Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Chuyện Linh Tinh | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh |
Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. | |
<< phần trước Trang of 102 |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23194 |
Gởi ngày: 16/Jan/2025 lúc 1:37pm |
Qua Cơn Mê (Văn Nghệ Tết Trong Trại Tù Yên Hạ)
…”Bạn ơi nếu tôi có một điều ước, tôi ước mong cho ngày nào trời đất phong quang, chúng ta được trở về đất nước Việt Nam yêu dấu, muốn đi đâu thì đi. Tôi sẽ đi tới những trại tù năm cũ, thăm lại người xưa, thăm lại các bạn tù chúng ta còn nằm lại. Tôi sẽ tới trại Yên Hạ, tới quận Phù Yên hỏi xem ông cụ Việt trại trưởng năm xưa còn sống hay không? Nếu gặp được ông cụ tôi sẽ nầm lấy tay mà nói “Tôi là là cựu tù nhân Yên Hạ đây, cụ còn nhớ tôi không, thưa cụ?”… Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em…- Trần Trịnh- Nhật Ngân.Tôi vừa nhận thư từ Seattle, Mỹ gửi sang. Không phải những người bạn thân quen của tôi mà nhìn tên người gửi thấy đề T. Nguyen lạ hoắc. Sang xứ sở văn minh thực dụng này, tên tuổi lộn đầu lộn đuôi mà chữ viết cũng ít khi dùng đến nên tôi cầm lá thư mà chưa nhớ ra ai. Mỗi người sinh ra trên trái đất này đều có một nhân dáng riêng, cũng như có một nét chữ riêng, có ai giống ai đâu? Bây giờ bỏ cái riêng tư ấy đi, dùng toàn chữ in sẵn trong computer – tiện lợi thì có tiện lợi thật nhưng cầm cái thư tôi thấy nó lạnh lùng, khô khốc… Bề ngoài bao thơ không cho tôi một tín hiệu tình cảm nào, tôi hờ hững mở thư. Nhưng vừa đọc, tôi đã vô vàn cảm xúc: “Anh P. ơi, chắc anh không nhớ được em đâu, nhưng em nhớ anh hoài, em nhớ “ông già chăn ngựa”. Em là “La Sơn Phu Tử” đây.” Những cụm từ “ông già chăn ngựa ” và “La Sơn Phu Tử” đã như chiếc chìa khóa mở ra một quãng đời tù tưởng đã nhạt nhòa trong ký ức…Dạo
ấy là cuối năm 1977, chúng tôi vừa từ giã trại tù quân quản Liên trại 2 để đến
một nhà tù chính thức Yên Hạ – Sơn La thuộc Công an – Bộ Nội vụ. Cùng là đi cải
tạo nhưng bên trong có chia ra nhiều loại. Loại cải tạo trong Nam tương đối nhẹ
nhàng hơn, ngắn hạn hơn. Tù nặng, tù lâu là ra Bắc. Những năm đầu ra Bắc, tù
đặt dưới quyền quân quản, tức là do bộ đội quản lý. Sau chừng từ 2 đến 3 năm tù
được chuyển dần từ trại “trâu xanh” (bộ đội) sang trại “bò vàng” (công an). Ở
trại tù chính thức của Bộ Nội vụ như trại Yên Hạ này chúng tôi được gặp những
bạn tù anh em ta bị bắt từ hồi Mậu Thân (1968) cũng như một số anh em khác, tù
binh từ trận Hạ Lào (1971). Những trại tù này thường là trại hỗn hợp vừa có tù
chính trị (như tụi tôi) vừa có tù hình sự. Bên hình sự có thiếu gì những người
tù bị hình án nặng nề từ 20 năm đến chung thân ở đây.Đến trại Yên Hạ này, tôi
được gặp Trung tá Kh., dân Tiếp vận bị bắt hồi Mậu Thân khi về Huế ăn Tết thăm
gia đình. Anh còn sống sót không nằm trong nấm mồ tập thể mấy nghìn người, kể
ra cũng phải tạ ơn Trời Phật. Cho đến lúc này thì Kh. đã có thâm niên 9 năm tù,
kinh nghíệm hơn tụi tôi nhiều lắm (mới có trên 2 năm). Khi được hỏi về sự khác
nhau, giống nhau giữa 2 trại trâu xanh và bò vàng Kh nói: “Một bên là dao
găm, một bên là thuốc độc, không biết bên nào êm ái hơn bên nào”. Ngừng một lát
Kh. Nói tiếp: “Tuy nhiên, qua các trại miền Bắc tôi thấy cuộc sống tù đày tùy
thuộc khá nhiều vào trại trưởng. Mới chuyển sang trại bò vàng Công an mà các
bạn được về đây là khá đấy. Ông cụ Việt, trại trưởng trại này là một biệt lệ
trong các cai tù… Rồi các bạn sẽ thấy”. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23194 |
Gởi ngày: 17/Jan/2025 lúc 9:12am |
Còn Gì Độc Ác HơnTrong cuộc sống, luôn có thiện và ác. Thiện và ác có mặt ở mọi nơi. Kể cả trong mỗi một con người. “Hướng thiện” là cái đích mà con người luôn cố gắng học hỏi, uốn nắn, tập tành cho được hoàn hảo hơn. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu người tốt nhiều hơn kẻ ác. Vào khoảng 6 giờ 35 phút sáng sớm ngày thứ Bảy, 07 tháng 10, 2023, quân khủng bố Hamas từ Dải Gaza mở một cuộc tấn công hỗn hợp bất ngờ, sử dụng hàng ngàn hỏa tiễn bắn tới tấp vào các thành phố Do Thái, ngay cả Tel Aviv và Jerusalem, đồng thời mở nhiều cuộc tấn công cùng lúc bằng đường bộ, từ biển và trên không, đa số nhắm vào các vùng kinh tế Kibuutz nằm gần Gaza, phía Nam Do Thái, gồm chừng 20 thị trấn và doanh trại quân đội. Bài viết này xin được miễn bàn cãi, suy diễn và đào sâu nguyên nhân về mặt chính trị, địa chính trị, ngoại giao, tôn giáo, quân sự dẫn đến các hiềm khích, chiến tranh giữa các nước Hồi Giáo Ả Rập nằm chung quanh Do Thái từ khi nước Do Thái tuyên bố độc lập tháng 5, 1948. Nền hòa bình mong manh trong vùng dễ bị khuynh đảo bởi những hành động khủng bố cực đoan Hồi Giáo từ các nhóm Hamas, thánh chiến Jhad, Hezbollah từ Lebanon, Al Qa’ida, Al-Aqsa, kéo theo là những trả đũa mạnh tay của Do Thái. Tuy nhiên cuộc chiến hôm nay do nhóm Hamas khởi động có kích thước quy mô hơn, dã man hơn, tàn bạo hơn, độc ác hơn so với những cuộc chiến tranh trước đây giữa các nước Hồi Giáo và Do Thái, khiến thế giới sững sờ và lên án nhóm quân khủng bố cùng những hành vi vô nhân đạo và khát máu của chúng. Mục đích của bài viết
này đặt trọng tâm vào sự dã man ghê tởm có phần rất giống nhau giữa cuộc tấn
công bất ngờ của nhóm khủng bố Hamas vào Do Thái tháng 10, 2023 và của Việt
Cộng vào Miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân, năm 1968. Trong cùng lúc phóng liên tục mấy ngàn hỏa tiễn một cách bừa bãi vào đa số các
thành phố ở miền Nam Do Thái, quân khủng bố Hamas đồng loạt tấn công các thị xã
gần Dải Gaza sau khi phá hàng rào biên giới ngăn cách giữa Gaza và Do Thái.
Chúng chạy tuôn vào các nhà dân chúng ở trong các khu kinh tế Kibuutz, bắn chết
bất cứ người dân nào chúng gặp trên đường, trong các xe, ngay cả trốn trong
nhà. Chúng xả súng tàn sát không chút thương tiếc vào đám đông đang dự
Supernova Festival Nhạc tại vùng đồng trống của Kibuutz Re-Im, sát hại 260
người và gây thương tích cho cả mấy trăm thường dân khác. Rồi tiến vào Kibbutz
Be’Eri bên cạnh, thảm sát thêm cả 100 thường dân gồm cả cha mẹ và con nhỏ đang
còn ngủ trong giường. Chúng còn chặt đầu những người chúng vừa sát hại, như tại
Kibuutz Be’er Sheva, xong rồi đốt luôn cả nhà. Tàn nhẫn chừng đó chưa đủ, chúng
còn reo hò, nhảy múa bên cạnh những xác người đầy máu và loang lổ vết thương,
lôi kéo, bắt đem theo về Gaza gần trên cả 200 người Do Thái và công dân nhiều
nước khác, gồm đủ mọi thành phần, kể cả các bé nhỏ, để làm con tin. Thế giới
nhiều lần phải sững sờ nhìn thấy các hình ảnh ghê sợ trên truyền hình, với cả
hàng chục xác người nằm chết trên đường chạy trốn, bên cạnh xe hơi và ngay cả
bên cạnh xe gắn máy, và trong các căn nhà.
Đây là một cuộc tấn công tồi tệ nhất vào Do Thái, gây tổn thất nặng nề cho an
ninh nước Do Thái. Số nạn nhân Do Thái bị giết chết lên hơn 1,300 người, với
hơn 3 ngàn người bị thương. Tổn thất của Quân đội Do Thái là 189 quân nhân tử
trận, trong đó có 2 vị đại tá, và 41 nhân viên cảnh sát. Ngoài các nạn nhân Do
Thái, còn có 22 công dân Mỹ, và nhiều công dân của các quốc gia Âu Châu, và xa
như Thái Lan, Argentina… bị thảm sát và bị bắt làm con tin.
QUẢ RẤT ĐÚNG KHI NÓI
BỌN KHỦNG BỐ LÀ ĐỘC ÁC NHẤT
Khi Miền Nam Việt Nam phải chiến đấu bảo vệ đất nước chống xâm lăng do Miền Bắc
CS chủ chốt, Việt Cộng luôn được xem như những phần tử khủng bố. Cũng như các
nhóm quá khích bạo động, hay khủng bố Hồi Giáo tự cho là chúng có chính nghĩa,
có những hành động dã man giết người thường được ẩn núp và ngụy biện dưới cái
tên rất kêu là Thánh Chiến, Việt Cộng không những cũng vậy mà còn hơn nhiều. Việt Cộng chủ trương bạo động, đàn áp người
khác chính kiến, khủng bố và tàn sát vô cớ dân lành, tất cả cũng vì lý tưởng CS
– muốn nhuộm đỏ đất Miền Nam. Người cộng sản đầy mưu mô thâm độc, được nuôi
dưỡng trong hận thù vô sản với mục đích giết và giết để cưỡng chiếm tất cả cho
chủ nghĩa của chúng. Và chúng đã không từ bỏ bất cứ hành động khát máu và giết
người một cách vô nhân đạo để đạt được mục đích. Sự ác độc, mưu mô và dã man của VC còn hơn xa
những tên khủng bố Hamas.
Trong khi Hamas, kẻ thù truyền kiếp của Do Thái, chủ tâm giết bất cứ ai là
người Do Thái, những người thuộc chủng tộc Hebrew với đạo Judaism, ngôn ngữ
Hebrew và một nền văn minh hoàn toàn khác hẳn với nguồn gốc Ả Rập của dân
Palestine với đạo Islam, ngôn ngữ Palestinian Arabic và nền văn minh nguyên
thủy Arab Islamic, Việt
Cộng hung bạo còn hơn vậy, giết đồng loại có cùng một tiếng nói, một màu da,
cùng chung máu mủ, chung một nòi giống với 4 ngàn năm văn hiến. Chỉ khác nhau
chăng với ý thức hệ CS của Tam Vô: vô gia đình, vô tổ quốc và vô thần, và Tam
Bất: bất nhân, bất tín, bất nghĩa – nói một đường làm một nẻo, vừa đánh trống
vừa ăn cướp, chúng được huấn luyện trở thành những con người hung ác đầy thú
tính – ngược với VNCH với
một xã hội nhân bản dựa trên nền tảng tử tế do truyền thống giáo dục từ gia
đình, toàn dân sống trong tự do thanh bình và những quân nhân cầm súng chống
xâm lăng với tinh thần thượng võ và nhân đạo.
Có ai trong chúng ta
mà không từng tự mắt thấy, tai nghe hay đọc trên sách báo những chuyến xe hành
khách bị nổ tung vì mìn VC, những vụ ám sát giữa ban ngày, những bao bố buộc
chặt miệng quăng xuống sông, những thây người bị chặt đầu trong đêm, những cuộc
pháo kích bừa bãi vào các trường học, thành phố, hay những vụ quăng lựu đạn vào
các khu chợ, gài nổ Plastic ở những nơi đông người…
Có ai trong chúng ta có thể quên được biến cố Mậu Thân 1968 khi quân đội CS,
dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhận mật lệnh từ CS Miền Bắc, đã
đơn phương xé lệnh ngưng bắn ký kết giữa đôi bên để chủ mưu tấn công lén và bất
ngờ Miền Nam Việt Nam. Đúng vậy! Có ai ngờ quân CS đã tráo trở xé thỏa thuận hưu chiến, đem chiến
tranh đến tận các thành phố trong những ngày thiêng liêng của đất nước, Tết Mậu
Thân năm 1968. Biết bao nhiêu thường dân đã sống lo âu sợ hãi khi nhìn thấy
chiến tranh với bom đạn và chết chóc đến ngay tận làng xóm mình, tận nơi nhà
mình, như trường hợp gia đình tôi bị kẹt tại khuôn viên trường Nữ Trung Học
Đồng Khánh trong cả tuần với đám lính CS chính quy thuộc một trung đoàn được
điều động từ Quảng Bình vào tận Huế. Đã nhìn thấy cảnh đổ nát kinh hoàng của
thành phố, đã bị kẹt giữa hai lằn đạn? Đã chứng kiến sự dã man tàn ác của phe
gọi là giải phóng? Có bao nhiêu người là chứng nhân cho sự thảm sát Tết Mậu
Thân tại Huế khi người thân trong gia đình, người quen trong khu phố bị chết
oan, giết chết ngay trong nhà mình, trong xóm mình, hay bị bịt mắt đem đi thủ
tiêu, bị tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột chùm
chôn sống với 2 tay bó chặt đằng sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những
hố chôn tập thể tại trường Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…?
Biết bao ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và gần một nửa thành phố Huế
đã chít khăn tang. Và biết bao nhiêu tên VC nằm vùng hay từ rừng trở về, như 2
anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân… vì tư thù cá nhân đã
cho người đi lùng từng nhà trong từng xóm, ruồng bắt, uy hiếp giết chết không
gớm tay những quân nhân về thăm nhà, đã kêu gọi hàng trăm nam nhân đi họp hay
vào tận nhà thờ bắt hàng trăm thanh thiếu niên chạy loạn trốn bom đạn để sau đó
đem đi chôn sống.
VC còn đáng ghê tởm hơn cả khủng bố Hamas say máu giết người trong những giờ
đầu khi chúng tràn ngập các thị xã Do Thái, vì VC đe dọa, khủng bố và nhẫn tâm
giết sạch không gớm tay trên cả 5 ngàn nạn nhân, theo một danh sách máu có sẵn,
trong khi Huế hoàn toàn nằm cả tháng trong tay của chúng. Trong những nạn nhân
của chúng, có 4 vị giáo sư bác sĩ người Đức đang dạy tại Đại học Y Khoa Huế,
gồm 3 nam và một nữ, chôn chung trong một hố. Thế giới sững sờ, và công phẫn
khi nhìn thấy sự dã tâm và khát máu của CS giết người hàng loạt trong khi lại
nhân danh giải phóng. Thật là mỉa mai và quá hãi hùng. Ngoài Huế ra, VC còn
tấn công Saigon và nhiều thành phố khác. Chúng trốn núp trong nhà dân, lấy dân
làm bia đỡ đạn, đốt xóm làng để lẩn tránh. Chúng xông vào các cơ quan chính phủ
tàn sát bắn giết tất cả, không chừa đàn bà con nít. Như trường hơp của Trung Tá
Thiết Giáp Nguyễn Tuấn bị khủng bố VC đột nhập vào nhà, xả súng bắn chết cả vợ
chồng cùng 5 con nhỏ. Riêng có một bé trai bị thương nằm bên cạnh xác mẹ trong
2 giờ trước khi được tìm thấy và cứu sống. Bé trai sống sót ấy, Nguyễn Từ Huấn,
di tản qua Hoa Kỳ theo gia đình của chú năm 1975, gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ và
được thăng cấp Phó Đề Đốc Hải Quân Hoa Kỳ trong năm 2019. Và có ai trong chúng ta quên được thảm cảnh hàng ngàn thường dân vô tội bị chết
không toàn thây vì đạn pháo cường tập trên Đại Lộ Kinh Hoàng, tại thị trấn Xuân
Lộc, trên các con đường di tản…
QUẢ RẤT ĐÚNG KHI NÓI
BỌN KHỦNG BỐ LÀ ĐỘC ÁC NHẤT
Trước sự tấn công bất ngờ của nhóm khủng bố Hamas gây thiệt hại nặng về nhân
mạng cũng như về tài sản, cơ sở nhà cửa, Do Thái bắt buộc phải tuyên bố tình
trạng chiến tranh, nhanh chóng chống trả, hành quân tảo thanh và tiêu diệt
1,500 quân khủng bố ẩn núp trong các kibuutz phía Nam Do Thái, đồng thời thả
bom và bắn phá các cơ sở của Hamas, phong tỏa mọi ngõ vào Gaza, cắt tất cả
nguồn cung cấp thực phẩm, điện, nước, và gọi động viên toàn quốc với 3 trăm
ngàn binh sĩ trừ bị trong đợt đầu và thêm sáu chục ngàn trong đợt kế tiếp.
Trong những ngày sắp tới, Do Thái bắt đầu đưa quân đội tảo trừ quân khùng bố
ngay tại Gaza. Vậy là bão lửa đổ xuống dân lành Palestine. Mặc dù trước khi
đánh bom vào cơ sở của Hamas nằm trong các chung cư có cả dân chúng, Do Thái
loan báo cho dân chúng biết 1 giờ trước để họ nhanh chóng rời xa. Vậy mà cũng
có trên 1 ngàn dân Palestine bị chết, trên 5 ngàn bị thương, và gần nửa triệu
dân di tản. Con số nạn nhân chắc sẽ còn tăng cho đến khi Do Thái đạt được mục
tiêu tối hậu: sự an toàn cho toàn dân Do Thái.
Hamas chủ mưu tấn công bất ngờ Do Thái bất chấp đến sự thiệt hại về sinh mạng
của dân Palestine của họ tại Gaza. Trên truyền thông, Hamas cho biết “chiến
dịch bão Al Aqsa” để trả đũa Do Thái xúc phạm thánh địa Al Aqsa tháng 5, 2021,
thực tế, họ chỉ muốn lặp lại và làm vang danh cuộc chiến xẩy ra 50 năm trước,
gọi là cuộc chiến Yom Kippur khi 2 nước Ai cập và Syria bất ngờ tấn công Do
Thái vào ngày 6 tháng 10, 1973, và ngưng vào ngày 25 cùng tháng 10, 1973. Tuy
được nhìn nhận như nước chiến thắng, có thêm phần đất ở Sa Mạc Sinai và Đồi
Golan, nhưng Do Thái cũng bị chê trách thiếu chuẩn bị và bị nhiều thiệt hại.
Thì nay, lịch sử lặp lại, tình báo Do Thái bị qua mặt dễ dàng, Do Thái quá lơ
là và tin tưởng kẻ thù vẫn ngủ yên.
Cuộc tấn công lén của VC vào Miền Nam VN trong Mậu Thân 1968 cũng gần như vậy.
Tuy bị tổn thất khoảng 45 ngàn VC và lính chính quy Miền Bắc, và hạ tầng cơ sở
nằm vùng bị phá vỡ, nhưng phe CS đã gây được áp lực trên quốc tế, mở màn cho
cuộc hòa đàm tại Paris năm 1973, và đưa đến sự sụp đổ của VNCH năm 1975.
Cuộc chiến giữa Hamas và Do Thái gây rất nhiều thiệt hại sơ khởi cho Do Thái và
kế đó cho quân khủng bố Hamas cùng với dân chúng của Palestine. Bao nhiêu cao
ốc, nguyên từng khu vực, ngay cả bệnh viện, bị oanh tạc phá hủy. Cuộc chiến sẽ
còn kéo dài trong nhiều tuần nữa, và có thể lan rộng đến nhiều nước, làm cho
tình hình thế giới thêm bất ổn trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn bất
phân thắng bại, kéo theo sự quan ngại Tây Phương sẽ lặng lẽ bỏ rơi Ukraine đưa
đến đàm phán giữa đôi bên mà kết quả thấy trước sẽ thiệt thòi cho Ukraine. Nếu
Do Thái quá mạnh tay khiến tổn thất nhân mạng dân Palestine trong Gaza tăng
nhiều, làn sóng di tản của dân Palestine quá lớn gây khủng hoảng cho viện trợ
nhân đạo quốc tế, Do Thái sẽ bị áp lực phải thương thuyết. Thương thuyết với
một nhóm khủng bố??!! Thật khó chấp nhận, trong khi chính sách của Do Thái từ
trước đến nay là Mắt Đổi Mắt-Răng Đổi Răng.
Muốn có hòa bình, không những cần phải có thiện tâm và hòa hoãn của cả 2 phía,
mà thật sự phải cần sự hiệp thông cầu nguyện xin Thiên Chúa hoán cải con người
cho được hoàn thiện hơn. Xin Chúa soi sáng lương tâm của những người có trách
nhiệm, và xin Chúa xoa dịu các vết thương chiến tranh. Là người Công Giáo,
chúng ta cần phải Lần Hạt Mân Côi với một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và 1
kinh Sáng Danh, như lời khuyên của Đức Mẹ Fatima trước đây, đồng thời dâng sự
hãm mình của cá nhân lên cho Chúa, tập tha thứ, tập yêu thương kẻ thù để từ đó
xóa bỏ hận thù. Vì phải chăng Chúa từng nói với các môn đệ: Thầy bảo các anh
em: HÃY YÊU KẺ THÙ và cầu nguyện cho những kẻ từng ngược đãi anh em. Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người
cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa xuống trên
người công chính cũng như bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương
mình, thì anh em nào có công chi?
Vĩnh Chánh
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23194 |
Gởi ngày: 17/Jan/2025 lúc 10:03am |
Một bộ phim tài liệu đặt dấu hỏi về tác giả bức ảnh ‘Cô bé Napalm’Hơn
nửa thế kỷ sau, một bộ phim tài liệu đang đặt dấu hỏi về người chụp bức
ảnh này và nhiếp ảnh gia đã nghỉ hưu của AP, người từ lâu được ghi nhận
là tác giả bức ảnh này, khẳng định đó là ảnh của ông và chủ nhân lâu
năm của ông cho biết không có bằng chứng nào cho thấy có người nào khác
đứng sau ống kính máy ảnh. Bộ
phim về bức ảnh đoạt giải Pulitzer này, nhan đề “The Stringer”, dự kiến
sẽ ra mắt vào tuần tới tại Liên hoan phim Sundance. Cả nhiếp ảnh gia
Nick Út và chủ nhân lâu năm của ông đều kịch liệt phản đối, và luật sư
của ông Út đang tìm cách ngăn chặn buổi ra mắt phim, đe dọa sẽ kiện phỉ
báng. AP, đơn vị đã tiến hành cuộc điều tra riêng trong sáu tháng, đã
kết luận rằng họ “không có lý do gì để tin rằng bất kỳ ai khác ngoài ông
Út đã chụp bức ảnh này”. Bức ảnh Kim Phúc chạy trên đường ở Trảng Bàng, gào thét và trần truồng vì đã cởi bỏ quần áo bị cháy vì bom napalm, ngay lập tức trở thành biểu tượng cho nỗi kinh hoàng của Chiến tranh Việt Nam. Được
chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972, bức ảnh được ghi công cho ông Út, khi
đó là một nhân viên 21 tuổi tại văn phòng AP ở Sài Gòn. Ông đã được
trao giải Pulitzer một năm sau đó. Ông Út, nay 73 tuổi, đã chuyển đến
California sau chiến tranh và làm việc cho AP trong 40 năm cho đến khi
nghỉ hưu vào năm 2017. Các
nhà làm phim nói bộ phim của họ phơi bày “một scandal đằng sau việc tạo
ra một trong những bức ảnh được công nhận nhất của thế kỷ 20”. Tranh
chấp này khiến các nhà làm phim bất đồng quan điểm với ông Út, người có
tác phẩm định hình sự nghiệp của mình vào ngày hôm đó. Vụ tranh chấp
cũng khiến các nhà làm phim bất đồng quan điểm với AP, một tổ chức tin tức toàn cầu coi độ chính xác là một phần nền tảng của mô hình công việc. Dấu hỏi về bức ảnh bắt đầu từ đâu? Ông
Ron Burnett, một chuyên gia về hình ảnh và là cựu chủ tịch của Đại học
Nghệ thuật và Thiết kế Emily Carr, nói về bức ảnh này: “Nó đã thay đổi
cách mọi người vẫn nghĩ về ảnh và phá vỡ các quy tắc về mức độ bạo lực
mà bạn có thể thể hiện trước công chúng”. Bức ảnh này không bị tranh chấp gì trong hầu hết 53 năm tồn tại. Những năm sau này, một câu chuyện phản biện đã xuất hiện rằng bức ảnh này được chụp bởi một người khác, một người từng làm việc cho NBC News vào thời điểm đó và hiện cũng đang sống ở California. Người này được cho là đã giao phim của mình cho văn phòng AP với tư cách là “cộng tác viên”. Đội
vợ chồng Gary Knight, sáng lập viên của tổ chức VII Foundation, và nhà
sản xuất Fiona Turner đứng sau bộ phim tài liệu vừa kể. Trên trang web
của mình, ông Knight mô tả “The Stringer” là “một câu chuyện mà nhiều
người trong nghề của chúng tôi không muốn kể, và một số người trong số
họ vẫn tiếp tục nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng câu chuyện không được kể
ra”. Ông Knight không trả lời tin nhắn yêu cầu bình luận từ AP vào
ngày 16/1. Một đại diện từ Sundance cũng không trả lời tin nhắn về một
lá thư từ luật sư của ông Út là ông James Hornstein, cố gắng ngăn chặn
việc phát sóng bộ phim. Luật sư Hornstein không cho ông Út trả lời phỏng
vấn lúc này vì dự đoán sẽ có các vụ kiện tụng trong tương lai. Ông Knight và bà Turner đã gặp AP tại London vào tháng 6 năm ngoái về các cáo buộc vừa kể. Theo AP, các nhà làm phim đã yêu cầu AP ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin NDA trước khi họ cung cấp bằng chứng. AP đã từ chối. Điều đó đã cản trở cuộc điều tra của AP. Ông Horst Faas, giám đốc hình ảnh của AP tại Sài Gòn năm 1972, và ông Yuichi “Jackson” Ishizaki, người rửa phim của ông Út, đều đã qua đời. Nhiều hồ sơ của văn phòng Sài Gòn đã bị mất khi những người cộng sản chiếm thành phố. Các âm bản của những bức ảnh được sử dụng vào thời điểm đó được lưu giữ trong kho lưu trữ của công ty AP tại New York, nhưng chúng không cung cấp thông tin chi tiết cho cuộc điều tra. Tuy nhiên, AP đã quyết định công bố những phát hiện của riêng mình trước khi xem bộ phim “The Stringer” và các chi tiết về tuyên bố mà phim đưa ra. AP nói họ “sẵn sàng xem xét mọi bằng chứng và thực hiện bất kỳ hành động khắc phục nào có thể cần thiết nếu luận điểm của họ được chứng minh là đúng”. Một số người có mặt ở đó chắc chắn về những gì đã xảy ra AP
cho biết họ đã nói chuyện với bảy người sống sót có mặt ở Trảng Bàng
hoặc ở văn phòng AP tại Sài Gòn vào ngày hôm đó, và tất cả đều khẳng
định họ không có lý do gì để nghi ngờ kết luận của riêng họ rằng ông Út
đã chụp bức ảnh ấy. Một người là Fox Butterfield, một phóng viên kỳ cựu nổi tiếng của tờ New York Times, người cũng cho biết ông đã được bà Turner liên hệ để làm phim tài liệu. Ông Butterfield nói với AP rằng “Tôi đã nói với họ về ký ức của tôi và họ không thích điều đó, nhưng họ vẫn tiếp tục làm”. Một người khác là nhiếp ảnh gia David Burnett, người cho biết ông đã chứng kiến ông Út và ông Alexander Shimkin, một nhiếp ảnh gia tự do làm việc chủ yếu cho Newsweek, chụp ảnh khi Kim Phúc và những đứa trẻ khác chui ra khỏi đám khói sau cuộc tấn công. Theo cuộc điều tra, ông Shimkin đã thiệt mạng ở Việt Nam một tháng sau đó. Một nguồn tin quan trọng cho câu chuyện trong phim “The Stringer” là ông Carl Robinson, khi đó là biên tập viên ảnh cho AP tại Sài Gòn, người ban đầu quyết định không sử dụng bức ảnh nhưng quyết định của ông đã bị bác. AP đã liên hệ với ông Robinson như một phần của cuộc điều tra, nhưng ông cho biết đã ký một NDA với ông Knight và VII Foundation. Ông Knight sau đó cho biết ông Robinson có thể trao đổi nhưng không được đưa lên mặt báo. AP cho rằng việc này ngăn cản AP làm sáng tỏ sự thật. Khi làm nhiệm vụ tại Sài Gòn vào ngày hôm đó, ông Robinson đã kết luận rằng bức ảnh của ông Út không thể được sử dụng vì nó sẽ vi phạm các tiêu chuẩn về cấm khỏa thân. Nhưng ông Faas đã bác bỏ, và các biên tập viên cấp cao của AP tại New York đã quyết định cho đăng bức ảnh vì những gì nó truyền tải về chiến tranh. AP đặt
câu hỏi về sự im lặng kéo dài của ông Robinson trong việc phản bác ông
Út là tác giả bức ảnh. AP đã trưng ra bức ảnh từ kho lưu trữ của mình,
trong đó cho thấy ông Robinson uống rượu sâm-panh chúc mừng Giải thưởng
Pulitzer của ông Út. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005 với kho lưu trữ
của AP, ông Robinson cho biết ông nghĩ AP “đã
tạo ra một con quái vật” khi phát hành bức ảnh vì phần lớn sự đồng cảm
của thế giới tập trung vào một nạn nhân, thay vì các nạn nhân chiến
tranh nói chung. Cựu phóng viên AP, Peter Arnett, người tin rằng ông Út đã chụp bức ảnh, cho biết ông Robinson đã viết thư cho ông sau cái chết của ông Faas vào năm 2012 để đưa ra cáo buộc rằng ông Út không chụp bức ảnh đó; ông nói rằng ông không muốn làm điều đó khi ông Faas vẫn còn sống. Theo cuộc điều tra của AP, ông Arnett nói ông Robinson đã bảo với ông rằng ông Út đã “trở thành Hollywood” và ông không thích điều đó. Ông Hornstein mô tả ông Robinson, người đã bị AP sa thải vào năm 1978, là “một gã có mối thù truyền kiếp 50 năm với AP”. Ông cũng đặt câu hỏi về sự im lặng kéo dài của người đàn ông mà bộ phim tài liệu cho là tác giả thực sự của bức ảnh. Luật sư cũng đưa ra một tuyên bố từ Kim Phúc, người cho biết mặc dù cô không nhớ gì về ngày hôm đó, nhưng chú của cô đã nhiều lần nói với cô rằng ông Út đã chụp bức ảnh đó và cô không có lý do gì để nghi ngờ ông ta. Ông Út cũng đã đưa cô đến bệnh viện gần nhất sau khi bức ảnh được chụp, cô viết.
AP |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23194 |
Gởi ngày: Hôm nay lúc 8:45am |
Chuyện Về Chị Kim Tiên
Một chuyện tình đẫm lệ thời chinh chiến. Thật đáng thương cho những người đã sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến quốc cộng tương tàn thảm khốc. Chị biết anh vì hai gia đình ở chung xóm gần chợ Gia Định. Chị cũng là bạn cùng lứa với em anh từ trường tiểu học cho đến lúc vào trường Trưng Vương. Anh học Khoa Học Sài Gòn. Thỉnh thoảng anh dừng chân ở quán nhà chị ở đầu ngõ, chào hỏi vu vơ, nói đôi ba câu chuyện. Kêu chị là bé dù anh chỉ hơn chị chừng 5 tuổi. Vậy mà chị lại thích, chị có cảm giác mình thật bé bỏng khi đứng bên cạnh anh thật cao lớn, cần sự che chở của anh. Năm lên lớp 11, chị thấy anh vắng mặt một thời gian ngắn, qua nhỏ bạn biết anh động viên vào Thủ Đức. Rồi anh lại hiên ngang xuất hiện sau đó với bộ đồ hoa dù và nón Beret đỏ. Cuộc tình bắt đầu, với người yêu là một Thiên Thần Mũ Đỏ. Ở tuổi 17, chị lớn dần trong tình yêu trầm lặng của anh, trở thành một thiếu nữ chín chắn, trong khi đó đời sống nội tâm cùng sự lo sợ triền miên đôi khi khiến chị cảm thấy lạc lõng giữa chúng bạn ở lứa tuổi ô mai. Niên học 1974-1975, chị bước vào năm thứ nhất Văn Khoa. Anh vẫn miệt mài với đơn vị ở những chiến trường xa. Những lá thư yêu thương anh gửi chị chỉ ghi cái địa chỉ KBC 4794 lạ hoắc. Cuối tháng Hai 1975, anh bất ngờ có mấy ngày về phép. Đêm trước ngày trở lại đơn vị, anh đưa chị đi ăn chè góc Bạch Đằng/ Nguyễn Huệ. Ngồi quán chè, cùng nhìn ra sông Saigon, chị bỗng nghe anh nói bằng một giọng nhẹ nhàng, “Ngày mai anh trở ra lại mặt trận. Em ở nhà bình an. Chuyến đi này không biết bao giờ anh về thăm em được. Tình hình rất căng. Đôi khi anh nghĩ may ra anh bị thương thì chúng mình mới có cơ hội để thành vợ chồng!” Lẫn trong tiếng nói, chị tưởng như bên tai mình có hơi thở của anh. Vị ngọt của muỗng chè bỗng trở thành vô vị nơi cuối lưỡi. Chị quay lại nhìn anh. Hai bàn tay tìm nhau. Không, không thể chờ đến khi anh bị thương… Nhận ra bàn tay mình run rẩy trong tay anh, chị nói “Thôi mình về đi anh”. Khi lặng lẽ rời quán chè bờ sông, anh không cầm tay chị. Chắc anh không hiểu sao buổi hẹn hò bỗng bị chị cắt ngắn, đòi về. Nhìn vẻ thất vọng một cách tội nghiệp trên khuôn mặt sạm đen của anh, chị thấy thương anh chi lạ. Phải cố gắng lắm chị mới có thể nói với anh bằng giọng bình tĩnh: “Mình về nhà trọ của anh đi, em có chuyện muốn nói.” Ngay khi cánh cửa phòng riêng của anh trong nhà trọ vừa khép lại, chị đứng trước anh, nhìn anh, rồi nói như sợ không còn cơ hội nào khác “Đêm nay em sẽ ở lại đây. Em muốn chúng mình thuộc về nhau đêm nay. Em không muốn chờ đợi thêm nữa.” Không chờ cho anh kịp phản ứng, chị rơi mình vào vòng tay anh, mặt đầm đìa nước mắt. Cả hai xớ rớ ngồi cạnh giường, luống cuống đến tội nghiệp. Bên cho với tê tái khắc ghi. Bên nhận trong nghiệt ngã đắn đo. Sau đó, cả hai dựa sát vào nhau; anh trầm tư ôm vai chị, che chở trìu mến, chị ngã đầu trên tay anh, nhìn lên trần nhà, mủi lòng, mặc cho nước mắt tự nhiên tuôn trào. Thương anh, thương mình, lo sợ cho số kiếp con người mong manh. Chị biết chị vừa đi ngược sự giáo dục gia đình, nhưng chị không cảm thấy nuối tiếc, vì chị nhận rõ một khi tình yêu và hy sinh để trở thành một thì không có gì tuyệt đẹp hơn là giờ phút bên nhau trong hiện tại. Y như câu truyện “Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết.” * “Này em khăn áo vẫn còn nếp nhầu Lược gương đâu có nỡ nào quên bóng hình Này em, chăn gối vẫn còn ấm nồng Chỉ người năm cũ như bóng trăng gầy liệm cuối sông…” Đêm đầu tiên và cuối cùng có nhau, chị biết đơn vị dù của anh đang hành quân vùng cao nguyên. Ngày 10 tháng Ba năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ. Sau đó có tin Pleiku, Kontum bị rút bỏ. Từ vùng hành quân, anh nhờ lính hậu cứ nhắn tin cho chị biết. Và đó là lần cuối cùng chị được tin anh. Cuối tháng 3, chị được biết TĐ của anh cùng chung số phận với Lữ Đoàn 3 ND, đánh cho đến người cuối cùng ở Khánh Dương, rồi phân tán mỏng. Trên đường rút quân, đơn vị đã không tìm thấy anh. Mất tích? Tử thương? Bị bắt làm tù binh? Quả là tội nghiệp cho một thiếu nữ như chị, với chỉ danh nghĩa người yêu của lính, xuôi ngược chạy tìm tin tức của anh, từ hậu cứ TĐ đến Bộ Tư Lệnh SĐ, hoặc ủ rũ chờ đợi, nghe ngóng tin tức ở nhà anh. Ngày 29 tháng 4, người anh cả của chị, một sĩ quan HQ, chạy nhanh về nhà, hối thúc cha mẹ, thằng em trai và chị ra bến Bạch Đằng, lên thuyền rời nước. Như một người máy trôi theo dòng đời, chị ra đi mà lòng quặn đau, bất định, biết rằng từ đây mọi người vĩnh viễn mất nước. Và chị, vĩnh viễn xa rời và mất luôn cả anh. Ngày đến trại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, chị mới biết mình có thai được trên 2 tháng. Trong khi cả gia đình chị bấn loạn, cá nhân chị vừa lo lắng vừa hân hoan với mầm sống của anh trong người. Qua bao nhiêu gian nan, cam go chịu khổ chịu cực, chịu cảnh gái chưa chồng nhưng có con, chị can đảm vượt thoát mọi thử thách, mọi e dè để cuối cùng định cư ở Fort Polk, tiểu bang Louisiana với một người chồng Mỹ vào năm 1984. Chị cố tạo cho mình một vườn hoa trái nơi chị nhận làm quê hương thứ hai, nhưng đa số là trái ngang trái trắc trở, trái sầu trái đắng, trái chua trái cay, là tiềm ẩn từ bao thôi thúc vương vấn, bao bùi ngùi luyến thương của mất nhau, hoài nhau không thể chối từ mà cũng chẳng thể vứt bỏ vì đó là những bám víu giúp chị can đảm sinh tồn. * Gần cuối thập niên 80, tôi tình cờ gặp chị trong một phiên trực tại phòng cấp cứu của Bệnh Viện Baynes Jones Army Community tại Fort Polk, tiểu bang Louisiana, nơi vốn là bản doanh của sư đoàn 5 cơ giới Hoa Kỳ đã có mặt tại chiến trường VN. Con gái chị, với khuôn mặt Việt Nam, khoảng 13-14 tuổi, té xe đạp, không bị thương tích nặng ngoại trừ vài vết thương trầy trụa ngoài da. Nhìn thấy tôi là một bác sĩ người Việt, chị mừng rỡ bắt chuyện. Kể từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau đôi lần, cũng tại bệnh viện quân đội Mỹ, có luôn cả người chồng Mỹ của chị là một thiếu tá hồi hưu từng tham chiến 2 lần tại Việt Nam. Vài năm sau chồng chị qua đời vì bệnh tim, chị trở thành bệnh nhân của tôi tại phòng mạch tư. Đó cũng là thời gian tôi khám phá chị bị ung thư vú và chuyển chị qua bác sĩ chuyên khoa. Trong một lần nói chuyện dài hơn, chị mở lời tâm sự về chuyện tình của chị trong chiến tranh VN, về người cha của con gái chị. Chị cho biết chị cầu nguyện hàng ngày hầu mong biết tin tức về anh, sống chết như thế nào sau trận đánh ở Khánh Dương, nhưng không mấy hy vọng cũng như đã từng cố gắng tìm kiếm qua các cộng đồng người Việt tỵ nạn trong bao năm qua. Không lâu sau đó, chị rời vùng Fort Polk trở về sinh sống với cha mẹ chị ở Springdale, tiểu bang Arkansas. * Chào bác sĩ. BS. còn nhớ tôi không?? Tôi là Kim Tiên đây…Vâng, đúng rồi đó. Vâng. Cám ơn BS. Bố mẹ tôi bình yên… Con gái tôi vừa vào năm thứ nhất Đại học cộng đồng tại đây. Dạ cám ơn BS. Chắc cháu sẽ vui khi biết BS vẫn còn nhớ đến cháu và gởi lời thăm… Thưa BS. hiện tại ung thư của tôi ở giai đoạn cuối, các bác sĩ bên này cho biết tôi còn sống được khoảng 6 tháng nữa… Dạ. Cám ơn BS… Dạ không sao! Tôi muốn báo một tin rất vui cho BS. biết là tôi vừa tìm được tin tức của cha con gái của tôi rồi… Cám ơn BS chung vui với chúng tôi. Vâng, anh ấy vẫn còn sống tại Việt Nam… Dạ, tôi may mắn tìm ra được em gái của anh, cũng qua Mỹ với chồng theo chương trình H.O cuối năm 1991. Nhờ trời thôi BS ạ…Dạ, qua chương trình Nhịp Cầu Thân Yêu của đài Little Sài Gòn loan báo… Thưa BS., chính tôi cũng không biết được tình trạng của anh ra sao! Em gái của anh nhất định không chịu nói nhiều. Chỉ cho địa chỉ một người trung gian… Nên tôi quyết định về VN một chuyến, trước là để thăm mộ bên nội ngoại của tôi, sau sẽ tìm đến thăm anh… Dạ, tôi cùng đi với một người bạn thân quen trong nhà thờ, tôi không thể chờ con gái tôi cùng đi chung vì cháu rất bận học, mà tôi thì không còn bao nhiêu thì giờ nữa… Dạ có gì tôi sẽ cho BS biết sau… Cám ơn BS. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe trong chuyến đi. Gần một tháng sau, chị gọi điện thoại cho tôi, nói nhanh giữa những cơn thở nặng và xúc động. Câu chuyện nhiều lúc bị ngắt khoảng bởi những im lặng và tiếng sụt sùi. * “Sài Gòn là đây sao em? Đường không còn lối người chen chân. Sài Gòn là đây sao em? Lạ sao giọng nói người không quen! Biết mấy tâm sự đành lãng quên. Xôn xao kỷ niệm lạc lối tìm…” Sau nhiều ngày bận rộn đi thăm bà con gần xa và viếng mộ đại gia đình ở Thủ Đức, chị mệt mỏi trở về Sài Gòn, ngỡ ngàng bước cô đơn giữa lòng phố đầy người. Ngày rời Sài Gòn với mảnh giấy ghi địa chỉ của anh do một người bà con với em của anh cho, chị đi xe khách đến Ninh Hòa. Từ bến xe, chiếc honda thồ chở chị đi tiếp trên con đường đất đến một làng khá xa thị xã. Đường về lối mới sao chật hẹp thu nhỏ, hoàn toàn xa lạ trong tâm trí, không một hương thơm vương vấn. Không một tiếng gọi quen thuộc. Không một câu hò ạ ơ. Và trời cũng chẳng mưa để làm ướt lòng người trở về. Ngược lại trời đổ nắng đến hoa cả mắt, nóng cháy cả người kèm theo bụi đường đỏ làm chị ngột ngạt giữa bao nhung nhớ chất chứa màu kỷ niệm của thuở tình tự. Sau vài lần ngưng dọc đường hỏi thêm chi tiết, xe ngừng trước một căn nhà nhỏ xơ xác, tội nghiệp với mái tôn đổi màu theo thời gian, có vài bụi chuối xung quanh cùng hàng cây dâm bụt phía trước. Không chần chờ, chị bước vội vào nhà. Đập ngay vào mắt là một thân hình cao, gầy gò ngồi trên một sạp tre, lưng xoay ngược hướng chị đi vào, bên cạnh là một cặp nạng. Chị ngập ngừng lên tiếng, kêu nhẹ tên anh. Thân hình ấy quay nhanh về hướng chị, cùng lúc quờ quạng chụp tìm đôi nạng gỗ. Trước mắt chị là một hình hài với chân phải cụt lên tận đầu gối, áo quần xốc xếch, tóc tai bung xung. Chị bật khóc chạy đến gần, trong một thoáng kịp nhìn thấy 2 vũng mắt lõm sâu không có tròng mắt. Chị đột nhiên khuỵu người xuống trên sàn đất, như thể toàn sức lực dành cho chuyến đi bỗng cạn kiệt. Cùng lúc ấy, bóng một người đàn bà đi nhanh từ bếp nâng chị dậy. Anh bị thương nặng ở chân trên đường rút quân, cố gắng lết xa khỏi trận chiến và ẩn núp trong bụi rậm. Ngày hôm sau, địch tìm thấy anh và bắt anh làm tù binh. Anh nghĩ vết thương ở chân phải có thể lành nếu được chữa trị với trụ sinh và đăng bột, nhưng tên y sĩ trại tù chọn cách dễ là tháo khớp gối. Sau đó anh còn bị đạn nổ trong khi nhóm lửa rừng sưởi ấm ở trại tận bên Cao Miên, khiến cả 2 con mắt của anh bị hư nặng tuy vẫn nhìn thấy rất mờ. Vì vậy anh được thả cho rời trại sớm. Trên đường khổ sở, một mình thất thểu về lại làng phố, anh bỗng gặp một người đàn bà chưa một lần quen biết, hiện tại là vợ của anh, đem anh về nhà săn sóc. Chồng trước của bà là một người lính Địa Phương Quân tử trận 2 năm trước ngày mất nước. Trong vài năm sau đó, đôi mắt anh làm độc kinh niên nên bác sĩ đành phải múc bỏ cả hai bên. Biết tính của anh chỉ muốn nhắc đến những giai đoạn quan trọng của trận cuối và trong thời gian khi còn là tù binh, chị không thắc mắc hỏi thêm, cũng chẳng cắt ngang cuộc độc thoại của anh bằng một giọng nói trầm tĩnh của chấp nhận số phận đã an bài, của một cam chịu không lối thoát. Chị có cảm tưởng anh chỉ thổ lộ lần duy nhất này rồi sẽ không bao giờ nhắc lại, như chôn sâu vĩnh viễn nỗi oan khiên vào bóng tối đời anh. Đời anh là một nỗi buồn khôn nguôi kết trái sầu tủi từ thuở anh trở thành kẻ chiến bại và phế nhân. Anh cố tình làm ra vẻ thản nhiên như không hề muốn chị phải đau đớn, dày vò tự trách số phận quá nghiệt ngã, cùng khốn, lỡ làng! “Trách chi người ai lỗi ai Trách chi người mi ướt cay Trách chi người thôi đã xa nhau kiếp này… Mùi thơm khăn áo ngây ngất đi vào cổ tích tôi” Chị yên lặng ngồi nghe, tiếng được tiếng không, tê tái cõi lòng, nhớ lại năm xưa có lần anh thì thầm bên chị, “may ra anh bị thương thì chúng mình mới có thể trở thành vợ chồng.” Thế nhưng tuyệt đối chưa một lần chị nghĩ đến anh có thể bị thương trong cuối cuộc chiến, và cũng chưa hề nghĩ anh đã phải trải qua những giai đoạn khổ sở cùng cực như vậy. Từ một nam nhân oai hùng ngày xưa, nay anh là một phế nhân với những vết thương tàn phá nặng nề trên cơ thể. Đôi mắt ngày xưa, nơi chị thường hay nhìn vào để tìm hình ảnh của tình yêu và sức sống của tuổi trẻ mình, nay chỉ là 2 mí mắt nhíp gần nhau nằm sâu trong một khoảng màu trắng ở giữa. Giờ đây chị mới hiểu vì sao em gái của anh tránh không cho chị biết nhiều về anh. Chị bỗng cảm thấy gần gũi với vợ của anh, thầm cám ơn rằng ơn Trên sắp đặt cho anh tìm được ánh sáng dịu hiền giữa đường qua sự săn sóc, cứu vớt, nuôi nấng, bao bọc, che chở, yêu thương của người vợ này. Như một bà tiên hiện ra nguyên vẹn để dẫn dắt, cưu mang, nâng đỡ chàng Thiên Thần Mũ Đỏ của chị trong sa cơ thất thế, khi cánh dù bị chà đạp, tan tác trong cuộc đổi đời. Chiều hôm ấy, chị không từ chối khi vợ anh mời chị ở qua đêm tại đây, cả hai cùng nhau tâm sự dưới một ngọn đèn vàng úa duy nhất của nhà, nhất là sau khi nghe chị cho biết anh từng là người yêu đầu đời của chị. Càng về khuya, chuyện trò càng cởi mở hơn, bấy giờ chị mới từ tốn cho vợ chồng anh biết là chị có thai với anh ngay trong đêm trước khi anh rời Sài Gòn về lại đơn vị cuối tháng 2, 1975. Con gái của anh sinh vào cuối tháng 11, 1975; chị đặt tên cho con là Kim Ngân, ghép từ nửa tên của chị và nửa tên của anh, nay con gái được 19 tuổi và đang học đại học gần nhà. Vợ anh liên tục nắm chặt tay chị và kéo chị ngồi sát vào mình, một cử chỉ che chở, chia xẻ, thông cảm và đầy thân thiện trong suốt câu chuyện. Anh hoàn toàn im lặng, hai tay ôm đầu mình. Thỉnh thoảng 2 vai có rung nhẹ. Mãi sau khi chị dứt, anh mới nhẹ nhàng hỏi là con gái có biết câu chuyện giữa anh và chị, và biết anh là cha không. Con gái anh, chị trả lời, chỉ biết cha nó là một sĩ quan Nhảy Dù, tử trận và mất xác khi cuộc chiến VN gần đến hồi kết thúc. Ngay cả mục đích đi tìm anh trong chuyến về VN của chị, chị cũng hoàn toàn dấu con gái. Chỉ một điều duy nhất chị không tiết lộ cho anh và vợ anh biết là chị đang bị ung thư vào giai đoạn cuối. Tối hôm đó, sau khi đọc kinh cầu nguyện cám ơn, chị có một giấc ngủ thật an lành dù lạ nhà, một phần có lẽ vì đi đường quá mệt, phần kia vì chị đã đạt được mục tiêu chính của chuyến đi. Sau bao nhiêu cầu xin, bao nhiêu thấp thỏm đợi chờ mong mỏi tin tức, nguyện vọng ấp ủ từ bao năm qua nay được đáp ứng và trở thành sự thật. Trước đây, bao thương nhớ, bao hình ảnh về anh và sự mất anh trong đời, những suy sụp tinh thần của một người đàn bà di tản mang thai, những oan trái mòn mỏi trong xót xa; những gian khó thử thách trong đời sống mới, những gượng cười trong lệ sầu; những năm nuôi dạy con một mình; những cô đơn tinh thần khi sống bên cạnh người chồng Mỹ với bao dị biệt văn hóa, ngôn từ; những mệt mỏi thể xác qua bao lần xạ trị, hóa trị, thuốc cũ thuốc mới, những sợi tóc xanh phai màu rơi rụng; những đau đớn chán nản khi căn bệnh trở nặng; những lo âu suy tính về tương lai con gái rồi đây sẽ mồ côi mẹ… tất cả đã tạo cho chị một tình trạng trầm cảm nặng nề. Nhưng giờ đây, chị vô cùng mãn nguyện tìm thấy anh, nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, biết anh đã sống sót qua chiến tranh, dù bị tàn phế trầm trọng nhưng bù lại anh có một người bạn đường luôn bên cạnh, săn sóc yêu thương anh. Hơn nữa anh còn có đứa con gái và đứa con trai. Sáng hôm sau, đứa con trai của anh, nhỏ hơn con của chị gần 3 tuổi, ở nhà ông bà ngoại cạnh trường trung học huyện, về kịp chào chị trước khi chị lên đường. Chị cũng đã kín đáo trao tặng tất cả số tiền lớn còn lại cho vợ anh đêm qua. Chị có hứa với vợ chồng anh là chị sẽ kể cho con gái của anh tất cả câu chuyện giữa anh và chị, không một dấu diếm, luôn cả thương tật của anh và hoàn cảnh hiện tại của vợ chồng anh. Để trả lời câu hỏi của vợ anh, bằng một giọng mong manh sâu tận đáy lòng, chị run run xúc động cho biết sẽ trở về lại thăm vợ chồng anh nếu sức khỏe cho phép. Sau khi chào tạm biệt vợ chồng anh và chúc nhau an lành, hai người đàn bà ôm xiết chặt nhau, mắt chớm lệ, gần gũi trong cảm thông trân quý. Anh vẫn đứng yên bên khung cửa trước nhà, chan hòa trong ánh sáng ấm ban mai. Chị vội bước nhanh đến chiếc xe thồ đang đợi. Xe rồ máy chở chị đi. Không nhìn lui, bình an trong lòng, chị ngước nhìn trời. Một màu xanh tuyệt đẹp. Không mây. * “Sài Gòn ngày xưa đâu em? Mộng mơ ngày tháng tuổi hoa niên. Sài Gòn ngày xưa đâu em? Từng con đường phố mình thân quen Dĩ vãng đâu về, buồn ngẩn ngơ. Bao nhiêu mong đợi lạc bến chờ” Chị Kim Tiên đã không về lại VN lần thứ hai. Chị chết trong bình an vào giữa tháng 5, 1994. Cháu Kim Ngân điện thoại cho tôi biết, theo lời yêu cầu của Mẹ, cháu đang sửa soạn về thăm cha trong mùa hè này, mang theo chiếc xe lăn cũ của Mẹ cùng một số tiền lớn từ bảo hiểm nhân thọ của mẹ để lại cho cha. Ước mong cháu Kim Ngân sẽ nuôi nấng và gìn giữ chuyện cổ tích của cha và mẹ mình. 2017 Mission Viejo, CA Vĩnh Chánh Share Lại Người Lính Già TQLC |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23194 |
Gởi ngày: Hôm nay lúc 12:03pm |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - Hôm nay lúc 12:14pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 102 |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |