Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 04/Mar/2024 lúc 1:59pm |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 07/Mar/2024 lúc 9:42am |
CÓ NHỮNG MÙA XUÂNMặt trời đã ngã về hướng tây, cơn nắng cuối mùa đông vẫn còn chập chờn
trên cỏ cây hoa lá, và ngọn gió lành lạnh làm rùng mình nổi ốc khi quét
lên da thịt. Nhưng cây cối ở vườn sau, ngõ trước đã nhú mầm để đâm chồi
nẩy lộc khi tiết trời chớm vào xuân. Mấy cây xoài năm nay trổ sớm đã có
những trái non bằng đầu ngón chân, bằng đầu ngón tay lẫn lộn với bông
màu vàng nghệ. Những chùm cam sành đã mởn da, sai quằn nhánh, cây bưởi
thanh trà, cây quít đường sau nhà có những chùm, da cũng đã thẳng. Có
trái màu xanh pha phơn phớt vàng. Cây quít ta ở trước cổng vào mới có
trái chín. Mới lứa đầu nên quít không được nhiều, nhưng trái nào trái
nấy lớn gần bằng cái chén ăn cơm, vỏ màu vàng nghệ, nõn nà phơi phới nổi
bật, lồ lộ trong cành lá rậm rạp xanh biêng biếc. - Bình An đâu rồi cháu? Chiều nay có đi lễ chùa với bà không? Tiếng
của bà nội từ trong nhà vọng ra. Con Bình An đang mê ngồi đánh búng hột
me với mấy đứa nhỏ hàng xóm ở ngoài sân. Nó vẫn không rời chỗ, mà lớn
tiếng trả lời để cho nội nó nghe: Bà
nội bước ra hàng hiên, gom mấy tàu lá chuối xiêm phơi nắng dốt dốt để
sáng sớm ngày mai bà cùng con dâu gói bánh tét, bánh ít. Trước là cúng
ông bà, sau cho con cháu có ăn trong trong ba ngày Tết. Một năm chỉ có
mấy ngày nên dù nghèo nhưng cũng phải dành dụm gói ghém sao cho cái Tết
được sum sê thì suốt năm mới được dồi dào khá giả chớ. Sau cúng rước Ông
bà là bữa cơm đoàn tụ của gia đình. Trước khi chúng về, bà sẽ cho mỗi
đứa vài đòn bánh đem về nhà để ăn Tết. Bà nội lên tiếng bảo: - Vậy thì nghỉ chơi đi cháu, vào tắm rửa sạch sẽ rồi đi kẻo trời tối. Con Bình An “dạ”, nhưng vẫn còn ngồi lì chờ cho hết bàn đánh búng với lũ bạn của nó rồi mới chịu chạy u vô nhà. Lọt
lòng mẹ mới có 3 tháng, Bình An được bà nội đem về quê ở làng Mỹ Ðức
Tây thuộc quận Cái Bè (Cái Bè sau chia ra làm hai quận, làng Mỹ Ðức Tây
thuộc về quận Giáo Ðức) tỉnh Mỹ Tho, chắt chiu nuôi dưỡng. Bởi cô vừa bị
sanh thiếu tháng, mẹ cô lại nghe theo lời ông thầy bói ngồi dưới gốc
cây bả đậu bên Giếng Nước (thành phố Mỹ Tho), trên đường ra bắc Rạch
Miễu để đi về Bến Tre. Ông coi và nói cho bà biết, hai mẹ con cô khắc
tuổi với nhau phải sống xa, đến hết căn hạn mới ở gần được… Nhờ
thế mà Bình An mới được sống ở làng quê có cây lành trái ngọt, có dòng
sông Mỹ Tây êm đềm chảy qua đến ngã Ba Ðình thì nhập vào sông Mỹ Ðông
cùng các nhánh sông khác chảy vào Cửu Long Giang rồi đi ra biển Tân
Thành. Nhứt là cô được ấp ủ bằng tình thương yêu cưng chiều vô bờ bến
của nội. Và cô được sống an an, bình bình ở vùng quê Nam có nghĩa, có
tình suốt quãng đời của thời thơ ấu. Cho
đến mùa hè năm đó, ba mẹ đem Bình An về thành thị để sống chung với gia
đình. Vì tựu trường cô được vào học lớp 4, mà trường xã ở quê nội chỉ
có từ lớp 1 đến lớp 3 thôi. Bình
An khóc ròng, dẫy dụa không chịu đi vì phải xa bà. Cô được bà nội dỗ
dành cùng với lời hứa hẹn của cha mẹ. Cứ vào những ngày lễ nghỉ, ngày
Tết, hè (không đi học), thì phải đưa cô về quê ở với bà nội. Mấy anh chị
của Bình An thường hay trêu ghẹo, xéo xắc, nhiếc mắng, háy nguýt bảo cô
em gái nhỏ của mình: -
Mầy thiệt là ngu dại. Ngày Tết ngày lễ ở thành thị vui và sướng hơn
trong làng xã dưới quê nội nhiều chớ. Ở dưới quê Tết có gì vui đâu mà
ham về? Có năn nỉ cho thêm tiền tao cũng không thèm… Tết ở đây bọn tao
được ăn ngon, đi coi chiếu bóng, đi thăm vườn bách thú, được mặc quần áo
đẹp, và có lì xì… Bình
An không thèm trả lời anh chị mình mà trề môi liếc xéo lại họ. Rồi cô
nghĩ thầm trong bụng: “Vui cái con khỉ khô á! Không biết gì hết trọi
cũng nhiều chuyện! Chiếu bóng nói tiếng Tây, tiếng u, cao bồi, đâm chém,
hun hít… dù có phụ đề Việt ngữ nhưng cũng dở òm chớ hay ho gì đó. Vậy
mà cũng coi thiệt là uổng tiền! Còn ở vườn thú có mấy con khỉ leo trèo,
miệng khọt khẹt, ị đái tùm lum. Xí, bộ ở thôn quê không có lì xì sao?
Nội, cô, chú… họ hàng có lúa, có nếp, có trái cây bán đều nên cho lì xì
còn nhiều hơn. Mấy người bà con ở thành thị làm lãnh lương tháng, mọi
thứ… cái gì cũng phải mua có tiền dư đâu mà cho nên kẹo thấy mồ! Ngày
thường không phải lễ, hay Tết, ở quê nội trưa nắng cùng mấy đứa hàng xóm
đi bắt chim, câu cá, bắt ốc… Chiều đi thả diều, bắt chuồn chuồn. Mưa
giông đi lượm xoài rụng, lượm cốc, mận… Ăn rau, cải, cá thịt tươi. Vào
mùa lúa, đêm trăng sáng bà nội, thím Hai nấu chè, nấu cháo ăn để đạp lúa
trâu… Ôi biết bao nhiêu cảnh êm đềm bao nhiêu thứ chỉ ở thôn quê mới
có, chớ thị thành làm sao có được đây?” Cô tự cho mình nghĩ đúng, đắc ý
khoái chí cười tủm tỉm một mình. Hè
năm đó, Bình An được mẹ dẫn vào ghi tên học lớp 4 ở trường Nữ Tiểu học
Trưng Vương. Trường có 2 tầng, ở trung tâm thành phố Mỹ Tho. Mặt tiền
trường hướng về đường ông bà Nguyễn Trung Long. Sau lưng cách cái sân cỏ
rộng và hàng rào dây kẽm gai là trường Trung học Bán Công Thiên Hộ
Dương. Thời gian nầy ba của Bình An đang làm ở Tòa Hành Chánh tỉnh Ðịnh
Tường. Trong bữa cơm chiều hôm nọ, ba cô vui vẻ bảo cho cả nhà nghe: -
Tết năm nay nhà mình có mặt Bình An. Vậy mẹ nó phải mua sắm thêm
những món ăn Bình An ưa thích. Ðể nhà mình ăn mừng cái Tết cả nhà được
đoàn tụ...
Mấy anh chị vui mừng reo lên. Vì những ngày Tết không phải học
bài, sẽ được đi chơi, sẽ được mặc quần áo mới, sẽ ăn được những món
ngon… Cho nên chị nầy đòi may quần áo đẹp, anh kia bảo mẹ nấu món mình
ưa thích. Họ vui vẻ nói cười liếng láu với nhau. Riêng Bình An không nói
gì cả. Quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, và cơm vào miệng mà chan nước
mắt! Mẹ ngạc nhiên lính quýnh hỏi nhanh: - Tại sao con khóc, chuyện gì mà con khóc vậy? Cô không trả lời lại khóc ồ lớn tiếng hơn! Ba lấy làm lạ cũng hỏi vồn:
- Tại sao con khóc? Mấy chị anh ăn hiếp Bình An của ba hả? Hãy
nói để ba đánh đòn chúng nó, nói đi con. Nầy các con, đứa nào ăn hiếp
em? Các anh chị mở to mắt ngạc nhiên! Bình An tức tưởi, cô nói nhanh qua màn nước mắt: - Không ai ăn hiếp hết! Tết con phải về nội! Con phải về quê nội ăn Tết. Con muốn ăn Tết với bà! Mấy anh chị xì xò, háy nguýt... Ðứa trề môi, kẻ méo miệng tỏ ý chọc ghẹo em mình. Ba cô hỏi:
- Con đã ăn Tết ở quê nội bao nhiêu năm rồi. Năm nay ăn Tết
với gia đình mới vui con à. Nhứt là ăn Tết ở thành phố có chợ bán hoa,
bán bánh mứt… Ngày Tết có múa lân, đốt pháo bông, và còn nhiều thứ khác
để vui xuân lắm… Cô nhìn ba, phụng phịu cụt ngủn cắt lời: - Con muốn về quê ăn Tết. Tết ở thành phố không vui chút nào hết!
Thấy con vẫn một mực đòi về quê ăn Tết với mẹ mình, và ông cũng
biết bà nhớ cháu lắm. Ba cô có ý nhượng bộ, ông dịu giọng hỏi: - Tết ở quê vui ra sao? Con kể cho ba nghe. Nếu Tết ở thôn quê thiệt vui như lời con nói, thì ba sẽ cho con về ăn Tết với nội. Bình An quẹt vội nước mắt còn đọng trên má. Nhưng nét mặt tươi rói, đôi mắt tròn xoe sáng ngời nhìn cha, cô bảo: -
Ba có biết không? Mỗi năm từ mùng 8, mùng 9 tháng chạp là con theo chú
Út đi lẫy lá các cây mai ở xa mương nước. Rằm thì lẫy lá các cây sát mé
nước. Như vậy nó sẽ trổ bông một lượt và đúng vào ngày Tết đó ba. Bà
nội cho giã gạo, xay nếp chứa đầy lu, đầy hũ từ cả tháng trước. Con đi
theo mấy chú tảo mộ ông bà. Nghĩa là làm cỏ và quét lá cho sạch sẽ để
ông bà dưới mộ mừng Tết đó mà. Sau khi cúng xong chú cho con hột vịt
luộc cúng trong bộ tam sên (gồm có 3 món: thịt ba rọi, tôm càng, hột vịt
luộc chẻ hai). Còn tôm và thịt thì đem về để bà nội trộn gỏi bắp chuối.
Bà còn đặt bác Hai ở xóm trên tráng bánh tráng nhúng nước, bánh tráng
dừa, bánh tráng ngọt. Quết bánh phồng nếp, bánh phồng khoai. Nhổ cải bẹ
xanh có ngồng trổ bong vàng trồng ngoài liếp vô làm dưa. Sáng ngày 23
tháng chạp, bà nội hối thím Tư nấu chè, nấu xôi… Chú Tư hái trái cây
tươi tốt, đợi đến nước lớn chiều bà cúng đưa ông Táo về Trời. Nhà nhà
đều cúng! Mùi hương, trầm, nhang, hoa quả, thức ăn theo gió phảng phất
nồng nàn ấm cúng từ nhà nầy qua nhà khác, xóm nầy qua xóm khác, làng nọ
qua làng kia... Bình An thấy vui trong lòng, vì anh chị không chọc ghẹo mình nữa. Cô tiếp: -
Những ngày cận Tết từ đầu làng đến cuối thôn mọi người quét dọn, sơn
phết, trang hoàng nhà cửa từ trong ra ngoài sân sạch sẽ, vẻ vang, mát
mắt… Miễu thờ ông Thổ Thần bên vàm rạch được thay giấy hồng đơn, vẽ chữ
mới, cúng bánh trái, mứt, trà, rượu. Trong nhà cái bếp, hỏa lò, nồi, cột
nhà, lu, hũ, bàn, ghế, giường ngủ, cột nhà vv… Mọi thứ đều được bà nội
cho cắt giấy đỏ (giấy hồng đơn) hình vuông dán lên hết để mọi thứ đều
được ăn Tết. Ngoài sân thì các cây mận, xoài, cam, quít, bưởi, ổi, dừa,
cau… Tất cả các loại cây bên ngoài cũng đều được dán giấy đỏ, để ăn Tết
như các đồ vật trong nhà vậy đó ba… Bình
An say sưa kể. Trong khi các anh chị nhíu mày, chu mỏ chú ý lắng nghe.
Ba mẹ cô nhìn nhau gật gù cười chúm chím. Cô hồn nhiên khua tay, đá
chân, mắt ngời sáng thao thao lấy giọng, tiếp: -
Ba mẹ còn nhớ chú Tám Kẹo không? Chú Tám khéo tay nên bà nội năm nào
cũng nhờ chú chưng dùm hai dĩa lớn trái cây (mâm ngũ quả) có: Cầu, dừa,
đủ, xoài, dâu, thơm… Nhưng không được cúng trong mâm ngủ quá các loại
chuối. Ba má có biết tại sao không? Vì chuối nhũi… năm mới không tốt đâu
đó! Ba
cô đang hớp ngụm nước. Không kềm được trước những lời dí dỏm của con,
ông bật cười làm nước văng tùm lum. Ngại làm con gái mất hứng, má cô đỡ
lời: - Ụa bộ có vậy sao con? Bình An mỉm miệng cười rạng rỡ, gật đầu:
- Dạ, đúng như vậy. Con thấy những nhà lân cận không ai cúng
chuối trong ngày Tết. Bà nội luôn dặn những người trong nhà ngày tư ngày
Tết phải giữ gìn lời nói bởi: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau”. Mặt mày phải vui vẻ, ăn nói ngọt ngào, có tình
có nghĩa để từ đầu năm cho đến cuối năm mới được an lành, may mắn. Ở
thôn quê người ta làm lạp xưởng, gói bì, gói nem, gói bánh tét, bánh ít
chớ không phải đặt mua như ở thị thành. Sáng 30 Tết bà nội kho thịt, cá,
trứng với nước dừa xiêm. Làm chả, trộn gỏi, chiên bánh phồng tôm “Sa
Giang” ngon đáo để. Bà cho nấu rất nhiều món ăn để cúng rước ông Táo.
Cúng rước ông bà về ăn Tết với gia đình, cháu, con… Bình An dừng lại, mặt đầy vẻ hân hoan: -
Ba à, tối đêm Giao thừa con theo nội đi hái lộc ở chùa thật là vui.
Chùa từ trong ra ngoài rất đông người đến cầu phước, cầu an mong năm mới
toàn gia được: “Tấn thời, tấn lộc, tấn bình an”. Bên Công Giáo thì giáo
dân đến giáo đường ở nhà thờ. Ðúng giờ Giao thừa, tiếng chuông nhà thờ,
trống, chiêng… rền vọng khắp chốn. Ôi! không gian trong giờ đón Giao
thừa ở làng thôn thiệt là thiêng liêng, ấm cúng vô cùng đó ba ơi… Bình An khi thấy anh chị mình chăm chú lắng tai nghe, nên càng thêm phấn khởi trong lòng, cô cười mỉm chi: - Từ mùng một Tết đến mùng bốn Tết. Chu mẻ mẹt ơi, mọi nhà mỗi ngày cúng những món ăn ngon tuyệt trần: *Mùng
một Tết cúng chay, nội làm gỏi cuốn chay, chả giò, đậu xào, canh chua,
mì căn kho sả ớt, đậu hũ chiên chua ngọt… Tất cả những món chay nội nấu
cúng, ăn ngon vô cùng. *Mùng
Hai cúng bánh hỏi, thịt heo quay nóng hổi da còn dòn khưu khứu và bánh
bò đổ bằng đường cát trắng tinh. Có cả cháo vịt luộc chấm nước mắm gừng
nữa. *Mùng
Ba cúng gà xé phay trộn gỏi bắp chuối. Chưn gà để nguyên phơi khô ra
Giêng nội nhờ ông Ba đoán quẻ ở làng bên coi nhà cửa, làm ăn, cây trái…
trong năm có được tươi tốt không... *Mùng Bốn cúng Tất. Các món ăn, cùng bánh kẹo được bày ra cúng ở ngày nầy. Cô dừng lại uống ngụm nước, liếc mấy anh chị mỉm cười: -
Ở thôn quê, những ngày tư ngày Tết con cháu đưa gia đình đi thăm viếng
ông bà, cha mẹ, họ hàng để đền ơn, đáp nghĩa. Họ cùng vui xuân trẩy
hội, ở chùa, ở đình, hoặc ở nhà thờ… Ðó là tùy theo tôn giáo của mỗi gia
đình. Từng nhóm, từng nhóm trẻ, già, trai thanh, gái tú, áo quần mới đủ
màu đủ sắc: hồng, xanh, đỏ, tím, vàng… Tóc chải gọn gàng, trâm cài lược
giắt. Người nào mặt mày cũng tươi vui, hớn hở đi rải rác khắp các nẻo
đường quê. Gia đình nào đông con nít thì họ chèo ghe, hay bơi xuồng trên
sông, trên rạch… Gặp nhau ai nấy cũng vui vẻ hỏi chào. Tay bắt mặt
mừng, dáng điệu tao nhã, lời lẽ lịch thanh, và không quên chúc lành chúc
phúc cho nhau từ đầu năm đến cuối năm. Còn nhiều, còn nhiều lắm ba mẹ
ơi… Con đã có những mùa xuân đẹp ở quê nội. Nếu ai có thời sống trong
làng xã ở thôn quê mới biết, mới hưởng được cái đậm đà thắm thiết của
những ngày Tết Nguyên Ðán. Và chỉ ở thôn quê mới có và thấy được mùa
xuân rõ rệt.
* Mùa Xuân năm nay, Bình An không còn bé nữa. Cô đã trở thành
thiếu nữ xinh xắn, dễ thương ở lứa tuổi 18 đang học lớp Ðệ Nhứt trường
Trung học tỉnh. Cô biết tư lự nhìn trăng, biết ngắm sao, biết buồn mà
không biết tại sao mình buồn? Có lúc ngồi suy tư một mình, cô thường hay
hát nho nhỏ những khúc nhạc lính, hay ngâm nho nhỏ những câu thơ tình… *
Trước ngày Tết Nguyên Ðán năm 1968, Bình An về nhận việc ở thành phố Mỹ
Tho. Ôi, đó là mùa xuân tang thương! Khi giặc tràn đến nơi nào thì nhà
cửa đổ nát, tan tành, thê lương! Nhứt là hai bên đường từ ngã ba Trung
Lương chạy dài vào thành phố. Cô
còn nhớ mấy ngày trước Tết, nơi đây là những ngôi nhà khang trang,
những ngôi biệt thự có sân trước vườn sau trồng hoa thơm, kiểng lạ, cây
ăn trái, và những hàng quán bán buôn sầm uất dọc theo hai bên đường.
Nhưng hôm nay mới mùng bốn Tết Mậu Thân, đó là ngày cúng Tất! Trước mắt
cô tiêu điều, hắt hiu, thê lương, ảm đạm! Và ai đi qua chốn đó vẫn còn
nghe khen khét mùi cây cột cháy xém, mùi heo, gà, chó… gia súc bị chết
cháy… Và biết đâu có cả thân thể con người bị cháy trong đống than hồng
còn âm ỷ, hay lẫn lộn trong đống gạch vụn đâu đây! Nhớ đến, cô còn rùng
mình sợ hãi tưởng chừng đã bỏ mạng trong những trận mưa pháo dập vào
thành phố tối đêm mùng một rạng ngày mùng hai Tết! Sau những tràng pháo
kích nổ long trời lở đất, rồi tiếng kêu la cầu cứu của những nạn nhân,
hòa với tiếng khóc thảm thiết của thân nhân người mới chết. Trong
trận thảm sát Tết Mậu Thân, giặc đã giết biết bao nhiêu vạn người từ
Bến Hải đến Cà Mau! Gia đình Bình An đã chịu nỗi đau sầu về cái tang
chung đó. Con bà dì ruột của cô là giáo sư Tân và đứa con trai 2 tuổi
cũng tử vong trong cái Tết thê lương nầy. *
Bình An kết hôn vào mùa xuân năm 1969. Phu quân cô là anh chàng lính
chiến miền xa thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh, có biệt danh là Sét Miền Tây.
Tiền đồn của chàng trấn giữ mãi tận Cà Mau, miệt rừng U Minh Thượng, U
Minh Hạ. Kể từ đó, cô mới biết, mới thấu hiểu thế nào là nỗi nhớ thương
của một chinh phụ lo sợ cho sự an nguy của chồng. Và sự trống trải quạnh
hiu của gia đình trong những ngày xuân chồng xa nhà! * Mùa Xuân năm 1970 bóng chồng vẫn miệt mài chốn sơn khê. Ðến mùa thu năm đó, Bình An sanh đứa con gái đầu lòng. *
Cuối đông, đầu Xuân năm 1971 Bình An sanh thêm đứa con trai. Nàng được
tin chồng qua những cánh thư từ tiền tuyến đưa về. Lúc thì chàng ở Tịnh
Biên, nay Châu Ðốc, mai Vị Thanh, Cờ Ðỏ, Tháp Mười, Phước Thành… Vì Quê
hương chinh chiến, mẹ con nàng sống trong phập phồng âu lo cho sự an
nguy của chồng của cha! *
Mùa xuân năm 1972. Rồi vào hè năm đó, phu quân của Bình An và đồng đội
kéo quân về giải tỏa An Lộc. Chàng bị thương, và giải ngũ vào Tết năm
1974. Với cấp độ tàn phế 70% trên chiến trường An Lộc. *
Mùa Xuân năm 1975. Sau ngày 30 tháng 4 miền Nam bị giặc cưỡng chiếm.
Nước Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản. Cùng chung số phận những
quân, dân, cán, chánh của Việt Nam Cộng Hòa, chồng của Bình An cũng bị
giặc đày vào tù, mà bọn chúng đã đặt cho một cái tên hoa mỹ hay ho là
“Học tập cải tạo” Sau nầy, có khi cô nghĩ rằng suốt cả cuộc đời còn lại
của chồng, của những người cùng chung số phận bị giặc đọa đày. Khi nào
đó vô tình nghe ai nhắc đến, hay bất chợt nhìn thấy mấy chữ “Học tập cải
tạo” là tâm hồn họ sẽ nhức nhối, máu uất hận tràn dâng! *
Mùa xuân năm 1979. Gia đình của Bình An gồm có chồng và hai con (một
gái, một trai) không đón, nhưng mùa xuân vẫn đến trên trại tỵ nạn Cộng
sản Ðông Nam Á Galang ở Nam Dương quần đảo. Gió xuân phơi phới thổi qua
vùng hải đảo có những người Việt đi tìm tự do. Trại tỵ nạn có giáo đường
trong nhà thờ vang vang lời cầu nguyện và tiếng thánh ca. Trong chùa,
nơi Phật đường tiếng mõ câu kinh, có lời chân thành cầu nguyện . Hương
trầm nhang quyện hòa theo gió bay cao. Ở
hải đảo không chờ mà xuân vẫn đến. Họ đón xuân không có hoa cúc, hoa
mai, không dưa hấu, bánh tét, bánh ít, dưa cải, dưa giá, cá kho… Nhưng
họ đón xuân bằng cả tấm lòng! Ở trại có mấy chục ngàn người tỵ nạn, thì
có bấy nhiêu nỗi thống khổ của kẻ bỏ nhà, bỏ nước, liều chết vượt hiểm
nguy trên biển cả để bôn đào. “Phàm con người là thế đó! Có tự do trong
tay không biết giữ gìn! Ðể khi mất rồi phải chạy đi tìm có khi bị mất cả
tánh mạng!”
* Mùa xuân năm 1980, Chicago là thành phố của tiểu bang
Illinois thuộc về miền Trung Tây nước Mỹ. Và nơi đây nổi tiếng là một
trong những vùng về mùa đông lạnh nhứt nước nầy. Cái Tết đầu tiên gia
đình Bình An được tiếp đón bằng một trận bão tuyết kéo dài cả tuần lễ.
Các trường học, chợ búa đều đóng cửa. Chánh phủ chở đến từng thùng thức
ăn, từ đồ hộp, thịt thà, trái cây, rau cải… Ðể ở các ngã tư đường kêu
gọi dân chúng đến lấy về ăn. Ngồi
nhìn tuyết rơi phơi phớùi ngoài trời qua khung cửa kiếng. Bình An hồi
tưởng về những sự việc đã qua. Nhớ lúc giặc tràn vào, cô bị mất việc,
nhà thiếu ăn, thêm buồn rầu chồng bị cầm giam trong tù cải tạo. Cộng vào
đó bị dồn dập nắng gió, ốm đau, hãi hùng trên đường vượt biên bôn đào.
Nỗi âu lo, sống thiếu thốn lây lất những tháng ngày ở trại tỵ nạn nơi
hải đảo. Nên sau gần 6 năm trời gặp lại bà chị (đi du học trước ngày
nước mất, ra đón ở phi trường) Hai chị em mừng tủi ôm nhau khóc sướt
mướt. Câu đầu tiên của chị hỏi cô em gái Bình An của mình rằng:
- Bộ bên nhà khổ lắm hả? Sao trông mầy teo nhách và như con gà
tử mị vậy? Mầy còn già hơn cả bà Sáu Lé gánh nước mướn trong xóm trước
khi tao rời nước.
Chị của Bình An thật tình hỏi em! Bởi bà Sáu Lé gánh nước 8, 9
năm về trước đã già cúp bình thiết, lưng khòm, ốm tanh ốm hôi mà chị em
cô thường gọi lén bà là bà Sáu Teo Héo. Nghe chị hỏi mình như vậy, làm
cô nàng tủi thân vừa khóc rấm rứt mà mắc tức cười. Cô gật gật đầu trả
lời chị: - Khổ, khổ lắm! Không khổ thì làm sao phải trốn chui trốn nhủi để liều chết bỏ nước mà ra đi cho đành?
Thân hình Bình An đã ốm còi, ốm cọc như chị mình nói, mà gặp
phải cơn bão tuyết có gió lạnh trừ 60, trừ 70 độ. Có hôm trời lạnh trừ
20, trừ 30 độ F. Lò sưởi trong nhà chạy xầm xập 24/24 giờ. Eo ơi, vậy mà
vẫn lạnh tái, lạnh tê. Hồi tưởng những Tết Nguyên Ðán nơi quê nhà, lòng
cô càng xao xác, nhớ thương. Thời
gian quả thật là mau như cơn gió lốc! Nhớ mùa xuân năm nào Bình An còn
là một cô bé tí teo đón xuân bên bà nội. Thuở dân miền Nam có đời sống
ấm no, an cư lạc nghiệp, thanh bình thạnh trị, biển lặng sông trong dưới
thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, và các đời Tổng Thống ở Chánh thể Cộng
Hòa… Ngày đầu năm, cô được bà dẫn đi lễ chùa, cùng chúng bạn trong xóm
chạy sau đoàn lân có ông Ðịa nhảy múa tưng bừng theo tiếng trống, tiếng
chiêng, tiếng chập chả tùng xèng, tùng xèng vui tươi hạnh phúc. Cộng
Sản cai trị cả nước Việt Nam đã mấy mươi năm rồi. Người Việt lưu vong
cũng đã có bấy nhiêu mùa xuân xa xứ! Theo dòng thời gian và vận nước nổi
trôi, cô bé Bình An năm xưa bây giờ đã đổi thay. Cô đã đổi thay dáng
vóc, sắc diện. Cô có nét nhăn trên vầng trán, mắt phải mang kính mỗi lần
đọc sách hoặc nhìn xa. Mái tóc bồng đen xõa quá bờ vai đã đổi màu…
Nhưng tình quê hương vẫn nung nấu, nỗi nhớ thương vẫn se thắt cõi lòng
và đã bám theo cô suốt quãng đường lưu lạc. Những mùa xuân xa xứ lần
lượt trôi qua, vui ít, buồn nhiều. Bình An mơ ước có một ngày quê hương
tàn bóng giặc… Tết năm nay cô không còn đón xuân ở vùng trời hắt hiu
lạnh giá Chicago nữa. Gia đình cô đã dời về tạm cư ở vùng nắng ấm
California. Nhưng Bình An vẫn cảm thấy tâm hồn mình luôn xót xa, nhớ
thương thắt thẻo. Giọng hát văng vẳng từ xa vọng đến: “Nắng nơi đây vẫn
là nắng ấm. Nhưng không sao bằng nắng ấm quê hương…”. California, cuối Ðông DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 07/Mar/2024 lúc 9:43am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 16/Mar/2024 lúc 8:14am |
Khóc Một Chút Rồi ThôiLily nằm ủ rũ trên giường khi tôi bước vào phòng nó rên lên: |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 18/Mar/2024 lúc 8:54am |
Đôi Đũa...So LeNăm nay nhà ông Cả Trọng sẽ ăn một cái Tết đặc biệt. Cả nhà chuẩn bị tưng bừng từ cả tháng nay. Hai mươi lăm tháng chạp này là đám cưới của cậu út Khanh, con trai ông bà Cả. Ông Cả người nhỏ thó, khô khan, nhưng bù lại bà Cả trắng trẻo, phốp pháp, mũi cao mắt sâu như một phụ nữ Tây phương. Sáu người con giống mẹ nên đều cao ráo đẹp đẻ. Chỉ tội cậu út, hồi nhỏ chạy giỡn rủi bị té vô nồi nước sôi, nguyên một bên chân phải bị phỏng nặng. Thời xưa chỉ trị bằng thuốc bắc hoặc thuốc ta nên hậu quả là cậu út đi hơi cà thọt. Còn cái tật cà lăm thì không biết có phải do cú ”sốc””vì bị phỏng nước sôi hay không nữa? Thôi thì bàn tay năm ngón cũng có ngón dài ngón vắn, ông bà Cả tự an ủi. Mấy người anh lớn học xong Tiểu học là lên Sài gòn tiếp tục dùi mài kinh sử. Ông Cả có một căn biệt thự ở gần chợ Bà Chiểu. Riêng cậu Út từ nhỏ đã không được thông minh dĩnh ngộ như mấy anh, mấy chị. Cậu học trước quên sau, ít khi thuộc bài nên thường bị thầy giáo khẻ tay, phạt quỳ. Sau khi xát xà bông ông thầy khó tánh này một trận, ông Cả cho cậu Út nghỉ học luôn. Ông vẫn thường nói của cải ông con cháu ăn ba đời cũng chưa hết. Cậu Út biết đọc biết viết là đủ rồi.Năm nay tuy đã hăm ba nhưng cậu còn rất khờ khạo chuyện trai gái. Không như mấy ông anh lớn, mười sáu mười bảy đã liếc gái như chớp. Gặp cô nào cậu cũng ấp a ấp úng. Mà càng lúng túng cậu càng cà lăm dữ, rồi cuối cùng đành rút êm! Vì vậy tuy con nhà giàu mà mấy cô trong làng không cô nào chịu ưng cậu Út. Con gái nhà nghèo sẵn sàng nhảy vô nâng khăn sửa túi cho cậu thì ông bà Cả chê không xứng với gia đình ông bà. Mỗi lần thấy bạn bè cùng trang lứa cưới vợ là cậu Út lại cảm thấy buồn tê buồn tái. Cuối cùng túng thế ông bà Cả nhờ người em bà con lấy chồng về miệt Hồng Ngự coi có chỗ nào được làm mai giùm. Cô Sáu Sơn sốt sắng nhận lời và sau vài tháng tìm kiếm, cô về Cao Lãnh “ráp bo” với ông anh rằng cô đã tìm thấy viên ngọc quí cho thằng cháu thân mến rồi. Đó là con Hạnh, con gái của em chồng cô chớ ai đâu xa lạ. Theo lời cô kể thì con nhỏ mới tới tuổi cập kê, vừa được người lại vừa được nết. Tóm lại đủ cả công dung ngôn hạnh. Gia đình cũng thuộc loại khá giả, có ăn có để. Nghe tới cái mục này ông Cả gạt ngang nói miễn con nhỏ hiền hậu …đừng ăn hiếp thằng Khanh là được rồi.Nghe lời như cởi tấc lòng, cô Sáu hứng chí tiếp:– Gì chớ cái đó anh khỏi lo. Tui biết con Hạnh từ nào tới giờ. Ôi thôi con nhỏ trắng da dài tóc, khuôn mặt chữ điền, cặp mắt lá răm, lông mày lá liễu thiệt đáng trăm quan tiền đó anh Cả. Ăn nói lại mềm mỏng, nhỏ nhẹ hết biết luôn. Thằng Út nhà mình mà cưới được con nhỏ này thiệt là có phước.Ông Cả còn lo lắng:– Họ có hỏi gì về thằng Khanh không vậy cô?Cô Sáu cười tươi đầy vẻ tự tin:– Có chớ. Tui nói với họ là thằng cháu tui tuy không có bằng cấp cao như mấy anh nó nhưng tánh tình thiệt thà, ít nói. Mấy con chị gả chồng xa, mấy anh lớn có vợ con cũng ở hết trên Sàigòn. Một mình thằng Khanh có hiếu nhứt, ở nhà với cha mẹ để hầu hạ sớm hôm, lại còn giúp anh Cả trông nom ruộng đất. Nghe vậy bên kia họ chịu liền. Họ cũng hổng đòi hỏi sính lễ gì nhiều đâu anh Cả.Ông Cả dẫy nẩy:– Úy, tuy họ nói vậy chớ mình cũng phải làm sao coi cho được. Xong vụ này tui sẽ đền ơn cô hậu hỉ.Cô Sáu nói mại hơi:– Chỗ anh em, anh Cả nói vậy tui buồn. Dầu gì hai đứa cũng là cháu tui mà.– Vậy cô ráng lo cho cháu yên bề gia thất, vợ chồng tui thiệt mang ơn.Từ đó bà mai Sáu Sơn xách cây dù đầm lên xuống Cao Lãnh- Hồng Ngự như cơm bữa. Cuối cùng hai bên đồng ý ngày đám hỏi vào dịp Tết Ngươn Tiêu. Đường sá xa xôi nên hôm đám hỏi chỉ có ông bà Cả và Út Khanh lên Hồng ngự. Có vợ chồng cô Sáu Sơn là đủ lắm rồi. Bên đàng gái đã dành mọi sự dễ dàng nên cũng yên bụng. Bánh trái, trà rượu, mợ Tư Tâm đã lo đâu đó đầy đủ. Nữ trang có cặp bông và đôi xuyến vàng. Chiếc cà rá nhận hột cẩm thạch xanh dờn. Nghe nói cô dâu tương lai da trắng như ngó sen nên mợ Tư chọn hai xấp cẩm nhung màu hồng cánh sen và màu hoàng yến. Hai xấp lãnh Mỹ a dệt bông dâu láng mướt để may quần.Gà gáy là mọi người đã thức dậy. Cữ trà tàu buổi sáng đối với ông Cả quan trọng bực nhứt, nên sáng nào mợ Tư cũng lo bắt ấm nước sôi lên bếp trước tiên, pha bình trà cho cha chồng rồi mới làm công chuyện khác.Trong khi ông bà Cả và cậu Út ăn lót lòng, mợ Tư sai thằng Đức đem hết lễ vật xuống ghe. Chiếc ghe hầu là phương tiện di chuyển của ông bà Cả nên được sơn phết lộng lẫy. Mui ghe khá cao, thoáng mát. Cửa sổ có rèm che nên người ngồi trong khoang có thể ngắm nhìn hai bên bờ hoặc trên sông mà vẫn kín đáo. Trong khoang trải chiếu bông màu đỏ, cặp gối dựa thêu ngũ sắc để ông bà dựa lưng. Có bình trà và trái cây để giải lao trên con đường dài. Mợ Tư còn nấu sẵn một nồi cơm. Cá mè vinh muối chiên và rau luộc để khi mặt trời lên cao độ ba sào thì ghé vô bờ ăn cơm. Ông bà Cả không đói lắm, nhưng hai người bạn chèo ghe phải ăn để có sức chèo tiếp.Gần đứng bóng mới tới Hồng Ngự. Mọi người lên nhà vợ chồng cô sáu Sơn. Bà Cả nhờ cô em chồng tiếp tay bày lễ vật vô mâm. Tất cả năm mâm được phủ nhiễu đỏ. Ông Cả và cậu Út thay áo dài gấm xanh, bông chữ thọ màu bạc, đầu bịt khăn đóng nhiễu đen. Bà Cả cũng thay áo dài gấm Thượng Hải màu lục, cổ choàng cái khăn lụa Bombay.Trước khi tới nhà gái, ông Cả dặn dò thằng con cưng năm lần bảy lượt chỉ mở miệng trả lời lúc tối cần, còn thì cứ nín thinh. Lúc làm lễ trước bà thờ, ai biểu gì cứ làm nấy, đừng hỏi tới hỏi lui rồi lòi cái tật cà lăm. Đi đứng phải khoan thai thì cái chưn thọt mới không lộ liễu quá.Đàng gái đã có cho biết trước, sau giờ ngọ bên đàng trai tới lúc nào cũng được. Bắt đầu giờ ngọ là họ đã sẵn sàng tiếp đón. Tới trước cổng nhà ông bà Ba Bang (sui gái), thấy căn nhà ngói ba căn hai chái khá khang trang, ông Cả cũng yên bụng. Ông bà Ba Bang khăn áo chỉnh tề, ra tận cửa rước đàng trai vô. Nhớ lời cha dặn, út Khanh cứ nhìn thẳng phía trước, mặt mũi nghiêm trang không dám liếc qua liếc lại. Nghe tiếng xì xào và tiếng cười khúc khích sau bức màn thêu, có lẽ là lối đi vô buồng. Cậu nghĩ thầm chắc có hàng chục cặp mắt đang lén quan sát mình đây nên bỗng đâm bối rối, mặt mũi đỏ bừng, mắt chớp lia lịa…Bà mai đưa cô dâu từ trong buồng ra làm lễ. Cô mặc áo dài màu bông phấn. Mái tóc dầy, đen và hơi quăn tự nhiên. Nước da trắng mịn. Chính tay bà Cả đeo đôi bông cho cô Hạnh. Sau đó đôi trẻ đứng trước bàn thờ làm lễ gia tiên. Cậu Út bị khích động đến nỗi sau đám hỏi, cậu chẳng nhớ mình đã làm những gì nữa! Ai biểu sao cậu cứ thi hành như một cái máy.Bữa tiệc do nhà gái khoản đãi có đủ mặt các Hương Chức Hội Tề xứ Hồng Ngự và khá linh đình cho xứng với tiếng tăm của nhà trai.Sáng sớm hôm sau ông bà Cả và cậu Út lên ghe trở về Cao Lãnh. Trước khi giã từ, ông Cả có mời ông bà sui gái xuống nhà chơi một chuyến cho biết gia đình ông.… Độ nửa tháng sau ông bà Ba Bang tháp tùng cô Sáu Sơn xuống Cao Lãnh với mục đích… thăm dân cho biết sự tình và không quên đem biếu ông bà sui mấy ký lô cá thiều, cá gộc là những món thủy sản đặc biệt của miệt Hồng Ngự. Thiệt là tai nghe không bằng mắt thấy! Căn nhà nền đúc đồ sộ của ông bà Cả không thua gì dinh ông Phủ, ông Huyện. Nền nhà đúc cao tới ngực, có căn nhà bánh ú mái cong nằm giữa vườn bông phía trước để ngồi uống trà thưởng trăng. Chung quanh trồng đủ loại cây ăn trái. Bước vô trong nhà, ôi thôi là tủ thờ, trường kỷ, hoành phi bằng gỗ mun cẩn xà cừ choáng lộn. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch nổi vân xanh, vân đỏ. Bộ lư đồng sáng chói như gương. Không kể cặp lục bình cao cả thước. Ông bà Ba Bang có cảm giác như đi trên mây. Chắc mẻm con gái mình chuyến này sa vô hủ… vàng ròng!Ông bà Cả đón tiếp anh chị suôi thiệt nồng hậu. Lúc ra về không quên “lại quả” một cặp vịt xiêm mập tròn, một quày dừa lửa trái màu đỏ rất hiếm quí. Giữa mấy trăm cây trong vườn dừa, ông chỉ trồng được có hai cây dừa lửa mà thôi. Một chục cam sành cũng thuộc loại quí. Thấy ông sui ghiền thuốc, ông Cả không quên tặng năm bánh thuốc rê vô phân cá linh, ngon hạng nhứt, do nhà ông sản xuất. Ông bà Ba Bang ra về trong sự sung sướng tột cùng. Cái miệng cười hoài không khép lại được. Nói dại, bây giờ mà cô con gái rượu của ông bà trở chứng đòi lộn nài bẻ ống, chắc ổng dám đem ra giết cái một không chút gớm tay! Cũng nhân dịp này, ông Cả trình nhà gái là đã coi được ngày lành cho đám cưới đôi trẻ. Đó là ngày 25 tháng chạp tới đây. Ông Cả nói:– Tuy là hơi gấp gáp một chút, nhưng có câu cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày…Không chờ ông Cả dứt lời, ông Ba Bang lật đật ngắt lời:– Dạ không sao. Anh sui dạy như vậy thiệt chí lý. Trước sau gì cũng cưới…Riêng cậu Út nghe cha nói vậy thì mừng như bắt được vàng. Cậu cứ mong mau tối mau sáng cho tới ngày cưới vợ lẹ lẹ.Từ đầu tháng chạp bà Cả đã ra lịnh quét tước nhà cửa, sửa soạn phòng ngủ. Chuyến này chỉ còn một đám cưới cuối cùng nên ông bà yêu cầu tất cả các con phải về đông đủ. Trước ăn đám cưới, sau ăn Tết với ông bà cho vui. Con bò tơ lông vàng được thằng Đức chăm sóc đặc biệt. Ba con heo, con nào cũng gần một tạ nhốt sẵn trong chuồng. Gà vịt độ năm chục con. Tôm cá chờ gần tới đám cưới mới mua cho tươi.Cậu Út không quên viết thơ lên Sài gòn nhờ người anh thứ năm mua giùm cậu một đôi giày da “đơ cu lơ””để cậu diện hôm đám cưới. Cậu đặt bàn chân lên tờ giấy, rồi dùng viết mực vẻ chung quanh, đoạn bỏ vô bì thơ gởi đi cho anh Năm biết ni chân của cậu.Số là cách đây hai tháng, người anh thứ tư là cậu Tư Tâm, sau khi đậu “Đít lôm””khôn học tiếp mà đâm đơn xin làm công chức ở bộ Canh Nông. Bộ đổi cậu lên làm việc trên Nam Vang. Cậu lên trên đó một mình, để mợ Tư ở lại trông nom nhà cửa tiếp bà Cả. Thỉnh thảng cậu về thăm, ở chơi ít ngày rồi lại trở lên làm việc. Kỳ về thăm nhà vừa rồi, cậu Tư mang đôi giày hai màu trắng đen coi sang trọng kịch liệt. Út Khanh cứ theo rờ rẫm, trầm trồ. Ngặt nỗi mang không vừa, nên dầu ông anh có nhã ý thân tặng, cậu cũng đành từ chối. Vì vậy cậu viết thơ dặn anh Năm ráng mua cho được để cậu mang trong ngày trọng đại nhứt đời. Tức cái là ông già còn thủ cựu không cho mặc đồ tây. Chớ bộ đồ “vét””bằng vải tuýt xo màu mỡ gà anh Ba Đức mặc về chơi hôm hè cũng mê ly quá trời! Bởi vậy, dầu có bị bắt mặc áo dài khăn đóng, cậu cũng quyết “chơi””cho bằng được đôi giày “đơ cu lơ” mới thỏa chí bình sanh!Hăm ba tháng Chạp, ông Cả huy động đám tá điền tới dựng rạp ngoài sân. Các ông tai to mặt lớn sẽ dự tiệc trong nhà. Những người ít quan trọng hơn ngồi ngoài rạp. Ông bà Cả mời người em dâu thứ Bảy tới chỉ huy đám hỏa đầu quân. Bà Bảy Lân là con gái một ông Huyện Hàm bên Long Xuyên. Trước khi về nhà chồng đã học tất cả nghệ thuật nấu nướng với bếp Tây, bếp Ta, bếp Tàu. Một khi bà đã ra tay thì dầu người khó tánh cách mấy cũng không thể vạch lá tìm sâu, chê ở điểm nào được. Nhờ bà mà đám cháu chồng cô nào cũng khéo léo về nữ công nữ hạnh.Chiều hăm ba thì mấy anh chị cậu Út về đông đủ. Cô Hai Bạch lấy chồng về Tân Châu, nơi nổi tiếng sản suất lãnh Mỹ a. Cô Bảy Sương lấy chồng về Nha mân. Cô Tám Ánh theo chồng về Đốc Vàng. Cậu Ba Đạt, cậu Năm Tiến và cậu Sáu Tánh cưới vợ Sài gòn rồi đóng đô trên đó luôn. Nói cho ngay, mấy nàng dâu này cô nào cũng có ở với bà Cả một thời gian. Nhưng không quen nếp sống ở thôn quê, nên chỉ ít lâu họ nằng nặc đòi chồng phải trở lên Sài gòn. Vì lẽ đó bà Cả không được “mặn” lắm với mấy bà dâu văn minh quá thế này. Nhứt là bà dâu thứ năm. Gia đình bà này vốn còn giàu có sang trọng hơn gia đình chồng. Hôm đám cưới, cô dâu chỉ đeo nữ trang hột xoàn. Nhà trai đưa sính lễ một miếng mề đay, đôi bông và chiếc cà rá nhận hột xoàn lóng lánh. Lúc cô dâu ra chào hai họ, bên đàng trai rụng rời vì cô dâu đeo chồng lên trên bộ nữ trang bên nhà trai cho, một bộ khác hột lớn và chiếu hơn thấy rõ! Nội chuyện đó cũng làm cho bà Cả ”ghim” trong bụng. Rồi về làm dâu, tuy trong nhà có kẻ ăn người ở, nhưng nàng dâu cũng phải làm “phận sự” thức khuya dậy sớm trông nom. Sau một tháng chịu đựng, bà dâu đài các này tuyên bố một câu xanh dờn:– Trời đất ơi, nội cái chuyện má bắt tui dậy sớm là tui đủ chêêết rồi. Nói chi tới chuyện hầu hạ cơm nước ngày ba bữa. Thôi tui về Sài gòn, chớ ở đây trước sau gì có ngày tui cũng …chêêết!!!Trước lời buộc tội sặc mùi “sát khí” trắng trợn này, bà Cả đành…á khẩu luôn. Rồi không muốn mang tiếng là đao phủ thủ, bà đành ngậm hờn để cậu Năm xách gói theo vợ lên Sài gòn. Chỉ có mợ Tư Tâm quê bên Mỹ Hiệp, nên dễ thích nghi với nếp sống của gia đình chồng. Tuy đôi khi cũng gạt lệ khóc thầm, buồn nhứt là không có chồng bên cạnh để an ủi vỗ về lúc bị mẹ chồng tiếng bấc tiếng chì!Trưa hăm bốn ông bà Cả cùng Út Khanh, thêm hai chị gái xuống ghe hầu trực chỉ Hồng Ngự. Hôm sau mới rước dâu. Chiếc ghe lần này được treo đèn kết hoa rực rỡ. Lễ vật cũng rình rang hơn hôm đám hỏi bội phần..Trước cổng nhà cô dâu được trang hoàng bằng lá đũng đỉnh, có treo tấm bảng vẽ chữ Vu Quy màu đỏ thiệt nổi. Đàng trai xin rước dâu sớm để còn về Cao Lãnh. Vì vậy mới chín giờ sáng buổi lễ đã bắt đầu. Rồi sau bữa tiệc đơn giản do nhà gái đãi, ông bà Cả, ông bà sui gái, tân lang và tân giai nhân, vợ chồng bà mai Sáu Sơn cùng hai người con gái ông bà Cả xuống ghe hầu. Những người đưa dâu đi một chiếc ghe khác cũng được kết bông hoa rực rỡ. Nhờ xuôi con nước nên mới quá ngọ đoàn rước dâu đã về tới. Đám con nít canh dưới bến lập tức chạy lên thông báo. Thằng Đức cầm sẵn cây nhang, đợi đoàn người từ dưới ghe lên tới cổng là châm ngòi, dây pháo hồng dài ba thước treo trên nhánh cây cam ngoài sân. Pháo nổ dòn tan văng xác đỏ cả sân. Đám nhỏ reo hò, tranh nhau lượm pháo lép.Tội nghiệp Út Khanh, bữa nay diện đôi giày mới da còn cứng nên đau đớn quá chừng. Vậy mà cũng phải nghiến răng chịu đựng, không dám than một lời! Cô dâu mặc chiếc áo cưới bằng cẩm nhung màu cánh sen. Sáng nay bà Cả có cho thêm bộ dây chuyền nách và hai chiếc vòng chạm long phụng, thêm bộ cà rá cửu khúc liên hườn. Tất cả bằng vàng y. Cô dâu đeo hết nữ trang nhà chồng cho, cộng thêm một số bên đàng gái tặng, thành thử trên mình cô vàng chóe…vàng là vàng…Trong thân tộc có ông bà Hương Chủ Nghi, ông bà Bảy Lân là em ông Cả. Ông bà Hội Đồng Danh là anh rể bà Cả. Tân lang và tân giai nhân đứng trước bàn thờ làm lễ. Đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút, không khí trang nghiêm. Nhưng trong lòng mấy bà thím, bà dì giống như dầu sôi lửa bỏng. Từ lúc thấy cô dâu, mấy bà đột nhiên…thất sắc! Đợi nghi lễ xong xuôi, cô dâu được đưa vô phòng thay áo, mấy bà lập tức rút vô nhà sau. Bà Hội Đồng Danh ra lịnh:– Con vợ thằng Tâm ra kêu cô Sáu Sơn vô đây cho tao.Mợ Tư lập tức chạy đi. Cô Sáu vừa mới ló đầu vô chưa kịp hỏi có chuyện gì thì đã nghe tiếng bà Hội rít lên:– Trời đất ơi, thằng Khanh có đui què (cái này thì có chút chút, nhưng lòng thương cháu khiến bà… quên mất), sứt mẻ gì đâu mà cô Sáu nhẫn tâm (?!) đi làm mai cho nó một con vợ đầu đít có một tấc như vậy?Bà Bảy Lân cũng phụ họa:– Ứ hự, thấy con dâu rồi tui bủn rủn tay chưn, hết muốn nấu nướng gì nữa!Cô Sáu đang cười tươi như hoa, bỗng dưng bị mấy bà tấn công tới tấp bèn phát sùng:– Ủa, lúc anh chị Cả nhờ làm mai đâu có ra điều kiện cô dâu phải cao thấp bao nhiêu? Ảnh chỉ nói cần nhứt con nhỏ hiền thục…Bà Hội ngắt ngang:– Nhưng thằng Út cao nhòng. Con dâu đứng tới nách nó coi giống y đôi đũa bị so le, cô không thấy chướng mắt sao? Rồi nó còn sanh con để cháu cho nhà mình.Cô Sáu đâu chịu thua:– Mấy chị chê rậm rề sao hồi đó hổng ai làm ơn kiếm vợ dù cho thằng Út?Bà Cả ở ngoài bước vô nghe mấy bà cãi lẫy liền can:– Thôi, nó có thấp một chút cũng hổng sao, miễn mặt mũi dễ coi, tánh tình hiền hậu. Chị Hội à, thằng Khanh nhà mình hổng được lanh lợi. Kiếm mấy đứa đẹp quá e sau này…sanh chuyện.Nghe phân tách cũng có lý, tuy vậy mấy bà vẫn hậm hực không vui. Bà Bảy tiếp tục chỉ huy đám thợ nấu và bà Hội vùng vằng trở lên nhà trên tiếp khách. Như thường lệ, khách khứa ai cũng tấm tắc khen tài nấu nướng của bà Bảy Lân.Cô Hai Tú, con ông bà Bảy gả về Sa Đéc năm ngoái, đang mang bầu gần ngày sanh nên xin về nhà cha mẹ ruột. Tính ra khoảng rằm tháng giêng mới tới ngày, nhưng sẵn dịp đám cưới Út Khang cô về sớm để dự luôn thể.Bụng dạ nặng nề, đi đứng khó khăn nên cô được giao nhiệm vụ ngồi một chỗ đơm rau sống ra dĩa. Quan khách vừa bắt đầu nhập tiệc thì cô bỗng thấy bụng đau lâm râm. Bà Bảy vội kêu con Na, người giúp việc của bà cũng tới phụ đám, dìu cô Hai về nhà nằm nghỉ. Bà nói chắc tại cô ngồi lâu quá nên đau bụng. Buổi tiệc vẫn tiếp tục vui vẻ tưng bừng. Độ nửa tiếng sau, con Na chạy trở lại mặt mày hớt hãi:– Thưa bà Bảy, cô Hai bây giờ còn đau gắt hơn hồi nảy. Cổ kêu tức lưng dữ lắm. Ngồi cũng hổng được làm con sợ quá.Bà Bảy Lân vội vàng lau tay vô cái khăn rằn rồi nó:– Cha, điệu này chắc con Hai dám sanh sớm lắm à. Mấy bữa nay tui thấy nó đi tiểu thường hơn lúc trước. Thôi để tui dìa đẳng coi sao.Nói rồi bà tất tả đi thẳng ra cửa hông. May mà hai nhà cách nhau chỉ độ trăm thước. Chưa tàn cây nhang, con Na lại tái xuất hiện, lần này mặt mày nó cắt không còn hột máu:– Bẩm bà Cả, bà Bảy con nói cô Hai chuyển bụng. Bà Cả làm ơn sai anh Đức đi rước bà mụ giùm. Con phải dìa đẳng liền.Nói rồi không đợi bà Cả trả lời trả vốn, nó vắt giò lên cổ chạy trở về nhà. Nghe tin đó mấy ba đều lo lắng. Bà Hội nói:– Thôi tiệc cũng sắp tàn. Để con vợ thằng Tư coi được rồi. Để tui với con Hai Bạch lại đằng chị Bảy coi giúp được gì hông.Lúc hai người bước vô buồng thì thấy cô Hai Tú đứng vịn cây cột mùng chịu trận, mặt mày nhăn nhó lộ vẻ đau đớn vô cùng. Bà Bảy đang lăng xăng sai con Na nấu nước sôi. Còn bà lo soạn khăn lông, tã lót, áo cho en bé… Cô Hai Bạch bước lại lấy tay xoa xoa bụng cô em họ, miệng cổ võ liên hồi:– Ráng lên em, ráng lên. Đau càng nhiều thì sanh càng lẹ.Cô Hai Tú đau quá, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, thều thào:Chắc chết quá chị Hai ơi! Đau gì mà đau dữ thần vầy nè. Em chịu hết nổi rồi chị ơi. Biết vậy hồi đó hổng thèm có bầu!Bà Hội vừa sờ bụng cô hai Tú vừa la:– Ý, nói bậy nà. Chết đâu mà chết. Ráng chịu đau chút xíu, chừng đứa nhỏ ra là hết liền. Bây hổng nghe người ta nói đau như đau đẻ đó sao? Chèn đét ơi, cái thai nó sụt tuốt xuống rồi đây nè. Còn bà mụ làm cái giống gì mà lâu tới quá vậy hổng biết nữa. Coi chừng nó sanh rớt.Bà Hội vừa dứt tiếng, cô Hai Tú kêu:– Con mắc đi cầu quá má ơi.Bà Bảy vội lấy cái bô để giữa buồng biểu con gái:– Con đi đại vô đây đi.Nhưng cô Hai Tú mắc cỡ không chịu ngồi xuống. Bà Hội dỗ dành:– Đi đại vô bô đi con. Đây có ai lạ đâu mà mắc cỡ.Khi mắc rặn quá cô Hai đành ngồi xuống bô rặn một hơi, mặt mày đỏ ke, mồ hôi nhỏ giọt. Bà Bảy ngồi một bên đỡ con. Cô Hai Bạch cầm quạt quạt lia lịa. Cô Hai Tú rặn tới lần thứ ba thì bỗng có tiếng con nít ọ ẹ yếu ớt trong …bô!Bà Hội hoảng kinh la lớn:– Chèn ơi, con Hai sanh rồi!Hai bà lính quýnh nhấc cô Hai lên để kéo cái bô ra. Trong khi đó cô Hai Bạch lôi đại cái mền trên giường xuống rồi trút đứa nhỏ ra đó. Đứa nhỏ là con gái, nhỏ xíu, đỏ hỏn, giống như con mèo ướt. Cả ba còn đang quýnh quáng chưa kịp cắt rún cho đứa nhỏ thì bà mụ vừa tới kịp, theo sau là dượng Hai. Mọi người thở phào, giao sản phụ lại cho bà này làm phận sự. Đứa nhỏ chưa tắm xong cô Hai bỗng la lên:– Ui da, má ơi con còn muốn rặn nữa!Mọi người kinh hãi nhìn nhau, không ngờ cô sanh song thai. Cô Hai nói rồi gồng mình rặn một hơi dài: thêm một đứa nữa chun ra. Bà mụ vừa kịp giao đứa đầu cho bà Bảy là quay qua đón liền đứa thứ nhì. Dượng Hai nghe xôn xao trong buồng, nóng ruột khoác tấm màn thêu thò đầu vô định hỏi, nhưng bị bà Hội đồng xô ra:– Đàn ông hổng được xớ rớ vô mấy chỗ này, dơ lắm! Để chút nữa dọn dẹp sạch sẽ rồi thằng Hai mày mới được vô thăm. Hai đứa nhỏ ngộ lắm!Dượng Hai Tú há hốc miệng:– Hai đứa?Nhưng bà Hội đã quay lưng trở vô. Hai đứa nhỏ giống nhau như hai giọt nước được đặt nằm bên cạnh mẹ. Bà mụ cẩn thận dặn con Na nấu nước nóng, vô bốn cái chai thủy tinh đặt hai bên hông mấy đứa nhỏ cho ấm áp. Bà Bảy ở lại với con gái cho yên bụng. Dượng Hai sau khi vô thăm vợ và chiêm ngưỡng hai cái tác phẩm đầu tay (hơi bất ngờ)ø xong, bèn hớn hở theo bà Hội trở lại đám cưới.Tin cô Hai Tú sanh song thai được đón tiếp nồng nhiệt. Đến chầu khui sâm banh, mọi người đồng loạt giơ ly thật cao để vừa chúc mừng cô dâu chú rể răng long tóc bạc, vừa mừng dượng Hai Tú mới được lên chức.Trong sự vui mừng chung, mấy bà đâm ra quên mất sự… thiếu thước tấc của cô dâu và trước khi ra về mọi người không quên cầu chúc hai gia đình một cái Tết thật tưng bừng, náo nhiệt…Tiểu Thu
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 20/Mar/2024 lúc 10:04am |
Oan TráiTâm hồn đang mơ say với giấc mộng đẹp còn vương lại từ đêm hôm qua. Bỗng nghe tiếng gọi của dì Thu, tôi giật mình tỉnh giấc rồi mà lòng vẫn còn luyến tiếc mộng mị an lành vừa thoáng tan đi. Chợt nhớ lại, hôm nay Huấn sẽ đến đón hai dì cháu chúng tôi đi biển. Sau nhiều lần chàng mời, dì Thu cứ nấn ná mãi cho đến gần ngày lễ ra trường của tôi, dì mới nhận lời để cả hai dì cháu đi chơi chung với anh hôm nay, và dì cháu tôi cũng nhận lời mời sẽ đến thăm gia đình bên ấy nhân ngày đọc kinh giỗ cho cha của chàng vào thứ bảy tuần tới. Ngày hôm qua, khi nghe ban tổ chức trường vừa gọi đến tên Quỳnh Lan, tôi vội vàng len qua hàng ghế để đi lên, những bước chân nhẹ nhàng đánh lập cập vướng vào nhau đi không vững, bồi hồi xúc động một lúc lâu tôi mới lấy lại được sự bình tĩnh đi lên đến nơi để đón nhận văn bằng tốt nghiệp Bachelor, đó là thành quả ước vọng của tôi và cả dì Thu nữa. Tôi tốt nghiệp ngành Management Information System, Net Working ở San Jose State, điều vui mừng hơn nữa là đã thi đậu và sẽ ký hồ sơ nhận việc làm cho City of San Jose. Đúng là thần giao cách cảm, tôi vừa lẩm bẩm nhắc đến tên anh, thì cùng lúc điện thoại cầm tay của tôi vang lên. Chàng gọi điện thoại cho tôi và nói: "Anh
sắp đến rồi, khoảng độ hai mươi phút nữa" Tôi mỉm cười hãnh diện, sung sướng với những mơ ước đang đón chờ. Tiếng chuông ở cửa vang lên đã đem dì cháu tôi trở về thực tại, dì bước ra mở cửa. Chàng của tôi nét mặt vui cười rạng rỡ cúi đầu chào Dì, rồi tiến đến gần bên tôi và trao tặng tôi bó hoa hồng màu hồng thẫm, điểm lẫn những chùm hoa nho nhỏ màu tim tím. Một bầu trời xinh tươi, tràn ngập tin yêu trọn vẹn đang tỏa sáng vây quanh chúng tôi. Chàng quay qua phía dì Thu để xin phép: "Cháu xin phép mời dì và em Quỳnh Lan đi nhé!" Dì
Thu đáp lời: Cả ba người chúng tôi lần lượt bước ra khỏi cửa và đi lại chỗ đậu xe của Huấn, chàng mở cửa xe để mời dì và tôi lên chiếc xe BMW mới của chàng. Trên đường từ nhà tôi đi đến biển Carmel tuy xa, nhưng thật gần, vì trên xe chúng tôi cùng chuyện trò, to nhỏ thật hợp ý nên xe chạy gần đến nơi hồi nào rồi mà vẫn chưa hề hay biết. Dì Thu cười đùa hỏi "Huấn ơi! Sao cái xe của cháu lại viết tắt có ba chữ BMW nghĩa là gì vậy cháu?" Chàng khe khẽ trả lời chỉ đủ cho người đã hỏi nghe thôi, người đời đặt nó là "Be My Wife" đó dì ạ; Dì Thu bật cười ròn rã, Huấn cười theo, tôi cũng phụ họa cười dù chả nghe được rõ câu giải thích của anh chàng. Huấn
vừa quẹo xe vào bãi đậu xe của bờ biển, Quỳnh Lan reo lên: Carmel-by-the-Sea thông thường được gọi là Carmel, là một thành phố biển thuộc quận hạt Monterey, tiểu bang California, United States được tìm ra vào năm 1902, nhưng mãi cho đến ngày 31 tháng 10, năm 1916 mới chính thức được mang tên Carmel-by-the-Sea. Đến du ngoạn ở Carmel thì sẽ không thất vọng, bởi vì đường đi rất dễ dàng, phong cảnh lãng mạn biển đẹp nên thơ dễ quyến rũ lòng người du khách. Chàng
dìu tôi cùng đi trên cát, những vết chân của chúng tôi lún in sâu xuống cát như
những kỷ niệm kết dấu ấn tình yêu đầu đời, tôi vui sướng đi nép vào chàng để hưởng
những diễm phúc đang có. Dì vẫn đi bên cạnh chúng tôi, để nâng đỡ tinh thần cho
hai kẻ đang yêu. Một lát sau, chúng tôi phụ chàng giăng lều, cái lều nhỏ hẹp chỉ
đủ cho ba người chúng tôi tránh gió, cũng có đem theo ba cái ghế xếp để ngồi.
Dì Thu muốn ở trong lều để nghỉ một chút, còn tôi và Huấn ngồi ở phía ngoài, cạnh
cái lều ngắm biển. Dì Thu thấy Huấn đi ngược lại hướng lều của chúng tôi đang ngồi, thì nhắc nhở tôi sắp bày sẵn bánh mì thịt nướng, bò bía, dưa hấu và nước dừa hộp để chúng tôi cùng dùng trưa chung với nhau. Buổi ăn trưa tuy đơn sơ nhưng đậm đà tình cảm ân cần trao nhau như đã là người cùng một mái gia đình từ thuở nào. Chúng tôi chia sẻ những ước nguyện trong tâm tư và bàn việc dự tính hướng về tương lai, dì ngồi nghe chỉ gật gù, thỉnh thoảng mới chêm góp ý thêm tí chút cho vui. ****** Vào chiều của ngày hôm trước ngày hẹn, Huấn đã gọi điện thoại cho tôi để nhắc nhở là trưa ngày mai chàng sẽ đến đón dì cháu tôi vào lúc mười một giờ để sang thăm gia đình bên nhà, giọng chàng khẩn khoản ngọt ngào dặn đi, dặn lại. Tôi chỉ biết nghe theo lời chàng, chứ đâu biết thay đổi điều chi. Thấy điện thoại nhà reo vang, dì Thu đang ở trong bếp cũng nói vọng ra "Nếu Huấn nó gọi thì cứ bảo là mình không có quên hẹn đâu nhé", lúc ấy tôi đã cúp điện thoại rồi, nên chỉ biết "Dạ" cho dì yên tâm thôi. Dì và tôi vừa nướng xong hai ổ bánh bông lan với nho khô để mai đem qua bên nhà biếu mẹ anh Huấn, mùi bánh thơm phức lan tỏa ra cả nhà ngửi thấy mà thèm, muốn véo một miếng để ăn thử ghê đi.
"Anh nói vậy nghĩa là
sao, tôi không hiểu rõ mọi chi tiết?"
Không
khí bỗng nhiên trở nên tĩnh lặng, nặng nề bao quanh mọi người hiện diện trong
căn phòng lúc ấy, như để chia sẻ muộn phiền với chủ nhà mà không ai cầm được nước
mắt. Vậy mà từ ngày làm bạn với cháu, cậu ta vui hẳn lên, luôn miệng khoe với bác là: "Con rất may mắn, vừa làm quen được một cô thật dễ thương, vui vẻ, tên là Lê Quỳnh Lan. Nàng đẹp người, đẹp nết, đẹp cả tâm tư, công dung ngôn hạnh toàn hảo; Ngoài sự học và đi làm works study ở trong trường San Jose State, cô nàng chỉ ở nhà phụ giúp dì lo cơm nước, vén khéo trong gia đình, nàng giỏi lắm mẹ ơi!" Bà dịu dàng nói: "Chị Thu ơi! Hễ
con tôi thương ai, là tôi thương người ấy"
"Thế... Cha mẹ cháu có khỏe không, hiện đang ở đâu, bác sẽ xin phép để sang thăm ông bà vào ngày rất gần đây?" Mặc dầu mẹ của Huấn hỏi cháu gái mình, nhưng nó đâu có đủ thấu suốt để trả lời cho cặn kẽ mọi chuyện. Đến lúc này thì dì Thu biết mình phải lên tiếng để đỡ lời cho cháu, niềm đau xưa trong ký ức lại bỗng trở về, lòng quặn se lại, hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi. Dì
Thu khẩn khoản nói: "Cha của cháu Quỳnh Lan
là người đang ở trên bàn thờ kia."
"Không chấp nhận đâu... Không phải như vậy. Có phải dì vừa nói đùa không?...." Dì Thu bối rối nhìn bà Hoan, rồi quay lại phía Huấn và Quỳnh Lan, nhẹ nhàng mở ví cầm tay của Dì để lấy tấm ảnh cũ, hơi bạc màu đưa ra để làm bằng chứng cho lời nói thật của mình: "Tấm ảnh này tôi đã dấu kỹ, không muốn cho cháu của mình thấy, sợ làm buồn tuổi thơ sẽ sao lãng việc học; Nó đã chịu thua thiệt, phải mang họ mẹ từ lúc mới sinh ra đời." Mọi người đã nhìn thấy hình mẹ của Quỳnh Lan chụp chung với ông Hoan, mà trên tay ông đang bế một đứa bé gái độ chừng một tuổi, mọi sự việc vừa phân bày ra nào ai mong đợi.
"Quỳnh Lan quý yêu của dì, cháu hãy lại nhận má lớn và anh Huấn của cháu đi!" Quỳnh Lan còn biết nói gì hơn khi lòng tràn ngập đớn đau. Thầm nghĩ lại chuyện ngày xưa, đã một lần, bà đằng đằng cố chấp, nên mới xảy ra nỗi trần trược cho đến ngày hôm nay, nên bà cố gắng rộng lượng hải hà, để Huấn được nhận Quỳnh Lan là người em cùng cha. Bà Hoan khẽ gật đầu, ánh mắt nhoà lệ hướng về phía anh Huấn và Quỳnh Lan như dấu chỉ cho cả nhà biết là người đã bỏ qua vết năm xưa, để hai anh em nàng được yên hưởng đoàn viên. Dù nghiệt ngã cuộc đời ngày cũ rất khó xoá nhoà, dấu vết ấy vẫn mãi xuyên buộc chúng tôi hãy cố quên đi mảnh tình oan trái đã qua...
Tôi mơ gọi từng cơn sóng biển
Oan Trái - VVNM 2024 - Việt Báo Viết Về Nước Mỹ (vietbao.com) |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 22/Mar/2024 lúc 10:48am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 25/Mar/2024 lúc 9:32am |
Con Đường Xưa Em ĐiCon đường xưa em đi,
vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê….. Con đường xưa em đi,
thời gian có quên gì, đá mòn kia vẫn ghi…. (Nhạc Châu Kỳ-Lời Hồ
Đình Phương) “Con đường xưa em đi” gợi tôi nhớ đến con đường Duy Tân rộn rã tiếng cười của
nữ sinh viên trường Luật, với mái tóc thề chấm ngang vai, với tà áo trắng tung
bay. Con đường xưa tôi đi, trên miền đất lạnh, đem tôi về một dĩ vãng có ba
giai đoạn của cuộc đời: thời sinh viên, những bước đầu tỵ nạn và lúc tuổi xế
chiều. Ba tâm trạng khác nhau. Ở tuổi mười chín, tôi bước chân trên con đường rợp bóng cây phong dưới chân đồi
đại học Montréal với bầu nhiệt huyết của một du học sinh đến miền đất văn minh
để xây dựng tương lai. Vào tuổi trung niên, từ trại tị nạn tôi trở lại đây, lạc
lõng, bơ vơ, đến trường cũ xin bản sao văn bằng để đi tìm việc. Và ngày hôm
nay, ở tuổi xế chiều, tôi trở lại con đường xưa, trên những bước đi chậm rãi,
tôi suy gẫm về cuộc đời. Con đường tôi đi mang
tên Maplewood, có ý nghĩa là rừng phong nay đổi lại là Edouard Monpetit. Tôi
đến đây lần đầu tiên vào mùa thu, lá đã thay màu, để tìm nhà trọ và viếng ngôi
trường mới, Trường Bách Khoa, Đại học Montréal. Cuộc đời sinh viên của tôi thật
êm ả, được hòa mình vào một môi trường sống thật hiền hòa, lương thiện. Khó có
thể chối cãi ảnh hưởng tốt lành của việc sùng đạo công giáo của người Québecois
lúc ấy. Con người đối xử với nhau rất chân thật, và đặt nặng chữ bác ái của
Ki-tô giáo. Có lẽ bản chất nông dân hiền hậu từ đất Bretagne, Normandie của nước Pháp được
bảo tồn đến ngày nay qua cuộc di dân. Hầu như không có trôm cắp, báo La Presse,
Le Devoir, giá 5 xu, 10 xu để bên lề đường tự người mua ý thức bỏ tiền vào hộp.
Xe đạp, moto, không cần khóa. Giáo sư rất khiêm tốn, không giữ khoảng cách với
sinh viên, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi dù có khó khăn, đặc biệt là rất khoan
dung với những anh chàng không cưỡng được cơn buồn ngủ, gục đầu trên bàn học.
Sinh viên chỉ cần một cái búng tay kêu tiếng “tách” để gọi giáo sư hướng về
mình để đặt câu hỏi. Giờ ra chơi, trò cùng thầy phì phà khói thuốc tiếp nối câu
hỏi dở dang. Đó là những nhận xét về trường của tôi cách đây hơn nửa thế kỷ. Mỗi ngày tôi phải leo
hơn 100 bậc thang và một đoạn đường dốc để đến trường nằm trên đỉnh ngọn đồi.
Không màng cái mệt thể xác, ngay cả lúc mùa đông giá rét, đường trơn trượt. Có
lẽ nhờ tâm hồn vui vẻ, đầy phấn khởi và nhiều hy vọng ở tương lai. Bạn trong
lớp thật là tốt bụng, thường đặt câu hỏi: đề thi có quá khó không? Họ không
biết là những câu hỏi như thế chạm tự ái của những người đã đậu tú tài hạng Ưu
hay Bình mới được học bổng du học. Lần đầu tiên họ tiếp xúc với thanh niên một
nước chậm tiến nhưng bộ óc không chậm chút nào. Lúc ấy Canada có mức sống cao hạng nhì trên thế giới, đứng sau Mỹ, nhờ nông
nghiệp và khai thác khoáng sản, còn nước VN thật bé nhỏ, nghèo nàn. Nhưng tôi
hãnh diện về lịch sử và văn hóa của nước tôi, nhất là nơi ấy tôi đã có một cuộc
sống hạnh phúc, không có nhiều nhu cầu vật chất của một xã hội tiêu thụ. Sự học không ngăn cản
được cái khao khát tình yêu ở tuổi thanh niên nhất là trong khung cảnh tự do,
xa gia đình, nơi xứ người. Nhưng sinh viên nữ VN quá ít nên chỉ có những anh
chàng nhanh chân, khéo miệng mới được các nàng gật đầu chấp thuận một cuộc hẹn
tay đôi, biến thành sự gắn bỏ cả cuộc đời. Cái cô đơn làm cho các chàng bớt
khắt khe về dung nhan của người con gái. Có những cô nàng cẩn thận đi đâu cũng
đòi có vài nhân chứng chaperons đi kèm cho đến khi chọn được một ứng cử viên
vừa ý mới tách đi cặp. Thời gian thử thách khá lâu. Có anh chán nản bỏ về VN lấy vợ đẹp. Tôi thấy rõ
sự khao khát “cây nhà lá vườn” của đàn anh đến trước tôi ba năm nhưng lớn hơn
tôi 5-7 tuổi. Nhân có một đoàn y tá và nữ hộ sinh VN được Gia Nã Đại cho qua tu
nghiệp một năm tại các bệnh viện, các đàn anh của tôi đã tình nguyện dẫn các
chị đi dạo chơi, xem thắng cảnh, đi mua sắm, ăn cơm tàu, để sau cùng quỳ gối
trân trọng nói câu: “Anh muốn đem lại hạnh phúc cho em”! Cái bằng kỹ sư du học
lúc ấy cũng có giá lắm, thêm vào đó, cái cung cách tôn trọng phụ nữ, học của
tây phương, cùng với làn da hồng hào sau mấy năm thoát khỏi ánh nắng gay gắt
của miền nhiệt đới. Làm sao em có thể từ chối tình yêu của anh được! Thế rồi các chàng cùng các nàng về quê nhà thành thân bỏ lại sau lưng giấc mơ
lấy bằng tiến sĩ. Chỉ có các anh cùng khóa với tôi xuống học ở ĐH Laval, vắng
bóng hồng VN, chuyên tâm dồi mài kinh sử, hầu hết trở thành giáo sư đại học.
Tại sao không có ai yêu mái tóc vàng, mắt xanh, da trắng? Có chớ sao không. Nhà
văn KT, tốt nghiệp ĐH Laval, có nhiều mối tình nóng bỏng được anh kể lại rất
hấp dẫn trong tiểu thuyết của anh, có nhiều đoạn rất là “kích dục”. Vậy thì còn
“công lực” đâu để học lên tiến sĩ. Thôi, làm kỹ sư bachelor cũng được. Ở phương trời Tây bây giờ, anh có còn nhớ thời oanh liệt hay không lúc tuổi đã
về chiều? Tại Montréal có vài chàng thành thạo ăn chơi từ quê nhà, chê gái VN
là “xấu, ngực lép, chân cong, hay õng ẹo”, họ đi săn tìm những cô gái tóc vàng
bất chấp tuổi tác, trình độ văn hóa, giai tầng xã hội. Họ thành công trong việc
thỏa mãn tình dục. Nhưng khó biết họ có được tình yêu hay không khi tìm sự kết
hợp vội vàng trong quán bar, sàn nhảy, quán ăn, trên autobus… rồi không dứt ra
được? Điều có thể thấy về sau là họ không có được những đứa con thông minh sáng
láng như con của rất đông người tỵ nạn nghèo nhưng có văn hóa, có truyền thống
giáo dục gia đình. Tôi trở về quê hương
lòng không vướng bận như các đàn anh dù đã có một lần mang một vết thương. Tôi
trả được hiếu, đáp lại được ước mong của bà mẹ quê mòn mỏi trông con. Nhưng rồi
mẹ tôi sớm qua đời và tôi cùng với hàng triệu đồng bào miền Nam đã trải qua bao
khổ đau bên trong bức màn sắt của thiên đàng cộng sản. Đói khát, tù đày, tinh
thần uất ức trước bao cái ngu, cái ác của bọn quỷ đỏ. Sau cùng, tôi cũng đã
thành công đến được bến tự do. Ở tuổi trung niên, với
thân phận người ti nạn trắng tay, tôi trở lại con đường xưa, lên trường cũ xin
bản sao văn bằng nộp đi tìm việc làm ở đầu thập niên 80. Tôi tìm thấy sự ấm áp,
niềm nở nơi những người bạn làm việc ở VN thoát đi năm 1975. Chỉ trong 5 năm,
họ đã thành công, có việc làm tốt, mua được nhà ở ngoại ô. Còn bạn du học thuở
xưa thì sao? Có kẻ thủy chung cũng có người bội bạc. Tôi chỉ có một chút ngỡ
ngàng vì ngạc nhiên trước cái bội bạc. Nhưng nó chỉ là một cơn gió thoảng so
với những trận cuồng phong mà tôi đã trải qua trong lao tù cộng sản. Rồi tôi
vững tin tiến bước trên con đường tạo dựng sự nghiệp trên quê hương mới. Theo nhận định hạn hẹp
của tôi, chân dung tổng quát của các du học sinh trước 1975 tại Montréal như
sau. Những anh còn độc thân, dần dần bớt đi cái hợm hĩnh trí thức lúc ban đầu
để đi tìm những bóng hồng trong đám người tỵ nạn giúp họ chấm dứt nỗi cô đơn.
Những kẻ đã có gia đình kết hợp hai đầu lương đại học đều có cuộc sống thoải
mái trong căn nhà ngoại ô, tập trung ở Brossard, Longueuil, Saint Lambert, Laval.
Trong thập niên 80, họ bỏ ngoại ô chuyển về Ville Mont-Royal, khu nhà giàu,
đồng thời với các nhà giàu mới trong ngành y, nha, dược, đã hội nhập thành công
nơi quê hương mới. Một số ít muốn tìm sự khác biệt, đến sống ở Outremont trên
núi cao, thủ phủ của nhà giàu và quyền thế nói tiếng Pháp, hoặc Wesmount có một
thời được xếp là nơi cư dân có lợi tức trung bình cao nhất nước. Tôi có vài
người bạn chọn Hampstead, khu nhà giàu Do Thái vì cho là nhà nơi đây mới hơn
nhà Ville Mont Royal. Cô em vợ tôi, hai vợ chồng bác sĩ, tích lũy tiền bạc sau
mấy năm làm việc ở vùng xa, trở về mua nhà ở Hampstead vì cơ duyên gặp một căn
nhà đúng ý thích. Họ sống thoải mái cho đến một ngày cô nàng gặp một anh Do
Thái đặt câu hỏi khi gặp nhau giữa đường: Cô làm bonne (người giúp việc nhà)
cho nhà nào? Sao nó có thể nhìn người bác sĩ VN thành người bonne Philippines
được! Trách ai? Nhà Do Thái nào ở Hampstead lại không có bonne Philippines. Họ lấy
tiền lương của bonne cho vào chi phí của xí nghiệp để trừ thuế. Thôi thì nhà
anh anh ở, nhà tôi tôi ở, tránh tiếp xúc. Mấy anh Do Thái thật có tính tự tôn.
Phải có chiếc Mercedes hay BMW bóng loáng chạy ngoài đường họ mới biết cái giàu
của nghề bác sĩ. Khổ nỗi cô em vợ tôi tính cần kiệm, không thích khoe khoang,
cảm thấy hạnh phúc với chiếc Corolla. Mặc cho mọi người đàm tiếu nói ta hà
tiện. Đồng tiền mua nhà mới là đồng tiền khôn. Mua xe, tiền hao mất, mua nhà
tiền nhân lên. Tôi hòa mình với đồng
bào tỵ nạn giống như tôi, có cùng một ý chí phấn đấu kiên cường, có tình thương
sâu đậm hướng về thân nhân còn sót lại ở quê nhà. Tuy lợi tức còn ít oi, người
tỵ nạn ào ạt cho tuôn về VN những món quà cứu đói cho cha mẹ, anh em, vợ hay
chồng bị VC giam giữ, lưu đày. Các cháu của tôi, trong lúc anh tôi bị đày ra
Bắc phải nuôi sống bằng bo bo và nước muối khi mẹ của chúng đắm chìm trong điên
loạn. Ta hãy đọc lại lời ca thâm thúy, gây xúc động của Việt Dũng trong “Một
chút quà cho quê hương”: Em gởi về cho anh dăm
bao thuốc lá. Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gởi về cho mẹ dăm chiếc
kim may. Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy… Con gởi về cho cha một manh áo
trắng. Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây… Các cửa hàng gởi thuốc
về VN của bà B., ông T. làm ăn phát đạt cạnh tranh với Trạm Beaudry do một số
du học sinh thân cộng quản lý. Những người nầy đã hoạt động tích cực trong
phong trào phản chiến đả phá VNCH. Suy nghĩ kỹ, tôi thấy họ chỉ là nạn nhân lầm
lạc của một chiến dịch truyền thông chống chiến tranh trên toàn thế giới. Họ
không biết hay không thẩm lượng được cái ác, cái ngu của VC, tàn phá xứ sở, hủy
diệt con người. Tôi đã chứng kiến sự thức tỉnh của nhiều người. Nếu họ là những
người có tâm huyết chắc chắn họ phải đau lòng vì sự tụt hậu của VN sau 44 năm
dưới quyền thống trị của một chế độ khát máu, phi nhân. Tôi cảm thấy phải vinh
danh người phụ nữ VN tỵ nạn trong đầu thập niên 80. Họ trở thành trụ cột gia
đình, miệt mài lao lực ngày đêm trên chiếc máy may hay trong nhà bếp của các
quán ăn. Họ giúp chồng yên tâm ăn học để sớm hội nhập vào xã hội mới. Nhiều
người bác sĩ ở thế hệ đầu tiên phải mãi mãi mang món nợ ân tình nầy của người
vợ đảm đang. Sau người mẹ là những đứa con ở thế hệ hai. Gương phấn đấu và sự
cực khổ của cha mẹ đã rèn luyện cho đứa trẻ nhiều nghị lực và quyết tâm vươn
lên trong xã hội. Chúng thành công rực rỡ làm thành thế hệ trẻ đông đảo trong
ngành y, nha, dược. Truyền thống giáo dục gia đình nghiêm khắc của VN là nhân
tố đem nhiều thành công cho con cái. Tôi rất khâm phục đứa con gái lớn của một anh bạn thân vừa qua đời. Có chồng là
trí thức nhưng cô ta lao lực cả đời với lương tối thiểu sống cần kiệm nuôi 4
người con tất cả thành bác sĩ. Tôi nhìn quanh tôi có những anh bạn có vợ
Québecoise. Họ thường có một quan niệm giáo dục phóng khoáng, không ép buộc, để
cho đứa trẻ phát triển theo sở thích của nó. Chơi hockey giỏi cũng kiếm được
nhiều tiền cần gì phải làm anh mọt sách. Kết quả là tôi ít thấy có cô hay cậu
“tây lai” nào làm nghề bác sĩ ở Montréal. Thông minh thì có nhưng “cote R”
(điểm trung bình để xét vào các đại học ở Quebec) không cao vì thiếu cố gắng
trên toàn bộ các môn học. L’homme est un
apprenti, la douleur est son maître (Alfred de Musset). (Con người là kẻ tập
sự, đau khổ là thầy của họ). Có đau khổ người thi sĩ mới cho ra những vần thơ
hay. Có thử thách con người mới rèn nên nghị lực. Thế hệ thứ hai của người tỵ
nạn thành công nhờ thử thách của bản thân hay gương thử thách của gia đình
trong những năm đầu sống khó khăn trên quê hương mới… Nhưng trong gia đình
nào cũng có câu hỏi khó giải đáp về hôn nhân của con mình: lấy Việt, lấy Tây,
lấy Tàu, lấy Rệp, lấy da đen. Đây là câu tự hỏi về ước mơ của cha mẹ chớ có ai
điều khiển được con mình. Nói đến làm mai là chúng giẫy nẩy lên cho là một hủ
tục. Nhiều bà mẹ tuy ít biết ngoại ngữ nhưng thích con lấy Tây để lai giống
đẹp. Dù dân tộc ta có anh hùng, có mỹ nhân, ta khó thể phủ nhận là dân da trắng
được Thượng đế ban cho nhiều nét đẹp. Tôi thấy nhiều ông bà thật sự hạnh phúc
khi nâng niu những đứa cháu lai đẹp như thiên thần. Nhưng không phải lúc nào cũng có quyền gặp chúng nó, hôn chúng nó. Phải
có hẹn trước như hẹn bác sĩ! Chưa kể phải tắm rửa sạch sẽ để khỏi nhiễm trùng
cho trẻ con. Một bậc cha mẹ khác nói: “Tôi cũng thích có cháu lai nhưng chỉ sợ
lấy Tây họ ăn ở không có cái “nghĩa”, dễ ly dị, gây khổ cho con và cho cháu. Do
đó tôi thích con tôi lấy Việt Nam, bền vững hơn.” Nhưng cái nghĩa vợ chồng của
xã hội VN, giới trẻ có hiểu nổi không? Có thực hành được không trong một xã hội
đặt nặng chủ nghĩa cá nhân? Trong cái nghĩa phải có hy sinh và chịu đựng. Con
cháu chúng ta có thấm nhuần ý nghĩa nầy không? Cái duyên gặp gỡ VN để
thành gia thất đôi khi rất hiếm mà người Tàu chung quanh thì lại khá đông. Đài
Loan, Trung Cộng, Hong Kong, Tàu nào tốt hơn? Hy vọng Tàu nào cũng còn giữ được
chút truyền thống Á Đông, cùng một nền văn hóa với VN nên vợ chồng dễ cảm thông
nhất là trên vấn đề ẩm thực, vấn đề hiếu đạo và giáo dục con cái. Vậy tâm lý vợ chồng Việt Hoa có bị chi phối bởi những sự kiện lịch sử không?
Tôi nghĩ là không, đối với giới trẻ quen với giá trị bao dung. Nhưng biết đâu
những cặp lớn tuổi khó tránh được cãi vã khi Tàu cộng xâm lăng VN. Gương nước
Mỹ ngay trước mắt. Chồng bênh Trump, vợ chửi Trump. Kẻ bênh Clinton, người thóa
mạ Clinton. Chồng vợ, con cái, cãi nhau vì Obamacare và Trumpcare… Đã có thăm
dò ý kiến sâu rộng về sự xích mích nầy trong gia đình người Mỹ chớ không phải
đoán mò. Ở Montréal có rất
nhiều người Á Rập Hồi Giáo vì chính quyền Québec thích nhận di dân nói tiếng
Pháp nhưng lại ngứa mắt vì cái khăn đội đầu của phụ nữ. Họ ăn nói rất hay, có
học thức cao, nước da từ café sữa đến trắng như Tây. Vợ tôi có thành kiến với
người Á Rập vì lúc ở Phi Châu bà có một người bạn VN đau khổ vì người chồng Ai
Cập. Lấy nó vì tưởng nó là Tây thiệt! Ngoài ra, bà lại thấy trước mắt con của
một người bạn bị một anh sinh viên Á Rập bỏ rơi sau nhiều năm chung sống. Không
có tình yêu, hắn chỉ lợi dụng để có quốc tịch rồi cao bay xa chạy. Hơn nữa cái truyền thống đa thê của Hồi Giáo luôn luôn đe dọa người vợ dù
ở Canada. Rất nhiều người mẹ đơn thân ăn trợ cấp xã hội của chính phủ là vợ
hai, vợ ba, vợ bốn của những người Á rập. Đây là chuyện đau đầu tràn lan tại
Pháp và đương nhiên đã hay sẽ xảy ra ở Montréal làm người đóng thuế không hài
lòng. Nói đến da đen là một vấn đề tế nhị. Thượng đế quá bất công đối với họ. Người
Việt chúng ta rất kỳ thị màu da đen. Vì thẩm mỹ chớ không phải vì dòng máu hay
địa vị xã hội. Khi tôi làm việc ở Phi Châu, một anh kỹ sư da đen nói với tôi:
Tôi có một người bạn ở Abidjan yêu một cô gái VN nhưng không đi đến được hôn
nhân vì cha mẹ của nàng đòi tự tử. Nó không hiểu tại sao! Trên đây là lời luận
bàn về những ước mơ của bậc cha mẹ. Trên thực tế sau cùng con muốn sao thì ta
phải chịu vậy. Ta có thể rèn luyện nghị lực cho nó nhưng khó uốn nắn trái tim
của nó. Thôi đành nhắm mắt xuôi tay, để xem con tạo xoay vần tới đâu. Tôi nhịp bước trên con
đường xưa lòng miên man suy nghĩ. Sau 5 tháng làm loài chim tuyết xuống phía
Nam hưởng nắng ấm, tránh mùa đông phương Bắc, tôi lại quay về cố hương. Tận
hưởng mùa hè, mùa thu ở Gia Nã Đạị rồi lại bay đi khi tuyết đến. Tôi hiểu bí
quyết để sống vui sau khi về hưu là quẳng gánh lo đi. Có thì giờ chia sẻ công
việc nhà với người vợ đảm đang, trong bao nhiêu năm làm người nội trợ thầm lặng
rất mệt nhọc để tôi dành thời gian cho sự nghiệp. Cái âu lo cho cá nhân không còn nhưng cái đau khổ cho đất nước vẫn luôn luôn
làm ray rứt tâm hồn tôi. Thật đau lòng khi thấy phụ nữ VN phải đi làm nô lệ tại
gia ở các nước Á Châu hay các nước Á Rập. Nam giới thì làm lao nô ở nước ngoài
với đồng lương thấp kém làm giàu cho bọn tham ô Cộng Sản ngồi hưởng huê hồng.
Nhiều người bạn của tôi đem sấm Trạng Trình ra bàn, đã quả quyết là cộng sản
sắp chết khi có cách mạng hoa lài ở Tunisie. Nhưng họ đã ra đi trước khi nó
chết. Những tưởng sự sụp đổ bức tường Bá Linh làm chúng thức tỉnh trả tự do cho
dân tộc nhưng chúng lại van xin Tàu Cộng cứu chúng, được trao đổi bằng văn kiện
bán nước: Hiệp Ứớc Thành Đô. Bao giờ Cộng Sản mới chết để em về thăm VN? Nhà tôi đặt câu hỏi. Dieu seul le
sait! Trời biết. Đã gần nửa thế kỷ chờ mong. Trần Anh Kiệt
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 26/Mar/2024 lúc 11:35am |
Chút ân tình cũ Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ bến. Câu chuyện tôi muốn kể sau đây xảy ra sau biến cố 1975, đánh dấu một giai đoạn thê thảm nhất đời tôi, tưởng có thể gục ngã, nhưng chính vào lúc như thế, chỉ cần một bàn tay, một chút ân tình, cũng có thể cho ta sức sống, hy vọng, niềm tin để vượt qua những chông gai, vươn vai đứng vững trên những thử thách. Như hôm nay trên xứ lạ, bâng khuâng nhìn những sợi tuyết mong manh thật nhỏ như tơ trời, nhẹ nhàng rơi trông như cơn mưa phùn Hà Nội. Mưa tuyết lê thê dai dẳng, không biết bao giờ dứt. Trời u ám một màu xám tro, ảm đạm, dễ khiến lòng người tha hương vốn u uẩn càng u uẩn hơn. Nỗi buồn xa xứ dai dẳng như bám sâu từ lúc nào trong tâm khảm, chỉ chờ một cơn gió nhẹ, một chiếc lá rơi hay như bầu trời ảm đạm hôm nay cũng gợi lại bao nỗi niềm xưa cũ. Tôi nhớ rõ lắm, cũng thời tiết này, cũng với cái giá lạnh của mùa Đông, ngày đó, tôi đã trải qua bao gian truân, khổ ải. Cho đến bây giờ, ngồi trong căn nhà ấm áp bình yên nơi xứ lạ, ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi từ đâu, từ sức lực nào, từ nghị lực nào tôi có thể vượt qua mọi thử thách để tồn tại. Ngày đó, tôi còn trẻ, mới chỉ 23 tuổi đời. Cơn bão thời cuộc ập tới, quất vào mặt tôi những cái tát nảy lửa, bỏng rát và phủ lên cuộc đời tôi một màu xám ảm đạm. Cũng như bao thân phận của những phụ nữ miền Nam sau 1975, tôi sống kiếp “Hòn Vọng Phu” vì chồng tôi khăn gói vào tù mịt mờ không biết ngày trở lại. Ở nhà lủi thủi một mình với cụ bố chồng, cuộc sống lê thê ảm đạm, ngày này qua tháng khác, năm này sang năm kia. Cho đến khi biết Huy, đấng lang quân của tôi bị đày ra Bắc, tận Lào Cai, vùng rừng sâu nước độc, tôi coi như chết cả cuộc đời. Như cái án tử hình treo lơ lửng trước mặt. Cái án dành cho chàng và cả cho tôi. Tôi sống mà như cái xác không hồn, buông xuôi, thả đời cho số phận. Ở nhà mãi với cụ bố chồng đáng tuổi ông nội, mà lại là một nhà nho…”chùm”, rất phong kiến, khó tính. Hai thế hệ như hai thái cực. Tôi buồn hiu hắt. Nỗi buồn âm ỉ, thấm sâu, đốt dần từng tế bào trong cơ thể tưởng như không còn sức sống. Tôi rũ xuống, mềm nhũn như một con giun đất. Để giải khuây vơi bớt nỗi sầu, hay nói đúng hơn muốn thoát thân, thay đổi chút không khí cho dễ thở, tôi vùng dậy lấy cớ đi thăm nuôi chồng, mặc dù tôi biết rấtvất vả khổ sở, nhưng với tôi, cái khổ thân xác vẫn chịu được, không ăn thua gì so với cái khổ tinh thần. Lại nữa thăm nuôi để chia sẻ nỗi khổ nhục của chàng. Là động lực thúc tôi tiến tới. Không cần những bức thư chàng viết về bóng gió, tôi vẫn biết chàng đang đói khổ, rét lạnh đang chết dần với cái án … thật, lao động khổ sai vô hạn định, không biết ngày trở về. Sự sống như mành treo chuông. Chàng đang mong mỏi sự tiếp tế của gia đình, vợ con …! – Ra Bắc một mình nguy hiểm lắm con ạ. Con nên ở nhà cho bố an tâm. Một đứa đi tù đã khổ rồi. Còn một đứa bố không muốn khổ thêm. Câu nói như một điệp khúc, cụ Lý, bố chồng tôi nhắc nhở nhiều lần mỗi khi tôi đòi ra Bắc thăm nuôi. Tôi nghe quen tai hay nói cho đúng hơn lòng tôi chai đá không còn biết sợ là gì, ngoài nỗi chán chường hiện tại. – Bố ạ, sau biến động biên giới với Trung quốc, nhà con đã chuyển từ Lào Cai xuống Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh). Nghệ Tĩnh không xa nữa, con có khổ một chút cũng không sao, con chịu được, bố ạ. Rồi không đợi cụ lên tiếng cho phép, tôi cứ lặng lẽ sắm sửa quà cáp, sắp xếp chuyến đi và đi một mình. Chuyến tàu Sài Gòn – Hà Nội lăn bánh khi phố xá vừa lên đèn, bỏ lại sau lưng tôi bao nỗi ưu tư, phiền muộn của tháng ngày buồn chán. Ngồi co ro trong chiếc ghế chật hẹp, xung quanh tôi toàn cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Bắc và dân buôn hàng chuyến ngồi la liệt xếp lớp dọc lối đi; nỗi ưu tư khác lại bắt đầu ùa đến cùng với nỗi cô đơn trống vắng lạ thường. Trên tàu, tôi không gặp được bất cứ người thân quen hay người đồng cảnh ngộ nào để hy vọng làm bạn và nương tựa giúp đỡ nhau mang xách khi thăm nuôi, mặc dù lúc này, phong trào thăm nuôi tù miền Bắc đã được nới lỏng. Tôi lo lắng ra mặt. Ngồi đối diện tôi, một thanh niên trẻ lên tiếng: – Chị ra Bắc thăm thân nhân cải tạo, phải không? – Vâng. Sao anh biết? – Nhìn cung cách chị, tôi đoán thế. Chị xuống ga nào? – Tôi xuống Vinh. – Tôi cũng xuống Vinh. Hành lý chị nặng nề, tôi sẽ giúp chị một tay. Tôi nhìn sững anh ta, âm thầm nhận xét. Nét mặt anh hiền hòa. Lời nói nhẹ nhàng từ tốn. Tôi an tâm nhưng cũng nói: – Vâng. Cám ơn anh. Nếu tôi không gặp được bạn nào, tôi sẽ phiền anh. Con tàu vẫn sình sịch nghiến đều trên đường sắt. Cứ tới mỗi một ga, hành khách lại ồn ào nhốn nháo. Kẻ xuống người lên, hốt hoảng gọi nhau ơi ới. Những lúc như thế, tôi cố đưa mắt tìm kiếm người nào có bộ dáng đi thăm nuôi để làm quen, nhưng tuyệt nhiên không gặp ai. Cuối cùng, sau 3 ngày 3 đêm, con tàu cũng tới Vinh mà tôi không tìm ra được người thân quen nào cả. Tới Vinh, trời còn nhá nhem tối của 3 giờ sáng. Trên sân ga vắng lặng. Hiu hắt vài bóng đèn vàng đủ soi rõ lác đác vài bóng người lầm lũi lên tàu và xuống tàu. Mưa đêm lất phất rơi, nhẹ lắm; chỉ như sương thoảng trong không gian nhưng cũng len được cái hơi lạnh làm buốt thịt da. Tại Vinh, giờ này mọi nhà đang an giấc ngủ, phố xá im lìm vắng tanh. Không một chiếc xích lô hay phương tiện giao thông nào. Anh bạn đi đường nói với tôi: – Chị thấy đấy, giờ này nhà trọ đều đóng cửa. Nếu chị không ngại, xin mời chị tạm nghỉ nhà chị gái tôi, như tôi đã thưa với chị. Không còn sự lựa chọn nào khác hơn, tôi gật đầu. Suốt 3 ngày 3 đêm trên tàu, vào những lúc tàu dừng ở ga để lấy nước, cho hành khách xuống xả hơi, ăn uống … tôi có dịp hàn huyên, chuyện trò cùng anh. Anh là thanh niên xung phong, tình nguyện vào Nam công tác và có người nhà từng “di cư” năm 1954. Anh kể thì tôi biết nghe, còn sự thật thế nào tôi không quan tâm, chỉ thấy là trông bộ dáng anh hiền lành, ánh mắt không láo liên, tròng đen nhiều hơn tròng trắng, khuôn mặt phúc hậu … nên tôi tin cậy thôi. Mà không tin không được. Tới Vinh, trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không còn lựa chọn nào khác, không thể một mình ngồi đây đợi sáng giữa mùa Đông giá rét như thế này. Tôi liều nhắm mắt đưa chân, đánh cá số phận. Cái số phận, mà xã hội đương thời và cả chính tôi vốn coi rẻ hơn bèo! Tôi xuống tàu đứng trông hành lý của tôi và của anh, trong khi đợi anh đón chiếc xe đạp mua từ miền Nam đem ra Bắc. Rồi cứ thế, anh chất hết hành lý của anh và của tôi lên xe. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau, lặng lẽ theo con đường dẫn về nhà chị anh. Trời đêm vẫn lất phất mưa, thấm dần trên chiếc áo len dày. Dù vận động đi bộ và đẩy xe, tôi vẫn lạnh run, răng đánh bò cạp. Trên đường không một bóng người, ngoài anh và tôi. Hai chiếc bóng lầm lũi chầm chậm đi trên con đường đất sỏi, nhầy nhụa bởi cơn mưa. Gọi là thành phố Vinh, nhưng nơi đây, hai bên đường toàn những căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, mái tôn nhiều hơn mái ngói. Không có hàng quán nào, không có cái sinh động của một thành phố. Không phải vì đang nửa đêm, cho dù có là ban ngày, nơi đây vẫn vắng vẻ tiêu điều. Cũng không hẳn vì chiến tranh mà ra thế, mà vì chính sách ngăn sông cấm chợ, buôn bán chỉ tập trung vào nhà nước nên phố xá thiếu đi cái sinh lực của cuộc sống. Tôi chả nói chả rằng, cứ lầm lũi đi sau lưng anh giữa phố đêm buồn ảm đạm. Nhà người chị khá xa, phải mất non tiếng đồng hồ, băng qua nhiều hàng cây âm u, cánh đồng lúa, và cả những mái tranh xiêu vẹo thấp thoáng ẩn hiện dưới ánh đèn đường. Cuối cùng len theo con đường mòn, nhỏ, quanh co, rồi cũng đến nhà chị anh. Đó chỉ là căn nhà tranh 3 gian, thấp lè tè. Người chị thức dậy châm ngọn đèn dầu hớn hở đón khách. Nét chất phác đôn hậu thân thiện hằn rõ trên nét mặt chị giúp tôi an tâm. Đám con 5 đứa, toàn gái không, như anh kể, còn đang yên giấc ngủ. Tôi không thấy chồng chị, nhưng cũng không hỏi. Có thể ông đi công tác xa. Có khách, người chị lăng xăng xuống bếp châm củi đun một ấm nước sôi, đổ ra lu rồi gọi tôi đi tắm. 3 ngày 3 đêm trên tàu, chỉ rửa mặt không, giờ được tắm còn gì hơn. Buồng tắm chỉ là 4 vách tre nan, dựng sau vườn, không có cửa. Trời đêm âm u, chỉ le lói lờ mờ bằng chiếc đèn dầu từ nhà trước hắt ra. Nhưng không sao. Một liều ba bảy cũng liều! Tôi giội nước giữa cái giá lạnh của thời tiết, cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng không chỉ trút bỏ bao bụi đường mà còn thấy ấm áp trong cái tình của con người với con người đối xử nhau lúc khó khăn, hoạn nạn! Tắm xong bước vào nhà, nơi căn bếp, tôi thấy người chị đang lui cui làm gà nấu cháo. Gà chị nuôi thả rong trong vườn, để thỉnh thoảng góp phần phong phú vào cái ăn cho gia đình và còn đáp ứng khi hữu sự. Chẳng bao lâu chị bưng lên 2 tô cháo gà nóng hổi cho tôi và cho cậu em chị. Tô cháo nóng làm ấm cõi lòng, nhất là đang mùa Đông giá rét. Tôi vừa ăn vừa cảm kích tấm lòng tốt của gia đình chị, vừa áy náy không biết lấy gì đền ơn. Thế nhưng, khi ăn xong lên giường trùm chăn ngủ trên chiếc chõng tre đặt sát cửa sổ ngay phòng khách được ngăn bởi một chiếc màn thô, những nan tre mong manh không ngăn nổi gió lùa nhè nhẹ len vào. Dù đi đường ngủ gà ngủ gật vô cùng mệt mỏi, tôi vẫn không cách nào chợp mắt được. Phần vì lạnh, phần lạ nhà, phần … sợ nữa! Sợ vu vơ! Mắt tôi mở thao láo. Trong bóng đêm mịt mờ, tiếng ếch nhái ễnh ương sau vườn tấu lên một khúc nhạc nghe thật ma quái. Tôi vốn sợ ma, ma sống lẫn ma chết. Một nỗi lo sợ vu vơ, cảm giác bất an lại ùa về. Những câu chuyện giết người trong đêm khi nạn nhân ngủ say làm cho tôi thấp thỏm. Tôi đưa tay nắn túi quần. Một lạng vàng lá và chút tiền đi đường vẫn nằm yên trong đó. Khi đi thăm nuôi, bạn bè chỉ dẫn tôi làm ăn. Mang vàng ra Bắc bán được giá cao hơn rồi mua đường hóa học, vải “va li gie” đem về Nam kiếm lời. Phải suy tính mua bán thế nào để gỡ gạc tiền tàu xe vốn mua chợ đen rất mắc và cả sinh kế cho gia đình giữa thời buổi kinh tế khó khăn gạo châu củi quế. Chính lạng vàng là nguyên nhân khiến tôi lo sợ. Chỉ cần anh lẻn vào nhấn cổ tôi, lạng vàng sẽ tiêu tùng mà mạng tôi cũng khó thoát. Càng nghĩ, tôi càng thấy tôi liều thật. Nhưng biết sao giờ. Tôi đem số mạng đánh loto. Mạng tôi vốn rẻ hơn bèo mà. Mắt thao láo nhìn bóng đêm, tôi cố lắng nghe tiếng rù rì trò chuyện của hai chị em, nhưng không sao nghe được. Tôi trăn qua trở lại nhiều lần, cho đến khi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tờ mờ sáng hôm sau, có người lay tôi dậy: – Chị, chị ơi, dậy đi. Đã gần 7 giờ sáng rồi. Tôi đưa chị ra bến xe Vinh để còn tiếp tục đến chỗ trại thăm nuôi. Tôi mở choàng mắt. Thấy anh đang đứng ở đầu giường. Vẫn nét mặt hiền hòa, vẫn nụ cười dịu dàng, đôn hậu, lòng tôi dấy lên một chút ân hận đã nghĩ quấy cho anh. Tôi lồm cồm ngồi dậy xỏ chân vào dép, dọn dẹp chăn gối, xếp lại cho ngay ngắn, xong, bước ra nhà sau rửa mặt rồi chuẩn bị thu vén hành lý lên đường. Cũng như lúc đến, bây giờ khi đi, anh lại cẩn thận chất hành lý của tôi lên chiếc xe đạp. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau theo con đường cũ ra bến xe Vinh. Bến xe đã đông đúc người qua kẻ lại. Tiếng rao hàng, tiếng hỏi han, trò chuyện cứ ì xèo cả lên. Anh chạy mua giúp tôi một vé xe đò lên huyện Thanh Chương, nơi giam tù cải tạo, để từ đó tôi còn phải tiếp tục hơn 20 cây số đường rừng nữa mới tới trại thăm nuôi. Có vé trên tay, anh còn chạy tìm xe nào đúng chuyến để đưa hành lý của tôi lên mui. Còn tôi, tôi chỉ đứng giữ chiếc xe đạp của anh. Sau khi đã hoàn tất đâu vào đấy, anh mới đến bên tôi, chúc tôi lên đường thượng lộ bình an. Xe vẫn chưa lăn bánh, nên tôi vẫn còn đứng bên dưới lóng ngóng nhìn người qua kẻ lại. Anh biến đi đâu mất, lúc trở lại, để trước khi tôi chia tay anh với lời cám ơn…suông, anh chìa ra cho tôi một gói xôi nhỏ với một bình nước anh vừa chạy đi mua. Trước sự quan tâm tỉ mỉ quá chu đáo tế nhị của anh, tôi cảm động thật sự, thật ấm lòng khi tôi đang buồn tủi, cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa xứ lạ quê người. Nước mắt tôi rưng rưng quanh khóe, chực trào ra, nhưng tôi cố kìm lại để giấu nỗi xúc động trong lòng, lẫn một chút xấu hổ, ân hận tôi đã nghĩ quấy cho anh trước đây. Tôi chỉ biết nhìn anh, chưa kịp thỏ thẻ vài lời cám ơn… suông, anh móc trong túi áo, đưa tôi mảnh giấy nhỏ, anh viết tự lúc nào, rồi nói: – Đây là địa chỉ nhà chị tôi. Khi chị trở lại, cứ đến đấy. Chiếc xe đạp này tôi mua về cho chị tôi. Nếu chị cần, cứ dùng làm phương tiện. Ở Vinh, xích lô chỉ nằm ở bến xe, không nhiều lắm nên ít thấy chạy ngoài đường. Phương tiện mọi nhà chỉ toàn xe đạp. Tôi cầm mảnh giấy, cẩn thận cất vào túi áo, và lại lần nữa, tôi chỉ có lời cám ơn suông! Tôi lên xe. Quay xuống nhìn anh. Anh vẫn còn đứng đó đưa tay vẫy vẫy cho tới lúc xe lăn bánh và bóng anh khuất sau rặng tre xanh. Ngồi trên xe, tôi miên man nghĩ về anh, về cử chỉ ân cần chu đáo của anh và của chị anh, nói lên tình cảm chân thành và sự cảm thông của đồng bào địa phương dành cho gia đình người tù miền Nam. Lòng tôi chùng xuống với những cảm giác lâng lâng khó tả. Chiếc xe đò cà tàng, lôi thôi luộm thuộm nhét cứng đầy người, bồng bềnh, vồng lên hụp xuống, nhồi thật mạnh khi gặp trúng ổ gà làm cho tôi ngất ngư. Cuộc đời tôi, tâm trạng tôi hiện tại cũng bềnh bồng như thế. Nhưng chiếc xe còn có đích để tới, còn tôi, con đường trước mắt chỉ thấy toàn ngõ cụt, loanh quanh trôi nổi mãi, không biết sẽ ra sao, về đâu với một tương lai vô định mịt mờ. Ngoài kia, mưa vẫn lất phất rơi, dai dẳng, như khóc thương cho những cánh đồng lúa mênh mông xanh tươi chìm trong một màu xám âm u, âm u như tuổi đời thanh xuân của tôi hiện tại. Tôi chợt thở dài, co mình lại để chống cái lạnh của thời tiết. Không khí ẩm hơi sương càng lạnh thêm, cho dù mặc chiếc áo len dày vẫn không đủ ấm, nhưng nghĩ đến anh, đến ân tình của anh, sự tử tế của chị anh, lòng tôi chợt ấm lại. Sau lần ra Vinh đó về lại Sài Gòn, trước những lo toan bận rộn của cuộc sống, cùng sự đưa đẩy của dòng đời, tôi lênh đênh trôi dạt sang xứ người, cũng một mình, trong tay trắng trơn, tâm trạng hoang mang khủng hoảng, ngay cả một tấm giấy hộ thân cũng không có, tôi đã lạc mất địa chỉ anh cho. Tôi không còn cơ hội gặp lại anh nữa, cũng không biết anh hiện giờ ra sao, ở đâu, làm gì… nhưng tôi tin một cách tuyệt đối, một người như anh, Trời Phật sẽ thưởng cho anh một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng. Riêng tôi, hình ảnh với tấm lòng tốt của anh, của chị anh, tôi khắc cốt ghi tâm, luôn in sâu trong tâm khảm, để bây giờ, mỗi khi nhìn tiết trời lất phất mưa, như cơn mưa (tuyết) hôm nay, tôi chợt nhớ cơn mưa thuở nào với bao hình ảnh xa xưa sống dậy ghi đậm nét ân tình của anh. Và hôm nay khi kể lại, viết ra, tôi vẫn còn xúc động, trân trọng tấm lòng vàng quý hoá đó và luôn tự nhủ, tôi sẽ sống tốt với đời, với người như anh đã đối xử tử tế với tôi, đó là cách đáp đền, tri ân anh, tri ân đời sâu xa nhất. Trần Thị Nhật Hưng Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 26/Mar/2024 lúc 11:47am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 27/Mar/2024 lúc 10:45am |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Mar/2024 lúc 10:46am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 04/Apr/2024 lúc 2:22pm |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |