Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: NHÓM 12 YÊU THƯƠNG | |
<< phần trước Trang of 156 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 30/Jan/2024 lúc 10:37am |
Nước Cuốn Hoa TrôiMột tay xách câu liêm, một tay cầm dao phay đi ra vườn dừa, Thiên định giựt ít trái dừa xiêm xuống uống nước. Bữa nay trời nóng gắt, chim chóc trong vườn chắc cũng mỏi mệt cũng chẳng buồn hót. Tiếng Sáu Lương kêu ơi ới: - Thiên, Thiên, đi đâu đó? Chờ chút coi. Thiên quay lại. Sáu Lương mặc quần đùi màu cứt ngựa, áo thun trắng ngắn tay bỏ vô quần, chân mang săn đan da, đang bương bả đi tới. Sáu Lương là em bà con chú bác ruột với ba của Thiên. Ông nội Thiên thứ ba, ông già Sáu Lương tới thứ tám. Lương con út nên chú cháu cách nhau có 3 tuổi. Sáu Lương 21, Thiên 18. 2 chú cháu cao sắp xỉ nhau, nhưng Sáu Lương ốm yếu, dáng bạch diện thư sinh, trong khi Thiên vạm vỡ, tràn đầy sinh lực. Thiên học trên Sàigòn, Lương học collège Mỹ Tho. Dịp Tết hay bãi trường, 2 chú cháu thường gặp nhau, vì 2 nhà chỉ cách nửa cây số. Thiên cười: - Chú đi đâu mà mặt mày đỏ ké vậy? Cháu định ra vườn móc vài trái dừa uống cho mát. Mắt sáu Lương sáng rỡ: - Ờ thì đi. Tao đang khát khô cổ đây. Đứng dưới gốc cây dừa xiêm sai oằn, Thiên vừa đưa câu liêm lên giựt, vừa nói: - Coi chừng cái đầu chú đó. Không cứng bằng trái dừa đâu nghen. Sáu Lương dặn: - Đừng hái dừa dán cháo nước chua lè, cũng đừng cứng cạy quá nước lạt nhách nghen mậy. Một chùm dừa 4,5 trái rớt xuống cái ào. Thiên lấy dao phay vạt miệng rồi đưa cho chú. 2 chú cháu ngửa cổ uống hết 4 trái dừa một cách khoan khoái. Hết nước, Thiên bổ đôi trái dừa, vạt một miếng vỏ nho nhỏ rồi dùng như cái muỗng nạo cơm dừa ăn luôn. Cơm dừa trắng nõn, mềm mại, vừa ngọt vừa béo, trôi tới đâu mát rượi tới đó. Sáu Lương bỗng đề nghị: - Bây giờ chú cháu mình đạp xe xuống chợ Tân Thuận chơi. Thiên nhìn ông chú với ánh mắt nghi ngờ: - Lại xuống đóng trụ dưới quán chú Sềnh, trước tiệm Mỹ Trà để ngắm cô Út chớ gì? Thôi chú ơi, ông già cổ khó chịu thấy mồ. Mỗi lần bị ổng chiếu tướng, cháu có cảm giác như bị kim châm. Còn cô ta thì tưởng mình là công chúa Phương Dung hay Phương Mai gì đó hổng bằng!... Sáu Lương vổ vai thằng cháu đang phun ra toàn những lời bất mãn: - Ậy, có chiến thắng một cách khó khăn mới vinh quang chớ mậy. Dễ quá đâu còn quí báu gì nữa. Theo tao, nội cặp mắt bồ câu với hai cái núm đồng tiền trên má cổ đã đáng ngàn vàng rồi mày ơi... Thiên vẫn lắc: - Thôi chú chịu khó đi một mình đi. Nói chú đừng buồn, rủi cổ thấy cháu đẹp trai quá lại "chịu đèn" cháu rồi tính sao. Hổng lẽ 2 chú cháu mình đánh lộn? Nói xong Thiên cười hăng hắc. Sáu Lương cú đầu thằng cháu rắn mắt: - Cái thằng miệng còn hôi sữa mà đã bày đặt giở giọng "song tàn"! Cho thằng cháu mày hay, hôm qua lần đầu tiên cổ đã đáp lễ cái gật đầu chào của tao bằng một nụ cười, tươi còn hơn đóa hồng nhung vừa hé nở buổi sáng sớm... Thiên phá lên cười: - Rồi nụ cười mê hồn đó đã biến chú thành thi sĩ ngang xương? Sáu Lương cũng cười: - Tình yêu vạn năng mà mậy. Tao nghĩ là cá sắp cắn câu rồi đó Thiên. Chợt nhớ ra chuyện gì, sáu Lương vỗ vai cháu: - Thôi tao nhớ ra rồi. Thằng Ban nói mày đang tán con Thu Hương con ông Tám Triệu bên sông phải không? Thiên cười lỏn lẻn: - Cái thằng quỷ miệng thèo lẻo! Sáu Lương cười cười: - Coi chừng nghe cháu. Con Thu Hương còn nhỏ xíu. Lạng quạng ông già nó qua bắt đền thì mày lúa đời. Thiên cãi: - Nhỏ gì. Cổ cũng 17 rồi chớ bộ. Mấy đứa con gái khôn giàn trời chú ơi. Chú hổng thấy con Hồng Trang, (em kế Thiên), nhỏ hơn cháu 2 tuổi mà tối ngày cứ lên mặt dạy đời cháu đó sao? Sáu Lương gật gù chớ có biết ất giáp gì đâu. Là con trai duy nhứt, ở trên có 4 bà chị, mấy bà này cưng chiều ông em như trứng mỏng, muốn gì được nấy.. Anh chàng ngồi dựa lưng vô gốc dừa thiệt thoải mái rồi nói: - Thôi bữa nay không xuống chợ Tân Thuận. Ở nhà nghe chuyện mày với nhỏ Thu Hương. Kể đi. Thiên cười mím chi. Cặp mắt trở nên xa vắng như chìm vào cõi mộng (!): - Tuyệt lắm chú ơi. Lần đầu tiên cháu gặp riêng cổ ở sau hè, bên gốc cây chanh giấy đó. Cháu cầm tay cổ mà run quá trời. Cổ cũng để yên, mắt nhìn xuống đất, thỉnh thoảng mới liếc cháu một cái... Nhưng cháu chưa kịp thổ lộ tâm tình, cổ đã giựt tay lại, ngó dáo dác rồi nói thôi để Hương vô nhà. Rủi ai gặp kỳ chết! Sáu Lương ngắt lời: - Ờ,con gái hay làm bộ làm tịch lắm.Mà sao mày quen? - Cổ là bạn học với con Trang nhà mình. Cháu thấy mặt cổ hôm Tết dưới chùa Đạo Nằm. Rồi tốn bộn tiền cho nhỏ Trang mới quen được Thu Hương đó chú. Trước khi về nghỉ hè, cháu phải mua một tá chỉ D.M.C đủ màu cho nó thêu khăn với áo gối. Nó rủ Thu Hương qua nhà chơi thì ông bà tám Triệu... yên lòng hơn! Sáu Lương gật gù: - Mầy cũng khôn tổ đó chớ bỏ bê gì. Rồi sao nữa? - Cách đây 2 bữa, Thu Hương qua chơi. Ông bà nội với ba má cháu đều ngủ trưa. Cháu có bàn trước với nhỏ Trang, nên 3 đứa nhè nhẹ ra khỏi nhà, thẳng tiến ra mộ bà Tư ngoài vàm. (Bà Tư là em gái của ông nội Thiên và là cô ruột sáu Lương. Bà kết duyên với ông Hội Đồng Hòa, sanh được 2 người con thì mất vì bịnh sản hậu. Lúc đó bà mới gần 40 tuổi. Ông Hội thương vợ cho xây một ngôi mộ thiệt lộng lẫy. Cột kèo đều chạm trổ rồng phụng, mấy bức tường được họa sĩ vẽ cảnh non bồng nước nhược màu sắc rực rỡ.Vì vậy ngôi mộ có dáng vẻ là 1 ngôi đền nho nhỏ. Nên dù ngồi trong mộ mà không ai có cảm giác sợ sệt. Xung quanh là 1 vườn sa bô chê lớn có sẵn từ trước. Tới mùa trái chín, trong họ ai cũng có thể tới hái ăn. Nếu không chim chóc hợp với lũ dơi cũng sẽ thanh toán hết. 2 người con bà Tư ở Sàigòn, còn ông Hội có dinh cơ dưới chợ Cao Lãnh ít khi về. Hơn nữa ông đã tái giá, nên tình cảm đối với bên vợ trước cũng phai lạt nhiều...) Cháu nói nhỏ Trang ra vườn hái sa bô chê. Còn cháu với Thu Hương ngồi trong nhà mồ cho... kín đáo. Lần nầy cháu quyết đánh mạnh nghen chú. Kể tới đây Thiên nín ngang. Cặp mắt mơ màng, miệng cười chúm chím một cách khoái chí. Sáu Lương thúc cùi chỏ: - Tiếp đi mậy. Tự nhiên tới chỗ gay cấn lại ngưng ngang. Thiên như chợt tỉnh cơn... mộng lành: - Mới đầu Thu Hương mắc cở đòi đi theo nhỏ Trang. Cháu phải nắm tay cổ kéo ngồi xuống gạch rồi nói thôi ngồi đây với... anh chút xíu. Ai có làm gì đâu mà sợ? Tuy nói vậy chớ cháu cũng kín đáo quàng tay qua vai cổ kéo sát lại gần, để mái tóc dài thơm ngát mùi sà bông Cô Ba dựa lên vai mình. (Hương có chị lớn tên Thu Lan lấy chồng Thiếu Tá, làm việc trên Sàigòn, thỉnh thoảng về thăm nhà, đem đủ thứ quà cáp hiếm quí cho ba má, Thu Hương và thằng em tên Đạt mới 14 tuổi). Chú biết hôn, khác với cô Út Trà, người đẹp của chú đó, Thu Hương "mát da mát thịt" lắm nghen. Mới 17 thôi mà, xin lỗi chú, nếu cổ "mặc" bộ đồ của bà Eva lúc mới được Chúa tạo dựng, thì cháu cam đoan cổ hổng khác gì tượng thần Vệ Nữ bằng thạch cao đâu đó! Sáu Lương nghe tới đây bỗng vỗ đùi cái đét: - Trời đất, không ngờ mày tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi đó nghe Thiên! Thiên liếc ông chú trẻ một cái sắc như dao: - À há, hồi nào tới giờ chắc chú nghĩ chỉ có chú là "bảnh" thôi phải hôn? Cho chú hay, cháu ở trên Sài gòn với chú sáu Tuân (em ruột ba Thiên. Ông này lớn hơn Thiên tới 6 tuổi, đi làm ngoài nhà dây thép chánh, sau khi đậu bằng Đíp lôm), chú sáu chỉ cho cháu nhiều chiêu ác lắm nghen. Sáu Lương cằn nhằn: - Cái ông này giỏi tài đầu độc con nít! Lớn như tao ổng không chỉ, lại đi dạy cho mày. Anh hai (ba Thiên) mà biết được chắc... Thiên lật đật cắt ngang: - Chết, chú đừng tiết lộ cho ba cháu biết. Ổng mét ông nội thì chú sáu dám bị cạo đầu khô tô dầu con rái lắm à. Thôi hổng thèm kể chú nghe nữa đâu. Sáu Lương cười xòa trấn an thằng cháu: - Chọc mày chơi thôi. 2 chú cháu mình cũng... sêm sêm mà! Thôi kể tiếp đi. Tao hồi hộp quá rồi nè. Thiên nói chú hứa chắc nghe. Sáu Lương ừ. Thiên kể tiếp: - Sau đó cháu mới cầm bàn