Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Lịch Sử - Nhân Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn |
Chủ đề: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ | |
<< phần trước Trang of 12 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 17/Apr/2023 lúc 11:48am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 05/May/2023 lúc 7:30am |
Còn ai nhớ cái Gạc-Măng-Rê (Garde-manger) năm xưa
<<<<<Cái garde-manger (gạc măng rê), nếu dịch ra chữ thuần Việt, có thể gọi là cái chạn bát (giọng Bắc), hoặc cái tủ bếp (giọng Nam). Có lẽ loại tủ này xuất hiện ở Việt Nam từ những năm Pháp thuộc, nên người Việt gọi vật dụng thân thuộc này bằng một cái tên rất Pháp : - Gạc măng rê. Từ những năm giữa thế kỷ 20, hầu như gia đình người Việt nào cũng có một cái gạc măng rê. Đó là đồ nội thất bằng gỗ được đặt trong nhà bếp dùng để cất trữ thực phẩm, gia vị, dụng cụ nấu nướng,… Ở Việt Nam, nó được thiết kế thành một dạng tủ kệ chia nhiều tầng, nhiều ngăn, dùng để đựng bát đĩa, xoong, nồi, thức ăn. Gạc-măng-rê thường có bốn chân và nhô cao khỏi mặt đất. Để tránh các loại kiến, gián bò lên đồ ăn, người ta thường đặt chén nước (thường là bằng sành sứ) dưới 4 chân tủ. st |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 06/Jul/2023 lúc 11:29am |
Quê hương tuổi thơ
Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 06/Jul/2023 lúc 11:35am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 11/Jul/2023 lúc 11:04am |
Gánh hàng rong gây thương nhớ một thuở Sài Gòn Trong muôn mặt của Sài Gòn trước 1975, hình ảnh những người lao động lam lũ trên đường phố luôn là để tài sống động. Không đến nỗi phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng họ cũng đã đổ biết bao mồ hôi công sức để có được bát cơm. Lảnh lót tiếng rao "Ai... bánh canh không?, Ai... cháo lòng không?". Tiếng rao thật lớn nhưng êm tai. Người Sài Gòn không thể quên được một dạo những người bán hàng rong được ví như chiếc đồng hồ chính xác nhất. 9 giờ sáng là "Ai tàu hủ không?", đến 10 giờ là "Ai chè đậu xanh bột bán nước dừa đường cát không?". Cứ thế, suốt ngày mỗi người một giờ, mỗi món ăn một thời điểm chính xác đến độ người dân không cần xem đồng hồ. Không ai cảm thấy khó chịu mà ngược lại, hôm nào vắng họ là cảm thấy nhớ nhung. Trong bức ảnh "Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn", chị bán hàng có gương mặt phúc hậu, đang nghiêng vành nón, một tay cầm tô, mắt nhìn vào nồi bánh canh đang tỏa hơi nóng bốc lên. Đôi quang gánh của chị đơn sơ, giản dị. Một đầu là nồi bánh canh khá lớn. Đầu còn lại, trên tấm nia là thùng nước rửa tô, một vài chiếc tô sạch. Khách hàng của chị là một chàng trai mới lớn. Kẹp đôi đũa trong tay, cậu cầm muỗng múc nước lèo húp một cách ngon lành. Tất cả hoạt cảnh êm đềm đó diễn ra trên đường phố. Một bức ảnh khác, cũng đôi quang gánh nhưng người phụ nữ này bán mía ướp lạnh. Chị là một cô gái còn trẻ. Chiếc nón lá chị móc vào đầu sau của gánh. Ở đầu trước, một tủ kính nhỏ trong đó có một mảng nước đá, xung quanh chất đầy những khúc mía đã róc sạch vỏ. Một ngày với chị không phải chỉ bấy nhiêu mía trong tủ kính mà "hàng dự trữ" còn đầy ở đầu gánh phía sau. Bởi thế không lạ gì khi thấy chị oằn lưng với đôi quang gánh. Đường phố Sài Gòn trước 1975 không đông đúc như bây giờ nên sự xuất hiện của những người bán hàng rong không gây trở ngại nào mà ngược lại còn điểm tô thêm cho sắc thái của Sài Gòn. Bánh tráng kẹo trên đường Tự Do (Quận 1, TP.HCM) nay là Đồng Khởi (Ảnh tư liệu) Một người đàn bà đứng tuổi với gánh bánh tráng kẹo rong ruổi trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), một trong những con đường lớn ngay giữa lòng trung tâm thành phố. Chị người Quảng Ngãi, nơi có món ăn dân dã độc đáo này. Một chiếc bánh tráng nướng và kẹo mạch nha được kéo thành từng mảng phủ kín lên trên, rất ngon và đậm chất quê hương.Ngày nay có khác hơn. Cách bán buôn không nhọc nhằn như trước nhờ vào những công cụ trợ giúp. Tuy nhiên đồng tiền họ kiếm được cũng không kém phần cay đắng. Xe mì trong ảnh nếu còn đến nay cũng phải gần 100 năm. Chiếc xe cũ kỹ. Trong thân xe là lò nấu nước, thùng nước lèo cùng củi than dự trữ. Mì được chứa trong những ngăn kéo. Nghề nấu mì và xe mì là sản phẩm của người Hoa du nhập vào Việt Nam, sống với người Việt cùng với bao vui buồn đã trở nên quen thuộc. Trước 1975, những chiếc xe mì này thường cố định ở một vị trí nào đó. Nó là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Từ người lao động đến anh thương gia, ai cũng cần một bát mì khi đói lòng. Ở một chiếc xe đẩy tay khác, những con mực khô được treo ở trên cao thành hàng dài. Người bán hàng đang ngồi chờ khách. Xe bán mực khô này xuất hiện khá nhiều ở Sài Gòn vào những năm 1960 - 1970 và vắng dần, đến hôm nay rất khó tìm thấy. Khách đến tự do chọn cho mình con mực ưng ý rồi đưa cho người bán nướng. Qua bếp than hồng, mùi thơm của mực bốc lên. Mực chín được cho vào chiếc cối quay vài vòng. Con mực tơi ra và chỉ cần xé chấm với tương thì không còn gì bằng. Trước sự phát triển của công nghệ hiện đại, ít người còn nhớ đến xe nước mía quay bằng tay. Xe nước mía xưa được đóng bằng gỗ, không đẹp như bây giờ. Ép mía bằng 2 trục nối với tay quay cũng bằng gỗ. Người bán nước mía thời bấy giờ thường là đàn ông mới có sức để quay bởi phải dùng 2 tay và thêm một chân mới quay được vòng tua ép mía. Hàng rong bây giờ vẫn còn nhưng không như xưa. Đôi quang gánh và tiếng rao lảnh lót gần như đã vào dĩ vãng. Tiếng gõ "lốc cốc" của mì gõ cũng im ắng. Mì vẫn còn bán, mực vẫn còn nướng và nước mía vẫn ngọt như xưa nhưng những chiếc xe ấy trở thành huyền thoại. Với bây giờ, tất cả đều là kỷ niệm trong ký ức người dân Sài Gòn. Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Jul/2023 lúc 11:40am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 13/Jul/2023 lúc 9:51am |
Xe ngựa trên lối xưa – hồn quê cũ Đã từ lâu, chiếc xe thổ mộ đã gắn liền với những phiên chợ sáng chiều của người dân quê Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một.. Nó không những là phương tiện đi lại thuận tiện, mà với dáng vẻ độc đáo, chiếc xe đã tạo cho khung cảnh đồng quê Nam Bộ trở nên duyên dáng và có “hồn” hơn ! Xe thổ mộ là loại xe ngựa chở khách, có hai càng bằng gỗ, do một con ngựa kéo. Tại sao nó có tên là thổ mộ? Có người giải thích vì xe có mui cong nhỏ, trông giống cái gò mã nên được gọi là “thổ mộ”. Lại có người cho rằng, nó bắt đầu từ tên xe là “thảo mã”. Lâu ngày đọc trại ra thành “thổ mộ” (theo Paulus Của). Lại có ý kiến giải thích nó có nguồn gốc từ chữ “Tombeau” của Pháp đọc trại thành thổ mộ; điều này, cụ Vương Hòng Sển trong cuốn “Tự Vị Tiếng Việt miền Nam” đã bác bỏ và cho biết rằng, người Pháp họ không bao giờ gọi xe thổ mộ là tombeau cả mà gọi là Boîte d’allumettes (hộp quẹt), có lẽ vì cái hình dáng nhỏ nhắn của nó như cái hộp quẹt chăng? Có thể ban đầu, khi người Pháp mới sang, họ dùng xe ngựa để kéo pháo. Giống ngựa họ đem từ châu Âu, châu Phi sang. Ngựa giống này cao to, có khả năng kéo nặng được. Lần lần, có nhiều con không thể kéo pháo được nữa, chúng bị dạt ra để kéo đồ vật lặt vặt, kể cả kéo cỏ cho những con kéo pháo ăn. Chính vì thế mà có tên xe là “thảo mã” (xe ngựa kéo cỏ), lâu ngày đọc thành thổ mộ? Cho dù nó có nguồn gốc thế nào, thì cái tên thổ mộ đã được người dân Nam Bộ gọi đã khá lâu, ít nhất là vào thời điểm sau khi quân Pháp đến chiếm đóng Nam Kỳ. Người đánh xe ngựa được gọi là “xà ích”, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuốn “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” thì “xà ích” là tiếng có nguồn gốc từ Philippines. Những người đánh xe ngựa (xà ích) vốn là những nông dân chất phác, phóng khoáng cởi mở. Họ nhanh chóng tiếp thu một phương tiện giao thông mới, cải tiến nó thành một loại xe chở khách có vóc dáng nhỏ, gọn, phù hợp với đường sá của nông thôn miền Nam. Hình thức xe cũng khá thẩm mỹ. Tuy giản dị với mái vòm cong cong, nhỏ nhắn nhưng khi di chuyển trên đường làng thì trông rất hài hòa với những ụ rơm, lũy tre làng của phong cảnh đồng quê. Để hành nghề xe ngựa, việc quan trọng nhất là phải biết chọn ngựa. Lựa chọn ngựa bắt đầu từ màu lông, xái ngựa, tuổi (xem răng), mõm (mõm nhọn kén ăn hơn mõm bằng). Sau đó là huấn luyện. Việc huấn luyện ngựa do những vị cao tuổi học tập và truyền lại từ sách” Mã Kinh” của Tàu. Có người kỹ lưỡng hơn thì lại coi thêm mạng theo ngũ hành: mạng của người cần phải hợp với mạng của ngựa! Ví dụ: người mạng Thổ chọn ngựa ô; mạng Thủy chọn ngựa Kim (hoặc khứu) lông nâu nhạt; mạng Mộc chọn ngựa Kim than (ngựa trắng điểm đen); mạng Hỏa chọn ngựa Vang (lông đỏ ). Thời trước, xe thổ mộ cũng hoạt động theo luật định. Ai muốn hành nghề xà ích đều phải qua một cuộc thi khảo hạch để nhà chức trách cấp bằng chứng nhận. Người lái xe phải đủ 18 tuổi, có đủ sức khỏe, trước khi thi phải thuộc 36 ký hiệu giao thông trên đường y như thi lái xe bây giờ vậy. Bởi vì lúc đó, xe thổ mộ chẳng những chở khách xuôi ngược ở các vùng nông thôn ngoại thành, mà nó còn chở hàng hóa và khách vào tận các chợ Bến Thành, Cầu Muối… Vì thế, người xà ích phải hiểu biết luật giao thông đường bộ và có tay nghề cao để bảo đảm an toàn giao thông. Trên xe phải có chuông, nút ấn chuông được đặt bên cạnh chỗ ngồi của người xà ích. Xe chạy khi trời tối phải có đèn lái ở hai bên, hai cái đèn có hình dáng là hai cánh tay người cầm hai chân đèn. Quy định này do người Pháp đặt ra. Đèn được đốt cháy bằng khí đá, nó chẳng soi sáng được bao nhiêu, cốt để cho người đi đường thấy có xe ngựa mà tránh! Dưới gầm xe phải có bao đựng phân ngựa, không để ngựa phóng uế bừa bãi ra công lộ. Xe ngựa nào không thực hiện đủ những quy định trên sẽ bị “phú lít” xử phạt ngay. Xem thế ta thấy xe ngựa ngày xưa cũng khá văn minh! Có người nói rằng, lúc trước xe ngựa khi chạy trong thành thị thì xà ích che đi một phần cặp mắt của ngựa, chỉ cho nó nhìn thấy phía trước từ 2 đến 3 mét; mục đích là để cho ngựa khỏi bị phân tâm mà chạy “lạc hướng” dễ gây tai nạn. Mỗi xe thổ mộ được trang bị một “bộ nhíp” giảm xóc. Tất cả các loại xe như xe bò, xe ngựa kéo, xe lừa của ta từ trước đó chưa hề biết đến cái nhíp giảm xóc bao giờ. Cùng với sự tồn tại của chiếc xe ngựa là những nghề phụ thuộc theo nó như: nghề xén tóc và xén lông cho ngựa, nghề đóng móng sắt ngựa, nghề đóng thùng xe… Nghề đóng móng sắt do người châu Âu du nhập vào. Ngựa xứ ta trước đó chưa hề đóng móng sắt. Thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ 20, ở vùng Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một có hơn 1000 chiếc xe thổ mộ. Có lẽ nó là phương tiện di chuyển công cộng trên bộ đầu tiên ở nước ta, sau đó mới đến các loại phương tiện khác. Cũng như nhiều nghề khác, nghề xà ích cũng có tính cha truyền con nối . Ở khu Tân Định xưa, có con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, đó là đường xe thổ mộ chạy. Xe thổ mộ cũng có bến như xe buýt hiện nay. Ngoài ra, ở khu vực kênh Nhiêu Lộc (khu vực gần chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay) có một khu vực gọi “Bến tắm ngựa”, đây là nơi xà ích thường cho ngựa xuống tắm mát nghỉ ngơi sau thời gian dài rong ruổi mệt nhọc trên các ngã đường. Đối với người dân Sài Gòn-Gia Định và các vùng lân cận, những chiếc xe mui vòm khum cong như những nấm mộ xuôi ngược trên những con đường đất đỏ, (sau được rải đá rồi tráng nhựa); với hình ảnh những chú ngựa nhỏ con, gõ móng lốp cốp trên mặt đường nhựa, cùng với nhạc cổ leng keng ngày trước là một phương tiện chuyên chở rất gần gũi và thân thiện, nhất là đối với bạn hàng các chợ và người bình dân đi lại từ nơi này sang nơi khác. Trong những ngày giáp Tết, xe thổ mộ càng đẹp và rực rỡ hơn vì rực vàng hoa vạn thọ, hoa huệ, cúc… từ các vùng Gò Vấp, Bà Điểm đổ vào bán ở các chợ nội thành. Mỗi cổ xe thổ mộ đang chạy như là một bản hợp tấu giàu âm điệu. Âm điệu nền là tiếng vó ngựa lộc cộc giòn giã nện xuống đường.Tiếng khua lốc cốc của cây ví (thanh thép nằm giữa trục bánh xe). Tiếng lục lạc leng keng ngân vang trên cổ ngựa. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng “cốc keng” ngân vang mà rời rạc từ cái chuông xe. Và cuối cùng là lâu lâu lại trỗi lên tiếng hý dài của con tuấn mã sung mãn đầy sinh lực! Tất cả như một bức họa mỹ thuật toát lên nhiều âm thanh của một bản hòa tấu sinh động, và bức họa đó đã thực sự đi vào dĩ vãng, đi vào lịch sử một vùng quê xưa… Tôn Thất Thọ ĐÁNG NHỚ |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 13/Jul/2023 lúc 11:18am |
Chuyện tình Ông + Bà Sài Gòn Chuyện rằng từ thuở xa xưa Ông bà ta đã dây dưa ái tình Bởi thế nên tục truyền rằng: Ông Lãnh, Ông Tạ, Ông Đồn Ba người bạn thiết sớm hôm một nhà Ông Lãnh bản chất thiệt thà Thầm yêu nét đẹp mặn mà Bà Đen Nhưng nào ông dám bon chen Sáng đêm chong đèn nhung nhớ thiết tha Ông Đồn bản tánh nguyệt hoa Chờ Ông Lãnh kẹt, cà rà Bà Đen Hai người xả láng một phen Sinh ra bé gái đặt tên Thị Nghè Ông Lãnh nghe nói, thuê ghe Đi thăm cho biết Thị Nghè ra sao Ngó gần nó cũng bảnh bao Nhìn xa nó cũng hao hao Ông Đồn Bà Đen từ dạo sinh con Vốn đã đen sẵn nay còn hơn xưa Ông Đồn nhìn vợ hết ưa Bỏ lên Long Khánh say sưa miệt màiBà Đen ngẫm nghĩ chán thay Cũng đi lên núi đêm ngày thở than Thương cho đứa cháu lầm than Ông Lãnh hào hiệp cưu mang đem về Buồn cho cuộc sống ê chềMột già một trẻ bốn bề cô đơn Ông bèn thẳng xuống Hóc Môn Cưới luôn Bà Điểm để chôn cuộc đời Qua bao vật đổi sao dờiBà Đen ở vậy cho vơi nỗi lòng Chỉ còn Ông Tạ lông bông Bạn bè lấy vợ nên chồng đã lâu Cô Giang sắp sửa ăn trầu Cô Bắc cũng đã từ lâu theo chồng Ông bèn đi xuống Cầu Bông Hỏi thăm Bà Chiểu có chồng hay chưa Bà Chiểu nghe nói bèn thưa:“Chỉ còn Bà Quẹo là chưa có chồng Bà Điểm tay bế tay bồng” Buồn tình, Ông Tạ phải lòng Bà Hom Ông bèn bao cuốc xe ôm Về lăng Cha Cả lo hôn lễ liền Phụ rể có cậu Bảy Hiền Nữ trang Chú Hỏa bạc tiền thiếu đâu Bà Hạc thì làm phụ dâu Chú Ía bưng quả, buồng cau, khay trầuBà Hom tròn mối duyên đầu Thương cho Bà Quẹo âu sầu đắng cay Ế chồng mấy chục năm nay Chỉ vì cái tội thích hay làm tàngBuồn cho nghiệp chướng bẽ bàng Bà đành an phận chẳng màng hơn thua Bà liền xuống tóc vô chùa Bà Đanh Bỏ ngoài tai việc chúng sanh Cam đành vui thú tu hành điền viên “Ông Chừ” hổng có tình duyên mặn mà Tự trách số phận “con gà” (mắc dây thun) Ông qua Cam Bốt cưới “Bà La Môn” Tuổi em thì cũng sồn sồn “Vệ Sa” “Sát Đế” một bồ Hindu Ngẩn ngơ vào một chiều thu Ông ra Thiên Mụ khấu đầu đi tu TH/ST Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 13/Jul/2023 lúc 3:22pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 18/Jul/2023 lúc 9:40am |
Nước mía Sài Thành xưa. Nước mía là thứ nước giải khát ngon, bổ rẻ và được ép nguyên chất từ mía tươi. Ngày xưa mấy xe nước mía thường dùng tay để ép mía, bánh xe như vô lăng lái tàu, tay người ép mía phải khỏe mới ép được hết nước ra khỏi những cây mía dài. Bây giờ hiện đại, các loại máy ép nước mía giờ toàn dùng điện. Khi ép mía người ta thường thêm tắc vào cho thơm và át bớt vị ngọt gắt cổ của thứ nước đường nguyên chất đó. Miếng tắc chua chua vào để hãm vị ngọt khó chịu đó lại và để … thơm hơn. Bản thân người biết uống nước mía thường có thói quen vắt nhiều tắc. Càng chua càng ngon. Nhưng nước mía cũng phải ngọt ngon thì vắt nhiều tắc mới ngon. Gần đây nhiều nơi có món mía dâu, mía cam, vị chua của dâu hay cam xay chung với nước mía lạ miệng và phần nào làm dịu bớt cái gắt của mía đường. Nhưng gì cũng vậy, vị ngon nguyên thủy vẫn là thứ không thể thay thế được. Nước mía ngon phải có màu vàng đậm, tung bọt. Vài nơi thường dằn thêm vài hạt muối cho đậm đà. Có nơi thêm nước chanh muối hay tắc muối. Mía ngọt nên uống phải có đá để làm mát dịu cái vị gắt của đường… Có lẽ ở miền Nam vì nóng quanh năm nên phổ biến hơn miền Bắc. Tuổi học trò đứa nào cũng phải biết nước mía. Thứ giải khát không đắt tiền và kén chọn khách hàng. Hồi xưa khi còn học cấp 1 chiều nào mẹ cũng mua cho một bịch nước mía chỉ 500 đồng, hút rột rột khi ra khỏi cổng. Ngon hơn nước ngọt nhiều. Ngon hơn cả mấy bịch xirô đá màu xanh đỏ bán nhan nhản ở trước trường. Ly Lê Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 18/Jul/2023 lúc 9:41am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 24/Jul/2023 lúc 1:10am |
Nhớ Lại Món Ngon Sài Gòn Ngày TrướcCó nhà văn nào đó cho rằng khi viết về ẩm thực bụng phải đói mới “lột tả” hết cái ngon
của món ăn. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Hồi còn trong trại tù cải tạo, cái bụng lép kẹp
lúc nào cũng sôi ùng ục, tôi và vài người bạn tù có “tâm hồn ăn uống” vẫn
thường kể cho nhau nghe những món khoái khẩu của mình. Ăn “hàm thụ” sao mà ngon
thế. Phải nói ngon gấp nghìn lần ăn… thực thụ!
Thời cải tạo qua đi nhưng thời điêu linh lại kéo tới. Vào thời đó, cái để đút
vào mồm chỉ toàn khoai mì chạy chỉ với bo bo, còn được mệnh danh là… cao lương.
Ngồi nhấm nháp cao lương mà cứ tức anh ách. Ai đó đã khéo chơi chữ mà đặt tên,
mỉa mai không khác gì cái món “mầm
đá” của ông vua ngày xưa!
Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống, người ta bỗng nhớ đến thời… sống
để mà ăn ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào.
Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ
miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon
hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá. Vào đến Sài Gòn
ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat),
đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm Phở Bắc được bán trong khuôn
viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là Phở Turc.
Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm Phở Bắc hãy còn đếm được
trên đầu ngón tay. Ðó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường
Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên
thành đường Võ Tánh và đến 1975 lại đổi thành Nguyễn Trãi thuộc quận 1).
Ngay bên hông rạp Casino có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là
nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm Phở Minh nằm ở dãy nhà đó.
Phở Minh có cả phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ
Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài
thơ Ðường Luật có 4 câu đầu như sau:
Nổi tiếng gần xa khắp thị
thành, Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu,
sụn, Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm,
chanh.
Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần
Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này,
đều có cửa sau đi vào hẻm “ẩm
thực” Casino.
Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ. Ðến như ông chủ tiệm giày cũng có thể
làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Ðà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn
uống!
Trên đường Mạc Ðĩnh Chi (M***iges), gần bên hông Tòa Ðại Sứ Mỹ, còn có phở Cao
Vân, dù tiệm phở này không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) cách đó không
xa. Theo tôi, phở Cao Vân (25 Mạc Ðĩnh
Chi) chỉ thuộc loại “thường
thường bậc trung” nhưng được nhắc tới cùng với phở Minh vì Cao
Vân cũng có một bài thơ ca tụng phở của thi sĩ Tú Mỡ được viết bằng sơn ngay
trên tường.
Trong các món ăn Quân Tử Vị Phở là quà đáng quý trên đời
Chủ của phở Cao Vân ngày nay là một ông cụ Bắc Kỳ hom hem theo năm tháng. Ông
không còn đứng ra nấu phở nhưng chiều chiều thường ngồi nhậu lai rai với các “chiến hữu” để hưởng
nhàn!
…Trên đường Pasteur có Phở Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm
1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa
nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở
các tiệm phở (?). Phở Hòa chỉ chuyên loại phở bò, nếu vào đây mà tìm tô phở gà
thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương (bây giờ đổi tên là Võ
Thị Sáu), đến tiệm Hương Bình, “chuyên
trị” phở gà.
Nói đến phở Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm Phở 79, ngay tại
số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm Phở 79 mở cửa, khi đó nền
nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường. Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân
mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm Phở 79 khang trang và có thể nói là một
trong những tiệm phở sạch nhất Sài Gòn thời đó.
Trường Sinh ngữ Quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với Phở 79 tại khu vực Ngã Sáu Sài Gòn. Ðám
giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi “ứng chiến” tại trường.
Phở tại đây được đánh giá là… “ăn
được.” Nếu ai “ăn
không được” thì chịu khó đi thêm vài bước ra Ngã Sáu, nơi đây
có đủ các món ăn chơi thuộc loại bình dân, từ phở, hủ tíu cho đến mì và có cả
xe… bánh mì mua về trường nằm gặm trong những đêm ứng chiến!
Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh (thuộc quận Phú Nhuận),
cách cổng phụ của Tổng Tham Mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi
khi về trụ sở chính của trường sinh ngữ trong Tổng Tham Mưu. Nước phở ở đây rất
đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có
cả món “tái sách tương
gừng” được xếp vào loại… trứ danh.
Con cháu của một số gánh phở nổi tiếng Hà Nội đã vào Nam lập nghiệp năm 1954,
trong cơ hội lịch sử này có phở Tàu Bay. Vốn là quán phở do ông nội mở vào 1950 ở Hà Nội, khi di cư vào Nam, ông
chủ quán được người bạn thân tặng cho chiếc mũ bay. Ông thường xuyên đội nó,
khách thấy lạ, gọi ông “Tàu
Bay” rồi chết tên thành tên quán.
Phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ ngày nay vẫn bán và khách quen ngày nào vẫn chịu
khó mò đến đây để tìm lại hương vị đặc thù. Phải nói Phở Tàu Bay rất… hiếu
khách. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như
những tiệm khác. Tô đặc biệt của Tàu Bay lại là tô “Xe Lửa,” bánh và thịt
trên mức hậu hĩnh.
…Kể từ khi người Bắc di cư vào Nam, tiệm phở đánh bạt các tiệm hủ tíu, vốn là
món “đặc sản” của
miền Nam. Các tiệm hủ tíu nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến hủ tíu Thanh Xuân đường
Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), hủ tíu Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc
gần Pasteur), hủ tíu Gà Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân hàng Quốc gia và hủ
tíu Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…
Có người đến hủ tíu Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống
như hủ tíu Gà Cá. Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một
khi khách đã “kết” thì
khó đi ăn nơi khác. Hủ tíu Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức,
không cần đợi đến những ngày cuối tuần.
Thường thì hủ tíu có bánh mềm, chỉ riêng hủ tíu Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm
bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn dĩa rau dọn
lên trước thì cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng xà
lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm
cho bụng cứ gào thét… Hình internet
Người bồi bàn bưng mâm ra để tô hủ tíu trên bàn, mùi nước lèo xông lên mũi, nếm
thử “nghe” được
mùi thơm của nước lèo, thêm chút gia vị vào và cầm đũa ngay. Hủ tíu Thanh Xuân
thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. Hủ tíu Phạm Thị Trước hay Thanh
Thế cũng thế, nhưng không có rau tần ô. Riêng hủ tíu Gà Cá thì chỉ có giá sống.
Tuy nhiên, các thứ hủ tíu nếu thiếu vài miếng tóp mỡ và cải bắc thảo thì hình
như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vừa béo của chất tủy từ
ống xương, thoang thoảng chút mùi của con mực, tôm khô, hào khô và củ cải.
Những thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ nước lèo hấp dẫn. Hủ tíu bình dân thì
có những xe hủ tíu bán dạo. Từ mờ sáng cho đến khi màn đêm buông xuống, nghe
tiếng rao… lòng thấy nao nao!
*** Ðối với tôi, một món cũng thuộc loại “khoái
khẩu” ở Sài Gòn là… bánh mì thịt nguội, trong đó có cả jambon,
xúc xích, patê ăn kèm với sốt mayonaise và đồ chua! Bánh mì thịt nguội ăn sẽ
ngon hơn nếu bạn có thì giờ ngồi nhẩn nha tại tiệm: các loại thịt bày trên đĩa
trắng tinh kèm thêm một cục sốt bên cạnh dao, nĩa sạch bóng. Bẻ một miếng bánh
mì còn nóng, trét sốt lên trên rồi một lớp patê, sau đó cắt một miếng jambon…
đưa vào miệng. Tuyệt cú mèo!
Một trong những tiệm bán bánh mì thịt nguội có tiếng ở Sài Gòn từ năm1954 và
còn tồn tại đến ngày nay là Hòa Mã. Tiệm Hòa Mã nằm trên đường Cao Thắng, gần
khu vực Bàn Cờ, nơi có những địa điểm nổi tiếng như Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu,
Trường Aurore, Cư Xá Ðô Thành, Nhà Bảo Sanh Ðức Chính…
Ngày nay, Hòa Mã không khác xưa là mấy. Hòa Mã cũ kỹ, bảng hiệu phai màu theo
năm tháng vì đã tồn tại hơn 50 năm kể từ ngày mở cửa. Nhiều người nói chủ nhân
Hòa Mã là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn… Tiệm Hòa Mã gọi
ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, dùng theo tiếng Pháp c***ecroute, bữa ăn
lót dạ, bữa ăn nhẹ. Những năm 60, giá bán một ổ bánh mì Hòa Mã là 3 đến 5 đồng,
ổ lớn có bơ tươi thì 7 đến 10 đồng.
…Xe bánh mì Tám Lự gần chợ Bàn Cờ chỉ bán từ sẩm tối đến đêm khuya. Một ổ bánh
mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc, hai gang tay, tối ăn vào no đến sáng. Bánh mì ngon,
ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ Bretel còn thêm dưa leo, ngò, hành lá, nước
tương, muối tiêu, ớt xắt. Ngày xưa khách chỉ cần nói: “Cho một tàu lặn hay một tiềm thủy đĩnh
đi, anh Tám!” là khách sẽ có ngay một ổ bánh mì nóng giòn,
thơm phức.
Nếu muốn sang hơn thì lên bánh mì Pâté Tòa Ðô chính trên đường Nguyễn Huệ hoặc
tiệm bánh Hương Lan trên đường Tự Do hay ngồi Thanh Bạch đường Lê Lợi (gần bệnh
viện Sài Gòn). Chỉ cần gọi đĩa bánh mì thịt nguội kèm theo một ly cà phê sữa đá
là đủ no cho đến trưa. Thanh Bạch vẫn là nơi lý tưởng để vừa ăn sáng vừa ngắm
cảnh người Sài Gòn sửa soạn cho một ngày mới.
…Sài Gòn xưa có hai tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh
Lợi. Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa
soạn nhật báo Sài Gòn Mới năm xưa. Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội,
Thanh Bạch có bánh mì bò kho, hủ tíu và đặc biệt là món suông. Bún suông dùng
xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu,
bằm nhuyễn sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong,
ăn kèm với rau sống…
Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món đuông chà
là chiên bơ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền. Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa
cũng còn thèm “con đuông
chà là,” tên chữ là “hồ
đa tử.” Hồ đa là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc
miền nước mặn Nam bộ, giống như cây cau kiểng. Cây dừa rừng có “củ hũ,” tức đọt non,
đến mùa sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Ðuông ăn đọt
dừa non nên to, mập và thường được bắt trước khi nở thành bướm.
Sơn Nam viết: “Ðem đuông
nướng trên vỉ sắt, cho héo, rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con
đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là.”
… Vùng Thanh Ða (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sài Gòn với món cháo vịt, gỏi vịt.
Vào buổi tối người Sài Gòn hay ra bán đảo Thanh Ða trước là để đón những luồng
gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào và khi về, ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa
gỏi vịt ăn kèm. Nếu là “bợm
nhậu” thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay. Nếu ngại
ra Thanh Ða thì trên đường Hồng Thập Tự cũng có khu bán cháo vịt thuộc loại… “ăn được.” Thịt vịt tại
đây khá mềm, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy mùi hôi vốn có của thịt
vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).
Ðinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Ðịnh nhưng cũng đi vào
lịch sử ăn uống của Sài Gòn với món bánh xèo. Bí quyết của bánh xèo nằm ở kỹ
thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh giòn tan khiến người ăn có thể cảm
được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng. Lớp bột gạo pha
chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng “xèo” khiến ta hiểu
được tại sao lại gọi là… bánh xèo! Ngày nay, đường Ðinh Công Tráng trở thành “đường bánh xèo” nhưng người sành ăn thì
chọn quán bên tay trái, nếu đi từ đường Hai Bà Trưng vào. Quán không tên nhưng
người ăn vẫn nhớ vì nó đã đi vào “bộ
nhớ” của người Sài Gòn từ bao năm nay. Những quán đối diện bên
kia đường trông có vẻ lịch sự hơn, sạch sẽ hơn nhưng vẫn chịu cảnh vắng khách
vì là kẻ… hậu sinh.
Khu Ða Kao có tiệm bánh cuốn Tây Hồ (127 Ðinh Tiên Hoàng), gần chợ Ða Kao, quận
1, nổi tiếng. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẩu nước mắm và một chồng chén
nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của
từng người. Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh
cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn.
Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách
có thể chỉ ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người
phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi
thêm đĩa bánh tôm hoặc bánh cuốn không nhân.
Sài Gòn cũng có bánh cuốn Thanh Trì kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với “ruốc” (chà bông) và
nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống mới là “sành điệu”! Còn bánh ướt là kiểu bánh cuốn
bình dân ở Sài Gòn, cũng ăn kèm với bánh tôm chiên, giò, chả và rau, giá. Những
xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sài Gòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng
và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu “thanh cảnh” như bánh
cuốn Thanh Trì.
Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đổi tên thành Ðinh Tiên
Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng.
Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà phê Hân, Mì Cây Nhãn (tên đặt
theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), Thạch chè Hiển Khánh (nơi sưu tầm
rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn
uống khác nữa trên con đường này.
Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi, trước kia vào thập niên 30 có một quán
cháo cá nổi tiếng một thời. Buổi chiều cho đến gần khuya, khách đến ăn rất
đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát. Theo Vương Hồng Sển
trong Sài Gòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Ðông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ,
trót trăm năm chớ không phải chơi…” Cháo tại đây nấu bằng gạo
tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng
thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu. Tô cháo cá Chợ Cũ quả
là một ‘tô thuốc tráng thần’…” Cháo nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú
vị của món cháo cá Chợ Cũ. Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu,
gừng và có thể ăn với “dầu
chá quẩy.” Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng
thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi!
Có một tiệm cháo giò heo khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Ðình Phùng (ngày
nay là Nguyễn Ðình Chiểu). Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ
sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhảy, khuya về đói
bụng đến ăn tô cháo nóng.
Tôi lại nhớ đến món phá lấu ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe bò
bía và nước mía Viễn Ðông. Bán phá lấu là một chú Tàu và “cửa hàng” của chú chỉ
vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bày đầy đủ nội tạng heo: lòng, dồi, gan, bao
tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi… Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và
ăn vào thì giòn tan. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi,
lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh! Hình internet Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy chú ba mới đáng hàng sư phụ. Phá lấu làm
tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu
góc nước mía Viễn Ðông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng tăm, chấm với
tương đỏ trộn tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền nhưng
tuyệt không bao giờ sai. Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để
kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường.
Gần nước mía Viễn Ðông có xe thịt bò khô của ông Năm (theo tên gọi của khách
quen) và sau 1975 ông dời về đường Tự Ðức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn
Thủ) thuộc khu Ða Kao.
Dân chơi Sài Gòn thường xếp hạng: “Ăn
quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên viết về món ngon Sài
Gòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu sót lớn. Dọc đường Trần Hưng Ðạo
nối với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu
lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt.
Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại
là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này. Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm
thuốc bắc, một trong những món “tủ” của
người Hoa. Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tíu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và
tiệm bánh bao Bà Năm Sa Ðéc.
Ðêm đến có các quán sò huyết dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu
thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường
sang trọng của Chợ Lớn “by
night”!
…Thôi thì đời người có lúc hưng lúc tàn, cũng như vận nước có khi thịnh khi
suy. Viết lại món ngon Sài Gòn chỉ để thỏa mãn kiểu “ăn hàm thụ”như đã nói ở
trên. Giờ có cho ăn thực thụ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ.
Tất cả chỉ còn là… hoài niệm!
Nguyễn Ngọc Chính
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 26/Jul/2023 lúc 8:51am |
Qua và Bậu trong văn thơ Nam Bộ Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua Qua, bậu là đại từ xưng hô của lứa đôi đặc trưng của miền Trung và nhất là Nam Việt Nam. Cho dù ngày nay hai từ ngữ này không còn được thông dụng trong dân chúng miền Nam: từ bậu hầu như tuyệt đối không dùng nữa và từ qua còn được sử dụng một cách giới hạn. Nhưng trong thơ văn cũng còn được dùng hai từ ngữ này và không giới hạn ở các văn thi sĩ vùng Đồng Nai - Cửu Long. Qua và bậu trong văn thơ được dùng với nghĩa rất thân mật. Qua là đại từ, ngôi thứ nhứt, dùng riêng rẻ là từ xưng hô của người lớn tuổi với người nhỏ tuổi, nghĩa là tôi, ta (cô, chú, bác, anh, chị). Khi dùng chung với bậu nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai xưng với người yêu. Bậu cũng là đại từ, ngôi thứ hai, nghĩa là người vợ hay người yêu hay người con gái được mến chuộng. Nghĩa cuối cùng trong thời kỳ lẽo đẽo đi chinh phục: Bậu sang phà Rạch Miễu Qua lẽo đẽo theo sau ... (Phải lòng con gái Bến Tre, Luân Hoán/Phan Ni Tấn) Ngày xưa từ bậu cũng được dùng gọi người con trai trẻ tuổi như trong hai câu trích từ Lục Vân Tiên ở dưới, hay trong bài vè “Bậu lỡ thời” của vùng Kiên Giang. Hai đại từ xưng hô qua, bậu đã ăn sâu vào đời sống của người dân phương Nam, cả đến trong văn chương. Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh đã ghi dấu tích cho chúng ta: ...Dân rằng: "Lũ nó còn đây, Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành"... (Bậu ở đây là Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu) ... Tú Phan nói chưa dứt lời thì lại thấy họ khiêng về một bộ tranh cẩn với một cặp lục bình lớn và đưa một phong thơ nữa. Tú Phan xé thơ coi rồi cười mà nói với mấy người kia: - Mấy em về nói qua cám ơn ông Bá hộ nha! ... (Nhơn Tình Ấm Lạnh, Hồ Biểu Chánh (1925) Có dạo người dân, trong ý trêu cợt lối viết văn rặt Nam Kỳ, đặt câu sau: "Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua". Qua, bậu là đại từ xưng hô của người dân, phương Nam“, hai từ ngữ này đối với người Việt dường như vô nghĩa, đã là từ ngữ xưng hô thân mật của miền đất mới. Gốc của từ "qua" theo Lê Ngọc Trụ là do chữ wá (hay đọc đúng hơn là u_á) đọc theo giọng Triều Châu của chữ "ngã" tức là "tôi". Nguyên Nguyên có đặt sự liên hệ từ qua với tiếng Mường và tiếng Nhật nhưng có lẽ nên chấp nhận lối giải thích giản dị của Lê Ngọc Trụ. Nếu "qua" đã là "tôi" từ âm Triều Châu thì "bậu" cũng rất có thể do âm Triều Châu mà ra. Tuy Bình Nguyên Lộc có đưa ra gốc từ tiếng Mạ nhưng sau khi bàn luận với người Triều Châu, thì trong tiếng Triều Châu "pa_u" hay "pấu" (giọng đọc khác nhau tùy vùng) là vợ, một danh từ bình thường và khi ghép vào một chữ nữa mới phân rõ ngôi thứ như "cha pấu", "cha pa_u" (vợ tôi) "deo pa_u" (vợ yêu) như ta dùng Hán Việt "tệ phụ, tệ nội, hiền phụ, hiền thê ...". Từ ngữ ghép này chỉ là một danh từ ghép. Người Việt chung sống với người Triều Châu đọc trại là "bậu" và bậu trở thành đại từ ngôi thứ hai. Qua, Bậu là từ ngữ Triều Châu được việt hóa hoàn toàn, giống như nhiều trường hợp tương tự như từ "va" (nó, hắn, anh đó, thằng cha đó, ông đó) là do giọng Triều Châu "i_a" của từ Hán Việt "tha", thí dụ "i_a mứng" = tha môn (họ, chúng nó). Nhưng ở đây cũng cần phải ghi vài sự khác biệt giữa từ gốc Triều Châu và từ việt hóa qua, bậu. Sau đây là bảng so sánh: Từ ngữ Triều Châu Sau khi việt hóa u_á, wa (cả hai ngôi thứ nhứt) tôi, dùng xưng hô với mọi cấp bực, không có ý nghĩa tình cảm đặc biệt 1) tôi, ta, (cô chú, bác, anh, chị) chỉ dùng xưng hô với cấp dưới; 2) anh, dùng xưng hô với vợ, với người yêu, với người con gái trong thờ kỳ tán tỉnh. Cả hai cách dùng với ý nghĩa thân mật pa_u (không ngôi thứ) bậu (ngôi thứ hai) vợ, thường không có ý nghĩa thân mật mình, em yêu, nàng (người con gái ở thời kỳ tán tỉnh), với ý nghĩa thân mật. Xưa cũng dùng để một gọi người trai trẻ hơn mình. Từ những từ ngữ Hoa với một ý nghĩa rất thông thường như mọi từ ngữ khác, khi được việt hóa, qua, bậu trở thành những từ ngữ của tình cảm, của thương yêu, của lứa đôi với nghĩa chính xác và súc tích. Qua, bậu tiêu biểu cho ngôn từ việt hóa ở phương Nam, trong đó bên cạnh tiếng Hoa còn phải kể tiếng Pháp, tiếng Miên, tiếng Mã Lai v.v. Từ ngữ việt hóa gốc Hoa phần nhiều được sử dụng giới hạn ở phương Nam là vì điều kiện chung sống, hội nhập nơi đây. Mặc dù số từ ngữ việt hóa (từ Hoa ngữ, từ Miên ngữ) rất nhiều nhưng đi vào ca dao, đi vào văn chương mạnh mẽ nhất có lẽ là hai từ qua và bậu. Trong ca dao miền Nam những bài có từ ngữ "bậu" chiếm giữa 2 - 3 phần trăm. Nếu ta lưu ý với hàng trăm, hàng ngàn đề tài của ca dao thì số lượng này rất cao. Một sự tình cờ ?: Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài ra 4 câu đố bằng ca dao vào dịp trung thu 1955, trong đó có 2 bài ca dao có chữ bậu (Qui Tâm: "Dưới bóng cờ cứu khổ"). - Hộ Pháp Phạm Công Tắc có thông lệ ngày hôm sau những dịp đại lễ đến bao lơn đền thánh đưa ra câu đố để tín đồ tụ họp ở Đại Đồng Xã tìm giải đáp – Theo thời gian hai từ anh, em thay cho qua, bậu trong xưng hô lứa đôi. Dù cho một số người cầm bút hoặc vì nuối tiếc hoặc vì tìm thấy trong hai từ qua, bậu một ý nghĩa thi vị vẫn sử dụng trong nhiều tác phẩm sáng tác sau này nhưng muốn tìm lại dấu vết quê hương phương Nam liên quan tới hai từ này không gì hơn bằng cách tìm trong ca dao hoặc văn của một số văn thi sĩ Nam Bộ mới có hương vị thực sự của qua, bậu của thời khái phá miền Nam. Từ qua tuy được dùng xưng hô một cách thân mật nhưng không "thân mật" một cách đa dạng như từ bậu. Sau đây vài thí dụ trong những bài đã sưu tầm: 1. Bậu trong tâm tình nhớ thương: Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi Bướm xa hoa bướm lại dật dờ Anh xa xôi bậu đêm chờ ngày trông. (Hòn Kẽm: địa danh miền Trung) Bước sang canh một, anh thắp ngọn đèn vàng Chờ con bạn ngọc thở than đôi lời Canh hai vật đổi sao dời Tính sao nàng tính trọn đời thủy chung. Canh ba cờ phất trống rung Mặc ai ai thẳng ai dùn mặc ai Canh tư hạc đậu cành mai Sương sa lác đác khói bay mịt mờ Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ Chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không. 2. Bậu trong trách móc: Bên kia sông, ai lập kiểng chùa Tân Thiện Bên này sông, qua lập cái huyện Hà Đông Cái huyện Hà Đông để cho ông Bao Công xử kiện Cái chùa Tân Thiện nhiều kẻ tu hành Chim kêu dưới suối trên cành Qua không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ qua? 3. Bậu trong trêu chọc: Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng: Chữ đề tên bậu, không chồng có con. Bậu đừng lên xuống đèo bồng Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan. 4. Bậu trong sự hóm hỉnh: Bậu để chế cho ai, xé anh một nửa, Bậu để chế cho chồng, châm lửa đốt đi. Đờn cò lên trục kêu vang Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương Chiều nay qua phản hồi hương Nghe bậu ở lại vầy vương nơi nào Ghe tui tới chỗ cắm sào Nghe bậu có chốn muốn nhào xuống sông. Từ một đại từ và một danh từ bình thường, sau một tiến trình hội nhập, "qua", "bậu" đã trở thành hai đại từ độc đáo của lứa đôi, phưởng phất thi vị với nghĩa súc tích hơn và ngôi thứ dược xác định rành rẽ hơn từ gốc. Hai đại từ này phổ biến giới hạn ở vùng đất Phương Nam (kể từ sông Gianh) vì ở đây số người Việt và người Hoa thuở ban đầu hầu như tương đương. So với những vùng khác của đất nước, tỉ số người Hoa rất cao. Khi người Việt quay về với ngôn từ thống nhất, hai đại từ này cùng với một số không ít từ ngữ hội nhập, đã một thời đóng vai trò nhịp cầu của giai đoạn sơ khai, nhịp cầu nối liền những dân tộc cùng chung sống trong một vùng đất, là phương tiện viễn thông trong lịch sử hội nhập miền Nam, đã trở thành dĩ vãng. Phan TấnTài Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 26/Jul/2023 lúc 9:08am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22890 |
Gởi ngày: 31/Jul/2023 lúc 10:33am |
Món ăn dĩ vãngÔng già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì những người muôn năm cũ. Họ là phần ký ức nhỏ trong một quãng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó. Vũ Thế Thành
Xe cháo huyết… đêm Mùa đông năm 1975, Sài Gòn lạnh khủng khiếp, lòng người cũng lạnh. Chiều xuống là… nhậu. Còn biết làm gì lúc đó bây giờ? Nuối tiếc quá khứ, hoang mang với hiện tại và nghi ngờ ở tương lai. Vô vài xị với bè bạn cho ngấm mùi đời. Nửa đêm lửng lơ đạp về nhà, tấp vô xe cháo huyết gần trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng (bây giờ là Lê Văn Sỹ). Chủ quán, một ông già Tàu, không biết nấu cháo kiểu gì, mà ngon kinh khủng… Cháo huyết ngon, ngon từ cháo tới huyết. Cháo ngọt thịt và huyết mềm và dai, với vài khoanh quẩy mỏng dính, cho ớt bằm thiệt cay, ấm lòng say xỉn. Hình như cháo huyết này được nấu với tôm khô và mực khô. Cháo đã ngon, mà sao miếng huyết vừa dai vừa mềm thế! Ông già Tàu tính kỹ, kích thước tô cháo nhỏ xíu, cháo múc chỉ tới nửa tô. Phải ăn tới năm tô mới tạm đủ… Hôm nào hẻo, kêu một tô, cho ớt thiệt cay, uống nhiều trà đá, cũng đỡ vã. Mười năm sau, ông già Tàu không bán nữa, để xe cháo lại cho vợ chồng người con trai. Thằng con vẫn nhận ra khách quen, bàn tay múc cháo của nó nhuần nhuyễn như ông già, vẫn “cháo nửa tô”, đúng chuẩn! Rồi mười năm sau nữa, vật đổi sao dời… Xây cất nhiều, cảnh đổi thay, chẳng biết xe cháo trôi dạt về đâu… Năm nay Sài Gòn lạnh, lạnh bất thường. Mỗi tối, tôi vẫn đi bộ qua con đường cũ, đôi khi nhớ ông già Tàu, nhớ “cháo nửa tô”, nhớ ớt cay che khuất cơn đói, nhớ cả tâm trạng của thằng say xỉn lỡ cỡ… Tôi có thể nói mà không lưỡng lự, cháo huyết ở đó ngon, chắc chắn ngon nhất đời… Quán cháo lòng… chiều Gọi là quán cho bảnh, chứ đó chỉ là cái sạp, ngó xéo sang chợ Đa Kao ở đường Nguyễn Huy Tự. Quán chỉ bán buổi chiều, từ hai giờ đến năm giờ là vãn. Bà chủ quán trạc ba lăm, chưa chồng, chảnh… Khách chiều bả, chưa thấy bả chiều khách bao giờ. Mặt lạnh, dễ quạu, ít cười. Ít không có nghĩa là không, thỉnh thoảng cũng thấy cười với… đàn ông. Cháo lòng là phải đủ bộ: Huyết, tim, gan, phèo, phổi… Huyết không có gì đặc biệt, thua xa cháo huyết đêm của ông già Tàu, nhưng tim gan phèo phổi, bả cắt nhát nào ra nhát nấy, to và dày. Dồi làm mới… tuyệt! Khúc dồi to như ống nước, và chỉ nhồi thịt, không biết bả làm cách nào mà chiên giòn, ăn đã không chịu được, nhất là những khúc đầu dồi. Khách thích, muốn mua dồi về nhậu, không bán! Mua cháo và dồi, cũng không bán! Chảnh thế đó! Cháo hầm xương, nên ngọt, nhưng hậu vị không dai dẳng như cháo huyết hầm tôm khô mực khô nói trên. Cháo lòng ăn với hành củ tím thái mỏng, ngâm dấm, ớt bằm… Cháo ngon, nhưng hơi đắt, tới 4 đồng/tô. Lương tôi hồi đó 73 đồng, trừ tiền gạo, nhu yếu phẩm này nọ, còn chừng 35 đồng, làm sao đủ… nhậu cho cả tháng đây? Tiêu chuẩn tháng, gạo (13kg), đường (500gr), bột ngọt (50gr), thịt mỡ (600gr)… mang về nộp cho bà già gọi là… trả hiếu (để tối về còn có cơm nguội lục ăn). Còn mấy thứ khác thẩy ra chợ trời tuốt. Thuốc lá đen (ba gói), đẩy ra lấy thuốc rê hút. Sữa hộp, làm phòng lab nên nhà nước “bồi dưỡng độc hại” mỗi tháng một hộp. “May” quá, bà già tôi không biết uống sữa, nên sữa cũng chạy ra chợ trời luôn… Đẩy hàng ra chợ trời hồi đó cũng dễ, có bà bán thuốc lá ngồi trước cổng cơ quan (đối diện chợ Đa Kao) thu gom… Đắt rẻ một chút, thôi kệ, hơi đâu trả giá… Tô cháo lòng 4 đồng là xa xí phẩm. Thèm, nhiều khi thèm, xuân thu nhị kỳ mới dám rớ tới. Hồi đó thèm đủ thứ, thèm thịt, thèm cá, thèm chả lụa, thèm phở, thèm điếu thuốc thơm… Coi như trên đời không có protein. Bỏ hết! Nhịn hết! Nhưng nhịn rượu, thì không. Mỗi tối, không ngồi bên quán cóc, không đong đưa vài ly rượu, không san qua xẻ lại nỗi lòng với mấy thằng bạn, người đi kẻ ở, tù tội chín phương, lừa vàng mất bạc, tình người điên đảo… Không ngấm qua men rượu, không nói được ra lời, làm sao ngủ được, sức đâu mà chịu nổi những bế tắc trước mắt, những giả dối của ngày mai khi bước chân vào cơ quan… Lương kỹ sư hồi đó đại khái là vậy. Thời hậu chiến, người ta cho rằng, trong ba dòng thác cách mạng, thì cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Thứ then chốt này được “ưu đãi” đại khái như thế, còn sống sao thì tùy. Mỗi năm ôm một đề tài nghiên cứu, sáng chiều mặc áo blouse, nghía qua nghía lại mấy cái ống nghiệm, becher, burette… Tối về đi “cảo” xích lô kiếm tiền… nhậu. Thường thì tôi đi dạy luyện thi đại học nhiều hơn. Hồi đó chưa có… lò, nên chỉ dạy kèm, dạy nhóm. Học trò đa phần là con cán bộ từ rừng, trình độ quá yếu, dạy phải hạ thấp, hạ thấp nữa, căn bản của căn bản. Vậy mà tụi nó đậu, đậu Y Dược hẳn hoi. Có vài em rất giỏi, nhưng lại rớt. Học tài thi phận, cái phận lý lịch buồn từ trong nhà ra tới ngoài đời. Mấy em bây giờ ở đâu? Viết tới đây bỗng dưng khựng lại. Đang nói tới cháo lòng heo, sao lại quay sang nói lòng… người thế này? Quán cháo lòng nằm ngay trước cửa cơ quan tôi, coi như chòm xóm, vậy mà lâu lâu cũng phải “hót” bả một chút mới được việc. Bà chủ chảnh, nhưng cũng có khi dễ chịu. Cuối tháng lãnh lương, cỡ hai giờ chiều, đang dọn hàng còn ít khách, tôi ra quán gạ bả:
Thế là bả xả ra hàng chùm hàng loạt, nào là bả đào hoa thế nào, nào là thằng nào thầm yêu trộm nhớ mà bả không chịu… bla… bla… Khách tới đông, tôi xin kiếu vô làm việc lại, nhưng không quên bỏ nhỏ bà chủ, Hôm nay tui lãnh lương, đãi mấy thằng bạn nhậu. Tui quảng cáo món dồi chiên của chị quá xá. Chị bán cho tui một tô, không lấy cháo, chỉ lấy lòng và dồi, càng nhiều đầu dồi càng tốt. Cho vào bao nylon, lát về tui lấy… Chất lượng hàng hóa hôm đó, ngon rẻ đẹp bền (bền là lần sau mua cũng khuyến mãi như thế), vượt trên mức mong đợi. Lắm khi tôi tự hỏi, phịa đại một câu, vô thưởng vô phạt, làm người khác sướng, mà mình cũng có lợi, có phải là hành vi… đạo đức không? Thế giới này cả ngàn nhánh khổ rồi. Giây phút nào buồn, giây phút nào vui đây? Năm 84, tôi chuyển chỗ làm khác, chỉ thỉnh thoảng mới ghé quán cháo lòng Đa Kao. Giữa thập niên chín mươi, trở lại quán cũ, thì người khác ngồi bán. Nghe nói, bà chủ cũ chơi đề, vỡ hụi hay sao đó, đã bỏ đi xa rồi… Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì những người muôn năm cũ. Họ là phần ký ức nhỏ trong một quãng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó. Lúc đầu định viết Món ăn dĩ vãng, viết hết đủ món, viết một lần cho xong, nhưng mới tới cháo huyết cháo lòng đã thấy dài, thấy mỏi tay… Rồi tôi sẽ viết tiếp nếu còn người muốn… đọc. Mà dù không còn người đọc, tôi cũng viết. Viết để trả nợ quá khứ, một quá khứ chẳng đâu vào đâu. Còn gỏi khô bò, còn sò lông, còn bia lên cơn, còn rượu Cây Lý… Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần… tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này. Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá! Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 31/Jul/2023 lúc 10:39am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 12 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |