Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Trường Trung Học Gò Công Hay Trường PTTH Trương Đinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Trường Học Gò Công :Trường Trung Học Gò Công Hay Trường PTTH Trương Đinh
Message Icon Chủ đề: TRƯƠNG NAM TIỂU HỌC Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
thylanthao
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 1051
Quote thylanthao Replybullet Chủ đề: TRƯƠNG NAM TIỂU HỌC
    Gởi ngày: 06/Aug/2007 lúc 5:58pm
 Trường Nam Tiểu Học Gò Công
                          *
            _ Trân Trọng cám ơn quý Thầy Cô Trường nam tiểu học Gò Công đã tận tụy dạy dỗ tôi suốt thời thơ ấu đã để lại trong tôi biết bao niềm quý trọng nhớ ơn
            - Trân trọng cám ơn Cha Mẹ đã tạo cho tôi phương tiện đến trường và đã trang bị cho tôi một bộ nhớ khá tốt để giờ đây sau hơn 8 năm trong lao tù Cộng Sản và 9 năm sống trong xả hội Cộng Sản tôi còn nhớ được khá rõ những sự việc thời tiểu học
            - Trân trọng cám ơn anh Lê Văn Luân, nguyên hiệu trưởng Trường nam tiểu học Gò Công , cũng là bạn chung đại đội 21 , khóa Trần Quốc Toản Thủ Đức, chung trại cải tạo Huyện Tây Gò Công . Người đã gửi cho tôi danh sách những vị hiệu trưởng của trường, một tư liệu quý hiếm về Trường nam tiểu học Gò Công
 

    Lứa tuổi sinh trong thập niên 40 muốn viết một bài tương đối đầy đủ về Trường Nam Tiểu Học Gò Công là một việc làm thật khó, vì Trường Nam được hình thành tại tỉnh nhà vào một thời gian mà hầu như ít người được rõ biết. Dân cư ngụ tại đây đa phần đều phải qua bậc tiểu học tại trường nầy, nhưng ít ai chịu bỏ thì giờ để tìm hiểu về lịch sử và quá trình hình thành của ngôi trường lâu đời nhất của tỉnh nhà.
    Tôi sinh vào thời hậu bán thập niên 40, thời mà lịch sử đất nước được ghi nhận là có nhiều biến loạn nhất, từ khoảng 45 đến 50 tuy là một khoảng thời gian ngắn nhưng lại có biết bao cảnh vật đổi sao dời ...Từ một quốc gia thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập đã phải trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu để rồi toàn dân phải ngậm ngùi nhìn dòng sông Bến Hải, một lần nữa nằm chung trang nhục sử với Sông Gianh ...
    Người Pháp đặt nền đô hộ cả trăm năm, người Nhật lăm le mộng bá chủ Á Châu .... đều cuốn gói ra đi... , người Mỹ đến, tuổi trẻ thời bấy giờ sống trong một xã hội đầy bất trắc, tại thị thành , người dân luôn phải trực diện với nạn bè phái của chính quyền, sự lạm quyền hống hách của mật vụ ,công an chìm, tại thôn quê,nông dân xác xơ trước đám du kích đã tạo uy quyền bằng ...máu, những vụ khủng bố giết người man rợ của bọn tay say tập đoàn Cộng Sản Bắc Việt đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt quần chúng nông thôn ...Người học sinh ở làng quê đã phải đi học trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, đa số dân chúng sống về nghề nông mà mỗi năm chỉ làm có một vụ lúa, lại phải thuê ruộng của các điền chủ, để rồi cuối vụ thu hoạch lúa đủ ăn trong năm đã là may lắm rồi, thức ăn quanh năm là con tôm con cá con ếch con còng, cây rau cọng cỏ trong vùng, đi học thì phải đi bộ, có tiền chút đỉnh thì được chiếc xe đạp làm chân, đạp vượt qua năm bảy cây số là chuyện thường, đó là chưa kể ảnh hưởng đến thời tiết nắng mưa, lại nạn đào đường đấp lộ của bọn du kích, ban đêm chúng lùa dân ra đấp đường, ban ngày cũng chính những người dân nầy được lính quốc gia trưng dụng đi phá mô, gỡ chướng ngại vật, người dân nằm trong vòng tay của hai chủ nghĩa, chuyện ăn đạn của hai phía là chuyện thường, tỉnh Gò Công nằm ven biển, đất phèn lại nước mặn, ngoài việc ruộng nương, huê lợi về biển chỉ là phần nhỏ cho một đôi làng sống ven biển, nên để vươn lên, người dân ai cũng muốn cho con em theo học dù hoàn cảnh sống thật nghèo, trước kia cho con ra Hà Nội , sau nầy cho con lên Sài Gòn Mỹ Tho, quyết lấy bằng cấp để thay đổi cuộc đời ... Và đa phần trì chí đều thành công, chỉ nhìn vào kết quả trong các kỳ thi tuyển vào các đại học, tên tuổi những thí sinh sinh quán tại Gò Công lúc nào cũng có tên trên bảng ở thứ hạng cao .
    Tôi thực sự bước chân vào trường Nam Tiểu Học vào niên khóa 1952 - 1953 sau khi học 2 năm tại trường Bà Phước ( Sau nầy là trường Thánh Theresa ), Ở trường Bà Phước Tôi học với Bà  Sơ Xi , và chị Báu là người dạy trực tiếp cho tôi đánh vần . Thời đó tại tỉnh nhà chỉ có mấy trường là Trường Bà ( Tư Thục ) Trường Nhà Đèn,trường Nữ tiểu học , Trường Nam Tiểu Học và trường tư thục Khai Trí ( đệ nhất cấp ) sau đó mới có thêm trường tư thục Thăng Long và Trường Huỳnh Phước .... Học sinh học xong cấp tiểu học phải lên Mỹ Tho hoặc SàiGòn học tiếp.Nếu gia đình có đủ phương tiện.
    Trường Nhà Đèn ( đây là chi nhánh sơ cấp  của trường Nam Tiểu Học và trường Nữ tiểu học, dân dã quen gọi là trường Nhà đèn vì trường nằm gần cơ sở phát điện của tỉnh ) cách trường Nam tiểu học khỏang trên 50 mét, nằm phía sau trường nữ tiểu học, đây là một trường sơ cấp gồm có hai dãy song song, giữa là một sân hình chữ nhật trải xỉ than đá của xe hủ lô thuộc sở trường tiền Gò Công . Sân không có một cây che mát nào kể cả cột cờ, mỗi dãy có năm phòng học, phía tây trường là một con đường đất mang tên A .De Rhodes chạy cặp theo bờ kinh, con đường nầy bắt đầu từ đầu sân trường nữ ( ngã tư đường Gia Long & A. De Rhodes)chạy uốn cong theo bờ sông tới ngã ba nhà đèn thì hết, bên kia con kênh là bến xe đò Gò Công và bến ghe tàu, trên con đường nầy thuở đó không có một nhà dân nào cả, chỉ có một nhà căn tin bằng gổ dành cho học sinh trường Nam tiểu Học ăn buổi cơm trưa ( là những học sinh từ xã đến tỉnh học, vì thời đó lớp học ngày 2 buổi ) . Mặt Bắc trường là một con lộ trải đá xanh nối dài ngang dinh tỉnh trưởng, mà bên kia đường sát bờ sông là nhà máy phát điện,cạnh đường sau dãy phòng học hướng tây có một cây gạo thật to, dưới gốc cây để hơn mười thùng phuy đựng nhựa tráng đường, cũng là điểm trú mát cho học sinh đi học sớm, mặt Nam là một con đường trải đá xanh tôi không còn nhớ tên đường nầy nối liền đường Gia Long với đường A . De Rhodes , đầu ngã ba đường là nhà ở của vị trưởng ty tiểu học ( lấy một căn đầu của trường nữ công và phần lầu của ty tiểu học ) kế là trường Nữ Công và cuối đường là sân bóng rổ của trường nữ tiểu học ( chỉ có một trụ để ném bóng , xem như chỉ có nửa sân ). Mặt Đông của trường tiếp giáp một hàng rào là mặt sau của Ty Ngân Khố và cạnh bên hình như là Ty An ninh quân đội .
  Dãy hướng Đông bắt đầu là lớp chót ( lớp 5 ) của Thầy Ba Nguyễn văn Thắng , phía sau lớp thầy có một cái trống mà thầy cũng là người sử dụng dùi để nhịp trống báo giờ, thầy xem giờ bằng một cái đồng hồ quả quít nhỏ loại bỏ túi, thầy cũng là trưởng giáo của trường nầy; kế lớp thầy Thắng là lớp chót nữ của Cô Tám Sảnh, lớp tư nữ của cô Nguyễn thị Công , lớp tư nữ của Cô Nghiêm , lớp ba nữ của Cô Sáu Trầu ( Cô ăn trầu không biết từ thuở nào nên mới có hỗn danh nầy ). Dãy hướng Tây, bắt đầu là lớp chót của Cô Ba Hiến, Lớp tư A Thầy Trực( Thầy bị tai nạn gãy tay Cô Sơn dạy thế , Cô Sơn dạy học mấy năm lên xe hoa bỏ nghề dạy về trông coi cơ sở sản xuất nước mắm của chồng là con trai của Bà Năm Sún ở Cầu Đúc dưới )Lớp tư B Cô Đỏ, lớp ba B cô Sáu Nghĩa, Lớp ba A cô Bảy. Dãy phía bên Thầy Thắng nền thấp tráng xi măn, dãy bên bờ kinh nền cao cỡ nửa thước lót gạch tàu ...
Tôi được vinh dự học lớp chót với Thầy Ba Nguyễn văn Thắng, học trò thầy đa phần đều viết chữ dễ đọc vì thầy luyện tập viết rất kỹ( Có lẽ vì vậy mà bạn học cùng lớp với tôi không có ai làm Bác Sĩ ).Tôi ngồi bàn thứ ba dãy bên trái cạnh bạn Nguyễn văn Nhất ( Tốt nghiệp Sư Phạm 2 năm SG , dạy trung học Tân Tây , sau 75 từng làm hiệu trưởng Trường Trung Học Tân Tây ), ngoài ra trong lớp còn nhiều bạn dễ nhớ như anh em song sinh Võ Hiếu Nhơn và Võ Hiếu Nghĩa ngồi bàn nhất dãy bên phải ( cả hai đều nằm xuống trong cuộc chiến ) Tôi nhớ rõ hai trò nầy vì hai trò ngồi bàn nhất và cứ vào mỗi buổi chiều hai trò cứ tự nhiên cúi đầu trên tập mà ngủ, Thầy Ba thường đến ký đầu hai trò rồi mọp xuống trước bàn , hai trò bị phá giấc tưởng trò nào chọc nên chửi om lên, trưởng lớp là trò Chà . Ở lớp chót nầy tôi cũng có nhiều kỷ niệm ...lúc mới vào học tôi ngồi bàn áp chót, sau lưng tôi là trò Chà, Chà lớn hơn tôi ít nhất cũng phải 5 tuổi ( thời đó học sinh trong lớp tuổi tác rất chênh nhau, Trên nguyên tắc căn cứ trên khai sinh thì chênh nhau 4 tuổi nhưng trong khai sinh có nhiều trò khai giảm mất 3 , 4 tuổi. Trò Chà thường hay bắt nạt tôi, khi thì ký đầu, khi thì xin tiền, thường xuyên hăm he tôi, tôi rất sợ mà không dám mách thầy cũng như cho cha mẹ biết, bởi sợ trò Chà nên tôi thường xuyên trốn học, mỗi tuần ít nhất cũng phải trốn học 3 lần, thường vào lớp học xong, thấy trò Chà hoạnh hẹ, tôi thừa lúc thầy sơ ý là ôm tập dông mất, Thầy thường xuyên báo tin cho nhà tôi biết mỗi khi tôi bỏ lớp, gần cuối năm tôi lên bàn 3 ngồi cạnh trò Nhất mới yên; trong lớp có nhiều trò rất được phụ huynh cưng chiều mà tôi còn nhớ là trò Phước nhà ngó mặt ra góc Ao Trường Đua, đi học có ông nội đội nón cối trắng mặc bà ba trắng cõng đưa đến lớp ( Trò nầytrước 75 là sĩ quan Hải Quân thụ huấn tại đại đội E tiểu đoàn Trần Bình Trọng  Quang Trung ) Có trò Cảnh đi học bằng xe đạp mặc quần tây chân mang san đan, thời đó trăm phần trăm học trò nam mặc tà lỏn đi chân đất, trò Cảnh là cháu ông Chủ Tịnh chủ hảng cà rem Xuân Trường đầu tiên ở Gò Công, trò nầy lớn lên tôi không còn gặp lại. Ở lớp chót nầy tôi đã học và còn nhớ những gì ? Thầu Ba Thắng dạy hát, vừa hát vừa ra bộ tịch và những bài hát nầy tôi đã dạy lại cho con tôi khi bé vừa biết nói ..."Con nải con nai - nó chạy đường dài - nó kêu cái tét , Thầy vừa hát con nải con nai thì hai bàn tay của thầy đặt vào hai bên tai phe phẩy ...như tai nai, đến chữ cái tét thì hai bàn tay thầy chụm lại để trước miệng ...Rồi thì Con công tố hộ trên rừng - chèo ghe xuống biển ngó chừng con công - con công nó múa làm sao - nó thụt đầu vào - nó xoè cánh ra - nó kêu tố hộ ...Hát tới đâu thầy ra điệu bộ tới đó, khi thì hai tay chèo ghe, xòe cánh ... dĩ nhiên đám cốc tử tụi tôi mê lắm, ngoài ra có một bài thơ mà thầy rất tâm đắc, bắt học thuộc lòng, giờ ra chơi tôi còn nghe thầy bàn thơ với cô Tám Sảnh lớp chót nữ kế bên đó là bài Mắm Cà ..." Ba tôi vốn thích mắm cà - Có cà ăn được luôn ba chén đầy - Biết ba ưa chuộng món nầy - Tôi liền đi kiếm cà cây về trồng - Đêm ngày tôi tưới vun phân - Đẹp thay tim tím cái bông hoa cà - Có trái tôi muối dành ba - Bữa cơm ăn với mắm cà rất ngon ... Vào đầu năm học Tỉnh Biên Hòa bị một cơn lụt dữ dội, toàn quốc phát động chiến dịch cứu trợ ( Năm Thìn ) Tôi còn nhớ có một bài thơ mỗi lớp thầy cô đều dạy cho học sinh học, rất tiếc là tôi không còn nhớ tên tác giả .... Thuở nhỏ tôi đọc đã biết cảm động và cho tới bây giờ đọc lại vẫn còn thấy lời thơ thật tha thiết dễ làm rung động lòng người ..." Biên Hòa nước lụt tả tơi - Nước dâng hơn thước thây trôi quá ngàn - Người sống sót lại càng đau khổ - Biết lấy đâu làm chỗ nghỉ chân - Trẻ con không có áo quần - Vắng cha mất mẹ khóc rân ngoài đường ...
Ở năm học lớp chót nầy tôi còn nhớ , trường có tuyển một số giáo viên mới, huấn luyện tại trường và lớp chót của thầy Ba Thắng được đưa lên phòng hội trường của trường Nam ( hai phòng đầu sát cầu tiêu ngăn cách vách giữa bằng những tấm ván rời, vách ngăn lại thành 2 phòng học  mở ra thành một hội trường, và trường cũng thường lấy địa điểm nầy làm nơi phát thưởng cuối năm, hay trình diễn văn nghệ )Tôi nhớ lên đây học khoảng nửa tháng, vì lúc đó tôi không biết hết tên thầy cô thực tập nên không ghi lại được, tôi chỉ còn nhớ có một người mà gia đình tôi quen biết đó là Chị Ngô Thị Hai con gái lớn của Ông Chủ Xíu, lúc thực tập chị còn đang để tang chồng là Trung Úy Nguyễn Bạch Mai, một trong những sĩ quan đầu tiên trong buổi bình minh của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, chị cũng có đứa con trai đầu lòng học chung với tôi năm đó là trò Nguyễn Bạch Quang, trước 75 du học tại Mỹ trong diện quốc gia nghĩa tử về nước với bằng kỷ sư dầu hỏa.Khai trường lên lớp tư, đích thân Thầy Thắng dẫn tôi lên lớp gặp cô Đỏ , tôi còn nhớ lời thầy
-Trò nầy học được lắm chỉ  có tật trốn học Cô lưu ý cho. Thầy giáo ngày xưa sao mà tận tụy quá ,... Sau đó mấy năm Thầy Thắng về nghỉ hưu được nhà nước phong chức Huyện Hàm .
Tôi lên lớp tư B, học với Cô Đỏ, Cô rất hiền, gốc người Yên Luông Đông. Tôi ngồi đầu bàn thứ ba, cạnh trò Hạnh và trò Nguyệt ( đều là dân xóm Cỏ ). Trưởng lớp là trò Sơn Văn Ngọc là con hay cháu của tiệm mì Quảng Tài Ký, một kios ngay mặt tiền đại lộ Phạm Đăng Hưng, đối diện với tiệm nước Quảng Lợi Hòa. Trò Hạnh và trò Nguyệt sau nầy đi lính Sư Đoàn 7, Nguyệt hình như chết trong cuộc chiến, Hạnh tôi có nhiều lần gặp lại sau khi tôi được giặc tha ra khỏi tù về sống lại tại Gò Công, Hạnh kiếm sống bằng chiếc xe 3 bánh; còn Ngọc từ khi rời trường tôi không còn gặp lại, sau nầy qua lời của Ngô văn Phò ( Quân cảnh Tư Pháp Long An), bà con của Ngọc tôi mới biết Ngọc đi tu ở một chùa Miên. Học lớp nầy tôi còn nhớ một bài thơ mà cô cho học thuộc lòng đó là bài "Chùa Làng Tôi "...Ở trong ngọn rạch làng tôi, Có chùa Diệu Đế từ hồi thuở xưa, Sau chùa cam quýt cau dừa, Trước chùa kiểng vật bốn mùa nở hoa, Trong Chùa thờ Phật Thích Ca, Sau lưng đức Phật có bà Quan Âm, Đến ngày mùng một ngày rằm, Các bà tin tưởng đi dâng nhan đèn ...Cũng trong năm học nầy có thầy Lê Dinh đến lớp dạy nhạc, thực ra Thầy chỉ dạy có hai bản theo chỉ thị của cấp trên đưa xuống\, đó là bản Suy Tôn Ngô Thủ Tướng, và một bài tôi quên tựa nhưng còn nhớ lời ..." Người về đây khi núi sông đang điêu tàn -Trời Việt Nam rên siết trong muôn lầm than - giữa lúc quân Cộng bạo tàn chia cắt đôi đường hận sầu toàn dân xao xuyến như thuyền không lái ...Người về đây mang ánh vinh quang chan hòa, trời Việt Nam tươi sáng trong muôn ngàn hoa .. Ánh sáng thanh bình rộn ràng soi khắp sơn hà ... Trò Hạnh và trò Nguyệt là hai tay quậy có tầm cỡ, môn chơi nào hai trò cũng đều biết, không rù rì nói chuyện với nhau thì xé tập vở lấy giấy xếp đầu lân, diều, không thì lấy phấn vẽ xuống bàn, hoặc đem hộp dế ra kê lên miệng chắc chắc vài cái. Tôi thấy Thầy Dinh đang chép bài nhạc trên bảng bỗng ngưng lại, tay bẻ cục phấn, mắt nhìn tôi có vẻ bực mình lắm, tôi sợ lắm, cố ngồi thật chăm chú dù tự xét lại trước đó tôi không có làm điều chi sai trái, bỗng thầy ném vèo viên phấn, đánh tốc lên đầu trò Hạnh ngồi cạnh tôi, thì ra trò Hạnh đang nói chuyện với trò Nguyệt  và tại đôi mắt thầy đã làm tôi lầm ... Sau nầy lớn lên tôi chỉ gặp thầy có một lần trong nhà hàng Thanh Bạch, lúc thầy đang ăn sáng chung bàn với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, tôi có đến chào thầy. Thực ra thầy làm việc tại đài phát thanh SaiGon ( số 3 đường Phan Đình Phùng ) còn đơn vị tôi đóng quân tại số 1 bis cũng trên con đường nầy mà lại không có dịp gặp nhau .
Với một người bạn học chung lớp ....hơn 40 năm sau, trong những ngày quản chế sau khi giặc tha về, một buổi sáng tôi đến quán cà phê của Minh ( Nguyên pháo đội trưởng tiểu khu Gò Công ) một thằng bạn tù, quán nằm trước khuôn viên nhà bác sĩ Trần Công Đăng, lúc giặc tha về đâu có làm ra đồng xu cắc bạc nào ... Đôi lúc buồn cũng ra chợ chơi vào quán của Minh mong gặp vài người bạn để nói chuyện cho ...qua ngày, Minh không bao giờ tính tiền tôi mà còn mang đến vài điếu thuốc hút cho ...thơm râu, tôi ngồi ở bàn trong góc, một vị trí khuất lấp ít ai để ý, tôi đang nhâm nhi ly cà phê thì có một hán tử, dáng người kịch cợm, càm và môi đầy râu, tay xách cây roi ngựa, trông dáng sung mãn mà có vẻ phong trần, kéo ghế ngồi cạnh tôi, cất giọng ồm ồm gọi cà phê và thuốc lá, mới nhìn qua hán tử, tự lòng tôi cảm thấy quen quen, thế rồi bộ nhớ tôi bắt đầu làm việc, tôi click từ bạn lính, bạn tù, bạn nhậu ...tới bạn học ... Lòng tôi chợt vui vì tên của hán tử nầy có ghi trong bộ nhớ của tôi, tôi khều tay bạn và hỏi :
- Dạ , có phải anh là Nguyễn Thành To
Hán tử có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi xa lạ mà sao biết rõ họ tên
- Dạ, tôi là To, tôi không biết anh mà sao anh biết tên tôi ? Tôi thích chí vì biết trí nhớ của mình còn tốt
- Tôi là bạn học với anh năm học lớp tư với cô giáo Đỏ, anh ngồi đầu bàn áp chót dãy bên trái ... Đi học anh thường mặc quần cụt đen vải mỹ a mặt đệm ...
Cô giáo Đỏ trong một chuyến xe định mệnh từ Mỹ Tho về Gò Công, Cô qua đò Chợ Gạo, Bỗng giông gió nổi lên, phà đứt cáp chiếc phà trôi đi và chìm ... Cô chết trong lần sang sông nầy. Thương Cô hiền lành mà sao chết thê thảm quá ...!
Tôi học lớp ba với cô Sáu Nghĩa, cô thật hiền từ và thương học sinh, học với cô được mấy tháng, cô theo chồng đổi về SàiGòn dạy, cô Bảy Huyện từ trường nữ về dạy thế, theo lời Ba tôi vẫn thường nhắc nhở, Cô Bảy là người đàn bà học giỏi, có bằng đíp lôm thời tây, nói tiếng tây như ...đầm, biết đàn, biết hát nhạc Tây ... lẽ ra cô phải làm bà đốc mới xứng, nhưng có lẽ do cô biết nhiều quá nên có một sợi dây thần kinh nào đó bị...gút, cô buồn vui bất thường, trò nào lỡ nói chuyện trong lúc cô buồn thì thật là tội nghiệp cho cái mông của trò đó ,...Ở năm học nầy tôi còn nhớ học sinh toàn trường phải đi dưng cộ đèn ( Ngoài đêm trung thu thường niên ) mừng Ông Võ Hà Trị đắc cử dân biểu lập hiến thời đệ nhất cộng hòa .. Cuộc rước đèn bắt đầu từ trường Nam tiểu học đi ra đường Gia Long quẹo ra hướng chợ ngang qua đại lộ Phạm Đang Hưng bọc đường Chủ Sự Thiều về sân vận động để xem chiếu bóng ngoài trời ... Nhưng toán dưng cộ mới ra được tới gần chợ thi trời đổ mưa ... tất cả tự động tan hàng đi về hướng sân vận động ... Tôi còn nhớ vào được sân vận động mình mẩy tôi ướt loi nhoi ... cây đèn hình con chim câu ba tôi phất giấy màu lại từ chiều hôm trước bây giờ chỉ còn lại cái sườn tre ..Tôi còn nhớ Phim Đài Loan ... Hằng Nga du nguyệt điện do tài tử Lý Lệ Hoa đóng vai Hằng Nga ... Tôi đứng nép mình trước góc khán đài để tránh mưa ... mắt nhìn lên màn ảnh mà lòng lo sợ ... Trời mưa lai gần khuya làm sao dám đi về nhà một mình ... Nhớ tới cây me ngay ngã ba trước nhà Bác Tư Bính mà thấy ớn ... Cây me với nhiều câu chuyện ma mà tôi vẫn thường nghe kể ...Bỗng có bàn tay từ khán đài thò xuống khều vai ...
-Em đưa tay anh kéo lên ..
Thì ra là Anh Dinh , đang học lớp đệ thất trường Trung học Gò Công ... Anh đở tôi ngồi vào lòng anh ... Một cảm giác thật ấm áp dễ chịu .( Anh Nguyễn văn Dinh đền nợ nước trong sắc áo Pháo binh ) ... Ngoài ra tôi không còn nhớ gì nhiều lắm , một vài người bạn như trò Phát ( sau nầy tôi không còn gặp lại ) trò Khải ( sau trò từ trường bán công vào trường công học chung năm đệ nhất với tôi , sau đó tốt nghiệp Sư phạm Vĩnh Long về dạy tại Gò Công ) ...Khi giặc cờ đỏ thả tôi về (1983)tôi được người nhà cho biết Cô Sáu Nghĩa về sống ở Gò Công ( Dãy nhà xưa đối diện với lăng Trương Công Định , cạnh nhà ông Phán Chà ) Tôi có chỡ người chị thứ sáu đến nhà thăm cô, sau khi nhắc nhở chuyện hơn 30 mươi năm về trước, cô rất vui mừng khi gặp lại người học trò cũ, dù bây giờ người học trò cũ đã xệ cánh, tả tơi như xác pháo ...Mấy tuần sau cô có xuống nhà thăm tôi, thật vô cùng cảm động, tôi còn nhớ, mẹ tôi ngồi tiếp cô tại bộ ghế cẩm thạch đặt giữa nhà, tôi và chị tôi đứng sau lưng mẹ để hầu chuyện ...
Tôi từ giã cây gạo vẫn nở hoa trắng phơn phớt hồng, từ giã những thùng phuy đựng nhựa đường mà những lần trú nắng vẫn thường đứng dưới gốc cây gạo, vẫn táy máy cạy từng cực nhựa đường nắn thành hình nầy hình nọ, hay lén ve viên chọi vào đầu thằng bạn để rồi làm mặt tỉnh tuồng đứng nghe nó chửi bông lông ...
Tôi chính thức bước vào trường Nam tiểu học, ở thời khoảng đó tôi tự thấy mình lớn hơn, nhiều hãnh diện hơn vì được học tại trường Quan ( trước trường Nam là một nhánh của con kinh Sa Li Sết Ti chảy dọc theo đường Tổng đốc Phương xuống Cầu Huyện, có một cây cầu bắt ngang bên hông trường Bà Phước là Cầu Quan nối với con lộ đâm thẳng vô dinh tỉnh trưởng, từ trường Nam trở ngược hướng Cầu Tàu tới sau dinh tỉnh, trước kia chỉ là dinh thự và nhà quan quyền, nhà dân thường rất ít thường ở mãi ngoài cầu Tàu hay trước nhà thờ có lẽ cầu Quan có tên là do vậy ) .
Thời tôi vào trường Nam, Thanh tra là Thầy Lắm, hiệu trưởng là Thầy Võ Văn Giáp, đây là một vị hiệu trưởng được tuyệt đại dân Gò Công kính phục vì sự tận tụy và đạo đức của ông, giám học là thầy Nhàn, nhân viên văn phòng có thầy Mai ( Thầy có nét chữ rất đẹp chuyên viết tên trong văn bằng tiểu học và các giấy khen thưởng )Thầy Đẩu ( tóc thầy trắng như bông ) Thầy Lợi ( con trai thầy giáo Thạnh ), lao công là chú Ba Quản, nhà ở xóm Cầu Tàu, đi sổ điểm danh là Ông Tám .
Tôi học lớp nhì A với thầy Nguyễn Văn Huệ. Thầy Huệ gốc người Trà Vinh, về Gò Công dạy học, cưới vợ là Cô giáo Hớn, con gái của Ông Huyện Đạt nhà ở ngã ba Lộ Me Cầu Huyện, Thầy thuộc họ Văn Công ở Trà Vinh không biết vì sao lại đổi ra họ nguyễn. Trường Nam lúc bấy giờ có 6 lớp nhì, B Cô Lan ( Con gái Ông Tòa Lê Bằng Ý), C Thầy Phụng, D thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm ( chồng cô Hiếu dạy trường nữ ),Đ thầy Lắm, E cô Diệu ( con gái Ông Louis Đại Đồng, F thầy Núi, lớp cô Diệu nằm ngay khúc quẹo và lớp thầy Núi nằm tiếp với hồ nước cạnh kỳ đài Trước hai phòng đầu không có hành lang, bắt đầu từ lớp thầy Huệ trước lớp mới có hành lang .
Thầy Huệ đi dạy bằng chiếc xe đạp sườn xe solex, trước thềm giữa lớp nhì A và B có một hồ nước nhỏ khoảng hơn thước khối nước, thành hồ bằng đá mài màu hồng chứa nước mưa cho học sinh uống. Lớp nhì A đặc biệt có tấm bảng đen bằng đá cẩm thạch dầy khoảng một tấc rất nặng, bạn bè chung lớp tôi còn nhớ có Nguyễn văn Sáu ( hỗn danh là Sáu sậu , Sáu nhậu , Sáu Cạo , Sáu nhánh ) Trò có một bàn tay 6 ngón gốc người Hòa Nghị là học sinh có học bổng, có trò Nguyễn Bá Chính ở Hòa Nghị té xuống piscine suýt chết, có trò Ron ( con trai thầy giáo Đầm ) đi học mà tai còn đeo khoen, có trò Ngài ở Long Chánh sau kỳ nghỉ lễ Bắc bị bệnh chết, có trò Huỳnh trước 75 là tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 12 nhà ở Thạnh Trị . Tôi ngồi đầu bàn nhì phía trái cạnh trò Bòn ở Tân Cương, Sau nầy học chung một đợt trên trung học với tôi có trò Nhuận và trò Sáu. Thầy Huệ rất hiền lành đạo đức, thầy thường ngồi ở mỗi đầu bàn để chấm bài, 5 trò ngồi trên bàn dồn tập ra cho thầy chấm, thầy vừa chấm vừa giảng, thỉnh thoảng thầy cũng nhịp thước đối với những trò quá chậm tiến, trước giờ tan học khoảng 10 phút, thầy thường kể một chuyện đời xưa mà nội dung chuyện kể không ngoài mục đích giáo dục, buổi chiều thầy thường xách vợt đến sân trường Nam ( Trường có 2 sân quần vợt ) để chơi tenis .Mực của học trò thầy Huệ tự pha lấy trong một chai lít mang đến lớp chia cho từng mỗi học sinh nên màu mực trong lớp được thống nhất. Ở lớp nhì có thêm một môn học lạ là môn Pháp Văn, tôi còn nhớ thầy dạy rất dễ hiểu ghép chữ thành những câu ngắn , thí dụ le chien là con chó, le là giống đực, le chien est très fidèle   con chó rất trung tín ... Thầy giảng trò nhớ và nhớ tới bây giờ. Tôi còn nhớ môn vẽ có thầy giáo Giáo, thầy rất hiền, thường Thầy không cho học trò chuốc viết chì bằng ống chuốc mà dạy học trò chuốc bằng dao hay lưỡi lam, tôi chuốc không được khéo nên sau mỗi lần chuốc nhờ thầy xem giùm được chưa, Thế là thầy gai mắt chuốc giùm tôi thật đẹp... Năm đó thầy có cho một đề vẽ mà tới bây giờ tôi còn nhớ ..." Vẽ một cảnh mua bán vải ở chợ mà trò thường thấy ". Tôi đã vẽ dở mà gặp đề tài nầy thì chịu dù cảnh nầy tôi vẫn thường thấy, hàng vải chợ Gò Công đâu có xa lạ gì với tôi bởi tôi vẫn thường theo mẹ hay chị đi mua sắm áo quần, dãy hàng vải lúc đó nằm bên hướng tây của chợ, bắt đầu bằng sạp của chị Lan ăn trầu ( dù chị còn rất trẻ ) trong lớp tôi nhớ chỉ có trò Nhuận là vẽ được, Ông thầy cầm bức tranh mà nhìn hoài, riêng dưới con mắt tôi thì tôi thấy rất giống cảnh tôi thấy ngoài chợ. Cũng năm học nầy tôi còn nhớ có Họa sỹ Ngân Hà từ Sài Gòn mang tranh lịch sử xuống trường bán cho học sinh, tranh có khổ bằng phân nửa tập vở học trò in trên giấy bìa, mặt trước in hình những bậc anh hùng nữ kiệt trong lịch sử như , thù nhà nợ nước, đầu voi phất ngọn cờ vàng, cờ lau tập trận, chiến thắng Bạch Đằng, Lời thề sông Hóa, Lê Lai cứu chúa ... một bộ 12 tấm, mặt sau in tóm tắc một đoạn lịch sử của bức tranh .
Tôi lên lớp nhứt E học với thầy Thức, một giáo viên trẻ tốt nghiệp Sư Phạm là giáo viên có bằng tú tài I đầu tiên của trường, phòng học nằm ngay đầu dãy trệt, một căn của hội trường, cách một lối đi nhỏ đến hàng rào bông bụp cao quá đầu ranh giới của nhà vệ sinh, tôi học được 2 tuần lể thì phải trở lại lớp nhì vì thiếu tuổi, toàn trường  có khoảng hơn 20 trò, trong đó tôi còn nhớ có trò Trần Công Chức, sau nầy là giáo sư trường bán công Gò Công. Trở lại học lớp nhì thầy Huệ dĩ nhiên tôi học đứng đầu lớp .
Trong thời gian nầy tôi còn nhớ trường có mở giải bóng bàn, trường có một phòng cạnh học xưởng để bảng là Thư Viện nhưng bên trong không có sách vở chi cả mà được kê một bàn banh bông ( Phòng cách kỳ đài với lớp thầy Núi ) Vô địch khối lớp nhì là trò Đinh văn Nhân vô địch khối lớp nhứt là trò Hồ hũu Phước ( tên nhà là Bé Cu , con trai thầy Phụng ).Phước sau nầy phục vụ trong binh chủng Hải Quân còn Nhân tốt nghiệp Cán sự Công Chánh Phú Thọ .
Thời tôi học có 9 lớp nhất bắt đầu từ A đến G - Lớp A Thầy Lộ Công Bích, lớp B Thầy Phan Thanh Sắc, lớp C Thầy Lê Tấn Ngọc, lớp D thầy Lượng, lớp E thầy Lê văn Sấm, lớp F thầy Thức, lớp G thầy Đạt, lao công trường là chú ba Quản, đặc biệt mang sổ kiểm danh hàng ngày có Ông Tám, vóc người ốm cao khoảng 1m80, râu bạc trắng, gốc người Yên Luông Đông đi chiếc xe đạp sườn ngang 700, những người học sinh năm xưa, bây giờ liệu còn mấy ai nhớ tới Ông ...Tôi cũng biết sơ một số nét về các thầy dạy lớp nhứt, Thầy Bích rất hiền miệng lúc nào cũng như mĩm cười. tóc quăn dợn đẹp trai Thầy hỏi vợ lần đầu gốc người Bình Ân, hai bên đều chấp thuận nhưng khi xem thấy kỵ tuổi nên đành chia tay ... kiều nữ năm xưa vẫn còn độc thân tuổi hơn 80 đang sống tại Bình Ân ...Gia đình thầy có lẽ anh em rất đông, thuở nhỏ tôi biết anh Mười Lăm là bạn của anh tôi là em trai của thầy ( hiện ở Canada), tôi không biết anh đã là út chưa ?...Lớp thầy dạy còn kiêm bán hợp tác xã cho trường ( bán văn phòng phẩm ),thầy còn có một quán sách đối diện với nhà Ông Đốc Phủ Hải, một dãy kios cất tạm trên bờ sông bên kia bờ trường nữ tiểu học, quán có tên Cô Giang, Thời Ba te thịnh hành, thầy cũng tráng sân trước nhà mở quán ba te, hình như thầy không có số thương mại nên tất cả đều không mang lợi nhuận đến cho thầy...Thời Cộng Sản chúng ghép thầy vào tội đảng phái lưu đày khổ sai ra trại Vĩnh Phú gở hơn tám cuốn lịch, tôi là bạn học năm lớp nhì với con trai của thầy là trò Lộ Công Huân, thầy cũng có nhiều công nương cũng thuộc loại sắc nước của tỉnh nhà ...
 Thầy Phan Thanh Sắc, gốc người Gò Tre, Thân phụ là bác Bảy Tứ, vợ là cô giáo Khoai dạy trường nữ công và dạy nữ công trường trung học bán công Gò Công, khi vào nghề thầy chỉ là một giáo viên sơ cấp, khi đổi về trường Nam thầy đi dạy bằng chiếc xe mô bi lết từ Gò Tre lên tỉnh, tự học đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tiếp tục tự học thầy đậu bằng tú tài 1, động viên khóa 13 Thủ Đức, về làm thầy giáo lính trong ban vũ khí thuộc trung tâm huấn luyện Van Kiếp, thầy mướn một căn phố bìa trong dãy phố 6 căn sau lưng ty cảnh sát Bà Rịa, số 85 đường Thành Thái ... Thầy giải ngũ khi mang cấp thiếu úy được 1 năm 18 tháng về dạy lại ở Gò Công, tiếp tục học đậu tú tài phần 2, rồi ghi tên vào Văn Khoa Sài Gòn .... đậu nhiệm ý rồi lần lượt 4 chứng chỉ lấy bằng cử nhân chuyên khoa Nhân Văn tại Đại Học Văn khoa Sài Gòn, Trong 12 cấp lớp của chế độ giáo dục miền Nam thầy đã dạy qua tất cả các lớp từ lớp 1 ( lớp chót ) cho tới lớp 12 ( đệ Nhất ) một việc ít có trong nghề giáo và lên tới tuyệt đỉnh của nghề giáo trong tỉnh ... Hiệu trưởng trường trung học đệ nhị cấp ... sau 75 ở tù gần một năm được thả về dạy sinh ngữ tại trường trung học Trương Định, sau cùng giữ chức vụ tổ trưởng tổ sinh ngữ cho tới ngày về hưu.
Thầy Sấm nhà ở khu Kho Muối, gia đình nghèo, là cựu học sinh giỏi của trường P . Ký, trong thời gian đi học phải đi dạy kèm để đủ tiền sách vở , nên đậu xong bằng Díp lom và đậu luôn bằng Brờ vê, thầy phải về quê nhà xin dạy học, tính rất hiền, học trò thầy thường trội môn luận văn, thời gian dạy học thầy thường viết truyện ngắn gửi đăng ở tuần san tiểu thuyết thứ năm với bút hiệu là Lê Sấm , sau năm 75 thầy không phải đi tù và vì tình trạng thiếu giáo sư, thầy được mời dạy Pháp Văn cấp 3 cho trường Trương Định, Thầy đi dạy trong tư thế " nín thở qua sông ", cố làm trọn chức năng của mình để được hưởng đồng lương công nhân viên dù rất khiêm nhường nhưng không phải dễ kiếm trong một xã hội mà ...Bác Hồ nhân đạo mua gạo phải xếp hàng ...!, bởi vì thầy đang sống trong một bối cảnh mới, có lắm thầy từng được ưu đãi trong chế độ quốc gia đã" trở mình "mau chóng xum xoe nịnh hót nếu họ làm để được yên thân còn tha thứ được ... đàng nầy đã nhẩn tâm tố cáo đồng nghiệp mà lời tố cáo có thể gây tù tội cho người bị tố cáo mà sự việc thật ra không có .... đó mới là điều tồi tệ ., thầy ít giao tiếp, thoảng lắm mới thấy nở một nụ cười. Hiện thầy định cư tại Cali, thỉnh thoảng có gửi thơ đăng báo dưới bút hiệu là Lê Trường NamẨ
Thầy Lượng nhà ở Yên Luông Đông, đi dạy cũng bằng chiếc mô bi lết.Học trò của thầy đa phần đều học khá, lớp thầy dạy nằm ngay tầng trệt ngay cổng vào đối diện với piscine .
Thầy Đạt, vợ là cô giáo Thu Hà, thầy đi dạy bằng chiếc xe lam.Tính thầy hiền, trông dáng người hơi khắc khổ nhưng lại có nụ cười rất tươi, thầy thường mặc áo sơ mi măn sết, cài nút tay cẩn thận. Phòng thầy dạy chung hội trường với lớp nhất của thầy Thức.
Tôi lên lớp nhứt C học với thầy Lê Tấn Ngọc, gốc người Yên Luông Đông là con trai thứ sáu của Ông Phán Nhứt. Thầy còn có hỗn danh là Sáu Bụng, là cựu học sinh P.Ký, đậu bằng Díp lôm xin về tỉnh nhà dạy học với ngạch giáo viên công nhựt thời đó lương tháng khoảng hơn 1.700$nên thầy dạy có mấy năm bỏ nghề sau năm tôi học thầy tình nghuyện vào ngành Hiến Binh, dân dã vẫn quen gọi là ông cò mũ đỏ ... Vào hiến binh ra trường mang lon trung sĩ lương tháng trên 3.500$ " Hà Nam danh giá nhất ông cò ..." lương đã cao hơn đi dạy học mà còn có quyền ... chưa kể tới bổng lộc đủ sống dư thừa ....Sau nầy ngành hiến binh giải thể, một số theo đơn xin về học sĩ quan tại trường Thủ Đức ra trường làm tiểu đội trưởng quân cảnh tư pháp, quyền uy một cõi trong tỉnh, số còn lạì không chịu đi học cho tới ngày sập tiệm mang cấp thượng sĩ, Thầy Ngọc không qua ngành quân cảnh mà phục vụ trong ngành tư pháp Cảnh Sát Quốc Gia, tù đày ra Vĩnh Phú, Tưởng đâu thầy đã chết vì ...nước trong một tai nạn té giếng ở trại nầy, hiện thầy định cư tại bang V.A...
Tôi ngồi bàn nhứt, góc bìa sát tường là trò Trần Công Quang ( hải quân trung úy ) con trai của thương gia Trần Công Đán, bên cạnh tôi là trò Nguyễn văn Ba ( hỗn danh Ba Nựng, nhập ngũ khóa 4/69 , mang cấp Đại úy hải quân, hỗn danh trong tù là Ba bọ chét) ) trò quá nhỏ con, nên khi nghe giảng bài thì trò ngồi, khi chép bài thì trò đứng, đầu bàn là trò Nguyễn Công Hoan ( trò có tật chân nên có hỗn danh là Hoan què ) trò nầy khi lớn tôi không gặp lại ...Thầy Ngọc có một vũ khí bằng gổ hình dáng như cái bánh trung thu, trò nào giỡn hay làm bài sai rất dễ dàng được thầy cho ăn cái bánh vào đầu, lớp nhứt C nằm ở cạnh mặt Bắc trường, ngó ra kỳ đài, trước lớp có một cái trống để trên cái giá trống, thầy Ngọc phụ trách điểm giờ, trống ra chơi và vô học đánh 3 tiếng, trống tan trường đánh nguyên hồi dài, thầy đánh trống rất điệu nghệ, trong lớp có trò Trần Công Chức có nhịp trống cũng suýt soát với thầy, thỉnh thoảng cây dùi cũng bị trẻ rắn mắt dấu mất thầy phải đánh bằng tay ...! Tôi còn nhớ, trong lớp có trò Âu, trò học kém nhưng ngâm thơ rất khá, buổi trưa trời nóng, học trò thường ngủ gục, thầy thường gọi trò Âu đứng dậy ngâm thơ, bài thơ nỗi tiếng của Vũ Đình Liên ...Ông Đồ Già ( có in trong quyển Việt ngữ độc bản ) Trò Nguyễn văn Tấn hát tân nhạc trò là học sinh học lại nên học rất khá, trò ngâm thơ và ca được 6 câu vọng cổ ... Trò thường ngâm đoạn thơ Anh Hùng Nguyễn Trung Trực một vở kịch thầy đang cho lớp tập mà chưa xong ....Em là cô gái Tà Niên - Đường xa gánh chiếu ra Kiên Giang thành - Chiếu em là chiếu chung tình - để người áo vải anh hùng bước lên ...đặc sắc nhứt về 6 câu vọng cổ là trò Vàng ( nhà gần chùa Thiêng Liêng ), Ngoài ra còn có trò Thời, biểu diễn bài tứ trụ và bài Mai hoa quyền ( trò nầy lớn lên thành danh trong nghể võ, võ sư Hồng Long nỗi tiếng trước 75 và cũng là phó ty thanh niên Gò Công sau khi tốt nghiệp trường huấn luyện viên thanh niên trung cấp, sau 75 mở trường võ lấy tên là Triệu Tử Long, cạnh nhà thầy giáo Liểu và đối diện với nhà Lục sự Châu văn Phú ..) Cuối năm Trường Nam thường có văn nghệ tổ chức phát thưởng hay văn nghệ trình diễn ngoài trời vào dịp bãi trường tết, lớp thầy Ngọc năm nào cũng góp mặt một vở kịch xuất sắc, lần hát tại hội trường của trường thầy cho diễn vở " Bình Định Vương Lê Lợi " với trò Trương Văn Phò( Phi đoàn chiến tranh điện tử) xuất sắc trong vai Lê Lợi, lần hát tại bến xe đò Gò Công lớp nhứt C góp mặt với vở kịch " Ông Thầy Láo " do trò Vàng thủ vai pháp sư rất được dân chúng hoan nghênh, có trò Láng ngồi bàn chót rất lớn tuổi, trò Láng dù học lớp nhứt nhưng cũng dự thi đua xe đạp do Ty thanh niên Gò Công tổ chức, đa số bạn học chung lớp nhứt tôi đều nhớ tên hết nhưng không tiện kể ra vì quá dài, có một người bạn chung lớp nhất ngồi bàn áp chót là trò Nguyễn văn Bảy ( có hỗn danh là Bảy mát, Bảy thần kinh ... ) thân với tôi từ thuở đi học cho tới ... bây giờ ( trước 75 trò là SVSQ không quân khóa 7/68 nhưng ra trường về SĐ7BB, giờ chót làm đại đội trưởng biệt lập đóng tại cầu Tân Cảng )
Trong năm học nầy có thầy Phạm Văn Răng gốc người Bình Ân dạy thể Dục và Thầy Minh dạy nhạc, vẽ thầy Giáo ..
Năm học nầy phải qua một kỳ thi tiểu học, tôi còn nhớ thủ khoa toàn trường là trò Đổ văn Vân, học trò thầy Sắc ( bên trường nữ thủ khoa là trò Nguyễn Thị Hiếu, sau nầy là vợ của giáo sư Nguyễn văn Non, Hiếu đã qua đời ở tuổi tri thiên mệnh  tại Gò Công ), riêng trong lớp nhứt C tôi được xếp thứ 2 sau trò Nguyễn văn Tám ( hỗn danh là Tám Thơ, tai có đeo khoen, ở Gò Công lúc đó có chú Tám Thơ là anh của chú Chín Cò mở ra tiệm hớt tóc ngay Kios đầu tiên bên hông chợ có căng băng vải quảng cáo, trong tiệm trang hoàng rất đẹp có dàn đờn cổ nhạc, có cờ tướng nên rất hấp dẫn khách ...
 Tôi còn nhớ và nhớ rất rõ như chuyện xảy ra ngày hôm qua, thầy Ngọc gọi tôi lên bàn thầy để nói về chuyện phát thưởng cuối năm, thầy cho tôi biết, dù tôi là hạng nhì, nhưng môn toán tôi kém hơn trò Nguyễn văn Để xếp thứ ba nên phần thưởng hạng nhì dành cho trò Để nên phần tôi khỏi lãnh gì hết ( mỗi lớp chỉ có hai phần thưởng ) Quân sư phụ, khi thầy đã quyết định thì làm sao dám cải ... Việc nầy ám ảnh tôi suốt đời đi học, tôi đâm ra ghét học môn toán ...Sau nầy lớn lên tôi mới hiểu rõ lý do ....Dù sao mọi người đều là con người mà với tôi nỗi ám ảnh nầy không dứt được, bây giờ nơi đất tạm dung nầy, tình cờ đọc những dòng chữ nầy thầy còn nhớ chuyện của 40 năm về trước không ?!
Đây cũng là niên học quyết định của đời học sinh, vì nếu đậu được vào đệ thất thì con đường đi được thênh thang suốt 7 năm dài, rớt kỳ thi đệ thất phải thi tuyển vào lớp tiếp liên ... học trường tư là một gánh năng cho gia đình ...mà kết quả học cũng khó bằng trường công .
Niên khóa 59-60 Trường Trung Học Gò Công mở kỳ thi tuyển vào đệ thất lấy đậu 100nam và 50 nữ, có tất cả 1.500 thí sinh toàn tỉnh tham dự . Thủ khoa là trò Nguyễn văn Xệ ( học trò lớp tiếp liên Thầy Nhàn ) ngày loan báo kết quả đọc tại trường Nam tiểu Học, khi thầy xướng tên người Thủ khoa thì Xệ được đở đứng lên thềm cửa sổ để mọi người nhìn rõ mặt, có nhiều tiếng xì xầm trong hàng ngũ phụ huynh :
-Ý là Xệ mà còn thủ khoa ...!Ông thầy đọc tới hạng 100 mà vẫn chưa có tên tôi, dù tên tôi cũng rất dễ đọc .
-Sau đây là 5 em đậu vớt ...101 ..., 102..., 103 Trần văn Bán , 103 đồng hạng Võ Hiếu Để , 103 đồng hạng là tên cúng cơm của tôi, thế là tôi đứng chót bảng, vẫn còn hơn cả ngàn tên không có tên, ba trò hạng 103 đều là học trò lớp nhứt C cuả thầy Ngọc, năm đó lớp nhứt C đậu tổng cộng 5 trò ( Trần văn Tâm và một trò nữa tôi quên tên ) phá kỷ lục của trường Nam, bởi vì học sinh lớp nhứt phải học nhiều môn như thủ công, nhạc, vẽ, thể dục, pháp văn, đức dục, hoạt động thanh niên đều là những môn không có trong chương trình thi mà phải đụng với hai lớp tiếp liên thầy Nhàn, một lớp tiếp liên bán công của thầy Tạo, lò luyện thi đệ thất của Thầy Xuyên ( Hòa Nghị ) thầy Chương ( Tăng Hòa ) thầy Đủ ( Tân Phước ) ...chưa kể học sinh đệ thất đệ lục trường tư trở lại thi ...và một số ghế dành cho các quý tử con quý vị chức sắc tỉnh nhà được sự gửi gấm ( thử tìm xem có con ộng trưởng ty chi sở nào học trường tư không ?)
Đặc biệt hai trò đậu thủ khoa bằng tiểu học đều không có tên trong danh sách, cũng như trò Tám và trò Để hai trò lãnh phần thưởng của lớp tôi .Bên nữ trò Trần Thị Phát, ái nữ của thầy giáo Đẩu đậu thủ khoa ...
Sau đây tôi   đăng nguyên văn tài liệu về trường Nam tiểu học của anh Lê Văn Luân hiệu trưởng thứ 25 gửi cho tôi. Mẫu giấy ca rô viết tay chữ rất rõ ràng bút tích của thầy Võ Văn Giáp ,hiệu trưởng đời thứ 23 .
.......Năm 1864 sau khi chiếm trọn tỉnh Gò Công, trung úy Pháp GƯYS kiêm tỉnh trưởng Gò Công đã nghĩ đến sự dạy dỗ dân bị trị để sau nầy làm việc với họ.Tổ chức dạy chữ quốc ngữ bắt đầu do những người có đạo Thiên Chúa đảm nhận .Khi trẻ em nhận được ít nhiều học thức, họ pha vào chữ Pháp bằng cách phiên dịch từ các sách của các Ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký soạn. Các lớp học đều đặt ở đình miếu .
Đến năm 1873, Gò Công thực sự bình định, lính Pháp rút về Gài Gòn, các lớp học mới dời về đồn lính, đó là trường Quan, cái pháo đài có hình chữ thập như ngày nay .
Năm 1874 Ông Nguyễn Văn Định tốt nghiệp bằng Prevet élémentaire trường Pondichéry được bổ nhiệm làm hiệu trưởng .Lần lần có những Ông tốt nghiệp ở Collège d'Adran về dạy, chương trình là tiểu học Pháp Việt đệ nhất cấp ( lớp 1 đến lớp 3 ) Học sinh ưu tú được thi lên ban Pháp Việt đệ nhị cấp ở tại Mỹ Tho.Sau Ông Định có nhiều vị hiệu trưởng Pháp, vì lúc nầy trường có phần phát đạt .
Trường tỉnh lỵ còn gọi là trường Quan, chỉ có một trường Quan đào tạo lên ban đệ nhị cấp, dưới trường Quan có trường Tổng và trường Làng, giáo viên là người trúng tuyển qua một hội khảo do vị hiệu trưởng trường Quan và viên đại diện cho Tham Biện cứu xét .
Đến năm 1913, trường mới khởi sự có thi bằng sơ học Pháp Việt ( certificat d'études primaires franco-indigènes ) bài vở tại tỉnh, khẩu hạch tại Collège Ch***eloup Laubat Sài Gòn.Mấy năm kế tiếp thi bài vở tại Mỹ Tho, rồi thi bài viết tại tỉnh, vấn đáp tại Sài Gòn , sau mới thi trọn tại địa phương .
Phương Danh Các Vị Hiệu Trưởng 
1- Ông Nguyễn Văn Định
 2- - Pieque
3- - Courlet
4- - Dipla
5- - Huỳnh Thiên Hộ
6- - Hoarau
7- - Ch***agnoux
8- - Bernard
9- - Renaudin
10- - Caubet
11- - Lafuste
12 - - Lê Văn Sang
13- - Miesmont
14- - Dupin
15- - Gros
16- - Levrat
17- - Grau
18- - Perrenot
19- - Phạm Thiều
20- - Huỳnh văn Hai
21- - Phạm văn Hợi
22- - Phạm Văn Lắm
23- - Võ văn Giáp
24- - Cao văn Chất
25- - Lê Văn Luân
26- - Trần văn Hai
27- - Phan Hữu Hỉ ( 30 - 4 - 75 )
Hai Ông Huỳnh Thiên Hộ và Lê Văn Sang hiệu trưởng trường Gò Công kiêm thanh tra sơ cấp ( inspesteur élémentaire)
Quý Ông Caubet, Lafuste, Miesmont, Dupin, Grau, Perrenot, Phạm Thiều, Huỳnh Văn Hai, Phạm văn Hợi, Phạm Văn Lắm, vừa hiệu trưởng vừa thanh tra tiểu học .
Trước năm 1957 , trường tiểu học Gò Công là trường tỉnh lỵ, thuộc ty tiểu học Gò Công và mỗi năm mỗi bành trướng thêm.Nhưng từ năm 1957 tỉnh Gò Công được sáp nhập với tỉnh Mỹ Tho nên trở thành trường Quận, thuộc ty tiểu học Định Tường, càng ngày trường càng thu hẹp vì lần lượt các trường sơ cấp lân cận được mở rộng thành trường tiểu học .
Ngôi chánh là một nhà lầu hình chữ thập, từng dưới có một phòng việc hiệu trưởng và 3 phòng học, từng lầu có 4 phòng học, dãy trệt gồm có 10 phòng học ; tất cả nằm trên một miếng đất hình chữ nhật dài 76mét rộng 60mét có rào tường bằng gạch chừa hai cửa vào cửa phía Nam ngó ra đường Trường Công Định , cửa phía Tây thông ra đường Gia Long đối diện với cổng trường nữ tiểu học Gò Công .
 Sân trường rộng đủ chỗ cho học sinh chơi, có trồng cây che mát, một vài gốc phượng vỹ lâu đời trổ hoa rực rỡ vào mùa chia tay ...với vài cây lim mới trồng tuổi khoảng 30, sân chơi không lầy lội nhờ có 2 sân quần vợt, điều kiện vệ sinh rất thích hợp, phòng học rộng rãi thoáng mát.Trường có hồ chứa nước mưa cho học sinh uống và một nhà xí tự hoại 12 căn .
Chương trình học tập và tổ chức giống như các trường phổ thông trong tỉnh
Hiệu Đoàn : thành lập từ năm 1954, tiếp tục hoạt động, hàng năm tổ chức nhiều buổi họp thể thao, trình diễn văn nghệ và du ngoạn .
Hợp tác xã : Thành lập từ năm 1954, hoạt động thường xuyên, giúp học sinh mua giấy, viết, sách vở và dụng cụ với giá nhẹ .
Hội phụ huynh học sinh :Thành lập ngày 25-4-1953, Hội giúp đở nhà trường rất đắc lực.Quỷ của hội đủ cung ứng cho việc chi tiêu của quán cơm trưa học sinh và các chi phí công ích khác .
..........
Tài liệu nầy không có ký tên người viết và đề ngày 15 - 11 - 1961 ( tài liệu nầy của Thầy Võ Văn Giáp , Thầy  mãn phần tại Vĩnh Long tại tư gia của người con trai là Bác Sĩ Võ Văn Kỷ ), tên tuổi các vị hiệu trưởng và tên trường sau năm 1961 có lẽ do anh Lê Văn Luân bổ sung vì tôi thấy chữ viết khác nét .
Đến năm 1964 Gò Công trở lại vị trí tỉnh và trường có tên :
-Trường Nam Tiểu Học
-Trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng
Sau năm 1975 Gò Công trở lại là Huyện và Việt Cộng đã đặt tên trường là
-Trường phổ thông cấp 1 Trương Định
-Trường phổ thông cấp 1 Trương Định 3
-Trường phổ thông cơ sở số 3 thị trấn
-Trường phổ thông cơ sở số 1 phường 1
-Trường tiểu học phường 1
Trường được xây dựng lại 4 dãy , một trệt và một lầu thành hình chữ nhật , sân ở giữa .Đến trung tuần tháng chín năm 1999 ngôi trường hình chữ thập một công trình kiến trúc của công ty xây dựng của Pháp xây cất bị phá bỏ vì quá cũ.
 Người hiệu trưởng đương nhiệm là Cô Nguyễn Thị Thu ( cựu học sinh khóa 4 Trung Học Gò Công ).
Những cây phượng năm xưa bây giờ còn không nhỉ ? một cây cổ thụ tàn che mát phòng lớp thầy Sấm, một cây cạnh lớp thầy Bích ... Những cây Lim lúc tôi học chưa cao khỏi đầu người lớn nay nếu còn thì cả lớp năm xưa trèo lên cũng còn dư chỗ, Tôi nhớ những chiếc xe đạp nhỏ xíu xếp gọn gàng trong nhà để xe bắt đầu từ cổng đối diện trường nữ kéo dài đến Học Xưởng ( tiền thân của trường Kỷ Thuật, lúc tôi còn học, trường Học Xưởng có 3 phòng nằm ké trong khuôn viên trường Nam, Một phòng học văn hoá trong phòng tầng trệt ngó ra kỳ đài, 2 phòng nằm cạnh phòng thư viện gồm một lớp thực tập mộc và một lớp nguội, Lớp dạy văn hóa do Thầy Nhản ( chồng Cô Sa Bi) phụ trách, lớp Mộc do Thầy Giáo Hiện phụ trách lớp , lớp nguội tôi không nhớ, Hiệu Trưởng là Thầy Trần Văn Báu, chồng của Cô Lê Thị Điệu hiệu trưởng trường nữ công )
Những chiếc xe đạp tuy nhỏ nhưng đều là những con thần mã mang chú học trò từ Tân Bình Điền, Vàm Láng, Tân Thành ... đều xa trên 10 cây số ...
Thời tôi học, trường giữ được một kỷ luật tuyệt đối cũng nhờ vào sự tận tâm và đạo đức của quý vị thầy cô, Ông Hiệu Trưởng Võ Văn Giáp, thầy giám học Nhàn, tự hậu tôi nghĩ khó tìm được người thay thế ...
 Thời đó tuyệt nhiên không bao giờ thấy một vị thầy nào la cà ở quán cà phê chứ đừng nói quán nhậu  ... như những thời mạt vận sau nầy ...!!
Tôi viết về ngôi trường tiểu học mà tôi rất vinh dự được mài đủng quần 6 năm tại đây, trường có một chiều dài thời gian tương đối lớn, nên một cá nhân không thể nào dùng ký ức mà hồi tưởng lại được tất cả mọi sự việc xãy ra tại trường, dù bộ nhớ của tôi thuộc hạng khá tốt, những gì tôi thấy, những gì tôi nghe,những sự việc đó cho tới bây giờ tôi cũng còn nhớ, người viết rất mong được đọc các bài kỷ niệm về trường của các bậc huynh trưởng cũng như của các niên đệ ...để một phút nào rỗi rãnh, đọc lại hồi ức về trường, để mà bồi hồi nhớ lại một thời tuổi thơ, nhất là công ơn của thầy cô ...đã ân cần dạy dỗ ta thuở còn thơ ấu ...
...Cái gì qua rồi mới thấy tiếc !!

  Thủy  lan  Vy
Viết tại Kỳ Đà Động , Mạnh Thu 2002


Chỉnh sửa lại bởi thylanthao - 06/Aug/2007 lúc 6:01pm
Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
IP IP Logged
Albatros
Newbie
Newbie


Tham gia ngày: 05/Aug/2007
Thành viên: OffLine
Số bài: 15
Quote Albatros Replybullet Gởi ngày: 07/Aug/2007 lúc 4:12am
Anh Thy lan Thao,

Cảnh  có học chung với tôi năm lớp Nhứt với Thầy Sấm, sau đó đi Saigon, có tiệm kem Hương Lan ở đường Lê Lợi. Sau đó Cảnh cũng có học chung với tôi năm thứ nhứt trường Hàng Hải rồi bỏ học. Theo lời một đồng nghiệp ở Mỹ, Cảnh bây giờ đang sống ở Canada. Tôi cũng có hoc nửa năm lớp Ba với Cô Huyện.
IP IP Logged
thylanthao
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 02/Jun/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 1051
Quote thylanthao Replybullet Gởi ngày: 07/Aug/2007 lúc 9:13pm
như vạy anh học một lượt với tôi. Tôi nhớ cảnh chứ chưa chắc cảnh nhớ ai trong lớp chót ngaỹ ưa. thăm  anh
Nếu rêu phong vết hằn theo năm tháng - Thì đời ta chắc cũng lắm rêu phong.
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.125 seconds.