Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Sơ lược Địa Sử Gò Công Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 3 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Chủ đề: Sơ lược Địa Sử Gò Công
    Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:26pm
Tác giả là  Thầy Phan Thanh Sắc .
 
Cám ơn thầy Hoang Ngoc Hung vị " Phù thủy Gò công" đã đăng trên Diễn ĐÀn Mạng Giáo Dục - Gò Công
 

Dinh Chánh Tham Biện tỉnh Gò Công  (*)

Năm 1867, Pháp thâu trọn Nam Kỳ, Pháp đổi sáu tỉnh thành 27 vùng Tham biện. Huyện Tân Hoà của cựu trào được đổi thành Tham Biện Gò Công (Inspection de Gò Công) và do một viên sĩ quan Hải quân cấp bực Trung uý làm Chánh Tham Biện. Sau Tham biện Gò Công đổi thành Hạt Gò Công (Arrondissement de Gò Công) và đến ngày 20 – 12 – 1899 bằng một nghị định của Soái phủ Sài Gòn bỏ các Hạt và thành lập tỉnh. Tỉnh Gò Công (Province de Gò Công) chính thức lập kể từ ngày nầy và là 1 trong 21 tỉnh Nam Kỳ kể từ đó. Trở lại dù sau nầy viên chức đứng đầu Tỉnh Gò Công là Tỉnh Trưởng (Chef de Province) nhưng dân Gò Công quen gọi là Chánh Tham Biện (Administrateur) và chỗ ở của viên quan nầy gọi là Dinh Chánh Tham Biện hay Dinh Ông Chánh.

 Dinh được Tây cất kiên cố bằng gạch ngói chở từ chính quốc sang. Đây là dinh thự đồ sộ đầu tiên ở Nam Kỳ (trừ Sài Gòn) bắt đầu xây năm 1885 và xong vài năm sau. Sở dĩ lấy mốc 1885 làm năm xây cất dinh thự nầy là do tôi, người viết những dòng nầy, năm 1985 có dịch cho UB Huyện Gò Công Đông một văn bản do Công Hoà Pháp gởi cho Nhà Chức trách Tỉnh Gò Công cũ, yêu cầu ngưng sử dụng dinh thự dành cho viên Chủ Tỉnh vì dinh thự nầy khi xây cất Sở Tạo Tác thuộc Bộ Hải Quân Pháp dự trù sử dụng 1 trăm năm. Đến năm 1985 là đúng hạn nên báo cho Nhà Chức trách Gò Công đừng sử dụng, nguy hiểm. Gò Công có nhiều dinh thự và ngôi nhà Tây cất nhưng duy nhất chỉ có Dinh Chánh Tham Biện nầy Tây báo cho ta mà thôi. Lúc đó tôi dịch vì tôi là Giáo viên Tổ trưởng Ngoại ngữ của trường Trung học Trương Định, Ủy Ban nhờ trường xem coi văn thư chữ Pháp do Tỉnh chuyển xuống nói gì, Trường giao cho tôi và tôi dịch, xong giao cho Chánh văn phòng Ùy Ban lúc đó là ông Nguyễn Văn Rí. Và Ủy Ban cho ngưng sử dụng dinh thự nầy.

Đi các tỉnh nào thuộc Nam Kỳ cũ ta đều thấy hình dáng kiểu dinh thự nầy. Nhưng Dinh Chánh Tham Biệm Gò Công là to và đẹp hơn hết. Hiện Dinh xưa vẫn còn lại, nét phai tàn lộ rõ vẻ ngoài. Chứng tích còn đó nhưng thời gian sẽ đưa Dinh vào dĩ vãng.

 

 

    Hình 1 :  Dinh Tỉnh trưởng nay (2007) vẫn còn, chờ đợi trùng tu

 

Thêm nữa khung viên của Dinh Chánh Tham Biện thật rộng lớn. Đông giáp Sân Vận Động Gò Công  và Toà án. Nam giáp đường Thái Lập Thành nay là đường Nguyễn Văn Côn. Tây giáp đường Trần Hưng Đạo và Bắc giáp đường Lộ Dương nay là đường Nguyễn Trọng Dân

Trong khung viên toà nhà Chánh tham biện xưa dọc theo lộ phía Tây (đường Trần Hưng Đạo) có Toà Hành Chánh, nơi làm việc của Chánh Tham Biện và các ban ngành. Tên của toà nầy cho tới năm 1945 kêu bằng tiếng Tây như từ 1868 gọi là Inspection de Go Cong nhưng người dân quen với cách cai trị của Triều đình cũ gọi là Toà Bố

______________________________________________

(*) Trích trong loạt bài "Gò Công ngày cũ -  CÁC CÔNG THỰ VÀ CÔNG ÍCH PHÍA BẮC KINH SALICETTI" của tác giả Phan Thanh Sắc



Chỉnh sửa lại bởi gocong - 04/Jul/2007 lúc 2:01pm
IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:27pm

Toà Bố

 

Người dân Gò Công gọi Văn phòng Chủ tỉnh là Toà Bố Chợ Gò. Toà với nghĩa là toà nhà, nơi chính quyền làm việc. Bố là Bố Chính, là viên quan triều đình dưới quyền Tổng Đốc coi việc hộ và thuế má của tỉnh. Viên Bố Chính coi cả việc dinh, điền, lính tráng, nếu có ân trạch hay án lịnh gì thì tuyên đạt cho dân chúng biết. Vậy Bố Chính như là viên Chủ Tỉnh vậy.

Toà Bố Chợ Gò là một khối trệt hình chữ “Công”. Toà Nam và toà Bắc nối bằng toà ngang. Chỗ làm việc của Chánh Tham Biện là ở toà Bắc. Toà Nam dành cho cấp Phó và giữ Văn Thư, Công Báo v.v. Toà giữa có hành lang, nơi tiếp dân đến xin việc nầy việc nọ. Các ông Tham, ông Phán, thầy Ký ngồi ở đây đảm trách các vụ việc giấy tờ trong Tinh.

Sau năm 1945 dù Tây trở lại nhưng viên Tỉnh Trưởng đầu tiên là người Việt là Thái Lập Thành do Chính phủ Nam Kỳ tự trị đưa xuống. Văn phòng làm việc của Tỉnh trưởng gọi là Toà Hành Chánh Gò Công. Từ đấy dân Gò Công quên dần Toà Bô!

Toà nhà nầy tồn tại trăm năm và đầu các năm 2000 thì mất dấu. Một toà nhà hai tầng lầu được xây dựng nên. Còn toà nhà thay thế chức năng hành chánh được xây dựng ở mạn Bắc đồ sộ và đẹp nhất hiện nay.

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:27pm

Sân Vận động

 

Phía Đông của khu Dinh Chánh Tham Biện ta biết là Sân Vận Động Gò Công.

Trước 1945 trên cổng vào Sân có khắc chữ “Stade de Go Cong” Trong sân có sân đá banh kích thước cở trung, Phía sau trụ “gôn” (goal, but) hướng Bắc có các các cây “xà” tập thể dục; sau trụ  gôn phía Nam có hố cát nhảy xa v.v.. Phía góc sân Đông Bắc có tấm bảng bằng xi măng đúc, nay vẫn còn, xưa để ghi kết quả các trận đá banh lớn, bên trái phía trên đề chữ GO CONG, bên kia đề chữ Tây “INVITÉ” tức là Đội banh “khách”..có đinh chốt móc các con số “goals” của hai bên…Bao quanh sân đá banh có đường “pít” (piste) rải than đá nhuyển. Học trò các trường Tỉnh đi diễn hành khi có các kỳ lễ lớn qua khán đài phía Tây. Khán đài ngó hướng Đông nên buổi trưa hay chiều khán giả ngồi trên khán đài xem đá banh thật mát. Chung quanh đường pít có hàng rào thấp bằng xi măng đúc. Thay vì song đứng là các chữ G, C tròn xếp liên tục theo hàng rào. Trước 1954 có tổ chức đua ngựa trên đường pít nầy.

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:28pm

Phan Thanh Sắc

 

Toà án (hoà giải)  

 

Phía lộ bên phải cổng vào Sân Vận Động là khuôn viên nhỏ phía đầu sân Vận động về mặt Nam, có toà nhà một tầng lầu kiểu công thự Pháp. Từ cổng lớn nhìn lên trên  của chánh có hàng chữ Tây “Justice de Paix”. Dân Gò Công gọi là Toà Án. Đây là Toà Hoà giải cấp nhỏ giữ các hồ sơ hộ tịch và về lý lịch nhân dân trong Hạt trong Tỉnh. Bây giờ ai cũng quen với danh từ toà án nhưng ban đầu người dân gọi theo hệ thống cựu trào. Toà, thì như trên, toà nhà để làm việc. Án là Án Sát. Đó là chức quan của Triều đình trông coi việc pháp luật trong Tỉnh. Trong hai chữ “toà án” thì “án” mới chỉ việc liên quan đến luật, nhưng ngày nay chữ “toà”[1] đã chiếm nghĩa chánh về nơi liên hệ đến luật pháp v.v.

Nay cả Sân Vận động không còn hình dáng và Toà án được xây qua phần đất đối diện.

 



[1] Chuyện không biết nên vui hay nên buồn về chữ “toà” nầy. Từ năm 1992 đến 2000 tôi là Phiên Dịch viên tiếng Anh và tiếng Pháp chính thức của Phòng Công Chứng số 2 Tỉnh Tiền Giang, tôi có lần phải xử lý lại bản dịch của một Phiên Dịch viên khác bị một Toà Đại sứ Ngoại quốc trả lại vì Phiên Dịch viên nầy dịch “Toà Hành Chánh Gò Công” ra tiếng Pháp là “Tribunal administratif de Go Cong”, chữ “Toà” được dịch như “Toà án”.

 

 

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:28pm

Phan Thanh Sắc

 

Nhà Đốc học - Trường Quan

 

Còn hai công thự trên mặt Nam của Sân Vân Động cũ trước 1945 thì cái còn cái mất. Công thự còn hiện nay là Bộ Chỉ huy Thị Đội Gò Công. Công thự mất là Nhà của Phó Tham Biện Gò Công ngó ra Kinh Salicetti. Hai công thự nầy cất sau khi cất Dinh Chánh Tham Biện vào cuối các năm của Thế kỷ 19.

 

 

 

        Hình 2  :  Nhà Đốc học đã cải tạo mặt tiền làm Văn phòng Thị Đội Gò Công, sẽ phải phá vì  Thị Đội dời xuống Nền Bông Bà Phủ cũ

 

Toà nhà Thị Đội bây giờ đã cải tạo mặt tiền và lợp lại mái ngói trông khác xa khối dáng xưa (xem hình). Cho đến 1975 từ cổng vào bên phải có cây da thuộc loại cổ thụ có từ 1880. Toà nầy Tây cất cho viên Đốc học coi trường Quan và các trường khác trong tỉnh ở gọi là Habitation du Directeur des Écoles de la Province tức là Nhà Đốc học hay Nhà Ông Đốc. Nhà Đốc học có liên quan đến hai trường cùng trên bờ Bắc Kinh Salicetti. Trường Quan tức Trường Nam và Nữ Tiểu học Gò Công.

Như đã biết riêng Trường Nam Tiểu học Gò Công nguyên là thành ‘lính tập’ (Fort des soldats) Tây cất năm 1868 khi bình định xong vùng Gò Công. Thành lính là toà lầu hình chữ thập Mặt Nam chánh ngó ra kinh Salicetti. Bên trái thấy Cầu Quan. Sau các năm 1880 biến cải thành trường dạy Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ngoài ông Đốc học người Việt đầu tiên là ông Nguyễn Văn Định các ông sau đều là người Pháp. Cho đến 1945 có xen kẻ các ông Đốc người Việt là ông Lê Văn Sang, Huỳnh Thiên Hộ và cuối là ông Huỳnh Văn Hai. Không biết toà nhà nầy ông đốc học nào ở đầu tiên. Riêng tôi biết ông Perrenot ở trước năm 1940 và ông Huỳnh Văn Hai ở từ 1940 đến 1945. Dân Gò Công gọi các ông nầy là ông Đốc. Ông Đốc là dân gọi không có ghi trong hồ sơ hành chánh. Các ông nầy là Directeur des Écoles des Garcons et des Jeunes Filles de Go Cong (Hiệu trưởng các Trường Nam Nữ Gò Công) kiêm Inspecteur des Écoles de la Province de Go Cong (Thanh tra các trường trong Tỉnh Gò Công). Dân gọi là ông Đốc hay Đốc học vì thời cũ vị quan của Triều Nguyễn coi việc học hành của một tỉnh là Đốc học (như Đốc học Phan Hiển Đạo (1822 – 1864) của tỉnh Định Tường, các năm Tây vô (1859 – 1861). Ông Phan Hiển Đạo là vị Tiến sĩ thứ 5 cuối cùng của Nam Kỳ và là Tiến sĩ đầu tiên của tỉnh Định Tường, 1856. (xin đọc Lịch sử Giáo Dục Tiền Giang). Quan coi việc học của một Phủ là Giáo Thụ hay Giáo Thọ (như Thủ Khoa Huân là Giáo thụ Phủ Kiến An tỉnh Định Tường, 1861). Còn chức học quan coi một huyện[1] là Huấn Đạo.

 Sau 1945 còn hai thầy giữ chức như Đốc học là ông Phạm Văn Hợi và ông Phạm Văn Lắm tới năm 1956.

Riêng thầy Võ Văn Giáp là Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học[2] cũng được dân Gò Công gọi là ông Đốc Giáp. Thật ra thầy không giữ chức Đốc học. Từ 1956 ông Phạm Văn Lắm làm Ty Trưởng Ty Tiểu học Định Tường (Ty Tiểu học được thành lập từ năm nầy, ông Phạm Văn Lắm là Thanh tra Tiểu học hàng Tỉnh Gò Công được bổ làm Ty Trưởng còn ông Lê Văn Dều, Thanh tra Tiểu học hàng Tỉnh Mỹ Tho khi nhập làm Phó Trưởng Ty) Hệ thống Đốc học coi như không còn. Dưới ông Lắm có ông Thanh Tra Ngô Văn Tiếng phụ trách Giáo dục Tiểu học hai quân Gò Công và Hoà Đồng, ông Lê Văn Vững, thanh tra phụ trách các huyện của tỉnh Mỹ Tho cũ.

Trở lại, từ 1945 khi Tây trở lại, toà nhà Đốc học không còn dành cho người coi ngành giáo dục nữa, chuyển qua cho giới quân sự sử dụng.

Toà nhà nầy là biểu tượng của nền Giáo dục Pháp và Quốc ngữ vậy. Nền giáo dục nầy chấm dứt từ năm 1950. Tháng 6 năm 1950, toàn Nam Kỳ học sinh Lớp Nhứt (lớp 5) bắt đầu thi bằng Tiểu học bằng tiếng Việt, niên học trước 1949 thi bằng CEPCI (Sơ học) bằng tiếng Pháp cuối cùng..

 

 

Hình 3  :  Trường Nam Tiểu học xưa (trước 1945) gọi là Trường Quan

 



[2] Còn Gò Công từ 1852 đến 1864 là Huyện Tân Hoà, Phủ Tân An, tỉnh Gia Định, không phải thuộc tỉnh Định Tường.

[3] Cô Trần Thị Lài là Hiệu Trưởng Trường Nữ Tiểu học Gò Công. Lúc nầy (1956 – 1963) hai trường Nam Nữ Tiểu học Gò Công thuộc Ty Tiểu học Định Tường. Từ 1964 mới trở về thuộc Ty Tiểu học Gò Công.

 



Chỉnh sửa lại bởi gocong - 04/Jul/2007 lúc 1:49pm
IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:29pm

Phan Thanh Sắc

 

Toà nhà Phó Tham Biện

 

Toà nhà Phó Tham biện là toà lầu có kiến trúc đặc trưng Pháp, nhỏ chỉ bằng một phần tư dinh Chánh Tham Biện, toạ lạc phía sau và phía đông của cây da Nhà Đốc học. Toà lầu ngó ra đường chạy dọc bờ Bắc Kinh Salicetti. Bên phải phía Đông Toà nhà ông Phó có con lộ từ bờ kinh đến trước cổng sân Vận động. Con đường sau 1954 bị bít. Bên Đông nữa là Trại và gia binh lính “gạc” Tây gọi là Caserne de la Garde Civile Locale. Khu nầy sau 1954 biến thành Trung tâm Cải huấn thế Đề lao hồi thời Tây.

Trở lại Nhà ông Phó, trước năm 1945 là tư dinh ông Phó người Pháp rồi người Việt. Năm 1945 dưới Chính quyền Việt Minh toà nhà nầy dùng làm Văn phòng Uỷ Ban Hành Chánh Kháng chiến tỉnh Trương Công Định, Gò Công. Sau 1954 toà lầu nầy là Bộ chỉ huy Tiểu khu Gò Công. Sau 1975, toà lầu thuộc Thị Đội.

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:29pm

Phan Thanh Sắc

 

Đề Lao – Khám Đường

 

Đề lao (Prison) thời Pháp nằm ở khu đất sau Trường Quan, dân gọi là “Khám”, chung quanh có tường dầy gắn miểng chai, ngày nay đường mở rộng nên mất vòng tường bao,  vẫn còn một dãy giáp Trường Quan mặt Nam làm Nhà trẻ Sơn Ca 2 và các toà đứt khúc bên đường Trần Hưng Đạo.

 

Trước 1945 người dân ít thấy tầm quan trọng của Khám vì chỉ giam những tội phạm thường.  Chỉ từ khi Tây trở lại tháng 10 -1945 mới thấy Tây nhốt người bị bắt quá nhiều. Người bị bắt qua các cuộc đi bố của Tây gồm người làm Cách Mạng Việt Minh và dân thường. Từ năm 1946 đến đầu năm 1950 ngày nào vợ con cha mẹ người bị bắt cũng ngồi chờ bên lề đường trước cửa vào Trường Nữ để đón từng tốp người bị bắt, lính canh giữ dẫn ngang từ Khám qua PC (Bót chánh của Pháp tại Toà nhà Huyện Hải, sau là Ngân Hàng) hoặc ra các nơi bên Chợ để dọn dẹp việc gì đó. Thấy được người bị bắt giam được dẫn ngang “đi làm” thì biết là “tội nhẹ”, để về kiếm người lo lót để Tây thả. Những người được cho là “làm lớn Việt Minh” thì Tây giam vào “cát xô”. Lúc đó dân nghe nói giam “cát xô” là xanh mặt. Tây thường đem các người làm lớn nhốt ở “cát xô” đi bắn. Dân nói theo Tây “cát xô” là cachot, là “xà lim” (cellule) nhỏ nhất trong khám. Riêng nhà tôi bị hoạn nạn nầy, gia phụ hai lần ở “cát xô” năm 1946 và 1948 khi Tây đi bố bắt được. Lần nào cũng phải “chạy” bằng tiền và vàng mới thoát. Lần sau 1948, nặng, Tây định đem đi bắn và gia đình lo được vào giờ thứ 25.

 

Sau 1950, khám dời qua Trại lính “gạc” thì khám hay Đề lao nầy được phá từng phần …

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:30pm

Phan Thanh Sắc

 

Sở Trường Tiền

 

Phía bên kia đường của Toà Bố là khu sở “Truờng Tiền”. Gọi là Trường tiền là gọi theo thời cũ. Thời vua Nguyễn, Bộ Công đảm trách các công việc tạo tác và cả việc đúc tiền. Nơi dúc tiền, chỉ ở Kinh đô Thuận Hoá hay Gia Định Thành, Bắc Thành được tổ chức cẩn mật có bề thế gọi là Trường tiền” hay “Tràng tiền”, nên sau nầy cơ sở tạo tác đều gọi là Trường tiền (từ Bắc tới Nam). Sở hay Ty Công Chánh như tên gọi sau 1954 thì trước 1945 dân gọi là Sở Trường tiền. Tên của Pháp chính thức (thấy ghi trên công văn) là Direction des travaux publics. Hình ảnh quen thuộc của Sở Trường tiền là các chú “lục lộ” dặm vá các đường lộ trong tỉnh và chiếc “hủ lô” cán đá. Chiếc hủ lô rõ ra là từ chữ Tây “rouleau”, cái máy có bánh thép nặng lăn đè ẹp đá, ngày nay vẫn còn sử dụng. Còn “lục lộ” thật ra phải là “phu lục lộ”, vì lục lộ (routes ou voies terrestres) nói về các đường trên đất như thuỷ lộ (voies fluviales) là đường sông rạch vậy. Các chú lục lộ, tuổi sồn sồn nhà phải ở gần đoạn con lộ phụ trách, quần cụt áo bà ba đen, đầu đội nón “mê”, chân đất, vác cuốc chim quảy ky và giỏ tre nhỏ đựng cơm trưa đi đến đoạn lộ được giao và bắt đầu công việc cũng “nhàn nhã”: rải đất chỗ đá lồi lỏm chỏm, đấp chỗ hủng, tháng khô lấy đất dưới ruộng lên đắp thành “ụ” cách khoản năm chục thước bên lề dành cho tháng trời mưa. Con đường lộ dài thêm chú cai (caporal) đi coi các chú lục lộ. Dân quê và riêng tôi vẫn thấy “chú lục lộ” là hình ảnh dễ thương tuy cũng thường ví mình là “đá xanh” trên lộ…

      Đá thất thế bị hủ lô cán nhẹp

        Lại còn thêm lục lộ hoành hành”…

Bây giờ toà nhà công chánh vẫn còn, chỉ những toà nhà phía Bắc bị hạ để cất Văn phòng các Khối Chính quyền. Xưa người đứng đầu Sở hay Ty Công Chánh dân gọi là ông Trường tiền. Gò Công thời cũ có ông Trường tiền Chi, ông Lưu Văn Chi là rể lớn của ông bà Đốc Phủ Hải. Ông nầy mất vì đi xe lửa trật đường rầy. Mộ lớn hiện còn ở phía trong đường Chiến sĩ 12 bây giờ.

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:30pm

Phan Thanh Sắc

 

Kho Bạc

 

Còn các toà nhà cuối cùng từ Ngã tư Nhà Đèn qua Chợ.

Toà lầu đầu tiên gồm 6 căn rộng. Hai căn phía Bắc là Kho Bạc (Trésor, Trésorerie). Gọi Kho Bạc vì Pháp bảo trợ Đông Dương xài tiền tệ theo “ngân bản vị”, tiền được bảo chứng bằng “bạc” (Ag, Argent) chứ không phải bằng “vàng” (Au, Or). Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine) phát hành tiền giấy và tiền đồng. Tiền giấy gọi là Đồng bạc Đông Dương xài Ba miền Việt Nam, Lào và Cao Mên và tiền đồng gọi là Đồng bạc Con Ó (Piastre Mexicaine). Đồng bạc nầy y như đồng Dollar bạc của Mỹ cân nặng 27 gr gần một “ounce” (28,35 gr) (bạc 0900). Năm 1915 - 1920, 20 đồng bạc Đông Dương mua một lượng vàng. Năm 1942 – 1944 Nhựt Bổn vào Đông Dương, kinh tế khủng khoảng nên 100 đến 150 đồng bạc Đông Dương mới mua được lượng vàng. Rồi tiếp tục trượt sau 1945. Sau 1954 sở Kho Bạc gọi là Ty Ngân Khố, nhưng ký hiệu đồng bạc vẫn giữ cách viết $ , ví dụ 1.000$.

Kho bạc Gò Công có tích Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng lối 1900), con Lảnh Binh theo Tây là Huỳnh Công Tấn được người ta thuật kể rằng: Tây trọng tên Tấn nên cho con trai là Miêng sang Tây du học. Khi về Hai Miêng ban đầu theo tên Tổng đốc Trần Bá Lộc bình định “Văn Thân” vùng Thuận Khánh, Trung kỳ. Không biết sao, sau đó Hai Miên bỏ về, không chịu làm việc gì cho Pháp, chỉ làm “miển tử lưu linh”. Tây “cưng” đến nỗi cậu muốn bao nhiêu tiền cũng được, xài hết tiền cứ đến Kho bạc viết “bông” (bon)  đưa vào lấy tiền ra. Quyển thơ Cậu Hai Miêng được truyền tụng khắp lục tỉnh, mở đầu như sau:

      Nam Kỳ có Cậu Hai Miêng

        Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công”

Lang bạc kỳ hồ, hào hiệp nghĩa khí là phần chánh của cuộc đời cậu. Còn việc lấy tiền ở kho bạc để xài thì trong Thơ có hai câu nầy:

      Cậu Hai cậu chớ có lo !

        Hết tiền Cậu xuống dưới kho lấy xài…”

Chắc ngày nay, ta cũng khó tin Hai Miêng có thể muốn lấy tiền ở Kho bạc lúc nào và bao nhiêu cũng được. Có thể hiểu như vầy:

Hai Miêng được Pháp cấp mỗi tháng một số tiền nhất định tới số nào đó, với ngân phiếu (chèque) hay bông (bon), cậu ta có thể đem đến kho bạc lãnh tiền. Đồng bào ta hồi đó (1900) thật thà, chất phác, thấy Hai Miêng hết tiền, đến Kho bạc lãnh trợ cấp tháng tới ra xài, tưởng Hai Miêng hết tiền là đến lãnh và lãnh bao nhiêu cũng được. Bọn Pháp có khi nào cấp ngân phiếu khoán trắng (chèque en blanc) cho ai đâu !

 

IP IP Logged
Admin
Admin Group
Admin Group


Tham gia ngày: 01/Jan/2006
Thành viên: OffLine
Số bài: 199
Quote Admin Replybullet Gởi ngày: 04/Jul/2007 lúc 1:30pm

Phan Thanh Sắc

 

Nhà Đèn

 

Phía sau Trường tiền có Nhà Đèn. Qui mô nhỏ gọi là Usine d’électricité. Đây có máy phát nhiệt điện chạy bằng dâu. Từ năm 1940 đến năm 1945 đã có Nhà đèn rồi nhưng chỉ phát điện cho khu Toà Bố và Dinh Ông Chánh. Ở Chợ Gò Công duy nhất tại đường Kinh Lấp lúc đó tên Tây là Boulevard Rodier (nay đường Trương Định) có hàng cột đèn giữa đường. Các cột đèn gọi là “cột ***g đèn” vì trên có cái chụp che mưa cho các ***g đèn kiếng, sẩm tối là có người bắt thang châm dầu lửa đốt đèn cho sáng con đường. Trong chợ tối om le lói các ngọn đèn dầu đủ thứ, phố xá cũng vậy. Sáng có người bắt thang thổi tắt đèn. Có buổi sáng đầu năm 1943 tôi đi học sớm qua Cầu Quan thấy hai ngọn đèn trong ***g đặt hai bên đầu cầu còn sáng. Người ta chậm hay quên tắt.  Đấy Nhà đèn “có tiếng không có miếng” trước 1945 là như thế. Tôi chỉ thấy có cái bóng tròn có cái chụp trước “bureau” của ông Đốc học Hai trong Trường Quan. Tôi chưa biết nó cháy như thế nào. À có nhớ, năm 1942 Tây tổ chức Kermesse đấu xảo các nông phẩm trong Tỉnh Gò Công tại Sân banh cũ (nay cất Trường Trung học Gò Công - Trương Định), tôi thấy trước cổng vào có vài bóng đèn tròn, loé sáng nhưng chìm trong ánh sáng đèn Măng sông (manchon) của các gian triển lảm. Năm 1946 Tây bắt đầu cho gắn bóng tròn thay các ***g đèn dầu ở đường giữa và lần lần các đường lớn khác. Nay hàng cột đèn giữa đường (Trương Định bây giờ) còn hai cây (gọi cột ***g đèn đúng nghĩa), một cây chỗ chợ đang giải toả, đứng đầu Bắc đường nhìn là thấy, còn một cây mang vết đạn ngang tầm ngực, Tây buộc bắn anh Trần Văn Sâm đầu năm 1948, đang nghiêng, nhưng còn kế mé sông[1]. Qua các năm 1954 nhà dân bắt đầu có diện…ban đêm. Đầu năm 1970 có trạm điện ở Ao Tham Thu, chợ Gò Công mới có điện ngày đêm.

Nhớ vì có Nhà Đèn nên chỗ dân cư phía sau gọi là Khu Nhà Đèn. Hai dãy lớp học trước mặt bên phía Nam đường từ 1950 đến năm 1966 gọi là trường Nhà Đèn, thật ra dãy lớp giáp Kho Bạc là các lớp nhỏ của Trường Nữ và dãy bên mé sông là các lớp nhỏ của Trường Nam. Tháng 9 – 1966 gộp chung, cất thêm 3 phòng chấn hình chữ U, lập Trường Tiểu học Thái Lập Thành, nhưng dân quen gọi là Trường Nhà Đèn. Ngày nay chắc công việc hơi khác, Nhà Đèn là Chi ngánh Điện lực.

IP IP Logged
Trang  of 3 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.149 seconds.