Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Tâm Tình | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình |
Chủ đề: MƯỜI ĐIỀU RĂN NGƯỜI GIÀ | |
<< phần trước Trang of 70 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 14/Nov/2023 lúc 6:41am |
LẫnBà già đó, tóc bạc trắng lưng khòm khòm, đi khệnh khạng chậm chạp một mình trên đường Đồng Khởi ( Đường này ngày xưa tên là Tự Do. Sau 1975, chánh quyền mới, có lẽ thấy hai tiếng “Tự Do” nó… phản cách mạng, nên đã xóa “Tự Do” đi và thay vào bằng “Đồng Khởi”. Có điều là trong từ ngữ thông dụng, nói “tự do”, một đứa con nít cũng hiểu. Còn nói “đồng khởi”, tới… ông già cũng bí luôn ! Nhiều người nghĩ là một địa danh. Nhưng có người rành “bài bản” cho là tên một “đồng chí”, bởi vì cách mạng hay vinh danh các lảnh tụ, các đồng chí kể luôn những đồng chí Liên Xô với những cái tên nghe lạ hoắc như Ku-ba-móp, Bu-măng-lép… vv. Về sau, mới biết là biệt danh của tỉnh Bến Tre ! Nhưng, cho dù là nghĩa gì đi nữa, nghe riết rồi cũng quen lỗ tai, kêu riết rồi cũng quen lỗ miệng. Hai chữ “Tự Do”, vì vậy, đã đi vào quên lãng…). Bà mặc áo bà ba vải trắng, quần lãnh đen, mang dép nhựt. Vừa đi vừa nhìn chung quanh. Bà đi một lúc lại ngồi xuống bệ gạch xây tròn chung quanh góc cây vỉa hè. Có khi bà ngồi chồm hổm cạnh bệ gạch, thay vì ngồi lên bệ gạch ! Đi hay ngồi, bà cũng nhìn quanh. Bà nhìn mấy cửa hàng, bà nhìn từng người qua lại. Cái nhìn trống rỗng. Đường Đồng Khởi, cửa hàng san sát. Phần lớn bán nữ trang, đồ thủ công nghệ, đồ xú-vơ-nia, tranh sơn mài sơn dầu… Thiên hạ đi lại cũng nhiều, nhưng phần đông là du khách ngoại quốc. Không ai để ý đến bà già đó hết. Những người qua đường có lẽ nghĩ rằng bả ở trong một tiệm nào đó trên đường này, đi tới đi lui hóng mát. Còn những người buôn bán thì bận lo chào đón khách, “hơi đâu” mà để ý đến một bà già ? Ngược lại, có vài du khách ngoại quốc theo dõi bà một lúc, rồi chắc thấy đó là hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam nên đưa máy ảnh lên mắt bấm lia ! Nhứt là khi bà ngồi chồm hổm chống tay lên má… Đang chạy xe Honda xuống đường Đồng Khởi, cô giáo Kiều để ý thấy trên lề bên mặt phía trước, đèn flash chớp lia chia, giống như các phóng viên đang chụp một minh tinh sân khấu. Rề rề vào xem, cô nhìn thấy bà già. Cô bỗng nhớ ra là đã thấy bà này cách đây nửa tiếng đồng hồ, đi khệnh khạng ở đầu dưới kia. Sao bây giờ bả lại ở phía trên này ? Mà cũng chỉ thấy có một mình thôi, không ai đi với bả hết. Bả cũng chẳng có vẻ gì lo lắng hay đợi chờ ai. Chỉ thấy nhìn quanh, nhứt là nhìn từng người, kể cả những du khách ngoại quốc ! Cô giáo Kiều chắc lưỡi, nghĩ: “Bà già đi dạo phố mà…”. Rồi rồ ga chạy thẳng. Cô giáo Kiều dạy trung học. Lương không đủ sống nên phải chạy thêm áp-phe cho mấy hãng máy bay để ăn tiền “còm”. Mấy hãng này nằm trên khu đường Đồng Khởi, vì vậy cô thường chạy tới chạy lui ở đây. Cho nên, cô mới nhìn thấy bà già tóc trắng hồi nãy. Sau gần một giờ đồng hồ giải quyết mấy hồ sơ chót cho hãng máy bay, cô giáo Kiều thơ thới ra về. Lần này, cô nhìn thấy bà già đang đi thất thểu cũng trên vỉa hè đó, nhưng ở vào khoảng giữa đường Đồng Khởi, vẫn đi một mình. Mấy người ngoại quốc không còn bám theo bà nữa. Cô nghĩ: “Có cái gì không ổn ! Cứ đi lên đi xuống như vậy mấy tiếng đồng hồ thì đâu phải là đi dạo phố !”. Cô quày xe trở lại rà vào gọi: – Bà cụ ! Bà cụ ! Bà già dừng chân, nhìn cô mỉm cười. Cô giáo dựng xe Honda cạnh lề, bước tới chưa kịp mở miệng thì bà già đã hỏi: – Bộ quen hả ? – Dạ không. Cháu không có quen bà. Nhưng cháu muốn hỏi coi bà đi đâu vậy ? – Đi chơi. – Bộ nhà bà ở trên đường này hả ? Bà nhìn quanh : – Đâu có. Đến đây thì cô giáo nghĩ có lẽ bà già này đi lạc. Nhưng vẫn hỏi tiếp: – Bà đi chơi một mình hả ? – Đi với hai thằng nhỏ. – Hai thằng nhỏ ? – Ờ… Thằng nhỏ của tôi với thằng nhỏ của nó. – Vậy… Họ đâu rồi ? – Đâu biết ! Nãy giờ đợi muốn chết ! Tiếng “nãy giờ” làm cô giáo phì cười. Bà đi trên đường này hơn hai tiếng đồng hồ mà bà coi như chỉ mới có… “nãy giờ” thôi !” Thấy tội nghiệp, cô hỏi tiếp: – Rồi nhà bà ở đâu ? – Ở gần nhà thờ. – Nhà thờ Đức Bà hả ? (Cô nghĩ ngay đến nhà thờ nằm gần khu này nhứt). – Ai biết đâu nà ! Cô giáo suy nghĩ một chút rồi hỏi: – Nếu cháu chở bà tới nhà thờ, bà có biết đường về không ? – Về đâu ? – Về nhà bà, ớ ! – Biết. – Mà bây giờ bà muốn về nhà hay ở đây đợi hai người kia ? – Hai người nào ? – Hai người mà bà kêu là “hai thằng nhỏ” đó ! – Ợ… Tụi nó chắc đi chơi đâu rồi. – Bà có hẹn với họ ở đây không ? – Không. – Vậy sao hồi nãy bà nói bà đợi họ muốn chết ? – Ủa ? Vậy hả ? Thấy bà già quá lẫn, cô thương hại: – Bây giờ bà có muốn về nhà bà không ? – Muốn. – Để cháu chở bà lại nhà thờ, nghen. – Ờ. Cô định đỡ bà lên Honda, thì nghĩ lại: “Không được ! Rủi bả ngồi không vững té xuống thì đổ nợ !”. Nên đề nghị: – Bà ở đây đợi cháu chạy về nhà chở con gái của cháu lại phụ mới được. Bà già “ờ” rồi ngồi chồm hổm xuống, chống tay lên má. Bà làm như cái máy ! Độ mười lăm phút sau, cô giáo Kiều trở lại với đứa con. Trên đường đi, cô đã thuật lại câu chuyện, nên khi vừa ngừng xe, cô nhỏ – tuổi độ 13 – đã nhảy xuống nhanh nhẩu: – Chào bà. Để con đỡ bà lên ngồi với con, nghen. Cô bé đặt bà già ngồi “cặp gắp” giữa hai mẹ con. Bà già bỗng nói: – Hai thằng nhỏ cũng chở tôi như vầy nè ! À… Thì ra đúng là bà có đi chung với hai người nữa ! Vậy, hai người đó đâu ? Hay là họ cùng tới một nơi nào đó, rồi trong khi hai người kia lo làm gì đó thì bà già đi lang bang, đi riết tới đây ? Nhưng sao không thấy ai đi tìm bà hết ? Cô giáo Kiều phân vân, không biết nên để bà ở lại đây hay nên đưa bà đi kiếm “cái nhà thờ gần nhà” ? Nhìn đồng hồ tay thấy còn thời giờ để chạy tới mấy nhà thờ gần gần, cô giáo chắc lưỡi quyết định: “Kệ ! Cứ đi cầu may. Rồi sẽ tính !”. Đến nhà thờ Đức Bà, cô hỏi: – Phải nhà thờ này không bà ? – Cha… Lớn quá há ! Mà có cái tượng của ai cao nghệu vậy ? Như vậy là không phải ở đây rồi ! Chắc ở Tân Định quá. Cô giáo vừa nghĩ vừa rồ ga. Đến nhà thờ Tân Định, cô lại hỏi: – Còn nhà thờ này ? Phải không ? Bà già nhìn, có vẻ suy nghĩ. Một lúc bà mới nói: – Xây tường làm chi mà cao quá há ? – Dạ. Mà bà có nhìn ra cái nhà thờ này không ? – Không biết nữa à ! Chỗ đó có trồng bông… Cô bé góp ý: – Hay là nhà thờ tin lành ở Phú Nhuận ? Cô giáo gật đầu: – Ờ ! Thì cũng thử coi ! Cô ráng lòn lách trong rừng xe cộ để cho mau tới nơi, bởi vì cô không biết còn phải đi bao nhiêu chỗ nữa ! Đến trước nhà thờ tin lành, cô hỏi: – Phải đây không, bà ? – Chỗ đó có mấy cái chuông. – Chết cha ! Nhà thờ nào lại không có chuông ! Cô bé lại góp ý: – Chắc nhà thờ ba chuông quá, má à ! – Cũng có thể lắm ! Nhưng hơi xa à. Để ghé đâu uống miếng nước cái đã. Bà già gật gật đầu: – Ờ… Cho uống đi ! Nãy giờ… khát muốn chết ! Cô giáo phì cười: – Cứ “nãy giờ” hoài. Mà bà có đói không ? – Không ! Khát hè ! Trong khi ghé uống nước sâm, cô hỏi: – Bà có nhớ bà tên gì không ? – Nhớ chớ ! Tên bà Sáu ! – Con của bà tên gì ? – Tên thằng Đực. Mỗi lần bà trả lời là một lần cô bé cười hắc hắc. Trái lại, cô giáo Kiều không cười được nữa. Cô chỉ thấy càng thương hại bà già. Bà lẫn như vậy mà người nhà không chú ý gì hết. Để cho bà đi lang bang… Thật là tắc trách ! Cô lại hỏi: -Vậy chớ… xóm của bà tên là xóm gì ? – Cầu Ngang. Hai mẹ con cô giáo nhìn nhau. Ở thành phố, chưa nghe nói “xóm Cầu Ngang” bao giờ. Có “Cầu Kinh”, “Cầu Bông”, “Cầu Kiệu”, “Cầu Chữ Y”, “Cầu Tre”… vv. Chớ làm gì có “Cầu Ngang” ? Nhưng không sao. Miễn là bà già nhìn ra được cái nhà thờ của bả, là có thể phăn ra cái xóm. Uống nước xong, lại chở nhau đi. Lại phải lòn lách, bóp kèn liên hồi. Đến nhà thờ ba chuông, bà già cũng nói không phải ! Lần này, cô bé đề nghị: – Mình chở bà đi vòng vòng như vầy, rủi người nhà đi kiếm thì làm sao mà gặp ? Thà trở lại đường Đồng Khởi, ngồi một chỗ mà đợi, con thấy chắc ăn hơn, à má ! Cô giáo đồng ý. Vả lại trời cũng đã xế bóng rồi. Vậy là chở nhau đi nữa. Lần này, đường từ nhà thờ ba chuông về nhà thờ Đức Bà cũng khá xa, nên cô giáo chạy có hơi nhanh. Bà già sợ, nhắm mắt, không dám nhìn quanh nhìn quất nữa ! Đang đổ xuống đường Đồng Khởi bỗng có một thanh niên chạy Honda ngược chiều, gọi lớn: “Ê ! Ê !”. Rồi gã quành xe lại chạy theo. Chạy đến ngang xe cô giáo, hắn la: “Bà nội ! Bà nội !”. Bà già mở mắt nhìn sang: – Ờ ! Mầy đó hả ? Cô giáo và hắn rề xe vô lề, ngừng lại. Hắn hỏi, có vẻ bực tức: – Cô chở bà nội tôi đi đâu vậy ? Cô giáo cũng bực tức, to tiếng: – Bộ anh tưởng tôi có thì giờ ở không để chở bả đi chơi, hả ? Thấy bả đi lạc mà muốn về nhà nên mẹ con tôi tội nghiệp mới chở bả đi giùm. Anh hiểu chưa ? Nè ! Tôi trả bả lại cho anh đó ! Thanh niên dịu giọng: – Vậy hả ? Làm từ trưa tới giờ, cha con tụi này chạy kiếm tùm lum. Mất cha nó mấy cái áp phe ! Trong lúc cô bé đỡ bà già lên vỉa hè, hắn vẫn ngồi chàng hảng trên Honda, vừa kể vừa huơi tay ra bộ: – Bả kỳ lắm ! Hồi trưa này, trên đường chở bả lại gởi ở nhà cô Út, tụi này ghé Ủy Ban Nhân Dân có chút việc. Biểu bả đứng coi chừng xe, mà một hồi ra thấy bả đâu mất ! Có hẹn mấy áp phe “xịn” mà phải bỏ để chạy đi kiếm. Í hị… Mấy bà già… Thiệt… Khổ quá ! Cô giáo Kiều phát ghét, không muốn nói thêm một lời. Nhưng vì tò mò nên vẫn hỏi: – Bà nói nhà bà ở xóm Cầu Ngang gần nhà thờ… Là ở đâu vậy ? Gã thanh niên cười hắc hắc: – Đó là nhà bả ở dưới quê gần Vĩnh Long, á ! Bây giờ tiêu hết rồi. Hồi đó biểu bán không chịu bán để bây giờ đất đai nhà cửa bị lấy hết. Lên đây, tối ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ ! Vừa nói hắn vừa nhìn quanh như tìm cái gì. Hắn thấy ngang chỗ hai người đậu Honda, có một cửa hàng cho mướn điện thoại. Hắn dựng xe, bước xuống: – Để tôi kêu về nhà cho ba tôi hay. Hắn điện thoại mà nói lớn tiếng như sợ ở đầu kia không nghe. – A-lô ! A-lô ! Ờ ! Kiếm được bà nội rồi, nghen ! Không có sao hết. Bây giờ ba đi vụ cái Toyota, đi ! Để cái Mercedes tôi lo. Tôi đưa bả lại cho cô Út rồi chạy vụ cái xe này. Thôi ! Cúp ! Trả tiền điện thoại xong, hắn bước lại bà già cằn nhằn: – Nói đứng đâu thì đứng đó giùm một cái. Bà nội đi đâu báo hại người ta kiếm muốn chết. Thôi ! Mình đi ! Hắn đỡ bà già lên xe, đặt hai chân của bà lên bàn đạp, vừa làm vừa nói: – Để chân đây cho chắc. Đừng huơi huơi rồi làm rớt dép như hôm trước, tôi không lượm đâu, nghen ! Bà già làm thinh. Hắn trèo lên ngồi: – Ôm eo ếch cho kỹ nghen. Chạy à ! Rồi hắn quay sang cô giáo Kiều: – Thôi. Đi nghen ! Hai mẹ con cô giáo không còn lời để nói ! Nhìn theo, thấy bà già tóc trắng ôm chặt lưng thằng cháu nội, giống như người ta ôm một cái phao !.. Trên đường Đồng Khởi, người qua kẻ lại… Tiểu Tử
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 14/Nov/2023 lúc 6:44am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 24/Nov/2023 lúc 8:37am |
Những Người 50-80 Tuổi Nên ĐọcVòng tròn của tháng năm không ngừng luân chuyển, ngày lại ngày, thời gian trôi qua đưa tôi vào những năm tháng của tuổi xế chiều. Tôi lặng lẽ rong ruổi trong đường hầm thời gian, bất ngờ cánh cửa tư tưởng mở ra trong ngập tràn ánh hoàng hôn rực rỡ. Ngay lập tức, tôi cảm thấy toàn thân ung dung nhẹ nhõm, lòng thanh thản bình yên.
1. Đời người ai cũng có những lúc huy hoàng, nhưng những ánh hào quang ấy sẽ sớm bay theo gió và thoảng qua như khói tản mây trôi, ta không cần lúc nào cũng dương dương tự đắc và nhớ mãi không quên. 2. Đời người ai cũng có những lúc khổ đau, nhưng những khổ đau đó lại là bài học bắt buộc, là nấc thang trưởng thành, là của cải tinh thần quý giá của đời người. Ta không thể nghĩ đó chỉ đơn thuần là bất hạnh trong cuộc đời. 3. Khi còn trẻ, chúng ta luôn đầy những mộng tưởng viển vông về tình yêu, nhưng trên đời này không có tình yêu nào là thập toàn thập mỹ, vậy nên dù tình yêu có chỗ thiếu sót không hoàn mỹ thì cũng cần dụng tâm và quý trọng bằng cả trái tim, đừng vội nói lời phân ly. Điều quan trọng là, có một người yêu bạn thật lòng, đi cùng bạn trên mọi nẻo đường mưa nắng, luôn bên cạnh và nắm tay bạn đến cuối cuộc đời. 4. Khi còn trẻ, chúng ta luôn thích tranh giành hơn thua với mọi người, thiếu sự thấu hiểu và bao dung, thậm chí còn tạo ra những mối ân oán khó giải với ng��ời khác. Thực sự, ở tuổi xế chiều, khi nhìn lại những năm tháng đã qua của mình, tôi thấy thật ấu trĩ và nực cười. Khi đối xử với người khác bằng thái độ khoan dung và nhân từ thì có ân oán nào mà không thể giải quyết được? 5. Khi còn trẻ, chúng ta thường chỉ chú ý đến sự nghiệp, mà quên mất rằng còn cần quý trọng thân thể của bản thân. Bởi thực ra, thân thể con người ngay lúc còn trẻ đã thường bị làm hư hại, khi về già bệnh tật đầy thân, hối hận thì đã muộn rồi. 6. Khi còn trẻ, chúng ta thường nghĩ nuôi con để phụng dưỡng lúc tuổi già, đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, nhưng khi về già, chúng ta mới nhận ra rằng mình cần phải dựa nhiều hơn vào chính bản thân, và chủ yếu là vợ chồng về già sẽ chăm sóc nương tựa vào nhau. 7. Hầu hết cuộc sống của chúng ta đều bận rộn với sự nghiệp và gia đình, và chúng ta rất mệt mỏi. Khi về già, bạn chợt nhận ra cuộc đời thật ngắn ngủi, ông Trời không còn cho bạn nhiều thời gian, vậy nên bạn hãy nắm bắt thời gian để làm những điều mình thích, và sống thật hạnh phúc. 8. Hầu hết những người lớn tuổi trong thế hệ chúng tôi đều sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và có thói quen cần cù tiết kiệm. Nhưng khi về già, ta cần rộng mở hơn, đừng quá coi trọng tiền bạc. Tiền bạc vốn là vật ngoài thân, nếu bạn có điều kiện, bạn nên sẵn lòng giúp đỡ mọi người. 9. Khi còn trẻ, chúng ta thường coi trọng bản thân quá mức. Nhưng khi về già, bạn sẽ dần dần hiểu ra rằng vị trí của bạn không quá lớn, bạn chỉ giống như một giọt nước trong đại dương mênh mông, vô cùng bé nhỏ. Trái đất vẫn tiếp tục quay khi không có bạn, và xã hội cũng sẽ tiếp tục phát triển mà không cần có bạn. 10. Khi về già, bạn sẽ ngày càng ít tiếp xúc với xã hội, người quen và bạn bè ngày càng ít đi, bạn sẽ cảm thấy cô đơn và lẻ loi hơn, vậy nên bạn phải học cách tự an ủi mình, học cách thắp lên ngọn đèn hy vọng cho chính mình trong đêm dài cô quạnh, học cách sống trong cô độc và lẻ loi. 11. Khi về già, bạn sẽ thực sự nhận ra rằng cuộc sống bình hoà rất thuần khiết, tình bạn bình hoà rất chân thành, nụ cười bình bình rất dịu dàng; một chút cô đơn lặng lẽ là đẹp đẽ, mộc mạc nhẹ nhàng là chân thật, vắng vẻ tĩnh mịch lòng cũng say. 12. Khi về già, sức yếu và bệnh tật, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến cái chết. Thật ra, sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, chúng ta nên thản nhiên đối mặt và mỉm cười coi nhẹ cái chết. Chỉ cần một đời ngay thẳng, làm người đường đường chính chính, không hổ thẹn khi tự vấn lương tâm, ta nên dũng cảm đón nhận cái chết, nhắm mắt mỉm cười và rời khỏi thế gian mà không hối tiếc. 13. Sự sáng suốt của tuổi già 01 – Khi về già, đối mặt với sự sống chết, có lúc cần kéo dài tuổi thọ, có lúc phải buông xuôi theo mệnh. 02 – Khi về già, đối mặt với bệnh tật, có lúc phải yêu cầu bác sĩ, có lúc nên thuận theo tự nhiên. 03 – Khi về già, đối mặt với kim tiền, có lúc cần phóng khoáng, có lúc phải tiết kiệm. 04 – Khi về già, đối mặt với quốc sự, có lúc nên quan tâm, có lúc nên thận trọng. 05 – Khi về già, đối mặt với cháu con, có lúc phải làm gương, có lúc phải giao thiệp. 06 – Khi về già, đối mặt với dưỡng sinh, có lúc phải nhiệt tình, có lúc phải tuần tự. 07 – Khi về già, đối mặt với các mối quan tâm, có lúc phải nồng hậu, có lúc phải hững hờ. 08 – Khi về già, đối mặt với việc quản lý gia đình, có lúc phải tham dự, có lúc phải buông tay. 09 – Khi về già, đối mặt với những việc đã qua, có lúc cần quay đầu nhìn lại, có lúc phải bỏ qua. 10 – Khi về già, đối mặt với bất công, có lúc cần kháng nghị, có lúc phải lặng im. 11 – Khi về già, đối mặt với khó khăn, có lúc phải vượt qua, có lúc cần né tránh. 12 – Khi về già, đối mặt với sự khoe khoang, có lúc phải mỉm cười, có lúc cần im lặng. 13 – Khi về già, đối mặt với bạn cũ, có lúc phải thật lòng, có lúc không tranh cãi. 14 – Khi về già, đối mặt với hôn nhân, có lúc phải kiên trì, có lúc cần từ bỏ. Đời người ngắn ngủi, tháng năm dằng dặc. Nhân sinh nhất thế, bất kể thành công thất bại, vui mừng khổ đau, thịnh suy vinh nhục, tất cả đều chỉ như nước chảy mây trôi, một đi không trở lại. Vui với việc tự
mình nỗ lực vươn lên, thanh bạch đạm bạc vô sầu. Kẻ làm ác sẽ gặp tai họa, người
làm thiện sẽ được phúc lành. Kẻ đê hèn ắt mục nát còn người cao thượng mãi trường
tồn. st.
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 24/Nov/2023 lúc 8:39am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 25/Nov/2023 lúc 11:50am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 16/Dec/2023 lúc 9:43am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 21/Dec/2023 lúc 4:44pm |
SĂN SÓC NGƯỜI DƯNG MÀ NHỚ RUỘT THỊT
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Dec/2023 lúc 4:45pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 26/Dec/2023 lúc 10:10am |
Phiếm Cuối Năm Người GiàNgười già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên? Hồi xưa lúc còn ở Việt Nam tôi thường nghe nói đến những người từ 50 tuổi trở lên được (bị) gọi là người già. Chỉ gọi là “người già” chứ không ai gọi “người lớn tuổi” hay “người cao niên” như sau này. Ra đường thấy “người già” thì gọi “ông già” “bà già” chứ không ai gọi “ông cao niên” hoặc “bà cao niên”. Nhưng nói chung, cho dù gọi bằng thứ chữ nghĩa nào thì “ông già” vẫn là “ông già” và “bà già” vẫn cứ là “bà già”. Để biết được ai là người già, chỉ cần nhìn qua vóc dáng bên ngoài như tóc bạc, da nhăn, đi đứng chậm chạp, nói năng từ tốn, mắt kém, tai lảng…vân vân…Nhưng với những “xảo thuật” của văn minh nhân loại, người ta có thể biến “tóc bạc” thành “tóc đen”, biến “da nhăn” thành “da láng cón”, đôi mắt “lờ mờ” thành đôi mắt sáng, tai điếc thành tai hết điếc…Kể ra có rất nhiều món ăn chơi khiến mấy ông già bà già vực lại vóc dáng mĩ miều như xưa đôi chút và những cơ phận suy thoái trong cơ thể cũng được phục hồi phần nào. Người già – đặc biệt là “các bác già gái” có thể ngụy trang bằng “tóc giả”, bằng “răng giả”, bằng “mắt giả”, bằng “tiền vệ giả”, bằng “hậu vệ giả…nhưng những bộ phận bên trong thì không thể nào có “đồ giả” được như trái tim, lá phổi, bộ não…Đó là chưa kể đến những thứ mà thời chưa phải là “ông già” hay “bà già” chưa có được, nay lại có để mang vào mình. Chẳng gì xa lạ! Đó là những “con bịnh”. Đây chính là kẻ thù của những ông già lẫn bà già. “Nam nữ bình quyền” nên “bịnh” không chừa một ai. Ba căn bịnh thông thường mà đa số người già thường mang “từ đầu đến chân” là: cao máu, cao mỡ và cao đường. Nhiều lần tôi nghe câu phán như đinh đóng cột này: “Ba cao một thấp” tức là ba loại “cao” nói trên cùng với một thấp là “thấp khớp”. Những bịnh khác đáng kể là đau cột sống, đau thần kinh tọa, trụy xương đầu gối… Đó là chưa kể một số bịnh “cao cấp” khiến ai cũng ngán như đau tim, liệt não, đau thận, ung thư…Có cả tá bịnh dành tặng cho người già kể ra không hết. Đừng nói chi đâu xa, như tôi đây cũng được ông trời tự động cho đứng chung hàng ngũ với những người già mà không cần phải làm đơn cứu xét gì cả. Cách nay chừng hơn ba mươi năm lúc còn ở Việt Nam, một hôm đang ngồi nghỉ trưa ở ghế thì bỗng dưng nghe cái đầu bừng bừng khó chịu. Đi cho bác sĩ khám. Kết quả: cao máu! Ở Mỹ dạo còn đi làm, giờ nghỉ ăn trưa xong độ ba mươi phút sau thấy ruột cồn cào, người mệt, toát mồ hôi, về nhà mét vợ, vợ phán: tiểu đường! Khuya đang ngủ bỗng nghe ngón chân cái đau điếng như có ai lấy miểng chai rạch vào. Hôm sau đi bác sĩ lại nghe phán: gout! Đại khái đó là những con bịnh chính, còn những bịnh khác thì tính ra cũng kha khá chẳng hạn như có một ngày đẹp trời, lái xe ghé phòng bác sĩ khám mắt. Khám xong phán: mắt cườm! Phải mổ. Mổ thì mỗ. Mỗi tuần mổ một con. Rồi cầm cái toa đi làm kiếng, mỗi bên mỗi độ khác nhau. Lại bày đặt làm cái kiếng hai tròng. Tròng trên đeo vào để thấy đường lái xe. Tròng dưới mang vào để đọc sách, đọc email, đọc facebook, đọc đủ loại messages, messengers từ bốn phương trời gửi tới …nhưng không có ai gửi thư viết tay như thư tình chẳng hạn để đọc…Chưa hết…cũng vào một ngày đẹp trời…vợ từ dưới nhà gọi vọng lên lầu. Nghe thoang thoảng tưởng nàng đang cất giọng hát “anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ…Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…Và anh có nghe…”. Cứ tưởng tiếng ca du dương đang lọt vào tai nên cứ ngồi yên thưởng thức. Chừng phút sau tiếng hát trở thành tiếng quát “Anh có nghe hay không? Xuống bưng dùm nồi canh…” Thế là xuống lầu bê nồi canh nóng hổi ra khỏi bếp điện. Mà chẳng phải một lần đâu! Nhiều và rất nhiều lần như thế. Chán mớ đời! Cho đến một ngày vợ xúi đi bác sĩ khám tai. Đốc tờ làm hai ba cái test xong phán: điếc tai bên trái! Phải mang trợ thính! Mang thì mang sợ gì (chữ ‘sợ gì’ học được của ông Chính Đầu Đò). Nhét hai máy trợ thính vào hai tai thì nghe toàn những tiếng lao xao, xì xào, rột rẹt, cót két…đôi khi nghe như tiếng sắt tiếng chì khiến nhức cả cái đầu. Rồi ba lần bốn lượt thay đổi máy, vẫn đâu vào đấy! Cho đến một hôm cũng đẹp trời, con gái rõ chuyện nên mời bố già lên xe và chở thẳng vào nhà thương khám tai làm test rồi cũng phán: đeo trợ thính! Chiếc máy này giá cả làm tôi đau cái bụng quá nhưng đành phải mang vì con gái lo cho cha già nên nỡ nào không đeo. Ban đầu bà đốc tờ dụ khị mua hai cái và cho đeo thử, không thích thì mang trả. Mang được vài ngày nghe êm êm nhưng tai bên phải vốn nghe rõ, nay mang vào nghe cũng không tác dụng gì hơn, phí tiền nên mang trả. Kết quả là máy mới này khi đeo vào nghe nó êm tai chứ không còn nghe tiếng rì rào xột xoạt gì nữa. Tuy vậy nhiều lúc ở nhà cũng quên đeo nên vợ phải lên tiếng “gọi người yêu dấu xa vời…” Lúc đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè thì mang nhưng lắm lúc quên đeo nên bạn bè cứ nói và ta cứ làm bộ như đang nghe rõ và gật gật cái đầu như người đã hiểu chuyện. Vụ này có thể nào là tội “gian dối” với bạn bè? Nghĩ lại, bạn bè già nhiều khi chỉ nói những chuyện “trời ơi đất hỡi” nên không lọt vô hai lỗ nhĩ cũng không sao… Chẳng những một mình tôi bị điếc mà tôi biết chính xác trong đám bạn bè của tôi cũng có cả đám điếc, có đứa mang máy, có đứa không nên cũng sinh ra nhiều chuyện tức cười. Hôm tháng mười tôi đi dự một đám cưới, có hai anh bạn tôi biết là điếc ngồi gần nhau, không biết có mang máy điếc hay không nhưng hai người nói chuyện ra điều tâm đắc lắm…nói nói cười cười và người nào cũng chăm chú nghe. Khi tan tiệc tôi hỏi anh A (giấu tên): bồ nói chuyện gì với ông B mà thấy vui quá vậy? Anh ta trả lời: “Có nghe mẹ gì đâu!”. Tôi lại hỏi anh B: Ông và ông A nói chuyện gì mà vui vẻ thế? Anh B trả lời: Có nghe mẹ gì đâu! Thật chán mớ đời cho mấy ông già điếc…như tôi. Chuyện của người già là chuyện dài bất tận. Vui có. Buồn có. Nhưng vui ít buồn nhiều. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người lãnh vào người năm ba thứ bịnh khác nhau. Tôi có nhiều bạn ở khắp nơi, thường liên lạc nên biết người này mới bị đột quỵ, người kia mới mổ tim, kẻ ngồi xe lăn, người đi chống gậy…Mới đây tôi làm một chuyến du hành sang California để tham gia sinh hoạt hội đoàn vừa thăm viếng bạn bè. Đến San Jose có bạn bệnh nặng không ra ngoài gặp bạn bè được, người khác vừa mổ tim hai tháng, ốm tong teo như cây sậy, đang phục hồi. Một trự khác vừa gặp bèn cầm bàn tay tôi đặt vào ngực chàng, thì ra chàng đang mang máy trợ tim. Xuống tới nam California gặp người bạn thân mới biết anh bị đột quỵ nặng, chữa khỏi và sức khỏe kém xưa rất nhiều. Cầu cho các bạn tôi chóng phục hồi sức khỏe. Như vậy, so với một số bạn của tôi, tôi vẫn là người tuy có mang những bệnh trời cho nhưng sức khỏe của tôi vẫn hơn một số bạn bè. Tiếp tục câu chuyện người già. Cũng không đâu xa. Nơi tôi ở cũng nhiều bạn bè, già có, trẻ có. Đặc biệt là các bạn già thân thiết. Vài trường hợp đang diễn ra như sau: Thứ nhất, bạn tôi từ thời trung học người rất khỏe, ăn nói hoạt bát, thể dục đều đặn và thường xuyên khuyên tôi phải ăn thứ này phải uống thứ nọ cho khỏe. Bỗng có một thời gian chừng hơn hai tháng không gặp nên tôi lái xe đến nhà thăm thì biết anh đột quỵ nhẹ và đã chữa khỏi hoàn toàn, sức khỏe bình thường trở lại. Nhưng anh cho biết là vợ con của anh không cho anh lái xe nữa! Anh rất buồn. Tôi hỏi “mày còn lái được hay không?”. Anh trả lời: Được chứ sao không! Tao vẫn còn khỏe mà…”. Vài lần tôi khuyên chị vợ nên để cho anh tiếp tục lái xe, chỉ lái vòng vòng gần nhà nhưng chị bảo con chị đã giấu chìa khó xe. Anh ta than với tôi về điều này và từ đó anh chỉ loanh quanh trong nhà, thỉnh thoảng con cái đến rước đi ra ngoài ăn uống rồi thảy lại về nhà. Chuyện đã hơn ba năm và mỗi lần tôi ghé thăm anh mừng lắm và chuyện trò vui vẻ. Như tôi đã đoán là anh sẽ lâm tình trạng “trầm cảm” nếu vợ con anh cứ nhất mực nhốt anh ở nhà. Mới đây tôi ghé thăm anh. Thấy lưng anh khòm, bước đi chậm chạp hẳn, giọng nói yếu ớt... Hỏi đến đâu anh trả lời đến đó, tôi gợi lại vài chuyện xưa, anh cũng nhớ. Nói xong anh ngồi im, quay mặt đi chỗ khác, mặt đờ đẫn trông rất tội nghiệp… Trường hợp thứ hai, tôi chơi rất thân với một anh bạn vong niên. 90 tuổi nhưng anh vẫn khỏe mạnh, thường lái xe đi đường xa đường gần và có mặt trong các cuộc sinh hoạt với bạn bè. Thế mà vào mùa xuân năm nay (2023) anh cho biết là đôi chân của anh tự dưng yếu hẳn, không bước đi được mà phải chống gậy “bước từng bước thầm” trong nhà. Anh không lái xe được nữa! Anh yêu cầu tôi nếu có gặp gỡ bạn bè trong nhóm thì ghé nhà chở anh đi. Tôi đã làm theo lời yêu cầu của anh lâu nay. Trường hợp thứ ba. Bạn tôi là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trước ở Sacramento, sau dời về Houston. Chúng tôi thường gặp nhau trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, đi cắm trại…mặc dầu đôi chân của anh yếu, phải có gậy chống mỗi khi đi ra ngoài. Anh không còn lái xe được nữa! Thế rồi một hôm – anh kể – mở cửa bước đi thì bị vấp té – lý do là mắt anh không còn thấy rõ nữa. Tôi ghé thăm và thấy anh mò mẫm viết trên những trang giấy không hàng không lối. Con anh chở đi bác sĩ suốt cả năm trời nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Anh rất buồn và mỗi lần muốn gặp bạn bè thì tôi ghé nhà chở anh đi. Cách nay hai năm anh di chuyển về tiểu bang North Carolina để tiếp tục điều trị nhưng, theo lời anh “mắt không bớt mù mà lại còn mù thêm! Tôi có hỏi “thị lực” của anh bây giờ ra sao? Anh cho biết “khoảng chừng 20 đến 25 phần trăm”. Vào thượng tuần tháng 11 vừa rồi anh gọi điện thoại cho tôi và báo:”Tôi đã đi được nửa đường”. Tôi hỏi: “Nửa đường là sao? Anh trả lời” “tôi đang trên đường về lại Houston…đi bằng Greyhound…”. Hôm sau tôi ghé nhà con anh để đón anh đi uống cà phê. Anh nói ở bên đó (North Carolina) buồn quá nên về lại đây thỉnh thoảng gặp anh em cho vui. Anh kể cho tôi nghe anh nghĩ ra cách để xử dụng bàn phím computer để tiếp tục viết truyện. Anh đã hoàn thành truyện ngắn “Người Mù” và về Houston anh sẽ tiếp tục viết và đặc biệt viết về đề tài “Mù”. Do “Duyên”, tôi đã trở thành tài xế Uber cho ba người bạn của tôi. Tôi thương và quý trọng họ. Ngày nào tôi còn lái xe được, tôi vẫn đến đón họ – âu đó cũng là một việc Thiện mà trong Hướng Đạo dùng hai chữ “Giúp Ích”. Cần nói thêm việc người già và thuốc men. Dĩ nhiên bịnh là phải uống thuốc. Đối với tôi, tôi thi hành khá đứng đắn việc uống thuốc, nhất là các loại thuốc nằm trong nhóm “ba cao”: máu – mỡ - đường. Nếu chỉ tính từ ngày qua Mỹ đến nay là 32 năm, mỗi ngày uống một viên thuốc cao máu, cho đến nay tôi đã ních hết 11,650 viên. Thuốc cao mỡ mỗi ngày 4 viên, 32 năm xơi đủ 46, 600 viên. Thuốc trị cao đường mới uống 22 năm, tính ra tổng cộng là 8,030 viên nằm trong bụng! Chưa kể những loại thuốc khác để trị các bịnh loại linh tinh như nhức xương, đau khớp, đau vai, đau bàn tay, nhức đầu sổ mũi hay bệnh gout…tổng cộng sơ sơ cả ngàn viên. Tạm đúc kết cho đến nay khi đang ngồi gõ gõ trên máy tôi đã nhét vào trong bao tử 86,280 viên thuốc đủ các loại! Riêng về món thuốc trị gout, theo chỉ dẫn của đốc tờ thì mỗi ngày ních một viên. Dĩ nhiên tôi thi hành đúng khi hai ngón chân đang quằn quại. Sau một tuần hết đau thì tôi ngưng uống thuốc một thời gian khá lâu, chừng cả năm. Sau đó tôi bắt đầu uống lại dù bịnh chưa tái phát nhưng chỉ uống hai viên mỗi tuần. Tôi tự giải thích như sau: vì tôi khoái xơi món phở bò và thích uống rượu vang là hai món giúp làm tăng lượng Acid uric trong máu nên phải uống cầm chừng cả vài năm nay, thấy cũng phê! Phở bò là món “quốc hồn quốc túy” khó mà từ bỏ được. Còn món rượu vang thì theo nhà báo Lê Văn là “Món Quà Của Thượng Đế”. Thượng Đế đã ban cho nhân loại mà không nhận hưởng thì khi chết xuống địa ngục hay leo lên được Thiên đàng e rằng khó trả lời với Ngài… Trở lại chuyện của tôi “đáng ghét”. Trước ngày lễ Tạ Ơn vừa qua trong khu vực tôi ở “Berkshire Community” có tổ chức “Chạy bộ” và “Đi bộ”. Để rà soát sức khỏe của mình nên tôi liều ghi danh môn “Chạy bộ”. Chạy hai miles. Đi bộ chỉ một mile. Khoảng ba mươi người chạy bộ đủ lứa tuổi già trẻ lớn bé nam nữ. Tôi chạy theo đám đông và không thể nào theo kịp mấy ông Mỹ ông Mễ nhưng cố bám sát, có lúc phải bước sãi rồi lại lết tiếp cho đến khi về đến đích. Đến nơi ban tổ chức tròng vào cổ tôi một chiếc Medal. Tối hôm đó nằm ngủ nghe hai bắp vế đau nhức dữ dội nên hôm sau lái xe vào Gym ngồi trong Spa cho nước nóng nựng hai bắp đùi. Liên tục ba ngày thấy hết đau hết nhức. Gặp bạn bè, người quen ai cũng bảo sức khỏe tôi tốt! Mừng ghê đi! Năm tới tôi sẽ bước lên bục tuổi tám bó… Phong Châu |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 09/Jan/2024 lúc 9:54am |
Mái tóc bạc và tấm lòng vàng: Quà tặng cho những bậc ông bà tuyệt vờiGặt hái những lợi ích của năm tháng vàng son. Đầu tiên, bạn hãy thực hiện một trắc nghiệm nhanh. Câu nào dưới đây có nhiều khả năng là câu trả lời từ bậc ông bà hơn là từ cha mẹ? “Tất nhiên rồi, con có thể ăn thêm một tô kem rắc hạt chip chocolate nữa. Con đang lớn mà.” “Đây là 20 dollar. Mua thứ gì đó con thích đi.” “Chúng ta sắp đi ngang cửa hàng quần áo và sẽ ghé vào một lát, con có thể mua vài bộ đồ mới.” “Ôi trời, một tấm phiếu phạt có phải là tận thế đâu. Lần sau chỉ cần nhớ để ý đồng hồ tốc độ là được rồi.” “Trên đường về nhà, mình ghé qua cửa hàng kẹo nhé.” Nếu bạn chọn cả 5/5 câu trả lời là của ông bà, bạn là người thắng cuộc. Đối với hầu hết chúng ta, làm ông bà nghĩa là vui vầy bên con cháu, với ít ràng buộc trách nhiệm làm cha mẹ. Chúng ta không phải là những người thức dậy cho bé ăn lúc 3 giờ sáng hay lo toát mồ hôi chờ đợi cô con gái tuổi teen đi prom về nhà. Không chúng ta đến [thăm các cháu] với những món quà nhỏ trong túi xách, không bị chê bai trước những chuyện cười nhạt nhẽo vì địa vị và tuổi tác của mình, chúng ta cũng là người dành thời gian để lắng nghe bé cháu 6 tuổi kể lại những giấc mơ ban đêm dài dòng của cháu. Và bởi vì bậc ông bà có dư dả thời gian để chơi đùa với các cháu, theo một số cách nào đó, chúng ta có thể tìm lại sự kỳ diệu và niềm vui thời thơ ấu, đồng thời sửa chữa những sai lầm mà mình mắc phải khi làm cha mẹ. Hãy chiêm nghiệm những món quà này theo trình tự thời gian, bắt đầu từ giai đoạn các cháu ra đời. Điều kỳ diệu của trẻ sơ sinh Trong
bài luận đầy thông thái và sâu sắc có nhan đề “A Defence of Baby
Worship” (Biện luận cho việc tôn sùng trẻ thơ), ông G.K Chesterton đã
đưa ra một nhận xét khiến nhiều người trong chúng ta sửng sốt về tính
chân thực sâu sắc của nó: “Các trường phái và những bậc hiền triết uyên
thâm nhất cũng chẳng thể sánh được với sự trang nghiêm ngự trong đôi mắt
của một đứa trẻ ba tháng tuổi. Đó là sự nghiêm túc đầy ngỡ ngàng về vũ
trụ, và niềm hân hoan ngạc nhiên ấy không phải là thần bí, mà là một
dạng trí tuệ vượt qua lý trí thông thường.” Nhà thờ nơi tôi đến mỗi buổi sáng Chủ nhật có nhiều trẻ nhỏ, nhiều em trong số đó là trẻ sơ sinh, và ít nhất mỗi tháng một lần, em bé tựa đầu trên vai mẹ hoặc cha, đưa ánh mắt nhìn tôi. Trong ánh nhìn đó là những yếu tố mà ông Chesterton đã miêu tả một cách hoàn hảo: sự trang nghiêm và ngạc nhiên. Và nếu chúng ta đọc kỹ câu từ của tác giả, chúng ta sẽ hiểu rằng sự ngạc nhiên này kỳ thực là một loại trí tuệ siêu việt vốn dĩ phải thuộc về tất cả chúng ta. Suy xét cho thấu đáo thì, vũ trụ này nên khiến chúng ta thảng thốt hồ nghi. Đôi mắt của đứa trẻ sơ sinh ấy như bác bỏ sự lãnh đạm của chúng ta đối với hành tinh kỳ diệu này, nơi ta đang sống, một sự mù quáng phát sinh từ những lo lắng và tổn thương mà chúng ta phải gánh chịu qua nhiều năm tháng. Ánh nhìn không chớp mắt này là một trong những món quà đầu tiên của cháu bé dành cho ông bà. Từ chập chững biết đi đến tuổi thiếu niên Một học sinh lớp ba muốn bà xáo bài và chơi cờ bàn hàng
giờ liền. Một đứa bé 11 tuổi cần một bảo mẫu đa năng, tất cả các tố
chất hội tụ ở ông bà: một tài xế, một người kể chuyện, một gia sư toán
học, và một người hướng dẫn về nghệ thuật làm vườn hay ném bóng chày. Đây là những năm tháng vàng son khi ông bà có cơ hội quay về ngày tháng làm cha mẹ và cả trước đó, làm trẻ con. Họ đọc câu chuyện mầm non “Chàng Mèo Đội Mũ” (The Cat in the Hat) mà cha mẹ đã đọc cho họ và họ đã đọc cho các con của mình. Họ kiên nhẫn lắng nghe một học sinh lớp bốn đọc thuộc bảng tính nhân như cha mẹ họ từng làm. Ông chỉ các cháu cách luồn dây câu, hệt như cách ông nội của ông đã truyền dạy cho ông. Bà, người làm bánh quy chocolate chip ngon nhất mọi thời đại, dạy lại những bí kíp cho cháu gái, và ở khoảnh khắc đó bà như được trở lại 50 năm về trước trong lớp học với người bà của mình, căn nhà bếp. “Không ai có thể làm cho trẻ nhỏ những điều mà ông bà đã làm cho chúng,” nhà văn Alex Haley từng nói. “Ông bà như những người rắc bụi sao lấp lánh lên cuộc đời của các cháu nhỏ.” Đây là khoảng thời gian đẹp như mơ với vai trò ông bà. Giai đoạn khó khăn Đây
là những năm tháng tuổi trưởng thành và tuổi ấu thơ giao thoa, hoặc
thường xuyên hơn, là va chạm nhau. Khi người trẻ tuổi tự mình đương đầu
với các khó khăn, cố gắng tìm kiếm con đường riêng, thường vấp ngã, ông
bà có thể có cùng cảm giác với cha mẹ các cháu: bị phớt lờ hoặc thậm chí
bị coi thường. Cô bé 17 tuổi, chỉ vài năm trước còn trèo lên lòng bà và
muốn nghe kể chuyện, giờ đây ngồi một mình và im lặng trên ghế sofa
nhắn tin cho bạn bè, cô đơn và tách biệt. Những năm tháng niên thiếu của cháu là lúc bậc ông bà cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Hầu hết thời gian, giống như cha mẹ của các cháu, chúng ta chẳng biết mình đang làm gì. Hành động của chúng ta đôi khi đúng, đôi khi sai. Lời khuyên cũng sẽ bị phớt lờ. Chúng ta sẽ nhận được một cái liếc mắt khi hỏi liệu các cháu có đang hẹn hò chăng, và nhận lấy cái nhún vai khi hỏi về chuyện học hành. Nếu cần sự giúp đỡ để ứng phó với những thay đổi này, chúng ta có thể nhớ lại thời niên thiếu của mình và nhớ lại rằng mình cũng chẳng cư xử khác gì. Nhưng chúng ta sẽ không thất bại nếu chúng ta luôn kiên định trong tình thương dành cho các cháu. Sớm hay muộn, nếu các cháu biết chúng ta luôn ở đó, các cháu sẽ quay lại, có thể các cháu sẽ bị cuộc sống làm cho bầm dập đôi chút, nhưng lại muốn tìm đến chúng ta lần nữa. Sự chờ đợi và kiên trì này thật khó khăn, nhưng một lần nữa, không ai nói rằng việc làm ông bà chỉ toàn những giây phút êm đềm. Điều tốt đẹp nhất Đó là tuần thứ ba của tháng Sáu. Từ tầng hai của căn nhà bên bãi biển, tôi nhấm nháp một tách cà phê trong buổi sáng muộn, ngắm nhìn cảnh sắc bên dưới. Đột nhiên nảy ra ý tưởng [nào đó], ba trong số các cháu trai tuổi vị thành niên của tôi đào một cái hố rất lớn trên bãi cát. Bốn cô chị lớn, những cô gái tuổi teen xinh đẹp rạng rỡ dưới ánh mặt trời và làn nước biển, đang nô đùa trên con sóng xô bờ hoặc ngụp lặn dưới những con sóng lớn hơn. Chân các cháu di chuyển như những chiếc kéo, các cháu nhỏ chạy thoăn thoắt từ mép biển đến những chiếc ô và mái che đang che mát cho cha mẹ, trong đó có ba người là con lớn của tôi. Trong khoảng 15 phút hoặc hơn thế, đủ thứ ý nghĩ đến trong đầu tôi. Mặc dù sáng hôm đó thiếu mất một gia đình sáu người, nhưng ngay trước mắt tôi là di sản từ cuộc hôn nhân giữa tôi và Kris. Một người mẹ, người vợ tuyệt vời, bà ấy qua đời một năm trước khi đứa cháu đầu tiên được sinh ra, chàng trai trẻ nay vừa tốt nghiệp trung học. Giống như bao lần khác, tôi hy vọng, rằng trước những bí ẩn của sinh tử và sự vĩnh hằng, bà có thể nhìn thấy tất cả các con và các cháu, và bà sẽ vui khi nhìn thấy chúng đồng thời có thể chúc phúc cho chúng với một nụ cười. Dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi và biển với cát bao bọc, với tôi, những đứa trẻ này như thể là những thiên thần bằng xương bằng thịt, những sinh mệnh mà 20 năm trước tôi chẳng thể nào hình dung ra. Một số là ruột thịt của tôi, một số được nhận nuôi, nhưng tất cả đều là cháu của tôi, và giống như các bậc ông bà ở khắp mọi nơi, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng. Cầu Chúa phù hộ, tất cả sẽ sống thọ hơn tôi, nhưng sẽ mang theo hình ảnh về tôi trong ký ức đến tận cuối đời, và tôi cầu nguyện những ký ức đó đều tốt đẹp, đáng trân quý, và thậm chí hữu ích. Vào lúc ấy, tôi cảm thấy đó là mười lăm phút tuyệt vời nhất mà tôi có trong tuần lễ ở bãi biển. Giờ đây khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng mười lăm phút đó là một trong những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất mà tôi từng có trong cuộc đời. Jeff Minick _ Linh Đan |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 17/Jan/2024 lúc 9:57am |
Lá Thư Cuối Cùng(Kính tặng đến những bậc Cha Mẹ bất hạnh) Tôi đến Mỹ như đã nói là rất muộn màng so với nhiều đồng đội, và những người bạn thân tình thủa nào cũng đã tản lạc mỗi đứa một nơi, và ở đây , trong vòng 50 dặm vuông hay vài trăm dặm dài, tôi cô đơn không bè bạn. Mỗi ngày, ngoài việc nhổ cỏ vườn sau, nhặt lá vườn trước, đưa đón bốn cô cháu đi học, tôi chỉ còn biết đi bộ, nhìn đồi núi nối tiếp nhau trên thành phố này để mơ mộng về núi rừng quê tôi, nơi mà hàng chục năm tôi và đồng đội chung sống, có khi gian nan, mà cũng có lúc thật thơ mộng. Và rồi trong một trường hợp ngẩu nhiên, tôi đã gặp được bác Thụy, một người Việt Nam cô độc, cũng lạc lỏng đến nơi này như tôi. Cũng là một thói quen như nơi tôi đã từng sống, hễ gặp được người nào mà tôi đoán là dân nước tôi, thì tôi không ngại ngùng đến làm quen, và câu hỏi đầu tiên của tôi thường là ” Ông nói được tiếng Việt nam không? ” Nếu người đó trả lời họ là người Việt thì tôi nhất định rất vui mà hỏi chuyện. Tôi quen bác Thụy cũng trong trường hợp tương tự. Từ lần gặp đó, tôi hay tìm tới bác vào mỗi cuối tuần hoặc là những khi bác gọi tôi đến , và lúc nào bác cũng mở đầu bằng câu ” chúng nó đi cả rồi “,ý của bác là các con đã đi làm hết .
Tình thân của chúng tôi từ đó ngày càng thân thiết hơn, bác kể cho tôi 12 năm trong quân đội, phục vụ cho một đơn vị Quân báo, hoạt động trên lảnh thổ Quân Đoàn I, bị thương nhiều lần, nhưng lần nào cũng may mắn qua khỏi. Bác đến Mỹ không thuộc diện HO, vì thời gian bác được thả, Phòng công tác nước ngoài thuộc công an Thành phố ************ ở 161 Nguyễn Du, Quận I, còn đóng cửa, nên bác vượt biên, bị bắt cho đến khi chương trình HO được thực hiện, bác vẫn còn ở trong tù, do vậy bác đến Mỹ theo chương trình Đoàn Tụ, con gái bảo lảnh hai vợ chồng nên không được hưởng một trợ cấp nào của Chính phủ Mỹ như diện HO, tất cả đều do thân nhân bao bọc.
Thời gian ở lại Việt Nam, bác đi dạy học, cũng như trước khi động viên bác là một Giáo sư dạy Vật Lý tên tuổi tại Sài Gòn, lương giáo viên tuy không khá, nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng bác sống tạm qua ngày, nhất là bác được các trung tâm chuyên Lý mời cộng tác, nên dạy cả sáng, chiều và tối , Vã lại mỗi năm, các con bác gởi cho một vài trăm đô la vào dịp Tết, hai vợ chồng lại dành dụm mua một chỉ hay 5 phân vàng hầu dùng cho việc ma chay sau này, cho đến năm 2003, con gái bác viết thư báo tin cho biết là đã làm hồ sơ bảo lảnh cho ba má , bác cũng chẳng hy vọng gì, vì thời gian đợi chờ dường như đã quá mòn mỏi, vã chăng tuổi đã cao, đi đâu cũng chỉ kiếm hai bữa cơm mà thôi, nên gần như vợ chồng bác không nghĩ tới chuyện ra đi, cho đến năm 2006, bác được gọi bổ túc hồ sơ, rồi cuối năm đó, bác được phỏng vấn, theo bác kể thì có lẽ vì lợi tức của con gái bác cao, nên họ cho đi nhanh và rồi đầu tháng 4 năm 2007 bác được sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, nhưng tính cho đến nay, bác vẫn chưa hội đủ điều kiện thi nhập Quốc tịch Hoa Kỳ . *** Thời gian đầu sống với con cái vui vẻ lắm, vì còn mới, tình cảm còn mới, mọi thứ còn mới và còn mới là còn vui vẻ, rồi từ từ bác được một người quen giới thiệu đi làm ***embler cho một hảng điện tử, lương $10/ giờ, hai vợ chồng già thật là hạnh phúc, cứ cuối tuần là hai ông bà rủ nhau đi WaltMart hay Target mua áo quần và đồ chơi cho các cháu, nhưng rồi kinh tế ngày càng suy thoái, sau gần hai năm làm ***embler, bác mất việc làm, không có cách nào xin được việc khác, vã chăng, những người trẻ còn chưa xin ra việc làm thì ông già 63 tuổi như bác dễ gì tìm được việc, nên bác đành xin tiền thất nghiệp, và được hưởng thất nghiệp hai năm, khoảng thời gian này bác cho biết rất là buồn, suốt ngày vợ chồng cứ mong cho hai đứa cháu đi học về để chơi với cháu cho đỡ buồn, rồi thì cứ vườn sau sân trước, vợ chồng thi nhau nhặt cỏ, tưới cây, hay lên đồi lượm những viên đá hình dáng đẹp đem về lót quanh mấy bụi hồng cho hết thời gian. Bác cũng năng nổ đi tham gia sinh hoạt các hội đoàn, như hội người già, Hội SQ/TBTD, nhưng rồi tiền trợ cấp thất nghiệp hết, và khó khăn đến với bác bây giờ là tiền đổ xăng, bác không biết xin ai hai chục bạc để mua xăng, bác nói, một đôi khi bổng dưng nghe thèm một tô phở, nhưng cũng không cách nào có được, “Ông ạ, có đêm tôi không ngủ được chỉ vì nghĩ tới mùi ngò gai và rau quế bỏ vào tô phở mà chảy nước miếng hoài không ngủ nổi, thèm như là thèm được ăn đường lúc ở trong trại tù.” Tình cảm con người hình như rất mỏng manh, không phải bền chắc, và rất dễ gãy đổ, từ tình vợ chồng, cha con hay anh em, và nghèo đói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình cảm. Cổ nhân cũng đã từng nói “phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc“, cái gì người ta bảo “tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng như thiên kim” có chăng, chỉ là trong đạo đức kinh hay sách vở của Thánh hiền mà thôi. *Không có tiền, nguyên lý nào cũng bị bỏ quên, đạo đức nào cũng dư thừa, và tình cảm nào cũng mai một.* Đặc biệt là ở một xã hội mà mọi nền tảng đều lấy lợi nhuận làm chuẩn. *Con cái ở nhà cha mẹ thì hạnh phúc, cha mẹ ở nhà con cái thì nhẫn nhục và hy sinh. Con cái ở chung với cha mẹ là tự nhiên, nhưng cha mẹ ở chung với con cái lại ưu phiền, vì lúc nào cũng phải nhìn mặt mủi con cái, phải xem chừng nó vui buồn bất chợt ra sao.
* Muốn mở cái TV cũng phải lựa lúc nó vui vẻ, muốn mở cái CD nghe nhạc cũng tùy thời cơ nó buồn hay giận, lại còn phải coi sóc con cái cho chúng, nhỏ thì cho đi tiêu đi tiểu, rửa đít, cho ăn, tắm giặt. Lớn thì đưa đón tới trường, có khi còn bị chưởi mắng, đành chỉ biết cúi mặt dấu nước mắt đi. Họa hiếm lắm, chúng cho vài ba trăm bạc vào dịp lễ nào đó thì lại coi như phúc ấm chúng ban cho . Con cái ở nhà cha mẹ thì hạnh phúc, *cha mẹ ở nhà con cái thì nhẫn nhục*, chính là chổ này. Một buổi sáng bác gọi tôi tới nhà, chỉ cho tôi một tờ giấy con gái bác viết để lại trên bàn cho bác, tôi cầm lên đọc : “Theo luật bên nầy, chủ nhà có quyền gọi cảnh sát đến bắt buộc người thuê phải ra đi, nếu người chủ đã thông báo cho người thuê hai lần bằng thư. Ba không trả tiền nhà, nhưng con cũng coi ba như người thuê nhà, đây là lần thứ hai con yêu cầu ba dọn ra, ba đừng ép con phải gọi cảnh sát”.
Tôi đọc đến đây, bổng nhiên nước mắt tôi trào ra, bác nhìn tôi và nấc lên thành tiếng, bác cũng bật khóc. Tôi ôm hai vai bác và nói “Hãy yên tâm, không có luật như vậy đâu, nếu cô ấy gọi cảnh sát, bác có thể nói cô ấy ngược đãi người già, con bác chỉ hù bác thôi”. Và rồi bác bắt đầu kể cho tôi nghe hết tự sự. Thoạt đầu là gạo, chúng nó than phiền, “nhà người ta một năm chỉ tốn hai bao gạo thôi, sao nhà mình mỗi tháng một bao”, Tôi mở c***ette ngồi ngoài garage nghe nhạc, ngoài garage thì nóng, tôi mở cửa bên hong ra cho bớt nóng, nó đóng lại, và bảo mở cửa chuột chạy vào nhà. Tôi hiểu ý là nó sợ tốn điện, tôi tắt c***ette vào nhà.
Ông cũng biết, ở bên này, người già chỉ lấy cái TV làm bạn, nhưng nó mắng vào mặt tôi và bảo không biết xài thì đừng xài, TV cứ mở hoài chịu sao nổi, thế nào cũng có ngày TV bị cháy.
Mỗi ngày, chúng nó đi làm về trễ, có khi 7:30 hay 8:00 tối mới về đến nhà , và tôi đều cố gắng ăn trước để không chạm mặt chúng nó trong bữa ăn, ăn trước thì thú thật chỉ ăn sơ sài cho no bụng thôi, thức ăn của chúng tôi không dám đụng vào, vợ tôi thì chờ cho chúng ăn hết đã, cái gì còn lại bà ấy mới ăn, chúng tôi chỉ dám ăn những thức ăn thừa thải mà thôi. Công việc lặt vặt trong nhà như lau dọn, rửa chén bát, đưa đón các cháu, chúng tôi đều làm hết, nhưng nó bảo với tôi là tội nghiệp thằng chồng nó phải còng lưng gánh hai ông bà già. Những ngày nghỉ, hay cuối tuần, vợ chồng con cái chúng đi ăn tiệm, những năm đầu khi cháu út chưa thể gởi đến trường, thì chúng còn gọi vợ tôi đi ăn với chúng, những ngày lễ Tết cũng tặng quà cho vợ tôi, nhưng từ khi cháu út lớn rồi, chúng cũng lơ là với vợ tôi luôn, cho đến sau này, chúng lạnh lùng đến như bỏ mặc, vợ tôi buồn quá đành đi tìm chổ giữ trẻ ở một tiểu bang khác, nên ông tới nhà không thấy vợ tôi là vậy.
Bác lấy dưới gối ra một lá thư khác đưa cho tôi, bác bảo lá thư không có một chút tình người, thú thật tôi không dám đọc hết, nhưng trong trí tôi như vẫn in sâu những dòng này “ba người ta chết thì con cái khóc lóc tiếc thương, nhưng nếu ba chết con sẽ thở ra một cách nhẹ nhỏm. Con thật không muốn bảo lảnh ba sang Mỹ đâu, chỉ vì bắt buộc mà thôi, Ba hãy dọn ra đi để còn một chút gì gọi là tự trọng”. Tôi cũng tự hỏi mình, bác đi đâu bây giờ? Một đồng bạc cũng không có, bà con, bạn bè cũng không luôn, bác dọn đi đâu? trong khi bác lại chưa phải là công dân Hoa Kỳ, làm cách nào để có thể xin trợ cấp, tôi đành an ủi bác, thôi bác cứ yên tâm, điều quan trọng bây giờ là hãy nhịn, nhẫn nhục đó mà, cứ coi như ngày nào bác bị bắt tại mặt trận, Việt cộng hành hạ bác kiểu gì, nhục mạ bác ra sao, bác cũng ngậm bồ hòn, thì nay, với con gái, bác ngậm lại bồ hòn một lần nữa đi rồi từ từ hãy tính. Một ông già tóc đã bạc hết rồi, nước da đã ngã màu đồi mồi, tay chân đã lọng cọng, dễ gì xin được một việc làm trên một đất nước đầy dẫy nhân lực và cạnh tranh.
Tôi biết có rất nhiều cơ quan, tổ chức thiện nguyện, sẵn lòng tiếp những người khó khăn, nhưng với hoàn cảnh của bác, thật không có tổ chức nào có thể giúp đỡ, vì có tổ chức nào có nhà cửa, cơm áo, để cung cấp cho bác trong lúc này, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy thoái, ngân sách các cơ quan, giáo dục, y tế hay xã hội … đều bị cắt giảm. Và tôi chỉ còn một con đường để đi, đó là dẫn bác tới Sở Xã hội, để xin cấp thẻ EBT (Electronic Benifits Transfer), tức là mỗi tháng, Sở Xã Hội bỏ vào trong thẻ EBT $200 USD cho bác mua thực phẩm, gạo rau cá thịt, nước uống, trái cây…
Nhận được thẻ EBT bác liền hỏi nhân viên Xã Hội là có thể mua ngay thức ăn được không? và thực phẩm là những thứ gì? Người người Cán Sự Xã Hội nhìn tôi, tôi dịch lại lời bác và nói thêm rằng, bác không có gì ăn từ hôm qua cho đến nay. Người Broker xin phép đi ra một lúc, rồi quay trở lại đem theo phần ăn trưa của cô để tặng bác. Quả thật tôi cũng xúc động rơm rớm nước mắt khi nói câu đó với người broker. Đúng là một miếng khi đói, bằng một gói khi no, bác cúi đầu cám ơn người Cán Sự Xã Hôi mà như muốn khóc. Tôi đem bác đi mua thực phẩm để hướng dẫn bác cách dùng thẻ EBT. Lần mua thử nghiệm đầu tiên của bác là 2 ổ bánh mì và 2 hộp cá Sardines rồi bác và tôi ra Parking chui vào xe ngồi ăn bánh mì cá hộp. Tôi thật không hiểu rõ những tư tưởng nào đã đến với bác, nhưng mà nỗi xúc động của bác thì tôi biết là rất mãnh liệt, vì nước mắt bác đã chảy đến nỗi dùng hết một hộp khăn giấy của tôi để trong xe, tôi ngồi yên để bác khóc và suy nghĩ về mình, không hiểu có một lúc nào đó tôi lại như bác hôm nay. Trên đất nước tạm dung này, những người già đã trở thành gánh nặng cho con cái, những người già đã bị lãng quên hay bị xua đuổi của gia đình, mà xã hội dù có nhân đạo tới đâu cũng khó kham nỗi với số người cao niên ngày càng nhiều.
Một lần tôi đưa bác đi tái khám bệnh phổi, tôi ngồi chờ bác ở phòng đợi thật lâu, và khi bác trở ra cùng với một vị bác sĩ người Việt còn trẻ, vị bác sĩ này lấy ví ra 3 tờ bạc 20 đồng và nói “cháu chỉ còn bao nhiêu tiền mặt, nhưng cháu có một căn phòng trống trong Building này, có Microwave, khi nào bác cần thì gọi cho cháu, bác hãy nhớ là bác còn chúng cháu ở đây. Ông quay sang nhìn tôi và dặn chú làm ơn để ý tới bác này với, người già nào cũng có một nỗi khổ khi sang đây.”
Suốt quãng đường về tôi cứ mãi suy nghĩ về người bác sĩ đầy lòng nhân ái ấy. Y thuật và y đạo, điều nào được người ta coi trọng hơn trên đất nước này. Tôi hỏi bác Thụy về vị bác sĩ ấy, được biết ông ta tên là DR. Albert H. Lee, chuyên khoa về phổi, là bác sĩ đang làm việc tại hai bệnh viện lớn ở thành phố này, và rất được bệnh nhân quý trọng cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Bác Thụy cho biết, thường ngày bác dậy rất sớm vì không ngủ được, có đêm bác chỉ ngủ 3 tiếng đồng hồ, rồi cứ suy nghĩ lung tung về chuyện đời, chuyện gia đình, về thời gian đi tù cải tạo, thời gian đi dạy dưới chế độ cộng sản. Bác kể sau khi được thả ra tù, vì tốt nghiệp đại học trước 1975, nên bác không bị đuổi đi Kinh Tế Mới, mà được kêu đi dạy. Là một giáo sư dạy Lý Hóa nhiều năm, kinh nghiệm đặc biệt về phương pháp dạy Luyện thi, nên các Trung Tâm Luyện thi dạy ngoài giờ đều mời bác cộng tác, bác dạy cả sáng, chiều và tối, nhờ đó mà gia đình bác có được cuộc sống tương đối so với những anh em khác đi học tập về, và các con bác cũng từ đó mà học đến nơi đến chốn trước khi ra nước ngoài. Trước ngày sang Mỹ, bác bán đi căn nhà, thu gom tài sản lại, cũng đựoc vài ba chục ngàn đô la, đều đem cho con hết, bây giờ nếu quay về, không còn nhà để ở, và biết lấy gì làm kế sinh nhai, vì tuổi đã cao rồi, làm sao xin được việc làm, đó là chưa nói tới những phiền toái khác từ xã hội, thật là tiến thoái lưỡng nan, bác tâm sự. Có một buổi trưa tôi tìm tới bác, chứng kiến bữa cơm trưa gọn gàng của bác mà mủi lòng, một tách uống cà phê đong đầy Oat Meal, đổ vào một tô lớn, rót nước nóng từ bình thủy ra, khuấy đều chừng 2 phút, chờ nguội và ăn, không cần nước mắm hay xì dầu, hoặc một loại gia vị nào khác. Bác bảo từ khi có thẻ EBT, tôi không còn lo thiếu xì dầu nữa, nhưng nhịn được cái gì hay cái đó, với lại bác sĩ bảo ăn mặn cũng không tốt . – Bác ăn như thế này mỗi ngày sao ? – Vâng, chỉ vậy thôi, tôi đâu có cần gì thêm, chỉ cần một căn phòng nhỏ, đủ đặt một cái giường là được rồi, thế nhưng đời tôi quả là cùng khổ, mà thực ra tôi đâu có cầu sống lâu, sống thọ, sống không có gì vui, thì chết đâu có gì buồn, sỡ dĩ tôi vẫn đi bác sĩ là vì tôi sợ đau đớn, cũng như tôi không đủ can đảm để tự tử, còn chết ư, tôi nghĩ tới rất thanh thản, trên đời tôi không còn gì mê luyến thì chết đi tôi đâu có gì tiếc nuối, chỉ cầu sao cho được chết thật nhanh, không đau đớn, đó là nguyện vọng duy nhất còn lại của tôi.
Thường thường bác hay kể cho tôi về những bữa cơm dã chiến của bác, như bữa ăn của những người lính ngoài mặt trận. Bác mua một cái bếp gas nhỏ bỏ trong túi vải mang theo bên mình mỗi khi đi bộ, một bình thủy nước sôi, một tách cà phê Oat meal, một cái tô và muổng. Buổi trưa ngồi vào một góc nào đó trong Park, nơi người ta cho phép nướng BBQ, bác mở hộp cá ra, hâm nóng bằng bếp gas chừng 2 phút, rồi đổ nước sôi trong bình thủy vào tô và khuấy Oak meal lên ăn, bác chỉ về nhà vào xế chiều, làm thức ăn tối và nấu nước sôi đổ vào bình thủy, chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau, và những việc này luôn luôn làm xong trước khi con gái bác về nhà, ăn chiều xong, bác lại chui vào căn phòng nhỏ dấu mình trong đó, để không phải gặp mặt con gái nghe nó nói nặng nói nhẹ và đuổi nhà. Bác tâm sự rằng, đôi lúc muốn ôm mấy đứa cháu một chút, nhưng thật rất khó, vì chúng nó sợ má la, lâu lâu con cháu lớn lén vào phòng ông, đưa ngón tay lên môi làm dấu với ý bảo ông im lặng, ngồi chơi với ông một lúc rồi chạy ra. Có những khi chúng nó vào phòng ông, má nó biết được là la mắng chúng liền. Ông cháu gặp nhau như đi thăm tù cải tao, thật là một hoàn cảnh đặc biệt hiếm hoi. Nghe bác kể lại, tôi đành tìm cách an ủi bác, kể cho bác nghe về những đứa cháu phá phách của tôi, mọi thứ trong phòng tôi mỗi ngày được xếp theo một kiểu, computer của tôi được load đầy các games “comp của ông ngoại dễ xài hơn, con thích games trong comp của ông ngoại hơn” thế là cái computer của tôi bận dài dài, chỉ trừ khi chúng đi học. Cho nên chơi với cháu chưa hẳn là hạnh phúc đâu bác ạ . Bác kể cho tôi những bữa cơm chấm xì dầu thật cảm động. Mới đầu bác hỏi tôi:
Bác kể lại vào những tháng bác chưa có thẻ EBT, bác ăn cơm với xì dầu hiệu đậu nành, nhưng không dám chan vào chén cơm, chỉ hai miếng cơm mới nhúng đầu đủa vào chén xì dầu một lần và mút lấy đầu đũa, vì nếu chan vào chén cơm hay mút nhiều lần thì sẽ hết mất, không có tiền mua nữa. Những ngày tháng ấy, anh Hồng, ngày xưa ở Biệt Động Quân, và một thời làm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Rừng Lá, trước ngày mất nước anh về Phủ Thủ Tướng, mỗi lần ghé thăm, anh thường mua xì dầu, rau muống, Broccoli cho tôi, tôi còn nhớ mãi, bây giờ anh move đi xa rồi, cách đây cũng vài ba tiếng lái xe nên anh không thường tới nữa, mà cũng tội nghiệp, anh ấy cũng chỉ sống với mấy trăm đồng tiền già mà thôi, nhưng khi nào tới cũng đưa tôi đi ăn phở, hay có khi anh mua sẵn 2 tô phở mang đến đây hai anh em cùng ăn. Nghĩ lại, chỉ có những người lính mới thương nhau và đùm bọc nhau trên đất nước tạm dung này. Ông biết không, vào những ngày tháng đó, có khi tôi rất thèm bánh tráng có vừng đen, hay cơm trắng và xì dầu, mà phải là xì dầu đậu nành, đủ cho tôi ăn không sợ chết. Những đêm nằm không ngủ được, tôi lại ao ước có được một ổ bánh mì của chợ Vons để ăn, tôi thèm mùi thơm của bánh mì chưa kịp nguội, hoặc giã đã nguội đi, tôi lại thèm vị ngọt của bánh khi nhai còn thấm trên đầu lưỡi của mình, thèm đến chảy nước miếng.
Nghe bác kể, tôi thực sự không cầm được lòng mình, lại nghĩ tới thời gian đi tù cải tạo, tôi cũng đã từng thèm được ăn một bữa khoai mì cho thật no, và chỉ mơ ước ngày được thả về, tôi sẽ bảo vợ mua khoai mì cho tôi ăn một bữa cho đã thèm. Khi thiếu thốn, con người sẽ thèm đủ thứ, cho nên nghe bác kể, tôi thực sự hiểu được cảnh ngộ ấy, và hiểu được sâu xa nỗi lòng của bác, chỉ có một điều mà không ai ngờ được, đó là sống trong một siêu cường bậc nhất, mà người dân chỉ thèm một ổ bánh mì thôi cũng không có để ăn, cái ước mơ nhỏ nhoi ấy đã ở dưới mức tầm thường rồi, vì kể cả những người vô gai cư trên thành phố này, cũng không ai có một ước mơ như bác Thụy. Có ai quanh đây đang lâm vào tình cảnh của bác hay không tôi không rõ, cũng có thể có người bị gia đình hắt hủi, con cái bỏ rơi và xua đuổi, nhưng đến một đồng xu dính túi cũng không có thì tôi không tin. Rồi một ngày bác nhờ tôi chở đi xin việc, bác đọc được một mẫu rao vặt đăng tin cần một người đứng tuổi, có sức khỏe, để săn sóc một ông già 83 tuổi, bị bệnh mất trí, bao ăn ở, tiền lương sẽ thương lượng. Tôi chở bác tới địa chỉ tìm gặp chủ nhà, cô chủ nhà tiếp chúng tôi và hỏi: – Chú xin hay chú này xin? – Tôi, bác nhanh nhẩu trả lời. Chủ nhà dẫn chúng tôi đến phòng ông cụ, cô cho biết ông cụ đã quên hết mọi thứ, cần giúp ông cụ ăn uống, đi tiêu, đi tiểu, thay quần áo, và tắm cho ông cụ. Mọi sinh hoạt của ông cụ đều cần được giúp đỡ, nhất là về đêm, ông cụ hay thức dậy đi quanh quẩn trong nhà một mình, những lúc như thế cần có người bên cạnh, đề phòng khi ông cụ bị té. Nhiều khi ông cụ đi tiêu, đi tiểu trong quần mà không biết. Và cô hỏi: – Chú có thể giúp ba tôi được không ? Hay chú làm thử vài ngay , vì có người nhận làm nhưng một hay hai ngày sau lại bỏ vì không chịu được tính tình của ông cụ. – Không đâu, tôi làm được, tôi rất thích người già và trẻ con, cô cứ để tôi làm. – Vâng, vậy chú có bằng lái xe không cho cháu xem thử? Bác lấy bằng lái xe đưa cho cô chủ, cô ta xem xong rồi trả lại bác, cô nói, ba cháu nặng 65 ký Không hiểu chú có thể đỡ nổi không, chú làm thử một vài ngày đi, nếu không được, cháu vẫn tính lương cho chú. Lương tháng là $800, bao ăn ở, mỗi tuần nghỉ một ngày, tốt nhất là thứ 7, cái giường phía trong là của ba cháu, chú nằm giường ngoài. Thức ăn hàng ngày cháu nấu sẵn để trong tủ lạnh hay trên bếp, chú muốn ăn thứ gì cứ ăn tự nhiên. Mỗi ngày ba cháu uống 12 loại thuốc, ăn cơm trưa, chiều, sáng. Ba cháu uống cà phê, khi chú pha cà phê, nên để nguội rồi mới đưa cho ba cháu, vì ba cháu thích khuấy cà phê bằng ngón tay rồi mút. Thuốc thì cháu sẽ viết tên, liều lượng, giờ uống để trên bàn, chú cho ba cháu uống đúng giờ là được rồi.
Sau khi chủ nhà và bác bàn bạc công việc xong, tôi chở bác ra về, hẹn thứ 2 tuần tới là bắt đầu đi làm. Thoạt đầu bác có vẻ rất vui vì tìm được công việc, nhưng một lúc sau, tôi thấy bác khóc, bác như bị hụt hơi cứ nấc lên từng tiếng, tôi lo sợ nên tìm cách đưa bác vào một shop bên đường, đậu xe lại và hỏi bác: – Sao bác lại buồn? – Con người ta thì thuê người săn sóc cho cha, còn tôi thì bị đuổi ra khỏi nhà đi chùi đít cho thiên hạ, ông nghĩ xem có tủi không? Nói xong câu này bác lại khóc lên thành tiếng. Tôi ngồi im để bác khóc cho hết cơn xúc đông rồi mới bảo bác, mỗi người có một số phận, một đoạn trường, và một nỗi niềm phải gánh, không ai có thể có hạnh phúc hoàn toàn, chỉ có ông cụ 83 tuổi ấy mới thực sự hạnh phúc, vì ông đã quên hết mọi sự, đã không còn biết mọi sự. Làm cha mẹ, được con cái yêu thương, gia đình hòa thuận dĩ nhiền là điều tốt, . Nỗi đau khổ bị con cái bỏ rơi hay xua đuổi chưa hẳn đã lớn hơn nỗi đau đớn khi phải nhìn thấy con mình dửng dưng với cha mẹ , Không hiểu bác có nghĩ như tôi không? Bây giờ ở là mùa Hè, rải rác đó đây, trên những đồi hoang quanh nhà tôi đã trổ lên vài chùm hoa dại, màu vàng như hoa Cúc, càng làm tôi nhớ đến quê hương mình, như ngày Thu trên rừng núi cao nguyên, những khóm Quỳ hoang cũng nở vàng như vậy trên những triền đồi, và càng nhớ đến người sĩ quan thám báo bây giờ không phải đang nhật tu trận liệt, hay chăm sóc một đồng đội kém may mắn, mà là đang chăm sóc một cụ già mất trí… Du
Tử |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 19/Jan/2024 lúc 11:04am |
NHỮNG NGƯỜI 50-80 TUỔI NÊN ĐỌC <<<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 19/Jan/2024 lúc 11:14am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 24/Jan/2024 lúc 9:15am |
Về Hưu Dưỡng LãoDưỡng lão, đến cuối cùng cần dựa vào điều gì: Hãy đọc và tìm câu trả lời cho riêng mình Cơ bản, dưỡng lão vẫn là dựa vào bản thân mình! Những người khác cho bạn chỉ là một chiếc lá, tự mình làm cây lớn mới có thể có được bóng râm! Dưỡng lão nếu luôn dựa vào người khác thì sẽ không có cảm giác an toàn. Vì cho dù là con cái, người thân hoặc bạn bè, sẽ không thể lúc nào đều ở bên cạnh bạn. Khi bạn gặp khó khăn, họ không thể bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào cũng có thể xuất hiện để giải quyết giúp bạn. Trong thực tế, mỗi người đều là một cá nhân độc lập, mọi người đều có cuộc sống của riêng mình, bạn không thể yêu cầu người khác phải cho bạn dựa vào, những người khác cũng không thể bất cứ lúc nào cũng có thể giúp bạn. Chỉ có thông qua những nỗ lực của bản thân để giải quyết vấn đề, mới thực sự có thể sống cuộc sống mà bạn mong muốn! Một nhóm người lớn tuổi nói ra sự thật: Dưỡng lão vẫn là nên dựa vào chính bản thân mình! Chúng ta đã già đi, chỉ là hiện giờ sức khỏe của chúng ta vẫn còn, đầu óc vẫn tỉnh táo. Giai đoạn đầu: 60-70 tuổi Sau khi nghỉ hưu, sáu mươi đến bảy mươi tuổi, cơ thể tương đối tốt, điều kiện cũng tốt. Muốn ăn thứ gì thì ăn, thích mặc gì thì mặc, thích đi chơi thì đi. Đừng khắc nghiệt với chính mình, những ngày này không còn bao lâu nữa, phải nắm bắt. Tiền tiết kiệm một chút, nhà giữ lại, để con đường hậu của mình có sự sắp xếp. Con cái có điều kiện kinh tế tốt là do sự nổ lực của chúng, sự hiếu thảo của con cái là lòng biết ơn của chúng. Chúng ta đừng từ chối sự trợ giúp của chúng, đừng từ chối sự hiếu thuận của chúng. Nhưng vẫn phải dựa vào chính mình, sắp xếp tốt cuộc sống của chính bản thân mình. Giai đoạn thứ hai: sau 70 tuổi không mắc bệnh Bảy mươi năm tuổi không gặp rắc rối gì với bệnh tật, trong cuộc sống có thể tự chăm sóc bản thân, đây không phải là vấn đề lớn, nhưng phải biết rằng mình thực sự đã lớn tuổi, và từ từ thể lực và tinh thần sẽ không còn tốt nữa, phản ứng cũng sẽ trở nên chậm hơn, phải ăn chậm chống sặc, phải đi chậm chống ngã. Không còn có thể cố gắng sức, cần phải chăm sóc bản thân mình! Đừng đi lo thứ này thứ kia nữa, quản thúc con cái, còn một số người còn quản cả thế hệ thứ ba. Quản cả một đời rồi, hãy ích kỷ một chút, tự quản bản thân mình. Mỗi ngày giúp dọn dẹp lau chùi, giữ trạng thái khỏe mạnh của mình lâu dài hơn một chút, để thời gian sống của mình lâu hơn một chút, cuộc sống không cần yêu cầu người khác rất thoải mái. Như thế, tất cả mọi thứ đều trở nên dễ dàng. Giai đoạn thứ ba: Sau 70 tuổi bị bệnh Cơ thể không tốt, đòi hỏi có người chăm sóc! Điều này nhất định phải được chuẩn bị, đại đa số người đều không thể thoát khỏi ải này. Tâm trạng phải điều chỉnh tốt, phải thích nghi. Sinh lão bệnh tử là lẽ thường của cuộc sống cần thản nhiên tiếp nhận. Đây là đoạn cuối của cuộc đời không có gì để sợ hãi, sớm chuẩn bị sẽ không có điều gì phải hối tiếc Hoặc vào viện dưỡng lão, hoặc thuê người chăm sóc tại nhà, làm bất cứ điều gì đều tùy theo khả năng, theo tình huống mà làm, sẽ luôn luôn có cách giải quyết, nguyên tắc là đừng mài mòn đến con cái, đừng để tâm lý, gánh nặng gia đình, kinh tế đặt lên con cái quá nhiều. Tự bản thân mình cố gắng một chút, thế hệ của chúng ta những khó khăn cay đắng đều đã trải qua, tin rằng cuộc hành trình cuối cùng của cuộc đời chúng ta cũng sẽ qua một cách bình thản. Giai đoạn thứ tư: Giai đoạn cuối của cuộc đời Tinh thần cần tỉnh táo, bệnh trên cơ thể không thể chữa khỏi được, chất lượng cuộc sống kém đi, lúc này phải dám đối mặt với cái chết, quyết tâm đừng để gia đình giải cứu, đừng để bạn bè và người thân làm những điều lãng phí không cần thiết. Bạn muốn cuộc sống tuổi già không lo lắng, cần chuẩn bị sẵn sàng 4 bảo bối này! Tục ngữ nói rất hay, “có tài chính sẽ không nghèo, có kế hoạch sẽ không loạn, có chuẩn bị sẽ không bận rộn”, thân là những người già như chúng ta, đã làm tốt công tác chuẩn bị chưa? Chỉ cần mọi việc chuẩn bị trước, tương lai cuộc sống sau này sẽ không phải lo lắng nữa. 1. Sức khỏe về già Điều đầu tiên cần chuẩn bị là sức khỏe về già, bình thường phải chú ý đến ba thứ dưỡng: ăn dinh dưỡng, chú ý đến bảo dưỡng, cần có tu dưỡng. 2. Nơi trú ngụ về già Thứ hai là nhà ở về già: sống với con cháu, sống một cuộc sống nhẫn nhịn nuốt đắng, chi bằng tận hưởng cuộc sống đơn thân vui vẻ, bất kể thành thị hay ngoại ô, ở nơi mình sống thích hợp nhất. Gần đó có một nhà hàng bạn yêu thích! Thứ ba là tài sản lúc về già, vì con cái không thể nuôi dưỡng người tuổi già, bậc cha mẹ cũng chỉ có thể tự lập tự cường, tài sản cần giữ kỹ, trước khi chưa vào quan tài quan nhất định không chia tài sản. Thứ tư là bạn già, có một người bạn tốt, bạn bè tốt và người đồng hành đều rất quan trọng, thường ngày kết giao bạn bè, quen biết nhiều loại bạn bè, là một bí mật để tận hưởng cuộc sống quý tộc đơn thân. Tóm lại, cho dù bạn là ông cụ hay bà cụ trường thọ, cuối cùng cũng chỉ là một mình, câu nói này không bi ai chút nào, cũng không khủng khiếp, tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn sắp xếp cuộc sống, tất cả đều phụ thuộc vào bạn có tâm lý trưởng thành hay không. Thích thì hãy làm cho đáng, đừng quên, cuộc đời này chỉ có một lần, gặp những điều tốt đẹp hay hạnh phúc, đừng chỉ luôn muốn để lại cho thế hệ tiếp theo. Những bạn hữu già hãy nhớ kỹ! Chúng ta được mệnh danh là thế hệ sau cùng hiếu thảo với cha mẹ, là thế hệ đầu tiên bị con cái bỏ rơi, tuyệt đối đừng vì “người ở trên trời, tiền trong ngân hàng”, cái gì “một mình rất cô đơn”, “già rồi không ai chăm sóc” những tin tức tiêu cực này làm cuộc sống của bạn mất đi ý nghĩa, những cách nói này đã lỗi thời rồi. Chúng ta phải dựa vào chính mình dưỡng lão, lớn tiếng mà nói: tuổi già của tôi, tôi tự làm chủ. Sưu tầm
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 70 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |