Bài mới Thành viên Lịch Tìm kiếm Hỏi/Đáp | |
Ghi danh Đăng nhập |
Thơ Văn | |
Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Văn Học - Nghệ thuật :Thơ Văn |
Chủ đề: TRUYỆN HAY CHỌN LỌC | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Người gởi | Nội dung |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 13/Aug/2018 lúc 8:22am |
Kỷ Vật Cho Người Ở Lại
Chuyện xảy ra gần 20 năm trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Arizona.
Tối hôm đó, bệnh viện của tôi nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn
xe hơi thảm khốc. Trên xe là bốn em học sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng
đi về với nhau sau sau bữa tiệc. Người lái xe 18 tuổi, say rượu và chạy
xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải đang đậu bên lề
đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy bị thương
nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1 nữ
bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. Em trai bị chấn thương sọ
não và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. Em gái hôn mê bất tỉnh
phải mổ gấp, không biết có cứu được hay không?
Thật đáng buồn, em trai tử vong là một em Việt Nam, 17 tuổi, vừa tốt
nghiệp trung học và đang sắp rời nhà để vào một trường đại học danh
tiếng. Các em còn lại đều người ngoại quốc.
Lúc đó tôi đang làm tại khu ICU (Intensive Care Unit). Bệnh nhân tôi
được giao đêm đó là em gái 17 tuổi của tai nạn vừa kể trên. Một cô bé
người ngoại quốc, đẹp hay không thì tôi không biết vì cả khuôn mặt lẫn
cái đầu tóc vàng của em đều tím bầm, sưng to như trái dưa hấu vì những
cú va chạm kinh khiếp. Em đang được mổ não khẩn cấp trong phòng mổ.
Tôi được (hay bị) kêu vào phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.
Sau khi được biết nhiệm vụ của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối, “Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của bác sĩ mà!”
“Tôi biết, nhưng người nhà của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành
lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ, và ráng van xin họ giúp chúng
tôi,” bà y tá trưởng năn nỉ.
Sau một hồi bàn qua tính lại, tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến
phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử nạn, với nhiệm vụ là cùng bác
sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ phận còn tốt trong cơ
thể của em cho bệnh viện.
Một em trai 17 tuổi đang khỏe mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng
cử viên tuyệt vời để làm người hiến tặng, vì hầu hết các bộ phận trong
cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích hợp để cứu sống các bệnh nhân
đang chờ đợi để được thay các bộ phận trong người. Đó là lý do bệnh
viện hết sức cầu xin gia đình.
Thời gian đó, đối với người Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ
thể còn rất mới mẻ. Nếu không là cho người thân trong gia đình, hầu như
rất ít ai hiến tặng cho những người không quen biết. Huống hồ gì,
chuyện cha mẹ đồng ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể của con thì hình
như chưa hề xảy ra. Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế? Mất con
đã đau đớn lắm rồi…
Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân trong phòng đợi, trong khi người con
đang được chờ quyết định để rút tất cả ống support bên trong, tôi bắt
đầu trình bày lý do. Quả như tôi lường trước, cho dù có van xin, nài nỉ,
giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy
quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.
Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước nhanh như chạy ra khỏi phòng.
Phòng ICU rất vắng lặng vì ở đây toàn những ca rất nặng. Những y tá
cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn với bệnh nhân của mình nên chỉ
có một mình tôi ngồi tại nurse station. Thường thì ở ICU, mỗi y tá lãnh
hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có một, vì một bệnh
nhân mới chuyển sang phòng thường. Bệnh nhân còn lại là cô gái đang
trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.
Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một
chút cho đỡ mỏi mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên thì vụt một cái, thoáng có
một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.
Tôi đảo mắt nhìn quanh.
Không có ai cả!
Tôi vẫn thường thấy lao đao như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh
thiếu máu kinh niên. Tôi dụi mắt nhìn kỹ lại một lần nữa, lần này thì
thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến lại gần tôi.
Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu
rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi đang đi lại phía tôi ngồi. Cậu đi
nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện trước mặt tôi mà không gây
nên một tiếng động. Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền và ngây thơ đến nao
lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. Chắc là cậu đi nuôi người nhà
bệnh và lạc từ khoa khác sang.
Thấy cậu đứng yên lặng không nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, “Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?”
Lạ thay, cậu trả lời bằng tiếng Việt, “Em đi kiếm đồ!”
Giọng của cậu nhỏ và thanh, nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.
“Em bị mất cái gì à?”
“Em làm rớt cái ví trong xe. Trong đó có một món đồ rất quan trọng. Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”
Không đợi tôi trả lời, cậu quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.
Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi
rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm
độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy
lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.
Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi
tự nhủ. Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và nhức đầu quá. Tôi đứng lên
định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc
ghế.
Vừa lúc đó, một cô bạn đồng nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt
tôi, cô la lên, “Oh my God! Trời ơi sao cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy
ghê quá. Are you OK?”
“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy dùm tôi một cái áo lạnh được không?”
Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi
và hấp nóng. Tôi mặc áo vào, ngồi co ro mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi
rịn ra hai bên thái dương.
Tôi uống thêm hai viên Tylenol. Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu,
và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy. Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi
kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?
Cả khu ICU này có 6 phòng. Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người
nằm một phòng. Tôi coi lại danh sách bệnh nhân viết trên bảng treo trên
tường. Không có bệnh nhân nào người Việt. Vậy cậu từ khoa nào đi sang
đây?
Tôi đi lòng vòng với hy vọng gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những
nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu bé người Á châu không, ai cũng
lắc đầu không biết.
Thất vọng, tôi trở về khoa đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải
phẫu xong và chuyển về phòng ICU. Bác sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi
mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng. Chỉ có một hy vọng duy
nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy lại ánh sáng.
Ba mẹ em ngồi bên giường trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.
Người mẹ buồn rầu nói, “Tội nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của nó đã chết?”
“Người yêu của Jane là anh Việt Nam ngồi chung xe hả bà?” tôi hỏi.
“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau lắm. High school sweethearts mà. Hai đứa
đều học giỏi và có tương lai. Thế mà, chỉ qua một đêm, một đứa ra đi
vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.” Bà sụt sịt khóc.
Tôi ngập ngừng, “Bác sĩ nói con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”
“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là
cặp mắt của một người còn sống cho con tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ
không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao giờ muốn làm khổ ai.”
“Nhưng nếu đó là cặp mắt của một người vừa mới mất thì hoàn toàn có
thể dùng được, chỉ có điều…” tôi bỏ dở câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ
không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha mẹ cậu bé Việt Nam thêm
một lần nữa.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà mẹ thở dài, “Cô y tá ạ, tôi biết nỗi
đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp như thế nào. Tôi không dám đòi
hỏi gì thêm. Số phận con gái tôi bị mù thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc cho
nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt qua…”
Xót xa nhưng cũng rất xúc động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ
nắm lấy tay bà. Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay
cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá
người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”
“Dạ được. Ông cần gì không?”
“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi đến gặp gia đình người tử nạn trong tai
nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total lost. Trước khi xe tow kéo xe đi,
chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc ví này rớt trong xe. Nó
thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này cho thân nhân của
cậu.”
Ví, xe, người tử nạn… những mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự
nhiên ráp nối lại với nhau một cách có trật tự. Tim tôi đập thình thịch
và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. Chân tôi bắt đầu run lập cập và tay thì
nổi da gà. Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói?
Không lẽ mình vừa gặp ma sao?
Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát, “Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”
Ông ngần ngừ một chút rồi nói, “Cũng được, nhưng trong ví không có gì
quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe và một ít tiền mặt vậy thôi!”
Tôi tần ngần mở chiếc ví ra. Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ
chỉ có tấm bằng lái xe. Tôi tò mò nhìn vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm
rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình của cậu bé vừa đến gặp
tôi ít phút trước đây. Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu trong vắt thơ
ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.
Vậy ra cậu chính là người đã chết đó sao?
Một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. Tôi thầm thì,
nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: “Trong ví này có một vật rất quan
trọng…”
“Cô nói gì?”
Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra xem lại và lật tới lật lui. Quả thật
không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và $5, cùng tấm bằng lái.
Tai tôi văng vẳng nghe tiếng của cậu bé, “chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”
Tấm bằng lái!
Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái lần nữa. Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.
Trên bằng lái có tên, tuổi và hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay
ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng
chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.
Tim tôi đập thình thịch. Như vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh
sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe trước khi xe bị kéo đi; chính
cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát gặp tôi để mọi người có
thể biết được ý nguyện của cậu. Thì ra ngay từ khi mới có bằng lái, cậu
đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn sàng hiến
tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng nên
đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. Có phải cậu đến tìm tôi vì biết
tôi là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và
muốn nhờ tôi tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ
vật cuối cùng?
Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV. Sau
khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính thực đã ghi danh làm người
“DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo rằng theo luật pháp,
vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối cùng, cho
hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.
Phái đoàn gồm các bác sĩ, cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví
lại cho cha mẹ cậu và thông báo về tất cả những sự việc trên cho họ.
Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với nhau, chúng tôi đều lui ra
ngoài đứng chờ.
5 phút, 10 phút trôi qua. Một bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.
Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước ra. Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người
cha nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy,
chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của cháu. Xin bệnh viện giúp cháu làm
tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai đang chờ được giúp.”
Tôi bật khóc vì quá xúc động. Tất cả những người có mặt lúc đó đều
khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết định đau đớn và khó khăn nhưng
rất cao cả này. Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì. Trên cao kia, tôi biết cậu
bé đang nhìn xuống và mỉm cười.
Những ngày sau đó, có ít nhất là cả chục bệnh nhân đang chờ thay
thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ được ghép những bộ phận trong
cơ thể cậu bé. Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp mắt của cậu. Trên gương
mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong veo luôn tỏa những
tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu thương đến
mọi người. Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại của em vẫn
tiếp tục tồn tại.
****
Ngay sau cái đêm “gặp ma” trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất
nhiều. Tôi về bàn với chồng, và vợ chồng tôi đã cùng đi đến quyết định
là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người “DONOR.”
Nếu một mai có người nào phải ra đi trước, chúng tôi không muốn người
thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm những quyết định đau lòng thế cho
mình.
Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Thế thì tiếc làm chi các xác thân
tạm bợ này! Nếu sau khi mình ra đi mà vẫn còn có ích cho người khác thì
đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô biên cho mọi người chúng ta
rồi.
Diễm Vy
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 14/Aug/2018 lúc 12:07pm |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 15/Aug/2018 lúc 8:10am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 20/Aug/2018 lúc 2:56pm |
Đêm Không Trăng <<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 20/Aug/2018 lúc 3:00pm |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 22/Aug/2018 lúc 6:54am |
Cái Mặt
Con người có cái mặt là quan trọng
nhất. Thật vậy, nếu lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì còn lại trên thân
thể sẽ không dùng vào đâu được hết và cũng không còn tồn tại được nữa.
Không có mũi để thở, không có miệng để ăn…,con người không có cái mặt là
kể như “tiêu tùng”!
Trước khi “đào sâu” cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để “vinh danh”
tiếng Việt: phần lớn những gì nằm trên cái mặt đều bắt đầu bằng chữ “m,”
trên thế giới chưa có thứ tiếng nào như vậy hết! Ðây, nhìn coi: trên
mặt có mắt, mũi, miệng (mồm), má.
Ở “mắt” có mày, có mi, có mí
mắt, rồi mắt mụp, mắt mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng, mắt mờ, mắt
mù…Qua tới “mũi,” ngoài “mùi” ra không thấy chữ “m” nào khác dính vào.
Có lẽ tại vì cái mũi nó…cứng khư, không…linh hoạt.
Ấy vậy mà nó –
cái mũi – và “chân mày” (cũng kém linh hoạt như cái mũi!) lại được đi
kèm với cái mặt để…hỗ trợ cho tiếng “mặt,” trong từ ngữ thông thường:
“mặt mũi,” “mặt mày,” làm như nếu nói “mặt” không, phát âm nghe…trơn
lùi, nhẹ hểu không lọt lỗ tai! Cho nên người ta nói “mặt mũi bơ phờ,”
“mặt mày hốc hác,” chớ ít nghe “mặt bơ phờ, mặt hốc hác.”
Bây
giờ tới “miệng” thì có môi, có mép rồi mồm mép, môi miếng, miệng méo,
miệng móm, mím môi, mếu máo, mấp máy, bú mớm, mút mấp…Ðến “má” thì ngoài
“mụt mụn” chỉ có “mi một cái” là còn thấy chữ “m” nhè nhẹ phất
phơ…Tiếng Việt hay quá!
Trở về với cái mặt. Ông Trời, khi tạo ra
con người, ban cho cái mặt là một ân huệ lớn. Nhờ có cái mặt mà con
người nhận ra nhau, chồng nhận ra vợ, con nhận ra cha, biết ai là bạn ai
là thù v.v…Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên không ai còn cái
mặt nữa. Nếu có sống được nhờ một sự nhiệm màu nào đó, thử hỏi con người
lấy gì để nhận diện nhau?
Chồng vợ, cha con, bạn thù gì đều…xà ngầu. Vậy là loạn đứt! Cho nên xưa nay, người ta coi trọng cái mặt lắm.
Có
người còn nói, “Thà chịu mất mạng chớ không bao giờ để cho mất mặt”! Vì
vậy, rủi có ai lỡ lời chạm tự ái một người nào thì người đó thấy bị…mất
mặt, liền đưa một nắm tay lên hăm he: “Thằng đó, bộ nó giỡn mặt tao hả?
Tao phải dằn mặt nó một lần cho nó biết mặt tao”
Rồi, bởi vì
cái mặt nó…nặng ký như vậy cho nên khi nói về một người nào, người ta
chỉ nhắm ngay vào cái mặt của người đó để mà nói. Nếu ghét thì gọi “cái
bảng mặt” (Cái mặt mà như tấm bảng thì thiệt tình thấy chán quá!
Thường
nghe nói, “Cái bảng mặt thằng đó tao coi hổng vô!”) Nếu hơi khinh miệt
thì gọi “cái bộ mặt” (“Thằng này có bộ mặt ăn cướp!”) Còn khi thương thì
cái mặt trở thành “cái gương mặt” (“Em có gương mặt đẹp như trăng
rằm!”)
Chưa hết! Khi nổi giận muốn… hộc máu, người ta cũng chỉ
nhắm vào cái mặt của đối thủ chớ không chỗ nào khác để “dộng một đạp”hay
“cho một dao” hay “phơ một phát” hay…“tạt một lon ác-xít”! Bởi vậy, xưa
nay những người có “nợ máu” lúc nào cũng sợ bị “nhìn mặt trả thù,” và
hồi thời chống Pháp, những điềm chỉ viên đi nhìn mặt “quân phản loạn”
đều lấy bao bố trùm đầu để giấu mặt!
Con người, khi nhìn người
khác, lúc nào cũng bắt đầu ở cái mặt (Chỉ có người không..bình thường
mới nhìn người khác bắt đầu ở cái chân hay cái bụng hay cái lưng!) Ở đó –
ở cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra, còn hiện lên “cái mặt bên trong”
của con người. Các nhà văn gọi là “nét mặt,” nghe…trừu tượng nhưng suy
cho kỹ nó rất đúng.
Bởi vì chỉ có cái mặt là…vẽ được cái nội tâm
của con người thật đầy đủ. Cho nên mới có câu “Xem mặt mà bắt hình
dong” (hình dong ở đây là cái hình dong giấu kín bên trong con người)
Cho nên, trên sòng bài, các con bạc thường “bắt gân mặt” nhau để đoán
nước bài của đối thủ.
Cho nên mấy “giáo sư chiêm tinh gia” lúc
nào cũng liếc sơ cái mặt của thân chủ trước khi nâng bàn tay lên xem chỉ
tay, để..định mức coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy phần trăm những gì
mình nói”! Thì ra, đời người không nằm trong lòng bàn tay như mấy “thầy”
đó nói, mà nó nằm ngay trên nét mặt!
Cũng bởi vì cái mặt nó…phản
động như vậy cho nên các “đỉnh cao trí tuệ của ta” đã nâng cao cảnh
giác, ẩn mặt một cách…an toàn suốt giai đoạn đấu tranh “chìm”và chỉ
“xuất đầu lộ diện” khi toàn dân đã vùng lên nổi dậy. Và các “đồng chí vĩ
đại của ta” thay tên đổi mặt lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch, nay để
râu mai thay tóc mốt cạo đầu v…v…
Họ ôm khư khư cái mặt để…quản
lý nó từng giây từng phút, chỉ sợ nó để lòi ra cái mặt thật nhét giấu ở
bên trong, riết rồi nó xơ cứng như mặt bằng đất. Ðến nỗi vào bàn hội
nghị quốc tế, các đối tượng không làm sao “bắt gân mặt” để “đi” một nước
bài cho ngoạn mục!
Ở đây, phải nói thêm cho rõ là cho dù trong
nội bộ với nhau – nghĩa là giữa “ta” và “ta” – cái mặt vẫn bị quản lý y
chang như vậy, bởi vì hành động đó đã biến thành “bản năng” từ khuya!
Vì
vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy sau hội nghị, mới ôm “hôn nhau thắm thiết
tình đồng chí” mà trên đường về lại khu bộ có cán bộ đã bị “bùm”hay bị
“cho xe rơi xuống hố” một cách rất….bài bản, để lại niềm “vô cùng thương
tiếc” nằm trên vòng hoa phúng điếu của người đã ra lệnh hạ thủ!
Có
khi chính “đồng chí” này là người thay mặt tập thể, đứng ra….rớt nước
mắt đọc điếu văn! Ở đây, ông bà mình nói: “Phải muối mặt mới làm được
như vậy.” Thật là chí lý! Cái mặt đã muối rồi thì đâu còn sợ….bị thúi
hay bị sình! Ta cứ tỉnh bơ thôi!
Bởi cái mặt nó phản ảnh con
người nên hát bội mới “dặm mặt“sao cho đúng với cái “vai“Ðể khi bước ra
sân khấu, khán giả nhận ra ngay “thằng trung, thằng nịnh, thằng hiền,
thằng dữ” v.v…Ngoài đời, không có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người khác
“nhận diện” là : thằng mặt gà mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt..mẹt,
mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài, mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ,
mặt…mo…v.v…
Sau tháng tư 1975, người dân miền Nam đã được Nhà
Nước “vẽ lọ bôi hề” thành những khuôn mặt … không giống ai, để đóng vai
“nhân dân làm chủ” trên sân khấu cách mạng, trong vở trường kịch “Ðảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”!
Trên sân khấu
chánh trị Việt Nam bây giờ, trong cũng như ngoài nước, “đào kép” tuy
không dặm mặt như nghệ sĩ hát bội nhưng mỗi người đều có “lận lưng” vài
cái mặt nạ để tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà đeo lên cho người ta “thấy
mình là ai” (dĩ nhiên không phải là cái mặt thật của mình). Rồi cũng
“phùng mang trợn mắt hát hò inh ỏi” một cách rất…tròn vai, làm “bà con
đồng bào, đồng chí, đồng hương” cứ thấy như thiệt! Ðiểm đặc biệt là ông
nào bà nào cũng muốn thiên hạ chỉ nhìn thấy có “cái mặt của mình” trong
đám bộ mặt đang múa may quay cuồng trên sân khấu.
Vì vậy, họ
phải rán bơm cho cái mặt của mình to bằng…cái mâm (mặt mâm), cái nia, để
thấy họ mới đúng là …“đại diện”! Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để
kiếm cho cái…đít của họ một cái…ghế! Ðến đây thì vở tuồng trên sân khấu
đang chuyển sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau”…Cái mặt đã trở thành “một
vấn đề”!
Ðể chấm dứt bài này, và cũng để được yên thân, xin phép độc giả cho tôi “vác cái mặt của tôi đi chỗ khác”!
Tiểu Tử
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 24/Aug/2018 lúc 10:32am |
Hoa Tím Bằng Lăng
Vì
chiều cao “rất khiêm tốn” của mình, tôi cứ phải loay hoay điều chỉnh cái máy
video cầm tay, cố gắng thâu lại hình ảnh của Tuân đang từ từ bước lên khán đài
nhận bằng kỹ sư để mai mốt mang về Việt Nam “vinh
quy bái tổ”. Tuân là đứa con “rất
đặc biệt” của chúng tôi. Vợ chồng tôi mới cưới nhau được 10 năm
nhưng Tuân năm nay vừa tròn 22 tuổi! Gia đình bên vợ và người ngoài cứ nghĩ nó
là con riêng của tôi mang theo từ Việt Nam; và chúng tôi nghĩ Tuân cũng tin như
thế, vì mỗi lần gọi điện thoại về Việt Nam nó vẫn gọi mẹ tôi là bà nội. Tuy
nhiên, Tuân vẫn một lòng kính trọng Oanh như mẹ ruột, và vợ tôi cũng rất thương
yêu và lo lắng cho nó ngay cả trước khi chúng tôi nên vợ thành chồng.
Sau
bao nhiêu lần thử nghiệm và biết chắc chắn tôi không thể có con; thay vì buồn
phiền, Oanh lại săn sóc cha con tôi nhiều hơn. Đã mấy tháng nay nàng chạy ngược
chạy xuôi lo thu tục giấy tờ để tuần sau chúng tôi về Việt Nam nhận một đứa
cháu gái của tôi làm con nuôi. Ngày nhận được kết quả thử nghiệm xác định tôi
không thể có con, Oanh đã âu yếm nhìn tôi thỏ thẻ: “Ngay từ đầu em vẫn tin anh. Em không buồn đâu anh ạ! Em
chấp nhận số phận, nhất là chúng mình đã có Tuân... Tuy nhiên, em nghĩ chúng
mình cũng nên nhận thêm một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Nếu anh đồng ý,
em sẽ lo giấy tờ để chúng mình nhận một đứa con của chú Khang làm con nuôi.
Mình nuôi cháu vẫn tốt hơn...” Đó là lý do Oanh sắp xếp để ngay sau
khi Tuân ra trường, chúng tôi sẽ về Việt Nam thăm gia đình và nhất là đưa Tuân
về thăm lại mộ Trang, người mẹ ruột của Tuân đã ra đi trong tủi nhục ngày nó
mới được 3 tháng tuổi, và Tuân trở thành “con trai” của tôi từ hơn hai mươi năm
về trước tại Bình Giả, Việt Nam.
o0o Ngày đó tôi cũng khoảng tuổi của Tuân bây giờ... Tôi trở về Bình Giả năm 1979, sau mấy năm gồng mình cầm cự với nghề “gõ đầu trẻ” tại một trường tiểu học ở vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Sông Bé. Tôi thương đám học trò nghèo đói nhiều lắm nhưng chính tôi cũng không chịu nổi cảnh đói nghèo vì lương không đủ ăn nên đành phải bỏ trường về quê ăn bám gia đình sống qua ngày. Sau mấy năm vừa dạy học, vừa làm rẫy sống lây lất qua ngày, sức tôi đã kiệt quệ! Tôi đã “cắt hộ khẩu” ở trường cũ, nhưng không xin “nhập hộ khẩu” tại Bình Giả vì tôi trở về với ý định tìm đường vượt biên. Đã mấy năm rồi, bà con trong làng ai cũng biết tôi đi dạy học ở vùng “Kinh Tế Mới”, và thỉnh thoảng vẫn về quê thăm cha mẹ cũng như xin thêm gạo, bắp... nên không ai thắc mắc hay hỏi han giấy tờ tạm trú. Mùa mưa năm đó, ngoài việc chuẩn bị dầu nhớt cho chuyến vượt biên chung với một số bạn bè ngoài Láng Cát, tôi vẫn theo các em làm rẫy, làm ruộng, và nhất là vào rừng kiếm măng tre. Trong một dịp mò mẫm giữa rừng tre, tôi đã gặp lại anh Thành, một người trốn trại cải tạo, đang lẩn trốn trong rừng để tìm cách liên lạc với người vợ mới cưới được mấy tuần trước ngày anh đi học tập. Hôm đó trời trở cơn giông đột ngột, tôi chạy vội tới một gốc cây bằng lăng để trú mưa vì lúc đi rừng tôi quên không mang theo áo mưa. Lúc tới được gốc “cây cổ thụ”, tôi đã “hồn vía lên mây” khi nghe tiếng gọi tên mình vọng xuống từ ngọn cây:
-
Toàn. Toàn phải không?
Tôi
ngơ ngác kiếm tìm xem ai đã gọi mình, nhưng trời đã tối mịt vì cơn mưa trong
rừng nên chẳng thấy gì. Tôi sợ quá, đang định chạy trốn thì một sợi giây thòng
xuống từ một cành bằng lăng rậm rạp phía trên đầu... Một bóng người trùm kín
trong chiếc áo mưa cũ kỹ, vừa tuột xuống vừa lên tiếng:
-
Mình đây. Thành đây.
Anh
Thành đã xuống đất. Tôi đứng chết sững ngó đăm đăm người “đàn anh” nổi tiếng
đẹp trai và hào hùng của mấy năm về trước, bây giờ ốm yếu da bọc xương, đen đủi
hốc hác đang run cầm cập vì đói và rét. Tôi ngập ngừng:
-
Trời ơi! Đúng là anh Thành đây mà. Sao anh ra nông nỗi này?
-
Mình trốn trại cải tạo về đây đã mấy tuần rồi nhưng không dám về nhà vì sợ bị
bắt lại. Trời xui đất khiến cho mình gặp được Toàn ở đây. Đúng là số mình chưa
chết.
-
Anh đừng nói gở. Bây giờ anh tính sao?
-
Toàn có gì ăn không? Hơn hai tuần nay mình...
Tôi
chỉ định đi kiếm măng vài tiếng đồng hồ nên chẳng mang theo gì ngoài con dao
cán dài để đào măng. Cũng may trong túi còn gói thuốc lá và mấy miếng kẹo
cao-su (chewing gum). Sau khi kể cho tôi nghe sơ qua về cuộc đào thoát từ trại
cải tạo, anh bẻ một cành hoa bằng lăng mầu tím, khắc một dấu hiệu đặc biệt lên
đó và nhờ tôi mang về cho Trang, vợ anh, đang ở với cha mẹ chồng trên Xuân Mỹ,
Làng Ba. Tôi vội vàng trở về, hẹn hôm sau sẽ dẫn người nhà của anh vô rừng sớm.
Thấy tôi trở về với một cành hoa bằng lăng mầu tím, mẹ và em gái tôi ngạc nhiên
lắm, nhưng tôi cũng chẳng giải thích. Tôi dò hỏi đứa em gái về Trang, vợ của
anh Thành. Lúc đó tôi mới biết chuyện anh Thành trở về Bình Giả sau năm 1975
với một cô gái người miền Nam, bổn đạo mới. Gia đình anh Thành không chấp nhận
nhưng cũng đành xin cha xứ làm phép cưới cho hai người mấy tuần trước ngày anh
ấy lên đường đi “học tập”. Năm đó Trang mới 17 tuổi, nhưng vì loạn lạc, gia
đình chẳng còn ai nên đã theo người yêu là anh Thành trở về Bình Giả. Niềm vui
chưa trọn vẹn thì hoàn cảnh ngang trái đã chia cách đôi vợ chồng trẻ hơn bốn
năm nay. Trang ở với gia đình cha mẹ chồng như một chiếc bóng cô đơn bên đường,
mòn mỏi đợi chờ ngày chồng trở lại!
Tôi
mang cành hoa bằng lăng mầu tím lên Xuân Mỹ tìm nhà anh Thành. Hai bác tỏ vẻ
khó chịu khi tôi hỏi thăm và muốn gặp Trang. Về sau tôi mới hiểu là ở Bình Giả
đâu có ai mang hoa tới nhà cho con gái; hơn nữa, nàng lại là một người con gái
đã có chồng! Từ nhà bếp đi lên, nhìn thấy tôi cầm cành hoa bằng lăng mầu tím
trong tay, nàng đứng sững sờ nhìn tôi, miệng ấp úng nói không nên lời. Tôi vội
vàng lên tiếng:
-
Có người nhờ tôi trao cành hoa này cho Trang. Có dấu hiệu khắc trên đó.
Trang
cầm cành hoa rồi bật khóc nức nở:
-
Trời ơi! Anh Thành! Anh đã gặp anh Thành...
Bác
gái vừa đỡ Trang ngồi xuống bên cạnh, vừa dồn dập hỏi tôi:
-
Cậu Toàn gặp thằng Thành nhà tôi ở mô rứa? Công an đang truy nã nó mấy tuần
nay. Trang nín đi con. Tai vách mạch rừng. Chết! Chết cả nhà bây giờ! Ngày nào
cũng có người tới nhà hạch hỏi về nó. Ông đóng cửa lại mau đi. Khổ thân con
tôi!
Tôi
thầm thì kể lại cuộc gặp gỡ anh Thành trong rừng hồi chiều cho hai bác và Trang
nghe. Cuối cùng cả nhà quyết định sẽ chuẩn bị một số thức ăn và thuốc men rồi
tờ mờ sáng hôm sau Trang xuống nhà tôi đi vào rừng tìm gặp anh Thành. Nếu có ai
hỏi thì nói là gia đình tôi thuê nàng đi làm cỏ lúa ở Đồng Tròn. Bác trai cũng
muốn đi theo nhưng không dám vì sợ hôm sau công an lại tới nhà làm việc.
Suốt
một tuần liền, ngày nào Trang cũng “đi làm thuê” cho tôi để vào rừng gặp gỡ anh
Thành. Cám cảnh trước hoàn cảnh hiện tại, sau mấy ngày bàn bạc cùng gia đình,
tôi đã quyết định nhường chỗ trên ghe cho anh Thành. Chúng tôi cũng sắp xếp cho
anh Thành theo xe bò của một người quen ở Hòa Long đi lấy cọc tiêu để tránh gặp
gỡ những người quen, rồi tôi đón anh ấy ra Long Hương “ở nhờ” nhà một người bạn
thân của tôi để chờ ngày ra đi. Hơn hai tháng trời, tôi và Trang trở thành
những người đi buôn chuyến. Thực ra, tôi chỉ chở Trang ra Long Hương gặp chồng,
có khi ở đó một hai ngày trong lúc tôi đi Hố Nai, Gia Kiệm... lo việc riêng.
Người trong làng đã bắt đầu đồn đãi về việc tôi và Trang đi buôn chung với
nhau, nhất là còn đi qua đêm nữa! Mẹ tôi buồn lắm! Mặc dầu tin tôi, nhưng “lời
ong tiếng ve” đồn thổi nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn về chúng tôi nên bà rất khổ
tâm. Cha mẹ của anh Thành có vẻ bình tĩnh hơn vì nghĩ rằng những lời đồn đãi đó
sẽ làm người ta quên dần chuyện anh Thành trốn trại cải tạo. Tôi vẫn xem Trang
như một người bạn thân vì tôi cũng chỉ hơn nàng một tuổi, còn anh Thành thì xem
tôi như một đứa em ruột, “một vị cứu tinh” đã dám liều mình cưu mang và giúp đỡ
anh trong cơn hoạn nạn.
Anh
Thành và một số bạn bè của tôi đã ra đi đột ngột trước ngày dự tính vì công
việc “bến bãi” bị đổ bể. Sau một tuần không thấy tin tức gì về chiếc ghe đó,
chúng tôi yên chí anh Thành đã ra khơi bằng yên. Tôi lại theo bạn bè tìm cách
mua lại một chiếc ghe cũ ở Cần Giờ, đút lót xin giấy tờ tạm trú và bắt đầu công
việc sửa chữa chuẩn bị một chuyến đi mới. Công việc bề bộn nên gần ba tháng sau
tôi mới trở về thăm gia đình. Mẹ tôi vừa khóc vừa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh
của Trang. Nàng đã có thai, bụng càng ngày càng lớn. Anh Thành coi như mất tích
vì không có tin tức gì. Bà con trong họ chất vấn nàng nhiều lần về đứa bé trong
bụng. Lúc đầu cha mẹ anh Thành tin Trang, nhưng không biết làm sao để giải
thích. Mọi người đổ tiếng xấu cho tôi và nàng. Dần dà cả gia đình nhà chồng cũng
tin lời đồn đãi của thiên hạ, nhất là chờ mãi không thấy tin tức gì của anh
Thành nên bắt đầu hạch hỏi và coi khinh nàng. Hai bác đã xuống nhà nói chuyện
với mẹ tôi, có vẻ trách móc và đặt vấn đề tại sao chính tôi cũng trốn biệt từ
mấy tháng nay. Mẹ tôi chỉ biết ngồi khóc vì tủi nhục! Em gái tôi cũng nửa tin
nửa ngờ nên đã tìm gặp Trang để hỏi cho ra lẽ. Nó tin lời giải thích của Trang
nên càng ngày càng thân với nàng.
Tuổi
trẻ bồng bột và nhiều tự ái nên tôi đã lên gặp cha mẹ anh Thành đôi co và cãi
vã với cả gia đình và giòng họ anh ấy để bênh vực cho Trang, nhưng rồi mọi
người lại càng khinh bỉ và ghét bỏ Trang nhiều hơn trước. Quá tủi nhục và hổ
thẹn, Trang đã liều mình tự tử! Cũng may người nhà phát giác kịp thời và cứu
chữa cho nàng và bào thai trong bụng. Mặc dầu được cứu sống nhưng Trang trở nên
lầm lì ít nói, sống vật vờ như một cái xác không hồn giữa sự khinh ghét của
giòng họ nhà chồng.
Lúc
bấy giờ em gái tôi cũng mới mang thai nên đã bàn với mẹ xin cho Trang về ở
chung cho đỡ buồn và cùng đỡ đần giúp đỡ nhau trong lúc bầu bì cho có chị có
em. Chính vì lòng tốt của em gái tôi mà cả làng đều nghĩ đứa con trong bụng
Trang là của tôi. Mỗi lần tôi về thăm, Trang khóc nức nở không phải vì nỗi tủi
nhục khi bị mọi người phỉ báng, nhưng nàng khóc vì đã làm hại danh dự của gia
đình tôi. Lại một lần nữa, mẹ tôi gọi hai đứa lên hỏi han ngọn nguồn, và khi
nghe chúng tôi thề thốt không hề có tà ý với nhau, mẹ tôi đã “ngồi xổm trên dư
luận” để nhận Trang làm con tinh thần trong khi mọi người nghĩ rằng mẹ tôi làm
thế để tránh tiếng vì bà đã biết chắc chắn bào thai trong bụng Trang là cháu
nội của bà. Mẹ tôi âm thầm ngậm đắng nuốt cay để an ủi vỗ về Trang, mong cứu
vớt một linh hồn vì mẹ tôi sợ rằng Trang lại liều mình tự tử như mấy tháng
trước. Ôi! Mẹ đã hy sinh
chịu nhục vì con và vì thương một người côi cút trong cơn hoạn nạn. Con xin cúi
đầu bái phục lòng can đảm của mẹ cho đến trọn đời.
Trước
ngày ra đi, tôi đã trở về để từ giã gia đình. Ngay khi biết tin tôi sắp sửa ra
đi, Trang đã khóc nức nở và chuyển bụng sinh con. Vì bao nhiêu biến cố xẩy ra
dồn dập suốt thời kỳ mang thai, Trang đã trải qua một đêm dài đau đớn, quằn
quại đến kiệt sức nên y tá trong làng đề nghị phải đưa nàng đi cấp cứu ở bệnh
viện để mổ. Đáng lẽ sáng hôm sau tôi phải trở lại Cần Giờ để chuẩn bị ra đi,
nhưng tôi đi không đành nên đã lỡ một “chuyến
đò”. Tôi theo mẹ và Trang ra bệnh viện. Trong lúc làm thủ tục giấy
tờ trước khi đưa Trang lên bàn mổ, người ta đòi phải có thân nhân ký tên trong
giấy tờ nên tôi đã đứng ra lo liệu... Cũng có thể vì lầm lẫn, và cũng có thể do
số phận an bài nên các bác sĩ và y tá đã ghi tên tôi là “chồng” của Trang trong
hồ sơ bệnh lý. Đó là lý do tại sao Tuân trở thành con tôi! Khi nghe tin Trang
đi mổ, cha mẹ anh Thành cũng ghé thăm và xin lỗi mẹ tôi vì những hiểu lầm trước
đây. Mẹ tôi cũng không chấp nhất gì nên mọi người đều vui vẻ.
Sau
hai tuần Trang được xuất viện, trở về nhà với mẹ tôi. Mẹ tôi bàn qua với hai
bác việc lên cha xin rửa tội cho cháu, và chính tờ giấy bệnh viện ghi tên tôi
là cha đứa nhỏ đã gây nên sóng gió ồn ào cả xứ đạo. Cha xứ lắng nghe, nhưng Ban
Hành Giáo và bà con trong họ anh Thành quyết liệt phản đối. Họ đến nhà hạch hỏi
mẹ tôi đủ điều. Tuổi trẻ háo thắng nên tôi đã nổi nóng đuổi hết mọi người và
quyết định chẳng thèm xin rửa tội cho Tuân nữa! Tôi chỉ muốn mọi người để cho
chúng tôi yên nhưng miệng người không phải dễ “khóa”! Tôi ngang tàng chấp nhận
sự dèm pha của mọi người và cứ hiên ngang ngẩng đầu tiếp tục chạy mánh tìm ghe
lo chuyện vượt biên lần nữa. Lần này tôi quyết định sẽ đưa mẹ con Trang cùng
đi.
Tôi
có thể “đạp dư luận xuống
bùn đen” để sống, nhưng Trang phải âm thầm than khóc từng đêm, nức
nở đè nén “nỗi oan Thị Kính” từng giờ từng phút nên đã bị băng huyết cho đến
chết, và chết trong tủi nhục vào một đêm tôi vắng nhà! Tôi trở về nhìn xác
Trang nằm im bất động mà thấy lòng muốn nổi loạn. Tôi biết chắc chắn những phút
cuối đời Trang đã phải quằn quại trong đớn đau tủi nhục! Tôi đã thực sự thù
ghét mọi người trong xứ khi biết tin “người
ta” không muốn cho tôi chôn Trang ở nghĩa trang giáo xứ vì bà con
trong làng nghĩ rằng Trang đã tự tử! Tôi không hiểu tại sao cả xứ lại lên án và
“trừng phạt”
thân xác một người đã chết trong khi hằng tuần ở nhà thờ vẫn đọc kinh “Thương Người Có 14 Mối, Thương Xác 7
Mối”, trong đó có ghi rõ việc “chôn
xác kẻ chết!” Đâu có ai hiểu được nỗi đau đớn và tủi nhục đã gặm
nhấm tim gan Trang từng giây từng phút vì bị cả làng, cả xứ kết tội oan ức, và
nhất là sự dằn vặt nàng phải gánh chịu vì đã “gieo họa” cho gia đình tôi! Đâu
có ai ở gần kề bên Trang trong những giây phút cuối đời của nàng để “kết án”
nàng đã “liều mình tự tử”!!!
Mẹ tôi muốn lên xin cha xứ giúp đỡ nhưng tôi đã điên lên phản đối. Tôi nhờ bạn
bè ở xa về đào huyệt chôn Trang trong một góc rẫy của gia đình tôi ở mép rừng.
Tôi đã bỏ xưng tội, bỏ lễ cả mấy năm trời vì lòng thù hận vẫn chưa nguôi! Đã
nhiều đêm tôi gục đầu dưới tượng chịu nạn van xin lòng nhân từ hay thương xót
của Chúa thay đổi trái tim “thù
hận” của tôi, và tôi cũng xin Ngài thương tha cho những người đã
kết tội “oan” cho chúng tôi! Tôi chỉ thật sự trở về với Chúa như “một con chiên
lạc” mấy tuần trước ngày vượt biên...
Cháu
Tuân tuy mồ côi mẹ nhưng được bú nhờ sữa của em gái tôi cũng mới sinh được vài
tháng nên cháu vẫn lớn lên theo ngày tháng trong tình thương yêu đùm bọc của
gia đình tôi. Tôi vẫn đi đi, về về tìm mối làm ghe vượt biển. Những hôm ở nhà,
thỉnh thoảng tôi bế Tuân ra rẫy, đến ngồi bên mộ Trang khấn nguyện. Công việc
làm ghe càng ngày càng khó khăn nên mãi 4 năm sau tôi mới thành công. Trước khi
lên đường, tôi đã vô rừng tìm kiếm và đào được một cây bằng lăng nhỏ đem trồng
bên mộ Trang để làm kỷ niệm. Lúc bấy giờ Tuân đã chạy nhanh, nói sõi và lúc nào
cũng quấn quít bên tôi những ngày tôi về quê.
Cuối
cùng tôi quyết định sẽ dẫn Tuân cùng đi mặc dầu mẹ tôi can ngăn nhiều lần. Tôi
đã đi và tôi đã đến. Chính nhờ sự liều lĩnh của tôi mà Tuân có được ngày hôm
nay. Tôi hãnh diện vì sự thành đạt của Tuân. Tôi mang ơn Oanh vì nàng đã tận
tình yêu thương săn sóc “cha con” tôi từ bao nhiêu năm qua. Nếu không có tình
yêu và lòng vị tha thông cảm của Oanh, tôi đã ngã quỵ trong cô đơn nơi xứ lạ
quê người, và Tuân lại một lần nữa thành trẻ “mồ côi”!
Nhìn
hình ảnh Tuân hiên ngang bước lên khán đài, tôi cảm động rưng rưng nước mắt.
Tôi không khóc khi Trang chết. Tôi không khóc khi phải chôn nàng ở mép rừng
thay vì chôn ở nghĩa trang của giáo xứ. Tôi không khóc khi từ giã mẹ già và gia
đình ra đi, nhưng giờ này tôi khóc vì biết chắc chắn Tuân đã trưởng thành, và
mấy ngày nữa sẽ về thăm mộ mẹ đang nằm cô đơn hiu quạnh dưới gốc cây bằng lăng “cha con tôi” đã trồng
trước ngày “biệt xứ”.
o0o
Oanh
đứng nép sát vào người tôi, run run cảm động nhìn Tuân đốt hương cắm lên mộ
Trang rồi quỳ xuống gục mặt khóc thật to. Tôi dìu Oanh đến cạnh gốc cây bằng lăng
đã bị đốn từ mấy năm trước, chỉ còn một số chồi non mới lên được vài mét. Tôi
kinh ngạc khi khám phá ra một cành bằng lăng mới chớm vài nụ hoa mầu tím. Tôi
với tay bẻ rồi cùng Oanh đến quỳ bên cạnh Tuân, nhẹ nhàng đặt cành hoa mầu tím
trên ngôi mộ của Trang. Tuân ngẩng mặt lên nhìn hai chúng tôi khẽ nói:
-
Con biết mẹ con đang mỉm cười bên kia thế giới. Con xin thay mặt cha mẹ quỳ lạy
ba má đã nuôi con nên người.
Tuân
nhẹ nhàng trao cho tôi tờ giấy thử nghiệm mẫu DNA xác định nó và tôi không phải
“cha con”!
|
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 25/Aug/2018 lúc 9:22am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 27/Aug/2018 lúc 8:22am |
Thu Muộn <<<<<Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 27/Aug/2018 lúc 8:33am |
|
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 28/Aug/2018 lúc 7:32am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
Lan Huynh
Senior Member Tham gia ngày: 05/Aug/2009 Đến từ: United States Thành viên: OffLine Số bài: 22937 |
Gởi ngày: 05/Sep/2018 lúc 8:35am |
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ tình yêu thương chẳng ghen tị chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph |
|
IP Logged | |
<< phần trước Trang of 195 phần sau >> |
Chuyển nhanh đến |
Bạn không được quyền gởi bài mới Bạn không được quyền gởi bài trả lời Bạn không được quyền xoá bài gởi Bạn không được quyền sửa lại bài Bạn không được quyền tạo điểm đề tài Bạn không được quyền cho điểm đề tài |