Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH | |
<< phần trước Trang of 130 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 02/May/2024 lúc 3:25pm |
Khắc KhẩuDạo trước tôi có dịp ghé thăm nhà vợ chồng người bạn. Mới bước đến cửa, tôi đã nghe tiếng ồn ào trong nhà vọng ra. Tiếng chị vợ hét lên đanh đá, tiếng anh bạn quát lại, gầm gừ nghe cũng dễ sợ. Tôi ngần ngại muốn quay về. Nhưng đã lỡ đến, nên đành bấm chuông. Trong nhà bỗng im bặt, không còn tiếng nào. Rồi anh bạn mở cửa, thấy tôi toe toét cười, chị bạn cũng đon đả chào đón, mặt mày hớn hở, không còn dấu tích gì của cuộc cãi vã sôi động mới vài giây trước! Hai vợ chồng như không có chuyện gì xảy ra, tiếp đón bạn, hiền hòa, vui vẻ, cười nói huyên thuyên, âu yếm nhau trước mặt khách, như cặp vợ chồng mới cưới! Tôi cũng làm như không hề nghe tiếng hai người choảng nhau tận tình trước khi bước vào nhà. Nhưng trong lòng không khỏi ngạc nhiên. Không lẽ mình chưa già đã bị ảo giác, nghe bậy chăng? Hay vợ chồng anh bạn đều có tài đóng kịch giỏi, che dấu mọi chuyện trước mặt khách? Mấy hôm sau đi ăn trưa, gặp lại anh bạn đi một mình, tôi hỏi ngay về chuyện nghe tiếng hai người cãi nhau mấy hôm trước khi lại chơi nhà. Anh bạn cười: - Chuyện bình thường, toa ơi! Vợ chồng moa khắc khẩu, mở miệng là cãi nhau, nói qua nói lại, không ai nhường ai. Người ngoài nghe thấy to tiếng, thực ra là vợ chồng moa nói chuyện với nhau như vậy! Mấy mươi năm rồi, riết thành quen! Không cãi nhau lại thấy nhà sao im lặng quá. Vợ moa mà nói năng nhỏ nhẹ là moa phải đưa đi bác sĩ khám bệnh ngay. Phải có gì bệnh hoạn, bất thường, mới nói êm ái như vậy! Tôi hỏi lại: - Toa không đùa đấy chứ? Cãi nhau suốt ngày mà ở với nhau mãi đến bây giờ à! Anh bạn trả lời: -- Duyên số hết toa à! Mà giòng họ nhà moa đều như thế hết mới lạ chứ! Từ bao nhiêu đời rồi, ông cố, ông tổ lấy vợ đều khắc khẩu với nhau, xuống đến đời moa, rồi con cái cũng rứa hết! Moa nghe kể lại, có ông thầy địa lý ghé ngang làng nhà ông cố moa, xem mộ của tổ tiên, phán rằng: " Mộ này có rễ của cây đa cổ thụ mắy trăm năm rồi, mọc rễ lớn chạy qua cửa địa khẩu, nên con cái lấy chồng lấy vợ đều mắc phải chuyện khắc khẩu với nhau hết! Không tránh khỏi được! " Ông thày địa lý này học nghề từ ông Tả Ao nên phán câu nào là đúng ngay phóc, không sai vào đâu được! Để moa kể cho toa nghe chuyện ông bác moa, mới là thần sầu quỷ khốc! Bác moa là con trai trưởng tộc của giòng họ nhà moa. Ông đẹp trai, nghệ sĩ, đàn giỏi, hát hay, được lên Hà Nội học. Ông có mối tình lớn lắm. Nhưng ông nội moa rất nghiêm khắc, bắt ông về để lấy vợ là con gái một ông bá hộ làng gần đó. Bác moa không dám cãi, thời xưa mà, đành gạt lệ dứt mối tình lớn, về quê lấy vợ, dù không biết người đó là ai! Rước dâu về nhà, ăn tiệc linh đình rồi hai vợ chồng tân hôn động phòng. Gần sáng, mọi người thấy cô dâu chạy ra bù lu bù loa. Hóa ra bác moa bất tỉnh trên giường, nằm ngay đơ không nhúc nhích. Cạo gió, thoa dầu loạn cào cào, hồi lâu ông mới tỉnh. Chỉ thấy ông thều thào: "Sao nó dữ quá vậy! Thầy mẹ giết con rồi!" Không biết chuyện gì xảy ra đêm đó, nhưng bây giờ ai cũng thấy rõ là bác gái moa không phải bình thường, dữ tợn loại chằng ăn trăn cuốn, không phải đùa! Ông nội moa cho người dò hỏi, tìm hiểu về cô con dâu mới. Làng của bác gái moa là làng cách quê nhà moa vài chục cây số. Con gái làng này đều cao lớn, đúng cỡ gái làng phải cao hơn thước bảy. To con, khỏe mạnh, thêm tật lắm lời, dữ tợn, không bao giờ chịu thua ai nửa câu nửa bước. Nghe chuyện kể khi mới lớn, có lần bác gái moa bị ông bố bắt đi từ đầu làng đến cuối làng cùng với cô em gái, để chửi một người vay tiền quịt nợ ông bá hộ. Ông này buộc giây vào cổ hai cô con gái, cầm roi bắt hai cô đọc bài vè ông sáng tác để chửi tên quịt nợ. Ông cầm chai ruọu tu từng ngụm rồi ngất ngưởng quất roi phạt cô nào đọc sai. Hai cô gào lên, chửi đích danh tên quịt nợ từ đầu làng đến cuối làng, ai cũng ra xem, con nít bu quanh, vui như ngày hội! Tay quịt nợ bị vố này, xấu hổ quá, không còn mặt mũi nào, phải bỏ làng, bỏ xứ đi ngay, không bao giờ dám trở lại! Kể vậy để biết là bác gái moa dữ tợn đến chừng nào! Nhưng ông bác moa cũng không phải người sợ vợ. Ông khó tính ra gì. Lại thêm nỗi uất ức mất mối tình lớn trong đời, nên ông đổ diệt vào bà vợ. Thế là oánh nhau, cãi nhau, thượng cẳng chân hạ cẳng tay liên tu bất tận. Chỉ lạ là cứ khi nào có trận lớn lắm, đổ máu đầu, bầm tím hết tay chân, y kỳ là 9 tháng 10 ngày sau lại có thêm đứa con ra đời! Cứ thế, hai ông bà bác vẫn ở với nhau, có đến 12 người con, kỷ niệm cho những trận quần thảo bán sống bán chết! Ông bố moa kể lại, có lần hai vợ chồng ông bác cãi nhau dữ quá, bà bác đòi về quê nhà, không ở với chồng nữa. Bác trai bắt bố moa đi theo để hộ tống đưa bà này về quê bố mẹ. Nửa đường hai bên tiếp tục chửi nhau inh ỏi. Bác gái moa dọa nhảy xuống sông tự tử. Ông bố moa định giữ tay bà để can không cho xuống bờ sông nhưng bác moa ngăn lại không cho, để mặc bác gái vừa la hét, khóc lóc quyết chí xuống sông trầm mình. Ông bác moa trên bờ lầm bầm khấn vái: Xuống nữa đi! Xuống nữa đi! Bà ấy lội xuống sông thật, ngập vai rồi ngập đến đầu, lâu lâu quay lại xem chồng mình nói gì hay chạy xuống cản hay không. Chỉ thấy bác moa lạnh như tiền, đứng thản nhiên ngắm nhìn bà vợ trầm mình xuống sông thật, không thấy tăm hơi đâu. Ông bác moa thở phào, ra vẻ nhẹ nhõm. Nhưng rồi ông giật bắn mình. Vì bác gái moa đang bơi như rái cá, bơi đúng một vòng rồi lên bờ! Hóa ra bà này bơi giỏi, làm sao trầm mình dưới sông cho nổi! Sau đó hai người yên lặng, không thấy cãi nhau gì nữa, người trước kẻ sau, cất bước về làng! Kể cho toa nghe chuyện ông bác để toa thấy chuyện vợ chồng moa có thấm thía gì đâu! Có khắc khẩu với nhau, chẳng qua là chuyện mồ mả, chuyện duyên số trời định cả, không tránh khỏi được. Nhưng toa biết không. Moa quen rồi, nên không cãi nhau lại thấy như thiêu thiếu một cái gì! Nhà im lặng thấy sao buồn tẻ quá! Nên moa và bà xã đều vặn volume to tiếng với nhau cho vui cửa vui nhà mà thôi! Lại đối đáp nhau chan chát nên đầu óc làm việc không bao giờ bị Alzheimer được. Toa biết không? Moa vốn tính tình cao ngạo. Bà xã biết hết những nhược điểm của moa nên moa nói câu nào bà chặn họng câu đó. Giở giọng kiêu ngạo là bà quạt ngay, không để moa có dịp tự cao tự đắc. Nên moa phải cảm ơn bà xã dạy dỗ moa được như ngày nay. Thành người khiêm tốn, hiểu biết cuộc đời. Là nhờ bà xã moa cả đó toa ơi! Lại còn chuyện này nữa! Đời vốn tẻ nhạt. Nên cãi nhau, khắc khẩu nhau là thêm gia vị cho cuộc sống. Mà spicy chính là sexy đó toa! Yêu nhau lắm là cắn nhau đau! Nhưng cãi nhau lắm lại yêu nhau nhiều. Hiểu chưa nào! Trông toa có vẻ tăm tối quá! Tối nay về cãi nhau với vợ một trận long trời lở đất đi thì hiểu ra ngay nghe không toa! Nguyễn Đình Phùng |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 04/May/2024 lúc 12:04pm |
Lấy vợ lấy đức không lấy sắc...Kết bạn kết tâm chẳng kết tài
Với đa số mọi người mà nói “hôn nhân” đại diện cho hạnh phúc nửa đời sau. Thường có câu rằng: “Hạnh phúc trong hôn nhân chỉ có một, bất hạnh trong hôn nhân lại đủ đường”. Điều này đã thể hiện được mối quan hệ giữa con người và hôn nhân. Cho nên việc lựa chọn bạn đời vô cùng trọng yếu với cuộc đời mỗi người. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của nhau, thậm chí còn liên quan tới sự sinh trưởng và nuôi dưỡng tính cách của con cháu đời sau. Vào thời cổ đại, người xưa đặc biệt chú trọng sự tiếp nối và truyền thừa trong gia tộc. Rất nhiều người đều chung sống theo hình thức gia tộc, mối quan hệ giữa người với người lại càng thêm mật thiết. Cho nên, từ rất sớm cổ nhân đã hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn bạn đời. Có câu cổ ngữ rằng: “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc”, khuyên răn người đời sau, khi lấy vợ nhất định phải quan sát tinh tường, điều cần coi trọng là đức hạnh chứ không phải tướng mạo của bạn đời. Như nàng Tố Lưu Nữ cổ dài lại mọc khối u, nhờ đức hạnh vẫn trở thành vương hậu, phò tá Tề MẫnVương chỉnh đốn hậu cung, lấy đức cai quản triều chính, đạt đến thịnh vượng. Như nàng Đát Kỷ, xinh đẹp mê đắm vua Trụ, gây hoạ hại, tai ương cho bách tính và vương triều. Trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện đại, rất ít người có thể tĩnh tâm tìm hiểu người khác. Cộng thêm lòng người khó đoán, nên rất nhiều người lựa chọn bạn đời chỉ dựa vào ấn tượng gặp gỡ. “Nhan sắc là tất cả” đã trở thành suy nghĩ trong tâm không ít người. Nhưng thực tế người ta cũng đều tự hiểu rằng: nhân tố quyết định khi xem xét một người chính là tâm hồn. Nếu muốn lựa chọn một người đi cùng mình suốt phần đời còn lại thì cần phải nhìn vào đức hạnh. Ví như một người phụ nữ rất xinh đẹp, nhưng lại ngang ngược, khi dẫn ra ngoài có lẽ sẽ rất bắt mắt, nhưng liệu gia đình ấy có hoà thuận không? Cha mẹ có thể yên tâm không? Anh chị em còn muốn qua lại nữa không? Thậm chí hai người có còn muốn tiếp tục ở cùng nhau nữa hay không? Kết bạn kết tâm chẳng kết tài Địa vị của bạn bè trong tim mỗi người vô cùng quan trọng, nhưng bạn bè ở đây không phải là bạn rượu thịt, mà là những người bạn chân chính. Bạn rượu thịt là kết bạn vì tiền tài, dùng tiền bạc để kết giao. Những người bạn như vậy có thể dễ dàng tụ hội đông đảo chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng dễ dàng giải tán trong chớp mắt, đặc biệt là những lúc nguy nan. “Áo gấm thêu hoa, chẳng bằng tặng than củi giữa ngày đông tuyết lạnh”. Bạn rượu thịt dẫu nhiều cũng chỉ như áo gấm thêu hoa, những người tặng than giữa ngày đông tuyết lạnh mới là bạn chân chính. Có thể những người như vậy không nhiều, nhưng lại vô cùng đáng quý. Họ chính là những người bạn tâm giao, không phải là thao thao bất tuyệt nói không hết chuyện khi ở bên nhau, mà là có thể cùng im lặng mà không thấy ngại ngùng. Nói đến tình bạn keo sơn thì phải nói về Bảo Thúc Nha và Quản Trọng. Khi cùng nhau buôn bán Bảo Thúc Nha luôn nhường bạn phần hơn. Lúc người đời chê trách Quản Trọng tham lam của cải vật chất, ham sống sợ chết, Bảo Thúc Nha lại đứng ra giải thích giúp bạn nói đó là vì gia cảnh, vì hiếu thuận với mẹ già. Trên con đường hoạn lộ, Bảo Thúc Nha cũng luôn lui lại phía sau, tiến cử Quản Trọng cho Tề Hoàn Vương. Nhờ đó Quản Trọng mới có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân phò tá quân vương, làm nên đại nghiệp. Kỳ thực của cải không phải là bạn bè chân chính, nhưng bạn bè lại thực sự là một món tài phú. Thực đáng tiếc khi rất nhiều người không hiểu đạo lý này. Thiên Cầm
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 09/May/2024 lúc 2:45pm |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 15/May/2024 lúc 10:09am |
Trái Tim Người ChaMột ngày nọ, Cha tới mượn tiền tôi. Cha nói sức khỏe không tốt, cần phải tới bệnh viện để kiểm tra tổng quát, vậy nên tôi đã gửi tiền cho Cha. Không ngờ, chưa được bao lâu, Cha lại gọi điện tới, nói muốn mua một chiếc xe điện 3 bánh. Tôi lưỡng lự một lúc, Cha dường như nghe thấy sự do dự của tôi bèn nói: “Con cho Cha một nửa, Cha tự bỏ ra một nửa, đem bán mấy con dê nhà nuôi”. Nghe thấy vậy, tôi liền mềm lòng. Mấy năm gần đây, Cha tôi đã nuôi hơn chục con dê, nuôi lớn rồi lại đem bán để trang trải chi tiêu hàng ngày. Sau khi Mẹ tôi mất đi, tôi muốn đón Cha lên thành phố ở chung, Cha quyết không chịu đi. Thằng em trai đang sống ở thị trấn cũng muốn đón Cha tới, nhưng Cha nói đã quen với cuộc sống ở quê, quen với những người trong thôn nên không muốn rời đi. Không có cách nào thuyết phục, đành theo ý Cha. Tuy nhiên, muốn biếu Cha chi phí sinh hoạt hàng ngày ông cũng không lấy, lần nào cũng nói, cuộc sống thôn dã đơn giản, chi phí ít, cũng không tiêu gì. Mà bây giờ… chuyển tiền cho Cha, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng. 3 tháng trôi qua, tôi quyết định đưa con gái về nhà thăm Cha. Cửa nhà khóa, chú hàng xóm nói Cha tôi đang đi chăn dê. Tôi bèn dắt con gái xuống dốc, từ xa đã nhìn thấy đàn dê, tới gần mới thấy Cha đang ngồi ngủ bên gốc cây, bên cạnh trải một tấm vải, trên tấm vải có một cái bánh đã ăn được một nửa, một túi dưa muối nhỏ, còn có một bình nước… Trong lòng chợt thấy chua xót, tôi liền gọi: “Cha ơi”! Cha giật mình tỉnh giấc, hồi lâu sau mới nói: “Con bé này, sao về nhà mà không báo trước?”. Con gái tôi liền giành nói trước: “Mẹ con nói muốn cho ông ngoại một bất ngờ”. Cha tôi thực sự rất vui mừng, không nói thêm với tôi điều gì, chỉ kéo cháu gái tới làm quen với bầy dê bảo bối của mình. Một bầy dê nho nhỏ có trên chục con, Cha tôi vui vẻ nói: “Đợi thêm một khoảng thời gian nữa có thể bán được rồi, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền! Bây giờ giá dê đang tăng”. Về tới nhà, trong sân có chút bừa bộn, chiếc xe 3 bánh Cha tôi đã đi nhiều năm nằm ở một góc sân. Tôi thuận miệng liền hỏi: “Cha, chiếc xe 3 bánh Cha mới mua đâu rồi?”. Ông bối rối trả lời: “Cha… vẫn chưa mua! Nghe người ta nói tháng sau giá sẽ giảm”. Trong lúc tôi dọn dẹp ngoài sân, nghe thấy Cha gọi điện cho thằng em trai nói: “Chị gái con về nhà, tối nay con cũng về nhà cùng ăn cơm đi!”. Sau đó Cha còn dặn nhỏ một câu: “Mua thêm nhiều đồ ăn ngon nhé”! Tôi định nói vài câu, rồi lại thôi. Hồi trước, tôi luôn để ý tới sự thiên vị của cha mẹ. Bởi vì sự đố kỵ lúc còn nhỏ mà tôi luôn xa cách thằng em trai, sau đó thì giận dỗi quyết định thi vào một trường đại học thật tốt, cuối cùng có thể hãnh diện rời khỏi nhà. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nước ngoài khá tốt, còn em trai tôi miễn cưỡng cũng học xong trung cấp nghề, trở thành một công nhân làm trong một dây chuyền lắp ráp tại thị trấn, thằng út lại càng ngưỡng mộ và tôn trọng tôi hơn. Buổi chiều, thằng em trai mang theo con về nhà, còn mua rất nhiều đồ. Cha tôi đích thân xuống bếp, cùng với em trai làm rất nhiều món ngon, đều là những món tôi ưa thích. Lúc Mẹ tôi còn sống, Cha tôi chưa từng nấu ăn. Thật kỳ lạ là mỗi món ăn Cha làm đều giống y như mùi vị thức ăn Mẹ nấu. Ăn từng miếng, tôi dường như sắp khóc. Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với Cha trong sân, chỉ là không ngờ tới, ông vòng vo một hồi lâu, nói từ chuyện trong thôn, nói tới việc lúc còn sống Mẹ tôi muốn xây lại nhà,… cuối cùng mới nói tới vấn đề chính: “Các con, nếu như không quá khó khăn, có thể… con biết đấy, thằng em của con…” Tôi ngắt lời ông, hỏi: “Cha, sửa nhà cần bao nhiêu tiền”, trong lòng đột nhiên có một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời. “Khoảng, khoảng 200 triệu …..”, giọng của ông nhỏ lại, liền lập tức bổ sung, “nếu bán được bầy dê cũng sẽ được vài chục triệu”. Tôi ngạc nhiên một lúc, 200 triệu với tôi cũng không phải là con số nhỏ, tôi ngập ngừng nói: “Cha, đợi con về nhà tính lại rồi nói, cũng không phải vấn đề quá lớn”. Ông cúi thấp đầu nói: “Con gái, làm khó con rồi. Con xem có thể được bao nhiêu, Cha già rồi, sẽ không tiêu tốn khoản nào nữa….”. Tôi cười nhẹ. trong ánh trăng mờ ảo, chắc chắn Cha không thấy được sự cay đắng trong nụ cười đó. Bàn bạc với chồng về chuyện của Cha, cả nửa ngày, anh ấy cũng không nói gì, chồng tôi không phải một người nhỏ mọn, nhưng năm nay, tình cảnh của anh ấy còn tệ hơn tôi. Chồng tôi mở một công ty xuất khẩu nhỏ, bây giờ đến tiền lương cũng trở thành vấn đề. Cuối cùng anh ấy nói: “Em đưa tiền cho Cha đi, chúng ta tự thắt chặt chi tiêu chút, vẫn có thể chịu được”. Nửa tháng sau khi tôi chuyển tiền cho Cha, tôi gặp được một người họ hàng lên thành phố làm việc, trong lúc trò chuyện tôi liền thuận miệng hỏi: “Nhà của con đã bắt đầu sửa lại chưa ạ”? Ông ấy hơi ngạc nhiên: “Không thấy Cha con nói tới việc sửa lại nhà!”, nghĩ một lúc người đó nói, “Đúng rồi, Cha con đem dê bán hết rồi, giúp em trai con mua một chiếc xe giao hàng nhỏ, em trai con không còn làm ở chỗ cũ nữa, đã tự lái xe đi giao hàng rồi. Kiếm được kha khá...". Trái tim tôi giống như bị ném vào băng vậy, cảm thấy thực sự lạnh lẽo. Hoá ra Cha đã nói dối tôi, từ đầu tới cuối luôn đứng về phía thằng em trai, thiên vị tới mức nói dối tôi lấy tiền giúp đỡ nó, không thể oán hận Cha nhưng có bao nhiêu bất mãn chính tôi cũng không rõ. Về tới nhà, tôi không thể chịu đựng được nữa, nhốt mình trong phòng vệ sinh, vừa mở nước vừa khóc một trận. Vài ngày sau đó, tôi đều không chủ động gọi điện thoại cho Cha. Cuối cùng cũng làm Cha gọi trước, tôi chỉ trả lời lấy lệ, Cha cũng đành phải cúp máy. Nhưng không ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của ba... 3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của thằng em trai, nói rằng Cha đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim... bỗng nhiên nhớ lại cuộc điện thoại 3 ngày trước, những lời dặn dò vụn vặt cùng sự lạnh lùng của tôi, khiến tôi không thể nhớ nổi. Lập tức trở về nhà, lần đầu tiên tôi và thằng em trai ôm nhau khóc, lúc Mẹ mất tôi vẫn có thể dựa vào vòng tay Cha, còn bây giờ... tất cả những oán trách đối với Cha đều bị sự ra đi đột ngột này làm tan đi hết, chỉ còn sự đau thương bao trùm lấy tôi. Sau khi lo liệu xong hậu sự của Cha, lúc rời đi, thằng em trai tiễn tôi tới bến xe rồi nói: "Chị ơi, hãy thường về nhà nhé, Cha Mẹ đều không còn, nhưng nhà của chúng ta vẫn còn". Một câu nói đó đã khiến cho tôi vốn đã khóc tới cạn nước mắt lại dâng lên dòng lệ. Nắm tay thằng em trai tôi dặn dò nó giữ gìn sức khỏe rồi lên xe đi. Tôi đã nghĩ rằng, có thể sau này tôi sẽ không thường về nơi được gọi là nhà của chúng tôi nữa! Trải qua vài ngày, tôi mới có thể bình tĩnh lại sau việc Cha qua đời... Nhưng cuộc đời con người, quả thật là hoạ vô đơn chí, chuyện bất hạnh lại tiếp tục xảy tới, công ty của chồng tôi gặp sự cố, anh ấy bị khách hàng lừa mất toàn bộ tài sản. Chồng tôi lúc đó gần như sụp đổ, từ một người không bao giờ uống rượu lại thành kẻ say sưa tối ngày. Tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột, lại không có cách nào có thể giúp đỡ, suy nghĩ một đêm, cuối cùng quyết định bán nhà. Trưa ngày hôm đó thằng em trai gọi điện tới, sau khi Cha mất, thằng em ngược lại rất thường xuyên gọi điện thoại tới. Tôi không có tâm trạng nói chuyện với nó, nó cũng hiểu được sự nôn nóng của tôi, nhẫn nại hỏi, tôi cố gắng mới nói được hết cho thằng út nghe. Không ngờ được rằng, em trai tôi ngồi tàu hỏa, sáng hôm sau liền tới, bước vào nhà không nói gì hết, từ trong tay lấy ra một cọc tiền. "Chị, đây là 500 triệu, không nhiều, dùng giải quyết trước đã". Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi: "Tiền này em lấy ở đâu?". "Một phần từ mấy tháng nay em chở hàng kiếm được 300 triệu, nhà trên thị trấn không được bao nhiêu, chỉ có điều có được từng này...". Tôi cảm động, cầm tiền đưa lại cho em trai, nói: "Chị không thể cầm tiền của em". Nó vội vã nói: "Chị ơi, năm ngoái xưởng đóng cửa, em và vợ bị mất việc, muốn mua một chiếc xe chở hàng nhưng không có tiền, chị đã đưa ba 400 triệu, nói Cha đưa cho em, còn dặn Cha không được cho tụi em biết là tiền của chị". Tôi ngây người, em trai nói tiếp: "Cha nói, hồi nhỏ, đều là chị nhường em, bởi vì em là em, bây giờ em phải bảo vệ chị, bởi vì chị là con gái. Cha còn nói, tới lúc Cha không còn nữa, em chính là nhà của chị...". "Cha"! Tôi quay đầu, nước mắt rơi xuống như mưa. Tôi là đứa con bất hiếu! Sao lại không hiểu cho sự khổ tâm của Cha. Cha đã biết trước không còn sống được bao lâu, lại càng biết tôi vốn là đứa kiêu ngạo, ngay cả người thân cũng sẽ không nhờ vả dựa dẫm, chính vì vậy đã để lại sự yêu thương, dành cho tôi sau này. Lúc đầu, khi Cha mượn tiền tôi, trong lòng Cha đã biết khó xử, đã phải dùng bao nhiêu dũng khí. Nhưng Cha vẫn làm vậy, chỉ để khi ông mất đi, chúng tôi còn có chỗ dựa, còn có người thân. Thì ra đứa con mà ông yêu thương nhất lại chính là tôi. Tôi quay lại ôm lấy em trai, không thể nói một lời nào, chỉ ôm thật chặt nó. Giây phút này, Cha tôi đang ở trên thiên đường cũng cảm thấy an lòng, bởi vì đứa con được sống trong tình yêu của ông mà hoàn toàn không biết, cuối cùng đã hiểu được tất cả. (Nguồn: Những câu chuyện nhân văn)Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/May/2024 lúc 10:20am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 17/May/2024 lúc 10:10am |
House - HomeHọc đông học tây, bằng này cấp nọ, vậy mà tôi vẫn giật mình khi đọc bài House & Home của kts Võ Thành Lân. Té ra, căn nhà nhìn thấy được, sờ mó được, ra vào để trú ngụ được, nó chỉ là house thôi. Còn home, cũng là cái nhà đấy, nhưng nó khác xa lắm. Home - nhà tôi, là nơi mà tình yêu và nhớ nhung của ta luôn hướng về, nơi gìn giữ bền vững cội nguồn, nơi chứa đựng vô vàn kỷ niệm. Thế nhưng, xoay quanh cái home ấy, mỗi thời, cách nhìn nhận về home cũng mỗi khác, mỗi thế hệ, thái độ ứng xử với home, cũng có ít nhiều bi hài xoay quanh. House & Home, một tản văn thú vị và đáng đọc! ****** Có nhiều từ mà người Việt chúng ta khi nói, khi viết, thường dùng với khái niệm rất chung chung, ví dụ như từ “nhà”. “Nhà”, hàm nghĩa rất rộng. Theo chức năng thì có: nhà ở, nhà ăn, nhà thương, nhà hát, nhà quốc hội, nhà vệ sinh, nhà thổ. Theo chức danh thì có: nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Theo hình thức thì: nhà biệt thự, nhà cao tầng, nhà tranh, nhà ngói, nhà lá. Theo đánh giá thì: nhà nghèo, nhà giàu. Ôi chao, vô số “nhà”, cơ man “nhà”, và, có một từ, gần như nghĩa của nó bao gồm tất cả: “nhà tôi”. Trong khuôn khổ tản mạn này, người viết chỉ muốn nói một chút chơi, về khái niệm gần gũi và thiết thân nhất của từ “nhà” theo tiếng Anh “house - home”. Người Mỹ có câu rất hay để phân biệt house và home: your house is nice, but I want to go home (nhà anh thì đẹp đấy, nhưng tôi chỉ muốn về nhà mình). Đến đây, lại sực nhớ câu mà các lãng tử thường nghêu ngao: giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà (Giang Hồ - Phạm Hữu Quang). Nhưng than ôi, thời buổi bây giờ, nấu cơm bằng nồi cơm điện thì làm sao mà nghe được tiếng cơm sôi. Muốn nghe được cái âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ mép của chiếc nồi gang, đặt trên bếp cà ràng ông táo, củi cháy phừng phừng đút phía dưới. Muốn nghe được âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ nơi mà bà mụ bắc ấm nước đỡ đẻ cho mẹ ta. Từ nơi mà nước trong ấm ấy, được lấy từ cái giếng sau hè, do ông nội ta đào để uống, để tưới hàng cau của bà nội, trồng hai bên lối vào nhà.
Rồi thì cái bộ phản ăn cơm từng là nơi ta nằm ăn đòn, vì ham chơi trốn học, là do công của bố và chú ta xẻ trên rừng kéo về, cả mấy cây cột, cây kèo cũng thế. Cho nên ở đó, ở nơi mà từng tấc vuông sống, đều ngập hơi ấm bàn tay của những người thân thuộc, chắt chiu dựng xây, không chỉ ngôi nhà, mà còn se chỉ để thắt, bện những sợi dây vô hình, nối kết con người và lịch sử, nối kết quá khứ vào hiện tại. Bởi thế, hỏi sao mà, ta chỉ muốn về nhà mình thôi. ****** Có một đôi, tuổi đã sồn sồn sắp lấy nhau, cần khẩn cấp một tổ uyên ương đến gặp tôi, nhờ vẽ giúp nhà. Tôi bảo, ông bà cần gì, thích gì, nói hết ra xem. Chàng từ tốn trình ra bảy, tám, ý thích, yêu cầu. Còn nàng, tất nhiên là gấp đôi. Trước gần hai mươi cái gạch đầu dòng, tôi phân tích cho họ hiểu là chúng đá nhau loạn xạ, nên, muốn có cái này, phải bỏ qua cái kia. Chưa dứt lời, thì giữa chàng và nàng, đã xảy ra một trận võ mồm chí chóe, ỏm tỏi. Ai cũng cho ý của mình là đúng, dứt khoát phán theo kiểu hạ thủ bất quờn, để rồi tiếp theo, cả hai hầm hầm phủi đít ra về quên cả chào kiến trúc sư. Cái hợp đồng góp gạo nấu cơm chung ấy, xem ra vẫn còn vô số điều khoản, mang màu sắc cá nhân, chưa thỏa thuận được. Nghĩa là, còn lâu, kiến trúc sư cứ việc ngồi đó mà hóng tiếp nhé. Giới trẻ "hiện đại" bây giờ, nhìn về về cái home tương lai của mình theo tiêu chí 3C: condo - car - credit card. Nơi hẹn hò giờ đây, không phải là cây rơm còn thơm mùi lúa mới, hay bóng tre bên bờ ao, hay giậu mồng tơi xanh rờn như cha thơ sĩ nhà quê nhát cáy nào đó mô tả. Chỉ cần bấm một cái tin nhắn tới một địa chỉ năm chục một giờ, bảy chục hai giờ nhan nhản ngoài phố, cho nó nhanh. Cuộc đời chỉ là những việc cần giải quyết thế thôi, chẳng gì phải lăn tăn.
Người Pháp có câu: mỗi ngôi nhà là một ước mơ. Đúng thế, khi vào tuổi trưởng thành, ai cũng từng có một giấc mơ, mơ về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhưng đôi khi lại quên rằng, để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực thì phải tự làm lấy là chính. Về những đứa trẻ thì không ai dạy, cũng làm rất hăng. Riêng ngôi nhà thì có khi lại trao giấc mơ của mình vào tay người khác, các kiến trúc sư. Mà các kiến trúc sư, tài giỏi mấy, cũng chỉ thiết kế ra được những cái house để ở chứ làm sao mà vẽ ra được cái home? Và các bạn cũng nên biết thêm, rằng có đến 80% các kiến trúc sư đều trở nên bối rối, khi phải tự thiết kế và xây dựng ngôi nhà cho chính mình (20% còn lại thì chưa đủ tiền để xây nhà). Nên, nếu có ai thắc mắc với các kiến trúc sư, vậy chứ khi xây nhà cho mình, chắc các ngài có nhiều ý tưởng hay ho mới lạ lắm, phải không? Thì phần lớn sẽ được nghe trả lời: Ối giời, ý tưởng cái mẹ gì, làm nhanh để có chỗ ở và làm việc, bả thích gì thì cứ theo đó mà làm cho nó yên chuyện. Thời nay người ta đi mua căn hộ tái định cư, cao cấp, đẳng cấp gì gì đó, với quan tâm hàng đầu là, nếu có sự cố thì tôi thoát ra bằng đường nào. Nỗi lo này là thực tế, thực tế như là, có dễ bán, có dễ cho thuê không. Cứ thế, chưa vào đã tính thoát ra, chưa ở đã tính bán đi. Cho thấy, đơn giản, đó chỉ là một cái house hay apartment tạm trú qua ngày. Lên voi người ta xây lâu đài biệt phủ. Xuống chó, thì bị nhét vào cái hốc nhỏ trong căn nhà to, mà nghiền ngẫm cái sự đời. Cái sự đời hướng người ta chúi mũi vào chiếc Lexus mà quên mất cây Ô Liu. Và như thế, kết quả cuối cùng không mấy khó để đoán ra. Chiếc Lexus và cây Ô Liu, luôn là bài toán và vấn đề khó giải. Khó, nhưng không phải là không thể. ****** Từ xa nhìn thấp thoáng thấy chiếc cổng làng, cảm tưởng dường như mình đã về đến nhà. Dường như đã về đến nhà, vì nơi đó, tôi sẽ gặp những người quen biết, thân thương; vì nơi đó, tôi có thể lang thang đêm ngày mà không e ngại bất cứ điều gì; vì nơi đó, tôi có thể trút bỏ lại sau lưng, tất cả những phiền toái lo toan, đa đoan vướng bận, sách nhiễu nhì nhằng, mệt mỏi ám ảnh. Cái nơi mà, khái niệm về quê hay về nhà là một khái niệm không thể tách rời. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ ecological (sinh thái, chất lượng của môi trường) được xuất phát từ chữ Hy Lạp: oikos (ngôi nhà), cho nên, không chỉ “quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà”, mà còn là, quê tôi, nơi cho tôi một tình yêu để quay về. Hỏi rằng người ở quê đâu, Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà (Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng) Alexandre Yersin đến Nha Trang từ cái thời, nơi đây còn là một vùng biển hoang sơ. Ông sống, làm việc rồi một thân một mình chết ở xứ sở xa xôi này. Ông có “gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người” như trong mấy câu vọng cổ ai oán hay ngân nga không nhỉ? Không, ông đã sống và mất đi trong cái home chung thân thiết của cả một miền quê, của cả nhân loại. Cái home ông tự tạo dựng bằng tấm lòng nhân ái cao cả của mình. Một cái home thật sự, không nhất thiết phải có “ngôi nhà và những đứa trẻ”, mà nó là một không gian rộng lớn, một homeland, quê nhà thân thương và quyến luyến. ****** Đêm nhớ về Sài Gòn, bóng mẹ hiền mờ mờ bên sông, mắt người tình một trời mênh mông (Đêm Nhớ Về Sài Gòn - Trầm Tử Thiêng). Nhớ về, nhớ về Sài Gòn, giờ đây chính là nhớ về mẹ; giờ đây, chính là nhớ về bạn bè, chính là nhớ ánh mắt người tình. Còn đâu một Sài Gòn - homeland (quê nhà, nơi ta sinh ra và lớn lên)? Nếu có còn chăng, chỉ là một quê nhà như chiếc vỏ rỗng màu mè, chứa những tàn phai, để ai kia, vội vã trở về, rồi lại vội vã ra đi.
Nhưng vẫn phải nhớ về, cái nỗi nhớ cứ canh cánh trong lòng, bởi lơ mơ “sẽ không lớn nổi thành người” (bị dọa thế mà). Ôi, giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa. Tội nghiệp thằng bé! Võ Thành Lân |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 20/May/2024 lúc 9:09am |
Một Bản Tin Đáng Buồn Về Chữ HiếuCha và mẹ của học sinh 15 tuổi ở Michigan đã bị tòa tuyên án từ 10 tới 15 năm tù vì tội đã mua súng cho con trai và cậu bé này đã dùng nó để thảm sát bốn học sinh tại Oxford High School. Còn cậu bé bị án tù chung thân không ân xá. Công tố viên đã buộc tội cặp vợ chồng này đã không để súng tại một nơi có khóa an toàn và không có hành động ngăn cản khi có biểu hiện con mình sẽ có hành động điên cuồng. Đúng là “Con dại cái mang”. Đẻ con ra cưng như cứng trứng, hứng như hứng hoa, mong cho nó khôn lớn nên người. Ngờ đâu mới 15 tuổi mà nó đã hung hăng, tiêm nhiễm bởi những phim ảnh bạo lực, xách súng vào trường giết luôn bốn bạn học chỉ vì một xích mích nhỏ nhặt. Không biết kiếp trước cặp vợ chồng này đã làm gì nên tội mà oan hồn đầu thai vào nhà để báo oán? Sau 15 năm tù cặp vợ chồng này còn gì? Có khi bỏ nhau chỉ vì tranh cãi tại ông hay tại bà quá nuông chiều con. Vị thẩm phán đã lau nước mắt nhiều lần khi tuyên đọc bản án này. Rồi một thảm kịch rơi nước mắt khác là một cậu con trai ở Florida đang học lớp dự bị y khoa đã dùng dao đâm mẹ mình 70 nhát khiến bà là một giáo viên dạy Lớp Hai, gục chết với lý do rất giản dị “ Bà ấy làm tôi bực mình”.
Hiện nay có một hiện tượng đáng sợ là con cái giết cha mẹ ở nước Mỹ cũng như ở Việt Nam. Thông thường vợ chồng sinh con thì mừng rỡ biết bao. Thế nhưng theo giáo lý nhà Phật thì con cái chưa hẳn là hạnh phúc mà có khi là tại họa. Nó thành công chưa chắc mình được hưởng mà hễ nó làm bậy một cái thì cha mẹ gánh hết. Thế giới ngày hôm nay tiến quá nhanh, trẻ con được luật pháp bảo vệ và nuông chiều. Trong khi đó thì trên hệ thống liên mạng toàn cầu, có quá nhiều hình ảnh tác động tới trẻ con, tốt thì ít mà xấu thì nhiều. Có thể nói trẻ con ngày nay rất tự ái, nóng nảy, tinh khôn và hung dữ. Chính vì lo lắng về thảm họa này khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ đã không chịu sinh con…vừa bận bịu, tốn kém và trách nhiệm rật nặng nề. Luật bảo vệ thiếu nhi đã khiến nhiều cha mẹ ngồi tù vì con cái. Là phụ huynh thuộc tầng lớp cổ hủ và lạc hậu, chúng ta phải làm sao đây để cứu vãn? Nhà thờ, trường học, gia đình đã hoàn toàn bất lực. Thống kê mới nhất tại Tiểu Bang Missouri cho thấy đa số giáo chức muốn bỏ nghề vì lương thấp, áp lực và nhất là học sinh rất hỗn hào. Học sinh ngày nay chẳng coi dạy học là chức năng cao quý mà chỉ là một nghề để kiếm sống mà thôi, chẳng có “tôn sư trọng đạo” gì hết. Cãi lại thầy/cô, túm tóc đánh cô giáo ngay trong lớp học là chuyện thường. Chúng ta cứ lên án Khổng Tử là lạc hậu thế mà dưới sự giáo dục của Nho gia, đất nước Việt Nam và Trung Hoa xưa đã sản sinh bao nhà tư tưởng, trạng nguyên, tiến sĩ, cử nhân đã đem tài ra giúp nước qua đạo Tu Thân-Tề Gia-Trị Quốc-Bình Thiên Hạ và biết bao người con hiếu thảo. Nho gia ngày xưa coi thầy còn trên cha mẹ mình. Tiến sĩ về làng phải xuống ngựa. Nhiều khi thầy chết học trò phải để tang. Chúng ta chê trách và khinh thường Đạo Khổng vậy thì ngày nay chúng ta xây dựng đao gì để: Con cái hiều thảo biết vâng lời cha mẹ, học trò biết kinh trọng thầy cô và coi trường học là lò giáo dục và đào tạo con người? Dường như chẳng có đạo nào để thay thế Đạo Nho cả mà chỉ có đạo bạo lực và đạo nhố nhăng trên Internet mà thôi. Nước Mỹ có ngày Mother’Day và Father’s Day nhưng không bao giờ dạy dỗ về lòng hiếu thảo, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tôi năm nay đã 82 tuổi rồi, nhưng nhớ lại thuở xưa, vẫn kính trọng và biết ơn tất cả thầy/cô đã dạy dỗ tôi từ bậc Tiểu Học tới Đại Học. Thế nhưng quan điểm này nếu nói với bọn trẻ ngày hôm nay, chúng nó sẽ nhún vai và tự hào về một nền văn minh và lối sống mới của chúng nó. Chúng ta biết làm sao? Thôi thì quay lại với lời dạy của Đức Phật, vạn hữu vốn vô thường. Thời mạt thế thì hiền thánh ẩn phục hoặc im hơi lặng tiếng, đạo lý suy đồi còn các tầng lớp của thời đại mới thì hãnh diện với thời trang, nhạc Pop, nhạc Rap, Football, biết rành rẽ những trò chơi quái đản trên facebook, twitter, tiktok và hễ trái ý một cái thì rút súng ra bắn chết liền dù đó là cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, bạn đồng sự…và chấp nhận án tù chung thân hay tử hình để thỏa mãn Cái Tôi vĩ đại. Đào Văn Bình Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/May/2024 lúc 9:12am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 20/May/2024 lúc 1:11pm |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 30/May/2024 lúc 10:42am |
Đặt Tên Con
Chúng tôi lấy nhau vào tháng năm 2023, dự tính sẽ có con đầu lòng vào 2024 vì chúng tôi sấp sỉ ngưỡng 30 tuổi, sợ ngoài tuổi đẹp và mạnh khỏe nhất để sanh con khoảng 24-25; tôi và vợ lên kế hoạch đi chơi xa “lấy hứng” và cũng để sau khi có con sẽ giành nhiều thời gian trông nom dậy dỗ con cái. Trong chuyến đi chơi ba tuần ở Nhật với những phong cảnh lãng mạn hữu tình, vợ tôi đã thụ thai. Tin nóng sốt vui mừng này được nhanh chóng truyền khắp trong họ hàng nội ngoại hai bên, tôi là đứa con trai đầu tiên lấy vợ trong họ hàng của hai bên gia đình, giờ đây vợ tôi mang bầu cũng là đứa cháu nội đầu tiên của cả hai gia tộc. Vợ tôi mang bầu là cả một việc làm tôi vừa hạnh phúc lẫn mệt tâm trí, lúc thì mẹ vợ dặn dò không được ăn đồ sushi vì là đồ sống dễ gây đau bụng ảnh hưởng đến thai nhi, lúc thì mẹ đẻ tôi nhắn không được với những đồ ở xa tầm tay, hay leo trèo lên cao lấy đồ mà phải nhờ chồng làm. Rất nhiều thứ nên và không nên được hai bà mẹ của cả hai bên bầy đặt ra làm cho vợ chồng tôi phải nhẹ nhàng vặn nhỏ cái cellphone lại giả vờ không nghe cuộc gọi chứ không thì cả ngày sẽ phải bận rộn tiếp phone thôi. Cả một thời gian chín tháng vợ mang bầu đã làm tôi phải hy sinh không được đi đâu quá xa để nếu vợ cần gì thì phải có mặt ngay! Ngoài ra tôi vẫn phải bỏ ngủ trễ cuối tuần để đi lấy bánh cuốn hay mua thứ kem lạnh mà vợ tôi nổi cơn thèm lạ đời đòi ăn bất chợt! Sở thích của riêng tôi là được đi chơi volleyball cuối tuần với các bạn, tôi không thể bỏ được, mà nếu đem bà bầu đi thì thấy cảnh nàng khệ nệ đi qua đi lại sốt ruột ôm cái bụng bự thì làm sao tôi còn hứng thú chơi nữa chứ! Thành ra tôi đã đem vợ lại nhà ba mẹ vợ chơi, khi nào xong sẽ đón nàng về. Trong lúc ở nhà nàng, ba mẹ vợ đề nghị: - Các con đã đặt tên cho thằng cu bé là gì chưa? - Dạ chưa…. Chúng con suy nghĩ mãi vẫn chưa đi đến quyết định được. Con nghĩ chắc còn hơi sớm quá. - Cũng phải nghĩ tiếp đi chứ, con đã đến tháng thứ bẩy rồi… Nó ra đời là phải làm ngay giấy khai sinh đấy! ba nghĩ năm nay là con rồng thì đặt tên Long… - Trong lớp con có một tên Long rất bủn xỉn keo kiệt, con không đặt tên này đâu! - Hay là… Lân đi! Phải đấy là Lân đi! … À mà nhà bên nội đã nghĩ tên gì cho cháu chưa? - Mọi người cũng nghĩ như con là còn sớm quá nên chưa ai nói gì cả ạ. - Phải đặt tên nào cho dễ khi đi học nữa, chứ tên Việt Nam của mình dài thòng lòng, cô giáo đọc mãi cũng không hết và còn đọc sai nữa thì chả ai hiểu gì! Nghe vợ tôi nói những cái tên mà ông bà ngoại bên ấy muốn đặt, tôi đăm chiêu suy nghĩ, mới sực nhớ : - Ừm nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn! Vợ tôi bênh vực ý kiến của ba mẹ nàng : - Ba em nói năm nay là năm con rồng, đặt tên Lân cũng ok đó! - Nhưng gì Lân chứ? Phạm Lân?... Còn ông Nội muốn đặt nó là Nhật Lâm… - Nhật Lâm có ý nghĩa gì? - Tên của anh là Quang Nhật, lấy tên anh làm chữ lót cho con, còn Lâm là rừng, trong phong thủy Lâm là biểu tượng của sự thịnh vượng, phát triển, mang lại sức sống và tài lộc. - Để em sẽ tìm hiểu thêm giữa Lân và Lâm rồi mình nói tiếp nhe! **** Tháng năm giao mùa giữa xuân và hạ, khí hậu thật mát mẻ, hoa lá nở rộ, con người cũng vui vẻ. Bố mẹ tôi sửa soạn đi dụ lịch Châu Âu, trước khi từ biệt tại phi trường, mẹ tôi có dặn dò: - Hai vợ chồng con nhớ giữ gìn sức khỏe cẩn thận nhé, con so có thể sanh sớm vài tuần như mẹ đã từng sanh con sớm đến ba tuần lễ đấy, sửa soạn va-li sẵn cho vợ con để có gì thì đi ngay vào nhà thương, bất kỳ việc gì cũng phải từ tốn, đừng quýnh lên sẽ hỏng chuyện nhe, bố mẹ đi khoảng ba tuần, có gì nhớ email cho mẹ biết. - Dạ mẹ không lo, chúng con đã sửa soạn hết rồi, bố mẹ đi chơi về vào cuối tháng 5 thì vợ con mới sanh mà, bây giờ mới là đầu tháng 5 thôi. - À rốt cuộc tên cháu bé thì con định là gì chưa? - Con nghĩ sẽ chọn Nhật Lâm đó ạ! - Gì cũng được tùy các con và bên ông bà ngoại quyết định cho vui vẻ nhé. **** Bố mẹ tôi vừa lên máy bay rời khỏi, tôi đã nghe tiếng cellphone reo; tiếng thở hổn hển của vợ tôi: - Anh à… em … đau bụng quá! - Thật không? ….sao kỳ vậy?... em có chắc là đau bụng đẻ không? -… Giờ này mà bảo em… giỡn hả? em …đau bụng lắm! - Thở đi nhé, hít vào… thở ra… như mình đã học course đi! - Em đã làm rồi…Anh ở đâu? …Gần về chưa? - Anh đang đi về đây! … nhưng … em đau thế nào? Người ta bảo đến cuối tháng em mới sanh mà? Có phải lộn không? … gọi mẹ em xem bà nói thế nào? - Em đau bụng lắm, … anh về nhanh đi nhe!
Nói rồi nàng cúp phone, tôi rối loạn không biết phải đi nhanh gấp về bằng cách nào nữa, đường kẹt xe như thế này! Không hiểu sao nàng lại đau sớm như vậy, có đúng đau đẻ không? nếu sanh sớm ba tuần có hại cho đứa bé không? nó có bị thiếu phần nào chưa phát triển hết không? Bao nhiêu câu hỏi lo lắng cho đứa con đầu tiên rối tung trong đầu. Tôi quẹo phải, rồi quẹo trái, rồi quay lại con đường cũ, lòng vòng mãi vẫn đi lộn đường và không ra khỏi được chỗ kẹt này! Rốt cuộc tôi cũng về đến nhà, nàng nằm ngay trên sofa sốt ruột như chờ đợi tôi lâu lắm rồi, thấy tôi nàng nhăn nhó : - Sao anh về lâu thế? Em có phone cho bác sĩ rồi, bà nói em cứ từ từ chờ khi nào đau co thắt liên tiếp thì vào nhà thương là vừa, bây giờ bà cũng trên đường đến nhà thương đó. Anh lên lầu lấy giùm em giỏ quần áo nhe. Tôi quýnh lên : - Em nhớ hít vào… thở ra nhe! - Thưa anh, em đang hít đây, không hít, không thở làm sao sống! **** Khi vợ tôi lên giường nằm chuẩn bị sanh, tôi cảm thấy rất yêu nàng và mình đang nợ nàng một mối nợ ân tình to lớn vậy! Tôi sắp làm bố! Một trách nhiệm nặng nề nhưng mang tính thuyết phục! tôi không sao tả được cảm giác yêu thương và hạnh phúc trong tôi, tôi không trực tiếp mang nặng đẻ đau như người phụ nữ nhưng cả quá trình mang thai của nàng tôi đều hiện diện. Đứng trước cảnh này tôi mới hiểu thế nào là tình phụ tử thiêng liêng, tình chồng nghĩa vợ. Lúc lấy vợ, tôi vẫn chưa trưởng thành, nhưng đứng ở ngưỡng cửa sắp làm bố tôi thấy mình thật quan trọng, quan trọng hơn cả làm một chức vị thật cao trong xã hội nữa! Hai cô y tá cùng lúc ra lệnh cho vợ tôi : - Push! Push! Vợ tôi mặt đầy mồ hôi hột, đỏ bừng cố rặn từ nãy giờ, thằng bé vẫn chả thấy xuất đầu lộ diện! không hiểu nó muốn chơi trò ú tim đến bao giờ nữa! Nhìn nàng với những cơn đau rên xiết, chịu đựng, ráng bặm môi rặn mà tôi thấy lòng dạ quặn thắt; mặt nhễ nhại mồ hôi, đầu tóc rối xù tuy đã được cột gọn trong chiếc bao xanh của nhà thương, nàng nhăn nhó nhìn tôi : - Em đã ráng hết sức rồi! Ngay lúc ấy, tôi nhớ bố đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khi tôi được sanh ra cùng nhà thương với con tôi hiện tại, tôi bất chợt phì cười mà không thể nào giữ được, hai cô y tá thấy tôi bật cười giữa lúc mặt ai cũng đang nghiêm trọng « làm việc », hai cô mới nhìn tôi và hỏi : - Chắc ông thấy vui sắp được làm cha? - Tôi xin phép được kể một câu chuyện vui, cũng có thể nó tiếp sức làm vợ tôi mạnh lên thêm khi đẩy cháu bé ra dễ dàng hơn: mọi người biết không? lúc mẹ tôi sanh tôi trong phòng sanh như thế này, hai cô y tá cũng bảo mẹ tôi push push, bố tôi đã tiếp sức mẹ bằng cách nắm chặt tay mẹ, cùng rặn với mẹ, cố gắng push, bỗng bố đưa tay lên ngăn tất cả mọi người lại nói « hãy khoan rặn! chờ tôi nhé! Tôi phải đi vệ sinh vì từ nãy đến giờ tôi push nhiều quá nên bây giờ phải đi đây, hãy chờ tôi ra rồi mình sẽ tiếp tục!» Thế là mọi người đều ôm bụng cười, chờ bố tôi « đi tiện » xong ra mọi người mới tiếp tục push!
Sau khi tôi kể xong câu chuyện, cả phòng cùng cười, nhờ vậy vợ tôi lên tinh thần, có sức mạnh và tất cả chúng tôi cùng ráng một cú hết sức bình sinh, thằng bé văng ra ngoài một cách tuyệt diệu. Tiếng khóc oe oe đầu tiên chào đời của nó vang lên làm nhói trái tim tôi, một cảm giác khó tả len vào từng thớ thịt mạch máu của trái tim, tôi được hai cô y tá hân hoan mời cắt rốn, cuộn nó lại để lên cân, vỏn vẹn có 2.65kg thôi, như con chuột con, tôi và nàng cùng chảy nước mắt hạnh phúc khi ôm cháu vào lòng. Cô y tá ịn bàn chân bé xíu của nó vào mực đen rồi in lên tờ giấy của nhà thương, cô cắt nghĩa : - Đây là dấu in chân của đứa bé đầu tiên ra đời để không lộn với những đứa bé khác! Cũng giống như một loại lấy dấu vân tay mà thôi, nhưng vì còn quá bé không thể lấy dấu tay được nên lấy dấu chân. Hai cô y tá chúc mừng tôi đã lên chức CHA! Tình thương yêu bảo bọc của cha mẹ rộn ràng trong tôi, cảm xúc lúc ấy không bút nào tả xiết. Tôi cảm thấy không gì hơn được tình phụ tử, tôi quyết tâm sẽ là người cha tốt, gương mẫu để cho con noi theo. Vợ tôi thì thào bên tai : - Em sẽ đặt tên nó là Kylan! - Ủa không phải Nhật Lâm sao? - Không đâu! Nó sẽ tên là Kỳ Lân…Nhưng đi học thì tên là Kylan… - Tại sao chứ? … sao em không nói gì với anh? - Bây giờ em nói cũng không muộn mà! - Vậy có ý nghĩa là gì? Em đã tra tự điển chưa? Tiếng Việt em không rành thì làm sao đặt cho nó chứ? - Kỳ Lân là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng, còn trong phong thủy Kỳ Lân được sử dụng để thu hút tài lộc và phúc lành, nó còn là hóa thân của lòng nhân từ và công lý, là tượng trưng cho sự cân bằng giữa sức mạnh và lòng từ bi. Tóm lại Kỳ Lân, sự kết hợp với vẻ ngoài uy nghiêm và tính cách từ bi trở thành một biểu tượng văn hóa sâu sắc, truyền tải nhiều giá trị và niềm tin tốt đẹp trong đời sống của người dân Á Đông. Em đã đọc được điều này trong tự điển nên vội vàng đặt cho con mình; ngoài ra chính con Kỳ Lân này là kỷ niệm của cả hai chúng ta khi mình cùng vào đoàn Phật Tử ở chùa Quan Âm, anh làm đầu con lân, còn em là người đánh trống cho đoàn lân múa lần đầu tiên cả đoàn mình trình diễn ở Garden Grove, Cali ở Mỹ vao dịp Tết anh có nhớ không? lúc ấy chúng mình mỗi người một công việc mà chưa thân nhau, nên em muốn con mình nhắc nhở mãi kỷ niệm của chúng ta. Tôi xoa đầu nàng : - Thôi được, em đã chọn, đã thích tên này và tra cứu đến tận nơi rồi thì anh cũng chấp nhận thôi. Em đã sanh cho anh một đứa con thật đẹp, nhiều công sức quá, món quà này là phần thưởng quý báu nhất của em giành cho anh. Thực ra mà nói giá trị thực sự của một con người không nằm ở cái tên mà ở những hành động, phẩm chất và đóng góp của họ cho xã hội. Một người có thể làm vẻ vang cho xã hội bằng cách sống một cuộc sống có ý nghĩa, có đạo đức và tạo ra những ảnh hưởng tích cực… Tôi không hiểu sao thường ngày mẹ cứ hay nói tôi còn là đứa trẻ con, nhưng hôm nay trước một sinh linh bé nhỏ mới chào đời, tôi trở thành một « triết gia», tôi nghĩ đủ thứ cao siêu, tôi không còn chỉ nhìn những điều tầm thường nữa, mà biết nhường nhịn, biết kiên nhẫn và bao dung hơn, thật kỳ lạ! Chả lẽ sự ra đời của thằng cu con lại đổi tính cách và sự suy nghĩ của bố nó như thế sao? Tôi chụp vội vài tấm hình của Kylan khi vừa lọt lòng mẹ, gởi cho bố mẹ tôi đang đi du lịch ở Greece: - Mẹ thấy nó có giống con không? Tôi tưởng tượng mẹ đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được những tấm hình của thằng cháu mới sanh, mẹ viết lại cho tôi thật ngắn gọn : - Cháu bé dễ yêu quá! có phải bị nằm lồng kiếng vì thiếu ba tuần không? quan trọng là sức khỏe thôi, vợ con cũng khỏe chứ? Chúc mừng các con nhé! Kylan là món quà yêu thương mà ông Trời giành cho gia đình nhỏ cũng như cho cả gia tộc hai bên nội ngoại, nó sẽ là chất keo gắn kết hai gia đình thêm chặt. Tôi chỉ mong ước một điều cho cháu nhiều sức khỏe, ăn no chóng lớn và sẽ là người hữu ích cho xã hội sau này. Nhìn nó say ngủ trong lòng mẹ, tôi nhớ mình cũng đã từng như nó, từng được ấp ủ chở che, yêu thương và nuôi dậy thật tốt để có được ngày hôm nay. Có con mới biết được công ơn cha mẹ cao dầy thế nào. Cha là chiếc lá che sương, Mẹ là bông lúa ngát hương giữa đồng, Cha là trời rộng mênh mông, Mẹ là đất mẹ, cho con vững vàng, Nguyện cầu cha mẹ bình an, Ơn sâu nghĩa nặng muôn vàn kính yêu.(khuyết danh) Sỏi Ngọc, Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/May/2024 lúc 10:49am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 01/Jun/2024 lúc 9:42am |
Những Người Đàn Bà Của Thế Kỷ Hai MươiNgày cuối tuần nằm nhà, chẳng biết làm gì nên đọc tùm lum những gì vớ được. Đọc xong câu chuyện này, lòng chùng xuống thật thấp với lòng kính trọng những người đàn bà của thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những người đàn bà miền Nam Việt Nam. Với những người đàn bà miền Bắc, thì cái đau lớn nhất của đời
họ, trong thời chinh chiến là nỗi đau của người Mẹ mất con, Vợ mất chồng, mà
không dám khóc, bởi vì sẽ bị quy vào tội ủy mị mất lập trường, gì gì đó, mà bọn
cộng sản chụp lên đầu họ. "Giấy báo tử rơi đầy trên mái rạ , chỉ có cái loa là vui".
Nhưng khi cuộc chiến tàn rồi ,thì họ còn có nụ cười trên môi, vì
họ thuộc về phe thắng cuộc, nụ cười rạng rỡ của đoàn viên , khi chồng, con họ ,
sống sót trở về. Trái lại, những người đàn bà miền Nam cũng chịu cảnh mất con, mất chồng trong
cuộc chiến, cũng đau đáu hàng đêm ,cầu nguyện bình an cho người nơi chiến trận,
cũng trần thân một mình nuôi dạy đàn con thơ dại ở hậu phương.
Chiến tranh tàn, trong ngỡ ngàng, trong tức tưởi, nhưng dù sao thì cũng còn niềm hy vọng nhỏ nhoi, dù sao cũng là người chung một nước, tàn chiến tranh rồi, cùng xây dựng lại quê hương, quê hương thôi đau, nắng hạ hết buồn, những người đi chiến tranh rồi sẽ về, giữa đêm trường nghe rộn rã tiếng cười vui. Nhưng, tất cả chỉ là niềm hy vọng hão huyền, chỉ là mộng tưởng. Đòn thù bắt đầu giáng xuống tới tấp, tàn nhẫn, phủ phàng, bởi bọn chiến thắng,
bọn cộng sản việt nam.
Chồng con họ, bị bắt đưa đi biệt tích, cửa nhà họ bị trưng dụng, tịch thu, họ không còn môi hồng má thắm, mắt họ không còn xanh, họ bương bả giữa chợ đời, để đi tìm miếng ăn cho đàn con thơ dại.. Hết rồi những cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhớ những chiến công, hay Trưng Vương khung cửa mùa thu. Chỉ còn lại những con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non, chồng em giặc bắt lên rừng, chồng em chiến sĩ anh hùng. Trong cuộc đời mình đã từng chứng kiến, vợ của một người Lính thuộc về phe thua cuộc phải đem thân xác của mình, trao đổi với kẻ thắng cuộc để kiếm lấy đồng tiền đi thăm nuôi chồng ,trong cái trại gọi là "cải tạo". Mình cũng từng đào hố, để chôn ba mẹ con của một người Lính bên thua cuộc, bỏ độc dược vào nồi cháo để ba mẹ con cùng ăn, ở vùng kinh tế mới Cu Nhí. Mời bạn đọc tóm tắt, cái đoạn trường tân thanh của những người Đàn Bà Miền Nam, lặn lội cả ngàn cây số, và phải vượt qua muôn trùng gian khổ ,để đến được những trại tù của những vùng rừng thiêng nước độc, ở miền Bắc, thăm nuôi chồng, con, cha, anh, của họ. "Từ Sài Gòn đi bằng tàu hỏa, một nách hai đứa con thơ, có đứa sinh ra chưa lần gặp mặt Cha, một trăm ký lô hàng, mua bằng sự tằn tiện dành dụm từng đồng ,dù cảnh đời của ba mẹ con vô cùng thê thảm sau ngày tang thương, tới ga Thanh Hóa mướn nhà trọ, liên kết với những người đồng cảnh ngộ với nhau để bảo vệ số đồ tiếp tế ,vì hở ra là mất hay bị cướp. Vượt thêm chặng đường rừng bằng xe trâu, vào đến nơi thì trời đã tối, lại vật vờ thêm một đêm ngoài cổng trại, đến khi gặp được chồng thì dưới con mắt canh chừng cú vọ của cai tù, hai vợ chồng chỉ nhìn nhau mà không nói được lời nào. Cha ôm con trong tay, mà cặp mắt nhá lửa hận thù, cái nhìn xót xa thương cảm cho vợ, đã tàn một đóa quỳnh hương. Đến khi nói được, thì lời bật ra với đầy ngụ ý...."Em đem con về Mỹ tho đi, vùng kinh tế mới đó, có người này người kia, ráng nuôi dạy con cái nên người, nghe lời anh dặn nhé" Ý là biểu vợ tìm đường vượt biên, lời nói như một lời vĩnh biệt.
Thân chim lồng cá chậu, mãnh hổ sa cơ, biết rồi sẽ ra sao ngày sau?Và đây là lời người vợ trong nghẹn ngào đau thương nức nỡ : "Em sẽ đợi anh về, em sẽ đợi anh về, rồi chúng ta cùng đi kinh tế mới, anh đừng lo nghĩ gì hết, giữ gìn sức khỏe để còn về với em và con, em thề, em sẽ đợi anh về" rồi dưới cái lạnh lùng tàn nhẫn của cai tù, vợ chồng con cái lại chia lìa chỉ sau một giờ thăm viếng, đường về Nam ôi vời vợi đau thương. Kính phục thay tấm lòng trung trinh của những người đàn bà của một thời sau mùa chinh chiến, những người Đàn Bà Vợ Lính Miền Nam.
Mẹ Việt Nam ơi...thời gian ..quá nữa đời người...và ta cũng tỏ tường rồi..ôi cuộc đời , ngày sau tàn lửa khói....
Minh Hòa |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 06/Jun/2024 lúc 8:24am |
Sóng Trước Đổ Đâu Sóng Sau Đổ ĐấyChị kéo tay con trai nhỏ cố chạy thật nhanh đến trước cổng nhà vệ sinh nhưng không kịp. Một bãi nôn nhầy nhụa dưới sàn. Bao đôi mắt ái ngại, sợ hãi. Một số quan khách, nhanh chân bước tránh sang hai bên. Chị xấu hổ, vội trách mắng con. - Mẹ đã bảo ăn ít thôi mà không nghe… Có tiếng cô lao công lớn tuổi, cắt ngang. - Không sao đâu! Để đó, cô dọn cho. Ở đây, người lớn còn ói mửa tràn lan, đừng trách gì trẻ nhỏ! Tức thì, cô nhanh nhẹn ném mớ giấy lên bãi nôn. Một tay cô vừa đổ nước lau sàn, một tay vừa cầm bàn chải cọ rửa, một chốc sàn nhà đã sạch tinh tươm trở lại. Nhà hàng rộng, khách khứa ra vào đông đúc. Cô lao công cũng đã quen với cảnh thực khách say xỉn, xả tràn lan ra sàn nhà, bồn rửa tay… Công việc của cô mỗi ngày là ở đây túc trực, lau dọn, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ nên chẳng bao giờ cô dám bực dọc, nhăn nhó khách. Biết vậy nhưng chị vẫn lấy làm áy náy. Khi con trai lay tay chị, nhắc nhở đi về. Chị lần trong túi xách, lấy ra bịch bánh, đưa cho con. - Con mang lại biếu bà, nhớ cảm ơn bà nhé! Cậu con trai phụng phịu, vẻ không vui. Món bánh mà cậu yêu thích, hiếm khi mới được dì mua cho. - Hôm sau, mẹ sẽ nhờ dì mua lại gói mới cho con! - Mẹ hứa nhé! - Mẹ hứa… Chị đưa ngón tay lên móc ngoéo. Thằng nhỏ cười rạng rỡ, nhanh nhẹn lấy gói bánh, chạy về phía cô lao công. Chẳng biết nó nói gì nhưng nhìn từ xa, chị thấy cô nhận gói bánh, đôi mắt tỏa ra niềm vui thích. - Có phải vì con ói ra sàn nhà, phiền bà dọn nên mẹ biếu bánh cho bà không? Trên đường đi trở ra quán, cậu con trai nắm tay chị hỏi dò. Chị khe khẽ gật đầu. Một làn gió nhẹ vờn tóc hai mẹ con. Thằng nhỏ đu tay mẹ, nhịp chân sáo. Khoảnh khắc ấy, lòng chị ngập tràn hạnh phúc. Một ký ức bồi hồi ngày xưa trở về. Một buổi chiều mưa lâm thâm, có một ông ăn mày, đội nón lá rách tơi tả, đeo một cái túi lác cũ kỹ. Ông đến xin gạo nhà chị. Đang cuốc giở luống đất trước nhà, bố chị dừng cuốc, nhắc con gái vào bếp xúc gạo cho ông. Khi mở nắp lu gạo ra, chị hụt hẫng. Chỉ còn vỏn vẹn có 2 lon gạo. Chị xị mặt, đi ra, nói nhỏ vào tai bố. Nhưng bố chị mỉm cười, bảo con gái: “Cứ chia cho ông một lon, còn chừa lại nhà mình một lon, tối bố nấu cháo gà cho các con ăn”. Bố nói dối để chị vui vẻ, xúc gạo cho ông già ăn mày, chứ chị biết thừa, nhà làm gì có gà mà nấu cháo. Đó là những tháng ngày nơi vùng quê hẻo lánh, cuộc sống của bà con nông dân như gia đình chị luôn trong cảnh đói mòn, đói mỏi, chạy ăn từng bữa. Bao năm qua, ký ức về chiều mưa năm xưa, bố chia lại lon gạo cho ông lão ăn xin ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí chị. Để khi trưởng thành, chị nhận ra rằng không cần dạy con tử tế bằng lời nói, chỉ cần cha mẹ sống tử tế là đủ. Bởi chị tin vào câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Nguyễn Nga
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 130 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |