Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Chuyện Linh Tinh
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh  
Message Icon Chủ đề: THÁNG TƯ ĐEN...... VÀ TẤT CẢ.. Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 100 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 01/May/2024 lúc 12:31pm

Món nợ năm xưa


 

Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân tị nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại phi trường Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui:

– Vậy là vài năm nữa con gái có quốc tịch Mỹ, sẽ bảo lãnh hai vợ chồng Đức qua đoàn tụ, chắc chắn sẽ có ngày chúng mình tái ngộ ở Dallas, Đức ơi!

Hắn trả lời liền:

-Cám ơn Nàng, nhưng lần này đừng … tài lanh làm mất giỏ đồ của tui nữa nha.

– Quỷ sứ, nhớ dai quá chừng! Tui hứa danh dự, lần tái ngộ sắp tới, sẽ mua một cái giỏ mới toanh, hàng hiệu, trả lại cho bà xã ông luôn nghen.

Hắn để icon mặt cười, rồi kết luận:

– Ừa, Đức mong đến ngày nhận cái giỏ của Nàng lắm.

Chúng tôi gặp nhau tại bãi hẹn vượt biên, là bến xe Bà Hạt, Quận 10, chuẩn bị theo nhóm dẫn đường đưa lên xe đò chạy qua biên giới Mộc Hóa Long An, rồi tiến vào đất Cambodia trực chỉ thủ đô PhnomPenh. Ngồi trên xe đò, từ xa lạ cũng trở thành quen biết, cả nhóm 41 người, vì từ đây sẽ cùng chung số phận trên con đường vượt biển tìm tự do.

Tôi và 3 cô con gái, cũng mới quen trong chuyến đi, cùng vài thanh niên khác, trong đó có Đức, vì hơn kém nhau 1-2 tuổi, nên thường trò chuyện đùa giỡn với nhau.

Đức có giọng hát hay, biết chơi đàn organ, vừa tốt nghiệp trường Âm Nhạc Sài Gòn, tính tình hài hước có sẵn trong máu, hầu như ở mọi tình huống, lúc buồn lúc vui, lúc gặp hiểm nguy, Đức luôn biến thành những khoảnh khắc vui cười, khiến mọi căng thẳng và nỗi sợ tan biến.

Chỉ vài ngày đầu tiên trên đất Cambodia, đi chợ, đi dạo, đi chơi, tối về khu nhà trọ “nằm vùng” chờ lệnh lên đường đi phố biển Kongpom Som, chúng tôi đã biết khá rõ về mỗi người, gia đình ra sao, hoàn cảnh thế nào, càng thân nhau hơn trong cách xưng hô, thoải mái gọi ông gọi bà xưng tui, riêng Đức có cách gọi riêng khá dễ thương, là luôn gọi đám con gái chúng tôi là Nàng.

mon%20no%20nam%20xua

Bảo Huân

Đêm tàu ra khơi từ Cảng Kongpom Som, trời 8 giờ tối tháng 12 mù câm, gió lạnh, mọi người nằm dưới hầm như cá hộp, chật chội, chỉ có tài công và người thợ máy, cùng người dẫn đường của ban tổ chức được ở trên boong tàu. Suốt những ngày qua mệt mỏi nơi đất Cambodia, nay vừa lên tàu, mọi người bắt đầu tìm vào giấc ngủ trong tiếng máy chạy đều đều của con tàu. Dưới hầm tàu tối như hũ nút, nhưng 4 đứa con gái chúng tôi biết mình nằm cạnh nhóm của Đức, mạnh ai nấy ngủ, co ro trong hầm tàu chật chội. Bỗng nửa đêm tôi giật mình vì nghe tiếng la hét, lộn xộn, ồn ào:

– Chuyện gì vậy cà?

– Máy thoát nước của tàu bị hư, bên ngoài đang có mưa bão.

Lúc này tôi mới để ý dưới sàn tàu có nước, 3 cô bạn xung quanh tôi cũng đang dáo dác hỏi tin tức từ boong tàu đưa xuống. Tình hình không mấy khả quan, thợ máy đang sửa ống thoát nước nhưng mưa gió càng mạnh hơn, lại có sấm chớp, con tàu nghiêng ngả mỗi khi nước biển và nước mưa tràn xuống hầm tàu. Mỗi lần như vậy, đàn bà con gái trong tàu rú lên, vì lạnh và vì sợ hãi.

Lúc này, có lệnh đưa ra, các thanh niên đàn ông trong tàu phải thay nhau lên boong phụ tát nước ra ngoài, dù biết đó là việc chẳng thấm thía gì so với nước mưa như thác lũ, nhưng đúng như câu “còn nước còn tát”, chứ chẳng lẽ chịu ngồi im chờ con tàu chìm xuống đáy đại dương.

Trong bóng tối mờ mờ, lúc này trời có lúc sáng lóe lên vì sấm chớp và ánh đèn pin trên boong tàu thỉnh thoảng chiếu rọi xuống hầm tàu kêu người lên tát nước. Tôi thấy Đức ngồi ủ rũ như gà mắc mưa (mà đang mưa thiệt), tôi bảo:

– Tới phiên Đức lên tát nước kìa.

Đức uể oải đứng lên, vẫn không quên khôi hài:

– Từ hồi cha sanh mẹ đẻ chỉ biết cầm đờn, cầm micro, giờ kêu Đức cầm xô tát nước là coi như thua rồi đó, tàu có chìm đừng trách nha Nàng.

– Coi chừng cái miệng ông ăn mắm ăn muối!

Rồi thì đàn ông thanh niên kéo nhau lên boong, còn lại là những ông già bà cả, phụ nữ và con nít ở dưới hầm tàu, tiếng ồn ào không thua gì trên boong. Nhiều người bắt đầu ói mửa khi “lắc lư con tàu đi”, chúng tôi theo nhóm xúm lại đọc kinh, ai đạo gì thì đọc kinh theo đạo ấy, trong tiếng la, tiếng khóc hỗn độn của đủ thứ âm thanh.

Lại có lệnh đưa xuống, mọi người nên vứt bỏ thực phẩm và hành lý cá nhân ra ngoài biển để tàu nhẹ bớt. 4 đứa con gái chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, tôi cũng còn kịp nhớ giữ lại chiếc phao được cuộn tròn trong cái bịch nhỏ trước khi giao giỏ xách của mình cho người ta truyền nhau lên boong để quăng xuống biển. Cô Nhạn, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm, đang nằm vật vờ nơi góc hầm, khều tay ra hiệu cho tôi chuyển mấy giỏ xách của cô ấy lên boong giùm, tôi mệt lắm, nhưng cũng cố làm, nhân tiện thấy một cái túi xách gần đó, tôi cũng chuyển lên boong, rồi tìm chỗ ngồi ngả lưng. Mưa có vẻ đang nhẹ dần, bão cũng bớt điên cuồng, tuy máy thoát nước chưa sửa xong nhưng con tàu đã lặng yên phần nào, Đức từ boong bước xuống hầm, đến hỏi tôi:

– Nàng có thấy cái túi xách của tui đâu không? Rõ ràng là hồi khuya tui nằm chỗ này mà.

Tôi hơi chột dạ, tỉnh hẳn người, lắp bắp:

– Có phải cái … túi da, có buộc … cái khăn bên ngoài?

– Đúng rồi, đúng rồi.

– Mình … lỡ tay đưa lên boong quăng ra ngoài biển rồi.

– Trời, ai xui ai khiến Nàng chớ!

– Thì lệnh của ban tổ chức, ai cũng phải nghe theo mà.

– Thì tui đang xuống đây để làm theo lệnh đó.

– Thì ai làm cũng vậy, làm gì dữ vậy!?

– Sao không dữ? Nàng có biết tui có 2 chỉ vàng ở trỏng không! Giời ạ!

Tôi giật mình, tá hỏa, chẳng biết phải nói gì, đây là tình huống đầu tiên Đức không hài hước. Tôi biết lỗi, nhưng vẫn cố cãi:

– Đi vượt biên thì vàng phải giấu trong người, trong áo quần đang mặc, ai lại để trong giỏ xách bao giờ.

Đức chẳng nói gì thêm nữa, đi ra phía đầu máy, nơi đó có miếng ván cao ráo, nằm xuống để ngủ bù sau một đêm mệt đừ tát nước. Tôi bước đến, lí nhí:

– Đức ơi, cho mình xin lỗi nhé, hồi khuya quay cuồng theo sóng gió con tàu, mình không được… tỉnh táo cho lắm, chỉ nghe cô Nhạn nhờ quăng giùm mấy cái giỏ, nên tiện tay gom hết luôn, ai dè …

Đức xua tay, dịu giọng:

– Thôi cho qua đi, tui ngủ chút xíu.

Biển nổi cơn thịnh nộ, rồi biển cũng trở lại dịu dàng, máy thoát nước trên tàu cũng đã sửa xong, và chiều ngày hôm sau đã thấy vết đất liền Thailand ở xa xa. Đến mờ tối, tàu nhanh chóng thả 41 người chúng tôi xuống bãi san hô giữa biển, rồi vội vã quay tàu, tăng tốc độ đi ngược ra phía biển trở lại Cambodia. Chúng tôi chơ vơ giữa bãi san hô, cũng may nhờ tôi có chiếc phao, đem ra thổi, cho 2 thanh niên trẻ bơi vào bờ, gọi ghe của dân đánh cá Thái ra cứu. Sau đó có 2 chiếc ghe chèo ra bãi san hô, nói chuyện với chúng tôi bằng Tiếng Anh “to quơ”, đại khái là mỗi nhóm tối đa 3-4 người được lên một ghe, và phải trả cho họ bằng tiền, vàng, hoặc bất kỳ trang sức nào đó như nhẫn, dây chuyền, đồng hồ. Tôi quay qua Đức:

– Chút Đức đi với mình nhe, vì Đức thì đâu còn vàng bạc gì.

Đức cười cười, liếc tôi:

– Đương nhiên rồi Nàng, còn phải hỏi!

Từng nhóm lần lượt lên 2 chiếc ghe, xong mỗi chuyến, họ quay lại đón nhóm kế tiếp, tôi và Đức cùng một cô bạn là nhóm cuối cùng trên chiếc ghe cuối cùng đi vào bờ. Ôi trời ơi, vừa bước chân xuống đất, mới biết đó là vùng đầm lầy, sình ngập qua đầu gối, nặng trịch, không nhấc chân lên nổi. Cô bạn gặp được một chú đi trước giữa bãi sình, đứng đợi rồi họ giúp nhau, tôi chỉ còn biết dựa vào Đức. Mấy ngày nay trên tàu nào có ăn được gì vì lương thực quăng ra biển hết ráo, giờ mới thấy đói khát và kiệt sức. Tôi mềm như cọng bún, ôm cổ Đức ghì chặt, chàng thư sinh nhạc viện gầy yếu cũng ráng gồng hết sức kéo tôi lê lết qua bãi sình lầy rất khó nhọc nặng nề.

Có thể nói, trên con đường vượt biên, rồi đến trại tị nạn, những người chung chuyến tàu là những người thân thương nhất, vì cùng trải qua những chặng đường sinh tử trên biển, gắn bó có nhau, qua đến trại vẫn phải dính chùm nhau mọi nơi mọi lúc. Cao Ủy chia mỗi nhóm tàu một lô nhà ở chung, thành hàng xóm của nhau. Đi lãnh gạo lãnh thực phẩm cũng đi theo lô nhà, đi làm giấy tờ trên văn phòng trại cũng phải theo lô nhà, tới ngày dọn vệ sinh khu trại cũng phải đi theo lô nhà, hỏi sao không gần gũi như người trong một đại gia đình.

Có những buổi trưa rảnh rang, hoặc chiều mưa ướt chẳng đi đâu được, nhóm tàu chúng tôi quay quần tán dóc, nhắc về chuyến vượt biển, Đức lại hí hửng khoe với mọi người:

– Cái đêm đến bờ biển Tha Luông, chính tui là người ẵm nàng Loan này vào bờ chớ ai.

Mọi người cười ha hả, tôi phải đính chính:

– Ẵm, bế hồi nào vậy cà!? Nói chính xác là kéo lê kéo lết.

– Ối, lúc đó Nàng mệt lả người, mắt nhắm mắt mở, nhớ gì chớ!

Một buổi sáng, 4 đứa con gái chúng tôi vừa thức dậy, cây kem đánh răng cứng quá, đúng lúc Đức bước qua tính xin chút kem đánh răng, tôi nói:

– Nè, nhờ Đức bóp giùm.

Đức chớp thời cơ:

– Bóp trên hay bóp dưới?

Vì miệng chưa đánh răng, mặt mũi chưa rửa, nên tôi khép nép trả lời:

– Phải bóp từ dưới lên trên, mà phải bóp từ từ, đừng bóp mạnh quá.

Mấy chị mấy cô xung quanh lô cười rần rần, tôi mới biết đang bị Đức chọc phá.

Bữa khác, buổi chiều, chúng tôi chuẩn bị đi lễ nhà thờ, đi qua nhà Đức thấy Đức vẫn ngồi ngoài cửa:

– Ủa, sao bữa nay Đức không đi lễ?

– Có cái quần Jeans tối qua thằng bạn lô kế bên mượn đi chơi với bồ chưa trả.

– Trời đất! À mà nè, mặc quần shorts đi lễ cùng được mà, Chúa đâu chấp nhất chuyện áo quần.

– Không! Đức đi lễ hoặc đi hát, thì phải nghiêm chỉnh đàng hoàng, còn không thì ở nhà.

– Ở trại tị nạn mà cũng… chảnh dữ hen?

– Ừa, tui dzậy đó!

Có lẽ, cái máu thích đùa và máu “điên” tiềm ẩn từ lâu trong tôi, đã được đánh thức từ khi gặp Đức.

Đời tị nạn vẫn trôi qua, có ngày vui xen lẫn ngày buồn, thấm thoát đã qua năm thứ 3 của đời tị nạn. Tình hình thanh lọc càng căng thẳng, chương trình cưỡng bách hồi hương thông báo sẽ bắt đầu, và thuyền nhân đã biểu tình rầm rộ. Đám đông phá hàng rào, tràn ra ngoài lộ, giương biểu ngữ chống cưỡng bách trước hàng trăm họng súng và xe cảnh sát Thái bao vây. Cả trại hoang tàn vì một số người bạo động đã phá các cửa hàng người Thái ngoài chợ, phá cửa nhà tù, khiến Bộ Nội Vụ Thái báo động khẩn cấp, các văn phòng thiện nguyện ngoại quốc đóng cửa, không dám vào trại, đại diện Cao Ủy phải đi máy bay trực thăng từ Bangkok đáp xuống bãi biểu tình để đàm phán với dân tị nạn.

Đi trong buổi chiều đầy vỡ vụn xung quanh, Đức hỏi tôi:

– Nếu rớt thanh lọc, Nàng có ghi danh hồi hương?

– Theo quy định, chúng ta được quyền xin tái thanh lọc 2 lần nếu có những giấy tờ mới bổ sung, nên mình sẽ chờ đủ 2 lần tái, rồi sau đó tính tiếp, còn Đức thì sao? Thú thiệt, thấy nhóm tàu mình có người lai rai hồi hương, đôi lúc cũng thấy nản chí, lung lay.

– Đức sẽ theo Nàng, là chờ tái đến phút chót, cho đến khi “chín” thì thôi.

Hai đứa nhìn nhau, cười buồn. Sau đợt biểu tình đó, cả trại được chuyển lên trại mới Sikiew. Tương lai định cư đối với đa số đám đông vẫn là một giấc mơ xa vời, vì nhóm tàu của chúng tôi, chỉ có 8 người may mắn được đậu thanh lọc trong đó có tôi.

Buổi tối chia tay để sáng hôm sau đi qua trại transit dành cho người đậu thanh lọc, tôi đi dạo cùng Đức. Tôi nói:

– Thế là hành trình tị nạn đang khép lại, chỉ vì cuộc thanh lọc đáng ghét mà nhóm tàu chúng ta phân chia trăm ngả, mà ngả đông nhất là hồi hương về Việt Nam, thật là buồn.

Đức trầm ngâm:

– Chẳng ai muốn trở về nơi họ đã dứt áo ra đi, mà thôi, vượt biên có số có phần. Riêng Đức sẽ nhớ mãi cái cảm giác sung sướng vỡ òa khi bước chân lên bờ biển đất Thái sau mấy ngày bão giông tơi tả. Những ngày ấy có lẽ là những ngày hạnh phúc nhất của đời tị nạn, vì chúng ta chưa nhập trại lớn, chưa biết gì về cuộc thanh lọc, 3 tuần ở trại nhỏ vui và đẹp như cõi thần tiên.

Đúng vậy, khoảng thời gian ở trại Cảnh Sát Tha Luông êm đềm xiết bao. Sáng ngủ dậy, chào cờ Thái, xong mọi người tản ra xung quanh trại nhặt rác, gọi là vệ sinh chung, rồi sau đó tự do, từng nhóm tàu nấu cơm trưa, ai rảnh rang thì tụ năm tụ ba nói chuyện tán dóc, kể chuyện cười, cho hết thời gian. Sau bữa trưa, là… ngủ trưa, rồi lại lo cơm chiều, rồi ra hồ nước kế bên trại tắm rửa giặt giũ, ôi vui còn hơn Tết. Buổi tối, mấy nhà cảnh sát Thái mở Tivi cho bà con tị nạn vào xem ké, riêng nhóm tàu chúng tôi náo động nhất trại, vì có một anh từng sinh hoạt trong Hướng Đạo, nên chúng tôi chơi trò chơi Mật Thư, hoặc sinh hoạt vòng tròn ca hát, các trò chơi tập thể. Nhiều người của các nhóm tàu khác vây quanh xem chúng tôi chơi, thậm chí ông Cảnh Sát trưởng trại cũng có lần ghé đến xem, thích thú, rồi tặng cả nhóm một thùng mì gói Mama bồi dưỡng.

Đức ngập ngừng nói tiếp:

– Và dĩ nhiên, Đức nhớ nhất cái đêm tháng 12 lạnh lẽo không trăng không sao, đã được dìu Nàng vào trong bờ đất liền, kỷ niệm đẹp quá, Đức sẽ không bao giờ quên.

Tôi cũng mơ màng theo dòng cảm xúc kỷ niệm:

– Còn Loan ư, sẽ nhớ nhất tuần đầu tiên nhóm tàu mình ở khu trại Cảnh Sát Thái, được nấu nồi chè ăn mừng đến bờ tự do, Đức đã hát bài “Yêu Một Mình”, giọng ca ngọt ngào tha thiết, đúng là dân tốt nghiệp trường Âm Nhạc.

– Bài hát đó tặng Nàng chớ ai!

– Xạo vừa thôi! Mới gặp nhau trên đường vượt biển, biết gì mà tặng. Vả lại, nhà mình ở Việt Nam có giàn hoa giấy màu đỏ, đâu phải “nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao có dây leo kín rào…”

– Lúc đó cũng biết nhau cả tháng rồi chớ bộ. Mà ai ngờ bài hát đó lại đúng y chang, sau này khi nhập trại Panatnikhom, là “mọi người thầm mong được đưa đón chân em…” trong khi Đức chỉ là một chàng nhạc sĩ nghèo, con bà “Phước” ở trại, nào dám ngỏ lời, nào dám mơ xa …

– Thôi, hổng nói tào lao nữa, Đức nói đùa y như nói thiệt, nhưng Loan sẽ nhớ mãi cuộc nói chuyện hôm nay, cám ơn Đức vì tất cả. Chẳng biết tụi mình có được gặp nhau nữa không, chúc Đức nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai.

– Nàng cũng vậy nhé, đừng bao giờ quên nhóm tàu 41 và trại tị nạn Thailand.

Chúng tôi từ biệt nhau từ đó, có ngờ đâu, hơn 30 năm sau giấc mơ tái ngộ sẽ trở thành sự thật, vấn đề chỉ là thời gian sớm muộn mà thôi. Tôi mong chờ đến ngày đó, để được thực hiện lời hứa tôi đã nói với Đức trên Facebook, là sẽ mua một cái giỏ mới, thật đẹp, tặng cho bà xã Đức, coi như “nợ nần” xưa được xóa bỏ.

Đó là món nợ vật chất, còn cái nợ tình thân, Đức dìu tôi vào bờ biển Thái năm nào, và những kỷ niệm chia ngọt sẻ bùi của nhóm tàu 41 người, làm sao trả cho hết!

Kim Loan



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 01/May/2024 lúc 12:53pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/May/2024 lúc 9:23am

Một Làn Sóng Phẫn Uất Mới Từ Miền Nam Việt Nam


Chưa bao giờ có làn sóng kỳ thị “Bên kia vĩ tuyến” mạnh mẽ như hiện nay! 

Suốt từ năm 1975 đến giờ, dân Nam đã ăn đủ mùi tráo trở, xảo quyệt, lọc lừa rồi. Họ ấm ức, họ tức tưởi, họ chán ngán quá nhiều rồi. Người dân Nam nào lên tiếng sẽ bị cho là kỳ thị.

Một người Bắc 54 lên tiếng cũng bị cho là mất gốc nên mới nói. Còn một người Bắc 75 lên tiếng thì họ cho là vào hùa với dân Nam. Tôi, một con Bắc kỳ 1985 lên tiếng thì bị cho là cố xóa vết tích Bắc kỳ, muốn chứng minh mình là thượng đẳng. 

Bác sĩ Nhàn Lê, Bắc kỳ 2000 lên tiếng bị cho là nói lấy lòng dân miền Nam.

Đến bao giờ, bao giờ người miền Bắc mới chịu nhìn nhận lại bản thân? Trên Facebook, tôi và Bs Nhàn Lê là hai người lên tiếng mạnh mẽ và thẳng thắn nhất về các thói hư tật xấu của người miền Bắc. Tại sao?

Chúng tôi đã sống ở cả hai miền, chúng tôi đã nếm trải cái khốn nạn, lưu manh của miền Bắc và sự tử tế, nhân hậu của miền Nam.


Chúng tôi thấy cần thiết phải lên tiếng. Chúng tôi cất lên tiếng nói là để mọi người biết được cái xấu của mình mà sửa. Chúng tôi là người Bắc thì tiếng nói nhất định là công tâm.

Mồ mả cha ông tôi còn ngoài Bắc, họ hàng tôi còn ở Nam Định, anh em cha bác nhà bà Nhàn còn đang xúm xít đâu đó ở một tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi đâu có thần kinh mà nói xấu quê hương, đồng hương mình.

Và khi bài viết đăng lên cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Những người đồng tình đầu tiên tất nhiên là người Nam, sau đó là Bắc 54, Bắc 75 hoặc các năm sau đó, hoặc có những người chỉ mới vào Nam mấy năm nhưng họ phải nhìn nhận đó là sự thật, vì họ đã thấy, đã trải nghiệm và hơn nữa là họ có nhận thức. 

Những người phản ứng là ai? Là những người vừa vào Nam chơi mấy hôm rồi về hoặc đa phần là những người chưa bao giờ bước chân vào miền Nam. Họ chưa chứng kiến những người đi phát đồ từ thiện cúi người cảm ơn những người đi nhận quà.

Họ chưa từng thấy một gã xăm trổ chặn đứa bé bán vé số lại chửi “đm mày, ba má mày đâu để mày lang thang vầy?” rồi mua cho nó tô mì hoành thánh, sau đó mua hết xấp vé số của nó.  

Họ chưa thấy một thằng nhóc phì phèo điếu thuốc trên cặp môi thâm sì nhưng hét vào mặt con mẹ tỉnh lẻ lên thành phố đang lớ ngớ hỏi đường “Thôi nói hoài bà cũng không biết, chạy theo sau tui đi tui dẫn tới địa chỉ đó”.


Cái mà người miền Bắc có trong đầu là gì? “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta, Đảng là kim chỉ nam cho mọi hành động, Tình bác sáng đời ta…”

Nên trong một comment phản biện em ếch kia mới hỏi một câu hết sức thanh niên cách mạng đồng chí hội: “Chị đã kết nạp đảng chưa?”

Trong đầu thanh niên miền Bắc thì đầy những khái niệm: “Miền Nam ăn bơ thừa, sữa cặn của Mỹ, bọn Công giáo theo ông Diệm vào Nam, bọn ba sọc đu càng, không có miền Bắc thì miền Nam giờ này vẫn còn dưới ách kềm kẹp của Mỹ-Ngụy…”  

Chả vậy mà một cô sinh viên tuổi đời chưa tròn 20 mới phơi phới đòi đi giải phóng miền Nam lần nữa…! 

Chính vì vậy mà họ luôn mang tâm thế của kẻ thắng cuộc, trịch thượng, thượng đẳng. Với lối giáo dục sai lệch và bóp méo lịch sử, họ không biết phân biệt phải trái và ăn nói như những kẻ vô giáo dục.  

Đọc tất cả các status, các comment phản biện thì cảm giác chung đều là ngụy biện, lấp liếm, đổ lỗi, giận hờn, trách móc và trên tâm thế của kẻ ban ơn. Tất cả những điều đó chỉ gây cho người đọc một cảm giác khinh khi, chán ngán và nếu nhân văn, độ lượng một chút thì có thể nói rằng chỉ thấy thương cho những kẻ kém hiểu biết và tự ti mà thôi. 

Thôi thì bò đội nón ta sẽ gỡ nón cho bò, bị nhồi sọ thì ta sẽ tẩy não. Nhưng còn những người hiểu thời sự, thời cuộc thì sao? Đó là những người lớn, những dư luận viên, những người có sức ảnh hưởng…

Những người này thừa hiểu biết về thời cuộc, sự thật và lịch sử nhưng vì nhiều lẽ, tự ái có, tự ti có, cố chấp có, bẻ lái có, vì tiền cũng có, mà cố lái sự việc sang hướng khác.

Và nói chung là vì không được giáo dục tính khiêm nhường, biết nhận lỗi nên khi nghe chỉ trích là họ sửng cồ, xù lông, cố bảo vệ cái sai của mình. Và cái bế tắc trong luận điệu của họ thể hiện ở việc quay ra đổ lỗi cho nạn nhân. Tôi đã hai lần đọc status của hai phụ nữ miền Bắc chửi dân miền Nam ngu mới để mất VNCH vào tay CS.

Thú thật, tôi thấy thương các bạn vô cùng.


Khi mới giành được độc lập, Hàn Quốc không lung linh như các bạn thấy bây giờ đâu. Một đất nước hoang tàn, đổ nát, lạc hậu và ngu dốt sau chiến tranh. Nhưng họ đã dẹp bỏ tự ái nhập cả bộ sách giáo khoa của Nhật, là kẻ thù xâm lăng mà họ vừa đánh đuổi, về dịch ra để học. Và hiện nay có một Hàn Quốc với Samsung, Daewoo, Huyndai mà thế giới biết đến. 

Khi công nghệ chưa phát triển, hàng hóa của Hàn Quốc xếp trên kệ chỉ để vui mắt chứ không mang lại lợi ích kinh doanh gì. Một lần có du khách phương Tây ghé thăm quầy hàng xem qua món hàng lưu niệm thủ công rồi bỏ đi. Cô nhân viên khi ấy đã khổ sở dùng hết khả năng ngôn ngữ lẫn chân tay của mình, thậm chí là cả van lạy và nước mắt chỉ để người khách kia mua món hàng đó. Lợi nhuận món hàng có thể không phải là chuyện sống chết nhưng cô đang cố gắng giới thiệu quốc gia mình ra thế giới. 

Du khách kia ra về, có thể không hài lòng với món đồ lưu niệm thô kệch, xấu xí đó, nhưng chắc chắn ấn tượng về một cô nhân viên cầu thị, có tinh thần tự tôn dân tộc sẽ khó phai mờ, và biết đâu trong những lúc trà dư tửu hậu, gã mắt xanh mũi lõ đó không vô tình quảng bá hình ảnh người Hàn Quốc chịu thương, chịu khó, nhẫn nhục, tự tôn đó cho bạn bè năm châu. 


Tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà có một Hàn Quốc như ngày hôm nay. Không phải ai cứ sinh ra cũng sẽ có lòng tự tôn dân tộc như cô nhân viên bán hàng kia. Tất cả là do giáo dục. Giáo dục không chỉ từ nhà trường và gia đình, mà còn từ xã hội và tự giáo dục. Tự giáo dục tức là các hình thức thay đổi bản thân thông qua quan sát, học hỏi từ sách báo, ứng xử của những người xung quanh và nhận thức. 

Trên 18 tuổi là chỉ còn tự giáo dục. Nhưng hình như thanh niên miền Bắc không có được kỹ năng này. Họ đi du lịch chỉ để chụp hình khoe Facebook chứ không phải tìm hiểu đời sống, con người, tập tục, văn hóa của một vùng đất lạ. Họ dùng internet chỉ để giải trí, Facebook của họ chỉ dùng để mua hàng online, khoe của và chat chít. Nếu không, họ đã không hớn hở đòi đi giải phóng miền Nam một lần nữa.


Làm thế nào để dư luận không đào xới thêm chuyện Bắc-Nam nữa? Rất đơn giản, các anh chị miền Bắc vốn văn hay chữ tốt, chữ nghĩa một bồ thế nào chả có cách viết. Có điều các anh chị chỉ lo chữa lửa bằng xăng vì các anh chị không biết cúi đầu.


“Bắc kỳ 1985” này cũng không thiếu chữ. Nhưng tôi đâu có đòi giải phóng miền Nam nên mắc mớ chi tôi phải viết?


Mai Thị Mùi

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/May/2024 lúc 9:40am

Sông Ra Biển Lớn 

 
Tranh Cẩm Tâm


(Để tưởng nhớ HH và bao nhiêu lần 30 tháng Tư)

Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ. Hồi trước, tôi thường nghe người ta kể, những chuyến vượt biển may mắn, nhặm lẹ nhất cũng phải mất từ một tuần lễ đến mươi, mười mấy ngày mới đến được bến bờ tự do. Giữa những tiếng rì rầm cầu nguyện hay thở dài của những người lớn và tiếng con nít khóc la om sòm, tôi ngồi bó gối, rầu rĩ không biết chừng nào ghe của mình mới băng qua hết vùng biển Đông để may ra tấp vào được đất liền đâu đó của xứ Phi Luật Tân, nơi có đến 7.000 hòn đảo lớn nhỏ. Ghe chúng tôi đi từ vùng biển miền Trung, nên nếu thuận buồm xuôi gió thì sẽ đến xứ Phi, còn nếu bị bão bùng thổi ngược lên hướng bắc hay chếch về hướng nam ắt phải đến Hồng Kông hay xuống Mã Lai, Nam Dương. Nhiều người đi thoát được, đến một trong những trại tỵ nạn ở các nước đó, viết thư về kể khổ nghe mà phát ngán.

    Ghe chạy đều đều, áng chừng đâu cũng đã được mười mấy tiếng đồng hồ. Lúc chúng tôi lên ghe là khoảng nửa đêm trước, bây giờ mặt biển đã bắt đầu nhuốm vàng ánh nắng chiều. Chúng tôi chuyền cho nhau những cái ly chỉ vỏn vẹn chút xíu nước dưới đáy, uống cho đỡ khát, phải để dành cho những ngày sắp tới, không biết còn bao lâu nữa. Ai cũng nhấm nhá một ít lương khô để dằn bụng, nhưng cũng không dám ăn nhiều vì sợ lại khát nước. Tiếng máy ghe kêu xình xịch, xình xịch, nghe như nỗi nôn nao nặng nề của những người đang đánh đổi mạng sống để tìm đến tự do mà chưa biết nó ở chỗ nào.

    Thình lình, từ phía cuối ghe, có nhiều tiếng người la lên, thảng thốt:

    “Cháy! Cháy!”

    Ai nấy trên thuyền đều nhớn nhác, quay về hướng có tiếng la. Vài người đàn ông vạm vỡ, chắc là trong nhóm tổ chức, chạy huỳnh huỵch về hướng đó. Tôi nghe trong người hồn phi phách tán, miệng lâm râm cầu Trời khấn Phật, cầu xin luôn cả chúa Giê-su, cho tai qua nạn khỏi. Hai mắt tôi nhắm nghiền lại, mặc cho chung quanh rào rào những tiếng nói, tiếng la, tiếng khóc.

    “Hết cháy chưa? Hết cháy chưa?”—người ta nhao nhao hỏi, không biết hỏi ai, mà cũng không biết phải làm gì.

    Có giọng ai hét lớn:

    “Bà con làm ơn về chỗ ngồi giùm chút coi! Nhốn nháo quá coi chừng nước vô ghe bây giờ!”

    Càng nghĩ tôi càng sợ. Bây giờ mà ghe cháy, máy hư thì sẽ ra nông nỗi gì đây? Chưa đi tới đâu cả. Cách đây chừng mươi phút, tôi nghe có người đàn bà cỡ trung niên hỏi với theo anh tài công phụ đang đi qua:

    “Mình ra tới hải phận quốc tế chưa anh?”

    “Còn trong lãnh hải của Việt Nam!”—anh ta trả lời cộc lốc, rồi buông thêm một câu,“Mọi người đừng có ồn ào nhe. Công an biên phòng đi ngang thì chết cả lũ đó!”

Lời hăm he của anh ta có hiệu lực ngay. Mọi người đều nín khe, lũ nhỏ không biết mô tê gì tự nhiên cũng im thin thít. Hồi lâu sau mới có một đứa oà ra khóc, vậy là dàn đồng ca thiếu nhi lại nối tiếp. Người lớn nào không có con nít đi theo đều ngó nhau, lắc đầu ngao ngán.

    Một đám khói to, đen nghịt đang bốc ra từ đuôi con tàu. Chẳng có vẻ gì là đám cháy đã được dập tắt. Tình hình bây giờ thấy nguy ngập lắm rồi. Chẳng ai còn nghe lời ai cả. Người đứng lên, kẻ ngồi xuống, nhiều người chạy về phía mũi thuyền làm chiếc ghe chòng chành như muốn chúi nhủi về phía trước. Họ hoảng sợ quay trở lại phần thân tàu, làm con thuyền cứ lắc lư, chao đảo tứ phía. Lũ con nít được dịp lại gào khóc inh ỏi. Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, chợt có nhiều tiếng nhao nhao cất lên:

    “Có tàu lớn đang đến gần bà con ơi!”

    Theo nhiều cánh tay đang chỉ trỏ, mọi người hướng về đó, đồng loạt đứng lên rồi nối lời nhau reo lên:

    “Có tàu lớn! Có tàu lớn!”

    Mấy anh trong nhóm tổ chức lại gào khản cả giọng:

    “Ngồi xuống! Ngồi xuống giùm hết đi!”

    Từ xa, bóng dáng một con tàu khổng lồ đang dần dần rõ nét, nổi bật lên trên nền chân trời. Chắc cũng như mọi người quanh mình, tim tôi như thắt lại, rồi muốn vỡ oà ra vì niềm vui bất chợt. 

    “Tàu lớn thật, bà con ơi!”—người đàn bà cách tôi vài bước thốt lên—"Nhưng lỡ đó là tàu Liên Xô thì sao?”

    Ai nấy như giật mình, lo lắng nhìn nhau. Ừ, nếu là tàu Liên Xô thì có nước quay về học lại... chủ nghĩa Mác-Lê Nin!

    Có giọng cười lớn, đắc thắng của một thanh niên gần đó vang lên:

    “Chẳng có Liên Xô Liên Xiếc gì hết! Là cờ nước Nhật chần dần trên cột đó, bà con không thấy sao?”

    Mọi người cùng “ồ” lên một tiếng vui mừng lẫn nhẹ nhõm. Quả vậy, lá cờ trắng với mặt trời tròn trĩnh, đỏ thắm ở giữa đang bay phấp phới trên đỉnh cột trong ánh nắng chiều rạng rỡ. Tôi rưng rưng nước mắt. Chưa bao giờ tôi thấy xúc động khi thấy một lá cờ của một quốc gia khác như thế. Đây là chiêm bao hay là thật vậy ta? Sau cả chục năm sống cô lập trong thế giới độc tài cộng sản, tôi bàng hoàng hiểu ra có một thế giới bên ngoài, một thế giới tự do mà chúng tôi đang nhìn thấy, ngỡ ngàng và sung sướng.

    Con tàu to lớn tiến gần hơn rồi từ từ dừng lại, giữ một khoảng cách đối với chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi.

    “Í cha, sao nó ngừng giữa chừng vậy?”—một thiếu nữ trạc tuổi tôi buột miệng—“Bộ đổi ý rồi sao cà?”

    Anh thanh niên ban nãy cất giọng rành rõi:

    “Phải ngừng lại chớ. Tới gần nữa thì con tàu khổng lồ đó có thể tạo ra những đợt sóng đủ lớn để đánh chìm chiếc ghe tí hon của tụi mình!”

    Chúng tôi loáng thoáng thấy được từ trên boong tàu, một người cầm loa nói về phía chiếc ghe:

    “Hello! Please remain calm. We are here to help and rescue you. Please be patient and wait for our crew to get near you in our lifeboats.”

    Trời đất thiên địa ôi, cả chục năm trời rồi tôi mới được nghe lại tiếng Anh, thứ tiếng mà bọn cộng sản gọi là tiếng của đế quốc Mỹ, của bọn tư bản, của giai cấp bóc lột! Vốn liếng tiếng Anh hồi trung học của tôi cũng không đến nỗi tồi, vậy mà nó bỗng bay đi đâu mất hết. Tôi chỉ còn nhớ được chữ “help” và chắc mẫm là chúng tôi sẽ được thuỷ thủ đoàn trên con tàu này ra tay cứu vớt.

    Từ bên kia, ba chiếc tàu phao từ từ được hạ xuống, trên mỗi chiếc có hai người ngồi sẵn. Ba chiếc tàu nhỏ tiến về phía chúng tôi, cập vào mạn thuyền. Những người thuỷ thủ, Nhật có, tây phương có—tôi không biết là Mỹ, Tây hay gì đó—cho phép người già và trẻ con bước qua trước, kế đến là phụ nữ rồi cuối cùng mới đến đàn ông. Ba chiếc tàu phải chạy qua chạy lại mấy vòng mới chuyển hết đám thuyền nhân chúng tôi lên con tàu cao sừng sững của họ. Lúc đến phiên mình hồi hộp leo lên bậc thang dây, tôi run rẩy toàn thân, gần như thở không được, phần vì xúc động cực điểm, phần vì đói, vì mệt, và vì... không hiểu được những gì đang xảy ra trước mắt.

    Lên đến boong tàu, một số người nằm vật ra, mệt lử vì mất sức. Một số khác, trong đó có tôi, đứng vịn tay vào lan can tàu, bồi hồi cảm động ngó lại chiếc thuyền mong manh đã đưa chúng tôi ra đến đây, đang dập dềnh trên sóng nước, trông buồn bã thế nào. Những thuỷ thủ cuối cùng còn trên chiếc ghe, sau khi đã đi khắp con thuyền để chắc chắn không còn sót người nào, đã đưa tay ra dấu hiệu cho nhau rồi xuống con tàu phao chót để quay lại tàu lớn. Trước khi rời đi, người thuỷ thủ ném một cây đuốc đang cháy vào lòng ghe để phóng hoả con thuyền. Ngọn lửa từ từ nhen nhóm lên lúc chiếc tàu phao đang xa dần. Tôi nghe có tiếng sụt sịt từ những người đứng gần mình. Ngọn lửa càng ngày càng lan rộng, bốc cao lên. Con thuyền vượt biển bây giờ chỉ còn là một đám lửa lớn, khói đen toả mịt mù trong không gian rồi lan rộng ra theo gió biển. 

    Tôi nghe mắt mình cay cay. Vậy là hết. Vĩnh biệt con thuyền đã đưa chúng tôi ra biển lớn, ra đến thế giới tự do bên ngoài. Thốt nhiên, trong khung cảnh mới mẻ này, trên con tàu giữa biển cả mênh mông, tôi thấy như xa lạ với chính mình, xa lạ với cuộc đời vừa chấm dứt của mình ở đất nước tội tình mà tôi vừa dứt áo ra đi. Hình ảnh những người thân yêu của tôi đang còn ở lại không dưng hiện ra mồn một trong đầu tôi: Ba, má, Thuỷ Trúc, Vũ, Việt, Thanh... và cả Thu nữa. Mới đó ra đó mà tôi đã thấy những bóng hình ấy xa vời vợi như từ cõi nào. 

    Một số thuỷ thủ trên tàu kêu gọi chúng tôi ngồi tập trung vào một chỗ để họ chính thức chào đón và hai cô y tá khởi sự chích ngừa cho từng người. Vài cô gái Nhật đi qua, trao cho chúng tôi mỗi người một cái túi nhỏ, trong đó có chiếc khăn ướp lạnh, thơm tho để lau mặt cho tỉnh táo, một cái xăng-uých kẹp thịt mà lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy lại, một trái táo nhỏ và một lon nước ngọt còn đọng những giọt nước mát lạnh, tươi mát như niềm vui vừa tìm thấy của mọi người.

*** 

Đêm đầu tiên trên chiếc tàu Nhật tôi ngủ được một giấc thật ngon lành, không mộng mị. Chúng tôi được xếp vào ở trên tầng thứ nhì của con tàu, trong một cái khoang rộng lớn như một nhà kho. Giường của mỗi người là một cái phao hình chữ nhật bơm lên căng phồng. Gia đình có con cái thì được phao lớn hơn. Lập tức, chúng tôi trở thành một xã hội nhỏ, sinh hoạt với nhau thật vui vẻ. Chúng tôi hết làm thủ tục giấy tờ lại qua sắp hàng để lãnh thức ăn. Một số người được chọn để giúp nấu ăn trong nhà bếp, hay phụ bác sĩ, y tá làm thông dịch để họ khám những bệnh thông thường cho ai cần đến. Tôi cũng xung phong làm thông dịch, biết chữ nào dịch chữ đó, chỉ cầu mong sao có người nhức đầu tôi không dịch thành đau bụng thì thật rầy rà.

    Con tàu bắt đầu quay mũi về hướng đông để đem chúng tôi đến Phi Luật Tân, quốc gia đã chính thức nhận chúng tôi vào trại tỵ nạn trên đất của họ sau khi ông thuyền trưởng đã liên lạc với đất liền xin phép. Con tàu to lớn là thế mà xem ra di chuyển thật chậm chạp giữa đại dương bát ngát. Nếu không ra đứng trên boong mà nhìn xuống nước để thấy con tàu thật sự đang rẽ sóng, bỏ lại đằng sau những vệt trắng xoá, chắc không ai có cảm tưởng là nó đang tiến tới một chút nào trên mặt nước. Bây giờ là ngày thứ nhì chúng tôi ở trên tàu. Sau bữa ăn chiều, người thì trở về chỗ ngủ, kẻ thì đứng trên boong tàu, ngắm cảnh hoàng hôn đang dần dần phủ xuống biển cả. Một đàn cá heo rủ nhau đồng loạt phóng lên khỏi mặt nước. Chúng tôi ai nấy đều trầm trồ khi thấy được cảnh có một không hai này.

    Hơn 24 tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi được cứu vớt, con tàu mang quốc tịch Nhật Bản đã đỗ nhóm thuyền nhân may mắn xuống cảng Puerto Princesa, thuộc đảo Palawan của Phi Luật Tân, theo thoả thuận giữa thuỷ thủ đoàn của con tàu và ban quản trị trại tỵ nạn ở thành phố biển này. Cảng nằm về phía đông của hòn đảo nên con tàu phải đi một vòng qua phía bên kia đảo mới cập bến được. Từ đó, chúng tôi được chở bằng xe buýt về trại tỵ nạn PFAC (Philippines First Asylum Center), nơi tôi và mọi người chính thức bắt đầu cuộc sống tỵ nạn, được tạm dung trên xứ người.

    Nơi chúng tôi dừng chân để làm thủ tục là một dãy “barracks” phủ mái tranh, dựng bằng những cây cột và lán bằng tre, trông thật dân dã và quen thuộc như ở Việt Nam. Người dân Phi rất hiền hoà, hiếu khách. Họ luôn miệng chào chúng tôi “Kamusta, my friend!” Sau này, khi đến Mỹ, được học tiếng Tây Ban Nha và biết lịch sử 500 năm Phi Luật Tân bị thực dân Tây Ban Nha đô hộ, tôi mới biết lời chào “kamusta” của người Phi là do câu thăm hỏi “¿Cómo está?” từ quê hương của chàng hiệp sĩ Don Quijote mà ra.

    Lại điền đơn, làm giấy tờ. Lần này, bên cạnh các người Phi còn có một số người Việt làm thiện nguyện đi theo thông dịch. Những người ngày cũng là dân tỵ nạn, đến trước chúng tôi nên nhìn điệu bộ và cách ăn nói đầy vẻ tự tin. Chẳng bù như tôi là dân “new comer”, còn ngơ ngơ ngác ngác, chưa hoàn hồn từ một chuyến viễn du trong đời có một. 

    Đang ngồi lơ ngơ, chờ đến phiên mình để làm giấy tờ, tôi bỗng nghe có người gọi tên mình:

    “Chị Thuỳ Linh!”

    Tôi giật bắn cả người. Ai ở đây mà lại biết tôi vậy? Quay về hướng của tiếng gọi, tôi thấy Quỳnh Tiên, em họ của Việt, đang mừng rỡ tiến đến gần.

    “Quỳnh Tiên!”—tôi thốt lên, giọng lạc hẳn đi—“Em qua đây hồi nào vậy?”

    Quỳnh Tiên chưa trả lời vội, đưa cho tôi một chai nước Coca đã khui sẵn, vồn vã nói:

    “Chị uống đi cho mát rồi mình nói chuyện,”—trong lúc tôi e dè hớp một ngụm nước mát rượi, Quỳnh Tiên liến thoắng nói tiếp—"Em qua đây được ba tháng rồi chị. Ghe của em tấp đảo ở El Nido, phía bắc của Palawan đó. Còn chị đi có một mình sao? Gặp chị ở đây em mừng quá! Lâu rồi, từ sau khi anh Việt lấy vợ, em không có dịp gặp chị nữa.”

    Tôi cười gượng, nói lảng đi:

    “Ừ, lâu thật đó. Gặp lại Quỳnh Tiên ở đây chị cũng mừng hết lớn. Chị đi một mình thôi, nhưng đúng là tha hương ngộ cố tri, chị thấy đỡ lạc lõng nhiều. Em làm gì ở đây vậy?”

    “Em làm trong văn phòng của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc, thường thông dịch cho đồng bào lúc làm giấy tờ hay phỏng vấn với phái đoàn của các nước thứ ba,”—Quỳnh Tiên nói với vẻ hãnh diện, khác hẳn với hình ảnh của cô bé rụt rè, ít nói mà ngày trước tôi đến nhà Việt chơi thỉnh thoảng có gặp.

    Ngừng một chút, Quỳnh Tiên lại nói tiếp:

    “Chị về nhà em ở đi nhe. Nhà em có hai người mới đi định cư ở Úc nên cũng trống trải. Để em nói với anh trưởng đoàn ghi tên chị vào nhà em há.”

Tôi gật đầu như cái máy. Vừa vui vì sẽ được ở chung với Quỳnh Tiên, vừa vẫn còn tê tái vì nghe câu “từ sau khi anh Việt lấy vợ...” mà cô bé vô tình nói. Hoá  ra đâu có dễ gì đoạn tuyệt với quá khứ. Chuyện tưởng như đã chìm vào quên lãng mà sao như đã vượt cả ngàn cây số, băng qua đại dương, để đeo đuổi, ám ảnh tôi ngay lúc này.

    Quỳnh Tiên giúp tôi điền giấy tờ, vừa làm vừa nói đủ thứ chuyện. Tôi nghe tai này lọt qua tai kia vì cũng chưa thật tỉnh táo, chốc chốc lại gật gù ra vẻ hiểu những gì cô bé đang nói. Nhóm “Tàu Nhật Vớt” của chúng tôi—mới đó mà đã có biệt danh!—lục tục rời khỏi barracks, ai về nhà nấy, theo như sự phân chia của nhóm người làm ở văn phòng Cao Uỷ. Tôi sánh vai với Quỳnh Tiên, đi qua các dãy nhà tranh đơn sơ, mộc mạc, đằng trước có những cây cột giăng dây thép, phơi đầy áo quần bay phất phơ trong gió. Nhiều người đang đứng hay ngồi trước nhà, vẫy tay chào đoàn người vừa nhập trại, vui vẻ nói:

    “Mới tới há bà con! Mừng rồi nhe!”

    Đám con nít đang chơi đùa trước sân, cũng hoà vào niềm vui của người lớn, reo hò tở mở:

    “A! Có thêm người mới tới trại, tụi bây ơi!”

    Chúng tôi vẫy tay đáp trả, miệng cười thật tươi. Niềm vui sao mà bát ngát, mênh mang, không bút nào tả hết. Nhiều căn nhà đã toả ra mùi thơm quen thuộc của bữa cơm chiều sắp đến. Bất giác, tôi nhớ ra là mình đã đói bụng lắm rồi. Quỳnh Tiên cũng hít hà mùi thức ăn trong không gian, cười khúc khích:

    “Kiến bò bao tử em rồi, chị Thuỳ Linh ơi! Mình về nhà ăn nhe. Chiều nay tụi em ăn bún với cá kho. Vô tình mà được đón mừng chị với món này há!”

    Tôi bỡ ngỡ bước vào “nhà” của Quỳnh Tiên. Trong nhà còn có hai người nữa—hai mẹ con tên Thảo và Trang—niềm nở chào người vừa đến.

    Sau bữa cơm ngon miệng, Quỳnh Tiên và tôi ngồi nói chuyện với nhau thật lâu, nhắc lại những kỷ niệm ngày trước ở quê nhà. Trái với đêm ngủ ngon trên chiếc tàu Nhật, đêm đó tôi trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp được đi một chút.

***

Buổi sáng đầu tiên ở xứ Phi đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tôi không thể ngờ được mình đang ở bên kia của biển Đông. Hồi đó, mỗi lần nhìn cảnh mặt trời mọc, tôi vẫn ước ao được đến những xứ miền tự do nằm ở bên kia bờ đại dương. Vậy mà giờ đây tôi đã cầu được ước thấy. Quỳnh Tiên rủ tôi ra một bãi cỏ rộng, nơi có nhiều người đang vươn vai tập thể dục, một cảnh tượng vừa vui vừa thú vị. Tôi làm những động tác nhẹ nhàng theo mọi người, trong đầu miên man nghĩ đến ba má và quê nhà. Bây giờ, quê hương tôi nằm về hướng tây. Tôi ở trời đông tôi nhớ trời tây. Câu này tôi nhớ loáng thoáng trong một bài hát nào đó. Chắc chẳng ai có thể vui trọn vẹn. Khi sắp sửa vượt biên thì chỉ nghĩ đến những điều sẽ có được; đến lúc đi thoát rồi lại bắt đầu nghĩ đến những gì đã mất. 

    Quỳnh Tiên giới thiệu tôi vào làm trong ban thông dịch của cô bé trong Cao Uỷ. Mới đầu, tôi cũng sợ lắm, nghĩ mình tiếng Anh được bao nhiêu mà dám thông với dịch. Dịch mà không thông, đồng bào không đi định cư được thì mình chắc có nước độn thổ. Nhưng ban thông dịch làm việc có tổ chức, quy củ lắm. Người mới vào như tôi đâu có được thông dịch ngay. Tôi được xếp ngồi cạnh Quỳnh Tiên, quan sát và học hỏi cách cô bé làm việc. Tôi phục Quỳnh Tiên sát đất. Mới qua Phi có ba tháng thôi mà cô bé nói tiếng Anh nghe thật lưu loát, dùng toàn những chữ “nhà nghề” mà hồi giờ tôi chưa nghe qua bao giờ.

    Một tháng sau, tôi mới chính thức được ngồi làm thông dịch viên một mình. Vừa dịch vừa... run, nhưng những lần đầu tiên của tôi chắc cũng không đến nỗi tệ vì cả người phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn đề tỏ ra khá hài lòng với kết quả. Tuy vậy, làm nghề nào mà không có lúc bị... tổ trác! Trong một buổi phỏng vấn, ông nhân viên trong phái đoàn Mỹ hỏi một thanh niên về chuyến đi bị hải tặc tấn công của ghe anh ta. Ông hỏi (và tôi ghi lại bằng tiếng Việt để dễ theo dõi):

    “Khi thuyền của các anh bị chìm thì làm thế nào mà anh và một số người sống sót đến khi được tàu cứu?”

    Anh ta trả lời:

    “Tụi tôi bám vào mấy cái phao của ghe.”

    Tôi dịch lại:

    “We were holding on to the buoys from our boat.”

    Vấn đề là thứ tiếng Anh tôi học ở Việt Nam dựa vào cách phát âm của người Anh chứ không phải của người Mỹ. Khi nghe đến chữ “phao”, tôi nhớ ngay đến chữ “buoy”, và còn nhớ thầy đã dạy tụi tôi là chữ này là chữ đồng âm với chữ “boy”, tức là hai chữ viết khác, nghĩa khác mà đọc y như nhau.

    Nghe tôi dịch xong, ông Mỹ trố mắt lên, hỏi lại tôi:

    “Anh này và mấy người sống sót bám vào mấy đứa con trai?!!”

    Tôi gật đầu. Ông ta vẫn trợn mắt:

    “Con trai nghĩa là không phải con gái à?”

    Nghe ông ta hỏi vặn, tôi biết ông ta hiểu lầm, bèn hùng hồn trả lời:

    “Không phải đâu. Tôi nói ‘buoy’, viết là ‘b-u-o-y’, tức là cái mà nổi trên mặt nước đó, chứ không phải là ‘b-o-y’!”

    Ông Mỹ vỡ lẽ, cười tủm tỉm:

    “Nếu vậy thì cô phải nói là ‘bu-y’ chứ đâu phải là ‘boy’!”

    Tôi ngượng chín cả mặt, vừa ấm ức vì chắc chắn mình đã được học như vậy, nhưng không đủ chữ nghĩa để cãi với ông ta. Tôi lí nhí xin lỗi, chỉ muốn tìm chỗ nào mà lặn sâu cho rảnh. Sau này qua Mỹ, có dịp nói chuyện với một người gốc Anh, tôi mới khẳng định lại được “niềm tin” và tự giải oan cho mình. Anh này xác nhận rằng người Anh đọc hai chữ đó giống nhau, còn người Mỹ đọc khác nhau. Chẳng qua hồi đó tôi xui xẻo phát âm kiểu Anh với một người Mỹ mà thôi.

    Một buổi tối, thấy Quỳnh Tiên đang ngồi hí hoáy viết viết, xoá xoá, tôi hỏi:

    “Quỳnh Tiên viết thư về nhà hả em?”

    “Dạ phải,”—Quỳnh Tiên nheo mắt với tôi—“Chị muốn gởi lời thăm anh Việt không?”

    “Không,”—tôi tỉnh bơ nhún vai—“Người ta có vợ rồi mà còn thăm với hỏi gì nữa. Mà em cũng đừng kể chuyện gặp chị ở đây làm gì nghe. Đâu có ai quan tâm làm gì!”

    Nghe giọng chua chát của tôi, Quỳnh Tiên giả lả đổi đề tài:

    “Tháng này chị có nhận nhiều thư từ bên nhà hai bác gởi qua không?”

    “Có, em à. Một tháng mà má chị gởi qua tới năm lá thư đó!”—tôi cũng cười cho qua chuyện.

    Mỗi buổi chiều thứ Tư, trong trại rộn rịp hẳn lên. Mọi người vui vẻ rủ nhau ra phòng phát thư để mong nhận được những lá thư từ Việt Nam sang, nhưng đặc biệt hơn là thư từ Mỹ, Úc, Pháp, Anh... bên trong thường có kẹp thêm một cái money order hay tờ đô-la, tờ franc hoặc tờ pound còn thơm phức mùi tiền mới của thân nhân gởi cho người còn ở trại. Ai nấy đều hồi hộp chờ đợi đến đúng giờ, cánh cửa ọp ẹp của phòng phát thư mới bật mở. Nhiều nhân viên thiện nguyện ngồi sau mấy cái bàn bắt đầu phân phát thư theo số khu trong trại. Ai cũng kiên nhẫn chờ đến lượt khu mình được đọc tên để lãnh thư. Thôi thì kẻ vui, người buồn, kẻ cười, người khóc... đủ cả. Có mấy cô cậu nhảy cẫng lên vì nhận được thư và tiền của người thân bên tây bên Mỹ, mà cũng có không ít người thất thểu quay về nhà vì chẳng thấy cánh nhạn nào đưa tin.

    Quỳnh Tiên được một lá thư từ Việt Nam gởi qua, còn tôi không có thư Việt Nam mà lại nhận được một lá của cậu Cảnh gởi từ tiểu bang North Carolina bên Mỹ. Hai chúng tôi hí hửng rủ nhau ra ngồi trên chiếc băng đá trước ngôi chùa trong trại, háo hức xé phong bì ra. Mỗi người chìm vào thế giới riêng tư của mình, mặc cho kẻ qua người lại chung quanh. Trong lúc Quỳnh Tiên đang đọc thư với một vẻ trầm ngâm ít thấy, tôi cũng lướt qua những dòng chữ thăm hỏi ân cần của cậu Cảnh. Đây là lần thứ nhì tôi nhận được thư của cậu, và lần này... thật cảm động và hân hoan, tôi thấy một tờ giấy bạc 50 đô-la mà cậu Cảnh đã cẩn thận bọc lại bằng một tờ carbon để lỡ nhân viên bưu điện có dùng máy soi qua cũng không thấy được. Đây là một mẹo vặt của dân tỵ nạn kháo nhau để tránh chuyện mất tiền mặt trong thư ngoại quốc.

    Cuối thư, cậu Cảnh ghi thêm mấy dòng, mà tôi có thể cảm được bao nhiêu ân tình ẩn sau những lời lẽ đó: “Cậu kèm vào thư này một tờ giấy bạc. Nếu Thuỳ Linh mà “hên” thì khi thư tới tay cháu nó vẫn còn trong đó!”

    Tôi nắm chặt lá thư, hình dung ra cậu Cảnh cặm cụi đi làm ở xứ người, chắc đồng tiền kiếm ra cũng không dễ. Vậy mà cậu gởi tiền cho mình, thật là cảm động. Cậu Cảnh là cậu út trong nhà. Khoảng cách tuổi tác giữa cậu và các cháu coi như là ít nhất so với những cậu dì khác của Thuỳ Linh và các anh chị em họ, nên cậu rất gần gũi, thân mật với lũ cháu. Đứa nào cũng mến cậu và ít “sợ” cậu như sợ các cậu dì lớn tuổi khác trong gia đình nhà ngoại. Vợ chồng cậu vượt biên cách đây ba năm, ở trại tỵ nạn Galang trước khi qua Mỹ định cư. Cậu không có con cái gì cả.

    Quay qua nhìn Quỳnh Tiên, tôi thấy cô bé cũng đã đọc xong lá thư của mình, có vẻ tư lự lắm. Tôi lo lắng hỏi:

    “Có tin gì bên nhà không em?”

    “Có chị ạ, mà toàn là tin không vui,”—Quỳnh Tiên thở dài—“Mẹ em nói ba em cứ bệnh rề rề, vào ra bệnh viện hoài, mà nhà lại túng thiếu. Với lại... mẹ em cũng cho biết là anh Việt mới bị stroke, bây giờ yếu lắm.”

    “Trời đất!”—tôi không giấu được giọng thảng thốt—“Còn trẻ mà lại bị như vậy sao?”

    “Hình như già trẻ gì cũng bị hết, chị à,”—Quỳnh Tiên nói với vẻ thạo đời—“Có điều là người lớn tuổi thì dễ bị hơn người nhỏ tuổi thôi.”

    Tôi không thể làm ra vẻ không quan tâm được nữa:

    “Tội nghiệp há. Vợ của Việt còn trẻ quá, lo cho chồng cũng vất vả lắm.”

“Mẹ em nói hai vợ chồng đã về ở gần gia đình chị ấy ở Cam Ranh để có người này người kia giúp đỡ.”

    Buổi chiều đang xuống thấp. Niềm vui của tôi cũng mờ nhạt hẳn trước cái tin về Việt. Hai chị em đi chầm chậm về nhà, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Rồi bóng tối phủ xuống thật nhanh. Các ngọn đèn đường bật sáng. Những người tỵ nạn rảo bước về nhà để lo bữa ăn tối, đi như những bóng ma trong một khung cảnh nửa thực, nửa hư, mờ mờ, ảo ảo.

***

Chuyện đời cũng trớ trêu, tôi qua sau Quỳnh Tiên mấy tháng, mà lại được phái đoàn Mỹ nhận trước. Ba của Quỳnh Tiên là trung tá trong quân đội cộng hoà, còn ba tôi mới làm tới đại uý thì đến ngày mất nước. Đáng lẽ ai cấp bậc cao hơn thì chính phủ Mỹ phải ưu tiên, đằng này... Quỳnh Tiên ức lắm, nhưng cô bé cũng khéo, trước mặt tôi không hề phàn nàn về chuyện trái khoáy này cả.

    Tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn lần chót trước khi chính thức được chấp nhận đi định cư. Vào đến vòng này, phái đoàn Mỹ có thông dịch viên riêng của họ từ Mỹ qua, chứ không dùng những người tay ngang như Quỳnh Tiên hay tôi nữa. Cô thông dịch người Việt của tôi nhìn có vẻ dễ mến. Chắc cô ở Mỹ đã lâu rồi nên nhìn cô thật tự tin, chững chạc. Trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, tôi rụt rè nói với cô:

    “Chị cho phép em được nói thẳng tiếng Anh với bà Mỹ này để bà có cảm tình với em hơn, được không chị? Chỗ nào em kẹt thì nhờ chị giúp.”

    Cô thông dịch vui vẻ gật đầu:

    “Được chứ em. Nói thẳng tiếng Anh thì hay quá. Có gì thì chị sẵn sàng giúp em mà!”

    Tôi nói cám ơn cô. Bà Mỹ phỏng vấn tôi cũng hết sức dễ thương và tử tế. Tôi thấy mình thật may mắn vì giọng Mỹ của bà rõ ràng, dễ hiểu. Tôi mạnh dạn trả lời bằng tất cả vốn tiếng Anh mình có. Tôi nói năng lưu loát một cách lạ thường, như thể có ai đó nhập vào mình chứ không phải chính là tôi nữa. Cuối cùng, bà Mỹ bảo tôi đứng lên để đọc lời tuyên thệ. Tôi lặp lại lời bà nói như một cái máy, mọi cảm xúc trong người tôi lúc đó hoàn toàn tê dại.

    Khi tôi ngừng nói, bà Mỹ long trọng bảo:

    “You are now officially admitted to the United States of America. Congratulations!”

    Tôi vừa hiểu lời bà nói, nhưng lại vừa không tin vào tai mình. Cô thông dịch viên biết tôi hiểu được câu cuối cùng này, nhưng cô cũng vui lây cho tôi nên nói lại bằng tiếng Việt một lần nữa:

    “Em được chính thức nhận vào Mỹ rồi đó! Chúc mừng em.”

    Tôi không nhớ mình đã cám ơn bà Mỹ và cô thông dịch viên người Việt bao nhiêu lần, chỉ nhớ là mình đã bước ra ngoài, lòng lâng lâng một niềm vui khôn xiết. Thế giới càng này càng như mở rộng vòng tay đối với tôi, tựa hồ như tôi đang được đền bù vì đã buồn khổ nhiều trong những năm tháng vừa qua.

    Những ngày còn lại của tôi trong trại để chờ được chuyển lên một trại khác trước khi qua Mỹ định cư, tôi sống thật tràn đầy như chưa bao giờ được sống như thế. Thấm thoát mà tôi đã ở trại PFAC được tám tháng trời. Buổi sáng, tôi vẫn tiếp tục làm công việc thông dịch trong văn phòng Cao Uỷ. Buổi chiều, tôi dạy Việt ngữ cho mấy đứa bé ở trường CADP (Center for Aid to Displaced Persons), tổ chức của các bà xơ đủ mọi quốc tịch. Còn thì giờ rảnh rỗi, tôi xin vào làm việc ở văn phòng Counseling, thông dịch cho những người cần giúp đỡ khi gặp khó khăn về tinh thần hay vật chất trong những tháng ngày tỵ nạn ở xứ Phi này. Vì vậy, tôi bận rộn cả ngày, không có thì giờ để buồn vẩn vơ. Tôi về nhà ăn uống, phụ nhau dọn dẹp với mọi người trong nhà, rồi đánh một giấc ngon lành cho đến sáng hôm sau.

    Trong trại, hầu hết các công việc là thiện nguyện, nhưng đặc biệt có hai công việc được “trả lương” là đi dạy và làm ở văn phòng vệ sinh, phụ trách việc dọn dẹp trại sạch sẽ và đổ rác hằng ngày. Với hai việc này, mỗi người nhận được 100 peso tiền Phi mỗi tháng. Nói là lương cho oai chứ thật ra chỉ là một món tiền tượng trưng, theo hối suất thời đó tương đương 5 đô-la Mỹ. Tôi rất dè xẻn, mỗi tháng lãnh tiền ra chỉ tiêu có một ít, còn lại đổi thành đô-la, cất để dành chờ ngày định cư để mua áo quần mặc đi máy bay cho bảnh. Tuy vậy, mỗi cuối tháng tôi vẫn thường mời mọi người trong nhà đến “coffee shop” trong trại—cũng của các bà xơ CADP làm ra để gây quỹ—ở đó chúng tôi cùng nhau thưởng thức những món ăn rất Việt Nam như phở hay chả giò, và tự thưởng cho mình những chai nước ngọt ngon lành made in the Philippines mà hồi còn ở Việt Nam có tiền đâu để uống. Tiêu tiền vào tiệm ăn đó, coi như chúng tôi đã “lại quả” một phần nào cho tổ chức CADP, để các xơ lại có tiền chi phí cho biết bao nhiêu sinh hoạt hằng ngày trong thế giới nhỏ của trại tỵ nạn này.

    Quỳnh Tiên, hẳn là buồn vì chưa được nước nào nhận mà lại còn sắp phải xa tôi. Ở với nhau lâu ngày, chúng tôi trở nên thân nhau như chị em ruột thịt. Ngày xưa, khi đến nhà Việt, mỗi lần tình cờ gặp Quỳnh Tiên cũng ghé chơi, tôi cũng chỉ trao đổi vài lời với cô bé cho có lệ. Nào ngờ có ngày hai đứa gặp nhau nơi trại tỵ nạn này. Bên cạnh nỗi buồn, Quỳnh Tiên cũng vui cho tôi, lo lắng, dặn dò tôi đủ thứ. Ngày tôi ra bến tàu để được đưa lên trại Bataan, gần thủ đô Manila, để học văn hoá Mỹ trước khi qua định cư, Quỳnh Tiên và hai mẹ con Thảo, Trang đều ra đưa tôi đi, bịn rịn không muốn rời nhau. Tôi lấy trong ví ra tờ 50 đô-la của cậu Cảnh cho vẫn còn y nguyên đó, đưa cho Quỳnh Tiên và nói:

    “Khi nào em có dịp gởi tiền về nhà, cho chị gởi theo chút này, một nửa để ba em thuốc thang, còn nửa kia nhờ mẹ em chuyển giùm đến Việt nhe. Nhưng em nhớ đừng nói với Việt là tiền này của chị gởi. Cám ơn em nhiều lắm!”

    Vậy là tôi đi, trên một chuyến hải hành nữa, lần này có chỗ giường nằm đàng hoàng trên con tàu hướng về một hòn đảo khác ở phía bắc xứ Phi ngàn đảo. Tàu chạy khoảng gần một ngày thì cập cảng Subic Bay, một căn cứ quân sự của quân đội Mỹ. Từ đó, chúng tôi được chở bằng xe buýt về hướng nam, đến thành phố Morong, thuộc tỉnh Bataan, nơi có trại tỵ nạn chuyển tiếp PRPC (Philippine Refugee Processing Center). Trại tiếp nhận tất cả những người đã được chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho đi định cư tại Mỹ với diện tỵ nạn chính trị từ các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, hay những gia đình được thân nhân ở Mỹ bảo lãnh trực tiếp từ Việt Nam qua. Ngoài người Việt, trại còn có người Miên, người Lào và người H'mong, rất ư là “quốc tế”.

    Mặc dù tên chính thức của trại là PRPC, mọi người vẫn quen miệng gọi một cách thân mật là “trại Bataan”. Trại tỵ nạn này lớn gấp nhiều lần so với trại cũ của tôi, gồm đến 10 vùng khác nhau, có đường trải nhựa cho xe buýt và xe hơi chạy, không thua gì một thành phố thực thụ. Cuộc sống ở đây “văn minh” hẳn ra. Nhà cửa cất bằng gỗ và mái tôn, mỗi nhà có hai tầng. Trong trại có nhiều tiệm ăn, tiệm cà-phê, có bán loại chè halo-halo đặc biệt của người Phi. Dân Phi chẳng khác gì người Việt là mấy, cũng ăn hột vịt lộn (mà họ gọi là balut) và ăn xoài xanh chấm nước mắm y như người mình nữa! Khắp 10 vùng trong trại có chỗ họp chợ, chùa chiền, nhà thờ và các dãy lớp học hết sức khang trang. Sáng sáng, học trò ra đứng chờ xe buýt đón đến trường, một cảnh tượng thật đẹp và tràn đầy cảm hứng. 

    Tụi tôi thường bảo nhau “Đến Bataan là đã thấy nước Mỹ... mờ mờ rồi đó!” Thật vậy, khi còn ở trại tỵ nạn, chẳng ai biết rõ khi nào mình mới được một nước thứ ba nhận. Còn qua đến Bataan, thời gian ấn định rõ ràng là 6 tháng. Trong suốt thời gian đó, ai cũng vào các lớp gọi là CO (Cultural Orientation), do các giáo viên người Phi đảm nhiệm. Tôi được nhận làm AT (***istant Teacher), đứng bên cạnh giáo viên để thông dịch cho mọi người trong lớp. Các giáo viên Phi nói tiếng Anh lưu loát, nhưng tất nhiên có âm hưởng Phi trong giọng nói của họ.

    Sáu tháng ở trại này qua nhanh như một giấc ngủ trưa. Mới đó mà đã đến ngày kết thúc các khoá học CO. Thầy trò trong lớp tổ chức liên hoan, cám ơn và chia tay nhau. Các giáo viên lại chuẩn bị cho những khoá học mới, còn chúng tôi nôn nao chờ ngày lên đường. Một dàn xe buýt chở những người đi định cư, băng qua đèo núi hiểm trở, đến thủ đô Manila náo nhiệt mà ngày xưa tôi chỉ biết loáng thoáng qua báo chí, sách vở. Đêm ngủ ở trại transit ở Manila, tôi lại thao thức, thấy mình như chơi vơi giữa nhiều thế giới khác nhau. Xin tạm biệt và cám ơn Phi Luật Tân, xứ sở của những người dân thân thiện, hiền lành, đã cưu mang những người vong quốc lưu lạc đến đây trong thời gian qua...

    Chuyến bay của hãng Philippine Airlines đưa nhóm người của chúng tôi qua phi trường Narita ở Nhật để quá cảnh. Sau đó, chúng tôi đáp một chuyến bay khác đến thẳng Los Angeles, California, cho tôi và mọi người bắt đầu một quãng đời mới. Lúc chiếc máy bay đứng lại trên đường băng, rồ máy thật mạnh lần chót để chuẩn bị cất cánh, bất giác tôi nhớ đến hai câu hát trong một bài ca nào tôi đã quên tên “Ra đi là hết rồi. Quay nhìn đoạn đời trôi...”

    Ra đi là hết rồi. Có thật vậy không, Thuỳ Linh?


 Trần C. Trí

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/May/2024 lúc 8:40am
49 năm rồi mắt vẫn cay
1%20tháng%204%20năm%201975%20–%20Trần%20Trung%20Chính%20%28VNVH%29%20|%20Nhật%20Báo%20Calitoday

(VNTB) – Cứ mỗi lần tháng Tư về là người ta lại nhớ và tiếc nuối những điều tốt đẹp thuở trước dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thời gian vẫn là quá dài để lịch sử thực sự bước sang trang mới.

Sự nuối tiếc này ngày càng như dữ dội hơn vì sự tồi dở và sự tham nhũng lạm quyền vô độ của đảng viên cộng sản, khiến người ta nhắc để so sánh cũng như tiếc cho một chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhân văn và độ lượng.

Trong hồi ký “Buồn vui đời thuyền nhân” của Lâm Hoàng Mạnh, thì chuyện người Việt Nam vượt biên bằng thuyền trở thành tâm điểm thời sự nóng bỏng của thế giới suốt từ năm 1975. Từ năm 1979, đài BBC Việt ngữ bắt đầu dùng danh từ “Thuyền Nhân – Boat People” để chỉ người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do. Từ điển Oxford tái bản có danh từ “Boat People” chính thức ghi trong từ điển Anh sau năm 1982. Danh từ “Boat People” ghi dấu ấn của một thời kỳ lịch sử đen tối, đầy tội ác và sai lầm của chính quyền Cộng sản Việt Nam sau khi chiếm Sài Gòn và toàn cõi miền Nam.

Tác giả Lâm Hoàng Mạnh viết: “Không biết những người tỵ nạn cộng sản miền Nam sau ngày 30-4-1975 sang Mỹ định cư, bắt đầu gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam từ bao giờ, nhưng người Việt gốc Hoa miền Bắc ở các trại tỵ nạn Hong Kong từ cuối năm 1979 đã gửi hàng về, nhất là dịp tết Nguyên đán 1980. Chuyện gửi hàng, gửi tiền như một món nợ truyền kiếp kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt”.

Tính đến quý đầu năm nay, tức bước vào năm thứ 49 của tháng tư, 1975, chỉ riêng Sài Gòn, nhà chức trách địa phương đã hồ hởi đưa tin “quý I-2024, kiều hối chuyển về Sài Gòn đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ”.

Trước đó, kết thúc 2023, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sài Gòn năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của thành phố”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết như vậy.

Chính quyền xem kiều hối là quà tặng tính cách cá nhân nên về nguyên tắc thì xét tính thuế thu nhập cá nhân, nhưng để “góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”, đưa đến quyết định là miễn thu thuế thu nhập cá nhân.

Những khoản gọi là kiều hối nói chung cũng không phân biệt khoản tiền là tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hay người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước; tức gián tiếp thừa nhận số bạc của “dân vượt biên – Boat People” là đang giúp ích quê hương suốt ngần ấy năm trời.

Và cũng sau 49 năm dài của gần nửa thế kỷ thì có thể quá lời, nhưng cảm nhận của người viết là ước mơ của đại đa số dân Việt Nam vẫn là “vượt biên”, tức là muốn bỏ nước ra đi, dưới bất kỳ hình thức nào; dù đó là “tỵ nạn chính trị” hay “tỵ nạn giáo dục”, thậm chí đó còn là tìm một ‘sân sau’ khi rút lui chính trường của những người nhân danh cộng sản lúc còn đương chức.

Tháng Tư xứ ấy dài kinh khủng,

49 năm rồi mắt vẫn cay…


Hiền Vương



Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/May/2024 lúc 3:49pm

30thang45


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/May/2024 lúc 3:53pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/May/2024 lúc 11:20am

Tình Bạn Lính Xưa

Ảnh minh hoạ

Mi 30 tháng 4 là mi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm mt bước na xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hu hết nhng người trc tiếp tham gia vào cuc chiến trước 75, nay đã vng mt. Non na thế k ri còn gì. Khi không còn ai na, không hiu nhng thế h tr tha hương s nh gì? Mt thoáng hơi cay?

Có khi nào bn đc ngi mt mình cht hát lên bài quc ca, ri đng dy, nghiêm chnh chào bc tường, thng cháu nh thy được, cười hí hí. Ông ngoi mát ri.

Trí tưởng tượng ca người tht k diu.  Rượu cũng k diu không kém. Na chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ tr v thi đó. L lùng thay, quá kh dù kinh hoàng, khn kh cách my, khi nh li, có gì đó đã đi thay, dường như mt cm giác đp ph lên như tm màn mng, che phía sau mt thiếu ph tr đang khóc chng. Cô có mái tóc màu nâu đm, kiu Sylvie Vartan, r xung che na mt. Nhưng thôi, đng khóc na. Ch làm đt tri thêm chán nn. Đ tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, nhng người lính rt tr.

Chiếc xe GMC trn tri ch mt by trai non, có dân chơi thành ph, tóc bm xm; có hc sinh mi ln còn ng ngn; có sinh viên b đôn quân, dn dĩ kiu đàn anh; có dân quê nhp ngũ, lúng túng; có k trung người tây, chúng tôi chen ln ngi hai hàng đi din. Xe băng qua thành ph. Mi người sinh hot bình thường. Không ai lưu tâm nhng chàng trai tr, xếp bút nghiên theo vic đao cung. Xa xa, sau lưng ch là nhà tôi. M gi này đang chun b cơm trưa. Bng dưng, mt anh nào đó, ct tiếng hát:

Ri đây mai ngày ai hi đến tên tôi (1)

Bn ơi! Hãy nói khoác chiến y” ri

Lp tc c bn hùa theo.Làm như có tp dt trước. Ai cũng hăng say, dù thuc li hay không.

Người thư sinh y đã xếp bút nghiên

giã t trường yêu vi bao nhiêu bn hin

có về là khi nước non vui bình yên…

Tht là cm đng. Anh bn ngi cnh tôi, người huế,

ct ging tr tr nghe như than th:

Nh lúc lên đường đưa tin chân tôi,

Thương lên khoé mt m nhn đôi li,

Dit thù lp công cho xng tài trai,

St son ghi lòng ch phai.

Ai đi chinh chiến xây đp tương lai,

Con đi chinh chiến đ nước yên vui

Li m hin khuyên nguyn khc trong tim.

Ri anh bt lên khóc gia lúc mi người đang h hi, khiến chúng tôi lng thinh, thông cm. Ch còn nghe tiếng máy xe rú và bánh xe m m nhi gà. Trong lúc có v thành tâm, mt anh dân chơi phá lên. Có đa phát cười. Có đa cau có:

Bn ơi, quan tài xin cn chén đi thôi

Ngày mai tôi đã, đã đi xa ri.

Mt ging khác ln hơn chiếm li ưu thế, vài người hùa vào:

Bn ơi! Khi nào ai hi đến tên tôi

Đi tôi lính chiến cánh chim tung tri.

Ngày nào khi đt nước hết binh đao

gia đoàn hùng binh có tôi đi hàng đu,

tr v thành đô nm tay ta mng nhau.

Tôi bt đu s nghip lính như vy.

Đi đi ca chúng tôi gm có 110 đa. Ra trường vào mùa hè đ la 1972. Mt năm sau, kêu gi, hn hò, gp li nhau, ch còn mt na. Năm đó, bn tôi, chun úy thy quân lc chiến tham gia trn đánh chiếm li C thành Qung Tr và anh đã lên lon c thiếu úy.

Bn tôi hát rt hay. Nhng đêm ngh hc quân trường, anh ôm đàn thùng, mơ màng nhng li truyn cm, đúng tâm s, c bn ngi nghe, mt m, say sóng. (2)

Nhng ngày xưa thân ái, anh gi li cho ai?

Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa

Anh cùng tôi bước nh, áo qun nhăn gic ng

Đi tìm chim sáo n, ôi bây gi anh còn nh?

Nhng ngày xưa thân ái, anh gi li cho ai?

………

Thi gian qua mau, tìm anh nơi đâu?

Tôi v qua xóm nh, con đò nay đã già

Nghe tin anh gc ngã, dng chân quán năm xưa

Ung nước da hay nước mt quê hương

Nhng đường xưa ph cũ, ôi n đành quên sao?

Xin gi li tên anh gia tri sao long lanh

Anh gi yên gic ng, tôi nm nghe súng n

Như li anh nhc nh, ôi căm hn dâng ngp li

Nhng ngày xưa thân ái xin buc vào tương lai

Anh còn gì cho tôi, tôi còn gì cho em

Ch còn tay súng nh gia rng sâu giết thù

Nhng ngày xưa thân ái xin gi li cho em

còn tiếp
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/May/2024 lúc 11:57am

Tình Bạn Lính Xưa tt..

Anh có mt người yêu xinh xn. Chúng tôi xem được hình. Không biết ri anh s gi cho ai.

Tôi ri quân đi sm. Tr v trường lut đ tiếp tc chun b ra trường. Hôm chia tay vi các bn trong đi đi. Người thiếu ph đó li khóc lên, tht mi lòng. Tôi vn nh mãi anh chàng nh nhn cùng tiu đi, da trng và o o như con gái. Khi tôi làm trưởng ban văn ngh thc hin l ra trường gn Anh Pha, tôi bt anh gi gái, đi tóc gi màu nâu đm, kiu Sylvie Vartan, mc áo đm, múa vũ khúc “Ác Qu và Giai Nhân” tht là đp, tht là vui. Tht khó hiu, khi bt anh mang cái nt vú ca ch tôi, ri xoay my vòng, trông anh như mt vũ n. Mt năm sau, cô vũ n đã theo chng sang bên kia thế gii trong trn chiến Bình Long.

Chai rượu đã gn cn. Mt mình ung rt d say. Nhưng tôi chưa say vì bn rn nh li nhng bài nhc, mt lch s ngh thut va hin thc va lãng mn, có l ch có trong mt đt nước chiến tranh dai dng vi nhng tâm hn đa cm.

Nếu biết rng tôi đã b c hương

Khoát áo đi trai đi nga lên đường

Tôi tin rng người y thêm thương

Vui lòng cho k phong sương

Dn thân ngoài súng đn sa trường. (3)

Tc cười nht là nhng ca t mang n ý thm nhun hành vi tui tr và ca lính v thành ph, chp nhoáng, thăm người yêu.

Nhng ngày chưa nhp ngũ, (4)

Anh hay dt em v vùng ngoi ô có c bông may.

đây êm vng thưa người, còn ta vi tri,

….

S khi người đi đ thương, đ nh

Tiếng yêu đương ai n chi t.

………….

Nhng ngày anh đi khi

Xin em ch đi li vùng tình yêu lm by nhân gian,

Mt trong s bài hát mà hu hết người lính đu ưa thích, dù không biết hát cũng lm bm vài câu. Din t ni say mê thm thiết “Ca tâm tư là mt, nên khi đi mt, chuyn bun dương gian ln mt…” va văn v va cm đng va đúng chóc, không th nào nói hay hơn. Ri, cái cnh tưởng tượng “vng v ngôn ng tình, làm bng du đôi tay,” nhc sĩ Trúc Phương tht là lão luyn tâm lý.

T xa tôi v phép (5)

Hai mươi bn gi tìm người thương trong người thương

Chân nghe quen tng viên si đường nhà

Chiu nghiêng nghiêng nng đ

Và người yêu đng ch ngoài đu ngõ bao gi

Ca tâm tư là mt

Nên khi đi mt chuyn bun dương gian ln mt

Đưa ta đi v nguyên thu loài người

Mùa yêu đương mun ng

Vng v ngôn ng tình làm bng du đôi tay

Bn gi đi dài thêm bn gi v

Thi gian còn li, anh cho em tt c em ơi

Ta đưa ta đến vùng tuyt vi

Đêm lc loài gic ng m côi

………………………..

nh minh ho

Người thiếu phụ đó không còn khóc nữa. Có lẽ đã quá mệt mỏi, đã cạn nước mắt, gục đầu lên mặt bàn. Quê hương chinh chiến của tôi có biết bao nhiêu thiếu phụ mất chồng. Nỗi đau lòng buồn thảm đó là một thế giới khác. Thế giới của mất mát, ly tan, của những tâm hồn bị cướp giật yêu thương, bị xô ngã giữa đời sống vẫn tiếp tục đạp lên và không nhìn lại.

Ri sau 30 tháng 4, h phi làm gì vi thân phn đó? Ly chng khác hay vy nuôi con? Khn kh nói sao cho hết li. Cay đng k sao cho ai hiu. Đp ch v ra, có thy máu chăng?

Đi ca mi người, ai cũng có mt s điu may mn. Mt trong nhng may mn mà tôi ghi khc trong trí nh, đó là ln gp li nhng người bn thân t thi trung hc. Thi tú tài xong, mi đa mi nơi, mi binh chng, mi vùng chiến tuyến. Vy mà may mn thay, bn anh bn này đi phép, tr v thành ph Nha Trang, thăm nhà, có được hai ngày trùng lp vi nhau. Chúng tôi hn mt quán cà phê nh, vng v, sau 8 gi ch còn chúng tôi, ung bia và làm nhiu chuyn ng ngn, tr thơ, ri ca hát, say mèm. Sáng hôm sau, chia xa, tr v đơn v, tôi li thành ph. Điu may mn đó có th là không may mn. Mi khi nh li, không biết gi nó là gì, ngôn ng thiếu ht, đành gi là may mn.

Tôi li gp anh (6)

Người trai nơi chiến tuyến

Súng trên vai bước lê qua đường ph

Tôi li gp anh

Gi đây nơi quán nh

Tui 30 mà ng như tr thơ

[Ngón đàn bolero ca Sơn vn ngt lm như ngày nào. Ging hát ca Phương gi đây thêm nhiu nha thuc lá và thanh qung mòn mài rượu đế.

Khi chúng tôi mang đàn vào quán, cô thu ngân đã chú ý nhng anh lính này. Chc cô đã quen lính tráng nhu nht, có hung thn, có ma qu, có thư sinh, có ngh sĩ. Và cô phi chu đng nhng gì xy ra, k c vic súng n, chai bay. Miếng cơm manh áo có đáng hay không? Không có câu tr li chính xác vì không th làm gì khác hơn. Nhưng đêm nay, cô thu ngân, tên Phương Hnh, ánh mt tr mà ngm bun, mái tóc nâu đm, kiu Sylvie Vartan, nghiêng nghiêng dưới ánh đèn m, rt n tượng, nhưng chúng tôi bn hát, bn sng cho hết đêm. Mi đu, thnh thong Hnh liếc nhìn v hướng bàn bn anh lính và mt anh dân s chìm sâu trong góc ti ri quay đi s h trông thy, mc dù, tai vn lng nghe. Mt lát sau, khi quán không còn ai, ch còn v chai bia và lính, Hnh dn dĩ chng tay lên cm ngi thưởng thc tiếng hát ca anh thiếu úy rn ri nhưng đp trai vi hàng lông mày rm.]    

Nh gì t ngày anh xa mái trường

Nh gì t ngày anh vui lên đường

Li gy v nhà anh hoa phượng thm

Màu xanh áo người thương

Nng chiu đp quê hương

Hay nhạc buồn đêm sương

Tôi li gp anh

Tri đêm nay sáng quá

Ánh trăng như hé tươi sau ngàn lá

Tôi li gp anh

Đường khuya vui bước nh

K nhau nghe chuyn cũ bao ngày qua

Li gy v nhà anh hoa vn n

K nim t ngày xưa chưa xóa m

Ánh đèn vàng ngoài ô vn còn đó

Bn anh vn còn đây

Sng cuc đi hôm nay

Vi bn mình đêm nay

[Đêm càng ti, lòng càng bay bng mt cách nng n. Không có tâm s nào rõ ràng, ch cm thy xúc đng vi đi vi người vi bn, k c vi Hnh, gi này, không còn là ch quán, cô đã tr thành mt em gái nh, hu phương, đang chia x vi các anh lính t tin đn v ph. Dường như sáu người chúng tôi đang cm bun v nhng điu gì xa xăm. Gn ging thôi nhưng không hn là nim chia tay, ni chết, ch là mt cm nhn, mt th gì mơ h bao quanh ri tràn ngp c quán. Tt c nhng đèn trên tường trên bàn đã ti, gi còn ti thêm. Hùng có l đã say mê, không phi Hnh, ch mt người n cn thiết xut hin thoáng qua, đm đà cm xúc cho anh lính bit đng đang la đà trong câu hát “Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư v cho anh. Nh thương vơi đy, đêm nay trên đn vng, thương em anh thương nhiu lm, em ơi biết cho chăng, tnh l đêm bun… “(7) Đi người d được my khi sng trn vn buông th, chúng tôi không còn nh thi gian. Hnh cũng quên đóng ca quán.]

Anh sng đi trai gia núi đi

Tôi viết bài ca xây đi mi

B tre quê hương

Cây súng anh gìn gi

Tôi hát vang giữa đời để người vui

Thôi mình chia tay

Cu mong anh chiến thng

Ánh trăng khuya sp tàn trên hè ph

Thôi mình chia tay

Ri mai đây có v

Quà cho tôi anh nh chép bài thơ

Nng đp ca bình minh đang hé ch

Ni bun vui bit ly chưa xóa m

Súng thù t rng sâu vn còn đó

t nhiên tiếng còi gii nghiêm hú lên. Mt tiếng hú không đúng lúc, phá v mt thế gii tình t lãng mn. Hnh tr v vi cô ch quán. Chúng tôi tr v vi chiến tranh. “Cm ơn Hnh,” Ch có Hùng nói như vy. 

Năm đa tôi đi ra đu đường, Tôi và Thành v chung mt hướng, ba người kia mi người mi ng.]

Đng lưu luyến gì đây

Thôi bn mình chia tay

Thôi bn mình chia tay.

[Chia xa. Mi người tr v đơn v ca mình. Tôi li thành ph. Và vĩnh vin không còn trông thy nhau na.]

                    Viết trong khi ch 30 tháng 4, 2024


Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/May/2024 lúc 12:16pm
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
BM
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/May/2024 lúc 2:51pm

Tháng 4 nhớ lại

Lonely%20Woman%20Sitting%20Watching%20River%20Stock%20Photo%20763381645%20|%20Shutterstock

29 Tết tôi nhận được thư anh. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui tim tôi như run lên bởi những nhịp đập rối loạn trong nỗi lo âu, sợ hãi khi cầm trên tay lá thư dày đặc những dòng chữ viết vội, trong đó có đoạn “Có thể, trong những ngày Tết anh sẽ “thuyên chuyển” về đơn vị mới và trên đường đi sẽ lưu lại thành phố Saigon. Khi đó, nhờ em lo cho anh và 3 người bạn chỗ tạm trú khoảng một tuần. Tất cả chỉ còn biết trông cậy vào em. Được hay không anh vẫn về vì không còn thời gian để chờ em trả lời. Xin lỗi vì anh đã bắt em phải gánh vác một việc quá nặng nề nhưng thật tình anh không thể làm khác hơn vì quá gấp gáp. Anh sẽ về với em. Và về như thế đó. Như trong giấc mộng nhưng là ác mộng phải không em?…”.

Những lời úp mở của anh cho tôi biết dự tính trốn trại của anh sắp được thực hiện như anh đã từng nói với tôi trong lần thăm cuối cùng ở trại Vườn Đào. Là đứa con gái yếu đuối và nhút nhát tôi không biết làm gì khi phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng như thế ngoài việc đưa thư cho Ba tôi xem. Nét trầm ngâm trên khuôn mặt không chút thay đổi của Ba cho tôi chút an tâm sau câu nói “Đây là chuyện mình phải làm con à! …”. Thế là tôi bắt đầu chờ đợi. Ngày thứ nhất. Ngày thứ hai. Rồi ngày thứ ba – tức mồng Hai Tết – anh vẫn biệt tăm. Tôi cùng Ba Má chuẩn bị về Ngoại chúc Tết ông bà như mọi năm trong nỗi hoang mang, lo lắng “Nếu anh đến mà tôi không có ở nhà thì sao?”. Ba trấn an khi thấy tôi bồn chồn trong quyết định đi hay ở lại “Tính thì tính vậy, chứ muốn trốn đâu phải dễ”. Tôi cũng nghĩ thế nhưng vẫn chần chờ chưa chịu thay quần áo thì có tiếng gọi tên tôi. Chạy ra phía trước, mắt tôi nhòa lệ khi nhìn thấy anh đứng ngoài cổng rào với nụ cười thân yêu, quen thuộc.

Cánh cửa mở vội, anh bước nhanh vào nhà. Sau cuộc chuyện trò ngắn ngủi với Ba tôi về cuộc vượt trại của anh cùng 3 người bạn, anh đứng lên và cho biết, trên đường đi ra Vũng Tàu để tìm lực lượng kháng chiến, anh xin phép người dẫn đường ghé thăm tôi vài mươi phút, bây giờ đã đến lúc anh phải đi. Trong nỗi bàng hoàng chưa dứt, tôi vội vàng mở ví lấy những đồng tiền ít ỏi còn lại dúi vào tay anh. Khi đưa anh ra cửa tôi nghẹn ngào hỏi khẽ:

– Bao giờ mình gặp lại hả anh?

Anh nhìn tôi mắt hoe hoe đỏ, giọng chùng xuống:

– Anh cũng không biết.

Tôi bật khóc khi anh quay lưng. Nhưng chỉ sau vài bước chân anh đã trở lại, nắm chặt tay tôi, bằng giọng ngọt ngào anh nói với ánh mắt sáng ngời:

– Anh tin sẽ có ngày mình gặp lại.

Anh đi rồi những ngày kế tiếp tôi dìm mình trong nỗi nhớ thương chất ngất. Bao nhiêu câu chuyện thảm khốc về những người trốn trại bị bắt lại mà tôi đã từng nghe kể lần lượt hiện về trong trí nhớ với nỗi sợ hãi, lo lắng trùng trùng. Tôi từ chối những cuộc họp mặt tân niên với bạn bè để thu mình trong thế giới riêng. Cái thế giới tràn ngập yêu thương của tôi trong đó có những cánh thư viết từ quân trường, từ các địa danh xa xôi nơi anh đóng quân và miệt mài chiến đấu với bao gian nan, nguy hiểm mà anh và đồng đội, những người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải đối diện từng giây, từng phút. Tôi nâng niu từng kỷ vật anh làm và gửi cho tôi từ trại cải tạo. Này là chiếc lược nhôm đơn sơ với những dòng chữ gửi gắm niềm thương yêu được khắc tỉ mỉ, đầy công phu. Này là chiếc kẹp tóc sắc sảo với 2 chữ SN quyện vào nhau như lời hẹn thề gắn bó mà tôi và anh đã trao nhau trong những cánh thư thấm đẫm hương tình. Đặc biệt hơn hết là chiếc nhẫn trắng do anh khéo léo đục đẽo từ chiếc “bi đông” đựng nước và trang trọng đeo cho tôi trong lần thăm đầu tiên trước mặt Mẹ anh như một lời cầu hôn chân thành và cảm động.

Nhưng chuyến đi của anh và các bạn không thành vì không liên lạc được với lực lượng kháng chiến. Anh trở lại và xin phép Ba Má tôi cho tạm trú để tiếp tục tìm nơi anh muốn đến. Đó là thời gian hạnh phúc nhất vì chúng tôi được ở bên nhau dẫu trong xót xa, âu sầu vì không biết lúc nào “Anh sẽ đi” như lời nhắc nhở hàng ngày anh nói bên tai tôi.

Tôi biết nỗi uất hận vẫn còn tràn đầy trong lòng anh qua những dòng thơ ghi vội trên các mảnh giấy rời.

Ta đứng đó rủ buồn như phiến đá

Đội trên đầu bao tủi nhục chua cay

Nhiều đêm dài chợt nghĩ đến tương lai

Ta tự hỏi, đau thương này suốt kiếp?

Và trong anh vẫn còn nguyên lý tưởng kiêu hùng để hăm hở ra đi.

Mai ta đi đòi lại kiếp làm người

Ta sẽ đi!

Ta sẽ đi!

Nhất định ngày mai.

Bên cạnh sự quyết liệt đó là niềm băn khoăn, ray rứt “7 năm dài yêu nhau là 7 năm em đã khóc vì anh – có phải những giọt nước mắt nồng nàn rơi xuống đã vun đắp cho tình yêu chúng ta?. Gần 4 năm ngồi trong tù suy gẫm, anh nhớ cuộc tình thơ mộng của hai đứa mình, nhớ những lần em đến thăm trong nghẹn ngào, nhớ Saigon và em một mình trong cuộc sống đầy chán chường, rồi nhìn lại cuộc đời mình với mấy khung rào thù hận, anh nghĩ mình chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nên anh sợ những đợi chờ của em sẽ trở thành mộng ảo. Anh muốn em quên anh dù lòng anh rất đau khi nghĩ đến điều đó và anh cũng biết em đã khóc rất nhiều khi nghe anh nói nhưng anh biết làm sao hơn trong hoàn cảnh này.

Rồi đột nhiên anh lại về với nguyên vẹn hình hài nhưng khác nào một bóng ma giữa Saigon tan tác và anh đã trùm lên một bóng tối đầy hãi hùng cho em….”

Từng chữ từng câu là máu, là nước mắt trong trái tim xao xác nỗi đau, nỗi hận không lối thoát.

Ngày qua ngày, những điều anh nghe nói về lực lượng kháng chiến càng mơ hồ, đồng thời tin tức những chiến sĩ VNCH bị sập bẫy và bị bắt càng nhiều. Hoàn toàn thất vọng trước tấm phao mong manh cuối cùng, anh và 3 người bạn tù quyết định chia tay mỗi người mỗi nẻo, tự lo cuộc sống của riêng mình. Phần anh vẫn tiếp tục sống trong nhà tôi một cách lén lút. Mỗi ngày, lúc Ba và tôi đi làm anh lẩn quẩn ở nhà với Má tôi. Qua những lần tâm sự, trò chuyện Má tôi thương anh nhiều hơn. Tôi nhớ có lần Ba Má cãi nhau, Má tôi cố nhịn để không to tiếng, “Tôi chịu thua vì không muốn thằng S nghĩ rằng vì nó ăn nhờ, ở đậu nhà mình mà tôi với ông bực bội, sanh bất hòa”. Ba tôi cũng cười xòa sau câu nói ấy. Khi Má tôi theo người quen tập tành buôn bán ở chợ trời thì anh đảm trách việc nấu nướng và đưa đón. Những người bạn hàng của Má cứ tưởng anh là con trai khi thấy anh đỡ đần và chăm sóc Má tôi từng chút một. Thỉnh thoảng tôi và anh ra phố chơi thì anh đi cửa trước như một người khách đến thăm rồi ra về, còn tôi đi bằng cửa sau và hai đứa gặp nhau ở ngoài đường lớn. Dần dần, anh bớt dè dặt và dạn dĩ hơn nên thỉnh thoảng đến chỗ làm đón tôi. Những bạn đồng nghiệp đa số đều biết tôi có bồ đang bị tù cải tạo nay bỗng dưng thấy xuất hiện một anh chàng dáng vẻ sạch sẽ với đôi kính cận trí thức, thế là rộ lên tin đồn “Nhỏ N bỏ người yêu “ngụy” rồi. Anh bồ mới này chắc là ‘Ba Tàu Chợ Lớn’ giàu có”. Tôi vui vì đã qua mắt được mọi người nhưng cũng cảm thấy “đau” vì đương không mình trở thành kẻ bạc tình.

Thời gian này, trong sở làm vì thiếu nhân sự nên tôi được giữ lại làm việc trong phòng Tổ Chức Cán Bộ và được bà trưởng phòng tạm tin tưởng giao tất cả những con dấu dùng trong việc ấn ký các văn thư, nhờ đó mà tôi đã cung cấp cho anh những “giấy tờ giả” với “con dấu thật” để có thể đi lại thong dong và cũng từ ngày ấy trong đầu anh manh nha ý tưởng vượt biên.

6 tháng anh cư trú trong nhà tôi cũng đủ dài để Má anh từ dưới quê lặn lội lên SG gặp Ba Má tôi nói lời cảm ơn sâu sắc vì đã cho con trai của bà một chỗ dung thân trong lúc hoạn nạn và xin phép làm lễ hỏi cho chúng tôi sau 7 năm yêu nhau chỉ toàn là đợi chờ và xa cách. Lễ hỏi được tổ chức bí mật và đơn giản trong căn nhà nhỏ với các cánh cửa đóng kín, chỉ vỏn vẹn 10 người thân trong gia đình.

Với tôi, tất cả những gì có được trong ngày tháng ấy là niềm hạnh phúc vô cùng quý báu dù trước mắt con đường tương lai thật mịt mù, đen tối. Nhưng với anh, cái tư tưởng “không thể chấp nhận chế độ này” luôn là niềm thôi thúc khiến anh lặn lội khắp nơi để tìm đường vượt thoát.

Rồi một ngày buồn, lần nữa anh lại ôm siết lấy tôi nói lời từ biệt.

Anh vẫn là anh với chiếc lưng thẳng và dáng đi mạnh mẽ, với nụ cười âu yếm cùng lời thề hẹn sắt son. Và tôi vẫn là tôi với mắt lung linh buồn sau làn tóc rối, giọt lệ vắn dài như lời thơ nào anh đã từng viết cho tôi trong những ngày vời vợi ngóng tin nhau.

Trăm năm bỗng chốc tình cờ

Cho son phấn nhạt hững hờ dung nhan

Áo em bay lẫn mây ngàn

Chân mênh mông bước biết còn thấy nhau

Ta đi hiu hắt phương nào

Sầu bên khung cửa em vào biển du

Mưa buồn ướt sợi tóc thu

Nghìn sau mắt mỏi mịt mù dáng xưa

Tình sâu biết mấy cho vừa

Đời nghiêng ngả khóc trời lưa thưa sầu.


Ngân Bình



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 07/May/2024 lúc 3:04pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/May/2024 lúc 9:37am

Đêm Cuối Cùng Tại Saigòn 

Tôi rời Việt Nam lúc 9 giờ 15 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Một ngày trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Lúc đó, tôi là một quân nhân thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân, phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biệt tại phi trường Tân Sơn Nhứt.

Lúc bấy giờ khoảng 6 giờ chiều ngày 28-4. Sau cơn mưa rào, bầu trờI Sàigòn thật trong với vài cụm mây trắng lãng đãng trên nền trờI xanh ngắt. Ðột nhiên, tôi nghe những tiếng bom nổ lớn từ hướng phi trường Tân Sơn Nhứt. Những cột khói đen, có thể nhìn thấy từ mấy cây số, bốc cao. Còi báo động hú lên inh ỏi. Từ chiếc radio, người xướng ngôn viên cho biết phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị dội bom bởi hai chiếc khu trục cơ của chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (một điều thật đáng buồn).

Ăn vội chén cơm và khoác vội bộ quân phục, tôi chào ba mẹ rồi nhảy phóc lên chiếc Yamaha nhắm hướng Lăng Cha Cả trực chỉ. Lúc ấy, tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi thưa chuyện cùng ba mẹ tôi cho đến gần hai mươi năm sau.

Tôi là một trong những người đầu tiên vừa tới cổng Phi Hùng thì hai cánh cổng sắt đã được kéo ngang cùng những vòng kẽm gai chắn lối. Lệnh 'nội bất xuất, ngoại bất nhập' vừa được ban hành. Sau mười lăm phút đợi chờ, hoang mang và không biết phải làm gì, cuối cùng tôi quyết định trở về nhà. Tôi quay lại định trở đầu xe thì mới biết, sau lưng tôi đã có hơn trăm chiếc xe gắn máy đủ loại đã đậu chắn lối tự bao giờ. Chẳng còn một chọn lựa nào khác, tôi đành ngồi yên trên xe tiếp tục chờ đợi...


Khoảng một giờ sau, cánh cổng trại Phi Hùng được mở rộng. Chúng tôi ùa vào như đàn ong vỡ tổ. Ðường đi tối như mực vì không có điện. Ngọn đèn pha của chiếc Yamaha hầu như không đủ soi sáng mặt đường nhựa, ngổn ngang dẫy đầy những mảnh vụn của gạch ngói.

Như đã trình bày ở trên, tôi phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biết (còn được gọi là xưởng Bravo) thuộc Sư Ðoàn 5, Không Quân. Ðây là một căn cứ mật, có nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo, xác định những mục tiêu của địch, rồi cung cấp những dữ kiện này cho các phi đoàn oanh tạc cơ Việt-Mỹ. Xưởng Bravo gồm ba dãy nhà hình chữ U, nằm chơ vơ, biệt lập trên một khu đất rộng. Về phía bên trái cũng như bên phải, là những ụ máy bay, hay cho dễ hiểu, là những chỗ đậu cho những chiếc phi cơ AC-47 thuộc phi đoàn 718. Sau lưng Bravo khoảng nửa cây số là phi đạo chính của phi trường Tân Sơn Nhứt. Từ sân sau, chúng tôi có thể quan sát rõ ràng những chiếc phi cơ cất cánh và hạ cánh. Vì lý do an ninh, tôi bắt buộc phải đậu xe cách xưởng nửa cây số, qua một cổng sắt, đi bộ băng ngang qua một dãy phi đạo 'taxi' rồi mới tới sở.

Tới xưởng Bravo, tôi thật bàng hoàng vì những cảnh tượng trước mặt. Trời tối như mực, không một ánh đèn ngoại trừ ánh trăng yếu ớt. Hai chiếc phi cơ AC-47 bên tay trái và phải đều bị trúng bom thiêu hủy hoàn toàn. Dãy nhà hình chữ U đã bị sập một nửa vì sự chấn động và sức ép của bom. Mảnh vụn của gạch ngói vung vãi khắp nơi, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang.

Sau khi dọn dẹp sơ sài, anh em chúng tôi điểm danh tập họp, trang bị vũ khí và chia nhau canh gác. Ðêm hôm đó, chúng tôi phải trải chiếu ngủ trên nền xi măng ngoài bờ hè vì nhà ngủ đã bị hư hại. Tôi tìm được một góc hè, ngả lưng và thiếp đi lúc nào không biết.

Ðang ngon giấc, bỗng tôi choàng tỉnh vì một tiếng 'ầm' vang dội cả một góc trời. Lúc đó khoảng 4 giờ sáng. Có tiếng la lớn: "Pháo kích, pháo kích, chết mẹ, tụi Việt Cộng pháo kích. Xuống hầm mau.". Tôi bật dậy như một cái lò xo, quơ tay chụp cây M16, lao mình nhảy vội xuống hầm trú ẩn. Những trái đạn pháo kích rớt đều cách nhau vài phút.

Những tiếng rú ghê rợn của đạn pháo kích 'chiiiuíiiuuu' rồi "ââầmmm" rồi "chiiiuíiiuuu" rồi "ââầmmm" kéo dài gần ba giờ đồng hồ. Lúc gần, lúc xa.

Có lúc, tôi tưởng chừng như trái đạn rớt chỉ cách chúng tôi vài mét. Những mảnh vụn cùng đất đá bị bắn lên cao, rơi xuống như mưa trên đầu chúng tôi.


Trời hừng sáng, đạn pháo kích thưa dần rồi ngưng hẳn. Chúng tôi bò lên khỏi hầm, duyệt xét lại cơ xưởng và kiểm điểm những hư hại. Tạ ơn Chúa, xưởng Bravo cũng không hư hại hơn, và không ai trong chúng tôi bị thương tích gì cả. Sau khi làm vệ sinh cá nhân dã chiến, chúng tôi chia nhau dọn dẹp. Ðang loay hoay sắp lại những đồ vật, bỗng tôi nghe tiếng nói nhỏ bên tai : "Ê Sỹ, tao với mày "dzọt" về nhà. Tao thấy ở đây không khá được. Tao đang giữ chìa khóa xe pick-up của sở, tụi mình viện cớ đi mua đồ ăn sáng cho anh em, rồi "dzù" luôn.".

Tôi ngẩng nhìn lên, nhận ra Lễ, một đồng đôi. Lễ ở gần nhà tôi, chỉ cách nhau một khoảng đường. Tôi ngập ngừng, suy nghĩ một lát rồi xiêu lòng đi theo Lễ ra chiếc xe pick-up. Trên đường ra cổng tôi mới có dịp quan sát kỹ cảnh hoang tàn sau một đêm bị dội bom và pháo kích. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Phi trường Tân Sơn Nhứt thật tang thương như vừa trải qua một trận động đất kinh hồn. Ðó đây, những chiếc phi cơ bị trúng đạn pháo kích, thiêu huỷ, cháy rụi, còn lại chỉ là một khối sắt đen sì. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cũng bị đạn pháo kích tàn phá, đổ nát. Một vài xác người chết nằm cong queo, đẫm máu, bên vệ đường. Cảnh đỗ vỡ, chết chóc cùng với mùi khét lẹt trong không khí đã làm cho tôi có một cảm giác rùng mình, ớn lạnh.


Từng đoàn người lũ lượt, tay xách nách mang, bồng bế, dắt dìu nhau nối đuôi nhau ra cổng. Họ là những gia đình quân nhân sinh sống trong khu gia binh đang tản cư ra ngoài để tìm sự an toàn. Sẵn có xe, chúng tôi đã tình nguyện chở giúp một số người, phần đông gồm đàn bà và con nít.

Tới cổng, tôi và Lễ bị quân cảnh đuổi trở vào. Anh quân cảnh với sắc mặt lạnh như tiền, trên tay cây M16, chặn chúng tôi lại và hô lớn: "Dân đi ra, lính đi vô.". Tôi và Lễ tiu nghỉu, vòng xe trở lại.

Tôi và Lễ trở lại Bravo khoảng 7 giờ rưỡi. Ðây đó, bạn bè tụm năm tụm ba bàn tán. Tôi và một vài người nữa đứng ngoài sân sau xem những chiếc phản lực cơ A-37 và F-5E gầm thét trên không trung, bắn từng quả rocket và thả bom vào những vị trí địch quân, lúc bấy giờ có lẽ đã sát bên phi trường. Một chiếc vận tải cơ C119, chậm chạp bay trên bầu trời. Bỗng nhiên, một vệt khói đen từ chân trời vút lên. Chiếc hoả tiễn tầm nhiệt SR7 xé gió, trong chớp mắt phá nát đuôi chiếc C119 làm nó chao đảo rồi chúi đầu đâm thẳng xuống đất. Chiếc phi cơ hai cánh quạt rơi như một quả chuối, chạm mặt đất, nổ tung tạo nên một khối lửa màu cam khổng lồ. Tôi không biết là người phi công và những quân nhân trên chiếc phi cơ xấu số đó có kịp bung dù thoát ra ngoài hay không. Thật là một cảnh tượng hãi hùng mà tôi được chứng kiến.


Khoảng gần 8 giờ, đạn pháo kích lại bắt đầu rơi. Một lần nữa, chúng tôi lại lao mình xuống hầm trú ẩn. Lần này, hình như bọn Việt Cộng đã chiếm được đài không lưu, có 'đề-lô' chấm toạ độ rõ ràng nên những trái đạn rơi thật chính xác. Từ hầm trú ẩn, tôi đã được mục kích cảnh từng chiếc phi cơ bị thiêu hủy. Một chiếc ..., hai chiếc ..., ba chiếc ... chiếc này theo sau chiếc kia, từng chiếc một, trúng đạn và bốc cháy.

Ðến gần 9 giờ sáng, đạn pháo kích ngừng rơi. Chúng tôi lại bò lên khỏi hầm trú ẩn, hoang mang không biết việc gì sẽ xảy ra kế tiếp. Từ sân sau của sở nhìn ra phi đạo chính, chúng tôi thấy những chiếc A37, những chiếc F5, rồi đến những chiếc C-130 thay phiên nhau cất cánh. Lúc đầu không ai để ý nhưng khi càng lúc càng nhiều phi cơ cất cánh, lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ là 'bà con' đang di tản. Tất cả mọi người đều nhốn nháo. Sau những lời đôi co bất đồng ý kiến, chúng tôi được lệnh bỏ sở, chen nhau trên chiếc xe pick-up, ra phi đạo với hy vọng mong manh sẽ tìm được một chiếc phi cơ.


May thay, cuối một đường của một phi đạo nhỏ, chúng tôi gặp một chiếc C-130 đang quay máy chuẩn bị để 'taxi' ra phi đạo chính. Trên phi cơ, đã có hơn 200 người, chen chúc nhau ngồi trên sàn sắt lạnh. Anh em chúng tôi lần lượt lên tàu, cũng ngồi bệt xuống sàn tàu như mọi người khác. 9 giờ 15 phút sáng 29 tháng 4 năm 1975, chiếc C-130 lướt nhanh trên phi đạo rồi nhấc bỗng khỏi mặt đất, vĩnh viễn đưa tôi rời xa SàiGòn, nơi tôi đã sống và lớn lên vớI hàng ngàn kỷ niệm buồn vui. Trên 200 gương mặt trầm tư, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, một nỗi buồn riêng tư của chính mình. Tất cả đã được thể hiện trên gương mặt mỗi người với nét đăm chiêu, tư lự. Riêng tôi, sáng hôm đó, tôi cảm thấy buồn và mất mát rất nhiều. Lý do thật giản dị, tất cả những người thân yêu của tôi đều ở lại. Tôi biết lần ra đi này, có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại những gương mặt thân yêu đó nữa.

Bất giác, một giọt nước mắt trào ra từ khoé mắt và lăn dài trên má của tôi.


Trần Quốc Sỹ

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 100 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.391 seconds.