Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Feb/2024 lúc 10:24am

Cách tận hưởng Tết Nguyên Đán tại nhà

 BM

Mừng tuổi với bao lì xì đỏ, quét nhà, nhưng dù làm gì, bạn đừng lật cá!


Đó là khoảng thời gian để dọn dẹp và ăn mừng, diện quần áo mới và chào đón những khởi đầu mới. Do dựa theo lịch âm nên mỗi năm, Tết Nguyên Đán lại rơi vào những ngày khác nhau, đâu đó vào tháng Một hoặc tháng Hai.


BM


Năm nay, Tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày 10/02. Theo truyền thống, đây là thời điểm để tôn vinh các vị Thần cũng như tổ tiên, và tuân theo các phong tục độc đáo. Dưới đây là một số hoạt động mà bạn có thể tham gia, và hòa mình vào một trong những dịp lễ nổi tiếng nhất thế giới, ngay tại nhà riêng của bạn (hoặc căn hộ, hay ký túc xá, tùy trường hợp):


Dọn dẹp


BM


Năm mới là dịp dành cho những khởi đầu mới, và ai cũng muốn bắt đầu với sự tươi mới. Chính vì vậy, chín ngày trước thềm năm mới được dành cho việc tổng vệ sinh nhà cửa. Bây giờ, trước khi xem nhẹ hình thức ăn mừng này, bạn nên biết rằng chổi không chỉ quét bụi, mà còn quét đi những vận xui. Quan trọng là bạn phải quét từ các góc đến giữa phòng, sau đó quét sạch các điều xui rủi ra ngoài qua cửa sau. Tuy nhiên, vào ngày đầu Năm Mới, chổi và dụng cụ hốt rác được giữ nguyên cẩn thận để vận may mới đến có thể ở lại trong nhà và không bị quét nhầm. Thật đấy việc dọn dẹp vào ngày đầu Năm Mới là điều kiêng kỵ.


Mừng tuổi với bao lì xì đỏ


BM


Bạn đã kết hôn hay đã lên chức ông bà? Nếu vậy, hãy chuẩn bị ví tiền của mình. Trong dịp Tết Nguyên Đán, các cặp vợ chồng và ông bà có niềm vui truyền thống là phát những phong bao lì xì nhỏ màu đỏ có chứa tiền cho những người độc thân (chủ yếu là trẻ em). Người ta tin rằng “tiền lì xì” như vậy sẽ mang lại may mắn cho trẻ em trong năm tới, đồng thời bảo vệ chúng khỏi tà ma. Để có sự may mắn tối đa, hãy đặt bao lì xì dưới gối suốt bảy ngày trước khi mở nó ra.


Tuy nhiên, không phải lì xì bao nhiêu cũng được. Không chỉ là sự hào phóng, quan trọng là bạn nên lì xì với số tiền chẵn. Người Trung cộng đặc biệt thích số tám và các bội số và ước số của nó. Tại sao lại là số tám? Vì trong tiếng Trung, từ số tám (ba trong tiếng Quan Thoại, và đặc biệt là fa trong tiếng Quảng Đông) phát âm nghe giống từ phát tài (fa). Bằng mọi giá, tránh mừng tuổi với tiền mừng số lẻ chúng thường được dành cho đám tang!

 

Bày biệnvà nói những lời may mắn


BM


Một phong tục Trung Hoa truyền thống khác là treo những câu đối lan tỏa những lời chúc năm mới tốt đẹp đến tất cả mọi người treo câu đối trên và xung quanh cửa sổ lẫn cửa ra vào. Có thể bạn đã từng nhìn thấy những mảnh giấy đỏ có chữ (ký tự) màu vàng hoặc đen vào thời điểm này trong năm. Vâng, đó không chỉ là đồ trang trí mà chúng còn mang theo những thông điệp tốt lành.


Một trong những chữ được ưa thích là chữ “Xuân”, tượng trưng cho mùa Xuân sắp đến. Vâng, mặc dù Tết Nguyên Đán bắt đầu từ mùa đông, nhưng nó báo hiệu mùa Xuân đang gần kề. Cũng vì lý do này, ở Trung cộng, Tết còn được gọi là Lễ hội Mùa Xuân. Những chữ phổ biến khác là “phúc,” “hạnh phúc,” “an khang,” và “trường thọ.”


Một vài cụm từ cũng thường được nói giữa các thành viên trong gia đình và bạn bè, chẳng hạn như “vạn sự như ý,” nôm na là “chúc mọi điều tốt lành sẽ đến với bạn” hoặc “mong mọi điều ước của bạn sẽ trở thành sự thực.”


Ăn ngon, nhưng đừng lật cá!


BM


Tương tự như bữa tối Giáng Sinh hay Lễ Tạ Ơn, bữa tối Đêm Giao Thừa thực sự là một bữa tiệc với những món ngon tuyệt vời, mừng gia đình đoàn viên. Thực đơn khác nhau tùy theo vị trí địa lý, nhưng cá là món ăn thường được yêu thích. Vì sao ư? Bởi vì, dĩ nhiên rồi, từ “cá” tiếng Hoa là “yu,” là một từ đồng âm với sự sung túc.


Trong ẩm thực Trung cộng, cá thường được bày nguyên con trên đĩa, và ăn từng mặt một. Sau khi ăn hết nửa trên, nên gỡ xương sống thay vì lật cá, để tránh biến phần dư dả của bạn đảo ngược thành thiếu hụt.


Các món ăn phổ biến khác:


BM

·       Sủi cảo, đặc biệt là ở miền bắc Trung cộng, bột được nhào nặn giống như thỏi vàng.

·       Quýt, như ký tự của quả cam, “ju”, phát âm giống như “ji” (cát tường).

·       Hạt dưa và hạt hướng dương, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

·       Bánh niên cao, còn được gọi là bánh Năm Mới, rất phổ biến ở miền đông Trung cộng.

·       Bánh được làm từ bột gạo nếp dẻo, dính, đồng âm với “năm may mắn.”


Nhìn chung, lễ mừng Năm Mới là thời gian để các gia đình tận hưởng niềm vui của sự đoàn viên và có nhiều hy vọng tươi sáng vào năm mới. Vì vậy, nếu bạn muốn tham gia bữa tiệc Tết Nguyên Đán, hãy nhấc điện thoại và gọi cho mẹ, cho bà, cho con trai, họ hàng hay bất kỳ ai đó và chúc họ một Năm Mới hạnh phúc!


Tất cả chúng tôi tại Shen Yun gửi tới bạn lời chúc: Cầu mong bạn có một năm mới Phát tài, Sung túc và Cát tường, và tất nhiên, là an khang và hạnh phúc!


Thiên Ân



Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Feb/2024 lúc 10:06am

Tết Ơi! Thôi Hết Rồi!

Best%20Happy%20New%20Year%202024%20Fireworks%20Gif%20Download%20Free%20For%20Facebook

Tết Nguyên Đán lại về đây trên xứ người. Bốn mươi ba năm đã trôi qua ở nước Úc là bốn mươi ba cái Tết tha hương vô vị buồn tênh, gượng gạo chẳng mang đến cho tôi chút náo nức hân hoan nào như những cái Tết xa xưa nơi quê cha đất tổ bên kia bờ đại dương.

Quê người chẳng có ngày xuân

Chẳng hương hơi Tết, chẳng xuân trong lòng

Cách ngăn cả một biển đông

Quê hương bỏ lại, xuân hồng chẳng sang 

Thương về xuân cũ bẽ bàng

Thiêng liêng truyền thống son vàng đã xa

Từ ngày bỏ xứ ra đi, Tết đối với tôi chỉ còn là hoài niệm.Tôi không còn cảm nhận được nữa cái không khí thiêng liêng ngày Tết dù rằng ở các chợ Việt Nam, người đi tấp nập đông vui, các tiệm buôn chưng đầy quà Tết như bao lì xì, những phong pháo tiểu pháo đại dài thườn thượt hứa hẹn cho một cái Tết tưng bừng, phấn khích. Bánh mứt trái cây đủ loại, bánh tét bánh chưng bánh tổ ê hề chẳng khác gì ở VN, và những chậu thược dược tím, đỏ, hồng, cúc vạn thọ vàng hực sáng rỡ như tươi cười mời mọc người mua.



Thêm vào đó, cộng đồng Người Việt Tự Do năm nào cũng tổ chức ba ngày hội chợ Tết với những biểu tượng tình tự dân tộc thân quen. Cây nêu trước cổng tam quan được treo đầy những dây pháo đỏ và những câu đối mừng xuân đầy ý nghĩa.  Hai bên là những chậu hoa mai hoa đào, dấu chỉ ngày xuân không thể thiếu nhưng tiếc thay đây chỉ là hoa nylon hoa giả mà thôi chớ làm sao tìm được một cành mai bằng xương bằng thịt với dáng vẻ yêu kiều thanh thoát, tiêu biểu cho mùa xuân phương nam hiền hòa nhân bản.


Lễ hội thường bắt đầu bằng một màn múa lân ngoạn mục sôi động đầy khí thế trước khi mở ra những tiết mục đặc sắc vui chơi như ca múa hát hò, đố vui có thưởng, những trò chơi dân gian thú vị như kêu loto, lắc xí ngầu và những trò chơi hào hứng cho trẻ con. Ẩm thực thì có những gian hàng bán thức ăn truyền thống ba miền đủ mùi vị đặc trưng gợi thèm hấp dẫn khách du xuân.


Chùa chiền cũng nườm nượp bá tánh vào ra, khói hương nghi ngút, kẻ hái lộc đầu xuân, người thì xin xăm gieo quẻ, xem bói đoán vận mạng tương lai... 

Nhưng tất cả những hoạt cảnh đó đối với tôi như một vở tuồng trên sân khấu mà mỗi năm cộng đồng người Việt đều diễn lại một lần để nhớ về nguồn cội, giữ gìn truyền thống quê hương  sưởi ấm lòng người xa xứ. Mà tuồng tích thì chỉ là mua vui và nhắc nhớ chớ không có hồn, cái hồn thiêng liêng trang trọng của ngày Tết Nguyên Đán khi xưa mà chỉ người trong cảnh mới cảm nhận được thôi. 

Giờ đây biết tìm đâu nữa cái cảm giác nôn nao háo hức của những ngày cận tết sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón xuân  và làm bánh mứt, dưa chua, thịt đông, nấu cổ chuẩn bị cho ba ngày tết đãi đằng lối xóm bà con.

Còn đâu nữa đêm ba mươi bên mâm cúng giao thừa hương trầm thoang thoảng, cả gia đình quây quần đón đợi cái giây phút giao mùa thiêng liêng vỡ òa năm mới trong tiếng pháo đì đùng nổ dòn vang vọng khắp nơi nơi, tiếng pháo tống cựu nghinh tân, xua đi những tai ương xui xẻo của năm cũ để đón về một năm mới tinh khôi tràn đầy phước lộc ơn trời. Và đâu đó trong những ngôi chùa hay giáo đường, các thầy các cha gióng chuông cầu kinh tụng niệm, cầu cho nước Việt thôi hết tương tàn cho quốc thái dân an, để  người lính chiến sum họp gia đình, nhà nhà yên vui hạnh phúc.

Rồi sáng mùng một, ngủ dậy, cả nhà ai cũng diện vào bộ đồ mới, mở c***ette nghe bản nhạc Câu Chuyện Đầu Năm "Trên đường đi lễ xuân đầu năm, Qua một năm ruột rối tơ tằm. 

Năm mới nhiều ước vọng chờ mong, May nhiều rủi ít ngóng trông, Vui cùng pháo đỏ rượu hồng..." 

mà nghe lòng lâng lâng phơi phới yêu đời yêu người và tràn đầy hy vọng ở tương lai. Trước nhất chúng tôi mừng tuổi ba má, chúc ba má an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình êm ấm. Ba má lì xì cho chị em chúng tôi, cả ông xả tôi là con rể cũng được lì xì lấy hên năm mới. 

Sau đó chúng tôi theo ba má xuất hành đi mừng tuổi ông bà nội đang sống chung với chú thiếm. Trên đường đi, đâu đâu cũng nghe rộn rã tiếng cười tiếng nói vui vẻ, thăm hỏi, chúc tụng nhau toàn những  sự lành. Bận về, ghé nhà bà Dì Ba, chị của má,  chúc tết và ở lại ăn trưa với gia đình Dì. Dì chiên bánh củ cải cho ăn với dưa món và thịt đông của Dì làm. Mấy ngày Tết, nhà nào cũng dự trữ đầy ắp thức ăn với niềm tin là trọn năm sẽ được cái huông sung túc dư ăn dư để. Do đó ai mời thì cứ ăn không sợ thiếu.

Qua mùng hai, vài ông bạn làm ăn của ba tới nhà chúc Tết. Má chiên bánh tét, bánh phồng, làm dĩa tôm khô củ kiệu, cắt giò thủ ra dọn lên cho mấy ổng nhâm nhi nói chuyện trời trăng mây gió hỉ hả vui cười. Ngày tư ngày tết dù có phiền muộn lo lắng chi chi, ai ai cũng dẹp qua một bên để tạo cho mình một bộ mặt thư thái tươi vui đối với mọi người để cả năm luôn được hanh thông may mắn, thuận gió xuôi buồm.

Ông xã tôi là thầy giáo, trước khi nghỉ tết, đám học sinh lớp 11 và 12 đã nói trước là tụi em  sẽ tới thăm thầy để được lì xì dù rằng tụi em không còn bé nữa. Vì vậy, chúng tôi  phải chuẩn bị một số tiền giấy 5 đồng để sẵn trong các phong bao đỏ.

Và các em đã tới thật, hết tốp này đến tốp khác, tôi đem bánh mứt hạt dưa, nước ngọt ân cần mời các em. Thầy trò chuyện trò rôm rả như pháo tết và ai ai cũng vui...như tết, ngồi mãi không muốn về. Tình thầy trò ngày xưa sao mà gần gũi thân thiết quá đổi.


Đã hết rồi những cái Tết xưa thiêng liêng đẹp như huyền thoại mà giờ đây đã trở thành cổ tích. Tết đã chết trong tôi như một người bạn thiết đã qua đời. Rất thương rất nhớ nhưng không làm sao còn gặp lại nữa ở cõi đời này, nhớ thương chỉ biết ngậm ngùi tưởng niệm mà thôi. Hơn nữa nhiều khi tết rơi vào ngày trong tuần, cả nước ai ai cũng đi làm, tết mình chớ đâu phải tết chung của cả quốc gia, riêng mình ăn tết hỏi sao không thấy chơ vơ lạc lõng bẽ bàng.

Và rồi đây khi thế hệ chúng ta nằm xuống hết, Tết đối với thế hệ con cháu sinh ra ở Mỹ, Canada, Pháp hay Úc biết có còn ai nhớ tới hay sẽ lùi vào dĩ vãng, khép lại một thời vàng son thuở thái bình thạnh trị chưa thấy bóng cộng quân giặc thù.   

Nước mất nhà tan lưu vong xứ người, còn gì nữa mà Tết với xuân!! Tết ơi! Thôi hết rồi...

Xuân xưa cả một quốc gia

Tết này riêng chỉ mình ta cộng đồng

Lạc loài xuân chẳng ấm nồng

Bồi hồi quê cũ chạnh lòng tết xưa…


 Người Phương Nam



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 09/Feb/2024 lúc 10:07am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Feb/2024 lúc 3:58pm

Cờ Bạc


Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp.  Người dân Việt, qua lịch sử, làm lụng rất chăm chỉ, vất vả và lam lũ. Công việc đồng áng mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm trước khi mặt trời mọc và chỉ ngừng lúc tối mịt không còn thấy gì cả; chứ không phài như thời buổi bây giờ chỉ làm 8 tiếng một ngày và 40 tiếng một tuần.  Tết nhất, lễ hội là lúc duy nhất để nghỉ ngơi, xem hội, giải trí và… đánh bạc. 

  


Tại Việt Nam, ngoại trừ một thời gian ngắn dưới thời kỳ Pháp đô hộ, tổ chức cờ bạc quy mô do tư nhân đề xướng, như xòng bài chẳng hạn, vẫn còn được xem là bất hợp pháp và bị cấm.  Tuy nhiên, trong những ngày tết, ngày hội, dân chúng, và ngay cả trẻ con, được phép tha hồ vui chơi, đỏ đen.  Người lớn thì đua thuyền, đấu vật, tổ tôm, tam cúc, tứ sắc, xóc đĩa, tài bàn, xì phé, xì dzách (bài 21)… Trẻ con thì đánh đáo, lắc bầu-cua-cá-cọp … Nhưng ngay sau ngày tết, ngày lễ hội, người thắng, người thua, nam phụ lão ấu đều trở về lại với công việc hàng ngày; và chờ mong ngày lễ hội kế đến.  Cờ bạc không hề là một vấn đề kinh tế hay xã hội gì mà dân Việt phải quan tâm.  Mọi người đều hoan hỉ, vui thú! 

  

Ngày hôm nay, nhất là ở hải ngoại, bộ mặt của cờ bạc đã thay đổi toàn diện từ hình thức cho đến kích thước.  Mỗi ngày, chứ không phải chờ đến dịp lễ hội, chúng ta nhìn và cảm thấy chuyện cờ bạc đỏ đen diễn ra từ phải qua trái: xổ số, keno, bingo, thẻ cạo (scratchers), số đề, cá độ thể thao, đua ngựa, cờ bạc trên mạng … và ngay cả chơi “stocks” trên thị trường chứng khoán. 

  


Cờ bạc bây giờ đã biến thành một cơn bệnh xã hội.  Nó diễn tiến từ từ qua nhiều giai đoạn.  Cờ bạc không còn là cơ hội để mọi người có dịp “vui chơi, xả hơi” như ngày xưa; mà có thể là một “cơ hội” sẵn sàng phá hủy người đánh bạc một cách toàn diện; gây khổ lụy cho những người có liên hệ trực tiếp với cá nhân đánh bạc như: vợ, chồng, con cái, bố mẹ v..v.. Cơn ghiền đánh bạc có thể là cấp tính, mãn tính… tùy từng cá nhân và hoàn cảnh. 

  


Sự tiến triển của bệnh ghiền cờ bạc khởi đầu từ một chuyện nhỏ, một cái thú thật đơn giản, chẳng hạn như là: may mắn thắng được một món tiền nhỏ.  Cái may mắn đó có thể tái diễn thêm một vài lần.  Sự tai hại của vài lần thắng “nhỏ” này là nó làm cho người thắng cảm thấy lạc quan một cách quá đáng vô căn cứ, háo hức và đi đến tham lam; muốn thắng lớn hơn.  Chuyện nhỏ này cũng có thể bắt đầu từ một cái thua nhỏ.  Người thua muốn gỡ lấy lại số tiền đã mất.  Cả hai sự việc thắng nhỏ và thua nhỏ vừa kể sẽ dần dà đưa đẩy đến giai đoạn cuối gọi là “giai đoạn tuyệt vọng.”  Người ghiền cờ bạc càng lúc càng tự ý gia tăng thêm thời gian đánh bạc, cũng như số tiền để đánh bạc. Thua lớn, quay ra đổ thừa, đổ lỗi vớ vẩn cho những người thân vô tội chung quanh chẳng hạn như: “Con vợ mình số nó xúi quẩy quá!” hoặc “Thằng con mình nhìn mặt mũi nó sao hãm tài quá!”  Thật ra, chính ngay bản thân mình là kẻ xấu xí, ngu xi, vô duyên, lảng xẹc mà mình đâu có thời giờ soi gương để mà biết mình đã biến thành thứ động vật gì?  Ở cuối giai đoạn tuỵêt vọng này, một vở bi kịch đang chờ sẵn để mở màn: Mất việc, ly dị, nghiền rượu, nghiền ma túy, bị tù và… có thể đi đến tự vận. 

  


Một người ghiền cờ bạc làm tổn thương, thiệt hại trầm trọng cả đến gia đình, nghề nghiệp và cộng đồng.  Thời giờ dùng để chăm sóc gia đình đã ít, lại còn tìm mọi cách ăn cắp tiền, hoặc bớt số tiền cấp dưỡng, của thân nhân để đem đi đánh bạc.  Trong công sở làm, thì không thể tập trung vào việc làm được [đã thua vài ngàn đô la đêm hôm qua, thì sáng nay còn tâm địa đâu để làm việc 15 đô la một giờ?  Dùng thời giờ làm việc,  thay vì để sản xuất, để nghĩ ra cách ăn cắp, thụt két, biển thủ, thâm thủng ngân sách của nhà nước hoặc của hãng, xưởng, công ty để lấy tiền gỡ thua bạc. 

  


Người đánh bạc sẽ mơ uớc: “mơ ước may mắn được thắng lớn, trúng độc đắc…”  Nhưng mơ ước vẫn chỉ là cái mơ ước không bao giờ thành sự thật.  Thật đơn giản, chỉ có một định luật duy nhất là: “Làm việc chăm chỉ thì sẽ may ra gặp may mắn mà thôi!” 

  

[Armand Hammer nói: “Tôi gặp nhiều may mắn nếu tôi làm việc chăm chỉ - 7 ngày một tuần, 14 tiếng mỗi ngày.”] 

  

Con người vốn dĩ bản tính ham vui.  Có ai là người không thích vui? Ai bảo đánh bạc không vui?  Nhưng rất khó mà giữ, củng cố được cái cái vị trí  gọi là “chỉ đánh bạc cho vui thôi!”  Bởi vì cái ranh giới giữa “cho vui” và “cho tận mạng” chỉ là một khỏang cách rất ngắn.  “Đánh bạc cho vui” luôn luôn là bước đầu để đi đến những thảm trạng, những đổ vỡ của cuộc đời.  Nếu chỉ mới là “bệnh” thôi thì còn hy vọng may ra còn chữa trị được.  Một khi cờ bạc đã biến thành “tật” rồi thì xong phim, hết thuốc chữa! 

  


Kể từ cái vui lành mạnh của ngày sinh nhật: “Nhân dịp kỷ niệm này, mình làm một chuyến đi Las Vegas cho vui!” Thật là thích thú.  Ba tuần sau là kỷ niệm ngày đám cưới được 5 năm: “Làm một chuyến Vegas nữa!” Tiếp đến,  hai tuần sau cái ngày “kỷ niệm 5 năm” đó, không tìm được “kỷ niệm” nào gọi là ra hồn để lấy cớ trở lại Las Vegas; bèn tự phát minh ra một lý do mới toanh thật tài tình: “Làm thêm một chuyến Vegas, vì xe mới vừa ‘tuned-up’ xong!”  Sau đó là hàng loạt những lý do không tên, khôi hài, chẳng hạn “Đi Las Vegas vì xe vừa thay nhớt xong!”  “Vừa lãnh tiền của hội tương tế trả về việc chôn cất ông gìa xong!!!”  Cuối cùng… rồi mặc dù chẳng có lý do nào cả; nhưng vẫn phải đi “Vegas” cho bằng được.  Không đi chịu không được! Sẽ có chuyện lớn chứ không đùa đâu à!!! 

  


“Ê ! Đời là một canh bạc mà !”  theo như lý luận của một tay ghiền cờ bạc hết thuốc chữa, “Mà nếu mình có thua hết đi nữa, thì mình có mất cái gì đâu (?!)  Mình từ Việt Nam qua đây trên răng dưới dép (!?)  Vượt biển nhịn đói nhịn khát 10 ngày còn chưa chết; làm sao có thể chết ở xòng bạc được!?”  Thưa quý vị, xin quý vị chờ một tí, đừng vội lạc quan và nghe theo lời của me-xừ “lu dzơ” này nhé!  Chuyện là vào khoảng 1995-96 tôi thất nghiệp lâu quá, tôi phải bỏ Orange County, mò mẫm lên tìm việc ở San Jose đúng và lúc xòng bài “Bay-101” mới khai trương.  Xòng bài mở 24/7 [có nghĩa là 24 tiếng mỗi ngày và 7 ngày một tuần] cho dân Mít tha hồ náo nức xếp hàng nộp tiền.  Một bố Mít đánh hăng quá kiệt sức, rồi vào chết ngồi ở trong “bathroom” từ hồi nào không ai hay?  Nhân viên quét dọn “bathroom” của xòng bài phát giác ra -  đây là chuyện có thật “một chăm phần chăm,” có đăng báo “The Mercury News” của vùng Vịnh [Bay Area] – San Jose hẳn hoi, không phải chuyện bịa đặt nói xấu dân Mít! 

  

Dần dà, người đánh bạc không còn vui nữa; mà bắt đầu hơi buồn buồn;  đến thật là buồn…  Chuyến đánh bạc lần này là để giải cái buồn của tuần trước …và cứ thế mà tái tục.  Cờ bạc đã trở thành bệnh rồi mà không hay?  Cơn bệnh cờ bạc này còn gây cho người mang bệnh một cái “biến chứng phụ” nữa: đó là bệnh nói dối.  Người đánh bạc luôn luôn có khuynh hướng thổi phồng số tiền và số lần thắng; đồng thời cũng dấu nhẹm các lần thua đậm! 

  

Bác Sĩ Richard Rosenthal một nhà nghiên cứu về vấn đề “ghiền cờ bạc” đã vạch ra 3 lý do chính làm cho một người bình thường trở thành nghiền cờ bạc: 

  

  • Tự lừa dối mình là chỉ đánh bạc cho vui 
  • Đang ở trong tình trạng trầm cảm (“depressed”), chán nản, cảm thấy mình vô dụng 
  • Sống trong [hay ở gần] khung cảnh, môi trương cờ bạc. 

  

Cờ bạc vì di truyền cũng được đề cập tới. Nhưng liên hệ này chưa được chứng minh rõ ràng. 

  

Ngoài việc làm suy giảm sức sản xuất, cờ bạc còn làm thâm thủng tín dụng (“credits”) mỗi năm cả bạc tỷ.  Thống kê cho thấy cứ trong 3 người ghiền cờ bạc thì có 2 người sẽ phạm pháp (để lấy tiền trả nợ!) Vấn đề phạm pháp dĩ nhiên còn gây gánh nặng cho luật pháp, nhà tù.  Các thiệt hại và phạm pháp ghi nhận được như là: 

  

  • Mất việc làm. 
  • Nợ nần, phá sản. 
  • Biển thủ, lường gạt, gian lận. 
  • Tù. 
  • Sức khỏe suy kém, tâm thần bất ổn… 

  

Thử lấy California làm thí dụ.  Theo thống kê của năm 2000 (?), California có 12% dân số là Á châu. Thế mà 40% số người vào xòng bài (ở California) là dân Á châu đầu đen – trong đó dân Mít mình chiếm con số không nhỏ.  Thật ra, không cần phải tìm đọc các bản báo cáo, thăm dò của các cơ quan khảo cứu – chỉ cần nhìn là đủ.  Không kể gì gìa hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, người Việt của mình thích cờ bạc!  Đó không phải là chuyện bí mật quốc phòng hay là an ninh quốc gia cái con khỉ gì cả!  Nói thẳng ra là có rất nhiều chủ gia đình Việt Nam mình ghiền cờ bạc.  Và gia đình của chính những người ghiền cờ bạc này bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Sự đe dọa của chủ nợ, hạnh phúc sứt mẻ, con cái bị bỏ rơi...  Tội nghiệp nhất là con cái của họ.  Các chuyên gia về “bệnh ghiền cờ bạc” gọi chúng là “Casino Kids.”  Đó là đám trẻ con bị bỏ lăn lóc, thiếu chăm sóc, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu ngủ, thiếu tiện nghi, nằm ngồi trong các xe đậu tại các bãi đậu xe; hoặc lang thang một cách nguy hiểm loanh quanh các “casinos,” xòng bài vì luật lệ không phép chúng tháp tùng bố mẹ đi vào bên trong xòng bài.  Phải lấy làm lạ là họ có thể đặt một cây bài vài trăm đô la; nhưng không dám mướn phòng để ở qua đêm chỉ tốn vài chục đô la!  Đây là một phương trình không giải được! 

  


Hãy mặc kệ các lời quảng cáo mời mọc hoa mỹ của các xòng bài.  Tạm quên các chuyến xe “Bus” chở miễn phí mà còn cho thêm tiền túi đến các xòng bài.  Chúng ta nên nhớ một điều luôn luôn là chân lý; đó là ở trên đất Mỹ này, không có bất cứ một cái gì gọi là miễn phí cả.  Mình phải trả trước hay trả sau mà thôi!  Chẳng hạn quí bạn ngồi đánh bài tại một bàn “xì dzách (21)”  và được nhân viên xòng bài “xẹc” cho bạn uống một chai bia không phải trả tiền [đáng giá khỏang $1.50 nếu bạn phải mua ở chợ.]  Đứng dậy sau ba mươi phút chơi bài, bạn thua hết $60.00.  Hãy tính lại cho kỹ, bạn đã uống một chai bia đắt gía nhất ($60.00?) trong cuộc đời của bạn chứ đâu phải miễn phí!  Vấn đề đánh bạc, sự may mắn không bao giờ kéo dài lâu; nhưng chắc chắn là những bất hạnh do đánh bài gây ra cho cuộc đời bạn sẽ dài vô cùng tận! 

  


Việc hợp thức hóa [legalized] cờ bạc là một kỹ nghệ phát triển nhanh nhất của các chính quyền Tiểu bang, các Quận và các thành phố ở trên đất Mỹ hiện nay.  Trên đất Mỹ chỉ có 2 tiểu bang, đó là Hawaii và Utah, là không cho hợp thức hóa cờ bạc mà thôi.  Cờ bạc lấy đi từ trong túi chúng ta mỗi năm gần 100 tỷ đô la; hơn cả tất cả tổng số chi phí mà chúng ta chi tiêu cho vé xem xi-nê, vé xem thể thao và tiền chơi “video games,” cả 3 cộng lại với nhau.  Trước đây, cờ bịch chỉ giới hạn ở một vài nơi hẻo lánh thuộc tiểu bang Nevada.  Bây giờ bài bạc dưới mọi hình thức mọc lên chung quanh chỗ chúng ta sống như nấm dại mọc sau cơn mưa: Super Lottery Plus, Mega Millions, Fantasy, Keno, Daily Derby, Big Spin, Power Ball, Bingo, Scratchers, Indian Casinos, On-line Gamblings… Tiền lời thu về từ các xổ số, trên nguyên tắc là để giúp các trương học, đã bị lạm dụng để xây nhà tù, văn phòng và cơ sở của chính phủ.  Người nghèo bị cờ bịch của chính phủ móc túi nhiều nhất.  Bởi vì nó tiện [nhưng dĩ nhiên là không có lợi!] và hấp dẫn: “chỉ một vài đô la mà có thể biến thành triệu phú.”  Theo họ, dân khố rách áo ôm, đây là cái “cánh cửa duy nhất của hy vọng.”  Thay vì dùng đồng tiền khó kiếm, mồ hôi nước mắt để mua thực phẩm, đồ gia dụng cần thiết cho gia đình; người nghèo lại dùng một số tiền lớn lao để mua “lottery,”  mua cái “giấc mơ không bao giờ đến” ở ngay cái tiệm tạp hóa ở đầu ngõ; gần xịt mà.  Đây chính thật là cảnh “chó cắn áo rách” diễn ra hàng ngày. 

  


Cờ bạc rõ ràng là một cái gì rất tai hại, băng họai.  Một cái đầu tư xấu xí mà người đầu tư sẽ chắc chắn lỗ lã.  Như vậy mà tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư, bỏ tiền vào cái lỗ hổng không có đáy đó? Có lẽ chúng ta cần phải học lại môn toán cơ bản được dậy ở lớp mẫu giáo, lớp một để hiểu biết thêm về lời giải của một bài toán đơn giản cộng-trừ-nhân-chia! 

  

Để kết thúc bài chuyện phiếm nhạt nhẽo như nước ốc này, người viết xin phép được lập lại lời của một bố Mít đã nói và ghi ở trên: “Ê ! Đời là một canh bạc mà!”  Vâng, mình và gia đình được đặt chân lên đất tự do bình yên là đã một lần trúng “độc đắc” trong canh bạc đó rồi.  Có bao nhiêu người trên cuộc đời này có cơ hội trúng “độc đắc” hai lần???  C’mon! 

  

  

Trần Văn Giang 
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Feb/2024 lúc 9:25am

Đời Đầy Ngạc Nhiên 

Cách%20trồng%20và%20bón%20phân%20định%20kỳ%20cho%20hoa%20súng%20xanh%20tốt%20/%20thanh%20thủy%20hb%20-%20%20YouTube

Truyện 1 người Việt sống ở 1 nơi hẻo lánh trên đất Mỹ bỗng thấy 1 rạch hoa súng....

Trần Hoài Thư

 

Mùa hạ, thường thường vào giờ ăn trưa, ông Nguyễn vẫn quen lái xe ra bờ kênh, cách hãng khoảng một dặm đường. Trưa nay, ông cũng có thói quen như thế. Ông khóa cửa phòng làm việc. Rồi xuống thang máy. Ngoài kia nắng tháng bảy nhìn đến loá mắt. Những bụi hoa huệ trắng, hoa hồng đỏ khoe sắc. Hàng cây trên bãi đậu xe đứng im bất động. Ông rồ máy. Và mở lại một bản nhạc yêu thích. Xe lăn bánh trên đường. Tiếng hát cũng lăn theo chở ông về một cõi nào của dĩ vãng. Nơi đó là quê nhà. Nơi đó là tình tự. Nơi đó là tuổi trẻ của ông.


Ông tìm lại chỗ ngồi cũ bên giòng kênh đào. Ông tự dành cho mình một niềm vui thầm kín. Trên đầu là chim chóc hót vui. Dưới kia, là một mặt nước êm đềm. Và bóng mát toả xuống cùng với một vài mảng nắng đậu trên bàn. Và gió mát cũng hây hây thổi. Những đoá hoa hôm qua còn nụ bây giờ đã hé nở. Búp hoa vàng dại bên cạnh những đoá dâm bụt vươn lên trên mặt nước. Ông chậm rãi sửa soạn buổi ăn. Vẫn là những món ăn quen, quá quen. Nhưng hôm nay, đặc biệt vợ ông còn dúi thêm một bịch nho tươi. Tự nhiên ông nói thầm: Cám ơn má nó.


Buổi trưa chói chan trên con đường nhựa chạy dọc theo kênh đào. Người ta chỉ thấy bóng một chàng thanh niên Á Châu đang thả bộ cùng với giòng xe cộ dập dìu. Lối dành cho bộ hành quá hẹp nên mỗi khi xe chạy qua là cậu phải ép sát vào trong gần những lùm bụi rậm ven kênh. Ông đoán cậu là người rất xa lạ với vùng này. Cứ nhìn cách cậu lê bước chân mệt nhọc thì biết. Nếu quen thuộc, không ai lại khờ dại phải lội bộ cả một con đường dài đến hai dặm không có một trạm xe bus dừng như thế.


Nhưng ông không cần bận tâm. Mặc thiên hạ làm gì thì làm. Ông đang cố tận hưởng những giây phút êm đềm của một buổi trưa hè. Hãy bỏ qua một buổi sáng liên hồi chuông điện thoại. Hãy bỏ qua những tiếng đồng hồ như thể phát sốt hay những ưu tư về một tương lai không chắc chắn khi thấy giá cổ phần của công ty mỗi ngày mỗi sụt xuống đến mức thê thảm. Đời là của riêng mình. Niềm vui này đâu phải tìm ở đâu xa. Ông muốn nằm ngay trên băng ghế để nhắm mắt một lát. Thiên nhiên cây cối vây phủ, những đám mây trắng thấy thấp thoáng qua kẽ lá, và nghe đâu đây tiếng dội ầm ầm của thác nước khi chảy xuống đập. Ông thích thú nhìn đám vịt con lông vàng mượt đang bơi theo mẹ ở giữa giòng. Ông lắng nghe tiếng chim nào đó đang hót như khuyến dụ cô bạn mái.


Ông bỗng chú ý đến một chùm bông súng đang nở e ấp giữa mặt nước. Kỳ lạ. Ở xứ Mỹ này, lại có bông súng sao. Bông dâm bụt chưa hết ngẩn ngơ bây giờ lại bông súng dại. Thì ra thiên nhiên ở bất cứ nơi nào cũng giống nhau. Quê hương xa cách ngàn trùng bỗng nhiên thu hẹp vào trong một đám bông lạc loài giữa con kênh xứ người. Những búp bông màu hồng nhạt nở trên cọng thon thon vươn lên từ đám lá phủ một khoảnh nhỏ giữa mặt nước đầy bèo. Có bông nở rộ. Có bông vẫn còn e ấp búp. Những cánh mềm mại nằm hứng lấy mây trời giữa màu xanh trong của nước và màu xanh đậm của bèo lục bình. Ông ngạc nhiên không biết chúng có mặt từ lúc nào. Chúng có lẽ cũng như ông, tự nhiên trôi dạt đến một phương trời lạ lẩm. Nào ai biết đôi khi chỉ cần một bụi chuối con, hay nghe lại tiếng gà gáy vào sáng sớm, hay thấy lại nụ bông súng lạc loài, là cả một tiếng gọi kỳ bí nhưng oà vỡ cả con tim mình. Ông nhớ lại một lần trong năm đầu tiên ở Mỹ, hai vợ chồng ông đang chạy xe trong một khu lạ. Khi qua một ngôi nhà bên đường thấy bụi chuối bên hè. Chuối con nép bên chuối mẹ. Không hiểu sao, ông phải dừng xe lại. Vợ ông mở cửa xe, bước về phía bụi chuối và khóc đến nổi người đàn bà Mỹ phải ra hỏi và ngỏ ý tặng bụi chuối con.


Giờ đây, lại thêm một lần quê hương trở lại. Có phải là buổi sáng nước rút và buổi chiều nước dâng mà một vùng bông súng đã trang điểm cõi đầm lầy. Loài bông hoa đồng nội. Loài bông ít ai nhắc đến. Nhưng là loài bông tỏa ra lòng từ tâm bốn cõi. Mùi hăng hắc của phèn chua lẫn mùi ngây ngây của cọng súng hay chất ngọt dịu thanh thanh của cánh bông mềm. Khi ông đói khát, ông đã ngắt cọng súng để lót lòng. Khi ông bắt được con cá rô cá sặt trong vũng bom đào, ông lội ra đầm tìm bông, tìm cọng súng mang về nấu canh, kho mặn. Có khi bè cả bè tràm trở về trại từ rừng, ông lội giữa vùng bông súng. Bông không tỏa hương thơm như bông sen, nhưng bông mềm như môi người đàn bà, mịn như da thịt của người thiếu phụ trẻ, để ông phải áp bông vào môi vào miệng mình. Có khi ông lội vào sâu trong rừng, ông thấy cả một vùng mênh mông súng và súng. Lá súng phủ ngập đầm không thấy đâu là mặt nước. Và trên vùng lá xanh che mặt là những búp bông vươn cao, vươn cao như cả một vườn tiên cảnh không ai biết đến. Ôi, những thân súng thon dài, mềm mại, giữ gìn những chiếc lá xanh kỳ lạ không gai sắc, không nham nhở, mà ngược lại như lụa là, thỉnh thoảng là chỗ tựa của con ếch, con nhái, để từ đó bông hoa nở rộ hồng cả một vùng. Có khi trong buổi hoàng hôn, màu lá đã trở nên thẩm tối, còn lại là một rừng bông màu hồng nhạt, hay màu trắng bạch, không lay động. Trong khi ven đầm là vùng cỏ tranh vàng như kim loại. Lúc ấy, trên bầu trời quá đổi hiu quạnh, những cánh chim chiều chậm rãi bay qua, và thỉnh thoảng nghe vọng lại từ đâu đó tiếng bìm bịp kêu rời rạc.


Cám ơn đời đã cho ông còn có con tim mà rung động trước cảnh đẹp, để ông nương tựa mà sống. Và cám ơn một loài hoa đầm lầy hoang dã. Chúng cho ông suy nghĩ về triết lý nhân sinh. Rằng càng trong tăm tối, càng thấy nở lên mầu nhiệm những bông hoa quí. Như trong cõi đói rách lầm than, miếng đường chia nhau. Vị ngọt sẽ phải lịm hoài đầu lưỡi. Hay ống điếu thuốc lào chuyền nhau. Khói thuốc sẽ phải ngây ngất cả đời. Hay như người học trò đưa lưng gánh dùm bó tràm cho vị thầy cũ của mình trong trại cải tạo. Tình nghĩa thầy trò đến đó là cùng, làm sao có thể tìm được ở chợ đời. Hay như viên thuốc hiếm qúi mà người bạn tù biếu tặng. Và cả một người con gái áo vá vai, khăn sọc vằn che cả mặt vì sợ nắng, nhưng ông cũng có thể nhận ra đôi mắt đẹp và hiền khi nàng chống chiếc xuồng cũi trên giòng Kênh Một. Đôi mắt ấy phản ánh nỗi xót xa khi thấy ông khốn khổ bè cả bè tràm to lớn ngược giòng. Tại sao em lại xót thương tôi, dúi cho tôi vắt cơm và miếng thịt quí giá vô cùng. Tôi thấy lòng em qua đôi mắt ấy rồi. Ràn rụa. Đỏ hoe. Em nói nhanh: Ông nhận dùm em đi. Mau lên. Xem chừng họ thấy.

Rồi nàng chống xuồng đi giữa vùng hoa súng đỏ và trắng. Hai vai áo vá lớp. Ông nhìn theo tự dưng nước mắt như chảy. Bóng ấy càng lúc càng mất dần. Nhưng rõ ràng cái bóng ấy sẽ không bao giờ mất trong tâm trí ông.

Và giờ đây ở xứ Mỹ này ông nhớ đến một bóng hình xưa. Ông ngắt một búp bông chưa nở trọn vẹn bên bờ và dịu dàng áp vào miệng như hôn lên một hình bóng yêu dấu cũ.

*

Giữa lúc ông chìm đắm trong hoài niệm thì bỗng nhiên có tiếng nói ở đàng sau làm ông phải giật mình quay lại. Người bộ hành Á Châu hỏi thăm đường bằng tiếng Anh:

" Thưa ông, lối nào đến đại học X?"

Ông Nguyễn nhíu vầng trán, cố suy nghĩ. Nhưng ông biết rất khó để mà chỉ dẫn đường đi:

" Xa lắm. ít nhất là ba bốn dặm nữa. Phải tìm exit 10 vào xa lộ, qua cầu rồi tìm exit 11… Cậu không có xe à ?" Ông trả lời, dĩ nhiên bằng tiếng Anh.

" Tôi không có xe. Tôi mới đến đây hôm qua"

" Cậu đến từ đâu ?"

" Từ Việt Nam."

Bây giờ ông Nguyễn mới buột miệng reo, bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ.

"Thế à ? Tôi cũng là người Việt Nam."

Rõ ràng ông không thể tự chế được nỗi vui mừng đến độ phải bật lên thành tiếng. Thì ra tình đồng hương đồng bào là một thứ tình đã trử sẵn trong tim trong máu huyết của loài người. Hình như cái lưỡi của con người chỉ quen mỗi một thứ tiếng. Dù là giọng Bắc của cậu và giọng Nam của ông.

Ông sốt sắng:

"Nếu cậu thích, tôi sẵn sàng chở cậu đến đấy. Xa lắm, đi bộ không nổi đâu".

"Cám ơn bác. Cháu nghĩ cháu thật may mắn được gặp bác".

"Cậu không có ai quen ở đây sao ?".

"Dạ không".

Sau đó chàng thanh niên giải thích thêm:

"Cháu mới từ Buffalo đến ngày hôm qua."

"Cậu là sinh viên du học ?"

"Dạ phải".

Qua những lời trao đổi, ông biết một phần nào về người bạn trẻ mà ông gặp giữa đường. Cậu được một đại học địa phương tại đây cấp cho một học bổng. Như mọi sinh viên VN du học khác, cậu phải trải qua một khóa huấn luyện ngắn hạn để làm quen hơn về đời sống xứ Mỹ tại trung tâm ở Buffalo New York trước khi thật sự vào trường tại tiểu bang này. Giấy tờ ghi rõ đường đi nước bước, nhưng khi đến phi trường thì chẳng có một ai đón dùm. Cậu đành phải trả một số tiền lớn để thuê chiếc tắc xi về khu đại học. Tới nơi, đại học đóng cửa nghỉ hè. Cậu bơ vơ không còn biết ai để cầu cứu đành thuê tắc xi đi tìm khách sạn. Tên tắc xi bỏ cậu xuống một khách sạn cách trường khoảng ba dặm. Hắn nói, nơi này gần trường lắm. Quả thật hắn cũng nói đúng. Tuy nhiên gần campus của trường chứ không phải gần khu hành chánh hay sinh viên vụ. Cậu mới hiểu về những cái máy chém tiền không thương xót. "Cả đêm cháu ngủ không được… Cháu không dám gọi tắc xi. Tắc xi chém tiền hết chỗ nói."


Hoàn cảnh của người sinh viên du học đã làm ông xúc động. Ông không cần thắc mắc về nguồn gốc lai lịch của người mà ông gặp gỡ giữa đường. Ông nhớ lại sáng nay một người quen vừa từ VN trở lại Mỹ, nói về những chuyện bực mình trong đó có chuyện anh chàng hướng dẫn trẻ tuổi thay vì hướng dẫn du lịch lại hướng dẫn chính trị. Không biết cậu này thuộc thành phần này không. Hay là con của một cựu binh đánh Mỹ cút Ngụy nhào. Đối với ông bây giờ là một người Việt Nam đang gặp hoạn nạn. Đang gặp bơ vơ. Tình người và tình đồng bào đã khiến ông không thể làm ngơ. Ông mang cậu về nhà. Vợ ông gọi điện thoại đến người quen để tìm giúp chỗ cư ngụ. Một người bạn gốc Xì làm việc chung giới thiệu một chỗ gần trường. Và ngay chiều hôm ấy, vợ chồng ông tự dưng trở thành kẻ bảo trợ. Cậu không có gì hết, nên ông bà phải giúp đỡ mọi thứ. Từ bàn ghế đến giường gối. Tặng cậu một thùng mì Đại Hàn. Thêm cái tủ lạnh nhỏ. Rồi chất tất cả lên xe, mở đèn emergency mà chạy.. Thấy hai bên nhà treo đầy cờ Mỹ, cậu hỏi:

- Thưa bác, hôm nay lễ hay sao mà có treo cờ?

- Lễ Độc Lập đó cháu. Vợ ông mau mắn trả lời.

- Bộ chính quyền bắt dân phải treo cờ hay sao?

- Không. Ai muốn treo thì treo. Chẳng ai bắt ai hết.

*

Lâu lắm, dễ chừng gần một năm, ông không nhận được tin tức gì của cậu sinh viên ấy. Có lẽ vì việc học hành quá bận rộn, hay cũng có lẽ vì cậu đã làm mất số điện thoại của ông. Ông cũng vậy. Chẳng hề thắc mắc hay bận tâm. Đời sống xứ Mỹ quá bận rộn. Càng ngày công việc càng đè đầu ngập cổ. Nhóm của ông 6 người giờ chỉ còn hai. Nhưng đến một hôm ông trở về nhà, thấy một bình bông súng ai để trước cửa. Có phong bì lá thư kèm theo. Lá thư viết như sau:

"Thưa hai bác. Hôm nay có một người bạn có xe nên cháu nhờ anh bạn chở dùm đến thăm hai bác.

Rất tiếc hai bác không có ở nhà. Cháu xin gởi về bác trai chậu hoa súng. Cháu biết là bác thích hoa này nên cháu nhờ người thân mang dùm từ VN qua. Mong bác trai nhận..."

Vợ ông hỏi ông: "Sao mà thằng Bình lại biết ông thích bông súng?"

Ông trả lời: " Thì bà hỏi nó đi".

Ông dấu chuyện ông hôn lên cánh hoa. Cánh hoa của một người yêu dấu cũ.


Trần Hoài Thư



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/Feb/2024 lúc 9:26am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 06/Mar/2024 lúc 1:31pm

Những Cánh Rừng Khô Rụng 

1.

Ông nhìn ra ngoài cửa sổ, trời vào Đông, cây sồi sau vườn trơ trụi lá. Không gian như ngậm đầy hơi nước, với lẻ loi chút nắng vàng vọt hắt ra từ đám mây xám lặng lẽ trôi. Ông hi vọng trưa nay trời sẽ nắng trở lại trong chốc lát để ông đi thăm mộ vợ con. Cảnh trời buồn làm ông thở dài, thời gian trôi qua lẹ quá.

Bố ông mất vì một cơn bệnh vào lúc ông chín tuổi. Thằng bé mồ côi cha, ở với mẹ, đi học cho tới ngày thành một thanh niên. Thi xong Tú Tài I, cũng là lúc ông thấy sách vở là một gánh nặng, nhìn qua lại, bạn bè lên đường nhập ngũ hết cả, nên ông cũng tình nguyện vào lính, mà đúng ra, ông vẫn còn được hoãn dịch vì lý do con độc nhất của bà mẹ góa. Trường Bộ Binh Thủ Đức đã rất sẵn sàng đón nhận một chàng trai sốt sắng như ông. Bản tính ngang bướng của thằng con làm bà mẹ đau buồn. Bà hối hả cưới vợ cho ông để có cháu nối dõi tông đường. Cũng hên là ông đồng ý với mẹ lấy cô hàng xóm. Đứa con gái đen đen không đẹp lắm, nhưng hiền lành. Bà mẹ mừng thầm vì thằng con ngang tàng có nơi cột chân cột cẳng.


Lấy vợ chưa được bao lâu thì chiến trường ngày càng trở nên khốc liệt. Vừa lúc xin được căn nhà trong trại gia binh ở hậu cứ, cũng là lúc vợ ông có bầu, thật là ngổn ngang trăm đường lo nghĩ. Ngày ông về đón vợ, mẹ ông nhất định không cho vợ ông theo chồng ra đi, vì nàng con dâu đang mang giòng máu độc nhất của gia tộc trong bụng, mà bà đinh ninh sẽ là con trai vì sự thành tâm cúng quả, cầu khẩn của bà vào các ngày rằm. Bà không muốn con dâu phải lang bạt vào những nơi nguy hiểm trong lúc này, nhưng ông nằng nặc đòi vợ phải ra đi với ông, bà mẹ ngước đôi mắt u buồn nhìn thằng con, và dáng dấp đứa cháu trong bụng mẹ nó, bước lên chuyến xe đò về miền Trung.

Sống trong trại gia binh, chưa kịp sắm cho vợ đủ bộ nồi niêu xoong chảo, thì đã lo chạy giặc.

Đơn vị ông từ Tuy Hòa di tản về Nha Trang, may là chạy tới đâu, cũng dắt theo được bà vợ ỳ ạch bầu bì. Đơn vị thất lạc, mạnh ai nấy kiếm đường xuôi Nam. Chẳng ai ngờ cuộc đời trôi nổi, theo giòng người di tản, hai vợ chồng bước chân lên tàu, rồi cuối cùng đặt chân đến trại tỵ nạn trên xứ Mỹ, một nơi mà cả hai vợ chồng chẳng bao giờ nghĩ ra được.


Đến một đất nước thanh bình, nghe tin về Việt Nam, tâm hồn lính tráng buông súng làm ông ray rứt, hết nhớ bạn bè đơn vị, lại nhớ đến mẹ. Được cái an ủi là chỉ vài tháng sau ngày đến Mỹ, vợ ông sanh thằng con, lúc vẫn còn trong trại Fort Chaffee. Đến hay, cái thằng bé giống cả bố lẫn mẹ, đen đen, mũi ngắn, lông mày đen rậm, nhìn đến là… xấu trai như bố. Nhưng được cái hay cười, cứ mỗi lần ông đút cái núm bình sữa đến là thằng bé nhếch môi cười. Ừ, phần xấu giống bố, người mẹ tranh cãi giành phần đẹp cho mình, ông chẳng quan tâm. Bà mẹ đặt tên Mỹ cho con, nhưng ông vẫn thích gọi nó với cái tên là thằng Tỵ Nạn.

Thằng con dễ thương vậy, mà người mẹ lại bỏ nó cho ông để ra đi sớm quá. Hai cái tang một lúc. Mới tháng trước ông đã buồn rã rượi vì được tin mẹ mất ở Việt Nam qua lá thư bà cô gởi từ bên Úc, bây giờ lại tới cái tang của vợ. Một cơn đột quy đã cướp đi mạng sống người vợ thương yêu của ông. Chẳng biết sao, vợ ông không mập, không ốm, vừa tầm với dáng lùn lùn của ông hết sức, vậy mà lại cao cholesterol mới là lạ. Đến lúc chết rồi, ông mới ân hận đã không khuyên vợ đi khám bác sỹ định kỳ. Đành ở vậy một mình nuôi con!


2.

Tỵ Nạn lớn lên với tình thương của bố. Cũng may là nó thông minh, lại không phá phách, nên chẳng bao giờ ông phải nghe lời thầy cô giáo phàn nàn điều gì. Chỉ một lần ông buồn, là lần nó mang về tờ giấy tình nguyện vào lính cho ông ký. Ôi, bây giờ ông mới hiểu nỗi đau thương và sự lo lắng của bậc cha mẹ, khi thấy con mình từ chối sự êm ấm được che chở, để đi vào vùng nguy hiểm.

Nhận được thư con trai từ trại huấn luyện ở New Jersey, rồi bẵng đi cả năm trời, lại thấy thư nó viết về từ chiến trường Afghanistan - A Phú Hãn, cái tên nghe đã thấy kỳ bí xa xôi. Nhưng tin tức về đứa con ngày càng thưa dần, cho tới một ngày, ông nhận hung tin chết trận của đứa con trai yêu dấu. Chiến trường năm xưa đã không hề hấn gì với ông, mà chiến trường hôm nay lại lỡ cướp đi sinh mạng của con trai ông. Ông sững sờ, bất động một hồi lâu trong căn nhà nhỏ.

Ông xin với đơn vị của con, để được chôn cất thằng con bên cạnh mộ mẹ nó. Phần mộ mà ông đóng tiền hai chỗ, cho vợ và cho mình, nhưng trời lại để thằng con được hưởng phước gần mẹ. Ông tiếc hồi đó chỉ mua hai miếng huyệt kế cận nhau. Nhưng ai dè, thằng con ra đi sớm hơn bố như thế! Ông rưng rưng rơi lệ, khi toán lính tiễn đưa bắn súng chào và xếp lá cờ Mỹ đặt vào tay ông.

Nhìn hình thằng con hào hùng trong bộ quân phục, ông ngậm ngùi là không còn vợ bên cạnh, để ông nhường phần thằng con giống mẹ, dù người vợ chẳng mặc quân phục ngày nào. Ông nhớ lại lần tuốt gươm đứng hầu Trung Nghĩa Đài, đêm trước ngày ra trường, trên đỉnh đồi Tăng Nhân Phú. Những Sinh Viên Sỹ Quan, trước khi lon chuẩn úy còn thơm mùi đồng được gắn trên cổ áo sáng mai, đêm nay đang làm lễ canh thức chào hồn tử sỹ. Cầu mong anh linh tiên tổ, cùng những vị đàn anh, về chứng giám và tăng thêm hùng khí cho những đứa con tổ quốc, rồi đây sẽ phải ra đi khắp bốn vùng chiến thuật. Như một kiếm sỹ, ông vung lưỡi kiếm ở thế chào trước mặt. Mũi kiếm chỉ thẳng lên trời. Từ đôi mắt ông, chỉ còn thấy giữa lằn kiếm là những vinh quang của Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm như huy hiệu trên mũ mà ông đang đội.

Ôi oai hùng làm sao!

Nhưng rồi ông cảm thấy rũ liệt, vì hôm nay, nơi góc rừng vắng này, cánh rừng tạp mang một màu vàng ối, già cỗi như cuộc đời ông, ông thấy mình đã mất tất cả, vợ con, bạn bè, quê hương, tổ quốc… Ông thở dài vì đã không thể là một kiếm sỹ để bảo vệ được những gì thân yêu trong đời.

Ta thua một đường guơm
Nên không thành kiếm sỹ
Đành một kẻ dung dị
Nơi cánh rừng vàng gậm nhấm vết thương đau

Ừ đau thương quá. Ông chớp mắt, giơ tay chào hai mẹ con nó theo kiểu nhà binh, rồi lặng lẽ về nhà, xếp lá cờ kỷ vật của con ngay ngắn dưới bàn thờ tổ tiên từ lúc đó.

3.
Hồi đầu năm, đi khám bác sĩ. Vị bác sĩ Mỹ, người mà biết về cơ thể ông còn hơn cả ông nữa, đã lắc đầu với kết quả thử nghiệm, nhìn ông già tỵ nạn và thắc mắc là ông có nhớ uống thuốc không mà cả năm rồi chẳng thấy tiệm thuốc gọi đến xin re-fill. Vị bác sĩ đành quên lời vợ là cố giữ bệnh nhân luôn có sự liên hệ mật thiết với phòng mạch. Vì lương tâm nghề nghiệp, dù có mất đi một thân chủ, ông cũng quyết định khuyên ông già này vào trung tâm điều dưỡng, để có người dặn dò uống thuốc hàng ngày.

Ông già tỵ nạn có cảm giác sững sờ khi nghe lời khuyên của bác sĩ, dù từ lâu, ông vẫn biết sẽ có ngày phải nhập viện, nhưng lời khuyên chân thành của vị bác sĩ vẫn làm ông giật mình. Thôi vậy, có sinh phải có tử, ông cúi đầu chấp nhận.

Ông nhìn quanh căn phòng nhỏ thân yêu, rồi đi vào trong bếp nấu nước pha trà. Ông vẫn còn thói quen pha trà như hồi ở Việt Nam. Đun nước sôi, tráng ấm trà, rồi cho trà vào. Đổ vào ít nước sôi ngâm trà. Một phút sau, đổ nước ngâm trà đi, rồi mới thực sự đổ nước sôi vào ấm. Chừng quá nửa bình trà là ông dừng lại, như vậy, độ trà và nước sôi vừa với hương vị mà ông thường thức. Ông cười một mình về những thói quen, mà đến giờ, qua Mỹ đã mấy chục năm, vẫn không bỏ được. Không biết vào trong viện, có còn dễ dàng cho ông nấu nước pha trà như thế này không? Hoặc cho phép ông được ra thăm mộ vợ con như vẫn làm không?

Ông nhấp miếng trà ấm. Một cơn gió thổi tấm mành cửa xào xạc, làm ông giật mình, quên là mình vẫn để hé cửa từ chiều qua. Ông đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Phía xa bên trái là đỉnh đồi, với tháp chuông của một tu viện đang nổi bật trên nền trời mờ xám trưa nay.

Ông biết đến tu viện là do Mike kể lại. Mike là một người bạn trẻ của ông, gốc thổ dân Da Đỏ Muskogee, hiền lành, chất phác, cùng làm ở Home Depot với ông trước đây. Sau khi ông về hưu, Mike vẫn lâu lâu, đi làm về, tạt ngang nhà ông, trò chuyện và cho ông những bịch cà chua trồng sau vườn. Theo như Mike kể, đó là một tu viện cho những nữ tu Công Giáo về hưu. Những nữ tu sau một đời dâng hiến tận tụy cho Thiên Chúa và tha nhân, đã được đưa về đây, cùng nhau kinh nguyện cho hết quãng đời còn lại. Nhưng chẳng hiểu sao, mấy năm gần đây, các nữ tụ lại được chuyến đi nơi khác, và tu viện trở thành vắng lặng từ đó.
Đã có lần, ông lái xe ghé vào tu viện.
Khung cảnh nhà dòng hoang vu quá, không biết có bàn tay săn sóc không, mà cửa sổ cái mở, cái khép, nhuốm màu hiu quạnh. Trên nóc tu viện, cây Thập Giá của đỉnh tháp nhỏ bơ vơ chĩa lên trời như tưởng nhớ một dĩ vãng xa xôi. Ông đi bộ chậm rãi lại bức tượng phía trước tu viện.

Bức tượng Đức Mẹ đang ôm xác con dưới cây Thánh Giá!

Ông yên lặng chiêm ngưỡng. Lớp sơn đã bắt đầu bong ra nhiều chỗ. Phần đầu tượng Đức Mẹ là màu vàng hoen rỉ của chất sắt đúc bên trong lâu ngày đã thấm ra ngoài. Bức tượng có vẻ rêu phong, nhưng nét tạc đúc thật là sống động. Ông nhìn ra được nỗi đau đớn của Đức Chúa, và nỗi thống khổ nhưng đầy can đảm trong nét mặt đang cúi xuống nhìn con của Đức Thánh Nữ. Dù ông đạo Phật, thờ ông bà, nhưng sao ông thấy tượng Đức Mẹ có nét hiền từ, giống như tượng Phật Bà mỗi khi theo mẹ đi lễ chùa trong những ngày rằm thời thơ ấu. Lần đầu tiên trong đời, ông đã lâm râm lời khẩn cầu bằng an cùng vị Thánh Nữ đang ôm xác con.

Mải đứng nhìn pho tượng, ông chẳng để ý đến con chó gầy còm đang nằm phục bên hông bệ tượng. Con vật có vẻ đói ăn và không được nuôi dưỡng nhiều ngày, giương đôi mắt lờ đờ nhìn ông già. Chẳng biết con vật có phải từ trong tu viện hoang vắng kia không? Ông giơ tay vuốt đầu nó. Con vật thè lưỡi liếm tay ông, rồi như mệt quá, lại xệp mặt xuống, đôi mắt lờ đờ.

Ông đi ra ngoài xe lấy mấy miếng bánh, đút vào miệng nó. Con vật há miệng đớp miếng bánh, nhưng vẫn nằm phủ phục. Tội nghiệp, ông bước quanh một vòng tu viện, xem có ai mà xin cho nó được theo ông về nhà. Cửa đóng, ông chẳng gặp được ai. Không lẽ để nó chết vì đói, vì bệnh. Ông ôm nó về nhà, dự trù sẽ đem trả lại tu viện sau. Ông lấy một viên thuốc Tylenol, pha vào chén sữa cho con vật uống. Chẳng biết vì thuốc, hay vì cách trị liệu mát tay, mà con vật đã khoẻ lại.

Càng ngày nó càng quấn quít ông hơn. Ông đưa nó vào lại tu viện, con vật chạy quanh chân tượng Đức Mẹ, liếm lưỡi và ngửi ngửi chân tượng như quen thuộc, nhưng rồi lại theo ông ra về sau đó. Con Ky, mà ông gọi tắt theo tên Mỹ từ chữ Lucky cho được may mắn, sống với ông trong căn nhà nhỏ từ đó. 

4.
Chần chừ mãi ông mới quyết định đi tìm cho mình một Nursing-home như lời bác sĩ đòi hỏi. Ông đã chọn được một trung tâm dưỡng già nằm kế cận nghĩa trang, mà từ sân trước viện dưỡng lão, ông mờ mờ thấy đuợc khu vực phần mộ vợ con ông.

Ngày đến điền đơn, bà giám đốc người Mỹ tốt bụng, giúp ông từng chi tiết trong tờ đơn. Sau khi đọc đến gia cảnh đơn chiếc của ông già Việt Nam, bà khuyên ông nên làm tờ di chúc, để những tài vật của ông, biết đường mà đến đúng chỗ một khi ông ra đi. Ông mỉm cười “di chúc” à? Ông chẳng nghĩ có ngày ông lại phải làm tờ di chúc như vậy, nhưng thôi, cũng như vị bác sĩ, bà Mỹ có lời khuyên cũng vì lòng tốt với ông thôi. Ông thầm cảm ơn bà Mỹ sốt sắng vì công việc.

Gì chứ di chúc đối với ông chẳng có gì khó. Vợ con chết cả, một mình trên xứ Mỹ, cha mẹ ở Việt Nam cũng đã ra đi, nên về Việt Nam thì ông chả về. Hơn nữa, bây giờ còn mồ mả vợ con ở đây. Ông đã quyết chọn nơi này làm quê hương. Ông sẽ để lại cho xứ sở này tất cả của cải nghèo nàn mà ông có được. Văn phòng luật sư, làm việc với trung tâm điều dưỡng, sẽ lo bán nhà và cho tiền vào ngân khỏan trong bank của ông. Một cơ quan thiện nguyện, có chi nhánh ở Á Châu và Phi châu, sẽ thừa hưởng số tiền đó một khi ông ra đi.

Ừ đúng! Á Châu thì chắc là phải có Việt Nam rồi. Ông chẳng quên được đồng bào, và nhất là gia đình con cái những đồng đội ông trước kia. Phi Châu thì quá nghèo khổ như tấm hình những đứa trẻ mà ông đọc trên báo. Những đứa bé với đôi mắt trớ lồi còn to hơn cả cái miệng đang thở rốc vì đói, hơi thở nhẹ đến nỗi chẳng đủ làm rung cánh những con ruồi, đang vo ve chơi trò tìm bắt, vào ra trên mũi miệng. Ôi những con người nghèo khổ, màu da tuy có khác nhau, nhưng cũng biết lạnh lẽo giống nhau, và cái bao tử lép xẹp, cũng cồn cào queo quắt vì đói như nhau mà thôi. Ông thấy đúng đắn cho sự lựa chọn của mình.

Xong tờ di chúc, ông có vẻ mãn nguyện. Đúng rồi, ngày ông đặt chân đến Mỹ, chỉ có cái quần lính và cái áo thung ba lỗ, thì bây giờ có chết đi, được mặc bộ đồ suit sang trọng, nằm trong quan tài êm ấm là có lời chán rồi, của cải có mang theo được đâu. Vì không còn mua được phần đất bên cạnh vợ con, nên ông xin được hỏa thiêu đề về với cát bụi. Thôi, hòa vào đất trời, cũng là cùng chung một nấm mộ với vợ con vậy.

Nhưng điều ông băn khoăn nhất là con Ky. Tội ngiệp con vật, ở với nhà dòng, các nữ tu cho ăn toàn bơ sữa, giờ ăn theo kiểu Việt Nam, chút cơm với cá, hay thịt kho. Vậy mà con chó lại có vẻ khỏe mạnh ra, bộ lông vàng nâu bóng mượt hết sức. Con vật đã sống với ông lâu ngày, giữa nó và ông, chẳng biết ai già hơn ai. Theo quy luật nhà dưỡng lão, ông không thể mang nó theo được. Đăng báo rao cho thì không nỡ, ông quyết định đưa nó cho Mike, dẫu sao cũng là chỗ quen biết.

Ngày đưa nó đến nhà Mike, như biết sẽ phải xa nhau, mắt con chó già như ướt lệ. Sau khi phụ Mike xích con chó sau vườn, ông vuốt đầu nó:
- Ta không mang con theo được. Vậy con ở đây nhé!

Con chó Mỹ như hiểu tiếng Việt Nam, vùng vằng đầu, và rên rỉ trong cuống họng. Ông vội từ giã Mike mà bước nhanh ra xe. Vì biết, nếu ở lâu, ông sợ không còn can đảm để bỏ lại con chó thương yêu. Con vật vùng vằng khỏi sợi dây buộc, rú lên những tiếng đau thương khi thấy xe ông xa dần vào cuối ngõ.

Ông thẫn thờ lái xe như kẻ mất hồn!

5.
Chiều nay, dù không có nắng, ông vẫn mang theo cái cào, đi thăm mộ vợ con lần nữa, để yên tâm nhập viện tuần tới. Chỉ cần vài ba tiếng đồng hồ cũng đủ cho ông dọn dẹp sạch sẽ hai ngôi mộ, trước khi trời giông tuyết vào tối nay, như lời tiên đoán từ cái ti vi màu, hình ảnh nhập nhòe, mà chẳng biết vì mắt ông kém, hay vì kỹ thuật truyền hình của Mỹ ngày càng tệ!

Trước khi đi, ông gọi cho Mike đến lấy những vật dụng trong nhà nếu hắn muốn, trước khi căn nhà được niêm phong giao lại nhà bank. Người bạn trẻ cười hề hề báo cho ông biết tin buồn là con chó, đã lợi dụng lúc Mike mở ổ khóa, vùng khỏi dây cột cổ, chui qua hàng rào rồi phóng vào rừng. Ông tội nghiệp nó, không biết có biết đường về nhà không? Hai nhà cách nhau cả gần chuc miles chứ ít gì. Ông đi vào bếp lấy đồ ăn, đổ vào cái khay trước cửa cho con chó, hy vọng con vật trở về.

Đến trước mộ hai mẹ con. Ông cào lớp lá rơi rụng chung quanh mộ bia. Những chiếc lá vàng như cố tình chọc ghẹo, vừa hất ra, lại theo gió bay trở lại, làm ông thở hổn hển. Rồi cũng xong, ông nhìn hai ngôi mộ hài lòng, bịn rịn gật đầu từ giã vợ con, rồi lặng lẽ bước ra khỏi nghĩa trang.

Lòng ông chợt buồn, dường như hối hận vì quyết định nhập viện hơi sớm cho tuổi đời bảy mươi của mình. Ông nghĩ giá như đừng cho con chó, ông sẽ đổi ý, về ở lại với con vật trong ngôi nhà cho đến hết đời. Chết chỉ một lần, chết ở nhà hay trong viện dưỡng lão, cũng là chết cả, nhưng ở nhà, ông sẽ được sống với con chó, nhất là được thường xuyên đi thăm mộ vợ con. Ông lặng lẽ thở dài!

Chạy xe ngang qua tu viện, ông chợt có tư tưởng vào thăm bức tượng lần chót. Lại xách theo cái cào cỏ, ông ra tay cào những lá vàng chung quanh tương đá. Mồ hôi rịn ra hai bên thái dương dù trời đang se se lạnh, ông đành ngồi xuống nghỉ.

Trời chiều, gió mạnh hơn, dường như cơn mua mang theo những bụi tuyết, lại sắp thổi đến.

Những cành cây khẳng khiu của khu rừng trước mặt, bên kia đường, bất chợt làm ông liên tưởng đến những cánh tay vươn ra nứu kéo nhau, trên đường chạy giặc cùng vợ con, bạn bè. Những cách tay cố bám vứu nhau trèo lên tàu trong một buổi chiều cuối tháng Tư, cũng nhiều gió, sụt sùi mưa, và giông tố như chiều nay. Ôi tháng Tư đau buồn! Một vết thương lòng đã mấy chục năm như vẫn còn nhức nhối.

Hôm nay tuyết lạnh
Gió mưa trở về
Vết thương tháng Tư
Da chưa khép kín
Và lòng ta,
Những cánh rừng khô rụng
Chưa thấy một hồi sinh

Trong một phút mơ màng, ông rướn người lên để phóng về phía bạn bè, vợ con, mặc cho đôi mắt buồn giận của người mẹ phải xa ông trong ngày đưa tiễn. Ông quay lại nhìn mẹ. Đôi mắt của bức tượng, đôi mắt của Đức Mẹ… mà không, đôi mắt của Phật Bà. À, mà đúng rồi, đôi mắt mẹ ông đây mà! Ôi, không phải ánh mất buồn giận năm xưa, mà là ánh mắt dịu hiền thương mến. Vậy là mẹ đã tha thứ cho ông. Mẹ, mẹ ơi! Ông sung sướng ôm lấy ngực như đang lên cơn tưng tức vì xúc động. Ông lảo đảo, dựa hẳn lưng vào bệ tượng, dõi mắt xuống chân đồi.

Bỗng ông chớp mắt, vì từ phía bìa rừng bên kia đường, mờ mờ bóng dáng con Ky đang băng băng chạy lại. Ông nhận ra bộ lông vàng xậm của nó, hình như cũng là lúc nó nhận ra ông, nên cố phóng tới, băng ngang qua đường.

Tiếng thắng gấp của chiếc xe truck làm ông giật mình đứng vụt lên, chiếc xe đã hất tung con chó vào lề đường. Bỏ chiếc cào cỏ, ông vừa ôm ngực vừa phóng xuống chân đồi, đến bên nó, nâng đầu con vật bằng cả hai tay. Giòng máu đỏ trong miệng con chó chảy loang đám cỏ vàng úa. Một giọt nước từ đôi mắt lạc thần của con vật đang chảy ra. Ông chớp chớp mắt, trời mưa phùn và tuyết bắt đầu rơi, nên phút chốc chẳng biết trên mặt con chó lúc này, đang đầm đìa nước mưa hay nước mắt của ông, ông thấy quay cuồng, từ từ gục xuống.

Hình như có tiếng người lao xao bên tai, nhưng ông… đã không tỉnh lại.


Vũ Công Ynh
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2024 lúc 7:49am

Đầu Năm... Nhiều Chuyện

 

Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút. Chờ ngoài sảnh rất đông đúc, đến 7 giờ, rồi mười phút sau cũng chưa được gọi vào, con gái tôi lại chỗ tiếp tân nhắc nhở nhẹ nhàng, rằng chúng tôi chờ bàn 7pm chứ không phải 7.30pm vì sợ họ quên. Cô ấy trả lời có biết, nhưng vì đột xuất có chuyện phát sinh, nên xin lỗi không thể cho chúng tôi vào 7pm như đã hứa. Chúng tôi hiểu và thông cảm, tiếp tục chờ đợi. Rồi sau đó, chúng tôi cũng được gọi vào bàn, vui vẻ.
Vào bàn, chúng tôi vừa gọi món xong, người waiter rời đi, một người đàn ông mặc đồ vest lịch sự, đến giới thiệu là manager, rồi ông ta giải thích "sự cố" một lần nữa, tại sao chúng tôi bị vào bàn trễ, và nói lời xin lỗi chân thành.

Chuyện chỉ có thế, chẳng ai còn nhớ nữa, chúng tôi ăn uống thoải mái, đến lúc kêu bill tính tiền, thì người waiter nói, tất cả 6 dĩa khai vị (appertizer) được miễn phí, họ chỉ tính tiền main dishes, drinks và dessert.
Trời đất, 6 dĩa khai vị đó, gồm 2 dĩa mực chiên, 2 dĩa nấm và ốc đút lò với cheese, và 2 dĩa tôm lạnh, tổng cộng các món khai vị là $110. Chúng tôi không hề trông đợi sự xin lỗi hào phóng này, người manager ra tận bàn xin lỗi là quá dư rồi. Về nhà, tôi viết ngay lời Review trên website cho tiệm này, chúng tôi là khách khá thường xuyên, và chắc chắn sẽ quay lại nhiều lần nữa.
Tôi tự hỏi, chuyện này có thể xảy ra ở các nhà hàng Việt Nam ở Canada, ở Mỹ không? Với tôi, đi ăn nhiều nơi tiệm Việt, nhất là lúc khách hàng đông đúc vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc, sự cố có xảy ra, may ra thì có lời xin lỗi vội vàng, chớ khó mà "mơ" tới chuyện giảm giá hoặc tặng món khai vị.
Còn bên Việt Nam thì sao? Nghe nói có Bún Chửi, Cháo Mắng ở Hà Nội. Mà lạ kỳ nghen, các "thượng đế" vẫn xếp hàng, đưa mặt ra chịu trận, nghe chủ quán vừa múc bún vừa chửi "ngọt" như hát, rồi líu ríu đón lấy tô bún, nhẹ nhàng đi tìm chỗ ngồi ăn, len lén kẻo bà chủ lại ... nổi giận, lại chửi sa sả vào mặt, cứ như là đi xin ăn từ thiện vậy. Nói thiệt, nếu có đi ăn đồ từ thiện mà nghe chửi kiểu đó thì thà tôi ... nhịn đói chứ nhất định không thèm ăn!

Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
Người bạn thân của tôi bên Little Sài Gòn, California nghe chuyện tôi trên facebook xong, cũng góp thêm:
- Không bao giờ!!! Mình không muốn vạch áo cho người xem lưng. Nhưng có thật 100 %. Một lần mấy chị em mình hẹn nhau ăn trưa ở Quán H , gọi món bún bò xào đặc biệt ( có thêm tôm nứớng và chả giò). Chờ khá lâu vì đông khách. Khi món bún bò xào được bưng ra, mīnh phát hiện có một nùi giấy thấm lẫn trong thịt bò ( loại giấy họ dùng thấm bớt nước và máu của thịt bò trước khi xào). Cô manager xin lỗi qua loa, đổi dĩa khác.Sau đó tính tiền... bình thường, tỉnh bơ! Bởi làm ăn kiểu đó nên nhiều nhà hàng Việt mình thường ở trong tình trạng “tưng bừng khai trường, âm thầm dẹp tiệm”, họ nghĩ là khách cần đến ăn ư? Nếu thức ăn ngon cỡ nào đi nữa, nhưng thái độ phục vụ cũng có thể khiến cho khách bye bye, một đi không trở lại.

Một anh bạn khác cũng chia sẻ:
- Gia đình và bạn bè tụi mình có đi nhà hàng Tàu ở Toronto vào ngày Christmas, chờ đợi xếp hàng cũng khá lâu mới được gọi vào bàn, người waiter cho biết chúng tôi 10 người có thời gian là 1 tiếng hoặc tối đa là một tiếng rưỡi để ăn. Trời ơi, đã vậy trong lúc ăn, có hai waiters đứng phía sau, thỉnh thoảng lại hỏi : “are you done yet ?” làm mất hứng, ăn chả thấy ngon nữa.
Nhà hàng Tàu thì miễn bàn nghen quý vị. Đi ăn nhà hàng Việt, dù không tiếp đãi tuyệt vời như nhà hàng Tây, nhưng đôi khi cũng có những nhà hàng khá lịch sự, không đến nỗi nào, chớ nhà hàng Tàu thì trăm lần như một, tôi luôn bị “ám ảnh” bởi dàn waiters/waitresses, lúc nào cũng mang bộ mặt... hình sự, chỉ để... canh chừng khách ăn xong, để dẹp bàn mau lẹ, cho khách tới sau đang đợi ngoài kia.
Trở lại chuyện các tiệm Việt, tôi có một kinh nghiệm cũng rất ư là “đau thương”, xảy ra lâu rồi, lúc tôi mới qua định cư Canada .

Bấy giờ còn thịnh hành các DVDs, CDs ca nhạc của các trung tâm hải ngoại như Asia, Thúy Nga, Mây, nên hễ vào thời điểm các trung tâm ra sản phẩm mới là các tiệm bán băng nhạc tấp nập khách ra vào, (lúc ấy chưa có facebook, chưa có youtube nên đó là phương tiện giải trí cho hầu hết dân Việt Nam ở hải ngoại). Bữa cuối tuần đó, mùa đông lạnh lẽo tuyết rơi, sau khi đi chợ xong là trời sẫm tối, tôi vào một tiệm băng nhạc. Lần đầu đến tiệm này, vào trong thì người khá đông, kẻ xem DVDs, người hỏi giá CDs, người mua sách báo, người gửi tiền về Việt Nam, nhộn nhịp. Nhưng tôi thấy cô chủ tiệm tuổi sồn sồn với khuôn mặt khó đăm đăm, chẳng thấy mỉm cười tiếp khách mà luôn trả lời trống không, trịch thượng, có khi còn liếc xéo khi khách hàng hỏi điều không đúng ý, cứ như họ đang làm phiền chị ta, y như thái độ hách dịch cửa quyền dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tôi bèn ... ngứa miệng, góp ý với một nụ cười duyên:
- Chị ơi, khách đến mua hàng chớ đâu có xin miễn phí, sao chị đối đãi với khách như dùi đục chấm mắm tôm vậy?
Chị ta trừng cặp mắt như ăn tươi nuốt sống tôi:
- Tui ăn to nói lớn quen rồi, ai cũng biết mà! Còn cô, nếu không hài lòng thì xin mời đi chỗ khác nha!
Ủa! Ủa! Ủa! Tôi đang bị chị chủ đuổi ra khỏi tiệm chỉ vì một câu góp ý nhẹ nhàng đó sao? Tôi bất ngờ đến nghẹn họng, không nói nên lời, chỉ biết đứng nhìn chị ta, mặt chị ta bừng bừng sát khí. Chả lẽ tối qua chị ta mới goánh nhau với chồng, hoặc là chồng chị ta đang có bồ bịch và đòi ly hôn nên chị ta mới ... căm ghét cả thế giới này? Tôi cũng cố lấy lại bình tĩnh:
- Chị không cần đuổi, tôi cũng sẽ xin chào tiệm này ngay lập tức. Có điều, mong chị nên sửa đổi cung cách tiếp khách, kẻo có ngày không còn ai thèm ghé đấy.
Thôi thì chắc tại tôi ... xui, kiếp trước đường tu của tôi dở dở ương ương, nên tôi chưa may mắn gặp tiệm Việt Nam nào trân trọng khách hàng, nhưng tôi tin đây đó cũng có những nhà hàng Việt uy tín, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.

Cuối cùng là tôi câu chuyện kể của con gái tôi, vừa mới xảy ra còn nóng hổi:
Nó thường hay book làm móng tay ở tiệm gần nhà, tuy nhiên vào mùa holidays vừa rồi quá lu bu, nó bèn tìm online một tiệm Nails gần chỗ làm để tranh thủ chạy ra đó làm bộ móng tay trong giờ break buổi trưa. Sau khi book online xong xuôi, đến gần ngày hẹn thì nó bỗng nhận được text báo tin rằng cái hẹn đã cancelled. Nó ngạc nhiên, liền phone cho tiệm Nails. Người trả lời phone là một phụ nữ, với accent và “broken English” của người Việt. Nó trình bày bằng tiếng Anh, rằng nó không cancel mà tại sao lại nhận được tin báo cancelled? Chị chủ cũng trả lời bằng tiếng Anh, biểu nó đợi phone để chị check với nhân viên trong tiệm xem sao. Chị để phone đó rồi quay vào nói chuyện bằng tiếng Việt với nhân viên, mà con gái tôi, tuy sanh trưởng bên đây, nhưng có khiếu nghe và nói Tiếng Việt khá sành sõi, nên nó nghe được toàn bộ cuộc đối thoại của chị chủ:
- Ê, có con nhỏ tên Amanda phone tới, nó nói nó không cancel mà sao mình lại cancel nó kìa!
Cô nhân viên kia la toáng lên:
- Trời! Cái con quỷ sứ Amanda nữa hả? Ba hồi cancel ba hồi không là sao, rắc rối quá đi!
- Nó nói nó không cancel, mày thử xem lại có trùng tên không?
Rồi im lặng, có lẽ hai người vào bàn computer/laptop để check danh sách khách hàng, nói qua nói lại lao xao thầm thì, rồi vỡ lẽ ra là trùng tên, rồi cười ha hả. Cô chủ trở lại cầm phone, giải thích với con gái tôi bằng tiếng Anh:
- Oh, sorry. It’s a mistake.
Nó liền cắt lời chị ta, lần này sổ luôn một tràng tiếng Việt:
- Dạ chị ơi, em là người Việt nên nghe hết câu chuyện của chị và nhân viên của chị rồi đó.
- Ủa, vậy hả? Trùng tên đó em, em vẫn còn cuộc hẹn nghen.
- Dạ không! Bây giờ thì em chính thức cancel cái hẹn của em, và nhờ chị nhắn với cô nhân viên không nên gọi khách hàng là “con quỷ sứ”! Và chị nữa, chị nên tắt phone rồi tìm hiểu sự việc, rồi phone lại cho khách, chứ đừng để phone kiểu đó, khách nghe thấy không hay ho gì đâu!

Chị chủ chưng hửng, không biết chị ta có tính nói lời xin lỗi hoặc đề nghị giảm giá hay không, nhưng con gái tôi đã nhanh chóng nói lời chào và không hẹn tái ngộ!
Nghe xong chuyên, tôi cười, nói với con gái:
- Rồi!! Kể từ nay tên Amanda cũng sẽ chính thức nằm trong sổ bìa đen của tiệm đó với biệt danh “con quỷ sứ”!

Kim Loan
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Mar/2024 lúc 7:39am

Chiều, Ở Một Tiệm Vàng

Một%20ngày%20sau%20vía%20Thần%20Tài:%20Tiệm%20vàng%20vắng%20khách,%20báo%20doanh%20số%20khủng

Ông chú trạc tuổi ba mình, cũng gầy gò y vậy, bước vào, tần ngần tháo kim băng trên túi áo, lấy ra một gói nhỏ. Mở mấy lớp giấy, tháo nốt chiếc khăn tay cuối cùng, chú đưa đôi bông tai nói muốn bán. Anh chủ cân xong, báo hai triệu tám.

Chú lại tần ngần hồi lâu “Dạ thôi, tui hông bán đâu. Tui xin lỗi”.

Thằng Hải xen vào “Tiệm này làm ăn đàng hoàng lắm chú, họ không ép chú đâu”.

- Dạ không phải tui chê. Chỉ là tiếc quá đó cậu ơi.

Rồi chú dắt xe đạp xa về.

Xuống lòng đường được mấy thước, chú dắt xe quay vào. Lần này, chú bán.

Cầm tiền, chẳng buồn đếm, chú thất thểu bước ra về. Vừa quay mặt đi, lại đứng chôn chân ngẩng mặt lên trời. Nhưng cuối cùng cũng không ngăn nổi, chú khóc.

Sau vài cái xoa vai an ủi, chú mở lòng với tôi. Vợ chồng chú lấy nhau không có đám cưới, cô vất vả cả đời cũng chẳng có nổi phân vàng để đeo cho có với người ta. Đâu chừng mười năm trước, ráng lắm, chú cũng sắm cho cô được đôi bông vàng 18 hơn chỉ. Cô mừng lắm, quý lắm. Nhưng đeo được mới chừng nửa năm, cô mất. Chú giữ nó như một kỷ vật quý giá và duy nhất của cô, của nghĩa vợ chồng. Cả năm nay chú bệnh nhiều, không làm được gì, đắn đo mãi mà vẫn ráng giữ. Nhưng nay đành bấm bụng bán đi, lấy tiền mua thuốc…

- Thôi không sao đâu. Chú đừng buồn nữa. Đứng đây đợi con một chút.

Quay vào tiệm “Anh ơi, em muốn mua lại đôi bông tai chú mới bán”.

- Em đợi chút, anh đánh bóng lại cho.

- Không cần đâu. Em mua để tặng lại chú ấy mà…

Nói thêm vài câu, kể lý do, ảnh biểu đưa ảnh triệu tư thôi. Coi như mỗi người góp một tay…

Cuộc đời này, thiệt nhiều người rộng lòng.

Nhìn đôi tay chú run run khi được cầm lại đôi bông, tôi nhớ ba mình quá chừng. Cái lần cầm chiếc nhẫn vàng đầu tiên do thằng con tặng, ba cũng run hệt như vầy.

❤❤

* Khi cha cho con, cả hai đều cười; khi con biếu cha, cả hai cùng khóc.

 

Sưu tầm



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 22/Mar/2024 lúc 10:17am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/Mar/2024 lúc 10:14am

Tay Anh Chị 

Hình minh họa 

Trong phòng đợi chỉ còn hai người bệnh, một bà cụ quen mặt, nhìn là Tri nhớ ngay tên, bà Julie, đến để đo huyết áp và xin thuốc cho bệnh khớp xương, và một thanh niên lạ mặt. Khi cầm hồ sơ của bà Julie, liếc nhìn con số của hồ sơ còn lại, Tri biết là một hồ sơ mới. Anh đưa mắt nhìn người bệnh mới đang ngồi chờ. Đó là một thanh niên cao lớn, có bộ ria trên lưa thưa màu râu ngô. Anh ta mặc chiếc sơ mi xanh nhạt, tay dài được xắn lên và một chiếc quần jeans xanh đậm. Người thanh niên trả lại cái nhìn của Tri bằng ánh mắt nửa làm thân nửa dò xét.

Tri gọi tên bà Julie rồi quay gót đi trước vào văn phòng mình. Trong khi ngồi chờ bà cụ đang lụm cụm đi vào, Tri phỏng đoán về người khám bệnh còn lại. Chắc là thành phần chuyên đi xin thuốc loại bị kiểm soát. Kinh nghiệm sau ba năm làm chung phòng mạch ở đây với hai đồng nghiệp khác, Tri biết bệnh nhân thuộc loại này thường chọn những lúc gần hết giờ làm việc để vào khám, với hy vọng bác sĩ vào lúc đó đã mệt mỏi, muốn gấp về mà dễ dãi với họ. Chọn giờ gần đóng cửa là chọn lúc phòng mạch còn ít khách, ít người để ý và bệnh nhân loại này dễ thao túng, dễ hăm dọa bác sĩ nếu cần. Loại bệnh nhân này khi đến khám bệnh lần đầu thường chọn một trong hai cách: hoặc tỏ ra hung dữ vừa xin thuốc vừa đe bác sĩ, đại loại nếu ông không cho tôi thuốc không chừng tối nay tôi sẽ tự tử, tôi sẽ giết người và ông sẽ là người chịu trách nhiệm. Cách thứ hai là ngồi kể lể, khóc lóc rồi năn nỉ. Đối mặt với thành phần bệnh nhân này, Tri đã chọn cho mình một lối hành xử mà anh tin là hữu hiệu, đó là cứng rắn nhưng không để họ rời  phòng mạch mà không được gì hết. Từ chối loại thuốc người bệnh xin, nhưng Tri lại thế vào đó một hai thứ thuốc mẫu cho không người bệnh.

Thường thường thì họ vẫn bất mãn nhưng cũng ra về với một ít thuốc mẫu mang theo. Cùng lắm Tri mới gián tiếp mời thành phần bệnh nhân này ra khỏi phòng bằng cách xé trước mặt họ tờ giấy ruột của hồ sơ mới mở và nói, xin ông bà hay cô cậu đi khám nơi khác và coi như chưa bao giờ khám ở phòng mạch này. Tri không bao giờ tỏ ra sốt ruột vì đã hết giờ làm việc mà bệnh nhân còn ở trong phòng khám bệnh. Ngồi thì vẫn ngồi, nghe vẫn nghe, cần thì giải thích nhưng cho thuốc theo ý muốn của bệnh nhân thì Tri không cho. Và bao giờ anh cũng chấm dứt cuộc tiếp xúc bằng câu nói: Nhiệm vụ của người thầy thuốc là giúp đỡ bệnh nhân chứ không phải trở thành đồng lõa với bệnh nhân.

Tri chậm rãi đi theo sau bà Julie trở ra phòng đợi. Anh cầm lấy hồ sơ cuối cùng, liếc nhìn tên rồi cất tiếng gọi:
-Ông Robert.
Người thanh niên đưa cánh tay mặt với ngón trỏ chỉ lên trời rồi đứng lên lặng lẽ bước theo Tri. Anh  ta húng hắng ho và hắc xì vài cái. Chờ cho người bệnh ngồi xuống ghế đối diện, Tri mới ngồi xuống ghế của mình, hỏi giọng sốt sắng:
-Anh mới đến khám lần đầu? Anh đau sao?
-Mấy hôm nay tôi ho.
-Ho khan hay ho có đàm?
-Ho khan.
-Có sổ mũi không?
-Có hơi hơi. Rát cổ và nhức đầu nữa.
Tri cảm thấy nhẹ người. Nghi anh ta là bệnh giả hoá ra anh ta có triệu chứng bệnh thật. Tri đưa Robert sang phòng khám và khám thật kỹ. Robert bị cảm thật, nhưng cảm thường thôi, không có biến chứng. Trở lại bàn viết, Tri lấy toa định biên thuốc thì Robert bỗng cất tiếng:
-Nói thiệt với ông tôi vừa “ở trong” ra, không có tiền mua thuốc. Ông có thuốc gì cho tôi uống đỡ vài ngày.

Dân ở đây dùng hai tiếng “ở trong” để chỉ nhà tù. Tri làm thinh đi lại tủ thuốc mẫu, lấy một ít thuốc cảm viên, lấy nguyên một chai thuốc ho đưa cho Robert và nói:
-Thuốc  viên anh uống một viên cách sáu tiếng cho đến khi hết đau nhức, thuốc ho anh uống một muỗng cà phê cách bốn tiếng nếu cần. Sau năm ngày nếu không bớt trở lại khám.
Robert cầm thuốc tươi cười nói cám ơn. Bây giờ Tri mới để ý có một chút gì tương phản nơi con người của Robert, một tia mắt buồn buồn, một nét cười trẻ thơ nơi một vóc dáng cao lớn lực lưỡng.

Chừng một tháng sau Robert trở lại phòng mạch. Anh không khám bệnh mà dẫn một cô bạn gái đến khám. Robert giới thiệu cô gái với Tri:
-Đây là Sylvie bạn gái tôi, tôi giới thiệu đến ông. Cám ơn thuốc của ông cho lần trước, thuốc xi rô tốt lắm, tôi chỉ uống có hai ngày là hết ho ngay. Tôi có hỏi nhà thuốc Tây, chai thuốc ho đó đắt tiền lắm, hai mươi đồng cái chai tí xíu!
Tri cười:
-Chai thuốc đó tôi định để dành cho tôi dùng đấy. Thấy anh ho thật nên tôi nhường cho anh.
Robert chắc không hiểu Tri dùng chữ thật với ngụ ý đối với chữ giả nên chỉ cười rồi quay qua nói với Sylvie:
-Em đau gì thì khai với ông đốc đi, anh ra ngoài chờ.
Còn lại một mình, Sylvie nhìn Tri ngập ngừng:
-Mấy hôm nay tôi bị huyết trắng và ngứa ở âm đạo.
-Cô có dùng thuốc ngừa thai không?
-Dạ có.
-Cô sang bàn nằm tôi khám.
Tri khám phụ khoa và nghĩ Sylvie bị nấm. Trong khi anh đang viết toa thuốc đặt âm đạo cho Sylvie thì nàng bỗng hỏi:
-Có thể nào anh Robert đi chơi bậy bạ rồi lây sang cho tôi không?
Tri ngừng viết nhìn nét mặt lo âu của Sylvie. Cô gái có mái tóc vàng, khuôn mặt xinh đẹp và ăn nói có vẻ con nhà lành. Tri trấn an nàng ngay:
-Có nhiều nguyên nhân gây ra nấm, nhưng nơi phụ nữ, thuốc ngừa thai là một yếu tố gây ra nấm khá thường xuyên.

                           ***

Bẵng đi một thời gian không thấy Robert đến phòng mạch. Một hôm, vào lúc trưa, cô thư ký chuyển cho Tri  một cú điện thoại:
-Allô, ông đốc, ông khoẻ không? Tôi là Robert đây, ông còn nhớ tôi không?
-Nhớ.
-Phòng mạch ông giờ nào thì ít bệnh?
-Không chừng, nhưng thường thường từ hai đến bốn giờ thì tương đối vắng.
-Độ ba giờ tôi xin đến gặp ông. Gặp ông có chuyện riêng chứ không phải khám bệnh. Xin ông nói với thư ký cho tôi vào ngay nhé.
-Được rồi.
Khoảng sau ba giờ một chút thì Robert tới. Khi thư ký báo, Tri cho anh ta vào văn phòng ngay. Robert ăn mặc xốc xếch, râu cằm mọc lởm chởm. Vừa ngồi xuống ghế Robert nói ngay:
-Tôi đang cần tiền. Có món nữ trang này đẹp lắm, tôi bán rẻ cho ông, ông mua để tặng vợ ông.
Vừa nói Robert vừa rút trong túi ra một sợi dây chuyền vàng. Tri tinh ý nhận ra ngay sợi dây chuyền bị đứt khoen. Anh nghiêm mặt:
-Anh vừa… giật sợi dây chuyền này của ai phải không?
-Tôi thề với ông, tôi không cướp giật của ai hết. Nó là của tôi. Tôi thề với ông…
-Của ai thì của ai, nhưng tôi không mua đâu, vợ tôi không thích nữ trang.
-Ông mua giùm tôi, tôi bán cho ông hai mươi lăm đồng thôi.
Tri đưa tay đẩy sợi dây chuyền nằm trên bàn về phía Robert rồi đứng lên:
-Nếu anh cần tiền tôi đưa cho anh hai mươi đồng, chừng nào có thì trả. Chứ mua tôi không mua. Lần sau anh đến đây, nếu để khám bệnh thì đến, chứ không nên đến để bán những thứ như vừa rồi. Tôi không bằng lòng. Bệnh nhân đang chờ, tôi phải đi khám tiếp.
Tri mở ví lấy tờ giấy bạc hai mươi đồng đưa cho Robert rồi mở cửa văn phòng. Robert cầm tiền, miệng ấp úng:
-Cám ơn ông, làm ăn khá tôi sẽ trả lại ông.

                           ***

Robert biến mất cho đến hôm 23 tháng 12  thì xuất hiện. Thành phố Montréal đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Phòng mạch mở cửa ngày cuối. Phòng đợi rực rỡ ánh đèn màu chớp tắt dọc theo bờ tường và từ cây thông nhỏ đứng ở góc phòng. Điệu nhạc quen thuộc Jingle Bells tưng bừng phát ra từ chiếc máy thu thanh nhỏ đặt trên bàn cô thư ký.

Năm giờ chiều. Phòng mạch vừa hết khách. Tri chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng đợi, thỉnh thoảng qua cánh cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời sáng rỡ một màu trắng tuyết trên vệ đường và trên các mái nhà. Một người đàn ông mở cửa bước vào phòng đợi. Tri không nhận ra ai vì ông ta mặc áo măng tô, đầu đội mũ len, quàng khăn che kín cả mặt chỉ chừa hai con mắt. Tri quay người trở vào văn phòng chờ cô thư ký mở hồ sơ xong gọi. Chưa đầy một phút cô thư ký gọi báo:
-Có người đàn ông, không khám, chỉ xin gặp ông.
-Cô mời ông vào.
Có tiếng chân mạnh mẽ bước tới văn phòng của Tri.
-Chào ông đốc!
Robert hiện ra ở cửa, nét mặt tươi tắn. Anh ăn mặc tươm tất, râu tóc sạch sẽ.
-Chào Robert.

Tri khựng lại đó không biết nói gì thêm. Cái cảnh Robert năn nỉ anh mua sợi dây chuyền vẫn còn như một cục nghẹn khó trôi trong trí nhớ của anh.
-Độ rày tôi làm ăn khá lắm ông đốc.
-Tôi mừng cho anh.
Robert khom người lấy trong túi xách tay một cái hộp đặt lên bàn. Tri nhận ra là hộp đựng chai cognac Rémi Martin. Anh chưa kịp phản ứng thì Robert nói ngay:
-Có chút quà Giáng Sinh biếu ông.
Tri xua tay nghiêm mặt:
-Chai rượu này anh lấy của…?
-Của tôi mua tặng ông, ông đừng nghĩ oan cho tôi. Tôi vừa ở Hoa Kỳ về, tôi mua ở biên giới. Ông không tin tôi đưa hoá đơn cho ông xem.
Tri thấy mình cũng hơi quá lời nên dịu giọng :
-Nếu thật quà của anh thì tôi rất quí.
-Tôi đã dặn lòng, mỗi năm vào dịp Giáng Sinh, tôi phải nhớ mang biếu ông một chai rượu. Ông đã xử sự tốt với tôi. Xin ông nhận cho tôi vui lòng.

                             ***

Năm thứ hai, gần hè, Robert đến khám bệnh, đi cùng Sylvie. Robert vào trước một mình.
-Chào ông đốc. Tôi vừa từ Colombie về được hai hôm. Thú thiệt với ông, qua bên đó tôi có đi chơi bời. Mấy ngày nay đi tiểu buốt quá! Về hai ngày rồi mà tôi không dám gần Sylvie. Cô ấy thắc mắc lắm. Nhờ ông trị cho tôi hết bệnh cách nào nhanh nhất. Sau đó nhờ ông nói sao cho Sylvie tin bệnh tôi không phải do chơi bời mà ra nhưng phải không được gần đàn bà trong một tuần.
Khám cho Robert, Tri nghĩ anh ta bị lậu mủ. Tri phân vân giữa hai cách trị liệu. Anh nói với Robert:
-Tôi nghi anh bị lậu mủ. Nhưng cũng có thể do thêm các vi trùng khác nữa. Cách điều trị chính xác nhất là gởi anh vào khu thí nghiệm của bệnh viện để cấy mủ. Rồi tùy theo kết quả mà chọn kháng sinh. Có điều chờ kết quả hơi lâu, có khi vài ba ngày, có khi cả tuần.
Robert  giẫy nãy lên:
-Thế thì chết tôi rồi, lâu quá không được đâu ông đốc. Cho tôi uống hay chích thuốc ngay, liều tối đa!
-Thôi để tôi thử cho anh uống trụ sinh loại một liều duy nhất. Nếu không lành, bắt buộc phải cấy mủ.
-Cứ như vậy đi ông đốc. Bây giờ tôi ra gọi Sylvie vào để ông nói giúp cho cô ấy yên tâm.
Tri  không quen nói dối, nhất là nói dối với bệnh nhân về bệnh tật. Anh ngần ngại:
-Tôi biết nói sao đây?
-Ông thiếu gì cách nói. Mà chỉ ông nói Sylvie mới tin.
Robert ra phòng đợi gọi Sylvie vào. Chờ cho cả hai ngồi xuống ghế, Tri mới nói với Sylvie, giọng từ tốn:
-Robert bị bệnh đường tiểu, có thể do khí hậu xứ nóng gây nên. Cần chữa trị trong một tuần. Trong thời gian điều trị hai người nên tránh gần nhau, được thì tốt, bằng không thì Robert phải dùng bao cao su nhưng phải cẩn thận đừng để bao vỡ, để an toàn cho cả đôi bên. Tuần sau Robert trở lại khám.

                           ***

Tri đi làm về thì vợ anh cho biết có Phan gọi điện thoại. Phan là bạn nhậu của Tri, gốc người Trung. Gọi là bạn nhậu nhưng thật ra Tri thích đồ nhậu trong khi Phan chỉ thích uống rượu. Trong nhóm nhậu tám người thì bảy người kia thích uống, chỉ mình Tri thích ăn. Thành ra buổi nhậu nào cũng thế, mấy tay kia ăn cầm chừng và uống thả giàn trong khi Tri lại uống cầm chừng và lấy ăn làm gốc. Tri lớn tuổi nhất và có địa vị cao trong xã hội  nên được tôn làm đại ca.
Ăn cơm tối xong, Tri gọi Phan:
-Sắp có mục chi đó Phan?
-Đại ca đi làm về trễ dữ hi! Cuối tuần ni đại ca có rảnh không?
-Ừ, rảnh thì cũng rảnh.
-Vợ chồng thằng Toàn mới làm chủ cái bar rượu được mấy tháng nay, đông khách lắm đại ca. Hắn nhắn em mời đại ca ghé thăm bar của vợ chồng chúng nó. Mình đi thăm dân cho biết sự tình, đại ca.
-Tao ngán bar lắm. Nghe nói du đãng với xì ke không à. Vào đó lớ xớ ôm đầu máu nghe bây.
-Thằng Toàn bảo đảm an ninh cho mình, đại ca.
-Ừ, tao cũng liều một cái xem sao. Nhưng nói trước, tình hình không yên là tao rút sớm đó nghe.
Tri ngộp thở trong cái bar rượu chật ních người, đặc khói thuốc và inh ỏi tiếng nhạc disco. Vợ thằng Toàn ăn mặc khá khêu gợi đi xẹc rượu bia cho khách. Cô ta có vẻ chấp nhận những cái véo mông, vỗ đít để đổi lấy tiền típ. Thằng Toàn thì làm như vợ hắn không phải là vợ hắn. Nó đứng ở quầy pha rượu, mở bia không ngừng tay. Phan ghé tai Tri nói như hét trong tiếng ồn ào:
-Hai vợ chồng thằng Toàn hốt bạc, đại ca. Tụi nó thiệt có thời. Tụi nó sẽ giàu hơn đại ca cho mà xem.

Tri không trả lời, chỉ gật gù bên ly pinacolada do Toàn đặc biệt pha cho anh. Bỗng có tiếng ồn ào ở cửa vào của bar. Rồi có tiếng la hét, chửi thề. Tri đưa mắt nhìn Phan hỏi dò. Phan đứng lên, chen lấn đi đến chỗ quầy rượu. Một lát Phan trở về, cho Tri biết có đứa định vào bán cần sa bị mấy tay gác bar của Toàn chặn lại và đuổi đi. Nhưng không đầy nửa tiếng sau, một bọn nhiều tên xông vào bar gây sự và đập phá. Vợ chồng thằng Toàn bị hành hung nặng nhất. Phan nóng ruột xông vào cứu bạn, bị một vỏ chai bia đập vào đầu máu chảy lênh láng. Tri nhanh trí chui xuống gầm bàn, vừa lúc mấy cái vỏ chai nổ đôm đốp trên mặt bàn. Tiếng la hét, tiếng bàn ghế đổ, tiếng mảnh chai vỡ, tiếng đấm đá tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Tri không rõ ai đánh ai nữa. Anh chỉ muốn chờ dịp chạy thoát ra ngoài. Bỗng một bàn tay lông lá thò xuống gầm bàn, bóp chặt gáy Tri lôi anh ra. Tri thoáng thấy một vỏ chai bia đang bổ xuống đầu anh. Tri nghe nổ bốp một cái nhưng anh không nghe đau ở đầu, không thấy máu chảy, trái lại anh thấy một cánh tay to lớn của ai đó đưa  ra đỡ cái vỏ chai bia vừa đập xuống. Tri nhìn lên và mừng rỡ kêu:
-Robert!
-Ông đốc, có tôi đây. Núp sau lưng tôi để tôi đưa ra cửa.
Robert như một hung thần, hai tay khoa lia lịa đấm đỡ, chân đạp đá lung tung. Tri bám gót Robert ra được tới cửa. Robert nói lớn:
-Ông đốc, chạy ra đường nhanh lên. Mau kẻo cảnh sát tới.
Tri phóng ra tới đường thì nghe tiếng còi hú của mấy xe cảnh sát cũng vừa ập tới. Tri may mắn không bị một thương tích nào. Về nhà, anh giấu biệt vợ tai nạn kinh khiếp vừa qua. Hôm sau, Tri gọi điện thoại cho Phan để biết thêm tin tức. Phan bị đánh tét đầu phải khâu năm mũi. Toàn bị nặng nhất, gãy ba cái xương sườn và hai cái răng. Vợ Toàn bị bầm mặt, bầm ngực, quần áo bị xé rách. Tri không biết tin tức gì về Robert.

Một tuần sau Robert đến phòng mạch Tri để cắt chỉ các mũi khâu. Robert bị một vết thương cắt sâu ở cánh tay mặt. Mười mũi khâu. Nhưng vết thương đã lành và sẹo tốt. Cắt chỉ mấy mũi khâu cho Robert xong, Tri hỏi:
-Hôm ấy anh làm gì ở đó?
-Ngồi bàn chuyện làm ăn. Tôi thấy ông ngồi với bạn ông nhưng không lại chào, sợ quấy rầy ông. Mãi đến khi ông sắp bị nạn mới can thiệp.
-Những người gây rối là ai vậy?
-Nói thiệt cho ông đốc nghe, cái nghề bán bar rượu ở đây không dễ đâu. Không nằm trong sự kiểm soát của chúng, chúng không để yên lâu đâu. Chúng nó gây sự là có sắp đặt hết cả.

Bar rượu của vợ chồng Toàn đóng cửa sau hôm xảy ra vụ đánh lộn. Đến khi bar hoạt động trở lại, chủ mới, nghe Phan học lại, là một người gốc Ý.
Đúng 23 tháng 12, Robert đến thăm Tri vào lúc chiều. Anh biếu Tri một chai rượu chát đỏ hiệu Bordeaux. Robert nói:
-Năm nay làm ăn bình thường thôi ông đốc. Có chai rượu chát này ngon biếu ông để uống cho vui.
Tri nhận rượu của Robert như nhận quà của một người bạn. Tri còn coi Robert là ân nhân của anh nữa, người đã can đảm đưa cánh tay ra đỡ cái vỏ chai bia, hứng lấy thương tích thế cho anh.

******

Giữa tháng bảy, một sáng chủ nhật, vợ chồng Tri và đứa con trai chuẩn bị đi picnic thì có điện thoại reo. Vợ Tri bắt điện thoại nghe rồi gọi Tri đến, trao máy:
-Có con đầm nào gọi cho anh.
-Đầm nào vậy?
-Ai mà biết! Anh thử hỏi nó đi.
-A lô.
-Phải bác sĩ Tri?
-Phải. Cô là ai ?
-Tôi là bạn của Robert.
-Tôi biết Robert. Sao cô có điện thoại nhà tôi ?
-Tôi tìm trong niên giám vàng.
-Cô gọi tôi có chuyện gì?
-Robert hiện đang “ở trong”. Anh sốt và sưng cổ họng. Ở trong cuối tuần không có bác sĩ. Anh nhờ tôi liên lạc  xin bác sĩ cái toa. Tôi sẽ mua thuốc mang vào ngay cho anh.
-Cô đang ở đâu?
-Bác sĩ ở đâu tôi sẽ lái xe đến tận nơi.
-Hẹn cô nửa giờ nữa ở đường Saint Denis góc Beaubien. Tôi sẽ đậu xe trên đường Saint Denis. Xe tôi hiệu Pontiac Grand Am màu ve chai.
Tri kể sự việc cho vợ nghe, vợ anh cằn nhằn:
-Anh hay thiệt! Ai nhờ gì cũng làm. Dân bụi đời ở tù nhờ, anh cũng giúp! Làm trễ hết buổi đi chơi của mình.
Tri làm thinh xuống phòng khách ngồi xem ti-vi. Đến 9 giờ kém 5 anh lái xe đến chỗ hẹn. Chừng 10 phút sau Tri thấy một chiếc xe hiệu Cavalier màu đỏ sẫm cũ kỹ đậu sau xe anh, cách hai chiếc khác. Một người đàn bà rời xe đi lại phía anh.
-Bác sĩ Tri?
-Phải.
-Tôi là Ginette, bạn của Robert.
Tri nhìn nhanh người đàn bà, tự hỏi thầm cô ta là bồ mới của Robert hay là đồng bọn. Nhan sắc của Ginette, nếu đem so với Sylvie, thì kém xa. Cô ta có mái tóc xưng xửng màu cánh gián, mặt lưỡi cày, đôi môi mỏng gần như mím chặt cả trong khi nói. Nàng mặc chiếc gi-lê màu nâu với quần jeans đen. Tri ngửi cả mùi thuốc lá bốc từ người Ginette. Anh muốn chấm dứt cuộc tiếp xúc sớm nên lấy toa ra biên thuốc kháng sinh, thuốc giảm sốt  rồi đưa cho Ginette:
-Cô nói Robert uống cho đủ 10 ngày thuốc kháng sinh. Nếu “ra” sớm, cần thì ghé phòng mạch tôi coi lại, bằng không thì khám bác sĩ “ở trong”.
23 tháng 12 năm thứ ba, Robert lại đến tặng quà Giáng Sinh cho Tri. Anh tặng Tri một chai rượu Sake. Trông Robert ốm đi và nước da tái xanh. Tri tỏ ý lo ngại :
-Tôi thấy sắc diện anh hôm nay không được tốt.
Giọng Robert buồn buồn :
-Dạo này làm ăn khó khăn, ông đốc ơi!
-Hỏi thật anh, làm ăn với giới của anh, anh có chích hay hít gì không?
-Chích thì  không, nhưng hít thì… có. Nhưng cũng… thỉnh thoảng thôi. Tốn tiền lắm ông đốc.
-Anh cẩn thận chứ lún sâu vào là rút chân không ra nổi đó.
-Tôi  cũng biết lắm. Chắc tôi sẽ phải kiếm một nghề gì khác để sống.
Tri cổ võ ngay:
-Tôi thấy anh nên như thế lắm.

                            ***

Cuộc đụng độ đầu tiên và cuối cùng giữa Tri và Robert xảy ra bốn tháng sau đó. Robert lại đến khám bệnh với lối ăn mặc lôi thôi, tóc râu lởm chởm. Ngồi xuống ghế, anh vào đề ngay:
-Hôm nay ông biên cho tôi 30 viên codeine 30mg. Ông cứ viết trong hồ sơ tôi ho và đau lưng, không sao đâu.
Tri nghiêm mặt:
-Anh cũng biết tôi không cho thuốc như thế được.
Robert nhìn Tri với đôi mắt van lơn. Chưa bao giờ Tri thấy vẻ buồn đậm nét như thế trong đôi mắt Robert.
-Ông làm ơn cho tôi đi. Ông không cho, chúng nó… chúng nó sẽ… giết tôi!

Tri lặng người. Anh tin lời Robert. Anh nghe nhiều về những bệnh nhân đi khám xin những loại thuốc bị kiểm soát về nộp cho các nhóm băng đảng. Thuốc sẽ được pha trộn rồi đưa ra chợ đen tiêu thụ. Tri vừa thương hại vừa bực mình. Anh vẫn dành cho Robert một thứ cảm tình không nói được tại sao. Có thể anh thấy Robert là một thứ bụi đời có tình nghĩa. Nhưng hôm nay Robert đã đặt anh vào một thế khó xử. Không cho thì nguy hiểm cho Robert, cho thì anh trở thành đồng lõa, một hành động mà Tri thấy sẽ làm vẩn đục sự thanh cao của nghề nghiệp mình. Tri cúi đầu suy nghĩ. Sau cùng anh nói với Robert:
-Tôi sẽ biên cho anh số thuốc đó với một điều kiện duy nhất: Từ nay anh đừng đến đây khám bệnh nữa.
Robert cầm cái toa, miệng lí nhí:
-Tôi xin hứa sẽ không làm phiền ông nữa. Chỉ xin ông tiếp tôi khi tôi ghé thăm ông vào mỗi dịp Giáng Sinh.

                          ***

Robert giữ lời hứa không đến khám bệnh Tri nữa. Nhưng điều làm Tri băn khoăn là Robert cũng không đến thăm anh hôm 23 tháng 12 như đã xin. Điều càng làm Tri băn khoăn hơn nữa là, trước đó hai tuần, nhân ngồi ăn trưa trong quán Dunkin Donuts, lật tờ báo Journal de Montréal, tình cờ Tri đọc một cái tin: “Một xác chết tấp ở bờ sông Saint Laurent, người chết cỡ một thước bảy mươi lăm, mặc áo sơ mi xanh nhạt, quần jeans xanh đậm, không tìm thấy giấy tờ nào trên thi thể. Nhà chức trách đang mở cuộc điều tra”.

Hôm Robert đến khám bệnh Tri lần đầu, anh cũng mặc áo sơ mi xanh nhạt với quần jeans xanh đậm. Robert cũng cao cỡ một thước bảy mươi lăm. Nhưng rồi Tri lại tự cười mình. Thành phố Montréal có cả hàng trăm người cao cỡ một thước bảy mươi lăm, hàng ngàn người mặc áo xanh nhạt, quần xanh đậm, chứ đâu riêng gì Robert. Anh ta không đến có thể vì anh ta thấy không còn lý do để đến nữa, thế thôi.
Thế nhưng suốt năm tiếp theo, khi nào chợt nhớ tới Robert, Tri vẫn nghe có điều gì không ổn trong lòng trước sự vắng bóng của anh ta. Tri chỉ nghi chứ không dám chắc cái xác chết tấp vào bờ sông Saint Laurent chính là Robert.

Và rồi chưa bao giờ Tri nghe lòng mình bồn chồn như chiều ngày 23 tháng 12 năm nay. Anh mong Robert xuất hiện, tay xách một chai rượu hay tay không xách gì cũng được, miễn là cho Tri thấy mặt, cho Tri biết anh còn sống, dù là sống trong cảnh huống nào.
Đến năm giờ chiều, Tri bắt đầu sốt ruột. Anh tự đi lục tìm hồ sơ của Robert, tìm số điện thoại. Máy tự động trả lời số điện thoại vừa gọi không còn hoạt động. Bảy giờ tối cũng không thấy Robert đến. Cô thư ký đóng máy điện tử, chúc Tri một Giáng Sinh vui vẻ rồi hối hả ra về.

Tri nán lại thêm mấy phút, một mình trong phòng mạch. Biết đâu Robert có thể đến muộn. Nhưng hình ảnh mô tả cái xác chết tấp ở bờ sông Saint Laurent lại lởn vởn trong đầu anh.
Mang xong đôi ủng, khoác lên người chiếc măng tô, vừa đi vừa đội mũ rồi quấn khăn ấm quanh cổ, Tri cố nhen lên cho mình một tia hy vọng: Thành phố Montréal có cả hàng trăm người cao cỡ một thước bảy mươi lăm, cả ngàn người mặc  áo xanh nhạt, quần xanh đậm, chứ đâu riêng gì Robert…
Anh ta không đến có thể vì anh ta thấy không còn lý do gì để đến nữa…
Thế thôi.

Trang Châu
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 25/Mar/2024 lúc 11:00am
NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH:"Chê Cha Mẹ Khó, Chó Không Bỏ Chủ Nghèo"...

5095%201%20NguoiBanTrgThanh

       Nơi góc chợ của một thị trấn nhỏ miền biên giới gần đây người ta bỗng thấy xuất hiện một người hành khất tiều tụy, rách rưới bên một con chó xơ xác.

       Người ăn xin sống lay lắt qua ngày với những của bố thí. Chẳng ai biết lão từ đâu tới, cũng không ai hiểu vì sao lão lại ra nông nỗi này ?...

Rồi người ta bàn tán :

    - Tại sao lão lại không vất quách con chó đi cho rảnh, thân lão còn không lo nổi huống chi lại có thêm một con vật.

       Ngày lại qua ngày, người ta cũng quen với hình ảnh một người một chó nơi góc chợ bẩn thỉu. Kẻ qua đường mỗi khi rủ lòng vứt cho những đồng tiền lẻ. Mỗi lần như thế con chó lại tỏ ra nhanh nhẹn chạy ra gặm lấy đồng tiền đem về cho chủ. Còn có người chỉ vì tò mò ném ra một mẩu bánh mỳ, nó cũng trân trọng dùng cái mõm gặm đưa lại. Còn người xin ăn thong thả bẻ đôi mẩu bánh đưa cho nó một nửa. Cứ như thế một người một vật sống lần nữa qua ngày…

       Rồi một hôm, có ông thợ dệt thổ cẩm dừng lại chăm chú nhìn con chó, có vẻ thích thú bèn lên tiếng :

    - Này ông lão, ông bán cho tôi con chó này nhá.

       Nói xong người thợ rút ra 30 đồng và tự cho rằng: mình cũng đã làm một việc tốt không kém ai.

Ông già ngước đôi mắt đục về phía người thợ nói đứt đoạn :

    - Ta cũng không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy đem nó về mà nuôi !

Ông nhẹ nhàng với tay vuốt lên đầu con chó giọng chua xót :

    - Nó là con vật có nghĩa, có tình.

       Người thợ tìm được sợi dây mang đến. Tay ông già run run luồn dây quanh cổ con chó, nó bỗng hạ thấp hai chân trước như thể cầu cứu van xin. Ông vỗ nhẹ :

    - Không hề gì đâu, anh bạn nhỏ ạ ! Ta vẫn còn có mọi người đấy thôi.

Xong rồi ông đẩy nó về phía người thợ dứt tình :

    - Thôi ngoan nào !.

       Con chó cong lưng cưỡng lại, ông phải ôm nó vào lòng cất giọng rưng rưng :

    - Ta không thể sống cùng con được bao lâu nữa đâu, hãy đi đi…

Khó khăn lắm người thợ cũng đem được con chó về…

       Hai ngày sau, người ta lại thấy người thợ đem con chó đến với ông già khốn khổ. Nó bây giờ có vẻ bảnh chọe, bóng mượt, dưới cổ còn thắt chiếc nơ làm dáng. Người thợ nói với ông lão cùng với mọi người xung quanh :

    - Tôi xin trả lại con chó này cho ông vì suốt hai ngày nay nó không chịu ăn uống gì cả mặc dù nhà tôi không thiếu, có lẽ nó nhớ ông !?

Rồi anh ta thừa nhận :

    - Đúng là một con chó trung nghĩa.

       Người thợ vừa lỏng tay, con chó phóng ra nhào vào lòng người ăn xin, nồng nhiệt liếm lên đôi bàn tay lạnh giá với cái đuôi mừng rỡ khôn cùng. Ông già vuốt ve nó như đã từ lâu không gặp đồng thời rút mấy đồng bạc trả lại cho người thợ. Người thợ xua tay :

    - Thôi, thôi coi như tôi tặng ông và cũng như tôi đã mua rồi, nếu không làm sao tôi biết được một con chó tốt đến thế !

Anh kết thúc :

    - Coi như ta đã sòng phẳng với nhau rồi nhá…

       Mùa đông tới, khắp vùng biên giới gió rít từng cơn, lá vàng cuộn thành đống nơi góc chợ.

       Buổi sáng ngày đó người ta không còn thấy hình ảnh quen thuộc. Con chó nằm phủ phục bên đống chăn cũ nát. Người ăn xin đã chết đêm hôm qua. Thảo nào người đi chợ sớm nghe thấy tiếng con chó tru lên từng hồi, rợn cả người.

       Nhà chức trách thị trấn cho người đến giải quyết sự việc với cái xác vô chủ. Lục tìm trong ông họ không thấy có thứ gì ngoài một tấm thẻ có từ thời Pháp bị cháy sém chỉ còn rõ con số 1938…và 30 đồng.

       Con chó ngồi đó im lặng nhìn người ta ghép vội mấy miếng gỗ tạp làm một cái gọi là quan tài. Xong xuôi họ khiêng cái xác lạnh ngắt ép xuống. Chiếc quan tài được buộc vào giữa hai cây gỗ như một cái thang, hai đầu thang quét xuống đất.

       Con bò già lững thững kéo chiếc xe quẹt đi, ngay lập tức con chó vùng dậy theo sau. Nhìn đám ma người xấu số và thấy hành động của một con chó bất giác có một nhúm người đi theo sau đưa đám

~oOo~

       Một đám ma không có tiếng khóc, đằng sau chiếc quan tài là một con chó xám, sau nữa là một nhúm người im lặng.

       Những con người đi sau như mắc nợ với người nằm trong quan tài, món nợ thật dễ trả nhưng không bao giờ họ làm được.

       Bên nấm mồ vô chủ mấy ngày sau người ta vẫn thấy con chó nằm phủ phục bất động, đầu ghếch lên nấm đất mới. Bên cạnh nấm mồ, con chó cũng kịp bới một ô trũng hình lòng chảo. Hai ngày sau nó chết dưới vũng đất ấy.

       Đám đất bên vệ đường cứ to lên mãi. Người qua đường, kẻ đi chợ không ai bảo ai, người hòn đất, người hòn gạch, hòn đá ven đường ! Người đời trả nợ cho ông. Và người ta lan truyền rằng : Đắp một nắm đất lên đó thì làm việc gì cũng gặp may mắn. Không biết ai đã đặt tên cho là : "Đất Nghĩa"

       Một ngày nào đó, người bạn tốt nhất của ta cũng có thể bỏ mặc ta trong cơn hoạn nạn. Con cái ta dầy công nuôi nấng chăm chút cũng sẽ trở thành kẻ vong ơn bội nghĩa. Con người lâu nay ta gửi gắm nâng đỡ thành sự nghiệp cũng sẽ thơ ơ lạnh nhạt khi ta thất thế. Sự nghiệp của ta một ngày nào đó cũng có thể trở thành mây khói, ta thành một kẻ cô đơn không còn ai cậy nhờ chia sẻ.

       Nhưng đối với con chó thì Không ! Cho dù ta có vinh quang, sống trong giầu sang phú quí hay ta trở thành một kẻ khốn khổ, nó vẫn là người bạn gần gũi nhất, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi mà cùng ta đi tới tận cùng trời cuối đất. Khi trở về dù trắng tay nó vẫn nồng nàn liếm lên bàn tay ta nóng hổi. Trên đời này có người bạn nào tốt và trung thành hơn thế ?

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Mar/2024 lúc 9:41am

Thằng nhỏ người Nhật

 Hokkaido%20Japan%20November%2019%20Japanese%20Boy%20Stock%20Photo%2059890663%20|%20Shutterstock

Chuyện xảy ra sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011 khi những người bị nạn sống sót chờ nhận thực phẩm cứu trợ. Người kể lại là ông Hứa Minh Thành, cảnh sát viên người Việt đang làm việc tại hiện trường.

“Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng, tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi.

Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng. Tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm. Nó kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến. Cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường, nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp.

Trong thảm họa người Nhật vẫn biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác

Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.

Xem thêm: Con chim nhỏ của buổi sáng mùa Đông
Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Tôi nghe, mà phải vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, cho nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Như Sao



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 26/Mar/2024 lúc 9:44am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.461 seconds.