Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: ĐỜI SỐNG GIA DÌNH Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 03/Feb/2022 lúc 3:45pm

Hoài Niệm Về Góc Bếp Cũ: Thương Lắm Người Vợ Tảo Tần

Hoài%20niệm%20về%20góc%20bếp%20cũ:%20Thương%20lắm%20người%20vợ%20tảo%20tần%20-%20DKN%20News

“Giấc mơ của tôi được đánh thức như một thói quen, bởi mùi thơm ngào ngạt từ bữa ăn sáng trong gian bếp. Đã hơn tám năm nay, sáng nào cũng vậy, khi tôi và các con vẫn đang say giấc nồng, bất kể ngày đông giá lạnh hay ngày hè oi ả, em vẫn thức dậy từ rất sớm…”

Bài viết của người chồng trẻ Phạm Nguyên Phước (đến từ Tam Kỳ, Quảng Nam) đăng tải trên cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” với những lời tâm sự chân thành, pha chút ngọt ngào khiến người đọc dường như cũng hạnh phúc lây.

“Em hay nấu món mì Quảng, món ăn mà ngày xưa chúng tôi chỉ được thưởng thức vào những ngày mùa khấm khá, hay những ngày lễ tết. Mùi thơm của bát mì làm ấm cả gian bếp. Bất chợt, trong tôi có chút gì đó nôn nao lắm, nôn nao về những ngày đã cũ...

Nhớ ngày mới cưới nhau, hai đứa bắt đầu cuộc sống bằng món quà cưới của hai bên gia đình là mấy chỉ vàng. Vợ chồng cất tạm cái nhà nhỏ trong góc vườn bà nội. Nhà ở quê, mái lợp bằng lớp cỏ tranh sơ sài, bốn bề che chắn bởi phên tre, nên góc bếp của em cũng chỉ đơn giản là một cái kiềng ba chân kê tạm góc nhà. Phía trên bếp, tôi làm thêm một cái giàn bằng tre để em chất củi. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình tôi thuở xưa.

Góc bếp của em chất đầy những lá khô, cây mục, hay cả mớ rơm em phơi sau mỗi mùa gặt. Trên giàn bếp, túm hành túm tỏi treo lủng lẳng, và cũng chẳng thể thiếu mớ khoai khô em phơi từ mùa Giêng Hai để dành vào những ngày giáp hạt, hay mớ chè khô để nấu nước những ngày đông.

Ở quê, không có thói quen ra hàng ăn sáng, nên từ lúc tờ mờ, em đã trở dậy, để kịp có bát cơm nóng cho tôi lót dạ đi làm đường xa, có bát cháo nóng hổi cho con gái mới vừa đầy tuổi. Dáng em mỏng manh, tha thướt dịu hiền. Tôi hằng ngày đi làm, nên chỉ một mình em ra vào với ngọn khói mỏng, hăng hắc để mỗi chiều về tôi có bát canh nóng ăn cho ấm bụng.

Mùa đông, em kê cái đòn nhỏ cho con gái ngồi bên bếp lửa, vừa để sưởi ấm, vừa nấu ăn và trông con. Em kể chuyện, rồi đọc cho con nghe những câu thơ mà em đã thuộc từ thuở bé. Rồi thỉnh thoảng hai mẹ con phá lên cười, đôi lúc con gái lại trầm ngâm lắc lắc cái đầu nhỏ bé theo giọng điệu của câu thơ em đọc.

Những năm sau, cuộc sống khấm khá hơn. Em theo tôi về phố. Thành phố đối với em sao quá lạ lẫm và xô bồ. Nhà ở phố, cái gì cũng hiện đại hơn. Tôi dành hẳn một gian lớn để làm bếp. Mua sắm đầy đủ thiết bị, bàn ăn, tủ bếp, quầy… Không như ngày xưa góc bếp của em giản đơn, đầy khói bụi, bồ hóng giăng đầy tứ phía, khói vương cả lên khóe mắt, ra cả đàn gà em chăm ngoài sân. Khói nhảy nhót trên mái nhà, rong chơi trên đám cải xanh non mơn mởn em trồng ở góc vườn, khói vương vấn hôn lấy mái tóc dài óng ả của em, vịn vào mỗi buổi chiều khi em cùng con ngồi bên bếp lửa, mắt vẫn thỉnh thoảng đưa về phía ngõ, đợi bóng dáng quen thuộc về nhà. Và tôi biết, góc bếp ấy đã cho tôi mùi thơm của cơm mới ngày mùa, hay của bát canh lá rau rừng nóng hổi.

Về phố rồi buổi sáng rất nhộn nhịp, người ta thường ăn sáng bên ngoài. Còn em vẫn trở dậy từ sáng sớm, nấu cho tôi những bữa ăn sáng ngon lành. Bát phở, bát mì… thơm nức. Nhưng sao trong đôi mắt em vẫn phảng phất một nỗi buồn sâu lắng.

Chiều nay, em nấu cơm độn một ít khoai khô ăn với muối đậu. Con gái ngồi lắc đầu chẳng chịu ăn. Tôi nhìn em ăn ngon lành mà thấy lòng nôn nao khó tả, có lẽ trong tôi đang tràn ngập cái cảm giác nôn nao về những ngày đã cũ, ngày vợ chồng còn khó khăn ăn cơm độn khoai, vương đầy mùi khói bếp. Em quay sang bảo con gái: ‘Ngày xưa ở quê, ba mẹ thích ăn món này lắm, mà từ lúc mẹ còn nhỏ như con, bữa nào có gạo nấu cơm để độn khoai thế này là sướng rồi’.

Rồi em quay sang tôi với ánh mắt đượm buồn nỗi nhớ: ‘Mình ăn bữa này để nhớ lại góc bếp ngày xưa, góc bếp đầy khói bụi anh nhỉ?!’.

Tôi mỉm cười rồi nói: ‘Mà sao bát cơm này anh nghe nhạt nhạt, chắc là tại thiếu mùi hăng hắc của khói đây mà’.

Em cười rồi tựa đầu vào vai tôi hạnh phúc. Vợ chồng tôi ngồi cùng nhau trên chiếc bàn ăn sạch sẽ, sáng bóng trong một gian bếp hiện đại mà sao lòng cứ nhớ mãi về góc bếp ngày xưa.

Tuy góc bếp thay đổi nhưng người vợ miền núi của anh vẫn thế, vẫn rất chăm chỉ và nấu ăn ngon!”.

Cuộc sống hiện đại đủ đầy và tiện nghi, nhưng có những niềm hạnh phúc chỉ bắt nguồn từ giản dị. Hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ căn bếp ấm lửa, và hạnh phúc của căn bếp dường như lại bắt đầu từ tình cảm yêu thương bất chấp những nhọc nhằn…

 Hà Châu | DKN



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 03/Feb/2022 lúc 3:53pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 04/Feb/2022 lúc 4:38pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 07/Feb/2022 lúc 3:56pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 08/Feb/2022 lúc 9:35am

 Khi mùa đông về

Hình%20nền%20động%20tuyết%20rơi%20mùa%20đông

- Hello!

Anh quản lý nhân viên vắn tắc chào, rồi bước nhanh vào căn phòng làm việc của mình. Quay ra, anh đưa cho chúng tôi 3 áo khoác màu xanh dương, có in dấu hiệu của cơ quan từ thiện Công giáo:

- Tốt lắm! Gia đình anh vừa đúng 3 người cần cho một toán … không cần chờ thêm ai hết …

Chỉ tay qua dãy bàn đang chất đầy các bịt ly và bình giữ nhiệt đã có sẵn cà phê, anh tiếp lời, giải thích công việc phải làm:

- Cũng như năm trước! … cà phê có đường và không đường, … nửa ly mà thôi! … Ai không chịu thì bảo họ vào đây gặp … Mike …

Vừa nói tên, vừa chỉ vào hướng bên trong bếp và anh lớn tiếng gọi:

- Hello Mike!

Người đàn ông mang kiếng cận, mặc áo trắng đồng phục nấu ăn trong nhà hàng đang bận rộn bên dãy lò gần đó, chắc là không có thời gian để lắng nghe câu chuyện bên ngoài này, nhưng nghe kêu tên mình, ngó ra thấy là bạn gọi thì cũng đưa tay lên chào:

- Hello Rick!

Anh quản lý vui vẻ vẫy tay với Mike:

- Cám ơn Mike!

Rồi anh quay lại nói thêm với chúng tôi:

… hoặc là, quý vị bảo họ đến đây gặp … tôi!

Khi nói đến chữ “tôi”, anh chỉ tay vào ngực mình đầy tự tin, một cách như nửa đùa-nửa thật, cùng cái nháy mắt thân thiện với chúng tôi; rồi trở lại với công việc trong khu nhà bếp.

Anh quản lý có ý nói đùa, nhưng cũng rất thật!

Thật vậy, hầu hết những người vô gia cư trong thành phố, đã có lần đến dự các buổi ăn của cơ quan từ thiện này, đều biết Rick và Mike. Họ không chỉ biết vì hai anh làm việc ở đây, mà còn đã biết nhau từ nhiều năm qua; từ lúc mà cả hai hãy còn là … sống vô gia cư như họ!

Rick và Mike đều đã có một thời sống lây lất trên hè phố. Riêng Mike, đã từng tốt nghiệp về nấu ăn, đã có gia đình và công ăn việc làm đàng hoàng. Hoàn cảnh riêng của những người vô gia cư có khác nhau các nguyên nhân, hay là những gì đã an bài trong số phận; nhưng đều giống như nhau: một cuộc sống không nhà. Đa số đã tìm quên hôm nay và ngày mai; tìm cách thoát khỏi những đau xót của thể xác và tinh thần bằng rượu, bằng thuốc,… Khi tỉnh và biết đói khát, họ thường nhờ vào các tổ chức từ thiện, như nơi này, để có thức ăn hay nơi trú thân qua đêm, nhất là vào những hôm trời mưa bão, băng tuyết.

Và cũng từ nơi đây, rất nhiều người khốn cùng đã được giúp đở cai nghiện và tìm được lối quay về với xã hội cùng gia đình. Như Rick, anh đã làm bạn với ma túy từ lúc mới 14 tuổi, từng biết mua bán các thứ thuốc cấm lúc 17 tuổi; đến tuổi 41, anh được giúp cai nghiện và đã ở lại làm quản lý nhân viên cho cơ quan này. Như Mike, sau 23 năm nghiện ngập các thứ, nằm lăn lóc trên vỉa hè của nhiều thành phố; đến năm 57 tuổi, Mike đã tìm lại được niềm tin, có cuộc sống đầy ý nghĩa và là đầu bếp chính tại nơi đây, nơi đã cho anh chỗ trú thân và buổi ăn nhân ngày Giáng Sinh mà anh còn nhắc nhớ mãi.

Công việc của đội ngũ nhân viên đông đảo trong nhà bếp, để chuẩn bị cho buổi ăn vào dịp Lễ Giáng Sinh, thật là không giản dị. Họ phải nấu và dọn ăn trên 3 ngàn phần ăn hàng năm, phải cần đến cả ngàn ký thịt gà tây cùng hàng trăm ký cho mỗi thứ như khoai tây, các loại rau củ khác, … và 4 ngàn ổ bánh mì. Ngoài ra còn có món bánh ngọt tráng miệng kèm với kem.

Mặc thêm chiếc áo khoác của anh quản lý đưa cho mượn, để che bớt mưa gió và để dễ nhận diện là nhân viên thiện nguyện của cơ quan; chúng tôi lấy hai bình cà phê và hai bịt ly, rời bếp và đi đến đoàn người xếp hàng bên ngoài.

Mỗi năm, số người chờ đến phiên để vào ăn tiệc Giáng Sinh nơi đây càng đông hơn. Có phải chăng, nỗi đau thương khốn khổ của nhân loại dưới trần thế đã không hề giảm bớt!

Hãy còn sớm lắm!

Mãi đến 10 giờ 30 phút, phòng ăn mới mở cửa cho vào, nhưng từ trước 8 giờ sáng, hàng người đã dài hơn một góc đường rồi! Như các năm qua, người ta đến chờ để được nhận một trong ba ngàn phần ăn, từ cơ quan từ thiện này. Họ đã phải đứng trong mưa gió hay tuyết lạnh hơn cả giờ, để đến phiên mình được vào bên trong phòng ăn, nơi có bài thánh ca, không gian yên ấm, trang hoàng cây thông và đèn màu; nơi họ được mời ngồi vào bàn với các món ăn còn nóng ấm của ngày Lễ Giáng Sinh với thịt gà tây, cùng gói quà nhỏ thường là đôi vớ và bao tay ...

Đối với những người kém may mắn này, buổi ăn nhân ngày Lễ Giáng Sinh, trong khung cảnh yên ấm chan hòa tình thương như hôm nay, là bửa tiệc thịnh soạn, sang trọng nhất trong năm; có thể là lần đầu, hay biết đâu … sẽ là lần cuối cùng trong đời mình!

Mỗi toán phục vụ cà phê bên ngoài gồm có ba người, vì công việc và cũng vì an toàn. Một người phân phát ly, hai người cầm bình giữ nhiệt chứa cà phê. Mỗi bình cà phê đều có ghi rõ loại cà phê bằng chữ lớn, chữ “có đường” màu đỏ hay chữ “không đường” màu đen; để trong nhà bếp và người nhận cà phê đều thấy biết. Cà phê “không đường” dành cho những ai không thích uống cà phê có đường, hay bị bệnh phải kiêng cử chất có đường. Để nhiều người trong hàng sớm có chút cà phê nóng cho đở đói và ấm lòng, cần chia nhường với nhau, mỗi lần chỉ được nhận nửa ly cà phê. Nếu rót đầy mỗi ly thì rất mau cạn bình; nhân viên phải trở vào nhà bếp lấy bình cà phê khác và thời gian chờ có cà phê phải lâu hơn gắp đôi. Hơn nửa, rót nhiều thì cà phê cũng bị lạnh rất nhanh vì thời tiết giá lạnh của mùa đông. Có được ly cà phê trong tay cũng ấm tay và đở đói khát đôi chút. Hầu hết đều hài lòng qua ánh mắt và tiếng cám ơn. Nhưng cũng có vài người không vừa ý; khi có tiếng bực dọc nặng lời bảo phải rót cà phê cho đầy ly, thì mình vẫn vui vẻ chìu họ và rồi không ai buồn phiền thêm chi cả. Đấy cũng chỉ là những bực dọc và phản ứng rất bình thường theo đòi hỏi của cơn đói, vốn triền miên; mà những ai đã trãi qua rất dễ thông thông cảm. Còn nhớ thân phận đã từng bị giam cầm, gọi là “cải tạo”, sau khi miền Nam mất tự do; chắc hẵn chưa quên cơn đói triền miên và nỗi thèm khát đủ thứ. Thèm từ cái vô cùng quý giá đã bị cướp đoạt, từ sau tháng 4 năm 75, đó là được làm con người và có được tự do. Thèm đến các món ăn thật tầm thường như chút vị thơm ngọt khi đi ngang qua thùng đường mía, dù là loại rẻ tiền, màu đường đen đủi. Biết khao khát từng hớp nước cơm, hôm nào may mắn được bạn mình làm trong nhà bếp để dành cho một ly nhỏ; dù là nước từ chảo cơm tù đã nấu với khoai sùng trộn cùng mớ gạo đã củ mốc. Mớ gạo ấy có sâu bám dính lấy nhau thành từng cục lớn, lớn hơn trái chanh, nhiều cục sâu mốc như thế lắm, nhưng loại bỏ thì bị mất rất nhiều gạo. Gạo lúc này quý lắm! Hớp nước cơm như thế ấy vẫn rất quý! Biết đâu nó còn giúp ngăn ngừa hay giảm đi cơn bệnh phù thũng trong chốn tù đày. Tôi còn nhớ, mình ngậm và nuốt chậm chậm để lắng nghe vị ngon ngót, beo béo của chất đạm thấm dần vào vị giác và rồi lan ngấm trong cơ thể mình … Trong chương thứ sáu, với tựa đề là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, của tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã có viết:

“Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý “Vật chất quyết định hết thảy”. Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin vào đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào.”

Có đôi bàn tay cùng cầm giữ cái ly cà phê; đôi bàn tay đang bị run rẩy vì đói lạnh, hay vì yếu bệnh, hay vì cả hai. Bên cạnh cái bất cần đời khi đã quá từng trải với kiếp sống không nhà, có dáng dấp e thẹn cúi đầu hay dấu mặt dưới vành nón, của những người bất hạnh mới gia nhập vào đời sống trên hè phố. Trong ly cà phê trên tay rồi sẽ có những giọt nước mưa vô tình, chắc cũng có cả nghẹn ngào và nước mắt! … Nước mắt xót đau khi vận hạn đen tối, công danh sự nghiệp gặp lúc kém may mắn. Đoàn người gồm đủ các lứa tuổi và thể trạng. Hầu hết còn sức khỏe tự bước đi, một số ít phải chống nương với gậy hay đã phải ngồi trên xe lăn. Có thanh niên trai tráng, có thiếu nữ với đôi mắt tô xanh son phấn nhoè nhoẹt, có mái tóc bạc trắng lẹp xẹp nước mưa … Gồm đủ các sắc dân, da trắng không ít và cũng lắm người da màu; trong đó cũng có người Việt mình!

Mùa này, trời không tuyết thì mưa và tiết trời vẫn giá lạnh. Cái áo khoác có dấu hiệu của nhân viên thiện nguyện, mặc thêm bên ngoài, không giúp được lâu; một lúc sau thì nước mưa cũng bám theo mặt theo cổ, thấm dần vào các lớp áo bên trong. Mình thấy lạnh, nhưng chắc hẳn không sao bằng nỗi giá lạnh khi không nhà và thiếu cả mái ấm gia đình. Cái lạnh, cái ướt át và tăm tối cứ thế bám theo cuộc đời họ, không biết cho đến bao giờ mới rời đi …

Mưa suốt từ sáng sớm đến lúc này đã hơn ba giờ chiều. Có lúc trời mưa hạt rơi lưa thưa, nhưng vẫn chưa bao giờ chịu tạnh dứt. Các mảng tuyết còn sót lại hồi sáng, đã tan mất trong nước mưa tự lúc nào rồi. Lề đường và lối ra vào nhà bếp bây giờ sạch băng tuyết, dễ đi hơn. Thời tiết có ấm hơn nên mới có mưa, nhưng cái ướt át thì không ấm và dễ chịu trong mùa đông trên vùng Bắc Mỹ.

Nghe chúng tôi bước vào bếp hỏi tìm cà phê, Rick bước ra báo tin:

- Mình đã hết cà phê rồi!

Khả năng của cơ quan từ thiện có giới hạn và tùy thuộc vào sự trợ giúp hàng năm của những người hảo tâm.

Cởi trả áo khoác cho anh ấy, chúng tôi ra về. Các nhân viên thiện nguyện đang trở vào nhà bếp với bình cà phê đã cạn và rồi sẽ không còn trở ra với bình cà phê trên tay nửa. Mưa vẫn còn và hàng người chờ phần ăn vẫn còn dài. Thật tội nghiệp cho những ai đến muộn, không biết sẽ còn được những gì cho họ …

Chiều về.

Mùa đông, trời tối xuống nhanh lắm. Cuối năm, ngày càng ngắn lại. Mới hơn bốn giờ chiều, cơn mưa mù mờ làm đất trời tối sầm xuống.

Từ giữa tháng 11, một số đài phát thanh tại địa phương đã có chương trình nhạc Giáng Sinh. Các bài hát mùa Giáng Sinh nơi đây dễ làm mình thấy nhớ quê hương lắm. Khi mùa đông về, mùa Giáng Sinh cũng trở về; mang theo nụ cười và niềm vui đoàn tụ trong gia đình yên ấm, cùng nỗi xót xa đau cho những kẻ không nhà, thiếu mái ấm gia đình. Năm nay, trong cơn dịch cúm lạ còn đang bùng phát đợt thứ hai, dân chúng nơi đây vẫn chưa có thuốc chủng ngừa trước tháng 12; buổi ăn cho những người bất hạnh bên trong phòng ăn ấm cúng, chắc khó mà thực hiện được như những năm trước đây. Hàng người chờ phần ăn ngày Lễ Giáng Sinh hàng năm vẫn dài thêm, năm nay sẽ càng dài hơn vì luật giữ khoảng cách trong công chúng …

Mùa đông trên xứ người!

Khi mùa đông về, các lễ hội vui mừng nơi đây vẫn khó mà khoả lấp được nỗi lòng luyến nhớ quê hương, và … có ai thấu tình cô lữ trong đêm đông không nhà!

Quê nhà!

Ôi ta nhớ nhung … đường về xa vẫn xa!


Bùi Đức Tính

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/Feb/2022 lúc 1:46pm

Người Mẹ Già 

Con%20trai%20cõng%20mẹ%20già%20lên%20núi%20định%20vứt%20bỏ,%20trên%20đường%20đi%20người%20mẹ%20lẳng%20lặng%20%20làm%20việc%20này%20khiến%20anh%20hối%20hận

Ngày xửa ngày xưa, bên Nhật, ở dưới chân núi nọ có một ngôi nhà nhỏ, nơi đó có một anh nông dân trẻ và người mẹ già của anh ta. Họ có một mảnh đất nhỏ để trồng trọt rau cỏ, cây trái mà sinh sống, và như thế, hai mẹ con họ sống rất êm đềm và hạnh phúc.

Hai mẹ con người nông dân đó sống dưới quyền cai trị của một vị sứ quân. Ông ta là một võ sĩ đạo, thế nhưng lại có tư tưởng rất hẹp hòi về những người bệnh hoạn và yếu đuối. Bởi thế, ông ta đã truyền ra một mệnh lệnh rất tàn nhẫn. Toàn thể dân trong vùng phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh là, ngay lập tức, phải giết chết tất cả những người già cả. Trong thời bấy giờ, con người vẫn còn man rợ, và phong tục phế bỏ người già, để mặc cho chết là chuyện thường tình. Thế nhưng anh nông dân này thì rất yêu kính mẹ của anh ta, nên cảm thấy rất đau buồn về lệnh của vị sứ quân. Tuy nhiên, không ai dám trái lệnh của sứ quân, bởi vậy các người trẻ không thể làm gì khác hơn là chuẩn bị một cái chết êm đẹp nhất cho cha mẹ già của họ.

Vào lúc chiều xuống, ngay sau khi xong công việc đồng áng, người nông dân lấy một số gạo thật ngon, đây là loại thực phẩm chính của nông dân nghèo thời bấy giờ, nấu chín, rồi nắm lại thành nhiều nắm cơm, và dùng vải buộc thành một dây đeo quanh cổ, cùng với những bầu đựng nước ngon ngọt nhất mà anh ta có thể tìm thấy. Thế rồi anh ta cõng người mẹ già trên lưng và bắt đầu một cuộc hành trình đau thương nhất trên đời, leo lên đỉnh núi. Con đường lên núi thì thật dài, nhỏ hẹp và chằng chịt với những lối đi được tạo nên bởi những kẻ đốn cây hay săn thú rừng. Thế cho nên, người nông dân đã bị lạc ở một vài nơi, nhưng anh ta vẫn len lỏi và cố gắng để có thể leo lên đỉnh núi, nơi có tên là Obatsuyama, có nghĩa là "nơi phế bỏ người già."

Trái với sự mệt nhọc của người con, đôi mắt vẫn còn tinh anh của người mẹ già đã nhìn ra những rắc rối, khó khăn của những con đường leo núi chằng chịt. Lòng mẹ thương con khiến bà ta nghĩ rằng con trai mình sẽ, không những, gặp khó khăn trên đường xuống núi, mà có thể bị lạc vào những con đường nguy hiểm. Thế cho nên bà đã, lặng lẽ, cố gắng vươn cánh tay già nua, yếu đuối để bẻ những nhánh cây, vứt xuống đường làm dấu.

Sau cùng thì người con đã cõng mẹ lên đến đỉnh núi. Người nông dân, trong lòng đau sót vô cùng nhưng vẫn nén lòng để sửa soạn cho mẹ mình một một chỗ nằm cuối cùng thật yên ấm. Anh ta thu góp những lá thông để làm làm thành một chiếc nệm thật êm và đặt người mẹ nằm trên đó, rồi với dòng nước mắt chan hoà trên mặt, anh ta vái lạy từ biệt người mẹ thân yêu.

Với giọng nói run rẩy, và tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ, bà ta dặn dò người con lần cuối "Con hãy cẩn thẩn thận trên đường về. Đường lối chằng chịt, dễ bị lạc. Mẹ đã bẻ nhánh cây vứt xuống đường làm dấu, con cứ theo đó để về nhà an toàn." Người con rất ngạc nhiên quay lại nhìn con đường núi vừa đi qua và đôi tay gầy guộc của mẹ già với hàng trăm vết trầy xước còn rướm máu. Quá đau sót, anh ta quỳ xuống đất, với giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt "Lòng mẹ thương con quả là bao la như trời biển. Con không thể để mẹ ở nơi này. Nếu sứ quân có xử con tội chết, thì con sẽ cùng chết bên mẹ."

Và như thế, dưới ánh trăng soi đường, người nông dân cõng mẹ xuống núi trở về ngôi nhà nhỏ của họ ở dưới chân núi. Rồi thì anh ta cố gắng che dấu người mẹ, cho dù phải sống trong sự sợ hãi bởi mệnh lệnh của vị sứ quân. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Một hôm vị sứ quân, vì muốn chứng tỏ quyền uy tối thượng của mình, đã ra một mệnh lệnh kỳ quặc rằng người dân sống dưới quyền cai trị của ông phải làm cho được một sợi dây bằng tro.

Nghe qua lệnh này tất cả người dân trong làng đều run sợ. Bởi vì họ phải tuân lệnh của sứ quân một cách tuyệt đối, thế nhưng làm sao có được một sợi dây bằng tro? Đêm nọ, người nông dân than thở với người mẹ về lệnh của sứ quân. Người mẹ nói rằng "Con không nên quá lo lắng. Hãy chờ ta một chút. Hãy để ta suy nghĩ." Ngày hôm sau, người mẹ bảo con "Hãy bện một sợi dây bằng rơm, rồi để trên một phiến đá, sau đó đốt cháy nó." Người nông dân đem lời khuyên đó nói với dân trong làng, và kết quả là sau khi đốt thì quả nhiên có một sợi dây bằng tro nằm trên phiến đá.

Vị sứ quân rất hài lòng và khen ngợi người nông dân trẻ tuổi, và hỏi rằng từ đâu một người trẻ tuổi như anh nông dân này lại có một kiến thức thông minh như thế. Người nông dân kính cẩn "Thưa tướng quân, tôi không dám dấu ..." Và anh ta đã nói rõ sự tình. Vị sứ quân lắng nghe câu chuyện, và sau một khoảng thời gian cúi đầu suy ngẫm, ông ta ngửng mặt lên tuyên bố "Sự khôn ngoan không phải chỉ có ở giới trẻ. Trong giây phút, ta đã quên rằng 'Bên dưới mái tóc bạc trắng như tuyết là cả một kho tàng về kinh nghiệm và sự khôn ngoan.'"

Kể từ đó, cái luật lệ quái ác kia đã bị bãi bỏ, và câu chuyện này được truyền tụng lại ngàn sau như một chuyện ngụ ngôn để người đời suy ngẫm.


Bùi Phạm Thành

Chuyển Ngữ



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 21/Feb/2022 lúc 1:52pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Mar/2022 lúc 10:57am

TôI là Người Nước Nào ?!


Dĩ nhiên, tôi là Đỗ Chiêu Đức, được sanh ra ở xã Thường Thạnh và lớn lên ở xã Thường Thạnh Đông, chợ vườn chồm hổm ở Cái Chanh, 5 giờ sáng nhóm đến khoảng 9-10 giờ sáng thì tan chợ. Cái Chanh cách Thị Trấn Cái Răng khoảng 5 cây số đường đất với cầu ván đóng đinh cũng có, mà cầu tre lắt lẻo cũng nhiều, như câu hát ru em mà tôi thường nghe :
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi....
<!>
Nên mặc dù là người Việt gốc Hoa (Triều Châu), tôi chỉ biết gọi Cha Mẹ Anh Chị bằng Pá Má Hia Chế và các từ thông dụng như Ăn cơm, ăn cháo là " Chìa bừng, chìa múi..." ra, thì toàn bộ sinh hoạt gia đình đều bằng tiếng Việt của Nam kỳ Lục Tỉnh. 7 tuổi vào trường làng học lớp Đồng Ấu, học đánh vần với quyển Con Gà Con Chó, với các thành ngữ sau khi đã qua vần ngược là :

* Dùi đánh đục, đục đánh săng.
* Ách giữa đàng , mang vào cổ.
* Ăn bữa giỗ, lổ bữa cày.
* Đặng buồng nầy, xây buồng nọ.

* Ăn thì có, ó thì không...

 Tôi lại nổi tiếng đánh Cờ Nhào giỏi nhất đám con nít ở Cái Chanh. Một hôm, có Bác Ba ở xóm Ông Cò Nhỏ nghe tiếng tôi tìm đến đánh thử, Bác ghìm với tôi chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng bị tôi lừa thế nhào đôi một cái, bác chỉ còn có 8 con cờ, đang tìm cách gở gạt, đi lầm một nước, tôi lại được dịp nhào ba, còn có 5 con cờ thua là cái chắc. Bác Ba xô bàn cờ đứng dậy, xoa đầu tôi và khen : " Con Tùa Hia thông minh thiệt !". Tôi nổi tiếng " thông minh" từ đó ! 10 tuổi ( 1958) ra chợ Cái Răng học chữ Hoa, cậu tôi mới dạy cho tôi đánh cờ Tướng, và câu chuyện bắt đầu từ đây...


Trước 10 tuổi, lớn lên và học chữ Việt ở xã Thường Thạnh Đông, chợ Cái Chanh. Tôi là một đứa bé nông thôn nhà quê Việt Nam thuần túy. Khi ra đến Thị Trấn Cái Răng học chữ Hoa ở Trường Tiểu học Tân Triều của người Hoa sáng lập, tôi mới thấy được chiếc xe hơi Traction chạy đưa khách từ Cái Răng đi Cần Thơ, phố xá nhà lầu hai ba từng, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một hôm đang trên đường đi tới trường, thì có mấy đứa nhỏ cũng đi học ở một trường Việt gần đó, chỉ trỏ và nói rằng : Mấy đứa "Ba Tàu" giàu hơn mình, đi học phải mang giày, còn mình thì đi chân không thôi ! Tôi không biết "Ba Tàu" là gì, nhưng rồi cũng phải biết, vì 2 tiếng "Ba Tàu" nầy theo tôi suốt thời gian niên thiếu, như khi chuyển sang học luyện thi bằng Tiểu Học ba tháng, lớp tôi 11 đứa đậu được 10 đứa, thì các bạn ở trường Việt lại khen : Mấy đứa "Ba Tàu" nầy giỏi thiệt. Một tháng sau, tôi đậu luôn vào Đệ Thất của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì lại nghe : Cái thằng "Ba Tàu" đó giỏi qúa ! Hai năm sau (1964), tôi đi thi ẩu ... và đậu luôn bằng Trung Học Đệ Nhấp Cấp. Mấy anh học Đệ Tứ thi rớt lại mĩa mai một cách thán phục : Cái thằng "Ba Tàu" đó mới học Đệ Lục mà, sao mà đậu bằng Trung Học được ?!


16 tuổi (1964), Tôi và ông bạn Liêu Chương Cầu lên Chợ Lớn làm lao công trong trường Phước Đức ở số 226 đường Khổng Tử (nay là trường Trần Bội Cơ). Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán của người Quảng Đông, cả người Việt vào Chợ Lớn buôn bán cũng biết nói tiếng Quảng Đông. Tôi là người Tiều Châu, tiếng Tiều còn nói không rành, làm sao biết tiếng Quảng Đông mà nói. Tôi và ông bạn Cầu chỉ lỏm bỏm được vài câu Quan Thoại cà chật cà vuột, nên nhiều khi văn phòng hoặc thầy cô giáo sai biểu hoặc nhờ cậy điều gì, phải nói tới nói lui mấy lần hoặc phải ra dấu thì mới hiểu được, nên các thầy bà đó gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy 安南仔" (tiếng Quảng Đông có nghĩa là "Thằng An Nam"). Và không chỉ ở trong trường, đi mua đồ, hay đi ăn cơm ở các sạp cơm bình dân, vì đang tập nói tiếng Quảng Đông nên phát âm không chuẩn, họ vẫn gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy" như thường.


50 tuổi (1998), định cư ở Mỹ, rồi phải chạy theo cuộc sống ở đây, đâu có thời giờ để mà đi học tiếng Anh. 56 tuổi (2004) nhập quốc tịch Mỹ, nhưng nói chuyện với Mỹ vẫn "mõi tay" như thường ! Và mấy người Mỹ làm chung ở trường học vẫn gọi tôi bằng Vietnamese mặc dù tôi đã là công dân Hoa Kỳ rồi, nghĩ có tức không ?! Nhưng nếu nói mình là người Mỹ, thì mình có nói rành tiếng Mỹ đâu mà câu mâu !? Nhưng, đây cũng là một điều bất công rất tự nhiên trên nước Mỹ : Người Đức, Người Ý, Người Pháp, người Anh... nói chung là người da trắng, khi nhập tịch Mỹ là thành ngay Mỹ Trắng. Người Châu Phi bất kể nước nào, nhập tịch Mỹ, thì thành Mỹ Đen. Nhưng người "da vàng mũi tẹt" nhập tịch Mỹ, không có ai gọi là "Mỹ Vàng" cả ! Ngay cả người da vàng với nhau, gặp nhau cũng hỏi : where do you come from ?( Bạn từ đâu đến đây ?) Ý muốn hỏi, bạn là người đến từ Đài Loan, Nhựt Bổn, Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân...

Dưới 10 tuổi ở Cái Chanh, tôi là em bé quê Việt Nam, khi ra đến chợ Cái Răng thì thành "Ba Tàu", lên đến Chợ Lớn thì lại thành "Ón Nàm Chẩy". Qua đến Mỹ, mặc dù đã nhập tịch rồi vẫn bị gọi là Vietnamese !!! Việt Nam chê, gọi tôi là "Ba Tàu", nhưng họ chưa chắc đã giỏi tiếng Việt bằng tôi. Cũng như Tàu chê tôi, gọi tôi là "Thằng An Nam", nhưng họ cũng đâu có giỏi tiếng Tàu bằng tôi đâu ! Chỉ có Mỹ chê, gọi tôi là Vietnamese thì tôi chịu, vì tôi nói tiếng Mỹ rất " mõi tay". Rốt cuộc, Đỗ Chiêu Đức là người gì đây ?!

Nhờ các tiền bối, thân hữu "xử" dùm xem, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào ? ( Chinese, Vietnamese or American ?)

Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức
TB :
Hỏi chơi thôi ! Chớ tôi là người Việt Nam chính hiệu mà ! Sanh ra và lớn lên ở VN, nơi chôn nhau cắt rún là VN, mồ mả ông bà tổ tiên ở VN, cha mẹ còn ở VN, anh em con cháu còn ở VN ... Chỉ có cái "gốc Hoa" mà thôi ! Mà đã là "gốc" thì mình đâu có chọn lựa được ! Qua Mỹ 20 năm (1998-2018) tôi không có về thăm "gốc" lần nào cả, vì có biết ai bên đó đâu mà "thăm", có thăm thì cũng có ai biết mình là ai đâu mà "viếng"! Nhưng, tôi lại về VN đến 10 lần, cứ chắc mót 2 năm đủ tiền mua vé máy bay là vợ chồng tôi lại bay về VN thăm Cha Mẹ, em út, con cháu và bà con cô bác .... Đặc biệt năm 2013 về VN đến 2 lần vì Ba tôi mất ... Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả người Việt gốc Hoa đều như thế cả ! Về thăm Trung Quốc chỉ là để du lịch khi dư dả, còn về thăm thân nhân ở VN mới là chánh ...

Người Hoa ở VN cho con cái học tiếng Hoa vì sợ mất gốc, cũng giống như người Việt Nam chúng ta hiện nay ở Mỹ cho con cái học tiếng Việt Nam cũng chỉ vì sợ mất gốc mà thôi !

Hỡi ôi ! Buồn thay cho " Cái thứ Ba Tàu !"

Đỗ Chiêu Đức

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 05/Mar/2022 lúc 12:37am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 09/Mar/2022 lúc 11:57am

Em làm khổ đời ta!

Gợi%20ý%2015%20món%20quà%20tặng%20ngày%208/3%20độc%20đáo%20và%20ý%20nghĩa%20nhất%202022

Hồi xưa, tui đâu có biết ngày Quốc Tế Phụ nữ, ngày mùng Tám, tháng Ba bao giờ. Chỉ thấy lễ Hai Bà Trưng tức ngày Phụ nữ Việt Nam do bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của Cố vấn Ngô Ðình Nhu chủ tọa mà thôi.

ngay-phu-nu-13Cũng có diễn hành của Thanh nữ  Cộng Hòa mà cô Ngô Ðình Lệ Thủy mặc sắc phục, đeo súng lục (oai ra phết) đi diễn binh thôi. Rồi cũng có xe hoa của các trường Nữ Trung học nổi tiếng ở Sài Gòn mình như Gia Long và Trưng Vương. Hai em nữ sinh đẹp nhứt được hân hạnh đóng vai Trưng Trắc và Trưng Nhị, mặc hoàng bào, đầu đội mấn, ngồi trên lưng con voi, có cái vòi đàng hoàng, làm bằng bông gòn, tay cầm gươm chỉ chỏ vô mặt bọn Thái thú Tô Ðịnh.

Ngoài ra còn có những cuộc thi nữ công gia chánh, thêu thùa may vá, làm bánh bông lan, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Nói chung là công dung ngôn hạnh để lớn lên tồng ngồng, em có chồng, về cai quản chồng mình và một đàn cu tí…

Nhưng ở Việt Nam, ngày mùng Tám, tháng Ba bây giờ, mấy chú em mình đầu bù tóc rối, làm quần quật kiếm tiền để tặng hoa, tặng quà cho vợ lớn… và vợ bé!

Còn chưa kịp có vợ bé, vợ lớn gì ráo thì tặng người yêu, quần áo, son phấn, lụa là linh tinh gì đó. Rồi dắt em đi ăn tiệm một ngày cho thiệt no… cành hông (364 ngày còn lại thì để em đói, ốm o gầy mòn cũng được).

E rằng mấy ông anh mình trong nước hổng hiểu ý nghĩa của ngày mùng Tám, tháng Ba là gì cả! Ngày Quốc tế Phụ nữ, chớ đâu phải là Valentine’s Day (Ngày Tình yêu) của đôi lứa đôi ta, hay Mother’s Day (ngày Từ Mẫu) mà tặng quà lung tung vậy mấy cha nội? Chị em tổng công kích phe ta mà mấy cha đi mua quà chi vậy? Bộ tính hối lộ để mấy em bớt giận hay sao chớ?

***

Ngày mùng Tám, tháng Ba rồi, mới vừa bảnh mắt dậy, đang ngồi nhâm nhi cà phê cà pháo và đọc báo thì thấy em cầm cái điện thoại lên ‘alô’ ai đó!

Nói chuyện chỉ nửa tiếng đồng hồ làm tui cũng hơi ngạc nhiên sao cuộc điện đàm nầy ngắn ngủn vậy cà? Té ra em gọi lộn số! Cuộc điện đàm kế đó theo thông lệ, chấm dứt sau hai tiếng đồng hồ!

“Em mới nói chuyện với chị Tư Bự nè! Bữa nay anh nghỉ làm ở nhà, ngày mùng Tám, tháng Ba, ‘bổn phận sự’ anh là: nấu cơm, canh, kho thịt, rửa chén, giặt đồ, thay tã, cho con bú bình để em cùng chị Tư Bự đi biểu tình… đòi quyền sống!”

Hai cái lỗ tai tui giờ lãng ngãng sao đó? Tui lại nghe em đi biểu tình đòi quyền ‘sướng’ mới chết chớ!

Trưa, em bò về, mặt mày đỏ gay có vẻ rất phấn khích. Ngày phụ nữ vùng lên không phấn khích làm sao được? Tui lui cui dọn chén, dọn đồ ăn do chính tay tui nấu dâng lên!

“Em ăn có ngon không hả?” Em cười khẩy mà rằng: “Ngon lắm!”

“Em thích món nào nói? Ðể năm sau, tới ngày mùng Tám, tháng Ba, em mắc bận đi la, anh ‘bổn phận sự’ ở nhà, nếu em dám ăn là anh lại dám nấu cho em ăn hè!”

“Em thích món kia kìa! Nhưng thú thiệt, em không biết nên gọi nó là cháo hay là miến?”

Cơm xong, ra nhà sau, thấy một đống quần áo dơ, ế kinh luôn, tui bèn tẩn mẩn lựa đồ của em ra, để qua một bên. Tui dồn đống đồ của mình vô cho vừa một cối giặt.

“Hôm nay mùng Tám tháng Ba. Tui giặt dùm bà quần áo của tui!”

***

Rồi đến hẹn lại lên, năm nay, 2017, chị em người Mỹ chúng ta lại biểu tình, tổng đình công, la làng chói lói, gọi là: “A Day Without a Woman” (Ngày không có một người phụ nữ) tại thủ đô Washington D.C. để: Một ngày phụ nữ không đi làm, không mua sắm (cái thú đam mê khó từ nan nhưng mấy em sẽ ráng… nhịn), gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ đang èo uột, xỉu xỉu chỉ có 21 tỉ đô thôi.

Ðây là một cú tuyệt chiêu, quánh vào cái hầu bao, quánh vào túi tiền của mấy ông chủ, để đưa ra yêu sách: bình đẳng về giới tính ở nơi làm việc.

Trong sở, tay nào ‘dê’ mà mấy em không chịu là phải ‘sì tốp’ liền lập tức, nếu cứ tiếp tục, sách nhiễu tình dục là không có đặng. Mấy em nhứt định sẽ không câm lặng mà đi thưa ra tới ba Tòa quan lớn để đòi bồi thường tới cả triệu đô la nữa đó. (Còn mấy em ‘dê’ mình thì ‘welcome’! Ðàn ông đâu có đứa nào giả bộ ‘chảnh’ mà đi thưa. Hãnh diện vì được em dê còn không hết nữa là!)

Nói nào ngay quyền phụ nữ là nhân quyền mà! Mấy em đòi ở sở, làm việc như nhau; lương như nhau; thăng thưởng, đề bạt, lên chức cũng như nhau. Không phân biệt đàn ông hay đàn bà gì sất.

Sanh em bé, mấy em được nghỉ hộ sản có lương, phải cho ông chồng nghỉ (đẻ) để phụ chăm sóc con còn sơ sinh chớ một mình em làm không có nổi. Em đi sanh em bé mình được nghỉ ở nhà… nhậu. Quá đã nhe!

Mấy tay chủ hãng tư bản coi bộ hao, ngần ngừ chưa muốn chịu nhượng bộ thì mấy em lại tiếp tục biểu tình.

***

em%20lam%20kho%20doi%20ta%2002Ðòi hỏi quyền lợi chánh đáng cho quý chị em ta trong sở làm thì tui hoàn toàn ‘ẳm hộ’, vì nó đâu có văng miểng tới tui nhưng trong gia đình của đôi ta mà em yêu cứ miệt mài tranh đấu thì chắc tui sẽ bị trâu đánh vì không biết tránh đâu…

Ngày Phụ nữ quốc tế là ngày quý chị em ra lịnh chồng mình hãy đối xử với chị em chúng ta với lòng ‘kinh sắc kính’.

Ối cái chuyện ‘kinh sắc kính’ nầy, tui làm từ lâu rồi nhe, từ hồi tui cưới vợ lận mà! Tui còn hơn là ‘kinh sắc kính’ nữa, nói chính xác là ‘kinh sợ’.

Vì lọt vào tay em rồi: Em muốn mình đi là mình đi, muốn mình đứng là mình phải đứng. Muốn mình cười, là mình phải cười. Muốn mình khóc, là mình phải khóc.

Trong gia đình, em muốn chồng mình chia sẻ chuyện bếp núc, giặt đồ, rửa chén chớ không có vụ vợ lui cui dưới bếp mà chồng nằm ngửa trên cái ‘sofa’, tay cầm lon bia, vừa xem bóng đá, la ‘dzô, dzô’! Hãy để cho ngày ấy lụi tàn đi mới được!

Cuộc tranh đấu quyết liệt của quý chị em ta xảy ra ròng rã trên một trăm năm đã đơm hoa kết quả: Ở Mỹ, phụ nữ  trong xã hội đứng hàng ‘dzách lầu’, là ‘number one’, là số một, (phụ nữ, con nít, chó rồi mới tới quý ông anh mình!).

Tui đã bao phen lòng hỏi lòng mình rằng: Quý em đang đội vòng nguyệt quế, ngồi trên đầu trên cổ quý anh rồi thì cần cái cái quái gì ngày mùng Tám, tháng Ba nữa chớ?!

Tui vẫn thường trộm nghĩ: ông Trời sanh ra đàn ông phụ nữ khác nhau về thể chất cũng như về tâm thần. Chuyện chồng cày, bừa (nặng) thì chồng làm! Còn chuyện nhổ mạ, cấy (nhẹ, chỉ hơi chịu khó chổng mông lên trời thôi), thì vợ làm!

Yêu nhau chín bỏ làm ‘bù’, thì so đo, nhỏ mọn làm gì chớ? Hạnh phúc là cho chớ không phải là nhận. Tui cho và em nhận!

Ai giỏi gì thì làm cái đó. Em giỏi bếp núc, thì bếp núc. Tui giỏi nhậu, thì nhậu. Thế thôi. Càm ràm chi cho nó nhức đầu, sổ mũi.

Ðặt chân tới nước Úc nầy đây, bị mấy con Úc tẩy não nên em yêu của tui đã bỏ quên câu ca dao ngày cũ (rất lọt lỗ tai tui) ở lại chốn quê nhà: “Ðem chiên con cá cho vàng! Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi!”

Nên khi thằng Cu, con tui, ngỏ ý: “Tía à! Con muốn vợ!”, thì tui dạy nó rằng: “Cu à! Nếu Cu không muốn giặt đồ rửa chén, thay tã cho con hay đẩy thùng rác ra lộ, dù trời mưa hay bão tuyết đêm thứ Năm, cho xe rác đến đổ vào rạng sáng thứ Sáu thì đừng có lập gia đình, cưới vợ đẻ con mà chi!”

Cu cưới vợ rồi là Cu thua chắc 72 phần dầu! Nó nắm được ‘Cu’ rồi, nó có cái bửu bối, tên cấm vận, rất là lợi hại!

Bởi có thơ rằng: “Hôm nay mùng Tám, tháng Ba/ Mấy em chộn rộn đi ra, đi vào/ Thiệt là ngứa mắt chúng ta/ Nhưng thôi cứ để mấy em ra, vào/ Không thì ‘cửa sắt’ em rào/ Ðố ‘Cu’ kiếm được lối vào, lối ra!”

Bằng ‘Cu’ cứ ngoan cố kiếm chỗ vào ra nơi khác, thì cuối cùng ‘Cu’ sẽ ra đi với cái mình không. Còn cái nhà, cái xe của ‘Cu’, cày sâu cuốc bẫm mới có được, sẽ mãi mãi ở lại cùng ‘Bu’ nó!

Ôi ngày mùng Tám, tháng Ba đã làm khổ đời ta!

đoàn xuân thu –

melbourne



Chỉnh sửa lại bởi Nhom12yeuthuong - 09/Mar/2022 lúc 12:02pm
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 11/Mar/2022 lúc 9:14pm
BÉ QUÊ VỀ SÀI GÒN

Chợ%20Sài%20Gòn%20xưa%20|%20manhhai%20|%20Flickr

Sài Gòn mới biết đã quen
Mới gần đã mến người dân Sài Gòn.
Sài Gòn chan chứa tình thương
Thương người xứ lạ lạc đường về đây.

Vất%20vả%20những%20chuyến%20tàu%20đêm%20|%20Bạn%20đọc%20viết%20|%20UBATGT

Chuyến tàu đêm tôi đón về Sài Gòn
Còi rời bến rít vào lòng xao xuyến
Tim tăng nhịp theo đường xe chuyển bánh
Túi hành trang tay ôm chặt mảnh tình quê.

Ngây%20ngất%20với%20những%20con%20đường%20hoa%20đẹp%20như%20tranh%20giữa%20Sài%20Gòn%20-%20Tin%20tức

Bước ra ga, cậu bé mặt ngô nghê
Thấy choáng ngợp, ngựa xe như dòng nước
Cao ngất ngưỡng, nhà lầu mỏi cổ ngước
Dáng vội vàng, người lũ lượt qua đường.

Sài%20Gòn%20Hòn%20ngọc%20Viễn%20Đông%20trước%201975%20-%20YouTube

Cất nón chào, chào "Hòn Ngọc Viễn Ðông"!
Mơ hay thực, gặp được "Người trong mộng"!
Hai tay vẫy, tưởng chừng mình bay bổng
Chào phố phường! Nghe gió lộng trong tim!

Review%20Chợ%20Bến%20Thành%20-%20Địa%20Điểm%20Tham%20Quan,%20Ăn%20Uống%20Sài%20Gòn%202021.

Chợ Bến Thành! Biểu tượng đẹp lạ thường
Đường Lê Lợi rộn ràng vui khôn tả
Chiều Nguyễn Huệ thơm hoa hoa gió lả
Trưa Nguyễn Du yêu lá lá me bay.

Công%20viên%20Tao%20Đàn%20-%20Lá%20phổi%20xanh%20giữa%20lòng%20Sài%20Gòn

Vườn Tao Ðàn ước vọng tỏa lên cây
Cọp Sở Thú nhớ rừng say giấc ngủ
Góc Tự Do mắt chớp vàng xanh đỏ
Phà Thủ Thiêm cô gái nhỏ sang sông.

Mưa%20Sài%20Gòn%20Còn%20Buồn%20Không%20Em%20%28Nhạc%20sĩ%20Nguyệt%20Ánh,%20Ca%20sĩ%20Ngọc%20Lan%29%20—%20Bức%20%20Tranh%20Vân%20Cẩu

Ðêm mưa khuya Sài Gòn nở nụ hôn
Ngày nắng muộn Sài Gòn mơ ánh mắt
Men say đắm cho tình đầu mới gặp
Niềm luyến thương đầy ắp nỗi yêu người!
Mưa%20Sài%20Gòn%20Còn%20Buồn%20Không%20Em%20%28Nhạc%20sĩ%20Nguyệt%20Ánh,%20Ca%20sĩ%20Ngọc%20Lan%29%20—%20Bức%20%20Tranh%20Vân%20Cẩu

Chào Sài Gòn! Thành phố mộng tôi mơ!

Bửu Truyền


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 11/Mar/2022 lúc 9:22pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Mar/2022 lúc 9:35am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 130 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.348 seconds.