Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Quê Hương Gò Công
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Quê Hương Gò Công
Message Icon Chủ đề: BÃO NĂM THÌN (1904) Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
thonglo2003
Admin Group
Admin Group
Avatar

Tham gia ngày: 31/May/2007
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 406
Quote thonglo2003 Replybullet Chủ đề: BÃO NĂM THÌN (1904)
    Gởi ngày: 31/Oct/2008 lúc 4:49pm
  Cách đây 102 năm, vào năm 1904, ở Trung Bộ và
Nam Bộ đã hứng chịu những trận bão với mức độ tàn phá khốc liệt, có thể xem là những "cơn bão của thế kỷ", không thua kém cơn bão số 5 hồi năm 1999. Trong ký ức sâu đậm của người dân, biến cố tự nhiên này vẫn cứ được truyền lại với câu nói cửa miệng:"Năm Thìn bão lụt". Rất nhiều câu ca dao, bài vè được sáng tác trong dân gian để ghi nhớ sự kiện đặc biệt này

Gặp em đây mới biết em còn

Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi

· Trận bão ngày 1-5-1904

Đây là trận sóng thần do động đất từ đáy biển khơi dậy lên, địa bàn ảnh hưởng của nó là hầu như khắp Nam Bộ, lan sang tận Campuchia. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Gò Công(1), Mỹ Tho (Tiền Giang nay), Tân An, Chợ Lớn (Long An nay), Gia Định (TP.************ nay) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều làng gần bờ biển đã bị một hải lưu có nơi cao đến 3,5m lôi cuốn đi mất. Đợt hải lưu tiến vào các sông ngòi và có ảnh hưởng đến tận Bến Lức (Long An).

Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào,

Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh.

Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh,

Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai.

Vĩnh Long, Sa Đéc một vài,

Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can(2)

Hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho bị ảnh hưởng của cơn bão nặng nề nhất, ca dao vẫn còn ghi lại thảm cảnh của năm Giáp Thìn (1904):

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc

Gió nào độc bằng gió Gò Công

Một trận đông phong xiêu vợ lạc chồng

Em nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi

Cơn bão hoành hành qua tận Campuchia:

Hoạ rơi như tới Nam Vang

Ba Nam người vật mắc màn biết bao

Huỳnh Minh với Gò Công xưa và nay và Việt Cúc với Gò Công cảnh cũ người xưa đã ghi lại nhiều tư liệu quý giá về trận bão năm Thìn. Xin lược thuật lại từ hai quyển sách trên để cung cấp thông tin cho bạn đọc về sự kiện này.

Hôm ấy vào ngày 16-3 âm lịch, từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều mưa không ngớt hạt. Mọi người không ai nghĩ là sẽ có một trận bão tố sắp xảy ra vì từ trước tới nay Nam Kỳ vốn là đất hiền hoà. Gió bỗng thổi mạnh suốt từ 4 giờ chiều cho đến về đêm và càng ngày càng mạnh. Đến 5 giờ thì màn trời u ám, gió ào ào xô gãy cây và trốc gốc

Mưa sao đến xế không ngừng

Gió sao càng lớn tưng bừng sang đây

Nhà cửa lần lượt bị sập, ngói bay tróc nóc, tường xiêu vách đổ ầm ầm. Lúc đó người thì lo việc tỉa bắp trồng khoai ngoài đồng ruộng, kẻ thì đang hành nghề đánh cá nơi biển khơi. Trong làng đang làm lễ cúng thần xây chầu hát bội thì cuồng phong nổi dậy ầm ầm, mây mù tứ phía, mưa tuôn xối xả, sóng nước tràn vào rất mau. Một lượn sóng chụp đứng lên cao cuốn mất nhà cửa, có nhà ở gần biển chết trọn cả gia đình. Nước dâng thật nhanh, lên cao 3m, ngập lút cả ngọn cây, ở Vàm Láng ghe đưa cao tận nóc nhà, bốn phía chỉ thấy trời nước mênh mông. Không chỉ các ghe mà cả tàu sắt cũng bị quăng lên bờ. Nhiều người mắc kẹt trên các ngọn cây, hai ba ngày quần áo rách tả tơi, đói khát. Một số người sống sót nhờ đeo bám theo các đống rơm trôi lênh đênh trên mặt nước. Rắn rít bám theo các ngọn cây nóc nhà, một số người bị rắn cắn chết.

Có 6 làng ven biển bị tổn thất rất nặng: Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình Ân, Tân Bình Điền, Tăng Hoà và Tân Thành. Các làng ở xa hơn ít bị hư hại hơn: Tân Phước, Tân Niên Tây, Tân Niên Đông và Dương Phước.(3)

Quá bất ngờ vì bão tố diễn ra trong nháy mắt, hầu như gia đình nào cũng bị tản mác trôi theo dòng nước, có người trôi tận tới Cần Đước (Long An), Chợ Đệm (TP.************). Tại thị xã Gò Công, những ngôi nhà được xây dựng chắc chắn thì không sập nhưng cũng không tránh được xiêu vẹo. Những nhà giàu có ra tay nghĩa hiệp, trở thành nơi trú ngụ của những kẻ mất hết nhà cửa và đói lạnh.

Qua ngày 17-3 âm lịch, nước mới rút cạn nhiều. Người ta đi khắp nơi để tìm xác người thân.Và ngày hôm sau thì mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Lại còn có bọn gian manh lấy danh nghĩa cứu nạn để đi quyên góp tiền bạc, lúa gạo. Về sau bị chính quyền bắt xử tội tù.

Các vùng phụ cận của tỉnh lỵ Gò Công có bán kính năm sáu chục cây số như Bến Tre, Mỏ Cày, Tân An cũng bị thiệt hại nặng nề, nhất là Vũng Luông, Thừa Đức, cù lao An Hóa, Giao Hoà, Giao Long, Tân Thạch, Kinh Điều dừa ngã hàng đống, làng này trông thấu làng kia, trâu bò heo gà chết rất nhiều.

Đèn đường, dây thép (điện thoại, điện tín) ngã đổ khắp nơi, thậm chí dinh tỉnh trưởng cũng đều sập đổ. Cây cối ngã rạp la liệt bít cả lối đi, xác người nằm vắt võng theo vệ đường hoặc bị mắc kẹt trong các bụi lùm. Đêm về đèn đuốc tối thui, nhà nhà vang tiếng khóc

Mới hay chết hết mẹ cha,

Kẻ đi tìm vợ người thời tìm con.

Chẳng biết ai mất ai còn

Phen này thịt nát xương mòn trời ôi!

Kết quả thống kê thiệt hại của hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho cho biết: Mỹ Tho bị thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hoà…60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.(4)

Gò Công nghe bão nặng nề

Bình Duân, Long Kiểng gần kề hải duyên

Hoặc:

Tân An lại với Gò Công

Gẫm trong bão lụt không còn người ta

Cái ngày định mệnh 16-3 âm lịch năm đó, đúng lúc đình làng Tân Bình Điền đang hát tuồng Quan Công phò nhị tẩu, dân chúng xem rất đông, đang hồi gây cấn cụp lạc thì nước bất thần tràn vào, người xem, đào kép đua nhau bỏ chạy tán loạn. Đến khi chính quyền tổ chức kiếm xác thì người ta tìm thấy cả xác "Quan Công", "Tào Tháo" nằm vắt vẽo trên ngọn tre, đống rơm, mặt mày còn nguyên son phấn!

Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 16-3 âm lịch, dân chúng ở hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho lại tổ chức ngày "giỗ hội" cho những người xấu số đã bỏ mạng trong cơn bão năm xưa

Tháng ba, mười sáu lai niên,

Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung

Hai tháng sau, ở đất Gò Công lại xảy ra nạn dịch tả cũng làm chết hàng ngàn người, do ảnh hưởng vệ sinh môi trường của trận lụt trước

Tháng ba chết bão dập đùa

Tháng năm chết nhộn, không thua kém gì

Sang năm 1905, cũng ở mảnh đất này phải hứng chịu sự tàn phá của hàng triệu con cào cào (thường gọi là nạn hoàng trùng) từ châu Phi bay sang tàn phá mùa màng, gây thiệt hại trên 50% cho nhà nông.

Chưa hết, đến năm 1906, dân chúng Gò Công lại chịu nạn bạch đồng, đất nẻ trắng không làm được mùa. Như vậy, đất Gò Công phải chịu đói khổ liên tiếp trong ba năm.

Theo mô tả của Đào Văn Hội trong Tân An ngày xưa, thì tại Tân An, trận bão bắt đầu lúc 4 giờ chiều, lúc mọi người đang nấu cơm. Gió thổi mạnh vào nhất vào 7 giờ đêm. Lần đầu tiên mưa đá rơi tại Tân An, cục to bằng cái trứng gà. Xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho(5) cũng bị đổ nhào:

Xe lửa chạy tới Tân An,

Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào

Nước sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp bị nước cuốn trôi. Dân chúng đua nhau chạy đến trú ở dinh chủ tỉnh và toà bố. 7 giờ sáng ngày 17-3 âm lịch, mưa tạnh dần, nước rút lần lần. Quang cảnh lúc ấy trông thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc đến chín mươi phần trăm. Trên sông Vàm Cỏ thây nổi lều bều theo dòng nước.

Ở Vũng Tàu, cơn bão kèm theo sóng thần này chủ yếu gây thiệt hại về cơ sở vật chất. Nó quét sạch hầu hết những cây dừa lớn nhỏ dọc theo các con đường vòng quanh núi Nhỏ ở bãi Trước do người Pháp cho trồng, để lấy dầu đốt đèn pha và đèn đường. Cả đến những cây cổ thụ cao to trên núi cao hay trong rừng sâu cũng bị quật ngã. Trên vịnh Hàng Dừa (bãi Trước), 40 thuyền buồm bị biến mất hẳn. Ngay cả hải đăng Vũng Tàu nằm trên núi Nhỏ, được xây dựng vào năm 1870, cùng lúc với việc xây "Sở giây thép thuỷ" của một công ty Anh, nhằm đảm bảo đường liên lạc điện tín giữa Singapore - Hà Nội- Sài Gòn, cũng bị thiệt hại nặng nề. Năm 1913, hải đăng được xây dựng lại, chuyển lên đặt ở đỉnh cao nhất của núi Nhỏ.

Năm 1896, thị trưởng thành phố Vũng Tàu là Ersest Outrey đã tiến hành xây dựng một tiền cảng (thường gọi là Cầu Đá) ở vịnh Hàng Dừa để phục vụ cho mục đích kinh tế và quân sự. Một con đê bằng đá hộc với hàng ngàn mét khối do hơn 1.000 tù nhân lao động khổ sai trong suốt hơn một năm trời được hoàn thành, chi phí lên đến 45.000 francs. Nhưng do tính toán sai về quy luật của sóng và dòng chảy, nên đê cảng trở thành con đập chắn làm nơi hội tụ và lắng đọng phù sa. Cuối cùng con đê đã bị vô hiệu hóa và cơn bão năm Thìn (1904) ập đến phá hoại hoàn toàn. Dấu tích còn lại hiện nay là Cầu Đá bê tông chạy dọc theo bãi Trước.

Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8-6-1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn. Bài viết gồm 2 kỳ, nhưng thật đáng tiếc đây lại là số báo cuối cùng của tờ báo do Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) làm giám đốc.

Cơn bão diễn ra đúng vào ngày chủ nhật 1-5-1904, tức ngày 16-3 năm Giáp Thìn. Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn- Gò Vấp.(6) Trong bài diễn văn của mình, một quan chức dõng dạc tuyên bố:" Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nên thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…"

Buổi sáng 1-5-1904, từ 7 giờ 55 cho đến 12 giờ tại Sài Gòn mưa cứ lâm râm. Đến 1 giờ gió bắt đầu thổi mạnh và đến 3 giờ chiều gió càng dữ dội. Lúc đầu, trời chỉ có dông, lần hồi vừa dông vừa mưa đến mức như cầm chĩnh đỗ. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 4 giờ chiều mà trời đã tối sẫm, lại bị cúp điện. Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu, gió mạnh cứ thổi tắt hoài.

Cuộc bầu cử hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị huỷ bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau.

Theo bài báo mô tả thì:"Đến 5 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đàn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở"

Mưa to gió lớn làm nhiều con ngựa đang kéo xe hoảng sợ bứt dây cương, quăng xe chạy tháo thân. Có xe bị lật nhào kéo theo cả con ngựa nằm té sải cẳng. Hầu hết các xe đều gãy gọng, bay mui, phu xe bỏ chạy tán loạn.

Dọc theo sông Sài Gòn, tàu, xà lan, ghe tam bản, ghe chài, ghe lồng đứt dây, trôi ra giữa sông bi sóng gió đánh ập, va đập nhau mà chìm.

Đến 7 giờ tối, các chiếc tàu lớn Canebière, Adour và Hop Sang bị sóng đẩy lên bờ nằm ngả nghiêng. Chiếc Patroclus đang đậu ở Thủ Thiêm, đứt dây neo, chạy ra giữa sông đụng chìm 4 chiếc ghe chở đá của bà Roussel, đâm thủng một chiếc ghe chài chở lúa, nhận chìm khoảng một chục chiếc tam bản trước khi chìm xuống bến Nhà Rồng. Chỉ riêng các ghe chở lúa, chở dầu, chở hàng hóa có đến 43 chiếc bị chìm trong đêm hôm đó.

Từ 10 giờ đêm, trời đã bớt dông nhưng mưa vẫn ào ào như trút cho tới sáng hôm sau mới bớt hạt.

Hừng sáng hôm sau (2-5-1904), mọi người mới kéo nhau đi xem mức độ tàn phá của cơn bão. Có đến 900 trăm cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dầy mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau.

Sau đó báo L’OpinionLe Courrier de Saigon có bài tường trình về trận bão này:"Dọc theo đường xe lửa(7) chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy, và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai!..."

Tính chung thiệt hại về tài sản do cơn bão gây ra tại Sài Gòn đã lên đến 40 triệu đồng, nghĩa là tương đương với khoảng 1.000 tỷ đồng ngày nay. Số người chết cũng đã lên đến hơn 3.000 người!

Nguyễn Duy Oanh trong Tỉnh Bến tre trong lịch sử Việt Nam cho biết trận bão năm Giáp Thìn (1904) đã ảnh hưởng rất lớn đến sông ngòi ở Bến Tre. Những bãi cát trước đó bao quanh vàm rạch Băng Cung (cù lao Minh) sau trận bão đã làm bít gần như trọn vẹn vàm sông này. Vì vậy, nước ngọt sông Hàm Luông chảy vào rạch Băng Cung không nhiều. Nước mặn từ phía biển xâm nhập lên làm cho các làng Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thạnh phải mất mùa. Từ năm 1938 đến năm 1941, một con đập được đắp ngang sông Băng Cung phía gần biển tại vàm Rỗng để ngăn nước mặn. Nhờ thế mà hơn 14.000ha ruộng mới cày cấy được.

Phía Bình Đại bị thiệt hại nặng về nhà cửa, mùa màng. Đất đai bị nhiễm mặn nhiều và ảnh hưởng tới những năm sau. Cơn bão làm cho diện mạo địa hình thay đổi nhiều.

Trận bão lụt năm 1904, tỉnh Rạch Giá cũng bị thiệt hại nặng về mùa màng. Giới điền chủ không có tiền đóng thuế điền vì ảnh hưởng của thiên tai. Số vốn khá lớn họ đầu tư cho các tá điền để canh tác đều bị mất do thất bát. Tại tỉnh này, trong năm 1904 còn phải hứng chịu thêm một cơn bão lớn vào ngày 3-11. Năm sau lại thêm lụt rồi hạn hán bất ngờ. Dân cư phần lớn bỏ đi đến các vùng dễ làm ăn như Hậu Giang, Cần Thơ.

· Trận bão ngày 11-9-1904

Trong lịch sử đã xuất hiện một cơn bão cực mạnh ngày 11-9-1904 tại Thừa Thiên- Huế, gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Trong công trình Lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong hai thế kỷ XIX-XX đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về những trận bão lịch sử, trong đó có trận bão trên.

Đầu tháng 9-1904, sau những trận mưa lớn, nước dâng cao làm ngập nhiều vùng ở Thừa Thiên Huế. Cùng lúc đó, cơn bão lớn cũng xâm nhập vùng đất này vào ngày 11-9-1904. Lụt và bão đã tàn phá dữ dội cảnh quan môi trường và tài sản, tính mạng của nhiều người.

Nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành và đình chùa miếu mạo bị hư hỏng. Cầu Trường Tiền (tên cũ là Thành Thái) mới hoàn thành năm Thành Thái thứ 11 (1900) bị bay mất 4 vài: 1 vài rơi tại chỗ; 2 vài bay xuống giữa sông, ngang trước chợ Đông Ba; 1 vài trôi về tận bãi Dâu. Chợ Đông Ba vừa dựng được mấy năm lại bị sập, 2 dãy lớp học của trường Quốc Học bị cuốn trôi. Chùa Thiên Mụ cũng bị hỏng nặng. Đình Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên bị sập toàn bộ. Cũng trong ngày 11-9-1904, những đợt sóng thần ồ ạt đổ vào bờ biển Thuận An, bít luôn cửa Hòa Duân(8) (cửa Thuận An cũ, thường được sử sách gọi là cửa Eo) và mở ra cửa Thuận An mới nằm ở phía Bắc cửa cũ, giữa giáp Thượng và giáp Hạ của hai làng Thai Dương Hạ. Cửa Thuận An mới đã khiến hơn 50.000ha ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào, gây mất mùa liên tục những năm sau đó.

Theo Phan Văn Dật trong bài Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao lịch sử, trận bão kinh hồn này chỉ kéo dài trong khoảng 15 phút nhưng đã làm sập đổ hầu hết cây cối và nhà cửa lớn nhỏ ở Huế. Chợ Đông Ba sập chết rất nhiều người, kể cả những người vào ẩn núp, mái tòa Khâm sứ Pháp bằng bản thạch (ardoise) bị thổi bay lên tận núi Ngự Bình. Riêng lầu Phụng tức Ngũ Phụng Lâu ở Ngọ Môn vẫn chịu được sức gió mạnh. Một bài thơ khuyết danh đã ghi lại biến cố này:

Năm Thìn, tháng tám, bữa mồng hai,

Trận gió thình lình nửa buổi mai.

Mưa xuống ào ào tuôn rát mặt,

Gió khua sàn sạt thổi vang tai.

Ngoài sân cây đổ, tàn nghiêng ngửa,

Bên chái phên hư, mái rụng rời.

Nghe nói Trường Tiền cầu sắt gãy,

Nhà tan cửa nát khắp nơi nơi.

Vè Huế cũng đã có những câu ghi nhận sự kiện này:

Nửa đêm bão tới thình lình

Cù lăn nổi dậy miếu đình nghênh ngang

Kỳ Đài, di tích kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng năm 1807, ở vị trí chính giữa trên mặt nam của Kinh thành Huế bị bão thổi đứt làm ba đoạn. Cột cờ này nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Năm 1846, cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài suốt hơn 32m. Sau trận bão năm Thìn (1904) cột cờ được đúc lại bằng ống gang. Từ năm 1948 được đúc lại bằng bê tông cốt sắt.

Bão năm Thìn xô cầu Trường Tiền ngã bốn, đốn Cột cờ gãy ba

Trận thiên tai này đã khiến tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề: 22.027 nhà bị sập đổ, 529 tàu thuyền bị trôi dạt hoặc bị đắm, 724 người chết (có lẽ số người chết còn nhiều hơn nữa nhưng không thống kê được vì thiếu số liệu).

Trong đợt thiên tai tháng 9-1904, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An chủ yếu bị lụt lớn và chịu nhiều thiệt hại.

Sáu mươi năm sau, ngày 15-9-1964 (cũng vào năm Giáp Thìn), bão đổ bộ vào tàn phá Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín(9), Quảng Ngãi. Lượng mưa ở Huế lên đến 271mm, triều cường dâng cao hơn 10m, làm cho đồng bằng Quảng Nam- Quảng Ngãi bị ngập đến gần 1 tháng. Chỉ riêng ở Đà Nẵng đã có 642 căn nhà bị đổ, 25 ghe chìm. Trong trận lụt lớn này, các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi có hàng ngàn người chết vì lụt.

Ngược dòng lịch sử về trước, vào tháng 9-1844 (lại vào năm Giáp Thìn), ở kinh đô Huế mưa to gió dữ, nước ngập sâu 4,2m, tỉnh Thừa Thiên chết hơn 1.000 người, 2.000 căn nhà bị đổ nát. Cũng ngày hôm đó, Quảng Trị bị lụt lớn khác thường, nước ngập sâu đến 6,72m, 79 người chết đuối, 3.000 căn nhà bị đổ.

Đặc biệt, ngày 31-10-1997, một áp thấp nhiệt đới hình thành trên vùng biển Đông, chỉ sau 6 giờ áp thấp này đã mạnh lên thành cơn bão số 5 (Linda) và di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc. Bão có sức gió ở gần trung tâm đạt tới cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 (Côn Đảo) và đổi hướng nhiều lần. Khoảng 19 giờ ngày 2-11 bão đi qua khu vực Đầm Dơi- Ngọc Hiển (Cà Mau) với sức gió đạt cấp 8, cấp 9, gió giật cấp 10. Bão Linda đổ bộ vào Cà Mau làm chết 445 người, mất tích 3.409 người, bị thương 857 người, 3.783 tàu thuyền bị chìm và mất tích, 220 nghìn ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng, gần 350 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng trị giá thiệt hại lên tới 5.600 tỷ đồng. Đây là cơn bão có sức tàn phá lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ở nước ta.

Nhân mùa mưa bão, nhắc lại mấy chuyện cũ về thiên tai để thấy được những tai ương mà ông bà ta đã tổng kết "thuỷ hoả đạo tặc" trong đó tai hoạ về "thuỷ" luôn đứng đầu danh sách. Và nó cũng luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác trước những biến đổi bất thường của thời tiết trong những năm gần đây, điển hình là cơn bão Chanchu (bão số 1) đã để lại những bài học đắt giá về sinh mạng con người!

Nguyễn Thanh Lợi

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Minh, Gò Công xưa và nay, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1969.

2. Việt Cúc, Gò Công cảnh cũ người xưa, Sài Gòn, 1969.

3. Đào Văn Hội, Tân An ngày xưa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972.

4. Mỹ Xuân, "Trận bão năm Thìn", Nam Kỳ tuần báo, số 85, ngày 8-6-1944.

5. Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến tre trong lịch sử Việt Nam (Từ năm 1757 đến 1945), Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1971.

6. Đỗ Bang chủ biên, Lũ lụt ở các tỉnh miền Trung trong hai thế kỷ XIX-XX, Nxb Đà Nẵng, 2002.

7. Phan Văn Dật, "Khảo sát về một số cổ tích và địa danh ở Huế qua ca dao lịch sử" Nghiên cứu Huế, tập 4, Trung tâm Nghiên cứu Huế, 2002.

8. Huỳnh Ngọc Trảng, Vè Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, 1998.

9. Phan Khánh, Nam Bộ 300 năm làm thuỷ lợi, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2005.

10. Huỳnh Văn Tháp, Phan Ngọc Đằng chủ biên, Bình Đại địa chí, UBND huyện Bình Đại, 1987.

11. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên, Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, 1988.

12. Trần Dũng, "Bão năm Thìn trong ký ức người dân Nam Bộ", Tạp chí Xưa & Nay, số 75B, tháng 5, 2000.

13. Bùi Minh Đức, Từ điển tiếng Huế, Nxb Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2004.

14. Đỗ Bang chủ biên, Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hoá, 2000.

15. Phan Thuận An, "Quá trình biến động địa lý tự nhiên ở cửa Thuận An và các biện pháp khắc phục trong 600 năm qua", Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 1, 2000.

16. Đỗ Đức Hùng, "Bão lụt ở miền Trung trong lịch sử", Tạp chí Xưa & Nay, số 69, tháng 11, 1999.

17. Nhiều tác giả, Đặc điểm khí hậu- thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hoá, 2004.

18. Huỳnh Minh, Vũng Tàu xưa và nay, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1970.

19. Lữ Huy Nguyên, Giang Tấn, Đất thắng cảnh Vũng Tàu, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1987.

20. Phạm Chí Thân chủ biên, Di tích danh thắng Bà Rịa- Vũng Tàu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

21. Đỗ Đình Cương, Khí hậu Việt Nam, Khai Trí xb, Sài Gòn, 1968.

22. Quang Hùng, "Bão lụt năm Thìn tại Sài Gòn", Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 221, ngày 10-9-1996.

23. Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1990.

24. Nhiều tác giả, Sài Gòn Gia Định xưa Tư liệu và hình ảnh, Nxb Thành phố ************, 1997.

 

1- Tỉnh Gò Công và tỉnh Mỹ Tho được thành lập năm 1900. Tỉnh Gò Công gồm 4 tổng, 40 làng; tỉnh Mỹ Tho gồm 3 trung tâm hành chính và 15 tổng.

2-Tác giả Trần Dũng đã sưu tầm được 6 trong số hàng chục bài vè về sự kiện lịch sử đáng nhớ này. Trong đó, 4 bài theo thể lục bát, hai bài theo thể thất ngôn trường thiên. Bài dài nhất gồm 138 câu, bài ngắn nhất có 49 câu. Huỳnh Ngọc Trảng trong sách Vè Nam Bộ chép ra 4 bài Vè bão năm Thìn được sưu tầm ở địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên trong sách Văn học dân gian Bến Tre sưu tầm được 1 bài dưới tên Vè năm Thìn bão lụt (sưu tầm ở Mỏ Cày, Bến Tre).

3- 10 làng trên nay đều thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

4- Các tác giả sách Sài Gòn Gia Định xưa Tư liệu và hình ảnh (tr.79) cho là:"Sóng thần tràn vào làm chết 5.000 người ở Gò Công- Cần Giờ. Hai tháng sau, bịnh dịch làm chết thêm 2.000 người" nhưng không ghi ngày tháng diễn ra cơn bão. Từ điển thành phố Sài Gòn- ************ (Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên, Nxb Trẻ, 2001, tr.1.062) cũng có những ghi chép tương tự.

5-Tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Nam Á, dài 71km, khởi công cuối năm 1881 và hoàn thành năm 1885.

6-  Năm 1897, Công ty tàu điện Đông Dương (Compagnie Francaise de tramways Indochine) mở tuyến đường tàu điện Sài Gòn- Gò Vấp (sau này kéo dài lên Hóc Môn), dài gần 22,5km.

7- Thật ra là tuyến xe điện chạy dọc theo kênh Bến Nghé. Trước khi hình thành tuyến đường sắt Sài Gòn- Mỹ Tho, người Pháp có cho thử nghiệm một đoạn đường ngắn hơn, đường ray tàu điện dài 5km, nối Sài Gòn với Chợ Lớn, khai thác từ tháng 7-1882. Đây là 2 tuyến đường ray (đường sắt và đường tàu điện) đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Nó giải quyết việc đi lại của hàng vạn người trên tuyến đường này, năm 1912 đạt con số 12 triệu lượt khách.

8- Trước đó cửa biển này đã bị cát bồi lấp bởi trận sóng thần xảy ra vào ngày 15-10-1897. Ngày nay, trên địa điểm của cửa phá cũ còn thấy một cồn cát cao chừng 5m dài và rộng hơn 1km, gọi là cửa Lấp.

9- Tỉnh do chính quyền Sài Gòn lập trước năm 1975 , gồm các quận Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hiệp Đức, Hậu Đức và Lý Tín; nay là vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Nam.

Sưu Tầm Internet
IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.158 seconds.