Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh
Message Icon Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 120 phần sau >>
Người gởi Nội dung
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả
    Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:15pm
 
Các lễ tết cổ truyền Việt Nam


Nói đến Tết, chúng ta thường nghĩ tới một dịp vui đầu năm mới - Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết cả). Thực tế, Việt Nam có hàng chục lễ tết cổ truyền rất ý nghĩa ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Và trong từng cái Tết ấy đều chứa đựng một sự tích sâu xa, thể hiện sự giao thoa với nền văn hóa khu vực, song đã được Việt hóa một cách tự nhiên và sâu sắc.

Tết Nguyên đán

Là tết lớn nhất trong năm, Tết Nguyên đán (Tết cả) vào đúng ngày Mùng một tháng Giêng - ngày đầu tiên của năm mới.

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên đán trước hết là tết của gia đình. Trong ba ngày tết, diễn ra ba cuộc gặp gỡ lớn ngay tại mỗi nhà:

Thứ nhất là cuộc "gặp gỡ" của những gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư - vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm, Thổ công - thần giữ đất nơi mình ở và Táo quân - thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà (Táo quân lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp nhưng đến ngày 30 cũng về để "họp mặt" và chuẩn bị cho năm mới).

Thứ hai là cuộc "gặp gỡ" tổ tiên, ông bà... những người đã khuất. Nhân dân quan niệm linh hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết.

Thứ ba là cuộc đoàn tụ của những người trong nhà. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nàọ.., hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về quây quần với gia đình.

Dịp Tết Nguyên đán người ta làm bánh chưng, trồng cây nêu, đi chúc mừng nhau, mở hội, tổ chức các cuộc vui chơi thi đấu, ăn uống... rất tưng bừng. Trên các bàn thờ, ngoài lễ vật, mâm ngũ quả, bánh chưng... còn thường có một cành đào (ở miền bắc) hoặc mai (ở miền nam). Tết Nguyên đán thực sự là ngày hội ngộ lớn, ngày nhớ ơn, tạ ơn, chúc mừng, sum họp vui vẻ và thiêng liêng.

Tết Khai hạ

Theo tính cách của người xưa, ngày mồng Một tháng Giêng ứng vào gà, mồng Hai - chó, mồng Ba - lợn, mồng Bốn - dê, mồng Năm - trâu, mồng Sáu - ngựa, mồng Bảy - người, mồng Tám - lúa. Trong tám ngày đầu năm, cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy được tốt cả năm! Vì vậy, đến mồng Bảy, thấy trời tạnh ráo, quang đãng thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mồng Bảy hạ cây nêu, kết thúc Tết Nguyên đán cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ - Tết mở đầu ngày vui để đón chào mùa xuân mới.

Tết Thượng nguyên

Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) vào đúng Rằm tháng Giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền vì Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật Tổ. Thành ngữ: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" xuất phát từ đó. Sau khi đi chùa, mọi người về nhà họp mặt, cúng gia tiên và ăn cỗ.

Tết Hàn thực

"Hàn thực" nghĩa là ăn đồ nguội. Tết này vào ngày mồng Ba tháng Ba (âm lịch).

Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, công tử Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh hoạn nạn, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn ! Sau mười chín năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại được trở về nắm giữ Vương quyền nước Tần. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi (!). Tử Thôi cũng không oán giận gì (vì nghĩ việc giúp đỡ Trùng Nhĩ là một nghĩa vụ của kẻ bề tôi) và đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được, liền sai đốt rừng để Tử Thôi phải ra. Nhưng Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy ! Hôm ấy đúng ngày mồng năm tháng Ba. Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn. Người quanh vùng thương Tử Thôi nên hằng năm, từ ngày mồng Ba đến ngày mồng Năm tháng Ba (ba ngày) thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn.

Từ thời Lý (1010 đến 1225) nhân dân Việt nam đã tiếp nhận tết này nhưng chỉ tổ chức vào một ngày mồng Ba tháng Ba (âm lịch), không kiêng đốt lửa và thường làm bánh trôi, bánh chay thay cho đồ nguội. Mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ ít ai rõ chuyện Giới Tử Thôi! Hiện nay, Tết này vẫn thường đậm nét ở miền bắc - nhất là các tỉnh quanh Hà Nội.

Tết Thanh minh

Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh


(Truyện Kiều)

"Thanh minh" nghĩa là (trời) trong sáng. Nhân đó người ta đi thăm mồ mả của những người thân. Tết Thanh minh - thường vào tháng Ba âm lịch - trở thành lễ tảo mộ. Đi thăm mộ, nếu thấy cỏ rậm phát quang, đất khuyết lở thì đắp lại cho đầỵ.., rồi về nhà làm lễ cúng gia tiên.

Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) vào mồng Năm tháng Năm (âm lịch). Đây là giai đoạn chuyển mùa (từ Xuân sang Hạ) nên khí hậu có nhiều thay đổi đột ngột, dễ sinh bệnh thời khí. Ca dao có câu:

Chưa ăn bánh nếp Đoan dương
Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra


Khuất Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, một vị trung thần nước Sở - do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng ngày mồng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (chủ ý khiến cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.

Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên mà chỉ coi mồng Năm tháng Năm là "Tết giết sâu bọ" - vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Mọi người dậy sớm, chỉ ăn hoa quả hoặc chè. Tuy nhiên mỗi nơi có thêm phong tục riêng, ví như ở Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) vào ngày này con rể thường tới biếu bố vợ một con ngỗng to.

Tết Trung Nguyên

Tết Trung Nguyên vào Rằm tháng Bảy. Người xưa tin theo sách Phật, coi hôm ấy là ngày vong nhân được xá tội, ngày báo hiếu cha mẹ... nên tại chùa thường làm chay chẩn tế và cầu kinh Vu lan. Còn lại các nhà thì bày cúng gia tiên, đốt vàng mã...

Tết Trung thu

Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám. Trung thu là Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng nhân đây họp mặt, uống rượu, uống trà, ngắm trăng... Thường ban ngày người ta làm lễ cũng gia tiên, tối mới bày hoa quả, bánh kẹo, chè cháo để trẻ con vui chơi, phá cỗ, trông trăng rước đèn... Nhiều nơi còn tổ chức hát trống quân (trai gái hát đối đáp trong tiếng trống đệm nhịp).

Tết Trùng cửu

Mồng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên gọi Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy Phí Tràng Phòng bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên cao mà tạm trú ngụ. Quả nhiên, ngày Chín tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhớ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn.

Từ xưa, nho sĩ Việt Nam đã theo lễ này, nhưng lại biến thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc - gọi là thưởng Tết Trùng dương.

Tết Trùng thập

Đây là Tết của các thầy thuốc. Theo sách Dược lễ thì đến ngày Mười tháng Mười (âm lịch) cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân - Hạ - Thu - Đông), trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến chuyện cây thuốc, thầy thuốc).

Tết Hạ nguyên

Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mồng Một tháng Mười, ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới của vụ vừa xong - trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.

Tết Táo quân

Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.

Theo truyền thuyết Việt Nam, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, đang đốt vàng mã ngoài sân thì thấy một người ăn xin bước vào, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt ! Trời thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong cho làm "vua bếp".

Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà


(Ca dao)

Vì tích ấy, cứ đến phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông, 1 mũ bà bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu Trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông.

 

 
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:18pm
 
Cỗ và mâm cỗ ở Việt Nam


Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Cỗ là bữa ăn đặc biệt có tính chất long trọng, thân tình được tổ chức trong gia đình như: cỗ cưới, cỗ nhà đám, giỗ chạp, mừng một sự thành công, mừng cha mẹ sống lâu, tết nhất... Riêng cỗ mừng thọ của cha mẹ là do con cái đóng góp làm cỗ, các con trai làm các món ninh giò, mọc, nem, các con dâu làm các món bánh rồi quây quần với nhau ăn cỗ. Ở các gia đình khá giả hoặc ở thành phố, cỗ khai trừ tất cả các món ăn mà thường ngày dùng như dưa, cà, cá kho, rau muống... Có nhiều loại cỗ, cỗ tứ quý gồm 4 thứ hải sản chế biến thành mâm cỗ, cỗ cưới có xôi gấc đỏ, cỗ nhà đám có xôi trắng, cỗ mặn, cỗ chay... Có mâm cỗ một tầng, hai tầng, hoặc năm tầng, như ở 49 làng Quan họ xưa.

Trước đây, ở nông thôn cũng như thành phố đều có những phường nấu cỗ thuê do các nghệ nhân sành, thạo đời, khéo tay đảm nhiệm. Họ thường có kỹ thuật cao và cha truyền con nối. Họ có được những món truyền thống độc đáo. Ông Kiếm ở Cổ Nhuế biểu diễn giết gà một mình chỉ cần chiếc tăm vót nhọn. Ông Khán Trúc ở Trích Sài một mình giết một con lợn 15kg, chỉ cần một vò nước nóng. Trong phường có ông trùm phường là giỏi nhất. Những người nấu cỗ thuê rất hãnh diện về nghề và được đi nấu ở nhiều nơi, chủ yếu là để lấy tiếng chứ không vì vật chất. Họ góp ý kiến với nhà chủ, ra thực đơn rồi chia nhau mỗi người làm một hoặc nhiều món sở trường.

Mâm cỗ một tầng cơ bản thường là 5 bát: bóng, miến, măng, mọc, chim hoặc gà tần và năm đĩa: giò, chả, gà hoặc vịt luộc, nộm, xào. Có khi gia giảm bằng các món rán, nướng, quay hoặc nem Sài Gòn, xôi, chè, được xếp phía ngoài để ăn sau cùng. Bát nước mắm chấm có hồ tiêu, chanh, ớt hoặc cà cuống đặt giữa mâm.

Người uống được rượu thích những món có kèm xương xẩu hoặc sụn như đầu gà, cánh gà hoặc món nộm có đủ chua ngọt, cay, bùi, giòn, mềm. Rau thơm thường dùng húng láng thơm ngát, kinh giới thơm thanh cao hoặc rau ngổ có mùi thơm sắc gọn mà dữ dội.

Cỗ ở miền Nam có thêm chả nướng ăn với rau thơm, khế, chuối xanh, giá, đậu phộng, bánh tráng...

Mâm cỗ Việt Nam thơm ngon có truyền thống lâu đời, không cầu kỳ nhưng có đủ mùi vị, màu sắc. Trên bát bóng có những lát bóng trắng ngọc, điểm mấy lát trứng tráng vàng, vài con tôm đỏ, vài quả đậu Hà Lan xanh, nấm hương màu nâu. Trên bát miến có gan gà màu vàng đậm, tiết màu đỏ huyết dụ, thịt nạc màu trắng đục, mộc nhĩ đen nâu, ở giữa có một nhúm rau mùi xanh rờn. Khoanh giò thái ra có màu trắng ngon lành, hành xanh có củ trắng ngần, ớt đỏ hoặc vàng tươi trang điểm cho bát nước chấm vàng nâu... mâm cỗ là một bức tranh đẹp và hấp dẫn.

Ăn cỗ xong khách còn ăn xôi, chè hoa cau, chè cốm hoặc chè đậu đãi, rồi ra bàn bên cạnh uống nước trà, hút thuốc, ăn trầu.

Lúc khách ra về, chủ và khách chắp tay trên ngực, nói với nhau vài câu quý hóa rồi cùng vái nhau mấy vái. Cái kiểu chào này thật trang trọng, thân mật, giản dị, đượm màu sắc Phật giáo. Một số khách vừa thân tình vừa có họ với nhà chủ ở lui lại một chút. Họ nhận phần gồm một nắm hoặc một đĩa xôi, có thêm miếng thịt hay quả chuối, vì thế mới có câu: Có xôi có thịt mới nên phần.

Cỗ Việt Nam là cả một công trình, nó không phải là tiệc, không phải là liên hoan. Nó có cái độc đáo của nó, có điều ngày nay các phường nấu cỗ thuê không tồn tại nữa, kho tàng nghệ thuật ẩm thực Việt Nam cũng mất đi nhiều điều quý báu. Phải chăng, các nhà làm bếp bây giờ cần phải đi tìm lại kỹ thuật nấu cỗ của người xưa để bữa cỗ Việt Nam được vừa dân tộc, vừa khoa học hơn. Ẩm thực cũng là điều thiêng liêng, là nghệ thuật, là văn hóa.

IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:22pm
 
Tết Đoan Ngọ


Theo sách Phong Thổ ký thì tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan (mở đầu), Ngọ (giữa trưa), Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa, còn Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng 5 tháng năm âm lịch, là lúc trời bắt đầu nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.

Trong ngày Đoan Ngọ, ngoài việc cúng lễ từ xưa đến nay ở một vài địa phương, người Việt có nhiều tục lệ như: tục giết sâu bọ, tục khảo cây lấy quả; tục hái thuốc vào giờ Ngọ; tục treo ngải cứu để trừ tà; tục tắm nước lá mùi; tục đeo bùa, bùa túi; tục nhuộm móng chân, móng tay; tục đi sêu. Ở đây xin nêu:

Tục giết sâu bọ: Theo quan niệm xưa, bộ phận tiêu hoá con người thường có "sâu bọ". Nếu không trừ khử đi sâu bọ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại cho người. Nhưng "giết chúng" không phải dễ và không phải giết lúc nào cũng được. Quanh năm sâu bọ ăn sâu trong bụng, duy chỉ có ngày mồng 5 tháng năm là chúng ngoi lên. Giết sâu bọ bằng gì? Bằng thức ăn, nhất là rượu nếp và hoa quả. Sáng sớm ngày mồng 5 tháng năm, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong là phải "giết sâu bọ" ngay. Ở ngoài Bắc, trong dịp này mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi ăn các trái cây như mận, đào, sấu, roi, muỗm� Đối với trẻ con, người ta bôi một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và bụng chúng. Có khi người ta hoà với nước cho chúng uống.

Rượu nếp - tiếng gọi là rượu, nhưng rượu nếp không chỉ có nước mà có cả cái nữa. Dùng gạo nếp thổi xôi để nguội rồi rắc men lên trên, ủ ba ngày, xôi đã thành rượu nếp. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng lấy nước. Nước này là chất rượu, còn cái là xôi ủ men nổi màu ngà. Khi ăn, ăn cả cái trộn lẫn với nước rượu đã hứng được lúc ủ men. Rượu nếp ăn ngọt ngọt, cay cay cho người ta một cảm giác say say dễ chịu.

Xưa kia, mỗi lần tết Đoan Ngọ, từ ngày mồng ba, mồng bốn, các cô hàng rượu nếp đã xuất hiện len lỏi đi vào các xóm ngõ. Khách mua rượu có thể để dành một vài bữa không sợ hư. Các cô treo vào gánh rượu nếp một chùm ớt cùng một ít lá cây có tính chất khử trùng để trừ sâu bọ không làm hư gánh rượu. Phụ nữ đồng quê xưa phần nhiều đều biết ngả rượu nếp...

 
 
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:25pm
 
Tết miệt vườn


Gặp nhau nâng ly "dô dô một trăm phần trăm", lâu ngày nghe hồn chai lì. Một hôm, gặp anh bạn từ trong đồng ra, đang cầm ly, nghe anh nói: "Uống đi cho thắm thía tình quê". Tôi vụt để ly xuống. Tháng Chạp, đang là lúc mùa xuân đang nhích đến gần. Từng nụ mai hé nở lúc nào không hay. Bụng dạ có điều gì đó nao nao. Lời nói mộc mạc khiến bụng nghe càng nao nao hơn "Phong sương mấy độ qua đường phố, hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê. Đấy là hai câu thơ của nhà văn Sơn Nam. Dù nghèo, dù giàu, là người Việt cũng phải cố trở về cho kịp thời giờ giao thừa. Trong giây phút năm cũ chuyển qua năm mới thiêng liêng, giây phút này một hóa thành hai. Vui bao nhiêu được cắm cây nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông bà.

Ở những xứ nổi tiếng về ruộng như An Giang, Đồng Tháp đồng ruộng ngút ngát tầm mắt. Miệt vườn Vĩnh Long, Cần Thơ xứ vừa ruộng, vừa vườn khung cảnh tươi mát khác nhau. Người ở đồng ăn Tết như thế nào. Qua mấy đợt trang trải ruộng đất bình quân mỗi nhà 20 công là nhiều. Mỗi năm hai vụ lúa, sau khi trừ nợ ngân hàng, trừ nợ ăn trước trả sau đong lúa cho người, trừ vốn mua phân bón thuốc trừ sâu, còn lại bồ lúa ba bốn trăm giạ đã xếp vào loại khá. Rồi thì bồ lúa nhỏ bé kia nào tiền chợ mỗi ngày, tiền điện, tiền đám tiệc, tiền trường cho con, trăm thứ hằm bà lằng trông cậy vào nó.

Vì thế, mọi sinh hoạt của người nông dân có thói quen tính bằng lúa. Thí dụ như ai đó mua cái áo giá trăm ngàn thôi, nhằm nhò gì với dân ở chợ, nhưng ở quê qui nó ra lúa được ba giạ. Đi thiệp đám cưới năm chục ngàn là coi như hai giạ lúa. Cắt lúa suốt ngày giỏi lắm được giạ rưỡi lúa. Còn dân làm mướn nhổ cỏ, vít đất ăn cơm chủ, lãnh được mười tám ngàn. Ăn cơm nhà lãnh được giạ lúa. Dân quê rất quí tiền bạc, vì thế, tết đến người lớn lì xì cho trẻ con cỡ năm ngàn trở lại (có hai mươi đứa cháu là hết mấy giạ lúa rồi). Chợt nhớ tết thành thị, cầm năm ngàn lì xì cho trẻ cảm thấy ngại ngùng. Con của dân ở thị thành mỗi lần tết đến khoe với nhau: "Năm nay tao được lì xì năm trăm"... thua tao, tao tới một triệu. Nghe mà tội nghiệp cho mấy đứa trẻ nhà quê.

Ở nông thôn gạo nếp, đậu, mè, lá chuối gói bánh có sẵn. Nhà nào cũng có nuôi gà, vịt, còn chuối phơi khô đâu từ tháng mười một đem ra xào gừng. Thịt heo thì thông thường lối xóm hùn nhau mổ một con, ai không có tiền đem lúa tới đổi, cứ một giạ lúa một ký lô thịt, ai tới trễ lấy ba rọi. Nếu có đi chợ tết chỉ mua trà, đường, gia vị hoặc một hai ký thèo lèo.

Ở nông thôn thường thì mãi đến rằm tháng chạp mới hiện rõ không khí tết: Người ta sơn phết nhà cửa, lặt lá mai. Có vẻ như đồng ruộng đón tết đủng đỉnh, thật ra cuối tháng mười một mới cắt lúa xong, lại quay qua vụ đông xuân. Riêng vùng tứ giác Long Xuyên, ngày còn làm lúa mùa, mãi đến ngày 28 Tết, nhiều nhà lúa ướt còn phơi ngoài sân, chưa vô bồ.

Ngày tết thật ra dân quê vẫn làm công việc đồng áng bình thường, chỉ có trẻ nhỏ là háo hức, nôn nao. Những món ăn cho ngày đầu năm gồm có thịt kho, thịt hầm, thịt khía, dưa cải hoặc khổ qua mà không huý kỵ tên của nó, bởi khổ qua để ba bốn ngày không thiu. Món ngọt không thể thiếu bánh tét truyền thống và chuối khô xào gừng vừa ngon vừa rẻ tiền.

Riêng dân nhậu có khô làm sẵn trong mùa nước, hay cá lóc rộng trong lu, khi nào khách tới bắt cá nướng rơm hoặc nướng khô lai rai với xoài sống vì tháng giêng còn mùa xoài. Có khách quí bắt con gà nấu cháo phụ thêm. Đối với "bạn đời", ngày tết thăm nhau chẳng ngần ngại giở mắm sống ra cùng với chuối chát, rau cỏ quanh vườn.

Mấy ngày tết, phụ nữ nông thôn hay đi lễ chùa. Ngày nay, chợ quê heo hút xa mãi tận khu tứ giác cũng có ba, bốn quán cà phê hát karaoke, chuyện đá gà, cờ bạc vẫn còn đó như một tập quán chưa bỏ được của ba ngày tết. Họ xúm nhau quanh sòng bầu cua, sòng lô tô, sòng bài, công an bắt chỗ này chạy đi chỗ khác, có khi ở góc vườn um tùm nào đó.

Tết miệt vườn thanh đạm, hơi buồn tẻ. Bù lại tháng giêng có gió mát như chưa bao giờ mát vậy, dòng sông xanh, bờ cỏ non mượt mà, về quê ăn Tết vẫn nghe thích hơn. Vì thế những ngày tết dân quê ngày một ít ra chợ chơi; ngược lại dân thị thành kéo về quê ăn tết ngày một tăng. Tình cảm quê hương lúc nào cũng có giá trị cân bằng tâm hồn con người, nhất là vào những ngày đầu năm mới.

IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:27pm
 
Hội Sáo đền - một lễ hội thả diều độc đáo


Ở Thái Bình ngoài hội chùa Keo nổi tiếng còn có hội Sáo đền, một lễ hội thả diều độc đáo được ít người biết đến. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư.

Về Thái Bình người ta thường chỉ biết đến hội chùa Keo. Ít ai biết được trên đường đi hội chùa Keo còn có một lễ hội khá độc đáo còn tồn tại đến ngày nay đó là hội Sáo đền. Hội Sáo đền diễn ra từ ngày 20 đến 27-3 hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư. Những ngày diễn ra lễ hội bà con địa phương cùng du khách thập phương về với lễ hội trong niềm vui hân hoan. Vì về nơi đây người ta còn tìm về một trong những cái nôi của làn điệu chèo ngọt ngào nổi tiếng.



Ngày nay Sáo đền được biết đến với trò chơi thả diều độc đáo. Cũng như mọi lễ hội khác ngoài phần lễ là phần hội. Phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt... và trò thi diều sáo. Đã từ hàng trăm năm nay như lời cụ Khiếu Văn Luyến cho biết; luật chơi không hề thay đổi. Người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây. Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm. Khi nghe hồi trống lệnh nổi lên, các chủ diều chỉnh chuẩn diều kéo căng dây và đâm lên. Cánh diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay. Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải. Cụ Lương Thanh Được, một người cao tuổi trong làng cho biết: Theo như cụ biết từ lúc cụ còn nhỏ, mỗi năm chỉ duy nhất một người đoạt giải, có năm không có ai đoạt được giải diều, như năm 2003 này chẳng hạn. Tôi hỏi cụ thi diều phải nhờ ở gió trời, vậy có năm nào vào ngày hội mà không có gió trời hoặc gió không đủ mạnh để đâm diều sáo? Cụ nói: "Trường hợp này cũng có, mấy năm gần đây có năm 1998. Hội diễn ra đến ngày 25 mà vẫn không có gió, sáng 26 là chính hội gió chỉ hiu hiu. Mọi người đến với lễ hội đã biểu hiện tâm trạng buồn vì có lẽ năm nay không được thi và xem thi thả diều. Nhưng tôi nhớ đúng 11 giờ 15 phút trưa ngày 26 năm đó bắt đầu có từng cơn gió và sang đầu chiều gió đã đủ để tổ chức hội thi diều". Quả thực điều này khiến cụ và nhiều người khác phải ngạc nhiên, khó giải thích đến tận khi chúng tôi gặp cụ. Như cụ nói đó là ''gió thần'', vậy là nhờ ''gió thần'' hội Sáo đền không năm nào bị gián đoạn.

Diều được giải nhất ngoài việc đậu đến hết hội ở giữa hai lưỡi mác thì sáo diều phải thật hay. Sáo hay là bộ sáo gồm 2 sáo trở lên, tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp cho nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương ... Nói về sáo, cụ Được kể, đời bố của cụ có người chơi diều thời đó còn buông bằng dây tre, đã làm cánh diều khung bằng 4 cây tre nối lại. Bộ sáo của chiếc diều có 2 chiếc. Chuyện còn kể rằng khi diều bổ xuống cánh đồng, chủ diều chưa kịp mang về, có người ăn xin đã chui được lọt vào chiếc sáo to của diều đó ngủ. Câu chuyện này được người dân nơi đây lấy làm tự hào và luôn kể cho khách thập phương về dự lễ hội.
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:31pm
 
Hành hương về đất Phật


Hương Tích ơi, tôi còn đến mãi
Như hoa mơ lại về với rừng mơ


Có người bảo: Hội chùa Hương năm nào chả giống năm nào, nhưng cũng người đó mỗi độ hội về lại không kìm hãm được bản thân để lại về đây. Bởi xuân năm nay đã không còn là xuân năm qua, mỗi khoảnh khắc qua đi lại là một "sát na" (đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của Phật giáo) khác.

Tết Giáp Thân đến sớm. Thành ra thật hiếm hoi (chính xác hơn là 37 năm mới có một lần) bởi Lễ hội chùa Hương năm nay lại khai mạc vào một ngày cuối đông, khi "đại hàn" vừa qua, ngày "lập xuân" còn chưa tới...

Đêm trước khai hội. 22 giờ, bến Đục những chiếc thuyền đậu san sát nhau, như những đoá hoa xoè cánh. Cô gái chèo thuyền tên Hương bảo: Thuyền năm nay dễ đến cả vạn chiếc, năm ngoái đã 8.000 rồi, nay còn đông hơn nhiều. Có khoảng trên dưới chục hộ có từ 2 thuyền trở lên, đông nhất là 5 chiếc.

Mờ sáng ngày khai hội, tiết trời lạnh hẳn, lại mưa lâm thâm nữa, thế mà từng đoàn thuyền vẫn chen chúc nhau, với những du khách áo mưa trùm kín.

Nét mới của lễ hội chùa Hương năm nay? Đối với mỗi khách hành hương, nét mới có thể nằm ở các cơ sở hạ tầng được nâng cấp, việc bố trí các cửa hàng dịch vụ đã chu đáo hơn, khoa học hơn. Hay sự xuất hiện của vườn tháp với Bảo tháp Chân Tịnh - một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo....

Hành hương là sự trở về - trở về với bản ngã đích thực. Sự an lạc trong tâm hồn xét cho cùng là mục đích tối thượng của con người; vì thế, mỗi năm chỉ một lần đến đây, có được một khoảnh khắc của an lạc thì cũng đủ cho con người cảm nhận được mùa xuân của đất trời, của lòng người.

Hương Sơn một dải lâm-khê
Vân du giá hạc đi, về sớm hôm
Toà sen ngự giữa Sơn môn
Nam Thiên đệ nhất, Động còn thiên thu

IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 9:41pm
 
Ảnh đẹp Việt Nam 
 
 

 
 

 
 

 
 
 

 
 
 
 

 
 

 
 
 

 
 
 

 

 


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 24/May/2009 lúc 10:19pm
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 24/May/2009 lúc 10:07pm
 
Văn hóa ăn uống

Cũng như văn hóa nói chung có mấy trăm định nghĩa khác nhau, văn hóa ăn uống cũng vậy, vẫn phải tiếp tục bàn luận. Vấn đề này cũng là một đề tài nghiên cứu về học thuật, mỗi người có thể trình bày nhận thức của mình.

Một tộc người có nhiều thức ăn ngon, rượu, nước uống quí, có phải là có nền văn hóa ăn uống cao hay chưa? Đây là một tiêu chuẩn nhưng chưa đủ. Một tộc người ăn uống thanh đạm, ăn sạch, uống sạch là có nền văn hóa của mình. Ăn uống xô bồ, đơn điệu, không thể gọi là có văn hóa, hoặc là có cũng được, nhưng nghèo nàn.

Phần văn hóa trong ăn uống thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của một dân tộc. Phần này có nhiều vấn đề: đạo lý, phép tắc, phong tục, phong cách.

Biết ăn, tức là chỉ ăn trong những trường hợp đáng ăn. Được mời ăn, ăn đúng phần mình, không xâm phạm phần người khác. Truyện cũ ghi nhiều trường hợp vô duyên của mấy danh nhân lúc thấy nhà hàng xóm có chén, không được mời mà cứ đến, bị người chê rằng không biết trọng danh dự. Một số nhà nho nói liều: "Thấy ăn mà không ăn là điên". Cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này đều sai, ăn bừa, làm bừa. Tục ngữ có câu: "Ăn có mời, làm có khiến", là nói một cách ứng xử đúng. Cũng như câu: "Ăn có nhai, nói có nghĩ; Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Lại nói: "Miếng ăn quá khẩu thành tàn, miếng ăn miếng xấu, tôi van mẹ mày". Ai cũng cần ăn, phải làm lấy mà ăn, không nên ăn bẩn của người khác, bạ đâu ăn đấy, thấy đâu có ăn là mò tới. Chắc nhiều người đã đọc truyện Trần Thì Kiến: Vốn là môn hạ Trần Hưng Đạo. Nhờ đức liêm khiết, được vua cử về cai quản phủ Thiên Trường. Khi mới về nhậm chức, có người bưng đến biếu một mâm cỗ. Ông hỏi: "Nhà ngươi ở đâu, vì sao lại biếu ta"? Người ấy trả lời: "Bẩm quan lớn, nhà con ở bên cạnh quý Phủ, nhân có giỗ, vì lòng thành biết Ngài mới về trọng nhậm Phủ nhà xin kính biếu thôi". Mấy hôm sau, người đó đến cầu cạnh một việc hệ trọng. Bực mình, ông liền móc họng nôn mửa ra hết, rồi gọi lính đuổi cổ người đó đi. Ngày nay, những người như Trần Thì Kiến quả là hiếm.

Sống dè sẻn, tiết độ, không xa hoa, lãng phí để bảo đảm cuộc sống lâu dài - một đức tính tốt của nhân dân Việt Nam - là nguồn gốc cuộc sống lành mạnh.

Việc ăn uống trong xã hội nào cũng có luật lệ (thành văn hoặc không thành văn) từ gia đình, họ hàng, làng xã đến cả nước, không được tùy tiện vi phạm. Trong nhà, người già được dành phần quý nhất, rồi đến trẻ em, người lớn thì không phân biệt. Mỗi làng có quy ước riêng về các bữa ăn khao vọng, cưới xin, ma chay, tế lễ. Tại cung đình, bộ Lễ phải tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ của triều đình; mỗi loại yến tiệc đều được quy định chặt chẽ từ việc xếp chỗ ngồi đến trật tự bữa ăn như một chương trình biểu diễn nghệ thuật. Vua thì một mình một cỗ; các quan ngồi theo chức tước, quan đầu triều ngồi trước, các quan cấp dưới mới được ngồi. Các quan đứng dậy nâng chén chúc vua, rồi mới được uống. Chốn đình trung ở làng cũng phải theo lễ nghi đã quy định. ăn tiệc, ăn cỗ đều phải tuân thủ phép tắc. Khi tửu nhập, ngôn xuất thường gây ra hiện tượng mất trật tự, có khi phải phạt, thậm chí phải lên quan.

Những luật lệ ấy ngày nay đã lỗi thời, nhưng luật lệ mới thì chưa kín kẽ, nhiều khi phát sinh những hiện tượng kém văn hóa hoặc đua đòi theo lối trưởng giả học làm sang. Vấn đề này rồi cũng phải giải quyết cho phù hợp với thời đại mới.

Trên đây chỉ là một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa ăn uống. Còn những cuộc vui bạn bè kiểu tao nhân mặc khách, những gia đình phú quý, thì còn nhiều chuyện, có cái có thể duy trì, có cái phải bỏ. Mong rằng các nhà thông thạo văn hóa nghệ thuật ăn uống góp nhiều ý kiến nhằm góp phần nâng cao nền văn hóa ăn uống nước nhà.
 
IP IP Logged
loiquan
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 22/Jan/2008
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 121
Quote loiquan Replybullet Gởi ngày: 25/May/2009 lúc 12:13am
Kính gởi ông (bà) ranvuive
Những bài trên đây rất có giá trị nghiên cứu, sáng tác.
 
Xin ranvuive cho biết :
1. Có phải đúng ranvuive là tác giả của các bài đó hay không. Nếu đúng là tác giả, rất mong cho biết tên hoặc bút danh để chúng tôi ghi khi trích dẫn các bài này.
 
2. Nếu ranvuive lấy bài của chỗ khác, của tác giả khác để post vào đây thì xin dẫn nguồn - tên tác giả hoặc link.
Cù lao Lợi Quan thương nhớ
IP IP Logged
ranvuive
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 02/May/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 1151
Quote ranvuive Replybullet Gởi ngày: 25/May/2009 lúc 3:40am
Xin chào Bác loiquan
 
ranvuive đọc thấy trên web hay và có ích nên post lên cho mọi người cùng xem. Và chắc chắn một điều ranvuive không phải là tác giả của các bài trên.
 
Xin cảm ơn Bác đã quan tâm đến những bài mà ranvuive post . ranvuive xin gởi link cho Bác & mọi người cùng tham khảo.
     
 

 


Chỉnh sửa lại bởi ranvuive - 25/May/2009 lúc 4:00am
IP IP Logged
Trang  of 120 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.273 seconds.