Nhà Cổ Ở Gò Công -
--- Lư Thế Nhã ---
Theo
tư liệu lịch sử, tỉnh Gò Công thuở trước có 40 làng, thị xã (TX) Gò
Công khi đó có tên gọi là làng Thành Phố, gồm những khu phố chợ mua bán
sầm uất. Nhà cửa bấy giờ là những ngôi nhà lợp lá, đến đầu năm 1862 mới
được xây dựng thành những ngôi nhà tường vững chắc, và năm 1862 cũng là
năm làng Thành Phố trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công.
Theo anh
Dương Hùng Dũng, cán bộ phụ trách bảo tồn của Sở Văn hóa - Thông tin
tỉnh Tiền Giang, nhà cổ TX Gò Công còn rất nhiều so với các huyện của
tỉnh. Mới đây Tổ chức JICA của Nhật Bản đến khảo sát 350 ngôi nhà ở
Tiền Giang, có gần 2/3 là nhà cổ ở TX Gò Công. Nhà cổ ở Gò Công được
xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch (xưa chưa dùng
xi-măng), về kiến trúc có nét tương đồng với nhà cổ ở miền trung. Nhà
thường được thiết kế ba gian, hai chái, mái ngói âm dương. Do Gò Công
ít có bão nên nhà nơi đây có khác với nhà cổ miền trung ở chỗ quy mô
lớn cao và cột kèo to.
Ngôi nhà của đốc phủ Nguyễn Văn Hải ở số
9 Hai Bà Trưng, TX Gò Công được xây dựng năm 1860 - trùng tu lần đầu
vào năm 1909, sau năm 1975 đến nay được trùng tu nhiều lần (hiện là nhà
truyền thống TX Gò Công), vào loại đẹp nhất nhì ở đây với hàng trăm chi
tiết chạm trổ tinh vi trong nội thất.
Ngôi nhà cổ có giá trị
không kém gì nhà của đốc phủ Hải, và cũng được thiết kế xây dựng cuối
thế kỷ 19 là của bà Lâm Vu Liên. Nhà nền cao, mái cong, lợp ngói âm
dương, được kết cấu bằng gỗ mun, chạm trổ rất độc đáo. Trong nhà còn
nhiều đồ cổ cẩn ốc xà cừ rất tinh xảo và hiện được sử dụng làm trụ sở
thị ủy Gò Công.
Ngôi nhà lớn và bề thế nhất TX Gò Công của ông
Nguyễn Anh Tuấn ở 49/2 Hai Bà Trưng, phường 1. Nhà được xây dựng năm
1885, kiến trúc phối hợp đông - tây với vòm cửa vòng cung, tường vôi,
mái ngói âm dương. Theo lời ông bà của ông Tuấn kể lại, ngôi nhà này do
các thợ mộc ở miền bắc và miền trung vào xây dựng, dùng toàn gỗ mật,
sao, tất cả đều chạm trổ hoa văn và phải mất ba năm mới hoàn thành.
Cổ
nhất TX Gò Công là nhà của ông Nguyễn Văn Thành ở số 113 Nguyễn Huệ,
phường 1. Nhà được xây dựng năm 1852 theo kiến trúc Trung Bộ: thấp, có
nhiều vòm cửa cong.
Theo thời gian, những ngôi nhà trăm, ngoài
trăm tuổi ở Gò Công đang xuống cấp nhà dột cột xiêu, tường vôi bong lở,
rêu xanh phủ kín. Phần lớn nhà cổ ở đây đều to rộng như nhà của ông
Nguyễn Anh Tuấn tọa lạc trên diện tích 913 m2. Diện tích rộng, tiền
thuế sử dụng đất đô thị cao đã khiến nhiều chủ nhà phải cắt, sang bớt
mặt bằng cho người khác. Nhiều nhà, phố cổ ở đường Phan Bội Châu nay
gần như biến mất.
Chủ nhân một số nhà cổ cũng đang băn khoăn vì
trong quy hoạch TX Gò Công sắp tới sẽ giải tỏa cả những ngôi nhà cổ để
xây thành khu phố hoặc chung cư lớn.
Không chỉ nhà dân mà cả
những ngôi nhà cổ do Nhà nước quản lý cũng đang trong tình trạng xuống
cấp trầm trọng như dinh tỉnh trưởng Gò Công xưa là một kiến trúc công
quyền lớn ở Nam Bộ (to hơn cả dinh tỉnh trưởng ở Mỹ Tho) được người
Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19. Ngôi nhà này nay đã hoang phế, cây cỏ,
dây leo chằng chịt.
Một kiến trúc cổ có tính chất tín ngưỡng mà
nhiều cư dân ở TX Gò Công mong muốn Nhà nước trả lại là đình Trung được
xây cuối thế kỷ 19. Đây là một ngôi đình làng lớn, đẹp, có diện tích
xây dựng trên 1.000 m2. Sắc thần ngôi đình đã được "di tản" và hiện
ngôi đình được sử dụng làm kho hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp!
Ngoài
nhà cổ, Gò Công còn có lăng Thái hậu Từ Dũ triều Nguyễn, lăng mộ anh
hùng dân tộc Trương Định, nếu được đầu tư trùng tu Gò Công sẽ là điểm
tham quan, du lịch văn hóa thu hút nhiều du khách.
|