Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn  
Message Icon Chủ đề: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ Gởi trả lời Gởi bài mới
Trang  of 12 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Chủ đề: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
    Gởi ngày: 12/Oct/2021 lúc 11:07am

Một Thời Để Nhớ...



Chẳng cần nội dung ra sao, ý nghĩa nói gì. Miễn sao cảm thấy hay độc lạ là được, chủ trương vui là chính.

Những bài đồng dao tưởng chừng như vô nghĩa, ngây ngô. Nhưng nó lại ăn sâu vào tiềm thức cho mỗi người chúng ta. Một thuở sống trong một đất nước tự do, thanh bình, một thời để nhớ.

Sau đây là một số bài hát, bài đồng dao của tuổi thơ, mà các em thường hay hát :

“Ngày xửa ngày xưa, có con mẹ bán dưa, bả cưa cái cẳng, bả nắn cái nồi, bả nhồi cục bột, bả lột miếng da, bả ca vọng cổ, bả nhổ cây bông, bả trồng cây chuối, bả muối con cá, bả đá trái banh, bả sanh thằng nhỏ, cái đầu đó đỏ, cái đít diu diu”.

“Bà Ba bả bán bánh bò bông, bả bẻ bông bụp, bị bắt bỏ Bót ba bốn bữa, bả buồn bực, bả bể bầu”.

“Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con”.
“Cô dâu chú rể làm bể bình bông, đổ thừa con nít, bị đòn nứt đít”.

“Tò te Rô-be đánh đu
Tạc-zăng nhảy dù
Zô-rô bắn súng
Chết cha con ma nào đây
Thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”

“Ngày xửa ngày xưa
Có mẹ bán dưa
Mẻ ngồi mẻ địt
Có ông bán thịt
Ổng ngồi ổng hửi
Có bà bán bưởi
Bả ngồi bả chửi
Có ông đi ghe
Ổng ngồi ổng nghe”
“Ngày xửa ngày xưa
Có con mẹ bán dưa
Mẻ cưa cái cẳng
Mẻ nắn cái nồi
Mẻ nhồi cục bột
Mẻ lột miếng da
Mẻ ca vọng cổ
Mẻ nhổ cây bông
Mẻ trồng cây chuối
Mẻ muối con cá
Mẻ đá trái banh
Mẻ sanh thằng nhỏ
Cái đầu đo đỏ
Cái đít vàng khè
Con mẹ bán chè – mẻ sợ chè ế
Con mẹ bán khế – mẻ sợ khế chua
Con mẹ bán cua – mẻ sợ cua bò
Con mẹ bán cò – mẻ sợ cò bay
Con mẹ bán khoai – mẻ sợ khoai sùng
Con mẹ bán mùng – mẻ sợ mùng rách
Mẻ đi bán chạch – sợ chạch nhảy sông
Mẻ bán chà bông – sợ chà bông Trung Quốc
Mẻ bèn bán guốc – guốc mộc ai xài
Mẻ liền bán xoài – sợ xoài phun thuốc
Mẻ bán chùm ruột – bà bầu đâu thèm
Mẻ bán cà rem – bán ế chảy nước
Mẻ bèn bán thuốc – thuốc giả tràn lan
Mẻ bán khăn quàng – hàng ế đầy chợ
Mẻ đi bán phở – bán ế nhà phải ăn
Mẻ định tự tử bằng xăng – không chết vì xăng pha nước
Mẻ nhảy sông tự vận – không chết vì mẻ biết bơi
Mẻ đi chơi bằng xe đò – xe đụng… Mẻ chết

Chuyện tạm đến đây là hết!”

“Ông già quét nhà
lượm được đồng điếu
giắt ở lỗ tai
để mai đi chợ
đi mua dây nhợ
về buộc lồng chim
đi mua cây kim
đem về vá áo
đi mua con sáo
hót cho vui nhà
đi mua trái cà
để dành làm dưa
đi mua con cua
đem về làm chả
đi mua con cá
kho tiêu chặt đầu
đi mua miếng trầu
về nhai nhóp nhép
đi mua con tép
đem về nấu canh
đi mua trái chanh
đem về vắt nước
đi mua cây lược
đem về chải đầu.”

“Cúc cụt đuôi ai nuôi cúc lớn? Cha mẹ già, cúc bỏ cúc đi....

Tuổi thơ ngày ấy rất hồn nhiên, dễ thương, dễ mến làm sao! Không điện thoại, không Facebook, Zalo, không game online. Chỉ biết vui đùa, tắm mưa, trèo cây hái trái tắm sông, thả diều ngoài đồng lúa, hái hoa bắt bướm.

Giờ chỉ còn là kỷ niệm, là nuối tiếc, biết bao giờ trở lại thời hoa mộng đã qua, thời lên năm lên ba, của “Những ngày xưa thân ái, xin gửi lại cho ai”.


Sưu tầm

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 13/Oct/2021 lúc 8:34am

Còn Một Chút Gi Để Nhớ








          Tui dám cá với Bạn là dù ngày xưa Bạn đỗ ba cái bằng Trung Học rồi thêm hai cái Bằng Đại Học nhờ trí thông minh và tài nhớ  dai đến cỡ nào thì khi đến tuổi sáu mươi sự thông minh nhạy  bén của Bạn cũng suy giảm và trí nhớ của Bạn cũng có vấn đề. Đứa con của Bạn chỉ Bạn sử dụng computer Bạn làm trước quên sau nó bèn chán nản nói thôi Bố Mẹ cần gì thì gọi con làm cho. Rõ khổ. Đã vậy mà cái thằng từng ở tù chung với mình, từng hai đứa bị còng chung một cái còng mà mình cũng quên mất tên nó. Tên nó trùng với tên truyện bằng tranh giải trí của con nít trong Báo Tuổi Thơ mà cũng không nhớ. Nghĩ mãi từ sáng tới chiều chợt đánh đét một tiếng. À ! Thì ra thằng Chương Còm ! Rồi thì dọn cơm ra lấy chén quên lấy đũa., vội vàng trở lại thì quên mất mình muốn lấy thêm cái gì,.  đứng gần một phút trời trồng mới nhớ. Có phải là triệu chứng của Alzheimer ? Yên chí không phải đâu , tuổi già ấy mà. Vậy muốn nhớ thì phải làm gì ?

          Ngày xưa trí nhớ của Bạn tuyệt đỉnh thuộc lòng từng câu thơ trong Truyện Kiều, nhớ từng công thức toán học hay hoá học mà Thầy Cô còn cho Bạn cách nhớ bằng thơ văn trong Toán Giải Tích như :

                Tìm sin lấy đối chia huyền
                Cosin ta lấy kề huyền chia nhau
                Còn tang ta hãy tính sau
                Đối trên kề dưới chia nhau thấy liền

          Rồi học sử địa, để nhớ cái Biển Baltique tận trời Bắc Âu có hình dáng Bà Tiên, ông Thầy nói phải nhớ là Biển Bà Tiên, Bà Tiên viết tắt BT có cùng chữ tắt với Baltique cho dễ nhớ. Rồi học chữ Hán thì Thiên trời, Địa đất, Nhơn người. Phụ cha, Mẫu mẹ, Sư thầy, Cô cô, Bá bác, Thúc chú, Huynh anh.....Rồi qua tiếng Pháp Ma soeur chi tôì, Mou mềm, Long dài...Năm khi mười quạ, cinq quand dix corbeaux. Chiều chiều chim vịt kêu chiều. soir soir canard parler soir.....Bạn nào thông minh hơn thì đơn giản hoá bài học những ý chính đế khi làm bài cho dễ nhớ mà tán thêm ra...

          Nhưng tuổi già thì khó nhớ nếu không có phương pháp. Tui dám chắc mười Bạn có đến chín không nhớ đến Bảng số xe hay Bằng Lái Xe. Bằng lái xe của tui mang số 3529124. Một cách nhớ đầy văn hoá là tui làm thơ như sau :
               BA NĂM lưu gót Sài gòn
               HAI mùa xoài CHÍN vẫn còn nhớ thương
               MỘT đời lắm chuyện tai ương
               HAI lần dang dở đau thương BỐN mùa
Thấy chưa ! Bạn có thể qua thơ dễ nhớ hơn thấy không ?
 
          Năm 1995, tui mua chiếc xe Van cà tàng nhưng dealer vẫn cho đăng bộ xin bảng số mới. nên nó có số 3 đầu. Bảng số là 3MCG500. Tui bèn cho nó cái tên để không quên là BA MẦY CHO GÁI NĂM TRĂM. Còn Bà Xã  thì mua xe Camry mới tinh cũng cho số 3 đầu mang số 3SVM095. Để nhớ tui cho  Bả câu thiệu BA (giờ) SÁNG VẪN MÒ KHÔNG CHịU NGỦ. Năm 2005 tui đối xe Van mới Sienna nó mang bảng số 5BMO985 , NĂM BÀ MỘT ÔNG CHẾT TỚI NƠI (chết tới nơi là 985). Năm 2018 con gái tặng cho chiếc Camry SE mới mang bảng số 8BTC 599, tui phán TÁM BÀ THỊT CHÚ NẰM CHỜ CHẾT (nằm chờ chết là 599). Năm nay mới bán cái nhà ở Arizona tui mua chiếc Lexus LS 430 second hand đi đăng bộ nó cũng cho bảng số mới 8RBV939. Số nầy thật dễ nhớ và cũng đúng với tình trạng sinh học của tuối tác. ông TÁM RỜ BƯỞI VỢ CHIN QUÁ CHÍN (chín quá chín là 939) . Tui thứ Tám còn vợ thì đã trên 70 không chín thì cũng rục. !

          Tin tui đi ! Bạn thử theo kiểu của tui bảo đảm không quên Bảng Số Xe hay Bằng Lái. Hay là làm thơ số an sinh xã hội để nếu có mất thì đi khai báo làm lại cái mới không bị trục trặc. Số An Sinh Xã Hội tui cũng làm thơ cho dễ nhớ nhưng là tính riệng tư nên không thể đưa lên đây được.

          Máu tếu của mấy cô nàng ca ve ở các Vũ Trường còn kinh dị hơn tui nhiều. Bước vào Vũ Trường tui đặt gói thuốc lá PALL MALL của Mỹ lên bàn tán tỉnh em Phòng Anh Lạnh Lẽo Môi Anh Lạnh Lùng. Cô nàng móc gói CAPSTAN đáp liền Cho Anh Phát Súng Thì Anh Ngũm. Nhưng nàng khác dễ thương hơn đưa cho tui gói SALEM Sao Anh Làm Em Mệt Mà Em Làm Anh Sướng rồi nàng chỉ chữ 20 Filter Cigarettes Made In USA đọc tiếp 20 Phút Im Lặng Thì Em Rên, Chỉ Một Giây Anh Rờ Em Tê Tê Em Sướng Mà Anh Đưa Em Một Ngàn Uổng Sao Anh ?

           Uổng thiệt đó em ơi. Rờ chỉ một giây thôi mà tốn tới một ngàn. Gói thuốc lá Capstan có 20 đồng, vậy là anh mất tớí 50 gói hút cả tháng chưa hết ! ./-

             Mạch Vạn Niên
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 15/Oct/2021 lúc 2:49pm

Trò Chơi Trẻ Con Khu Đakao Trong Thập Niên 1950: Chơi Tạt, Ðánh Ðáo, Ðánh Trỏng


Đánh%20quay%20–%20Wikipedia%20tiếng%20Việt

Chơi Tạt


Ðây là trò chơi rất thịnh hành trong mùa nắng. Khởi sự chơi thì mỗi đứa chơi phải bỏ ra một số “tiền” bằng nhau (sẽ nói rõ về “tiền”ở bên dưới), tất cả được đặt vào giữa một cái ô hình vuông có cạnh độ 5 tấc, vẽ ra ngay trên mặt đường. Sau khi đặt “tiền” xong, đầu tiên là thi thảy mức để định thứ tự chơi. Mỗi đứa chơi đứng bên cạnh cái ô, lần lượt thảy miếng chàm (sẽ nói rõ về “chàm” bên dưới) của mình về phía đường mức là một lằn gạch, cách cái ô độ 15, 20 mét. Thứ tự chơi của từng đứa sẽ được quyết định bởi khoảng cách từ miếng chàm tới đường mức, gần nhứt thì được chơi trước nhứt, xa nhứt thì đi chót. Ai thảy miếng chàm của mình qua khỏi đường mức thì đương nhiên là đi chót. Như vậy, sau khi thi thảy mức, mọi người đều tề tựu về phía đường mức, và thứ tự chơi đã được quyết định. Theo thứ tự nầy, mỗi người sẽ lần lượt tạt, nghĩa là thảy cái chàm của mình, sao cho nó lướt trên mặt đường về phía cái ô, nhằm mục tiêu là cái đống “tiền” được xếp ở giữa ô. Dĩ nhiên cuộc chơi chấm dứt ngay sau khi tất cả đống “tiền” đã bị tạt văng ra khỏi cái ô. Vì thế, ngay cả đứa được xếp thứ nhì trong thứ tự chơi cũng có thể không được tạt, nếu đứa chơi đầu tiên đã tạt văng ra ngoài khỏi cái ô tất cả số “tiền”. Trong thời gian các đứa chơi thay nhau tạt, chỉ có một đứa không được đứng ở phía đường mức, mà tiếp tục đứng bên cạnh cái ô, đó là anh chàng nào xui xẻo, bị đi chót. Nhiệm vụ của tên nầy là sắp xếp lại cái đống “tiền” nếu có người nào tạt trúng nó. Số “tiền” văng ra khỏi phạm vị cái ô là thuộc về người tạt trúng. Số “tiền” còn nằm bên trong cái ô sẽ được tên nầy phụ trách sắp xếp lại vào giữa cái ô. Sau khi mọi đứa, kể cả đứa đi chót, đã tạt xong, mà một phần hoặc toàn bộ số “tiền” vẫn còn trong ô, thì tất cả lại tiếp tục tạt nữa, nhưng lần nầy thì từ phía ngược lại của đường mức, và thứ tự chơi cũng thay đổi, người nào có miếng chàm ở cách xa cái ô nhứt (sau khi tạt lần đầu từ đường mức) thì được tạt trước nhứt. Thông thường thì sau lần chơi nầy số “tiền” sẽ không còn ở trong ô nữa. Và như vậy là chấm dứt một lần chơi. Sau đó lại đặt “tiền,” lại thi thảy mức và bắt đầu một lần chơi mới. Như đã mô tả ở trên, muốn tham gia trò chơi tạt nầy phải có hai điều kiện, có chàm và có “tiền”. Ðiều kiện thứ nhứt không bắt buộc lắm, vì nếu mình không có miếng chàm riêng của mình mà có một đứa khác đồng ý cho mình cùng sử dụng miếng chàm của nó thì mình vẫn có thể tham gia trò chơi được. Tuy nhiên ít có trường hợp nầy lắm vì thứ nhứt là đâu có khó khăn để kiếm miếng chàm mà phải đi mượn, thứ hai là mình phải thật quen tay với miếng chàm của mình thì khi thảy mới bảo đảm được kết quả tốt. Sự ăn thua trong trò chơi nầy rõ ràng là nằm trong hai khả năng: cái tài thảy mức và cái tài làm sao tạt cho trúng cái đống “tiền”. Cả hai cái tài nầy đều là kỹ thuật vận dụng miếng chàm. Thảy mức thật ra cũng chính là một mặt của kỹ thuật tạt, nhưng thay vì tạt là nhắm vào đống “tiền”, thì thảy mức là nhắm vào cái đường mức. Cái khác nhau giữa hai kỹ thuật nầy là khi tạt thì phải tính sao cho khi miếng chàm đến mục tiêu thì nó vẫn còn đủ sức để hất tung đống tiền, trái lại, khi thảy mức, thì phải tính sao cho khi miếng chàm khi đến gần mục tiêu (tức là đường mức) thì nó không còn sức di chuyển nữa, hay nhứt là làm sao cho miếng chàm ngừng lại khi nó vừa tới sát đường mức. Thảy mức rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho mình được chơi trưóc, khi đống “tiền” còn nhiều, còn lớn và dễ tạt trúng hơn. Còn tạt thì chính là nguyên nhân trực tiếp của thắng hay bại. Tạt giỏi là làm sao cho miếng chàm của mình, sau khi rời khỏi tay mình, chạm vào mặt đường, không bị xốc lên, lăn lóc, mà tiếp tục luớt nhẹ nhàng trên mặt đường, nhắm đúng vào giữa cái đống “tiền” và còn đủ sức để hất tung càng nhiều càng tốt số “tiền” ra khỏi cái ô. Nếu miếng chàm bị xốc lên hay lăn lóc thì hướng đi của nó sẽ dễ bị lệch, không đánh trúng vào mục tiêu. Sức dùng để thảy miếng chàm cũng phải được tính toán, tùy theo khoảng cách giữa đường mức và cái ô. Ngoài ra cũng phải ráng làm sao cho miếng chàm của mình, dù có trúng mục tiêu hay không, tiếp tục đi xa nhứt về phía bên kia cái ô, để phòng khi còn có cơ hội tạt ngược trở lại (vì “tiền” vẫn còn, như đã nói ở trên), thì mình được tạt đầu tiên. Cách nhắm cũng rất quan trọng, miếng chàm của mình phải trúng vào ngay giữa đống “tiền” thì mới có thể hất tung toàn bộ đống “tiền” để thắng lớn, chớ nếu chỉ trúng vào một bên hay một góc của đống “tiền” thì khó mà “ăn” nhiều được. Có kỹ thuật tốt không cũng chưa đủ, phải có dụng cụ tốt nữa thì mới mong đạt được kết quả tốt. Vì thế phẩm chất của miếng chàm cũng rất quan trọng. Tuy không có một quy định nào về hình dáng và kích thước của miếng chàm, nhưng nói chung, tốt nhứt là miếng chàm phải vừa tay mình, không lớn quá, không nhỏ quá, không nặng quá, không nhẹ quá. Lớn quá hay nặng quá thì khó mà thảy xa được, và cũng khó mà canh cho đúng mục tiêu. Nhỏ quá hay nhẹ quá thì khi trúng mục tiêu lại có khi không “ăn” lớn được. Ngoài ra miếng chàm phải được mài cho láng ở mặt dưới để có thể lướt thật tốt trên mặt đường. Và thông thường miếng chàm phải bằng đá xanh cho đủ cứng, không bị bể khi chạm vào mặt đường. Việc “chế tạo” một khối đá xanh (thường bọn tôi phải đi ra mấy khu có đường rầy xe lửa mới lượm được mấy cục đá xanh nầy; đá xanh là tiếng nôm na, tên khoa học của nó là đá hoa cương, một loại phún xuất thạch) thành một miếng chàm thật tốt cũng mất rất nhiều công phu và thời gian. Ngược lại nó chính là niềm hãnh diện của mình, cũng như các hiệp khách ngày xưa quý thanh gươm, hay mấy anh cao bồi Mỹ quý khẩu “ru lô” của họ vậy. Và cũng chính vì vậy mà ít ai chịu đi mượn miếng chàm của người khác (mất mặt quá) và cũng ít ai chịu cho người khác mượn miếng chàm của mình (rủi nó hư thì sao ?). Về “tiền” thì có ba loại: nút khoén (tức là nắp các chai nước ngọt, còn gọi là nút phéng), bao thuốc lá, và giấy hình. Vì thế thật ra có ba loại chơi tạt: tạt nút khoén, tạt bao thuốc hay tạt hình. Luật chơi thì hoàn toàn giống nhau, như đã mô tả ở trên, chỉ có đối tượng ăn thua là khác nhau. Hai loại “tiền” đầu tiên thì phải chịu khó bỏ công đi lượm về và chuẩn bị. Loại “tiền” thứ ba là loại duy nhứt phải bỏ tiền thật ra mua. Nút khoén thì sau khi lượm về phải cạy bỏ lớp mốp ở bên trong đi, xong rồi dùng búa hay đá dập cho chúng dẹp và phẳng ra, nhưng phải tránh không làm mất cái hình vẽ sơn ở trên mặt vì chính các hình đó quyết định về trị giá của “tiền”. Các loại nắp chai nước ngọt thông thường như nước cam, bạc hà, xá xị có giá trị thấp nhứt, mỗi cái chỉ tính một đơn vị. Các loại nắp chai ít gặp hơn như sođa, nước suối Perrier, hay xi rô, bia 33, có giá trị cao hơn, có cái tính ba, có cái tính năm đơn vị. Bao thuốc lá thì sau khi lượm về cũng phải được chuẩn bị cho thành “tiền”. Ðầu tiên là bóc bỏ lớp giấy kiếng bên ngoài (nếu vẫn còn, thường thì không còn) và lớp giấy bạc bên trong. Xong rồi khéo léo mở banh bao thuốc ra cho nó thành một tờ giấy mà không bị rách, sau đó xếp nó lại thành hình chữ nhựt, ngang khoảng 4 cm, dài khoảng 6 cm, với phần mặt bao có tên hiệu thuốc lá ra bên ngoài và ở phía trên. Cũng giống như nút khoén, bao thuốc lá có giá trị khác nhau tùy theo hiệu thuốc. Các bao trị giá kém nhứt, chỉ tính một đơn vị, là các bao thuốc thông thường như Mélia, Bastos xanh, Bastos đỏ. Trị giá cao hơn là các bao hiệu Capstan, Cotab. Cao hơn nữa là các bao Con Mèo (Craven “A”), hay Lính Thủy (Navy Cut), hay Lucky, hay Lạc Ðà (Camel). Loại “tiền” chót, giấy hình, thì phải ra chợ Ðakao hay chợ Tân Ðịnh để mua. Ðó là các tấm giấy carton mỏng có in hình màu của các truyện tranh vẽ như Zorro, Tarzan, vv. Các tấm carton nầy hình chữ nhựt, chiều ngang độ 2 tấc, chiều dài độ 3 tấc, chia làm 30 ô vuông, mỗi ô đều có in hình màu. Mua các giấy nầy về, bọn tôi cắt ra theo các ô chia sẳn, mổi ô với hình trên đó được tính một đơn vị. Loại “tiền” nầy thì tất cả đều có giá trị ngang nhau. Trong ba loại trò chơi tạt nầy, loại tạt hình là loại sinh sau đẻ muộn và kém phổ biến nhứt vì nó đòi hỏi phải bỏ tiền thật ra mua. Ngoài ra, cũng vì nó kém hấp dẫn nhứt, chỉ bỏ tiền ra mua là có, không đòi hỏi công phu đi lùng kiếm, lục lạo, và hên xui, may rủi. Các bạn cứ thử tưởng tượng xem khi bọn tôi may mắn tìm được một cái nắp chai Perrier, hay môt cái bao thuốc Camel thì bọn tôi sướng biết là chừng nào. Rồi còn cái công chuẩn bị cho các thứ đó trở thành “tiền” nữa, cực hơn nhiều nhưng cũng khoái hơn rất nhiều.

Ðánh Ðáo

Trò chơi nầy thường ít khi có trên bốn đứa trẻ, mỗi đứa bỏ ra một số “xu” bằng nhau. “Xu” có thể là tiền xu thật, loại đồng một xu màu xanh xám, bằng kẽm, tương đối dễ bể, do chính quyền thuộc địa Pháp phát hành, lúc đó vẫn còn lưu hành (vào đầu thập niên 1950, một xu lúc đó có thể mua được một miếng kẹo da trâu), nhưng cũng có thể là tiền điếu, bằng đồng thau, do Nhà Nguyễn phát hành, lúc đó không còn xài được nữa. “Xu” cũng có thể là nút khoén (từ thông dụng tại Miền Nam để chỉ cái nấp bằng kim loại của các chai nước ngọt, chai bia, vv.)

Có hai thể loại của trò chơi nầy, một có lỗ và một không có lỗ. Khi chơi thì chọn một khúc lề đường có mặt đất phẳng, không có cỏ. Ðầu tiên là đào một cái lỗ (nếu chọn chơi có lỗ), đường kính sao cho các đồng xu có thể lọt vào gọn gàng, sâu chừng hơn một phân thôi, ngay bên dưới cái lỗ sẽ gạch một đường dài chừng hơn một mét, sau đó gạch một đường nữa, song song với đường thứ nhứt và cách đường nầy chừng hai mét.

Trước khi bắt đầu chơi thì thi thảy mức hay “oánh tù tì” để định thứ tự chơi. Bắt đầu chơi thì đứa đi đầu tiên sẽ cầm hết cả xấp tiền xu đã góp lại, đứng tại đường gạch thứ nhì, ném tất cả về phía đường gạch kia. Nếu chơi có lỗ, thì mục tiêu sẽ là làm sao ném cho các đồng xu rớt vào trong lỗ, càng nhiều càng tốt, vì tất cả các xu lọt vào trong lỗ sẽ thuộc về người ném. Số xu không lọt vào lỗ sẽ nằm rải rác trên mặt đất, chung quanh cái lỗ, hoặc cũng có khi văng ra xa hơn. Bây giờ các đứa còn lại sẽ bàn với nhau, và sau đó sẽ chỉ vào một trong các đồng xu đó. Dĩ nhiên, đó là đồng xu ở vào vị trí mà cả bọn tin là khó chọi trúng nhứt. Ðó sẽ là mục tiêu cho đứa đang chơi. Trong trường hợp có mấy đồng xu nằm dính chùm với nhau, thì mấy đồng đó đương nhiên là mục tiêu, bọn còn lại bị tước mất cái quyền chỉ định mục tiêu. Ðứa đang chơi sẽ dùng một đồng chọi của riêng nó, nhắm chọi cho trúng cái đồng xu mà đối phương đã chỉ định, hoặc cái đống tiền xu nằm dính chùm với nhau. Trong trường mục tiêu chỉ định, nếu nó chọi trúng thì nó sẽ “ăn” hết tất cả các xu. Nếu nó chọi trật hay trúng một đồng xu khác thì phiên chơi của nó chấm dứt, và đứa có thứ tự kế tiếp sẽ bắt đầu chơi. Trong trường hợp mục tiêu đương nhiên (đống xu dính chùm) thì đứa chơi phải dùng đồng chọi của nó chọi thế nào cho tất cả các đồng xu đó rời ra hết. Nếu làm được vậy, nó sẽ “ăn” hết, nếu không thì phiên chơi của nó chấm đứt. Ðứa được đi kế sẽ gom tất cả xu lại, đi tới đường gạch ở đầu kia và bắt đầu chơi. Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi tất cả các xu đã được “ăn” hết.

Trong trò chơi nầy, “võ khí cá nhân”, tức là đồng chọi, rất quan trọng, góp phần định đoạt thắng bại. Bọn tôi mỗi đứa đều phải tự chế tạo đồng chọi. Thông thường nhứt là các đồng chọi bằng chì. Ðể “chế tạo võ khí cá nhân” nầy, bọn tôi phải chịu khó đi tìm tòi, lục lọi ở mấy bãi rác, tìm cho được mấy miếng chì vụn vặt, tốt nhứt là mấy cái ngàm thắng xe đạp. Bỏ tất cả vào một cái lon sửa bò, bọn tôi đốt cái lon cho nóng lên để cho chì chảy ra thành nước (các bạn đã hiểu tại sao bọn tôi chọn chì rồi phải không, lý do đơn giản là vì chì có độ nóng chảy rất thấp, dễ “luyện kim,” phải không các bạn?). Trong khi đó, thì bọn tôi đào một cái lỗ trên mặt đất, chổ có đất sét là tốt nhứt, vì dễ đào, và dễ “thiết kế” cái lỗ theo ý muốn của mình. Ðường kính của cái lỗ lớn nhỏ là tùy theo mình muốn đồng chọi của mình bao lớn. Ðộ sâu của cái lỗ thường khoảng một phân thôi. Khi chì đã chảy ra thì kiếm một miếng vải cầm cái lon lên (cho khỏi phỏng tay), đổ nước chì vào trong cái lỗ, canh sao cho vừa đủ, để khi nguội lại mình sẽ có một đồng chọi có bề dày vừa ý mình. Sau khi chì đã nguội và đông đặc lại, thì moi đồng chì ra khỏi lỗ, và bắt đầu tiến trình hoàn tất đồng chọi, bằng cách mài cạnh và mặt của nó cho láng. Thế là mình có được một đồng chọi hoàn toàn vừa ý mình. Sau đó là bắt đầu tập luyện để chọi cho chính xác, muốn chọi đồng nào là trúng đồng đó. Ðến đó thì mình đã cảm thấy sẳn sàng “ra trận” rồi.

Ðánh Trỏng

Trò chơi nầy về sau tôi được biết là trẻ con ngoài Bắc cũng có chơi và gọi là đánh khăng. Dụng cụ để chơi rất đơn giản, gồm có hai khúc cây, một dài độ ba bốn tấc gọi là cây tán, một ngắn độ hơn một tấc thôi gọi là con trỏng. Lý tưởng nhứt là cả cây tán và con trỏng đều làm bằng củi đòn, một loại củi thân tròn và rất thẳng, đường kính độ dưới hai phân, màu đỏ, chụm mau cháy và có độ nóng cao, loại củi nầy tương đối mắc tiền nên không phải nhà nào cũng có khả năng mua về để chụm lửa. Nếu không có được củi đòn thì tìm mấy nhánh cây me, hay cây ổi cũng rất tốt, có điều là sẽ tốn công nhiều hơn trong việc chế biến chúng.

Ở xóm Ðakao của tôi thì luôn luôn chỉ chơi bốn đứa chia làm hai phe, mỗi phe hai đứa. Chổ chơi thì phải rất rộng nên dĩ nhiên địa điểm lý tưởng của bọn tôi là bãi đất trống gần vựa củi của Ông Tư. Ðể chuẩn bị chơi thì đầu tiên là đào một cái lỗ dài độ hơn hai tấc, bề ngang chừng ba phân, sâu cũng chừng ba phân. Kế đó là gạch một đường mức cách phía trước cái lỗ chừng hai mét. Ðể ấn định thứ tự chơi thì mỗi phe cử ra một đứa để “oánh tù tì”. Phe nào thắng thì được chơi trước. Phe đó sẽ cử ra một đứa để chơi, đứa kia chỉ đứng ngoài quan sát. Phe còn lại thì cả hai đứa đều đi ra phía đằng trước; vị trí đứng của tụi nó xa hay gần đường mức hoàn toàn do tụi nó quyết định. Mục tiêu của tụi nó là đón bắt con trỏng do đối phương phóng ra.

Trò chơi nầy đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khác nhau vì cách chơi lần lượt thay đổi theo tiến trình của cuộc chơi, càng về sau càng khó. Ðầu tiên là vít, là lối chơi dễ nhứt, đứa nào cũng chơi được hết. Khi chơi lối nầy thì con trỏng được đặt nằm ngang trên miệng lỗ, phía đằng đầu của lỗ, cây tán được cầm bằng hai tay, đầu kia đặt vào trong cái lỗ, bên dưới con trõng, đứa đang chơi sẽ dùng hết sức để vít con trỏng cho nó bay lên khỏi mặt đất, tối thiểu là phải qua khỏi đường mức và làm sao cho đối phương không bắt được nó. Nếu đối phương bắt được con trỏng thì phiên chơi của phe đang chơi chấm dứt liền lập tức. Phe đang chơi, lần nầy thì cả hai đứa, sẽ di chuyển ra phía trước để đón bắt con trỏng. Phe đối phương thì lại cử ra một đứa để bắt đầu chơi. Nếu đối phương không bắt được con trỏng, thì một đứa sẽ đi tới chổ con trỏng rớt xuống, lượm con trỏng lên và ném về phía cái lỗ, lúc đó cây tán đã được đứa đang chơi gát nằm ngang trên miệng lỗ. Mục tiêu của đối phương là làm sao ném cho con trỏng trúng vào cây tán. Nếu ném trúng thì phe đang chơi bị chấm dứt phiên chơi liền. Nếu ném không trúng nhưng con trỏng nằm cách cái lỗ một khoảng ngắn hơn chiều dài của cây tán thì phe đang chơi cũng bị chấm dứt phiên chơi liền. Nếu ném không trúng mà con trỏng nằm xa cái lỗ thì đứa đang chơi sẽ cầm cây tán lên, đi tới chổ con trỏng đang nằm và bắt đầu dùng cây tán đo khoảng cách từ đó về tới cái lỗ, đếm xem được bao nhiêu chiều dài cây tán, con số nầy sẽ là điểm của phe đang chơi, và thông thường, ở xóm Ðakao tôi, số điểm để thắng cuộc chơi là một trăm điểm.

Sau lối chơi vít là lối chơi tán. Bắt đầu lối chơi nầy, đứa chơi phải cầm cả cây tán lẫn con trỏng trên một tay. Sau khi hô lớn số điểm đã có được và cách chơi sắp diển ra (thí du: mười hai, tán) thì đứa chơi sẽ ném con trỏng lên cao, chờ cho nó rơi xuống ngang tầm tay, dùng hết sức tán cây tán thật mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Nếu tán hụt, hay tán trúng nhưng quá nhẹ khiến cho con trỏng không bay vượt qua khỏi đường mức thì phiên chơi sẽ chấm dứt liền. Nếu tán trúng và đủ mạnh để con trỏng bay xa khỏi đường mức thì phe đối phương sẽ có mục tiêu là chận bắt con trỏng trên không trung. Nếu phe đối phương bắt được con trỏng thì phiên chơi của phe đang chơi cũng sẽ chấm dứt liền. Nếu không bắt được thì một đứa trong phe đối phương sẽ đi lượm con trỏng lên và ném về phía cái lỗ. Ðứa đang chơi sẽ nhắm vào con trỏng đang được ném trả lại và cố gắng tán cho trúng nó. Nếu nó tán trúng thì lần nầy phe đối phương không được quyền đón bắt con trỏng nữa. Nó sẽ đi tới chổ con trỏng rớt xuống và bắt đầu đo khoảng cách từ đó về cho tới cái lỗ, cộng vào điểm phe nó đã có sau lần chơi vít. Nếu nó tán hụt và con trỏng rơi xuống cách cái lỗ một khoảng ngắn hơn chiều dài cây tán thì phiên chơi của phe đang chơi cũng sẽ chấm dứt liền. Nếu nó tán hụt nhưng con trỏng rơi xuống cách xa cái lỗ thì nó được quyền đo khoảng cách từ đó về cái lỗ để tính điểm, cộng vào điểm phe nó đã có sau lần chơi vít.

Lối chơi kế tiếp là chặt. Bắt đầu lối chơi nầy, con trỏng được gát vào đầu trước của cái lỗ, nữa phần sau của con trỏng nằm trong cái lỗ, nữa phần trước nằm ngóc đầu lên ở ngoài cái lỗ. Sau khi hô lớn số điểm đã có và cách chơi sắp diển ra (thí du: ba mươi sáu, chặt) đứa đang chơi sẽ dùng cây tán chặt vào cái đầu của con trỏng đang ngóc lên, làm sao cho con trỏng bắn lên cao khỏi mặt đất, chờ khi con trỏng rơi xuống ngang tầm tay, sẽ dùng cây tán đánh mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Luật lệ cũng y như lối chơi tán vừa kể trên. Nếu thoát được đối phương lần nầy nữa thì phe đang chơi, sau khi tính thêm điểm, sẽ chuyển sang lối chơi chót gọi là gánh.

Lối chơi nầy rất khó. Khởi sự chơi thì đứa đang chơi phải để cây tán nằm vắt vẻo trên vai trái, bàn tay phải cầm con trỏng. Sau khi hô to điểm đã có và lối chơi sắp diển ra (thí dụ: sáu mươi lăm, gánh), đứa chơi co chân phải lên, luồn bàn tay phải xuống dưới chân phải, liệng con trỏng lên cao, hạ chân phải xuống đất, bàn tay phải chụp cây tán trên vai, và vừa lúc con trỏng rơi xuống ngang tầm tay, nó dang hết sức tán thật mạnh vào con trỏng cho nó bay vút về phía trước. Luật lệ cũng y như lối chơi vừa rồi. Nếu lại thoát được lối phương lần nầy nữa thì phe đang chơi, sau khi tính thêm điểm, và nếu vẫn chưa đủ một trăm điểm, sẽ trở lại lối chơi vít.

Khi một phe đã đạt đủ số một trăm điểm thì phe kia phải chịu thi hành hình phạt, gọi là chạy u một khoảng đường đo bằng ba lần tán. Chạy u là vừa chạy vừa phải thổi u u, mà khi thổi u u như vậy thì phải nín thở nên không thể chạy xa được. Nếu ngưng thổi u u mà chưa chạy xong khoảng đường đó thì lại bị phạt thêm một tán nữa. Ðể kiểm soát việc thi hành hình phạt nầy thì phe thắng không có cách nào khác hơn là cũng phải chạy kèm theo phe thua. Dĩ nhiên phe thua thì được quyền thay phiên nhau để chạy tiếp phạt.

(Nguồn: Đakao trong tâm tưởng, của chính tác giả dưới bút hiệu Vĩnh Nhơn. Hamilton, Ontario, Canada: Hoài Việt xuất bản, 2008. Tr. 80-86, 92-99).


Lâm Vĩnh Thế



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 15/Oct/2021 lúc 3:14pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/Oct/2021 lúc 2:02pm

Nhớ Cà Phê Lá Me Bay

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)

ca%20phe%20la%20me%20bay%2003

1.

Ngày xưa, những năm 70 nhiễu nhương, loạn lạc lại trúng vào thời sinh viên của bọn tôi ở Sài Gòn. Dù đa số trong bọn đều là con nhà nghèo hay chỉ trung lưu, nhiều bạn phải đi dạy kèm mới đủ tiền mua cours mà học, nhưng bọn tôi lại khá phong lưu, rộng rãi ở cái khoản cà phê.

Chỗ đóng đô, quán hẹn quen thuộc thì lu bù, phồn tạp. Khi có tiền thì ra cà phê Hân hay Duyên Anh trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đakao là gần trường Văn Khoa nhất, đi bô ra quán dưới cơn mưa nhỏ lại càng thú vị. Lý do nữa là Hân có băng nhạc Paul Mauriat tuyệt vời, Duyên Anh có cô sinh viên cùng ban triết với bọn tôi làm thu ngân, biết bao chàng say đắm! Còn khi thong thả cả hai khoản tiền bạc và thì giờ, cả bọn kéo đến cà phê Hồng ở đường Pasteur, Tân Định. Quán có chị Hồng, chủ quán, tóc để dài thật liêu trai, cà phê thật đắng, nhỏ giọt thật chậm để khách lãng đãng thả hồn theo khói thuốc và nhạc họ Trịnh. Còn những vết ố trên tường cứ ngang ngang nhau, như thể tất cả khách trước sau đến quán đều dửng dưng có cùng một cỡ xương sống mỏi mệt, chán chường thời thế và thân phận.

ca%20phe%20la%20me%20bay%2001Còn những ngày cạn túi, bọn tôi vẫn ung dung – thường xuyên ung dung – ra cà phê lá me. Cho đến ngày nay, nằm ngay trung tâm của quận trung tâm thành phố là Quận Nhất, ở trước mặt nhà thờ Đức Bà, ngã ba đường Đồng Khởi ngày nay (đường Tự Do/Catinat xưa cũ) với đường Nguyễn Du vẫn luôn là khu vực hào nhoáng bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ, có mặt toàn những khách sạn, nhà hàng, văn phòng thương mại, ngân hàng… nguy nga, sang trọng. Vậy mà thời đó, ở ngã ba này, trên một quãng vỉa hè chỉ là sàn xi măng xấu thô, chỗ cao chỗ thấp thuộc đường Nguyễn Du, dưới tán lá những cây me già chợt xuất hiện một hàng cà phê lộ thiên, không bảng hiệu, thuộc hạng bình dân, xập xệ hết cỡ.

Tượng Đức Mẹ đứng giữa hoa viên phía trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, lúc nào đó liếc mắt sang phía phải, thấy cái quán nghèo mạt ở giữa khu phố quá giàu có, hẳn Mẹ không khỏi chép miệng thương xót: “Tội nghiệp, các con ở nhầm chỗ mất rồi!”.

Quán xập xệ đến mức chỉ bày ra những bô bàn ghế gỗ tạp cũ mèm, vừa nhỏ vừa thấp. Bàn chỉ đủ ngồi 3-4 người, ghế đẩu thì mặt ngồi vừa đủ cho bàn tọa người vóc trung bình, không nên mập và dĩ nhiên, loại ghế đẩu cao chỉ 25cm này làm gì có lưng tựa.

Thường thì bọn tôi hay gọi cái quán cóc, pha cà phê vớ ngon không kém cà phê phin này là “cà phê Nguyễn Du”, “cà phê lá me”, có khi hú nhau thật vắn tắt “Ra lá me nhé!”, “Tụi nó  ngồi chỗ lá me đấy!” cũng đủ hiểu. Nhưng, có tên nào khó ưa, được mời cà phê chùa còn ngầm ý phân biệt, xếp hạng cái quán cả bọn sắp kéo đến, hỏi kháy “Cà phê hả? Ghế thấp hay ghế cao?”, thì đượng nhiên cà phê lá me thuộc hạng “ghế thấp”, khỏi tranh cải.

Quán lá me xập xệ, bần dân đến nổi bọn con trai ngầm chia xẽ nhau một điều kiêng kỵ, tránh không bao giờ rủ mấy nữ nhóm viên hiếm hoi trong nhóm cùng đến quán. Con gái nhà người ta nết na, đằm thắm và thanh tân hết mực. Cứ nhìn các nàng trong áo dài raglan kiêu sa, trang trọng là mình đã phải làm nghiêm, cố nói năng cho đúng mực đàng hoàng và tôn trọng, có rủ đi uống nước thì cũng phải lựa quán xá sang trọng cỡ La Pagode, Hân, Duyên Anh, Cafetaria, Bố Già… mới xứng với các nàng. Ngược lại. làm sao có thể rủ người ta đến cà phê lá me, ngồi lê lết vỉa hè như dân lãng tử bụi đời, vừa khó coi vừa mất giá tiểu thư?

2.

ca%20phe%20la%20me%20bay%2002Dù sao mặc lòng, ngày giờ này đã nửa thế kỷ trôi qua, hễ ngồi nhắc với nhau về quán cà phê lá me đường Nguyễn Du ngày xưa là nhiều người trong bọn tôi đã như sống lại với cùng những kỷ niệm  sâu lắng, những hình ảnh, chuyện đời vui buồn lẫn lộn của thời trai trẻ, tất cả từng ghi khắc ở nơi này. Đối với riêng chúng tôi, kỳ diệu là cái quán mộc mạc, không tên tuổi ấy lại là một kho báu lưu giữ những giá trị sâu sắc, vừa về thời gian, sử tính vừa về tinh thần, tình cảm và cảm xúc trong đời sống. Sâu xa hơn, ở tuổi đời xế bóng, một khi bao năm qua tâm hồn đã khô hạn ít nhiều bởi ảnh hưởng của những thói bươn chãi đến ích kỹ, vun quén cá nhân, khôn vặt, thực dụng, thô lổ…, chẳng qua là để có thể tồn tại trong tình cảnh thiếu thốn, khó khăn mọi mặt trong nước hoặc cuộc sống một thời lưu vong, chưa thể hội nhập ở nước ngoài, đám bạn già chúng tôi ngày nay cùng thừa nhận rằng những ngày được sống trong tâm thức lãng mạn, phóng dật của thời kỳ Cà Phê Lá Me viết hoa ấy mới quý giá và đáng sống làm sao!

Cái thời mà ở một quán cóc lề đường Nguyễn Du, những buổi chiều gió hiu hiu vừa đủ làm rụng lá me, những chiếc lá nhỏ xíu bay lạc vào tách cà phê, tách trà bình dân, rẻ tiền của bọn sinh viên nghèo.

 Cái thời mà những cơn gió lớn làm rụng hạt những cây sao trên đường Trần Quang Khải, những cái chong chóng tím tím, đỏ đỏ ấy xoay tít trên trời, bay lạc vào những căn gác gỗ tồi tàn, nhỏ như  lỗ mũi, nơi cả bốn, năm tên sinh viên cùng trọ học. Nghèo nàn, đạm bạc qua ngày, cảm thụ lãng mạn, hơi hoang tưởng…, ngoài ra thì không có gì cấm được đám thư sinh, hàn sĩ ấy nghĩ suy, dệt mộng lớn cho tương lai, dự phóng giúp ích cho đời bằng kiến thức, chữ nghĩa mà mình đang dùi mài, tích lũy từ ngôi trường cổ kính bao năm?

Rồi tốt nghiệp cử nhân, ra trường, ai nấy tứ tán đi làm chỗ này chỗ nọ, cố gắng thực hiện các dự phóng riêng hay chung mà ngày nào đã từng tranh cải, bàn luận, ra quyết định chọn lựa… ở cái quán cà phê cóc đơn sơ ấy. Thời sinh viên lãng mạn, đầy hoa mộng coi như đã khép lại tuy cũng có một số người ghi danh tiếp, làm luận án cao học nhưng cũng không thường xuyên đến trường nữa. Cũng có nghĩa là từ đó, bạn bè ít có cơ hội gặp nhau ở trường, để có thể rủ nhau đi cà phê, dĩ nhiên là trở lại cà phê lá me.

Tôi nhớ, chính vào những lúc tụ tập ở cái quán cóc lá me đơn sơ ấy, ngoài những tâm sự thậm thụt, tán dóc vu vơ, nhiều lúc bọn tôi còn bàn đến những vấn đề nghiêm chỉnh về hoạt động chung của nhóm, cả về những chuyện định hướng cả cuộc sống và tương lai của mỗi anh em, như: nên học chuyên về triết Đông hay triết Tây, làm tiểu luận cao học đề tài nào, cùng đào sâu nghiên cứu tư tưởng triết gia nào, quyết định lập nhóm nghiên cứu và ra tờ báo, cần ghi danh thêm bên luật hay chính trị – kinh doanh, không nên nhận tiền tài trợ của tổ chức T.…

3.

Ngoài chuyện từng làm chứng nhân cho những kế hoạch hoạt động, dự phóng tương lai của đám sinh viên bọn tôi, cà phê lá me còn lưu giữ cả những chuyện tình thật đẹp hoăc thật tội nghiệp.

ca%20phe%20la%20me%20bay%2004Như có một tên bạn, học cùng ban Triết đông phương như tôi nên rất thân và hiểu nhau. Năm đó, người trong mộng của hắn, như lời tình ca mượt mà “Hỡi người tình Văn khoa…” của Phạm Duy, phải là một tiểu thư yểu điệu thục nữ, áo dài tha thướt, trang trọng rất Á Đông, đằng này lại là một cô nàng vốn học trường đầm, vào Văn Khoa là ghi danh ban Anh văn, cái ngành học à la mode nhất trường thời đó, hay mặc jupe bó đùi rất gợi cảm.

Kẻ thất tình lầm lạc buồn quá là buồn nên đã được tôi và vài các bạn đồng môn khác dẫn đi cà phê để an ủi, khuyên lơn. Gặp lúc cả đám đều cạn túi, bọn tôi chỉ có thể kéo nhau ra cà phê lá me, bình dân, ít tốn. Vậy mà lại hay!

Bên tách cà phê pha vớ, anh bạn thất tình mới bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia xẽ nỗi buồn riêng tư, nhưng hắn còn đặc biệt cám ơn bạn bè hơn nữa khi bọn tôi đã dẫn hắn ra cà phê lá me bình dân, rẻ tiền, thay vì là một quán sang trọng, mắc tiền khác, Hân ở Đa Kao chẳng hạn. Lý do là, khi còn mê mãi theo đuổi người đẹp trường Tây, hắn từng phải tiện tặn từng đồng từng cắc, nhịn ăn nhịn uống để có tiền mời người đẹp đi uống nước và đã vài lần hắn chọn sân khấu cho màn diễn lấy lòng người đẹp là cà phê Hân cho gần trường.

Rốt cuộc, anh sinh viên nghèo mạt, si mê người đẹp, thật tội là chỉ đưa cô nàng đi uống nước hạng sang có vài lần là đã đi đứt một tháng lương dạy kèm, đành ăn mì gói thay cơm dài dài, hỏi sao có thể lọt vào mắt xanh của người đẹp cho được?

Khi đó, để an ủi kẻ thất tình, run rủi bạn bè chỉ đưa hắn đến cà phê lá me bình dân, bụi bậm mà lại hay, vì như đã thấy, tâm hồn đầy sầu, hận của hắn đã lấy lại thăng bằng kha khá. Và khi bạn bè không đưa hắn đến cà phê Hân hay một quán sang trọng nào khác là đã tránh cho hắn khỏi bị những nơi này gợi lại niềm đau của mối hận tình – cả nỗi tủi thân nữa.

Phạm Việt Hùng (bút hiệu Phạm Nga)

(Tàn năm 2016)

Trích tập tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ&NHẠC – PhamNga2017


Ngày chủ nhật 10-10-2021, trong kết quả cuộc thi viết chủ đề “Sài Gòn, ngày… tháng… năm… ” do fanpage An Group tổ chức (từ 16/6 đến 30/8/2021), tản văn NHỚ CÀ PHÊ LÁ ME BAY (Phạm Nga) đã đạt giải Nhì.
Bài này đã được chọn đăng trên PKAUS website năm 2017, nay mời các bạn thưởng thức bản vidéo/radio của bài.


Sài Gòn Nhớ, Sài Gòn Thương #25 - MC Xuân Hiếu & BTV Chí Cường | An Group   <<<<<

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/Oct/2021 lúc 9:43am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 26/Oct/2021 lúc 1:58pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/Oct/2021 lúc 11:33am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 29/Oct/2021 lúc 9:28am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 29/Oct/2021 lúc 2:22pm


Trò%20chơi%20&quot;đáo%20đĩa&quot;%20trong%20lễ%20hội%20&quot;Cô-Tre&quot;%20hàng%20năm%20tại%20làng…%20|%20Flickr


Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 29/Oct/2021 lúc 2:27pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 23200
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 09/Nov/2021 lúc 1:17pm

Sài Gòn – những vòng xoay ký ức

Kỳ 6 : Ngã sáu “Nỏ thần” và ngã bảy ‘Bình dân’

TTO – Từ ngã sáu Cộng Hòa đi xe máy khoảng 5 phút là đến ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Và rồi cũng bằng thời gian ấy theo đường Ngô Gia Tự sẽ gặp một ngã bảy rộng lớn, quen gọi là ngã bảy Lý Thái Tổ.

Ngã%20sáu%20Nguyễn%20Tri%20Phương%20–%20Wikipedia%20tiếng%20Việt


Ba vòng xoay này nằm liền kề nhau, tạo thành một tam giác như kết nghĩa “vườn đào” lý thú.

“Ngã sáu Nỏ thần” – đường vào Chợ Lớn

Tôi thích gọi đó là “ngã sáu Nỏ thần” vì mỗi lần qua đây dù đi đường nào cũng trông thấy từ xa chiếc cột trắng cao vút, nơi đặt tượng An Dương Vương mặc giáp trụ hiên ngang, cầm một cây cung lớn. Ông như vừa bước ra từ quyển tập đọc sử ký lớp 1 thời của chúng tôi. Quyển sử có kể chuyện và vẽ hình An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chế tạo nỏ thần để chống quân Tần xâm lược. Chúng tôi mê những trang sử Việt đầu đời qua những câu chuyện và hình ảnh hào hùng như thế.

Sau này đến châu Âu, tôi nhận ra tượng đài An Dương Vương được thiết kế đồng dạng tượng đài Trafalgar ở London và Vendome, Paris. Tuy nhiên, tượng đài anh hùng nỏ thần ở Sài Gòn vẫn mang ấn tượng và câu chuyện khác biệt. Nó được đặt ở một giao lộ, giáp ranh giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Khi “trấn giữ” các giao lộ chính yếu ở Sài Gòn, tượng đài An Dương Vương cùng các tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Phan Đình Phùng… đã làm gia tăng niềm tự hào dân tộc bất khuất và nhắc nhở bài học cảnh giác trước những kẻ ngoại xâm hung hãn.

Thuở nhỏ, từ xóm Bàn Cờ tôi thường theo mẹ vào Chợ Lớn để mua hàng đều qua bùng binh ngã sáu. Ngồi trên xích lô máy, tôi hớn hở nhìn cảnh hai bên đường khác lạ. Khắp nơi treo la liệt những bảng hiệu vừa ghi chữ Việt, vừa ghi chữ Tàu.

Trên đường Nguyễn Tri Phương có hẳn một dãy phố chuyên bán trái cây các loại, nổi bật là sầu riêng. Mẹ tôi gọi đó là khu “La Cai”, cái tên nghe là lạ. Hóa ra đó là từ biến âm của “Lacaze” – tên đường từ thời Pháp. Về đêm, từ ngã sáu ra đến La Cai là khu nhậu nhẹt hải sản và ăn khuya. 

Đến mùa Trung thu và tết, từ đường Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo, quận 5) đổ về đây là hai dãy sạp hàng sáng đèn lung linh. Người Sài Gòn thích dạo chợ đêm “La Cai” để mua bánh kẹo, lồng đèn, trà sen và đủ loại quà tặng sản xuất ở “Hong Kong… bên hông Chợ Lớn”!

“Đặc khu bệnh viện” và “xóm sinh viên”

Từ ngã sáu Nguyễn Tri Phương, các con đường tỏa ra khá nhiều bệnh viện và cơ sở y tế. Có lẽ vùng này là nơi có mật độ người đi chữa bệnh cao nhất Sài Gòn. Phía La Cai nằm san sát bên nhau là các nhà thương tư của các bang hội người Hoa như Y viện Quảng Đông (nay là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), Triều Châu (An Bình) và Phúc Kiến (Nguyễn Trãi). Trong các nhà thương này đều có đền miếu cổ cầu an bình cho những người quá vãng.

Trong khi ấy, trên đường Nguyễn Chí Thanh, Bệnh viện Chợ Rẫy đồ sộ là cơ sở y tế lớn nhất ở miền Nam cho đến tận bây giờ. Đi về phía nhà thờ ngã sáu – tên chính thức là nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc, gặp Bệnh viện lao Hồng Bàng (Phạm Ngọc Thạch), Trung tâm Truyền máu và Bảo sanh viện Hùng Vương. Đối diện bên kia đường, những năm gần đây có thêm Bệnh viện Đại học Y Dược rất bề thế.

Ngã%20bảy%20Lý%20Thái%20Tổ%20-%20Wikiwand


Ngã bảy “bình dân” và hàng phố dân dã

Kể ra “xóm sinh viên” còn tỏa ra nhiều nhánh quanh khu Ngã bảy Lý Thái Tổ. Bản thân giao lộ ngã bảy là nơi tiếp giáp các quận 1, 3, 5, 10 rất thuận tiện cho đi lại. Tại đây có hằng hà các xóm lao động và con hẻm để sinh viên và người nghèo tá túc giá rẻ. 

Những năm 1960, trước khi dọn về Bàn Cờ, gia đình tôi thuê nhà trong một con hẻm nhỏ ở đường Vĩnh Viễn. Đầu hẻm có một cây si cổ thụ trông rất cổ quái nên mỗi lần vào hẻm tôi lại nổi da gà. Sau Tết Mậu Thân 1968, vùng này có thêm các xóm lao động “nhà lầu” là chung cư Sư Vạn Hạnh, Ấn Quang, Minh Mạng, Nguyễn Kim, Nhựt Tảo, Nguyễn Thiện Thuật.

Trong khi ấy, ngã bảy Lý Thái Tổ còn là cửa ngõ ra vào dễ dàng nhiều chợ búa lớn nhỏ. Phần lớn là chợ vỉa hè hay chợ lòng đường như chợ Nguyễn Tri Phương, Bà Hạt, Nhựt Tảo, Bàn Cờ, Vườn Chuối. Khoảng trước năm 2000, từng có một chợ cá khổng lồ nằm ở giao lộ Lý Thái Tổ và Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3-2). Đi cách chợ nửa cây số, mọi người vẫn ngửi thấy mùi tôm cá hừng hực khó quên! Những năm 1980, trên đường Lý Thái Tổ ra đời chợ hoa Hồ Thị Kỷ, nguyên là khu tạm cư của dân tị nan từ Campuchia trở về.

Nói chuyện thức ăn, phải kể khu ngã bảy có nhiều phố ẩm thực tấp nập của người Sài Gòn. Các loại chè xôi dân dã, bún nước lèo, bánh canh, bánh xèo và hủ tiếu, mì bò viên, cháo Quảng… đều có mặt ở các chợ và ngõ hẽm. Sau năm 1954, người Bắc di cư vào mở ra những hàng quán nổi tiếng như phở Tàu Bay, Tàu Thủy, Nghi Xuân và bánh mì Hòa Mã, bánh mì Hà Nội, thạch chè Hiển Khánh…

Mặt khác, ngã bảy còn là khu phố chuyên bán các mặt hàng gia dụng và dịch vụ gia đình. Trước nhất là ba con phố “cặp kè” nhau, bao gồm “phố đồ gỗ, giường tủ” trên đường Ngô Gia Tự, “phố mành cửa và sơn nhà” ở đoạn Lý Thái Tổ – Sư Vạn Hạnh. Và rồi “phố màn cửa, chăn gối” ở đầu đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). 

Xoay quanh ngã bảy còn có “phố vỏ xe hơi” và “phố photocopy – đánh máy” ở đoạn Lý Thái Tổ, gần cư xá Đường sắt. Có lẽ “phố vỏ xe hơi” là cánh tay nối dài của bến xe Petrus Ký, hay còn gọi bến xe Đà Lạt nay không còn nữa, từng nằm ở đoạn Lê Hồng Phong hướng ra Việt Nam quốc tự. 30 năm trước, ở góc Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Thiện Thuật đã mọc thêm “phố hàng cưới” rất đình đám.

Rạp hát, bệnh viện một thời vang bóng

Ngã bảy Lý Thái Tổ còn là nơi quy tụ nhiều bệnh viện, rạp hát, trường học rộn ràng nhiều năm tháng. Gần gũi với xóm tôi là Bệnh viện Nhi Đồng trên đường Sư Vạn Hạnh và Bệnh viện Bình Dân ngay cạnh cư xá Đô Thành đều là những cơ sở y tế ra đời cuối những năm 1950. Ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật – Phan Thanh Giản thuở xưa còn có một tòa nhà mang tên Viện Bài lao. Riêng con đường Cao Thắng ở đoạn hướng ra Bệnh viện Từ Dũ có một loạt nhà bảo sanh tư mang tên Đức Chính, Đức Huệ, Cô Mười. Hơn 70 năm qua, bao nhiêu đứa trẻ đã chào đời từ những cơ sở y tế này?

Gần Viện Bài lao là rạp hát Long Vân khá lớn nhưng đều toàn ghế gỗ. Giống như rạp Đại Đồng ở góc Cao Thắng – Phan Thanh Giản, rạp Long Vân thường chiếu “pẹcmanăng” hai phim một lúc. Giá vé hai rạp thuộc loại xoàng, khách vào xem lúc nào cũng được. Rạp Long Vân những năm gần đây đã bị phá bỏ, xây mới thành Nhà văn hóa Sinh viên. Còn rạp Đại Đồng thì hóa thành sân khấu kịch Sài Gòn hay diễn kịch ma. Về phía đường Trần Nhân Tôn có rạp hát xưa mang tên Thanh Chung, bây giờ gọi là rạp Vườn Lài. Xóm Vườn Lài nằm sau Nhà máy giày Bata (Hiệp Hưng), từng là “xóm đèn đỏ” nơi nhiều khách “mua hoa” tìm đến.

Cuộc sống vật đổi sao dời, bút mực nào viết hết được những góc yêu dấu của Sài Gòn từ những phố phường sang trọng đến những xóm nghèo, bình dân…

Cả bệnh viện Đại học Y Dược và Trường Y khoa Sài Gòn đều được xây trên đất của Tòa thị chính Chợ Lớn thời Pháp. Hai ký túc xá Ngô Gia Tự (khi xưa là Đại học xá Minh Mạng) và ký túc xá Nguyễn Chí Thanh đều ở gần đó. Thuở sinh viên, những năm 1980, tôi có không ít lần “đi học ké” trường Y và thường la cà vào gặp bạn bè trong các ký túc xá. Khi làm báo Tuổi Trẻ, là phóng viên giáo dục, tôi càng năng lui tới cái “xóm sinh viên” đông nhất và cũng “nghịch” nhất ngay giữa nội thành.


Phúc Tiến



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 09/Nov/2021 lúc 1:36pm
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Trang  of 12 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.203 seconds.