hình an ninh quận “núi đá ba chồng” khá yên tĩnh; tuy nhiên tin tức tình báo cho biết những dân lái xe be vào rừng đốn gỗ, những người làm rẫy bái…thường tiếp tế gạo thóc, xăng nhớt, tiền bạc… cho địch ở vùng sâu ven sông La Ngà. Hình như chúng đang tập trung quân chuẩn bị tập kích vào quận. Trung tá quận trưởng chỉ thị Chi khu kiểm tra các đơn vị nghĩa quân, Cảnh sát tổ chức hành quân chận bắt những thành phần tiếp tế cho địch, Hành chánh quận kiểm tra các đơn vị NDTV về nhân số, vũ khí, bố phòng ban đêm…Hàng đêm, Phó quận cùng Trung úy Đức, đi thanh tra các chốt canh gác trong quận lỵ. Riêng hôm ấy, người sỹ quan trưởng ban NDTV bị bệnh, Phó quận đi công tác một mình. Khi xe chạy trước cư xá giáo chức, qua cửa sổ hé mở anh trông thấy thấp thoáng cô giáo Lan đang ngồi đọc sách, bèn ghé vào thăm…Cô giáo vui mừng lẫn ngạc nhiên khi đón tiếp anh, và trước khi đi pha trà mời khách, cô kéo tấm màn che cửa sổ cho kín đáo. Anh hỏi cô giáo: - Xin lỗi cô Lan, tôi bất chợt vào thăm cô giáo lúc này có làm phiền cô không? - Dạ không sao! Ông Phó đến thăm thật vinh dự cho em lắm chứ. Hơn nữa từ lâu em cũng mong được hân hạnh tiếp chuyện với ông … Cô giáo Lan sinh ra trong một gia đình đông con miền Bắc, theo cha mẹ đi trên “tàu há mồm” vào Sài gòn lúc còn bé tí. Tốt nghiệp sư phạm, cô xin đi dạy tại vùng “núi đá ba chồng” vì nơi đây nhiều phong cảnh đẹp và lạ lùng khiến cô thích thú. Có lẽ đó cũng do bản tính của ông bố, từng làm việc vùng cao nguyên miền Bắc trước năm 1954, đã ảnh hưởng đến sở thích cô gái út của ông…Cô giáo Lan ngỏ ý mời anh, một ngày cuối tuần rảnh rỗi nào đó, đến nhà cô chơi và các cô giáo sẽ tổ chức nấu nướng ăn uống cho vui. Vì theo lời cô “quận này đẹp nhưng hơi buồn, mà chúng em đâu có nhậu nhẹt như các ông, nên chỉ tụ họp ăn uống tại nhà mà thôi!”… Ngoài đường có tiếng lao xao của toán NDTV đang tập họp để phân chia canh gác. Phó quận sực nhớ nhiệm vụ của mình, vội cáo từ cô giáo chủ nhà, ra xe tiếp tục đi công tác kiểm tra. Một buổi tối, trung úy Đức lái xe đưa Phó quận đi kiểm tra NDTV như thường lệ. Khi đi qua nhà cô Lan, anh ta chạy chậm lại và nói nhỏ: - Tối hôm trước hình như ông Phó có vào thăm cô giáo ở đây phải không? - Có! Mà sao cậu biết hay vậy? Tối đó cậu bị bịnh ở nhà kia mà! Người sỹ quan trẻ cười hóm hỉnh: - “Đàn em” ở nhà nhưng có “đệ tử” kín đáo theo bảo vệ ông; để lỡ có chuyện gì tụi nó còn can thiệp kịp thời chứ “ông thầy”! Anh ta nhìn vào nhà cô Lan nói tiếp: - Ông Phó nhìn tấm màn cửa sổ trong nhà kia kìa…Khi ông ngồi gần cửa sổ, đèn bên trong hắt ra, bóng in lên tấm màn, làm sao ông “che mắt được thế gian”? Nhất là ông lại đậu xe trước nhà cô giáo nữa! Đàn em làm việc ở đây khá lâu, biết nhiều chuyện ở thị trấn nhỏ bé này, nên chỉ dám khuyên ông Phó cẩn thận, nhất là đừng đến thăm chơi ông hiệu trưởng cũng ở trong dãy cư xá giáo chức! Phó quận mỉm cười cám ơn lời khuyên của người sỹ quan đặc trách NDTV quận bộc trực và tốt bụng đó. Trung úy Đức, trước đây là một giáo viên, nhưng không được biệt phái về nhiệm sở cũ nên đã xin về làm việc tại văn phòng hành chánh quận…Và cũng theo lời của người sỹ quan gốc giáo chức đó, anh được biết nhiều điều bí ẩn về ông hiệu trưởng. Thỉnh thoảng ông ta nghỉ phép vài ngày, sau đó ông ta trở về với thân hình gầy ốm đen điu. Có một đồng nghiệp hỏi lý do, ông ta giải thích là đi Vũng Tàu tắm biển nên da bị cháy nắng! * * * Trong một buổi họp tại quận, Trung tá Quận trưởng quyết định tổ chức cuộc hành quân hỗn hợp tại Ấp 125. Phó quận, Chi khu phó cùng một trung đội nghĩa quân, một trung đội Cảnh sát dã chiến tham gia cuộc hành quân. Phó quận và Trung úy Đức đi cùng xe jeep với Đại uý Chi khu phó. Ấp 125 cách quận lỵ khoảng mười lăm cây số, phần lớn dân trong ấp làm nghề đốn cây, các chủ xe be vào rừng kéo gỗ. Mỗi khi vào rừng, họ mang theo gạo, mì gói, xăng dầu … đôi khi còn nhiều hơn số lượng cần dùng … Cho nên, sau một ngày và hai đêm làm việc, Cảnh sát và an ninh Chi khu bắt một số đối tượng tình nghi thường liên lạc và tiếp tế cho VC; những thành phần cư trú bất hợp pháp, trốn quân dịch; đồng thời tổ chức lại NDTV để phòng vệ Ấp. Cuộc hành quân chấm dứt vào sáng Chủ nhật. Phó quận định theo xe Jeep của Chi khu trở về, thì tài xế xe Scout của quận đã lái xe đến đón . Anh ta kín đáo đưa cho Phó quận một phong thư và nói nhỏ: - Cô giáo sáng nhờ em đưa cái thư này cho ông Phó… Bên trong phong thư dán kín chỉ có mảnh giấy nhỏ với vài hàng chữ mềm mại: “Hôm nay ngày nghỉ cuối tuần mà ông Phó còn làm việc sao? Khi xong việc trở về, xin ông ghé qua “tệ xá” để chúng em được phép mời ông dùng bữa cơm thân mật trong gia đình…” Cuối thư không có chữ ký, nhưng anh biết tác giả là ai rồi! Anh lên xe quận, viện cớ có việc cần nên về trước, để lại sau lưng nụ cười ý nhị của viên Trung úy phụ tá NDTV quận, người “biết quá nhiều” về cô giáo … Khi anh đến nhà cô giáo Lan, đã nghe tiếng cười nói của các cô bạn đồng nghiệp, mùi thức ăn thơm ngào ngạt tỏa khắp căn nhà. Cô chủ nhà từ bếp chạy ra cửa đón tiếp khách một cách thân tình, tươi cười đưa vào giới thiệu các nữ đồng nghiệp. Hôm nay cô Lan trông gọn gàng, tươi mát trong chiếc quần Jean màu xanh da trời bó sát đôi chân dài, chiếc áo polo ngắn tay hiệu Banlon màu beige khiến cho khuôn mặt cô tươi hẳn lên, trên đó đôi môi mọng tô hồng nhạt, tròn trĩnh như môi em bé nũng nịu, đôi mi dài như hai chiếc lông công khi xoè múa… Các cô giáo thi thố tài gia chánh, nấu nhiều món ăn đặc biệt dành cho vị khách đặc biệt. Trong bữa ăn, nhiều câu hỏi của các cô thật táo bạo, khiến vị khách bối rối. Nhưng những câu đối đáp thành thật, với một chút ý nhị khôi hài, khiến các cô vui cười thích thú. Cuối cùng anh đứng lên cáo từ, không quên cám ơn cô giáo chủ nhà và các bạn gái đồng nghiệp của cô. Cô Lan tiễn tận cửa khi anh ra về, quyến luyến nhìn theo với “con mắt có đuôi”. * * * Hiệp định Paris được chính thức ký kết vào 27-1-1973, quy định việc đình chiến tại Việt nam. Sau những ngày đó, quân cán chính tại quận được lệnh cảnh giác đề phòng việc vi phạm nhưng bắn của VC. Khoảng một tháng sau ngày đình chiến, một buổi chiều Trưởng Ấp 110 đang ngồi trong trụ sở bị kẻ lạ mặt, từ ngọn đồi phía sau lẻn vào ném lựu đạn. Khi Nghĩa quân nghe tiếng nổ chạy đến, đã thấy Trưởng Ấp nằm bất động trên vũng máu và sau đó qua đời. Tỉnh gởi công điện chỉ thị Quận gởi gấp biên bản điều tra về vụ trưởng Ấp đã bị ám sát, tổ chức cuộc biểu tình để người dân phản đối VC ám sát người cán bộ do dân bầu, để Tỉnh có bằng cớ yêu cầu Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến tận nơi điều tra…Một cuộc tuần hành đông đảo dân chúng tại Ấp 110 và dân chúng tại quận lỵ, với xe trang bị máy phóng thanh của Chi Thông tin dẫn đầu đã đi dọc theo quốc lộ. Họ hô to những khẩu hiệu lên án VC sát hại Trưởng Ấp 110... Khi đoàn biểu tình tập trung vào hội trường gần chợ, Trưỏng chi Thông tin đến Văn phòng quận mời Quận trưởng đến chủ tọa cuộc mít tinh. Trung tá Quận trưởng bận công tác, giao quyền cho Phó quận. Khi anh bước vào, đã thấy người dân ngồi chật cả hội trường, phần lớn là dân xe be, chủ trại cưa, đàn bà trẻ em và thân nhân Trưởng Ấp bị sát hại. Sau khi Xã trưởng lên diễn đàn kết án VC sát hại dã man Trưởng Ấp 110 trong giờ làm việc tại Ấp…, Trưởng Chi Thông tin trao Phó Quận bản kiến nghị phản đối VC đã ám sát Trưởng Ấp do dân bầu ra, vi phạm lệnh ngừng bắn do Hiệp định Paris ấn định và yêu cầu Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đến tận nơi để điều tra nội vụ. Nhìn thấy đám đông người dân tham dự biểu tình, trong đó vợ con người Trưởng ấp bị ám sát đang ngồi ủ rũ đau buồn, anh thấy niềm căm phẫn dấy lên trong lòng. Anh bước lên máy vi âm, dõng dạc lên án hành vi ám sát hèn nhát của VC đối với một Trưởng ấp hiền lành, tận tâm phục vụ dân chúng, và hứa sẽ chuyển bản kiến nghị đến tận tay Ủy hội Kiểm soát Đình chiến khi họ đến đây điều tra nội vụ. Đồng thời không quên an ủi gia đình của Trưởng Ấp bị ám sát và chỉ thị Xã trưởng giúp họ sớm lập hồ sơ xin trợ cấp, đền bù phần nào nỗi đau đớn mất mát lớn lao của gia đình họ… Phó quận bước xuống chỗ ngồi giữa tiếng vỗ tay của dân chúng. Anh dự định bước theo Trưởng chi Thông tin ra khỏi hội trường trở về Văn phòng quận, bỗng thấy người tài xế thân tín từ hướng sân khấu hội trường chạy đến nói nhỏ: - Ông Phó đừng đi qua đám đông. Cô giáo mới cho biết có kẻ khả nghi trong hội trường…Ông bước ra cửa hông gần sân khấu kia, nhanh lên, em đi sau bảo vệ ông… Anh liếc nhìn xuống đám dân chúng đang nhốn nháo đứng dậy ra về, vội quay ngoắc lại hướng sân khấu, ra cửa hông hội trường và lên xe Scout đang đậu sẵn. Người nghĩa quân kiêm tài xế xe quận đi sát sau lưng Phó quận, nhanh chóng lên xe mở máy chạy… Khi ra đến quốc lộ, anh nhìn thấy cô giáo đang đứng nép bên gốc cây, đầu đội nón lá, kín đáo nhìn về chiếc xe Scout đang chạy về hướng Văn phòng quận. Đó là lần cuối anh nhìn thấy cô giáo Lan… Buổi chiều, Trưởng chi Cảnh sát đến gặp Phó quận tại Văn phòng, báo cáo tin tức với vẻ mặt dương dương tự đắc: - Xin báo ông Phó biết, trưa nay có người mật báo, chúng tôi bắt được tên VC nằm vùng trước hội trường. Chúng tôi đang khai thác thêm, vì tên này nằm trong tổ ám sát Trưởng ấp 110. Cũng may cho ông Phó, nếu ông ra về bằng cửa chính thì gặp nguy rồi. Tên VC này đứng ngoài cửa chờ ông đi ra, sẽ ám sát ông rồi trà trộn vào đám đông chạy ra ngoài lộ, đồng bọn sẽ chở đi bằng xe Honda … Viên Đại úy Trưởng chi ngừng lại, nhìn Phó quận dò hỏi: - Nhưng sao ông Phó biết trước nguy hiểm mà đi ra bằng cửa hông hội trường? Phó quận nhìn người Trưởng chi Cảnh sát nửa đùa, nửa thật: - Thế ông Trưởng chi không biết tôi cũng có mật báo viên như bên Cảnh sát các ông sao? Nói xong, anh nghiêm nét mặt nhìn Đại úy Trưởng chi khiển trách: - Đúng ra Đại úy nên bố trí an ninh chu đáo hơn. Nếu tôi bị ám sát như Trưởng ấp 110 thì trách nhiệm thuộc về ai? Tôi yêu cầu từ nay trong những buổi mít-tinh đông đảo, nên cho Cảnh sát sắc phục ngồi ngay trong hội trường để lo việc bảo vệ an ninh, nhất là cho những viên chức xã ấp, các Trưởng chi, Quận trưởng, Phó quận… Nhưng dẫu sao, hôm nay Cảnh sát cũng đã thành công trong một công tác quan trọng như vậy, đáng khen ngợi! Viên Đại úy Trưởng chi, vốn tự phụ là một sỹ quan Cảnh sát giỏi, biết ông Phó quận “xi vin” này đã khiển trách đúng, bèn ngỏ lời cảm ơn rồi đứng nghiêm chào, quay gót ra khỏi phòng. Sau đó, Phó quận cho Trung úy Đức biết Cảnh sát đã bắt được tên nằm vùng VC âm mưu ám sát anh ở hội trường trưa nay. Anh muốn đến nhà cô giáo cám ơn đã cho biết tin tức kịp thời, giúp anh tránh khỏi hiểm nguy hôm ấy. Mấy hôm sau, Trung úy Đức cho biết cô giáo đã rời khỏi quận. Theo tin tức từ các đồng nhiệp của cô, cô giáo đã tự động xin đổi về Tỉnh, không rõ vì lý do gì? Cô ra đi thầm lặng, vội vã, từ chối cả tiệc tiễn đưa của các bạn đồng nhiệp. Riêng anh, anh đã thoáng hiểu lý do sự ra đi âm thầm của cô. Có thể bọn nằm vùng VC, thông qua viên hiệu trưởng đáng nghi ngờ kia, đã hăm dọa cô giáo vì “biết quá nhiều” về đồng bọn chúng? Cũng có thể cô giáo đã “đánh hơi” sự hiểm nguy kề cận – cũng giống như trường hợp Phó quận suýt xảy ra? Kể từ đó, anh không còn gặp cô giáo Lan, cô giáo xinh đẹp, có nhiều cảm tình với anh, cô gái trẻ có thừa can đảm, đã một lần cứu mạng anh! * * * Sau khi đi tù “tập trung cải tạo” về, anh gặp lại Đức ở “chợ trời thuốc tây” đường Nguyễn Kim. Người phụ tá NDTV của anh hồi còn làm việc ở quận, sau những năm tù “cải tạo” ở vùng rừng thiêng nước độc đã gầy ốm, cằn cỗi hẳn đi. Đức cho biết đã gặp cô Lan một lần ở Sài gòn. Cô giáo vẫn còn nhớ đến người Phó quận trẻ tuổi nhiều tình cảm ngày xưa và cô đã nhờ Đức chuyển lời thăm hỏi đến “ông Phó thân mến của cô”! Người cựu giáo viên ấy không còn đi dạy học nữa sau đợt “giảm biên chế”. Sau đó, cô đã nhận lời lấy ông hiệu trưởng, ông “xếp” cũ của cô. Ông hiệu trưởng “nằm vùng bí mật” năm xưa, người chồng bất đắc dĩ của cô giáo Lan xinh đẹp một thời, nay đã là một cán bộ cấp cao trong ngành giáo dục tại Tỉnh. Ông ta đã mở một tiệm bán “vật liệu xây dựng” để cô vợ đứng trông nom tại ấp 125. Nơi này, ngày xưa Phó quận đã từng đến công tác “ngủ ấp” hai đêm trong cuộc hành quân hỗn hợp để thanh lọc những phần tử tay sai của VC. Nay Ấp 125 đã phát triển trù phú, nhà cửa mọc lên như nấm sau cơn mưa hè. Những thành phần nằm vùng, những tên mang băng đỏ chạy theo “cách mạng giờ thứ 25”… đã phất lên làm giàu nhờ chiếm đoạt đất đai, rẫy bái của người dân tại đây để xây dựng nhà cửa, để bán chác…tạo nên cuộc sống phồn vinh ở xã hội mới. Đối với anh, những kỷ niệm với cô giáo Lan tưởng đã theo thời gian trôi vào quá khứ lãng quên. Nhưng hôm nay, anh đã gặp lại cô trong một hoàn cảnh thật bất ngờ. Trưởng ban tổ chức buổi họp mặt tân niên, cựu Trung úy Đức, đã đưa anh đến gặp lại người xưa. Anh nhìn cố nhân, không nói nên lời…Anh chỉ biết cầu chúc cho cô một cuộc sống an bình, cả trong tâm hồn lẫn thể chất. Hai hôm sau, anh và Đức đưa cô giáo lên phi trường LAX để trở về Việt nam. Khi chia tay ở phi trường, cô giáo nhìn anh nở nụ cười buồn, vẫy tay chào từ biệt rồi bước vào khu cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng cô đơn ấy đang lầm lũi bước đi. Cô không đi lên chiếc thang cuốn chạy dọc theo hành lang, mà từ từ bước. Chiếc túi xách nặng trĩu trì kéo vai cô, như đứa trẻ níu tay mẹ đòi ở lại cái xứ sở mà người tỵ nạn ở đây chỉ xem như “vùng đất tạm dung”. Khi chiếc bóng cô đơn ấy đã khuất nơi ngã rẻ trong phi trường, anh thẫn thờ quay ra. Trong quá khứ, anh và cô giáo đã có một thời gắn bó tình cảm. Nay thì tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Cuộc gặp gỡ thoáng chốc đã khơi lại trong anh những tình cảm êm đềm ngày xưa. Để rồi hôm nay cô đành chia tay bạn bè thân mến ngày xưa, trở về sống với người chồng chỉ biết lo danh vọng phú quý; trở lại sống trong một xã hội mà ở đó sau năm 75’, những kẻ xu nịnh chạy theo chế độ mới đã vội quay lưng lại với quá khứ thân thương và nhân ái trước đây. Anh đã tiễn đưa cô về bên ấy, lòng cảm thấy nao nao buồn và chợt nhớ đến những lời thơ trong bài “Tiễn Em” của Cung Trầm Tưởng:
Anh kéo cao cổ chiếc áo jacket để bớt lạnh và thầm nghĩ: chắc hẳn mùa này ở vùng “núi đá ba chồng”, gió đêm cũng làm lạnh lòng người ở lại lắm. Và chắc hẳn cũng lạnh con tim kẻ ly hương khi âm thầm nhớ lại hình bóng người xưa, mà giờ đây chỉ còn là kỷ niệm…
Hồi ức Tam
Bách |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 09/Dec/2014 lúc 7:35pm | ||||||||
Người con gái sông Hương Nicole Dương 2006 LGT:
Sách của W. Nicole Dương (Dương Như Nguyện), cuốn ” Mimi and Her Miror”
và “Postcards From Nam”, nữ thẩm phán Hoa Kỳ đầu tiên gốc Việt, vừa
đoạt luôn giải nhất và giải nhì của cuộc giải thưởng sách quốc tế, dạng
tiểu thuyết đa văn hóa (category: multicultural fiction), được tổ chức
bởi JPX Media Group của Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chào
đời tại Hội An, Quảng Nam và đến Hoa Kỳ năm 1975, Nicole tốt nghiệp Cử
Nhân Báo Chí tại ĐH Southern Illinois, sau đó Tiến Sĩ Luật của DH
Houston và LLM của Harvard. Tuổi 24, cô đã làm Tổng Giám Đốc Vụ Bồi
Thường Rủi Ro cho Quận Học Chánh Houston, rồi tốt nghiệp luật sư năm
1984. Hành nghề luật được 18 năm thì cô trở thành giáo sư luật thực thụ ở
đại học Denver. Cô viết văn từ khi còn ở Việt Nam và là người cuối cùng
đoạt giải danh dự cuộc thi Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc Lễ Hai Bà Trưng
của Việt Nam Cộng Hòa. Cuốn “Con gái của sông Hương” xuất bản năm 2005
gây nhiều tiếng vang Một thời để yêu Cuộc chiến Việt Nam đã để lại biết bao nhiêu cuộc tình éo le sầu thảm. Một thời để yêu và một thời để chết. Một thời bên nhau, đại bác xa xa vọng về và hỏa châu thắp sáng chân trời. Rồi tù đầy chia cắt. Anh trở về dang dở đời em. Nhiều trường hợp sau hơn 10 năm ngục tù, anh trở về, em đã đem con qua Mỹ và đi xa hơn nữa, em đã sang ngang. Cũng như hàng trăm người khác, chuyện cô gái sông Hương mà tôi kể cho quý vị hôm nay cũng vậy mà thôi. Nhưng đây là câu chuyện trong gia đình anh chị em cùng khóa của chúng tôi, xin kể lại để quý vị nghĩ rằng đây là khổ đau hay hạnh phúc. Ðặc biệt đây là câu chuyện liên quan đến mặt trận Quảng Trị năm 1972. Chàng là sĩ quan thủy quân lục chiến, tốt nghiệp Ðà Lạt, cùng khóa với chúng tôi. Năm đó đã trên 30 tuổi, ly dị vợ, sống độc thân, đẹp trai và có thể nói là hào hoa phong nhã.Ðời thủy quân lục chiến, 12 tháng anh đi, nay đây mai đó. Còn nhớ bài ca của lính mũ xanh. Tháng hai đem quân ra Huế... và ở đó trung tá Nguyễn đã gặp cô Lan Hương, sinh viên văn khoa, người con gái sông Hương. Lúc đó vào đầu thập niên 70, em mới 20 tuổi. Cô gái Huế cũng có nhiều bạn trai theo đuổi và phần cô cũng rất đào hoa. Ðược coi là người đẹp văn khoa xứ Huế. Gặp chàng sĩ quan Bắc Kỳ, áo mầu lính biển với mũ xanh, mang vóc dáng của người hùng thời chinh chiến, Lan Hương bỏ tất cả để theo chàng. Nicole và Bà Hoàng Đức Nhã trong buổi trao giải Văn Chương 1975 Cô Lan Hương Chị cả một gia đình lễ giáo bảo thủ, cha mẹ cô hoàn toàn chống đối cuộc hôn nhân hết sức phiêu lưu. Anh chàng Bắc kỳ hơi lớn tuổi, quá khứ chẳng biết ra sao, đi thứ lính không biết chết ngày nào, không ai lại muốn con gái sớm thành góa phụ.Nhưng cô gái sông Hương bướng bỉnh đã bỏ nhà theo sư đoàn thủy quân lục chiến vào Saigon mất tăm dạng. Nàng chỉ trở về với đứa con trong bụng để rồi gia đình cũng phải đành chấp nhận cho chàng rể bất đắc dĩ ra mắt nhạc gia và chờ đón đứa cháu ra đời.Lúc đó đúng vào giai đoạn trung tá Nguyễn cùng với lữ đoàn đang chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Lan Hương đau bụng vào nhà thương khi Bắc quân tấn công thủy quân lục chiến tại Ái Tử.Hương kể rằng đại bác chẳng biết từ đâu vọng về ngày đêm. Rồi bom nổ, tiếng máy bay xé ngang trời. Dân chúng bị thương, bị chết đem vào bệnh viện cho đến ngày 6 tháng 4 năm 1972 đứa con trai đầu lòng của cô gái sông Hương ra đời. Ðặt tên cháu là Vũ.Cũng ngày hôm đó, từ mặt trận trung tá Nguyễn bay trực thăng về hậu cứ, rồi xe nhà binh cùng với binh sĩ ào vào thăm vợ con được ít phút rồi lại ra đi.Lính tráng đi với ông thầy, súng đạn đầy người, áo quần tơi tả, đến rồi đi tưởng như trong phim ảnh.Cô sinh viên nay trở thành bà mẹ trẻ ôm con khóc không biết rồi đây anh có trở về không ? Ðó là những ngày đầu của người con gái nếm mùi đau thương chinh chiến. Mấy năm trước, dù Mậu Thân với bom đạn và xác người chôn ở vườn nhà, tuy có sợ hãi nhưng vẫn còn ở tuổi ngây thơ. Bây giờ chiến tranh mới thâm nhập vào da thịt. Suốt
6 tháng dài từ tháng 4 tới tháng 9 năm 1972 Lan Hương thực sự sống với
chiến trường Quảng Trị. Theo tin chiến sự mỗi ngày. Quân ta quân địch
đánh nhau ở đâu. Thủy quân lục chiến rút lui ra sao, rồi đơn vị về Huế
dưỡng quân để lên đường vượt Mỹ Chánh thế nào.Người con gái sông Hương
cùng thở theo hơi thở của cả đoàn quân mũ xanh. Khi đánh vào Cổ Thành,
lính bên ta chết bao nhiêu, xác đem về đầy các xe nhà binh, máy bay chở
về Saigon không kịp còn nằm chờ ở phi trường.Cô sống trong những cơn ác
mộng ngày đêm, không đêm nào là không có cơn mộng dữ. Ðứa con đầu lòng
đã sống trong niềm lo bất tận của mẹ.Tiếp theo là 1 tin vui trong giai
đoạn mới của binh nghiệp. Trung tá Nguyễn đổi về Saigon làm trung đoàn
trưởng 1 trung đoàn bộ binh. Mặt trận miền Ðông cũng không kém phần ác
liệt, tuy nhiên không khí thủ đô làm cho gia đình có được những giây
phút tương đối an toàn.Mới đây, từ bên Arizona, đọc những bài viết về
trận Quảng Trị và dự trù làm phim, cô Lan Hương đã viết cho gia đình tôi
một đoạn email. “Ðọc những chuyện về trận Quảng trị 37 năm về trước, em hết sức xúc động. Ðó là một phần cuộc đời của em không bao giờ quên được. Cuộc đời làm vợ lính thủy quân lục chiến, làm mẹ lần đầu. Và do những tình cờ em lại quen biết với gia đình anh chị suốt bao năm nay.” Tháng Tư, ngày định mệnh Mặc dù là bạn cùng khóa, nhưng tôi không hề biết về gia cảnh của trung tá Nguyễn. Hai tuần trước ngày 30 tháng 4-1975, tôi có dịp đi cùng người anh của Nguyễn lên chiến trường miền Ðông để thăm trung đoàn tại Bến Cát. Anh của Nguyễn là trung tá Tâm, cùng làm việc với chúng tôi tại Tổng Tham Mưu.Xem tình hình tại chỗ, thấy hoàn cảnh của Nguyễn, với trách nhiệm chỉ huy tại chiến trường, rõ ràng là việc di tản hoàn toàn không có điều kiện.Sáng 30 tháng 4-1975, chúng tôi đi bằng tàu quân vận tại Khánh Hội, theo sau đoàn tàu Hải quân. Gia đình anh Tâm chạy theo chúng tôi lại có cả cô em dâu và 1 đứa con 3 tuổi. Cô em dâu lại đang mang bầu, chính là Lan Hương của trung tá Nguyễn. Người con gái sông Hương của thủy quân lục chiến và đứa con trai là thằng bé ra đời trong thời gian mùa hè 72 tại Quảng trị.Mang bầu đứa con thứ hai, với thằng bé 3 tuổi, chạy theo anh chị, xuống tàu ra khơi. Lúc đó, thực sự tất cả chúng tôi cũng mơ hồ không biết đi đâu. Có thể về miền Tây, ra Phú quốc, ra Côn sơn theo Hải quân hay chờ tàu Mỹ vớt. Nhiều gia đình hy vọng thoát cơn hồng thủy, nhưng Lan Hương tan nát trong lòng. Biết thế này em ở lại Saigon chờ anh Nguyễn.Sau cùng, trải qua chuyến hải hành đầy nước mắt, mẹ con theo anh chị đến đảo Guam thì cô quyết định xin ghi danh theo con tàu Việt Nam Thương Tín để trở về. Tuy nhiên vì sắp đến ngày sanh, lại thấy những người xin về có những hoạt động đấu tranh quá dữ dội nên sau cùng cô ở lại. Khóc thì vẫn khóc.Qua đến miền đông nước Mỹ, Lan Hương sanh đứa con trai thứ nhì trong trại tỵ nạn Fort Chaffee đặt tên là thằng Việt.Họ Ðạo miền Trung Mỹ bảo trợ cho Lan Hương nuôi con. Hai đứa bé còn thật nhỏ. Những bà vú Hoa Kỳ tình nguyện thay phiên đến trong nhà trông con để mẹ đi học. Xứ Huế với dòng sông Hương, gia đình cha mẹ, các em vẫn xa tít mù khơi. Không có tin tức gì về anh Nguyễn. Nào biết còn sống hay chết. Ðã đi tù hay mất tích.Những buổi tối mùa đông của miền băng giá, cô vẫn lặn lội đi học. Xa cách những vùng có đông người Việt. Gia đình anh chị bên nhà Nguyễn cũng bận rộn về sinh kế. Những đứa con còn nhỏ dại. Cô sinh viên văn khoa của sông Hương lầm lũi trở thành bà mẹ trẻ học trò tỵ nạn trong kiếp sống cô đơn. Lỡ bước sang ngang Trong hoàn cảnh đó, trải qua gần 5 năm hấp thụ nền văn minh Mỹ quốc, Lan Hương gặp ông giáo sư dạy chương trình điện toán. Ông thầy Mỹ cũng đã ly dị vợ từ lâu đem lòng thương yêu cô gái Việt và xin cưới.Trung tá Tâm, anh của Nguyễn, điện thoại cho chúng tôi nói rằng 2 người đến nói chuyện để xin phép được lập gia đình. Tuy là vai anh chồng và là bác của những đứa con nhưng làm sao trả lời được.Ai mà có thể quyết định Yes hay No.Nếu không đồng ý thì cũng không ngăn cản được. Vả lại, nếu cô Hương ở vậy làm sao nuôi con thành người . Những đứa nhỏ sắp sửa vào trường. Rồi trung học, đại học. Tin nhà không có. Biết Nguyễn sống chết ra sao và sẽ chờ đến bao giờ.Hơn nữa cũng chẳng phải thuần túy vì sinh kế. Cô gái sông Hương ngày xưa đã có một thời nhiệt tình để yêu. Ðã có can đảm bỏ nhà đi theo sư đoàn thủy quân lục chiến.Ngày nay nàng đã tìm thấy hơi ấm tình yêu mới bên cạnh ông thầy đại học vào những lớp tối mùa đông. Cô ở vào tuổi 30 khi gặp anh chàng người Mỹ, cũng cao lớn đẹp trai vững vàng như trung tá Thủy quân lục chiến của mùa hè Quảng Trị ngày xưa.Ngày cưới đã ấn định. Tháng 7 năm 1980. Hai đứa con trai nhỏ vô tư vui vẻ làm quen với người cha Hoa Kỳ bao dung và tận tụy.Nhưng số mệnh vẫn còn nhiều cay đắng. Ba ngày trước khi làm đám cưới, Lan Hương nhận được thư nhà từ Huế gửi qua. Kèm theo là mẩu giấy nhỏ nhắn tin của Nguyễn, còn sống, vẫn ở tù, chẳng biết ở đâu. Không biết còn sống được bao lâu. Nhưng còn sống.Lan Hương nhớ lại, những ngày xa xưa của năm 80, gần 30 năm về trước là những giờ phút hết sức trăn trở. Vui mừng cho 2 đứa con vẫn còn bố. Nhưng bẽ bàng cho duyên phận. Sau cùng, đám cưới vẫn tiến hành qua những ngày đầy nước mắt.Rồi ngày tháng trôi qua, cuộc sống trên đất Mỹ với người chồng yêu thương, hết sức quân tử đã tạo thành 1 gia đình kiểu mẩu. Lan Hương có nhiều cơ hội giúp đỡ cha mẹ và các em. Gửi quà về tiếp tế cho Nguyễn trong trong trại tù từ Bắc vào Nam.Từ trong trại, anh Nguyễn mơ hồ biết là vợ con đã qua Mỹ nhưng không có nhiều tin tức. Sau hơn 13 năm “ lao động cải tạo “ người anh hùng TQLC một thời được trở lại Saigon.Biết tin vợ con hạnh phúc trong gia đình mới. Anh tìm lại người vợ cũ, làm hồ sơ HO đưa tất cả qua Hoa Kỳ. Ðịnh cư tại miền Trung Mỹ. Tuy giấy tờ là 1 gia đình nhưng Nguyễn vẫn sống độc thân như thời kỳ trước 75 . Gia đình mới của Lan Hương bây giờ đã dọn qua sống tại miền Tây. Anh trở về, dang dở đời em... Mùa xuân năm 1991, cô gái sông Hương giờ đây đã 40 tuổi, đem 2 con qua miền Ðông gặp bố lần đầu tiên. Trước khi đi, người chồng Mỹ cầm tay Hương mà nói rằng: “Em hãy đi và thử hỏi lòng mình 1 lần cho rõ ràng. Nếu đây là lần chúng ta chia tay, anh cũng đành chấp nhận. Chuyện của chúng ta sau 10 năm, đến đây là đoạn cuối. Nhưng nếu em trở lại, thì xin nói lời chia tay rõ ràng với Mr. Nguyễn. Ðối với anh, Nguyễn luôn luôn là 1 người anh hùng. Nếu cần thì anh cũng phải hy sinh. Cảm ơn em đã cho anh một gia đình trong 10 năm hạnh phúc.Tiếp đến cuộc gặp gỡ đầy đau thương của vợ chồng và bố con ông HO. Trời mùa đông Hoa Kỳ hình như có cả cơn gió Lào thổi về Quảng trị. Nguyễn cũng có tâm trạng ước mong đoàn tụ nhưng rồi chợt biết là đã ngàn trùng xa cách. Nàng đã có gia đình mới. Mẹ con thấm nhuần văn hóa Mỹ. Anh không thể và cũng không có khả năng phá vỡ được bức tường ngăn cách đã xây dựng từ 15 năm qua.Ðành để cho định mệnh đóng vai trò quyết định. Dự trù ra đi 1 tuần nhưng 4 ngày sau Lan Hương đã đem con trở về với ông bố Mỹ. Và 1 lần nữa người cha Hoa Kỳ sung sướng đón mẹ con Việt Nam trong vòng tay mở rộng. Gia đình Lan Hương sống tại San Francisco nên có cơ hội gần gia đình chúng tôi như cô em gái. Chúng tôi biết hết gia cảnh, và cô cũng vui lòng kể hết chuyện đời. Cay đắng nở hoa... Tháng 5 năm 2002, chúng tôi nhận được thiếp mời đi dự đám cưới cháu Việt tại Arizona. Bác sĩ Việt 27 tuổi lấy cô vợ Mỹ, bạn học thời sinh viên tại nơi tiểu bang đồng khô cỏ cháy nhưng mang đầy truyền thống hết sức Hoa Kỳ.Gia đình nhà vợ giàu có và bề thế. Bạn bè anh chị em nhà cô dâu Mỹ rất khích động ồn ào khi đón được chú rể bác sĩ Việt Nam đẹp trai độc đáo như tài tử Kong Fu Bruce Lee.Lễ cưới cử hành long trọng tại nhà thờ. Ông bố vợ đại diện gia đình nhà gái chào mừng nhà trai và quan khách. Nhà trai của bác sĩ Việt gồm cả 2 quốc gia Hoa Kỳ-Việt Nam từ bốn phương kéo về.Ông bố chồng Hoa Kỳ đứng lên giới thiệu ông bố chồng Việt Nam là trung tá Nguyễn của chúng ta. Vị giáo sư điện toán của đại học nói rằng đây là người anh hùng Thủy quân lục chiến Việt Nam, đã chiến đấu 20 năm cho miền Nam tự do từ Tết Offensive 68 cho đến Easter Offensive 72. Ðã trải qua hơn 13 năm làm tù binh trong trại tù cộng sản. Mr. Nguyễn là anh hùng của ngày xưa và là anh hùng của ngày hôm nay Với
tư cách là bạn bè và là khách của nhà trai, tôi có dịp lên tiếng nhắc
lại những ngày Nguyễn chiến đấu tại Quảng Trị, những ngày anh ở lại Bến
Cát cho đến khi Tư lệnh sư đoàn tự vẫn và ông bị bắt vào tù. Mrs. Nguyễn
mang bầu đi cùng chúng tôi ra khơi, được tàu Mỹ vớt, sanh cháu Việt
trong trại tỵ nạn. Ðặt tên Việt để nhớ mãi về quê hương. Và hôm nay...
Không khí cảm động và hơi căng thẳng, nên chúng tôi tìm cách kết luận
nhẹ nhàng,... và hôm nay, Dr.Việt bỏ người cha Marin Corp Việt Nam và cả
người cha giáo sư đại học Hoa Kỳ để về ở rể với người cha vợ Arizona
chỉ vì cậu bác sĩ của chúng tôi đi theo tiếng gọi của ái tình...Tiếp
theo, MC là em gái của cô dâu giới thiệu bà mẹ Lan Hương đi lên chứng
kiến lễ cưới của con trai. Ông chồng cũ Việt Nam đi 1 bên, ông chồng
hiện tại Hoa Kỳ đi 1 bên. Cô gái sông Hương khoác tay cả 2 chàng đi lên
bàn thờ. Quan khách vỗ tay tán thưởng còn nhiều hơn là dành cho cô dâu
chú rể.Trong đời chúng tôi, chưa từng dự 1 đám cưới nào như vậy. Chú rể
mới chụp hình kỷ niệm với 3 ông bố. Bức hình là một di tích lịch sử của
gia đình. Họp khóa mùa Xuân Tháng 3 năm 2004, kỷ niệm 50 năm của 1 khóa quân trường. Anh em chúng tôi vào trường Ðà lạt tháng 3 năm 1954. 50 năm sau anh em gặp lại tại Orange County, điểm danh xem ai còn ai mất.Cô Lan Hương đến dự đi cùng gia đình chúng tôi. Anh Nguyễn độc thân từ miền Ðông về gặp anh em. Ði cùng gia đình trung tá Tâm, chúng tôi đều là những ông già 70 tuổi.Riêng cô gái sông Hương vẫn còn trẻ như ngày xưa. Anh em họp mặt hết sức cảm động. Giới thiệu từng trung đội của năm 1954 xa xôi. Thời gian đó chúng tôi xa Hà Nội năm lên 18 chưa từng biết yêu. Ðến năm 1975 thì bao nhiêu mộng đẹp bay ra thành khói tan theo mây chiều.Từ Vũ thế Quang, Nguyễn hữu Luyện và anh Nguyễn của đại đội 5, cho đến các bạn của đại đội 6 như Lại Thọ, Trần quốc Lịch, Lê xuân Ðịnh.Tiết mục sau cùng là người đẹp trao vòng hoa chiến thắng một đời cho các chiến sĩ cao niên. Chị Thiều, nữ sinh Sài Gòn trao vòng hoa cho nhẩy dù Ngô quang Thiều như chuyện tình năm xưa của thời chiến dịch Hoàng Diệu. Lan Hương của xứ Huế trao hoa cho anh Nguyễn, thủy quân lục chiến.Bây giờ anh Thiều và một số bạn khác đã ra đi, nhưng Nguyễn và Lan Hương vẫn còn đây. Vẫn là cha mẹ của những đứa con, là ông bà của các cháu, nhưng chàng trai Hà Nội và cô gái xứ Huế chỉ còn biết nhau trong tình bạn.Vì đây là chuyện thật nên vào tháng 10 năm nay 2009, nếu các bạn tò mò muốn biết mặt những nhân vật từ trong tiểu thuyết bước ra cuộc đời, thì xin đến San Jose. Khóa chúng tôi họp mặt lần cuối, kỷ niệm 55 năm kể từ khi ra trường tháng 10 năm 1954.Sau này, có lẽ lực bất tòng tâm. Năm 2014 kỷ niệm 60 năm nhập ngũ, anh em chúng tôi sẽ tổ chức tại gia. Nhà ai nấy làm. Chỉ có thể mời cô Lan Hương đến dự. Vì cô gái sông Hương mãi mãi tuổi 20. |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 27/Dec/2014 lúc 11:05pm | ||||||||
Thắp lại bình nhang
Ngô Nhân Dụng
Chúng ta đang nhận được nhiều lời chúc bình an, hạnh phúc vào dịp Lễ
Giáng Sinh. Dù người bên lương hay bên giáo, ai cũng có thể chia sẻ những giờ
phút bình an khi nghe câu hát “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” đang vang
vang chung quanh mình nhắc nhở sự tích Chúa xuống làm người.
|
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 29/Dec/2014 lúc 11:13pm | ||||||||
Tưởng Rằng Đã Yên Tác Giả: Hồng Hoang Mọi chuyện rồi cũng êm xuôi. Và sẽ chìm vào quên lãng như định luật thời gian. Huấn nghĩ như vậy trong lúc một mình ngồi trên phiến đá nhìn dòng sông hiền hòa, phẳng lặng. Huấn nhìn mãi vào nơi chiếc xe mình đã lao xuống cách đây sáu tháng... Nơi đó, linh hồn Trinh, người vợ thông minh, xinh đẹp của Huấn, đã rời khỏi thân xác. Huấn bây giờ là người góa vợ, cô đơn đi, về lặng lẽ như một chiếc bóng. Nhiều lúc Huấn tự hỏi: mình còn làm được gì, khi hạnh phúc đã chợt đến rồi chợt đi? Ân hận không? Hối tiếc không? Còn nữa, Huấn không biết mình có nên vui mừng hay không, khi những cuộc điều tra, thẩm vấn của cảnh sát đã thật sự chấm dứt. Bởi vì trước sau gì Huấn cũng giữ đúng một lời khai:
- Đêm đó, hai vợ chồng đưa nhau đi ăn ở nhà hàng Salmon House bên hướng
Tây Bắc của thành phố. Trên đường lái xe về nhà, lúc đi ngang qua cây
cầu, không hiểu vì lý do gì, Huấn bất ngờ bị chóng mặt, choáng váng nên
lạc tay lái. Chiếc xe đâm vào thành cầu trước khi lao thẳng xuống sông.
Khi đội cấp cứu đến thì đã muộn: Trinh bị chết ngộp trong xe với một vết
thương nhẹ trên đầu. Huấn trồi được lên khỏi mặt nước nên thoát chết. Điều tra viên tình nghi Huấn hoặc cố ý giết vợ, hoặc đã uống quá say. Nhân viên nhà hàng xác nhận, họ đã thấy hai vợ chồng vừa ăn vừa trò chuyện một cách vui vẻ, hạnh phúc và chàng chỉ uống một ly rượu khai vị thôi. Kết quả nồng độ rượu đo trong người Huấn cũng chứng minh như thế. Tuy nhiên, họ đã tìm tòi, lục soát tất cả những nơi và những gì họ cho là cần thiết. Họ thẩm vấn tới, họ điều tra lui, họ tìm gặp Huấn nhiều đến độ Huấn tưởng chừng như một mụt mụn nhỏ trên khuôn mặt mình họ cũng sẽ tìm thấy! Cuối cùng, họ phải đi đến chỗ kết thúc. Trinh chết là do tai nạn vì họ chẳng tìm ra được dấu vết gì khả nghi để buộc tội. Họ đã thật sự buông tha cho Huấn trở về với công việc hằng ngày của chàng. **** Tối nay, Huấn đang theo dõi trận đánh dã cầu trên TV thì điện thoại reo. - Hello! - Hello. Xin lỗi, anh là Huấn phải không? - Phải, Huấn đây. Xin lỗi, ai gọi thế? - Tôi là Hạnh. - Hạnh...? Xin vui lòng nói rõ hơn, tôi quên mất cô là ai rồi. Tiếng cười khúc khích: - Anh Huấn đâu có quên Hạnh... vì Hạnh là một người xa lạ, chưa từng tiếp xúc, chưa từng gặp gỡ, làm sao anh Huấn nhớ cho được?. - Thế hở?. Vậy Hạnh là ai?. Tại sao gọi cho tôi?. - Khoan đã, trước khi trả lời anh Huấn, Hạnh xin được quyền.. ưu tiên. - Ưu tiên gì?. - Ưu tiên được hỏi trước: Anh Huấn đã lập gia đình chưa?. - Tại sao cô hỏi tôi câu đó?. - Tại vì... nó khá quan trọng để Hạnh quyết định sẽ tiếp tục nói chuyện với anh Huấn hay sẽ buông điện thoại xuống ngay bây giờ. Mong anh Huấn thành thật, đừng lo ngại, Hạnh không có ý đùa giỡn gì đâu. Khá lâu Huấn chưa có dịp nói chuyện với một người con gái nào nên cũng cảm thấy hay hay: - Được rồi, tôi lập gia đình cách đây ba năm... nhưng vợ tôi đã qua đời trong một tai nạn. - Anh Huấn có buồn lắm không?. - Dĩ nhiên rồi. Câu hỏi hơi lạ đó. - Thế bây giờ anh Huấn đã có bạn gái nào chưa?. Huấn cuời: - Cô Hạnh tham lam quá, chỉ xin hỏi một câu, giờ đến câu thứ hai, thứ ba. Tôi sẽ không trả lời thêm, nếu cô không cho tôi biết rõ cô là ai. - Xin lỗi anh Huấn nghen. Hạnh là người mới đến thành phố này được tháng. Không thân nhân, không bạn bè cũng chưa có việc làm. Ngày nào cũng một mình lái xe chạy lòng vòng, buồn quá. Rồi anh Huấn biết sao không? Hạnh chợt nghĩ ra một cách là tìm trong điện thoại niên giám tên người Việt để... làm quen. Anh Huấn thấy Hạnh tài chưa? Hạnh đã nhắm mắt chọn ra năm tên: Phúc, Lộc, Nam, Kinh và Huấn. Lần đầu tiên Hạnh gọi người tên Lộc, đó là một anh chàng đã có gia đình. Lần thứ nhì Hạnh gọi người tên Kinh, ông này đã gần bảy mươi tuổi. Vẫn chưa nãn chí, Hạnh gọi thử lần thứ ba với người tên Huấn. Bây giờ Hạnh đang nghĩ là Hạnh sẽ không cần phải gọi đến lần thứ tư nữa, phải vậy không anh Huấn? Trừ trường hợp anh Huấn nói rằng anh Huấn không thích làm quen với Hạnh. - Cô Hạnh chắc thích phiêu lưu lắm?. - Không biết có phải vậy không, nhưng khi mình muốn đạt được một việc gì, nếu không nghĩ ra cách này hoặc cách khác để thực hành thì làm sao đạt được?. Từ trước, người ta vẫn quen nhau qua mục Kết Bạn Thư Tín, bây giờ, quen nhau qua cuốn điện thoại niên giám, một phát minh mới, phải không?. - Tình trạng gia đình tôi, cô đã biết rồi, vậy cô nghĩ sao?. - Hạnh đang chờ nghe cảm nghĩ của anh Huấn. Hạnh có phải là một người con gái quá táo bạo không?. - Không đâu, người khác còn làm những chuyện khủng khiếp hơn nhiều. Tôi cảm thấy vui vui bởi vì từ ngày vợ tôi chết, tôi chưa có bạn gái. Một mình đi ra đi vào, căn nhà bỗng trở nên rộng lớn và trống vắng hơn. Có lần bạn tôi ngõ ý giới thiệu cho tôi một cô, nhưng tôi chưa cảm thấy thoải mái nên đã từ chối. Hôm nay, cô Hạnh đến với tôi bằng một phương cách nghe ra cũng hay hay, tại sao tôi không chấp nhận nhỉ?. - Vậy cả hai chúng ta đều đồng ý đấy nhé?. - Bỏ phiếu thuận! Nghe giọng nói, tôi đoán chắc Hạnh còn trẻ lắm, có thể chưa tới ba mươi. Hạnh biết tôi bao nhiêu tuổi không?. - A.... chắc anh Huấn cũng chưa đến nỗi là ông già bảy mươi?. - Chưa đâu, chỉ mới sáu mươi chín thôi. Huấn thích thú cười thật lớn. Hạnh cười theo: - Anh Huấn đoán Hạnh còn trẻ thì đúng rồi, nhưng anh Huấn có biết dung nhan Hạnh xấu xí đến cỡ nào không?. - Tôi nghĩ, nếu Hạnh có xấu chắc cũng chưa đến nỗi được xếp hạng nhất trong danh sách những người thiếu nhan sắc. - Anh Huấn nói đúng đó, nhưng hình như Hạnh cũng đứng vào hạng nhì, vì mụ phù thủy đã chiếm mất hạng nhất rồi. Cả hai cùng cười giòn giã. *** Huấn bây giờ không còn là Huấn của ngày nào vợ mới chết. Từ một giai đoạn bất an chuyển qua một giai đoạn bình thản và rồi Huấn được sống lại trong cảm giác của một người đàn ông đang yêu đời, yêu người và yêu tất cả mọi vật chung quanh mình. Sau lần thứ nhì nói chuyện qua điện thoại, Huấn và Hạnh hẹn gặp nhau. Lúc đầu Huấn chỉ tưởng tượng ra một nhan sắc khiêm nhường ở người con gái này, nếu không như vậy cô ta đâu còn độc thân đến giờ. Buổi đầu tiên diện kiến, Huấn đã bàng hoàng, sững sốt kêu lên: - Hạnh đẹp quá! Đúng vậy, Hạnh là cô gái mang hai dòng máu Mỹ-Việt. Hạnh là một kết hợp của hai nét đẹp Á Đông và Tây Phương. Nếu muốn tìm một khuyết điểm nào đó trên khuôn mặt hay vóc dáng Hạnh sẽ không phải là chuyện dễ. Ngay phút giây đầu tiên đó, Huấn đã cảm thấy hồn mình như chết đuối trên dòng suối tóc nâu đậm, óng mượt chảy hững hờ từ bờ vai xuống tới nửa lưng. Chỉ một chút trang điểm tự nhiên thôi, Hạnh đã nhìn như một bức tranh truyền thần mờ ảo trước mắt Huấn. Ngày trước, Huấn vẫn cho rằng chỉ có Trinh, vợ mình mới là người con gái đẹp và duyên dáng như một nữ hoàng, nhưng bây giờ, nếu đem so sánh với Hạnh thì Trinh là người bị mất vương miện. Hạnh đã đến với Huấn như một cơn phong ba, bão táp cuốn hút đời chàng vào những mơ mộng cho tương lai. Một kỹ sư điện toán trong một công ty lớn nhất nhì trên thị trường, vừa mất người vợ xinh đẹp lại ôm ngay vào được một người con gái khác còn xinh đẹp hơn nữa, không trách sao Huấn đang ngất ngây với ý nghĩ: đúng là đời đẹp như mơ! Hạnh nhí nhảnh nhưng dễ thương; thông minh nhưng tế nhị. Hạnh không kiêu căng, tự phụ về sắc đẹp của mình. Huấn đưa Hạnh thăm viếng khắp nơi trong thành phố, rồi đến những vùng thôn quê. Hạnh luôn nói những lời thán phục hoặc biết ơn đối với Huấn, chẳng hạn như: - Em thật không ngờ mình lại có được những ngày tươi đẹp như hôm