Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Lịch Sử - Nhân Văn
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Lịch Sử - Nhân Văn
Message Icon Chủ đề: Các Dấu Dùng Trong Câu Văn (Punctuation Mark Gởi trả lời Gởi bài mới
Người gởi Nội dung
Hoa Hạ
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 19/Jan/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 968
Quote Hoa Hạ Replybullet Chủ đề: Các Dấu Dùng Trong Câu Văn (Punctuation Mark
    Gởi ngày: 23/Apr/2019 lúc 9:59pm
Các Dấu Dùng Trong Câu Văn (Punctuation Marks) – Đỗ Văn Phúc
April 20, 2019 | by     Ban Tu Thư | 0
(TVVN.ORG) Thời Việt Nam Cộng Hoà, những người viết văn làm báo hay nhân viên hành chánh khá giỏi về văn phạm. Các vị chủ bút báo chí chọn bài rất kỹ. Ngoài việc xét bài có nội dung hay, bổ ích, sống động; các vị còn coi trọng văn phong và văn phạm. Vì thế, những tác giả ít nhiều đều viết khá chuẩn xác về ngữ pháp. Dĩ nhiên không tránh khỏi ngoại lệ là có những bài viết sai văn phạm, nhưng do có nội dung quá hấp dẫn và quá sống động nên vẫn đuợc sử dụng.

Tuy nhiên, việc dạy và học chính tả tại trường học thường bị lơ là. Đa số học sinh chú trọng vào các môn có hệ số thi cao để lấy bằng trong khi môn Quốc Văn ở cấp trung học thì chú trọng nhiều về văn học hơn chính tả. Lên đại học, ngoại trừ phân khoa Sư Phạm Việt Văn, dường như (?) không có môn học về Việt Văn tại các phân khoa khác. Do đó, không lạ khi rất nhiều người Việt dù trí thức, cũng ít khi viết đúng văn phạm. Trong ba bài thi lượng giá (***essment tests) khi vào các đại học tại Hoa Kỳ, ngoài môn toán, thí sinh phải qua môn đọc và viết. Môn viết đánh rớt nhiều thí sinh nhất. Ngày mới qua Mỹ, bản thân người viết – dù rất tự tin khả năng Anh Văn của mình – cũng phải thi lại môn viết. Khi khiếu nại với giám khảo, ông mới vạch ra cho biết nhiều sai phạm về cách đánh dấu chấm, dấu phẩy…

Cũng tại hải ngoại, do việc dễ dãi trong báo chí và truyền thông, mà đã sản sinh ra quá nhiều nhà văn, nhà báo… bất đắc dĩ. Họ chỉ viết để diễn đạt ý tưởng của mình, kể lại các kỷ niệm và chỉ mong được đến tay người đọc. Các chủ báo, không trả đồng thù lao nào nên cũng không thể làm khó dễ về văn phong, văn phạm.

Chúng tôi đã đọc nhiều bài mà câu văn dài hàng chục dòng, chiếm nửa trang giấy in, nhưng không tìm thấy một cái dấu chấm hay dấu phẩy. Các tác giả hoặc lười gõ, hoặc hà tiện các dấu mà không thèm dùng. Có vị lại chơi ngang xương một dấu chấm sau một mệnh đề phụ. Người đọc phải vất vả lắm mới đoán và hiểu đúng ý của tác gỉả.

Trong một bài bình luận có tựa đề “LSLL&XĐMT” của tác giả LVN đăng trong một đặc san Xuân 2019 của một Cộng Đồng Tiểu Bang X, có nhiều câu văn dài lê thê.

Xin trích dẫn một câu ở trang 81 của tờ báo.

“Tổng thống Trump đã thực hiện hiệu quả hầu hết những gì ông hứa khi ra tranh cử, một phần là nhờ sự hiểu biết lịch sử sâu sắc của ông, rút được kinh nghiệm quý báu của những người đi trước, cùng với bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo trong việc đàm phán kinh tế, chính trị và ngoại giao; phần khác là nhờ Tổng thống Trump lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh khi cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều do đảng Cộng Hoà nắm giữ và Tối Cao Pháp Viện nay thuộc cánh bảo thủ.”

Câu này chứa nhiều ý, dài 102 chữ, có đến 7 mệnh đề; nhưng chỉ có 4 dấu phẩy, một chấm phẩy, và một dấu chấm cuối câu! Muốn cho người đọc hiểu rõ, câu này cần tách ra làm nhiều câu ngắn hơn.

Trong các câu văn, việc dùng các dấu chấm, phẩy … (punctuation marks) rất quan trọng. Vì nếu đặt sai vị trí của các dấu hay thiếu dấu, câu văn sẽ thay đổi ý của nó, có khi đổi ngược ý luôn.

Ví dụ: “Bác sĩ Hiếu, sau khi trị lành bệnh cho ông Long, đã trở nên nổi tiếng.” Trong câu này, Bác Sĩ Hiếu vừa là chủ từ của mệnh đề phụ (Bác Sĩ Hiếu trị lành bệnh cho ông Long), vừa là chủ từ của mệnh đề chính (Bác Sĩ Hiếu trở nên nổi tiếng). Ông Long là túc từ của mệnh đề phụ.

Nhưng nếu thay đổi vị trí của dấu phẩy như sau “Bác Sĩ Hiếu sau khi trị lành bệnh, ông Long đã trở nên nổi tiếng”, câu này có thể bị hiểu rằng Bác Sĩ Hiếu được trị lành bệnh, và ông Long là là người nổi tiếng, tức là chủ từ của mệnh đề sau.

Trước khi đi vào việc dùng các dấu chính; chúng ta nói sơ qua về cấu trúc của chữ và câu.

Chữ (word) là đơn vị nhỏ nhất có mang một ý nghĩa. Ví dụ: Nhà, xe, đi, xanh, đỏ …

Nhóm chữ (Phrase): đơn giản là một kết hợp có từ 2 chữ (words) trở lên có mang một ý nghĩa, nhưng có thể không tròn một câu (incompleted); tức là không cần có động từ (verb) hay túc từ (subject). Các ví dụ: con cá voi lớn, chiếc xe đỏ, lái xe cẩn thận, một người đàng hoàng…
Một phrase có một chữ chính (head word) và một hay nhiều chữ khác để bổ túc cho chữ chính. Các ví dụ về những loại phrase chính là: Người bạn tốt, lái xe cẩn thận, quá lạnh và tối, hết sức chậm chạp, vân vân. Theo thứ tự là: noun phrase, verb phrase, adjective phrase, adverb phrase,

Mệnh đề (clause) là một kết hợp có từ hai chữ sắp lên và được cấu tạo ít nhất bởi một chủ từ (subject) và một động từ (verb) hay có thêm túc từ (object). Có khi có thêm cả tĩnh từ, trạng từ… Ví dụ: Chiếc xe chạy. Chuông reo nhanh. Tôi đến Sài Gòn. Anh ta làm việc đó một cách xuất sắc.

Một mệnh đề độc lập (independent clause) có thể coi là một câu ngắn. Ví dụ: Tôi sẽ đi ngày mai.

Nhưng nếu nó bị ràng buộc bởi một hay nhiều mệnh đề khác, nó sẽ là mệnh đề phụ (dependent clause hay còn gọi là subordinate clause.) Mệnh đề phụ không diễn đạt toàn vẹn một ý chính và tự nó không trở thành một câu.

Ví dụ: Nếu làm xong thủ tục, tôi sẽ đi ngày mai.

Hai mệnh đề này làm thành một câu. Nếu cho một dấu chấm sau mệnh đề phụ, thì mệnh đề phụ sẽ tối nghĩa, không hoàn chỉnh. Ví dụ: Mệnh đề độc lập “Tôi sẽ đi ngày mai” có thể đứng một mình mà vẫn đủ ý. Còn mệnh đề phụ “Nếu làm xong thủ tục” tách ra một mình coi không ổn.
Còn nhiều loại mệnh đề khác. Nhưng chúng ta tạm dừng ở đây để đi qua phần khác.

Câu (sentence): Là một đoạn văn ngắn hay dài chuyển đạt trọn vẹn một ý chính. Tất cả các câu phải có ít nhất một mệnh đề.

Ví dụ: Tôi sẽ đi xa.

Câu này cũng vừa là một mệnh đề độc lập (independent clause), vì tự nó đã tròn ý.

Nhưng câu cũng có thể có nhiều mệnh đề (complex sentence): một mệnh đề chính (main clause) và một hay các mệnh đề phụ (subordinate clause).
Ví dụ: Khi nào trời mưa (mệnh đề phụ), chúng ta khỏi tưới cỏ (mệnh đề chính).

Câu ghép (compound sentence) cấu tạo bởi hai hay nhiều mệnh đề độc lập.

Ví dụ: Chiếc xe đã đỗ trước nhà, và chúng tôi lên xe.

Gọi là câu ghép, vì nếu tách hai mệnh đề ra, nó sẽ là hai câu tròn nghĩa mà không lệ thuộc nhau.

Các mệnh đề phụ và chính trong câu phải nối với nhau bằng liên từ (và, nhưng, vì, bởi vì, hoặc, tuy nhiên…) hay một dấu chấm phẩy (semi colon) tuỳ trường hợp. Nhưng không được dùng dấu chấm (period). Vì dấu chấm là để chấm dứt một câu.

Các mệnh đề độc lập có thể được nối với nhau bằng dấu phẩy (comma) nhưng phải có liên từ đi theo.

Ví du: Ông Hai rời khỏi nhà, và bà Hai xách giỏ đi chợ.

Các mệnh đề độc lập cũng có thể nối với nhau bằng dấu chấm phẩy mà không cần liên từ.

Ví dụ: Ông Hai ra khỏi nhà; bà Hai ra bếp sửa soạn thức ăn.

Thí dụ trước, hai mệnh đề nối nhau bằng dấu phẩy vì có chữ “và”. Ví dụ sau hai mệnh đề nối nhau bằng chấm phẩy vì không có chữ “và”.

Các dấu căn bản:

Các dấu đi liền ngay sau các chữ. Nhưng sau các dấu, phải chừa một khoảng ngắn (space) và chỉ một mà thôi trước khi viết chữ hay câu khác.

Dấu chấm (.) Period.

Dấu chấm là dấu được dùng nhiều nhất. Mỗi một câu dầy đủ phải được kết thúc bằng một dấu chấm. Mệnh đề độc lập coi như một câu cũng chấm dứt bằng một dấu chấm. Dấu chấm cho phép người đọc dừng lại hoàn toàn trước khi đọc câu khác.

Ví dụ 1: Tôi ngồi bên cô ta trên cái ghế dài và bắt đầu kể cho cô nghe về chuyến du lịch của tôi.

Trong câu này, hai mệnh đề có chung một chủ từ “tôi” nên nối nhau bằng chữ “và” mà không dùng dấu chấm phẩy.

Ví dụ 2: Tôi ngồi bên cô ta trên cái ghế dài, và cô kể cho tôi nghe về chuyến du lịch của cô.

Câu này có hai mệnh đề với hai chủ từ khác nhau (tôi, cô ta) nên phải có dấu phẩy ở giữa.

Ví dụ 3: Anh Ba hỏi tôi khi nào thì về.

Câu này là một câu hỏi gián tiếp nên phải dùng dấu chấm thay vì dấu hỏi.

Khi một câu kết thúc bằng một chữ cuối có dấu chấm, thì không thêm dấu chấm khác nữa.

Ví dụ: Ông Hùng mơí nhận được bằng Ph.D. Ông ấy là bạn của anh tôi.

Ví dụ: Thành trì này bị tàn phá trong trận đánh năm 400 A.D.

Trong hai trường hợp trên, chữ Ph.D. và A.D. đã có dấu chấm cuối chữ D nên không cần thêm một dấu chấm câu khác.

Nếu các câu nằm giữa các dấu ngoặc hay dấu trích dẫn, phải đánh dấu chấm trước khi đóng ngoặc hay đóng dấu trích dẫn.

Ví dụ 1: Bác ba nói rằng: “Ngày mai trời lại sáng.”

Ví dụ 2: (Điều này đã được nhắc ở trên.)

Dấu hai chấm (:) Colon

Dấu hai chấm cũng rất thường dùng và dễ hiểu. Nó dùng để giới thiệu một chữ, một câu, một danh sách, hay một trích dẫn. Sau đây là vài ví dụ:

Hắn chỉ có một ước muốn trong đầu: Du lịch.

Cô ấy chỉ còn một điều chưa toại: Lấy chồng giàu.

Tôi muốn bữa ăn phải có: canh, cá kho, rau luộc.

Hắn nói với tôi rằng: “Mình phải đi xa.”

Dấu chấm phẩy hay còn gọi là chấm phết (;) Semicolon

Chúng ta phải rất cẩn thận khi dùng dấu chấm phẩy. Nó được dùng để nối hai câu (hay hai mệnh đề độc lập) với nhau. Hai câu đó phải chứa đưng một nội dùng tương tự hoặc có liên quan với nhau. Hai câu mà nội dung không liên quan với nhau phải được tách ra bằng dấu chấm.

Ví dụ: Thái Thanh là một ca sĩ tài ba; bà thành công trong từng nốt nhạc.

Chúng ta thấy hai câu trên có thể đứng riêng mà vẫn đủ nghĩa, nhưng nó không nhấn mạnh sự liên quan với nhau.

Không nên dùng dấu chấm phẩy khi dùng một liên tự ở đầu câu thứ hai. Vì trong trường hợp này, liên từ và dấu phẩy thay thế dấu chấm phẩy.
Ví dụ: Thái Thanh là một danh ca, và bà thành công trong từng nốt nhạc.

Trường hợp đặc biệt: Trong một câu có một liệt kê những sự việc hay sự kiện có sẵn các dấu phẩy, chúng ta dùng dấu chấm phẩy để nối các sự kiện này.

Ví dụ: Những ngày ghi nhớ trong đời tôi là ngày 1 tháng 6, 1946; ngày 20 tháng 4, 1969; ngày 3 tháng 5, 1969; và ngày 9 tháng 5, 1990.

Dấu phẩy hay dấu phết (,) Comma.

Dấu phẩy cho phép người đọc tạm dừng lại chớp nhoáng. Nó dùng để tách riêng từng điểm trong một dãy sự việc hay sự vật (items).

Ví dụ: Chị Hai đi chợ mua cá, thịt, rau, sữa, và kem.

Để ý: Phải thêm liên tự “và” ở sự vật cuối dù đã có dấu phẩy trước đó. Giữa hai sự vật liên đới với nhau thì không dùng dấu phẩy.

Ví dụ: Tôi đã gọi các món cá chiên, tôm lăn bột, rau xà lách và nước sốt, và kem tráng miệng.

Để ý: Món xà lách đi đôi với nước sốt nên nối nhau bằng chữ “và’. Còn chữ “và” đứng trước chữ kem là để cho thấy đây là món riêng biệt cuối cùng. Nhưng phải có dấu phẩy giữa nước sốt và kem tráng miệng vì hai món này riêng biệt nhau.

Như trên có nói, dấu chấm phẩy nối hai câu với nhau. Nhưng cũng có thể dùng dấu phẩy và một liên từ như câu ví dụ “Thái Thanh là một danh ca, và bà thành công trong từng nốt nhạc”

Ngoài các dấu chính chúng ta thường dùng là dấu chấm (period), dấu phẩy (comma), dấu chấm phẩy (semi colon), và dấu hai chấm (colon); còn nhiều loại dấu khác như dấu than (!), dấu hỏi (?), dấu ngoặc mở và đóng (), dấu ba chấm (…) dấu nối (-), dấu và (&), dấu trích (“), dấu bằng (=), dấu lớn hơn (>), nhỏ hơn (<) vân vân. Vài ví dụ: Dấu hỏi: Anh có biết hay không? Dấu than: Trời chi mà tối tăm ghê! Tuy mang tên là dấu than, nhưng nó cũng được dùng biểu lộ các tình cảm yêu, ghét, giận, vui, buồn, mừng, ham muốn; như trong câu: Gặp nhau mừng nhé! Dấu gạch ngang: Tôi đã đến thành phố La Mã - là nơi mà tôi hằng mong muốn - trong tháng qua. Dấu trích: Ông Tám có nói với tôi: “Việt Cộng ác lắm. Tôi từng bị chúng nó truy đuổi.” Dấu ba chấm: Trong tủ sách có các loại truyện kiếm hiệp, trinh thám, lãng mạn… Dấu ba chấm có thể thay bằng chữ “vân vân”. Ví dụ Trong tủ sách có các loại truyện kiếm hiệp, trinh thám, lãng mạn, vân vân. Sau khi đã bàn qua cách dùng các dấu, chúng ta trở lại câu văn dài đã nói ở đoạn mở đầu. Chúng tôi thử đề nghị cách chia nó ra thành 3 câu ra như sau: Tổng Thống Trump đã thực hiện hiệu quả hầu hết những gì ông hứa khi ra tranh cử. Một phần là nhờ sự hiểu biết lịch sử sâu sắc mà ông rút được kinh nghiệm quý báu của những người đi trước; một phần khác là cùng với bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo giúp Tổng Thống Trump trong việc đàm phán kinh tế, chính trị, và ngoại giao trong thế mạnh. Tổng thống đã lãnh đạo Hoa Kỳ thành công khi cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều do đảng Cộng Hoà nắm giữ và Tối Cao Pháp Viện cũng thuộc cánh bảo thủ nắm đa số. Để kết luận, chúng tôi lại xin thưa rằng người viết bài này trước đây cũng rất lúng túng khi dùng các dấu phẩy và chấm phẩy. Cuốn sách viết ra đầu tiên đã được nhiều bạn bè sửa hàng trăm lỗi chính tả. Vì thế, xin quý vị tha thứ những sai lầm có thể khó tránh trong bài và xem đây là một cố gắng nhằm giúp nhau hoàn thiện trong cách viết. Dù là Việt văn hay Anh văn, cách đánh dấu cũng không khác nhau bao nhiêu. Chính nhà văn Kurt Vonnegut – có sự nghiệp văn chương kéo dài hơn nửa thế kỷ tại Hoa Kỳ với hàng chục truyện ngắn, kịch bản - cũng từng nói, ‘chớ nên dùng dấu chấm phẩy… biết cách dùng nó chỉ là để chứng minh bạn đã học qua đại học.’ Ý của ông là khuyên các người viết trẻ đừng qua lo lắng về cách dùng dấu mà hãy viết như thể những gì đối thoại bình thường. Dù sao, biết và viết đúng vẫn hơn. Phải không, thưa quý vị?

Nguồn : Thư Viện Toàn Cầu

Chỉnh sửa lại bởi Hoa Hạ - 23/Apr/2019 lúc 10:00pm

Trời mưa không lớn lắm
Nhưng đủ ướt đôi đầu
Cuộc tình không lớn lắm
Nhưng chiếm hết đời nhau.

Hoa Hạ

IP IP Logged
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 0.131 seconds.