Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ | |
<< phần trước Trang of 70 |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 08/Aug/2024 lúc 10:02am |
Tuổi Già Khi Thiếu Đi Một Người Bạn ĐờiTrong
cuộc sống, nhất là khi về già, một trong những điều quan trọng nhất, đó là có
cho mình một người bạn đời. Nếu người ta không may, vì một lý do nào đó, ví dụ
như ly hôn, hay một trong hai người kia ra đi quá sớm, mà phải sống cuộc đời
còn lại một mình đơn lẻ, thì quả là một điều bất hạnh. Bởi vì, người bạn đời là một trong những yếu tố quan trọng, để quyết định cho
bạn có một cuộc sống trong quãng thời gian còn lại, hạnh phúc và viên mãn kể cả
khi bạn nghèo, thậm chí nó còn giúp cho bạn kéo dài thêm tuổi thọ. Thật vậy, các bạn thử nghĩ xem, khi con người ta bắt đầu bước sang cái tuổi xế
chiều, với những năm tháng của cuộc đời, mà phải sống trong cô đơn và im lặng,
thì sẽ buồn như thế nào.
Đến bữa ngồi ăn một mình, và tối đến đi ngủ cũng một mình, đêm đêm khi tỉnh giấc, nhìn sang bên cạnh cũng chẳng có ai, sáng sáng tỉnh dậy, cũng vẫn chỉ một mình...thì đó là một điều đáng sợ và buồn tủi. Cuộc đời này, người sống bên bạn lâu nhất, không phải là bố mẹ và con cái, cũng không phải anh em hay bạn bè, càng không phải là đồng nghiệp hay người yêu, mà chính là người bạn đời. Đấy mới thực sự là người duy nhất chung sống bên bạn suốt đời. Bạn bè, dù có chân thành đến mấy, cũng không thể ở bên bạn mãi mãi. Bố mẹ, dù có tốt đến mấy, cũng không thể sống với bạn cả đời. Con cái, có thân thương là vậy, cũng không thể sống mãi bên cạnh bạn, rồi cũng có lúc chúng vỗ cánh bay đi, để có một cuộc sống riêng. Anh em, dù có là máu mủ ruột thịt thân tình, cũng không thể ở bên bạn mỗi ngày, cũng không thể chăm sóc bạn những khi "Tối lửa tắt đèn". Chỉ có vợ chồng, người mà ta vẫn thường gọi là bạn đời, mới có thể chung sống và bên bạn lúc sớm chiều. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi nhìn thấy những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc phơ, dắt tay nhau từng bước đi bộ trên đường, tôi rất ngưỡng mộ. Lúc đó, tôi mới hiểu được rằng, con người ta có được những khoảnh khắc hạnh phúc như vậy, họ đã phải cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu những sóng gió gian truân của cuộc đời, để rồi, họ vẫn còn ở bên nhau, tay nắm tay, và cùng nhau đi nốt quãng đời còn lại, cho đến hết cuộc đời của mình. Đừng vì một điều gì trong cuộc sống, mà đánh mất đi người vợ hay người chồng của mình, người mà hằng ngày vẫn hết mực yêu thương mình nhất. Vì suy cho cùng, họ mới chính là người sẽ ở lại bên bạn, và sống với bạn trong cuộc đời này. Chính vì thế, hãy thật trân trọng người bạn đời của mình, và trân trọng những gì mình đang có khi còn có thể !!! Sưu tầm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 22/Aug/2024 lúc 8:55am |
Tình Già
Mới sáng bảnh mắt ra, đã có tiếng chuông nhấn dồn dập, gọi như gọi đò sang sông, cụ Nhài vừa đi ra cổng vừa lầu bầu, chạy trời không khỏi nắng, không ai ngòai cái lão Đại “thầy cúng” này. Sáng thứ Bẩy, Chủ Nhật nào cũng vậy, cứ bẩy, tám giờ sáng là lão ấy và ông bạn đã có mặt, tay ly cà phê, tay điếu thuốc lá, giọng oang oang như lệnh vỡ, chân đi bình bịch, cứ như muốn sập nhà sập cửa. Nói cho ngay, cụ Nhài nhiều bận cũng bực với lão lắm, nhưng tính cụ hay cả nể, vả lại lão là con mòng đóng tiền nước, tiền điện cho các cụ bấy lâu nay. Lại nữa, không có lão thì canh mạt chược lại thiếu chân thiếu cẳng, nhờ có lão gọi người này, ới người kia, nhiều khi dư tay, nhà thì bé bằng cái lỗ mũi, chen chân mà đi nên ồn ào nhà như cái chợ. Nhưng cụ cũng khuây khỏa được hai ngày cuối tuần, ngày thường thì cụ bận vắt chân lên cổ vì phải chăn lũ cháu nghịch như quỷ sứ, lắm lúc mệt muốn đứt hơi, không có tụi nó thì lại nhớ, như nhớ mấy cụ bạn già. Gừng càng già càng cay, không biết đúng không, nhưng cụ phải công nhận là, các cụ này cũng bát nháo lắm, vừa ngang vừa chướng. Chẳng bù với các cụ xưa, nhớ lại những ngày còn con gái ở quê nhà, gặp mấy ông chú, ông bác “lão non”. Ông chú bốn mươi đã nuôi bộ râu ngạnh trê vàng như râu ngô, rồi nổi đình nổi đám, làm lễ tứ tuần đại khánh. Ông bác năm mươi thì ậm ừ như trối trăn: “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Giỗ tết thì mấy cụ trịnh trọng khăn đống áo dài, chiếu trên chiếu dưới, đầu môi miệng lưỡi “Bẩm cụ” với “Kính cụ”, nhưng cụ nào cũng đòi “già” hơn cụ kia, làm như hom hem lắm, câu trước câu sau nói như thở hắt ra: “Cũng gần đất xa trời rồi, sắp chống gậy về thăm tổ tiên…”. Gặp con cháu thì lúc nào mặt mũi cũng khó đăm đăm, nói năng câu nào câu ấy chắc như đinh đóng cột, mấy đứa chỉ biết đứng há hốc mồm ra mà nghe. Mà cũng chỉ từng ấy chuyện, nhắc đi nhắc lại đến thuộc lòng, cùng từng ấy điệu bộ, mười lần như một, phải tằng hắng trước một cái đã, gật gù, nheo nheo đôi mắt, chậm rãi vuốt chòm râu. Và bao giờ cũng vậy: “Ngày xưa…” Cái hình ảnh gìa nua của ông bác, ông chú, cùng cái cảnh cụ bế em hầu chuyện nay không còn nữa. Nay thì chính cụ và các bạn già cũng đang khập khiễng bước vào cái tuổi lão, tuổi khọm, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, cụ nào cụ nấy cũng “lập cập” muốn mình “trẻ” hơn cụ khác, so đo từng canh, từng giáp, mặc dù đã bẩy mươi, tám mươi chứ ít ỏi gì. Khổ một nỗi, các cụ còn đốc chứng, nói hớ ra một câu là bắt bẻ, mấy cụ bà lèm bèm vạch lá tìm sâu, sợi tóc chẻ làm tư thì đã đành, mấy cụ ông ù lì ba phải, hay mồm miệng đỡ chân cũng không sao. Quái nhất là các cụ chỉ khư khư cho mình là đúng, cứ như thánh sống, chắc như cua gạch, còn ai khác chỉ ăn quàng nói xiên, ngữ ấy “i-tờ-rít”, dám đánh trống qua cửa nhà quan. Chán mớ đời là mấy cụ này, gặp nhau bông đùa, cũng câu bỡn cợt ấy, tuần trước thì không sao, tuần này mặt sụ xuống một đống, như bánh đa gặp nước, cứ như ông đồng bà bóng, chẳng biết đâu mà mò. Cũng có những chuyện dở khóc dở cười, có cụ huyênh hoang bố láo ra cái điều chồng chúa vợ tôi, xem đàn bà như rơm như rác, về nhà không dám ho he, sợ vợ một vành. Trái khóay nhất là bữa cơm, mỗi cụ đòi một bát nước mắm có chết người không cơ chứ, cụ này có ớt, cụ kia thiếu chanh thì lại dỗi, lại hờn, tuần sau không đến, không có mợ chợ vẫn đông, nhưng sau cụ Nhài lại thấy như thiêu thiếu một cái gì, đếm trên đầu ngón tay, chỉ có bấy nhiêu, mỗi năm mỗi vắng, được ngày nào hay ngày ấy, rồi đâu cũng vào đó. Dông dài vậy chứ cũng lắm chuyện vui, nghĩ cũng bật cười nôn ruột, chả là như cụ gì ấy, lâu lắm rồi cụ quên khuấy cả tên, dạo này cụ lẫn rồi thì phải, cứ nói trước quên sau. Cụ ấy tới nhà mấy lần nhưng nhất định ngồi chầu rìa, cụ nói xưa cụ là thợ săn, nay thấy phòng khách nhà cụ Nhài treo mấy bức tranh con cọp, con nai nên cụ…”kiêng”. Có kiêng có lành đâu không thấy, một hôm thiếu chân, cụ ngồi vào, lại làm cái, ngay ván đầu tiên cụ đã sút địa ù, từ đó cụ ấy trốn biệt. Bất chợt cụ Nhài thở dài, tính cụ vẫn vậy, buồn vui bất chợt, mà không tin cũng không được, như các cụ ta xưa vẫn nói: “49 chưa qua, 53 đã tới”. Cụ ông mới mươi năm gần đây, sau một cơn ốm nặng, thập tử nhất sinh, tưởng không qua khỏi, sau đó hết bệnh lại như bị chứng “dở người”. Suốt ngày nằm trong phòng nhìn mông lung, quá lắm là ra đến cái vườn, hái rau nhặt cỏ dại, như người mất hồn, ai nói mặc ai, chỉ cười cười, chỉ ậm à ậm ừ. Hết thuốc tây đến thuốc ta, đến cả ông đồng bà cốt, cũng chẳng đi đến đâu. Đi xem bói thì thầy nói mộ cụ tứ đại, ngũ đại bên nội, đầu bị gốc rễ cây nó đè, nghe thì nghe vậy cũng chẳng biết làm sao, mà cụ ông cũng không lên cơn, hiền như ông Bụt, cứ lẩn thẩn đi ra đi vào như cái bóng. Và cụ Nhài chỉ biết than thầm, ông giời bắt cụ phải chịu, nhưng mấy năm sau này, nhờ đám bạn già nên cụ cũng nguôi ngoai được phần nào. Dạo này cụ ông hay lang thang ra sân sau, nên cụ Nhài phải ra theo để trông chừng, cụ hay ngồi dước mái hiên, khi làm cái này cái kia, khi tưới thửa rau bên hông nhà. Vườn nhà cụ cũng có dăm luống rau thơm, khóm ớt, khóm dong…chỉ thua ông bà hàng xóm dàn bầu, dàn bí, nhưng riềng, lá mơ thì không thể thiếu với ông chồng cụ. Như gỏi cá sống, phải đầy đủ một đĩa đầy ắp lá sung, lá bứa, lá ổi, lá quất, lá dái mít, lá lẫu…ông cứ tấm tắc khen ngon và bao giờ cũng gật gù, chêm một câu: “Gỏi cá sống phải có lá sung mới…đúng điệu. Nhưng đó là chuyện cũ…năm xửa…năm xưa. Mới đây cô Tầm Xuân nào đó viết trên bá “Một thanh gỏi cuốn thiếu lá hẹ, lẫu chua không rau om, thì mất đi bao nhiêu hương vị đắng chát của món ăn”. Đàn ông như cụ Võ Phiến cũng góp chuyện: “Thiếu một cái lá húng chó, một lát riềng là đĩa thịt cầy không còn ra đĩa thịt cầy nữa, thiếu chút lá chanh là hỏng con gà xé phay”. Mà ở cái xứ này thịt cá ê hề, cứ cơm nóng canh sốt là mát da mát ruột, cô Tầm Xuân lại cảm thấy trống vắng hơn khi một lần ngồi bên cái lẫu mắm kho của miền Nam mưa nắng hai mùa, để nhớ với thương: “Đâu rồi bông điên điển, kèo nèo, rau dừa nước? Đâu rồi rau ngổ, hẹ nước, rau láy, hoa lục bình? Mùa này ở đây, hoa chuối, rau lang, tần ô không nói làm gì, rau má, càng cua xem chừng khó kiếm”. “Mồng tơi lại càng chẳng dễ dàng gì ”, cô này còn ví von, “Bó mồng tơi lá rộng như tai dơi”, chưa hết, lại còn thơ thẩn: Nếu đừng có giậu mồng tơi Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng Cụ thì dùi đục chấm mắm cáy, chữ nghĩa bẻ làm đôi, nhưng nghe cũng nao nao, lại càng nhớ chốn bỏ đi, lại càng thương những giậu mồng tơi quang năm xanh lá, cùng rặng tre cuối vườn. Nhà cụ ở quê hình chữ môn, cụ chẳng biết chữ môn méo tròn ra sao, chỉ biết ba gian hai chái là nhà chính, hai bên là nhà ngang, một bên làm bếp thổi nấu, cối xay cối giã, xay lúa giã gạo, bồ thóc. Một bên là buồng kho, chật ních với bừa, cuốc, cào, bên kia là chuồng trâu, chuồng lợn, giữa là sân. Trước nhà là ao cá, vườn sau thì um tùm với sung, bòng, nhót, ổi, gặp ngày mưa dầm liên miên, làm biếng đi chợ, nhặt nhạnh ít rau sau vườn, thì cả nhà cũng có bát canh rau tập tàng hoặc bát canh dền xanh xanh, lười biếng chẩy thây ra thì quanh quẩn nắm lá ớt hoặc canh rau đay với vài nụ mướp. Và bất giác cụ lại thở dài không đâu, và cụ đành phải vay mượn ít chữ nghĩa của cô Tầm Xuân: “Bát canh ngọt lịm húp trong buổi chiều mưa đồng ấy, vẫn theo ai đi đến cuối cuộc đời”. Canh cua đồng, canh bí nấu tôm…Không phải lúc nào cụ cũng tẩn mẩn với cái ăn thức uống, cây nhà lá vườn. Ngay cả các cụ ta xưa cũng đã nặng lòng với ngọn rau ngọn cỏ và còn …”dông dài” hơn cô Tầm Xuân của cụ nữa: Rau thơm, rau húng, rau mùi Thìa là, cải cúc, đủ mùi hành hoa Mồng tơi, mướp đắng, ớt, cà Bí đao, đậu ván, vườn nhà trồng nên Mình nhớ ta như cà nhớ muối…Lần mò ra đến bờ ao, tương tư chẳng ốmcũng sầu, con ruồi đậu mép chẳng đau cũng buồn, để rồi thẫn thờ chán, các cụ ta xưa lại nhè anh chị rau muống ra làm tình làm tội: Muống than thân muống Bứt đọt nấu canh Anh than thân anh Vợ con chưa có Bảo cụ dài dòng thì cũng tội cho cho cụ, nhưng cứ nghĩ mà tức anh ách, mà không nói thì nó lại ngứa ngáy khó chịu, thôi thì cũng đành mượn gió bẻ măng vậy thôi. Chuyện là, mấy bạn già của cụ, học làm khôn ở đâu không biết, cứ ra mặt dậy cụ là thời buổi tân tiến bây giờ, muốn cho cây cao lớn sum suê thì phải cho nó nghe nhạc hay thì thầm nói chuyện với nó. Chẳng chứ gì mới đây, ngay trước thời thầy đẻ cụ ở quê nhà đã có tục “Khảo cây”, cho chóng ra hoa ra quả. Vào ngày tết Đoan Ngọ, mùng năm tháng Năm, cánh đàn bà vén váy leo lên cành giả vờ làm cây, cánh đàn ông đứng dưới gốc cầm cái gậy, vừa gõ vào cây vừa đối đáp, gọi dạ bảo vâng, cứ như phường tuồng, phường chèo vậy, trẻ con như cụ được phen vỗ tay thỏa thích. Ấy thế mà hay, yêu cho roi cho vọt, chẳng phải “sì sầm” hoặc “nhạc nhiếc” gì cả, các cụ rõ hão chuyện không đâu. Trở về chuyện vườn tược, có lẽ gắn bó và gần gũi với cụ nhất là cái ao rau muống cạnh hàng giậu thưa, thỉnh thỏang có những buổi chiều, hồi còn con gái, cụ vẫn lẩn thẩn ra ngắm những bè rau muống nhấp nhô, lững lờ cùng những bông hoa tím nhạt. Mà có điều ngộ một cái là, bạn cụ ông bảo rau muống còn gọi là rau tần, dựa vào hai câu thơ của một ông thi sĩ nào đó, ghé Ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên nhìn ra cánh đồng thấy đầy những ao rau muống: Mưa bay trắng lá rau tần Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa Cụ thì nhà quê nhà mùa, cứ chân quê theo các cụ ta xưa thì không gì thấm thía, ngọt ngào hơn câu ru con trong buổi trưa hè, võng đưa kẽo kẹt, mộc mạc và bình dị: “Còn ai còn đó còn đây, còn ao rau muống thì còn chum tương”. Mưa nắng gì thì cũng chỉ có hai lọai rau muống, và cụ nghiệm một điều, rau cỏ hình như đều chắt lọc từ cái hồn của đất, cái tinh khiết của hương trời, như rau muống có từ tháng Chín ta, nhưng đến lúc đó chưa ngon, phải qua những ngày rét đậm, rét ngọt, cây rau muống mới trắng, mới mềm, mới ngọt. Qua cái rét của tháng Một, tháng Chạp, rau muống vừa ngon vào mùa xuân, sang tháng Hai, tháng Ba có mưa rào, trứng cóc nở đầy ao rau, rau ăn cứng quèo, nhạt thếch. Rau muống cấy trên nước cạn quanh bờ ao, sâu khỏang hơn gang tay, lá xanh mỏng và cọng mềm trắng, nên gọi là rau muống trắng. Còn rau nổi trên mặt nước thành từng bè, cọng dài lá to là rau muống đỏ, có khác nhau là cách nấu nướng, như thầy cụ chỉ thích gỏi rau muống, hay nham rau muống, mà cũng chỉ riêng đẻ cụ mới làm vừa ý thầy cụ thôi. Đẻ cụ cắt ngắn từng hai đốt ngón tay, luộc rau cho tái lên, trộn với khế thái mỏng, bỏ vào mấy con tép, xong rắc mè rang, phủ dăm ba lá húng chũi, kinh giới và chấm với mắm tôm chanh đường. Khế thì phải thái xéo, trước khi ăn, phải dốc nghiêng đĩa cho bớt nước, mục ăn uống thì thầy cụ khảnh ăn như cụ Tản Đà, cụ này tới nhà bạn ăn tiết canh thịt vịt, thấy thiếu ngò gai, như người khác thì không sao, cụ lại quái ác, lò mò ra sân gạch nhà bạn, bóc lên mấy viên gạch để nhắc nhở chủ nhà trồng rau thơm cho kỳ tới…đúng là chuyện các cụ xưa. Mà đẻ cụ cũng khó khăn chẳng kém, lá tía tô phải đi với bún riêu, và không thể thiếu rau muống chẻ, đến con dao cũng cầu kỳ, có một đường sẻ ở giữa, và đẻ cụ tẩn mẩn chẻ từng sợi một, như sợi giây gai, sau đó bỏ vào nước, sợi rau sẽ cuốn tròn lại từng khúc và đặt nằm lót dưới cái bát. Riêng cụ thì sao cũng được, đói thì ăn rau muống rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết, nên sế chiều, cái bụng hơi cồn cào một tí là cụ làm rau muống sống, món này vừa nhanh vừa gọn, chỉ vặt bớt lá đi, để một nắm rau trên thớt, lấy chày đập một hai cái, cắt ngắn, cho vào chậu ngâm một lát rồi bỏ lên đĩa, dội dấm chua pha với nước lã, đường, muối, ớt, tỏi, tiêu, lóang một cái là xong. Ngòai ra rau muống xanh còn dùng để xào tỏi, xào thịt bò, xào chao, canh khoai sọ, nhưng theo cụ, ngon nhất vẫn là canh rau muống luộc đánh dấm tỏi. Riêng rau muống đỏ cũng dùng để xào và luộc, nhưng thường thì để muối dưa chua. Năm nào giời dở chứng, gặp trận mưa sập sùi, mấy ngày mấy đêm, tuần sau lại nắng nong, nắng hanh nữa thì ôi thôi, cái giống này ngập ao, ngập vườn, chỉ tổ béo cho đàn lợn sề, lợn ỉn. Ấy, chuyện ao chuôm, vườn tược thì kể không bao giờ hết chuyện, thừ người ra một lúc, vẩn vơ thế nào cụ lại lan man đến cô Tầm Xuân, cô này cũng văn vẻ có duyên đáo để, chính cô ấy giải bầy từ hai câu: “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”, để rồi cô lấy “Tầm Xuân” là tên người viết bài, thích một cái cô ấy lại là người miền Nam, thế mới hay. Và cô viết: “…Đã là người Việt thì ai mà không xiêu lòng với miếng cà muối chua chua, nhai cứ giòn xồn xột, thêm lá ớt đỏ tươi cay xé lưỡi. Hôm nào có bát canh rau đay, canh mồng tơi, thì thế nào cũng phải có được dăm quả cà muối quen thuộc như sữa mẹ, như ca dao, như hạt muối mỗi đời ta ”. Rồi cô viết lăng quăng hai ba dòng về tương Bần Yên, tương Cự Đà, xong cô kết thúc: “ Buổi chiều đi làm về, ngồi bần thần nhìn mâm cơm, nhớ nhung những ngày tháng mầu tím hoa cà, miên man hòai niệm dai dẳng về người tình vừa bỏ ta đi…như những dòng sông nhỏ ”. Ôi chao…làng nước ạ, khốn khổ cái nhà cô này, hết thơ đến nhạc, cứ vấn vương lấp lửng, làm cụ cũng “vương vấn” theo và đến đó là ngưng, có chết người ta không chứ và chẳng chịu viết gì thêm. Nhưng cụ nghĩ, cô ấy cũng là người có lòng, được như vậy cũng qúy hóa lắm rồi, ai như con dâu cụ, chỉ được cái mẽ, nói như nước đổ lá khoai, cà muối sổi với cà nén, cứ râu ông nọ cắm cằm bà kia. Trứng đòi khôn hơn rận, không biết học lóm ở đâu, cứ như ngỗng đực: “ Cà bát là cà Nghệ “. Rõ thật chán, nhưng được cái thuần tính, cũng biết bóp méo vo tròn cho chồng cho con, nên cụ cũng mừng. Đám con cụ như lũ vịt chống gậy, như ở trên trời rớt xuống ấy, nào có gì đâu, cà thì phải gọt sạch nuốm, ngâm vào vại, mà vại cà nào chẳng có nước, có dấm, nêm chút muối, chút đường. Chỉ khác một điều là cà muối sổi thường là cà pháo, nếu là cà bát thì cắt ra từng miếng, cho thêm mấy nhánh tỏi dã dập để cho cà trắng, cụ vẫn nói đi nói lại với tụi nó, cà phải trắng phau, ròn tan mới ngon mắt, sướng mồm, rồi đậy bằng cái vỉ tre, ba, bốn ngày sau thì lấy ra ăn. Còn cà nén thì thường là cà bát, cụ vẫn nhắc chừng con dâu cụ, đừng quên cho thêm vài củ riềng giã nhỏ để có mùi thơm, rồi dùng cối đá nén khỏang dăm tuần để trái cà dẹp lép, vì vậy các cụ xưa ta vẫn thường ví von là: “Cà riềng, cà tỏi” là vậy. Rồi chúng nó lại ngáo nghệch với nhau giữa cái vỉ tre và cái cối đá, sao không dùng cái đĩa cho nó tiện, cụ cũng chỉ biết lắc đầu…đúng là lũ ngỗng đực. Có nhiều lúc, cụ cũng ngao ngán, cụ cũng chẳng biết lúc suôi tay nhắm mắt, mấy món ăn cổ truyền của ông bà để lại sẽ đi về đâu, rồi sau này cũng sẽ mai một theo năm tháng. Các cụ qua bên này, tứ tán tám hướng mười phương, nhớ nhà, nhớ quê, nên mang theo cả vườn tược qua đây, ngò thơm, húng quế cũng theo chân các cụ, chọn mảnh đất eo sèo này để sinh sôi nẩy nở. Đất lạ quê người, các cụ có thể đổi cách ăn mặc, đổi tính đổi nết, nhưng món nào thức nấy, như cụ Võ Phiến đã viết, không thể bỏ và cũng chẳng đổi thay, như đã đeo đẳng các cụ tự bấy lâu nay, từ đời này qua đời kia, như ăn trầu phải quét tí vôi cho đậm đà, cay lưỡi đỏ môi. Nên lúc nào rảnh rỗi với đám con là cụ dậy dỗ, nhồi nhét thế này thế kia, như: Cũng là cà nén, nhưng được ướp với tương, không cần nén nữa, mà dùng cái vỉ đè lên cho cà chìm xuống, chừng dăm bữa, nửa tháng mang ra, mà đừng có nhanh nhẩu đỏang, phải rửa sạch, nặn hết hột, vắt ráo nước, thái từng miếng, ngâm với mắm, tỏi, ớt, đường…Đến lúc này, tụi nó mới xúyt xoa, thèm thuồng và còn nhái lại cụ nữa: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương…”. Con với cái, đến cụ chúng nó cũng chẳng tha. Không những chúng, đến cụ cũng thòm thèm…Và cụ chợt nghĩ đến lão Đại, Tết này ở Việt Nam về, nếu lão có có mang qua được ít cà trái thị hay cà Nghệ thì thế nào cụ cũng làm cà muối sổi cho lão ấy ăn, chỉ ba, bốn bữa là xong. Hai lọai cà này cùi dầy, ít hột, chấm với mắm tôm, thêm vài lá kinh giới, nếu có được nồi cơm ré hoa đỏ, thì chắc mẩm lão ấy sẽ phục cụ sát đất. Gái làng Trạo Hà, huyện Đông Triều chứ đâu có bỡn, dẫu sao cụ chẳng có một thời, ngát thơm hoa sói hoa nhài, chẳng thanh lịch cũng thể con người Tràng An. Ấy, cụ với lão Đại, thỉnh thỏang vẫn trêu chọc nhau như vậy, nhiều khi còn quan anh, quan bác, cứ như quan họ Bắc Ninh ngày nào, và cụ lại tủm tỉm cười, có lúc lão Đại ma mãnh như trẻ con và cụ thì chúa ghét khuôn mặt như khỉ ăn gừng của mấy cụ, lúc nào cũng ủ dột, bẩy ngày chỉ thấy trời mưa…. Mà cụ cũng chẳng hiểu nổi lão Đại này, mấy lúc gần đây, cứ nhong nhong cưỡi hạc về quê, đi như đi chợ. Mới năm ngóai, thăm người tình cũ, từ Hà Nội về mặt mày méo sẹo, than thà đừng về thì hay hơn, thì vẫn còn giữ những hình ảnh đẹp. Bây giờ lại thậm thụt về Sài Gòn, nghe các cụ kháo nhau, chuyến này tậu bò lại được cả bê, cụ lại buột miệng chen và “Ối giào, trò đời đàn ông như cái nơm, chòm chọp úp xuống cầu may ấy mà”. Rồi bị mấy cụ ông kéo bè kéo đảng, nhao nhao cự lại, cụ câm như thóc và thề chừa đến gìa, nhưng trong bụng vẫn rủa thầm: “Ăn cỗ nhờn môi rồi, mèo mả gà đồng, ông nào chẳng có”. Và cụ nghĩ, cá mè một lứa, cái ngữ ấy trước sau gì cũng được chim bẻ ná, được cá quăng nôm. Sau cụ lại ấm ức, nào ai biết ma ăn cỗ, có mà giời lần, chỉ khổ cho mấy bà, thuyền ai chẳng muốn có một bến đậu, phòng khi những lúc trái nắng trở trời…. Cứ y hệt như ngồi lê đôi mách không bằng, chuyện không phải là chuyện của mình, đèn nhà ai nhà nấy sáng, ấy tính cụ vẫn vậy, đàn bà mà. Chẳng phải soi mói gì, nhưng cũng có một lần, cụ tò mò được lão Đại cho xem hình, cái hình đen trắng cả mấy chục năm về trước, đã ố mầu vàng khè. “Cô nàng” răng đen hạt na, người vừa gầy vừa khô, cái điệu này, các cụ xưa ta vẫn thường nói: “Khô chân, gân mặt, đắt tiền cũng mua”, rồi cụ chặc lưỡi, các cụ ta cũng quái quỷ thật, gả vợ lấy chồng cứ như là mua trâu mua lợn ấy. Xem đến cái hình thứ hai, thì cụ bấm bụng không dám cười, ai lại người đứng thẳng đuỗn như con trạch phơi nắng, đầu quấn khăn vành giây, mặc áo tứ thân, bụng đeo tòng teng, lủng lẳng cái xà tích bằng bạc của các cụ ăn trầu. Mà giời đất ạ, tay thay vì cầm cái nón quai thao, thì “cô ả” dửng dưng cầm cái…quạt mo, thế có chết người không cơ chứ. Có một cái Tết, lão Đại dẫn vợ lại mừng tuổi. So với hình, cụ ngẩn người nhìn không ra, nghe nói dạo trước ở bên nhà, cũng tất tả vai gồng vai gánh, qua đây kiêng tôm, kiêng thịt mà sao người đẫy đà ra phết. Nói chuyện một hồi lâu cụ thấy cũng không đến nỗi tệ, đúng ra thì được cả người lẫn nết, cũng biết đầu biết đũa. Không phải thuộc lọai chém to kho mặn hay rán sành ra mỡ, còn hơn chán vạn mấy bà em chồng của bà, mặt mũi ráo hỏanh, lúc nào cũng cho đơn đòi kép, bóc ngắn cắn dài. Cụ hỏi dò thì vợ chồng lão cũng chẳng có chuyện đá thúng búng nia, mà lão Đại cũng chẳng khó khăn, bẻ hành bẻ tỏi gì cho cam, nên cứ sồn sồn năm một. Nghĩ cho ngay thì vợ chồng lã Đại cũng chất phác chân phương, chẳng khác gì: “Vợ chồng như đôi chim cu, chồng đi trước vợ gật gù theo sau”. Để rồi cụ lại lan man, chuyện người thì sáng, chuyện nhà thì tối, mỗi người có phúc có phận, lại nghĩ đến cái cảnh cọc cạch như đôi đũa lệch của mình: “ Tiếc thay hột gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Bỗng dưng cụ tiếc nuối đến ngẩn ngơ, hay là cái tên nó vận vào người. Nhài trong Nam gọi là lài, hoa lài lại giây mơ rễ má với: “Thài lài cứt chó”. Rồi cụ lại nghĩ lăng quăng, mà sao lúc này lão lại dở chứng ếch vồ hoa mướp thế này. Mà người lại hom hem, nhếch nhác, mắt thì ti hí, nhỏ như mắt muỗi, cười thì híp lại, vẽ một vạch như sợi chỉ. Hay là lão có duyên ngầm, cái này thì thú thực cụ không biết. Nhưng cụ phải công nhận một điều, mặc dù ăn to nói lớn nhưng lão nói chuyện đâu ra đó, có vần có điệu, nhất là khi lão kể chuyện Tầu, điển tích điển cố vanh vách, lâu lâu còn chêm vào hai, ba câu thơ Đường. Và cụ chịu chết, mặt ngây ra không hiểu ất giáp gì cả, cứ như chúa Tầu nghe kèn, nhưng nghe mãi rồi cụ cũng thấy hay hay. Qua Giêng, lại thêm một năm mới, dạo này cụ chán chẳng thiết nghĩ đến ngày tháng và mó tay mó chân làm cái gì nữa, hình như mỗi năm cụ càng thấy mệt mỏi và lười ra, ăn cũng không thấy ngon, nhiều sáng dậy, cả người cứ ê ẩm và lừ đừ. Nhưng hôm nay, tự dưng cụ cảm thấy thóang đãng, nhẹ mình nhẹ mẩy, cũng có thể vì nắng ấm, chim chóc lại về nhiều, ríu ra ríu rít với nhau cả một góc vườn và cụ cũng vui lây. Vào xuân cả non tháng rồi, mà trời vẫn còn lành lạnh, khu vườn của người chủ trước, cái thác nước lù lù một đống như cái mả Đạm Tiên, cụ dẹp quách nó đi cho đỡ chướng mắt, còn cái hồ, cụ đổi béng ra cái “ao” rau muống cho nó gọn. Mới sau cơn mưa đầu mùa kéo dài cả tuần lễ, lại gặp nắng hanh, những cọng rau to bằng ngón tay út, lá ra mơn mởn xanh mầu cốm giót, dài như lá tre, ngoi ra khỏi bờ và bò lổm ngổm trên mặt cỏ, cứ như rau muống đỏ vậy. Cái của nợ này, càng cắt càng dài ra, lại dai nhanh nhách, mà răng cỏ cụ thì lúc này có hơi chộn rộn…nắng tốt dưa, mưa tốt lúa. Hay là muối cho lão Đại một hũ dưa chua, cũng chẳng mất công gì nhiều, thêm chút rau cần, múa tay một lát là xong ngay ấy mà. Nhưng cụ biết lão Đại thích làm theo kiểu người Nam, cũng dễ thôi, thêm ít giá sống với rau răm và hẹ. Thường thì ở quê cụ, vẫn muối rau muống với rau ngổ trâu vì hai cái giống này, lạ một điều là hay mọc chung với nhau ở ao nhà, lổn ngà lổn ngổn nên cứ đầy ối ra. Còn luống cà góc vườn, mới sang đông, tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà, cụ lấy hột cà phơi khô từ năm ngóai, ủ vội ủ vàng bằng cỏ khô để ươm, có lẽ tưới bằng nước vo gạo nên nay đã có hoa tím lơ thơ, đúng là mầu tím hoa cà, trông đến mát mắt. Cụ lại bâng khuâng, hồi tưởng lại những ngày còn ở quê, đẻ cụ, tứ thời với cái khăn đen mỏ quạ, đã bạc mầu thành mầu xám sỉn, sùm sụp chiếc áo bông dầy đã sờn cổ, sờn vai, mà nhà có thiếu thốn gì cho cam. Quanh năm suốt tháng, đẻ cụ luộm thuộm váy nâu sòng, nhuộm đi nhuộm lại, nên cũng chẳng biết là mầu gì nữa. Chân đi đôi guốc mộc đã vẹt gót, quai da trâu tòan đinh là đinh. Vừa tẩn mẩn làm vừa nói chuyện một mình, đẻ cụ lấy mấy trái cà to, già và vàng, buộc giây vào cuống, treo lên cột cạnh nơi xó bếp. Tới cuối đông, đẻ cụ lấy xuống và bổ ra, lượm hột, giầm đất, rắc hạt cà xuống, ủ trên một lớp rác thật mỏng, được khỏang một, hai tuần cà bắt đầu mọc, khi mọc được mấy lá thì đào lên và cấy cách nhau khỏang ba, bốn gang tay và tháng sau là cà ra hoa. Khốn khổ nhất là cụ, hồi nhỏ, cứ phải canh ả gà mái ghẹ béo nung núc dẫn con đi kiếm mồi, kiếm giun, kiếm dế, cứ tứ tung vung vãi cả lên. Thêm mợ ngan mỏ đỏ nằm ổ, bì bạch kéo lê đào sới nữa, thì lạy chúa tôi, nhiều khi tan hoang cả một khóm cà. Nhưng được cái là cà vươn lên vùn vụt, xum xuê, sai trái hơn cà bát, cà trái thị, mấy giống này chỉ được cái to xác, mỗi cây ba, bốn trái là nhiều. Cụ vừa nhặt rau vừa vẩn vơ về khóm cau, khóm chuối quê nhà thì bất chợt, đằng “ao” rau muống, có tiếng kêu ồm ộp của con cóc ở một hóc hẻm nào đó cất lên, xa vắng rời rạc, được một lát thì lại có tiếng kêu của một con khác đáp lại ở góc vườn. Cụ lắng tai nghe thì hình như một con đực, một con cái, ngừng một lát như thăm dò, rồi chúng lại thúc dục gọi nhau, rồi lại đứt quãng, như cân đo đong đếm. Tiếng con đằng góc vườn thanh và ngắn hơn, đúng ra, theo cụ nghĩ thì e dè hơn, rối rắm hơn, cụ đóan chừng chắc là con cái. Còn con đực thì ve gái như giã chầy giã cối, lúc khoan thai, lúc dồn dập như thôi thúc, mời gọi. Hay là trời sắp có cơn giông, ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước, mà cũng quái lạ, không hiểu tại sao chúng lại gọi nhau vào lúc trời sắp mây mù mưa gió, cứ như tháng Bẩy mưa ngâu, giống vật muôn lòai cũng đa tình cả đấy, cứ như người vậy, nào ai biết, nhất là bây giờ lại lác đác có mưa xuân. Và cụ chợt nhớ đến truyện đôi chim bồ câu của bà giáo Bồng. Đi đâu cụ cũng vẫn thường nhặt nhạnh những tờ báo tạp nhạp để đọc cho qua ngày, để giỗ giấc ngủ, nhưng thỉnh thỏang cũng bắt gặp được dăm bài hay, như truyện “Chim bồ câu ngọai tình” này. Đọc xong, suốt đêm cụ thao thức, cứ lửng la lửng lơ như người mất hồn…. “…Chung thủy như chim bồ câu, từ tấm bé, chúng tôi được ông bà, cha mẹ bảo thế, lớn lên đọc sách cũng nghe nói như vậy, rồi sau này là nhà giáo, dạy học trò, dạy con cái cũng không ra ngoài cái khuôn thước ấy. Cho đến một buổi trưa năm 1978, vào thời gian sống trong chung cư, tôi mới ngớ người ra. Điều được nhìn thấy rõ rành rành, vì nó trái ngược quá, nên tôi phải mời một bạn hàng xóm là giáo sư Nguyễn xuân Hiền, ra sân sau cùng quan sát. Đầu đuôi thế này: Gia đình chúng tôi có một chuồng nuôi chim bồ câu hai ngăn. Sau khi nuôi được một đôi xám, chúng tôi nuôi thêm một đôi nữa mầu trắng, không may con chim mái mầu trắng chết. Ông nhà tôi nhiều lần phải nhắc mua ngay một con mái khác để ghép đôi, cho con góa khỏi bay mất. Nhưng vì bận quá, tôi cứ chần chừ mãi, cũng may con góa vẫn lủi thủi sống một mình. Buổi trưa hôm đó, tình cờ tôi ra sân sau, nhìn vào chuồng con góa thì thấy không phải một mà là hai con, đang quấn quýt, huơ mỏ tỏ tình với nhau: “Chắc là con mái nhà ai lạc vào”, tôi nghĩ như thế và định lại gần để xua nó đi. Tôi chưa kịp nhấc chân thì từ ngăn chuồng ấy, một con chim mầu xám đi ra: Đúng là chị chim cái lông mầu xám nhà mình, lúc này anh chồng nó đang vắng mặt. Tôi sững sờ và nghĩ mình trông lầm, để kiểm chứng, tôi quay vào nhà lấy một nắm đậu tương mà chúng rất thích, và cho vào cái máng ăn chung đặt trước hai cửa chuồng. Anh góa nhòai ra cùng ăn với chị chim mái, vui vẻ lắm, chẳng có chuyện ai giành ai, bỗng anh chồng quay về, cũng sục vào ăn. Lạ chưa, chị vợ bỗng nhiên nhẩy bổ vào anh góa, mổ lia lịa vào đầu vào cổ “Có thế chứ, đúng là mình nhìn lầm” và hình tượng chung thủy của họ nhà chim bồ câu, lại trở về ngự trị trong đầu óc, tôi thở phào nhẹ nhõm. Ăn xong, anh chồng lại bay đi, anh góa toan quay vào thì chị xám tới gần chàng và lần này thì việc tỏ tình, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng cần giấu giếm. Tôi bèn kêu ông bạn giáo sư hàng xóm qua cùng chứng kiến. Chúng tôi vừa quay ra sân thì thấy đôi chim đã đưa nhau vào “tổ ấm” của anh góa. Bạn tôi lè lưỡi: “ Ôi, chim chóc cũng hiện đại quá nhỉ”. Tôi không hé răng, mân mê một nắm đậu tương nữa, chờ anh chồng quay về và anh chồng vỗ cánh phành phạch bay về thật, nhưng trước đó mấy giây, chị vợ đã có mặt ở trước cửa để đón. Và cảnh chị vợ mổ anh góa tới tấp lại diễn ra, chuyến này có phần hăng hơn. Đến khi anh chồng bay đi thì việc tình tứ lại tiếp tục như không có gì sẩy ra. Sáng hôm sau, tôi lên chợ Bắc Qua mua một con chim mái để ghép đôi cho anh chim góa, nhưng lý do vì hấp tấp và lơ đãng, tôi mua phải chị già mầu nâu và tệ hại hơn nữa là mỗi bàn chân chỉ còn có hai ngón, bước đi cứ khập khiễng. Tôi bỏ chung vào chuồng anh chim góa rồi lấy các thanh nứa ken cửa lại, chắc mẩm chỉ vài hôm sau, chuyện sẽ ổn, không ngờ anh góa mổ con nâu rất dữ, buộc tôi phải mở cửa ra từng lúc để giữ nó trên tay, chờ cho anh góa nguôi nguôi mới lại thả vào. Tưởng chuyện ghép đôi của chim là đơn giản, chỉ cần ghép trống với mái là xong, ai dè! Anh góa không chịu sự có mặt của con mài nâu trong “lều tranh” của nó, ban đêm, con mái nâu phải ngủ trên thanh gỗ đầu hồi, một đêm rét quá, nó chết rơi xuống đất Một thời gian sau, cô xám sang hẳn bên “tổ ấm” của anh góa, ngày cũng như đêm, còn anh xám, ngày ngày đi kiếm ăn xa, tối về nằm chèo queo một mình”. Cụ còn nhớ lúc đọc xong truyện này, cụ cứ lấn cấn cái tựa đề và nhột nhạt với hai chữ “ngọai tình”, có vẻ nặng nề quá lắm, nếu đổi là “Truyện đôi chim bồ câu” thì nghe nhẹ nhàng hơn, cụ nghĩ vậy. Nhưng cũng hai chữ: “Bà giáo”, qua bà giáo Bồng, bỗng dưng cụ cảm thấy gần gũi và gần như quen thuộc cùng man mác tiếc nuối vu vơ. Hái mớ rau muống, rửa sạch, cắt thái và ngâm xong hũ dưa chua cho lão Đại, cụ ngồi thừ người không biết chiều nay làm món gì cho lũ con về ăn, mấy đứa con cụ thì đứa nào như đứa nấy, chỉ mè nheo có gì ăn với bún, con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh…y như cụ. Rồi cụ chợt tẩn mẩn bấm đốt ngón tay và chép miệng, cũng gần đến tháng Năm ta rồi, tháng năm chửa nằm đã sáng, sau vụ chiêm đến tháng Mười là vụ mùa, tháng mười chửa cười đã tối. Từ cái ao rau muống bé con con, luống rau, thửa cà bằng nửa cái chiếu của vườn nhà, như có một cái gì thôi thúc, níu kéo. Lắm lúc cụ vừa định đả động đến chuyện: “Ấy, ngòai Bắc mình, mùa này…” thì các bạn cụ gạt phắt đi: “Cứ gạo Thái Lan là xong tất”. Nghe mà ngán ngẩm đến phát chán, cụ cũng chẳng buồn phân trần, giờ này thì các cụ đã áo nâu sòng, lên chùa gõ mõ tụng kinh, ăn chay niệm phật, hương khói nghi ngút. Còn cụ thì đang mầy mò nướng ít bún chả, bạn cụ người thì gọi là bún chả Hà Nội, cụ khác thì kêu là thịt nướng Nam Định. Cụ thì chưa một lần bén mảng đến cái đất Hà Thành thanh lịch hay Thành Nam văn hiến ấy. Ối dào, thôi kệ thây các cụ, trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ…Chẳng ai rỗi hơi hoa hòe hoa sói với mấy cái tên. Vừa thái miếng thịt ba rọi béo nhẫy, cụ vừa suy nghĩ vẩn vơ, càng có tuổi, ai cũng vậy, đều có một nơi chốn để nương tựa, để gửi gấm…Với tay lấy rổ rau, cụ lại miên man nghĩ sang chuyện khác, cụ chỉ thích rau muống chẻ ăn với thịt nướng, năm nay mưa nhiều rau muống khí hơi dai, nhưng chắc không đến nỗi tệ. Sắp mấy cục than vào cái lò nướng, đầu óc cụ lại luẩn quẩn, cứ đốt cái lò than hồng lên đã, cụ nghĩ tiếp, vả lại, cụ cũng cần có bạn để khơi trống tro tàn, không lẽ chỉ mình cụ đốt lò hương cũ…như đốt rơm đốt rạ: Ngồi buồn đốt một đống rơm Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào Khói lên đến tận thiên tào Ngọc Hòang phán hỏi: Đứa nào đốt rơm Tự dưng cụ thích chí, chú chím cười một mình, như tự đắc ý: “Không có lửa sao có khói”. Nghĩ cho cùng thì chẳng trách gì các cụ, làm thế nào các cụ ấy hiểu được cụ cùng những vấn vương, những gắn bó, chuyện cỏn con thật đấy, nhưng cụ chẳng biết kể lể với ai…Và cụ bâng khuâng, ngay từ những ngày còn tấm bé, cụ đã được nghe ru con qua những câu ca dao à ơi: “Cái bống mà ngủ cho ngoan, mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về…”, thật mộc mạc và bình dị, như nhập vào da vào thịt. Suốt ngày đẻ cụ đi ra đi vào, nói một chữ là đệm một câu tục ngữ, hay ví von những câu vè dân gian gần như vô nghĩa: “Nồi đồng nấu ếch, nối đất nấu ốc…”, từ đời này qua đời kia, như thấm vào xương vào tủy, để rồi nhập tâm lúc nào không hay. Lớn lên một chút, thì bén chân thợ cầy, thợ cấy, canh một chửa nằm, canh năm đã dậy, cùng điện hát câu hò, như chôn chặt vào mảnh đất cầy sâu cuốc bẫm, từ tháng này qua năm nọ, từ vụ chiêm đến vụ mùa. Làm sao cụ quên đựơc cấy mạ chiêm vào tháng Giêng, trời mua phùn gió bấc, mạ lâu bén rễ nên phải cấy sâu, thế nên mới có câu: “Mạ chiêm đào sâu chôn chặt”. Rồi tối tối, phập phồng xem trăng xem sao như thiên la địa võng, đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa. Qua đến vụ mùa tháng Mười, trời nắng mưa nhiều nên cấy nông, lúa sẽ mau lớn, các cụ ta xưa lại dặn dò nhau: “Mạ mùa vừa đặt vừa đi”. Sau đó cầu trời khấn Phật, ngắm trời ngắm đất, mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa. Đến khi lúa trổ vào lúc gió đổi mùa thì lại phải cầu đảo thần gió, thần mây, gió đông là chồng lúa chiêm, gió bắc là duyên gió mùa. Đâu cứ ngồi mát ăn bát vàng với gạo Thái Lan như các cụ tưởng, chuyện mùa màng cũng vất vả trăm bề, chân lấm tay bùn như con vạc ăn sương. Và như…Cụ gãi gãi đầu như cố nhớ…Hình như các cụ ta kêu là giấc mộng kê vàng hay giấc hòe gì gì đó, rõ là rắc rối, cứ như cụ gọi là giấc ngủ ngày cho xong chuyện, cũng có sao đâu. Như vừa tỉnh giấc, mơ màng đâu đó…Nhưng cụ vẫn nhớ rõ mồn một, như mới ngày hôm qua. Mùa gặt đã đến và cụ ra đồng trông thợ, đi hết con đường sống trâu đầy phân bò phân trâu là ra tới ruộng. Sang hè, trời cao nắng nỏ, lúa vàng như chuối chín, hai bên lúa vàng ửng. Đã sang tháng Năm, tháng mưa rào trắng ruột mà trời vẫn cứ trong vắt, khô rong róc, cao tít, cứ như bị vắt đến kiệt nước, mặt ruộng như khô cứng lại, đi gặt không phải sắn quần. Lao xao khỏang này, láo nháo khúc kia, thợ gặt tay túm lúa, tay liềm cắt sòen sọet, sòan sọat. Rồi lượm lúa để từng bó trên bờ, những nhánh lúa nào còn vương vãi, rơi rớt thì đến chiều mót sau, rồi gánh về nhà. Thợ gặt cười nói rậm rịch, trêu chọc nhau, hát hò vang vang cả một cánh đồng, với cụ, sau những ngày hội lễ đình chùa thì mùa gặt là những ngày vui nhất của dân làng, vựa thóc sẽ đầy, cơm trắng canh ngọt. Và thế nào chiều nay, thầy cụ cũng ngả một con khoang cho mà xem, rượu mận với lá mơ và rít thuốc lào tràn cung mây và cũng không thể thiếu cút rượu ngang đưa cay. Rồi đột nhiên, cụ chợt như ngửi thấy mùi lúa chín, thơm ngai ngái mùi ngô non và cụ lắc lắc cái đầu, như không tin ở chính mình… Và rồi như ngay trước mắt, cụ đắm chìm trong cơn gió thổi lào xào, những bông lúa chín vàng cọ vào nhau ram ráp, nghe khô ấm, muỗm, cào cào bay tanh tách. Mùi lúa chín, mùi chân rạ vừa cắt, thơm ngát thoanh thỏang khắp cánh đồng. Nhớ nhà, nhớ quê…nhớ cả đường đi lối về. Cụ nhớ cả những buổi trưa nhàn nhã, ngồi bên ven hè, lơ đãng nhìn qua rặng tre cuối vườn, nghe tiếng sáo diều vi vu đâu đâu tận đằng xa. Chiều chiều, phía bên cánh trái có tiếng chuông chùa vu vơ, lặng lờ vọng lại, nghe buồn như trấu cắn. Rồi bốn, năm giờ chiều, phía bên cánh mặt, ngày nào cũng như ngày nấy, tiếng chuông nhà thờ điểm từng tiếng một, chậm rãi, kêu gọi giáo dân đi rước lễ. Nếu hôm nào bất chợt có tiếng chuông đổ dồn, thì cụ cũng hiểu là đang có một người trong làng vừa nắm xuống. Và cụ chợt nhíu mày, thằng Tấn, cái Thuyền con chị Cả Quất, cả hai đứa bị bệnh dại mất năm xưa. Cụ quên bẵng đi mất, không biết nghĩa địa của hai đứa cháu, nằm ở cánh đồng nào. Nhưng cụ chẳng bao giờ quên được cái tháng Năm ta năm ấy. Mà lão Đại này, như muốn trêu ngươi cụ, giờ này vẫn chưa vác mặt tới, tuần trước đã chốn chui trốn nhủi ở đâu rồi, người gì cứ ẩn hiện như ma, không biết đâu mà rờ. Cụ vừa định gọi điện thọai cho lão thì có tiếng chuông cửa, nghĩ cũng linh thật, cứ như ma xó ấy, không biết lão có hắt hơi nhẩy mũi gì không, mà vừa nhắc, chưa thấy người đã thấy tiếng. Không biết chuyến này lão thửa đâu được cái điếu cày, cụ Nhài lấy làm lạ, ối dào, nào có gì lạ đâu mà mấy cụ ấy cứ sum soe cả lên. Trước sau cũng chỉ là ống tre bánh tẻ, một đầu có mấu để đựng nước, đáy có khóet cái lỗ để gắn cái nõ điếu. Vậy mà lão Đại cũng hí hóay tháo cái nõ điếu hình cái phễu, chỉ chỏ cuối ống phễu tỏe ngang như chiếc guốc, miệng hít hà, hút kêu giòn hay không ở cái guốc điếu này. Sợ bụt chùa không thiêng, lão vê vê một chét thuốc nhỏ bằng hai hột ngô để vào miệng nõ điếu, lấy ngón tay ấn nhẹ cho chặt, rồi châm lửa hít mạnh, cái điếu kêu nghin nghít như người hen tắc cổ, rồi ngẩng đầu lên trần nhà, phun khói mù mịt như rồng phun mây. Nhìn thấy cái điếu cày và ngửi mùi thuốc, cụ Nhài như ngộp thở và chóang váng… Và cụ thầm nghĩ trong đầu, lát nữa cụ sẽ kéo lão Đại ra ngòai vườn, không phải để nói chuyện hút thuốc trong nhà. Mà cụ muốn kể cho lão nghe một câu chuyện khác: “…Thằng còi cun cút chạy qua nhà cái gái để xin lửa hun bếp, rồi lại ba chân bốn cẳng vù về, vừa chạy vừa thổi phù phù vào con cúi rơm, tia lửa tóe ra, khói bay từng sợi. Lắm khi vừa bước vào đến bếp, sắp sửa bén qua bó bùi nhùi thì mồi lửa tắt ngúm, mặt thằng còi cứ thuỗn ra. Nếu vì nhúm lửa mà phải lội qua ba cánh đồng, nó cũng không ngại, mà ngại nhất là chạm mặt thầy của cái gái. Làng trên xóm dưới gọi thầy cái gái là ông Quản Tây, nghe nói thì ông là lính thợ, đi tầu thủy qua tận bên Pháp. Về làng, mỗi lần có lễ lớn, trên Đồn Cao treo cờ tam tài to bản và mới hơn ngày thường, kèn đồng thổi tò te tí te vọng xuống làng mạc, thì y như rằng là ở dưới này, ông Quản Tây, diện óach một bộ đồ dạ mầu đất sét từ chân tới đầu, quần dạ, áo dạ, đính cúc đồng, mũ dạ tròn như cái nồi đồng úp ngược, đội lệch qua một bên. Trời nóng cũng như lạnh, bao giờ cũng khóac ngòai cái áo “ba-đờ-xuy” mầu cứt ngựa, tay chống “ba-tong”, chân đi giầy “săng-đá” gõ cồm cộp, nếu gặp người làng đi ngược lại, thì tiếng giầy đinh càng kêu to hơn. Nhờ có ít vốn, ông mua ruộng thẳng điền, ruộng sâu giữa đồng, trong nhà thì sập gụ chân quỳ, trải chiếu hoa cạp điều, ngòai vườn thì chuồng rậm rịch lợn đàn trâu nái. Hàng xóm láng giềng lại được thể, giầu mới lên, mọc mũi sủi tăm ấy mà, chẳng qua giật gấu vá vai để vắt mũi đút miệng, Tây với chẳng Ta, đũa chống trời, để rối cứ chống mắt lên mà xem. Lại nữa, nghe nói ông có vợ đầm xòe ở tận “Mạc-Sây”, bên Tầu bên Tây gì đó, xóm giềng lại được một phen sì sào, cái thứ mặt mày bè bè thô vụng ấy, có sứt môi lòi rốn ai mà dám lấy. Già kén kẹn hom mãi lâu sau, lâu lắm thì phải, ông Quản Tây mới lấy bu cái gái, có hai đứa con rồi thì ông cứ lẩn quẩn trong nhà, ít ai thấy mặt ông, sau này nó nghe đồn là ông Quản Tây nghiện thuốc phiện, nó cũng chẳng biết có đúng không. Chuyện làng nước, chuyện bố con nó thì nhão nhào như: “Cơm tẻ, mẹ ruột, bán vợ, đợ con, cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới… “. Ngày lui tháng tới của bố con nó là tùy theo mùa, bố nó làm thuê cho dân làng, mùa thì bè ao, lợp nhà…rồi mùa cầy mùa cấy. Bố nó thì đúng là lực điền, đen chui chủi, lúc nào cũng khăn quấn đầu rìu, quần sắn móng lợn và nổi tiếng trong làng, ai cũng biết là khéo tay khéo chân. Còn tạng người nó thì mảnh, gầy đét như con mắm, nhưng suốt ngày đầu giăng cuối gió, nên chẳng sài đẹn bao giờ. Nhưng bị cái vụng về nhớt nháo, buộc cái lạt thì lạt gẫy, cái nôm sộc sà sộc sệch, loay hoay thế nào lợn lành hóa lợn què. Đến vụ mùa thì cấy mạ, gặt lúa và nó thích nhất là theo bố nó qua nhà cái gái đập lúa, hai đứa cứ tung tăng lấy cái rổ, cái rá chụp muôm muỗm, cào cào, châu chấu. Với nó thì cào cào rang, bùi và béo ngậy như vỏ khoai nướng vùi trong trấu đỏ hồng. Vui nhất là những ngày giáp Tết, xem bố nó dựng cây nêu, treo cặp bánh chưng xanh, chuỗi pháo đại đỏ hồng, câu đối và cái phướn lồng lộng bay trong gió như rồng bay rắn lượn. Lại nữa, cái gái mặc áo mới, cái áo cánh hai túi mầu tím hoa cà, cái quần trắng vải trúc bâu ngắn cũn cỡn, giải rút dài lòng thòng, tóc bím, cổ đeo cái kiềng của bu nó, to bằng cái đĩa, vàng chóe, để nó nhìn không chán mắt. Mới sáng sớm, bố nó vừa đặt cái cánh cửa bên cầu ao để mổ trâu thì nó đã chực ở đó rồi, để vớ cái đuôi trâu, ít nữa phơi khô, đập ruồi thì phải biết, cứ lăn quay như rạ. Thọc tiết lợn, lợn nái, lợn lang, nó thuộc làu làu, nhớ vanh vách chỉ vì ba cái bong bóng lợn, bong bóng lợn độc, lơn sề bao giờ cũng dầy và to hơn. Có lần nó theo bố nó tận Đông Khê cách làng nó ba, bốn cây số, để dắt trâu mộng về cho ông trùm mãi tận cánh trại Nong. Và nó sợ nhất là qua cầu Đạm hớt rươi, già nửa dêm, nước rươi đã nổi, hai bố con và dân làng đốt đuốc đi săm. Chỉ một lần thôi và nó cạch đến già vì rươi đủ mầu loang lóang xanh, đỏ, trắng, nổi lềnh bềnh từng bè, lúc nhúc như ròi đến phát khiếp. Rồi đến tháng giêng rét dài, thánh hai rét lộc, tháng Ba rét nàng bân, mưa dầm gió bấc, thì bố nó lại lui cui đầu đội nón mê, lưng khóac áo tơi, đánh vó, đánh dậm, quơ cào dược ba con con tép, con nhòng ở ven sông, ven đê. Còn nó mải mê ở trên bờ, xách cái lờ bắt rạm hay câu cáy, những tổ rạm, tổ cáy chi chít dưới gốc tre, cửa hang sát sông, rải theo cơn nước lên xuống, hoặc ở cụm cói, cụm khoai, ngọn cỏ thấp thóang là nơi chúng tập trung nhiều nhất. Câu cáy thì dễ ợt, ngon ăn như óc lợn chấm muối tiêu, bẻ cành tre, buộc con giun, con dế vào đầu giây, nhử nhử mấy cu cậu nhát như cáy, quơ quơ cái càng đỏ bé tí tẹo, kẹp chặt miếng mồi là cứ thủng thẳng kéo lên, khua khoắng nhếu nháo đến chiều cũng được một, hai giỏ. Được cái làng nó là làng có máu mặt ở dưới chân núi Đèo này, cũng có cổng tiền cổng hậu, cũng có thôn đông thôn đòai, nhưng không hiểu vía ông tiên chỉ có chạm vía ông thần hòang hay không, mà làng nó trai thiếu gái thừa, xuất đinh thưa thớt hẳn đi. Nên bố nó cũng tất bật quanh năm, không đến nỗi áo rách, quần manh, hay bụng đói, cật rét, cũng ngày hai bữa, bếp đỏ hai lần. Muốn bếp đỏ thì cứ phải chạy qua nhà cái gái xin lửa, mà cái con ranh con này cứ hay bắng nhắng, quỷ tha ma bắt, cứ bắt nạt nó như nhện bắt ruồi vậy. Và nó chịu không hiểu nổi, sau này bỏ làng, bỏ nước mà đi…Nó mới thấm. Đâu đó cũng được dăm mùa gặt, nó cũng không nhớ. Cá chắm đắm vì con, bố nó nhắn bá nó từ Hải Phòng lên, để đón nó xuống đó đi học. Tai vách mạch rừng, mới thóang đấy là đã có tiếng ong, tiếng ve: “Chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay nhẩy”. Lần đầu tiên trong đời, nó được đi xe ca hãng Con Ngựa Bay. Chiếc ô tô vừa kềnh càng, vừa cao lêu nghêu, hai cái đèn như quả bưởi bổ đôi, mỗi bên một nửa nằm hai bên vè xe, to cộm và xanh rì. Muốn máy chạy phải dùng cái ‘tua-nơ-ven”, quay tít ba, bốn vòng mới nổ, máy kêu khật khừ cà xịch cà xịch, khói cứ mù mịt cả lên. Qua Đông Khê, cầu Đạm, mặc dù quen thuộc, nhưng vì ngồi trên cao, nó thấy đồng ruộng cũng như sông nước như bát ngát và rộng rãi hơn, trong nó, tự dưng có một chút bồi hồi, xôn xao nào đó, nó cũng không hiểu được. Xe ì ạch bò lên núi Đèo chậm rì rì, qua Đồn Cao, nó nhìn thấy núi rừng, chỉ tòan cây với đá. Rồi đổ dốc Mạo Khê xuống Hải Dương, nó như muốn chóng mặt, ở đây nó thấy những thửa xu hào, su su, rau xà-lách xanh mướt trải dài hai bên đường, trông thật mát mắt. Đến Hải Phòng thì nó không còn thấy mát mắt nữa, mà là hoa mắt và chói tai thì đúng hơn, qua kho Năm, kho Sáu gì đó, nó lờ mờ không rõ, eo ơi, tường của kho dài cả hơn cây số. Trên đường thì xe cộ như mắc cửi, xe nhà binh, xe vận tải, ầm ầm, rầm rập, bóp còi toe toe, xe đạp, xe “xích-lô” bóp chuông kêu kính ca kính cong. Dưới sông thì “ca-nô”, tầu thủy nhả khói đen thui, chạy tới chạy lui, hụ còi kêu tu tu, và với nó, cái gì cũng lạ hoắc đến ngốt người, đến nỗi mồ hôi lấm tấm cả sau lưng… Xuống xe ở bến cảng, bến sông nào đó, một đầu dốc thoai thỏai xuống nước như bến phà, gió thổi lồng lộng, cát bụi mờ mịt, áo quần bay phật phật và bá nó vỗ đầu khen: “Thằng này ngoan, không nôn ọe gì sất”. Và nó vẫn ngóai cổ lại nhìn cái đầu xe tròn và to chình ình, y hệt như trái dưa găng sọc xanh, trắng ở quê nó, bằng hai trái bòng, đập bể ra, ngọam ngồm ngòam kêu sồn sột, ngọt nước và ròn tan. Nhưng nó chỉ độc nhất được ăn một lần, không có lần thứ hai, nên nhớ mãi. Ở nhà bá nó, nó phải bế em, đúng ra là con chị, gớm cái con này béo tròn béo trịa, nung núc những thịt là thịt, nó bế vẹo cả người, trẹo cả xương sườn. Chưa hết, nó còn phải bổ củi vo gạo, nấu cơm. Thỉnh thoảng nó còn phải trông chừng gánh hàng sén của bá nó ở phố Cát, gần dốc cầu Gỗ. Mà gánh hàng sén này thì hầm bà lằng, nào là kim chỉ, cúc áo, gương, lược, nào là dầu cù là Con Hổ, thuốc dán Xiêm La, chạy đi chạy lại, đầu tắt mặt tối, lắm lúc nó tủi thân, cứ như ở đợ vậy. Nhớ lại lại những ngày ở quê, nhởn nha nhởn nhơ theo bố nó, thế mà sướng, đói làm bát cơm nguội chan với nước vối, bụng dạ có ọc ạch thì ù té rông ra đồng, gió hiu hiu thổi. Hôm nào bố nó đi từ sáng tinh sương, nó lười nằm nướng thêm một tí, dậy quẹt vội cái mặt bằng nước lã, rồi ba chân bốn cẳng theo đuôi đám chăn trâu, đào giun đào dế, bắt chuồn chuồn, châu chấu…Nó lại nhớ đến cái gái, thể nào cũng nó cũng vòi bá nó cho bằng được cái gương tròn, sau lưng bọc thiếc, có hình cô đầm môi son đỏ chót. Vào những dịp bác trai nó lĩnh lương “đúp-lê”, thì cả nhà được ăn chả rươi, thì là được trộn lẫn vỏ quýt thái mỏng như que tăm, nó lại nhớ đến tháng Chín mưa rơi, mùa rươi cầu Đạm dưới nó, chỉ trần một món rim như mấy con nhọng trơ xác, mặn chát. Hoặc tôm he khô, ửng hồng như cua gạch, con nào con nấy to kềnh, to bằng hai ngón chân cái của nó và co quắp nhưng vẫn dài ngoằng, tôm được kẹp trong cái kẹp tre buộc giây lạt, chưa chi trông đã thấy ngon, nó chỉ ước gì có một kẹp cho bố nó. Còn cá thu kho với nước chè vối, hoặc với dứa với giềng, thì đầu tháng nào cũng có, và khóai củ tỉ nhất là cá chim rán vàng ngậy, chấm với nước mắm pha chua ngọt với “cà-rốt”, củ cải thái mỏng, tí ớt cay cay, ở quê nó quanh năm suốt tháng chỉ nước mắm cáy, lại cũng…mặn chát, nghĩ mà thấy đắng cả miệng. Có đồ ăn ngon, bá nó lại dỗ dành: “Ăn cho phổng phiu chóng lớn, học hành đỗ đạt rồi về ở với bố, tội nghiệp cha gìa con cột”. Nó rơm rớm nước mắt cúi xuống và cơm, nó thì không phàm ăn, nhưng phất phơ rồi cũng vét sạch mâm. Cứ như vậy, đâu đó cũng gần cả chục năm, lúc lên lớp, lúc xuống lớp, không kể năm còn bị “đúp” nữa. Trầy da tróc vẩy mãi đến lớp Ba, nó cũng cuỗm được cái bằng sơ học yếu lược, đì đạch lên đến lớp Nhất, mèo mù vớ cá rán, nó quơ được cái bằng tiểu học. Và quay về với đồng ruộng vì ở đấy có bố nó, có cái gái, vả lại bây giờ nó cũng nhớn rồi, nó cũng có những khỏanh khắc ngong ngóng, nhơ nhớ. Về đến quê, đầu gà má lợn của hương chức trong làng thì chiếu nhất, chiếu nhì đã có cụ Tiên chỉ, cụ Chánh tổng, cửu phẩm, ngũ phẩm không ai ngòai ông Hàm, ông Quản, quan viên đã có ông Lý, ông Trương tuần ngồi đợi sẵn. Nó được chia chác cho cái chức hương sư gõ đầu trẻ, chẳng phải tranh dành, buôn bán gì, che đóm ăn tàn nên cũng rỗi và khỏe cái thân. Sau mấy năm cũng nhiều đổi thay, quê nó tiêu điều hơn, dinh cơ nhà cái gái có sa sút hơn một chút và chính nó cũng đã thay đổi. Ngày về qua chào thầy bu cái gái, nó diện kẻng, túi khăn mùi soa, lược sừng có cán, gương tròn có hình cô đầm, nó không còn lọ như ngày nào nữa. Mà cái gái cũng khác lạ, hàm răng hoa cau, dáng cá trắm, nở nang chắc đậm. Và thêm một điều lạ nữa là bu cái gái, áo nhung quần lĩnh để ra đón nó, cứ như đi chẩy hội đầu năm, cũng cơi trầu, khay nước, cứ y như là nó đi coi mắt cái gái vậy, sau đó chuyện trò như pháo ran, lại ân cần gọi nó là: Anh Giáo. Làm nó cứ lâng lâng cả buổi sáng. Còn ông Quản, ngòai cười cười với nó nhưng mặt mày vẫn đăm chiêu, nói chuyện với nó dăm ba câu nhát ngừng. Nó tự hiểu rằng, đã từ lâu, ông Quản không ưa gì bố nó, mà bố nó chỉ mỗi cái tội ăn nói sóng gió, tọac móng lợn, treo móng giò vậy thôi. Chuyện nó với cái gái chỉ có vậy, chẳng có gì hay ho, nó cũng chẳng biết mầy mò gì khác. Còn cái gái cũng không hơn gì nó, chỉ được cái dấm dúi cho nó khi rổ trứng gà luộc, lúc lọ muối vừng là chăm. Ấy vậy mà cái gái lại hay hỏi dấm dớ, như tại sao mùa lạnh lại gọi là mùa đông, mùa nóng lại gọi là mùa hè…Nó ra mặt anh giáo giảng giải, tốt khoe xấu che, nó cũng có bằng tiểu học chứ bộ: “Lạnh nằm đông cho ấm nên gọi là mùa đông, nóng ra ngòai hè nằm cho mát nên gọi là mùa hè”, và nó nghĩ thầm, vậy mà cũng hỏi. Nó chỉ nhớ, gần gũi nhau thì ít, hai đứa nhấm nha nhấm nhẳng nhau thì nhiều, mà cái gái thì mau nước mắt, mỗi lần như vậy và lần nào cũng thế, nó lại dơ tay thề thốt, chỉ độc một câu thuộc nằm lòng: “Trèo lên cây ớt, rớt xuống bụi hành. Ai chẳng lòng thành, hành đâm lủng ruột” hoặc ấm ớ hội tề: “Đứa nào nói dối, ông Táo đội nồi cơm”. Được cái bụng để ngòai da, nói sau quên trước nên cái gái lại quên ngay, không hờn với nó nữa. Nhưng có một chuyện, nó nhớ mãi, một lần nó đứng sau hè, nghe lóm được hai mẹ con nhỏ to trong bếp: “ Chịu khó tập bếp núc đi là vừa, sắp làm cô giáo rồi đấy”. [TABLE="width: 0"] [TR] [TD="bgcolor: #eeeeee"] Và người nó nhẹ như bông như bấc, sướng âm ỉ suốt cả mấy ngày. Nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn và kéo dài bao nhiêu thì một tối, bố nó ngủ và chẳng bao giờ dậy nữa. Gia tài bố nó để lại, không ngòai vật bất ly thân, sáng cũng như chiều, nắng cũng như mưa, lúc nào bố nó cũng dắt ở cặp quần. Đó là: Cái điếu cày. Trong một buổi chiều chạng vạng, nó lơ đãng nhìn dưới chân rặng tre ở bên kia hàng giậu, một dải sương mù như đùn từ dưới đất lên, bay là là lềnh bềnh như giăng một tấm lụa xanh biếc. Nó vân vê một viên thuốc, từ từ nhấn nhè nhẹ vào cái điếu cày. Rút cái nan của bức phên liếp bên cạnh, nó chậm rãi châm lửa, thuốc bén, và hít một hơi thật mạnh. Có tiếnh kêu tròn vo, như có tiếng cười nói lao xao của bố nó và như quen thuộc, nó ngửa cổ phà nhẹ lên khỏang không, như có…khói vàng bay lên cây, như khói bếp thở âm ỉ trên mái rạ, cũng bên kia hàng giậu. Nhưng chuyện gì đến phải đến. Vào một đêm có trăng, có gió… Trời gần nhá nhem tối, thằng còi đang dở tay với cái bu gà to bằng hai cái lồng bàn, thì có tiếng bác thợ đập lúa nào đó ơi ới gọi vọng sang: - Anh giáo…Anh giáo…Cụ Quản nhắn tối nay, anh qua hầu chuyện cụ. Gớm ghiếc, ông bố vợ phải đấm tương lai của nó cũng quan cách khiếp, hầu chuyện mới chẳng hầu chuyện, và nó lờ đi và ì ra, vì còn đang mải mê o bế chân cẳng con gà sống thiến vừa mới “tậu”, lông dài và mướt, chân cao và cặp giò như quả bí non. Xong việc, nó dội mấy gáo nước, tắm táp qua loa rồi lững thững qua nhà cái gái. Chưa vào vội, nó đứng lại bên hè, lơ đãng nhìn mông lung lên bầu trời. Mảnh trăng non bồng bềnh trong những dải mây mỏng, trăng đầu tháng uốn một mảng cong cong gài lóang thóang trên ngọn tre đằng cuối vườn. Chênh chếch qua rặng cây gạo gần chum nước, gió hiu hiu thỏang, tàn cây đong đưa nhấp nhô, loang lóang một mầu vàng trắng nhạt nhòa, gây cho nó có cảm giác lâng lâng, nhè nhẹ và bàng bạc, man mác của “trăng thanh gió mát” như trong sách đã tả…Xuyên qua màn đêm đằng cuối vườn, nó như bị ám ảnh bởi thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, đàn đom đóm bay là là đuổi nhau, cái đuôi mầu đỏ lóe sáng lúc chớp lúc tắt, lập lòe ẩn hiện như ma chơi, như mầu đỏ đầu nhang trên bàn thờ của bố nó. Có đó, mất đó, như mới đâu đây, đang lặng lờ có mặt, nên với nó, khung cảnh lại mang vẻ mờ mờ ảo ảo, thấp thóang bay bay như ma quái chập chờn, bỗng có một cơn gió thỏang thóang qua, nó chợt rùng mình trong lạnh lẽo. Nhìn xuống cái sân đuợc lát bằng gạch Bát Tràng đỏ nâu gan gà, hòn nào hòn nấy vuông vức và chắc nịch, nó như chưa bao giờ thấy khỏang khóat đến như vậy. Lại nhớ một lần, cùng với cái gái chạy trốn cơn mưa rào ào ào bất chợt ập xuống, mới đến cái chum đằng kia, thì chượt chân ngã bổ chửng, đầu táng xuống sân, chóang váng đến hoa mắt, chỉ thấy lốm đốm như sao sa. Đảo mắt tới góc vườn, vết chũng lờ mờ của mấy phiến đá xanh, viên nào viên ấy to bằng gần nửa cái bàn mộc, hồi bé, nó không biết để làm gì mà chất một đống ở đấy. Sau bố nó và mấy bác lực điền ì ạch khuân ra dựng đứng ở ven sân, anh mới biết đó là mấy tảng đá để đập sảy. Lúa chưa tuốt hết đã được gánh về nhà từ hôm nào, được xếp lừng lững thành hàng như những dẫy tường ở cạnh sân. Thợ cũng bắt đầu lấy lạt buộc lại từng bó, đập phành phạch vào tảng đá, âm thanh vang vọng khắp cả sân, hòa đồng cùng tiếng cười nói lao xao, tiếng chân thình thịch đi như chạy, tiếng rào rào của những hạt lúa vung vãi xuống sân gạch như một ngày hội làng, mới chỉ dăm nhát đập sẩy, những bó lúa vàng mẩy đã trơ trụi chỉ còn là bó rơm xơ xác, tuốt xạch cả những hạt xanh, hạt lép. Rơm được chất thành đống, lại dùng cào chẩy rơm thành đụn ở gần cổng, còn thóc được trải mỏng trên mặt sân, thợ đang lấy cào trở thóc cho đều, mót này nó học được qua mấy bác tá điền, gọi là căng thóc. Rồi đếm sao nhìn trăng van vái đợi nắng lên: “Lạy ông nắng lên, cho trẻ nó chơi, cho già bắt rận, cho tôi phơi thóc”, hoặc ngắm mây, ngắm gió, ngong ngóng: “Cơn đằng bắc, đổ thóc ra phơi”, được mấy lứa thì chất vào bồ, rồi đến phiên đổ thóc ra xay, đổ gạo ra giã. Đã đến lúc nó vào gặp ông Quản , chợt thấy cái điếu cầy của ai dựng ở chân cột, tiện tay nó với làm một hơi, vừa nhả khói nó vừ nghĩ bâng quơ, thóc năm nay nhà ông Quản trải chưa kín hết cái sân, mấy đụn rơm cũng không đầy đặn như mọi năm, nghe đâu ông Quản vừa bán đi mấy mẫu ở bên cánh Thượng. Nó chắc mẩm cũng vì cái dọc tẩu, không bỏ được cái ả phù dung này thì rồi cũng đến, thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ. Rồi nó bâng khuâng, rồi gì cũng chỉ một vài năm nữa, ruộng sâu giữa đồng, thế nào cũng lũ lượt chống gậy mà đi. Sau đó là giậu đổ bìm leo, để chẳng còn cái cảnh, thằng còng làm, thằng khưỡn ăn. Trăm dâu đổ đầu tằm, tội là tội cho mẹ con cái gái, đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào. Và tự nhiên nó đâm thần người ra. Nó chậm rãi bước vào nhà, vừa lúc ông Quản gần xong bữa cơm. Vừa kéo ghế ngồi nó vừa nghĩ, chắc cũng chẳng có gì không ngòai chuyện muốn nhắc khéo nó, một con lợn béo, một vò rượu tăm gì đây, khổ một nỗi là bố nó vưa mới mất chưa được ba năm, nên cũng khó ăn khó nói. Nó cũng chợt thắc mắc, từ nãy đến giờ, không thấy bu con cái gái đâu, chắc đang bận bịu với cái chầy, cái cối. Ngồi một lúc lâu, thật lâu, nó thấy ông chỉ nói chuyện cơm nếp cơm tẻ, loanh quanh, không đầu không đuôi, nhưng qua khuôn mặt và đôi mắt của ông Quản, thỉnh thỏang cứ nhìn xuống cái nền đất thô, như suy nghĩ chuyện gì rối rang lắm. Rồi ông từ tốn gắp miếng thịt gà vàng ươm, bỏ vào miệng nhai ngồm ngòam…Cầm cốc rượu, lần này thì không từ tốn chút nào, ngửa cổ dốc tuột vào cổ họng đánh ực một cái, như voi uống thuốc gió…Rồi khà thật to, đặt cái cốc rượu trơ cả đáy xuống, vừa gục gặc cái đầu, vừa đằng hắng: “Anh giáo”. Và ông chậm rãi nói từng tiếng một. Lại nói bằng tiếng Tây. Nó chóang người như muốn ngã bổ chửng ra, giống như cái ngã năm nào ngòai sân gạch. Khổ một nỗi, giọng ông Quản khào khào như mới ngủ dậy, chưa hết, ông lại dặn từ một câu ca dao nào đó, mà tiếng Tây của nó thì nghèo nàn, lõm bõm nghe chữ được chữ không. Mãi sau anh mới hiểu ông Quản muốn nói gì: Con cóc nằm góc bờ ao Lăm le lại muốn đớp sao trên trời Và nó chóang người thật…Từ đầu đến chân, người nó khô ran như cục đất nung. Ngòai kia, gió thổi vu vơ trên những lùm tre như vàng xác, càng khiến cái sân trống vắng đến ngẩn ngơ và mặt trăng từ từ ẩn nấp sau đám mây. Trời như tối sầm lại. Đêm về khuya, thao thức và trằn trọc, thằng còi cứ chập chờn và bên kia hàng giậu, cái chầy cứ nhởn nha nện từng nhát…thịch…thịch…Nghe buồn bã rã rời, như cái cối đang ngủ gà ngủ gật. Và bất chợt, nó thở dài: Một mình giã gạo giữa trời Cám bay phảng phất, thương người đằng xa Lão Đại sắp qua bên Tân thế Giới chơi, cụ Nhàn muốn nói cho lão ấy biết: - Cụ chính là “Cái gái” và “Anh giáo” cũng đang ở bên ấy. Tối hôm đó, cụ cứ mơ mơ màng màng, như người đi trong mơ, nửa tỉnh nửa mê, như có tiếng cóc nhái gọi nhau râm rỉ nhau ngòai vườn và cụ thóang thiếp đi một lát. Và như người mộng du, cụ thấy cụ lang thang ở cái ao trước nhà, mò mẫm khơi mấy cọng rau muống, như tìm một cái gì cụ đã đánh mất. Để rồi lững lờ ra vườn sau, lẩn thẩn vén luống cà, như tìm tòi một cái gì mà cụ vừa đánh rơi… Và trong sương chiều, hình như cụ chỉ thóang thấy đôi chim bồ câu, một con xám, một con trắng, đang mập mờ, ẩn hiện đậu trên hàng giậu mồng tơi. Niềm mơ ước của cụ là nhặt được…lá diêu bông. Hùng Già Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Aug/2024 lúc 11:42am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 19/Sep/2024 lúc 7:48am |
Những Người Tuổi Xế Chiều Nên ĐọcBài
này có này có lẽ đã được đăng rồi nhưng hôm nay có người bạn
chuyển lại, thấy hay và hữu ích cho tuổi xế chiều nên đăng
lại cho những ai chưa đọc. Vòng tròn của tháng năm không ngừng luân chuyển, ngày lại ngày, thời gian trôi qua đưa tôi vào những năm tháng của tuổi xế chiều. Tôi lặng lẽ rong ruổi trong đường hầm thời gian, bất ngờ cánh cửa tư tưởng mở ra trong ngập tràn ánh hoàng hôn rực rỡ. Ngay lập tức, tôi cảm thấy toàn thân ung dung nhẹ nhõm, lòng thanh thản bình yên.
1. Đời người ai cũng có những lúc huy hoàng, nhưng những ánh hào quang ấy sẽ sớm bay theo gió và thoảng qua như khói tản mây trôi, ta không cần lúc nào cũng dương dương tự đắc và nhớ mãi không quên. 2. Đời người ai cũng có những lúc khổ đau, nhưng những khổ đau đó lại là bài học bắt buộc, là nấc thang trưởng thành, là của cải tinh thần quý giá của đời người. Ta không thể nghĩ đó chỉ đơn thuần là bất hạnh trong cuộc đời. 3. Khi còn trẻ, chúng ta luôn đầy những mộng tưởng viển vông về tình yêu, nhưng trên đời này không có tình yêu nào là thập toàn thập mỹ, vậy nên dù tình yêu có chỗ thiếu sót không hoàn mỹ thì cũng cần dụng tâm và quý trọng bằng cả trái tim, đừng vội nói lời phân ly. Điều quan trọng là, có một người yêu bạn thật lòng, đi cùng bạn trên mọi nẻo đường mưa nắng, luôn bên cạnh và nắm tay bạn đến cuối cuộc đời. 4. Khi còn trẻ, chúng ta luôn thích tranh giành hơn thua với mọi người, thiếu sự thấu hiểu và bao dung, thậm chí còn tạo ra những mối ân oán khó giải với ng��ời khác. Thực sự, ở tuổi xế chiều, khi nhìn lại những năm tháng đã qua của mình, tôi thấy thật ấu trĩ và nực cười. Khi đối xử với người khác bằng thái độ khoan dung và nhân từ thì có ân oán nào mà không thể giải quyết được? 5. Khi còn trẻ, chúng ta thường chỉ chú ý đến sự nghiệp, mà quên mất rằng còn cần quý trọng thân thể của bản thân. Bởi thực ra, thân thể con người ngay lúc còn trẻ đã thường bị làm hư hại, khi về già bệnh tật đầy thân, hối hận thì đã muộn rồi. 6. Khi còn trẻ, chúng ta thường nghĩ nuôi con để phụng dưỡng lúc tuổi già, đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, nhưng khi về già, chúng ta mới nhận ra rằng mình cần phải dựa nhiều hơn vào chính bản thân, và chủ yếu là vợ chồng về già sẽ chăm sóc nương tựa vào nhau. 7. Hầu hết cuộc sống của chúng ta đều bận rộn với sự nghiệp và gia đình, và chúng ta rất mệt mỏi. Khi về già, bạn chợt nhận ra cuộc đời thật ngắn ngủi, ông Trời không còn cho bạn nhiều thời gian, vậy nên bạn hãy nắm bắt thời gian để làm những điều mình thích, và sống thật hạnh phúc. 8. Hầu hết những người lớn tuổi trong thế hệ chúng tôi đều sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và có thói quen cần cù tiết kiệm. Nhưng khi về già, ta cần rộng mở hơn, đừng quá coi trọng tiền bạc. Tiền bạc vốn là vật ngoài thân, nếu bạn có điều kiện, bạn nên sẵn lòng giúp đỡ mọi người. 9. Khi còn trẻ, chúng ta thường coi trọng bản thân quá mức. Nhưng khi về già, bạn sẽ dần dần hiểu ra rằng vị trí của bạn không quá lớn, bạn chỉ giống như một giọt nước trong đại dương mênh mông, vô cùng bé nhỏ. Trái đất vẫn tiếp tục quay khi không có bạn, và xã hội cũng sẽ tiếp tục phát triển mà không cần có bạn. 10. Khi về già, bạn sẽ ngày càng ít tiếp xúc với xã hội, người quen và bạn bè ngày càng ít đi, bạn sẽ cảm thấy cô đơn và lẻ loi hơn, vậy nên bạn phải học cách tự an ủi mình, học cách thắp lên ngọn đèn hy vọng cho chính mình trong đêm dài cô quạnh, học cách sống trong cô độc và lẻ loi. 11. Khi về già, bạn sẽ thực sự nhận ra rằng cuộc sống bình hoà rất thuần khiết, tình bạn bình hoà rất chân thành, nụ cười bình bình rất dịu dàng; một chút cô đơn lặng lẽ là đẹp đẽ, mộc mạc nhẹ nhàng là chân thật, vắng vẻ tĩnh mịch lòng cũng say. 12. Khi về già, sức yếu và bệnh tật, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến cái chết. Thật ra, sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, chúng ta nên thản nhiên đối mặt và mỉm cười coi nhẹ cái chết. Chỉ cần một đời ngay thẳng, làm người đường đường chính chính, không hổ thẹn khi tự vấn lương tâm, ta nên dũng cảm đón nhận cái chết, nhắm mắt mỉm cười và rời khỏi thế gian mà không hối tiếc. 13. Sự sáng suốt của tuổi già 01 – Khi về già, đối mặt với sự sống chết, có lúc cần kéo dài tuổi thọ, có lúc phải buông xuôi theo mệnh. 02 – Khi về già, đối mặt với bệnh tật, có lúc phải yêu cầu bác sĩ, có lúc nên thuận theo tự nhiên. 03 – Khi về già, đối mặt với kim tiền, có lúc cần phóng khoáng, có lúc phải tiết kiệm. 04 – Khi về già, đối mặt với quốc sự, có lúc nên quan tâm, có lúc nên thận trọng. 05 – Khi về già, đối mặt với cháu con, có lúc phải làm gương, có lúc phải giao thiệp. 06 – Khi về già, đối mặt với dưỡng sinh, có lúc phải nhiệt tình, có lúc phải tuần tự. 07 – Khi về già, đối mặt với các mối quan tâm, có lúc phải nồng hậu, có lúc phải hững hờ. 08 – Khi về già, đối mặt với việc quản lý gia đình, có lúc phải tham dự, có lúc phải buông tay. 09 – Khi về già, đối mặt với những việc đã qua, có lúc cần quay đầu nhìn lại, có lúc phải bỏ qua. 10 – Khi về già, đối mặt với bất công, có lúc cần kháng nghị, có lúc phải lặng im. 11 – Khi về già, đối mặt với khó khăn, có lúc phải vượt qua, có lúc cần né tránh. 12 – Khi về già, đối mặt với sự khoe khoang, có lúc phải mỉm cười, có lúc cần im lặng. 13 – Khi về già, đối mặt với bạn cũ, có lúc phải thật lòng, có lúc không tranh cãi. 14 – Khi về già, đối mặt với hôn nhân, có lúc phải kiên trì, có lúc cần từ bỏ. Đời người ngắn ngủi, tháng năm dằng dặc. Nhân sinh nhất thế, bất kể thành công thất bại, vui mừng khổ đau, thịnh suy vinh nhục, tất cả đều chỉ như nước chảy mây trôi, một đi không trở lại. Vui với việc tự mình nỗ lực vươn lên, thanh bạch đạm bạc vô sầu. Kẻ làm ác sẽ gặp tai họa, người làm thiện sẽ được phúc lành. Kẻ đê hèn ắt mục nát còn người cao thượng mãi trường tồn.
Nhất Tâm Anh Vĩnh Hà chuyển
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 20/Sep/2024 lúc 9:09am |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/Sep/2024 lúc 9:11am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 28/Sep/2024 lúc 8:38am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 10/Oct/2024 lúc 9:18am |
Tình Cuối ĐờiCon dâu xách giỏ bước ra khỏi nhà còn nhắc lại: - Má kho cá nhớ mang ra sân sau nha. Con cả ngày ở tiệm nail ngửi mùi hóa chất về nhà mùi cá kho nữa chịu sao thấu! Nó đi khuất tôi lẩm bẩm: - Con dâu mà bày đặt chỉ huy làm như má tao. Mai mốt tao đi khỏi cho biết mặt. Con dâu là người cuối cùng ra khỏi nhà, con trai và hai cháu nội đã đi làm đi học từ sáng sớm. Chồng tôi qua đời 3 năm nay, hai vợ chồng ăn tiền già, ở nhà housing mỗi tháng chính phủ phụ trả tiền nhà, nay chỉ còn mình tôi trả chi phí tiền nhà hao tốn quá, thằng con trai duy nhất kêu về ở với vợ chồng nó, mang tiếng ở nhờ nhà con nhưng mỗi tháng tôi tự động đóng góp nửa tiền già, phụ giúp cơm nước và hầu hạ hai đứa cháu vậy mà con dâu có lúc còn làm tôi bực mình khó chịu. Tôi sắp có một tình cuối đời, chiều nay gặp mặt nhau tôi sẽ làm một quyết định lớn lao nếu đồng ý về chung sống với người ấy, ông có nhà cửa sẵn sàng đợi tôi. Con dâu sẽ trắng mắt ra về cái tội không biết nâng niu tôn trọng mẹ chồng. Tôi tìm bạn bốn phương trên báo quen ông Sung, hai tâm hồn cô đơn đồng điệu gặp nhau. Ông Sung bất mãn con cái, tôi chẳng ưa gì con dâu, hai chúng tôi trao đổi hình ảnh thấy hạp nhãn, gọi phone chuyện trò qua lại thân tình thắm thiết nên hẹn gặp mặt để tính tới chuyện cùng dìu nhau đi nốt quãng đường đời còn lại như lời ông đã âu yếm rao tìm bạn. Ông Sung sẽ từ tiểu bang Texas bay tới đây gặp tôi. * Tôi đến nhà hàng Tri Kỷ gặp ông Sung, ông 75 tuổi không khác trong hình là bao, vừa gặp mặt là tôi chấm liền. Sau phút giây hội ngộ bối rối tôi và ông Sung mau chóng thân thiện nhau hơn, vừa ăn vừa nói chuyện. Ông Sung cũng thích tôi, khen tôi trẻ hơn tuổi 70. Tôi mỉm cười nhún nhường: - Em trẻ là nhờ mái tóc mới nhuộm hôm qua đó. Nụ cười chưa kịp tắt bỗng chuyển sang nhăn nhó vì cơn đau lưng bỗng ập đến, đau từ lưng trên bên phải xuống đến lưng dưới, bác sĩ bảo tôi bị viêm dây thần kinh gì đó, cơn đau đến rồi đi trong 5-10 phút và tôi phải sống với bệnh suốt đời. Ông Sung lo lắng hỏi: - Em sao thế? - Chứng đau lưng mãn tính, thường thì đi đâu em cũng mang theo thuốc giảm đau mua over counter hôm nay em quên mất. Trời… ơi… đau quá phải chi có một viên thuốc… Thấy tôi cúi gập người xuống cho bớt đau ông Sung vội đứng dậy đến bên tôi đỡ vai tôi nhưng ông bỗng lạng quạng suýt ngã nếu không nhanh tay vịn vào một cạnh bàn. Đến phiên tôi lo lắng hỏi: - Anh sao thế? Ông Sung đành… khai: - Anh bị đau hai khớp gối đi phải chống gậy, nhưng chẳng lẽ đi gặp em mà anh chống gậy thì quê quá nên anh không mang theo. Trời ơi… ước gì bây giờ có cây gậy thì đỡ khổ biết mấy. Dù đang đau lưng tôi cũng ráng dìu ông Sung ngồi trở lại ghế cho an toàn. Trong đầu óc tôi làm ngay một bài toán nếu tôi về sống chung với ông sẽ phải thường xuyên hầu hạ như thế này, đường dài chưa biết tính nết ông ra sao, không lẽ tôi lại vác mặt trở về với con cháu? Ngay lúc này tôi đã… lung lay, bớt hào hứng với mối tình cuối đời đang ngồi lù lù trước mặt. Tuổi già thật vô duyên, hai người đang hẹn hò lãng mạn thì bệnh hoạn bỗng dưng xuất hiện không ai dấu ai được. Ông Sung kể lể: - Anh đã cẩn thận mang theo đủ thứ thuốc, nào cao mỡ, cao máu, đau bao tử, trào thực quản, tiền tiểu đường nhưng quyết không mang theo cây gậy giờ mới ra nông nỗi. Tôi cũng trút nỗi niềm: - Em cũng cao mỡ cao máu này, loãng xương này, rối loạn tiền đình này, ngoài ra còn phải nhỏ mắt cườm ướt Glaucoma nữa cơ. Ông Sung hỏi mà như than thở: - Thế thì bao nhiêu bệnh của tuổi già chúng mình chia nhau có đủ hả em?! Tôi thở dài: - Chứ còn gì nữa. À, anh nhớ đi bác sĩ mắt hàng năm xem có bị Glaucoma hay Cataract không nhé. - Em nhớ theo dõi đo huyết áp hàng ngày nhé. - Anh cũng nhớ đi bộ mỗi ngày một tiếng cho khỏe nhé. Tôi và ông Sung bỗng trở thành hai bạn già tâm sự kể lể chuyện thời tiết trở trời, chuyện ốm đau và dặn dò nhau kinh nghiệm thuốc men cho đến khi không còn gì để than thở thêm tôi mới giật mình kêu lên: - Ôi trời… sắp đến giờ em phải về nấu cơm chiều cho con cháu rồi. Mấy con cá đang chờ em về kho tiêu. Tôi vẫn nhớ đến bổn phận, nghĩ đến con cháu, vậy mà có lúc sôi máu vì ghét con dâu tôi đã muốn dứt áo ra đi. - Ủa… mình chưa đi đến quyết định cuối cùng mà. - Em vội quá quên mất, em đã quyết định rồi… Ông Sung chặn lời tôi: - Để anh nói trước. Anh là người định đoạt trước... - Chưa gì mà anh đã lộ mặt gia trưởng rồi, thêm một lý do để em không tiếc khi quyết định. Chúng ta dừng lại ở đây. Ông Sung thẳng thừng: - Anh cũng muốn thế. Vì anh vừa nhận ra em đau lưng kinh niên, nay đau mai đau, rước em về anh lại phải hầu hạ, chưa kể bệnh mắt Glaucoma của em mai mốt lỡ… có bề nào càng khổ thân anh. Tôi tự ái đùng đùng: - Anh trù ẻo tôi đấy hả? Chưa biết ai phải hầu hạ ai, chân anh đi không vững đó. Nãy dìu anh trở về ghế ngồi tôi mệt hụt hơi, chưa kể tiền tiểu đường của anh nay mai thành bệnh tiểu đường mấy hồi, rồi… biến chứng lọc thận ai mà hầu nổi. Ông Sung cười nhạt: - Anh chỉ lỡ lời lo xa thế thôi, em đanh đá ghê gớm nhỉ, hèn gì tối ngày chê trách con dâu. Thấy tình hình căng thẳng tôi vội hạ giọng cho xong để còn kịp về nhà nấu cơm: - Thật may cơn đau lưng của em xuất hiện và chân anh đau đúng lúc, là tín hiệu nhắc nhở chúng ta đừng vội vàng quyết định, chúng ta đang mỗi ngày mỗi già đi, sức khỏe mỗi ngày mỗi kém đi nếu lấy nhau biết vui hưởng hạnh phúc được bao lâu hay chỉ là gánh nặng cho nhau. Anh có căn nhà riêng thì cứ ở tới khi nào không tự chăm sóc bản thân mình được nữa thì sang tên nhà cho con cái, chúng sẽ lo cho anh, còn em tiếp tục về hầu hạ con cháu mai sau có ốm đau nằm một chỗ ít nhiều gì chúng cũng phải hầu hạ lo cho em. Em đã tìm ra tình cuối đời rồi, là tình với con với cháu chứ tìm đâu xa. Ông Sung cũng “hạ nhiệt”: - Ừ, em nói vậy còn nghe được. Lát nữa về nhà tôi sẽ nghe lời con dâu mang nồi cá ra sân sau kho thật ngon lành. Hơn lúc nào hết tôi thấy mái nhà của con cháu vẫn đẹp vẫn ấm cúng hơn bất cứ nhà ai, dù con dâu có những lúc cãi mẹ chồng, dù con trai có lúc gắt gỏng mẹ ruột, dù hai cháu nội có những lúc làm tôi bận rộn. Khi chia tay ông Sung ở cửa nhà hàng tôi dặn dò có chút mỉa mai: - Anh nhớ ra tiệm Family Dollar ở góc đường kia mua cây gậy để chống chân đi cho vững vàng khỏi té và bay về Texas an toàn nha. Ông Sung cũng chẳng vừa: - Từ giờ trở đi em đừng nhí nhảnh lên báo lên mạng tìm tình yêu, tìm chồng bốn phương nữa nhé. Lo mà hầu con cháu đi. Nguyễn Thị Thanh Dương |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 17/Oct/2024 lúc 7:54am |
Niềm Vui Tuổi GiàĐể có được niềm vui tuổi già, chúng ta phải học cách chào đón tuổi già, bởi có rất nhiều điều tích cực mà chúng ta cần biết khi về già. Ở tuổi trung niên, chúng ta đều đã sống rất căng thẳng do bởi dồn hết tâm trí và sức lực của mình vào sự nghiệp, nuôi dạy con cái, kiếm sống và tiết kiệm cho tương lai. Khi vượt qua 65 tuổi, bước vào giai đoạn về hưu, chúng ta phải thoát khỏi những căng thẳng đó và hãy rũ bỏ những điều lo lắng ngoài khả năng của mình. Đây có thể là thời gian huy hoàng để ăn mừng, phải biết rằng không phải ai cũng có thêm nhiều năm. Những năm tháng kéo dài này là một món quà mà các thế hệ trước không có được. Nghỉ hưu không chỉ là có nhiều thời gian thư giãn, mà là lúc sử dụng thời gian đó vào những việc có ích cho bản thân và những người chung quanh. Thời gian có được khi nghỉ hưu là cơ hội tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe bản thân và cũng để theo đuổi ước mơ và đam mê mà chúng ta đã gác lại. Chúng ta có thể học hội họa, đánh đàn, nhảy đầm, đi du lịch đến những nơi màchúng ta thích, hoặc viết nhật ký, viết những điều muốn nói cho thế hệ sau. Một trong những điều tuyệt vời nhất của thời gian nghỉ hưu là dành thời gian đi thăm cha mẹ già, quan tâm nhiều đến tình cảm của người bạn đời và gia đình. Người cao tuổi sống với sự trân trọng những điều mà trước đây chúng ta coi là hiển nhiên, hài lòng với hiện tại, hiểu rõ nguyên gây ra phức tạp và cảm nhận được hạnh phúc khi cho đi mà không đòi hỏi trả lại. Không có nhiều việc chúng ta phải làm, nhưng có nhiều việc chúng ta chọn làm hơn. Tản bộ, đi xe đạp, tập thể dục, đi bơi, làm vườn, xem tv, viết sách, đi ăn nhà hàng, đi phòng trà, đi xem phim, đi du lịch, gặp gỡ anh chị em trong gia đình, tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng có ích cho xã hội, gặp gỡ bạn bè,… hay không là do chúng ta tự quyết định. Chúng ta biết ơn vì chúng ta có nhiều lựa chọn. Những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm nên hiểu biết sâu rộng
và có khả năng nhìn xa. Chúng ta có thể không nhanh nhạy, nhưng chúng ta mang đến
một cách suy nghĩ trực quan mới, kiểm soát cảm xúc tốt hơn, có những lời khuyên
quý giá cho những người trẻ thiếu kinh nghiệm. Những người trên 65 tuổi bỏ phiếu
với tỷ lệ cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác và thường họ có nhận định chính trị sâu sắc hơn.
Một trong những món quà tuyệt vời nhất là khiếu hài hước. Cuối cùng, chúng ta có thể bắt đầu cười nhạo chính mình. Chúng ta không còn gì để chứng minh hơn thua nữa. Vì vậy, nếu mắc lỗi do phản ứng chậm hay quên tên, hãy thừa nhận và cười. Có một câu nói hay về cuộc sống mang tính hài hước : “Cuộc sống ngắn ngủi, vì vậy hãy cười khi bạn vẫn còn răng” ; (Life is short, so smile while you still have teeth) Diễn viên hài, nhà văn và ca sĩ người Mỹ, George Burns, chết ở tuổi 100, đã nói: “Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với chúng ta và 90% là cách chúng ta phản ứng với nó” (“Life is 10% what happens to us and 90% how we react to it) So với những người trẻ tuổi, khi phải đối phó với những khó khăn hoặc hoàn cảnh tiêu cực, chúng ta đủ lớn để biết cách phản ứng theo cách tốt nhất bởi vì chúng ta có thể nhìn thấy được hậu quả của sự việc. Chúng ta có thể từ bỏ trò chơi sức mạnh và quyền lực bên ngoài và đi vào bên trong để tìm thấy sự bình yên, thanh thản và niềm vui. Niềm vui của tuổi già là trở thành một con người trưởng thành trọn vẹn với cơ thể, trí óc, trái tim và tinh thần. Niềm vui của tuổi già là tìm thấy bản thân thực sự của chính mình ? Ngô Khôn Trí |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 23/Oct/2024 lúc 11:46am |
Ba cái thiếu kinh niên của Người GiàMuốn sống lâu thì phải già chớ sao!
Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú
ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như
trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già,
chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây
ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được. Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không ngờ nhanh vậy! Thực tế con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ là có vấn đề về tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”: Một là thiếu bạn! Nhìn
qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ
nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình!. Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được! Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ được kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandoster one), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!… Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nặn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm văn nghệ! Hai là thiếu ăn! Thực vậy. Ăn không phải là tọng là
nuốt là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi
nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không
trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi
chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của
thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối
ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt
bị cắt đứt! Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lượng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử. “Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bò hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể được. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn… Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử. Ba là thiếu vận động! Già
thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời
ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây
giờ chỉ ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường trước TV!. Có một nguyên
tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ
người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật
đáng tiếc! Không
cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu
thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có
ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến
lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được! Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ… Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng! |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 24/Oct/2024 lúc 8:47am |
Lời Khuyên Của Bác Sĩ Cho Người Cao Tuổi Nên Làm Hằng NgàySức
khỏe giống như không khí, bạn sẽ chẳng để ý đến nó cho đến khi nó mất đi. Mà
trước khi “chia tay hoàng hôn,” sức khỏe cũng tử tế, không bỏ đi đột ngột, mà
thường cảnh báo rất nhiều lần, chỉ tại chúng ta không chịu để ý thôi. Có
thể bạn đã coi thường sức khỏe của mình khi còn trẻ, từng đi chơi thâu đêm suốt
sáng, đứng hàng giờ ở công viên đợi bồ, hoặc nhảy nhót trong vũ trường, sáng
hôm sau vẫn thấy khỏe re như con
bò kéo xe.
Nhưng
khi đã có tuổi, bạn có thể nhận thấy các bộ phận trong cơ thể mình cứ thi nhau
lên tiếng. Ví dụ, sau 50 tuổi, quá trình phá hủy xương diễn ra nhanh hơn quá
trình hình thành, dẫn đến mất xương, loãng xương, gây ra những cơn đau nhức, khó chịu,
và còn nhiều vấn đề khác nữa. Tuy
nhiên, thực hành những thói quen dễ dàng khi chưa quá muộn, sẽ làm giảm đi
những cơn đau nhức, giúp chúng ta vui vẻ chung sống hòa bình với những
món quà khuyến mãi đó. 1. Vận động cơ thể Điều
này quan trọng bất kể bạn bao nhiêu tuổi, nhưng quan trọng hơn khi già đi vì nó
giúp bạn duy trì khả năng vận động và giảm nguy cơ loãng xương. Cứ vận động
theo sở thích của bạn, đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, v.v.. Chìa khóa
là phải luôn năng động, nghĩa là tham gia vào các hoạt động mà bạn thấy thú vị. 2. Thử thách trí não Theo
Hiệp hội Alzheimer, ước tính có 6.9 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đang sống
chung với bệnh Alzheimer vào năm 2024. Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn
sự khởi phát của bệnh Alzheimer, nhưng có một số thói quen bạn có thể thực hành
để giảm nguy cơ và trì hoãn thời gian khởi phát. Cần
rèn luyện trí óc mỗi ngày để giữ cho đầu óc minh mẫn. Ráp lego, giải ô chữ, đọc
sách báo hoặc cố gắng nhớ lại bất cứ điều gì, thí dụ một album cũ mà bạn từng
sở hữu, danh sách bài hát, lời bài hát, tên ban nhạc và các album của họ. Bất
cứ điều gì thách thức bộ não và trí nhớ của bạn đều là điều tốt. Bạn
cũng có thể thử những sở thích mới như học một ngôn ngữ hay một loại nhạc cụ
mới. 3. Giao du Năm
2023, các bác sĩ về tâm thần ở Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về một đại dịch cô đơn đang xảy ra trên khắp đất nước.
Con người là những sinh vật xã hội, và việc có những tương tác xã hội thường
xuyên, lành mạnh là rất quan trọng khi nói đến việc duy trì sức khỏe tâm thần,
đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Lẽ
thường tình, khi bắt đầu có tuổi, chúng ta có xu hướng lười biếng, ngại
giao du hơn, một phần là do những hạn chế về sức khỏe, hay đau
chỗ này chỗ nọ, mệt mỏi,… Tuy
vậy, người cao tuổi vẫn nên thực hiện ít
nhất một tương tác xã hội tích cực mỗi ngày. Cho dù đó là chuyến thăm một người
hàng xóm tốt bụng, trò chuyện với nhân viên thu ngân tại cửa hàng tạp hóa của
bạn, hay
tận hưởng cuộc gọi điện thoại hoặc video với con cháu hoặc bạn hữu. 4. Kiểm soát mức độ căng thẳng Căng
thẳng (stress) là một thực
tế của cuộc sống. Theo Hội Đồng Quốc Gia Về Lão Hóa, một số căng thẳng thực sự
có thể có ích. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức
khỏe và trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, tìm
những điều mang lại cho bạn sự bình yên, làm những việc hàng ngày mà bạn yêu
thích mà không gây ra căng thẳng liên tục cho bạn. 5. Giữ đúng
lịch hẹn kiểm soát sức khỏe Theo
Bác Sĩ Sulagna Misra – người sáng lập Misra Wellness ở California, lão hóa là
một đặc quyền tự nhiên. Bác sĩ khuyên nên luôn chú ý đến cơ thể và bảo đảm thực
hiện tất cả các lần kiểm tra sức khỏe cần thiết. Phát
giác sớm rất quan trọng đối với bất kỳ căn bệnh nào. Khám
mắt, X-Ray phổi, chụp
nhũ ảnh (breast cancer screening), kiểm tra
tuyến tiền liệt
(prostate check), nội soi đại tràng (colonoscopy), chích ngừa phù hợp với độ tuổi, kiểm tra da và các cuộc kiểm tra
khác như cholesterol,
đường trong máu (blood sugar check) và sức khỏe tim mạch đều quan
trọng.
6. Dành thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng mặt
trời
Theo
một bài báo trên tạp chí Y Học Lối Sống Hoa Kỳ, tốt nhất là nên tiếp xúc với
ánh nắng mặt trời từ 5 đến 30 phút mỗi ngày, hầu hết
các ngày trong tuần, không dùng kem chống nắng để có được vitamin D. Vitamin D
được biết là có tác dụng tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể của
bạn. Người
có tuổi hay ngại đi ra ngoài, nhưng có thời gian ở dưới ánh nắng mặt trời cũng
rất quan trọng. Bác Sĩ Huong Nghiem-Eilbeck tại Pandia Health cho biết: “Hãy
tắm nắng vào cuối buổi sáng, tùy thuộc vào nơi bạn ở. Tránh bị cháy nắng, nhưng hãy
tắm đủ nắng để hấp thụ Vitamin D vì điều này giúp cơ thể hấp thụ calci theo
cách tốt nhất cho xương.”
7. Ăn thực phẩm bổ dưỡng Khi
bạn già đi, bạn sẽ đặc biệt muốn tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Mặc dù những thực phẩm này không sao nếu ăn ở mức độ vừa phải, nhưng bạn nên cố
gắng dùng nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn. Lựa
chọn các bữa ăn và thức ăn lành mạnh (healthy foods) có thể giúp
ngăn ngừa bệnh tim, bao gồm trái cây và rau quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ (high fiber
foods), và ít chất béo không
lành mạnh, đồng thời hạn chế lượng muối và đường. st.
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 22908 |
Gởi ngày: 25/Oct/2024 lúc 9:08am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 70 |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |