Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: Việt Nam- Về tất cả Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 120
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23262
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Nov/2024 lúc 11:41am

"Ếch Đồng Nướng trộn Gỏi Chuối Cây" Lai Rai cuối Mùa Nước Nổi 2024 | Nét Quê #573 <<<<<<

Cách%20làm%20ếch%20xào%20củ%20chuối%20ngon%20lạ%20vị,%20béo%20béo%20bùi%20bùi%20cả%20nhà%20thích%20mê


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Nov/2024 lúc 12:08pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23262
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Nov/2024 lúc 11:03am

mua%20noi%201

                    Mùa Nước Nổi


Miền Nam nước Việt, quê tôi,
Từ tháng 7 đến tháng 10, nước dâng (*)
Con nước thượng nguồn Mêkông,
Tràn về lai láng, cánh đồng bao la!

Vẻ%20đẹp%20khó%20cưỡng%20của%20An%20Giang%20vào%20mùa%20nước%20nổi

Nước về xả chất phèn ra,
Lại đem thêm lượng phù sa bồi vào.
Đất đai mầu mỡ dồi dào!
Nhà nông thu hoạch tăng cao mỗi mùa.

Miền%20Tây%20đợi%20mùa%20nước%20nổi:%20Giải%20pháp%20về%20nguồn%20nước%20vùng%20ĐBSCL


Làm hồi sinh vùng nước chua,
Mở mang diện tích nơi chưa thuộc điền!
Từ Đồng Tháp đến Long Xuyên,
Đôi bờ sông Hậu, sông Tiền Cửu long,

Miền%20Tây%20đợi%20mùa%20nước%20nổi:%20Giải%20pháp%20về%20nguồn%20nước%20vùng%20ĐBSCL%20-%20Báo%20Công%20an%20%20Nhân%20dân%20điện%20tử

Tới Mùa Nước Nổi mênh mông!
Cũng mùa tôm cá, vô cùng bội thu!
Nào cá bông lau, cá thu…
Nào cá linh, cá bống dù, cá trê…

KHÁM%20PHÁ%20MÙA%20NƯỚC%20NỔI%20MIỀN%20TÂY%20CÓ%20GÌ%20ĐẶC%20BIỆT


Mùa Nước Nổi, khắp miệt quê,
Bông điên điển nở, tràn trề xáng kinh!
Hái về nấu với cá linh, (**)
Nồi canh chua thấm đậm tình Quê Hương!

Miền%20Tây%20mùa%20nước%20nổi

Bước đường lưu lạc tha phương,
Biết bao nỗi nhớ, vấn vương cõi lòng!
Nhớ miền châu thổ Cửu Long,
Nhớ Mùa Nước Nổi, nước Ròng quê tôi.

                          Trần Quốc Bảo



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Nov/2024 lúc 11:07am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23262
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Dec/2024 lúc 11:03am

Chuyện Người Việt Trên Xứ Mỹ 

Chuyện%20Người%20Việt%20Trên%20Xứ%20Mỹ%20-%20VVNM%202024%20-%20Việt%20Báo%20Viết%20Về%20Nước%20Mỹ

Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, sinh sống ở Atlanta trên 20 năm. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2023. Sau đây là câu chuyện khá thương tâm về cuộc đời một người Việt nơi xứ Mỹ cũng gợi cho ta vài điều suy ngẫm.

***
   

Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.

Chú Kiệt là một cựu quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong một trận đánh trước 1975, chú bị quân Bắc Việt bắt sống và chú bị ở tù nhiều năm ngoài Bắc. Chuyện đau khổ, đói rét và bệnh tật trong nhà tù thì có lẽ không cần phải kể ra vì ai ai cũng biết.


Sau khi được phóng thích, chú Kiệt và gia đình qua Mỹ diện HO. Chú được bảo trợ và đưa về sinh sống tại thành Ất Lăng (Atlanta) từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Chú chưa một lần ra khỏi tiểu bang, chưa một lần về Việt Nam, cũng có thể nói là chú chẳng còn cơ hội nào để về lại Việt Nam nữa, mọi cánh cửa đã đóng chặt! 

Chú Kiệt khi mới qua Mỹ cùng vợ và ba đứa con, hai vợ chồng chú làm công nhân trong một hãng rau gần nhà, công việc đơn giản, không đòi hỏi trình độ hay tiếng Anh, chỉ cần chăm chỉ làm. Làm ở hãng rau rất cực nhọc và lương thấp, nhiệt độ trong hãng lúc nào cũng chỉ 30 độ F. Công nhân mặc ba bốn lớp áo quần mà vẫn lạnh run, công việc tiếp xúc với rau và nước nên càng thêm lạnh, nhiều người sanh bệnh đau khớp nặng nề, những ai chịu không nổi thì đành bỏ việc. Tía vợ tôi cũng làm ở hãng này một thời gian là nghỉ, các khớp ngón tay cứng đơ vì tiếp xúc lạnh lâu ngày.

Công việc cực khổ là vậy nhưng vợ chồng chú Kiệt vẫn phải bám đến cùng vì không làm thì không biết sống bằng cách nào khác. Thế rồi một hôm tai họa ập đến. Chú Kiệt vì quá keo kiệt, quá bủn xỉn, tiết kiệm từng li từng tí. Chú không cho mở điện để tiết kiệm tiền, trong nhà đốt đèn cầy. Khi chú và vợ còn đang làm việc ở hãng thì đèn cầy làm cháy căn trailer, cả ba đứa con bị chết cháy.

Chú Kiệt ở tù nhiều năm, chịu nhiều di chứng tâm lý nên thần kinh không được minh mẫn, giờ lại thêm cú sốc kinh khủng này nữa nên tinh thần của chú càng tệ hơn. Vợ chú là cô Hồng bị trầm cảm nặng nề một phần cũng chính sự keo kiệt đến cay nghiệt của chú. Cô Hồng hầu như không tiếp xúc với ai cả, mức độ trầm cảm của cô Hồng nặng đến độ người ta không cho làm nữa. Cô Hồng mất việc nằm nhà, lang thang đi lấy lon, giấy cạc tông…  suốt nhiều năm cô lủi thủi gần như không nói năng, âm thầm như một cái bóng, sống như một hình nhân, không một ai tiếp xúc với cô.

Căn Trailer bị cháy, ba đứa con chết thảm, đời chú Kiệt từ đây coi như chấm hết! Chú Kiệt và cô Hồng sống vất vưởng như hình nhân ở giữa cuộc đời này. Hãng bảo hiểm bồi thường một số tiền khá lớn, cộng với sự quyên góp của nhiều người hảo tâm, sau đó mua được căn nhà khá lớn ở đường Robert. Tôi không nhớ rõ là ai đứng ra mua lại căn nhà cho chú, căn nhà khá to lớn thuộc địa phận của thành phố Morrow. Vợ chồng chú ở tại căn nhà này từ đó cho đến bây giờ.


Căn nhà rất đẹp, có basement, vườn hoa, xích đu...nhưng chỉ trong vòng vài năm chú đã biến căn nhà thành một ổ chuột, một ổ chuột đúng nghĩa chứ không hề tỷ dụ, ví von hay nói quá. Chú Kiệt không có bằng lái, không biết lái xe, chỉ với chiếc xe đạp cà tàng vậy mà một ông già nhỏ thó ấy đã góp nhặt tha về nhà đủ thứ hằm bà lằng, những thứ mà người ta vứt đi, bỏ rác. Hễ thấy vật gì người ta bỏ là chú tha về nhà. Người Việt mình có câu: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”.

Thật đúng như vậy, căn nhà chú Kiệt đầy chất ngất đồ đạc vô dụng, chất từ basement lên đến tận trần nhà, trong nhà không có lối đi, đồ ăn thức uống hôi thối kinh khủng, chuột làm ổ không biết bao nhiêu mà kể. Ngoài sân vườn chú đào cả mấy chục cái hầm, dùng những thùng phuy nhựa  đặt xuống để chứa nước mưa. Cả khu vườn và sân nhà như một khu địa đạo hay một bãi chiến trường vậy.  Khi tôi viết những dòng chữ này tôi không biết dùng từ ngữ gì để mô tả hết sự kinh khủng của căn nhà chú Kiệt cũng như sự kỳ quặc quái đản của chú.

Khi mua nhà thì điện, nước, gas đầy đủ nhưng sau đó thì cắt hết. Suốt bao nhiêu năm dài chú hứng nước mưa để dành dùng vào việc nấu ăn, tắm rửa. Chú chặt cây trong vườn để nấu nước, nấu cơm...Thật không biết sử dụng cái hình dung từ nào để nói cho mọi người hiểu hết cái hoàn cảnh và con người chú Kiệt, cái hoàn cảnh chú tự tạo ra cho mình, có thể nói chú như người rừng vậy!

Có thể khẳng định trường hợp chú Kiệt và nhà của chú là độc nhất, chưa thấy trường hợp thứ hai. Đừng nói là chỉ ở tiểu bang Georgia, có thể nói cả nước Mỹ cũng không có căn nhà thứ hai như thế! Cô Hồng (vợ chú) giờ thì gần như là người câm, cả ngày không nói một lời, đã vậy lại bị đột quỵ nằm một chỗ đến độ loét cả thịt. Tất cả những gì trong căn nhà này từ con người đến hiện trường thật chẳng khác gì địa ngục.


Sự việc kéo dài nhiều năm, mãi đến năm rồi chúng tôi quyết định làm cái gì đó cho chú. Anh Khoa Vương, một nghị viên của thành phố Morrow và là một doanh nhân trẻ rất thành đạt trên thương trường. Em Mai Dương, một bạn trẻ cũng thành đạt trên thương trường vừa tích cực trong mọi công việc xã hội, thể thao, văn nghệ… Bà Maria, một phụ nữ người Mễ Tây Cơ sống gần nhà chú Kiệt, vẫn thường đem tặng thức ăn cho hai vợ chồng chú.

Chúng tôi và một số bạn trẻ đến nhà chú dọn dẹp trong nhiều tuần liền. Chúng tôi phải mướn đến mười hai thùng rác (Dumpster) loại lớn nhất mới dọn hết được số rác trong nhà chú Kiệt. Dọn dẹp đã mệt nhưng còn mệt hơn nữa khi chú Kiệt cứ chạy theo giữ lại, hoặc kéo lại những món đồ vô dụng ấy. Chú tiếc của, chú không muốn bỏ những thức rác ấy, cứ thế giằng co vì vậy mà tốn thêm thời gian. Quý vị khó có thể tưởng tượng nổi đồ đạc rác rến nhiều đến độ mười hai thùng rác ở trong căn nhà. Mùi hôi thối kinh khủng, chuột chạy rần rật cả bầy… Thật không sao tả nổi! Chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ, mang khẩu trang chứ dơ dáy hôi thối không sao chịu nổi.

Trong lúc dọn dẹp tôi phát hiện ra số tiền mặt mà chú giấu diếm khắp nơi trong nhà, số tiền lên đến 4,900 dollars. Chú Kiệt có nhà (căn nhà của chú nếu tính theo giá thị trường ở Georgia thì cũng 200,000 dollars, còn như so với giá ở Cali thì không dưới 1.000.000 dollars), có tiền trong nhà bank, có tiền mặt, có trợ cấp thực phẩm… lẽ ra chú có một cuộc sống cũng tươm tất đầy đủ như mọi người, tất cả cũng vì tính keo kiệt, bủn xỉn mà sinh ra cái hoàn cảnh đáng thương như thế. Cái tính cách đã hình thành và số phận phải chịu như thế. Cũng có thể một phần từ sang chấn tâm lý của những năm tháng trong tù, một phần từ sự khác biệt môi trường sống trong những năm mới qua Mỹ… tất cả đã tạo thành số phận của vợ chồng chú Kiệt. Chú đã biến cuộc sống của chú và người thân của chú thành bi kịch cũng chỉ vì tính cách của chú.


Mai Dương là một bạn trẻ rất nhiệt tình năng nổ, có năng lực và uy tín. Mai Dương đứng ra kêu gọi bạn bè quyên góp được hơn 25,000 đô la để chi trả dọn dẹp và mướn thợ sửa sang lại căn nhà. Sau đó Mai Dương còn kêu gọi bạn bè mua lại giường ngủ, mùng mền, bàn ghế và nồi niêu song chảo mới hoàn toàn cho chú. Có một điều trớ trêu là hình như chú đã quen sống với cái ổ chuột, căn nhà sửa sang lại khang trang, vật dụng mới tinh sạch sẽ… thì chú Kiệt lại không thích, chú oán trách những người giúp chú, chú la lối sao vất hết đồ đạc của chú. Chú nói chú thích căn nhà cũ của chú chứ không thích căn nhà mới này, thật hết biết luôn!

Tình hình cô Hồng càng thê thảm hơn, không ai chăm sóc, không thân bằng quyến thuộc, không con cái… Cuối cùng Mai vận động để đưa cô Hồng vào viện dưỡng lão, từ đó cô Hồng được chăm sóc về y tế  cũng như việc ăn uống đều tốt đẹp hơn. Bản thân chú Kiệt chẳng có một giấy tờ gì cả, Mai Dương lại phải chở chú đi khắp nơi để xin cấp lại giấy tờ tùy thân. Mai Dương chở chú Kiệt đi bác sĩ khám sức khỏe thân thể lẫn thần kinh. Phải nói là vô cùng khó khăn và rất mất thời gian, chú làm mất hết giấy tờ và cũng đã lâu nên việc làm lại giấy tờ đòi hỏi thời gian khá nhiều tuần, vì không không có giấy tờ hợp lệ nên tiền trong nhà bank chú cũng không thể lấy được. Tinh thần chú Kiệt không minh mẫn, nhớ nhớ quên quên,  ấy vậy mà số tiền bao nhiêu thì chú nhớ chính xác không sai một xu. 

Mới tuần rồi chú lại gây chuyện, chú hoang tưởng cho là hàng xóm lấy cắp đồ của chú, chú qua đập xe người ta. Cảnh sát đến còng tay bỏ tù. Mai Dương lại bỏ công sức và thời gian ra để đi giúp chú. Nhờ luật sư Phạm & Nguyen cùng đi để xin bảo lãnh chú về, xin giảm tiền phạt  và chứng minh cho tòa thấy  thần kinh chú không bình thường.


Mai Dương là một cô gái trẻ, duyên dáng, đã tốt nghiệp đại học Georgia State, đã từng mở công ty vận tải và hiện giờ là chủ  nhà hàng phở King Express sát bên trường đại học Georgia State. Mai Dương còn là một Phật tử thuần thành, nhiệt tâm, cáng đáng nhiều việc cho chùa. Mai Dương đứng ra vận động gây quỹ xây dựng chùa, tổ chức xin tài trợ, xin giấy phép...Phải nói Mai Dương là trụ cột, là phụ tá đắc lực của chùa HA. Ngoài ra Mai Dương còn tình nguyện dạy tiếng Việt cho trẻ em ở chùa HA trong suốt mười mấy năm nay. Chùa HA mà không có Mai Dương thì không biết sẽ ra sao?


Hiện tại Mai Dương là hội trưởng của nhóm từ thiện Trái Tim Việt và vừa là thủ quỹ. Nhóm Trái Tim Việt hình thành cách đây mười năm, ban đầu chỉ là những Phật tử của chùa HA, sau đó mở rộng ra bạn bè khắp nơi của Mai Dương. Chúng tôi đã quyên góp và gởi về Việt Nam để giúp những bệnh nhân, ngưởi nghèo khổ, cô nhi qủa phụ và những người lính VNCH (họ vốn không được giúp đỡ từ các hội đoàn lớn, vì không đủ tiêu chuẩn). Nhân đây xin một lần ghi nhận công sức, tâm huyết, năng lực của bạn trẻ Mai Dương. Nhờ sự vận động của Mai Dương mà bạn bè của Mai Dương đóng góp rất nhiều, năm rồi chúng tôi gởi về Việt Nam hơn 100,000 dollars làm từ thiện ở Bình Định, Huế, Đồng Nai…


Tháng Mười vừa qua, Mai Dương đứng ra tổ chức một chương trình ca nhạc từ thiện để gây quỹ cho nhóm Trái Tim Việt. Chương trình thành công tốt đẹp, tuy nhiên cũng gặp không ít những lời chống đối, chê bai, đàm tiếu và vu khống. Tôi cứ tự hỏi: “Ở đâu ra mà Mai Dương có sức làm việc kinh khủng như thế?  Nào là lo việc nhà hàng, việc chùa,việc từ thiện, gây quỹ, chơi thể thao, văn nghệ, hoạt động công ích xã hội...”. Cộng đồng người Việt thật sự cần có những người có năng lực, nhiệt tình và tâm huyết như thế...

Có một điều đáng tiếc là hình như người Việt mình ở đâu cũng vậy, luôn luôn kình chống nhau, chia rẽ nhau, đấu đá nhau, phỉ báng mạ lỵ nhau. Cộng đồng người Việt ở Georgia này cũng không ngoại lệ, chia bè phái phe nhóm gây náo loạn từ đời thường và trên mạng xã hội. Các phe nhóm đấu đá kịch liệt, nhẹ nhất là nói vu vơ, phao tin không căn cứ và nặng hơn là chụp đủ thứ mũ cho nhau. Người Việt là sắc dân nhiều mũ nón nhất, thẳng tay chụp mũ, ụp nón cối lên đầu những ai mà mình không thích hay những ai khác ý kiến với mình. Chủ tịch cộng đồng lẽ ra phải là người tạo sự đoàn kết mọi người, lẽ ra phải dung hòa để cùng nhau hoạt động, đằng này chủ tịch lại là người gây thị phi, gây chia rẽ nặng nề.


Những việc tranh chấp nội bộ, can dự vào tranh chấp ở chùa chiền, ủng hộ sư nầy, trục xuất sư kia, đặt để người theo phe cánh mình, riết rồi Phật tử chùa QM bỏ đi hết ráo. Chùa QM là ngôi chùa đầu tiên ở Georgia, chùa có truyền thống sinh hoạt rất tốt, Phật tử rất đông nhưng bây giờ thì vắng như chùa Bà Đanh. Phật tử ngao ngán việc tranh chấp đấu đá trong chùa, mọi người lẳng lặng bỏ đi, chẳng ai muốn dính dáng đến những việc như thế.  Việc cuồng Trump, tổ chức đón rước Trump, tổ chức đi lên Washington DC để tham gia bạo loạn 6/1 (cũng may là FBI chưa sờ gáy đến)… Những sự việc như thế gây nên sự náo loạn trong cộng đồng, gây phân hóa nặng nề trong cộng đồng.

Riêng trường hợp chú Kiệt thì chẳng thấy cộng đồng xuất hiện, chẳng thấy cộng đồng ra tay giúp đỡ chú. Giả sử không có em Mai Dương không biết đời chú Kiệt sẽ như thế nào. Cũng xin nói cho rõ ràng là giữa chú Kiệt và Mai Dương hoàn toàn không có quan hệ họ hàng hay bà con chi cả. Hiện tại Mai Dương còn giữ những chứng từ về lô đất để sau này vợ chồng chú Kiệt chết sẽ chôn vào đấy. Lô đất này do những người hảo tâm đóng góp mua để chôn cất ba đứa con chú chết cháy. Những ngày tháng sắp tới chắc chắn vợ chồng chú Kiệt có việc gì chắc cũng chỉ có Mai Dương đứng ra cáng đáng chứ chẳng có ai đủ nhiệt tình.


Trời cuối thu thời tiết đã lạnh lắm rồi, ngôi nhà chú Kiệt giờ khang trang, sạch sẽ, có điện nước đầy đủ. Chú Kiệt sống một mình. Cô Hồng nằm trong viện dưỡng lão, ba đứa con đã chết. Chú không có bà con hay họ hàng thân thích ở Mỹ. Chú vẫn thường đạp xe vào viện dưỡng lão thăm cô Hồng. Chú vẫn đạp xe đi lang thang và nhặt nhạnh đồ người ta bỏ ra để tha về nhà. Căn bệnh keo kiệt, bỏn xẻn, tiếc của vẫn bám riệt lấy chú. Cũng chính căn bệnh này mà thành ra tính cách và số phận như thế. Hình như khá nhiều người Việt ở Mỹ cũng có cái bịnh tiếc của, món đồ gì cũng muốn giữ dù đã không còn xài nữa. Nhiều người vẫn ngày ngày đi chợ đồ cũ tha về đủ thứ… Nhà nào cũng chất đồ đạc ngập cả garage, basement…

Chú Kiệt ngày càng già, càng yếu, tinh thần vốn đã không minh mẫn thì càng già càng xuống hơn nữa, nói lắp bắp cà lăm một câu hết cả mấy phút không xong. Chú không thiếu tiền, chú có tiền già, có tiền trợ cấp thực phẩm, có tiền nhà bank và ngay căn nhà cũng khá to hơn nhà của đa số người làm công nhân hãng xưởng lương bấm giờ. Cái chú thiếu là sự minh mẫn để biết sống, biết sử dụng đồng tiền, biết buông bỏ những thứ không cần thiết...


Cong may là đời còn có người có tấm lòng nhân ái, có năng lực, có sự nhiệt tâm tận tình giúp chú. Nếu không có Mai Dương, Khoa Vương, bà Maria và các bạn trẻ khác phụ dọn nhà thì chú sẽ chui rúc trong cái đống rác khổng lồ ấy cho đến hết đời. Nếu không có Mai Dương chở chú đi làm lại giấy tờ, chở đi bác sĩ, bảo lãnh ra khỏi nhà tù, dàn xếp những rắc rối do chú gây ra...Không biết giờ này chú sẽ ra sao?

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 2023 

Chú thích: Nhóm Trái Tim Việt (Vietheart) đã được chính phủ tiểu bang cấp giấy phép tổ chức vô vụ lợi. điều này giúp các vị đóng góp cho nhóm sẽ được khấu trừ khi khai thuế.

Trong mấy tháng gần đây, tinh thần chú Kiệt càng tệ hơn, chú bị hoang tưởng nên cho là ông Mỹ láng giềng ăn cắp đồ đạc của chú. Chú qua nhà ông ấy đập xe của người ta. Cảnh sát bắt chú Kiệt bỏ tù chờ ngày ra tòa. Thế là Mai Dương lại đứng ra cáng đáng mọi việc, nhờ cả luật sư Ethan Pham để bảo lãnh chú Kiệt về. Tòa ra án phạt mấy ngàn, việc này chắc cũng lại phải nhờ Mai Dương quyên góp trả cho chú thôi!

- Tiểu Lục Thần Phong

Chuyện Người Việt Trên Xứ Mỹ - VVNM 2024 - Việt Báo Viết Về Nước Mỹ



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 05/Dec/2024 lúc 11:08am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23262
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Dec/2024 lúc 9:35am

Những Món Ngon Miền Tây Trên Sông Nước 


“Miền Tây” hay còn có tên gọi khác là đồng bằng sông Cửu Long gồm có 13 tỉnh thành phố. Về đây du khách sẽ được đến với sông nước miệt vườn, môi trường sinh thái và sự trải nghiệm nét văn hóa lúa nước đặc sắc. Sông nước là đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với kênh rạch chằng chịt.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân tới mảnh đất màu mỡ này được thiên nhiên ưu ái với những cù lao đẹp nằm giữa dòng Mêkông, tôi như được cuốn hút bởi những người con gái miền Tây, mặc chiếc áo bà ba với làn da trắng hồng, giọng hát ngọt ngào và trong trẻo mê đắm lòng người. Xuôi theo dòng sông Tiền, đầu tiên sẽ cảm nhận và được hòa mình vào thiên nhiên đất trời với màu xanh tươi mát của những vườn cây, làn nước trong lành của những con kênh rạch. Đến với Tiền Giang, du khách có thể trải qua những cảm giác êm đềm, mát mẻ khi được len lỏi trong những vườn trái cây, hay trên những chiếc đò trôi lững lờ giữa dòng nước mênh mông, bao la và thưởng thức những món ăn đặc trưng: cá lóc nướng trui, cháo rắn, mật ong nhãn, trà gừng, trái cây tươi mọng và thưởng thức đờn ca tài tử của vùng đất Nam Bộ – một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đến đây, chỉ cần đi thuyền dạo xuôi sông Tiền, thả lòng mình theo dòng nước thiên nhiên, được ghé thăm các Cù Lao Long, Lân, Quy, Phụng. Hoặc du khách có thể tản bộ dưới những tán cây xanh um, mát rượi, tự tay hái trái ngon, tìm hiểu quy trình sản xuất kẹo dừa, thưởng thức món ăn đậm đà chất nam bộ hay đi đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa hai hàng dừa nước, đi xe ngựa dạo quanh vườn trái cây. Những ai muốn tự mình khám phá và chinh phục thiên nhiên thì nơi đây quả là một nơi lý tưởng nhất. Du khách còn được tìm hiểu về sự tích “Ông đạo dừa” và tham quan sân chầu với chín con rồng, một điều đặc biệt nhất là trong chín con rồng này chỉ có duy nhất một con rồng đực , đến đây du khách nhận biết được điểm đặc biệt này quả là vô cùng thú vị. Được đi qua cầu khỉ, tham quan trại cá sấu, câu cá thư giãn…

Miền Tây có những con nước lớn tràn bờ, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Cũng chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước, đó là chợ nổi. Sức hút của chợ nổi đối với du khách chính là giữ gìn, phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước. Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm.

Ai đến Tiền Giang chưa ghé chợ nổi Cái Bè thì như là chưa tới, Chợ được họp trên một khúc sông, và họp từ 2 giờ đến 8 giờ sáng với nhiều thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông chờ thương lái đến cất hàng, cũng như các ghe thuyền từ các miệt vườn xa xôi đến đây mua và bán hàng. Muốn cảm nhận nét văn hóa chợ nổi này phải dậy từ rất sớm, đi trên dòng sông uốn khúc, tiếng thuyền chạy, tiếng gió vi vu như rít vào tai mang lại cho chúng ta một cảm giác thú vị và khó quên. Một không khí ồn ào, nhộn nhịp với những cây bẹo hàng được thương lái treo lên để cho du khách nhận biết được thuyền chài đó bán vật phẩm gì. Tới đây du khách có thể mua những trái cây tươi ngon về làm quà cho người thân hoặc bạn bè.

Thật vậy, đất trời miền Tây thoáng đãng mênh mông một vùng sông nước. Con người miền Tây cũng vì thế mà rộng rãi, chan hòa, đầy lòng hiếu khách. Ai đã từng một lần đến với miền Tây, chắc chắn sẽ không thể nào quên được cảnh sắc và những món ăn đậm hương vị dân dã của một miền đồng quê, sông nước như: Cá lóc nướng trui, canh chua cá linh bông điên điển, chuột đồng,… Dù vậy nhưng khẩu vị vùng miền có đôi chút khác biệt, người miền Tây thường ăn ngọt, vì vậy khi du khách thưởng thức đặc sản có người thích thú cảm giác ngon miệng nhưng cũng có những du khách không hợp khẩu vị với nó. Mọi người trong chúng ta hãy một lần đặt chân tới đây để cùng trải nghiệm và cảm nhận!


Hồ Thị Trúc
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23262
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: Hôm nay lúc 8:53am

Sài Gòn Cà Phê & Nhạc Sến (Đ.Văn)

(Thương nhớ Sài Gòn)

5292%201%20SG%20Caphe%20NhacSenVTheThang5292%201a%20Sg%20Caphe%20NhacSenVTheThanh

       Thằng bạn ở Thuỵ Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán càphê ven đường “Cho ly càphê đá Sài Gòn”.

Càphê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Càphê là càphê kiểu Sài Gòn, có biết không?”

“Dạ, dạ… biết”.

Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết (trừ những cái không biết).

Ly càphê khác mang ra. Cũng không phải!

       Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng càphê Sài Gòn đã nhạt nhoà từ thuở tám hoánh. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “càphê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!

       Tôi không nhớ mình đã uống càphê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng càphê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm càphê khi thấy mấy ông khách ở tiệm càphê các chú (Tàu) đổ càphê sữa vào dĩa, chấm bánh tiêu. Thèm càphê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.

       Nhưng vị đắng càphê bắt đầu biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán càphê nhiều hơn lớp học. Càphê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời uỷ thác, mày đưa thư này cho em… giùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt sắp tới nơi rồi, không ngán, mà lòng vẫn còn “chết nhát” vì mái tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.

       Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly càphê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Maxell House, Green Mountain… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.

       Càphê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi tôi, ở góc số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, mà tụi tôi gọi là càphê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở đại học Khoa học, mà mấy bà bên Khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua càphê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở càphê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo lụa đâu.

       Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn, hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì đâu còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…

       Cảnh đẹp, người đẹp, càphê không ngon sao được. Mà càphê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa.

       Luận về càphê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Nhưng càphê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến hết luận… nổi. Người ta cứ đồn càphê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Càphê Tây cũng đâu phải nguyên chất, họ độn, nhưng độn thứ khác. Thích nghi văn hoá mà!

       Càphê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh, càphê đá mà lỏng le coi sao được. Càphê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Càphê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là càphê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.

       Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, càphê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hoá chất.

       Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel.

Hương càphê thì vô vàn nhớ không hết.

       Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “càphê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl sulfate hay sao mà ngồi đó làu bàu.

Thiệt ra, càphê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – vẻ đẹp của ký ức.

       Càphê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Càphê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát cao sang Lệ Thu, Khánh Ly…

       Thời cuộc hơn, thì nghe ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán càphê Chiêu trên đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán càphê, chẳng thằng nào buồn nói. Càphê và khói thuốc. Càphê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.

       Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.

      Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7 – 8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội.

       Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hướm “văn minh” đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng b*** treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. Ca sĩ toàn mấy em pêđê, ở đâu mà ra nhiều thế!

       Bản: Sương trắng miền quê ngoại nghe nhiều rồi, hôm đó nghe lại thấm. “Một mai con về quê ngoại chơi, để mẹ nhắn lời thăm….” Trời ơi, giọng mấy em pêđê mà ẻo thì tới mức tận cùng sến… rện. Càng nghe càng thấm.

       Đất Sài Gòn tìm đâu ra càphê nhạc sến. Dù càphê ở những quán deluxe không quá tệ như càphê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “càphê Sài Gòn”. Càphê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một kiểu càphê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì?

        Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe càphê đường Nguyễn Minh Chiếu chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy c***ette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly càphê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn càphê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến dẫn tôi về miền ký ức. Tiếng đại bác đâu còn ru đêm nữa, nó như dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng “… Tiếng còi đêm lướt mau, đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…”

Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!

*Vũ Thế Thành



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - Hôm nay lúc 8:54am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 120
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.301 seconds.