Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 132
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23267
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 31/Jan/2025 lúc 12:57pm

Phiếm: Chỉ Một Chữ "Ăn"

 

Mọi sinh vật sống trên trái đất có ăn mới tồn tại. Nhưng có thể khẳng định rằng chi có Việt Nam ta, mới dùng từ Ăn để diễn đat mọi nhẽ đời trong cuộc sống. Ở Việt Nam chữ Ăn đã giúp cho mọi người hiểu được đạo đức, nhân cách của một con người…

Theo tôi, có lẽ xuất phát từ một nước dựa vào cây lúa là chính; lúc được mùa thì no, lúc giáp hạt thì đói. Có ăn mới tồn tại và phát triển được...Vì vậy, từ Ăn nó hằn sâu vào tâm trí con người từ ngàn xưa và càng ngày nó càng biến thể phong phú theo nhiều cách; tùy theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội mà thành những câu, những thành ngữ, ca dao đề nói lên cốt cách, tình cảm, cái tâm, hình dáng con người; giúp chúng ta phân biệt tốt xấu, dạy chúng ta nhìn rõ bản chất của nhân vật, người nào đó trong xã hội.

Điều này, chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất thông minh, biết khai thác và biết sử dụng uyển chuyển ngôn ngữ đến từ gốc đến ngọn.

Các bạn xem nhé, có đến hàng “1.001” cách diễn đạt từ chữ Ăn cơ đấy:

- Để chỉ về thời kỳ Cổ đại, ta dùng cụm từ “Ăn lông ở lổ” “Ăn bờ ở bụi”

- Sang năm mới, dù nhà nghèo hay nhà giàu ai cũng lo sắm sửa để “Ăn Tết”. – Các ngày lễ lớn, nhỏ dân ta hay tổ chức ăn mừng, ăn tiệc, ăn sinh nhật, ăn thôi nôi, ăn cỗ; “Bực mình mà chảng nói ra/Muốn đi “ăn cỗ” chả mà nào mời/ Không mời thì mặc không mời/ Đã trót mặc áo không mời cũng đi”

- Để chỉ những người thích hưởng thụ mà lười biếng, muốn ăn ngon mà không muốn làm thì ta nói: “Ăn thì đi trước, lội nước đi sau; ngồi mát Ăn bát vàng”, “Ăn trắng mặc trơn, ăn trên ngồi tróc, suốt ngày chỉ biết tiêu khiển bằng các cuộc ‘chỉ biết “Ăn chơi” “Ăn tục, nói phét”

- Chỉ những kẻ bất lương là đồ “Ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp,

- Chưa có tiền trả thì tạm “Ăn chịu” ghi sổ trả sau,

- Giải pháp cho những người sống tạm bợ, chầu chực “Ăn chực nằm chờ”

- Kẻ cơ hàn, sống bệ rạc, ăn không có mâm bát, bàn ghế, : Ăn xó mó niêu

- Kẻ liều, không cần giữ phẩm giá: Đói ăn vụng, túng làm càn

- Khi cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu: “Dốc bồ thương kẻ ăn đong/vắng chồng thương kẻ nằm không một mình.”

Không môn đăng hộ đối, hợm mình đến mức khó tin:

“Bao giờ rau diếp làm cột đình

Gỗ liêm ăn ghém thì mình lấy ta”

- Người biết lo xa, biết dàn xếp, khó khăn đâu sợ nếu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, liệu cơm gắp mắm, ít thức ăn phải “Ăn dè” cho đủ.

- Người không biết lo, không để tâm đến thứ gì “Ăn xổi ở thì”

Sống biếng nhác chỉ dựa vào người khác:

“Ăn không rồi lại nằm không/ Mấy non cũng lở, mấy công em cũng hoài”

- Kẻ xấu, cố chấp, luôn nghĩ cách đối phó, trả thù: “ăn miếng trả miếng”

- Kẻ tiểu nhân, giấu giếm để hưởng lợi riêng : “Ăn mảnh”

- Đã nghèo lại còn đòi hỏi quá đáng: “Ăn mày mà đòi xôi gấc”

- Chi tiêu phung phí : “Ăn xài ” không suy nghĩ

- Trong cơ quan, công sở lãnh đạo thường tìm người cùng ê kíp “ăn cánh, ăn ý ” để bảo vệ chiếc ghế của mình.

- Coi khinh, dè biểu người coi trong cái ăn: “Miếng ăn quá khẩu thành tàn / Mất ăn một miếng lộn gan trong đầu”, “Miếng ăn là miếng nhục”.

- Coi trong Khí phách “Chết vì ăn là cái chết ươn hèn”

- Ăn uống đầy đủ người mới có sức khỏe học những điều hay, trí tuệ mới được mở mang. “Ăn vóc học hay”

- Chỉ gái làm tiền “bán trôn nuôi miêng”, “ăn sương”, “ăn đêm”,

- Quan hệ không lành mạnh “Ăn nằm” với kẻ không phải vợ, chồng mình

- Lợi dụng làm trung gian để lấy bớt phần người khác: “Ăn chặn” ăn chẹt, ăn giựt, “ăn quỵt”, “Ăn gian” “Ăn lận”.

-Trong kinh doanh cần phải liều “Được ăn cả, ngã về không”

- Người không thể vượt lên chính mình, đành “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ cầm bằng làm mướn mướn không công”

- Bọn côn đồ, mặt dữ dằn, thấy chúng như sắp “Ăn sống, nuốt tươi”, “nuốt chửng, nuốt trộng” người ta.

- Người làm ăn dối trá, cốt hưởng lợi: Ăn thật làm giả

- Người biết lỗi hối cải: “Ăn năn, sám hối”

- Chụp hình đẹp hơn ở ngoài đời gọi là “Ăn ảnh”

- Mua bán ngày một khá hơn “Ăn nên làm ra”

- Nếu khôn thì biết “Khôn ăn cái, dại ăn nước” vì chất bổ tan hết vào nước,

Đôi lúc chúng ta sử dụng từ ăn bằng tiếng Hán Việt để dễ dàng biểu thị sự việc cho văn minh hơn như “Có thực mới vực được đạo”, nam “thực như hổ”, nữ “thực như miêu”

- Sự tri ân với người có công “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

- Trung thành với sếp “Ăn cây nào, rào cây ấy”

- Vô ơn bội nghĩa: “Ăn cháo đái bát”

- Ông cha ta thường đúc kết kinh nghiệm cho con cháu bằng ca dao:

Cấy thưa thì thừa thóc/ cấy dày “Cóc được ăn”. (Cóc = không)

- Phải quí trọng sức lao động của người nông dân, uống nước nhớ nguồn

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

- Làm công tác xã hội không lương: “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng Tổng”

- Tính sòng phẳng “Tiền trao, cháo múc”

- Hoạt động bí mật phải “Nếm mật, nằm gai”

- Học hành mới có tương lai, nếu không sau này đi “Ăn mày”, “Ăn xin” mà sống “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo mới ra ăn mày

- Phải lao động mới có ăn “ Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ”

- Có những thử “Ăn bốc” mới thấy ngon hơn

- Đồ vật lâu ngày hư hỏng là do bị “ăn mòn”, “Ăn luồng, “Ăn rỗng”

- Chỉ sự thông thoáng “Ăn thông”

- Chỉ người nói leo “Đồ ăn hớt”

- Nhà nghèo ta phải lựa chọn “Ăn chắc mặc bền”

- Con gái thường “ăn vặt” hơn con trai

- Bảo vệ dạ dày “Ăn chậm nhai kỹ”; để giữ vệ sinh “khi ăn không nói”

- Tương quan lẫn nhau “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”, “ăn nhịp”

- Không có kế hoạch trước thì kết quả “Có mà ăn cám”,

- Trong chăn nuôi, trồng trọt bị trộm hoài ta nên giải quyết: Thà ăn non còn hơn mất già

- Công dụng tuyệt vời: “Ăn ráo củ kiệu” Cây kiệu: củ làm dưa món, rể, lá muối dưa chua không bỏ gì cả

- Đạo lý nhà Phật “Ăn, Ở có đức mặc sức mà ăn” Ăn chay niệm Phật

- Người cố chấp, cay cú không muốn ai hơn mình “Trâu buộc ghét trâu ăn”;

- Sống phải biết nhường nhịn, đừng cậy mạnh “Ăn hiếp” kẻ yếu, biết chia sẻ không thì “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân,

- Hậu quả: “Cha ăn mặn, con khát nước”,

- Không thỏa mãn thì “Ăn vạ”

- Người thâm nho “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng, nửa lo”,

- Người dối trá thì “Ăn có nói không”

Chỉ sự liên quan phù hợp cùng nội dung: “Ăn nhập”

Để chỉ bọn quan lại tham nhũng: “Ăn hối lô”, “ăn bẩn” “Ăn đậm”

- Chê bai: “Ăn nhằm” gì thứ đó


Bluesea chuyen

Share Lại Người Lính Già TQLC

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23267
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Feb/2025 lúc 10:04am

Xóm Cũ Nội Thành

 

Hình minh họa 

Bóng đêm pha lẫn ánh ngày

Thuyền qua sông vắng chở đầy tiếc thương

Chiếc xe lửa nghiến bánh ken két trên đường sắt, nghe như tiếng rên than đau đớn, rồi rùng mình, chầm chậm và dừng lại ở ga Huế. Đám hành khách xơ xác, lôi thôi như lũ ăn mày, nhốn nháo, hốt hoảng tranh nhau đổ ào xuống sân ga. Hoàng nhảy xuống theo, hành lý trên tay chỉ có một cái bao nhỏ đựng bộ áo quần đã sờn rách tả tơi. Anh vừa được ‘cách mạng khoan hồng’ cho về đoàn tụ với gia đình, sau bốn năm ‘học tập tốt, lao động tốt’. Hoàng cười, trong tù, anh là thằng chậm chạp, trễ nải nhất thì được về trước, mấy anh chăm chỉ tích cực lao động, triệt để tuân thủ kỷ luật tù, thì còn mãi nằm lại trong đó. Thế mới biết, bạn anh nói không sai: ‘cách mạng’ thường làm ngược với lời nói.

Được tự do sau bốn năm giam cầm, lao động khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đói, lạnh và bệnh hoạn. Trong lòng Hoàng rộn ràng nôn nao khó tả. Ừ, còn sống mà trở về là phước đức và may mắn lắm. Bước chân của anh nhẹ tênh, như đang bay bổng, không dính đất.

Nhà ga không có gì thay đổi, chỉ tiêu điều, mốc meo cũ kỹ hơn. Người người hốc hác, ốm o và lôi thôi rách rưới. Vừa bước ra cửa ga, một người đàn bà chạy theo níu Hoàng và hỏi:

“Có cái chi bán không?”

Hoàng cười, lắc đầu trả lời: “Mới đi tù về, có cái con khỉ! À, mà có bộ áo quần đã sờn rách, có mua không?”

Người đàn bà mau mắn: “Mô? Đưa coi!”

Hoàng mở bao đưa bộ áo quần cho người đàn bà. Chị rũ rũ cái quần ra xem, rồi dài giọng:

“Cấy ni là giẻ rách, ai mà mua mần chi hè!”

Chị nhìn cái quần Hoàng đang mặc, còn tốt, lành lặn, vì mỗi tù nhân thường để dành một ‘bộ đồ viá’, chỉ dám mặc vào những khi có ‘sự cố’ trọng đại. Chị nói:

“Hay là anh bán cái quần đang mặc nầy đi!”

Hoàng đưa tay mở thắt lưng, định cởi cái quần ra, nhưng hơi ngượng trước mặt người đàn bà. Hoàng nhìn vào ánh mắt chị, bỗng la lên:

“Ủa! Có phải Tâm đây không?”

Người đàn bà sửng sốt, và chộp lấy hai tay Hoàng mà reo vui:

“Anh Hoàng. Em đây! Trời ơi, mới có mấy năm mà không nhìn ra nhau. Ngày trước, anh hồng hào mập mạp, bây chừ, chỉ còn da bọc xương, đen điu như thằng mọi. Phần em cũng thay đổi nhiều, tàn tạ, mần răng mà anh nhìn ra được em hè?”.

Hoàng cười: “Nếu không ngó kỹ vô đôi mắt của mi, thì tau cũng không nhìn ra. Ngày xưa, bạn bè tau thường đặt cho mi cái biệt danh là ‘Mắt huyền bí’. Đôi mắt mi, đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu con tim đó!”

Cô Tâm nầy là bạn của Nga, người em gái kế, thua Hoàng hai tuổi. Quen biết thân thiết nhau từ nhỏ, Hoàng vẫn thường quen xưng hô ‘mi, tau’ thân mật với các bạn của cô em gái. Hoàng chăm chú nhìn Tâm và nói:

“Răng mà mi khổ dữ ri Tâm?”

Tâm cười như không biết cô đang khổ:

“Thời buổi ni, ai mà không khổ, không đói? Còn sức mà chạy gạo cho con là may mắn lắm rồi. Anh không biết, chứ con Hải còn khổ hơn nữa, phải đi xin nước vo gạo uống đỡ đói. Anh đi tù, còn khổ hơn tụi em chứ?”

Hoàng ngần ngại hỏi: “Răng mà tụi bây bỏ dạy học, chạy lang bang đầu đường xó chợ kiếm cơm như ri?”

Tâm nói lớn: “Ai mà dám bỏ việc trong thời buổi ni? Bọn em bị đuổi việc, không cho dạy nữa, vì gia đình ngụy quân, ngụy quyền. Nhà cửa cũng bị tịch thu, không nơi trú ngụ.”

Mấy người xe đạp thồ hăm hở tiến đến gần Hoàng mời mọc. Hoàng chọn người già nhất, ốm o, đội nón lá rách và hỏi:

“Về cửa Đông Ba bác lấy mấy đồng?”

Người đàn ông nói nho nhỏ: “Anh cho mấy cũng được. Ngồi lên xe đi!” 

Hoàng dạng chân, leo lên khung sắt chở hành lý phiá sau yên xe. Người đạp xe thồ thở phì phò mệt nhọc khi lên dốc cầu ga. Hoàng nhảy xuống, phụ đẩy xe qua khỏi dốc, rồi leo lên lại. Người xe thồ cám ơn, và hỏi:

“Anh đi mô về rứa?”

Hoàng đáp: “Mới đi tù về!”.

Ông nói: “Khổ chưa!”

Hoàng cười vui vẻ: “Được ra khỏi tù là sướng, chớ răng mà bác kêu là khổ?”

Ông già đạp xe chíp miệng: “Đi tù thì khổ là cái chắc. Nhưng ra khỏi tù rồi cũng chưa hết khổ mô! Không chừng lại còn nhiều mối lo hơn khi đang ở tù. Tin tui đi!

 Nghe giọng nói eo éo khàn khàn như vịt xiêm của ông xe thồ, và thoáng nhớ nét mặt quen quen của ông, Hoàng chợt nhận ra ông cụ là ai. Anh la lớn:

“Dừng lại, dừng lại bác ơi!”

Ông già ngơ ngác. Hoàng nói

“Bác đưa xe cho cháu đạp, bác ngồi, cháu chở đi.”

Ông cụ bối rối: “Bậy nờ! Mần chi mà lạ rứa?”

Hoàng thúc dục: “Bác cứ leo lên đi! Cháu còn sức đạp xe mà!”

Hoàng đạp xe chở ông cụ mà lòng tan nát tơi bời nhớ đến kỷ niệm xa xưa. Ông nầy là bố của Hồng, người yêu đầu đời. Hai đứa yêu nhau tha thiết, tưởng có thể chết cho nhau được, thế mà cuộc tình không thành. Ông cụ đã nghiêm cấm. Ông nói với con gái: “Mần răng thì mần, Ba nhứt thiết không sui gia, không nói chuyện với ông Thụ. Không ngồi ngang hàng với ông nớ!” Ông khinh khi gia thế của Hoàng thuộc giai cấp lao động. Ngày xưa, lúc ra đường, khi nào ông cũng áo quần phẳng phiu, mang áo vét, thắt cà-vạt, giày da láng bóng, như sắp đi dự hội nghị quốc tế quan trọng. Ông lái chiếc xe hơi cũ. Thời đó, xứ Huế rất ít người có xe bốn bánh. Ông tránh giao thiệp với hàng xóm, có lẽ ông nghĩ rằng, họ không cùng giai cấp. Ông cụ chưa nhận ra thằng rể hụt đang còng lưng thở phì phò đạp xe chở ông

Dọc theo đường Lê Lợi, ngang qua trường Quốc Học cũ, nơi tràn đầy kỷ niệm của một thời xa xưa. Hồi đó, có nghèo khổ, có thiếu thốn, nhưng tràn đầy hy vọng cho tương lai. Đời tươi như hoa nở.

Ông cụ ngồi sau xe, cứ lẩm bẩm hoài: “Răng mà lạ ri hè! Lạ quá đi chớ!” Hoàng đạp xe và đưa tâm trí miên man về miền quá khứ

Đang mệt thở hổn hển, Hoàng tần ngần, không dám hỏi trực tiếp tin tức về người yêu cũ, mà né tránh, hỏi về ông chồng của nàng:

“Anh Dũng, chồng cô Hồng đã được ‘cách mạng khoan hồng’ tha về chưa bác?”

Ông cụ xe thồ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh cũng biết thằng Dũng, rể tui? Hắn cũng chưa được về. Mà răng anh biết tui hè?”

Hoàng hơi bối rối, không trực tiếp trả lời câu hỏi của ông, từ tốn nói: “Tụi cháu gặp nhau trong trại cải tạo Bình Điền một thời gian. Sau đó, chuyển trại, mất tin tức nhau. Có thời Dũng bệnh nặng, nằm liệt cả tháng, tưởng không qua khỏi. Bây chừ cô Hồng mần việc chi bác? Có còn đi dạy không?”

Hoàng cố tránh, không muốn để ông cụ biết anh là ai, để đỡ ngỡ ngàng. Ông cụ ho khan mấy tiếng, rồi trả lời

“Có chồng đi cải tạo, ai mà cho dạy nữa! Hắn bị đuổi lên kinh tế mới Nam Đông, ôm theo ba đứa con dại. Nhà cửa bị tịch thu. Chân yếu tay mềm, không biết mần răng mà phá núi, bạt rừng, cuốc đất trồng khoai sắn. E rồi cũng chết đói cả lũ mà thôi.”

Hoàng ngậm ngùi: “Trời đất gió bụi, thì ra ngoài đời, cũng đói khổ không thua chi trong tù !”

Ông cụ nói nho nhỏ: “Trong tù, mấy anh khỏi lo miếng ăn, tuy đói, nhưng mỗi ngày cũng còn có chút chi cho vào miệng. Ngoài tù, mỗi sáng thức dậy, hoang mang lo lắng lắm, không biết hôm nay có củ khoai, khúc sắn dằn bụng hay không. Nhiều hôm đạp xe thồ, cả ngày chưa có chi ăn, bụng đói, chân rã rời, đạp không nổi, mồ hôi vã ướt toàn thân. Nhiều gia đình, có khi một ngày chỉ ăn một bữa, cũng có lúc, một ngày không có chi ăn. Khổ lắm anh ơi. Người ta nói trời sinh voi, trời sinh cỏ, sai bét. Họ ‘quản lý’ hết cỏ rồi, thì voi cũng nhăn răng.”

Hoàng hỏi: “Rứa thì hôm ni bác đã ăn chi chưa?”

Ông cụ đáp yếu xìu: “Có. Hai củ khoai, cũng tạm dằn bụng. Uống nước vô nữa thì cũng tạm no.”

Nghe ông cụ nói, Hoàng cũng hoang mang lo lắng. Không biết rồi mai đây, làm gì để sinh sống. Bỗng nhiên, đôi chân Hoàng rã rời, như không còn sức lực. Khi đi ngang qua chợ Đông Ba, Hoàng dừng xe lại, và nói:

“Mình vô đây uống miếng nước đã bác! Mệt và khát lắm rồi.”

Hoàng cho tay vào túi, mân mê đếm tiền. Nhờ có vợ bí mật tiếp tế cho một ít tiền từ tháng trước. Bên gia đình vợ, chạy hết được ra khỏi xứ từ năm 1975. Chỉ có vợ Hoàng kẹt lại, vì Hoàng không chịu đi.

Hoàng ngồi xuống bên gánh chè, mời ông cụ xe thồ ăn một chén. Ông cụ lắc đầu, bảo ông không có tiền, mà dù có tiền, cũng không phí phạm, chè là thứ xa xỉ trong thời buổi nầy. Hoàng nói bác đừng lo, cháu đãi bác mà. Ông cụ ngần ngại, rồi cũng ăn. Hoàng thấy mặt ông rạng rỡ, nhai nuốt ngon lành, liếm mép, vét đáy chén, như cả đời chưa bao giờ nếm đến món nầy. Trong lòng Hoàng, dấy niềm thương cảm. Ngày xưa, ông ngăn cản cuộc tình giữa Hoàng và con gái ông, nhưng Hoàng không hề oán giận hay ghét bỏ ông. Hoàng chỉ không ưa cái phách lối phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, giàu nghèo. Các con ông đều là bạn của Hoàng. Thằng Quý, con trai đầu của ông là bạn học thời thơ ấu, Hồng là người yêu của Hoàng, các em Hồng là Đạo, Huy, Bê Chị, Bê Út. Ngày đó, ông cấm con ông giao thiệp, chơi đùa với trẻ con trong xóm, vì sợ lây nhiễm cái bần của con cái gia đình nghèo. Nhưng rồi mười mấy năm sau, đám con cái nhà nghèo nầy, có đứa thành giáo sư trung học, đại học, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, sĩ quan, hoặc giữ các chức vụ hành chánh trong xã hội. Các con ông, chỉ có Hồng lết lên đến đại học, làm giáo sư. Nhớ các con ông, Hoàng tần ngần hỏi:

“Quý bây giờ làm chi? Ở mô hở bác? Có còn làm thơ viết văn không?”

Ông nói với giọng buồn: “Hắn tự tử chết rồi. Ngày xưa hắn chống chiến tranh, trốn quân dịch, bị bắt đi làm lao công chiến trường, rồi bị thương tật. Sau 1975, vì không lao động được, chỉ ăn bám vợ. Thấy vợ vất vả, hộc tốc ngày đêm tối mắt tắt mày chạy kiếm gạo, mà cả nhà cha con đều đói. Hắn tự tử chết cho bớt gánh nặng đè trên vai con vợ khốn khổ. Hắn có viết mấy bài thơ cảm động lắm, ai đọc cũng chảy nước mắt dầm dề.”

Mắt ông cụ đỏ ngầu và ướt. Hoàng thở dài, thầm nghĩ, nếu trong hoàn cảnh của Quý, thì Hoàng cũng chọn cái chết, cất bớt gánh nặng cho gia đình. Hoàng hỏi tiếp:

“Còn Đạo và Huy chừ mần chi? Hình như Đạo có thời đi vô bưng theo ‘mặt trận’ phải không?”

Ông cụ thở một tiếng rất dài: “Đúng, thằng Đạo có thời vô bưng. Sáng con mắt ra. Vỡ mộng, rồi trốn về thành, theo chương trình chiêu hồi. Hắn bặt tăm từ tháng 3 năm 1975, có lẽ mai danh ẩn tích ở một nơi mô đó. Hoặc không chừng đã bị thanh toán gọn rồi. Còn thằng Huy thì bị bắt đi ‘nghĩa vụ quân sự’, đã gởi xác bên Kampuchia.”

Im lặng một lúc cho bớt xúc động. Hoàng hỏi tiếp: “Còn Bê Chị, Bê Út chừ ở mô? Đã có chồng con chi chưa?”

Ông cụ nhìn ra xa, và nói như trong mơ: “Bê Chị bây chừ lang thang, theo đoàn văn công đi lưu diễn đây đó. Có lẽ cũng vất vả, khổ cực, nhưng cũng đỡ đói khát. Hai năm trước, vào dịp Tết, có người gặp nó ở trại Tống Lê Chân, giữa rừng già gần biên giới Miên Việt, trình diễn văn nghệ giúp vui cho bộ đội. Còn con Bê Út thì đi vượt biển không có tin về. Có lẽ cũng xong một đời rồi.”

Hoàng bụm hai tay vuốt mặt. Ông cụ nhìn kỹ Hoàng, rồi chộp vai anh mà lắc, hỏi: “Hoàng! Anh là Hoàng phải không? Trời ơi, thay đổi như ri, thì ai mà nhìn cho ra?”

Hoàng nói nho nhỏ: “Phải, cháu là Hoàng đây. Hàng xóm của bác, và là bạn của Hồng ngày xưa. Cuộc đời đổi thay nhiều quá, không biết mô mà lường!”

Ông cụ thở dài, nói như phân bua: “Anh có tin vợ chồng là duyên số không? Không duyên nợ, thì có vùng vẫy mấy cũng không thành. Nầy, mà con Thu vợ anh, là một người đàn bà đảm lược và gan lì có hạng, cả xóm ai cũng phục hắn. Bị đuổi đi kinh tế mới, nhất định cố thủ, không đi. Bị cắt sổ hộ khẩu, cũng không sợ. Hắn còn dọa, la toáng lên cho bà con biết, sẽ đốt nhà tự thiêu cùng ba đứa con, nếu bị ép quá. Có lẽ chính quyền cũng sợ nó làm ẩu, mang tiếng.” 

Về đến nhà, Hoàng móc tiền ra trả, ông cụ không lấy. Hoàng dúi vào túi ông rồi đẩy đi. Ông quay lại: “Coi như tui nợ anh số tiền ni.”

Cuộc đoàn viên của Hoàng với gia đình sau bốn năm tù tội xa cách đầy cả niềm vui và nước mắt.

Xóm cũ, bây giờ cán bộ miền Bắc vào, tịch thu nhà, ở xen kẽ đó đây. Họ lạnh lùng, ánh mắt nhìn xoi mói như muốn dò xét, kiểm soát xóm giềng. Thu, vợ của Hoàng trước đây cũng đi dạy học, bị sa thải, vì có chồng đi tù cải tạo, nàng nói với Hoàng:

“Không cho dạy học nữa, cũng không tiếc. Nhờ vậy nên mình mới có thì giờ kiếm được chút cơm cháo, nuôi con sống qua ngày. Mấy đứa còn đi dạy, suốt ngày bận rộn, nào là ‘giáo trình’, nào là ‘đứng lớp’, liên miên học tập chính trị, đêm về còn họp hành đến khuya khoắt. Lại đi làm chiến dịch xoá nạn mù chữ, xuống tận các thuyền đò trên sông, lên tận các miền núi non. Học viên thì bị bắt buộc, cả ngày đã lao động quá mệt, đêm về uể oải, buồn ngủ không muốn học, không muốn nghe. Mình “mất dạy” nên có thì giờ, chạy đến nhà quen, vét mua áo quần cũ bán ra miền Bắc. Mua một, lời hai ba. Người ta nhát gan, không dám ra chợ trời bán, sợ bị bắt, mình đến tận nhà, dù chúng nó biết là mua bán, cũng không tịch thu hoặc kết tội được. Cái xứ gì mà mua bán là “mất đạo đức cách  mạng”. Đi ăn cướp, thì là có đạo đức cách mạng chắc?”

Hoàng lo lắng: “Em ăn nói nên giữ lời một chút, kẻo mang hoạ vô thân.”

Thu đáp: “Em biết chứ, bà Long ở cạnh nhà mình đó, bị tịch thu nhà, và bắt đi tù cải tạo, chỉ vì nói câu: “Đói rách vĩ đại”. Chúng nó kiêng, cho rằng chữ ‘vĩ đại’ chỉ để dùng riêng cho ông Bác của chúng thôi. Hai năm trước người ta đồn rằng, có thằng học sinh 15 tuổi, bị bắn chết, vì hắn dám kêu là ‘lão Hồ’. Chúng nó là một lũ điên, mù quáng, thờ phượng quỷ sứ.”

Hoàng can: “Thôi thôi em ơi. Nói cho đã miệng, rồi mang họa vào thân, khổ lắm.”

Mắt Thu long lên: “Nếu tất cả mọi người đều đủ can đảm nói lên đúng sự thật, không nói dối, và biết xấu hổ khi nói lời hoang tưởng về xã hội chủ nghĩa, lại không nghĩ một đường, nói một nẻo, thì bọn chúng hết đất sống. Anh xem, xưa nay trong lịch sử Việt Nam, từ thời bị Tàu cai trị, bị Tây đô hộ, có bao giờ dân tình bị khốn khổ, áp bức, hăm dọa, khủng bố, kềm kẹp như bây giờ không?”

Nghe vợ nói, mà Hoàng sợ lạnh cả xương sống. Anh biết mình hèn nhát. Đã không dám làm, mà cũng không dám nói. Anh thầm phục vợ. Đúng, nếu tất cả mọi người đều không sợ, thì chúng nó hố to

Cái xóm cũ ngày xưa vui vẻ sống động, bây giờ tiêu điều buồn bã. Bọn con trai ngày trước, chỉ còn lác đác vài mạng. Gặp nhau cũng không dám chuyện trò nhiều, chào nhau lạt lẽo, không dám tin, và e dè nhau. Phần bọn con gái thì vẫn còn khá đông, đứa nào cũng xất bất xang bang, đói vàng mắt, chạy gạo nuôi con, nuôi chồng trong tù.

Con Hiền thì ôm con từ cao nguyên về, chồng đi tù, che tấm ni-lông trước hiên nhà bố mẹ chồng, mấy mẹ con chui rúc trong đó. Những đêm đông mưa dầm gió tạt, rét mướt, mấy mẹ con ngồi ôm nhau cho đến sáng. Cả đám rách rưới như tổ đỉa. Mùa đông, lâu lâu thấy Hiền mặc quần ướt, vì chỉ còn một cái, giặt ban đêm phơi chưa khô. Ba đứa con còn nhỏ, Hiền ngược xuôi tất tả, nó như con chim tha mồi về cho đàn con đói. Hiền kể rằng, nhiều đêm chưa kiếm gì được cho con ăn, nó về rất khuya, con nằm đói lả, nó cũng chưa có chút gì vào miệng, bụng cũng đói meo, nằm ôm con mà nước mắt dầm dề. Hiền có hiềm khích với gia đình chồng, và tự ái, không muốn van xin. Ông bà nhạc gia giận hắn hỗn láo, và có lẽ ông bà cũng đang đói, không giúp đỡ được gì cho lũ cháu nội. Có khi đói quá, nửa đêm, nó gào lớn, kêu tên ông bà nhạc gia ra mà bêu rếu: “Ông bà Trang ơi, cháu nội ông bà đang chết đói đây. Ông bà ăn lấy một mình, lòng dạ nào mà nhìn lũ cháu nội chết đói đây!” Bên trong, ông Trang ghé miệng qua song cửa “Suỵt! suỵt! Mi có câm cái miệng lại không? Tau ra đánh cho chết cả đám bây chừ!” Nó thách đố ông, gào to thêm giữa đêm khuya vắng. Ông bà xấu hổ với xóm làng, im lặng chịu thua.

Anh Phú ngày xưa ghét và chống Mỹ, chạy vô bưng. Bây giờ về lại Huế, miệng thì vẫn ca ngợi cách mạng, hoan hô Bác Đảng, nhưng mặt thì buồn tênh, tái mét. Anh cũng đói. ‘Cách mạng’ cũng chỉ cho phong cho anh cái chức vụ quèn, chạy cờ, vô thưởng vô phạt. Họ còn nghi ngờ anh được Mỹ Ngụy gài vào bưng nữa.

Một buổi sáng Hoàng gặp Lê là bạn cũ, Lê cho biết mấy năm nay không cho lũ con đến trường nữa, vì không muốn chúng học những điều gian dối, láo khoét, học căm thù, học nhỏ nhen ti tiện. Không đi học, thì chúng khỏi tiêm nhiễm những hư hỏng, xấu xa của bọn người rừng thượng cổ đó. Phần Lê, thì giả vờ nửa tỉnh nửa điên, ngày ngày đứng trước cửa nhà chửi đổng, kêu ‘chú’ ông Trời ra mà thoá mạ, cũng còn kiêng kỵ, chưa dám kêu ‘bác’ ông trời, sợ chúng quy chụp phạm húy.

Hoàng hỏi thăm anh Thiên, người anh lớn của Lê, trước đây là thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, mới biết anh đã cùng đồng đội ngồi quanh, rút chốt lựu đạn tự sát tập thể trong cuộc lui quân hỗn loạn vì lệnh lạc bất nhất ngày đó.

Thằng Tiến, bạn cùng lớp với Hoàng ngày xưa, nó hiền như con gái, có ông bố vợ đi tập kết ra Bắc từ 1954 trở về. Ông nắm giữ một chức vụ quan trọng gì đó trong ‘thành ủy’ Bình Trị Thiên. Ông đã nhờ đồng chí ngụy tạo cho anh con rể một giấy chứng nhận, là ‘cơ sở’ tức ‘cách mạng’ nằm vùng. Tiến được cất nhắc lên làm giám đốc một công ty sản xuất. Nhờ đó, mà Tiến ôm hết tiền bạc của công ty nhà nước, mua thuyền vượt biên cùng với gia đình hai cô em vợ. Ông bố vợ bị kiểm điểm, mất chức, nhưng ông không buồn. Khi nào người ta cũng thấy ông cười cười như đang có chuyện gì vui. Thiên hạ xì xào ông đã ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’

Một hôm, vợ Hoàng thầm thì: “Không lẽ mình chịu sống mãi cuộc đời áp bức đen tối không thấy ánh tương lai nầy sao? Phải làm cái gì chứ! Anh biết không, chị Hương có gặp anh Phong trên xe lửa. Anh ấy bảo là đang cùng bạn bè chiến đấu ‘phục quốc’ ở rừng Tây nguyên. Anh đang đi chiêu mộ bạn bè đồng chí hướng. Trước đây, bằng lòng buông súng đầu hàng, vì nghĩ mấy mươi năm chiến tranh, dân chúng đã khổ lắm rồi, hy vọng thanh bình, dù cho chế độ nào, nhân dân cũng sẽ đỡ khổ hơn. Nhưng không ngờ, hết chiến tranh, còn đói khổ hơn gấp nhiều lần. Chúng cai trị hà khắc, xía vào từng đời sống riêng tư, muốn kiểm soát chặt chẽ cả tư tưởng, ý nghĩ, sinh hoạt thường ngày. Chính họ đã bắt buộc chúng ta cầm súng đứng dậy, để cởi ách nô lệ nầy. Anh có muốn tham gia không, em bằng lòng để anh đi.”

Nghe mà Hoàng sợ lạnh cả người, và thấy xấu hổ với vợ. Hoàng ấp úng: “Anh sợ quá! Trước đây, chúng ta có cả triệu tinh binh, mà chỉ vì Mỹ thôi viện trợ, hết đạn dược, nên đành chịu thua. Bọn chúng, có cả mấy chục nước trong khối cộng sản tiếp tế, viện trợ không ngưng nghỉ. Chúng ta lấy gì mà chống lại?”

Thu nghiêm mặt: “Lấy gì để chống lại? Chúng ta lấy lòng dân để giành lại đời sống tự do. Trước đây, nhân dân cả hai miền Nam Bắc đều bị chúng lừa bịp ngon ơ. Dân Nam thì chưa hiểu rõ cộng sản là cái quái gì, dân Bắc thì bị nhồi nhét tuyên truyền dối trá. Nay mọi người đều hiểu biết, biết rõ. Lòng dân là ý trời. Nếu có kẻ anh hùng dựng cờ lên tiếng, thì muôn người sẽ về theo như sóng dậy. Lịch sử đã chứng minh từ xưa đến nay, khắp Âu, Á, khi bị bạo quyền cai trị, thì ban đầu, cũng chỉ năm ba người dựng cờ khởi nghĩa, mà đi đến thành công.”

Buổi nói chuyện với vợ hôm đó, làm Hoàng vừa lo nghĩ, vừa sợ hãi, vừa phấn khởi, vừa xấu hổ cho bản thân, những tình cảm đối nghịch nầy làm anh phát bệnh, sụm luôn mấy ngày.

Thu biết chồng không có đủ can đảm và dũng khí để làm đại sự. Cô thúc dục Hoàng: “Nếu không làm được gì cho đất nước, thì phải làm cho riêng mình, cho gia đình. Sống trong chế độ nầy, con người trở thành hèn nhát, nhỏ nhen, ti tiện, dối trá. Phải tìm đường thoát. Không còn lối nào khác.”

Sáu tháng sau, Hoàng xin giấy phép của công an, đưa vợ con về vùng kinh tế mới Cà Mau. Rồi leo lên thuyền ra khơi đi tìm tự do. Khi thuyền bị chết máy, lênh đênh trên biển nhiều ngày. Đói, khát, hết hy vọng sống sót, nhưng Thu vẫn cương quyết nói: “Thà chết trên đường đi tìm tự do, còn hơn là sống với bọn gian ác khốn cùng đó.”

Khi được định cư trên quê người, trong hai mươi mấy năm liên tiếp, Thu đã chắt chiu từng đồng, mua quà gởi về, chia xẻ cho các bạn bè cũ trong xóm, mua gạo cho con cái họ đỡ đói trong thời buổi điên khùng đó.

Tháng 5 năm 2015, kỷ niệm bốn mươi năm đau buồn ‘mất nước’, các cô bạn ngày xưa trong xóm cũ nội thành, nay đều đã thành ‘mệ’, họp nhau tại quận Cam để chung vui hàn huyên. Các bà nầy đa số đi theo chồng qua Mỹ theo chương trình tù nhân chiến tranh, một số khác đã vượt biển, một số nhỏ, được gia đình bảo lãnh. Bà nào cũng con cháu đầy đàn. Nhắc lại thời xưa, mà bà nào cũng nước mắt còn rưng rưng. /.

Tràm Cà Mau 
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23267
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Ngày hôm qua lúc 3:13pm

Chuyện Khôn Dại


Ở Mỹ hơn 30 năm, vậy mà ba năm nay từ khi cưới con dâu út về tôi phải tiếc là:

Ngu 30 năm, tỉnh một giờ

Cũng may khôn lại, chẳng chờ ngu thêm

Chuyện khôn dại của tôi chẳng phải là chuyện to tát cao siêu gì cả mà là một chuyện rất ư tầm thường gia đình nào cũng có. Đó là công việc sau khi ăn dọn dẹp rửa chén dĩa.

Từ hồi còn nhỏ gia đình tôi cũng như các gia đình người Việt khác đều có thói quen rửa chén đĩa bằng tay vì hồi xưa ở Việt Nam đâu có máy rửa chén. (Nghe nói ngày nay thì nhà giàu có rồi). Chuyện rửa chén thường là do phụ nữ trong nhà đảm nhiệm với quan niệm của người mình là đàn ông làm chuyện lớn, đàn bà con gái làm chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ ở đây là lo việc bếp núc bao gồm nấu ăn, rửa chén…nên mặc nhiên ăn uống xong là phụ nữ trong nhà phải lo dọn dẹp và rửa chén, bát, soong nồi. Đàn ông ăn xong xỉa răng uống nước ngồi xem tivi hoặc đọc báo tỉnh bơ.

Trong những buổi tiệc lớn hay cúng giỗ cũng vậy. Nhớ mỗi lần nhà ngoại tôi có giỗ, ngoại trừ bà con cô bác trong gia đình còn mời hàng xóm nên đông người đến dự lắm. Phụ nữ ngoài việc nấu nướng vẫn phải lo dọn dẹp rửa chén bát soong nồi. Trời ơi là nhiều khủng khiếp luôn!!! Chén dĩa chồng chồng lớp lớp chất quanh cái giếng cả chục nàng xúm nhau rửa mấy tiếng đồng hồ mới hết.


Khi qua Mỹ cũng không thay đổi. Đa số là phụ nữ cũng lo nấu nướng và tự tay rửa chén bát. Một số gia đình có người chồng tự ý thức chia sẻ việc nhà cùng vợ nên đảm nhiệm việc rửa chén. Cũng có nhiều thanh niên độc thân không có phụ nữ ở chung cũng phải lo nấu ăn rửa chén. Nhưng phần nhiều đàn ông lẫn đàn bà đều rửa chén bằng tay, hì hà hì hục xoa xà bông từng cái chén, cái dĩa rồi xả nước cho sạch sà phòng.

Phí phạm thời gian của mình và chức năng của cái máy rửa chén vô cùng vì ở Mỹ dù nhà lớn hay nhỏ, chung cư hay nhà riêng đều được thiết kế có nhiều tủ để đựng chén bát, và máy rửa chén trong nhà bếp để rửa chén, tiết kiệm thời gian cho con người để nghỉ ngơi, giải trí. Trong khi người ta có thể dùng những thứ máy móc kỷ thuật cao như TiVi, máy hát Karaoke, Smart Phone, xe hơi nhưng lại không dùng máy rửa chén theo đúng chức năng của nó vì cứ nghĩ nó là một thứ hàng xa xỉ không cần thiết, vô duyên và tốn điện tốn nước.

Tôi nhớ có xem một bài viết nói về những thói quen giống nhau của người Việt sống ở nước ngoài cũng như nhiều di dân nước khác là không thích sử dụng máy rửa chén để rửa chén mà dùng nó như một cái khay úp chén chờ ráo. Có nhiều gia đình dùng máy rửa chén thay thế cho tủ đựng chén dĩa luôn. Họ đâu biết dưới gầm máy là nơi thông với cống bơm xả nước ra. Nếu không dùng máy rửa chén thì nó sẽ là nơi ẩm mốc rêu nấm mọc ra, vi khuẩn sinh sản, mất vệ sinh và độc hại lắm.

Gia đình tôi là 1 trong số người đó. Nhiều khi đi làm về lo lụi hụi nấu ăn, ăn xong dọn chén dĩa để đầy cả bồn rửa nhìn bắt ớn. Khi ăn no thường thường cục làm biếng chui ra ai cũng muốn ngồi phè cánh nhạn mà thôi. Tại sao tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện sử dụng cái máy rửa chén chình ình trước mặt vậy ta? Chính xác trong thâm tâm tôi cứ nghĩ là máy rửa chén rất tốn nước, tốn điện và nó tự động được gạt ra khỏi tâm trí khỏi cần làm việc!

Hồi mới qua Mỹ có người bạn tới nhà chơi nói nên dùng máy rửa chén ít nhất mỗi tháng 1 lần, nếu không nó sẽ bị hư nên tôi cũng sợ, lấy xà phòng rửa chén mình thường dùng đổ vào rồi bấm máy. Trời ơi một lúc sau bong bóng xà phòng trào ra đầy nhà bếp dọn mệt bắt chết. Hu hu! Bạn quên dặn là phải dùng loại xà phòng nào cho máy mới khổ!

Sau bài học đó mới biết là máy rửa chén phải dùng loại xà phòng riêng nên chạy đi kiếm mua 1 thùng xà phòng viên rửa chén cho máy về dùng thử. Nhưng dùng được 1 lần độc nhất vì thấy hơn cả tiếng đồng hồ mới xong chắc tốn điện tốn nước lắm! Thế là lại tiết kiệm rửa bằng tay và lại quên mất vụ lâu lâu phải rửa bằng máy cho khỏi hư. Mấy năm sau moi ra thấy thùng xà bông bị chảy ghê quá nên đem vứt vô thùng rác.

Cứ rửa chén bát bằng tay cũng cỡ 30 năm cho đến khi thằng con út lấy vợ và ở chung với vợ chồng tôi, tụi nó chia nhau việc rửa chén đứa sáng đứa chiều nên tôi khỏe re. Có điều vợ chồng nó đều khiếm thị, mỗi lần rửa chén dùng rất nhiều xà phòng và nước cũng như rất nhiều thời gian mà vẫn còn sót chỗ dơ nên tôi thình lình nghĩ đến cái máy rửa chén. Nhờ người thợ quen tới xem và sửa sơ lại máy vì chạy thử thấy nước không rút đi hết. May là không cần phải tốn tiền mua máy mới. Nay tôi chỉ việc tráng sơ cho hết thức ăn thừa còn bám lên chén dĩa rồi chất hết vô máy, bấm nút là nó bắt đầu thi hành bổn phận của mình ngay.

Công nhận máy rửa chén dĩa này hữu ích thật! Mọi thứ đều được rửa rất sạch và sấy khô queo chắc chắn tụi vi khuẩn đều chết sạch cả rồi. Thích nhất là mấy cái ly đều sáng choang mà rửa bằng tay không bao giờ sạch và sáng như thế. Soong chảo cũng không còn dính chút dầu mỡ nào. Hoan hô em máy! Cho mày mười điểm.

Và từ cái ngày “tỉnh ngộ” ấy đến nay chúng tôi đều sử dụng máy rửa chén mỗi ngày. Ăn xong cái nào cứ tráng nước sơ qua rồi úp vào máy. Nồi chảo, mấy cái nắp song, thớt cũng vậy cho vào máy luôn. Nếu chưa đầy máy thì chờ đến bữa ăn sau để xếp vào thêm. Tiết kiệm mà! Khi chất đầy trong máy xong là bấm nút khởi động và rảnh tay tha hồ xem Facebook. Vài tiếng sau khi chén bát nguội chỉ cần xếp vào tủ chén khỏe re! Vừa khỏe vừa bảo đảm sạch sẽ an toàn vệ sinh vì máy rửa bằng nước nóng đánh rất mạnh và còn sấy 75 độ F rất nóng khô nữa! Thích nhất là mấy cái thớt nghe nói là thứ chứa rất nhiều vi khuẩn cũng được máy rửa và sấy sạch, an tâm là loại vi khuẩn nào cũng bị đun nóng chết toi hết trọi. Rửa bằng tay chắc chắn không sạch và giết được vi khuẩn như rửa bằng máy đâu.

Một người bạn trên Facebook của tôi nói:

“Máy rửa chén dùng motor bơm xịt nước chỉ có 200 đến 250 watt/giờ nghĩa là 4 giờ chạy máy mới hết 1kw điện. Mà 1kw điện giá chỉ có trung bình 25 cent. Còn nước thì chỉ tốn

cỡ 3 gallons. Nói chung một lần dùng máy rửa chén chỉ cỡ 2 đô kể cả tiền điện, nước, và xà bông.

Thật ra máy rửa chén qua 1 giờ sử dụng chỉ tiêu thụ khoảng 3 gallons nước và xấp xỉ 1$ tiền điện. Tôi thấy hóa đơn tiền điện và nước không thay đổi mấy sau khi dùng máy rửa chén đó nghen.

Có thời gian vợ chồng con út đi Việt Nam chơi, chỉ vợ chồng tôi 2 người, tôi cũng dùng máy rửa chén nhưng 2 ngày một lần. Tận dụng rửa thêm nắp soong, thớt, nồi inox cũng chất đầy máy chứ đâu để phí!

Mọi người ơi hãy dùng cái máy rửa chén đi. Vệ sinh, tiết kiệm thời gian cho mình và … hết dại như tôi đó. Hi hi!

Thanh Mai

P.S. À! Tôi có một thắc mắc là nghe nói Bill Gates cũng hay rửa chén sau bữa ăn. Vậy ông ấy rửa chén bằng tay hay bằng máy rửa chén vậy ta?

 
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23267
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 1:26pm
Pin%20page

Đi Tìm Hơi Ấm Đồng Hương



Con sông Illinois bốc khói mịt mù như có đám cháy lớn trong mấy ngày liên tiếp, rồi đá cục nổi lều bều, lổn nhổn trông rất hỗn độn. Sau đó thì mặt sông băng thành đá cứng phẳng lì, yên lặng, và phủ đầy tuyết màu trắng.

Mùa đông năm 1981 đó, sở khí tượng tiểu bang Illinois ghi nhận mức độ lạnh kỷ lục trong vòng năm mươi năm. Hàn thử biểu tụt xuống đến trừ tám mươi độ F khi có tác dụng của gió. Tuyết bay mịt mù trời đất. Tuyết được dồn thành những đống cao ngút bên hai lề đường. Sở Công Chánh của thành phố vất vả đêm ngày, gởi xe cào tuyết xúc dọn những con đường chính của thành phố, để xe cộ có thể lưu thông. Những con đường phụ, thì tuyết ngập cao, không biết đâu là lòng đường, lề đường, bằng phẳng như một góc của thảo nguyên miền địa cực.

Thở ra mịt mù như đang thổi khói thuốc lá, tôi thử khạc một bãi nước bọt, nhổ lên tường nhà xem có tạo thành tiếng kêu “cong” như người ta thường nói dóc hay không. Ông bạn tôi nói: “Lạnh như thế nầy, thì có lẽ khi tiểu tiện ngoài trời, nước đóng thành một cái cây đá cong cứng, nối từ đưới đất lên bụng”. Tôi nói đùa : “Thôi thôi, áo quần bảy tám lớp, làm sao mà tiểu tiện ngoài trời được. Có kéo ra được, thì e gió lạnh thổi, nó đóng thành băng và gãy mất thôi.””

Tay tôi, mang vớ len dày, bên ngoài trùm thêm vớ da. Thế mà hai bàn tay cũng tê buốt, mấy ngón tay cóng lại, khó cử động. Chân tôi mang hai lớp vớ bông, đi giày tuyết, thế mà cũng nhức nhối cả bàn chân khi đi ra đường. Bên trong nhà, hơi thở ẩm làm tuyết đóng dày, trắng xóa, làm thành cái gờ to bao quanh thành cửa sổ. Chúng tôi tưởng cái lạnh nầy là bình thường ở các xứ tuyết, nên khi nghe các ông bà Mỹ than lạnh quá, thì tôi cũng ngạc nhiên.

Vợ tôi nói, còn một tuần nữa là Tết Nguyên Đán. Tôi không trả lời nhưng trong lòng cũng thấy xao xuyến. Chỉ có trơ trọi hai gia đình Việt Nam trong cái thành phố Morris nhỏ bé với dân số bảy ngàn người nầy. Thành phố nằm về phía Tây Nam của thành phố Chicago, khoảng cách gần hai giờ lái xe. Chỉ hai gia đình thôi, thì ăn Tết với ai đây. Vui gì mà Tết nhất. Tôi nói với vợ :

“Hay là em thử kêu điện thoại cho anh chị Hy xem, họ có tính chuyện Tết nhất gì không. Họp nhau lại ăn Tết cho đỡ buồn.”

Vợ tôi kêu điện thoại, chị Hy bên kia giây nói :

“Sắp Tết rồi mà chúng tôi đâu biết, nếu anh chị không nhắc, thì có lẽ nó qua đi lúc nào chẳng hay. Tết rồi sao? Đây là cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Mỹ. Anh chị có tính gì không, cho chúng tôi theo với.”

Với chúng tôi, tuy không là Tết đầu tiên, nhưng trong lòng cũng không yên, nghe đâu đó có chút gì xôn xao, chờ đợi. Cái Tết đầu, khi chúng tôi còn ở miền Tây nước Mỹ, vợ tôi chờ cho đến giao thừa, bốc điện thoại kêu chúc mừng năm mới bà con, bạn bè. Kêu điện thoại đường dài. Đánh thức bà con bạn bè dậy lúc nửa đêm. Nhiều người đang ngái ngủ, bực mình, nói chuyện lạt lẽo qua loa rồi gác máy. Cái hớn hở của vợ chồng tôi bị cụt hứng nhiều lần. Ông anh vợ tôi, đi du học và ở lại Mỹ làm việc đã nhiều năm, ở tận miền đông, cách chúng tôi ba múi giờ, ông hỏi rằng:

“Có việc gì khẩn cấp không? Sao mà dựng cổ anh dậy lúc ba giờ sáng để chúc Tết. Có khùng chưa? Sao không đợi đến sáng mai rồi kêu?”

Vợ tôi ngần ngừ đáp:

“Bây giờ là giao thừa!”

“Giao thừa. Hừ, giao thừa. Ở Mỹ cũng có giao thừa sao? Ha ha ha. Thôi, cô đừng kêu điện thoại cho ai khác nữa mà làm phiền họ.”

Nhờ anh, mà vợ chồng tôi dè dặt hơn, và sau nầy biết mình làm cái việc chúc mừng năm mới hơi lố.

Thế nhưng trong lòng chúng tôi chưa nguội lạnh được với cái tục lệ Tết đã ăn sâu vào trong tiềm thức từ thuở nào. Chúng tôi nhất định năm nay phải ăn Tết cùng gia đình anh Hy. Tôi nói:

“Tết mà không có bánh chưng, mứt, hạt dưa thì chẳng có mùi vị Tết. Có khác chi họp mặt ăn bình thường. Nhưng thôi, có họp nhau ăn Tết, còn hơn là quanh năm không có ngày nào Tết cả. Mình không có đạo, nên ngày Chúa giáng sinh cũng không đèn đóm, không cây thông, không bánh trái. Giáng sinh Mỹ thì nhà nhà đóng cửa, như lén lút ăn với nhau, không cho thiên hạ biết. Đường sá vắng hoe, không rần rần đi dạo phố nửa khuya quanh nhà thờ như bên mình. Không ai mời bạn bè, tiệc tùng đông đảo lúc nửa đêm. Mình không là Mỹ, thì Tết Tây cũng lạt phèo, không có chi vui, vợ chồng nằm nhà xem truyền hình.”

Chúng tôi bàn chuyện Tết với gia đình anh Hy. Vợ chồng anh mừng lắm, và hẹn sẽ cúng ông bà theo lối tập thể. Bày bàn thờ cúng chung. Anh Hy sẽ xin nghỉ việc một ngày, đưa chị Hy và vợ tôi về Chicago, xuống phố Tàu, mua nếp, hạt dưa và các thứ cần thiết để mừng xuân.

Sau khi đi Chicago về, anh Hy rối rít báo cho tôi biết là có gặp anh Sáu Nạc, anh nầy đang ở trong một tu viện tại thành phố La Salle, cách thành phố tôi chừng bốn mươi lăm phút lái xe. Sáu Nạc đề nghị tổ chức ăn Tết chung cho dân Việt Nam tị nạn trong vùng. Anh sẽ mượn hội trường của tu viện để tổ chức Tết. Anh liên lạc với những gia đình Việt Nam tị nạn rải rác trong các thành phố hẻo lánh của tiểu bang. Kêu điện thoại cho họ, và hẹn ngày giờ tụ họp làm một cái Tết nhớ quê hương. Qua niên giám điện thoại, anh đã liên lạc được mười mấy gia đình trong tám thành phố khác nhau. Chưa quen biết nhau, nhưng thấy có cái tên Việt Nam là kêu liền, và khi liên lạc được, họ rối rít đón mừng, cảm động. Anh bảo những người nầy tìm kiếm thêm đồng hương, và nhắn nhau về La Salle ăn Tết. Có gia đình ở dưới miền nam, tận tỉnh xa cũng hẹn về họp mặt.

Tôi nhớ rõ, nhờ cuốn niên giám điện thoại mà quen biết anh chị Hy. Khi công ty chuyển tôi từ California lên đây để gia nhập đoàn chuyên viên đang lo xây cất một nhà máy năng lượng hạt nhân trong vùng. Loại nhà máy nầy thường xây tại các nơi dân cư thưa thớt, để tránh sự chống đối của các nhóm bảo vệ môi sinh, và nếu lỡ có tai nạn, thì cũng bớt ảnh hưởng đến đông đảo dân chúng. Nằm trong khách sạn Holiday Inn, tôi dở cuốn điện thoại, tra tìm từ họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phan và qua các họ lớn khác, không thấy một ai tên Việt Nam. Lật lui lật tới mãi nhiều lần, tôi tìm được cái tên Dong Hy. Tôi thầm nghĩ, không chừng ông nầy người Tàu, là hậu duệ của ông Đổng Trác. Thử gọi điện thoại xem sao, nếu không phải Việt Nam thì xin lỗi, có mất gì đâu. Qua phút đầu tiên bỡ ngỡ, khi anh Hy biết tôi đang ở trong thành phố nầy, anh vui mừng rối rít, dù là đã chín giờ đêm, anh đòi đến khách sạn gặp tôi ngay. Anh đem cả bà mẹ già, vợ và hai con còn ẵm trên tay đến thăm xã giao. Hai vợ chồng cười vui rối rít, mừng như anh em trong nhà lâu ngày mới gặp lại nhau. Bà mẹ anh nắm tay vợ tôi mà nước mắt rưng rưng vì mừng. Chị Hy cho biết, trong thành phố nầy chỉ có gia đình anh chị là người Việt Nam nên rất thèm gặp đồng hương. Mỗi khi đi Chicago qua phố Tàu, thấy những cái đầu đen, thì lòng chợt ấm lại và nghe hân hoan. Gia đình anh chị Hy được nhà thờ bảo lãnh đến đây. Nhà thờ rất tử tế. Buổi đầu họ cung cấp nhà ở, trả luôn tiền điện nước. Mỗi tuần đưa đi chợ hai lần, và trả luôn tiền chợ. Sau mấy tuần, họ kiếm việc cho anh Hy làm trong một cơ xưởng tu bổ tàu thuyền. Phần việc của anh là cạo sét vỏ tàu. Treo mình tòn ten bên ngoài thành tàu mà gõ sét. Mùa hạ thì nắng nóng đốt cháy da thịt, khát nước liên tục, mùa đông thì gió tuyết quật, rét cắt da, gió hú ào ào. Nhưng anh Hy rất sung sướng và thỏa mãn với công việc đang làm. Lương đủ nuôi vợ, hai con nhỏ và một bà mẹ già. Chị Hy thì thỉnh thoảng đi lau chùi nhà cửa cho các ông bà già trong thành phố kiếm thêm tiền. Bà mẹ anh Hy là người Tàu chính gốc. Bà lưu lạc đến Việt Nam lúc mới mười lăm tuổi, và xem Việt Nam như quê hương. Mỗi lần nói chuyện, bà thường nói “bên mình” để chỉ cái quê hương Việt Nam của bà. Anh chị Hy khẩn khoản yêu cầu chúng tôi ở lại thành phố nầy, dù cái nhà máy chúng tôi đang xây nằm bên thành phố La Salle. Chúng tôi cũng mừng vì có đồng hương, chị Hy cùng vợ tôi chạy quanh tìm nhà thuê mà không có, phải nhờ bà bảo trợ của gia đình chị hỏi giúp. Bà vào nhà thờ, rao báo lên. Cuối cùng tìm được cho chúng tôi thuê nhà ông John. Ông ở từng dưới, và từng trên có cầu thang riêng, đầy đủ bếp núc, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm để cho thuê. Mỗi chủ nhật, chúng tôi ra nhà anh Hy chơi, có khi cùng ăn cháo trắng buổi sáng với cà na. Bà cụ thường lén rưng rưng nước mắt với vợ tôi, bảo là chị Hy không tốt, vì có lúc chị đánh thằng cháu nội của bà, và chị biết bà đau nhức xương cốt mà bắt ăn cà na, nhức xương thêm. Vợ tôi làm cho bà một hộp thịt chà bông lớn. Bà cảm động lắm. Thấy bà cô đơn, chúng tôi thường chở bà đi chơi, đưa bà vào quán Mỹ, mời bà ăn vài món lạ, cho bà uống sữa quậy nước dâu. Bà vui mừng và nói líu lo như đứa bé. Vợ chồng tôi cũng vui lây.

Anh Sáu Nạc dặn mỗi người đem một món đến ăn Tết. Tôi lãnh phần nấu bánh chưng theo lối cấp tốc. Cứ nấu riêng nhân đậu, thịt heo, và ba nồi xôi lớn có trộn phẩm ăn màu xanh lá chuối. Xôi phải nấu thật khô. Tôi dùng cái hộp sắt hình vuông làm khuôn. Cắt đáy hộp, lát giấy nhôm, bỏ xôi vào chừng nửa hộp, sau đó đổ nhân đậu xanh và thịt heo vào, phủ thêm một lớp xôi nữa. Gói lại, dùng tấm gỗ mà nén thật chặt. Dùng cái búa nện cho chắc hơn. Vợ tôi bảo đừng nện chặt quá, cơm nếp nát ra thành bánh dầy, khi mở ra thấy kỳ lắm. Cột thêm dây bên ngoài. Tôi đặt tên là bánh chưng mạo hóa. Trong một buổi tối, tôi làm được tám cái bánh chưng lớn. Vợ tôi lo ngại sẽ không tiêu thụ hết mấy cái bánh nầy, rồi đem bỏ đi thì tội của trời. Những năm nầy, chúng tôi không bao giờ dám phí phạm thức ăn. Vì chúng tôi đã từng đói ăn trong thời đất nước đang tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩ. Chúng tôi đã gần chết đói khi thuyền chết máy trôi dạt trên biển khơi. Mấy cái bánh chưng tôi làm vuông vắn, cứng và đẹp hơn cả bánh chưng thật. Đồ giả thường đẹp hơn đồ thật. Vợ chồng anh Hy xuýt xoa khen mấy cái bánh chưng của chúng tôi. Tôi dấu không cho họ biết cách nấu bánh chưng giả nầy.

Ngày họp mặt ăn Tết được chọn vào thứ bảy, vì chủ nhật nhà thờ làm lễ. Tuyết bay ngập trời, đan dày kín, thu ngắn tầm nhìn trước mặt. Quạt nước quay liên tục gạt tuyết. Tôi lái xe chạy trước, xe anh Hy bám theo sau. Phải chạy cách nhau một quãng dài, để kịp thắng khi cần. Gió hú ào ào như ma quỷ kêu gào dọa dẫm . Hai bên đường tuyết đóng thành những cánh đồng trắng xóa ngút ngàn. Có khi tuyết ngưng rơi, nhìn xuống cuối chân trời, trước mặt và hai bên, không thấy bóng cây, nhà cửa, nông trại. Tuyết mênh mông, trời đất trắng mênh mông, không có đường chân trời, hai chiếc xe lầm lũi đi tìm hơi ấm đồng hương, chở những con người còn nặng lòng thương nhớ nước non. Con đường liên tỉnh, mỗi chiều có một dòng xe, vắng hoe, như một con rạch chạy dài uốn khúc, hai bên tuyết đóng ụ cao. Những bầy chim nhỏ màu đen đói khát, đậu trên mặt đường tìm chút hơi ấm của khói xe còn vương đọng lại, chúng bay vù lên khi tránh xe đi qua, rồi đáp xuống lại trên đường. Vợ tôi thắc mắc không biết tuyết mênh mông trời đất như thế, thì lũ chim nầy ăn cái gì mà có thể sống qua suốt mấy tháng mùa đông. Trời lạnh cần nhiệt lượng, bụng mau đói, mà chỉ có tuyết trắng bao phủ dày đặc, đâu có ăn tuyết mà sống được. Từ tỉnh lộ, chúng tôi bắt qua xa lộ, xe cộ đông đảo hơn. Hai ven đường, năm bảy chiếc xe vận tải hàng, lớn như những căn nhà, bị trượt bánh, lật nằm ngã nghiêng. Những ông tài xế đường dài kia, chạy xe bất kể ngày đêm, đi băng qua lục địa Mỹ, đi từ bờ Thái Bình Dương qua đến bờ Đại Tây Dương và ngược lại. Chuyên chở hàng hóa, thực phẩm, và phải giao hàng đúng hạn kỳ vì sợ bị hư thối, hoặc chậm trễ công việc thương mãi. Các ông sống với sương gió nắng mưa dọc theo xa lộ nhiều hơn sống trong nhà, họ thiếu ngủ thường trực. Xe thì lớn cồng kềnh, dài lòng thòng, chỉ cần một sơ suất nhỏ là gây tai nạn dính chùm. Tôi nhìn những chiếc xe ngổn ngang chổng gọng nằm giữa tuyết ở hai ven đường mà cảm thương cho người, và sung sướng cho mình, không phải cực nhọc vất vả như cuộc đời của những người tài xế kia.

Đi qua khỏi cánh đồng tuyết mênh mông, thì thấy cái tháp chuông nhà thờ nhọn, nhú lên lờ mờ ở chân trời. Cứ nhắm hướng đó mà đi tới. Tuyết lại đổ mịt mù, che mất không gian trước mặt. Từng vờ tuyết lớn úp chụp vào kiếng xe. Con đường trơn trợt, tôi chạy chậm lại chờ xe anh Hy. Thấy xe anh Hy dừng, tôi lái xe thụt lùi lại hỏi. Anh Hy quay kiếng xuống nói vọng qua:

“Tuyết đổ dày quá, không thấy đường mà lái. Dừng lại chờ cho bớt cơn bão tuyết rồi đi.”

Tôi nói lớn trong gió gào:

“Không được. Dừng lại thì tuyết nó phủ dày, ngập bánh xe, không lái ra khỏi ụ tuyết đâu. Vả lại, dừng xe mà nổ máy, khói xe độc lắm, có thể chết người.”

Chúng tôi chạy xe thật chậm, cẩn thận trên con đường vắng hoe. Cuối cùng, cũng đến nơi. Tu viện lớn như tòa lâu đài cổ, nhiều căn nhà ngang dọc. Sân tu viện trắng xóa mênh mông. Trong bãi đậu xe đã có gần chục chiếc, đa số là xe cũ, kềnh càng, móp méo. Đúng là xe của những người tị nạn, thừa hưởng được từ lòng nhân ái của các hội nhà thờ đem tặng. Tôi và anh Hy xốc nách dìu bà cụ của anh, đi qua cái sân đầy tuyết. Bà cụ không đi, mà xìa chân ra trượt trên tuyết và cười hăng hắc vui vẻ.

Trong hội trường đã xôn xao tiếng người. Đa số đến trước giờ hẹn. Họ nôn nao quá, phải đi cho sớm để gặp đồng hương. Hai dãy bàn dài có trải khăn trắng, đã bày sẵn nhiều loại thức ăn khác nhau. Phía cuối tường có kê một cái bàn, làm bàn thờ tổ quốc, bên sau treo lá cờ lớn. Anh Sáu Nạc chạy lui chạy tới, tíu tít bận bịu. Mọi người đều góp tay vào việc sửa soạn. Không có ai là chủ, ai là khách.

Thế mà có gần đủ các món Tết của Việt Nam. Hạt dưa, mứt, dưa món, củ kiệu, bánh dầy, bánh chưng, bánh da lợn, bánh đúc, bánh bò, thịt kho nước dừa, có cả một nồi bún bò, và một thùng phở. Mọi người hớn hở vui cười nói chuyện hàn huyên. Tất cả có mười lăm gia đình, được bốn mươi sáu người. Gia đình anh Hy đông nhất, có bà cụ, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Có nhiều gia đình chỉ độc nhất một người như anh Sáu Nạc, Chị Nha, bà Trang, ông Phú và mấy người thanh niên khác nữa. Họ đến từ nhiều thành phố khác nhau trong các vùng phụ cận: Rochelle, Morris, Peru, Kewanee, Streator, Chillicothe, Pontiac, Peoria. Mười lăm gia đình ở chín thành phố khác nhau. Tất cả đều độn áo quần năm bảy lớp, làm cho thân thể sưng phồng lên tròn vo, trong lúc mặt mày còn xương xẩu, gầy còm, khắc khổ. Chứng tích của những ngày thiếu thốn trong trại tị nạn, và đậm nét hơn của những năm hòa bình, bữa khoai sắn, bữa bo bo, bữa cháo, bữa cơm.

Họ cười cười, nói nói hân hoan, nhưng trong ánh mắt họ chan chứa sâu thẳm nỗi buồn, không ai dấu được ai. Một anh lớn tuổi nhận xét :

“Trong một đám đông Á Châu, thì người ta có thể nhận ra ai là Việt Nam ngay, vì trên mặt họ không che dấu được nỗi buồn sâu kín.”

Có người hỏi lại:

“Tại sao mà buồn? Đã tìm được tự do, đã sống trên miền đất mơ ước còn buồn cái gì?”

“Anh nói lạ chưa. Nước mất, nhà tan, gia đình li tán khắp năm châu, kẻ tội tù, người bị đày đọa. Bạn bè, anh em, kẻ chết chìm đáy biển, người chết khô trên rừng, và người ở lại thì không thấy bóng tương lai. Họa là sắt đá mới không biết buồn. Ngay cả những nụ cười khi lòng hân hoan, cũng có cái buồn phảng phất đâu đó trên môi, trong ánh mắt.”

Tôi nhìn sâu vào ánh mắt từng người đồng hương và thở dài. Có lẽ cũng phải mười năm, mười lăm năm nữa, may ra họ mới quên lãng và hết buồn. Gặp gỡ, họ xoắn lấy nhau chuyện trò, như những người bạn thân thiết lâu ngày. Đủ thứ chuyện trời đất mưa nắng. Nhưng nhắc nhở nhiều nhất là chuyện quê nhà ngày xưa, những êm đềm hạnh phúc trong quá khứ, và những gian nan cay cực đã qua trong xã hội mới, những hiểm nguy khi đi tìm tự do.

Sáu Nạc nói với tôi rằng quê anh ở Rạch Giá. Trước năm 1975, anh mơ ước hòa bình bằng mọi giá. Quốc gia hay cọng sản anh không cần, chỉ cần được sống yên bình, không còn chiến tranh, chết chóc. Anh đã né tránh tham gia vào cuộc tương tàn bằng cách trốn đi lính. Trốn chui nhủi như một con thú. Khi nào cũng sợ bị bắt. Hòa bình đến, mừng như cất được gánh nặng ngàn cân. Nhưng nỗi vui mừng tắt ngay và nhận ra, thà có chiến tranh mãi mãi, để còn chút không khí tự do, còn hơn là thứ hòa bình khủng khiếp lạ kỳ nầy. Anh vượt biển với hai đứa em, một trai một gái. Hai đứa đã bỏ mạng trên biển, chỉ còn mình anh đến được bến bờ tự do. Anh được tu viện bảo trợ đến đây. Cho một căn phòng để ở, cơm nước có các Bà Chị nữ tu nấu nướng cho toàn viện. Áo quần cũng được các chị giặt giúp. Công việc hàng ngày của anh là ngồi trên xe cắt cỏ, cắt từ đầu nầy đến đầu kia khu vườn của tu viện rộng mênh mông nầy . Khi cắt đến cuối vườn, thì đầu kia cỏ cũng đã mọc vừa cao, quay trở lại cắt nữa. Cứ thế mà ngồi trên xe suốt cả mùa xuân mùa hạ. Đến mùa thu thì vừa cắt cỏ vừa thổi và hốt lá vàng, liên tục từ sáng cho đến chiều. Mùa tuyết đổ, thì suốt ngày ngồi trên xe xúc tuyết, ủi sạch tuyết cho xe lưu thông trong khuôn viên tu viện. Trong tu viện, ai cũng làm việc, không việc nầy thì việc kia, chẳng ai ngồi không. Nhà thờ rất công bằng và tử tế, trả lương cho anh theo số giờ làm việc. Bởi vậy nên anh hăng hái hơn và thấy vui hơn trong khi làm. Ở đây rất tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ai bó buộc. Miễn sao công việc hoàn tất thôi. Mỗi thứ bảy, chủ nhật anh chạy xe về Chicago chơi, thăm viếng bạn bè, vào khu phố Tàu ăn uống, mua các thức cần dùng, rồi lang thang trong các phố Tàu để có cảm giác như gần gũi với quê nhà hơn. Anh thấy được yên ổn sống trong tu viện nầy là quá hạnh phúc, quá sung sướng. Anh nghĩ rằng, ngày xưa, ông Ngô Đình Diệm khi qua Mỹ lánh nạn, sách viết rằng, ông cũng được sống trong một tu viện, có lẽ cái tu viện đó tương tự như tu viện nầy. Và có lẽ, ông cũng được nhà thờ cho công việc làm để có chút tiền tiêu và quên ngày tháng buồn bã nơi đất khách quê người. Trong thành phố La Salle nầy, chỉ có anh Sáu Nạc là người Việt Nam thôi. Gia đình Việt Nam ở gần anh nhất, là anh chị Trương, ở một thành phố phía Bắc, cách nhau chừng bốn mươi dặm. Anh Trương trước là quan tòa, ngồi xử án thiên hạ. Sau năm 1975 thì đi tù. Nhờ có thân nhân làm lớn trong ngành công an, móc nối với chỉ huy trưởng trại cải tạo, đút lót tiền bạc, được về sớm hơn bạn bè. Anh đóng tiền đi vượt biên bán chính thức theo người Tàu. Anh Trương trắng trẻo như một thư sinh. Anh cho biết đang làm nghề hái nấm cho một nông trại trong tỉnh. Nấm trồng trong nhà lồng lớn, có giàn kệ cao, nhiều lớp chồng lên nhau. Suốt ngày anh đứng chàng hảng, đạp chân lên hai cái giàn kế cận, lùa tay vào bên trong nhặt nấm. Theo anh, thì công việc cũng nhẹ nhàng. Ai chăm có thể làm một ngày mười hai tiếng, và nếu muốn, thì làm luôn cả thứ bảy, chủ nhật. Vợ chồng anh đều làm cho nông trại trồng nấm nầy. Đứa con được xe trường đưa rước tận nhà mỗi ngày. Anh cho rằng, đây là thiên đường tìm thấy, không cần đi tìm đâu xa xôi. Tiền lương tiêu không hết, đời sống an bình hạnh phúc. Căn nhà ba phòng, có vườn rộng mênh mông, thuê rất rẻ. Chị Trương thả gà, trồng hoa quả, rau ráng trong mùa nắng ấm. Mùa đông thì họ rút vào phòng, đốt lò sưởi, xem truyền hình, nghe nhạc. Mỗi tháng, họ lái xe về Chicago một lần mua các thức ăn khô Á Đông. Tôi gợi ý cho anh Trương tìm cách ghi danh vào các đại học, kiếm một nghề chuyên môn, để đời sống khá hơn. Anh Trương cười và nói với giọng vui vẻ:

“Mình đi tìm tự do. Có được tự do là quý rồi. Lại được thêm ấm no hạnh phúc nữa. Đòi hỏi thêm làm gì. Tôi đang có sự an bình, thanh thản, sung sướng. Bỏ cái đang có, đi tìm cái chưa có, e thêm khổ thân mà thôi. Trong trại nấm nầy, tôi thấy công việc dễ dàng, tốt đẹp, thế mà rất nhiều người đến đây, làm vài tuần, vài tháng, rồi bỏ đi, uổng quá. Họ không thấy được cái hạnh phúc của đời sống an bình, thì đi đâu họ cũng không tìm được cả.”

Tôi ngần ngại nói thêm:

“Ở đây cô quạnh. Anh chị không thấy buồn? Vả lại, anh chị lại có trình độ sẵn, đi học cũng mau””

Anh Trương cười ha hả:

“Học! Chính vì cái học mà bị đi tù ba năm. Khi tôi đi tù, thì bố tôi thường than rằng, nếu tôi chịu ở nhà làm ruộng như mấy ông anh, đừng đi học, thì đâu đến nỗi tù tội cho khổ cái thân. Còn cô quạnh, thì cũng có chút chút. Nhưng tôi nhớ khi còn ở trong nước, tôi và bạn bè thường mơ ước được ra sống ngoài hoang đảo, để khỏi bị phiền nhiễu, lo âu trong chế độ mới. Bây giờ, ở đây, một xứ văn minh, có thành phố, có con người, thì cái cô quạnh nầy có đáng gì.””

Nói xong, anh Trương quay qua hỏi một ông đứng bên cạnh:

“Tôi nghĩ như thế có đúng không anh Dương?”

“Đúng hoàn toàn. Ở đâu tìm được an bình hạnh phúc, thì nơi đó là thiên đàng hạ giới.”

Anh Dương trả lời, y hệt giọng điệu anh Trương. Anh Dương chừng trên dưới bốn mươi tuổi. Khi ở Việt Nam, anh hành nghề bác sĩ, vợ anh là dược sĩ. Hai vợ chồng đang làm công nhân cho một chợ tạp hóa Mỹ. Ngày ngày sắp xếp rau cải, trái cây lên quầy, phun tưới nước, dọn dẹp bên trong, bên ngoài. Anh chị có hai đứa con đang học trung học. Nhiều bạn bè rủ anh chị về California để học thi, trở lại nghề cũ, nhưng anh cảm thấy tạm bằng lòng với đời sống hiện tại, và tìm được an bình trong đời sống đơn giản nơi đây, không muốn đi đâu cả. Vả lại, anh chị không muốn làm xáo trộn việc học hành của con cái. Anh cũng từng đi tù. Cũng từng trở lại nghề cũ, nhưng chán ngấy với những gò bó, ép buộc. Anh đã bỏ nghề, theo vợ chạy ngược xuôi chợ trời buôn bán thuốc tây, áo quần cũ, đồng hồ, máy móc. Vắt giò lén lút chạy quanh chợ trời, mà anh thấy vui và thoải mái hơn là đến nhà thương nghe chỉ thị, học tập, đường lối, chính sách. Anh đi vượt biển không tốn tiền, vì được mời làm bác sĩ cho chuyến tàu hơn hai trăm người, trên tàu có những gia đình giàu có, họ cần bác sĩ để phòng khi bất trắc. Nhưng ra biển, anh say sóng nằm dài. Cả thuyền cũng không ai chăm sóc được ai. Gia đình anh được một họ đạo bảo trợ về thành phố nhỏ hiu quạnh nầy. Anh có ý định, viết một tập hồi ký, gọi là lịch sử dân gian. Anh sẽ không viết về những trận đánh, những hiệp ước, những chính quyền. Mà chỉ viết lại trung thực về đời sống trong dân gian của một giai đoạn khổ đau trong lịch sử. Viết với sự bình tĩnh, khách quan, không để tình cảm thương ghét, căm giận xen vào sự kiện. Anh sợ người đời sau quên, con cháu quên, rồi lại dẫm lên vết xe đổ cũ. Anh sợ những bóp méo lịch sử làm sai lạc sự thực, đời sau không ai còn biết đến những điều kỳ lạ đã xẩy ra trong xã hội của thời đại qua. Và nếu không ai viết, thì đời sau làm sao còn có những tài liệu để truy tìm sự thực.

Trong đám đồng hương, người rầu rĩ ít nói nhất là ông Nguyên. Vợ và bảy đứa con nhỏ của ông đã chết trên biển. Ông cười mà cái miệng méo xệch như đang khóc, và tiếng cười nghẹn trong cổ họng càng giống tiếng khóc hơn. Ông may mắn sống trong thành phố có đến ba gia đình Việt Nam. Thỉnh thoảng họ ghé thăm nhau cũng đỡ buồn. Có người nói, ông đang dự tính dời nhà về vùng Hoa Thịnh Đốn, nhưng nghe nói mãi mà chưa thấy ông ra đi. Thỉnh thoảng, ông được chị Hòa cho mượn mấy tờ báo Việt Nam đọc, ông quý và trân trọng giữ gìn cẩn thận. Chị Hòa tốt nghiệp kỹ sư hóa học, qua Mỹ từ hồi 1975, được hãng Du Pont thuê, và đang làm việc cho một nhà máy biến chế hóa học trong vùng. Chị là một trong ba gia đình Việt Nam của thành phố mà ông Dương đang ở. Bố mẹ chị thỉnh thoảng gởi sách báo Việt nam cho chị đọc, như một món ăn tinh thần. Chị thường than, là nếu làm việc mãi nơi đây, thì làm sao mà có chồng được. Tuổi tác chị cũng đã trên dưới ba mươi rồi.

Đúng mười một giờ, cụ Trần, người lớn tuổi và chững chạc nhất, dâng hương lên bàn thờ tổ quốc. Cụ thắp hương và vái ba lạy về hướng Tây Nam, nơi mà cụ nghĩ là quê hương Việt Nam nằm về phía đó. Anh Sáu Nạc bắt nhịp, cùng tất cả đồng hương hát quốc ca Việt Nam. Lần đầu tiên nghe lại bản quốc ca sau nhiều năm dài, trái tim tôi nhói lại, lòng xúc cảm dạt dào. Nhiều người không cầm được lòng, để nước mắt chảy xuống hai dòng tràn trề trên má. Nhiều bà thút thít khóc, vừa khóc vừa hát. Khi hát xong, bà cụ anh Hy hỏi nho nhỏ:

“Sao không ca cải lương cho vui, mà ca cái bài gì lạ hoắc, làm nhiều người buồn khóc?”

“Đây là bài quốc ca” Vợ anh Hy nói nhỏ.

Bà cụ nói lại với giọng miền Nam run run:

“Uất ca! Uất chết được đi chớ. Đang sống yên lành, họ từ ngoài Bắc vô, cấm đủ điều, cấm buôn bán, cấm làm ăn, ngăn sông cấm chợ, xô người ta ra biển, bỏ cả mồ mã cha ông mà chạy. Phải rồi, hát 'uất ca' là đúng”

Sau bản quốc ca, là một phút mặc niệm cho những đồng bào đã bỏ mình trên biển khơi khi đi tìm tự do. Vừa nghe xong, thì ông Nguyên, người có vợ con chết biển, úp hai tay vào mặt và chạy mau ra khỏi hội trường. Anh Sáu Nạc vội vã đuổi theo ông Nguyên.

Sau nghi thức, mọi người nhập tiệc. Tôi hơi ngượng khi nghe có bà nào đó nói:

“Bánh chưng ngon tuyệt. Ai nấu bánh chưng đây? Ngồi canh lửa nấu bánh ngày tết thiệt là vui. Ở đây mình mất cái thú đó rồi””

“Bánh nầy hơi cứng. Hay là vì trời lạnh làm bánh khô, ăn như ăn cơm nếp.”

Vợ tôi nói:

“Bánh nầy do ông xã em nấu đó. Ông nấu một..”

Tôi vội vã đá vào chân vợ tôi dưới gầm bàn, và nói mau, nho nhỏ:

“Thôi, em đừng nói thật làm bà con mất vui. Cứ để họ thưởng thức cái hương vị bánh chưng của họ trong quá khứ. Bật mí ra làm chi.”

Mấy người mang tô nhựa đến nồi phở đứng chờ thành hàng dài. Chị chủ nhân nồi phở hớn hở trụng lại bánh phở, múc nước lèo, gắp thịt thái sẵn, bỏ hành ngò, mùi phở thơm tho bốc lên trong cái hội trường đóng kín.

“Ngon không thua gì phở Pasteur. Cho em thêm cái hành trần đi. Trời lạnh, ăn phở nóng là lên thấu thiên đàng.”

Mấy người khác, đưa tô cho chị người Huế múc bún bò. Trên mặt nồi bún bò, nước ớt màu đỏ lòm đọng váng. Một anh nói:

“Bún bò có cả giò heo nữa, thiệt là đúng điệu. Chị cho thật nhiều nước cay vào. Không cay, thì bún bò mất đi một phần ngon. Bún bò mà không cay, thì cũng như đàn bà con gái không trang điểm nhan sắc. Vừa ăn vừa khóc cũng không sao.”

Dù cho bánh phở và bún được biến chế từ các loại mì dẹp và mì sợi của Ý, thứ mà người Mỹ gọi là pasta và spaghetti, nhưng mọi người đều tận tình thưởng thức, hết lời khen các chị nấu ngon, có tài xoay xở trong hoàn cảnh khó khăn.

Lúc quá trưa, thì có hai xe của các gia đình Mỹ bảo trợ đến chung vui. Trời bão tuyết, mà họ cũng lặn lội đến ủng hộ tinh thần, mới thấy tấm lòng tử tế của họ. Hai ông bà Mỹ già trên dưới sáu mươi, và hai vợ chồng trẻ khác.

Tôi hỏi chị Hoa:

“Bà bảo trợ của chị phải không? Thật là quý hóa. Bà tên gì để tôi ra chào?”

Chị Hoa đỏ mặt nói lí nhí:

“Tên kỳ lắm, khó nghe, nói ra mắc cở cái miệng. Bà A-Địch đó (Adith). Lần đầu tiên nghe tên bà, em cười đến đau cả ruột.”

Tôi cười và nhớ đến câu “Ăn thịch dịch, ngứa đích, địch thơm mùi mích” của mấy ông bạn ngày xưa hay trêu ghẹo nhau.

Hai cặp vợ chồng người Mỹ bảo trợ, được bà con tiếp đãi ân cần. Họ là đại diện cho những ân nhân, cho nhà thờ, đã mở rộng vòng tay nhân ái, vòng tay tình thương, tiếp đón những con người trôi sông lạc chợ, gạt nước mắt lìa bỏ quê hương ra đi đến phương trời vô định, tương lai vô định. Các ông bà bảo trợ ăn thử từng món, món nào cũng khen ngon, cũng hít hà rối rít. Không biết họ có khen thiệt tình, hay chỉ khen vì tội nghiệp cho cái đám người tị nạn nhếch nhác lôi thôi ngơ ngáo đó. Khi ăn một miếng bánh da lợn, bà Mỹ già hỏi :

“Bánh gì đây?”

Vì vốn liếng Anh ngữ còn loạng quạng, một anh trả lời bằng cách dịch từng chữ của bánh da lợn ra tiếng Anh:

“Pig skin cake” (Bánh da heo)

Bà Mỹ già quát lên:

“Cái gì ? Da heo ?”

“Đúng!”

Bà Mỹ già như nghẹn trong họng với miếng bánh đang ăn. Bà ngậm miệng lại, với vẻ mặt bối rối, như muốn nhổ ra, mà vì lịch sự không dám nhổ ngay. Bà Mỹ trẻ thì rùn hai vai lại, há miệng thè lưỡi ra sợ hãi. Hai ông chồng thì cười hóm hỉnh. Sau đó mấy ông bà Mỹ được mời ăn món phở, mỗi người một tô nhỏ. Các ông bà khen ngon, và hỏi cách nấu phở ra làm sao. Tội nghiệp chị Hương, mệt phờ, đổ mồ hôi hột, dùng tay chân, và cái vốn Anh ngữ đơn sơ của chị để dạy mấy bà Mỹ nấu phở. Có lẽ hai bà Mỹ không hiểu chị muốn nói gì, nhưng cũng gật đầu vui vẻ như sẽ nấu được phở ngay. Chị người Huế ngồi bên nồi bún bò thấy phở được khen rối rít, chị kêu tôi mời mấy ông bà Mỹ ăn bún bò. Tôi chào và kéo mấy ông bà qua nồi bún bò, nói:

“Món nầy cũng ngon đặc biệt, phát xuất từ cố đô Huế của chúng tôi, nơi vua chúa ngự trị mấy trăm năm.”

Chị nấu bún bò vui cười, sung sướng, tôi dặn chị cho ít ít nước cay mà thôi. Chị nói rằng, trời lạnh mà ăn bún bò giò heo nầy, thì phải nhớ một đời. Chị lựa mấy cái giò heo vừa dài, vừa lớn bỏ vào từng tô. Tôi đưa ra mời, mấy ông bà Mỹ vui cười, mỗi người cầm một tô. Chưa ăn thì bà Mỹ trẻ chỉ vào cái chân giò, có lông lún phún hỏi:

“Cái gì đây?”

Tôi chưa kịp đáp, thì anh Sáu Nạc đã nói lớn, dịch chữ móng giò heo ra là pig leg nail. Hai bà Mỹ trợn tròn mắt cùng thét lên:

“ Móng chân heo ?”

“Vâng, ngon lắm, ăn đi.”

“Không không, chúng tôi no lắm rồi, không ăn thêm được đâu.” Ông Mỹ già lịch sự đáp.

Cả bốn người Mỹ đều đặt những tô bún bò xuống bàn. Mặt mày họ lộ vẻ khiếp đảm. Sau đó, họ không dám ăn thêm một món nào nữa. Chị nấu bún bò người Huế ngơ ngác mở to mắt hỏi tôi. Tôi giải thích cho chị rằng, có lẽ họ chưa quen ăn móng giò heo nên sợ. Chị chíp miệng, tiếc mấy người khách kia chưa kịp nếm thử bún bò mà đã từ chối không ăn.

Mấy chị tụ họp kể chuyện xưa bên nhà, những kỷ niệm vui, những ngày Tết, những loại cây trái, bánh mứt. Rồi kể đến một thời khó khăn trong xã hội mới, những cay cực phải chịu, những gian nan khi liều thân ra biển. Một chị rưng rưng nước mắt khóc, nói rằng không biết giờ nầy cha mẹ bên Việt Nam đang làm gì. Nước mắt của chị như làm mồi cho những chị khác. Mấy chị cũng méo miệng khóc thút thít, rồi khóc to thành tiếng, nhiều chị khác không cầm được lòng, khóc theo. Tiếng khóc vang như có đám ma. Mấy người đàn ông cũng đỏ hoe con mắt. Anh Sáu Nạc run run nói: “Lạ chưa? Việc chi mà khóc! Có tự do, có cơm áo hạnh phúc rồi, sao còn khóc?”. Nói mạnh thế, nhưng tròng mắt anh cũng nhạt nhòa ướt. Anh lấy khăn giấy lau mắt, và cắn môi lại cho khỏi khóc thành tiếng.

Mấy ông bà Mỹ bảo trợ, ngạc nhiên băn khoăn hỏi tôi có chuyện gì xẩy ra? Tôi đáp gọn: “Họ khóc vì thương nhớ quê hương”.

Bà A-Địch nói nhỏ: “Hình như các người trăm cay ngàn đắng mới trốn thoát ra khỏi quê hương. Sao còn thương nhớ mà khóc lóc đến thế?” Tôi muốn trả lời với bà rằng, bà không là người mất quê hương, làm sao hiểu được tấm lòng chúng tôi, nhưng tôi sợ mất lòng không dám nói ra. /.

Tràm Cà Mau


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 132
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.387 seconds.