Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn  
Message Icon Chủ đề: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 12 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Feb/2022 lúc 9:12am
Những Rạp Ciné Bình Dân ở Sài Gòn
RAP%20VANCAM
Nhân đọc một số những bài viết về những rạp ciné ở Sài Gòn thời trước 1975 của một số bạn post trên SS, tôi xin đóng góp một bài viết kỷ niệm về những rạp ciné bình dân.
Lúc còn nhỏ, nhà tôi ở Phú Nhuận ngay gần góc ngã tư Võ Di Nguy và Chi Lăng, tôi thường lén bố mẹ đi coi phim ở hai rạp Văn Cầm và Cẩm Vân. Hai rạp gần như đối diện với nhau trên đường Võ Di Nguy và thuộc hạng bình dân giá khoảng 5 đồng chuyên chiếu thường trực hai phim, sau này hình như lên giá 50 đồng, tôi không nhớ rõ. Rạp Cẩm Vân chuyên chiếu phim Ấn Độ như phim “Sữa Rừng thay Sữa Mẹ”, tôi nhớ phim Ấn Độ nào cũng có màn ca hát nhẩy múa giống như xem cải lương của Việt Nam, chẳng hạn lúc hai bên đang đánh kiếm tới hồi quyết liệt thì hai bên ngừng lại ca hát một hồi rồi mới đánh tiếp.
Tôi thường xem ở rạp Văn Cầm nhiều hơn. Có thể nói rạp Văn Cầm rất tệ và dơ nhưng bù lại phim ở đây được chọn lọc hay hơn những chỗ khác. Chủ rạp lâu lâu cho chiếu nhiều phim chỉ dành cho người lớn thí dụ như phim “Angelique” với cô đào Pháp Michelle Mercier có nhiều màn khỏa thân nóng bỏng. Đi xem phim ở đây bị rệp cắn là chuyện thường đôi khi còn có chuột chạy ở dưới chân. Một điều tôi không bao giờ làm là bỏ chân không lên ghế vì lúc thò chân xuống mò mẫm đôi giầy hay dép của mình vì lỡ đụng chân xuống đất là có thể bị chuột cắn hay dính nước tiểu của những tiểu tử làm biếng không chịu đi vô “toa lét” vì phim đang đến hồi hấp dẫn. Chưa kể nhiều khi khán giả đang xem phim thì có những mẩu thuốc lá vẫn còn cháy của những tên ba trợn từ đằng sau búng lên phía trước rớt xuống làm phỏng đùi những ai đi xem phim mà mặc quần xà lỏn. Cho nên đi xem ciné ở những rạp bình dân luôn luôn phải mặc quần dài vừa tránh không bị rệp cắn vừa không bị phỏng vì thuốc lá. Phim chiếu ở những rạp bình dân thường thường là phim cũ đã chiếu ở những rạp lớn như Rex, Eden v.v.. sau một thời gian mới về những rạp bình dân. Vì phim cũ nên hay bị đứt phim mà không hiểu sao những lúc phim bị đứt toàn là vào những đoạn gay cấn. Mỗi lần như vậy là khán giả đập ghế rầm rầm lên. Vì vậy có nhiều ghế bị hư và rớt cả ra ngoài. Tôi đã nhiều lần vào rạp mầy mò trong bóng tối tìm chỗ ngồi thấy ở giữa có chỗ trống nên mừng quá, hí hửng len lỏi qua hàng ghế đầy người ngồi, lúc đến nơi mới biết chỗ đó hổng, không có ghế, đành phải chửi thề đi ra. Ngoài ra rạp bình dân không có máy lạnh chỉ có quạt máy nên không khí rất oi bức và nhà tiểu thì còn kinh hoàng nữa, bước vào thì mùi khai nồng nặc và lớp nhớp ở dưới chân. Những rạp như Kinh Thành, Casino Dakao, Cao Đồng Hưng cũng thuộc hạng bình dân những không đến nỗi tệ như rạp Văn Cầm. Ở trong khu rạp Kinh Thành có tiệm bám kem cây rất ngon, đôi khi ba tôi hay cho tụi tôi đi ăn mì ở tiệm “Tân Định Mì Gia”, ăn xong ghé vào rạp Kinh Thành mua kem cây đem về ăn. Kem cây tức là cà rem có cắm cái cây để cầm ăn, có đủ mùi vị như mãng cầu, đậu xanh, dừa, lá dứa.
Khi lớn vào trung học, lâu lâu tụi tôi “cúp cua” đi xem ciné ở những rạp khá hơn như Rex, Eden, Casino Sài Gòn v.v.. Những rạp này có máy lạnh và chiếu phim mới và chỉ chiếu thường trực một phim và giá thì mắc hơn. Không biết được ai chỉ dẫn nhưng tụi tôi thường không mua vé mà thường đứng lẩn quẩn gần chỗ người soát vé. Chỉ cần ông ta nhìn tụi tôi và gật nhè nhẹ là tụi tôi hiểu ý và tụi tôi cứ đi theo những người đi trước đã mua vé giả bộ là cùng nhóm và ông soát vé không nói gì thì coi như xong, nếu ông ta chặn lại hỏi vé thì phải ra quầy mua vé đàng hoàng. Nếu ông ta không chặn lại thì khi vào trong rạp thì một lúc sau, ông ta sẽ bấm đèn pin đi vô tìm tụi tôi và tụi tôi đưa tiền cho ông ta, thông thường chỉ bằng một nửa giá regular. Như vậy có lợi cho cả hai bên, chỉ có chủ rạp là thiệt thôi. Không phải rạp nào cũng làm được, rạp Rex là không bao giờ vì người soát vé hình như là người nhà của ông Ưng Thi. Rạp Eden là nổi tiếng về chuyện này đến nỗi chủ rạp đuổi những người soát vé rất nhiều. Thông thường chỉ có học trò không có tiền mới làm cái trò này và thường là vào ngày trong tuần dễ hơn là cuối tuần đông người, chủ rạp cho nhiều người soát vé nên họ kiểm soát lẫn nhau. Đi xem ciné kiểu này tụi tôi gọi là đi coi phim “nháy” tức là nháy mắt với ông soát vé để được giá rẻ. Một điều rất lạ là những ông soát vé rất hay, dù trong rạp tối đến đâu và tụi tôi ngồi chỗ nào ông ta cũng tìm thấy để đòi tiền. Rạp Eden đặc biệt có thêm một tầng lầu ở trên kín đáo cho những đôi tình nhân ngồi hú hí mà không sợ những người chung quanh để ý. Ngoài ra còn có rạp Vĩnh Lợi là nơi nổi tiếng có dân BD hay đến và rạp Lê Lợi thì chuyên chiếu phim của Pháp cũ như La Piscine, Quelqu’un Derriere la Porte, Le P***ager de la Pluie,.. Rạp Văn Hoa Đa Kao cũng là rạp ́tụi tôi hay coi phim nháy, tụi tôi đã được coi phim Lệ Đá và Vết Thù Trên Lưng Con Ngựa Hoang ở đó. Tôi nhớ có một lần tụi tôi đang đứng chờ để nháy thì có một cặp từ hướng cà phê Văn Hoa băng qua đường và đi về hướng người soát vé. Người đàn ông dáng cao gầy để râu tóc dài lởm chởm và anh ta mặc bộ đồ quân phục màu đen và chân mang dép bình trị thiên trông rất ngầu. Vai áo anh có mang phù hiệu của một con hổ và chiếc dù. Đi với anh là một cô gái trông thuộc loại hippy bụi đời. Anh nắm tay cô ta và đi thẳng vào rạp, tôi không thấy anh ta mua vé và cũng không thấy ông soát vé nói gì. Có lẽ ông ta biết là lính "Lôi Hổ" thuộc thứ dữ nên không dám nói gì.
Sau này có rạp mini Rex A và B, hai rạp này nhỏ nhưng thuộc hạng sang, máy lạnh để tối đa, giá vé khoảng 400 hay 500 đồng. Tôi nhớ đặc biệt là ghế ngồi là ghế da rộng đủ cho hai người – lý tường là cho đôi tình nhân ngồi với nhau. Tôi đã xem phim La Valse Dans L’ombre ở đây với một người bạn trước khi anh đi trình diện ở Trung Tâm 3. Ở Mỹ, tôi đã đi xem ciné ở nhiều rạp nhưng chưa có rạp nào có thể nói sang bằng mini Rex ở Sài Gòn. Tuy vậy, một điều tôi thích là ở Mỹ tất cả những restroom đều ở ngoài chứ không ở trong chỗ khán giả đang coi phim nên mỗi khi một người cần đi restroom, những khán giả khác không bị phiền lụy. Ở Sài Gòn, khi một người đi restroom thì phải đi xuống phía trước nơi restroom của đàn ông và đàn bà ở hai bên của màn ảnh. Mỗi lần cửa restroom mở ra, ánh đèn từ phía trong lại loé ra ngoài làm giảm sự chú ý của khán giả lúc xem phim.
Tôi muốn viết thêm về những rạp ciné hay theater ở Mỹ đều chiếu phim theo xuất hay giờ chứ không chiếu thường trực và không bao giờ bán vé quá lố nên không bao giờ có vấn đề mua vé xong vào rạp không có chỗ ngồi phải đứng như ở Sài Gòn. Tôi nhớ ngay cả rạp Rex là rạp thuộc hạng khá ở Sài Gòn vậy mà mỗi khi có phim hay là thiên hạ dành giựt nhau để mua vé ở quầy có khi mua được vé xong là người tơi tả và mất cả đồng hồ nữa vì dân ta không chịu sắp hàng cho có trật tự. Có lần tôi mua vé để xem phim Daring Doberman thật vất vả, lúc vô trong rạp mọi người đứng đầy rạp ở giữa những hàng ghế cũng vì chủ rạp bán vé quá tải. Ở Mỹ bây giờ mua vé online không phải sắp hàng, tới nơi chỉ đưa smartphone ra là xong.
FB

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Mar/2022 lúc 1:22pm

Đài truyền hình số 9

Vưu Văn Tâm

Đài truyền hình Việt-Nam (THVN) hay đài truyền hình Sài-Gòn được phát hình trên băng tần số 9 nên thường được gọi là đài truyền hình số 9 hay nôm na là đài số 9 để dễ dàng phân biệt với đài truyền hình dành cho quân đội Hoa-Kỳ phát hình ở băng tần số 11 (AFVN, Armed Forces Vietnam Network). Đài THVN phát hình những chương trình thuần túy Việt-Nam, đài AFVN phát hình những bộ phim truyền hình của Hoa-Kỳ và luôn thu hút đông đảo khán giả lớn nhỏ, từ giới trí thức cho đến lớp bình dân.







Thoạt tiên, trụ sở thu hình dùng chung cơ sở của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia trên đường Thi Sách. Không lâu sau đó, nhà đài được chuyển về nơi bề thế hơn trên đường Hồng Thập Tự. Chương trình ngày càng được cải tiến phong phú hơn, và được phát hình mỗi ngày từ sáu giờ chiều đến mười hai giờ đêm với nhiều tiết mục dành cho thiếu nhi, người lớn bên cạnh những tin tức, phóng sự trong ngày.

Ở lứa tuổi con nít, thằng Tám say mê đắm đuối mấy chương trình dành cho thiếu nhi như ban Tuổi Xanh, chương trình Lê Văn Khoa, Xuân Phát, ban thiếu nhi Hoa Thế Hệ, ban Trường Giang hay chương trình Đố vui để học vào mỗi chiều chủ nhật. Tám cũng ham coi ké mấy chương trình dành cho người lớn như ca nhạc, cải lương, thoại kịch được chiếu luân phiên trên sóng truyền hình. Thằng Thi ở lớp 4/10 có mái tóc quăn tít và dựng đứng như mồng con gà trống, cộng thêm cái mỏ dày hay chu ra nhưng nhìn hết sức có duyên, nhất là mỗi khi nó mang vô lớp một xấp tờ chương trình phát hình (khổ A3) của tuần tới phát cho bạn bè coi lấy thảo.















Mấy cô, mấy chị mê mệt mấy vở thoại kịch có nội dung lâm ly, bi đát của ban Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng với sự góp mặt của hầu hết nghệ sĩ, kịch sĩ nổi tiếng. Các mẹ, các bà khoái coi những tuồng cải lương hồ quảng của các gánh Minh Tơ, Huỳnh Long, v.v.. vào mỗi tối thứ tư và loại tuồng tích xã hội hay hương xa của mấy gánh hát đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung, v.v.. được phát hình vào mỗi tối thứ bảy cuối tuần. Những chương trình ca nhạc Hoàng Thi Thơ, Tiếng hát đôi mươi của ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Tiếng Tơ Đồng (mà mấy đứa trong xóm hay nghịch ngợm gọi là Tiếng tơ già), Phạm Mạnh Cương, v.v.. có riêng rẽ một lớp khán giả yêu chuộng.







Đám nhóc tì đam mê mấy bộ phim ngoại quốc dài đăng đẳng như “The wild wild west” (mà tụi nhỏ hay phiên âm thành “Quai quét”), “lỗ tai lừa” (Star Trek), “Astro boy”, “Batman”, v.v.. Chúng gặp nhau sau mỗi buổi cơm chiều, thường kháo nhau nội dung, diễn biến của những thước phim tối hôm qua được xem trên ti-vi và mơ ước sau này, khi lớn lên được làm anh hùng trừ gian, diệt bạo. Có đứa khéo tay, chỉ với vài nét phấn trắng đã tạo nên trên nền ciment hình ảnh các nhân vật Astro boy, Batman một cách sống động và tài tình.

Những chương trình văn nghệ thường kéo dài đến khuya lơ, khuya lắc vì bị gián đoạn bởi những tiết mục thông báo tin tức, bình luận, phóng sự đặc biệt, v.v.. Đội ngũ nam, nữ xướng ngôn viên với gương mặt sáng sủa, nhiều thiện cảm, sở hữu một giọng nói dễ nghe, dễ hiểu và rất dễ đi vào lòng người. Tám vẫn nhớ cô Mai Liên (*) thường đọc mục tin tức lúc tám giờ tối và chú Trần Nam (*) đảm trách chương trình bình luận mỗi đêm lúc chín giờ. Giọng nói của chú ấm áp, truyền cảm và diễn tả cảm xúc theo nội dung từng bản tin. May mắn là cho đến bây giờ mọi người vẫn có thể nghe được giọng đọc của chú trong chương trình phóng sự “ngày quân lực VNCH, 19 tháng 6 năm 1973” trên đĩa hình (DVD) hay trên hệ thống youtube.

Ngày còn ấu thơ, Tám rất thích nghe giọng nói của chú và mơ ước sau này được giống như chú, được đọc những bản tin trên đài vô tuyến truyền hình hay được góp tiếng trên làn sóng điện. Nhưng dòng thời gian chuyển hướng, chiến cuộc xoay chiều đã làm đổi thay mọi thứ, ít ra là cái ước mơ nhỏ bé của thằng bé lên mười đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Tám còn nhớ như in hình ảnh mở đầu chương trình “Quê hương mến yêu” của thi sĩ Bàng Bá Lân là một dòng sông uốn khúc rợp bóng dừa xanh, có lẽ nước chảy ngược hướng nên cô lái đò đã cố công chống chèo mà chưa đi hết khúc sông. Nền nhạc của đoạn phim là tiếng hát cô Thái Thanh thổn thức bài ca “Tình hoài hương” của nhạc sĩ Phạm Duy, “quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắn” ..

Thằng bé yêu thích văn chương, đam mê sách vở, thường được thầy cô gọi lên đọc những đoạn văn hay những bài thơ cho cả lớp ngày nào, giờ đây tóc đã điểm sương và bước chân đã đi xa vùng quê hương nhiều kỷ niệm dấu yêu. Dẫu biết thời gian không thể trở lại và không bao giờ là liều thuốc tiên như nhiều người vẫn bảo, nhưng sao Tám cứ luyến lưu hoài ảnh hình những ngày xa xưa đó, những con đường Sài-Gòn rợp lá me bay và những vòng xe học trò lăn tròn trên con dốc cũ.

13.12.2021

(*) Cô Mai Liên đứng ở bìa phải, chú Trần Nam đội khăn đóng, đứng thứ sáu trong hình đính kèm, đếm từ bên phải qua.



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Mar/2022 lúc 1:23pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Mar/2022 lúc 12:27am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Mar/2022 lúc 12:30am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 09/Mar/2022 lúc 11:54am

Xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho năm 1958

(chuyện hoài niệm, nên đọc chậm)

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Năm đó tôi chuẩn bị vào lớp Năm (*), dịp hè ngoại lên Sài gòn đón tôi về Mỹ Tho, đi bằng xe lửa.

Cái rộn rạo háo hức của cậu bé sáu tuổi, tò mò, lạ lẫm với chiếc xe lửa được đi lần đầu tiên trong đời làm tôi cứ ngủ chập chờn, chỉ  mong sao cho màn đêm qua, trời mau  sáng. Khi bên ngoài cửa sổ  còn lờ mờ, ngoại đã gọi tôi dậy, một tay xách nãi, một tay nắm chặt tay tôi đi về hướng Chợ An Đông.

Đến khoảng đất trống cách xa nhà lồng chợ, ngoại ngồi chồm hổm xuống bãi cỏ, vạch giỏ  lấy miếng cau gói trong miếng lá trầu nhét vào cái ống ngoái têm trầu để thưởng thức cử trầu sáng. Tôi  nhìn lại đoạn đường rầy mình mới chạy lon ton vượt qua. Nó im lặng, thẳng băng, sắt lạnh như hai con rắn dài chạy mút từ phía Sài gòn đến hướng Chợ Lớn, rồi đi đâu nữa không biết. Nhưng hôm nay, trên toa xe, tôi sẽ biết nó chạy đi đâu, để rốt cuộc sẽ về Chợ Mỹ (Mỹ Tho) như ngoại tôi nói.

Ngoại tôi chưa kịp nhai hết miếng trầu thì tiếng còi tàu rú lên như bò rống kéo dài liên tục ba hồi, xé tan cái không khí yên tĩnh của buổi bình minh. Ngoại tôi nhổ toẹt cổ trầu, móc túi lấy cái khăn nỉ đỏ chùi miệng, tiếp tục nắm chặt tay tôi, chuẩn bị lên tàu.

Mấy bà bạn hàng, khách thường xuyên đi tàu đã nhanh chóng đứng đợi thành hàng ngang cách đường rầy cả thước. Ngoại tôi cẩn thận, dẫn tôi đứng sau họ một đổi để giữ an toàn. Từ phía Sài Gòn, cái đầu máy đen ngòm, ống khói tàu đen kịch, nhả từng ngụm khói , trong khi nguyên một con tàu, như con rồng khổng lồ , đen thui, xình xịt chạy đến. Thét lên tiếng rống cuối cùng, xe lửa từ từ ngừng lại.Khi cái thanh quây dính từ bánh lớn của  đầu máy xe lửa với bánh nhỏ ngừng hẳn, hành khách lần lượt lên tàu.

Ngoại tôi bợ  tôi ngang hông, giữ lưng, đưa từng bước để tôi đi lên bậc thang , xong kiếm một chỗ trống trên dãy ghế cây kéo tôi ngồi xuống. Tàu chưa chạy, nhưng tôi đã không chịu ngồi yên nhìn vào bên trong tàu mà  quỳ lên ghế, ló mặt ra cửa sổ dòm cảnh trí bên ngoài. Với tư thế đó, tôi miệt mài với khung cảnh bên đường trong suốt chuyến hành trình…

Cảm giác ấn tượng nhất trong ký ức tuổi thơ đó là lúc tàu đi qua cầu Bến Lức. Gần đến cầu, tàu đi hơi chậm lại một chút như “lấy hơi” để lên dốc cầu, sau đó còi thét lên inh ỏi, rồi thì xình xịt, xình xịt , gập ghềnh vang tiếng kêu theo từng nấc của thanh ray trên cầu. Ôi, cái nhịp điệu đều đặn ấy sao mà lạ lẫm, nó ăn sâu vào  bộ óc non nớt của tôi cho đến ngày nay. Chạy ngược với toa xe lửa là các thanh dầm cầu sắt với các bù lon to tổ bố vút qua cửa sổ. Còn bên dưới tàu thì chiếc cầu trống huơ trống hoắc, chỉ có hai đường ray chạy dọc, nhìn xuống thấy cả lòng sông sâu thẳm đục ngầu phù sa …

Bến cuối của xe lửa là Chợ Mỹ Tho. Đến chợ, tôi được ngoại dẫn bộ đi ra Cầu Quay ăn hủ tiếu Mỹ Tho sát cầu, rồi mới lại bến xe ngựa đi về Chợ Gạo,nhà của ngoại.

(*): lớp 1 bây giờ

Share this:

Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 12/Mar/2022 lúc 8:22am

Đakao Ngày Tháng Cũ: Xóm Faucault

Lâm Vĩnh-Thế

    Tôi sinh ra tại Nhà Bảo Sanh của Bác sĩ Khải (mà người dân địa phương lúc đó gọi là Nhà thương Ông Khải) tại Bà Chiểu (xã Bình Hòa, Gia Định) nhưng sau một tuần thì Ba tôi rước hai mẹ con tôi về nhà tại Đakao.  Do đó, tôi lớn lên tại Sài Gòn và sống trọn 40 năm (1941-1981) trong khu Đakao trước khi rời Việt Nam đi định cư tại Canada vào tháng 9-1981.  Bước vào tuổi 80 này, rất may mắn, trí nhớ tôi vẫn còn khá tốt và bài viết này được viết ra để chia xẻ với các bạn những điều tôi còn nhớ được về khu Đakao của những ngày tháng cũ, của các thập niên 1940-1950-1960.

Nguồn%20gốc%20tên%20gọi%20địa%20danh%20ở%20Sài%20Gòn:%20Bí%20ẩn%20tên%20gọi%20Dakao

Bản Đồ Khu Đakao Trước 1975

    Ngôi nhà nơi tôi đã sống và lớn lên mang số 54 của con đường nhỏ và ngắn có tên Pháp là Rue Faucault.  Sau năm 1954, trong thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, tên đường được đổi sang tên Việt là đường Nguyễn Phi Khanh, và tên đường này vẫn còn được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.  Con đường này, như các bạn thấy trong bản đồ bên trên, đi từ ngã ba của hai con đường chánh của khu Đakao là đường Đinh Tiên Hoàng (trước 1954 có tên Pháp là Albert 1er) và đường Hiền Vương (trước 1954 có tên Pháp là Mayer) cho đến ngã tư, nơi gặp nhau của 3 con đường là đường Trần Quang Khải (trước 1954 có tên Pháp là Paul Bert), đường Trần Khắc Chân (trước 1954 có tên Pháp là Général Mangin), và đường Trần Văn Thạch (trước 1954 có tên Pháp là V***oigne).  Các con đường trong khu Đakao đã được tôi kể lại khá tỉ mỉ trong cuốn sách Đakao Trong Tâm Tưởng, ở Phần 1 – Những con đường ở Đakao, từ trang 6 đến trang 46.[1] 



Đường Nguyễn Phi Khanh chỉ dài độ 500-600 mét và gồm phần lớn là nhà ở.  Số nhà trên đường Nguyễn Phi Khanh được khởi đầu từ phía ngã ba với đường Đinh Tiên Hoàng và đường Hiền Vương (hay phía Đakao), bên tay phải là số chẳng và bên tay trái là số lẻ, vì vậy có thể coi phía đó như là đầu đường, và phía ngã tư với các đường Trần Khắc Chân, Trần Quang Khải và Trần Văn Thạch (phía Tân Định) là cuối đường.  

Trọn con đường chỉ có chừng 3-4 căn nhà được sử dụng làm nơi làm ăn buôn bán mà thôi.  Từ phía đầu đường, căn nhà đầu tiên bên tay trái là tiệm cà phê Thái Chi nổi tiếng của khu Đakao (tiệm này chỉ có mặt từ sau năm 1954 vì hai vợ chồng chủ nhân là người Bắc Di Cư).  Ngó xéo qua bên kia đường là một tiệm bán mì, hủ tiếu của người Hoa (không có bảng hiệu).  Cách đó độ 30-40 m, bên kia đường là nhà của Cụ Ba La (một người Bắc Di Cư) có gắn một tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ như sau:  Ba La – Tử Vi, Bói Dịch.  Qua khỏi ngã ba với đường Lý Văn Phức (trước 1954 là đường Lesèble) độ chừng 50 mét, cũng bên tay trái là tiệm Ô Mai Bắc Việt, ngó xéo qua phía bên kia đường (về hướng cuối đường) độ chừng 10 mét là tiêm cơm tấm cũng rất nổi tiếng của Bà Ba Liên (cũng không có bảng hiệu), và sau hết, qua khỏi ngã ba với đường Huyền Quan, cũng bên tay tái, gần cuối đường là phòng mạch và hốt thuốc Bắc của Y Sĩ Điều.

    Giống như các con đường khác trong khu Đakao, đường Nguyễn Phi Khanh cũng có một số đường hẻm nhỏ, một số là hẻm cụt và một số giúp đi thông qua được đến các con đường nằm chung quanh là các đường Trần quang Khải, Lý Trần Quán (trước năm 1954, có tên Pháp là Barbier) và Lý Văn Phức.

    Từ đầu đường vào khoảng 40-50 m, phía bên tay phải, ngó xéo qua tiệm cà phê Thái Chi, là con hẻm đầu tiên, bề ngang rất hẹp, có lẻ độ chừng 1,5 m thôi.  Ở ngoài đầu đường hẻm nhỏ này, nhìn từ ngoài đường vào, bên tay phải là cái tiệm bán mì, hủ tiếu đã nói ở trên, mà bà con lối xóm thường gọi là tiệm Xẩm Mập vì bà chủ người Hoa tương đối mập mạp; bên tay trái là một căn nhà khá lớn, mặt tiền khá dài, và là một vựa bán sỉ gà vịt cho các bạn hàng của Chợ Đakao và Chợ Tân Định.  Đường hẻm này là một hẻm cụt, chỉ dài độ 20 m, bên trong chỉ có ba căn nhà nhỏ của ba gia đình người Hoa: 1) Chú Hải là thợ mộc, chuyên đóng bàn ghế; 2) Chú Chiêu có một xe bán nước ngọt;[2] và 3) Một chú có một xe mì bán dạo mà tôi không biết tên, chỉ gọi là Ba con Muối.[3]

    Đi thêm độ chừng 30-40 m về phía cuối đường, phía bên trái có một con hẻm cụt nữa.  Trong hẻm cụt này là một vài gia đình lao động nghèo người Việt mà tôi chỉ còn nhớ gia đình của Chú Hai Hòa thợ sơn.  Hàng năm, cứ đến gần Tết thì Mẹ tôi đều nhờ Chú đến quét nước vôi cho căn nhà của gia đình tôi.  Chú Hai Hòa có nhiều con trong đó có thằng Nghĩa cùng học chung với tôi tại Trường Nam Tiểu Học Đakao.  Đối diện bên kia đường cũng có một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ độ hơn 1 m thôi, cũng là hẻm cụt, trong đó chỉ có một căn nhà nhỏ mà chủ nhà có mở một lớp học cho các trẻ con trong xóm học để chuẩn bị xin vào Lớp Chót của hai Trường Tiểu Học Nam và Nữ của khu Đakao.  

Hẻm kế tiếp, cũng phía bên tay trái, là hẻm số 37, cũng là một hẻm cụt.  Hẻm này khá rộng, xe hơi có thể chạy vô được, mặt hẻm tráng xi măng rất tốt, bên trong hẻm có 2 dãy nhà đâu mặt nhau.  Tôi còn nhớ được một vài gia đình đã sống trong hẻm này: 1) nhà Thầy giáo (tôi không còn nhớ tên) dạy Lớp Nhứt B của Trường Nam Tiểu Học Đakao; 2) nhà gia đình anh Phan Thanh Liêm về sau là một Giáo sư Đệ nhị Cấp dạy môn Triết; và 3) nhà gia đình Giáo sư Lương Lê Đồng, Hiệu Trưởng Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Huỳnh Khương Ninh nổi tiếng của khu Đakao.  (Sau ngày 30-4-1975, Giáo sư Đồng trở thành vị Giám Đốc đầu tiên của Sở Giáo Dục Thành phố ************).

Cách đó không xa lắm, là hẻm số 45.  Hẻm này khá rộng, và có lẽ là con hẻm quan trọng nhứt của đường Nguyễn Phi Khanh vì có nhiều chi tiết rất đáng nhớ.  Vào trong độ 15 m thì hẻm chia ra hai nhánh; một nhánh là một ngõ cụt, đi thẳng vào sâu thêm độ 20 m nữa thì hết; một nhánh rẽ phía tay phải, nhánh này khá hẹp, đi quanh co và sau cùng thông ra được một con hẻm khác rộng hơn nhiều dẫn ra đường Lý Văn Phức, đối diện với cổng sau của Đất Thánh Chà (sang thập niên 1950, Đất Thánh Chà bị giải tỏa và trở thành cư xá cho nhân viên Sở Vệ Sinh của Thành phố Sài Gòn).  Trong phần đầu của hẻm này, trước khi đến chỗ chia làm hai nhánh, phía tay trái là bức tường bên hông của ngôi biệt thư lớn số 43, phía tay phải có một một dãy nhà nhỏ độ 3-4 căn, trong đó có một căn là của gia đình Anh Nê.  Anh Nê là một người Pháp lai tên là René Robert, có vợ Việt và đã quyết định ở lại Việt Nam sau khi Quân Đội Viễn Chinh Pháp rút về nước, và đổi sang tên Việt là Trần Văn Nên, nhưng bà con lối xóm cứ quen gọi là Anh Nê.  Anh là một vận động viên xe đạp nổi tiếng, đã từng nắm giữ chức vô địch về môn đua nước rút trong một thời gian.  Trong nhánh ngõ cụt có hai gia đình người Bắc, một gia đình chuyên làm các đồ hàng mã, gia đình kia thì có một người con trai về sau là một nam ca sĩ nhi đồng rất nổi danh mà báo chí Sài Gòn lúc đó gọi là thần đồng Quốc Thắng.[4] Ngay tại chỗ ngõ hẻm này chia làm hai nhánh có một ngôi nhà khá lớn của một gia đình rất đông anh em, trong đó có 2 người con trai rất nổi tiếng: 1) Giáo Sư Cỗ Tấn Luông của Trường Trung Tiểu Học Tư Thục Huỳnh Khương Ninh được mọi người trong xóm kính mến, và 2) Đại Tá Cỗ Tấn Tinh Châu, một sĩ quan cao cấp của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến rất nổi tiếng, đã từng là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 (1963), với chức vụ sau cùng là Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát (tháng 4-1975).[5, 6] 

Cách hẻm số 45 độ hơn 20 m, phía bên kia đường, có một con hẻm nhỏ giữa hai căn nhà số 48 và 50.  Hẻm này chạy dài suốt bên hông của căn phố số 50, và ăn thông sang được đường Paul Bert.  Sang khoảng đầu thập niên 1950, những gia đình sống trong các căn phố bên đường Paul Bert đã cho xây một bức tường gạch cao ngăn không cho qua lại nữa, và con hẻm này biến thành một hẻm cụt, và đương nhiên trở thành một phần đất của căn nhà số 50.  Sang cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, phần đất đó được làm thành một phòng để cho gia đình đứa con trai út trú ngụ.

Tiếp tục đi về hướng cuối đường thêm một khoảng độ gần 100 m, đối diện với ngã ba với đường Lesèble thì có một đường hẻm nữa, bề ngang độ hơn 2 m, ăn thông qua đến đường Paul Bert.  Lúc còn nhỏ, khi Mẹ tôi sai tôi đi công việc gì bên đường Paul Bert thì tôi thường dùng hẻm này để đi cho mau.  Hẻm này cũng không còn nữa từ giữa thập niên 1950 vì đã có một căn nhà được xây lên ngay tại đó.  Cách đó độ 50 m, cùng một bên đường cũng, có một con hẻm tương tư, cũng thông qua đường Paul Bert và sau đó cũng bị xây tường ngăn lại.  Bên kia đường, kế bên tiệm Ô Mai Bắc Việt cũng có một con hẻm cụt rất nhỏ.  

Đối diện với tiệm cơm tấm của Bà Ba Liên cũng có một hẻm khá rộng nhưng là hẻm cụt.  Trong hẻm này có một gia đình của một bà quả phụ có ba người con, một người con trai lớn, và hai người con gái nhỏ.  Tôi không còn nhớ gì nhiều về hai người con gái đó, nhưng tôi không bao giờ quên người con trai lớn.  Đó là Anh Nhứt, Nguyễn Văn Nhứt, người hiền lành, đẹp trai, cao lớn, mãnh khảnh, học rất giỏi, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn vào năm 1965.  Nhưng không ngờ Anh lại quá vắn số, vừa ra trường, và, theo luật thời bấy giờ, bị trưng tập vào quân đội (Trung Đoàn 7, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Quân Đoàn III) với cấp bậc Trung Úy và chỉ một thời gian ngắn sau đó thì tử trận, cùng với Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn, trong một trận phục kích ở Dầu Tiếng vào tháng 10 năm 1965.[7, 8, 9] Cả xóm Nguyễn Phi Khanh đều xúc động nghe tin Anh tử trân, nhứt là thương cảm cho bà mẹ góa của Anh đã phải chịu thêm cái đau đớn mất đứa con trai duy nhứt.  

Con hẻm cuối cùng của đường Faucault, cũng năm bên tay trái, cách hẻm vừa nói trên độ 50 m là con hẻm rất nhỏ, đi vòng vo và sau cùng nối vào một con hẻm khác rộng hơn ăn thông ra đường Barbier.  Ngay đầu con hẻm rộng của đường Barbier này có một ngôi biệt thự khá lớn về sau, khoảng cuối thập niên 1950 hay đầu thập niên 1960, trở thành Trường Mẫu Giáo Mạnh Mẫu khá nổi tiếng.

    Con đường Faucault tuy nhỏ và ngắn, xóm Faucault tuy nhỏ bé nhưng lại là một phần của khu Đakao vốn là một trung tâm văn hóa khá quan trọng của thành phố Sài Gòn mang nhiều màu sắc có thể gọi là “địa linh nhơn kiệt.”

    Trong cuốn sách Đakao Trong Tâm Tưởng, phần Đakao: Một Trung Tâm Văn Hóa, các trang 122-127, tôi đã đề cập đến các ngôi đình trong khu Đakao [10], trong đó có Đình Sơn Trà, nằm gần cuối đường Faucault, ngay ngã ba với Đường Huyền Quan, (trước 1954, đường Huyền Quan có tên Pháp là Génibrel), một con đường rất nhỏ, và rất ngắn, nối liền hai con đường Faucault và Barbier.



    Sau đây là phần tôi ghi lại kỷ niệm tuổi thơ của tôi về Đình Sơn Trà trong cuốn sách Đakao Trong Tâm Tưởng:

“Trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngay ngã ba với đường Huyền Quan, gần ra tới ngã ba với đường Trần Quang Khải, cũng có một ngôi đình lớn là đình Sơn Trà.  Ðình nầy chỉ nhỏ hơn đình Nam Chơn thôi, phía trước và dọc theo cạnh đường Huyền Quan là hàng rào cây sống.  Trước mặt tiền của điện thờ cũng là một sân đất lớn và, cũng như đình Nam Chơn, đây là nơi dựng rạp trong các dịp cúng kỳ yên.  Chính tại ngôi đình nầy tôi đã được mẹ tôi cho đi theo để coi những vở tuồng hát bội nổi tiếng của thời đó như tuồng San Hậu, Huê Dung Ðạo, Thần Nữ Dưng Ngủ Linh Kỳ, Trãm Trịnh Ân…, với các cô đào hát bội một thời vang bóng như Cô Năm Ðồ, Cô Cao Long Ngà … Tôi còn nhớ mãi cái không khí ngột ngạt của các đêm hát bội tại đây.  Rạp bằng vải bố, che không cao lắm, bên trong rạp rất chật, và nóng bức.  Sân khấu bằng gổ cũng không cao lắm, và gần như lúc nào cách bài trí cũng giống nhau, dầu là cảnh nhà dân, nhà quan, hay cung vua, cũng chỉ thấy có một cái bàn với hai cái ghế để ở hai bên, cả bàn và ghế đều có tấm phủ mầu sắc đẹp.  Ngay đưới sân khấu, chỉ có hai hay ba hàng đầu là để ghế, các hàng còn lại toàn là băng gổ.  Ngay trước cái ghế ở chính giữa hàng ghế đầu có để một cái trống lớn, và người ngồi ở cái ghế đó thỉnh thoảng cầm cây chầu đánh vào trống mấy cái thùng thùng.  Về sau lớn lên tôi mới biết đó là một vị chức sắc trong đình có nhiệm vụ “cầm chầu” để làm cái việc đánh giá cách trình diễn của các nghệ sĩ trên sân khấu.  Thỉnh thoảng người đi xem cũng tham gia vào việc tán thưởng các nghệ sĩ bằng tiền, họ kẹp tiền vào các cây quạt xếp bằng giấy và liệng quạt lên sân khấu.  Ðoàn hát luôn luôn có người phụ trách đi lượm các cây quạt, gở tiền ra và mang quạt không trả lại cho khán giả.” [11]

    Ngoài tính cách “địa linh” của ngôi đình Sơn Trà cổ kính (có lẽ đã được xây dựng từ đầu thế kỳ 20, đến nay đã có mặt trên dưới một trăm năm), xóm Faucault lại cũng là một vùng đất tương đối có thể gọi là “nhơn kiệt” vì đã sản sinh ra một số nhân vật có tiếng tăm trong lịch sư cận và hiện đại của Miền Nam, cũng như một số khá đông các vị khoa bảng tập trung trong một khu đất thật nhỏ trong xóm.

    Đối diện với căn nhà nơi gia đình tôi sinh sống (số 54) là một căn nhà xưa rất lớn, mang số 47.  Đó là nhà từ đường của gia đình ông Nguyễn Văn Của.  Ông Của là một nhà tư bản Việt có quốc tịch Pháp, chủ nhân nhà in và nhà xuất bản lớn tại Sài Gòn là Imprimerie de l’Indochine (1917-1944), và về sau là Giám Đốc – Chủ Nhơn (Directeur – Propriétaire) của tờ nhựt báo tiếng Việt lớn và sống lâu năm nhứt của Sài Gòn thời bấy giờ (1907-1944) là tờ Lục Tỉnh Tân Văn.[12] Người con trai trưởng của ông Của là ông Nguyễn Văn Xuân, vì có quốc tịch Pháp, đã được gởi đi du học Pháp từ nhỏ, tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa nổi tiếng của Pháp (Ecole Polytechnique), gia nhập quân đội Pháp, và trở thành sĩ quan gốc Việt đầu tiên thăng cấp Thiếu Tướng (Général de Brigade, tướng hai sao) vào năm 1947,[13] với cấp bậc sau cùng là Trung Tướng (Général de Division, tướng ba sao) từ ngày 4-5-1949 [14]  Ông là vị Thủ Tướng đầu tiên của Chính phủ Trung Ương Lâm Thời được thành lập vào ngày 2-6-1948 [15] với cả quốc kỳ là lá cờ vàng ba sọc đỏ, và quốc ca (là bản Thanh Niên Hành Khúc, gốc là bản Tiếng Gọi Sinh Viên do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác từ năm 1941) được các chính phủ Miền Nam sử dụng cho đến ngày 30-4-1975. 

Cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân (1892-1989)

    Hai mươi năm sau, cũng có dính líu đến ngôi nhà số 47 này lại là một vị tướng lãnh nổi tiếng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).  Một người trong dòng họ của ông Của, được cử làm quản gia, trông nom ngôi nhà từ đường này, có một người con gái lập gia đình với một sĩ quan QLVNCH, tên Nguyễn Viết Thanh, lúc đó còn mang cấp bậc Đại Úy.  Năm 1968, vị Đai Úy đó nay là Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư Lệnh Quân Đoàn IV.  Ngày 2-5-1970, lúc 1 giờ 40 trưa, trong khi đang thị sát mặt trận tại biên giới Việt-Miên, ông đã tử nạn khi phi cơ trực thăng của ông đụng với một trực thăng Cobra của quân đội Mỹ.  Ông được truy thăng lên Trung Tướng.  Tướng Thanh chính là vị tướng đứng hàng thứ ba trong bốn vị tướng lãnh nổi tiếng thanh liêm của VNCH: “Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng.” [16] 

Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư Lệnh Quân Đoàn IV (1931-1970)

    Cũng chính ngay kế bên ngôi nhà số 47 này, cả 2 hai bên đường, trong một khoảng diện tích độ chừng vài chục mét vuông thôi, phía bên trái là đến căn nhà mang số 51, và bên phải là đến căn biệt thự mang số 56, trong hai thập niên 1950 và 1960 đã có đến 6 vị đỗ Tiến sĩ, một mật độ về khoa bảng có thể nói là vô cùng hiếm có cho bất cứ vùng đất nào trong cả nước.  

Nhớ lại Khoa Thi Hội năm Mậu Tuất (1898), đời Vua Thành Thái, có 5 thí sinh của tỉnh Quảng Nam, cùng đậu Tiến sĩ, khiến nhà vua đã khen và ban tặng tấm biển với 4 chữ Ngũ Phụng Tề Phi [17] (có nghĩa là Năm chim phụng cùng bay).  Đó là các cụ Phạm Liệu (1873-1937), cụ Phan Quang (1873-1938), cụ Phạm Tuấn (1852-1917), cụ Ngô Chuân (1873-1899), và cụ Dương Hiển Tiến (1866-1907), nhưng đó là thành tích của cả một vùng đất rất rộng là tỉnh Quảng Nam.  Trong trường hợp này, chúng ta có được 6 vị Tiến sĩ trong một khu xóm chỉ rộng vài chục mét vuông thôi.  Căn nhà số 51 của một gia đình họ Ngô có được 3 vị Tiến sĩ:  1) Người con trai trưởng là Tiến sĩ Y Khoa Ngô Thiên Khai; 2) Người con gái lớn là một Tiến sĩ Nha Khoa, tôi không còn nhớ tên, và 3) Người con trai út là Tiến Sĩ Y Khoa Ngô Đình Chiến (bạn học cùng khóa với Trung Úy Nguyễn Văn Nhứt đã đề cập bên trên).  Ngôi nhà số 56, của Dược Sĩ Bùi Văn Sách là chủ nhân của nhà thuốc Tây Diệu Tâm tại trung tâm Sài Gòn, ngay ngã tư đường Bonard (sau 1954 là đường Lê Lợi) và đường Charles de Gaulle (sau 1954 là đường Công Lý), thì có được hai người con gái lớn đều là Tiến sĩ Y Khoa.  Và sau hết là ngôi nhà số 54, tức là nhà của gia đình tôi, thì có Anh Tư của tôi, Anh Lâm Vĩnh Tế, đậu Tiến sĩ về Hóa Lý (Ph. D. in Physical Chemistry) tại Đại Học Montréal,thuộc tỉnh bang Québec, Canada vào năm 1967.  

    Kể rộng thêm ra về con người của xóm Faucault, thì ngoài các vị đã kể bên trên, còn phải kể đến vài người sau đây:

  • Ngôi biệt thự số 36, ngó ngang qua con hẽm số 37 đã kể bên trên, là nhà của một vị Tiến sĩ Y Khoa là Bác sĩ Nguyễn Văn Đính, về sau cũng bị trưng tập vào quân đội, và trở thành Trung Tá Y Sĩ của Hải Quân QLVNCH.; phu nhân của Trung Tá Đính là một Giáo sư của Đại Học Khoa Học Sài Gòn
  • Trên đoạn đường Faucault, từ đầu đường đi vào khoảng độ hơn 100 m, phía bên số chẳng, là nhà của ông Lê Văn Tịnh, Thủ môn nổi tiếng của Đội Tuyển Bóng Tròn Miền Nam thời Pháp thuộc.  Chính tên của ông về sau đã được sử dụng như một tỉnh từ hay trạng từ để chỉ những thủ môn xuất sắc của các đội bóng tròn ở trong Nam: “tay đó giữ guôn “tịnh” lắm đó.”  

    Tóm tắt lại, xóm Faucault nhỏ bé của tôi đã cống hiến cho Miền Nam một số công dân với những đóng góp trong các lãnh vực sau đây: 

  • Về chính trị: 1 vị Thủ Tướng Chính phủ
  • Về quân sự: 2 vị Trung Tướng, 1 vị Đại Tá (TQLC), 1 vị Trung Tá (Hải Quân)
  • Về khoa học: 8 vị Tiến sĩ: 6 Y Khoa, 1 Nha Khoa, 1 Hóa Học
  • Về giáo dục: 1 Giáo sư Đại học, và 3 Giáo sư Trung học
  • Về thể thao: 2 vận động viên nổi tiếng: 1 bóng tròn, và 1 xe đạp

Thay Lời Kết:

    Xóm Faucault của tôi thời tôi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành nay không còn nữa.  Năm 2015, tôi có dịp về thăm lại quê hương, trong thời gian ở Sài Gòn, tôi thuê phòng tại một khách sạn nhỏ trên đường Đặng Dung, nhờ đó, tôi đã có được cơ hội đi bộ một vòng khá lớn, mất khoảng gần 2 giờ đồng hồ trong khu Tân Định – Đakao, qua các con đường Đặng Dung, Trần Quang Khải, Nguyễn Phi Khanh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Huy Tự (Chợ Đa Kao), Phạm Đăng Hưng, Phan Đình Phùng, và sau cùng là Hai Bà Trưng; sau khi qua khỏi Chợ Tân Định, tôi quẹo phải vào đường Bà Lê Chân, ra lại đường Trần Quang Khải và trở về đường Đặng Dung.  Tôi đã đi bộ suốt con đường Nguyễn Phi Khanh (tức là đường Faucault cũ ngày xưa), từ cuối đường đến tận đầu đường, đi thật chậm để nhìn cho thật kỷ nhà cửa hai bên đường, và tôi đã cảm thấy thật buồn vì gần như không còn nhận ra được căn nhà nào của những thập niên 1940-1950-1960 nữa hết, ngay cả ngôi nhà số 54, nơi tôi đã sống 40 năm từ khi sinh ra năm 1941 cho đến khi rời Việt Nam đi định cư tại Canada năm 1981, cũng đã thay đổi hoàn toàn khiến tôi không còn nhận ra được nữa.  Không phải chỉ có đường Nguyễn Phi Khanh đã thay đổi, mà tất cả những con đường tôi đã đi qua kể trên, đều như vậy hết.

    Với thời gian, bất cứ ở quốc gia nào, các thành phố, các thị trấn, các khu phố, đều phải trải qua những thay đổi.  Đó là một quy luật tự nhiên, không thể tránh được, của sự phát triển về mọi mặt, nhứt là về kinh tế, của các đô thị.  Điều đáng buồn là tại Việt Nam, tai Sài Gòn, hiện nay người ta chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt về kinh tế, và hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các giá trị lịch sử và văn hóa của các kiến trúc cổ kính, đặc biệt là các ngôi đình.  Trong khu Đakao, xóm Faucault của tôi, Đình Sơn Trà, cùng với một số ngôi đình khác trong thành phố, đang trở thành nạn nhân của sự phát triển kiểu bừa bãi đó, như trong bài viết sau đây đã nói khá rõ:

“Là nơi linh thiêng, nhưng hiện nay nhiều ngôi đình, miếu hàng trăm năm tuổi ở TP HCM đang bị “xà xẻo” để làm nơi kinh doanh, buôn bán.” [18]

và với tấm ảnh mới của Đình Sơn Trà như sau:

Đình Sơn Trà đã trở thành cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng

    Hình ảnh của xóm Faucault của tôi trong khu Đakao, của những ngày tháng cũ, nơi tôi đã sống nửa cuộc đời, với biết bao kỷ niệm vui buồn vẫn còn sống động trong ký ức của tôi, một lão niên đã bước vào tuổi “bát tuần,” đang thật sự phai tàn dần, và sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử của một vùng đất mang đậm tính văn hóa của Miền Nam. 

Viết xong ngày 15-12-2021

Hamilton, Ontario, Canada  

 GHI CHÚ:

  1. Vĩnh Nhơn.  Đakao trong tâm tưởng.  Hamilton, Ont.: Hòai Việt, 2008. 
  2. _________, sđd, tr. 67-70.
  3. _________, sđd, tr. 58-63.
  4. Tiểu sử về thần đồng Quốc Thắng (thập niên 50-60), tài liệu video, có thể truy cập tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=LLTrq9PG8Ow
  5. Cỗ Tấn Tinh Châu.  Thủy Quân Lục Chiến VNCH bắt sống quân Trung Cộng tại Hoàng Sa năm 1959, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://aihuubienhoa.com/a5183/tqlc-giu-hoang-sa-co-tan-linh-chau
  6. Đại Tá Cỗ Tấn Tinh Châu, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/dt_cotantinhchau.htm
  7. Trần Đoàn.  Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 2 ND, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://svqy.org/2015/2-2015/ysitruong/ysitruong.html
  8. Lê Văn Châu.  Những quân y sĩ QLVNCH tử trận đầu tiên, tài liệu trực tuyến, có thể đọc tòan văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://dongsongcu.wordpress.com/2016/06/14/nhung-quan-y-si-qlvnch-tu-tran-dau-tien/
  9. Nguyễn Văn Khôi.  Đời lính chiến, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.tvvn.org/doi-linh-chien-nguyen-van-khoi/
  10. Vĩnh Nhơn, sđd, tr. 121-127.
  11. Vĩnh Nhơn, sđd, tr. 123-124. 
  12. Lâm Vĩnh Thế.  Lục Tỉnh Tân Văn: một trong những tờ báo sống lâu nhứt của Nam Kỳ trước năm 1945, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  https://tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com/2016/07/luc-tinhtan-van-mot-trongnhung-to-bao.html
  13. Nguyễn Văn Xuân (trung tướng), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_Xu%C3%A2n_(trung_t%C6%B0%E1%BB%9Bng)
  14. Đoàn Thêm.  Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964); tựa của Lãng Nhân.  Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu tái bản, [1979], tr. 54.
  15. Đoàn Thêm, sđd, tr. 44.
  16. Lâm Vĩnh Thế.  “Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng,tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.com/2016/12/nhut-thang-nhi-chinh-tam-thanh-tu-truong.html
  17. Ngũ Phụng Tề Phi, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C5%A9_Ph%E1%BB%A5ng_T%E1%BB%81_Phi 
  18. Hữu Công.  Đình miếu trở thành lò bánh mì, trung tâm thể hình, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vnexpress.net/dinh-mieu-tro-thanh-lo-banh-mi-trung-tam-the-hinh-2203085.html


Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 12/Mar/2022 lúc 8:31am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Apr/2022 lúc 12:17pm

Ký Ức "CẦU BA CẲNG" Cầu Đi Bộ Đầu Tiên Ở Saigon Với Hình DạngThiết Kế Độc Đáo | Góc Hoài Niệm Xưa   <<<<<


Ký%20Ức%20"CẦU%20BA%20CẲNG"%20Cầu%20Đi%20Bộ%20Đầu%20Tiên%20Ở%20Saigon%20Với%20Hình%20Dạng%20Thiết%20Kế%20Độc%20%20Đáo%20|%20Góc%20Hoài%20Niệm%20Xưa%20-%20YouTube


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 02/Apr/2022 lúc 12:20pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 14/Apr/2022 lúc 11:24am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/Jul/2022 lúc 11:59am

Đoạn Đường Yên Đổ – Champagne
Tuổi Ấu Thơ của Tôi

Đoạn%20Đường%20Yên%20Đổ%20Thân%20Thương%20&%20Tuổi%20Ấu%20Thơ%20Êm%20Đềm%20-%20Truyện%20-%20Hồi%20Ký%20-%20Tùy%20%20Bút%20-%20Tạp%20Ghi%20-%20Hưng%20Việt

 (Thân tặng những ai đã từng quen thuộc với con đường Yên Đổ thân yêu và những ai đã từng đi ngang qua đây, dù chỉ một lần.) 


Mỗi người đều có một con đường kỷ niệm để nhớ và một dòng sông thơ ấu để yêu thương. Riêng tôi, con đường Yên Đổ nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi tôi trải qua thời niên thiếu êm đềm cùng với những người thân yêu và bạn bè thì không bao giờ tôi có thể quên được. Dù bây giờ tôi đang ở cách xa con đường ấy cả nửa vòng trái đất. Dù cuộc sống căng thẳng từng giờ, từng ngày. Phải đối phó với bao nhiêu khó khăn trước mặt, tưởng chừng như có thể xoá nhoà tất cả những gì mà đôi lúc mình muốn nhắm mắt để quên đi. Tuy nhiên, con đường Yên Đổ vẫn mãi mãi nằm trong tiềm thức của tôi.


 Đường Yên Đỗ tên cũ là Champagne, tên mới là Lý Chính Thắng. Con đường bắt đầu từ ngã ba Hai Bà Trưng (Paul Blancy) và chấm dứt ở Công Trường Dân Chủ hay Ngã Sáu,Sài gòn. Nếu nhìn xéo một chút về phía tay trái, nằm phía bên kia đường là Ty Cảnh Sát Quận Ba.

Trong pham vi bài viết này. Xin mời quý vị cùng tôi chỉ đi trên một khoảng ngắn của đường Yên Đổ. Từ phía ngã ba đường Yên Đổ và Hai Bà Trưng đến ngã tư Yên Đổ và Công Lý (Mac Mahon, De Lattre De T***igny, Gal De Gaulle) mà thôi.!

Xin được bắt đầu phía bên trái trước.

Đầu tiên sẽ gặp trường trung học tư thục Vạn Hạnh của Thầy Thích Đức Nghiệp. Đây là một cái Villa cũ với những hòn non bộ đen xì và những cây to nhiều tuổi. Đặc biệt, có một cây Sung rất già, cho trái chín, màu rượu chát rất hấp dẫn học sinh vào những giờ ra chơi và tan học. Trái sung nhiều hột, ăn chát chát, ngọt ngọt và không ngon lắm! Sau này trường Vạn Hạnh sửa lại thành cư xá cho Mỹ thuê, lúc nào cũng có quân cảnh (MP) Mỹ cầm súng M16 đứng gác trước các ống cống lớn bằng xi măng đổ đầy cát trong đó. Bà con đi bộ ngang qua phải đi xuống lề đường.

Căn nhà số 5 là của hai chị em Dược Sĩ Cư và Huệ. Đi tiếp là một hẻm nhỏ. Tiệm hàn gió đá ở phía trước. Bên trong có sáu căn nhà được xây bằng gạch. Kế bên là trường tiểu học tư thục mang tên nhà thơ trào phúng của Pháp La Fontaine, số 7 đường Yên Đổ do Thầy Đốc là Hiệu Trưởng, con trai thầy tên Mạnh. Trường La Fontaine có lẽ là một trong những trường tiểu học tư thục đầu tiên ở vùng Tân Định? Lúc ban đầu trường gồm ba cấp lớp: Năm, Tư và Ba. Lớp Năm và Tư học tại trường La Fontaine, còn lớp Ba do Thầy Mười dạy thì mướn một phòng nhỏ ở đầu xóm Chùa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần đường Đặng Dung. Đa số các trẻ em trong vùng đến tuổi đi học đều bắt đầu học ở trường này. Một số em tiếp tục học tại trường, còn các em khác được cha mẹ chuyển sang trường tiểu học công lập con trai Tân Định và trường tiểu học con gái Đồ Chiểu.

Cách vài căn là một Villa của thầy giáo dạy kèm tiếng Pháp. Ông là người Việt, nhưng mang quốc tịch Pháp. Trong sân nhà ông có trồng mấy cây Vú Sữa Bạch rất sai trái. Dù trẻ con rất thích, nhưng không đứa nào dám leo hái trộm, vì đàn chó Berger của ông rất dữ. Thỉnh thoảng chúng rủ nhau liệng gạch vô nhà cho chó sủa, hay nhấn chuông điện gắn trước nhà phá cho bỏ ghét. Nghe tiếng chuông reo. Ông tưởng khách đến thăm, nên đi ra mở cửa. Nhìn qua, nhìn lại chẳng thấy bóng dáng ai! Bọn con nít thấy ông, thì ùa chạy như ong vỡ tổ. Chúng cùng cười và la lớn từ xa “Ông Tây sình đi ăn xin, lọt thùng đinh”. Ông lẩm bẩm chửi thầm trong miệng “Con nhà không ai dạy!”

Nghệ%20An:%20Trồng%20vú%20sữa%20làm%20cảnh%20không%20ngờ%20cho%20quả%20bán%20hàng%20chục%20triệu%20%20đồng/vụ%20-%20Đài%20phát%20thanh%20và%20truyền%20hình%20Nghệ%20An

Mỗi khi mùa vú sữa chín. Bà chủ sai người làm công hái xuống cho vào thúng, rồi đem để trước nhà rao bán cho ông đi qua, bà đi lại với giá cũng ngang ngửa chợ trái cây Tân Định. Bà con lại có dịp rêu rao “Giàu mà còn ham kiếm bạc cắc lẻ.”

Sau đó là hẻm số 21. Đây là một con hẻm tương đối lớn. Xe hơi du lịch chạy vào được. Trong hẻm có một trường tư thục. Lúc đầu lấy tên là Võ Trường Toản. Sau đổi thành Nguyễn Huệ. Hẻm có một cây khế, một cây li Kê Ma già, trái có ruột màu vàng, còn gọi là trái hột gà. Khi ăn thường dính màu vàng như nghệ đầy miệng, nhìn thấy kỳ kỳ. Nằm đối diện với trường Nguyễn Huệ là một Villa trồng đủ loại cây ăn trái, nhiều nhất là Mận và Lý. Nghe đâu là nhà của một viên chức cao cấp trong chính quyền. Nếu quẹo trái đi ra phía đường Hai Bà Trưng. Trên đường đi sẽ gặp một cây Thị rất già cho trái chín màu vàng chanh, tiết ra mùi thơm nhẹ nhàng.

Người ta đồn cây Thị này có nhiều ma. Vào ban đêm các ma ông, ma bà, ma cô, ma cậu, ma con nít với quần áo trắng từ trên cây leo xuống. Tóc xoã dài tới chân với hai con mắt đỏ rực như hai cục than hồng, lè những cái lưỡi màu đỏ chói, dài hơn cái đòn gánh. Chúng đi tới, đi lui, nhe hai hàm răng trắng toát, cười ghê rợn vào những đêm không trăng sao. Thỉnh thoảng các Ma còn rình bắt những ai đi làm về khuya ngang qua đây. Sau đó đè nạn nhân xuống nhét đất sét đầy miệng. Sáng ngủ dậy ú, ớ kêu cứu. Do đó, khi có việc cần phải đi ngang cây Thị. Bà con nhắm mắt, ba chân, bốn cẳng, cắm đầu, cắm cổ, nín thở phóng cho thật nhanh.


Nếu quẹo phải thì đi ra đường Huỳnh Tịnh Của (tên cũ là Monceaux). Con đường này trồng toàn  cây Mặc Nưa dùng để nhuộm vải cho ra màu đen rất bền. Trái mặc nưa lúc còn sống màu xanh giống như trái táo, còn lúc chín thì màu đen. Khi rớt xuống đất, người đi bộ đạp lên làm đen cả lề đường rất nhơ nhớp. Trong ruột trái mặc nưa có nhiều hột giống như hột gạo. Ăn bùi bùi, béo béo, deo dẻo. Học sinh trường Tân Định thường lượm đem đập lấy hột ăn.

Băng qua đường Huỳnh Tịnh Của là xóm Hầm Sỏi. Đầu ngõ có một máy nước bốn vòi. Nơi đây ồn ào suốt ngày đêm. Những người gánh nước mướn, coi máy nước như là của riêng mình. Họ tự cho phép mình được quyền ưu tiên hứng. Bà con thắc mắc là họ sẵn sàng dùng đòn gánh, móc thùng xỉa xói, hăm he như muốn ăn tươi, nuốt sống.Vì thế! Để tránh lạc đạn, phiền phức. Ai ai cũng né dân đầu nậu phông tên chuyên nghiệp này. Tránh voi không hổ mặt người. Xin được hai chữ bình an. Chờ đến khi nào họ cho hứng thì lúc đó mới dám hứng.

Kế bên là căn gác nhỏ của ông Ba Cạo. Ông hớt tóc với giá bình dân và cũng là nhạc công cho một ban nhạc Bắc ở xóm Chùa, Tân Định chỉ trình diễn trong các đám tang, có cả phần khóc mướn. Hôm nào có ai đến thuê ban nhạc, thì hôm đó ông tạm nghỉ hớt tóc để trở thành nhạc sĩ đờn gáo và đờn cò. Con nít gặp ông hay đưa ngón tay trỏ lên miệng kéo qua, kéo lại “Ò, e, con ma đánh đu.Tạc Zăn nhảy dù. Ông Ba Cạo bắn súng.”

Hầm Sỏi, một thời nổi tiếng về du đãng ở vùng Tân Định. Các băng nhóm quanh vùng khi nghe đến tên đều kiêng nể. Trong xóm Hầm Sỏi, có nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo với nhiều miếu đền. Hẻm đi ra được đường Công Lý, trường Anh Văn Khải Minh và trở ra hẻm Đỗ Phong Thuần gặp cổng trước của trường Tiểu Học Tân Định bên kia đường.


Trở về lại đường Yên Đổ sẽ gặp tiệm may Huỳnh Lộc chuyên may áo dài. Sau đó đến tiệm Ngọc Diệp bán đồ dùng cho học sinh và văn phòng phẩm. Kế tiệm Ngọc Diệp là nhà ông PQK. Em trai ông tên PQH. Cả hai ông đều là triệu phú, được xem là vua Hàng Hải Việt Nam vì có nhiều tàu. Có cả tàu buôn đi ngoại quốc. Ông Kh..từng là Chủ Tịch Hội Cựu Học Sinh Trường Bưởi (Chu Văn An.) Ngoài ra, ông cũng là một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Không hiểu sao cả hai anh em ông cùng bị kẹt lại Sài gòn, để rồi lâm vào cảnh tù tội?

Kế bên là phòng mạch của Bác Sĩ Hoàng Minh Mậu tốt nghiệp từ ngoại quốc về.

Một tiệm thuốc Tây tên Sông Gianh, một Pharmacy khác tên Hồng Duyệt của Dược Sĩ T… khi đó mới ra trường. Cô chủ nhà thuốc luôn luôn bận áo dài màu thiên thanh. Nhiều người tưởng cô là chiêu đãi viên Hàng Không Việt Nam biệt phái đến đây làm thêm. Hiện nay, Dược Sĩ T… có một Pharmacy thuộc loại tầm cỡ ở San José. Ngoài thuốc tây ra tiệm còn bán đủ các thứ khác giống như các cửa hàng của Mỹ: Drug Stores, Walgreens, Rite-Aid. Đây cũng là một trong những tiệm thuốc Tây đầu tiên của Thung Lũng Hoa Vàng. 

Nằm kế bên tiệm thuốc là nhà của Luật Sư Ngô PT. Ông là một Luật Sư kỳ cựu của Luật Sư Đoàn Sài Gòn. Sau đó đến nhà Đại úy T…Quận Trưởng Hóc Môn. Ông nuôi những con ngựa đua thuộc loại chiến, từng thắng những giải đua ngựa lớn ở trường đua Phú Thọ. Cạnh bên là một Villa kiểu Pháp, mà lúc nào cũng kín cổng, cao tường được quét vôi màu trắng như Toà Bạch Ốc, cùng với những giàn bông giấy đủ màu sắc đan quyện chằng chịt vào nhau rất thẩm mỹ..

Đến đây là gặp đường Huỳnh Tịnh Của. Vừa qua khỏi đường Huỳnh Tịnh Của là một căn nhà rất lớn của ông bà chủ xe đò người miền Bắc mới di cư vào Nam. Năm 1955, vào buổi trưa. Một chiếc xe Dodge đã đâm thẳng vào nhà ông bà. Người ta nói, có lẽ tài xế say rượu, nên bị lạc tay lái? Sự việc xảy ra chớp nhoáng trong tích tắc, khiến bà chủ xe đò thiệt mạng oan uổng! Tiếp theo, là một con hẻm rất nhỏ chỉ đủ cho một người dắt xe gắn máy ra vào. Hẻm này có nhà của danh hài Phi Thoàn. Phía ngoài hẻm là tiệm may áo quần phụ nữ tên Thẩm Mỹ số 77 YĐ. Sau 1975 là tiệm chè Yên Đổ nổi tiếng một thời.

Cạnh bên là một tịnh xá nhỏ mang tên Ngọc Diệp, số 81 Yên Đổ. Bây giờ tịnh xá được xây dựng lại rất bề thế, khang trang hơn. Có lẽ nhờ tiền cúng dường của chư bá tánh từ nước ngoài gửi về? Phải kể thêm tư gia Bác Sĩ Trần Quang Diệu. Ông cũng là một Sĩ Quan Cao Cấp của Cục Quân Y/VNCH. Bước thêm khoảng mười mét sẽ gặp trụ sở Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế nằm ngay góc ngã tư đường Yên Đổ và Công Lý.

Bây giờ xin được trở lại đầu đường Yên Đổ phía tay phải.

Trước tiên là quán cà phê bình dân Hải Nàm do một người Hoa làm chủ. Nơi đây, từ sáng sớm tới chiều, bà con lao động đến nhâm nhi ly cà phê xây chừng được pha bằng vợt, thưởng thức dầu châu quẩy, bánh tiêu, bánh bao, hủ tíu mì, xíu mại và trà Thái Đức. Khách thích ngồi đưa cả hai chân lên chiếc ghế đẩu. Vừa ngồi, vừa rung đùi, vừa tán gẫu,vừa hít hà, thả hồn theo khói thuốc rê  Gò Vấp, thuốc lào Cái Sắn, 888, 555, Mélia vàng, Ruby Queen, Quân Tiếp Vụ, Basto đỏ và xanh…Kiểu ngồi này còn gọi là kiểu ngồi nước lụt. 

Kế cà phê Hải Nàm là tiệm may Văn Minh, mang tên người con trai lớn của ông chủ. Các con ông bà đều học giỏi và thành công. Con gái lớn là Dược Sĩ làm chủ tiệm Thuốc Tây góc Hai Bà Trưng và Trần Quang Khải.

Hai tiệm làm cửa sắt và máng xối nằm cách nhau, số 4 và số 8 đường Yên Đổ là Đức Kính và Đức Vượng. Tuy có cùng tên Đức đứng đầu, nhưng hai tiệm hoàn toàn không có bà con thân thuộc gì với nhau hết! Tiệm sản xuất cà rem cây có tên là Bạch Tuyết thì nằm giữa hai tiệm làm đồ sắt, số 6 đường Yên Đổ. Sáng sớm những người bán kem dạo, tụ họp để lấy kem. Sau đó chia nhau đi bán ở các trường học và xóm lao động quanh vùng, tạo nên một khung cảnh ồn ào và huyên náo. Sau này ông bà chủ chuyển sang làm đại lý bán xe Honda. Con trai duy nhất của ông bà tên Tr. qua đời vì bệnh nan y. Bạn thân của anh là một nhà sư tu xuất và cũng là nhà thơ nổi tiếng có mấy bài thơ được phổ nhạc làm bà con say mê. Ông tình nguyện hy sinh đứng ra thay thế, tiếp tục săn sóc vợ con người quá cố cho tròn tình nghĩa bạn bè.

Bên cạnh là giò chả Nhiên Hương. Tiệm này có bà con họ hàng thân thiết với giò chả Phú Hương ở đường Hiền Vương. Ông chủ tiệm giò chả Phú Hương mỗi cuối tuần đều đi thăm trường đua Phú Thọ, để xem giò, xem cẳng các con ngựa đua và cung cấp cỏ nuôi chúng. Kiếm được bao nhiêu tiền từ giò chả, bánh trái, ông cũng đầu tư vô đây để trang bị cho trường đua Phú Thọ càng ngày càng quy mô hơn. Nghe đâu sang đến Canada. Ông không bỏ được nghề chăn nuôi ngựa, tiếp tục sự nghiệp xây dựng trường đua. Làm được đồng nào, xào hết đồng nấy. Bây giờ thì hoàn toàn khuynh gia, bại sản. Đúng là“Cờ bạc là bác thằng Bần.”

Những thanh niên làm công cho tiệm giò chả không cần tập tạ, tập thể thao. Vậy mà, tay chân anh nào, anh nấy bắp thịt cũng nở cuồn cuộn như lực sĩ đẹp Nguyễn Công Án. Chắc là nhờ họ giã và bằm thịt hàng ngày? Vào mỗi dịp Tết, tiệm giò chả Nhiên Hương khách hàng ra vào nườm nượp. Giò Chả ra lò đến đâu là hết ngay đến đó. Vì thế! Khách dự định biếu xén ai, thì phải đặt trước Tết cả tháng.

Hai tiệm giặt ủi Phước và tiệm may Trường ở kế bên. Diện tích cả hai tiệm rất khiêm nhường. Cạnh đấy là một vựa củi lớn.Về sau trở thành Salon Mayer bán xe hơi mới và cũ do ông chủ rạp hát Moderne tên Th. làm chủ. Người ta thắc mắc “Sao ông không đặt tên là Salon Yên Đổ hay Champagne?”

Tiếp đến là cửa hàng bán xi măng, gạch, cát, đá tên Hà Thân. Tiệm có một cây Nhãn rất nhiều trái. Trẻ em trong vùng thường kéo nhau tới hái, bất kể sống hay chín. Hái riết cây nhãn bị tàn phai không còn nhan sắc. Con trai thì dùng hột nhãn làm đạn bắn với ná dây thun, hay chơi đánh giặc: chọi qua, chọi lại. Đôi khi các chiến sĩ nhóc bị trúng đạn nhãn sưng đầu, sứt trán và lỗ mũi ăn trầu. Về nhà còn bị ba má đánh thêm đòn. Riêng, mấy cô thì lấy hột nhãn đem khoét thành cà rá đeo tay, chơi trò “Đám Cưới Đầu Xuân.” trao nhẫn nhãn cho nhau. Hột nhãn màu đen, ruột màu trắng. Đem nấu chè ăn ngon và thơm. Tiếp theo là tiệm bán phụ tùng và sửa chữa máy may tên Phước Lai.

Bây giờ tới con hẻm số 32. Nơi đây chỉ có bốn căn nhà. Hẻm này rất rộng. Xe hơi có thể ra vào được dễ dàng. Con nít ở các xóm chung quanh thường rủ đến chơi u bắt mọi, đá banh, đá cầu, đánh đáo, tạt hình, tạt lon sữa bò, công xi đờ ghe… Đặc biệt, là chơi đập vách tường ăn tiền, vì hai bên là hai căn nhà với vách tường xây bằng gạch. Kết quả vách tường của hai căn nhà rỗ nát như “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng”, bởi đồng năm cắc bằng nhôm màu trắng có hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm của lũ nhóc thi nhau đập liên tục từ sáng cho tới chiều vào những hôm được nghỉ học.

Căn nhà đầu tiên số 32/1 là của ông NVL.., Trưởng Ty Tiểu học Sài gòn. Ty tiểu học nằm trong khuôn viên trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt, trên đường Phan Đình Phùng .Quận 1. Vào thời đó chức vụ Trưởng Ty rất oai. Ông đi làm có tài xế riêng đưa đón trên chiếc xe hơi hiệu Traction màu đen mà lúc nào cũng láng coóng. Người ta thường thấy bác tài trong khi chờ xếp, thường lấy khăn ra lau tới, lau lui, lau riết xe trở thành bóng lộn. Ông Bà có nhiều con: hai con trai tên T.. và Tr..học hành bình thường, cô con gái đầu lòng tên D. Cô lập gia đình với anh Đ… là con trai trưởng của ông bà Đồng Hồ, chủ tiệm tạp hoá trong xóm Cù Lao – Yên Đổ. Cô giáo D…dạy môn Vạn Vật lớp Đệ Thất và Đệ Lục trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản. Học sinh nào đã từng học cô, dù bây giờ đã rời xa trường nhiều năm cũng không thể quên được cô. Nhất là điểm cô cho học sinh thì khỏi chỗ chê!

Xin tiếp đến tiệm thuốc đông y của Đông Y Sĩ Trần Gia Viên, chuyên bán thuốc cao đơn hườn tán, thuốc tễ, dầu Nhị Thiên Đường, dầu Cù Là, dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín, cam thảo, táo Tàu, nhân sâm, thục địa…kể cả bắt mạch và bốc thuốc. 

Kế bên là lò bánh mì Thuận Thái. Nơi đây, vào ngày 14 tháng 05, năm 1971. Tay vợt bóng bàn nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hoà là Mai Văn Hoà đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông rất thương tâm. Chiếc xe Lambretta hai bánh do anh lái bị một chiếc xe vận tải lớn đè lên, khiến anh chết liền tại chỗ. Tay vợt MVH  từng chiếm những thứ hạng cao về môn bóng bàn trên các thao trường quốc tế. Anh còn được xem là cái máy đỡ banh số một thời đó. Trong khi giao đấu. Dù đối phương đánh, đập, líp, tiêu cách nào. Anh cũng đều hốt gọn như trở bàn tay. Trái banh được đưa qua, đưa lại nhiều lần. Chờ khi đối phương lơ là, mất cảnh giác. Lúc đó, anh sẽ tặng cho đối thủ một cú tiêu thần sầu, chính xác và chớp nhoáng như mũi tên xẹt. Bao nhiêu danh thủ bóng bàn thế giới đã cười đau, khóc hận vì sự cò cưa, kẹo kéo, cù nhầy, kiên nhẫn và gan lì của anh.

Nhà ông Cò Tây nằm sát bên tiệm bánh mì. Trước nhà có trồng một cây trứng cá. Ông cho rào kẽm gai từ dưới đất lên đến giữa thân cây. Mục đích làm trẻ con không thể nào leo lên hái được. Tuy nhiên, chúng canh me khi ông đi vắng. Một đứa dùng chiếc dép cũ liệng lên cây. Những trái trứng cá chín mọng màu đỏ rớt rụng đầy dưới đất. Cả đám quỹ sứ hè nhau chạy tới thi nhau lượm. Vừa bỏ trong túi áo, vừa cho vô miệng ăn nhồm nhoàm một cách thích thú. Trái Trứng Cá chín rất nhiều hột, vị ngọt và mùi thơm thoang thoảng tuổi học trò với nhiều nỗi buồn vu vơ. Sau 30/04/1975 gia đình ông Cò được đi định cư ở Pháp.

Kế tiếp là phở bắc Việt Hương mà hồi nhỏ con nhà nghèo, nên anh em tôi cứ mỗi buổi trưa thay phiên ra mua một đồng nước phở cho thật nhiều tương, nước mắm rồi đem về nhà cùng chia nhau chan lên cơm ăn thay canh. 

Rồi đến tiệm may Xuân Liên chuyên may áo dài đám cưới. Hai ông bà có một cô công chúa rất xinh. Lấy tên con gái đặt cho tên tiệm mình. Ông cũng là một thầu khoán tên tuổi chuyên đấu thầu các công trình xây dựng lớn. Sau khi ông bà dọn đi nơi khác, chủ mới đến cũng mở nhà may đặt tên là Phương Mai cũng chuyên may áo dài.

Tiếp tục đi sẽ gặp phòng mạch của Bác Sĩ Trần Đình Ngân. Phòng mạch chỉ mở được vài năm, thì ông mất vì bệnh ở tuổi rất trẻ. Sau khi ông mất. Bác Sĩ BV đến tiếp tục. Ông còn trẻ, cao ráo, đẹp trai. được rất nhiều nữ bệnh nhân ái mộ đến khám bệnh, dù chỉ bị cảm mạo sơ sài, hay bệnh giả đò. Miễn sao được Bác Sĩ đặt ống nghe đo áp huyết và nhịp đập của “Con tim không chịu ngủ yên” là bệnh tan biến ngay. Đặc biệt, với bệnh nhân nghèo thì Bác Sĩ BV. khám hoàn toàn miễn phí và còn cho họ cả thuốc. Ông từng là Dân Biểu Quốc Hội và Chủ Tịch Phù Luân Hội (Lions Club) Sài gòn, có biểu tượng là hình con Sư Tử. Hội này quy tụ toàn những doanh gia và các tai to, mặt lớn thời đó. Về sau, ông lập gia đình với một quả phụ chuyên về sửa sắc đẹp. Ông di tản trước 30/04/1975. Nghe đâu ông đang ở Houston (TX).

Ở đây có một cái hẻm nhỏ số 58, gồm hai mươi bốn căn nhà cất bằng cây, mái ngói. Mỗi tháng có một thư ký Chà Và cầm sổ đi thu tiền mướn nhà. Trẻ con thường chạy theo sau lưng la“Chà Và Ma Ní tí te. Cái bụng thè lè, con mắt ốc Bươu.” Chính giữa hẻm có một cái Giếng, Người ta còn gọi là Xóm Giếng.thêm một cây Mận, một cây Vú Sữa Tím ở xóm trên, một cây mãng cầu, một cây li kê ma ở xóm dưới và bốn cầu tiêu hầm. Trong xóm có bốn lò “Bánh Cuốn Tráng Hơi” của bà Thi, bà Thọ, Bà Triển và Bà Tỵ. Các bà đều từ miền Bắc di cư vào Nam. Bốn lò bánh cuốn vừa bán lẻ cho bà con trong xóm và các xóm lân cận, vừa bỏ mối cho các bạn hàng ở các chợ: Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao và Bà Chiểu. Mặc dù, thời đó nấu bằng củi, nhưng trải qua bao nhiêu năm chưa hề xảy ra tai nạn nào về lửa củi, hay suýt gây ra hoả hoạn. Rồi sau này tiến bộ hơn, các bà chuyển sang dùng dầu hôi hiệu con Sò được đựng trong thùng hai mươi lít. “Bánh Cuốn Tây Hồ” do Bà Cà, còn có tên là Bản làm chủ, nằm trong đền thờ chí sĩ Phan Chu Trinh. Đa Kao đã đến đây thọ giáo với Bà Thọ một thời gian, trước khi xuống núi khởi nghiệp bánh cuốn tráng hơi. Hiện nay Bánh Cuốn Tây Hồ phát triển thành mấy tiệm ở Sài gòn do các con bà làm chủ và không hề có chi nhánh nào ở nước ngoài.

Hẻm xóm Giếng có thể kể thêm một nhân viên làm cho trường Đại Học Luật Khoa Sài gòn. Tên ông là HĐM. Chức vụ chỉ là thư ký đánh máy tầm thường. Tuy nhiên, năm nào trước mùa thi Luật, hay sau khi có công bố kết quả thi cử. Xóm Giếng xuất hiện nhiều xe gắn máy của sinh viên đang học ở đây. Họ ào ào đến tìm ông với gương mặt hớn hở. Trên tay không quên cầm theo chút quà cáp để biếu ông. Có lẽ bàn tay ông đã giúp cho họ trong khả năng mà ông có thể làm được?

Cạnh phòng mạch bác sĩ BV  là trường dạy lái xe hơi Yên Đổ. Kế bên là nhà in NMH. Ông chủ nhà in tướng oai vệ. Đi đâu cũng tự lái chiếc xe màu xanh, hiệu Simca. Tay phải xách theo cặp da như sắp đi tham dự hội nghị quốc tế. Ông rất có uy tín, nên được các Cha Cố, các Thầy tin cậy. Cô con gái lớn của ông là nữ sinh Trưng Vương tên NKT. Cô là thi sĩ tuổi học trò. Thơ của cô được đăng thường xuyên trên các báo Ngôn Luận, Chính Luận, Văn Nghệ Tiền Phong… Đặc biệt, thi sĩ học trò NKT chỉ sáng tác các bài thơ ca ngợi Lính, và chỉ tặng riêng cho các anh SVSQ Trường Võ Bị Đà Lạt. Do đó, cô còn có thêm biệt danh là “Người Tình Alpha Đỏ.” Cô lập gia đình với một SVSQ tốt nghiệp trường này. Khi mãn khoá, chàng chọn binh chủng Mũ Nâu.

Người hùng của nhà thơ cũng từng theo học “Đại Học Máu”nhiều năm. Còn cô em kế của nhà thơ tên NPN cũng là nữ sinh Trưng Vương. Dáng đẹp hơn chị, với gương mặt trái xoan, tóc để dài, được nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng, cô chỉ thích được “Ôi Phi công danh Tiếng Muôn Đời và Nhìn Xa Phi Trường Việt Nam … Đi không ai tìm được xác rơi” Nên một chàng phi công trực thăng ở Sư Đoàn 4 Không Quân tên NĐD, đẹp trai giống như tài tử Đại Hàn nổi tiếng Chơi Xong Dông nhà trong hẻm Cù Lao, số 60 Yên Đổ đã chiếm được “Trái Tim Mùa Đông” của nàng, để lại bao nhiêu cây xi hát bài “ Em Đưa Tôi Sang Sông.”

Nhà in NMH nằm ở dưới lầu. Phần trên lầu là nhà của song thân một sinh viên khoá 16 Võ Bị Đà Lạt tên TTT, phục vụ tại Sư Đoàn 4 Không Quân. Hai cô em gái kế trông thật duyên dáng và dễ thương là D.A và D.H… Không có anh lính hào hoa nào“Gõ Cửa Trái Tim” được hai nàng. Có lẽ các nàng ngại đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo, nên không dám đi trên con đường dài này? Cũng có thể các cô lo sợ, chẳng may các anh kẹt tiền đem bán đi cái quần của mình, xong các anh đi lom khom thì khốn khổ đời em?

Bây giờ phải kể đến một tiệm tạp hoá của người Hoa nằm ngay đầu hẻm 60 và 62 tên Quảng Đức Long rất lớn trong vùng. Bà con gọi bà chủ là thím Xẩm Bài Bà goá chồng và tần tảo nuôi các con. Tiệm bán mọi thứ hàng hoá, thực phẩm thiết dụng hàng ngày cho bà con lao động. Bà Quảng Đức Long phúc hậu và rất tốt với mọi người. Bà sẵn sàng bán thiếu cho bất cứ ai gặp khó khăn không cần làm sổ sách. Khi nào có tiền trả cũng được. Hình như ai ai cũng đều trả sòng phẳng và đúng hẹn. Bà có hai đứa con trai tên Xí và Ngầu. Khi đến tuổi quân dịch. Không muốn cho con làm lính kiểng, lính ma, hoặc chạy chọt được miễn dịch, nên bà đã bỏ ra một số tiền lớn để lo cho hai cậu đi bằng đường bộ sang Cam Bốt. Rồi từ đó, có đường dây đưa sang Hồng Kông. Cô con gái tên Xây Dùng, đẹp người, đẹp nết. Tuổi ngoài ba mươi, mà vẫn còn ca bài “Sầu Lẻ Bóng.”

Từ ngoài đầu hẻm 60, phía bên trái là tiệm thuốc Tây Nguyễn Huy do Dược Sĩ Nguyễn Huy làm chủ. Tướng ông cao lớn như người ngoại quốc với vầng trán cao, hai con mắt lồ lộ. Sau năm 1975, bà con trong vùng vẫn còn gặp hai ông bà một thời gian. Nhưng sau đó, thì nghe tin đồn là cả hai ông đều mất tích trong“Chuyến Tàu Hoàng Hôn.” ngoài biển khơi.

Nếu đi thêm khoảng mười thước là gặp một cây me lớn ở phía trước nhà Luật Sư ĐXQ… Ông tốt nghiệp Cử Nhân Luật tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội khoá đầu tiên vào năm 1930. Các con ông bà đều công thành danh toại. Hình như họ không nối nghiệp theo ngành của ông mà lại chọn theo ngành Y. Con gái ông là Bác Sĩ tốt nghiệp ở Mỹ và chồng cũng là Bác Sĩ đang hành nghề ở Nam Cali.

Quẹo trái là hẻm 62, còn gọi là xóm nhà Đèn, vì đa số dân trong xóm là người sinh quán ở Quảng Bình, miền Trung. Tất cả chuyên làm về điện. Họ kéo vô Nam lập nghiệp và rủ rê nhau cùng vào đây sinh sống. Hẻm này đi ra được đường Công Lý và chùa Vĩnh Nghiêm. Hai ca sĩ thần đồng Phương Mai, Phương Dung của ban tạp lục Tùng Lâm và nhạc sĩ “Xích lại gần em tí nữa đi em” Mặc Thế Nhân cũng ở trong con hẻm này.

Hẻm 60 rất dài. Giữa xóm có một hẻm nhỏ là hẻm xóm Vựa Gạo, đi ra được đường Hai Bà Trưng. Cuối hẻm 60 là một ngã ba giáp với sông Cầu Kiệu. Chiều chiều con nít rủ nhau ra đây tập lội, ôm thân cây chuối bì bà, bì bõm dưới sông. Có hôm gần mười em đứng trên cầu Kiệu. Đợi người đi bộ qua đông, rồi chúng cùng đếm: Một, Hai, Ba. Tất cả “pờ lông dông” xuống sông, làm nước bắn tung toé, ướt cả người đi đường.  Bà con không làm gì được chúng, chỉ còn nước chửi “Đồ Cô Hồn Sống, thế nào có ngày tụi bây cũng sẽ bị Ma Da rút.”

Trong hẻm 60 có một tiệm giặt ủi quần áo không tên. Từ ngoài đường đi vào, tiệm nằm phía tay trái. Ông bà có một con gái và năm con trai. Trong số đó có một người con nổi tiếng trong giới giang hồ, võ lâm thời đó là VĐK, tức S.. Đảo. Tướng người cao ráo, đẹp trai, có nét ngạo mạn và oai hùng. Thống lĩnh khu vực Ông Tạ, bảo kê nhiều sòng ru lết và vũ trường. Anh được nhiều phụ nữ ưa thích. S.. Đảo bị bắn chết trước một vũ trường ờ Quận 1, Saigon. Lúc anh đang lui cui, cúi xuống xem bánh xe mô tô bị ai đâm lủng. Sau này, được biết thủ phạm bắn anh là Phạm Bá …có tật ở chân. Sau 30/04/1975 Phạm Bá.. bị tử hình và bị xử bắn tại trường bắn Thủ Đức vì tham gia nhiều vụ cướp dùng súng giết người.

Anh còn có một em trai là VĐC…, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận bị một đàn em thân tín của Đại Ca Thay là Lâm Chín ngón đâm chết trong khám Chí Hoà. Người em khác của anh là Sĩ Quan thuộc Binh Chủng Dù đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại đèo Lao Bảo. Em nhỏ nhất tên VĐT.. cũng đã mất. Người em cuối cùng là VĐH mất ngày 29 tháng 07, năm 2014…Có thể xem đây là Ngũ Hổ Tướng của vùng Tân Định.

Cũng cần phải thêm một nhân vật đặc biệt là TNP… Anh tốt nghiệp khoá đầu tiên Trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Gương mặt có một chút rỗ hoa, nhưng bù lại ăn nói rất có duyên và có tài kể chuyện tiếu lâm, ai nghe cũng thích. Ngoài ra, anh còn có thêm một giọng hát tuyệt vời và cao vút. Nhất là bài Mexico, anh hát chẳng thua gì danh ca Cao Thái vào thời đó. Nhờ những ưu điểm này mà “Cô Láng Giềng” tên L..là nữ sinh xinh đẹp trường Thiên Phước đã theo chàng bỏ cuộc chơi rất sớm.

Người anh ruột của anh là TNG thổi kèn Trumpet rất hay. Bài hát chuyên trị duy nhất mà anh thường xuyên thổi vào mỗi đêm là Cầu Sông Kwai (The Bridge on the River Kwai.) Mỗi khi tiếng kèn của anh vừa vang lên, thì cùng lúc đó xướng ngôn viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng vừa cất tiếng “Bây giờ đã là mười giờ đêm. Xin bà con, cô bác vui lòng vặn Radio vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền lòng hàng xóm đang cần yên tĩnh, để nghỉ ngơi.”

Hẻm 60 còn gọi là xóm Cù Lao rất rộng. Xe cam nhông lớn đi vào đươc. Ngay đầu hẻm có một máy nước bốn vòi. Nơi đây có một khoảng đất rộng, tự nhiên biến thành một cái chợ nhỏ hoạt động sáng, trưa, chiều tối. Nào là: xôi, bánh bèo, bún riêu, sữa đậu nành, sâm bổ lượng, nước mía, khô mực, hủ tiếu mì, bò viên, khô mực, hột vịt lộn, thuốc lá lẻ, bắp nướng mỡ hành, ốc gạo, ốc len xào dừa, đậu xanh, đậu đỏ, bánh lọt, chè đậu đen, bông cỏ, hột é, khoai mì chà bông, rau trái, hoa quả…sửa xe đạp, sửa gắn máy, hớt tóc bình dân. Đặc biệt, mấy bàn bán vé số “Kiến Thiết Quốc Gia” rất hấp dẫn và lôi cuốn bà con. Ai ai cũng ôm giấc mơ trở thành triệu phú để đổi đời.

Hàng tuần, vào mỗi chiều Thứ Ba. Họ đón chờ kết quả do các em thiếu nhi quay số được tổ chức tại Rạp Thống Nhứt, hay còn gọi là Rạp Norodom, nằm trên Đại Lộ Thống Nhứt kế Toà Đại Sứ Anh Quốc và đối diện Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Nếu trúng gió, thì coi như góp một viên gạch nhỏ xây dựng nước nhà. Cùng đồng ca bài Khoẻ Vì Nước, Kiến Thiết Quốc gia của Nhạc Sĩ Hùng Lân, hay chế ra thành khoẻ vì nước, bánh ướt tôm khô.

Và một bài hát khác đã đi sâu vào tận hang cùng, ngõ hẹp mà hình như hầu hết mọi người đều biết là: “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia”của Nhạc Sĩ Trần Văn Trạch, mà báo chí còn đặt cho ông thêm một biệt danh là “Quái Kiệt.”

Kiến thiết quốc gia. Giúp đồng bào ta. Xây đắp muôn người. Được nên cửa nhà.

Tô điểm giang san. Qua bao lầm than. Ta thề kiến thiết. Trong giấc mộng vàng.

Triệu phú đến nơi. Năm mươi đồng thôi. Mua lấy xe nhà. Giàu sang mấy hồi.

Kiến thiết quốc gia. Giúp đồng bào ta. Ấy là thiên chức của người Việt Nam.

Mua số mau lên. Xổ số gần đến. Mua số mau lên. Xổ số… gần… đến

(Nhạc Sĩ Trần văn Trạch -1952)

Nơi đây, cũng là bến đậu của các bác xích lô, ba bánh và Honda ôm chờ đón khách. Lâu lâu cũng xảy ra tình trạng lời qua, tiếng lại, rồi đưa đến ẩu đả vì giành giật khách hay chạy phá giá.

Nằm cạnh bên nhà thuốc Nguyễn Huy là chỗ cho mướn xe xích lô máy của ba má anh Th.., nhân viên thuế vụ ở Gia Định, có em trai tên Kh..là sĩ quan TQLC, cũng thuộc  dân chơi thứ thiệt. 

Cách một căn là giang san của ban kích động nhạc Les Vampires rất nổi tiếng vào thập niên 60, 70 với Tòng thổi Saxo, Hồng Hải chơi trống. Kế đến là nhà số 74 YĐ của nữ tài tử Mai Trâm và Đạo Diễn Vĩnh Noãn. Cô Mai Trâm là một trong những vai nữ chính của phim“Chúng Tôi Muốn Sống.” Cô có hai công chúa tên Mai D.. và Mai V..cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ, được nhiều thanh niên trong vùng ngắm nghé. Nhưng chẳng anh nào lọt được vào mắt xanh hai nàng. 

Kế bên là nhà ông thầu khoán. Ông có một công tử tên Kh.. là bạn của N..Thịt Bò, Hai Bà Trưng ,Tân Định,cũng thuộc loại “ham vui hơn ham học.”

Về sau, gia đình cô Mai Trâm bán lại cho vợ chồng nghệ sĩ Việt Hùng và Ngọc Nuôi. Ở được một thời gian Việt Hùng và Ngọc Nuôi lại bán cho chị Sáu Nh.. Chị người miền Nam, ăn nói nhỏ nhẹ, vóc dáng có da, có thịt. Luôn Luôn đeo cặp kính trắng gọng vàng ra vẻ trí thức. Chị cho sửa căn nhà thành một “Tiệm Phở Hạng Sang.” Tiệm phở của chị tuyển chọn nhân viên chạy bàn rất trẻ, cao ráo, xinh đẹp và có thể thi hoa hậu được. Đa số khách đến ăn phở là dân áp phe, giới văn nghệ sĩ, giới có chút tiếng tăm. Đôi khi cũng có các quan chức trong chính quyền. Còn như  thợ thuyền, lính lác, thư ký công nhật …với đồng lương ba cọc, ba đồng, thì chỉ ăn phở trong mơ, hay hàm thụ mà thôi! Đành chấp nhận an phận, thủ thường xơi cơm nấu ở nhà, xực quà do vợ mua cho chắc ăn . Nếu hôm nào đầu óc bừng bừng lên tới não và thèm Phở quá! Không thể nào nhịn được, thì chỉ dám thưởng thức loại Phở Bình Dân gồm bánh phở và nước lèo lỏng bỏng mỡ màng ở các địa danh như: Tân Bình, Lăng Cha Cả, Xóm Mới, Gò Vấp, Ngã Ba, Ngã Năm, Bệnh Viện Cộng Hoà, Cây Da Xà, Xóm Mả Lạng, hay qua Cầu Hàn tuốt bên kia Tân Thuận, cuối đường Trịnh Minh Thế. Đa số các tiệm phở ở đây đều thiếu vệ sinh, nhơ nhớp, kèm theo môi trường rất độc hại và không an toàn. Thực khách ăn vào dễ bị trúng độc vì phở có pha nhiều bột ngọt, hàng the, thuốc tẩy và hoá chất bán đầy rẫy ở chợ Kim Biên. Khi đó phải đi súc ruột ở bệnh viện nằm ngay góc ngã ba đường Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan ,Quận 3, Sài gòn, gần trường Colette  để chữa trị cho kịp thời. Nếu không điều trị sớm, thì dễ làm thiu tô cơm nguội ở nhà. Chưa kể gia đình có thể tan nát, vợ con nheo nhóc vì chê cơm nguội,ham ăn phở ngoài đường.

Muốn thưởng thức tiệm phở chị Nh.. phải có quen biết trước, hoăc qua sự giới thiệu của những khách đã từng đến đây, thì may ra mới được tiếp. Còn lạ quắc, lạ queo thì coi như “Vô phận sự – Xin miễn vào – Cảm ơn.” Hầu như khách đã vào đây ăn một lần. Khi ra về, thực khách đều tấm tắc khen Phở Ngon. Không nghe ai phàn nàn, phê bình, hay chê gì hết! Có lẽ được các em bưng phở săn sóc, phục vụ tận tình, chu đáo từ A đến Z? Đúng là“Vui lòng khách đến – Vừa lòng khách đi !”

Chị Nh.. kết bạn với nhiều người đàn ông có chức, có quyền đương thời. Mục đích chỉ dựa hơi và dán “Lá bùa hộ mệnh” trước cửa tiệm để buôn bán được dễ dàng, không bị gây rắc rối, phiền nhiễu. Người tình già nhân ngãi, non vợ chồng cuốí cùng của chị là một Sĩ Quan Huấn Luyện Viên Thể Dục,Thể Thao và Võ Thuật ở một đơn vị đóng cách Sài gòn khoảng 30 cây số. Chàng cao lớn, oai vệ, đẹp trai. Lúc đó, chị mua một chiếc Mustang màu đọt chuối đời mới nhất tặng chàng, để cho chàng le lói với đời và giữ chân chàng khỏi lông bông, lang bang đi lạc quên đường về. 

Sau ngày 30 tháng 04, năm 1975, chàng bị kẹt, nhưng chị vẫn giữ một lòng chung thủy. Đi thăm nuôi, tiếp tế ông rất đều đặn. Chị Nh.. qua đời vì ung thư ngực lúc tuổi ngoài năm mươi. Thời gian cuối đời chị thường đi lễ chùa, ăn chay, tụng kinh sám hối và làm từ thiện. Hy vọng kiếp sau chị sẽ có đời sống yên bình và nhẹ nhàng hơn.

Qua khỏi tiệm phở chị Nh..là một Villa của người Trung Hoa. Bà con thường gọi là nhà ông Xi Na (China) với những cây bông sứ già cho bông trắng và vàng rất thơm. Sau đó đến một vựa gạch, cát, đá, xi măng, rồi đến con hẻm 82. Hẻm đi ra được đường Công Lý. Trong hẻm cũng xuất hiện một tiệm Phở cũng thuộc loại hạng sang do bà Đ..làm chủ. Bà có dáng người mảnh khảnh, nước da trắng đẹp, tóc búi tó củ hành, giọng nói dịu dàng dễ gây cảm tình.

Từ ngoài đầu hẻm đi vào tiệm phở phải đi qua tiệm may HaiVe chuyên may nón lưỡi trai rất nổi tiếng. Một thời, muốn được gọi là dân chơi Sài Gòn thì phải đội nón do Hai Ve sản xuất. Bây giờ, chủ tiệm Hai Ve than thở thấu trời mây! Không còn nhiều khách đến đặt may nón nữa! Vì khi ra đường, bà con phải đội nón bảo hiểm, còn gọi là“Nồi Cơm Điện.” Đi thêm vài thước, quẹo phải có một ngõ hẻm nhỏ đi ra được hai hẻm 62, 60 Yên Đổ và đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Nếu tiếp tục đi khoảng mười thước sẽ gặp tiệm phở của bà Đ..phía bên phải, ngay cua quẹo ra được cư xá Công Lý.

Mặc dù, nằm tuốt trong hẻm sâu, nhưng tiệm phở của bà Đ..cũng nổi tiếng không thua kém gì tiệm phở của chị Nh… Nhân viên phục vụ ở đây cũng đông, được tuyển lựa kỹ càng. Tiêu chuẩn phải xinh đẹp. Biết cách ăn nói, săn sóc và niềm nở với khách hàng. Muốn vào thưởng thức cũng đòi hỏi có sự quen biết trước, hoặc thông qua người thân tín giới thiệu. Đúng là thời buổi nào “Quen biết cũng vẫn hơn.”

Những lúc khách bên này đông, bên kia ế, thì chị Nh..và bà Đ..sẵn sàng cùng nhau hổ tương, tác chiến hợp đồng. Mặc dù, kinh doanh cùng một mặt hàng tương tự. không cần phải bỏ vốn đầu tư nhiều. Chỉ dùng  vốn trời cho do các nhân viên tự nguyện đóng góp vào. Nhưng giữa chị Nh.và bà Đ…chưa bao giờ xảy ra những xích mích, tranh chấp và cạnh tranh nghề nghiệp để đi đến mất lòng, rồi oán thù nhau.

Sau này cần phát triển, khuếch trương mạnh hơn. Bà Đ..cho ra đời thêm một tiệm Phở Đặc Biệt. Đó là Villa số 71A HTC của một ông lớn, nằm sâu trong hẻm rộng xe hơi chạy vào được, rất yên tỉnh, gần bên là nhà may Nguyễn Hà. Nhờ chút “hơi hám” của ông chủ nhà mà tiệm phở mới của bà không ai dám đến quấy rầy hay bắt chung tiền mãi lộ. T

Tiệm Phở mới rất đông khách vì sang trọng hơn, nằm đối diện với Villa của một sĩ quan cao cấp, số 80 HTC. Ông này cặp bồ với một cô đào cải lương nổi tiếng, khiến bà vợ Hoạn Thư nổi cơn ghen tam bành làm ùm lên. Kéo theo đám để tử của ông đi đánh ghen ì xèo. Nhân dịp này, báo chí Sài gòn tha hồ thêu dệt chuyện gia đình của ông Quan Sáu, mà gốc gác to hơn cây cổ thụ trồng trong Dinh Độc Lập, hay còn gọi là Phủ Đầu Rồng. 

Giờ đây, ông đang hưởng tuổi già ở một thành phố của Bắc Cali. Thỉnh thoảng ông ngồi tâm sự bên ly cà phê đắng với các chiến hữu về thời quá khứ vàng son, tiền hô hậu ủng của mình ở một Trung Tâm Thương Mại lớn của vùng này. Ông thở dài và nói “Bây giờ, nếu có theo Trời Theo Phật thì “Qua” cũng không còn gì để tiếc nuối.

Riêng, cô đào cải lương vẫn còn ở Việt Nam. Qua những năm tháng thăng trầm, bềnh bồng, ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh vì nghiệp dĩ. Bây giờ, tuổi đời cô cũng đã ngoài bảy mươi. May mắn, cô có cuộc sống ổn định và dư giả. Cô thường đi viếng các chùa chiền, thăm các cô nhi viện, giúp đỡ các nghệ sĩ già neo đơn, khó khăn không còn con cháu lo lắng, săn sóc. Lâu lâu cô cũng được mời thuyết giảng về Căn Nghiệp và Nhân Quả ở đời.

Sau năm 1975. hai tiệm phở của Bà Đ..không còn nữa ! Gia đình bà vẫn tiếp tục sống ở hẻm 82. Sáng sớm bà và chồng hay đi lễ ở nhà thờ Tân Định. Trên tay lúc nào cũng lần xâu chuỗi hạt màu đen.

Có một điều dân chúng trong vùng rất ngạc nhiên! Một thời gian dài buôn bán ồn ào, đình đám, ì xèo và nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhưng cả ba tiệm Phở vùng Yên Đổ, Tân Định không bị chính quyền Phường, Quận và Thành Phố để mắt hỏi thăm sức khoẻ, hoặc bị làm khó dễ. Nếu hôm nào có tổ chức hành quân cảnh sát đến xét “Môn Bài Kinh Doanh” thì hôm đó cả ba tiệm hình như đã được báo động cùng treo bảng xin cáo lỗi “Tiệm tạm đóng cửa vài ngày đề sửa sang. Khi nào mở lại sẽ thông báo đến quý khách.”

Nhân dịp nghỉ giải lao bất đắc dĩ này. Nhân viên không được phát lương. Vì quen ăn xài lớn, nên thiếu thốn, phải đi mượn tiền với phân lời cắt cổ “xanh xít, đit đui.” Buồn chán, nhàn rỗi không biết làm gì, nên ban ngày tụ họp lại giải trí cờ bạc như: bài cào, tứ sắc, cắc tê, dì dách, cá ngựa. Tối đến cùng kéo nhau đi xem đại nhạc hội, hát bộ, cải lương. Có vài nhân viên còn đi viếng núi Bà Đen, núi Cấm, núi Châu Thới, núi Chứa Chan, núi Sam, núi Sập, hay miếu Bà Chúa Xứ  ở tận Châu Đốc để xin xăm, bói quẻ. Cầu mong Thánh Thần phù hộ cho tiệm phở mau mở lại và đông khách hơn, để có tiền trả nợ, sắm quần áo, mua phấn son, trả tiền mướn nhà và cung phụng cho đám giang hồ bảo kê.

Chiến dịch hành quân chỉ làm chiếu lệ cho lấy có. Vài hôm sau, cuộc bố ráp chấm dứt thì đâu cũng vào đấy! Ba tiệm phở cùng hạ bảng tạm đóng cửa xuống, và tái khai trương trong tưng bừng, rầm rộ nhằm gỡ gạc lại những ngày đóng cửa bị thất thu.

Sau hết, xin nói về một Villa lớn rất đẹp với hoa, lá, cây, trái, hòn non bộ và nuôi nhiều chó. Đó là cơ ngơi của ông Đội Có. Ông rất giàu gồm: nhiều đất đai, nhà cửa cho mướn. Các bất động sản của ông nằm đối diện với chợ Phú Nhuận, mà bên cạnh có xe nước mía nổi tiếng. Hẻm Đội Có mang tên ông đã có từ trước năm 1975. Hẻm đi ra được đường Chi Lăng và ngược ra được xóm cầu Mới,Tân Định. 

Có lúc là Billards A Đ, tên cháu gái của ông. Cô là nữ sinh trường Marie Curie. Về sau dẹp Bida, mở cà phê nhạc rất đắt khách, vì nhạc hay, mới nhất và dàn âm thanh sống động. Hiện nay, Villa không còn nữa. Con cháu được hưởng quyền thừa kế đã đem bán và chia phần. Villa này bị đập phá hoàn toàn và một công trình xây dựng về Cứu Hoả đã được mọc lên.

Xin phép được dừng ở đây! Còn nhiều chi tiết không thể nào nhớ hết! Xin bà con Tân Định và bất cứ ai có cảm tình với con đường Yên Đổ thân yêu. Hãy vui lòng bổ túc đoạn đường còn lại như: Xóm Lách có quán bán thức ăn chay chỉ bán vào ban đêm, xóm Bến Tắm Ngựa, hẻm cư xá Kiến Thiết Công Lý có Phở Cô Lan, xóm Bắc Kỳ hẻm 288 có phở Bà Dậu chính hiệu 100%, không giá, không rau sống, không bột ngọt và cũng không mở chi nhánh ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Hiện nay do con trai bà tên Bình, tuổi Ất Dậu tiếp tục làm chủ. Mặc dù, Bà Dậu tiêu diêu nơi miền tiên cảnh đã lâu, nhưng có rất nhiều tiệm Phở ở hải ngoại đều quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là phở của họ là phở Bà Dậu chính gốc trước năm 1975, do chính tay bà Dậu chế biến theo công thức gia truyền từ nhiều đời. Có lẽ các chủ nhân còn quyến luyến dư âm ngày tháng cũ, hay vì danh tiếng của tiệm phở này?

Ngoài ra, còn kể thêm hẻm Hàng Không Việt Nam mà đa số nhân viên làm cho Air Việt Nam hay Nha Căn Cứ Hàng Không Tân Sơn Nhất cư ngụ, chùa Vĩnh Nghiêm nằm dưới chân cầu Công Lý, gần trường Tiểu Học Sao Mai. Hai viện bào chế Vanco và TVT của Dược Sư Trương Văn Chôm, Cảnh Sát Cuộc Đặng Văn Bắc, Cư Xá Yên Đổ, Trung Tâm Đắc Lộ, Sở Mục Súc Đô Thành Sài gòn hay còn gọi là Sở Thú Y, số 254 Yên Đổ – Quận 3. 

Cứ mỗi buổi sáng cho xe đi bắt các chú chó chạy rong ngoài đường. Tài xế lái xe rất chậm, rảo quanh các ngả đường của thành phố. Đứng hai bên cửa tài xế là hai nhân viên tay cầm cây thòng lọng. Mắt lúc nào cũng láo lia, láo lịa nhìn hai bên lề đường. Khi thấy một em chó nào đang “Ôi ta buồn. Ta đi lang thang bởi vì đâu”, hoặc đang chui rúc đầu trong thùng rác kiếm ăn. Nhanh như chớp, hai chàng nhảy ngay xuống xe. Với thao tác chuyên nghiệp, thành thạo. Trong tích tắc, em chó đã bị thòng lọng thắt vào cổ, không kịp la ú ớ, và bị ném rất nhanh vào trong cũi sắt. Em được đem về Sở Thú Y nhốt tạm, chờ chủ nhân đến đóng tiền chuộc và chích ngừa. Sau vài ngày không đến chuộc thì các em sẽ được cho đi đầu thai kiếp khác.

Cuối cùng, là một ngôi chùa Miên nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng nhìn ra phía đường Kỳ Đồng có Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế với hang đá lớn lộ thiên rất linh ứng, được nhiều bà con không phân biệt tôn giáo đến cầu nguyện, xin được Ơn Trên ban phước lành và phù trợ.

Xin chào đoạn đường Yên Đổ “Kỷ niệm Ấu Thơ của tôi”. Bây giờ, nhiều người cũ một số đã đi vào miền miên viễn, một số về quê hay lập nghiệp nơi phương trời khác. Thay vào đó là những người hoàn toàn xa lạ dọn đến. Nhà cửa, hàng quán, các kiến trúc cũ đã được xây dựng mới.

Một thời gian nữa, các dấu tích ngày xưa sẽ biến mất hẳn.Và tất cả chỉ còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ mà thôi!

Trần Đình Phước



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 30/Jul/2022 lúc 12:13pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Aug/2022 lúc 3:18pm

Tiếng Lóng Sài Gòn 


Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời "tiếng lóng" khác đến thay thế. 

Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành tiếng lóng "sức mấy" để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố "Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám".
Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn thời chiến, quê hương chiến tranh buồn phiền; "sức mấy" đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt "tính tính tè tè, tè ti tè ti té", làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn mà sinh ra tiếng lóng "xưa rồi Diễm ơi", mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó,mà người nghe không muốn nghe thêm nữa.

Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà/Tour Ivoire, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng lóng "Cai gà", gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành "mã tà".

Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: "gác-dang" tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang.  

Cũng như nói "de cái đít" tức lùi xe en arrière; tiền cho thêm người phục vụ tiếng Pháp: pour-boire âm bồi gọi "tiền boa", sau này chế ra là "tiền bo". 

Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là "con cò", còn nếu gọi "ông cò" là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi "thầy cò" tức là các ông chữa mor***e các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói "cò mồi" là tay môi giới chạy việc, "ăn tiền cò" thì cũng giống như "tiền bo", nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới. 

Thời kinh tế phát triển, đi xe auto gọi là đi "xế hộp", đi xe ngựa gọi là đi "auto hí ", đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là "xe điếc", đi nghỉ mát Cap Saint Jacques = Vũng Tàu  gọi là "đi Cấp".  

Đi khiêu vũ gọi là "đi bum", đi tán tỉnh chị em gọi là đi "chim gái", đi ngắm chị em trên phố gọi là "đi nghễ", gọi chỉ vàng là "khoẻn", gọi quần là "quởn", gọi bộ quần áo mới là "đồ día-vía". 

Ði chơi bài tứ sắc các bà gọi là "đi xòe", đi đánh chắn gọi là "múa quạt", đi chơi bài mạt chược các ông gọi là "đi xoa", đi uống bia gọi "đi nhậu", đi hớt tóc gọi đi "húi cua". 

Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là "đi đầu dầu", tức các chàng trai ăn diện "đi nghễ" với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là "hết sẩy", quê mùa chậm chạp gọi là "âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai, gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được phân vai diễn gánh hát, đêm đêm họ cũng xách vali trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. 
"Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.

Ðào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi " tức uống café thiếu ghi sổ...

Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". 

Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu", các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là "luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải".  

Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư". 

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Ðó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ", "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư. 

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". 

Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, đạo đức giả, gọi là "Ðoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé...  

Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời. 

Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu 3 cẳng" thì thật không biết do đâu? 

Có lẽ cầu 3 cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Ðó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám". Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". 

Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy kia dẫn em dâu là ca sĩ Khánh Ngọc qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô. 

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà", "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi". 

Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. 

Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc.  

Ðể tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100 USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...


Lê Văn Sâm

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 12 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.234 seconds.