tay cổ đưa lên mũi hun nhẹ... Rồi xuất kỳ bất ý quay qua hun lên má cổ một cái. Chắc lần đầu bị con trai tấn công nên cổ cũng run dữ, lại mắc cỡ, hai gò má đỏ hồng coi thiệt dễ thương hết sức! Sáu Lương hỏi dồn: - Bộ nó để yên cho mày... tung hoành như vậy sao? Thiên cười: - Chắc lúc đó nội lực cổ cũng bi... tiêu tan, nên tuy có đẩy cháu ra, nhưng mà yếu xìu hà! Cháu định tấn công tiếp thì... Nói tới đây Thiên chắc lưỡi, thở ra đầy vẻ tiếc nuối... Sáu Lương thúc hối: -Thì sao, thì sao? Mày sao có cái tật ngưng ngang kỳ cục quá! Thiên cười hì hì: - Đừng nóng. Đừng nóng.Chú biết hôn, đúng lúc đó con Trang bước vô, tay xách 1 giỏ sa bô chê, miệng tía lia: - Mấy người làm gì trong này mà lâu quá vậy? Tui hái cả giỏ sa bô chê chín mùi đây nè. Có ai muốn ăn hôn? Thu Hương bẻn lẻn đứng bật dậy, mặt mũi đỏ nhừ. Thiệt lúc đó cháu muốn bóp cổ conTrang cho chết luôn! Sáu Lương phụ họa: - Ừ, thiệt đồ phá đám. Đi vô không đúng lúc chút nào. Rồi sao đó thì sao? Thiên thở dài: - Còn sao với trăng gì nữa! 3 đứa kéo về nhà. Nhỏ Trang chia cho Thu Hương một mớ sa bô chê đem về ăn lấy thảo. Hương về rồi, cháu cự con Trang một trận. Ai ngờ nó còn trợn mắt la lại cháu: - Trời đất ơi, tui không ngờ anh mới bây lớn mà đã quỉ quái quá trời. Bà nội với má dặn là nam nữ thụ thụ bất thân. Trai gái đụng nhau là có bầu. Đàng này anh chẳng những ôm mà còn hun con người ta nữa. Vậy thì chết chắc rồi! Sáu Lương bật cười: - Rồi mày trả lời sao? Mày có tin chỉ hun nhau thôi rồi con Thu Hương mang bầu hông? Thiên háy ông chú trẻ: - Trời, chú làm như cháu là con nít còn hỉ mũi chưa sạch! Cho chú hay, chú sáu Tuân đã giải thích cho cháu biết hết trơn rồi nghen. Cháu nói nhỏ Trang yên chí đi, bạn nó không có bầu khơi khơi vậy đâu. Bà nội với má nói "đụng" là nghĩa khác chớ hổng phải đụng tay hay chạm chân gì đâu mà sợ. Lúc đó nhỏ mới hơi yên tâm. Rồi cháu phải năn nỉ nó thiếu điều gãy lưỡi, hứa sẽ mua bất cứ thứ gì nó thích, nó mới chịu hứa hẹn sẽ rủ Thu Hương qua chơi cuối tuần này. Sáu Lương nhìn thằng cháu lắc đầu: - Vậy là mày qua mặt thằng chú mày cái rụp rồi đó (thở dài não nuột)! Đâu mày đem mấy cái tuyệt chiêu của anh sáu Tuân, dạy lại cho tao để tao đối phó với cô út Trà coi. Thiên dựa lưng vô gốc dừa, đưa mắt nhìn lên bầu trời xanh, vẫn vơ vài cụm mây trắng đang lười biếng trôi, ra dáng suy nghĩ lung lắm. Lát sau, sáu Lương sốt ruột lên tiếng: - Sao mậy, nghĩ được kế gì chưa? Thiên ngồi thẳng dậy búng tay cái tróc: - Có rồi. Tuy nhiên kế này hơi tốn tiền một chút. Nhưng mà tiền bạc đối với chú nhằm nhò gì phải hôn? Mình sẽ nhờ nhỏ Trang xuống tiệm Mỹ Trà may quần áo, nhưng mục đích chánh là làm chim xanh cho chú.Chớ tối ngày chú đạp xe lượn qua lượn lại trước tiệm cổ thì ăn cái giải gì! Chú về viết thơ liền đi. Mai mình bắt đầu. Bảo đảm sẽ thành công mỹ mãn. Sáu Lương, con trai ông Hương hào Thạnh. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu chớ bộ... ấy sao? Nói xong Thiên cười hì hì. Sáu Lương cũng cười theo: - Mày thuộc loại hậu sanh khả... ố đó nghen cháu! Thôi trăm sự nhờ tụi bây. Chú mà "được" cô Út sẽ thưởng trọng hậu. ..Hồng Trang để ông chú với ông anh năn nỉ ỉ ôi một hồi mới làm ra vẻ miễn cưởng nhận lời, với điều kiện cô nàng muốn lựa, muốn may thứ gì tùy ý. Ông chú mừng quá gật đầu lia lịa. Hôm sau cô nhỏ mặc quần sa teng tuyết nhung đen mướt, cái áo bà ba soa màu hột gà có thêu những nụ hồng nho nhỏ thiệt nhã nhặn. Chân mang đôi guốc sơn đen quai nhựa trong vắt. Đầu đội chiếc nón lá Gò Găng có thêu hoa lá cành mặt trong. Đạp xe độ 4 cây số, tới bến đò qua chợ Tân Thuận. Trang dắt xe đạp dựng trước cửa tiệm Mỹ Trà, rồi lột nón lá cầm tay bước vô trong. Cô Út đang cắt áo, thấy khách vô liền ngưng tay, bước ra chào. Út Trà năm nay 19 tuổi. Từ năm mới 15, cô đã theo học nữ công, gia chánh với người dì ruột có trường nữ công Mỹ Ngọc dưới Sa Đéc. Tốt nghiệp rồi cô trở về mở tiệm thêu, may tại chợ Tân Thuận, lấy tên Mỹ Trà. Hồng Trang vốn có quen sơ với cô Út, vì đã từng theo mẹ tới đây may quần áo vài lần. Nhận ra Trang, cô đon đả chào. Chiếc miệng cười tươi, hai má lúm đồng tiền. Nước da trắng hồng như đóa phù dung buổi sáng, càng làm tăng vẻ đẹp của đôi mắt bồ câu đen long lanh. Cặp mày tằm đẹp tự nhiên không tỉa. Hàm răng trắng ngần, nhỏ rức. Đôi bàn tay với những ngón thon dài mới đẹp cách gì. Bữa nay nhìn kỹ cô Út, Hồng Trang không khỏi tấm tắc khen thầm: Hèn chi ông chú mình mê mệt cổ cũng phải! Sau khi chọn 1 xấp cẩm nhung màu hồng phấn để may áo bà ba, Trang mở lời: - Chị Trà biết hôn, em có ông chú học ở collège Mỹ Tho, mỗi lần về nghỉ hè hoặc ăn Tết, đều xuống chợ Tân Thuận này chơi đều đều. Ổng nói hay đạp xe ngang qua tiệm của chị nữa đó. Cô Út hỏi: - Chú của em có phải cái người cao cao, ốm ốm, đi chiếc xe đạp màu xanh dương... Cô Út đang nói chợt thấy mặt nóng ran khi nhớ tới cái anh chàng cao ốm đó, hay ngồi bên tiệm nước chú chệt Sềnh, tay cầm ly nước chanh muối, hay xá xị con cọp gì đó, mà cặp mắt cứ ngó châm bẩm qua tiệm cô, khiến đôi khi cô cảm thấy nhột nhạt cách gì!... Trang nghe cô Út hỏi vậy thì reo lên: - Đúng chú sáu Lương của em rồi đó! Cô nhỏ ngó quanh quất thấy má cô Út đang ngồi luông áo dài ở nhà trong, cô bèn hạ giọng: - Không giấu gì chị Trà. Chú sáu em từ khi thấy mặt chị thì đâm ra...ăn ngủ không yên, ra ngẩn vào ngơ. Không biết cách gì làm quen, mới làm gan nhờ em chuyển cho chị cái này. Nói vừa dứt, cô nhỏ móc túi lấy cái thơ dúi lẹ vô tay Út Trà. Cô Út sợ bà mẹ thấy, nên tuy ngạc nhiên tột độ, cô cũng lật đật cho bức thơ vô hộc bàn máy may đóng lại cái rột. Mặt cô hơi ửng hồng miệng ấp úng nói thiệt chị không biết nói sao... Hồng Trang nói vội: - Chị đừng ngại, chú em ngưỡng mộ chị thiệt tình đó. Ổng tuy còn trẻ mà đàng hoàng lắm. Nếu được chị nhận làm bạn, chú em sẽ mừng lắm lắm. Thôi em về. 2 bữa nữa sẽ xuống lấy áo nghen chị. Cô Út gật đầu. Đọc thơ sáu Lương cô Út cảm thấy bối rối, nhưng không kém phần... sung sướng. Bởi lẽ ngoài dáng dấp dễ coi, so về gia thế lẫn học lực cô đều thua sút cậu sáu. Sau khi suy nghĩ thiệt chín chắn, cô liền viết ít giòng trả lời cho cậu. Cô không hứa hẹn chi cả, chỉ mong 2 người sẽ là bạn thuần túy thôi. Khi Hồng Trang trở xuống lấy áo, cô Út để cái thơ trong áo, cho vô túi giấy đưa cho Trang, rồi nói nhỏ: - Chị có viết mấy lời cho anh Lương, để trong áo của em. Hồng Trang gật đầu cười tươi, chào cô Út ra về, không quên nói lớn cho bà mẹ cô Út ngồi ở phòng trong nghe thấy: - Cám ơn chị. Chắc vài bữa nữa em lại xuống lựa vải may áo dài. Tháng tới này đám cưới con bạn thân của em, Ngọc Nữ gần chùa Đạo Nằm đó, chị Út biết hôn? - Té ra cô đó là bạn em. Chị đang may áo dài cưới cho cổ đây. Uả sao bạn em lấy chồng sớm vậy? Hồng Trang giải thích: - Ngọc Nữ tuy là bạn nhưng lớn hơn em 2 tuổi. Năm nay nó 18 rồi đó. Thôi em về nghen chị. Nhận được thơ trả lời của cô Út, sáu Lương mừng hết lớn. Vội vã thảo ngay 1 bức thơ tràng giang đại hải để kể lể nỗi lòng. Kỳ này nhỏ Trang làm eo: - Thôi chú ơi, cháu xuống hoài sợ ba má cổ nghi. Để lâu lâu đi. Sáu Lương nhăn nhó như khỉ ăn gừng: - Trời ơi, để lâu chú sống sao nổi?! Hơn nữa mùa hè qua lẹ lắm. Chú phải trở xuống Mỹ Tho... Hồng Trang chu mỏ nói ừ... ừ để coi. Sáu Lương bèn trổ miệng lưỡi Tô Tần: - Ráng giúp đi, rồi Tết chú sẽ dẫn thằng bạn thân của chú về giới thiệu cho. Thằng Đức dân Bến Tre, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai không thua gì...chú sáu bây đâu! Trang mắc cỡ nguýt chú: - Xí, bạn chú già thấy mồ, cháu hổng thèm đâu! Sáu Lương trợn mắt: - Trời đất, tụi tao mới có 21 cái xuân xanh mà bây chê già? Tuổi đó mới là lý tưởng đó cháu. Hồng Trang vẫn ngúng ngẩy: - Chú dẫn bạn về đây cháu sẽ kêu bằng... chú cho coi! Sáu Lương cười xòa: - Con nhỏ này rắc rối thấy mồ. Thôi để ở giá luôn cho biết thân! Hồng Trang đấm thình thịch lên lưng chú, miêng cười như nắc nẻ. 2 tuần sau cô nhỏ rủ được cô Út Trà lên nhà chơi. Rồi bổn cũ soạn lại. 3 người lại xách giỏ đi hái sa bô chê!!! Nhưng lần này, hái một lúc, Hồng Trang lấy cớ nhức đầu nên xin vô trong mộ bà Tư ngồi nghỉ và đọc cuốn truyện do ông chú thân mến cho mượn. Nhưng vội vàng làm sao, ông chú lại đưa cho cô cháu cuốn truyện của... Bồ Tùng Linh! Đọc xong mấy chuyện, ngó quanh quẩn, hình như chỗ nào cũng có bóng dáng của vài con... hồ ly tinh! Hồng Trang đâm sợ, gấp sách lại đi ra vườn kiếm 2 người kia. Đang đi xăng xái, Trang chợt ngưng lại, nép mình sau gốc cây sa bô chê già cành lá sum xuê. Tiến thối lưỡng nan, nên dù không cố ý Trang vẫn bắt buộc phải chứng kiến cảnh... rủ rỉ rù rì của 2 người. Cô ÚtTrà đứng dựa lưng vô gốc cây, mắt ngước lên, cặp môi hồng he hé như đang say sưa theo dõi những lời lẽ mà Trang đoán chắc chắn là tẩm đầy... đường và mật (!) của chú sáu Lương. Chú cao hơn cô Út gần một cái đầu, một tay chú chống lên thân cây, tay kia đặt nhẹ lên bờ vai cô Út, đầu hơi cúi xuống vừa nói nho nhỏ, vừa cười tủm tỉm. Chợt Trang giựt nẩy mình, trống ngực đập thình thịch, đưa tay dụi mắt vì sợ nhìn lầm. Rõ ràng chú sáu Lương đang cúi xuống đặt môi mình lên cặp môi đang hé mở của cô Út Trà! Cô nhỏ tự hỏi không lẽ chú sáu muốn "cắn" môi cô Út? Mà sao không thấy cô la hay kêu đau đớn gì cả, trái lại cặp mắt đang mở to bỗng từ từ khép lại mới kỳ!!! Nhân lúc 2 người còn đang bận rộn với cái "chiện" quái lạ kia, Trang vội vàng thối lui vô mả bà Tư. Chuẩn bị sẵn sàng, nhỏ vừa bước ra vừa kêu lớn: - Chị Trà, chú sáu ơi, có hái được nhiều sa bô chê hôn? Trang tiến tới chỗ 2 người đang đứng. Chú sáu nhìn Trang, nháy mắt rồi cười tươi ơi là tươi! Trong khi đó cô Út không giấu được vẻ ngượng ngùng, cặp má còn đỏ ửng, tay vân vê chéo áo. Trang giả đò nhìn xuống cái giỏ để dưới đất rồi kêu lên: - Ủa, sao có mấy trái quèn vầy nè? Út Trà càng mắc cỡ, sáu Lương vội đỡ liền: - Tại tuần rồi tụi thằng Thiên với con Thu Hương hái hết rồi. Lứa này chín chưa kịp. Thôi để vài hôm nữa mình trở lại mặc sức mà hái. Trà đồng ý hôn? Cô Út đáp lí nhí: - Dạ, anh sáu tính sao cũng được... Trang muốn bật cười lớn mà không dám, sợ ông chú... quở! 3 người trở về nhà Trang, rồi chú sáu Lương lấy xe đạp chở cô Út tới bến đò Tân Thuận cho cổ về nhà. Trang thắc mắc mãi về cái hành động lạ lùng của chú sáu đối với cô Út hôm nọ. Sau cùng chịu không nổi bèn đem ra hỏi Thiên. Khi nghe Trang nói thấy chú sáu "cắn" cô Út, Thiên cười lăn lộn: - Nhỏ khờ ơi, cái đó không phải cắn mà là hun kiểu Âu Mỹ. Trang tỏ dấu nghi ngờ: - Sao anh biết? Thiên trả lời chắc nịch: - Sao hổng biết, chú sáu Tuân dẫn tao đi coi hát bóng, tao thấy tụi Tây Đầm hun nhau kiểu đó hà rầm... Trang nhăn mặt nói ghê thấy mồ! ... Thấy tình hình ngày một sáng sủa, sáu Lương bèn òn ỉ với 2 bà chị kế để 2 bả xuống may áo dưới tiệm Mỹ Trà. Có "xi nhan" trước nên cô Út tỏ ra lịch thiệp, ngọt ngào đặc biệt với 2 người khách mới này. Qua vài lần tiếp xúc, cô tư Hà và cô năm Phụng không tiếc lời khen ngợi, cả nhan sắc lẫn tính tình và tài thêu may của cô Út. Sau khi biết được thân thế của chú sáu Lương, cái ông-già-khó-thương của cô Út cũng rất hoan hỉ đón tiếp "cậu" sáu tới chơi trong suốt thời kỳ nghỉ hè..Chú có nói với Trang Tết này sẽ xin ông bà Tám, ba má chú, xuống hỏi cô Út cho chú. Sợ để lâu, phần chú ở xa, lỡ có người "dớt" cô Út mất. Hè năm tới chú thi xong Tú tài sẽ làm đám cưới. Mộng của chú rất bình thường: lấy vợ, sanh con, xin một chưn đi dạy dưới Cao lãnh để sớm hôm gần gũi, săn sóc ông bà già. Mấy bà chị trước sau gì rồi cũng khăn gói theo chồng... Trang chọc: - Chắc gì cô Út chịu về làm vợ chú? Sáu Lương trợn mắt: - Nhỏ này coi thường chú nó quá. Cho bây hay, cá đã cắn câu không cách chi gỡ ra nổi nữa! Nói tới cá Trang nhớ lại hôm 5 người (có cả Thiên và Thu Hương) hẹn nhau đi câu. Con kinh nối làng Tân An với Mỹ Nghĩa có rất nhiều cá. Đám cá rô rất tham ăn. Trong khi Thiên, Thu Hương và Trang say sưa giựt cá, cười giỡn ỏm tỏi, thì cặp Lương-Trà biến đâu mất tăm. Ngó dáo dác chợt thấy cây rơm cao nghiệu đằng mương cá, Trang cười thầm, chắc mẽm 2 người đang "tâm sự lòng thòng" đằng đó. Với tánh tình lí lắc, ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn, Hồng Trang định tới "hù" cho 2 người giựt mình chơi. Ai ngờ lúc tới gần chợt nghe có tiếng phản đối (rất yếu ớt)! của cô Út từ phía bên kia cây rơm đưa lại: - Anh... đừng anh. Tiếp theo là tiếng chú sáu Lương: - Không sao đâu mà... Thì cô nhỏ hồn vía lên mây, vội thối lui về vị trí cũ! Lát sau, 2 người từ phía sau cây rơm tà tà đi ra. Trên mái tóc dài của cô Út còn vương vấn vài cọng rơm nho nhỏ! Đúng là cá đã cắn câu hết phương cứu gỡ! Cuộc tình của chú sáuLương trơn tru như vậy thì thằng cháu lại không may mắn chút nào. Cả 3 đứa đều không biết rằng cách đây hàng chục năm, 2 gia đình có chuyện tranh chấp về ruộng đất tuốt trong Đồng Tháp Mười, nên trở nên thù nghịch. Một hôm ông chú ruột của Thu Hương gặp 3 đứa đang ngồi ăn hủ tiếu trong nhà lồng chợ Cao lãnh, bèn lật đật về tâu liền cho ông anh hay. Thu Hương bị một trận đòn nhừ tử và để chắc ăn hơn, ông tám Triệu sai vợ sửa soạn quầo áo, đưa Thu Hương lên Sàigòn ở nhà chị Thu Lan, để đi học nữ công gia chánh. Vậy là cuộc tình đứt đoạn trong nước mắt (may mà không có máu)! Thiên buồn bã, bần thần như người mất hồn. Hồng Trang lại được dịp chứng tỏ cái câu "con gái khôn dàn trời". Cô nhỏ lý luận: - Nếu 2 người có duyên nợ thì lo gì sẽ không gặp lại. Nghỉ hè rồi anh trở lên Sàigòn học tiếp mà. Nhưng theo em nghĩ, nếu 2 nhà đã nghịch nhau, thì sau này dù anh với con Thu Hương có thành vợ chồng cũng khó mà tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Nhứt là ông tám Triệu lại có đầu óc hẹp hòi, cố chấp. Em nghe nói gái Sàigòn đẹp lắm mà. Nhứt hạng là mấy cô trường Áo Tím. Thiên nghe em nói cũng có lý, nhưng vẫn buồn và cu cậu trút mối hận tình của mình lên đầu lũ chim và lũ cá. Mỗi ngày Thiên xách cần câu theo chú Tư Đẩu đi câu cá lóc, cá bông hoặc buồn buồn xách giàn thun ra sau vườn bắn chim... Sáu Lương thấy thằng "quân sư quạt mo" của mình buồn bèn an ủi: - Thôi thua keo này ta bày keo khác Thiên à. Nếu trong tương lai mày không kiếm được người vừa ý, chú sẽ nhờ cô Út giới thiệu cho mày đứa cháu gái của cổ bên Long Xuyên. Nghe nói cũng đẹp thần sầu và khéo không thua gì cô Út nghen mậy. Thiên thở ra: - Kế bên đây còn chưa thành, nói gì tuốt bên Long Xuyên! Sáu Lương chắc lưỡi: - Ậy, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng là vậy đó. Trên đời này con gái thiếu gì, sợ mày không đủ sức để "hưởng" đó chớ! Nghe giọng nói đầy tính chất lạc quan của ông chú, Thiên cũng thấy lên tinh thần, dù nụ cười trên môi chàng hãy còn... méo xẹo! Thiên nhìn nét mặt chú Sáu Lương, tuy cố làm ra vẻ buồn buồn cho hợp với tình cảnh của thằng cháu, nhưng vẫn không giấu được niềm hạnh phúc, nghĩ thầm: Đời thiệt lạ. Cùng 1 mùa hè mà 2 mối tình kết thúc trái ngược nhau. Nhưng mà chú sáu có lý, thua keo này ta bày keo khác! còn tiếp... |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 30/Jan/2024 lúc 11:00am |
Nước Cuốn Hoa Trôi |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 02/Feb/2024 lúc 10:59am |
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh
Tôi nhớ những ngày cùng lũ nhóc choai choai kéo bầy kéo nhóm tắm mưa la hét inh ỏi cả một góc làng; nhớ những buổi chăn trâu trên đồng chia quân đánh nhau, diệt địch; nhớ những buổi đốt đồng khói bay nghi ngút cay xè khóe mắt và đặc biệt hơn tôi nhớ đến những bữa cơm gia đình quây quần giữa buổi trưa hè nắng oi ả như đổ lửa hay những ngày mưa tầm tã, rả rích với các món ăn bình dị, đơn giản. Có lẽ rằng những bữa cơm mộc mạc với các món ăn dân dã, ngọt lành của đồng quê ấy đã nuôi tôi khôn lớn và ăn sâu vào máu thịt tôi để rồi khi xa quê tôi lại thèm, lại nhớ. Phải chăng đó là tình yêu quê hương, xứ sở bởi tôi nhớ có một nhà văn từng nói: Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi. Và chắc cũng giống như tôi và nhiều người khác mà nhạc sĩ Bắc Sơn khi rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình cũng đã nhớ đến những món ăn quê nhà để rồi viết nên những lời ca, tiếng hát nổi tiếng đi sâu vào lòng người, hồn người, lòng dân tộc như một điều bình thường nhất, giản dị nhất: Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh (Còn thương rau đắng mọc sau hè). Cũng có thể thuở trước dân quê mình còn nghèo, chợ búa xa xôi, đi lại khó khăn cộng với chuyện tìm kiếm nguyên liệu cho một bữa ăn lót lòng rất vất vả cho nên họ đã tận dụng triệt để những gì có sẵn ở quanh nhà, quanh vườn. Hẳn vì thế mà loài rau đắng vốn “mọc sau hè” được chọn đưa vào trong bữa cơm thường nhật như một điều tất nhiên bên cạnh đọt lang, cọng rau muống, rau càng cua, rau nhút, rau má… và dần dà cái vị đắng của loài rau ấy trở nên ngọt ngào thấm vào miền ký ức của biết bao người. Chỉ cần nghe câu hát ru con da diết của bà và mẹ thường ngày ở quê tôi (và có thể ở nhiều nơi khác) là biết ngay nguyên liệu chính của món canh rau đắng: - À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng; Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa. Vâng, ở quê tôi, canh rau đắng phổ biến nhất là thường nấu với cá rô đồng, có chỗ nấu với cá lóc, cá trê (Rau đắng nấu với cá trê; Ai đi lục tỉnh thì mê không về), không thì nấu với một ít tôm, tép vừa mới bắt ở dưới rạch, dưới đìa, dưới mương, khá hơn một tí thì nấu chung với thịt heo bằm. Đối với rau đắng, người xưa đã dựa vào vị đăng đắng của nó mà gọi tên và thường thường nhiều người không biết chúng có hai loại là rau đắng biển và rau đắng đất. Đối với rau đắng biển (còn gọi là rau đắng đồng) rất dễ tìm. Ban đầu thoạt nghe cái tên rau đắng biển ta cứ tưởng rằng loài rau này mọc ở vùng biển nhưng thực ra nó chỉ mọc ở vùng đồng ruộng, chỗ trũng, thấp ẩm chứ không thể mọc ở vùng biển được bởi vị mặn của muối. Rau đắng biển có vị hơi đắng, thân tròn lẳn, thon nhỏ, lá xanh tròn dẹt và mọng nước. Vào mùa mưa, cọng rau trổ giò lớn nhanh thư thổi và mọc thành đám như rau muống với màu xanh tươi nhìn mát mắt, chỉ cần cầm dao hay lưỡi liềm cắt một loáng là có cả thúng đem ra chợ bán. Rau đắng đất nếu xét về nhan sắc thì khiêm tốn hơn rau đắng biển, mộc mạc như chính tên gọi của nó vậy. Rau đắng đất khó mọc và có vị đắng hơn rất nhiều so với rau đắng biển. Rau đắng đất chỉ thấy mọc ở sau hè, hay bên những bờ mương, liếp vườn quanh nhà, quanh các gốc cây và dưới chân những gốc rạ khi lúa mùa một vụ mới vừa gặt xong. Những hạt rau đắng đất đã ngủ quên từ mùa nước để chờ khi chân ruộng chớm khô là chợt bừng tỉnh giấc, nẩy mầm vươn lên từ lòng đất. Rau đắng đất mọc thành bụi riêng lẻ chứ không mọc thành đám như rau đắng biển, thân của nó cũng mảnh mai, lá mỏng tròn tròn như móng tay út với màu xanh pha sắc tím khi tiếp xúc với ánh mặt trời. Chỉ khi nào mọc ẩn trong vườn hay ẩn dưới các gốc rạ thì mới có màu xanh nhợt nhạt. Rau đắng đất thỉnh thoảng mới thấy có bán ngoài chợ và giá của nó cũng mắc hơn so với rau đắng biển cũng như một số loại rau khác như rau cải, rau muống… Rau đắng đất ngoài tác dụng đơn thuần của một loại rau, nó còn là một trong những vị thuốc Nam có tác dụng hạ hỏa, giải nhiệt, an thần, làm cho sáng mắt, phụ nữ ăn vào da dẻ mịn màng. Từ cách chọn rau cho đến cách chế biến thành món ăn tuy đơn giản nhưng cũng cần một chút điệu nghệ nếu không nói là cầu kỳ. Phải tùy vào từng mùa mà chọn loại rau nào để nấu với từng nguyên liệu và cách ăn như thế nào mới đúng cũng đủ chứng minh hùng hồn rằng “nghề ăn cũng lắm công phu” và người Việt Nam quả là những người sành điệu trong nghệ thuật ẩm thực. Như đã nói, khi chọn hái rau đắng biển cách tốt nhất là ta nên hái vào đầu mùa mưa. Những ngọn rau non xanh, căng mọng mơn mởn đua nhau mọc, lúc ấy tha hồ mà cắt, nếu kỹ hơn thì ta cứ vạch tìm trong đám cỏ tìm ngắt từng cọng rau một, những cọng rau này thường to và chất lượng hơn. Còn đối với rau đắng đất, ta nên nhổ cả gốc lẫn ngọn. Cũng như những đọt rau đắng biển được bới tìm trong đám cỏ dại, những cọng rau đắng đất được lấy từ gốc rơm rạ ủ mới là thứ “thượng phẩm” mà bất kỳ những tay sành ăn nào cũng đều biết. Tuyệt chiêu của rau đắng là khi nấu canh với các loại cá đồng và nấu cháo tống. Ngoài ra nó còn dùng để luộc chấm với mắm kho hay là loại rau chủ đạo của món lẩu. Rau đắng sau khi hái về được rửa cho thật sạch, để ráo. Trong lúc rửa rau phải chú ý thật nhẹ tay, phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tránh để bị rau dập nát vì khi ấy rau sẽ trở nên quá đắng và mất ngon. Cá rô phải là loại cá rô mề, con nào con nấy nhìn cứ phây phây béo tốt. Cá được móc ruột và đánh vảy thật sạch rồi cho vào luộc sơ hay hấp cũng được. Khi thấy cá vừa chín tới thì vớt ra, sau đó nhẹ tay gỡ toàn bộ phần thịt để riêng, phần xương cho vào cối giã nát, chắt lấy nước. Xong đâu đấy, phi hành cho thật thơm rồi nhẹ nhàng cho phần thịt cá vào xào xơ, tiếp theo cho toàn bộ phần nước chắt từ xương cá và nước luộc (hấp) cá vào đun sôi, nhớ hớt bỏ phần bọt nổi bên mép nồi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng, khi nước đã thật sôi thì cho rau đắng vào và nhắc ra, thêm chút tiêu và hành lá. Khi ăn, ta lâng lâng với cái đăng đắng của rau, cái ngọt ngọt, beo béo của thịt và xương cá, cái thơm thơm của hành và tiêu. Trong cái nắng oi nồng của ngày hè cùng gia đình quây quần giữa mâm cơm giản dị mà vừa ăn vừa xuýt xoa, hít hà, mồ hôi mẹ, mồ hôi con vã ra như tắm bởi dĩa cá kho tộ cay nồng, tô canh rau đắng nóng hôi hổi… thì thật là sung sướng hay ngồi ăn trong cái mênh mang của đất trời khi mưa, ta lại cảm thấy ấm lòng, thú vị. Bởi thế mà thi sĩ Nguyệt Lãng từng có những nỗi nhớ quê, nhớ loài rau đồng nội khó quên trong tâm thức của mình: Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Feb/2024 lúc 11:08am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 07/Feb/2024 lúc 1:05pm |
Câu chuyện đêm Giao Thừa* Trên tam cấp chùa Việt Quang Thượng Tọa Thích Minh Chung co ro trong tấm áo tràng, run rẩy bước từng bước chậm chạp lên chính điện. Mấy năm gần đây sư cụ thấy mình yếu đi nhiều mà việc nhà chùa luôn bận rộn, nhất là vào những ngày cuối năm. Ngôi chùa lâu năm này cũng ọp ẹp giống như cái tuổi già của sư cụ. Đắp vá chỗ này thì lại dột nát chỗ kia. Sau cơn mưa bão cuối tuần vừa qua, bức vách cạnh bàn thờ Tổ vôi vữa đã lở, để lộ một lỗ hổng bằng bàn tay. Sư cụ đã sai chú tiểu Minh Thông lấy giấy dầu dán đỡ lên tường che bớt hơi gió nhưng trông vẫn thật khó coi. Từ hôm đó tới nay sư cụ rất bận tâm về bức vách này. Mặc dù ngôi chùa từ trong tới ngoài đã được dọn dẹp đâu vào đấy, các bàn thờ hương nến đã bày biện sẵn sàng, lư đồng chân hương chú Minh Thông đã lau chùi sáng bóng; nhưng ai bước lên tới chánh điện cũng thấy ngay chỗ vỡ trên tường. Chợt chú tiểu Minh Thông đi đâu về hấp tấp lên cầu thang, mặt mũi hớn hở. Chú giơ lên một túi giấy lớn, lấy ra một bức tranh, như một tấm chăn nhỏ, trên thêu một cành mai vàng rực rỡ. Chú khoe trên đường từ chợ về, chú thấy có tấm bảng Garage Sale của hội Ái Hữu Phi Luật Tân. Họ đang bán đấu giá các món lặt vặt để gây quĩ cho trẻ mồ côi. Chú tạt vào và bức tranh bắt mắt chú ngay. Đám người tứ xứ tham dự không có nhiều và xem ra họ rất hờ hững với bức tranh có mỹ thuật Á Đông này. Chú mua được bức tranh với giá hai mươi đồng vì không ai trả giá cao hơn.
Thượng tọạ trầm ngâm ngắm bức tranh. Trên nền vải dày và mịn, có hoa
văn mờ mờ như một loại gấm quí, những đóa hoa mai được thêu thật tinh
xảo nổi bật trên nền gấm màu ngà trông như một rừng mai vàng nở rộ chào
đón Xuân về.
*
Thấm thoắt chỉ còn hai ngày nữa là đến Giao Thừa. Năm cũ sắp qua, ai nấy đền nôn nóng sửa soạn đón mừng năm mới. Các Phật tử rộn ràng đến làm công quả. Người sửa soạn rau cỏ, người lo đậu gạo nấu bánh chưng chay, người quét dọn sân vườn, tìm chỗ thích hợp treo pháo mừng Xuân. Ai cũng khen bức tranh gấm thật đẹp và vẻ vương giả của cành mai tạo cho khung cảnh Tết trên chính điện thêm phần rực rỡ trang trọng. Mọi việc đã tạm xong. Trời tối mịt, tiếng mưa rơi rả rích trên mái chùa. Sư cụ và chú tiểu đang dọn dẹp trong hậu liêu thì có tiếng người gõ cửa. Ai đến lễ giờ này? Chú Minh Thông vừa hé cửa chỉ kịp đỡ lấy một thân hình mảnh dẻ lao đao suýt ngã. Nhìn ra là một người đàn bà trung niên khó đoán tuổi, mặt mũi xanh xao ướt nước mưa. Chú đưa bà vào phòng tiếp khách ngồi cho đỡ lạnh. Sư cụ ái ngại bảo Minh Thông lấy khăn khô cho bà ta lau tóc, lấy nước trà nóng ra mời. Sư cụ nhìn bà khách gầy ốm nhưng y phục nhã nhặn. Bà ta có vẻ hiền hậu, nét mặt thanh tú. Bà cho biết bà ở chung với gia đình người bạn gần khu chợ Tàu từ mấy năm qua, nhưng đã bị mất việc từ lâu. Trưa nay, bà được đến phỏng vấn làm nhân viên cho siêu thị Safeway gần chùa. Họ hẹn sẽ liên lạc với bà sau. Chờ mãi không thấy chuyến xe bus, trời chiều mau tối lại lất phất mưa. Người run lên vì ướt lạnh, bà cố gắng lội bộ tới chùa và xin sư cụ cho tạm trú chân, sáng sớm mai bà sẽ đón chuyến xe bus đầu tiên về lại nhà người bạn. Đang kể lể đôi mắt bà bỗng sáng lên, đứng bật dậy đến bên bức tranh thêu trên tường cạnh bàn thờ, đôi tay mảnh mai run rẩy vuốt nhẹ lên mặt gấm. Sư cụ và chú tiểu ngạc nhiên nhìn nhau. Người thiếu phụ lẩm bẩm như người trong cơn mộng du: “Tranh này của tôi, tranh của tôi. Hoàng Mai, Hoàng Mai… tranh này của tôi đây mà!” Chú Minh Thông vội vã giải thích: Bức tranh thêu này của nhà chùa vừa mua để trang trí chính điện đấy mà, sao bà lại nói vậy? Bà nghẹn ngào như muốn khóc: “Không, bức tranh này xưa kia là của tôi. Đây này, bà giở một góc của tranh, đưa chú coi mấy chữ thêu rất nhỏ Tặng Phạm Hoàng Mai 1974. Tôi là Hoàng Mai. Quà đặc biệt của nhà tôi tặng trong ngày cưới”. Chú tiểu bối rối nhìn thày. Sư cụ hiền từ: – Nếu đã là vật kỷ niệm của bà thì nhà chùa xin hoàn trả lại bà. Bà lắc đầu, đôi mắt ướt lệ: – Thưa Thày, con bây giờ nơi ăn chốn ở không có, còn giữ tranh làm gì, xin để cúng Chùa. Cuộc đời con kể như đã hết rồi. Trước cái nhìn của sư cụ và chú tiểu, bà thở dài, từ từ kể: – Thưa Thày, vợ chồng chúng con hồi đó ở Đà Lạt. Con là cô giáo dạy lớp Ba. Chồng con là Trung Úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chúng con làm đám cưới năm 1974. Vì tên con là Hoàng Mai, nhà con đã tặng cho bức tranh thêu cành mai vàng này. Tháng Tư năm 1975, hàng ngũ tan tác, ai nấy cuống cuồng tìm đường thoát hiểm như đàn kiến trên chảo nóng. Riêng con có trách nhiệm với đám học trò nhỏ, chồng của con lại đang hành quân trên vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, con không hề nghĩ đến việc chạy đi đâu. Nhưng em trai của con đang làm việc cho một cơ quan Mỹ nên hối thúc ba mẹ con và con lên chuyến bay cuối cùng rời Việt Nam. Đồ vật mang theo rất giới hạn nên con chỉ vơ vội vài bộ quần áo cuộn vào bức tranh này lật đật theo mọi người lên máy bay mà lòng dạ ngổn ngang tan nát. Từ trại tị nạn, cả gia đình con cố liên lạc khắp nơi để tìm chồng con. Ngay cả Hồng Thập Tự cũng không tìm ra tin tức gì của anh. Mấy năm sau, có người cho biết anh đã bị bắt đi tù cải tạo và trong một lần trốn trại đã bị bắn chết. Bà cúi mặt, dấu những giọt nước mắt đang rơi xuống áo. – Nam Mô A Di Đà Phật. – Sư cụ an ủi. Bà tiếp: – Sau đó gia đình con được bảo trợ về New Orleans, tiểu bang Lousiana. Thấm thoắt đã chừng ấy năm, cha mẹ con lần lượt qua đời. Hai chị em con ở chung nương tựa nhau mà sống. Kỷ niệm của chồng con chỉ là mấy tấm hình ngày cũ và bức tranh này. Năm 2005, bão Katrina kéo đến. Nhà cửa đổ nát tan hoang. Em con và cả căn nhà trôi theo biển nước. Bơ vơ một mình trên đời, con rời lên tiểu bang này để xa những kỷ niệm đau thương và cũng vì khí hậu phong cảnh nơi đây giống như Đà Lạt. Con hiện thời ở nhờ chị bạn cùng học trường trung học Bùi Thị Xuân ngày xưa. Lắm lúc con nghĩ đời con cơ cực thế này là Trời Phật đã phạt con tội phụ bạc, không ở lại sống chết với chồng. Bà cố nén mấy tiếng nức nở, nhưng những giọt lệ lại lã chã tuôn rơi. Sư cụ ái ngại: – Bà không nên nghĩ vậy. Đức Phật từ bi không bao giờ trừng phạt ai. Mỗi người đều có cái duyên và cái nghiệp. Đức năng thắng số. Bà nên tĩnh tâm khấn nguyện và cố làm lành để chuyển đổi cái nghiệp.
*
Đêm Giao Thừa, chùa Việt Quang sáng rực đèn nến, khói hương nghi ngút. Mọi người chen chúc nhau lên chính điện. Tượng đức Phật trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng. Sư cụ ngồi trên ghế cạnh bàn thờ Đức Lạt Ma, chúc lành cho khách thập phương và tặng trái cây cho mọi người coi như lộc Phật. Các Phật tử đến chúc Tết đầu năm đều khen bức tranh Hoa Mai mỹ thuật và có hồn. Thầy mỉm cười, nói chùa đã có duyên may được một khách thập phương cúng dường vào giờ chót. Đã gần hai giờ sáng, những Phật tử lần lượt ra về. Một trong những người khách cuối cùng là ông Trung, một Phật tử thỉnh thoảng đến viếng chùa và đôi khi cũng có giúp những việc vặt cho chùa vì ông là một người khéo tay. Ông làm cho Macy’s đã nhiều năm. Công việc của ông là sửa nữ trang và đồng hồ cho khách. Ông ta sống lặng lẽ một mình, không giao du hay có thân quyến nào đến thăm. Ông ít nói nên không ai rõ trước đây ông làm gì, ở đâu. Lễ Giao Thừa năm nay ông nấn ná ở lại sau cùng cũng là một chuyện lạ. Chờ mọi người về hết, ông đến gần sư cụ, ngập ngừng: – Bạch Thày, xin cho phép con hỏi về bức tranh Hoa Mai này. Ngày xưa gia đình con cũng có một bức tranh giống như vậy. Con tưởng trên đời không có tấm thứ hai vì chính tay con vẽ tranh và nhờ mấy vị nữ tu của nhà thờ trên Lâm Đồng thêu hộ. Sư cụ ngạc nhiên: – Ông có thể kể cho tôi sự tích bức tranh này đựơc không? – Thưa thày, hoa mai vàng biểu tượng cho mùa Xuân của miền Nam, dù ở Đà Lạt hoa đào cũng rất đẹp và thơ mộng. Con đặc biệt thích hoa mai vì người vợ sắp cưới hồi đó của con cũng tên Mai, Phạm Hoàng Mai. Con cũng biết vẽ chút ít nên can đảm vẽ một bức tranh hoa mai vàng rồi nhờ thêu để làm quà tặng nàng trong ngày thành hôn. Cưới nhau chưa đựơc bao lâu thì Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, chúng con tản lạc mỗi người một nơi. Bao năm đã qua đi, nghe đâu vợ con theo bà con vượt biên bằng đường biển, tàu chìm và cả gia đình nàng đã mất tích ngoài biển Đông rồi. – Ông ở Seattle đã lâu chưa? – Thưa thày, từ năm 1990. Trước 75 con là Trung Úy Bộ Binh. Đi tù cải tạo Cộng sản 7 năm. Khi đựơc thả về thì nhà cửa đã bị chiếm mất. Cha mẹ anh em bị đuổi lên vùng kinh tế mới. Sống lây lất ở Saigon mấy năm rồi theo diện HO rồi sang Hoa Kỳ. Tuổi đời chồng chất lại không gia đình, con dọn lên Seattle vì thời tiết và phong cảnh giống như thành phố Đà Lạt quê cũ. Đã xin được việc làm nên con định cư ở đây từ hồi đó. – Ông vừa nói bà nhà tên Hoàng Mai? Bữa trước có một bà đến đây thấy bức tranh cũng bảo là tranh kỷ niệm của gia đình bà. Hình như tên bà ấy cũng là Mai. Ông Trung tái mặt. Giọng ông run rẩy: – Trời ơi, thế ra cô ấy vẫn còn sống? Vợ con vẫn còn sống? Sư cụ từ tốn gật đầu: – Tôi nghĩ người đàn bà đến đây hai hôm trước là bà Mai vợ ông. Sáng mai ông có thể gọi cho phòng nhân viên của Safeway để nhờ họ liên lạc với bà ấy giùm ông. Biết hoàn cảnh của ông bà, chắc họ sẽ giúp. Bà ấy nói ở chung với người bạn học cũ. Nghe đâu địa chỉ họ ở phía chợ Tàu, cũng không xa đây lắm. Có lẽ ông Trung không nghe được những lời của sư cụ. Qua cửa kính, ông không nhìn thấy những cành cây khô trơ trụi run run trong gió lạnh buổi sớm đầu năm. Trong mắt ông, bên ngoài là một khung trời Đà Lạt huyền ảo trong nắng mới, vạt nắng như tơ vàng rắc lên những tà áo trắng của những cô học trò Bùi Thị Xuân, trong đó có một tà áo đặc biệt cho ông, một bông Mai Vàng rực rỡ đang chờ đón ông ngày mai.
*Lấy ý từ truyện ngắn của Rev. Howard C. Schade Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 07/Feb/2024 lúc 1:07pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 04/Mar/2024 lúc 4:33pm |
Hồi Ký Miền Nam | NGƯỜI HÁT RONG TRONG HẦM XE ĐIỆN <<<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 04/Mar/2024 lúc 4:34pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 15/Mar/2024 lúc 2:55pm |
Điều Kỳ Diệu Sẽ Đến Với Những Người Biết Sự Cho Đi (LHYĐ) Hạnh phúc, đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành, một sự quan tâm đúng lúc, hay… một sự cho đi vô tư từ một tâm hồn trong sáng. Trong cuộc sống bộn bề này, cần lắm những hạnh phúc giản đơn, những tia sáng ấm áp lan toả nhẹ nhàng trong trái tim của mỗi người. Hãy cho đi khi bạn còn có thể… Câu Chuyện 1: CÂY NẾN YÊU THƯƠNG Có một cô gái trẻ chuyển nhà mới. Cô phát hiện hàng xóm nhà mình là một phụ nữ nghèo goá chồng, sống với hai đứa con nhỏ. Một ngày nọ khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ phải dùng nến để thắp sáng. Khi vừa mới chuẩn bị thì chỉ một lát sau, đã có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé con nhà hàng xóm. Nó hồi hộp hỏi: “Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?” Cô gái trẻ nghĩ: “Nhà nó nghèo đến mức nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau lại sang xin nữa cho mà xem!” Thế là cô gái sẵn giọng: “Không có!”. Nói rồi cô định đóng cửa lại, đứa trẻ nhà hàng xóm nghèo chợt mỉm cười nói: “Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!”. Nói xong, nó chìa ra hai cây nến: “Mẹ cháu với cháu sợ cô chỉ sống có một mình, không có nến nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm!”. Cô gái trẻ nghe xong lặng người… Trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ có những lúc như thế. Dù con người sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có, họ đều cần sự an ủi từ ai đó. Đừng ích kỷ, hãy lắng nghe âm thanh cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ không xấu, mà thậm chí nó còn đẹp hơn khi chúng ta cho đi. Bởi… cho đi cũng chính là nhận lại! Câu Chuyện 2: LY SỬA ÂN TÌNH Trưa hôm đó, có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Bụng đói cồn cào mà lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi, cậu liều xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Nhưng cậu giật mình xấu hổ khi thấy một cô bé ra mở cửa. Và thay vì xin cái gì đó để ăn, cậu đành ngậm ngùi xin một ly nước để uống. Cô bé trông cậu có vẻ đang đói nên bưng ngay ra một ly sữa lớn. Cậu bé uống xong, hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu?”. “Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt”, cô bé trả lời. Cậu bé xúc động cám ơn và đi khỏi. Lúc này, cậu bé Howard Kelly đã thấy tự tin hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều. Nhiều năm sau, cô gái đó bị căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ trong vùng đều bó tay và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị. Tiến sĩ Howard Kelly được mời khám, và khi nghe tên địa chỉ nhà của bệnh nhân, một tia sáng loé lên trong mắt. Ông đứng bật dậy và đi đến phòng bệnh nhân và nhận ra cô bé ngày nào ngay lập tức. Ông đã gắng sức để cứu cô gái này. Sau thời gian dài, căn bệnh của cô gái cuối cùng cũng may mắn qua khỏi. Trước khi tờ hoá đơn thanh toán viện phí được chuyển đến cô gái, ông đã viết gì đó lên bên cạnh. Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895 Cô gái lo sợ không dám mở ra, bởi vì cô chắc chắn rằng cho đến hết đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này. Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hoá đơn: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa! Ký tên Tiến sĩ Howard Kelly“. Nước mắt vui mừng cứ thế dâng trào và lời từ trái tim cô gái thốt lên trong nước mắt: “Cảm ơn ông!”. Đây là câu chuyện có thật, Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895. SUY NGẪM: Hạnh phúc, đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành, một sự quan tâm đúng lúc, hay… một sự cho đi vô tư từ một tâm hồn trong sáng. Trong cuộc sống bộn bề này, cần lắm những hạnh phúc giản đơn, những tia sáng ấm áp lan toả nhẹ nhàng trong trái tim của mỗi người. Bạn sẽ không thể nào ngờ được, chỉ một hành động bé xíu đó thôi, nhưng lại có thể mang đến cho người nhận nó một “cuộc đời mới”, một tia hi vọng vào một ngày mai bình yên và tươi sáng… thậm chí, còn là một phép màu! Vì vậy, hãy cho đi khi bạn còn có thể… An Nhiên |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 22/Mar/2024 lúc 10:04am |
Tấm Lòng Của Kẻ Thứ Ba!Cánh cửa ngăn cách giữa hải quan và người chờ thân nhân vừa mở ra tại phi trường Norman Y. Mineta San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, mọi người đổ xô háo hức đứng lên, cặp mắt ai nấy mở thật to với những bó hoa, bong bóng đủ màu trên tay sẵn sàng chào đón người thân từ xa đến. Riêng tôi… cũng có hoa tươi, bong bóng hình gấu, hình trái tim… nhưng vai trò của tôi thật bất đắc dĩ. Tôi đi đón… vợ của người ta! Phải rồi, vợ của tên bạn thân, Chương lúc nào cũng bận rộn đi gặp khách hàng, không có thì giờ đi đón vợ trở về từ tiểu bang Pennsylvania sau bốn tháng đi tu nghiệp chuyên sâu về bác sĩ nhi đồng. Chương có nói với tôi nếu hắn ký hợp đồng xong sớm với khách sẽ phone cho tôi, hắn sẽ rước thằng bé Dann, con của hai vợ chồng hiện đang gởi ở nhà bà nội khá xa, và cùng nhau đi ăn cơm chiều.
Khuôn mặt của Khải Vy, vợ Chương, hiện ra trong đầu, một phụ nữ nhẹ nhàng, thanh lịch, nụ cười với cái đồng điếu ở khóe môi thật quyến rũ mà cả một thời trung học tôi đã si mê cái đồng điếu ấy! Tôi yêu nàng thầm lặng trong tâm khảm, nhưng ngoài mặt thì đối xử như một người bạn thân, tôi đã ngu si nghĩ rằng nàng sẽ để ý đến sự chăm sóc đặc biệt của tôi mà đối đáp lại cái tình cảm trân quý ấy. Nhưng không! Nàng vốn dĩ sanh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, con gái rượu, được cưng yêu chiều chuộng, nên xem sự đối xử tốt của tôi như chuyện bình thường không chút đặc biệt nào cả. Rồi khi lên đại học, tôi vẫn cứ lẽo đẽo theo nàng, câm nín không đủ tự tin để thổ lộ; ngoài tôi ra còn khối anh chàng đẹp trai, sáng giá bám đuôi; nàng học môn gì, tôi cũng theo bén gót, nàng học rất giỏi, lúc nào cũng đứng đầu mọi mặt, nàng theo ngành bác sĩ nhi đồng, tôi cũng thế, cũng may là sức học của tôi không đến nỗi tệ nên cả hai chúng tôi đều được nhận vào làm chung một nhà thương lớn ở San Jose sau khi ra trường. Nàng vẫn ngây thơ không biết tình cảm của tôi âm thầm đối với nàng. Còn tôi thì cứ loay hoay chọn một thời cơ thích hợp để thổ lộ con tim mình. Đùng một cái, nàng đưa thiệp báo hỷ! Tôi chới với như bị nhấn chìm xuống đáy biển! Nàng lấy Chương, thật không môn đăng hộ đối tí nào! Tôi cũng chưa bao giờ nghe nàng bàn luận gì về vụ này, khác với những chuyện mà nàng thường hay lấy ý kiến tôi khi quyết định việc hệ trọng, vì nàng chỉ thân với tôi nhất mà thôi. Ngày nàng lên xe hoa là ngày tôi tưởng mình đã chết! Toàn thân tê tái, sững sờ. Tôi phải giả bộ nói có việc rất bận của gia đình, không sao tham dự được, tôi đau xót kiệt quệ đến ốm cả tuần lễ mới cố vực dậy được. Thế mà tình yêu của tôi đối với nàng vẫn không suy xuyển… Tháng ngày trôi qua, đã bôi xóa đi vết đau oan khiên trong trái tim, tôi trở thành kẻ thứ ba bất đắc dĩ trong tình yêu thuần khiết đối với nàng. Mỗi ngày đi làm, tôi được an ủi ở cạnh nàng, được nhìn ngắm nàng, vẫn mãi ao ước được nhìn thấy nụ cười thật sự của nàng nở trên môi, chỉ muốn nghe nàng kể những sự vui vẻ hạnh phúc trong gia đình nhỏ của nàng mà thôi vì: Yêu người như suối cuộn rừng sâu Nàng là chiếc cầu nối đầy tài năng kết hợp giữa tôi với gia đình nhỏ của nàng, Chương và bé Dann, yêu thương nhau như chính gia đình của tôi vậy, họ cần gì tôi đều giúp với tất cả tấm lòng để đổi lấy sự hài lòng của nàng. Sau 9 năm lấy nhau, nàng mới xa gia đình để đi tu nghiệp ngành chuyên khoa nhi đồng bốn tháng ở đại học Pennsylvania. Trong thời gian xa cách này, tôi và Chương có nhiều cơ hội gặp gỡ, tôi hiểu nhiều hơn tính cách của chồng nàng và bé Dann. Tôi giật mình trở về hiện tại khi thấy bóng dáng của Hoài Vy xuất hiện nơi ngưỡng cửa, trái tim tôi đập loạn nhịp như chính mình là người yêu, người chồng của nàng vậy, tôi hân hoan giơ bó hoa lên cao vẫy gọi: - Hoài Vy! Hoài Vy, mình ở bên này nè. Gặp tôi sau bốn tháng xa cách, nàng cười thật tươi, chạy nhanh lại tôi như con chim sáo. Nàng bỗng ngừng lại khi đến bên tôi, quay qua quay lại tìm kiếm điều gì, nụ cười tắt trên môi, nàng nói: - Anh Chương chắc lại bận rồi, không có thì giờ đến đón Hoài Vy phải không? - …Ừm, anh ấy nói khi nào ký xong contract sẽ đến với mình mà… Bốn tháng rồi mới gặp lại em, thấy em càng thêm xinh đẹp, có da có thịt hơn, chắc không phải khổ sở chăm nom gia đình nên thấy em trẻ ra đó. Chiếc đồng điếu thật duyên dáng hiện ra ở khóe môi trái khi nàng cười: - Phải rồi, em đi học thật vui và chỉ chăm sóc mình thôi, phải nói đây là kỳ nghỉ hè 4 tháng chứ không phải đi học nghiệp vụ đâu, em được ăn no ngủ kỹ đó! Ở nhà có chuyện gì không anh? Anh khỏe không? - Tất cả đều rất tốt, chỉ có mỗi anh Chương là bận rộn tối mắt tối mũi với công ty của anh ấy thôi, thằng bé Dann đã lên lớp ba, ngoan ngoãn và đi học rất chăm chỉ, nó kể có làm facetime với em mà phải không? - Dạ, thấy qua màn hình nó rất khỏe mạnh và nghe lời bố, nhưng không biết một mình anh ấy chăm nom nó ra sao. - Thỉnh thoảng anh Chương cũng đem nó sang anh trông giúp mỗi lần anh ấy quá bận, nhà bà nội khá xa không tiện đường đem gởi thằng bé với lại bà lớn tuổi, trông cháu không tiện…Anh cũng chơi đá bóng với nó, thằng bé rất thông minh, thích thể thao lắm. Khoảng nửa tiếng sau, Chương và Dann xuất hiện, tôi thấy nàng thật hạnh phúc trong vòng tay yêu thương quấn quít của gia đình, tíu tít kể đủ chuyện của bốn tháng xa cách. Tôi lẽo đẽo đi theo sau lưng, quên cả cái “tôi” mà chỉ nghe và cười ké những chuyện vui của gia đình họ, không hề cảm thấy bị tổn thương. Bờ vai ngoan, hương tóc xõa buông mềm **** Mới 2 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng phone reng, giọng Hoài Vy sũng nước: - Huy à, anh có thể đến nhà thương gấp xem thằng bé dùm em có được không? - Chuyện gì vậy? bé Dann bị đau ở đâu? Sao lại vào nhà thương? - Nó nói đau bụng… - Có ăn gì độc không? - Em không biết! Em đang trên đường đưa nó vào nhà thương gấp đây, anh hãy đến đó nhe… bây giờ đầu óc em đang rối bời, không có tâm trạng nào khám cho nó đâu! - Ok, anh sẽ có mặt ngay! Vừa thay đồ, tôi vừa lo lắng, suy nghĩ không biết thằng bé bị làm sao. Độ này tôi thấy Hoài Vy không còn vui cười hạnh phúc như những ngày nàng mới đi học nghiệp vụ về nữa, nàng có vẻ lo lắng một điều gì đó mà không tâm sự với tôi. Nàng ngồi hàng giờ ngoài công viên của bệnh viện, mắt nhìn về một nơi xa xăm, trầm tư suy nghĩ; nhiều lúc tôi đi ngang qua định làm một trò vui cho nàng cười, nhưng tôi vẫn không thể nào tìm thấy lại chiếc đồng điếu xinh xắn nơi khóe môi trái của nàng nữa. Nàng lao vào công việc như con thiêu thân mà tôi không thể nào ngăn chặn được, nàng làm việc qua cả giờ cơm trưa, đến tối mịt 9:00 đêm mới rời bệnh viện, nàng nhận thêm nhiều ca mổ cho các em. Tôi chỉ biết đứng ngoài theo dõi nàng mà thật ái ngại, nàng tránh mặt tôi như sợ tôi hỏi về nguyên nhân của mọi thứ! Vừa đến bệnh viện, tôi lao ngay vào phòng emergency xem bé Dann ra sao, tôi đã nghe tiếng Hoài Vy và Chương tranh cãi nhau ngay phòng ngoài, tránh không để bé Dann nghe tiếng: - Tại sao anh không đi một mình mà lôi theo thằng bé chứ?... Cô ta có thể làm hại nó thì sao? - Anh xin lỗi, anh không nghĩ đến chuyện người lớn có thể hại con nít… Với lại chuyện này thật sự không phải lỗi của anh,… Cô ta cứ muốn bám lấy anh… - Em đã nói bao nhiêu lần với anh rồi, nếu anh muốn ở với cô ta thì mình… ly dị đi, em sẽ nuôi con, anh đến thăm nó lúc nào cũng được… - Sao em lại nói vậy chứ! Anh đã giải thích với em bao nhiêu lần rồi, anh là nạn nhân trong thời gian em ở Pennsylvania, trong lúc uống rượu nhiều với khách để ký contract bán nhà, thế rồi anh rơi vào bẫy của họ, cô gái này đã gạ tình anh, sau này anh biết được là xa lánh ngay. Nếu em không tin thì mình sẽ ba mặt một lời, anh không lừa dối em mà… Tôi nghe hết những mẩu chuyện hai người thì thầm cắng đắng với nhau, tôi lạnh người và hiểu ra được mọi nguyên nhân mà Hoài Vy đã cố giấu tôi uất nghẹn bao ngày qua, tôi phải làm sao để giúp cho họ trở lại như xưa đây, tôi không thể nào chịu đựng được khi nhìn khuôn mặt thánh thiện mà tôi yêu quý ủ dột vì một ai đâu! Tôi muốn hy sinh bản thân mình mãi làm một thiên thần bảo vệ hạnh phúc cho người tôi yêu! Tiếng hét thất thanh của bé Dann vang dội, làm cả hai người đang trốn trong góc phòng chạy vội lại. Tôi lo lắng hỏi cháu: - Con đau hả? Đau chỗ nào? Có ăn uống gì bậy bạ tối qua không? Hoài Vy sốt ruột: - Chắc em nhờ anh rửa ruột cho thằng bé… - Rửa ruột sao? - Không! không! con không muốn rửa ruột đâu! Con không muốn! - Hay là chích một mũi an thần? - Đau lắm, con không chịu chích đâu! - Hay là uống thử thuốc sirup này xem có hết đau không nhé. - Con không uống đâu, thuốc đắng lắm! - Thuốc này ngọt, không đắng đâu, con thử nếm mà xem nè. Thằng bé nếm một chút rồi gật gù: - Thuốc này không đắng lắm, con sẽ uống, nhưng đừng rửa ruột, cũng đừng chích …Con sắp hết đau bụng rồi… Tôi nhìn sâu trong mắt thằng bé lém lỉnh, nói nhỏ bên tai nó: - Có thật con hết đau bụng rồi không? - Vâng! Con… sắp hết đau rồi! - Có phải… con làm bộ đau bụng phải không? Ngần ngừ một chút, nó nhìn trước ngó sau xem có bố mẹ ở đây không, rồi mới òa khóc, nức nở tâm sự với tôi: - Chú ơi, giúp con với… - Chuyện gì vậy? Từ từ nói chú nghe coi? - Chú ơi, mẹ con đòi ly dị với bố! Hai người to tiếng từ cả tuần nay… Bố đã bỏ nhà đi, khi bố về thì mẹ lại không muốn về, đến thật khuya mẹ mới đi làm về, mẹ không muốn ăn gì hết, mẹ làm con lo lắm, con không muốn hai người ly dị đâu, nhà con chỉ vui khi có cả ba người mà thôi. Con không muốn thiếu một ai và cũng không muốn ai khác vào ở đâu chú ơi! Chú giúp con ngăn đừng để mọi người ly dị nhe chú, chú hứa đi! Tôi vuốt lưng nó, thằng bé nói những lời thấu ruột gan tôi! Một gia đình hạnh phúc đối với một đứa trẻ phải đầy đủ cha và mẹ của nó, không thể thiếu một ai, và cũng không thể thay thế ai! Cho dù tôi có yêu Hoài Vy cách mấy… cũng không thể nào thay thế chỗ của bố ruột nó, huống chi người con gái nào đó đang thả tình với Chương, cô ta đã từng quen và hiểu thằng bé đến bao nhiêu mà đòi thay thế vai trò của mẹ ruột nó trong gia đình ấy chứ?! Tôi xoa đầu Dann, khuyên nó như đang nói với chính mình: - Con đừng làm mẹ thêm lo lắng nữa, đừng giả bộ đau bụng nữa nhe, chú sẽ thuyết phục mẹ đừng ly dị với bố và cho bố thêm cơ hội làm lại… - Con đã thấy
cái cô gì đó rồi, cổ đến đón con ở trường một lần có bố theo, rồi mọi người bỏ
con ngồi một mình ở chỗ bán game đồ chơi để đi đâu đó, chờ đến trời tối xuống
vẫn không thấy ai tới đón, tiệm muốn đóng cửa luôn, chủ tiệm đuổi con ra làm
con sợ quá, may mà mẹ đã phone cho bố, bố mới nhớ và đón con đó. Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt (Trên ngọn tình sầu-Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê) Tôi nhè nhẹ xoay nắm cửa phòng nghỉ trong bệnh viện dành cho nhân viên, rón rén đặt món seafood sushi lên bàn, ngắm Hoài Vy ngủ say sưa úp một bên má lên bàn, tiếng thở đều đặn, làm như tối hôm qua nàng không được ngủ đủ giấc vậy; đã quá giờ cơm mà nàng cũng không đói dậy ăn. Tôi định bước ra, ống tay áo vướng vào chiếc ghế cạnh đó, gây lên tiếng động làm nàng tỉnh giấc. Thấy tôi, nàng ngước mặt còn ngái ngủ lên dụi mắt: - Anh … vào hồi nào vậy? Sao không gọi em dậy? - Anh có mua cơm trưa món sushi mà em thường thích đó, em có nhớ mình đã ăn món này cả mấy tuần lễ khi còn học thi không?... Thôi ăn cho có sức vì chiều nay lại có ca mổ nữa đó. - Thật mất công anh quá, anh đã ăn chưa? Ngồi xuống đây ăn chung với em luôn, nhiều quá làm sao em ăn hết được. Tôi kéo ghế ngồi xuống, so đũa cho nàng, nhìn nàng chua xót: - Anh… có thể hỏi em một chuyện không? Nàng coi tôi như một người thân trong gia đình, biết không giấu được lâu, nàng ngần ngừ, rồi tuôn ra tất cả sự đau khổ uất ức bao lâu nay: chồng nàng đã làm một lỗi lớn với nàng, dù đã ăn năn, nhưng nàng không thể tha thứ vì đã đi quá ranh giới chịu đựng của nàng… Nước mắt ràn rụa tức tưởi. Tôi thật ái ngại nhưng muốn nàng quên đi hoàn cảnh hiện tại, muốn đem lại nụ cười trong giây lát cho nàng; tôi lấy một chiếc đũa cắn vào giữa hai hàm răng, rồi nói: - Em có thể làm như vậy được không? Nàng chưa hiểu nhưng cũng bắt chước, đón lấy chiếc đũa từ tay tôi cắn chặt giữa hai hàm răng, tôi cầm máy iphone ra chụp lại và chìa ra cho nàng xem, tấm hình nàng với đôi mắt trợn tròn đầy ngạc nhiên, khuôn mặt tràn nước mắt, chiếc miệng bạnh ra giữa hai hàm răng cắn chặt que đũa trông thật tức cười, bất giác nàng ôm bụng cười nắc nẻ khi nhìn thấy tấm hình đó, vội vàng đuổi đánh tôi, la lên: - Hahaha… “Delete” tấm hình đó ngay, “delete” ngay cho em, không được cho ai xem đó! - Không đâu, tấm hình này thật tự nhiên và dễ thương lắm, vô giá đó nhe! Đó là nụ cười tươi nhất từ sau khi câu chuyện gia đình nàng xảy ra. Không chỉ riêng nàng đau khổ, tôi cũng là nạn nhân, bị giày vò, đau nhói với nỗi đau bị lừa dối, bị phản bội như chính nàng vậy, vì tôi sống nhờ vào nụ cười và ánh mắt của nàng mỗi ngày; tôi không muốn làm kẻ thứ ba ác độc, gây thêm phiền lụy lên nàng nữa đâu mà chỉ muốn làm chỗ dựa vững chắc, vun xới hạnh phúc mỗi ngày, đó mới là tình yêu đích thực của tôi giành cho nàng. Trong đôi mắt anh, em là tất cả Vì lời hứa với bé Dann, tôi hẹn gặp Chương. - Tôi hỏi ông, bộ ông không còn yêu vợ con ông nữa sao? Ông chưa vừa lòng có người vợ đẹp, thông minh lại hiền lành như Hoài Vy sao? Ông không yêu thằng bé lanh lợi Dann nữa hả? Hay ông bị bùa mê thuốc lú của con hồ ly tinh rồi về làm khổ gia đình, khuấy loạn hết cả lên? Ông thật sự muốn ly dị phải không? Trả lời tôi thật tình đi, ông đang toan tính việc gì trong đầu vậy? - Ông Huy à… ông biết tôi rất yêu vợ, rất thủy chung với nàng, tôi hài lòng lắm có một gia đình mà vợ tôi vừa đẹp người đẹp nết, đâu muốn làm xáo trộn làm gì, nhưng vì hôm đi uống rượu với đám khách mua nhà, tụi nó chuốc rượu cho tôi uống đến nỗi đi hết nổi, tôi không còn nhớ một chút gì nữa sau khi ngủ một giấc say, dậy thì thấy thân thể mình như thằng con nít mới sanh, không có mảnh vải che thân, bên cạnh là cô gái đã chuốc rượu tôi tối qua, cô ta nói đã yêu tôi từ lần đầu gặp gỡ vì tôi thường hay gặp khách ở quán này… - Cổ yêu túi tiền của ông thì có, chứ có yêu gì ông! - Tôi thật tình đã có lỗi với vợ! Mà ông cũng biết là vợ tôi có lòng tự ái, tự trọng lắm, tôi làm ra ba cái chuyện này, nàng thật khó nhìn mặt tôi đó, chính nàng đòi ly hôn với tôi, nàng đã lấy đơn về điền, rồi đuổi tôi ra khỏi phòng của hai vợ chồng, chúng tôi cứ cắng đắng nhau đến nỗi thằng con cũng nghe luôn, nó sợ chúng tôi ly dị, nó sợ sẽ giống thằng bạn học cùng lớp, chẳng bao giờ thấy lại bố, cả lớp gọi thằng nhỏ là trẻ mồ côi bố! - Ông có nghĩ là cô làm trong quán bar có mưu mô gì không? Sao lại chọn ông mà không là ai khác trẻ hơn ông? Nếu so về tuổi tác thì ông phải đáng tuổi cha chú cổ. Tôi thấy vụ này sao sao đó. - Tôi đã van xin hết nước với cô Bình, người làm việc trong quán bar, là tôi đã có gia đình, vợ tôi là một bác sĩ của bệnh viện ở San Jose, tôi không muốn làm nhơ nhuốc thanh danh của vợ tôi đâu, tôi bằng lòng đền bù cho cổ một số tiền để đừng làm rùm beng vụ này, tôi thật khổ tâm lắm luôn! - Vậy tôi đã hiểu là ông bị họ “chơi khăm” rồi, ghen ăn tức ở, có những loại người thấy ai hạnh phúc quá họ chịu không nổi và muốn phá, muốn làm tiền, thế thôi! Xã hội này không dễ sống đâu… Ông phải cẩn thận hơn trong cách giao du đó! - Nhưng bây giờ vấn đề là Hoài Vy không muốn tha lỗi cho tôi, nàng khư khư đòi ly dị… - Trúng kế con hồ ly tinh rồi còn gì! - Phải đó!... Ông làm chung với vợ tôi mỗi ngày, giúp tôi năn nỉ cổ tha lỗi cho tôi, tôi thật ăn năn lắm… - Được rồi, để tôi cố hết cách xem sao… Thôi tôi đi công việc đây, có gì phone nói chuyện sau. - Cám ơn ông trước nhe! Vì nóng lòng muốn làm rõ mọi chuyện, tôi giả làm người khách chơi đêm đến quán bar của ả Bình vài lần xem hư thực ra sao. Lần nào đến tôi cũng đem theo cái máy ghi âm nhỏ xíu giấu trong cặp, ghi lại tất cả lời đối thoại của chúng tôi để đề phòng sau này. …Và cơ hội đã đến! Bình là cô gái dáng cao, chân dài, thon gọn, khuôn mặt xinh lai tây, nàng ẻo lả ngồi sát bên tôi: - Anh … thích ánh đèn màu tím xanh và tiếng nhạc này không? Anh uống gì? Rượu mạnh hay … - Rượu mạnh đi… - Có tâm sự sao? Có cần em ngồi uống chung không? Vừa nói nàng vừa đưa ngón tay lướt nhẹ lên khuôn mặt tôi; tôi giả lả theo: - Mình uống đi! Đêm nay phải thật say đó! Tôi chuốc rượu cho nàng uống thật nhiều để dễ khai thác; đến chai whisky thứ ba nàng mới bắt đầu ngật ngừ, tôi hỏi ả: - Em bỏ nghề này… đi theo anh được không? - Em … rất muốn bỏ cái nghề bấp bênh này rồi, muốn lập gia đình với một người đàn ông tốt, sanh con, làm lại cuộc đời… - Vậy em đã gặp được ai chưa? - Có! Em đã gặp được một người đàn ông, anh ấy thật biết điều, rất tinh tế… nhưng tiếc anh ấy đã có gia đình! - Vậy hãy bỏ anh ta đi, tìm một người khác độc thân, thiếu gì đàn ông trên thế gian này chưa vợ… - Nhưng khổ là rất ít đàn ông có tính tình điềm đạm, kinh nghiệm như anh ta. Em nhất định phải làm cho anh ấy ly dị vợ để đến với em, em yêu ảnh mà… Thực sự lúc đầu em chỉ muốn moi tiền ảnh thôi, nhưng thấy ảnh là người đàn ông tốt, có trách nhiệm, lo cho gia đình thật đầy đủ làm em muốn đẩy người phụ nữ kia ra khỏi cuộc đời ảnh… - Em đừng làm vậy thất đức lắm, hay là… - …Hay sao?... anh có cách gì không? - Hãy bắt ảnh đền cho em một số tiền rồi em đi nơi khác làm lại cuộc đời, em thấy sao? Trong cơn nửa say nửa tỉnh, nàng nhìn tôi từ trên xuống dưới với ánh mắt ti hí dại khờ làm tôi thấy tội nghiệp, tất cả chỉ vì mưu cầu cuộc sống thôi. Ả té xuống chiếc giường sát cạnh, mắt nhắm chặt, miệng vẫn lẩm bẩm: - Ý kiến hay đó, nhờ anh nói giùm với ảnh nhe, em đòi 100k đô cho bõ công đó! - Ảnh là ai? - Chương, Hoàng Thiết Chương giám đốc công ty buôn bán nhà đất có vợ chảnh làm bác sĩ, và thằng con 8 tuổi. - Em say mà sao nhớ tài tình, nói vanh vách thế? - Em say nhưng cái đầu vẫn nhớ mà… Em không muốn nhìn ai có hạnh phúc sung sướng hơn em! Em thua gì họ mà không có được cái tình gia đình ấy chứ anh nói đi? … Em ghen với chị ta đó! Em sẽ làm cho chị ta phải ly hôn và em sẽ nghiễm nhiên thay thế vai trò của chị ấy!...hahaha em sẽ vu khống anh Chương cưỡng hiếp em thì tòa sẽ bắt anh ấy đi tù, thanh danh mất hết, đã vậy phải đền em ít nhất là 200k chứ không phải chỉ 100k đó thôi đâu! Hahaha Anh thấy kế hoạch của em…. Nói xong câu đó tôi nghe tiếng khóc ấm ức lẫn tiếng cười đau khổ trong men say của ả. Tôi hiểu sự đố kỵ, ganh tức của kẻ có dã tâm muốn chiếm đoạt hạnh phúc của người thành của mình. Có thể cô ta bị bệnh tâm thần chăng? **** Sau khi ba chúng tôi cùng nhau nghe lại đoạn băng ghi âm, Chương lên tiếng: - Tôi không ngờ bề ngoài ả rất xinh đẹp, dịu dàng mà lại là con người mưu mô xảo quyệt như vậy, là một kẻ chuyên tống tiền những người đàn ông “nhẹ dạ”. May mắn nhờ ông Huy đã can trường “vào hang cọp để bắt được cọp”… Theo mọi người tôi có nên đem cái băng này đến cảnh sát để làm biên bản không? đề phòng sau này có tình huống gì xảy ra thì mình đã có chứng cớ, và cho ả một bài học đích đáng! Hoài Vy xoay xoay chiếc ly nước trà ấm trong tay: - Em nghĩ ả này không những làm tiền anh Chương mà đã moi tiền nhiều người trong quá khứ lắm rồi, chả ai dám nói gì vì muốn giữ danh dự cho gia đình. Em sống không nổi đâu nếu tên tuổi gia đình mình bị lôi lên trang nhất của những tờ báo địa phương… Tôi kết luận: - Vậy mình không nên làm lớn chuyện, cho ả con đường sống, mình mua được sự an bình; cả ba người mình sẽ gặp ả, mình sẽ bắt ả viết đơn cam kết đi khỏi San Jose khi nhận tiền, và sẽ không bao giờ quay lại con đường làm tiền phi pháp này nữa… Vậy là kết thúc thôi. Nếu không giữ lời thì mình có bằng chứng đầy đủ, giấy tờ chữ ký, băng ghi âm… Còn nếu muốn ra tòa thì phần thua về ả là cái chắc! ***** Thôi kệ, chi rồi cũng sẽ qua Chúng tôi quây quần bên chiếc bàn tròn trong một tiệm seafood nổi tiếng ở Cali, thằng bé Dann bám chặt cánh tay tôi: - Chú Huy ơi, sau này khi rời nơi đây, chú phải facetime cho con mỗi tuần đó, con sẽ nhớ chú lắm, sẽ không ai chơi bóng với con nữa và khi bệnh đến nhà thương cũng không còn ai nghe những yêu cầu của con. Nhớ nhen chú! Hoài Vy giọng nhẹ nhàng chân thành: - Hồi đó em đi tu nghiệp rồi, bây giờ đến anh chứ, 6 tháng sẽ nhanh chóng qua thôi, về lại đây chắc chắn anh sẽ lên chức giám đốc, lúc đó đừng quên người đã từng đồng cam cộng khổ với anh trong mọi vấn đề đó nhe! … Mỗi một ca mổ quan trọng nào em cũng sẽ mãi nhớ tới anh, nhớ đến ánh mắt ngầm bảo “ráng lên” làm cho em lên tinh thần, tự tin mổ tiếp… Cũng rất nhớ những ly café buổi sáng anh đã đem vào phòng cho em với hai cup sữa nhỏ không đường… Em rất cám ơn anh! Chương gắp bỏ vào đĩa của tôi một con oyster lớn chưng gừng hành: - Cái gì khó giải quyết của gia đình, chúng tôi đều nhờ đến ông, ông chính là “bà vú nuôi”, tụi này được yên lành đến ngày hôm nay, công lao của ông không nhỏ, người bạn già của tôi! Tôi rất hân hạnh được quen ông, mang ơn ông được chưa? Mong ông đi tu nghiệp về lên chức và mãi là “cánh tay phải” của tụi này nhe!... Mà nè, khi nào quen được cô gái nào thì giới thiệu liền cho chúng tôi biết đó nhen. **** Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng? Lòng như bát ngát mây xanh Thân như sương tụ trên cành đông mai. Cuộc đời chớp lóe, mưa bay, Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không.(Phạm Thiên Thư) Sỏi Ngọc, |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 01/Apr/2024 lúc 9:33am |
LỜI TỬ SĨ Tạ ơn em, đến thăm anh, Nằm ngoan, ôm nấm cỏ xanh trên mồ!Mùi hương lan tỏa mơ hồ, Thấm vào lòng huyệt, thơm tho nồng nàn. Thôi em! Xin chớ khóc than, Anh xin chịu lỗi muôn phần, Tình nhà, tình Nước: hai vai, Bơ vơ góa bụa nửa đời, Trần Quốc Bảo |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 05/Apr/2024 lúc 2:29pm |
Bà Bảy Vượt Biển - Vietnamese Boat People <<<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Apr/2024 lúc 11:18am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 06/Apr/2024 lúc 11:15am |
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Apr/2024 lúc 11:17am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 156 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |