Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Thơ Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn
Message Icon Chủ đề: TUỔI THƠ NHỌC NHẰN Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 14 phần sau >>
Người gởi Nội dung
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Chủ đề: TUỔI THƠ NHỌC NHẰN
    Gởi ngày: 08/Aug/2011 lúc 9:28pm

THIÊN ĐÀNG TUỔI THƠ

----o0o----

Bình Phú Đông nơi tôi khóc tiếng khóc đầu đời, mẹ kể trong đêm ấy dân làng tôi cũng  khóc vang vì Ô Bích, ô bích là pháo 105 ly giặc Pháp mới chuyển về Gò Công , nghe bùm bùm dưới Tỉnh, rồi nổ ầm ầm sáng rực cả làng, có người bảo tụi Pháp đốt pháo bông đến khi tiếng mõ hồi một vang vang , nhà cháy người khóc, mạnh ai nấy chạy, mà chạy đi đâu bây giờ ! mẹ ra cây rơm tránh đạn, lo sợ mỏi mệt mẹ ngủ mơ

Trong giấc mơ mẹ thấy cảnh loạn lạc, người người chạy tán loạn có một bà lão quảy trên vai chiếc túi, tay bồng đứa bé gái rất đẹp trao cho mẹ và nói

–“ Bà cho con”

mẹ thưa

– “ Con đã 5 đứa gái rồi, sanh thêm đứa gái nữa, chồng sẽ bỏ con, Bà thương xin cho con thằng bé trai , con cám ơn Bà”

Bà ngấm nghĩ xong mở miệng túi lôi ra một thằng dài lòng thòng, ốm tong teo, đen thui thủi, mỏ vảnh như con khỉ đột, mẹ thấy xấu quá, nhưng là con trai, đành nhận. Bà biến mất trong đoàn người chạy loạn, sáng sớm hôm sau nhìn tôi mẹ bảo thầm

 –“ Sao giống in thằng đó ! “.

Thì tôi chứ ai !

*

*    *

Chưa kịp quàng hồn mặt trời chưa mọc, mõ hồi một lại vang vang ở đầu xóm, tiếng người chạy báo tin nhau Tây bố, Tây bố … một trận càn quét lính Tây, lính ta cùng với Maroc, bắn giết đốt nhà, Chú và Cô tôi bị giặc Pháp giết hại dã man, tài sản nhà cửa  bị đốt cháy rụi, mẹ kể nằm dưới ao nhìn ngọn lửa đỏ rực bụi than bay khắp trời,  nghe tre nổ lóp bóp lòng mẹ như ai cắt từng đoạn ruột, bởi tiền bạc dấu trong ống tre của cây đòn tay  nhà bếp, tài sản để trong nhà tất cả phút chốc biến thành tro bụi

Gia đình tôi theo sóng người đi tản cư xuống Đồng Sơn ở tạm nhà người bạn, đợi Tây rút đi ba tôi lén về thăm nhà tìm nhặt những gì còn lại, ba về trong vô vọng sau nhiều đêm thức trắng người quyết định bỏ xứ ra đi.

Chị Cả tôi ở lại nhà người làm dâu với tuổi đời non chẹt.

Vất vả mệt nhoài sau cùng đến Cầu Huyện ba chọn làm nơi dừng chân

Đàn trâu không ruộng cày ba tôi bán hết để cất nhà và mua đồ dùng cần thiết

 

Từ một nông dân chân lắm tay bùn, ba tôi hoát nhiên thành thợ Mộc đóng thùng xe cho Gara Bác Ba Quý trước Nhà Thờ, đôi khi làm cho “ Cắc Chú Năm” ở Ao Trường Đua

Gia nhập  vào cuộc sống của giới thợ thuyền, quên dần  công việc đồng áng hằng tuần vào chiều thứ bảy ba chuẩn bị quần áo dụng cụ linh tinh theo Ông Quản Phát đi săn tận trên Biên Hoà chiều tối Chúa nhật mới về , chúng tôi có tuần ăn thịt Nai, có tuần ăn thịt Bò , Heo Rừng , Cheo , Mểnh, thôi thì đủ món cũng có tuần ba về tay không !

 

Tuổi rất nhỏ tôi đã vào học Trường Bà Phước, nên bây giờ không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ năm lớp Tư học với Bà Xi, người Trợ Giáo là Chị Báu, Bà Xi không được cao lắm lúc nào cũng tất bật, mỗi lần đi hai vành nón bay lên lượn xuống, chùm xâu chuổi với Cây Thánh Giá ở bên hông chạy tới chạy lui theo từng bước chân kêu lào xào.

Thuở chúng tôi đi học thường bị thầy giáo dùng thước kẻ đánh đít gỏ đầu, xoè bàn tay hoặc chúm ngón tay lại đánh lên  đau thấy mồ tổ, đó là chuyện thường, sở  trường của Chị Báu là nhéo, đố ai mà nhéo đau được như thế, qu..ý.t một cái thằng nhỏ la ui da, tức thì trên bắp đùi non nổi hai vết bầm, thật là độc chiêu! còn một tuyệt chiêu nữa là dẫn lên phòng Bà Nhứt xô xuống hầm rắn, tôi học trường bà Phước được hai năm nhưng chưa thấy “Tiểu quỹ” nào bị Quý Bà xô xuống hầm rắn bao giờ ! vì tội phạm bị dẫn đi tái lét mặt mài có vị còn đái trong quần. Thế là được tha !

 

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 20/Aug/2011 lúc 11:02pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 09/Aug/2011 lúc 10:00pm

Học hết năm lớp Tư Trường Bà, tôi được ba xin qua Trường Nam Tiểu Học, thời đó lớp Năm đến lớp Ba học bên Nhà Đèn, số học sinh của tôi là 32/54 nghĩa là học sinh thứ 32 của năm học 1954.

Má sắm bộ đồ mới tinh, áo sơ mi trắng, quần cộc đen đôi guốc Vông và cặp  đựng tập vở bằng Đệm vàng khè.

Ngày đầu đi học áo bỏ trong quần, đường Cầu Huyện đá xanh lõm chỡm, lần đầu tiên đi guốc bị trẹo quai guốc hoài , quai guốc làm bằng miếng nhựa trong suốt có một hai vạch xanh đỏ cho em nhỏ nó mừng! người bán nói vậy nhưng thú thật tôi không mừng nổi, từng chiếc  guốc thay phiên nhau gõ lọp cọp dưới đá, làm tôi khoái nhưng đi đến nhà Ông Thân Bính trên ngón chân cái, quai guốc làm cho da phồng rọp đau nhức, ráng đi tới nhà Ông Phán Đờn phải đành cầm guốc trên tay đến trường, gốc mình là lúa rồi ai bảo quê thì chịu, suốt 3 năm sơ cấp đi chân không, guốc để dành rửa giò trước khi đi ngủ.

Tôi là học sinh giỏi của lớp, không giỏi sao được từ lớp Tư rớt xuống học lớp Năm không giỏi mới là lạ !

Thời đó học sinh lớp Năm đôi khi 9- 10 tuổi là thường, tôi cao nhồng nhưng khi xấp hàng bao giờ cũng đứng sau,  dù mang biệt danh “ Tre Miễu “

Trước Trường Nữ Tiểu Học là con đường chạy dài xuống tới Nhà Đèn, bây giờ gọi là đường Nguyễn Văn Côn. Bên hông Trường Nữ có xây Nhà ăn cho các bạn ở xa đến giờ trưa về đó ăn uống nghỉ ngơi chiều học tiếp.  Sau nhà ăn là con sông, bên kia sông bến xe đò, là chợ hoa quả ghe cộ lui tới mua bán ì xèo. Suốt con đường này chỉ có hai căn nhà, một là nhà Ăn hai là Nhà Vệ Sinh của Trường Nam.

 

Nhà tôi nằm trong một khuôn đất rất rộng, Sông Cầu Huyện có nhánh rạch nhỏ chảy từ nhà Ông Ba Nghi , đến vườn nhà chú Năm Mạnh , chạy qua nhà Bác Tư Giái chia làm 2 nhành một nhánh chạy quẹo sau nhà Bác Ba Chỉnh rồi vào đất nhà tôi, một nhánh chạy thẳng ra đường 30-4 hiện nay qua cống vào những đám ruộng bên kia đường.

Ba tôi đào hai cái ao thật lớn phía sau nhà, một ao dài suốt chiều ngang miếng đất cặp bên nhà Cô Chín Xô, Một ao nhỏ hơn cặp bên nhà Bác Ba Chỉnh.

 

Chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, Ngô Tổng Thống không cho mình là “đầy tớ nhân dân” như các bậc lãnh tụ đáng kính khác ở Việt Nam. ông nói “ Tôi thức khuya dậy sớm cần mẫn chăm lo công việc hằng ngày……” câu nói này là đề tài luận văn thi lấy Văn Bằng Tiểu Học của tôi mà.

Thời Ông lãnh đạo đất nước vừa chuyển mình, bản thân Tổng Thống gặp quá nhiều khó khăn, phải dẹp băng nhóm này, tranh thủ với bè phái kia, Cộng Sản phá hoại chổ này, len lách thăm nhập giựt dây chổ nọ, mấy Ông Cố Vấn Mỹ khi thế này, lúc thế nọ, bị đuổi về nước cũng chưa tởn, vậy mà đất nước vẫn hồi phục, dân chúng ấm no, khác xa với ngoài kia

 

Chăm lo đời sống nhân dân không phải trên lời nói suông mà bằng việc làm thực tế, lúc tôi 8 - 9 tuổi gì đó chình mắt tôi trông thấy chứ không hề nghe ai nói lại. Chánh Phủ du nhập cá Phi và Cây So Đủa từ  Phi Luật Tân về.  Cây So Đủa rể nó trị Phèn rất tốt, trồng vào những vùng đất phèn chua để giúp cải tạo đất, lá nhiều chất đạm món ngon bổ dưỡng cho Dê, Bông So Đủa nấu canh chua Tép hết xẩy !. Cây So Đủa người ta thường dùng làm cột, đòn tay cất nhà, dựng bếp nhưng hay bị mối mọt, sau người ta thường cưa ra từng khúc, đặt dụm vào nhau tưới nước lầy độ ẩm trồng nắm Mèo.

 

Cá Phi dể nuôi, phát triển rất nhanh là thức ăn gần gủi với nông dân. Cá chiên sốt cà là món ăn số một thời đó.

 

Thuở ấy Gò Công nhận Cá Phi về thả nuôi dưới Hồ Tắm trước Trường Nam Tiểu Học cho người canh gát cẩn thận,  Ty Cảnh Sát đối diện với Hồ Tắm,  chú Cảnh Sát quen, câu lén cho ba bốn con , chị tôi đem về thả xuống ao, một thời gian ngắn đàn cá phát triển rất đông, mỗi sáng cá nổi lên đặt ao bơi thục lùi đớp nước, bầy con đen đen lon ton bơi chung quanh rất lạ mắt. Sau này mới biết buổi sáng cá nổi là do môi trường xấu, khí SH nhiều làm thiếu Oxy. Để phát triển đàn cá,  Ba tôi vớt  thả bớt qua ao lớn.

Cá Phi Mái màu xám xanh thân mập ngắn đòn, Cá trống thì màu mè, nổi nhất là màu đỏ ở đầu, dài đòn và ốm hơn. Nuôi cá phi chẳng tốn kém là bao mà bán được giá, ngày hai buổi sáng chiều quăng cám cá nổi lên ăn mồi.

Vào thời điểm này Ông Ba Khoa có cái ao giáp bên cống cũng  nuôi cá Phi, Ông vớt bán một cập cá giống $5 , Năm đồng vào thời đó rất là lớn.

Nhà tôi cũng bắt chước bán Cá Phi, Ba tôi cho đào 2 mương lớn dọc theo nhà Bà Tư Lang vớt cá Phi con thả xuống chờ bán, người ta xách thùng đi mua cá nườm nượp như trẩy hội thật là vui

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 10/Aug/2011 lúc 7:44pm

Thời gian này bên Ao Trường Đua phía đi Biển Tân Thành, đường phía sau Sân Vận Động người ta trồng Dương hai hàng thẳng tắp, gió về ru Dương hát vi vu êm đềm, buổi chiều người đi lộ Hàng Dương rất đông ngồi bên bờ ruộng hoặc vào trại Gà trên những băng ghế đá, Dọc đường Hàng Dương cặp bên sân vận động có Trại nuôi gà, Trại nuôi gà thời ấy thật là đẹp có nhà để gà ngủ, có sân chơi, thức ăn chứa trong máng, nước uống chứa trong bình sẳn sàng đầy đủ, những con gà mập ú, từ màu trắng , trắng xám đến màu cánh gián đẹp tuyệt vời vừa là trại nuôi gà vừa như là công viên nho nhỏ do Chánh Phủ Úc quảng bá và xây tặng.

Theo chương trình phát triển nông nghiệp, Ty Thú Y sẽ cung cấp cho bất cứ người dân nào muốn nuôi gà, người ta cho cán bộ xuống tận nhà cố vấn làm chuồng, huần luyện việc chăm sóc, cung cấp gà để nuôi, đợt đầu tiên nhập về khoảng 2,600 đến 3,000 con  Chánh Phủ phát không cho nhân dân

Ba tôi nhanh tay xin nuôi được 300 con gà, sau khi hướng dẫn phương pháp chăn nuôi, làm chuồng trại, cán bộ Thú Y mang gà đến tận nhà , gà ăn nhiều lớn như thổi, gần hai tháng tuổi nhiều thằng vổ cánh gáy t..e..t.e

Mấy chú mấy bác tham quan tối ngày, có người ở tận Tân Điền Vàm Láng, chính điều này những con gà yếu bắt đầu khục khặc, ngủ gục lâu lâu giựt hồn kéo đầu về ngay ngắn, nước mũi nước dãi tè le, cán bộ thú y xuống chích , gà sao giống như người, cũng uống và chích thuốc lại còn đề nghị lấy lá xé gắn vào lưới bao quanh chuồng gà, tránh người, tránh gió nữa chứ, thật là gà ngoại có khác.

Mỗi sáng má tôi lượm trên dưới khoảng 30 con gà chết cứng có hôm gắp đôi, bầy gà te te vang rần kêu la ỏm tỏi chưa đầy tuần lể rủ nhau theo ông theo bà hết trọi, tức không ? Má tôi nói như vậy, anh em tôi thì khoái chí ăn thịt gà kho xả ớt ban đầu ngon, ăn riết rồi ngán, sau cùng là sợ !

 

Ông bà ta rất giỏi, thường chế ra những câu ngắn gọn dể nhớ dạy con cháu nhớ lâu. Biết cách mà sống ở đời

Thí dụ như :        

                                 Ngày xưa quả báo thì lâu

     Ngày nay quả báo một câu nhãn tiền.

 

Bác Tư Xung làm ruộng , trên Ty Nông Nghiệp gì đó ? họ chở phân Ure đến tận ruộng cho, Bác chê không phải riêng Bác đâu nhé tất cả nông dân đều chê trong đó có Ba tôi nữa chứ, nhà trồng đám rau quèn bằng bàn tay, ké thêm cây ớt Hiểm mỗi buổi cơm ra ngắt vài trái, Ba tôi xin của Bác Tư một lon sửa bò phân Ure về pha nước tưới, hai ngày sau cành lá héo queo rồi rủ nhau chết khô trong sự ngỡ ngàng của Ba và luyến tiếc của Má.

Nông dân thì họ được hướng dẩn đàng hoàng hơn, nhưng hầu hết đều nói trong đó có Ông Ngoại tôi rằng thì là rải phân Ure lúa tốt lá nhưng đồng đồng lép xẹp, không thể nào trúng mùa,  bị sâu rầy, xịt thuốc cá tôm trong ruộng chết hết, lại làm đất cứng, sao bằng được với phân chuồng. Chẳng biết mấy cha việt cộng nằm vùng có rỉ tai không vì lúc này mấy cha chưa dám ló mặt móc ra. Các Ông cán bộ Nông nghiệp thì năn nỉ ỉ oi, nông dân nhận phân Ure Chánh Phủ cho rồi chất để đó, phân chảy nước vàng khè khai ngấy cả nhà. Người nông dân vẫn xài phân chuồng trộn với tro theo phương pháp của ông Thần Nông bên Tàu cách đây 5000 năm truyền lại, chảnh hết biết ! Bây giờ giá phân lên vù vù chóng mặt cũng phải tìm mua đỏ con mắt.

 

Ngày trước đến Nhà Thờ , Cha cho sửa bột, mỡ Cừu, dân mình chê , con nít phải uống sửa Ghi Gô, tệ lắm là sữa Bò mới đúng chứ ! nghe người ta nói thế, má tôi làm theo đem trộn cho heo, heo ăn mập ú, chưa 6 tháng dễ dàng lên một Tạ như chơi, mỡ Cừu thì chê hôi mùi Cừu. Đem bán đổ bán tháo lấy tiền đi chợ

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 12/Aug/2011 lúc 8:36pm

Sau năm 75 các vị Cán Bộ tốt nghiệp ở Trường “ Chắc Cà Đao”,  “ Hóc Bà Tó”  đi chân đất ra thành phố lùa đám dân thành phố đi Kinh Tế Mới dạy cho cách “ Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để trồng khoai mì. Tuyệt chiêu này hồi Mao còn theo bọn ăn cướp ở Giang Tây học lóm của Chu Đức chủ xị Quân Đoàn 4 Công Nông, sau nầy bí truyền cho Hồ Phạm  đem về Việt Nam, trong thời gian trốn chui trốn nhủi ở hang Hồ Phạm chế biến thêm rồi đem huấn luyện cho Thọ Thảo. Nếu năm 1906 mấy cha chịu khó chui ra sớm một chút thì dân Gò Công đở biết bao nhiêu ! cái vụ vắt đất làm mưa đó mà ! thật là “ Đỉnh cao trí tuệ loài người” !

 

Thực chất “ Kinh Tế Mới ”  vốn là con đẻ của “ Cải Cách Ruộng Đất “  mục đích là cướp nhà người ta, trả thù  bọn tư sản mại bản, cái bọn ăn sung mặc sướng, cái bọn “ không biết làm bồi bàn, không biết chăn vịt, chăn trâu ”   đưa vào đường cùn chết sống mặc bây,  đói quá trở về thành phố chẳng thằng quỹ nào nói gì, chiếm được nhà rồi, trở về thì ngủ đường ngủ xá nhá. Thời buổi siêu văn minh

Sâu bọ ở nhà Lầu

Cóc nhái ngồi xe hơi

Người ta ngủ vĩa hè, đi bộ

Lúc này kiếm muỗng sữa không ra, con cái ốm tong teo, thèm ăn miếng mỡ heo cũng chẳng có, nói gì đến mỡ Cừu, sữa bột, xưa rồi tám !

 

Anh tôi ở Đồng Sơn thèm ăn thịt bò, phải lấy kẻm gai cào vào mình bò cho chảy máu, lấy phân gà đắp vào thành ghẻ, cả tuần sau bò bệnh viết đơn gởi lên Uỷ Ban Nhân Dân Xã xin xẽ thịt, Trưởng ban Nông Nghiệp Ấp đến xem xét ký tên vào đơn với điều kiện chia cho Ấp Xã cặp giò, đơn nạp lên Xã sau cùng được duyệt , xẽ thịt bán bằng cách đổi lúa cho bà con người chút ít, tội nghiệp cho người, tội nghiệp cho bò. Nhân quả nhãn tiền. Thiệt là đáng sợ

 

Thuở còn kinh tế cũ dân ăn cơm gạo IR8 chê cứng, pha với cám nấu cho heo ăn. Lúa gì mà mới ba tháng đã chín vàng đồng. Lúa, tên của nó là Hoà, mỗi ngày vào giờ Tý Ngọ đuôi hột lúa mở ra hấp thụ khí Âm Dương tinh hoa của Trời Đất phải sáu tháng trở lên mới hấp thụ đầy đủ hột cơm ăn sẽ mềm dẽo ngon miệng, đằng này mới ba tháng ăn vào như ăn sạn. Ông Ngoại tôi nói vậy, thật hết biết !  Phải tìm cho được gạo Sóc Nâu, Nàng Hương, Chợ Đào. Sau 75 kiếm hột gạo IR8 ăn, tìm không ra phải sắp hàng từ sáng đến trưa mới mua được ít Bo Bo, khoai Mì sùng, khoai Lang thúi,  ăn vào nổi ghẻ chốc đầy mình hợp nhau cùng gảy thế mà vui,  Thật cũng ngộ !

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 15/Aug/2011 lúc 7:57pm

Thời Ông Diệm đất nước mình an bình, nhà ngủ cũng chẳng cần đóng cửa, nên chuyện đi chơi ban đêm của tôi khó ai trong gia đình phát hiện, chỉ cần lấy mền đấp lên chiếc gôi ôm là xong. Mỗi đêm trăng sáng nằm ngủ nghe ám hiệu của chiến hữu lòng nôn nao khó chịu vô cùng, mèo kêu là thằng Cai, gà gáy của thằng Long, nghé ngọ là của thằng Bình, nghe tiếng chúng nó từ ngoài lộ văng vẳng vào tức chết nằm lăn qua lộn lại miết.

 

Đã tới giờ Hoàng Đạo tôi không trốn được ra khỏi nhà, má tôi cứ hỏi mãi vì sao con đi tiểu hoài ? cuối cùng cũng vượt qua được bức tường lửa để gặp gở chiến hữu. Thằng Cai là nhà chiến lược tài ba nó hoạch định đi đâu làm gì là trùng phóc. Hôm nay ngài đưa ra chỉ thị đi gom đồ cúng Rằm sau đó tập họp tại nhà anh Đức, tôi mang bao bố đi sau cùng, chúng nó chia hai nhóm mỗi thằng một bên đường từ ngã tư trên đến ngã tư Ao Trường Đua nếu chưa đủ thì đi tới Miễu Bà, có hay không về căn cứ tính sau.

Đi chơm đồ cúng cũng vất vả, đâu phải nhà nào cũng đặt Bàn Thiên ngoài hàng rào, có nhà Bàn Thiên đặt ở cây cột ngoài hàng ba, có nhà đặt trái cây trong mân trên chiếc ghế đẩu ở giữa sân, có nhà nuôi chó có nhà không, có nhà bị mất nhiều lần nên rình rập, thật là nhiêu khê  ! các chiến hữu chúng tôi dạn dầy kinh nghiệm thế mà có hôm bị rượt chạy trối chết.

 

Tôi cảm giác trong bao bố nào là Chuối, Cam, Quýt, đủ cho tiệc tối nay nhưng còn 2 căn nhà nữa là đến ngã tư Ao Trường Đua rồi. Về thì uổng thôi ráng. Tôi còn nhớ như in trước nhà có hàng rào bông bụp và một cây táo, Bàn Thiên là cái bàn đặt giữa sân gần hàng rào, chỉ cần mở của rào là thâm nhập vùng cấm địa,  bà cụ mặc áo dài xì xụp lạy nải chuối xiêm với mấy chun nước , thằng Rọt, núp bên ngoài hàng rào chờ đến giờ G. Lạy xong bà đi vào nhà, ngay lúc đó thằng Rọt mở của rào chớp nhoáng xâm nhập vùng cấm  nhanh tay vớt nải chuối thoát ra ngoài, Bà cụ vào nhà nghe tiếng két mở của vội nhìn ra trông thấy ú ớ rồi la làng.

 

Mấy chú uống rượu ngồi trên xe hàng đậu gần đó nhảy xuống rượt chúng tôi chạy tràn lan chi địa, cũng may mấy chú uống rượu quắc cần câu rồi thấy đường đâu mà chạy, bọn tôi thì hồn vía lên mây, tôi ù một hơi tới trường Tư Thục Khai Trí đứng nép mình vào gốc cây Bả Đậu thở dóc một hồi xem có chiến hữu nào không . Tuyệt nhiên không một bóng người , lầm lũi vác bao bố trên vai đi lòng cứ trách thầm sao khi nảy không chạy trở về mà lại quẹo phải. Câu chuyện Cầu Long Chiến những cái đầu lâu trắng xoá từ cầu lăn lông lốc xuống tới nhà thương cao cẳng rượt ba của thằng Long làm tôi nổi da gà

 

Chưa tới nhà Ông Thân Bính, tôi đã bắt đầu đọc kinh. Bà Tư Lang kể khuya gánh hàng ra chợ bán gặp người con gái mặc áo trắng xỏa tóc trên cây me tuột xuống, băng qua đường  đứng bên đống rác, đưa tiền gởi nhờ  mua đồ, Bà Tư ra chợ xem lại toàn giấy vàng bạc. ai biết thiệt giả thế nào, nhưng tôi bảo đãm Bà Tư Lang đã nói như vậy! Ngày xưa ngay đầu ngã ba Lộ Me sát mé sông là đống rác thật to, mỗi lần đi ngang qua phải bụm mũi mà chạy. Trước nhà Ông Ba Khoa có ngọn đèn đường le lói như cây nhang từ đây về Cầu Huyện tối ôm ôm, đi đến cống tim bắt đầu nhảy thìn thịt, tôi cố hát vang rồi huýt gió càng sợ hơn, từ đây đến quán Bác Tám Kỷ đường xa xôi ngàn dặm mồ mã Keo Gai Trăm Bầu, cây Lứt mịt trời. Hít một hơi thật dài tôi nhắm mắt đăm đầu chạy, tiếng thìn thịt phía sau càng sợ, càng chạy nhanh, chuối dừa cam quýt nhảy tồng tộng trên lưng dập nát tôi ngở mồ hôi ra ướt áo.

 

May mắn quá cũng về tới căn cứ, mình ên tôi là ngu, các chiến hữu rút lui  đứng  ở ngã ba Lộ Me, ăn chuối chờ mãi không thấy tôi bèn rủ nhau ra về.

Kiểm tra chiến lợi phẩm chuối cam quýt dập nát chỉ có mỗi trái dừa là bình yên.

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 17/Aug/2011 lúc 7:53pm

Đến cuối năm lớp Ba thì tai nạn  ập đến gia đình

Ba đổ bệnh mấy ngày, nóng sốt anh tôi ở Đồng Sơn nghe tin về thăm, hai cha con tâm sự thăm hỏi huyên náo cả nhà, ba bảo tôi ra quán Bà Tư ốm mua rượu Đế và khô cá Đuối về cho anh nhậu, Chị tư con chủ quán lại đưa khô cá Đao, về nhà ba rầy khô cá Đao ăn khai ngấy làm sao anh con ăn được đem đổi lại.

Trên đường đi ra tôi gặp Thầy Ba Nô đến nhà chích cho Ba, quán Bà Tư không có khô cá Đuối tôi phải xuống quán Chú Mười Giả tuốt dưới ngã tư, gặp thằng Rọt hò hẹn với nó một hồi việc đi gở câu trộm tối nay… mới đến đầu hẽm nghe tiếng chị la khóc, chòm xóm tụ lại chật nhà, tôi chạy ù về ba tôi nằm trên ván thân thể tím ngắt, miệng  trào bọt mép máu đỏ tươi rồi qua đời.

 

Mới cười nói, sai bảo giờ lặng yên nằm đó !

Đức Phật dạy mạng người dài chỉ bằng một hởi thở vào ra, quả thật không sai !

Trời mưa rả rít đoàn người tiển đưa lầm lủi đi trong yên lặng.

Đêm về  má ngồi nhìn lên bàn thờ, bóng đen ngã dài in trên nền vách, tương lai chúng tôi đây.

 

Còn cha gót đỏ như son

Đến khi cha mất, gót con dính bùn.

 

Chóng chỏi được một thời gian, mẹ tôi gởi mấy chị nhờ chú bác nuôi dạy

Căn nhà trống huơ trơ trọi chiếc giường tre cũ kỷ và bốn mẹ con.

Ngày má bán bộ ván Gổ Mun kỹ niệm cũng là tài sản cuối cùng, cho Chú Năm Thiện bên Thánh Thất Cao Đài cưa ra chuốt đũa, tôi đã kêu khóc má khuyên bảo còn đôi tay mình sẽ sắm lại. 60 năm rồi, thằng con bất hiếu dở dở ương ương đầy đủ  đôi tay nhưng con của Má sắm được gì đâu ? lo đủ miếng ăn đã chết lên chết xuống rồi.!

 

Tiền bán bộ ván trang trải nợ nần còn chút ít tần tảo nuôi con. Má xin Bác Sáu Thợ Hồ che chiếc chòi giáp với ranh Bót bán chuối chiên.

Mỗi chiều tôi đội gạo ra nhà Cô Tám Kiểu nhờ cối xay bột. Nói thật bánh chuối chiên Má tôi làm còn ngon hơn Bánh Xèo của Bà Mười Xiềm Cần Thơ là cái chắc nhưng bánh vẫn ế, buổi sáng đi học buổi chiều đội mâm chuối chiên đi khắp làng khắp xóm bán, điểm bán chiến đấu nhất của tôi là trường gà của anh Minh anh Mẫn hai anh em sanh đôi ở Xóm Trong, Xóm Trong là hẽm Đồ Chiểu hiện nay.

Trường Gà cất trước Miễu ẫn trong đám dừa nước âm u như Đám Lá tối trời, các chiến hữu, đi ghe, đi xe đạp, đi bộ kè kè theo túi đệm là mấy ổng đó.

Gà ngày nay võ công vào bậc thượng thừa, vừa bay lên đối phương đã gảy cổ giẩy đành đạch nằm xuống, mắt tèm nhem mấy ông già chưa phát hiện thì đã chầu độ khác rồi !

Gà ngày xưa nhiều cập đá từ sáng đến tối, hai thằng uể oải đứng không nổi cứ kè cổ nhau nẹt hoài, bên ngoài đấu trường mấy chiến hữu la lối vang trời đất. Bắt một ăn năm đôi khi còn bắt một ăn mười. Không biết bắt một ăn mười là thế nào nhưng nghe sao viết vậy.



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 17/Aug/2011 lúc 7:56pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 19/Aug/2011 lúc 10:58pm

Tôi nhớ Bác Tám hay bác Mười gì đó ( tạm gọi là Bác Mười ) chuyên nuôi Gà Nòi nhà ở gần Ao Trường Đua Bác bị mù, con Gà Điều Thần Kê nổi tiếng của Bác Mười, Gà bên Chợ Lách Bến Tre qua, Gà Hốc Môn xuống, Châu Đốc lên đều bị đo ván, trong đó có một độ chưa hết 3 đồng tiền. Đồng tiền là mấy ông trường Gà khắc từng đoạn trên cây nhang dài khoảng lóng tay, lấy chỉ cột đống tiền xưa trên đó rồi đốt, độ 15 phút nhang cháy đến đó, đứt sợi chỉ làm rớt đồng tiền xuống đất cái teng hết một độ. Giống như  Võ sĩ đấu quyền anh, hai bên đem gà ra móc nhớt móc nhao, núc máu hút mũ, phun nước phèo phèo, vổ ức vổ đùi bành bạch, chổ nào tét da mấy ổng vá may lại như vá quần áo thật là giỏi, học lóm của Thần Y Hoa Đà mà không giỏi mới là lạ! xong lại ôm gà vào trường nhử nhử cho gà xung lên đá tiếp

Mấy sư phụ của tôi dạy rằng Thần kê là Gà gáy từ 7 tiếng trở lên, loại phàm phu chỉ ò ó o … o bốn tiếng ráng lắm rặn thêm tiếng nửa là năm hết.

Bửa nọ Gà Thần Kê Bác Mười cáp độ với con Gà Ô Tử Mị ở Cao Lãnh mang qua con gà gì mà đứng trên cây, đầu chúi xuống đất cả ba bốn ngày không cáp độ được.

Sau khi so vai, so cựa , con Thần Kê có cựa dài hơn, con Tử Mị nặng ký hơn Một con đá đòn một con đá thế hai bên đồng ý, lập sổ

Đá đâu từ sáng khi tôi đi học về, đội mâm chuối chiên vào vẫn còn. Tiếng la hét bắt độ vang rân cả một vùng

Bác Mười, mù mà thích xem đá gà mỗi lần nghe rẹt rẹt Bác nói – “ Chết mày chưa, chết mầy chưa như máy hát dĩa bị cà lăm” rồi cười sảng khoái, thằng con trai vừa dẫn đường vừa là phụ tá trông coi sổ sách tiền bạc ngồi kế bên rầu thúi ruột nóng máu la lớn lên – “ Gà họ đá gà mình mà “

Dân đá gà Gò Công xôn xao Con Thần Kê bị đo ván,  đàn gà nòi của Bác Mười cũng xuống dốc từ đây.

Quý vị sư phụ la hét từ sáng đến chiều, đói bụng nghe tôi rao chuối chiên đây, ê chuối chiên, tiếng kêu vang cùng trời … cuối đất vèo một cái là hết

 

Tôi buôn may, bán đắc được 6-7 tháng gì đó.

Một buổi sáng nghe tin anh Minh anh Mẫn chết, theo đoàn người nhiều chuyện tôi dọt xuống dãy mộ phía trước Tịnh xá Ngọc Tân thi thể hai anh nằm ngửa trên đất mình mẩy bị trói bằng dây kẻm trông như đòn bánh tét, đầy vết Mã Tấu chém, trên sọ một vết chém sâu nhét bản án vào, Nghe chị Mẫn thuật lại khoảng 9 giờ đêm một nhóm người mặc đồ đen đập cửa vào nhà bắt anh trói lại chúng chém anh từ trong nhà dẫn đi mất biệt, những nhà hai bên đường bọn chúng dẫn anh đi qua cón nghe tiếng rên đau dớn của các anh. Sáng sớm gia đình mò theo vết máu đến nơi đây. Với thú vật chưa ai dám làm thế,  giải phóng quân dám làm thật là đáng nể, cung cách chém giết đủ nói lên ” đỉnh cao trí tuệ của loài người ” !!!  

 

Trường Gà đóng cửa công việc buôn bán càng khó khăn hơn, thị trường buôn bán của tôi càng ngày càng mở rộng ra, lan dần tới Sân Vận Động mà kết toán hằng ngày chẳng được bao nhiêu! Do bán ế sợ má buồn tôi ăn và cho chúng bạn, về nhà nói dối là bán chịu. Buổi chiều mệt ứ hơi lại phải gánh gạo đi xay bột, còn phải đi gánh nước Ao Ông Hộ về xài. Phải đi đốn củi về chụm, giặt quần áo cho mấy em, đến tối học bài, thật là vất vả. Các chiến hữu phá làng phá xóm xa lánh dần, phải làm tự kiểm bằng cách cống nạp chuối chiên ế, nếu không ban bí thư khai trừ đảng, đồng chí Chín Đức tổng bí thư dõng dạc tuyên bố như thế, trời đất ơi đi phá làng phá xóm trộm món này cắp món kia,  mà cũng chảnh ?!



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 19/Aug/2011 lúc 11:01pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 20/Aug/2011 lúc 11:01pm

Má quần quật suốt ngày từ đầu hôm đến tối, vì vậy chúng tôi cố gắng, những đêm khuya 24- 25 âm lịch nước sông rất cạn 3-4 giờ sáng tôi thức dậy theo các anh chị âm thầm đi mò cá tép dưới sông, từ nhà ông Ba Nghi đến cống Ông Ba Khoa thì về. đi học

Đi bắt cá rất dể chỉ cần cái rổ, cái thau và mớ nhành cây

Soi lổ cái thau  khoanh một vòng kẻm, dùng dây lạt dừa một đầu buột vào cái thau, đầu kia buột vào bụng bỏ mớ nhánh cây vào thau tôm cá nhảy trở ra là bị vướn lại.

Cái rổ dùng để chao qua chao lại dưới nước vài vòng dở lên tôm tép nằm trong rổ, nhưng bắt cá kiểu này bị các anh chị rầy vì làm động nước cá tôm trốn hết, dân chuyên nghiệp chỉ dùng hai bàn tay rà nhẹ trên mặt bùn như nam châm hút sắt đố con tôm con cá nào vuột khỏi.

Tôi sợ gặp phải cá Chổt, cá Nâu bị nó đâm  thì đau nhức cả ngày cá Ngát, cá Mặt Quỷ còn dữ dội hơn ngoài đau nhức còn  phải cảm sốt vài hôm

Cá mặt quỷ trông xấu xí mình mẩy gai gốc xù xì, lên khỏi nước kêu ẹt ẹt khó nghe bị cá đâm thì kêu trời chẳng thấu. Cá nâu màu sắc như quân phục những chàng Thuỷ Quân Lục Chiến, vùng Cà Mau dân làm nghề Hạ Bạc người ta trồng cây Kim Vàng để dự phòng bị cá mặt Quỷ cá Ngát đâm.

Nhiều lần nước ròng sát người đi bắt cá đông, nước sông thành sình bùn bám vào mang cá tôm thở không được phải nổi đầu người ta vớt cá chật sông nhất là hai bên cống.

 

Bánh Chuối Chiên càng ngày càng ế, anh em chúng tôi mỗi ngày mỗi lớn lên nhu cầu ngày càng tăng má tôi định đổi nghề nhưng biết làm nghề gì bây giờ nhiều đêm má thức trắng, tâm sự không ai tỏ bài.

Sau cùng má quyết định gởi anh em chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi, thương cho hoàn cảnh Chú Bác bằng lòng, má bồng đứa em út đi Sài Gòn nhờ Cậu tôi tìm việc làm.

Đêm chia tay chúng tôi ôm nhau khóc suốt, má hết ôm đứa này, đến bồng đứa khác anh em chúng tôi quyến luyến chẳng rời nhau. Tôi xách giỏ đưa má đi ra bến xe đò lòng buồn tan tác, trước giờ chia tay má ôm tôi vào lòng –“ Con ở nhà vâng lời hai Bác, không được bỏ học, thỉnh thoảng đi thăm các em con”, thằng em tôi là vui lăng xăng cười nói, hối thúc Má nhanh lên nhanh lên, xe chạy rồi tôi còn tần ngần đứng đó nước mắt dẫn tôi về nhà, thùng sửa bò bằng giấy carton chứa mấy bộ quần áo, dăm ba quyển vở, hành trang của tôi, 10 đồng má nhét túi. Tôi đóng của trèo ra khỏi nhà.

Ở Nhà Bác một thời gian, chị thấy tôi cực quá  từ sáng sớm cho đến tối mịch không nghỉ tay, đau lòng nên xin Bác cho tôi về  Cầu Huyện ở giữ nhà, đi học.

Ôm thùng quần áo ra về lòng vui như tết, bạn bè nghe tôi về kéo đến đầy nhà. Căn nhà lạnh lẽo, mùi đất ẩm thấp, mùi mốc khắp nơi, nền đất phình lên đi nghe xìm xịp, cây cỏ mọc hoang vu, thương nhất tấm bồ lúa cuốn tròn gác trên cháy bếp xác con mèo Mun trung thành nằm chết khô.

Tụi bạn phụ nhổ cỏ để có đường vào nhà. Chúng nó bảo mỗi tối đi ngang qua nhà thằng nào thằng nấy chạy vắt giò lên cổ, đứa thấy ba tôi thế này đứa thấy ba tôi thế kia thật là xạo hết biết. Đêm đó thằng Long qua ngủ cùng tôi, hai anh em tâm sự gần sáng.

 

Cao Thệ

IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 22/Aug/2011 lúc 9:28pm

Bạn bè nghe tôi về lần lượt kéo đến đông vui, suốt ngày

Năm lớp Nhất tôi may mắn được học với thầy Sắm, lớp học trên lầu, dưới lầu là văn phòng Hiệu Trưởng và lớp học Lý Thuyết của Trường Học Nghề Gò Công

Lầu hình chử thập, Lớp thầy Sắc quây ra Hồ tắm, hai Thầy đều dạy giỏi và thân nhau, thầy Sắc  sau đó qua dạy bên Trường Trung Học, nhà Thầy ở Gò Tre mỗi ngày hai lượt xe đạp ngang qua “ Gian hàng Chuối Chiên “ nên biết tôi. Tôi nghỉ vậy!

 

Bổng dưng tôi được làm chủ gia đình, gạo cá, mắm muối, củi nước, quần áo, sách vở … ôi thôi trăm thứ tôi phải lo toan thật là khổ, không gì quý hơn độc lập tự do mà. Hồ nói thế !

Buổi sáng đi học buổi chiều các chiến hữu tụ tập đầy nhà, nhà tôi sân rộng mênh mong đủ thứ trò chơi được bày ra

Để được sống , học hành và vui chơi tôi cũng phải có kế hoạch cho mình

Ao trồng rau muống, mùa nắng chiều gánh nước, mùa mưa tối thì đi giăng câu, đặt đuôi chuột, con nước kém thì đi mò ( bắt cá ở sông )

Rau muống tôi trồng thuộc loại ngon nhất nước, nhưng vẫn bị chê lên chê xuống ì xèo, nào là cọng dài ốm nhách, cọng ngắn lá nhỏ lá sâu v.v… 1001 kiểu chê, từ một chục 12 bó rau lên đến một chục 16 vẫn ế, vì thời đó người ta chỉ ăn rau muống Tàu trồng bằng hột, rau muống tôi thuộc loại hoang ra ruộng gom một hơi cả gánh đem về xắc nhỏ trộn  cơm cho heo ăn, chảnh hết biết!

Đáng đời bi giờ ăn rau muống nuôi trồng bằng nước cống bệnh viện chảy ra đen thùi, tưới dầu nhớt cho nó bóng, hỏng tin ra Nghệ An mà xem, hoặc mời ghé qua Hốc Môn , Bình Chánh, Củ Chi thì rõ,  rau nhà tôi trồng ở ao nước sạch, buổi chiều đi học về lội xuống ao nước lạnh ngắt, cắt từng ngọn rau, đem lên nhà lựa ra bó từng bó bằng nắm tay, tỉa các lá sâu đem qua Bà Tư Lang bán 2 đồng một chục 16 bó. Công lao cực nhọc kiếm tiền đi học thiệt khổ trăm bề.

 

Thời kỳ này Chánh Phủ đề ra chương trình Xoá Nạn Mù Chử bắt buộc những người  không biết chử phải đi học, mấy bà già trầu, mấy Cô Dì còn cho con bú, không tha vị nào. Tối tối trong xóm rủ nhau đi học thật là vui, mà cũng ngộ, học trò đi học không cầm tập lại đỏng đảnh xách giỏ trầu giống như mấy bà Tây xách bóp đầm, người thì bồng con nít, mấy ông ôm bịch thuốc rê tổ bố. Vào lớp nhai trầu nhóp nhép phun phèn phẹt, vấn thuốc xẹt hột quẹt hút khói bay mù trời, con nít đòi bú khóc la dậy đất. Sau ba tháng khoá học tốt nghiệp, thuở ấy không có lãnh bằng như bây giờ, dở ghê! học trò tốt nghiệp cầm bài thơ 4 câu đọc tối ngày không hết chử. Vô phương !

Tôi có nhiều cách làm tiền, ăn hỏng hết còn gởi cho em, số là từ ngày Ông Minh Đăng Quang về truyền đạo các Bác Thiếm, Cô Dì hầu hết biết chử lem nhem bổng dưng muốn đọc kinh, nghe kinh chẳng biết làm sao.

Họ thay phiên nhau mướn tôi đến nhà dạy thuộc lòng những bài như :

-         Bát Nhã Tâm Kinh “ Quán Tự Tại Bồ Tát….”

-         Chú Đại Bi  “ Nam Mô hắt ra đát na …. “  

-         Kinh Sư Vãi Bán Khoai “ Nhìn cuộc thế tâm thần rối loạn, Thương nhân sinh đau khổ đà kề ….”

Học trò chưa thuộc thì thầy giáo đã thuộc rồi, bằng chứng là hơn 50 năm thầy còn nhớ, mỗi buổi học 2 cắc, tuỳ hỷ học trò có vị boa đến 5 cắc.

Mấy đàn anh trong sớm học giỏi hơn tôi, nhưng kiên nhẩn lập đi lập lại như tôi để học trò thuộc thì không được, hoặc đang học

       “ Con chờ bác xuống chắt nồi cơm “

       “Trời mưa, mầy chờ tao đi lấy quần áo vô “

       “ Chờ Dì chút, cho thằng Tèo nó bú “

Trăm ngàn kiểu chờ đợi, lâu lắc mấy Thầy nãn mà mất dạy hết, còn mình tôi bám trụ.

Cao Thệ



Chỉnh sửa lại bởi cao the - 22/Aug/2011 lúc 9:36pm
IP IP Logged
cao the
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 15/Jul/2011
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 589
Quote cao the Replybullet Gởi ngày: 23/Aug/2011 lúc 8:33pm

Khu vực xóm tôi có bốn ao chứa nước ngọt:

-         Ao Ông Hộ, trên đường xuống Vườn Bông ( Lăng Đốc Phủ Hải ) qua khỏi ngã tư , tẻ trái đi vào khoảng 100 mét chung quanh Trăm Bầu che kín, Ao Ông Hộ lớn lắm ba mặt vườn  chung quanh ao, tuỳ theo mùa người ta trồng cải, trồng ớt, trồng cà.

-         Ao Chuối, đường đi Bình Ân quẹo trái đường vào Chùa Thanh Trước ngay ngã ba là Ao Chuối bên kia đường Lăng Võ Quốc Công, không biết phải chung quanh trồng chuối nên gọi là ao Chuối phải không ? Giáp ao cặp theo đường là miếng vườn nhỏ thỉnh thoảng thấy trồng Ngò thơm lừng. ao Chuối  nhỏ đi xa gánh nặng nên những người gánh nước mướn như chúng tôi ít chuộng hơn

-         Ao Trường Đua người ta bảo Ao này là Long Mạch, nước thông đến Âm Phủ, ai mà tin cho nổi ? vì thông đến Long Mạch nước ao này không hề cạn. Tôi không tin vào thời tôi một lần thấy ao cạn tới đáy trơ sình chung quanh, thiên hạ người ta dẫn ngựa cho ăn cỏ, con nít chạy giởn mịt trời thiên địa.

Long Mạch theo tôi chỉ là mạch nước ngầm của sông Cầu Huyện len vào, con rạch chảy dọc theo ranh nhà Ông Cai Tổng Thới  vòng vèo đến Phước Thiện len lỏi cặp theo đường hẻm đầy cây Lứt chảy gần đến ao.

Phong cảnh Ao Trường Đua  thật là hữu tình, bên hàng Dương là đường đi Tăng Hoà, Từ hẻm Phước Thiện dọc theo chung quanh ao là ruộng lèo tèo mấy căn nhà được trồng dừa, dừa ngã cong  cong ra ao rất tình tứ

Tôi ghét gánh nước Ao Trường Đua chỉ vì cầu lót ván gánh nặng khó đi, mặt nước sâu thăm thẳm phía dưới, đi gánh nước phải mang theo thùng nhỏ phải kéo từng thùng đổ vào thùng lớn.  Nước trong nhưng không ngọt bằng những ao khác, người lại rất đông

-         Ao Chùa Dư Khánh thì hơi xa, nếu đi tắt chổ hẻm nhà Ông Hai Nghé cũng ngắn thêm một đoạn nhưng khó đi hơn, nên người Cầu Huyện ngại

Thùng gánh nước là thùng dầu hoả hiệu con sò mua về khui bỏ phần đầu, tìm một thanh cây tròn hoặc khúc gổ vuông đóng vào 2 mép thùng nấu dầu hắc sôi sơn lên thế là có cặp thùng. Tay thùng do thằng Hai Nhỏ làm tặng cho tôi nó bào láng cón đứa nào cũng khen, thợ mộc chánh hiệu con Nai vàng mà ! Mua thêm cây đòn gánh. Hai cái móc thằng Cai dành làm, nó đo chiều cao thùng, đo chiều cao từ vai tôi xuống đất rồi mua mấy mét dây kẻm 6 ly về nhà cưa ra làm hai, kẹp vào hai nhánh keo thế mà nó uốn đẹp hết biết, Thằng này nó khéo tay làm cái gì cũng đẹp

 

Mỗi chiều người ta đi gánh nước từng đoàn cười nói huyên thuyên, theo những bước đi cây đòn gánh nhúng nhảy nước trong thùng gợn lăng tăng vẽ mấy lằn nước vòng vèo dưới lộ. Tôi gánh nước chứa đầy hàng máy vú , mỗi máy 6 đôi, người trong xóm kêu gánh nước bất kể giờ nào tôi sang qua thùng, nước được lóng trong có ngay tức thì họ thích lắm cũng 2 đồng một đôi nước như mọi người.

 

Cao Thệ

IP IP Logged
Trang  of 14 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.207 seconds.