nay. Vừa được rong chơi ở những nơi sang trọng, vừa được một người đàn ông lịch sự, học thức bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng chìu chuộng, em còn tìm ai hơn anh Huấn nữa đây?. Huấn đáp lại: - Anh mới là người may mắn đó chứ, có được một người đẹp lại dễ thương như Hạnh để đưa đi chơi chắc đâu còn diễm phúc nào hơn?. Trong suốt ba tháng quen nhau, chưa lúc nào Hạnh để nụ cười biến mất trên môi. Cho đến một hôm, Huấn tỏ thật lòng mình về một tình yêu mãnh liệt phát xuất tự trái tim, tự nhiên nụ cười đang tươi mát của Hạnh bỗng héo úa đi. Nàng lắc đầu, buồn bã xoay nơi khác. Huấn năn nỉ mãi, nàng cũng không nói gì hơn ngoài ánh mắt đầy suy tư, xa vắng. Sau buổi đó, Hạnh lánh mặt Huấn không một lời từ giã. Căn phòng trong chung cư của Hạnh đã trả lại. Một tuần qua rồi hai, ba tuần qua, Hạnh vẫn bặt tin. Huấn đau khổ như điên cuồng. Huấn lang thang ngoài phố để nhìn người qua lại mong gặp khuôn mặt quen thuộc của nàng. Huấn lái xe khắp các nẻo đường hy vọng sẽ bắt gặp Hạnh một nơi nào đó, nhưng mọi cách đều thất bại. Sau một tháng trời tìm kiếm, Huấn hoàn toàn thất vọng. Đêm nay, Huấn mệt mõi trở về nhà sau mấy tiếng đồng hồ lái xe lang thang. Chưa kịp thay quần áo thì chuông cửa reo vang mấy lần liên tiếp như thể gấp rút lắm. Huấn mừng rỡ đến sững sờ khi khuôn mặt hiện ra nơi khung cửa chính là Hạnh. Nàng đi vội vào trong rồi ôm chặt lấy Huấn trong lúc đôi dòng lệ tuôn tràn trên má. Huấn để yên cho Hạnh khóc trên vai mình, đến khi những thổn thức lắng dần, Huấn hỏi nhỏ: - Tại sao em khóc?. Tại sao em tránh gặp mặt anh?. Hạnh nghẹn ngào: - Không phải em... tránh gặp anh, em chỉ... chạy trốn một người khác. - Ai vậy?. - Chồng em. - Em có chồng?. - Phải, nhưng anh ấy là một người vũ phu và tàn nhẫn. Em xin lỗi đã giấu anh. Huấn ngồi yên lặng nghe hơi thở mình nặng nề hơn. Sự thật quá phũ phàng không ngờ nổi. Giọng Hạnh kể lễ: - Trước khi lập gia đình với nhau, anh ấy là một người đàn ông hết sức hòa nhã, nhưng em đã lầm. Anh ấy không thể nào hòa nhã sau những cơn say. Anh ấy bắt đầu kiếm chuyện cả với những người bạn nào chỉ vô tình nhìn em hoặc nói với em một câu rất thông thường, chẳng hạn như "Hạnh có khỏe không?" "Khỏe hay không cũng là vợ tao, mày hỏi làm gì?". Mãi rồi những chuyện xảy ra đó khiến em xấu hổ. Em ngăn cản không cho anh ấy uống rượu nữa thì anh ấy bỏ nhà đi mất tiêu ba bốn ngày liền. Em đòi ra toà ly dị, anh ấy hăm dọa sẽ giết em. Em sợ quá nên bỏ nhà trốn đi. Nơi này em đã gặp anh và chúng ta đã có được những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng bây giờ, em phải bỏ trốn đi nơi khác nữa, vì chồng em vừa tìm ra em ở đây. Anh ấy hăm dọa thêm rằng nếu bắt gặp người đàn ông nào đi với em, anh ấy sẽ giết chết cả hai rồi tự sát hoặc đi tù. Hạnh ôm Huấn chặt hơn: - Anh Huấn ơi, em không thể nào ở lại đây, em không muốn anh bị mang họa vì em. Cuộc đời em đã sóng gió quen rồi, thà em bỏ đi chứ không thể nào trở lại với con người tàn nhẫn đó. Hạnh lại khóc nức nở hơn. Huấn không biết làm gì hơn là vuốt mãi suối tóc mềm mại của nàng. Thời gian vẫn trôi. Hạnh ngưng khóc, nhưng nàng cứ ngồi thẫn thờ. Huấn chợt nhớ ra: - Em đã ăn gì chưa?. Em đói bụng không, để anh đi mua gì về cho em ăn nghen?. - Thôi anh ạ, đừng đi ra ngoài bây giờ, em chưa ăn gì, nhưng không cảm thấy đói. Anh có sữa tươi cho em một ly là được rồi. Huấn đi lấy ly sữa đến, nàng uống một hơi hết phân nữa rồi dợm đứng lên. Huấn vội hỏi: - Em định đi đâu vậy?. - Về khách sạn. -Thôi... em hãy ở lại đây với anh. - Không nên đâu anh. Nguy hiểm cho anh lắm. - Anh không sợ, chỉ sợ nguy hiểm cho em. Biết đâu chồng em đang rình rập đâu đó ngoài đường. Anh không thể để em đi như vậy. - Anh không sợ chồng em sẽ giết luôn cả anh với em sao?. - Không, vì anh yêu em. Nếu em cũng yêu anh thì... Huấn ngập ngừng không dám nói thêm. - Thì sao hả anh?. Anh sẽ bằng lòng chết chung với em phải không?. - Cũng có thể lắm chứ!. Hạnh mừng rỡ ôm chầm lấy Huấn và cả hai hôn nhau đắm đuối. Lâu lắm họ vẫn chưa rời nhau ra. Rồi Huấn dang tay nhấc bổng người Hạnh lên để đi thẳng vào phòng ngủ. Chàng đặt nàng nằm xuống chiếc giường nệm êm ái, cả hai tiếp tục ôm xiết lấy nhau. Một lúc sau, Huấn ngồi nhổm dậy, vói tay qua chiếc bàn nhỏ ở cạnh đầu giường để lấy điếu thuốc đốt hút. Hạnh vẫn nằm im với chiếc mền kéo ngang nửa ngực. Huấn phà khói thuốc vào không khí rồi xoay lại nhìn nửa vùng ngực đang phô bày, cảm thấy vẫn còn thèm úp mặt lên đó. Đầu óc Huấn làm việc thật nhanh, quyết định cũng thật nhanh: - Em tưởng rằng anh sẽ bằng lòng chết chung với em dưới bàn tay của chồng em à?. Anh đâu có dại dột như vậy. Hạnh mở to mắt: - Nghĩa là sao?. Anh nói nếu em cũng yêu anh... Em bây giờ đâu còn ai thân thích ngoài anh ra, nếu không yêu anh thì yêu ai?. Hơn nữa, nếu không yêu anh, em đâu dễ gì nằm với anh như vầy. Vậy thôi, để em ra đi. Huấn vội vàng ôm lấy đầu Hạnh: - Đừng hiểu lầm anh, cưng. Ý anh muốn nói là cả hai chúng ta không nên dại dột để hắn ra tay trước. Mình phải hành động trước khi hắn hành động. - Em chưa hiểu. - Hắn có thể giết mình được thì mình cũng có thể giết hắn được vậy. Hạnh chớp chớp mắt nhìn Huấn: - Ừ nhỉ?. nhưng... mình sẽ đi tù chung thân?. Huấn cười nhẹ: - Mình phải khôn chứ em. Mình đâu có công khai giết đâu mà đi tù?. - Mướn người à?. - Mướn người cũng thua. Anh muốn nói là mình phải xếp đặt chương trình hành động. Em nghe anh hỏi đây, em có dám ra tay không?. Chỉ có một mình em mới làm được chuyện này, nếu em bằng lòng anh mới nói ra. - Để em suy nghĩ. Hạnh nằm im trong giây lát rồi chồm người lên lấy chiếc ví tay của nàng trên đầu giường mở ra. Hạnh soi lại mặt mình trong chiếc gương nhỏ và chải lại những sợi tóc lòa xòa trước trán bằng chiếc lược nhỏ màu đen. Huấn yên lặng nhìn và chờ đợi. Sau khi để mọi thứ vào chỗ cũ, Hạnh nói: - Được rồi, em sẽ làm. Nếu em không giết hắn thì hắn sẽ giết em. Em giết người để tự tồn và được tự do chung sống với anh. Anh nói đi. Huấn nghiêm nét mặt: - Này nhé, em hãy giả vờ như thể em bằng lòng trở về với hắn. Rồi em sắp đặt một ngày cho hai người đi ăn tối ở một nhà hàng nào đó bên hướng Tây Bắc. Em cố ép cho hắn uống rượu càng nhiều càng tốt, nhưng em đừng uống vì em sẽ là người lái xe về. Rồi khi xe chạy ngang qua cây cầu, em giả vờ như bị lạc tay lái, để chiếc xe bay qua thành cầu, bay thẳng xuống sông. Trước đó, em phải nhớ chuẩn bị hai điều: thứ nhất là khóa cánh cửa bên hắn; thứ hai là nhanh tay mở cánh cửa bên em khi chiếc xe vừa bay xuống nước. Như vậy em sẽ có thể thoát ra ngoài dễ dàng và nước sẽ tràn vào xe nhanh hơn. Hắn đã say ngất ngư thì không thể nào phản ứng kịp thời. Chỉ cần năm phút kẹt trong xe, linh hồn hắn sẽ vĩnh viễn rời khỏi xác. Còn em sẽ trồi lên mặt nước chờ đội cứu cấp tới. Hạnh chăm chú nghe, nhưng chưa nói gì. Huấn bồi thêm: - Cách này vừa dễ, vừa an toàn, em không phải trực tiếp cầm một thứ vũ khí nào để giết người. Không có bằng chứng nào để kết tội em, tất cả chỉ là do tai nạn. - Anh nói đúng, cách này dễ quá, nhưng sao anh biết chắc là cảnh sát sẽ để yên cho em mà không điều tra?. - Họ sẽ điều tra chứ em, nhưng em cứ bình tĩnh giữ đúng một lời khai như sau: đêm đó chồng em uống rượu quá nhiều nên em phải lái xe về. Khi xe chạy ngang trên cầu, chồng em đã bất ngờ giành giựt tay lái nên chiếc xe mất thăng bằng, lao xuống sông. Chồng em không thoát ra được nên chết ngộp trong nước, thế thôi. Đâu có ai làm nhân chứng. Hạnh vuốt lưng Huấn: - Có chứ anh. - Ai?. - Anh đây nè! Nhưng thôi, em chỉ nói chơi thôi. Anh có chắc là em sẽ không bị đi tù?. - Em sẽ hoàn toàn vô tội, anh bảo đảm. - Nhưng anh ơi, cảnh sát có trăm phương ngàn kế để tìm ra sự thật. - Đâu phải vụ giết người nào họ cũng tìm ra hết đâu. Em còn nhớ anh đã nói rằng vợ anh chết do một tai nạn không?. Tai nạn hắn sắp chết cũng giống như tai nạn vợ anh đã chết vậy. Hạnh mở mắt thật to: - Nghĩa là anh đã giết vợ bằng cách đó và cảnh sát đã không kết tội được anh?. - Đúng vậy. - Tại sao anh giết chị ấy?. - Trinh đã ngoại tình trong lúc anh vẫn yêu nàng hết lòng. - Anh tàn nhẫn quá... - Trinh đã tàn nhẫn với anh trước. Trinh đã giới thiệu với anh rằng gã đó là anh họ của Trinh và hắn vẫn thường ghé nhà chơi, kể cả những lúc không có anh ở nhà. Sau đó, anh khám phá ra, hắn chính là gã nhân tình cũ của nàng. Như vậy, mỗi lần hắn đến không có anh ở nhà thì hắn và Trinh đã làm gì?. Anh phải có thừa thông minh để hiểu rằng họ đã làm chuyện tồi bại chứ. - Sao anh không chọn giải pháp ly dị?. - Ly dị thì anh cũng là người thua cuộc, Trinh sẽ thuộc về hắn và hắn sẽ hưởng phân nửa tài sản mà anh phải chia cho Trinh. - Anh có bắt quả tang lần nào chưa? - Dĩ nhiên họ cũng phải thông minh để không bị bắt quả tang chứ em. - Anh đã kết tội tử hình một người mà không có bằng chứng. - Thôi em ơi, đừng nói chuyện đó nữa, hãy nói chuyện mình đi. Em có đồng ý giết hắn bằng cách đó không?. - Đồng ý. Bây giờ em cần ngủ để mai còn tỉnh táo hành động. Anh cũng phải đi làm nữa. Ngủ đi anh. - Mình ngủ. *** Huấn đang ngồi trong văn phòng. Đột nhiên cánh cửa bị xô mạnh. Hai người đàn ông ập vào thật nhanh: - Ông Nguyễn Minh Huấn, chúng tôi được lịnh bắt giữ ông vì tình nghi giết nguời. Trong lúc mắt Huấn mở lớn, chiếc còng sắt lạnh lùng tra vào cổ tay Huấn kéo về phía sau lưng. - Tôi không hiểu gì hết?. - Ông có quyền giữ im lặng. Những gì ông nói, có thể được dùng để kết tội ông trước tòa án. *** Trong phòng điều tra, Huấn được nghe lại một đoạn băng ghi âm, bắt đầu là tiếng nói của Hạnh: “- Được rồi, em sẽ làm. Nếu em không giết hắn thì hắn sẽ giết em.” “Em giết người để tự tồn và được tự do chung sống với anh. Anh nói đi.” “-Này nhé, em hãy giả vờ như thể em bằng lòng trở về với hắn…” Cả người Huấn bắt đầu toát mồ hôi. Sắc mặt Huấn từ từ đỏ rần lên trong lúc tiếng nói của Huấn và Hạnh vẫn tiếp tục phát ra từ cuộn băng cho tới đoạn cuối cùng không sót một chữ nào của cuộc đối thoại đêm đó. “- Đồng ý. Bây giờ em cần ngủ để mai còn tỉnh táo hành động. Anh cũng phải đi làm nữa. Ngủ đi anh.” "- Mình ngủ." Cuộn băng chấm dứt bằng một tiếng động khô khan, sắt lạnh. Huấn bàng hoàng cất tiếng: - Thì ra... các ông đã... đặt máy ghi âm... trong phòng tôi?. - Không. Hồ sơ của anh, chúng tôi đã xếp lại. Chúng tôi đã tin rằng anh là kẻ vô tội, nhưng một người khác đã căn cứ vào lá thư này mà nhất định rằng vợ ông chết không phải do tai nạn. Người đó đã bằng lòng bỏ tiền ra mướn thám tử tư tiếp tục cuộc điều tra. Ông có muốn đọc lá thư không?. - Có. Huấn bắt đầu lướt mắt qua những dòng chữ rất quen thuộc của Trinh. " Em van anh đừng đến gặp em nữa. Anh nên cố gắng quên em. Em đã có chồng tức là em đã chọn cho mình một hướng đi rõ ràng. Tại sao anh không chịu hiểu như vậy?. Ly nước đã đỗ xuống đất, anh không thể nào hốt lại được. Huấn là một người chồng rất tốt, xứng đáng để cho em kính trọng. Em vô cùng hối hận vì đã giới thiệu anh là anh họ em, nhưng ngoài cách đó ra, em đâu thể nào nói anh là người tình cũ?. Em đâu ngờ là anh dám ngang nhiên đến gõ cửa tìm em trong lúc Huấn đang ở nhà. Tưởng đâu chỉ lần đó thôi, ai ngờ anh cứ tiếp tục đến, nhưng mà gặp nhau để làm gì nữa?. Anh vịn vào lý do là anh họ thì có quyền đến thăm, sai bét rồi anh ơi! Lương tâm em đang cắn rứt vì đã nói láo chồng em. Gần đây, Huấn có thái độ khó hiểu lắm. Huấn không nói gì hết, nhưng em đoán là Huấn đã tìm ra việc em gian dối, lỡ rồi, em không biết phải làm gì. Đôi lúc, em có thể nhìn thấy trong mắt Huấn tia sáng của một kẻ sắp làm một việc gì đó khủng khiếp lắm, như giết người chẳng hạn. Huấn sẽ giết ai, anh hay em?. Từ giác quan thứ sáu, em linh cảm một điều nguy hiểm sẽ xãy ra cho em, không sớm thì muộn. Anh hãy bỏ thành phố này, đừng bao giờ trở lại gặp em. Em van anh, trăm ngàn lần, hãy tìm quên ở một người con gái khác. Tình đã xa, anh đừng mong gì ở em nữa, coi như đây là lời cuối cho nhau. Vĩnh biệt". Huấn buông thỏng cánh tay, lá thư rơi xuống đất. Nhân viên điều tra đi đến, cúi lượm lá thư lên và nói: - Bây giờ tôi xin trả lời cho xong câu hỏi của ông lúc nãy: Văn phòng thám tử tư đã dựng lên một vỡ kịch. Trong đó, nam diễn viên là ông và nữ diễn viên chính là nữ thám tử mỹ miều, duyên dáng tên Hạnh. Cô ta đã thi hành công tác này quá tuyệt vời. Những gì ông nói đều được ghi âm, nhưng chỉ có đoạn băng ông vừa nghe là đáng giá thôi. Huấn nhớ lại, Hạnh đã lấy ví tay trên đầu giường để soi gương và chải tóc khi chàng bắt đầu nói. Hồng Hoang |
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
mykieu
Senior Member Tham gia ngày: 10/Jun/2009 Thành viên: OffLine Số bài: 3471 |
Gởi ngày: 01/Jan/2015 lúc 8:51pm | ||||||||
Giọt Máu Rơi Của Người
Lính Chết Trẻ
* * *
__._,_.___
|
|||||||||
mk
|
|||||||||
IP Logged | |||||||||
<< phần trước Trang of 14 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |