![]() |
![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
![]() ![]() |
Tâm Tình | |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() ![]() |
<< phần trước Trang of 158 |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Chuyện Tình Của Mạ Tôi
![]() Ba tôi không yêu mạ tôi, đó là một sự thật suốt cả cuộc đời
không một lần cả hai người hở ra với con cái. Tôi biết được nhờ láu lỉnh và
thói quan sát bẩm sinh. Ba tôi là người đàn ông ở ngoài mơ ước đẹp nhất của mạ tôi. Ông có vẻ đẹp trời
phú, một giọng hát ấm áp và một cái bằng diplome ở vị trí đầu bảng. Nhưng điều
đó không quan trọng bằng việc ông được người giàu nhất tỉnh lúc bấy giờ là ông
bác Vĩ nhận làm con nối dõi, được hưởng tập ấm. Ông bác Vĩ là anh ruột của ông
nội tôi, khi ông bà nội tôi bị chết bom, ông bác Vĩ đem cả bốn đứa con người em
ruột đem về nuôi, trong đó có ba tôi. Ông bác Vĩ không có con trai, hai đứa con
gái sang ăn học bên Tàu từ nhỏ, ba tôi được chọn làm con là vì lẽ đó. Mạ tôi nhan sắc tầm thường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, chị của 9 đứa em
đói rách lầm than. Nhà ông ngoại ở xóm Dừa, xóm nghèo nhất Thị trấn. Nếu trai
gái trong xóm không lấy nhau thì họ đành chịu ế, chẳng ma nào xóm khác muốn bạ
men. Cái thời trai gái 16, 17 tuổi là đến tuổi dựng vợ gả chồng trong khi mạ
tôi đã 25 tuổi đầu vẫn chưa có nhà nào trong xóm đánh tiếng hỏi han, đủ biết bà
không có khả năng quyến rũ bất kì chàng trai nào trong xóm.
Người ta vẫn khen mạ tôi khỏe mạnh hiền lành nhưng ai cũng sợ đoàn tàu há mồm
chín đứa em có thể nuốt chửng hai chục lon gạo một ngày. Mạ tôi thủ phận gái ế,
ngày đêm sấp mặt kiếm ăn cho cả nhà. Cái từ sấp mặt rất đúng đối với bà cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sáng đội chồng nón ra chợ bán buôn, chồng nón ba chục
cái đè cổ bà cúi gập. Chiều ra đồng cày cuốc, lưng bà hất lên gập xuống trên
cánh đồng chua mặn của xóm Dừa, cánh đồng chẳng có gì tươi tốt ngoài cỏ lác cỏ
năn và cá lia thia. Tối gò lưng gập mặt lợp nón khâu nón đến nửa đêm, vùi mặt
trong đống lá nón dưới chân đàn em ngủ như chết. Ba giờ sáng bò dậy nấu nước
cho cha, hâm cháo cho em, dọn nhà quét sân giặt giũ áo quần... Sáu giờ sáng lại
đội chồng nón ra chợ. Một ngày của mạ tôi là vậy, chưa một lần bà ngước lên tự
hỏi rồi đời mình sẽ ra sao, chồng con rồi sẽ thế nào.
Một lần đang bữa cơm ông ngoại chợt nhìn mạ tôi chăm chăm, nói mi biết thằng Vũ
con ông cu Cuông không Thu? Mạ tôi lườm ông ngoại rồi thở hắt, nói thôi đi bọ
ơi, hỏi chi hỏi lắm. Câu hỏi đã quá nhàm khiến mạ tôi phát chán, từ năm 17 tuổi
bà đã nghe ông ngoại hỏi vậy rồi, từ bấy đến khi bà 25 tuổi ông ngoại đã hỏi đi
hỏi lại hàng trăm lần. Có lẽ đó không phải là câu hỏi, đó là sự tiếc nuối.
Ông cu Cuông là ông nội tôi, người bạn nối khố chí thân của ông ngoại tôi. Ông
bà nội tôi thuộc dân xóm Dừa, nghèo hèn chẳng khác gì ông bà ngoại. Họ đã hẹn với
nhau trong cả đống con cái của hai nhà nhất định phải có một đôi thành vợ thành
chồng, đó là thằng Vũ (ba tôi) và con Thu (mạ tôi). Hẹn hò chưa được bao lâu
thì ông bà nội tôi bị chết bom, bốn đứa con được người anh ruột là ông bác Vĩ
đem về nuôi cho ăn học rất tử tế, nhanh chóng biến họ thành công tử, tiểu thư
giàu sang phú quý, nhất là ba tôi được ông bác Vĩ chọn làm con nối dõi thì niềm
hy vọng mong manh của ông ngoại tôi cũng tắt ngúm luôn. Thỉnh thoảng ông ngoại
tôi vẫn kể lại lời hứa hẹn năm xưa, mạ tôi không buồn nghe, thường bỏ ra sau
nhà khóc, bà thấy nhục hơn là nuối tiếc.
Cơm xong mạ tôi bưng mâm đi ra giếng, vừa ra tới cửa ông ngoại tôi gọi giật,
nói Thu, đứng lại bọ nói. Mạ tôi ngạc nhiên nhìn ông ngoại. Ông ngoại làm bộ
như không có gì quan trọng, nói chiều ni ông Vĩ tới nhà, té ra trước khi chết
ông Cuông có nhắn lại cho ông Vĩ lời hẹn của tụi tao, rứa mới hay chơ!
Mạ mình suýt đánh rơi cái mâm nhưng bà trấn tĩnh lại được, bà lườm ông ngoại,
nói thôi đi bọ, tin chi ba chuyện tầm vơ. Mạ tôi bưng mâm quay ngoắt, nhưng kể
từ đó bà đi không vững nữa, đất trời quanh bà chao đảo ngả nghiêng.
Tới gần giếng mạ tôi ngồi sụp xuống, bà ngồi ngửa mặt trông trăng cả tiếng đồng
hồ. Và bà đi, cứ ngửa mặt trông trăng như thế bà đi như kẻ mộng du ra đến tận bờ
sông Linh. Lần đầu tiên mạ tôi khỏa thân dưới trăng, bà ngập vào sông Linh bơi
lội tha hồ cho tới khuya. Trăng 11 đã tàn từ lâu mạ tôi vẫn không về, bà ngồi
thu lu trên bờ đê nhìn trời đang rựng sáng. Bà sợ phải về nhà, hai ông bà già ốm
yếu già nua và 9 đứa em đang nằm ngổn ngang trên sạp nứa sẽ làm tắt ngúm giấc
mơ đẹp nhất của đời bà, giấc mơ chàng công tử đẹp trai với nàng nhà quê đói
rách rốt cuộc vẫn chỉ là giấc mơ hão.
Thế rồi một ngày ba tôi xuất hiện trước ngõ với tư cách chàng rể đón mạ tôi về
nhà chồng giữa năm trăm cây đèn lồng, một ngàn chiếc chiếu hoa do ông bác Vĩ bỏ
tiền ra rải dọc lối vào ngôi nhà tranh rách nát mười hai miếng ăn ông bà ngoại
của tôi. Sự kiện này làm rúng động Thị trấn bốn ngàn nóc nhà, duy nhất chỉ có
hai nhà lầu, đó là nhà ông bác Vĩ và nhà ông Hiệp Phú cũng là ông bác tôi nốt.
Một giàn kèn đồng Tây bốn mươi người thuê tận Thị xã Hoa Hồng đồng loạt cất tiếng
vang rền khi ba tôi bước vào ngõ làm ngất ngây hết lượt dân Thị trấn.
Cả nhà ông bà ngoại tôi đứng ngẩn ngơ nhìn ra như là chuyện của ai đó chứ không
phải của nhà mình. Ông ngoại tôi véo đùi hai ba lần, nói oa chà, mơ hay thiệt
ri bay! Dù đã được báo trước mạ tôi cũng không khỏi bàng hoàng. Những gì đang
diễn ra trước mắt khiến bà choáng ngợp đến nỗi không đứng vững được nữa. Mạ tôi
ngã khụy xuống sân nhà, lấm hết bộ quần áo lụa màu mỡ gà ông ngoại tôi phải bán
đi một con bò con mới mua được.
Trời, Phật tới nhà cũng đến thế mà thôi.
Mạ tôi ngây ngất đến độ coi sự dửng dưng của ba tôi trong đám cưới cũng như
trong suốt ba mươi đêm bà vò võ đợi ông trên chiếc giường gỗ lát bốn chân quỳ rộng
rinh rang, chạm trổ tinh vi trong căn buồng thơm nức mùi gỗ pơ-mu, không một lần
ông bước vào, cũng chỉ là một thử thách thánh thần trước khi ban cho bà thứ ân
huệ vĩnh hằng.
Đêm thứ ba mươi mốt ba tôi mới chịu vào buồng, khi không còn tìm được bất kì lí
do chính đáng nào để từ chối hợp cẩn với người đàn bà hơn mình hai tuổi, vì những
thề thốt nặng lời của cha mẹ hai bên, buộc phải coi nhau là vợ chồng. Ông vén tấm
màn che cửa uể oải bước vào, uể oải ngồi xuống cạnh mạ tôi. Và ông ngáp, cái
ngáp kiêu ngạo đáng ghét.
Mạ tôi giấu hân hoan vào bộ ngực đầy, giấu luôn đôi mắt long lanh chứa chan hy
vọng. Bà ráng làm mặt giận, cố hắt ra một câu suốt ba mươi đêm vò võ một mình
bà đã nhẩm thuộc làu, nói răng không đi luôn đi, vô đây mần chi. Nhưng bà đã
không nói được. Khi ba tôi cầm nhẹ tay bà, nói giận anh không, bà đã khóc òa.
Mạ tôi suốt đời không biết người đàn ông nào khác ngoài ba tôi. Không phải vì
thứ đức hạnh truyền kiếp của đàn bà chân quê, chính là vì bà tự biết mình được
hưởng phúc quá lớn, hơn vạn đêm được “quân tử nằm kề”, con số chính xác có trừ
đi khoảng bốn ngàn đêm ba tôi vắng nhà đi công tác hoặc qua đêm với một ai đó
trong bốn chục người tình nửa nắng của ông.
Điều duy nhất mạ tôi quan tâm là làm sao ông không chán bà chứ không bao giờ
dám nghĩ điều ngược lại. Mạ tôi không cần đếm xỉa đến bao nhiêu lần ba tôi ôm ấp
người tình, bà chỉ cần biết thời khắc ông riết bà vào lòng, đẩy bà vào rên xiết
ái ân, dù không ít lần ông là kẻ chiến bại, bẽ bàng nằm trơ trong hừng hực lửa
tình chính ông đã đốt cháy lên, phải vất vả lắm bà mới làm nó nguội đi được. Thế
cũng đủ cho mạ tôi hạnh phúc. Hạnh phúc của mạ tôi giản đơn như cây cỏ, cứ ba năm hai lần vác cái bụng vượt mặt
đi lại vênh vang giữa chợ phiên và hả hê chửi ba tôi như chửi chó mỗi lần vượt
cạn.
Nguyễn Quang Lập
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Feb/2025 lúc 5:02pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Phần Số
Nguyệt không đẹp lắm nhưng rất có duyên, người tầm thước, thon thon cân đối, tính vui vẻ, nói năng nhỏ nhẹ, nhìn qua Nguyệt rất dễ mến. Thế nhưng cô lại không gặp được duyên may, phần lớn là do sự trông nôm cẩn thận của người mẹ quá thủ cựu, không cho con gái giao thiệp nhiều với bạn bè, cả trai lẫn gái, sợ con “hư”. Cho đến năm 75, một tên thiếu úy có chức phận ở quận nhứt - người mà tôi phải trình diện mỗi tháng sau khi được “tạm hoản học tập” - đã trồng cây si và dày công theo đuổi, nhưng Nguyệt từ chối, quyết không chơi với VC. Tuy vậy cũng nhờ có Nguyệt mà tôi không phải tiếp tục trình diện mỗi tháng nữa. Ngày tôi sắp sửa ra đi, các anh chị em đều hợp mặt tại nhà của mẹ cha ở xã Hiệp Bình, có cả Nguyệt cùng tham dự bửa cơm tiển biệt đó. Mãi đến hơn 20 năm sau tình cờ tôi nhìn thấy Nguyệt trong một tấm ảnh do gia đình cho xem qua trên mạng, tôi hết sức ngạc nhiên trước sự đổi thay của Nguyệt; tôi đã suýt không nhận ra vì cái nhan sắc một thời đã biến mất, và Nguyệt chỉ còn là một bà lão với đầy đủ các nếp nhăn trên má, trên môi ! Tôi sực nhớ đến một lời ca của Phạm Duy :“có nhiều khi đời hoa chống già vì thiếu mặn mà”. Nay Nguyệt đã rời bỏ cuộc đời, tôi mừng cho Nguyệt nhiều hơn là tiếc thương vì mất một người thân.. Chuyện của Nguyệt làm tôi nhớ đến chuyện của tôi. Đúng ra là chuyện “lá số” của tôi do một ông thầy tử vi “xem”. Tôi chẳng bao giờ tin chuyện mà tôi vẫn cho là bá láp đó. Thật ra tôi chẳng tin gì cả, tôi buộc phải chấp nhận sự “có mặt” của đấng Tạo Hóa vì tôi không sao giải thích được, hiểu được dù chỉ một tí ti những gì tôi nhìn thấy trong khung trời về đêm. Từ thế kỷ XVIII, Voltaire cũng đã bối rối trước vũ trụ : L’univers m’embarr***e et je ne puis songer que cette horloge existe et n’ait point d’horloger. Khi lên ban tú tài, tôi rời Bà Chiểu theo cha mẹ trở về quê Hiệp Bình, quận Thủ đức; những lúc về ngang đồng Bình Triệu những đêm không trăng, tôi hay dừng lại, bỏ xe đạp bên vệ đường vắng, nhìn khung trời cao với vô vàn vì sao rồi sinh ra thắc mắc : từ đâu mà có nhiều tinh tú như vầy? để làm gì ? Và tôi cũng thế, biết rằng từ bụng mẹ mà ra, nhưng từ đâu đến ? Biết hỏi ai, cuối cùng đành phải chấp nhận chuyện đã rồi : tôi và “thiên hạ” đang có mặt trên trái đất nầy do ý muốn của đấng tự nhiên đã có – l’Être est nói theo các triết gia - với bao nhiêu hệ lụy, tín ngưởng...Tôi tin vào “hóa công”, nhưng vẫn luôn tự nhủ : tự tin mình trước đã... Năm 1957 bà chị Năm của tôi làm phụ tá cho ông E, trưởng ty bằng lái xe. Trong địa vị đó, chị quen biết rất nhiều người kể cả đại úy Lê Đức Thịnh, người bị tử hình ở Long Giao năm 75, và một ông thầy xem tử vi. Theo lời của chị thì ông thầy tử vi nầy rất nổi tiếng; một quẻ của ông giá đáng “ngàn vàng”, khách hàng của ông đều khen ông xem rất đúng. Tôi chả biết đúng cở nào mà thiên hạ rất quí trọng ông. Khi bà chị tôi bảo là ông xem ngày sinh của tôi và cho biết cái lá số của tôi không giống ai, tôi chỉ đùa rằng số con trâu xấu xí như tôi thì quả thật làm gì có ai giống tôi. Chị chỉ cười và bảo rằng thầy đã “dạy” nhiều điều, nhưng chỉ có ba điều đáng nhớ, đó là tôi sẽ có vợ lớn tuổi hơn, vợ không cùng quốc tịch và điều đáng nhớ nhứt là tôi sẽ sống phần còn lại của cuộc đời ở hải ngoại. Trong ba điều nầy tôi khoái nhứt là điều sau cùng, và rất mong ông thầy bói nói đúng ! Đó chẳng phải là một giấc mơ hoa “hóa thành hiện thực” hay sao ? Thời quốc biến thì làm thế nào “lọt” ra được hải ngoại để phây phả cuộc đời nếu không phải là con ông cháu cha ? Cưới vợ già thì cũng có thể, đó đâu phải là chuyện hiếm hoi (bà xã của ông tông tông nước Pháp hiện nay không chỉ có già, mà còn già khú cú đế nữa cơ, có sao đâu, miển là “thương nhau” đều đều là “đạt” rồi). Nhưng lúc bấy giờ Tây đã về nước, Mỹ chưa đến, muốn cưới vợ không cùng quốc tịch chỉ có vào Chợ Lớn kiếm xẩm xịt. Với tôi bói toán, phần số, duyên nợ... chỉ là những chuyện vui vui, nghe qua rồi để đó. Chỉ để đó thôi chứ không hoàn toàn bác bỏ, vì thỉnh thoảng, nhứt là thời gian ngồi chong ngốc trong tù, buồn tình lại có dịp lôi ra “chiêm nghiệm” cho đở buồn, đở lo; thường thì cũng mong “thầy” đoán trúng cho đở khổ. Mà khổ thật là khổ những ngày tôi bị biệt giam ngoài bìa rừng, dưới chân núi Bà Đen, trên đầu chỉ có một mái lá đơn sơ chẳng biết để che cái chi, tứ bề trống vắng, trước mặt là một tấm ván dày 10cm dựng đứng với 4 lỗ chia thành 2 cặp, cách nhau độ 50cm và cách mặt đất độ 30 cm, để giữ chặc hai cổ tay và hai cổ chân của tôi. Cái thế ngồi quái ác đó buộc người tôi gập về phía trước, tứ chi căng ra kéo toàn thân về phía tấm ván làm tôi khó thở và chỉ trong chốc lát là muốn ngất xỉu. Chính sau lúc quá mệt vì khó thở đó tôi lại vụt nhớ những lời “thầy” đã dạy rằng tôi sẽ sống ở hải ngoại. Đây chính là cái phao cuối cùng giúp tôi “Qua cơn mê”. Tôi có hơi vui mừng vì hai điều “tiên tri” rằng tôi có vợ già và không cùng quốc tịch đều trúng phóc, chẳng lẽ điều thứ ba lại có thể nào không đúng ? Tôi chẳng tin ma quỉ, thánh thần gì cả, vậy mà lần nầy tôi lại cố gắng tin lời thầy bói ! Tâm hồn con người quả thật là kỳ...cục. Sau ba ngày đêm hành hạ tôi cho rã rời hồn xác, VC lôi tôi ra một phiên tòa tổ chức tại hội trường của T2. Trưa hôm đó, một ngày thứ bảy, một tên bộ đội dẫn tôi về trại. Tôi hơi ngạc nhiên sao không thấy bóng một bạn tù nào, trại thật là vắng vẻ. Qua khỏi các dãy nhà, tôi thấy trong hội trường trước mặt đầy chật cả người. Tôi như tỉnh hồn ngay tức khắc : hình ảnh phiên tòa xử Lê Đức Thịnh hiện rõ trong đầu. Và tiếng súng hành quyết Thịnh năm ba phút sau khi toà tuyên án tử hình vẫn còn văng vẳng bên tai. Tôi để ý thấy trong ba vị quan tòa, không có mặt của thủ trưởng và nhứt là của tên chính ủy, giới chức quyền lực nhứt của trại. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ tố khổ tôi đủ điều, đủ chuyện; hạch hỏi tôi dăm ba câu mà tôi chẳng hề trả lời câu nào cho trọn vì quá mệt, chỉ chực chúi mũi xuống đất nằm dài ra ngủ nếu không nhờ mấy bạn tù ngồi cạnh kịp thời giữ tôi lại. Cuối cùng tòa cho nghỉ vài phút để nghị án. Khi vừa được lịnh trở vào hội trường, tất cả đều im lặng đến rợn người vì ai – kể cả tôi - cũng biết rằng tôi khó lòng thoát khỏi án tử hình. Ngay khi ba tên quan tòa ngồi vào chổ, vừa mở máy phóng thanh, thì một chiếc xe Jeep chạy vù vào như một cơn lốc, kéo theo một đám bụi hồng tưởng như một cơn bảo cát. Tiếng xe hảm thắng nghe ê răng và trong đám bụi mịt mù đó lù lù hiện ra tên chính ủy như một hung thần đến từ địa ngục, vẻ mặt hầm hầm không được hài lòng. Hắn đi thẳng vào bàn chủ tọa, tắt máy phóng thanh, và bắt đầu “lên lớp” ba ông quan tòa; chúng nó cúi đầu ngoan ngoản im lặng nghe. Có đến 10 phút sau, hắn mới mở máy phóng thanh, răn đe tôi vài điều “bài bản”, rổi cho cán bộ dẫn tôi trở ra cùm lại ngoài bờ rừng. Có một vài anh em bạn tù tự động vổ tay, nhưng giựt mình ngưng ngay tức khắc. Trước mắt tôi tên ác quỉ bổng trở thành ông thần hộ mạng. Ngày hôm sau tôi được thả ra cho về trại để chuẩn bị “ăn lễ” mùng 2 tháng 9. Rồi vài tuần lễ sau, chiến cuộc xảy ra gần biên giới Miên Việt, toàn trại Bổ Túc được lịnh “sơ tán”. T của tôi được đưa về Suối Máu. Tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu. Lần đó tên chính ủy của trại đi hợp ở tận Long Bình trong suốt cả tuần, đến ngày chủ nhật hắn mới trở về. Nhưng hắn đã quay về trước một ngày và rất kịp thời để cứu tôi không bị chết oan chỉ vì sự thù oán vô lý của ba tên “quan tòa”. Bọn nầy không hề che giấu sự hằn học, hận thù đối với tù cải tạo, đặc biệt là tên Nguyễn Ngọc Tấn, mặt hắn lúc nào cũng âm u, “sầm sập như trời sắp mưa”. Cả ba tên nầy đều là dân Bắc, chẳng biết gì về miền Nam nhưng lại thù hằn dân Nam đến mực khó tưởng. Thế mới biết CS đã thành công “vĩ đại” trong việc nhồi sọ dân Bắc. Đến cả Dương Thu Hương còn phải bật khóc khi nhìn thấy Sài Gòn “hoa lệ” đồng thời nhận ra bộ mặt dối trá, gian manh của CSBV...
Khi đã yên thân ở Suối Máu, tôi mới suy nghĩ về sự việc nầy. Đang công tác ở Long Bình, làm sao tên chính ủy lại hay biết mọi việc đang xảy ra ở tận Tây Ninh ? Ắc hẳn hắn ta đã được thông báo rành mạch về trường hợp của tôi, nên hắn không thể xem thường và bỏ qua; trái lại hắn phải bỏ dở công tác để gắp rút quay về cho kịp thì. Tại sao hắn lại cho việc nầy là hệ trọng ? Tôi cũng chỉ là một tên tù như bất cứ ai, có gì quan trọng mà hắn phải bỏ cả công tác ? Cuối cùng tôi cũng hiểu ra ngọn ngành. Sau vụ Noel 75 ở Long Giao khi tôi đáp lời câu hỏi xấc láo của tên cán bộ từ Sàigòn lên gặp tôi với “hảo ý” đưa tôi về làm việc tại bịnh viện Chợ Rẫy, rằng tôi có sợ khi thấy quân đội nhân dân vào Sàigòn ; tôi vui vẻ trả lời bằng một câu hỏi đầy thách thức rằng : anh có thấy TQLC sợ VC bao giờ không ? Chỉ có vậy, nhưng đối với VC tôi nghiễm nhiên thành một tên phản động nguy hiểm cần được đối xử đặc biệt. Và sau ngày Tết năm 1976 đó bà xã tôi nhận được giấy mời lên căn cứ Sống Thần. Thời điểm đó lên Sống Thần – nơi bồi dưởng tù trước khi thả - là chỉ để đón tôi về. Căn cứ nầy không xa lạ đối với bà xã, lên đó lần nào cũng vui vẻ, thì lần nầy chắc cũng vui vậy thôi. Bã đâu dè VC điệu lên để chúng nó hùa nhau chữi bới tôi, xài xễ bã không còn chừa chổ nào hết. Bọn chúng còn láo khoét bảo bà xã tôi nếu không “giáo dục” tôi thì cách mạng sẽ “xử lý” tôi. Vừa giận, vừa lo sợ vì hai tiếng “xử lý” đầy âm hưởng tử khí, bã về thẳng tòa tổng lảnh sự Pháp đường Hồng thập tự, trình bày nội vụ. Ông tổng lảnh sự mới nhắc nhở rằng bã là người Pháp, không phải Việt Nam. Khi được mời như vậy bã phải báo cho Tổng lảnh sự biết để làm việc với VC trước khi liệu xem có nên đáp lời mời hay không. Sau đó lảnh sự quán đã báo cáo nội vụ lên tòa đại sứ ngoài Hà Nội. Toà đại sứ làm việc ngay với chính phủ Hà Nội, đồng thời cũng tường trình về Paris. VC đâu hiểu rằng mắng nhiếc một công dân Pháp là xúc phạm đến cả một dân tộc, nào phải chuyện chơi. Thế là lớn chuyện, và tôi nghiểm nhiên thành một “nhân vật” mà không phải tên cán ngố nào muốn làm gì thì làm. Từ đó, tôi vụt hiểu ra thái độ kỳ quặc của tên thủ trưởng trại Hóc Môn buổi xế chiều khi chúng tôi được chuyển từ Long Giao về đây. Khi chúng tôi đang xếp hàng ngoài sân theo từng đội thì hắn ta cầm đèn pin đi quanh và lớn tiếng hỏi ai là Nguyễn văn Dõng. Tôi bước ra khỏi hàng cho hắn rọi đèn nhìn tôi từ đầu đến chân, xong hắn im lặng bỏ đi. Thì ra lịnh trên đã thông báo các nơi về trường hợp của tôi. Vì vậy mà tên chính ủy đã phải từ bỏ công tác ở Long Bình để hối hả quay về Tây Ninh cho kịp lúc hầu tránh một “tai nạn” rất tai hại cho việc ban giao giữa Hà Nội và Pháp, một quốc gia mà VC đang còn cẩn đến. Rốt lại bà xã đã cứu mạng tôi khỏi cuộc hành quyết và cuối cùng tôi đã thực sự sống những tháng năm còn lại ở hải ngoại như lời tiên đoán của thầy tử vi có hơn chục năm về trước. Sự đời có những chuyện tưởng như ngẩu nhiên, nhưng lại mang tính chất huyền bí, khoa học khó lòng giải thích. Chuyện tôi vừa kể về bản thân tôi đã làm tôi suy nghĩ nhiều về những gì tôi vẫn hay cho là dị đoan. Tôi đã sinh ra đúng ngày, giờ, tháng, năm...ra sao mà giúp thầy tử vi đoán trúng những chuyện hết sức hệ trọng trong đời tôi. Chẳng lẻ khi bước chân vào đời, tôi đã được “ấn định” sẵn một hướng đi. một phận sự, một tương lai, và cả một kết cuộc ? Đến cả chuyện duyên phận cũng đã được “dàn xếp” trước; những cố gắng tìm người bạn đường thích hợp...chỉ là chuyện hoa lá cành nhằm tô điểm cho cuộc đời có vẻ nên thơ, sôi động tự nhiên chớ không phải là một màn kịch được sắp đặt trước ? Trong vũ trụ nầy không có chổ cho sự ngẩu nhiên ? Tôi thì vẫn hay nghĩ rằng vũ trụ đã “có” là do một sự ngẩu nhiên, tình cờ, chớ không vì một sự cần thiết, lợi ích nào cả. Trái đất của loài người và muôn thú chỉ là một hạt bụi trong cái khoảng không vô tận. Tôi không nhìn ra được một sự cần thiết nào của hạt bụi đó. Nó còn hay nó mất cũng không hề hấn mải mai nào đến vũ trụ. Cho rằng vũ trụ sinh ra do tình cờ đi chăng nữa, tôi cũng không yên tâm, vẫn thắc mắc : từ đâu mà có bao nhiêu “nguyên liệu” đủ để tạo dựng nên bao nhiêu thiên hà ? Bảo rằng từ tiếng nổ Big Bang mà vạn vật phát sinh? Big Bang giải thích chuyện các thiên hà ngày càng xa nhau thì có lý. Nhưng từ một hòn sỏi nỗ tung thành ra bao nhiêu thiên hà nghe sao như nói giởn chơi. “Cục đá” đầu tiên đó ở đâu ra để nổ tung thành vũ trụ ? Một cục đá có thể nào “tự lớn lên” để thành một trường sơn ?.. Càng nghĩ càng đau đầu. Vũ trụ là một huyền bí, con người là một mầu nhiệm. Làm sao có thể hiểu được thiên cơ ? Nhà bác học Einstein cũng đã than rằng : Ce qu’il y a de plus incompréhensible, c’est que le monde soit compréhensible. Sau chuyện thầy tử vi đến chuyện duyên nợ. Tình tôi yêu người bạn đường đúng ra là thương nhiều hơn yêu. Nghĩ đi nghĩ lại phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ biết nói tiếng YÊU với bất cứ ai. Từ năm 1953, tôi được dịp quen biết cô Hai và cô Tư qua gia đình của Bùi Quang Mỹ, Nguyễn Vĩnh Bình. Bình cùng học chung với tôi từ tiểu học Gia Định đến trung học Taberd với B.Q. Mỹ. Người chị cả của Bình là bạn của hai cô. Lúc đó hai cô mở một trường mẫu giáo chương trình Pháp đầu tiên. Mấy năm sau, 1957-58, hai cô có dịp nhờ tôi vẽ vài tấm hình trang trí các lớp học. Năm 1953, tôi mới 16 tuổi đã bị một “cú sét xuyên tâm liên” ngất ngư gần chết. May hồn là hai năm sau gia đình tôi rời Bà Chiểu trở về quê ở xã Hiệp Bình, quận Thủ Đức, giúp tôi tránh xa đường dây “haute tension” để từ từ tỉnh hồn lại, rồi mấy năm sau, hoàn toàn thoát nạn khi cùng sáu Quới đàn hát giúp vui đám cưới của cô nàng. Bạn có thể tưởng tượng được tiếng đàn vĩ cầm của tôi trong bửa tiệc cưới đó nó réo rắc, ai oán... như thế nào ! Đến Sáu Quới cũng rất ngạc nhiên thú nhận rằng chưa bao giờ nghe tôi chơi “xuất thần” như vậy, đặc biệt là bản Nắng Chiều. Khi tôi dứt tiếng đàn, mọi người ngoài sàn nhảy đều quay về phía tôi vổ tay tán thưởng. Đâu ai hiểu rằng có một kỷ niệm dính liền tôi với bản nhạc đó. Mùa hè năm 1955, cả bọn lại cùng đi nghỉ chung như mấy năm trước; một buổi trưa mọi người đều rủ nhau đi dạo ngoài đồi trà, cô nàng đau chân - hay giả bộ - nên ngồi nhà, tôi vì chột bụng nên đi sau. Khi ngang qua phòng khách chợt thấy nàng ngồi đó, tôi khựng lại hỏi sao không đi với thiên hạ. Cô nàng không nói năng chi chỉ nhìn tôi khe khẻ hát một câu trong “Nắng Chiều”: Gợn buồn nhìn anh em nói ứ..ư... Cô nàng không hát hết câu mà chỉ ứ ư, nhưng tôi đà ứ hự, tâm trí lộn tầm phèo. Trong lồng ngực tim đập rầm rầm như trống thúc quân, may là tôi không thuộc loại “hiếu chiến” bằng không đã sanh giặc. Cốt khá cứng đầu nên tôi cũng không bổ nhào đến như cọp đói vồ mồi...Nhưng cả đời, tôi chẳng làm sao dứt bỏ được câu hát đó ra khỏi tâm trí ! Khi tôi đàn bản nhạc nầy trong tiệc cưới, tay ôm cây vĩ cầm mà cứ ngở là đang ôm ai kia; mọi người quanh tôi trong khoảnh khắc đó đều như tan biến. Thấy tôi đâm chiêu, Sáu Quới thường đến bên tôi nhẹ vổ vai nhìn tôi mỉm cười, im lặng, thông cảm. Chú rể, cô dâu với bọn tôi đều là bạn rất thân, gần như anh em một nhà. Tuy vậy chú rể vẫn có vẻ e ngại một “tai nạn” giữa tiệc cưới. Nhưng tính tôi đâu dễ “bún thiu” như vậy. Sau giây phút xuất thần, xúc động, tôi vẫn vui vẻ pha trò như thường lệ. Tình trong giông bảo, mặt ngoài êm re. Cô dâu rót nước đến mời tôi “cụng ly”; tôi hiểu ngay là cô nàng cũng xúc động vì tiếng đàn, vì bản nhạc, muốn giáp mặt tôi trong chốc lát; tất cả những gì nàng muốn nói đều tràn ngập trong ánh mắt, trong nụ cười gượng, trong từng cử chỉ. Giây phút đó, hình ảnh đó cùng những kỷ niệm kia như mới ngày hôm qua khó mà phai mờ trong tôi. Giây phút ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm chưa dễ đã ai quên Hôm nay nàng đã ra người thiên cổ, nhưng vẫn sống trong tôi. Tôi vẫn cố giữ bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm gần nhau trong những lần cùng đi du ngoạn với toàn bộ bạn bè. Từ đó tôi thông cảm với Chateaubriand khi ông lo sợ đánh mất những kỷ niệm : Rompre avec les choses réelles, ce n’est rien. Mais avec les souvenirs !...le coeur se brise à la séparation des songes. Sau lần thử thách hết sức cam go đó, tôi quay về chú tâm vào đèn sách. Nhờ vậy nên tôi tạm yên về mặt tình cảm ở tuổi đôi mươi. Chỉ tạm yên thôi vì ở tuổi đó thật khó kiểm soát được nhịp con tim. Lại nhớ Apollinaire với câu thơ : Et toi mon coeur pourquoi bats-tu... Gần gủi với cô Hai, cô Tư thường hơn trước nên dần dà tôi nhận ra hoàn cảnh của cô Tư : không nhan sắc, không bằng cấp cao, không nghề nghiệp, không tài sản, không cả bản lảnh để có thể lao vào cuộc sống đầy rủi ro, cạm bẩy khi cha mẹ khuất núi, cô chỉ một thân một mình...Với một người hiền thục, nhúc nhát thì tương lai quả là nhiều rủi ro, khổ ải hơn may mắn. Không hiểu sao tôi vẫn cứ loay quay suy nghĩ về viễn ảnh cuộc đời của cô Tư; rồi sinh ra lo lắng cho cô. Đúng là khi đó tôi ăn cơm nhà lo chuyện bao đồng. Khi bước chân vào đại học tôi đứng trước bao nhiêu là khó khăn, từ nơi ăn chốn ở cho đến vấn đề tài chánh, phải giải quyết để có thể tiếp tục học hành. Tôi bớt nghĩ đến chuyện của cô Tư cho đến lúc mọi việc được tạm ổn định khi sáu Quới rủ tôi ghi tên thi vào trường Quân Y. Giờ thì chỉ còn lo học, không lo sinh kế nữa, tôi lại quay về lo chuyện của cô Tư. Thật quái lạ, không hề nghĩ gì đến ai khác, tôi như “bị độc quyền” nghĩ về cô Tư. Cuối cùng tôi mới nhận ra mình đã thật sự thương yêu cô Tư. Tôi biết chắc được lòng mình vì khi tôi tưởng tượng cảnh cô Tư cô đơn, lạc lỏng giữa dòng đời... tự nhiên tôi thấy không làm sao yên tâm được. Và tôi cũng nghiệm ra rằng nếu cô Tư rơi vào hoản cảnh đó thì dù tôi có thành công gì gì đi chăng nữa tôi cũng sẽ không bao giờ sống vui. Bản tính (trời sanh ?) của tôi có hơi khác thường tình : người có nhan sắc ít lôi kéo được tôi, trái lại người hiền thục luôn thu hút tôi rất mạnh. Đến năm 1965, tôi thật sự đề nghị với cô Tư “Mình làm đám cưới”. Sự đường đột của tôi làm cho cô giựt mình, kinh ngạc nhưng không giấu được sự xúc động và nét vui mừng. Trước đó chưa bao giờ tôi có một tiếng, một lời nào gọi là để tỏ tình, rồi bỗng đột nhiên đề nghị cưới hỏi...Có thể nói là tôi không giống ai, “cà chớn” chưa từng thấy. Ấy vậy mà được việc. Đám cưới của chúng tôi thật đơn sơ, không trống không kèn, không tiệc tùng đình đám tuy cũng có đủ các nghi lễ từ đám hỏi đến rước dâu...Kể từ năm đó, ngoài việc học mấy năm chót, tôi chú tâm vào việc xây dựng một gia đình êm ấm như tôi từng mong muốn, tạo cho cô Tư một đời sống an lành, yên vui...của một người vợ, người mẹ bình thường trong đời sống của một gia đình thuận thảo. Suốt gần sáu mươi năm qua có thể nói tôi đã thành công trong ý nguyện. Mừng cho cô Tư và vui cho tôi. Nhìn lại đoạn đường đã qua tôi giựt mình : thì ra nhờ thiện ý giúp cô Tư mà tôi đã được “đền đáp” qua việc thoát khỏi án tử hình năm 1977, như lời ông bà hay nhắc nhở : ở hiền gặp lành. Có thật vậy chăng? Hay cũng chỉ là một sự tình cờ ?..Có một điều chắc chắn là nếu bã xã tôi là ai khác thì tôi đã bỏ xác nơi rừng hoang dưới chân núi Bà Đen. Vụ việc nầy không có trong lá số của tôi nên thầy tử vi đã không nhìn thấy. Cuối đường mệt mỏi nhìn lại cũng thấy vui vui, tự mãn : suốt những năm chung sống chưa một lần giận nhau, bao giờ cũng vui vẻ, lễ độ, trọng nể, quí mến nhau; chỉ có nụ cười chớ không khi nào có một giọt nước mắt. Đến cả giây phút cuối khi ngọn đèn đã cạn dầu sắp tắt mà nụ cười vẫn còn bàng bạc trên đôi môi đà héo hắt. Khi đôi mi cô Tư từ từ khép lại, nụ cười tuy phai nhạt đó vẫn chưa mất hẳn trong mắt tôi. Một lần ra đi khá hi hữu, thật khó quên. Biệt ly nhớ nhung từ đây... Biệt ly có bao giờ vui, nhưng tôi rất mừng vì đã làm tròn tâm nguyện : nếu không giúp ích gì được nước tôi, ít ra tôi cũng đã giúp đợc nhà tôi xây dựng một đời thật đáng sống. Đó cũng chính là niềm hảnh diện, nguồn vui lớn của tôi. Tôi đến Pháp một ngày cuối tháng 5; 38 năm sau cô Tư ra đi cũng một ngày cuối tháng 5. Từ nay, tôi lo tránh xa Covid và làm quen dần với cô đơn. Từ một nơi xa xăm nào đó trong ký ức, mấy câu thơ trong bài học thuộc lòng thời trẻ thơ ở trường tiểu học Gia Định -1949 – bổng đâu hiện về như đúng lúc. Thuở ấy tôi học như két chứ có hiểu gì đâu : Thu đi trên những cành bàng Hôm qua đã rụng một rồi, Lá theo gió cuốn ra ngoài song thưa...
Đông Vân
Nguyễn văn Dõng |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
Nhom12yeuthuong
Senior Member ![]() ![]() Tham gia ngày: 13/Sep/2009 Đến từ: Vietnam Thành viên: OffLine Số bài: 7169 |
![]() ![]() ![]() |
TÔI ĐÃ THẤY.. ![]() “Ở
sân bay, người ta chứng kiến nhiều nụ hôn chân thành hơn ở lễ đường.
Sau bức tường bệnh viện, người ta nghe được nhiều lời cầu nguyện hơn ở
nhà thờ." Tôi
đã nghe câu này từ lâu, nhưng phải đến khi ngồi suốt đêm trong bệnh
viện, bên giường bệnh của người thân, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Bệnh
viện, nơi mà người ta hay nghĩ đến với những toa thuốc, những ca phẫu
thuật, những chiếc giường trắng xóa… nhưng với tôi, đó là nơi chứng kiến
những yêu thương chân thành nhất, những khoảnh khắc xót xa nhất, và cả
những tiếc nuối không thể nào bù đắp. Tôi
đã thấy một cô gái trẻ ngồi bên giường mẹ, đôi mắt sưng đỏ vì những đêm
thức trắng. Tay cô nắm chặt bàn tay gầy guộc kia, cứ như sợ nếu lơi
lỏng, bàn tay ấy sẽ rời xa mãi mãi. Cô cúi xuống, ghé sát tai mẹ mình,
giọng run run: "Mẹ ơi,… Con cứ nghĩ là mình còn nhiều thời gian… Con
chưa kịp đưa mẹ đi du lịch, chưa kịp nói với mẹ rằng con thương mẹ biết
bao nhiêu..." Người mẹ im lặng. Chỉ có tiếng máy đo nhịp tim kêu từng tiếng đều đều, lạnh lùng. Tôi
thấy một người đàn ông trung niên, đứng lặng bên cha mình, run rẩy cầm
chiếc khăn nhỏ lau khuôn mặt già nua ấy. Cả một đời ông ấy là người mạnh
mẽ, nhưng lúc này, vai ông khẽ run. Ông không nói gì, chỉ có nước mắt
lặng lẽ rơi. Chắc có lẽ ông đang nhủ thầm: "Giá như con có thể gánh thay
cha một phần đau đớn này. Giá như con có thể quay ngược thời gian...
Giá như...... Ở bệnh viện, tôi thấy người ta ôm nhau chặt hơn, nắm tay lâu hơn, gọi nhau bằng những từ ngữ dịu dàng hơn. Tôi cũng thấy chính mình trong đó. Bao
nhiêu năm qua, tôi cứ mải miết chạy theo công việc, những mục tiêu,
những ước mơ của riêng mình. Tôi vẫn luôn tin rằng mình còn thời gian.
Rằng một ngày nào đó, khi tôi ổn định hơn, rảnh rỗi hơn, tôi sẽ dành
thời gian cho bố mẹ nhiều hơn. Nhưng hóa ra, thời gian không bao giờ chờ đợi ai cả. Chỉ đến khi ngồi suốt đêm bên giường bệnh, tôi mới nhận ra: Cái gọi là "khi nào có thời gian" chính là lời hứa suông lớn nhất đời người. Cái gọi là "bận quá" thật ra chỉ là cái cớ để trì hoãn những điều quan trọng. Cái gọi là "để mai làm" đôi khi không bao giờ có cơ hội để thực hiện nữa. Tôi
đã ước gì mình về nhà sớm hơn, dành nhiều thời gian hơn, hỏi thăm nhiều
hơn. Tôi đã ước gì mình không trả lời bố mẹ bằng những câu hời hợt "Dạ,
con biết rồi" mà thực sự ngồi xuống, lắng nghe. Tôi đã ước gì mình
không phớt lờ những cuộc điện thoại: "Con nhớ giữ sức khỏe nhé" để rồi
đến khi đứng trước giường bệnh, tôi mới nhận ra người cần giữ sức khỏe
thật sự là họ, chứ không phải tôi. Hóa ra, người ta chỉ nhận ra điều gì quan trọng nhất khi đã quá muộn màng. Tôi
không viết những dòng này để khuyên ai phải làm gì. Tôi chỉ muốn chia
sẻ một điều: Nếu hôm nay bạn còn có thể gọi điện cho cha mẹ, xin hãy
gọi ngay. Nếu bạn còn có thể trở về nhà, hãy dành thời gian nhiều hơn
nữa. Nếu bạn còn có thể ngồi bên mâm cơm với gia đình, xin hãy gác điện
thoại xuống, lắng nghe họ nhiều hơn. Vì
một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra, điều đáng sợ nhất không phải là mất đi
ai đó – mà là nhận ra mình đã có cơ hội để yêu thương nhưng lại không
làm. HƯƠNG TRÀ
|
|
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
|
|
![]() |
|
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Nhớ Người Bạn XưaBuổi chiều, sau những ngày mưa dài lê thê, bầu trời trong vườn nhà anh có màu tím ngắt. Anh ngồi nhìn đọt cây mùa đông, những chiếc lá cuối cùng không hiểu sao mang lại cho anh một cảm tưởng của chiều hoang biền biệt. Đứa con gái đi đâu về hỏi ba làm chi đó, làm thơ hả. Anh cười buồn nói “không con”. Hôm nay trời chiều ở đây tự dưng lại tím, như chiều xưa bên giòng sông Vu Gia. Thuở đó khi bóng tối ùa về lúc một chút cuối cùng của mặt trời còn rớt lại trên giòng sông, lúc bụi sim rừng trổ hoa chiều, lúc canh gác đêm bắt đầu là lúc anh thấy chiều hoang biền biệt. Thuở đó trong những chiều hoang anh thường nhớ về thành phố có những con đường quen chân xanh màu lá kiền kiền, những sân trường áo trắng của người chưa mười bảy. Những chớp mắt nhìn nhau. Những quay đi hay hay màu má đỏ. Bây giờ lúc chiều tím là lúc anh nhớ nhiều về những người ở lại. Những người nằm xuống bên những giòng sông. Sông Thạch Hãn. Sông Mỹ Chánh. Sông Bồ. Sông Thu Rơi. Sông Vu Gia. Sông Cỏ May. Những người thở những hơi thở cuối cùng trong tím cả chiều hoang, và rồi như mây bay đi biền biệt. Anh có thằng bạn lính nhỏ hơn anh một tuổi. Tăng Văn Năm. Người nam chính cống. Nó có tật quáng gà. Mỗi ngày đến lúc chập choạng hoàng hôn là lúc hắn không còn nhìn thấy gì hết nữa. Tụi bạn anh chơi ác hay diễu nó là cái thằng con gia đình bác Tám mà cứ đòi làm sang đi Nhảy Dù,chiều nào cũng hát tím cả chiều hoang biền biệt. Thằng Năm hiền, nó cười, nói với tôi rằng: – Con nhỏ em thương, nó thích màu nón đỏ. Mỗi lần tới phiên thằng Năm đi gác khi choạng vạng thì phải có một thằng khác nắm tay dẫn nó ra chổ gác. Và khi thằng Năm xong phiên gác thì phải có đứa mò ra ngoài phòng tuyến dắt nó vô. Thằng Năm hiền. Cả trung đội 1 thương nó như thằng em út. Trong trí nhớ của anh buổi chiều Thượng Đức đó cũng tím như chiều hôm nay. Anh mang máy hướng đồi 383 mà chạy nước rút. Chinh Nhân đích thân dẫn trung đội 1, 2, 3 dứt điểm ngọn đồi bao cánh trái của cao điểm 1062. Ngang lưng đồi anh có thấy một đám tải thương đi xuống. Thằng Ớt cỏng thằng Năm. Một viên 12 ly 7 xuyên ngang cổ họng thằng lính Nhảy Dù hiền từ. Thằng Ớt cằn nhằn: “Mẹ, đồ đui mà cũng cố xung phong”. Thằng Năm còn tỉnh lắm. Nó cười cười: “Cho em xin điếu thuốc”. Anh thấy lo âu. Những thằng bị thương nặng mà tỉnh như vậy thường hay đi hoảng. Trời tối hẳn khi đại đội 92 thanh toán xong ngọn đồi 383. Toán tải thương buổi chiều cũng vừa về. Anh nghe tiếng thằng Ớt chưởi thề loạn xạ: – Đù má, thằng nào chôm cái nón đỏ của thằng Năm thì tao quýnh thấy mẹ. Để tao gửi cho anh Phương mang về cho em của nó. Thằng Năm tím cả chiều hoang, chiều hôm đó nó ra đi biền biệt. Sáng nay, ngày 5/3/2011 lên internet tình cờ tìm ra mộ bia người đồng đội cũ, nhìn tấm hình mà điếng lặng cả người. Cắn môi rươm rướm. Năm ơi tao mới viết mấy chữ về mày tháng trước đây thì bây giờ lại thấy hình mày. Có phải mày sống khôn thác thiêng về thăm tao hả? Mộ bia mày nhắc cho tao nhớ chặng đường đi qua trải máu xương của tụi mình là chẳng phải chiêm bao. Năm ơi vết thương của mày 37 năm tao vẫn còn đau. Trung Hậu |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Mẹ Chồng Tôi
Hình minh họa Quê hương tôi là xứ Huế nơi có giòng Hương Giang lặng lờ như một giải lụa mềm êm ái, như tóc xỏa dài của nàng thiếu nữ chờ trăng. Nhưng tôi chưa về Huế lần nào vì công vệc làm ăn của Ba tôi, tự lúc thiếu thời ông đã lên tận sở chè Biển Hồ rồi Bàu Cạn tha phương cầu thực. 9 năm kháng chiến ba mẹ tôi tản cư lên ở Hội Yên, một vùng cù lao của con sông Ân Thường và con sông Lại Giang hợp thành, nơi đây cách thị xã Bồng Sơn 7 cây số về hướng Tây. Hết kháng chiến ông bà dọn về Qui Nhơn rồi định cư luôn, từ đó đến nay chị em chúng tôi chưa được cái vinh dự về quê hương cha lần nào, mặc dù mỗi lần ông đi, thì ông hẹn lần sau giỗ chạp sẽ dẫn chị em chúng tôi theo, nhưng hết lần này đến lần khác cứ trôi đi, trôi đi mãi cho đến hôm nay. Cứ mỗi lần có ai nói đến Huế, tôi lại mơ màng mường tượng bao cảnh đẹp não nùng của xứ Thần Kinh, bao lăng tẩm đền đài cổ xưa, đến ngàn cây ngọn cỏ của xứ Huế cũng đẹp mơ màng, theo như trong sách báo thường viết, tôi thèm lắm, thèm về xứ Huế lắm. Bây giờ tôi đã lớn 22 tuổi rồi và tôi đã có người yêu, tôi quen anh ấy hiện đang làm việc ở tiểu đoàn 621 YTTT Qui Nhơn, nhưng nhà của anh ấy ở đường Huỳnh thúc Kháng gần đồn Măng Cá ở Huế. Khi ba tôi biết tôi quen với một người đồng hương cùng ông, gương mặt ông sáng rỡ,nụ cười thật tươi, đôi mắt ánh lên sắc rạng ngời, nhìn đôi mắt ông tôi biết tình yêu quê hương của ông thật đậm đà và sâu nặng biết bao. Còn mấy dì tôi và các bạn của tôi thì có thành kiến với người Huế, nhất là đàn bà, mấy dì lo tôi lấy chồng xa, làm dâu xứ Huế sẽ bị ngược đãi, vì theo quan niệm của mấy dì, bà da Huế rất khó tính và lễ phép bắt bẻ lung tung, còn các O em chồng chị chồng thì chanh chua chuối chát, lo lắng ái ngại cho bước đường làm dâu của tôi sau này. Nhưng mà tôi đã yêu anh ấy mất rồi, ca dao có câu: Thương nhau tam tứ núi cũng trèo, Lục bát sông cũng lội, Thập cửu đèo cũng qua. Sá chi một mẹ già và hai O em chồng chị chồng. Hôm ấy anh xin phép ba mẹ tôi, anh đưa ba mẹ của anh đến thăm nhà, lòng tôi hồi hộp lo lắng, tôi ở trong buồng hé cửa nhìn lén, tôi thấy anh ngồi chính giữa, ba mẹ anh ngồi hai bên vuốt ve anh, ôm choàng lấy anh mân mê tay và mặt, một cử chỉ và hành động âu yếm mà gia đình tôi chưa từng có bao giờ, vì ba mẹ tôi quan niệm con cái lớn rồi, không nên yêu thương lộ liểu nó biết nó sẽ lờn mặt rất khó dạy. Rồi đến lúc tôi được kêu ra trình diện, tôi run run ngầm lo lắng chẳng yên tâm chút nào. Tôi ngoan ngoãn chào hai bác và cúi xuống không dám nhìn lên. Mẹ chồng tương lai tôi đứng dậy, đến bên tôi, cầm tay tôi với tiếng nói ấm mềm như người mẹ, khi ấy tôi mới từ từ ngước lên, đập vào thị giác của tôi là một ánh mắt trìu mến hiền hòa ấm áp nhìn tôi, tự nhiên mọi ấn tượng về bà da Huế trong tôi tiêu tan đâu hết, một cảm giác thật gần gủi thật thân thương vừa vun vén trong lòng tôi. Mấy ngày sau tôi đi cùng mẹ chồng tương lai ra phố sắm sửa các thứ cần thiết cho một cô dâu mới, giọng mẹ nói ấm và dịu, mẹ cho tôi toàn quyền lựa chọn các thứ như vải vóc, đồ trang sức theo ý thích của mình, về nhà mẹ còn than van với tôi thời buổi chiến tranh làm gì cũng tiết kiệm, tội hai đứa nhỏ, nhất là tôi một cô dâu mới phải chịu bao nỗi thiệt thòi thiếu thốn mọi bề, tôi nghe mà cảm động rơm rớm nước mắt. Hôm ngày cưới tôi khoe cùng các dì, các bạn bà da tôi hiền dịu lắm, nhưng tôi đã nghe tiếng phản bác của mọi người "bà da Huế làm mặt bước đầu". Vậy là nỗi lo âu lại bất chợt nhen nhúm trong lòng tôi. Cưới xong 4 ngày chồng tôi đi công tác tận Kontum, lên để lập một Trung đội mới cho tiểu đoàn. Ba mẹ chồng tôi còn ở lại Qui Nhơn chờ máy bay, vì lúc ấy chưa có đường bay Qui Nhơn Huế, ba mẹ chồng tôi có người con trai làm ở Không quân Đà Nẳng đợi xin đi nhờ. Những ngày này, gần gủi cùng mẹ chồng, tôi mới biết mẹ tuy bà da mất sớm, nhưng có người chị chồng rất khắc nghiệt. Ngoài những lần xúi ba chồng tôi đánh mẹ, bà còn chơi ác len lén bỏ thêm muối vào nồi canh. Thuở nhỏ nhà mẹ rất nghèo ở tận dưới quê cách kinh thành 10 cây số nhưng mà như xa xôi lắm, ít khi lên Huế, coi Huế như là nơi chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa và quan lại trong triều, người dân thường không được đến gần, lúc con gái và cả khi có chồng, mẹ làm hàng xáo nghề mà ở thôn quê những người không có ruộng nương thường làm. Mẹ kể trưa cơm nước xong quảy gánh đi mua lúa trong làng, chiều đem về xay giả sàng sảy sáng mai ra chợ bán gạo và cứ như thế tiếp nối nhau ngày này qua ngày khác. Bởi công việc rất vất vả nên đêm đêm có tiếng hò giả gạo để xua tan cái khổ, cái mệt nhọc trong ngày. Sau này vì việc học của các con và Tây đi càn nên ông bà mới dọn lên Huế ở, thời gian đầu cũng khổ lắm. Lúc ấy ba chồng tôi đi làm ở nhà thương Huế, mẹ ở nhà cứ mỗi sáng dậy sớm nấu xôi và cháo gạo bán, vậy mà mẹ đã nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Mẹ con chuyện trò đầm ấm và tôi cũng hiểu thêm về gia đình mẹ chồng mình. Rồi ông bà đi Huế chúng tôi đi Kontum, anh thuê một cái nhà 5 phòng rộng thênh thang, mỗi lần anh đi công tác tôi ở nhà một mình sợ ơi là sợ, nghe tôi hiu quạnh mẹ vội vào cùng O út khi ấy O út vừa xong tú tài 2, hồi đó bằng tú tài 2 xin đi dạy được, vậy là gia đình chúng tôi trở nên đông đúc. Ôi! một khoảng thời gian hạnh phúc ngọt ngào đáng nhớ thấm đẫm vào lòng tôi, mẹ mua chuối về sấy, mẹ mua măng phơi khô, mẹ mua đậu quyên về làm bánh, mẹ mua củ sắn (củ mì) về mài bột nấu chè bột lọc bọc đậu phụng rồi bánh bột lọc bọc thịt tôm, miếng bột trong veo ăn vào thấm tình quê hương xứ Huế. Có những hôm anh đi công tác hai chị em ở nhà dành mẹ, mẹ nằm chính giữa, hai chị em hai bên ai cũng đòi mẹ xây qua phía mình, cuối cùng mẹ phải chia ra, đầu hôm xây phía O út gần sáng xây qua phía tôi, hai chị em tha hồ nhỏng nhẻo vòi vĩnh đủ thứ cùng mẹ. Khi ấy tôi có thai đứa con đầu lòng, mẹ nâng niu chăm sóc tôi như con ruột của người, mẹ không cho tôi giặt đồ nhưng đồ lót của tôi, tôi giấu dưới nệm giường mẹ tìm ra đem giặt hết, tôi thật áy náy vô cùng.Đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn thấy xốn xang ngập lòng, rồi công việc mẹ phải về Huế, tôi về Qui Nhơn chờ sinh vì theo tục lệ Việt Nam ta con so nhà mạ, con rạ nhà chồng. Nhưng đến khi tôi sinh mẹ vội vã về Qui Nhơn chăm sóc cho tôi thật chu đáo, thật tận tình, đến khi đầy tháng chồng tôi quyết định đem tôi theo, trên chuyến bay Qui Nhơn Kontum hôm ấy thời tiết rất xấu máy bay xóc nhiều tôi rất mệt. Bỗng mẹ một tay bồng cháu, một tay nắm chặt tay tôi như truyền hơi ấm, như truyền sức sống cho tôi, nhìn nét mặt mẹ, tôi thấy hằn lên nét lo lắng tột cùng, đôi mắt mẹ nhắm lại miệng lâm râm khẩn cầu. Sau này mẹ thường nhắc lại hôm ấy mẹ nhìn thấy mặt tôi tái xanh, bàn tay lạnh ngắt, mẹ cứ sợ dại, mẹ niệm Quan Âm người mà mẹ luôn luôn đặt hết niềm tin tưởng,mỗi lần mẹ gặp chuyện bất an mẹ đều khẩn cầu, lần nào mẹ cũng thấy linh nghiệm. Từ buổi ấy mẹ ở mãi với vợ chồng chúng tôi, chăm lo cho tôi. Thỉnh thoảng ba chồng tôi nhớ mẹ vào thăm. Hai năm sau nhân dịp tết chúng tôi dẫn con trai về thăm gia đình cũng để ra mắt bà con từ ngày lấy chồng đến giờ, lần đầu tiên thấy Huế quê hương của tôi, tôi bàng hoàng ngơ ngẩn, tôi không ngờ Huế đẹp và nên thơ đến nhường này, người Huế nói năng nhỏ nhẹ đáng yêu làm sao và nhất là nấu ăn ngon nữa. Mẹ bảo chồng tôi đưa tôi đi thăm vòng quanh xứ Huế, tất cả những lăng tẩm đền đài hoàng cung đã in sâu vào tâm trí tôi một cảm giác sâu đậm khó phai mờ, như trong truyện cổ tích xa xưa. Niềm vui lớn lao nhất là tôi được các thành viên trong gia đình nhà chồng đón nhận với bao ưu ái ngập tràn làm tôi xúc động không nói nên lời, tôi quên đi cái lạ lẩm, cái ngỡ ngàng của buổi đầu tiên bước chân về nhà chồng. Rồi anh đưa tôi về thăm quê cha đất tổ của tôi, cách Huế 20 cây số nơi có giòng sông Nông vừa trong vừa mát, có truông Phú Bài nhỏ cát dễ đi. Cuộc sống êm đềm cứ trôi, trôi mãi đến khi tôi sinh đứa thứ hai cũng do bàn tay mẹ chồng chăm sóc. Bây giờ thì mọi thành kiến về mẹ chồng, về bà da xứ Huế trong tôi, đã âm thầm tan biến theo năm tháng và thời gian. Rồi chồng tôi được điều về làm ở Huế, ở trung đoàn 54BB, lúc này anh đi hành quân liên miên, anh bay khắp vùng trời quê hương thuộc vùng 1 chiến thuật, tôi ở nhà cùng mẹ trong căn nhà phía bên phải, bên trái vợ chồng con cái anh đầu ở, căn giữa thờ, cha mẹ chồng tôi ở phía sau gian thờ vì nhà hình chữ U. Thỉnh thoảng chồng tôi về đưa vợ con đi chơi, những hôm ấy mẹ dặn người giúp việc không được quấy rầy chúng tôi, anh như người từ rừng sâu trở về râu không cạo, đôi giày boot de sault bết bùn đất quân hành, anh đi bên tôi dạo quanh giữa phố phường đông đúc, như một chiến tướng bên người tình, tôi thấy mình hãnh diện và hạnh phúc tuyệt vời. Thấm thoát 5 năm sau tôi có thai đứa thứ ba, lúc nầy chồng tôi đi học đại học Quân sự ở Đà Lạt một năm. Ở nhà khi thai được 8 tháng mẹ dặn tôi dù đêm hôm khuya khoắc thế nào mà thấy trong người khác thường, thì phải kêu mẹ dậy. Và ngày đó đã đến, hôm ấy 2 giờ sáng tôi nghe đau nhói, tôi dậy sắp đồ vô xách thì mẹ đã dậy rồi, mẹ dặn xích lô gần nhà, dọc đường thấy tôi nhăn nhó hít hà, mẹ ôm tôi vào lòng miệng giục chú xích lô đạp nhanh, đạp nhanh, theo ý mẹ thà đến nhà hộ sinh ngồi đợi an tâm hơn, mẹ an ủi tôi "mẹ biết con đau lắm ráng lên nghe con" miệng mẹ lâm râm niệm Phật, rồi lẩm bẩm van xin 12 mụ bà 13 quan thầy phù hộ cho tôi mẹ tròn con vuông. Khi ấy tôi cảm động ứa nước mắt và lòng dâng lên niềm thương mến mẹ rất nhiều, về nhà mẹ tự tay lo miếng ăn giấc ngủ cho tôi, nhiều lúc cháu khóc mà tôi ngủ quên mẹ len lén bồng cháu dỗ, rồi lặng lẽ để lại bên tôi, nhất là những lúc cháu đau ốm quấy quả mẹ ôm cháu thức suốt đêm, cùng chia sẻ bao nhiêu sợ hải lo âu, bất an cùng tôi, lòng tôi lại ấm lên niềm xúc động ngọt ngào. Sau nầy tôi sinh thêm 2 gái nhưng không có mẹ ở bên, tôi thấy nhớ nhung, một nỗi nhớ nhung đằm thắm như thiếu vắng một thứ gì quan trọng lắm lắm, một nỗi nhớ ăm ắp trong lòng. Rồi biến cố 1975 xảy ra, chồng tôi đi ở tù, mẹ cùng tôi lo bới xách cho anh ấy rất đầy đủ, có một lần hai mẹ con đi thăm nuôi khi ấy anh ở trại Đồng Sơn ngoài Đông Hối, con đường từ ga vào trại 8 cây số đầy sỏi đá gập ghềnh, dọc đường nắng chói chang hai mẹ con vừa mang vừa xách, bỗng có cái cộ của người đi cắt bổi (cắt lá) về bỏ chuồng bò, họ chở dùm đồ (vì ngoài ấy được mệnh danh là vùng "tự do" không có người làm mướn dù được trả bằng tiền) họ còn cho mẹ già lên ngồi, (vì ngồi hai người sợ bò kéo không nổi) nhưng mẹ nhất định không ngồi mà cứ nhường cho tôi, mẹ viện lẽ tôi ốm yếu và chưa quen nhọc nhằn, cuối cùng tôi lên ngồi với lòng đầy áy náy, tôi nhìn lùi lại cách xa mẹ, dần dần từng bước chân, bước chân mà lòng tôi bức rức xốn xang, đến một ngả ba cộ vào rừng tôi ngồi lại đợi mẹ. Bây giờ nhớ lại tôi thấy lòng mình thương mẹ đến xót xa và cứ ray rức, cứ tự trách mình sao hôm ấy lại nhẩn tâm để mẹ lủi thủi đi bộ một mình, hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi, ám ảnh suốt cuộc đời này, không thể nào xóa nhòa, không thể nào phôi phai. Khi chồng tôi về, cuộc sống thật vất vả thiếu thốn, mẹ lại bù đắp cho chúng tôi. Thời kỳ bao cấp, cái thời kỳ mà người người cùng ngụp lặn trong một thứ địa ngục trần gian quái ác, anh của chồng tôi lại buôn bán phát đạt rất cần đến mẹ vì chị dâu của tôi qua đời, vậy là mẹ sẳn sàng quán xuyến công việc cho anh. Khi ấy vợ chồng con cái tôi ở Đà Nẳng. Chồng tôi vừa ở tù về được thuê làm mì sợi gia công cho ty lương thực, tháng nào mẹ cũng vào thăm chúng tôi, mẹ dúi tiền cho tôi và dặn mua thêm thức ăn cho chồng cho con, tự nhiên lòng tôi xao động ứa nước mắt và có một luồng cảm xúc nồng nàn, ấm áp về mẹ đang miên man trôi chảy trong trái tim tôi. Đến khi hết lương thực vợ chồng chúng tôi thất nghiệp và bị đuổi đi kinh tế mới, thành phần của chúng tôi không được ở gần biển, không được ở gần biên giới, chúng tôi đành lên Pleiku đi kinh tế mới tự túc với nguyện vọng làm rẩy, làm café nhưng làm rẩy chẳng ăn nhập vào đâu, vì vợ chồng con cái chúng tôi tự thuở nào đến giờ chưa ai cầm đến cây cuốc, chưa biết cuốc lát đất nào, rồi chống nước cả nhà đau ốm liên miên tiền bạc cạn hết. Có thời gian tôi làm bánh đi bán ở các cổng trường học, còn chồng tôi làm mực bán cho học trò, các con tôi mỗi đứa làm một nơi, sống qua ngày, chỉ có hai đứa con gái nhỏ còn đi học, rồi chính sách mở cửa các con tôi được đi học trở lại, chúng học cao đẳng sư phạm cho mau và có học bổng đủ mua gạo cho cả nhà, chúng tôi cực khổ thiếu thốn nhưng giấu mẹ. Một lần tôi ra thăm mẹ, hình như mẹ đoán biết chúng tôi thiếu hụt, mẹ lần trong lớp áo cánh thứ ba đưa ra một cái gói nhỏ và nói "mẹ chỉ còn chừng này mẹ cho con, đem về bán đi làm vốn buôn bán sinh sống, đây là chiếc xuyến 3 chỉ mẹ giữ rất lâu, lâu lắm rồi". Tôi bàng hoàng rúng động ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào "không, không mẹ ơi! Mẹ hãy giữ lại một ít cho những ngày cuối đời của mẹ, mẹ nhé". Một nỗi xúc động sâu thẳm mênh mang trong trái tim tôi, tôi lặng người đi rất lâu, rất lâu với đôi mắt cay cay và từ chối, viện lẽ các cháu sắp ra trường rồi, sẽ không cần lắm đâu, mẹ cất đi để dành cho những ngày sau này, mẹ con cứ dùng dằng mãi, nhưng tôi nhất định không nhận. Cả nhà chúng tôi đi học, đến năm cuối phong trào Anh văn nở rộ, các con tôi được mời đi dạy ở trung tâm ngoại ngữ vì chúng đều học Anh văn, bởi chúng tôi có HO30 nhưng trục trặc chẳng đi được, các con tôi ra trường đi dạy nên cuộc sống có phần khởi sắc. Thỉnh thoảng chúng tôi về Huế thăm mẹ, bây giờ mẹ đã trên 90, nhưng còn khỏe và minh mẫn, ông mất đã lâu, mẹ đang ở với O út. 6 năm sau, một buổi chiều tôi ngồi nhìn mây trôi lửng lờ, sương giăng ngập lối tiết trời lành lạnh, nơi thành phố Pleiku gió núi mây ngàn, lòng đang nghĩ về mẹ với rưng rưng niềm cảm mến ngọt ngào. Bỗng có tin mẹ đau nặng sợ không qua khỏi. Vợ chồng con cái tôi tức tốc về, đến nơi mẹ nằm im thiêm thiếp, tôi bước vào gọi mẹ, mẹ nhướng mắt, đôi môi mấp máy, rồi nắm chặt tay tôi, tôi ôm mẹ gục xuống khóc ngất, tức tửi gọi "mẹ ơi! mẹ ơi!" Trong khoảng khắc ấy bàn tay mẹ buông thỏng, trái tim mẹ ngừng đập, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy mẹ 97 tuổi, tôi tê tái lặng người.
Cẩm Tú Cầu |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
Lan Huynh
Senior Member ![]() Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 23607 |
![]() ![]() ![]() |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 18/Apr/2025 lúc 10:19am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
![]() |
|
<< phần trước Trang of 158 |
![]() ![]() |
||
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |