Bài mớiBài mới  Display List of Forum MembersThành viên  LịchLịch  Tìm kiếm trong Diễn đànTìm kiếm  Hỏi/ĐápHỏi/Đáp
  Ghi danhGhi danh  Đăng nhậpĐăng nhập
Tâm Tình
 Diễn Đàn Hội Thân Hữu Gò Công :Đời Sống - Xã Hội :Tâm Tình  
Message Icon Chủ đề: NIỀM TIN & HY VỌNG&GƯƠNG TỐT&CHIA SẼ Gởi trả lời Gởi bài mới
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Người gởi Nội dung
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 16/May/2018 lúc 7:18am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 17/May/2018 lúc 7:55am

Quy Luật Cuộc Đời: Nếu Bạn Giúp Người, Trời Xanh Sẽ Hoàn Lại Cho Bạn

Nếu bạn giúp người, trời xanh sẽ hoàn lại hết thảy mọi điều cho bạn. (Ảnh: Pinterest)


Khi bạn đối mặt với khó khăn, liệu có thể tạm thời quên phiền não của mình, đưa tay ra giúp đỡ người cần giúp? Nếu bạn có thể làm được như vậy, đừng lo lắng rằng mình sẽ mất thứ gì, bởi ông trời sẽ thông qua một số hình thức mà bồi hoàn lại cho bạn.


Rất nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn, họ không nhìn thấy cái khó của người khác, bởi vì họ không vượt qua được quan ải trước mắt mình…

Nếu bạn hiểu quy luật bù đắp thì bạn sẽ minh bạch, khi bạn đưa tay ra giúp đỡ những người bất hạnh kia, bạn sẽ thấy rằng công sức của mình sẽ không uổng phí, ông trời sẽ dùng một số hình thức, hồi đáp lại bạn vào một thời điểm nhất định.
Những hồi đáp này có thể không phải từ người bạn đã giúp đỡ, mà đến từ một nguồn khác một cách rất tự nhiên.
Bạn cho đi, thì sẽ được bù đắp lại, đây chính là quy luật của vũ trụ.

Khi gặp khó khăn tôi cũng trách móc ông trời, sau này mới phát hiện ra mình đã sai
Vào lúc khó khăn nhất, tôi đã than phiền, than phiền rất nhiều, nhưng cũng không thể tiêu được mối hận trong lòng, rồi tôi ngẩng đầu lên oán trách ông trời, sao lại khiến tôi khổ sở đến như vậy?
Điều khiến tôi càng bực mình chính là, ông trời không bao giờ hồi đáp lại những căm phẫn của tôi, không có bất kỳ hồi đáp nào.

Hóa ra, ông trời đã an bài rất kỹ lưỡng, chính là muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Chỉ tiếc là lúc đó tôi không thể lĩnh ngộ ra, mới không thể vượt qua được những quan ải của mình, nên đương nhiên phải chịu nhiều dày vò.
Tôi đã hiểu lầm một cách nghiêm trọng, đã coi sự từ bi của trời cao là tàn khốc, không công bằng, bây giờ tôi đã hiểu, không bảo hộ mới là sự bảo hộ lớn nhất.

Bạn không vui vẻ đều đến từ cách nhìn chủ quan của mình
Những suy nghĩ chủ quan của chúng ta thật đáng ghét, đôi khi nó bóp méo sự thật, khiến ta căm ghét chính mình, vì thế phần lớn thời gian của chúng ta đều không vui vẻ.

Hãy thay những suy nghĩ tiêu cực này bằng sự khích lệ, không oán hận than phiền, bất kể là ta bị oan ức hoặc tổn thất lớn đến nhường nào, thì ông trời cũng đều sẽ có an bài, sẽ dùng một phương thức khác để cho bù đắp lại cho ta.

Mỗi ngày thế giới này đều mang đến rất nhiều cơ hội, khiến chúng ta từ trong đó mà học tập, trưởng thành, chuyển biến, cảm nhận những sự vật xung quanh, cũng như thấy được sức ảnh hưởng của mình đối với tất cả mọi người và sự vật xung quanh.

Người nhún nhường không phải là kém cỏi, mà là biết dung nạp thiếu sót của mình, thưởng thức ưu điểm của người khác. Khi bạn có thể dung nạp những cái tầm thường của mình, thì cũng chính là một sự vĩ đại.

Quy luật bù đắp chính là: “Khi bạn mất đi thứ gì thì sẽ nhận lại được thứ đó”
Hết thảy những gì trước mắt của chúng ta, chính là từ một thệ thống bù đắp.
Mỗi thống khổ đều sẽ nhận được hồi báo.
Mỗi sự hy sinh cũng nhận được thù lao.
Mọi khoản nợ nào thì cũng sẽ được hoàn trả.
Có thể thời khắc này bạn đang thất bại, nó còn kéo theo sự thất vọng dai dẳng trong tương lại, nhưng cuối cùng nhất định bạn sẽ nhận lại được những gì bạn đã mất qua một hình thức khác.

Lê Hiếu
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 18/May/2018 lúc 6:47am

Một Cơn Giận 


Một buổi tối mùa đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.
Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:
- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.
Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:
- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.
- Thầy cho sáu xu.
- Không, bốn xu là đúng giá rồi.

Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: "Bốn đồng xu từ đây về nhà bò". Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:
- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.
Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:
- Lại đây đi mà.

Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:
- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.
Anh xe cãi lại:
- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!
- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.
Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.

Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu "con lợn" cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.
- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.
- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!
Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:
- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.
- Ê! Đứng lại!
Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:
- Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...

Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.
Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:
- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!
Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.
- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:
- Tôi đi từ phố hàng Bún.
- Vậy phiền ông xuống xe.
Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:
- Allez! Đi về bót!

Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.

Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.

Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.

Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:
- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.
- Bác Dư có nhà không?
- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.
Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:
- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.
Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:
- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:
- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.
- Thế bây giờ bác ta đâu?
Bà cụ trả lời:
- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.
Tôi yên lặng, trong lòng náo nức.
Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:
- Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?

Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, măt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thỏang lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.
- Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.
Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rướm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bươc ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.

Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.
Đứa bé con đã chết.
Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:

- Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.

Thạch Lam
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 19/May/2018 lúc 7:16am

Trái dừa có một chút mặn của mồ hôi, một chút cay cay của nước mắt...

2504%20TraiDuoCoChutMoHoiCathy%20Ng%20ST

-Một cô gái hỏi: " Bao nhiêu tiền 1 trái dừa vậy ông?"

-Ông già bán dừa trả lời cô ta, " Thưa cô 10 ngàn 1 trái."

-Cô gái nói, " bán cho tôi 2 trái 15 ngàn được chứ. Không được tôi đi chỗ khác."

-Người bán hàng trả lời: " cô lấy đi, 15 ngàn 2 trái. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt rồi bởi vì cả ngày nay tôi chưa bán được cho ai cả”

-Cô gái lấy 2 trái dừa và bỏ đi với cảm giác của một người chiến thắng. Cô ấy bước vào xe hơi và đi đón cô bạn, cả 2 cùng tới một quán ăn sang trọng....

-Hai cô gái ngồi xuống bàn và gọi những thứ họ thích. Họ chỉ ăn một ít và để lại rất nhiều thứ mà họ gọi ra.

-Sau đó cô ta thanh toán hóa đơn. Hóa đơn là 850k, cô gái đưa 900 k và nói với ông chủ quán: "Khỏi thối"

***

     Sự việc này có vẻ rất bình thường đối với ông chủ quán giàu có. Nhưng nó rất đau đớn cho người bán dừa tội nghiệp.

     Tại sao chúng ta thể hiện sự tính toán chi li khi chúng ta mua hàng của những người nghèo khổ tội nghiệp? Và tại sao chúng ta lại quá hào phóng với những người không cần sự hào phóng của chúng ta?

     Mỗi lần một đứa trẻ nghèo đến với tôi để bán một cái gì đó đơn giản, tôi lại nhớ về ba tôi. Ba tôi thường mua những món đồ lặt vặt từ những người nghèo khó với giá cao, mặc dù ông không thực sự cần đến chúng.      

     Có lần tôi thắc mắc hỏi ba về hành động “kỳ quặc” đó thì ba tôi nói: "đó chính là chân giá trị của cái gọi là từ thiện”

st.

Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 21/May/2018 lúc 12:09am

Tôi Đi Làm Việc Ở Trung Đông

Một gia đình giàu có tiêu biểu cho xã hội người Ả Rập.

Ngày xưa, còn nhỏ trước năm 1975, tôi ước mơ trở thành một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi thấy các sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt trong những bộ đồng phục trắng thật đẹp, tác phong nghiêm chỉnh đi dạo phố sương mù. Ước mơ ấy sụp đổ cùng vận mệnh nền cộng hòa Việt Nam. 

Ngày nay, khi đã sắp già, trên vùng đất mới mà tôi chọn làm quê hương, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cơ hội vừa đến, cho tôi đáp trả ân tình với đất nước đã dung nạp tôi, khi tôi nhận email từ nơi làm việc hỏi có muốn qua vùng Trung Đông (Middle East) làm việc hay không? Lương rất cao nhưng hơi nguy hiểm. Họ đã hỏi nhiều lần, nhưng  tôi đã từ chối. Lần này, sau vài ngày bàn bạc với vợ, tôi quyết định lên đường.


Tuy không trực tiếp “theo nghiệp kiếm cung” vì tuổi đã ngấp nghé 60 mùa lá rụng, nhưng tôi có thể đem khả năng và nghề nghiệp học được trên đất nước này  đóng góp thêm vào cho cuộc chiến trường tồn và thịnh vượng của nước Mỹ.

Vì lý do an ninh nên tôi xin mạn phép không đi sâu vào chi tiết huấn luyện, việc làm và đường đi nước bước của chúng tôi, cũng như sẽ không nêu tên những vùng đi qua, mà chỉ kể sự việc.

Trên đường “xuất chinh”, chúng tôi di chuyển bằng máy bay quân đội, những chuyến bay dài mệt mỏi không ngủ, chỉ dừng lại tiếp thêm xăng dầu, rồi lại bay, để đến nơi phải đến.  Tuy chỉ là một viên chức dân sự nhưng tại nơi làm việc, tôi phải sống trong những căn cứ quân sự và nếp sống,  ngay cả ăn uống cũng đều phải tuân theo giờ giấc và quy củ của quân đội Mỹ.

Trạm cuối tiếp liệu xăng dầu trước khi rời đất Mỹ ở tiểu bang NewHampsire, vừa ra khỏi máy bay, chúng tôi được đón tiếp linh đình trọng thể bằng điệu nhạc hùng tráng của đội kèn đồng, có những cựu quân nhân trong cuộc chiến Viêt Nam, Triều Tiên, Iraq (Desert Storm), và đặc biệt có một cụ già, ngực đeo huân chương, chống gậy đến đón chào và nói cám ơn những gì chúng tôi đã và đang làm cho nước Mỹ. Khi bắt tay, tôi hỏi:

-Thưa cụ là cựu chiến binh Việt Nam? (Vietnam Veteran).

Ông nheo mắt:

-Tôi là  cựu chiến binh thế chiến thứ II, tôi đã hơn 92 tuổi rồi, cháu ơi, còn làm được những gì cho đất nước thì tôi làm để động viên tinh thần của các bạn trước khi tôi chết.

 Tôi xúc động:

-Cụ ơi, những người lính già như cụ sẽ không bao giờ chết, chỉ mờ dần đi mà thôi”. (“Old soldiers never die, they just fade out”. Lời Tướng Douglas McArthur)

Ông cụ ngạc nhiên, nhìn  tôi:

- Anh từ đâu đến? Sao anh biết câu này? Anh đã từng đi lính?

-Thưa cụ, từ Việt Nam và cháu chưa từng vào lính dù rất muốn.

Cụ thích thú reo lên:

-À thì ra anh thuộc về South Viet- Nam, đã cùng chiến đấu với chúng tôi. Bây giờ anh là một người Mỹ, một người Mỹ thực sự.

-Vâng, chính cháu cũng cảm nhận sâu sắc cháu là một người Mỹ và là một công dân Mỹ rất tự hào. Tôi đáp lời cụ.

Có những phụ nữ còn ôm chầm lấy chúng tôi và nói những lời chúc tốt đẹp nhất, những em bé còn nhỏ lắm, chạy lon ton vẫy lá cờ Mỹ chào đón làm tôi xúc động thực sự, nghẹn ngào không nói nên lời. Họ hướng dẫn chúng tôi ngồi vào bàn với đủ thức uống, bánh kẹo và doughnuts. Đặc biệt họ còn tặng chúng tôi những cái nón len đan bằng tay của các “em gái hậu phương” mà tuổi thì đã... tròm trèm sáu bó, bảy bó. 

Kèn đồng lại trỗi lên tiễn chúng tôi lên phi cơ để tiếp tục bay vào vùng lửa khói. Những vẫy tay lưu luyến, những cái ôm của người dân NewHampsire vẫn lắng đọng theo tôi suốt cuộc hành trình. 

Còn khoảng 20 phút nữa thì đáp xuống phi trường của một đất nước dầu hỏa giàu có, nhưng từ trên cao nhìn xuống tôi chỉ thấy toàn sa mạc khô khan không một bóng cây, bụi cát bốc lên mù trời và những giếng dầu, những bồn chứa, có cái rỉ sét và dấu vết bị cháy vẫn còn rõ ràng sau chiến tranh kết thúc.

Trời về chiều, nhiệt độ 130 F, vừa ra khỏi phi cơ, cái nóng rát, hừng hực ùa vào làm ai cũng nhăn mặt vội vã bước mau để vào khu tập trung. Chúng tôi đến âm thầm và sẽ ra đi lặng lẽ để không gợi sự tò mò chú ý của dân địa phương và báo chí.

Chúng tôi phải làm thủ tục nhập cảnh như mọi du khách bình thường, đi vào một lối riêng nhưng được hướng dẫn bởi một cô gái Mỹ ăn mặc như đàn bà địa phương với áo dài đen trùm từ cổ xuống tới chân chỉ lòi ra đôi … tennis shoes, mái tóc vàng, và giọng nói Mỹ quốc chính hiệu

Khăn trùm đầu cô bỏ ra sau quấn quanh cổ. Cô thông dịch và chỉ chỗ chúng tôi phải đi đâu và làm gì. Thủ tục nhập cảnh kéo dài lê thê đến 3 giờ đồng hồ vì người dân địa phương, những nhân viên di trú đang trong tháng chay tịnh Ramadan của Hồi Giáo. Trong tháng này, họ không ăn uống cho tới khi mặt trời lặn. Sau đó họ thỏa thuê ăn uống gì thì chỉ có Trời biết.

Vì thế họ không vội vàng trong khi chúng tôi mệt lả vì thiếu ngủ, chỉ mong giấy tờ mau lẹ để lên xe mà ngủ gà gật trên đường chạy về trại lính Mỹ.

Quan sát thái độ làm việc của người bản xứ, tôi không ngạc nhiên khi thấy thái độ của họ như không muốn làm việc. Tôi bước đến trình thẻ và giấy tờ, theo thói quen tôi chào hỏi rất lịch sự, người đàn ông không thèm trả lời, cầm giấy tờ nhìn rất nhanh và hỏi bằng tiếng Anh:

 -Lần đầu?

-Vâng thưa ông, đây là lần đầu.

Ông ta đóng dấu trên Visa xong, quăng trả p***port và visa của tôi, vâng, tôi xài chữ “quăng trả” chứ không phải “đưa trả”, trên bàn nghe cái phịch. Tôi hỏi:

- Xong rồi phải không ông?

-Xong.

 Hắn trả lờ cộc lốc.

Cô gái Mỹ chỉ tôi qua bàn bên kia, nơi một người đàn ông khác, để chụp hình, lăn tay. Cầm tờ giấy, cám ơn, tôi bước qua bàn một người đàn bà địa phương ăn vận trùm kín chỉ chừa khuôn mặt, tôi cũng chào hỏi lịch sự như tôi đã với hai người đàn ông kia. Không thèm chào lại và cũng chẳng nhìn lên, bà ta liếc nhanh trên tờ giấy rồi đóng dấu nghe cái cộp, cũng vất trả lại trên bàn như người kia. Tôi biết họ không thù hằn hay ghét bỏ gì cá nhân tôi vì họ làm như thế của họ đối với tất cả mọi người khác trong nhóm tôi. Tôi tự hỏi rồi sẽ ra sao với một dân tộc như thế?

Trong khi chờ đợi các người khác trong nhóm, tôi bước ra ngoài, vào tiệm mua một ly kem để giải nhiệt và để có dịp quan sát chung quanh. Người bán hàng là hai cô gái trẻ Philippines mà tôi nhận ra giọng tiếng Anh đặc thù của họ nhờ đã sống hơn 2 năm ở Phi. Một cô cho biết chủ của tất cả 5 hàng quán này là người địa phương, họ được mướn qua trung gian đến đây đứng bán hàng. Tôi được biết dân sinh quán ở đây không làm những việc chân tay, nếu phải thì làm cho chính phủ; còn làm ăn tư thì làm chủ, chứ không làm nhân công. Hầu hết họ thuê mướn người từ các nước nghèo qua giúp việc nhà cho họ, ngay cả đứng bán hàng. Nhìn qua nhà hàng ăn kế bên, mấy người nấu nướng và bồi bàn đều là người Ấn Độ và Bangladeshi, không thấy chủ ở đâu.

Bàn kế bên là một gia đình người bản xứ có vẻ giàu có, hai vợ chồng trạc 35 tuổi. Người chồng mặc áo dài toàn trắng (keffiyeh) từ cổ đến chân, đầu đội khăn vấn cũng màu trắng làm nổi bật một sợi dây được bện lại màu đen to như giây thừng, xếp chồng lên nhau, trên đỉnh đầu dùng để giữ khăn choàng khỏi bị xô lệch. Khuôn mặt anh ta rắn rỏi, nước da nâu sáng với hàm râu quai nón đen tỉa kỹ càng, tương phản với màu trắng của toàn bộ quần áo đang mặc, vì ngồi xoay lưng lại phía tôi nên lộ ra hàng chữ “Ivenchy” ngay góc chéo khăn đội đầu. Cái này Việt Nam mình gọi là hàng hiệu đấy.

Người vợ, ngược lại, áo dài và khăn đội đầu (hijab) đen huyền, lộ ra một khuôn mặt thật đẹp với mũi cao, da khá trắng, đặc biệt đôi mắt đen láy với hàng lông mày thanh tú hòa vào một màu đen của trang phục cũng tương xứng không kém. Kế bên là một túi xách tay cũng màu đen rất đẹp, chắc cũng hàng hiệu mà vì ngồi xa nên tôi không đọc được tên hoặc vì tôi nhà quê chẳng biết gì về túi xách phụ nữ.

Đi theo họ là 2 cô bảo mẫu người Phi, một cô lo rượt theo thằng bé khoảng 4,5 tuổi và cô khác đang ẵm một em bé còn sơ sinh trên tay trong khi người vợ, bà chủ đang thưởng thức ly kem.

Khi trở lại quầy làm visa coi mọi người đã xong chưa, tôi giật mình vì nghe ai đó nói tiếng Việt Nam với giọng Nghệ An đặc thù không lẫn vào đâu được. Ngó sang bên trái, tôi thấy 3 người Việt Nam, nói đúng hơn 3 người đàn ông Việt Nam, hai thanh niên còn rất trẻ và một ông trung niên với quần khaki mầu xanh cứt ngựa, có vẻ là trưởng nhóm hay bí thư của tổ tam đầu đội nón cối cũng xanh lá cây, cái nón mà tôi ghét cay ghét đắng. Cả ba trông quê mùa, ốm yếu, ăn mặc kỳ quặc trong những bộ quần áo rẻ tiền “ma dzê in China”. Cả ba đang bàn tán sôi nổi, nghe loáng thoáng, tôi hiểu họ đang gặp rắc rối vì ngôn ngữ bất đồng với nhân viên di trú. Định chụp tấm hình của họ, nhưng nhớ lời dặn dò của cô hướng dẫn là không được chụp vì người địa phương dễ hiểu lầm, nên thôi.

Vội vàng, tôi bước đi không ngoảnh lại nhìn họ, như thể tôi không có gì liên quan và chưa từng thấy họ.

Chúng tôi lại tiếp tục bay đến một quốc gia khác trong vùng, nơi tôi làm việc: Cũng bụi mù trời, cũng sỏi đá khô cằn, cũng cái nóng khắc nghiệt đến nỗi ra đường mang dép mà tôi cứ tưởng như đang hơ đôi chân trần trên ngọn lửa.

Nơi chúng tôi ở và hàm việc là một phi trường quân sự. Hằng ngày, ngoài đi làm ra thì không có thú vui nào giúp thời giờ qua mau ngoài coi phim mà tôi đem theo trong một cái ổ cứng (External Hard-drive). Nơi tôi ở là một nhà tiền chế bằng tôn gồm 7 căn phòng. Ba người chúng tôi được chia cho một căn phòng gần 100 mét vuông được trang bị máy lạnh chạy suốt ngày đêm. Có nệm nhưng hơi cứng làm tôi đau lưng hết mấy ngày cho đến khi mua được 1 tấm nệm mút (memory foam) từ PX (Post Exchange). Phòng tắm và vệ sinh tập thể ở cùng trong căn nhà, cửa ra vào có mã số (code/combinations) để mở và đóng rất an toàn.

Mấy ngày đầu, tôi còn lê gót lãng du khám phá khắp nơi vì cái phi trường quân sự này rộng lớn như một thành phố nhỏ, có cả xe bus, vài tiệm Pizza, burger,  tiệm hớt tóc và đấm bóp mát xa (mà không mát gần nhé), sau vì nhiệt độ quá nóng làm rát bỏng da mặt nên tôi không còn thích thú đi dạo sau khi làm việc.

Xung quanh căn nhà là những hàng rào bê tông cao đến 15 ft, dày khoảng 16 in. hình chữ T dựng ngược, được xe cẩu mang lại để bảo vệ che chắn trong trường hợp bị tấn công bằng đạn pháo.

Muốn mua sắm thêm quần áo, đồ dùng thì có vài cửa tiệm tư nhân và hai tiệm PX không phải trả thuế (sale tax) như ở nhà. Cũng có vài nhà hàng ăn nấu theo thực đơn, nhưng bạn phải trả tiền túi, trong khi ăn ở DFAC (Dining Facility) của trại thì không tốn tiền mà đồ ăn, uống thì ê hề, phủ phê. Có thể ăn ngày 4 bữa, tắm rửa ngày 2, 3 lần nếu muốn. Thêm nữa, tiền lương được trả rất cao để bù lại những nguy hiểm, thiếu tiện nghi, và xa nhà, nên khi xài tiền không cảm thấy do dự lắm.  Nước uống thì có nước đóng chai không tốn tiền, chúng tôi được khuyên không nên uống nước từ vòi (tap water) dù cũng là nước ngọt, tôi đã thử nếm và phải phun ra, không thể uống được vì nó hơi kỳ kỳ và lờ lợ.

Chúng tôi 4 người được cấp cho một chiếc Toyota Land Cruiser lái đi làm thật là tiện lợi vì không phải đợi xe bus dưới cái nắng nung người của vùng sa mạc này.

Nhìn những người lao công đến từ các nước thứ ba mà tội nghiệp cho họ, họ chờ xe bus, vài người phải trùm khăn kín đầu, che mặt, đeo kính râm vì họ phải làm việc ngoài trời; ai may mắn thì làm việc trong nhà ăn hoặc nhà giặt quần áo, hoặc bảo trì, thì đỡ hơn nhiều. Hầu hết họ được mướn qua những công ty trung gian đến đây từ Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Kazhastan, Philippines, Mông Cổ, các nước châu Phi và từ các nước Đông Âu cộng sản cũ, nhưng họ không mướn người Việt Nam và Tàu vì hai nước đó vẫn còn là những nước cộng sản.

Khi đêm xuống, đèn điện sáng choang, không khí và bụi bặm đã lắng xuống, và cái nóng đã giảm đi rất nhiều tuy vẫn còn cảm nhận được nhiệt lượng từ những bức tường bê tông tỏa ra. Ngoài những con đường chính được trải nhựa, còn lại là đường đất  thỉnh thoảng được trải sỏi cho bớt bụi, tất cả mọi nơi, mọi tòa nhà, hay trại lính đều được đèn thắp sáng rực và thật sáng vì an ninh.

Tôi đứng gần một nhà ăn, ngắm người qua lại tấp nập, người chuẩn bị đi ăn tối, kẻ đang trên đường về lại nhà ngủ, vài chiếc xe hơi ngừng lại nhường cho những người chạy bộ thể dục đi qua. Một xã hội thật năng động ở một nơi xa xôi mà như cuộc sống ở một thành phố nhỏ kiểu Mỹ. Chắc giờ này vợ tôi cũng vừa đi làm về, hai đứa con đang coi TV hay làm bài tập, rồi chơi game.

Hít một hơi thật dài, tôi thả bộ chậm rãi trên con đường lát sỏi dẫn về phòng ngủ. Nằm trên giường, giòng suy tư đưa tôi ngược về ký ức những ngày còn thơ ở Sóc Trăng, miền Nam thân yêu của tôi, khi nhìn thấy những người lính Hoa Kỳ xa nhà đến chiến đấu cho đất nước tôi, chắc họ cũng nhớ nhà? Chắc họ cũng có những ước mơ thật đơn giản như tôi bây giờ? Và giờ đây, tôi và những người lính Hoa Kỳ khác cũng đang cùng chiến đấu, mỗi người một cách khác nhau trong khả năng, để cho hậu phương, gia đình mình được an bình, hạnh phúc.

Tôi đang hoàn tất nghĩa vụ của mình với nước Mỹ và tin rằng  hầu hết những người  tị nạn đã được nước Mỹ mở vòng tay đón nhận đều sẵn sàng đóng góp một chút gì đó cho quê hương mà họ đang sống vì Freedom is not Free (Tự do đều có giá của nó).

Nguyễn Văn Tới
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 22/May/2018 lúc 10:30am

Nguyễn Văn Bến Nghé!


Related%20image

















Tui rất thích cái tựa “Nguyễn Thị Sài Gòn”, tên một bài hát của nhạc sĩ nổi tiếng đấu tranh Việt Dzũng.
Nhưng ‘Thị’ là chữ lót của một người đàn bà, con gái; còn tui là đàn ông, con trai, tất chữ lót phải là Văn; nên tui tự đặt tên mình là: “Nguyễn Văn Bến Nghé”.
Hai cái tên nầy chỉ đối nhau chan chát giữa ‘Thị’ và ‘Văn’. Còn cái họ Nguyễn, người Việt mình nhiều vô số kể, nên mấy em Úc tóc vàng mỏ đỏ ở Melbourne nầy đây muốn dụ dỗ tui ‘tù ti tú tí’, bao giờ cũng gọi tui là “Mít-tờ (Mister) Nguyen!”


Còn Sài Gòn và Bến Nghé (là cái bến mà người ta thường cho trâu, bò ra tắm) chỉ là một mà thôi!
Sài đọc theo âm ‘Prei’, tiếng Khmer, nghĩa là rừng. Gòn là bông gòn. Như vậy Sài Gòn là Rừng cây bông gòn.

Ông bà mình hồi xưa từ miền Trung vào miền Nam khẩn hoang, đến vùng đất mới nào, thấy có nhiều loại cây hơn chỗ khác thì lấy tên loại cây đó đặt tên cho vùng đất mới.
Chính vì vậy mình mới có các địa danh dễ thương như: Gò Cây Mai, Gò Sao, Gò Cây Quéo và Gò Vấp…
Cây Da (miền Bắc gọi là Cây Ða) nổi tiếng với địa danh Cây Da Xà. đường Da Bà Bầu… (Cây Da có nhà bà tên Bầu, chớ hổng phải da của bà đang mang bầu đâu nhe!) gần nhà ông Trường Kỳ nhạc trẻ…
Rồi Cây Ðiệp, Cây Gõ, Cây Vông… đến Chợ Vườn Chuối, Chợ Rẫy, Chợ Ðệm, Chợ Cây Ðiệp…
Kinh rạch cũng mang tên các loài cây như: Rạch Bàng, Rạch Chiếc hay Hóc Môn (Rạch nước nhỏ có cây môn nước) hoặc Mười tám thôn Vườn Trầu, suối Lồ Ô (bà con với cây tre, cây trúc).

o O o

Nhà thơ Bùi Giáng có câu: “Hỏi rằng: người ở quê đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà!”
Mình đang ở Sài Gòn mà có người hỏi quê đâu? Sanh đẻ ở đây, lớn lên ở đây, mèo chuột gái gú ở đây, bị em yêu bắt làm tù binh, cũng ở đây! Rồi ăn nhậu, tụ bè tụ đảng cũng ở đây thì hỏi quê đâu là sao hè?
Tui cũng ở Sài Gòn khá lâu đó chớ, dù không liên tục nhưng gộp lại trước sau dẫu đứt khúc cũng khoảng 10 năm. Vậy mà hai thằng bạn nhậu nghe tui gáy te te là dân Sài Gòn mà quận Nhứt nữa, tụi nó cứ cười khằng khặc: “Ông chỉ là dân ở trọ đất Sài Gòn. Còn hai thằng tui là sanh đẻ ở Tân Ðịnh nè, là dân Sài Gòn chánh gốc, có trích lục thế vì khai sanh đàng hoàng do Chánh lục bộ của Tòa án cấp.” 

BAO HUÂN
                         

Tuy nhiên hỏi phăng ngược lên đời trước nữa thì một đứa có ‘Thầy U’ đi tàu há mồm từ Bắc vào Nam, đứa còn lại có ‘Ba Mạ’ từ Huế, xứ thần kinh, bám xe lửa xuyên Việt vào tới Sài Gòn những năm 40.
Chính vì vậy mà hồi năm 1963, học Ðệ thất ở Petrus Ký, bạn cùng lớp tui không thấy thằng nào vỗ ngực xưng tên là ‘Made in Sài Gòn’ vì đứa nào cũng là dân tứ xứ.

Nhưng đến Sài Gòn là yêu Sài Gòn hè! Như ông nhạc sĩ Y Vân, sanh đẻ tại Hà Nội, vào Nam năm 1952, cũng khoái, nên la làng lên rằng: “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi!” La xong còn nhảy ‘twist’ nữa mới đã!
Rồi nhà thơ Nguyên Sa, cũng người Hà Nội, vào Nam rồi cũng cảm nắng Sài Gòn.

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
…Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu.”

Vâng! Nắng Sài Gòn kinh lắm nhứt là vào đầu mùa Hạ, tháng Sáu, tháng Bảy.
Nhưng được cái là: nắng sớm mưa chiều! Mới nắng đó rồi bất ngờ Trời đế cho một trận mưa rào, ào ào ướt áo em yêu, ướt hết ráo cái áo dài của em may bằng vải Tetoron trắng mỏng dính.
Nên mưa Sài Gòn, (không phải tui tửng tửng với thời tiết gì đâu), là tui che dù, mặc áo mưa, dù đang ở trong nhà tạnh ráo, tui cũng ráng bò ra đường dòm, chắc bà con mình đã biết tại làm sao?
Rồi sau nầy mất nước làm thân lưu lạc, phiêu bạt quê người tới tận Melbourne nầy đây tui vẫn tự nhận mình là người Sài Gòn hè!
Mà nó đâu có chịu nằm im, cứ nhúc nhích hoài, gợi nhớ… nhứt là mỗi độ tháng Tư về.
Do đó khi ông Trịnh Công Sơn hỏi em yêu của ổng là: “Em còn nhớ hay em đã quên?” (Thì tui thấy hỏi vậy là thừa!)
Ông nhạc sĩ nầy sợ em quên, nên nhắc nhỏ em là:

“Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân?
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức…
…Nhớ đường dài qua cầu lại nối
Nhớ những con sông nối hai dòng kênh
Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng…”

Tuy nhiên đang bùi ngùi thương nhớ Sài Gòn thì nhạc của ổng bỗng chuyển ‘ton’ một cách lãng xẹt hè:

“Em ra đi nơi này vẫn thế…
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”

Ðang dịu dàng hỏi ‘ní’: “Có nhớ Sài Gòn không?” Thì đàn đứt ngang cung, nổi khùng lên: “Em đi thì kệ em chớ! Sài Gòn vẫn thế, còn ngon hơn ngày hổng có em!”

Tới đây là tui không đồng ý với ông nhạc sĩ (gió chiều nào che chiều đó) rồi đó nhe!
Một là Sài Gòn là thủ đô chớ không thành phố (?!)… gì ráo. Hai là: Bên cạnh một Sài Gòn hoa lệ với nhà cao tầng, trang phục hàng hiệu, xe cộ sang trọng là một Sài Gòn lam lũ, nhọc nhằn của những gánh nặng trĩu trịt hai vai của người bán hàng rong, của trẻ ăn xin, bán vé số, vất vả dãi nắng dầm mưa với hy vọng tối nay đi ngủ không phải với cái bụng đói meo.
Tui đi đã mấy chục năm mà chưa trở lại Sài Gòn, nhưng có nghe nói Sài Gòn giờ là một rừng bê tông, cao ốc…
Vì CS muốn Sài Gòn giống hịt Singapore.

Úy trời đất ơi! Học cái hay thì học. Học cái ngu thì học làm gì.
Lý Quang Diệu xây cái Singapore trên một làng chài hoang vắng. Còn Sài Gòn có một kiến trúc tuyệt vời đâu phải ai cũng có, người ta thèm muốn chết mà không có được… Sao cứ chơi ngu đập và đập?
Viện lý do quy hoạch như hạch, bèn chặt dãy cây dọc đại lộ Nguyễn Huệ, trên đường Cường Ðể, đốn ngã hàng cây cao trước Quốc Hội ngày xưa…
Thực dân Pháp dẫu xâm chiếm nước ta cũng không đến mức ngu xuẩn và tàn nhẫn như vậy!
Năm 1862, sau khi chiếm Sài Gòn – Gia Ðịnh, Kiến trúc sư Pháp đã thiết kế Sài Gòn là một thành phố Vườn, một Paris nhiệt đới! Sài Gòn có Sở Thú, Vườn Ông Thượng (vườn Bờ Rô hay công viên Tao Ðàn, cũng nó đó đa!)
Ai cũng biết là năm 1868, Tây cất Dinh Norodom cho Thống đốc Nam Kỳ.  “Vườn phía sau Dinh của quan lớn dân gọi là “Vườn Ông Thượng”
(Giữa vườn có một sân gạch, nên dân gọi là “Vườn Bờ Rô” (Préau tiếng Pháp, là “sân lót gạch”).

o O o

Tía tui rất thích chụp hình. Hồi xưa Chủ Nhựt, Tía dắt Má và đám con đi Sở Thú coi khỉ hay đi vườn Bờ Rô chụp hình….
Sau nầy xa quê, ngày anh em tui xúm lại làm đám giỗ Tía Má, đem những cái hình xưa cũ còn giữ trong album ra coi.
“Nè cái hình nầy là Má bồng thằng Phương. Tao với anh Nhiên mặc quần sọt mang giày săng đan, đầu chải bảy ba. Còn con Phượng, (em gái kế tui). thì mặc áo đầm tóc quăn (uốn tóc), thoa son môi của Má, vì Ba muốn làm đẹp cho đứa con gái của mình.
Còn thằng Quân trong hình, sao mầy lại khóc?” Thì thằng em tui cười khè khè nói: “Tại lúc đó tui khát nước… mía! He he!”

o O o

Nhớ Sài Gòn! Nhớ Bến Nghé! Nhớ nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu trong bài thơ ‘Chạy Giặc’:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay?
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ đàn chim dáo dác bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…”

Và tui cũng tự hỏi Sài Gòn, Bến Nghé bị CS làm cho tanh bành tí bị như thế nầy mà:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

Đoàn Xuân Thu
Melbourne
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 23/May/2018 lúc 8:53am

Những người chết bâng quơ !


.

Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu ba ơi ba, con nhớ ba. Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt ê mầy tính móc túi hả mậy. Tất nhiên đứa nhỏ tiu ngỉu tẽn tò bỏ đi. Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người. Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn, biết đâu là con bạn thật.

Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi. Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ. Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà, chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột.

Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về. Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn sao lại bắn chết em bây. Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo. Vài độc giả hỏi chuyện đó có thật không, mình hỏi lại, sao không?  

Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy. Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ nên chỉ đạo cho vui, bảo chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy. Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan (có gang có thép) hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.

Lúc thằng bạn học của mình lên chức chủ tịch phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là nói ít thôi. Cô giáo già đó không biết đọc sách nào mà bảo quan hay nói thì dân vất vả. Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ… Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời. Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.

Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “định móc túi hả mậy?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn. Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời, “ba người nhà tôi cộng lại ăn không bằng một mình chú…”. Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm. Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay. Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.

Mấy bữa ngồi bệnh viện nghe dì ở giường bên kể chuyện, vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau đành chịu ở vậy đến giờ. Hôm bà ghé nhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm. Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói không mua vé số đâu. Bà nói tui là Thắm đây mà, ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi Thắm nào, tôi quen nhiều Thắm lắm. Chỉ vậy thôi mà bà thấy đau quá.

Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời. Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp. Những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào. Ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng. Một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…  

Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác. Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời. Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.

Nguyễn Ngọc Tư



Chỉnh sửa lại bởi Lan Huynh - 23/May/2018 lúc 9:24am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Nhom12yeuthuong
Senior Member
Senior Member
Avatar

Tham gia ngày: 13/Sep/2009
Đến từ: Vietnam
Thành viên: OffLine
Số bài: 7120
Quote Nhom12yeuthuong Replybullet Gởi ngày: 28/May/2018 lúc 7:06am
Có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để quay về...
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 30/May/2018 lúc 6:34am

Bí Quyết Trở Thành Chồng Tốt


Trở thành những ông chồng đẹp trong mắt vợ không dễ. Vì vậy mà các chàng luôn tự hỏi không biết phải làm sao để vợ hài lòng. Để luôn đẹp trong mắt vợ, các đức ông chồng cần trang bị cho mình những "chiêu" độc hữu dụng.

1. Hãy cố tìm những đức tính tốt của vợ mà thường xuyên khoe với hàng xóm.

2. Phải biết “nén mình” bằng cách liên tục khen vợ: Hồi này em trẻ ra!

3. Trong một cuộc tranh luận với vợ về bất cứ một vấn đề gì, nếu biết mình sắp thắng cuộc, hãy dừng ngay lại mà cầu xin nàng cho được... hòa!

4. Khi vợ bạn đã ngoài 30 tuổi, xin nhớ cho rằng từ “béo”, “mập” cũng là những từ xúc phạm.

5. Đừng có vì quý bạn của vợ mà khen cô ta trước mặt vợ.

6. Theo Tiền Phong, mỗi khi bạn có sai lầm, nếu không thể tìm cách tránh xa tầm... miệng của nàng thì hãy kín đáo nút tai lại nhưng lại phải luôn nhìn về phía nàng và gật đầu liên tục. Và hãy làm ra vẻ ăn năn hối lỗi mỗi khi vợ... khùng!
Adverti
sement

7. Đừng quên "Chữ tài đi với chữ tai một vần", nhất là tài chế biến món ăn! Trong những lần đầu bỡ ngỡ giúp vợ giặt áo cho vợ, đừng xài xà bông!

8. Đừng có dại mà đi tâm sự gì về những bạn gái cũ. Nếu bất đắc dĩ (khi vợ đã biết rồi) thì phải tỏ ra buồn phiền vì những đức tính không tốt lắm của “người ấy”!

9. Yêu quý mẹ vợ như thủ trưởng của mình.

10. Đừng quá cố gắng trong việc thuyết phục vợ. Hãy chờ lúc cô ấy tự thay đổi cũng nhanh thôi!
st.
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
Lan Huynh
Senior Member
Senior Member


Tham gia ngày: 05/Aug/2009
Đến từ: United States
Thành viên: OffLine
Số bài: 22937
Quote Lan Huynh Replybullet Gởi ngày: 02/Jun/2018 lúc 7:26am
Tình yêu thương hay nhịn nhục
tình yêu thương hay nhơn từ
tình yêu thương chẳng ghen tị
chẳng khoe mình, chẳng lên mình
kiêu ngạo,chẳng làm điều trái ph
IP IP Logged
<< phần trước Trang  of 141 phần sau >>
Gởi trả lời Gởi bài mới
Bản in ra Bản in ra

Chuyển nhanh đến
Bạn không được quyền gởi bài mới
Bạn không được quyền gởi bài trả lời
Bạn không được quyền xoá bài gởi
Bạn không được quyền sửa lại bài
Bạn không được quyền tạo điểm đề tài
Bạn không được quyền cho điểm đề tài

Bulletin Board Software by Web Wiz Forums version 8.05a
Copyright ©2001-2006 Web Wiz Guide

This page was generated in 2.531 seconds.