Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Chuyện Linh Tinh | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Chuyện Linh Tinh |
Chủ đề: NHÀ HÀNG GÒ CÔNG | |
<< phần trước Trang of 98 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 12/Apr/2024 lúc 3:55pm |
Cơm nóng, cơm nguội Tôi có người bạn nước ngoài từ châu Âu qua Việt Nam tìm hiểu về văn hóa đời sống. Tôi liền khuyên anh chàng ăn cơm ngày hai bữa để làm quen với văn hóa Việt Nam. Sau một tháng anh chàng đã chào thua, trở lại ăn… bánh mì. Bị tôi chê cười, anh chàng trả đũa: "Bạn cứ thử ăn bánh mì ngày hai bữa đi, coi có chịu nổi một tháng hay không?" Tôi chào thua, đầu hàng ngay lập tức. Cơm nguội + khô cá dưa Đùa sao, tôi là dân "cơm thương" từ nhỏ đến lớn, làm gì mà ăn thứ khác thay cơm nổi đến một tháng? Tôi chợt nhận ra, lâu nay mình cứ lo chạy theo mì, phở, bánh các loại mà không biết coi trọng cái món ăn căn bản nhứt trong ẩm thực Việt: Cơm! Thấy tôi đã nhận ra được vấn đề, bạn tôi nhân tiện hỏi tới: "Vậy thì cơm quan trọng như thế nào trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam?" Trời, đi hỏi kiểu này là làm khó nhau nghen, tôi không phải chuyên gia về ẩm thực học, càng không phải nghiên cứu về văn hóa học, chỉ là nhà… ăn học (à, là học ăn đó), nào dám múa rìu qua mắt thợ! Nhưng nếu không trả lời được thì… quê quá, dù gì mình cũng ăn cơm mấy chục năm để lớn, thôi biết tới đâu nói tới đó. Tôi đằng hắng: "Cơm chia làm hai phần: cơm nóng và cơm nguội". Người Việt khi nói đến bữa cơm, luôn nghĩ đến cơm nóng trước. Trời có nóng nực cách mấy, cũng vẫn ăn cơm… nóng. Hình như cơm nóng đại diện cho một bữa ăn gia đình có người chăm sóc, nên rất ấm áp và ngon lành. Bữa cơm nào mà "cơm lạnh, canh nguội" là gia đình đó đang có "vấn đề". Trời lạnh, hay đang lúc mưa gió tơi bời, càng không thể thiếu cơm nóng. Cá chiên, thịt luộc, hay một món "tủ" của cả nhà, ăn với cơm nóng là "hạnh phúc ở quanh đây!". Có thêm mấy món chua-cay-mặn như cà pháo muối, cà pháo mắm nêm, dưa mắm, dưa giá chấm nước thịt kho sẽ càng hao… cơm nóng! (Minh họa) Với mấy đứa con nít đang ở tuổi lớn, lại lớn lên trong lúc thiếu ăn, thiếu mặc, thì có cơm nóng (không có độn) mà ăn đã sướng nhất trần gian, chan một chút nước mắm dầm ớt, sang thì có thêm chút tóp mỡ, ăn đến quên đời thôi! Cái hạnh phúc đơn sơ đó, còn có thêm cái đoạn dạo đầu sung sướng, là đang chơi mê say với bạn thì nghe tiếng kêu của má hay chị: "Tí ơi, về ăn cơm!" Cậu bé (hay cô bé) sẽ "dạ" to một tiếng rồi co cẳng chạy về nhà rửa tay, ngoan ngoãn ngồi vô bàn. Vài chục năm sau, có lẽ tiếng kêu sẽ thay bằng: "Anh ơi, ra/vô ăn cơm!" ("Em ơi, ăn cơm!" chắc ít hơn, nhưng ai dám nói là không có?) Thế hệ của bạn và tôi, cỡ 7x trở về trước, có lẽ còn có cơ hội nói câu: "Dạ, mời ba má dùng cơm!" trước khi ăn, trong khi với các bạn từ 8x trở đi, dường như câu này ngày càng hiếm gặp. Thời cuộc đã thay đổi, nên văn hóa cũng đổi thay theo! Cơm nóng ở dưới đáy nồi, để quá lửa một chút sẽ biến thành… cơm cháy. Quá lửa chút thôi nghen, thì cơm cháy mới ngon. Miếng cơm cháy vàng óng ả màu đồng, rắc tí muối lên, nhai rộp rộp giòn tan. Bây giờ nồi cơm điện từ thành thị về tận thôn quê, đâu còn ai nấu cơm bằng than hay củi mà có được cơm cháy. Nên cơm cháy nay thành món "đặc sản" nhà hàng, rắc thêm thịt chà bông và đủ thứ mỹ vị lên mà ăn theo kiểu quý tộc. Tôi bèn tự an ủi: cũng là một nét văn hóa, giữ được thì tốt, chớ nhìn ra thế giới, có ai có cơm cháy độc đáo như mình hay không? (Câu này bỏ ngỏ, tôi chưa dám trả lời, bởi về mặt này luôn cảm thấy mình như "ếch ngồi đáy giếng"). Một món nữa, phải làm lúc cơm còn nóng, nhưng ăn lúc cơm đã nguội, là cơm nắm. Cơm nóng nấu xong, xới ra một cái khăn vải, rồi cuộn lại, nắm hai đầu khăn mà nhồi, đập, lăn cho cơm trong khăn quyện lại thành một khối tròn dài, dẻo mịn. Để cơm nắm ra khay hay dĩa cho thiệt nguội, rồi mới gói trong mo cau hay khăn vải cho khỏi khô. Cơm nắm cắt ra từng miếng, chấm muối mè hay muối đậu phộng. Nó là cơm mà không phải cơm, là bánh mà không phải bánh. Lát cơm nắm vừa có vị chân chất của cơm, vừa có vị dẻo sánh của bánh, chấm muối bùi-mặn-ngọt để tạo thành một mùi thương vị nhớ cả đời không quên! Cơm nóng để qua một hồi sẽ thành… cơm nguội. Có những món ăn với cơm nóng không ngon, mà với cơm nguội thì bá cháy. Ví dụ như, cơm nguội bỏ vô nước hủ tíu, phở, bún bò còn dư mà và lùa, lúc đói thiệt đói. Tôi nhớ hoài câu cảm thán của bạn đọc Nguyễn Bích dưới bài "Bởi vì em nấu hủ tíu chờ anh…" (Minh Lê, 10/6/2020, trang Sài Gòn thập cẩm): "Nhớ hồi nhà nghèo, đông con, còn trộn cả cơm nguội vào nước hủ tíu còn dư mà ngon làm sao!" Như vậy là còn sang đó nghen, con nít nhà quê chỉ ăn cơm nguội với nước mắm kho quẹt, tí nước mắm với ớt, hên thì xin thêm chút tóp mỡ hay nước mỡ, kho cho nó quẹo lại, chan lên cơm nguội mà ăn. Không biết có phải tuổi đời chồng chất làm cho tôi hơi lẩm cẩm hay không, chớ tôi thấy rất thương cho con nít bây giờ, ăn uống cái gì cũng không thiếu, vậy mà rất thiếu cái cảm giác (và kỷ niệm) "ngon" của chúng ta ngày xưa với cơm nóng và cơm nguội. Nếu đó là cái giá phải trả cho một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung túc hơn, đến nỗi chúng ăn gì cũng không thấy ngon, cái giá đó liệu có cao hơn chúng ta nghĩ? Có cách nào làm cho cái giá đó bớt đi hay không? (Minh họa) Cơm nguội có "người em họ" sang hơn là cơm chiên. Tôi thích nhứt là lúc mấy múi tỏi đập dập bay vô chảo dầu (mỡ) đã nóng kêu cái xèo, mùi thơm lựng tỏa ra khắp nhà, thấm vô từng hột cơm nguội xoay tròn trong chảo, như đang nhảy điệu valse theo sự chỉ đạo của cái sạn (xẻng), dần dần chuyển sang màu vàng tươi, rồi bừng lên mùi thơm đậm đà của trứng gà, tiêu và nước mắm. Cơm chiên có nhiều phiên bản, nhưng tôi vẫn ưa nhứt cơm chiên với trứng và cơm chiên (không), một phần do ký ức tuổi thơ, một phần vì chúng dễ làm và dễ ăn. Ngoài ra còn một món đặc biệt cần cơm nguội: cơm hến Huế. Tôi có may mắn được một người bạn Huế chính tay nấu cơm hến Huế cho ăn, sau lần đó, nghe đến cơm hến Huế là lòng tôi thấy… rung động. Thứ nhứt là vì món này thực sự là một món kỳ công, từ việc chuẩn bị đủ loại rau thơm, khế, bắp chuối bào đến các loại gia vị như tóp mỡ, đậu phộng rang hay mè, tương ớt, nước ruốc, và cuối cùng khâu quan trọng nhất là làm sạch, luộc và xào hến. Thứ hai vì nó… quá cay, mà không cay thì không phải là cơm hến như lời bạn tôi tha thiết dặn. Đừng nói tôi, ngay nhà văn Trần Kiêm Đoàn, vốn là "người Việt gốc…ớt" chính hiệu, mà còn phải than: "Cái thuở ban đầu…'cơm hến' ấy, Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên" (!) Ai muốn biết cái thuở ban đầu của Trần Kiêm Đoàn với cơm hến ghê gớm ra sao mà tác giả phải thêm một dấu chấm than, xin mời tìm đọc "Chuyện khảo về Huế" với bài viết "Cơm hến". Nói cho cùng, cơm ở đây chính là nền tảng cho bữa ăn Việt, bởi người Việt không thể thiếu cơm, như anh bạn Âu châu của tôi không thể thiếu…bánh mì. Cơm không được ca ngợi nhiều như những món ăn khác, thậm chí "Anh đi, anh nhớ quê nhà", anh cũng chỉ nhớ "canh rau muống, cà dầm tương" nhưng nếu thiếu cơm thì canh – cà, làm sao còn ra hương vị quê hương nữa? Nên tôi nói với anh bạn mình, tôi sẽ kể cho anh một chuyện tình hoàn toàn bằng "cơm" trong tục ngữ và ca dao, để anh hiểu được vị trí của cơm trong văn hóa Việt. Câu chuyện bắt đầu khi chàng trai gặp cô gái, chàng son sắt ngỏ lời: "Ăn cơm ba chén lưng lưng, Uống nước cầm chừng để dạ thương em". Đến cơm mà cũng ăn cầm chừng sợ hết "dạ thương em" thì tình tứ quá, cô gái dĩ nhiên sẽ cảm động. Rồi họ bắt đầu "góp gạo nấu cơm chung", sống những năm đầu hạnh phúc: "Trời mưa cho lúa chín vàng, Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm". Buồn thay, anh chàng bỗng sinh thói làm biếng nên cứ chờ vợ "cơm bưng nước rót". Đã vậy: "Đàn ông đều thích ăn quà, Ăn quà cho đã, về nhà ăn cơm. Nhai cơm như thể nhai rơm, Cho nên cứ phải vừa cơm vừa quà". Anh chàng lo ăn "phở", ăn "quà" ở ngoài, nên khi cô vợ biết được, bữa ăn bắt đầu "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Cô vợ thấy giận hoài không có kết quả nên xuống giọng ngọt ngào: "Chàng ơi phụ thiếp làm chi, Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng" Nói đến mức đó rồi mà anh chàng vẫn không chịu quay đầu, cô vợ đành dứt áo ra đi, trước khi đi bỏ lại hai câu: "Một ngày hai bữa cơm canh, Lấy ai lo liệu cho anh một đời?" Nàng đi rồi, anh chàng mới thấy thấm thía: "Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè". Con người ta thiệt lạ, đến khi đã mất rồi mới hiểu được giá trị của điều đã mất đi. May mà anh bạn cảnh tỉnh tôi kịp thời, tôi mới hiểu ra cái bản chất bình dị nhứt, thân thuộc nhứt trong cuộc đời mình là cái đáng quý nhứt. Cơm, dù là cơm nóng hay cơm nguội, sẽ son sắt theo tôi đến cuối cuộc đời, bởi khi sinh ra, tôi là người Việt! Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 12/Apr/2024 lúc 3:59pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 19/Apr/2024 lúc 7:48am |
Đây mới thật sự là quán cơm niêu ngon ai ở Sài Gòn nên thử một lần cho biết <<<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Apr/2024 lúc 7:52am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 30/Apr/2024 lúc 10:48am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 06/May/2024 lúc 12:26pm |
XÍ QUÁCH LÀ GÌ ?Đơn giản xí quách là trư cốt, là xương heo đọc theo âm Quảng Đông. Hồi đầu mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gà, xương gì gì nữa cũng được kêu tuốt là xí quách. Chiều chiều, các bợm nhậu thường ghé quán hủ tiếu gọi một tô xí quách lai rai. Chừng mà chủ quán kêu hết xí quách rồi thì coi như đời tàn, chẳng còn gì vui hết, lại phải về sớm với bà vợ lắm điều. Mà nhiều khi còn bị vợ hỏi xóc hông “Ông chơi với bạn bè ra sao mà người ta không cho vô bàn nhậu, phải về sớm vậy nè, hả?”. Xương còn cứng thì dáng người thẳng thóm, tướng đi hùng dũng. Xuơng loãng rồi tướng đi lòm ròm, đầu gối lủng củng còn gì là uy phong. Ngoài ra, xương sống mà nhất là tủy sống là nơi sản sinh ra cội nguồn sự sống. Lớn tuổi rồi, bộ máy sinh học đã mệt mỏi theo năm tháng, phần cần dùng lúc nào cũng nhiều hơn năng lực sản xuất. Không biết cách điều tiết thì nhiều khi phải ăn vào vốn, là nguy cơ đi gặp ông bà sớm. Vậy là hết xí quách rồi. Có món ngon rồi, lại phải biết cách ăn mới thú. Tui có sưu tầm được cái kêu là “triết lý gặm xương” xin chép lại đây chia sẻ với mọi người: Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách. Xương như xương nấu nước lèo phở thì chẳng còn gì để gặm; xương ở nhà hầm thì được vì còn dính nhiều thứ. Xương nước lèo phở phải là loại xương trắng, đã bị cạo bỏ tất cả những gì bám bên ngoài, và thụt bỏ tuỷ bên trong. Nước lèo của tiệm phở trong veo như nước mưa, mùi thơm nức. Để chuẩn bị nấu nước lèo, thấy họ nạo xương ống sạch trơn bên ngoài, rồi cưa ra thọc bỏ tuỷ bên trong; nếu còn dính tí gì thì nước đục, không thơm. Xương như vậy thì chẳng còn gì để gặm. Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn dòn. Đang gặm tí da tí mỡ của giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Những khi ăn đám ăn tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này vì muốn bảo toàn danh dự, tuy lòng tiếc hùi hụi. Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào.” Lòng ta phơi phới. Cái thú thứ hai là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Cục xương to nhất không hơn nắm tay như giò heo hoặc đuôi bò, dài khẳng khiu không hơn cây bút chì như xương chân gà, lại cho ta nhiều thứ để thưởng thức như vậy. Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không thức ăn nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương. Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi. Rỉa một miếng xí quách, chấm vào xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ, “Đời cũng còn nhiều thú vui đơn sơ mà đáng sống.” Mà đúng thật, ăn xí quách cũng như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, khi đầy toan tính, khi thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá húng quế hoặc ngò mùi, ngò gai, cắn một tí ớt. Cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không có gì tiêu biểu cho cuộc đời lên voi xuống chó cho bằng gặm xương. Gặm xương còn là một liều thuốc bổ, Calcium. Không hiểu sao nhiều người phải mua calcium về uống, trong khi xương là nguồn calcium vô tận. Thử hỏi uống một viên Calcium, vừa nhạt nhẽo vừa nóng, sao cho bằng gặm một cục xương, vừa béo vừa bùi? Thế mới biết, người Mỹ người Tây cần uống Calcium vì họ không biết gặm xương! Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án. Ta nên bắt đầu từ chỗ nào? Phải gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi. Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo. Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn. Đúng thế ! Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng. Gặm xương là một việc mạo hiểm. Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Hay lại chính là cục xương làm mẻ răng ta? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểm “ngậm ngải tìm trầm.” Gặm xương còn dạy cho ta biết tuỳ thời, nghĩa là biết khi nào gặm, khi nào bỏ. Đến lúc gặm mà không gặm thì mất miếng béo bở; đến lúc bỏ mà không bỏ thì càng ráng càng gặp sức cản trở, không khéo thì gãy răng như chơi! Chẳng ai còn lạ gì câu, “Thuận thiên dã tồn; nghịch thiên dã vong”. Thế nhưng cái sự “thuận thiên” này cũng truân chuyên lắm. “Thuận thiên” mà không khéo thì bị phê là “nịnh bợ” hoặc là “ăng-ten”. Tuỳ thời trong việc gặm xương cũng na ná như lập phương án, biết bắt biết buông, chẳng khác gì người biết chơi đàn thập lục. Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng nhiều nơi. Nhưng quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố xí quách ta vẫn còn ngon. ĐỖ DUY NGỌC |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 31/May/2024 lúc 1:00pm |
Bún Bò Huế Răng chừ trở lại Cố Đô, Bún từ bột gạo nàng-hương, Rau thơm, xà-lách tươi dòn, Càng cay, càng thích thấu trời! Trần Quốc Bảo |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 11/Jul/2024 lúc 3:25pm |
Dứa hồng: ‘Pinkglow’, Một điều kỳ diệu về di truyền hay mánh lới tiếp thị? Gần đây, những người yêu thích trái cây cũng như các ngôi sao trên mạng xã hội đã bắt đầu quan tâm đến “Pinkglow”, một loại dứa màu hồng có tên chính thức. Fresh Del Monte đã làm nên điều kỳ diệu về biến đổi gen này. Nó có thịt màu hồng và vị ngọt hơn, nhưng nó thực sự là một điều kỳ diệu về di truyền mới hay chỉ là một thủ thuật tiếp thị thông minh? Sự ra đời của Dứa Hồng: Nó được tạo ra như thế nào? Dứa “Pinkglow” được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền, thay đổi DNA của dứa thông thường. Fresh Del Monte bắt đầu nghiên cứu loại trái cây có một không hai này vào năm 2005 với mong muốn tạo ra thứ gì đó khác biệt cả về hình thức lẫn hương vị. Sắc tố lycopene màu đỏ hồng trong dứa thông thường chuyển thành sắc tố beta-carotene màu vàng. Tuy nhiên, “Pinkglow” giữ màu hồng vì quá trình enzyme tự nhiên này đã dừng lại. Các nhà khoa học đã làm điều này bằng cách thêm DNA từ quýt và sử dụng phương pháp làm im lặng RNA để làm giảm các enzyme phân hủy lycopene của dứa. Họ cũng làm cho loại cây này miễn nhiễm với một số loại thuốc diệt cỏ bằng cách thêm một gen từ cây thuốc lá. Điều này được thực hiện để những thay đổi khác có thể được kiểm tra. Những thay đổi gen này mang lại cho “Pinkglow” màu sắc độc đáo và làm cho nó ngọt ngào và mọng nước hơn, khiến những người đã thử nó đều yêu thích An toàn và quy định Giống như tất cả các sinh vật biến đổi gen (GMO), dứa “Pinkglow” đã trải qua quá trình thử nghiệm rộng rãi và sự giám sát chặt chẽ của chính phủ trước khi được tung ra thị trường. Chính phủ Costa Rica và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết ăn trái cây đó là an toàn. “Pinkglow” cũng đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra và cho biết nó an toàn và tốt cho sức khỏe giống như bất kỳ loại dứa nào khác. Nhờ những cuộc kiểm tra kỹ lưỡng này, mọi người có thể sử dụng “Pinkglow” mà không cần cân nhắc liệu nó có an toàn hay không. Del Monte đã tiếp thị loại dứa “Pinkglow” để thu hút khách hàng hiện đại. Với vẻ ngoài bắt mắt và bao bì độc đáo, “Pinkglow” được tạo ra để có thể đăng lên Instagram. Điều này sẽ khuyến khích mọi người chia sẻ và truyền bá trên phương tiện truyền thông xã hội. Trang web “Pinkglow” thảo luận về vẻ đẹp của loại trái cây này và khuyên mọi người “hãy khiến bạn bè và những người theo dõi bạn phải ghen tị”. Kế hoạch kinh doanh này đang hoạt động. Fresh Del Monte cho biết doanh số bán dứa tăng lên rất nhiều, trong đó giống “Pinkglow” giúp doanh số bán hàng tăng 25% vào năm 2023 so với năm trước. Các công thức nấu đồ uống và thực phẩm được làm bằng “Pinkglow”, như bánh ngọt ngâm rượu rum và món tepache tự làm, khiến nó càng trở nên hấp dẫn hơn, khiến nó trở thành một món bổ sung hợp thời và hữu ích cho bộ sưu tập của bất kỳ đầu bếp nào. Khách hàng phản ứng thế nào và tương lai sẽ ra sao Người dân quan tâm đến “ánh hồng” mặc dù giá của nó cao hơn gấp đôi so với một quả dứa thông thường ($9,99 mỗi quả dứa). Nó hấp dẫn vì vẻ ngoài độc đáo và hương vị được cải thiện, đặc biệt là cho các sự kiện đặc biệt và các cuộc tụ họp xã hội. Quan điểm của mọi người về thực phẩm biến đổi gen có thể thay đổi do sự phổ biến của các loại thực phẩm mới và thú vị như “Pinkglow”. Thành công của “Pinkglow” cũng có thể giúp ngành kinh doanh thực phẩm chấp nhận GMO một cách tổng thể hơn. Trước đây, các sản phẩm GMO tập trung nhiều hơn vào lợi ích nông nghiệp, chẳng hạn như khả năng kháng sâu bệnh. Mặt khác, “Pinkglow” lại hấp dẫn người tiêu dùng vì nó có vị ngon và hình thức đẹp mắt. Điều này có thể thay đổi cách mọi người nghĩ về thực phẩm biến đổi gen và khiến chúng được chấp nhận rộng rãi. Dứa “Pinkglow” không chỉ là một thủ thuật tiếp thị. Nó cho thấy kỹ thuật di truyền có thể tạo ra những thực phẩm ngon và tốt cho sức khỏe như thế nào. Vị ngọt tăng lên và vẻ ngoài độc đáo của trái cây cũng giúp nó hoạt động tốt. Một lý do chính khiến nó nổi tiếng là vì nó trông rất đẹp trên Instagram. Mọi người ngày càng quan tâm đến những món ăn mới, thú vị và trông đẹp mắt. Dứa “Pinkglow” là một ví dụ tuyệt vời về cách khoa học và tiếp thị có thể phối hợp với nhau để tạo ra sản phẩm được mọi người yêu thích. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 16/Jul/2024 lúc 2:26pm |
CHUYỆN VỀ BÁNH BAO CẢ CẦN NỔI TIẾNG Ở SÀI GÒN VÀO NHỮNG NĂM 70 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC
Nói về ẩm thực ở Sài Gòn thì phải nói là đa dạng từ món ăn , cách nấu cho đến người làm ra món ăn ấy. Ở Chợ Lớn, tại khu người Hoa đặc biệt nổi tiếng là nấu ăn ngon hợp khẩu vị của nhiều người từ hủ tiếu, sủi cảo, há cảo, bánh bao,… Tuy nhiên khi nhắc đến bánh bao thì ngoài bánh bao được làm bởi người Hoa thì người ta còn nhớ đến loại bánh bao Cả Cần. Món ăn của người Hoa có độ bóng đẹp bởi người ta thường chiên xào đồ ăn bằng nhiều dầu nên nhân bánh bao mà người Hoa làm khi ăn vào sẽ cảm thấy có nhiều dầu và trộn lẫn cả cá bên trong nhân. Tuy nhiên đối với nhân bánh bao Cả Cần thì hoàn toàn được làm bằng thịt băm nên khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt. Nhìn bên ngoài thì bánh bao Cả Cần hơi hẩm chứ không được trắng như bánh bao của người Hoa vì bánh bao Cả Cần không sử dụng bột tẩy. Khi cắn lớp vỏ bánh bên ngoài thì cảm nhận được vị bùi, ăn không dính răng . Bánh bao Cả Cần được sản xuất tại Sài Gòn, đậm vị bánh được làm ra bởi người dân miền Nam Việt Nam. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, bánh bao Cả Cần đã xuất hiện ở một vài quán ăn nhỏ và được nhiều người biết đến ở khu vực Nguyễn Tri Phương – Chợ Lớn cũ. Bây giờ nó đã được phát triển với quy mô lớn, nằm hẳn hoi một quán xá to lớn và mát mẻ nằm cạnh ngã 4 Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương, trước côɴԍ viên Văn Lang . Ông Trần Phấn Thắng là người đã làm ra bánh bao Cả Cần và món ăn ấy như một “lão làng” được nhắc đến trong lịch sử ẩm thực Sài Gòn. Ngày nay quán vẫn đông khách, ngoài bánh bao thì quán còn bán cả hủ tiếu nhưng nhiều người vẫn thích ăn món bánh bao Cả Cần của ông Trần Phấn Thắng làm ra. Tuy nhiên sau năm 1979 cả nhà ông đã di cư sang Canada sinh sống, hiện nay ông Cả Cần đã không còn. Ông Trần Phấn Thắng là người gốc Mỹ Tho, anh của ông thời Việt Nam Cộng Hòa có chức vị là sỹ quan Quân Lực VNCH, còn ông Thắng là người con thứ 3 trong gia đình. Nhạc sĩ Lê Thương, nhà báo và dân biểu đối lập thời VNCH Lý Quý Chung cũng từng là bạn của ông Thắng. Thời đó, ông Thắng là người có tâm hồn nghệ sĩ và rất thích văn chương. Vậy nên ông có bạn là nhạc sĩ, nhà báo cũng là chuyện bình thường Ông Cả Cần có niềm yêu thích con chữ đến nỗi ông khá thích những chữ có cùng phụ âm. Ngay cả câu châm ngôn quảng cáo thương hiệu của ông, ông cũng đặt là : - “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”. Sự ra đời của quán Ông Cả Cần Hai vợ chồng ông bà Cả Cần làm việc trong Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã nghỉ việc và ra làm kinh doanh riêng, mở quán bán hủ tiếu và bánh bao. Bà Cả Cần quê gốc ở Bến Tre và có tài nấu ăn rất ngon. Còn ông Cả Cần thì có tài ngoại giao giỏi và quen biết rộng rãi nên quán của hai ông bà được khá nhiều người biết đến. Bà Cả Cần có bí kíp nấu nước lèo rất ngon, một khi ăn là ghiền. Cách bài trí món ăncủa bà cũng thật đơn giản, chỉ có xá xíu với tôm lên trên nhưng hủ tiếu bà nấu thì ngon không đâu bì kịp. Với sự quen biết rộng rãi của mình, ông Thắng đã mượn nghệ danh của cô Năm Sa Đéc (vợ của cụ Vương Hồng Sển) để quảng cáo cho tiệm Ông Cả Cần và có gửi cho bà chút tiền hằng tháng coi như là tiền cảm ơn. Vậy nên bà Năm chỉ là người được ông Thắng mượn danh nghĩa chứ không hề liên quan đến chuyện nấu món ăи của tiệm Ông Cả Cần. Toàn bộ món ăn hủ tiếu, bánh bao đều được vợ của ông Thắng nấu. Tên quán “Ông Cả Cần” cũng được đích danh ông Thắng đặt. Cô Năm Sa Đéc – Người được ông Cả Cần mượn danh nghĩa để quảng cáo quán ăn của ông Vào khoảng những năm 70, quán ăn của ông Thắng nằm ở giữa đường, chắn ngang con đường Nguyễn Trãi khiến Đô Trưởng Đỗ Kiến Nhiễu phải bắt dỡ bỏ tiệm. Hai vợ chồng Thắng không nghe, quyết theo kiện tới cùng nên ông bà ăn giữ được quán ăn . Gia đình ông Cả Cần đã rời khỏi Việt Nam Sau năm 1975 có nhiều biến đổi trong đời sống kinh tế và xã hội ở Sài Gòn. Về phần gia đình ông Thắng thì vẫn giữ được một số tài sản nên quyết định định cư ở nước ngoài và sống ở Montreal, Canada. Sau đó, với số tiền mang theo ít ỏi trước khi rời Việt Nam, ông cũng mở được 2 quán ăn . - Một quán tên ONG CA CAN ở trên đường Catherine. - Quán thứ hai ở Côte des Neiges. Vào khoảng những năm 89 – 90, ông bà cũng có quay lại Sài Gòn để tìm lại quán ăn cũ của gia đình mình. Sau này quán để lại cho người quen và người thân trông nom còn ông bà thì quay lại Canada. Tuy nhiên cách chế biến của quán bị thay đổi ít nhiều, một phần vì người trông nom quán không có được côɴԍ thức nấu nước lèo của bà Cả Cần, một phần là nước lèo bị chế biến lại, cho nhiều thứ khác lên trên, không còn nguyên vị của món ăn Ông Cả Cần nữa. Có người nói rằng nếu ăn đồ ăn ở quán Cả Cần thì có thể ăn buổi chiều để nếm được hương vị bánh bao đúng chuẩn, vì bánh bao này được một bà con của ông bà Cả Cần làm, bà ấy được bà Cả Cần chỉ cho làm món bánh bao ấy nên vẫn giữ được vị của nó. Ông Cả Cần quay lại Việt Nam Bà Cả Cần sau này bị tai biến mạch мáυ não, bà cứ nằm như thế và qua đời vào năm 1995. Con cái cũng ít người nối nghiệp của ông bà. Ông Cả Cần thì cũng về Việt Nam để làm ăn nhưng rồi cũng qua đời ở đây. Một trong hai quán ăn của ông bà ở Canada cũng đóng cửa. Còn quán ăn ở đường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn có tên là Ông Cả Cần có thể là lúc ông Cả Cần quay trở lại nước để làm ăn. Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Jul/2024 lúc 2:28pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 20/Jul/2024 lúc 10:22am |
Các loài hoa không chỉ đẹp mà còn ăn đượcHoa thường dùng để trang trí, làm đẹp, thế nhưng việc dùng chúng để nấu ăn thì không phải ai cũng biết. Và trong nền ẩm thực phong phú và đa dạng của Việt Nam có rất nhiều loài hoa được dùng để chế biến thành món ăn vừa hấp dẫn, vừa có lợi cho sức khoẻ.
Hoa thiên lý Ngoài tác dụng trang trí như một loại cây cảnh đẹp mắt, hoa thiên lý còn có thể ăn được, chúng có vị ngọt dịu, mùi thơm nồng đậm dễ ngửi. Đặc biệt giá trị dinh dưỡng trong hoa thiên lý rất cao, với đa dạng các loại vitamin, chất xơ, chất đạm,... Chúng có tác dụng tích cực đến chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, chống viêm hiệu quả,...
Bạn có thể sử dụng hoa thiên lý để chế biến các món xào hay các món canh, hoa thiên lý có thể dễ dàng kết hợp cùng với hầu hết các nguyên liệu mà không phải lo về vấn đề ngộ độc thực phẩm. Hầu như tất cả món ăn từ hoa thiên lý đều mang đến vị ngon khó cưỡng, rất đáng để thử. Tuy nhiên khi chế biến, bạn không nên để cho hoa thiên lý quá chín để có thể giữ trọn giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị của loài hoa thơm ngon này nhé.
Hoa điên điển Hoa điên điển còn có tên gọi khác là hoa điền thanh, hoa muồng rút, sinh trưởng và phát triển tại vùng đất đầm lầy, dưới các ruộng nước. Chúng xuất hiện nhiều tại vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi, khu vực phía Bắc như các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, bạn vẫn có thể tìm thấy những bó hoa điên điển vàng rực, bắt mắt.
Khi ăn hoa điên điển thường tiết ra vị ngọt dịu, xen lẫn chút hậu đắng nhẹ, bạn có thể thử thực hiện món hoa điên điển xào tép, hoa điên điển nấu canh chua cá linh,.. Không chỉ đơn thuần là một loài hoa ăn được, hoa điên điển còn chứa thành phần dinh dưỡng cao. Thích hợp dùng để thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và có tác dụng hữu hiệu trong việc an thần.
Hoa hồng Hoa hồng từ lâu đã được xem là loài hoa mang vẻ đẹp quyến rũ, lộng lẫy trên từng cánh hoa, nhưng không phải ai cũng biết hoa hồng còn là nguyên liệu cho nhiều bài thuốc điều hòa kinh nguyệt, chữa trị viêm da, hỗ trợ làm giảm mụn nhọt hay trị đau bụng một cách hiệu quả.
Ngày nay bạn có thể thấy nhiều loại sản phẩm trà hoa hồng với nụ hoa sấy khô dùng để pha cùng với nước nóng, khi uống còn có công dụng an thần, giảm căng thẳng. Hoa hồng còn có thể dùng làm siro. Trong hoa hồng còn có rất nhiều vitamin C và các dưỡng chất khác rất tốt cho cơ thể, do đó bạn có thể thử tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của hoa hồng cũng như các cách sử dụng sao cho thật phù hợp.
Hoa atiso Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy những đóa hoa atiso tươi mới nhất ngay tại Đà Lạt, Sapa, được người nội trợ ưa chuộng sử dụng như một nguồn thực phẩm mang đến giá trị dược liệu tuyệt vời dành cho cơ thể con người.
Hoa atiso khi dùng chế biến món ăn có thể giúp cơ thể cung cấp thêm nhiều năng lượng, các thành phần chất khoáng, vitamin phù hợp để bồi bổ cơ thể, làm mát gan, rất tốt với người bị bệnh tiểu đường,.. công dụng mà hoa atiso mang lại là khó có thể phủ nhận. Cùng với cách chế biến đa dạng, bạn có thể dễ dàng thực hiện món canh atiso thanh mát, món mứt atiso ngon ngọt, hay tinh tế với món trà hoa atiso thanh mát. Hoa cúc (Chrysanthemum) Không chỉ mang vẻ đẹp dịu dàng với cánh hoa trắng tinh, khá mỏng và nhỏ, phần nhụy hoa to hơn có màu vàng ươm hút mắt.
Bên cạnh tác dụng trang trí, những đóa hoa cúc còn được biến tấu thành loại nguyên liệu ăn được, mang đến cho người dùng những trải nghiệm hương vị mới lạ.
Trong hoa cúc có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, thúc đẩy quá trình chống viêm trong cơ thể người, chúng được đánh giá là một loại thảo mộc dành để điều trị mất ngủ, rối loạn xương khớp,.. Trà hoa cúc được sản xuất và bày bán khá đại trà, khi nếm thử có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu, vị thanh mát. Nếu thích bạn có thể dùng để nhâm nhi cùng với 1 ít bánh ngọt.
Hoa ban Hoa ban nổi tiếng của vùng núi rừng Tây Bắc, mang vẻ đẹp trong trẻo thuần khiết, cánh hoa mỏng manh, vô cùng đẹp mắt. Bên cạnh đó, hoa ban còn là nguyên liệu chính cho các món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực dân tộc Thái.
Một số món ăn quen thuộc được người phụ nữ Thái chế biến thường xuyên là món xôi hoa ban, hoa ban xào cải, hoa ban còn được dùng để nấu canh thịt hoặc sườn non cực kì hấp dẫn. Theo Đông Y, nước đun từ hoa ban tươi hoặc hoa ban khô có tác dụng tích cực trong việc hạ sốt, ngừa viêm, trị mụn nhọt, đau bụng và tiêu chảy,... Hoa thì là Có thể bạn đã từng nghe đến, rau thì là thường được sử dụng như một loại nguyên liệu tạo mùi thơm cho các món ăn thêm hấp dẫn. Nhưng thật ra cây thì là có thể ăn được từ hoa đến thân lá, khi ăn bạn có thể nhận thấy chúng có mùi vị tương tự như cam thảo, dễ chịu. Trong hạt của cây có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, cuống hoa có nhiều chất xơ, chúng có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa, rất có ích với sức khỏe của con người.
Hoa sen Trong khi những loại hoa khác có thể chế biến thành các món ăn dân dã, thì hoa sen chỉ thích hợp với món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều ăn được. Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen,… tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
Hoa chuối Hoa chuối hay còn được gọi là bắp chuối, là 1 trong các bộ phận của cây chuối mà người Việt Nam ưa thích.
Với một chiếc bắp chuối bạn hoàn toàn có thể thực hiện các món ăn khác nhau từ các món gỏi trộn bắp chuối tôm thịt chua ngọt bắt vị, đến các món canh chua tuyệt vời, hương vị độc đáo, lạ miệng với món hoa chuối kho tiêu mà ngon đến ngất ngây. Vốn là nguồn nguyên liệu đậm nét mộc mạc nhưng hoa chuối lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ điều trị thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm viêm, còn có tác dụng kích sữa sau sinh,… Lưu ý về việc sử dụng hoa trong ẩm thực Chỉ ăn những loài hoa nào bạn đã có đủ thông tin và cơ sở để chắc chắn rằng chúng ăn được. Một số loài hoa tuy khác nhau nhưng lại có hình thức từa tựa nhau và rất dễ nhầm lẫn. Hãy nhận diện thật kỹ loài hoa mình lựa chọn trước khi ăn hoặc chế biến. Chỉ ăn những bông hoa được gieo trồng một cách sạch sẽ và hữu cơ. Phần lớn hoa được bày bán trong các cửa hàng hoa tươi kỳ thực được phun thuốc trừ sâu vì chúng vốn không được trồng để ăn. Rửa hoa thật kỹ trước khi ăn sống hoặc chế biến. Với hầu hết các loài hoa ăn được, cánh hoa là phần an toàn nhất và ngon nhất để ăn. Nếu bạn không chắc một loài hoa nào đó có ăn được không, hoặc không yên tâm về nó, tốt nhất không nên ăn. |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 25/Jul/2024 lúc 1:29pm |
Quê Huơng Mến Yêu_ Món Ăn Miền Nam 07122004.mp3 é4293 <<<<<< Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 25/Jul/2024 lúc 1:32pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: Online Số bài: 23165 |
Gởi ngày: 08/Aug/2024 lúc 12:06pm |
Rau càng cua Rau càng cua (Truyện ngắn)Ở một làng nọ, có một gia đình nghèo, đông con, người cha, chủ gia đình thì không may mất sớm, mọi việc trong ngoài đều do người mẹ đảm đương, lo toan. Do không có đất canh tác, người mẹ hàng ngày phải chạy vạy, mua gánh, bán bưng ngoài chợ để kiếm tiền, kiếm gạo đấp đổi qua ngày với một bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Sau buổi chợ, bà dùng số tiền lời ít ỏi mua vội chút cá mắm, thịt thà ế về rồi chạy qua các vườn hàng xóm, xin hái những đọt rau, đọt lá hoang dại để nấu một nồi canh to, kho vội nồi kho với nước mắm mặn nhiều hơn thịt, cá... Mấy mẹ con xúm nhau cùng ăn cơm trong cảnh nhà lụp xụp, tềnh toàng vì thiếu bàn tay mạnh mẽ của đàn ông. Vào mùa mưa, khi rau càng cua mọc nhiều, bà thường qua nhà hàng xóm, có nhà tường, xin hái loại rau này về rửa sạch, bóp với giấm chua, bỏ thêm vài hạt đậu phộng rang vàng.. bày ra cho con ăn. Bọn trẻ rất thích món ăn đơn giản mà ngon miệng này, nhất là thằng con trai lớn, cũng là đứa con trai duy nhất trong sáu đứa con, nó rất mê món rau trộn giấm, chua chua, ngọt ngọt của mẹ nó. Một hôm, sau buổi cơm với rau càng cua bóp giấm, nó nói với mẹ như người lớn: - Ngộ quá hén mẹ, rau càng cua là món ăn của nhà nghèo mình mà sao nó chỉ mọc trên đất nhà giàu, đến rau lá mà cũng chỉ nịnh, thương nhà giàu thôi, nhà mình có bao giờ nó thèm mọc đâu, muốn ăn mẹ phải đi xin của người ta. Sau này lớn lên, con sẽ xây nhà tường để rau càng cua mọc ở nhà mình, mẹ khỏi đi xin nữa.. Bà mẹ rơm rớm nước mắt, ôm thằng con vào lòng, hôn lên mái tóc khét mùi nắng của nó và nhớ những ngày chồng bà còn sống, nhớ những hạnh phúc bà đã được hưởng khi còn bờ vai mạnh mẽ để nương tựa...rồi bà khóc, nước mắt lặng lẽ rơi lên mái tóc của thằng con. Thằng con không hay, vẫn nói với mẹ những ước mơ của một đứa trẻ nghèo, sớm mất cha... Rồi thời gian trôi nhanh, bầy con của bà cũng đều đã lớn khôn, mấy đứa con gái, đứa lấy chồng xa, đứa lầy chồng gần. Còn thằng con trai cả của bà nhờ có chí quyết làm giàu từ nhỏ, chịu học hành, chịu thương chịu khó giờ trở thành một chủ doanh nghiệp lớn, thành đạt ở Sài gòn, cưới vợ là giám đốc một công ty, đối tác làm ăn là các công ty nước ngoài, đã giàu càng giàu hơn. Thằng con trai bà đã giữ lời hứa, cất cho bà một ngôi nhà tường khang trang, to đẹp nhất xóm. Do công ăn chuyện làm túi bụi, thằng con trai ít khi có dịp về thăm mẹ, cả năm có một cái đám giỗ cha nó cũng không về được lần nào từ khi nó cưới vợ, nó nói với bà nó bận lắm, nhưng được cái tháng nào nó cũng gởi tiền về cho bà xoay xài thoải mái, không còn cảnh thiếu trước hụt sau như ngày nào. Lối xóm thấy bà như vậy, ai cũng khen bà có phước, có con làm ăn giàu có. Nghe vậy bà cũng cười, ra chiều vui lắm nhưng trong lòng bà héo hon mà đâu ai biết. Vật chất dư thừa nhưng tình cảm thiếu thốn, cũng chẳng vui vẻ nổi, bà ra vào thui thủi có một mình, có đứa con gái nhà cách mấy dây đất nhưng cả tuần nó mới ghé thăm chút rồi về, nó cũng bận bịu chuyện chồng con mà. Thỉnh thoảng về chiều, nghe tiếng con bìm bịp kêu nước lớn, nước ròng, nằm trên vòng, bà thở dài..Giá mà được như ngày nào, mẹ con xúm xít bên nhau, với nồi cơm nóng, với tô canh tập tàng hái vội của hàng xóm. Nghèo mà được gần gũi con cái, hơn là dư ăn, dư mặc phải lủi thủi một mình..Rồi bà lại nghĩ, tình mẹ cha như nước trên nguồn, cứ đổ về xuôi, nước bao giờ chịu chảy ngược...thì thôi. Bà lại thiếp đi trong tiếng võng đong đưa, trong giấc mơ bà lại thấy mình ôm thằng con trai vào lòng, ngửi cái mùi tóc khét nắng của nó, bà lại mĩm cười, nụ cười hạnh phúc của một người mẹ nghèo.. Một hôm, sau mấy cơn mưa đầu mùa, rau càng cua mọc rất nhiều trước sân nhà bà ấy, nhưng cọng rau trắng đục, mọng nước, điểm xuyết những chùm hạt nho nhỏ, xanh xinh xinh..nhìn đám rau bà lại nhớ thằng con trai nơi chốn thị thành, không biêt nó bận bịu gì mà cả tháng nay cũng không gọi điện về thăm bà, rồi bà lại nhớ xưa nó rất mê món rau trộn giấm do bà làm. Nhớ vậy và sẵn có rau mới mọc đầu mùa, bà hái một vỏ xách đầy, gởi nhà cho đứa con gái rồi ra lộ đón xe đi Sài gòn thăm con. Đương xa, nắng gắt, khi đến nhà con thì mớ rau càng cua đã héo mềm đi, bà nhờ cô giúp việc để rau vào tủ lạnh giúp rồi quày quả qua bên quán tạp hóa đầu đường mua đậu phông và giấm chua về để chế biến món rau mà con bà yêu thích, bà rất vui vì biết chắc con trai mình sẽ mê tít cho mà xem, mà gớm, cái con vợ của nó sao tệ quá, trong nhà không có nổi một giọt giấm ăn...bộ nó không biết nuôi giấm à, để sẵn về làm keo giấm nuôi và chỉ cho nó cách nuôi giấm luôn..ba khẻ mĩm cười hạnh phúc.. Không ngờ, buổi chiều đó con dâu bà đi làm về sớm, mang một số rau quả cao cấp mua ở siêu thị đem cất vào tủ lạnh, thấy bọc rau càng cua héo queo quắt, cô ta xách thảy vào thùng rác. Bà về tới, nghe thằng con trai cằn nhằn vợ: “Tại sao em ném rau của má vậy, từ quê xa xôi mà đem lên làm cho anh ăn đó..”, Con dâu bà trả lời:” héo hết rồi, ăn gì được, em mới mua rau ở siêu thị về đó..”. Bà bước vào và giảng hòa, bà nói với với thằng con trai: “Thôi con, để mai mốt má đi sớm hơn, rau tươi sẽ ngon hơn.”. Sáng hôm sau bà bắt xe về quê sớm, mặt buồn hiu, dạ cũng buồn hiu..Đám rau càng cua ngoài sân nhà bà vẫn lặng lẽ vươn những cọng rau giòn tươi, trắng mượt mà. Mùa mưa năm sau, đám rau càng cua lại mọc, trắng nuột, điểm xuyết trên đầu nhánh những chùm hạt nhỏ xíu, xinh xinh.. Bà lại nhớ thằng con trai, bà tính lần này phải đi thật sớm, bắt chuyến xe đầu tiên, khuya không khí mát mẻ, rau chắc sẽ không héo nữa. Tính vậy, hai giờ khuya bà dậy, xách chiếc đèn pin ra rọi, hái một rổ đầy rau càng cua, bà chăm bẳm chỉ lựa hái những cọng rau to mập, tươi roi rói.., nó chỉ thích ăn những cọng to mập thôi, bà mĩm cười hạnh phúc... Rồi bà trở vào nhà, tính để vào chiếc giỏ xách ... không may, bà bị trợt chân, té đập đầu xuống thềm, đầu trúng vào ngạch cửa, máu tuôn xối xả..bà lịm dần và chết lặng lẽ trong sương lạnh đêm khuya, không ai hay, ai biết. Máu bà lan cả một khoảnh nền nhà và tẩm đỏ cả rổ rau càng cua mới hái, màu đỏ máu hòa lẩn sắc trắng của rau phản chiếu óng ánh dưới anh đèn neon hiu hắt. Ngày đám tang bà, thằng con trai khóc rất nhiều, anh ta đã hiểu vì sao mẹ bị nạn mà chết...những giọt nước mắt muộn màng không thể níu kéo mẹ của anh ta sống lại, để nghe anh ta kể những lời mơ ước như thuở hàn vi. Ngoài sân, những khóm càng cua vẫn lặng lẽ vươn lên trong bóng tối chập choạng.. Mấy ai biết và quý một loại rau hoang dại chốn quê mùa cũng như có mấy người con kịp biết quý tình mẹ lặng lẽ, bao năm vẫn mãi dõi theo từng bước chân của con ở đường đời, vui khi biết con thành công, hạnh phúc và đau buồn khi hay con va vấp, khổ đau. Mấy ai mà biết... Mấy ai mà biết... Hương Đức |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 98 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |