|
|
San Jose, tiết cuối năm, trời lạnh và mưa. Đêm nằm nghe mưa rơi rào rào trên mái và tiếng nước rơi tí tách ngoài hè lẫn với tiếng gió gào trong lá, gợi nhớ những mùa Đông xứ Huế năm xưa, có khác chi mô. Thuở đó, trong những ngày mưa lạnh âm u như thế, lũ nhóc chúng tôi không có dịp ra ngoài trời chạy nhảy chơi đùa, đành quanh quẩn bên bà ngoại để nghe kể chuyện đời xưa hoặc chơi trò câu đố.
|
Bà ngoại ngồi trên giường, hai tay đặt trên lồng ấp , miệng nhai trầu bỏm bẽm và : Mệ đố mấy đứa bây, cái chi mà :
Cò tha rác, đợi chờ tin lửa.
Bỗng đâu mây phủ tràn đầu.
Người không biết trăm năm thành phụ,
Người biết, vắng mặt lại sầu.
Ấy, bà đang đố về việc hút thuốc lá vấn đấy. Ngày xưa, khi thuốc điếu chưa phổ biến, mới chỉ là sản phẩm tiêu thụ của người thành thị, của giai cấp thầy Thông thầy Ký, thì muốn hút thuốc lá, phải tự vấn lấy bằng giấy quyến, có người gọi là vấn theo kiểu sâu kèn. Hai ngón tay trỏ và cái chụm lại , nhón lấy những sợi thuốc để lên giấy rồi vấn lại thành điếu thuốc, đó là hình ảnh của cò tha rác. Tờ giấy quyến to bằng tờ nhật báo, mỏng hơn giấy pơ-luya dùng để đánh máy, được xé thành dừng dung nhỏ, bề ngang chừng 3cm. Người hút sẽ ngắt ra từng đoạn dài ngắn tùy ý. Thuốc Cẩm Lệ bán ra được gói bằng lá chuối tươi, khi nào cũng có kèm vài dung giấy quyến, kẹp ngay nơi mép . Tôi hỏi bà Mệ có ưng hút thuốc vấn bằng giấy pơ-luya không ? Để con đi xin về cho mệ hút, khỏi mua giấy quyến, tốn tiền Bà cười Cái thứ giấy Tây đó hút hôi khét, làm dở thuốc. Chỉ có giấy quyến của Tàu là hút ngon thôi
Lại ngon. Hút thuốc mà thấy ngon? Hồi đó tôi mới đâu chừng 9, 10 tuổi , một bữa nghe bà ngoại nói chuyện với người hàng xóm rằng thuốc Cẩm Lệ mà vấn với cánh hoa sen, hút ngon lắm. Mùa hè, cái độc bình trên bàn thờ Phật cắm cả chục hoa sen trắng ngần, thơm ngát. Bà dặn tôi hễ cánh sen rụng thì đừng có quét đi, hãy lượm để trong cái ngảu đựng cau cho bà hút thuốc. Nghe nói hút theo kiểu đó ngon lắm nên tôi chờ cho bà ngủ trưa, lén ăn cắp thuốc rồi lấy cánh hoa sen vấn hút, để coi thử có ngon như kẹo đậu phụng hay kẹo gừng không. Bập vài ba hơi thì ho sặc sụa, nước mắt nước mũi tùm lum, tôi vất ngay điếu thuốc, miệng phun nước miếng phì phì, và chạy vội đi lấy cái gáo múc nước súc miệng, lòng tự nhủ từ nay không bao giờ đụng tới cái thứ ngon điên khùng này nữa.
Vậy mà vềà sau, khi lớn lên, ngoài thuốc lá, tôi còn kiêm thêm cả trà Tàu và rượu (thỉnh thoảng) và nghiệm ra rằng ba thứ này, một khi đã biết thế nào là ngon thì đã lậm mất rồi, khó mà dứt đường tơ lắm, kiểu như anh chàng nghiện thuốc lào nào đó đã than thở:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
Tương tư người yêu mà tả được như thế thì tình tứ mà cụ thể vô cùng!
oOo
Ở Huế, nói tới hút thuốc thì phải nói tới thuốc Cẩm Lệ. Mà nói tới thuốc Cẩm Lệ thì không thể nào quên được hai cửa hàng mang bảng hiệu Mụ Thôi và Bà Cửu Ới ở Ngã Giữa. Mấy quán bán lẻ khắp hang cùng ngõ hẽm của Huế nếu có bán thuốc lá Cẩm Lệ thì cũng đi lấy thuốc từ hai hiệu này. Hồi còn học Tiểu học (cấp 1), tôi đã từng đạp xe ra một trong hai hiệu đó để mua thuốc cho bà ngoại và thầy mạ tôi. Sau này, trước 1975, đôi lúc về thăm Huế, tôi cũng còn thấy hai hiệu thuốc đó, giờ không biết còn hay không. Người ta nói rằng cậu Cẩn nghiện ba thứ: cau trầu, rượu lễ và thuốc lá vấn Cẩm Lệ. Thuốc cậu hút, được các bà (??) vấn sẵn, để trong hộp bạc chạm rồng, ngó sang trọng thua chi thuốc lá hộp của Ăng-lê, nghe người ta nói vậy chứ mình làm chi được gần cậu mà biết.
Kể cũng lạ, Huế có vùng Phong Lai thuộc huyện Phong Điền trồng thuốc lá ngon có tiếng, vậy mà người sành điệu thuốc vấn bao giờ cũng chỉ chuộng có thuốc Cẩm Lệ sản xuất tại vùng Cẩm Lệ, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng không bao xa, kiểu như người ta chuộng thuốc lá thơm đầu lọc sau này. Mặc dầu sau này khi đã gia nhập vào hàng ngũ hút thuốc lá, không phải thuốc lá thơm đầu lọc của Aêng-lê hay Mỹ, mà là thuốc lá đen Bastos xanh của Tây thuộc địa, tôi vẫn không chịu được mùi thuốc và khói thuốc Cẩm Lệ .
Thuốc Cẩm Lệ khi xắt ra, những sợi thuốc dính với nhau thành từng lát mỏng, đen như lát Thục địa trong thuốc Bắc, có mùi hăng hắc. Điều đó chứng tỏ thuốc chứa rất nhiều nhựa nicotin. Để xắt thuốc lá thành sợi nhỏù, người ta phải tướt hết cọng thuốc cứng trên lá, xong đem lá đó quấn lại thành cây thuốc cở bằng ngón chân cái. Để tiện chuyên chở và tồn trữ, người ta khoanh cây thuốc thành vòng tròn, gọi là bánh thuốc. Mỗi bánh thuốc có đường kính chừng 4 tấc. Có người nói với tôi rằng để cho thuốc được ngon, người ta đem sắc cọng thuốc như sắc thuốc Bắc rồi lấy nước đó đem ủ với lá thuốc. Về sau, khi quen với một anh bạn có nghề làm thuốc lá chánh gốc Cẩm Lệ, thường xuất hàng ra Huế, tôi đem điều đó ra hỏi thì anh cười, bảo rằng có một toa thuốc Bắc gia truyền dùng vào việc ủ thuốc lá chứ không phải nước cọng thuốc đâu!
Vẫn biết rằng có thể dùng lá thuốc vấn lá thuốc ngắt vụn để làm thành điếu thuốc, kiểu như xì-gàø của Cuba, nhưng người văn minh ít khi hút thuốc theo kiểu đó, thường vấn thuốc bằng giấy quyến nên thuốc phải được xắt ra thành sợi nhỏ. Người ở quê thường tự trồng thuốc để hút nên họ phải tự xắt lấy với đồà nghề khá đơn giản, chỉ cần một cái mác hay cái dao cau, dao xắt chuối mài thật bén và một cái bàn xắt thuốc bằng tre là đủ. Còn người ở dinh thì đã có các đại bài thuốc Cẩm Lệ cung cấp. Ở mửc độ này thì việc xắt thuốc đòi hỏi phải chuyên nghiệp hơn để nâng cao mức sản xuất và giữ phẩm chất sản phẩm. Vậy là thợ xắt thuốc ra đời cùng với đồ nghề chính hiệu là bàn xắt bằng gỗ, ghế ngồi và dao đặt thợ rèn làm theo kiểu mẫu riêng.
Đâu chừng như thập niên 50 thì việc xắt thuốc Cẩm Lệ được cơ khí hóa. Ở Đà Nẵng người ta đã sáng chế ra máy xắt thuốc lá tự động chạy bằng mô-tơ, nhanh và tiện vô cùng. Sau này, khi đã rời Huế, có người nói với tôi rằng chính anh Nguyễn Viết Tường, giáo sư Toán trường trung học Nguyễn Tri Phương ở Huế là nhà sáng chế máy xắt thuốc lá thông dụng cả ở bên này và bên kia đèo Hải Vân. Tiếc thay, khi biết thì đã muộn, không có cơ hội để hỏi anh Tường việc này hư thực ra sao.
Tàn thuốc lá hôi phải biết, dù là thuốc lá thơm. Vậy mà người ở quê hút thuốc, khi điếu thuốc cháy gần hết, họ không vất đi. Họ dụi cho tắt rồi dán dưới gầm bàn hay cột nhà. Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao họ lại làm thế, trông dơ dáy quá. Cho đến một bữa thấy ông anh họ mò mò dưới gầm bàn móc ra mấy cái tàn thuốc, gom lại quấn thành một điếu, thản nhiên đưa lên môi phì phà. Hèn gì mà vừa làm anh vừa hát:
Cau xanh ăn với trầu vàng,
Không tiền mua thuốc lượm tàn hút chơi!
Trí nhớ thường mòn mõi với thời gian, có những điều cố nhớ thì lại quên, nhưng có những điều không thèm nhớ làm gì lại cứ ăn mãi trong đầu. Chẳng hạn hai câu vè quảng cáo thuốc Bastos mà tôi đọc được trên báo Sàigòn Mới hồi còn quẹt mũi ngang, như sau:
Bát-tô tuổi đã dư trăm.
Nghìn tám ba tám(1838) là năm ra đời.
Mùi thơm, ngon, dịu, tuyệt vời.
Ai người sành điệu lại người không ưa?
Khi mới tập tễnh hút thuốc, tôi hút thuốc lá đầu lọc cho ra vẻ dân thầy (!), nhưng sau đó khi đã nâng cao trình độ cà-phê đen và thuốc lá thì chuyển qua thuốc lá đen Bastos xanh, vì thấy loại này đi với cà-phê đen mới hết ý. Khi hãng Bastos cho ra đời sản phẩm mới là Bastos xanh đầu lọc và quảng cáo rầm rộ, tôi hút thử và chịu liền, từ đó mê luôn cho tới ngày Miền Nam rã đám. Đúng là mùi thơm, ngon, dịu, tuyệt vời. Nó không thơm một cách Playboy hay diêm dúa như các loại thuốc thơm khác, mà đúng là mùi-đàn-ông, đã thế, hút xong, để lại một dư vị ngọt ngào trơn tru trong cổ họng, không bị khô cổ bao giờ.
Khi tôi về dạy học tại trường Hàm Nghi, gặp lại thầy Lê Hiếu Kính đang làm Tổng Giám thị tại đó. Thầy Kính dạy tôi hồi lớp Nhất (lớp Năm) và thương tôi như em ruột. Ông từng là huynh trưởng Hướng đạo, người rất mẫu mực, nên dĩ nhiên không ưa chuyện hút xách, dù là thuốc lá chứ chẳng phải phiện phò gì. Thấy tôi cứ phì phà thuốc lá và cũng mê sách, nên có lần ông nhẹ nhàng bảo Nếu em bỏ hút thuốc thì thầy nghĩ em sẽ mua được nhiều sách hơn Nễ mất lòng, tôi đáp Dạ, thầy để em thử coi có bỏ được không. Chừøng một tuần sau, thấy tôi vẫn tiếp tục nhả khói, ông cười Không bỏ được à? Tôi đáp Nghe lời thầy, em nhịn tiền mua thuốc để dành mua sách, nhưng sau đó tính lại thì thấy cũng không giàu thêm, có thể hút thuốc mà vẫn mua sách được, với lại vừa hút thuốc vừa đọc sách thì lại thấy sách hay hơn, nên em lén thầy tiếp tục. Nghe thằng học trò nói cù cưa như vậy, ông đành cười , vỗ vai một cái rồi bỏ đi.
Thầy không ưa hút thuốc, mà vợ cũng không ưa nhưng thương chồng nên phải chìu chồng trong mấy chục năm. Biết rằng mùi thuốc lá chẳng thơm tho gì với các bà nên tối nào trước khi đi ngủ cũng không quên đánh răng súc miệng thật kỹ để lỡ có cao hứng mà âu yếm vợ thì vợ cũng không hất mình xuống đất. Khi có con, vợ ra điều kiện là hễ mới hút thuốc thì không được hôn con. Nghe cũng có lý nên chịu phép.
Nhiều lần đọc trên báo, hễ có bài nói về cái hại của thuốc lá, bà đưa tờ báo cho tôi, dí dí ngón tay vào bài báo và nói Anh coi nì, báo người ta nói thuốc lá hại như ri mà còn hút làm chi? Tôi cười cười Ôi chao, mấy bài báo đó anh thuộc rồi. Chẳng chết ai mô. Hút thuốc lá là cái duyên của đàn ông, anh bỏ thuốc thì hóa ra vô duyên ngay, em chịu không? Một lần, nhân có anh bạn bác sĩ đến nhà thăm, bà lôi ngay cái hại của thuốc lá ra hỏi, ý muốn nhờ nhà chuyên môn cho tôi một lời khuyên. Anh ta chìa ra hai ngón tay vàng khè khói thuốc Ruby và nói Tôi cũng hút đây nì. Ăn nhằm chi mà chị sợ Vậy là từ đó bà không bao giờ phàn nàn chuyện hút thuốc nữa, cho tới ngày định cư ở Mỹ, nhưng đó lại là chuyện về sau . . .
oOo
Khi còn tu tiên trên núi, mấy anh bạn cùng chung một đội thường rất khoái cái triết lý hút thuốc của tôi, thỉnh thoảng lại bảo tôi lặp lại cho họ nhớ để còn đi thuyết phục kẻ khác nữa!. Cái triết lý đó như thế này: hút thuốc là một hạnh phúc của người tù cải tạo, vì hút thuốc sẽ giúp ta Năm chống. Họ hỏi sao lại kêu là Năm chống? Tôi nói đó là chống lạnh, chống mệt, chống đói, chống thèm và chống buồn.
Này nhé, vào mùa đông buốt giá, trong khi gió núi mưa nguồn bao phủ bốn bề u ám, tay anh cầm cái rựa hay cái cuốc mà run lên từng chập trong tấm nylon vì lạnh, nếu có điếu thuốc bập bập trên môi, tự nhiên thấy ấm ngay, phải không? Vậy là chống lạnh nhé.
Rồi thì cong lưng cuốc đất mãi cũng mệt, phát rẫy mãi cũng đừ cả tay mà bụng lại đói cồn cào nhưng giờ giải lao chưa tới, làm sao ngừng tay trong vài phút mà không bị phê bình là chây lười lao động đây? Khó gì, anh cứ dừng tay, lấy bao thuốc rê ra vấn một điếu, rồi báo cáo cán bộ cho tôi đi đốt thuốc Đoạn ung dung đi tới đống lửa công cọng mà mồi thuốc; chừng đó động tác với thời gian đi về ít ra cũng cho anh được 5 phút giải lao ngoài thời khóa biểu, vậy thuốc lá chẳng giúp anh chống mệt là gì? Ngoài ra, trong giờ giải lao chính thức, ngồi thoải mái rít từng hơi thuốc , anh sẽ nghe được cái mõi mệt tan đi trong từng thớ thịt.
Bây giờ là chống đói nhé. Nếu anh bảo rằng anh không bao giờ biết đói thì tôi không nói làm gì. Còn nếu đang lúc cày sâu cuốc bẩm mà bỗng dưng anh nghe cái bao tử đòi ăn và biết chắc rằng ngoài tiêu chuẩn cơm của trại, anh chẳng có cái gì để ăn dặm thêm cho đằm bụng, thì hãy lấy thuốc ra làm một điếu, rồi chiêu thêm vài ngụm nước nữa là yên ngay. Nicotin trong thuốc lá sẽ giúp cho anh tạm quên cái đói trong giây lát.
Còn sao gọi là chống thèm? Khoản này sẽ không gồm mấy anh được thăm nuôi nặng ký. Khoản này chỉ có hiệu lực với mấy anh con bà xơ và mấy anh thăm nuôi nhẹ ký như tôi thôi. Này nhé, đi lao động về, bụng thì đói mà cơm trại chưa lãnh về, trong khi đó các bạn giàu có bên cạnh đem đồ thăm nuôi ra ăn khai vị, dĩ nhiên là con tì con vị của mình biến thành thủy triều nước miếng dâng lên ào ạt. Làm gì nào? Chẳng lẽ đưa chén ra xin một miếng? Còn chi là anh hùng! Đừng nhìn người ta ăn nữa, hãy dựa lưng vào ba lô, thản nhiên lấy thuốc lá ra làm một điếu, khói thuốc sẽ làm cho anh quên thèm và giữ được khí tiết trong cảnh bần cùng!
Cuối cùng là chống buồn. Trong cảnh tu tiên bất đắc dĩ đó mà anh không cảm thấy buồn thì tôi miễn bàn. Còn nếu có lúc nào đó gió núi mưa ngàn làm cho anh xót xa thương vợ nhớ con thì hãy lấy thuốc ra mà đốt, mấy điếu cũng được. Hãy mơ màng ngắm khói thuốc, hãy trò chuyện với khói thuốc, khuây khỏa và an toàn, chẳng ai có cớ gì báo cáo với cấp trên rằngø anh không an tâm tư tưởng cải tạo tôt!
Trong cái hoàn cảnh sơn cùng thủy tận đó, đói ăn, thèm ăn đã đành mà đói thuốc, thèm thuốc cũng quan trọng không kém. Gặp tháng giáp hạt, có người thèm thuốc rê quá đến nổi dám đổi một bộ quần áo mới để chỉ lấy một dây thuốc rê hút cho đả thèm. Tháng giáp hạt của thuốc lá là tháng Tám cho tới tháng Mười ta. Đó là lúc thuốc cũ đã hết mà thuốc mới thì chưa có, cung ít mà cầu nhiều, nên ai có thuốc rê là nhà giàu.
Mỗi buổi chiều, sau khi cơm nước xong, nếu trời không mưa cả trại thường thơ thẩn ngoài sân để chờ giờ điểm danh rồi vào chuồng. Đấy là lúc hút thuốc và chuyện trò thoải mái nhất. Một lần, vừa mới kéo điếu thuốc rê được vài hơi, một chú nhóc tù hình sự bỗng ở đâu sán đến, đưa tay lên: Chú, cho con đăng ký cái tàn thuốc. Như đã nói , thuốc rê lúc giáp hạt quí lắm. Vì vậy mấy vị hình sự biết điều, chẳng dám xin thuốc nguyên điếu, chỉ xin xí phần cái tàn thôi, mà phải đăng ký (ghi danh) trước để được ưu tiên, vì nếu nói chậm thì đứa khác xí mất!!
Nói chuyện hút thuốc mà không nói qua vài tiếng về thuốc lào thì quả thật là thiếu sót. Thuốc lào cũng có cái ma lực ghê gớm lắm, bởi vậy mới có người dám nói là đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Có anh hút xong điếu thuốc lào bao giờ cũng say, té bật ngữa, u đầu chảy máu là thường. Có anh say thuốc lào thì vừa vặn tay như thầy pháp bắt ấn vừa uốn éo thân mình vừa khóc hu hu, lại còn tè cả ra quần, vậy mà không bỏ. Một lần nọ, cả trăm con người ta được đưa đi nhổ sắn ở Ba Liên. Đó nguyên là một trạm đóng quân trên hệ thống đường mòn HCM hồi trước 1975, nay còn sót lại vài cái nhà tranh bỏ hoang, bốn bề trống hoát. Công an dẫn giải bảo rằng vùng này có cọp. Tối lại, công an phải cho đốt một đống lửa giữa sân to tổ bố vừa để canh chừng thú dữ, vừa để chống lạnh. Cứ mỗi giờ thì có 4 anh phạm thức canh lửa và động tĩnh chung quanh. Một bữa, đang ngủ bỗng nghe la chói lói. Mọi người đều vùng thức dậy và cứ tưởng có người bị cọp chụp. Té ra không phải, tai nạn thuốc lào. Một cậu canh lửa, rít thuốc lào, say quá, ngã chúi đầu vào đống lửa, may mà người bạn ngồi cạnh nắm đầu lôi ra kịp, chỉ cháy tóc và phỏng trán, và miệng biến thành miệng bình vôi mà thôi!
Muốn hút thuốc lào thì phải vê những sợi thuốc lại thành một cục nho nhỏ cở hột đậu xanh để vừa vặn đặt vào nõ điếu. Chúng tôi gọi đó là một bi. Gặp lúc khan hiếm, một bi thuốc lào có thể hút được hai hay ba người. Những người hút đầu tiên không được kéo tụt nõ điếu, phải nhớ dừng lại đúng lúc để dành phần cho người sau. Vậy nếu đã có cái cảnh đăng ký cái tàn thuốc thì cũng có cảnh cho em xin xái ba trong mùa đói thuốc.
Trong trại, thuốc lào cũng rất có giá nhưng không phổ biến bằng thuốc rê, vì muốn hút thuốc lào thì phải có bình có điếu, lại còn phải có đóm, có lửa ngọn, nghĩa là phải có hộp quẹt, một vật thuộc loại quí hiếm đối với phạm. Nếu không có lửa ngọn, phải chịu khó cầm đóm xuống nhà bếp xin lửa rồi chuyền tay nhau mà hút, nghĩa là phải hút vào lúc có lửa chứ không phải hút vì tới lúc thèm thuốc. Đó là lý do khiến tôi bỏ đạo thuốc lào mà theo đạo thuốc rê, vì thuốc rê dễ mồi lửa hơn, không điếu đóm lỉnh kỉnh. Nhưng theo đạo thuốc rê cũng có cái khổ riêng của nó, ấy là lắm lúc có thuốc mà không có giấy để vấn thuốc.
Hút thuồc rê mà vấn giấy quyến thì nhất rồi (nhất trong tù), nhưng trong cái cảnh ngặt nghèo đó, dễ chi thường xuyên có giấy quyến mà hút thuốc. Chẳng hạn giấy hút thuốc đã hết mà thăm nuôi thì chưa tới kỳ, hoặc không ai thăm nuôi, làm chi có thuốc giấy. Anh nào được người nhà thăm nuôi tiếp tế cho đầy đủ thuốc rê và gíấy quyến là thuộc loại tư sản. Nếu anh được coi là chỗ giao du thân tình thì có thể sẽ được bạn biếu cho một cục thuốc với chục miếng giấy, vậy là huy hoàng lắm rồi. Cho nên không còn có cái việc chê giấy Tây hút hôi khét như bà ngoại tôi năm xưa nữa. Giấy nào cũng tốt cả. Mỗi lần anh em chúng tôi có người nào kiếm được tờ báo cũ của ai gói gì đó khi thăm nuôi thì bèn lấy làm hoan hỷ lắm,đem ra suối nhúng nuớc, vuốt vuốt cho đi bớt chất dơ, nếu có, đọan phơi nắng cho khô, rồi ngồi tỉ mỉ vuốt ra cho phẳng phiu, xếp lại cho đúng kích cở rồi xé ra từng dung như gíấy quyến để dành vấn thuốc hút. Cho tới nay, anh em của thời hút thuốc rê vấn bằng giấy báo thỉnh thoảng cũng có gặp lại nhau, nhưng chưa nghe ai phàn nàn bị ung thư môi hay miệng vì đã hút thuốc lá vấn theo kiểu kém văn minh đó cả. Giới Y khoa nên nghiên cứu, biết đâu trong giấy báo Việt Nam có chất chống ung thư, sẽ bắt được cái Nobel !
Người ta nói cái khó bó cái khôn, nhưng đôi khi ngược lại, chẳng hạn không có giấy vấn thuốc thì chúng tôi dùng lá chuối. Đi rừng, gặp được vạt chuối rừng là chúng tôi vào thám hiểm ngay, dù biết rằng thế nào cũng đổ máu. Chả là chuối rừng ưa mọc nơi ẩm thấp, và đó cũng là ổ vắt rừng. Vừa nghe hơi người là chúng từ dưới lớp lá mục vươn lên, bung mình bám ngay vào chân vào tay, có khi vào cả chỗ bí hiểm mà hồi lâu mới biết. Biết vậy mà cũng mặc, kiếm coi có bắp chuối nào không, luôn tiện cắt vài đọt lá chuối non về làm giấy vấn thuốc. Phải chọn đọt lá đang còn cuộn tròn mới tốt. Nhẹ tay trải đọt lá ra trên mặt đất phẳng phiu, dùng vài viên sỏi hay sạn để dằn cho phẳng và giữ cho gió khỏi bay. Sau một ngày phơi nắng thì lá đã khô. Đừng lấy vội, hãy để đấy phơi sương một đêm, lá sẽ dịu lại, bấy giờ vấn thuốc mới không bị rách. Điếu thuốc rê vấn bằøng lá chuối rừng khi hút có cài mùi riêng của nó, cái mùi trộn lẫn giữa thuốc và lá chuối cháy, không biết tả làm sao cho đúng.
oOo
Không phải tham phú phụ bần, chứ nói cho đúng thì dù được hút thuốc rê vấn với giấy quyến cũng không bằng hút thuốc điếu sản xuất bằng máy. Đây là nói về loại thuốc lá đen bình dân chứ không dám mơ tưởng thuốc thơm sợi vàng Virginia có cán đâu nhé. Vậy nên khi được trở về trần thế, được sự hổ trợ của vợ, bèn bỏ gói thuốc rê, nâng cấp lên Hoa mai (hậu thân của Bastos Tây thuộc địa nhưng phẩm chất kém hơn nhiều). Khi cái giống Hoa mai không sản xuất nữa mà lại ra Đàlạt thì cũng theo luôn Đàlat cho tới ngày đi định cư. Khi nào có tiền thì mua nguyên gói, khi cạn tiền thì kiếm ra một đồng cũng có được hai điếu đắp đổi qua ngày. Có lần đi gặp " cấp côi" (cấp trên) , quá thật thà đến độ lòng thành nghĩ rằng mình hút thuốc gì thì mời khách thuốc đó nên chìa gói Đàlạt ra mời, bèn bị từ chối, nói là hút thuốc đó ho. Để bảo vệ sức khỏe, cấp côi chỉ hút Jet, hay tệ lắm cũng là Bông Sen đầu lọc của Thanh Hóa. Sau lần đó thì khôn hơn một chút.
Ngày qua tháng lại, bỗng đâu lại có chuyện HO, lập hồ sơ đi định cử ở Mỹ. Hồi hộp nhất không phải là màn phỏng vấn mà chính là màn khám sức khỏe, trong đó cái vụ chụp hình phổi mới gay cấn. Không biết học kinh nghiệm từ ai, bà xã tôi buộc cả nhà theo một thực đơn đặc biệt là ngày nào cũng phải ăn thơm (khóm) cho trong phổi. Riêng tôi , với thành tích hút thuốc từ thuở thanh niên chưa vợ, lại không phải là hạng to con mạnh khỏe nên nếu không bỏ thuốc thì dính chấu là cái chắc, vì hút như thế thì phổi không nám cũng mờ. Ba tháng trước khi khám sức khỏe là đã phải kiêng rồi. Không dứt đường tơ ngay liền được nên cứ giảmï lần tiêu chuẩn, mới đầu thì xuống mười điếu một ngày, rồi năm điếu, hai điếu. Lại còn đổi cả kiểu hút nữa để bảo vệ lá phổi khỏi bị ô nhiểm. Ấy là không rít hơi dài, không nuốt khói, không ém khói, cứ hít vô là nhả ra ngay, kiểu như mấy tay mới tập hút thuốc, sợ nuốt khói bị sặc. Trong tuần cao điểm chờ chụp hình, tịnh không có điếu nào, buồn ơi là buồn nhưng nghĩ tới tương lai cả nhà, phải ráng quên đi.
Cái buổi chiều đợi nghe kết quả chụp hình phổi mới thật là hồi hộp. Hết ngồi lại đứng, hết đi tới lại đi lui. Mà cũng chẳng riêng gì tôi, cả một mớ HO-6 cùng khóa buổi chiều hôm đó đều như gà mắc đẽ thế cả. Trong cái bồn chồn lo lắng trông đợi đó mà đốt được điếu thuốc thì an ủi biết mấy. Nhưng chỉ nhìn nhau lắc đầu, chả anh nào dám, vì sợ lỡ mà hút, rồi bị tuyên án phổi có vấn đề, phải chụp hình lại thì chỉ có nước kêu Mạ ơi! và khóc thôi. Anh nào được tuyên bố gia đình sức khỏe tốt thì mừng hơn bắt được vàng; không hẹn mà nghe kết quả tốt xong, anh nào cùng lấy thuốc ra đốt, rít một hơi báo thù, nghe thấm cả tâm can tì vị, rồi nhìn nhau cười hỉ hả .
Bước chân lên máy bay qua Bangkok thì giả từ thuốc lá đen để chơi Malboror cho đúng tiêu chuẩn quốc tế (!) và cũng để lổ mũi khách quốc tế khỏi khó chịu vì cái mùi thuốc lá bình dân khét lẹt do mình đốt lên. Hồi đó, 1991, người ta chưa cấm hút thuốc trên máy bay. Vậy nên trên mấy đường bay Bangkok-Tokyo, rồi Tokyo-Seattle, chuyến nào cũng kéo dài suốt đêm, tôi cứ cà-phê thuốc lá dài dài , chẳng e dè gì cả, cà-phê chùa mà, muốn uống thì gọi tiếp viên là có ngay, việc gì không hưởng. Tôi để ý , thấy mấy ông khách Trung Hoa và Nhật cũng đôt thuốc lá mù mịt. Nếu hệ thống thông khí trên máy bay không tốt, hành khách không biết hút thuốc e chết ngạt mất. Sau này người ta cấm cũng phải.
Cuộc định cư của tôi không được may mắn suôn sẻ như người ta. Ban đầu, cứ tưởng là sẽ được bạn bảo trợ về San Jose thuộc bang California, ai dè hồ sơ bảo trợ bị thất lạc sao đó nên cơ quan IOM xếp gia đình tôi vào loại mồ côi, đưa cho hội World Relief bảo trợ về định cư ở Forthworh, thuộc bang Texas, hồi đó mới lác đác vài gia đình Việt Nam. Buồn quá, ở Fortworth mới được bốn ngày, tôi liên lạc với người bạn ở San Jose để mượn tiền mua vé xe bus của công ty Greyhound đưa cả nhà về Cali. Cuộc hành trình xuyên bang dài 2000 dặm, mất hai ngày hai đêm. Trời tháng năm mà ngày nắng đêm lạnh, khoảng 9 giờ tối là tài xế phải mở máy sưởi trong xe. Cứ mỗi lần xe dừng ở một trạm nào đó, sau khi kiếm restroom cho vợ con rửa mặt mày và giải tỏa nổi lòng, tôi lại lo đi kiếm cà phê và đốt thuốc lá cho phần mình, nhất là đêm lạnh, đốt thuốc lại càng thú vị. Một lần, vừa châm điếu thuốc thì nghe Sir, sir. . . Quay lại, té ra hai anh người Mễ tây cơ đi cùng chuyến xe ra dấu xin thuốc hút. Vậy thì vui vẻ mời ngay, nhưng lòng không khỏi vấn vương câu hỏi: ngó bộ ở Mỹ mà cũng cũng có cảnh đi xin thuốc lá sao? Về sau thì không còn ngạc nhiên nữa, hễ lấy thuốc ra hút ở nới có mặt bạn nghèo, thường là dân homeless, da đen và Mễ, thì thế nào cũng có màn xin thuốc.
Trong đêm thứ hai của hành trình Tây tiến, xe phải dừng tại thành phố Phoenix gần hai tiếng để chờ đổi xe qua lộ trình khác. Lo cho vợ con ổn định xong, tôi lại móc thuốc ra đốt để hưởng chút thoải mái trong ngày. Lại nghe Sir, sir. . . quay lại thì không phải là bạn Mễ xin thuốc mà là một vị cảnh sát to như hộ pháp. Ông ta nói ở đây không được hút thuốc và đưa tay chỉ cái bảng khá to treo trên tường có đề mấy chữ FREE SMOKING AREA. Tôi xin lỗi rối rít và dập ngay điếu thuốc . Ông hộ pháp cảm ơn rồi bỏ đi, tôi đọc lại cái bảng cấm và thầm nói với mình May mà chưa đọc thấy cái bảng này, chứ thấy nó trước thì mình lại càng hút bạo hơn. Free smoking diễn Nôm là hút thoải mái mà lị. Thiệt cảm ơn bác cảnh sát, dạy một lần hai bài học, vừa luật pháp, vừa sinh ngữ.
oOo
Định cư ở San Jose chừng 10 ngày thì vợ chồng dì Vân tới thăm. Dì là người chị em bạn dì ruột với bà xã tôi, vượt biển qua Mỹ đã lâu, rành nếp sống Mỹ. Thấy tôi hút thuốc trong nhà, cả hai vợ chồng có lời khuyên là nên bỏ thuốc vì có hại cho sức khỏe không phải chỉ riêng tôi mà còn cho cả nhà và dặn tôi rằng khi tới chỗ công cọng thì nhớ đừng hút thuốc kẽo bị phạt, và tới nhà ai, nếu muốn hút thuốc thì nhớ hỏi họ là có được phép hay không kẽo mất lòng. Hồi đó, thành phố San Jose mới chỉ cấm hút thuốc bên trong những nơi công cọng, chẳng hạn nhà ga, công sở v.v còn ở bên ngoài các tòa nhà và những nơi như quán rượu, sòng bài, tiệm ăn, quán cà phê thì thoải mái. Hình như đến năm 1995 mới có lịnh cấm triệt để như bây giờ.
Cái trò hút thuốc hay ăn nhậu, phải thong thả thoải mái mới ngon. Qua Mỹ thì tôi có đủ thứ tự do nhưng rõ ràng là việc hút thuốc của tôi ngày càng bị hạn chế nên thấy kém ngon, dù là hút thuốc thơm đầu lọc và muốn hiệu gì cũng có.
Đầu tiên là vợ con trong nhà, hễ mỗi lần thấy tôi hút thuốc thì kêu là hôi mùi thuốc quá. Ban đầu, tôi có hơi phật ý, nữa đùa nữa thật bảo rằng mới qua Mỹ mà răng Mỹ hóa mau rứa, ở bên Việt Nam hút um nhà mà có nghe kêu hôi hám chi đâu. Nhưng sau đó có nhiều người quen tới thăm, vừa bước chân vào nhà đã than hôi mùi thuốc lá và nước mắm rồi. Té ra cái nhà ở Mỹ kín quá, lại còn nào màn nào thảm nào nệm nào salon, toàn là những thứ hút và trữ mùi...hôi. Biết vậy nên tôi không hút trong nhà nữa, ra hiên vừa hút thuốc vừa ngắm thiên hạ ngó bộ thoải mái hơn.
Tưởng như vậy là giải pháp an toàn, nhưng chỉ an toàn trong mùa hè. Mùa Đông đặt ra vấn đề mới. Ai hút thuốc cũng đều biết rằng điếu thuốc ngon nhất trong ngày là điếu đầu tiên sau khi ngủ dậy. Nếu đi làm, tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, cuối tuần thì ráng tới 7 giờ. Năm giờ sáng mùa Đông thì cũng chẳng khác chi nửa khuya. Lúc đó mà phải mở cửa ra ngoài hiên đứng hút trong gió lạnh như dao cắt từ Alaska thổi về thì cũng hơi . . . điên thiệt. Thế là tôi nảy ra sáng kiến hút thuốc lá trong restroom. Trên thì phì phà, dưới thì xuất khẩu, một lúc làm được hai việc, tiết kiệm thì giờ phải biết. Chỉ việc mở cái cửa sổ nhỏ ở trên cao của restroom thì mùi gì cũng bay ra ngoài hết, thiệt chẳng phiền đến vợ con. Vậy mà không phải. Cả vợ và con gái đều than là trong restroom hôi thuốc lá quá chừng.
Ra chỗ công cọng, muốn hút thì phải trông trước ngó sau. Có người nhìn mình hút thuốc như kẻ đang phạm pháp. Cũng có ánh măt nhìn mình kiểu thương hại cho kẻ dại dột đang dấn thân vào vòng nguy hiểm. Về nhà, muốn hút cũng phải kiếm nơi an toàn, nhưng dầu sao cũng có chút thì giờ để thưởng thức khói thuốc. Chỉ có tới hãng mới ngặt.
Ở nơi làm việc, muốn hút thuốc thì chỉ có giờ giải lao và giờ ăn trưa. Sau điếu thuốc ngon số một của buổi sáng vừa ngủ dậy thì điếu ngon số hai trong ngày là sau bữa ăn. Hồi còn trẻ còn đủ răng cỏ, mình ăn cũng nhanh như rồng cuốn cọp nhai chứ có thua chi ai, nhưng nay đã tới tuổi lão lai thiếu răng dư lợi thì làm sao mà ăn cho nhanh được. Mặc, ăn no, ăn đói, ăn ngốn ngấu sao đó không cần biết, phải tính thế nào để có đủ giờ hút điếu thuốc thì mới đủ nghi thức thường lệ. Đã thế, còn phải lo đánh răng súc miệng để khi vào làm lại, bạn cùng cell không phàn nàn hôi thuốc lá. Số là có lần tôi làm chung một cell với con Sylvia, Mỹ gốc Mễ. Mặc dầu đã vệ sinh răng miệng đàng hoàng, lại còn nhai thêm chewing gum, mà vẫn bị nó hỏi Ê, mày mới hút thuốc hả? I dont like it. Nó chưa dùng chữ hôi cũng là còn nễ mặt. Vậy nên khi nào cũng vội vội vàng vàng.
Rồi lại còn vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Trong hai năm định cư đầu tiên, tôi đi đưa đám bạn bè khá bộn. Có anh chết vì bịnh, có anh chết vì tai nạn, lạng quạng đạp xe ra freeway, thế là xe cán. Có anh buổi sáng đi exercise quá sớm, khi trời còn tối đất, bị xe đụng chết. Đường vắng, xe đụng người rồi chạy luôn, biết ai mà bắt đền. Một cái đám ma ở Mỹ, nếu thiêu xác thì tốn khoảng 4 tới 5 ngàn đô, còn nếu chôn trong nghĩa trang thì phải từ 10 ngàn tới 12 ngàn , giá bình dân. Cái thứ HO mới định cư, đang còn ăn trợ cấp xã hội, làm chi có tiền lo đám. Vậy là phải nhờ báo chí và đài phát thanh kêu gọi đồng hương kẻ ít người nhiều ủng hộ. Rút kinh nghiệm đó, đi làm có lương là tôi nghĩ ngay đến việc mua bảo hiểm nhân thọ để lỡ có mệnh hệ nào thì vợ con cũng khỏi âu lo vất vả. Khi tìm hiểu để vào cuộc mới biết, té ra mấy ông bảo hiểm tính kỹ lắm, anh nào nghiện thuốc lá sẽ dễ mắc bệnh hiểm nghèo hơn, mau chết hơn, nên phải lấy giá cao hơn!
Cứ mỗi lần hút thuốc, những bực mình nho nhỏ vừa kể lại hiện ra. Té ra mình bị lệ thuộc, bị trói buộc quá nhiều. Phải phá tung xiềng xích đi chứ, thế là tôi bỏ thuốc. Cuộc chiến đấu nội tâm cũng gay cấn lắm. Trước tôi cũng có người bỏ thuốc, bỏ chừøng một hai tháng gì đó thì hút lại, và khi hút lại, ngó bộ còn hăng hơn trước.
Tôi bỏ thuốc một cách lặng lẽ, không tuyên bố gì với vợ con và bạn bè cả. Được vài ngày bà xã phát hiện sự lạ bèn hỏi Ngó bộ anh bỏ thuốc à? Tôi đáp hững hờ Ừa. Để thử coi Không dám nói mạnh miệng, sợ cao giọng quá đà mà sau không bỏ thuốc được thì cũng ê mặt trượng phu!
Chừng bốn năm, sáu tháng sau khi bỏ thuốc, tình cờ gặp lại thằng bạn xa cách từ hồi đậu Tiểu học, nó mừng quá, kéo về nhà, bày ra nhậu lai rai. Đã uống thì phải hút mới ngon. Thấy tôi không mang thuốc theo, anh ta chìa gói ba số 5. Tội không khai là đang bỏ thuốc, lặng lẽ lấy một điếu châm thử để xem công lực tu luyện của mình tới đâu. Hít vào một hơi, trời đất ơi, dở chi mà dở, vừa hôi vừa lạt, y như trong người tôi đang bịnh vậy. Khi đang còn hút thuốc, tôi thường nói với bạn bè rằng điếu thuốc chính là cái máy đo sức khỏe, vì chỉ khi nào khỏe hút mới thấy ngon, còn bịnh nặng thì không thấy thèm; bịnh nhẹ thì hút thấy hôi và lạt, y như tôi đang gặp bây giờ vậy. Tôi biết là mình không bịnh, vậy chỉ có một cách giải thích là sau một thời gian cai thuốc, cơ thể đã thay đổi. Nghĩ vậy cũng mừng thầm trong bụng nhưng chưa dám chắc.
Mấy tháng sau, một bữa tôi phải nhờ anh bạn cho quá giang xe để về nhà vì xe của tôi phải để lại garage cho người ta sửa. Ông này cũng là tay nghiện thuốc lá có hạng. Cái gạt tàn thuốc trong xe khi nào cũng lưng lưng. Vừa ngồi vào xe, quay kính lên là tôi thấy khổ rồi. Mùi thuốc lá hôi quá, khó thở quá. Cũng là cái mùi quen thuộc từ mấy chục năm đó nhưng tại sao bây giờ tôi lại thấy hôi ? Tôi xuống kính xe để mượn gió đánh bạt đi mùi thuốc lá, lòng mừng thầm rằng việc bỏ thuốc đã thành công, vì khi nghe mùi thuốc mà thấy hôi, có nghĩa là cơ thể đã không còn quen với khói thuốc nữa. Về nhà, sau khi kể lại chuyện đó cho bà xã nghe, tôi cười cười kết luận coi như nay anh tu đắc đạo rồi đó. Mà đắc đạo thiệt, vì nay mũi tôi cũng thính như mấy mẹ con vậy, động có hơi thuốc lá là biết ngay, không những thấy hôi mà còn ho hen sặc sụa, làm như cả đời chưa biết thuốc lá là gì! Nhớ lại hồi còn điếu này tiếp điếu kia mà thương cho cảnh chịu trận của vợ con.
VÕ HƯƠNG-AN