Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 20/Dec/2023 lúc 8:30am

Cái Nồi Đất 

 
Niêu%20nồi%20đất%20kho%20cá%20nấu%20cơm%20truyền%20thống%20|%20Lazada.vn

Bữa ăn đã xong, tôi thu dọn chồng chén đĩa xuống bếp để rửa. Trên nhà, các ông đang bàn tán chuyện Mỹ đánh Iraq, còn các bà thì hăng say thảo luận về cách thức ăn kiêng để vẫn còn thon thả khi tuổi đã ngoài  40 . Cô em chồng tôi là chủ nhà đang lo o bế dàn karaoke, hứa hẹn một buổi tối náo nhiệt. Má chồng tôi cũng như nhiều bà mẹ khác lúc đó, bà có rất nhiều con, đâu tới 7, 8 người. Tới nay, tổng cộng vừa dâu rể, cháu nội cháu ngoại đã hơn 20. Bà ở với cô em thứ Bảy, nhà cô rộng rãi đủ chứa từng ấy người nên thỉnh thoảng con cháu tụ về nấu một vài món ăn để có được không khí sum họp. Tôi tuy là con dâu lớn nhưng giỏi ăn hơn giỏi nấu nên thường lãnh trách nhiệm dọn dẹp. Đang loay hoay thì má chồng tôi bước vào, bà đưa cho tôi một bao nylon rồi thì thầm:

– Bà Tư ở Việt Nam mới qua có cho tao mấy cái nồi đất, mầy lấy một cái đem về kho cá, ngon không thua gì cá kho tộ ngoài tiệm đâu.

Má chồng tôi người miền Nam, tánh tình chơn chất, nói năng giản dị, bà rất thương con cháu nhưng chưa bao giờ bà kêu tôi bằng con, hay gọi tôi bằng chị như các bà bạn của bà. Tôi cầm lấy rồi nói đùa:
Ủa, nồi không chớ không có cá sao Má?

Má chồng tôi la lên:

– Của một đồng công một nén của người ta cho mầy, mầy còn đòi cá nữa.

Bà bước ra không quên nói vói lại:

– Bữa nào chở tao ra Cabramatta rồi tao chỉ cá cho mà mua.

Má chồng tôi là vậy đó, biết ông xã tôi mạnh ăn, biết con tôi đang sức lớn, biết tôi không thuộc diện “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” bà tận tình chỉ vẽ cho tôi, hy vọng rằng con tôi bớt là thực khách của tiệm McDonald’s


-oOo-

Cái nồi đất tưởng đã bị bỏ quên khi tôi dẹp nó vào cái góc tận cùng của tủ chén. Nhưng hôm nay tôi bị bịnh, phải ở nhà, con lại đi học hết, ông xã thì đi làm, ngồi buồn tôi làm siêng dọn lại cái tủ chén và tôi tìm được cái nồi đất. Rảnh rang nên tôi ngắm kỹ cái nồi đất hơn. Bằng đất nung và được tráng bên ngoài cũng như bên trong một lớp men đen bóng, cái nồi trông cũng đẹp lắm với 2 cái quai nho nhỏ ở hai bên và một cái nắp đậy rất vừa vặn.

Mân mê cái nồi trong tay tôi chợt thấy một tình cảm lạ lùng dậy lên trong lòng. Cái nồi đã gợi trong tôi cả một thời thơ ấu trong cảnh êm ấm của gia đình nơi miền quê đất Việt.
Hồi đó nhà nghèo, anh em đông nên bữa cơm nào cũng có món cá kho. Ai đã từng sống ở miền Tây trù phú của đồng bằng sông Cửu Long vào thời đó cũng đều biết rằng cá, tép ở đây dễ kiếm như rau cỏ ngoài vườn vậy. Sông rạch chằng chịt nên chỉ cần một mảnh lưới nho nhỏ hay một cái đăng chắn ngang dòng nước chảy của con rạch vào buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau cả nhà cũng có được nồi cá kho với đủ thứ cá lòng tong, rô, sặc, trê… Có khi còn có cả mấy con lòng ròng (cá lóc con) đi ăn xa mắc lưới. Ngoài cách làm giản dị trên, dân quê vùng tôi còn bắt cá bằng cách câu cắm. Mươi cái cần câu được móc sẵn mồi cắm dọc theo bờ rạch vào lúc trời sụp tối, lúc cá bắt đầu ra ăn đêm.
Hôm nào em tôi bắt được mấy con lòng ròng đâu cỡ cườm tay nó thì Má tôi nấu canh chua khóm, coi như nhà tôi có một bữa ăn sang. Hôm nào xui xẻo hơn chỉ được mớ cá con đủ thứ thì má tôi kho khô hết. Cá được ướp trong cái nồi đất, cái nồi nầy lúc mới mua về có màu đỏ ngói, nhưng sau nhiều năm đặt trên cái cà ràng (một loại lò cũng bằng đất) nhà tôi và sau nhiều lần thấm đủ thứ gia vị, nó đã ngả sang màu đen, bên trong nồi bóng lên trông như được tráng men vậy. Không biết có phải nhờ tài nêm nếm của Má tôi hay nhờ được kho trong cái nồi đất mà cá lúc nào cũng thấm, cũng ngon, nên dù đồ ăn có ít ỏi chị em tôi vẫn ăn sạch nồi cơm.
Cái nồi đất đã gắn liền với đời sống dân quê miền Nam như vậy đó. Riêng tôi, tôi còn có một kỷ niệm nữa liên quan tới cái nồi đất … Lúc đó tôi đâu chừng 6, 7 tuổi, quê tôi ở Bến Tre, hồi đó gọi là Kiến Hòa. Xóm nhà tôi ở cách lộ cái không xa lắm, ngay đầu xóm là một cái Đình thờ Thổ Công Thổ Địa và nhiều vị nữa mà tôi không biết hết. Đình không có cây đa như trong các bài hát về quê hương mà chỉ có một hàng tre Mạnh Tông được trồng để làm hàng rào ngăn giữa Đình và ngôi nhà ở kế cận. Hai bên hông Đình để trống, riêng mặt tiền của Đình thì có một sân xi-măng rộng cỡ một đám ruộng lớn. Đây là nơi hàng năm dân trong xóm rước một gánh hát quê về hát để cúng Thần. Còn hàng ngày thì nó được dân trong xóm sử dụng để phơi lúa và làm đủ thứ việc đồng áng linh tinh.

Tôi thấy cần phải dài dòng một chút về ông Từ giữ Đình và chú Tư Tộ. Ông Từ thì như tên gọi, ông là người chịu trách nhiệm nhang khói và dọn dẹp cho Đình. Ông sống một mình không vợ con gì hết, chú Tư Tộ là bạn ông, chú không phải là người dân của xóm, chú làm nghề bán nồi đất, ghe nồi của chú cặm sào ngoài cầu Cá Lóc, trong một buổi chợ khi chú đang đứng giữa mớ nồi bán la liệt như Sơn Đông mãi võ thì gặp ông Từ. Họ nhìn nhau, và đúng theo tinh thần tứ hải giai huynh đệ chú Tư Tộ dẹp nồi theo ông Từ về Đình. Thật ra thì không ai biết chú tên gì, khi về xóm, người đầu tiên mời chú về nhà là Ba tôi, ông hỏi chú:

– Chú em mầy thứ mấy? Làm nghề gì?

Chú trả lời:

– Dà, em thứ Tư, bán nồi ngoài chợ.

Thế là chú thành dân của xóm với tên Tư Tộ. Chú Tư bán nồi nhưng họ không gọi là Tư Nồi mà gọi là Tư Tộ bởi vì Tư Tộ nghe xuôi tai hơn Tư Nồi, nếu chú thứ Năm thì họ đã không ngần ngại gì đặt tên cho chú là Năm Nồi rồi.
Để có nồi bán, chú Tư phải chèo ghe lên tận miệt Bình Dương, vô mấy cái lò làm đồ gốm để mua, rồi chèo ghe về các vùng quê bán, ở mỗi chỗ chú phải đậu lại chờ bán cho hết nồi, có khi cả tháng mới lui ghe được. Nhờ vậy, chú có rất nhiều chuyện để kể cho tụi nhỏ chúng tôi.

Tối nào có chú, chúng tôi ít chạy chơi xa mà cứ xúm đen, xúm đỏ chung quanh để nghe chú kể chuyện. Chú kể nhiều chuyện hay lắm, chuyện tướng cướp Đơn Hùng Tín đi tìm thầy học đạo ở tận núi Tà Lơn, nuôi chí lớn sẽ thành tài để cướp của người giàu chia cho người nghèo theo kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Tàu vậy. Rồi chuyện công tử Bạc Liêu coi tiền như rác, chuyện các vị tiền bối khổ cực đốt rừng phá đất để chúng tôi có ruộng rẫy ngày nay, chuyện các vị anh hùng dân tộc chống Pháp…

Nếu có ai hỏi thiếu gì nghề sao lại chọn nghề bán nồi, thì chú trả lời vì thích cuộc sống tự do, thích rày đây mai đó chớ không muốn ở hoài một chỗ. Sau mỗi buổi kể chuyện chú thường ngâm nga một bài vè mà tới bây giờ tôi vẫn nhớ:

Anh thương em thương quấn thương quýt

Bồng ra gốc mít bồng xít gốc chanh

Bồng bậy sau lái bồng ngoái trước mũi

Đặt em nằm xuống đây

Kể từ ngày em đau ban cua lưỡi trắng miệng đắng cơm hôi

Tiếc công anh ẵm đứng bồng ngồi

Bây giờ vinh hiển em bắt anh đi bán nồi làm chi (*)

Bài vè đó trở thành bài hát quen thuộc của bọn trẻ trong xóm và là đề tài bàn bạc của các ông các bà trong các buổi làm đồng. Có người cho rằng chú Tư đang mang một mối tình lâm ly bi đát không thua gì mối tình của anh bán chiếu đã được cố nghệ sĩ Út Trà Ôn diễn tả trong bài ca “Tình anh bán chiếu” mà cả xóm tôi người lớn cũng như con nít ai cũng thuộc vài câu. Thật thà họ đem chuyện đó hỏi chú thì chú chỉ cười mà không trả lời.

Ngày vui qua mau, khi chú Tư đã trở thành một người không thể thiếu trong xóm, thì ánh sáng văn minh tràn tới cái xóm nhỏ của tôi. Nồi gang, nồi nhôm với đủ thứ tiện lợi của nó đã chiếm chỗ của cái nồi đất trong các gian bếp. Thời gian xa xóm của chú Tư trở nên dài hơn, chú giải thích rằng vì bán chậm nên phải ở lâu hơn, và chú cũng trở nên trầm ngâm hơn. Tới nhà tôi nhiều lần thay vì xách theo đồ nhắm hay cắp nách chai rượu, chú còn mang theo cả nồi lớn, nồi nhỏ để cho Má tôi. Lần nào Má tôi cũng nhận, cám ơn chú và cầm chú ở lại vài ngày. Bà con lối xóm cũng vậy, họ thay phiên nhau mời chú về nhà, chúng tôi đã bảo bọc chú như bảo bọc một anh hùng sa cơ lỡ vận.

Ba tôi tỏ vẻ lo lắng lắm, hơn ai hết ông hiểu rằng đó không phải là thượng sách vì không bao giờ chú Tư chịu nhận sự giúp đỡ của chúng tôi. Và ngày đó đã tới. Chú Tư từ chối lời đề nghị của bà con nhường cho chú một đám ruộng gò ở gần Đình từ trước tới nay vẫn bỏ trống. Ba tôi và ông Từ cố gắng thuyết phục chú: – Nào là ruộng gò có xấu nhưng bà con sẽ giúp chú một tay, nào là chú ở đã quen, tình làng nghĩa xóm ai nỡ bỏ đi, nhưng chú cũng nạy ra nhiều lý do để ra đi. Chú hẹn sẽ trở lại, nhưng từ đó cho tới lúc tôi rời xóm, tôi không gặp lại chú lần nào. Lâu dần, người dân trong xóm cũng quên chú, chỉ còn bài vè của chú thỉnh thoảng được nhắc lại cũng gần gũi thân thương như  những câu vọng cổ trong bài “tình anh bán chiếu”.

Từ đó đến nay đã gần 40 năm trôi qua, cái nồi đất cũng chìm vào quên lãng, vì theo đà tiến bộ của khoa học các bà nội trợ ngày nay ngoài nồi nhôm, nồi gang còn có các loại nồi, chảo không dính nữa thì luyến tiếc làm gì cái nồi đất bất tiện đó. Nhưng gần đây các nhà khoa học (cũng các ông nữa rồi) khám phá ra rằng các loại nồi, chảo nhôm nhất là các loại nồi không dính trong lúc bị nung nóng trên lửa đã thải ra các loại chất độc vào thức ăn. Thế là các bà lo xa đâm hoảng, họ tìm mua các loại nồi đất để dùng cho được an toàn, các nhà hàng cũng mua các loại tay cầm bằng đất nung để đáp ứng nhu cầu của thực khách và tính chất đậm đà của các loại thức ăn nấu trong nồi đất cũng được đề cao. Tôi không phải là nhà khoa học để phân tích, tôi cho rằng thức ăn nấu trong nồi đất có ngon hơn, có lẽ vì đất có tình, tình đất bao la như tình mẹ, có cho đi mà chẳng nhận lại bao giờ.

Chiều nay tôi sẽ mua cá về kho trong cái nồi đất nầy và cả nhà tôi trong bữa cơm chiều sẽ được thưởng thức một món ăn ngon với một chút tình của nắm đất quê hương.


Xuân Lan Đặng



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/Dec/2023 lúc 8:33am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Dec/2023 lúc 9:48am



Sau ngày mất nước: 30/4/1975, chồng tôi ra trình diện theo lệnh triêu tâp của “cách mạng”. Trước khi đi anh ân cần dặn dò, em ở nhà ráng chịu cực khổ thiếu thốn một thời gian ngắn, vì theo lời của “cán bộ”, các anh chỉ đi “học tập có 15 ngày".

Anh lo lắng như vậy vì biết tôi sẽ chẳng làm được gì để nuôi con. Thể trạng tôi yếu đuối. Tôi là con một, sống sung sướng từ thuở mới lọt lòng, chưa bao giờ phải lo toan miếng cơm manh áo, giữa sự thay đổi nghiệt ngã của thời thế, tôi không thể thích nghi.


Anh đi rồi, 15, 30 ngày, 3 tháng, rồi 3 năm…vẫn biệt tăm. Hàng ngày và mỗi lần đi họp tổ dân phố, cán bộ phường tuyên truyền, thúc ép người dân đi kinh tế mới, lao động, sản xuất với khẩu hiệu “lao động là vinh quang”. Gia đình sỹ quan “ngụy quân, ngụy quyền” càng phải đi trước làm gương, để chồng, con mau sớm được “khoan hồng”, trở về sum họp…


Quên mất ngày xưa TT VNCH nói một câu bất hủ…Đừng nghe những gì cs nói… Tôi bàn với mẹ về quê sinh sống.


“Quê” thuộc tỉnh Bình Dương nhưng chi cách lằn ranh phân chia “thành phố HCM” có mấy trăm mét. Gom góp hết tiền bạc còn lại, tôi mua căn nhà nhỏ của người đi “kinh tế mới” xa. Sống nơi này, tôi mới thấy khó khăn nan giải hơn trong cuộc mưu sinh. Ở đây nửa quê nửa tỉnh. Không có đất để trồng cấy, cũng chẳng buôn bán gì được cho ai. Đã vậy, bên kia lằn ranh là “thành phố”, hàng tháng mỗi hộ gia đình được mua lương thực theo giá “nhà nước”, dù là gạo hẩm, bo bo hay bột mì mốc, cũng qua ngày dễ dàng hơn là phải mua với giá “chợ đen”.


Tôi loay hoay bối rối tìm kế sinh nhai. Ra chợ trời buôn bán đồ cũ. Không được. Không tranh cạnh lại những người lọc lõi tinh khôn, mua bán bao giờ cũng lỗ. Đi Vũng Tàu buôn cá về chợ bán, cũng không được. Cá ế, đem về phơi khô ăn dần, hết vốn.


Lên Sàigòn ngồi vỉa hè bán cơm tấm. Những gánh hàng khác, mỗi buổi sáng bán đắt rôm rả, chồng con xúm xít phụ giúp, một gánh hàng rong nuôi sống cả gia đình. Còn tôi, bán cơm vẫn ế, không biết vì nấu không ngon, hay vì không có “giang” buôn bán …. Ngày nào cũng ế, đem cơm về cho nhà người quen nơi tôi ở đậu. Nhìn con họ ăn ngon lành, nghĩ đến mẹ và đám con thiếu đói ở nhà, xót lòng, nhưng không thể leo xe đò đem về, vì còn phải chuẩn bị cho gánh hàng hôm sau và dậy sớm đi bán. Vốn liếng cạn dần theo những ngày ế ẩm.


Buôn bán không xong, tôi lên rừng làm rẫy mướn. Từ thuở lọt lòng đến nay, tôi chưa bao giờ phải làm việc nặng nhọc, bàn tay nhỏ nhắn chưa biết cầm đến cái cuốc, cái liềm, nhổ cỏ, trồng cây. Chịu đựng cái nắng như đổ lửa giữa đồng trống vài ngày, tôi lăn ra bịnh, mình mẩy sưng tấy vì bị côn trùng cắn đốt, sau đó được chủ cho … nghỉ việc.


Có đợt tuyển công nhân lên núi phụ thợ điện bắt đường dây cáp, tôi “đăng ký” xin làm. Lúc lên, chẳng những không mang vác được gì, kể cả túi cơm chai nước của mình, tôi còn phải có người … dìu đi. Lúc về, gặp cơn mưa rừng tôi trợt chân, suýt bị cuốn trôi tuột xuống khe núi, lại có hai người ….. xốc nách đem về. Vắt rừng đeo đầy ống chân, lên cả đùi, con nào cũng đen bóng, tròn lẵn, tôi được một phen kinh khiếp hãi hùng.


Bỏ rẫy về thành phố vào công trường làm phụ hồ. Làm không lâu chủ công trình thấy sắc vóc tôi quá thảm hại, vả lại cũng không đạt năng suất công việc nên thương tình cho vào làm bếp. Làm “chị nuôi” tuy không nặng nhọc dầm dãi nắng mưa, nhưng thức khuya dậy sớm lo ba bữa ăn cho công nhân, khi mọi người chưa thức giấc hoặc đã đi ngủ rồi thì “chị nuôi” vẫn lục đục nấu nướng, dọn dẹp. Đã vậy còn bị chê bai nấu không ngon, bị nghi kỵ bớt xén tiền chợ….


Cuộc mưu sinh đối với tôi thật vô cùng khó khăn, nan giải. May có người bạn thương tình dắt tôi đi buôn ….



Những năm đầu mới “giải phóng” miền Nam, ‘’nhà nước’’ dùng chính sách ngăn sông, cấm chợ để quản lý dân. Sản phẩm nơi nào làm ra thì nơi đó dùng, không được giao thương, buôn bán. Miền Tây có lúa gạo, tôm sông, cá biển, sau khi thu hoạch về, nộp sản phẩm cho hợp tác xã, còn lại cũng tạm no đủ. Nhưng nếu muốn uống ly Cafê hay nhấm nháp tách trà, thì phải lên tận cao nguyên mới được thưởng thức những món “xa xỉ” đó. Ngược lại, cao nguyên cũng vậy, nếu chỉ sản xuất ra trà, càfê thôi thì cứ uống … trừ cơm. Vì thế phát sinh ra nghề buôn lậu.


Tất cả mọi thứ đều “lậu”, từ lúa gạo, ngô khoai, đường đậu, tôm cá mắm muối bị nhà nước “quản lý” chặt chẽ. Mọi nẻo đường mọc lên những trạm kiểm soát gắt gao. Cafê và trà bị liệt vào hàng “quốc cấm”. Đi “buôn lậu” nếu qua trạm trót lọt thì một vốn bốn lời, nên ai nấy đổ xô đi buôn, nhiều nhất là các chị có chồng đi “học tập” như tôi, bất chấp vất vả gian khổ, nằm đường ngủ bụi, vốn liếng mất trắng như chơi. Đi buôn mà như đi đánh bạc, một ăn một thua và còn bị “người đời” khinh bỉ rẻ rúng gọi là “con buôn”.


Tôi không có vốn, cũng chẳng có ai thân thuộc ở Ban mê Thuột, nhưng bạn tôi thì khác. Bà con họ hàng cô ở đó rất đông, lần về mỗi người cho một ít nông sản cũng đủ một chuyến hàng đem về thành phố, không sợ “đứt” vốn khi bị bắt. Mùa thu hoạch cafê vào cuối năm. Liên xin cho tôi ở nhờ nhà dì và đi hái cafê tính công.


Mỗi ngày, từ rất sớm, cao nguyên mùa đông trời lạnh buốt. Tôi khoác thêm chiếc áo lính cũ, gọi là “đồ đi làm” dì cho mượn, co ro cùng với đám công nhân người sắc tộc ra vườn hái cafê. “Nghề” này tôi làm được, chỉ cần nhanh tay và khéo léo. Những cành cafê nặng triũ trái chín, tuốt rơi rào rào xuống tấm bạt trải rộng dưới gốc cây. Nhánh nào trên cao thì vin xuống nhẹ nhàng để không gãy cành, năm sau hoa còn trổ ra nơi đó. Làm một lúc người cũng ấm lên. Tôi hăng say chăm chỉ làm việc, để không bị “đuổi” như những lần trước.


Chiều về. Những buổi chiều mưa. Đất đỏ dính lên quần áo bê bết mỗi khi trợt chân té, đôi giày bố quệt đất dẻo quẹo cao nửa gang tay, mất thêm ít thời gian ngồi chặt đất như chặt … thịt gà, để sáng có đôi giày nhẹ đi làm sớm.


Về đến, tôi còn giặt một thau to “đồ đi làm” của những người trong nhà. Nước quay từ giếng sâu lên, cánh tay tôi gầy guộc khẳng khiu, cố sức giặt vắt những chiếc áo lính thấm nước và đất nặng triũ. Mưa rừng hiu hắt, cày sâu thêm nỗi buồn và nỗi nhọc nhằn cho người. Vừa mệt vừa lạnh, tôi đi ngủ luôn dù người đầy bụi bặm.


Ngày chủ nhật được nghỉ, tôi theo mấy người quen bò vào vườn của hợp tác xã nhặt cafê “cứt chồn”. Chim, chồn là loài hoang dã rất tinh khôn, chúng chỉ ăn những trái chin mọng rồi nhả hột ra, nên những hột cafê này vàng ươm, đều rặt, gíá cao gấp hai lần cafê thường. Đi mót thế này cũng như đi ăn trộm. Vừa cắm cúi nhặt, vừa giỏng tai lên cố nghe tiếng bước chân của du kích xã đi rảo gác trong vườn. Xui xẻo để bị tóm, vừa mất hết túi “cà” nhặt được, vừa bị “ăn” vài cú đấm cú đá, gặp người ác thì bị nhốt ở xã vài ngày. Nguy hiểm là thế, nhưng hột cafê “cứt chồn” luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ mọi người, vì chất lượng “ngoại hình” và cái giá cao của nó. Những khi rảnh rỗi, tôi có cách tiêu khiển thú vị, bốc một nắm “cứt chồn” ra ngồi nhìn, mê mẩn như người ta ngắm nghía chiếc nhẫn hột xoàn.

Mùa thu hoạch cafê rốt ráo trong vòng một tháng. Một tháng xa nhà, xa con. Tuy nhớ chúng vô cùng, nhưng hy vọng với số tiền công khiêm tốn, cùng với nắm cafê đi nhặt, tôi mua được it “hàng lậu” cố dấu diếm mang về được đến thành phố, là sẽ có số vốn nhỏ đi buôn như người ta, không phải ở làm công biền biệt tháng ngày.


Ngồi co ro bên bếp lửa, suy nghĩ miên man. Cám cảnh thân phận mình, thương nhớ mấy đứa con và mẹ. Tôi vừa ra bưu điện gởi tiền về. Vài hôm nữa nhận được, mẹ tôi sẽ vui mừng lắm, có thể mua chút thịt cho mấy đứa cháu ăn mừng ngày lễ. Giáng Sinh năm nay tôi không có ở nhà cùng các con đi Lễ đêm. Dù nghèo túng thiếu thốn, nhưng năm nào tôi cũng nấu nồi xôi đậu, sau khi Lễ về cả nhà quây quần ăn mừng Chúa sinh ra đời.


Nhớ đến con là tôi thấy an ủi phấn chấn vô cùng. Chúng là nguồn động lực mạnh mẽ, giúp tôi vượt qua mọi gian nan vất vả. Quỳ trong giáo đường trên cao nguyên vào đêm Giáng Sinh, tôi thầm nguyện cầu ơn trên ban cho tôi mạnh khoẻ, để có sức nuôi dưỡng đàn con trên đường đời muôn vàn khó khăn chồng chất.


Với số vốn ít ỏi tích góp được tôi bắt đầu đi buôn. Chuyến đi tôi mua ít quần áo cũ, tôm cá khô, ít vật dụng cho nhu cầu thiết yếu của đời sống, đem lên bán cho người sắc tộc. Chuyến về lại lận bọc vài ký cafê, chục ký gạo bắp, đậu mè các loại. Có chuyến qua trạm mất ít. Có chuyến mất nhiều. Có chuyến mất trắng. Nhưng mẹ và các con tôi cũng tạm no đủ trong đạm bạc.


Cũng từ đó, tôi luôn sống trong tâm trạng phập phồng hồi hộp. Mỗi lần tới trạm, mọi người trên xe phải xuống hết để thuế vụ khám xét. Tim tôi nhảy ngược lên trong lồng ngực, sự sợ hãi cộng với giá lạnh cao nguyên làm hai hàm răng tôi đánh vào nhau lập cập liên hồi không dừng. Những giây phút đó dường như vô tận, tôi nín thở theo dõi từng bàn tay chuyển động bới móc của thuế vụ trên mui xe. Kẹp chặt trong người cái giỏ có vài dúm cafê, cố lẩn tránh những con mắt cú vọ. Ngủ cũng mơ thấy bị rượt bắt, bị “tuôn” hàng, bị đưa đi “lao động”, bị nhốt vào “cô nét”. Tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi.


Vào những tháng hoa cafê nở, xe vừa qua khỏi đỉnh đèo đã thấy mùi hương ngào ngạt không gian, thơm nồng ngọt gắt. Hoa trắng nhỏ chi chit ôm cành dày đặc trong những rẫy Café bạt ngàn hứa hẹn bội thu, khiến lòng tôi dâng trào cảm xúc. Nhưng tôi không còn tâm trí nào để thưởng thức hương hoa nồng nàn quyến rũ, ngắm nhìn núi rừng hoang dã thâm u. Đầu óc còn mải suy nghĩ tìm ra phương cách dấu diếm cafê kín đáo hữu hiệu hơn, để không bị “đứt” vốn.


Tôi quá chán ngán cảnh đi buôn đầy gian nan bất trắc này, nên quyết định không đi nữa, lại loanh quanh ở Saìgòn kiếm việc khác làm.



Thời gian đi buôn, tôi quen Lan và kết bạn đi chung với nhau. Nhà Lan trước ở Sàigòn, sau “giải phóng” bị đi "kinh tế mới trên Ban Mê Thuột. Lan còn người cô ruột ở Thị Nghè, mỗi chuyến về, Lan hay đưa tôi đến nhà cô chơi. Cô của Lan là người trí thức, trước kia làm thông ngôn sở Mỹ, xã hôi mới này không thâu dụng cô. Gia đình sa sút, cô kiếm sống bằng nghề bán bánh mì dạo, tính cô rộng rãi phóng khoáng và thương người. Cô có chiếc xe đạp cà tàng, mỗi buổi sáng dậy sớm, qua lò lấy bánh rồi đạp vào trong xóm bán rong, vậy mà đủ cơm gạo cho một gia đình năm người. Cô cho tôi ở nhờ và chỉ cách đi bán.


Tôi không có xe đạp, đi bộ ngày hai buổi sớm tối bán rong trong xóm và còn phải đi những xóm xa hơn, tránh “địa bàn” quen của cô. Ngày đầu tiên cắp sọt bánh mì bên hông, trời tờ mờ sáng, mọi người còn đang say giấc trong nhà, tôi cất tiếng rao. Ai … Câu “ai…” vừa thoát ra khỏi cổ họng, bỗng nghẹn lại, tắt lịm. Tiếng rao nghe sượng sần, quái đản. Tôi cười sằng sặc một mình, may không ai thấy….


Tôi phải tập rao… trên sân khấu … ngoài đường, một mình diễn và một mình cười. Trời sáng trắng, tôi đi gõ cửa từng nhà mời mọc.


Khoảng bảy giờ chiều, tôi bắt đầu cho cữ tối. Ngày ấy, Thị Nghè còn là ngoại ô vắng với nhiều xóm nhỏ lầy lội bên dòng kênh. Những hôm nước dâng lên ngập nửa ống chân, tôi lội bì bõm trong bóng đêm, chỉ nhờ chút ánh sáng điện mờ mờ hắt ra từ trong nhà.


Vàì nhà trong xóm còn có cái mả ngoài sân. Thỉnh thoảng cơn gió đùa bụi tre nghiến kẽo kẹt. Tiếng sột soạt bên rào giậu. Con chồn chạy vụt qua. Đom đóm lập lòe như ma trơi. Những “hoạt cảnh” ấy khiến tôi sợ hãi rụng rời, mấy lần suýt đánh rơi sọt bánh mì xuống nước. Tiếng rao run run nghe càng kỳ quái, nhão nhoẹt hơn, nhưng mọi người trong xóm đã quen với thanh âm “đặc trưng” đó. Buổi tối bán được nhiều, vì chỉ có mình tôi lặn hụp nơi xóm nhỏ tối tăm lầy lội này.


Nhiều sáng thức dậy, đứng không vững trên đôi chân tê buốt nhức nhối của mình, bởi đi bộ mỗi ngày nhiều cây số và thường xuyên ngâm trong nước lạnh. Nhưng tôi nhủ lòng, phải cố gắng, phải vững bước bền bỉ, để các con tôi được lớn lên mà đi trên đường đời với đôi chân khoẻ mạnh.


Mỗi ngày chỉ bán có mấy tiếng buổi sáng và buổi tối, nhưng tôi phải ở đậu lại nhà cô của Lan. Một tuần về thăm con một lần, hôm nào đem về vài ổ bánh mì ế, nhìn các con ăn ngấu nghiến ngon lành, tôi ứa nước mắt! Bánh mì ế ngày nào cũng có, không nhiều thì ít… Tôi tự trách mình quay quắt vì quyết định về “quê” ngu xuẩn. Cứ bám lại Saigòn mà sống sẽ đỡ khổ hơn nhiều, không phải ăn nhờ ở đậu, không phải xa con, giao hết trách nhiệm cho mẹ. Mẹ tôi gìà yếu, trông coi chăm sóc ba đứa trẻ đang tuổi nghịch ngợm phá phách tung trời, thật là vất vả. Vậy mà mẹ vẫn còn tự trách mình chẳng giúp gì được cho tôi.Tôi xa nhà đâu phải để làm công việc trọng đại to tát gì cho cam, chỉ buôn gánh bán bưng thôi, những thứ ế ẩm còn lại bà cháu không được ăn no lòng, cho qua đi ngày tháng!


*  *  *


Còn vài ngày nữa là đến Noel, phố phường nhộn nhịp, mọi người tất tả mua sắm. Trong sân nhà thờ Thị Nghè hang đá đã làm xong, Chúa Hài đồng nằm hồn nhiên trong máng cỏ, giữa ba vua và mục đồng vây quanh. Đèn sao giăng mắc từ trên nóc nhà thờ tỏa xuống. Không khí ngày lễ xôn xao rộn ràng.


Năm nay tôi lại không được ở nhà cùng gia đình mừng Lễ, dù chỉ cách 20 cây số. Đêm Noel tôi vẫn đi bán. Tôi độ rằng hôm đó sẽ bán được nhiều hơn ngày thường gấp bội.


Từ khi “giải phóng” đến nay từ Sài Gòn về “kinh tế mới”, tôi chưa bao giờ cho con lên lại thành đô dù là ngày lễ Tết, để chúng được vui chơi thỏa thích trước sự nhộn nhịp của phố phường hoa lệ. Dù nơi tôi đang ở là xóm đạo, cũng có đèn ngôi sao giăng mắc rực rỡ, cũng không khí tưng bừng rộn ràng của ngày lễ, nhưng làm sao so sánh được với sự tráng lệ, nhộn nhịp nơi thành phố phồn hoa. Nhìn những đứa trẻ hớn hở, tung tăng bên cha mẹ, tôi chạnh lòng thương con quay quắt, bèn nảy ra ý định đưa các con lên đây, sau khi bán hết sẽ dẫn chúng đi lễ, đi chơi, để chúng được hưởng một đêm Noel vui vẻ.


Mẹ tôi quen sống với những đứa cháu, không thể xa chúng dù chỉ một ngày, dù đôi khi chúng làm bà giận đến phát điên. Có dịp cháu được đi chơi thành phố với mẹ, bà đâu nỡ không cho đi, nhưng phải để một đứa ở nhà với bà cho đỡ buồn. Đứa nào sẽ ‘’hy sinh’’ ở nhà đây?


Mẹ tôi hiếm hoi, muộn mằn mới có tôi. Ngày tôi sinh thằng con đầu lòng, bà mừng đến nỗi đôi chân bủn rủn khụy xuống đất, khi nhìn thấy mẹ con tôi vuông tròn, đang được đẩy ra từ phòng sanh. Một tay bà chăm sóc ẵm bồng từ thuở lọt lòng. Vì thế, bà cưng yêu chiều chuộng nó nhất nhà, không bao giờ từ chối nó điều gì. Thằng con út lại là đứa tôi xót xa nhất. Khi “giải phóng“ nó mới vừa hơn một tuổi, chiụ cảnh thiếu thốn triền miên. Vả lại, nó là út, hay mè nheo nhõng nhẽo, có dịp này nó đâu thể không đi. Cuối cùng con gái phải ở nhà, nó luôn là đưa chịu thiệt thòi, vì biết thương và nhường nhịn anh, em.


Nhà tôi chỉ có một cái giường, tôi ngủ dưới đất để ba đứa con ngủ trên giường với ngoại. Giường chật, bốn bà cháu thì chỉ ba người có thể nằm xuôi bên trên, một phải nằm ngang dưới chân. Mẹ tôi "lên lịch" phân chia chỗ nằm mỗi đêm. Hai đứa nằm hai bên với ngoại, một đứa nằm dưới, hôm sau đổi đứa khác lên, nhưng hai thằng con trai không thèm chấp hành theo “luật”. Rốt cuộc đêm nào con gái cũng phải nằm dưới chân, đêm nào bà ngoại cũng dỗ dành rồi hứa đêm mai, nhưng không bao giờ thực hiện được lời hứa đó. Mỗi lần mấy bà cháu nằm trên thả … bom hơi, nó nằm dưới chân hít thở ‘’khí độc’’ đến chóng mặt. Tội nghiệp con gái tôi.


Hai thằng hân hoan hớn hở theo lên Sagòn. Tôi định bụng bán xong sẽ dẫn con ra nhà thờ Đức Bà đi Lễ, để con tận hưởng một đêm Noel vui vẻ tuyệt vời nơi Vương Cung Thánh Đường.


Cho mỗi đứa một ổ bánh mì vừa đi vừa gặm, tôi dẫn con loanh quanh trong xóm nhỏ lầy lội cố hữu. Một tay cắp sọt bánh mì, một tay dắt thằng con nhỏ mới ba tuổi, sợ nó vấp té vì đường gập ghềnh tối tăm, ba mẹ con đi hết xóm này sang xóm khác. Đêm dần khuya, hai đứa trẻ mệt nhoài, những gót chân nhỏ bước thấp bước cao loạng choạng, sọt bánh mì vẫn còn nhiều …. Lúc đầu tụi nhỏ hăm hở háo hức bao nhiêu thì bây giờ ỉu xiù, thiểu não như hai con mèo ướt.


Không may, tôi đã đã tính sai. Ngày lễ người ta không ở nhà để mua bánh mì nhiều như tôi tưởng. Họ đổ xô đi chơi, vui vẻ ăn uống nơi nhà hàng, quán xá. Ai ăn mừng lễ ở nhà thì đã chuẩn bị đầy đủ, không phải mua thêm gì nữa.


Tôi không thực hiện được dự định của mình, không còn sức để ba mẹ con lội bộ ra nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Thị Nghè đã xong Lễ từ sớm!


Trải miếng nylon trên lề cầu dành cho người đi bộ, để hai đứa con nằm. Hai tay tôi luôn phe phẩy, xoa xuýt xua đuổi bầy muỗi đói bu lại trên mình con. Chúng tôi như những kẻ hành khất lang thang, buồn bã trong Đêm Đông Chúa Sinh Ra Đời nhìn dòng người qua lại đã thưa thớt.


Tưởng rằng cho con đi chơi, cho con hưởng một đêm Noel vui vẻ hạnh phúc, ai ngờ đem con đi đày. Mai sau trong ký ức con tôi có còn nhớ đêm Noel này? Nhất là với thằng bé ba tuổi. Riêng tôi, tôi nhớ đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cả khi đã ở thế giới bên kia.

 

 

Hoàng Thị Thanh Nga
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 27/Dec/2023 lúc 8:40am
CÓ NHỮNG KIỆT TÁC KHÔNG HẠ GIÁ,
ĐÓ LÀ “TẤM LÒNG”
Amazing%20|%20Красивые%20розы,%20Природа,%20Розы

Thời buổi này còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử… v.v… hạ giá!
TÔI CẦM MẢNH BẰNG ĐẠI HỌC, CẠY CỤC MÃI CHƯA TÌM RA VIỆC LÀM, CŨNG NHÀO RA VỈA HÈ BÁN SÁCH ĐẠI HẠ GIÁ.
TỪ VICTOR HUGO, LEON TOLSTOY, TAGORE, DOSTOEVSKY… ĐẾN KHÁI HƯNG, NGÔ TẤT TỐ, VŨ TRỌNG PHỤNG…. CẢ THẢY ĐỀU BỊ “HẠ” NẰM LA LIỆT.
LẮM LÚC NGỒI CHỒM HỔM NHÌN XUỐNG CÁC TÊN TUỔI TỪNG “VANG BÓNG MỘT THỜI”, TÔI THẦM HỎI:
– NÊN CƯỜI HAY NÊN KHÓC, THƯA CHƯ LIỆT VỊ?
CÁCH ĐÂY ÍT LÂU, MỘT ÔNG LÃO HÌNH DÁNG TIỀU TỤY MANG ĐẾN BÁN HAI PHO SÁCH DÀY :
1 – MỘT CUỐN LÀ “HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN” CỦA ĐÀO DUY ANH DO KHAI TRÍ TÁI BẢN.
2 – CUỐN KIA LÀ “PETIT LAROUSSE ILLUSTRÉ” IN TẠI PARIS NĂM 1973.
SÁCH CÒN TINH TƯƠM LẮM, HẲN CHỦ NHÂN ĐÃ XÀI RẤT KỸ. THẤY GIÁ RẺ, TÔI MUA. LOẠI ẤN BẢN NÀY ĐÂY, GẶP LOẠI KHÁCH BIÊN BIẾT, BÁN CŨNG ĐƯỢC LỜI!
NGOÀI BÌA VÀ MỘT SỐ TRANG RUỘT CỦA MỖI CUỐN, ĐỀU CÓ ẤN DẤU SON HÌNH ELLIPSE: “BIBLIOTHÈQUE – ĐÔ BI – PROFESSEUR”.
À, TÉ RA ÔNG LÃO VỐN TỪNG LÀ GIÁO CHỨC. THẢO NÀO!
CẤT TIỀN VÀO VÍ RỒI MÀ ÔNG CỨ DÙNG DẰNG NUỐI TIẾC, NGOẢNH LẠI NHÌN NHỮNG TÀI LIỆU – TÀI SẢN PHẢI ĐỨT RUỘT BÁN ĐI. NGOÁI MÃI MẤY LẦN RỒI ÔNG MỚI DẮT CHIẾC XE ĐẠP CÀ TÀNG ĐẠP VỀ.
MẮT ÔNG ĐỎ HOE.
LÒNG TÔI CHỢT SE LẠI!
CHIỀU 25 TẾT.
NGỒI CẠNH CÁC DANH TÁC, TÔI VẪN LIM DIM, THẤP THỎM, CHỒM HỔM RA ĐẤY.
QUA ĐƯỜNG KHÔNG AI THẤY LÁ VÀNG RƠI TRÊN GIẤY. SÀI GÒN CHẢ CÓ MƯA BỤI CHO ĐỦ KHỔ THƠ VŨ ĐÌNH LIÊN. NHƯNG BỤI ĐƯỜNG THÌ THA HỒ, ĐỦ KHỔ THỨ DÂN LÊ LẾT VỆ ĐƯỜNG NHƯ TÔI.
– ANH MUA BÁNH BÒ, BÁNH TIÊU?
MỘT CHỊ HÀNG RONG ĐẾN MỜI. TÔI LẮC ĐẦU.
BỖNG CHỊ SỮNG NGƯỜI CHĂM CHÚ NHÌN VÀO HAI BỘ TỪ ĐIỂN. CHỊ NGỒI THỤP XUỐNG, ĐẶT SỀ BÁNH BÊN CẠNH, CẦM HẾT CUỐN NÀY ĐẾN CUỐN KIA LẬT LẬT. RỒI CHỊ HỎI GIÁ CẢ HAI.
NGẦN NGỪ LÚC LÂU, CHỊ NÓI:
– ANH CÓ BÁN…. TRẢ GÓP KHÔNG?
– TRỜI ĐẤT ƠI! NGƯỜI TA BÁN TRẢ GÓP ĐỦ THỨ, CHỨ SÁCH VỞ, SÁCH ĐẠI HẠ GIÁ AI ĐỜI BÁN TRẢ GÓP? VẢ LẠI, TÔI NÀO BIẾT CHỊ LÀ AI? Ở ĐÂU?
– TÔI CẦN MUA CẢ HAI – CHỊ NÓI TIẾP – XIN ANH GIỮ LẠI, ĐỪNG BÁN CHO NGƯỜI KHÁC! KHI NÀO GÓP ĐỦ, TÔI SẼ LẤY TRỌN. ANH THÔNG CẢM, LÀM ƠN GIÚP TÔI!
THẤY LẠ, TÔI HỎI CHUYỆN MỚI VỠ LẼ. ĐÔ BI CHÍNH LÀ THẦY CŨ CỦA CHỊ HÀNG RONG.
CHỊ TÁM (TÊN CHỊ) BẤT NGỜ THẤY CÓ DẤU SON QUEN, HIỂU RA HOÀN CẢNH CỦA THẦY, BÈN NẢY Ý CHUỘC LẠI CHO NGƯỜI MÌNH TỪNG THỌ ƠN GIÁO DỤC.
SONG, BÁN BÁNH BÒ BÁNH TIÊU NÀO ĐƯỢC BAO NHIÊU, LẠI CÒN NUÔI CON NHỎ, KHÔNG ĐỦ TIỀN MUA MỘT LẦN, NÊN CHỊ XIN TRẢ GÓP.
TÔI CẢM ĐỘNG QUÁ, TRAO NGAY HAI BỘ TỪ ĐIỂN CHO CHỊ TÁM:
– CHỊ HÃY CẦM LẤY, KỊP LÀM QUÀ TẾT CHO THẦY. TÔI CŨNG XIN LẠI ĐÚNG SỐ VỐN MÀ THÔI CHỊ À!
– NHƯNG…
– ĐỪNG NGẠI, CHỊ TRẢ GÓP DẦN SAU NÀY CŨNG ĐƯỢC!
CHỊ LẤY LÀM MỪNG RỠ, CUỐNG QUÍT TRẢ TÔI MỘT ÍT TIỀN:
– CHAO ÔI, QUÝ HÓA QUÁ! CẢM ƠN…. CẢM ƠN…. ANH NHÁ!
HÔM SAU QUAY LẠI, CHỊ TÁM TRẢ GÓP TIẾP. CHỊ KỂ:
– THẦY BI THẢM LẮM… GẦN TẾT, CÔ LẠI NGÃ BỆNH…THẦY NHẬN SÁCH, MỪNG MỪNG TỦI TỦI TỘI GHÊ, ANH À!… THẦY CŨ TRÒ XƯA KHÓC, KHÓC MÃI!
TÔI VỤT MUỐN NHẢY CỠN LÊN VÀ THÉT TO:
– “HỠI ÔNG VICTOR, ÔNG LEV, ÔNG DOSTOIEVSKI…. ƠI! ÔNG KHÁI, ÔNG VŨ, ÔNG NGÔ… ƠI! CÓ NHỮNG THỨ KHÔNG BAO GIỜ HẠ GIÁ ĐƯỢC!
CÓ NHỮNG NGƯỜI BÌNH THƯỜNG, VÔ DANH TIỂU TỐT, NHƯNG CÓ NHỮNG KIỆT TÁC KHÔNG HẠ GIÁ NỔI, ĐÓ LÀ ‘TẤM LÒNG’ ”.
NGƯỜI VIẾT DẤU TÊN.
THÂN MẾN
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Dec/2023 lúc 11:48am

Miếng Da Gà


Khi chị quyết định ly hôn, tất cả mọi người đều sốc. Mẹ chồng chị đi khắp nơi nói rằng, chị bỏ chồng chỉ vì một miếng da gà, rằng chị không thương các con, chị ích kỷ, rằng thế hệ trẻ bây giờ không biết hy sinh... Chị trộm nghĩ, nếu như có ai đó hỏi chồng chị vì sao anh chị bỏ nhau, có lẽ anh cũng sẽ trả lời: Vì miếng da gà.

Chị không phải một tiểu thư con nhà quyền quý, nhưng từ nhỏ, vì chị hay ốm yếu, kén ăn, nên cả nhà đều chiều chuộng. Cho đến lúc lấy chồng, chị vẫn không ăn nổi một miếng thịt mỡ, và cứ gia cầm là chị phải bỏ da.

Lấy chồng, do chồng là độc đinh nên chị cũng đồng ý sống cùng bố mẹ chồng. Chị nghĩ cứ sống biết điều, biết quan tâm, chia sẻ thì dù mẹ chồng khó tính đến mấy rồi cũng sẽ hòa hợp được thôi.


Bữa cơm đầu tiên khi chị về làm dâu, chị không phải nấu, nhưng lại có món gà luộc. Chị cũng vô tư ngồi xuống ăn. Mẹ chồng chị gắp cho chị miếng thịt gà, theo thói quen, chị bóc da bỏ đi, bà chép miệng thở dài. Bà bảo là phụ nữ phải biết tiết kiệm, vun vén cho gia đình, không thể hoang phí như thời còn con gái. Ban đầu chị không hiểu ý, nhưng đến khi chị bỏ miếng da thứ hai đi thì bà bảo, con không ăn được da thì đưa mẹ ăn, bỏ đi như thế phải tội. Mẹ chồng nói thế làm sao chị dám bỏ da vào bát của bà, đành nhắm mắt, nhắm mũi ăn. Chồng chị ngồi cạnh cũng không nói gì.

Lần sau nhà làm ngan, chị không ăn được da, nhưng biết ý chị bỏ ra sang bát chồng. Mẹ chồng cuống quýt nói: 

- Thằng T. mỡ máu cao, bác sĩ bảo hạn chế ăn da, con không ăn được da, cứ đưa cho mẹ, trước bố mày bỏ da, tao cũng toàn ăn, đến thằng T. không ăn da tao cũng ăn, đàn bà mà không biết hy sinh cho chồng, cho con thì gọi gì là đàn bà. 


Chồng chị vẫn im lặng, điềm nhiên gắp miếng thịt thật nạc nhồm nhoàm nhai. Chị không giận mẹ chồng chị, chị chỉ thấy thất vọng vì thái độ của chồng. Không một lần nào, anh nghĩ cho chị, dường như bao nhiêu năm anh đã quen với sự hy sinh của mẹ, và bây giờ anh nghĩ vợ anh cũng phải như vậy.

Chị làm giáo viên, công việc không quá vất vả nhưng không hề nhàn hạ. Vì về đến nhà chị vẫn phải làm việc, chị phải soạn giáo án, chấm bài, rồi dạy thêm nữa. Khi làm dâu, chị không thể để kệ mẹ chồng làm hết việc nhà, nhưng tệ nhất là mẹ chồng chị đã quen với việc chồng chị đi làm về là không phải làm gì cả. Bà đã quen với việc dù bận đến mấy phụ nữ cũng phải làm tất cả mọi việc. Nên có những ngày đi làm về, chị mệt nhoài vẫn phải vào bếp phụ mẹ chồng nấu cơm, đợi chồng và bố chồng ăn xong thì dọn dẹp, rồi lên gập quần áo, lau nhà, mãi hơn 9 giờ tối chị mới được tắm.

Mọi chuyện vẫn còn tương đối dễ chịu khi vợ chồng chị chưa có con. Khi có con rồi, niềm vui làm mẹ chưa trọn vẹn, chị đã ứa nước mắt khi vừa sinh mấy ngày, sữa vừa về ngực căng tức, mẹ chồng bảo chị đêm không được gọi chồng dậy pha sữa, trông con, vì sáng nó còn đi làm, mình ở nhà cả ngày, chịu khó thức đêm, cần gì thì gọi mẹ. Cứ thế chị lủi thủi một mình, vừa dỗ con, thay bỉm cho con, pha sữa cho con... Trộm vía con chị rất ngoan, ít quấy khóc.


Đến bữa cơm, chị xuống ăn cùng cả nhà để mẹ chồng không phải mang cơm lên phòng, chị lại ứa nước mắt thêm lần nữa khi bữa cơm rất nhiều món nhưng đều là những món mà chồng chị thích, chị là gái đẻ chỉ có một bát thịt nạc, một đĩa rau muống luộc, và nước luộc rau. Mẹ chị gọi chị suốt, hỏi thèm ăn gì để mẹ nấu mang sang. Mẹ chị hầm gà, hầm chim, ngày nào cũng mang sang, tiện thể mang quần áo của con gái và cháu về giặt. Cũng vì việc này mà mẹ chồng mắng chị không biết thương bà ngoại, để bà mang đồ về giặt, không biết đường tự mang lên sân giặt rồi phơi. Chồng chị vẫn im lặng, anh còn bận chơi điện tử.

Làm dâu, chị thấy thương mẹ hơn. Mẹ làm dâu mấy chục năm, bao nhiêu lần chị thấy mẹ nén nước mắt. Lấy chồng rồi, ngồi vò quần áo cho bố mẹ chồng, chị mới nhớ ra chị chưa từng giặt quần áo cho bố mẹ chị, chưa từng nấu được cho mẹ bát cháo, chưa từng bóp lưng cho mẹ.

Chị làm giáo viên, nên có việc gì không bằng lòng, chị chọn cách im lặng. Chị không thể cãi bà vì chị sợ mang tiếng là láo. Thâm tâm chị chỉ ước chồng chị bênh chị một lần, đứng ra bảo vệ chị một lần. Nhưng anh chỉ nói với chị: 

- Mẹ ngày trước khổ như thế nào chẳng kêu, sao em cứ kêu ca suốt thế!

Và trước bất kỳ sự bất công nào đến với chị, anh đều chọn cách im lặng. Cứ như thế thời gian trôi đi, cùng với sự ra đời của hai đứa trẻ là tình yêu chị dành cho anh cứ cạn dần. Đôi lúc chị không hiểu chị duy trì cuộc hôn nhân này là vì điều gì nữa? Nhờ sống với anh, với gia đình anh, mà dần dần chị bắt đầu ăn thịt mỡ, ăn da, thậm chí là cả đầu gà, đầu cá, thứ trước đây chị không đụng đũa bao giờ. Khi chị về nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ chị kinh ngạc khi thấy con thay đổi quá nhiều. Bố mẹ chị cứ nói đùa là chồng chị giỏi, thay đổi được nhiều thói quen mà bố mẹ bao nhiêu năm không lay chuyển được. Chồng chị cười còn chị chỉ thấy xót xa trong lòng.


Tháng trước, thấy tóc bạc nhiều bất thường, chị đã định đi khám nhưng tiếc tiền lại thôi. Đúng đợt cơ quan chị tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chị mới biết mỡ máu chị cao khác thường, chức năng gan, thận đều không tốt, có nguy cơ bị GOUT. Bác sĩ chỉ định chị phải đi khám lại và lên một chế độ dinh dưỡng khoa học.

Khi về nhà, nhìn mặt chị buồn anh cũng chẳng hỏi han, ngồi xì xụp ăn mỳ do mẹ anh nấu. Mẹ chồng than vãn: 

- Mày về muộn, thằng T. chờ mãi, hôm nay mẹ mệt không cơm nước gì được, đành nấu cho bố con nó bát mỳ, còn ít thịt gà trong bát, mày lấy mà nấu. 

Chị hỏi: 

- Cả nhà ăn cả rồi ạ, hai đứa ăn gì ạ?

- Nấu mỳ ăn cả rồi! Ăn mỳ một bữa cũng được, sau làm gì thì làm, thu xếp về sớm sớm, không phải lúc nào tôi cũng làm osin cho nhà anh chị được! – Bà nói dỗi.

Như mọi khi, chị không nói gì, vào bếp với lấy gói mỳ, đun nước định nấu nhưng khi ngó vào bát thịt gà mọi người để lại, chỉ toàn da, chân, đầu với cánh, chị nghẹn không tài nào ăn được. Chị tắt bếp lên gác nằm. Đêm ấy chị không ngủ được. Chị nhận ra chị chẳng hề có vai trò đáng kể nào trong gia đình. Với các con chị, những gì chị làm đều là điều đương nhiên. Chị thường nghe bà nội nói với các con những câu đại loại như: “Nói khẽ thôi,để bố ngủ bố còn đi làm, bố đi làm mới có tiền nuôi các con chứ”; “Hai đứa ăn gì ngon phải phần bố, bố đi làm vất vả”...Trong những câu đó không bao giờ có chị.

Chị nghe quen rồi, cũng chẳng thấy chạnh lòng. Chị là giáo viên dạy văn cấp 2, chị nghĩ về những bài văn chị hướng dẫn học trò về thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Bây giờ chế độ phong kiến qua rồi, mà sao chị thấy thân phận người phụ nữ vẫn nhỏ nhoi, chẳng khác gì con sâu, con kiến...

Chị có cô con gái, năm nay 7 tuổi, nhưng chị đã nghe thấy mẹ chồng chị dạy con bé phải nhường em, vì em là con trai, con là con gái con phải biết hy sinh, trong bữa ăn, miếng ngon nhất bao giờ bà cũng bảo để phần ông, phần bố, phần em trai, mình là con gái ăn ít đi chút không sao... Bỗng nhiên chị thấy rùng mình...

Hôm sau chị cầm tờ giấy khám sức khỏe đưa cho anh, anh xuống bảo mẹ là giờ hạn chế dầu mỡ thôi, đừng ăn nhiều đồ xào rán, mẹ nó (ám chỉ chị) đi khám mỡ máu cao, phải ăn kiêng. Mẹ chồng chị bĩu môi: 

- Bao nhiêu năm ăn có sao đâu, không khám không sao, khám lại nhanh chết!

Chồng chị quay sang bảo chị: 

- Có khi bác sĩ cứ làm quá lên để ăn tiền, rồi bảo em mua thuốc nọ thuốc kia, chứ cả nhà đều ăn thế, có sao đâu?

Chị không nhịn được nữa, gào lên: 

- Cả nhà ăn thế cái gì, bao nhiêu năm cái gì ngon nhất là đàn ông ăn, một miếng da anh có bao giờ phải ăn? Mà anh nói cả nhà? Anh đã bao giờ phải ăn đồ thừa, đồ cũ bữa nào? Cam em mua về, bà bảo phải để dành vắt cho anh, cho ông nội, cho các con, phụ nữ chẳng cần cầu kỳ. Thế em không đi làm à? Em không vất vả à? Hay là đàn bà thì không phải con người?


Mẹ chồng chị lần đầu tiên thấy chị như vậy, bà dỗi bảo chị láo. Chồng chị thiếu chút nữa vung tay lên cho chị một cái bạt tai, may mà phút cuối anh kiềm chế được. Anh bỏ đi làm. Tối về, bà nội dỗi không ăn cơm, anh bảo chị phải xin lỗi bà. Chị nói chị không làm gì sai, không có gì phải xin lỗi. Bà khổ, chị biết, nhưng không thể bắt chị và con gái chị cũng khổ giống như bà. Quan điểm của bà, chị không đồng tình, sự vô tâm của anh không phải điều chị chờ đợi trong cuộc hôn nhân này. Nếu anh cảm thấy chị quá đáng, có thể viết đơn ly hôn, chị ký. Lần đầu tiên anh thấy chị thách thức anh, chẳng chần chừ anh viết đơn luôn và nói: 

- Nếu cô không xin lỗi mẹ tôi, thì tôi với cô chẳng còn gì để nói.

Nước mắt chị chảy dài, chị cầm lá đơn ký ngay không suy nghĩ, rồi ngay lập tức chị thu dọn quần áo về nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ thấy chị trở về, tiều tụy, hốc hác, tóc bạc đến một phần ba, ông bà hiểu rằng, chị đã trải qua rất nhiều trăn trở, mới quyết tâm kéo vali về nhà, bất chấp điều tiếng. 

Chị thấy chị vẫn còn may mắn lắm khi vẫn còn nơi để trở về. Mẹ chồng chị, chị biết, bà sẽ không bao giờ cho phép con trai hạ mình xin lỗi vợ, càng không bao giờ gọi điện cho chị, khuyên nhủ, dù bà luôn nói thương chị hơn cả con gái, bởi vì bà từng bảo, đã đi thì đừng về, phải giữ cái thế nhà chồng, để nhà gái không coi thường được, chết cũng không cho con trai xin lỗi vợ. Anh cũng gật gù thấy đúng. Nên bao nhiêu năm làm vợ chồng, chưa một lần anh xin lỗi chị, có chuyện gì anh chỉ lân la bắt chuyện làm lành, đối với anh thế đã là tốt lắm rồi. Anh kể từ nhỏ mỗi lần mẹ mắng, anh lại dỗi bỏ ăn cơm. Bà sợ anh gầy, ốm yếu lại dỗ dành, xin lỗi. Giờ lấy vợ rồi, cãi nhau với chị, anh vẫn giữ thói quen bỏ ăn cơm, hoặc đi nhậu thật khuya mới về. Mẹ anh lo cho sức khỏe con trai, lần nào cũng giục bắt chị gọi điện cho anh về, rồi bảo phải nhịn chồng, xin lỗi chồng, chồng mình chứ ai mà so đo hơn thiệt.

Hỏi rằng, chị có buồn không? Có cô đơn không? Có chứ. Chị có thương các con không? Có chứ. Chị cũng muốn cho các con có được một gia đình đầy đủ, ấm áp. Trong gia đình ấy luôn đầy ắp, tiếng cười, sự quan tâm, mỗi một thành viên đều quan trọng. Nhưng chị không làm được. Chị hiểu rằng nếu chị cứ thỏa hiệp, chị sẽ trở thành một bà mẹ chồng y như mẹ chồng chị sau này. Đến giờ bà vẫn lặng lẽ khóc mỗi khi ông quát nạt bà trước mặt các con, hoặc ông giận dỗi bà, bỏ đi chơi qua đêm từ ngày ông bà còn trẻ, để mặc bà với con nhỏ ốm sốt. Anh thường kể với chị sự chịu đựng vĩ đại của bà và nói rằng: “Chị sướng hơn bà nhiều lắm, vì ít ra anh không tệ như thế!”

Chị quyết định ly hôn. Mặc kệ mọi người bảo chị cố chấp, bảo chị ích kỷ, mặc kệ mẹ chồng đi rêu rao khắp nơi chị đòi bỏ chồng chỉ vì miếng da gà.

Chị thì chị nghĩ cũng nhờ miếng da gà mà chị biết vị trí của mình ở đâu trong gia đình. Cũng nhờ miếng da gà mà chị hiểu chị cần sống khác đi, cần yêu thương bản thân mình trước nhất. Để ít ra sau này con gái chị, sẽ không vì một miếng da gà mà phải chịu đựng, chôn vùi tuổi thanh xuân, chỉ duy nhất diễn ra một lần…

 

GIANG ĐINH
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Jan/2024 lúc 12:12pm

Con Dao Xếp Trong Ngày Tết Tây


Chiều cuối năm năm ấy…

Ngoài trời mưa bay lất phất. Như cuộc tẩy trần cho sạch sẽ những gì còn sót lại của năm qua, hầu đón chào một Tân Niên tinh khôi. Những người khách sau cùng đã chào chúng tôi, về nhà chuẩn bị tiệc "CountDown" năm mới. Tôi ra mở cửa sau để hưởng chút không khí lạnh dìu dịu từ bên ngoài. Bỗng một cô thợ gọi:
- Chị ơi! "Bà già gân" tới kìa! Chị đã chuẩn bị mẫu mới cho bà ấy chưa?
Cô không nói tôi cũng biết, Laura bà khách già người Đức đang tới, vì tiếng nổ ầm ầm quen thuộc từ chiếc truck GMC bự chảng của bà nghe như rung rinh cả tòa nhà. Khổ rồi. Tôi than thầm. Mỗi lần bà Laura tới là tôi phải tốn ít nhất hơn một giờ đồng hồ cho bà, thay vì nửa tiếng như những khách hàng khác. Đã vậy, bà không bao giờ làm hẹn, mà chỉ ghé lại bất cứ khi nào bà rảnh. Nếu tôi bận thì bà chạy đi, lát sau trở lại.
Tôi ra đón cái thùng dụng cụ trên tay bà Laura. Bà tự mang theo đồ nghề vì không muốn dùng đồ của shop, sợ lây bệnh. Bà vừa mừng sinh nhật thứ tám mươi tư, nhưng nhìn bà người ta tưởng chừng bảy chục. Da bà không trắng lắm. Người cao ráo gọn gàng. Ăn mặc phù hợp "tông-xuyệc-tông" từ quần áo đến nữ trang. Bà luôn trang điểm kỹ, mày cong vòng nguyệt, mắt xanh, má hồng, môi đỏ thắm. Và mái tóc nâu luôn được chải sấy kiểu cách. Bà khỏe nhiều so với độ tuổi vì nhờ biết ăn uống cẩn thận, và dù bận cỡ nào, bà cũng cố gắng đi Gym tập thể dục. Bà lái xe rất cừ khôi, mà toàn là xe tải hạng nặng.
Lần đầu tiên đến, bà chạy chiếc GMC to kềnh và đậu phát một vào chỗ trống giữa hai chiếc xe trước cửa. Cả tiệm chúng tôi phục lăn, trầm trồ bà dám lái chiếc truck to mà còn đậu đẹp nữa. Bà cười: -Đó chỉ là chiếc…xe đạp của tôi! Tôi còn lái xe tải chở hàng thật dài kìa! Sau này chúng tôi biết, bà có rất nhiều xe tải vì làm chủ một cơ sở lớn, chuyên bán dụng cụ bảo vệ sức khỏe (health therapy equipment) như giường rung, nệm nước, ghế xoa bóp, máy đấm lưng, mền điện, và nhiều dụng cụ khác. Bà luôn lái xe tải dẫn đường để các tài xế công nhân chở hàng chạy theo bà tham dự hội chợ "State Fair" khắp nơi trong tiểu bang, và giao hàng tận bên Nam Cali hoặc Lake Tahoe, Reno.
Chẳng những bà Laura mạnh mẽ, lái xe tải chạy ầm ầm, mà bà còn biết bắn súng. Khi ra ngoài, bà thường bỏ trong xe khẩu súng nhỏ để đề phòng cướp. Lần nọ bà ghé shop mặt còn vương nét hoảng sợ, nhưng lại cười rất thích thú. Bà nói vừa đến tòa án để lo một số giấy tờ. Trên đường đi, bà có chở dùm ông khách hàng một đoạn vì xe ông hư. Ông ta từng là bạn học bắn súng với bà, nên hai người lấy súng ra khoe với nhau. Không biết bằng cách nào ông nọ đã cầm nhầm súng của bà, và khẩu súng của ông ta thì lại chui vào nằm trong túi xách bà ấy.


Thế mà khi bà vào cửa, máy rà an ninh của tòa án không phát hiện khẩu súng mới lạ. Bà nói trong tiếng cười sảng khoái. -Vô trong ngồi, tôi mở xách lấy cây son môi thì thấy khẩu súng nên hết hồn vội vã đứng lên đi ra. Bà nói "hết hồn" nhưng mặt vẫn tỉnh bơ: -Nếu họ thấy khẩu súng thì tôi…tiêu tùng. Vì chẳng những phạm tội mang vũ khí vào nơi công quyền, mà tệ hơn nữa, khẩu súng đó không có giấy tờ vì nó là của người khác. Có lẽ mấy chiếc lượt, cái máy sấy tí hon, và số phấn son trong xách đã che chắn cho khẩu súng của bà. Quả là cái tính "xí xọn" lúc nào cũng mang theo đồ làm đẹp đã cứu bà thoát được một "kiếp nạn" ngồi tù rất hy hữu. Do đó mà chúng tôi gọi bà là "Bà Già Gân."
Bà Laura rất khó tính, nhưng lại tốt bụng và thương người. Một lần cận Tết Âm Lịch, bà đến gặp lúc tôi đang ngồi ghi cái list gửi tiền về Việt Nam. Tôi kêu bà chờ để tôi hoàn tất danh sách gửi tiền giúp mấy người già yếu bạn của mẹ tôi ở quê ngày xưa. Tôi tiện miệng kể, dù mẹ tôi không còn nhưng thuở sinh tiền bà rất thương những bạn già trước 1975 từng có ruộng đất cò bay thẳng cánh, sau này không đủ cơm ăn áo mặc, cho nên năm nào chúng tôi cũng gửi giúp chút đỉnh để họ ăn Tết. Tôi chỉ nói để bà khỏi giận vì phải chờ. Không ngờ nghe xong bà đứng dậy ra xe lấy vào một tờ trăm đưa cho tôi và nói bà cũng muốn giúp họ.
Người nhà bên Việt Nam nhận được tiền của tôi và của bà Laura, đem đổi cả ra tiền Việt, bỏ vào phong bì mang về làng cũ tặng những người già nghèo khổ ốm đau, và chụp hình gửi qua. Bà Laura rất xúc động khi nhìn hình ảnh những ông bà già hom hem áo quần rách rưới nhưng cười móm mém trong hạnh phúc khi cầm lấy bao thư. Từ đó về sau, đến Tết tôi chưa kịp nói bà đã hỏi chừng nào thì gửi tiền Tết cho mấy người già.
Dù là người gan dạ, nhưng có lẽ sống một mình bà Laura cũng rất cô đơn. Bà thường trao đổi tâm sự với tôi. Độc đáo và ly kỳ nhất là câu chuyện vượt thoát kinh hoàng khỏi nước Đức của bà. Nghe chuyện, tôi mới biết bà là một trong những nhân chứng sống từ thời Đệ Nhị Thế Chiến còn lại đến bây giờ. Chuyến đi của bà cũng thật dễ sợ, hiểm nguy không kém những chuyến vượt biên của người Việt tị nạn. Sự giết người man rợ của lính Đức Quốc Xã thời Hitler làm cho chính người dân của họ cũng phải bỏ chạy.
Năm 1944, thời điểm quân Hitler sắp thua, Laura mới hơn 15 tuổi. Bà được cha dắt trốn đi tị nạn. Nhưng giữa đường hai cha con bị bọn lính Đức Quốc Xã bắt lại. Để bảo vệ cô con gái nhỏ, người cha dặn dò bà cách tìm đường đến trại tị nạn rồi ông bỏ chạy qua hướng khác để cho bọn lính rượt theo. Họ bắt ông lại và bắn chết trước mắt cô con gái đang run rẩy núp trong bụi rậm gần đó. Nhìn cha bị giết, bà quá kinh hãi nên đã ngất xỉu.
Laura tỉnh lại thì bọn lính bỏ đi hết. Nhớ lời cha dặn, bà đành bỏ mặc xác cha nằm trong đống xác người, lần mò đi tiếp. Trong sợ hãi và đói khát, nhiều lần bà phải rúc vào nằm chung với các xác chết bên đường, lấy máu của họ bôi vào mặt giả chết, chờ bọn lính của Hitler qua khỏi mới đứng dậy đi tiếp. Lê lết đến mười mấy ngày, thường xuyên liếm những giọt sương bên đường cho đỡ khát và nhai cả cỏ để đỡ đói. Laura theo một nhóm người vượt qua biên giới, tới được cổng trại tị nạn thì ngã vật ra vì kiệt sức.
Cuối cùng, cô bé mồ côi được nhận đến tị nạn ở San Francisco, Hoa Kỳ. Laura kể, bà tồn tại được cũng nhờ vào lời căn dặn sau cùng của cha trước khi ông lao mình chạy đi:
- Con hãy nhớ đừng bao giờ bỏ cuộc! Nếu ngã xuống thì hãy đứng lên và đi tiếp!
Bà nói lời căn dặn đó đã theo bà suốt đời. Bà chưa bao giờ biết bỏ cuộc dù trong việc làm ăn hay bất cứ việc gì, cho nên sự nghiệp ngày hôm nay của bà cũng nhờ đó mà có. Hồi mới đến Mỹ, bà vừa học vừa làm ở McDonald cho đến khi lấy được bằng High School rồi lấy chồng.
Chồng bà Laura, Steve, là người Mỹ, cấp bậc trung úy quân đội Hoa Kỳ. Ông mất tích trong cuộc chiến Nam Bắc Triều Tiên, để lại cho bà hai người con, một trai một gái. Dù khi ấy mới hai mươi hai tuổi, bà vẫn ở vậy một mình nuôi con chờ tin tức chồng. Người con gái lớn của bà hiện là một bác sĩ Tâm Lý, người con trai là thạc sĩ Khoa Học và bà có năm đứa cháu nội ngoại.
Dù chồng mất tích hơn năm chục năm, bà Laura vẫn đợi, vẫn nghĩ Bắc Hàn còn giam giữ ông. Mỗi khi có ai hỏi cuộc chiến Triều Tiên qua lâu rồi, sao bà vẫn nghĩ chồng bà còn sống, bà trả lời, "Không có tin nghĩa là tin tốt (No news is good news), chưa có tin ông ấy tử trận thì tôi còn hy vọng. Biết đâu bọn Bắc Hàn điên khùng còn giữ ông ấy chờ dịp đòi điều kiện với Hoa Kỳ thì sao?"
Tuy bà Laura đến shop gần chục năm, quen biết hết mọi người, nhưng chẳng ai dám "lãnh" bà khách này, trừ tôi, vì bà rất khó tính trong việc làm móng. Móng tay móng chân của bà đều giả và rất dài. Mùa nào kiểu nấy, từ ngày bà đến tiệm, tôi phải tự "design" cho bộ móng tay và cả mười móng chân cho bà. Những mẫu bà đòi nhiều khi thật lạ kỳ, khó vẽ. Lúc thì chiếc lá shamrock màu xanh trong ngày Thánh Patrick, khi thì con thỏ trong lễ Phục Sinh. Có lần bà mang đến một chiếc móng ngựa thật, là một cục sắt nặng chình chịch, rồi kêu tôi vẽ design y như vậy cho bà. Dù cái mẫu móng ngựa nom kỳ cục, tức cười, bà nói mang nó sẽ đem lại may mắn. Phiền nhất, mặc kệ tôi bận cỡ nào bà cũng không tha, mà bắt tôi phải vẽ trực tiếp bằng sơn chứ không chịu dán mẫu "sticker" có sẵn. -Tôi muốn độc quyền mẫu của tôi, không muốn giống kiểu với ai hết! Bà nói.
Ngoài những mẫu "quái dị" trong dịp đặc biệt của riêng bà, các ngày lễ lớn trong năm bà Laura thích design theo biểu tượng. Giáng Sinh vẽ cây thông, Tạ Ơn thì gà tây, lễ Ma trái bí đỏ… Nhưng thật lạ, ngày Tết Tây bà không cho tôi vẽ ly rượu hay chữ "Happy New Year" như mọi người. Bà bắt tôi phải vẽ hình con dao xếp trên móng tay và móng chân, kể cả những móng chân út nhỏ xíu. Việc ấy quả là một cực hình cho tôi. Phần thì khách hẹn đang chờ, phần vì phải nín thở vẽ để khỏi bị lem mất công chùi đi vẽ lại, nên tôi rất căng thẳng. Lúc nào vẽ cho bà, trong bụng tôi cũng kêu khổ và rủa thầm "bà già chằng ăn!" Một điều làm tôi khổ sở hơn, là mỗi Tết Tây bà Laura bắt tôi phải vẽ những con dao xếp kiểu mẫu khác nhau, không được trùng lập với các mẫu design năm trước.


Chúng tôi có tò mò "tra gạn" để tìm hiểu tại sao bà thích vẽ con dao xếp. Nhưng bà không nói. Riết rồi chúng tôi không hỏi nữa vì biết đó là điều riêng tư của bà.
Năm nay tôi đã chuẩn bị từ sớm một mẫu vẽ rất mới cho bà Laura. Hình con dao xếp nhỏ xíu, bầu dục, chính giữa hơi eo lại nhìn rất uyển chuyển, theo một mẫu tôi tìm thấy trên online. Vỏ con dao màu huyết dụ, lóng lánh kim tuyến vàng, trên có viết tên "Laura" màu trắng. Một đầu mở ra lưỡi dao bé tí, cây dũa răng cưa bên phải, và một cái đinh xoắn khui rượu mở ra bên trái. Mới thoạt nhìn, nó giống như con rùa tí hon màu đỏ với cái đầu và hai chân trước óng ánh bạc.
- Wow! Đẹp quá! Bà Laura trầm trồ, lộ vẻ xúc động khi tôi vẽ xong con dao đầu tiên trên móng tay cái của bà. Đây là mẫu đẹp nhất từ trước tới giờ đấy. Nhìn giống như thật!
Trước khi ra về, bà bỗng nhìn tôi: – Này! Ngày mai là New Year, cô có rảnh không? Nếu rảnh trưa mai đến nhà tôi chơi, tôi sẽ cho cô xem một thứ, bảo đảm là cô sẽ thích!
Đây quả là một lời mời bất ngờ. Tôi rất thân với bà Laura, từng nhiều lần mời bà đến nhà tôi dự tiệc, năm mới, đám giỗ, và cả đám cưới các con tôi. Nhưng bà chưa một lần mời tôi đến nhà riêng ở thành phố lân cận. Bà chỉ mời tôi đến cơ sở kinh doanh của bà, vì nó nằm cùng con đường với tiệm của tôi. Tôi thích thú nhận lời ngay không chút do dự.
Ngày Tết Tây shop đóng cửa, tôi lái xe một mình đến nhà bà Laura. Ngôi nhà hai tầng nằm bên trong hàng rào cây xanh kín mít dọc con đường lớn ở vùng ngoại ô thành phố, nhưng cửa chính thì quay vào mặt đường nhỏ phía trong. Một ngôi nhà kiểu cổ (Victorian house) rất đẹp. Nhà lớn, nhưng nó như lọt thỏm vào giữa khu vườn rộng thênh thang rậm rạp cây cối. Chào đón khách ngay cổng là một chiếc xe RV (Recreational Vehicle) thật to, cửa đang mở.
Tôi vừa ngừng xe, bà Laura từ trong chiếc RV bước ra chào đón. Bà nói đang dọn dẹp và trang bị các thứ trong xe để đến chiều các con cháu bà về sẽ cùng bọn họ đi chơi xa một chuyến nhân dịp nghỉ lễ.
Vừa đi vào nhà với bà Laura, tôi vừa hỏi bà có sợ khi ở một mình nơi vắng vẻ thế này. Bà cười, tuyên bố một câu "xanh dờn":
- Tôi bật Alam trước khi lên lầu ngủ. Đứa nào lạng quạng mò vô, hệ thống báo động réo, tôi sẽ bắn chết chúng!
Chỉ tôi ngồi ở sofa trong phòng khách, bà Laura nói chờ một chút, rồi đi ra phía sau. Gian phòng thật ấm áp với ánh lửa bập bùng trong lò sưởi. Tôi nhìn quanh, thầm khen bà chủ nhà có con mắt thẩm mỹ, đã sưu tập những bộ ly tách, bình hoa, các bộ đồ trà kiểu Á Châu rất độc đáo chưng trong tủ kính.
- Qua đây Linda! Tiếng bà gọi từ phòng ăn. Tôi bước lại và suýt chút nữa không nhận ra đó là bà. Trước mặt tôi là bà Laura kiều diễm trong chiếc áo đầm trắng dài lướt thướt kiểu cô dâu. Mái tóc nâu của bà được bới lên cẩn thận. Đầu đội lệch chiếc mũ trắng có vành, đóa hoa trắng lớn với hai dây tua lấp lánh kim tuyến nằm bên phải, rũ dài theo gương mặt sáng ngời trang điểm của bà.
- Wow! Bà đẹp quá! Tôi buột miệng trầm trồ. Trông giống một cô dâu!
- Thì hôm nay tôi là cô dâu mà! Bà cười nói. Mồng một Tết năm nào tôi cũng kỷ niệm ngày cưới của tôi. Rồi bà lẩm bẩm: -Năm mươi mấy năm rồi…
Tôi đứng sững sờ. Không ngờ một người có cá tính mạnh mẽ như bà Laura lại là người dạt dào tình cảm. Vậy mà trước giờ tôi cứ nghĩ bà cứng rắn như đàn ông.
Mời tôi ngồi vào ghế xong bà lại ngồi phía đối diện. Trên chiếc bàn ăn dài bằng gỗ nâu bóng loáng, mấy món ăn đơn giản được bày sẵn. Một ổ bánh CornBread, đĩa bắp cải muối chua, khay xà lách trộn pho mát bào và các loại hạt, tô thịt bò hầm đậu, và một khúc thịt xông khói. Bà lúc nào cũng chọn món ăn tốt cho sức khỏe, tôi thầm khen.
Nhìn về phía đầu bàn, tôi ngạc nhiên thấy một khung ảnh lớn lộng tấm hình trắng đen. Bên cạnh là một lá cờ Mỹ được gấp gọn gàng, và một chiếc hộp nhỏ màu đen hình chữ nhật đặt bên trên lá cờ.
Đó là hình một cái đám cưới nhà binh. Chú rể cao lớn đẹp trai, oai nghi trong bộ quân phục sĩ quan, khoác tay cô dâu đang cầm bó hoa trắng, áo đầm trắng dài kiểu xưa không chấm đất, eo thật nhỏ bên dưới xòe bung, đầu đội lệch chiếc mũ trắng có hoa, giống hệt trang phục bà Laura hiện giờ. Một điều rất kỳ lạ, là cặp đôi này bước đi giữa hai hàng lính. Đối mặt với nhau, quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm thẳng tắp, trên tay mỗi người lính đều cầm một thanh kiếm dài sáng choang. Hai hàng quân cùng đưa cao kiếm lên khỏi đầu, bên này đâu chéo kiếm lại với bên kia tạo thành một mái che cho cô dâu chú rể bước đi bên dưới.
- Ô! Đây là đám cưới của bà ngày xưa hả? Tôi hỏi. Cô dâu chú rể trông oai quá!
- Ừ, đám cưới của tôi đấy. Cô nhìn kỹ tấm hình đi, xem có thấy gì lạ không?
Tôi quan sát thật kỹ tấm hình, nhưng không thấy gì ngoài cặp tân lang tân giai nhân đang đi dưới "rừng gươm" giữa hai hàng lính và một cây kiếm ai bỏ nằm dưới đất sau lưng họ.
Tôi nói cho bà biết.
- Đúng rồi! Cô đã thấy nó! Bà Laura gật đầu nói tiếp: Đó là cây kiếm của một trong những người lính của Steve chồng tôi. Anh ta là lính mới, và không biết vì run hay vì lạnh mà khi chúng tôi vừa bước qua khỏi anh ta là thanh kiếm vụt rời khỏi tay anh ta bay cái vèo xuống đất. Sém chút nữa là chúng tôi đã bị chém trúng rồi!
- Trời! Tôi kêu lên, người nổi đầy gai ốc. Thật là một điềm rất xấu cho đám cưới.
Bà Laura kể, có lẽ vì điềm xấu đó đã báo hiệu trong ngày cưới, mà chưa đầy hai năm sau, khi bà vừa có thai đứa con thứ nhì, thì chồng bà bị mất tích ở Đại Hàn. -Anh lính đó đã ân hận và khóc đến mù mắt khi Steve bị mất tích, vì cho là lỗi tại anh ta mang điềm xui tới cho chúng tôi trong ngày cưới. Bà thẫn thờ nói.
- Đó có phải là thời kỳ chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên? Tôi hỏi.
- Đúng rồi! Steve mất tích trong trận Hồ Nước Chosin (Battle of Chosin Reservoir) ở Triều Tiên, tháng Mười Hai năm 1950. Anh ấy thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh Hoa Kỳ. Là cấp chỉ huy, khi trung đội anh bị vây hãm nhiều ngày và có lệnh rút lui, Steve đã cho binh sĩ rút trước. Anh tình nguyện một mình ở lại ngăn chặn địch quân.
- Vậy sao? Trận Hồ Nước Chosin?
Gì chứ trận Hồ Nước Chosin nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên thì cả thế giới đều biết. Nhiều tài liệu cho thấy khi ấy Bắc Hàn đã thua đậm các lực lượng của Nam Hàn và Liên Hiệp Quốc đuổi đến tận vùng biên giới Đông Bắc của Bắc Hàn, nhưng nhờ đại quân Trung Quốc tràn sang trợ giúp nên mới cầm cự được. Đầu tháng 12, 1950, trong trận Hồ Nước Chosin -the Changjin Lake Campaigne- 30,000 quân Nam Hàn và quân Liên Hiệp Quốc, trong đó có Sư đoàn 7 Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Ky, đã bị 67,000 quân Trung Quốc vây hãm nặng nề. Sau 17 ngày chiến trận với số thương vong lớn cho cả hai phía, quân Mỹ vẫn phá được vòng vây để rút lui. Đây là trận đánh đưa tới kết cục là quân Liên Hiệp Quốc cho thoả hiệp ngưng chiến, và Hàn Quốc bị chia đôi.
Bà Laura bắt đầu kể về trận đánh cuối cùng của ông chồng, trong khi tôi ngồi im, mắt nhìn chăm chăm vào hình Steve vị chỉ huy anh hùng với lòng ngưỡng mộ. Người ta nói lại với bà Laura, khi Steve ra lệnh cho quân sĩ của anh chạy đi, không ai chịu bỏ đi vì họ rất thương quý cấp chỉ huy của họ. Mọi người đều nói anh không đi thì họ cũng liều chết ở lại chiến đấu đến cùng. Nhưng Steve buộc tất cả phải rút, và nói cùng lắm anh sẽ tình nguyện chịu bị bắt rồi sau trao đổi tù binh chứ anh không để mất mạng đâu. Nghe vậy mọi người mới rút đi.
Bà Laura dừng lại, vói tay cầm lấy chiếc hộp màu đen bên trên lá cờ, vừa mở hộp ra vừa nói tiếp với giọng trầm khác thường:
- Sau khi quân đội bình định, họ trở lại chỗ bụi cây, nơi Steve đã nằm bắn chận cho quân sĩ rút, thì không tìm thấy anh đâu cả. Họ lục lạo cùng khắp nhưng chỉ tìm được cái này. Bà đưa chiếc hộp cho tôi.


Tôi đón lấy chiếc hộp đen mở nắp nhìn vào. Và bỗng lặng người há hốc. Tôi nín thở, muốn kêu “Trời ơi!” Nhưng không phát ra lời. Trong hộp là một con dao xếp vỏ màu đỏ đậm, lóng lánh kim tuyến vàng, trên có khắc tên "Laura" màu trắng. Lưỡi dao trên đầu đã được mở ra, cây dũa răng cưa cũng mở ra bên phải, và một cái đinh xoắn mở ra bên trái. Nó giống hệt con dao xếp tôi đã vẽ trên móng tay bà Laura năm này. Thảo nào bà đã xúc động khi tôi vẽ xong con dao và nẩy ra ý định mời tôi đến nhà để cho tôi xem con dao thật. Tôi cầm con dao lên ngắm nghía với tâm trạng bồi hồi, xúc động, lẫn ngưỡng mộ.
Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị và cảm động. Tôi chỉ vẽ theo mẫu hình con dao xếp tôi tìm thấy trên Google. Không ngờ nó lại giống y chang con dao mà mấy chục năm về trước vị sĩ quan kiêu dũng của dân tộc Hoa Kỳ đã bỏ lại cho vợ anh. Steve người chỉ huy ấy đã can đảm hy sinh để cứu binh sĩ của mình. Vợ anh Laura mất đi người chồng, con anh mất cha, nhưng anh đã được tổ quốc ghi công lưu danh thiên sử.
- Đây là con dao tôi tặng Steve trong lần cuối cùng chúng tôi ở với nhau. Bà Laura chợt lên tiếng sau một lúc yên lặng. -Anh ấy đã lén bỏ nó lại như là lời nhắn nhủ trước khi bị bắt đi. Người ta đem nó đến cho tôi lúc báo tin anh mất tích. Con dao bảo tôi là anh ấy còn sống.
- Từ đó đến giờ bà có nghe tin tức gì của ông ấy không? Tôi hỏi khi đã qua cơn xúc động.
- Không. Tôi luôn luôn hy vọng và chờ đợi. Nhưng mà…Bà dừng lại, chỉ vào lá cờ gấp để trên bàn: – Trước lễ Memorial Day năm nay, tổng thống Goerge W. Bush đã duyệt lại danh sách những quân nhân mất tích trong cuộc chiến Triều Tiên. Và ông ấy sai người đem đến lá cờ Mỹ này trao cho tôi cùng với lời tuyên bố là Steve đã chết. Tổng thống Bush cũng mời tôi đi Washington một chuyến để dự buổi lễ tuyên dương. Bà dừng lại một lát rồi nói giọng quả quyết: – Nhưng tôi vẫn không tin Steve đã chết!
- Điều gì làm cho bà nghĩ vậy? Tôi hỏi.
- Bỡi vì chính phủ cũng chưa có thông tin gì về cái chết của Steve. Khi tôi hỏi nếu anh ấy đã chết thì bằng chứng đâu, hài cốt đâu, họ không có được câu trả lời. Tôi biết là vì thời gian quá lâu nên họ đoán vậy thôi. Hiện tại còn nhiều nghìn quân nhân Mỹ, MIA (Mising In Action) mất tích trong cuộc chiến Triều Tiên chưa có tin tức, nên tôi vẫn còn hy vọng.
Tôi đứng lên, bước lại ôm lấy vai người vợ lính tám mươi bốn tuổi, xúc động đến nghẹn lời. Sự thủy chung của người phụ nữ phương Tây đã quá bát tuần này cũng đâu thua kém người thiếu phụ trong "Hòn Vọng Phu" của Việt Nam tôi ngày trước.
- Laura, bà nói rất đúng! Tôi cũng nghĩ như thế! Tôi thì thầm bên tai bà. -Cho nên bà cần phải giữ niềm hy vọng ấy.
Người vợ của vị sĩ quan anh hùng đưa tay lên vỗ vỗ vào bàn tay tôi như muốn nói lời cám ơn. Dưới ánh sáng của chùm đèn hoa thủy tinh kiểu cách treo trên trần nhà tỏa xuống bàn ăn, những con dao xếp trên bộ móng tay bà Laura lấp lánh lung linh như những đôi cánh Thiên Thần, đang dang ra che chở cho niềm tin và hy vọng của bà.
Tôi đứng im bên bà một lúc. Trong cái tĩnh lặng của buổi trưa ngày đầu năm, tiếng củi cháy tí tách từ lò sưởi vọng sang cộng với tiếng gõ tích tắc của chiếc đồng hồ cổ trên tường, bình yên như một khúc hòa tấu êm đềm, sao tôi lại cảm thấy lòng mình sóng dậy..
Lát sau bà Laura mời tôi cùng bà dùng bữa. Bà nói năm nào vào ngày Tết Tây bà và các con cháu cũng đều làm tiệc kỷ niệm ngày cưới của bà rất linh đình thay cho tiệc Tết. Bữa trưa nho nhỏ này bà chuẩn bị chỉ để đãi tôi, tiệc dinner vào tối nay mới là tiệc chính. Sau đó thì cả nhà sẽ đi chơi xa.
Khi tôi từ giã, Laura tiễn tôi ra xe. Trời đã quá trưa nhưng vẫn hiu hiu lạnh. Chúng tôi sóng bước trong hương gió đầu năm. Hương gió thoang thoảng nhẹ nhàng, quyện cùng mùi gỗ đốt từ lò sưởi trong nhà đưa vào không khí một mùi hương đặc thù mùa lạnh
- Lái xe cẩn thận! Bà nói và vẩy tay chào khi tôi ngồi vào xe.
Tôi hạ kính xuống vẫy lại bà. Xe ra khỏi cổng tôi vẫn còn thấy bà Laura đứng nhìn theo. Vạt áo đầm trắng của cô dâu năm xưa, sau cả nửa thế kỷ, vẫn bay bay trong cơn gió đầu năm. Hình ảnh bà Laura vẫn liêu xiêu, bà trông thật cô độc bên ngôi nhà to lớn và khu vườn rậm rạp thênh thang. Nhưng tôi biết, bà không cảm thấy cô độc tí nào. Bà đang sống với một niềm hy vọng vô biên. Niềm hy vọng có ngày được biết tin về Steve, chủ nhân của con dao xếp đỏ gửi lại trên chiến trường trận Chosin, Korea.
Chúc bà may mắn. Tôi nói thầm và nhấn ga.
Tết Dương Lịch 2015


Phương Hoa



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 03/Jan/2024 lúc 12:22pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Jan/2024 lúc 8:48am

Ngộ Nhận

Hình minh họa

Định cư hơn 20 năm, nàng chọn xóm Bolsa, thủ phủ tỵ nạn có đồng hương đông vui làm quê quán cuối đời.

Thuở trước nàng có đến mấy cuộc tình đẹp, một đời chồng qua bạn bè mát tay giới thiệu, chú rể giữa đường gãy gánh đồng cảnh ngộ, chàng nàng hăng hái mơ chuyến này thần tình ái đón chào hai đứa mình.

Sau vài năm chung sống cá tính của hai người không còn thích hợp, mỗi người tự động cất gánh ra đi không kèn trống khác hẳn “ngày hợp hôn” bạn bè đông đủ chúc mừng trăm năm hạnh phúc.


Để chấm dứt cảnh lanh thang đi tìm mái ấm nương náu cuối đời, nàng quyết quay trở lại tình trường tuy nhiều chông gai, nhưng ai biết được giờ thứ 25 nàng trúng lô độc đắc.

Chuyến này nàng khôn ngoan chọn bô lão trên 6 bó cho chắn ăn, bà mai quen thuộc cũng là bạn của nàng nên việc tuyển chọn phò mã không khó, đây rồi một bác bảnh bao từ vóc dáng cho đến hầu bao rủng rỉnh đô la.

Ngày ra mắt chàng quần tây áo sơ mi thẳng nếp, nàng thong thả trong chiếc áo đầm đơn sơ tại quán cà phê, điểm hẹn quen thuộc của nhóm các bà cô đơn của bà mai chị cả đầu têu.

Tuy lớn hơn nàng mười mấy tuổi nhưng chàng còn phong độ chán, dân chơi tennis cao ráo, thong thả, tiền hưu vài ngàn đô một tháng, con cái có gia đình đã ra riêng, rứa là vài năm nay chàng neo đơn dữ dội.

Bà mai bảo mối này bảnh, Good deal, nàng cũng thấy vậy, tuy nhiên tính nết của hai người là một ẩn số, thôi thì trước lạ sau quen, chuyện yêu đương phải có thời gian “ủ mầm” để khám phá một nửa kia.

Lần đầu mời nàng đến nhà dùng cơm trưa, chàng cố tình để trên bàn salon mớ tạp chí “Salut les Copains”, truyện tranh Tintin...chàng tự xưng cựu học sinh Taberd Sàigòn thập niên 50. Nàng cũng dân trường Tây nên học sinh Taberd tuy không bằng JJ Rousseau Sàigòn, tuy nhiên vẫn là điểm cộng trên thang điểm của chàng.

Trên 6 bó chàng không có bệnh nan y, chủ một căn nhà trên nửa triệu đô, tiền hưu cao hơn cả lương tháng của nàng, trình độ học vấn không cao hơn nàng, một lợi thế nàng có thể làm giá.

Xe Lexus, quần tây, sơ mi, áo khoát, cà vạt, nước hoa.. chàng xài hàng Pháp, Ý... thức ăn chàng chuộng cơm phở, đặc biệt món thịt kho trứng một nồi chà bá ăn cả tuần mới hết, ngon, rẻ, bổ cho túi tiền.

Tính từ đầu đến chân, chàng được xếp vào hàng cao thủ tuy chưa đạt tới tột đỉnh đụng trần nhà nhưng bảnh hơn khối bô lão sau khi ly dị xách ba lô đi bụi đời vặt.

Tiêu chuẩn của chàng dư sức tìm 1 em mới đến từ VN, trẻ, xinh, có cả rổ tiền tươi, muốn làm ăn kiểu gì chả được, mấy mợ sồn sồn cán cộng, vợ cũ của cán cuốc, tư sản đỏ vốn liếng vài triệu đô là chuyện nhỏ.

Chàng không ưa vixi, ngại cảnh đồng sàn dị mộng, đêm khuya mợ cán đỏ lên cơn mộng du cùng bác đảng xách dao đòi phanh thây bọn Mỹ Ngụy rứa là chàng tàn đời “zia già”.

Ta về ta tắm ao ta cho chắc ăn, mà nàng trông cũng được, tính hơi khù khờ, cả tin như ri chàng tha hồ, chồng xướng vợ tùy, trên bảo dưới vâng lời, hiểu theo nghĩa nào cũng đúng.

Trước đám cưới chàng hứa hẹn sẽ cho nàng đứng tên chung căn nhà, lỡ một mai chàng qui tiên nàng có nơi nương náu tuổi già, tình nghĩa nặng cả trăm ngàn đô la bảo sao nàng không nhắm mắt đưa chân bước vào lâu đài “tình óa” đang được chàng chào mời.


Sau hai tháng lui tới, chàng ký giấy hôn thú đúng mùa Noël, Giáng Sinh năm nay chúng mình hết cô đơn, con của chàng mừng húm vì có người nâng khăn chùi mũi lúc chàng sụt sùi ấm đầu cảm mạo. Sẵn đà đầu năm họ tổ chức đám cưới cho xôm tụ, thiên hạ ăn New Year, hai đứa mình ăn New Love, mỗi năm cả thế giới cùng hai đứa mình mừng kỷ niệm ngày cưới, tuyệt chiêu.

Tội nghiệp chị Hai của nàng từ tiểu bang lạnh khăn gói đi ăn cưới lần thứ ba cô em út, chị hy vọng nhất quá tam, nàng sẽ neo bến này đến cuối đời.

Lần đầu giáp mặt em rể lớn hơn mình chục tuổi, miệng lưỡi ngọt như mía lùi, ngọt mật khiến con ruồi mù lòa, em chị chết chắc chuyến này, chết ngộp trong hạnh phúc hay chết lần mòn vì thất vọng, trời biết. Chị chợt rùng mình, mơ hồ thấy viễn cảnh không mấy sáng lạng sắp tới nhưng nói năng chi bi chừ cũng thừa, ván đã đóng thuyền mất rồi. 

Một mái nhà House sạch bóng làm hai quả tim bắt đầu va chạm, chàng có bệnh ở sạch, nhất cử nhất động chàng lau chùi liền tay, sáng ra vừa đánh răng xong chàng lau sạch, lau khô ngay lavabo.

Ly tách ăn sáng vừa úp lên sóng chén chàng chùi cái sink bóng lộng, cầu tiêu nhà tắm đều đúng "quy trình" như rứa khiến nàng ngại vào WC trước khi đi làm đành nín đi vệ sinh, vào sở tính tiếp, sự nín chịu đầu tiên của nàng dưới mái nhà lý tuởng khiến nàng bắt đầu suy tư.

Cơm canh của chàng thật đơn giản, thịt ba rọi, trứng gà làm một nồi kho tổ chảng ăn cả tuần, rau rợ ra vườn hái ăn, hết thịt kho ăn cơm trứng chiên, mì gói... tiền chợ mỗi tuần trên dưới chục đô. Hôm nào chán cơm, nàng mua phở, bún bò Huế, hủ tíu mì... tô xe lửa mang về nhà hai đứa húp, nước lèo dư hôm sau chàng trụng thêm bánh phở khô, hủ tíu khô ăn tiếp.

Theo đúng cách sống Mỹ, hai đứa chung nhà sẽ mở một “account” chung để lương em, tiền hưu của anh mỗi tháng rót hết vào đây, chung gạo thổi cơm, công chồng của vợ ấy mà.


Sau vài tháng góp gạo, chàng đề nghị nàng rút vài chục ngàn trong Account riêng và lấy thêm vài chục nữa bên 401K của nàng bỏ vào Account riêng của chàng, tích tiểu thành đại để chàng trả bớt nợ nhà, sau đó chàng sẽ đưa tên nàng vào danh sách thừa kế căn nhà.

Nàng gom gần hết gia sản rót vào căn nhà tương lai  nàng ngỡ có phần đóng góp của mình, chàng cũng rút vài chục ngàn trong 401K riêng của mình cho đủ trăm ngàn trả bớt nợ nhà. Thủ tục rút tiền, trả nợ ngân hàng đợt đầu hoàn thành nhanh chóng nhưng việc ghi tên nàng vào giấy chủ quyền căn nhà chàng lắc đầu bảo “not now”, nàng mơ hồ nhận ra chân tướng của chàng.

Để ăn mừng phi vụ đầu tiên thành công như dự tính, trả bớt nợ nhà nhưng chỉ riêng chàng sở hữu căn nhà thôi, chàng mời bạn bè đến nhà ăn cơm, một kiểu Potluck quen thuộc của dân mình, chàng mua gà vịt quay, bánh mì, khỏi nấu dơ cái sink. Bạn bè mừng cho nàng tuổi già có nơi nương tựa, không phải thuê phòng như dạo trước, mai này chàng có khuất bóng nàng cũng có nhà ở, có tiền sống tới chết.

Thúy bạn thân của nàng khen:

- Mi tốt số thật, hậu vận có chồng bảnh bao, nhà cửa đàng hoàng, ở xóm Bolsa đầy cám dỗ này mà hắn không siêu lòng trước đám phụ nữ độc thân láng mướt, hắn thuộc loại khôn ngoan đấy.

Nàng cười không trả lời, chua chát cho mớ tài sản nàng vừa chung đủ cho chàng trả bớt nợ nhà mà vẫn hoang mang cho thân phận ăn nhờ ở đậu của mình nhưng đành im lặng cho yên nhà ấm cửa.

Nàng ăn sang như Tây dù nàng không ăn diện đồ Pháp như chàng, kem, chocolat, phô mai nàng quen mua ở Trader Joe’s, bánh gâteau mua ở tiệm Đại Hàn.

Chàng ăn mắm hút giòi, mua bánh Tây ở tiệm bánh Ta, gâteau, bánh kem, kem tráng miệng... giá không quá 5 đô, mua bánh mì thịt lựa tiệm bán 2 tặng 1, ba ổ bánh mì ăn cả ngày thế cơm, đói ăn thêm mì gói.

Nàng đi làm, chàng đi chợ mua đủ thứ rẻ tiền cho hai đứa ăn, nàng ăn không vô cũng ráng nuốt mấy tháng liền, hột cơm chín hẳn hoi mà nàng vẫn nghe sượng ngang cổ họng.


Một hôm nàng bỗng giựt mình tự hỏi, ô hay mình lấy chồng hay lấy “ông nội” phải vâng phục cho hết kiếp, câu hỏi này một lần nữa làm nàng suy tư dữ dội.

Sau này cuối tuần nàng giành đi chợ mua thức ăn đắc tiền nhưng ngon nên hai người ăn hết sạch, đầu tuần hai đứa ăn tiếp đồ ăn cũ chàng nấu tuần trước.

Nuốt không trôi cơm thịt kho rệu rạo của chàng, tan sở thỉnh thoảng nàng ghé nhà hàng ăn no nê về nhà ăn qua loa cho qua ngày đoạn tháng.

Từ ngày lấy chồng, nàng tiếp tục sống như Mỹ, sắm áo quần, bóp ví, giày cao gót, cuối tuần đi ăn nhà hàng, mùa hè nàng đòi đi du lịch, mùa đông ra đảo Hawaï tắm nắng. Nàng nghĩ có làm có hưởng khiến chàng chóng mặt, ăn để sống chàng còn không dám liều ăn uống đàng hoàng, nói gì đến chuyện ăn mặc, du sơn du thủy như ri chàng chịu sao thấu. Chàng nghĩ sống kiểu này lương tháng nàng mang về sẽ bị thâm thủng, tiền lương thặng dư của nàng sẽ teo dần, nói gì cũng là tiền của nàng, cấm cản làm sao được.

Sau bao đêm trăn trở tìm cách thu hồi khoảng chi tiêu xa hoa của nàng, nói gì thì bản chất tính toán hơn thiệt của chàng muôn năm y vẫn như cũ. 


Một sáng chủ nhật chàng thức sớm chạy ra tiệm bánh của ông Tây gốc Việt phố Bolsa, mua bánh sừng trâu (croissant) đãi nàng. Bên bàn cà phê, chàng đẩy dĩa sừng trâu trước mặt nàng mời mọc:

- Bánh nóng hổi anh mua ở tiệm ông Tây gốc Mít, em ăn đi.

Nàng hơi ngạc nhiên trước vẻ galant xuất hiện đã biến mất sau ngày cưới, sáng nay tính hào sảng bỗng nổi lên lều bều như bèo, rứa là có chuyện đây, hư thực làm răng hãy kiên nhẫn nào.

Giọng chàng cắt đứt suy nghĩ của nàng:

- Anh thấy em thích mua sắm cũng đúng, phụ nữ phải ăn diện là chuyện thường, tuy nhiên để tiền lương của em không bị hao hụt mỗi tháng em nên làm thêm (over time) bù vào khoảng chi tiêu kia.

Chàng dứt lời nàng chóng mặt vì không ngờ chàng bắt nàng hoàn lại khoảng tiền nàng mua sắm linh tinh trong tháng. Thở thật sâu, nàng nhỏ nhẹ:

- Anh à, em nghĩ em có mua sắm ăn tiêu gì cũng chưa xài hết tiền lương của em mang về mỗi tháng, và chắc chắn không lẹm vào lương hưu của anh, anh lo chi chuyện “con bò trắng răng”.

Buổi ăn sáng kết thúc với nửa chiếc bánh sừng trâu đang nghẹn trong họng của nàng, rứa nàng là con bò để chàng vắt sữa, ôi công chúa ngủ quên trong lâu đài tình óa bỗng trở thành con bò hồi mô mà phải đợi chàng lên tiếng nàng mới giật mình nhận ra mình ngu ngơ đến tội nghiệp. 

Từ đó nàng ít mua sắm để chàng bớt lo âu nhưng nàng lại thấy phiền lòng, suy tư tự hỏi răng nàng phải chịu sự kiểm soát chỉ bảo của thằng “ông nội”, chồng là tình nhân, là cha, là ông cố nội, câu này nghe quen quen.

Danh hiệu Lady First của xứ Mẽo từng hạ đo ván đàn ông, chàng là dân Mít Đặc làm răng chấp nhận kiểu văn minh quá trớn của Mỹ, đàn ông không gia trưởng đâu phải là đấng trượng phu, Đông Tây choảng nhau ở chỗ ni. Tiền lương em mang về là tiền của anh, đồng nghĩa em không nên tiêu dùng cho riêng em, cú sốc đó còn nằm ngang cổ họng khiến nàng khó thở.  

Mấy tháng sau nàng phát giác tiền dư của hai đứa trong Account chung từ dạo chúng mình góp gạo thổi cơm bị thổi bay mất tiêu. Làm con tính rợ, tiền lương của nàng trừ chi phí mỗi tháng dư trên 1 ngàn đô, mười mấy tháng chung sống số tiền thặng dư của nàng không cánh mà bay một cái vèo, dĩ nhiên vài chục ngàn tiền hưu của chàng cũng được di dời về nơi mô nàng phải hỏi cho ra lẽ.

Chiều hôm đó sau bữa cơm tối, tưởng chàng sẽ e ngại khi nàng hạch sách, chàng trả lời chắc nịch:

- Anh rút tiền dư trong account chung đưa qua account riêng của anh coi như tiền tiết kiệm, nếu để chung với tiền chi tiêu mỗi tháng khó kiểm soát.

Nàng thất kinh hồn vía vừa nhận ra chân tướng.. cướp, nàng nín thở hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Nếu em muốn rút một ít tiền trong đó thì sao?

Chàng nói như đùa:

- Dễ ợt, anh sẽ rút tiền đưa lại cho em, hiện nay tiền lương mỗi tháng của em còn dư trong Account chung, em cần gì đến số tiền thặng dư kia, đã bảo là tiết kiệm thì chớ có đụng vào.


Thôi rồi nàng gặp phải dân chơi thứ thiệt, tiền đã vào tay chàng là tiền của anh, tiền mất tình chưa đủ lớn để nàng vượt qua con sóng dữ, nàng dại dột chui vào hang cọp, không bị xơi tái mới lạ. Mang tiếng là vợ chủ nhà nhưng nàng chỉ là người ở trọ dù phải nộp gần hết gia sản cho chàng, lương tháng cũng bị chặt đẹp, cơm canh ăn để sống qua ngày chứ không phải ăn ngon mặc đẹp, chơi bời du lịch du liếc quên đi em. Đời bỗng nàng lọt thõm vào ngõ hẹp, hẹp đến khó thở, giời ạ vợ chồng son mới cưới vừa qua “thôi nôi” vài tháng, mối tình mong manh vừa chập chững biết đi đã ngã quỵ, nàng rơi vào cơn trầm cảm sâu thâm thẩm.

Bạn bè cố vấn nàng phải đòi lại số tiền bị tịch thu, nàng suy đi nghĩ lại, không đòi thì nàng mất ăn mất ngủ, mà đòi chàng trả tiền thì khác gì tuyên chiến với chàng.

Đụng phải du đảng thứ thiệt núp bóng “gentleman” liệu nàng có sức cầm cự nổi những ngày sắp tới.

Sau bao đêm trăn trở và được Thúy vấn ý, nàng gom hết can đảm đem nỗi lòng rối rắm giải bày với chàng:

- Anh à, anh có thể giải thích cho em hiểu tại sao anh tự tiện chuyển tiền dư từ account chung đưa vào account riêng của anh?

Vụ này chàng nghi ngại có ngày nàng sẽ hỏi, không ngờ nó đến sớm hơn dự đoán của chàng, không sao chỉ là chuyện nhỏ thôi. Chàng từng cưỡm gọn tiền của hai bà vợ cũ một cách tài tình, nàng là con nai tơ cũng sẽ cùng số phận như họ thôi, chàng là dân cao thủ dư sức xỏ mũi nàng. Chàng thở dài, chậm rãi:

- Em khéo lo, anh lấy số tiền đó đưa vào account riêng của anh để sau này tiện trả tiếp nợ nhà.

Nàng thở ngắn, hỏi ngay:

- Anh đã lấy tiền tiết kiệm của em trả bớt nợ nhà, bây giờ anh lấy thêm tiền lương của em tích lũy trả dứt nợ trong khi em vẫn chưa được đứng tên chủ quyền nhà, anh không thấy mình quá đáng à?

Chàng tỏ vẻ khó chịu :

- Em khéo lo, anh chỉ trả dần nợ chứ đã dứt nợ đâu, khi sạch nợ anh sẽ làm giấy thừa kế cho em ngay.

Thôi rồi lượm ơi, giấc mộng ban đầu chỉ là cơn mộng ảo, chuyện chúng mình đang bước vào ngõ cụt, tình nghĩa đôi ta chàng quyết định.

Nàng rơi vào cơn rối loạn tâm thần, tự dằn vặt đến tuổi này còn nhìn nhầm người, cả tin tình không mua không bán nên lọt bẫy kẻ bán linh hồn cho thần tiền.

Tiền của nàng đang có bỗng chui tọt vào túi chàng mang cho chàng niềm vui vô tận, nàng vật vờ như đứa vô hồn vì tiền mất mà tình chàng bán giá trên trời mới chua. Ai bảo nàng tự mãn đến mù lòa nghĩ mình học thức hơn chàng, trẻ hơn chàng một con giáp nên không nhận diện chàng chả giống con giáp nào cả.

Chàng sinh dưới ngôi sao đôla, tiền là Tiên là Phật, dù nàng có trẻ, có giỏi cách mấy mà không mang cho chàng nhiều tiền làm răng hớp hồn chàng được.

Đoạn cuối cuộc tình bèo nhèo là buổi hẹn ngoài tòa ly dị, hơn 20 tháng chung sống, ông tòa gõ vào búa một cái cụp trả tự do cho hai kẻ nhìn nhau với ánh mắt hình viên đạn.


Hú hồn, nàng vừa thu lại mấy chục ngàn bị giam trong Account của anh chồng cũ, nàng thề chuyến này không thèm lấy chồng, chỉ tìm bạn tâm giao uống cà phê, du lịch... cho vui tuổi hạc.

Lạ thật, làm gì có bô lão chịu kết bạn tâm giao như ri, họ cần một tấm lòng, một bàn tay chăm sóc những ngày trở trời đau yếu, nàng chưa bao giờ là vợ hiền, vợ đảm đang, bảo sao nàng không NGỘ NHẬN dài dài.


Đoàn Thị
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 10/Jan/2024 lúc 9:57am

Nếu Đời Không Có Anh

Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ  người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn…v..v..

Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm,  chị không bán nhà, không về ở chung với con cháu dù tuổi đã số 8, chị vẫn đang ngỡ ngàng tập làm quen sống một mình trong căn nhà rộng đầy ắp kỷ niệm của hai vợ chồng. Không có anh để hai vợ chồng cùng đi dạo trong khu phố những buổi chiều đẹp, đi ăn ở một nhà hàng cả hai cùng ưa thích. Không có anh những buổi tiệc vui  anh chị khiêu vũ bên nhau trong tiếng hát tiếng đàn.
Ở tuổi già mất đi người chồng người vợ mới thấm thía sự chông chênh cuộc sống.
Chị Tuyết cùng “xóm” Dallas Texas với chị Bông, chồng chị bệnh suy nhược thần kinh kém ăn kém ngủ , chị vẫn vui và tự an ủi:
- Bông ơi, dù anh ấy bệnh, ra vào thấy nhau, nói với nhau vài câu là ấm nhà ấm cửa rồi, còn hơn góa bụa, không có anh, sống thui thủi một mình buồn lắm
Nhưng chồng chị Tuyết bị suy nhược thần kinh rồi tiến tới bệnh Alzheimer, anh hoàn toàn là con người khác. Bên cạnh chồng nhưng cuộc đời chị vẫn là “Không có anh”, chị không thể chuyện trò, chia sẻ buồn vui với chồng,
…………………
Cảnh đời trớ trêu của chị Tuyết có chồng bên cạnh cũng như không, còn phải vất vả trông nom người chồng bệnh hoạn. Cảnh đời góa phụ của chị Hoài Mộng, chị Hiền Thảo làm chị Bông ngậm ngùi và chợt nhận ra mình đang may mắn, hạnh phúc hơn họ, vẫn đang có anh Bông bên cạnh, chị phải biết gìn giữ trân trọng hạnh phúc này.

Chị Bông bỗng dạt dào cảm hứng nhất định sẽ viết một truyện ngắn “Nếu dời không có anh”. Đang ngồi trước máy tính chưa biết sẽ viết những kỷ niệm gì lãng mạn nên thơ cho giống người ta thì anh Bông vừa cắt cỏ sân sau mồ hôi nhễ nhại bước vào nhà, nhìn thấy bình hoa trên bàn chị Bông liền rút ra một cành hoa và…. yểu điệu trao cho anh Bông:
-  Tặng anh đóa hồng này để anh quên đi những mệt nhọc làm vườn, cắt cỏ nha.
Giọng anh Bông xìu xìu:
-  Tôi chỉ muốn báo cho bà tin buồn là tôi lỡ cắt trụi mấy cây ớt hiểm mới gieo trồng của bà rồi.
Chị Bông xót xa nhưng cố dịu dàng:
-  Không sao, mai mốt em mua cây khác về trồng.
Dù đang mệt sau vụ cắt cỏ sân trước và sân sau rộng mênh mông, anh Bông cũng ngạc nhiên sửng sốt:
-  Tôi đã chuẩn bị tinh thần vào nhà thông báo sẽ nghe bà cằn nhằn đay nghiến và cãi nhau với bà suốt buổi chiều nay, mà lạ chưa, hôm nay bà lãng mạn tặng hoa và hiền từ độ lượng bất ngờ. Chắc bà mới nghe thày Pháp Hòa hay thầy Phước Tiến thuyết giảng hả?

Chị Bông kể lể:
- Kinh Phật nào mà hiệu nghiệm lẹ vậy anh. Dạo này em đọc tin chồng các chị bạn trên diễn đàn lần lượt qua đời, đọc những bài thơ chị Hoài Mộng tả nỗi cô đơn của người ở lại, em mủi lòng cho các chị và đã hiểu ra em đang có anh là hạnh phúc hơn các chị ấy. Em sẽ viết truyện “Nếu đời không có anh “ để ca ngợi anh, anh sẽ là nhân vật chính của truyện, anh là bóng mát chở che, là huyền thoại cuộc đời em…
Anh Bông khua tay:
- Thôi, bà đừng viết về tôi văn hoa, lãng mạn, bay bổng như thế tôi chả hiểu nổi, bà hãy viết những điều thường tình thực tế, mới đúng và sống động.
Chị Bông mừng rỡ:
- Ý kiến anh hay đấy, em sẽ suy nghĩ….
- Bà còn suy nghĩ gì nữa. Nếu như tôi chết trước bà. “Nếu đời không có anh”, ai sẽ đổ xăng đầy bình xe cho bà? tôi dám chắc rằng bà chưa hề biết xe bà đang chạy dùng loại xăng gì, bà càng không biết ra cây xăng đổ xăng thế nào dù bà theo tôi đi đổ xăng hàng trăm lần, nhưng lần nào bà cũng ngồi đợi trong xe và nghênh mặt ngắm trời mây xa xăm không hề nhìn thực tế trước mặt tôi đổ xăng.

Chị Bông trách:
-  Ai bảo mấy chục năm nay anh cứ…tà lanh đổ xăng giùm xe em. Mà sao anh đổ xăng nhanh thế, có khi em chưa nghĩ ra một câu thơ anh đã xong rồi. Bởi thế em không biết đổ xăng cũng là…tại anh.
- Còn nữa nè “Nếu đời không có anh”, ai cắt cỏ vườn nhà cho bà. Bảo đảm bà không biết cách nổ máy cắt cỏ luôn.
Chị Bông chống chế:
-  Em đã thử vài lần mà máy không chịu nổ. Đành thôi.
Anh Bông lại tiếp:
- “Nếu đời không có anh”, tôi thề rằng buổi tối bà không dám ra vườn sau một mình vì sợ ma dù buổi tối bà thích ngồi trong nhà hé màn cửa ngắm vườn trong ánh trăng hay trong ánh đèn solar tỏa sáng mơ màng khắp khu vườn.
Chị Bông không thể chống chế được nữa:
- Tại em nhát gan mà, vậy có kể thêm “Nếu đời không có anh” ai sẽ chở em đi chơi xa, chạy xe trên những xa lộ đường dài mà em chỉ thích ngồi ngắm cảnh bên đường và không bao giờ dám lái xe không anh?
- Kể luôn chứ, vụ này mới hấp dẫn, hôm ấy xe đang chạy trên high way đi Houston vào một ngày đầu Xuân với tốc độ 70 mile/ giờ, bỗng bà la toáng lên “Dừng xe lại, dừng xe lại”.Tôi hết hồn tưởng bà có chuyện gì khẩn cấp, hóa ra bà đòi dừng lại để…xuống xe chụp hình với cánh đồng hoa dại rực rỡ bên đường. Bà có mấy tấm hình khoe bạn bè còn tôi suýt đâm xe vào thành cầu. Nếu tai nạn xảy ra thì người ta tưởng là tự tử chứ nào biết tôi ngừng xe gấp cho vợ xuống chụp hình, hái hoa.

Chị Bông biết lỗi:
- Em rút kinh nghiệm vụ này rồi.
Anh Bông vẫn hăng hái tiếp:
- Còn nhiều vụ khác nữa “Nếu đời không có anh” thì…
- Thôi, thôi, thế đủ rồi, anh mà kể thêm chắc em viết thành truyện dài nhiều tập “Nếu đời không có anh” luôn đó..
Chị Bông cảm động nhìn chồng:
- Bây giờ em sẽ viết truyện này. Các chị ấy tiếc nhớ “ Không có anh”  với những kỷ niệm đẹp như thơ. Còn em chẳng cần tìm kiếm hình ảnh nào lãng mạn của chúng ta, em sẽ viết nếu đời không có anh với tất cả trần trụi đời thường anh vừa kể đó.

Anh Bông cắm cành hoa hồng vào bình:
- Trả lại bà cành hoa màu mè lãng mạn không đúng lúc nè. Tôi thích thực tế mà, phải chi bà rót cho tôi uống ly nước lạnh còn đỡ mệt, còn sung sướng hơn.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 12/Jan/2024 lúc 11:36am

Khó đi mẹ dẫn con đi

Mẹ%20Dắt%20Con%20Đi%20-%20Cùng%20Con%20Từng%20Bước%20Trưởng%20Thành%20%5bReview%5d

Lúc tôi vào phòng khám, chiếc kim  giờ của cái đồng hồ tròn treo trên tường chỉ hơi quá số một một chút. Vậy cũng là mới quá nửa đêm. Một ngọn đèn nê ông lập lòa chớp tắt làm nhập nhòe những mặt người khô lạnh. Tôi chập choạng bước đi trong vũng sáng xanh nhợt nhạt, chân vô tình đạp lên bàn chân người đàn bà ngồi dựa lưng vào bức tường xi măng quét vôi xám. Người đàn bà rống lên như phải bỏng. Trời đất ơi, bộ mù sao chớ. Người ta ngồi chình ình thế này mà hổng thấy sao. Tôi hoảng hốt nhìn xuống khuôn mặt hốc hác xanh lè ánh đèn. Xin lỗi. Tôi đau quá, không thấy đường. Từ sáng đến giờ hổng có một hạt cơm vào bụng lại còn bị đạp một cái đau thấu trời xanh. Người đàn bà rên rỉ cái giọng nhừa nhựa. Cái mặt đói ăn, nhìn là nhận ra ngay. Nó gồ ghế, lồi lõm những đường nét gẫy khúc. Tôi nhìn quanh. Những con người ở đây có toàn một thứ chân dung đói ăn, thiếu ngủ. Mùi hôi mốc lan man trong không khí.

Cô y tá hỏi giấy tờ, tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Toàn những thứ nhảm nhí. Tôi cắn răng chịu đau, cố nặn câu trả lời. Tôi ngồi khom người ra phía trước để ém cơn đau đang quặn thắt cả ruột gan xuống. Biết bao lâu sau người y tá mới chìa tờ giấy ra cho tôi ký. Những ngón tay không còn nghe theo mệnh lệnh của  đầu óc nhưng vẫn biết run rẩy cầm lấy cây viết mà nguệch ngoạc vạch ra cái tên cụt ngủn.

Chờ đây tí nhá, bác sĩ sẽ khám cho chị. Tôi cắn môi gật đầu.

Tôi buông cái thân xác nặng nề xuống nền gạch hoa loang lổ vết đọng của thứ chất lỏng nào đó đã đặc queo. Thứ chất lỏng sẫm mầu như máu, chất ói, nước mắm, cà phê, nước mầu kho cá... bao nhiêu năm trời kết dính trên những miếng gạch mẻ. Ánh sáng nhập nhòe ma quái của ngọn đèn ống dài làm đầu óc tôi quay cuồng. Bàn tay nào đó níu chặt lấy ruột gan tôi. Ôi trời, chưa gì mà con tôi đã làm khổ tôi. Nó gồng mình, quẫy đạp. Nó tìm đường ra. Cõi đời này có gì đâu mà mơ ước. Tôi vẫn thường nói thầm với cái thai như thế mỗi lần nó máy đạp.  Tôi cắn răng nghiến cơn đau. Những ngón tay không nơi nào bấu víu. Những con mắt ngả nghiêng, soi mói nhìn tôi. Ngọn đèn ống tuýp dài uốn cong và bò ngoằn ngoèo như con sâu đo bị kiến lửa bu cắn. Tôi vặn vẹo với cơn đau.

Nước. Bỗng dưng nước ở đâu trào ra, ướt cả đũng quần. Nước vuốt ve ấm áp hai bắp đùi non. Nước bò thành dòng. Con rắn uốn éo thân mình không xương trên nền gạch. Ra nước rồi. Chị này vỡ nước rồi. Tiếng la ném cái kinh hoàng lên vách tường, dội ngược xuống mớ đầu tóc rối bù của những người đàn bà khốn khổ. Trăm con mắt đổ ngược vào tôi.

Đẻ rơi bây giờ kìa!

Ai đó chạy đến bên tôi. Tiếng dép nhựa lẹp xẹp trên nền gạch. Tôi nắm vội lấy cái cổ tay sần sùi như thanh củi mục vừa chìa ra trước mặt mình.

Chị ngồi lên ghế này cho người ta lau, ngập hết cả phòng bây giờ. Tôi đu cả thân mình nặng trĩu với cơn đau lên cánh tay người đàn bà.

Bác sĩ ơi, đau quá.

Tui là y tá, chị ơi.

Cơn đau bẻ gập thân thể sài mòn của tôi. Tôi cố thẳng cái lưng để mong ngả người lên băng ghế gỗ, nhưng tôi không còn hơi sức nào mà ngẩng cổ lên để xem người đàn bà ngồi đó ban nãy còn ngồi đó không.

Đau lắm rồi cô ơi. Tôi van nài bằng tất cả lòng thành gom góp được.

Thôi vào đây tôi khám xem sao. Chị ơi tiếp tôi đem chị này vô phòng khám giùm.

Người y công bỏ cái sô nhựa và chiếc cán chổi xuống sàn nhà, lừng khừng. Hôm nay là ngày gì mà tùm lum quá trời quá đất. Tiếng than phiền khàn khàn như hơi gió luồn qua chiếc ống máng hẹp.

Người ta kéo tôi đi như viên chức trại giam giải giao một tên tù cứng đầu cứng cổ. Tôi ngồi, chân dài chân ngắn, lết lê kềnh càng như con cua bò trên cái vũng lênh láng từ thân thể tôi ứa ra.

Họ bảo tôi leo lên chiếc bàn khám cao ngang tầm thắt lưng họ.  Tôi đau đớn bò như con cua rụng càng. Mắt mờ, chân tay rụng rời, còn hơi sức đâu mà leo trèo như cái thời son trẻ. Trời đất sụp tối. Ánh điện nhập nhòe. Hai tai tôi điếc ù. Tôi ngã lăn quay xuống nền xi măng lạnh giá.

Khiêng chị ta lên bàn mau đi.

Tiếng đàn ông. Tôi nghe được câu ấy. Và thân thể tôi nhẹ tênh. Tôi cất cánh ì ạch như con vịt tập bay. Tôi đáp xuống mặt chiếc bàn khám gây gây mùi máu. Chụp đèn tròn như chiếc lọng đổ xuống thân thể tôi dòng lụa trắng chói lòa.

Những bàn tay mầy mò thân thể tôi. Người ta lột tôi ra. Người ta gác hai bàn chân tôi lên miếng kim loại lạnh buốt. Người ta banh hai đùi tôi. Trong đời chưa bao giờ tôi bị đối xử bằng tất cả những nhục nhằn thống khổ thế ấy. Tiếng đàn bà, tiếng đàn ông. Giọng khàn đục, giọng trong veo, giọng nam, giọng bắc trộn lẫn vào nhau.

Mới mười phân thôi à!

Nhưng cũng phải đem đứa bé ra. Nó ngộp rồi!

Tiếng người đàn ông mà tôi chưa kịp thấy mặt xen vào mớ bòng bong những câu đối thoại.

Cơn đau biến đi lúc nào tôi không còn nhớ. Tôi nhìn những vòng tròn đan nhau trên trần nhà xám. Những vòng tròn quấn mãi vào nhau thành hình xoắn ốc.

Chừng nào bác sĩ kêu rặn thì chị nhớ rặn thật mạnh nghe.

Tôi cố gật đầu với cơn đau vừa lấp ló trong xó tối thân thể hao mòn. Tôi cắn, tôi ghìm tiếng gào ở giữa hai hàm răng. Tiếng kèn kẹt của những chiếc răng xéo vào óc tôi.

Được rồi. Chị hít thật mạnh. Hít vào nào. Hít vào. Bảo hít vào. Một hai. Tôi cuống cuồng. Chẳng phải lỗi tại tôi. Bàn tay ma quỷ nào đó bẻ quặt xương sống tôi. Người ta ùa vào  kềm chắc lấy tôi. Người ta sợ tôi ngã xuống nền xi măng. Người tôi ướt mèm.

Chưa cạo bác sĩ ơi.

Khỏi.

Những chiếc bóng chập chờn ẩn hiện. Lời trấn an dịu dàng. Tiếng xì xào to nhỏ. Tất cả chụp lấy tôi bằng những mắt lưới đan dầy. Tôi lắng xuống. Thật trầm, như lúc rướn mình trên chiếc đu có hai sợi dây thừng chằng vào thanh gỗ mỏng buộc vào cành bàng gân guốc. Đê mê. Phù ảo. Những bóng người chập chờn mờ ảo. Không gian loãng dần vào chốn lầy nhầy, nhập nhòe mầu sắc rồi bỗng dưng mọi sự lắng xuống. Tôi nằm trên chiếc bè, bồng bềnh trôi, theo những khóm lục bình.

Thằng bé nào thế này. Chưa gặp nó bao giờ nhưng sao tôi thấy thân với nó quá. Nó chạy lại phía tôi. Tíu tít, tung tăng. Tôi muốn hỏi nó tên gì, nhưng sao cằm tôi cứng lại như cằm con bé nhà hàng xóm lúc bị phong đòn gánh độ nào.

Bàn tay nhỏ xíu và mát lạnh của thằng bé nắm lấy ngón tay trỏ của tôi, kéo tôi đi. Vậy là tôi đi theo nó. Tôi với nó lướt đi như mây khói, như sương sa. Chúng tôi lọt vào một thứ hang động thâm u, kỳ bí. Tôi chưa bao giờ đến nơi này. Tôi lão đảo, rờ thử ngón tay vào vách tường mềm nhũn, nhơm nhớp ấy. Hơi ấm thấm lên những đầu ngón tay. Dịu dàng. Thấp thoáng đâu đó trong gan ruột, tôi cứ ngỡ như mình đã đi qua chốn này. Chắc là lâu lắm rồi. Ở nơi này tôi thấy bình yên. Tiếng róc rách như tiếng suối chảy đâu đây. Tôi nhìn quanh. Vách tường cong vòng uốn thành đường hầm sâu hun hút. Có tiếng động nhịp đôi nghe vô cùng quen thuộc. Có lúc tôi ngỡ như tiếng tim của chính mình. Thằng bé không nói nhưng không biết vì sao tôi lại hiểu hết những ngôn từ lấp lánh trong mắt nó. Nó gọi tôi là mẹ. Nó bảo nó tên là Quốc. Sao nó biết tôi với người đàn ông ấy đã thỏa thuận với nhau rằng mai này có con thì đặt tên là Quốc. Tôi toan hỏi nhà nó ở đâu thì tôi đã cảm thấy như nó bảo để nó chỉ cho tôi coi chỗ nó ở.

Đường này khó đi lắm. Mấp máy cánh môi hồng, tôi nghe ra những lời thơ dại. Tôi chực nhớ ca dao tục ngữ. Câu ca dao tôi nghe được từ thời còn đi học. Tôi muốn đọc cho nó nghe. Nhưng âm thanh không thoát ra được khỏi cửa miệng. Trong một giây, tôi hoảng hốt như người bắt gặp mình chìm sâu vào cơn bại liệt chân tay và miệng mồm khóa cứng. Tôi á khẩu. Nhưng sao ý nghĩ cứ tuồn tuột lướt đi trong trí.

Khó đi mẹ dẫn con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời.

Nó hỏi bằng mắt mẹ đọc gì hay vậy. Tôi lại ngẫm nghĩ hai cái câu có vần có điệu ấy. Khó đi mẹ dẫn con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời.

Dường như nó hỏi tôi trong ánh mắt trường học là gì hở mẹ.

Tôi nhớ đến ngôi trường mái lá có chiếc bàn gỗ vênh vẹo. Tôi nhớ luôn cả những lỗ khoét  trên mặt bàn để vừa lọ mực tím. Tôi nhớ cả vóc dáng lom khom của người tùy phái có nhiệm vụ ôm bình mực thật lớn đổ vào từng lọ trên bàn lũ học trò lơ láo. Tôi muốn kể hết mọi thứ cho thằng bé nghe. Hồi xưa tôi đi học như vậy đó. Cô giáo đầu tiên trong đời có đứa con trai học cùng lớp tôi. Cái thằng vẫn hay vẩy mực vào áo tôi những khi tôi không cho nó mượn cục tẩy. Nhưng tôi bất lực. Tôi đánh mất tiếng nói từ lúc nào. Tôi chỉ còn biết lặng câm đi với thằng bé suốt đoạn đường.

Bỗng dưng nó kéo tôi lại. Bây giờ tôi mới khám phá ra nó đeo sợi dây mềm ở bụng. Tôi vừa muốn hỏi con đeo cái gì vậy, nó đã cười. Có dây này mình không sợ đi lạc. Con chơi xích đu. Con khỏi cần ăn uống gì hết. Tôi toan hỏi nó ở đây từ hồi nào thì bỗng dưng hình ảnh nó mờ đi. Bàn tay nhỏ xíu của nó tuột khỏi tay tôi. Tôi chới với quơ quào, chụp bắt. Nhưng hình ảnh thằng bé đã nhòa, như lớp sương mỏng tan trong cơn gió.

Tôi mở choàng hai mắt.

Ánh sáng trắng nhòe nhoẹt. Tôi bồng bềnh nổi trôi như cụm bèo trên sóng nước. Những con sóng dưới thân thể làm tôi buồn nôn.

Bà ấy tỉnh lại rồi.

Tiếng người y tá reo mừng.

Giữ tay bà ấy lại, coi chừng bà ấy giẫy tuột kim truyền nước biển.

Ai đó ghì chặt hai cánh tay tôi. Ai khác nữa nhúng cái khăn ướt, chạm vào môi tôi. Tôi liếm những giọt nước mát. Bây giờ tôi mới biết môi miệng mình khô đắng. Tiếng người nói chuyện lao xao. Bác sĩ nhắc bà thở thật đều, chừng nào bác sĩ kêu rặn thì rặn thật mạnh nghe. Cố đừng để bà ấy mê đi. Đánh thức bà ấy dậy. Em mới lay bà ấy dậy xong, bà ấy lại mê đi liền. Nói chuyện với bà ta, đừng để bà ta mê đi. Cái giọng đầy quyền lực của người đàn ông. Tôi cố mở rộng hai con mắt. Không gian nhòe nhoẹt chung quanh.

Những mặt người nhập vào nhau, mờ mờ, ảo ảo. Rồi cả bệt mầu trắng ấy loãng đi, tan dần, như sương mù quẫy động trong gió. Tôi rơi, tôi chìm, tôi tuột vào khoảng không. Sao không có ai kéo dùm tôi lại với. Loáng thoáng tiếng ai đó thì thào. Tiếng nói loãng ra, bập bềnh. Âm thanh méo mó, xô lệch. Baààà ấy mêêê êê nữữữaa rồồồồiii.

Tôi mới rời nó một tí thôi mà thằng bé đã nên nông nỗi này.

Mắt nó mở trừng trừng. Da thịt nó tím ngắt. Tôi thấy nó vùng vằng, giẫy giụa như bị ai siết cái cổ họng bé xíu. Hình như nó đâu đã cần thở mà sao thân thể be bé, xinh xinh của nó vật vã và cái miệng bé tí ấy hớp lấy hớp để như con cá mắc cạn. Rồi mặt nó sạm đi. Cái miệng chu lại như đang nhõng nhẽo, thấy vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Tôi quặn thắt ruột gan. Tôi choàng ôm lấy nó. Sao vậy. Sao vậy con. Những câu hỏi xô xát trong trí tôi.

Dường như nó nghe được điều tôi muốn nói, bởi vì trong một giây ngắn ngủi, hai con mắt trẻ thơ mở hé, nhìn tôi. Trời ơi, hai con mắt lạc thần.

Rồi bỗng nhiên hình ảnh con tôi lại mờ đi. Như sương sớm cao nguyên.

Baà âấy tiiỉnnh rôôôồi baác siiiĩ ơiiiiii. Giọng nói ma quái văng vẳng trong tiếng gió hú rợn người. Tôi đang ở đâu thế này. Tôi mở banh hai mí mắt nặng nề như cối đá. Phảiii choọn meẹ hoăăăặc cooooon. Khôông thêể cứuuuuu caaaaả haaiii. Hỏi baà ââấy xeeeem. Cââần chưưưữ kyyyý củaaaa baaaà âââấy. Maaaaau điiii. Bàn tay lạnh ngắt nào vạch mí mắt tôi ra. Ánh sáng chói chan chớp tắt đổ vào óc tôi. Ánh sáng va vào con mắt xốn, vang vọng chát chúa những âm thanh méo mó, lệch lạc. Phaaản xaạ quaaá yêêêếu. Những từ ngữ lạ lùng. Đưaaaa buuuuút vàooooo taaaaaay baaaaà taaaaaa. Chiiiiiị ơiiiii, chiiị kyyyyyyyý vàooooo đaaaaaaây điiiiii. Ký vào đâu. Tôi còn biết tôi đang ở đâu để mà ký, mà viết. Tôi chẳng còn tay, còn chân; chẳng còn mắt mũi. Tôi mù lòa, mê muội.

Baaaaàaaaấy lạiiiiii mêêêêêêê rôôôoồiii.

Tiếng la hoảng hốt kéo thành chuỗi âm thanh xoắn lấy nhau.

Thằng bé tím tái vì ngộp. Chân tay nó quơ quào. Tôi hoảng kinh nhưng không biết làm gì để giúp nó. Nó là con tôi cho dù tôi mới gặp nó mấy phút trước đây thôi. Nó giẫy giụa. Nó buông tay tôi ra. Nó nhắm nghiền hai mắt. Sao vậy con. Con sao vậy. Tôi cuống cuồng giẫy giụa như nó. Tôi choàng tay ôm lấy nó nhưng hình ảnh nó mờ đi.

Saaaaao bôôỗng dưưưưng baaaà âââấy giââaẫy giuuụaaa quuuuá. Chăăắc phaaảii buuuộc taaaay baaà âââấy vààào giưưường. Kìaaa baaà âââấy tỉiiinh dââậy rôôồi. Phaaaải nhơơờ bàààà âââấy kýyyyý giââấy môôổ ngaaayyy. Phaaải cưưứu hoaăặc cooon, hoooặc meeeẹ. Nêêếu khôôông thììì mââất caaả haaai. Tôi nghe người ta nói với nhau trong cái hỗn loạn xào xáo của âm thanh.

Ông…... tôi lú, tôi lẫn; tôi không nhớ mình phải gọi cái người chữa bệnh cho tôi bằng gì. Baaaác siiiĩ ơơơơi, baaaaà âââấy tỉiiiinh laaaại rôôồiii. Ờ, tôi nhớ ra rồi. Gọi là bác sĩ. Bác sĩ cứu con tôi. Hơi thở tôi đổ ra thành câu nói. Giấy đâu. Cho tôi... ký. Cầm tay, ký giùm tôi. Tôi gom hết sức lực còn sót trong người, chạm những ngón tay tê bại vào cái vật dài người ta dúi vào tay tôi.  Baaaà ââấyy khôôông kýýýy đươơợc baaác siiiĩ ơơơiiiii. Tôi muốn năn nỉ người ta giúp tôi. Nhưng trong lồng ngực tôi không còn chút hơi nào để có thể thoát ra thành lời. Câầầầm  đaaaạiii taaayy baaààa ââấyyy, kyyýýý chooo xooong điiii. Giọng trầm trầm ma quái vọng lên từ chốn thâm u nào.

Tôi thều thào vô vọng. Tên nó... là... Quốc. Đặt... giùm...

Thằng bé tỉnh lại, nhưng người ta vạch cái kén trú ẩn của nó, kéo nó ra. Nó nhoài người lại, níu lấy tôi, nhưng vô phương. Tay quơ quào ôm ghì lấy sợi dây nó buộc vào người. Nó không chịu để người ta bắt nó đi. Nhìn mắt nó, tôi hiểu được mọi điều nó nói. Nó đòi ở lại với tôi. Tôi  nắm chặt lấy nó, nhưng lòng tôi thì xua nó đi. Đời sống ở ngoài đó, con ơi. Con phải ra ngoài ấy, như bước vào trường học. Con sẽ học được nhiều điều mới lạ. Nhưng mẹ bảo mẹ dẫn con đi. Nó gào lên trong trí tôi. Cái miệng nó chu lại thấy thương. Rồi bức tường hẹp mở ra, sức mạnh nào đó lôi tuột nó ra ngoài. Khe hở trên tường khép lại. Tôi không còn nghe nó nói gì nữa. Tôi còn lại một mình. Bơ vơ, cô độc. Người đàn ông ấy đã bỏ tôi đi, sau khi đã vẽ vời một thế giới lòe loẹt sắc hương; sau khi đã thoả thuận sẽ đặt tên con trai là Quốc, con gái là Hương. Bây giờ đến con tôi cũng bỏ tôi mà đi. Ai đó đẩy tôi lui về những ngày son trẻ. Cả ấu thời tung tăng bắt bướm ở vườn sau. Vớt từng con tép dưới ao. Reo vui vì bắt được con cá giếc vẩy bạc lấp lánh. Buổi chợ phiên thời thơ ấu có người con trai lầm lũi theo về tận đầu ngõ. Chúng tôi thương nhau. Đám tang cha một chiều  mưa tầm tã. Mẹ vật vã trong bùn lầy. Chúng tôi không kịp cưới chạy tang. Tôi đưa nó vào trường học. Tôi đi chung với con tôi một đoạn đường. Tôi nghe tiếng nó gào khan ngặt nghèo, nghe như tiếng trẻ sơ sinh mới lọt lòng. Tôi bồng bềnh như vạt khói thường lập lờ trên mái căn nhà bếp xiêu đổ sau cơn bão nhiệt đới độ nào. Lòng tôi trống trải như bến sông mùa nước cạn. Tôi chập chờn trên những đầu người lố nhố dưới cái đèn chụp tỏa ánh sáng chói lòa. Người đàn bà nào đó nằm chơ vơ giữa những tảng mầu chói chan. Trắng xóa, đỏ lòe, xanh xám. Mầu sắc chồng lấp lên nhau. Nhễ nhại, lênh láng.

Tiếng xì xào ái ngại. Tiếng khóc ngằn ngặt trẻ sơ sinh nghe như đinh nhọn đóng vào tai.

Đứa bé này sao giống con tôi quá đi thôi. Tôi tò mò nhìn chăm chú vào khuôn mặt sơn đặm một mầu với vách tường. Hàm răng cắn chặt. Con mắt nhắm hờ vặch ra một khe hở trắng lạnh lùng. Ai đâu mà xấu xí thế này. Tôi lướt xuống thật gần. Tôi nhìn săm soi từng khuôn mặt của những con người đang sống, đang loay hoay kim chỉ trên hố bụng đỏ lòe của người đàn bà. Cô y tá lặng lẽ gỡ bàn tay xương xẩu đang nắm chặt lấy áo của cô ra. Rồi khẽ vuốt mắt cho người đàn bà. Hai con mắt nhắm nghiền như say ngủ. Tôi đã thấy bao nhiêu người ngủ rồi. Giấc ngủ nào cũng hiền.

Tiếng trẻ sơ sinh khóc rộn ràng. Mọi người loay hoay gỡ hai bàn tay đang nắm chặt lấy cuống rốn của nó ra. “Gỡ tay nó ra mau đi!” Ông bác sĩ chau mày. “Hèn gì nó ngộp là phải. Tôi chưa bao giờ thấy đứa bé nào nắm chặt lấy cuống rốn như thế này. Đem nó sang trại hồi sinh ngay đi!”

Người ta ôm đứa bé chạy biến ra ngoài khung cửa, nhập vào dãy hành lang hun hút. Tôi nửa muốn lướt theo tiếng khóc ngặt nghèo, nửa muốn vướng lại xem đám người sống này làm gì với thân hình trơ trọi khẳng khiu kia.

Sau cùng tôi nán lại.

Bây giờ tôi mới thấy rõ mặt người đàn ông mà người ta gọi là bác sĩ. Hắn đứng tuổi nhưng cũng còn đẹp trai.

Giọng hắn trầm, “Mẹ nó đặt tên gì vậy?”

“Quốc.” Cô y tá trả lời.

“Tên con trai. Làm sao bà ấy biết đứa bé là con trai?”

Không nghe cô y tá trả lời. Tôi quay lại, bắt gặp giọt nước mắt lấp lánh như giọt ngọc, từ mắt cô rụng xuống thân mình mầu sáp của người đàn bà.

“Khâu kỹ làm gì nữa bác sĩ ơi.”

“Cũng phải khâu chứ.”

Ông bác sĩ vừa tẩn mẩn kéo mũi kim có sợi chỉ đen nhánh ở đầu vừa trả lời, “Nhưng trước khi đóng thành bụng bệnh nhân lại, tôi muốn chỉ cho quý vị coi cái này.”

“Gì vậy, ông thầy?”

Những cái đầu đội mũ vải xanh chụm vào nhau trên khoảng bụng trống hốc của người đàn bà.

“Quý vị có thấy những vết trầy này không? Đầy trong lòng tử cung.”

Một loạt tiếng lao xao.

“Và quý vị có nhớ tay thằng bé đầy máu, nhớt và chất nhầy niêm mạc tử cung người mẹ không?”

Lại những tiếng trầm trồ.

“Hai mươi sáu năm làm sản khoa, tôi chưa bao giờ thấy hài nhi nào nắm chặt cuống rốn như thằng bé này!”

Mọi người lặng im. Chỉ còn tiếng rì rào của ngọn đèn ống trắng xanh trên trần.

Cô y tá cúi đầu, rồi lầm lũi bước ra khỏi phòng, bỏ lại tiếng sụt sùi.

Nỗi buồn mênh mông nào đó bất chợt phủ xuống quanh tôi, trong những con mắt u uẩn của đám người vây quanh thân thể người đàn bà.

Một lát, cô y tá trở lại. Vẫn tiếng dép nhựa loẹt xoẹt trên nền gạch bông cũ. Cô đưa xấp giấy cho ông bác sĩ lúc ông vừa quăng hai chiếc găng tay đẫm máu xuống đống bầy nhầy đỏ sẫm. Giọng cô nghẹn ngào. “Bác sĩ ký giấy khai tử giùm.”

Ông bác sĩ lẳng lặng ký tên vào tờ giấy.

Cô y tá đưa tay lau nước mắt, “Bà ấy bị bệnh gì vậy, bác sĩ?”

Người đàn ông đeo kính trắng lật những trang giấy, hí hoáy ghi ghi, chép chép, “Suy tim cấp tính do thiếu sinh tố B1.”

“Tội nghiệp thằng bé.” Cô y tá thở dài. “Trường đời rồi côi cút một mình!”

Bỗng dưng có cái gì đó đau nhói trong tôi. Tôi nhận ra người đàn bà máu me nằm trên chiếc bàn có bánh xe kia. Tôi nhớ những câu tôi đã nói với con tôi. Mới đó mà ngỡ như đã từ thuở nào. Bây giờ tôi nhớ hết mọi chuyện. Tôi nhớ hai mẹ con tôi đã đi chung với nhau một đoạn đường. Khó đi mẹ dẫn con đi. Tôi nhớ tôi đã hứa với con tôi như thế. Phải không, con của mẹ.



Hoàng chính



Hoàng Chính

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/Jan/2024 lúc 9:41am

Tấm hình quê cũ!


Nhớ năm 1965, tui học lớp Đệ ngũ 5 trường Petrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn (học Petrus thời đó là ‘le’ lắm nhe!). Cô Phạm Thị Ngọc Dung, người quê Mỹ Tho, cho bài tập làm văn về nhà: ‘Hãy tả làng em’. Bài của tui, cô Ngọc Dung cho 10 điểm trên 20. Lý do tui không chịu tuân theo dàn bài hướng dẫn của cô. Nhưng ngạc nhiên thiếu điều té ghế khi cô bắt một thằng khác đọc bài của tui cho cả lớp nghe. Xong, cô nói sẽ đem bài nầy đi đăng báo.

Trong bài, địa danh ‘Mỷ Tho’ tui viết với dấu hỏi. Viết vậy là trật lỗi chánh tả, cô sửa lại là Mỹ Tho. Tui nhớ tới già. Nhớ vì hai lẽ: một cô Phạm Thị Ngọc Dung năm ấy mới ra trường còn trẻ. Trẻ nên rất đẹp. Hai là cô rất nữ tính dịu dàng nên học trò trai nó thương, nó nhớ dai vậy thôi! Tui cũng không là ngoại lệ.

Xuân Hồ, người đẹp gốc Mỹ Tho, út cưng của ông bà chủ hãng nước mắm đường đi Gò Công thuộc làng Tân Mỹ Chánh, hiện ở Little Saigon, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Cô nương đăng lên mạng một tấm hình trải dài hơn 50 năm. Tấm hình trước chợ Mỹ Tho đó gợi lại trong lòng tui biết bao nhiêu là kỷ niệm!

Từ mặt tiền nhà lồng chợ Mỹ Tho đi về phía đầu đường Nguyễn Huệ, (đầu đường là tính từ trung tâm tỉnh lỵ ra ngoài rìa ngoại ô) là Hí viện Vĩnh Lợi nằm trên đường Lý Công Uẩn.

Sỡ dĩ tui giữ nguyên tên ‘Hí viện Vĩnh Lợi’ của nó mà không dám tự tiện chuyển qua ‘Rạp Vĩnh Lợi”. Vì tui nghĩ làm vậy là vô phép, tui sợ Hí viện Vĩnh Lợi nó buồn.  Nhưng ngoài bưng cẳng không lội vô, VC nó quốc hữu hóa nghĩa là cướp tài sản của dân. Chúng xóa luôn cái tên Hí viện Vĩnh Lợi.  Làm khai sanh lại chúng đặt là ‘Rạp hát Tiền Giang’.

Lịch sử có chép lại biết bao hành động giết người, cướp của khi kẻ địch yếu thế. Như Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy quân Xiêm theo chưn Nguyễn Ánh vào cướp phá Mỹ Tho. VC cũng lập lại y chang hành động cướp bóc hãng xưởng, tiền bạc, vàng vòng của dân Miền Nam dưới cái tên là đánh tư sản mại bản và đổi tiền tới 3 lần sau tháng Tư năm 1975.

Hình%20ảnh%20đẹp%20về%20Mỹ%20Tho%20thập%20niên%201960

Đường Nguyễn Huệ trước chợ Mỹ Tho

Năm 1956 khi thay tên đường tiếng Tây, mấy viên chức phụ trách ở Mỹ Tho lại rất ưu ái Nguyễn Ánh (cho dù ông đã dựa vào ngoại bang để giành lại ngai vàng). Ưu ái bằng cách đặt tên một con đường lớn dọc bờ sông Mỹ Tho từ Cầu Bắc cũ tới Vườn hoa Lạc Hồng là Đại lộ Gia Long. Tại sao vậy? Tui ngờ rằng mấy ông này xu nịnh Tổng thống Đệ nhứt Cộng hòa Ngô Đình Diệm để kiếm chút cháo bào ngư? Vì ông Ngô Đình Diệm từng làm Thượng thư Bộ Lại triều Bảo Đại, vị vua thứ 13, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, Gia Long.

Còn lại, mấy ông nầy cứ giở sách sử ký ra, chọn tên thật của mấy vị vua mà đặt. Không biết tên thật đành chịu phải đặt theo tước hiệu như Đại lộ Hùng Vương. Còn nếu biết, thì dùng tên thật như: Trưng Trắc (bỏ bớt người em gái tên Trưng Nhị) thay vì Hai Bà Trưng như ở Quận Nhứt Sài Gòn hoặc Trưng Nữ Vương ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng. Các vì vua khác thay vì lấy Ngô Vương thì lấy tên thật là Ngô Quyền.  Lý Thái Tổ thì lấy tên thật là Lý Công Uẩn. Đinh Tiên Hoàng như Sài Gòn lại lấy tên thật là Đinh Bộ Lĩnh. Lê Thái Tổ thì lấy tên thật là Lê Lợi. Quang Trung thì lấy tên thật là Nguyễn Huệ. Hành động này, thời phong kiến, phải mang tội khi quân. Bị tru di tam tộc, chém đầu cả 3 họ. Không ai còn có chỗ để đội nón.

Trong hình phía bên tay trái có cái nhà lầu hai tầng là tiệm thuốc Bắc Thọ Nam Đường mặt tiền quay ra đường Võ Tánh. Thân phụ của cô Bảy Mỹ Tho, khuê danh Nguyễn Thị Mai Anh, là thầy Thưởng làm nghề Đông Y bốc thuốc cho tiệm Thọ Nam Đường ở Cửa Nam nhà lồng chợ Mỹ Tho. (Tưởng cũng cần nên nhắc khúc đường nầy Mỹ Tho có tới hai cái chợ: Chợ Mỹ Tho và Chợ Hàng Bông)

Đám%20cưới%20Nguyễn%20Thị%20Mai%20Anh%20với%20Nguyễn%20Văn%20Thiệu%20năm%201951%20|%20Flickr

Đám cưới cô Nguyễn Thị Mai Anh kết duyên với Trung uý Nguyễn Văn Thiệu. nguồn wikipedia

Chắc do thầy Thưởng làm nghề cứu nhân độ thế tích đức nên con gái của ông là cô Nguyễn Thị Mai Anh kết duyên với Trung uý Nguyễn Văn Thiệu. Trung úy Nguyễn Văn Thiệu sau lên Trung tướng Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia. Rồi sau đó, ông làm Tổng thống của Đệ nhị Cộng hoà tới ngày 21 tháng Tư năm 1975. Bà Nguyễn Thị Mai Anh đương nhiên là Đệ nhứt Phu Nhân.

Tui nhớ Mỹ Tho. Tui nhớ Má tui. Tui nhớ anh tui. Anh tui đã tử trận trên núi Ba Hồ Quảng Trị ngày 13 tháng 8 năm 1971. Má và anh tui còn nằm trên đất cúng, ở ngã ba Hòa Tịnh, Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Đất cúng là đất của mấy ông điền chủ cúng cho dân làng làm chòm mả. Chòm mả là nơi đất cao, để không bị ngập nước. Ông nhà thơ Kiên Giang gọi là đất nghĩa. Thế nên chửi mấy ông điền chủ Miền Tây ác độc theo kiểu đấu tố địa chủ ở ngoài Bắc là chửi tầm bậy.

Bà con mình ở Miền Tây nhìn dạng cái mả tròn hay dài có thể đoán được người chết quê Quảng Đông, Triều Châu hay Phúc Kiến. Mỹ Tho đại phố có nghĩa địa của cả ba sắc dân nầy. Người Tàu tảo mộ khác ngày với người Việt. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Vào những ngày giáp Tết, Chòm mả của bà con mình là nơi đất cao, để không bị ngập nước. Con cháu mang nhang, bánh trái, dao, xẻng, nếu mả đất. Mả xi măng thì mang vôi và chổi quét, đi tảo mộ.

“Tôi cũng có Mẹ già bên ấy. Mẹ tôi đã nằm dưới mộ sâu. Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ. Mẹ chắc nhớ con, nhớ để rầu. Hai lăm tháng chạp về tảo mộ. Hẹn lần, hẹn lữa, hẹn năm sau. Năm nào cũng vậy, tiền không có. Không tiền, không có vé máy bay! Ngày khánh tận mà tôi khánh kiệt. Chỉ biết tàng xe đến phi trường. Tôi nhớ Mẹ, rồi tôi cũng khóc”

Melbourne buồn, tôi lau lệ mình ên!

Má ơi chiều cuối năm nhớ Má. Ba mươi năm ly hương con không một lần về tảo mộ! Xin Má tha thứ cho con!

Đoàn Xuân Thu



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 16/Jan/2024 lúc 9:51am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/Jan/2024 lúc 10:58am

60 Năm Một Cuộc Tình

1- Ông bệnh nặng có vài tháng thì qua đời. Bà rơi vào khoảng không của một nỗi cô đơn đặc quánh. Gặp ai cũng nhớ ông, thấy gì cũng nghĩ đến ông. Cả năm trời trôi qua bà vẫn giữ y nguyên mọi thứ trong nhà. Tủ áo quần của ông, đồ dùng cá nhân, phòng điêu khắc gỗ..., tất cả đều còn nguyên vẹn, như thể ông vừa đi vắng mặt vài tiếng đồng hồ. Trên computer của bà, mỗi khi bật lên, là trước nhất hiện lên gương mặt ông tươi cười hiền lành, bà nhìn ông, cười chào qua làn nước mắt trước khi bắt đầu làm việc.

       Công việc, chỉ có công việc, mới là cái phao để bà khỏi bị hút vào cõi hư vô của nỗi cô đơn đáng sợ đó. Bà phủ đầu mình với những núi công việc ngồn ngộn. Là chủ tịch của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trang bị thiết bị y tế cho bệnh viện bằng doanh thu của một cửa hàng thrift store (cửa hàng đồ cũ), bà làm việc như không còn có ngày mai. Bà hoàn toàn bỏ qua việc chăm sóc bản thân, chẳng buồn ngó đến thân thể hay tóc tai. Bà bặt giao với bạn bè hay lễ tiệc với con cháu, vì đi đâu làm gì cũng chỉ làm bà nhớ ông thêm mà thôi. Hôm gặp bà dặn tôi qua làn nước mắt:

- Con phải tập cho mình có chút độc lập. Lâu lâu đi chơi gần hay đi chơi xa một mình, tự quyết định những việc không lắm quan trọng một mình. Có dịp thì nên tách mình ra khỏi cái cái khối chung vợ-chồng. Chứ như ta cả đời không có gì là của riêng, làm riêng. Giờ đây không còn ông bên cạnh ta như con diều đứt dây, cứ vật và vật vờ, không còn biết phương hướng để bay đi đâu nữa.

       Rồi một ngày định mệnh kia, giữa những ngày tháng mênh mông buồn, người bạn thân thuở thiếu thời đưa cho bà tờ báo địa phương. Trong mục thông cáo linh tinh có một mẩu tin tìm người thân thất lạc.Người được tìm mang một biệt danh rất đặc biệt, một cái tên mà chỉ có bà, người bạn thân, và một hai người nữa biết mà thôi. Cầm tờ báo trên tay, nhìn chăm chăm vào cái tên gọi vui thuở đôi mươi của mình, bà run rẩy, mắt nhoè đi. Lẽ nào...?

       Đến mấy ngày sau bà vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà như sống trong một cơn mộng mị, lất lây giữa gương mặt tươi cười tươi hiền lành của ông trên màn hình vi tính và một số điện thoại lạ hoắc của mẩu tin tìm người trên báo. Bà hết cầm lên rồi lại bỏ xuống mảnh giấy nhàu nát. Bà không ngủ được, ăn cũng chẳng ngon, làm việc cũng không ra trò trống gì. Mãi đến mấy ngày sau thì bà quyết định gọi đến số điện thoại ấy. Run run cầm điện thoại ép sát vào tai, bà xúc động đến nỗi khi đầu dây bên kia trả lời, bà đứng trơ ra như phỗng đá, không thể thốt lên được một lời nào. Một hai phút im lặng trôi qua, giọng người đàn ông đầu dây bên kia nói nhỏ dịu dàng: “Em đó phải không? Anh đã chờ em suốt 60 năm dài”. Bà bỗng oà lên nức nở, khóc như chưa từng được khóc bao giờ...

       Linh tính bà quả không sai. Người ấy không ai khác hơn là Don. Don của bà! Người yêu đầu đời của bà!

2- Khi ấy nàng chỉ mới 16 và chàng 20. Yêu nhau được 2 năm, khi nàng tròn 18, cả 2 dự định làm đám cưới. Cha nàng phản đối kịch liệt và tìm mọi cách ngăn gián tình yêu của đôi trẻ, vì cho rằng Don không xứng đáng với cô con gái rượu của mình. Ông quyết liệt đến nỗi từ Canada gửi bà qua Anh để sống với họ hàng bên đó. Người cha làm đủ mọi cách để bà quên Don. Và bà đã.. quên thiệt. Còn trẻ măng, bà đâm đầu đi lấy 1 gã chẳng ra gì. 2 năm sau thì ly dị, bà ra đi với 1 cậu con trai còn ẵm ngữa. Cuộc sống ở Anh những năm sau đó thật buồn bã cô đơn, bà quyết định dắt con về lại Canada lập nghiệp trở lại. Thêm một vài mối tình chẳng đâu ra đâu, rồi bà gặp ông – người chồng quá cố, thì bà tìm được tình yêu và hạnh phúc đích thực của hơn 50 năm dài. Cuộc sống viên mãn làm bà không còn nghĩ nhiều đến mối tình đầu của mình năm nào.

4948%201%2060NammotcuocTinhPhanHgMy

       Nhưng Don thì không. Suốt 60 năm ròng rã ông vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn hoài tìm kiếm. Ông cũng có lập gia đình một lần, nhưng trái tim ông đã bị hình bóng của bà chiếm trọn, không còn chỗ cho người khác, nên rồi lại vò võ một mình. Cách đây chừng 10 năm, nghe phong phanh rằng bà đã về lại nơi nơi chốn cũ, thế là cứ một hai tháng ông lại đăng 1 mẩu tin tìm người nơi tờ báo địa phương. Ông cần mẫn như thể một tín đồ ngoan trông cậy vào cái ngày mà lời ước nguyện của mình sẽ được chấp thuận. Và nó đã đến.

       Buông điện thoại xuống bà thừ người ra. Bao nhiêu kỷ niệm cũ của thời trăng tròn quay cuồng trong mái đầu bạc phơ. Vấn vương, hồi hộp, ngóng chờ xen lẫn một nỗi day dứt mỗi lần nghĩ đến người chồng quá cố. Bà cảm thấy có lỗi với chồng khi trái tim mình lại đập loạn nhịp, nên không trả lời những cuộc điện thoại tiếp theo của  ông Don. Bà nằm bẹp trên giường mấy ngày. Cô con gái lớn biết chuyện, khuyên mẹ hãy sống với hiện tại và tương lai, rằng cha cô chắc chắn sẽ vui lòng khi thấy bà hạnh phúc. Thế rồi bà quyết định đi gặp lại ông Don, một cuộc tương phùng sau 60 năm ròng rã. Ngày bà lái xe đi, cô con gái tiễn mẹ ra cổng, không quên dặn với một câu: “Mom, don’t do anything that you will regret later – mẹ đừng làm gì để sau này phải hối hận đó nhé”.

       Kể cho tôi mà bà cười ngặt nghẽo, bảo nó dặn ta y như những gì ta dặn nó hồi 14 tuổi có bạn trai đầu tiên.

3- Cái bỡ ngỡ xúc động dạt dào ban đầu đã qua, giờ đây 2 ông bà luôn bên cạnh nhau. Khi thì ở nhà bà, lúc lại ở nhà ông cách chỗ bà chừng 2 tiếng lái xe. Hôm tôi gặp cả 2 ông bà, ông mở ví khoe tôi tấm hình 1 cô gái trẻ đẹp đứng bên cạnh chiếc xe hơi. Cô mặc bộ đồ tắm màu đen càng tôn lên dáng vẻ quyến rũ một cách lạ lùng. Ông nháy mắt hóm hỉnh, “nàng của ta cách đây 60 năm đó, boiling hot nhá, đến giờ cũng còn... hot như thường”. Bà cười ngặt nghẽo, ánh mắt đầy yêu thương nhìn ông, rồi nhìn qua tôi nói như phân trần,“thấy chưa, ông ấy chỉ có giỏi nói “tầm bậy”. Rồi họ nắm tay nhau chầm chậm quay đi. Lưng ông hơi khòm, mái tóc trắng xóa chỉ còn lơ thơ vài sợi. Bà nhẹ nhàng e ấp đi sát bên cạnh, mái tóc cũng trắng như mây.

4948%202%2060NamMotCuocTinhPhanHoangMy

       Hôm nọ gặp lại ông bà, tôi ngỏ lời, chuyện tình của ông bà đẹp quá, thật sự làm con xúc động, cho phép con viết lại để chia sẻ với bạn bè được không? Ông bà cười thật tươi, ôi vui chứ, con cứ viết đi. Nếu được con dịch ra tiếng Anh cho chúng ta đọc ké lại càng hay nữa.

       Bà rút trong túi xách ra 1 phong thư bạc màu, đưa cho tôi xem 2 tấm hình nhỏ xíu và cũ mèm, bà nói, “con hãy cho các bạn con xem 2 ta vào năm 1959 đi. Đó những tấm hình cuối cùng trước khi ta bị “đày” đi Anh. Ông đã giữ gìn thật cẩn thận suốt gần 60 năm qua đấy”. Tôi cầm 2 tấm hình đã bạc màu theo thời gian trên tay mà không khỏi bần thần. Ôi một thời tuổi trẻ yêu đương của họ... Một đôi trai gái xinh đẹp trẻ trung, say đắm và tình tứ. Và bây giờ trước mặt tôi cũng họ đó, 2 cụ già, giọng nói đã bắt đầu thều thào, đi đứng bắt đầu run rẩy.

4948%203%2060NamCuocTinhPhanHoangMy

Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, ông bảo bà:

- Mình khoe quà Giáng sinh anh tặng đi. Để cô ấy viết nốt đoạn kết một cuộc tình.

Bà quay sang nắm tay tôi, nói khẽ:

- Giáng sinh năm nay ông tặng ta chiếc nhẫn cưới.

       Tôi bỗng nghe cay cay nơi sống mũi, mắt nhòe đi. Ông cũng luống cuống cho tay vô túi tìm chiếc khăn tay, chùi nước mắt. Ông cũng khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc, dẫu muộn màng. Mà có lẽ cũng chính vì đã muộn màng nên lại càng hạnh phúc hơn. Hẳn là vậy.

       Đúng 1 năm sau ngày ông bà gặp lại nhau, có 1 đám cưới nho nhỏ diễn ra trên một bờ biển rất vắng. Người chủ hôn lễ, thật đặc biệt, lại chính là con trai lớn của bà vốn là 1 quan tòa. Tôi cũng được mời dự, nhưng rất tiếc không thể thu xếp để đến. Không cần phải tưởng tượng gì nhiều, tôi cũng biết chắc chắn rằng đó là 1 lễ cưới hạnh phúc nhất, dịu dàng nhất. Trên thiệp cưới của ông bà, có hàng chữ như một kết đọng lại của mối tình:

Love you then, love you still

Always have, always will...

       Bên dưới là mấy chữ viết tắt rất nhỏ “MTY LTT”. Bà nheo mắt giải thích, “câu thần chú” của chúng tôi ngày xưa đó “More than yesterday, less than tomorrow”... (Nhiều hơn hôm qua, ít hơn ngày mai).

Phan Hoàng My

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.453 seconds.